Suy tư đạo đức của linh mục Gioakim Mai Xuân Triết dịp Tĩnh Tâm hàng tháng cho các Linh mục và Tu sĩ
ở các Giáo Hạt, trong Giáo Phận Long Xuyên. ------------------------------------
1. Trong luật Phúc âm, không đức nào được Đức Kitô, Đấng ban bố thường nhắc đến và nhấn mạnh cho bằng đức hiền lành và khiêm nhường, cho các tín hữu đã vậy, mà nhất là cho các vị lãnh đạo.
“Hãy học nơi Thầy mà ở hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Đức hiền lành và khiêm nhường liên đới với nhau chặt chẽ, đến nỗi không có đức này, không thể có đức kia. Hay nói cách khác: có khiêm nhường mới dễ ở hiền lành. Có ở hiền lành mới dễ tự hạ.
Người hiền lành xây dựng sự hoà thuận, được Đức Kitô tuyên dương là con Thiên Chúa.
“Ai làm cho người hoà thuận sẽ có phúc vì được gọi là con Thiên Chúa”.
Khi cải cách luật cũ, Đức Kitô đã thay thế sự căng thẳng gay gắt bằng đức hiền lành nhịn nhục, chấp nhận chịu thua chịu thiệt:
- “Anh em nghe người xưa nói: hãy yêu thân nhân và ghét kẻ thù. Nhưng tôi, tôi nói với anh em: hãy yêu thương kẻ thù...” - “Làm ơn cho kẻ ghét anh em...” - “Hãy tha thứ không phải bảy lần, mà bảy mươi lần bảy”
có nghĩa là tha hoài.
- “Anh em hãy coi chừng, đừng trả thù: răng đền răng, mắt đền mắt. Nhưng ai vả anh em bên má phải, hãy đưa má trái cho họ nữa...” - “Ai muốn lấy áo ngoài của anh em, hãy tặng họ áo trong nữa”. Chứ đừng tranh cãi kẻo làm tổn thương đến đức hiền lành.
Ta nên suy gẫm những điều đã chép trong chương 11 Phúc âm thánh Matthêu:
Đức Kitô mạc khải cho biết uy quyền của Ngài, và trong nhiều trường hợp Ngài đã tỏ hiện đúng là vị Thiên Chúa:
- “Chúa Cha đã trao cho Thầy mọi sự...” (Mt 11,27).
Nhưng liền sau đó Ngài vội vã sát gần ta và nói bằng những lời thật cảm động:
- “Hãy đến với tôi những ai vất vả và gánh nặng, tôi sẽ bồi dưỡng lại cho” (Mt 11,28).
Như Ngài muốn nói: gánh nặng đè trên vai anh em có thế nào đi nữa, cứ đến với tôi. Trong trái tim tôi anh em sẽ được nâng đỡ. Anh em tìm kiếm sự an nghỉ cho tâm hồn ư?
- “Hãy học tôi ở hiền lành và khiêm nhường anh em sẽ gặp được sự an nghỉ ấy” (Mt 11,29).
Chúa không nói: hãy đến với tôi, vì tôi là Chúa Trời cao cả. Song nói: hãy đến với tôi vì tôi cảm thương nỗi đau khổ của anh em, đến nỗi tôi đã đến ở giữa anh em, mặc lấy nhân tính anh em, “Gánh lấy tội anh em” để giao hoà anh em với Cha tôi, “Mang vào mình những khổ đau của anh em” để chạy chữa và tăng công cho anh em (Mat 8,17) và tỏ bày cho anh em biết đường hạnh phúc chỉ tóm gọn trong một lời: “Hãy học cùng tôi mà ở hiền lành và khiêm nhường thật lòng”.
Đó là tinh thần của Đức Kitô. Ai không hiền lành, không là môn đệ Chúa.
Đức hiền lành càng cần thiết hơn nữa cho các vị lãnh đạo cộng đồng dân Chúa. Với các vị, Chúa muốn nhấn mạnh mấy lời của thánh Phaolô:
- “Vị giám sự, theo tư cách là quản gia của Thiên Chúa không được cáu kỉnh giận dữ đánh đập...” (Tit 11,7).
- “Là tôi tớ Chúa thì không được hay gây chuyện... phải hiền từ” (2 Tim 2,24).
- “Phần con, hỡi người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức nhẫn nhục và từ tâm...” (1 Tim 6,11).
Chúa tự giãi bày:
Nhất định đi Giêrusalem, Chúa sai Giacôbê, Gioan đi trước chuẩn bị. Hai ông vào một làng người Samaria, nhưng bị dân làng cản vì các ông lên Giêrusalem. Hai ông nổi nóng:
- “Xin Thầy cho phép chúng con khiến lửa trên trời xuống tiêu diệt bọn chúng” (Lc 9,53).
Chúa Giêsu bình tĩnh đáp:
- “Anh em không biết anh em hành động theo tinh thần nào. Thầy không đến tiêu diệt người tội phạm, song cứu thoát họ... Cũng không sai anh em đi làm việc ấy...” (Lc 9,56).
Xử đối cay nghiệt như anh em thì sẽ làm hư hại họ. Xử đối nhân hiền mới cứu sống họ.
- “Thầy sai anh em đi như con chiên giữa bầy sói. Anh em phải ở hiền lành như con chiên và đơn thật như chim bồ câu” (Mt 10,16).
Chính nhờ đức hiền lành, hoa trái của đức ái, mà Thầy cũng như người ta nhận thật anh em là môn đệ và là tông đồ của Thầy.
- “Ngày ấy nhiều kẻ sẽ đến nói với Thầy: Lạy Ngài, chứ thì không phải nhân danh Ngài chúng tôi đã nói tiên tri, đã xua đuổi ma quỉ và hoàn thành nhiều việc lớn đó sao ?” (Mt 7,22).
Nhưng Thầy trả lời họ: “Ta không hề biết các ngươi: hãy xéo ra khỏi mặt Ta, hỡi phường làm điều gian ác” (Mat 7,23).
Tại sao nhân danh Ta mà không giống Ta ? Không có nhân đức hàng đầu mà Ta thực hiện nơi Ta, để nên gương mẫu cho môn đệ Ta noi theo:
- “Hãy học cùng Ta mà ở hiền lành và khiêm nhường thật lòng”.
Học bài Thầy dạy, còn phải hành xử theo gương Thầy làm.
Phác họa trước về con người của Đấng Thiên Sai, các tiên tri đã không chỉ cho thấy kho tàng thông biết của Ngài, cũng không nói đến uy quyền cao cả do các phép lạ Ngài làm, song chính đức hiền lành được vạch rõ nét hơn cả.
- “Hãy nói với thiếu nữ Sion: Kìa Vua các cô đang đến với các cô, dáng điệu nhu mì Ngài ngự trên lưng lừa...” (Mat 21,5).
- “Ngài như chiên con được đưa đi sát tế trên bàn thờ mà không một lời than van” (Giêr 11,19).
- “Không ai nghe tiếng Ngài la lối ngoài đường. Ngài không bứt bẻ cây lau đã giập, không tắt tim đèn còn leo lắt” (Is 42,1-4).
Thực tế cho ta thấy: sự hiện thực đức hiền lành nơi Đức Kitô vượt xa các hình ảnh trên đây cả ngàn dặm.
Trong đời sống công khai, Ngài đã nhẫn nại chịu đựng biết bao những lỗi lầm, những cộc cằn của các môn đệ, vì hầu hết họ thất học. Ngài không nề hà mệt mỏi giảng dạy họ những điều mà khá vất vả và thời gian lâu họ mới lĩnh hội được.
Đám đông theo Ngài chen lấn và
- “kẻ qua lại quần quật, Ngài phải bận rộn suốt ngày đến nỗi không còn giờ để ăn” (Mac 6,31).
Vậy mà có khi nào Ngài cằn nhằn cau có ?
Ngài đã chịu đựng thế nào với các người biệt phái ?
Họ gài bẫy mưu hại Ngài. Họ chất vấn Ngài bằng những lời lẽ đầy mưu gian chước độc. Khi họ tấn công bản thân Ngài, Ngài xử đối ôn tồn nhã nhặn. Nhưng khi vạn bất đắc dĩ phải lột mặt nạ tính giả hình của họ, vì có nguy hại cho quần chúng, thì một đàng Ngài cẩn thận trân trọng quyền bính nơi họ, nhưng đàng khác Ngài gắt gao lên án những lạm dụng của họ.
Với những người lầm lỗi Ngài rất khoan dung.
Sự khoan dung đi rất xa, đến nỗi đám người nham hiểm đã lợi dụng thành võ khí tấn công Ngài: họ tố cáo Ngài kết thân với phường tội lỗi. Ngài có bác bỏ lời trách móc đó không ? Trái lại Ngài còn xác nhận: tội nhân là đối tượng hàng đầu và chính yếu sứ mạng của Ngài:
- “Tôi đến không để gọi người công chính, song để gọi người tội lỗi” (Mat 9,13).
Chính sự hiền lành cố hữu ấy:
- Đã hối cải được người thiếu phụ Samaria - Đã nắm trọn được gia đình ông Giakêu - Đã hoàn lương cô Maria Madalena - Đã khiến Phêrô oà lên khóc vì tội chối bỏ Thầy...
Nhưng ai hiểu được sự dịu hiền của Chúa đến thế nào trong cuộc khổ nạn:
- Đối với các môn đệ - Đối với Giuđa - Đối với các lý hình
+ Đối với các môn đệ: Trong vườn Cây Dầu, họ chẳng cảm thông tí nào nỗi đau đớn thâm sâu đang dằn vặt tâm can Chúa. Thấy họ thản nhiên ngủ, Ngài nói:
- “Anh em không thức với tôi được một giờ sao ? (Mat 26,40).
+ Với Giuđa, Ngài ôn tồn nhỏ nhẹ:
- “Bạn ơi, bạn đến đây chi vậy ? Bạn hôn tôi làm dấu chỉ bắt nộp tôi sao ?” (Lc 22,48).
+ Cho các hung thủ, ngài cầu nguyện:
- “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
*****
Mỗi trường hợp và cách thức Chúa đối xử trên đây tưởng nên suy niệm sâu rộng hơn nữa, áp dụng vào các tình huống ta gây cho Chúa, giáo dân gây cho ta, hầu cảm nghiệm được lời Chúa dạy là thế, gương lành Chúa làm là vậy, nếu tôi cứ còn nóng giận, bất nhẫn, hành xử cứng cỏi kiêu căng, điệu bộ hống hách, ăn nói kẻ cả... tôi sẽ trả lời Chúa thế nào ? Tôi có chung một tinh thần với Chúa không ? Tôi giống Chúa là khuôn mẫu của tôi ở điểm nào ?
Đức Kitô “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” cho mọi người thì cách riêng Ngài là như vậy đối với tôi.
Nên không đi theo đường ấy, tôi sẽ về đâu ? Sống ngoài sự thật ấy, tôi sẽ thế nào ? Tách rời khỏi sự sống ấy, chỉ có chết bi thảm. Vậy mà biết bao lần tôi đã gây đổ vỡ từng mảng lớn đức hiền lành trong tôi.
Hằng ngày được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Chúa, mà cho đến nay tôi vẫn chưa chia sẻ được phần nào đức hiền lành của Chúa !
Trong thánh lễ, Chúa tỏ ra dịu hiền chừng nào khi ở trên tay tôi, khi ngự vào lòng tôi.
Đón rước Chúa rồi, tôi phải tôn thờ Chúa và ở lặng bao lâu có thể để cảm nghiệm được sự dịu dàng khôn tả Chúa đem đến cho tôi.
Xin Chúa truyền cho sóng gió tâm hồn con yên đi, và lập lại trong con sự tĩnh lặng vượt thắng mọi giao động. Nhờ có tĩnh lặng, con sẽ dễ ở hiền lành nhu mì và nhẫn nhục.
Chức vụ linh mục đòi tôi phải giúp vào việc cứu rỗi các linh hồn bằng mọi phương cách có thể. Phần lớn các phương cách ấy mượn ở đức hiền lành tất cả những gì đưa đến thành công.
Để đem các linh hồn về cho Chúa, cần phải chiếm được sự cảm mến của họ. Muốn chiếm được sự cảm mến của họ thì không gì bằng ở hiền lành.
- “Ai hiền lành sẽ được phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy” (Kinh Bát Phúc).
Cụm từ “đất Đức Chúa Trời” có thể hiểu về lòng người ? Vì lòng người là đất dụng võ riêng của Chúa Thánh Linh. Thánh Ambrosiô nói: “Chiếm được lòng người rồi thì ta muốn gì cũng được”.
Tôn giáo không áp đặt, song thuyết phục.
Đạo không bức bách để hối cải, mà chỉ khuyên nhủ, đợi chờ và tiếp nhận. Qua con đường thấm dần người ta tự đổi mới nên hoàn thiện mới là kết quả tốt.
Chức vụ không sinh hoa trái tốt, nếu không được tín nhiệm. Không được tín nhiệm khi người thừa hành cứng cỏi kiêu căng.
Thánh Vincent de Paul nói:
“Ai cũng vậy, không ai chịu để cho sự gay gắt chua cay khuất phục mình. Một tật xấu không thể sửa đổi được một tật xấu khác”.
Đức Giám mục Bossuet cũng nói:
“Lòng người không chịu điều khiển bởi sức ép của uy quyền, mà bằng sự tế nhị hiền lành”.
Trong việc dìu dắt các linh hồn, sức ép không thu phục được ai, có chăng cũng mong manh, ít bảo đảm trong tương lai, nên cũng không vui... Bởi vì đây ta tìm về cho Chúa những của lễ tự tình tự nguyện, và đào tạo cho Chúa những người con, chứ không phải bầy nô lệ.
Đức hiền lành thường kéo theo ba đức khác rất cần cho việc linh hướng:
Nhẫn nhục để chịu đựng Lòng trắc ẩn để xót thương Lòng khoan dung để điều trị (Francois de Sales).
Trên giảng đài thay vì nói với giọng điệu cha hiền cảm thông với hoàn cảnh con:
- “Anh em hãy hối cải và
trở về Đức Chúa như những người con” (Gr 3,14).
“Anh em hãy ăn năn sám hối… chứ làm sao lại đành để mình phải chết như vậy” (Ed 33,11),
nếu tôi lại chỉ oang oang những lời dằn vật trách móc của người giận dữ, bài giảng ấy hẳn không được tiếp thu. Luật luân lý đã nặng nề, tuân thủ đã khó khăn, nếu tôi lại thêm mật đắng của lời chửi mắng vào nữa thì bài giảng ấy liệu có được lợi ích gì?
Nhất là khi tôi trưng lời Chúa ra mà mắng nhiếc họ. Lúc ấy, tôi sẽ làm phật ý họ, khiến họ chống lại tôi, phản lại lời Chúa. Tôi đẩy xa những người chính ra tôi phải kéo họ về gần với Chúa. Thay vì cảm hóa, tôi đã làm họ chai cứng hơn.
Để khơi động hối nhân thật tình ăn năn thống hối và can đảm bộc lộ cõi lòng, thánh Ambrosiô đã đon đả đón tiếp họ trong tình cha dạt dào yêu thương vui sướng. Phần tôi, tôi thường đón tiếp họ cách lạnh lùng có vẻ khinh khi bài bác. Sự gì sẽ xảy ra ?
Hối nhân sẽ bổi hổi bồi hồi, lòng họ se lại, thiện chí vừa chớm nở đã bị bóp nghẹt, lưỡi họ có thể như bị cột lại vì sợ, mà chỉ có tín nhiệm mới cởi ra được. Rất đáng lo ngại sẽ thêm tội phạm thánh vì giấu tội. Một lo ngại lớn khác nữa là vì bực tức họ bỏ đi mà không biết chừng nào mới trở lại... Hay ít ra người ta chán ngấy một nhiệm tích mang danh Hoà giải do tình Chúa xót thương. Nhưng nếu được đón nhận với lòng hiền từ nhân hậu, họ sẽ tìm đến cách hân hoan tin tưởng.
*****
Ngoài hai nơi nói trên: giảng đài và toà giải tội, tôi còn phải chú tâm giữ vững đức hiền lành nhẫn nhục hơn nữa khi dâng thánh lễ, khi rửa tội trẻ thơ, khi được đón đi ban bí tích sau hết cho bệnh nhân và trong dịp ma chay cưới hỏi.
Khi dâng thánh lễ, tôi đồng tế với Đức Kitô là chủ tế. Ngài dùng miệng tôi dâng lời cầu nguyện, tuyên đọc lời Chúa, đọc lời truyền phép. Ngài nhờ tay tôi để chúc lành, để dâng lễ vật. Nên tôi phải hoà hợp với Ngài trong tâm tình thái độ và hành vi, đến mức như tôi đã đồng hoá với ngài, biến thành Ngài, có thể nói: nhìn tôi, người ta cảm thấy như Đức Kitô hiện diện trong tôi. Hình ảnh cao đẹp thánh thiêng đang cuốn hút mọi người vào với Đức Kitô, nếu gặp điều thất ý, tôi không nhẫn nhục hiền lành được, mà lại quát tháo quăng ném... thì bức ảnh cao đẹp kia tức tốc bị sụp đổ, ngọn lửa sốt mến đang bao bọc mọi người cũng phụt tắt. Ai mà không đau lòng trước cảnh tượng ấy ?
Khi rửa tội trẻ thơ, Đức Kitô dùng tôi biến đổi các em từ con người thường trở nên con Thiên chúa. Trên các em Thiên Chúa Cha cũng phán: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta rất sướng vui vì nó”. Lúc ấy cả triều thần thiên quốc cùng vui. Vậy mà gặp điều thiếu sót, sự ngờ nghệch luộm thuộm cách nào đó, tôi liền cằn nhằn trách móc. Nhất là trường hợp đến trễ, tôi không thông cảm hoàn cảnh xa xôi, thời tiết và phương tiện di chuyển không thuận lợi, mà rán quảng đại hy sinh rửa tội cho em. Năn nỉ tôi cũng không thương, cứ một mực đuổi về trước sự ngỡ ngàng khó hiểu thành ấm ức. Họ đành ngậm ngùi bế con về mà lòng hận tôi không biết chừng nào.
Bệnh là khổ, khổ cho người bệnh, khổ cho thân nhân, nhất là cơn bệnh đến độ nguy tử. Bao nhiêu lo lắng ập đến trên họ. Tuy nhiên, có một mối lo chung người bệnh cũng như thân nhân là lo làm sao cho người bệnh được lãnh các bí tích sau hết để được ơn hộ vực phần hồn cũng như phần xác.
Thuở bình sinh Đức Kitô cũng được người ta mời đến nhà chữa bệnh nhân. Tiêu biểu là truyện thầy đội xin Chúa đến chữa đứa ở của mình bị bại liệt (Mat 8,5).
Truyện ông Giairô mời Chúa về chữa con gái ông, mặc dầu em đã chết, Chúa vẫn đến (Mc 5,39).
Có khi người ta khiêng người bệnh đến đặt trước Chúa.
Độc đáo là truyện Marcô kể: Vì nơi Đức Kitô ở chật ních người… nên thân nhân người bệnh dỡ mái nhà ròng dây thả chõng người bệnh nằm trước Chúa. “Thấy lòng tin của họ, Chúa liền phán lời tha tội và chữa bệnh nhân khỏi chứng bại liệt: anh hãy chỗi dậy vác chõng và đi về” (Mc 2,4...)
Người nhà đau bệnh được Chúa thương như thế, người nhà ly trần còn được Chúa thương đến đâu. Việc Chúa phục sinh một thiếu niên đã chết, con bà goá thành Naim, ngay trên đường khiêng đi chôn, là một câu chuyện điển hình (Lc 7,11-15).
Về việc cưới hỏi, Phúc âm chỉ kể có một lần về đám cưới tại Cana xứ Galilêa. Chúa, Mẹ ngài và các môn đệ đều có mặt. Nửa tiệc, nhà đám hết rượu. Thấy người ta xôn xao cuống quít, Đức Mẹ báo cho Chúa, và Ngài đã làm phép lạ hoá sáu lu nước lã thành rượu ngon. Nhà đám sung sướng và tiệc cưới được tiếp tục trong tiếng cười vang vang.
Như vậy chúng ta thấy rõ, sống giữa người ta, gặp ai đau khổ vì bệnh hoạn tật nguyền Chúa chữa lành. Gặp cảnh tang tóc, Chúa cảm thông và lau sạch nước mắt. Gặp dịp liên hoan, Chúa giúp cho cuộc vui ấy được trọn vẹn.
Làm linh mục, bỏ gia đình huyết tộc, tôi được sai đi đảm trách một giáo xứ, tất nhiên tôi là thành phần của đại gia đình giáo xứ ấy. Tất cả dân xứ là cha mẹ, là anh chị em của tôi. Vui buồn của họ là vui buồn của tôi. “Tôi khóc khi họ khóc, tôi vui khi họ vui” (Rom 12,15) để buồn của họ được xoa dịu, vui của họ được tròn đầy.
Nhưng khi kiểm điểm lại, phải nhận là tôi đã đi ngược dòng. Họ khổ, tôi đã làm khổ thêm vì những tục lệ khe khắt, vì những bất nhẫn kiêu căng, vì những ích kỷ hẹp hòi, hoặc vì những đòi hỏi quá đáng... Cũng bởi những “Vì” ấy, có lần tôi đã giam hãm niềm vui của họ trong nước mắt nghẹn ngào, tuy âm thầm nhưng cũng đầy đắng cay chua xót...
Chúa ơi, có thể như vậy được sao ? Nếu không làm linh mục, với địa vị xã hội và hoàn cảnh vật chất của gia đình con, hẳn là con chẳng được trọng nể quí mến, chẳng có được nhà ở khang trang rộng rãi, chẳng có được lương thực thừa đủ mỗi ngày, mà không phải lam lũ chân lấm tay bùn, mồ hôi lã chã...
Được ưu đãi như vậy chỉ vì là linh mục, lẽ ra con phải hết mình phục vụ giáo dân cho gánh đời của họ nên nhẹ nhàng, ách bổn phận của họ nên êm ái. Sự hiện diện của con giữa họ là niềm vui phấn khích họ, chứ không là tai ương khiến họ ngao ngán sợ sệt, để rồi con bị họ liệt vào hạng người “đến đâu dân sầu đến đấy”.
Tất cả chỉ vì con không hiền lành và khiêm nhường cho đủ.
Lạy Chúa, xin lượng tình tha thứ và ban ơn cải hoá con nên giống Trái Tim Chúa, khiêm nhường thẳm sâu, đầy lòng từ bi và hay thương xót.
------------------------------------------------- Thành khẩn
Các bài viết của
- Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ,
- Cha Giuse ThânVăn Tường và
- Cha Gioakim Mai Xuân Triết
Thời trước, được in RONÉO rải rác trong các tập TĨNH TÂM hàng tháng,
hoặc những cuốn sách Đạo đức, Tu đức, in Ronéo.
Nay kẻ hèn này muốn sưu tầm lại, để lưu giữ trên trang https://linhmucmen.com/
hầu có thể giúp ích cho những thế hệ mai sau lâu dài, kẻo mai một đi thì tiếc lắm.
Vậy, những ai còn giữ những cuốn Tĩnh Tâm đó, hoặc những sách đó,
có bài viết của - Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ
- Đức Cha GB. Bùi Tuần - Cha Giuse ThânVăn Tường và - Cha Gioakim Mai Xuân Triết
Xin giúp đánh máy lại, hoặc Photo, rồi gởi cho con (con sẽ đánh máy), theo địa chỉ:
- Email: mennguyen296@gmail.com Hết lòng cám ơn. Lm.Nguyễn Văn Mễn -------------------------------------------