Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy.
Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa".
Theo nhận xét của thánh Phaolô trong thư gửi giáo hữu Côrintô, “Người Do Thái đòi hỏi dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan” (1 Cr 1, 22). Có vẻ người Do Thái thích dấu lạ và đòi hỏi dấu lạ để tin. Đối với họ, dấu lạ là một bảo đảm cho tính chân thực của lời rao giảng. Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ trong mấy năm rao giảng Tin Mừng. Trừ quỷ và chữa những bệnh nan y là những dấu lạ Ngài hay làm. Ngài chữa người mù bẩm sinh, người phong, người nhiều năm bất toại. Ngài hoàn sinh con gái ông Giairô, con trai bà góa thành Nain, và nhất là cho anh Ladarô chết chôn trong mồ bốn ngày được sống lại. Có những dấu lạ Ngài làm trên thiên nhiên mà chỉ các môn đệ biết, như bắt bão táp phải lặng yên hay đi trên mặt nước lúc sóng gió. Cũng có dấu lạ trước mặt cả ngàn người như làm cho bánh hóa nhiều. Không ai có thể phủ nhận chuyện Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ (Ga 11, 47). Nhưng Ngài không làm dấu lạ để biểu diễn phô trương. Ngài cũng không dùng dấu lạ để mua lòng tin của dân chúng. Dấu lạ của Đức Giêsu không qui về vinh quang hay lợi lộc cho Ngài, nhưng nhắm đến việc khai mở Nước Thiên Chúa và hạnh phúc nhân loại. Nhiều lần Ngài thắng được cám dỗ làm dấu lạ. Ngài đã không biến đá thành bánh để ăn cho no bụng hay nhảy xuống từ nóc Đền thờ để dân chúng kinh ngạc tung hô. Ngài cũng không biểu diễn vài dấu lạ trước mặt Hêrôđê để được tha. Trên thập giá, Ngài đã không đáp lại thách đố của các nhà lãnh đạo. “Hắn đã cứu người khác, thì hãy cứu lấy mình đi!” (Lc 23, 35). Đức Giêsu đã làm dấu lạ cho người khác, nhưng không làm cho mình. Ngài không tự cứu lấy mình, nghĩa là không xuống khỏi thập giá. Hôm nay, chúng ta có thể không mãn nguyện như người Do Thái xưa. Tuy Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ trong đời ta, nhưng, như họ, ta vẫn đòi một dấu lạ đầy ấn tượng từ trời. Chúng ta muốn một dấu chỉ không thể chối cãi được để tin thật sự có Thiên Chúa, tin Ngài mạnh hơn sự dữ ở quanh ta. Nhưng chúng ta quên rằng Thiên Chúa cũng là Đấng ẩn mình, và quyền năng của Ngài được biểu lộ qua sự bao dung khiêm hạ. Chúng ta chờ dấu lạ về việc Đức Giêsu hùng mạnh đến giải thoát ta, nhưng lại quên rằng Ngài cũng thích cùng ta âm thầm chịu đau khổ. Làm sao tôi nhận ra được những dấu rất lạ mà lại rất đỗi bình thường, những dấu lạ lớn lao mà nhỏ bé Chúa vẫn làm cho đời tôi? Làm sao tôi nhận ra được cái bình thường của đời tôi cũng là dấu lạ? Ngỡ ngàng như trẻ thơ trước những điều mà nhiều người coi là tự nhiên, tôi dần dần hiểu rằng đời tôi được bao bọc bởi tình yêu là dấu lạ. Thay vì bôn chôn tìm kiếm và đòi hỏi những điều ngoạn mục, ly kỳ, tôi khám phá ra Chúa vẫn ở bên tôi trong những điều đơn sơ nhỏ bé. Xin được ơn sám hối chỉ vì những dấu lạ bình thường Chúa ban cho đời tôi. Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con không nhận là ơn. Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên. Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng. Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn. Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con. Amen. -------------------------------
Thiên Chúa đã làm muôn vàn điềm kỳ dấu lạ. Tuy nhiên dấu lạ quan trọng nhất là dấu chỉ ơn cứu độ. Chính vì thế Chúa Giê-su cho biết sẽ tái diễn dấu lạ Gio-na.
Dấu lạ Gio-na là tình thương của Chúa. Muốn cứu độ dân Ni-ni-vê. Nên sai Gio-na đến. Đó là dấu lạ của quyền năng. Cho Gio-na vào bụng cá ba ngày vẫn còn sống. Trên hết đó là dấu lạ của ơn cứu độ. Nhưng ơn cứu độ chỉ đến được với người có niềm tin. Dân Ni-ni-vê ngoại đạo nhưng lại tin vào Chúa và tin lời Gio-na. Ăn năn sám hối nên được ơn cứu độ.
Chúa Giê-su còn hơn Gio-na. Nếu Gio-na là người được Chúa sai đến. Thì Chúa Giê-su là Thiên Chúa đích thân đến. Nếu Gio-na miễn cưỡng đến rao giảng. Thì Chúa Giê-su yêu thương con người, tự nguyện đến tìm con người. Nếu Gio-na được Chúa cho vào bụng cá ba ngày không chết. Thì Chúa Giê-su tự mình sống lại sau khi chết thật. Đó là dấu lạ lớn lao của ơn cứu độ. Tiếc rằng người Do thái không tin. Vì thế họ sẽ bị phán xét nặng nề. “Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Gio-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa”.
Thư Rô-ma cho thấy tình yêu thương của Thiên Chúa có từ muôn ngàn đời. Muốn cứu độ con người qua các sứ giả. Nhưng đến thời sau cùng Thiên Chúa ban chính Con Một. Cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su cho thấy quyền năng và tình yêu cứu độ của Chúa. Vì thế thánh Phao-lô nguyện suốt đời đem Tin Mừng cứu độ đến cho mọi người. Để tình yêu và quyền năng Thiên Chúa được rạng rỡ: “Nhờ Người chúng tôi nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ”(năm lẻ).
Chúa Giê-su ban ơn cứu độ. Để ta được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi. Để ta được tự do. Chúa mặc lấy thân nô lệ để ta được tự do. Chúa chịu chết cho ta được sống. Ta hãy biết trân trọng tự do. Vì nó được chuộc lại bằng giá rất đắt. Ta hãy biết trân trọng sự sống. Vì nó được chuộc lại bằng giá Máu Chúa. Đó là dấu lạ lớn lao. Đó là dấu chỉ vĩ đại. Dấu chỉ tình yêu. Dấu chỉ ơn cứu độ. “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa” (năm chẵn).
Thế nào là phép lạ? Theo quan niệm thông thường, khi một sự kiện có giá trị tích cực không thể giải thích được thì đó là phép lạ. Những người có niềm tin tôn giáo thì cho rằng phép lạ là một sự can thiệp của Chúa.
Giáo Hội Công Giáo luôn tin có phép lạ, nhưng trong thực tế lại tỏ ra vô cùng thận trọng trong việc nhìn nhận các phép lạ; cụ thể là những gì đã và đang xảy ra tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Ðức bên Pháp: từ hơn 100 năm nay, đã có trên 2,000 trường hợp khỏi bệnh được nhiều người xem là phép lạ, nhưng cho tới nay, Giáo Hội Công Giáo chỉ chính thức nhìn nhận 67 vụ thực sự là phép lạ theo đúng nghĩa mà thôi.
Thế nào là phép lạ? Thiên Chúa có còn làm phép lạ không? Ðó là những câu hỏi mà Tin Mừng hôm nay như muốn nêu lên để chúng ta cùng suy nghĩ. Chúa Giêsu thực sự làm nhiều phép lạ: Ngài biến nước thành rượu, Ngài nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đám đông, Ngài chữa lành bệnh tật, Ngài làm cho kẻ chết sống lại. Tất cả những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều nhắm nói lên sứ mệnh của Ngài và Ngài chính là Ðấng Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại. Một số người Do thái đã tin nhận và đi theo Ngài, nhưng phần đông vẫn tỏ ra dửng dưng trước những lời rao giảng của Ngài. Riêng những thành phần lãnh đạo trong dân, như nhóm Biệt Phái, thì chẳng những không tin nhận, mà còn chống đối Ngài ra mặt; họ thách thức nếu Ngài làm một dấu lạ cả thể thì họ mới tin nhận Ngài.
Trước thái độ đó, Chúa Giêsu mượn hình ảnh của tiên tri Yôna để nói về Ngài. Tiên tri Yôna đã đến Ninivê để rao giảng sự sám hối, tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu cũng đều nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài và kêu gọi sám hối. Tiên tri Yôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm. Giáo Hội tiên khởi đã xem đây như là một dấu chỉ loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, nếu có một dấu lạ cả thể mà Chúa Giêsu thực hiện để đáp lại thách thức của những người Biệt phái, thì dấu lạ đó không gì khác hơn là chính cái chết của Ngài; chết để nên Lời, và Lời ấy là Lời của Yêu Thương.
Ngày nay, không thiếu những người thách thức Thiên Chúa. Cũng như những người Biệt phái, họ đòi Thiên Chúa phải làm một dấu lạ cụ thể nào đó, họ mới tin nhận Ngài. Nhưng mãi mãi, Thiên Chúa sẽ không bao giờ hành động như thế. Ngài mãi mãi vẫn là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài đã nhập thể làm người và sống cho đến tận cùng thân phận làm người. Cái chết trên Thập giá vốn là tuyệt đỉnh của thân phận làm người, do đó đã trở thành dấu lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện, đó là dấu lạ của tình yêu.
Thiên Chúa vẫn tiếp tục bày tỏ dấu lạ cả thể ấy. Trong trái tim mỗi người, Thiên Chúa đã đặt vào đó sức mạnh vĩ đại nhất là tình yêu. Sức mạnh ấy không ngừng nung nấu con người; sức mạnh ấy đang được thể hiện qua những nghĩa cử mà chúng ta có thể bắt gặp mỗi ngày.
Ðó là phép lạ cả thể nhất Thiên Chúa đang tiếp tục thực hiện trong lịch sử con người.
Tình yêu vốn là sức mạnh vĩ đại nhất, nhưng thường lại được bày tỏ qua những cử chỉ nhỏ bé và âm thầm nhất. Một nụ cười thân ái, một cái xiết tay, một lời an ủi, một cử chỉ tử tế, một ánh mắt cảm thông và tha thứ, đó là những cử chỉ nhỏ, nhưng lại là biểu hiện của dấu lạ cả thể nhất là tình yêu.
Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh để nhận ra phép lạ Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện trong cuộc sống chúng ta. Ước gì chúng ta cũng trở thành dấu lạ cho những người xung quanh.
Chắc mỗi người chúng ta ít nhiều đều trải qua kinh nghiệm gặp một con người ngoan cố, cãi bướng, không biết phục thiện, không bao giờ có lòng khiêm tốn đủ để nhìn nhận lỗi lầm hay sự sai trái của mình. Họ sẽ tìm đủ mọi lý do để biện hộ, để tránh né vấn đề, để khỏi phải nhìn nhận sự thật. Trong số những người Do Thái nghe Chúa Giêsu rao giảng và nhìn thấy tận mắt những dấu lạ Ngài thực hiện cũng có những người ngoan cố không tin, thậm chí còn tìm cách giải thích khác đi.
Nơi câu 14 chương 11, Phúc Âm theo thánh Luca, trong khi đã chứng kiến tận mắt phép lạ Chúa Giêsu trừ quỉ thì có kẻ trong đám đông đưa ra lời giải thích đầy ác ý: "Ông ấy dựa trên quỉ vương Bêendêbun, quỉ cả mà trừ quỉ con", kẻ khác lại muốn thử Ngài nên đòi Ngài một dấu lạ từ trời. Ðoạn Phúc Âm mà chúng ta vừa nghe đọc lại trên đây có thể được ta hiểu trong khung cảnh sự ngoan cố không tin của những người Do Thái, nhất là của những vị lãnh đạo đầy ác ý và ganh tị với Chúa. Chúa Giêsu nhận định về họ như sau: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin dấu lạ, nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào ngoài dấu lạ ông Gioan". Xin Chúa ban cho một dấu lạ để củng cố một quyết định không phải là một điều xấu nếu ta xin bởi lòng khiêm tốn, tin tưởng vào Chúa. Các thánh thường làm như vậy để được củng cố giữa những thử thách. Khiêm tốn xin Chúa một dấu lạ với một tâm hồn ngay thẳng, tin tưởng, phó thác khác với một thái độ ác ý, thách thức. Và Chúa Giêsu từ chối chiều theo thách thức ác ý của những kẻ ngoan cố không tin.
Ðể tin nhận Chúa, cần phải thực hiện một ăn năn hoán cải, chừa bỏ những thói hư tật xấu của mình, những ác ý của mình như dân thành Ninivê khi nghe lời rao giảng của tiên tri Giôna ngày xưa. Vì thế mà Chúa Giêsu nói tiếp: "Quả thực, ông Giôna là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người đây cũng sẽ làm một dấu lạ cho thế hệ này như vậy". Sự ăn năn hối cải là bước đầu tiên cần thực hiện để đón nhận sứ điệp Tin Mừng của Chúa, không có phương thế nào khác để thay đổi sự ngoan cố của con người, bằng chính lời mời gọi người đó khiêm tốn hối cải, thoát ra khỏi những tật xấu và thái độ tự mãn tự kiêu, thoát ra khỏi những ác ý của họ. Dân thành Ninivê đã được Chúa nhắc lại để nêu gương vì họ đã tỏ ra mau mắn đáp lại lời rao giảng của tiên tri Giôna mà ăn năn thống hối. Chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta có thái độ như thế nào trước những dấu lạ Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta, để mời gọi ăn năn hối cải trở về tin nhận Chúa. Ðức tin không phải là kết luận đương nhiên của những dấu lạ nhưng là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban cho những tâm hồn khiêm tốn, biết ăn năn hoán cải vì những lỗi lầm của mình.
Lạy Chúa, Xin thương ban cho con một tinh thần khiêm tốn để có thể nhìn thấy và hiểu được những ý nghĩa dấu lạ Chúa thực hiện trong con và quanh con để mời gọi con canh tân đời sống, từ bỏ những ác ý trở về cùng Chúa.
Lạy Chúa, Xin hãy thương ban cho con một tâm hồn khiêm tốn, trong sạch. Xin ban cho con đức tin. Con tin nhưng hãy thương ban ơn trợ giúp cho đức tin còn non yếu nơi con.
Đức Giêsu nói: “Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Gio-na rao giảng, mà đây thì còn hơn ông Gio-na nữa. (Lc. 11, 32)
“Người ta đồn: Đây là Đấng Mê-si-a, Đấng Thiên sai cứu thế! Thế thì Ngài có làm nhiều phép lạ không?”. Rồi tứ phía người ta tấp nập chạy đến, tụ họp đông đảo vây quanh Đức Giêsu. Họ xin: “Xin cho chúng tôi man-na như Mô-sê đã cho tổ phụ chúng tôi. Được thế, người ta sẽ nhận Ngài thật là ngôn sứ vĩ đại và tin vào Ngài”. Vậy theo họ bắt buộc: Thiên sai cứu thế phải làm dấu lạ từ trời xuống.
Từ chối đòi hỏi của họ:
Đức Giêsu quá rõ người ta. Họ chạy theo dấu lạ. Rồi … họ chẳng còn thấy ơn ích gì nữa. Người ta đi trên mặt trăng; khi được rồi, người ta lại bỏ, đi tìm cảm giác mới trên một hành tinh khác. Trước sự bất nhất hay thay đổi của tính con người, “của thế hệ gian ác này”, Đức Giêsu giữ thái độ huyền nhiệm và từ chối hẳn, không làm dấu lạ như họ đòi hỏi kêu xin. Người từ chối dùng cách cưỡng bách họ phải tin.
Chính Người là dấu chỉ của nước Thiên Chúa đã đến với họ. Tuy nhiên, Người không từ chối chữa bệnh và đuổi quỷ ám. Những ai có tâm hồn cởi mở đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, họ thấy được ngón tay của Thiên Chúa trong những công việc và lời nói của Đức Giêsu và họ tin rằng Đức Giêsu là Đấng Thiên sai cứu thế, là Con Thiên Chúa hằng sống. Họ không cần đòi căn cước chứng minh thêm, ký tên thêm, ấn chứng phụ nữa.
Kêu gọi lòng tin
Gio-na không ai biết căn cước về ông. Một cách đơn giản, bình thường, ông đã rảo khắp phố phường kêu gọi: “Còn bốn mươi ngày nữa thành Ni-ni-vê sẽ bị án phạt tiêu diệt”. Ông chưa đi được ba ngày đường, dân thành đã tin vào Thiên Chúa, và vua tuyên bố ăn chay đền tội. Và thành Ni-ni-vê được Thiên Chúa tha thứ. Hoàng hậu Sa-ba nghe biết sự khôn ngoan của vua Sa-lô-môn, bà từ tận cùng trái đất đến nghe lời vua. Đức Giêsu nói: Sự loan báo của Người hơn cả Gio-an, sự khôn ngoan của Người hơn cả Sa-lô-môn. Nhưng dân được hưởng giao ước lại từ chối tin vào Người, nên họ sẽ bị những dân ngoại kết án họ trong ngày phán xét.
Ở mọi thời, Thiên Chúa vẫn bày tỏ những dấu chỉ về Ngài. Ngay từ khi tạo dựng vũ trụ, dù phần lớn nhân loại không nhận ra, ngay cả dân riêng của Ngài cũng không đón nhận lời Đức Giêsu nói, tuy nhiên, lời Người luôn luôn sống động và khẩn thiết. Tại sao lại đòi xem căn cước của Người hay đòi biết số thẻ bảo hiểm xã hội của Người trước khi nghe Người?
"Tôi đã đi khắp vũ trụ, nhưng không thấy Thiên Chúa ở đâu cả!”. Đó là lời thốt lên từ một phi hành gia của Liên Xô sau chuyến thám hiểm vũ trụ.
Thật vậy, tâm thức của con người trong thời đại này thiên về thực dụng, vì thế, họ chỉ tin khi mắt thấy, tai nghe. Thái độ này trùng hợp với tâm thức của những người Pharisêu thời Đức Giêsu.
Sẵn có sự hiềm khích đối với Đức Giêsu, vì thế, họ tận dụng mọi cơ hội để thử thách Ngài. Hôm nay, họ đòi hỏi Đức Giêsu phải làm một dấu lạ để họ tin. Tuy nhiên, họ đã bị khước từ vì bản chất của phép lạ không nhằm thỏa mãn sự tò mò hay hiếu tri của con người, nên Đức Giêsu đã không đáp ứng nhu cầu bất chính của họ.
Thật vậy, nội dung và ý nghĩa của phép lạ không nằm ở việc thỏa mãn trong sự thách thức, mà là ngang qua phép lạ, người đón nhận sẽ có tâm tình sám hối, thay đổi đời sống và có mối tương quan thân mật, tin tưởng nơi Thiên Chúa và có tấm lòng bao dung với tha nhân. Sự biến đối này được khởi đi từ tâm tình khiêm tốn và sẵn sàng làm mới lại đời sống cho phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.
Thực trạng ngày nay của mỗi người chúng ta hẳn rất giống với người Pharisêu khi xưa! Thường thì chúng ta hay xin Chúa cho mình làm ăn phát đạt, mà không hề để ý đến cách kinh doanh của mình! Có khi kinh doanh bất chính nhưng vẫn xin Chúa cho thuận buồn xuôi gió! Hay cộng tác vào những chuyện trái với luân thường đạo lý, nhưng lại xin được bình an! Hoặc xin Chúa chữa lành bệnh tật nhưng đời sống không có gì thay đổi...! Đôi khi cũng có những người thách thức Chúa như những Pharisêu khi xưa!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhạy bén với ơn Chúa, để nhận ra một phép lạ vĩ đại, cả thể mà Ngài vẫn thường làm trên cuộc đời và trong cuộc sống của chúng ta, đó là tình yêu thương, sự bao dung của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Thật vậy, nếu Chúa không yêu thương và đại lượng với chúng ta, hẳn chúng ta đã không bao giờ có được như ngày hôm nay!
Đồng thời cần khiêm tốn để sẵn sàng biến đổi đời sống, trở nên người hiền lành, khiêm nhường. Có thế, chúng ta mới hy vọng được Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra sự quan phòng của Chúa trên cuộc đời chúng con, để từ đó, chúng con sống trong sự khiêm tốn và tin tưởng vào Ngài. Amen.
Sứ điệp: Những phép lạ Chúa làm đủ để chứng tỏ Ngài là sứ giả của Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa. Thế nhưng người Do thái đã không tin. Đây cũng là thảm kịch của con người ngày nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người Do thái đã trả giá lòng tin của họ bằng cách đòi cho được những dấu lạ là bằng chứng về một Thiên Chúa quyền năng và tình thương, luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu và khát vọng của con người. Họ đòi dấu lạ, nhưng lại không tin vào các phép lạ Chúa làm.
Lạy Chúa, đôi lúc nghĩ về dân Do thái ngày xưa, con tức giận và thầm oán trách họ cứng lòng tin. Nhưng khi nhìn lại con, có thể con đã không tốt hơn họ bao nhiêu, mà có lẽ còn tệ hơn. Trong thế giới hôm nay, con người ngày càng đánh mất ý thức về sự thánh thiêng, và không còn nhận ra quyền năng Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới. Con cũng đang quay cuồng trong đời sống vật chất, ảnh hưởng các trào lưu tục hóa, làm niềm tin của con bị lung lay tận gốc rễ. Có những lúc vì quá thất vọng, chán nản ê chề, con đã cầu mong Chúa thực hiện một phép lạ nào đó như là dấu chỉ Chúa vẫn thương con. Khi không được như ý, con lại oán trách Chúa và nghi ngờ Chúa.
Lạy Chúa, một cách vô tình, con đã coi Chúa như là đầy tớ phải làm theo ý con muốn. Xin Chúa thương tha thứ cho sự xúc phạm của con. Xin ban cho con một tâm hồn khiêm tốn để con tin vào Chúa và đón nhận Lời Chúa. Xin ban cho con đôi mắt của niềm tin, để thay vì đòi Chúa làm phép lạ, con sẽ thấy được quyền năng Chúa vẫn đang hoạt động trong các biến cố, trong cuộc sống thường ngày nơi chính cuộc đời con. Amen.
Ghi nhớ: “Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.
Một nhóm sinh viên tổ chức tham quan mỏ than Scottish ở nước Anh. Mỗi sinh viên được phát một mũ bảo hộ của thợ mỏ, đằng trước mũ có gắn bóng đèn nối với một bình điện đeo ở thắt lưng.
Người hướng dẫn đưa họ vào buồng thang máy xuống tận đáy hầm than. Tới nơi, ông đề nghị các sinh viên bật đèn trên mũ bảo hộ vì con đường dẫn đến khu khai thác tối đen như mực. Mái vòm chỉ cao một mét hai, nên mọi người phải cúi rạp xuống khi di chuyển. Than được chở trên băng tải và đổ vào các toa trên đường ray.
Ngay trước khi nhóm sinh viên đến khu khai thác, người hướng dẫn nói: “Các bạn hãy tắt tất cả các đèn trên mũ”. Mọi người đều làm theo. Không ai thấy gì cả. Mọi vật đều một màu đen. Trong tăm tối, người thợ mỏ nói: “Hãy cố gắng nhìn kỹ vào ngón tay của bạn”. Chẳng ai thấy gì cả. Một vài người bắt đầu sợ hãi. Rồi người thợ mỏ nói một câu mà các sinh viên không bao giờ quên được: “Đây là tình trạng của những người mù”.
Tất cả các sinh viên đều hiểu ra. Bị mù thì không bao giờ thấy được ánh sáng hoặc bất cứ thứ gì khác. Họ cũng hiểu tại sao những người thợ mỏ lại thích bầu trời trong xanh và ánh nắng rực rỡ của mặt trời.
Suy niệm
Khi Chúa Giêsu và các môn đệ đến gần thành Giêricô thì gặp anh hành khất mù, đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi nghe biết Đức Giêsu thành Nadarét đi qua, liền kêu lên: “Lạy ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Tước hiệu “Con Vua Đavít”, nghĩa là Đức Kitô, Đấng như các lời tiên báo của ngôn sứ: Đấng Cứu Thế xuất thân tự dòng dõi vua Đavít, Đấng được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần. “Xin thương xót tôi”, tiếng Hy Lạp là “Kyrie Eleison”. Sau này xuất phát một truyền thống rất lâu đời của Giáo hội Đông phương dạy các tu sĩ ở Hy Lạp, Libăng, Xyria, Ai Cập, Cappadoce vùng sa mạc... Phương thế tự thánh hóa mình nhờ “lời cầu xin với Đức Giêsu bằng cách chỉ lặp đi lặp lại một cách đơn sơ và không biết mỏi mệt những từ này: “Lạy Đức Giêsu, xin thương xót. Lạy Đức Giêsu, xin thương xót”.
Anh mù tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu trước mặt mọi người bằng cách lớn tiếng kêu cầu, bất chấp mọi cấm cản của những người chung quanh. Anh được sáng mắt nhờ đức tin như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”, đối tượng đức tin duy nhất là Đức Giêsu Nadarét con vua Đavít mà anh đã đặt hết niềm tin vào. Nhờ đức tin sống động ấy, anh mù đã sáng mắt.
Chúng ta cũng duyệt lại đời sống của mình, có còn ở trong bóng tối, như anh mù ở thành. Chúng ta tín thác vào Thầy Giêsu, Đấng sẽ kéo chúng ta về sự sáng trong lời cầu: Xin Chúa chữa niềm tin còn u tối… U tối của tội lỗi, của bất toàn và của yếu đuối thân phận của con người… U tối của những suy nghĩ, u tối trong cách hành xử với nhau.
Ý lực sống
Giúp con sáng mắt Chúa ơi! nhận ra tình Chúa giữa đời gian nan. Tin tưởng, phó thác, bình an giã từ bóng tối, vững vàng niềm tin. (Ánh sáng niềm tin, Monica Lệ Thi).
Khi Đức Giêsu cứu chữa một người bị quỷ câm ám, thì dân chúng chia làm ba nhóm khác nhau: nhóm tin, nhóm không tin, còn nhóm thứ ba cũng không tin, nhưng đòi phải đưa ra một dấu chỉ “từ trời” để chứng minh Người là kẻ được Thiên Chúa sai đến. Đức Giêsu từ chối vì biết họ chỉ có ý khiêu khích. Người hứa cho họ xem một dấu lạ lớn lao, tuyệt hảo nơi bản thân Người khi dựa vào câu chuyện ông Giona đã làm thời xuất hành để hứa ban một dấu lạ nơi chính bản thân Người là sự tử nạn và phục sinh của Người để kêu gọi mọi người sám hối.
Chắc mọi người chúng ta ít nhiều đều đã trải qua kinh nghiệm gặp một con người ngoan cố, cãi bướng, không biết phục thiện, không bao giờ có lòng khiêm tốn đủ để nhìn nhận lỗi lầm hay sự sai trái của mình. Họ sẽ tìm đủ mọi lý do để biện hộ, để tránh né vấn đề, để khỏi phải nhìn nhận sự thật. Trong số những người Do thái nghe Chúa Giêsu rao giảng và nhìn thấy tận mắt những dấu lạ Ngài thực hiện cũng có những người ngoan cố không tin, thậm chí còn tìm cách giải thích khác đi. Họ đòi Chúa Giêsu phải làm một dấu lạ “từ trời” xuống thì họ mới tin. Nhưng Chúa không làm theo ý họ.
Dấu lạ hay phép lạ chỉ hỗ trợ cho lời rao giảng và góp phần nâng đỡ niềm tin. Bởi vì khi đã thấy tỏ tường thì không còn là đức tin nữa, mà là một sự chấp nhận bất đắc dĩ không thể chối cãi. Nếu niềm tin chỉ dựa vào phép lạ sẽ rất nông cạn nhất thời và gặp khi thử thách sẽ bỏ cuộc. Chúa Giêsu và các Tông đồ chỉ làm phép lạ khi cần thiết và hợp ý Thiên Chúa, các Ngài luôn từ chối thực hiện phép lạ theo đòi hỏi của con người. Bài Tin mừng hôm nay kể về việc người biệt phái đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ, nhưng Chúa Giêsu đã từ chối và lên án sự cứng lòng của họ.
Ngày xưa, tiên tri Giona được Chúa sai đến thành Ninivê, loan báo thành này sắp bị phá huỷ. Dân Ninivê từ vua tới dân (thậm chí cả súc vật) đã ăn chay, mặc vải thô, xức tro lên đầu và thống hối ăn năn, cuối cùng được Chúa tha thứ. Ấy thế mà, hôm nay Đấng là Thiên Chúa (cao trọng khôn vời so với Giona) đang kêu gọi: “Hãy ăn năn sám hối, vì Nước Thiên Chúa đã gần”. Người Do thái đã không đón nhận và không chịu sám hối, cải thiện đời sống mà trở về với Thiên Chúa.
Đó cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta, vẫn thả mình buông theo tội lỗi và làm bao nhiêu việc sai trái trong ‘bóng tối’. Lời Chúa hôm nay mời gọi những ai đang sống trong tội, hãy mau ăn năn thống hối, bỏ đường tội lỗi, trở về với Chúa qua bí tích Hoà giải và đón nhận ơn tha thứ của Chúa, hầu cuộc đời chúng ta được đổi mới và nên thánh thiện (Hiền Lâm).
Trước khi đi chợ, mẹ dặn hai cậu con trai ở nhà, không được đi chơi xa kẻo kẻ trộm vào nhà. Hai đứa bé không tin vì nghĩ kẻ trộm không đến vào ban ngày. Cả hai cùng đi chơi. Thế là trộm vào nhà. Hôm nay, dân Do thái, đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ. Trước đó, Người đã làm nhiều phép lạ khi còn ở giữa họ, sao họ còn đòi thêm một dấu lạ? Chẳng lẽ họ đã quên phép lạ Chúa đã làm cho con trai bà góa thành Naim sống lại, hay làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no nê rồi sao, hay vì họ muốn trốn tránh lời kêu gọi sám hối của Chúa?
Khi tiên tri Giona đến rao giảng và kêu gọi sám hối, dân thành Ninivê tin lời ông và ăn năn hối cải. Dân Do thái đã thấy dấu lạ Chúa Giêsu làm, nhưng vì không chịu tin Người là Con Thiên Chúa, nên họ đóng cánh cửa lòng mình trước lời kêu gọi sám hối của Người.
Để tin nhận Chúa, cần phải thực hiện cuộc ăn năn hoán cải, chừa bỏ những thói hư tật xấu của mình, những ác ý của mình như dân thành Ninivê khi nghe lời rao giảng của tiên tri Giona ngày xưa. Vì thế mà Chúa Giêsu nói tiếp: “Quả thực, ông Giona là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì con người đây cũng sẽ làm một dấu lạ cho thế hệ này như vậy”.
Sự ăn năn hối cải là bước đầu tiên cần thực hiện để đón nhận sứ điệp Tin mừng của Chúa, không có phương thế nào khác để thay đổi sự ngoan cố của con người, bằng chính lời mời gọi người đó khiêm tốn hối cải, thoát ra khỏi những tật xấu và thái độ tự mãn tự kiêu, thoát ra khỏi những ác ý của họ (R. Veritas).
Truyện: Đức Kitô là một mầu nhiệm
Một người đàn ông đến với vị linh mục và muốn thắc mắc các cớ về đức tin, ông nói:
- Làm sao mà bánh, rượu biến thành Mình, Máu Chúa Kitô được?
Linh mục trả lời: - Có gì đâu. Bản thân ông cũng biến thức ăn thành máu thịt ông đấy. Thế thì lẽ nào Chúa Kitô không làm được như vậy?
- Nhưng, làm sao mà Chúa Kitô toàn thể ở trong tấm bánh nhỏ tí được?
- Này, cả vùng trời bao la trước mặt còn nằm gọn trong mắt ông, thì Chúa Kitô cũng vậy đấy.
- Vậy cùng một Chúa Kitô làm sao có thể hiện diện đồng thời ở khắp các nhà thờ?
Lúc bấy giờ linh mục cầm chiếc gương cho ông ấy soi mình vào. Sau đó, ngài thả rơi chiếc gương xuống đất nó vỡ thành nhiều mảnh, rồi nói với kẻ hoài nghi:
- Đấy chỉ có một mình ông thôi, vậy mà ông có thể thấy gương mặt mình trên từng mảnh gương vỡ. Chúa Kitô cũng thế (Willi Hoffsuemmer).
Người đời thường nói: “Mặt trời vẫn có đó nhưng chỉ có những ai không dùng bàn tay che kín mắt mình lại, thì người ấy mới có thể thấy được ánh sáng huy hoàng rực rỡ của nó”.
1. Văn mạch: Ở đoạn trước (Lc 11,14-22), Thánh Luca thuật rằng sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ cứu một người bị câm thì dân chúng chia ra thành 3 nhóm phản ứng khác nhau: nhóm thứ nhất (đa số) tin Ngài; nhóm thứ hai không tin, cho rằng Ngài đã làm tà thuật do dựa vào thế lực quỷ vương Bêenzêbun, Chúa Giêsu đã trả lời cho họ; nhóm thứ ba cũng không tin, họ đòi Ngài phải đưa ra một dấu chỉ “từ trời” chứng minh Ngài là kẻ được Thiên Chúa sai đến. Trong đoạn này, Chúa Giêsu sẽ đưa ra dấu chỉ đó.
2. Trong Thánh Kinh, kiểu nói “Thế hệ này” có nghĩa xấu, hàm ý nói về những người cứng tin (x. Đnl 1,30): Đối với những người cứng tin, Thiên Chúa sẽ chẳng cho dấu lạ nào ngoài dấu lạ Giôna. Ta biết Giôna là một ngôn sứ ban đầu không vâng lệnh Chúa để đi rao giảng cho dân thành Ninivê, nhưng sau khi phải bị một con cá nuốt vào bụng 3 ngày thì ông đành vâng theo. Kết quả là toàn dân thành ấy đã hối cải. Khi nhắc chuyện Giôna, Chúa Giêsu không nhắm đền việc ông bị cá nuốt, mà nhắm đến sự hoán cải của dân thành Ninivê, để khuyên người do thái hãy nghe theo lời rao giảng của Ngài như dân Ninivê xưa nghe lời Giôna
3. Câu 31-32: Tiếp theo, Chúa Giêsu dùng hai thí dụ (nữ hoàng phương Nam và dân Ninivê) để cho thấy Ngài biết trước người do thái sẽ không chịu nghe lời giảng của Ngài chứ không như dân Ninivê ngày xưa đã chịu nghe lời giảng của Giôna Bởi thế, tới ngày phán xét, tôi của họ sẽ nặng hơn.
B.... nẩy mầm.
1. Đối với Kitô hữu: Phải chăng chúng ta cũng chính là “thế hệ này” mà Chúa Giêsu đã trách. Chúng ta cứng lòng tin. Chúng ta đòi thấy dấu lạ rồi mới tin. Ngày xưa chính Chúa Giêsu là một dấu lạ phô bày hằng ngày trước mắt người do thái nhưng họ đâu có nhận ra và tin Ngài. Ngày nay cũng có rất nhiều dấu lạ diễn ra hằng ngày: trật tự kỳ diệu của vũ trụ, bàn tay Chúa quan phòng dẫn dắt mọi biến cố, những tác động của Chúa trong con người v.v. Thánh Phanxicô Assisi đã nhận ra được những dấu lạ đó và đã rơi lệ vì cảm động. Phải có cặp mắt đức tin và trái tim yêu mến mới nhận ra được những dấu lạ ấy. Và ai nhận ra được những dấu lạ ấy thì lại càng thêm tin tưởng và yêu mến Chúa hơn.
2. Câu đố: Một người đang chạy xe gắn máy trên đại lộ bỗng dừng lại, vì phía trước có dấu chỉ đèn đỏ. Một người bước vào một ngôi nhà thấy một dấu chỉ nên vội dụi tắt điếu thuốc của mình. Dấu đó thế nào? là hình một điếu thuốc bị gạch chéo... Trên đây là những dấu chỉ “nhân tạo”. Ngoài ra còn những dấu chỉ “thiên nhiên tạo” nữa, thí dụ đám mây đen bỗng dưng kéo đến là dấu báo trời sắp mưa. Loại thứ ba là những dấu chỉ nhắc ta nhớ đến Chúa. Loại thứ tư là những dấu chỉ Chúa muốn ta làm đề nhắc người khác nhớ đến Chúa. Đố bạn nghĩ ra một số dấu chỉ thuộc loại thứ ba và thứ tư...
3. Đối với những người quanh ta: Chúng ta còn được mời gọi trở nên những dấu lạ cho người thời nay để giới thiệu Chúa cho họ. “Một nụ cười, một ánh mắt cảm thông, một bàn tay nâng đỡ... phải chăng đó không là những phép lạ mà lúc nào những người chung quanh cũng đang chờ đợi nơi chúng ta?” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
4. Dấu chỉ: dấu chỉ là một dấu hiệu ẩn dấu một ý nghĩa. Tuy người ta không nghe dấu chỉ nói (vì nó không nói) nhưng người ta có thể hiểu điều nó muốn nói khi nhìn thấy nó. Thí dụ: khi ta thấy một lá cờ cắm trên nóc một ngôi nhà, ta hiểu nhà đó là cơ quan của nhà nước; khi ta thấy áo một người kia có hình chữ thập đỏ, ta hiểu người đó làm công tác y tế v.v. Vậy thử hỏi: khi người ta nhìn tôi, có những dấu chỉ nào giúp người ta hiểu tôi là môn đệ Chúa Giêsu không? (Frank Mihalic)
5. Người câm không nói được nhưng có cách làm cho người khác hiểu được họ, đó là dùng những dấu hiệu bằng tay, bằng nét mặt, có khi bằng cả thân thể. Tuy nhiên, muốn hiểu được người câm thì ta phải rất chú ý từng động tác nhỏ của họ. Rất nhiều khi Thiên Chúa nói với ta bằng ngôn ngữ của người câm. Ta cần chú ý lắm mới hiểu được ý Chúa.
6. “Ông Gio-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” (Lc 11,30)
Tôi đi tìm Thiên Chúa.
Tôi tin chắc Ngài đang hiện diện bên tôi.
Tôi kêu cầu Ngài.
Tôi chờ đợi Ngài.
Và tôi những muốn xin Ngài cho tôi một dấu lạ về quyền năng của Thiên Chúa để có thể hoàn toàn tín thác vào Ngài. Tôi muốn được như dân thành Ni-ni-vê xưa...Tôi đã không đủ lòng tin để hiểu rằng chính bản thân Ngài, và lời rao giảng của ngài mới là dấu lạ tuyệt vời nhất.
Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm những dấu chỉ của Thiên Chúa không để thoả mãn tính hiếu kỳ, óc tò mò, mà để canh tân và sám hối. (Hosanna).
1. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về dấu chỉ.
Công Đồng Vaticanô II cũng nhắc lại và nói nhiều đến vai trò các dấu chỉ trong đời sống hằng ngày.
Một người đang chạy xe gắn máy trên đại lộ, bỗng thấy phía trước có đèn đỏ, người đó dừng lại. Đèn đỏ là một dấu chỉ.
Một người bước vào một ngôi nhà thấy hình một điếu thuốc lá bị cắt ngang bởi một gạch chéo. Hình đó là một dấu chỉ. Dấu chỉ đó ngầm nói: Không được hút thuốc ở chỗ này. Những dấu chỉ chúng ta vừa nói là những dấu chỉ “nhân tạo”. Ngoài những dấu chỉ nhân tạo ra, chúng ta còn thấy những dấu chỉ “của thiên nhiên” nữa, thí dụ đám mây đen bỗng dưng kéo đến là dấu chỉ báo cho ta biết là trời sắp mưa.
Xét như thế thì còn rất nhiều những dấu chỉ khác. Thí dụ như những trật tự kỳ diệu của vũ trụ, bàn tay Chúa quan phòng dẫn dắt mọi biến cố, những tác động của Chúa trong con người v.v.
2. Vấn dề là làm sao để chúng ta có thể dễ dàng nhận ra được ý nghĩa của những dấu chỉ Chúa nói với chúng ta hằng ngày như thế? Thưa, phải có cặp mắt đức tin và nhất là phải có lòng yêu mến.
Một trong những cuốn phim hay nhất của Charlot và có lẽ cũng là một trong những cuốn phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim có tựa đề: “Ánh sáng đô thị”. Cuốn phim thuật lại một câu chuyện tình giữa một gã lang thang và một cô gái bán hoa.
Nàng là một cô gái mù bán hoa bên vệ đường. Một nhà tỉ phú trong rừng ngày nào cũng dừng lại mua hoa của nàng. Ngày kia, gã lang thang là chàng Charlot cũng dừng lại mua hoa. Cô gái bán hoa tưởng là người tỉ phú. Thế là một giấc mộng đã sớm chớm nở nối kết hai linh hồn. Nàng tưởng mình gặp người mình mơ mộng từ lâu nay. Chàng thì hy vọng sẽ kiếm được tiền để chữa lành tật mù lòa cho nàng.
Nhưng sau đó, chẳng may vì một sự ngộ nhận, chàng bị cảnh sát bắt giam. Sau một thời gian bị cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm người con gái mù bán hoa, nhưng không thấy. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho, người con gái mù đó đã được chữa lành và hiện đang đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần, nhưng không thể nào nhận ra nàng.
Tình cờ, một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng cúi xuống nhặt. Người con gái thấy vậy thì cười như nhạo báng. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười rất quen nên chàng quay lại. Chàng hỏi một cách nhút nhát: - Cô đã thấy được rồi sao?…
Người con gái nhận ra tiếng nói rất quen thuộc của chàng. Nàng từ từ nhặt chiếc hoa và gắn lên áo chàng. Và nàng thốt lên trong cảm xúc: - Anh đấy sao?
Thế là cả hai bên đã nhận ra nhau và họ sẽ không bao giờ rời nhau nữa.
Một giọng nói quen thuộc của một người trước kia mới chỉ nghe thấy giọng nói chứ chưa một lần được nhìn thấy bằng mắt, vậy mà qua giọng nói họ đã nhận ra nhau.
Trong Tân Ước, chúng ta có rất nhiều bằng chứng về vấn đề này. Maria Mađalêna khi gặp thấy Chúa lúc Người sống lại, lúc đầu cứ tưởng là người giữ vườn, thế nhưng chỉ sau một lần Chúa gọi là Maria đã nhận ra Chúa ngay. Gioan cũng như thế: Sở dĩ Gioan nhận ra sự kiện ngôi mộ trống và khăn liệm như dấu chỉ của sự Phục Sinh, vì ông nhớ lại lời Kinh Thánh: “Ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy” và phép lạ “Ông Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm” (Gn 2,1).
Trên bãi biển Galilê, khi các tông đồ khác chưa ai nhận ra Chúa thì Gioan đã nhận ra. Ông nhận ra nhờ mẻ cá lạ mà người khách lạ đang đứng ở trên bãi biển truyền lệnh cho các ông. Tại sao thế? Tại vì ông tin và yêu mạnh hơn những tông đồ khác. Như vậy chúng ta thấy, chính Kinh Thánh đã soi sáng và hướng dẫn cho con người nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa trong mỗi biến cố hằng ngày.
Một vị Giám mục kiểm tra khả năng của một nhóm ứng viên xin lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Ngài hỏi: - Bằng dấu chỉ nào mà các người khác nhận ra các con là người Công giáo?
Không có tiếng trả lời. Rõ ràng không có ai ngờ một câu hỏi như thế. Vị Giám mục lập lại nhiều lần câu hỏi và lần cuối cùng ngài kín đáo vẽ một dấu Thánh Giá có ý mách nước cho các người dự tòng một câu trả lời.
Bất chợt một ứng viên trả lời: - Đó là “Tình yêu”.
Vị Giám mục rất ngạc nhiên! Khi định mở miệng nói “Sai”, nhưng rất may ngài kịp thời ngậm miệng lại.
Xin Chúa cho chúng ta biết nhận ra ý của Chúa qua những dấu chỉ Chúa gửi đến cho chúng ta hằng ngày và nhất là xin cho mỗi người chúng ta biết trở thành những dấu chỉ để qua đó mọi người có thể nhận ra được Thiên Chúa là Đấng yêu thương mọi người.
Chúa lấy lại những gì đã xảy ra trong lịch sử của dân Do Thái để Chúa giúp họ nhìn lại bản thân, rút bài học kinh nghiệm mà sống giây phút hiện tại theo những gì Chúa dạy bảo để rồi đạt đến hạnh phúc cho bản thân cũng như cho cuộc sống mai sau khi giã từ trần gian này.
Chúng ta thấy có lẽ Chúa rất đau lòng khi Chúa phải nói lên rằng họ là một dòng giống gian ác. Nếu họ là những người biết nghe lời Chúa, biết thực hiện lời Chúa dạy thì Chúa sẽ không có nói vẻ rất nặng nề như vậy đâu. Bởi vì khi Chúa nói dòng giống này, nghĩa là chẳng những một mình họ phạm tội, nhưng còn cả một thế hệ, một dòng dõi, có hệ thống kéo từ đời này sang đời khác. Họ biết cha ông họ phạm lỗi, nếu mà bây giờ họ theo Chúa thì sẽ chấm dứt được việc phạm tội có hệ thống, có dòng dõi này, thì Chúa sẽ thương họ nhiều và ban ơn giúp họ sống tốt hơn.
Một cái tật xấu xa của những người Do Thái thể hiện sự cứng lòng tin của họ là họ hay đòi hỏi dấu lạ. Nhiều lúc họ đòi hỏi dấu lạ như là để thách đố, khích bác người khác. Người nào mà họ thấy nổi tiếng, thấy được dân chúng yêu thích, còn họ thì thua sút kém cõi so với người đó là họ sẽ đòi hỏi dấu lạ. Họ biết khi họ đòi hỏi dấu lạ như vậy thì người kia sẽ không làm được và tức khắc là người đó sẽ mất uy tín, mất ảnh hưởng trong dân chúng. Còn ở nơi Chúa, họ thấy Chúa quá tốt lành thánh thiện, quyền phép, nhiều lúc họ hại Chúa như là họ dẫn Chúa lên sườn núi, nơi họ xây thành quách mà xô Chúa xuống vực thẳm cho Chúa chết (xLc 4, 24 – 30), hay là họ bảo Chúa là nhờ quỷ Belgiêbúp mà trừ quỷ (xLc 11, 14 – 22), hoặc là họ nói Chúa hay gần gũi những người tội lỗi (xLc 6, 29 – 32)…nhưng họ không làm gì được Chúa. Vì vậy mà họ đòi hỏi Chúa một dấu từ trời xuống, bởi chẳng một ai có thể làm được như thế, phen này họ sẽ thắng được Chúa, Chúa sẽ bị họ triệt hạ một cách không thương xót mà thôi. Nhưng họ thua to rồi.
Chúa muốn họ nhìn lại những gì đã xảy ra thời tiên tri Giona ở thành Ninivê. Dân thành này đã nghe lời Chúa qua tiên tri Giona rao giảng mà ăn năn sám hối tội lỗi họ đã phạm, và Chúa đã tha thứ tội lỗi, cho họ được sống. Còn nữ hoàng phương nam xa xôi hẻo lánh, hẻm trở đã lên đường vượt qua bao khó khăn gian nan vất vả để tới với vua Salamôn mà học hỏi sự khôn ngoan của nhà vua. Ở đây, ngay bây giờ, Chúa đang nói với họ, họ nghe trực tiếp Chúa nói chứ không phải qua trung gian một con người nào như xưa, mà họ không thèm nghe, bỏ ngoài tai những điều Chúa dạy bảo, thì thật quá uổng cho họ, chúng ta tiết cho họ vì họ đã coi thường Chúa, bỏ qua cơ hội mà ngày xưa cha ông họ có nằm mơ cũng không được. Vì thế mà tội của họ thật nặng nề, nhưng chẳng phải Chúa lên án họ đâu, mà những người xưa sẽ lên án họ. Cụ thể là dân thành Ninivê lên án họ. Trong dân thành này có người có đạo, có người không có đạo. Những người có đạo lên án họ thì cũng đã xấu hổ với họ rồi, nhưng đây lại còn những người không có đạo lên án họ nữa, nỗi nhục này quá lớn đối với họ. Nước sống Giođan, sông Nil và cả nước Biển Đỏ cũng không làm sao rửa hết nỗi nhục này. Vì thế họ phải nghe theo lời Chúa dạy để Chúa cứu họ.
Lạy Chúa, chúng con tội lỗi cũng như dân Chúa ngày xưa, nếu chúng không nghe Chúa mà hoán cải, chúng con sẽ nhục nhã với muôn tạo vật do Chúa dựng nên, vì chúng sẽ lên án chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết luôn nghe và sống theo lời Chúa dạy để Chúa cho chúng con được sống mãi với Chúa sau này. Amen.
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai Tuần 28 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng ta đi, vừa đồng hành với chúng ta luôn mãi, để chúng ta sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy.
Ân sủng Chúa vừa mở đường vừa đồng hành, vì thế, nếu không có Chúa, thì sẽ không có gì tốt đẹp cả, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Khácgai cho thấy: Khi Thiên Chúa không hiện diện thì chẳng còn gì thánh thiện tinh tuyền. Xây đền cho Người ngự, trước hết chẳng phải là dựng lên một ngôi nhà bằng đá, nhưng là làm sao, cho Người thật sự hiện diện giữa loài người. Ta sẽ làm rung chuyển trời đất. Ta sẽ làm cho tất cả các dân tộc phải chấn động. Vinh quang của Đền Thờ lúc này sẽ rạng ngời hơn khi trước, và tại nơi này, Ta sẽ ban tặng bình an.
Ân sủng Chúa vừa mở đường vừa đồng hành, vì thế, chúng ta hãy mở lòng đón nhận ân sủng của Chúa qua việc thông phần vào hy tế của Đức Kitô, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Phungienxiô nói: Quả thật, khi thực hành đức ái, là người ta uống chén của Chúa; còn thiếu đức ái thì dù có nộp mình để chịu thiêu cũng chẳng được ích gì… Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: Đây là mình Thầy, hy sinh vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. Đây là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.
Ân sủng Chúa vừa mở đường vừa đồng hành, nhờ đó, chúng ta không còn là nô lệ nữa, nhưng, đã trở nên con cái, và được đồng thừa kế với Đức Kitô, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Chúng ta không phải là con của một người nô lệ, nhưng là con của người tự do. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 112, vịnh gia cho thấy: Chúc tụng danh thánh Chúa, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời! Ai sánh tày Thượng Đế Chúa ta, Đấng ngự chốn cao vời, cúi xuống để nhìn xem bầu trời trái đất? Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Thế hệ gian ác này sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. Lòng tin mang đến ơn cứu độ, cứng lòng tin sẽ khiến chúng ta bị luận phạt muôn đời. Dân thành Ninivê đã được cứu, bởi vì, đã tin vào lời của ngôn sứ Giôna; chúng ta cũng sẽ được cứu, nếu chúng ta tin nhận Đức Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến, và tuân giữ lời Người truyền dạy. Cùng chịu đau khổ với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người. Cùng uống chén đắng, chén yêu thương với Đức Kitô, và một khi đã uống no say, chúng ta sẽ kiềm chế được các chi thể của mình, và một khi đã mặc lấy Đức Kitô, thì chúng ta không còn lo thỏa mãn những ham muốn của tính xác thịt nữa, cũng chẳng màng chiêm ngắm những gì mắt thấy ở thế gian này, nhưng, chỉ chú tâm vào những thực tại vô hình trên trời mà thôi. Ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng ta đi, vừa đồng hành với chúng ta luôn mãi, để chúng ta sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy. Ước gì chúng ta biết cộng tác với ân sủng của Chúa để sống đức tin và thực thi bác ái mỗi ngày trong đời sống, hầu, ơn cứu độ của Chúa sẽ thành toàn nơi bản thân chúng ta và nơi những người xung quanh chúng ta. Ước gì được như thế!
Thanh tẩy hữu hiệu, chính là tình yêu. 15/10 – Thứ Ba tuần 28 thường niên. – Thánh Têrêxa Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. "Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".
* Chào đời năm 1515 tại Avila, Tây Ban Nha, Têrêxa là một nhà cải tổ dòng Cát Minh, một con người vừa chiêm niệm vừa hoạt động. Là người chiêm niệm, chị đã ghi lại kinh nghiệm thần bí của mình trong “chuyến đi lên Thiên Chúa”. Các tập sách của chị đã khiến chị thành bậc thầy về đường thiêng liêng. Là người sáng lập, chị đã rảo khắp nước Tây Ban Nha để thiết lập các đan viện. Tâm hồn chị được thống nhất nhờ nỗi khao khát được sống “một mình với Đấng Độc Nhất”. Chị qua đời ở Avila năm 1582.
Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa. Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: "Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".
Một ông Pharisêu mời Đức Giêsu đến dùng bữa. Cử chỉ đó cho thấy thiện cảm của ông đối với Ngài. Đức Giêsu đã đáp lại lời mời, đã đến nhà ông và liền ngồi vào bàn tiệc. Ông chủ nhà bị sốc vì thấy khách không rửa tay trước khi ăn. Đối với ông đây là một thói quen quan trọng, không thể thiếu. Thế là Đức Giêsu đã giảng cho ông một bài hẳn hoi. Tuy nhiên, vì tế nhị, vì là khách mời cho một bữa ăn, nên chắc Ngài đã chẳng nặng lời đến mức đó. Bài Tin Mừng này thật ra phản ánh sự căng thẳng từ sau năm 70, giữa những người Pharisêu thuộc giới lãnh đạo hội đường với các Kitô hữu. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh một cái chén uống nước và cái đĩa. Đối với Ngài, các người Pharisêu chỉ lo lau rửa ở bên ngoài chén đĩa. Chú trọng tỉ mỉ đến cái bên ngoài là nét riêng của họ. Lắm khi cái bên ngoài chỉ là những cái phụ thuộc, không cần thiết. Điều họ muốn mọi người tuân giữ lại không phải là chính Luật Môsê, nhưng chỉ là những lời giải thích chi li Luật đó được truyền miệng nơi các rabbi, rồi sau này được viết lại thành sách. Đức Giêsu cho thấy cái bên trong của người Pharisêu, cái bên trong của chén và đĩa mà họ không để tâm lau rửa. “Cái bên trong của các người thì đầy chuyện cướp bóc, gian tà” (c. 39). Như thế cái bên trong của chén đĩa tượng trưng cho cái bên trong của tâm hồn con người. Rửa sạch cái bên ngoài của chén đĩa, không đủ. Cần phải rửa sạch cả cái lòng tham lam chiếm đoạt và lòng độc ác gian tà. Rửa sạch cái bên trong mới là điều quan trọng hơn, cấp thiết hơn, khó hơn. Có khi vì khó nên người ta né tránh bằng cách làm cái dễ. Đức Giêsu bực bội về sự tương phản này nơi một số người Pharisêu, tương phản giữa cái bên ngoài rất sạch và cái bên trong rất dơ, khiến nhiều người có thể bị ngộ nhận. Nhưng Thiên Chúa thì không. Ngài thấy cả hai, vì ngài đã làm ra cả cái bên ngoài lẫn cái bên trong (c. 40). Đức Giêsu cho ta cách để tẩy rửa cái bên trong nhơ uế, đó là bố thí (c. 41). Trong tiếng Hy Lạp, bố thí có nghĩa gốc là bày tỏ lòng thương xót. “Bấy giờ mọi sự trở nên sạch cho các người.” Khi bố thí chia sẻ, người ta biến đổi từ bên trong. Tấm lòng tham lam ác độc trở nên đầy tình bác ái xót thương. Đức Giêsu đưa chúng ta về với cái bên trong, cái cốt lõi của đời Kitô hữu. Như người Pharisêu cách đây hai ngàn năm, chúng ta vẫn bị cám dỗ để dừng lại và mãn nguyện với cái bên ngoài. Làm sao để chúng ta thực sự trong sạch dưới ánh mắt của Thiên Chúa? Làm sao để cái bên ngoài của chúng ta thực sự phản ánh cái bên trong? Đời Kitô hữu chính là một nỗ lực đi từ việc giữ đạo hời hợt, hình thức, đến việc sống đạo từ trong máu thịt mình. Xin Chúa giúp ta rút ngắn khoảng cách giữa cái bên ngoài và cái bên trong.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, khi đến với nhau, chúng con thường mang những mặt nạ. Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình. Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối. Khi đến với Chúa, chúng con cũng thường mang mặt nạ. Có những hành vi đạo đức bên ngoài để che giấu cái trống rỗng bên trong. Có những lời kinh đọc trên môi, nhưng không có chỗ trong tâm hồn, và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng thường ngắm mình trong gương, tự ru ngủ và đánh lừa mình, mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn. Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ, đã ăn sâu vào da thịt chúng con, để chúng con thôi đánh lừa nhau, đánh lừa Chúa và chính mình. Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành, để chúng con được lớn lên trong bình an.
Người Biệt phái tuyệt đối tin vào Lề Luật. Lề Luật làm cho họ nên công chính. Đến nỗi Thiên Chúa chỉ có việc thưởng công khi họ chu toàn Lề Luật. Và họ chẳng cần nhờ gì đến Chúa. Đó là một sai lầm lớn lao. Sai lầm nối tiếp sai lầm. Giữ Lề Luật chỉ cần hình thức bề ngoài là đủ. Làm như Lề Luật là bùa chú. Cứ theo công thức là thành. Vì thế đạo của họ không có nội tâm. Bên trong của họ tội lỗi xấu xa. Lại còn tự kiêu tự mãn.
Chúa Giê-su vạch rõ sai lầm của họ. Thiên Chúa là chủ cuộc đời. Không có Chúa con người chẳng làm gì nên công trạng. Người ta chẳng thể tự mình nên công chính. Vì thế phải sống trong đức tin. Đức tin cho thấy ta chẳng là gì. Chúa là tất cả. Ta chẳng có gì. Chúa có tất cả. Nhưng Chúa vô hình. Nên ta phải tin tưởng. Chúa không nhìn bề ngoài nhưng chỉ xét thâm tâm. Vì thế phải thanh tẩy bên trong tâm hồn. Khỏi mọi gian ác. Khỏi mọi tự kiêu tự mãn. Để Chúa hoàn toàn làm chủ cuộc đời. Để ta sống hoàn toàn nhờ Chúa. Chính Chúa làm ta nên công chính.
Nhận thức đúng đắn sẽ đưa ta đến đời sống đạo đúng đắn. Không còn dừng lại bên ngoài. Không thờ những thần tượng khả giác của người phàm. Thậm chí cả dưới hình dạng súc vật. “Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết”. Tin vào Tin Mừng vì “Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin…Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải”. Chỉ sống trong đức tin vào Thiên Chúa: “Vì người công chính nhờ đức tin sẽ được sống”(năm lẻ).
Sống trong đức tin, con người được giải thoát, được tự do. Không còn lệ thuộc vào những gì bên ngoài. Lề Luật. Dư luận. Chỉ sống cho Chúa. Sống trong đức tin vào Thiên Chúa. “Anh em mà tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Ki-tô và mất hết ân sủng. Còn chúng tôi thì nhờ Thần Khí và dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên công chính như chúng tôi hy vọng. Quả thật, trong đức Ki-tô Giê-su, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (năm chẵn).
Sống đức tin thực sự. Sống nội tâm thực sự. Tôi chẳng còn bận tâm đến bên ngoài. Đến người ngoài. Chỉ thanh tẩy nội tâm. Để một mình Thiên Chúa chiếm ngự tâm hồn. Thế là đủ.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nhóm Biệt phái ngạc nhiên vì Chúa Giêsu không rửa tay trước khi dùng bữa. Họ ngạc nhiên không phải vì Chúa Giêsu không giữ phép vệ sinh, nhưng vì Ngài không giữ luật định, theo đó, trước mỗi bữa ăn phải rửa tay bằng nước chứa trong các chum lớn bằng đá, với một số lượng nước được quy định và qua một cách thức được ấn định. Dưới con mắt người Biệt phái, người nào không giữ luật này, đó là người không xử sự đúng đắn: chẳng những không giữ vệ sinh, mà còn nhơ bẩn trước mặt Thiên Chúa; không rửa tay trước khi dùng bữa sẽ trở nên đối tượng tấn công của quỉ dữ, dẫn đến nghèo đói vì bị phá sản; và bánh ăn với bàn tay không sạch thì chẳng khác gì phân bón.
Vì những lý do trên và những lý do khác tương tư, sách các Rabbi có ghi những mẫu truyện như sau: Một Rabbi nọ không giữ luật rửa tay trước khi dùng bữa chỉ có một lần, thế mà đến lúc chết đã bị chôn cất như một người bị dứt phép thông công. Một Rabbi khác bị người Rôma giam giữ, đã dùng nước uống cung cấp rất hạn chế cho việc thi hành nghi thức rửa tay trước và trong khi dùng bữa, vì thế đã gần phải chết khát, bởi lẽ ông nhất định thà chết khát hơn là chểnh mảng giữ luật rửa tay.
Quan niệm và tâm thức của những người Biệt phái thời Chúa Giêsu coi các phong tục, tập quán, luật lệ là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những giá trị luân lý quan trọng hơn hầu như bị chôn vùi dưới lớp bụi dầy đặc của những luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu trả lời của Chúa Giêsu hướng con người vào những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách thức và mức độ giữ đạo và hành đạo của chúng ta. Ước gì chúng ta dần dần từ bỏ những cách thức giữ đạo hình thức, để đi vào chiều sâu của việc sống đạo với một lương tâm trong sạch, một tâm hồn quảng đại và ý hướng ngay lành.
Việc rửa tay trước khi dùng bữa là một nghi thức, là một nếp sống theo truyền thống chứ không phải là một giới răn bắt buộc. Ðây là một nghi thức tự nó không có tính cách bắt buộc tuyệt đối. Nhưng những người biệt phái đã có thái độ câu nệ vào đó một cách thái quá, đến độ dùng nó như là một mẫu mực để phán xét giá trị của một người. Chúa Giêsu không để mình phải lệ thuộc vào một nghi thức bề ngoài này, và đối với Ngài, tâm hồn trong sạch, tuân giữ luật Chúa là điều quan trọng hơn. Chúa Giêsu đã trách thái độ giả hình của người Pharisiêu: "Các ngươi lo rửa tay, rửa chén dĩa cho sạch, mà không lo thanh luyện tâm hồn trong sạch, để tâm hồn mình đầy sự gian ác, mánh mung".
Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao. Thái độ sống giả hình, vụ hình thức là một cám dỗ triền miên của con người mọi thời đại. Những lời trách của Chúa Giêsu đối với người biệt phái, thức tỉnh mỗi người chúng ta hôm nay trong nếp sống đức tin của mình.
Phải chăng chúng ta cũng đang rơi vào thái độ vụ hình thức giả hình, chúng ta mang thánh giá Chúa trên mình, đọc kinh trước khi dùng bữa nhưng thật sự tâm hồn chúng ta thì sao? Có đầy lòng mến Chúa, có tình yêu thương chân thành, chia sẻ, khiêm tốn phục vụ anh chị em chung quanh hay không? Chúng ta đến nhà thờ đọc kinh, nhưng tâm hồn chúng ta có đầy lòng yêu mến và tôn thờ Chúa hay không? Hay là giống như dân Do Thái ngày xưa, bị Chúa Giêsu quở trách: "Dân này kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng thì ở xa ta. Không phải chỉ kêu lên "Lạy Chúa, Lạy Chúa" thì được vào nước Trời, nhưng chỉ những ai thi hành thánh ý Cha Ta thì người ấy mới đáng vào nước Trời". Chu toàn giới răn Chúa, tôn thờ giới răn Chúa trong Thánh Thần và trong sự thật, đó là điều quan trọng nhất. Ðức tin chúng ta cần được trưởng thành mỗi ngày một hơn.
Lạy Chúa
Xin giải thoát chúng con khỏi mọi sự giả hình, xin ban cho chúng con một tâm hồn tràn đầy tình yêu Chúa và nhờ tình yêu này mà chu toàn những lời dạy của Chúa.
Hôm nay chúng ta đề cập tới ít đoạn Phúc Âm nói về lòng thù ghét của nhóm biệt phái đối với Chúa Giêsu. Chúng cho ta phỏng đoán một trong những kích thước của sự thù nghịch con người đối với Thiên Chúa. Đó quả là một mầu nhiệm.
Một phần nào, mầu nhiệm ấy nằm ở chỗ con người cảm thấy khó sống trong “trung tâm” mình, cái trung tâm thiêng liêng của lương tâm. Khuynh hướng của con người, và ngay của tư tưởng nó, những gì điều kiện hóa nó. Cá nhân thường đánh giá mình bằng cách đối chiếu với kẻ khác. Nó tìm cách để được người ta chấp nhận và mến chuộng mình. Trên bình diện tư tưởng (và tư tưởng lắm khi do những sự chọn lựa sâu xa gây nên), một triết thuyết như thuyết mác-xít đang giản lược con người vào điều kiện vật chất của nó. Trong cả hai trường hợp, liên hệ của lương tâm với Thiên Chúa đều không có.
Chúa Giêsu quở trách bọn biệt phái một cái gì tương tự như thế, bởi họ lo lắng về bề ngoài hơn bề trong.
Nhưng lời nói sau đây mới đáng ngạc nhiên: “Vậy hãy làm phúc bố thí… thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ngươi”. Trong mạch văn tổng quát của Phúc Âm, thì của bố thí có giá trị tẩy rửa trong mức độ nó diễn tả tình yêu đích thực đối với tha nhân. Tình yêu này bắt nguồn trong Thiên Chúa là Tình Yêu. Điều đó có nghĩa là con người được tẩy rửa tùy theo chỗ nó tiến gần đến Chúa Tình Yêu như thế nào. Nếu con người cố gắng yêu mến thật sự như Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, thì nó sẽ gột bỏ được lòng ích kỷ, sẽ trở nên đơn giản, tinh tuyền.
Đức Giêsu nói: “Thật nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén dĩa thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong các ngươi thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.” (Lc. 11, 39)
Bệnh dễ sợ bị lây nhiễm đủ thứ không hợp thời với mục tử. Từ lâu trước thời Đức Giêsu, luật Mô-sê đã phổ biến nghi thức thanh tẩy rất tỉ mỉ, câu nệ, lại được nhóm biệt phái cố gắng thực hành và áp đặt mọi người tuân theo.
Đối với những vết nhơ
Suốt buổi sáng người ta đi làm phải tiếp xúc với đủ mọi thứ và đủ mọi người, làm họ có thể bị ô uế như luật dạy. Trước bữa trưa, điều quan trọng buộc họ phải thanh tẩy kỹ lưỡng khỏi mọi thứ ô uế nhơ bẩn trước khi đọc kinh tạ ơn Thiên Chúa để dùng bữa.
Đức Giêsu thấy tận căn sâu thẳm: Người ta không thể hư mất do việc không thanh tẩy bên ngoài, sự ô uế bên trong mới đáng sợ. Từ lâu, tác giả Thánh vịnh đã nhận thức được điều đó: “Xin dùng cành hương thảo rửa tội tôi thì tôi được trong sạch, xin rửa tôi thì tôi được trắng hơn tuyết” (Tv. 50, 9). Chính vì thế, Đức Giêsu nhắc nhóm biệt phái. Họ ngạc nhiên thấy Người và môn đệ không rửa tay trước khi ăn. “Các ông chỉ rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong các ông đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”.
Thanh tẩy hữu hiệu, chính là tình yêu
Có gì khác giữa chúng ta và biệt phái? Chẳng phải chúng ta cũng như biệt phái, đã nồng nhiệt tiếp đón người khác theo dáng vẻ bên ngoài mà không quan tâm đến tính tình bên trong đó sao?
Đức Giêsu nói rằng chính bên trong, tận thâm sâu giữa lòng con người mới đáng kể. Nếu lương tâm mình ô uế thì không còn gì bên ngoài có thể rửa sạch được. Cần phải ăn năn sám hối tội lỗi mình và cầu xin Thiên Chúa, Đấng làm nên cả bên trong lẫn bên ngoài, mới làm cho con tim mình nên trong sạch. Lúc đó, được đầy lòng mến Chúa, mình mới hiến thân đi bố thí giúp đỡ người khác một cách không vụ lợi và không mong đáp lại. Như vậy, mới có tấm lòng trong sạch hoàn toàn. Chính tình yêu Thiên Chúa và tha nhân có sức thanh tẩy tận cõi lòng. Thánh Augustinô đã diễn tả sự thật này: “Hãy yêu mến và làm điều anh muốn” thì mới được tốt đẹp.
Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Brasil thuộc Châu Mỹ Latinh vào năm 1980, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã để lại một ấn tượng hết sức đẹp, đó là: ngài đã tháo chiếc nhẫn vàng Giáo Hoàng của mình để tặng cho người dân nghèo ngoại ô thành phố Rio de Janeiro. Tuy nhiên, qua sự kiện này đã làm cho nhiều người đi cùng với ngài tỏ vẻ không hài lòng!
Hôm nay, Tin Mừng cũng thuật lại một nghĩa cử hết sức lạ thường của Đức Giêsu, đó là: Ngài đã sẵn sàng đáp lại lời mời của một người trong nhóm Pharisêu vốn đã không thích gì Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài, để đến dự tiệc tại gia đình ông, mặc cho nhiều người chống đối, xầm xì.
Điều đáng nói ở đây chính là sự bất mãn của một số Pharisêu đối với Đức Giêsu khi Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lật tẩy thói đạo đức vụ hình thức của họ khi nói: “Này các ông, những người Pharisêu, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao?”; đồng thời, Ngài cũng mời gọi họ hãy hoán cải để đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài tha thứ bằng việc thực thi bác ái với tha nhân.
Qua câu nói này, Đức Giêsu muốn nói cho những người Pharisêu biết tính vụ luật của họ không được Thiên Chúa hài lòng; đồng thời họ đang dùng luật để đẩy người khác đến sự bất hạnh; hơn nữa, chính đường lối và nơi lòng họ thì đang xa cách Thiên Chúa. Điều mà những người Pharisêu cần lúc này chính là sự thanh tẩy tâm hồn, chân thành, thanh tịnh trước mặt Chúa. Những thứ bề ngoài chỉ như “màn thưa che mắt thánh”, thực ra Thiên Chúa biết hết mọi sự kín đáo từ bên trong tâm hồn mỗi người. Vì thế, điều họ đang làm và bắt người khác phải làm theo không hề có ý nghĩa trước mặt Người.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở về với lòng mình để thấy được đâu là điều tốt, đâu là điều xấu. Sống cốt lõi của Tin Mừng là tình liên đới, chia sẻ với người nghèo, bất hạnh, cô đơn. Tránh thói xét đoán bề ngoài như những người Pharisêu khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có một tấm lòng bao dung, độ lượng. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con can đảm sống thật với lương tâm của mình, để được bình an và hạnh phúc thật. Amen.
Sứ điệp: Chỉ lo giữ luật lệ tập tục mà ích kỷ với tha nhân là một sự giả hình. Tôn thờ Thiên Chúa cách chân thành là phải sống trong tình yêu.
Cầu nguyện: Lạy Cha là Thiên Chúa tình yêu, ở nơi Cha tất cả chỉ là tình yêu. Cha đã thông ban tình yêu Cha cho con để con biết sống yêu thương. Càng yêu thương, con càng trở nên giống Cha. Và càng yêu thương, con càng là một Kitô hữu sống đạo đích thực.
Đạo của Cha là đạo yêu thương. Đạo của Cha không phải là đạo của luật lệ hoặc đạo của nghi lễ, cũng chẳng phải là đạo của tín điều hay đạo của phép lạ. Nhưng con đã dừng lại ở đó, thay vì từ đó mà đi tìm gặp Cha. Con đã dừng lại ở đó mà quên mất anh chị em con. Bao nhiêu lần con đã chu toàn mọi lề luật, nhưng lại quên sống luật yêu thương. Bao nhiêu lần khi xét mình xưng tội, con đã chú ý tới những việc xấu làm con ra ô uế, nhưng Chúa Giêsu còn cho con hiểu rằng cướp bóc, gian tà, ích kỷ hẹp hòi với người khác, cũng làm con ra ô uế không kém.
Lạy Cha, xin thanh tẩy lòng con khỏi sự gian ác, hận thù, ích kỷ. Xin đừng để con chỉ lo sạch sẽ đẹp đẽ bề ngoài, mà trong lòng thì dửng dưng không quan tâm đến người khác. Xin đừng để con chỉ chú ý tới các tổ chức, các nghi lễ bề ngoài long trọng, mà lại sống ích kỷ hẹp hòi với nhau. Xin đừng để con chỉ lo bảo vệ mọi thứ thủ tục và quy luật, để rồi loại trừ nhau, lên án nhau, bỏ rơi và nghi kỵ nhau.
Lạy Cha, xin đừng để con ung dung bình thản trong một thứ đạo ru ngủ lương tâm. Xin Cha giúp con luôn sống trong tình yêu chân thành. Amen.
Ghi nhớ: “Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”.
Một bà mẹ lo lắng nhiều cho đứa con trai không đi nhà thờ, mà lại đi theo những bạn bè xấu và còn tỏ ra bất mãn mọi chuyện. Bà mẹ đau khổ này đã tìm mọi cách để đưa con về con đường tốt, nhưng tất cả đều vô ích. Vào một ngày Chúa nhật, bà nảy ra một ý tưởng. Gọi đứa con trai lại, bà nói: “Con làm ơn giúp mẹ một chuyện. Hãy đem gói đồ này đến cho gia đình ở căn nhà trong khu phố đối diện với chúng ta. Nếu con làm cho mẹ việc này, mẹ hứa sẽ không bao giờ quấy rầy con nữa”.
Có lẽ để khỏi nghe tiếng mẹ giảng dạy, la rầy, chàng thanh niên đã nhận làm điều mẹ anh yêu cầu. Anh đi đến địa chỉ như mẹ dặn, bước vào một căn nhà nghèo nàn và bỡ ngỡ đến tột điểm, anh đã khám phá thấy một người đàn bà đau ốm chỉ còn da bọc xương với ba đứa con nhỏ, rách rưới, lem luốc, đang than khóc, kêu la vì đói. Chàng thanh niên trao vội gói đồ và muốn nhanh bước rút lui. Nhưng người đàn bà đã gọi giật anh trở lại, và qua giọng yếu ớt bà thều thào: “Cậu ơi! Cậu không thể đi ngay được khi tôi chưa kịp cám ơn cậu. Cậu là ơn quan phòng Chúa gửi đến cho chúng tôi. Xin Ngài trả ơn cho cậu”.
Chàng ra về với tấm lòng bị cảm xúc mạnh. Ngày hôm sau, anh trở lại nhà bà mẹ đang bị đau ốm với đàn con nheo nhóc hôm qua với một gói quà khác, mà anh đã mua với chính tiền của anh. Và sau khi trao quà, anh còn ở lại chơi với mấy đứa nhỏ. Kể từ đó, chàng thanh niên đã thay đổi cuộc đời, vì lòng nhân hậu đã làm anh mỗi ngày hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và nhờ đó anh cảm thấy hạnh phúc hơn (Theo Lòng nhân từ cảm hóa).
Suy niệm
Với người dân Do Thái, người thu thuế là tay sai cho đế quốc La Mã, đô hộ và bóc lột đồng bào. Hơn nữa, thu thuế là nghề nghiệp có thể lợi dụng chức quyền ăn chặn của công, của tư để trục lợi cho bản thân. Giakêu “sếp thu thuế” là ông trùm người tội lỗi, con người ghê tởm, đáng bị mọi người ghét bỏ.
Giakêu thắc mắc, tò mò về Chúa Giêsu, Người đang được thiên hạ bàn tán xôn xao khắp cùng ngõ hẻm. Không biết hỏi ai, ông cũng hòa với đám đông, nhưng không để đón, mà để xem ông Giêsu thế nào cho thỏa sự tò mò. Người ông thấp bé không thể thấy Đấng Ngôn sứ Giêsu, nên chỉ còn cách chạy lên đằng trước leo lên cây sung nhìn xuống (x. Lc 19,3-4). Chúa Giêsu đi ngang qua Giêricô, Ngài đi ngang chỗ của Giakêu. Ngài dừng lại và ngước nhìn lên chỗ Giakêu, cái nhìn nhân từ và khoan dung, Ngài cất lời: “Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5).
Đấng ban ơn cứu độ, đầy lòng nhân từ và xót thương. Chính tấm lòng đó đã làm thay đổi Giakêu. Giakêu không còn chỉ thấy tiền bạc, quyền lực, giàu sang, nhưng giờ đây mang tâm tình chia sẻ và trao ban: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Ông Giakêu xin đền gấp bốn, nghĩa là ông tự thú công khai: Tội ông quá nặng. Còn theo luật Rôma, đối với những tội trộm cắp công khai thì phải đền gấp bốn. Cho nên, quyết định của ông vừa là khiêm nhường, vừa là công bình, vừa là bác ái.
Sống trong tinh thần công bình bác ái khiêm cung là kết quả của ơn cứu độ như Chúa Giêsu có nói: “Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham” (Lc 19,9). Ơn cứu độ đã khiến cho con tim của Giakêu đổi mới như ngôn sứ Êdêkien nói Lời Thiên Chúa: “Ta sẽ ban cho ngươi một trái tim mới và đặt một tinh thần mới trong người của Ta, hầu các ngươi giữ gìn và hành động theo đúng lệnh Ta” (Ed 36,26).
Hình ảnh đổi mới của Giakêu, gợi cho chúng ta mang tâm tình: Khao khát gặp Chúa Giêsu. Được gặp tình thương của Chúa thanh tẩy, chúng ta bước ra khỏi vùng trũng thẳm sâu tăm tối và tiến lên với một tinh thần mới, tinh thần công bình bác ái như Giakêu. Tinh thần chúng ta vượt qua tăm tối tiến lên Giêrusalem ánh sáng trong niềm vui được cứu độ. Bởi vì “Thiên Chúa đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1,68).
Ý lực sống
“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. (Lc 19,10b)
Các người biệt phái vẫn chống đối Đức Giêsu, tuy nhiên không phải tất cả, vì một số người có thiện cảm với Chúa và mời Người tới dự bữa cơm gia đình. Nhân dịp này, Đức Giêsu đưa ra một bài học về những cái bên ngoài và bên trong: bên ngoài là việc tuân thủ những qui định về hình thức; bên trong là lòng đạo thật. Nhóm biệt phái chỉ chú trọng đến cái bên ngoài và bỏ quên cái bên trong.
Theo thói thường, việc rửa tay trước khi ăn là một thói quen tốt giúp an toàn vệ sinh, nó như một nét văn hoá được các giáo viên mầm non tập cho trẻ từ thuở bé. Và ở nhiều nơi trên thế giới, việc rửa tay trước khi ăn đã trở thành một tập tục, thậm chí như là một điều buộc phải làm để giữ vệ sinh. Tuy nhiên, đối với các biệt phái thì nó được giải thích như là một điều luật và là một nghi thức tôn giáo, để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn.
Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu nhận lời mời của một trong nhóm biệt phái đến dùng bữa tại nhà minh, và những người này đã không thích gì Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài, mặc dầu cho nhiều người chống đối xầm xì. Nhưng điều đáng nói ở đây là sự bất mãn của một số biệt phái đối với Đức Giêsu khi Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lật tẩy thói đạo đức vụ hình thức của họ khi nói: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao?” Đồng thời, Ngài cũng mời gọi họ hãy hoán cải, để đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài tha thứ bằng việc thực thi bác ái với tha nhân.
Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy cho chúng ta bài học về sự trong sạch đúng nghĩa. Nhóm biệt phái bắt bẻ Đức Giêsu và các môn đệ Ngài không rửa tay trước bữa ăn, họ cho rằng đó là lề luật. Đức Giêsu sửa lại những quan điểm sai lầm đó là lối sống vụ luật, hình thức. Việc rửa tay trước khi ăn là đều tốt bên ngoài nhằm bảo vệ sức khoẻ. Nhưng chúng ta không dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài, mà phải thanh tẩy bên trong tâm hồn trong sạch bằng lối sống công chính trong suy nghĩ và đối xử với tha nhân. Chính lòng quảng đại tha thứ đối với tha nhân có giá trị tẩy rửa tâm hồn và nâng cao giá trị tâm linh cho con người (5 phút Lời Chúa).
Lời Chúa nói với người biệt phái cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam độc ác “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Bên ngoài đẹp như hàng “gin” của Tây Âu, nhưng bên trong thì là linh kiện rởm của những kẻ bắt chước. Nhiều người chúng ta tô điểm cho vẻ bề ngoài của mình để được nổi trội, kể cả việc làm phúc bố thí, nhưng bên trong đầy những mưu mô ngầm ý về danh tiếng và danh vọng.
Quan niệm và tâm thức của những người biệt phái thời Đức Giêsu coi các phong tục, tập quán, luật lệ là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những giá trị luân lý quan trọng hơn hầu như bị chôn vùi dưới lớp bụi dày đặc của những luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu trả lời của Đức Giêsu hướng con người vào những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn (Mỗi ngày một tin vui).
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” hay “Cái nết đánh chết cái đẹp”, để khẳng định rằng: giá trị bên trong cao quý hơn những gì người ta thấy bên ngoài. Trước những người biệt phái quá chú trọng về hình thức và luôn tự coi mình là công chính, Đức Giêsu nhắc nhở họ hãy nhìn lại bên trong con người mình. Qua lời nhắc nhở này, Đức Giêsu cũng muốn nói với chúng ta hôm nay: Đừng chỉ lo cho bề ngoài tươm tất, thơm tho mà quên mất phần tô điểm cho vẻ đẹp tâm hồn, bằng cách “bố thí” những gì tốt đẹp bên trong. Đó là cách để chúng ta được nên trong sạch.
Truyện: Cần thanh tẩy cõi lòng
Có hai vị thiền sư trên đường về tu viện sau một cơn mưa, tình cờ họ gặp một cô thiếu nữ xinh đẹp đang đứng trước vũng sình to lớn chắn lối đi. Thấy vậy, một trong hai vị liền cõng cô trên vai rồi lội qua vũng sình để qua bên kia bờ. Vị tu sĩ cùng đi chung thấy cảnh tượng đó lấy làm khó chịu và cho đó là một gương mù gương xấu.
Suốt hai tiếng đồng hồ ông ta trách mắng vị tu sĩ đã cõng người con gái qua vũng sình bùn, vì làm như thế là đã phá giới của đạo rồi. Ông nói với vị tu sĩ kia rằng: “Thầy không biết mình là người tu sĩ sao? Tại sao thầy dám đụng đến một người phụ nữ. Hơn nữa, khi thầy cõng cô ta qua vũng sình lầy như vậy dân chúng thấy sẽ suy nghĩ như thế nào? Họ còn tin vào đạo nữa không?”
Vị tu sĩ bị mắng vẫn kiên trì lắng nghe, cuối cùng ông ta đáp lại rằng: “Thưa thầy, tôi đã để cô gái ở lại bên bờ kia rồi, còn thầy mới chính là kẻ cõng cô gái đó trong lòng mình”.
1. Hoàn cảnh: Một người pharisêu mời Chúa Giêsu đến nhà dùng bữa. Vừa vào nhà, Chúa Giêsu “liền vào bàn ăn”: nghĩa là Ngài không rửa tay trước. Nhóm Pharisêu coi các nghi thức thanh tẩy rất quan trọng, không phải vì lý do vệ sinh mà vì lý do luân lý, nhằm tẩy xóa những ô uế mà ta có thể vô tình bị lây nhiễm khi tiếp xúc với những kẻ tội lỗi. Trong câu chuyện này, không phải Chúa Giêsu quên, mà đó là lập trường cố hữu của Ngài (x. 11,14.29). Dĩ nhiên người pharisêu ấy ngạc nhiên và thầm khó chịu trong lòng.
2. Nhân dịp này, Chúa Giêsu đưa ra một bài học về những cái bên ngoài và bên trong: bên ngoài là việc tuân thủ những quy định về nghi thức; bên trong là lòng đạo đức thật. Nhóm pharisêu chỉ chú trọng tới cái bên ngoài và bỏ quên cái bên trong.
3. Tiếp theo Chúa Giêsu nói về “sự bố thí”. Ngài khẳng định rằng bố thí có thể thay thế mọi quy định lề luật: đối với người bố thí cho kẻ nghèo thì mọi cái đều tinh sạch.
B.... nẩy mầm.
1. Cái nhìn toàn diện: Khi chỉ trích những người biệt phái quá chú trọng đến bề ngoài, không phải Chúa Giêsu chủ trương chỉ lo đến bề trong. Thực ra “Chúa Giêsu muốn chúng ta có cái nhìn toàn diện về cuộc sống, về những biến cố xảy đến cho con người (...) Phải có sự thống nhất trong ý hướng và hành động. Phải có sự hòa hợp giữa đức tin và việc làm. Đi xa hơn nữa, chúng ta có thể nói Chúa Giêsu không muốn tách biệt giữa cái bên trong với cái bên ngoài, cái thánh thiêng với cái phàm tục” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
2. Nhìn tượng Trái tim Chúa Giêsu, một người nói: “Có lẽ Chúa Giêsu là người duy nhất dám đưa trái tim bên trong của mình ra ngoài cho người ta thấy”. Người thứ hai góp ý: “Ngài là người độc nhất trong lịch sử không cần che dấu gì về mình cả”. (Onward)
3. Một ông vua kia rất ham mặc áo quần đẹp. Hai tên lưu manh đến gạ gẫm: “Chúng tôi có thể dệt và may cho bệ hạ một bộ áo rất đặc biệt từ xưa tới nay chưa ai từng thấy. Nhưng áo này phải dệt bằng vàng”. Vì quá ham bộ áo đặc biệt ấy, nhà vua đưa cho hai tên ấy hết túi vàng này tới túi vàng khác. Thực ra chúng chẳng may gì cả. Rồi một hôm hai tên lưu manh cho biết áo đã may xong, mời nhà vua mặc thử. Chúng chỉ làm cử điệu tay chân như đang mặc áo cho nhà vua. Khi chúng cho biết đã mặc xong, nhà vua hỏi các quan chung quanh “Áo ta có đẹp không?” Ai nấy trầm trồ khen nức nở. Quá phấn khởi, nhà vua bảo quân hầu kiệu ngài ra các đường phố để khoe áo đẹp. Dân chúng hai bên đường cũng nức nở khen. Nhà vua rất sung sướng. Bỗng nhiên một đứa trẻ hô lớn: “Ông vua ở truồng! Ông vua ở truồng!”. Nhà vua nhìn lại mình và mới biết mình đang ở truồng thật.
4. “Đồ ngốc! Đấng làm tra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao ?” (Lc 11,40)
Cứ hè đến là nó đi tĩnh tâm hay đi linh thao. Như mọi người, nó cũng thinh lặng, nhận điểm, dự cầu nguyện, dự lễ, xưng tội, và còn nức nở sám hối nữa!!! Ai cũng nghĩ nó là người đạo đức. Nhưng lần này nó lộ nguyên hình là đứa đạo đức giả, đúng hơn, một “diễn viên kịch” đại tài trong đời sống đức tin. Điều lạ lùng là nó cũng thừa nhận như vậy. Khi bị chất vấn, nó cười chua chát: “Phải, tôi chưa tin Chúa, tôi đi tìm Ngài và ước ao được thấy Ngài và ước ao được thấy Ngài qua đời sống của các bạn. Để được đón nhận nhanh nhất, bằng mọi giá, tôi phải có hình thức giống mọi người. Tôi phải trở thành Pharisêu...”
Lạy Chúa, chúng con không chuộng lối sống đạo hình thức, nhưng lại đánh giá và chỉ chấp nhận nhau khi có sự đồng điệu ở bề ngoài. Vô tình chúng con xô đẩy nhau đến chỗ trở thành những pharisêu chính hiệu. Chúa ơi, xin đừng để ai muốn tìm Chúa nơi con phải thất vọng. (Hosanna).
1. Một người Pharisêu mời Chúa đến nhà dùng bữa. Đây là một người Pharisêu có cảm tình với Chúa và thường nghe Chúa giảng dạy. Chúa không rửa tay trước khi ăn. Người Pharisêu tỏ vẻ ngạc nhiên. Là người Do Thái, Chúa Giêsu thừa biết luật lệ buộc phải rửa tay trước khi ăn, nhưng tại sao hôm nay Chúa lại không làm như thế? Có người nghĩ rằng, Chúa cố ý tạo ra một cơ hội để dạy cho gia đình người Pharisêu này cũng như những người đồng bàn hôm nay một bài học về lối sống giả hình mà họ ưa chuộng. Chúa nặng lời chê trách họ bởi vì họ chỉ biết sống cái mã, cái giả dối bên ngoài, còn bên trong thì họ chẳng đế ý tới.
Truyện kể lại rằng, có một linh mục kia hay trò chuyện với một người đàn bà đẹp, và trò chuyện cả ở những nơi công cộng nữa. Nhà dòng đều lấy làm vấp phạm về điều này.
Cuối cùng, Giám mục gọi ngài lên trách mắng và yêu cầu giải thích sự việc. Vị linh mục nói:
- Thưa Đức Cha, con luôn quan niệm rằng, thà nói chuyện với một người đàn bà đẹp với những ý tưởng hướng về Thiên Chúa, còn hơn là cầu nguyện với Chúa mà có những tư tưởng hướng về người đàn bà đẹp.
Thánh Phêrô đã viết cho các tín hữu của mình như thế này: “Anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói dèm pha. Như trẻ thơ, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ.” (1Pr 2,1-2)
Truyện kể rằng: Ngày kia, Nữ hoàng Shaba gởi đến vua Salomon hai bó hoa rất giống nhau, để thử xem sự khôn ngoan của ông tới đâu. Đó là một bó hoa thật và một bó hoa giả.
Nhận được hai bó hoa, nhà vua bèn mở cửa sổ cho bầy ong bướm bay vào. Tức thì các chú ong và các nàng bướm liền sà ngay xuống những bông hoa thật.
Những bông hoa giả có sắc mà chẳng có hương, có bóng hình mà không có sự sống.
Những kẻ giả hình cũng như thế: nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu. Thậm chí, chỉ nói suông mà không có thực hành. Họ dung túng cho mình nhưng lại nghiêm khắc với kẻ khác.
Người giả hình có nhiều tật xấu khác mà Đức Giêsu không tiếc lời chỉ trích. Chắng hạn, tính khoe khoang công đức, thích ăn trên ngồi trước, ưa được kính trọng chào hỏi nơi công cộng, và muốn người ta gọi mình là “thầy”.
Phần chúng ta thì sao kính thưa anh chị em?
Giả như có ai đó nói chúng con giả hình, chắc là chúng ta sẽ buốn lắm, nhưng khi đối diện với chính mình, thành thực mà nói nhiều lúc chúng ta cũng thấy mình có ít nhiều giả dối. Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta tháo gỡ đi những thứ mặt nạ mà bấy lâu nay đã làm cho khuôn mặt chúng ta biến dạng, để chúng ta không còn sống đánh lừa Chúa, đánh lừa nhau và đánh lừa chính mình. Xin Chúa dạy cho chúng ta luôn biết sống chân thành trước mặt Chúa và mọi người.
2. Rồi khi chỉ trích những người Pharisêu quá chú trọng đến bề ngoài, không phải Chúa Giêsu chủ trương chỉ lo đến bề trong. Thực ra “Chúa Giêsu muốn chúng ta có cái nhìn toàn diện về cuộc sống, về những biến cố xảy đến cho con người (...) Phải có sự thống nhất trong ý hướng và hành động. Phải có sự hòa hợp giữa đức tin và việc làm. Đi xa hơn nữa, chúng ta có thể nói, Chúa Giêsu không muốn tách biệt giữa cái bên trong với cái bên ngoài, cái thánh thiêng với cái phàm tục”
Vào một đêm trời lạnh năm l980, thanh niên Paul Keating 27 tuổi đang đi bộ trong khu Greenwich Village, bỗng thấy có hai tên cướp có súng tấn công một sinh viên trẻ tuổi.
Paul Keating là một người hiền lành, thợ chụp ảnh cho tuần báo Time, có đủ lý do để tránh đi cho khỏi vạ lây. Anh ta không hề quen biết chàng sinh viên đó, lại cũng chẳng ai thấy việc gì xảy ra. Hơn nữa, anh ta chỉ có một thân một mình, can thiệp vào chẳng được lợi gì mà còn có thể bị hại. Nhưng Paul Keating vẫn xông vào đánh hai tên cướp. Nhờ đó nạn nhân thoát được và đến một cửa hiệu gần đó kêu cứu. Vài giây sau, hai tiếng nổ vang lên trong đêm tối, hai kẻ cướp chạy mất, bỏ lại Paul Keating nằm chết trên vũng máu.
Thành phố New York về sau đã truy tặng huy chương anh dũng cho Paul Keating. Thị trưởng Edward Koch trong buổi lễ nói:
- Đêm hôm ấy không ai thấy Paul Keating cả. Cũng không ai thúc đẩy anh ta phải xông pha vào lúc nguy biến. Anh ta đã can thiệp vì con người anh ta là như vậy, và chỉ có Thiên Chúa, Ngài biết rõ bên trong tâm hồn của anh ta.
Can đảm đúng là sự biểu lộ con người thật của chúng ta. Những hỗ trợ bên ngoài có thể tạm làm cho ta an tâm, nhưng chỉ có đức tính thật bên trong mới tạo ra sự quả cảm. Người tin vào Chúa phải chứng thực được lòng tin của mình bằng sự can đảm cao thượng.
Việc rửa tay trước khi ăn, đây là chuyện vệ sinh mà thôi, chứ nó đâu là luật buộc cho mọi người thời bấy giờ. Thế mà những người biệt phái, luật sỹ, trưởng tế, kỳ lão lại làm thành luật và buộc tất cả mọi người phải theo như vậy. Nếu ai bỏ qua mà không làm là vi phạm luật. Chứng tỏ họ đặt ách nặng trên vai người dân mà chính họ không thèm đụng ngón tay vào lay thử nó nặng hay nhẹ. Đúng là dân Chúa đã khổ quá nhiều trong cuộc sống cơm áo gạo tiền rồi, nay lại thêm phần gánh nặng này nữa, cho nên dân Chúa càng khổ hơn: “Khi ấy, lúc Chúa còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Chúa dùng bữa tại nhà ông. Chúa đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng: tai sao Chúa không rửa tay trước khi dùng bữa” (Lc 11, 37 – 38).
Chẳng một ai dám lên tiếng về điều này đối với những người biệt phái, luật sỹ, trưởng tế, kỳ lão, vì họ sợhọ bị trục xuất ra khỏi hội đường (xGa 9, 1 – 40), do vậy mà dân Chúa chỉ biết làm theo mà thôi. Nhưng Chúa thương dân của Chúa, thương những người bé nhỏ mọn hèn, những người cô thế cô thân, những người góa bụa, những người bị tù đầy, và đứng về phía dân Chúa để bênh vực, chở che cho dân Chúa. Dó đó, Chúa mới dám đối diện với họ, dám lên tiếng, nói trực tiếp với họ, Chúa không sợ họ hại Chúa. Chúa đã vạch trần sự giả hình dối trá của họ. Chúa lôi kéo các tội lỗi thầm kín ẩn sâu trong cõi lòng được vỏ bọc bề ngoài có vẻ đạo mạo là may dài tua áo, đeo nhiều thẻ kinh, ra bên ngoài cho tất cả mọi người chúng ta thấy. Chúa cũng còn cho họ thấy nữa để họ ăn năn sám hối trở về với Chúa, sống tốt với mọi người và không có làm khổ dân Chúa: “Bây giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chen đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông” (Lc 11, 39 – 41).
Như vậy qua lời Chúa nói hôm nay thì chúng ta thấy tội lỗi của họ là tham lam, gian ác. Tội tham lam là tham tiền bạc, của cải, danh vọng, lạc thú, bổng lộc, ơn huệ (Đọc kinh cho dài, nuốt hết tài sản các bà góa). Còn tội gian ác là tội không biết cảm thương tha thứ cho người khác, ghim gút, hằn học trong lòng, trả thù (xLc 22 – 23)….Bây giờ họ phải nghe lời Chúa là đừng bịa thêm luật đặt trên người dân Chúa nữa. Thứ đến là họ đã có của ăn của để, giàu có rồi thì đừng bo bo giữ lấy mà phải thương giúp đỡ người khác để họ vượt qua cái đói khổ thiếu thốn mà sống xứng với nhân phẩm hơn. Nếu họ nghe lời Chúa dạy và đem của cải giúp đỡ người khác, thì chắc chắn Chúa sẽ thương họ vô cùng, sẽ hoán cải họ. Bằng mà họ không làm thì sẽ chẳng được Chúa xót thương ban ơn cho đâu.
Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con được hưởng nhờ lòng thương xót của Chúa, và xin Chúa cho chúng con biết giữ luật Chúa truyền, đi trong đường lối của Chúa với một niềm hân hoan phấn khởi để chúng con đạt tới hạnh phúc đời đời với Chúa sau này. Amen.
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Têrêxa Avila, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban ơn Thánh Thần soi sáng thánh Têrêxa Avila, để người vạch ra cho Hội Thánh một con đường dẫn tới đỉnh cao toàn thiện. Xin Chúa cho chúng ta được hấp thụ giáo huấn của người, và luôn khát khao sống cuộc đời lành thánh. Chào đời năm 1515 tại Avila, Tây Ban Nha, Têrêxa là một nhà cải tổ dòng Cátminh, một con người vừa chiêm niệm vừa hoạt động. Là người chiêm niệm, chị đã ghi lại kinh nghiệm thần bí của mình trong “chuyến đi lên Thiên Chúa”. Các tập sách của chị đã khiến chị thành bậc thầy về đường thiêng liêng. Là người sáng lập, chị đã rảo khắp nước Tây Ban Nha để thiết lập các đan viện. Tâm hồn chị được thống nhất nhờ nỗi khao khát được sống “một mình với Đấng Độc Nhất”. Chị qua đời ở Anba năm 1582.
Luôn khát khao sống cuộc đời lành thánh, là không ngừng sám hối quay trở về cùng Chúa để được xót thương, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trong những thị kiến viết theo văn thể khải huyền, ngôn sứ Dacaria đã cho thấy các kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nếu thành thánh đã khiến Người nổi giận, thì chẳng phải vì thế, mà Người không dành cho thành một tình yêu khiến Người ghen tức, tình yêu sẽ dẫn tới ơn cứu độ, một khi Dân Chúa sám hối ăn năn. Ta sẽ trở về Giêrusalem mà thương xót thành này. Đền Thờ của Ta sẽ được xây dựng lại ở đó. Thành thánh chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.
Luôn khát khao sống cuộc đời lành thánh, là luôn gắn bó kết hiệp với Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Têrêxa Avila nói: Nếu chỉ một lần Thiên Chúa ban ơn này cho ta: là in sâu tình yêu của Người vào trái tim ta, thì mọi sự sẽ trở nên rất dễ dàng, và trong thời gian rất ngắn, chúng ta sẽ tấn tới nhiều mà không phải vất vả bao nhiêu… Lạy Chúa, kìa ai xa Chúa sẽ mai một hết. Còn hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa, chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời. Ai đã kết hợp với Chúa thì nên một tinh thần với Người.
Luôn khát khao sống cuộc đời lành thánh, là luôn sống tình yêu thương của Chúa và mau mắn thực thi những gì Chúa mời gọi, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Cắt bì không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 118, vịnh gia cho thấy: Lạy Chúa, xin cho con được hưởng tình thương Chúa. Con vui thú với mệnh lệnh của Ngài và hết lòng yêu mến. Mệnh lệnh Ngài, con giơ tay đón nhận, thánh chỉ Ngài, con sẽ gẫm suy.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lời Thiên Chúa là lời sống động và hữu hiệu, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng Người. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người. Lời Chúa sống động hữu hiệu: phân cách tâm với linh, cốt với tủy, thấu suốt lòng dạ con người. Con người chỉ thấy điều mắt thấy, còn Chúa nhìn thấy tận đáy lòng. Những người Pharisêu lấy làm lạ vì Chúa không rửa tay trước khi ăn. Họ chú trọng đến những hình thức bên ngoài, mà bỏ quên những điều quan trọng bên trong. Yêu thương là chu toàn cả lề luật. Tình yêu chân thật không bao giờ sai lầm. Thiên Chúa không sai lầm, bởi vì, Người chính là tình yêu, mọi việc Chúa làm đều do tình yêu thúc bách. Quả thật, tình yêu đòi hỏi tình yêu. Vì thế, chúng ta hãy ra sức tâm niệm điều đó, để thúc đẩy mình yêu mến như thánh Têrêsa Avila: Chúa đã ban ơn Thánh Thần soi sáng cho thánh nữ, để người vạch ra cho Hội Thánh một con đường dẫn tới đỉnh cao toàn thiện. Ước gì chúng ta được hấp thụ giáo huấn của người, và luôn khát khao sống cuộc đời lành thánh. Ước gì được như thế!
Yêu thương là linh hồn của lề luật. 16/10 – Thứ Tư tuần 28 thường niên. "Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật".
Khi ấy, Chúa phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!" Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa". Người đáp lại rằng: "Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới".
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu trách các nhà lãnh đạo. Họ là những người Pharisêu, những nhà thông luật. Họ được dân chúng kính nể vì học thức, vì chức vụ, vì đời sống đạo đức. Nhưng họ cũng có những khiếm khuyết cần sửa đổi. Đức Giêsu ba lần nói “Khốn cho” đối với người Pharisêu (cc. 42-44). Khốn cho thứ nhất vì họ quá chú tâm giữ những điều lặt vặt, phụ thuộc, mà xao lãng cái chính yếu và quan trọng. Họ nộp thuế 10% về những thứ rau cỏ ngoài vườn để tỏ lòng đạo đức. Tiền thuế này được dùng để giúp đỡ các tư tế và các thầy Lêvi. Nhưng tiếc là họ không để ý đến sự công bình đối với tha nhân, và lòng yêu mến đối với Thiên Chúa (c. 42). Tương quan hai chiều của họ bị tổn thương. Việc nộp thuế, dâng cúng cho nhiều cũng không sao kéo lại được. Đức Giêsu đòi giữ cả hai, nhất là những bổn phận chính yếu: “Các điều này phải làm mà các điều kia cũng không được bỏ.” Khốn cho thứ hai vì họ thích tiếng khen từ người đời. Không yêu mến Thiên Chúa, nhưng họ lại yêu mến ghế đầu nơi hội đường, và yêu thích được chào hỏi nơi công cộng (c. 43). Địa vị, tiếng tăm là điều họ tha thiết tìm kiếm. Mọi việc họ làm đều nhằm tôn vinh cho cái tôi. Chính vì thế một đời sống bề ngoài có vẻ sống cho Chúa, kỳ thực lại là một tìm kiếm hư danh cho chính mình. Khốn cho thứ ba gắn liền với sự giả hình trên đây. Đức Giêsu ví họ với mồ mả người chết chôn dưới đất. Vì không có gì làm dấu, nên chẳng ai biết đó là mồ mả để tránh. Nhiều người giẫm lên nên bị ô nhơ mà không hay. Nghe Đức Giêsu nói, một nhà thông luật cảm thấy bị xúc phạm. Đức Giêsu cũng sẽ nói ba lần Khốn cho đối với các vị này. Họ là những nhà chuyên môn giải thích luật và là thầy dạy dân chúng. Khốn cho đầu tiên vì họ đã làm cho luật trở nên một gánh quá nặng. Những giải thích của họ làm sinh ra bao cấm đoán và đòi buộc vượt xa những gì chính bản văn lề luật đòi hỏi. Thí dụ trong ngày sabát, có 39 loại công việc không được phép làm. Luật thay vì là nguồn vui, nguồn hạnh phúc, thì lại trở nên ách nặng nề. Nhiệm vụ của người thông luật không phải chỉ là dạy luật, mà còn là giúp người khác giữ luật. Với thái độ đứng ngoài, không muốn động vào, không muốn trợ giúp, dù bằng một ngón tay (c. 46), người thông luật sẽ không làm cho người ta cảm thấy tình yêu Thiên Chúa. Những lời Khốn cho của Đức Giêsu cách đây hai mươi thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị cho Hội Thánh của các Kitô hữu hôm nay. Để có thể xây dựng một Hội Thánh Việt Nam cho kỷ nguyên mới, chúng ta cần tránh những lỗi của người xưa. Cầu nguyện:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm. Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến. Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm. Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, xin cho các Kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới. Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Đạo Do thái rất chặt chẽ. Tầng lớp lãnh đạo gồm các thượng tế, các thày Lê-vi, các kinh sư, luật sĩ. Lại thêm nhóm Pha-ri-sêu rất nghiêm ngặt. Tất cả luôn bảo vệ Lề Luật. Học hỏi Lề Luật. Cắt nghĩa Lề Luật. Làm cho đạo trở thành một hệ thống Lề Luật vững vàng. Nhưng hôm nay Chúa Giê-su cho thấy đó không phải là đạo của Chúa. Nhưng là đạo của con người. Không phải đạo vì con người. Nhưng là đạo vì bản thân. Thật đáng sợ khi chỉ lo giữ bề ngoài mà không giữ bề trong. Chỉ giữ những điều phụ mà lại quên điều chính. Chỉ giữ những điều nhỏ mà lại quên điều lớn. Chỉ buộc người khác tuân giữ còn mình thì không. Nó biến đạo thành giả dối, lừa đảo và biến chất.
Đạo thật phải là đạo của Chúa. Đạo của Chúa thì phải giữ “lẽ công bằng và lòng yêu mến Thiên Chúa”. Và nhất là phải có lòng thương xót. Đừng “chất lên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào”.
Tầng lớp lãnh đạo Do thái sai lầm vì họ tự cho mình thay Chúa. Ở trên Lề Luật. Có quyền phán đoán xét xử người khác. Thư Rô-ma dạy ta biết ta không có quyền xét đoán tha nhân. Chính ta bị Thiên Chúa xét xử. “Dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán thì bạn cũng không thể tự bào chữa được”. Đạo vì Chúa và vì tha nhân chứ không phải vì bản thân sẽ nhắc ta biết mình tội lỗi bất toàn. Đừng xét đoán người. Hãy biết xét mình. “Vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình”. Bản thân ta cũng tội lỗi bất toàn. Vì thế hãy biết “Thiên Chúa nhân hậu như thế là để thúc giục bạn hối cải” (năm lẻ).
Kẻ tự cho mình thay quyền Chúa để tìm quyền lợi cho bản thân, chèn ép anh em, là kẻ sống theo xác thịt. Thư Ga-lát dạy ta đừng sống theo xác thịt. Vì “những kẻ làm điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa”. Vì đó là đạo giả. Đạo thật phải sống theo Thần Khí. Sống theo Thần Khí là quên mình. Mến Chúa. Yêu người. Sống như thế là “thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, đóng đinh tính xác thịt vào thâp giá cùng với các dục vọng đam mê”. Sẽ gặt hái được “hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (năm chẵn). Đó mới là đạo thật.
Tin Mừng hôm nay có lẽ mời gọi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa đích thực của luật lệ. Chỉ có xã hội loài người mới có luật lệ. Thú vật xem chừng cũng tuân thủ một thứ luật nào đó, nhưng là luật rừng. Khi con người dùng sức mạnh áp đặt luật lệ để nhằm quyền lợi của một thiểu số, chứ không nhằm phục vụ công ích, thì đó cũng chỉ là luật rừng, luật của kẻ mạnh mà thôi.
Chúa Giêsu đã đến để kiện toàn lề luật. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu một lần nữa muốn xác nhận điều đó khi Ngài tuyên bố: "Phải làm các điều này mà không được bỏ qua các điều kia". Chúa Giêsu đã kiện toàn lề luật bằng cách mặc cho nó tinh thần yêu thương: yêu thương là linh hồn của lề luật. Tất cả lề luật trong đạo đều qui về một giới răn nền tảng và duy nhất, đó là yêu thương.
Thánh Phaolô đã nói: "Yêu thương là chu toàn lề luật". Sống yêu thương là dấu ấn Thiên Chúa đã ghi khắc trong tâm hồn con người, bởi vì chỉ có con người mới là tạo vật duy nhất được Thiên Chúa tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài. Mà bởi lẽ Thiên Chúa là Tình Yêu, cho nên mang lấy hình ảnh của Ngài, con người cũng chỉ có một ơn gọi duy nhất, đó là sống yêu thương. Tất cả lề luật Giáo Hội ban hành là chỉ nhằm giúp con người sống yêu thương mà thôi. Chỉ có yêu thương, con người mới trưởng thành; chỉ có yêu thương mới đem lại cho con người một sự giải phóng đích thực, đó là giải phóng khỏi tội lỗi, khỏi ích kỷ, khỏi hận thù.
Xin Chúa cho chúng ta hiểu được lòng Chúa yêu thương chúng ta từng giây phút trong cuộc đời, để chúng ta sống trong tình Ngài nâng đỡ ủi an chúng ta trên con đường tiến về hạnh phúc vĩnh cửu. Xin cho chúng ta luôn quảng đại chu toàn mọi bổn phận với lòng yêu mến, để đáp lại tình Chúa yêu thương chúng ta.
Ðối diện với sự gian dối và bất lương của những người pharisiêu và các nhà thông luật, Chúa Giêsu đã không ngần ngại lên tiếng khiển trách họ. Thái độ thích khoe khoang và cái bề ngoài công chính, giả tạo nhưng bên trong lòng thì chứa đầy những gian xảo của những người pharisiêu hay như hành động chèn ép và áp bức của các nhà thông luật đối với người dân bần cùng là cội rễ của các bất công xã hội. Chúa Giêsu không có chủ ý kết án những người pharisiêu và những nhà thông luật, ngược lại, Ngài chỉ muốn khiển trách để cảnh tỉnh lương tâm của họ, để họ lắng nghe lời Ngài là Con Thiên Chúa mà trở về con đường ngay thẳng.
Chúa Giêsu dạy cho họ biết rằng chỉ có một điều luật lớn nhất vượt lên trên mọi Lề Luật khác đó là luật mến Chúa yêu người. Những ai sống theo luật yêu thương này là thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Phaolô tông đồ trong thư gởi các tín hữu Rôma nhắc nhở rằng: "Tất cả chúng ta cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, vì chúng ta không thể tự mình trở nên công chính trước mặt Người". Thánh Phaolô cũng lên tiếng cảnh giác những người tự cho mình là công chính mà không cần tới lòng thương xót của Thiên Chúa, và từ đó nảy sinh ra thái độ xét đoán người khác. Người nói: "Còn bạn, hỡi người xét đoán những kẻ làm điều đó trong khi chính mình cũng làm như vậy. Bạn tưởng mình khỏi sẽ bị Thiên Chúa xét xử sao?"
Vì thế, ai phán xét và kết án những người khác là lòng bị bất công vì chính mình cũng thuộc vào cùng một lỗi lầm, hay nói cách khác, tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi như nhau. Mặt khác, thái độ lên án người khác gây ra sự chia rẽ giữa chúng ta với những người khác. Ngay cả trường hợp chúng ta có làm được những công nghiệp tốt lành đi nữa thì hành động này của chúng ta cũng không làm cho Thiên Chúa hài lòng. Một công nghiệp tốt lành có tác động làm cho mọi người được hiệp nhất với nhau chứ không tạo nên sự chia rẽ.
Thiên Chúa chính là sự hiệp nhất và tình yêu. Những ai sống theo tinh thần này là sống theo thánh ý của Thiên Chúa. Chúng ta cần đặt mình trước sự thương xót và lòng bác ái của Thiên Chúa, đó là con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi. Chúng ta cần hướng về Thiên Chúa để xin Người ban cho hồng ân cứu rỗi mà Người đã hứa ban cho toàn thể nhân loại, không kể đó là người Kitô hay dân ngoại, người công chính hay người tội lỗi. Vì tất cả chúng ta đều cần tới tình yêu thương và sự thương xót của Thiên Chúa, là vị Cha chung của tất cả chúng ta ở trên trời.
Lạy Chúa,
Chúa là cội nguồn của sự công chính và bác ái. Xin soi sáng và hướng dẫn lương tâm chúng con để chúng con biết sống một cách lương thiện và công bằng mà không xúc phạm hay làm tổn thương đến những người anh em khác. Qua thái độ sống lương thiện và chân thật đó chúng con làm chứng tá cho tình yêu và sự hiện diện của Chúa trên trần gian này.
Đức Giêsu nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi các người Pha-ri-sêu! các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà sao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa, phải làm các điều này mà không được bỏ qua các điều kia.” (Lc. 11, 42)
Ngày nay, người ta sản xuất mọi thứ hàng giả, hàng dỏm được sơn phết, sao chép như thiệt để tiếp thị, bán chạy như tôm tươi và thật mát mắt. Không chỉ hàng hóa dổm mà còn cả những nhân vật học giả, học dổm có đầy đủ học vị cao, lừa đảo, khiến người khác tin tưởng họ như thật. Người ta đã muốn thay con tim người bằng tim khỉ đột, chỉ thấy cái hào nhoáng bên ngoài mà không biết được giá trị cốt lõi bên trong.
Đức Giêsu quan tâm đến lòng người, tinh thần bên trong, chứ không để bị lừa bởi dáng vẻ hấp dẫn bên ngoài. Người vạch cho thấy lối sống giả hình mù quáng.
Những con buôn giả phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của mình, phải lãnh hậu quả tai hại
Nơi một dân coi những việc cử hành đạo đức đóng một vai trò cứu thế, thì dễ xuất hiện lòng sùng bái đối với lối đạo đức hình thức phô trương bên ngoài. Những người biệt phái như những con buôn hàng giả, tỏ ra vẻ cao cả khi giữ luật rất tỉ mỉ, cầu nguyện giữa phố phường và những nơi công cộng cho người ta thấy.
Rất nhiều kẻ trong số biệt phái đó tỏ ra kiêu ngạo, họ quên lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa, Đấng ban ơn soi sáng cho tất cả mọi việc đạo đức. Đức Giêsu chúc dữ những kẻ giả hình để hy vọng dẫn đưa họ ăn năn sám hối trở về.
Tính kiêu ngạo và phô trương của họ do nội tâm họ không trong sạch được che đậy để người ta kính trọng họ, theo họ và hư đi theo họ mà không biết. Sự che đậy của biệt phái có thể lây lan sang những ai bước xuống mồ của họ, vì họ không thể biết được lòng họ. Lời khiển trách của Đức Giêsu cũng giáng xuống đầu các nhà thông luật vì họ dạy biệt phái cũng như dân chúng. “Họ chất trên vai kẻ khác những gánh nặng gánh không nổi, còn họ thì dù một ngón tay họ cũng không để đụng tới”. Họ phải chịu trách nhiệm về tội hủ hóa người khác.
Chúng ta có là những người hành đạo theo thói quen và để được người ta kính trọng không? Trong khi đó con tim lại đầy ghen ghét, hận thù, bất công chăng? Chớ gì lời chúc dữ của Chúa Giêsu đừng áp dụng vào chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay đặt trong khung cảnh của một bữa ăn tại nhà một người Pharisêu.
Đức Giêsu được mời dự tiệc và Ngài đã bị các người Pharisêu để ý đến việc Ngài không rửa tay trước khi ăn. Họ bắt bẻ Đức Giêsu và cho rằng Ngài bỏ qua tập tục của tiền nhân... Tuy nhiên, lại một lần nữa, Ngài đã tố cáo lối sống bề ngoài của họ.
Thật vậy, những người người Pharisêu thì chỉ lo giữ luật theo mặt chữ, còn thực chất tinh thần thì đã chết khi họ nhất nhất bám vào từng dấu chấm, dấu phẩy. Họ sống vì luật, nên chỉ quan tâm đến chuyện đúng sai bề ngoài, không hề có sự công bằng và yêu thương. Họ luôn coi trọng hình thức trước đám đông, vì thế, luôn thích được chào hỏi nơi công cộng.
Bên cạnh đó, những Tiến Sĩ Luật cũng bị khiểm trách nặng nề vì họ luôn bắt người khác phải làm chuyện này chuyện kia... nhưng thực ra bản thân họ thì không hề có một chút gì quan tâm đến việc phải làm nơi mình. Họ chất lên vai người ta đủ thứ, còn chính họ thì dù chỉ một chút nhỏ cũng không hề đụng ngón tay vào.
Ngày hôm nay, trong xã hội, người ta ít quan tâm đến việc đạo đức! Nếu có ai thực tâm sống tốt lành thì sẽ bị người ta dè bửu... Ngược lại, họ quan tâm đến kiến thức, coi trọng việc đào tạo trí thức, hay kỹ thuật để sau này kiếm sao được nhiều tiền chứ không mảy may quan tâm đến chuyện kiếm tiền như thế nào cho phù hợp với lương tâm. Nói cách khác, xã hội và con người ngày hôm nay quan tâm đến cái đầu chứ đâu có màng chi đến trái tim!... Như vậy, lối sống hình thức, giả tạo là điều đương nhiên có mặt trong thời buổi này; đồng thời sự vô cảm, dửng dưng, bất nhân xuất hiện nhan nhản trong xã hội là lẽ thường tình.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết coi trọng tiếng nói của Lương Tâm. Biết quan tâm đến đời sống nội tâm hơn là hình thức. Biết sống liên đới và lo cho anh chị em của mình được hạnh phúc thực sự. Biết nêu gương sáng trong đời sống hằng ngày trước khi hướng dẫn ai đó về đường đạo đức.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng: với Chúa, bề ngoài không nhất thiết quan trọng, nhưng điều cần thiết chính là bề trong, nơi sâu thẳm tâm hồn. Xin cho chúng con được sống theo đường lối của Chúa muốn. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu lên án gắt gao thái độ kiêu căng giả hình của những người biệt phái. Chúa dạy ta sống khiêm tốn, công bằng và yêu thương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng hiền hậu và hay tha thứ. Chúa đã dạy con: “Hãy tha thứ cho thù địch”. Chúa còn nói với con: “Hãy học với Ta vì Ta hiền hậu và khiêm nhường”. Ngay trên thập giá, Chúa đã xin Chúa Cha tha thứ cho bọn lý hình. Thế nên, con rất ngạc nhiên khi thấy Chúa nặng lời khiển trách những người biệt phái. Nhưng cuối cùng con đã hiểu ra rằng, Chúa nặng lời với họ vì họ kiêu căng giả hình. Chúa ghét thói giả dối kiêu căng vì nó làm cho chúng con cố chấp và mù quáng.
Lạy Chúa, từ trước đến nay con vẫn hài lòng về đời sống đạo của mình. Con vẫn dự lễ, rước lễ, đọc kinh sáng tối, làm được vài việc bác ái, tham gia các sinh hoạt đoàn thể.
Nhưng hôm nay, dưới ánh sáng Lời Chúa, khi tự vấn lương tâm, con chợt nhận ra rằng có những lúc con làm những việc đó là vì tính kiêu căng tự đắc hơn là vì lòng mến Chúa yêu người thực sự. Vì thế, con cũng chẳng khác gì những biệt phái xưa, và con cũng đáng bị lên án như họ.
Lạy Chúa, xin giúp con diệt trừ thói kiêu căng và giả hình. Xin dạy con biết sống khiêm tốn, sống thật lòng với Chúa, với anh chị em con, nhất là với chính lòng con, để mọi hành vi của con trở nên lời tán dương Chúa, đồng thời giúp ích cho mọi người và thăng tiến bản thân con. Amen.
Ghi nhớ: “Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật”.
Để diễn tả nỗ lực của mỗi người qua phần thưởng Chúa sẽ ban, thánh Têrêsa Hài Đồng đã dùng một hình ảnh hết sức đơn sơ để so sánh về phần thưởng nước Trời với sự cố gắng của con người như sau: Nếu ta đặt trên bàn một số những chiếc ly lớn nhỏ khác nhau rồi đổ đầy nước vào từng ly ấy, chúng ta sẽ nhận thấy rằng tất cả mọi ly đều đầy nước, có nghĩa là không ly nào có thể chứa thêm được nữa. Nhưng không phải là không có sự khác nhau vì những ly lớn sẽ chứa được nhiều nước hơn những ly nhỏ.
Suy niệm
Trong Tin Mừng hôm nay có thể hiểu rộng ra là tất cả mọi người đều được trao những nén bạc, đều tận tâm tận lực làm cho sinh lời. Có người mặc cảm với số vốn ít ỏi, nên không tận lực làm lời, hình ảnh đó phác họa mặc cảm tự ti của con người. Tâm lý học có nói mặc cảm là một thứ bệnh khó trị. Nó sinh ra nhiều biến chứng tệ hại. Người mang mặc cảm luôn tự cho mình thua kém người khác, tự ti về khả năng, nên họ muốn buông xuôi chôn vùi cuộc đời mình trong sự thất vọng. Mặc cảm làm mình thu lại trong “vỏ ốc tự ti”...
Hãy chui ra khỏi vỏ ốc của sự tự ti, phá bỏ bức tường mặc cảm yếu kém hơn người để tiến vào cuộc sống trong an vui và trách nhiệm. Chúng ta hãy tùy theo khả năng sống mà phục vụ hết mình, thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình (...) chứ đừng so sánh với người khác” (Gl 6,4). Làm việc tận khả, Ngài nhấn mạnh giá trị của thời giờ, con người phải biết trân trọng, vì đó là thời gian Chúa ban. Ngài kêu gọi đừng ngủ mê, nhưng phải luôn làm việc (x. 1Tx 5,1-6).
Thiên Chúa luôn mời gọi sự cố gắng của con người, dù đó là việc bình thường nhưng tận lực trong phi thường, con người sẽ làm nên những kỳ tích cho cuộc đời mình và cho xã hội. William Barclay đã viết: “Thiên Chúa không muốn những con người phi thường làm những việc phi thường, nhưng Ngài rất muốn những con người bình thường làm những việc bình thường một cách phi thường”.
Thật thế, trong ngày phán xét chung. Thiên Chúa sẽ phán xét mỗi người, mỗi hành vi tùy theo ân huệ Người ban và người đó đã sử dụng sinh lợi cho Chúa như thế nào trong cuộc đời. Mỗi chúng ta cũng đều là một người quản lý ân huệ và tài năng của Chúa ban. Chúng ta có bổn phận phải khiêm tốn nỗ lực làm lời cho Chúa để phục vụ Chúa và anh em đồng loại.
Ý lực sống
“Ai có sẽ cho thêm, và người đó sẽ được dư dật;
còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có…” (Lc 19,26).
Sau khi Đức Giêsu lên tiếng khiển trách các biệt phái về tội vụ luật, hình thức, bây giờ Người vạch ra tội giả hình của họ. Đọc bài Tin mừng hôm nay, chúng ta phải suy nghĩ: có lẽ chúng ta đang sống cách sống của người biệt phái xưa. Lối sống mà Đức Giêsu chê trách là chỉ giữ cặn kẽ những điều luật dạy một cách giả hình mà không theo tinh thần của lề luật, đó là mến Chúa và yêu thương anh em. Đức Giêsu không bác bỏ việc giữ luật, nhưng phải giữ với lòng yêu mến chứ đừng hình thức. Người cũng lên án tính huênh hoang tự cao tự đại chỉ biết hưởng thụ, còn gánh nặng và khó khăn thì trút tất cả cho người khác.
Đối với sự gian dối và bất lương của những người biệt phái và các nhà thông luật Đức Giêsu đã không ngần ngại lên tiếng khiển trách họ. Thái độ khoe khoang và cái bề ngoài công chính, giả tạo, nhưng bên trong lòng thì chứa đầy những gian xảo của những người biệt phái hay như hành động chèn ép và áp bức của các nhà thông luật đối với người dân bần cùng là cội rễ của các bất công xã hội. Đức Giêsu không có chủ ý kết án những người biệt phái và những nhà thông luật, ngược lại Người chỉ muốn khiển trách để cảnh tỉnh lương tâm của họ, để họ lắng nghe lời Người là Con Thiên Chúa mà trở về con đường ngay thẳng (R.Veritas).
Đức Giêsu vạch rõ thói giả hình của họ. Giống như mồ mả tô vôi, các người biệt phái với áo vàng mũ miện đai nịt màu mè, nhưng trong tâm hồn đầy những đam mê và suy nghĩ xấu xa. Đó là lối sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người chung quanh những việc làm của họ để được ca tụng. Đó cũng là thái độ của không ít người trong chúng ta, tìm cách che giấu sự thật về con người của mình khi không khiêm tốn nhận những khuyết điểm của mình, không đón nhận sự thật về con người của mình. Lời Chúa mời gọi chúng ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng lo trang sức cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hoá đời sống để được đổi mới trong mọi sự.
Chúa phê bình người biệt phái như vậy mà họ vẫn không tự ái, vẫn im lặng không lên tiếng. Trong lúc đó, có một người thông luật không chịu nổi nữa nên đã phản ứng lại:
- Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa! (Lc 11,45)
Đang ngon trớn, với giọng phẫn nộ, Đức Giêsu phê bình luôn cả những người thông luật: “Khốn cho các ngươi nữa, hỡi các nhà thông luật. Các ngươi chất lên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn các ngươi thì, dù một ngón tay cũng không động vào” (Lc 11,46).
Bắt người khác làm mà mình không làm... đó cũng là cách sống giả hình, ích kỷ.
Thánh Giacôbê khẳng định: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26).
Đức Giêsu không bao giờ rao giảng những gì mà Người đã không thực hiện trước. Người dạy các môn đệ tránh xa thứ men giả hình của biệt phái, tránh thái độ “ngôn hành bất nhất”, nói mà không làm. Đã có lần Chúa tuyên bố: “Không phải mọi kẻ nói với Thầy: Lạy Chúa, Lạy Chúa, là sẽ được vào Nước trời, nhưng là kẻ làm theo ý Cha Thầy” (Mt 7,21).
Có người nói: “Trời cho những cái bên ngoài, để che những cái sơ sài bên trong”. Những thứ bên ngoài lắm khi được chú ý một cách thật tỉ mỉ, nhưng thực chất chỉ nhằm che giấu thực trạng tồi tàn trống rỗng nội tâm. Tình trạng đó xảy ra trong đủ mọi lãnh vực từ việc quan hệ giao tiếp giữa người với nhau cho đến việc thờ phượng Thiên Chúa. Ngược lại có người phản ứng lại thái độ đó bằng cách phủ nhận mọi hình thức biểu dương bên ngoài, họ cho rằng chỉ cần giữ “đạo tại tâm” và không cần bất cứ hình thức thể hiện nào khác.
Đức Giêsu dạy chúng ta một đường lối trung dung: “Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia”. Hãy bắt đầu sống “công bình và nhân ái” và rồi việc bên ngoài như “nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ” sẽ là một trong những cách thể hiện “lẽ công bình và lòng nhân ái” đó (5 phút Lời Chúa).
Truyện: Người buôn cam ở Hàng Châu
Ngày xưa ở Hàng Châu, có người chuyên đi buôn cam. Anh ta có tài để dành cam lâu ngày mà không ung, không thối, để lâu ngày mà vỏ vẫn đỏ hồng, vẫn tốt, vẫn đẹp như cam mới hái. Anh đem ra chợ bán. Thiên hạ tranh nhau mua. Ai thấy cam như vậy cũng ham!
Nhưng rồi có một người tên Lưu Cơ cũng mua một quả. Đem về nhà bóc ra thì ôi, hơi thối xông lên mặt, múi thì xác xơ như bông nát. Lưu Cơ liền chạy ra chợ tìm gặp người bán cam và trách móc:
- Anh bán cam cho người ta để làm của cúng của lễ, đãi tân khách hay là chỉ để làm choáng mắt bên ngoài, đánh lừa thiên hạ? Tệ thật! Anh giả dối lắm!
Người buôn cam mỉm cười:
- Tôi làm nghề này đã lâu lắm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán thì người ta mua, chẳng ai nói năng gì cả. Chỉ có ông là kêu ca thôi. Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng riêng gì một mình tôi. Thật ông chẳng nghĩ cho đến nơi đến chốn. Hãy thử xem, người đeo hộ phù, da hổ hùng dũng trông ra dáng quan võ lắm. Kỳ thực họ có được như Ngô Khởi, Tôn Tẫn thuở xưa không? Người đội mũ cao, đóng đai vàng, trông ra dáng quan văn lắm. Kỳ thực họ có được giỏi như Cao Dao, Y Doãn không? Giặc nổi lên, không biết dẹp, dân khổ, không biết kêu vào đâu. Quan lại thì tham nhũng, không biết trừng trị. Pháp đồ hỏng không biết sửa đổi, ngồi không, ăn lương chẳng biết xấu hổ... thế mà lúc ra ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của lạ, hách dịch vô cùng!... Đó, bề ngoài họ chẳng như vàng ngọc, mà bề trong chẳng hôi xác xơ như bông nát là gì? Sao ông không chịu xét những hạng người như thế mà lại đi xét quả cam tôi?
1. Chúa Giêsu nêu đích danh 3 điều lầm lạc của nhóm pharisêu:
a/ Quan tâm đến việc nộp thuế thập phân về những rau cỏ tầm thường vốn không có ghi trong những bộ luật xưa (x. Nkm 13,10-13) mà lại bỏ quên những nhân đức rất lớn như công bình và yêu thương;
b/ Thích danh vọng bề ngoài, bằng cách chọn ghế đầu trong hội đường. Thực ra trong buổi họp ở hội đường thì phải có người ngồi ghế đầu. Việc những người pharisêu được ngồi như thế chưa phải là đáng trách; điều đáng trách là họ “thích” và nhất là họ không xứng đáng mà lại thích như thế;
c/ Thích được chào ở nơi công cộng.
2. Và Ngài đúc kết: họ giống như những nấm mồ. Mồ là cái chôn dấu xác chết vốn là một thứ ô uế. Do đó ai đạp lên mồ mả thì cũng bị nhiễm uế. Vì thế các nấm mồ cần phải có dấu hiệu cho người ta biết để trách đạp lên. Người pharisêu, vì trong lòng đầy sự xấu xa, nên cũng chứa đựng nhiều thứ ô uế nhưng người khác lại không biết.
3. Một luật sĩ lên tiếng bênh vực cho nhóm pharisêu, vì cách sống của pharisêu chính là dựa theo cách giải thích luật của các luật sĩ. Chúa Giêsu cũng trách nhóm luật sĩ “Chất gánh nặng lên vai người khác”: Trong Thánh Kinh, chữ “gánh nặng” ám chỉ luật lệ. Các luật sĩ cứ miệt mài nghiên cứu luật và càng ngày càng đưa thêm nhiều khoản luật khiến người ta không kham nổi, trong khi chính họ lại không tuân giữ.
B.... nẩy mầm.
1. “Họ không động đến ngón tay”: “Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên án gắt gao thái độ trưởng giả của những người biệt phái. Họ là chuyên viên giải thích những luật lệ tôn giáo. Nhưng cái cốt lõi của tôn giáo là bác ái yêu thương thì họ không màng tới. Chúa Giêsu nói “Họ không động đến ngón tay”. Ra giữa phố chợ, họ xuất hiện như những nhà đạo đức. Nhưng Chúa Giêsu bảo “Họ giống như những mồ mả tô vôi, bên trong chỉ toàn là mớ xương hôi thối”. Đó là những hình ảnh của những người đạo đức giả, của những người rao giảng Tin Mừng nhưng không sống điều mình rao giảng, của những người mang danh hiệu Kitô nhưng không sống tinh thần Kitô. Ngày nay Giáo Hội của Ngài có sống còn hay không, Giáo Hội của Ngài có đáng tin cậy hay không, điều đó còn tùy ở mức độ Giáo Hội có sống trọn lời mình rao giảng hay không. Dĩ nhiên, Giáo Hội được thể hiện qua những con người bằng xương bằng thịt là chúng ta. Chúng ta có sứ mệnh minh chứng Giáo Hội ấy vẫn tiếp tục sống” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
2. Giả hình: “Giả hình là hình giả, hình nộm. Đó là đời sống đạo che đậy dấu diếm. Kinh Thánh nói giả hình giống như một nấm mồ sơn vôi, bên ngoài coi bộ trắng trẻo, nhưng bên trong là dòi bọ xương xẩu (...) Ở đời này chúng ta có thể sống giả hình dấu diếm đánh lừa được một số người thôi, chứ không thể đánh lừa được một số đông... Mà giả như chúng ta có thể đánh lừa được số đông đi nữa thì cũng không thể đánh lừa được chính Thiên Chúa... Ngài thấu suốt mọi bí ẩn tâm can” (Trích "TMCGK ngày trong tuần").
3. Thomas K. Beecher không chịu nổi sự lừa dối dưới bất cứ hình thức nào. Khi thấy chiếc đồng hồ trong nhà thờ cứ khi thì chạy sớm khi thì chạy trễ, ông treo một tấm bảng phía trên chiếc đồng hồ ấy, với hàng chữ: “Xin đừng trách mắng đôi cánh tay tôi. Cái đáng trách nằm sâu hơn thế nhiều”. Beecher muốn nói hai điều. Điều thứ nhất: đừng trách hai chiếc kim đồng hồ mà hãy trách những bánh xe bên trong đồng hồ. Điều thứ hai: có khi tay ta cử động sai, chân ta bước không đúng, môi miệng ta nói không chỉnh... nhưng quan trọng hơn chính là tội lỗi nằm sâu ngay trong tâm hồn của ta (Christian Witness).
4. Có khi nào người ta dám quẳng bỏ những tờ giấy bạc không? Thưa có, khi đó là tiền giả. Nhiều người đã quẳng bỏ Kitô giáo vì thấy những kitô hữu giả hình (W.E. Biederwolf).
5. “Khốn cho các ngươi hỡi người Pharisêu. Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích người ta chào hỏi nơi công cộng...” Lc 11,43
Con người như một ma lực phải làm đẹp cho mình. Nhưng có khi chỉ là để che đậy những trống rỗng bên trong.
Đôi khi tôi tự hỏi không biết mình có tự tôn, tự tạo cho mình một vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài bằng một “lý lịch” rất đạo đức? Tôi đi lễ mỗi ngày, tôi đã từng sinh hoạt trong ca đoàn, trong nhóm giáo lý viên. Nay tôi đang tham gia các nhóm công tác xã hội, nhóm chia sẻ Lời Chúa... Đàng sau những công việc tốt đẹp ấy là gì? Phải chăng là mong được những người xung quanh nể vì? Không biết bài học “hiền lành và khiêm nhường” của Chúa đến bao giờ tôi mới thuộc được?
1. Chúa Giêsu nêu đích danh 3 điều lầm lạc của nhóm Pharisêu:
a/ Quan tâm đến việc nộp thuế thập phân, về những rau cỏ tầm thường vốn không có ghi trong những bộ luật xưa (Nkm 13,10-13) mà lại bỏ quên những nhân đức rất lớn như công bình và yêu thương.
b/ Thích danh vọng bề ngoài, bằng cách chọn ghế đầu trong hội đường. Việc những người Pharisêu được ngồi như thế chưa phải là đáng trách; điều đáng trách là họ “thích” và nhất là họ không xứng đáng mà lại thích như thế.
c/ Thích được chào ở nơi công cộng.
Và Ngài đúc kết: họ giống như những nấm mồ.
Cuộc sống mà chỉ căn cứ vào những vẻ bên ngoài như thế thì sớm muộn gì thì cũng xảy ra những điều không tốt không hay.
Ngày xưa ở Hoàng Châu, có người chuyên đi buôn cam. Anh ta có tài để dành cam lâu ngày mà không ung, không thối, để lâu ngày mà vỏ vẫn đỏ hồng trông vẫn tốt, vẫn đẹp như cam mới hái. Anh đem ra chợ bán. Thiên hạ tranh nhau mua. Ai thấy cam như vậy cũng ham!
Nhưng rồi có một người tên Lưu Cơ cũng mua một quả. Đem về nhà bóc ra thì ôi, hơi thối xông lên mặt, múi thì xác xơ như bông nát. Lưu Cơ liền chạy ra chợ tìm gặp người bán cam và trách móc:
- Anh bán cam cho người ta để làm của cúng của lễ, đãi tân khách hay là chỉ để làm choáng mắt bên ngoài, đánh lừa thiên hạ? Tệ thật! Anh giả dối lắm!
Người buôn cam mỉm cười:
-Tôi làm nghề này đã lâu lắm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán thì người ta mua, chẳng ai nói năng gì cả. Chỉ có ông là kêu ca thôi. Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng phải riêng gì một mình tôi. Thật ông chẳng nghĩ cho đến nơi đến chốn.
Hãy thử xem, người đeo hộ phù, da hổ hùng dũng trông ra dáng quan võ lắm. Kỳ thực họ có được như Ngô Khởi, Tôn Tần thuở xưa không? Người đội mũ cao, đóng đai vàng, trông ra dáng quan văn lắm. Kỳ thực họ có giỏi được như Cao Dao, Y Doãn không. Giặc nổi lên, không biết dẹp, dân khổ, không biết kêu vào đâu. Quan lại thì tham nhũng, không biết trừng trị. Pháp đô hỏng không biết sửa đổi, ngồi không, ăn lương chẳng biết xấu hổ... thế mà lúc ra ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rựơu ngon ăn của lạ, hách dịch vô cùng!.. Đó, bề ngoài họ chẳng như vàng ngọc, mà bề trong chẳng hôi xác xơ như bông nát là gì? Sao ông không chịu xét những hạng người như thế mà lại đi xét quả cam tôi?
2. Chúa phê bình người Pharisêu như vậy mà họ vẫn không tự ái, vẫn im lặng không lên tiếng. Trong lúc đó, có một người thông luật không nhịn nổi nữa cho nên đã phản ứng lại:
- Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa! (Lc 11,45)
Đang ngon trớn, với giọng phẫn nộ, Chúa Giêsu phê bình luôn cả những người thông luật: “Khốn cho các ngươi nữa, hỡi các nhà thông luật. Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn các người thì, dù một ngón tay cũng không động vào!” (Lc 11,46)
Bắt người khác làm mà mình không làm …đó cũng là cách sống giả hình, ích kỷ.
Thánh Giacôbê khẳng định: “Ðức tin không có việc làm là Ðức tin chết” (Gc 2,26).
Ðức Giêsu không bao giờ rao giảng những gì mà Người đã không thực hiện trước. Người dạy các môn đệ tránh xa thứ men giả hình của Pharisêu, tránh thái độ “ngôn hành bất nhất”, “nói mà không làm”. Đã có lần Chúa tuyên bố: “Không phải mọi kẻ nói với Thầy; Lạy Chúa, lạy Chúa, là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ làm theo ý Cha Thầy” (Mt 7,21).
Buổi tối hôm đó trời thật lạnh.
Một em bé khoảng sáu, bảy tuổi đang đứng tần ngần trước cửa hàng. Đứa bé không có giày, còn quần áo chỉ là những miệng giẻ rách. Có một thiếu phụ đi ngang qua trông thấy cậu bé và đọc được nỗi thèm muốn trong đôi mắt mầu xanh u uất của nó. Bà cầm tay đứa trẻ, dẫn em vào tiệm và mua cho em đôi giày và bộ quần áo ấm. Họ trở lại phố và thiếu phụ nói với cậu bé:
- Bây giờ cháu có thể về nhà và hương một ngày nghỉ vui vẻ nhé!
Đứa bé ngước nhìn thiếu phụ và hỏi: - Thưa bà, bà có phải là Chúa không?
Bà cúi xuống mỉm cười với cậu bé và trả lời: - Con ơi, không phải đâu, bà chỉ là một trong những đứa con của Ngài thôi!
Lúc đó cậu bé nói: - Cháu đã biết ngay là bà có họ hàng với Ngài mà!
Một lần kia, có một nhà quí tộc triệu phú khi quan sát những nữ tử thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa chăm sóc và rửa những vết thương cho các bệnh nhân tại một trại phong cùi, ông đã buột miệng phát biểu: - Cho tôi một triệu mỹ kim tôi cũng không làm được những việc này.
Nghe nói thế, Mẹ Têrêsa Calcutta trả lời: - Cho chúng tôi một triệu mỹ kim để bảo chúng tôi ngưng làm những việc này, chúng tôi vẫn tiếp tục.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, có bốn lần Chúa quở trách những người biệt phái, luật sỹ về lối sống giả hình, giả bộ của họ “ Khốn cho các ngươi… “ để rồi chúng ta nhận thấy bản thân mình cũng có ở trong bốn lần quở trách đó và chúng ta hãy nghe lời Chúa dạy bảo mà sửa lại cuộc sống cho tốt đẹp hơn.
1-Ham mê tiền bạc của cải, danh vọng, quyền thế: Của cải, danh vọng, quyền thế là những thứ rất cần cho cuộc sống ở đời này. Bất cứ một ai trong đất trời đây đều mong muốn mình giàu sang phú quý, có địa vị, có quyền lực. Trong thực tế, đã có rất nhiều người theo đuổi con đường này. Chúng ta thấy Chúa không cấm chúng ta, nhưng nếu chúng ta cứ mãi mê con đường trần thế này và tìm mọi cách thức, mưu mô, thủ đoạn để đạt được mục đích mà bỏ Chúa, không lo sống đạo, không biết kèm chế bàn năng, ham muốn, dục vọng thì quả như Chúa nói “ Khốn cho ngươi… “ thì là quá đúng cho mình: “Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình, và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia” (Lc 11, 42).
2-Thích được khen ngợi, danh tiếng: Đi bất cứ nơi đâu, sống bất cứ chỗ nào, nhất là ở những nơi công cộng, hội họp, đám tiệc….chúng taluôn bắt người khác tôn trọng mình, dành cho mình chỗ nhất, được người khác gục đầu chào hỏi là vui tươi nở mặt nở mày, đang khi đó chúng ta lại không biết thương xót, quan tâm, cứu giúp những người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên ngoài xã hội, nặng nhất là chúng ta thượng đội hạ đạp lên anh chị em của chúng ta mà chúng ta sống: “Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ” (Lc 11, 43).
3-Giả hình, đánh lừa người khác: Chúng ta thích diện mạo bề ngoài, ăn mặc sang trọng, bên ngoài là chiên, còn bên trong là sói để rồi gây lầm tưởng cho anh chị em của chúng ta, làm cho anh chị em chúng ta rơi vào cái bẫy lừa dối của mình, khiến cho nhiều anh chị em của chúng ta dở khóc, dở cười, thân bại danh liệt, tan gia bại sản, không đứng vững được trong cuộc sống, nhiều lúc bế tắt, tuyệt vọng không lối thoát trong cuộc đời này: “Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không biết” (Lc 11, 44).
4-Khéo miệng mồm, đỡ tay chân: Chúng ta luôn trốn tránh trách nhiệm, việc làm, nhất là những việc nặng nhọc. Chúng ta đẩy đùn trách nhiệm qua cho những người khác. Nhiều lúc chúng ta chồng chất gánh nặng cho anh chị em của chúng ta, chúng ta không chia sẻ trách nhiệm, công việc với anh chị em của chúng ta, chúng ta không là “ Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia “, có phúc thì mình dành hưởng trọn, còn có họa thì chạy trốn đẩy sang cho anh chị em của chúng ta. Chúa không chấp nhận chúng ta sống hai mặt như vậy: “Khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sỹ luật, vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể các được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới” (Lc 11, 45 – 46).
Lạy Chúa, xin Chúa thương đừng để chúng con sống mưu mô xảo quyệt với Chúa và với anh chị em của chúng con, xin cho chúng con luôn sống thật lòng, biết nương tựa vào Chúa. Amen.
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Tuần 28 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng ta đi, vừa đồng hành với chúng ta luôn mãi, để chúng ta sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy.
Ân sủng Chúa vừa mở đường vừa đồng hành, vì thế, chúng ta thành công không phải nhờ thế lực hay sức mạnh của mình, nhưng là, nhờ thần khí của Thiên Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Dacaria cho thấy: Các ngôn sứ đợi chờ một ông vua thiên sai sẽ cứu độ dân Ítraen. Các vua đã không hoàn thành sứ mạng, nhưng thượng tế thì thời nào cũng có. Người ta hy vọng hoàng tộc Đavít, do ông Dơrúpbaven đại diện, sẽ được phục hưng. Trong công trình quy tụ Dân Thiên Chúa, vua và tư tế báo trước Đức Giêsu. Trong Thần Khí, hết mọi thành phần Dân Chúa cũng sẽ được tham dự vào chức vụ Vua và Tư Tế của Đức Giêsu. Không phải nhờ thế lực, cũng chẳng phải nhờ sức mạnh mà nó hoàn thành công việc Ta giao phó, nhưng là nhờ thần khí của Ta, ĐỨC CHÚA các đạo binh phán... Có hai cây ôliu và hai cây đèn đứng trước nhan Chúa Tể cõi đất. Đó là hai người được xức dầu đứng phục vụ bên Chúa Tể toàn cõi đất. Chúa sẽ cho hai chứng nhân của Người đến tuyên sấm.
Ân sủng Chúa vừa mở đường vừa đồng hành, vì thế, chúng ta hãy trung thành tiến bước trong ánh sáng Lời Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Mácximô Tuyên Giáo nói: Trong Hội Thánh, khi lời Thiên Chúa được rao giảng, Người dùng ánh sáng rạng ngời của chân lý mà chiếu soi tất cả những ai ở trong thế gian như trong một ngôi nhà và làm cho tâm trí mọi người đầy tràn sự hiểu biết Thiên Chúa… Anh em hãy bước đi bao lâu anh em còn có ánh sáng, kẻo bóng tối bắt chợt anh em. Bao lâu anh em còn có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng. Tôi đến thế gian này cho người không xem thấy được thấy.
Ân sủng Chúa vừa mở đường vừa đồng hành, vì thế, chúng ta đừng nản lòng vì mình yếu đuối, nhưng, hãy cứ vững tin mà tiến bước theo đường lối Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Những ai thuộc về Đức Kitô thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 1, vịnh gia cho thấy: Lạy Chúa, ai theo Ngài sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống. Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người như thế làm chi cũng sẽ thành.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu! Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật. Chiên của Chúa thì nghe tiếng Chúa, chứ không nghe theo tiếng của người lạ. Nghe tiếng Chúa là làm theo ý Chúa, chứ không làm theo ý riêng của mình. Làm theo ý Chúa thì thật là phúc cho chúng ta, ngược lại, làm theo ý riêng của mình thì thật là khốn cho chúng ta. Những người Pharisêu muốn nên thánh bằng các công việc đạo đức của mình, khoe công trạng với Chúa và biến Chúa thành con nợ phải trả công cho mình. Những nhà thông luật thì lại muốn nên thánh bằng những hiểu biết cao siêu của mình về lề luật, về đạo thánh, chất những bó nặng lên vai người khác, còn mình không động tới một ngón tay. Nước Trời là của Chúa, ơn cứu độ là của Chúa, vì thế, phải nên thánh theo cách của Chúa, chứ không thể theo cách của những người Pharisêu và những nhà thông luật. Ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng ta đi, vừa đồng hành với chúng ta luôn mãi, để chúng ta sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy. Ước gì chúng ta biết cậy dựa vào tình yêu, ân sủng, và lòng thương xót của Chúa, chiên Chúa thì nghe tiếng Chúa, để vào được Nước Trời. Ước gì được như thế!
Dòng Máu Cứu Ðộ. 17/10 – Thứ Năm tuần 28 thường niên. – Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.
"Sẽ bị đòi nợ máu của các tiên tri đã đổ ra, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria".
* Giám mục I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a đã bị án quăng làm mồi cho thú dữ, tại Rôma, quãng năm 110. Tại các chặng dừng chân trên con đường tiến đến nơi hành hình, người đã gửi bảy thư cho nhiều giáo đoàn. Trong các thư đó, người nói về Chúa Kitô, về Hội Thánh và về đời sống Kitô hữu một cách khôn ngoan và thông thái. Trong các thư đó còn có một trong những bài tình ca thốt lên từ một trái tim thấm nhuần tinh thần Kitô giáo: “Hãy để tôi lãnh nhận ánh sáng tinh tuyền. Nơi tôi chỉ còn một dòng nước sống động đang thầm thì: Hãy đến với Chúa Cha”.
Khi ấy, Chúa phán: "Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ. Bởi đó mà sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu. Khốn cho các ngươi! Hỡi những tiến sĩ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khoá sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản họ lại". Khi Người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng.
Ơn gọi ngôn sứ chưa bao giờ là một ơn gọi dễ dàng. Ngôn sứ là người bất ngờ được Thiên Chúa kêu gọi, để trở nên phát ngôn viên chính thức cho Ngài trước toàn dân. Thiên Chúa nói qua trung gian con người, nói bằng thứ ngôn ngữ con người để họ hiểu được. Ngôn sứ đã là người nghe trước khi là người nói, là cầu nối chuyển đạt cho dân sứ điệp mình đã lãnh nhận. Sứ điệp của Thiên Chúa lắm khi là những lời cảnh báo, răn đe, nên công việc của ngôn sứ không dễ được mọi người đón nhận. Ngôn sứ có thể tố cáo tính vụ hình thức nơi phụng vụ trong Đền thờ, những người dâng lễ vật cho Chúa, nhưng lại bóc lột anh em (Is 1, 11). Ngôn sứ cũng dám nói lên những điều chưa tốt nơi hàng tư tế, những hư hỏng, bất công của vua quan (2 Sm 12, 7), và những bất trung của dân chạy theo ngẫu tượng dân ngoại. Phải có đảm lược mới dám nói điều Chúa bắt mình nói. Số phận của một ngôn sứ thường gắn liền với đau khổ và bách hại. Môsê và Êlia đều đã có lúc xin được chết cho xong (Ds 11, 15; 1 V 19, 4). Giêrêmia cũng chỉ muốn từ nhiệm, nhưng không được (Gr 20, 7-18). Giacaria bị ném đá và giết trong sân Đền thờ (2 Sb 24, 20-22). Vào thời Tân Ước các ngôn sứ cũng chịu chung số phận. Gioan Tẩy giả, Đức Giêsu và các tông đồ đều nếm khổ đau và cái chết. Bài Tin Mừng hôm nay nói đến máu mà bao ngôn sứ đã đổ ra. Từ thời Hêrôđê đại đế, người ta bắt đầu xây lăng mộ cho các ngôn sứ, nhưng chuyện bắt bớ và sát hại các ngôn sứ thì vẫn kéo dài. “Thế hệ này sẽ phải trả lời về máu của mọi ngôn sứ đã đổ ra…” (c.50). Như vậy thế hệ hiện tại cũng phải chịu trách nhiệm về tội ác quá khứ, vì chính họ đang nhúng tay vào việc bách hại các người được Thiên Chúa sai (c. 49). Các nhà thông luật hay các kinh sư mà Đức Giêsu đang gặp gỡ sẽ có mặt trong Thượng Hội Đồng để luận tội Đức Giêsu (Lc 22, 66). Máu vô tội của Đức Giêsu sẽ đổ ra trên đồi Sọ (Lc 22, 20; Ga 19, 34). Máu châu báu ấy thực ra không đòi nợ máu, không đòi trả thù. Máu ấy đổ ra để xóa tội cho muôn người (Mt 26, 28), để giao hòa con người với Thiên Chúa. Một số người sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đổ máu Đức Giêsu, nhưng ngay cả những người ấy cũng có thể thoát khỏi án phạt nhờ chính dòng máu từ trái tim yêu thương của Đấng bị đóng đinh. Đức Giêsu trên thập giá đã tha thứ cho những kẻ giết mình. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Đức Giêsu phục sinh đã sống sự tha thứ ấy khi Ngài chẳng hề báo thù những kẻ can dự vào cái chết của Ngài. Các tông đồ cũng lần lượt chia sẻ chén đắng của Thầy mình. Kitô hữu tự bản chất là ngôn sứ cho thế giới mình đang sống. Chỉ mong chúng ta cũng can đảm sống như Giêsu và chết như Giêsu. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Chúa đã làm người như chúng con, nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người. Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc mà con người lại yếu đuối mong manh. Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt, và giữa ánh sáng, cũng có những bóng mờ đe dọa.
Lạy Chúa Giêsu, nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến, xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu Chúa đã buồn muốn chết được. Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây, xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con? Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc. Xin đồng hành với con, để con không cô đơn. Xin cho con yêu đời luôn dù đời chẳng luôn đáng yêu. Xin cho con can đảm đối diện với những thách đố vì biết rằng cuối cùng chiến thắng thuộc về người có niềm hy vọng lớn hơn. ---------------------------------
Tiên tri, một nhiệm vụ không dễ. Vì người ta không muốn nghe sự thật. Nhất là khi sự thật đó làm tổn hại đến quyền lợi, danh vọng. Và để chứng tỏ mình có lý, người ta giết các tiên tri. Hê-rô-đê giết Gio-an Tẩy giả là một bằng chứng. A-ben bị giết ám muội giữa đồng đã đành. Nhưng Da-ca-ri-a bị giết giữa thanh thiên bạch nhật. Giữa đền thờ. Tại bàn thờ. Người ta đã giết vị triên tri để chiếm đoạt sự thật. Thậm chí còn nhân danh Thiên Chúa và đạo giáo.
Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa thật vô biên. Người nhịn nhục tất cả. Tha thứ tất cả. Đến nỗi sai Con Một xuống trần. Đó là thời điểm quyết định. Đã đến thời cuối cùng. Vị tiên tri cuối cùng xuất hiện. Đó là cơ hội cuối cùng cho con người. Hoặc chọn sự sống. Hoặc chọn sự chết. Ván bài cuối cùng. Được ăn cả. Ngã về không. Chốt lại một vấn đề: tin hay không tin Chúa Giê-su Ki-tô.
Khi gửi Con Một xuống trần, Thiên Chúa làm mới lại tất cả. Thư Rô-ma cho biết: Vì Chúa Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa tha thứ tất cả tội lỗi xưa kia con người đã phạm. Vì Chúa Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa bãi bỏ tất cả Lề Luật. Chỉ cần một điều: Tin vào Chúa Giê-su Ki-tô: “Thưa anh em, ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Mô-sê. Điều này, sách Luật và các Ngôn Sứ làm chứng. Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô” (năm lẻ).
Thư Ê-phê-sô còn đi sâu xa hơn nữa. Cho biết Chúa Giê-su chính là trung gian duy nhất. Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Nhờ Người mà muôn vàn ơn phúc được ban cho ta. Nhờ Người ta được trở nên nghĩa tử. Nhờ Người ta được thứ tha tội lỗi. Đó chính là bí mật của kế hoạch Thiên Chúa. Là kế hoạch yêu thương. Sẽ đến thời cuối cùng. Thời viên mãn. Mọi sự được quy tụ trong Chúa Ki-tô: “Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu; thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô”(năm chẵn).
Đây là thời điểm cuối cùng. Đây là cơ hội cuối cùng. Nhưng cũng là cơ may cuối cùng. Ta sẽ được tất cả. Được tha thứ tất cả. Được ơn lành tất cả. Chỉ cần tin vào Chúa Giê-su Ki-tô. Vị tiên tri cuối cùng. Nhưng hãy cẩn thận. Mất lần này là mất tất cả. Không còn cơ hội nào nữa.
Với lý thuyết: "Người chết không nói", các đối thủ của những người thường dùng bạo lực để thủ tiêu những người can đảm đóng vai trò tiên tri để nói lên sự thật chống lại kỳ thị bất công, bênh vực quyền lợi của những người nghèo khổ. Từ máu Abel, người vô tội đầu tiên đổ ra vẫn luôn nhuộm hồng với máu các tiên tri thuộc mọi màu da, tiếng nói: một Martin Luther King, mục sư chủ trương bất bạo động để tranh đấu cho sự phân biệt và kỳ thị mầu da ở xã hội Mỹ và bị bắn ngã ngày 4/4/1968; hay một Oscar Roméro, vị giám mục thật sự yêu mến người nghèo đã bị ám sát khi đang dâng Thánh Lễ tại một bệnh viện vào chiều ngày 23/4/1980.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến việc lấy máu đào làm chứng cho sự thật nơi các tiên tri, Ngài cũng nói đến việc phải trả nợ máu. Ðoạn Tin Mừng còn cho thấy lòng oán ghét của các Luật sĩ và Biệt phái đối với Chúa Giêsu ngày càng gia tăng, và chính lòng oán ghét này đã dẫn Chúa Giêsu đến cái chết đẫm máu trên Thập Giá, để Ngài thực sự chia sẻ số phận của các tiên tri. Những dòng máu chảy từ thân xác Chúa Giêsu đã không đòi nợ máu, trái lại còn giải nợ máu, bởi vì những dòng máu chảy ra vì tình yêu và vâng phục đối với Chúa Cha, đã phá tan vòng luẩn quẩn của hận thù và oán ghét, qua lời Chúa Giêsu xin Cha tha thứ cho những kẻ hành khổ và xử tử Ngài.
Cái chết vì tình yêu và vì vâng phục của Chúa Giêsu cũng đã phá tan lý thuyết "người chết không nói", bởi lẽ từ dạo ngài gục đầu tắt thở trên Thập Giá, cái chết của Ngài đã nói và vẫn tiếp tục nói trải qua gần 2,000 năm nay, nói với những người tin lẫn người không tin vào Ngài về độ sâu của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại và về độ dầy của tình yêu Ngài đối với mọi người. Qua đó, cái chết của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn sống và trao ban cho cái chết của những người can đảm đóng vai trò tiên tri một ý nghĩa, một sức mạnh, để cái chết của họ cũng tiếp tục nói và gây ảnh hưởng cũng như thu lượm kết quả mỹ mãn hơn lúc họ còn sống. Cái chết của Mục sư Martin Luther King đã đẩy mạnh và đóng góp phần không nhỏ vào phong trào chống phân biệt, kỳ thị cho những người da mầu tại xã hội Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Cái gục đầu tắt thở trên bàn thờ đang lúc dâng Thánh Lễ của Ðức Cha Oscar Roméro đã gây niềm hy vọng và sức mạnh khôn lường cho bao nhiêu người dấn thân tranh đấu cho công bằng xã hội tại các quốc gia Mỹ Châu La Tinh.
Nợ máu vẫn đòi phải trả bằng máu. Nhưng từ dạo máu Chúa Giêsu chảy trên đồi Calvê và vẫn tiếp tục chảy trên bàn thờ mỗi ngày khắp nơi trên thế giới, những dòng máu hy sinh cho chính nghĩa, những dòng máu chảy ra vì tình yêu, đã trở thành khí giới sắc bén phá tan hận thù, bất công, để góp phần xây dựng một thế giới thấm nhuộm tình người, dẫn đến một nhân loại biết liên đới chia sẻ, yêu thương.
Những lời Chúa Giêsu khiển trách những người Pharisiêu và các vị thông luật như được ghi lại nơi Phúc Âm theo thánh Luca mà chúng ta vừa đọc lại trên đây được nói lên trong khung cảnh bữa tiệc tại nhà một người Pharisiêu, tức là trong khung cảnh thân tình của những người quen biết với nhau. Tuy nhiên, khung cảnh và bầu khí của bữa tiệc thân tình này đã bị làm hư đi, không phải vì Chúa Giêsu đã không rửa tay trước khi ăn theo như phong tục của người Do Thái thời đó mà vì thái độ nghi ngờ của người mời Chúa đến dự tiệc. Ông Pharisiêu lấy làm lạ vì Người đã không rửa tay trước khi ăn và đã lên án thái độ giả hình, lạm dụng Lề Luật, lạm dụng sự hiểu biết của mình mà khinh chê và đè bẹp anh chị em chung quanh của những người Pharisiêu và những luật sĩ được mời đến dự tiệc.
Những luật sĩ Do Thái, những nhà thông luật của dân Do Thái thời Chúa Giêsu là những kẻ có thể nói là nắm lấy kỷ cương cho sinh hoạt của dân chúng. Vai trò của những người thông luật này trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu giống như vai trò của những thần học gia, những nhà chú giải Kinh Thánh, những chuyên viên về luân lý. Họ nắm giữ sự hiểu biết về Kinh Thánh, giải thích giáo huấn của Môisen cho dân chúng sống, nhưng trớ trêu thay họ đã không chu toàn bổn phận làm người hướng dẫn chỉ đường mà đã trở thành kẻ cản đường vì các tật xấu của họ, những người nắm giữ chìa khóa. Chúa Giêsu không làm giảm giá trị sự hiểu biết Lề Luật của những luật sĩ này, nhưng Chúa Giêsu đã trách họ nặng lời vì thái độ sống phản chứng của họ: "Các ông không bước vào mà còn cản không cho kẻ khác bước vào". Họ không tin nhận Chúa mà còn cản trở không cho người khác gặp Chúa và tin nhận Ngài.
Lời trách của Chúa Giêsu có thể cũng thức tỉnh chúng ta ngày hôm nay, có thể là chúng ta hiểu biết Chúa, có chìa khóa để gặp Chúa nhưng chúng ta vì những tật xấu của mình, vì những tội lỗi của mình, chúng ta không đến với Chúa mà còn làm gương xấu cản trở không cho anh chị em đến với Chúa, vì thái độ sống phản chứng niềm tin Phúc Âm của chúng ta.
Lạy Chúa,
Xin Chúa giúp chúng con canh tân đời sống và khiêm tốn đến với Chúa, tin nhận Ngài và chu toàn giáo huấn của Ngài mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Lạy Chúa, Xin hãy ban ơn canh tân đời sống cho mỗi người chúng con.
Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán: “Ta sẽ sai Ngôn Sứ và tông đồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia.” (Lc. 11, 49)
Con tim loài người không hề thay đổi. Văn minh của chúng ta khá tiên tiến giúp cho con người nhiều phương tiện khéo léo bộc lộ dã tâm của mình hơn ngày xưa. Ngày nay hơn xưa, người ta không tha thứ cho những người nghĩ khác mình. Sách Khôn ngoan có lý: Chúng ta lùng bắt kẻ công chính vì nó làm phiền chúng ta và khiển trách đường lối suy nghĩ của chúng ta. “Nếu đúng là Con Thiên Chúa hẳn Ngài sẽ đến cứu nó. Chúng ta hãy kết án nó cho chết nhục nhã”.
Người ta hành quyết những chứng nhân:
Những ngôn sứ được sai đến để làm chứng về tình yêu Thiên Chúa và kêu gọi người ta trở về với Thiên Chúa. Người ta đã giết một số đông chứng nhân. Những người bị giết từ A-đam đến Gia-ca-ri-a: Người thứ nhất đến ngôn sứ cuối cùng đã được ghi trong kinh thánh Do thái. Đến thời Đức Giêsu, người Do thái đã xây mộ cho các chứng nhân chân lý đã bị cha ông họ giết bỏ. Nhưng, họ không khác gì cha ông họ, vì họ không thể nhận biết các ngôn sứ đang ở giữa họ. Đức Giêsu, Người là chứng nhân tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, đã bị họ kết án chết nhục nhã vì mặc khải của Người không thuận với đường lối tư tưởng của họ. Tư tưởng của họ về một Thiên Chúa báo oán, thế hệ Do thái thời Đức Giêsu đã phải trả giá cho lối sống vô đạo này bằng sự phá hủy thành Giê-ru-sa-lem và dân tộc bị phân tán tản mác khắp nơi. Những cuộc hành quyết những chứng nhân chân lý đang xảy ra hàng ngày sẽ đem đến những hậu quả nào cho thế hệ ngày nay?
Người ta bỏ tù chân lý:
Nguồn mặc khải cho Mô-sê đã mở đường dẫn tới chân lý nước trời. Các luật sĩ đã hội nhập mặc khải đó vào lề luật và đem ra dạy một lối sống đạo bên ngoài. Như vậy họ đã nhốt chân lý vào tù, chân lý không còn ăn sâu vào lòng người được nữa.
Đức Giêsu là vị thừa kế mọi nguồn mặc khải, cũng là chìa khóa mở mọi hiểu biết về mặc khải, nhưng nhiều người trong chúng ta đã từ chối dùng chìa khóa này. Chúng ta không còn muốn biết chân lý nữa, vì chân lý là lời khiển trách đường lối tư tưởng và hành động gian ác của chúng ta. Khi hành quyết các ngôn sứ và nhốt tù chân lý, người ta hy vọng làm câm họng kẻ kêu gọi tình thương.
Đức Giêsu đến để làm chứng cho sự thật. Vì thế, Ngài không bao giờ chấp nhận lối sống giả hình, gian dối... Chính vì điều này mà đã làm cho sự căng thẳng giữa Ngài và các người Pharisêu ngày càng leo thang!
Hôm nay, Tin Mừng trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu thẳng thắn lên án nhóm Pharisêu và các Tiến Sĩ Luật về lối sống giả hình của họ cách nặng nề.
Ngài vạch trần tội ác của họ khi đồng lõa để giết các tiên tri là những người dám đứng lên loan báo và bênh đỡ sự thật. Họ còn là những người ngăn cản người khác trên con đường nhân đức nữa.
Những người này luôn coi mình là người lãnh đạo, nắm giữ chìa khóa hiểu biết, nhưng thực ra bên trong thì rỗng tuếch, chẳng qua chỉ như lớp sơn bôi bóng hay như mồ mả tô vôi với đầy dãy những sự ô uế. Họ không sống tinh thần của Chúa, mà luôn sống cuộc sống trịnh thượng, trưởng giả và bắt người khác thi hành lệnh của mình. Từ đó, họ đã trở thành những kẻ mù lại dắt kẻ mù, khiến những người được họ hướng dẫn cũng phải bơ vơ lạc lõng, mất phương hướng và không biết đi về đâu!
Khi Đức Giêsu khiển trách họ như thế, một sự đối đầu đã ập đến với Ngài. Vì thế, họ đã tìm mọi cách để bắt bẻ và tận dụng mọi cơ hội để tố cáo nhằm giết chết Ngài. Với họ, Đức Giêsu chẳng khác gì cái gai trong mắt, cái đinh trên đường, nên họ không thể đội trời chung.
Qua cung cách của họ, Đức Giêsu không phải không biết những đau khổ do những người này gây nên, nhưng trước sau như một, Ngài luôn trung thành với sứ mạng của mình. Dù đòn vọt, gươm đao, và chết chóc, không gì có thể làm cho Ngài phản bội sứ vụ của Thiên Chúa Cha đã trao phó nơi Ngài là: loan báo và làm chứng cho sự thật.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống trung thành với đường lối của Thiên Chúa là làm chứng cho sự thật. Chấp nhận mọi thử thách, dù là cái chết, miễn sao sự thật được lên tiếng. Không được sống kiểu ăn mày tiếng khen mà sợ tiếng chửi kiểu những người Pharisêu khi xưa. Cũng đừng lấy danh này tiếng kia để bắt người khác phải phục vụ mình. Cần trung thành với Giáo Huấn của Chúa trong khi phục vụ người khác.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng là đường là sự thật và là sự sống, xin hướng dẫn chúng con đi trên con đường Chúa đã đi để được sống đời đời. Amen.
Sứ điệp: Tính tự tôn và lòng ích kỷ khiến cho người ta mù lòa không nhận ra Chúa. Hãy để cho con người ích kỷ và kiêu ngạo của mình chết đi, ta mới có thể đón nhận Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay cho con một cảm nghĩ: những người biệt phái và những thầy thông luật ngày xưa thật là quá quắt! Họ được phúc sống trong thời của Chúa, được nghe Chúa dạy bảo, được thấy những phép lạ Chúa làm, mà sao mà họ vẫn không chịu tin Chúa.
Con biết các biệt phái và luật sĩ không tin Chúa vì họ không muốn tin. Vì tin Chúa có nghĩa là họ phải chấp nhận những cái sai sót nơi họ. Mà họ không muốn nhìn nhận mình sai trái. Tính tự tôn là rào cản không cho họ gặp được Chúa.
Con cũng biết rằng những người biệt phái và luật sĩ không muốn đón nhận lời rao giảng của Chúa, và khi đó họ phải thay đổi cách sống của họ, một cuộc sống nhiều đặc quyền đặc lợi trong xã hội. Tính ích kỷ là một bức màn che mắt không cho họ nhận ra Chúa là Đấng Thiên Sai.
Xin Chúa giúp con đừng trở nên như những biệt phái và luật sĩ ngày xưa. Nếu con tự tôn coi thường người khác, con sẽ khó nhận ra được lời nhắc bảo của Chúa. Có thể Chúa đang nhờ một người con, một người em, một người bạn, hay một người nào đó để nhắc nhở con. Xin cho con biết khiêm tốn đón nhận.
Hôm nay, Chúa vẫn đang ẩn thân nơi những người nghèo khó và nhờ con giúp đỡ. Xin cho con đừng vì ích kỷ mà khép lòng mình lại và vô tình từ chối Chúa. Trái lại, xin giúp con biết mở rộng bàn tay để ban tặng, nhưng thật ra không phải là ban tặng, mà là đón nhận Chúa đến với con. Amen.
Ghi nhớ: “Sẽ bị đòi nợ máu của các tiên tri đã đổ ra, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria”.
Vào năm 70 sau Công nguyên, vị tướng La Mã Titô đem đại quân vây hãm thành Giêrusalem. Ông ra lệnh không được đốt phá.
Thế nhưng, một quân nhân như bị thúc đẩy bởi một sức kỳ lạ đã cầm bó đuốc đang cháy ném vào bên trong đền thờ, lửa bốc cháy nhanh, không chữa được. Sau khi đám cháy tàn lụi, Titô ra lệnh phá hủy thành và đền thờ, ngoại trừ ba lều tháp và một bức tường, để cho hậu lai thấy sự kiên cố của thành đã bị phá. Tất cả những sự việc trên được sử gia Josèphe sống trong thời đó ghi chép lại cho hậu thế...
Suy niệm
Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Ðức Giêsu khóc thương thành vì sẽ có ngày thành huy hoàng bị phá huỷ… Sau này, trong cuộc thương khó, dân chúng đấm ngực và thương khóc khi thấy Chúa Giêsu vác thánh giá. Chúa Giêsu nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi, hãy khóc cho thân phận mình và cho con cháu” (Lc 23,27-28). Ngài yêu thương thành Giêrusalem. Nhưng dân thành cố tình chối bỏ Ngài để chạy theo những mê muội của trần gian. Ngài cảm thấy xót xa khi người ta từ chối tình yêu của Ngài. Ngài đến cho họ tình yêu nhưng họ không đón nhận cho nên họ phải đau khổ. Tất cả mọi sự đã xảy ra như lời Chúa Giêsu đã loan báo: Vào năm 70 sau Công nguyên quân đội Rôma do tướng Titô chỉ huy đã phá hủy và bình địa thành nguy nga này.
Ngày nay, chúng ta cũng như dân thành Giêrusalem ngày xưa: Cố tình chối bỏ Chúa để chạy theo những vật chất, quyền bính danh vọng trần gian. Ðức Giêsu vẫn đang than khóc và đau khổ vì tội lỗi con người...
Xin Chúa cho chúng ta luôn khao khát, nhận biết và đón nhận tình yêu của Thiên Chúa. Biết thức tỉnh và từ bỏ đời sống tội lỗi để quay về với Ngài. Khi đó chúng con sẽ được hưởng tình yêu, sự tha thứ và ơn cứu độ từ Thiên Chúa.
Ý lực sống
“Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người, các bạn đừng cứng lòng”. (Tv 95,8)
Bài Tin mừng hôm nay ghi lại việc Đức Giêsu tiếp tục khiển trách các luật sĩ về tội giả hình.
Họ đã xây lăng cho các tiên tri, cha ông của họ, đã giết hại các tiên tri. Theo một truyền thống truyền khẩu rằng các tiên tri thường bị bách hại: Isaia bị cưa làm hai khúc, Giêrêmia bị ném đá chết, Amos bị đập đến chết... Khi người Do thái thời Đức Giêsu xây lăng cho các tiên tri thì chứng tỏ: họ chẳng ăn năn gì về việc tổ tiên họ đã giết chết các vị ấy, trái lại còn tán thành. Thái độ ấy còn cho thấy rằng: sứ điệp của các vị ấy chẳng có ý nghĩa gì đối với họ, cùng lắm chỉ là những sứ điệp cho các thế hệ xa xưa thời trước (Lm. Carôlô).
Đọc Tin mừng, chúng ta thấy ngay thái độ vừa chứng thực vừa tán thành của các luật sĩ. Các luật sĩ Do thái lo xây cất lăng tẩm cho các tiên tri, nghĩa là chứng thực rằng cha ông họ đã sai khi giết các tiên tri. Đồng thời, họ cũng đang tán thành việc bách hại của cha ông, khi hiện tại họ đang tìm cách bắt bẻ hãm hại chính Đức Giêsu và các môn đệ Người. Đức Giêsu lên án họ, nhắc lại cho họ thấy họ thuộc dòng giống gian ác, giết người này lùng bắt người kia, từ máu ông Aben cho đến đổ máu tiên tri Giacaria... Và Đức Giêsu cũng tiên báo cho họ biết: họ sẽ bị đòi nợ máu. Điều này đã xảy ra khi đến năm 70 họ đã bị xóa sổ khỏi bản đồ và tản mác khắp nơi.
Suy nghĩ về điều này, trong chúng ta không thiếu những lần chê trách những thế hệ trước chúng ta thế này thế khác, nhưng nhìn lại, chính chúng ta thậm chí còn tệ hơn tổ tiên mình khi kết án (Hiền Lâm).
Và Tin mừng hôm nay tiếp tục ghi lại những lời Đức Giêsu khiển trách các người luật sĩ về tội giả hình. Kiểu nói “khốn” ở đây không có nghĩa như một lời nguyền rủa, một kiểu chúc dữ, nhưng có ý than trách như một lời thương tiếc. Các luật sĩ là những người có cơ hội tốt là được học biết Thánh kinh, lề luật của Chúa, có quyền giảng nghĩa Thánh kinh. Lẽ ra, họ phải tận dụng cơ hội để sống tốt, sống đúng theo thánh ý Chúa; trái lại sự hiểu biết đó không mang lợi ích gì cho họ.
Đôi khi chúng ta cũng ỷ lại vào danh nghĩa người Công giáo, nại vào đạo gốc, để rồi quên mất việc sống đạo trong hiện tại: công bình, bác ái với tha nhân (5 phút mỗi ngày).
“Các ngươi đã cất dấu chìa khóa của sự hiểu biết, các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản (Lc 11,52).
Các luật sĩ là những người hiểu biết luật lệ Thánh kinh. Họ được coi là những người lãnh đạo dân chúng, vì họ nắm giữ “chìa khóa của sự hiểu biết”. Thế nhưng “thay vì phục vụ, hướng dẫn người khác, họ đã sử dụng sự hiểu biết để bắt người khác phục vụ mình”. Một cách nào đó, ai trong chúng ta cũng có trách nhiệm hướng dẫn người khác... Cuộc sống hiện tại của chúng ta có sáng tỏ, để người khác có thể nhận ra chân lý đức tin không? Trong cách cư xử hằng ngày chúng ta có ý thức phải sống thế nào, để kẻ khác nhìn vào mà ngợi khen Cha trên trời không? (Mỗi ngày một tin vui)
Một quan chức bộ Giáo dục - Đào tạo nói: “Mỗi cán bộ hãy là một tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Khi đã trở thành một tấm gương “mù” thì không thể làm lãnh đạo được”. Vào thời Đức Giêsu, các nhà thông luật là những người được đào tạo và “nắm chìa khoá hiểu biết” luật Chúa, để giải thích cho dân, hướng dẫn dân tuân giữ và đi đúng huấn lệnh của Chúa. Thế nhưng, thay vì giải thích và hướng dẫn, họ đã bắt người ta phục vụ và làm nô lệ lề luật. Hơn nữa, qua lối sống ưa hình thức bề ngoài, họ đã làm gương mù khiến người ta lìa xa Chúa hơn. Vì thế, Đức Giêsu đã chỉ trích thái độ của những người thông luật và dạy cho chúng ta tinh thần mới của lề luật, chứ không phải con người lệ thuộc vào luật.
Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống trung thành với đường lối của Thiên Chúa là làm chứng cho sự thật. Chấp nhận mọi thử thách, dù là cái chết, miễn sao sự thật được lên tiếng. Không được sống kiểu ăn mày tiếng khen mà sợ tiếng chửi kiểu những người biệt phái khi xưa. Cũng đừng lấy danh này tiếng kia để bắt người khác phải phục vụ mình. Cần trung thành với giáo huấn của Chúa trong khi phục vụ người khác.
Truyện: Giá trị con người ở đâu?
Chuyện kể rằng: một người được mời đến dự buổi tiệc lớn. Ông vui vẻ nhận lời và khoác bộ áo xấu nhất. Đến nơi, không ai thèm cười và để ý đến ông. Ông quay về, khoác bộ áo đẹp có đính kim cương và các hạt nút bằng vàng. Trong khi ấy yến tiệc vẫn tiếp tục. Ông quay trở lại, lập tức bao lời mời đẹp nhất, danh dự nhất đều dành cho ông. Thịt béo rượu thơm lúc này được bày ra trước mắt ông và ông được mời chỗ nhất.
Ông liền đứng lên, cởi áo, trèo lên ghế, đoạn lấy thức ăn đưa cho cái áo và nói: “Mày ăn uống đi, người ta mời mày đó”. Mọi người hết sức ngạc nhiên, nhưng đều hiểu ý ông này. Ông muốn nói với mọi người rằng: giá trị của con người không ở bộ áo xúng xính hay cái mã bên ngoài, nhưng đó là tấm lòng bên trong, không ở những cái mình có nhưng ở cái mình là.
Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu trách các người biệt phái. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay Ngài trách các luật sĩ:
1. Câu 47-48 “Xây lăng cho các ngôn sứ”: Có một truyền thống truyền khẩu rằng các ngôn sứ thường bị bách hại: Isaia đã bị cưa làm 2 khúc, Giêrêmia bị dân ném đá chết, Amos bị đập đến chết (x. Dt 11,32-40 2Sb 24,22)... Khi người do thái thời Chúa Giêsu xây lăng cho các ngôn sứ thì họ chứng tỏ họ chẳng ăn năn gì về việc tổ tiên họ đã giết chết các vị ấy trái lại còn tán thành. Thái độ ấy còn cho thấy rằng sứ điệp của các vị ấy chẳng có ý nghĩa gì đối với họ, cùng lắm chỉ là những sứ điệp cho các thế hệ xa xưa thời trước.
2. Câu 49-51 Chúa Giêsu duyệt lại lịch sử: chương trình của Thiên Chúa (“Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa”) là gởi “các ngôn sứ và các tông đồ” đến với loài người để kêu gọi loài người ăn năn. Thế nhưng loài người đã chẳng đón nhận sứ điệp ấy, lại bách hại các vị ấy. Mặc dù Chúa Giêsu chỉ nêu tên hai người là Aben và Dacaria, nhưng vì trong Cựu Ước híp-ri, tên Aben ở đầu sách và tên Dacaria ở cuối sách, nên ý của Ngài là nói đến toàn bộ tội giết các ngôn sứ trong lịch sử. Và Chúa Giêsu cảnh cáo: nếu người do thái thời nay không chấm dứt thái độ ấy thì họ sẽ bị Thiên Chúa công bình hỏi tội (“thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu”)
3. Câu 52 “Cất giấu chìa khóa sự hiểu biết”: do những kiến thức về Thánh Kinh, các luật sĩ đã nắm trong tay chìa khóa mở cửa vào Nước Trời. Nhưng do thái độ của họ, chẳng những họ không vào đó được mà lại còn ngăn cản người khác vào.
B.... nẩy mầm.
1. Tội giết các ngôn sứ: Các ngôn sứ là những người nói thay Chúa. Lời các ngài nói nhiều khi chói tai dân do thái nên nhiều vị đã bị bách hại và giết chết. Không riêng gì dân do thái, chúng ta ngày nay cũng có thể phạm tội giết ngôn sứ nếu như chúng ta không tập cho quen lắng nghe sự thật Chúa nói trong lương tâm chúng ta hoặc qua những “lời thật mất lòng” của người khác.
2. Cất dấu chìa khóa sự hiểu biết: Các luật sĩ là những người hiểu biết luật lệ Thánh Kinh. Họ được coi là những người lãnh đạo dân chúng vì họ nắm giữ “chìa khóa của sự hiểu biết”. Thế nhưng “thay vì phục vụ, hướng dẫn người khác, họ đã sử dụng sự hiểu biết để bắt người khác phục vụ mình. Một cách nào đó, ai trong chúng ta cũng có trách nhiệm hướng dẫn kẻ khác... Cuộc sống hiện tại của chúng ta có sáng tỏ để người khác có thể nhận ra chân lý đức tin không? Trong cách cư xử hằng ngày, chúng ta có ý thức phải sống thế nào để kẻ khác nhìn vào mà ngợi khen Cha trên trời không?” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
3. “Khốn cho các ngươi! Các ngươi xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các ngươi đã giết chết các vị ấy!” (Lc 11,47)
Chúa khiển trách người Pharisêu và các kinh sư là giả hình. Họ giả hình bởi che đậy tội lỗi bằng cách xây dựng những nấm mộ hào nhoáng, bằng luật giữ luật từ ngoài, bằng cách lên án người công chính.
Còn tôi, vì sợ mất địa vị, đã lừa dối mọi người, vì sợ hổ thẹn, đã không dám nói sự thật, vì sợ liên lụy, đã bỏ mặc anh em, và vì ích kỷ, đã xa rời Chúa, xa cách anh em...
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tự do, xin cho con biết lựa chọn và dám sống như Chúa dạy. (Hosanna).
Bải Tin Mừng hôm nay tiếp tục ghi lại những lời Đức Giêsu khiển trách các thầy luật sĩ về tội giả hình.
Chúa khiển trách họ về hai tội:
- bách hại các tiên tri (Lc 11,47) - và tội độc quyền về tri thức (Lc 11,49).
"Khốn cho các người...":
1. Kiểu nói "khốn" ở đây không có nghĩa như một lời nguyền rủa, nhưng một lời thương tiếc than trách. Chúa buồn vì thấy luật sĩ lo xây mộ cho các tiên tri xưa, để tỏ ra bất đồng với cha ông trước kia về việc họ đã giết các tiên tri.
Quả thực, nhiều tiên tri và những người công chính đã bị sát hại. Lịch sử Do Thái từ vụ sát hại Abilê được ghi ở đầu Sách Thánh đến vụ sát hại ngôn sứ Giacaria ở cuối sách (St 4,8-10; 2Chr 24,20-22) đã nói lên rằng lịch sử của họ là lịch sử nhuốm máu.
Thái độ của những người Do Thái thời của Chúa thật là mâu thuẫn vì đang khi họ hết lòng tôn kính các tiên tri ngày xưa bằng cách xây mộ, dựng bia cho các ngài thì họ lại bắt bớ và giết hại các tiên tri còn sống. Họ hết lời khen ngợi và ca tụng các tiên tri đã chết, nhưng khi gặp một đấng tiên tri còn sống thì họ lại tìm cách giết đi. Ngay trong thời của Chúa Giêsu bài học lịch sử cũng đã lặp lại. Các nhà lãnh đạo Do Thái đã không nhìn nhận những người mà Thiên Chúa sai đến với họ: họ đã từ chối không nhìn nhận Gioan Tẩy Giả (Lc 7,30); Hội đồng Tối cao Do Thái sai đại biểu đến hạch sách quyền hành của Chúa Giêsu (Lc 20,l-8) trước mặt quan tổng trấn Philatô, các đầu mục Do Thái đã xin quan lên án xử tử Chúa (Lc 9,15), rồi sau đó họ lại tiếp tục bách hại các Tông Đồ của Chúa, đúng như Lời Chúa tuyên bố với họ hôm nay (Lc 11,47-49).
2. Và Chúa bảo: "... thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu..." (Lc 11,50) và quả đúng như thế.
Lịch sử còn ghi lại: Năm 66, người Do Thái đã tàn sát những binh lính Rôma trong đồn binh Antônia. Lập tức, hoàng đế Néron gởi tướng Vespasiano với một đạo binh hùng hậu đến Giuđê. Giữa chiến dịch thì Néron chết và Vespasiano lên ngôi hoàng đế. Ông này trao quyền chỉ huy quân đội cho con là Titus. Titus vây hãm thành vào lễ vượt qua năm 70. Jêrusalem, lúc đó đang có khoảng một triệu rưỡi người Do Thái tụ họp lại nhân ngày lễ, bị vây hãm kín mít. Chẳng bao lâu, đói kém xảy ra và mỗi ngày có cả ngàn người chết đói.
Titus trả thù bằng cách cho đóng đinh 300 người Do Thái tại chân núi Sọ, sau đó mỗi ngày lại cho đóng thêm gần 500 người Do Thái. Nhiều người bị mổ bụng vì lính Rôma nghi họ nuốt vàng. Khi đã làm chủ được tình hình, người Rôma cho đốt thành phố lẫn đền thờ. Jêrusalem bốc cháy hai ngày hai đêm. Ngày thứ ba nó chỉ còn là một đống gạch vụn hoang tàn. Hơn 200.000 người bị chôn vùi dưới đó. 97.000 người bị bắt làm nô lệ ở Rôma, và bị bán với giá rẻ mạt cho hí trường để đánh nhau với thú dữ hoặc chiến đấu giết nhau làm trò vui cho người Rôma. 2.000 nhà quí tộc Do Thái phải dự buổi khải hoàn của Titus ở Rôma. Họ phải mặc áo trắng, phải vác lấy chiến lợi phẩm lớn lao mà người chiến thắng đem về từ Jêrusalem. Khi đến đền Chiếm Thần, thì họ bị giết và đó là lễ đăng quang của cuộc chiến đẫm máu được trả giá bằng mạng sống của hơn một triệu người Do Thái. Sử gia Josephus, một nhà biên niên sử thời đó, người đã kể lại sử truyền này, đã cho rằng những điều kinh tởm của cuộc vây hãm thành Jêrusalem kinh khủng đến nỗi thế giới sẽ không bao giờ chứng kiến những điều như vậy.
Thật là một điều hết sức lạ lùng: Những người Do Thái bị trừng phạt năm 70 giống như cách tội ác họ đã phạm, vì:
1- Chúa Giêsu bị gia hình vào lễ Vượt Qua, thì cũng chính vào vào lễ Vượt Qua mà họ bị tàn phá.
2- Những người Do Thái đã dùng lính Rôma để đóng đinh Chúa Giêsu thì chính những người lính Rôma lại thực hiện cuộc trả thù như Lời Chúa báo trước.
3- Những người Do Thái đã bắt Chúa Giêsu tại vườn Cây dầu và đóng đinh Ngài trên núi Sọ, thì cũng chính tại vườn cây dầu này, mà Titus đóng đại bản doanh và cũng chính tại núi Sọ, mà người Rôma đã đóng đinh hàng trăm người Do Thái.
4- Chúa Kitô bị bán với giá 30 đồng, thì Titus đã bán 30 người Do Thái với giá 1 đồng.
5- Chúa Giêsu bị trùm áo trắng trong cuộc tử nạn thì vào cuộc khải hoàn của Titus, 2.000 người Do Thái bị mặc áo trắng để cho người Rôma chế giễu.
6- Trước mặt Philatô, người Do Thái đã kêu to: "Ước gì máu nó đổ trên chúng tôi và trên con cháu chúng tôi". Lời ước này đã được thực hiện cách khủng khiếp năm 70. Đó là điều mà Chúa Giêsu đã nói: "Vì các ngươi đong bằng đấu nào thì cũng sẽ được đong bằng đấu ấy" (Lc 6,38).
Lạy Chúa,
Xin Chúa giúp chúng con biết sống xứng đáng với tình thương của Chúa. Amen.
Những người luôn sống hai mặt, mặt phải mặt trái, mặt trong mặt ngoài, mặt xuôi mặt ngược… thường làm cho người khác hay lầm tưởng về mình, nhận định không đúng về mình. Vì thế, chúng ta gọi họ là những người sống giả hình, giả bộ, dối trá. Chúng ta không thích những người sống như vậy đâu. Chúng ta mong muốn chúng ta và mọi người sống thành thật, chân tình với nhau.
Những người biệt phái, luật sỹ, trưởng tế, kỳ lão, họ sống một cách gỉa hình, dường như đây là bản chất của họ, nếu họ sống không giả hình thì họ chẳng phải là những người biệt phái, luật sỹ, trưởng tế, ký lão nữa. Chúa không thích kiểu sống giả dối của họ như thế. Bởi vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống đạo của dân Chúa. Họ sẽ dẫn dân Chúa đi vào lầm đường lạc lối, mà mất hạnh phúc sau này. Chúa nói họ phải bỏ lối sống ngày đi, hãy sống thật lòng, nghe lời Chúa dạy, Chúa sẽ giúp họ sống tốt hơn.
Một cách cụ thể là trong bài Tin Mừng của Chúa theo thánh sử Luca nói hôm nay là việc họ xây mồ mả cho các tiên tri là một việc làm rất tốt. Vì người Việt Nam chúng ta thường nói “ Sống là ngôi nhà, chết là ngôi mộ, hoặc là mồ yên mả đẹp). Thế nhưng, động cơ bên trong của họ khi làm điều này là để che lấp tội lỗi của họ, để cho người khác biết là họ có lòng hiếu với các bậc tiền nhân….Họ có thể qua mặt mọi người, chẳng một ai biết ý đồ của họ, nhưng Chúa thì biết, họ không thể qua mặt Chúa được.
Họ xây dựng mồ mả mà lòng họ biết rằng các tiên được Chúa gởi đến trần gian nhằm giúp Chúanói lời Chúa cho mọi người để họ sống tốt hơn. Nhưng cha ông của bắt giết các ngài. Vì khi các tiên tri vâng lời Chúa nói lời Chúa ra với họ, họ bị lời Chúa đụng đến cuộc sống của họ, và chạm vào các tính hư tật xấu, đam mê xác thịt, tội lỗi của họ, và thay vì họ làm theo thánh ýChúa để đổi mới cuộc sống cho tốt hơn, thì họ lại làm theo ý riêng của mình, cho nên họ bắt và giết các tiên tri của Chúa. Lẽ ra, những người biệt phái, luật sỹ, trưởng tế, kỳ lão biết tội cha ông của họ, thì bây giờ khi xây mồ mả cho các tiên tri, họ phải xin Chúa tha thứ tội lỗi của cha ông họ và chính họ cũngtránh không đi vết xe cũ của cha ông họ là những người đi trước, không phạm tội ác như vậy nữa để Chúa thương xót họ hơn, và họ cũng đem cái họ có trong lòng ra, đó là của cải mà giúpp đỡ anh chị em mình. Nhưng họ không làm theo ý của Chúa. Vì thế,Chúa phải nói: “Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu” (Lc 11, 51b).
Những người biệt phái, luật sỹ, trưởng tế, kỳ lão có cuộc sốngđầy vết nhơ tội lỗi như thế, họ sẽ không được vào nước Chúa. Họ bị như vậy, nhưng họ không thích những người khác có cuộc sống tốt lành hơn họ, được mọi người yêu mến, coi trọng hơn họ. Họ tìm mọi cách để làm khó dễ những người sống tốt lành. Họ không muốn ai hơn họ. Thái độ này của họ bị Chúa lên án gây gắt và Chúa mong họ đừng có như vậy nữa. Hãy cùng nhau, giúp nhau sống theo ý Chúa để Chúa thưởng công sau này: “Khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sỹ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khóa sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi lại ngăn cản họ” (Lc 11, 52). Thay vì nghe Chúa để sống tốt, họ lại ghét Chúa, tìm cách hại Chúa: “Khi Chúa phán bảo cùng các biệt phái và tiến sỹ luật những điều đó, thì họ bắt đầu oán ghét Chúa một cách ghê gớm, chất vấn Chúa về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Chúa để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Chúa nói ra chăng” (Lc 11, 53 – 54).
Lạy Chúa, xin Chúa thương giúp chúng con mỗi khi làm điều gì trong cuộc sống, chúng làm vì lòng yêu mến Chúa và phục vụ anh chị em của chúng con, hầu làm sáng danh Chúa. Amen.
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Inhaxiô Antiôkhia hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã cho các anh hùng tử đạo can đảm tuyên xưng đức tin để làm vẻ vang cho toàn thể Hội Thánh. Hôm nay chúng ta mừng thánh Giám Mục Inhaxiô đã qua đường khổ nạn mà đạt tới vinh quang. Xin Chúa cho chúng ta cũng được nhờ công đức của người, mà giữ vững một niềm tin bất khuất. Giám Mục Inhaxiô thành Antiôkhia đã bị án quăng làm mồi cho thú dữ, tại Rôma, quãng năm 110. Tại các chặng dừng chân trên con đường tiến đến nơi hành hình, người đã gửi bảy thư cho nhiều giáo đoàn. Trong các thư đó, người nói về Chúa Kitô, về Hội Thánh và về đời sống Kitô hữu một cách khôn ngoan và thông thái. Trong các thư đó còn có một trong những bài tình ca thốt lên từ một trái tim thấm nhuần tinh thần Kitô giáo: “Hãy để tôi lãnh nhận ánh sáng tinh tuyền. Nơi tôi chỉ còn một dòng nước sống động đang thầm thì: Hãy đến với Chúa Cha.”
Qua đường khổ nạn mà đạt tới vinh quang, giao ước đã lập ra muôn đời Chúa nhớ mãi, chúng ta hãy cứ vững tin vào Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Dacaria cho thấy: Rồi ra Thiên Chúa sẽ thắng. Dân Ítraen, nói đúng ra là những đại diện tiêu biểu nhất, vẫn tin chắc như vậy, ngay cả vào những giai đoạn đau thương nhất của lịch sử. Hơn bao giờ hết, điều này xem ra như một phép lạ, nhưng có gì là không thể được với Chúa đâu! Đức Chúa phán thế này: Ta sẽ đưa dân Ta ra khỏi miền đất phía mặt trời mọc và miền đất phía mặt trời lặn. Hỡi các ngươi là những kẻ trong những ngày này đang nghe lời các ngôn sứ nói, các ngươi hãy mạnh bạo lên! Phần anh em, anh em là con cháu của các ngôn sứ và của giao ước, mà Thiên Chúa đã lập với cha ông anh em, hãy nghe lời Đức Chúa.
Qua đường khổ nạn mà đạt tới vinh quang, vì thế, đừng sợ bị ngược đãi, bị bách hại vì Đức Kitô, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Inhaxiô Antiôkhia nói: Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa và sẽ được nanh thú dữ nghiền tán để thành tấm bánh tinh tuyền của Đức Kitô… Không còn gì là bí ẩn đối với anh em nếu anh em trọn niềm tin tưởng và yêu mến Đức Giêsu Kitô, vì đây là khởi điểm và cùng đích của cuộc đời. Đức tin là khởi điểm. Lòng mến là cùng đích. Hãy đem hết lòng tin và lòng mến mà lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, nhờ vậy, anh em sẽ có thể đổi mới cuộc đời, có khả năng sống tình bác ái.
Qua đường khổ nạn mà đạt tới vinh quang, đây là lời hứa chắc chắn dành cho những ai tin tưởng cậy trông vào Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 97, vịnh gia cho thấy: Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ. Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu các ngôn sứ, từ máu ông Aben đến máu ông Dacaria. Có trăm phương ngàn cách để Chúa cứu độ chúng ta, nhưng, Chúa đã chọn con đường thập giá rồi, thì nhất thiết, chúng ta phải đi qua con đường này thì mới đến cùng Chúa Cha được. Con đường mang tên Giêsu: đến không phải làm theo ý mình, nhưng là, để thi hành ý muốn của Chúa Cha. Đi trên con đường Giêsu chắc chắn chúng ta cũng sẽ phải trải trả giá như các thánh ngôn sứ, và các thánh tử đạo. Thánh Inhaxiô đã qua đường khổ nạn mà đạt tới vinh quang. Ước gì chúng ta cũng được nhờ công đức của người, mà giữ vững một niềm tin bất khuất. Ước gì được như thế!
Diễn Văn Truyền Giáo. 18/10 – Thứ Sáu tuần 28 thường niên – THÁNH LUCA, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính.
"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít".
* Thánh Luca, “người thầy thuốc yêu quý” là bạn đồng hành của thánh Phaolô và cũng là tác giả sách Tin Mừng, trong sách này người đã trình bày lòng nhân hậu của Chúa Kitô rõ ràng hơn ai hết. Người cũng viết sách Công vụ, tường thuật lại sự tiến triển của Hội Thánh sau ngày Hiện Xuống. Qua ngòi bút của con người thông thạo văn chương chữ nghĩa như người, Tin Mừng trở thành một bài thánh ca tạ ơn trong bầu khí vui tươi và lạc quan phấn khởi.
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. "Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: "Bình an cho nhà này". Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi".
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (c. 2). Trong hành trình truyền giáo cuối cùng với thánh Phaolô (Cv 20, 5), Luca hẳn đã thấy những cánh đồng lúa chín ở mọi nơi, đang chờ nhiều người gặt hái gấp, kẻo lúa bị hư hoại. “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi…” (c. 3). Dù chưa bao giờ gặp mặt Đức Giêsu, nhưng Luca đã nghe được tiếng gọi sai đi của Ngài. Ông đã là cộng tác viên ở bên thánh Phaolô khi người ở tù (Plm 24), và đã một mình ở lại khi người bị giam lúc cuối đời (2 Tm 4, 11). Là người dân ngoại được đón nhận Tin Mừng, Luca muốn trao lại Tin Mừng đó cho những người dân ngoại khác. Vừa có học thức và khiếu văn chương, lại vừa là y sĩ (x. Cl 4, 14), Luca đã dùng tài năng của mình để phục vụ cho Lời Chúa (x. Lc 1, 2). Người ta cho rằng Luca là một họa sĩ đã vẽ chân dung Đức Mẹ, nay được tôn kính ở Đền thờ Đức Bà Cả tại Rôma. Nhưng điều chắc chắn hơn nhiều là Luca đã vẽ chân dung Đức Giêsu, khi thánh nhân cầm bút viết sách Tin Mừng cho dân ngoại. Qua việc nghe lời giảng của các tông đồ, qua tìm hiểu và chiêm niệm, Luca trở nên người hiểu rất sâu về trái tim nhân từ của Thầy Giêsu. Không hiểu Thầy Giêsu thì không thể viết được cuốn Tin Mừng như thế. Luca cho ta thấy một Giêsu say mê cầu nguyện, từ khi Ngài chịu phép rửa của Gioan đến khi chịu treo trên thập tự. Cầu nguyện là giây phút Ngài có thể nói lên tiếng Abba với Cha. Giây phút riêng tư ấy, cả môn đệ cũng không khuấy động được. Luca còn cho thấy một Giêsu cương quyết lên Giêrusalem, vì đó là ý Cha. “Hôm nay, ngày mai, và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi…” (13, 33). Ngài đi đến nơi khổ đau và cái chết đang chờ đợi (Lc 9, 51 -19, 27). Tin Mừng của Luca tràn ngập khuôn mặt của người nghèo, nghèo sức khỏe, nghèo tiền bạc, nghèo phẩm giá, nghèo đời sống tâm linh. Đức Giêsu đã chữa bệnh và trừ quỷ, chúc lành và tha thứ. Ngài đem đến cuộc cách mạng của Thiên Chúa, cho người nghèo nên giàu, đem tình thương tha thứ vô bờ của Thiên Chúa cho tội nhân đem sự bình đẳng cho các phụ nữ để họ trở nên người cộng tác (8, 2-3). Vì thế Tin Mừng của Luca cũng tràn ngập niềm vui, từ niềm vui của Dacaria, của Gioan trong bụng mẹ, của các mục đồng, đến niềm vui của các môn đệ sau khi Đức Giêsu thăng thiên (24, 52). Thánh sử Luca là một người dân ngoại được ơn viết Sách Thánh. Chúng ta cũng là dân ngoại được ơn lãnh nhận đức tin. Dù không thể viết được những câu chuyện tuyệt đẹp như thánh Luca, về người cha nhân hậu hay về hai môn đệ đi Emmaus, nhưng chúng ta vẫn có thể kể câu chuyện đời mình cho người khác, câu chuyện đầy ắp ân sủng Thiên Chúa và chan chứa niềm vui tri ân. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống đã âm thầm chịu nát tan để trao cho đời cây lúa trĩu hạt. Có bao điều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc. Đã có những con người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân. Nhờ công ơn bao người, chúng con được làm hạt lúa. Xin cho chúng con đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ. Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày. Để chọn tha nhân và Thiên Chúa, chúng con phải chết cho chính mình. Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm vượt qua đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt Đối và tha nhân. Amen. --------------------------------
Dân số Châu Á chiếm gần hai phần ba thế giới nhưng số người nhận biết Chúa chưa tới 3%. Cánh đồng lúa chín mênh mông đang cần thợ gặt. Ðức Giêsu hôm nay vẫn có nhiều nơi Ngài muốn đến, nhiều căn nhà, nhiều thành phố Ngài muốn đặt chân. Ngài cần những người đi trước để chuẩn bị cuộc gặp gỡ giữa Ngài với con người. Khoa học càng tiến bộ, cuộc sống càng văn minh thì càng có nhiều lãnh vực mới Ðức Giêsu cần vào. Ðưa Ngài vào thật là một thách đố cho chúng ta. Ngài phải vào cả những nơi tưởng như bị cấm. Nhưng nếu chúng ta được Ngài sai vào trước, thì thế nào cuối cùng Ngài cũng vào được. Nếp sống cao ở thành thị vừa gây cản trở, vừa cung ứng cho ta nhiều phương tiện để đưa Ngài vào. Hãy chuẩn bị cho Ngài vào thành phố của bạn, vào trường học, sân vận động, vào xí nghiệp, công ty... Hãy chuẩn bị để Ngài vào từng nhà, gặp từng người. Mọi Kitô hữu đều được mời gọi để làm việc đó. Ðâu là khuôn mặt của người được sai hôm xưa? Hiền lành như chiên giữa bầy sói. Khó nghèo thanh bạch, không túi tiền, giầy dép, bao bị. Khiêm tốn đón nhận sự giúp đỡ về nhà ở cơm ăn. Tôn trọng tự do tha nhân, chấp nhận bị từ chối. Người Châu Á hôm nay dễ đón nhận người tông đồ sống khổ hạnh, thoát tục, sống thư thái, trầm tư, sống nhân từ, phục vụ. Cuộc sống của họ phải tỏa hương thơm của thế giới mai sau, phải có khả năng nâng con người lên Ðấng Tuyệt Ðối. Ðâu là đóng góp của người được sai hôm xưa? Vừa chữa người đau yếu và trừ quỷ, vừa loan báo về triều đại Thiên Chúa gần đến. Việc làm chứng thực lời giảng, lời giảng soi sáng việc làm. Cả hai đều đem lại niềm vui, bình an và hạnh phúc. Thế giới hôm nay vẫn là một thế giới bệnh tật, một thế giới thèm khát tự do, thèm được là mình. Chúng ta sẽ rao giảng gì cho 97% dân Châu Á mà phần đông đã tin vào một Ðấng Cứu Ðộ? Ðức Giêsu đem đến cho nhân loại quà tặng đặc biệt nào? Chúng ta phải tập trình bày sứ điệp Kitô giáo, nên cũng phải học nhiều nơi các tôn giáo Á Châu. Các giám mục Malaysia, Singapore và Brunei đã liệt kê những gì có thể học được nơi họ. Học cầu nguyện, ăn chay, bố thí nơi người Hồi giáo. Học và chiêm niệm nơi người Ấn giáo. Học từ bỏ của cải và trọng sự sống nơi người Phật tử. Học thái độ thảo hiếu, tôn lão kính trưởng nơi đạo Khổng. Học sự đơn sơ, khiêm tốn nơi người theo đạo Lão. Càng học, ta càng dễ giới thiệu Ðức Giêsu, và càng thấy Ngài đang ẩn mình nơi những tôn giáo khác.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, đâu là những nét đặc biệt của mẹ Têrêxa Calcutta, khiến cả thế giới mộ ến? Theo ý bạn, muốn truyền giáo thành công cho dân tộc Việt Nam, người tông đồ cần có những đức tính căn bản nào?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm: rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau. Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân. Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa. Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. -------------------------------
Ta thường nghĩ rằng: Việc truyền giáo là dành cho các Giám mục, các Linh mục, Tu sĩ. Giáo dân không được học hỏi gì nhiều làm sao có thể truyền giáo được? Truyền giáo phải có nhiều phương tiện vật chất. Thiếu phương tiện không có thể làm gì được. Đó là những quan niệm sai lầm mà Chúa vạch cho ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu cho ta thấy truyền giáo là công việc của mọi người khi Người sai 72 môn đệ lên đường. Mười hai Tông đồ có tên tuổi rõ ràng. Đó là thành phần ưu tuyển. Đó là các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ. Còn 72 môn đệ không có tên tuổi rõ ràng. Đó là một đám đông không xác định. Đó là tất cả mọi người giáo dân. Khi sai 72 môn đệ, Chúa Giêsu muốn huy động tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần tham gia vào việc truyền giáo.
Giáo dân tham gia vào việc truyền giáo bằng cách nào? Trước hết phải ý thức sự cấp thiết của việc truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Lúa đã chín vàng, phải nhanh chóng gặt về không được chậm trễ, nếu không lúa sẽ hư hỏng. Biết bao anh em đang chờ đợi được nghe Lời Chúa. Biết bao anh em đang tìm kiếm Chúa. Biết bao tâm hồn đang mở cửa đón Chúa. Ta phải mau mắn để khỏi lở mất cơ hội.
Thứ đến ta phải cầu nguyện. Sau khi đã chỉ cho thấy đồng lúa chín vàng, Chúa Giêsu không bảo lên đường ngay, nhưng Người dạy phải cầu nguyện trước. Cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo. Vì truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên chúa. Ơn hoán cải tâm hồn là ơn Chúa ban. Nên cầu nguyện chính là truyền giáo và kết quả của việc truyền giáo bằng cầu nguyện sẽ rất sâu xa. Ta hãy noi gươngThánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu. Vị Thánh sống âm thầm, suốt đời chôn vùi trong 4 bức tường Dòng Kín. Thế mà nhờ lời cầu nguyện, Thánh nữ đã đem được nhiều linh hồn về với Chúa không kém thánh Phanxicô Xaviê, người suốt đời bôn ba khắp nơi để rao giảng Lời Chúa.
Khi đi truyền giáo, hãy trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chúa dạy ta: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” để ta biết sống khó nghèo. Để ta đừng cậy dựa vào tài sức riêng mình. Để ta đừng cậy dựa vào những phương tiện vật chất. Biết mình nghèo hèn yếu kém, biết những phương tiện vật chất chỉ có giá trị tương đối, ta sẽ biết trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chính Chúa sẽ làm cho việc truyền giáo có kết quả.
Sau cùng, truyền giáo là đem bình an đến cho mọi người. Niềm bình an đến từ thái độ quên mình, sống chan hoà với những người chung quanh. Niềm bình an đến từ sự hiệp thông, có cho đi, có nhận lãnh. Và nhất là, niềm bình an vì được làm con cái Chúa, luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Chúa.
Như thế việc truyền giáo hoàn toàn nằm trong tầm tay của mọi người giáo dân. Mọi người đều có thể ý thức việc truyền giáo. Mọi người đều có thể cầu nguyện. Mọi người đều có thể trông cậy vào Thiên chúa. Và mọi người đều có khả năng cho đi, nhận lãnh, sống chan hoà với người khác
Như thế mọi người, từ người già tới em bé, từ người bình dân ít học đến những bậc trí thức tài cao học rộng, từ người khoẻ mạnh đến những người đau yếu bệnh tật, tất cả đều có thể làm việc truyền giáo theo ý Chúa muốn.
Hôm nay, Chúa đang than thở với mọi người chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúng ta hãy bắt chước tiên tri Isaia thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi”.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Bạn có thấy việc truyền giáo là cấp thiết không?
2- Theo ý bạn, muốn truyền giáo thành công trong vùng này, người tông đồ cần có những đức tính nào?
3- Bạn có bao giờ cầu nguyện cho việc truyền giáo, cho người làm việc truyền giáo, cho những người chưa biết Chúa ở chung quanh bạn không?
4- Bạn đã bao giờ tham gia vào việc truyền giáo trong Giáo xứ, trong Giáo phận chưa?
Sứ điệp: Chúa sai người môn đệ đi truyền giáo trong một môi trường khó khăn, nguy hiểm, để ban tặng bình an, giúp đỡ người đau yếu và loan báo Nước Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng Nước Trời, có nghĩa là Chúa sai tất cả mọi người, trong đó có con nữa. Con là người tiền hô, là người đi trước chuẩn bị cho Chúa đến. Chúa muốn cuộc sống của con là một tiếng nói về Chúa, là một lời loan báo về sự hiện diện của Chúa.
Hôm nay, con muốn ý thức lại điều ấy, để con sống xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu của con. Chúa muốn con là chiên giữa sói rừng. Cuộc sống như vậy có thể gây nguy hiểm cho con, làm cho con bị thua thiệt. Chúa không muốn con sống “mánh mung” như người khác, không muốn con khai thác anh em con để thủ lợi, không muốn con vì lợi lộc mà quên đi giá trị đạo đức. Chúa muốn con là chiên hiền lành, chấp nhận những thua thiệt, chịu đựng những hy sinh… Chúa muốn con duy trì sự bình an của tâm hồn, bình an trong ân sủng của Chúa, để con ban tặng bình an của Chúa, và trở nên dụng cụ của bình an cho tha nhân.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp con luôn biết bám víu vào Chúa, trung thành với ơn Chúa, để con sống xứng đáng với danh xưng người môn đệ Chúa trong hoàn cảnh sống của con, nơi gia đình, tại chỗ làm việc, để con có thể trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa. Amen.
- “Sau đó Đức Giêsu chỉ định 72 người khác và sai các ông đi”: Theo tường thuật của Thánh Luca, Chúa Giêsu đã sai đi rao giảng không phải chỉ nhóm tông đồ mà còn cả nhóm môn đệ nữa. Luca muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ý này lại được làm rõ thêm với con số 72. Đây là số dân của loài người mà sách sáng thế chương 10 đã liệt kê.
Luca đã ghi một bài sai truyền giáo nhắm đến nhóm 12 tông đồ (Lc 9, 1-6). Bây giờ Luca lại ghi một bài sai truyền giáo khác nhắm đến 72 môn đệ. Theo St 10, con số 72 là số chỉ tất cả các dân trên trái đất. Như thế, việc truyền giáo là sứ mạng không riêng của các tông đồ mà còn của tất cả mọi tín hữu.
- “Từng nhóm hai người”: Việc loan Tin mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không phải là độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người khác.
- “Hãy cầu xin”: Việc đầu tiên mà nhà truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Thiên Chúa là chủ mùa gặt, nhận ai vào Nước Thiên Chúa là quyền của Ngài và là ơn của Ngài. Chúa Giêsu bảo cầu xin là để các môn đệ ý thức rằng họ được gọi là nhờ ơn Chúa, và để có thêm nhiều người nữa nhận được ơn ấy.
- “Như chiên non vào giữa sói rừng”: Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ về những hiểm nguy và sự thù nghịch mà có thể họ sẽ gặp phải.
- “Đừng chào ai dọc đường”: việc chào hỏi của người Phương Đông thường kéo theo những câu chuyện rề rà rất lâu. Trong khi sứ mạng loan Tin mừng đòi phải gấp.
- “Bình an cho nhà này”: đây vừa là một lời chúc vừa là một lời ban ơn bởi vì nó có sức tạo nên điều vừa cầu chúc (Is 45, 23). Người rao giảng Tin Mừng phải là “con cái của sự bình an”. Họ phải có bình an trong mình và sau đó đem bình an ấy ban lại cho người khác. Nếu nhà nào đáng được hưởng ơn bình an thì được bình an, nếu không thì ơn bình an trở lại cho người chúc.
- “Cứ ở lại nhà ấy”: gặp nhà nào đầu tiên cho ở thì người môn đệ hãy ở đó. Đừng tìm hiểu nhà để so sánh chọn lựa nhà nào tiện nghi hơn. Điều quan trọng là loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa chứ không phải tiện nghi cho mình hoặc cách người ta tiếp rước mình.
- “Ăn uống của người ta cung cấp cho mình”: sứ mạng của môn đệ đừng để bị ảnh hưởng bởi những quan tâm có tính cách trần thế (đòi hỏi hoặc e ngại những của ăn thức uống người ta lo cho mình)
- “Thợ đáng trả lương”: đây là một nguyên tắc (1Tm 5, 18; 1Cr 9, 11). Nhưng người thừa sai cũng có thể tự ý từ chối (1Cr 9, 14-18).
- “Người ta dọn thức gì cứ ăn thức ấy”: Người rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu không còn bị bận vướng bởi luật Môsê về sự phân loại thức ăn nào sạch, thức ăn nào dơ (1Cr 10, 27).
- “Hãy chữa lành các bệnh nhân”: Đây là dấu hiệu Nước Thiên Chúa gần đến. Việc làm chính của người truyền giáo là “chữa lành các bệnh tật”, nghĩa là làm giảm bớt đi những đau khổ tinh thần và vật chất của người ta.
“Anh em hãy ra đi. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép (Lc 10, 4). Người truyền giáo phải lưu ý: cái họ cần có hơn là ơn Chúa chứ không phải là những phương tiện vật chất (túi tiền, bao bị, giày dép…)
Nếu phải thực hiện một chuyến đi dài, tôi sẽ mang theo thứ gì? Chắc chắn là những gì gọn nhất, nhẹ nhất, cần thiết nhất. Và hôm nay, trong lệnh truyền của Chúa Giêsu tôi đọc được nét nhẹ nhàng thanh thoát ấy trong bước chân của người môn đệ không giày dép, bao bị, tiền nong...
Và phải chăng cũng vang động trong tâm hồn tôi lời mời gọi dấn thân nhập cuộc.
Đức Giêsu đi rao giảng Tin mừng Nước trời cho dân chúng để đem lại ơn cứu độ cho họ. Mối ưu tư hàng đầu của Ngài là làm cho mọi người được nghe biết Tin mừng. Và mối ưu tư ấy đã được diễn tả trong lúc thổ lộ tâm tình với các môn đệ: “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúa về” (Lc 10,2).
Sau khi đã trang bị cho họ những khả năng tinh thần tuyệt diệu, Đức Giêsu đã sai 72 môn đệ đi loan báo Tin mừng bình an cho mọi người. Ngài ân cần khuyên họ đừng lo tìm an toàn nơi các phương tiện vật chất trần gian. Họ vâng lời ra đi và trở về trong hân hoan. Đức Giêsu cho họ biết họ hãy vui mừng vì tên tuổi họ đã được ghi trên Nước trời.
Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng, điều đầu tiên Chúa muốn nơi họ là lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa. 72 môn đệ được sai đi tay không. Chúa cũng không ra lệnh cho họ đến các Hội đường hay các ngã ba đường để rao giảng, nhưng là đến từng nhà và hội nhập vào đó, hiện diện như một phần tử trong gia đình, ăn những gì người ta dọn cho. Nhờ đó Tin mừng sẽ được đón nhận dễ dàng hơn, bởi vì Tin mừng không còn là sức mạnh áp đặt từ bên ngoài, mà là một sức sống từ người rao giảng truyền sang những người khác và đâm rễ sâu trong lòng họ (Mỗi ngày một tin vui).
Bảy mươi hai môn đệ là hình bóng của mọi tín hữu được kêu mời tham gia vào việc tông đồ của hàng Giáo phẩm. Đức Giêsu đã nói: “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít”. Vậy thợ gặt là ai? Trước đây người ta thường dành danh xưng “thợ gặt” cho các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các nhà truyền giáo. Đây là một nhầm lẫn. Không ai có thể trở thành Kitô hữu mà lại không cảm nghiệm nơi mình nỗi lo âu của Đức Giêsu trước cánh đồng lúa chín mênh mông. Những tác vụ đa dạng sẽ làm nảy sinh những hình thức hoạt động khác nhau nơi mỗi người, nhưng ai nấy theo cách của mình, đều được gọi và làm việc ở đồng lúa chín (L. Sintas).
Ngay từ đầu sứ vụ, Đức Giêsu đặt công việc truyền giáo trong cái nhìn cấp bách và khẩn thiết. Cho nên Chúa tuyển chọn 12 tông đồ và sau đó là 72 môn đệ, huấn luyện và sai đi truyền giáo. Hội thánh ngày hôm nay cũng không ngừng tiếp tục mời gọi những người thành tâm thiện chí tiếp tục ra đi loan báo sứ điệp tình thương và ơn cứu độ của Chúa cho trần gian, qua mọi thời đại. Cần ý thức rằng, qua bí tích Rửa tội, mỗi tín hữu cũng là một nhà truyền giáo, được sai đi để làm công việc của Chúa là cứu chữa các linh hồn (5 phút mỗi ngày).
Trong tinh thần ấy, thánh Phanxicô Xaviê hồi còn là sinh viên ở trường đại học Paris, đã nghe được lời mời gọi trở thành linh mục và sau đó ngài là một nhà truyền giáo ở Ấn độ. Một trong những lá thư của ngài từ Ấn độ vang vọng lời Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay. Đây là một phần của lá thư: “Nơi đây, nhiều người không trở nên Kitô hữu được, chỉ vì lý do là không có ai sẵn sàng đảm nhận việc dạy dỗ cho họ về Chúa. Tôi thường nghĩ đến việc đi tới trường đại học ở châu Âu và kêu gọi những người thợ đến thu hoạch mùa ở Ấn độ”.
Đức Giêsu đã kêu gọi và ngày nay Hội thánh cũng kêu gọi chúng ta hãy tích cực tham gia vào trong việc truyền giáo này. Đức Giêsu đã không dành riêng việc rao giảng Tin mừng cho các Tông đồ, mà còn sai 72 môn đệ ra đi. Nói khác đi, Ngài muốn gửi sứ mạng rao giảng đến mỗi người chúng ta. Ước gì chúng ta luôn ý thức sứ mạng rao giảng đó, không những bằng lời nói mà nhất là bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ.
Nói một cách cụ thể, chúng ta có thể tham gia vào việc truyền giáo bằng cầu nguyện, xin Chúa sai nhiều thợ gặt đến cánh đồng truyền giáo. Đây là một việc mọi người có thể làm bất cứ lúc nào. Cầu nguyện còn chứng tỏ lòng tin tưởng cậy trông của chúng ta, vì từ việc sai thợ gặt đến cánh đồng truyền giáo, cho đến việc cứu độ thực sự là làm cho người ta chấp nhận Tin mừng, trở về với Chúa để được hưởng ơn cứu độ.
Truyện: Chúa cần bàn tay bạn
Cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều tiên trước đây là một cuộc chiến tranh tàn khốc. Một ngôi làng nhỏ rơi vào dưới làn đạn của trọng pháo. Trong làng có một ngôi nhà thờ Công giáo, bên ngoài nhà thờ có một bệ cao, bên trên có đặt một bức tượng Đức Kitô. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh qua, rồi bức tượng đã biến mất. Bức tượng đã bị hất ra khỏi bệ vỡ ra từng mảnh trên mặt đất.
Một hôm lính Mỹ đã giúp vị linh mục thu thập những mảnh vụn. Một cách cẩn thận, họ đã ráp lại pho tượng. Họ tìm thấy tất cả các mảnh vỡ, trừ đôi bàn tay. Họ đề nghị khi trở về Mỹ họ sẽ đặt làm đôi bàn tay ấy. Nhưng vị linh mục đã từ chối. Ngài nói:
- Tôi có một ý tưởng hay hơn: Chúng ta hãy để pho tượng không có bàn tay. Và chúng ta sẽ ghi vào chân đế lời này: BẠN ƠI, BẠN HÃY CHO TÔI MƯỢN ĐÔI BÀN TAY CỦA BẠN” (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật B, tr. 494).
Theo các nhà Kinh Thánh học, thánh Luca đã hiến cho chúng ta hai tác phẩm: một là cuốn Tin Mừng thứ ba và hai là sách Tông Đồ Công Vụ.
Qua các tông đồ, nhất là Mẹ Maria và thánh Phaolô, thánh Luca đã ghi lại tiểu sử của Chúa Giêsu bằng những nét đặc sắc. Ngài đã hết lòng ca tụng ơn cứu độ và lòng từ bi của Thiên Chúa. Qua những truyện như: Người con phung phá, người Samaritanô nhân hậu, ông Giakêu, người trộm lành... chúng ta thấy được phần nào chủ ý của thánh nhân khi ngài muốn trình bày cho chúng ta thấy một cách cụ thể về lòng từ bi của Thiên Chúa.
Tin Mừng thánh Luca cũng là Tin Mừng về đời sống cầu nguyện. Ngài đặt trước mắt chúng ta gương cầu nguyện của Chúa Giêsu trước khi Chúa chịu phép rửa, trước khi khi chọn môn đệ, trước khi biến hình sáng láng, lúc hấp hối trong vườn Giệtsimani và cả trên thánh giá.
Tin Mừng của ngài là Tin Mừng cho những người bị áp bức. Không Tin Mừng nào làm cho chúng ta có thể thấy được một sự lưu tâm đáng yêu mà Chúa dành cho những người thu thuế và tội lỗi như trong Tin Mừng thánh Luca: Chúa đến để tìm kiếm những gì đã mất.. một người nữ ngoại tình, một người thu thuế thống hối, một tên trộm ăn năn… Không một Tin Mừng nào diễn tả được tấm lòng tha thiết của Chúa dành cho những người bơ vơ nghèo đói cho bằng dưới ngòi bút điêu luyện của Luca.
Tin mừng của thánh Luca là Tin Mừng của niềm vui vì ngay từ đầu, và bàng bạc trong Tin Mừng của ngài, có rất nhiều chỗ nói về niềm vui như loan báo tin vui cho Zacharia, truyền tin cho Maria. Những niềm vui liên tục khi Thánh Gioan chào đời, lúc Chúa giáng sinh...Những niềm vui trong chương 15 khi tìm thấy con chiên lạc, tìm được đồng tiền mất, gặp lại người con hoang và niềm vui hân hoan của các tông đồ khi trở lại Giêrusalem. Ðúng như Harnack đã nói: "Có những nét vui tươi, can trường và chiến thắng âm vang trong toàn bộ cuốn Tin Mừng của Thánh Luca từ trang đầu cho tới trang chót."
Tin Mừng của thánh Luca còn được gọi là Tin Mừng của những người phụ nữ bởi vì không Tin Mừng nào vai trò của người phụ nữ được nhắc tới với một lòng kính trọng như Tin Mừng của thánh Luca. Những câu chuyện về những người phụ nữ đặc biệt như những chị em phụ nữ đi theo phục vụ Chúa Giêsu và tông đồ đoàn chỉ có thể tìm thấy trong Tin Mừng của thánh Luca.
Sau hết, khi trình bày, thánh Luca như cố ý cho chúng ta thấy những điều kiện cần thiết để tin theo Chúa cũng như để được gia nhập Nước Trời. Những điều kiện đó là đức tin, lòng khiêm nhường, thống hối, dám chấp nhận những khó khăn, biết sống bác ái và kiên trung trong đau khổ.
Cũng như Tin Mừng, cuốn Tông Đồ Công Vụ của thánh Luca là một bằng chứng sống động về việc Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống truyền giáo của các tông đồ và đời sống của Giáo Hội lúc sơ khai. Đây cũng là cuốn lịch sử đầu tiên của Giáo hội. Đọc sách Công vụ chúng ta không thể không cảm thấy một nguồn vui thanh cao và sống động được bùng phát lên từ sự nhận biết Thiên Chúa của các tín hữu đầu tiên, và rồi kết quả sau đó là một cuộc sống được định hướng bằng tình bác ái chân thực, bằng tinh thần hy sinh xả kỷ, cũng như bằng bầu khí cầu nguyện, bằng sự hiệp nhất cao độ, lòng hợp lòng, với một đức tin, và một tình yêu duy nhất để hình thành nên những cộng đoàn thánh thiện giữa các tông đồ và những người tin Chúa của Giáo hội sơ khai.
Mặc dầu lịch sử không cho chúng ta những tài liệu chính xác về gia thế và đời sống của thánh Luca, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng: thánh Luca thuộc gia đình nề nếp và giàu sang tại Antiokia. Khi còn bé, Ngài được giáo dục chu đáo về cả đức tính, văn hóa và nghề nghiệp. Ngài theo học các khoa cổ điển của nền văn minh Hy lạp và chuyên nghề lương y. Từ buổi đầu, thánh Luca vẫn chưa biết Chúa. Cho đến một ngày kia thánh Phaolô đến Troa giảng đạo Chúa Giêsu. Luca vào nghe và sau khi suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận và nhận thấy giáo thuyết thánh Phaolô giảng rất thâm trầm hợp lý, Ngài liền tin theo. Ngài chịu phép rửa tội và theo làm môn đệ thánh Phaolô, ngày đêm học hỏi Kinh Thánh và làm thư ký cho thánh Tông đồ. Quãng năm 49, nghĩa là khi khởi sự truyền giáo lần thứ hai, thánh Phaolô cùng mang thánh Luca đi theo. Nhưng rồi hai thầy trò lại chia lìa nhau một thời gian. Có lẽ kỳ này thánh Luca trở về sinh quán làm nghề lương y. Đến sau hai thầy trò lại gặp nhau tại Philipphê. Từ đây thánh Luca cùng đi giảng đạo với thánh Phaolô. Nhưng đến khi thánh Phaolô bị người La Mã bắt cầm tù, thì thánh Luca cũng từ giã đế đô, và chúng ta không biết gì về quãng cuối đời của Ngài nữa.
Đọc Tin Mừng thứ ba và Công vụ tông đồ, chúng ta thấy thánh Luca rất lỗi lạc về văn chương Hy lạp. Ngài quả là một nhà văn học kỳ tài, luôn thay đổi từ ngữ và dùng những danh từ thích hợp với đặc tính văn chương của người Hy lạp thời bấy giờ. Thánh nhân tỏ ra rất nghệ thuật trong việc bố cục câu chuyện thế nào cho rõ ràng, hấp dẫn, gợi nhiều ý tưởng và tâm tình, chẳng hạn dụ ngôn người con người phung phá và câu chuyện hai người du khách trên đường Emmau phải là hai kiệt tác văn chương, có nhiều giá trị nghệ thuật không kém gì những áng văn hay nhất của người Hy lạp thời ấy.
Hơn thế, thánh Luca còn là một người rất sành tâm lý. Thánh nhân đã mặc cho mỗi nhân vật trong Tin Mừng cũng như trong các dụ ngôn những tâm tình, cử điệu và lời lẽ phù hợp với địa vị riêng của họ. Phải chăng nhờ tài nghệ này, thánh Luca đã đề cao đến chữ trọn hảo địa vị Cứu thế của Chúa Giêsu: Chúa nhân lành tự trời đến với loài người lầm than tội lỗi. Chúa tự hiến mình trên thập giá để tẩy xóa mọi tội trần và thông ban ơn sủng đời sống mới cho các tâm hồn.
Với một sự hiểu biết sâu xa về sứ mệnh Cứu thế của Chúa như vậy, hẳn thánh Luca đã nhiệt thành với nhiệm vụ phổ biến Tin Mừng cứu thế không kém gì thánh Phaolô. Nhưng Ngài giảng đạo tại đâu và chết như thế nào thì theo một tài liệu tìm thấy ở Constantinople, thánh Luca đã giảng đạo tại Achaie và Beotie. Và sau cùng làm giám mục thành Thèbes. Trong bài thực hành cuốn chú giải Tin Mừng thánh Matthêô, Thánh Hiêrônimô nói rõ thánh Luca đã viết Tin Mừng thứ ba tại Achaie và Beotie, sau cùng thánh Gaudence de Brescia quả quyết thánh Luca cùng chịu tử đạo với thánh Andrê tại Patras một tỉnh nhỏ thuộc vùng Achaie.
Ngày nay thánh Luca là quan thầy của các lương y và bác sĩ. Ngài cũng là bổn mạng các nhà họa sĩ, vì theo một truyền thuyết thì thánh nhân đã họa bức ảnh chân dung Đức Mẹ đầu tiên mà nay chúng ta quen gọi là ảnh “Đức Mẹ hằng cứu giúp”.
Ngay từ đầu, Giáo hội vẫn kính lễ thánh Luca vào ngày 18.10 mỗi năm.
Kính xin thánh Luca thánh sử phù trợ cho chúng ta được lòng tin mạnh mẽ và hăng hái như người để chúng ta đem tin lành cứu độ đến cho những người còn chưa nhận biết Chúa.
Giáo Hội mời gọi chúng ta đọc và những câu đầu tiên của chương 10 Phúc Âm theo thánh Luca. Ðây là bài diễn văn truyền giáo số 2. Bài diễn văn truyền giáo số 1 là chương 9, Phúc Âm thánh Luca. Trong bài diễn văn truyền giáo số 2, Chúa Giêsu ngỏ lời căn dặn bảy mươi hai môn đệ mà Ngài sai đi từng nhóm hai người một để làm như một cộng đoàn làm việc chung với nhau, chứ không phải một cách riêng rẽ. Con số mười hai tông đồ nhắc đến mười hai chi họ Israel; con số bảy mươi hai môn đệ nhắc đến chi tiết nơi chương 10 sách Sáng Thế: “Khi tất cả các dân nước trên mặt đất”.
Như thế, chúng ta có thể nói rằng bài diễn văn truyền giáo số 2 của Chúa Giêsu trong đoạn Phúc Âm thánh Luca mà hôm nay chúng ta là những lời căn dặn của Chúa Giêsu cho tất cả mọi thành phần Giáo Hội Dân Chúa đến từ khắp mọi nơi không phân biệt màu da, chủng tộc, tiếng nói. Tất cả mọi người đồ đệ của Chúa đều phải là những nhà truyền giáo, những chứng nhân của Chúa và phải tuân giữ những gì Chúa căn dặn nơi chương 10 này.
Những lời dặn dò trên của Chúa Giêsu thật là cặn kẽ, cụ thể, với những chi tiết hết sức thực tế. Dĩ nhiên, tinh thần phải có khi thực hiện những việc làm trên là điều quan trọng hơn. Thời đại đã thay đổi, thời chúng ta đang sống khác với thời của Chúa Giêsu. Những hành động cụ thể của một thời đã thay đổi, chẳng hạn như ngày xưa đi bộ, cầm gậy thì ngày nay đã có các phương tiện giao thông liên lạc khác, nhưng tinh thần của những hành động cụ thể mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ có không bao giờ thay đổi. Trong những giây phút ngắn ngủi này chúng ta không thể nào tất cả mọi khía cạnh của tinh thần truyền giáo nơi môn đệ của Chúa.
Ước chi mỗi người chúng ta tìm thì giờ rảnh rỗi trong ngày, trong tuần để trở lại thêm về những lời căn dặn của Chúa nơi chương 10 Phúc Âm thánh Luca.
Chúng ta hãy nhớ lại những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói trong đoạn Phúc Âm hôm nay: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người, các con hãy ra đi”. Qua câu đầu tiên này của đoạn Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta điểm khởi đầu căn bản của mọi hoạt động truyền giáo: trước hết là nhận thức nhu cầu của anh chị em chung quanh, thứ hai là đưa nhu cầu đó vào trong lời cầu nguyện của chính mình và thứ ba là sẵn sàng để được sai và hăng say ra đi khi được trao phó cho sứ mạng. Chúng ta hãy tự vấn xem chính mình đã có những tư tưởng căn bản này chưa? Những quan tâm truyền giáo làm chứng cho Chúa có được chúng ta đưa vào trong lời cầu nguyện của chính mình chưa? Trong cuộc đối thoại giữa mình với Thiên Chúa chưa?
Lạy Chúa,
Này con đây đã sẵn sàng, Chúa muốn con làm gì xin hãy phán và con xin lắng nghe. Xin ban ơn biến đổi mỗi người chúng con trở thành những chứng nhân đích thực của Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Bốn môn đệ đã viết lời và việc Chúa, nhưng tất cả chúng ta đều được ơn gọi ghi khắc sứ điệp của Chúa vào đời sống riêng của mỗi người chúng ta.
Truyền giáo (Messia)
Bản văn này, quá quen, nhưng phải được từng câu từng câu. Đây là diễn từ sai đi truyền giáo, bắt đầu bằng câu dạy cầu nguyện trước “cảnh lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Câu nói đến “Mùa gặt lúa” thay vì nói đến đi giao giống. Câu nói đó gây ngạc nhiên cho cả chủ và thợ. Chủ bỏ liều, thợ không dám nói gì. Cho nên cần đến sự cầu nguyện để thấy rõ công việc đồng lúa mênh mông và sự kém cỏi của người quản lý, nghĩa là, trong tình trạng hoàn toàn cùng cực của con người, không còn một chút an toàn nào xét về phía nhân loại.
Tông đồ (Apostolat)
Đây là dịp cho chúng ta đào sâu ý nghĩa tiếng tông đồ và phê phán tận căn quan niệm thông thường về tiếng này. Tự nhiên chúng ta nghĩ đến mùa giao giống, gieo lời Chúa như loan báo Đức Kitô. Khi Tin Mừng nói mùa gặt: “Mùa gặt dồi dào”. Thâu hoạch mà không gieo, thâu vào kho lẫm vụ mùa, mà không phải của mình. Nó là kho của người khác, như dụ ngôn người gieo giống (Lc 8,5-8). “Người gieo giống đi gieo giống của mình”. Nghĩa là lời Chúa đã được gieo trong lòng người rồi, và nghĩa là loan báo Đức Kitô là chỉ việc tỏ cho thấy những hoa trái nảy sinh từ hạt giống do Đức Kitô ban và hoa trái đó thuộc về Đức Kitô. Vậy những thái độ Tông Đồ của chúng ta sao dám độc đoán tự nhận là việc của mình và dám cho mình đóng vai trò cha bác, chủ nhân ông đối với người khác?
Thánh Luca
Thầy thuốc người Hy Lạp, trong những dòng Tin Mừng này, nói cho chúng ta thấy nguyện vọng hăng hái của Ngài muốn chia sẻ sứ điệp Tin Mừng, sứ điệp hòa bình và sứ điệp huynh đệ đại đồng. Nhiêm vụ mênh mông, khẩn thiết thường nhiều nguy hiểm. Thánh Luca là đèn chiếu tỏa những ánh sáng dịu dàng thanh thản.
Tình yêu thắm sâu vào ngôn từ của Ngài. Chúng ta hãy nói như Ngài để ngôn từ êm ái của Ngài hóa lên lời chúng ta thưa với Chúa và với anh em chúng ta.
Theo các nhà Kinh Thánh học, thánh Luca đã hiến cho chúng ta hai tác phẩm: một là cuốn Tin Mừng thứ ba và hai là sách Tông Đồ Công Vụ.
Qua các tông đồ, nhất là Mẹ Maria và thánh Phaolô, thánh Luca đã ghi lại tiểu sử của Chúa Giêsu bằng những nét đặc sắc. Ngài đã hết lòng ca tụng ơn cứu độ và lòng từ bi của Thiên Chúa. Qua những truyện như: Người con phung phá, người Samaritanô nhân hậu, ông Giakêu, người trộm lành... chúng ta thấy đuợc phần nào chủ ý của thánh nhân khi ngài muốn trình bày cho chúng ta thấy một cách cụ thể về lòng từ bi của Thiên Chúa.
Tin Mừng thánh Luca cũng là Tin Mừng về đời sống cầu nguyện. Ngài đặt trước mắt chúng ta gương cầu nguyện của Chúa Giêsu trước khi Chúa chịu phép rửa, trước khi khi chọn môn đệ, trước khi biến hình sáng láng, lúc hấp hối trong vườn Giêtsimani và cả trên thánh giá.
Tin Mừng của ngài là Tin Mừng cho những người bị áp bức. Không Tin Mừng nào làm cho chúng ta có thể thấy được một sự lưu tâm đáng yêu mà Chúa dành cho những người thu thuế và tội lỗi như trong Tin Mừng thánh Luca: Chúa đến để tìm kiếm những gì đã mất.. một người nữ ngoại tình, một người thu thuế thống hối, một tên trộm ăn năn… Không một Tin Mừng nào diễn tả được tấm lòng tha thiết của Chúa dành cho những người bơ vơ nghèo đói cho bằng dưới ngòi bút điêu luyện của Luca.
Tin mừng của thánh Luca là Tin Mừng của niềm vui vì ngay từ đầu, và bàng bạc trong Tin Mừng của ngài, có rất nhiều chỗ nói về niềm vui như loan báo tin vui cho Zacharia, truyền tin cho Maria. Những niềm vui liên tục khi Thánh Gioan chào đời, lúc Chúa giáng sinh...Những niềm vui trong chương 15 khi tìm thấy con chiên lạc, tìm được đồng tiền mất, gặp lại người con hoang và niềm vui nân hoan của các tông đồ khi trở lại Giêrusalem. Ðúng như Harnack đã nói: "Có những nét vui tươi, can trường và chiến thắng âm vang trong toàn bộ cuốn Tin Mừng của Thánh Luca từ trang đầu cho tới trang chót."
Tin Mừng của thánh Luca còn được gọi là Tin Mừng của những người phụ nữ bởi vì không Tin Mừng nào vai trò của người phụ nữ được nhắc tới với một lòng kính trọng như Tin Mừng của thánh Luca. Những câu chuyện về những người phụ nữ đặc biệt như những chị em phụ nữ đi theo phục vụ Chúa Giêsu và tông đồ đoàn chỉ có thể tìm thấy trong Tin Mừng của thánh Luca.
Sau hết, khi trình bày, thánh Luca như cố ý cho chúng ta thấy những điều kiện cần thiết để tin theo Chúa cũng như để đuợc gia nhập Nước Trời. Những điều kiện đó là đức tin, lòng khiêm nhường, thống hối, dám chấp nhận những khó khăn, biết sống bác ái và kiên trung trong đau khổ.
Cũng như Tin Mừng, cuốn Tông Đồ Công Vụ của thánh Luca là một bằng chứng sống động về việc Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống truyền giáo của các tông đồ và đời sống của Giáo Hội lúc sơ khai. Đây cũng là cuốn lịch sử đầu tiên của Giáo hội. Đọc sách Công vụ chúng ta không thể không cảm thấy một nguồn vui thanh cao và sống động đuợc bùng phát lên từ sự nhận biết Thiên Chúa của các tín hữu đầu tiên, và rồi kết quả sau đó là một cuộc sống được định hướng bằng tình bác ái chân thực, bằng tinh thần hy sinh xả kỷ, cũng như bằng bầu khí cầu nguyện, bằng sự hiệp nhất cao độ, lòng hợp lòng, với một đức tin, và một tình yêu duy nhất để hình thành nên những cộng đoàn thánh thiện giữa các tông đồ và những người tin Chúa của Giáo hội sơ khai.
Mặc dầu lịch sử không cho chúng ta những tài liệu chính xác về gia thế và đời sống của thánh Luca, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng: thánh Luca thuộc gia đình nề nếp và giàu sang tại Antiokia. Khi còn bé, Ngài được giáo dục chu đáo về cả đức tính, văn hóa và nghề nghiệp. Ngài theo học các khoa cổ điển của nền văn minh Hy lạp và chuyên nghề lương y. Từ buổi đầu, thánh Luca vẫn chưa biết Chúa. Cho đến một ngày kia thánh Phaolô đến Troa giảng đạo Chúa Giêsu. Luca vào nghe và sau khi suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận và nhận thấy giáo thuyết thánh Phaolô giảng rất thâm trầm hợp lý, Ngài liền tin theo. Ngài chịu phép rửa tội và theo làm môn đệ thánh Phaolô, ngày đêm học hỏi Kinh Thánh và làm thư ký cho thánh Tông đồ. Quãng năm 49, nghĩa là khi khởi sự truyền giao lần thứ hai, thánh Phaolô cùng mang thánh Luca đi theo. Nhưng rồi hai thầy trò lại chia lìa nhau một thời gian. Có lẽ kỳ này thánh Luca trở về sinh quán làm nghề lương y. Đến sau hai thầy trò lại gặp nhau tại Philipphê. Từ đây thánh Luca cùng đi giang đạo với thánh Phaolô. Nhưng đến khi thánh Phaolô bị người Lamã bắt cầm tù, thì thánh Luca cũng từ giã đế đô, và chúng ta không biết gì về quãng cuối đời của Ngài nữa.
Đọc Tin Mừng thứ ba và Công vụ tông đồ, chúng ta thấy thánh Luca rất lỗi lạc về văn chương Hy lạp. Ngài quả là một nhà văn học kỳ tài, luôn thay đổi từ ngữ và dùng những danh từ thích hợp với đặc tính văn chương của người Hy lạp thời bấy giờ. Thánh nhân tỏ ra rất nghệ thuật trong việc bố cục câu chuyện thế nào cho rõ ràng, hấp dẫn, gợi nhiều ý tưởng và tâm tình, chẳng hạn dụ ngôn người con người phung phá và câu chuyện hai người du khách trên đường Emmau phải là hai kiệt tác văn chương, có nhiều giá trị nghệ thuật không kém gì những áng văn hay nhất của người Hy lạp thời ấy.
Hơn thế, thánh Luca còn là một người rất sành tâm lý. Thánh nhân đã mặc cho mỗi nhân vật trong Tin Mừng cũng như trong các dụ ngôn những tâm tình, cử điệu và lời lẽ phù hợp với điạ vị riêng của họ. Phải chăng nhờ tài nghệ này, thánh Luca đã đề cao đến chữ trọn hảo địa vị Cứu thế của Chúa Giêsu: Chúa nhân lành tự trời đến với loài người lầm than tội lỗi. Chúa tự hiến mình trên thập giá để tẩy xóa mọi tội trần và thông ban ơn sủng đời sống mới cho các tâm hồn.
Với một sự hiểu biết sâu xa về sứ mệnh Cứu thế của Chúa như vậy, hẳn thánh Luca đã nhiệt thành với nhiệm vụ phổ biến Tin Mừng cứu thế không kém gì thánh Phaolô. Nhưng Ngài giảng đạo tại đâu và chết như thế nào thì theo một tài liệu tìm thấy ở Constantinople, thánh Luca đã giảng đạo tại Achaie và Beotie. Và sau cùng làm giám mục thành Thèbes. Trong bài thực hành cuốn chú giải Tin Mừng thánh Matthêô, Thánh Hiêrônimô nói rõ thánh Luca đã viết Tin Mừng thứ ba tại Achaie và Beotie, sau cùng thánh Gaudence de Brescia quả quyết thánh Luca cùng chịu tử đạo với thánh Andrê tại Patras một tỉnh nhỏ thuộc vùng Achaie.
Ngày nay thánh Luca là quan thầy của các lương y và bác sĩ. Ngài cũng là bổn mạng các nhà họa sĩ, vì theo một truyền thuyết thì thánh nhân đã họa bức ảnh chân dung Đức Mẹ đầu tiên mà nay chúng ta quen gọi là ảnh “Đức Mẹ hằng cứu giúp”.
Ngay từ đầu, Giáo hội vẫn kính lễ thánh Luca vào ngày 18.10 mỗi năm.
Kính xin thánh Luca thánh sử phù trợ cho chúng ta được lòng tin mạnh mẽ và hăng hái như người để chúng ta đem tin lành cứu độ đến cho những người còn chưa nhận biết Chúa.
Thánh Luca là một trong 4 tác giả Tin Mừng, lễ kính ngày 18-10. Thánh Luca sinh tại Bithynia, là dân Hy Lạp cổ đại, thuộc thành phố Antiôkia ở Syria cổ. Các giáo phụ thời Giáo Hội sơ khai nói rằng ngài là tác giả của Tin Mừng theo Thánh Luca và sách Công vụ Tông đồ, mới đầu chỉ là tác phẩm văn chương bình thường. Về sau, quyền tác giả của Thánh Luca mới được tái xác nhận bởi các vị uy tín của Kitô giáo như Thánh Giêrônimô và Eusêbiô, mặc dù các học giả đời cũng như vẫn chưa nhất trí về các chứng cớ xác thực về tác giả.
Trong Tân ước, Thánh Luca chỉ được nhắc tới vài lần, và được Thánh Phaolô gọi là “thầy thuốc” trong thư gởi giáo đoàn Côlôsê. Như vậy, ngài được coi là thầy thuốc và môn đệ của Thánh Phaolô.
Giáo Hội Công Giáo tôn kính Thánh Luca là Thánh sử, và một số giáo phái lớn tôn kính ngài là bổn mạng các họa sĩ, y bác sĩ, học sinh sinh viên, người bán thịt.
Trong thư gởi Philêmôn, Thánh Phaolô có nhắc tới các cộng sự viên là Máccô, Arístakhô, Đêma và Luca (câu 24). Thánh Luca cũng được nói tới trong Cl 4,14 và 2 Tm 4,11.
Thánh Luca không phải là người Do Thái, nghĩa là không được cắt bì. Là người Hy Lạp nên ngài viết Tin Mừng bằng Hy ngữ. Khác với ý kiến của Thánh Êpiphaniô, Thánh Luca ở trong nhóm 72 môn đệ (Lc 10,19), vì ngài nói rõ rằng ngài chưa hề gặp mặt Đức Kitô (x. Lc 1,14). Như vậy, việc Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng trong lễ Thánh Luca hôm nay nói về việc Chúa Giêsu sai 72 môn đệ, đi theo từng cặp là việc khá lạ. Hơn nữa, Thánh Luca không được Chúa Giêsu hoán cải, mà được Thánh Phaolô hoán cải sau khi Chúa Giêsu về trời.
Rất có thể Thánh Luca học nghề thuốc ở Tarsus, trường y cạnh tranh với Alexandria và Athens, và là trường y lớn nhất Hy Lạp cổ đại. Có thể Thánh Luca đã gặp Thánh Phaolô vào thời điểm này.
Không ai biết Thánh Luca là người mới theo Do Thái hoặc trực tiếp gia nhập Kitô giáo, nhưng chúng ta biết rằng ngài có kiến thức uyên bác về Cựu ước. Hơn nữa, rõ ràng Thánh Luca không chỉ biết Thánh Phaolô, mà còn biết nhiều Tông đồ và các môn đệ. Chính ngài đã chứng minh điều đó, khi ngài soạn thảo Tin Mừng, ngài đã “cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự” (Lc 1,3) với các nhân chứng biết rõ cuộc đời Chúa Giêsu. Trong các nhân chứng đó không chỉ có một mình Thánh Phaolô mà còn nhiều người khác.
Còn nữa, Thánh Phaolô thường kết hợp Thánh Luca với Thánh Máccô. Chúng ta biết rằng Thánh Máccô là người gần gũi với Thánh Phêrô, do đó chúng ta có thể nói rằng Thánh Luca cũng quen thân với Thánh Phêrô và các Tông đồ khác.
Thánh Luca giúp Thánh Phaolô nhiều trong khi thực hiện sứ vụ. Khi bị tù ở Rôma, Thánh Phaolô rất tin tưởng và quý mến Thánh Luca nên đã căn dặn Thánh Timôthê: “Chỉ còn một mình anh Luca ở với tôi. Anh hãy đem anh Máccô đi với anh, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi” (2 Tm 4,11). Người ta tin rằng, sau khi Thánh Phaolô qua đời, Thánh Luca rao giảng Tin Mừng tại Ý, Gaul (Galát), Dalmatia, Macêdonia, và có thể cả ở Ai Cập.
Một số Giáo phụ cho rằng Thánh Luca chịu tử đạo, có thể bị đóng đinh vào cây ôliu ở Elaea, thuộc Peloponnesus gần Achaia. Cách hiểu này có từ Thánh Hippolytus. Các Thánh Gregory Nazianzen, Paulinus, và Gaudentius thành Grescia cũng nói rằng Thánh Luca chịu tử đạo. Mặt khác, nhiều người khác (kể cả Thánh Bede và nhiều vị tử đạo) chỉ nói rằng “Thánh Luca chịu đau khổ nhiều vì đức tin và chết già ở Bithynia”.
Thánh Luca sống độc thân để phục vụ Thiên Chúa, không vợ không con, đầy Thần Khí Chúa, và qua đời lúc 84 tuổi. Thi hài ngài được đưa tới Constantinople và an táng tại Nhà thờ Các Tông Đồ, nhà thờ này do Hoàng đế Constantinô xây dựng. Đầu ngài được đưa tới Rôma, đặt tại Tu viện Thánh Andrê. Các phần khác được đặt tại Tu viện Grecian trên Núi Athos.
II. TIN MỪNG CỦA LUCA CÓ NHỮNG ĐẶC TÍNH NÀO?
Thánh Luca, tác giả Tin Mừng thứ ba và sách Công vụ sứ đồ, là người đóng góp đơn độc và rộng rãi nhất cho Tân ước, là một sử gia nhưng diễn đạt các sự kiện bằng một lối văn chương trau chuốt.
Tin Mừng của ngài là Tin Mừng cho những người bị áp bức. Không Tin Mừng nào chúng ta có thể được một sự lưu tâm đáng yêu mà Chúa dành cho những người thu thuế và tội lỗi như trong Tin Mừng thánh Luca: Chúa đến để tìm kiếm những gì đã mất… một người nữ ngoại tình, một người thu thuế thống hối, một tên trộm ăn năn.
Không một Tin Mừng nào diễn tả được tấm lòng tha thiết của Chúa dành cho những người bơ vơ nghèo đói cho bằng dưới ngòi bút điêu luyện của Luca.
Là một Tin Mừng cho dân ngoại. Là một Tin Mừng của cầu nguyện. Là một Tin Mừng của niềm vui.
Là Tin Mừng của niềm vui vì ngay từ đầu, và bàng bạc trong Tin Mừng của ngài nhiều chỗ nói về niềm vui như ở đầu Tin Mừng là tin vui loan báo cho Zacharia, truyền tin cho Maria. Những niềm vui liên tục khi Thánh Gioan chào đời, lúc Chúa giáng sinh...
Những niềm vui trong chương 15 khi tìm thấy con chiên lạc, tìm được đồng tiền mất, gặp lại người con hoang và niềm vui hân hoan của các tông đồ khi trở lại Giêrusalem. Ðúng như Harnack đã nói: “Có những nét vui tươi, can trường và chiến thắng âm vang trong toàn bộ cuốn Tin Mừng của Thánh Luca từ trang đầu cho tới trang chót.”
Và là Tin Mừng đặc biệt nói về nữ giới.
Thật ra người ta sẽ lầm lẫn khi dìm mất tính chất và giáo huấn nghiêm khắc của Chúa. Nhưng các y sĩ có thể hãnh diện về Ngài vì chắc hắn không có y sĩ nào sẽ qua mặt được Ngài về “tình yêu dành cho nhân loại”. Và những người còn lại trong chúng ta có thể biết ơn Ngài vì nhờ Ngài chúng ta có được dụ ngôn cây vả khô chồi (13,60), đứa con hoang đàng (15,11) và người Samaria nhân hậu (10,30). Chúng ta cũng biết ơn Ngài vì câu chuyện người kẻ trộm thống hối và cả năm mầu nhiệm Mân Côi mùa Vui.
Nhưng trên tất cả, chúng ta mắc ơn Ngài Kinh Ave “Ngợi khen” (Magnificat), chúc tụng (Benedictus), Phó dâng (Nunc dimittis) với quá phân nửa câu chuyện ngày lễ Giáng sinh. Rồi đây là chỗ mà sự khiêm tốn ẩn mình của thánh nhân xa rời chúng ta.
Ðặc tính của Thánh Luca có thể được nhận thấy trong Tin Mừng của ngài qua những tiêu đề được nhấn mạnh:
(1) Tin Mừng của Sự Nhân Từ: Thánh Luca nhấn mạnh đến lòng nhân từ và nhẫn nại của Ðức Giêsu đối với người tội lỗi và người đau khổ. Ngài thật cởi mở đối với mọi người, Ngài lưu tâm đến người Samaritan, người phong cùi, người thu thuế, người lính, người tội lỗi công khai, người mù chữ, người nghèo. Chỉ trong Tin Mừng Thánh Luca là có đề cập đến người phụ nữ tội lỗi, dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc bị mất, dụ ngôn người con hoang đàng, và người trộm lành.
2) Tin Mừng của Sự Cứu Chuộc Vạn Vật: Ðức Giêsu chết cho tất cả mọi loài. Ngài không chỉ là con vua Ðavít mà còn là con cháu A Dong, và người ngoại giáo là bạn của Ngài.
(3) Tin Mừng của Người Nghèo: “Người bé mọn” thường nổi bật ông Zecharia và bà Elizabeth, Ðức Maria và Thánh Giuse, các mục đồng, cụ Simeon và bà Anna. Ngài cũng lưu tâm đến điều mà ngày nay chúng ta gọi là “sự nghèo khó Tin Mừng.”
(4) Tin Mừng của Sự Quên Mình Tuyệt Ðối: Thánh Luca nhấn mạnh đến nhu cầu hiến dâng hoàn toàn cho Ðức Kitô.
(5) Tin Mừng của Sự Cầu Nguyện và Chúa Thánh Thần: Thánh Luca cho thấy Ðức Giêsu cầu nguyện trước mỗi biến cố quan trọng trong sứ vụ. Chúa Thánh Thần đưa Giáo Hội đến cùng đích tuyệt hảo.
(6) Tin Mừng của Niềm Vui: Thánh Luca thành công trong việc trưng dẫn niềm vui cứu độ đã lan tràn trong Giáo Hội tiên khởi.
Thánh Luca là người viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Tin Mừng thứ ba và Công Vụ Tông Ðồ. Trong hai cuốn này, ngài cho thấy sự song hành giữa đời sống Ðức Kitô và của Giáo Hội.
Thánh Luca (Hy ngữ: Loukás) là một trong 4 tác giả Phúc Âm, lễ kính ngày 18-10. Thánh Luca sinh tại Bithynia, là dân Hy Lạp cổ đại, thuộc thành phố Antiôkia ở Syria cổ. Các giáo phụ thời Giáo Hội sơ khai nói rằng ngài là tác giả của Phúc Âm theo Thánh Luca và sách Công vụ Tông đồ, mới đầu chỉ là tác phẩm văn chương bình thường. Về sau, quyền tác giả của Thánh Luca được tái xác nhận bởi các vị uy tín của Kitô giáo như Thánh Giêrônimô và Eusêbiô (Jerome và Eusebius), mặc dù các học giả (đời và đạo) vẫn đồng ý về việc thiếu chứng cớ xác thực về tác giả.
Trong Tân ước, Thánh Luca chỉ được nhắc tới vài lần, và được Thánh Phaolô gọi là “thầy thuốc” trong thư gởi giáo đoàn Côlôxe. Như vậy, ngài được coi là thầy thuốc và môn đệ của Thánh Phaolô. Được các Kitô hữu thời sơ khai coi là thánh, ngài được coi là vị tử đạo mặc dù các chứng cớ khác nhau.
Giáo Hội Công Giáo tôn kính Thánh Luca là Thánh sử, và một số giáo phái lớn tôn kính ngài là bổn mạng các họa sĩ, y bác sĩ, học sinh sinh viên, người bán thịt.
Trong thư gởi Philêmôn, Thánh Phaolô có nhắc tới các cộng sự viên là Mác-cô, A-rít-ta-khô, Đê-ma và Lu-ca (câu 24). Thánh Luca cũng được nói tới trong Cl 4:14 và 2 Tm 4:11. Tài liệu khác về Thánh Luca có niên đại từ thế kỷ II, nhưng về sau được xác định là cuối thế kỷ IV, có ghi trong lời mở đầu của Phúc Âm theo Thánh Luca. Tuy nhiên, Helmut Koester nói rằng phần sau (chỉ có trong bản gốc Hy ngữ) có thể được biên soạn hồi cuối thế kỷ II.
Thánh Luca không là người Do Thái, nghĩa là không được cắt bì. Là người Hy Lạp nên ngài viết Phúc Âm bằng Hy ngữ. Khác với ý kiến của Thánh Êpiphaniô, Thánh Luca không thể ở trong số 72 môn đệ (Lc 10:1-9), vì ngài nói rõ rằng ngài chưa hề gặp mặt Đức Kitô (x. Lc 1:1-4). Như vậy, khá lạ khi Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng trong lễ Thánh Luca lại nói về việc Chúa Giêsu sai 72 môn đệ, đi theo từng cặp. Hơn nữa, Thánh Luca không được Chúa Giêsu hoán cải, mà được Thánh Phaolô hoán cải sau khi Chúa Giêsu về trời.
Rất có thể Thánh Luca học nghề thuốc ở Tarsus, trường y cạnh tranh với Alexandria và Athens, và là trường y lớn nhất Hy Lạp cổ đại. Có thể Thánh Luca đã gặp Thánh Phaolô vào thời điểm này.
Không ai biết Thánh Luca là người mới theo Do Thái hoặc trực tiếp gia nhập Kitô giáo, nhưng chúng ta biết rằng ngài có kiến thức uyên bác về Cựu ước. Hơn nữa, rõ ràng Thánh Luca không chỉ biết Thánh Phaolô, mà còn biết nhiều Tông đồ và các môn đệ. Chính ngài đã chứng minh điều đó, khi ngài soan thảo Phúc Âm, ngài đã “cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự” (Lc 1:3) với các nhân chứng biết rõ cuộc đời Chúa Giêsu. Trong các nhân chứng đó không chỉ có một mình Thánh Phaolô mà còn nhiều người khác.
Còn nữa, Thánh Phaolô thường kết hợp Thánh Luca với Thánh Máccô. Chúng ta biết rằng Thánh Máccô là người gần gũi với Thánh Phêrô, do đó chúng ta có thể nói rằng Thánh Luca cũng quen thân với Thánh Phêrô và các Tông đồ khác.
Phúc Âm theo Thánh Luca dài hơn các Phúc Âm khác – mặc dù Phúc Âm theo Thánh Matthêu nhiều chương hơn. Phúc Âm theo Thánh Luca có nhiều câu và nhiều từ hơn, dĩ nhiên số chữ tính theo bản gốc bằng Hy ngữ. Trong các sách Tân ước, Phúc Âm theo Thánh Luca dài nhất – với 19.482 chữ, và sách Công vụ dài thứ nhì – với 18.451 chữ. Hai cuốn này dài bằng tất cả các thư của Thánh Phaolô cộng lại.
Thánh Luca giúp Thánh Phaolô nhiều trong khi thực hiện sứ vụ. Khi bị tù ở Rôma, Thánh Phaolô rất tin tưởng và quý mến Thánh Luca nên đã căn dặn Thánh Timôthê: “Chỉ còn một mình anh Lu-ca ở với tôi. Anh hãy đem anh Mác-cô đi với anh, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi” (2 Tm 4:11). Người ta tin rằng, sau khi Thánh Phaolô qua đời, Thánh Luca rao giảng Phúc Âm tại Ý, Gaul (Galát), Dalmatia, Macedon, và có thể cả ở Ai Cập.
Một số Giáo phụ cho rằng Thánh Luca chịu tử đạo, có thể bị đóng đinh vào cây ô-liu ở Elaea, thuộc Peloponnesus gần Achaia. Cách hiểu này có từ Thánh Hippolytus. Các Thánh Gregory Nazianzen, Paulinus, và Gaudentius thành Grescia cũng nói rằng Thánh Luca chịu tử đạo. Mặt khác, nhiều người khác (kể cả Thánh Bede và nhiều vị tử đạo) chỉ nói rằng “Thánh Luca chịu đau khổ nhiều vì đức tin và chết già ở Bithynia”.
Thánh Luca sống độc thân để phục vụ Thiên Chúa, không vợ không con, đầy Thần Khí Chúa, và qua đời lúc 84 tuổi. Thi hài ngài được đưa tới Constantinople và an táng tại Nhà thờ Các Tông Đồ, nhà thờ này do Hoàng đế Constantine xây dựng. Đầu ngài được đưa tới Rôma, đặt tại Tu viện Thánh Anrê. Các phần khác được đặt tại Tu viện Grecian trên Núi Athos.
Sau cuộc Thập Tự Chinh, thánh tích Thánh Luca được chuyển tới Nhà thờ Padua, và nghiên cứu khoa học năm 1992 đã xác nhận là chính xác. Chiếc xương sườn (gần trái tím) được đưa trở về Hy Lạp và lưu giữ tại Thebes. Ngoài ra, Thánh Luca là một họa sĩ. Ngài đã có các bức họa đầu tiên vẽ Đức Mẹ, Chúa Giêsu, Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Người ta còn cho rằng hình Đức Mẹ Vladimir (Đức Mẹ Đen Czestochowa – Black Madonna of Czestochowa) được vẽ theo các hình có chữ viết của chính Thánh Luca.
Thánh Luca cũng được coi là tác giả của bức họa “acheiropoieta” (tượng không có tay). Hình Đấng Cứu Thế này được đặt tại một nhà nguyện đặc biệt ở trên Lầu Thánh (Holy Stairs) gần Đền thờ Latêranô ở Rôma, cũng gọi là Uronica. Truyền thống cho rằng Thánh Luca khởi sự làm tượng, nhưng được các thiên thần hoàn tất.
Tại sao Thánh Luca có biểu tượng là Con Bò? (Thánh Matthêu có biểu tượng là Người, Thánh Máccô có biểu tượng là Sư Tử, Thánh Gioan có biểu tượng là Đại Bàng). Bốn con vật này xuất xứ từ sách Ngôn sứ Êdêkien và Khải Huyền. Thánh Luca có biểu tượng là Con Bò xuất hiện từ thời các Giáo phụ, với hai lý do:
Thứ nhất, Phúc Âm theo Thánh Luca bắt đầu với Tư tế Dacaria và cuộc truyền tin về Thánh Gioan tẩy Giả. Của lễ dâng trong Đền Thờ là con bê hoặc con bò, điều này phù hợp để lấy Con Bò làm biểu tượng của Thánh Luca.
Hơn nữa, Thánh Luca biểu hiện chức tư tế của Đức Kitô rõ nét nhất trong các Phúc Âm. Việc sử dụng hình tượng con bò nhắc nhớ lễ hy sinh được các tư tế thời Cựu ước và thể hiện chức tư tế đời đời của Chúa Giêsu.
Thứ nhì, Thánh Luca có biểu tượng là Con Bò vì con bò nỗ lực lao động, đó là biểu tượng của việc rao giảng Phúc Âm: “Anh (em) không được bịt mõm con bò đang đạp lúa” (Đnl 25:4) và “Đừng bịt mõm con bò đang đạp lúa, làm thợ thì đáng được trả công” (1 Tm 5:18). Thánh Luca là người làm việc nhiều trong việc rao giảng Phúc Âm, đặc biệt là giúp đỡ Thánh Phaolô. Do đó, biểu tượng Con Bò thể hiện sức lao động của con bò trong Phúc Âm và sự chịu đau khổ vì danh Đức Giêsu Kitô.
Thực tế người ta rất ít sử liệu để viết về cuộc đời của thánh Luca, thánh sử, tông đồ. Tuy nhiên, người ta có thể dựa vào câu nói: ”Văn tức là người” để tìm hiểu về thánh Luca. Không có một sử liệu nào ghi rõ thánh Luca sinh ra ở đâu và vào năm nào. Nhưng qua nhiều tài liệu thu thập được, người ta biết được thánh Luca là một y sĩ thời danh và là một nhà văn giỏi, nổi tiếng. Dựa vào Tin Mừng và sách Công vụ tông đồ của thánh Luca, chúng ta có thể nhận định về con người của thánh Luca như sau:
Thánh Luca đã viết Tin Mừng để diễn tả tình thương xót bao la của Chúa qua nhiều dụ ngôn rất ấn tượng và đầy chất người của Ngài: ”dụ ngôn người Samaria nhân hậu, người con hoang đàng, những kẻ thu thuế, những kẻ bị những chứng bệnh nan y vv”… Thánh nhân nói về ơn cứu rỗi phổ quát và đại đồng trong Tin Mừng của Ngài. Ngài không đóng khung trong những người nhà, nghĩa là người Do Thái, người có đạo, nhưng Tin Mừng của Ngài trải dài tới mọi dân tộc và những người ngoại đạo cũng được Ngài tiếp đón ân cần. Đọc Tin Mừng của Ngài, vai trò của người nghèo được đề cao vì Chúa đã đồng hóa với những kẻ nghèo, những kẻ đơn sơ, nhỏ bé. Tin Mừng của Ngài cũng là Tin Mừng của cầu nguyện và của Chúa Thánh Thần. Thánh Luca cũng thường cho chúng ta thấy niềm vui trong Tin Mừng của Ngài; “niềm vui của Hội Thánh tiên khởi, hân hoan vì Chúa phục sinh, Chúa Thánh Thần hiện diện và cộng đoàn được tràn đầy ơn cứu rỗi”.
Thánh Luca là một người ngoại giáo, khi thánh Phaolô rao giảng Tin Mừng ở thành Troa, Ngài xin tòng giáo, lãnh nhận bí tích rửa tội, xin làm môn đệ thánh Phaolô và theo Ngài đi loan báo Tin Mừng trong nhiều năm liền. Khi thánh Phaolô bị bắt, chúng ta không còn biết gì về quảng đời cuối cùng của Ngài nữa. Theo nhiều tài liệu, và chứng cớ tìm được ở Constantinople, thánh Luca đã rao giảng Tin Mừng cứu độ ở Achaie, Béoti và sau này được đặt làm giám mục Thébes. Theo một sử liệu đáng tin cậy, thánh Gaudence de Brescia quả quyết rằng thánh Luca đã cùng đượcphúc chịu tử vì đạo với thánh Anrê tại Patras thành Achaie.
Thánh Luca đã để lại cuốn Tin Mừng rất giá trị nói lên tình thương vô biên của Thiên Chúa với cách hành văn thật trong sáng, cảm động và với một lối viết văn thật rõ ràng, gợi cảm. Ngài cũng trình bầy cho nhân loại hiểu về sinh hoạt đầy niềm vui của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, cho thấy Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và luôn hành động, luôn hướng dẫn và soi sáng cho Giáo Hội.
Mừng lễ thánh Luca tông đồ, thánh sử, chúng ta cảm tạ tri ân Thiên Chúa vì đã ban cho Giáo Hội một vị thánh lừng danh đã để lại cho nhân loại cuốn Tin Mừng và cuốn công vụ tông đồ tuyệt hảo.
Lạy thánh Luca, thánh sử xin giúp chúng con luôn sốt sắng và nhiệt thành tìm hiểu Lời Chúa trong Tin Mừng. Amen.
Chúa gọi một con người sau khi Chúa đã cầu nguyện lâu giờ và hỏi ý Chúa Cha. Việc chọn người này, người kia, người nọ vào chức vụ này, chức vụ kia của Hội Thánh là hoàn toàn do ý của Chúa, là do tình thương nhưng không của Ngài. Chúa không dựa trên bề ngoài, vóc dáng hoặc cao, gầy, thấp, cao. Chúa gọi ai làm môn đệ của Chúa là do quyết định hoàn toàn của Ngài. Thánh Luca được mời gọi làm Apostoloi, làm tông đồ cho Chúa, nghĩa là người được sai đi, Ngài lệ thuộc vào Chúa vì thuộc trọn về Người.
THÁNH LUCA
Mặc dù khi viết lại Tin Mừng của Chúa Giêsu, thánh Luca không cho biết Ngài sinh ra ở đâu và sinh vào năm nào, nhưng theo nhiều tài liệu để lại, thánh nhân là một thầy thuốc, hành nghề ở Antiôkia và Ngài cũng là một văn sĩ giỏi. Tin Mừng về cuộc đời của Chúa Giêsu do Ngài viết diễn tả tài nghệ điêu luyện của Ngài về cách hành văn, về lối viết lưu loát và truyền cảm của Ngài. Thánh nhân là một người ngoại giáo đã theo thánh Phaolô nhiều năm trên đường giảng đạo. Thánh Phaolô đã loan báo Tin Mừng ở thành Troa, Luca đã tin, đã xin theo đạo và đã xin đi theo thánh Phaolô làm môn đệ của Ngài. Vào giai đoạn thánh Phaolô bị bắt giữ, người ta không biết gì về quãng đời cuối cùng của Ngài. Tuy nhiên, theo một tài liệu tìm được ở Constantinople, thánh Luca đã lần lượt loan báo Tin Mừng ở Achaie, ở Béotie, sau này làm Giám mục ở Thébes. Thánh Luca đã cùng lãnh nhận triều thiên tử đạo cùng với thánh Anrê tại Patras thuộc vùng Achaie. Ðọc Phúc Âm của thánh Luca, điểm nổi bật nhất nơi ngòi viết của Ngài là lòng thương xót. Thánh sử Luca đã thuật lại nhiều dụ ngôn rất cảm động và thấm thía như dụ ngôn hai người con, người trộm lành, ông Giakêu thu thuế, người Samaritanô nhân hậu. Thánh Luca cũng chú ý rất nhiều đến việc cầu nguyện, lòng khiêm tốn, chân thành và đơn sơ. Thánh nhân còn viết tông đồ công vụ nói lên sự hiệp nhất, sinh hoạt của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, một cộng đoàn luôn làm mọi việc theo ý Chúa. Nhờ ngòi bút của Ngài, mọi người hiểu rằng Giáo Hội của Chúa ngay từ lúc ban đầu luôn có Chúa Thánh Thần hoạt động và hiện diện.
CUỘC ÐỜI THÁNH LUCA LUÔN LÀM RẠNG NGỜI BỘ MẶT CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ:
Thánh Luca, một trong bốn thánh sử đã để lại cho hậu thế một lịch sử sáng ngời của Ðấng Cứu Thế: Chúa Giêsu Kitô. Chỉ cần đọc Phúc Âm của một trong bốn thánh sử, nhân loại ở muôn thời sẽ thấy rõ cả cuộc đời của Chúa Giêsu. Ðó là nét nổi bật nhất của các thánh sử. Tuy nhiên, với thánh Luca, khi đọc Tin Mừng của Ngài, nhân loại sẽ nhận ra lòng thương xót của Chúa, nhìn ra bộ mặt đầy yêu thương của Chúa Giêsu, và như thế thánh Luca đã làm sáng danh Chúa vì chính Ngài đã ghi lại những nét đặc sắc nhất của cuộc đời Chúa Giêsu Kitô.
Thánh Luca như nhiều vị thánh khác đã hy sinh cả mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa là Ðàng, là Sự Thật và là Sự Sống. Ngài xứng đáng lãnh nhận triều thiên vinh quang của Chúa. Muôn đời nhân loại sẽ không bao giờ quên được công ơn to lớn của thánh sử Luca.
Lạy thánh Luca, xin cầu bầu cùng Chúa cho chúng con, để chúng con luôn nhận ra lòng thương xót của Chúa.
Nếu như thánh sử Mát-thêu diễn tả dung mạo của Chúa Giê-su theo lối văn dành cho những tầng lớp tri thức; thánh Mác-cô diễn tả Chúa Giê-su theo lối văn kể chuyện, dành cho những tầng lớp bình dân; thánh Gioan diễn tả dung mạo Chúa Giê-su theo lối văn suy ngắm, chiêm niệm, thì thánh sử Lu-ca lại phác hoạ Thầy Giê-su Chí Thánh của mình theo lối văn của một người thầy thuốc.
Thánh nhân diễn tả Chúa Giê-su là một Thầy Thuốc Nhân Lành - Vị Thầy Thuốc đặc biệt của cả thân xác lẫn tâm hồn những người khốn khổ, lầm than, đau yếu và tội lỗi.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng đã diễn tả rất rõ về điều đó. Trong bài Tin Mừng, thánh Lu-ca tường thuật lại việc Chúa Giê-su sai phái các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa cho muôn dân. Chúa Giê-su ví người môn đệ được sai đi như những chiên con đi vào giữa bầy sói. Họ là những nắm men, những hạt muối được gieo vào thế gian để ướp mặn cho đời. Họ ra đi với đầy rẫy những hiểm nguy, gian khó đang rình chờ và sẵn sàng nuốt chửng họ bất cứ lúc nào. Trước những khó khăn như thế, người môn đệ sẽ phải làm gì; phải đối diện ra sao?
Chúa Giê-su ngay lập tức trả lời cho chúng ta rằng điều cần thiết mà người môn đệ phải làm là hãy từ bỏ mọi sự: không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép; và ngay cả đến việc chào hỏi những người dọc đường cũng không nên làm. Tại sao vậy? Thưa, bởi lẽ đó chính là những cám dỗ sẽ làm cho người môn đệ bị xao nhãng trong việc bổn phận của mình.
Chúa Giê-su muốn các môn đệ từ bỏ mọi sự để chỉ mang trong mình tình yêu thương và sự bình an của Chúa mà thôi, hay đúng hơn là mang chính Chúa đến cho mọi người.
Thánh sử Lu-ca diễn tả đó chính là liều thần dược có thể chữa lành mọi bệnh tật. Với liều thần dược này, người môn đệ có thể diệt trừ mọi quỉ dữ và chữa lành tất cả những người đau khổ, tội lỗi… Rõ ràng, thánh Lu-ca có một lối nhìn rất sâu xa về Người Thầy Chí Thánh của mình – một Vị Thầy Thuốc Nhân Lành luôn hết lòng yêu thương, chăm sóc những con người đau yếu, khốn khổ… Có thể nói ngài thực sự là một ngòi bút sắc sảo diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa.
Người môn đệ mà thánh Lu-ca nhắc tới trong bài Tin Mừng không chỉ là Nhóm Mười Hai nhưng là tất cả những người theo Chúa (trong đó có cả bạn và tôi). Như thế, Chúa đang mời gọi mỗi người chúng ta hãy ra đi loan báo Tin Mừng tình yêu của Chúa cho mọi người. Đứng trước lời mời gọi như thế, chúng ta sẽ làm gì nếu không phải là sự mau mắn đáp trả để trở nên những nắm men, những hạt muối mặn nồng cho thế gian; và điều quan trọng cần phải làm là từ bỏ mọi sự để chỉ mặc lấy tình yêu thương và sự bình an của Chúa, hay đúng hơn là mặc lấy chính Chúa mà thôi. Đó là hành trang và cũng chính là liều thần dược ta cần phải có cho cuộc hành trình theo Chúa.
Với khóe nhìn của một vị thầy thuốc, thánh sử Lu-ca đã khắc họa cho ta hình ảnh một Đức Giê-su Ki-tô tràn đầy yêu thương và giàu lòng trắc ẩn. Trong ngày lễ mừng kính thánh nhân hôm nay, chúng ta cùng cầu xin ngài chuyển cầu cùng Chúa cho ta, để cũng như ngài, ta có được những cảm nghiệm sâu xa về tình yêu và lòng xót thương vô bờ bến của Thiên Chúa.
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính Thánh Luca, Tác Giả Sách Tin Mừng. Thánh nhân là ai? Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta biết thánh sử là một trong những cộng sự của Thánh Phaolô: “Anh thân mến, anh Đêma đã bỏ tôi, bởi yêu mến thế gian này; anh ta đã đi Thêxalônica. Anh Cơrétxen đã đi sang miền Galát, anh Titô đi sang miền Đanmatia. Chỉ còn một mình anh Luca ở với tôi” (2 Tm 4:10-11). Dù người khác bỏ Thánh Phaolô, Luca không bỏ rơi. Điều này chứng tỏ thánh nhân là một người “trung thành” với ơn kêu gọi của mình và sẵn sàng gắn bó và cộng tác với người khác trong công việc loan báo Tin Mừng. Đây chính là điều đầu tiên chúng ta có thể học hỏi ở thánh nhân. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta không cộng tác với những người chúng ta thấy không hợp, không thích. Chúng ta đánh đổi niềm vui mang Chúa đến cho người khác với một vài cảm xúc khó chịu khi sống và làm việc chung với người khác. Đừng để bất kỳ điều gì cướp mất niềm vui rao giảng Tin Mừng của chúng ta.
Như chúng ta biết, Thánh Luca được xem là tác giả của Tin Mừng và Sách Công Vụ Các Tông Đồ. Ngài được đồng hoá với Luca của Thánh Phaolô, là một thầy thuốc được yêu thương (x. Cl 4:14). Vì vậy, thánh nhân là bổn mạng của các y bác sĩ và phẫu thuật gia. Biểu tượng của thánh sử là con bò [hay con bê] bởi vì đây là những biểu tượng của hy tế – hy tế của Chúa Giêsu cho toàn thể nhân loại. Mừng lễ kính thánh sử, chúng ta được mời gọi biến cuộc đời chúng ta thành một hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa qua việc biến cuộc đời mình thành một Tin Mừng sống động để loan báo sứ điệp tình yêu và tha thứ của Thiên Chúa cho mọi người.
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc “Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10:1). Chi tiết này cho thấy, nhóm môn đệ này khác với nhóm Mười Hai. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là “chính Chúa Giêsu chỉ định” họ chứ không phải họ tự chỉ định. Từ chỉ định ở đây có thể được hiểu là “chọn.” Họ được chọn để được sai “từng hai người một đi trước” Chúa Giêsu. Vai trò của họ là được sai đi như những người báo tin, những người chuẩn bị cho người khác để đón Chúa Giêsu. Đây là điều Thánh Luca đã làm qua việc trình thuật những gì Chúa Giêsu đã làm, đã nói. Đây cũng là sứ mệnh của mỗi người chúng ta. Chúng ta được chọn và sai đi để chuẩn bị anh chị em chúng ta đón nhận Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không được sai đi một mình mà được sai đi với anh chị em của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần học làm việc với nhau hay đúng hơn, chúng ta được chọn và sai đến với nhau trước khi được chọn và sai đến những người bên ngoài. Một chi tiết quan trọng khác là việc các ông được sai đi đến “tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.” Những lời này ám chỉ rằng các môn đệ không đi đến những nơi mình muốn đến, mà đến những nơi Chúa muốn đến.
Trước khi sai các môn đệ đến những nơi Ngài muốn đến, Chúa Giêsu trình bày cho họ (1) thái độ họ cần có trước khi ra đi, (2) những điều cần thiết họ phải mang cho hành trình, (3) những điều họ cần phải nói, và (4) những điều họ cần phải làm. Chúng ta cùng nhau chia sẻ vắn tắt về những điều này.
Thái độ cần có trước khi các môn đệ được sai đi là thái độ cầu nguyện liên lỉ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10:2). Nhờ cầu nguyện, các môn đệ sẽ ý thức được mình là thợ gặt chứ không phải chủ mùa gặt. Nói cách khác, cầu nguyện giúp cho người môn đệ biết được căn tính của mình. Qua cầu nguyện, người môn đệ sẽ nhận ra rằng: mọi sự bắt đầu từ Thiên Chúa và trở về với Ngài. Nếu không gắn bó với Ngài, người môn đệ sẽ không gặt hái gì cho Thiên Chúa, mà chỉ chiếm lấy “chiến lợi phẩm” cho chính mình.
Theo Chúa Giêsu, điều cần thiết cho hành trình là sự “hiền lành và đơn sơ” của con chiên. Khi có hai điều này, người môn đệ nhận ra rằng những thứ vật chất như túi tiền, bao bị, giày dép hoặc những mối tương quan chào hỏi mang tính xã giao dọc đường không phải là những thứ quan trọng cho hành trình (x. Lc 10:3-4). Nếu chúng ta xem xét kỹ, chúng ta sẽ nhận ra rằng, hiền lành và đơn của con chiên ám chỉ về Chúa Giêsu, Đấng là Chiên Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta nhận ra điều Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ mang theo cho hành trình là chính Ngài.
Sứ điệp hoà bình hay sứ điệp bình an là điều các môn đệ phải rao giảng: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em” (Lc 10:5-6). Đây là điều mà Chúa Giêsu mang đến cho con người. Vì vậy, đây cũng là điều mà các môn đệ phải mang đến cho người khác. Nói cách khác, các môn đệ Chúa Giêsu phải là những con người của bình an, những người mang lại hoà bình chứ không phải là những người mang chiến tranh. Nhưng đáng buồn thay, điều này không luôn luôn xảy ra nơi các môn đệ Chúa Giêsu. Chúng ta đã từng chứng kiến những “trận chiến tàn khốc” giữa những người tự hào mình là môn đệ Chúa Giêsu. Hãy trở nên những con người mang lại hoà bình! Điều này chỉ có được khi chúng ta có được sự bình an của Chúa Giêsu. Thứ bình an này chính là hoa trái của một cảm nghiệm “được yêu và được tha thứ vô điều kiện.”
Cuối cùng, điều các môn đệ cần làm là “chấp nhận” những gì người khác “trao tặng” cho mình, dù đó là điều tốt hay chống đối. Nhưng trên hết, họ phải làm hai điều mà chính Chúa Giêsu làm, đó là “chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’” (Lc 10:9). Người môn đệ là người chữa lành những vết thương của anh chị em mình. Điều này mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ sống của mình. Chúng ta phải chân nhận rằng, nhiều lần chúng ta thay vì chữa lành anh chị em, chúng ta lại tạo ra những vết thương nơi thân xác và nhất là trong tâm hồn [tâm trí] của anh chị em mình. Hãy là những người chữa lành, chứ đừng gây tổn thương cho người khác. Đây chính là điều Thánh Luca đã thực hiện, không chỉ với nghề nghiệp của mình, nhưng với ơn gọi và sứ mệnh của ngài như là một thánh sử.
1/ Trước khi trở lại đạo, Luca là một y sĩ nên trong các sách Tin mừng của Ngài có nhiều tiếng thường gặp trong các loại sách y học thời đó nhất là trong sách Công Vụ Tông Đồ của Ngài cho biết rõ: Ngài là một thầy thuốc, chính Ngài đã săn sóc, giúp đỡ Thánh Phao-lô trong những lúc ốm đau, tù đày; ngoài ra Ngài còn là một họa sĩ, và là người đầu tiên vẽ chân dung của Đức Maria.
2/ Luca là Môn đệ, là cộng sự viên, là một người bạn đồng hành thân tình của Thánh Phao-lô trong cuộc hành trình truyền giáo thứ hai tới Troa và Philiphê, Ngài thường sống bên cạnh Phao-lô cả những lúc tù đày cũng như khi phải ra trước tòa án Roma, và đã ở bên cạnh cho tới khi Thánh Phao-lô chết.
3/ Chính Luca cũng bị giam tù 2 lần, sau khi Thánh Phao-lô chết. Ngài đến rao giảng cho dân chúng thành Akai-da và viết sách Tin Mừng vào khoảng năm 63, viết sách Công vụ Tông đồ vào năm 70. Ngài qua đời lúc 84 tuổi, theo truyền khẩu thì Ngài chịu tử đạo ở Bacti-ca.
4/ Như vậy, Thánh Luca là tác giả 2 cuốn sách. Qua các tác phẩm ấy, chúng ta thấy Ngài là một Ki-tô hữu có học thức nhất thời Giáo hội sơ khai; dù vậy Ngài rất khiêm tốn, chỉ muốn sống âm thầm, đến nỗi dù một chút gì nếu chúng ta muốn biết về Ngài, cũng phải đọc những dòng chữ của Ngài bằng kính phóng đại.
5/ Ngài là con người dịu dàng, hiền hòa. Tất cả lối hành văn của Ngài đều quan tâm đến con người, thông cảm con người, liên hệ tới người nghèo, hào hiệp với phụ nữ.
6/ Ngài đã thu thập và kể lại những lời nói và việc làm đầy nhân nhân hậu của Chúa Ki-tô, Ngài nhấn mạnh: Đức ki-tô nhân từ vô cùng, những người tội lỗi là đối tượng tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa.
7/ Chúng ta biết ơn Ngài. Vì nhờ Ngài mà chúng ta có được những Dụ Ngôn cây vả khô chồi, đứa con hoang đàng, người Samari nhân hậu. Chúng ta biết ơn Ngài vì câu chuyện người trộm thống hối, và cả 5 mầu nhiệm mùa vui Mân Côi, vì chỉ có một mình Ngài tường thuật những sự kiện ấy.
8/ Ngoài ra sách Công vụ Tông đồ của Ngài được coi là cuốn Lịch sử đầu tiên của Giáo hội Công giáo, kể lại mọi hoạt động của các Tông đồ, nhất là Phê-rô, Phao-lô. Điều quan trong mà sách Luca muốn chứng minh là: Mặc dù có nhiều nhân vật hoạt động nhưng đó chỉ là những vai phụ, còn vai chính là Chúa Thánh Thần; nên sách Công vụ Tông đồ được gọi là sách Tin mừng của Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con sống ngây thơ, hiền hòa và ngay thẳng như Thánh Luca của con. Amen.
Thánh Luca tác giả sách Tin Mừng được mừng kính ngày 18 tháng 10 hợp với các niên lịch Byzantin, Syria và Hiêrônimô. Ngày lễ này ở phương Đông gọi là sinh nhật thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng, đã được đưa vào phương Tây ở thế kỷ IX và vào Rôma năm 866.
Theo truyền thống, thánh Luca người gốc Syria, có thể là Antiôkia, nơi đây ngài làm nghề thầy thuốc (xem Cl 4, 14: Người anh em chúng tôi là Luca, thầy thuốc). Ngài là bạn đồng hành của thánh Phaolô trong hành trình truyền giáo lần thứ hai, khoảng năm 49, khi thánh tông đồ đem ngài theo từ Troas đến Philíp, và từ Philíp đến Giêrusalem. Ngài còn ở lại với thánh Phaolô ở Rôma, trong những ngày cuối đời của thánh tông đồ (xem 2 Tm 4, 11). Sau khi thánh Phaolô tử đạo, ngài bỏ Rôma và người ta mất dấu vết của ngài. Theo Gaudence de Brescia thì ngài đi truyền giáo ở Achia, Patras với thánh André; còn theo thánh Hiêrônimô thì ngài đến Béotia, và trở thành giám mục thành Thèbes. Người ta không biết gì chắc chắn về cái chết của ngài. Theo một truyền thống xưa (Gaudence), có thể ngài đã chịu tử đạo với thánh André ở Patras (Hi Lạp), hưởng thọ 84 tuổi.
Thánh Luca được tôn kính như bổn mạng của các thầy thuốc và họa sĩ, vì người ta cho rằng ngài là tác giả một bức chân dung Đức Mẹ, được kính ở nhà thờ Đức Bà Cả, Rôma. Chắc hẳn đây chỉ là một truyền thuyết. Thực ra, những bức tranh đẹp nhất của ngài là ở trong những trang sách Tin Mừng của ngài.
Khoa vẽ hình thánh thường trình bày ngài khi thì đứng chung với ba tác giả Tin Mừng khác, bên cạnh là một con bò mộng có cánh, biểu tượng của ngài; khi thì vẽ ngài đang viết sách Tin Mừng (tiểu ảnh trong sách Phúc Âm của Egbert, Trève), hay ngài đang vẽ Chúa Kitô trên thập giá (Zurbarán, Madrid). Nguời ta cũng vẽ ngài đang hoạ bức chân dung Đức Mẹ (Van den Weyden, Boston), hay đang chỉ về Đức Mẹ (El Greco, Tolède).
I. Thông điệp và tính thời sự
Lời Nguyện của ngày nhắc lại rằng Thiên Chúa đã chọn thánh Luca “để mạc khải cho những người nghèo khó mầu nhiệm tình yêu của Người, qua việc rao giảng và viết sách Tin Mừng của thánh Luca.” Thực vậy, qua những dụ ngôn và tường thuật, Tin Mừng của ngài mạc khải dung mạo nhân từ của Thiên Chúa và tỏ lộ Chúa Giêsu như bạn của các người thu thuế và tội lỗi (15,2). Vì thế thi hào Đantê diễn tả thánh Luca như “Scriba mansuetudinis Christi,” (Văn sĩ của của Chúa Kitô nhân từ). Đức Kitô đến trước tiên là vì những người nghèo mà Người tuyên bố là có phúc (6,20): Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó … Và Người công bố trong hội đường ở Nazareth “Thần Khí Chúa ngự trên tôi … Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (4,18). Cũng như Đức Maria hát trong bài Magnificat: “Đấng Toàn Năng nâng cao những người khiêm nhường, và ban của đầy dư cho người đói khát” (1, 49.52-53).
Cũng trong lời nguyện này, chúng ta xin Chúa ban cho các tín hữu được “tâm đầu ý hợp.” Trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Luca thích mô tả cộng đoàn Kitô hữu ở Giêrusalem như chỉ có một lòng một trí (1,14). Các tín hữu đầu tiên tập hợp chung tại một nơi (2,1), chuyên cần trong tình hiệp thông huynh đệ (2,42), họ sống hiệp nhất với nhau và chia sẻ cho nhau tất cả những gì họ có (2,44). Sau cùng, lời nguyện kết thúc bằng việc nài xin ơn cứu độ cho “mọi dân tộc trên thế giới.” Thực vậy, thánh Luca chứng minh rõ ràng tính phổ quát của Tin Mừng, trong sách Công Vụ, nhất là qua lời rao giảng và sứ mạng của thánh Phaolô, vị tông đồ đã đem Tin Mừng tới tận Rôma, giữa lòng Đế Quốc Rôma.
Lời Nguyện trên lễ vật, chúng ta xin sự “chữa lành và vinh quang”. Cũng thế, bài đọc Tin Mừng của ngày lễ vẽ lại cho chúng ta cảnh Chúa Giêsu sai nhiều môn đệ đi truyền giáo, đặc biệt Người nói: “Các con vào thành nào … hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với dân chúng: Triều đại Thiên Chúa đã rất gần anh em” (Lc 10, 9). Về “vinh quang”, phụng vụ rõ ràng lấy ý tưởng của thánh Phaolô: “Chính vì thế mà Thiên Chúa đã kêu gọi anh em nhờ Tin Mừng, để anh em được hưởng vinh quang của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (2 Tx 2, 14; xem Điệp Ca 2 giờ Kinh Sáng). Chúa Giêsu kêu gọi các tín hữu chia sẻ vinh quang với Người, trong cùng một sự sống thần linh, được Chúa Thánh Thần là nguồn hoan lạc làm cho sinh động: “Còn các môn đệ mới gia nhập thì được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần” (Cv 13, 52).
Lời Nguyện sau hiệp lễ khích lệ chúng ta “tin vững vàng hơn vào Tin Mừng mà thánh Luca đã truyền lại cho chúng ta”. Tâm điểm của Tin Mừng – quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ tin (Rm 1,16)–, có Chúa Giêsu, Lời cuối cùng và hoàn hảo của Thiên Chúa, nơi cư ngụ của Thánh Thần mà Người đổ xuống trên các tông đồ. Thánh Luca muốn chứng tỏ rằng Tin Mừng được nhắm tới và loan báo cho toàn thế giới. Là bạn đồng hành của thánh Phaolô trong một phần của các hành trình truyền giáo và trong những giờ phút cuối cuộc đời của thánh Tông đồ (xem 2 Tm 4, 9), bản thân ngài đã rao giảng trước khi viết thành sách. Và ngài cho thấy Chúa Giêsu, sau khi sai mười hai môn đệ, còn sai nhiều môn đệ khác đi truyền giáo (Lc 10).
Các bản văn thánh lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ mừng việc loan báo Lời này: Đẹp thay bước chân người sứ giả trên những ngọn đồi loan tin hòa bình, người sứ giả loan Tin Mừng cứu độ (Ca Nhập lễ). Con cái ngươi sẽ rao truyền vinh quang của triều đại ngươi, loan báo cho mọi người những chiến công của ngươi, vinh quang và vẻ huy hoàng của triều đại ngươi … (Thánh Vịnh 144). “Hãy tường thuật cho muôn dân vinh quang của Chúa, cho muôn nước những kỳ công của Người.” (Xướng đáp bài đọc Kinh Chiều).
Bài giảng của thánh Gregoire Cả được đề nghị trong Phụng Vụ Giờ Kinh Sách kể lại một đoạn rất hợp thời hôm nay: “Bây giờ chúng ta hãy nghe Người (Chúa Giêsu) nói với các môn đệ mà Người sai đi rao giảng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ sai thợ gặt tới đồng lúa Người.” Thợ gặt thì ít đang khi lúa chín đầy đồng. Chúng ta không thể không lặp lại lời này mà không cảm thấy chua xót.
Kinh nguyện là một trong những chủ đề ưa thích của thánh Luca. Tin Mừng ngài trình bày Chúa Giêsu như người thờ phượng tuyệt hảo, luôn luôn cầu nguyện và trò chuyện với Cha (3, 21; 5, 16; 6, 12; 9, 28-29; 11, 1; 22, 40-46; 23, 46). Cũng vậy, sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông Đồ ở Giêrusalem, “tất cả đều một lòng một trí, chuyên cần cầu nguyện, cùng với mấy phụ nữ, trong số đó có Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu” (Cv 1, 14). Thánh Luca dành cho Đức Mẹ một chỗ đứng quan trọng.
Các chủ đề ưa thích khác của thánh Luca là lòng thương xót, Thập giá và sự từ bỏ, nhưng nhất là niềm vui. Hồng Y Martini viết: “Thánh Luca sử dụng 5 động từ khác nhau để diễn tả niềm vui trong 27 đoạn khác nhau của Tin Mừng ngài. Chúng ta có một ví dụ cảm động về đề tài này ở chương 15” gồm các dụ ngôn con chiên lạc, đồng tiền tìm lại được và đứa con hoang đàng.
Thánh Luca là một y sĩ đã trở về với đức tin vào khoảng năm 40, và sau đó theo thánh Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo thứ hai. Trong những năm tháng cuối đời của vị Tông Đồ Dân Ngoại, thánh Luca luôn ở bên cạnh vị ngài. Tác giả Phúc Âm thứ ba và sách Tông Đồ Công Vụ đã lưu lại cho chúng ta rất nhiều trình thuật quí báu về thời thơ ấu của Chúa Kitô và cho chúng ta nhìn thấy hình ảnh tuyệt đẹp về lòng thương xót của Thiên Chúa.
1 Phúc Âm thánh Luca - nỗ lực nên hoàn thiện của chúng ta.
Đẹp thay trên các núi non, bước chân của những người loan báo Tin Mừng.
Chúng ta hãy cám ơn thánh Luca vì ngài đã đem tin mừng đến cho nhân loại. Ngài đã là một công cụ trung thành của Chúa Thánh Thần. Được ơn linh hứng thúc đẩy, thánh nhân đã để lại Phúc Âm về cuộc đời Chúa Giêsu và lịch sử Giáo Hội trong thời kỳ sơ khởi.
Như mọi kiệt tác khác, các sách Thánh Kinh cũng cần sự cộng tác nhân loại. Sự trợ giúp của Thiên Chúa không loại bỏ tài năng con người. Chính thánh Luca cũng nói đến sự chuyên cần trong công việc: Sau khi cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thánh nhân mới tuần tự viết ra. Ngài cho thấy thông tin ấy phù hợp với chứng từ của những người đã được chứng kiến ngay từ đầu. Công việc biên soạn đòi hỏi phải có những cuộc phỏng vấn các chứng nhân, trước tiên là Đức Maria, các Tông Đồ, và những người được hưởng các phép lạ khi ấy đang còn sống. Thánh Jerome nhận định lối văn của thánh Luca là phản ảnh về mức khả tín về các nguồn tài liệu của thánh nhân.
Nhờ thánh Luca đã ân cần đáp ứng ơn Chúa Thánh Thần, ngày nay chúng ta mới diễm phúc đọc được trình thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu và những dụ ngôn tuyệt đẹp mà chỉ mình ngài ghi lại. Chúng ta nhớ đến dụ ngôn người con hoang đàng, câu chuyện người Samaria nhân hậu, đoạn kể về Lazarus nghèo khổ và ông nhà giàu. Và cũng chỉ có Phúc Âm của ngài đã ghi lại sự kiện hai môn đệ về làng Emmaus, tường tận đến từng chi tiết.
Thánh Luca đã mô tả lòng thương xót Chúa dành cho những ai cùng khốn một cách rõ nét hơn các thánh sử khác. Ngài nhấn mạnh đến tình yêu Chúa Kitô dành cho các tội nhân để minh chứng Chúa đã đến để cứu vớt những kẻ đã hư mất. Thánh nhân còn kể cho chúng ta sự kiện Chúa tha thứ cho người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Chúa đã ghé thăm nhà ông Giakêu đầy tai tiếng, và ánh nhìn của Chúa đã biến đổi Phêrô sau khi đã trót chối Thầy. Thánh Luca ghi lại lời hứa của Chúa Kitô dành cho người trộm lành sám hối, và lời cầu của Chúa dành cho những kẻ đã đóng đinh và lăng mạ Người trên đồi Canvê.
Vai trò phụ nữ trong xã hội - một điều không được coi trọng trong thế kỷ đầu của Kitô Giáo - đã có một chỗ đứng quan trọng trong Phúc Âm thánh Luca. Chúa Giêsu ra sức phục hồi phẩm giá cho phụ nữ, và chỉ có vị thánh sử này đã mô tả nhiều nhân vật nữ, chẳng hạn bà góa thành Naim, người phụ nữ sám hối đã rửa chân Chúa, những phụ nữ Galilê đạo đức đã dâng cúng tài sản, đi theo phục vụ Chúa và các tông đồ trên đường truyền giáo, rồi hai chị em thân thiết tại làng Bethany, người đàn bà còng lưng được Chúa chữa lành, và nhóm phụ nữ thành Jerusalem khóc thương khi Chúa vác thánh giá lên núi Canvê.
Chúng ta có nhiều điều để cám ơn thánh Luca. Đức Gioan Phaolô I trước khi đắc cử Giáo Hoàng đã viết một bức thư tưởng tượng gửi cho thánh sử Phúc Âm thứ ba: Ngài là người duy nhất đã lưu lại cho chúng tôi trình thuật cảm động về cuộc giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Kitô để chúng tôi có thể đọc một cách tâm đắc vào những mùa Giáng Sinh. Trong trình thuật ấy, có một câu nổi bật hơn hết: ‘Được quấn trong khăn tã, Hài Nhi được đặt nằm trong máng cỏ.’ Chỉ một câu ấy mà thôi đã đưa đến bao nhiêu hang đá và hàng ngàn bức tranh xinh đẹp khắp thế giới.’ Những tác phẩm nghệ thuật ấy mời gọi chúng ta đến chiêm ngưỡng đời sống Thánh Gia tại Bêlem và chia sẻ cuộc sống hằng ngày của các ngài tại Nazareth.
Hôm nay, chúng ta suy về mức độ hoàn hảo và nỗ lực cần thiết phải có trong công việc. Tuy không đòi nổi bật đến mức làm mọi người phải kinh ngạc, nhưng tất cả những công việc được làm tử tế vì Chúa sẽ có giá trị muôn đời. Đây là món quà quí giá chúng ta luôn sẵn có để dâng lên Chúa. Những công việc được thực hiện thiếu nhiệt thành hoặc thiếu cẩn trọng đều không xứng đáng, bởi vì chúng không làm đẹp lòng Chúa và không mưu ích cho tha nhân. Chúng ta hãy xét lại cung cách chu toàn các trách nhiệm chúng ta hằng ngày phải dâng tiến vì vinh danh Đấng Tạo Thành.
2 Sứ điệp thánh Luca. Họa Sĩ của Đức Mẹ.
Chúng ta gặp những giáo huấn căn bản của Chúa Kitô trong Phúc Âm thánh Luca. Ngài đã làm nổi bật tầm quan trọng của sự khiêm nhượng, chân thật, nghèo khó, chấp nhận thánh giá, và nhu cầu cám tạ Thiên Chúa. Tình yêu đối với Chúa khiến chúng ta phải biết ơn thánh Luca về sự tinh tế nơi tâm hồn ngài được biểu hiện qua công trình tuyệt vời. Từ xa xưa, các tín hữu đã xưng tụng thánh Luca là họa sĩ của Đức Trinh Nữ. Một số bức tranh về Đức Mẹ được truyền tụng là do thánh nhân vẽ ra.
Phúc Âm thánh Luca là căn bản cho tri thức về lòng sùng kính Đức Mẹ và đem lại cảm hứng cho nghệ thuật Kitô Giáo suốt nhiều thế kỷ qua. Ngoài Chúa Giêsu, không ai đã được mô tả một cách đầy yêu mến trong Phúc Âm như Đức Mẹ Maria. Dưới ơn linh hứng Chúa Thánh Thần, thánh sử Luca đã viết cho chúng ta về những đặc ân Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ. Mẹ được đầy ơn phúc và Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Là Mẹ Chúa Giêsu, Đức Maria đã thụ thai nhờ phép Chúa Thánh Thần mà vẫn trọn đời đồng trinh, và được mật thiết liên kết với mầu nhiệm cứu độ. Mọi thế hệ sẽ ngợi khen Mẹ là Đấng diễm phúc, bởi Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ những điều kỳ diệu, thật đúng như lời một phụ nữ đã cất tiếng chúc mừng Mẹ Chúa Giêsu.
Việc Mẹ Maria đã trung thành đáp ứng với ơn gọi thật hiển nhiên. Mẹ đã khiêm nhượng đón nhận lời truyền tin của tổng thần Gabriel về chức phẩm làm Mẹ Thiên Chúa, và hết tâm hồn cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa. Mẹ vội vã lên đường giúp đỡ người khác. Hai lần, thánh Luca đã cho chúng ta biết Mẹ Maria đã ghi nhớ và suy niệm trong lòng về tất cả những điều ấy. Chắc hẳn Đức Mẹ đã tỏ cho thánh Luca biết những ký ức đầy thân thương trong cuộc sống của Mẹ với Chúa Giêsu.
3 Đọc Phúc Âm với thái độ tôn kính.
Chúng ta hãy trân trọng di sản của thánh Luca bằng việc suy gẫm những lời cao quí và đầy sức sống ngài đã để lại cho chúng ta về Chúa Cứu Thế. Chúng ta hãy xin thánh nhân cho chúng ta được niềm vui và nhiệt tâm tông đồ của những tín hữu thời Giáo Hội sơ khởi khi chúng ta đọc sách Tông Đồ Công Vụ, tức là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần.
Theo tập tục cổ xưa, khi một tín hữu bị phiền sầu hoặc hoang mang, họ thường mở Phúc Âm và đọc câu đầu tiên gặp được. Hễ ai chạm vào Người đều được chữa lành. Thánh Luca đã ghi lại như thế. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục thông ban cho chúng ta sự can trường và sức mạnh của Người mỗi khi chúng ta tiếp xúc với Người qua những lời hằng sống của Người.
Những tác phẩm của thánh Luca dạy chúng ta biết phải luôn sống theo lời Chúa. Chúng ta cần phải luôn kiếm tìm lòng thương xót Chúa và sống với Chúa là người bạn thân trung thành đã thí mạng sống vì chúng ta. Thánh Luca đã đưa chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Giêsu ngày nay, trong giai đoạn có quá nhiều tư tưởng sai lầm về Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, đá tảng cuộc sống của mọi người. Chúa là hiện tượng ý nghĩa nhất đã đến với nhân loại suốt trên hai mươi thế kỷ qua. Những lời thần lực của Phúc Âm đưa chúng ta đến tiếp xúc với Đấng Cứu Thế: một điều không một tác phẩm nào khác có thể làm được. Vì thế, chúng ta hãy tìm về Phúc Âm để học khoa học tuyệt vời là được biết Chúa Kitô Giêsu, như lời thánh Phaolô đã xác quyết với các tín hữu Philippians, bởi vì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô.
Phúc Âm phải là cuốn sách được mọi Kitô hữu yêu chuộng bởi vì thiếu Phúc Âm, chúng ta không thể hiểu biết Chúa Kitô. Chúng ta suy gẫm và tìm hiểu ý nghĩa của các trình thuật. Khi mở Phúc Âm, bạn hãy nghĩ những điều được viết trong đó – những lời giảng và những việc làm của Chúa Kitô – không chỉ là những điều bạn cần phải hiểu, mà còn phải sống nữa. Tất cả mọi điều được viết trong đó đã được thu thập từng chi tiết một cho bạn, để bạn làm cho chúng sống động trở lại trong cuộc sống của chính bạn. Như các tông đồ, bạn cũng hãy sốt sắng thưa lên, ‘Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?’ Và trong linh hồn, bạn sẽ nghe câu trả lời dứt khoát, ‘Hãy làm theo thánh ý Thiên Chúa!’ Hằng ngày bạn hãy cầm Phúc Âm lên, hãy đọc và sống theo như một qui luật. Đó là điều các vị thánh đã làm.
Chắc chắn thánh Luca thường xuyên suy gẫm những hành vi của Chúa Kitô mà ngài viết lại. Thánh nhân sẽ dạy cho chúng ta biết yêu mến Phúc Âm như các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai. Trong Thánh Kinh, chúng ta tìm được lương thực cho linh hồn, bởi vì Phúc Âm là nguồn mạch sự sống tinh thần minh sáng và trường cửu.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca nói về việc Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, đem bình an của Chúa đến cho nhân loại. Khi sai các môn đệ lên đường truyền giáo, Chúa Giêsu cũng cho họ biết rõ tinh thần cần có của người loan báo Tin Mừng; đó là thanh thoát và trung kiên trong thử thách gian khó
Người môn đệ truyền giáo trước hết phải là người thanh thoát với tiền của và sự giàu có. Con tim của họ không được dính bén đến tiền bạc để hoàn toàn thuộc về Chúa. Đây là điều kiện đầu tiên để bắt đầu cuộc hành trình của người truyền giáo. Chúa không muốn họ đi vào con đường giàu sang nhưng là con đường nghèo khó. Nghèo khó đến độ không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Nếu trong sứ mạng hoạt động có nhiều tiền bạc thì sử dụng nó một cách hữu ích và không ngoan, nhưng không được dính bén. Nếu họ là người dính bén đến tiền bạc thì họ không phải là môn đệ đích thật của Chúa. Thật thế, chính Chúa Giêsu đã từng cảm tình về một người thanh niên giàu có và đạo đức, nhưng anh không thể theo Chúa vì con tim anh còn quá dính bén vào của cải. Vì vậy, nếu chúng ta muốn theo Chúa trên hành trình tuyền giáo thì hãy chọn lối sống nghèo khó, thanh thoát với tiền bạc. Nếu như chúng ta có tiền bạc thì đó là ân huệ của Thiên Chúa ban để bạn phục vụ chứ không phải để hưởng thụ. Người môn đệ loan báo Tin Mừng không sợ cuộc sống nghèo, nhưng ngược lại sẵn sàng sống nghèo giữa những người nghèo để làm chứng cho Tin Mừng.
Thứ đến, người môn đệ phải là người dám hy sinh và bền tâm trong mọi thử thách. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rất rõ: Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi như “những con chiên vào giữa bầy sói.” Hành trình truyền giáo của người môn đệ sẽ có nhiều khó khăn thử thách phía trước. Vì vậy, ngoài việc không dính bén đến tiền của họ cần có tinh thần quảng đại hy sinh và bền tâm trước những khó khăn thử thách với niềm tin không sợ hãi và hy vọng vào Tin Mừng của Chúa. Chính thánh Phaolô đã xác tín “trong mọi thử thách tôi sẽ không sợ hãi gì vì Chúa ở cùng và ban sức mạnh cho Ngài. Ngày nay, ở nhiều nơi cũng có nhiều Kitô hữu chịu bách hại vì Tin Mừng và bị vu khống. Việc bách hại của những lời vu khống, của những tin đồn làm nhiều người Kitô hữu thậm chí là cả các Giám mục, Linh muc cũng phải chịu nhiều đau khổ. Chúng là thử thách đòi hỏi người môn đệ của Chúa phải quảng đại hy sinh bản thân vì ích lợi của Tin Mừng. Đó là tinh thần thứ hai mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta. Ngoài thách đố vì bách hại và vu khống ra, người loan báo Tin Mừng còn phải chịu một thử thách nữa đó là sự cô độc. Nhiều lúc họ bị cảm thấy mình bị bỏ rơi hay bị từ chối (x 2Tm 2,16). Trong mọi thử thách đớn đau ấy, nếu người môn đệ có lòng nhiệt huyết và bền tâm sẽ dần cảm nhận được rằng Thiên Chúa luôn ở cùng và thêm sức mạnh cho họ. Tinh thần này cũng chính là tâm tình của Chúa Giê su trên thập giá “Lạy Chúa, sao Cha bỏ rơi con”.
Hôm nay, Giáo Hội kính thánh Luca tác giả sách Tin Mừng. Ngài là một người loan báo Tin Mừng thanh thoát, quảng đại hy sinh, giàu lòng thương xót và trung thành. Ngài chính là bạn đồng hành hay cộng sự viên rao giảng Tin Mừng rất đắc lực của thánh Phaolô. Mừng kính ngài, chúng ta hãy cầu nguyện cho mình có được tinh thần thanh thoát, quảng đại và trung kiên trong việc loan báo Tin Mừng; đồng thời chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, các Giám Mục, Linh Mục và các nhà truyền giáo để họ có thể biết cách bước đi trên con đường mà Thiên Chúa muốn.
--Cát biển Thánh Luca đã tường thuật việc Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Qua đó cho thấy thánh ý Thiên Chúa muốn việc rao giảng Tin Mừng không chỉ dành riêng cho các tông đồ, mà còn có những người khác cũng được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng, họ là những môn đệ được sai đi từng hai người một để cộng tác với nhau, giúp đỡ cho nhau… khi đang thi hành sứ vụ rao giảng (x. Lc 10,1-2).
Hôm nay đây, Chúa Giêsu cũng vẫn đang mời gọi các Kitô hữu tham gia vào sứ mạng rao giảng Tin Mừng như các môn đệ xưa, trong đó cũng có tôi. Để được là người môn đệ – những cộng tác viên đắc lực của Thiên Chúa – Thiết nghĩ tôi phải biết từ bỏ bản thân, dứt khoát với nếp sống cũ kỹ của con người xác thịt của mình bằng cách tham gia vào việc tông đồ dưới nhiều hình thức, mà Giáo Dân Đa Minh chính là một trong những hình thức đó.
Môn đệ ngày nay cần phải thích nghi với những đòi hỏi của thời đại nhưng cũng không quên nhắc nhở mình phải siêu thoát với của cải vật chất và những hệ lụy của nó.
Vậy truyền giáo là gì, mà tôi cũng được mời gọi thực thi ?
Với tôi:
Truyền giáo là những việc làm thiết thực để giảm bớt những đau khổ tinh thần và vật chất cho tha nhân.
Truyền giáo là sẵn sàng dấn thân nhập cuộc như “chiên con đi vào giữa bầy sói” dám đương đầu với những gian nguy, thử thách đang chờ đón phía trước; cậy nhờ vào ơn Chúa chứ không phải sức mình và những phương tiện vật chất (túi tiền, bao bị, giày dép…)
Truyền giáo là chiến thắng bạo lực của sự dữ, nhưng không phải bằng bạo lực; mà chính bằng lời tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa, bằng cách phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa, bằng chính sự dịu hiền của Thiên Chúa.
Truyền giáo là một vinh dự được chung phần vào mầu nhịêm thập giá của Đức Kitô.
Truyền giáo là biết chyên cần cầu nguyện xin chủ ruộng sai thêm nhiều thợ đến gặt lúa của Người.
Truyền giáo là biết chu toàn bổn phận của mình mỗi ngày bằng tâm tình mến Chúa, yêu người.
Lạy Chúa, trên hành trình tiến về nhà Chúa, xin giải thoát con khỏi những ràng buộc của bản thân, của lề thói xã hội; để con biết trao ban cho anh em chính Chúa chứ không phải chính bản thân con. Xin Chúa cho con luôn sẵn sàng lên đường, dám lao mình vào nơi bất định trên tinh thần nhẹ nhàng và thanh thoát. Amen.
Thánh Luca là người Hy Lạp ngoại giáo trở lại, và là môn đệ của Thánh Phaolô. Người là tác giả sách Phúc Âm thứ ba và sách Tông Ðồ Công Vụ.
Thánh Luca là người học thức, có tài viết văn, có tài kể chuyện, người đề tặng cả hai tác phẩm của mình cho một nhân vật thế giá tên là Têôphim, mới theo đạo Kitô. Thánh Luca viết sách Tin Mừng khoảng giữa năm 70 và 75 sau công lịch, nhấn mạnh đến:
Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ mọi người, giao hoà nhân loại với Thiên Chúa. Chúa thu hút nhân loại bằng những đức tính cao cả của Ngài. Ngài luôn cầu nguyện ngợi khen Chúa Cha.
Thiên Chúa nhân từ và thương xót.
Tinh thần bỏ mình và nghèo khó.
Thánh Luca dùng lời lẽ có ý nghĩa để diễn tả lại những trường hợp Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót các phụ nữ hư hỏng, và phục hồi quyền lợi thế giá cho họ. Người đã kể lại những câu chuyện có ích lợi đặc biệt cho dân ngoại, như các chuyện bà Mađalêna, ông Giakêu, người trộm lành, người Samaria nhân hậu.Tin Mừng theo Thánh Luca có lẽ là sách Tin Mừng hấp dẫn nhất
Trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, không phải chỉ có nhóm tông đồ mà còn có cả nhóm môn đệ nữa. Chủ ý của Thánh Luca trong bài tường thuật này là muốn cho mọi người hiểu rằng không riêng gì các tông đồ mà là tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Và như thế, nhiệm vụ truyền giáo là bổn phận của tất cả mọi người, không loại trừ ai.
Trước cánh đồng truyền giáo bao la, Chúa Giêsu tha thiết có những thợ gặt cho cánh đồng bát ngát của niềm tin: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2).
Tuy là một lời mời gọi rất khẩn thiết, nhưng người thợ gặt phải như lòng Chúa mong ước, đó là những thợ gặt chuyên cần, luôn biết quan tâm, tha thiết cho mùa gặt. Nếu chậm trễ, hạt lúa niềm tin có thể bị hư mất, bị cơn lũ thế gian cuốn trôi đi. Chính vì thế, tiêu chuẩn của người thợ gặt mà Chúa thao thức trước hết là phải có lòng can đảm, dấn thân, không ngại khó, ngại khổ. Vì thế mà Chúa Giêsu đã ví hình ảnh người được sai đi: “Như chiên con vào giữa bầy sói” (Lc 10,3).
Tiếp đến, người thợ gặt phải hết lòng thao thức với việc gặt lúa, không được xao nhãng với sứ vụ, không bị phân tâm bởi những ý nghĩ khác, không bám víu vào của cải vật chất, không nỗ lực tìm kiếm và coi vật chất là mục đích của đời mình, bởi vì, “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6,21).
Trái lại, phải biết sống phó thác, đơn sơ, khó nghèo: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10,4). Chỉ khi sống thanh thoát với tiền bạc, của cải, danh vọng, người môn đệ mới biết phó thác vào Chúa, tin tưởng vào Chúa như lời Thánh Vịnh: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105).
Không màng đến của cải, vật chất, gia tài duy nhất mà người môn đệ mang theo là nguồn bình an của Chúa, sự bình an đích thực, không giống như sự bình an giả tạo của thế gian. Sự bình an có được khi người môn đệ biết tín thác, tin tưởng vào Chúa. Từ đó, người môn đệ lan tỏa sự bình an đến cho những người mình gặp gỡ: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này'” (Lc 10,5). Có bình an trong tâm hồn, người môn đệ chỉ chú tâm vào một điều duy nhất là làm chứng cho Đức Kitô, như những lời chia sẻ của Thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).
Cánh đồng truyền giáo bao la, bát ngát, vẫn đang cần những người thợ gặt dấn thân cho sứ vụ. Truyền giáo phải là mối ưu tư hàng đầu của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Đó không chỉ là nhiệm vụ của riêng một số người được tuyển chọn, nhưng là của tất cả những người Kitô Hữu, những người nhận lãnh lệnh truyền từ chính Chúa Kitô: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
Và ta được mời gọi chứng cho Đức Kitô không chỉ bằng lời nói, nhưng còn phải bằng chính cuộc sống của chúng ta. Một cuộc sống thấm đượm tình yêu thương, bác ái nơi gia đình, ngõ xóm, nơi trường học, công ty, xí nghiệp, hay bất cứ nơi nào chúng ta tới. Đó sẽ là một minh chứng rõ nét nhất về sự hiện diện của Thiên Chúa, và là một lời rao giảng hùng hồn nhất về tình yêu của Thiên Chúa giữa thế giới.
Theo tường thuật của Thánh Luca, Chúa Giêsu đã sai đi rao giảng không phải chỉ nhóm 12 tông đồ mà còn cả nhóm 72 môn đệ nữa. Luca muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ngài cũng sai “từng nhóm hai người” như ngầm ngụ ý: việc loan Tin mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không phải là độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người khác.
Nhưng trên hết, trình thuật hôm nay nhắm đến 3 công việc mà người truyền giáo phải biết, đó là:
+ Cầu nguyện: cầu nguyện cho Hội Thánh có nhiều thợ lành nghề theo như lòng Chúa mong muốn.
+ Sống thanh thoát với của cải: vì cái mà người truyền giáo cần có là ơn Chúa chứ không phải là những phương tiện vật chất (túi tiền, bao bị, giày dép…)
+ “Chữa lành các bệnh tật”; Đây là việc làm chính của người truyền giáo. Người truyền giáo phải là người làm giảm bớt đi những đau khổ tinh thần và vật chất nơi tha nhân.
Nhưng xem ra lối sống của người tín hữu hôm nay chỉ nhắm đến việc giữ đạo, sống đạo mà ít quan tâm đến việc truyền giáo. Có mấy ai đã cầu nguyện cho việc truyền giáo? Có mấy ai đã biểu lộ việc truyền giáo bằng việc sống thanh thoát với của cải trần gian và xoa dị nỗi đau cho anh em?
Thành thực mà nói cũng có, nhưng rất ít. Có khi chỉ là một cánh én đơn độc nên vẫn chưa mang lại mùa xuân truyền giáo cho Giáo hội. Ngay cả các sứ giả hôm nay cũng được sai đi nhưng cũng chỉ là để đến với tín hữu, đến với những cộng đoàn có đạo để củng cố niềm tin cho họ, và dường như Giáo hội Việt Nam vẫn chưa có một linh mục được sai đi chỉ để loan báo tin mừng cho dân ngoại. Chính vì thế, rất nhiều linh mục đến với những vùng hẻo lánh, các ngài lại chú trọng việc xây cất cho bằng chị bằng em, nhưng lại thiếu thời giờ để đến với lương dân.
Có lẽ, chính vì thế từ người giáo dân đến linh mục đều chú trọng việc sống đạo nhưng không có sáng kiến mục vụ để thu hút người ngoại đạo, kể chi đến việc mang tin mừng đến cho anh em lương dân. Giáo hội đã quá chú trọng đào tạo nhân sự từ linh mục, tu sĩ, tông đồ giáo dân nhưng đều được tung vào vườn nho để quản lý vườn nho mà không được mang đến cánh đồng truyền giáo bát ngát. Giáo hội cũng tốn kém rất nhiều tiền bạc vào việc đào tạo nhân sự nhưng lại không bao giờ tặng anh em lương dân một tấm hình đạo, một quyển phúc âm… như là một hình thức giới thiệu đạo Chúa cho anh em. Dường như các chủ chăn chỉ loay hoay gìn giữ các con chiên và cũng chẳng mấy khi đi tìm kiếm con chiên lạc trở về, và có lẽ khó mà có thời giờ đến với muôn dân không thuộc đàn chiên của mình.
Hôm vừa rồi, có một cán bộ tôn giáo nói với tôi: “Nếu giáo hội Công giáo không quan tâm đủ đến người dân tộc thiểu số ở trong xứ đạo, coi chừng họ theo Tin Lành hết”. Được biết người tín hữu tin lành họ rất quan tâm đến anh em lương dân của họ. Họ luôn tìm cách tiếp cận và giới thiệu tin mừng cho anh em lương dân. Họ coi đây là việc làm hàng đầu của người tín hữu. Họ không quan trọng việc đi lễ hay các bí tích, nhưng điều quan yếu của họ là làm sao tin mừng đến được với muôn dân.
Giáo hội vẫn nói sứ mạng hàng đầu của Giáo hội là truyền giáo, nhưng xem ra hành vi truyền giáo vẫn chưa cụ thể, vẫn chung chung… Chúa Giê-su không gọi chung chung, Ngài cũng không sai đi chung chung, nhưng Ngài gọi từng người một và sai đi. Ngài sai đi không phải đến một làng, một vùng mà đến các vùng lân cận để rao giảng. Xem ra Giáo hội là truyền giáo nhưng lại thiếu những con người có thể đi đến với những làng lân cận mà rao giảng Nước Thiên Chúa như 72 môn đệ. Không có cuộc ra đi. Không có mùa gặt hái. Không có mùa bội thu. Giáo hội vẫn là thiểu số giữa muôn dân, muôn sắc tộc.
Hôm nay không phải là ngày Khánh Nhật Truyền Giáo nhưng lời Chúa vẫn vang vọng bên tai chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Lời Chúa vẫn nhắc nhở chúng ta về sứ vụ truyền giáo của Giáo hội, của chúng ta là thành viên của Giáo Hội. Chúa Giê-su vẫn tiếp tục sai chúng ta ra đi gặt lúa của Người. Chúa Giê-su vẫn tha thiết kêu mời chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội có thêm thợ lành nghề. Chúa Giê-su vẫn mời gọi chúng ta hãy ra khỏi chính mình để đến với những kẻ bất hạnh lầm than, để xoa dịu nỗi đau cho nhân thế.
Ước gì đời ky-tô hữu chúng ta luôn là một đời truyền giáo bằng gương lành bác ái, bằng lời nói về Chúa cho tha nhân. Xin cho chúng ta luôn thao thức về cánh đồng truyền giáo đang chính vàng, nếu không nhanh tay thì chim trời sẽ ăn hết. Thế nên, mỗi người chúng ta cần thể hiện tinh thần truyền giáo của mình cách cụ thể quá lời nói và việc làm của mình. Amen.
Muốn Hội Thánh được phát triển, cần có nhiều môn đệ Đức Ki-tô đi làm việc Tông Đồ, để tập họp thêm nhiều người vào Hội Thánh. Vì việc Tông Đồ không phải chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ, mà là của toàn thể giáo dân biết cộng tác với các chủ chăn của mình. Do đó, ông Lu-ca đã cho chúng ta nhận thức về sứ mệnh Tông Đồ của mọi Ki-tô hữu như sau :
1. Mọi Ki-tô hữu phải làm Tông Đồ cho Chúa. 2. Làm Tông Đồ là làm chứng cho sự thật. 3. Làm Tông Đồ là kêu gọi đồng loại đến gặt lúa chín. 4. Muốn làm Tông Đồ phải được Hội Thánh sai đi. 5. Đường Tông Đồ là đường chông gai. 6. Tông Đồ phải sống tinh thần nghèo khó. 7. Làm Tông Đồ là đi cấp cứu người. 8. Muốn được bình an phải loan báo Tin Mừng.
1/ MỌI KI-TÔ HỮU PHẢI LÀM TÔNG ĐỒ CHO CHÚA.
Đức Giê-su không chỉ muốn chọn 12 người đàn ông Do Thái làm môn đệ để họ làm việc Tông Đồ cho Ngài, mà Ngài còn muốn mời gọi muôn dân trên trái đất. Đó là lý do Ngài chọn 70 hay 72 môn đệ (x Lc 10,1a). Ta biết con số 70 (theo bản văn tiếng Hipri) hay số 72 (theo bản văn tiếng Hy-Lạp) môn đệ Đức Giê-su chọn là hình ảnh con cháu ông Noe sau lụt Hồng Thủy (x St 10), mà lụt Hồng Thủy là hình ảnh tiên báo về Bí tích Thánh Tẩy ; đồng thời số 72 cũng là dòng giống dân Israel (x Xh 1,5). Do đó những ai đã nhận Bí tích Thánh Tẩy đều là giống nòi của Israel mới, để có nhiều môn đệ cộng tác vào việc Nước Thiên Chúa, như thuở xưa một mình ông Mô-sê điều hành Israel không nổi, nhạc phụ ông đã khuyên nên chọn lấy 72 vị kỳ lão để tiếp tay với ông (x Xh 18,13t).
Vào thời Tân Ước, hàng giáo sĩ là hiện thân Nhóm 12 của Đức Giê-su chọn, cũng cần phải được nhiều giáo dân cộng tác. Bởi thế, trước khi Ngài lìa biệt Nhóm Mười Một về cùng Cha, Ngài truyền lệnh cho môn đệ đi khắp thế gian tập họp môn đệ cho Ngài bằng hai việc: Làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và dạy họ tuân giữ những Lời Chúa Giê-su đã truyền (x Mt 28, 19-20), thì công việc Mục Vụ của Hội Thánh mới đạt được kết quả cao.
Vì thế giáo huấn Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Hội Thánh số 35 dạy: “Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới cả những lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế”. Cụ thể ông Luca chỉ là một giáo dân, nghề lương y, đã theo giúp ông Phao-lô. Ông đã điều tra cẩn thận về đời sống của Đức Giê-su cũng như giáo lý của Ngài, rồi ông viết lại cho chúng ta hai tác phẩm là sách Tin Mừng và sách Tông Đồ Công Vụ. Ông Phao-lô còn nói với môn đệ Ti-mô-thê: “Dẫn Mác-co đến với tôi, vì anh ấy rất hữu ích cho việc phục vụ của tôi ; còn anh Ty-khi-cô thì tôi đã sai đi Ê-phê-sô”. Loan báo Tin Mừng có khi phải trực tiếp, có khi gián tiếp cộng tác, giúp đỡ các chủ chăn. Đan cử: Ông Phao-lô nhờ ông Ti-mô-thê đến nhà ông Các-pô ở Trôa lấy giúp chiếc áo khoác ngoài cũng như các sách vở và những cuộn giấy da (x 2 Tm 4,10-17: Bài đọc), để ông Phao-lô không mất thì giờ vào việc phụ, một chỉ lo chu toàn sứ mệnh ngôn sứ. Như vậy việc Tông Đồ là của tập thể ý thức cộng tác với nhau để làm ứng nghiệm Lời Kinh Thánh : “Kẻ hiếu trung với Chúa, được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang” (Tv 145/144,12a: Đáp ca).
2/ LÀM TÔNG ĐỒ LÀ LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT
Đó là lý do Đức Giê-su sai từng hai người môn đệ đi làm việc Tông Đồ (x Lc 10,1b). Không phải chỉ nhằm để họ giúp đỡ nhau, mà “đôi chứng nhân” có ý nhấn mạnh: làm Tông Đồ là đi loan báo sự thật. Vì theo theo luật Do-Thái, một điều gọi là chân lý có gía trị, phải có ít là hai người chứng (x Dnl 19,15), hầu tất cả công việc được đoán định do miệng hai, ba nhân chứng (x Mt 18,16). Nhưng chứng của hai hay nhiều người có khi còn gia tăng sự gian ác, như các chứng gian trong phiên tòa xử Đức Giê-su ! Vậy “cặp chứng nhân’’ chỉ có gía trị khi người Tông Đồ của Chúa ý thức sống những điều sau:
. Mến Chúa phải yêu người (x Mt 22,34). . Làm trước rồi dạy sau (x Mc 6,30). . Phá hủy để xây dựng (x Gr 1,10). . Đau khổ đến vinh quang (x Lc 24,26). . Nô lệ mới làm chủ (x Mc 10,35). . Lãnh nhận để dâng hiến (x Mc 10,28t). . Đời này đạt đời sau (x Lc 19,9).
Sống được những đòi hỏi như trên là dọn chỗ tâm hồn đồng loại cho Đức Giê-su đến để ban phát ơn cứu độ (x Lc 10,1b).
3/ LÀM TÔNG ĐỒ LÀ KÊU GỌI ĐỒNG LOẠI ĐẾN GẶT LÚA CHÍN
Đức Giê-su nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10,2a).
Thợ gặt ít: Suốt ba năm Đức Giê-su chọn và huấn luyện các Tông Đồ (Nhóm 12). Thế mà khi Ngài về trời, chỉ còn 11 người được Ngài sai đi. Đấy là thiếu về lượng! Còn về phẩm chất Đức Tin, thiếu mới đáng lo, vì trong số những người Đức Giê-su sai đi, có kẻ còn hoài nghi! (x Mt 28,16-17)
Muốn thêm người tham gia việc Tông Đồ, muốn bớt hoài nghi về Đức Tin, ta cần phải tích cực loan báo Tin Mừng, để quy tụ thêm nhiều người đến gặt lúa Nước Thiên Chúa, tức là đón nhận ơn cứu độ từ Hy Tế của Chúa Giê-su thiết lập, như Lời Ngài nói: “Bốn tháng có qua, mùa màng mới đến ! Này: Ta bảo các ngươi hãy ngước mắt lên mà nhìn: đồng lúa đã chín vàng chờ gặt ! Rồi kìa thợ gặt lĩnh công và thu lượm hoa mầu cho sự sống đời đời, để cho kẻ gieo một thể cùng người gặt đều hoan hỷ. Vì đây lời tục ngữ cũng thật: Người này gieo kẻ khác gặt ! Ta sai các ngươi đi gặt điều các ngươi không vất vả làm ra ! Có những kẻ khác đã vất vả rồi, còn các ngươi đã đến thừa hưởng công lao của họ” (Ga 4, 35-38).
Lý do Đức Giê-su nói: “Bốn tháng có qua mùa màng mới đến” là vì người Do Thái xuống giống vào tháng 11 đến 12 (mùa Giáng Sinh) ; mùa gặt vào giữa tháng 4 (mùa Phục Sinh). Thế thì từ mùa Giáng Sinh đến mùa Phục Sinh là bốn tháng, đây là thời gian Đức Giê-su thực thi chức Tư Tế của Ngài trên trần thế, rồi Ngài về ngự bên hữu Chúa Cha hằng chuyển cầu cho tất cả những ai đến tham dự Thánh Lễ mà Hội Thánh làm hiện tại hóa Hy Tế của Chúa Giê-su. Cho nên đi dự Lễ là gặt hái hoa trái cứu độ được Đức Giê-su cùng các thánh vất vả làm ra “mùa lúa chín vàng”.
Thế mà có mấy người biết quý trọng Thánh Lễ, đúng là mùa lúa chín thiếu thợ gặt ! Thật là chua xót đối với Đức Giê-su, mới hơn 20 thế kỷ nay, những người mang danh là Công Giáo nhất là bên Âu Châu hầu hết bỏ dự Lễ và càng không quan tâm đến việc rước lễ, không gặt hái mùa lúa chín vàng do Đức Giê-su và bao nhiêu chứng nhân đã vất vả trồng hạt Lời, và tưới bón bằng máu thịt của mình, để có mùa lúa chín chờ người gặt.
4/ MUỐN LÀM TÔNG ĐỒ, PHẢI ĐƯỢC HỘI THÁNH SAI ĐI
Đức Giê-su dạy: “Chúng con hãy xin chủ mùa sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2b). Cụ thể qua đời sống thánh Phao-lô, là một Biệt phái rất nhiệt tâm thờ Chúa theo Luật Mô-sê, ông đã trở thành kẻ giết Chúa (x Cv 9,4). Nhưng khi được Chúa Giê-su chộp lấy, huấn luyện và sai ông đi làm vườn nho cho Ngài, ông mới ý thức về việc Tông Đồ Ngài trao cho Hội Thánh, ông nói :“Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi ?’’ (Rm 10,14-15a) Với lòng xác tín như trên, nên ông Phao-lô trước khi đi truyền giảng Tin Mừng, ông đã đến gặp các thủ lãnh của Hội Thánh để nhận quyền Sai Đi, bằng không việc phục vụ của ông trở nên vô ích (x Gl 2,1-2).
5/ ĐƯỜNG TÔNG ĐỒ LÀ ĐƯỜNG CHÔNG GAI
Đức Giê-su dạy: “Thầy sai anh em đi như chiên vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). Niềm tin “ở hiền gặp lành” chỉ có thể thấy đúng trong thế giới Phục Sinh. Còn đời này phải biết rằng: “Ai càng thiết tha sống chân lý, càng gặp nhiều chống đối, nhiều kẻ ghét, và cuối cùng cô đơn !” Ta cứ nhìn vào mẫu gương sống của Đức Giê-su: Ai thánh thiện bằng Ngài ? Ai thương người bằng Ngài ? Thế mà Đức Giê-su làm Tông Đồ cho Chúa Cha chưa tròn 3 năm, thì chính những kẻ đã từng thụ ơn đã đồng lõa giết Ngài ! Trên thập gía, Ngài nhìn xuống tìm những người đã thụ ơn, họ đều trốn mất! Chỉ còn lại những kẻ chế diễu Ngài ! Ngài cất tiếng kêu cứu nơi Chúa Cha, Người lại im lặng! Đến nỗi Đức Giê-su phải thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của Con, sao Người bỏ rơi Con ” (Mt 27,46).
Thánh Phao-lô cũng nói lên sự cô đơn này: “Vì anh Đê-ma đã bỏ tôi, bởi yêu mến thế gian này; da. A-lê-xan-đê, người thợ rèn, đã gây cho tôi nhiều khốn khổ; Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ. Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tm 4,10a.14a.16-17).
Phục Vụ Tin Mừng phải chấp nhận gian khổ mới là làm vì yêu, chứ không phải như việc thương mại, và lời rao giảng đến đổ máu mới minh chứng điều ta nói là chân lý quan trọng nhất.Thánh Tông Đồ ý thức con đường theo Chúa là thế, nên ông đã nói: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập gía Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Gl 6,14). Bởi đó nếu ta theo Đức Giê-su chỉ dừng chân ở thập giá thì ta là kẻ khốn nạn nhất trên đời (1Cr 15,19), nên ta phải hướng về mầu nhiệm Phục Sinh. Chính ông Gióp lúc quá khổ, không thể lý giải sự đau khổ của mình bằng lý luận loài người. Đau khổ của ông cũng như của loài người chỉ có thể hiểu lý do, ý nghĩa và hiệu quả trong thế giới Phục Sinh, nên ông nói: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ.Lòng tôi những tha thiết mong chờ” (G 19,25-27).
Bởi vậy, chỉ trong mầu nhiệm Phục Sinh “tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban, trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 27/26,13).
6/ TÔNG ĐỒ PHẢI SỐNG TINH THẦN NGHÈO KHÓ
Đức Giê-su dạy: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.” (Lc 10,4a) Nghĩa là phải sống theo gương Đức Giê-su: “Ngài vốn dĩ là Đấng giàu có, nhưng vì chúng ta, Ngài đã trở nên nghèo khó, để chúng ta được giàu có, nhờ sự nghèo khó của Ngài !” (2 Cr 8,9) Thì người môn đệ của Đức Giê-su cũng phải cần cù làm việc để có thu nhập cao, đạt chỉ tiêu giàu có giống Đức Giê-su, nhưng vì phục vụ Tin Mừng mà ta trở nên nghèo để đồng loại được giàu có về Đức Tin ; còn người môn đệ chấp nhận nghèo khó như Thầy Giêsu không có nơi ngả đầu (x Lc 9, 58).
Vậy người môn đệ Đức Giê-su hãy sống nghèo cách cụ thể như Ngài dạy:
- Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép! (x Lc 10,4a: Tin Mừng).
- Người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. (Lc 10, 7-8: Tin Mừng).
- Chính Chúa mới là gia nghiệp đời mình. (x Tv 16/15,5)
6/ LÀM TÔNG ĐỒ LÀ ĐI CẤP CỨU NGƯỜI
Đức Giê-su dạy: “Đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10,4b). Lời căn dặn này nhắc lại cho ta chuyện ngôn sứ Ê-ly-sa sai đầy tớ là anh Ghêkhaji, cầm gậy của thầy chạy mau đến nhà bà lớn thành Shu-nem để đặt gậy lên xác con trai bà, làm cho cậu hồi sinh. Đó là việc cấp bách, nên ngôn sứ Ê-ly-sa dặn đầy tớ: “Đừng chào hỏi ai” (x 2V 4,18-37). Thế thì việc loan báo Tin Mừng là hành động cứu cấp đồng loại thoát tay tử thần, nên không còn để ý đến việc chào hỏi hay từ giã ai (x Lc 9, 61t). Nghĩa là không có gì làm bận tâm để phải trì hoãn việc loan báo Tin Mừng.
7/ MUỐN ĐƯỢC BÌNH AN PHẢI LOAN BÁO TIN MỪNG
Đức Giê-su dạy: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này !” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an sẽ trở lại với anh em”(Lc 10, 5-6: Tin Mừng). Rõ ràng việc rao giảng Tin Mừng luôn luôn phát sinh sự bình an: Ai biết đón nhận Tin Mừng, sự bình an đến với họ ; bằng không sự bình an trở về cho sứ giả Tin Mừng. Nói cách khác, làm Tông Đồ là đem bình an cho môi trường sống và phát sinh bình an trong nội tâm người loan báo. Bởi vì chính Lời Chúa có sức mạnh ban ơn, như Chúa nói: “Mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta,chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” (Is 55,10-11). Do đó thánh Phao-lô qủa quyết rằng: “Lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu.” (1Tx 2,13).
THUỘC LÒNG
Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới cả những lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế (HCHT số 35).
Thánh Luca là ai? Chúng ta chỉ biết qua là ông đã sinh ra ờ thành phố Antioch và làm nghề thầy thuốc. Ông đã theo Thánh Phaolô như là người môn đệ trung thành của thánh Phaolô.. Qua các bài đọc trong sách Tông đồ công vụ, chúng ta có thể đoán được là Thánh Luca là người đồng hành rất thân thiết với Thánh Phaolô trên đường rao giảng tin mừng cho dân ngoại, và đặc biệt nhất là trong những giai đoạn gần cuối cuộc đời của Thánh Phaolô. Mặc dù có nhiều người bỏ rơi Thánh Phaolô trong những năm qua tù đày ở Rome, nhưng Thánh Luca đã luôn trung thành và ở gần với Thánh Phaolô cho đến khi thánh Phaolô được tử vì đạo.
Thánh Luca đã viết cả hai cuốn sách đó là sách Tin Mừng Thánh Luca và cuốn Tông Đồ Công Vụ. Trong số những thứ khác, tác phẩm của ông đã thể hiện tình thương yêu sâu sắc mà Chúa Giêsu đã dành cho người đau bệnh, những người nghèo khổ, những người phụ nữ bị bỏ rơi và những người sống bên lề của xã hội. Tin Mừng của Thánh Luca đã mang lại cho những người này có tiếng nói. Thánh Luca cho chúng ta thấy được sự chăm sóc dịu dàng của Chúa Giêsu đối với những người có yếu thế, nghèo hèn, đau khổ và Thánh Luca còn nhấn mạnh cái tầm quan trọng của họ trong ánh mắt của Thiên Chúa.
Có những tin đồn người ta nói rằng Thánh Luca có thể là một trong bảy mươi hai người mà Chúa Giêsu đã chọn và sai đi rao giảng Lời Chúa như trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Lc. 10). Vì lý do mà ông đã theo Chúa ngay từ lúc đầu, nên Thánh Luca đã chứng kiến được tận mắt những việc mà Thiên Chúa đã chữa lành những ngưòi bệnh tật, cũng như chứng kiến được cảnh Chúa Giêsu luôn có những cử chỉ săn sóc và để ý riêng đến những người thiếu may mắn và cần có nhu cầu. Qua Tin Mừng của Thánh Luca, chúng ta đã nhìn được rõ sự thương yêu của Chúa Giêsu nơi mọi người một cách riêng biệt và sâu sắc.
Tin Mừng của Thánh Luca được gọi là Tin Mừng của lòng nhân hậu, từ bi và Tin Mừng của niềm vui. Có bao giờ chúng ta đã cảm nhận được là Chúa Giêsu đã nhìn chúng ta bằng con mắt nhân từ với lòng từ bi, nhân hậu??
Lạy Chúa, giúp chúng con biết mang lại niềm vui Tin Mừng đến cho mọi người.
Khi dân một làng Samaria không đón tiếp, Đức Giêsu đã đi sang làng khác. Đức Giêsu đã chỉ định bảy mươi hai môn đệ, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, để mở đường. Thực ra, con số bảy mươi hai đây chỉ là biểu tượng, không phải con số số học. Con số bảy mươi hai là lớn, nhưng thấm vào đâu so với cánh đồng lúa chín mênh mông. Lúa chín vàng không gặt sẽ rụng, khoai quá ngày không cuốc cũng hỏng. Thiếu các thừa sai, con người cũng hư mất.
Để có các Thừa sai, Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta một giải pháp, đầu tiên là sự cầu nguyện. Đối với Người, rõ ràng công việc Tông đồ, không phải là công việc của con người như tuyên truyền hay quảng cáo, nhưng là một công việc của Thiên Chúa. Thiên Chúa là chủ, Phaolô trồng, Apôlô tưới. Thiên Chúa làm cho phát triển, vì thế phải cầu nguyện. Cầu nguyện là công việc đầu tiên và cốt lõi của việc Tông đồ.
Công việc Tông đồ được Đức Giêsu gọi với danh hiệu mùa gặt. Mùa gặt, theo truyền thống Kinh thánh được dùng là hình ảnh để nói về thời kỳ sau hết, về sự can thiệp của Thiên Chúa vào thời thế mạc (Ge 4,13 & Mt 13,19 & Kh 14,15-16). Trong Đức Giêsu, thời kỳ sau hết này đã bắt đầu. Đức Giêsu nhìn thấy sự dồi dào của mùa gặt thiêng thánh ấy. Trong mùa gặt ấy, các tín hữu, những môn đệ được sai đi: “Thầy sai anh em đi”, đó là một mệnh lệnh.
Đức Giêsu không che dấu sự khó khăn trong công việc này. Đức Giêsu đã lấy hình ảnh chiên con và bầy sói, để nói lên những khó khăn đó. Vâng, trong công việc truyền giáo, người tín hữu như một con chiên con bị bầy sói tấn công. Vì thế, chúng ta đừng ngạc nhiên khi có nhiều người mất đức tin, do những thất bại to lớn trong việc truyền bá đức tin. Chúng ta cũng đừng gán cho dân ngoại, những lương dân là bầy sói. Thực ra, mọi dân ngoại, mọi người vô tín đều được Chúa yêu thương. Họ là những con chiên bơ vơ, chưa được đưa về đàn. Chúng ta có bổn phận phải đưa họ về, để chỉ có một đàn chiên và một Chủ chiên.
Điều đáng lưu ý, hành trang người truyền giáo phải có, không phải túi tiền, bao bị, giày dép… nhưng là cách sống, trước tiên là nghèo khó. Không nên ỷ lại vào các phương tiện của con người. Đức Giêsu đã không sử dụng các vũ khí quyền lực của sự giàu sang, của vẻ lộng lẫy huy hoàng… Đức Giêsu không ra vẻ trịnh trọng, Người vốn giàu sang đã trở nên nghèo khó. Yêu sách đầu tiên Chúa đòi giáo hội phải theo gương Người, là nghèo khó.
Người truyền giáo cũng không nên mất thời gian vì những cử chỉ lễ phép quá mức và dài dòng, vì những lề thói thế tục. Cũng cần chào hỏi, nhưng đừng để ảnh hưởng đến việc truyền giáo. Việc truyền giáo là việc làm cấp bách. Trong Luca, điều gây ấn tượng mạnh là sứ giả của Tin Mừng chạy khắp nơi. Đức Maria vội vã đi thăm bà Isave, các mục đồng chạy đến máng cỏ, Philiphê chạy để đuổi kịp chiếc xe của một người Ethiôpe (Cv 8,30)….
Đức Giêsu cũng dạy người truyền giáo: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này”. Vâng, sứ mệnh của người truyền giáo là thông ban sự bình an, sự bình an đó chính là Đức Kitô. Tin Mừng cũng chính là điều đó. Người ta chỉ có thể cho người khác cái mình có. Người truyền giáo cũng chỉ thông ban sự bình an của Đức Kitô cho người khác, khi người ấy có. Cũng chỉ ai đáng hưởng, sự bình an của Đức Kitô mới đậu trên người ấy, bằng không sự bình an đó sẽ quay về với nhà truyền giáo.
Về vấn đề ăn uống, nhà truyền giáo không phải bận tâm, hãy ăn những thức ăn người ta dọn cho. Không cần đặt câu hỏi: Thức ăn đó sạch hay dơ? Như thế, Đức Giêsu có ý dạy ta phải có một tâm hồn cởi mở, phóng khoáng đối với tục lệ tập quán của những người khác, chấp nhận các tục lệ văn hoá của các dân tộc mà chúng ta muốn rao giảng Tin Mừng. Nói cách khác là hội nhập văn hoá.
Tuy nhiên, sứ mạng của các môn đệ là rao giảng Nước Thiên Chúa, nói với họ về Triều đại của Thiên Chúa. Triều đại của Thiên Chúa là gì? Chính là Đức Giêsu. Với Đức Giêsu, Thiên Chúa hiển trị, Thiên Chúa ở đó ngay từ bây giờ. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa hoàn thành thế gian. Thế gian sẽ không trường tồn mãi. Lịch sử của nhân loại sẽ có lúc kết thúc. Nhưng sự chấm dứt này, không phải là hư vô. Cùng đích của vũ trụ là chính Thiên Chúa. Thế gian là một cuộc chiến đấu, Chính nghĩa Thiên Chúa sẽ thắng. Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Thánh ý của Thiên Chúa sẽ là điều tốt lành trọn vẹn của con người: Sự chữa trị các bệnh tật là một dấu chỉ của thánh ý ấy. Như Lời Chúa nói: “Anh em hãy chữa lành những người đau yếu trong thành, vì Triều đại Thiên Chúa đã đến”. Triều đại đó luôn được các môn đệ, các tín hữu công bố, dù người ta tin hay không, một ngày kia Thiên Chúa sẽ hiển trị. Đó là ngày phán xét. Dĩ nhiên những người ngoan cố chối từ, trong ngày ấy, họ sẽ bị trừng phạt hơn thành Sôđôma.
Bảy mươi hai môn đệ ra đi, trở về hân hoan, vì những thành công của họ, ngay cả ma quỷ cũng phải khuất phục. Đức Giêsu bảo họ: Điều đáng mừng hơn, đó là tên họ đã được ghi trên trời.
Một buổi tối nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng một trăm ngàn người tại vận động trường Los Angeles. Đang diễn thuyết, bỗng ông dừng lại và nói: “Xin các bạn đừng sợ. Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này”.
Đèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dày đặc. Ông John Keller nói tiếp: “Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: “Đã thấy!” Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên “Đã thấy!”
Sau khi đèn được bật sáng, ông John Keller giải thích: “Anh sáng của một hành động nhân ái nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy”.
Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: “Tất cả những ai có mang theo hộp quẹt, xin hãy đốt cháy lên!” Bỗng chốc, cả vận động trường rực sáng.
Ông John Keller kết luận: “Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, có thể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta”.
Đã qua hơn 2000 năm những lời dạy của Chúa Giêsu vẫn như đang nói với chúng ta hôm nay: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Thế giới có trên 6 tỉ người, mà kẻ tin vào Chúa mới chỉ hơn một tỉ. Riêng tại Á Châu, chiếm 2/3 dân số thế giới, nhưng người Công giáo chỉ không tới 3/o.
Cánh đồng lúa mênh mông còn bị bỏ hoang không thợ gặt hái. Thế giới này dường như vẫn còn mò mẫm trong bóng đêm dày đặc của sự dữ, của tranh chấp, của oán thù; rất cần những đốm sáng của tình thương, của khoan dung, của tha thứ. Thế nên, không lạ gì Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói”.
“Ra đi” chứ không phải “ở lại”, đó là một lệnh truyền. Cả cuộc đời của Thầy là một hành trình: Sinh ra ngoài đường, sống và rao giảng ngoài đường, cuối cùng chết cũng ngoài đường. Thầy luôn lên đường và không ngừng ra đi. Công đồng Vaticanô II cũng long trọng khẳng định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo”. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng qủa quyết: “Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc”
Vậy ơn gọi của người tín hữu Kitô là “ra đi”.
Ra đi đem “bình an” đến cho các dân tộc, bình an giữa mọi người với nhau, bình an với Chúa.
Ra đi chữa lành bệnh nơi thể xác cũng như trong tâm hồn.
Ra đi loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần, nước tình yêu và ân sủng, nước công chính và bình an.
Thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Khốn cho thân tôi: nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Nhưng việc làm mới chứng thực cho lời rao giảng, và lời rao giảng sẽ soi sáng cho việc làm. Ra đi là để làm chứng, và lời chứng sáng giá nhất chính là việc làm. Đúng như L. Moody đã nói: “Các ngọn hải đăng không thổi còi ầm ỉ, chúng chỉ chiếu sáng”.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa sai chúng con ra đi không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, là để chúng con được siêu thoát mà lên đường, không cậy dựa vào sức riêng hay trần thế, nhưng chỉ phó thác nơi một mình Chúa mà thôi.
Xin cho chúng con luôn tin tưởng lên đường, dám sống chết cho sứ mạng Chúa đã trao ban. Amen.
“Hãy đi giảng dạy!”. Đó là câu châm ngôn của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình mà Giáo Hội Việt Nam nói chung và Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã cử hành đại tang lễ. Ngay từ ngày thụ phong giám mục, Đức Tổng Giám Mục đã chọn cho mình câu châm ngôn “Hãy đi giảng dạy” cũng là mệnh lệnh truyền giáo của chính Chúa Giêsu. Đức Tổng Giám mục là một Giám mục truyền giáo. Quả thật, 40 năm kể từ ngày thụ phong Giám mục cho đến lúc từ trần, Ngài đã thể hiện câu châm ngôn sống: “Hãy đi giảng dạy”. 40 năm, con đường thật dài và khúc khuỷu. Khúc khuỷu vì những biến động của thời đại, khúc khuỷu vì những đổi thay của thể chế xã hội, chính trị và kinh tế. Và khúc khuỷu của lòng người vốn khó thăm dò. Nhưng dẫu khó khăn và khúc khuỷu đến đâu, Ngài vẫn đi. Đi trong suy tư và cầu nguyện. Đi bằng thái độ hiền hòa, khiêm tốn và kiên nhẫn. Đi trong tin tưởng và phó thác. Và Đi để giảng dạy. Vì xác tín rằng, ẩn bên trong những khúc khuỷu của thời đại và lòng người, vẫn là khát vọng được sống, sống mãnh liệt và phong phú. Và cũng xác tín rằng chỉ có Đức Kitô mới là Đấng đáp trả và đong đầy khát vọng sống mãnh liệt ấy, nên Ngài không ngừng nỗ lực giới thiệu Đức Kitô cho mọi người.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng là một Giáo hoàng truyền giáo. Ngài đã ra khỏi giáo triều ở Rôma nhiều nhất để đi đến với muôn dân trên khắp năm châu. Đến đâu Ngài cũng luôn rao giảng Tin Mừng Đức Kitô cho mọi người. Những chuyến công du mục vụ ấy đã cho Ngài thấy rằng: Mệnh lệnh “Hãy đi rao giảng Tin Mừng” của Chúa Giêsu chưa được các Kitô hữu thi hành. Đối với Đức Thánh Cha, vấn đề cấp bách là: phải đem Tin Mừng đến cho những vùng đất mênh mông chưa biết Chúa. Phải tái Phúc Âm hóa những vùng đất xa xưa đã một lòng tôn thờ Chúa nhưng nay đã lơ là, bỏ Chúa. Phải đem Tin Mừng thấm nhập các sinh hoạt xã hội loài người.
“Lúa chín đầy đồng, thợ gặt quá ít”. Một nhận định vừa hân hoan vừa báo động. Đối với chúng ta hôm nay là một lời báo động, vì nếu lúc chín vàng đồng mà gặt không kịp, lúa sẽ rụng hết. Một thực tế bi đát vì tình trạng thiếu thợ gặt so với cánh đồng lúa chín vàng bát ngát. Mười hai Tông đồ được sai đi, rồi lại thêm 72 môn đệ nữa, cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Các Giám mục, các linh mục, rồi các tu sĩ nam nữ cũng còn quá ít, cần phải có sự tiếp tay của các giáo dân nữa.
Vào tháng 10 năm 1987, Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới đã khai mạc tại Rôma. 232 Giám mục từ khắp năm châu kéo về Rôma để cùng nhau nghiên cứu vấn đề “ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”. Vì là vấn đề liên quan đến giáo dân, nên bên cạnh các Giám mục, người ta còn thấy có 53 giáo dân: 27 nam và 26 nữ. Nếu chúng ta đối chiếu 12 Tông đồ với các Giám mục thì sự hiện diện của 27 ông và 26 bà trong Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới ở Rôma là một sự kiện mới mẻ, như trong Tin Mừng hôm nay: “Chúa Giêsu chọn thêm 72 môn đệ nữa”. Từ Thượng Hội Đồng nầy, một tông huấn mang tựa đề: “Ngừoi Kitô hữu giáo dân” đã được công bố. Trong đó, Đức Thánh Cha nói: “Giáo dân, vì là thành phần của Giáo Hội, nên mang ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin Mừng. Các bí tích khai tâm kitô giáo và các ân huệ của Chúa Thánh Thần đã trang bị khả năng và thúc giục họ thi hành sứ vụ của mình” (số 33). Đức Thánh Cha còn nói: “Chắc chắn rằbg: mệnh lệnh của Chúa Giêsu ‘Hãy đi loan báo Tin Mừng’ vẫn mang giá trị trường tồn và đặt ra một cách cấp bách. Tuy nhiên, tình trạng hiện nay trong thế giới, đang đòi hỏi tuyệt đối phải thực thi mệnh lệnh của Chúa một cách khẩn trương và quảng đại hơn. Một người môn đệ đích thực của Chúa Kitô không có quyền từ chối lời đáp trả của riêng mình: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Cho hay, cái mới mẻ trong việc thực thi cuộc loan báo Tin Mừng là tất cả toàn dân Chúa, không phân biệt nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, mạnh yếu. Tất cả đều được sung vào việc tông đồ truyền giáo.
Trước tình trạng khẩn trương ngày nay, chúng ta đâu có quyền trông đợi những vị truyền giáo ở các nước ngoài đến giảng đạo cho chúng ta như ngày xưa đã đến giảng đạo cho ông bà chúng ta. Giờ đây, chính những linh mục đã được chọn giữa chúng ta cũng chưa bù đắp được gì cho số người đông đúc và đa dạng ngày nay. Vì thế, Đức Thánh Cha hô hào: “Giáo dân ngày nay phải dấn thân vào công tác truyền giáo của Giáo Hội”. Thượng Hội Đồng Giám Mục đã định nghĩa vị thế độc đáo của người giáo dân giữa lòng Giáo Hội và giữa thế giới bằng hai mệnh đề như sau: “Giáo dân là ‘người của Giáo Hội’ trong lòng thế giới”. “Giáo dân là ‘người của thế giới’ trong lòng Giáo Hội”. Là người của Giáo Hội, người giáo dân phải đem Giáo Hội và Chúa Giêsu vào trong thế giới. Và là người của thế giới, giáo dân phải đem thế giới đến cùng Giáo Hội và Chúa Kitô.
Tông huấn “người Kitô hữu Giáo Dân” vẫn nhắc lại sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân của Công Đồng Vatican II để kêu gọi giáo dân ý thức nhiệm vụ làm tông đồ trong môi trường của mình. Chính người tín-hữu-thương-gia, tín-hữu-công-nhân phải đem Chúa đến và làm gương sáng cho anh em mình nơi đồng ruộng, ngoài thị trường, trong cơ quan xí nghiệp của mình. Hãy coi nơi mình đang ở, chỗ mình đang làm việc là những nơi Chúa sai mình đến “như chiên ở giữa đàn sói”, không phải để bị sói vồ chụp cắn xé, nhưng để biến sói thành chiên; không phải lấy sức mạnh đọ lại với sức mạnh, không phải dùng mưu mô đối lại với mưu mô, nhưng khí giới của chúng ta là khí cụ bình an và hiên hòa, theo gương cuộc sống của Đức Cố Tổng Giám Mục của chúng ta. Bởi vì Chúa không cho những người được sai đi mang theo gì cả, không được dự trữ tiền của hoặc võ trang tối thiểu để đối phó với mọi tình huốc trắc trở. Chúa muốn chúng ta phải đến với những người anh em mình một cách đơn sơ chân thành, không băn khoăn bối rối, không rào trước đón sau. Hơn nữa, còn phải loan báo Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh tật, nghĩa là phải lo cho anh em phần hồn, phần xác. Đi đến với người mạnh cũng như kẻ yếu; quan tâm đến tinh thần và cả đến đời sống vật chất nữa. Như vậy tức là để ý đến con người toàn diện và tất cả mọi người. Các người chung quanh chúng ta, bà con hàng xóm láng giềng, các bạn đồng nghiệp của chúng ta trong cơ quan, xí nghiệp nhất định sẽ tin vào Chúa Kitô, nếu chúng ta loan báo Chúa Kitô với tinh thần dịu hiền, vô vụ lợi, hoàn toàn phục vụ, phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Mọi người sẽ tin vào chứng ta của chúng ta khi thấy chúng ta sống yêu thương nhau, cộng tác với nhau cách chân tình, không ganh tị và định kiến, biết tôn trong chân lý và công bình, sẵn sàng phục vụ lợi ích chung của đồng bào và đất nước. Nhờ sự hiện diện và hoạt động tích cực giữa đời như vậy, anh chị em sẽ làm sáng danh Chúa và góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng Nước Trời. Sống như thế, anh chị em mới có lý do chính đáng để hân hoan vui mừng, vì như Chúa đã bảo đảm: “Anh chị em hãy vui mừng vì tên tuổi anh chị em sẽ được ghi đậm nét ở trên trời”.
Nghịch lý của thời đại chúng ta đó là: Đường phố rộng hơn, quan điểm lại hẹp hòi hơn Chúng ta giành nhiều hơn nhưng lại có ít hơn Mua sắm nhiều hơn nhưng hưởng thụ lại ít hơn Chúng ta có những tòa nhà đồ sộ hơn nhưng gia đình lại bé nhỏ hơn. Cuộc sống tiện nghi hơn nhưng ít thời gian nhàn rỗi hơn Bằng cấp nhiều hơn nhưng giá trị lại ít hơn Hiểu biết nhiều hơn nhưng nhận xét lại kém hơn Nhiều nhân tài hơn nhưng ít sáng tạo hơn Chúng ta sở hữu nhiều hơn nhưng nhân cách giảm nhiều hơn Chúng ta nói quá nhiều, yêu thương thì quá ít và ghen ghét lại nhiều hơn Chúng ta biết cách mưu sinh nhưng không biết tạo dựng cuộc sống Chúng ta sống thọ hơn nhưng sống ít ý nghĩa hơn Chúng ta làm được những điều cao sang nhưng lại không làm được điều đơn giản ới đồng loại.
Vâng, cuộc sống xem ra tiến bộ hơn nhưng đáng tiếc chúng ta lại đang đánh mất nhiều hơn. Mất tình gia đình, mất tình bạn, mất tình làng nghĩa xóm. Cái mất lớn nhất của thời đại hôm nay chính là mất niềm vui của sự bình an tâm hồn. Vì cuộc đời hôm nay có quá nhiều những rủi ro, có quá nhiều những căng thẳng, những bất trắc khiến con người hôm nay dù có nhiều tiền, nhiều của, nhiều vật chất nhưng lại có rất ít những giây phút thư thái bình an. Cuộc đời luôn đong đầy những lo toan khiến con người hôm nay luôn phải sống trong cảnh đối phó với những nghịch cảnh có thể đưa tới. Bên cạnh sự vật lộn với cuộc sống quá nhiều khó khăn, sự bươn chải để tìm miếng cơm manh áo, cuộc sống chung quanh lại còn quá nhiều những sự dữ bủa vây như muốn nhậm chìm con người. Những tệ nạn xã hội như: xì ke, ma tuý, mại dâm,… luôn là những cạm bẫy có thể xâm chiếm và làm mất đi sự bình an nơi các gia đình. Thực tế, đã có biết bao gia đình khô cạn nước mắt vì một đứa con đang lao vào con đường xì ke, ma tuý; đã có biết bao gia đình tan nát vì lối sống buông thả, phóng túng của những người chồng thiếu trách nhiệm; đã có biết bao gia đình đang u sầu vì những quan hệ bất chính của những người cha, người mẹ đang làm gương mù gương xấu cho đàn con. Sự dữ dường như đang khống chế con người hôm nay. Sự dữ dường như đang làm chủ xã hội hôm nay khiến con người luôn cảm thấy bất an và lo sợ.
Cách đây hơn 2000 năm, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy sự dữ đang hoành hành. Sự dữ đang gây nên những đau khổ, đổ vỡ, mất mát cho biết bao con người. Sự dữ luôn làm cho con người lo sợ, bất an. Chúa đã sai các môn đệ ra đi trong tình trạng khẩn trương và cấp bách. Cấp bách đến độ không cần chuẩn bị những hành trang bên mình như giầy, dép, bao bị,… Chúa muốn các môn đệ hãy ưu tiên cho việc đem Tin Mừng đến cho muôn người. Tin Mừng mà Chúa muốn các môn đệ đem đến cho nhân trần chính là đẩy lùi sự dữ và kiến tạo bình an cho các tâm hồn. Chúa bảo với các môn đệ hãy mang bình an của Chúa đến cho muôn người. Bình an của những con người thoát khỏi sự thống trị của sự dữ khi đón nhận tin mừng Nước Trời. Bình an sẽ được tặng ban khi Triều đại Nước Thiên Chúa thống trị địa cầu.
Lời mời gọi đó dường như vẫn đang cấp bách trong thời đại hôm nay. Một thời đại có quá nhiều sự dữ. Một thời đại của sự hưởng thụ, ích kỷ đã biến con người thành sự dữ đang giết chết bản thân và tha nhân. Chúa vẫn đang tha thiết mời gọi mỗi người chúng ta hãy chung tay góp sức đẩy lùi sự dữ ra khỏi gia đình, khỏi môi trường chúng ta sống. Hãy nói không với tội lỗi. Hãy tránh xa những cám dỗ tội lỗi. Hãy sống ngay lành để có niềm vui của sự bình an trong tâm hồn, và trao ban bình an cho tha nhân.
Nguyện xin Chúa là hoàng tử bình an ban bình an đến cho mỗi người chúng ta để nhờ đó chúng ta cũng biết trao ban bình an cho nhau. Xin cho mỗi người chúng ta cũng trở thành những sứ giả bình an cho thế giới hôm nay. Amen.
Một triết gia Ấn Độ đã nhìn lại quãng đời đi của mình như sau: Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà tôi dâng lên Thượng Đế là: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để thay đổi thế giới.
Đến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng một nửa đời tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Đế: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được biến cải tất cả những người con đã gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình con, bạn bè con. Làm được như thế là con mãn nguyện rồi.
Nhưng giờ đây, cuộc đời đã về chiều, tôi mới nhận thức rằng tôi đã khờ dại biết bao: làm sao biến đổi cuộc đời người khác khi ta chưa biến đổi được bản thân ta. Thế nên giờ này, tôi chỉ còn biết cầu nguyện như sau: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được thay đổi chính con.
* * *
Cải thiện bản thân là điều kiện tiên quyết, là việc phải làm trước hết để có thể thay đổi những người chung quanh, đúng như Khổng Tử dạy: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” (theo “Lẽ sống”)
Tương tự như thế, khi được mời gọi phúc âm hoá thế gian, chúng ta phải lo Phúc Âm hoá bản thân chúng ta trước, rồi chúng ta mới có thể Phúc Âm hoá người khác sau.
Cầu cho ai được sai đi?
Trước khi sai 72 môn đệ ra đi, Chúa Giêsu dặn các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
Xin chủ mùa sai ai đây?
Khi cầu xin ơn bình an, sức khoẻ và may mắn, thì chúng ta cầu cho bản thân ta trước; còn khi cầu cho có người làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa, thì chúng ta cầu Chúa ban ơn đó cho mọi người khác, ngoại trừ ta!
Dù muốn dù không thì đa số trong chúng ta đây đã là thợ gặt bẫm sinh rồi, vì ngay từ thơ ấu, khi được lãnh bí tích rửa tội, chúng ta đã trở nên chi thể của Chúa Giêsu, nên đã được thông dự vào sứ vụ tiên tri, tức sứ vụ loan Tin Mừng của Chúa Giêsu rồi. Vậy thì phải loan Tin Mừng, phải làm thợ gặt thôi, không thể nào thoái thác được, trừ phi chúng ta tự tách lìa mình khỏi Thân Thể Chúa.
Là thợ gặt của Thiên Chúa, chúng ta cũng được sai đi để loan Tin Mừng Nước Thiên Chúa, để đẩy lùi quyền lực của ma quỷ như 12 tông đồ và 72 môn đệ xưa.
Ai là người cần được rao giảng trước tiên?
Giáo điểm đầu tiên cần được truyền giảng Tin Mừng là chính bản thân chúng ta và gia đình chúng ta.
Dù mang danh là Kitô-hữu, đôi khi chúng ta còn xa lạ với Tin Mừng. Xa lạ với Tin Mừng vì chúng ta chưa đọc hết Tin Mừng và chưa từng khám phá kho tàng khôn ngoan ẩn dấu trong đó.
Xa lạ với Tin Mừng vì đời sống chúng ta và những giáo huấn của Tin Mừng còn cách biệt nhau rất xa!
Nếu Tin Mừng của Chúa Giêsu chưa sáng lên trong cuộc đời ta, trong tim ta, trong lòng ta… thì làm sao ta có thể đem lửa Tin Mừng ấy thắp lên cho người khác được. Không ai có thể cho điều mình không có. Lý do của việc thất bại trong công cuộc loan Tin Mừng là ở đó.
Thế nên, chính bản thân mỗi người chúng ta phải được phúc âm hoá trước, rồi ta mới có thể phúc âm hoá người khác sau.
Ai là người cần được xua trừ ma quỷ trước tiên?
Sứ mạng thứ hai mà Chúa Giêsu uỷ thác cho các môn đệ khi đi loan báo Tin Mừng là giải thoát con người khỏi quyền lực của Sa-tan.
Chưa bao giờ quyền lực Sa-tan trở nên khủng khiếp và mãnh liệt như trong thế kỷ nầy. Ma quỷ đã tận dụng mọi phương tiện truyền thông như sách báo, văn chương nghệ thuật, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, internet, âm nhạc, hội họa… để nô dịch hoá con người, đưa nhiều người vào trong cạm bẫy và tội lỗi.
Ma quỷ đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, nhưng trước hết ma quỷ cũng đang chi phối mỗi người chúng ta. Phải nhận rằng nhiều lần bản thân chúng ta cũng đã bị ma quỷ xô đẩy làm điều sai trái đáng trách.
Vậy thì trước khi giải thoát người khác khỏi tai ách Sa-tan, chúng ta phải lo giải thoát mình trước.
Vậy người đầu tiên cần được giải thoát khỏi quyền lực ma quỷ lại cũng là chính chúng ta.
* * *
Qua Tin Mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại cho chúng ta biết sau cuộc hành trình truyền giáo ngắn ngày, 72 môn đệ vui vẻ trở về báo cáo với Chúa Giêsu những thắng lợi vẻ vang: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”.
Xin Chúa giúp chúng ta cũng đạt được những thắng lợi vẻ vang như vậy ngay trên chính cuộc sống của mình.
Người chủ ruộng sẽ rất lo âu và sốt ruột khi nhìn thấy đồng lúa mênh mông bát ngát của mình đang vào thời kỳ chín rục mà chẳng tìm đâu ra thợ gặt để thu hoạch lúa về.
Chúa Giêsu cũng cảm thấy tâm hồn nôn nao xao xuyến khi phần đông nhân loại đang cần được cứu độ một cách khẩn thiết, nhưng chẳng mấy ai dấn bước đem ơn cứu độ cho họ.
Thế nên, khi sai 72 môn đệ ra đi, Chúa Giêsu căn dặn các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ ra gặt lúa về.” Lời căn dặn nầy hôm nay cũng được lặp lại với mỗi người chúng ta.
Đáp lời Chúa mời gọi, chúng ta sẵn sàng cầu xin có thêm thợ gặt, nhưng vấn đề là chúng ta sẽ cầu cho ai đi làm thợ gặt đây?
Ai là thợ gặt của Chúa?
Khi cầu xin ơn bình an, sức khoẻ và may mắn, thì chúng ta cầu cho bản thân ta trước; còn khi cầu cho có người làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa, thì chúng ta cầu Chúa ban ơn đó cho những người khác, ngoại trừ ta!
Nhưng, dù muốn dù không thì chúng ta đã là thợ gặt chính danh ngay từ khi được lãnh Bí Tích Thánh Tẩy. Nhờ Bí Tích nầy, chúng ta trở nên chi thể của Chúa Giêsu, nên được thông dự vào chức vụ ngôn sứ, tức sứ vụ loan Tin Mừng của Người. Vậy thì trách nhiệm ‘gặt lúa’ là trách nhiệm của chúng ta, không thể thoái thác được, trừ phi chúng ta tự tách lìa mình khỏi Thân Thể Chúa.
Là thợ gặt của Thiên Chúa, chúng ta cũng được sai đi để loan Tin Mừng Nước Trời, để đẩy lùi quyền lực của ma quỷ như 12 tông đồ và 72 môn đệ xưa.
Ai là người cần được rao giảng trước tiên?
Đứng trước đồng lúa mênh mông, thợ gặt không biết phải bắt đầu từ đâu? Nói khác đi, phải loan Tin Mừng cho ai trước hết?
Giáo điểm đầu tiên cần được rao giảng Tin Mừng là thế giới nội tâm của chúng ta, vì dù mang danh là ki-tô-hữu nhưng có thể chúng ta còn xa lạ với Tin Mừng.
Xa lạ với Tin Mừng vì chúng ta chưa đọc hết bốn Tin Mừng và chưa từng khám phá kho tàng khôn ngoan chứa đựng trong đó.
Xa lạ với Tin Mừng vì đời sống chúng ta và những giáo huấn của Tin Mừng còn cách biệt rất xa!
Nếu Tin Mừng của Chúa Giêsu chưa sáng lên trong cuộc đời ta, chưa bừng cháy trong tim ta… thì làm sao chúng ta có thể đem lửa Tin Mừng ấy thắp lên cho người khác được. Không ai có thể cho điều mình không có.
Thế nên, chính bản thân chúng ta phải được phúc âm hoá trước, rồi ta mới có thể phúc âm hoá tha nhân.
Ai là người cần được xua trừ ma quỷ trước tiên?
Sứ mạng thứ hai mà Chúa Giêsu uỷ thác cho các môn đệ song song với việc loan báo Tin Mừng là giải thoát con người khỏi quyền lực của Sa-tan.
Chưa bao giờ quyền lực Sa-tan trở nên khủng khiếp và mãnh liệt như trong thế kỷ nầy. Ma quỷ đã tận dụng mọi phương tiện truyền thông như sách báo, văn chương nghệ thuật, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, internet, âm nhạc, hội họa… để lôi cuốn nhiều người vào cạm bẫy và tội lỗi.
Ma quỷ đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, nhưng cũng phải nhận rằng ma quỷ cũng đang chi phối mạnh mẽ cuộc đời chúng ta, đang lôi kéo chúng ta làm nhiều điều sai trái.
Một người đang mang xiềng xích không thể giải thoát được ai. Vậy thì trước khi giải thoát người khác khỏi ách Sa-tan, chúng ta phải tự giải thoát mình trước.
Vậy người đầu tiên cần được giải thoát khỏi quyền lực ma quỷ lại cũng là chính chúng ta.
***
Lạy Chúa Giêsu,
Qua Tin Mừng hôm nay, thánh Lu-ca thuật lại cho chúng con biết sau cuộc hành trình truyền giáo ngắn ngày, 72 môn đệ vui vẻ trở về báo cáo với Chúa nhiều thắng lợi vẻ vang: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” (Lc 10,17)
Xin Chúa giúp chúng con là những người được Chúa sai đi thi hành sứ vụ, cũng đạt được những thắng lợi vẻ vang như vậy ngay trên chính cuộc sống của mình.
Thánh Lu-ca sinh vào tiền bán thế kỷ thứ nhất tại Antiochia, tức Antakya, Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay. Theo truyền thống, Ngài là một trong những môn đệ trung tín của Thánh Phao-lô. Thánh Nhân còn được coi là tác giả của sách Tin Mừng theo Thánh Lu-ca và của sách Công Vụ Tông Đồ trong bộ Kinh Thánh Tân Ước. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất với nhau về thời gian biên soạn của hai cuốn sách nêu trên. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, chúng được biên soạn từ năm 60 tới năm 65 sau Chúa Ki-tô. Nhưng một số khác lại cho rằng, hai tác phẩm trên được biên soạn vào khoảng từ năm 80 tới năm 85.
1.Một cái nhìn tổng quát về Thánh Lu-ca:
Những điều giống nhau cả về cách hành văn lẫn tư tưởng Thần Học cũng như những đối chiếu giữa cuốn Tin Mừng theo Thánh Lu-ca và sách Công Vụ Tông Đồ chứng minh cho thấy rằng, hai tác phẩm này có chung một tác giả[1]. Mà tác giả của hai tác phẩm ấy, theo truyền thống, đó chính là Thánh Lu-ca. Người ta liệt Thánh Lu-ca vào số các tác giả của các Tin Mừng Nhất Lãm. Qua những gì được thể hiện trong hai tác phẩm của mình, người ta hiểu rằng, Thánh Lu-ca đã nhắm tới độc giả gốc dân ngoại, đặc biệt là độc giả gốc Hy-lạp khi Ngài biên soạn hai tác phẩm của mình[2], và Ngài công bố cho họ biết về Chúa Ki-tô với tư cách là Đấng Cứu Độ đầy lòng xót thương của những người nghèo và của các tội nhân[3]. Một số truyền thuyết cho rằng, Thánh Lu-ca đã qua đời vào khoảng năm 80 tại Theben, tức Thiva, Hy-lạp ngày nay.
Theo các Thánh Giáo phụ Irene, Eusebius và Hieronymus, cũng như theo quy điển Muratori, thì Thánh Lu-ca tác Giả Tin Mừng chính là người cộng sự đồng tên của Thánh Phao-lô được vị Tông Đồ Dân Ngoại nêu ra trong thư gửi ông Phi-lê-môn (PLm 24). Và trong thư gửi tín hữu Cô-lô-sê (4,14), Thánh Phao-lô đã gọi Lu-ca là Thầy Thuốc Yêu Quý. Còn trong thư thứ 2 của Thánh Phao-lô gửi ông Ti-mô-thê, thì vị Tông Đồ Dân Ngoại cho biết rằng, chỉ còn một mình Lu-ca ở với Ngài, trong khi các môn đệ khác vì chuyện này hay chuyện kia, đều đã rời xa Ngài (2Tim 4,11).
Truyền thống về việc Thánh Lu-ca là tác giả của cuốn Tin Mừng thứ ba trong bộ Kinh Thánh Tân Ước đã phổ biến ngay từ tiền bán thế kỷ thứ II[4].
Ba vị Giáo Phụ kể trên cũng cho biết rằng, Thánh Lu-ca xuất thân từ Antiochia, tức Antakya, Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, những gì ba vị Giáo Phụ kể trên nói về Thánh Lu-ca đều rất tương hợp với lịch sử[5].
Tuy nhiên, một vài nghiên cứu mới đây lại cho rằng, Thánh Lu-ca tác giả Tin Mừng và tác giả của sách Công Vụ Tông Đồ không phải là Lu-ca, người luôn đồng hành với Thánh Phao-lô[6]. Nghiên cứu này đã tìm thấy những bằng chứng đó, chẳng hạn như trong hai tác phẩm được cho là của Thánh Lu-ca, thì tuyệt nhiên tác giả đã không hề tiếp nhận nền Thần Học có tính đặc trưng của Thánh Phao-lô. Đã thế, trong khi Thánh Phao-lô nhắc tới Lu-ca – người cộng sự của mình -, thì tuyệt nhiên Thánh Nhân lại không hề đá động gì tới hai tác phẩm của người cũng có tên là Lu-ca. Không những thế, sách Công Vụ Tông Đồ đã tường thuật lại một số những chi tiết về cuộc đời của Thánh Phao-lô khác hẳn với những gì mà chính vị Tông Đồ này đã tự tường thuật lại về mình trong những bức thư của Ngài[7].
Một số truyền thống còn coi Thánh Lu-ca là một trong số Bảy Mươi môn đệ được Chúa Giê-su sai đi (xc. Lc 10,1-16), thậm chí còn coi Ngài là một trong hai môn đệ làng Emmaus (Lc 24,13-35). Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với lời mở của Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, vì ở đó, tác giả đã không kể mình vào số những người đã trực tiếp chứng kiến công việc của Chúa Giê-su (xc. Lc 1,1-4).
2. Các Thánh Tích của Thánh Lu-ca:
Các Thánh Cốt được cho là của Thánh Lu-ca đã được chuyển đến Constantinopoli vào ngày mồng 03 tháng 03 năm 357. Sau đó, vào thế kỷ XII, các Thánh Cốt này lại được chuyển từ Constantinopoli tới Padua, Italia. Tại đây, từ năm 1562, các Thánh Cốt của Thánh Lu-ca đã được lưu giữ và tôn kính trong một Vương Cung Thánh Đường có tên là Santa Giustina.
Vào năm 1354, hoàng đế Karl IV đã rước một nửa hộp sọ của Thánh Lu-ca về Pra-ha, Tiệp Khắc. Một nửa hộp sọ còn lại của Ngài thì được đưa tới Đan Viện Panteleimon nằm trên núi Athos của Hy-lạp.
Vào ngày 17 tháng 09 năm 1998, lần đầu tiên trong vòng 600 năm, hộp đựng các Thánh Tích của Thánh Lu-ca tại Padua đã được mở ra để được thẩm định về khía cạnh khoa học. Những cuộc khảo cứu khoa học cho thấy, nửa hộp sọ được cho là của Thánh Lu-ca tại Pra-ha và những Thánh Cốt còn lại của Ngài tại Padua đều của cùng một người. Kết quả thử nghiệm ADN còn cho thấy rằng, người có bộ xương này xuất thân từ vùng Syria và tương hợp với những thông tin có trong Tân Ước [8]. Công tác xác định niên đại cho biết rằng, bộ Thánh Cốt này có tuổi đời vào khoảng 1.900 năm[9].
3.Việc mừng kính Thánh Lu-ca:
Thánh Lu-ca được tôn kính với tư cách là Bổn Mạng của các Bác Sĩ, của các vị Thầy Thuốc cũng như của người bán hàng dát và của các họa sĩ. Vì thế, hiệp hội các họa sĩ cũng được gọi là hiệp hội Thánh Lu-ca.
Việc tôn kính Thánh Lu-ca với tư cách là Bổn Mạng của các Thầy Thuốc bắt nguồn từ thư của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi cho các tín hữu thành Cô-lô-sê, trong đó Ngài viết rằng: „Anh Lu-ca, Thầy Thuốc yêu quý, và anh Đê-ma gửi lời chào anh em“ (Col 4,14).
Còn việc tôn kính Thánh Lu-ca với tư cách là Bổn Mạng của các họa sĩ thì dựa vào truyền thống có xuất xứ muộn hơn. Theo đó, Thánh Lu-ca đã đích thân vẽ các bức ảnh về Đức Trinh Nữ Maria, về Thánh Phê-rô và về Thánh Phao-lô Tông Đồ. Vì thế, Ngài cũng được coi là họa sĩ vẽ Icon (tức ảnh Thánh) đầu tiên. Tuy nhiên, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy Thánh Lu-ca đã làm việc đó.
4.Ngày tôn kính Thánh Lu-ca:
Cả Giáo hội Công giáo, Chính Thống giáo, Tin lành lẫn Anh giáo đều mừng kính Thánh Lu-ca vào ngày 18 tháng 10, vì theo truyền thống, Thánh Nhân qua đời vào ngày này.
Còn Giáo hội Cóp-tít thì mừng kính Thánh Nhân vào ngày 19 tháng 10.
Trong Giáo hội Công giáo, Thánh Lu-ca được mừng kính với bậc Lễ Kính, tức Lễ bậc II.
Chú Thích:
[1] Udo Schnelle: Lịch sử và Thần Học Tân Ước, Writings, S. 259.
[2] Claus Westermann: Bản tóm tắt một số nội dung chính của Kinh Thánh. Berlin + Altenburg 1981, S. 172 nói về hai phần của một „Tác Phẩm Lịch Sử“.
[3] Michael Kunzler: Mess-Elemente 2 – 2006 by Bonifatius GmbH Druck – Buch – Verlag Paderborn, S. 485.
[4] Udo Schnelle: Dẫn vào Tân Ước. Göttingen 1996, S. 281f.
[5] Martin Hengel: Bốn Tác Giả Tin Mừng và Một Tin Mừng Về Chúa Giê-su Ki-tô: Những nghiên cứu về sự thu thập nguồn tài liệu của bốn Tác Giả trên. Tübingen 2008, S. 62, 172–179.
[6] Raymond E. Brown: Dẫn Vào Tân Ước. Doubleday, New York 1997, ISBN 0-385-24767-2, S. 267–8.
[7] Wolfgang Stegemann: Lukas. In: Tân Pauly (DNP). Cuốn 7, Metzler, Stuttgart 1999, ISBN 3-476-01477-0, Sp. 491 f.
[8] Cristiano Vernesi [u.a.]: Đặc tính di truyền nơi cơ thể được cho là của Thánh Lu-ca Tác Giả Tin Mừng. Trong: Các thủ tục của viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia. Vol. 98, Nr. 23, 2001, doi:10.1073/pnas.211540498.
[9] Những bằng chứng văn chương và thực tế về câu chuyện di chuyển các Thánh Tích của Thánh Lu-ca thì nhiều vô vàn, nhưng cũng rất mâu thuẫn; Lorenzo Bianchi đã giới thiệu một trình bày có tính căn bản về Rô-ma, tân Rô-ma, đế quốc và Ki-tô giới. Ý nghĩa về lịch sử chính trị và lịch sử tôn giáo của việc di chuyển các Thánh Cốt của tất cả các Thánh Tông Đồ ra khỏi Constantinopoli trong những năm từ 356 tới 357 (2009; bản tiếng Ý; PDF; 12,8 MB).
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”(x. Lc 10,2). Đó là lời nhắc nhở của Đức Giêsu đối với các Tông đồ và mọi người Kitô hữu qua mọi thời đại. Để có thể thực thi lời nhắc nhở này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu: Ai là thợ gặt? Hành trang của người thợ gặt là gì? Cách thức gặt lúa như thế nào? Cuối cùng, chúng ta noi gương Thánh Luca là mẫu gương của người thợ gặt.
Ai là thợ gặt ?
Chính Thiên Chúa là chủ thợ gặt. Đức Giêsu là thợ gặt đầu tiên và được sai xuống trần gian trong vòng ba mươi ba năm: Ba mươi năm là thời gian Ngài ở ẩn; ba năm cuối đời Ngài chính thức đi “gặt lúa.” Trong thời gian đi gặt lúa, Ngài chọn các Tông đồ và huấn luyện họ trở nên những thành phần nòng cốt để tiếp tục các công việc của Ngài.
Để thêm người cộng tác với các Tông đồ, Đức Giêsu còn chọn thêm bảy mươi hai môn đệ và một số thành phần khác. Ngài còn dành nhiều thời gian để rao giảng Tin mừng. Đi liền với việc rao giảng Tin mừng là làm nhiều phép lạ để xua trừ ma quỷ, chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền: cho kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, kẻ què đi được, kẻ chết sống lại...Trước khi về trời, Ngài trao phó sứ mạng thợ gặt cho các Tông đồ. Sứ mạng đó được tiếp tục nơi mọi thành phần trong Giáo Hội mãi cho đến tận thế.
2. Hành trang của người thợ gặt là gì?
Muốn trở nên thợ gặt lành nghề, cần phải chuẩn bị hành trang. Hành trang trước hết của người môn đệ chính là những kiến thức về giáo lý được rút ra từ Tin mừng. Người môn đệ Chúa phải lấy Tin mừng làm trung tâm cho mọi hoạt động. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Ánh sáng của Phúc Âm là ngọn đèn dẫn đường cho ai dấn thân phục vụ nền văn minh tình thương.” Vì vậy, trong sinh hoạt của mình, việc dạy Giáo lý, giúp cho mọi thành phần hiểu biết về Tin mừng là công việc hàng đầu của Giáo Hội. Tại các giáo xứ thường có các lớp giáo lý: bao đồng, sơ cấp, căn bản, Kinh Thánh, vào đời, tiền hôn nhân, hôn nhân và dự tòng. Tại các Tập viện hay Chủng viện, ngoài các bộ môn cần thiết khác bao giờ cũng có các lớp họ Kinh thánh và Thần học. Bởi vì, các chủng sinh muốn tiến tới chức linh mục phải có một số kiến thức vừa đủ về Kinh thánh và Thần học. Vì vậy, để có hành trang cho việc truyền giáo, người môn đệ phải cố gắng tham gia vào các lớp Giáo lý, Kinh thánh, Thần học để giúp cho mình có được một số vốn kiến thức vừa đủ về những giáo huấn của Đức Giêsu. Nhờ đó, người môn đệ mới có thể trao ban cho anh chị em mình, vì “không ai cho người khác cái mình không có.”
Đi liền với sự hiểu biết về Giáo lý và Kinh Thánh, người môn đệ cần phải có Đức Tin và Đức Mến. Bởi vì, người môn đệ không chỉ dùng kiến thức để rao giảng mà còn cần phải chứng minh lời rao giảng của mình bằng Đức Tin và Đức Mến. Đức Tin và Đức Mến được thể hiện rõ nét nhất trong các hoạt động của người môn đệ: Cử hành Phụng vụ, bác ái xã hội…Qua đó, người môn đệ làm chứng cho Chúa, thuyết phục người khác và đưa họ về với Thiên Chúa.
3. Cách thức “gặt lúa” như thế nào?
Có nhiều cách, nhưng có ba cách quen thuộc và hiệu quả sau đây:
Thứ nhất: Rao giảng. Đó là khi người môn đệ nói về Chúa, rao giảng về Chúa, về giáo huấn của Người cho mọi người. Trên nguyên tắc, Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, các linh mục là những người được trao phó một cách đặc biệt nhiệm vụ để rao giảng Lời Chúa: Rao giảng Lời Chúa sau bài Tin mừng trong mỗi thánh lễ; rao giảng Lời Chúa trong các buổi cử hành phụng vụ và những dịp đặc biệt khác. Nhưng trong thực tế, tất cả mọi người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội đều phải có trách vụ rao giảng Lời Chúa, như lời Đức Giêsu mời gọi: “Anh em hãy đi rao giảng Tin mừng khắp thế gian” (Mc 16,15). Thánh Phaolo cũng nhắc nhở: “Hãy rao giảng Tin mừng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”(2Tm 4,2). Chẳng hạn, các giáo lý viên có trách nhiệm dạy giáo lý cho con em trong giáo xứ, cho các dự tòng. Cha mẹ dạy giáo lý, nói về Chúa cho con cái của mình. Người kitô hữu có thể nói về Chúa cho mọi người chưa biết Chúa ở mọi nơi mọi lúc. Chúng ta có thể noi gương các nhà truyền giáo, đặc biệt noi gương Thánh Phanxicô Xaviê: trong mười năm, Ngài đã can đảm nói về Chúa cho người Ấn độ và Nhật Bản, giúp cho nhiều người hoán cải mà đón nhận đức tin.
Thứ hai: Cầu nguyện. Lời Chúa hôm nay mời gọi: “Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa về”(x. Lc 10,2). Chúng ta không chỉ cầu nguyện cho có nhiều thợ gặt, mà còn phải cầu nguyện cho “lúa”. Lúa ở đây là các thành phần trong đạo ngoài đời: những người chưa biết Chúa, những người đã biết Chúa nhưng không thực hành Đức tin…Chúng ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, các linh mục, các kitô hữu chu toàn sứ mạng Chúa trao phó, trở nên những thợ gặt lành nghề; chúng ta cầu nguyện cho những người chưa biết Chúa để họ nhận biết Chúa; chúng ta cầu nguyện cho những người khô khan nguội lạnh để họ sống đạo sốt sắng hơn; chúng ta cầu nguyện cho những kẻ có tội biết sám hối trở về với Chúa...Chính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã chọn cách thế cầu nguyện để truyền giáo, và số lượng các linh hồn mà Ngài cứu được do đời sống cầu nguyện cũng bằng số lượng mà Thánh Phanxicô Xaviê đi khắp nơi rao giảng.
Thứ ba: Đời sống chứng tá. Đời sống của người môn đệ phải họa lại đời sống của Đức Giêsu. Hay nói cách khác, đời sống của người môn đệ phải là một cuốn Tin mừng rút gọn, phải chứng minh cho người khác biết về niềm tin của mình được tóm gọn trong Kinh Tin Kính: Tin có Thiên Chúa, tin có sự sống đời đời, có Thiên đàng và Hỏa ngục…Người môn đệ phải thực hành các giáo huấn của Đức Giêsu: Sống công bằng, không trộm cắp, gian lận, lừa dối, buôn gian bán lận, cho vay nặng lãi…; sống bác ái yêu thương, không được đánh đập, chửi bới, nói xấu nhau. Trái lại, cần phải giúp đỡ lẫn nhau về tinh thần cũng như vật chất; những người sống trong bậc hôn nhân gia đình, cần phải giữ một vợ một chồng, chung thủy với nhau, con cái phải thảo kính cha mẹ, cha mẹ phải biết tôn trọng sự sống, chu toàn bổn phận sinh sản, nuôi dạy con cái theo đúng luật Chúa; những người sống trong đời sống tu trì, cần phải trung thành với các lời khấn độc thân, vâng lời, khiết tịnh.
Khi thực hành được những điều trên đây thì người môn đệ đang truyền giáo bằng chứng tá đời sống của mình.
4. Mẫu gương truyền giáo của Thánh Luca
Hôm nay, chúng ta mừng lễ kính Thánh Luca, thánh sử. Ngài là tác giả của Tin mừng thứ ba và sách Công vụ Tông đồ. Ngài là một thầy thuốc, là môn đệ của Thánh Phaolô. Mặc dầu không được Đức Giêsu trực tiếp kêu gọi và huấn luyện, nhưng dựa vào những lời của các Tông đồ rao giảng, Thánh Luca đã dùng ngòi bút của mình để họa lại một Đức Giêsu hoàn hảo. Tin mừng của Thánh Luca là Tin mừng của niềm vui, Tin mừng của người nghèo, người bị áp bức…Đặc biệt, Ngài làm nổi bật một Thiên Chúa giàu lòng thương xót qua các dụ ngôn: người cha nhân hậu, người đàn bà đánh mất đồng bạc, người chủ chiên đi tìm con chiên lạc. Thánh Luca đã có công lớn trong việc ghi lại những sinh hoạt của Giáo Hội sơ khai qua cuốn sách Công vụ Tông đồ. Theo tương truyền, Thánh Luca không chỉ viết sách mà Ngài còn rao giảng Tin mừng tại nhiều nơi như ở Achaie, ở Béotie, làm Giám mục ở Thébes, tử đạo ở Patras năm 84 tuổi.
Mừng lễ kính Thánh Luca hôm nay, chúng ta cùng nhau cảm ơn Ngài vì đã để lại cho chúng ta kho tàng quý báu là cuốn Tin mừng thứ ba và sách Công Vụ Tông Đồ. Đồng thời, xin Ngài bầu cử để mọi thành phần trong Hội Thánh biết noi gương Ngài chu toàn sứ mạng rao giảng Tin mừng mà Đức Giêsu trao phó.
Thánh Luca là một y sĩ đã trở về với đức tin vào khoảng năm 40, và sau đó theo thánh Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo thứ hai. Trong những năm tháng cuối đời của vị Tông Đồ Dân Ngoại, thánh Luca luôn ở bên cạnh vị ngài. Tác giả Phúc Âm thứ ba và sách Tông Đồ Công Vụ đã lưu lại cho chúng ta rất nhiều trình thuật quí báu về thời thơ ấu của Chúa Kitô và cho chúng ta nhìn thấy hình ảnh tuyệt đẹp về lòng thương xót của Thiên Chúa.
1. Phúc Âm thánh Luca - nỗ lực nên hoàn thiện của chúng ta.
Đẹp thay trên các núi non, bước chân của những người loan báo Tin Mừng.
Chúng ta hãy cám ơn thánh Luca vì ngài đã đem tin mừng đến cho nhân loại. Ngài đã là một công cụ trung thành của Chúa Thánh Thần. Được ơn linh hứng thúc đẩy, thánh nhân đã để lại Phúc Âm về cuộc đời Chúa Giêsu và lịch sử Giáo Hội trong thời kỳ sơ khởi.
Như mọi kiệt tác khác, các sách Thánh Kinh cũng cần sự cộng tác nhân loại. Sự trợ giúp của Thiên Chúa không loại bỏ tài năng con người. Chính thánh Luca cũng nói đến sự chuyên cần trong công việc: Sau khi cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thánh nhân mới tuần tự viết ra. Ngài cho thấy thông tin ấy phù hợp với chứng từ của những người đã được chứng kiến ngay từ đầu. Công việc biên soạn đòi hỏi phải có những cuộc phỏng vấn các chứng nhân, trước tiên là Đức Maria, các Tông Đồ, và những người được hưởng các phép lạ khi ấy đang còn sống. Thánh Jerome nhận định lối văn của thánh Luca là phản ảnh về mức khả tín về các nguồn tài liệu của thánh nhân.
Nhờ thánh Luca đã ân cần đáp ứng ơn Chúa Thánh Thần, ngày nay chúng ta mới diễm phúc đọc được trình thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu và những dụ ngôn tuyệt đẹp mà chỉ mình ngài ghi lại. Chúng ta nhớ đến dụ ngôn người con hoang đàng, câu chuyện người Samaria nhân hậu, đoạn kể về Lazarus nghèo khổ và ông nhà giàu. Và cũng chỉ có Phúc Âm của ngài đã ghi lại sự kiện hai môn đệ về làng Emmaus, tường tận đến từng chi tiết.
Thánh Luca đã mô tả lòng thương xót Chúa dành cho những ai cùng khốn một cách rõ nét hơn các thánh sử khác. Ngài nhấn mạnh đến tình yêu Chúa Kitô dành cho các tội nhân để minh chứng Chúa đã đến để cứu vớt những kẻ đã hư mất. Thánh nhân còn kể cho chúng ta sự kiện Chúa tha thứ cho người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Chúa đã ghé thăm nhà ông Giakêu đầy tai tiếng, và ánh nhìn của Chúa đã biến đổi Phêrô sau khi đã trót chối Thầy. Thánh Luca ghi lại lời hứa của Chúa Kitô dành cho người trộm lành sám hối, và lời cầu của Chúa dành cho những kẻ đã đóng đinh và lăng mạ Người trên đồi Canvê.
Vai trò phụ nữ trong xã hội - một điều không được coi trọng trong thế kỷ đầu của Kitô Giáo - đã có một chỗ đứng quan trọng trong Phúc Âm thánh Luca. Chúa Giêsu ra sức phục hồi phẩm giá cho phụ nữ, và chỉ có vị thánh sử này đã mô tả nhiều nhân vật nữ, chẳng hạn bà góa thành Naim, người phụ nữ sám hối đã rửa chân Chúa, những phụ nữ Galilê đạo đức đã dâng cúng tài sản, đi theo phục vụ Chúa và các tông đồ trên đường truyền giáo, rồi hai chị em thân thiết tại làng Bethany, người đàn bà còng lưng được Chúa chữa lành, và nhóm phụ nữ thành Jerusalem khóc thương khi Chúa vác thánh giá lên núi Canvê.
Chúng ta có nhiều điều để cám ơn thánh Luca. Đức Gioan Phaolô I trước khi đắc cử Giáo Hoàng đã viết một bức thư tưởng tượng gửi cho thánh sử Phúc Âm thứ ba: Ngài là người duy nhất đã lưu lại cho chúng tôi trình thuật cảm động về cuộc giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Kitô để chúng tôi có thể đọc một cách tâm đắc vào những mùa Giáng Sinh. Trong trình thuật ấy, có một câu nổi bật hơn hết: ‘Được quấn trong khăn tã, Hài Nhi được đặt nằm trong máng cỏ.’ Chỉ một câu ấy mà thôi đã đưa đến bao nhiêu hang đá và hàng ngàn bức tranh xinh đẹp khắp thế giới.’ Những tác phẩm nghệ thuật ấy mời gọi chúng ta đến chiêm ngưỡng đời sống Thánh Gia tại Bêlem và chia sẻ cuộc sống hằng ngày của các ngài tại Nazareth.
Hôm nay, chúng ta suy về mức độ hoàn hảo và nỗ lực cần thiết phải có trong công việc. Tuy không đòi nổi bật đến mức làm mọi người phải kinh ngạc, nhưng tất cả những công việc được làm tử tế vì Chúa sẽ có giá trị muôn đời. Đây là món quà quí giá chúng ta luôn sẵn có để dâng lên Chúa. Những công việc được thực hiện thiếu nhiệt thành hoặc thiếu cẩn trọng đều không xứng đáng, bởi vì chúng không làm đẹp lòng Chúa và không mưu ích cho tha nhân. Chúng ta hãy xét lại cung cách chu toàn các trách nhiệm chúng ta hằng ngày phải dâng tiến vì vinh danh Đấng Tạo Thành.
2. Sứ điệp thánh Luca. Họa Sĩ của Đức Mẹ.
Chúng ta gặp những giáo huấn căn bản của Chúa Kitô trong Phúc Âm thánh Luca. Ngài đã làm nổi bật tầm quan trọng của sự khiêm nhượng, chân thật, nghèo khó, chấp nhận thánh giá, và nhu cầu cám tạ Thiên Chúa. Tình yêu đối với Chúa khiến chúng ta phải biết ơn thánh Luca về sự tinh tế nơi tâm hồn ngài được biểu hiện qua công trình tuyệt vời. Từ xa xưa, các tín hữu đã xưng tụng thánh Luca là họa sĩ của Đức Trinh Nữ. Một số bức tranh về Đức Mẹ được truyền tụng là do thánh nhân vẽ ra.
Phúc Âm thánh Luca là căn bản cho tri thức về lòng sùng kính Đức Mẹ và đem lại cảm hứng cho nghệ thuật Kitô Giáo suốt nhiều thế kỷ qua. Ngoài Chúa Giêsu, không ai đã được mô tả một cách đầy yêu mến trong Phúc Âm như Đức Mẹ Maria. Dưới ơn linh hứng Chúa Thánh Thần, thánh sử Luca đã viết cho chúng ta về những đặc ân Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ. Mẹ được đầy ơn phúc và Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Là Mẹ Chúa Giêsu, Đức Maria đã thụ thai nhờ phép Chúa Thánh Thần mà vẫn trọn đời đồng trinh, và được mật thiết liên kết với mầu nhiệm cứu độ. Mọi thế hệ sẽ ngợi khen Mẹ là Đấng diễm phúc, bởi Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ những điều kỳ diệu, thật đúng như lời một phụ nữ đã cất tiếng chúc mừng Mẹ Chúa Giêsu.
Việc Mẹ Maria đã trung thành đáp ứng với ơn gọi thật hiển nhiên. Mẹ đã khiêm nhượng đón nhận lời truyền tin của tổng thần Gabriel về chức phẩm làm Mẹ Thiên Chúa, và hết tâm hồn cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa. Mẹ vội vã lên đường giúp đỡ người khác. Hai lần, thánh Luca đã cho chúng ta biết Mẹ Maria đã ghi nhớ và trong lòng về tất cả những điều ấy. Chắc hẳn Đức Mẹ đã tỏ cho thánh Luca biết những ký ức đầy thân thương trong cuộc sống của Mẹ với Chúa Giêsu.
3. Đọc Phúc Âm với thái độ tôn kính.
Chúng ta hãy trân trọng di sản của thánh Luca bằng việc suy gẫm những lời cao quí và đầy sức sống ngài đã để lại cho chúng ta về Chúa Cứu Thế. Chúng ta hãy xin thánh nhân cho chúng ta được niềm vui và nhiệt tâm tông đồ của những tín hữu thời Giáo Hội sơ khởi khi chúng ta đọc sách Tông Đồ Công Vụ, tức là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần.
Theo tập tục cổ xưa, khi một tín hữu bị phiền sầu hoặc hoang mang, họ thường mở Phúc Âm và đọc câu đầu tiên gặp được. Hễ ai chạm vào Người đều được chữa lành. Thánh Luca đã ghi lại như thế. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục thông ban cho chúng ta sự can trường và sức mạnh của Người mỗi khi chúng ta tiếp xúc với Người qua những lời hằng sống của Người.
Những tác phẩm của thánh Luca dạy chúng ta biết phải luôn sống theo lời Chúa. Chúng ta cần phải luôn kiếm tìm lòng thương xót Chúa và sống với Chúa là người bạn thân trung thành đã thí mạng sống vì chúng ta. Thánh Luca đã đưa chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Giêsu ngày nay, trong giai đoạn có quá nhiều tư tưởng sai lầm về Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, đá tảng cuộc sống của mọi người. Chúa là hiện tượng ý nghĩa nhất đã đến với nhân loại suốt trên hai mươi thế kỷ qua. Những lời thần lực của Phúc Âm đưa chúng ta đến tiếp xúc với Đấng Cứu Thế: một điều không một tác phẩm nào khác có thể làm được. Vì thế, chúng ta hãy tìm về Phúc Âm để học khoa học tuyệt vời là được biết Chúa Kitô Giêsu, như lời thánh Phaolô đã xác quyết với các tín hữu Philippians, bởi vì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô.
Phúc Âm phải là cuốn sách được mọi Kitô hữu yêu chuộng bởi vì thiếu Phúc Âm, chúng ta không thể hiểu biết Chúa Kitô. Chúng ta suy gẫm và tìm hiểu ý nghĩa của các trình thuật. Khi mở Phúc Âm, bạn hãy nghĩ những điều được viết trong đó – những lời giảng và những việc làm của Chúa Kitô – không chỉ là những điều bạn cần phải hiểu, mà còn phải sống nữa. Tất cả mọi điều được viết trong đó đã được thu thập từng chi tiết một cho bạn, để bạn làm cho chúng sống động trở lại trong cuộc sống của chính bạn. Như các tông đồ, bạn cũng hãy sốt sắng thưa lên, ‘Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?’ Và trong linh hồn, bạn sẽ nghe câu trả lời dứt khoát, ‘Hãy làm theo thánh ý Thiên Chúa!’ Hằng ngày bạn hãy cầm Phúc Âm lên, hãy đọc và sống theo như một qui luật. Đó là điều các vị thánh đã làm.
Chắc chắn thánh Luca thường xuyên suy gẫm những hành vi của Chúa Kitô mà ngài viết lại. Thánh nhân sẽ dạy cho chúng ta biết yêu mến Phúc Âm như các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai. Trong Thánh Kinh, chúng ta tìm được lương thực cho linh hồn, bởi vì Phúc Âm là nguồn mạch sự sống tinh thần minh sáng và trường cửu.
Muốn Hội Thánh được phát triển, cần có nhiều môn đệ Đức Kitô đi làm việc Tông Đồ, để tập họp thêm nhiều người vào Hội Thánh. Vì việc Tông Đồ không phải chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ, mà là của toàn thể giáo dân biết cộng tác với các chủ chăn của mình. Do đó, ông Luca đã cho chúng ta nhận thức về sứ mệnh Tông Đồ của mọi Kitô hữu như sau:
1. Mọi Kitô hữu phải làm Tông Đồ cho Chúa. 2. Làm Tông Đồ là làm chứng cho sự thật. 3. Làm Tông Đồ là kêu gọi đồng loại đến gặt lúa chín. 4. Muốn làm Tông Đồ phải được Hội Thánh sai đi. 5. Đường Tông Đồ là đường chông gai. 6. Tông Đồ phải sống tinh thần nghèo khó. 7. Làm Tông Đồ là đi cấp cứu người. 8. Muốn được bình an phải loan báo Tin Mừng.
1/ Mọi Kitô hữu phải làm tông đồ cho Chúa.
Đức Giêsu không chỉ muốn chọn 12 người đàn ông Do Thái làm môn đệ để họ làm việc Tông Đồ cho Ngài, mà Ngài còn muốn mời gọi muôn dân trên trái đất. Đó là lý do Ngài chọn 70 hay 72 môn đệ (x Lc 10,1a). Ta biết con số 70 (theo bản văn tiếng Hipri) hay số 72 (theo bản văn tiếng Hy-Lạp) môn đệ Đức Giêsu chọn là hình ảnh con cháu ông Noe sau lụt Hồng Thủy (x St 10), mà lụt Hồng Thủy là hình ảnh tiên báo về Bí tích Thánh Tẩy; đồng thời số 72 cũng là dòng giống dân Israel (x Xh 1,5). Do đó những ai đã nhận Bí tích Thánh Tẩy đều là giống nòi của Israel mới, để có nhiều môn đệ cộng tác vào việc Nước Thiên Chúa, như thuở xưa một mình ông Mô-sê điều hành Israel không nổi, nhạc phụ ông đã khuyên nên chọn lấy 72 vị kỳ lão để tiếp tay với ông (x Xh 18,13t).
Vào thời Tân Ước, hàng giáo sĩ là hiện thân Nhóm 12 của Đức Giêsu chọn, cũng cần phải được nhiều giáo dân cộng tác. Bởi thế, trước khi Ngài lìa biệt Nhóm Mười Một về cùng Cha, Ngài truyền lệnh cho môn đệ đi khắp thế gian tập họp môn đệ cho Ngài bằng hai việc: Làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và dạy họ tuân giữ những Lời Chúa Giêsu đã truyền (x Mt 28, 19-20), thì công việc Mục Vụ của Hội Thánh mới đạt được kết quả cao.
Vì thế giáo huấn Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Hội Thánh số 35 dạy: “Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới cả những lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế”. Cụ thể ông Luca chỉ là một giáo dân, nghề lương y, đã theo giúp ông Phao-lô. Ông đã điều tra cẩn thận về đời sống của Đức Giêsu cũng như giáo lý của Ngài, rồi ông viết lại cho chúng ta hai tác phẩm là sách Tin Mừng và sách Tông Đồ Công Vụ. Ông Phao-lô còn nói với môn đệ Ti-mô-thê: “Dẫn Mác-co đến với tôi, vì anh ấy rất hữu ích cho việc phục vụ của tôi; còn anh Ty-khi-cô thì tôi đã sai đi Ê-phê-sô”. Loan báo Tin Mừng có khi phải trực tiếp, có khi gián tiếp cộng tác, giúp đỡ các chủ chăn. Đan cử: Ông Phao-lô nhờ ông Ti-mô-thê đến nhà ông Các-pô ở Trôa lấy giúp chiếc áo khoác ngoài cũng như các sách vở và những cuộn giấy da (x 2 Tm 4,10-17: Bài đọc), để ông Phao-lô không mất thì giờ vào việc phụ, một chỉ lo chu toàn sứ mệnh ngôn sứ. Như vậy việc Tông Đồ là của tập thể ý thức cộng tác với nhau để làm ứng nghiệm Lời Kinh Thánh: “Kẻ hiếu trung với Chúa, được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang” (Tv 145 (144),12a: Đáp ca).
2/ Làm tông đồ là làm chứng cho sự thật
Đó là lý do Đức Giêsu sai từng hai người môn đệ đi làm việc Tông Đồ (x Lc 10,1b). Không phải chỉ nhằm để họ giúp đỡ nhau, mà “đôi chứng nhân” có ý nhấn mạnh: làm Tông Đồ là đi loan báo sự thật. Vì theo theo luật Do-Thái, một điều gọi là chân lý có gía trị, phải có ít là hai người chứng (x Dnl 19,15), hầu tất cả công việc được đoán định do miệng hai, ba nhân chứng (x Mt 18,16). Nhưng chứng của hai hay nhiều người có khi còn gia tăng sự gian ác, như các chứng gian trong phiên tòa xử Đức Giêsu! Vậy “cặp chứng nhân’’ chỉ có gía trị khi người Tông Đồ của Chúa ý thức sống những điều sau:
· Mến Chúa phải yêu người (x Mt 22,34). · Làm trước rồi dạy sau (x Mc 6,30). · Phá hủy để xây dựng (x Gr 1,10). · Đau khổ đến vinh quang (x Lc 24,26). · Nô lệ mới làm chủ (x Mc 10,35). · Lãnh nhận để dâng hiến (x Mc 10,28t). · Đời này đạt đời sau (x Lc 19,9).
Sống được những đòi hỏi như trên là dọn chỗ tâm hồn đồng loại cho Đức Giêsu đến để ban phát ơn cứu độ (x Lc 10,1b).
3/ Làm tông đồ là kêu gọi đồng loại đến gặt lúa chín
Đức Giêsu nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10,2a).
Thợ gặt ít: Suốt ba năm Đức Giêsu chọn và huấn luyện các Tông Đồ (Nhóm 12). Thế mà khi Ngài về trời, chỉ còn 11 người được Ngài sai đi. Đấy là thiếu về lượng! Còn về phẩm chất Đức Tin, thiếu mới đáng lo, vì trong số những người Đức Giêsu sai đi, có kẻ còn hoài nghi! (x Mt 28,16-17)
Muốn thêm người tham gia việc Tông Đồ, muốn bớt hoài nghi về Đức Tin, ta cần phải tích cực loan báo Tin Mừng, để quy tụ thêm nhiều người đến gặt lúa Nước Thiên Chúa, tức là đón nhận ơn cứu độ từ Hy Tế của Chúa Giêsu thiết lập, như Lời Ngài nói: “Bốn tháng có qua, mùa màng mới đến! Này: Ta bảo các ngươi hãy ngước mắt lên mà nhìn: đồng lúa đã chín vàng chờ gặt! Rồi kìa thợ gặt lĩnh công và thu lượm hoa mầu cho sự sống đời đời, để cho kẻ gieo một thể cùng người gặt đều hoan hỷ. Vì đây lời tục ngữ cũng thật: Người này gieo kẻ khác gặt! Ta sai các ngươi đi gặt điều các ngươi không vất vả làm ra! Có những kẻ khác đã vất vả rồi, còn các ngươi đã đến thừa hưởng công lao của họ” (Ga 4, 35-38).
Lý do Đức Giêsu nói: “Bốn tháng có qua mùa màng mới đến” là vì người Do Thái xuống giống vào tháng 11 đến 12 (mùa Giáng Sinh); mùa gặt vào giữa tháng 4 (mùa Phục Sinh). Thế thì từ mùa Giáng Sinh đến mùa Phục Sinh là bốn tháng, đây là thời gian Đức Giêsu thực thi chức Tư Tế của Ngài trên trần thế, rồi Ngài về ngự bên hữu Chúa Cha hằng chuyển cầu cho tất cả những ai đến tham dự Thánh Lễ mà Hội Thánh làm hiện tại hóa Hy Tế của Chúa Giêsu. Cho nên đi dự Lễ là gặt hái hoa trái cứu độ được Đức Giêsu cùng các thánh vất vả làm ra “mùa lúa chín vàng”.
Thế mà có mấy người biết quý trọng Thánh Lễ, đúng là mùa lúa chín thiếu thợ gặt! Thật là chua xót đối với Đức Giêsu, mới hơn 20 thế kỷ nay, những người mang danh là Công Giáo nhất là bên Âu Châu hầu hết bỏ dự Lễ và càng không quan tâm đến việc rước lễ, không gặt hái mùa lúa chín vàng do Đức Giêsu và bao nhiêu chứng nhân đã vất vả trồng hạt Lời, và tưới bón bằng máu thịt của mình, để có mùa lúa chín chờ người gặt.
4/ Muốn làm tông đồ, phải được Hội Thánh sai đi
Đức Giêsu dạy: “Chúng con hãy xin chủ mùa sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2b). Cụ thể qua đời sống thánh Phao-lô, là một Biệt phái rất nhiệt tâm thờ Chúa theo Luật Mô-sê, ông đã trở thành kẻ giết Chúa (x Cv 9,4). Nhưng khi được Chúa Giêsu chộp lấy, huấn luyện và sai ông đi làm vườn nho cho Ngài, ông mới ý thức về việc Tông Đồ Ngài trao cho Hội Thánh, ông nói: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?’’ (Rm 10,14-15a) Với lòng xác tín như trên, nên ông Phao-lô trước khi đi truyền giảng Tin Mừng, ông đã đến gặp các thủ lãnh của Hội Thánh để nhận quyền Sai Đi, bằng không việc phục vụ của ông trở nên vô ích (x Gl 2,1-2).
5/ Đường tông đồ là đường chông gai
Đức Giêsu dạy: “Thầy sai anh em đi như chiên vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). Niềm tin “ở hiền gặp lành” chỉ có thể thấy đúng trong thế giới Phục Sinh. Còn đời này phải biết rằng: “Ai càng thiết tha sống chân lý, càng gặp nhiều chống đối, nhiều kẻ ghét, và cuối cùng cô đơn!” Ta cứ nhìn vào mẫu gương sống của Đức Giêsu: Ai thánh thiện bằng Ngài? Ai thương người bằng Ngài? Thế mà Đức Giêsu làm Tông Đồ cho Chúa Cha chưa tròn 3 năm, thì chính những kẻ đã từng thụ ơn đã đồng lõa giết Ngài! Trên thập gía, Ngài nhìn xuống tìm những người đã thụ ơn, họ đều trốn mất! Chỉ còn lại những kẻ chế diễu Ngài! Ngài cất tiếng kêu cứu nơi Chúa Cha, Người lại im lặng! Đến nỗi Đức Giêsu phải thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của Con, sao Người bỏ rơi Con” (Mt 27,46).
Thánh Phao-lô cũng nói lên sự cô đơn này: “Vì anh Đê-ma đã bỏ tôi, bởi yêu mến thế gian này; A-lê-xan-đê, người thợ rèn, đã gây cho tôi nhiều khốn khổ; Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ. Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tm 4,10a.14a.16-17).
Phục vụ Tin Mừng có chấp nhận gian khổ mới thực sự phục vụ vì yêu, chứ không phải vì thương mại, và lời rao giảng đến đổ máu mới minh chứng điều mình công bố là chân lý quan trọng nhất.
Thánh Tông Đồ ý thức con đường theo Chúa là thế, nên ông đã nói: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập gía Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Gl 6,14). Bởi đó nếu ta theo Đức Giêsu chỉ dừng chân ở thập giá thì ta là kẻ khốn nạn nhất trên đời (1Cr 15,19), nên ta phải hướng về mầu nhiệm Phục Sinh. Chính ông Gióp lúc quá khổ, không thể lý giải sự đau khổ của mình bằng lý luận loài người. Đau khổ của ông cũng như của loài người chỉ có thể hiểu lý do, ý nghĩa và hiệu quả trong thế giới Phục Sinh, nên ông nói: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ.Lòng tôi những tha thiết mong chờ” (G 19,25-27).
Bởi vậy, chỉ trong mầu nhiệm Phục Sinh “tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban, trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 27/26,13).
6/ Tông đồ phải sống tinh thần nghèo khó
Đức Giêsu dạy: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.” (Lc 10,4a) Nghĩa là phải sống theo gương Đức Giêsu: “Ngài vốn dĩ là Đấng giàu có, nhưng vì chúng ta, Ngài đã trở nên nghèo khó, để chúng ta được giàu có, nhờ sự nghèo khó của Ngài!” (2 Cr 8,9) Thì người môn đệ của Đức Giêsu cũng phải cần cù làm việc để có thu nhập cao, đạt chỉ tiêu giàu có giống Đức Giêsu, nhưng vì phục vụ Tin Mừng mà ta trở nên nghèo để đồng loại được giàu có về Đức Tin; còn người môn đệ chấp nhận nghèo khó như Thầy Giêsu không có nơi ngả đầu (x Lc 9, 58).
Vậy người môn đệ Đức Giêsu hãy sống nghèo cách cụ thể như Ngài dạy:
+ Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép! (x Lc 10,4a: Tin Mừng).
+ Người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. (Lc 10, 7-8: Tin Mừng).
+ Chính Chúa mới là gia nghiệp đời mình. (x Tv 16/15,5)
7/ Làm tông đồ là đi cấp cứu người
Đức Giêsu dạy: “Đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10,4b). Lời căn dặn này nhắc lại cho ta chuyện ngôn sứ Ê-ly-sa sai đầy tớ là anh Ghêkhaji, cầm gậy của thầy chạy mau đến nhà bà lớn thành Shu-nem để đặt gậy lên xác con trai bà, làm cho cậu hồi sinh. Đó là việc cấp bách, nên ngôn sứ Ê-ly-sa dặn đầy tớ: “Đừng chào hỏi ai” (x 2V 4,18-37). Thế thì việc loan báo Tin Mừng là hành động cứu cấp đồng loại thoát tay tử thần, nên không còn để ý đến việc chào hỏi hay từ giã ai (x Lc 9, 61t). Nghĩa là không có gì làm bận tâm để phải trì hoãn việc loan báo Tin Mừng.
8/ Muốn được bình an phải loan báo Tin Mừng
Đức Giêsu dạy: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an sẽ trở lại với anh em”(Lc 10, 5-6: Tin Mừng). Rõ ràng việc rao giảng Tin Mừng luôn luôn phát sinh sự bình an: Ai biết đón nhận Tin Mừng, sự bình an đến với họ; bằng không sự bình an trở về cho sứ giả Tin Mừng. Nói cách khác, làm Tông Đồ là đem bình an cho môi trường sống và phát sinh bình an trong nội tâm người loan báo. Bởi vì chính Lời Chúa có sức mạnh ban ơn, như Chúa nói: “Mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” (Is 55,10-11). Do đó thánh Phao-lô quả quyết rằng: “Lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu.” (1Tx 2,13).
Thánh Luca là người Hy-lạp ngoại giáo trở lại, và là môn đệ của Thánh Phaolô. Người là tác giả sách Phúc Âm thứ ba và sách Tông Ðồ Công Vụ.
Thánh Luca là người học thức, có tài viết văn, có tài kể chuyện, người đề tặng cả hai tác phẩm của mình cho một nhân vật thế giá tên là Tê-ô-phim, mới theo đạo Kitô.
Thánh Luca viết sách Phúc Âm khoảng giữa năm 70 và 75 sau công lịch, nhấn mạnh đến:
- Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ mọi người, giao hoà nhân loại với Thiên Chúa. Chúa thu hút nhân loại bằng những đức tính cao cả của Ngài. Ngài luôn cầu nguyện ngợi khen Chúa Cha.
- Thiên Chúa nhân từ và thương xót. - Tinh thần bỏ mình và nghèo khó.
Thánh Luca dùng lời lẽ có ý nghĩa để diễn tả lại những trường hợp Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót các phụ nữ hư hỏng, và phục hồi quyền lợi thế giá cho họ. Người đã kể lại những câu chuyện có ích lợi đặc biệt cho dân ngoại, như các chuyện bà Ma-đa-lê-na, ông Gia-kêu, người trộm lành, người Sa-ma-ri-a nhân hậu.
Phúc Âm theo Thánh Luca có lẽ là sách Phúc Âm hấp dẫn nhất đối với thế giới mới.
1. Thánh Luca là ai?
- Luca bắt nguồn từ danh từ Latin "Lucanus" nói lên nguồn gốc của ngài là dân ngoại. Theo lá thư Phaolô gởi cho Ti-mô-thê-ô "chỉ mình Luca ở với Cha," có nghĩa là Luca là bạn đồng hành truyền giáo của thánh Phaolô. Trong Phi-lê-môn câu 24, Thánh Phaolô liệt kê Thánh Luca vào số "những cộng sự viên của ngài"; còn trong Co-lose-sê ngài được gọi là "lương y."
2. Luca đã đóng vai trò nào trong Tân Ước?
- Ngài không chỉ là tác giả của Phúc Âm thứ ba mà còn là tác giả sách Tông Ðồ Công Vụ nữa.
3. Thánh Luca viết sách Phúc Âm nhằm mục đích gì?
- Ngài viết Phúc Âm để minh chứng rằng đạo Chúa Kitô là một đạo giáo toàn cầu qua cách giảng diễn lòng nhân từ của Chúa đối với những người nghèo khổ và bị áp bức; nêu cao lòng thiện cảm của Chúa dành cho dân ngoại. Phúc Âm ngài đã diễn đạt chân lý mà Thánh Phaolô công bố trong thư Ga-la-ta chương 3 câu 28 như sau: “Không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì tất ca anh em là một trong Ðức Giêsu Kitô.”
4. Thánh Luca viết Phúc Âm nhằm cho loại độc giả nào?
- Là một người dân ngoại, nên ngài viết cho các tín đồ dân ngoại.
5. Thê-ô-phi-lô là ai mà Thánh Luca đề tặng ở đầu sách Phúc Âm của ngài?
- Thê-ô-phi-lô là một danh từ Hy Lạp, có nghĩa là "kẻ yêu mến Thiên Chúa." Có thể ông là kẻ mới chịu đạo và đại diện cho nhóm độc giả mà Luca nhắm tới, hầu họ am tường về giáo huấn của đạo mới.
6. Luca đã làm gì để minh chứng đạo Chúa Kitô là đạo phổ quát?
- Ngài đã chứng minh gia phả của Chúa Giêsu không chỉ qua dòng dõi vua Ða-vít lên tới Abraham như Thánh Matthêu đã làm, mà còn trở ngược lên tới Adam. Chủ đích muốn nhấn mạnh rằng:
Giêsu không phải chỉ là một người gốc Do Thái, mà Ngài còn là con người của hoàn vũ, mang dòng máu nhân loại. Hơn nữa Ngài còn đề cập tới cuộc thăm viếng của Chúa tại một làng dân ngoại tên là sa-ma-ria. Ngài đã đề cập tới người ngoại tốt lành Sa-ma-ri-ta-nô. Ngài nhắc tới người ngoại trong số 10 người phong cùi được chữa làn, chỉ mình Luca tường thuật những lời Chúa tuyên bố về sứ vụ của Người.
7. Cho biết vắn tắt nội dung và bố cục của Phúc Âm Thánh Luca?
- Tin Mừng thời niên thiếu của Chúa (chương 1-2) - Sứ vụ của Chúa tại Galilê (chương 3-9) - Hành trình lên Giêrusalem (chương 9-19) - Sứ vụ tại Giêrusalem (chương 19-21) - Thương khó và sống lại (chương 22-24)
8. Phúc Âm của Luca có những đặc tính nào?
- Là một soạn tác lịch sử được diễn đạt một cách văn chương trau chuốt. - Là một Phúc Âm cho những người bị áp bức. - Là một Phúc Âm cho dân ngoại. - Là một Phúc Âm của cầu nguyện. - Là một Phúc Âm của niềm vui. - Và là Phúc Âm đặc biệt nói về nữ giới.
9. Tính cách văn chương trong Phúc Âm của Thánh Luca như thế nào?
- Vì là một người học thức uyên thâm, nên lối viết của ngài thật chải chuốt, tránh những từ Do Thái; nhưng vì tác giả cố bắt chước lối hành văn Cựu Ước của bản dịch Hy Lạp nên kiểu nói "và xảy ra là.." được lặp đi lặp lại nhiều quá hoá nhàm. Bù lại tác giả biết bố cục câu chuyện, xếp đặt ý tưởng mạch lạc, đón trước rào sau kỹ lưỡng.. Tóm lại Phúc Âm của Thánh Luca là một soạn tác thật là công phu.
10. Làm sao Phúc Âm của ngài được gọi là Phúc Âm của người nghèo và bị áp bức?
- Không Phúc Âm nào chúng ta có thể được một sự lưu tâm đáng yêu mà Chúa dành cho những người thu thuế và tội lỗi như trong Phúc Âm thánh Luca:
- Chúa đến để tìm kiếm những gì đã mất.. một người nữ ngoại tình, một người thu thuế thống hối, một tên trộm ăn năn…
- Không một Phúc Âm nào diễn tả được tấm lòng tha thiết của Chúa dành cho những người bơ vơ nghèo đói cho bằng dưới ngòi bút điêu luyện của Luca.
11. Tại sao gọi Phúc Âm Thánh Luca là Phúc Âm của niềm vui?
- Là Phúc Âm của niềm vui vì ngay từ đầu, và bàn bạc trong Phúc Âm của ngài nhiều chỗ nói về niềm vui như ở đầu Phúc Âm là tin vui loan báo cho Za-cha-ri-a, truyền tin cho Maria. Những niềm vui liên tục khi Thánh Gioan chào đời, lúc Chúa giáng sinh...
Những niềm vui trong chương 15 khi tìm thấy con chiên lạc, tìm được đồng tiền mất, gặp lại người con hoang và niềm vui nân hoan của các tông đồ khi trở lại Giêrusalem. Ðúng như Harnack đã nói: "Có những nét vui tươi, can trường và chiến thắng âm vang trong toàn bộ cuốn Phúc Âm của Thánh Luca từ trang đầu cho tới trang chót."
12. Thánh Luca có những nét cá biệt đặc sắc nào trong tường thuật giáng sinh của Chúa Cứu Thế?
- Bằng giọng văn chương, Thánh Luca đã ghi lại cuộc truyền tin cho Ðức Maria, bài hoan ca của Mẹ Maria, bài ca của ông Gia-ca-ri-a chúc tụng Chúa, bài ca vinh danh của các thiên sứ trong đêm Chúa giáng sinh và bài ca của ông Si-mê-on: Giờ đây, lạy Chúa.
13. Lễ của ngài được mừng kính vào ngày nào trong năm phụng vụ?
- Ngày 18 tháng 10 với danh tước là Luca thánh sử.
Thánh Luca, tác giả Phúc âm thứ ba và sách Công vụ sứ đồ, là người đóng góp đơn độc và rông rãi nhất cho Tân ước. Như các tác phẩm cho thấy, Ngài là một trong những Kitô hữu có học nhất thời Giáo hội ly khai. Dầu vậy, Ngài rất mực khiêm tốn và ẩn mình đi đến nỗi dù một chút gì chúng ta biết về Ngài cũng phải đọc trong những dòng chữ của Ngài bằng kính phóng đại. Chúng ta chú mục vào những chỗ "nhóm chúng tôi" thay vì "họ", nghĩa là Ngài nhận sự có mặt của mình trong khung cảnh chuyển nó vào những dẫn chứng rời rạc trong thánh Phaolô, tìm những khuôn mặt xem ra rõ rệt nhất, phân tích việc chọn lựa và xử dụng từ ngữ của Ngài. Dần dần hình ảnh của thánh Luca nổi lên:
Ngài tự bẩm sinh là người Hylạp, chứ không phải Do thái, nhưng theo ngôn ngữ và văn minh xem ra Ngài đã không sinh ra tại những thành phố Hy lạp lớn miền cận đông. Một tác giả thứ hai nói Ngài sinh ra tại Antiôkia, Syria và khi những biến cố xảy ra dường như Ngài đang sống ở đó trong thập niên bốn mươi của thế kỷ đầu và đã là một trong những lương dân trở lai đầu tiên.
Theo nghề nghiệp, Ngài là y sĩ và rất có thể đã theo học đại học tại Tarse. Bởi đó có thể Ngài đã có vài tiếp xúc trước với thánh Phaolô khoảng năm 49 hay 50, Ngài đã liên kết với thánh Phaolô trong sứ vụ qua Tiểu Á tới Au Châu. Dầu vậy khi tới Philipphê, thánh Luca đã dừng lại đó, không phải là giám mục của Giáo hội tân lập vì dường như thánh nhân đã không hề lãnh nhận chức thánh, nhưng đúng hơn ta có thể gọi là "thủ lãnh giáo dân". Hơn nữa, Ngài dường như dấn thân vào thành phần sử gia, một vai trò mà sự giáo dục và cố gắng rất phù hợp với Ngài. Sự quan sát kỹ lưỡng và diễn tả chính xác là những từ ngữ của các trường thuốc Hy lạp và các văn phẩm của thánh Luca chứng tỏ để Ngài đã biết áp dụng chúng vào lãnh vực lịch sử.
Dầu vậy, vào khoảng năm 57, thánh Phaolô đã từ Corintô trở lại qua Macedonia trên đường đi Giêrusalem, để thu thập các đại diện từ nhiều Giáo hội khác nhau và thánh Luca đã nhập bọn, từ đó trở đi Ngài đã không hề rời xa thầy mình. Ngài đã chứng kiến việc người Do thái tìm cách hại Phaolô và việc người Roma giải cứu thánh nhân. Khi Phaolô đáp tàu đi Roma sau hai năm bị tù ở Cêsarêa, thánh Luca ở với Ngài. Họ bị đắm tàu ở Malta và cùng tới Rôma. Nhưng ở Roma. Thánh Luca đã thấy một trách vụ khác đang chờ đón Ngài. Roma là con mắt của Phêrô và người phát ngôn của thánh Phêrô là Marcô đã xuất bản Phúc âm viết tay của Ngài.
Nhưng còn những ký ức khác đã được viết ra hay truyền tụng rời rạc hoặc toàn bộ về cuộc đời của Chúa chúng ta trên trần gian. Thánh Luca đã quyết định rằng: sứ vụ cho lương dân cần một Phúc âm mới, được viết ra bằng Hy ngữ văn chương hơn là Phúc âm của Marcô cho hợp với lương dân có học và không dành riêng cho người Do thái như là Phúc âm của thánh Mathêo: việc trước tác sách này là phần tiếp theo sách Công vụ sứ đồ xem như hoàn thành tại Roma giữa năm 61 tới 70, nhưng thánh Luca đã trốn cuộc bách hại của Nêrô và đã trải qua quãng đời còn lại tại Hy Lạp.
Tài liệu thế kỷ thứ hai viết: - "Trung thành phục vụ Chúa, không lập gia đình và không có con; Ngài được qua đời hưởng thọ 84 tuổi ở Boctica, đầy tràn Thánh Thần".
Thánh Luca là một vị thánh luôn luôn bình dân. Một phần có lẽ vì chúng ta hiểu rõ Ngài là một giáo dân, thừa hưởng văn hóa Hy lạp cổ. Hơn nữa, Ngài bình dân vì đặc tính lương dân và dấn thân của mình. Tất cả văn phẩm của Ngài đầy quan tâm đến con người, thương cảm con người, liên hệ tới người nghèo, hào hiệp với phụ nữ. Ngài cũng rất hấp dẫn bởi đã thu thập và kể lại vô số những công cuộc đầy nhân hậu của Chúa Kitô.
Thật ra người ta sẽ lầm lẫn khi dìm mất tính chất và giáo huấn nghiêm khắc của Chúa. Nhưng các y sĩ có thể hãnh diện về Ngài vì chắc hắn không có y sĩ nào sẽ qua mặt được Ngài về "tình yêu dành cho nhân loại". Và những người còn lại trong chúng ta có thể biết ơn Ngài vì nhờ Ngài chúng ta có được dụ ngôn cây vả khô chồi (13,60, đứa con hoang đàng (15,11) và người Samaria nhân hậu (10,300. Chúng ta cũng biết ơn Ngài vì câu chuyện người kẻ trộm thống hối và cả năm mầu nhiệm Mân Côi mùa Vui.
Nhưng trên tất cả, chúng ta mắc ơn Ngài Kinh Ave "Ngợi khen" (Magnificat), chúc tụng (Benedictus), Phó dâng (Nunc dimittis) với quá phân nửa câu truyện ngày lễ Giáng sinh. Rồi đây là chỗ mà sự khiêm tốn ẩn mình của thánh nhân xa rời chúng ta.
Thánh Luca đã nghe truyện từ miệng Chúa không? Thánh nhân không nói điều này cho chúng ta nhưng rất có thể lắm. Chúng ta biết sau cuộc đóng đinh, mẹ đã được thánh Gioan săn sóc và chắc chắn đã có sự giao tiếp giữa hai thánh sử này. Nhưng trùng hợp của hai Phúc âm (như về việc biến hình) hay những trùng hợp về ngôn ngữ trong phần đầu sách Công vụ mạnh mẽ minh chứng điều này,
Hơn nữa, nếu thánh Luca được rửa tội ở Antiôkia khoảng năm 40 thì tự nhiên là có thể tìm gặp được thánh Gioan ở Giêrusalem... Lúc ấy Đức Mẹ trên dưới 70 tuổi. Như vậy không có lý gì thánh Luca lại không thể nghe chính môi miệng mẹ kể chuyện. Mà dầu chuyện nầy có đến với Ngài cách gián tiếp đi nữa, chúng ta vẫn biết ơn Ngài đã lưu lại cho chúng ta những giai thoại đặc biệt ấy.
Đi tham dự thánh lễ ở nhà thờ, chúng ta thường nghe đọc: Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. Có lẽ Bạn cũng đã có lần thắc mắc: Sao lại bảo Tin mừng của Chúa theo Thánh Luca và thánh Luca là ai vậy?
Vâng thắc mắc của Bạn rất đúng. Chúa Giêsu ngày xưa khi đi rao giảng nước Thiên Chúa cho con người ba năm liền, nhưng Ngài không viết một chữ nào để lại. Sau khi ngài chết, sống lại và trở về Trời, vì nhu cầu giảng dậy giáo lý đức tin nước Thiên Chúa, lúc đó các Thánh Tông đồ, những người trực tiếp nghe Chúa giảng dạy giáo lý, nói lại những gì họ đã nghe, đã thấy Chúa nói, Chúa làm hay có những vị như Thánh Gioan, Thánh Matthêo, Thánh Marcô và Thánh Luca viết lại những gì đã nghe, đã thấy, lúc còn đi theo Chúa Giêsu rao giảng.
Có thể nói họ là những chứng nhân đầu tiên hoặc trực tiếp nghe Chúa, hoặc đã được nghe kể về Chúa. Trong đó có phúc âm của Chúa Giêsu do Thánh Luca ghi chép lại. Luca theo Thánh Phaolô viết trong thư gửi giáo đoàn Colô-sê (4,14) là một y sĩ chữa bệnh.
Theo sách Tông đồ công vụ (27,1) ông là người đi theo Thánh Phaolô trên con đường truyền giáo sang Rôma rao giảng tin mừng nước Thiên Chúa.Cũng theo thư Thánh Phaolô gửi cho đồ đệ Timo-thêo (2 Tim4,11) Luca là người giúp đỡ thánh Phaolô trong thời gian ngài bị cầm tù trong ngục. Nhưng Hội thánh công giáo lúc ban đầu đã cho Luca là người viết tin mừng Chúa Giêsu vào khoảng năm 80 đến 90, sau khi Chúa Giêsu về trời.
Và Luca đồng thời cũng là tác gỉa ghi chép lại những việc của các Thánh Tông đồ và Hội thánh lúc ban đầu trong sách Tông đồ công vụ cũng vào khoảng thời gian sau năm 80. Ngày nay chắc đã có lần Bạn đã thấy hình ảnh con bò có cánh nơi bìa sách phúc âm Chúa Giêsu, hay đâu đó trong đền thánh nhà thờ có khắc vẽ chạm trổ hình này hoặc trên đầu hoặc dưới chân thánh Luca với cuốn sách phúc âm trên tay.
Tại sao có biểu tượng hình vẽ chạm khắc này và mang ý nghĩa gì? Hình vẽ biểu tượng cho Phúc Âm Thánh Luca là hình con Bò. Ngay phần đầu sách Tin Mừng ông thuật lại khung cảnh Thiên Thần Chúa hiện ra báo tin mừng cho Ông Daca-ria đang lúc ông cử hành phụng tự tế lễ Thiên Chúa trong đền thờ: Lời cầu xin của Ông Bà đã được Thiên Chúa nhậm lời, ông Bà sẽ có con(Lc 1,5-23).
Rồi cảnh Thiên Thần Gabriel hiện đến đưa tin cho Đức Mẹ: Bà sẽ thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và Chúa Giêsu sẽ sinh ra làm người (Lc 1, 26-38). Và nhất là bài tường thuật chi tiết về khung cảnh đêm Chúa Giêsu giáng sinh làm người giữa các mục đồng, chiên bò cừa dê và có các Thiên Thần hiện đến.(Lc 2, 1- 20).
Nhờ Thánh Luca ghi chép lại, mà ngày nay Hội Thánh công giáo có được kho tàng giáo lý của Chúa còn được lưu truyền lại bằng ngôn ngữ chữ viết. Và nhất là hình ảnh khung cảnh lúc sinh ra và thời thơ ấu của Chúa Giêsu trên trần gian được ông ghi chép vẽ lại trong bức tranh nhân bản sống động: Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta.
Thánh Luca là người viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Ðồ. Trong hai cuốn này, ngài cho thấy sự song hành giữa đời sống Ðức Kitô và của Giáo Hội. Trong các thánh sử, ngài là người duy nhất thuộc dân ngoại.
Truyền thuyết cho rằng ngài là người Hy Lạp, sinh quán ở Antioch và là người đầu tiên trở lại. Là một thầy thuốc, có lẻ xuất thân từ trường Tarsus và quen biết Phaolô từ lâu. Thánh Phaolô gọi ngài là “người thầy thuốc yêu quý của chúng ta” (Col. 4:14). Có lẽ ngài viết sách Phúc Âm trong khoảng từ năm 70 cho đến 85.
Ngài xuất hiện trong sách Công Vụ trong chuyến hành trình thứ hai của Thánh Phaolô, và ở lại Philippe một vài năm cho đến khi Thánh Phaolô trở về đó trong chuyến hành trình thứ ba, và ngài tháp tùng Thánh Phaolô đến Giêrusalem và ở gần thánh nhân trong thời gian cầm tù ở Ceasarea. Trong hai năm này, Thánh Luca đã có thời giờ để tìm tòi thêm các chi tiết và phỏng vấn những người đã từng gặp Ðức Giêsu. Sau cùng ngài là người đồng hành trung tín đã tháp tùng Thánh Phaolô trong chuyến đi đầy nguy hiểm đến Rôma. Trong thư gửi Timôthê, Thánh Phaolô có nhắc, “Chỉ có Luca là ở với tôi” (2 Tim 4:11).
Người ta không còn biết gì nhiều về quãng đời cuối cùng của thánh nhân. Theo một tác giả thế kỷ thứ II thì người tránh được cuộc bắt bớ của Neron đã giết Phêrô và Phaolô (66) và về lại Hy Lạp sống cuối đời “không vợ không con, chết lúc 84 tuổi ở Beotie, đầy ơn Chúa Thánh Thần”.
Theo một tài liệu khác tìm được ở Constantinople thì Thánh Lucas đã rao giảng Tin Mừng ở Achaie, Beotie và sau làm Giám Mục thành Thébes. Thánh Gaudence ở Brescia đã quả quyết thêm rằng Lucas đã cùng lãnh triều thiên tử đạo với thánh Andrea tại Patras thuộc Achaie. Thánh tích của người hiện còn tại VCTĐ Thánh Giustina ở Padua, nước Ý.
Thánh Lucas đã viết về đời thơ ấu của Chúa Giêsu và Đức Mẹ mà chắc chắn người quen biết. Người ta còn nói người đã vẽ chân dung Đức Mẹ. Thánh nhân là quan thầy các thầy thuốc và họa sĩ
Lời Bàn
Thánh Luca viết cho Kitô Hữu dân ngoại với tư cách của một người dân ngoại. Cuốn Phúc Âm ngài viết chứng tỏ ngài là người giỏi về tiếng Hy Lạp, cũng như nguồn gốc của Do Thái.
Lời Trích
Ðoạn kết của Phúc Âm Thánh Luca: “Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Các ông bái lạy Người, rồi trở về Giê-ru-sa-lem mà lòng tràn ngập niềm vui, và họ tiếp tục ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Luca 24:50-53).
Trong việc huấn luyện các môn đệ đi truyền giáo, Đức Giêsu vừa dạy, vừa cho thực tập. Trước đây (Lc 9,3-5) Chúa đã sai mười hai Tông đồ đi thực tập truyền giáo. Hôm nay (Lc 10,1-12) Người lại sai bảy mươi hai môn đệ đi thực tập nữa, nghĩa là đi chuẩn bị dân chúng đón nhận Chúa đến.
Tin Mừng hôm nay Thánh Luca muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các Tông Đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Việc loan báo Tin Mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn. Việc đầu tiên người truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Thiên Chúa chủ màu gặt, nhận ai vào nước Chúa là quyền của Ngài và là ơn của Ngài. Người rao giảng Tin Mừng vào nhà nào hãy chúc bình an cho nhà ấy, chữa lành các bệnh tật. Khi đi không mang bao bị túi tiền, giày dép. Ở đây Chúa Giêsu nhắc nhở người môn đệ chúng ta về tinh thần nghèo khó đích thực. Cuộc sống nghèo khó của Chúa Giêsu là một chọn lựa: Ngài đã chọn sinh ra trong nghèo khó, Ngài đã lớn lên trong nghèo khó, và trong ba năm sống công khai Ngài cũng đã chọn lựa nếp sống nghèo khó.
Khi sai các môn đệ lên đường rao giảng Nước Trời, Ngài cũng khuyên dụ các ông hãy sống khó nghèo, và tinh thần siêu thoát. Người Tông đồ ra đi hai tay không, người ta tiếp đón thì ở lại, người ta không niềm nở thì ra đi, rũ bỏ lại mọi thứ bụi trần, đó là hình ảnh của sự siêu thoát mà Chúa Giêsu luôn đòi hỏi ở các môn đệ Ngài: “đừng mang theo túi tiền, bao bị giầy dép, người ta cho ăn uống gì thì hãy ăn thức đó, đừng đi đến hết nhà nọ đến nhà kia” (Mt 10,9-10).
Nghèo khó và siêu thoát là sứ điệp khả tín về Nước Thiên Chúa. Cùng với đòi hỏi về khó nghèo và siêu thoát, Chúa Giêsu xác định rõ ràng nội dung lời rao giảng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Nước Thiên Chúa là sản nghiệp và cùng đích của cuộc sống, đương nhiên con người phải đánh đổi tất cả để được vào nước ấy. Chúa Giêsu là hiện thực của nước ấy, vì Ngài đã chọn lựa sinh ra, sống và chết nghèo.
Người môn đệ của Chúa Giêsu cũng được mời gọi sống theo lý tưởng ấy, Giáo hội tiên khởi cũng đã thực hiện từng chữ lời khuyên khó nghèo của Chúa Giêsu.
Ngày nay, người Kitô hữu noi gương Chúa Giêsu cũng phải có tinh thần nghèo khó, đích thực, biết luôn giữ khoảng cách đối với của cải vật chất, biết sử dụng nó như phương thế để tìm kiếm và xây dựng những giá trị Nước Trời, như thực hiện công bằng, bác ái, liên đới, mưu cầu công ích, chia sẻ với người túng thiếu. Bằng bàn tay và trái tim rộng mở, người Kitô cần phải siêu thoát vật chất, để hết tâm lực và thời giờ vào việc tông đồ mở mang nước Chúa để trở thành lời loan báo và dẫn chứng đích thực rằng nước Chúa đang đến.
Một nam tu sĩ thuộc dòng của Mẹ Têrêsa Calcutta nói với Mẹ: “Thưa Mẹ, ơn gọi của con là phục vụ những người cùi. Con nguyện đem tất cả cuộc sống, tất cả năng lực của con để sống ơn gọi ấy”.
Nghe thế Mẹ Têrêsa giải thích: “Thầy lầm rồi, ơn gọi của Thầy là thuộc về Chúa Giêsu, chính Ngài đã chọn Thầy và công việc mà Thầy đang làm chỉ là phương tiện để diễn tả tình yêu của Thầy đối với Ngài mà thôi. Do đó, công việc mà Thầy chọn không quan trọng, điều quan trọng là thuộc về Ngài, là đón nhận từ Ngài, nhưng phương tiện chỉ để phục vụ Ngài”.
Lạy Chúa, trên hành trình tiến về nhà Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi những ràng buộc của bản thân, của lề thói xã hội, để biết trao ban cho anh em chính Chúa chứ không phải chính con.
Có một linh mục người Mỹ thuộc dòng Tên, giảng dạy tại một trường đại học Công giáo nổi tiếng tại Phi Luật Tân. Ngày kia, tình cờ vị linh mục này đi vào một khu xóm lao động nghèo nàn và gặp một tu sĩ Tiểu đệ người Bỉ. Sau một hồi trao đổi, linh mục người Mỹ đã hỏi tu sĩ người Bỉ như sau: Anh ở đây làm gì vậy. Tu sĩ người Bỉ trả lời: Tôi đi chợ, nấu ăn, giặt giũ quần áo, tôi sống với những người anh em nghèo trong khu xóm lao động này. Nghe thế vị giáo sư người Mỹ có lẽ như tiếc rẻ cho sự hy sinh lãng phí ấy, nên mới nói về mình như sau: Tôi sang đây là để dạy học và thuyết trình, tôi đi đây đi đó, tôi đào tạo những con người hữu ích cho xã hội.
Qua cuộc đối thoại này, có lẽ chúng ta thấy được những khía cạnh khác nhau của việc truyền giáo trong Hội Thánh. Vị linh mục người Mỹ trên đây là điển hình cho một đội ngũ đông đảo các nhà truyền giáo của Hội Thánh trên khắp thế giới, từ thành thị đến nông thôn, từ học đường đến công sở. Nếu có những nhà truyền giáo hăng say hoạt động rao gảing thì cũng có những nhà truyền giáo âm thầm, sống như những chứng nhân. Tựu trung, hoạt động hay sống âm thầm, cả hai hình thức đều có chung một sứ mạng, đó là làm chứng cho Đức Kitô và nước của Ngài. Cả hai đều được sai đi, cả hai đều bị ràng buộc bởi một đòi hỏi giống nhau, đó là làm chứng cho Nước Trời bằng cuộc sống siêu thoát.
Đây là đòi hỏi cơ bản nhất mà Chúa Giêsu đã đề ra cho các môn đệ khi Ngài sai các ông lên đường rao giảng Tin Mừng. Ngài nói với các ông: Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, áo xống, giày dép và đừng chào hỏi ai dọc đường. Một cuộc sống siêu thoát, không lệ thuộc vào của cải trân gian, đó là biểu hiện tiên quyết cho chứng nhân Nước Trời.
Ra đi không hẳn là rời bỏ quê hương của mình để đến những miền đất xa lạ, nhưng chủ yếu là ra khỏi chính mình, ra khỏi con người ích kỷ của mình để đến với tha nhân trong tinh thần hoà giải, yêu thương và phục vụ. Đó là ý nghĩa của mệnh lệnh Chúa truyền: Vào nhà nào trước tiên các con hãy nói: bình an cho nhà này. Hiện diện giữa tha nhân, hiện diện với tha nhân bằng tinh thần chia sẻ, cảm thông và tha thứ, đó chính là sự ra đi đích thực của nhà truyền giáo. Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo.
Là thành phần của Giáo Hội, mỗi người tín hữu, tự bản chất cũng là một nhà truyền giáo. Điều đó có nghĩa là những giá trị của Nước Trời cần phải được thể hiện trong chính cuộc sống giữa chúng ta. Chúng ta phải sống thế nào để những người chung quanh nhìn vào sẽ phải thốt lên sự bỡ ngỡ như những người Do Thái ngày xưa nhìn vào các tín hữu tiên khởi đã phải kêu lên: Kìa xem họ yêu thương nhau dường nào.
Bằng lời nói và nhất là bằng cuộc sống dạt dào yêu thương, chúng ta hãy trở nên là những chứng nhân sống động cho Đức Kitô giữa lòng cuộc đời.
Chỉ có mình thánh Luca ghi lại việc sai phái bảy mươi hai môn đệ đi trước sửa soạn cho Chúa Giêsu đến. Điều này phù hợp với việc Chúa kéo dài cuộc hành trình trên đường về Giêrusalem. Công tác của họ chỉ trong một thời gian hạn định, nhưng trong lời huấn thị đưa ra cho họ, Chúa Giêsu đã đưa ra những nguyên tắc căn bản áp dụng cho mọi thời. Trước hết Ngài tỏ cho biết lý do của sự lựa chọn họ: lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Trước khi thế gian nhận được sứ điệp họ mang tới, họ và những người kế vị họ phải tha thiết cầu nguyện với Chúa mùa gặt sai thợ đến. Đó là một lời cầu nguyện mà mọi kẻ phụng sự Chúa Kitô phải dâng lên tự đáy lòng mình. Lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa sẽ khiến chúng ta cố gắng hoàn thành công tác mau chóng hơn, và muốn được vậy cần phải có đông công nhân hơn.
Đối với người Do Thái, số bảy mươi hai là số biểu tượng. Đó là số các trưởng lão đã được lựa chọn để giúp đỡ lãnh tụ Môsê, với phận sự điều khiển, hướng dẫn dân chúng trong sa mạc. Đó là số thành viên của Hội đồng quốc gia. Nếu số bảy mươi hai chỉ đoàn thể nào trong hai đoàn thể đó thì họ cũng là phụ tá cho Chúa Giêsu. Số đó cũng được coi như số các nước trên thế giới lúc bấy giờ. Luca là người có tầm mắt quốc tế, có lẽ ông đang nghĩ đến một ngày mà mọi nước trên thế giới sẽ nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu, như ông đang yêu mến Ngài vậy.
Đoạn Kinh Thánh cho ta biết mấy điều hết sức quan trọng về người truyền đạo cũng như thính giả.
1) Người rao giảng khi ra đi phải sẵn sàng chấp nhận sự hiểm nguy “như chiên giữa bầy muông sói”, nhưng họ cũng đừng để cho lòng bối rối vấn vương vào những sự thế tục. Sứ giả cần lên đường cách nhẹ nhàng.
2) Người rao giảng cần phải chú tâm vào bổn phận của mình, đừng phí thời giờ vào những nghi lễ lạt lẽo vô vị, nhưng phải ra đi như những con người được thúc giục bởi một động lực cao cả; “Người ấy không được chào ai dọc đường”; điều này nhắc lại lời tiên tri Êlisa bảo tên đầy tớ Giêkhađi đi giúp cho bà ân nhân đất Sunêm khi đứa con đã chết: “Hãy thắt lưng, cầm gậy của ta mà đi! Gặp ai thì đừng có chào, ai chào thì đừng đáp lại” (2V4,29). Đó không phải là dạy làm điều bất lịch sự nhưng là người của Thiên Chúa không nên quay ngang hoặc trì trệ vì những điều nhỏ nhặt đang khi những việc lớn chờ đợi kêu gọi mình.
3) Người rao giảng không nên làm việc để kiếm tư lợi. Người ấy nên ăn những món người ta dọn cho mình, không nên đi từ nhà này qua nhà khác cố ý tìm nơi dễ chịu hơn, đầy đủ tiện nghi hơn. Chẳng bao lâu sau khi Hội Thánh được thiết lập đã có những hạng người ăn bám. Cuốn “Giáo lý của mười hai tông đồ” được viết khoảng năm 100 là cuốn sách về trật tự Hội Thánh đầu tiên. Trong thời đó có những tiên tri đi lang thang từ thành này sang thành khác. Sách đã quy định rằng, nếu vị tiên tri nào muốn ở lại nơi nào lâu hơn ba ngày mà không có việc làm thì kẻ ấy là tiên tri giả, và nếu tiên tri nào xưng mình ở trong Thánh Linh mà xin tiền hay xin thức ăn thì kẻ ấy là tiên tri giả. Người thợ đáng lãnh tiền công, nhưng đầy tớ của Đấng chịu đóng đinh không thể là một kẻ say mê lạc thú.
Ngay từ khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, người Kitô hữu đã được Chúa Cứu Thế kêu mời thi hành sứ mệnh: “Hội Thánh nhân danh Thiên Chúa hết sức kêu mời tất cả các giáo dân, hưởng ứng sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, hãy mau mắn, đại độ và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô, Đấng giờ đây đang thiết tha mời gọi họ. Ước gì giới trẻ hiểu rằng lời mời gọi của Người được đặc biệt gởi tới họ và ước gì họ vui mừng quảng đại đón nhận. Quả thật chính Chúa Giêsu một lần nữa nhờ Thánh Công Đồng này, mời gọi tất cả các giáo dân hãy kết hợp với Người ngày một mật thiết hơn và nhận thức được những gì của Người cũng là của chính mình (Ph 2,5). Họ hãy tham gia vào sứ mạng cứu rỗi của chính Người và một lần nữa Ngài sai họ đi tới các thành và những nơi Người sẽ đến. Như thế giáo dân hãy chứng tỏ mình là cộng tác viên của Chúa Giêsu cộng tác vào cùng một công việc tông đồ của Giáo Hội bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau. Những cộng tác viên phải luôn thích nghi với những đòi hỏi mới của thời đại và không ngừng ra sức phục vụ Chúa bởi biết rằng khó nhọc của mình không phải là uổng phí trong Người” (TĐ33).
Đức Kitô muốn thông ban cho các môn đệ lòng can đảm trong việc tông đồ nên khi Ngài nói “Ta sai các con” điều mà thánh Gioan Kim Khẩu chú giải: “Điều này đủ cho các ngươi được can đảm, điều này làm cho các ngươi được tin tưởng”. Các sứ giả được can đảm vì ý thức rằng mình được Thiên Chúa sai đi, như sau này Phêrô giải thích rõ ràng cho Thượng Hội Đồng ông hành động như thế nhân danh Đức Giêsu Nagiarét, “vì dưới gầm trời này không có danh nào khác khiến người ta được cứu rỗi”. Rồi thánh Grêgôriô Cả thêm vào để giải thích huấn thị của Chúa: Đừng mang bao bị giày dép, đừng chào hỏi ai dọc đường, Người rao giảng phải đặt niềm tin vào Chúa tới độ dầu không trang bị cho mình những nhu cầu để sống, vẫn xác tín rằng sẽ không thiếu. Thật thế, nếu Ngài bận tâm cho những sự thế tục, Ngài sẽ không thể ban phát chung quanh Ngài những sự trên trời. Truyền giáo đòi hỏi một sự hiến thân bao gồm sự từ bỏ, thế nên thánh Phêrô là người đầu tiên thực hành lời dạy của Chúa và đã nói với người hành khất ở Cửa Đẹp đền thờ: “Vàng bạc thì tôi không có”. Thánh Ambrôsiô thêm vào “không phải để phô trương sự nghèo khó, nhưng đúng hơn để vâng phục lệnh Chúa, dường như Ngài muốn bảo anh: Thấy tôi là một môn đệ của Đức Kitô mà anh lại xin tiền à? Chúng ta có thể cho anh ta cái gì còn có giá trị hơn vàng bạc nữa; quyền năng hành động nhân danh Chúa. Tôi không có cái mà Chúa Kitô không cho tôi, nhưng tôi có cái mà Ngài cho tôi: nhân danh Chúa Giêsu thành Nagiarét anh hãy dậy mà đi”. Do đó, việc truyền giáo đòi hỏi phải siêu thoát của cải vật chất, cũng như phải luôn luôn mau lẹ sẵn sàng vì công việc cấp bách.
“Đừng chào hỏi ai dọc đường”. Thánh Ambrôsiô tự hỏi “Sao lại thế? Chúa lại bỏ qua một việc xã giao thường tình? Nhưng phải để ý Chúa không bảo đừng chào ai nhưng bảo đừng chào ai dọc đường, không thừa đâu!
Khi tiên tri Êlia sai tên đầy tớ đi cứu giúp đứa con bà góa bằng cách để cây gậy của vị tiên tri trên đứa bé đã chết, ông cũng ra lệnh đừng chào hỏi ai dọc đường: Ông có ý bảo phải mau mau cứu bé sống lại, đừng để chậm trễ vì những người cùng đi đường với mình. Như thế không phải bỏ qua hết phép lịch sự xã giao, nhưng hạn chế những gì ngăn trở để việc phục vụ được mau lẹ. Khi Thiên Chúa đã bảo, điều gì thế tục phải tạm thời để qua một bên, chào hỏi nhau là tốt, nhưng tốt hơn là thi hành cho mau điều Chúa dạy vì chậm trễ có thể trở nên vô ích.
Về phần thính giả, lời Chúa hôm nay dạy rằng nghe lời Thiên Chúa là một trách nhiệm lớn. Người ta sẽ chịu phán xét theo những gì mình đã may mắn biết được. Chúng ta không chấp trách trẻ con điều mà chúng ta kết án người lớn, chúng ta tha thứ cho người man ri những thái độ, hành động mà nếu xảy ra nơi người văn minh thì bị trừng phạt. Trách nhiệm là mặt trái của đặc ân. Chối bỏ lời mời của Thiên Chúa là một tai họa. Ở một phương diện thì mỗi lời hứa của Chúa có thể thành lời buộc tội cho người nào nghe đến. Nếu người ấy tiếp nhận các lời hứa đó thì quả thật đó là sự vinh hiển nhất, nhưng nếu người ấy xén bỏ đi, thì một ngày kia, lời ấy sẽ là chứng cớ nghịch lại cùng người ấy vậy.
Bảy mươi hai môn đệ trở về với vẻ mặt sáng rỡ vì những chiến thắng đã dành được trong danh Chúa. Ngài nói với các ông một câu khó hiểu: “Ta thấy satan bị tấn công và nước Thiên Chúa xuất hiện”. Nó có thể có nghĩa là Chúa Giêsu biết rằng nhát đòn tử thương đã giáng xuống satan và các quyền lực của nó, tuy rằng chiến thắng cuối cùng có thể còn trì hoãn lâu.
Nhưng câu đó cũng có thể là lời cảnh báo cho tính kiêu căng. Vì do kiêu ngạo satan chống nghịch Thiên Chúa, nên đã bị ném ra khỏi trời. Có thể Chúa Giêsu ngụ ý cùng bảy mươi hai môn đệ rằng: “Các ngươi đã thu hoạch được nhiều thắng lợi, hãy giữ mình kẻo sinh kiêu ngạo”. Chúa Giêsu luôn cảnh báo các tôi tớ Ngài về tội kiêu ngạo và quá tự tín. Quả thực họ được Chúa ban cho mọi quyền phép, nhưng vinh hiển lớn nhất của họ là được ghi tên vào sổ trên trời. Có một điều mãi mãi là sự thật, ấy là vinh hiển lớn nhất của con người không phải là những gì mình đã làm được, mà là những gì Chúa đã làm cho mình. Có người cho rằng việc khám phá ra thuốc mê đã giúp con người giảm bớt đau đớn nhiều hơn bất cứ khám phá nào khác trong y khoa. Một hôm có người hỏi James Simpson: “Ông cho điều gì là khám phá lớn nhất của ông?” và mong đợi câu trả lời rằng: “Thuốc mê”, vì chính ông là người đã khám phá ra môn thần dược này. Nhưng Simpson đã trả lời: “Khám phá lớn nhất của tôi là Chúa Giêsu, Chúa Cứu Chuộc của tôi”. Tính kiêu ngạo đã cản đường lên thiên đàng, nhưng đức khiêm nhường là giấy thông hành để được gặp Chúa.
Chúa sửa sai thái độ của các môn đệ khi chỉ cho các ông lý do thật để vui mừng, đó là niềm hy vọng đạt nước thiên đàng chứ không phải trong quyền năng làm phép lạ, khi Người trao sứ mạng này cho các ông. Trong dịp khác, Chúa cũng cho một bài học tương tự (Mt 7,22-23). Trước mắt Chúa, thi hành ý Ngài quan trọng hơn là làm phép lạ.
Trong suốt cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã rảo khắp các nẻo đường xứ Palestien để rao giảng Tin Mừng. Đồng thời, Ngài cũng đã chọn lựa và sai phái các môn đệ ra đi, để tiếp tay với Ngài trong sứ mạng cao cả ấy.
Tuy nhiên những cố gắng ấy dường như không đáp ứng nổi với nhu cầu khẩn thiết, vì thế mà Chúa đã nói:
– Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ tới gặt lúa.
Trải qua dòng thời gian, lời xác quyết này vẫn còn là một sự thật, bởi vì ngày hôm nay con số những người tin nhận Chúa mới chiếm được 30%, và riêng những người Công giáo thì mới chỉ được có 17% dân số trên thế giới.
Đồng thời qua lời xác quyết ấy, Chúa cũng muốn kêu mời chúng ta hãy trở nên là những người thợ gặt của Chúa. Có nghĩa là, chúng ta cũng hãy góp phần vào việc truyền bá đức tin, làm cho Giáo hội được phát triển. Dĩ nhiên chúng ta có rất nhiều phương pháp để rao giảng Tin Mừng.
Chẳng hạn bằng việc ra đi như các tông đồ các vị thừa sai, bằng việc cầu nguyện như các vị tu sĩ trong dòng kín… Thế nhưng, hôm nay tôi muốn giới thiệu tới quí ông bà một phương pháp mà mỗi người chúng ta đều có bổn phận phải thực hiện, đó là truyền giáo bằng chính đời sống, bằng chính gương sáng của chúng ta.
Để hiểu được hậu quả tốt đẹp mà phương pháp này đem lại, tôi xin kể hai mẩu chuyện nho nhỏ.
Mẩu chuyện thứ nhất đó là có một người Tin Lành, nghe tiếng cha Vianney là một người đạo đức thánh thiện, bèn tìm đến xứ Ars để kiểm tra sự thật. Sau khi ra về, người ta hỏi ông đã thấy được những gì, thì ông trả lời:
– Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một người.
Và sau đó thì ông đã trở lại với Giáo hội Công giáo.
Mẩu chuyện thứ hai đó là có một người khô khan nguội lạnh, tình cờ đi ngang qua nhà thờ, ông thấy một cô bé đang dẫn mấy em nhỏ vào nhà thờ. Ông đứng quan sát và rồi đã đi theo cô bé. Thấy nét mặt trang nghiêm và sốt sắng của cô bé khi cầu nguyện, ông đã thực sự xúc động, và rồi cuối cùng, ông cũng đã trở về cùng Chúa.
Với hai mẩu chuyện này chúng ta thấy được sức cảm hóa của gương sáng như thế nào. Tục ngữ Việt Nam cũng bảo:
– Lời nói như gió lung lay, việc làm như tay lôi kéo.
Hay như một câu danh ngôn cũng đã nói:
– Gương sáng chính là một bài giảng hùng hồn nhất, có sức lôi cuốn và thuyết phục người khác.
Đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương của chúng ta chính là một thứ ánh sáng cần thiết cho xã hội như lời Chúa đã phán:
– Các con là ánh sáng thế gian. Bởi vì nhờ các việc chúng ta làm mà người khác sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa, để rồi cũng sẽ tin nhận Ngài.
Giữa một thế giới đã xa lìa Thiên Chúa, đang chìm dần vào sa đọa và tội lỗi, thì chúng ta có bổn phận phải thắp lên một ngọn lửa, chứ đừng ngồi đó mà rủa xả bóng đêm.
Và ngọn lửa chúng ta thắp lên là gì? Tôi xin thưa đó chính là đời sống gương mẫu của mỗi người chúng ta.
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Luca hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã chọn thánh Luca, sai đi rao giảng và viết Sách Tin Mừng, để làm cho mọi người nhận biết Chúa đặc biệt yêu thương những kẻ khó nghèo. Xin Chúa cho những người mang danh Kitô hữu được đồng tâm nhất trí với nhau, hầu muôn dân được thấy ơn cứu độ. Thánh Luca, “người thầy thuốc yêu quý” là bạn đồng hành của thánh Phaolô và cũng là tác giả sách Tin Mừng, trong sách này người đã trình bày lòng nhân hậu của Chúa Kitô rõ ràng hơn ai hết. Người cũng viết sách Công vụ, tường thuật lại sự tiến triển của Hội Thánh sau ngày Hiện Xuống. Qua ngòi bút của con người thông thạo văn chương chữ nghĩa như người, Tin Mừng trở thành một bài thánh ca tạ ơn trong bầu khí vui tươi và lạc quan phấn khởi.
Để muôn dân được thấy ơn cứu độ, chúng ta phải cậy dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy: Hội Thánh được Thần Khí ban sức sống. Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Banaba mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa, vì ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin… Lời Thiên Chúa vẫn lớn lên và phát triển; và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. Còn các môn đệ được đầy tràn hoan lạc và Thánh Thần.
Để muôn dân được thấy ơn cứu độ, chúng ta phải hăng say loan báo Tin Mừng như các Tông Đồ, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Cả nói: Chúa đến sau các kẻ Người sai đi rao giảng. Lời rao giảng đi trước rồi Chúa đến ngự trong tâm trí chúng ta. Nói khác đi, lời khuyên nhủ đi trước chuẩn bị cho tâm trí đón nhận sự thật… Sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thánh Luca đã tuần tự viết ra sách Tin Mừng. Để chúng ta nhận biết rằng lời các Tông Đồ dạy chúng ta thật là vững chắc. Thánh Luca đã tường thuật những việc Đức Giêsu làm và những điều Người dạy.
Để muôn dân được thấy ơn cứu độ, chúng ta phải trung thành với sứ mạng mà Chúa giao phó, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Chỉ còn một mình anh Luca ở với tôi… Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 144, vịnh gia cho thấy: Lạy Chúa, kẻ hiếu trung với Chúa được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang. Để nhân loại được tường những chiến công của Chúa, và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang. Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu, vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Chính Chúa đã chọn chúng ta từ giữa thế gian để chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, và chúng ta cũng phải làm cho muôn dân nhận biết Chúa là Cha yêu thương tất cả mọi người. Đó là sứ mạng của chúng ta, của những người đã nhận ra tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, có tình yêu nào, mà người được yêu, lại không muốn giới thiệu cho người khác biết về người yêu của mình. Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít, sứ mạng luôn cấp bách, khẩn trương, chúng ta hãy mau mắn lên đường. Chúa đã chọn thánh Luca, sai đi rao giảng và viết Sách Tin Mừng, để làm cho mọi người nhận biết Chúa đặc biệt yêu thương những kẻ khó nghèo. Ước gì chúng ta biết đồng tâm nhất trí với nhau, hầu muôn dân được thấy ơn cứu độ của Chúa. Ước gì được như thế!
Qua việc Chúa chọn gọi bảy mươi hai môn đệ và sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng (Lc 10, 1 – 9), Chúa cũng chọn gọi và sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng như các ngài để rồi chúng ta nhận ra rằng:
+Đây là công việc của Chúa và Chúa cho chúng ta được cộng tác với Chúa, cho nên chúng ta hãy vâng lời Chúa một cách tuyệt đối, mau mắn, nhanh lẹ.
+Trước khi thực hiện sứ mạng trọng đại, cao cả rao giảng Tin Mừng này, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa để Chúa chúc lành ban ơn cho chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người” (Lc 10, 2).
+Chúng ta hãy mạnh mẽ, quyết liệt dấn thân, không sợ sệt, nghi nan, lưỡng lự…, vì nếu sợ sệt, ngờ vực, không dứt khoát, thì chúng ta sẽ chùng bước, rút lui, bỏ cuộc trước những gian nan, khốn khó, thử thách khi chúng ta rao giảng Lời Chúa; bởi Chúa đã báo trước sự hiểm nguy này: “Các con hãy đi, này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng” (Lc 10, 3).
+Đặt việc rao giảng Tin Mừng lên trên tất cả mọi sự, và ưu tiên hàng đầu cho sứ mạng này, vì thế, chúng ta cần phải dứt khoát từ bỏ những gì làm cản trở sứ mạng linh thánh này như:
=Không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép (Lc 10, 4).
=Không la cà, ăn uống nhậu nhẹt say sưa, nói chuyện phù phiếm mất thời gian (Lc 10, 7).
+Sứ mạng rao giảng Tin Mừng cần phải thực hiện liền ngay, không chần chừ, do dự, lưỡng lự, đừng chào hỏi ai dọc đường:
=Cầu chúc bình an, xin Chúa ban bình an cho mọi người (Lc 10, 5).
=Cảm thông, chia sẻ, ủi an, cầu nguyện, xin Chúa chữa lành bệnh hoạn tật nguyền phần hồn phần xác cho anh chị em của chúng ta (Lc 10, 9).
=Điều quan trọng bậc nhất là phải nói cho mọi người biết: “Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi” (Lc 10, 9), để họ ăn năn sám hối, cải tà qui chính, tin vào Chúa, thờ phượng, sống bác ái yêu thương, tha thứ, giúp đỡ mọi người và để họ được hưởng sự sống đời đời sau này. Đây quả thật là ý nghĩa của việc rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.
Lạy Chúa, như thánh sử Luca đã nói “ Chúa sai các ngài đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới” (Lc 10, 1), nghĩa là chúng con chỉ là sứ giả đi trước dọn đường cho Chúa mà thôi, Chúa mới là tác giả chính của công cuộc rao giảng Tin Mừng. Xin Chúa cho chúng con thấy đây là vinh dự quá lớn lao của chúng con để chúng con hết lòng cộng tác với Chúa bằng lời cầu nguyện, hy sinh đóng góp vật chất và dấn thân cho việc rao giảng Tin Mừng của Chúa. Chúng con chẳng những làm một mình mà còn phải biết công tác với anh chị em chúng con để cùng nhau thực hiện vì “ Chúa sai các môn đệ cứ từng hai người đi trước Chúa” (Lc 10, 1), và xin Chúa cho chúng con luôn sống trước những lời Chúa dạy bảo trước khi rao giảng cho anh chị em của chúng con. Lạy Chúa, xin Chúa cho muôn dân được nhận biết, tôn thờ kính yêu Chúa. Amen.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha. "Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào".
Người ta thường nói giữ đạo tại tâm. Đức Giêsu hôm nay đòi ta phải tuyên xưng Ngài trước mặt người đời, nghĩa là tuyên xưng một cách công khai, không giấu diếm. Các thánh tử đạo Việt Nam ngày xưa đã có kinh nghiệm đó. Chỉ cần bước qua thập giá là coi như chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu. Không bước qua thập giá là cử chỉ tuyên xưng đức tin rõ ràng nhất. Một đoàn người đông đúc đã sẵn lòng chịu muôn vàn khổ hình, nhưng quyết không bước qua thập giá. Phêrô đã có kinh nghiệm về sự công khai chối bỏ Thầy (Lc 22, 57). Ông bảo mình không biết Thầy, không phải là người đã ở với Thầy, đã theo Thầy như một môn đệ và như một người bạn. Đơn giản là ông sợ bị liên lụy, sợ chịu chung số phận của Thầy. Xưa nay chẳng ai tuyên xưng Đức Giêsu mà không phải trả giá. Tuyên xưng bằng cách không bước qua thập giá như hồi xưa, hay tuyên xưng bằng cách bước qua những mời mọc thời nay, Coi nhẹ những gì thế gian mê đắm và ưa chuộng, Như khoái lạc, địa vị, quyền lực, giàu sang. Phêrô đã bất ngờ và dễ dàng sa ngã. Nhưng Đức Giêsu đã cầu xin để ông được đứng lên (Lc 22, 32). Sau này, Phêrô sẽ có kinh nghiệm khác về việc công khai tuyên xưng. Đó là lúc ông và Gioan bị đem ra trước Hội Đồng Do Thái (Cv 4, 8) Sau khi đã chữa một người bất toại ở cửa Đền thờ. Phêrô được đầy tràn Thánh Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô. Hội Đồng kinh ngạc trước sự bạo dạn của ông, vì biết ông là người ít học, quê mùa (Cv 4, 13). Bạo dạn là nét của cộng đoàn sơ khai, khi đứng trước đe dọa (Cv 4, 29). “Chớ lo lắng phải biện hộ làm sao hay phải nói gì, vì Thánh Thần sẽ dạy các ông ngay giờ đó về điều phải nói” (cc. 11-12). Không sợ và không lo, đó là thái độ của người Kitô hữu trưởng thành trước nghịch cảnh. Đừng phạm thượng đến Thánh Thần, vì sẽ không được tha (c. 10). Xúc phạm đến Thánh Thần là cứ ngoan cố, khăng khăng chống lại tác động của Ngài trong đời ta. Những mời gọi của Thánh Thần bị bóp chết ngay từ đầu. Một người dứt khoát từ chối Thánh Thần là từ chối chính Thiên Chúa. Người ấy không có sự mở ra sẵn sàng để đón nhận. Người ấy không được tha thứ, đơn giản vì không muốn nhận ơn ấy. Xin cho chúng ta nhận được sự nâng đỡ của Thánh Thần để làm chứng cho Giêsu giữa lòng thế giới. Và xin cho ta chấp nhận cái giá phải trả cho một tình yêu tín trung. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời, Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục. Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian, lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó. Thế gian này vàng thau lẫn lộn. Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài. Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình, giữ được vị mặn của muối, và sức tác động của men, để đem đến cho thế gian một linh hồn, một sức sống. Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, chỉ sợ mình bỏ sống đạo vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế. Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo, những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen. ---------------------------------
Chúa Giê-su đặt Thiên Chúa đối diện với thiên hạ để cho ta phải dứt khoát chọn lựa. Thiên Chúa là chủ cả trời đất. Thiên hạ chỉ là người dưới gầm trời. Thế mà chọn lựa này vẫn khiến ta sợ hãi. Sợ hãi vì tuyên xưng Chúa trước mặt thiên hạ sẽ bị thiệt thòi. Thiệt thòi lớn nhất là mất mạng như các thánh tử đạo đã chịu. Thiệt thòi nhỏ hơn là bị mất chức quyền. Thiệt thòi tối thiểu là bị mất mối lợi trước mắt, mất ưu thế với người đời, mất tiền của… Thì ra khi gắn bó với trần gian ta đâm sợ thiên hạ. Ta sợ vì có gì để mất. Khi không có gì để mất ở trần gian, ta không còn gì phải sợ. Đó chính là thái độ của Áp-ra-ham. Đó chính là thái độ của người sống theo Chúa Thánh Thần.
Áp-ra-ham đã từ bỏ tất cả. Từ bỏ quê hương, gia tộc. Từ bỏ của cải đất đai. Thậm chí từ bỏ cả đứa con trai duy nhất, niềm hi vọng cuối cùng của tuổi già. Ông chỉ chọn Chúa. Ông chỉ đi theo ơn Chúa Thánh Thần. Ông chỉ sống, suy nghĩ, nói năng và hành động theo ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. “Không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin” (năm lẻ).
Khi chọn Chúa chứ không chọn trần gian, ta hiên ngang ra trước cường quyền tuyên xưng Danh Chúa. Vì khi không còn bám víu gì vào trần gian, Chúa Thánh Thần sẽ làm việc. Tâm hồn con người giống như chiếc thuyền buồm. Khi trút bỏ mọi đam mê dục vọng, mọi ràng buộc gắn bó, thuyền sẽ nhẹ tênh. Khi không nhìn về trần gian, buồm sẽ căng gió Thánh Thần để đi đúng hướng Thiên Chúa. Và hoa trái của Thánh Thần thật lớn lao. Lớn lao nhất là được chính Chúa Giê-su tuyên dương trước mặt Chúa Cha và các thần thánh trên trời.
Vì thế thánh Phao-lô hằng cầu nguyện cho tín hữu Ê-phê-sô được “thần khí khôn ngoan” soi lòng mở trí, để nhận định rõ “đâu là niềm hi vọng, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao” để biết luôn chọn Chúa Ki-tô. Từ bỏ trần gian để chọn Chúa Ki-tô ta sẽ được tất cả. Vì “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô” (năm chẵn).
Lạy Chúa, xin cho con đừng bao giờ chọn trần gian chóng qua, đừng bị những khuynh hướng thế tục chi phối, để tâm hồn con tự do theo ơn Chúa Thánh Thần. Như thế con sẽ hiên ngang trước mặt người đời để tuyên xưng Chúa bằng đời sống từ bỏ của con.
Ông Charles Darwin, khi về già đã tâm sự: lúc còn trẻ, ông cũng rất yêu thích thi ca và âm nhạc, thế nhưng, công việc nghiên cứu đã chiếm hết thời giờ của ông. Dành trọn cuộc đời cho sinh vật học, cho nên ông đã mất dần khả năng thưởng thức thi ca và âm nhạc, đến nỗi về sau, thi ca đối với ông chỉ còn là những lời vô bổ và âm nhạc chỉ là những tiếng động ồn ào mà thôi. Cuộc đời ông đã thiếu hẳn vẻ tươi mát và trẻ trung. Thế nên, nếu được sống lại tuổi trẻ lần nữa, ông sẽ dành thời giờ tìm đến thi ca và âm nhạc, để khỏi mất đi khả năng thưởng thức chúng, một khả năng giúp cho cuộc đời thêm hương vị.
Lời tâm sự của Charles Darwin giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về tội phạm đến Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng hôm nay.
Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý. Một trong những công việc của Ngài là mạc khải về chân lý, giúp con người hiểu biết chân lý mà hướng lòng họ đi tìm sự thật. Bởi thế, sau khi Chúa Giêsu về trời, thì Thánh Thần đến trên các Tông đồ để dạy dỗ và hướng dẫn các ông. Nhờ Thánh Thần, các ông đã hiểu rõ những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu; và cũng nhờ Thánh Thần, các ông đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng như lời căn dặn của Chúa Giêsu trước khi Ngài về trời.
Công cuộc rao giảng Tin Mừng không phải luôn luôn dễ dàng và gặt hái thành công, như lần 3,000 người trở lại liền sau bài giảng của thánh Phêrô vào dịp lễ Ngũ Tuần; nhưng các ông đã gặp biết bao chống đối và bách hại. Dù gặp gian nan thử thách như thế, các ông vẫn hiên ngang rao giảng, vì đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu, và hơn nữa, một điều kiện: "Ai tuyên xưng Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa". Vả lại, các ông không phải đơn độc trong gian nan, thử thách, vì có Thánh Thần luôn hiện diện với các ông. Thánh Thần sẽ dạy cho các ông phải nói gì khi bị điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Chúa Giêsu. Một sự hiện diện gần gũi và cần thiết như vậy của Thánh Thần, khiến cho tội phạm đến Thánh Thần trở thành tội không được tha. Không được tha, không phải vì Thánh Thần là một Thiên Chúa nghiêm khắc trừng phạt; Chúa Thánh Thần vẫn mãi mãi là một Thiên Chúa khoan dung, từ bi, nhân hậu, là Ðấng Bầu Chữa, an ủi, vỗ về các tâm hồn. Không được tha không phải vì Chúa Thánh Thần không muốn tha, nhưng là vì thái độ của con người.
Nếu trong con người của Darwin có những sở thích về thi ca, âm nhạc, nhưng vì không chịu tiếp xúc với các môn ấy khiến ông mất dần khả năng thưởng thức thi ca, âm nhạc, để rồi chúng trở thành vô bổ đối với ông. Cũng thế, trong mỗi người chúng ta đều có những khát vọng về chân lý, nhưng chính thái độ bịt tai nhắm mắt trước sự thật đã khiến con người mất dần khả năng cảm nhận sự thật để rồi đối với họ sự thật chẳng còn giá trị gì. Chúa Thánh Thần là Chân Lý, nhưng nếu đứng trước Ngài, con người vẫn giữ thái độ cố chấp, thì dù Ngài là Ðấng giúp con người hiểu biết và đi tìm chân lý, Ngài cũng đành bó tay. Không tìm đến với nguồn chân lý, làm sao con người có thể nhận được ơn tha thứ?
Xin Chúa cho chúng ta có một tâm hồn yêu mến và nhạy cảm trước sự thật. Xin cho chúng ta biết can đảm vượt qua những trói buộc của đam mê, ích kỷ, tội lỗi, để tìm đến với sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta.
Sau khi khiển trách các người pharisiêu và những nhà thông luật, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ hãy có lòng can đảm tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, ngay cả trước những kẻ dữ mà không sợ bị bách hại. Bài trình thuật Phúc Âm hôm nay vì thế mời gọi tất cả chúng ta hướng về một đức tin xác quyết và một niềm hy vọng bất diệt vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu dạy bảo các môn đệ hãy can đảm làm chứng tá cho Thiên Chúa giữa lòng thế gian, bất chấp những sự bách hại của các quyền lực trần thế, đó là điều kiện để các ông được Chúa Cha trên trời đón nhận như Ngài nói: "Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa".
Tất cả cuộc sống của người Kitô không nằm ở thái độ biểu dương đức tin để trở nên xứng đáng với trước mặt Thiên Chúa, nhưng là thái độ khiêm tốn và xác tín trong việc sống thực hành những lời răn của Thiên Chúa mà không đòi hỏi bất cứ sự đền bù nào. Khi Chúa Giêsu nói: "Bất cứ ai nói phạm đến Con Người thì còn được tha, nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì sẽ chẳng được tha", Người ngụ ý dạy rằng tội lỗi thực sự của loài người là sự ngoan cố đối nghịch với Thiên Chúa và từ khước tình yêu thương và sự tha thứ của Người.
Chúa Thánh Thần là Ðấng của tình yêu thương và sự tha thứ. Ai khước từ Chúa Thánh Thần là hoàn toàn từ chối sự cứu rỗi mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại. Hồng ân và sức mạnh đến từ Chúa Thánh Thần làm cho đức tin của chúng ta được tăng trưởng và đức tin đó được đun nóng từ Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy chúng ta đến những hành động anh hùng bằng gương tử đạo. Gương tử đạo không xuất phát từ các yếu tố con người mà là kết quả đến từ những ai để cho ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần bùng cháy trong tâm hồn mình đó là hồng ân của Chúa Thánh Thần ban cho những ai biết mở rộng con tim để đón nhận Người.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu biết rằng các môn đệ sẽ chịu nhiều thử thách, thế nên Người đã cảnh giác rằng các ông có thể sẽ mất đi những hồng ân của Thiên Chúa và rơi vào tình trạng nghi ngờ hay từ bỏ đức tin. Mặt khác, Người cũng bảo đảm rằng Chúa Thánh Thần sẽ ban cho các ông sự khôn ngoan và lòng can đảm để đối diện với những kẻ dữ trong giờ phút bị bách hại. Ðồng thời, Chúa Giêsu cũng lên án những kẻ nói phạm đến Thánh Thần. Sự phạm thánh đó bao gồm những hành động hay những tư tưởng chống đối Thiên Chúa tiềm ẩn trong con tim hay biểu lộ ra bên ngoài. Tội nói phạm đến Chúa Thánh Thần là thái độ của những kẻ cứng lòng từ chối tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa mà không thực lòng muốn sám hối.
Lòng nhân ái của Thiên Chúa thì vô bờ bến nhưng nếu một ai từ chối lòng thương xót của Người thì sẽ tự mình kết án chính mình. Hồng ân đến từ Chúa Thánh Thần sẵn sàng ban xuống cho những ai tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Ðấng Cứu Thế.
Lạy Chúa,
Người là niềm hy vọng và là sự cứu rỗi của chúng con. Xin cho chúng con biết đặt sự tin tưởng vào Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn hay cám dỗ nào. Xin hãy để ngọn lửa của Chúa Thánh Thần bùng cháy trong con tim chúng con, cho chúng con sự khôn ngoan và can đảm để theo gương đức tin mặc dù phải đối diện với những sự bách hại của kẻ dữ.
“Thầy nói cho anh em biết: Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước bặt thiên hạ, thì Con Người cũng tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc. 12, 8)
Trong khi khuyên các môn đệ đi làm chứng cho chân lý thì đừng sợ gì, dù ở đâu thời nào, Đức Giêsu đã phấn chấn các ông, cho các ông biết về sự giúp đỡ của Thiên Chúa và những hiệu quả do lòng trung thành của các ông.
Trước tòa đời
Chân lý các môn đệ phải tuyên xưng là: “Đức Giêsu Kitô là Chúa ở trong vinh quang Thiên Chúa”. Nghĩa là, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời Thiên Chúa, Nguồn Mặc Khải Thiên Chúa.
Không ai có thể tuyên xưng chân lý này, nếu không được linh ứng bởi Thánh Thần, Đấng ban cho họ hiểu biết và sức mạnh để làm chứng. Cho nên Đức Giêsu hứa ban cho các môn đệ, lúc tuyên xưng đức tin trước tòa người đời, Thánh Thần chân lý sẽ dạy các ông phải nói gì. Dù những môn đệ tầm thường nhất cũng không phải lo lắng. Thánh Thần sẽ đặt vào môi miệng các ông những lời để các ông mạnh mẽ tuyên xưng đức tin. Ngài sẽ còn hướng dẫn các ông trong đời sống vì các ông đang sống trong Thánh Thần từ lúc chịu phép rửa.
Trong ngày phán xét
Ai tuyên xưng chân lý trước mặt thiên hạ bằng đời sống, việc làm và lời nói sẽ được Con Thiên Chúa bênh vực trong ngày phán xét trước mặt Chúa Cha và các thiên thần.
Ai bỏ làm chứng và đức tin vào Đức Kitô vì kính nể người đời hay sợ bắt bớ, thì không thể được cánh tay của Con Người che chở trong ngày phán xét. Đức Giêsu trung thành với ai trung thành với Người. Chính mình sẽ tự lên án mình tùy theo đời sống của mình.
Nếu kẻ đã không tin vào lời Đức Giêsu và sự nghiệp của Người, nó có thể được tha thứ, vì nó chưa nhận được Thánh Thần, cho nên nó không có thể trung thành. Nhưng nếu ai đã tin chân lý mà không đón nhận lòng thương xót, nó cố chấp từ bỏ đức tin là xúc phạm đến Thánh Thần vì nó chối bỏ chân lý đã mặc khải cho nó.
Lạy Chúa, xin hãy ban Thánh Thần Chúa đến củng cố đức tin chúng con trong mọi nơi, mọi lúc, cho chúng con được sức mạnh can đảm tuyên xưng chân lý rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa ở trong vinh quang Đức Chúa Cha”.
Xem thêm thứ Sáu tuần 14 TN và ngày 26.12 trong tuần Giáng Sinh
Đọc lại lịch sử các thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy: rất nhiều vị thánh xuất thân từ nhà quê, chẳng được học hành là bao, lại phải lam lũ khổ sở, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời! Ấy vậy mà khi bị bắt, bị tra tấn, đánh đập, nhất là khi bị hỏi cung, các ngài đã trả lời hết sức trôi chảy. Không những thế, các ngài còn lý luận và bẻ gãy những lời nói phi nhân, bất nghĩa của vua quan. Mặt khác, nhân cơ hội, ngoài chuyện làm chứng cho Chúa bằng đời sống, các ngài còn rao giảng Lời Chúa cho những người đang làm hại mình nữa. Tất cả những chuyện đó, chúng ta, ai cũng hiểu là Chúa Thánh Thần nói trong và hành động nơi các thánh.
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng nói cho các môn đệ biết, các ông sẽ phải chịu đau khổ, bách hại và gặp muôn điều khó khăn, tuy nhiên, các ông đừng sợ, những lúc như thế, Chúa Thánh Thần sẽ giúp các ông để cho các ông biết phải làm gì và nói gì.
Trong đời sống đạo của chúng ta hiện nay, không còn quá khó như thời các thánh tử đạo khi xưa. Nhưng vẫn còn nơi này, nơi kia, vì một số người kém hiểu biết, dốt nát, cổ hủ, nên còn gây khó dễ đối với các tín hữu cách này, cách khác. Những người này có thể vì một mục đích thực dụng nào đó cho cá nhân hay tập thể, nên mới có những hành xử kém hiểu biết và thiếu nhân văn như vậy! Tuy nhiên, điều này không đáng ngại, bởi vì kinh nghiệm cho thấy, càng khó khăn, khổ sở bao nhiêu thì niềm tin và đời sống đạo lại càng sống động. Nhưng điều đáng sợ hơn cả chính là những trào lưu tục hóa đang dần bách hại tinh thần của chúng ta. Những phim ảnh, sách báo, băng đĩa xấu đang lan tràn mọi nơi. Những thứ này nó phá hủy từ bên trong, nên có sức làm băng hoại đời sống đạo đức, luân lý nơi con người. Đây mới là thử thách đáng phải quan tâm!
Sống trong xã hội như thế, người Kitô hữu được mời gọi làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống lành mạnh... Khước từ những điều không phù hợp với luân lý Kitô giáo. Còn nếu có gặp khó khăn, bắt bớ, cấm cách, chúng ta an tâm, vững tin vào Chúa Quan Phòng, vì những lúc đó, Chúa Thánh Thần sẽ thực thi vai trò của Người như xưa Người đã làm nơi các Tông đồ và các bậc tiền nhân của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, để chúng con được ơn can đảm, trung thành với Chúa và Tin Mừng của Chúa. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu bảo đảm rằng: Ai tuyên xưng Ngài bằng cách trung thành với Ngài trong cuộc sống hôm nay, Ngài sẽ không quên họ trong cuộc sống mai sau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc sống của con hôm nay dễ làm con quên Chúa. Con không chối Chúa trực tiếp như thánh Phêrô đã chối Chúa. Tuy thế, vì đồng tiền chi phối, công việc bận rộn, bổn phận nặng nhọc, các gương xấu và dịp tội nhan nhản, con như bị cuốn vào một cơn lốc, cơn lốc thế trần. Rồi con cũng bon chen, cũng gian tham, cũng ghen ghét oán thù, cũng lao mình vào tội lỗi và quên mình là môn đệ Chúa, chẳng khác gì con đã chối Chúa. Hẳn đã có một lần, vì một dịp vui với bạn bè, con đã thiếu sót bổn phận với Chúa. Đã có một lần vì một chút xúc phạm đến danh dự con, con vội nổi đóa, quên hẳn bài học khiêm tốn hiền lành Chúa dạy. Những lần như thế con đã phế bỏ Chúa ra khỏi tâm hồn con.
Con muốn quyết tâm sống sao cho xứng danh người môn đệ Chúa. Xin Chúa thương nâng đỡ con, để nếu con nghèo, thì đừng vì nghèo mà gian tham; nếu con bị người ta vô ơn, con đừng bất mãn để rồi không sống bác ái nữa; giả như con bị anh em xúc phạm đến danh dự thì đừng để lòng thù oán. Luôn sống theo tinh của Chúa trong mọi hoàn cảnh, đó là con đang tuyên xưng Chúa là Thầy và là Chúa của con.
Lạy Chúa, con tin vào Lời Chúa: “Ai tuyên xưng Ta trước mặt thiên hạ, Ta sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Ta”. Các thánh đã được hưởng lời hứa đó. Con quyết sống trung thành với Chúa và can đảm sống theo đường lối Chúa, để mai sau Chúa cũng sẽ nói với con: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng với Chủ ngươi”. Amen.
Ghi nhớ: “Trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”.
Mặc dù được sống cùng với Chúa Giêsu: cùng ở, cùng ăn, cùng làm với Ngài và đã được thấy biết bao nhiêu phép lạ Thầy mình làm trước mắt, nhưng các tông đồ thì sợ vẫn sợ: Sợ không có gì ăn, sợ bão táp làm cho thuyền chìm, sợ quân dữ đến bắt Thầy nên đã bỏ chạy hết, sợ đến nỗi chối Thầy, sợ bị liên lụy nên không dám đi theo Thầy đến tận núi Sọ. Vì thế, chúng ta có thể gọi nhóm Mười hai này là nhóm “Sợ”.
Sau này, nhóm Mười hai này được gọi là nhóm “Không Sợ” vì Thánh Thần luôn ở với họ...
Suy niệm
Cuộc sống đầy vất vả, lo âu khó khăn dễ làm chúng ta sợ, đó là sự sợ hãi của kiếp nhân sinh mà ai ai cũng phải đối mặt, làm bào mòn niềm tin của người tín hữu, của môn đệ khi sống giữa thế gian... Người môn đệ trong thân phận của con người cũng cảm thấy mình yếu đuối, không có sức mạnh để đối mặt với gian nan cuộc đời và hoảng sợ khi tự mình đương đầu trước những bách hại vốn luôn có trong bước đường rao giảng...
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy can đảm đối mặt với mọi gian nan. Chính lúc đó, người môn đệ tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, ngay cả trước những kẻ dữ mà không sợ bị bách hại. Người môn đệ ý thức mình yếu đuối, nên luôn tín thác vào Chúa, sống gắn bó với Người mang lấy một đức tin xác quyết và một niềm hy vọng bất diệt vào quyền năng của Chúa Thánh Thần như Chúa hứa. Chính vì thế, sự yếu hèn của môn đệ trở nên sức mạnh của Thiên Chúa như thánh Phaolô khẳng định: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10).
Hồng ân và sức mạnh đến từ Chúa Thánh Thần làm tăng trưởng đức tin và thúc đẩy người môn đệ làm những hành động anh hùng bằng gương tử đạo. Chính Chúa Thánh Thần sẽ ban cho các ông sự khôn ngoan và lòng can đảm để đối mặt với những gian nan, với những kẻ dữ trong giờ phút bị bách hại.
Xin ban cho chúng con ơn can đảm, sức mạnh và nghị lực của Chúa Thánh Thần để chúng con chống trả giữa những cơn thử thách, gian nan của cuộc sống mà chúng con phải đối mặt mỗi ngày.
Ý lực sống:
“Thật vậy, không phải chính anh em nói,
mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em”. (Mt 10,20)
Bài Tin mừng hôm nay tiếp tục ghi lại những lời Chúa dạy hôm qua là môn đệ của Chúa hãy mạnh dạn sống và rao giảng Tin mừng, đừng sợ vì đã có Chúa quan phòng. Ngoài ra Chúa dạy thêm: đừng sợ vì ngày phán xét chính Chúa Giêsu sẽ tuyên bố nhận kẻ can đảm làm chứng cho Ngài và hơn nữa, có Chúa Thánh Thần soi sáng cách ăn nói và ứng phó khi người môn đệ bị đưa ra trước những nhà cầm quyền thế gian.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu biết rằng các môn đệ sẽ chịu nhiều thử thách, thế nên Người đã cảnh giác rằng: các ông có thể sẽ mất đi những hồng ân của Thiên Chúa và rơi vào tình trạng nghi ngờ hay từ bỏ đức tin. Mặt khác, Người cũng bảo đảm rằng Chúa Thánh Thần sẽ giúp sức cho chúng ta trong những cuộc bách hại.
Đồng thời, Chúa Giêsu cũng lên án những kẻ nói phạm đến Thánh Thần. Tội nói phạm đến Chúa Thánh Thần là thái độ của những kẻ cứng lòng từ chối tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa mà không thực lòng muốn sám hối.
Thế nào là tội phạm đến Chúa Thánh Thần?
Chúa Giêsu nói: “Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha” (Lc 12,10). Đây là một vấn nạn rất khó giải thích. Chúa Thánh Thần là nguồn của bảy ơn sủng, là Đấng được ban để tha tội qua công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, phạm đến Chúa Thánh Thần, nghĩa là khước từ ơn thánh và khước từ ơn cứu độ. Chúng ta chỉ được cứu độ nhờ đón nhận, còn khước từ thì Chúa cũng chịu vì sự tự do Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta từ chối thì chúng ta mất linh hồn, không phải là Chúa không tha, mà là chúng ta khước từ sự tha thứ đó. Thánh Augustinô từng dạy: “Chúa dựng nên ta không cần ta, nhưng Chúa muốn cứu chuộc ta thì cần có ta cộng tác”. Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta, mà ta xúc phạm đẩy Ngài ra để chỗ cho tà thần, thì làm sao được ơn cứu độ? (Hiền Lâm)
Chúa muốn mọi người được ơn cứu độ, nhưng để hưởng ơn cứu rỗi Chúa, con người phải cộng tác bằng việc sám hối ăn năn. Vì thế, bao lâu còn sống ở trần gian mà có lòng thống hối, thì tội gì cũng được tha; còn khi cố chấp, không hối cải, thì tội không thể được tha. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần chính là tội cố chấp, ngoan cố ở trong tình trạng tội lỗi, khước từ mọi ân huệ của Chúa, chắc chắn không được hưởng ơn tha thứ.
Tử đạo và chối đạo ngày nay: “Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng nhìn lại cuộc sống. Ngày nay những cuộc bách hại đạo công khai không còn, nhưng những khó khăn mọi mặt mà người Kitô hữu đang trải qua cũng đủ, để họ tuyên xưng đức tin đến mức tử đạo. Ngược lại, khước từ sống theo những cam kết đức tin cũng là một hình thức chối đạo. Chối đạo khi không có những hành động cụ thể, khi đóng khung đức tin vào những việc đạo đức làm vì thói quen, khi không nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa” (Mỗi ngày một tin vui).
Thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh, khi bị quân lính bắt bước qua Thánh giá, đã mạnh dạn tuyên xưng: “Tôi thà chết chứ không bao giờ chịu giẫm lên Thánh giá, vì tôi biết đạo Chúa Giêsu là đạo thật”. Đức Giêsu củng cố lòng trung thành của các môn đệ trước những biến cố sắp xảy đến với Người. Người đảm bảo phần thưởng cho các ông trên quê trời, nếu các ông mạnh mẽ ra đi làm chứng cho Người, can đảm tuyên xưng niềm tin vào Người, và sẵn sàng chịu vu khống cáo gian vì Người. Ngày hôm nay, Đức Giêsu vẫn không ngừng kêu gọi chúng ta ra đi làm chứng và giới thiệu Chúa cho những người khác.
Truyện: Có, tôi tin chứ
Trong một tu viện đang bị quân đội Xô Viết chiếm đóng, một cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Tu viện trưởng và một sĩ quan Xô Viết. Ông này nói: - Hiện giờ chỉ có hai chúng ta, không một ai chứng kiến, vậy ông hãy nói sự thật, đừng sợ gì cả! Hãy nói cho tôi biết là ông không tin vào tất cả những chuyện Chúa Bà, tôn giáo mà ông tuyên xưng đây.
Vị Tu viện trưởng trả lời: - Có, tôi tin chứ!
Viên sĩ quan liền rút súng lục ra, gí thẳng vào thái dương cha và nói:
- Nếu ông không nói là ông chẳng tin gì cả thì tôi sẽ bắn!
Và Tu viện trưởng lặp lại một lần nữa lời tuyên xưng của mình. Viên sĩ quan hạ súng xuống và kêu lên vui vẻ: - Đây là điều mà tôi trông đợi, đây là người mà tôi tìm kiếm. Tôi cũng vậy, bây giờ tôi tin vào Chúa Kitô.
Rồi cuộc đối thoại tiếp tục trong hướng tinh thần đó (Trích trong cuốn “Bưng biền của Thiên Chúa” của cha Georges).
Văn mạch: Đoạn này tiếp liền đoạn hôm qua và cùng một chủ đề “Chúa Giêsu khuyên môn đệ mình hãy mạnh dạn sống và rao giảng Tin Mừng, đừng sợ. Trong đoạn hôm qua, Chúa Giêsu đã đưa một lý do để đừng sợ, đó là có Thiên Chúa quan phòng. Hôm nay Ngài đưa thêm hai lý do nữa:
1. Câu 8-10: Lý do thứ hai để đừng sợ là trong ngày phán xét chính Chúa Giêsu sẽ tuyên bố nhận kẻ can đảm làm chứng cho Ngài. Lời trấn an này đi kèm với lời đe dọa: Chúa Giêsu sẽ không nhìn nhận kẻ nào vì sợ mà chối Ngài.
2. Câu 11-12: Lý do thứ ba để đừng sợ là sẽ có Thánh Thần soi sáng cách ăn nói và ứng phó khi người môn đệ bị đưa ra trước những nhà cầm quyền thế gian.
B.... nẩy mầm.
1. Tử đạo và chối đạo ngày nay: “Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống. Ngày nay những cuộc bách hại đạo công khai không còn, nhưng những khó khăn mọi mặt mà người kitô hữu đang trải qua cũng đủ để họ tuyên xưng đức tin đến mức tử đạo. Ngược lại, khước từ sống theo những cam kết đức tin cũng là một hình thức chối đạo. Chối đạo khi không có những hành động cụ thể, khi đóng khung đức tin vào những việc đạo đức làm vì thói quen, khi không nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
2. Lần đầu tiên giảng Lời Chúa, một nữ mục sư trẻ giảng chưa được lưu loát lắm. Trong đám thính giả, một người lên tiếng: “Cô ơi, cô chưa đủ khả năng giảng đâu. Cô nên xấu hổ về chính mình đi”. Nữ mục sư đáp: “Vâng, tôi rất xấu hổ về tôi. Nhưng tôi không hề xấu hổ về Chúa Giêsu, Đấng đã dám lấy chính máu mình để cứu chuộc chúng ta”. (Christian Herald).
3. Lc 1,28-37: Khi nghe Thiên sứ báo Thiên Chúa muốn giao cho Đức Maria một sứ mạng quan trọng là làm mẹ Đấng Cứu Thế, Người đã “bối rối”. Nhưng thiên sứ đáp: “Đừng sợ... Thánh Thần đã ngự xuống trên cô... Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được”.
4. Trong thời đầu mở mang Giáo Hội, các môn đệ Chúa đã nhờ “tràn đầy Thánh Thần” nên “không sợ” áp bức, “mạnh dạn” loan báo Tin Mừng (Cv 4,33: các tông đồ; Cv 7,55-56: Têphanô; Cv 21,8-14: Phaolô).
Chúa Giêsu tiếp tục đưa ra những lời khuyên cho các môn đệ mình. “Hãy mạnh dạn sống và rao giảng Tin Mừng, đừng sợ.” Ngài cũng tiếp tục đưa ra những lý do để họ luôn được an tâm:
1. Lý do thứ nhất vì trong ngày phán xét chính Chúa sẽ nhận những người dám can đảm làm chứng cho Ngài.
Sách Đường Hy Vọng dạy: Ðừng nhát sợ! Hãy xem Công Vụ Các Thánh Tông Ðồ: đói khát, rách rưới, trộm cướp, roi đòn, đắm tàu, vu vạ, tù ngục, chết chóc... Nếu con sợ, đừng làm tông đồ. (Số 167)
Con chỉ có một mối lo sợ: Tội lỗi.
Triều đình Hoàng Ðế Hy Lạp đã nhóm họp để bàn cách trả thù thánh Gioan Kim Khẩu vì ngài đã thẳng thắn khiển trách bà Hoàng Hậu.
Kế hoạch I: Bỏ tù.
- “Nhưng ông ấy sẽ được dịp cầu nguyện, chịu khó vì Chúa như ông hằng mong muốn.”
Kế hoạch II: Lưu đầy.
- “Nhưng đối với ông ấy, đâu cũng là đất Chúa.”
Kế hoạch III: Tử hình.
- “Ông sẽ được tử đạo, chúng ta sẽ thỏa mãn nguyện vọng ông: được về với Chúa.”
“Tất cả kế hoạch I, II và III không làm cho ông khổ đau, ngược lại ông sẽ vui sướng chấp nhận.”
Kế hoạch IV: “Chỉ có một điều ông khiếp sợ nhất, gớm ghét nhất là tội lỗi, nhưng bắt ông phạm tội không được!”
Nếu con chỉ sợ tội, thì không ai mạnh hơn con. (Đường Hy Vọng số 991)
Một vị tuyên úy người Mỹ vừa giảng một bài cho các binh sĩ Mỹ trong một thánh lễ tại một giáo đuờng ở Châu Âu. Chủ đề của bài giảng là: “Hãy tự hào về Đức tin Công giáo của bạn: Đừng xấu hổ khi phải tuyên xưng nó”.
Một người lính thuỷ nghe và cảm thấy hết sức xúc động nên sau thánh lễ người này đã chận vị tuyên úy lại ngay trước cửa giáo đường và hỏi: - Thưa Cha, cha có bằng lòng nghe con xưng tội không?
Vị tuyên úy trả lời: - Tôi rất hạnh phúc được nghe anh xưng tội.
Thế là chàng lính thủy quì ngay xuống lối đi bên cạnh ngay trước giáo đường. Vị tuyên úy vội nói:
- Đừng quì gối kẻo thiên hạ nhìn kìa!
Chàng lính thủy đáp lại: - Kệ họ, thưa cha, cứ để họ nhìn, con hãnh diện về đức tin của con.
Chúa Giêsu không đòi hỏi mọi người phải chết cho niềm tin, nhưng Ngài đòi hỏi phải tuyên xưng có nghĩa là phải làm cho cuộc sống của mình trở thành những chứng từ. Ngày nay, chúng ta ít thấy hay khó mà tìm ra được những cuộc bách hại đạo công khai, nhưng những khó khăn về mọi mặt mà người Kitô hữu đang phải trải qua trong cuộc sống, cũng đủ để họ tuyên xưng đức tin đến mức tử đạo. Ngược lại, nếu họ khước từ sống theo những cam kết của đức tin thì phải kể họ là những người chối đạo. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
2. Lý do thứ hai là sẽ có Thánh Thần soi sáng để họ có thể ăn nói và ứng phó mà không ai có thể bắt bẻ được.
Trong Tông Huấn Ecclesia in Asia (Giáo Hội tại Á Châu) các nghị phụ đã khắng định: “Chúa Thánh Thần tác động trên xã hội loài người, trên các nền văn hóa, bằng cách biến đổi và tái tạo tâm trí con người. Ngài là nguồn gốc của những lý tưởng cao thượng, những công trình mang lại lợi ích cho nhân loại. Thánh Thần Thiên Chúa có khả năng nhìn xa trông rộng tuyệt vời đang điều khiển dòng lịch sử và đang canh tân bộ mặt trái đất” (RM số 28).
Dạo tháng 2/1996, cùng với phái đoàn của Hội đồng Giám mục Pháp, một linh mục ký giả là cha Daniel, đã đến thăm một số giáo phận tại Việt Nam. Trong một bài ký sự được đăng trên một tờ báo Công giáo Pháp, cha Daniel đã gọi Việt Nam là đất thơm mùi máu các thánh tử đạo.
Chứng kiến cuộc sống sinh hoạt tôn giáo hàng ngày của các xứ đạo ở vùng quê, tác giả đã ghi lại từng chi tiết mà người dân Tây Phương ngày nay chỉ có thể ngỡ ngàng mà thôi: bốn giờ sáng chuông nhà thờ đổ hồi. Bốn giờ mười lăm phút, mọi người từ trẻ đến già lũ lượt đến nhà thờ. Bốn giờ ba mươi phút đọc kinh. Năm giờ, thánh lễ hoặc tham dự phụng vụ Lời Chúa.
Tại một nhà thờ chính tòa nọ, tác giả đã sửng sốt khi chứng kiến năm ngàn người đứng chật ních nhà thờ trong thánh lễ bốn giờ ba mươi phút mỗi ngày trong tuần.
Tác giả nhận định về thời khóa biểu tôn giáo này như sau: “Rõ ràng là ở đó, người ta chỉ sống cho Thiên Chúa, cho niềm vui con người, ở đó Thiên Chúa là niềm vui của người nghèo.”
Còn Đức Tổng Giám mục Claudio Celli, sau những ngày làm việc của ngài tại Việt Nam hồi trung tuần tháng 10/1996, Ngài nói như sau: “Con người có thể đặt ra những giới hạn cho sinh hoạt của Giáo Hội, nhưng không thể ngăn chặn tác động của Chúa Thánh Thần”.
Vâng, Giáo Hội Việt Nam đang có những sức sống đáng tự hào nhưng không phải vì đó mà chúng ta tự mãn. Hãy cố mà giữ lấy những hống ân Chúa ban.
Chúa nói với chúng ta đừng sợ những người giết được thân xác nhưng sau đó không làm gì được chúng ta nữa. Nghĩa là khi chúng ta làm chứng cho Chúa trong cuộc sống này, sẽ có rất nhiều người phá rối chúng ta như những người biệt phái, luật sỹ, trưởng tế, kỳ lão phá Chúa ngày xưa. Hơn nữa, những người giết thân xác chúng ta, họ sẽ bắt bớ chúng ta, điệu chúng ta ra những nơi công cộng, dẫn chúng ta đến trước mặt vua quan và chính quyền để tra khảo, đánh đâp, kết án, nhốt tù, ngược đãi, giết chết chúng ta mà không một chút thương xót, áy náy lương tâm: “Tấm thân này trải bao năm tháng, sống cùng những kẻ ghét hòa bình. Tôi vốn chuộng hòa bình, nhưng hễ tôi nói tới thì phe họ lai muốn chiến tranh” (Tv 119, 6 – 7).
Những lúc như thế, chúng ta là bạn hữu của Chúa, chúng ta không nao núng, chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này để làm chứng cho Chúa, chúng ta tuyên xưng Chúa trước mặt họ. Để tuyên xưng Chúa một cách mạnh mẽ trước mặt họ, chúng ta cần có ơn Chúa ban cho chúng ta. Lúc này chúng ta rất cần ơn Chúa mà cụ thể là ơn Chúa Thánh Thần giúp chúng ta. Chúng ta hãy an lòng vì Chúa đã nói với chúng ta là: “Các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Chúa Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào” (Lc 12, 12). Vì nếu kông có ơn Chúa trợ giúp, chúng ta sẽ dễ dàng chối bỏ Chúa trước mặt người đời. Nếu mà chúng ta như vậy, Chúa sẽ chối bỏ chúng ta trước mặt các thiên thần và Chúa Cha luôn, bởi chúng ta phạm một tội rất nặng là tội chối đạo.
Như vậy là Chúa đã báo cho chúng ta biết trước số phận của chúng ta khi làm chứng, và khi tuyên xưng Chúa trước mặt người đời, là trên hết chúng ta làm điều này vì Chúa, vì yêu mến Chúa, mong muốn danh Chúa được lan rộng khắp nơi, được mọi người biết đến, còn đón nhận hay không là tùy ở tự do của họ và chúng ta rao giảng Chúa lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện, lúc bị phản bác, bị đe dọa hay lúc được chấp nhận. Kế đến, chúng ta biết rằng Chúa luôn luôn ở bên cạnh chúng ta để Chúa nâng đỡ, thêm sức mạnh, sự chịu đựng, sự tự tin cho chúng ta. Chúng ta không cần lo lắng phải nói gì, phải trả với họ như thế nào trước những lời nói đầy mưu mô, quỳ quyệt, xảo trá, và hành động đầy ác độc hãm hại của những người chống đối Chúa, chống đối chúng ta. Chúng ta biết rằng sau khi chúng ta trung thành làm chứng cho Chúa, Chúa sẽ đón nhận chúng ta và Chúa sẽ khoe chúng ta trước mặt các thiên thần và Cha của Chúa. Vì thế, chúng ta hãy an tâm và phó thách cuộc sống chứng tá của chúng ta cho Chúa, để Chúa định liệu cho chúng ta: “Các ngươi đừng sợ, đừng khiếp đảm trước đám dân đông đảo này, vì cuộc chiến này không phải của các ngươi, nhưng là của Thiên Chúa” (2Sb 20, 15).
Lạy Chúa, chúng con là những chi mà Chúa phải quan tâm lo lắng cho chúng con đời sau và cả đời này nữa. Chúng con chỉ là loài thụ tạo đầy tội lỗi, bất xứng, bẩn thỉu của Chúa. Nhưng Chúa thương chúng con, cho chúng con được làm chủ tất cả những gì hiện hữu ở đời này, được thừa hưởng gia nghiệp nước trời sau nữa. Chúng con vô cùng biết ơn Chúa và chúng con quyết làm chứng nhân cho Chúa, dù phải hy sinh cả mạng sống chúng con nữa. Xin Chúa thương nâng đỡ chúng con. Amen.
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 28 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng ta đi, vừa đồng hành với chúng ta luôn mãi, để chúng ta sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy.
Ân sủng Chúa vừa mở đường vừa đồng hành, vì thế, chúng ta phải sám hối quay trở về với Chúa, để được Người xót thương, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Malakhi nói với chúng ta về ngày của Đức Chúa. Nhận thức về tội lỗi đã sâu sắc hơn: nếu không chuẩn bị tâm hồn để chờ đón Chúa, thì ngày của Người sẽ khủng khiếp đến độ không một người công chính nào có thể đứng vững. Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến… Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người.
Ân sủng Chúa vừa mở đường vừa đồng hành, vì thế, Chúa Cha đã ban Ngôi Lời của Người cho chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Hiến chế mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng nói: Ngôi Lời là cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm quy chiếu cho mọi khát vọng của lịch sử và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui cho mọi tâm hồn, là Đấng làm thoả mãn trọn vẹn mọi ước mong của lòng người… Hội Thánh là bí tích mang ơn cứu độ cho mọi người, vừa biểu lộ, vừa thực hiện mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với con người… Thiên Chúa đã gửi đến lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giêsu Kitô; Đức Giêsu Kitô là Chúa của mọi người; ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ. Chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết.
Ân sủng Chúa vừa mở đường vừa đồng hành, vì thế, Chúa Cha đã ban Đấng Cứu Độ cho chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Thiên Chúa đã đặt Đức Kitô làm đầu Hội Thánh mà Hội Thánh là thân thể của Người. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 8, vịnh gia cho thấy: Chúa đã đặt Con Chúa làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo. Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu! Uy phong Ngài vượt quá trời cao. Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Thần Khí sự thật sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói. Thần Khí sự thật sẽ làm chứng về Đức Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất của chúng ta. Thánh Thần sẽ dạy cho chúng ta biết phải nói gì để làm chứng cho Đức Giêsu. Thần Khí sự thật sẽ dạy điều chân thật, không có gì thật bằng tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đứng về phía sự thật là đứng về phía Thiên Chúa tình yêu: yêu đến thí mạng vì người mình yêu; ai nói biết Thiên Chúa, thì phải biết yêu; không biết yêu, thì không biết Thiên Chúa. Tất cả đời sống của chúng ta được điều động và được hướng dẫn bởi tình yêu và ân sủng của Chúa. Để có thể đón nhận tình yêu và ân sủng của Chúa, không có gì khác hơn là: chuẩn bị tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ, khao khát ơn cứu độ của Chúa. Để có thể làm chứng cho Chúa, không có gì khác hơn là: thái độ ngoan ngùy, dễ bảo, vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần sẽ can thiệp đúng lúc, và giúp chúng ta trả lời cho các thế lực chất vấn niềm hy vọng của chúng ta. Ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng ta đi, vừa đồng hành với chúng ta luôn mãi, để chúng ta sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy. Ước gì chúng ta biết can đảm làm chứng cho Chúa, nhất là, khi bị ngược đãi, bị bách hại vì sống theo những gì Chúa dạy. Ước gì được như thế!