* Có lẽ thánh nữ đã chịu chết ở Xyracuxa, thời hoàng đế Điôlêxianô bách hại đạo (340). Ngay từ thời xa xưa, hầu như cả Hội Thánh Rôma đã tôn kính rồi ghi tên người vào Kinh Tạ Ơn.
LỜI CHÚA: Mt 21, 28-32
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn cho cha!" Nó thưa lại rằng: "Con không đi". Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: "Thưa cha, vâng, con đi". Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?" Họ đáp: "Người con thứ nhất".
Chúa Giêsu bảo họ: "Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài".
Dụ ngôn hôm nay là một dụ ngôn đặc biệt, với nội dung đơn sơ. Đức Giêsu nói dụ ngôn này cho các thượng tế và kỳ mục. Một người cha có hai con trai. Ông sai đứa con thứ nhất đi làm vườn nho. Lúc đầu anh ta từ chối, nhưng sau đó hối hận nên lại đi (c. 29). Ông gặp đứa con thứ hai và kêu anh làm cùng một việc. Anh mau mắn nhận lời, nhưng rốt cuộc lại không đi (c. 30). Đức Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng việc hỏi họ một câu khá dễ: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của cha?” Không mấy khó khăn, các thượng tế và kỳ mục đã trả lời đúng. Nhưng họ không ngờ mình mắc bẫy của Ngài như xưa vua Đavít đã mắc bẫy của ngôn sứ Nathan (2 Sm 12, 5). Bởi chính họ là đứa con thứ hai, nhận lời, nhưng rồi lại không đi, chính họ là những người không thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Hẳn giới lãnh đạo ở Giêrusalem sẽ tức điên lên vì nhục nhã khi nghe Đức Giêsu nói đứa con thứ nhất chính là những kẻ thu thuế và các cô gái điếm (c. 31). Theo Đức Giêsu, những người tội lỗi này sẽ vào Nước Trời trước cả giới lãnh đạo tôn giáo đầy uy tín, đạo đức, oai phong. Tại sao lại có chuyện oái oăm đó? Chính thái độ tin hay không tin ông Gioan tạo ra sự khác biệt này. Gioan xuất hiện như một hiện tượng nổi bật, ai cũng thấy. Các vị chức sắc tôn giáo cũng thấy, nhưng sau đó họ không hối hận mà tin (c. 32). Còn những người tội lỗi, giống đứa con thứ nhất, lúc đầu từ chối cha, nhưng sau đó đã hối hận và vâng lời (c. 29). Họ đã tin Gioan và bước vào đường công chính (c. 32). Từ chỗ nói: “Thưa cha, con đây”, đến chỗ thực sự đi làm vườn nho, có một khoảng cách khá lớn, khiến nhiều người ngần ngại. Chấp nhận tin là chấp nhận lên đường, bước vào cuộc phiêu lưu. Con đường công chính đầy thách đố, bấp bênh và bất trắc. Tin vào Gioan đòi hỏi sám hối, để đón Đấng Thiên Sai. Nhưng ít người muốn nhận mình có lỗi. Có khi cô gái điếm lại dễ hối hận hơn một người công chính. Có khi anh thu thuế lại dễ ăn năn hơn một người đạo hạnh. Dù sao tin vào Gioan khiến mọi người không được sống như xưa. Hơn nữa, niềm tin ấy thế nào cũng dẫn đến tin vào Đức Giêsu. Tin vào Đức Giêsu là chấp nhận mất đi những chỗ dựa ổn định. Không dám mất thì cũng chẳng dám tin. Nhiều Kitô hữu hôm nay gặp khó khăn không nhỏ về đức tin, vì sống đức tin đòi họ phải trả một giá quá lớn. Nếu chúng ta đã có lần nói: Con không muốn đi!, thì chúng ta luôn có thời gian suy nghĩ lại, để tự điều chỉnh, và sau đó nói: “Này con đây, xin hãy sai con. ”
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay. Chúng con thường xây nhà trên cát, vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành. Chính vì thế Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con. Xin cho chúng con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ. Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình, để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng. Ước gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền tảng vững chắc, đó là Lời Chúa, Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. ------------------------------
Con người có khả năng thay đổi. Đó vừa là lợi điểm vừa là nhược điểm. Đọc bài Tin mừng hôm nay ta thoáng chút bùi ngùi tiếc thương cho người con vốn được tiếng là ngoan ngoãn và đã trả lời rất mực hiếu thuận với cha. Ngờ đâu lòng dạ thay đổi quá mau chóng và bất ngờ. Từ “có” sang “không”, từ ngoan ngoãn đến hư hỏng, từ hiếu thuận đến bất hiếu.
Nhưng an ủi biết bao và cũng bất ngờ biết bao, người con bị tiếng là hư hỏng, bất hiếu đã nói không với cha, nhưng rồi hối hận lại ra đi làm vườn nho cho cha. Thật kỳ diệu khả năng có thể thay đổi của con người. Thật ngỡ ngàng khi Chúa cho biết đó chính là những người bị coi là tội lỗi tầy đình, những người thu thuế và gái điếm. Còn đứa con được tiếng ngoan ngoãn, những người tự xưng mình là đạo đức gương mẫu, bất ngờ trở thành bị kết án, đó chính là những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó.
Theo vị tiên tri, sở dĩ những người nhỏ bé nghèo hèn mau chóng hoán cải vì họ tự biết mình tội lỗi, không có gì để tự hào, để cậy dựa, nên dễ dàng lắng nghe Lời Chúa. Còn những người tự hào mình đạo đức lại bị loại trừ vì họ không sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa, bị Chúa chúc dữ: “Khốn cho thành phản loạn và ô uế, khốn cho thành tàn bạo, không nghe tiếng kêu mời, chẳng tiếp thu lời sửa dạy”. Họ kiêu căng tự mãn vì những thành công của mình. Tự tin vào mình, đến nỗi “không cậy trông vào Đức Chúa, chẳng đến gần Thiên Chúa của mình”. Vì thế họ “nghênh ngang trên núi thánh”của Chúa, cứng cỏi không hoán cải, đánh mất cơ hội lãnh nhận ơn cứu độ. Trái lại những người tội lỗi khiêm nhường sẽ được ơn cứu độ: “Ta sẽ đuổi cho khuất mắt ngươi những kẻ kiêu căng đắc thắng… Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ…; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa… Chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi”.
Lạy Chúa, xin đừng để con kiêu căng tự mãn đứng lì trong tội lỗi, nhưng xin cho con nhận biết mình tội lỗi yếu hèn, cần ăn năn sám hối, như thế con sẽ nhận được ơn Chúa thứ tha.
Mùa đông năm 1982, một phản lực cơ Hoa kỳ bi chết máy đã đâm nhào xuống một dòng sông. Nhiều hành khách sống sót chơi vơi giữa đòng sông giá lạnh. Giữa những người bộ hành chứng kiến, một thanh niên bất chấp dòng nước lạnh đã phóng người xuống sông cứu vớt một thiếu phụ đang chới với trên sóng nước. Hành động này khiến Tổng thống Reagan tuyên dương anh là anh hùng dân tộc. Khi được hỏi lý do việc liều mạng sống, anh trả lời: “tôi đã làm điều tôi phải làm”.
“Tôi đã làm điều tôi phải làm”, lời giải thích trên cũng có thể là lời tuyên tín sống động của những người không hề mang danh hiệu Kitô, nhưng có lẽ lại sống tinh thần Kitô một cách sâu xa hơn những người vỗ ngực xưng mình là môn đệ Đức Kitô, nhưng cuộc sống lại hoàn toàn là một phản chứng.
Trong Tin mừng, Chúa Giêsu có lẽ muốn đề cao những tín hữu vô danh ấy. Họ có thể là người chưa một lần nghe nói đến tên Chúa. Chưa hề được chịu phép rửa, chưa hề đặt chân đến Nhà thờ; họ cũng có thể là người ngoại đạo, vô thần, nguội lạnh, chống đạo, nhưng đời sống của họ được dệt bằng những hy sinh, quên mình, phục vụ, tử tế, công bình; tôn giáo của họ, nói như Đức Đạt lai Lạt Ma, chính là lòng tử tế.
Lời Chúa hôn nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống mình: có lẽ chúng ta cũng giống như người con thứ hai: miệng thưa vâng, nhưng tay chân chúng ta không muốn thực thi ý Chúa, miệng chúng ta cầu kinh, nhưng lòng trí và cuộc sống lại xa Chúa.
Thiên Chúa đang đến trong từng phút giây cuộc sống, đó phải là xác tín của chúng ta trong Mùa Vọng này. Và bởi vì Thiên Chúa là Đấng đang có mặt và đang đến, cho nên mỗi phút giây, mỗi biến cố, mỗi gặp gỡ đều phải dẫn tới mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Và như thế cả cuộc sống chúng ta sẽ là lời kinh triền miên dâng lên Chúa.
Hãy để cho lời kinh chúng ta biến thành hành động của phục vụ, hy sinh, liên đới, chia sẻ, và lúc đó trọn cuộc sống chúng ta sẽ là tiếng xin vâng bất tận dâng lên Chúa.
Ngày nay, nhiều người Công Giáo vẫn có quan niệm gắn kết đời mình vào những chuyện sinh hoạt đoàn thể, họ rất đề cao những tổ chức bề ngoài ... Điều này không có nghĩa là không tốt, nhưng không phải là chuyện tốt nhất! Bởi lẽ, nếu không chừng, chính những sinh hoạt đó sẽ dẫn chúng ta đến tình trạng sống đạo hình thức, bề ngoài, trên môi miệng!
Thật vậy, trong đời sống thực tế cho thấy, rất nhiều người tỏ vẻ năng nổ trong các đoàn thể, lễ hội ... nhưng khi đối diện với những lựa chọn cốt lõi của Tin Mừng, họ thường là những người thua cuộc vì mọi chuyện của họ bị chi phối hoàn toàn thuần túy bởi việc giữ luật thuần túy, mà không hề có khả năng đón nhận thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời của mình, nhất là khi gặp đau khổ, thử thách. Sự kiêu ngạo đã là ông chủ trong tâm hồn họ, nên chúng ta không lạ gì khi đối diện với Lời Chúa, họ cảm thấy xa lạ và không thể chấp nhận để Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời mình!
Nguyên nhân chính là việc giữ đạo của họ không có chiều sâu, Lời Chúa không bén rễ trong tâm hồn, vì thế, khi phong ba bão táp ập đến là họ sẵn sàng ngả theo chiều gió để cho nó cuốn đi.
Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu kể dụ ngôn: “Hai người con” để cảnh báo những Thượng tế và Kỳ mục trong dân về nguy cơ mất ơn cứu độ khi đang ở ngay trong nhà của mình. Còn những người tội lỗi như thu thuế và gái điếm lại là những người được ơn cứu độ trước họ vì họ có lòng khiêm tốn và sẵn sàng để cho Lời Chúa cật vấn lương tâm họ và khi nhận ra mình là người tội lỗi, họ đã khiêm tốn xin ơn tha thứ để được ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cẩn trọng trong lối giữ đạo. Nếu không, chúng ta là những người miệng thì lâm râm kinh sách tối ngày, nhưng những việc như bác ái, yêu thương, khiêm tốn ... thì lại quá xa vời; hay đôi khi chúng ta chỉ giữ đạo trong nhà thờ, khi ra khỏi nhà thờ là chửi nhau, buôn gian bán lận, ăn chơi trác táng hạng sang ...
Lạy Chúa Giêsu, trong tâm tình Mùa Vọng, xin Chúa ban cho mỗi chúng con biết nhìn lại lối sống đạo của mình. Biết đặt những giá trị tinh thần lên trên những chuyện hình thức bên ngoài. Luôn sống cốt lõi của luật hơn là những chuyện bề ngoài. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu mời gọi tất cả mọi người vào Nước Thiên Chúa. Nhưng muốn vào Nước Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là nói suông, mà là làm theo ý muốn của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, đọc Phúc Âm con thấy có một điều lạ. Có những kẻ tội lỗi không cứng lòng, như người phụ nữ xức dầu thơm lên chân Chúa, ông Gia-kêu trưởng phường thu thuế, người trộm lành; chỉ cần vài lời nhẹ nhàng hoặc một cử chỉ nhân ái của Chúa cũng đã đủ để đưa họ trở về. Còn những người vẫn tự hào mình là công chính, như nhóm biệt phái, như các luật sĩ, được nghe bao lời của Thánh Gioan Tiền Hô cũng như của Chúa, thế mà họ vẫn cứng lòng, tâm hồn họ vẫn trơ trơ. Họ không trở về, bởi vì họ không nhận mình tội lỗi.
Lạy Chúa, Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã có lần phải than rằng: tội lớn nhất của thời đại hôm nay là người ta phạm tội mà không nhận ra tội của mình, người ta phạm tội mà không cho là mình phạm tội. Con người ngày nay đã dần dần đánh mất cảm thức về tội lỗi, lương tâm đã ra tháo thứ. Lạy Chúa, Chúa đã từng nói với nhóm luật sĩ và biệt phái: “Nếu các ngươi là những người mù, thì các ngươi sẽ không có tội. Đàng này các ngươi lại nói: chúng tôi thấy chứ, nên tội các ngươi vẫn còn đó”. Cái đáng tiếc nghiêm trọng không phải là việc con có tội, nhưng là có tội mà cứ tưởng mình đạo đức.
Lạy Chúa, xin đừng để con tự mãn, tưởng mình không có gì cần phải sám hối cải thiện. Xin cho con luôn biết khiêm tốn đứng vào hàng ngũ các tội nhân để luôn được tha thứ và nhận được nhiều hồng ân Chúa ban. Amen.
Ghi nhớ: “Gioan đến và những kẻ tội lỗi tin ngài”.
1. Đứng trước lời rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, có hai hạng người với hai thái độ trái ngược nhau, đó là giới lãnh đạo Do thái và những người tội lỗi và dân chúng. Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn hai người con để làm nổi bật sự tương phản giữa lời nói và việc làm: nói có mà không làm; nói không nhưng lại làm. Giữa sự đối nghịch này, hành động được đánh giá là quan trọng, vì hành động là dấu hiệu của một tâm hồn trong sáng, biểu hiện qua những hành động ngay thẳng. Vì thế, Đức Giêsu đã thẳng thắn tuyên bố: ”Không phải những người nói: Lạy Chúa! Lạy Chúa, là được vào Nước Trời, nhưng chỉ những kẻ thi hành ý Cha trên trời”.
2. Cần tìm hiểu hình bóng của dụ ngôn này:
- Người con thứ nhất là đứa con “thưa vâng” rồi không đi làm: ám chỉ những nhà lãnh đạo Do thái và tất cả những ai vâng lệnh bằng lời nói mà không thực hành. Những người này vẫn tự xưng là giới đạo đức và lên mặt mô phạm với đời. Nhưng họ từ chối ơn Thiên Chúa, không nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, mặc dầu trước khi Người đến, họ vẫn khát vọng Người.
- Người con thứ hai thưa “không đi”, nhưng sau hối hận và đã đi làm: ám chỉ những người tội lỗi, thu thuế, đĩ điếm và chư dân. Những người này thoạt mới nghe giảng, họ ngại ngùng không theo; nhưng sau họ đã nghe Gioan Tẩy Giả và lời giảng của Đức Giêsu nên đã sám hối ăn năn.
3. Kết luận dụ ngôn Đức Giêsu nói: ”Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm, sẽ vào Nước Trời trước các ông”. Chưa bao giờ ta thấy Đức Giêsu đã nói thẳng với các người biệt phái như lần này. Chính họ có lẽ cũng không ngờ.
Câu nói đó có nghĩa là: các ông tưởng mình thánh thiện trong sạch, giữ luật không trách được điểm nào, còn người thu thuế các ông coi như cặn bã xã hội, những người mà các ông cấm không cho đi chung đường với họ. Các ông lầm. Những người thu thuế và đĩ điếm mà các người miệt thị đến mức đó sẽ vào Nước Trời trước các ông. Nói rõ là những người ấy tốt hơn các ông.
4. Trong cuộc sống hằng ngày, người ta thường nói nhiều mà làm ít, giữa lý thuyết và thực hành còn một khoảng cách lớn. Có thể nói: trên thế giới này không có con đường nào dài cho bằng “con đường từ miệng đến tay”. Vì thế mới có câu: “Năng thuyết bất năng hành”. Lý thuyết có hay mấy mà không được thự hiện thì cũng không có giá trị.
Trong đời sống đạo cũng thế, chúng ta biết Chúa, cần thông hiểu giáo lý vì “vô tri bất mộ” mà. Như thế cũng chưa đủ, còn phải đem cái biết ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày nữa. Đức Giêsu đã nói: ”Ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy” mà “giữ lời Thầy” thì có nghĩa là hãy thực hành những điều Thầy dạy, là làm theo ý Thầy. Bài dụ ngôn vế hai đứa con trong Tin Mừng đã chứng tỏ điều đó.
5. Phải sống trung thực với lòng mình, phải làm sao cho “ngôn hành đồng nhất”, lời nói và việc làm không được mâu thuẫn nhau. Nhiều người nói thì rất hăng nhưng khi làm thì chẳng thấy đâu, họ giống như đứa con thứ trong dụ ngôn này. Những người như thế thì người ta phang cho một câu mỉa mai: ”Trăm voi không được bát nước xáo”.
Người ta đánh giá trị một người thì không phải ở lời nói mà ở việc làm, vì nói thì ai cũng nói được, nhưng khi phải bắt tay làm thì mới thấy khó khăn, nên nhiều người đã bỏ cuộc. Đối với những người chỉ nói ba hoa chích chòe mà không dám bắt tay làm việc gì thì người ta chê:
Nói thì đâm năm chém mười,
Đến khi tối trời chẳng dám ra sân.
6. Truyện: Anh chàng Aristogiton.
Aristogiton hồi ấy lúc thanh bình, là một nhà ái quốc thượng thặng. Thở ra lửa trận, nói ra sấm sét. Chàng lợi dụng mọi hoàn cảnh để cổ võ những đức tính anh hùng của người chiến sĩ yêu nước. Nghe chàng nói, thính giả có ấn tượng như chàng đang tuyên chiến với tất cả các cường quốc trên thế giới.
Nhưng đến khi phải thi hành lệnh quân dịch, người ta thấy chàng đột nhiên bước đi khập khiễng, tay chống gậy, chân thì băng bó, trông thảm não vô cùng.
Biết rõ những bí ẩn của chàng, ông Photion trợn mắt nói: ”Aristogiton đã làm một người què lại còn hèn nhát”.
7. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải có thái độ nào với tư cách là một Kitô hữu, một chứng nhân của Chúa? Chúng ta sẽ cố gắng:
- Đừng nghĩ rằng mình thuộc hàng “công chính” để rồi ngủ mê trong ảo tưởng đạo đức về mình.
- Cũng đừng cho rằng mình thuộc hàng “thu thuế và đĩ điếm” để rồi buông xuôi cho dòng đời lôi cuốn.
Hãy sống trung thực với lòng mình. Hãy sám hối và chỉnh sửa lại cuộc sống, sao cho mình xứng đáng là con Chúa, là Kitô hữu để cuộc sống tốt lành của mình tỏa ra mùi thơm tho nhân đức vì “hữu xạ tự nhiên hương”. Lúc đó không cần phải phô trương, tự cuộc sống của mình đã chứng minh điều đó:
- Người con thứ nhất: Cha nó bảo nó đi làm vườn nho. Nó đáp không. Nhưng sau đó nó hối hận và đi làm. Đây là hình ảnh của lương dân: ban đầu không đáp lời mời gọi của Thiên Chúa, nhưng sau đó hối hận và làm theo lời Chúa dạy.
- Người con thứ hai: Khi cha nó bảo nó đi làm vườn nho, nó nhanh nhẹn thưa vâng, nhưng thực tế là không đi làm. Đây là hình ảnh của dân Do Thái, chỉ đáp ứng với Chúa bằng miệng chứ không thi hành.
Sau khi kể dụ ngôn, Đức Giêsu đánh giá:
- Đứa con thứ nhất mới là đứa thi hành đúng ý Thiên Chúa.
- Điểm đặc biệt là Đức Giêsu đã coi lương dân là đứa con thứ nhất, hơn cả dân Do Thái dù được Thiên Chúa kêu gọi trước nhưng chỉ được coi là đứa con thứ hai.
Suy gẫm
1. Thưa vâng với Chúa là việc rất dễ. Biết bao lần tôi đã thưa vâng với Ngài, thưa rất nhanh nhẹn, rất sốt sắng. Nhưng chỉ là thưa thế thôi, chứ thực sự là tôi đã không làm như tôi thưa. Đó là bởi vì hình như tôi chỉ sống đạo khi cầu nguyện, khi tĩnh tâm. Sau đó trở lại cuộc sống thì tôi quên hết những gì đã thưa và đã hứa với Chúa. Tôi giống như những nhà ngoại giao, những con buôn, và thậm chí hầu như tôi coi rẻ Chúa, tôi xí gạt Ngài.
2. Khi phân tích sâu hơn về thái độ của hai người con này, Đức Giêsu cho thấy vấn đề then chốt là hối hận và hoán cải: người con thứ nhất “sau đó hối hận”; người con thứ hai “vẫn không chịu hối hận. ”Hoán cải là điều mà ai ai cũng phải thường xuyên làm. Mỗi Lời Chúa mà chúng ta nghe hướn dẫn ta thấy phải làm gì; so lại với cách sống thì ta thấy mình đã không làm như thế; từ đó ta quyết tâm hoán cải để làm lại cho đúng ý Chúa. Đây chính là điều ta phải thường xuyên làm.
3. “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”: Tại vì họ biết mình tội lỗi. Biết mình tội lỗi thì dễ hoán cải hơn. Và vì hoán cải nên được vào Nước Thiên Chúa. Xin cho con biết thân phận con là kẻ tội lỗi.
4. Mùa đông năm 1982, một phản lực cơ Hoa Kỳ bị chết máy đã đâm nhào xuống một dòng sông. Nhiều hành khách sống sót chơi vơi giữa dòng sông giá lạnh. Giữa những người bộ hành chứng kiến, một thanh niên bất chấp dòng nước lạnh đã phóng người xuống sông cứu vớt một thiếu phụ đang chới với trên sóng nước. Hành động này khiến Tổng thống Reagan tuyên dương anh là anh hùng dân tộc. Khi được hỏi lý do việc liều mạng sống, anh trả lời “Tôi đã làm điều tôi phải làm. ”
“Tôi đã làm điều tôi phải làm,” lời giải thích trên cũng có thể là lời tuyên tín sống động của những người không hề mang danh hiệu Kitô nhưng có lẽ lại sống tinh thần Kitô một cách sâu xa hơn những người vỗ ngực xưng mình là môn đệ Đức Kitô nhưng cuộc sống lại hoàn toàn là một phản chứng.
1. Theo dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy hai người con đại diện cho hai lớp người trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ:
- Một lớp người nhận ra mình tội lỗi và biết sửa lại lỗi lầm của mình,
- Lớp thứ hai thì tự mãn, nghĩ mình không có tội gì.
* Nghe Gioan rao giảng, những người tội lỗi và thu thuế đã nhận ra tội lỗi của mình và biết thống hối ăn năn; còn những người Pharisêu thì tỏ ra tự mãn, tự tin vào sự công chính của mình. Họ tưởng rằng, cứ giữ đúng luật bề ngoài là có quyền coi mình là người vô tội và họ cho mình quyền lên án, khinh chê kẻ khác. Chúa Giêsu đã lên án tội giả hình và tự mãn của họ.
Như vậy, điều quan trọng không phải là phạm tội nhiều hay ít, mà là biết nhận ra tội lỗi của mình và sám hối ăn năn hay không. Lịch sử cứu độ là một tấm bi kịch giữa tội lỗi của con người và lòng thương yêu tha thứ không mệt mỏi của Thiên Chúa.
Thái độ tự mãn giống như những người Pharisêu ngày nay chưa phải là đã hết. Có nhiều người tưởng rằng, mình giữ được một mớ lề luật bề ngoài và làm được một số những việc lành phúc đức như đọc kinh xem lễ, hành hương, lần chuỗi vv. . là đã đủ, đã hoàn hảo tốt lành rồi, không còn cần thêm gì nữa. Nghĩ như thế thì có khác chi những người Pharisêu xưa. Cuộc sống như thế mới là cuộc sống ở trong nhà thờ chứ chưa phải là cuộc sống ở giữa đời. Cuộc sống như thế chắc chắn không phải là cuộc sống Chúa mong muốn: “Tôi bảo thật cho các ông biết, những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ông vì họ đã tin”. (Mt 21,31)
2. Rồi khi suy gẫm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta còn thấy Chúa muốn dạy chúng ta những bài học rất cụ thể cho cuộc sống mình:
* Trước hết là không được quá tự mãn về cuộc sống đạo và một số việc đạo đức bề ngoài của mình. Phải biết nhận ra những yếu đuối và tội lỗi sai trái của mình mà ăn năn thống hối, đó mới là điều quan trọng.
Thánh Đaminh một hôm nói cùng những người đang có mặt trong phòng bệnh của ngài:
- Tôi không hiểu được tại sao Thiên Chúa không khiến lửa trên trời xuống thiêu hủy cái làng này đi vì nó chứa chấp một người tội lỗi nhất trong thiên hạ!
Họ nhìn nhau ngơ ngác:
- Phải chi chúng con biết được kẻ tội lỗi ấy là ai, để tìm cách lo cho họ được cải thiện.
- Người tội lỗi ấy chính là tôi!
- ????
- Phải, bởi vì nếu một người tội lỗi nhất trong thiên hạ được ơn Chúa dồi dào như tôi đã được, thì người đó đã nên thánh hơn tôi đây gấp ngàn vạn lần rồi.
* Thứ đến là tôi không có quyền khinh khi lên án ai cả, bởi vì họ có thể vào Nước Trời trước tôi. Và người phải ăn năn sám hối trước tiên chính là tôi chứ không phải ai khác.
Cựu Tổng thống Nam Hàn, ông Roh Tae Woo đã khóc sướt mướt trên màn ảnh truyền hình quốc gia. Ông đã công khai thú nhận rằng, trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông từ năm 1988-1993 ông đã tham lam công quỹ đến 645 triệu đô-la. Ông nói trong nghẹn ngào:
- Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ khi ra trước mặt quý vị. Tôi sẽ nhận tất cả mọi trách nhiệm của tôi, tôi sẵn sàng chịu mọi hình phạt.
Nhìn nhận và xưng thú tội lỗi của mình trước mặt mọi người xem ra không phải là chuyện bình thường đối với một nhà chính trị. Dù sao ông Roh Tae Woo cũng đáng được ca tụng như một người liêm sỉ, phải có đủ liêm sỉ mới dám công khai nhận tội như vậy.
* Và cuối cùng, là phải biết tha thứ. Chúa đã tha thứ cho tôi khi tôi biết sám hối, thì tôi cũng phải biết tha thứ khoan dung cho những người yếu đuối. Tôi phải khắt khe với chính mình và khoan dung với kẻ khác.
Mẹ Têrêsa Calcutta kể: Ngày nọ có một ký giả hỏi tôi một câu khá kỳ lạ. Ông ta hỏi:
- Kể cả mẹ, mẹ cũng đi xưng tội ư?
Tôi đáp:
- Vâng, tôi đi xưng tội mỗi tuần.
Ông ta nói:
- Nếu tất cả quí vị đều phải đi xưng tội thì quả thực Chúa phải là một người quá đòi hỏi.
Tôi bèn nói:
- Con của ông đôi khi làm điều gì đó không đúng. Việc gì sẽ xảy đến khi con ông gặp ông và nói: “Bố ơi, con xin lỗi bố! Lúc đó ông sẽ làm gì? Ông sẽ đưa đôi cánh tay ra ôm choàng lấy nó và hôn nó. Tại sao? Vì đó là cách ông nói với nó rằng, ông yêu nó. Thiên Chúa cũng làm y như thế. Người yêu ông cách dịu dàng, âu yếm”.
Lạy Chúa, trong mọi sự, với mọi người, xin Chúa dạy con biết lắng nghe, biết nhạy cảm phán đoán theo ý tốt cho người khác và sẵn sàng tha thứ bỏ qua những lỗi lầm của họ với con, chỉ vì Chúa cũng luôn đối xử với con như thế, và còn hơn cả thế nữa. Amen. -----------------------------------