Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 25-B: Bài 201-203 Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết

Thứ hai - 23/09/2024 05:20
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 25-B: Bài 201-203 Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 25-B: Bài 201-203 Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 25-B: Bài 201-203 Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết


---------------------------------
Mục lục:

Phúc Âm: Mc 9, 29-36: “Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. 1
TN 25-B201: CHÚA GIÊSU ĐÃ XUỐNG VỊ TRÍ RỐT HẾT.. 1
TN 25-B202: QUA THẬP GIÁ ĐẾN VINH QUANG.. 5
TN 25-B203: KẺ THEO ĐẤNG LÀM ĐẦU.. 7

-------------------------------
 

Phúc Âm: Mc 9, 29-36: “Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”. - Ðó là lời Chúa.
------------------------------------------

-------------------------------
 

TN 25-B201: CHÚA GIÊSU ĐÃ XUỐNG VỊ TRÍ RỐT HẾT

 

Các môn đệ đi theo Chúa Giêsu, bàn luận với nhau để biết ai là người lớn nhất: “Các ông đã TN 25-B201


Các môn đệ đi theo Chúa Giêsu, bàn luận với nhau để biết ai là người lớn nhất: “Các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9:34). Các ông, và hầu hết dân Do thái bấy giờ, nghĩ rằng Nước Trời là sự khôi phục vương triều Đavít hay vương triều Sôlômôn, là những thời kỳ hùng mạnh trong lịch sử Do Thái. Có lẽ các ông cãi nhau vì phần lớn người ta thường nghĩ rằng “người lớn nhất” là người có sức mạnh, quyền lực và trổi vượt hơn người khác. Nhân dịp này Chúa Giêsu dạy các ông ai thực sự là người lớn nhất trong Nước Thiên Chúa.

1. Chọn sống theo Lời Chúa như chuẩn mực các giá trị

Tìm cách khẳng định các giá trị của bản thân trong cuộc sống là một việc xem ra rất tự nhiên, của hầu hết mọi người. Tuy nhiên sống các giá trị đó sao cho đúng với Lời Chúa mới là nền tảng của các giá trị của bản thân, có khả năng giúp con người vượt lên trên “thói tự nhiên” để đi vào “cảnh giới siêu nhiên”. Đây là một vấn đề có tầm quan trọng quyết định. Thật không may, nhiều người tự nhận là Kitô hữu nhưng không nhận thấy các giá trị theo chuẩn mực Lời Chúa khác với các giá trị của thế gian mà họ đang theo đuổi. Kitô giáo đặt nền tảng trên các giá trị tâm linh, vô hình, và vĩnh cửu, trong khi thế gian lại coi trọng những gì vật chất, cân đo đong đếm được, có lợi thực tế trước mắt cho chính mình.

Sự khác biệt giữa các giá trị đó còn sâu xa hơn thế nữa. Quan điểm thế gian nói rằng mỗi người chúng ta tự đặt ra tiêu chuẩn cho riêng mình. Mỗi người tự quyết tạo ra đời mình qua tính cách, lối sống, kế hoạch hoạt động của riêng mình. Giá trị cuộc sống là do cảm nhận và suy nghĩ riêng mỗi cá nhân và sự chấp nhận của những người chung quanh. Lợi nhuận và quyền lợi cá nhân phải đặt lên hàng đầu. Vấn đề mấu chốt là các tiêu chuẩn đó có thực sự đem lại hạnh phúc vững bền không, hay chỉ đem lại những vui thích ảo ảnh, những thỏa mãn chóng qua?

Trong khi đó, các giá trị Kitô giáo lại hệ tại Lời Thiên Chúa trong Kinh thánh, vốn khẳng định rằng chính Thiên Chúa đặt ra tiêu chuẩn cho những gì là đúng thực, là chân lý và là vĩnh cửu. Đó là những giới răn hướng dẫn lối sống hàng ngày của con người đúng theo mục đích họ đã được Thiên Chúa tạo nên, theo hình ảnh của Ngài. Chính việc sống theo Lời Thiên Chúa quyết định giá trị mỗi người là gì, chứ không phải cảm giác hay cảm xúc, vốn là những xung năng thôi thúc những ham muốn và tham vọng cá nhân. Điều quan trọng nhất là tuân phục Ý Chúa: yêu mến Thiên Chúa và người khác. Chính các giá trị và niềm hy vọng Kitô giáo tạo nên một “cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh” (Hípri 6:19). Khi chọn Lời Chúa làm nền tảng, Kitô hữu cảm thấy chắc chắn về điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Sự vững tâm đó làm giảm căng thẳng, cho phép đưa ra những lựa chọn khôn ngoan và tạo ra sự bình an nội tâm, cả khi những cơn bão của cuộc sống ập đến “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7:24-25).

Ngược lại, các giá trị trần thế giống như một nền cát. Chúng tan biến khi gió bắt đầu thổi và mưa rơi xuống. Vì chúng không thỏa mãn được khát khao sâu xa của cõi lòng, nên chúng để lại một khoảng trống to lớn trong tâm hồn, một cảm nhận về cái hư không vô nghĩa, và mau chóng dẫn đến sự vỡ mộng, thất vọng. Đây là nguyên cớ của tâm trạng chán chường và dẫn đến không ít quyết định tự hủy hoại đời mình: “Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (Mt 7:26-27).

Điều gì xảy ra khi chúng ta theo đuổi thứ gì đó mà chúng ta cho là có giá trị nhưng lại không nắm giữ được nó? Hoặc khi đã nắm giữ được nó, chúng ta lại thấy nó gây ra thất vọng? Tệ hại nhất là, điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta nhận ra rằng không còn gì trong trời đất này có giá trị hoặc ý nghĩa nào vốn có thể trở thành nền tảng cho cuộc sống của chúng ta? Khi chúng ta rơi vào tâm trạng đó, tâm trí của chúng ta trở nên rối loạn, cảm giác của chúng ta sụp đổ. Đó là lúc chúng ta bước vào vùng nguy hiểm.

Chúa Giêsu hôm nay dạy các môn đệ rằng người lớn nhất, nghĩa là có giá trị nhất, trong Nước Trời là “người phục vụ mọi người” (Mc 9:35) kể cả những người mọn hèn nhất, giống như các trẻ thơ: “Ngài đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mc 9:37). Những người mọn hèn nhất, trong đó có trẻ em, nằm trong số những người cần được các môn đệ của Chúa Giêsu phục vụ. Những người mọn hèn này không có khả năng trả lại những gì họ đã nhận được. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phục vụ họ. Đây mới là tinh thần phục vụ đích thực, cho đi mà không mong cầu được đền đáp theo chuẩn mực “bánh ít đi bánh qui lại” của người đời. Đối với Chúa Giêsu “việc làm cao cả” trước mặt Thiên Chúa được đo lường bằng những giá trị lớn lao hơn: phục vụ Thiên Chúa nơi những kẻ nghèo hèn. Chúa Giêsu đồng hóa chính mình với những kẻ bé mọn: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”, thậm chí Ngài khẳng định rõ ràng: “Và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9: 37). Như thế, phục vụ những kẻ bé mọn chính là phục vụ Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu cho thấy rõ tiêu chuẩn sống của những ai muốn theo Ngài: “Hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao” (Mt 6:35).

2. Chúa Giêsu đến để phục vụ hết mọi người; đây là giá trị tuyệt đối.

“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài, và ba ngày sau khi bị giết chết, Ngài sẽ sống lại” (Mc 9:31). Cuộc khổ nạn mà Chúa Giêsu tỏ bày cho các môn đệ của Ngài là một nhiệm mầu không thể nuốt trôi đối với các ông, như thể những đau khổ sắp đến đó phủ bóng đen lên họ, báo trước những kỳ vọng âm thầm của họ vào Chúa Giêsu sẽ trở nên vô vọng.

“Khi về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi các ông: Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” (Mc 9:33). Chúa Giêsu hỏi như vậy là để giúp các môn đệ xác định mối bận tâm trong tâm trí và lòng dạ của họ. Còn Ngài đã thấu rõ cõi lòng con người vì “… Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139:1-4). Các môn đệ “làm thinh” không dám trả lời Ngài (Mc 9:34), có lẽ do xấu hổ về cuộc thảo luận của họ. Chúa Giêsu không khiển trách các môn đệ. Ngài dịu dàng làm cho họ hiểu được một bài học có tầm quan trọng lớn nhất đối với những ai bước theo Ngài, cho họ biết thế nào là người lớn nhất: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9:35). Sự vĩ đại thực sự là trở thành người tôi tớ phục vụ. Điều này liên quan đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, bởi vì khi nói như vậy, Chúa Giêsu đang nói về chính mình. Ngài tự coi mình là người tôi tớ “phục vụ mọi người”. Và Thầy đi đến đâu thì môn đệ phải đi đến đó.

Đôi khi chúng ta phải mất rất nhiều thời gian mới hiểu được rằng mình thường xuyên ôm ấp khát mong trở nên “vĩ đại”. Chúng ta thường bắt đầu bước theo Chúa Giêsu trong sự vô tư và nhiệt thành. Nhưng rồi ra, như các môn đệ của Chúa, chúng ta ngó quanh “xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9:34). Chúa Giêsu biết rõ các môn đệ của Ngài muốn trở nên “những người lớn lao”. Đó là một mong muốn đáng khích lệ. Tuy nhiên việc ấy đã trở nên xấu xí và méo mó vì thứ tội kiêu hãnh cá nhân. Thay vì thăng tiến trong hành trình hướng về Thiên Chúa, chúng ta tìm mọi cách, kể cả cãi nhau, tranh giành “làm người đứng đầu” (Mc 9:35). Từ một khát vọng trở nên vĩ đại biến thành một thứ ham muốn được mọi người biết đến là vĩ đại, vĩ đại hơn người khác. Chúng ta mong được người khác khen ngợi, thán phục. Chúa Giêsu không bác bỏ toàn bộ mong muốn đó, Ngài chỉ cho các môn đệ con đường giúp loại bỏ những xấu xí và méo mó để khát khao ấy được biến đổi trọn vẹn thành một sự lớn lao tốt lành. Chúa Giêsu dạy rằng sự vĩ đại thực sự không phải là đứng đầu vượt trên những người khác đứng thứ hai, thứ ba hay thứ tư. Sự lớn lao đích thực không phải là khẳng định bản thân để người khác khen ngợi, nhưng là sự sẵn lòng đứng cuối cùng, đặt mình vào vị trí phục vụ mọi người, trở nên phúc lành cho nhiều người chừng nào có thể. Đó không phải là con đường “thăng cấp” trước mặt người đời nhưng là con đường đi xuống, xuống tới vị trí rốt hết. Chính Chúa Giêsu đã xuống tới vị trí rốt hết ấy, như Chân phước Charles de Foucauld đã cảm nhận và suy ngẫm: “Chúa Giêsu đã chiếm lấy vị trí cuối cùng một cách tuyệt đối đến nỗi không ai có thể chiếm được vị trí đó của Ngài” [*]. Vị trí ấy được diễn tả nơi: “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Philíp 2:6-7) và “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài” (Mc 9:31).

Sự khiêm hạ ấy không phải hạ thấp, như người ta lầm tưởng, nhưng là nâng cao phẩm giá con người: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23:12). Người lớn lao nhất là người từ chối mọi hình thức kiêu ngạo, trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Chính trong tâm thế này Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Ngài cho các môn đệ. Chúa Giêsu đang chuẩn bị hiến mạng sống mình cho thế gian bằng một cử chỉ hết sức khiêm hạ, thế mà ở đây các môn đệ không hiểu lời Ngài, lại thích làm người lớn nhất!

Xin Chúa giúp chúng ta để tâm tiếp tục suy ngẫm lời Thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai: “Ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan…Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ” (Gc 3:16 - 4:3). Chỉ khi Chúa Kitô “hạ mình,vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Philíp 2:8) thì: “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:9-11).

Phêrô Phạm Văn Trung

---------------
[*] xem Chân phước Charles de Foucauld tại đậy

-------------------------------
 

TN 25-B202: QUA THẬP GIÁ ĐẾN VINH QUANG

 

Sống ở trên đời, người ta thường áp dụng nhiều phương thế để có được hạnh phúc, nhưng song song TN 25-B202


Sống ở trên đời, người ta thường áp dụng nhiều phương thế để có được hạnh phúc, nhưng song song với việc kiếm tìm hạnh phúc, thì không thể nào mà không có bóng dáng của khổ đau. Như phải có màu trắng để biết được màu đen, có bên phải thì có cái gọi là bên trái, có trên cao thì mới thấy cái dưới thấp, có bóng tối mới nhận ra ánh sáng, có nụ cười thì cũng có nước mắt…

Vì thế, nói đến Hạnh Phúc thì cũng phải nói đến Đau Khổ. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói đến khổ nạn và phục sinh, cụ thể là Thập giá và vinh quang. Người cũng nói đến trẻ em và người lớn là những mặt đối nghịch nhau nhưng song hành cùng nhau và hiển hiện trong cuộc đời của mỗi chúng tra trên cõi đất này. Mỗi người chúng ta đều trải nghiệm ít nhiều trong đời, cái tâm trạng êm ái, dễ chịu, sung sướng được gọi là Hạnh Phúc và ngược lại, cái thái độ bực bội, khó chịu, đau đớn được gọi là Đau Khổ.

Con người vốn sợ đau khổ và mong tìm hạnh phúc. Thế nhưng đau khổ lại cứ bám riết lấy con người, còn hạnh phúc thì lại thật mong manh.

Sau khi thăm dò ý kiến dân chúng về chính con người của mình, Chúa Giê-su quay sang hỏi các môn đệ, và nhận được phản hồi từ Phê-rô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô” (Mc 8, 29). Chúa Giê-su bắt đầu mạc khải cho các ông biết Người là “Tôi Tớ đau khổ” … “Sẽ phải chịu đau khổ nhiều…bị giết đi” (Mc 8, 31).

Các môn đệ kia không biết có hiểu hay có ý kiến gì không, vì không thấy nói tới? Đành rằng với ý ngay lành chúng ta thanh minh cho các Tông Đồ như Mác-cô ghi rõ là: “Các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người” (Mc 9, 10). Không dám hỏi Chúa nhưng lại hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?” (Mc 9,10) Và cũng từ sự không hiểu biết ấy dẫn đến cuộc cãi vã dọc đường (x. Mc 9, 34). Tệ hơn nữa Gia-cô-bê và Gio-an đến xin Chúa Giê-su cho được một ngồi bên tả, một ngồi bên hữu Thầy (x. Mc 10, 35). Còn Phê-rô, vì không chấp nhận mạc khải ấy nên đã bị khiển trách nặng nề: “Sa-tan, hãy lui đi” (Mc 8, 33).

Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giê-su, chúng ta thấy đó là một cuộc đời đi vào đau khổ. Từ trời cao Người đã nhập thể làm người, hòa mình vào trong nhân thế, trong giới lao động cùng khổ. Người đến trần gian không nhằm mục đích xóa bỏ đau khổ mà là hiện diện cùng với những con người đau khổ. Người đòi hỏi các môn đệ phải từ bỏ danh, lợi, thú, để đi vào con đường thập giá, con đường mà nhiều người đang muốn vượt ra, nay Người lại mời gọi đi vào.

Phải chăng là một nghịch lý khi Đức Giê-su đề nghị ta hãy đi vào đau khổ? Phải chăng Người chỉ muốn các tín đồ của Người sống trong đau khổ?

Không, con đường Chúa Giê-su đi không dừng lại ở đau khổ và sự chết. Nếu kết thúc cuộc đời của Chúa Giê-su chỉ dừng lại ở bi kịch thập giá thì cửa mồ của sự chết sẽ hoàn toàn khép lại. Người đi qua đau khổ để tiến tới vinh quang, qua sự chết để tới sự phục sinh.

Con đường ấy, Chúa mời gọi chúng ta là ki-tô hữu vác lấy thập giá hằng ngày của mình mà theo Chúa. Thập giá ở đây là chính bổn phận, là trách nhiệm thường ngày của mỗi người. Chồng vợ vác thánh giá mình nghĩa là có bổn phận, trách nhiệm quan tâm, lo lắng và đem lại hạnh phúc cho nhau. Cha mẹ có bổn phận, trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ con cái. Ngược lại, con cái phải có bổn phận thảo hiếu, kính yêu và vâng lời cha mẹ, chia sẻ trách nhiệm với gia đình trong khả năng thể. Người ki-tô có trách nhiệm đối với Giáo hội, giáo phận, giáo xứ. Sợ hãi khổ đau là sợ hãi trách nhiệm. Trốn chạy đau khổ là trốn tránh trách nhiệm. Kẻ sợ hãi trách nhiệm là người vô dụng, và người như thế chỉ là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nếu mỗi người đều biết chu toàn bổn phận của mình một cách ý thức, trách nhiệm là chúng ta đang trồng cây hạnh phúc ở giữa gia đình và xã hội mà chúng ta đang sống. Thập giá của bổn phận sẽ không còn là nỗi khổ mà là niềm vui, vì chúng ta đang cống hiến tài năng, trí tuệ của mình để đem lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Nếu chúng ta bỏ bê và thiếu trách nhiệm trong bổn phận là chúng ta đang hủy diệt cây hạnh phúc và trồng cây đau khổ cho gia đình cũng như xã hội.

Ngày hôm nay, tận cùng trái đất đối với chúng ta thật là tương đối và luôn dễ dàng lướt web, đó là thế giới tiềm thể, kỹ thuật số, các mạng xã hội đang tràn ngập và xuyên qua chúng ta, xóa bỏ mọi khoảng cách, thu hẹp những khác biệt. AI, hay điện toán toàn cầu ở trong tầm tay chúng ta. Điều thiết yếu là tìm kiếm và gắn bó với Đức Ki-tô, mang Chúa là nguồn hạnh phúc đến cho người khác. Giáo hội đang cần đến chúng ta. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đang mời gọi toàn thể Hội Thánh “Cùng với người trẻ, chúng ta mang Tin Mừng cho tất cả mọi người”.

Nguyện xin Chúa ban ơn phù trợ, giúp mỗi người trau dồi kiến thức Đạo đời, trở nên những chiến sĩ loan báo Tin Mừng, can đảm lên đường sống mùa xuân truyền giáo, loan báo cho mọi người Đức Ki-tô Tử nạn và Phục sinh để họ tin mà được cứu độ. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

-------------------------------
 

TN 25-B203: KẺ THEO ĐẤNG LÀM ĐẦU

 

Đoạn văn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay bao gồm lời loan báo thứ hai về cuộc Khổ nạn và phần TN 25-B203


Đoạn văn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay bao gồm lời loan báo thứ hai về cuộc Khổ nạn và phần đầu của một diễn từ tạp lục (có chen vào hai cảnh nhỏ) kéo dài cho đến Mc 9,50. Lời loan báo thứ hai này gần giống lời loan báo thứ nhất đã được diễn giải trong bài trước, nên nay ta chỉ tìm hiểu hai cảnh nhỏ. Chúng xem ra bổ túc nhau và mỗi cảnh diễn tiến trong hai thì: chính sự kiện và một câu nói của Đức Giê-su. Trước tiên là cuộc tranh luận giữa các môn đồ về kẻ lớn nhất và câu Đức Giê-su đáp trả về người đầu hết / cuối hết; đoạn đến cử chỉ Đức Giê-su bồng một em bé và lời nói (về việc đón tiếp) giải thích cử chỉ này.

Trở Thành Người Rốt Hết

 “Khi về tới nhà” (c.33). Chúng ta đi vào vòng thân mật của nhóm Tông đồ đang được Đức Giê-su huấn luyện. Đây là thời kỳ “nhà tập” của họ, “Người đang dạy họ”, Người muốn giúp họ tiến triển khởi từ các tranh luận của họ. Tiếc thay! Họ vẫn hoàn toàn tối dạ. Họ vẫn không hiểu những gì Đức Giê-su giải thích cho mình. Phải chăng vì quá khó? Đúng thế, nhưng cũng vì họ bận tâm đến chuyện khác: vấn đề uy thế và địa vị: “Các ông cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”. Thấy mình thành các đại thần của Đấng Mê-si-a-Vua tương lai làm họ say sưa.

Chớ nên chê việc suy niệm về các chuyện tham vọng và ngôi thứ ấy, dẫu các chuyện này thật khốn nạn khi người ta nhớ lại đó là nhóm của Đức Giê-su, một Đức Giê-su bấy giờ đang nỗ lực cho thấy người ta phải dùng con đường khó khăn nào để cứu mạng sống mình và cứu kẻ khác. Điều đó chứng tỏ chẳng ai thoát tránh khỏi tham vọng, dẫu năng lui tới với Đức Giê-su. Quyền lực là bản năng mạnh mẽ nhất và dai dẳng nhất trong ba bản năng của con người mà (hai bản năng kia là sinh tồn và truyền sinh). Biết bao người thoạt đầu rất đơn sơ dần dần ngây ngất trước cái chức “phụ trách” dù là thật nhỏ. Như một cha xứ muốn làm “thầy cả” (chuyện chi cũng là thầy cả!) của giáo xứ mình, một bề trên tự coi mình như Thiên Chúa tối cao, một chủ tịch hội này hay hội kia đoạt hết mọi trách nhiệm.

Tuy nhiên, Tin Mừng phải là một thuốc giải độc hữu hiệu. Khi mạc khải cho chúng ta các ưa thích của Đức Giê-su, Tin Mừng mạc khải cho chúng ta các ưa thích của Thiên Chúa. Không thể không thấy Đức Giê-su chê ghét ba điều: giả hình, bạc tiền và tham vọng. Đến để phục vụ, Người năng lặp đi lặp lại chuyện đó, Người mạnh mẽ cảm thấy tham vọng là ung thư của phục vụ. Người ta không thể tự mãn mà lại quan tâm tới tha nhân, đó là cái chắc. Nhưng đặc biệt, thói kiêu căng chắc chắn làm hỏng cái mà người ta còn muốn gọi là tận tụy.

Trộn lẫn hai ước vọng này, phục vụ và thống trị, là điều quá gian xảo đến nỗi Đức Giê-su phản ứng mạnh mẽ. Đây chẳng còn là một cuộc tranh luận bình thường, thành thử Người ngồi xuống, tập họp Nhóm Mười hai lại và phát biểu nguyên tắc Tin Mừng không thể nào quên, nguyên tắc đặt một khoảng cách tuyệt đối giữa ý chí quyền lực và thái độ tận tụy: “Ai muốn đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và phục vụ mọi người.”

Muốn làm đầu, việc đó không đáng kết tội, ngược lại là khác! Phải có những thủ lãnh. Các kinh nghiệm về đồng quản và tự quản nhanh chóng cho thấy rất khó khăn trong việc đưa ra một cái gì hữu hiệu nếu chẳng có những người biết tổ chức cuộc sống chung và tổ chức công việc hơn những người khác, nhất là rất khó khăn trong việc điều hành một cuộc bàn thảo cần thiết hầu tiến đến một quyết định cũng cần thiết cuối cùng. Các thủ lãnh ấy là một cơ may cho mọi nhóm, trong Giáo Hội cũng như bất cứ nơi đâu. Một số rõ rệt có những khả năng để làm việc này. Khi được người chung quanh hay một thẩm quyền cao hơn chỉ định mà trốn tránh là ích kỷ, là hèn nhát trước việc hiến thân mà cuộc thăng chức này sẽ đòi hỏi. Tuy nhiên, Đức Giê-su đòi kẻ “làm đầu” trước hết phải thực hiện trong lòng mình một chuyện: không được chịu thua bản năng quyền lực và ngây ngất trước quyền hành: “Phải làm người rốt hết”. Ai muốn làm đầu, phải hầu thiên hạ! Người nâng sự điên rồ đó lên thành nguyên tắc. Và để chắc chắn ta sẽ không tìm một kiểu tránh thoát, Người xác định: “làm kẻ rốt hết tất cả, làm kẻ phục vụ mọi người”. Rồi đây, Người còn lấy chính mình làm mẫu mực: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (10,44-45). Hiến dâng mạng sống! Nếu làm thế, các thủ lĩnh có thể là hình ảnh mạnh mẽ nhất về Đấng Làm Đầu đích thực.

Đón Tiếp Kẻ Nhỏ Hèn

Câu chuyện đứa trẻ được đặt giữa các môn đệ xem ra minh họa cuộc đối thoại đi trước. Các Tông đồ phải phục vụ cách khiêm tốn, mà cơ hội tốt nhất để chứng tỏ tinh thần này chính là lưu tâm đến hạng nhỏ bé trong xã hội. Mà thời Đức Giê-su, trẻ nhỏ không mấy được coi trọng. Ở đây cũng như nhiều chỗ khác, chúng chẳng được xem như kiểu mẫu về sự vô tội hay đơn sơ đâu, nhưng chính là điển hình của cái không quan trọng, không đáng kể, vì thế chẳng cần lưu ý. Việc Đức Giê-su quan tâm đến các trẻ nhỏ có thể đem đối chiếu với thái độ của Người đối với hạng thu thuế và gái đĩ: thái độ mạc khải một điều rất tuyệt về Thiên Chúa. Đó là Nước Trời được trao ban cách nhưng không cho tất cả những gì bị bỏ rơi, khinh bỉ, mà chẳng để ý đến nhân đức công nghiệp; đó là lời mời dự tiệc thiên quốc được dành cho kẻ nghèo khó, bệnh hoạn, tật nguyền, cho hết những ai chẳng có gì để trả lại (x. Lc 14,13-14.21). Ý nghĩa nguyên thủy và sâu xa của cử chỉ Đức Giê-su ẵm lấy một em nhỏ là thế.

Người chẳng bao giờ bỏ qua một cơ hội để kéo môn đệ Người và chúng ta khỏi thói kiêu căng. Người như muốn nói: hãy luôn tìm cách sống khiêm tốn và đơn giản, bằng việc đón tiếp trẻ nhỏ chẳng hạn. Việc Người ẵm lấy nó, đặt nó ở chỗ nổi bật rồi ôm hôn nó là một cơ hội tốt để chúng ta tự vấn về cách thức chúng ta đón tiếp hạng này. Đó không luôn dễ dàng. Vì chúng xinh đẹp và duyên dáng, nên ta thường coi chúng như đồ chơi; hay vì chúng bẩn thỉu và nghịch ngợm, nên ta thường xua đuổi chúng nhân danh sự yên tĩnh của mình.

Trẻ con cần nguời lớn. Nó cảm nghiệm sự lệ thuộc này cách đơn sơ nhất đời và, ngay cả khi nó đặt ra đủ thứ câu hỏi khiến ta khó chịu, thì thường không phải do dã tâm. Đón tiếp một trẻ nhỏ nhân danh Đức Giê-su đòi hỏi tính kiên nhẫn, trí thông minh đầy óc sư phạm và lòng thương mến. Chẳng phải như thế mà Đức Giê-su đã đón tiếp các môn đệ Người sao ? Và chớ quên rằng chính khi chiến đấu chống thói kiêu căng mà Đức Giê-su nhắc tới việc tiếp đón các trẻ nhỏ. Những giây phút sống đơn sơ như thế giải thoát ta khỏi sự trịnh trọng hay lối bận rộn hơi kiêu kỳ.

Vậy là Đức Giê-su đã trả lời rõ rệt cho chuyện các môn đệ tranh cãi lúc đi đường: “Ai là kẻ lớn nhất”. Tìm kiếm vinh dự là điều trơ trẽn nơi những kẻ theo Đức Giê-su, lúc Người đang bước vào con đường khổ nhục của cái chết. Làm “đầy tớ” mọi người, mở cửa pháo đài Giáo Hội cho những kẻ hèn kém nhất, những kẻ nghèo đói nhất, đó là “dịch vụ” Đức Giê-su truyền cho các môn đệ phải thi hành. Để thêm trọng lượng cho giáo huấn này, Đức Giê-su kết luận bằng từ “đón tiếp”. Người là Đấng Chúa Cha sai đến. Đón tiếp Người qua những ai nhỏ bé là đón tiếp chính Cha Người. Thiên Chúa mặc hình dáng một trẻ nhỏ, đó là sứ điệp bất ngờ, độc đáo của trang Tin Mừng đẹp đẽ hôm nay.

Vua thánh Lu-y (Louis) nước Pháp (1214-1270) không những là một con người có lòng đạo đức (siêng năng dự lễ mỗi ngày, ăn chay kiêng thịt suốt năm), khiết tịnh (tránh chuyện vợ chồng suốt mùa Chay và mỗi ngày thứ 6), vua còn tỏ lòng thương người cách đặc biệt. Người thành lập nhiều bệnh viện, thăm viếng kẻ đau yếu, và cũng giống như quan thầy của mình là thánh Phanxicô, người chăm sóc ngay cả những người bị bệnh phong hủi. Mỗi chiều thứ bảy, thánh nhân có thói quen rửa chân cho một số trong họ, và mời họ ăn cơm do chính người thù tiếp. Vị tể tướng bực bội vì thói quen này, bởi thấy nhà vua quá hạ mình và có thể gặp nguy cơ lây nhiễm. Thấy vậy, lần kia thánh Lu-y hỏi ông: “Một là bị bệnh phong hủi, hai là phạm một tội trọng, ông chọn đàng nào?” Viên quan trả lời: “Hạ thần thích 30 tội trọng hơn là bị phong hủi”. Đức vua trả lời: “Ngươi dại dột quá. Người không biết rằng chẳng có bệnh nào ghê tởm bằng tội trọng sao, vì phạm tội trọng thì giống hệt ma quỷ!” mục lục

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

-------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây