THÁNH GIUSE, MẪU GƯƠNG CÁC GIA TRƯỞNG trích Trái Tim Hiền Phụ - Bài 18 + Tgm Ngô Quang Kiệt

Thứ ba - 29/03/2022 23:33
THÁNH GIUSE, MẪU GƯƠNG CÁC GIA TRƯỞNG trích Trái Tim Hiền Phụ - Bài 18 + Tgm Ngô Quang Kiệt
THÁNH GIUSE, MẪU GƯƠNG CÁC GIA TRƯỞNG trích Trái Tim Hiền Phụ - Bài 18 + Tgm Ngô Quang Kiệt
THÁNH GIUSE,
MẪU GƯƠNG CÁC GIA TRƯỞNG
trích TRÁI TIM HIỀN PHỤ - Bài 18 - trg 110-121 + Tgm Ngô Quang Kiệt)
--------------------------------

1. Nhận Đức Mę làm bạn. 1
2. Chúa giáng sinh tại Bêlem.. 2
3. Thánh gia chạy trốn sang Ai cập. 4
4. Đi lễ Đền Thờ Giêrusalem.. 5
5. Chúa Giêsu phát triển toàn diện. 6

-------------------------------

Thánh Giuse được Thiên Chúa trao phó một gia đình. Điều hành một gia đình là điều rất khó khăn. Đặc biệt Thánh Gia đã phải trải qua rất nhiều thử thách. Nhưng thánh Giuse đã hoàn thành nhiệm vụ. Điều hành gia đình thành công. Ta hãy chiếm ngưỡng thánh Giuse trong Tin Mừng để học hỏi tấm gương điều hành gia đình của ngài. Tin Mừng trình bày thánh Giuse trong vai trò gia trưởng, nổi bật ở 5 tình huống.

 

1. Nhận Đức Mę làm bạn


Tin Mừng Matthêu thuật lại:

“Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định iâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thân Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta." Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su." (Mt 1,18-25).

Sứ thần bảo thánh Giuse: ĐỪNG NGẠI. Ngại ngùng là tâm lý thời đại. Càng ngày người ta càng ngại khó. Muốn an thân sống thoải mái cho riêng mình. Không muốn đảm nhận trách nhiệm. Nhưng sứ thần Chúa bảo thánh Giuse đừng ngại. Hãy về nhận lấy trách nhiệm.

Hãy nhận trách nhiệm làm chồng. Vì thánh Giuse đã thành hôn với Đức Mẹ.

Vào thời ấy, người chồng được gọi là “trượng phu". Người đứng mũi chịu sào. Người cây cao bóng cả. Cho người bạn đời ẩn nắp, cậy dựa. Đức Mẹ đang cần một bậc trượng phu đứng mũi chịu sào trước mặt thế gian. Cần nơi vững chắc để cậy dựa. Đặc biệt lúc sinh con. Thánh Giuse đã vâng lời Chúa. Nhận trách nhiệm trượng phu. Nhận lấy Đức Mẹ để nâng đỡ, chăm sóc.

Tuy nhận hết trách nhiệm với Đức Mẹ, nhưng thánh Giuse vẫn hết sức yêu thương và tôn trọng Đức Mẹ. Vào thời trọng nam khinh nữ, người gia trưởng có uy quyền tuyệt đối trong gia đình. Nhưng thánh Giuse rất yêu thương và tôn trọng Đức Mẹ. Đối xử với Đức Mẹ bằng tất cả sự tế nhị. Trân trọng linh hồn Đức Mẹ đang chất chứa mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trân trọng thân xác Đức Mẹ đang cưu mang Ngôi Lời nhập thể. Đón nhận Đức Mẹ như Đức Mẹ là. Không thắc mắc. Không đòi phải theo ý mình. Không hiểu hết. Nhưng vẫn yêu thương và tôn trọng. Thánh Giuse quả là một bậc trượng phu cao thượng.

Hãy nhận trách nhiệm làm cha. Vào thời xa xưa, con cần phải có cha. Ngôi Hai giáng trần cần có người cha trước mặt người đời. Đặt tên là có quyền. Thiên Chúa truyền cho thánh Giuse đặt tên cho Chúa Giêsu là cho ngài quyền làm cha nuôi Chúa Giêsu. Nhờ đó trước mặt người đời, Chúa Giêsu có một người cha. Đang khi kê khai sổ sách thì Chúa Giêsu sinh ra. Lập tức Chúa được ghi tên vào sổ của đế quốc La mã. Chính thức ghi tên vào gia đình nhân loại. Để trở thành một con người, trong một gia đình và trong một dòng tộc. Mọi người vẫn coi Chúa Giêsu "là con bác thợ mộc" (Mt 13,55). Điều đó chứng tỏ thánh Giuse yêu thương chăm sóc Chúa Giêsu đặc biệt. Suốt đời lao động vất vả để nuôi dưỡng Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

Đó là một tấm gương lớn cho chúng ta ngày nay. Ngày nay, người ta ngại trách nhiệm. Và càng ngại khó khăn. Muốn sống cho bản thân. Không muốn nhận trách nhiệm. Càng không muốn xả thân hi sinh cho người khác. Người gia trưởng cần noi gương thánh Giuse. Dám nhận trách nhiệm. Quảng đại quên mình lo cho vợ con. Luôn che chở bao bọc những người trong gia đình. Có như thế gia đình mới ấm êm hạnh phúc.

 

2. Chúa giáng sinh tại Bêlem


Tin Mừng Luca thuật lại:

“Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành vua Đa-vít, tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong
nhà trọ" (Lc 2,1-7).

Tình huống này nói lên tinh thần trách nhiệm và vai trò gia trưởng của thánh Giuse.

Thánh Gia ở trong một tình trạng khốn khó và cấp bách. Đức Mẹ đến ngày mãn nguyệt khai hoa. Nhà trọ không có chỗ. Trăm sự đổ lên đầu thánh Giuse. Trong tình hình này có những người than thân trách phận. Ngồi than thở và không biết phải làm gì. Đành bó tay mặc cho số phận. Đổ lõi cho hoàn cảnh.

Nhưng thánh Giuse đảm nhận trách nhiệm. Ngài làm hết mọi sự có thể. Sau khi tất bật chạy từ nhà trọ này đến nhà trọ khác mà không thành công. Ngài đã nghĩ đến những căn nhà bỏ hoang. Và cả chuồng súc vật. Trường hợp này khiến ngài vất vả hơn. Quả nhiên ngài tìm được một chuồng súc vật. Chuồng súc vật chắc chăn là ngổn ngang và bẩn thỉu. Nào là bụi bặm. Nào là thức ăn vương vãi. Nào là phân súc vật ngổn ngang. Và cả rác rưởi của những người chăn súc vật để lại. Không một phút chậm trễ, ngài bắt tay vào dọn dẹp. Sắp xếp lại súc vật và đồ đạc. Chuồng súc vật bỗng trở nên một căn phòng ấm cúng và sạch sẽ. Sạch đến nỗi Ba Vua không ngần ngại quì gối phủ phục thờ lạy Chúa Hài Nhi. Sạch đến nỗi các mục đồng có thể ngồi chơi, sau khi thờ lạy Chúa.

Quét tước sạch sẽ. Dọn dẹp gọn ghẽ. Ngài nghĩ đến chỗ nằm cho Hài Nhi. Trong chuồng bò chẳng có gì ngoài máng cho súc vật uống nước. Chắc chắn là bẩn thỉu. Nhưng thánh nhân rửa ráy kỳ cọ sạch sẽ. Ngài tìm những cọng rơm sạch nhất. Tìm những nhánh cỏ mềm nhất. Lót thành chiếc chiếu trải trên chiếc máng. Thế là thành chiếc giường cho Hài Nhi. Đức Mẹ tháo chiếc khăn che đầu phủ lên chiếu rơm. Đã có đệm cho Chúa nằm.

Sau này khi phải trốn sang Ai cập, thánh Giuse cũng phải cấp tốc làm một căn nhà hoặc một túp lều cho Chúa ngự. Dù trong hoàn cảnh nào ngài vẫn lo mọi việc tươm tất. Đó là trách nhiệm người làm gia trưởng. Đó là tình yêu. Với tình yêu người ta biết phải làm gì trong bất cứ hoàn cảnh nào. Với sự tận tâm phục vụ và tình yêu, chuồng bò cũng có thể biến thành căn phòng ấm cúng. Máng súc vật uống nước cũng có thể trở thành chiếc nôi êm ấm.

Đó là tám gương cho người gia trưởng. Không ngồi thụ động. Càng không than phiền số phận. Trong hoàn cảnh nào cũng hăng hái bắt tay làm việc. Càng khó khăn càng thể hiện vai trò gia trưởng. Trong lúc hoàn cảnh bi đát, người gia trưởng phải có tinh thần lạc quan. Trong lúc bế tắc, người gia trưởng phải tìm thế khai thông. Trong lúc ngồn ngang công việc, người gia trưởng không ngại xắn tay áo bắt tay ngay vào việc. Tạo ra một mái ấm với những gì tối thiểu. Đó là trách nhiệm người gia trưởng.

 

3. Thánh gia chạy trốn sang Ai cập


Tin Mừng Matthêu thuật lại:

“Khi các nhà chiếm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-để sắp tìm giết Hài Nhi đấy!" Ông Giu-se liên trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho
đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập" (Mt 2,13-15).

Cứ chiếm ngắm các bức hoạ vẽ cảnh Thánh Gia chạy trốn sang Ai cập, ta thấy ngay trách nhiệm gia trưởng của thánh Giuse. Nhiều bức hoạ vẽ Đức Mẹ bế Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa. Sản phụ trùm mình và Hài Nhi trong chiếc khăn lớn. Thánh Giuse một tay dắt lừa, một tay cầm đèn. Đi chân không. Đêm tối, nhưng thánh nhân không lo nhìn đường. Trái lại cứ quay lại nhìn Hài Nhi và Mẹ Người. Vì lo cho hai người yếu ớt sơ sinh. Không biết có chịu nổi mệt nhọc và sương đêm không. Thật là trách nhiệm gia trưởng cao độ. Hoàn toàn quên mình để chăm sóc cho vợ con. Bảo vệ những người thuộc về mình.

Cuộc chạy trốn sang Ai cập còn nói lên trách nhiệm của người làm cha. Chăm lo cho con cái. Bảo vệ con cái khỏi những nguy hiểm do kẻ xấu mang đến. Kẻ xấu xưa kia là Hêrôđê. Hêrôđê tàn ác, dối trá, và nhục dục. Ngày nay có nhiều Hêrôđê mới cũng rình bắt giết trẻ thơ. Giết thân xác như nạn xì ke ma tuý, rượu chè. Tệ nạn đưa vào tù tội và án tử. Giết linh hồn như bạn xấu, sách báo phim ảnh xấu. Internet và điện thoại là con dao hai lưỡi. Có thể giúp ích. Nhưng cũng có thể giết hại. Nhiều người trẻ bị lừa trên mạng. Rơi vào nghiện game, nghiện phim. Nhiều bậc cha mẹ chưa ý thức được nguy hại ấy khi cho con nhỏ chơi điện thoại để được rảnh rang lo công việc, không bị trẻ quấy rầy.

Thánh Giuse thể hiện trách nhiệm làm cha. Bảo vệ con thơ khỏi những kẻ xấu nguy hiểm. Con cái là quý nhất. Nên bằng mọi giá phải bảo vệ con cái. Dù phải chống lại những thế lực sự dữ hung hãn. Dù phải bỏ nhà bỏ cửa. Dù phải vất vả thức đêm thức hôm. Dù phải vượt đường xa vạn dặm đưa con chạy trốn. Dù phải bỏ công ăn việc làm. Phải vất vả mưu sinh nơi xứ lạ quê người.

Thánh Giuse là mẫu gương gia trưởng. Người đứng đầu gia đình phải lo cho mọi người trong nhà được an toàn trong những lúc hiểm nguy. Khoẻ mạnh để giúp người yếu ớt. Đứng đầu để phục vụ. Điều hành với trách nhiệm.

 

4. Đi lễ Đền Thờ Giêrusalem


Tin Mừng Luca thuật lại:

“Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trấy hội đến Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lë" (Lc 2,41-42).

Việc đi lễ Đền Thờ Giêrusalem là hình ảnh rất đẹp của Thánh Gia. Thánh Gia luôn ở cùng nhau. Không thấy cảnh nào không quy tụ tất cả gia đình. Ta thường thấy những bức tranh vẽ cảnh Thánh Gia cùng nhau làm việc. Thánh Giuse đang đóng bàn ghế. Bên cạnh đó Đức Mẹ đan áo. Chúa Giêsu bé nhỏ chơi đùa bên cha mẹ.

Nhưng có hai cảnh cảm động. Là Thánh Gia cùng nhau đi trốn sang Ai cập. Và cùng nhau đi lễ Đền Thờ.

Việc trốn chạy là việc khó khăn và cấp bách. Nhiều gia đình lo trốn chạy nên không quy tụ đủ mọi thành phần trong gia đình. Khi di cư từ Bắc vào Nam, nhiều gia đình bị phân tán. Chồng Nam vợ Bắc. Cả trong cuộc di tản từ Việt nam ra nước ngoài cũng thế. Nhiều gia đình bị phân tán làm nhiều mảnh. Những cuộc chia ly như thế rất nguy hiểm. Nhiều gia đình đi đến tan vỡ. Nhưng Thánh Gia lúc nào cũng đi cùng nhau. Nên bảo vệ được gia đình. Đặc biệt là Thánh Gia luôn cầu nguyện cùng nhau. Không thấy Tin Mừng nói Thánh Gia cầu nguyện trong gia đình. Nhưng Tin Mừng cho biết Thánh Gia đi lễ Đền Thờ Giêrusalem cùng nhau. Và việc Thánh Gia cùng nhau đến hội đường ngày thứ bảy vốn là thói quen. Tin Mừng Luca ghi nhận:

 “Rồi Đức Giêsu đến Nazareth, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh" (Lc
4,16).

Người về Nazareth và làm việc vẫn quen làm từ thời thơ ấu. Như thế, Thánh Gia đã tạo nên thói quen cùng nhau đi cầu nguyện tại hội đường vào ngày sabát, là ngày lễ nghỉ của người Do Thái. Thói quen đó ăn sâu vào sinh hoạt. Nên sau này, Chúa Giêsu vẫn giữ thói quen đó. Đặc biệt khi trở lại Nazareth, nơi Người đã tập thành thói quen đó.

Điều hành một gia đình ổn định về kinh tế đã khó. Để gia đình sống ấm êm hạnh phúc càng khó hơn. Nhưng để giữ vững đức tin thật vô vàn khó khăn. Đặc biệt trong thời đại tục hoá hôm nay. Muốn gia đình ấm êm hạnh phúc và giữ vững đức tin, người gia trưởng phải hết sức tận tình. Phải cùng ăn,  cùng ở, cùng làm, với nhau. Đừng lo cho riêng mình. Đừng có những vui thú ích kỷ riêng tư. Phải toàn tâm toàn ý cho gia đình. Trong mọi sinh hoạt, người gia trưởng phải có mặt. Và trong đời sống đức tin, gia trưởng vừa phải gương mẫu, vừa phải tổ chức, đôn đốc cả nhà cùng nhau đọc kinh, cùng nhau đi lễ. Khi người gia trưởng vừa lo cho cả gia đình, vừa gương mẫu cho cả nhà, gia đình mới có nề nếp, và đặc biệt được nuôi dưỡng trong đức tin.

 

5. Chúa Giêsu phát triển toàn diện


Tin Mừng Luca tóm tắt thời thơ ấu của Chúa Giêsu bằng một câu ngăn gọn:

“Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta" (Lc 2,51-52). Thật là một hình mẫu phát triển toàn diện.

Về sức khoẻ.

Chúa Giêsu càng thêm tuổi càng thêm cao lớn. Và khoẻ mạnh. Chiêm ngắm đời sống của Chúa ta thấy Chúa có sức khoẻ dẻo dai. Có thể nhịn ăn bốn mươi đêm ngày thì sức lực không phải yếu ớt. Chịu được khí hậu khắc nghiệt trong sa mạc cũng đòi có khả năng thích nghi nhạy bén. Vì trong sa mạc ban ngày trời rất nóng, và ban đêm lại rất lạnh.

Chiêm ngắm một ngày làm việc của Chúa ta càng thấy Chúa có sức khoẻ phi thường. Sáng sớm Người đã thức dậy một mình lên núi cầu nguyện. Ban ngày Người vào hội đường giảng dạy. Giảng dạy rồi Người đi thăm các nhà. Vào nhà ông Simon Phêrô. Và chữa bệnh. Cả một đám đông bệnh tất tuốn đến. Dường như Chúa có thì giờ cho mọi người. Gặp gỡ người này. Chuyện trò với người kia. Việc chữa bệnh nhiều khi cũng lắm công phu. Như việc chữa người mù. Chuyện trò với người phong. Đưa tay chạm vào vết thương của anh. Và truyền cho anh đi trình diện với vị tư tế. Có khi Chúa muốn nghỉ. Nhưng nhìn thấy đám đông, lại chạnh lòng thương nên tiếp tục giảng dạy họ. Đêm đến Chúa vẫn còn làm việc. Nicôđêmô đến gặp Chúa ban đêm. Và chuyện trò lâu giờ. Có những đêm Chúa thao thức cầu nguyện. Thật là sức khoẻ phi thường.

Về trí thông minh của Chúa ít có ai sánh kịp.

Không kể giáo lý cao sâu và phong cách giảng dạy như kẻ có quyền, Chúa còn bày tỏ trí khôn sắc sảo nhanh nhậy. Từ năm Chúa được 12 tuổi, thánh Luca đã ghi nhận:

“Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu" (Lc 2,46-47).

Nhiều lần người ta gài bẫy Chúa. Nhưng Chúa trả lời khôn ngoan, khiến chính những kẻ gài bẫy lại mắc vào bãy do chính họ đặt ra. Thử đưa ra vài trường hợp.

Về việc nộp thuế.

Tin Mừng Máccô tường thuật:

“Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-dê đến cùng Người, để Người phải lỡ lời mà mắc bãy. Những người này đến và nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?" Nhưng Đức Giê-su biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!" Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?" Họ đáp: “Của Xê-da." Đức Giê- su bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." Và họ hết sức ngạc nhiên về Người" (Mc 12,13-17).

Về việc kẻ chết sống lại, người Sađốc không tin, nên gài bẫy hỏi Chúa. Tin Mừng Luca thuật lại:

“Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađőc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thây, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó, để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn để kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa". Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy thấy, Thầy dậy đúng lắm". Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa" (Lc 20,27-40).

Về đức hạnh.

Đời sống của Người hoàn hảo. Không ai chế trách được điều gì. Ngay cả kẻ thù lập mưu hãm hại, rình rập đêm ngày, cũng không bắt bẻ được Người điều gì. Vì thế trong phiên toà xét xử, họ đua nhau tìm bằng chứng tố cáo. Nhưng không đưa ra được tội trạng nào của Người. Tin Mừng Matthêu thuật lại:

 “Các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng thì tìm chứng gian buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình. Nhưng họ tìm không ra, mặc dầu có nhiều kẻ đã
đứng ra làm chứng gian" (Mt 26,59-60).

Đức hạnh của Người được chính Chúa Cha tuyên dương xác nhận hai lần. Khi chịu phép rửa ở sông Giođan.

Tin Mừng Máccô thuật lại:

“Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nazareth miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Người lièn thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bổ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con" (Mc 1,9-11).

Và khi hiển dung trên núi Tabor. Tin Mừng Matthêu thuật lại:

Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ôngÊ-li-a hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!" Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!" Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi" (Mt 17,1-8).

Đó là một đào tạo thành công toàn diện. Ngày nay người ta quá chú trọng đến vật chất, nên đào tạo trẻ em không toàn diện. Hoặc chỉ chú ý tới thân xác. Cho ăn thật nhiều. Đến nỗi nhiều trẻ mắc bệnh béo phì. Hoặc chỉ lo kiếm tiền. Nhiều làng quê có nghề phát đạt. Trẻ em lớn lên đã lao vào làm việc. Vì có tiền. Không chịu đi học. Vì thấy nhiều người có học vẫn thất nghiệp. Tệ hơn nữa, không quan tâm đào tạo đức hạnh. Người có sức khoẻ và có trí thông minh, mà không có đức hạnh là tai họa lớn cho xã hội. Kẻ xấu đã nguy hại cho xã hội rồi. Người xấu mà thông minh thì tai
họa sẽ khôn lường.

Thánh Giuse là mẫu gương chói sáng của các gia trưởng. Đã dám nhận trách nhiệm đứng mũi chịu sào cho gia đình trong lúc khó khăn. Đã hi sinh quên mình để bảo vệ người nhà an toàn. Dám đương đầu với những thế lực hung ác nhất. Gìn giữ gia đình trong đức tin vững mạnh. Giáo dục con cái thành công phát triển về mọi mặt. Xây dựng được gia đình hạnh phúc. Trong tông thư Patris Corde (Trái Tim Hiền Phụ), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả chúng ta hãy đảm nhận trách nhiệm đối với những người chung quanh. Để quan tâm chăm sóc cho nhau. Có thế mới xây dựng thế giới thành một gia đình đầy tình huynh đệ và hạnh phúc.

--------------------------------

Tác giả: + Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây