QUA LŨNG ÂM U - Lm. Gioakim Mai Xuân Triết – GP. Long Xuyên

Thứ năm - 06/07/2023 08:40
QUA LŨNG ÂM U - Lm. Gioakim Mai Xuân Triết – GP. Long Xuyên
QUA LŨNG ÂM U - Lm. Gioakim Mai Xuân Triết – GP. Long Xuyên
QUA LŨNG ÂM U
Gioakim Mai Xuân Triết – GP. Long Xuyên

-----------------------------

MỤC LỤC:
ĐỢT I: Khởi điểm từ Nhà thờ cầu số 2: 2
ĐỢT II: Sang ngang về phía Cần Thơ. 3
ĐỢT III: Vùng U-Minh-Thượng Rạch Giá. 5
Hang hầm thứ Nhất: Mở lớp đào tạo giáo lý viên nữ. 7
Hang hầm thứ Hai: 9
Vụ Cha Cố Lộc: 11
Sắp xếp nội bộ: 11
Tĩnh tâm tháng: 15

---------------------------------
Ngày 19-3-1956, Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, phụ trách đồng bào di cư, chỉ thị chuyển đồng bào tạm cư tại Bà Tang, thuộc Huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre về vùng định cư Cái Sắn kênh 5 thuộc xã Tân Hiệp, Huyện Tân Hiệp, tỉnh Rạch Giá. Thời gian kéo dài đến năm 1973. trải qua 17 năm hoạt động, kênh 5 đã thành lập 3 họ đạo: Tân Chu, Thức Hoá, Hợp Châu. Cả 3 họ đều đã ổn định về tôn giáo, học vấn, công việc làm ăn, và còn đang trên đà tiệm tiến. Nhận xét ấy đã gợi lên một ý nghĩ: cần phải có vị mục tử khác giàu kinh nghiệm hơn, tài ba hơn, giúp cho đà phát triển sâu rộng và hợp thời đại hơn…

Quyết định của bề trên là ý Chúa… Cứ trình Đức Cha xem thế nào.

Đức Cha tỏ vẻ ngỡ ngàng hỏi: Thật không?

Thưa con thật lòng.

Đức Cha chấp thuận và bảo: chưa có xứ nào thì cứ lên ở tạm tại Toà Giám Mục.

Lãnh ý Đức Cha, nửa mừng nửa cũng hơi chơi vơi, vì cảnh chia ly đã thấy lững lờ trong tâm trí.

Ở Toà Giám Mục chưa được mấy ngày, Đức Cha ban lệnh: lo việc truyền giáo địa phận.

Lệnh truyền vắn tắt và dứt khoát, như cơn lốc đẩy kẻ nghe vào một lũng âm u. Mà âm thật… Nhưng qua ký ức vẫn còn le lói đâu đây ngọn đèn mờ công thức hành động do công giáo tiến hành để lại là XEM – XÉT- rồi QUYẾT ĐỊNH thực hành.
XEM là lên đường đến xem các nơi cần quan tâm trước. Thời gian đi xem kéo dài cả tháng chia thành từng đợt.
 

ĐỢT I: Khởi điểm từ Nhà thờ cầu số 2:


Nhà thờ, nhà xứ quá bệ rạc, hầu như hư hỏng toàn bộ. Dân tình khá nghèo, đường lối giao thông cực khổ, thường bị ngập lụt vào mùa mưa.

Tiếp đến là cầu số 4: Không có nhà xứ. Nhà thờ bằng cây, vách lá lợp tôn, rách nát te tua, chó gà tự do xông xáo. Hình như đang xây dựng Nhà thờ mới bằng vật liệu nặng. Nhưng mới đúc móng, đổ xà kiềng. Gặp một nhà trong ấy có số người truyện trò vui vẻ liền ghé thăm, thì ra họ đang bàn tính làm đơn xin Đức Cha thương thế nào, không thì khổ quá. Quanh năm làm ruộng cho nhà chung mà việc gì cũng phải về nhà xứ Năng Gù, kể cả bệnh nhân xin chịu các phép… Chia sẻ với họ một vài lời vui vẻ rồi ra đi.

Đi về Tri Tôn, đến chợ số 10, ghé quán uống nước, gặp hỏi mấy ông già: Gần đây có Nhà thờ Công Giáo không? Các ông cho biết: Trước đây thì có mà ở mãi bên trong kia, có Nhà thờ Xanh-lu-y. Nhưng hình như bây giờ chỉ còn cái nền nhà thôi.

Đến Tri Tôn tìm mãi mới thấy Nhà thờ. Có lẽ đã bị hoang phế từ lâu. Chỉ còn cây Thánh giá trên nóc nhà và quả chuông khá lớn treo trong lầu bằng cây là còn nguyên vẹn. Heo hàng xóm nằm cả ngoài lẫn trong Nhà thờ. Không gặp ai có thể gợi chuyện hỏi thăm…

Tiện xe đi ngay Chi Lăng nhưng không ghé. Có lẽ Cha Tần còn đang phụ trách ở đó. Về thẳng núi Sam, cũng không ghé núi Sam mà quẹo vào Tịnh Biên. Chợ Tịnh Biên khá sầm uất. Bên đường nhìn thấy ngọn tháp Cửu Phẩm. Gợi chuyện với người đồng hành, họ cho biết: Gần đâu đây có mảnh đất của đạo Công Giáo…
Hôm sau đi Châu Đốc, qua phà Cồn Tiên đi Khánh Bình. Đến chợ An Phú gặp mấy người giáo dân nói chuyện đi tìm đất làm nhà nguyện. Họ mừng lắm và giới thiệu: mình có mảnh đất sát vách ngân hàng. Vào ngay ngân hàng gặp ông chủ nhiệm. Nói đến miếng đất của đạo, ông ngỏ ý: Nếu bên đạo bán, ông xin mua ngay. Bên đạo lấy tiền mua mảnh đất khác làm gì cũng dễ và tiện cho cả hai bên…

Vào Khánh Bình, tình hình dân chúng rộn rã hơn. Phần nhiều dân chúng sống bằng nghề buôn đồ lậu, chứa và chuyên chở đồ lậu nên về kinh tế nhà nào cũng khá… Vào Nhà thờ gặp chào Cha Trí, Cha sở Châu Đốc đang cho đại tu Nhà thờ, nhà xứ Khánh Bình… Kết thúc đi xem đợt một.

Trên đường về lại Long Xuyên, ghé Cái Dầu. Không có nhà xứ, Nhà thờ như một khối đen xù, bên ngoài cũng như bên trong. Là một hang dơi thì đúng hơn, vì có rất nhiều dơi và sặc mùi phân dơi. Cây cối mọc um tùm che khuất cả Nhà thờ…

Về trình bày Đức Cha tình hình các nơi đã đi xem, Đức Cha mủm mỉm cười, nói nhỏ: Cảm ơn, để rồi tính. Ngày hôm sau Đức Cha bảo lên xe đi với Ngài thăm các nơi, từ cầu số 2 đến Khánh Bình. Ghé nơi nào Đức Cha cũng tỏ ra rất xót xa. Đến chợ An Phú, có mấy giáo dân biết chạy đến chào Đức Cha, xin hôn nhẫn và tíu tít xin Đức Cha cho xây nhà nguyện. Đức Cha cười rất tươi, nói mấy lời phấn khích tinh thần rồi lên xe trực chỉ Nhà thờ Khánh Bình. Gặp Cố Trí, cha sở Châu Đốc, tay bắt mặt mừng. Tại phòng khách trong lúc giải khát, Đức Cha bàn với Cố Trí bán mảnh đất nhà chung sát vách ngân hàng, tìm mua mảnh đất khác chuẩn bị xây nhà nguyện, yên ủi số giáo dân hiện diện. Nghe vậy Cố Trí cười rạng rỡ nói: Chuyện đó Đức Cha để con lo, tiện con đang tái thiết Khánh Bình. Đức Cha rất mừng, xiết tay Cố Trí hồi lâu tỏ niềm vững chắc như đinh đóng cột… Nhưng cho đến nay, ngôi nhà nguyện ấy vẫn con nằm trong ước mơ! Lý do? Chỉ có Chúa biết…

Sau thời gian bàn tính, Đức Cha điều Thầy Giuse Đinh Trọng Luân từ Láng Sen về cầu Số Tư kiêm luôn cầu số 2.

Moi móc thêm được hai Thầy: Tự và Tuyến, Đức Cha sai Thầy Tuyến về Tri Tôn, Thầy Tự về cầu số Tư thay Thầy Luân về ở hẳn cầu số 2 cho đến nay, ba mươi mấy năm trường.

Phần Cái Dầu, Đức Cha nhờ Cha Phan Xuân Trọng, Cha sở Chắc Cà Đao lo thu vén sạch sẽ, xây nhà xứ cho mấy dì Đa-minh Lạng sơn tạm ở lo việc đạo, dạy trẻ. Cho đến nay, các dì đã xây nhà trẻ hiện đại, bề thế. Hằng ngày có từng trăm em đến học.

Xây xong nhà xứ, tiếp tục làm thêm căn nhà cấp số 4 để các dì ở riêng, chuẩn bị đón Cha sở về. Cha Phao-lô Đặng Tuấn Sự trúng số. Ngài phục vụ ròng rã hơn 20 năm thì ngã bệnh phải nghỉ hưu. Cha Giuse Phạm Văn Kính về thay mới vài năm nay mà Ngài đã hoàn thành Nhà thờ, nhà xứ khang trang lộng lẫy, làm đẹp cho cả vùng.
 

ĐỢT II: Sang ngang về phía Cần Thơ.


Thơm Rơm là mốc phân ranh Cần Thơ và Long Xuyên. Có lần Đức Cha ngỏ ý muốn thành lập một họ đạo ngay ở phố Thơm Rơm. Lúc ấy Thơm Rơm người ta còn thưa thớt. Uỷ ban hành chính xã lại ở khu vườn bên trong. Lặn lội vào phải qua mấy vườn cam, cây lá xanh tươi, cành nào cũng nặng trĩu trái. Gặp mấy vị trong Uỷ ban, ai cũng niềm nở. Khi bàn đến việc lập họ đạo, lại có mấy ông giáo dân hiện diện, câu chuyện trở nên sôi nổi vui vẻ hơn, vì ai cũng tán thành. Khi đi vào chi tiết, cả mấy vị trong Uỷ ban và mấy ông giáo dân đều góp ý: nên làm trong này, vì đất dễ mua, mua bao nhiêu cũng được, và nhất là đã có sẵn số giáo dân, có thể khởi công ngay được. Ngoài lộ cứ tiếp tục tìm đất, sau này lập thêm họ đạo nữa.

Về trình báo, đang bận việc, Đức Cha trả lời: Để rồi coi… Chỉ vài hôm sau Đức Cha gọi đi Thơm Rơm. Trên xe trình Đức Cha: tiện đường xin Đức Cha đi thăm Vĩnh Trinh và Láng Sen. Đức Cha đồng ý.

Tới Thơm Rơm, Đức Cha cũng lội bộ vào thăm Uỷ ban xã. Cũng gặp mấy vị Uỷ ban và mấy ông giáo dân như hôm trước. Chưa gặp Đức Cha bao giờ, mấy ông giáo dân mừng lắm, quỳ xuống xin hôn nhẫn làm mấy vị Uỷ ban ngỡ ngàng. Trao đổi về việc lập họ đạo, ý kiến Uỷ ban và mấy ông Cha chỉ đáp lại: Ngài vì đường lối đi hơi bất tiện… Uỷ ban lấy ghe mời Đức Cha đi thăm vết tích một trận chiến vừa xảy ra ở Ấp trong. Xem trận địa, Đức Cha nín thinh và tỏ ra ít mặn mà về việc lập họ đạo tại đây.

Lên bờ Đức Cha ngỏ lời cảm ơn Uỷ ban, bắt tay chào và xin tạm biệt… Lên xe về Vĩnh Trinh, ghé thăm cha sở Bò-Ót, Cố Rơi. Đức cha cũng trình bày ý kiến muốn mua đất làm Nhà thờ tại Thơm Rơm, nhà Cha sở và Ban Hành giáo để ý tìm dùm. Lâu lâu không được cha sở báo tin gì, chỉ nghe người ta nói Cha sở Thốt-Nốt, Cha Đỗ Đức Phổ đã mua được mảnh đất ngoài lộ, cả một vườn cam nữa?...

Xuôi về hướng Rạch Giá thăm Vĩnh Trinh và Láng Sen.

Vĩnh Trinh là phố chợ buôn bán sầm uất thuộc xã Thạnh Quới nằm trên Quốc lộ 80. Trong số dân có đến ba bốn chục người Công giáo, nên từ lâu Đức Cha cũng muốn lập một họ đạo. Nhờ Cha sở Nguyễn Đức Do, Cha sở Thạnh An tìm mua đất, nhưng chưa được. Sau này, Cha Nguyễn Văn Tác đã mua được mảnh đất nằm ngay bên Quốc lộ. Nhưng có lẽ vì thời thế, việc lập họ đạo không thành.

Đến Láng Sen thăm 2 khu đất: một ở ngay bên đường lộ, mới có một hai gia đình giáo dân, một ở trong vườn, đi bằng ghe thuyền. Đức Cha hứng thế nào mà tỏ ra rất chịu khó. Khu đất ngoài lộ bị thấp nên ngập sình. Đức Cha lội hết cho tới mép bờ đìa của người ta. Đức Cha ngỏ ý nếu được nên mua thêm cả đìa này.

Xuống ghe vào thăm khu vườn, Đức Cha ghé thăm hầu hết mọi nhà. Tới nhà nào Đức Cha cũng cười nói vui vẻ. Đối với người lớn Đức Cha vỗ vai, đối với em nhỏ Đức Cha xoa đầu. Đức Cha tỏ tình thân thương như vậy là vì Đức Cha thấy nhà nào cũng có chiếc đinh đóng cột treo mấy xâu chuỗi kính Đức Mẹ.

Trở ra lộ, lên xe đi thẳng Thạnh An thăm Cha sở đang xây Nhà thờ, nhà xứ và trường Sao Mai Thạnh An. Bàn về việc xây dựng tại Vĩnh Trinh và Láng Sen, Cha sở vui vẻ nói: “Để con tiếp cho, Vĩnh Trinh chưa mua được đất thì để lại đấy, Cần khởi công tại Láng Sen ngay, mà ở tại khu đất ngoài lộ cho tiện về mọi mặt và tương lai cũng có nhiều hứa hẹn.” Đáp lại lòng nhiệt thành dứt khoát của Cha sở, một Thầy về Láng Sen, Thầy cũng có thể giúp Cha dạy học. Thầy đó là Thầy Giu-se Đinh Trọng Luân.
 

ĐỢT III: Vùng U-Minh-Thượng Rạch Giá.


Sáng sớm đến Tà-Liên, quá giang đò chợ vào Rọc-Lá, gặp gia đình ông bà Bảy Hiền và ông Hinh. Vào viếng Nhà thờ còn sạch sẽ, khá ngăn nắp, vì ngày chủ nhật nào cũng có một số người đến đọc kinh. Số giáo dân được chừng ba bốn chục gia đình ở dọc hai bên bờ kênh, qua lại toàn bằng cầu tre lắc lẻo. Gần Nhà thờ có trường học bằng tre lá đã xiêu vẹo… Tham quan chừng một giờ, trao đổi dăm ba chuyện cần, rồi nhờ mấy ông bao cho chiếc vỏ giọt đi luôn Thứ Chín.

Đến Thứ Chín gặp mấy người nhà ở sát Nhà thờ. Nhà thờ xây gạch, nhỏ nhưng hơi tối. Chủ nhật nào cũng có số đông người đến Nhà thờ đọc kinh… Số dân khá đông ở sát bên nhau. Ngoài mép biển, có ít gia đình làm nghề chài lười. 8h30’ sáng chủ nhật tụ họp tại nhà có đài Ra-di-o nghe lễ qua đài Chân lý Á Châu Phi-Luật-Tân, nghe giảng và đọc kinh theo lễ.

Sau đó, các ông cũng lấy vỏ giọt cùng đi thăm Thứ Mười và nói chuyện tiếp… Đến Thứ Mười, cảm thấy một sự lạnh lẽo khác thường. Giáo dân chỉ còn hai ba gia đình, ở ngay bên Nhà thờ mà chả khi nào nom nhòm tới. Nhà thờ bằng cây vuông, mái tôn, chung quanh vây tôn, có hai cột tháp thấp thôi nhưng cũng ghép tôn luôn.

Lợi dụng thời gian hỏi về Thứ Mười Một, đã là Huyện Hữu-Lễ. Từ Thứ Mười đến cửa ngõ vào Huyện lỵ gặp xóm nhà lá chừng mấy chục căn có vẻ khá nghèo. Đã thành lập phố chợ nhưng người ở còn thưa thớt. Ngang chợ Huyện bên kia sông hiện có đến năm, bảy gia đình công giáo, sống bằng nghề chài lưới nhỏ…

Về nhà trình bày, Đức Cha quyết: Phải xuống tận nơi xem mới tính được…

Được tin báo ngày Đức Cha muốn xuống thăm Thứ Chín, Thứ Mười và Mười Một, Cha Trung, Cha sở Rạch Giá mướn cả một chiếc đò chợ đón Đức Cha và phái đoàn từ bến phà Tắc Cậu, trực chỉ Thứ Chín và Thứ Mười Một.

Đến Thứ Chín, Đức Cha vừa bước lên bờ, tin Đức Cha đến được loan đi rất mau. Từ hai ngả, người ta ùn ùn kéo đến. Gặp Đức Cha, kẻ cười người khóc, có người vừa khóc vừa cười, chen nhau xin hôn nhẫn Đức Cha. Họ tỏ ra rất sung sướng và xúc động, Đức Cha cũng cảm động không kém… Xem qua phong cảnh, Đức Cha cùng phái đoàn và mấy ông trong ban hành giáo Thứ Chín xuống đò đi thăm Thứ Mười Một. Đò chạy ngang qua Thứ Mười, các ông chỉ cho Đức Cha thấy Nhà thờ.

Đến xóm nhà đều ngõ vào chợ Huyện, đò ghé bến, Đức Cha và phái đoàn lên bờ thăm qua, gặp mấy người nói vài ba câu chuyện rồi xuống đò đi tiếp vào Huyện.

Tới Huyện đường, Cha Trung vào trước, báo tin cho Huyện trưởng có Đức Giám Mục Long Xuyên và phái đoàn Linh mục Rạch Giá đến thăm. Ông vui vẻ vội ra đón Đức Cha và phái đoàn. Sau mấy lời chào thăm, Cha Trung ngỏ ý muốn làm một căn nhà vừa làm trường học dạy các em vừa làm Nhà thờ cho mấy gia đình công giáo có nơi thờ phượng. Ông Huyện trưởng đáp từ, không những tán thành mà còn rất mừng… Cáo biệt Huyện trưởng ra về, trên đường về Đức Cha khẳng định về Đức Cha khẳng định phải cấp tốc lo ngay cho vùng này…

Đức Cha điều đình với Thầy Jean, Bề trên dòng Thánh Gia mới từ Campuchia về giúp cho mấy Thầy đi Thứ Chín. Dầu nhân sự còn hạn hẹp, Thầy bề trên cũng cố nhín cho hai Thầy. Các Thầy giúp Thứ Chín cho tới kỳ Đại Chủng viện Pi-ô X có lớp đi giúp xứ năm. Đức Cha sai 3 Thầy: Đạo, Duy và Thành về Thứ Chín thay 2 Thầy Thánh Gia.

Lúc này Cha Giu-se Vũ Tuấn Tú, Cha sở xứ Tân Thành, Kênh 4B nhập cuộc. Ngài kêu gọi được số giáo dân Kênh 4, Kênh 5, Cái Sắn vui vẻ xuống U-Minh, Thầy Thành xin chuyển hướng. Thầy Đạo được sai vào Rọc-La. Sau ít lâu lại được chuyển về Tân Hội. Thầy Duy về giúp xứ vùng Cái Sắn Huyện Thốt Nốt. Cha Tú và các cộng sự viên bám trụ ở Thứ Chín. Đức cha cấp tốc sai Thầy Vin-cen-tê Nguyễn Minh Chu xuống đảm trách Hiếu-Lễ, tức Thứ Mười Một. Địa bàn hoạt động chính là xóm nhà lá. Cửa ngõ vào Huyện lỵ. Chỉ mấy hôm sau, Thầy Chu nhận ra họ là gia đình anh em bộ đội cách mạng, nhưng Thầy cứ tỉnh bơ làm việc giúp đỡ họ những gì có thể và dạy chữ cho con em họ. Thầy đã gây được tình cảm khá sâu đậm với họ. Sự hiện diện và việc làm của Thầy hẳn đã gây thắc mắc cho anh em cách mạng trong khu nên họ đã đưa Thầy vào ở với họ cả tuần lễ. Thời gian ở trong khu, anh em chỉ hỏi Thầy về mục đích và hành động của Thầy vào đây… Sau khi đã nhận thật Thầy Chu rất ngay lành trong mọi hoạt động, họ hỏi: “Sao anh không đặt cơ sở trong này?” Thầy trả lời: “Nếu các anh bằng lòng, tôi sẵn sàng.”

Tuần lễ ở trong khu, vợ và mẹ của anh em bộ đội ngày nào cũng kéo vào năn nỉ cho Thầy Chu về. Suốt ngày họ ngong ngóng. Hôm ấy, vừa thấy bóng Thầy Chu ra, họ ùa chạy ra rất hân hoan vui vẻ đón Thầy về. Cử chỉ ấy đã làm cho anh em bộ đội trong khu biết gia đình các anh mến chuộng Thầy Chu… nên Thầy yên tâm làm việc, gây niềm vui cho người lương cũng như giáo. Cho đến khi vì thời cuộc phải tạm bỏ Hữu- Lễ, trở về với bút nghiên.

Dấn thân đi xem các điểm truyền giáo như luồn lách vào lũng âm u, về trình báo đều đã được bề trên xét định và phát lệnh thi hành… Những công tác tiếp nối sau đây có lẽ phải được mệnh danh là hang hầm mới đúng. Hang hầm không phải là công tác đó, song là bản thân đương sự u mê, dốt nát, không biết gì, cũng như chưa hề có ý niệm gì về những công tác ấy.
 

Hang hầm thứ Nhất: Mở lớp đào tạo giáo lý viên nữ.


Hôm ấy Đức Cha đích thân đến gặp, nét mặt vui vẻ, miệng vui cười, phán: thu xếp xuống ở Vàm Cống bàn với Cha Minh dọn dẹp phòng ốc mở lớp đào tạo giáo lý viên nữ.

- Người ngây ra như trong mơ, nhưng cũng mạnh dạn thưa: ‘Họ là lửa, con là rơm. Ném vào đấy con bị cháy rụi thì sao? – Ai bảo nói thế? –Mai xứ xuống khởi công.

Xuống Vàm Cống gặp Cha Minh, chưa kịp trình bày thì Ngài đã biết rồi và đã nhờ giáo dân thu dọn và sắp xếp đâu vào đấy…

Đương sự chạy ngang sang Thốt Nốt cầu cứu Cha Tri, Ngài tốt nghiệp khoa sư phạm giáo lý ở Pháp quốc. Ngài vui vẻ tiếp kiến và hứa sẽ hết mình cộng tác. Nhưng Ngài cũng tỏ vẻ băn khoăn về tình hình thế sự, không biết tình năm hay tính tháng? Về học viên không biết độ tuổi thế nào? Trình độ học vấn đến đâu?.... Ngài kết thúc cuộc gặp gỡ: “Thôi bề trên đã dạy thì cứ thử xem sao, và nhằm cấp thấp nhất là lớp giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu.”

Về nhà, tha hồn miên man về những gợi ý của Cha Tri. Càng miên man, sương mù càng thêm dày đặc. Đêm chuyện bàn với Cha Minh, trao đi đổi lại phát sinh nhiều việc rất cụ thể như:

1. Dạy chữ cho các em, có thể cho cả người lớn. Với các em đang đi học mà kém môn nào thì bổ túc cho các em môn đó, đặc biệt lưu lý đến các em bỏ học bất cứ lý do gì. Tổ chức các em sinh hoạt như múa hát, trò chơi… nhằm đào luyện các em về nhân bản.

2. Các cô cũng cần biết may vá. May quần đùi, áo cánh cho các em nghèo; vá – sửa chữa đồ cũ.

3. Dạy các cô biết chữa những bệnh thông thường như ho, cảm, đau bụng, trúng gió, v.v… Biết chăm sóc bệnh nhân, nhất là các ông già bà lão neo đơn tật nguyền. Biết hớt tóc cho người già, trẻ em.

4. Biết tiếp cận, gây thiện cảm với người lương. Sắp xếp để có thể tham gia công tác bác ái xã hội,v.v… và v.v…

Việc làm thì có rồi, còn nhân sự thì sao đây?

* Cha Tri nhận môn sư phạm dạy giáo lý và dạy chữ.

* Cha Minh nhận dạy hớt tóc và tìm kiếm người dạy may và cô y tá. Ngài đã mời được 2 người rất tận tình giúp đỡ. Đặc biệt cô dạy may còn dạy thêm cách làm bông vải.

* Về đàn hát, mời được Cha Jac. Thịnh. Ngài có sáng kiến dạy các cô đàn dây (Menđoline), để nhờ đó mò mẫm ra các bài hát mới.

* Sinh hoạt đoàn đội và sống vui nhộn, may gặp được Cha Giu-se Nguyễn Văn Thông hướng đạo sinh từ Đà Nẵng về.

* Còn một việc cuối cùng có thể lại là việc cần nhất. Đó là việc linh đạo cho các chị? Cha Minh: ‘Việc này ông phải nhận đi thôi’.

Thấy được việc phải làm đã là mừng rồi. Đang hí hửng tươi cười, thì kìa Đức Cha đến. Ngài trao cho tượng Đức Mẹ Fatima và bảo: “Khiên che thuẫn đỡ đây, bám chặt lấy mà làm việc, không phải sợ gì cả”. Giơ tay ẵm lấy tượng mà lòng thầm thĩ: “Nếu nên, xin cho con thoát khỏi hang hầm này!...” Như vậy là nước đến chân rồi. Đức Mẹ đã không cứu lại còn như nhủ thầm: Noi gương Mẹ vâng lời đi con.

Ban giảng huấn kể như đã tạm ổn. Còn vật tư như máy khâu và tư liệu như sách, vần thì đào đâu ra? Được giới thiệu đến Cha quản hạt Kênh B Đỗ Đức Phổ, Ngài cho mượn 12 máy khâu với đầy đủ phụ tùng. Mừng quá, kiếm phương tiện chở ngay. Cha quản hạt cũng giới thiệu đến Cha Phan Đình Sơn, đền Thánh Giu-se Kênh F xin sách học. Đến Cha Sơn, quả là một kho tàng, lấy bao nhiêu cũng được. Cảm ơn Cha quản hạt và Cha Sơn, trong việc chuẩn bị có hai khâu khó nhất mà hai Cha đã giúp hoàn tất thật dễ dàng, chỉ còn chờ các học viên đến. Mà họ đến thật: Năng Gù 4 người, Kênh C 3 người, Kênh 5 2 người, Kiên Lương 1 ngươi, cộng với số người thuộc xứ sở tại là trên dưới 20. Như vậy chỉ chừng mười hai chị nội trú và ăn uống tại trường.

Các chị được đón nhận chân tình vui vẻ. Nhận phòng sắp xếp đồ đạc giường chiếu…. Cơm trưa, nghỉ…14 giờ sinh hoạt chuẩn bị về mọi thứ rồi sáng mai vào chương trình ngay. Không tổ chức lễ nghi, khai trương, chào hỏi, nói năng này nọ…

Thời gian đến hơn nửa năm êm trôi trong sự cần cù học tập. Tưởng đã đến lúc cần sai các chị đi thực tập rút kinh nghiệm tại các họ đạo không có cha Thầy, bà phước, vì sợ các chị còn quá non yếu về nhiều mặt, không thực hiện nổi ý muốn của các vị. Một sự tiếp xúc liên đới với các phụ huynh và ban trùm trưởng cũng đã có nhiều điều phải lo lắng rồi.

Mấy họ đạo dự kiến gởi các chị đến: Tham-Buôn, Láng Sen, Tân Hội và Thứ Mười Một. Các chị sẽ sinh hoạt tại mỗi nơi chừng 3 tháng, các chị khác sẽ đến thay phiên. Nhưng không thay hết, để lại 1 chị cho có người đã biết việc, biết họ đạo,v.v… Hành trang các cô đem theo: bộ đồ hớt tóc, dụng cụ làm bông vải, ít thuốc Tây, thuốc ta thông dụng với lời chỉ dẫn cẩn thận, máy may nơi nào cần sẽ gởi đến sau.

Tình hình đất nước cái gì phải đến đã đến: Sài Gòn được giải phóng. Đức Cha tức tốc ban lệnh: “Giải tán ngay các chị ai về nhà nấy.” Mừng quá và cũng đã được hơi hoàn hồn.
 

Hang hầm thứ Hai:


Có lẽ từ Rô-ma, Cha giám đốc Quý báo tin sẽ không về được, nên Đức Cha, Cha Bùi Tuần, Cha Chu Quang Tào đột ngột xuống Vàm Cống ban lệnh: “Về Long Xuyên làm Giám đốc Chủng viện”. Nghe lệnh truyền như sét đánh mang tai, người ngây ra như khúc gỗ… ngỡ ngàng và run sợ… cũng cố gắng bập bẹ: “Bản thân con biết làm gì? Và thời thế này liệu chủng viện có còn nữa hay không?” Đức Cha trừng mắt nhìn một cái rất sâu, rồi 3 Đấng ra về. Kẻ nghe nằm vật ra giường, tâm trí biến mất không còn biết suy nghĩ gì nữa.

Chưa biết tình sao thì đoàn quân từ Cần Thơ sang tiếp quản Long Xuyên. Dẫn đầu là mấy chiếc xe tăng dưới quyền chỉ huy của vị Đại tá vội vàng mặc áo dòng với chiếc cặp nhỏ trong tay ra về Long Xuyên. Tới cổng thì gặp vị chỉ huy. Ông hỏi:

* Linh mục đi đâu?

* Tôi đi về nhà tôi, ngay trước cổng Nhà thờ lớn Long Xuyên.

* Lên xe tăng đi vơi tôi.

* Cảm ơn Đại tá, tôi sợ lắm… xin phép cho tôi đón xe lam vào trước…

Tới chủng viện, thấy quốc kỳ đỏ rực đang tung bay trên chóp đỉnh cột cờ. Bên ngoài có số người đang gác cây lên tường chủng viện. Được hỏi nhà của tôi, các người ở đâu đến mà gác cây lên tường làm chi vậy?

*Chúng tôi là dân nghèo ở nhà quê. Nay nước nhà được giải phóng độc lập chúng tôi ra tỉnh ở…

* Gì thì gì cũng phải có tổ chức, trật tự, hổ lốn như vầy đâu có được.

Không đối thoại với họ nữa, đi thẳng vào Ty Công an, xin gặp thủ trưởng.

Chỉ vài phút sau thủ trưởng xuất hiện, cúi đầu chào, xin bắt tay và tự giới thiệu: Tôi là linh mục, Giám đốc Đại chủng viện Tô-ma. Ngôi nhà dài 3 tầng lầu bên kia. Tại nhà chúng tôi hiện diện 2 Giám mục, Ban giáo sư và các sinh viên đang học. Bên Nhà thờ lớn đối diện với Ty cũng có vài ba Linh mục phục vụ giáo dân thuộc Nhà thờ Chánh toà. Tôi được đại diện hết các vị và toàn thể sinh viên đến chào thăm và rất hân hoan chúc mừng chiến công lừng lẫy giải phóng đất nước đem lại hoà bình hạnh phúc cho quê hương…

Nhân tiện cũng báo cáo anh là có số người đang gác cây lên tường nhà tôi. Được hỏi thì họ trả lời: Chúng tôi là dân nghèo ở nông thôn, nay nước nhà đã độc lập chúng tôi ra tỉnh ở.

* Đành rồi, nhưng phải có tổ chức trật tự thế nào mới được chứ. Nói vậy rồi, tôi vào thăm các anh đây. Xin giúp giải quyết.

Anh liền cho nhân viên đi xem thực hư, thấy đúng sự thật, anh hạ lệnh cho người ta phải ngưng ngay.

Tự nhiên cảm thấy việc đi thăm như vậy là rất hay, nên không vào Chủng viện, mà đi tới Dinh tỉnh trưởng cũ. Hỏi thăm thì được cho biết bây giờ là Ban Quân quản. Một mình thản nhiên đi vào, gặp ai cũng nghiêng mình chào và xin gặp vị chỉ huy. Được một anh dẫn vào phòng chỉ ghế cho ngồi, nói: ngồi đây chờ chút xíu. Đúng là chút xíu thật. Một anh đứng tuổi, vui vẻ, lanh lẹ xuất hiện. Sau cái bắt tay rất chặt chẽ, anh tự giới thiệu là Chín Hoài, thư ký Uỷ ban… Tôi liền xưng danh: Linh mục Mai Xuân Triết, giám đốc Đại chủng viện Tô-ma, đối diện Nhà thờ lớn Long Xuyên, được đại diện 2 Giám mục và các Linh mục đến chào thăm và hân hoan chúc mừng cuộc chiến thắng vẻ vang, lẫy lừng, đem lại hoà bình cho quê hương đất nước. Cũng xin được thỉnh ý các anh: Ngày giờ nào thuận tiện cho Giám mục và các Linh mục chúng tôi được đến diện kiến quý anh trong tình thân cảm mến và chúc mừng.

Sau mấy phút bàn thảo với cấp lãnh đạo, anh trở ra cho biết: Chiều mai lúc 17h00. Cám ơn anh.

Ra về trình lên cho Đức Cha và báo tin cho các Cha bên nhà xứ cũng như Chủng viện. Xin Đức Cha mặc đủ y phục Giám mục, các Cha mặc áo dòng đen. 16h30 chiều, lên 2 xe, 1 của Đức Cha già và một của Cha sở Mỹ, trực chỉ Toà hành chánh Chính phủ cũ. Tới nơi các vị trong Ban Quân quản và Mặt trận Tổ quốc ra tiếp đón vui vẻ. Được dẫn vào trong phòng, ngồi quanh chiếc bàn dài phủ vải trắng với những chiếc ghế gỗ đơn sơ. Sau lời chào mừng và giới thiệu, câu chuyện trao đổi thật hoan hỉ vui tươi với những tách nước trà xanh nóng hổi… Cuộc gặp gỡ kéo dài chừng 30 phút.
 

Vụ Cha Cố Lộc:

Đột nhiên Ngài đến thăm Chủng viện và ở lại. Biết trước thế nào Ngài cũng được mời đi làm việc, nên xin Ngài lánh mặt cho khỏi phiền đến Chủng viện…

Chỉ vài hôm sau, sáng sang nhà xứ gặp Đức Cha già, về thì Công an gác cổng nằm mai phục khắp nơi không cho vào. Chất vấn lại: Đây là nhà tôi, sao lại không cho tôi vào? Sau lời chất vấn Công an cho vào, chạy ngay đến phòng Cha Lộc thì Công an đã đọc trát bắt Ngài và dong Ngài ra xe.

Anh Tám Xoàn Rạch Giá chỉ huy vụ bắt Cha Lộc nhìn thấy tôi vội chạy đến ôm chầm lấy cười nói sung sướng. Dẫn Cha Lộc ra xe, anh Tám Xoàn bắt tay chào anh chỉ huy anh em Công an Long Xuyên với lời dặn: Công tác hoàn thành rồi, cám ơn anh. Xin cho anh em về nghỉ ngơi khỏi phải khám xét nhà, tôi sẽ báo cáo với các anh về Linh mục Triết sau.

Cố chạy theo kịp Cha Lộc ra xe, vừa để chào biệt Ngài, vừa xin giữ dùm Ngài chiếc các-táp, nhưng Ngài không cho. Tiện cô Cao đứng bên, đẩy cô vào xe xin cũng không được.
 

Sắp xếp nội bộ:


-Xin các Cha giáo tiếp tục dạy lớp các Thầy hiện diện theo các môn như thường. Riêng Cha giáo Thử lo ngại thế nào đó nên xin tại ngoại, rồi cứ giờ đến dạy học. Đức Cha đặt Ngài coi xứ Vàm Cống thay Cha Minh.

Đến lượt Đức Cha Cần Thơ gọi Cha giáo Tính và các Thầy thuộc Cần Thơ về. Còn lại nguyên các Thầy thuộc Long Xuyên.

Nhà nước cho giăng biểu ngữ và đài phát thanh ca tụng lao động là vinh quang, đồng thời gọi thanh niên nam nữ tham gia lao động tại miền quê.

Sân chơi Chủng viện tức tốc biến thành vườn trồng rau củ, chỉ giữ lại sân bóng chuyền.

Sân được các Thầy cuốc lên vun thành luống trồng khoai lang, rau riếp-ta, rau cải xanh, cải ngọt, cải rổ, cả rau Salade Đà Lạt. Cha Nho sáng chế máy bơm nước đạp chân rút nước hầm cá vồ lên tưới, rau lên mạnh và tốt quá tưởng tượng.

Thời gian anh Ba Ngọc làm trưởng phòng Công an thị xã ngỏ ý cho anh em Công an giờ nào thuận tiện sang chơi bóng chuyền tại sân Chủng viện. Ý kiến được chấp thuận. Một hôm anh Ba cùng sang với anh em, nhưng không chơi mà đi xem vườn rau, thấy luống nào cũng xanh tươi mơn mởn, anh tấm tắc khen. Nổi hứng anh đề nghị thi đua và anh nắm chắc phần thắng vì lẽ về nhân sự, anh có người chăm sóc liên tục. Hợp đồng trồng 1 thứ rau Salade Đà Lạt. Sau mấy tuần lễ so sánh, bên anh Ba thua. Cây rau Chủng viện lớn hơn, giũ sạch nước cân nặng hơn 1 Kg.
Sắp xếp các Thầy:

Lớp hiện diện ở lại học theo chương trình cho hết khoá. Các Thầy tại ngoại được phân bổ đi giúp các xứ. Tội nhất là Thầy Khoan và Thầy Thắng không còn xứ nào nên phải đi nhận Rạch Đùng ở trong một căn nhà lá xơ xác ngoài bãi biển. Ít lâu sau Thầy Thắng được chuyển vào giúp giáo xứ Đất Hứa. Thầy Khoan ở lại cho đến nay mới đổi xứ sau khi đã biến cái Rạch Đùng nên như địa đàng trần gian.

Phân bổ như thế, sau này đã thu lại hiệu quả không ngờ. Đó là khi nhà nước chấp thuận cho người chịu chức thì mỗi tỉnh được một người, thì Long Xuyên được 2 cho Long Xuyên và Rạch Giá và thêm một người cho Thốt Nốt, một Huyện của Cần Thơ mà lại thuộc Giáo phận Long Xuyên.

Ngoài việc tu luyện và học hành, các Thầy còn phải lao động. Lên Cần Xây đào vườn lấp ao, biến thành ruộng cấy lúa. Lúa chín các Thày cắt, đập và chở về Chủng viện phơi rồi xay giã lấy gạo ăn hằng ngày. Cối xay nhờ ông thợ Kênh 8 đóng. Cối giã thuộc loại lớn bằng đá mua từ núi Sập. Các Thầy thay đổi nhau xay, giã. Mỗi mẻ 50 tràng, trắng hay hẩm thế nào cũng được.

Một hôm mấy anh em Công an vào thăm, thấy cối xay, cối giã và giần sàng nong nia, cộng thêm việc các anh đã thấy các Thầy lao động trên Cần Xây, các anh đã thốt lời khen ngợi: Không ngờ mấy ông nhà tu lao động giỏi.

Lớp hiện diện sẽ học hết phần môn của mình, tiếp tục đi giúp xứ cho lớp khác về học.

Riêng lớp triết, Đức Cha chấp thuận đề nghị cho khai giảng ngay tại Đài Đức Mẹ Tân Hiệp. Cha Chu Quang Tào nhận trách nhiệm tổ chức và mời các Cha giáo sư, gồm các Cha: Đinh Hữu Huynh, Nguyễn Đức Thanh, Chu Văn Nghị… Tất cả đặt dưới sự lo lắng giúp đỡ của Cha Hạt trưởng Đỗ Văn Lịch…

Ông trùm Phan-xi-cô Nguyễn Văn Hàm giúp phương tiện chở đồ từ Long Xuyên xuống.

Về lúa gạo, trừ mấy trăm giạ lúa lấy từ Chủng viện Têrêsa Rạch Giá, các Thầy cũng làm ruộng tại Kênh 10. Có mấy Thầy chịu cực không nổi đã xin chuyển hướng.

Lớp hiện diện đi giúp xứ; lớp khác chưa kịp về thì xảy ra vụ Khmer đỏ Campuchia tấn công biên giới Việt Nam. Tỉnh kêu gọi thanh niên nam nữ tham gia nghĩa vụ tiền tuyến. Lúc ấy Chủng viện chỉ còn 3 Thầy: Ngô Quang Kiệt, Đinh Quang Thành, Nguyễn Văn Thái. Sau khi hội ý, các Thầy chấp nhận ra đi. Được trang bị mấy thứ cần thiết nhất là thuốc. Đoàn nhân công được đặt dưới sự hướng dẫn của chị trưởng đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, quý danh chị là 9 Hồng.

Mặt trận Châu Đốc tạm yên, lực lượng chiến đấu dồn về Hà Tiên. Mấy vị chỉ huy thuộc Sư đoàn 4 muốn kéo mấy Thầy nhà mình đi theo, nhưng chị trưởng đoàn không đồng ý, viện lý do là các anh ấy đã quá mệt. Các Thầy được trả về nhà với tờ giấy khen “Hoàn thành nhiệm vụ tiền tuyến tốt”.

Mấy hôm sau chị trưởng đoàn vào Chủng viện ngỏ lời khen và hỏi: “Nhà đạo các anh làm thế nào mà đào tạo con người rất hay: “Nhiệm vụ là trên hết”. Khi địch tấn công, các bạn khác khóc lóc chạy trốn… trái lại 3 anh nhà tu lao mình ra chiến trường băng bó và chạy thương cách ngon lành. Tại hậu phương, 3 anh quên hẳn mình, phục vụ các vạn. Tôi biết rõ cả thuốc đem theo phòng thân cũng chia sẻ cho bạn bè…”

Trả lời chị rất vắn tắt: từ 9-10 tuổi bước chân vào nhà tu, chúng tôi đã thực hành 2 đức tính, đó là trọng nhiệm vụ và sống vị tha.

Chị đáp: “Thảo nào!”. Rồi chị từ biệt. Sau đó ít lâu nghe tin chị được mời ra Trung ương làm việc, rồi chừng mấy năm sau lại gặp chị ở Long Xuyên với chức vụ Bí thư Huyện Uỷ Huyện Châu Thành.

Sinh hoạt Chủng viện từ đây tiếp tục tiến hành cho đến khi được lệnh: Tất cả Chủng sinh Vĩnh Long, Long Xuyên tập trung tại Đại Chủng viện Cần Thơ.

Qua lũng âm u là việc truyền giáo địa phận và qua 2 hang hầm là mở lớp đào tạo Giáo lý viên nữ và Giám đốc Chủng viện. Âm u vì bản thân mù tịt, không mà cũng không biết gì. Nay Bề trên trao thì cũng như Chúa trao, nên đích thị là của Chúa rồi. Nghĩ đến trường hợp của Thánh cả Giuse: “Việc của Chúa thì để Chúa lo… Và Ngài tính trốn, nhưng lập tức Thiên Thần Chúa hiện đến bảo: “Giuse, cứ đón Maria về và Ngài đã vâng nghe”.

Bản thân đã không trốn, chỉ theo tinh thần Thánh Giuse: Mỗi ngày cũng như trước mỗi việc thầm thĩ với Chúa: Việc của Chúa đấy, con chỉ là đầy tớ Chúa sử dụng. Chúa bảo sao con làm như thế. Và trải qua lũng và hang hầm âm u đến thế, bản thân chỉ biết bám chặt lấy Chúa. Kết quả ra sao chỉ có Chúa biết. Muôn đời con xin cảm tạ Chúa!

Hang hầm sau cùng đây mới thật rợn rùng, hãi sợ: “Làm bề trên địa phận”. Nghe Đức Cha ban lệnh, bản thân như muốn ngất xỉu. Đức Cha phán thêm: Có Cha Nguyễn Văn Dương nữa. Khi hoàn hồn gặp lại Đức Cha, Ngài phân công: Cha Dương lo tu sĩ nam nữ và giáo dân, bản thân lưu tâm đến Linh mục và Chủng sinh. Sự phân công làm rối trí đến mờ mắt… Thôi thì cứ nấp bóng Cha Bề trên Dương vậy. Về phần việc riêng thì càng cầu nguyện nhiều hơn và hoàn toàn phó thác nơi Chúa, nhất là những khi cần tiếp xúc gặp gỡ trong các dịp tĩnh tâm, đặc biệt là những khi cần phải đến nghỉ tại chỗ mấy ngày. Luôn xin Chúa yểm trợ và luôn trong thái độ nhắc nhở van xin. Không dám nghĩ đến kết quả.

Tập tĩnh tâm tháng cần có mục đạo đức Linh mục, dư luận ầm ầm lên thế, nhưng ai viết? Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ tên phụ trách chứ còn ai nữa. Nhưng viết gì và làm sao mà viết? … Đi mò tủ sách, gặp ngay mấy cuốn: “Méditation à L’usage du clergé”, “L’Heure du Matin”, “Jésus vivant le Prêtre”, “À l’école du Christ”…

Đặt kế hoạch viết: Xin Đức Mẹ chỉ bảo. Chọn đề mục vào những tư tưởng thực tế. Viết rồi xin Đức Mẹ dâng lên Chúa ban ơn thấm nhuần, gửi sang Cha phụ trách làm gì tuỳ ý Ngài. Bài mở đầu không mang tên người viết được một Cha quản Hạt ban lời khen, nghe mà rôm sẩy nổi lên đầy mình. Bài thứ hai phải ghi tên theo lệnh Đức Cha. Cũng Cha quản Hạt ấy bảo: Sau giờ Đức Cha huấn dụ, ông phải lên giải trình bài đã viết.

Nghe lệnh ban mà rợn rùng đến dựng tóc gáy. Nhưng cũng đủ bình tĩnh thưa lại: Chỉ dám chuyển tải Lời Chúa và gương lành các vị tiền bối trong đường tu đức, rồi Chúa Thánh Thần cũng như Đức Mẹ làm gì cho con cái các Ngài thì trông chờ ở các Ngài. Việc ngồi trên bục mà giải trình như nhà mô phạm thì không khi nào dám.

Tay viết đã run, lòng những bồi hồi lo lắng chỉ mong có ngày được giải thoát. Ngày ấy đã đến sớm không ngờ khi bộ Tĩnh tâm mới được phát hành. Hân hoan cảm tạ, đội ơn Chúa và xin các Đấng bậc tha thứ cho mọi lỗi lầm sai phạm.

Nhưng dầu sao, nhìn vào hành động của Chúa nơi con cái Ngài trong toàn thể Giáo Hội, ai cũng nhận thấy Chúa rất kỳ diệu: Từ một cọng rác, Chúa đã biến thành chỉ vàng cho con cái Ngài sử dụng… Ngoài Chúa ra cũng nhận được ít nhiều khích lệ từ người ta. Như một lần Đức Cha gọi sang, tưởng Ngài la mắng chuyện gì đã sợ nhưng Ngài ôn tồn bảo: Đọc các bài viết trong tập tĩnh tâm rồi, cứ can đảm tiếp tục viết. Đức Cha dùng từ can đảm làm giật mình, sợ đã có điều gì xúc phạm… Cha Thân Văn Tường, Giáo sư Tín lý Đại Chủng viện Thánh Quý khích lệ: Cứ an tâm viết tiếp, Đại Chủng viện cũng sử dụng chung cho các Thầy.

Trong buổi họp các Linh mục thuộc một Giáo phận gốc miền Bắc tại Sài Gòn, có Cha đề nghị: Tổ chức tờ thông tin nội bộ cho ngoài Bắc cũng như trong Nam. Mục đích hun đúc tình thân ái anh em cùng Giáo phận mẹ được luôn ấm nóng, và thực hành đường hướng mục vụ đã trở thành truyền thống là ân cần truyền giáo bằng phương pháp tiếp cận, dưới sự trợ lực do lòng tôn sùng Thánh Thể và Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi. Không cao siêu và những gì to tát, cứ đơn sơ, nhỏ nhặt và thực tế kiểu như Cha nào đó viết về “Suy tư đạo đức” trong tập Tĩnh tâm tháng Long Xuyên… thật là ngỡ ngàng không thể ngờ. Ngỡ ngàng hơn nữa: “Đức Tổng Giám mục Giáo phận Huế nói với Đức Cha J.B chúng ta: “Làm sao cho tôi được mấy số Tĩnh tâm tháng Long Xuyên có mục bàn về Đức Hiền lành, tôi còn thiếu mấy số tiếp theo”. Việc Chúa làm thật lặng lẽ âm thầm mà cũng kỳ diệu biết bao…
 

Tĩnh tâm tháng:


Cầm sổ Ty Công an Chính phủ cụ đã ký hàng tháng cho linh mục, tu sĩ nam nữ tập trung tại Toà Giám Mục dự buổi tĩnh tâm đi gặp anh em công an chính phủ mới, trình bày và xin được tiếp tục.

Anh trưởng Ty xem sổ và hỏi qua những sinh hoạt trong bữa tĩnh tâm rồi chỉ đến phòng Công an I bên cạnh nhà thuốc Hậu Giang giải quyết.

Đến phòng Công an I, gặp một nhân viên. Anh ta hỏi ông đến có việc gì. Đưa sổ tĩnh tâm ra và trình bày các điều như đã trình bày tại Ty.

Anh đọc qua sổ và hỏi tiếp: “Các anh đã làm những gì trong buổi tĩnh tâm?”.

Thưa: “Buổi tĩnh tâm bắt đầu từ 8h tới 11h”. trong thời gian ấy chúng tôi: cầu nguyện, tự kiểm, suy gẫm, Giám Mục huấn đức. 11h dùng cơm trưa và giải tán.

Nghe xong anh cầm sổ lên lầu với lời dặn: “Sáng mai đến!”.

Sáng sau đến cầm theo cuốn Nguyệt san Liên Xô và chiếc quạt giấy. Ngồi chờ vừa quạt vừa đọc Nguyệt san tới gần 11h, một nhân viên cầm sổ từ trên lầu xuống, nói: “Chấp thuận”. Phải trình sổ báo cáo như thường lệ và trình chứng minh nhân dân các người tham dự tại phòng Công an thị xã.

Nhận lại sổ, nghiêng mình chào bắt tay ra về vui vẻ.

Đến ngày tĩnh tâm, tại Long Xuyên, mọi việc đều êm xuôi. Tại Rạch Giá, sợ có gì trục trặc nên Đức Cha xuống chiều hôm trước. Cha Việt cầm sổ tĩnh tâm đã được Ty Công an Long Xuyên ký chấp thuận và giấy phép tạm vắng, tạm trú ra trình Ty Công an Rạch Giá. Ty nhận các thứ và bảo: “Các ông về đi, sáng mai sẽ cho biết quyết định. Tối các anh vào xét nhà phải lấy thêm chứng minh nhân dân của các người Long Xuyên xuống…”.

7h sáng sau ra Ty, Ty trả lại sổ sách giấy tờ với lệnh: “Không cho phép tĩnh tâm”.

Đáp lời: “Một việc tôn giáo chính phủ cũ đã chấp thuận, chính phủ mới tại Long Xuyên đồng thuận ký giấy đóng triện đàng hoàng, đến các anh Rạch Giá lại không cho. Chúng tôi thật khó hiểu! Một nhà nước hai chính sách sao?”

Công an Rạch Giá: “Ty đã quyết định các ông cứ về đi!”
Đi tìm Mặt trận và Ban Tôn giáo không gặp ai, chỉ có một cô người nhỏ nhắn, ăn mặc tầm thường đang thơ thẩn ngoài hè vội đến chào và hỏi thăm về Mặt trận và Ban Tôn giáo. Cô hỏi: “Các ông cần chuyện gì?”. Trình bày đầu đuôi về việc tĩnh tâm tháng. Cô xem sổ tĩnh tâm rồi vào văn phòng gọi điện cho Công an: “Một việc Tôn giáo chế độ cũ đã cho, tỉnh Long Xuyên đã chấp thuận thì các anh cũng cho đi, khó dễ làm gì?”. Cô trao sổ với lời dặn: “Các ông tiếp tục tĩnh tâm và từ nay mỗi tháng có tĩnh tâm cứ đem sổ trình báo như vậy”.

Vui mừng cảm ơn cô và xin phép hỏi quý danh cô – “Tôi tên Tư Lệ, chức vụ thanh tra Đảng…”. “Một lần nữa xin hết lòng cảm ơn cô”.

Ghi lại chuyện về mấy lũng và hang hầm âm u không gì khác là ước muốn được làm sáng tỏ chí nhiệt thành, tấm lòng luôn lo lắng và sẵn sàng dấn thân cho việc truyền giáo của Đức Cha già Micae.

Thứ đến là muốn nói nhỏ với anh em linh mục chúng ta được đặc ân Chúa thụ phong Linh mục trong thời gian khó khăn ấy, thì tưởng chúng ta phải đáp đền ơn Chúa bằng cách sống đặc biệt thiện hảo hơn.

Hết
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây