Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do Thái rằng: Các ngươi đã sai người đến hỏi Gioan và ông đã làm chứng cho sự thật. Còn Ta, Ta không ỷ vào lời chứng của một người, nhưng Ta nói thế là để các ngươi được cứu thoát.
Gioan là đèn cháy sáng, và các ngươi trong một lúc đã vui mừng vì ánh sáng đó.
Nhưng phần Ta, Ta có chứng cao trọng hơn chứng của Gioan: đó là những việc Cha Ta đã giao cho Ta thực hiện, chính các việc mà Ta đang làm minh chứng rằng Cha đã sai Ta.
Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nhiều lần nói về mình: “Tôi là Ánh sáng thế gian” (8,12; 9,5; 12,46). Ngài là Ngôi Lời, là Ánh sáng thật đến trong thế gian này để chiếu soi mọi người chẳng trừ ai (Ga 1,9). Tiếc thay có những người đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm thì dối trá và xấu xa (3,19-21). Người ta né tránh ánh sáng vì sợ việc mình làm bị bại lộ. Nhưng ai sống theo sự thật sẽ bị thu hút bởi ánh sáng của Đức Giêsu. Ai theo Ngài sẽ không phải đi trong bóng tối, không sợ vấp ngã (11,10), nhưng sẽ có ánh sáng đem lại sự sống (8,12). Ai tin vào Ngài sẽ không sẽ không ở lại trong bóng tối (12,46), nhưng sẽ trở nên con cái ánh sáng (12,36). Gioan Tẩy giả là người được Thiên Chúa sai đến để làm chứng cho Ánh sáng là Đức Giêsu (1,7-8). Ông là nhịp cầu để mọi người nhờ ông mà tin vào Ánh sáng. Gioan không phải là Ánh sáng, dù ông đến trước Đức Giêsu. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài gọi ông là ngọn đèn cháy sáng (c. 35). Đức Giêsu còn nhắc lại chuyện người Do thái đã cử người đến gặp Gioan. Và ông đã làm chứng cho sự thật (c. 33 ; x. 1,19-28). Sự thật là: Đức Giêsu, Đấng đến sau ông thì cao trọng hơn ông nhiều. Ông chỉ là ngọn đèn, còn Đức Giêsu là Ánh sáng. Đám đông đã nhờ ngọn đèn ấy mà đến với Ánh sáng. Ngọn đèn của Gioan rực sáng giữa lúc dân Do-thái chờ mong, và họ đã vui sướng kéo đến với Gioan để hưởng ánh sáng ấy. Tiếc thay điều ấy chỉ kéo dài một thời gian, rồi tàn lụi. Vì nhiều người không tin Đấng là Ánh sáng mà Gioan làm chứng. Chúng ta đã gần đến ngày mừng Lễ Chúa Giáng Sinh. Lễ Giáng Sinh là lễ mừng Ánh sáng đi vào thế gian tối tăm này. Thế giới hôm nay đã được điện khí hóa, và sáng hơn xưa, nhưng bóng tối của tội lỗi và sự chết vẫn còn đó. Con người luôn có tự do để đón nhận hay từ khước ánh sáng. Bóng tối sẽ bủa vây khi tôi đóng cửa lòng mình. Thực sự mừng lễ Giáng sinh là dám mở ra trước Ánh sáng, không dấu diếm tình trạng tăm tối, lạc hướng của mình, nhìn nhận mình đã rời xa sự thật, sự thiện và sự sống. Chỉ khi khiêm hạ nhận mình đang bị tối tăm đè bẹp, ta mới đẩy lui được sự thống trị của bóng tối nơi ta. Mừng Giáng Sinh bằng trang trí nhiều đèn màu, không đủ. Chỉ mong tôi để Ánh sáng Chúa đi vào bóng tối đời mình, biến tôi thành một ngọn đèn cháy sáng như Gioan để đem lại niềm vui sống cho thế giới hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa là Ánh sáng thân thương, giữa những bủa vây của u sầu ảm đạm, xin Chúa dẫn con đi. Đêm thì tối, đường còn xa, xin Chúa dẫn con đi, xin giữ bước chân con. Con đâu dám xin thấy tương lai xa xôi, chỉ thấy một bước trước mặt cũng đủ rồi. Chưa bao giờ con như bây giờ, cũng chưa bao giờ con xin Chúa dẫn. Con đã quen chọn và thấy con đường của mình. Nhưng giờ đây, xin Chúa dẫn con đi. (Chân phước John Henry Newman)
Gio-an dù là một chứng nhân trổi vượt. Một người cao cả hơn mọi người do phụ nữ sinh ra. Một ngọn đèn chiếu sáng cõi đời. “Và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông”. Và Gio-an đến để làm chứng cho Chúa. “Ông không phải ánh sáng. Nhưng ông đến để làm chứng cho ánh sáng”. Nhưng Chúa vẫn không cần đến lời chứng của ông. Chúa có lời chứng của Thiên Chúa cao siêu tuyệt đối. Là Thiên Chúa Cha. Cha của muôn loài. Và Chúa Giê-su là Con. Vì đã làm những việc Chúa Cha giao phó: “Tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi”.
Những việc Chúa đã làm thật kỳ diệu. Kẻ mù được thấy. Kẻ què được đi. Người câm nói được. Người chết sống lại. Chỉ Thiên Chúa mới có thể làm được như thế.
Những việc Chúa làm minh chứng Chúa là người Con chí hiếu. Không nói gì mà đã không nghe từ Cha. Không làm gì ngoài thi hành thánh ý Chúa Cha. “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy”(Ga 4,34). “Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết”(Pl 2, 8). Cuộc chiến đấu trong vườn Cây Dầu là cuộc chiến thắng của người Con hiếu thảo: “Lạy Cha nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý Con. Xin vâng ý Cha mà thôi”(Lc 22,42). Chỉ người Con đích thực mới có thể tuyệt đối vâng theo thánh ý như thế.
Từ đó tất cả những ai vâng theo thánh ý, không phân biệt dân ngoại hay có đạo, đều trở thành con cái Chúa. Được Chúa cho vào nhà Chúa dâng lễ vật. Được Chúa yêu thương nhận lời cầu khẩn. “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người, hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu ngueyejn của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân”.
Để sống Mùa Vọng, không gì bằng ta tuân theo ý Chúa. Làm những công việc của Chúa. Tuân theo thánh ý Chúa. Đó là cách giới thiệu Chúa cho thế giới hôm nay. Đó là làm cho Chúa hiện diện trong thế giới. Và ta trở thành người con chí ái của Chúa.
Lời Đức Kitô hôm nay làm ta suy nghĩ về sức mạnh và giới hạn của chứng tá.
Từ đâu phát sinh sức mạnh của chứng tá cho Đức Giêsu? Sức mạnh ấy phát sinh từ phẩm chất của giáo thuyết, từ uy quyền của phép lạ, từ những dấu hiệu của lòng nhân từ, đại độ. Chúa Giêsu nói: những công việc Người làm chứng tỏ rằng chính Chúa Cha đã sai Người đến, vì chỉ có Chúa Cha mới có thể ban quyền năng để làm các điều đó. Quả thực, công việc Chúa Giêsu đã thu hút sự chú ý của người Do Thái, nhưng tại sao họ không biết đọc cái chứng tá mà công việc kia mang lại? Vì, trong trật tự đức tin, chứng tá tự giới hạn lại để tôn trọng tự do. Nó đòi hỏi được đón nhận cách tự do bởi những tâm hồn ngay thẳng, những cõi lòng tự do, những trí khôn lương thiện.
Mà Do Thái thì chất đầy những đam mê chính trị và quốc gia, những thành kiến, tư lợi và hẹp hòi trong việc hiểu biết Lề Luật. Trong những điều kiện như thế, họ đóng kín trước chứng tá do các việc Chúa Giêsu làm. Trí khôn con người là thế đó: họ còn đi đến chỗ dùng ngay các việc của Chúa mà đả lại Người.
Ta có dám quả quyết rằng hiện tượng đó là một chuyện của quá khứ, không liên quan gì tới ta nữa chăng? Hiện nay một số người dùng Phúc Âm chống lại Phúc Âm. Mà họ lại được nhiều người nghe theo. Phần ta, hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp ta đọc Phúc Âm, nghĩa là nghe chứng từ của Đức Giêsu với một tâm hồn ngay thẳng, một cõi lòng tự do, một trí khôn lương thiện. Bởi vì không ai đến với Chúa Giêsu nếu không được Chúa Cha lôi kéo, nên ta hãy cầu nguyện cùng Chúa Cha đừng bao giờ để tình trạng mơ hồ, nước đôi ngăn cản con mắt ta đọc chứng tá mà Chúa Thánh Thần đang đem tới về Đức Kitô hôm nay.
Trong Mùa Vọng, Gioan Tẩy Giả được biết đến như Vị Tiền Hô đi trước dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Khi đến, ông đã trở nên ngọn đèn chiếu sáng cho những ai cần tìm ơn cứu độ.
Quả thật, ông là người đã được Thiên Chúa phù trì cách đặc biệt, vì thế, ông càng lớn lên thì nhân đức của ông cũng tăng theo như lời tiên tri Giacaria đã loan báo: “Còn hài nhi thì lớn dần, nên dũng mãnh về thần khí và vào nơi hoang địa cho đến ngày lãnh sứ mệnh đến với dân Israel” (Lc 1,80)
Tuy nhiên, giữa lúc uy tín, danh dự và uy thế của ông lên cao, thì cũng là lúc ông thể hiện xuất sắc vai trò của người dọn đường, vì thế, ông đã nói: “Ngài cần phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé đi” (x. Ga 3, 30). Khi nói như thế, ông muốn giới thiệu Đức Giêsu đích thực là Đấng Cứu Thế.
Thật vậy, ông đã cam đảm nói cho mọi người biết rằng: ông chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, là kẻ dọn đường, để chuẩn bị lòng dân đón đợi Đấng Cứu Thế. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng cho ánh sáng. Ông không phải là Đấng Cứu Thế, nhưng đến để chuẩn bị cho Đấng Xóa Tội trần gian.
Cuộc đời của Đức Giêsu không chỉ được Gioan Tẩy Giả làm chứng, mà Ngài còn có một lời chứng cao trọng hơn cả Gioan, lời chứng đó chính là Thiên Chúa Cha: “Ta có lời chứng cao trọng hơn chứng của Gioan: đó là những việc Cha Ta đã giao cho Ta thực hiện, chính các việc mà Ta đang làm minh chứng rằng Cha đã sai Ta” (x. Ga 5, 36-40).
Như vậy, ngoài lời chứng của người trần, Đức Giêsu còn có Thiên Chúa Cha, người đã làm chứng cho Đức Giêsu như trong lúc Ngài chịu Phép Rửa tại sông Giodan. Lúc đó, Ngài được Thiên Chúa Cha xác nhận: “Đây là con Ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng. Hãy vâng nghe lời Người”. Rồi lúc biến hình trên núi, Chúa Cha cũng xác minh điều đó. Đến lượt Đức Giêsu, Ngài đã thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha là cứu chuộc nhân loại để cho nhân loại được sống.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy học nơi Gioan Tẩy Giả, đó là sẵn sàng làm chứng cho sự thật. Không chấp nhận uốn cong, bóp méo Lời Chúa để cho mình được an thân. Sống chứng nhân thì quan trọng hơn là lời nói, nhưng nếu lời nói mà đi đôi với hành động thì thật là tuyệt vời. Gioan Tẩy Giả đã làm được điều đó!
Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta đặt mình trước mặt Chúa trong Mùa Vọng này, để thấy được rằng chúng ta có trở nên người mang trong mình ánh sáng của Thiên Chúa và loan truyền ánh sáng đó cho người khác hay không?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa được Chúa Cha sai xuống trần gian để mở ra cho nhân loại con đường cứu độ. Con đường đó là con đường của sự thật, của Thánh Giá. Xin Chúa ban cho chúng con luôn ý thức mình là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế và là người chứng nhân cho sự thật trong thế giới hôm nay. Amen.
1. Lại một lần nữa, bài Tin Mừng hôm nay lại nói về Gioan Tẩy Giả - người làm chứng cho chân lý, làm chứng về Đức Giêsu. Tuy nhiên, ngoài nhân chứng của phàm nhân là Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu còn một nhân chứng khác cao trọng hơn rất nhiều: đó là Thiên Chúa Cha, chính Cha đã trao sứ mạng cho Đức Giêsu và việc Đức Giêsu hoàn thành sứ mạng Cha trao là một chứng từ sống động.
2. Tại sao người Do thái không chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế trong khi toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế ? Chỉ vì họ thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người Do thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa và lắng nghe lời Ngài qua khuôn mặt và lời nói của Đức Giêsu, và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến (Mỗi ngày một tin vui).
Tại sao lại có thảm kịch này ? Chúng ta không lấy làm lạ vì người Do thái nuôi sẵn một hình ảnh về Đấng Messia quang vinh, uy quyền hợp với sở thích của họ. Cái hình ảnh ấy che khuất hình ảnh đích thực của Đấng Messia.
3. Người Do thái đòi Đức Giêsu phải có bằng chứng để họ có thể tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế. Ngài đã nại đến chứng từ của Gioan Tẩy giả. Gioan đã đến làm chứng cho sự thật, tuy chỉ là chứng tá của phàm nhân.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã giải thích về chứng tá của Gioan để giúp cho người Do thái khỏi lẫn lộn Gioan với Ngài là Đấng Cứu Thế, vì có lúc tiếng tăm của Gioan vang dội trong dân chúng khiến họ nghĩ rằng Gioan là Đấng Cứu Thế.
Gioan không phải là Đấng Cứu Thế, mặc dù tiếng tăm của ông có vang dội. Để diễn tả điều này, Đức Giêsu ví Gioan như là đèn soi sáng cho họ vui hưởng ánh sáng trong một thời gian, thời gian này là lúc Gioan rao giảng và làm phép rửa, khiến tiếng tăm ông vang dội trong dân chúng.
4. Một lần nữa chúng ta xác nhận Gioan – người làm chứng cho chân lý, làm chứng về Đức Giêsu như khởi đầu Tin Mừng thứ tư đã khẳng định: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga1,7-8).
Ánh sáng là Đức Kitô – Ngôi Lời nhập thể: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Đức Giêsu nhiều lần đã nói về mình: “Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5). Đức Giêsu chính là ánh sáng bừng lên chiếu dọi cho mọi người, dẫn đưa họ khỏi cảnh đời tối tăm, và đi đến nguồn hạnh phúc chân thật như tiên tri Isaia loan báo: “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1).
5. Ngoài chứng tá của Gioan, Đức Giêsu còn một nhân chứng khác cao trong hơn: Đó là Thiên Chúa Cha. Chính Cha đã trao sứ mệnh cho Đức Giêsu và việc Ngài hoàn thành sứ mệnh Cha trao là một chứng từ sống động. Chúa Cha làm chứng bằng những lời của Người trong Kinh Thánh: Bên dòng sông Giođan, sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa, Chúa Cha phán từ trời và giới thiệu với nhân loại người Con chí ái mang sứ mạng Người: “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mt 3,17; Mc 1,11; Lc 3,21).
6. Gioan Tẩy Giả đã làm chứng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế vì ông là ngọn đèn cháy sáng, ông làm gương sáng cho mọi người noi theo: ông sống khắc khổ, ông sống hy sinh, cam đảm. Chúng ta củng phải can đảm làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày trong mọi hoàn cảnh.
Còn các việc Đức Giêsu làm cũng đủ làm chứng Người là Đấng Cứu Thế, vì Người luôn làm việc theo ý Chúa Cha.
7. Truyện: Can đảm làm chứng cho Chúa.
Ngươi ta cho biết, tại một trường tiểu học của Nhật Bản, có 150 học sinh, mà trong đó chỉ có một học sinh duy nhất là Kitô hữu. Trước mỗi bữa ăn, em thường mạnh dạn làm dấu thánh giá và đọc kinh. Các học sinh khác đến tố cáo với thầy chủ nhiệm là em có “hành vi ma thuật”. Nghe thấy thế, thầy cho gọi em lên đứng giữa lớp, hỏi xen em đã làm gì ? Em thẳng thắn nói rằng em chỉ cám ơn Chúa đã ban lương thực hằng ngày. Nghe vậy, thầy giáo gục xuống bàn, nước mặt ràn rụa nói: “Này con, ta cũng là Kitô hữu, nhưng ta không can đảm tỏ ra cho mọi người biết. Giờ thì cám ơn Chúa, ta đã biết là Kitô hữu, mình phải làm gì.
Đoạn Tin Mừng này là một phần của bài diễn từ Chúa Giêsu nói với những người do thái sau khi Ngài làm phép lạ chữa một người bất toại ở hồ Bétdatha.
Những người do thái ấy chống đối Đức Giêsu vì Ngài làm việc này trong ngày Sabbat. Đức Giêsu nói một bài diễn từ dài, đại ý là: sở dĩ Ngài làm việc trong ngày sabát là vì Ngài noi gương Thiên Chúa là Cha của Ngài (đoạn phía trước, các câu 19-20). Họ không tin và ngầm muốn Ngài có người làm chứng. Biết thế, Đức Giêsu đưa ra một người chứng, đó chính là Gioan Tẩy giả. Ngoài ra còn có một người chứng đáng tin hơn nữa, đó là chính Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã sai Ngài và bảo Ngài làm những việc đó.
B ... . nẩy mầm.
1. “Trong khi toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng cứu thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người do thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa và lắng nghe lời Ngài qua khuôn mặt và lời nói của Chúa Giêsu, và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến” ("Mỗi ngày một tin vui"). Tại sao có thảm kịch này? Vì người do thái nuôi sẵn một hình ảnh về Đấng Messia, hợp với sở thích của họ. Cái hình ảnh ấy che mất hình ảnh đích thực của Đấng Messia. Ta thấy đó, người ta có thể đọc sách thánh mà không tìm thấy Thiên Chúa nhưng chỉ thấy chính mình.
2. Một thợ săn lạc trong rừng nhiều lần. Một người bạn mua cho anh một la bàn. Dù vậy, anh thợ săn trẻ vẫn bị lạc. Khi tìm thấy, người bạn hỏi xem anh có mang theo la bàn. Anh bảo có.
- Tại sao anh không dùng nó?
- Tôi không dám. Tôi muốn đi về hướng Nam và cố giữ cho kim chỉ hướng Nam, nhưng không được. Nó luôn lắc quanh và chỉ hướng Bắc.
Nhiều người mong Thánh Kinh chỉ hướng họ muốn đi, hơn là hướng Thánh Kinh muốn họ đi. (Góp nhặt)
3. Có lần, nhà văn Mark Twain nói: “Nhiều người lấy làm buồn phiền vì không hiểu một đoạn Thánh Kinh nào đó. Phần tôi, tôi thấy rằng những đoạn Thánh Kinh làm tôi bối rối nhất là những đoạn mà tôi cho là mình đã hiểu. ”
4. Muốn đọc Sách Thánh mà thấy được Chúa, ta phải bỏ đi hết mọi thành kiến có sẵn, phải khiêm tốn để cho lời Chúa tra vấn mình, phải can đảm từ bỏ những gì Chúa đòi hỏi, và phải kiên trì thực hiện những điều Chúa dạy.