Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”. Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”. {Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.} - Ðó là lời Chúa.
Trong những ngày vừa qua, những người Việt Nam chịu biết bao cảnh vất vả do thiên tai. Nào TN 28-B201
Trong những ngày vừa qua, những người Việt Nam chịu biết bao cảnh vất vả do thiên tai. Nào là những trận mưa bảo ở miền trung, còn miền nam thì đặt biệt những tỉnh miền tây có một số người ngày ngày phải lênh đênh trên giòng nước, vì không nhìn thấy đất nơi đâu. Họ phải từ bỏ nhà cửa ruộng vườn, cả những gì là tài sản, là phương tiện sinh sống của đời người để ra đi. Họ từ bỏ tất cả không mang theo được gì. Họ ra đi để tìm sự sống. Nếu họ không ra đi, cứ bám vào nhà cửa, tài sản của mình thì có lẽ cả mạng sống của họ cũng không được bảo đảm, đừng nói chi đến tài sản. Chính vì thế họ quyết định từ bỏ tất cả để tìm sự sống, đi tìm cái mà họ biết mai nầy đây họ cũng sẽ mất nó. Cuộc đời của con người được bao nhiêu năm. Thế mà họ vẫn đánh đỗi bằng cả tài sản mình có.
Chàng thanh niên đến với Chúa Giêsu để tìm sự sống. Anh ta tự hào vì mình đã giữ những điều theo lề luật từ thuở bé. Anh ta tự hào vì mình không làm điều gì sai lỗi; điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh ta không làm được điều gì tốt. Chúa Giêsu động lòng thương, nói với anh ta. "Anh chỉ còn thiếu một điều, là bán đi tất cả những gì anh đang có, bố thí cho kẻ khó và đến mà theo Ta". Anh buồn bả bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Những thứ đó đã nhận chìm cuộc đời anh, những thứ đó đã cướp đi sự sống mà anh đang và đã cố công tìm kiếm bấy lâu nay. Những thứ đó đã lôi kéo, làm cho anh không thể bước đi nỗi để tìm sự sống. Những thứ đó đã giết chết cuộc đời của anh, trong khi anh ở kề bên nguồn sống đích thực. Chúa Giêsu đành thất vọng đưa mắt nhìn anh ta ra đi, với những cơn lũ lụt của cuộc đời sẽ nhận chìm anh ta.
Ngày nay những cơn lũ lụt ngày càng nhiều và mỗi ngày một tàn phá cách mãnh liệt hơn. Những ai không biết thoát ra khỏi, sẽ bị nó nhận chìm không thương tiếc. Mỗi người trong chúng ta cũng đang ngụp lặn dưới dòng nước của cơn lũ. Những cơn lũ của tiện nghi vật chất, những cơn lũ của danh vọng giàu sang, cơn lũ của sự tham lam tranh chấp, của sự kiêu căng tự phụ, của sự ích kỷ hẹp hòi....
Chúa Giêsu cũng đưa mắt nhìn mỗi người chúng ta và động lòng thương, Ngài cũng nói với chúng ta: "Con chỉ còn thiếu một điều". Cũng biết bao lần chúng ta buồn bả bỏ đi như chàng thanh niên kia, vì chúng ta có nhiều của cải. Những thứ đã bao vây cả cuộc đời đã nhận chìm không cho chúng ta bước đi thoải mái, vì nó làm nặng nề những bước chân muốn thăng tiến. Nhiều khi chúng ta cũng bàu chữa rằng mình đâu có nhiều của cải vật chất. Đúng đấy, không có nhiều của cải vật chất, nhưng chúng ta có nhiều thứ không thể bỏ đi được. Ai cũng mơ ước đạt đến sự sống đời đời, nhưng không thể bước lên nổi, vì những dòng nước của sợ sệt đã nhận chìm chúng ta. Đó là những lần đáng lẽ phải ra tay cứu gíúp người khác trong cơn hoạn nạn mà chúng ta đã không làm, chúng ta sợ mất mát thiệt thòi, sợ bị phiền hà đến bản thân.
Những dòng nước của sự ích kỷ cũng nhận chìm không biết bao nhiêu người vì sự bủn xỉn tính toán lợi lộc bản thân. Đó là những lúc chúng ta làm ngơ trước những sự bất công, đôi khi chúng ta còn cộng tác trực tiếp hay gián tiếp vào đó nữa. Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy bán những thứ đó đi cho ngưới nghèo khó để có thể nhẹ nhàng mà bước đi theo Ngài. Bao nhiêu lần chúng ta quay lưng lại, bao nhiêu lần chúng ta không muốn tìm đến sự sống, mặc dù rất nhiều lần chúng ta ở kề cận bên ngồn sống của Thiên Chúa. Nhiều lần chúng ta vẫn thích ngụp lặn dưới những cơn nước lũ của cuộc đời hơn là bỏ đi một chút của cải riêng tư, bỏ đi một chút tính toán, bỏ đi một chút nóng nảy ganh tỵ, để cho con người chúng ta nhẹ nhàn mà tìm đến sự sống. Chúng ta càng không dám tự hào như chàng thanh niên là đã giữ trọn các điều răn từ thuở bé. Vậy thì có gì để bám víu mà không chịu bước đi theo lời mời gọi của Chúa Giêsu nói với từng người chúng ta qua bài Phúc Âm hôm nay.
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta biết từ bỏ những gì làm vướng bận, để tìm được nguồn sống đích thực.
LÀM SAO TIỀN CỦA KHỎI LÀM CẢN TRỞ MỐI LIÊN HỆ VỚI CHÚA
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay kêu gọi người tín hữu minh định lại những giá trị ưu tiên cho cuộc TN 28-B202
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay kêu gọi người tín hữu minh định lại những giá trị ưu tiên cho cuộc sống. Trong Phúc âm Chúa dạy các tông đồ những giá trị quan trọng cho việc thiết lập và mở mang nước Chúa. Trong bậc thang giá trị của người Kitô giáo thì những giá trị vật chất phải nhường chỗ cho những giá trị tinh thần, và những giá trị tinh thần phải nhường chỗ cho những giá trị thiêng liêng. Tác giả bài trích sách Khôn ngoan hôm nay nhìn thấy giá trị đích thực là sự khôn ngoan được Chúa ban. Ðạt được sự khôn ngoan là vượt trên hết mọi sự vật ở trần gian. Còn bài Phúc âm nhắc nhở cho người tín hữu việc làm môn đệ đòi hỏi một đức tin quả quyết và lòng tín thác vững bền. Làm môn đệ đòi hỏi người tín hữu phải trả một giá cả nào đó.
Người thanh niên trong Phúc âm không muốn trả giá, không muốn mạo hiểm để làm môn đệ. Anh ta muốn giữ của cải để bảo đảm cho cuộc sống vật chất, để phòng thân, và để dưỡng già. Khi Chúa bảo anh ta bán của cải mà cho người nghèo đói, rồi đi theo Chúa: Anh ta sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải (Mc 10:22). Người thanh niên không muốn trả giá để làm môn đệ. Anh ta đã nhận được nhiều về của cải vật chất mà không muốn chia sẻ để làm vinh danh Chúa. Anh ta muốn giữ của để bảo đảm cho sự an toàn về vật chất và để dưỡng gìà. Của cải vật chất đã ràng buộc anh ta lại mà không cho phép anh đi theo Chúa. Nói tóm lại người thanh niên không có đủ đức tin vì đức tin luôn là lời mời gọi từ bỏ.
Thiên Chúa tạo dựng loài người với những nhu cầu vật chất để giúp cho việc sinh tồn và phát triển đời sống. Vật thái độ của người tín hữu đối với của cải là tâm tình biết ơn: biết ơn Chúa là Ðấng đã ban phát mọi sự để chia sẻ.
Người tín hữu phải nhớ rằng của cải vật chất có thể làm cản trở cho đời sống thiêng liêng và cho phần rỗi linh hồn như Chúa Giêsu cảnh giác: Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao? (Mc 10:23). Rồi Chúa tiếp tục: Con lạc đà chui vào lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa (c. 25). Tuy nhiên Chúa cũng nói: Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được (c. 27). Kiểu nói: con lạc đà chui qua lỗ kim là kiểu ngoa ngữ, lối nói phóng đại, có vẻ lạ tai với người đời nay, nhưng lại không lạ tai với người miền Trung Đông, nói tiếng A-ram thời bấy giờ, là tiếng nói hằng ngày của Chúa Giêsu, nên không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa đen. Giàu hay nghèo, tự nó không phải là điều dữ. Giàu hay nghèo tuỳ thuộc vào thái độ của người ta đối với của cải vật chất. Theo tinh thần phúc âm, nếu người ta làm giàu cách bất chính, để lòng trí dính bén vào của cải và coi của cải đời này như là cùng đích, là người ta đi sai đường lối phúc âm. Trải qua suốt dòng lịch sử Giáo hội, có những người Kitô giáo dâng lời khấn nghèo nàn, đẻ mọi sự làm của chung theo tinh thần siêu thoát phúc âm.
Và Chúa Giêsu hứa cho những ai bỏ mọi sự và theo Chúa vì Chúa và vì phúc âm, sẽ nhận được gấp trăm ở đời này và phúc trường sinh ở đời sau (c.29). Không phải ai cũng khấn đức nghèo nàn được. Tuy nhiên ai cũng có thể sống tinh thần nghèo túng và tinh thần siêu thoát của phúc âm. Mỗi người Kitô giáo dù giàu hay nghèo, đi tu hay sống ngoài đời phải cố gắng sống tinh thần siêu thoát của phúc âm khi làm sở hữu chủ của cải và sử dụng không màng của cải, nhưng coi của cải chỉ là phương tiện để duy trì sự sống. Tinh thần siêu thoát của phúc âm phải giúp ta sử dụng, mà không để lòng trí dính bén vào của cải, không coi của cải là cùng đích của cuộc sống. Khi người ta nói người nọ người kia có vẻ siêu, thì không có nghĩa là người đó lơ là, hờ hững, nhưng chỉ có nghĩa là người đó siêu thoát, nghĩa là vượt lên trên. Ðể có thể sống tinh thần siêu thoát, người tín hữu cần xin cho được ơn khôn ngoan để có thể: Coi của cải đời này chẳng là gì so với Ðức Khôn ngoan (Kn 7:8).
Lời Chúa hôm nay mời gọi người tín hữu phải tự xét xem có sự vật gì đã đang ràng buộc người ta trên đường làm môn đệ, điều gì đã làm cản trở cho mối liên hệ giữa Chúa và mỗi người và có gì làm cản trở cho phần rỗi linh hồn? Có bao giờ ta nghe biết có những người dù có đủ mọi sự, nhưng họ vẫn khắc khoải lo âu và không được hạnh phúc. Tại vì họ thiếu sự gì đó. Thánh Âu-tinh là một trong những người đó. Sau khi bỏ mọi sự để theo Chúa, thánh nhân đã tìm được bình an. Thánh Âu-tinh có nhận định cách sâu xa: Lạy Chúa, con đã được dựng nên cho Chúa mà thôi. Và tâm hồn con còn lo âu khắc khoải cho tới khi được an nghỉ trong Chúa. Lời cầu nguyện xin cho được ơn biết sống tinh thần siêu thoát: Lạy Chúa Giêsu! Ðể dạy loài người bài học,
Chúa đã xuống thế sống đời nghèo khó. Xin tha thứ những lần con phung phí tiền bạc cũng như những lần con lười biếng lại còn bủn xỉn, không chịu làm việc và chia sẻ vào việc từ thiện bác ái. Xin dạy con biết noi gương Chúa, tránh những sa hoa phù phiếm và sống tinh thần nghèo khó để sứ điệp Phúc âm được tỏ hiện trong đời sống con. Amen.
CHÚA GIÊ-SU, ĐẤNG KHÔN NGOAN THIÊN CHÚA Ở GIỮA LOÀI NGƯỜI
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Ngọc Khuê)
Kính thưa quý anh chị em,
Khôn ngoan là “quà tặng” thần linh, con người phải ra công tìm kiếm bằng mọi phương tiện Chúa TN 28-B203
Khôn ngoan là “quà tặng” thần linh, con người phải ra công tìm kiếm bằng mọi phương tiện Chúa ban, mới hy vọng sở hữu đức khôn ngoan thiêng thánh hướng dẫn trong mọi sự, hầu đạt tới sự sống muôn đời.
Sách Các Vua ghi lại lời cầu khấn của Salomon khi vừa mới đăng quang. Ông cầu nguyện: Lạy Chúa, tôi tớ Chúa đây chỉ là một đứa trẻ, hiểu biết nông cạn, không thể cai trị một dân đông đảo như này. Tôi chỉ xin cho được khôn ngoan để cai trị dân cho phải đạo. Lời cầu xin đã được nhận lời, Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và phán bảo: vì ngươi không xin cho được danh, lợi, thú, được sống lâu dài hay mạng sống quân thù, mà chỉ xin cho được khôn ngoan, thì đây, Ta ban cho ngươi sự khôn ngoan trước ngươi chưa ai có và sau ngươi cũng chẳng ai bằng, ngay cả những gì ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi. Salomon được coi là vị vua khôn ngoan bậc nhất trong lịch sử cứu độ.
Salomon khôn ngoan là vì ông biết cầu xin, còn đây có Đấng khôn ngoan hơn Salomon bội phần: Chúa Giê-su, Đấng là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa, nhập thể làm người, ở cùng, dạy dỗ, dẫn đưa chúng ta vào trong chân lý toàn vẹn, hội nhập vào gia đình Ba Ngôi, để được sống và sống dồi dào.
Bài đọc I, trích sách Khôn ngoan, sưu tập những lời dạy của các hiền nhân Israel. Đối với các ngài, sự khôn ngoan đích thực là nhận biết chân lý, là ơn kính sợ Chúa Trời.
Khôn ngoan thần linh không đến bởi kinh nghiệm cuộc sống, mà do Chúa tặng ban, do Chúa mạc khải. Đó là sự khôn ngoan của “bàn quỳ”, của phủ phục tôn thờ, nghĩa là sự khiêm tốn cầu xin, để được thấu hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa và ơn cứu độ: “Lạy Chúa, xin rộng ban cho con đức khôn ngoan hằng ngự bên tòa Chúa” (Kn 9, 4).
Bài sách thánh diễn tả niềm vui tươi phấn khởi của người nhận ra được chân giá trị của khôn ngoan, nên sẵn sàng đánh đổi tất cả, ra công tìm kiếm. Họ là người sớm nhận ra kho tàng chôn giấu trong ruộng, viên ngọc quý bấy lâu tìm kiếm, vui mừng bán đi tất cả những gì mình có để mua sắm cho được.
Đức khôn ngoan quý trọng hơn trân châu, ngọc bảo, vàng, bạc đem so với nó chỉ như cát bụi, rơm rác...
Ý tưởng khôn ngoan lời sách thánh vừa tuyên đọc nhằm trình bày Ngôi Lời Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian vào thời viên mãn, để mạc khải mầu nhiệm Nước Thiên Chúa cho những ai khao khát kiếm tìm.
Bài Phúc Âm hôm nay mở lối cho tất cả những ai khao khát kiếm tìm Đức Khôn ngoan.
Người thanh niên giầu có tìm gặp Chúa Giê-su, xin được chỉ dẫn con đường nên trọn lành, giúp anh đạt tới sự sống đời đời.
Nhắc tới người thanh niên giầu có, Ma-cô muốn nói với độc giả rằng: của cải không phải là cùng đích, vẫn còn một điều quan trọng hơn gấp bội “sự sống đời đời”.
Người thanh niên đã có một nếp sống nhân bản đạo đức khá hoàn hảo: “Thưa Thầy, mọi giới răn, tôi đã tuôn giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10, 20).
Tuy nhiên, để gia nhập Nước Chúa, đời sống công chính tự nhiên, nhân bản chưa đủ, nó mới chỉ như mảnh đất tốt chuẩn bị cho hạt giống Tin Mừng, điều cần là Lời Chúa phải được vãi gieo.
Chúa Giê-su gieo vào tâm hồn người thanh niên giầu có hạt giống yêu thương, bác ái sẻ chia, Người mời gọi: “Con chỉ còn thiếu một điều, đi bán những gì con có mà cho người nghèo, con sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Ta” (Mc 10, 21).
Thật ra, đây không phải là một đòi hỏi, đơn giản chỉ là một mời gọi đặt căn bản trên một nguyên lý hài hòa, cân bằng: “Vét cạn để đong đầy”. Một cái bình chứa đầy tới miệng sẽ không thể thêm vào bất cứ thứ gì, nó sẽ tràn ra, chỉ khi đổ đi hết mới có thể tiếp nhận rượu mới. Tâm hồn con người cũng vậy, nếu chất đầy mọi ước muốn: tham, sân, si, thì lấy chỗ đâu cho lời cứu độ lọt vào. Cần bán đi và bán đi tất cả, mới có khoảng trống để tiếp nhận Tin Mừng của Chúa.
Qua câu truyện của người thanh niên giầu có, Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta thu tích lời hằng sống là Tin Mừng cứu độ.
Chúng ta có dám mạnh dạn bán những gì mình đang có là tính hư nết xấu, là tham lam, ích kỷ, là ganh tỵ, ngông cuồng, là bất công, dối trá và mọi thứ tệ đoan, nhất quyết mặc lấy Chúa Giê-su, nên đồng hình đồng dạng với Ngài, thu tích cho đầy kho tàng trên trời không ?
Tôi nghĩ câu trả lời và hành động chuẩn chỉ tích cực phù hợp với Tin Mừng luôn là một thách đố, phải có ơn Chúa mới có thể đáp ứng lời mời gọi đầy tính “biện chứng” của Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay.
Bài đọc II diễn giải Lời Chúa như một bản xét mình: lời khôn ngoan của Chúa phơi bày sự thật hiển nhiên của tâm hồn và không ai có thể quanh co, né tránh mạc khải. Lời Chúa phán xét tức thì hành vi nhân linh, quen gọi là tiếng nói lương tâm: làm lành được lương tâm tán thưởng, ngược lại, sẽ bị lương tâm giày vò, cắn rứt.
Tác giải thư Do Thái gọi là sự xuyên thấu, Lời Chúa phân rẽ tâm hồn với thể xác, tâm linh với vật chất, thánh thiện với tội lỗi. Tất cả đều trần trụi, phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.
Thưa anh chị em,
Giáo huấn Lời Chúa mời gọi chúng ta:
Một là: Siêng năng học hỏi, gẫm suy Lời Chúa, vì đó là sự khôn ngoan của Trời. Sự khôn ngoan làm cho chúng ta nhận biết Chúa và dốc lòng yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết cả sức lực, đồng thời, cũng yêu mến anh chị em như chính mình, nhờ đó, người tín hữu có khả năng thực thi ý Chúa, đáng được Chúa chúc phúc và ban ơn.
Hai là: Sống tinh thần hoán cải tận căn, hoán cải không ngừng. Nhờ hoán cải theo Tin Mừng, chúng ta tiếp nhận sự khôn ngoan, không theo kiểu thế gian, cầu lợi lộc, tiền tài, danh vọng, nhưng sống theo Thánh Thần hướng dẫn: công chính, bình an, hy vọng, hiệp thông, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương giữa các dân tộc.
Tiếp nhận Tin Mừng bằng hoán cải, thực thi ý Chúa, là người khôn ngoan, xây nhà trên nền đá vững vàng, dù cho sóng cồn gào thét, bão tố bủa vây, cũng không hề hấn gì, vì có Chúa là nơi ẩn náu, cậy dựa, đỡ nâng.
Xin Chúa thương nâng đỡ và chúc lành cho mỗi người chúng ta. Amen!
(Suy niệm của Lm. Stephen Rocker - JB. Đào Ngọc Điệp, chuyển ngữ)
Anh ấy tự hỏi mình phải làm gì để được sự sống đời đời. Người đàn ông này thật là khác thường. Phúc TN 28-B204
Anh ấy tự hỏi mình phải làm gì để được sự sống đời đời. Người đàn ông này thật là khác thường. Phúc âm ghi lại rằng anh đã chạy đến với Chúa Giêsu - anh nhận ra Chúa Giêsu là người của Thiên Chúa và anh khao khát được Chúa chỉ đường dẫn lối. Hơn nữa, khi được dạy phải tuân giữ lề luật luân lý, anh cho biết mình đã sống một đời công chính.
Rồi chúng ta gặp một chi tiết nhỏ trong tường thuật của Thánh Mác-cô, tuy nhỏ thôi, nhưng lại rất ý nghĩa. Chi tiết ấy kể rằng "Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến." Tình yêu của Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy dấn thân vào đời sống phục vụ quảng đại và không ngừng nghỉ. Bạn hãy liên tưởng đến người phụ nữ đã đổ bình dầu thơm đắt tiền lên chân Chúa Giêsu và việc Người khen ngợi sự hào phóng của bà. Chẳng phải chúng ta dốc hết đời mình một cách bừa bãi như vậy sao? Chúng ta có khuynh hướng chỉ nhỏ một vài giọt dầu thơm quý giá là thời gian, tiền bạc hoặc tài năng của mình, rồi giữ lấy phần còn lại cho riêng mình.
Đối với hầu hết chúng ta, việc tuân giữ Mười điều răn dường như đã quá nặng nề rồi. “Tôi quá bận rộn không thể dự Thánh lễ hằng tuần được”, “bạn phải hòa nhập với thế giới chứ”, “Giáo hội kỳ vọng quá nhiều nơi Dân Chúa.” Bạn hãy nghĩ đến những thí dụ khác về những điều đức tin đòi hỏi chúng ta và hãy nhớ lại rằng Chúa Giêsu đang nhìn bạn với tất cả yêu thương.
Tại sao Chúa Giêsu từ chối cách xưng hô “Thầy tốt lành” của chàng thanh niên giàu có? TN 28-B205
1. Tại sao Chúa Giêsu từ chối cách xưng hô “Thầy tốt lành” của chàng thanh niên giàu có?
2. Phải chăng lời Người khuyên anh ta (c.21) là một sự nguyền rủa quyền chấp hữu và nói lên một quan niệm xã hội về sự phân phối tài sản vật chất?
3. Tại sao những người có của khó vào được Vương Quốc Thiên Chúa?
4. Câu 27 muốn bổ túc các câu trước như thế nào?
5. Phải hiểu theo nghĩa nào lời Chúa Giêsu hứa phần thưởng cho những kẻ từ bỏ mọi sự (c.30)?
6. Lời hứa này phản ảnh những ưu tư gì của cộng đoàn sơ khai?
Mặc dù trong tiết này có nhiều đoạn khác nhau của truyền thống, người ta vẫn có thể thấy đây là một bản văn một chủ đề duy nhất và gồm 3 phần rõ rệt Mc đã coi ba phần này (10,17-22; 10,23-27; 10,28-30.31) như làm nên một khối duy nhất; hẳn ông đã gặp chúng đi chung với nhau trước rồi và sau đó, khi biên soạn, còn liên kết chúng hơn.
I. CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA CHÚA GIÊSU VÀ NGƯỜI GIÀU CÓ
Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với người giàu có (10, 17-22) là tổng hợp một giai thoại tiểu sử trong đó có một chuyện xảy ra giữa hai người và một đối thoại giáo huấn trong đó vấn đề được bàn cãi dưới hình thức hỏi thưa. Câu hỏi được người kia đặt ra nhằm chuyện đạt tới sự sống đời đời (10, 17).
Đối tượng của câu hỏi này - sự hoàn thành cánh chung không có gì là khác thường cả. Kẻ đặt ra nó muốn đối thoại về điều phải làm cách cụ thể để đi theo con đường dẫn đến sự sống mới. Nhưng khi đáp (10,18), Chúa Giêsu không lưu tâm mấy đến nội dung câu hỏi, mà chỉ chú ý đến cách thức kẻ kia xưng hô với Người: “Thầy tốt lành”. Người từ chối cách gọi, viện lẽ rằng không được gọi một ai là “tốt lành”, ngoài Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người kia, một kẻ vùa giàu có vừa đạo đức, phản ảnh cả một ngộ nhận. Qua cử chỉ quỳ gối (10,17) và Cách xưng hô của ông, Chúa Giêsu gặp được cơ hội để đánh tan ngộ nhận này. Chỉ Thiên Chúa là “tốt lành” thôi. Khi nhất quyết chỉnh lại điều người trẻ tuổi đã nói như thế, Chúa Giêsu chuyển hướng anh ta khỏi bản thân Người. Sứ mạng của Người đòi hỏi chỉ mình Thiên Chúa mới đáng nhận các vinh dự thần linh. Ta không thể hiểu lầm ý hướng này trong câu trả lời của Chúa Giêsu được, dù cho tiếng xưng hô “Thầy tốt lành” có thể chỉ là một công thức lịch sự quy ước (trong trường hợp này, Chúa Giêsu đã dùng chữ “tốt lành” cho một nghĩa mà người kia đã không hề nghĩ tưởng), hoặc cho dù - trái ngược với mọi quy ước - tiếng xưng hô đô đã diễn tả tính cách độc đáo của vị “Thầy” này. Trong cả hai trường hợp Chúa Giêsu muốn tránh bị đồng hóa với Thiên Chúa bằng một cách có thể là một sự ngộ nhận.
10,19 trả lời cho đối tượng của câu hỏi 10,17. Chúa Giêsu nhắc lại cho kẻ đối thoại điều anh đã biết từ lâu: nếu muốn tham dự vào sự sống mới, phải chu toàn các nghĩa vụ đối với tha nhân đã được liệt kê trong Thập Điều. Nhưng câu “Tôi phải làm gì?” thực tế có nghĩa “tôi phải làm sao”: tôi phải sống làm sao để tuân giữ giới răn Thiên Chúa, làm sao tôi có thể vâng theo Lề luật? Nên Chúa Giêsu không trả lời được câu hỏi của người giàu có, khi chỉ nhắc lại cho anh các nghĩa vụ đối với tha nhân; và ngay tức khắc anh muốn có những chỉ dẫn chính xác hơn, bằng cách nhấn mạnh rằng mình vẫn trung thành giữ Lề luật (10,20). Vì chợt hiểu rằng kẻ đối thoại muốn xin mình một điều gì khác hơn là giáo huấn xưa nay của bất cứ một giáo sĩ nên Chúa Giêsu chăm chú nhìn anh, và có thế bảo Người nhận ra anh trong giây phút đó; Người đem lòng yêu mến anh, mời gọi anh đi theo làm môn đồ Người (10,21) trước câu hỏi về “sự sống”, Chúa Giêsu đáp lại bằng cách gọi anh vào số các môn đồ, đề nghị anh đi theo Người chẳng đưa ra phương thức, “mẹo vặt” để hoàn tất các quy khoản của Lề luật.
Điều Người muốn nói không thể bàn bạc trong khung cảnh một cuộc đàm thoại thầy trò. Con đường dẫn đến sự sống mà người đưa ra phải đi qua việc bắt chước Người, qua việc sống chung với Người, bởi vì không có cách nào khác để hiểu được sự mới mẻ mà Người muốn mặc khải. Nhưng đi theo Người, nghĩa là trước tiên chấp nhận sống với Chúa Giêsu một cuộc đời lang thang, đầy bất trắc và thiếu thốn, chỉ có thể thực hiện với một điều kiện: phải độc lập. phải thoát khỏi mọi ràng buộc vong thân. Chính vì thế Chúa Giêsu đòi hỏi người giàu có trước tiên phải bán gia tài và cho kẻ nghèo tất cả tiền bạc. Đòi hỏi này được ngỏ cho những ai, với tư cách là môn đồ và về sau là sứ đồ, thuộc nhân thân tín nhất của Chúa Giêsu. Không nên nới rộng nó cho bất cứ ai muốn tiếp nhận sứ điệp của Người. Và đòi hỏi chẳng phải là một lời nguyền rủa quyền chấp hữu kiểu nhị nguyên thuyết (điều hoàn toàn ngược với Do thái giáo và như thế với lịch sử), cũng không phải là một quan niệm xã hội về sự phân phối của cải vật chất. Nó chỉ nhằm sự độc lập của môn đồ. Lời cam kết “kẻ bán tất cả và cho kẻ nghèo khó hết sẽ nhận được một kho báu trên trời” muốn diễn tả, dưới một hình thức châm ngôn, rằng trước mắt Thiên Chúa, cách hành động như vậy là phải.
Câu 22 kể lại cách thật vắn tắt một ơn gọi thất bại như thế nào: người được gọi chẳng sẵn sàng từ bỏ của cải. Không trình bày các lý do chủ quan, trình thuật chỉ cho ta thấy một con người đã không thể hiểu rằng điều kiện của một cuộc sống môn đồ là sự độc lập, và vì thế đã “buồn bã bỏ đi”. “Con đường đến sự sống” mà Chúa Giêsu chỉ cho anh vượt quá anh. Trong tư tưởng các người Do thái đạo đức, mối bận tâm lo lắng cho các kẻ nghèo được kể là sự thực hành chính yếu Lề Luật. Nhưng chính vì lý do này mà tài sản đã mang tính cách một điều kiện cần thiết để hành động trong chiều hướng Lề luật đó. Thành thử chính những nghĩa vụ xã hội và tôn giáo bén rễ sâu đã cản trở người giàu có đáp ứng lời mời gọi của Chúa Giêsu. Lời mời gọi này có tính cách cá nhân, nó kêu mời một cá nhân cụ thể hãy bỏ môi trường sống của mình. Thế nhưng, lời rao giảng Kitô giáo sơ khai đã muốn chuyển tiếng gọi này của Chúa Giêsu vào trong một cuộc sống đặc biệt. Bên kia chi tiết tiểu sử về vận mạng của người giàu có, nhưng cũng bên kia những tổng quát hóa thiếu suy nghĩ, cần phải làm nổi bật sự đòi hỏi đối với người môn đồ là độc lập với của cải và những trói buộc xã hội, đồng thời phải cho thấy sự giàu có trói buộc và nô lệ hóa con người đến chừng nào.
II. NGUY HIỂM CỦA CỦA CẢI ĐỐI VỚI VIỆC ĐI VÀO VƯƠNG QUỐC THIÊN CHÚA.
Việc nối kết trực tiếp đoạn 23-27 với văn mạch trên cho ta thấy tư tưởng vừa nói có một tầm mức tổng quát. Trong khi nơi giai thoại kêu gọi chàng thanh niên giàu có, điểm chính yếu là ơn gọi cá nhân của một môn đồ và sự thất bại của ơn gọi này, thì trong đoạn tiếp theo, đó là vấn đề sự nguy hiểm tổng quát của của cải đối với việc đi vào Vương Quốc Thiên Chúa. 10,23 và 10,25 hình như đi chung với nhau. Chúa Giêsu nêu lên một nhận xét: mặc dù kẻ giàu có mà Người vừa muốn chọn làm môn đồ, đã có thái độ nghiêm chỉnh đối với sự sống đời đời và con đường đưa tới đó (x. 10. 17.20), nhưng còn quyến luyến của cải đã khiến anh không thể đáp ứng lời mời gọi. Những người giàu có cũng vậy, không thể vào Vương Quốc Thiên Chúa. Trong khi c.23 chỉ là một lời than thở: “Khó biết bao...”, thì hình ảnh con lạc đà không thể chui qua lỗ kim (10,25) nói rõ rằng trong thực tế một người giàu có vào được Vương Quốc Thiên Chúa là một chuyện không thể được (chứ chẳng phải là có thể, nhờ một quyết định tự do nào đó). Câu châm ngôn đưa ra hình ảnh còn vật lớn nhất có thể có và lỗ nhỏ nhất có thể có, nhắm mục đích cho ta như sờ tận tay tính cách bất khả: sự giàu có và những trói buộc nó gây ra có sức độc chiếm mạnh đến nỗi con người hầu như không còn sức lực và sự chú tâm mà quyền tối thượng của Thiên Chúa đòi hỏi.
Những lời buồn bã, trầm tư của Chúa Giêsu khiến các môn đồ (10,24) và dân chúng phát sợ (10,26). “Thế thì ai còn có thể được cứu?”. Trong câu trả lời (10,27), Chúa Giêsu không làm nhẹ bớt tính cách nghiêm khắc của lời vừa nhận định trên. Trái lại, Người chấp nhận cho người ta nới sự bất khả đó không những đối với các kẻ giàu, mà còn đối với tất cả mọi người nữa; và Người tuyên bố: chẳng ai có thể tự cho mình có đủ điều kiện để vào Vương Quốc Thiên Chúa được. Nhưng đối với Thiên Chúa, việc tạo nên tức khắc cái còn nếu nơi con người là chuyện có thể. Lời này chứng tỏ rằng, theo giáo huấn của Chúa Giêsu, chẳng ai, dù là kẻ giàu có không sẵn sàng trước quyền tối thượng thần linh, bị loại ra khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa: Thiên Chúa có thể ban sự tham dự vào đời sống mới cho bất cứ người nào, mà không lệ thuộc vào những dự kiện của người đó.
III. PHẦN THƯỞNG DÀNH CHO NHỮNG KẺ TỪ BỎ MỌI SỰ.
Với c. 28 bắt đầu phần thứ 3 trong đoạn nói về việc bắt chước Chúa Giêsu và sự độc lập mà việc bất chước này đòi hỏi đối với những sở hữu vật chất. Đáp lại câu hỏi của Phêrô liên quan đến phần thưởng cho những kẻ đi theo Chúa Giêsu (10,28), Chúa Giêsu trả lời bằng cách lấy lại ý tưởng phần thưởng: kẻ tháo gỡ tất cả mọi liên hệ nhân loại và vật chất (10 29) để sống như môn đồ Chúa Giêsu và sứ đồ Tin Mừng thì sẽ nhận được một tiền lương “gấp trăm những gì đã rời bỏ.
Tiền lương đó gồm có không gì thì Chúa Giêsu nói bằng một ám dụ bởi vì việc lặp lại trong c.28 những của cải đã từ bỏ không có nghĩa gì khác hơn là một ám dụ). Tất cả những gì họ dã rời bỏ sẽ được ban lại cho các môn đồ ngay từ đời này “cùng với những sự bắt bớ” - và còn trong đời sau, họ sẽ nhận được sự sống vĩnh cửu. Lời này phản ảnh rõ ràng hoàn chỉnh của cộng đoàn sơ khai và chắc đã phát xuất từ cộng đoàn dưới hình thức đó. Vì chính Chúa Giêsu, khi nói về phần thưởng, chắc đã chỉ nói đến “sự sống đời đời” thôi. Phần thưởng khi “ngay từ đời này” - gia đình và của cải - được nêu lên dựa vào hoàn cảnh của cộng đoàn sơ khai; bởi vì đối với người Tông đồ, cộng đoàn thay thế và tượng trưng gia đình, của cải và công việc Cộng đoàn xem việc không nên để người loan báo Tin Mừng ra đi hai bàn tay trắng như là một nghĩa vụ.
10,31 là một châm ngôn thông dụng trong nhóm thân hữu của Chúa Giêsu, nó chỉ đảo ngược các ngôi thứ vào ngày tận cùng. Ý nghĩa của câu tùy thuộc mỗi hệ thống quy chiếu. Trong văn mạch của Mc, cần phải tuy chiếu nó với vấn đề được thảo luận ở trên: một người vì Tin Mừng mà sống bên lề xã hội sẽ trở nên thế nào? Khi đời sống mới sẽ được thiết lập, những “kẻ sau hết” trong bậc thang giá trị xã hội sẽ trở nên những “người trước hết”, nghĩa là những người được trọng vọng nhất, những người có giá trị tiêu chuẩn. Bởi thế lời này vốn cũng có thể hiểu như một lời cảnh cáo tính kiêu căng, ở đây mang tính chất một lời hứa đầy an ủi, một lời phấn khích cho các môn đồ vì lòng bất vụ lợi của họ.
Ingo Hermann, L’Evangile de Saint Marc. II, tr.40-46.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Đoạn Tin Mừng về người giàu có được Chúa Giêsu để ý vì đem lòng yêu thương, nhưng ông đã không thể yêu thích lời mời gọi Chúa Giêsu hơn là giàu có của cải, là một đoạn rất được biết đến. Có một câu tuy ngắn, nhưng ý nghĩa lời rất thâm sâu: ông ta sa sầm nét mặt lại và buồn bã bỏ đi. Đó là cái buồn vì phải thất bại. Lựa chọn bước theo Tin Mừng là thành công của con người, cũng như làm nô lệ cho tiền bạc thế gian khiến họ thất bại. Hai điều đều đúng như nhau. Tin Mừng luôn luôn nhắc lại cho chúng ta nghịch lý này: Ai từ bỏ chính mình và thế gian vì muốn theo Chúa Kitô sẽ được.hưởng niềm vui vì đã thành công ở trong cuộc sống; trái lại ai từ chối chúa Giêsu và thập giá Người vì quá gắn bó với mình và với vật chất sẽ gặp u buồn vì đã thất bại ở trong đời mình.
2. Tại sao trong thế giới văn minh vật chất hiện nay, người ta thường nói tới hưởng thụ mà ít nói tới niềm vui. Vì khi con người chỉ biết bám riết vào thế giới này, xem nó như là tuyệt đối thì đương nhiên đã phát sinh lầm mống thất bại, làm mất linh hồn. Nào có ích gì cho con người nếu chiếm được trơ trụ mà mất linh hồn? Ngày nay, chúng ta chứng kiến biết lo âu lo khắc khoải, xung đột, u buồn trong thời đại ta, một lời đại chỉ biết tích trữ “của ăn vật chất” để rồi sẽ nổ tung ra. Ngày nay hơn bao giờ hết, môn đồ Chúa Kitô phải biết làm chứng cho Người. Tiến bộ kỹ thuật rất tốt, nhưng với một điều kiện là chúng không được làm chúng ta xa rời đức công bình, tình yêu thương và lời mời gọi của Thiên Chúa. Chúa Giêsu kêu mời môn-đồ Người làm chứng rằng Người đặt ưu thế giá trị thiêng liêng ở trên việc hưởng lạc vật chất; là ưu thế này phải có không những trong cuộc sống riêng tư mà còn trong sinh hoạt xã hội, nghề nghiệp, chính trị. Để tránh cho thế giới khỏi phải sống không có niềm vui, người Kitô hữu có sứ mệnh đáp lại lời mời gọi đó của Chúa Kitô.
3. “Anh chỉ thiếu một điều...”. Điều duy nhất mà người kia còn thiếu chính là điều anh vẫn thiếu từ bao lâu. Điều duy nhất đó, Israel đã tìm kiếm trong suốt cả lịch sử. Điều duy nhất đó là chính Thiên Chúa duy nhất bây giờ đã trở nên rất gần trong Chúa Giêsu đến nỗi chỉ có một việc là đi thro Người. Đối với chàng thanh niên giàu có, tuân giữ các giới luật bây giờ chính là đi theo Chúa Giêsu, là tiếp tục tuyên xưng lòng tốt lành của Thiên Chúa duy nhất mà bây giờ tự ban mình trong bản thân Chúa Giêsu.
4. Ở đây, lại một lần nữa, Chúa Giêsu loan báo một sự đảo ngược các giá trị. Người đã nói rằng: sự giàu có, theo quan niệm Do thái, là một dấu chỉ được Thiên Chúa chúc phúc, thì trong thực tế nó đã trở thành một tai họa. Giờ đây Người đang rao giảng giá trị thiêng liêng cao quý của việc từ bỏ mọi liên hệ mật thiết nhất: cha mẹ, nhà cửa, ruộng vườn. Trọng tâm Lời Chúa dạy nằm trong câu ngắn gọn này: Không ai vì Ta và vì Tin Mừng từ bỏ nhà cửa. Câu “vì Ta” là câu căn bản. Có sự đảo ngược các giá trị không phải vì biết chọn một điều khôn ngoan, một hệ thống triết học, một ý thức hệ, mà chính vì tình yêu Chúa Kitô, vì biết quyết định để theo con người Chúa Kitô.
Tin mừng Mc 10: 17-27: Có thể khi nghe đoạn tin mừng hôm nay, nhiều người cho rằng Chúa không nói với tôi, vì tôi vẫn còn nghèo lắm! Tôi đâu có gì để cho! Chúa đang nói với người hàng xóm ích kỷ gần cạnh nhà tôi.....
Chàng thanh niên trong trang Tin Mừng hôm nay là con người có đầu óc, biết nhìn xa thấy rộng TN 28-B206
Chàng thanh niên trong trang Tin Mừng hôm nay là con người có đầu óc, biết nhìn xa thấy rộng. Anh có nhiều của cải nhưng anh biết rằng mai đây anh chết đi thì tài sản cũng chẳng còn nghĩa lý gì. Vì thế anh tìm gặp Chúa Giêsu để xin Ngài chỉ giáo cho biết phương cách đạt được sự sống đời đời.
Người thanh niên trong Tin mừng hôm nay là người trẻ đàng hoàng và lương thiện, sống một cuộc sống không có gì đáng chê trách, không có tội lỗi gì đáng phàn nàn, không có tật xấu để sửa sai. Anh là hình ảnh người Công chính Cựu ước chu toàn lề luật. Chúa Giêsu âu yếm nhìn anh và muốn anh tiến thêm một bước nữa để nên người Công Chính Tân Ước: bán gia tài đem bố thí cho người nghèo, sẽ có một kho báu trên trời và hãy theo Người. Đó là điều kiện nên người Công chính Tân ước.
Chúa Giêsu nhìn anh với ánh mắt trìu mến. Khi biết anh đã giữ trọn các giới răn, Chúa "Chăm chú nhìn anh và đem lòng thương". Chúa thương vì thấy chàng trai trẻ thành tâm thiện chí. Chúa muốn giúp anh đi xa hơn trên con đường trọn lành, con đường tìm kiếm, con đường đòi hỏi từ bỏ và quảng đại. Chúa chỉ cho anh thấy con đường: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo Tôi" (Mc 10, 21).
Đây là điều duy nhất, căn bản và cốt yếu để anh được hạnh phúc, được sự sống đời đời.
Tiền của đã làm cho chàng thanh niên phải bỏ cuộc, không còn đủ sức đi theo Chúa. Chàng đành phải sống một nếp sống bình thường. Bởi sức ràng buộc của nó, tiền của là một trở ngại lớn để vào Nước Trời. Vì thế Chúa Giêsu khuyên chúng ta phải từ bỏ. Sự từ bỏ này mang nhiều hình thức và mức độ khác nhau tuỳ hoàn cảnh mỗi người. Nhưng trong mọi trường hợp, điều không thể thiếu vắng đó là lòng siêu thoát.
Xét cho bằng cùng Chúa Giêsu không lên án người giàu cũng không chúc lành cho người nghèo. Những người "đàn bà thánh thiện" đi theo Chúa, họ là những người giàu có, đem tiền của trợ giúp Ngài và các môn đệ trong công việc truyền giáo, họ đâu bị kết án. Cũng như khi Maria, em của Mattha và chị của Lagiarô, đem bình thuốc thơm mà Giuđa đánh giá đến 300 đồng (công nhật một người thợ thời ấy là một đồng), Ngài không chối bỏ cử chỉ yêu mến đó. Cũng như nhiều lần, Ngài đi dự những bữa ăn sang trọng của người biệt phái giầu có (Lc 7,36-38; Mc 14,3-9), hay những người thâu thuế có tiền (Lc 19,1-10). Vậy, Chúa lên án sự gì?
Chúa lên án sự ham mê tiền bạc. Tiền của hay làm người ta ham mê dính bén. Tiền bạc hay làm cho lòng người ta đen bạc, khó vào Nước Thiên Đàng. Chúa phán: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa". Câu nói ấy có nghĩa làm sao? Đây là một từ ngữ Á đông để chỉ một việc làm rất khó. Sách Talmud của Do thái cũng có một thành ngữ tương tự: "Khó như con voi chui qua lỗ kim!"
Chúa Giêsu lên án những người không biết dùng tiền của, làm nô lệ tiền của. Thật khó cho người giầu, có thể trở nên một Kitô hữu chân thật khi họ coi đồng tiền là chúa tể. Điển hình là người thanh niên hôm nay, anh không dám hay không đành dấn thân theo chân Chúa, như Phêrô và các bạn ông đã làm.
Người giàu có không được cứu độ chẳng phải vì họ giàu, nhưng sự trói chặt của vật chất làm họ nô lệ cho của cải và lãng quên Thiên Chúa. Của cải có thể là cạm bẫy che mất lương tâm, cản trở bước đường đến trọn lành. Người ta thường nói: Người giàu lấy của che thân. Người nghèo lấy thân che của. Đồng tiền liền với khúc ruột. Giàu không phải là tội, nghèo chẳng phải là nhân đức.
Điều quan trọng theo tinh thần Phúc âm là thái độ con người trước của cải vật chất. Chúa Giêsu đã nhiều lần ví những người giàu có như ông phú hộ tích trữ thóc lúa ăn chơi thỏa thích. Hay như ông phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, không để ý đến Lagiarô đói khổ thèm được mấy thứ rơi từ bàn ăn rơi xuống mà vẫn không được (Lc 12, 16-21; 16, 19-26). Thiên Chúa bảo các ông phú hộ đó: "Đồ ngốc, nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng sống ngươi" (Lc 12, 20). Khi các phú hộ ở dưới âm phủ, ngước mắt lên kêu: "Ở đây con bị thiêu đốt khổ lắm", Tổ phụ Abraham đáp lại: "Con ơi, hãy nhớ lại, suốt đời con đã được sướng rồi, bây giờ, phải chịu cực khổ thế là phải rồi" (Lc 16, 23-25).
Chỉ có những người có tinh thần nghèo khó Phúc Âm mới là những người tự do, những chứng chân thật sự và quả cảm. Phaolô nói: "Chúng tôi là những kẻ được coi là không mảy may, nhưng lại được mọi sự làm sở hữu" (II Cr 6,10). Và chị Thánh Têrêxa nói: "Từ khi tôi từ bỏ mọi sự, tôi sống thật hạnh phúc, tôi như được sống lại"
Có thể khi nghe đoạn tin mừng hôm nay, nhiều người cho rằng Chúa không nói với tôi, vì tôi vẫn còn nghèo lắm! Tôi đâu có gì để cho! Chúa đang nói với người hàng xóm ích kỷ gần cạnh nhà tôi. Chúa đang nhắc nhở những người giầu có ở trong xứ đạo của tôi. Thế nên, tôi an tâm. Vì Chúa không trách cứ những người nghèo đói như tôi. Vâng, có lẽ nhiều người đã nghĩ như vậy. Có những người cả một đời chưa một lần bố thí cho một ai đó. dù chỉ là một chén cơm, một chút mắm muối gọi là "tối lửa tắt đèn có nhau". Có những người cả một đời chỉ biết dùng đôi tay để nhận lãnh mà quên rằng đôi tay còn có khả năng để trao ban. Có những người chỉ chờ mong anh em nói tốt về mình, nhưng bản thân lại chưa một lần nói tốt cho anh em.
Cuộc đời họ vẫn còn thiếu. Thiếu lòng quảng đại. Thiếu tấm lòng chia sẻ, trao ban. Họ cần phải bán đi cái tôi ích kỷ của mình để mở rộng trái tim đến với anh em. Họ cần bán đi một chút nhu cầu của bản thân để chắt chiu từng nghĩa cử tốt với tha nhân. Họ cần bán đi bản tính tự cao tự đại của mình để sống khiêm nhường với tha nhân. Có như vậy, cuộc đời họ mới thực sự có ý nghĩa. Vì giá trị sống ở đời là trở nên có ích cho đồng loại, nếu cuộc đời của chúng ta thực sự không mang lại ích lợi gì cho gia đình, cho xã hội thì cuộc sống đó có dài đến trăm năm vẫn là con số không, hay chỉ là một đời sống thực vật, vì trái tim đã không đủ cung cấp nhựa sống cho cơ thể của mình.
Từ bỏ là mức độ siêu thoát cao nhất, là thái độ chọn lựa Thiên Chúa và Nước Trời làm ưu tiên hàng đầu. Đó là một thái độ tích cực chứ không phải là tiêu cực. Nó không bao hàm sự khinh chê những giá trị vật chất và nhân bản, nhưng biểu thị nỗ lực tìm kiếm những giá trị tâm linh thiết yếu mà nếu thiếu thì ngay cả những giá trị vật chất và nhân bản ấy sẽ bị sụp đổ, bởi vì: Người ta không sống chỉ bằng cơm bánh.
Qua trang Tin Mừng này, Chúa Giêsu muốn dạy ta một bài học quan trọng, đó là phải khôn ngoan dùng những của cải tạm bợ đời này để đổi lấy kho tàng vô tận trên thiên quốc; hay nói một cách bình dân là "bỏ con tép bắt con cá" mà cá đây lại là cá voi! Vì phần bỏ ra rất nhỏ nhưng phần thu lại thật lớn lao.