Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày - Thứ 3 MV - Tuần 4 – 2025

Thứ ba - 24/12/2024 04:24
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày - Thứ 3 MV - Tuần 4 – 2025
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày - Thứ 3 MV - Tuần 4 – 2025
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày - Thứ 3 MV - Tuần 4 – 2025
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/ 

----------------------------------
Mục Lục:

LỜI CHÚA: Lc 1, 67-79. 1
Suy Niệm 1: Thiên Chúa viếng thăm.. 2
Suy Niệm 2: Kế hoạch yêu thương. 3
Suy Niệm 3: Lời Ca Ngợi Thiên Chúa Của Zacharia. 4
Suy Niệm 4: Nhìn cuối mùa vọng. 6
Suy Niệm 5: Thiên Chúa viếng thăm.. 7
Suy Niệm 6: Vầng đông tới viếng thăm.. 8
Suy Niệm 7: Bài thánh ca Benedictus. 9
Suy Niệm 8: Bài ca chúc tụng Chúa-Benedictus. 11
Suy Niệm 9: Thiên Chúa thực hiện Lời hứa Cứu độ. 12
Suy Niệm 10: Vầng đông xuất hiện. 14

---------------------------------
Giacaria ca ngợi Thiên Chúa.
24/12 – Thứ Ba tuần 4 mùa vọng.
"Vầng đông từ cao thẳm tới viếng thăm chúng ta".

 

LỜI CHÚA: Lc 1, 67-79


Khi ấy, Giacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:
"Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel, Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Ðavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế? để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: Sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham: rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.
"Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Ðấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên.
Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".

 ---------------------------------

 

Suy Niệm 1: Thiên Chúa viếng thăm


(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Sau hơn chín tháng bị câm, khi Gioan đã sinh được tám ngày,
lời nói đầu tiên của ông Dacaria là một bài ca chúc tụng.
Ông chúc tụng Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel
vì Ngài đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài (c. 68).
Mọi việc Thiên Chúa sắp làm cho đoàn dân riêng
được gói gọn trong một động từ rất đơn sơ: viếng thăm.
Thiên Chúa đi thăm dân Ngài để cứu độ và ban ơn tha tội (c. 77).
Gioan, con của ông, được hân hạnh là người đi trước mở đường (c. 76).
Dacaria vui vì niềm vui của cả dân tộc và của riêng gia đình ông.
Thiên Chúa đi thăm dân qua Đức Giêsu, Người Con Một.
Đó là Vị Cứu Tinh quyền thế đến từ dòng dõi Đavít (c. 69).
Do lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa,
Đấng Mêsia đã được sai đến như Vừng Đông tự chốn cao vời (c. 78).
Vừng sáng này đến thăm những ai ngồi trong bóng tối sự chết
và đưa dắt dân Ngài vào con đường bình an (c. 79).
Bình an là được giải thoát khỏi tay kẻ thù (c. 71), khỏi tội lỗi (c. 77),
là được tự do phụng thờ Thiên Chúa trên quê hương (cc. 74-75).
Cả đời sống Đức Giêsu là một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.
Đây là cuộc viếng thăm độc nhất vô nhị,
vì là cuộc viếng thăm của đích thân Con Thiên Chúa.
Ngài không chỉ thăm như người khách ghé qua.
Ngài đã thăm và ở lại, dựng lều cư ngụ với loài người (Ga 1, 14).
Khi Đức Giêsu hoàn sinh người con của bà góa thành Nain,
đám đông reo lên: Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài (Lc 7, 16).
Nhưng trong thực tế dân Ngài đã khước từ cuộc thăm viếng ấy.
Ngôi Lời đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (Ga 1, 11).
Mãi mãi con người có tự do để ở lại trong bóng tối và sự chết,
và cũng có quyền khước từ bình an thật của trời cao (Lc 19, 42).
Giêrusalem đã bị sụp đổ vào năm 70 dưới tay kẻ thù,
vì đã từ khước sự thăm viếng chở che của Thiên Chúa (Lc 19, 44).
Đó là một bi kịch và hơn nữa, là một thảm kịch.
Tiếc thay thảm kịch ấy vẫn tiếp diễn trên thế giới.
Hôm nay Thiên Chúa từ ái, bao dung vẫn đến thăm con người,
và nhiều người trong chúng ta vẫn giữ thái độ chối từ, khép kín.
Ơn cứu độ, ơn giải phóng, ánh sáng, và bình an của trời cao,
là những điều còn xa lạ với bao người, kể cả các Kitô hữu.
Bóng tối của sự chết, của hận thù ghét ghen vẫn thống trị địa cầu.
Mừng lễ Giáng Sinh là mừng cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.
Cách duy nhất để mừng là mở cửa lòng cho Con Thiên Chúa vào.
Hãy tiếp đón Ngài đến với ta dưới những hình thái bất ngờ:
một trẻ thơ nghèo hèn, yếu đuối; một Mêsia không tấc sắt trong tay;
một ông thợ mộc ở vùng quê Nadarét; một tử tội bị đóng đinh thập tự.
Hãy thắp lên một ngọn nến trong đêm Noel để chào mừng Ánh Sáng.
 
Cầu nguyện:

Giữa giá rét của mùa đông,
xin cho con gặp Chúa.
Giữa những long đong
và bấp bênh của phận người,
xin cho con gần Chúa.
Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.

Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
ngay giữa những âu lo hằng ngày.
Xin cho con đón lấy cuộc đời con
với bao điều không như ý.
Và cuối cùng,
xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con. Amen.
 
-------------------------------

 

Suy Niệm 2: Kế hoạch yêu thương


(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đa-vít, thánh vương, được Chúa sủng ái, được dân yêu mến, muốn xây cho Chúa ngôi nhà xứng đáng. Nhưng Chúa đã cho ông biết không phải ông xây nhà cho Chúa. Chính Chúa xây nhà cho ông. Không phải ngôi nhà vật chất. Nhưng là một dòng tộc. Không phải chỉ cho một đời. Nhưng cho muôn thế hệ. Chúa sẽ cho ông có người con kế vị. Nhờ vị đó triều đại nhà ông sẽ tồn tại muôn đời. Từ một cậu bé chăn chiên tầm thường, Chúa đã nâng Đa-vít lên hàng quân vương. Còn hơn nữa, Chúa có kế hoạch làm cho vương quyền không bao giờ rời khỏi nhà Đa-vít.

Khi truyền tin cho Đức Mẹ, thiên sứ nhắc lại lời hứa của Chúa: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,31-33). Đây chính là thời điểm lời Chúa hứa được thực hiện. Chúa Giê-su vừa thuộc dòng tộc Đa-vít, vừa là Chúa Thượng của Đa-vít. Và một triều đại mới khởi đầu.

Gia-ca-ri-a là người đã sờ thấy triều đại mới với việc hạ sinh kỳ diệu của Gio-an Tẩy giả. Là nhân chứng. Là tội nhân. Là người cha hạnh phúc. Ông cảm nhận được kế hoạch đã đến hồi thực hiện của Thiên Chúa: “Từ dòng dõi trung thần Đa-vít, người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa”.

Trong kế hoạch đó người con của ông được diễm phúc đi mở đường cho Chúa: “Hài Nhi hỡi con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người”.

Vầng Đông xuất hiện. Đêm đen lui bước. Cả một bình minh rạng rỡ cho nhân loại. Bóng tối tử thần bị phá tan. Nhân loại được vị vua mới đón vào sự sống vĩnh cửu. “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.

Ta hãy vui mừng mạnh dạn bước ra khỏi bóng tối tội lỗi. Ngước mắt đón chào Vầng Đông đến chiếu soi cuộc đời mới của ta. Cuộc đời sống trong ánh sáng, ngay thẳng, minh chính, giữa ban ngày.

-------------------------------

 

Suy Niệm 3: Lời Ca Ngợi Thiên Chúa Của Zacharia


Trong bài trích sách Samuel quyển thứ II, chúng ta thấy: "Khi ấy vua David ngự trong đền và khi Thiên Chúa cho ông được bình an tư bề, khỏi mọi quân thù chung quanh thì David nói với tiên tri Nathan rằng: Ông thấy không, ta ở trong nhà làm bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Chúa thì để ở trong lều bằng da ư? Và xảy ra đêm ấy có lời Chúa phán cùng Nathan rằng: "Hãy đi nói với David tôi tớ của Ta rằng, có phải ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi đền để ở chăng? Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ lúc ngươi còn theo sau đàn chiên để trở nên thủ lãnh Israel dân Ta, và Ta đã ở cùng ngươi mọi nơi ngươi đi, Ta sẽ làm cho ngươi nên cao trọng như danh các bậc vĩ nhân trên mặt đất. Nhà của ngươi và triều đại của người sẽ vững bền đến muôn đời".

Sau khi đem David ra khỏi nghề chăn chiên để lên làm vua Israel, dẹp yên mọi quân thù thì ý Thiên Chúa muốn David làm một ngôi Ðền Thờ để thờ phượng Thiên Chúa. Vua David cũng muốn thế và ông đã thực hiện. Con người không thể cầu nguyện ở những nơi đông đúc giữa ngã tư đường phố, nơi chợ búa ồn ào được, nhưng cầu nguyện ở nơi yên tĩnh để tâm sự nói chuyện với Chúa. Chúa Giêsu đã nổi cơn thịnh nộ khi thấy dân Do Thái biến nơi tôn nghiêm thành nơi buôn bán đổi chác tiền bạc: "Các ngươi đã biến nhà Ta thành nơi trộm cắp. Nhà Ta là nhà cầu nguyện".

Thiên Chúa hằng vẫn ở với chúng ta trong Nhà Tạm, Ngài luôn kêu mời mỗi người chúng ta đến với Ngài, đến để tìm nguồn an ủi trong cuộc sống, đến để tim nguồn nghị lực và sức mạnh để lướt thắng mọi trở ngại ngăn lối về nhà Cha. Nhưng mấy ai đã tìm đến với Ngài hay chỉ có ngọn đèn dầu màu đỏ leo lét hẩm hiu vô tri làm bạn với Chúa hằng ngày mà thôi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Zacharia được đầy tràn Chúa Thánh Thần, ông nói tiên tri về Chúa Kitô là Ðấng cứu rỗi sẽ đến. Không phải ai cũng có thể nói tiên tri được, chỉ những người thánh thiện, sống đẹp lòng Chúa, Chúa mới cho họ quyền nói tiên tri, làm phép lạ, nói được các thứ tiếng loài người như trong ngày lễ ngũ tuần các tông đồ chỉ giảng bằng tiếng của mình mà những người nghe đều hiểu theo tiếng bản xứ của họ.

Nhưng Thiên Chúa yêu thích hơn nếu chúng ta có tâm tình mến Chúa thực sự: "Nếu tôi được ơn nói tiên tri mà tôi không có đức mến Chúa thì cũng chẳng có ích gì. Nếu làm được nhiều phép lạ mà tôi không có lòng mến Chúa thì cũng ích gì cho tôi". Ðức tin và đức cậy sẽ mất khi con người nhắm mắt, chỉ còn lòng mến Chúa là tồn tại mãi trong Nước Trời. Cho nên Thập Giới của đạo Công Giáo chỉ tóm gọn trong đức "Mến Chúa - Yêu Người", vì thế mà đạo Công Giáo còn được gọi là đạo của "Yêu Thương".

Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: "Nhà Ta là nhà cầu nguyện", xin Chúa cho chúng con luôn nhớ điều đó để chúng con luôn tìm đến với Chúa trong những lúc âu lo chán nản, đau khổ và thất vọng để chính lúc đó chúng con biết cầu nguyện cách thật sốt sắng và chỉ biết bám chặt, tin tưởng trọn vẹn vào Ngài.

Lạy Chúa, luật của Chúa thật ngắn gọn và đơn sơ, đó là "Mến Chúa và Yêu Người" nhưng không dễ áp dụng, xin Chúa cho chúng con nhìn thấy Chúa qua mọi người chung quanh để chúng con dễ yêu mến họ hơn.

Lạy Chúa, hôm nay là ngày cuối của Mùa Vọng, xin Chúa cho chúng con biết chuẩn bị tâm hồn và thể xác, bên trong lẫn bên ngoài để chúng con hiệp ý với Giáo Hội hân hoan mừng đón Chúa Giáng Sinh, vì Ngài đến để đem ơn cứu rỗi và sự bình an cho mọi người. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 -------------------------------

 

Suy Niệm 4: Nhìn cuối mùa vọng


Bấy giờ người cha của em, tức ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:

“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en
đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.
Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,
Người đã cho xuất hiện
Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta”. (Lc. 1, 67-69)

Một mùa vọng nữa chấm dứt, mỗi người chúng ta đã thêm được gì? Chúng ta có thể chân thành hát lên bài ca của ông Gia-ca-ri-a, có thể cùng với ông và với mọi người chờ đợi Đấng Cứu thế đến với chúng ta được chưa? Con tim của bạn hướng về đêm Noel thế nào? Có phải là một thửa đất đã được chuẩn bị tốt, phì nhiêu, sẵn sàng không? Bạn đã đổi mới nhờ lời Chúa chưa? Đã tái ký kết giao ước với Chúa chưa? Ông Gia-ca-ri-a đã tóm tắt kinh nghiệm của ông về Thiên Chúa và Đức Kitô như thế này:

“Thiên Chúa ta đầy lòng thương xót,
Cho vầng đông chốn cao vời viếng thăm ta,
Soi sáng những ai ngồi nơi tối tăm,
Và trong bóng tối tử thần,
Dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.

Lòng thương xót Chúa vẫn tiếp tục công trình cứu độ cho đến chúng ta. Bạn có lẽ đã biến đổi chút ít rồi nhờ Thiên Chúa đầy lòng yêu dấu, đầy lòng thương xót, đầy lòng quảng đại tha thứ. Hôm nay nhìn lại những việc Chúa làm cho chúng ta để cảm tạ Ngài là rất tốt, rất hữu ích. Công trình lòng thương xót của Chúa vẫn tiếp tục tuôn chảy với sự hiện diện của Đức Giêsu giữa lòng xác phàm nhân loại. Với sự gần sát của Thiên Chúa, công trình Ngài đang hoàn thành cho chúng ta.

Ngày mai, chưa cứu độ hết, chưa giải thoát hết, nhưng chúng ta hy vọng một sức mạnh dẫn đưa chúng ta tới sự sống lại.

Ngày mai, vẫn chưa bày tỏ đầy đủ về Đức Kitô. Nhưng bây giờ chúng ta biết chắc rằng con người mới của Đức Kitô chính là con người mới của chúng ta và của mọi người.

Ngày mai, chúng ta cử hành đại lễ mừng hoàng tử hòa bình đến, chúng ta mừng đại lễ với hy vọng hòa bình sẽ chan hòa trên trái đất. Ngày mai, chúng ta được chung sống hòa bình với mọi người chung quanh, với tất cả những ai chúc mừng nhau nhân dịp Noel hân hoan này.

C. G.

-------------------------------

 

Suy Niệm 5: Thiên Chúa viếng thăm


Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe được thốt lên từ chính miệng ông Giacaria trong ngày lễ cắt bì cho Gioan Tẩy Giả. Lời kinh này được gợi hứng từ trong thời Cựu Ước, và người ta nhận thấy nó bắt nguồn từ Thánh Vịnh vua Đavít và nơi các tiên tri.

Kinh tạ ơn này được chia làm hai phần:

Phần thứ nhất nói lên lời cầu nguyện trực tiếp của ông với Thiên Chúa là Đấng Cứu độ Israel và cụ thể là gia đình ông qua việc cho Gioan xuất hiện.

Phần thứ hai là những lời tiên tri về trẻ nhỏ Gioan.

Khi cất cao lời kinh tạ ơn như vậy, Giacaria là hiện thân đại diện cho cả dân tộc Israel để ca khen, tán tụng hồng ân, lòng từ bi và thương xót của Thiên Chúa. Ông thấu hiểu nỗi chờ mong của dân tộc mình trong việc mong đợi Đấng Cứu Thế, nay niềm tin đó đã đem lại cho ông và cả dân tộc ông niền hy vọng khi Thiên Chúa đã cho Gioan xuất hiện để đi trước dọn đường.

Sự xuất hiện của Gioan đã xóa đi nỗi niềm chờ mong, và dân không còn phải đi trong tối tăm của đêm dài nữa. Niềm hy vọng này đem lại cho dân một sự đảm bảo vì Thiên Chúa đã chọn Gioan đi trước dọn đường cho Đấng Tối Cao đến để cứu độ dân Ngài.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa vì Người hằng yêu thương chăm sóc chúng ta như xưa Người đã từng chăm sóc dân Israel trong thời Cựu Ước. Chỉ có điều, chúng ta có đủ niềm tin vào Chúa hay không mà thôi!


Lạy Thiên Chúa là Cha yêu thương, chúng con cảm tạ Cha đã gìn giữ, yêu thương và ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin ban cho chúng con sống sứng đáng là con Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 ------------------------------

 

Suy Niệm 6: Vầng đông tới viếng thăm


(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Ông Da-ca-ri-a chúc tụng Thiên Chúa là Đấng trung thành thực hiện lời hứa cứu độ. Thiên Chúa kêu gọi Thánh Gio-an Tẩy Giả ra đời là để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Mỗi người khi chào đời có một sứ mệnh trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngày Con Chúa giáng sinh làm người đã trở thành ngày lễ hội lớn cho toàn thể nhân loại. Hôm nay là đích điểm của hơn 2000 năm Chúa âm thầm chuẩn bị.

Vâng, khi con chiêm ngưỡng Hài Nhi bé bỏng trong hang đá Be-lem con thấy được bàn tay uy quyền của Chúa trải ra bao thế hệ. Chúa tuyển chọn Áp-ra-ham, Mô-sen, Đa-vít, Mẹ Maria, Gio-an Tẩy Giả... Tất cả là những chặng đường Chúa thực hiện lời hứa cứu độ. Lịch sử có những lúc thăng trầm, nhân loại có những lúc phản bội, nhưng phần Chúa, Chúa vẫn luôn trung tín với lời hứa. Chúa trung thành với giao ước ngay cả lúc chúng con bất trung. Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa và tin cậy vào lòng trung tín của Chúa. Xin Chúa giúp con đáp lại bằng sự trung thành phụng sự Chúa.

Trong lịch sử cứu độ, mỗi người khi sinh ra đều được Chúa trao cho một sứ mạng. Thánh Gio-an Tẩy Giả được Chúa cho ra đời chính là để làm ngôn sứ đi trước mở lối cho Chúa. Con được làm người cũng là vì Chúa muốn gọi con cộng tác vào chương trình cứu độ. Con cảm tạ Chúa đã cho con nhận lãnh bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, để nhờ đó con trở thành chứng nhân cho Chúa. Sứ mạng ấy vừa cao cả vừa khó khăn. Xin Chúa giúp con trung thành với hồng ân đã lãnh nhận. Amen.

Ghi nhớ: ”Vầng đông từ cao thẳm tới viếng thăm chúng ta”.

 ------------------------------

 

Suy Niệm 7: Bài thánh ca Benedictus


(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Khi Gioan được sinh ra, ông Giacaria rất vui mừng, và nhờ Thánh Thần soi sáng, ông cất tiếng cảm ta ngợi khen Chúa là Đấng từ bi và thành tín. Người đã ban Đấng cứu dân Người, để họ an tâm phụng thờ Người, và sống thánh thiện công chính... Và ông cũng nói trước về vai trò của Gioan là Tiền Hô, được Chúa sai đến dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

Nhờ Gioan Tiền hô dọn đường, Chúa Cứu Thế đã đến cứu chuộc Dân Người và Mùa Vọng là Mùa chúng ta dọn đường cho Chúa đến với chúng ta; đặc biệt đến với những người đã biết Chúa mà bỏ Chúa. Chúng ta nối tiếp sứ mạng của thánh Gioan, dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến với dân mới Người là Hội thánh.

2. Khi ông Giacaria cho biết tên con trẻ là Gioan thì ông hết bị câm, ông đã mở miệng chúc tụng hồng ân Thiên Chúa đối vối ông và toàn dân. Bài thánh ca Benedictus mở đầu bằng lời “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel” là một bài thánh ca tuyệt vời, đầy ắp những hình ảnh Thánh Kinh và lời tiên tri trong Cựu Ước, được đặt vào miệng ông Giacaria, thực sự là một lời tiên tri vừa đúc kết lại cả một lịch sử ơn cứu độ, vừa chuyển tiếp báo tin sự xuất hiện của “Vị Cứu tinh quyền thế” của “Vầng Đông từ chốn cao vời đến viếng thăm”. Bài Thánh ca làm dậy lên niềm vui và hy vọng của những ai cảm nghiệm mình có Chúa, được cứu độ, được tự do và bình an.

Bài Thánh ca Benedictus có những ý lớn này:

- Thiên Chúa đã thực hiện Lời hứa ơn cứu độ mà Ngài đã hứa từ ngàn xưa với các tổ phụ và qua miệng các tiên tri.

- Hôm nay Con Thiên Chúa là “Vầng Đông” đã xuất hiện mở màn một kỷ nguyên mới.

- Gioan sẽ là Tiền Hô cho Ngài: mở lối cho Ngài đi, và báo tin vui cứu độ cho nhân loại.

3. Hôm nay Con Thiên Chúa là “Vầng Đông” đã xuất hiện, mở màn cho một kỷ nguyên mới.  Ngài là ánh sáng chiếu soi cho trần gian còn ở trong bóng tối của tội lỗi và sự chết.

Nói đến vai trò ánh sáng, Frank Mihalic đã mô tả ánh sáng với những lời thật súc tích như sau: ”Ánh sáng là một tác phẩm quan trọng đến nỗi Chúa đã làm ra nó trước cả trời và đất. Khi đã có ánh sáng thì mọi sự khác xuất hiện theo.  Hãy nhìn quanh ta, ta sẽ thấy ánh sáng giúp ta rất nhiều cách: ánh sáng mặt trời làm cho sinh vật lớn lên, sưởi ấm con người và hong khô quần áo. Nhờ có ánh sáng, ta mới thấy được sự vật quanh ta. Ánh sáng còn là thuốc chữa trị nhiều chứng bệnh và tiêu diệt nhiều thứ độc hại. Hãy nghĩ tới ánh sáng của các ngọn đèn: ta dùng chúng để trang hoàng nhà cửa,  nhờ chúng ta mới thấy đường mà đi trong đêm tối. Nếu không có ánh sáng, sinh vật không thể lớn lên được và sẽ chết dần chết mòn... Bởi thế người ta sợ bóng tối và vui mừng vì ánh sáng”.

4. Nhờ Đức Giêsu đến, Ngài mới mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa vì trước đây loài người chỉ có vài ý niệm mơ hồ hoặc lệch lạc về Thiên Chúa, thậm chí còn vật chất hóa Thiên Chúa.

Người Hy lạp nghĩ đến một Thiên Chúa không tình cảm, vượt quá mọi nỗi buồn vui, nhìn xuống loài người với vẻ lạnh lùng xa cách, không tìm được một sự trợ giúp nào ở đó.  Còn người Do thái thì nghĩ đến một Thiên Chúa khắt khe chỉ lo ban bố luật pháp, đóng vai quan tòa và chỉ lo gieo rắc các mối đe dọa thôi.  Đức Giêsu đã đến nói rằng:Thiên Chúa là Tình yêu và trong sự kinh ngạc sâu xa, con người chỉ có thể thốt lên rằng: “Chúng tôi chưa hề biết một Thiên Chúa như thế bao giờ”. Một trong những chức năng lớn của mầu nhiệm Nhập Thể là đem loài người đến sự hiểu biết Thiên Chúa (R. Veritas).

5. Khi Thiên Chúa giáng trần, Ngài sẽ đem lại cho dân ơn tha thứ và bình an. Vậy ơn đầu tiên mà thánh ca Benedictus nói đến là ơn tha thứ mà Thiên Chúa ban cho dân Người: “Người sẽ cứu độ, là tha cho hết mọi tội khiên... ”. Chỉ khi lãnh nhận được ơn tha thứ này chúng ta mới cảm nghiệm được Niềm Vui của Tin Mừng mà Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến ngay từ  những câu đầu trong tông huấn của Ngài: “ Những ai chấp nhận quà tặng ơn cứu độ của Đức Giêsu sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, buôn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn (Evangelii gaudium, số 1).

6. Truyện: Hồng ân tha thứ.

Bà già 104 tuổi sống trong một căn hộ nhỏ tại Croydon. Khi bà được 100 tuổi, một nhà truyền giáo đến thăm và giải thích cho bà nghe đoạn Tin Mừng Gioan 3,16: Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài để ai tin Người Con đó, thì khỏi chết và được sống đời đời.

Bà đáp: - Thật là tuyệt vời. Thiên Chúa thật tốt lành khi Ngài tha thứ cho tôi đã bỏ cả trăm năm không biết Ngài.

Cuộc trở lại của bà được tạp chí London City Mission thuật lại và kết thúc bằng câu:

“Sinh 1825, sinh lại 1925”.

 ---------------------------------

 

Suy Niệm 8: Bài ca chúc tụng Chúa-Benedictus


(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống... )

Những ý lớn trong bài ca của Dacaria:

1. Thiên Chúa đã thực hiện Lời hứa cứu rỗi mà Ngài đã hứa từ ngàn xưa với các tổ phụ và qua miệng các ngôn sứ.

2. Hôm nay Con Thiên Chúa là “Vầng Đông” đã xuất hiện, mở màn một kỷ nguyên mới.

3. Gioan sẽ là vị tiền hô cho Ngài: mở lối cho Ngài đi, và báo tin vui cứu rỗi cho nhân loại.

B. Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Bài ca này được Phụng vụ chọn cho chúng ta đọc buổi sáng lúc bắt đầu một ngày mới, nhằm nhắc chúng ta:

Hãy sống một ngày trong ánh sáng của “Vầng đông” Chúa Cứu Thế;

Hãy sống như Gioan: mở lối cho Chúa đến thăm anh chị em mình; loan báo tin vui cứu rỗi cho họ.

2. Ánh sáng là một tác phẩm quan trọng đến nỗi Chúa đã làm ra nó trước cà trời và đất. Khi đã có ánh sáng thì mọi sự khác xuất hiện theo. Hãy nhìn quanh ta, ta sẽ thấy ánh sáng giúp ta rất nhiều cách: ánh sáng mặt trời làm cho sinh vật lớn lên, sưởi ấm con người và hong khô quấn áo. Nhờ có ánh sáng, ta mới thấy được sự vật quanh ta. Ánh sáng còn là thuốc chữa trị nhiều chứng bệnh và tiêu diệt nhiều thứ độc hại; Hãy nghĩ tới ánh sáng của các ngọn đèn: ta dùng chúng để trang hoàng nhà cửa, nhờ chúng ta mới thấy đường mà đi trong đêm tối; Nếu không có ánh sáng, sinh vật không lớn lên được và sẽ chết dần mòn... Bởi thế người ta sợ bóng tối và vui mừng vì ánh sáng (Frank Mihalic).

Chúng ta hãy bắt đầu mỗi ngày mới với tâm tình của Dacaria trong bài ca Benedictus “Chúc tụng Thiên Chúa... cho Vầng đông từ chốn cao vời viếng thăm ta”.

 ---------------------------------

 

Suy Niệm 9: Thiên Chúa thực hiện Lời hứa Cứu độ


(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Bài ca của Giacaria gồm những ý lớn sau đây:

* Thiên Chúa đã thực hiện Lời hứa Cứu độ mà Ngài đã hứa từ ngàn xưa với các tổ phụ và qua miệng các ngôn sứ.

* Hôm nay, Con Thiên Chúa là “Vầng Đông” đã xuất hiện, mở màn một kỷ nguyên mới.

* Gioan sẽ là Tiền Hô cho Ngài: mở lối cho Ngài đi, và báo tin vui cứu độ cho nhân loại.

Trong lời kinh trên đây, Giacaria như đại diện gia tộc và dân Israel tán tụng lòng từ bi của Thiên Chúa bắt đầu từ việc cứu rỗi muôn dân. Đối với dân Do Thái đã hơn ngàn năm trông đợi qua các tiên tri, giờ đây họ cảm thấy nỗi khát mong tột độ đã chín mùi. Đối với nhân loại phải trải qua những chuỗi thế kỷ dài đằng đẵng đến tuyệt vọng vì tội lỗi, thì lòng họ như những thửa đất ruộng nứt nẻ hạn hán chờ mùa mưa, họ như bệnh nhân ung thư chờ ngày được giải phẫu. Và đã tới thời gian viên mãn (Ga 14,4), Thiên Chúa đã biểu lộ lòng yêu thương bao la hải hà của Ngài.

2. Đây là bài ca được Phụng vụ chọn cho chúng ta đọc buổi sáng lúc bắt đầu một ngày mới. Việc chọn lựa này nhằm nhắc chúng ta:

a/ Hãy sống một ngày trong ánh sáng của “Vầng đông” Chúa Cứu Thế.

b/ Hãy sống như Gioan: mở lối cho Chúa đến thăm anh chị em mình và loan báo tin vui cứu độ cho họ.

3. Bài ca cũng cho chúng ta thấy một bức tranh lớn về những chặng đường mà mỗi người Kitô hữu phải trải qua.

a. Phải có một sự sửa soạn: cả cuộc sống là một sự chuẩn bị đưa ta đến với Chúa Cứu Thế.

Khi Ignatiô còn trẻ, chàng chỉ mong trở thành một quân nhân, nhưng một tai nạn xảy ra, chàng bị thương phải nằm dưỡng bệnh lâu ngày. Chàng đọc sách, hết sách đời đến sách đạo, cuối cùng, chàng đổi thay và trở nên một bậc thánh. Có người đã nhận định về chàng: “Anh ta đã muốn kiến tạo mình trước thời gian, nhưng chàng không thể hoàn thành chương trình cho đến khi năm tháng đã trôi qua”. Trong cuộc sống, Thiên Chúa vẫn khiến mọi sự hiệp lại để đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu.

b. Phải có sự hiểu biết: Một sự thật đơn giản là loài người không biết Thiên Chúa ra sao cho đến khi Chúa Giêsu đến. Người Hi-Lạp nghĩ đến một Thiên Chúa không tình cảm, vượt quá mọi nỗi buồn vui, nhìn xuống loài người với vẻ lạnh lùng xa cách, không tìm được một sự trợ giúp nào ở đó. Người Do Thái nghĩ đến một Thiên Chúa khắt khe chỉ lo ban bố luật pháp, đóng vai quan tòa và chỉ lo gieo rắc các mối đe dọa thôi. Chúa Giêsu đã đến nói rằng: Thiên Chúa là tình yêu và trong kinh ngạc sâu xa, con người chỉ có thể thốt lên rằng: “Chúng tôi chưa hề biết một Thiên Chúa như thế bao giờ”. Một trong những chức năng lớn của mầu nhiệm Nhập thể là đem loài người đến sự hiểu biết Thiên Chúa.

c. Có sự tha thứ: chúng ta cần biết rõ, tha thứ không chỉ là tha hình phạt, mà còn tái lập mối quan hệ. Chúng ta không thể tránh thoát khỏi hậu quả của tội lỗi. Chiếc đồng hồ không thể quay ngược lại, nhưng ơn tha thứ của Thiên Chúa đem chúng ta ra khỏi hậu quả của tội lỗi, khỏi sự thù nghịch và được bước vào mối tương giao thân mật với Ngài. Thiên Chúa không là Đấng khiến chúng ta sợ hãi, nhưng là Đấng yêu thương mọi người.

d. Có sự bước đi trong bình an. Bình an trong tiếng Do Thái không chỉ là thoát khỏi cảnh rối loạn mà còn bao gồm những gì tạo nên hạnh phúc cao quý nhất cho con người. Nhờ Chúa Cứu Thế, con người mới có khả năng bước đi trong những nẻo đường dẫn đến sự sống và không bao giờ còn đi trên những lối dẫn đến sự chết. Nhờ Chúa Cứu Thế con người tìm lại được sự sống đích thực của mình.

4. Và cuối cùng, bài ca cũng cho chúng ta thấy vai trò rất quan trọng của ánh sáng.

Frank Mihalic đã mô tả về ánh sáng với những lời thật súc tích như sau: “Ánh sáng là một tác phẩm quan trọng đến nỗi Chúa đã làm ra nó trước cả trời và đất. Khi đã có ánh sáng thì mọi sự khác xuất hiện theo. Hãy nhìn quanh ta, ta sẽ thấy ánh sáng giúp ta rất nhiều cách: ánh sáng mặt trời làm cho sinh vật lớn lên, sưởi ấm con người và hong khô quần áo. Nhờ có ánh sáng, ta mới thấy được sự vật quanh ta. Ánh sáng còn là thuốc chữa trị nhiều chứng bệnh và tiêu diệt nhiều thứ độc hại. Hãy nghĩ tới ánh sáng của các ngọn đèn: ta dùng chúng để trang hoàng nhà cửa, nhờ chúng ta mới thấy đường mà đi trong đêm tối. Nếu không có ánh sáng, sinh vật không lớn lên được và sẽ chết dần chết mòn... Bởi thế, người ta sợ bóng tối và vui mừng vì ánh sáng”.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con toả lan hương thơm của Chúa nơi con sống. Xin ánh sáng Chúa dọi sáng qua con và ở lại nơi con, để mọi tâm hồn con tiếp xúc sẽ nhận ra Chúa đang hiện diện nơi con. Amen.

 ---------------------------------

 

Suy Niệm 10: Vầng đông xuất hiện


(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)

Qua Lời Tổng Nguyện của Sáng Ngày 24 Tháng 12 hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa Giêsu: mau đến chứ đừng trì hoãn nữa! Xin ngự đến nâng đỡ ủi an những ai đặt hết tin tưởng vào tình thương của Chúa.

Đặt hết tin tưởng vào tình thương của Chúa, sẵn sàng đón chào Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Giêrusalem được nghe loan báo Tin Mừng. Chúa dùng ngôn sứ của Người để đánh thức chúng ta dậy mà nghe Người trả lời. Ơn cứu độ đến đây rồi. Ta hãy trở nên những người tôi tớ thức tỉnh để đón nhận và hãy ra khỏi một thế giới đang suy vi. Chúa phán: Hỡi con cái Ítraen, hãy giữ mình sao cho thánh thiện, vì ngày mai Đức Chúa sẽ ngự xuống. Người sẽ đẩy xa anh em mọi bệnh hoạn tật nguyền. Nội ngày mai, tội ác trên mặt đất này sẽ được tẩy xóa, và Đấng cứu độ gian trần sẽ ngự đến với chúng ta.

Đặt hết tin tưởng vào tình thương của Chúa, hoan hỷ đón mừng Đấng cứu độ và giải thoát chúng ta đang đến, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Chúng ta hãy mừng ngày lễ, ngày mà ánh sáng vĩ đại và vĩnh cửu phát xuất từ ánh sáng vĩ đại và vĩnh cửu đến chiếu sáng ngày vắn vỏi mau qua của chúng ta… Từ gốc tổ Giesê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non. Đai thắt lưng Người là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành. Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên Người, thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa.

Đặt hết tin tưởng vào tình thương của Chúa, Chúa sẽ thực hiện lời Người đã hứa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Samuen Quyển II cho thấy: Vương quyền của Đavít sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Chúa. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 88, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng. Xưa Chúa phán: Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn, đã thề cùng Đavít, nghĩa bộc Ta, rằng: dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời, ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ. Người sẽ thưa với Ta: Ngài chính là Thân Phụ, là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ! Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở và thành tín giữ giao ước với Người.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Đức Kitô là Vầng Đông xuất hiện, là hào quang tỏa ánh sáng muôn đời, là mặt trời chiếu tỏ đường công chính, xin Ngài thương ngự đến soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần. Trong bài Tin Mừng, ông Dacaria nói: Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an. Đức Kitô, Vầng Đông xuất hiện, xóa tan màn đêm tăm tối của bóng tử thần. Chúng ta vui mừng hoan hỷ vì ân sủng này. Vầng Đông là vinh quang của chúng ta, là Đấng làm cho chúng ta được ngẩng đầu bất khuất. Thiên Chúa đã giãi sáng trên chúng ta bằng một ân sủng vô cùng lớn lao: là làm cho Con Một của Người trở nên một con người, để làm cho con người trở nên con của Thiên Chúa. Thật vậy, chúng ta sẽ phải chết muôn đời, nếu, Người đã không sinh ra trong thời gian. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ được giải thoát khỏi xác thịt tội lỗi, nếu, Người đã không chấp nhận mang xác thịt tội lỗi giống như chúng ta. Chúng ta sẽ phải khốn nạn mãi mãi, nếu, Người không tỏ lòng thương xót chúng ta. Chúng ta sẽ chẳng tìm lại được sự sống, nếu, Người đã chẳng chết như chúng ta. Chúng ta sẽ ngã quỵ, nếu, Người chẳng đỡ nâng. Chúng ta đã phải tiêu vong, nếu, như Người không đến. Ước gì Chúa mau đến chứ đừng trì hoãn nữa! Ước gì Chúa ngự đến nâng đỡ ủi an những ai đặt hết tin tưởng vào tình thương của Chúa. Ước gì được như thế!

---------------------------------

 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây