Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày - Thứ 4 sau lễ Hiển Linh

Thứ sáu - 10/01/2025 05:01
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày - Thứ 4 sau lễ Hiển Linh
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày - Thứ 4 sau lễ Hiển Linh
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày - Thứ 4 sau lễ Hiển Linh
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/ 

----------------------------------
Mục Lục:

LỜI CHÚA: Mc 6, 45-52. 1
Suy Niệm 1: Đến với các ông. 1
Suy Niệm 2: Quyền năng và tình yêu. 3
Suy Niệm 3: Chúa Giêsu đi trên mặt nước. 4
Suy Niệm 4: Có Chúa là có bình an. 5
Suy Niệm 5: Thầy đây, đừng sợ. 6
Suy Niệm 6: Chúa Giêsu là Môsê mới 7
Suy Niệm 7: Đức Giêsu đi trên biển. 9
Suy Niệm 8: Đừng sợ! 11
Suy Niệm 9: Các môn đệ thấy Chúa đi trên mặt biển. 13
Suy Niệm 10: Đấng cả hoàn cầu tin kính. 14

---------------------------------

Thứ Tư sau lễ Hiển Linh. – "Họ thấy Người đi trên mặt biển".

 

LỜI CHÚA: Mc 6, 45-52


 (Khi năm ngàn người đã được ăn no), Chúa Giêsu liền giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước mà đến Bếtsai-đa, đang khi Người giải tán dân chúng.
Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện.
Chiều đến, thuyền đã ra giữa biển, còn Người thì một mình ở trên đất.
Khoảng canh tư đêm tối, Người thấy họ khó nhọc chèo chống vì ngược gió, Người đi trên mặt biển mà đến với họ, và Người muốn vượt qua trước họ. Họ thấy Người đi trên mặt biển, thì tưởng là ma, nên la hoảng lên. Vì ai nấy đều thấy Người và hoảng hốt, nên Người liền lên tiếng bảo họ rằng: "Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ". Rồi Người lên thuyền họ, và gió im lặng. Tâm hồn họ lại càng sửng sốt hơn, vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh: lòng họ còn mù tối.

---------------------------------

 

Suy Niệm 1: Đến với các ông


(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Bài Tin Mừng hôm qua cho thấy Đức Giêsu tỏ mình cho dân chúng
như một người mục tử lo cho nhu cầu vật chất và tinh thần của đoàn chiên.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tỏ mình cho riêng các môn đệ.
Ngài xuất hiện như người có uy quyền trên biển cả và cuồng phong.
Sau phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giêsu trả lại sự lặng lẽ cho vùng hoang địa.
Ngài bắt buộc các môn đệ lên thuyền sang bờ bên kia trước,
Còn Ngài thì đi giải tán đám đông cuồng nhiệt muốn tôn Ngài làm vua.
Hãy lắng nghe sự tĩnh lặng của nơi hoang vu này, của núi và đất.
Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, sẵn sàng bước vào cuộc trò chuyện với Cha.
Hãy cảm được sự lắng xuống của tâm hồn Ngài, sau một thành công vang dội.
Đức Giêsu chìm sâu trong cầu nguyện với Cha,
nhưng Ngài vẫn biết điều gì đang xảy ra cho môn đệ.
Ngài đang ở trên mặt đất vững vàng,
còn họ phải lênh đênh giữa biển, vất vả chèo chống vì gió ngược.
Hãy chiêm ngắm cách tỏ mình đặc biệt của Đức Giêsu cho các môn đệ.
Ngài “đến với các ông” vào lúc trời gần sáng, lúc chưa thấy rõ mặt người.
Ngài đến khi các môn đệ đã qua một đêm mệt mỏi, vắng Thầy.
Ngài đến một cách khác thường bằng cách đi trên mặt nước biển
Ngài đến khiến các ông nhìn thấy tưởng là ma, hoảng hốt la lên.
Ngài đến đem lại bình an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”
Ngài bước vào con thuyền của các ông, và trời lặng gió.
Chúng ta cần làm quen với những kiểu tỏ mình khác thường của Chúa.
Ngài đến với ta vào lúc không ngờ, dưới những dáng dấp kỳ lạ.
Chúng ta phải có khả năng nhận ra khuôn mặt Ngài trong bóng tối lờ mờ,
giữa những thất bại, nhọc nhằn, giữa những cô đơn, sợ hãi.
Ngài đến đem bình an mà ta tưởng là yêu ma.
Biết bao lần ta gặp gió ngược trong đời,
nỗ lực nhiều nhưng tiến tới chẳng bao nhiêu.
Nhưng kinh nghiệm một mình với gió ngược mà không có Thầy ở bên
cũng là một kinh nghiệm đáng quý.
 
Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa
ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ.
Chúa hiện diện lặng lẽ
như tấm bánh nơi nhà Tạm,
nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,
những người sống không ra người.
Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục,
nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người
gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa.
Chúa hiện diện nơi Giáo Hội
gồm những con người yếu đuối, bất toàn,
và Chúa cũng ở rất sâu
trong lòng từng Kitô hữu.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa
đang tạo dựng cả vũ trụ
và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người
vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra
Chúa đang hẹn gặp con
nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa
trên bước đường đời của con. Amen.
 
---------------------------------

 

Suy Niệm 2: Quyền năng và tình yêu


(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giêsu làm liền một mạch 3 phép lạ: hóa bánh ra nhiều, đi trên mặt biển và truyền cho biển yên sóng lặng. Như thuở ban sơ, Lời Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ. Hôm nay Lời Chúa biến đổi vật chất. Cho thấy Chúa hoàn toàn làm chủ vũ trụ. Và đặc biệt chế ngự được biển khơi vốn bị coi là một lực lượng sự dữ hung hãn sẵn sàng nuốt chửng con người.

Thế nhưng các tông đồ sợ hãi, bàng hoàng sửng sốt vì tâm hồn các ông còn chai đá. Tại sao? Vì các ông không hiểu. Thực sự ai đối diện với quyền năng mà không sợ hãi. Vì mọi quyền năng thường đè bẹp, nghiền nát chúng ta. Nhưng Thiên Chúa thì khác. Chúa dùng quyền năng để quan tâm, yêu thương và chăm sóc. Chúa hóa bánh ra nhiều vì cảm thương dân chúng đói khát. Chúa dẹp yên sóng gió vì lo cho các tông đồ vất vả. Thánh Marcô thuật lại: “Người thấy các ông vất vả chèo chống, nên Người đi trên mặt biển mà đến với các ông”. Tất cả chỉ vì yêu thương. Nhưng lòng các tông đồ chai đá chưa hiểu và đón nhận yêu thương. Nên các ông sợ hãi.

Thánh Gioan trong thư thứ nhất cho biết Thiên Chúa là Tình Yêu. Nhưng tình yêu phải có hai chiều: cho đi và nhận lãnh. Vì thế tình yêu chỉ hoàn hảo ở hai dấu chỉ. Ta yêu thương nhau và không còn sợ hãi. Ta yêu thương nhau đó là dấu chỉ ta đón nhận tình yêu và phát triển tình yêu. Đón nhận từ Chúa và cho đi sang anh em. Ta không còn sợ hãi đó là dấu chỉ ta ở trong tình yêu của Chúa. Giống như đứa trẻ nằm trong tay mẹ hiền. Chẳng còn sợ hãi gì. Dù giông tố bão táp. Dù phán xét.

Thế giới hôm nay tràn đầy sợ hãi vì thừa quyền lực mà thiếu tình yêu. Quyền lực chính trị để trấn áp. Quyền lực kinh tế để bóc lột. Quyền lực khoa học để khai thác. Vì thế người nghèo nơm nớp lo sợ. Đặc biệt trong những chế độ độc tài toàn trị, nỗi sợ hãi tràn lan và kéo dài. Không chỉ người nghèo mà ngay cả người giầu cũng lo sợ. Người có quyền lực càng lo sợ hơn. Vì thế giới cạnh tranh.

Thiên Chúa tỏ mình ra là quyền năng yêu thương. Đó là niềm hi vọng cho một thế giới mới. Đó chính là ánh sáng Hiển Linh. Chúng ta hãy cộng tác với Chúa xây dựng thế giới mới. Chiếu ánh sáng Hiển Linh khắp chân trời góc biển. Bằng dùng quyền lực để phục vụ. Dùng quyền năng để quan tâm. Dùng quyền thế để yêu thương. Dùng quyền lợi để chia sẻ.

Khi ta thực hành yêu thương, Thiên Chúa ở với chúng ta. Chúng ta không còn sợ hãi. Thế giới trở nên vui tươi, hạnh phúc.

---------------------------------

 

Suy Niệm 3: Chúa Giêsu đi trên mặt nước.


Ivan, một văn sĩ Nga sống vào thế kỷ 19 đã kể lại giấc mơ của mình như sau:

Tôi mơ thấy là một cậu bé đứng trước cung thánh của ngôi nhà thờ bằng gỗ. Ánh nến lung linh toả chiếu khi mờ khi tỏ bên nhà tạm. Thình lình có  một người đứng cạnh tôi, tôi có cảm giác đó là Chúa Kitô. Cảm xúc tò mò xâm chiếm tâm hồn tôi, tôi nhìn sang và nhận thấy một khuôn mặt giống như mọi khuôn mặt.

Giấc mơ của Ivan trên đây mang nhiều ý nghĩa: Đức Kitô đến với chúng ta trong dáng vẻ của một con người, và tâm hồn chúng ta sẽ được bình an khi biết đón nhận Ngài trong cuộc sống, nhất là nhận ra Ngài trong mỗi người  anh em.

Bài Tin mừng hôm nay ghi lại kinh nghiệm của các môn đệ về Chúa Giêsu. Qua việc đi trên mặt nước, Chúa muốn chứng tỏ rằng Ngài có đủ quyền năng để chiến thắng sức mạnh của tối tăm, đồng thời mời gọi các môn đệ tuyên xưng thần tính của Ngài, tuyên xưng thần tính của Chúa Giêsu không chỉ là gặp gỡ Ngài qua các Bí tích, mà còn là nhận ra Ngài nơi mỗi người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày.

“Cứ an tâm, Thầy đây đừng sợ”. Ước gì lời Chúa trở thành một bảo đảm bình an cho tâm hồn chúng ta trong từng giây phút cuộc sống, nhất là trong mối tương quan với tha nhân.

---------------------------------

 

Suy Niệm 4: Có Chúa là có bình an


Nếu ai đã từng đi biển hay sống trên những hòn đảo giữa khơi thì thấy rõ sự nguy hiểm mỗi khi cuồng phong nổi lên! Thật kinh hoàng khi chập trùng giữa đại dương mà sóng cồn gào thét như muốn vùi dập con tàu của thuyền nhân! Những lúc như thế, hẳn ai ai cũng hoảng sợ, họ chỉ còn biết cậy dựa vào ơn lạ tình thương của Thượng Đế mà thôi, bởi lẽ, sức tự nhiên kể như là cát bụi, không xá gì với những tai ương mà con người đang phải đối chọi.

Hôm nay, sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng, họ đã muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua, nhưng điều này đã đi ngược lại với sứ vụ của Đấng Thiên Sai, nên Ngài đã truyền lệnh cho các môn đệ phải đi sang bờ bên kia, trong lúc ấy, Đức Giêsu đi cầu nguyện để gặp gỡ Thiên Chúa Cha.

Nhưng trong đêm tối, thuyền các ông đã xa bờ và gặp phải cơn cuồng phong dữ dội, khiến các ông vất vả, loay hoay chống chọi vì ngược gió. Canh tư đêm tối, Đức Giêsu đã hiện đến đi trước họ, khiến họ hốt hoảng và la hét vì ngỡ là ma! Đức Giêsu đã trấn an các ông khi nói: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”, rồi sau đó, Ngài đã vào thuyền cùng các ông, lập tức sóng yên biển lặng, khiến các tông đồ không khỏi ngạc nhiên!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học:

Thứ nhất, hình ảnh con thuyền gặp sóng to gió lớn là hình ảnh con thuyền của Giáo Hội trên đại dương mênh mông của cuộc đời. Con thuyền ấy đang bị kẻ thù tấn công tứ phía. Nhưng dù có khó khăn, thử thách, dù kẻ thù có tìm cách tấn công tư bề, thì con thuyền ấy nếu có Chúa, chắc chắn mọi sự hiểm nguy phải lắng xuống và nhường chỗ cho sự bình an ngự trị.

Thứ hai, nhắc cho chúng ta rằng: cuộc đời tâm linh của chúng ta nhiều khi cũng gặp phải thử thách, cám dỗ của Ma Quỷ, nhưng những lúc đau khổ, thất bại và chơi vơi nhất, nếu chúng ta biết cậy dựa vào Chúa, thì Ngài luôn có mặt để nâng đỡ, giải thoát chúng ta khỏi mọi nỗi hiểm nguy.

Lạy Chúa Giêsu, biển đời của chúng con luôn gặp phải những thử thách, hiểm nguy tư bề, xin Chúa ban cho chúng con biết cậy dựa vào quyền năng của Chúa và luôn bám vào tình thương của Ngài. Xin cho chúng con được bình an và vững tin. Amen.

Ngọc Biển SSP

---------------------------------

 

Suy Niệm 5: Thầy đây, đừng sợ


(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Giữa biển đời sóng gió, Chúa Giêsu vẫn hiện diện bên ta dù ta không thấy. Sự hoài nghi làm ta sợ hãi và chìm xuống biển sâu. Còn lòng tin sẽ giúp ta nhận ra Chúa và bước đi trong bình an.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chẳng bao giờ Chúa bỏ các tông đồ một mình trong sóng gió. Chúa luôn có mặt chính lúc các ngài đang gặp thử thách. Chúa đến củng cố niềm tin các ngài: “Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ”.

Lạy Chúa, hôm nay con nhớ đến Giáo hội đang gặp những cơn sóng gió, những khủng hoảng, đang phải đương đầu với nhiều thế lực, những quyền bính, những phong trào: tất cả như những đợt sóng vùng lên đòi nhận chìm chân lý.

Con cũng nhớ đến những khủng hoảng của loài người trong xã hội hôm nay: khủng hoảng của gia đình và của chính bản thân con. Con đang bị vật nhào giữa biển đời đầy bất công, hận thù, con đang quay cuồng trong dòng sông gian nan vất vả, và linh hồn con đang thoi thóp giữa cơn sóng gào tội lỗi.

Con cầu nguyện cho những người đang gặp khủng hoảng về niềm tin. Xin Chúa giúp họ vượt thoát được những ngày đen tối của cuộc đời. Đặc biệt, đối với những kẻ đang chao đảo vì cuộc sống hôm nay, xin Chúa đoái thương giúp họ luôn vững tin vào Chúa và gặp được sự bình an trong tâm hồn.

Lạy Chúa, con vẫn tin tưởng Chúa không bao giờ bỏ rơi con. Xin Chúa đến nâng đỡ để con đi trọn hành trình trần gian trong bình an của Chúa. Xin an ủi và giúp con vượt qua những đau khổ. Xin cho con nhận ra Chúa vẫn ở bên con và cho con biết tin tưởng vào tình Chúa yêu thương. Lạy Chúa, niềm tin vào Chúa sẽ là sức mạnh và bình an cho con luôn mãi. Amen.

Ghi nhớ: “Họ thấy Người đi trên mặt biển”.

---------------------------------

 

Suy Niệm 6: Chúa Giêsu là Môsê mới


(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống ...)

- Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu “liền giục các môn đệ xuống thuyền” đi nơi khác. Chi tiết này có nhiều ý nghĩa:

a/ Còn phải truyền bá Phúc Âm cho nhiều nơi khác nữa;

b/ Việc các môn đệ ở lại nơi đã xảy ra phép lạ hóa bánh ra nhiều có thể là một nguy hiểm, vì nó trói buộc các ông trong sự quyến luyến những lời khen ngợi và tình cảm biết ơn của những người đã được ăn bánh.

- Phần Chúa Giêsu thì “Ngài lên núi cầu nguyện”: sau một giai đoạn hoạt động ồn ào và mệt mỏi, Chúa thấy cần phải cầu nguyện để múc thêm sức mạnh siêu nhiên.

- Phần tiếp theo là câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt nước. Đây cũng là một phép lạ nữa mà ý nghĩa có liên hệ tới ý nghĩa phép lạ hóa bánh ra nhiều (x. Mc 6,52 - cho thấy sự liên hệ đó: các môn đệ bàng hoàng trước việc Chúa Giêsu đi trên mặt biển “vì họ chưa hiểu gì về vấn đề bánh”). Ý nghĩa của việc này là: Chúa Giêsu là Môsê mới. Ngày xưa Môsê đã cho dân Do Thái ăn manna, Chúa Giêsu cũng vừa làm như vậy; ngày xưa Môsê đưa dân Do Thái qua Biển mà vẫn khô chân, bây giờ Chúa Giêsu đi trên mặt biển một cách an toàn.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Sứ mạng của các môn đệ là truyền bá Phúc Âm khắp nơi. Bởi đó mặc dù sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng quyến luyến mến phục các môn đệ, Chúa cũng “bắt” họ “lập tức” rời nơi đó để đi đến các nơi khác. Nếu tình cảm nhân loại tự nhiên mà cản trở sứ mạng của chúng ta, thì dù nó có chính đáng đi nữa, ta cũng không nên quá quyến luyến để nó trở thành bận vướng.

2. Cuộc hành trình của các môn đệ (và của chúng ta) đôi khi khó khăn nguy hiểm như đang đi trong bão táp. Cảm giác tự nhiên là hoảng sợ như đang gặp ma. Nhưng nếu biết có Chúa đang đồng hành thì ta sẽ yên tâm: “Chính Thầy đây, đừng sợ”.

3. Bão táp diễn ra khi các môn đệ đi thuyền qua “bờ bên kia”, tức là qua vùng đất của dân ngoại. Cơn bão này tượng trưng cho những khó khăn nguy hiểm trong việc truyền bá Phúc Âm cho dân ngoại. Nỗi sợ của các môn đệ cũng là nỗi e ngại sợ sệt của các nhà truyền giáo khi đứng trước vùng đất lạ của lương dân. Lời Chúa Giêsu trấn an các môn đệ xưa cũng là Lời Ngài trấn an chúng ta ngày nay: “Chính Thầy đây, đừng sợ”.

4. Một người hành hương gặp bệnh dịch đang vào Baghdad. Anh hỏi bệnh dịch: “Mi định làm gì ở đó?”

- Tôi sẽ giết 5000 người.

Người hành hương rùng mình và thay đổi dự định. Tuy nhiên, ít lâu sau anh gặp một người từ trong thành phố bị nạn dịch đó và được biết không phải 5.000 nhưng là 50.000 người chết.

Liền sau đó anh lại gặp bệnh dịch đang đi tới một thành phố khác. Ông buộc tội: “Anh nói láo. Anh nói sẽ chỉ giết 5.000 người thôi mà”.

Bệnh dịch giải thích cách vui vẻ: “Tôi chỉ giết có 5.000 người. Số còn lại chết vì hoảng sợ” (Góp nhặt).

Nỗi sợ gây thiệt hại nhiều hơn những hiểm nguy có thực.

5. “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ. ” (x. Mc 6,50)

Tôi thường tan học và trở về nhà vào khoảng 9 giờ tối. Tối nay trời mưa gió. Bất chợt tôi nghe có tiếng một người đàn ông bên cạnh: “Đi chậm lại. Ướt hết rồi!”. Tôi sợ hãi và càng đạp xe nhanh hơn. Về đến nhà tôi mới biết người ấy chính là đứa em trai của tôi. Tôi rất cảm động trước sự quan tâm của nó.

Các tông đồ cũng đã trải qua một phen bàng hoàng sửng sốt trước khi nhận ra Chúa đã đến cứu giúp mình khi hoạn nạn. Những lúc thất bại hay khổ đau, dường như tôi không thấy Chúa đâu cả. Nhưng thực sự Ngài vẫn ở bên tôi, và khi cần, Ngài sẵn sàng ra tay trợ giúp.

Lạy Chúa, xin cho con luôn nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống. Và khi gặp thử thách gian truân, xin cho con nghe được tiếng Chúa khích lệ “Hãy yên trí, chính Thầy đây, đừng sợ!”. (Epphata)

 ---------------------------------

 

Suy Niệm 7: Đức Giêsu đi trên biển


(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1 Với phép lạ hóa bánh ra nhiều, 5000 người đã ăn no nê. Thấy vậy họ muốn tôn Chúa làm vua, nên Chúa bảo các môn đệ xuống thuyền lánh đi trước, còn Người ở lại giải tán dân chúng và lên núi cầu nguyện.

Đang khi Người cầu nguyện, thuyền các môn đệ bị sóng gió đánh tạt ra giữa biển... Mãi đến canh tư (3 giờ sáng), Người nhìn thấy các môn đệ chèo chống vất vả nên đi trên mặt nước đến với các ông. Các ông thấy bóng Người thì tưởng là ma nên kêu la inh ỏi. Người liền lên tiếng bảo: “Thầy đây, đừng sợ” !  Rồi Người lên thuyền, sóng gió liền yên lặng. Còn các môn đệ vẫn kinh khiếp sợ hãi vì các ông chưa tin Người là Thiên Chúa.

2. Trong cuộc sống ai cũng muốn cho mình có một đời sống an toàn, được bảo đảm, không gặp những thử thách, những trở ngại làm cho mình phải lo sợ. Đấy là ước vọng chúng của mọi người. Nhưng trong thực tế, không ai có cuộc đời tươi đẹp như thế, bao lâu còn ở trên trần thế này. Cuộc đời không thiếu gì chông gai, không thiếu gì những gian nan thử thách làm cho nhiều người có thể vươn lên và có thể làm cho nhiều người tụt xuống.

Cuộc đời giống như con thuyền trên biển cả. Cuồng phong chỉ muốn nhấn chìm, chỉ muốn tiêu diệt tất cả trong lòng biển, cho nên cuồng phong là biểu tượng cho tất cả những gì ngăn cản con người tiến bước trong hành trình đức tin. Các môn đệ phải nỗ lực để băng qua biển, chống chọi lại cuồng phong là biểu tượng của mỗi người chúng ta đương đầu với mọi thế lực muốn tiêu diệt chúng ta.

3. Nhưng sau cơn mưa thì trời lại sáng, hành trình vượt biển đầy sóng gió kết thúc trong yên tĩnh vì “gió lặng” sau khi “chiếc thuyền bị sóng đánh vì gió ngược”. Chiếc thuyền cũng là hình ảnh một Hội thánh nói chung  đang bập bềnh trên sóng nước của trần gian và của mọi người chúng ta  trước những gian nan khốn khó của cuộc đời làm ta yếu tin, nghi ngờ.

Vị Thầy của các ông không có mặt ở trong thuyền, các ông chờ đợi Ngài sẽ xuất hiện vào lúc đêm tàn. Người đã trấn an các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”. Cảnh thanh bình tràn ngập trong sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô “Thiên Chúa ở với chúng ta trong thuyền, thực sự hiện diện trong cộng đoàn đức tin khi làm cho con thuyền Giáo hội vượt qua cơn bão tố” (NIB vol. VIII:30).

4. Trong cơn gian nan thử thách ta hay thất bại, nản lòng vì chỉ tin vào sức mình hay vào người khác. Để vượt qua những khó khăn ấy, Chúa đòi chúng ta phải có lòng tin vào Chúa.

Nhìn lại những thăng trầm của cuộc đời, mỗi khi chúng ta được sống trong bầu khí an vui, được hài lòng với mọi sở nguyện, chúng ta sẽ dễ dàng xác tín và cảm nhận mạnh mẽ sự quan phòng của Chúa. Thế nhưng khi gặp phải những gian nan thử thách, những điều bất ưng, những nghịch cảnh – như các môn đệ xưa ở giữa sóng gíó – chúng ta dễ dàng hoang mang lo sợ và không nhận ra Ngài. Bởi lẽ chúng ta đã quá lo lắng về cuộc sống và chỉ biết tự lo liệu lấy một mình. Nhưng “Phúc thay ai bước đi không phải nhờ cái nhìn, mà nhờ sự phó thác của niềm tin” (Sư huynh Roger). Quả thật, lòng tin của chúng ta đã nhiều lúc yêu ớt, mong manh – một khi chúng ta không biết tin thác vào Chúa Kitô để có sự bình an, không còn chia sẻ con đường thập giá như một phương tiện để hưởng nhờ vinh quang với Ngài (Mai Chi, Cg và DT, số Giáng sinh 95, tr 228).

5. Có một sự kiện đơn giản ở đời, một sự kiện đã được vô số người thuộc mọi thế hệ cảm nghiệm, ấy là khi có mặt Chúa Giêsu, thì bão tố trở thành yên lặng, náo loạn trỏ thành bình an, việc bất khả trở thành khả hữu, việc không tài nào chịu đựng nổi biến thành có thể chịu đựng được, và người ta vượt điều đáng lẽ phải ngã quỵ mà không bị ngã xuống, có Chúa Giêsu cùng đi với chúng ta, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ chinh phục được cả bão tố.

Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tĩnh trước mọi thử thách. Một bà khác ở xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hy vọng học được bí quyết đẻ sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi:

- Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao?

- Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin nhỏ bé đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.

6. Truyện: Hãy nhìn lên.

Vào lúc mới có thuyền buồm, một cậu bé nọ xin đi biển để học làm thủy thủ. Một hôm biển có bão, người ta bảo cậu leo lên trên cột buồm. Leo được nửa phần đầu thì dễ dàng vì cậu cứ đưa mắt gắn chặt vào bầu trời. Nhưng đến lưng chừng chóng mặt và sắp sửa ngã xuống.

Thấy thế, một thủy thủ già  la to lên với cậu: “Này nhóc, ngước nhìn lên lại bầu trời đi ! Nhìn lên lại bầu trời đi”! Cậu bé nghe theo lời chỉ dẫn và cuối cùng đã leo lên được an toàn.

Lỗi lầm của cậu bé là đã rời mắt khỏi đích nhắm của mình và đã nhìn xuống mặt biển, không biết nhìn lên. Cũng thế, trong đời sống thiêng liêng nếu ta chưa cảm nghiệm được sự bình an thì chắc hẳn là vì chúng ta rời khỏi mắt đi xa Chúa Giêsu.

---------------------------------

 

Suy Niệm 8: Đừng sợ!


(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Sứ mạng của các môn đệ là loan Tin Mừng khắp nơi. Bởi đó sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, mặc dù dân chúng có quyến luyến, mến phục các môn đệ, Chúa cũng “bắt” họ “lập tức” phải rời nơi đó để đi đến các nơi khác. Vâng! Nếu tình cảm nhân loại tự nhiên mà cản trở sứ mạng của chúng ta, thì dù nó có chính đáng đi nữa, ta cũng không nên quá quyến luyến để nó trở thành bận vướng.

Cuộc hành trình của các môn đệ (và cả của chúng ta) đôi khi cũng có những khó khăn nguy hiểm như đang đi trong bão táp. Cảm giác tự nhiên là chúng ta hoảng sợ. Sợ hãi như vậy không phải là một điều khó hiểu. Khi con người cảm thấy mình bất lực trước một biến cố hay một thách đố nào đó mà tự mình khó có thể đương đầu nổi hay khó có thể vượt qua thì tự nhiên là họ cảm thấy sợ. Nếu chỉ là một sự sợ hãi chóng qua thì chẳng có điều gì phải nói. Nhưng nếu cứ phải sống mãi trong sự sợ hãi triền miên, hay sự sợ hãi lên đến mức quá độ, thì chắc chắn cuộc sống con người sẽ bị ảnh hưởng.

Trong kho tàng những câu chuyện dạy đời, người ta đọc được câu chuyện này:

Một người hành hương đang định vào Baghdad thì gặp bệnh dịch ở dọc đường. Bệnh dịch cũng đang trên đường đi vào đó. Thấy thế người khách hành hương hỏi bệnh dịch:

- Mi định làm gì ở đó?
- Tôi sẽ giết 5.000 người.

Người hành hương rùng mình và ngay lập tức anh thay đổi dự định và đi về hướng khác. Tuy nhiên, ít lâu sau anh gặp một người từ trong thành phố bị nạn dịch đó đi ra và được biết không phải 5.000 nhưng là 50.000 người đã chết.

Liền sau đó anh lại gặp bệnh dịch đang đi tới một thành phố khác. Bằng một giọng thật nghiêm khắc anh buộc tội bệnh dịch:

- Mi nói láo. Mi nói chỉ giết 5.000 người, vậy mà thực tế lại quá khác!

Bệnh dịch giải thích cách vui vẻ:

- Tôi chỉ giết có 5.000 người. Số còn lại chết vì hoảng sợ” (Góp nhặt).

Vâng! Có những nỗi sợ gây thiệt hại nhiều hơn cả những hiểm nguy có thực.

2. Chúa nói với các môn đệ của Ngài: “Cứ bình tĩnh. Thầy đây! Đừng sợ!” (Mc 6,50) Trong toàn bộ Kinh Thánh người ta đếm được tới 365 lần Chúa nói: “Đừng sợ” như thế. 365 lần tương đương với 365 ngày trong một năm.

Khi chú giải về đoạn Tin Mừng này thánh Augustinô đã viết: “Ngài đạp sóng tiến đến và như thế Ngài đã giày đạp dưới chân mình mọi xô bồ náo loạn của đời này. Vậy hỡi Kitô hữu, tại sao các bạn vẫn còn sợ hãi?”.

Xin gửi đến anh chị em một câu chuyện có thực được kể ở trong cuốn “Bưng biền của Thiên Chúa” của Cha George.

Trong một tu viện đang bị quân đội Xô Viết chiếm đóng, một hôm viên sĩ quan Xô Viết vào tận căn phòng mà họ giam cha tu viện trưởng ở trong đó và nói:

- Hiện giờ chỉ có hai chúng ta, không một ai chứng kiến, vậy ông hãy nói sự thật, đừng sợ gì cả! Hãy nói cho tôi biết là ông không còn tin vào tất cả những chuyện Chúa bà, tôn giáo mà trước đây ông tuyên xưng!

Vị Tu viện trưởng trả lời:

- Không! Tôi vẫn tin chứ!

Viên sĩ quan liền rút súng lục ra, dí thẳng vào thái dương cha và nói:

- Nếu ông không nói là ông chẳng tin gì nữa... thì tôi sẽ bắn!

Và một lần nữa cha tu viện trưởng lập lại lời tuyên xưng của mình. Và ngay sau đó khẩu súng được từ từ hạ xuống rồi viên sĩ quan ôm lấy cha tu viện trưởng vừa rưng rưng nước mắt vừa vui sướng kêu lên: “Đây là điều mà tôi trông đợi từ lâu. Đây chính là người mà tôi tìm kiếm. Tôi cũng vậy, bây giờ tôi tin vào Chúa Kitô”.

Vâng! Có một sự kiện đơn giản ở đời, một sự kiện đã được vô số người thuộc mọi thế hệ cảm nghiệm, ấy là khi có mặt Chúa Giêsu, thì bão tố trở thành yên lặng, náo loạn trở nên bình an, việc bất khả trở thành khả hữu, việc không tài nào chịu đựng nổi biến thành có thể chịu đựng được, và người ta vượt được điều đáng lẽ phải ngã quỵ mà không bị ngã xuống, có Chúa Cứu Thế Giêsu cùng đi với chúng ta, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ chinh phục được cả bão tố.

Lạy Chúa phục sinh,
vì Chúa đã phục sinh
nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con được tự do bay cao,
không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,
sợ thất bại, sợ khổ đau,
sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con hiểu cái liều của người Kitô hữu
là cái liều chín chắn và có cơ sở.
Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.
Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.
Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Ðạo.
Xin sự Phục Sinh của Chúa
giúp con dám sống tận tình hơn
với Chúa và với mọi người.
Và con hiểu mình chẳng mất gì,
nhưng lại được tất cả. Amen.

---------------------------------

 

Suy Niệm 9: Các môn đệ thấy Chúa đi trên mặt biển


(Lm. Micae Võ Thành Nhân)

Các tông đồ rất sửng sốt khi Chúa hiện ra đi trên mặt biển đến với các ngài và rồi khi Chúa lên thuyền của các ngài thì gió biển im lặng, mặc dù trước đó các ngài rất vả khó nhọc chèo chống con thuyền vì gió ngược chiều quá lớn. Khi Chúa ở trên thuyền với các ngài, các ngài cảm thấy bình an, không còn sợ sóng to gió lớn, không còn tưởng Chúa là ma nữa.

Khi không có Chúa ở với các ngài, lúc mà gặp gian nguy, các ngài rất hoảng sợ. Sợ đến nỗi không còn bình tĩnh nữa để mà nhận định những gì đang xảy ra chung quanh các ngài. Chúa đang đi đến với các ngài trên mặtbiển mà các ngài cứ tưởng là ma và còn hét toáng lên giữa đêm khuya tối tăm mênh mông của đất trời, biển khơi. Tiếng kêu la thất thanh của các ngài như rơi vào khoảng không vô định. Dường như đó là một sự bất lực của con người khi phải đối diện với các thế lực của thiên nhiên trong vũ trụ này. Thế lực ấy có vẻ như bí ẩn, khó hiểu, tuy làm cho chúng ta sợ hãi khiphải đối diện, nhưng không vì lý do đó mà dựa vào nó với những tên mà chúng ta gọi khác nhau như bão táp, lũ lụt, sóng thần, động đất, núi lửa… dù sao đi nữa nó cũng là một thứ vật chất hư vô, tro bụi… và nó phải phục quyền của Chúa chúng ta. Chúa đến, Chúa trấn an các ngài: “Hãy yên trí, chính Ta đây, đừng sợ” (Mc 6, 50). Lời trấn an của Chúa như thế thật là trìu mến, và an tâm, nên đừng có sợ hãi gì nữa.

Các tông đồ chưa hiểu gì về vấn đề bánh, lòng họ còn mù tối, lại còn thêm bây giờ phép lạ của Chúa trên thiên nhiên biển cả nữa, cho nên các ngài cần ơn Chúa ban, cần thời gian để suy gẫm thì mới hiểu được ý nghĩa của các phép lạ đó.

Chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng (Mc 6, 34 – 44), các ngài chưa hiểu rõ về lòng thương xót, quyền năng của Chúa đối với con người chúng ta. Chính lòng thương xót và quyền năng của Chúa đó, Chúa sẽ ở bên các ngài, đồng hành với các ngài, mặc dầu Chúa không có mặt thường diện với các ngài. Nhưng hãy kêu cầu Chúa lúc gian nguy thì Chúa sẽ ra tay giúp đỡ, cho nên các tông đồ cũng như chúng ta cứ tin tưởng phó thác ở Chúa, Chúa sẽ phù giúp, và chúng ta hãy an lòng làm việc lo cho cuộc sống.

Chúa làm nhiều điều tốt đẹp, các tông đồ không hiểu hết được, chúng ta cũng vậy, nhiều lúc Chúa gởi đến cho chúng ta biết bao nhiêu là bài học như là lúc bị thử thách, khi gặp gian nan nguy khốn, có khi thì sung sướng, hạnh phúc, có khi là đau khổ, có khi là mạnh khỏe, có khi là bệnh tật…nhiều lúc chúng ta không hiểu thánh ý Chúa qua các biến cố để rồi chúng ta phàn nàn trách móc, khó chịu, dùng dừa, miễn cưỡng với Chúa. Bởi vì, Chúa làm như vậy là Chúa muốn tôi luyện đức tin, lòng trung thành để mà Chúa thưởng nước thiên đàng cho chúng ta. Vì vậy chúng ta phải luôn xin ơn Chúa soi sáng để chúng ta hiểu mà đón nhận trong tinh thần của người con thảo, vâng phục, thì chắc chắn Chúa sẽ luôn ở bên cạnh mà hộ phù, trợ giúp, đỡ nâng chúng ta, giúp chúng ta vượt qua được các ngăn trở đó và Chúa rất hài lòng để ban nước thiên đàng cho chúng ta.

Lạy Chúa, cuộc đời chúng con có nhiều nỗi sợ (Sợ chết, sợ bệnh tậ, sợ đói khát, sợ nghèo…. Chúng sợ là vì chúng con chưa tin tưởng mạnh mẽ vào Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con một lòng yêu mến Chúa một cách nồng nàn để chúng con không còn sợ hãi nữa, để chúng con phó thác cuộc đời chúng con cho Chúa, cũng như bước đi theo sự hướng dẫn của Chúa. Amen.

 ---------------------------------

 

Suy Niệm 10: Đấng cả hoàn cầu tin kính


(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là mặt trời sáng soi mọi dân nước, xin Chúa cho cả thế giới được hưởng thái bình, và cho luồng ánh sáng kỳ diệu xưa đã đưa các bậc hiền sĩ tới gặp Đức Kitô, nay cũng rực chiếu trong tâm hồn chúng ta nữa.

Luồng ánh sáng kỳ diệu rực chiếu trong tâm hồn, để lòng chúng ta thôi chai đá và không lạc xa đường lối Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Mấy ngày trước, chúng ta đọc những bài thật phấn khởi trong một quang cảnh huy hoàng, nhưng trong thực tế, mọi sự xem ra còn xa vời. Hội Thánh tuy được các bí tích của Chúa Kitô tinh luyện, nhưng về nhiều mặt, vẫn như khách lưu giữa một thế giới đối nghịch. Xin Chúa đừng lãng quên chúng ta, và xin Người hãy bảo vệ công trình cứu độ của Người. Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài? Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống! Vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại.

Luồng ánh sáng kỳ diệu rực chiếu trong tâm hồn, để chúng ta biết tìm về Đức Kitô là nguồn ánh sáng thực của chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Pơróclô, Giám Mục Côngtăntinốp nói: Đức Kitô thánh hóa nguồn suối nước và chiếu soi tâm hồn nhân loại… Hôm nay Đức Kitô xuất hiện cho chúng ta, Người là ánh sáng khơi nguồn từ ánh sáng, là Đấng ông Gioan đã thanh tẩy trong sông Giođan. Chúng ta tin Người sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Người vừa xuất hiện, trời liền mở ra, và tiếng Thiên Chúa Cha vọng xuống.

Luồng ánh sáng kỳ diệu rực chiếu trong tâm hồn, để chúng ta biết quy phục Vua Kitô, Vua Tình Yêu, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu, thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 71, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài. Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương, trao công lý Ngài vào tay Thái Tử, để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa Kitô, vinh danh Chúa là Đấng được loan truyền giữa muôn dân. Vinh danh Chúa là Đấng cả hoàn cầu tin kính. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại: Các môn đệ thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển. Đấng được loan truyền giữa muôn dân, Đấng mà cả hoàn cầu tin kính, nay, đã đi trên mặt biển khiến các môn đệ bàng hoàng sửng sốt. Đấng thánh hóa nguồn suối nước và chiếu soi tâm hồn nhân loại, đã tái lập trật tự trong một thế giới hỗn loạn, và làm cho thế giới nên vui tươi rực rỡ bằng cách gánh lấy tội trần gian và tống khứ thù địch của thế gian đi. Cõi đất hân hoan mừng ngày Đấng Cứu Độ giáng sinh, nay, biển hân hoan tưng bừng vì được Đấng Cứu Độ lướt đi trên nước. Một trẻ thơ hèn yếu nằm trên máng cỏ, nay, đầy quyền năng vì phát xuất từ Đấng toàn năng, đã khiến cho biển phải im hơi lặng tiếng. Nước hồng thuỷ xưa đã giết chết loài người, nay, Đấng đi trên mặt nước đưa kẻ chết bước vào cõi sống. Đấng là mặt trời công chính đã đến dìm mình trong sông Giođan, lửa dìm trong nước, và Thiên Chúa đã để cho Gioan làm phép rửa cho mình, để ai tin nhận Người thì sẽ được cứu độ. Chúa là mặt trời sáng soi mọi dân nước, ước gì cả thế giới được hưởng thái bình, và ước gì luồng ánh sáng kỳ diệu xưa đã đưa các bậc hiền sĩ tới gặp Đức Kitô, được rực chiếu trong tâm hồn chúng ta. Ước gì được như thế!

----------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây