Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".
Nhiệt độ của trái đất có chiều hướng nóng dần lên. Ðó là một điều đáng sợ. Nhưng điều đáng sợ hơn lại là sự lạnh lùng giữa người với người. Con người cần cơm bánh và giải trí, nhưng con người còn cần sự nâng đỡ cảm thông. Nhân loại sống được là nhờ tình thương ấm áp. Vậy mà băng giá của lãnh đạm dửng dưng vẫn tồn tại khắp nơi trên mặt đất. Băng giá nằm ngay nơi lòng con người. Ðức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài: Ngài đến để ném lửa trên mặt đất, và Ngài ước mong, phải chi lửa ấy đã bùng lên. Ngọn lửa Ðức Giêsu muốn nhóm lên không phải là ngọn lửa của án phạt và hủy diệt, không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari. Ðây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài, lửa của Thánh Thần, lửa của yêu thương, lửa hâm nóng hai môn đệ Emmau đang tuyệt vọng. Chúng ta cần được ngọn lửa của Ðức Giêsu chạm đến, cần được Ngài làm bừng sáng lên những sức mạnh tiềm ẩn nơi ta, để chúng ta trở thành ánh lửa cho thế giới. “Phải chi lửa ấy đã bùng lên!” Chúng ta được mời gọi để thực hiện niềm ước mong mà Ðức Giêsu đã suốt đời ôm ấp, đó là làm cho thế giới nên ấm áp hơn vì con người biết sống cho Thiên Chúa và cho nhau. Gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng là chấp nhận bị từ khước và đe dọa. Ðức Giêsu linh cảm những gì sẽ xảy ra cho đời mình. Ngài sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng, sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau. Hôm nay, Ngài mời chúng ta ném lửa trên mặt đất và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối. Khi Ðức Giêsu bị treo trên thập tự, khi Ngài bị giam trong mồ tối, bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Ngài. Nhưng ngọn lửa phục sinh đã bừng lên giữa đêm đen. Ðó là niềm hy vọng của chúng ta, những người vẫn còn phải hăng say chiến đấu để đẩy lui bóng tối ra khỏi mọi nơi, mọi chỗ, bóng tối của bất công, sa đọa và tuyệt vọng, bóng tối của hận thù, của nạn mù chữ, bóng tối của nghèo nàn lạc hậu... Bóng tối do khép lại cánh cửa của lòng mình, Bóng tối ở ngay trong lòng tôi. Có lúc chúng ta sợ hãi bóng tối dầy đặc, mà ngọn lửa của mình lại yếu ớt. Nếu một tỷ Kitô hữu đều là những ngọn lửa thì bóng tối sẽ bị đẩy lùi khỏi mặt đất. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi. Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa. Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa, Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. (Chân phước Têrêxa Calcutta) ----------------------------------
Lời của Chúa hôm nay là lời của lửa. Hành động của Chúa là hành động của lửa: ném lửa xuống mặt đất. Cuộc đời của Chúa là cuộc đời lửa cháy. Cháy lên tình yêu mãnh liệt. Lửa tình yêu bừng cháy thanh luyện. Đó là phép rửa cuối cùng của Chúa. Đó là tình yêu lớn lao hơn mọi tình yêu. Đã biến cuộc đời Chúa thành một thứ vàng ròng tinh khôi.
Chúa ước mong lửa đó cháy lên. Cháy lên trong mỗi người chúng ta. Để ngọn lửa đó thanh luyện trái tim ta. Để chỉ yêu mến một mình Thiên Chúa. Để thanh luyện khỏi những gì thuộc trần gian. Gây nên mối chia rẽ lớn lao. Như lửa tách tạp chất ra khỏi vàng. Tình yêu mến Chúa tách ta khỏi những gì thuộc trần gian. Dù đó là những gì thân thiết nhất. Như ước vọng, đam mê. Những người thân thiết nhất. Như cha mẹ, anh em, vợ chồng. Những gì thâm sâu nhất. Như chính bản thân mình. Tất cả phải được tách lìa. Phải được thanh luyện. Thành vàng ròng tình yêu dành cho Thiên Chúa.
Hãy chiêm ngắm Chúa Giê-su trong vườn Giệt-si-ma-ni. Đó là phép rửa cuối cùng. Ngọn lửa tách biệt cái tôi khỏi thánh ý Chúa Cha. Khiến Chúa đau đớn toát mồ hôi pha máu. Chúa đã trở thành vàng ròng. Để trên thánh giá chỉ còn “phó linh hồn trong tay Chúa Cha”.
Thư Rô-ma cho biết lửa thanh luyện ta khỏi tội lỗi của con người xưa cũ. Để sống cho con người mới trong ân sủng. Cùng là chi thể nhưng cách sử dụng khác nhau: “Trước đây anh em đã dùng chi thể của mình mà làm những điều ô uế và sự vô luân, để trở thành vô luân, thì nay anh em cũng hãy dùng chi thể làm nô lệ sự công chính để trở nên thánh thiện” (năm lẻ).
Thư Ê-phê-sô diễn tả cuộc thanh luyện cuối cùng sẽ giúp ta nên vàng ròng tinh tuyền. Để kết hợp mật thiết với Chúa Ba Ngôi. Được tham dự vào cuộc sống của Thiên Chúa Ba Ngôi: “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (năm chẵn).
Xin cho đời ta cháy bừng ngọn lửa yêu thương. Để ta cũng ném lửa. Gây nên đám cháy tình thương trên khắp mặt đất này.
Bình an chỉ có thể đạt được bằng giá của chiến đấu liên lỉ chống lại tư lợi và khuynh hướng xấu trong con người. "Nếu muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh". Nếu muốn có bình an trong tâm hồn, hãy chuẩn bị đương đầu với những cạm bẫy và sức mạnh của ác thần luôn bủa vây lôi kéo chúng ta đến tội lỗi.
Vai trò của các vua chúa trong Cựu Ước là võ trang và chuẩn bị chiến tranh. Chúa Kitô cũng được gọi là Vua, vai trò của Ngài chính là võ trang và chuẩn bị chiến đấu, nhưng khí giới Ngài trang bị cho mình là cái chết trên Thập giá. Chính khi bị treo trên Thập giá, Ngài đã được tôn phong là Vua Do thái. Chúa Giêsu cũng là Vua, vì Ngài đã đánh bại Satan, tội lỗi. Con đường vương giả Ngài đã vạch ra cũng chính là con đường Thập giá. Chúng ta không thể làm môn đệ Ngài, không thể đi theo Ngài, không thể tham dự cuộc chiến của Ngài, mà lại khước từ Thập giá.
Thật ra, thập giá chỉ là một phát minh độc ác của con người để hủy hoại nhau; mãi mãi thập giá vẫn là biểu tượng sự độc ác của con người. Nếu Chúa Giêsu đã ôm trọn Thập giá, thì không phải vì Ngài yêu sự độc ác, tự đày đọa mình, nhưng chính là để thể hiện tình yêu tột độ của Thiên Chúa. Dù con người có độc ác, xấu xa đến đâu, Thiên Chúa vẫn yêu thương, tha thứ cho họ. Chiến thắng của Chúa Kitô chính là chiến thắng của tình yêu trên hận thù, của ân sủng trên tội lỗi, của niềm tin trên thất vọng.
Chúng ta tiếp tục đi theo con đường của Chúa Kitô; chúng ta tiếp tục đau khổ vì tin rằng bên kia những thất bại, khổ đau, tình yêu Thiên Chúa vẫn còn mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng ta đón nhận mọi bách hại, thù ghét, thua thiệt, vì tin rằng chỉ có tình yêu mới có thể thắng vượt được ích kỷ, hận thù trong lòng con người.
Xin Chúa Kitô ban sức mạnh để chúng ta bước theo con đường Thập giá dẫn đến vinh quang.
Mới thoáng nghe những gì Chúa Giêsu nói, chúng ta cảm thấy khó chịu và có lẽ nhiều người và có lẽ nhiều người nghe Chúa Giêsu cũng cảm thấy khó chịu như chúng ta. Thế nhưng thực tế là như vậy. Sự lựa chọn quyết liệt để sống và trung thành với giáo huấn của Tin Mừng sẽ gây khá nhiều những mâu thuẫn giữa những người thân thương trong gia đình và cả với những người chung quanh của chúng ta nữa. Lý do là vì khôn ngoan theo Tin Mừng khác với khôn ngoan theo tinh thần của thế tục. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta không biết thế nào là khôn ngoan theo tinh thần thế tục.
Thiên Chúa muốn chúng ta khôn ngoan lựa chọn quyết liệt để sống theo khôn ngoan của Tin Mừng, vì Chúa cho lửa tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau được bùng lên và bốc cao trên mặt đất này vì đó là cách để Ngài dẫn chúng ta về với Chúa Cha, khi đã tập cho chúng ta biết yêu nhau như con cái của Thiên Chúa.
Lạy Cha là Thiên Chúa chúng con.
Hơn bao giờ hết trong lúc này, chúng con mới nhận thấy được rõ ràng thế nào là khôn ngoan theo Tin Mừng và thế nào là khôn ngoan theo thế tục. Chỉ tiếc có một điều là chúng con vẫn chưa đủ can đảm để cộng tác với Chúa Giêsu, Con Cha khởi lên. Chúng con yếu đuối quá.
Lạy Cha,
Xin Cha ban cho chúng con Thánh Thần của Cha, để chúng con cố gắng can đảm loại bỏ những khôn ngoan thế tục, dù có bị chính những người thân yêu của chúng con phản đối hay ghét bỏ.
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong chi lửa ấy đã bùng lên, Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất.” (Lc. 12, 49-50)
Sự dữ, sự xấu là con bệnh ung thư xâm nhập càng ngày càng sâu vào con tim nhân loại, đến một mức độ nó bắt con người phải nô lệ và làm đen tối mọi khả năng con người. Tâm lý học chiều sâu đã chứng minh điều đó. Trước nhà tâm lý trị liệu Freud rất xa, Thiên Chúa biết tận đáy những con tim. Chỉ có tình yêu của Ngài mới có thể giải phóng những ràng buộc của sự dữ. Theo thánh ý Ngài, Đức Giêsu đã đến bộc lộ tình yêu của Thiên Chúa cho thế nhân. Sự cứng lòng từ chối của dân Do thái đối với lời Ngài càng ngày càng thấy phải chữa trị tận căn cho nhân loại.
Thanh tẩy sự dữ:
Những ngôn sứ đã tiên báo cho dân Ít-ra-en rằng Thiên Chúa sẽ đến đòi nợ của Ngài trong cơn giận bừng bừng lửa cháy. Nhưng Đức Giêsu đã từ chối không trưng dẫn lời ấy của ngôn sứ I-sai-a nói về ngày báo oán. Người chỉ đến trong tình yêu, không phải để tiêu hủy, nhưng để chữa lành nhờ tình yêu. Người đem lửa đến mặt đất để thanh tẩy, thổi nóng con tim sôi lên làm cho những vi khuẩn nhơ bẩn không còn nữa. Trước sự bành trướng của sự dữ, sự xấu đang vây bọc con tim nhân thế, Đức Giêsu khắc khoải mong ước cho lửa ấy cháy lên, mong ước cho sứ mệnh cứu thế và giải phóng của Người sớm hoàn thành.
Đó là phép rửa Đức Giêsu phải chịu trong đau khổ để mở ra con đường giải thoát tội lỗi và tiếp tế ơn tha thứ. Đó chính là lửa Thánh Thần được Đức Giêsu đem đến thấu tận con tim nhân loại, như gươm hai lưỡi đâm chia rẽ ra hồn với xác, tinh thần với vật chất, đã luôn luôn gây cấn với nhau, như con trai với cha nó, như con gái với mẹ nó, như mẹ chồng với nàng dâu, mới mong chữa trị khỏi cơn bệnh ung thư cho loài người để được sống mạnh mẽ dồi dào.
Sự phân chia này là một vết mổ tận căn ở thân xác gia đình con người. Ai tuân phục lời Chúa và Thánh Thần phải cam kết theo Đức Kitô và cắt đứt những mối dây liên lạc đó, dù là thứ yêu quý nhất, chặt chẽ nhất, vì những thứ dây này kéo ghì họ lại với thế gian. Như thế, họ sẽ thấy hòa bình của Đấng cứu thế rất khác với thứ yên ổn dễ đổ vỡ của thế gian hay của cái chết. “Đối với các ngươi, kẻ kính sợ danh thánh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên chiếu ánh sáng đến chữa lành các ngươi” (Ml. 3, 20). Mặt trời công chính này chính là Đức Kitô đã yêu thương hy sinh chịu chết để chữa lành tận căn con bệnh của nhân thế.
Những trang Tin Mừng trước, Đức Giêsu nhấn mạnh đến thái độ tỉnh thức và sẵn sàng để đón chờ Chúa đến. Nếu không tỉnh thức, chúng ta sẽ gặp phải sự đau khổ, bất hạnh, bởi vì chính lúc không ngờ, Con Người sẽ đến. Sang bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chuyển sang một hướng khác, một đề tài liên quan trực tiếp đến sứ mạng và chương trình cứu độ của Ngài khi loan báo về cuộc thương khó cũng như cái chết, đồng thời cũng xác định những hệ quả của những người đón nhận Tin Mừng.
Trước tiên, Đức Giêsu muốn tiên báo về chính cái chết của mình: “Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất”.
Sau khi đã nói về sứ mạng của Mình, Đức Giêsu muốn đi xa hơn để tiên báo về những hệ lụy sẽ xảy đến cho cuộc đời của những người tin và theo Ngài, Ngài nói: “Các con tưởng rằng Thầy đến đem hòa bình cho trần gian? Thầy bảo cho các con biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,49.51). Mới nghe, chúng ta có cảm tưởng rất nghịch lý và mâu thuẫn nội tại. Nhưng không! Qua câu nói đó, Đức Giêsu muốn cho chúng ta hiểu một cách sâu xa hơn rằng: không phải Đức Giêsu đến để đem hòa bình theo kiểu trần gian, mà là một nền hòa bình của Thiên Chúa và chỉ dành cho những ai xây dựng đời mình từ nền tảng Tin Mừng mà thôi. Hòa bình này là một thứ mà tiền không mua được, quyền cao chức trọng cũng chẳng có. Thứ hoà bình của Thiên Chúa mà Đức Giêsu mang đến, người ta chỉ có thể nhận được sau khi đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin Mừng của Ngài. Còn những ai không yêu mến, trung thành và tuân giữ thì sẽ không bao giờ gặp được bình an thực sự. Nhưng ngược lại, họ sẽ bất hạnh và chống đối lại hòa bình của Đức Giêsu nơi anh chị em khác.
Thật vậy, trong thực tế, chúng ta thấy rất rõ sự mâu thuẫn này ngay từ trong gia đình. Cha chống lại con, con chống lại cha; nàng dâu, mẹ chồng chống đối nhau; anh chị em phản bội lẫn nhau là chuyện bình thường. Tất cả khởi đi từ những lựa chọn thuộc về giá trị sống. Những người chọn Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài làm lẽ sống, chắc hẳn sẽ bị những người trong nhà không ưa, không thích bởi vì những người đó, họ đối lập hoàn toàn với những người môn đệ của Đức Giêsu, nên họ chọn cho mình sự đảm bảo nơi tiền, quyền và những thứ vui khác...
Trong số 118 thánh tử đạo Việt Nam của chúng ta, hẳn có quá nhiều người bị chính con ruột hay người thân trong huyết tộc bán đứng bằng cách báo với vua quan để nhận tiền thưởng, hay thăng quan tiến chức, hoặc thỏa mãn cơn giận... nhiều khi chỉ vì những lời dạy dỗ của các ngài dựa trên Tin Mừng của Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con bình an của Chúa. Xin cho chúng con cam đảm đón nhận và giữ gìn sự bình an đó trong cuộc sống của chúng con mãi mãi, để chúng con được hạnh phúc thật. Amen.
Sứ điệp: Con người có nghĩa vụ tôn thờ Chúa. Tôn thờ Chúa chính là yêu mến Chúa hết lòng, ưu tiên chọn Chúa trên hết mọi sự.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là tình yêu. Chúa đã thông ban tình yêu cho con và gọi con bước theo Chúa trên con đường yêu thương. Thoáng nghe Tin Mừng hôm nay, con chợt ngỡ ngàng: sao Chúa lại đến để gây chia rẽ. Con biết Chúa dạy con thương yêu mọi người, Chúa không muốn con hận thù chia rẽ. Chúa chỉ muốn con chọn Chúa trên hết mọi sự.
Gia nhập vào hàng ngũ của Chúa, con phải chống lại tất cả những ai cản trở con theo theo Chúa, thưa “vâng” với Chúa chính là nói “không” với Xa-tan. Chọn lựa con đường về Trời, tức là con phải can đảm dứt bỏ những gì ở trần gian lôi cuốn con xa Chúa.
Chúa dạy con phải yêu thương cha mẹ, thương anh chị, mến mọi người. Đồng thời, Chúa dạy con phải tôn thờ Chúa và yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Con nhớ Lời Chúa dạy: “Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không đáng với Ta. Ai cầm cày mà còn ngoái cổ đằng sau thì không xứng hợp với Nước Thiên Chúa”.
Lạy Chúa, xin giúp con đừng vì tình cảm mà nhẫn tâm xúc phạm đến Chúa, đừng vì nể nang cha mẹ, họ hàng thân thích, mà làm ngơ trước những bất công; đừng vì ham chơi, ham công việc, mà bỏ bổn phận tôn thờ Chúa, bỏ lễ Chúa Nhật, bỏ kinh nguyện sáng tối. Xin giúp con đừng vì ham tiền bạc vật chất mà lãng quên hoặc chối bỏ Chúa.
Xin cho con luôn chọn Chúa trên hết mọi người và mọi sự, dù khi chọn Chúa con phải hy sinh từ bỏ cả những gì con yêu quý nhất. Amen.
Ghi nhớ: “Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ”.
Đêm Phục sinh, không gian thật tĩnh lặng, bóng tối bao phủ và chế ngự đêm khuya...
Bỗng một ánh lửa bùng lên và một tiếng hát cất cao vang vọng: “Ánh sáng Chúa Kitô”, rồi một lời đáp được đồng thanh vang rền “Tạ ơn Chúa”.
Ánh lửa bập bùng xuất phát từ cây nến Phục sinh, tượng trưng cho Chúa Kitô khải hoàn, bắt đầu được lan tỏa đến từng người tay cầm nến trong thánh đường. Ngàn ánh nến lung linh rực sáng xua đuổi bóng tối...
Suy niệm
Ba hình ảnh rất mạnh và ấn tượng được Chúa Giêsu nói đến: lửa, phép rửa bằng máu và sự xung đột, chia rẽ, như tuyên bố về thân phận của người tin phải trải qua, từ các ngôn sứ, với tiêu biểu thân phận của Giêrêmia xuyên qua Chúa Giêsu và đến mỗi chúng ta, những người đón nhận lửa tình yêu, lửa niềm tin từ trời. Giêrêmia được chọn làm ngôn sứ, đem lửa Lời Chúa đến cho dân: “Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt” (Gr 20,9), ông nói lời Thiên Chúa, lời chân lý đối kháng lại những gì xa rời sự thật, xa rời Thiên Chúa. Vì thế, Giêrêmia đã trở thành tường đồng chống lại cả dân tộc quốc gia, cự lại các vua Giuđa và hàng khanh tướng. Hàng tư tế cũng tuyên chiến với ông (x. Gr 1). Ông đã bị bách hại bởi chính dân tộc ông và cuộc sống bị đày ải đến chết. Giêrêmia đã trở thành ngôn sứ đặc biệt của Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Cuộc đời của ông báo trước cuộc tử nạn, phép rửa máu của Đức Kitô.
Trong ngữ cảnh của đoạn Tin Mừng, tất cả những xung đột, chia rẽ mà Đức Giêsu đề cập, là hình ảnh biểu tượng những sự việc xảy ra trong quá trình thập giá tiến về phục sinh để đưa tới hiệp nhất và bình an. Các ngôn sứ cũng nói về biểu tượng chia rẽ của ngày sau hết, thời kỳ Mêssia: “Quả thật, con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà hóa ra thù địch” (Mk 7,6).
Trong thời kỳ Mêssia, Đức Kitô cũng đã phải trải qua sự xung đột nội tâm, chia rẽ ý chí và thánh ý của Thiên Chúa Cha nơi Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu. Ngài khủng hoảng trước con đường sắp phải đi, thao thức lo sợ trước chén đắng sắp phải uống và phép rửa máu sắp lãnh nhận (x. Mt 26,36-46; Lc 22,39-45), đến nỗi Ngài muốn từ bỏ: “Xin cất chén này khỏi con” (Lc 22,42) nhưng vì Ngài muốn lửa tình yêu của Thiên Chúa bùng lên và tỏa sáng, đốt cháy mỗi vết nhơ nhân loại, như ông Dacaria đã được linh hứng trước về sứ mạng của Đức Kitô: “Soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,79), giữa những giằng co xung đột, Ngài đã đặt quyết tâm mạnh: “Xin theo ý Cha đừng xin theo ý con” (Lc 22,42b).
Chia rẽ, xung đột còn xảy ra giữa Đức Kitô và những người liên hệ. Chúng ta thấy rõ nhất là thầy trò chia ly, môn đệ phản Thầy, bán Thầy, môn đệ chối Thầy, mẹ con chia ly trong máu và nước mắt.
Từ kinh nghiệm của Chúa Kitô gợi lên cho chúng ta, người Kitô hữu khi đối diện trước xung đột nội tâm, chia rẽ, những cảnh tang thương... Chúng ta hãy chiêm ngưỡng nội tâm bị chia rẽ và đang tranh đấu hiệp nhất trong thánh ý Cha của Đức Kitô nơi vườn Cây Dầu để tiếp tục chiến đấu, vượt qua xung đột hầu lửa tình yêu và bình an được đốt lên trong tâm hồn.
Ý lực sống
“Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu, Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn” (Dt 12,2).
Chúng ta nghĩ thế nào khi nghe Đức Giêsu nói: “Thầy đến để gây chia rẽ” (Lc 12,51)). Một câu nói xem ra nghịch lý, khó chấp nhận. Nhưng nếu phân tích sâu xa thì câu nói đó lại là một chân lý tuyệt vời. Hoà bình đích thực chỉ có sau khi đã quyết liệt chiến đấu để chọn lựa. Hoà bình chỉ có khi đã phân rẽ sự ác khỏi điều thiện, bóng tối ra khỏi ánh sáng... Nhờ ngọn lửa thanh tẩy, bợn nhơ được loại bỏ để chỉ còn lại sự tinh tuyền trọn hảo.
Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói: “Các con tưởng Thầy đến đem sự bình an đến thế gian ư? Không phải thế đâu, Thầy đến để đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Với tư cách là một người hiền lành và khiêm nhường trong lòng, làm sao Đức Giêsu đã đến trần gian để gây chia rẽ và xáo trộn? Tuy nhiên, nhiều khi vì Ngài mà xáo trộn và chia rẽ xảy ra.
Chúng ta cần hiểu rằng: bằng hai chữ hoà bình và chia rẽ, Đức Giêsu kêu gọi người ta chọn lựa thái độ trước Tin mừng của Ngài: Nhiều người nghĩ rằng Đấng Messia là Đấng mang hoà bình đến (x.Is 9,5), Đức Giêsu xác nhận là đúng thực, sứ mạng của Ngài là một sứ mạng hòa bình. Nhưng Ngài cần thấy phải giải thích thêm: chữ “Hoà bình” có nhiều nghĩa: hoà bình kiểu thế gian và hoà bình của Thiên Chúa. Đức Giêsu nói rằng: Ngài đến thế gian không phải để đem hoà bình kiểu thế gian, mà là thứ hoà bình của Thiên Chúa. Thứ hoà bình của Thiên Chúa mà Đức Giêsu mang đến, người ta chỉ sẽ nhận được, sau khi người ta đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin mừng của Ngài.
Thực tế cho thấy là sứ vụ của Đức Giêsu đã gặp chống đối, và lời rao giảng của Ngài đã gây chia rẽ giữa những người tin và những người không tin, chia rẽ xảy ra ngay trong lòng gia đình.
Cuộc sống của người Kitô hữu là một cuộc chiến đấu không ngừng. Trận chiến mà chúng ta tham dự là trận chiến chống lại sức mạnh của ác thần. Vương quốc Chúa Giêsu thiết lập là một vương quốc luôn trong tình trạng chiến tranh, Giáo hội của Ngài luôn trong tình trạng thánh chiến. Thánh chiến ở đây không có nghĩa là chiếm lại Thánh địa, các nơi thánh hay bất cứ lãnh thổ trần gian nào, nhưng là chống lại sức mạnh của tối tăm, hận thù, tội lỗi và chết chóc.
Bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng gây nên chết chóc đau thương. Hoà bình mà nhân loại đạt được lắm khi là giá của rất nhiều mạng người. Người Kitô hữu cũng đeo đuổi một cuộc thánh chiến, nhưng là để đạt được bình an trong tâm hồn. Sự bình an ấy, chúng ta chỉ có thể đạt được bằng giá của một cuộc chiến đấu liên lỉ chống lại tội lỗi và khuynh hướng xấu trong chính bản thân. Vì thế, người Tây phương có câu ngạn ngữ: “Si vis pacem, para bellum”: nếu muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh. Nếu muốn có bình an trong tâm hồn, hãy chuẩn bị đương đầu với những cạm bẫy và sức mạnh của ác thần luôn bủa vây lôi kéo chúng ta đến tội lỗi (R.Veritas).
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”
Một đạo sĩ Ấn độ dạy các đệ tử: “Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em”.
Ánh sáng mặt trời, mặt trăng giúp ta thấy rõ sự vật, nhưng không thể biến một người xa lạ thành người anh em của chúng ta. Vậy thứ ánh sáng kỳ diệu ấy từ đâu? Ánh sáng ấy phát xuất từ trái tim. Thứ ánh sáng ấy toả ra từ khắp các trang sách Tin mừng. Khi người xứ Samaria nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho người bị nạn, ánh sáng ấy đã bừng lên. Ánh sáng đó khiến hai người xa lạ nhìn vào mặt nhau và nhận ra nhau là anh em. Ta hãy khơi cho ngọn lửa yêu thương bừng cháy, đẩy lui bóng tối hận thù, ích kỷ; mở rộng tâm hồn đón nhận và trao tặng yêu thương, để mọi người nhìn nhận nhau như là anh em đích thực. Bấy giờ, đêm sẽ tàn, ngày mới sẽ bắt đầu, bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, và ánh sáng tỏa rạng từ các trái tim chan hòa yêu thương.
Truyện: Ozanam, ngọn lửa nhiệt tình
Năm 1843, thành phố Paris đang bị xáo trộn, đạo Công giáo bị đe dọa, các cơ sở tôn giáo bị phá phách. Tại Lyon, bọn thợ thuyền cũng kéo cờ đỏ, hát những bài phạm đến Chúa và phản đạo. Năm ấy Ozanam học luật ở Paris. Dầu còn thanh niên, cậu đã dùng ngòi bút và việc bác ái để phản công. Cậu siêng năng đọc Phúc âm, rước lễ. Cậu thụ giáo với giáo sư Ampère về học thức và đạo đức. Và cậu mạnh bạo bênh vực Giáo hội. Với Ozanam các sinh viên, trước đây rụt rè lo sợ, bây giờ mạnh bạo. Các giáo sư đại học cũng phải kiêng nể Công giáo. Cậu tổ chức các buổi diễn thuyết làm sống lại đạo Công giáo. Về phía dân chúng, cậu cùng 6 anh em khác lập Hội Bác Ái Vinh Sơn giúp đỡ các người nghèo khổ. Hồi 18 tuổi, cậu đã thề: “Nhất định hy sinh đến thí mạng cho dân nghèo”. Đồng thời với Ozanam, Montalembert tranh đấu cho tự do giáo dục của Giáo hội, tại nghị trường. Dù là giáo sư đại học, Ozanam vẫn hàng tuần đi các khu nghèo khó để dạy giáo lý cho những công nhân nghèo khổ.
Ngày nay, Giáo hội cũng cần nhiều tâm hồn có lửa nhiệt tình như Ozanam.
1. Bằng hai hình ảnh “lửa” và “phép rửa”, Chúa Giêsu nói về tương lai sắp tới (cc 49-50):
- “Lửa” ám chỉ sự thanh luyện. Chúa Giêsu đến trần gian để thanh luyện trần gian, cho nên Ngài ước mong việc thanh luyện ấy sớm hoàn thành.
- “Phép rửa” ám chỉ cuộc khổ nạn sắp tới: việc thanh luyện ấy chỉ hoàn thành sau khi Ngài chịu nạn chịu chết và sống lại.
2. Bằng hai hình ảnh “hòa bình” và “chia rẽ”, Chúa Giêsu kêu gọi người ta chọn lựa thái độ trước Tin Mừng của Ngài (cc 51-53): Nhiều người nghĩ rằng Đấng Messia là Đấng mang hòa bình đến (x. Is 9,5). Chúa Giêsu xác nhận rằng đúng thực, sứ mạng của Ngài là một sứ mạng Hòa bình (Is 9,5tt; Dcr 9,10; Lc 2,14; Ep 2,14-15). Nhưng Ngài thấy cần giải thích thêm: chữ “Hoà bình” có nhiều nghĩa: hoà bình kiểu thế gian và hoà bình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói rằng Ngài đến thế gian không phải để đem hòa bình kiểu thế gian, mà là thứ hòa bình của Thiên Chúa. Thứ hoà bình của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mang đến, người ta chỉ sẽ nhận được sau khi người ta đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin mừng của Ngài. Thực tế cho thấy là sứ vụ của Chúa Giêsu đã gặp chống đối, và Lời rao giảng của Ngài đã gây ra chia rẽ giữa những người tin và những người không tin, chia rẽ xảy ra ngay trong lòng một gia đình (Lc 2,35: có chia rẽ, thì tâm tư người ta mới lộ ra).
B.... nẩy mầm.
1. Lời Chúa Giêsu nói về sứ mạng của Ngài cũng là một lời khuyến cáo các môn đệ Ngài: Sự kiện Nước Thiên Chúa đến không phải để các môn đệ hưởng thụ một cuộc sống bình an một cách thụ động. Họ sẽ hưởng bình an đấy, nhưng là thứ bình an mà họ phải cố gắng chiến đấu mới đạt được, chiến đấu trong gian truân thử thách, chiến đấu với cả những người thân nhưng không cùng niềm tin với mình. Phaolô và Barnabê đã hiểu như thế, nên đã khuyên các tín hữu rằng: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22).
2. Hòa bình Chúa ban là kết quả của những cố gắng để giải quyết tình trạng “chia rẽ”:
a/ Nơi bản thân mỗi người, chỉ có hòa bình thật khi không còn xung đột giữa cái tôi hướng thiện với cái tôi hướng ác;
b/ Nơi gia đình, nơi xã hội và bất cứ nơi nào cũng thế, chỉ có hòa bình thật khi mọi người đều một lòng một ý với nhau.
3. “Nếu trong tương lai, chúng ta không ký kết được những hiệp ước vững chắc và thành thật bảo đảm cho một nền hòa bình đại đồng, thì nhân loại, hiện đang gặp nguy cơ trầm trọng dù có một nền khoa học kỳ diệu đi nữa, có lẽ cũng sẽ tiến đến cách thảm khốc tới một giây phút mà nhân loại sẽ không biết hòa bình nào khác hơn là thứ hòa bình khủng khiếp của chết chóc” (Gaudium et Spes, số 82).
4. “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49)
Báo tuổi trẻ trong bài “Một cái chết bắt đầu cho sự sống” đã viết về anh Nguyễn Đức Minh như sau:
“... Vật vã với cơn đau ngày càng tăng, từ đầu năm anh tìm đến khoa giải phẫu của trường ĐHYD rồi về nhà lập tờ di chúc, trong đó chỉ có ba điều ước mong: hiến xác, đề nghị gia đình không làm đám tang lớn để lấy tiền giúp người khốn khó và dành những vật dụng riêng gồm máy đánh chữ, cassette, ampli, dụng cụ học tập của câu lạc bộ Bừng Sáng và một người bạn cùng cảnh mù.
Chị hai của Đức Minh cho biết: “Em tôi lo gia đình không thực hiện lời hứa nên đã bắt cha mẹ ký xác nhận cho xác em mới chịu lên bàn mổ. Trước khi mổ, em còn dặn bác sĩ viện trưởng có gì thì đưa xác em đi ngay để gia đình khỏi đổi ý...”
Mong ước của anh Minh giúp tôi nhận ra được những khao khát của Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc Thương Khó: “Thầy ước mong phải chi lửa ấy - ngọn lửa yêu thương mà Ngài đã ném vào mặt đất - cháy bùng lên!”
Giêsu ơi, con cũng muốn sống những thao thức của Giêsu, bằng cuộc sống yêu thương, và dấn thân cho tình yêu. Xin giúp con Chúa nhé! (Hosanna).
Bằng hai hình ảnh “lửa” và “phép rửa”, Chúa Giêsu nói về tương lai sắp tới (cc 49-50):
- “Lửa” ám chỉ sự thanh luyện. Chúa Giêsu đến trần gian để thanh luyện trần gian, cho nên Ngài ước mong việc thanh luyện ấy sớm hoàn thành.
- “Phép rửa” ám chỉ cuộc khổ nạn sắp tới: việc thanh luyện ấy chỉ hoàn thành sau khi Ngài chịu nạn chịu chết và sống lại.
Bằng hai hình ảnh “hòa bình” và “chia rẽ”, Chúa Giêsu kêu gọi người ta chọn lựa thái độ trước Tin Mừng của Ngài (cc 51-53). Nhiều người nghĩ rằng, Đấng Messia là Đấng mang hòa bình đến (Is 9,5). Chúa Giêsu xác nhận rằng, đúng thực, sứ mạng của Ngài là một sứ mạng Hòa bình (Is 9,5tt; Dcr 9,10; Lc 2,14; Ep 2,14-15). Nhưng Ngài thấy cần giải thích thêm: chữ “Hoà bình” có nhiều nghĩa: hoà bình kiểu thế gian và hoà bình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói rằng, Ngài đến thế gian không phải để đem hòa bình kiểu thế gian, mà là thứ hòa bình của Thiên Chúa. Thứ hoà bình của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mang đến, người ta chỉ sẽ nhận được sau khi người ta đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin Mừng của Ngài. Như vậy, hòa bình Chúa ban là kết quả của những cố gắng để giải quyết tình trạng “chia rẽ”:
Một nữ tu đang phục vụ trong chương trình phát thanh bằng tiếng Đại Hàn, của đài phát thanh chân Lý Á Châu, đã có lần đã cho biết, gia đình của chị là một gia đình chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo một cách hết sức sâu đậm. Lòng hiếu thảo chi phối mọi quyết định và sinh hoạt của con cái trong gia đình.
Thế nhưng ngày kia, niềm tin Kitô đã đến với người anh của chị. Điều này đã làm cho gia đình của chị xáo trộn. Người cha già của chị đã cực lực phản đối việc trở lại Công giáo của người con trai duy nhất của ông.
Sự phản đối còn đi xa hơn nữa, khi ông ta được biết, người con trai của ông lại còn quyết định đi tu làm Linh Mục. Như thế là gia đình ông không còn người nối dõi tông đường.
Nhưng chưa hết. Sau khi người anh của chị quyết định đi tu, thì lại đến lần chị, chị cũng trở lại Công giáo và cũng xin đi tu.
Những điều này đã làm cho người cha của chị buồn phiền đến nỗi ông muốn từ hai đứa con của ông và ông đã căm thù đạo Công giáo, đến độ ông gọi Thiên Chúa của đạo Công giáo là một ông thần xấu, vì đã cướp đi của ông hai người con.
Trước cảnh chia rẽ của gia đình như thế, chị và anh của chị chỉ biết cầu nguyện, để cho người cha của họ hiểu được lý do mà chị và anh chị trở lại Công giáo. Và lời cầu xin của họ đã được Chúa nhậm lời. Vào giờ phút chót của cuộc sống tại thế, chính người cha của họ đã xin trở lại.
2. “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49)
Vâng, lửa phải cháy bùng lên.
Một bữa tối tại sân vận động trường Los Angeles – Mỹ, một diễn giả nổi tiếng – ông Keller- được mời thuyết trình trước khoảng 100.000 người. Đang diễn thuyết bỗng ông dừng lại và dõng dạc nói:
- Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn sáng trong sân vận động này.
Đèn tắt. Cả sân vận động chìm sâu trong bóng tối âm u. Ông Keller nói tiếp:
- Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm đang cháy thì hãy hô to: “Đã thấy!”.
Một que diêm được bật lên, cả sân vận động vang lên: “Đã thấy!”.
Sau khi đèn được bật sáng trở lại, ông Keller giải thích:
- Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy.
Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại được tắt. Một giọng nói vang lên:
- Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên! Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.
Ông Keller kết luận:
- Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau có thể chiến thắng bóng tối, chiến tranh, khủng bố, cái ác và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương, sự tha thứ và lòng tốt của chúng ta. Hoà bình không chỉ là môi trường sống vắng bóng của chiến tranh. Hoà bình không chỉ là cuộc sống chung im tiếng súng. Vì trong sự giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người giết hại nhau mà không cần súng đạn, đôi khi con người làm khổ nhau, áp bức bóc lột nhau mà không cần chiến tranh.
Cách tốt nhất để xây dựng hoà bình là tăng thêm thật nhiều những hành động yêu thương và hảo tâm với đồng loại. Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu sẽ như những ánh sáng nho nhỏ của một que diêm. Nhưng nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương sẽ có đủ sức mạnh để xua đuổi bóng tối của những đau khổ và cái ác. (Theo The Love and Life).