Khi ấy, mẹ Chúa Giêsu và anh em Người đến và đứng ở ngoài sai người vào mời Chúa ra. Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình với Người rằng: "Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy". Người trả lời rằng: "Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?" Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: "Ðây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta".
Các thân nhân của Đức Giêsu nghĩ Ngài bị mất trí, vì họ nghe tin Ngài và các môn đệ làm việc nhiều đến nỗi không có giờ ăn. Các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì kết luận rằng Ngài đã thông đồng với tướng quỷ để trừ quỷ. Còn đám đông dân chúng lại ngồi nghe Ngài giảng trong nhà. Hơn ai hết, họ biết Đức Giêsu là ai. Chính lúc ấy mẹ và anh em của Ngài đến và đứng ngoài. Họ không vào được, có thể vì đám đông ngồi chật cứng. Nhưng họ đã nhờ người nhắn với Đức Giêsu. ”Mẹ Thầy và anh em Thầy đang ở ngoài, tìm gặp Thầy đó.” Rốt cuộc chắc ai cũng biết là Thầy có người thân đến thăm. Người ta tưởng Ngài sẽ bỏ dở bài giảng để ra ngay gặp họ. Nhưng Đức Giêsu lại muốn dùng cơ hội này để nói với đám đông đang ngồi nghe một điều quan trọng. Ngài đặt cho họ một câu hỏi tưởng như vô nghĩa: ”Ai là mẹ tôi và là anh em tôi?” Dĩ nhiên là những người đang đứng ngoài kia rồi. Nhưng không, Ngài đảo mắt nhìn những người đang ngồi, và nói với họ: “Đây là mẹ tôi và anh em tôi.” Với lời khẳng định này, Đức Giêsu loan báo về gia đình mới của Ngài. Có những người thân yêu cùng máu mủ đứng ngoài kia. Có một gia đình mới đang ngồi trong này. Đức Giêsu không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt. Nhưng Ngài cho thấy Ngài còn có một gia đình lớn hơn nhiều, một gia đình gồm những người rất khác nhau về nhiều mặt, nhưng lại có một mẫu số chung, một điểm giống nhau, đó là cùng muốn thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc sống. Đức Giêsu đã rời bỏ gia đình để lên đường loan báo Tin Mừng. Và Ngài cũng đã mời gọi các môn đệ của mình như thế. Đức Giêsu để lại người mẹ, Phêrô để lại người vợ, Gioan và Giacôbê để lại người cha. Tương quan gia đình ruột thịt là điều cao quý thiêng liêng. Nhưng nó lại không được trở nên một cản trở cho sứ vụ. Đức Giêsu đã khai mở một đại gia đình mới cho mọi người: ”Bất cứ ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa người ấy là mẹ tôi, là anh em và chị em tôi.” Khi thực thi ý Thiên Chúa muốn, người ta trở nên có họ với Đức Giêsu. Người kitô hữu chúng ta vui sướng được thuộc về gia đình này, có người Mẹ là Đức Maria suốt đời tín trung sống ý Chúa, có Đức Giêsu là Anh Trưởng, người Con luôn sống đẹp lòng Cha, và có bao anh chị em khác đã dám đặt ý Chúa lên trên mạng sống. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, những hạt cải Chúa gieo vãi cách đây hai ngàn năm nay đã trở thành cây cao cho chim trời rủ nhau trú ngụ. Nhúm men nhỏ bé được Chúa vùi vào khối bột, đã làm bột dậy lên, để trở nên tấm bánh thơm ngon cho thế giới. Sau hai mươi thế kỷ, các môn đệ Chúa không còn là nhóm Mười Hai bé nhỏ. Hôm nay, các kitô hữu chiếm gần một phần ba, người công giáo chiếm hơn một phần sáu dân số thế giới. Chúng con được mời gọi xây dựng Nước Chúa trên trần gian, cho đến khi tất cả mọi người nhận biết và tin yêu Chúa. Xin cho chúng con đừng mặc cảm vì người công giáo chỉ là thiểu số trên quê hương Việt Nam, nhưng xin cho chúng con mạnh dạn làm chứng cho Chúa trong việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ. Hôm nay chúng con phải tiếp tục làm việc như Chúa, gieo hạt giống để làm nên những cánh rừng, trở nên chất xúc tác để biến đổi môi trường mình sống. Và chúng con biết rằng sớm muộn cũng sẽ thành công vì tin Chúa vẫn cần cù làm việc với chúng con. Amen. -------------------------------
Cuộc đón rước Hòm Bia thật long trọng. Đa-vít ca hát nhảy múa hết mình. Và dâng lễ vật trọng hậu lên Thiên Chúa: “Khi những người khiêng Hòm Bia của Đức Chúa đi được sáu bước, thì vua sát tế một con bò và một con bê béo. Vua Đa-vít quấn ê-phốt vải gai, nhảy múa hết sức mình trước nhan Đức Chúa”. Việc dâng lễ vật tuy trọng hậu, nhưng chỉ rời rạc. Không qui tụ được toàn dân. “Rồi toàn dân ai nấy về nhà mình” (năm chẵn).
Dâng lễ vật theo Lề Luật, dù trọng hậu đến đâu, dù dâng suốt năm này qua năm khác, vẫn không thể tha tội. Vì chung qui cũng chỉ là dâng súc vật. Còn Chúa Giê-su chỉ dâng một lần là đủ tha các tội. Vì Chúa dâng chính thân mình. Và dâng hiến để tỏ lòng vâng phục Chúa Cha. Là con, Chúa nhận thân thể từ Chúa Cha. Nên dâng lại cho Chúa Cha chính thân mình nói lên tình liên hệ cha con sâu xa thắm thiết biết bao. “Khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài…Theo đó, chúng ta được thánh hoá, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ”. Vì thế Người dâng hiến thân mình để qui tụ tất cả chúng ta (năm lẻ).
Chúa Giê-su đã hiến dâng thân mình để trở thành người con hiếu thảo. Việc vâng phục thánh ý Chúa Cha gây dựng một gia đình Thiên Chúa. Nhờ đó Người qui tụ chúng ta về gia đình Thiên Chúa. Người trở thành Anh Cả của một đàn em đông đúc. Trở thành Trưởng Tử dẫn gia đình về với Thiên Chúa. Gia đình Thiên Chúa không còn là liên hệ huyết thống với con người, nhưng là liên hệ thiêng liêng với Thiên Chúa. Như Chúa Giê-su đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa để trở thành người con hiếu thảo, tất cả những ai tuân hành thánh ý Thiên Chúa, đều trở thành người trong gia đình Thiên Chúa. Trở thành ruột thịt với Chúa Giê-su: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chúng quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”.
Xin cho con biết tự hiến thân mình làm của lễ. Để con trở thành anh chị em của Chúa.
Khổng Tử có một người cháu tên là Khổng Liệt và một người học trò tên là Bật Thứ Thiên, cả hai ra làm quan cùng một thời. Một hôm Khổng Tử hỏi người cháu:
- Từ khi ra làm quan đến giờ, ngươi đã được điều gì và mất điều gì?
Khổng Liệt trả lời:
- Từ khi làm quan, tôi chưa được điều gì, mà đã mất ba điều: không có giờ học tập vì thế trình độ vẫn thấp, lương bổng không đủ giúp người thân, công việc bề bộn nên không có giờ thăm viếng bạn bè.
Nghe thế, Khổng Tử rất buồn lòng.
Một ngày nọ, Khổng Tử cũng hỏi Bật Thứ Thiên cùng một câu như đã hỏi Khổng Liệt, Bật Thứ Thiên đáp:
- Từ khi ra làm quan, tôi chưa mất điều gì, mà đã được ba điều: Những điều đã học nay đem ra thực hành, vì thế việc học được rõ ràng thêm; lương bổng tuy ít nhưng cũng có thể giúp người thân phần nào, do đó mà thân thiện hơn; công việc tuy nhiều, những cũng bớt chút thời giờ thăm bạn bè khiến tình bạn càng thân thiết.
Câu trả lời của Bật Thứ Thiên được Khổng Tử khen là chí lý và thực là câu trả lời của người quân tử.
Câu trả lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã đánh mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một đám đông, có kẻ nói với Ngài: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy". Chẳng những Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta và là anh em Ta".
Thật ra, qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Mẹ đã hiểu rõ sứ mạng của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi thánh ý Chúa.
Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha; còn chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình yêu Chúa, chúng ta được liên kết với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, anh chị em ruột thịt.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta luôn biết sống theo thánh ý Chúa, để chúng ta được nối kết trong tình nghĩa với Chúa, với Mẹ và với tất cả mọi người.
Mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc. 3, 31-35)
Mấy bữa trước đây, trong một trích đoạn Phúc âm, thánh Maccô đã cho ta biết thái độ của đám bà con thân thích của Chúa Giêsu: họ muốn cách ly Người, bởi cho rằng Người đã mất trí, ngộ đạo và họ bị phiền hà vì danh tiếng này. Vậy mà hình như họ đã thay đổi ý kiến, bởi lẽ hôm nay họ muốn xin được gặp Người, nhắc nhở cho Người quyền lợi gia dình, tình thân thương và lòng kính nể mà thông thường họ có quyền được hưởng. Giữ liên hệ tốt đẹp với bà con họ hàng chẳng phải là điều tự nhiên sao?
Chúa Giêsu có vẻ như không chia sẻ ý kiến này.
Một sự rạn nứt của tình bà con
Khi đọc bản văn này, ta rất mau mắn vin ngay vào những lời cuối cùng: “Người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Chúng ta lấy làm vui sướng vì được kết nạp vào gia đình này. Nhưng chúng ta cũng vội làm mất đi ý nghĩa khác mà những lời đó gợi nên, tức là sự rạn nứt trong mối quan hệ tự nhiên của gia đình.
Nếu ta đem liên hệ thái độ này của Chúa Giêsu với lời Người phán trước đây: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy”, ta càng ngạc nhiên. Chúa Giêsu chống lại gia đình và những mối liên hệ gia đình chăng? Phải chăng Người muốn ta hiểu biết điều căn bản gì?
Thực ra tin mừng của Chúa không có ý xếp những liên hệ gia đình vàò hàng cuối cùng, mà muốn dạy ta kính nể mọi người cũng như ta vẫn thường kính nể anh chị em cha mẹ ta vậy.
Xét cho cùng, con người từ rất lâu đã quen với những tập tục là phải dành những ưu đãi cho gia đình ruột thịt của mình, phải yêu mến và có trách nhiệm hơn đối với những người cùng chung máu mủ, thì Tin mừng của Chúa hôm nay là một điều mới mẻ: tin mừng đó đòi hỏi ta đối xử với mọi người như nhau và hỏi ta tại sao điều ta làm được cho cha mẹ ta, mà lại không làm cho “tha nhân” được.
Không có bà mẹ nào mà lại không thương con, nhất là những đứa con bị khiếm khuyết cách này hay cách khác!
Hôm nay Tin Mừng thuật lại việc Đức Mẹ và người thân của Đức Giêsu đến tìm Ngài và khuyên Ngài từ bỏ con đường sứ vụ để trở về, vì có tin đồn đoán rằng Đức Giêsu bị điên!
Ôi một sự thật đau lòng! Vì yêu thương, Đức Giêsu làm tất cả mọi việc miễn làm sao để cho Thiên Chúa được vinh quang và con người được hạnh phúc, thế nhưng người Pharisêu lại phao tin Ngài bị điên! Họ muốn đánh vào uy tín của Đức Giêsu, và, đứt dây đương nhiên đụng đến rừng, tức là nếu Đức Giêsu bị điên thì mẹ của Ngài sẽ như thế nào khi sinh ra một đứa con điên? Anh em của Ngài sẽ còn uy tín gì nữa không khi trong dòng tộc của mình lại xuất hiện một kẻ khùng! Và, nhất là những lời giảng của Đức Giêsu từ nay không còn khả tin nữa, bởi vì không ai dại gì mà đi nghe theo lời của một người điên!
Đây là một đòn thâm hiểm mà những người Pharisêu đánh vào Đức Giêsu và thân nhân của Ngài.
Tuy nhiên, khi thấy Mẹ và anh em đến tìm mình, Đức Giêsu đã thốt lên và chỉ vào những người đang ngồi quanh Ngài mà nói rằng: ai là mẹ tôi, ai là anh chị em tôi? Thưa chính là những người thực hành ý muốn của Cha tôi, người đó là mẹ tôi và anh chị em tôi.
Một câu nói nhằm mặc khải cho mọi người biết một thực tại khác vượt lên trên suy nghĩ thuần túy của con người. Sự gắn bó với Thiên Chúa và thi hành Lời của Người là điều quan trọng, và chính trong mối liên hệ này mà chúng ta được trở nên nghĩa thiết, thân tình với nhau. Mặt khác, Đức Giêsu cũng ngầm giới thiệu cho mọi người xung quanh biết rằng: chính Đức Maria là người đã thi hành thánh ý Thiên Chúa, nên Mẹ xứng đáng trở thành mẫu gương cho chúng ta về việc thực thi Lời Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chú tâm đến việc thực thi Lời Chúa hơn là những chuyện bề ngoài. Khi đã thực thi thánh ý Chúa, chúng ta không quan trọng chuyện người ta nói này hay nói kia để bêu dếu, làm mất thanh danh tiếng tốt của ta. Ngược lại, chỉ có một điều đáng làm cho chúng ta sợ, đó là khước từ Lời Chúa và chạy đua những thứ mau qua, chóng hết ở đời, làm cho chúng ta xa dời hạnh phúc đích thực là sự sống vĩnh cửu.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết lắng nghe Lời Chúa; đồng thời biết đem Lời Chúa ra thực hành, dù có phải chịu khốn khổ vì Lời Chúa thì vẫn một mực trung thành. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu mở rộng gia đình tự nhiên của Chúa để đón nhận những người thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Chính việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa làm cho ta trở thành thân nhân của Chúa Giêsu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con mắt đức tin của con giờ này mở ra, và con nhìn thấy Chúa đang đưa mắt nhìn từng người chúng con, và nói rằng con là anh chị em của Chúa, con là thân nhân của Chúa, là người được Chúa yêu mến. Chúa cho con thấy con thật hạnh phúc khi con thi hành ý muốn Chúa Cha.
Chúa mở rộng gia đình của Chúa để đón nhận cả con vào. Gia đình của Chúa không phải chỉ gồm những người có liên hệ huyết nhục với Chúa, nhưng trên hết, đó là những người biết mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa và thi hành ý muốn Chúa Cha. Con thấy Đức Mẹ thật hạnh phúc vì được làm Mẹ của Chúa hai lần: làm mẹ vì sinh ra Chúa và làm mẹ vì thi hành ý muốn Chúa Cha.
Phần con, con được Chúa đón nhận, được Chúa yêu mến, Chúa nâng con lên cao và đưa con lại gần Chúa. Lạy Chúa, còn gì hạnh phúc hơn. Nhưng nhiều lúc con đã không nhận ra được điều ấy, bởi vì việc lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành đòi con nhiều hy sinh quên mình, và con đã làm một cách miễn cưỡng, lừng khừng, chậm chạp. Xin Chúa cho con biết quý trọng hạnh phúc ấy hơn tất cả mọi vui sướng khác ở đời. Chúa tôn trọng và quý mến con, xin đừng để con coi nhẹ và khinh thường tình yêu Chúa. Xin giúp con biết đi tìm Ý Chúa và làm theo Ý Chúa trong từng việc làm và lời nói, trong cách sống và suy nghĩ, để nhờ đó con được nên giống Chúa và trở thành anh chị em của Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.
Thánh Gioan Vianney, lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp, tưởng chừng như ngài không có đủ khả năng để tiến tới chức Lm. Ngày kia, thừa lệnh giám mục giáo phận, một vị giáo sư thần học, đã đến khảo sát Vianney, tội nghiệp Vianney đã không thưa được câu nào. Không giữ được bình tĩnh, vị giáo sư đã đập bàn quát lớn: “Vianney, anh dốt như lừa. Với một con lừa như anh, Giáo hội sẽ làm được gì?”
Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời: “Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng có một cái hàm của một con lừa, để đánh bại được ba ngàn quân Philitinh, vậy với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm được gì sao?” (Theo Cử hành Phụng vụ Chúa nhật, tr. 42).
Suy niệm
Tình huyết nhục là tình rất thân thiết của con người. Ðức Giêsu như bao nhiêu người con có hiếu, không bao giờ chối gia đình.
Khi khẳng định: “Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”, Ðức Giêsu không coi nhẹ tình gia đình, cũng như không phải lãnh đạm với mẹ và anh em Ngài. Đức Giêsu muốn đề cao hơn mối liên hệ thiêng liêng dựa trên Lời Chúa mà Ngài đang mang sứ mạng rao truyền, sẽ dệt nên niềm tin và lòng yêu mến cho người lãnh nhận. Ngài khẳng định trong tương quan với nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng niềm tin khi biểu lộ thực thi ý Chúa. Đại gia đình thiêng liêng mà các thành viên đều mang tiêu chuẩn nghe và thi hành ý Thiên Chúa.
Qua sự khẳng định, mẹ và anh em Ngài chính là người nghe và thực hành Lời, Chúa Giêsu không phải là không muốn nhìn nhận mẹ của mình - Đức Maria. Hơn thế nữa, Chúa muốn cho mọi người thấy Mẹ Maria chính là người lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành hơn ai hết.
Thật thế, Mẹ Maria là người đầu tiên đã lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành khi Mẹ thưa vâng với sứ thần đến truyền thánh ý Chúa trong cuộc đời Mẹ: “Này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi điều Ngài truyền”, lời xin vâng đã khai mở ơn cứu rỗi và của sự sống mới cho thế giới. Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mọi người Kitô hữu: lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy.
Chính Mẹ cũng đã đi trước nêu gương và muốn cho chúng ta sống như Mẹ đã sống. Nơi tiệc cưới Cana, Mẹ truyền: “Hãy làm theo lời Ngài truyền”, hành động đó đã dọn sẵn mọi sự để Chúa làm phép lạ mang đến niềm vui cho những người chung quanh… Trên phương diện gia đình đức tin: Nghe và thực hành Lời Chúa, Đức Maria xứng đáng là Mẹ hơn ai hết.
Xin Chúa giúp chúng ta ý thức thực sự là anh chị em với Chúa, khi nghe và thực thi ý thánh Chúa.
Ý lực sống:
“Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa” (Dt 10,7).
1. “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em và là mẹ tôi”. Phải chăng câu trả lời của Đức Giêsu nhắc cho mỗi người chúng ta rằng, ngoài sợi dây theo huyết nhục còn một sợi dây cao quí hơn do lời Chúa liên kết, biến chúng ta thành anh chị em với nhau. Thật vậy, mối dây bền chặt nhất là liên hệ với Thiên Chúa bằng cách nghe và thực thi ý Ngài. Vậy mỗi người chúng ta luôn phải tìm hiểu và sống Lời Chúa. Lời Chúa sẽ làm cho chúng ta nên thân thiện với nhau và sống trong hạnh phúc.
2. Trong lúc Đức Giêsu đang rao giảng, dân chúng đông đảo vây quanh Ngài, khiến cho mẹ và thân nhân có việc muốn gặp Ngài, nên không thể chen chân vào được.
Sự việc xẩy ra sau chuyện (M 3,20-27) bà con được tin Chúa làm việc quá sức mình, quên ăn quên nghỉ; đàng khác gây nên bao nhiêu thù địch nên muốn đến bắt Ngài, đưa về nơi yên ổn, giữ sức khỏe cho Ngài, nhất là để tránh những biệt phái gây chuyện khiến thế quyền và giáo quyền có thể thi hành quyền đối với Ngài và liên lụy cho bà con họ hàng.
Lần này có sự hiện diện của Đức Mẹ cùng với bà con muốn đến gặp Đức Giêsu, khi Ngài đang giảng dạy ở Capharnum, và có đông đảo dân chúng đến nghe. Sự việc này nói lên tính cách liên đới ruột thịt máu mủ giữa những phần tử trong gia đình và trong họ hàng.
3. ”Ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi” (Mc 3,33)?
Câu nói của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là khi bắt đầu đời công khai, Đức Giêsu đã đánh mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một đám đông, có kẻ nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy”. Chẳng những Đức Giêsu không ra gặp mẹ, mà còn nói: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta và là anh em Ta”.
Thật ra, qua câu nói này, Đức Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Mẹ đã hiểu rõ sứ mạng của Đức Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Đức Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi thánh ý Chúa.
4. ”Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em, là mẹ Ta” (Mc 3,35).
Đối với bản thân mình, Đức Giêsu coi trọng việc rao giảng Lời Chúa hơn việc gặp bà con; đối với người khác, Ngài coi trọng những người nghe Lời Chúa hơn cả bà con của Ngài.
Điều này làm chúng ta phải suy nghĩ và tự hỏi mình: bản thân tôi là Kitô hữu, tôi đã thuộc về Đức Kitô chưa. Biết và thi hành ý muốn của Chúa, tôi sẽ là mẹ, là anh chị em của Ngài. Vâng, Chúa đã nói với những kẻ ngồi xung quanh Ngài như thế.
Hôm nay, Chúa cũng tha thiết nói với tôi, với những người xung quanh tôi như vậy, từ những người trí thức đến những người thấp kém trong xã hội. Tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ đón nhận và làm cho Lời Chúa thấm nhuần cả đời sống của ta, gia đình và xã hội, để Đức Giêsu không ngừng lớn lên trong ta và trong mọi người. Như thế đó, ta vừa là mẹ vừa là anh chị em của Ngài.
Nhiều lần tôi đã từ chối chức vụ cao trọng ấy, vì còn miệt mài cạnh tranh, dành giật những địa vị khá hơn, cao hơn; mong cho cuộc sống được “sung túc”.
Lạy Chúa, xin cho con biết trọng địa vị cao sang Chúa dành cho con là được làm mẹ và làm anh chị em Ngài, khi lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. (Epphata).
5. Truyện: Thực hành Lời Chúa.
Trong Chúa nhật đầu tiên tại một giáo xứ, vị linh mục vừa nhận chức đã giảng một bài giảng rất văn hoa, xúc tích, sâu sắc, hùng hồn. Tất cả các tín hữu có mặt hôm ấy cảm thấy rất sốt sắng và phấn khởi. Có lẽ có nhiều người đã dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho họ một vị linh mục có tài ăn nói: “Phun châu nhả ngọc”.
Tiếng đồn về cha xứ mới lan mau như lửa cháy, vì thế vào Chúa nhật kế tiếp, nhà thờ bỗng trở nên đông đảo hơn các Chúa nhật khác. Mọi người nóng lòng chở đợi cho đến lúc cha giảng. Nhưng cha xứ lại giảng một bài gần giống như bài giảng Chúa nhật tuần trước đó. Rồi trong Thánh lễ Chúa nhật thứ 3, thứ 4, kế tiếp đó cũng vẫn một bài giảng đó.
Hội đồng giáo xứ liền cử người đến hỏi cha xứ xem tại sao mà ngài lại cứ giảng đi giảng lại một bài giảng hoài như vậy? Cha xứ bèn trả lời:
- Tại sao anh chị em vẫn cứ sống như cách đây 6 tuần trước. Khi nào anh chị em đem áp dụng những gì tôi đã trình bầy tôi sẽ giảng bài giảng mới.
Các đoạn Tin Mừng từ ngày Thứ Ba này đến ngày Thứ Năm đều nói về việc nghe Lời Chúa. Ý tưởng mỗi ngày một tiến thêm
- Thứ Ba (Mc 3,31-35) đề cao những người nghe Lời Chúa.
- Thứ Tư (Mc 4,1-20) Nghe Lời Chúa chưa đủ, còn phải sống Lời đó nữa.
- Thứ Năm (Mc 4,21-25) Và còn phải loan báo Lời Chúa cho những người khác.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đang giảng Lời Chúa cho những kẻ khao khát nghe. Đúng lúc đó những người bà con đến xin gặp Ngài. Chúa Giêsu tỏ ra coi trọng những người đang nghe Lời Chúa hơn những người bà con chẳng những Ngài không bỏ việc giảng để ra ngoài gặp bà con, mà còn nói những kẻ đang nghe Ngài giảng mới là gia đình thật của Ngài.
B.... nẩy mầm.
1. "Mẹ và anh em Chúa Giêsu đứng ở ngoài, cho gọi Người ra" Văn mạch phía trước có kể rằng khi hay tin Chúa Giêsu say mê giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng đến nỗi không có thời giờ ăn uống, "thân nhân của Người liền đi bắt Người vì họ nói rằng Người đã mất trí" (Mc 3,21). Chuyến đó họ không "bắt" (nghĩa là không ngăn cản) Chúa Giêsu được. Có lẽ vì thế mà hôm nay, họ mời thêm Đức Maria. Khi Đức Mẹ đến, hẳn Người không hề có ý cản trở sứ mạng Chúa Giêsu mà chỉ đến để xem xét sự thể ra sao. Dù sao, câu chuyện cũng cho thấy Đức Mẹ chưa hiểu nhiều về sứ mạng của Chúa Giêsu. Đã nhiều lần Mẹ phải ghi nhớ và suy nghĩ trong lòng về những việc lạ lùng nơi con của mình. Cuối cùng, dưới chân Thập giá, Mẹ mới hiểu hết và còn kết hợp sự đau khổ của mình với sự đau khổ của Chúa Giêsu.
Chúng ta hãy học nơi Đức Mẹ thái độ ghi nhớ và suy gẫm trong lòng những điều chưa hiểu.
2. Theo cách viết của Thánh Mác cô, mẹ và anh em Chúa Giêsu "đứng ở ngoài", còn đám đông nghe Ngài giảng thì "ngồi chung quanh". Như thế nghĩa là những kẻ nghe Lời Chúa còn gần gũi và thân thiết với Ngài còn hơn những người bà con ruột thịt.
3. Đối với bản thân mình, Chúa Giêsu coi trọng việc rao giảng Lời Chúa hơn việc gặp bà con; đối với người khác, Ngài coi trọng những người nghe Lời Chúa hơn cả bà con của Ngài.
4. Chúa Giêsu nhiều lần nhấn mạnh đến việc nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Thí dụ "Đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc… Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiến Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người (nghĩa là thi hành ý Người), còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho" (Mt 6,25-33); "Ai nghe mà không thực hành thì ví được như người xây nhà ngay trên mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào thì nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành" (Lc 6,49).
5. "Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em, là mẹ tôi" (Mc 3,35)
Bản thân là một kitô hữu, tôi đã thuộc về Đức Kitô. Biết và thi hành ý muốn của Chúa, tôi sẽ là mẹ, là anh chị em của Người. Vâng, Chúa đã nói với những kẻ ngồi xung quanh Người như thế.
Hôm nay, Chúa cũng tha thiết nói với tôi, với những người xung quanh tôi như vậy, từ những người trí thức đến những người thấp kém trong xã hội. Tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ đón nhận và làm cho lời Chúa thấm nhuần cả đời sống của ta, gia đình và xã hội, để Chúa Giêsu không ngừng lớn lên trong ta và trong mọi người. Như thế đó, ta vừa là mẹ vừa là anh chị em của Người.
Nhiều lần tôi đã từ chối chức vụ cao trọng ấy, vì còn miệt mài cạnh tranh, dành giật những địa vị khá hơn, cao hơn; mong cho cuộc sống được "sung túc".
Lạy Chúa, xin cho con biết trọng địa vị cao sang Chúa dành cho con là được làm mẹ và làm anh chị em Người, khi lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. (Epphata)
1. Các đoạn Tin Mừng từ ngày Thứ Ba đến ngày Thứ Năm tuần này đều nói về việc nghe Lời Chúa. Ý tưởng này mỗi ngày một rõ và mạnh thêm.
Chúng ta tự hỏi: Tại sao Mẹ Chúa Giêsu và anh em Chúa lại muốn gặp Chúa đang lúc Chúa giảng dạy cho dân chúng như vậy?
Theo Marcô thì chúng ta thấy, trước khi có chuyện mẹ và anh em muốn gặp Chúa thì đã có thân nhân của Chúa nghe tin Chúa say mê giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng đến nỗi không có thời giờ ăn uống, thậm chí họ còn cho rằng, Ngài đã mất trí cho nên họ muốn bắt Ngài về. (Mc 3, 21). Không hiểu vì lý do gì mà chuyện đó không thành công. Họ không “bắt” (nghĩa là không ngăn cản) được Chúa Giêsu, cho nên hôm nay, họ mời thêm Đức Maria nữa. Chắc hẳn khi Đức Mẹ đến, mẹ chẳng hề có ý cản trở sứ mạng Chúa Giêsu mà chỉ đến để xem sự thể ra sao.
Dù sao, câu chuyện cũng cho thấy Đức Mẹ chưa hiểu nhiều về sứ mạng của Chúa Giêsu. Đã nhiều lần Mẹ phải ghi nhớ và suy nghĩ trong lòng về những việc lạ lùng nơi con của mình. Cuối cùng, dưới chân Thập Giá, Mẹ mới hiểu hết và còn kết hợp sự đau khổ của mình với sự đau khổ của Chúa Giêsu.
Chúng ta hãy học nơi Đức Mẹ thái độ ghi nhớ và suy gẫm trong lòng những điều chưa hiểu.
2. Vâng! Tuân theo thánh ý Thiên Chúa đó là điều đã được Đức Maria thực hiện một cách rõ ràng qua hai tiếng Xin Vâng trong biến cố Truyền Tin và rồi còn được thể hiện trong suốt cuộc đời của Đức Mẹ nữa. Không ai có thể nghi ngờ gì về việc đó.
Ngày nay, không thiếu gì những người cũng đã trở thành những người mẹ, người anh chị em của Chúa, theo ý nghĩa mới.
Câu chuyện dưới đây là một trong muôn vàn trường hợp.
Nàng là một thiếu nữ trẻ đẹp, đã đính hôn với một chàng trai, và đang chờ đợi ngày làm lễ thành hôn. Thế rồi một hôm, bỗng nàng cảm thấy đau ở tay. Nàng đến gặp một Bác sĩ. Sau khi đã khám nghiệm, bác sĩ cho biết, nàng mắc bệnh phong cùi. Thế là tương lai hoàn toàn sụp đổ ngay ở dưới chân. Sao mà số phận của nàng nghiệt ngã đến thế. Rồi cùng với bao nhiêu người cùi khác, nàng phải vào sống trong trại cùi. Những trại này thường được thiết lập ở một nơi xa xôi hẻo lánh, tách biệt khỏi gia đình và xã hội.
Hôm ấy người ta chở nàng đến trại cùi. Vừa đến nơi, thấy những người đàn bà rách rưới bẩn thỉu, nàng bật khóc và tinh thần xuống tột độ. Sự tuyệt vọng đã hiện rõ trên khuôn mặt xinh xắn của nàng. Những người đưa nàng đến đây đều có cùng một ý nghĩ là, có thể nàng sẽ tự tử.
Nhưng may thay, mấy ngày hôm sau, một vị thừa sai đang phục vụ trong trại cùi đã đến xin nàng giúp ngài săn sóc cho những người cùi khác.
Một tia hy vọng đã lóe lên trong đầu nàng. Từ đó, nàng bắt tay vào việc bằng cách mở lớp dạy chữ cho các em cùi và những người lớn chưa biết chữ. Nàng cũng hướng dẫn những phụ nữ có con cách chăm sóc và nuôi nấng con cho chu đáo.
Nhưng điều nàng làm hay nhất là những buổi sinh hoạt mà nàng đứng ra hướng dẫn, đã thay đổi hẳn bộ mặt của trại cùi một cách rõ nét. Nhờ cây đàn Accordion được các vị thừa sai sắm cho, nàng đã tạo nên được một bầu không khí vui nhộn và ấm cúng cho cả trại cùi.
Ít lâu sau, có người hỏi cảm tưởng của nàng về cuộc sống nàng đang sống thì người thiếu nữ Ấn Độ đó trả lời rằng:
- Khi vừa mới đến đây, tôi bắt đầu hồ nghi Thiên Chúa. Tôi không biết có Thiên Chúa hay không nữa. Vì nếu có Thiên Chúa là tình thương, thì làm sao mà Ngài lại để cho con người khổ sở như thế này. Nhưng bây giờ thì tôi biết đó là ý Chúa. Và rõ ràng đối với tôi là Ngài muốn cho tôi ở đây, để làm vơi đi những nỗi sầu khổ của bao nhiêu người đang sống ở chốn này. Vì thế, tôi không còn buồn nản như lúc mới tới đây nữa, mà tôi hân hoan thực thi ý của Chúa. Bao lâu tôi còn sống tôi sẽ cảm tạ Chúa vì Ngài đã dắt đưa tôi tới đây.”
Vâng! Người thiếu nữ trên đây đã trở thành mẹ và anh chị em của Chúa rồi.
Lạy Chúa Giêsu, con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay. Chúng con thường xây nhà trên cát, vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành. Chính vì thế Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con. Xin cho chúng con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ. Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình, để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng. Ước gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền tảng vững chắc, là Lời Chúa, Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. (Rabboni).