Khi ấy Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà. Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ". Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít, tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận". Nhưng Maria thưa với Thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?" Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà, và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra sẽ là Ðấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già, và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ, vì không có việc gì mà Chúa không làm được". Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và Thiên thần cáo biệt Bà.
Cách đây gần chín tháng, chúng ta đã nghe đọc bài Tin Mừng này vào lễ sứ thần Gabrien Truyền Tin cho Đức Mẹ. Hôm nay chúng ta nghe đọc lại bài này trong bầu khí rộn ràng của những ngày gần đại lễ Giáng Sinh. Các sách Tin Mừng không nói nhiều về thời gian Đức Mẹ mang thai. Luca chỉ nói về chuyện Mẹ đi thăm bà chị họ hiếm muộn (Lc 1, 39-45). Còn Mátthêu nói về chuyện thánh Giuse nằm mộng và được sứ thần mời đón nhận Maria làm vợ và thai nhi Giêsu làm con của mình (Mt 1, 18-24). Nhưng thời gian mang thai là một thời gian khá dài và quan trọng, nhất là đối với người mẹ trẻ sinh con so. Các bà mẹ mang thai thấy mình như mang một mầu nhiệm, mầu nhiệm sự sống đang lớn lên mỗi ngày trong lòng dạ mình. Dần dần mỗi chuyển động của thai nhi và cả nhịp tim cũng được người mẹ cảm nhận. Thai nhi trở thành người trọn vẹn nhờ được dưỡng nuôi trong cái nôi êm ấm của lòng mẹ. Con Thiên Chúa làm người cũng trải qua một tiến trình như thế. Ngài không từ trời hiện xuống bất ngờ trong quyền năng, nhưng Ngài đã là một thai nhi yếu đuối trong lòng Đức Trinh Nữ. “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã tạo cho con một thân thể… Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (x. Dt 10, 5-7). Con Thiên Chúa đã cất lên tiếng Xin Vâng đối với kế hoạch của Cha. Tiếng Xin Vâng khiến Ngài chấp nhận hủy mình ra không, để “trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 7). Khi trở thành một thai nhi sống nhờ lòng mẹ, Con Thiên Chúa như cất giấu đi vinh quang chói ngời của thần tính. Ngài vui lòng đồng hành với mọi con người trên mặt đất để Ngài thực sự là anh em của họ. “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin xảy ra cho tôi như lời sứ thần nói” (c. 38). Ngay sau tiếng Xin Vâng này, Đức Maria được Thánh Thần ngự xuống, và Con Thiên Chúa bắt đầu tiến trình làm người ở đời (c. 35). Ngài từ từ có trái tim, khuôn mặt, vân tay riêng… Đấng Cứu Độ sung sướng trở nên một sinh linh nhỏ bé, để nói cho nhân loại biết về sự cao quý của một thai nhi. Đức Maria trở thành Hòm Bia Thiên Chúa, nơi Ngôi Hai hiện diện. Chúng ta ít khi nghĩ đến thời gian Mẹ Maria mang thai. Thời gian cưu mang chẳng bao giờ nhẹ nhàng hay dễ dàng. Để có thể sinh ra Đức Giêsu cho môi trường ta đang sống, cũng cần thời gian thai nghén lâu dài và vất vả. Chúng ta phải mang Ngài trong lòng mình, kiên nhẫn và chăm chút để Ngài lớn lên, trước khi sinh Ngài cho thế giới. “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ tôi” (Mc 3, 35). Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con gặp được ánh mắt của Chúa ít là một lần trong đời. Khi tương lai con đang vững vàng ổn định, xin hãy nhìn con như Chúa đã nhìn Lêvi và mời gọi con đứng lên theo Chúa, bỏ lại tất cả những gì con cậy dựa. Khi con chẳng còn là mình, vấp ngã như Simon, xin hãy quay lại nhìn con bằng ánh mắt xót thương, tha thứ, để con òa khóc như trẻ thơ. Khi con khao khát sống cuộc đời hoàn thiện, xin hãy nhìn con bằng ánh mắt yêu thương như Chúa đã trìu mến nhìn người thanh niên giàu có. Khi con ước mong được thấy khuôn mặt Chúa, xin Chúa hãy dừng lại và ngước lên nhìn con, như Chúa đã ngước lên nhìn Dakêu và cho ông thấy cả tấm lòng bao la bát ngát.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết nhìn con người hôm nay bằng ánh mắt của Chúa. Chúa động lòng thương khi thấy bao người yếu đau, thấy đám đông bơ vơ như chiên không mục tử. Ánh mắt Chúa thấu suốt lòng người. Chúa buồn phiền khi thấy có kẻ lòng chai dạ đá, nhưng Chúa cũng vui khi thấy bà góa nghèo bỏ vào tất cả. Đôi mắt Chúa đã từng nhòa lệ trước cái chết của người bạn thân là Ladarô, và trước viễn ảnh sụp đổ của thành đô yêu dấu.
Lạy Chúa, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Xin cho con qua cửa sổ ấy mà vào tâm hồn Chúa. Amen. ---------------------------------
Trong các ơn không ơn nào trọng bằng ơn cứu độ. Trong các lời hứa không lời nào trọng bằng lời hứa ban Đấng Cứu Độ. Trong các dấu lạ không có dấu lạ nào bằng lớn lao bằng Thiên Chúa sinh xuống làm người để cứu độ nhân loại. Vì thế Chúa không hứa cho A-khát điều gì khác ngoài lời hứa ban Đấng Cứu Độ sinh ra bởi người trinh nữ. Nghĩa là do quyền năng của Thiên Chúa. Để trở thành Em-ma-nu-en: Thiên Chúa ở giữa loài người. Thế giới nhân loại có quá nhiều đau khổ. Quá nhiều lo âu. Quá nhiều đổ vỡ. Quá nhiều vấn đề. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể giải quyết được hết các vấn đề của con người. Mới có thể tạo nên con người mới. Khởi đầu một lịch sử mới. Xây dựng một thế giới mới. Một thế giới tràn đầy ân sủng.
Lời hứa từ ngàn xưa được ứng nghiệm nơi Đức Mẹ và Chúa Giê-su. Chúa Giê-su chính là Đấng muôn dân trông đợi. Giê-su nghĩa là Thiên Chúa cứu. Người đến cứu thế giới khỏi bế tắc. Cứu nhân loại khỏi diệt vong. Giải thoát con người khỏi ách thống trị của ma quỉ. Vì Người là Thiên Chúa. Tuy sinh ra trong trần gian nhưng “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”. “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người”. Đó là vị vua muôn dân trông đợi. Để tái lập thời huy hoàng của Đa-vít. Thời đất nước hùng mạnh. Dân được hưởng an lạc thái hoà.
Đức Mẹ chính là người trinh nữ sinh con mà tiên tri đã loan báo từ ngàn xưa. Đức Mẹ chính là người đầu tiên được hưởng ơn cứu độ. Nhờ Chúa Giê-su mà Đức Mẹ được ơn vô nhiễm nguyên tội. Và được đồng trinh trọn đời. Đức Mẹ là “Đấng đầy ân sủng”. Vì Đức Mẹ cưu mang Chúa Giê-su là nguồn mạch ân sủng. Thiên sứ cho biết con trẻ sẽ được “đặt tên là Giê-su”. Nghĩa là Thiên Chúa cứu độ nhân loại. Đức Mẹ là người đầu tiên được cứu khỏi tội lỗi. Đức Mẹ là công dân đầu tiên của vương quốc Nước Trời, của triều đại Thiên Chúa. Nên Đức Mẹ được “đầy ân sủng”. Và từ lòng Mẹ, ân sủng tràn lan khắp thế giới.
Kế hoạch của Thiên Chúa thành công. Vì Chúa Giê-su hoàn toàn vâng phục ý Chúa Cha. Và vì Đức Mẹ dâng mình làm “nữ tỳ” ngoan ngoãn để Thiên Chúa sử dụng. Xin cho con biết noi gương Đức Mẹ. Hoàn toàn ngoan ngoãn để thực hiện chương trình của Thiên Chúa. Con sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi. Con sẽ được Thiên Chúa ở cùng. Con sẽ được đầy tràn ân sủng. Con sẽ được ơn cứu độ.
(‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
Gabriel trong tiếng Do Thái có nghĩa là: "Thiên Chúa là sức mạnh". Bởi thế, khi lãnh sứ mạng truyền tin cho Mẹ Maria, hình ảnh sức mạnh nổi bật nơi người mang sứ điệp và chính tại nội dung của sứ điệp. Mẹ Maria phân vân thắc mắc bằng những suy nghĩ thường tình của con người: "Việc ấy thành sự sao được? Vì tôi không biết đến người Nam". Tuy nhiên, thắc mắc này không làm nao núng vị sứ giả biểu tượng cho sức mạnh Thiên Chúa. Sứ giả đã trấn an Mẹ với lời khẳng định: Chẳng có gì mà Thiên Chúa không làm được". Dù cho tuổi già như Elisabeth thì Ngài vẫn cho sinh hạ một con trai để góp phần gia truyền ơn cứu độ. Ngài đã tạo dựng vũ trụ cho con người, Ngài đã gầy dựng một dân tộc từ một đôi vợ chồng son sẻ mà tuổi đã xế chiều, thế mà tại sao Ngài lại không thể tạo cho mình một thân xác từ trong cung lòng người Nữ được?
Thiên Chúa Quyền Năng làm được mọi sự, nhưng dù cho quyền năng thế nào đi nữa thì khi đứng trước tự do của con người Ngài cũng phải đành bó tay, vì Ngài tôn trọng sự tự do của con người. Quả thật tự do là một món quà quí báu nhất mà Thiên Chúa tặng ban cho con người. Với lý trí và tự do con người đã vẽ lại hình ảnh của Thiên Chúa nơi thân phận thụ tạo của mình. Có tự do mới có tình yêu, vắng bóng tự do thì chỉ còn là những áp đặt, trói buộc hoặc lợi dụng. Không gì làm đẹp lòng Thiên Chúa cho bằng khi con người biết dùng tự do để đáp lại tình yêu của Ngài, và cũng không gì làm đau lòng Ngài cho bằng khi con người sử dụng tự do để phản bội Ngài. Dù Ngài Quyền Năng tuyệt đối thì Ngài vẫn không dùng Quyền Năng để ngăn cản sự tự do của con người. Vì thế mà thảm cảnh đã đến với nhân loại khi nguyên tổ đã cản ngăn chương trình tốt lành của Thiên Chúa dành cho mọi thụ tạo.
Thế nhưng, Thiên Chúa lại không bỏ mặc con người nhưng Ngài đã hứa ban ơn cứu độ ấy được thể hiện qua dòng lịch sử. Khung cảnh được tường thuật trong bài Tin Mừng hôm nay là điểm cuối của hằng bao thế kỷ chuẩn bị ấy. Và dù phải bỏ công chuẩn bị suốt một thời gian dài như vậy, Thiên Chúa cũng không dùng quyền năng của mình để ép buộc Mẹ Maria chấp nhận chương trình của Ngài. Ngài đợi chờ hai tiếng "Xin Vâng" thốt ra từ môi miệng của Mẹ, Ngài tôn trong tự do nơi Mẹ. Về phần Mẹ Maria, Mẹ cũng dùng lý trí của Mẹ để tìm hiểu, thắc mắc. Tuy nhiên, khi dùng lý trí thì Mẹ vẫn không bước ra ngoài sự hướng dẫn của Thiên Chúa.
Câu hỏi của Mẹ là một thắc mắc chính đáng trong cái suy nghĩ thường tình của con người: "Làm sao một người nữ lại có thể sinh con khi không có sự tiếp tay của người nam". Sứ thần đã hướng dẫn lý trí của Mẹ suy nghĩ đến quyền năng của Thiên Chúa. Lúc này tâm trí của Mẹ không chỉ qui về sự việc bà chị họ mang thai nhưng bao gồm tất cả chiều dài của chương trình lịch sử cứu độ.
Nhờ thế mà hôm nay Giáo Hội mới có được lời kinh Magnificat để chúc tụng trong giờ kinh Phụng Vụ. Và rồi chẳng ngần ngại Mẹ đã thưa "Xin Vâng". Hai tiếng "Xin Vâng" tuy vắn gọn nhưng không mất tính chất quan trọng của một chiếc chìa khóa mở cửa cho nguồn ơn cứu độ đến với nhân loại. Chẳng gì là quá đáng khi chúng ta lập lại lời thơ của Hàn Mặc Tử:
"Lạy Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel! Khi người xuống trần gian truyền tin cho Thánh Nữ. Người có nghe xôn xao muôn vị tinh tú? Người có nghe náo động cả phương trời?"
Vì do sự sử dụng tự do của nguyên tổ mà chương trình tốt lành của Thiên Chúa bị cản ngăn, thì lúc này với sự sử dụng tự do của Mẹ Maria chương trình cứu độ tình thương của Ngài được thiết lập.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta bắt chước ở nơi Mẹ Maria thái độ lắng nghe, tìm hiểu và rồi sẽ đáp trả trong tự do và tin tưởng. Vì mỗi ngày Thiên Chúa vẫn hằng chờ đợi chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể và trong các biến cố của cuộc sống. Ngài chờ đợi một lời đáp trả trong "tin yêu", vì Ngài hoàn toàn tôn trọng tự do của ta. Nếu chúng ta biết thưa hai tiếng "Xin Vâng" như Mẹ Maria đã thưa thì chắc chắn Ngài sẽ đến và sẽ hành động trong chúng ta. Nhưng nếu một khi đã có Thiên Chúa đến ở với thì tôi tớ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Cũng vậy, là tạo vật hèn kém, bất xứng nhưng một khi được Thiên Chúa ở cùng chúng ta sẽ chỉ là chi thể, là bạn hữu và là anh em của Ngài.
Người ta kể lại rằng: một hôm có người tìm đến thánh Don Bosco vấn kế về phương pháp xây dựng hoà bình thế giới. Nhằm lúc thánh nhân đang bận việc, con người thao thức về hoà bình ấy gõ cửa mỗi lúc một mạnh hơn. Mãi một lúc sau, thánh nhân ra mở cửa và niềm nở mời khách vào phòng, Ngài kiên nhẫn lắng nghe, chờ cho người đó trình bày hết ý kiến, rồi mỉm cười nói: “Ông không nghĩ rằng một trong những phương pháp hữu hiệu để xây dựng hoà bình là gõ cửa phòng người khác nhẹ hơn sao?”.
Giai thoại trên minh hoạ phần nào thái độ đứng núi này trông núi nọ của rất nhiều người. Nhiều người chưa làm nổi những việc nhỏ đã nghĩ đến những việc lớn: nhiều người không đủ kiên nhẫn chịu đựng những việc thường ngày đã nghĩ đến việc tử đạo cho đại cuộc.
Trong lãnh vực đức tin cũng thế, nhiều người tưởng có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong bốn bức tường nhà thờ, trong những giờ phút thinh lặng, trong những giờ cầu nguyện liên tục. Thiên Chúa dường như không chấp nhận bị giam trong những giờ phút giờ phút hay khung cảnh giới hạn nào đó. Ngài đến trong từng giây phút và biến cố cuộc sống, trong những cái nhỏ nhặt thường ngày của cuộc sống.
Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta lặp lại xác tín đó. Sứ thần được sai đến với một Trinh nữ khiêm hạ, thuộc một ngôi làng nhỏ bé Nazarét, xứ Galile. Nhưng chính từ khung cảnh âm thầm ấy, thánh Luca đã làm nổi bật những tước hiệu cuả Đấng Cứu Thế: “Ngài sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối cao. Ngài sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp”.
Một Thiên Chúa Toàn năng đã đến gặp con người, trong thân phận con người, trong khung cảnh bình thường, trong những bất ý nhất của cuộc sống. Đó phải là niềm tin của chúng ta mỗi khi tuyên xưng: “Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chuá, sinh bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria”.
Nét độc đáo của niềm tin Kitô là tuyên xưng Thiên Chúa đã mặc xác phàm. Và tin nhận Thiên Chúa làm người cũng có nghĩa là luôn sẵn sàng đón nhận Ngài trong từng phút giây cuộc sống, là biến mỗi phút giây cuộc sống thành cuộc gặp gỡ với Đức Kitô.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu.
Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xãy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”
Sứ thần đáp: “Thánh thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. (Lc. 1, 30-31. 34-35)
Nhiều câu hỏi được đặt ra:
Khi thiên thần Gáp-ri-en báo tin cho Maria sẽ là Mẹ Đức Giêsu, Mẹ không thể không hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào? Vì tôi khấn giữ đồng trinh”. Mẹ hài lòng vì câu trả lời của thiên thần nên nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
Chúng ta tò mò hơn Đức Maria, không chỉ hỏi một câu mà nhiều câu thắc mắc liên quan đến sự sinh con đồng trinh của Đức Mẹ.
Người duy lý hỏi: “Làm sao Thiên Chúa có thể làm một việc nghịch với bản tính tự nhiên?”. Kẻ đa nghi hỏi: “Có thể xảy ra như thế không? hay thánh sử Tin mừng tô điểm thêm cho đẹp”. Tín hữu yếu đức tin cũng hỏi: “Tại sao chúng ta buộc phải tin điều như thế?”.
Câu trả lời chân chính: Chúng ta không chấm dứt được những câu hỏi đặt ra cho chúng ta về vấn đề sinh hạ Đức Giêsu cách lạ lùng. Những câu đó là vô ích. Trong khi tìm cách trả lời, chúng ta cố gắng chiêm niệm sâu xa hơn về mầu nhiệm của Thiên Chúa và nắm bắt lấy thánh ý Ngài một chút.
Nhưng câu hỏi chân chính nên đặt ra chính là câu hỏi: Chúng ta có nên hỏi hay nên chiêm niệm mầu nhiệm cưu mang đồng trinh? Điều nào là quan trọng hơn? Đức Maria nhất thiết chọn việc chiêm niệm mầu nhiệm hơn. Ngài đã đón nhận và suy niệm mầu nhiệm của Thiên Chúa. Ngài không thử thách Thiên Chúa, không tìm cách thọc mạch những điều bí ẩn. Ngài đã hoàn toàn tin cậy Chúa. Mẹ đã nhận thấy điều căn yếu này: Thiên Chúa sẽ làm nơi Mẹ những điều lạ lùng.
Nếu chúng ta chăm chú chiêm niệm hơn về mầu nhiệm sinh ra Đức Giêsu, có thể chúng ta sẽ dễ dàng tìm được những câu đáp tốt lành cho những thắc mắc của chúng ta. Có thể chúng ta sẽ được chìm vào sâu thẳm của mầu nhiệm khi chiêm niệm, và lúc đó những thắc mắc sẽ biến tan.
Vào thời Đức Maria, luật lệ Dothái rất gắt gao đối với những phụ nữ bị phạm tội ngoại tình. Nếu bị mắc phải, tức là có thai trước hôn nhân hay trong thời kỳ đính hôn là bị án tử hình. Hình phạt chính là ném đá cho đến chết.
Trong hoàn cảnh như thế, Đức Maria cũng thuộc về thành phần trong dân tộc này, hẳn Mẹ không thể thoát khỏi tội chết khi tự nhiên trong bụng mình có một Thai Nhi ngày càng lớn dần theo theo năm tháng...
Ai là người hiểu được Mẹ ngoài Thiên Chúa là chủ thể của Thai Nhi trong bụng Mẹ! Như thế, khi không chồng mà chửa là chắc chắn chết. Mẹ biết rõ điều đó. Tuy nhiên, khi Mẹ nhận được lời giải thích của Sứ Thần, Mẹ đã chấp nhận đi vào cuộc phưu lưu với Thiên Chúa trong niềm tin tưởng và phó thác. Quyết định này là một hành vi can đảm, bởi vì khi quyết định như vậy, Mẹ sẽ gặp phải muôn vàn khó khăn đến từ gia đình, xã hội và nhất là với Giuse, bạn trăm năm của mình. Nhưng, vì tin vào Thiên Chúa tuyệt đối, nên Mẹ đã buông theo ân sủng để Thiên Chúa rợp bóng trên cuộc đời của Mẹ.
Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay, đức tin nhiều khi bị lung lay vì những thử thách đến với chúng ta từ nhiều phía...
Đôi khi chính chúng ta cũng thử thách ngược lại Thiên Chúa để thỏa mãn sự hiếu tri của mình trước khi tin, và như thế, hẳn khó có thể chấp nhận nghịch lý ân sủng của Thiên Chúa.
Nguyên nhân sâu xa chính là việc chúng ta không nhạy bén với ơn Chúa, còn nghi ngờ quyền năng của Ngài, và cũng có thể do sự kiêu ngạo phủ lấp tâm trí chúng ta, nên Lời Chúa khó biến đổi tâm hồn trai đá của mình. Vì thế, nhiều khi còn uốn nắn Lời Chúa theo thiển ý của ta nữa.
Sở dĩ Đức Mẹ trở thành Nữ Tỳ Thiên Chúa và sẵn sàng đón nhận lời “xin vâng” với Thiên Chúa là vì Mẹ nhạy bén với ơn Chúa đã được loan báo từ trong thời Cựu Ước. Mẹ cũng khiêm tốn khi thấy điều này là kế hoạch đến từ Thiên Chúa chứ không phải do con người, nên Mẹ đã “xin vâng” để thánh ý Thiên Chúa được nên trọn.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng, phó thác cuộc đời cho Chúa như Đức Mẹ. Khiêm tốn để Lời Chúa được lớn lên trong tâm hồn và sinh hoa trái trong cuộc sống của chúng ta. Sống trung thành với Chúa dù có phải gặp muôn vàn khó khăn thử thách. Can đảm đón nhận thánh ý Chúa và trung thành với Thiên Ý.
Lạy Mẹ Maria, xin phù trợ chúng con để chúng con khiêm tốn, can đảm, nhạy bén và trung thành với Chúa như Mẹ. Amen.
Sứ điệp: Ê-li-da-bét, một bà già son sẻ cũng mang thai được. Đức Maria thụ thai, sinh con mà vẫn đồng trinh. Vì Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng. Đối với Ngài không có gì là không làm được.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Chúa tể trời đất, Chúa là Chúa trên tất cả các Chúa, Chúa là vua trên tất cả các vua. Chúa cao trọng hơn tất cả. Thế mà nhiều lúc con đã thiếu lòng tin cậy nơi Chúa, để chạy theo các thần tượng khác. Con đã cậy dựa vào của cải vật chất. Con đã đặt niềm tin vào những suy tính phàm trần của trí khôn nhân loại. Con đã ỷ vào sức riêng mình. Vỗ ngực xưng danh là Kitô hữu, nhưng trong cuộc sống thường ngày con còn rất nhiều mê tín dị đoan. Con đã nhiều lần kêu trách Chúa khi gặp khó khăn thử thách. Con đã tin vào bói toán bùa ngải hơn tin vào Chúa.
Xin Chúa cho con luôn biết nhìn lên Mẹ Maria như mẫu gương đời sống đức tin. Mẹ đã đón nhận ý Chúa một cách vô điều kiện, thưa hai tiếng xin vâng. Mẹ đã hoàn toàn tín thác trong vòng tay uy quyền và đầy yêu thương của Chúa. Nói theo lời của Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI: trong đức tin, Mẹ đã bước liều trong hy vọng.
Lạy Chúa, chính đức tin là sức sống cho thời đại hôm nay. Đức tin dẫn con đi trên nẻo đường ánh sáng của Chúa. Đức tin giúp con vượt thoát được những chặng đường gian nan thử thách. Và khi sống trong niềm tin, là con đang tuyên xưng rằng: Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Thiên Chúa làm được mọi sự.
Lạy Chúa, con và gia đình con tin Chúa, nhưng xin thêm đức tin cho chúng con. Trong cuộc hành trình đức tin, xin cho chúng con luôn biết dõi theo bước chân Đức Maria, Mẹ dấu yêu. Amen.
Ghi nhớ: ”Này trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai”.
Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa đó ít dặm, nghe nói thế thì tìm đến, và hy vọng học được bí quyết để sống bình tâm, hạnh phúc. Bà hỏi: “Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao?”. “Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao”. Câu hỏi của người phụ nữ giống như lời của bà Êlisabéth ca tụng Đức Maria: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).
Suy niệm
Theo Kinh Thánh, trinh nữ Maria đã đính hôn cùng thánh Giuse và hai người đã quyết tâm sống tận hiến cho Thiên Chúa. Cùng hòa chung với toàn dân, Maria cũng luôn khao khát và hằng trông đợi Đấng Cứu Thế đến với Dân Người.
Bỗng nhiên, Maria đón một vị khách lạ đến, vị khách đó chính là Sứ thần Gabriel mang một sứ điệp từ trời cao làm thay đổi cả cuộc đời Maria: Nàng được Thiên Chúa chọn là Mẹ Đấng Cứu Thế. Giữa những bối rối của bản thân: Quyết tâm tận hiến cho Thiên Chúa như ước mơ cuộc đời hay trở nên một người mẹ theo thánh ý của Thiên Chúa? Maria đã đặt đời mình trong niềm tin và vâng phục hoàn toàn vào Thiên Chúa.
Dù chưa sáng tỏ sự việc nhưng Maria vẫn tín thác xin vâng: “…tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Sự vâng phục trọn vẹn trong đức tin của Maria là một thái độ sẵn sàng chờ đợi Đấng Cứu Thế. Sự vâng phục như tỏ lộ ý chí của Maria: “Điều gì Chúa nói, tôi tin và tôi luôn xin vâng”. Tin và tuân theo thánh ý của Thiên Chúa, Maria học biết trước tinh thần của Đức Cứu Thế muốn nơi dương gian mà Ngài đã thực hiện “Xin ý Cha được thực hiện” (Mt 26,39).
Chính thái độ hoàn toàn vâng phục trong đức tin là tâm tình chờ đón Chúa đến mà Maria đã biểu lộ trong suốt cuộc đời của một người trinh nữ tận hiến gặp gỡ thiên ý và trở nên người Mẹ Đấng Cứu Thế luôn tin và vâng phục.
Tâm tình và thái độ khiêm nhu trước Thiên Chúa của Mẹ, đốt lên ngọn nến để chờ đợi sẵn sàng đón Chúa. Ngọn nến soi tỏ chúng ta sống tâm tình tin và vâng phục: Bản ngã và cuộc sống của mình tan hoàn toàn trong thánh ý Thiên Chúa. Sống tâm tình chờ đợi là sống trong ánh sáng của niềm tin. Tin làm cho cuộc đời có ý nghĩa. Không có niềm tin cuộc đời như một đêm tối không ánh sao. Tin sẽ mang đến niềm vui. Tin là sức mạnh cho cuộc đời tinh thần hăng hái và niềm hy vọng như Maria vui tươi hy vọng vào Thiên Chúa biểu lộ qua bài ca Magnificat và tinh thần phục vụ (x. Lc 1,39-56).
1. Đến ngày ấn định, Chúa sai thiên thần Gabriel đến thành Nagiarét, báo cho Đức Maria đã đính hôn với thánh Giuse: bà được đầy ơn phúc. Chúa đã chọn bà làm Mẹ Thiên Chúa. Bà sẽ sinh Con Đấng Tối Cao.
Maria thưa với Thiên Thần là việc đó không thể xẩy ra được vì bà giữ mình đồng trinh không biết đến việc vợ chồng thì làm sao sinh con được. Nhưng Thiên Thần cho bà biết việc đó do Chúa Thánh Thần làm, nên Đấng bà sinh ra là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa... Đồng thời Thiên Thần cũng nói cho biết việc bà Elizabeth đã có thai sáu tháng rồi, vì không có việc gì Thiên Chúa không làm được.
Bấy giờ Bà Maria thưa với Thiên Thần: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”.
2. Thiên Chúa cần con người cộng tác với Ngài.
Thiên Chúa có thể cứu độ con người bằng bất cứ cách nào theo sự khôn ngoan thượng trí của Ngài. Mặc dù “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, nhưng trong công cuộc cứu độ này, Ngài không muốn hành động một mình mà muốn có sự cộng tác của con người. Chính vì vậy mà Ngài đã sai sứ thần Gabriel đến hỏi ý kiến Đức Maria trong việc làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Ngài tôn trọng tự do của con người. Ngài không áp đặt mà chỉ đề nghị. Ngài muốn sự đáp trả sáng suốt của con người. Sau khi Đức Maria đã thưa xin vâng, Ngôi Hai Thiên Chúa lập tức đầu thai trong lòng trinh nữ Maria và Maria đã trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa.
3. Trở nên dụng cụ để Thiên Chúa dùng.
Đức Maria đã trở nên dụng cụ Thiên Chúa dùng trong công cuộc cứu chuộc loài người sau tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ.
Khi nói đến dụng cụ là nói đến một đồ vật để con người xử dụng theo ý mình. Dụng cụ chỉ biết phục tùng theo ý muốn người xử dụng. Không bao giờ dụng cụ có thể nói với người xử dụng tại sao lại dùng vào việc nọ việc kia, mà chỉ biết hoàn toàn vâng theo người xử dụng nó, có khi người xử dụng phế thải cả dụng cụ, thì chính dụng cụ ấy cũng không có quyền phản đối.
Đức Maria đã đặt mình dưới quyền xử dụng của Thiên Chúa vì Ngài nhận thấy mình chỉ là người đầy tớ vô dụng. Tuy nhiên, Chúa có thể dùng vào việc lớn lao mà mình không ngờ. Chúng ta có thể tìm được hình ảnh này trong văn chương bình dân Việt nam:
Ai làm cho cải tôi ngồng, Cho dưa tôi khú, cho chồng tôi chê. Chồng chê thì mặc chồng chê, Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ. (Ca dao)
Thánh Gioan Vianney, lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp, tưởng chừng như ngài không có đủ khả năng để tiến tới chức Linh mục. Ngày kia, thừa lệnh Giám mục giáo phận, một vị giáo sư Thần học, đã đến khảo sát Vianney, tội ngiệp Vianney đã không thưa được câu nào. Không giữ được bình tĩnh, vị giáo sư đã đập bàn quát lớn:
- Vianney, anh dốt như con lừa. Với một con lừa như anh, Giáo hội sẽ làm được gì?
Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời:
- Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng cái hàm của một con lừa, để đánh bại được ba ngàn quân Philitinh, vậy với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm được gì sao?
4. Đức Maria có một lòng tin sâu sắc.
Sau khi đã nghe sứ thần báo tin và cắt nghĩa cho Đức Maria hiểu theo quyên lực vô biên của Thiên Chúa, Ngài đã sẵn sàng thưa “Xin vâng”. Câu xin vâng đã nói lên lòng tin sâu sắc của Đức Maria vào quyền năng của Thiên Chúa.
Lịch sử cứu độ thời Cựu ước bắt đầu bằng một hành vi đức tin của Abraham. Ông được gọi là “cha của những kẻ tin”. Lịch sử cứu độ thời Tân Ước cũng bắt đầu bằng hành vi đúc tin của Đức Mẹ. Đức Maria được gọi là “mẹ của những kẻ tin”. Lịch sử cứu độ của mỗi người cũng phải bắt đầu bằng hành vi đức tin của người đó.
5. Truyện: Đức tin nhỏ mà lớn.
Có một bà nổi tiếng đạo dức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở xa đó ít dặm, nghe nói thế thì tìm đến, và hy vọng học được bí quyết để sống bình tâm, hạnh phúc. Bà hỏi: - Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao?
Bà thưa:
- Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.
Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu nhân vật quan trọng nhất trong việc Chúa Cứu Thế sinh ra: Đức Maria.
1. Thánh Luca trình bày Đức Maria là “Thiếu nữ Sion” (Câu “mừng vui lên” là âm hưởng của lời ngôn sứ Xôphônia nói với thiếu nữ Sion: x. Xp 8,14). Ngày xưa qua miệng ngôn sứ, Thiên Chúa hứa sẽ đến ở nhà “thiếu nữ Sion” (tức là dân Chúa). Lời hứa này hôm nay được thực hiện nơi Đức Mẹ.
2. So sánh Đức Maria với ông Dacaria: khi được báo tin sẽ có con, cả Dacaria và Đức Maria đều thắc mắc hỏi lại. Nhưng câu hỏi của Dacaria biểu lộ sự không tin (câu 20: Lời thiên sứ nói “Bởi vì ông không tin”). Còn câu hỏi của Đức Maria là để xin soi sáng thêm (“việc ấy xảy đến thế nào?”), và sau đó Người đã mau mắn thưa Fiat.
B.... nẩy mầm.
1. Đức Maria hỏi “Việc ấy xảy ra cách nào được, vì...”. Thiên sứ đáp “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (câu 37). Rất nhiều điều con người tưởng không thể nào làm được thế mà Thiên Chúa vẫn làm được: Ngài đã làm cho Êlisabét son sẻ được có con, đã làm cho Đức Maria đồng trinh sinh ra Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa cũng có thể làm nơi mỗi người chúng ta những việc trọng đại, miễn là chúng ta sẵn sàng để Ngài hoạt động trong chúng ta.
2. Mặc dù “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, nhưng thường Thiên Chúa không làm một mình, Ngài thích có sự hợp tác của con người. Để cho Đấng Cứu Thế nhập thể, Thiên Chúa đã nhờ Đức Maria hợp tác. Và Đức Maria đã hợp tác bằng cách ngoan ngoãn để cho ơn Chúa hành động trong mình và qua mình: “Xin cứ làm cho tôi...”.
3. Một thanh niên kia có thói quen ngủ rất say, luôn cần có mẹ gọi mới thức dậy được. Sau khi tốt nghiệp, anh đi làm ở một chỗ xa nhà. Mẹ anh mua cho anh một chiếc đồng hồ báo thức. Ngày đầu tiên anh quên vặn đồng hồ trước khi ngủ nên đến sở làm trễ. Ngày thứ hai, anh nhớ vặn đồng hồ, nhưng sáng sớm khi nó reo thì anh đưa tay tắt bỏ, nên lại đi làm trễ. Và anh bị đuổi việc. Khi anh trở về gia đình, mẹ anh hỏi về chiếc đồng hồ. Anh đáp:
- Chiếc đồng hồ đó hoàn toàn vô dụng đối với con.
- Nó vô dụng là vì con không chịu dùng nó. Mẹ anh đáp.
Bao nhiêu ơn Chúa ban cho ta cũng đều vô dụng nếu ta không xử dụng đến.
4. Lịch sử cứu độ thời Cựu Ước bắt đầu bằng một hành vi đức tin của Abraham. Ông được gọi là “cha của những kẻ tin”. Lịch sử cứu độ thời Tân Ước cũng bắt đầu bằng hành vi đức tin của Đức Mẹ. Đức Maria được gọi là “mẹ của những kẻ tin”. Lịch sử cứu độ của mỗi người cũng phải bắt đầu bằng hành vị đức tin của người đó.
5. “Sứ thần nói với cô Maria: Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. Cô Maria thưa với sứ thần: “Này tôi là nữ tì của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1,31.38)
Một biến cố như cuồng phong chợt đến trong tâm tư người thôn nữ Nadarét, làm đảo lộn mọi dự tính, mọi ước mơ. Và có nguy cơ bị hiểu lầm, ruồng rẫy… Nhưng Mẹ Maria đã dám “Xin Vâng”, tin tưởng phó thác vào tình thương và sự tín trung của Thiên Chúa. Mẹ đã dám “Xin Vâng” và nhận mình là bé nhỏ, là thuộc về. Mẹ đã dám “Xin Vâng”, và nhận được sự bình an.
Tuổi trẻ luôn có nhiều ước mơ, hoài bão, tự xây cho mình nhiều kế hoạch để khẳng định chính mình, nên rất sợ những biến cố, những tai họa, vì chúng tạo ra những thay đổi, gây nên những thất bại và làm đổ bể mọi kế hoạch. Tôi lo lắng, sợ hãi vì chưa biết chấp nhận sự nhỏ bé của mình, chưa tin tưởng phó thác vào Tình yêu của Thiên Chúa, và chưa dám Xin Vâng như Mẹ Maria.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết Xin Vâng như Mẹ. Xin Vâng mỗi ngày trong suốt cuộc sống của con, để dù cuộc sống có như thác đổ, lòng con vẫn cứ bình an vì biết rằng Chúa luôn đồng hành với con. (Epphata).
1. Biến cố Truyền Tin đã đưa Đức Maria vào chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Biến cố này xảy ra tại Nazareth, trong những hoàn cảnh rộn rã của lịch sử dân tộc Do Thái, một dân tộc đầu tiên đã được hưởng lời hứa của Thiên Chúa.
Thánh sử Luca, khi thuật lại biến cố này đã viết: “Thiên thần vào nhà Trinh nữ và chào rằng: Kính chào Đấng đầy ơn phúc” (Lc 1,28). Ở đây chúng ta có cảm tưởng rằng, “đầy ơn phúc” đã trở thành một tên riêng thật mới, mà Thiên sứ đã tặng cho Đức Maria, để thay thế cho tên Maria, tên mà ông bà Gioakim và Anna đã đặt cho Ngài.
Có Thiên Chúa ở cùng, đó là hạnh phúc tuyệt hảo. Cùng đích của mọi khát vọng của chúng ta là được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng, mà hạnh phúc Thiên Đàng hệ tại điều gì? Có phải là tiền của, giàu sang, danh vọng, chức quyền không? Không. Hạnh phúc Thiên Đàng hệ tại ở chỗ là có Chúa, là chiếm hữu được Chúa.
Nhưng có phải chờ cho đến lúc chúng ta bước sang thế giới bên kia, chúng ta mới được hưởng hạnh phúc đó không?
Thưa không. Ngay từ đời này, chúng ta đã có thể bắt đầu hưởng hạnh phúc đó rồi, nếu chúng ta biết để cho Chúa ở cùng chúng ta.
Cha Gioan Tauler, một vị linh mục rất đạo đức nhưng ngài vẫn luôn cầu xin để được gặp một người nào đó chỉ dẫn cho ngài Thiên Đàng ở đâu. Một ngày kia, như có tiếng lương tâm giục, ngài ra trước cửa nhà thờ hy vọng gặp được người đó.
Nhìn trước nhìn sau, cha chẳng thấy ai, ngoại trừ một người ăn mày, quần áo rách rưới, mặt mũi bẩn thỉu, hôi hám. Cha đến gần chào người hành khất:
- Chào ông, chúc ông may mắn.
Người ăn mày thản nhiên trả lời:
- Chào cha, tôi có bị rủi ro bao giờ đâu.
- Vậy thì xin Thiên Chúa ban cho ông mọi điều sung sướng.
- Ồ, thưa cha, đời tôi chưa bao giờ thấy khổ cả.
Cha Tauler rất ngạc nhiên về cách nói năng của người này. Cha hỏi tiếp:
- Nếu Chúa bắt ông xuống hỏa ngục, ông có buồn khổ không?
Người hành khất trả lời không cần suy nghĩ:
- Nếu Chúa làm như vậy thì tôi sẽ ôm ghì lấy chân Chúa và cùng Chúa xuống hỏa ngục luôn. Tôi thà ở hỏa ngục với Chúa còn hơn ở Thiên Đàng mà không có Ngài.
Vị linh mục càng ngạc nhiên hơn nữa. Cha hạch hỏi:
- Này ông, ông có thể cho tôi biết, ông từ đâu tới đây?
- Thưa cha, tôi từ Thiên Chúa mà đến.
- Nhưng ông tìm thấy Thiên Chúa ở đâu?
- Ngay khúc quẹo, chỗ mà tôi từ bỏ mọi của cải vật chất trên đời này.
Tới đây, cha Tauler không thể chờ đợi thêm được nữa. Ngài hỏi nhanh:
- Thế thì, ông là ai?
Người ăn mày nói một cách trịnh trọng:
- Tôi là vua.
Cha Tauler quỳ xuống trước mặt người ăn mày:
- Tâu Đức vua, Ngài có thể cho con biết vương quốc ngài ở đâu không?
- Vương quốc của ta ở ngay trong tâm hồn ta.
Vâng, kính thưa anh chị em,
Nhiều lúc trên đời, chúng ta đã mất thời giờ viễn vông đi tìm bình an, hạnh phúc ở những nơi không bao giờ có.
Thì ra sự bình an, vui vẻ, hạnh phúc không phải là do ngoại cảnh tạo ra, mà lại ở ngay trong chính lòng ta. Khi lòng ta an vui thì ngoại cảnh cũng sẽ đẹp đẽ. Khi lòng ta bất ổn thì ngoại cảnh chỉ tạo nên sầu muộn ”Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”.
Chúa Giêsu đã nói thật rõ trong Tin Mừng thánh Luca chương 17 “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 14,18)
Lòng ta chính là Thiên Đàng vậy!
Chút nữa đây, chính Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu, sẽ ngự vào trong tâm hồn chúng ta. Lúc đó, chúng ta đâu có khác gì Đức Maria sau biến cố Truyền Tin, nghĩa là Mình Máu Thánh Chúa chúng ta lãnh nhận, cũng giống như bào thai Giêsu, mà Đức Maria mang trong lòng Ngài khi xưa, và cũng chính vì bào thai ấy mà Đức Maria được xưng tụng là Đấng đầy ơn phúc.
Mùa vọng của năm Phụng vụ sắp chấm dứt, nhưng tinh thần của mùa vọng không được chấm dứt, mà nó sẽ còn phải tồn tại mãi trong đời sống mỗi ngày của chúng ta, đặc biệt trước mỗi lần chúng ta rước Chúa. Chính những lúc đó là lúc chúng ta phải sống tâm tình của các tổ phụ xưa, trước khi Đấng Cứu Thế giáng trần. Và lời cầu xin của chúng ta trong lúc ấy, cũng phải là lời này: “Lạy Chúa, xin hãy đến”. Chúa đến để làm cho chúng con được đầy ơn phúc, Chúa đến để làm cho chúng con được hưởng niềm hạnh phúc Thiên Đàng.
Lạy Chúa, Giữa giá rét của mùa đông, xin cho con gặp Chúa. Giữa những long đong và bấp bênh của phận người, xin cho con gần Chúa. Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi, xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.
Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ, xin cho con cảm được sự bình an của Chúa, ngay giữa những âu lo hằng ngày. Và cuối cùng, xin cho con dám sống như Chúa vì Chúa đã dám sống như con. Amen.
Ngày lễ Mẹ được thiên thần Gabriel vâng lời Thiên Chúa đến truyền tin hôm nay, chúng ta biết được Chúa đã xuống thế làm người, đã bắt đầu thụ thai trong lòng của Mẹ vì Mẹ đã chấp nhận cưu mang Chúa rồi: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1, 1 – 2).
Trước khi được diễm phúc cưu mang Đấng Cứu Thế mà chẳng một ai từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế được như Mẹ, Mẹ không cũng hiểu tại sao Chúa lại chọn Mẹ nữa, cho nên Mẹ mới hỏi thiên thần; “ Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1, 34). Mẹ hỏi lại như vậy để Mẹ an tâm trong việc làm theo ý Chúa cho trọn tình vẹn nghĩa.
Chúa được Mẹ cưu mang trong cung lòng chín tháng mười ngày, rồi sau đó là chào đời để sống với chúng ta. Những ngày Chúa sống ở trần gian là những ngày Chúa đồng hành với chúng ta, cùng đi chung với chúng ta trong mọi tình huống của cuộc sống dương thế tiến về với Chúa Cha.
Hai con người nổi bật nhất trong những ngày này là Chúa và Mẹ. Chúa và Mẹ có một điểm chung là hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa để cho thánh ý Chúa được thực hiện đúng thời, đúng lúc: “Lạy Chúa, này con đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10, 9), còn với Mẹ: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1, 38).
Sự vâng lời của Chúa đã phá tan nát sự bất phục tùng của tổ tông xưa trong vườn Địa Đàng. Khung cảnh sự bất tuân chỉ trong vườn Địa Đàng bé nhỏ mà thôi. Còn sự vâng phục của Chúa bao trùm toàn thể vũ trụ, bao la mênh mông qua muôn ngàn thế hệ. Vì thế, sự vâng phục của Chúa là mẫu gương chúng ta noi theo cho đến đời đời. Đức Mẹ đã đi theo con đường này của Chúa, nên đã vâng lời Chúa qua thiền thần Gabriel. Chúng ta hãy như Đức Mẹ, theo Chúa trong sự vâng phục với một kiếp người tro bụi, hư vô, chóng qua này.
Mẹ vì vâng lời Chúa cho nên Chúa yêu thương và ban muôn ơn cho Mẹ. Chúa ban cho Mẹ ơn được làm Mẹ Chúa, ơn được vô nhiễm nguyên tội, ơn được đồng trinh trọn đời, ơn được lên trời cả hồn lẫn xác…dù nhiều lần Mẹ cũng phải lánh đi nơi khác, úp mặt khóc thầm vì cuộc đời này quá xơ xác, không như là mơ.
Dù cuộc đời có bạc trắng như vôi, Mẹ luôn sống vuông tròn, trọn nghĩa vẹn tình với Chúa. Đó là một bài học, một điểm tựa, một sự khởi đầu thật là tốt đẹp cho mỗi người chúng ta trong cuộc hành trình đi chung đường theo Chúa. Chúa biết lòng chúng ta còn bộn bề ngổn ngang, trăm mối tơ vò, nặng kiếp bụi trần, nhưng chúng ta cứ trung thành với Chúa, đừng buông xuôi, đừng nản lòng, đừng tháo lui, Chúa sẽ không phụ lòng chúng ta và không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Lạy Chúa, Chúa sắp sinh ra đời, chúng con đang sẵn sàng chờ Chúa đây, chúng con chờ Chúa như người lính canh mong đợi hừng đông, chúng con trông cậy Chúa. Xin Chúa thương ban cho lòng chúng con trở thành như cung điện trên nền tảng sự khiêm nhường và sự vâng phục của chúng con noi gương của Mẹ, để Chúa là ánh sáng vĩnh cửu tràn ngập tâm hồn chúng con, và cuộc được đời chúng con khi ấy là niềm vui, là hạnh phúc mặc dù chúng con có gặp khổ đau, cơ cực, bần hàn. Amen.
Qua Lời Tổng Nguyện của Ngày 20 Tháng 12 hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Trong ngày truyền tin, Chúa đã muốn cho Đức Trinh Nữ đón nhận Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa, được đầy tràn ánh sáng của Thánh Thần, và trở nên cung điện của Đấng Tối Cao. Xin Chúa giúp chúng ta học đòi gương khiêm nhường của Đức Trinh Nữ mà luôn luôn thuận theo ý Chúa.
Học đòi gương khiêm nhường, luôn thuận theo ý Chúa, chấp nhận để cho Chúa thanh luyện, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Thiên Chúa là ĐỨC CHÚA duy nhất của thời tương lai. Thiên Chúa cứu độ bằng nhiều cách: vừa khác nhau, vừa kỳ diệu. Việc giải phóng dân lưu đày mới chỉ là một lời loan báo. Ơn cứu độ là hoa trái của lòng thành tín của Thiên Chúa đối với chính mình, lòng thành tín qua bao thời đại cũng không hề suy suyển. Nhưng ơn cứu độ cũng là một biến cố luôn luôn mới. Hôm nay cũng vậy. Này Ta tinh luyện ngươi trong lò cùng khốn. Vì Ta, chính vì Ta, mà Ta đã ra tay hành động - thật vậy, Ta để cho danh Ta bị lăng nhục sao? Vinh quang của Ta, Ta không nhường cho ai cả. Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa keo sơn, Ta sẽ chạnh lòng thương xót.
Học đòi gương khiêm nhường, luôn thuận theo ý Chúa, để sinh ơn cứu độ cho mình và cho người khác, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Bênađô nói: Lạy Đức Trinh Nữ diễm phúc, xin Mẹ mở tâm hồn để tin, mở miệng nói lên lời ưng thuận và mở lòng để đón Đấng tạo thành ra Mẹ… Lạy Đức Trinh Nữ Maria, xin nhận lời Thiên Chúa đã sai thần sứ truyền lại cho Mẹ, là Mẹ sẽ thụ thai; và người Con Mẹ sinh ra vừa là Thiên Chúa, vừa là con người. Chính vì thế, giữa mọi người phụ nữ, Mẹ sẽ được ngợi khen là diễm phúc. Mẹ sẽ sinh con, nhưng đức đồng trinh của Mẹ không bị thương tổn; Mẹ sẽ làm mẹ, nhưng vẫn luôn tinh khiết vẹn tuyền.
Học đòi gương khiêm nhường, luôn thuận theo ý Chúa, quy phục Chúa và khát khao tìm kiếm Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Isaia rằng: Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 23, vịnh gia đã cho thấy: Chúa sẽ ngự vào: chính Người là Đức Vua vinh hiển. Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư. Nền trái đất, Người dựng trên biển cả, đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Đức Kitô, Ngài nắm giữ chìa khóa nhà Đavít, Ngài mở cửa đưa vào Nước vĩnh hằng. Xin Ngài đến đem ơn giải thoát, cho tù nhân khỏi hết xích xiềng, cho họ không còn ngồi dưới bóng đêm. Trong bài Tin Mừng, sứ thần nói: Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Mẹ đã sinh ra Đấng Cứu Độ, Đấng nắm giữ chìa khóa nhà Đavít, sẽ giải thoát ta khỏi xích xiềng tội lỗi. Ơn cứu chuộc của những kẻ bị tù đày, sự giải phóng của những kẻ bị kết án, và ơn cứu độ của con cháu Ađam, tức của toàn thể dòng giống Mẹ, đều tùy thuộc tiếng “xin vâng” của Mẹ. Chìa khóa nhà Đavít đang đứng bên ngoài và gõ cửa. Nếu ta chần chừ, Người sẽ đi qua mất. Ta hãy bắt chước Mẹ trỗi dậy, chạy ra, mở cửa cho Đấng lòng ta yêu mến: Mẹ đã trỗi dậy với lòng tin, chạy ra với lòng mến và mở cửa bằng sự ưng thuận. Ước gì ta cũng nói được như Mẹ: Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời thần sứ nói. Trong ngày truyền tin, Chúa đã muốn cho Mẹ đón nhận Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa, được đầy tràn ánh sáng của Thánh Thần, và trở nên cung điện của Đấng Tối Cao. Ước gì ta biết học đòi gương khiêm nhường của Mẹ mà luôn luôn thuận theo ý Chúa. Ước gì được như thế!