Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa. Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa. Vì chưng, khi ấy Gioan chưa bị tống ngục. Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gioan và nói với ông: "Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!" Gioan trả lời rằng: "Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Ðấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại".
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình tại một nơi nào đó thuộc vùng đất Giuđê. Nơi đây Đức Giêsu và các môn đệ ở với nhau, và Ngài đã làm phép rửa. Tại một nơi khác có tên là Ênôn, gần Salim, có lẽ thuộc vùng Samaria, Gioan Tây Giả cũng đang làm phép rửa cho những người đến với ông. Như thế ở hai nơi khác nhau, có hai phép rửa khác nhau, được làm bởi hai người khác nhau. Ta không thấy có gì khác biệt về bản chất giữa hai phép rửa này. Chỉ có điều là phép rửa của Đức Giêsu thu hút được nhiều người hơn. Các môn đệ của ông Gioan đã nhận thấy điều đó và họ đi báo cho Thầy Gioan của mình một tin không vui: “Mọi người đều đến với ông ấy!” (c. 26). Họ khó chịu vì Đức Giêsu, người đã từng được Thầy của họ làm chứng, người đã sống bên Thầy ở bên kia sông Giođan (c. 26), bây giờ lại nổi tiếng hơn Thầy. Ông Gioan lại chẳng hề khó chịu chút nào. Ông chưa bao giờ quên sứ mạng của mình là làm chứng cho Đức Giêsu, Đấng mà ông đã thấy Thần Khí ngự xuống khi chịu phép rửa. . Gioan biết sự cao trọng của mình nằm ở đâu: Ông là người được Thiên Chúa sai đến trước Đức Kitô (c. 28). Ông không phải là chú rể, ông chỉ là bạn của chú rể, vì thế ông không có quyền “có cô dâu” (c. 29). Cựu Ước coi dân Ítraen là cô dâu (Is 62, 4-5; Gr 2, 2; Hs 2, 21). Tân Ước coi Giáo Hội Kitô là cô dâu (2 Cr 11, 2; Ep5, 25-27. 31-32). Ông Gioan coi Đức Giêsu là chú rể, và ông đứng đó nghe chàng. Ông vui mừng hớn hở khi nghe được tiếng nói của chàng. Khi người ta kéo đến với Đức Giêsu để chịu phép rửa, thì ông Gioan biết rằng mình đã thành công trong sứ vụ của mình, sứ vụ làm nhịp cầu cho Dân Chúa và Đức Giêsu Kitô gặp nhau. Ông như reo lên vì mãn nguyện: “Đó là niềm vui của Thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (c. 29). Chúng ta không quên ơn Gioan, không quên sự xóa mình của ông. Đức Giêsu được hiển linh, được nổi bật, chính vì Gioan đã chịu lu mờ đi. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy Chúa thật lớn lao, để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ. Xin cho con thấy Chúa thật bao la, để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống. Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu, để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.
Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho con thật mạnh mẽ, để không nỗi thất vọng nào còn chạm được tới con. Xin làm cho con thật đầy ắp, để ngay cả một ước muốn nhỏ cũng không còn có chỗ trong con. Xin làm cho con thật lặng lẽ, để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi. Xin Chúa ngự trong con thật sống động, để không phải là con, mà là chính Ngài đang sống. -------------------------------
Đã có tranh luận và tranh chấp. Vì đòi quyền lợi, đòi uy tín. Các môn đệ Gioan muốn kéo Gio-an vào cuộc. Thánh Gioan Tẩy giả đã vượt qua cuộc tranh chấp bằng một chiến thắng bản thân.
Ngài đã chiến thắng vì Ngài đã biết phân định. Đúng như lời thánh Gioan Tông đồ: “Thiên Chúa ban cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật”. Cuộc phân định của Thánh Gioan Tẩy giả thật minh bạch khi Ngài xác định: “Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người… Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn”.
Ngài đã chiến thắng vì Ngài luôn ở trong Thiên Chúa. Nhận biết mọi việc của mình đều bởi Thiên Chúa ban cho, nên Ngài đã khuyến cáo môn đệ: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban”. Biết mọi sự mình có đều là của Chúa. Xác tín mình thuộc về Thiên Chúa chứ không thuộc về trần gian, Ngài đã thoát được thói tranh đua của trần gian. Luôn qui phục Thiên Chúa.
Ngài đã chiến thắng vì Ngài luôn thực hiện chương trình của Thiên Chúa. Ngài có bổn phận làm chứng cho Chúa Giêsu. Ngài tự nguyện chìm vào bóng tối để Chúa Giêsu càng được nhận biết: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi”. Chấp nhận lu mờ đến tự hủy mình chịu chết trong cung điện vua Hê-rô-đê.
Chúa Giêsu đến tiến hành cuộc chiến giữa Nước Trời và thế gian. Thánh Gio-an Tẩy giả xứng đáng là người mở đường khi can đảm tự nguyện hi sinh để Nước Trời có cuộc chiến thắng thế gian ngay trong chính bản thân Ngài. Xin cho con biết noi gương thánh Gioan Tẩy giả luôn biết quên mình để chương trình của Chúa được thực hiện.
“Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Đó là tâm tình của thánh Gioan Tẩy Giả mà Giáo hội muốn gửi đến chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay.
Thật vậy, ảnh hưởng của Chúa Giêsu càng lớn, thì vai trò của Gioan càng lu mờ. Ba Phúc âm Nhất lãm đã làm nổi bật sự kiện ấy khi đặt sứ vụ công khai của Chúa Giêsu chấm dứt vai trò của Gioan Tẩy Giả.
Gioan đã diễn tả vai trò tiền hô của mình qua câu nói bất hủ: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Thay vì ghen tức, buồn phiền, Gioan đã vui mừng đóng trọn vai phụ của mình. Như một quản trò trong tiệc cưới, Gioan đã khơi dậy niềm vui và hướng mọi người đến với Tan Lang là Đức Kitô.
Ngày nay, người Kitô hữu cũng tiếp tục vai trò của Gioan Tẩy Giả. Phương châm hành động của họ là: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Nhỏ lại trong những khuynh hướng xấu lôi kéo chúng ta vào tội lỗi, nhỏ lại trong những đam mê, ích kỷ của chúng ta, để nhờ đó Chúa Kitô đước lớn lên trong chúng ta.
Nguyện cho ánh sáng và sức sống của Đức Kitô tràn ngập tâm hồn và cuộc sống chúng ta, để chúng ta đạt tới tầm mức viên mãn của chính Ngài.
Đoạn kết Tin Mừng hôm nay được khép lại với câu nói có hậu của Gioan Tiền Hô: “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”. Nói là kết, nhưng nó lại mở ra cho một tương lai và hy vọng mới.
“Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”, đã trở thành một phương châm sống cho vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế.
Giữa lúc uy tín của Gioan lên như diều, mọi người từ khắp nơi ai ai nghe thấy tên của ông cũng đều nghiêng mình kính cẩn, đến nỗi nhiều người muốn tôn ông là ngôn sứ vĩ đại, là Đấng Mêsia. Tuy nhiên, ông đã đứng đúng vị trí của mình là tiền hô, kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế, vì vậy, ông đã thẳng thắn tuyên bố: tôi không phải là Đấng Kitô, Đấng ấy đến sau tôi, tôi không đáng cởi giây dép cho Người! Khi Đấng ấy đến, Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần ... và “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại” vì "Tôi là tiếng kêu trong sa mạc, hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối người đi" (x. Mt 3,3).
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở thành tiền hô cho Chúa trong xã hội hôm nay. Đồng thời sống đúng tư cách của người tiền hô, để “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”.
Để cho Chúa lớn lên, ấy là khi chúng ta biết sống quảng đại, mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Biết cảm thông, yêu thương và tha thứ, bao dung và nhân hậu. Sẵn sàng sống cho người khác.
Tôi phải nhỏ lại, tức là nhỏ lại cái tôi ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ, khoe khoang ...
Tuy nhiên, trong xã hội hôm nay, vẫn còn đó những tiền hô không đứng đúng vị trí của mình! Họ đã đứng lên vị trí của Đấng Cứu Thế, còn Đấng Cứu Thế thì lại bị đẩy ra bên lề. Vì vậy, thay vì dọn đường thì lại hưởng lợi, thay vì làm vinh danh Chúa thì họ lại tìm vinh danh mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi theo gương sáng của Gioan Tiền Hô khi xưa, luôn sống theo tinh thần đến để phục vụ chứ không phải để được người khác phục vụ, để Chúa được lướn lên, còn chúng con thì nhỏ lại. Amen.
Sứ điệp: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Đó là tâm tình của thánh Gioan Tẩy Giả mà Giáo Hội muốn gởi đến chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khởi sự sứ mệnh tông đồ bằng việc đến sông Gio-đan xin Thánh Gioan làm phép rửa cho mình như một người môn đệ. Và từ vị thế của một môn đệ, Chúa đã từ từ thu hút một số các môn đệ, và cuối cùng trở thành một bậc thầy hơn cả Thánh Gioan. Ảnh hưởng của Chúa càng lớn thì vai trò của Thánh Gioan Tẩy Giả càng mờ nhạt. Thánh Gioan Tẩy Giả đã không ghen tức và buồn phiền vì Chúa thành công, nhưng ngài đã vui mừng vì đã đóng trọn vai phụ của mình. Đặc biệt thánh Gioan đã khơi dậy niềm vui và quy hướng mọi người về với Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, con cũng cần tiếp tục vai trò của Thánh Gioan Tẩy Giả: Chúa phải lớn lên, còn con phải nhỏ lại: nhỏ lại trong muôn vàn những khuynh hướng xấu đang lôi kéo con vào vòng tội lỗi. Con cần nhỏ lại trong sự tham lam ích kỷ của mình để người khác được lớn lên bằng tấm lòng quảng đại của con. Con cần nhỏ lại trong hận thù, ghen ghét, để tha nhân được lớn lên bằng sự cảm thông và tha thứ. Và khi người khác được lớn lên thì cũng chính là lúc Chúa được lớn lên trong tâm hồn con.
Lạy Chúa Giêsu, xin ánh sáng Lời Chúa soi dẫn để con biết khám phá những nét đẹp nơi người khác. Xin sức sống của Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng tâm hồn con mỗi ngày, để con biết hy sinh chính mình, cho Chúa lớn lên trong anh chị em con. Amen.
Ghi nhớ: “Bạn hữu của tân lang vui mừng vì tiếng nói của tân lang”.
- Chúa Giêsu và Gioan cùng làm phép rửa, mỗi người một nơi, mỗi người có quần chúng ngưỡng mộ riêng.
- Việc làm phép rửa ấy gây nên một cuộc tranh luận và khiến các môn đệ Gioan ganh tức. Họ đến mách với Gioan, ngầm xin ông tỏ một thái độ ngăn cản hay chống đối nào đó với Chúa Giêsu.
- Nhưng Gioan chẳng những không chống đối Chúa Giêsu, mà còn làm chứng về Ngài và đề cao Ngài: “Tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người ... , Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.
B- Suy gẫm ( ... nẩy mầm)
1. Thánh Gioan Tiền hô dạy ta bài học phải biết đóng vai phụ. Ai mà không thích đóng vai chính. Nhưng trong một vở tuồng, vai chính chỉ cần một hai người, còn vai phụ thì rất nhiều. Nhiều khi nhờ các vai phụ đóng khéo mà vai chính được nổi bật lên.
2. “Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải nhỏ đi” còn có nghĩa phải làm cho trong con người tôi phần của Chúa càng ngày càng lớn lên, và phần của xác thịt, của tội lỗi và của khuynh hướng xấu dần dần nhỏ bớt.
3. Trên một chuyến tàu xuyên đại dương, vị giám mục kể cho một giáo sĩ trẻ mới ra trường về cuộc đời gian khổ của mình, rồi xin anh nói về ơn gọi của mình. Anh tự mãn trả lời: “Dễ thôi. Tất cả là Thiên Chúa cần con”.
Vị giám mục nói: “Này bạn trẻ, quả là trùng hợp! Như tôi nhớ, trong Thánh Kinh, chỉ có một lần Thiên Chúa nói Ngài cần một điều gì đó. Trong Lc 19, 34 trên đường vinh thắng vào Giêrusalem, Ngài nói Ngài cần một con lừa” (Góp nhặt).
4. “Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. ” (Ga 3,29)
‘‘Từ các hàng ghế đại biểu, chúng tôi chứng kiến những đôi mắt thấm đẫm niềm vui của hàng trăm thầy cô giáo, ban giám hiệu các trường dõi theo bước chân học trò mình lên nhận thưởng…” Bài báo khiến tôi lâng lâng một cảm giác khó tả. “Phía sau chùm hoa ấy… là dấu chân lặng thầm”. Thật vậy, phía sau những thành công và niềm vui của học trò là những đêm thức trắng, những tháng ngày lo lắng vun đắp của các thầy cô giáo. Quý thầy cô là những người tiên phong dọn đường cho thế hệ trẻ tiến bước, vươn cao và vươn lên mãi.
Ông Gioan Tẩy giả cũng là người đi trước dọn đường cho Chúa đến. Ngài lặng lẽ dâng trọn cuộc đời mình mở đường cho Chúa đến, để mọi người được phúc chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế.
Xin cho con luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc khi phục vụ tha nhân, khi dọn đường cho Chúa đến với các tâm hồn. (Epphata)
Chúa Giêsu cùng với môn đệ đến Galilê. Người làm phép rửa tại đó. Thánh Gioan cũng làm phép rửa gần bên. Nhưng dân chúng kéo theo Chúa Giêsu đông hơn, nên môn đệ Gioan ghen tức. Họ phàn nàn với ông: “Thưa Thầy, Người Thầy ca tụng đang làm phép rửa bên kia và dân chúng kéo theo ông ta ... ”. Thánh Gioan liền trấn an họ và nói cho họ biết: Đó chính là Chúa Giêsu, là Đấng Thiên Sai ... Tôi chỉ là người được sai đi trước để dọn đường cho Người. Một khi tôi đã làm xong sứ mạng đó thì tôi phải rút lui để cho Người được tôn vinh.
Trong lúc Chúa Giêsu và Gioan đang làm phép rửa, mỗi người một nơi và mỗi người có một số quần chúng ngưỡng mộ riêng, thì xảy ra một sự việc là việc Chúa Giêsu cùng làm phép rửa đã đưa đến một cuộc tranh luận và khiến các môn đệ Gioan ganh tức. Họ đến mách với ông Gioan, ngầm xin ông tỏ một thái độ ngăn cản hay chống đối nào đó với Chúa Giêsu.
Nhưng Gioan chẳng những không chống đối Chúa Giêsu, mà còn làm chứng về Ngài và đề cao Ngài: “Tôi đây không phải là Đức Kitô mà chỉ là kẻ được sai đi trước mặt Ngài ... Ngài phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi”.
Đúng thế Gioan tự thú trước đây ông chưa biết Đấng Cứu Thế, mặc dầu ông là bà con với Chúa Giêsu. Nói như vậy chỉ có nghĩa là ông không biết hoặc biết không chắc chắn Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai. Ông chỉ được biết điều đó từ trên mạc khai cho, khi Đức Giêsu đến xin ông làm phép rửa cho, và chính Thiên Chúa đã báo cho ông biết qua tiếng nói từ trời: “Ngươi thấy Thần khí xuống và ngự trên ai, thì người ấy chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Khi đã biết đích xác Đức Giêsu là ai, ông bắt đầu làm chứng và khẳng định rằng: “Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.
Gioan biết đóng đúng vai trò của mình: ngài chỉ đóng vai phụ, còn Chúa Giêsu mới đóng vai chính. Khi vai chính xuất hiện thì vai phụ rút lui. Theo kinh nghiệm trên đời ai mà không muốn đóng vai chính. Nhưng trong một vở tuồng, vai chính chỉ cần một hai người, còn vai phụ thì cần rất nhiều. Nếu trong cuộc sống, người nào cũng đòi đóng vai chính thì ai sẽ làm vai phụ. Và kinh nghiệm cho chúng ta thấy trong một vở tuồng nhiều khi nhờ các vai phụ đóng khéo mà vai chính được nổi bật lên. Gioan đã làm như thế trong sứ vụ của mình. Tất cả đều để cho Chúa được lớn lên.
Gương khiêm nhường của thánh Gioan Tẩy giả.
Ông là người khiêm tốn vì khi người ta hiểu lầm nên đã tôn ông lên làm Đấng Cứu Thế, nhưng ông xác nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế mà chỉ là người dọn đường cho Ngài, Đấng ấy cao trọng hơn ông đến nỗi ông không đáng cởi dây giày cho Ngài. Ông chỉ là là người đóng vai phụ, còn Đức Giêsu mới đóng vai chính. Bây giờ Đức Giêsu đến thì ngài phải rút đi cho vai trò của Đức Giêsu được tôn vinh. Vì thế Ngài đã nói: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”.
Truyện: Một gương khiêm nhường khác
Mục sư tiến sĩ Spencer, nổi tiếng một thời, nhà thờ của ông chật ních những người, nhưng thời gian trôi qua, tín hữu của ông ít dần. Một vị mục sư trẻ đến ngôi nhà thờ bên kia đường, và ông đã thu hút hết đám đông dân chúng của ông mục sư Spencer.
Đêm nọ, trong ngôi nhà thờ của tiến sĩ Spencer chỉ có ít số người họp lại, ông nhìn xuống bầy chiên ít ỏi của mình và hỏi xem những người khác đi đâu hết rồi?
Mọi người im lặng, ngượng ngùng, rồi một viên chức tế nhị đáp: “Tôi nghĩ rằng họ đã đến ngôi nhà thờ bên kia đường để nghe ông mục sư trẻ bên đó”.
Tiến sĩ Spencer im lặng trong phút chốc rồi mỉm cười nói: “Tốt lắm, vậy tôi nghĩ rằng chúng ta nên đi theo họ”. Rồi ông bước xuống toà giảng, dẫn số tín hữu qua bên kia đường.
1. Vâng! Một lần nữa chúng ta lại gặp ông Gioan. Ngày mai Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu Phép Rửa chúng ta gặp lại ông một lần nữa. Có thể nói mỗi lần ông xuất hiện là mỗi lần ông để lại những dấu ấn rất đậm đà và đẹp đẽ nơi những người đến với ông. Ông quả là người xứng đáng với vai trò Tiền Hô của Chúa Cứu Thế.
Thực vậy, đang lúc mà tiếng tăm của ông lẫy lừng, người ta lũ lượt đến với ông, để xin ông làm Phép Rửa cho họ, rồi lại còn muốn suy tôn ông lên làm Đấng Messia, thì chính lúc đó ông đã không ngần ngại tuyên bố: “Tôi là tiếng kêu trong sa mạc, hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi” (Mt 3,3tt).
Gioan cũng không quên xác định thật rõ chỗ đứng của mình bên cạnh Đấng Messia: “Có một Đấng đến sau tôi, nhưng Ngài có trước tôi và tôi không đáng cởi dây giày cho Ngài” (Lc 3,16).
Ông làm tất cả những điều ấy với một mục đích duy nhất đó là để cho ”Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi”. (Ga 3,30)
2. Thánh Gioan Tiền Hô dạy cho chúng ta bài học phải biết đóng vai phụ. Trên đời ai mà không thích đóng vai chính. Nhưng trong một vở tuồng, vai chính chỉ cần một hai người, còn vai phụ thì cần rất nhiều. Nếu trong cuộc sống người nào cũng đòi đóng vai chính thì ai sẽ làm vai phụ. Và kinh nghiệm cho chúng ta thấy trong một vở tuồng nhiều khi nhờ các vai phụ đóng khéo mà vai chính được nổi bật lên. Gioan đã làm như thế trong sứ vụ của mình. Tất cả là để cho Chúa được lớn lên.
Làm được như thế không phải là điều dễ dàng. Phải có một lòng khiêm nhường thẳm sâu mới có thể làm được như thế. Thế nhưng, để có được một tấm lòng khiêm nhường thì đâu phải là ai cũng làm được.
Trên một chuyến tàu xuyên đại dương, vị giám mục kể cho một giáo sĩ trẻ mới ra trường về cuộc đời gian khổ của mình. Sau đó, ngài xin anh nói về ơn gọi của mình cho ngài nghe. Người giáo sĩ trẻ tự mãn trả lời: “Dễ thôi. Tất cả là Thiên Chúa cần con”.
Vị giám mục nói: “Này bạn trẻ, quả là trùng hợp! Hình như tôi nhớ không sai là trong Thánh Kinh, chỉ có một lần Thiên Chúa nói Ngài cần một điều gì đó. À tôi nhớ ra rồi trong Tin Mừng của Luca (Lc 19,34) trên đường vinh thắng vào Jêrusalem, Ngài nói Ngài cần một con lừa” (Góp nhặt).
3. Đoạn Tin Mừng hôm nay là do chính Gioan Tông Đồ ghi lại. Gioan Tông đồ đã từng là môn đệ của Gioan Tẩy Giả, được chính thầy mình giới thiệu nên đã đi theo Chúa Giêsu. Chính vì thế mà khi viết Tin Mừng, ông đã viết với một mục đích rất rõ ràng. Mục đích ấy là nhằm xác định vị trí của Gioan Tẩy Giả như là một người dọn đường cho Chúa Giêsu, chứ không có vị trí cao hơn. Nhiều người muốn tôn xưng Gioan Tẩy Giả là thầy, là Chúa, nhưng tác giả Gioan đã chứng minh Gioan Tẩy Giả mặc dù có một địa vị rất cao, rất trọng nhưng địa vị cao trọng nhất vẫn phải dành cho Chúa Giêsu. Điều này chính Gioan Tẩy Giả cũng khẳng định. Gioan Tẩy Giả khẳng định rằng, địa vị của ông không phải là đứng đầu mà ông chỉ được phái đến như người loan tin, đi trước dọn đường cho một Đấng cao trọng sắp đến. Gioan làm thế bởi vì ông luôn ý thức rằng, dù có làm một công tác thứ yếu cho Chúa thì công tác ấy đối với Chúa cũng hết sức quan trọng. Về vấn đề này thì Browning đã nói rất hay: “Với Thiên Chúa thì mọi công tác đều đồng hạng”. Bất cứ việc gì chúng ta làm cho Thiên Chúa cũng đều nhất thiết quan trọng.
Mục sư tiến sĩ Spencer, nổi tiếng một thời, nhà thờ của ông chật ních những người, nhưng thời gian trôi qua, tín hữu của ông ít dần. Một vị mục sư trẻ đến ngôi nhà thờ bên kia đường thu hút hết đám đông của ông. Đêm nọ, trong ngôi nhà thờ của tiến sĩ Spencer chỉ có số ít người họp lại, ông nhìn xuống bầy chiên ít ỏi của mình và hỏi:
- Những người khác đi đâu hết rồi?
Mọi người im lặng, ngượng ngùng, rồi một viên chức đáp:
- Tôi nghĩ rằng, họ đã đến ngôi nhà thờ bên kia đường để nghe ông mục sư trẻ bên đó.
Tiến sĩ Spencer im lặng trong phút chốc rồi mỉm cười nói:
- Tốt lắm, vậy tôi nghĩ rằng, chúng ta nên đi theo họ.
Rồi ông bước xuống tòa giảng, dẫn số tín hữu của mình qua bên kia đường.
Cuộc sống của chúng ta chắc sẽ thoát được rất nhiều điều xấu như ghen tị, bực tức, đố kỵ, bất mãn, nếu chúng ta nhớ rằng, sự thành công của người ta là do Thiên Chúa ban cho họ. Phần chúng ta, chúng ta hãy biết chấp nhận những giới hạn của mình, biết tôn trọng những cái hay cái đẹp Chúa ban cho người khác và cố gắng sống như lời Thánh Phaolô đã nói: “Ai cũng được miễn là Chúa Giêsu được vinh danh”.
Nếu tất cả mọi người trong chúng ta đều biết sống như thế, tôi tin là Thiên Đàng sẽ xuất hiện giữa chúng ta. Amen.
Thời bây giờ những người Do Thái nghe thánh Gioan rao giảng về Chúa, đồng thời qua đó, ngài cũng giúp cho họ dọn lòng để đón Chúa đến. Để thể hiện thiện chí của họ bằng sự sám hối ăn năn tội, thánh Gioan đã làm phép rửa cho họ tại dòng sống Giođan. Chính Chúa cũng đến chịu phép rửa của thánh Gioan. Đàng khác, bên cạnh lời rao giảng và việc làm cao trọng đó, thánh nhân còn có một cuộc sống nghiệm ngặt, chay tịnh, khắc khổ, nhất nữa, lời nói đi đôi với hành động của ngài, cho nên dân chúng rất kính, tôn trọng, nghe theo ngài.
Nhân dịp những người Do Thái thấy Chúa cũng làm phép rửa cho người khác như thánh Gioan, và nhiều người lại tuôn đến với Chúa rất đông đảo, có thể đông hơn cả thánh Gioan nữa là khác, cho nên họ kéo đến thắc mắc ngài, hỏi ngài: “Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người” (Ga 3, 26). Chúng ta không biết họ có ý đồ gì không khi đến hỏi thánh Gioan như thế? Hay là họ có thể làm phức tạp mối quan hệ giữa Chúa với thánh Gioan nhân cơ hội này hay không? Chúng ta chỉ biết rằng thánh Gioan trả lời với họ rằng: “Người ta không tiếp nhận gì, mà không bởi trời ban cho. Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ thì là người chồng, còn bạn hữu và tân lang đứng mà nghe tân lang nói, thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3, 26 – 30). Câu trả lời của thánh Gioan tuy ngắn gọn mà súc tích, đầy đủ ý nghĩa, đã chứng tỏ ngài là một con người rất khiêm nhường. Sự khiêm nhường này dường như ở trong cốt tủy, máu thịt của ngài, khi có điều kiện là tự nó bộc lộ ra bên ngoài, không cần phải uốn lưỡi, đắn đo suy nghĩ rồi mới trả lời cho người khác. Có lẽ người nào đó trong nhóm của họ có mục đích xấu thì sẽ rất khâm phục, kính nể thánh Gioan Tẩy Giả.
Sự khiêm nhường của thánh Gioan Tẩy Giả là bài học cho chúng ta noi gương bắt chước. Hàng ngày chúng ta phải tập luyện nhân đức khiêm nhường này. Nhưng làm sao tập luyện được nếu không có ơn Chúa giúp. Vì thế chúng ta cần phải cầu xin Chúa thật là nhiều, cầu xin tha thiết, cầu xin mãi mãi. Sự khiêm nhường rõ nét nhất khi chúng ta biết xóa bỏ mình đi con người của chúng ta và làm vinh danh Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Chúa phải lớn lên, phải được tôn thờ, phải được vinh quang, còn chúng ta là thụ tạo tội lỗi, cần phải lui vào bóng tối, hạ mình xuống thẩm sâu để xin Chúa xót thương nâng đỡ chúng ta.
Lạy Chúa của chúng con, chúng con tin tưởng vào Chúa, chúng con cầu xin Chúa thương đến tất cả chúng con, nhất là nhưng anh chị em chúng con chưa sống theo ý Chúa, xin Chúa ban ơn gìn giữ chúng con, giúp chúng con biết mình yếu đuối để mà cố gắng tránh xa các dịp tội, đặc biệt là những tội đưa chúng con đến sự chết như là tội kiêu ngạo. Xin Chúa cho chúng con luôn hiểu biết những gì Chúa đã làm cho chúng con, tất cả đều mang lại lợi ích cho chúng con để mà chúng con nổ lực hơn nữa công tác với ơn Chúa ban. Xin Chúa cho chúng con luôn biết sống khiêm nhường theo như ý Chúa muốn để chúng con được Chúa ban cho sự sống vĩnh cửu sau này. Amen.
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã sai Con Một giáng trần để biến đổi chúng ta thành thụ tạo mới. Xin Chúa cho chúng ta được dồi dào ân sủng, hầu nên giống Chúa Giêsu là Đấng đã phối hợp nhân tính của chúng ta với thần tính của Chúa trong chính bản thân Người.
Được dồi dào ân sủng, hầu nên giống Chúa Giêsu, để mang ơn cứu độ của Chúa đến cho tất cả mọi người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người: Chỉ sau khi Chúa xét xử thế gian, chấm dứt thế giới cũ, bấy giờ Hội Thánh mới đạt tới tầm vóc viên mãn như Đức Kitô muốn, mới thành một cộng đồng dân tộc vượt ra ngoài mọi ranh giới; trong cộng đồng đó, mọi người đều có chỗ đứng của mình, tuy nhiên, Hội Thánh cũng là dân riêng được lựa chọn, được vị Thủ Lãnh của mình cứu độ, sẽ chứng kiến sự thất bại chua cay của những kẻ thù ghét mình. Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ. Chúng sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta, rồi đi loan báo giữa các dân tộc. Lạy Cha, những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho Con, Con đã cho họ biết danh Cha. Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian.
Được dồi dào ân sủng, hầu nên giống Chúa Giêsu, để được dự tiệc cưới, được thưởng thức rượu mới trong Nước Thiên Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Đức Cha Phautô, Giám Mục Rie nói: Rượu vừa hết thì có rượu khác, rượu Cựu Ước tốt, nhưng rượu Tân Ước còn tốt hơn. Cựu Ước người Dothái giữ, nay chỉ còn mớ chữ thôi, còn Tân Ước liên hệ đến chúng ta, thì đem lại hương vị của sự sống, khi ban cho chúng ta ân sủng… Thành của Thiên Chúa hỡi, ánh sáng rạng ngời của ngươi sẽ chiếu soi khắp mười phương đất; từ viễn xứ, người trăm họ kéo đến với ngươi. Và dân cư tận chân trời góc biển sẽ tới hát mừng danh thánh Chúa. Ai nấy sẽ bưng theo lễ vật dâng tiến Vua Trời. Thiên hạ sẽ từ đông, tây, nam, bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.
Được dồi dào ân sủng, hầu nên giống Chúa Giêsu, để biết cầu xin điều đẹp ý Chúa Cha, mà ý của Chúa Cha là cho tất cả mọi người được hưởng ơn cứu độ của Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Chúa nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều hợp ý Người. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 149, vịnh gia đã cho thấy: Chúa mến chuộng dân Người. Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, ngợi khen Người trong cộng đoàn những kẻ hiếu trung! Hỡi Ítraen, nào hoan hỷ, vì có Chúa là Đấng tạo thành ngươi. Con cái Xion, hãy nhảy mừng, vì được Chúa làm Vua hiển trị.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Trong bài Tin Mừng, ông Gioan nói: Người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Chúng ta đang ngồi trong bóng tối sự chết, được ánh sáng ơn cứu độ của Chúa chiếu soi, và ta vui mừng hớn hở khi nghe tiếng của Đấng ngự đến giải thoát ta. Đấng Cứu Độ như tân lang rời khỏi loan phòng ngự xuống trần gian, để cùng với Hội Thánh quy tụ mọi dân mọi nước về dự Tiệc Thiên Quốc. Khi nhập thể, Người đã ký hôn ước với Hội Thánh: Hôn ước là ơn cứu chuộc, của hồi môn là sự sống đời đời. Ngày thứ ba, có tiệc cưới, ngày thứ ba Đức Giêsu chỗi dậy, ngày mà người con thứ trở về được mặc áo cưới, để dự tiệc tưng bừng: nước lã đã biến thành rượu ngon, loài người thấp kém đã được thần hóa, được biến đổi thành thụ tạo mới. Ước gì chúng ta trở nên giống Đức Giêsu, là Đấng đã phối hợp nhân tính của chúng ta với thần tính của Người. Ước gì được như thế!