Khi đến ngày sinh, bà Isave hạ sinh một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: "Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan". Họ bảo bà rằng: "Không ai trong họ hàng bà có tên đó". Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: "Tên nó là Gioan". Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng: "Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó".
Vào trước lễ Sinh Nhật của Đức Giêsu, Giáo Hội cho chúng ta suy niệm về sự chào đời của Gioan Tẩy giả. Có vẻ bà Êlisabét là người vui hơn cả. Bà đã mang nỗi hổ nhục từ bao năm nơi người đời (Lc 1, 25), bây giờ bà mới thấy rõ lòng thương xót bao la của Chúa (c. 58). Niềm vui của bà được tăng lên nhờ láng giềng, thân thích đến thăm. Thiên Chúa bắt bà chờ quá lâu, đến mức bà chẳng còn hy vọng. Rồi bất ngờ bà lại được tất cả những điều mình mong ước. Có một đứa con trai lúc đã cao niên, điều đó kể như một phép lạ. Khi bà khăng khăng đòi đặt tên cho đứa con là Gioan (c. 60), nhiều người ngăn cản, vì không ai trong dòng tộc mang tên này, vì cứ sự thường, con phải được đặt tên theo tên cha. Nhưng quyết định cuối cùng nằm trong tay ông Dacaria. Ông mới là người có quyền đặt tên cho con trai ông. Vì ông câm và điếc, nên ông cần một cái bảng nhỏ để ghi tên con. ”Tên cháu là Gioan” (c. 63). Tên này trùng với tên vợ ông đề nghị. Chính lúc Dacaria vâng lời sứ thần đặt tên cho con ông là Gioan, thì lập tức miệng ông được mở ra và lưỡi ông được tháo cởi (c. 64). Giờ đây ông có thể chúc tụng Thiên Chúa sau hơn chín tháng bị câm. Những người thân thích, xóm giềng đi từ ngỡ ngàng đến kinh sợ. Quả thực có nhiều điều lạ lùng vây quanh sự chào đời của cậu bé. Người ta đồn thổi tin này khắp miền núi Giuđê. ”Đứa trẻ này rồi sẽ ra sao?” (c. 66). Làm sao biết tương lai của đứa trẻ mới được tám ngày tuổi. Nhưng qua những biến cố lạ lùng xảy ra: ông bà sinh con trong lúc tuổi già, ông bị câm rồi lại được khỏi, ông bà cùng nhất trí về tên của đứa con dù không trao đổi trước, người ta nhận ra bàn tay Chúa ở với em (c. 66). Em đúng là Gioan, tiếng Híp-ri nghĩa là Thiên-Chúa-tặng-ban, bởi em là quà tặng cho gia đình, dân tộc và cho cả nhân loại. Cậu bé Gioan đã từ từ lớn lên và theo một lối sống khác thường. Cậu không lập gia đình và sống khắc khổ nơi hoang địa (c. 80). Lễ Giáng Sinh là lễ của trẻ thơ, của niềm hy vọng. Mỗi trẻ thơ chào đời đều là một dấu hiệu của tình thương Chúa. Ngay một cuộc sinh nở bình thường cũng là một điều lạ lùng. Mỗi trẻ thơ được cha mẹ đặt tên, nhưng tên của em đã được khắc ghi từ lâu trong trái tim Thiên Chúa. Em nào cũng là một quà tặng cho thế giới, em nào cũng là một Gioan. Mỗi em đều có chỗ đứng trong chương trình của Thiên Chúa. Nhiệm vụ của nhà giáo dục là giúp em tìm thấy ơn gọi riêng của mình, và trưởng thành nhờ sống trọn vẹn ơn gọi đó. Xin được chung vui với gia đình Dacaria và mọi gia đình trên địa cầu. Lạy Chúa, con được no nê mà vẫn thiếu ăn, vì bên con còn có người đói lả. Con uống nước mát mà họng vẫn khô ran, vì bên con còn có người đang khát. Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi, vì bên con còn có người phiền muộn. Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm, vì bên con còn có người mù tối. Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi, vì bên con còn có người trần trụi. Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức, vì bên con còn có bao người thiếu thốn. Amen. (Myrtle Householder) -------------------------------
Con dân tội lỗi. Phản bội Thiên Chúa. Lìa xa đường lối của cha ông. Chúa đã sai Ê-li-a đến chấn chỉnh “đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông”. Ê-li-a đã đến như lửa. Cuộc đời ngài bừng bừng lửa sốt mến. Lời ngài như lửa. Làm cho xứ sở bị hạn hán. Ngài dùng lửa thanh luyện tâm hồn Ít-ra-en. Chống lại vua A-kháp và hoàng hậu Giê-sa-ben. Giết chết hơn 400 sư sãi của Ba-an. Làm cho dân trở về với Chúa. Theo đường lối của cha ông. Tiên tri Ma-la-khi tiên báo sau cùng Chúa sẽ đến. Nhưng trước đó, Ê-li-a sẽ trở lại để dọn đường cho Chúa. Lời tiên báo ứng nghiệm vào Gio-an Tẩy giả. Chính Chúa Giê-su xác nhận Gio-an là Ê-li-a mới. Đến để mở đường cho Đấng Cứu Thế.
Ông mở đường bằng nghiêm chỉnh thực thi Lời Chúa. Cha mẹ ông đã làm gương về điều đó. Chúa truyền đặt tên ông là Gio-an. Nghĩa là Thiên Chúa thi ân. Bà Ê-li-sa-bét và ông Gia-ca-ri-a tuyệt đối vâng theo lệnh truyền. Đặt tên là xác nhận quyền làm cha mẹ. Khi đặt tên theo lệnh Thiên Chúa, ông bà xác nhận Gio-an là do Thiên Chúa ban tặng. Ngay khi đó Gia-ca-ri-a, trước đó bị câm, mở miệng nói được. Chỉ khi nói theo ý Chúa lời mới có ý nghĩa.
Chính Gio-an cũng nghiêm túc tuân thủ lời Chúa dạy. Nên ông xa lánh phồn hoa. Vào ở trong sa mạc. Ăn uống đạm bạc. Chỉ có châu chấu và mật ong rừng. Y phục đơn sơ. Một mảnh da thú đủ để che thân.
Ông chỉ nói lời của Chúa. Nên mạnh mẽ đe phạt những người đi vào đường tội lỗi. Kết án cả vua Hê-rô-đê. Vì đã chiếm vợ của anh vua. Ông đúng là Ê-li-a mới. Chấn chỉnh mọi sự. Dọn đường cho Chúa Cứu Thế ngự đến.
“Bàn tay Chúa phù hộ em”. Nhận biết điều đó nên dân chúng tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Không ai biết được đường đi của Chúa. Không ai biết gió từ đâu tới và sẽ đi đâu. Gio-an luôn ở trong bàn tay Chúa. Luôn luôn nói Lời Chúa. Ông trở thành loa phát thanh Lời Chúa. Ông là “tiếng kêu trong hoang địa”. Ông là người chấn chỉnh mọi sự. Sửa đường cho ngay để đón Chúa Cứu Thế ngự đến.
Xin cho con noi gương thánh Gio-an. Chấn chỉnh chính mình. Rồi thế giới sẽ trật tự đón Chúa đến.
(‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
Vào thời quân chủ xưa, khi các vị vua muốn viếng thăm một nơi nào ngoài kinh đô, thì đầu tiên các sứ giả của triều đình được gửi đến đó để chuẩn bị nơi chỗ cho xứng đáng, đồng thời dạy dân chúng biết cách thức và nghi lễ khi đón tiếp vua. Vì có những nghi thức thật quái lạ mà bình thường con người ít khi nghĩ tới như: để tỏ lòng kính trọng khi vua đi ngang qua thì tất cả các thần dân phải sấp mình xuống đất không được nhìn lên dù chỉ là một cái liếc mắt, nếu bị gặp đều phải lãnh phạt, hình phạt có những lúc tới mức độ phải tử hình, do đó mà không thể thiếu việc các sứ giả được sai đi.
Trong bài đọc của phần Phụng Vụ hôm nay, ngôn sứ Malakia đã tiên báo về một sứ giả có nhiệm vụ dọn đường cho vị Vua trên hết các vua đến thăm Ngài. Sứ giả ấy là Elia: "Này đây, Ta sai tiên tri Elia đến cùng các ngươi trước ngày trọng đại kinh khủng của Ta, người sẽ hoán cải lòng cha ông về lại với con cháu và lòng con cháu trở về cùng cha ông". Về sau Chúa Giêsu sẽ tỏ lộ cho các môn đệ Ngài biết: "Elia chính là Gioan Tẩy Giả", và trong bài Tin Mừng thánh sử Luca đã nói gì với sứ giả Gioan này?
Chẳng khác gì người Việt Nam chúng ta, người Do Thái cũng sống tình bà con láng giềng rất thắm thiết. Nghe Elizabeth sinh hạ con trai, bà con láng giềng liền đến giúp đỡ và chia sẻ niềm vui cùng với gia đình Zacharia. Ðến ngày thứ tám, lúc làm lễ cắt bì và đặt tên cho con trẻ cũng có sự hiện diện của họ. Họ muốn lấy tên Zacharia mà đặt tên cho con trẻ chứ không phải là Gioan. Gioan hay Giokhanan tiếng Do Thái có nghĩa là "Thiên Chúa thương xót". Vì sự chào đời của Gioan là một biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa, cách riêng cho Zacharia và Elizabeth, vì Thiên Chúa đã cất đi sự tủi nhục bấy lâu đè nặng trên người đàn bà son sẻ và cách chung cho toàn thể gia đình nhân loại. Vì hôm nay đã xuất hiện vị sứ giả để dọn đường cho vị Vua trên hết các vua đến thăm dân Ngài, một niềm vui mà đã mấy ngàn năm gia đình nhân loại ngóng chờ. Chắc chắn những người hiện diện đều biết chữ Gioan hay Giokhanan có nghĩa là "Thiên Chúa thương xót".
Tuy nhiên, họ lại không hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa nên đã từ chối không chịu nhận tên Gioan cho con trẻ. Họ không hiểu vì tâm trí của họ đang bị ràng buộc bởi những suy nghĩ của trần thế, quá lệ thuộc vào các tập quán cổ xưa. Vì thế, họ không còn cảm nhận được giá trị của lòng thương xót Thiên Chúa ban xuống cho con trẻ và gia đình: "Không ai trong họ hàng bà có tên này".
Con người cứ nhắm mắt đưa chân theo những vết xưa cũ ấy nên họ chẳng nhận ra được những thực tại trước mắt, không biểu lộ được ý nghĩa của công việc họ đang tham dự. Ðến chung vui vì Thiên Chúa đã xót thương, thế mà họ lại không chịu tuyên xưng lòng thương xót của Ngài.
Với Zacharia cũng thế, lý luận mang tính cách trần thế đã khiến ông không tin nhận lòng thương xót của Thiên Chúa đang được ban xuống cho gia đình ông. Vì thế mà ông đã phải lãnh nhận hình phạt là bị câm. Chỉ khi ông đã quyết định đặt tên cho con trẻ là Gioan, tức là khi ông tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa thì lúc đó ông mới được tha khỏi hình phạt, và cũng là lúc ông chúc tụng ngợi khen lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thật thế, trong cuộc đời có lẽ không có gì làm buồn lòng con người cho bằng đi làm ơn mà chỉ được lãnh nhận thái độ lãnh đạm, thờ ơ và cũng chẳng có gì đáng trách cho bằng thái độ vô ơn. Nếu trong dân gian có những câu nói diễn tả lòng dạ ác độc như cầm thú thì về phương diện biết ơn, thú vật đôi lúc lại được xếp hạng trên con người: "Cứu vật vật trả ơn. Cứu nhân nhân trả oán".
Trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng để chuẩn bị mừng kính mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, một mầu nhiệm diễn tả lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với gia đình nhân loại. Ước mong rằng mỗi người trong chúng ta kiểm điểm lại tâm tình biết ơn của mình. Có thể chúng ta không cố tình quên ơn nhưng trong thực tế chúng ta lại sống như những người vô ơn. Tuy nhiên, như những người láng giềng của gia đình Zacharia, thì qua cách suy nghĩ trần tục, các thành kiến hẹp hòi, các thói quen ích kỷ đã vây phủ lấy chúng ta, làm cho chúng ta bị mờ tối nên chẳng nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa hằng bao bọc chúng ta cũng như tình thương của người anh em đang tặng ban cho chúng ta. Nhưng khi nhận ra lòng thương xót ấy thì chúng ta cũng như Zacharia là thốt lên lời chúc tụng và ngợi khen.
Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em, nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. (Lc. 1, 59-60)
Phụng vụ hôm nay giới thiệu cho chúng ta một chứng nhân khác theo hình ảnh Đức Maria, ông đã nhận được tin Thiên Chúa đoái thương, nhưng vì cứng lòng tin, ông đã bị câm.
Giờ đây ông tin lời thiên thần đã báo cho ông khi trước, dù phải trái với tục truyền về cách đặt tên cho con, Gia-ca-ri-a đã biết phải vâng theo thánh ý Chúa để đặt tên cho con là Gioan và chúc tụng Chúa. Trước sự kiện lạ đó, láng giềng bà con đã nhận ra bàn tay Thiên Chúa phù hộ.
Thường xuyên chúng ta cũng được mời gọi đón nhận thánh ý Chúa nhờ đức tin, mà chẳng biết tại sao xảy ra như vậy. Thí dụ: vợ được bài học qua cái chết của chồng hay tu sĩ khám phá ra một ơn gọi đặc biệt vượt quá sức mình. Có nhiều hoàn cảnh giúp chúng ta sống đức tin để trở nên người thừa hưởng thánh ý Thiên Chúa. Chính lúc đó người ta cảm thấy được can đảm cần có, được bình an nội tâm và nhận biết phải sống với Chúa bằng tình bạn chí thiết.
Đang sống giữa những tiếng ồn ào náo nhiệt chuẩn bị Noel, chúng ta có biết khám phá ra ý nghĩa của ngày đại lễ này không? Chúng ta có biết sống nhiệt tâm theo thánh ý Chúa hằng ngày để đón mừng Đấng Cứu thế đến không?
Dù những nghi nan như ông Gia-ca-ri-a, chúng ta biết chấp nhận ý Chúa trong đức tin, chúng ta sẽ được thừa hưởng ơn phúc của lời Chúa hứa ban như Chúa đã ban cho ông Gia-ca-ri-a.
Sau những ngày tháng cưu mang hài nhi, bà Êlisabét đã tới ngày sinh con. Gioan đã chào đời trong niềm vui mừng của mọi người. Niềm vui mà mọi người dành cho gia đình ông Giacaria không chỉ thuần túy là có một người con mới chào đời trong lúc hai ông bà tuổi đời đã xế bóng, hay sự xuất hiện của Gioan trong gia đình này còn là rửa đi nỗi nhục son sẻ cho mẹ ngài. Nhưng niềm vui sâu xa ở chỗ trẻ Gioan này sẽ trở thành vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Cứu Thế mà muôn dân ngóng đợi.
Sự xuất hiện của Gioan đã làm cho dân chúng phải ngỡ ngàng khi mọi người định lấy tên cha là Giacaria mà đặt tên cho cậu con quý tử. Tuy nhiên bà mẹ không bằng lòng và yêu cầu hỏi Giacaria xem ý ông thế nào. Ông đã làm hiệu lấy cho mình tấm bảng và ông ghi tên con trẻ sẽ là Gioan. Mọi người lại ngỡ ngàng nữa là vì trong họ hàng không có ai cùng tên như vậy. Điều lạ lùng là ông Giacaria vừa câm lại vừa điếc, thế mà ông đã không trùng ý với mọi người. Sự kiện này cho thấy Giacaria đã làm theo lệnh truyền của Thiên Chúa qua sứ thần lúc truyền tin cho ông.
Ngay lập tức, miệng lưỡi ông đã bị câm điếc từ lâu, nay được mở ra và ông lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa. Thấy vậy, mọi người kinh ngạc và thắc mắc không biết rồi đây con trẻ này sẽ ra thế nào vì bé luôn có bàn tay Thiên Chúa phù trợ. Tin đồn đó được lan ra các vùng phụ cận.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta vững tin vào Chúa và tin tưởng nơi Ngài, vì Ngài làm được mọi chuyện, miễn sao chúng ta tin tưởng và cậy trông nơi Ngài cách vững vàng. Mặt khác, khi chúng ta cảm nhận được tình thương của Chúa trên cuộc đời chúng ta, mỗi người hãy cất cao lời tạ ơn Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con vững tin vào Chúa mọi nơi mọi lúc, nhất là những lúc thử thách gian truân. Amen.
Sau những tháng ngày tối tăm trong lòng mẹ, Gioan tiền hô đã ra chào đời giữa niềm vui chào đón của gia đình, gia tộc và làng xóm. Có lẽ niềm vui của họ đầu tiên chỉ vỏn vẹn trong việc được một cậu con trai nối dõi tông đường, được một gậy chống cho tuổi già. Nhưng Thiên Chúa đã ban hơn lòng mong tưởng là không những được thoát khỏi điều sỉ nhục, không còn son sẻ mà con của họ trở thành “vị tiền hô của Đấng tối cao”.
Họ hàng bà con đều tới chúc mừng, không những vì Giacaria là tư tế mà còn vì cậu con sinh ra trong lúc ông bà tuổi đời muộn mằn, chắc phải có một nhiệm vụ gì hơn là nhiệm vụ đứa con của một gia đình (c. 14). Và sau khi sinh ra được tám ngày, theo luật Do thái là làm lễ cắt bì cho con trẻ (Stk 17,12. 21,4; Lev 12,3). Theo luật Maisen thì tám ngày sau khi sinh, dù là vào ngày Sabat (Gio 7,53).
Thật ra nghi lễ cắt bì không phải là việc riêng của hàng tư tế lúc ấy đâu, có thể do bất cứ một người Do thái nào có khả năng hay cả các bà cũng được phép nữa (1Xac 1,63. 2 Mac 6,10), Cũng có thể làm tại tư gia. Tuy nhiên tại mỗi thành phố cũng có một nhân viên về việc cắt bì mà người ta gọi là Mohel, là một người kinh nghiệm và có khả năng. Trường hợp con ông bà Giacaria làm tại nhà riêng. Và thường là vào giây phút lễ nghi này, người ta đặt cho con trẻ một tên gọi (Stk 17,5-15). Việc cắt bì đây là dấu chỉ làm hòa với Thiên Chúa và thuộc về dân tộc Do thái.
Khi cắt bì cho người con thì họ định lấy tên cha là Giacaria mà đặt tên cho cậu con (c. 59) nhưng mẹ đã không bằng lòng, và đó cũng là ngược lại với phong tục Do thái vì phải tránh húy cha mẹ. Còn bình thường ra người cha chọn và đặt tên cho người con. Có thể vì Giacaria cha đã già nên họ muốn ghi nhớ một hoàn cảnh đặc biệt, cho nên muốn lưu niên tên Giacaria chăng. Nhưng bà mẹ Isave đã can thiệp ngay mà bảo gọi con trẻ là “Gioan” mà không chờ lệnh người cha. Làm thế đúng như lời thiên thần truyền (Lc 1,13). Các giáo phụ Theophil, Euthymiô giả thuyết rằng bà viết được tên đó là bởi ơn Chúa Thánh Thần. Cũng có thể là Giacaria dùng cách viết chẳng hạn mà báo trước cho bà ta rồi.
Nhưng khi thấy vậy, mọi người ngạc nhiên vì tên Gioan không có ai giống như thế trong gia tộc (c. 61). Vì thế người ta đã làm hiệu cho Giacaria xem ý ông muốn ra sao. Giacaria lúc ấy vừa bị câm lại vừa có thể điếc (c. 62). Có người bảo ông bị câm điếc như thế là để khỏi phải cãi nhau xem phải đặt tên nào. Nhưng khi ông xin tấm bảng để viết thì ông viết tên “GIOAN”. Vừa già cả lại vừa câm điếc mà viết đúng tên Gioan nên ai nấy đều chấp thuận vì hai ông bà muốn như thế!
Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông được mở ra nói và nghe được như thường (c. 64), đúgnnhhư lời thei thần truyền (1,20). Ngay lúc ấy, ông dâng lời tạ ơn Chúa. Mọi người lấy làm sợ hãi (c. 65). Tự nghĩ không biết rồi mai đây bé trai này sẽ làm trò trống gì? Thế mà tin đồn về Gioan từ đây lan ra cắp vùng Giudê.
Đó là một câu chuyện mà Thiên Chúa quan phòng đã sửa soạn cho Gioan tiền hô, và là bài học cho mỗi người chúng ta nữa. Thiên Chúa đã tiền định cho đời chúng ta rồi. Vậy đừng tự ti mặc cảm cho rằng có thế giá gì, mình sinh lầm thế kỷ:
“Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Những người ấy hãy nhìn lên, hãy nhận ra địa vị thật của mình. Là con cái Chúa, Chúa không sinh ra để bỏ chợ đâu. Hãy tin vào bàn tay Chúa quan phòng cho đời mỗi người. Có thể chúng ta thấy ở đời mình chẳng có gì cả. Nhưng nên nhớ địa vị vĩnh cửu không hệ tại ở đời này có tiền rừng bạc biển, có sức khỏe như Samson... chú Vọi!!! Giá trị nằm trong tay Thiên Chúa, Thiên Chúa đang dành phần tốt nhất cho từng đứa con trung thành, trung tín hôm nay.
Trong phụng vụ có ba lễ sinh nhật: sinh nhật Chúa Giêsu, sinh nhật của Đức Maria và sinh nhật của Gioan Tẩy Giả. Gioan Tẩy giả là một nhân vật quan trong khi Thiên Chúa mở đầu thời kỳ cứu chuộc được Tân ước gọi là thời sau hết. Ngài có một tiểu sử khá rõ ràng và được Phúc âm nói đến như một vị tiền hô của Chúa Giêsu, một hình ảnh của Đức Kitô.
Vị tiền hô: Đọc lại tiểu sử của Gioan, chúng ta thấy ngài được sinh ra cho một sứ mệnh: con sẽ là tiên tri của Đấng Tối Cao. Một vị tiên tri can đảm không sợ quan quyền cũng như vua chúa, được mọi người kính nể, đến nỗi người ta lầm tưởng ngài là Đấng Cứu Thế. Tuy can đảm, nhưng ngài rất khiêm tốn: Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dâyï giầy cho Người. Và người đã chết một cách anh hùng vì sứ mệnh của mình.
Hình ảnh Chúa Kitô: như Chúa Giêsu sau nầy, ngài được sinh ra một cách lạ lùng và được thiên thần báo trước như Chúa Giêsu; ngài có một cuộc sống khắc khổ như Chúa Giêsu: ăn châu chấu với mật ong rừng; ngài rao giảng thẳng thắn không vì nể ai; ngài bị bắt và bị giết một cách nhục nhã như Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả rõ ràng là hình ảnh của Chúa Giêsu sau nầy
Người Kitô hữu chúng ta học được những gì nơi Gioan Tẩy giả?
Trước hết là phải sống đức tin, làm chứng cho Chúa cách can đảm bằng cuộc sống. Làm Kitô hữu hôm nay thật không đễ dàng gì. Khủng hoảng gia đình ngày càng tăng; cuộc sống càng ngày càng phức tạp; đạo đức suy dồi; giáo dục con cái trở thành một vấn nạn; xã hội đầy hận thù chia rẽ; đời sống đức tin và đạo đức đang giảm sút cách đáng kể; tất cả đều thay đổi một cách quá mau lẹ.
Trước những khó khăn của cuộc sống như thế, nhiều người Kitô hữu cảm thấy chới với, hoang mang. Chúng ta phải làm gì bây giờ? Hãy quay về với với những lời rao giảng cũng như gương sống của Gioan Tẩy Giả. Hãy bắt đầu nơi chính mình: quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng. Hãy trở lại với một cuộc sống gương mẫu cho con cái mình cũng như cho xã hội hôm nay. Can đảm sửa mình, can đảm sống gương mẫu, đó là lời mời gọi của Thánh Gioan Tẩy giả hôm nay.
Sứ điệp: Mỗi người một cách, cuộc đời của Thánh Gioan Tẩy Giả cũng như mỗi người chúng ta, từ lúc thụ thai tới khi sinh ra và qua mọi chặng đường đời, tất cả đều do bàn tay Thiên Chúa can thiệp dẫn đưa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngày Thánh Gioan Tẩy Giả chào đời, mọi người vui mừng ngợi khen cảm tạ Chúa. Sự sinh hạ lạ lùng làm cho mọi người nhận ra bàn tay Chúa phù hộ trẻ này. Con tin rằng cuộc đời mỗi người chúng con, dù trong một hoàn cảnh đặc biệt hay bình thường, cũng đều do bàn tay Chúa can thiệp, do Chúa chuẩn bị và dẫn đưa. Bàn tay Chúa thường nhẹ nhàng, êm ái, âm thầm, con thường không nhận biết, nhưng thực ra, con đang bước theo bàn tay Chúa mở đường. Có những lúc con muốn trốn xa Chúa, nhưng đi đâu cho thoát khỏi bàn tay yêu thương của Chúa. Lạy Chúa, con chỉ biết dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn trìu mến.
Ngày con chào đời, cha mẹ, anh em họ hàng vui mừng vì con. Chắc chắn họ đã để tâm suy nghĩ và tự hỏi: đứa trẻ này rồi sẽ ra thế nào đây? Họ chờ đợi con sẽ lớn lên và trở thành niềm vui, niềm hy vọng và vinh dự cho họ. Nhưng rồi, lạy Chúa, đời con đã làm cho họ đau khổ, buồn sầu và thất vọng. Bàn tay Chúa vẫn ở với con, nhưng con đã vùng vẫy trốn chạy, con xin Chúa dẫn con trở về làm lại cuộc đời.
Hôm nay, con cầu xin Chúa đặc biệt cho các thiếu nhi bị bỏ rơi. Xin bàn tay Chúa dẫn đưa các em gặp được những tấm lòng quảng đại đầy yêu thương. Con cũng cầu xin Chúa cho nhân loại biết tôn trọng sự sống từ trong bào thai, vì các thai nhi cũng là con người do bàn tay Chúa tác tạo nên. Xin Chúa thương xót chúng con. Amen.
1. Maria vừa mới về được mấy bữa, Elizabeth tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh được một con trai, bà con lối xóm nghe tin thì xúm lại chúc mừng. Và khi con trẻ đã được tám ngày thì làm phép cắt bì và định lấy tên cha là Giacaria mà đặt cho nó, nhưng bà E;izabeth bảo đặt tên nó là “Gioan”. Bà con không ai đồng ý nên hỏi ông Giacaria xem đặt tên nó là gì. Ông xin một tấm bảng và viết “Tên nó là Gioan”. Mọi người đều ngạc nhiên và nghĩ thầm rằng: con trẻ này là hồng ân Chúa ban và chắc nó sẽ làm được nhiều việc lạ. Thiên Chúa giữ đúng lời hứa với ông Giacaria. Ông cũng vâng lời Chúa dạy mà đặt tên Gioan cho con.
2. Tên Gioan có nghĩa là “Chúa thương”, là một tên gọi thật lạ, vì trong họ hàng ông bà Giacaria không ai có tên đó (vì theo phong tục phải đặt tên cha hay ít ra một người trong họ). Tên Gioan được chính Thiên Chúa đặt qua lời Sứ thần khi truyền tin cho ông Giacaria khi ông thực hiện sứ mạng tư tế trong Đền thánh (Lc 1,13).
Cái tên Gioan khiến mọi người kinh ngạc, vì khi ông Giacaria viết lên tấm bảng: đặt tên Gioan cho con trẻ, thì miệng lưỡi ông được mở ra, ông hết câm, nói được, và hơn nữa, ông cất tiếng ca tụng Thiên Chúa (Lc 167-79).
Vì thế, ở đây Luca có ý nhấn mạnh: biến cố cắt bì, đặt tên để trình bầy về thân thế và sứ vụ của Gioan, một người được Thiên Chúa thương và tuyển chọn cách kỳ lạ để dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
3. Gioan là tên không có trong gia tộc ông bà Giacaria, mà là tên Thiên Chúa đã đặt cho, ông bà đã vâng theo ý Chúa mà đặt tên cho con trẻ như vậy.
Mỗi người chúng ta sinh ra đều được cha mẹ đặt tên để phân biệt với người khác, nhưng qua bí tích Rửa tội, chúng ta được Chúa đặt tên là “Kitô hữu”, con cái của Người. Điều này gợi lên cho chúng ta niềm hạnh phúc vì được làm con cái Chúa và ý thức mình thuộc về Thiên Chúa, nên phải sống cho Chúa, vì Chúa và với Chúa cho xứng với phẩm giá của mình.
Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả, Giáo hội cũng muốn nhắc nhở mỗi người Kitô hữu về sứ vụ tiên tri và sứ giả của mình. Ngày sinh nhật của thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi các Kitô hữu nhớ lại ngày tái sinh của mình. Ngạn ngữ có câu: “Nếu bạn không trở thành sao sáng ở trên trời, thì ít ra bạn hãy trở thành ngọn đèn soi sáng trong nhà bạn”.
4. Niềm vui cần được chia sẻ cho mọi người.
Viết trình thuật cuộc chào đời của Gioan, Luca hữu ý đề cập đến một lớp nhân vật mà độc giả thường ít chú ý: đó là những người láng giềng của gia đình ông bà Giacaria. Niềm vui không gói kín trong gia đình ông bà. Niềm vui ấy lan tỏa sang những người láng giềng. Khi mô tả những người láng giềng “kinh sợ”, Luca không có ý nói họ bị thất thần vì một tai họa kinh hoàng nào đó. Ở đây thánh Luca dùng kiểu nói trong Cựu Ước diễn tả tâm trạng choáng ngợp trước những “điềm thiêng dấu lạ” là dấu chỉ sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa. Những người láng giềng “kinh sợ” vì cảm kích trước ân phúc quá lớn lao và rõ ràng mà Thiên Chúa đang thực hiện nơi gia đình này.
Mỗi gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi chuyển trao sứ điệp yêu thương cứu độ của Thiên Chua cho người chung quanh. Chúng ta làm việc này trước hết bằng cách mỗi thành viên trong gia đình dứt khoát chọn lựa trung thành với thánh ý Chúa – như ông bà Giacaria khi đặt tên cho con là Gioan.
5. Mỗi người chúng ta sinh ra trong cuộc đời cũng có một sứ mạng để hoàn thành theo ý định của Thiên Chúa. Cách chung, sứ mạng đó nằm trong ơn gọi làm người của mình. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, có khả năng hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa. Con người phải sống theo lương tâm ngay thẳng để sống đúng phẩm giá làm người và hoàn thiện mình mỗi ngày nên tốt hơn. Ngoài ra, Thiên Chúa cũng để cho mỗi người một hoàn cảnh, một địa vị, một khả năng như phương thế để con người sống đúng ơn gọi làm người của mình. Như vậy, giá trị của đời người không hệ tại ở địa vị, hoàn cảnh, hay khả năng mà hệ tại ở việc con người biết nỗ lực hoàn thiện cuộc đời mình cho xứng với phẩm giá con người và xứng danh là con cái Chúa (R. Veritas).
6. Truyện: Một ông cụ quảng đại
Tạp chí “Truyền bá đức tin” có thuật lại một câu chuyện một cụ già Ấn Độ như sau: Lúc còn là thanh niên, anh đã say sưa nghiện ngập đủ mọi thứ: cà phê, thuốc là, rượu mạnh có tiếng. Nhưng rồi một hôm, chàng đọc thấy trên mặt báo lời kêu gọi giúp đỡ chủng sinh ở các giáo phận nghèo. Đọc xong chàng rất đỗi phân vân, một đàng chàng muốn mình phải làm một cái gì đó, đàng khác, chàng thấy những thứ đó quá hấp dẫn, chả có vẻ tội lỗi gì cả.
Tuy niên, chàng đã quyết định: bỏ tất cả... nhưng dần dần với thời gian. Chàng đóng góp số tiền tiêu sài ấy vào quĩ truyền bá đức tin để giúp nuôi ít chủng sinh nghèo. Cứ thế liên tiếp trong mấy mươi năm, nhiều thế hệ chủng sinh, linh mục đã được chàng giúp đỡ. Họ liên lạc thư từ với chàng mỗi lúc một nhiều... Thời gian trôi qua, đến ngày chàng thanh niên nghiện ngập thành ông cụ già 85 tuổi. Ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 85 của cụ, cụ tuyên bố trước mặt họ hàng: “Với những hy sinh suốt mấy mươi năm qua, tôi đã đài thọ cho việc huấn luyện các chủng sinh, và đến nay, con số các linh mục rải rác khắp nơi được tôi giúp đỡ đã lên tới 30 người. Tôi rất hạnh phúc. Tôi đã đầu tư thành công và tôi sẽ còn tiếp tục đầu tư như thế đến giờ Chúa gọi”.
1. Trọng tâm của bài tường thuật là việc đặt tên cho con trẻ, một cái tên đặc biệt:
a/ Không theo tên người cha, việc lấy tên cha đặt cho con không phải là tục lệ, nhưng cũng có xảy ra khi người cha đã cao tuổi;
b/ Lấy một cái tên hoàn toàn không có trong họ hàng;
c/ Cả người cha dù câm và người mẹ đều nhất trí với tên này;
d/ Đó là tên chính Thiên Chúa đã chọn (Lc 1,13).
2. Tên Gioan nghĩa là “Chúa thương”. “Chúa thương” cũng là một ý mà Luca muốn nhấn mạnh trong bài tường thuật này. Bởi thế trong phần nhập đề ngài đã viết: “Nghe biết Chúa quá thương bà như vậy... ” (c. 57). Việc Gioan sinh ra là dấu Thiên Chúa tỏ tình thương: tình thương đối với dân Ngài, đối với vợ chồng Dacaria và đối với bản thân Gioan.
3. Tất cả những chi tiết đặc biệt ấy cho thấy Gioan là một người đặc biệt do Thiên Chúa chọn để trao cho một sứ mạng đặc biệt.
Suy gẫm
1. Con người không phải là một con số vô danh giữa đám đông loài người. Khi sinh ra, mỗi người đều được Chúa trao cho một sứ mạng, một ơn gọi, một ý nghĩa cho cuộc đời người đó sẽ sống. Ơn gọi, sứ mạng và ý nghĩa cuộc đời của Gioan là làm tiền hô cho Chúa Cứu thế. Còn ơn gọi, sứ mạng và ý nghĩa đời tôi là gì?
2. Mặc dù có thể tự mình đến với loài người, nhưng Chúa muốn có người làm tiền hô. Ngày xưa Thiên Chúa dùng Gioan làm tiền hô. Ngày nay Ngài cũng muốn chúng ta làm tiền hô, để Chúa Giêsu đến với tâm hồn từng người trong thế giới hôm nay.
3. Mỗi người chúng ta đều có thể mang tên Gioan nghĩa là “Chúa thương”, bởi vì mỗi người đều là một tác phẩm của tình thương Chúa. Kinh “Cám ơn” chúng ta thường đọc nhắc ta nhớ đến tình thương đó: Chúa đã chẳng để chúng ta là “không đời đời” mà đã sinh dựng nên ta; lại cho ta sinh ra làm người chứ không là gỗ đá hay súc vật; lại cho ta được làm Kitô hữu; có người còn được làm tu sĩ hay linh mục của Ngài...
4. “Ngay lúc ấy, miệng Dacaria lại mở ra, ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 1,64)
Tôi có thói quen: trước khi làm một điều gì tôi luôn cầu nguyện. Tôi cầu xin Chúa cho mình vượt qua mọi chướng ngại và không bao giờ biết đến thất bại. Thành công, tôi hớn hở vui mừng và không ngớt lời tạ ơn Chúa. Lúc ấy, tôi rất hãnh diện với bạn bè. Nhưng khi thất bại, tôi cảm thấy buồn và cô đơn, vì nghĩ rằng Chúa bỏ rơi tôi, và bạn bè cũng xa lánh tôi. Tôi oán trách Chúa và mọi người. Sau này tôi mới hiểu ra đó là con đường tốt Chúa dẫn tôi đi ra khỏi những ảo tưởng về chính mình, về Thiên Chúa cũng như về mọi người.
Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết đường lối của Chúa và cho con theo đúng đường lối Người truyền dạy, để không ngừng chúc tụng Chúa Đấng Cứu Chuộc con.
1. Sau những tháng ngày tối tăm trong lòng mẹ, Gioan Tiền Hô đã chào đời giữa niềm vui chào đón của gia đình, của gia tộc và của làng xóm. Có lẽ niềm vui của họ đầu tiên chỉ vỏn vẹn trong việc có được một cậu con trai nối dõi tông đường, một cây gậy để chống lúc tuổi già. Nhưng Thiên Chúa đã ban cho họ những điều còn hơn lòng họ mong ước: không những họ được thoát khỏi những điều sỉ nhục không còn son sẻ mà con của họ còn trở thành “vị Tiền Hô của Đấng Tối Cao”.
Đọc lại tiểu sử của Gioan, chúng ta thấy Ngài đã được sinh ra cho một sứ mệnh đặc biệt: con sẽ là tiên tri của Đấng Tối Cao. Gioan đã hết lòng hết dạ với sứ mệnh của mình. Ông đã sống thật can đảm, không sợ quan quyền, vua chúa, được mọi người kính nể, đến nỗi có người đã lầm tưởng ông chính là Đấng Cứu Thế. Để chu toàn được sứ mệnh cao cả đó, Gioan đã tự nguyện sống một cuộc sống khắc khổ và hy sinh. Ngài sống khó nghèo như Chúa Giêsu. Ngài rao giảng thẳng thắn không vị nể ai; Ngài bị bắt và bị giết một cách nhục nhã như Chúa Giêsu. Gioan Tẩy Giả rõ ràng là hình ảnh của Chúa Giêsu sau này. Người Kitô hữu chúng ta học được những gì nơi Gioan Tẩy Giả?
Con người không phải là một con số vô danh giữa đám đông loài người. Khi sinh ra, mỗi người đều được Chúa trao cho một sứ mạng, một ơn gọi, một ý nghĩa cho cuộc đời. Ơn gọi, sứ mạng và ý nghĩa cuộc đời của Gioan là làm Tiền Hô cho Chúa Cứu Thế. Còn ơn gọi, sứ mạng và ý nghĩa đời tôi là gì? Sứ mạng của mỗi người chúng ta cũng là sứ mạng làm chứng. Làm chứng bằng chính cuộc sống của mình. Làm Kitô hữu hôm nay thật không dễ dàng gì. Khủng hoảng gia đình ngày càng tăng; cuộc sống càng ngày càng phức tạp; đạo đức suy đồi; giáo dục con cái trở thành một thách thức; xã hội đầy hận thù chia rẽ; đời sống đức tin và đạo đức đang giảm sút đáng lo; tất cả đều thay đổi một cách quá mau lẹ. Trước những khó khăn của cuộc sống như thế, nhiều người Kitô hữu cảm thấy chới với, hoang mang. Chúng ta phải làm gì bây giờ? Hãy quay về với những lời rao giảng cũng như gương sống của Gioan Tẩy Giả. Hãy bắt đầu nơi chính mình: quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng. Hãy trở lại với một cuộc sống gương mẫu cho con cái mình cũng như cho xã hội hôm nay. Can đảm sửa mình, can đảm sống gương mẫu, đó là lời mời gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả hôm nay.
Thứ đến là phải luôn ý thức về tình thương của Chúa. Mỗi người chúng ta đều có thể mang tên Gioan (nghĩa là “Chúa thương”) bởi vì mỗi người đều là một tác phẩm của tình thương Chúa. Nếu chúng ta biết nhìn, chúng ta sẽ thấy cả cuộc đời của chúng ta là một hồng ân. Tất cả là hồng ân bởi vì:
Chúng ta đã được sinh ra với đôi mắt nằm phía trước để luôn nhìn sự việc đang diễn ra thay vì cứ ngoái nhìn lại những điều đã qua. Chúng ta đã được sinh ra với đôi tai - một bên trái và một bên phải - để có thể nghe cả hai phía, để nghe đủ những lời ca tụng cũng như những lời phê bình, để phân biệt đúng sai. Chúng ta đã được sinh ra với một bộ óc nằm dưới hộp sọ, cho dù có nghèo đi chăng nữa chúng ta vẫn luôn giàu có vì chẳng ai có thể lấy cắp được bộ óc sản sinh ra nhiều suy nghĩ và ý tưởng độc đáo của ta.
Chúng ta đã được sinh ra với đôi vai nối liền đôi tay để gánh vác những nhiệm vụ trọng trách. Hơn nữa, một để giúp đỡ bản thân, một để giúp đỡ người khác. Chúng ta đã được sinh ra với một đôi chân dài và lớn để đi nhiều nơi, để mắt được quan sát, để trí não được mở mang. Nhưng chúng ta chỉ sinh ra với một cái miệng, vì miệng là vũ khí sắc bén. Nó có thể làm tổn thương, đau lòng hay giết chết kẻ khác. Hãy ghi nhớ câu nói: nói ít, nhìn thấy và lắng nghe nhiều. Chúng ta được sinh ra với chỉ một trái tim nằm sâu trong lồng ngực, nhắc nhở ta phải trân trọng và biết yêu vô điều kiện.
Cuối cùng, như Giacaria ”khi miệng được mở ra, ông nói được và ngay lập tức ông dâng lời chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 1,64)
Hãy tập cho mình có thói quen: trước khi làm một điều gì phải biết cầu nguyện, cầu xin Chúa cho mình vượt qua mọi chướng ngại và không bao giờ biết đến thất bại. Nếu có thành công, hãy vui mừng và tạ ơn Chúa. Và nhỡ có khi thất bại, chúng ta cũng đừng nản chí buồn lòng hay là nghĩ Chúa đã bỏ rơi mình. Đừng bao giờ oán trách Chúa cũng như mọi người. Hãy tin vào đường lối Chúa dẫn chúng ta đi. Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết đường lối của Chúa và cho con theo đúng đường lối Người truyền dạy, để không ngừng chúc tụng Chúa, Đấng cứu chuộc con. (Epphata).
Bà Isave cưu mang thánh Gioan Tẩy Giả trong cung lòng của bà chín tháng mười ngày, rồi sau đó thánh Gioan Tẩy Giả được chào đời và đi vào cuộc sống trần thế để làm tiền hô cho Chúa. Thánh Gioan sinh ra đời là niềm vui cho ông Zacaria và bà Isave, cũng như với những người bà con thân thuộc lối xóm của gia đình ngài. Ông Zacaria suốt thời gian bị câmnhư là để ông lui vào nơi yên tĩnh của gia đình, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài để dành thời gian suy nghĩ ơn Chúa ban cho gia đình ông quá lớn lao. Có lẽ trong suốt thời gian toàn tâm suy gẫm những ơn lành Chúa ban, nên phần nào ông đã hiểu được thánh ý của Chúa, để cộng tác với ơn Chúa bằng cách bảo vệ, nâng đỡ, chở che cho thánh Gioan chu toàn sứ mạng tiền hô của Chúa trao phó.
Ngày thánh Gioan chào đời là ngày rất quan trọng, vì một con người đã hiện hữu, và tiếp đến, tám ngày sau làm phép cắt bì cho ngài cũng là ngày không kém quan trọng, cho nên bà con lối xóm đến với gia đình ngài rất đông để chia vui, để chúc mừng, để nghe biết tên cho ngài.
Ông Zacaria và bà Isave đã cưu mang và sinh ngài ra, cho nên các ngài có quyền đặt tên cho ngài. Cha ngài đã xin tấm bảng và ghi tên ngài là Gioan. Lập tức ông Zacaria đã nói được bình thường. Lời thiên thần Gabriel đã nói khi ông được truyền tin giờ này đã hoàn toàn ứng nghiệm. Qua đó, chúng ta thấy Chúa không bao giờ bỏ quên lời hứa, Chúa sẽ tìm cách để giúp đỡ con người chúng ta để rồi chúng ta chu toàn việc làm chứng mà Chúa đã trao phó cho chúng ta.
Điều đầu tiên khi ông mở miệng nói được là ôngca ngợi Chúa đã thương gia đình ông, ban cho gia đình ông muôn vàn ơn phúc, để qua đó gia đình của ông được như thế này và cũng là nền tảng bước đầu để thánh Gioan thực hiện sứ mạng tiền hô.
Chứng kiến nhiều việc rất lạ lùng như thế, tất cả mọi người hôm đó đều để tâm khâm phục, tán dương và loan truyền danh Chúa cho những người khác, và hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng: Con trẻ này rồi sẽ nên như thế nào? Vì quả thật, bàn tay Chúa ở với nó (Lc 1, 56).
Thánh Gioan chào đời là niềm vui cho con người chúng ta. Cuộc sinh ra đời của ngài báo trước ngày sinh nhật của Chúa. Vì thế, Chúa sinh xuống thế làm người, trần gian chúng con vui mùng vô cùng. Vì từ đây, Chúa luôn ở bên cạnh chúng con, dẫn dắt chúng con đi về với Chúa Cha một cách bảo đảm và chắc chắn nhất. Chúng ta đi theo sự hướng dẫn của Chúa, chúng ta sẽ không lầm đường lạc lối, chúng ta sẽ tới đích chúng ta mong ước.
Lạy Chúa, Chúa thương chúng con là những người thấp hèn, yếu đuối, tội lỗi, vì thế khi Chúa làm điều gì có lợi cho chúng con, Chúa biết chúng con kém cõi, khó hiểu biết, khó tiếp nhận cho nên Chúa luôn tìm cách giúp chúng con chuẩn bị một cách kính cẩn đàng hoàng tử tế để chúng con lãnh nhận ơn Chúa cách hiệu quả nhất, chúng con xin chân thành tri ân cảm tạ Chúa, chúng con xin Chúa tiếp tục yêu thương, nâng đỡ, đừng bỏ rơi và mau kíp thực hiện chương trình của Chúa dành riêng cho mỗi người chúng con. Amen.
Qua Lời Tổng Nguyện của Ngày 23 Tháng 12 hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúng ta sắp mừng lễ Giáng Sinh của Con Chúa. Người là Ngôi Lời đã không quản mặc lấy xác phàm trong lòng Trinh Nữ Maria và ở giữa chúng ta, thì xin Người cũng tỏ cho chúng ta là tôi tớ thấp hèn thấy lòng Chúa từ bi nhân hậu.
Thấy lòng Chúa từ bi nhân hậu, thấy ơn cứu độ phổ quát Chúa dành cho mọi dân mọi nước, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Ơn cứu độ được hứa ban cho con cái Ítraen. Sự phong phú của dân thuộc giao ước mới vượt xa sự phong phú của chính tổ phụ Ápraham, cha của một số đông đảo các dân tộc. Ước chi viễn ảnh cứu độ này làm nảy sinh trong tâm hồn chúng ta tiếng kêu nồng nàn hướng về ngày Thiên Chúa hoàn tất kế hoạch cứu độ: Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến! Hỡi dân tộc của Ta, hãy chăm chú nghe Ta. Hỡi chi tộc của Ta, hãy lắng tai nghe Ta. Đấng Công Chính của Ta đã gần kề, Đấng Cứu Độ của Ta sắp xuất hiện. Giờ đây những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về, vừa tiến đến Xion, vừa ca hát.
Thấy lòng Chúa từ bi nhân hậu, khi Người trở nên bé nhỏ nghèo hèn trong kiếp phàm nhân, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Hipôlytô nói: Ngôi Lời thâu tóm tất cả những gì các ngôn sứ đã nói, khi minh chứng rằng chính Người là Ngôi Lời, nhờ Người vạn vật được tạo thành… Một trẻ thơ sẽ chào đời, danh hiệu Người là Thiên Chúa dũng mãnh. Chính Người sẽ ngự trên ngai vàng vua Đavít tổ tiên Người, sẽ nắm quyền thống trị, sẽ gánh vác quyền bính trên vai. Nơi Người có sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
Thấy lòng Chúa từ bi nhân hậu, khi Người ban đường lối, những huấn lệnh của Người để chúng ta biết đường về cõi sống, như trong bài đọc một của Thánh Lễ,Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Malakhi rằng: Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 24, vịnh gia đã kêu xin: Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc. Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Đức Kitô là Vua muôn nước, là đá tảng góc tường của tòa nhà Giáo Hội. Xin ngự đến và cứu độ con người, Chúa đã lấy đất mà dựng nên. Trong bài Tin Mừng, thánh Luca tường thuật: Ông Gioan Tẩy Giả chào đời. Ông Gioan Tẩy Giả đi trước, dọn đường cho Vua muôn nước ngự đến cứu độ tất cả loài người. Đấng vốn dĩ vô hình, nhưng vì thế giới thụ tạo, Người đã trở nên hữu hình. Người là ánh sáng phát xuất từ ánh sáng. Người là trí thông minh của Thiên Chúa, nhưng vì để cứu độ loài người, trí thông minh đã đi vào trần gian, đã tỏ ra mình là tôi trung của Thiên Chúa. Chúa Cha muốn được ta tin thế nào, ta hãy tin như thế. Chúa Cha muốn Chúa Con được tôn vinh thế nào, ta hãy tôn vinh như vậy. Chúa Cha muốn Chúa Thánh Thần được ban tặng thế nào, ta hãy đón nhận như thế. Chúng ta đừng theo ý muốn, cảm nghĩ và sức lực riêng, mà tìm hiểu những gì Thiên Chúa ban cho, nhưng, chính Thiên Chúa muốn dùng Kinh Thánh mà dạy dỗ chúng ta thế nào, chúng ta hãy hiểu như vậy. Thiên Chúa là Đấng duy nhất đã có từ trước muôn đời. Người nghĩ, Người muốn, Người phán là thế giới được tạo thành. Ngay lập tức, thế giới hiện hữu như Người muốn và Người đã làm cho nó nên hoàn hảo theo ý muốn của Người. Chúng ta sắp mừng lễ Giáng Sinh của Con Chúa. Người là Ngôi Lời đã không quản mặc lấy xác phàm trong lòng Trinh Nữ Maria và ở giữa chúng ta, ước gì chúng ta là tôi tớ thấp hèn thấy lòng Chúa từ bi nhân hậu. Ước gì được như thế!