NGƯỜI HIỀN (bài 2) - Suy tư đạo đức của linh mục Gioakim Mai Xuân Triết

Thứ năm - 05/08/2021 22:58
NGƯỜI HIỀN (bài 2) - Suy tư đạo đức của linh mục Gioakim Mai Xuân Triết
NGƯỜI HIỀN (bài 2) - Suy tư đạo đức của linh mục Gioakim Mai Xuân Triết
Suy tư đạo đức của linh mục Gioakim
Mai Xuân Triết
dịp Tĩnh Tâm hàng tháng cho các Linh mục và Tu sĩ
ở các Giáo Hạt, trong Giáo Phận Long Xuyên.

------------------------------------

NGƯỜI HIỀN
(Bài 2)

1. Hiền lành thường đi đôi với vui vẻ. 1
2. Đặc biệt là đối với người tội phạm. 1
3. Thực ra, tôi cũng có tội chứ đâu phải không. 1
4. Làm linh mục không chỉ sống cho mình mà còn phải sống cho người ta. 2
5. Những lợi ích khác của đức hiền lành. 4

---------------------
 

1. Hiền lành thường đi đôi với vui vẻ.


Vui vẻ đây không cứ gì phải cười, phải tếu, phải đùa. Song khi tiếp xúc với người ta, tôi cần niềm nở, lịch thiệp, đon đả, hầu phản ánh được phần nào gương mặt đằm thắm của Đức Kitô. Nhất là khi gặp người lạ, tôi càng phải thịnh tình hơn để gây cho họ một ấn tượng đẹp về linh mục.

Cả khi tiếp cận với trẻ em tôi cũng phải luôn nhẹ nhàng, tươi vui, hy vọng xoá được hình ảnh linh mục là con người đáng sợ, mà các bà mẹ hay bịa ra hù dọa cho các em thôi khóc, thôi phá quấy...
 

2. Đặc biệt là đối với người tội phạm.


Họ đã bị búa rìu dư luận quần chúng bổ báng tơi bời rồi. Linh mục là hiện thân của tình bác ái Đức Kitô, tôi phải đỡ đòn và tìm cách tháo gỡ họ, chứ mà tôi lại ùa theo quần chúng kết án khai trừ họ, thì tôi đã phản lại chức vụ linh mục của tôi.
 

3. Thực ra, tôi cũng có tội chứ đâu phải không.


Nếu sánh với họ, có lẽ tội tôi còn nặng gấp trăm tội của họ. Vậy mà Chúa đã tha cho tôi, thì sao tôi lại không lo cho họ cũng mau được ơn Chúa thứ tha. Trong trường hợp này, tôi tưởng như Chúa cũng nói với tôi một lời như Ngài đã nói với đám người dẫn độ một thiếu phụ ngoại tình đến xin Chúa xử án theo luật: “Ai trong các ông vô tội, thì hãy ném đá chị này trước đi!” (Jo 8,7). Nghe vậy cả đám họ tự thẹn và rút êm. Coi chừng tôi lại tồi hơn họ, vì kết án tội người, mà không nghĩ đến bản thân. Lẽ ra tôi phải trách phạt mình, cấm đoán mình trước mới phải.
 

4. Làm linh mục không chỉ sống cho mình mà còn phải sống cho người ta.


Nên trên đường trọn lành có nhân đức cho mình, như trong sạch, sốt mến, khổ hạnh vv... thì cũng phải có nhân đức cho người ta nữa mới mong công tác mục vụ đơm hoa kết trái.

Nhân đức cho người ta, có thể nói chủ yếu là nhân đức hiền lành.

Người hiền thường được nhận diện:

- ở gương mặt tươi vui (Hilaris)
- ở giọng nói êm dịu (Suavis)
- ở hành động ôn hoà nương nhẹ (Lenis)
- ở lòng quảng đại (Benevolus): quảng đại cho đi, quảng đại tha thứ, quảng đại chấp nhận...

Những đức tính ấy là như những tia sáng của đức hiền lành.

Nhân đức hiền lành cần thiết đến như vậy, nên thánh Bênađô đã có lời khuyên nhủ các linh mục thời ấy:

- Các cha rán tự luyện trở thành người mẹ hơn là ông thầy của giáo dân.

- Các cha làm thế nào để được giáo dân mến hơn là sợ.

- Đôi khi cần sử dụng đến sự nghiêm ngặt, thì sự nghiêm ngặt ấy phải là của người cha, không bao giờ là của bạo chúa.

- Trong việc sửa dạy, phải cương quyết như người cha, nhưng luôn kèm theo tình yêu thương ngọt ngào của mẹ.

- Với bản thân, sống khe khắt trong chừng mực là rất tốt. Nhưng thành công đối với người khác chỉ dành cho ai biết ở hiền lành và nhẫn nhục.

Cũng cần ở hiền lành để bảo vệ phẩm cách, khỏi phí ơn ban và giữ được sự an vui.

- Người ta nói:

người nóng giận là người ở ngoài mình.

Cũng gần như nói:

người ấy hết còn là người, vì không theo lý trí điều khiển.

Không còn tự chủ để mặc cho tính nóng giận sai khiến. Hành động bất kể tình, cũng không cứ lý. Có chăng lại là lý gàn: Phẩm cách tụt giá trông thấy.

Chuyện xưa kể lại:

Enodius tâu vua Théodose:

“Là vua, Bệ hạ sử dụng uy quyền.
Là thượng tế, Bệ hạ hành xử theo lượng từ bi nhân hậu”.

- Không ở hiền lành, tâm hồn quá rộn rã, làm sao nghe được tiếng Chúa gõ cửa, để ra đón Chúa và tiếp nhận ơn Ngài (Apoc 3, 20).

 “Nơi nhộn nhịp không có Chúa” là vậy (3 Reg. 15,11).

Khi gặp sự cố, Chúa hay đến viếng thăm: khi thì bằng ơn soi sáng bên trong, khi thì qua người nọ người kia can ngăn khuyên nhủ. Nhưng vì tự ái lên cao, tức bực bùng nổ, tôi đã gạt đi hết. Tôi phải sợ kẻo thấy tôi như vậy, Chúa cũng khóc, như xưa trông thấy thành Giêrusalem Ngài đã khóc, chỉ vì không tiếp nhận ơn Chúa viếng thăm, để rồi sẽ có ngày bị địch thù vây hãm, và tàn phá tan hoang tơi tả từng hòn đá (Lc 19,41-44).

- Cơn nóng giận được ví như lửa. Người nóng giận được xưng tụng là ông lửa. Lửa ấy “Thiêu huỷ tình xót thương” (Prov 27,4), sản sinh những hành động quá đáng.

Sau này nghĩ lại, có đền bù cũng không tẩy sạch được vết thẹo.

- Một mất mát lớn khác nữa là “Vội giận mất khôn” (Ca dao).

- Cơn giận, còn giống như cơn dông làm tâm hồn nổi sóng, gây bất an, mà cũng mất vui. Vì sau đó, thường bị ray rứt ân hận, đồng thời, cũng làm cho người liên hệ đôn đáo đến xanh mặt.

*****

Không ở hiền lành, mà buông theo giận dữ, thiệt hại cho mình và làm phiền tha nhân như thế, nên tôi phải hồi tâm ngẫm nghĩ nên chăng, và xác nghiệm tim tôi, xem còn là thịt, hay đã hoá thạch, để rồi khẩn khoản xin Chúa ban ơn cải hoá:

“Lạy Chúa, xin cất khỏi con trái tim bằng đá, khô cứng, kênh kiệu, và ban lại cho con trái tim bằng thịt mềm mỏng, ấm tình bác ái, khiêm hạ giống Thánh Tâm Chúa.”

*****
 

5. Những lợi ích khác của đức hiền lành.


Đức hiền lành giúp cho:

- nên người.
- nên người dễ mến.
- nên người được Chúa thương.

+ Nên người:

Nên người tự do, không để cho các đam mê nắm đầu. Nên người tự chủ điều hành và chế ngự mọi biến động hay dở xảy ra trong mình.

Nhờ có bình tĩnh, người hiền cảm nhận được ngay các xu hướng nội tâm ngả về các biến cố bên ngoài và tìm ra được cách đối phó xứng hợp.

Chẳng hạn như:

Gặp việc quấy phá hại trật tự chung tự nhiên cảm thấy bực bội. Nhưng người hiền biết giới hạn nó trong chừng mực, không để nó nổ thành gay gắt.

Thấy người ta xúc phạm đến Chúa, tác hại tha nhân, lòng nhiệt thành tức khắc bùng lên. Nhưng người hiền biết điều chế cho khỏi trở thành hung dữ. Không vậy sự dữ sẽ tăng thêm và khó lòng sửa chữa.

Hoặc,
khi cảm thấy nổi sùng vì đích thân bị đả kích. Trường hợp này, người hiền không điều chế điều chỉnh, mà dập tắt ngay tia lửa trả đũa vừa xẹt ra. Miệng không nói lời mắng chửi, nét mặt không sừng sỗ hăm he...

Như vậy có phải là quá yếu, hay là vô cảm kiểu như lì ?

Không phải. Trái lại đó là một chiến thắng đáng kể, là một sức mạnh sáng giá của nhân đức hiền lành.

Do đó, nhân đức hiền lành trợ lực toàn diện con người. Nó điều hoà các dao động bên trong, chế ngự thái độ bên ngoài, để giảm nhiệt sự hăng hái quá nôn nao, và xối nước dập tắt ngọn lửa oán thù đang bồng bột trên bộ diện.

+ Nên người dễ mến:

Trong Cựu Ước, để quy hồi toàn dân tuân thủ luật Chúa, các ngôn sứ đã không xin sai sư tử đến, mà xin sai con chiên:

Lạy Chúa, xin sai con chiên thống lĩnh địa cầu đến” (Is 16,1).

Con chiên biểu thị đức hiền lành, khiêm nhu nhẫn nhục. Đó là đức tính làm cho con chiên dễ thương dễ mến.

Thánh Gioan tiền hô chỉ cho người ta nhìn nhận Đấng Cứu Thế cũng giới thiệu Ngài là con chiên:

- “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1,29).

Ngôn sứ Isaia diễn tả Đấng thiên sai dễ mến như

con chiên câm lặng trong tay thợ xén lông” (Is 53,7).

Ngài cũng rất dễ thương qua hình ảnh của ngôn sứ Giêrêmia:

Ta như con chiên hiền lành được đem đi chịu sát tế” (Giêr 11,19).

Chính Đức Kitô khi đến đã tự giới thiệu mình là

 “mục tử nhân lành, mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).

Suốt đời Ngài đã lấy đức hiền lành làm màn che sự uy linh cao cả của mình đi:

 “Hãy đến với tôi, hết thảy những ai vất vả gánh nặng, tôi sẽ phục sức lại cho... Vì chưng ách của tôi êm ái, gánh của tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Cảm nghiệm Đức Kitô thật dễ mến dễ thương, đã có vô số kể người đến lăn xả vào vòng tay lân ái của Ngài.

******

Một ngàn năm đô hộ nước ta, phương Bắc đã để lại trang lịch sử đầy vết đen rợn người. Tuy nhiên cũng còn loé lên một tia sáng nhỏ, dân ta vẫn mến nhớ. Đó là ông Sỹ Nhiếp, chỉ vì ông hiền hậu giúp dân ta biết dùng cày bừa với sức trâu bò kéo, làm ruộng đỡ vất vả, thu hoạch lại nhiều hơn.

Maria Goretti bị Alexandro đâm tàn nhẫn, làm người ta kinh hoàng. Điều làm người ta mến thương cảm phục Goretti là trước khi chết Goretti đã luôn miệng nói: “Xin tha cho Alexandro”.

Đức Gioan Phaolô II, khi giảng huấn, khi công bố sứ điệp và tông thư, có kẻ khen người chê, thậm chí có người chống đối kịch liệt. Nhưng khi bị ám sát, nằm trên giường bệnh, một mực Ngài xin: “Đừng kết án người đã hại tôi”.

Khoẻ lại, đích thân người còn đến khám đường thăm người đã giết hụt mình. Do hành động này, Đức Gioan Phaolô đã chiếm được lòng mến thương nơi người thân cũng như thù.

Phu nhân của ông Rabin, thủ tướng Do Thái bị ám sát chết, bình thường người ta chỉ thương hại bà đã chịu một sự mất mát quá lớn và quá đau đớn. Nhưng khi kẻ sát nhân chỉ phải chịu một bản án quá nhẹ là tù chung thân. Được phỏng vấn xin bà cho biết ý kiến, bà thản nhiên trả lời: “Tôi không muốn trả thù”. Vì lời ấy, người ta đã tôn bà lên đỉnh cao của lòng nhân hậu.

Thánh Augutinh thú nhận : “Thánh Ambrosiô khuất phục được tôi, tại vì tôi mến ngài. Tôi mến ngài không phải chỉ vì ngài thông thái, song chỉ vì ngài hiền hậu”.

+ Nên người được Chúa thương:

Vương Đavít xưng tụng Thiên Chúa là Chúa từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và rất khoan dung hiền hậu (Ps 85, 15).

Tác giả sách Khôn Ngoan kêu lên: “Ôi ,lạy Chúa, lòng Chúa nhân lành và hiền hậu chừng nào đối với mọi người” (Sap 12, 1).

Trong sách Huấn Ca, Chúa tự bộc lộ: “Lòng Ta ngọt ngào hơn mật ong” (Eccli 24, 17).

Căn tính Chúa là thế, nên bất cứ ở đâu, gặp người vô tôn giáo hay thuộc bất cứ tôn giáo nào mà có những nét giống mình, không thể nào Chúa không thương mến.

Thánh Gioan Kim khẩu nói: “Không gì làm cho ta nên giống Chúa, thân cận với Chúa bằng đức hiền lành”.

Trên núi Taborê, Thiên Chúa Cha công bố về Đức Kitô:

“Đây là Con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mt 17,5).

Như vậy khi ta nghe lời Đức Kitô dạy mà ăn ở hiền lành khiêm nhường thật lòng, ta sẽ đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, thì hẳn cũng được Thiên Chúa Cha thương mến như Đức Kitô vậy.

Đavít đã đối xử hiền lành với Saulê, có vậy thôi mà đã dám quả quyết Chúa không nở chối bỏ lời ngài: “Chúa thương nhớ Đavít vì hành vi hiền hậu của nó” (Ps 131,1).

Không một nhân đức nào, mà không được Chúa ban thưởng. Nhưng hình như Chúa ưu tiên cho đức hiền lành:

- Chúa dạy kẻ hiền lành biết đường lối của Chúa.
- Chúa dắt họ đi trên đường công chính.
- Chúa lo lắng cho họ như người cha lo lắng cho con mình. (Ps 24,9...)

Thánh Gioan Kim khẩu giải nghĩa từ “lo lắng” đây không chỉ là giúp đỡ, mà còn sâu rộng hơn nữa: Chúa chăm bẵm và còn như người mẹ, Chúa nựng họ trên tay... “Đón nhận họ vào chốn vinh quang đời đời” (Ps 149,5).

Nghe biết thế, người hiền sao mà không sung sướng:

“Audiant Mansueti, et Laetentur” (Ps 33,3).


***************
Thành khẩn
Các bài viết của
- Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ,
- Cha Giuse ThânVăn Tường
- Cha Gioakim Mai Xuân Triết
Thời trước, được in RONÉO rải rác trong các tập TĨNH TÂM hàng tháng,
hoặc những cuốn sách Đạo đức, Tu đức, in Ronéo.


Nay kẻ hèn này muốn sưu tầm lại, để lưu giữ trên trang https://linhmucmen.com/
hầu có thể giúp ích cho những thế hệ mai sau lâu dài, kẻo mai một đi thì tiếc lắm.


Vậy, những ai còn giữ những cuốn Tĩnh Tâm đó, hoặc những sách đó,
có bài viết của

- Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ
- Đức Cha GB. Bùi Tuần

- Cha Giuse ThânVăn Tường
- Cha Gioakim Mai Xuân Triết

Xin giúp đánh máy lại, hoặc Photo, rồi gởi cho con (con sẽ đánh máy),
theo địa chỉ:
- Email: mennguyen296@gmail.com

Hết lòng cám ơn. Lm.Nguyễn Văn Mễn
-------------------------------------------
 

Tác giả: Lm Mai Xuân Triết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây