Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 18-C Bài 151-161 Phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam

Thứ bảy - 30/07/2022 08:38
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 18-C Bài 151-161 Phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 18-C Bài 151-161 Phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 18-C Bài 151-161 Phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam
---------------------------------------
Phúc Âm: Lc 12, 13-21: "Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".
Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng:
'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' Ðoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi". Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy". - Ðó là lời Chúa.
--------------------------------------

TN 18-C151: Cách dùng của cải đời này. 1
TN 18-C152: Thương xác theo tiếng nói của linh hồn. 11
TN 18-C153: Thương xác theo tiếng nói linh hồn. 14
TN 18-C154: Đừng lãng quên linh hồn. 16
TN 18-C155: Tiền bạc của cải sẽ về tay ai?. 18
TN 18-C156: Ba thái độ đối với tiền của. 21
TN 18-C157: Hãy thu tích kho tàng trên trời 24
TN 18-C158: Phù vân. 26
TN 18-C159: Sự giàu có đích thực. 29
TN 18-C160: “SỐNG CÓ Ý NGHĨA”. 33
TN 18-C161: BÁM VÍU VÀO AI VÀ CÁI GÌ?. 35

--------------------------------

 

TN 18-C151: Cách dùng của cải đời này


(Suy niệm của Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

A. DẪN NHẬP.

 

Người đời coi trọng tiền của, coi nó như chìa khóa thành công trong cuộc đời vì người ta tôn TN 18-C151


Người đời coi trọng tiền của, coi nó như chìa khóa thành công trong cuộc đời vì người ta tôn vinh nó bằng câu: ”Có tiền mua tiên cũng được”. Có người coi mục đích cuộc đời chỉ là kiếm cho ra nhiều tiền để hưởng thụ, cho nên họ đã để cho lòng đam mê tiền của chi phối họ, xúi dục họ làm những điều sai trái. Họ coi tiền của là một bảo đảm vững chắc cho cuộc sống của họ. Nhưng tác giả sách Giảng viên có nói:”Phù vân, ôi phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv1,2). Như vậy, tiền của có phải là một bảo đảm cho cuộc sống không?

Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay không chỉ trích việc thu tích của cải để làm giầu, cũng không khinh chê của cải. Ngài chỉ khuyên người ta trong khi thu tích tiền của để làm giầu thì đồng thời cũng phải biết làm giầu trước mặt Thiên Chúa. Đừng bắt chước người phú hộ ngu ngốc chỉ biết thu tích cho nhiều của cải vật chất để hưởng thụ, coi của cải như một bảo đảm vững chắc cho cuộc sống để ăn chơi xả láng, mà bỏ quên Thiên Chúa, quên cả linh hồn mình. Vả lại, con người đâu có phải sống được mãi, một khi phải chết thì những của cải đó để cho ai?

Đối với chúng ta tiền của không có gì là xấu vì tất cả những gì Thiên Chúa dựng nên thì đều tốt. Tuy thế, tiền của cũng có thể trở nên một đứa đầy tớ trung thành của chúng ta mà cũng có thể trở nên một ông chủ khắc nghiệt biến chúng ta thành những tên nô lệ khốn nạn của nó.. Chúa khuyên chúng ta hãy tránh thói tham lam, hãy biết chia sẻ. Một trong những cách làm giầu trước mặt Thiên Chúa là biết chia sẻ, biết giúp đỡ những người túng thiếu. Tất cả những gì chúng ta cho đi đều còn ở lại với chúng ta và đó là cơ sở để Chúa ban thưởng bội hậu cho chúng ta trên quê hương vĩnh cửu.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Gv 1,2 ; 2,21-22.

Côhêlét là tác giả sách Giảng viên, đã thu góp những tư tưởng thâm thúy và khôn ngoan của nhiều thế hệ. Ngay câu mở đầu, tác giả đã khẳng định:”Phù vân, ôi phù vân, tất cả là phù vân”.

Tư tưởng này diễn tả một cái nhìn bi quan về cuộc sống của con người trên trần gian, nhưng lại rất đúng. Nếu chỉ đứng trên quan điểm nhân sinh trần tục mà nhìn thì ý nghĩa của cuộc đời chẳng qua là một sự phù phiếm, và do đó, đời không đáng sống. Bởi vì:

- Có người suốt đời làm ăn vất vả để thu tích của cải vật chất nhưng khi chết đi lại phải bỏ lại tất cả.

- Nhiều tiền nhiều của mà phải áy náy, đêm ngủ không yên thì ích lợi gi?

Thái độ bi quan này của tác giả chất vấn chúng ta: Đời không còn một giá trị nào khác nữa sao?

+ Bài đọc 2: Cl 3,1-5.9-11.

Thánh Phaolô nhắc nhở cho tín hữu Côlôssê cuộc sống mới của họ sau khi chịu phép rửa tội.

Thật vậy, nhờ phép Rửa tội, người tín hữu đã trở nên con người mới và hy vọng sẽ được sống cùng Thiên Chúa mãi mãi. Vì thế, họ phải cởi bỏ con người cũ theo tính xác thịt với những đam mê trần tục, hãy mặc lấy con người mới theo hình ảnh của Đức Giêsu Kitô.

Do đó, người môn đệ của Đức Giêsu cần biết cân nhắc các yếu tố trong cuộc sống và chọn lựa: đừng tìm những sự dưới đất mà hãy tìm những sự trên trời.

+ Bài Tin mừng: Lc 12,13-21.

Đức Giêsu từ chối can thiệp vào vấn đề phân chia gia tài giữa hai anh em. Sở dĩ Đức Giêsu từ chối làm trọng tài trong vụ tranh chấp gia tài vì Ngài cho rằng của cải không thể đảm bảo cho cuộc sống đúng nghĩa.

Dụ ngôn về người phú hộ thật là phù phiếm. Mặc dầu anh ta có biết lo liệu, nhưng anh ta chỉ có cái nhìn thiển cận: chỉ lo hưởng thụ mà không lo gì đến sự tích lũy những của thiêng liêng không hư nát.

Theo nhận định của Đức Giêsu, anh ta là đồ ngốc vì đã lấy của cải vốn không bền mà bảo đảm cho đời mình. Chết đi anh để của cải lại cho ai? Nếu anh ta khôn thì hãy chia sẻ cho những người nghèo, thì khi anh chết đi, gia sản của anh sẽ biến thành kho tàng không bao giờ hư nát. Đó mới là bảo đảm chắc chắn thật sự cho cuộc đời.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Kho tàng không hề hư nát.

I. ĐỒNG TIỀN LIỀN KHÚC RUỘT.

Người ta thường nói:”Đồng tiền liền khúc ruột” nói lên cái tâm lý của con người yêu chuộng tiền của mình có, cố giữ lấy, không thể tin ai, buông cho ai được. Động đến tiền là cảm thấy đau xót như “Của đau con xót”: tâm lý đau xót khi của cải bị mất mát cũng như con cái bị người ngoài bắt nạt, hành hạ.
1. Người ta đánh giá cuộc đời.
Đời là một cuộc chiến đấu. Phải chiến đấu để mà sống. Nhưng khi nói tới cuộc sống người ta chỉ nghĩ đến cơm ăn áo mặc, nhà ở, phương tiện di chuyển và giải trí. Nó chỉ là đời sống vật chất. Vậy còn đời sống tinh thần thì sao , nhất là đời sống siêu nhiên?

Nhìn vào cuộc sống, không biết thi sĩ Tản Đà Nguyễn khắc Hiếu suy tư thế nào mà phát biểu một câu có tính cách triết lý:

Đời đáng sống hay không đáng sống

Nhấp chén quỳnh xin hỏi bạn tri âm?

Nếu có phải trả lời cho thi sĩ thì phần lớn người ta sẽ trả lời là đời đáng sống, nhưng sống để làm gì? Ta hãy nghe một số sinh viên Mỹ trả lời trong một cuộc phỏng vấn:

Năm 1987, Hội đồng Quốc gia Hoa kỳ đặc trách giáo dục, đã thực hiện một cuộc phỏng vấn các sinh viên sắp mãn Đại học về mục đích cuộc đời của họ trong tương lai: Họ muốn gì? Họ nhằm điều gì trước hết? Kết quả như sau: 75% trong số 200.000 sinh viên được hỏi ý kiến đã trả lời cho biết:”Mục đích cuộc đời tương lai của họ là làm sao kiếm được thật nhiều tiền”. Các sinh viên này cho biết:”Sau khi học xong, họ muốn có một việc làm tốt với đồng lương cao để sống thoải mái”.

2. Giá trị cuộc đời.

Người ta nói: ”Có tiền mua tiên cũng được”. Tiên là nhân vật tưởng tượng trong truyện thần thọai, tượng trưng cho người đẹp nhất, quí nhất. Đây là quan niệm đề cao đồng tiền: có tiền mua gì được nấy. Vì vậy người ta mới nói:

Đồng tiền là tiên là phật
Là sức bật của con người
Là nụ cười của tuổi trẻ
Là sức khỏe của tuổi già
Là cái đà danh vọng
Là cái lọng che thân
Là cán cân công lý…

Trong cuộc tương giao của con người trong đời sống xã hội, đồng tiền vẫn giữ vai trò chủ chốt, nó chi phối sự tương giao, nó làm lệch cán cân công lý, nó có thể đổi trắng ra đen, như người ta nói:

Đồng tiền không phấn không hồ,
Đồng tiền khéo điểm, khéo tô mặt người.

Qua kinh nghiệm của cuộc sống, trước sức mạnh của đồng tiền chi phối con người, thi sĩ Nguyễn bỉnh Khiêm đã phải than một cách chua cay:

Nếu không điều lợi khôn thành dại,
Đã có đồng tiền dở cũng hay.

Ngạn ngữ La tinh có nói:”Tiền của là tên đầy tớ rất tốt, nhưng lại là người chủ rất xấu”. Và người ta cũng nói chơi với nhau:”Vô văn bất nhóc nhách”, có ý nói không có tiền của, không thể làm gì được.

3. Lòng tham của con người.

Khi từ quan về ở ẩn, thi sĩ Nguyễn công Trứ khuyên người ta đừng chờ đợi những gì quá sức mình, hãy biết dừng lại, bằng lòng với những cái mình đang có, cũng như thi sĩ biết hưởng cái thú an nhàn trong bài thơ “Chữ Nhàn”:

Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc,
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn.
Biết đủ tức là đủ, đợi đủ biết bao giờ đủ,
Biết nhàn tức là nhàn, đợi nhàn biết bao giờ nhàn.

Ông Eùsope, một thi sĩ ngụ ngôn của Hy lạp, đã nói lên cái lòng tham vô đáy của con người trong câu truyện sau đây:

Truyện: ông già và con ngỗng.

Một ông già nghèo ngồi bên cửa sổ lo lắng cho tương lai. Một người lạ mặt ôm một con ngỗng đến tặng ông già và nói: ”Ông hãy chăm sóc con ngỗng này chu đáo thì nó sẽ giúp ích cho ông”. Rồi người đó đi mất.

Ông già nghèo đưa con ngỗng về nhà, cho nó ăn, cho nó uống, ban đêm cho nó ngủ trong một cái lồng sạch sẽ. Sáng hôm sau khi nhìn vào chiếc lồng ông vui mừng thấy một quả trứng ngỗng bằng vàng. Ông mang quả trứng ra tiệm bán được một số tiền lớn, mua được đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Hôm sau ông được thêm một quả trứng ngỗng bằng vàng nữa. Hôm sau nữa cũng vậy. Cứ thế mỗi ngày ông nhặt được một quả trứng vàng. Từ đó ông không còn nghèo nữa, ông sống rất thoải mái.

Nhưng dần dần ông trở thành tham lam. Ông không chịu mỗi ngày chỉ có một trứng, ông không thể chờ cho hết tuần mới có được 7 trứng. Ông muốn có ngay một lúc tất cả những trứng vàng của con ngỗng. Thế là ông mổ bụng con ngỗng ra. Nhưng ông chẳng thấy quả trứng nào trong đó cả. Ông vội may bụng ngỗng lại mong nó đừng chết. Nhưng vô ích. Khi đó người lạ mặt kia trở lại và nói: ”Trước đây đã chẳng bảo với ông rằng: nếu ông chăm sóc con ngỗng tử tế thì nó sẽ giúp ích cho ông sao? Bây giờ cả ông lẫn tôi đều đã mất tất cả”.

4. Người ta đánh già đồng tiền.

Người đời cũng có kinh nghiệm về đồng tiền: nếu ta biết dùng tiền của cho đúng mức, cho xứng đáng thì nó trở thành đầy tớ trung thành của ta; nhưng khi ta không biết dùng nó thì nó sẽ quay trở lại làm một ông chủ khắc nghiệt và biến ta thành một tên nô lệ khốn nạn của nó.

Nhưng dù sao, con người lên voi xuống chó là lẽ thường. Tiền của đem con người lên, nhưng cũng chính tiền của đã hạ con người xuống. Và sau cùng con người cũng sẽ phải chết và của cải cũng tiêu tan theo, ra đi chẳng mang được gì ngoài hai bàn tay trắng:

Vua Ngô băm sáu tàn vàng
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì.

II. ĐỨC GIÊSU VỚI VẤN ĐỀ TIỀN CỦA.

1. Vấn đề phân chia tài sản.

Theo luật Do thái (Đnl 21,17), trong việc thừa kế, người con trai cả được hưởng trọn phần di sản nếu là bất động sản, nghĩa là đất đai và nhà cửa. Và người con trai cả ấy cũng nhận được, theo luật pháp qui định, phần gấp đôi các động sản. Luật pháp này chung cho toàn bộ Đông phương cổ đại, và nhiều nền văn minh trong dòng lịch sử ; luật ấy muốn gìn giữ di sản của gia tộc với việc lập nên “người gia trưởng” được hưởng đặc quyền: Đó là quyền con trưởng. Đức Giêsu đối diện với điều đó (Quesson).

Nhưng trường hợp ở đây, hình như người con trưởng chiếm hết phần gia tài mà không chịu thừa kế bằng cách dùng uy tín để gây áp lực với người con trưởng bất công, vì Ngài được coi như một rabbi nổi danh, Ngài làm cách có uy quyền.
Đức Giêsu đã từ chối không muốn tham dự vào việc tranh chấp về tiền bạc. Đức Giêsu không đáp lại yêu cầu này, không phải không nhạy cảm về những bất công có thể có trong phạm vi gia đình, nhưng Ngài không muốn can thiệp vào những việc không liên hệ trực tiếp đến sứ mạng cứu rỗi. Câu trả lời của Ngài ngụ ý rằng Ngài chỉ chú trọng đến công cuộc thuộc linh và Ngài không muốn xâm phạm vào địa hạt luật pháp dân sự hay chiếm đọat địa vị của nhà cầm quyền:”Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay chia gia tài cho các anh”?

2. Dụ ngôn người phú hộ ngu ngốc.

Đức Giêsu đã từ chối “chia gia tài”. Việc từ chối này có ý nói lên rằng, tuy Ngài có quyền xét xử kẻ sống kẻ chết (Cv 10,42), nhưng sứ mạng lịch sử của Ngài ở trần gian là sứ mạng tôn giáo chứ không phải việc trần tục. Nhân dịp này Ngài nhắn nhủ với tích cách cảnh cáo rằng cần phải tránh mọi thứ tham lam, vì của cải không làm cho đời sống được bảo đảm. Lời cảnh cáo này có ý nhắc khéo rằng đừng an tâm, đừng cậy dựa vào bất cứ một vật nào khác ngoài Thiên Chúa.

Để nói lên ý tưởng đó, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn người phú hộ ngu ngốc. Dụ ngôn này cho thấy rằng người phú hộ rất thành công về ngành nông nghiệp. Sự thành công này làm cho ông ta say sưa và suy tính đến việc mở mang rộng lớn kho lẫm của ông. Trong cảnh sống giầu có, sung túc này, ông ta vui chơi ăn uống thả dàn, không nghĩ đến Thiên Chúa, bỏ quên cả linh hồn của mình; nhưng ông ta không nghĩ rằng:”Đêm nay người ta sẽ đến đòi linh hồn ngươi” thì lúc đó:”Những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai”?

Ông ta không hề nhìn xa hơn thế giới của mình. Mọi chương trình của ông ta chỉ đặt nền tảng cuộc sống luẩn quẩn trong thế giới của ông ta.

Truyện: Rồi sao nữa?

mhtm2022

Ngày xưa, thánh Philipphê Nêri muốn thuyết phục Phanxicô Spaoãano, một sinh viên Rôma , đã hoàn toàn tin tưởng ở sự hướng dẫn của ngài về một chân lý ngàn năm. Một hôm Phanxicô Spaoãano hớn hở đến báo tin cho ngài biết mình đã thành công rực rỡ trên đường khoa nghiệp. Thánh nhân trả lời:

- Khá lắm. Cha xin mừng với con. Nhưng rồi con sẽ làm gì?
- Con sẽ làm trạng sư, sẽ biện hộ ở tòa án.
- Rồi sao nữa?
- Con sẽ có nhiều tiền.
- Rồi sao nữa?
- Con sẽ lập gia đình.
- Rồi sao nữa?
- Con sẽ sống hạnh phúc.
- Rồi sao nữa?

Chàng sinh viên suy nghĩ một lúc rồi trả lời:

- Rồi… rồi con cũng sẽ chết như bất cứ ai khác.
- Rồi sao nữa?

Chàng sinh viên im lặng bỏ đi, trầm tư và u buồn. Tuy nhiên, câu hỏi cứ nhắc đi nhắc lại mãi, chàng cứ bị ám ảnh hoài. Và để đảm bảo cho cái “Rồi sao nữa” kia, cuối cùng, chàng từ giã đường trần khóac áo tu trì.

Khi giải thích dụ ngôn này của Chúa, thánh Athanasiô đưa ra lời khuyên:”Ai sống như phải chết mỗi ngày – vì biết rằng cuộc sống này tự nó là tạm bợ, không chắc chắn – sẽ không phạm tội, vì sợ hãi Chúa, dập tắt một phần lớn lòng tham lam ; trái lại, ai nghĩ mình còn sống lâu sẽ dễ dàng để cho mình bị dục vọng cai trị”.

Trong dụ ngôn này Đức Giêsu có ý nói lên sự nguy hiểm của giầu sang, và sự tham lam của cải vật chất. Vì vậy, Ngài dùng dụ ngôn này để cảnh giác cho hết mọi người: Người giầu có lo tích trữ của cải, cũng như người nghèo tham lam của cải. Ở đây Chúa trách người con trưởng tham lam chiếm đọat gia tài mà không chia cho người em, đồng thời Ngài cũng trách người em vì ham mê của cải mà tranh chấp gia tài với người anh.

III. CHÚNG TA VỚI VẤN ĐỀ TIỀN CỦA.

1. Ưu tiên hàng đầu của cuộc sống.

Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại những gì là ưu tiên hơn cả trong cuộc sống. Những lời sách Giảng viên đã nhắc nhở chúng:”Phù vân, quả là phù vân. Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh mặt trời”. Chúng mô tả một quan điểm bi đát về cuộc sống, nhưng điều chúng ta muốn nói khiến chúng ta phải hỏi:”Mục đích của đời sống là gì”? Chắc chắn không phải là tích lũy của cải – của cải trong mọi trường hợp phải để lại đàng sau.

Những sự vật trần gian không bao giờ có thể thỏa mãn tâm hồn con người. Chỉ Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta hạnh phúc mà tâm hồn chúng ta khao khát. Vì thế thánh Phaolô nói:”Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. Và Đức Giêsu khuyên chúng ta:”Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”. Cái làm cho chúng ta giầu có trước mặt Thiên Chúa không phải là chúng ta có gì hoặc làm gì, nhưng chúng ta là gì.

2. Tiễu trừ tính tham lam.

Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu không chỉ nói về những người giầu có, nhưng nói với tất cả mọi người vì bất cứ ai cũng có tính tham lam. Người nghèo cũng tham lam của cải như người giầu, không phải vì có nhiều tiền bạc hay ít của cải làm cho một người ra tham lam, nhưng khi người ta bị ám ảnh bởi của cải vật chất, người ta không còn biết thế nào là đủ. Túi tham vô đấy, chẳng bao nhiêu cho vừa. Người La mã có câu ngạn ngữ:”Của cải như nươc muối, bạn càng uống thì càng khát”.

Sách Giáo lý Công giáo số 2536 dạy như sau:”Điều răn thứ mười cấm chỉ sự thèm thuồng, ước ao của cải trần gian cách vô độ; nó cũng cấm tính tham lam thái quá, sinh ra từ sự đam mê vô độ, sự giầu có và quyền lực do sự giầu sang mang lại”.
Chúng ta thường nghe nói:”Tham thì thâm”, quả là đúng. Trên đời này không thiếu gì những người có lòng tham và ích kỷ đến nỗi muốn đi mượn hòm để chôn mình thay vì bỏ tiền ra mua. Cũng có những người vất vả suốt cả đời lo thu tích của cải đến nỗi không dám ăn no, ngủ ngon, để rồi nửa đời người còn lại phải dùng của cải đã thu tích để bồi dưỡng lại sức khỏe đã mất chỉ vì lòng ích kỷ và tham lam quá mức. Thật vậy, những người quá lo thu tích của cải sẽ trở nên mù quáng, họ liều mình đánh mất không những tự do mà còn mất cả đời sống mình.

Truyện: ham mê của cải.

Ham mê của cải tiền bạc là cái tật mà xưa nay có ngàn lẻ một chuyện từng được kể. Nhưng thời nay lại có câu chuyện lý thú thế này: Một thanh niên nọ tình cờ nhặt được một đồng đôla bằng bạc trên đường. Thế là từ đó, mỗi lần đi đâu, anh đều cúi đầu xuống để chú tâm tìm kiếm. Kết quả là sau ba mươi năm anh ta nhặt được 3,5 đôla tiền bằng bạc, 37 đồng nửa đôla bằng đồng, gần 18.500 nút áo đủ cỡ, khoảng 14.400 cây kim may và kim gút đủ lọai. – Nhưng anh phải đổi bằng cái tật khòm lưng. Một tâm trạng bi quan cộng thêm một tính khí khó thương. Vì đôi mắt anh từ lâu đã không nhìn lên bầu trời và bao hoa lá cỏ cây xinh đẹp… Tính ham mê của cải đã “giết chết con người anh”.

Phương pháp làm cho chúng ta được hạnh phúc là biết chấp nhận. Hạnh phúc không phải là có cái chúng ta mong muốn, nhưng là chấp nhận cái chúng ta có. Dù giầu hay nghèo, hạnh phúc là bằng lòng với cái mình đang có, và ngay cả cái mình không có nữa. Hãy biết chấp nhận mọi sự như chương trình của Thiên Chúa đã sắp đặt với lòng biết ơn rằng có Thiên Chúa là có tất cả mọi sự (Dt 13,5-6). Một người không bằng lòng với những cái mình đang có sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Họ luôn sống trong bất mãn và đau khổ, vì lúc nào cũng tham muốn có thêm.

3. Hãy biết chia sẻ.

Chúa dạy chúng ta:”Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”. Cái làm cho chúng ta giầu có trước mặt Thiên Chúa không phải là chúng ta có gì hoặc là làm gì, nhưng chúng ta là gì. Antoine de Saint Exupéry nói:”Khi giờ sau cùng của bạn giáng xuống, bạn chỉ nên dựa vào điều mà bạn đã trở thành”.

Có hai cách xài của cải đưa đến hai kết quả khác nhau:

a) Xài một cách ích kỷ cho riêng mình, kết quả là không bảo đảm cho sự sống đời đời.

b) Dùng tiền của để làm giầu trước mặt Thiên Chúa thì kết quả là sự sống đời đời được bảo đảm.

Thực ra, khi người giầu chia sẻ của cái cho người nghèo, cũng chỉ là bổn phận của người quản lý mà thôi. Augierđã nói một câu chí lý:”Trong dự tính của Thiên Chúa, người giầu chỉ là viên thủ quỹ của người nghèo”. Vì thế, không ai “ê hề của cải, dư xài nhiều năm” mà “cứ nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã”(Lc 12,19) chính là những kẻ ăn cắp. Thánh Tôma Aquinô quả quyết:”Những người giầu đã đánh cắp của người nghèo khi họ tiêu xài phung phí những của cải dư thừa”.

4. Phần thưởng bội hậu trên trời.

Trong bài dụ ngôn hôm nay, Đức Giêsu không đả kích sự tích lũy của cải. Ngài không phê phán công việc làm ăn của mỗi người, mà chỉ đả kích ý nghĩ khờ dại của một số người khi họ lấy việc thu tích của cải vật chất là quan trọng hơn sự tích lũy của cải thiêng liêng.

Sứ điệp mà Đức Giêsu muốn loan báo cho chúng ta hôm nay: Hãy dùng của cải đời này mà “làm giầu trước mặt Thiên Chúa”(Lc 12,21). Đó chính là nghệ thuật làm giầu đích thực.

Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta chỉ là những con người nghèo khó. Cho dù có xây bao nhiêu kho lẫm, bao nhiêu két sắt, bao nhiêu tài khoản ngân hàng, cũng chỉ là con số không. Chúng ta chỉ thực sự giầu có trước mặt Thiên Chúa khi chúng ta dốc cạn kho cho người nghèo khó, mở hầu bao giúp kẻ khốn cùng. Chúa phán:”Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá”(Lc 12,33).

Ở Kenya bên Phi châu có một vị thừa sai kể rằng có một số dân Phi châu vẫn còn giữ tập tục lấy đi tất cả quần áo người chết đang mặc trước khi chôn cất người ấy. Một trong những mục đích của tục lệ này nhằm nói lên rằng chúng ta rời khỏi thế gian này cũng y hệt như khi chúng ta vào thế gian. . Đây chính là điều thánh Phaolô đã đề cập đến trong thư thứ nhất gửi choTimôthê:”Chúng ta đã chẳng mang gì vào trong thế gian, và chúng ta cũng không thể mang bất cứ cái gì ra khỏi đó”(1Tm 6,7).

Tuy thế, chúng ta có thể mang đi theo khi đi ra khỏi đời này với nhữøng cái mà chúng ta làm giầu trước mặt Thiên Chúa, tức là tất cả những gì chúng ta đã cho đi. Những cái chúng ta đã cho đi làm thành một kho tàng trên trời dành riêng cho chúng ta. Những cái chúng ta đã cho đi ở trần gian này vẫn còn tồn tại không bao giờ hư nát, và đấy cũng là những công nghiệp chúng ta dâng cho Chúa để được hưởng hạnh phúc đời.

Truyện: Cho một được mười triệu.

Đang lững thững đi trong một đường phố, có một người ăn mày đến xin bố thí, người kia móc túi da đưa cho một đồng bạc.

Tám hôm sau, nhà từ thiện đã hết sức ngạc nhiên, vì ông nhận được bức thư nặc danh, trong có ngân phiếu 10 triệu quan. Bức thư viết thế này:

Có lẽ ông còn nhớ một hôm ngao du ở Nice, ông đã bố thí cho một người ông tưởng là hành khất. Trong 10 người tôi ngửa tay xin, chỉ có một ông đã thí cho một đồng bạc. Xin ông biết cho rằng: tôi đây là một nhà triệu phú đã trá hình làm người hành khất đó, với mục đích là nắm được phần thưởng trong cuộc đánh đốù. Tôi đã được cuộc, vậy xin ông cho phép tôi chia với ông số tiền thuởng đó.

Truyện rất hào hứng này, đã được tất cả các báo thuật lại và là truyện có thật. Người ta đóan ông Ernest Ingram chủ tiệm vàng ở Nice bên nước Pháp, chính là vai chủ động trong truyện.

-----------------------------------

 

TN 18-C152: Thương xác theo tiếng nói của linh hồn


(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

 

Nhiều người tin rằng linh hồn người chết về nhập vào người sống để nói chuyện, nói những điều TN 18-C152


Nhiều người tin rằng linh hồn người chết về nhập vào người sống để nói chuyện, nói những điều quá khứ, hiện tại, tương lai đúng như bong. Cho nên, nhiều người tin chạy đến các ông thầy bùa ngãi xin gọi hồn về cho biết ý kiến phải quyết định như thế nào trong những việc hệ trọng, và hồn nói gì phải làm đúng theo dù có phải mất tiền của hay phải chết. Vì vậy, chẳng lạ gì vào thời đại 4.0 này mà còn có nhiều người chạy theo phong trào “gọi vong báo oán” diễn ra một vài nơi trên đất nước chúng ta mới đây.

Ai cũng công nhận rằng người có hồn có xác, có hồn mà không xác, hồn đi lang thang, người ta gọi là “hồn ma vất vưởng”. Ngược lại, chỉ có xác mà không hồn, người ta bảo là “xác chết không hồn”. Cho nên, con người là tổng hợp của cả hồn và xác. Hồn và xác có tương quan với nhau chặt chẽ, hồn an thì xác mạnh. Thân xác có tiếng nói của thân xác là ngôn ngữ. Hồn có ngôn ngữ của hồn là tiếng nói lương tâm, tiếng Chúa nói. Vậy người ta “gọi hồn” người chết về hỏi nên làm điều này không làm điều kia, thì hồn đó cũng là người đã khuất nói người còn sống hãy làm điều này tránh điều kia để bình an và hạnh phúc đời này và đời sau. Còn “Hồn” nói làm điều dữ là quỷ chứ không phải là hồn ma, vì ông bà nói ma hiền quỷ dữ.

Trong đời sống thường nhật, đồng ý là vật chất rất cần thiết, nhưng tinh thần có giá trị đẹp hơn vật chất. Chẳng hạn, lòng chung thuỷ thì đáng ca ngợi hơn nhan sắc. Tình yêu thương thì quý hơn bạc vàng. Vì thế, mới có những người hy sinh cho người mình yêu, có kẻ chết vì lý tưởng, cho Tin Mừng, cho Chúa, cho Hội Thánh... Cụ thể, Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài là Chúa Giêsu đến trần gian mặc lấy xác phàm rao giảng, thương xót, phục vụ chăm sóc mọi người và cuối cùng chết trên cây thánh giá để cứu độ muôn người, tức là không chỉ cứu cho con người được hồn an xác mạnh mà còn cho xác sống lại trong ngày hết. Cho nên, theo gương Thầy Chí Thánh, Thánh Têrêsa Calcutta suốt 65 năm tận tụy hy sinh phục vụ cho lý tưởng Tin Mừng- thương xót và phục vụ bệnh nhân, người nghèo hèn, người khuyết tật, người bị xã hội bỏ rơi… vì Thánh nữ coi thân xác linh hồn họ quý trọng biết bao, họ là con người được Chúa sinh ra, là con cái Chúa, là người được Chúa cứu chuộc và họ là hình ảnh của Chúa Giêsu đau khổ đang cần giúp đỡ và yêu thương chăm sóc nâng niu.

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta ít nghe tiếng “hồn gọi”, nhưng thực tế hồn luôn gọi thân xác. Chẳng hạn, khi xác đói, ta giơ tay muốn lấy trộm củ khoai, hồn bảo: Không! Tội lỗi! Khi ta định bỏ lễ ngày Chúa nhật để đi ăn chơi, hồn nói: “Coi chừng mắc tội trọng, mất linh hồn”. Cho nên, tiếng “hồn gọi” là tiếng nói lương tâm Thiên Chúa đặt để nơi con người nên bao giờ cũng đúng, linh hồn chỉ đạo cho xác làm lành lánh dữ, dẫn đưa thân xác đến sự sống vĩnh hằng và bình an. Cho nên, Thánh Phaolô chí lý nói: “Hướng đi của xác thịt là sự chết, còn hướng đi của hồn là sự sống và bình an” (Rm 8,6).

Vì vậy, trang Tin Mừng hôm nay không kể chuyện gọi hồn người chết mà là hồn gọi người sống! Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, và tích trữ tất cả lúa và của cải của mình vào đó. Lúc đó ta sẽ nhủ lòng: hồn tôi hỡi, mình bây giờ ê chề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12:16-19). Cho nên, lúc ông nghĩ bụng, ông tự bảo lòng mình… chính là ông gọi hồn, chứ không phải là hồn gọi vì ông đã chết đâu mà gọi hồn về. Làm sao hồn có thể ăn mà lại gọi hồn đến ăn? Vì hồn là tinh anh, thiêng liêng làm sao mà ăn uống cho đả đời. Cụ thể, chúng ta thầy có người đem bánh trái heo quay ra mộ thắp hương rồi lại đem về còn in như vậy. Vâng, hồn thuộc thế giới thiêng liêng, làm sao lấy thịt thà, rượu bánh là vật chất mà đãi hồn, hồn thuộc một thế giới vô hình? Vậy mà ông phú hộ mời hồn đến “ăn uống vui chơi cho đã.” Cái lầm lẫn của ông ta là hồn ăn được nên tiếng “gọi hồn” của ông là một nghịch lý và hoang tưởng. Phúc Âm kết thúc: “Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,20-21).

Hãy để ý trong câu chuyện gọi hồn của ông phú hộ, ta thấy trong căn nhà ấy rất vắng. Không có ai. Không thấy ông nói đến vợ con, anh em, bạn bè, hàng xóm, mà chỉ có mình ông ta lẻ loi. Nổi bật lên là một thế giới khép kín lạnh lùng, ích kỷ, vô cảm, không giao du với ai, một mình ông trong căn nhà vắng rất ảm đạm, u ám và hoang tàn. Cho nên, ông không có ai để mà gọi, chỉ xác của ông gọi hồn ông thôi. Hồn không ăn được thóc chứa trong kho, hồn không uống được ly rượu trên bàn nên Ông gọi sai chỗ, ông cho lầm đối tượng. Tại sao vậy? Ông sống làm sao mà không ai chơi với ông, chẳng có ai chung quanh cuộc đời và ông là người cô độc?

Một triết gia nói: “Con người sinh ra là sống cho, sống với và sống nhờ”. Cho nên, sống trong cuộc sống này chúng ta hãy tạo cho mình một mối tương quan với Chúa và với tha nhân. Sống với và sống cho Chúa để Ngài nâng đỡ, che chở và dìu dắt ta đi trong ánh sáng chân lý Ngài để hồn xác được hạnh phúc và bình an. Còn sống với và sống cho tha nhân để tình người được thêm chan chứa khi vui và bình an khi vui hay buồn, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe có như thế mới là con người hồn xác hoàn hảo Vì vậy, Lời Chúa trong bài đọc 2 dạy: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Vậy, anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam. Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn cứu chuộc”.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta sống trong đời này luôn tạo cho mình một mối tương quan mật thiết giữa Chúa và ta, giữa ta với tha nhân và giữa ta với hồn bằng việc mến Chúa yêu người. Amen.

--------------------------------

 

TN 18-C153: Thương xác theo tiếng nói linh hồn


(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

 

Nhiều người tin là có những thầy bùa có thể gọi hồn người chết về nhập vào người sống để nói TN 18-C153


Nhiều người tin là có những thầy bùa có thể gọi hồn người chết về nhập vào người sống để nói chuyện. Có người đến xin hồn cho biết ý kiến phải quyết định như thế nào trong những việc hệ trọng. Người có hồn mà không có xác, hồn đi lang thang, người ta gọi là “hồn ma vất vưởng”. Ngược lại, chỉ có xác mà không hồn, người ta bảo là “xác ma không hồn”. Con người là tổng hợp của cả hồn và xác. Thiếu một trong hai thì người ta gọi là “ma”. Hồn và xác có tương quan với nhau chặt chẽ, hồn an thì xác mạnh. Thân xác có tiếng nói của thân xác, ngôn ngữ. Hồn có ngôn ngữ của hồn, tiếng nói lương tâm, tiếng Chúa nói. Vậy người ta “gọi hồn” người chết về hỏi nên làm điều này không làm điều kia, thì hồn cũng gọi người ta hằng ngày làm điều này tránh điều kia để bình an và hạnh phúc đời này và đời sau.

Trong đời sống thường nhật, đồng ý là vật chất rất cần thiết, nhưng tinh thần có giá trị đẹp hơn vật chất. Chẳng hạn, lòng chung thuỷ thì đáng ca ngợi hơn nhan sắc. Tình yêu thương xót thì quý hơn bạc vàng. Vì thế, mới có những người hy sinh cho người mình yêu, có kẻ chết vì lý tưởng, cho Tin Mừng. Cụ thể, Thiên Chúa thương xót thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài là Chúa Giêsu đến trần gian mặc lấy xác phàm rao giảng, thương xót, phục vụ chăm sóc mọi người và cuối cùng chết trên cây thánh giá để cứu độ muôn người, tức là không chỉ cứu cho con người được hồn an xác mạnh mà còn cho xác sống lại đời đời. Theo gương Thầy Chí Thánh, Chân phước mẹ Têrêsa Calcutta suốt 65 năm tận tạo hy sinh phục vụ cho lý tưởng Tin Mừng- thương xót và phục vụ bệnh nhân, người nghèo hèn, người khuyết tật, người bị xã hội bỏ rơi… vì Mẹ coi thân xác họ quý trọng biết bao, họ là con người được Chúa sinh ra, là con cái Chúa, là người được Chúa cứu chuộc và họ là hình ảnh của Chúa Giêsu đau khổ đang cần giúp đỡ và yêu thương chăm sóc nâng niu.

Ta ít nghe nói đến “hồn gọi”, nhưng trong đời sống hằng ngày, hồn luôn gọi xác. Khi xác đói, ta xoè tay muốn lấy trộm củ khoai, hồn bảo: Không! Tội lỗi! Tiếng “hồn gọi” là tiếng lương tâm Thiên Chúa in dấu nơi con người nên bao giờ cũng đúng, nó chỉ đạo cho xác làm lành lánh dữ, dẫn đưa ta đến sự sống và bình an. Cho nên, Thánh Phaolô chí lý nói: “Hướng đi của xác thịt là sự chết, còn hướng đi của hồn là sự sống và bình an” (Rm 8,6).

Bài Phúc Âm hôm nay không kể chuyện gọi hồn người chết mà là hồn gọi người sống! Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, và tích trữ tất cả lúa và của cải của mình vào đó. Lúc đó ta sẽ nhủ lòng: hồn tôi hỡi, mình bây giờ ê chề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12:16-19).

Đã chết đâu mà ông phú hộ ấy gọi hồn về. Làm sao hồn có thể ăn mà lại gọi hồn đến ăn? Có người đem khoanh thịt ra mộ bia rồi lại đem về in như vậy. Đó là biểu tượng nhớ thương nhiều hơn là tin rằng hồn thực sự ăn. Hồn thuộc thế giới thiêng liêng, làm sao lấy thịt thà, rượu bánh là vật chất mà đãi hồn, hôn thuộc một thế giới vô hình? Vậy mà ông phú hộ mời hồn đến “ăn uống vui chơi cho đã.” Cái lầm lẫn của ông ta là cho hồn thứ không thể ăn. Tiếng “gọi hồn” của ông ở đây là một nghịch lý hoang tưởng. Phúc Âm kết thúc cái phi lý đó: “Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,20-21).

Hãy để ý trong câu chuyện gọi hồn của ông phú hộ, ta thấy trong căn nhà ấy rất vắng. Không có ai. Không thấy ông nói đến vợ con, anh em, bạn bè, hàng xóm, mà chỉ có mình ông ta lẻ loi. Nổi bật lên là một thế giới khép kín lạnh lùng, ích kỷ, vô cảm, không giao du với ai. Cho nên, ông không có ai để mà gọi, chỉ xác của ông gọi hồn ông thôi. Hồn không ăn được thóc chứa trong kho, hồn không uống được ly rượu trên bàn. Ông gọi sai chỗ, ông cho lầm đối tượng. Tại sao vậy? Ông sống làm sao mà không ai chơi với ông, chẳng có ai chung quanh cuộc đời và ông thành cô độc? Hình ảnh chỉ có một mình ông trong căn nhà vắng là bóng hình rất ảm đạm, u ám và hoang tàn.

Một triết gia nói: “Con người sinh ra là sống cho, sống với và sống nhờ”. Cho nên, sống trong cuộc sống này chúng ta hãy tạo cho mình một mối tương quan với Chúa và với tha nhân. Sống với Chúa để Ngài nâng đỡ, che chở và dìu dắt ta đi trong ánh sáng chân lý Ngài để hồn xác được hạnh phúc và bình an. Sống với và sống cho tha nhân để tình người được thêm chan chứa khi vui cũng như buồn, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe có như thế mới là con người hoàn hảo vì nói như Lời Chúa Giêsu “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì” (Mt 16,26). Vì vậy, Lời Chúa trong bài đọc 2 dạy: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo”.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta sống trong đời này luôn tạo cho mình một mối tương quan mật thiết giữa Chúa và ta, giữa con người với ta và giữa ta với hồn bằng các hành động thương xót người thân cận cả thân xác lẫn tâm hồn. Amen.

------------------------------------------

 

TN 18-C154: Đừng lãng quên linh hồn


(Suy niệm của Lm. Inhaxiô Trần Ngà)

 

Gia đình ông bà Năm có hai đứa con. Đứa anh là Tý và đứa em là Tèo. Bao nhiêu tình thương và TN 18-C154


Gia đình ông bà Năm có hai đứa con. Đứa anh là Tý và đứa em là Tèo. Bao nhiêu tình thương và chăm sóc của ông bà Năm đều dồn cho Tý. Ông bà không từ chối Tý bất cứ điều gì nó muốn, thậm chí Tý đòi hỏi những điều trái khoáy, ông bà cũng chiều theo.

Trong khi đó, ông bà chẳng đoái hoài gì đến Tèo: Không cho ăn, không cho mặc, không cho học hành, không chăm sóc khi đau ốm, không đếm xỉa gì đến nó… Nói chung là coi như nó không có mặt trên đời.

Cách đối xử bất công của ông bà Năm đối với con cái như thế khiến hàng xóm bất bình. Ai cũng oán trách ông bà Năm đối xử với Tèo cách vô tâm và tệ hại đến thế.

Về phần chúng ta, có ai trong chúng ta đồng tình với cách đối xử bất công với con cái như thế không? Chắc chắn là không. Trái lại còn lên án là đàng khác.

Giờ đây, tôi xin mời mỗi người trong quý ông bà anh chị em nhìn lại mình, xem mình có đối xử tệ hại như vậy đối với người nhà của mình không.

Mỗi người chúng ta cũng có “hai người con”: Một đứa là linh hồn và đứa kia là thân xác. Chúng ta đã đối xử với thân xác, với linh hồn ra sao?

Có người nói với tôi: Bao nhiêu năm qua tôi quá chú trọng thân xác mà quên mất linh hồn. Châm ngôn sống của tôi là: Tất cả cho thân xác này, tất cả cho cuộc sống đời này.

24 giờ của một ngày, tôi đều dành trọn cho thân xác, chẳng dành cho linh hồn phút giây nào.

168 giờ của một tuần, tôi cũng đều dành trọn cho thân xác.

720 giờ của một tháng cũng đều dành trọn cho thân xác.

Và cứ thế, từ ngày này trải qua ngày khác, hết tháng này đến tháng kia, tôi chỉ biết chăm lo cho thân xác mà thôi.

Còn linh hồn thì bị bỏ rơi, không được đoái hoài. Suốt 24 giờ của mỗi ngày, 168 giờ của mỗi tuần, 720 giờ của một tháng… tôi chẳng dành cho linh hồn một phút nào.

Tôi dồn hết thời giờ, tiền bạc, công sức, tài năng, trí tuệ, nghị lực của tôi cho thân xác, y như nhà đầu tư dốc hết 100% vốn liếng của mình vào một dự án kinh doanh quan trọng.

Tôi hỏi lại người đó: Thế rồi mai đây thân xác anh sẽ ra sao? Anh sẽ thu hoạch được gì? Người đó thinh lặng suy nghĩ, chẳng biết trả lời ra sao.

Điều chắc chắn là sớm muộn gì mỗi người chúng ta cũng phải nằm xuống, nhắm mắt xuôi tay…

Thế là cuối cùng, thân xác tôi cũng như của mọi người trên mặt đất này chỉ còn là một bộ xương khô, một nắm tro bụi li ti.

Không lẽ hôm nay tôi đầu tư hết tất cả thời gian, công sức, trí tuệ, tài năng, nghị lực, tiền bạc của mình cho thân xác này để rồi cuối cùng chỉ thu hoạch được một bộ xương khô hay một nắm tro!

Không lẽ tôi đầu tư 100% vốn liếng của mình cho thân xác và cho cuộc sống tạm bợ đời này, để rồi cuối cùng chỉ thu hoạch được một nắm tro nằm dưới đáy mồ!
Còn linh hồn thì vì không được chăm sóc nuôi dưỡng, nên phải trầm luân trong hỏa ngục vô cùng đau khổ.

Sống như thế thì quả là dại dột, y như lão phú hộ được nhắc đến trong Tin mừng Lu-ca trích đọc hôm nay.

“Khi ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, ông “mới nghĩ bụng rằng: 'Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!' Rồi ông ta tự bảo: 'Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12, 16-20).

Chỉ biết chăm lo cho thân xác nầy, cho cuộc sống đời nầy mà chẳng biết lo cho linh hồn, chẳng biết lo cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau thì đúng là ngốc thật.

Biết thế thì ta phải công bằng với linh hồn ta. Thân xác này nay còn mai mất thì ta chăm sóc vừa đủ, còn linh hồn ta sống mãi muôn đời thì phải được chăm lo chu đáo hơn.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin dạy chúng con biết chăm lo, nuôi dưỡng linh hồn mình ngay từ hôm nay bằng cách thực hành mến Chúa yêu người, dành thời giờ để thờ phượng Chúa cũng như để yêu thương phục vụ những anh chị em chung quanh. Nhờ đó, mai đây chúng con sẽ được Chúa ban thưởng hạnh phúc muôn đời trên thiên quốc.

--------------------------------

 

TN 18-C155: Tiền bạc của cải sẽ về tay ai?


(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

 

Trong xã hội duy vật mà chúng ta đang sống, lời Chúa hôm nay là một lời cảnh báo nghiêm trọng cho TN 18-C155


Trong xã hội duy vật mà chúng ta đang sống, lời Chúa hôm nay là một lời cảnh báo nghiêm trọng cho mỗi người tín hữu chúng ta. Chúa Giêsu đặt chúng ta trước một vấn đề quan trọng, đó là thái độ của chúng ta trước tiền bạc của cải. Chúng ta phải sử dụng tiền bạc của cải thế nào mới đúng với ý Chúa?

Một người đã đến xin Chúa Giêsu làm trọng tài để chia gia tài cho anh. Đối với người Do thái, tài sản của cải cha mẹ để lại thường là dưới quyền quản lý của người anh cả, vì gia đình sống chung, rất ít trường hợp ra riêng như chúng ta hiện nay. Gia tài là tài sản chung của cả gia đình, và Luật Môsê cũng không đề cập đến vấn đề nầy một cách rõ rệt. Việc chia gia tài tùy thuộc vào cha mẹ hay người anh cả. Như trong dụ ngôn người con trai hoang đàng, người em xin cha chia gia tài cho mình khi anh trưởng thành. Trong trường hợp nào đó, người ta cũng có thể nhờ các tư tế đứng làm trung gian khi có tranh chấp về tài sản.

Trong trường hợp Chúa Giêsu, được yêu cầu làm trung gian, Ngài khước từ một cách rõ rệt. Ngài đến không phải để giải quyết những vấn đề linh tinh, Ngài mang một sứ mệnh khác quan trọng hơn, nhưng nhân tiện, Ngài cho chúng ta một bài học quí báu: “Phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam…”

Căn bệnh tham lam như một căn bệnh dịch lan tràn khắp nơi, và đã đưa thế giới hôm nay vào một bế tắc ghê tởm. Thế giới hôm nay được chia thành hai thành phần: những người giàu thiểu số và thành phần nghèo đa số.

Những người giàu càng giàu hơn và phung phí một cách vô độ. Những người nghèo lại nghèo hơn, đến nỗi nhiều người phải chết đói.

Đối với những nhà xã hội, kinh tế hay đạo đức học thì đó là một điều không thể chấp nhận, trong một thế giới mà người ta cho là văn minh tiến bộ này. Nhưng có ai cho đó là một điều phi lý đâu! Và thế giới vẫn quay cuồng trong cái vòng lẩn quẩn đó. Những người giàu vẫn tiếp tục khai thác người nghèo, và người nghèo chỉ biết tiếp tục sống kiếp nô lệ.

Trong dụ ngôn người giàu kia, Chúa Giêsu cho thấy: sự giàu sang không bảo đảm được mạng sống. Người giàu có đủ điều kiện để bảo đảm sức khỏe: mâm cao cỗ đầy, thuốc bổ đắt tiền, bác sĩ luôn chờ bên cạnh để chăm nom săn sóc, nhưng rồi số phận cũng như nhau: “Đêm nay người ta sẽ đòi mạng sống ngươi”.

Giá trị con người không ở trong của cải sang giàu. Người giàu có kẻ hầu người hạ, xem ra vinh vang trước mặt thiên hạ, nhưng giá trị con người không chỉ có thế. Những người làm giàu trên xương máu của đồng loại thì cũng chỉ như “con vật một ngày kia phải chết”. Thánh vịnh đã nói như thế, và hơn nữa: “Nào phàm nhân sống mãi được sao, mà chẳng phải đến ngày tận số? Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho kẻ khác”.

Chúa Giêsu không cấm chúng ta làm giàu hay phát triển kinh tế, nhưng giàu có để hưởng thụ một mình không nghĩ đến ai là một điều tồi tệ. Vì thế, Chúa Giêsu đã mạnh dạn lên án: “Khốn cho các ngươi là những người giàu!”

Dụ ngôn người giàu và anh Ladarô nghèo ngồi trước cửa là một ví dụ rõ ràng. Chúa Giêsu thẳng thừng lên án những loại người giàu vô tâm như thế.

Thiên Chúa tạo nên vũ trụ nầy cho mọi người, vì thế, không ai có quyền sở hữu một mình mà không nghĩ đến anh em. Thiên Chúa không tạo nên vũ trụ nầy cho một thiểu số người giàu: “ở đời muôn sự của chung”.

Nhiều người tưởng lầm rằng do tài khéo của mình mà đã làm nên sự nghiệp, và tôi có quyền hưởng một mình.

Họ không biết rằng họ đã lãnh nhận tất cả, họ chỉ có công sử dụng những gì Chúa ban cho mà thôi. Nếu Chúa không ban cho họ sức khỏe dồi dào, trí khôn minh mẩn để học, những hoàn cảnh thuận lợi … thì họ được gì? Nếu Chúa cho họ sinh ra tàn tật, hay đần độn thì họ sẽ ra sao?

Người Công giáo chúng ta cần nhìn thấy bàn tay và hồng ân Chúa trong cuộc sống hôm nay để luôn cảm tạ và sử dụng mọi sự theo ý Ngài.

Hãy nhìn Chúa Giêsu để biết sống thế nào cho đúng. Thiết tưởng không cần nhắc lại nếp sống nghèo hèn của Ngài. Từ máng cỏ cho đến đỉnh núi Canvê, chúng ta thấy Ngài như không cần gì. Ngài là Thiên Chúa, là chủ tể vạn vật, thế nhưng Ngài chỉ cần những gì thiết yếu nhất thôi, vì “Nước tôi không ở trần gian nầy”. Ngài đến trong trần gian để cứu vớt mọi người và mọi sự, Ngài thánh hóa tất cả trần gian và cuộc sống con người bằng chính sự thánh thiện của Ngài. Ngài dạy chúng ta sử dụng mọi sự cho sáng danh Cha trên trời và giúp anh em chúng ta hạnh phúc. Ngài sử dụng trần gian mà không lệ thuộc. Ngài trở nên nghèo hèn để làm giàu cho chúng ta, như thánh Phaolô đã nói, và chúng ta “lãnh nhận ơn nầy đến ơn khác từ sự sung mãn của Ngài”.

Vinh quang của Ngài không phải là được kẻ hầu người hạ, sang trọng quí phái, mà “chết cho bạn hữu”, ban mạng sống làm giá chuộc cho muôn người.

Ngày vinh quang của Ngài khi vào thành Giêrusalem trong tiếng hoan hô tưng bừng của dân, nhìn nhận Ngài là “Đấng nhân danh Chúa mà đến”, Ngài chỉ cần một con lừa con.

Thái độ của Chúa Giêsu đối với của cải là quá rõ, không ai là không thấy.

Thế giới hôm nay thờ tiền: “Khách hàng là thượng đế, thì đồng tiền là chúa tể”. Người ta chạy theo tiền bạc, thu góp cho thật nhiều, để hưởng thụ. Thế giới hôm nay tưởng mình văn minh tiến bộ, nhưng lại man rợ hơn lúc nào hết; vì những người thờ tiền bao giờ cũng dã man vì họ không còn biết thương ai, ngay cả đối với những người ruột thịt của họ.

Chúa Giêsu đi ngược lại với tinh thần thế tục: “Dù lợi lộc cả trần gian mà mất linh hồn thì được ích gì? Không ai làm tôi hai chủ, không ai có thể làm tôi tiến bạc và làm tôi Thiên Chúa được”.

Đối với Chúa Giêsu, chỉ một tình yêu duy nhất, chỉ có một hạnh phúc duy nhất là Thiên Chúa mà thôi.

Thực ra tiền bạc của cải không tốt cũng không xấu, nhưng tùy cách sử dụng. Nó cũng là một món quà Thiên Chúa ban cho con người, nhưng sử dụng cách nào mới mang lại hạnh phúc. Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Thời gian còn chẳng bao lâu… Vậy từ nay, những người có vợ hãy sống như không có…ai mua sắm, hãy làm như không có gì; kẻ hưởng dùng của cải đời nầy, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian nầy đang biến đi”.

Người tín hữu không phải là người thoát tục mà là con người dấn thân vào trần gian; nhưng không nô lệ, mà là người chủ khôn ngoan. Chúng ta hãy làm phép rửa cho thực tại trần gian để sử dụng mọi sự cho một tình yêu cao cả hơn, để thánh hóa trần gian, biến nó thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.

Hãy xem trong túi chúng ta có gì, có tiền thôi hay sao, hay có cả một kho tàng tình yêu?

Chúa Giêsu đã sử dụng những thực tại trần gian, không phải để hưởng thụ mà để cho không tất cả. Ngài đã sử dụng một tấm bánh, một chén rượu để biến tất cả thành của ăn hằng sống cho mọi người. Hãy ăn lấy Chúa để sống với Ngài mối tình tuyệt hảo của Ngài, là cho không và cho hết. Chúng ta dám không?

----------------------------------

 

TN 18-C156: Ba thái độ đối với tiền của


(Suy niệm của Lm. Anphongsô Nguyễn Công Minh - lấy ý từ bài viết của ĐGM. Bùi Tuần)

 

Bài Tin Mừng hôm nay nói về của cải: tích trữ của cải. Nhưng của cải thường được quy ra tiền TN 18-C156


Bài Tin Mừng hôm nay nói về của cải: tích trữ của cải. Nhưng của cải thường được quy ra tiền để dễ xếp thứ hạng xem ai giàu nhất.Ta thử suy gẫm về "tiền" theo gợi ý của Đức Giám Mục Bùi Tuần:

Tiền không biết nói, nhưng bao giờ cũng có tiếng nói về đồng tiền. Tuy nhiên nói chưa nhiều bằng nghĩ. Mấy gia đình không có những người nghĩ đến tiền, dù chỉ trong một buổi. Tiền chẳng cần ai, nhưng ai cũng cần tiền. Cần mà không dễ có. Muốn có phải lo tìm. Tìm hoài vẫn thường không đủ. Không đủ nên mới lại cần; cái vòng luẩn quẩn đó dắt con người làm quen với tiền. Từ quen tới quen thuộc. Từ quen thuộc tới quen thân, cứ thế đồng tiền ung dung đi vào cuộc đời con người bằng đủ mọi đường mọi ngả.

Đồng tiền là vật chất nhưng nó không như sự vật khác. Dù rách, dù hôi nó vẫn được quí. Dù đẹp dù xấu nó vẫn được yêu. Dù mới tinh còn thơm mùi mực in hay cũ kỹ nhầu nát, nó vẫn được cất giữ. Phải chăng tương quan giữa người và tiền có gì đặc biệt?

Ta có thể kể ra 3 tương quan:

1. Con người cần tiền.

Con người cần tiền không phải vì tiền. Mà con người cần tiền vì tiền cho những trị giá, cho những trị giá vật chất và cho cả trị giá tinh thần. Trị giá vật chất là tôi cần ăn, tiền cho tôi những ký gạo. Tôi cần uống, tiền cho tôi chai nước cam. Tôi cần mặc, tiền cho tôi quần áo. Tôi cần nơi ở, tiền cho tôi mái nhà…

Trị giá tinh thần là khi tôi cầm tiền trao cho một người túng thiếu, tôi không mua được cái gì vật chất, nhưng tôi có niềm vui vì đã giúp đỡ. Trị giá tinh thần là khi tôi mua một cuốn sách: sách kiến thức mở mang tâm trí tôi, sách thiêng liêng, dạy tôi kết hợp với Chúa hơn. Sách nhân bản giúp tôi sống xứng đáng là người hơn. Một con người hơn con vật nhờ tinh thần: Linh ư vạn vật

Trị giá tinh thần cũng có thể là những ngày nghỉ ngơi, những giờ giải trí, những phút vui chơi, tạo thảnh thơi tâm hồn. Phải có tiền mới có những giá trị đó. Dùng tiền để mua những nhu cầu, những cái cần thiết cho cuộc sống, đó là thái độ thông thường nhất của những con người trong tương quan với tiền: Con người cần tiền.

Nhưng người ta cũng thường nói: được voi đòi tiên. Muốn được tiên, phải có tiền. Có tiền mua tiên cũng được. Vì thế, từ “cần tiền”, con người khi thấy mãnh lực hấp dẫn của nó sẽ dễ dàng chuyển sang "mê tiền."

2. Con người mê tiền

Khi thấy đồng tiền không chỉ mua được những trị giá vật chất và tinh thần cần thiết, mà còn có thể mua được nhiều cái hơn thế nữa, nhất là trong xã hội tư bản chuộng đồng tiền, thì người ta mê tiền, khi mê thì ca tụng nó:

Đồng tiền là tiên là phật – Là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ cuả tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý. Ôi đồng tiền, hết ý!

Rồi nhìn vào xã hội, thấy người có nhiều tiền được kính nể. Nghề có nhiều tiền được coi là nghề quí. Người khéo làm ra tiền được coi là người giỏi. Vì thế mà đồng tiền lôi cuốn người ta theo nó. Con người trở thành kẻ mê tiền, để có tiền thì sẽ được nể nang, được khen là người giỏi, nhanh nhẹn tháo vát thành công. Để được gọi là ông. “Còn tiền còn bạc còn đệ tử, hết cơm hết gạo hết 'ông tôi' ” (Nguyễn Bỉnh.Khiêm).

Con người cần tiền để giải quyết các nhu cầu. Mà nhu cầu thì diễn ra hàng ngày. Do đó con người có thói quen dùng tiền. Mà thói quen nào cũng có thể chuyển thành đam mê. Quen chơi bài thành mê bài bạc. Quen chọi gà thành mê đá gà. Quen dùng tiền, thấy tiền tiện lợi, bỏ túi được, đưa cho ai họ cũng nhận, không trả giá kỳ kèo như khi trao đổi đồ vật – thì mê tiền. Mê đến cực độ thì mù quáng. Ta gọi đó là tương quan thứ ba:

3. Con người thờ tiền

Đam mê cái gì quá mức thì tôn thờ cái đó, trở thành mù với tất cả mà chỉ sáng chỉ thấy với cái mình thờ. Người ta nói đâm mê sắc dục thì mù quáng nhất, nhưng thiết tưởng tính mê tiền cũng mù quáng không kém. Người đam mê sắc dục tới độ nào đó sẽ biết mình lỗi lầm, hối hận. Còn người mê tiền thì có thể mơ đến nó suốt đêm, bàn đến nó suốt ngày, vơ vét nó suốt tháng và tích trữ nó cả năm mà vẫn không thấy (tức là mù quáng) vấn đề ít ra thỉnh thoảng cần xét lại. Họ tự phụ trong cái mê đó, nhiều khi còn mặc cho nó chiếc áo đạo đức: tôi kiếm tiền như thế mới giúp đỡ kẻ khó, mới mở rộng Nước Chúa được, mới đủ điều kiện giáo dục con cháu.

Bây giờ thử hỏi chúng ta có phải là kẻ mê tiền không thì chắc gần như 90% ta sẽ trả lời là không, huống hồ là câu hỏi ta có thờ tiền không – thì càng trăm phần trăm “không!”. Vì trên bàn thờ của ta trong gia đình vẫn là "Lái" Tim Chúa chứ đâu có đồng bạc nào. Ta đâu có thờ nó!

Nhưng ta không để tiền trên bàn thờ mà để trong lòng trong trí ta hầu lúc nào cũng nhớ đến nó. – thì còn thờ nó hơn 100 lần ta để trên bàn thờ. Mà có cái lạ là càng giàu, càng nghĩ tới nó. Thử làm một quan sát nhỏ: mỗi tuần có một thánh lễ Chúa nhật, tạm gọi là giờ thờ phượng Chúa đúng nghĩa. Nhưng thử xem ai là kẻ đến trễ, ai là kẻ về sớm, ai là kẻ không đi? Hình như xã hội, lớp người càng khá giả ra, càng làm ra tiền thì càng xa Chúa hơn. Ấy là chưa nói thánh lễ giờ kinh ngày thường, thường vắng bóng họ.

Đồng tiền là khúc ruột. Đụng tới tiền bạc là đụng tới khúc ruột của nhiều người. Muốn đụng tới mà không đau, cần phải có nhiều giờ để rào trước đón sau, diễn giải dẫn dụ, nhưng điều đó lại không làm được trong giờ phút ngắn ngủi chia sẻ Lời Chúa này vì cũng còn phải kết thúc sớm đặng về lo làm ăn kiếm tiền – dù hôm nay là Chúa nhật nữa chứ!

Nhưng ta nhớ rằng Chúa Giêsu nói không ai có thể thờ hai chủ: vừa thờ Thiên Chúa vừa thờ Tiền Của! Cái nguy cơ là ta thờ tiền mà ta không biết. Xin cho lời kinh Tin Kính mà ta sắp tuyên xưng trong đó ta tuyên xưng chỉ thờ một Thiên Chúa duy nhất, chỉ tin kính mình Ngài, luôn ở mãi trong tâm trí ta, để dù bận rộn làm ăn, ta vẫn không đặt Chúa bên lề, mà để Tiền Của bên trên. Amen.

------------------------------

 

TN 18-C157: Hãy thu tích kho tàng trên trời


(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)

Tin Mừng Lc 12: 13-21 Sứ điệp mà Đức Giêsu muốn loan báo cho chúng ta hôm nay: hãy dùng của cải đời này mà “làm giầu trước mặt Thiên Chúa”

 

Tolstoy kể lại câu chuyện về một người nông dân tên là Pakhom. Ông ta dành dụm từng đồng và TN 18-C157


Tolstoy kể lại câu chuyện về một người nông dân tên là Pakhom. Ông ta dành dụm từng đồng và mua được bốn sào. Ông ta hết sức vui mừng. Tuy nhiên, ít lâu sau, ông ta cảm thấy còn chật chội, ông bèn bán bốn sào đất đó đi và mua tám sào ở một vùng khác. Nhưng điều đó không làm ông thoả mãn lâu, nên ông bắt đầu tìm kiếm ở chỗ khác.

Một buổi tối nọ, một người khách lạ đến. Pakhom đã nói về ước muốn của ông có thêm nhiều đất đai. Người khách lạ nói với ông rằng bên kia dãy núi nơi sinh sống của một bộ tộc. Những con người đơn sơ ở đây có rất nhiều đất đai muốn bán. Ngày hôm sau, ông ra đi. Người tộc trưởng tiếp đón ông và nói: “chỉ cần bỏ ra một ngàn rúp, ông sẽ có được một số đất đai mà ông rảo bước trong một ngày. Nhưng ông phải quay về điểm xuất phát cũng trong ngày hôm đó, nếu không kịp, ông phải chịu mất số tiền đặt cọc”.

Pakhom sung sướng rộn ràng. Suốt đêm đó ông không ngủ được mải nghĩ đến những đất đai sẽ thuộc về ông. Ngay khi mặt trời vừa ló dạng ở chân trời, người ta cắm một cái mốc trên đỉnh gò, và ông xuất phát. Có những người cỡi ngựa theo sau và đóng xuống đất những cọc để đánh dấu lộ trình mà ông đã đi qua. Ông bước đi nhanh và mỗi lúc một nhanh hơn. Càng đi xa đất càng màu mỡ hơn. Trong lúc tham lam, ông đi một vòng thật lớn mà quên mất thời gian. Và rồi ông hoảng hốt khi thấy mặt trời bắt đầu xuống. Ông quay đầu chạy về cái gò, nơi ông xuất phát thật nhanh. Khi ông vừa lên đến đỉnh gò thì mặt trời đã lặn. Tuy nhiên, ngay lúc đó ông đã ngã quỵ xuống, úp mặt trên đất. Người tộc trưởng nói “tôi khen ngợi ông, ông đã có nhiều hơn bất cứ người nào mà tôi còn nhớ”. Nhưng Pakhom không đáp lại. Người ta lật ngửa ông lên. Ông đã chết.

Trong câu chuyện người phú hộ mà thánh Luca kể lại, Chúa Giêsu không phê phán việc chúng ta tìm cái chúng ta cần, mà phê phán lòng tham của chúng ta. Cũng như trong câu chuyện của Tolstoy, nếu Pakhom biết dừng lại khi đã có tám sào đất anh cần thì anh đã sống hạnh phúc, nhưng anh đã chết vì anh cứ mải mê chạy theo lòng tham của mình. Lòng tham giống như ngọn lửa, ta càng thỏa mãn nó bằng cách chất thêm củi thì lửa càng bùng lên và càng đòi thêm nhiều củi.

Và trong bài dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu cũng không đả kích sự tích lũy của cải mà chỉ đả kích sự khờ dại của những người chỉ biết thu tích của cải vật chất mà quên đi nhiệm vụ thu tích của cải thiêng liêng. Sứ điệp mà Đức Giêsu muốn loan báo cho chúng ta hôm nay: hãy dùng của cải đời này mà “làm giầu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,21).

Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta chỉ là những con người nghèo khó. Cho dù có xây bao nhiêu kho lẫm, bao nhiêu két sắt, bao nhiêu tài khoản ngân hàng, cũng chỉ là con số không. Chúng ta chỉ thực sự giầu có trước mặt Thiên Chúa khi chúng ta biết quảng đại với những người nghèo khó.

Ở Kenya bên Phi Châu, một vị thừa sai kể rằng có một số dân Phi Châu vẫn còn giữ tập tục lấy đi tất cả quần áo người chết đang mặc trước khi chôn cất người ấy. Một trong những mục đích của tục lệ này nhằm nói lên rằng chúng ta rời khỏi thế gian này cũng y hệt như khi chúng ta vào thế gian. Tuy nhiên, chúng ta có thể mang đi theo khi đi ra khỏi đời này với những cái mà chúng ta làm giầu trước mặt Thiên Chúa, tức là tất cả những gì chúng ta đã cho đi. Những cái chúng ta đã cho đi làm thành một kho tàng trên trời dành riêng cho chúng ta. Những cái chúng ta đã cho đi ở trần gian này vẫn còn tồn tại không bao giờ hư nát, và đấy chính là những công nghiệp chúng ta dâng cho Chúa để được hưởng hạnh phúc đời.

Chúng ta đã chuẩn bị gì cho cuộc sống mai hậu?

Vào một buổi sáng nọ ông Alfred Nobel mở tờ nhật báo ra và thấy bài cáo phó của mình ở trong đó. Một phóng viên người Pháp đã cẩu thả loan tin ông từ trần thay vì em của ông. Ông Alfred thật bàng hoàng, vì lần đầu tiên trong đời, ông nhìn về chính mình dưới con mắt của người khác. Ông thấy chính mình như một "ông vua thuốc nổ" đã dùng toàn thể cuộc đời để chế tạo vũ khí sát hại và tiêu diệt.

Sáng hôm ấy, ông Nobel quyết tâm thay đổi hình ảnh người ta nhìn về ông. Sự quyết tâm của ông đã đưa đến kết quả là các giải thường Nobel hằng năm trong các lãnh vực vật lý, hóa học, y học, văn chương và hòa bình.

Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta hãy thi hành giống như ông Alfred Nobel.

Nó mời gọi chúng ta hãy tưởng tượng đọc bài cáo phó của mình.

Nó mời gọi chúng ta nhìn về con người thực sự của mình.

Nó mời gọi chúng ta nhìn về chính mình như Thiên Chúa nhìn chúng ta.

Nếu chúng ta phải ra trước mặt Thiên Chúa tối nay để báo cáo về cuộc đời trần thế này, thì liệu Thiên Chúa có nói với chúng ta như Người đã nói với ông phú hộ kia: "sao con dại thế! Nếu đêm nay con phải từ giã cuộc đời này thì ai sẽ hưởng tất cả những gì con cất giữ cho mình?" Một điều đáng cho chúng ta phải suy nghĩ. Amen.

--------------------------------

 

TN 18-C158: Phù vân


(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ.)

 

Tác giả sách Giảng Viên nghiên cứu những sự việc xảy ra trên đời, sau những năm tháng dài suy TN 18-C158


Tác giả sách Giảng Viên nghiên cứu những sự việc xảy ra trên đời, sau những năm tháng dài suy tư, Ngài nói: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv.1, 2). Thành công lẫn thất bại, danh thơm tiếng tốt cũng như những tài sản một người có thể có, cũng chỉ là phù vân. Vất vả cực nhọc làm việc, an nhàn hưởng thụ, cũng chỉ là phù vân. Tất cả đều qua đi, chẳng có gì tồn tại. Phù vân, tất cả chỉ là phù vân. Tất cả những gì con người vất vả lam lũ để có, hoặc chịu đựng, dường như chẳng có chi trường tồn.

Có nhiều người đi tìm tiền bạc chức quyền, tưởng rằng những điều đó đem lại cho con người hạnh phúc, nhưng họ khổ vẫn khổ. Có thể họ sung sướng thỏa mãn trong một thời gian, nhưng rồi sau đó lại thấy bất hạnh! Thành công cũng làm con người thỏa mãn trong một khoảng khắc nào đó, nhưng rồi tất cả cũng qua đi. “Nào ai giầu ba họ, nào ai khó ba đời!” “Dù ai ruộng sâu trái núi, đụn lúa kho tiền, bất qua cũng thủ tài chi lỗ.” Tiền bạc tài sản, tất cả sẽ qua đi. Kể cả mạng sống con người, cũng qua đi. Thời gian đưa tất cả đến chỗ “kết” của nó.

“Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khỏi người mong được vào.” Danh lợi, tình tiền, bao nhiêu là mong ước, bao nhiêu là trói buộc! Tất cả đã qua đi, đang qua đi, và sẽ qua đi; dường như chẳng có gì tồn tại với con người. Người ham tiền bạc, có thể bị người khác dùng tiền bạc để điều khiển sai khiến; người ham công danh chức quyền cũng tương tự vậy, cũng có thể bị người khác chi phối điều khiển bằng cái mồi công danh. Người ham danh tiếng, bị cái sợ chi phối: sợ bị người khác hiểu lầm, sợ bị người này hiểu thế này thế kia, và họ trở thành nô lệ.

Đức Yêsu đã sống thân phận con người như tất cả và từng người chúng ta. Ngài đã thấy có những người quá lo cho cơm ăn áo mặc, lo đến độ sống bất an. Những người đó không tin rằng Thiên Chúa yêu thương họ; họ không tin rằng Thiên Chúa đã cho họ được sinh ra, thì Ngài cũng sẽ ban cơm ăn áo mặc cho họ và cho con cái họ. Dĩ nhiên, khi Thiên Chúa ban cho con người lý trí, là để con người có thể nhìn trước thấy sau, để họ có thể toan tính dự trù; điều đáng trách ở đây là họ làm như thể Thiên Chúa không yêu thương không quan tâm đến họ, nên họ lo lắng đến độ bất an. Với những người này, Đức Yêsu dạy họ: hãy tín thác nơi Thiên Chúa quan phòng (Mt.6, 25-34).

Tin mừng theo thánh Luca hôm nay cho thấy Đức Yêsu được một người xin Ngài can thiệp: “xin thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Có người lạc quan thấy rằng qua biến cố này, Đức Yêsu là người được tin tưởng và cậy nhờ; nhưng người khác cho rằng trong vụ việc này Đức Yêsu cũng chỉ là phương tiện mà thôi; đối với người xin Đức Yêsu can thiệp này, bất cứ ai giúp họ đạt được yêu cầu “được người anh chia gia tài” là anh ta có thể cậy nhờ. Chính Đức Yêsu cũng không hài lòng về điều này: “này anh, ai đặt tôi là người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Người ta quá bận tâm về tiền bạc, người ta tưởng rằng có của là có tất cả. Điều quan trọng người ta không lo tìm kiếm, mà lại quá bận tâm về những sự mau qua. Dụ ngôn người phú hộ cho thấy cái chết sẽ làm cho người ta nhận ra sự thật về con người. Cái chết giúp con người bình đẳng với nhau trước nhan thánh Chúa. Người ta không thể mang tiền của đi theo mình được; những gì người ta cố công thu góp lại để cho người khác hưởng. Danh tiếng một người sẽ được cái chết đưa vào dĩ vãng. Người chết chẳng nhận danh tiếng mà chỉ người sống mới có thể nhận lời ca tụng của người khác.

Mỗi người hãy sống hạnh phúc ngay từ giây phút này, không phải chờ tới tương lai hay ngày mai. Sống hạnh phúc chính hôm nay và ngay bây giờ, đó mới là điều quan trọng. Hạnh phúc tương lai một Kitô hữu mong đợi, cũng phải hàm chứa người đó bình an ngay giây phút này. Một Kitô hữu phải là người liên đới với mọi người, mong ước điều tốt cho mọi người và đặc biệt những người mình thương yêu, nhưng vẫn phó thác tất cả cho Thiên Chúa, có như vậy người đó mới có thể sống bình an và hạnh phúc thật sự. Kitô hữu phải xác tín, Thiên Chúa là Cha của tất cả, Thiên Chúa yêu thương tất cả và từng người, hơn bất cứ ai ở trần gian này. Chính Thiên Chúa sẽ lo lắng và săn sóc cho tất cả và từng người mà mình thương mến lo lắng. Nếu mình lo lắng quá đáng, là dấu chỉ cho thấy chưa nhận biết và tin vào Thiên Chúa là Thiên Chúa tình yêu.

“Thưa anh em, anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl.3, 1). Để có thể có được những gì tốt đẹp thường hằng, chúng ta cũng phải sống như Đức Yêsu Kitô. Mỗi người chúng ta được mời gọi để sống như có Thiên Chúa là gia nghiệp, như Thiên Chúa là tất cả cho mình, nghĩa là, Thiên Chúa là gì quý nhất mà mỗi người chúng ta ao ước và khao khát. Mỗi người chúng ta được mời gọi để sống theo ơn gọi và bản tính của con cái Thiên Chúa, vì mỗi người chúng ta là con cái Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu, ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy” (1Ga.4, 16). Chúng ta được mời gọi để sống yêu thương, để muốn điều tốt cho người khác, để tôn trọng tự do của mỗi người, để thương yêu và giúp đỡ những người cần đến sự giúp đỡ của mỗi người chúng ta.

Gia nghiệp của Kitô hữu, là chính Thiên Chúa và những người mà mình đã cộng tác với Thiên Chúa để giúp họ có Thiên Chúa là tất cả. Yêu thương như Đức Yêsu đã yêu thương. Đức Yêsu là mẫu gương, là lý tưởng sống, là thần tượng của mỗi Kitô hữu. Con người khi chưa được hiện hữu thì chưa có, nhưng một khi đã được hiện hữu thì tồn tại mãi mãi. Tất cả những sự trần gian sẽ qua đi, nhưng Thiên Chúa thì vĩnh cửu, và con người còn mãi với Thiên Chúa. Nếu chúng ta cùng cộng tác với Thiên Chúa, giúp cho một người nhận ra sự thật về chính họ, giúp họ sống an bình hạnh phúc, giúp họ thuộc trọn vềThiên Chúa và trở thành tình yêu của Thiên Chúa cho người khác, thì sự nghiệp của chúng ta tồn tại mãi mãi. Yêu thương Thiên Chúa và con người, là đang tạo cho mình một gia tài tuyệt vời và vĩnh cửu.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Bạn mong ước thành người thế nào trong tương lai? Theo bạn mơ ước, sự nghiệp của bạn sẽ là gì?
2. Sự nghiệp của ba mẹ bạn là gì? Sự nghiệp của vua Quang Trung là gì? Sự nghiệp của vua Gia Long là gì?
3. Theo bạn, sự nghiệp của Đức Maria là gì?
4. Sự nghiệp của Đức Yêsu là gì?

-------------------------------

 

TN 18-C159: Sự giàu có đích thực


(Suy niệm của Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng)

 

Phụng vụ Chúa nhật XVIII hôm nay mời gọi mọi người suy gẫm nghiêm túc về ý nghĩa cuộc đời TN 18-C159


Phụng vụ Chúa nhật XVIII hôm nay mời gọi mọi người suy gẫm nghiêm túc về ý nghĩa cuộc đời mình. Một bài học về sự khôn ngoan. Mối bận tâm thiết thân nhất của phần lớn con người hôm nay là gì? Phải chăng đó chính là làm sao sở hữu được thật nhiều của cải vật chất, càng sung túc, càng giàu có càng tốt đẹp? Nhiều người cho rằng của cải vật chất sung túc sẽ bảo đảm cho mình trước những bất trắc của cuộc sống. Thật là điều ảo tưởng! Ngu dốt! Chúa Giêsu đã khẳng định như thế: "Hỡi kẻ ngu dại! Đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?"

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy ra sức hướng hành động, thái độ, những đau khổ và niềm vui của cuộc đời mình theo ánh sáng Tin mừng. Đấy chính là sự khôn ngoan ở đời này. Chính sự khôn ngoan này mới mang lại điều thiện hảo và sự giàu có cao quí đích thực.

I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA: Tin mừng Lc 12,13-21

Mối hiểm nguy của sự giàu có vật chất

Dù rất giàu có, cuộc sống con người không tùy thuộc vào của cải. Thật là điên rồ nếu ai đó cho rằng của cải thế gian là một bảo đảm cho sự sống.

Của cải trần gian không thể kéo dài cuộc sống dù chỉ trong chốc lát khi mà hạn định của Thiên Chúa đã đến. Và cũng thật điên rồ nếu như chỉ biết thu tích của cải để hưởng thụ một mình vì khi chết đi nó sẽ xa lìa con người vĩnh viễn. Những gì cần tích lũy chính là tài sản của Thiên quốc, nơi bảo đảm hạnh phúc và sự sống đích thực. Tích trữ bằng đời sống hiện tại biết mến Chúa và quảng đại cho đi của cải chúng ta sở hữu tại trần thế này.

a. Chúa Giêsu từ chối làm quan án cho người đến xin Ngài chia gia tài. Việc Chúa Giêsu từ chối không phải vì Ngài chấp nhận sự bất công hay bóc lột. Nhưng Ngài muốn con người phải cảnh giác trước những hiểm họa của tiền bạc, của sự giàu có. "Chẳng phải sự sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm đâu". Chúa Giêsu không đến để lên án, nhưng để con người tự lên án, tự xét xử, để rồi mỗi người khám phá ra sự lầm lạc, tội lỗi của mình mà thay đổi.

b. Qua dụ ngôn người phú hộ ngu dại, Chúa Giêsu đã vạch ra cho thấy hiểm họa của việc tích trữ, hưởng thụ của cải vật chất đời này mà quên đi việc tích trữ của cải đời sau. Điều đó thật là "đồ ngốc"! Cựu ước dùng từ "Ngốc" để chỉ người chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa (x. Tv 13,10: người ngốc nói trong lòng rằng không có Thiên Chúa). Người phú hộ này được coi là ngốc vì đã quên mất Thiên Chúa, chỉ nghĩ đến sự giàu có và của cải thế gian.

c. "Làm giàu trước mặt Thiên Chúa": Kết luận của dụ ngôn cho thấy rõ ý định của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng ban phát hạnh phúc và của cải cũng như mọi ân phúc khác cho con người. Con người có hay không là tùy thuộc vào Người. Do đó, đừng thu tích của cải trần thế mà hãy phó thác tất cả cuộc sống này cho Thiên Chúa. Bản thân hãy lo sống đúng Lời Chúa. Làm giàu trước mặt Chúa chính là những việc lành phúc đức, là tình bác ái, là sự chia sẻ của cải cho anh chị em nghèo khổ chung quanh. Ở đời này biết cho đi là biết làm giàu trước mặt Chúa.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Lòng tham của con người, nguồn gốc sự ngu dại tâm linh:

Khi từ chối làm quan án xét xử việc phân chia gia tài, Chúa Giêsu khẳng định: hãy giữ mình tránh khỏi mọi thứ tham lam. Chẳng phải sung túc mà đời sống được bảo đảm đâu. Chính bởi lòng tham mà có sự chia rẽ, nếu hai anh em kia thực lòng thương yêu nhau, không tham lam của cải thì đâu đến nỗi phải tranh giành, nhờ đến người khác phân xử. Nếu con tim được giải thoát khỏi lòng tham thì đâu cần đến luật pháp xét xử, đâu có sự cãi vã tranh giành… Cuộc sống thực tế hôm nay nhiều gia đình ly tán, con cái bất hiếu từ bỏ cha mẹ, anh chị em chia rẽ bất hòa chỉ vì lòng tham một vài tấc đất, một ít gia tài của mẹ cha. Chính lòng tham là nguyên nhân đưa đến sự mê muội trong đời sống tâm linh, khiến cho con người không còn khả năng nhận định đâu là điều bảo đảm cho cuộc sống của mình, mà chỉ đơn giản cho rằng chính của cải vật chất là bảo đảm tốt nhất, cần thiết nhất mà thôi. Của cải tiền bạc không phải là thứ vững bền, không thể bảo đảm cho cụôc sống được, vì chính khi đã chết rồi thì của cải còn lại nghĩa lý gì.

Tất cả là hư không mà thôi.

Kitô hữu chúng ta phải triệt để loại bỏ khỏi mình lòng tham của cải, tập sống bác ái quảng đại. Làm sao để lòng mình siêu thoát khỏi những cuốn hút của tiền tài vật chất. Đây là một nỗ lực rèn luyện nhân cách, nhân đức liên lỉ. Cần phải cầu nguyện, phải thực thi Lời Chúa, sống tình bác ái với nhau mới có thể cho đi, thay vì tìm mọi cách thu vén cho cá nhân mình.

2. Sự khôn ngoan và ngu dại trước mặt Thiên Chúa:

Sống ở đời người ta thường nói: "Có thực mới vực được đạo". Làm gì thì làm, chắc cái bụng đã. Đây chính là kinh nghiệm đúc kết từ thực tế cuộc sống của bao đời người. Điều này tất nhiên đúng và có giá trị. Tuy nhiên, chuyện gì cũng có mặt trái của nó. Chỉ hoàn toàn chú tâm đến chuyện tiền bạc vật chất, để nó chi phối toàn bộ cuộc sống thì xem ra lại là sự dại khờ. Tiền bạc không thể kéo dài sự sống cho dù nhờ có tiền, con người có thể thụ hưởng những phương tiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Vì tới giờ Chúa gọi rồi thì làm sao trì hoãn được. Tiền bạc có thể giúp con người chúng ta có được mọi tiện nghi, có được nhiều thứ cần thiết cho cuộc sống, cho gia đình nhưng xem ra lại bất lực trong việc kiến tạo hạnh phúc, là điều chỉ có nhờ Thiên Chúa và tình yêu. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã cho rằng người phú hộ trong dụ ngôn là ngu dại. Cứ lo tích trữ của cải để hưởng thụ và tự mãn về tài sản của mình quên đi việc chăm sóc cho đời sống tâm linh, quên đi việc thực thi Lời Chúa để rồi khi Thiên Chúa đòi mạng sống thì tất cả đều sụp đổ. Tiền bạc vật chất tự nó không xấu cũng không tốt, nó chỉ là phương tiện mà thôi. Nếu không biết khôn ngoan sử dụng thì sẽ trở nên nô lệ cho nó, đó chính là sự khờ dại. Sống chỉ biết hưởng thụ vật chất đời này mà không biết lo liệu cho cuộc sống mai sau thì còn là điều dại khờ hơn nữa. Cho nên, cần phải khôn ngoan nghĩa là biết dùng của cải theo ý Chúa. Biết sống vì mục đích tối thượng là hạnh phúc, sự sống nơi Thiên Chúa.

Đứng trước sự hấp dẫn của tiền tài vật chất, con người rất dễ bị sa ngã. Không chỉ vì đời sống kinh tế khó khăn mà chính vì lòng tham, sự ích kỷ làm cho chúng ta trở nên mê muội và sa ngã vào hấp lực của đồng tiền. Lời Chúa hôm nay mời gọi Kitô hữu hãy có thái độ khôn ngoan, biết sử dụng đồng tiền để mưu cầu hạnh phúc cho mình và tha nhân. Hãy khôn ngoan lo liệu cho cuộc sống mai hậu của mình.

3. Tìm kiếm và tích trữ kho tàng Nước Trời ngay từ cuộc sống trần gian:

Kết thúc dụ ngôn người phú hộ khờ dại, Chúa Giêsu kết luận tích trữ của cải mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa là ngu dại và chả được tích sự gì. Vì khi chết, của cải cả đời tích lũy phải để lại cho người khác còn bản thân lại chẳng được gì. Làm giàu trước mặt Thiên Chúa là một thái độ sống ngược hẳn với sự làm giàu theo nghĩa thế gian. Làm giàu là làm sao cho mình có thật nhiều của cải, là sự thu tích. Còn làm giàu trước mặt Chúa là một sự cho đi, quảng đại chia sẻ của cải tiền bạc của mình cho anh chị em nghèo khổ chung quanh. Những gì mình có thể tích lũy nơi kho tàng Nước Trời chính là những gì mình quảng đại cho đi trong cuộc sống thế trần này. Ở đời này càng biết cho đi thì đời sau càng tích trữ nhiều. Gắn bó chặt chẽ với tiền tài của cải ở đời này nhưng khi nhắm mắt ra đi thì nó sẽ ở lại và xa lìa mình vĩnh viễn ; người nào yêu thương gắn bó mật thiết với mình nhất thì cũng chỉ đi theo mình tới nấm mồ. Chỉ có nhân đức và lòng bác ái sẽ theo mình mãi tới cuộc sống nơi Thiên Chúa. Đây mới chính là của cải đích thực mà mỗi Kitô hữu cần phải tích trữ và làm giàu.

Trong thực tế xã hội hôm nay, khi mà sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng mạnh mẽ ; khi mà đồng tiền đang lên ngôi ngự trị trong mọi lãnh vực của cuộc sống thì việc làm giàu trước mặt Thiên Chúa đối với Kitô hữu quả là một thách đố lớn lao. Mỗi người cần phải tin tưởng, phó thác và thực lòng yêu mến Chúa mới có khả năng làm giàu được. Hãy nhìn lại mình xem hôm nay tôi đang làm giàu trước mặt Chúa như thế nào?

III. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Mở đầu: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ân phúc và sẽ làm no thỏa mọi khát vọng của nhân loại chúng ta. Trong niềm tin tưởng, chúng ta cùng dâng lên lời nguyện xin.

1. Giáo hội được Chúa Giêsu thiết lập với ước muốn vì người nghèo và là một Giáo hội nghèo khó. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Giáo hội luôn biết quảng đại chia sẻ cuộc sống với những người nghèo khổ trên toàn thế giới.

2. Ngày nay lối sống hưởng thụ ích kỷ đã và đang làm băng hoại xã hội, làm cho nhiều người nhà tan cửa nát, nhiều người phải lâm vào cảnh đói khổ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người, nhất là các vị lãnh đạo quốc gia biết đồng tâm hiệp lực xây dựng một nếp sống công bằng bác ái trong xã hội, để nhờ đó mọi người được ấm no hạnh phúc.

3. Phải biết khôn ngoan làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết sống quảng đại, vị tha và biết bác ái chia sẻ cuộc sống vật chất với những anh chị em nghèo khổ trong cộng đoàn.

Lời kết: Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống. Chúng con cảm tạ Chúa đã dạy chúng con biết của cải vật chất không bảo đảm cho sự sống đời đời mà phải biết lo làm giàu trước mặt Chúa bằng đời sống bác ái. Xin ban cho mỗi người chúng con tình yêu và sự hy sinh của Chúa, để tất cả chúng con biết thành thực quảng đại, yêu thương nhau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

---------------------------------

 

TN 18-C160: “SỐNG CÓ Ý NGHĨA”

 

Sống trong đời, ta là thân lữ khách, bởi lẽ cuộc sống là một cuộc hành trình dài. Có những lúc dừng TN 18-C160


Sống trong đời, ta là thân lữ khách, bởi lẽ cuộc sống là một cuộc hành trình dài. Có những lúc dừng lại để hồi tâm suy nghĩ, những câu hỏi làm ta giật mình: ta sống để làm gì? Vất vả ngược xuôi, bon chen tính toán, để cuối đời ta được gì, vì lúc vào đời, ta có hai bàn tay trắng, và lúc ra đi, ta cũng trắng tay? Đặt những câu hỏi đó sẽ giúp chúng ta nhìn lại đường đời mình đang đi, vừa để tận hưởng những hạnh phúc nho nhỏ ta có bên đời, vừa để kịp thời điều chỉnh những sai phạm lầm lỡ, nhờ đó uốn nắn cuộc đời nên hoàn thiện hơn.

Tác giả sách Giảng viên đã ghi lại lời giảng của ông Cô-hê-lét. Đây là suy tư của một người đã từng trải. Chắc ông đã qua nhiều thăng trầm trôi nổi của cuộc sống, để rồi cuối cùng đúc rút ra một bài học: tất cả chỉ là phù vân. Phù vân là mây bị gió thổi, ý nói mọi sự đều chóng qua và vô nghĩa. Một văn sĩ Việt Nam, khi cảm nhận được sự chóng qua của đời người đã thốt lên: “Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật, Thế cho nên tất bật đến bây giờ!” (Bùi giáng). Một tác giả khác lại suy tư: “Phú quý vinh hoa như mộng ảo,Sắc tài danh lợi tựa phù du”. Ý tưởng về sự mong manh của kiếp người cũng thường thấy trong Thánh vịnh: “Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103, 15-16). Vì cuộc sống chóng qua như thế, chúng ta phải sống sao cho có ý nghĩa trước mặt Chúa và tha nhân.

Nhân dịp có người đến nhờ giải quyết tranh chấp gia tài, Chúa Giêsu nói về việc sử dụng của cải. Tiền vàng bạc bể trên thế giới, chỉ có Chúa là chủ sở hữu chính thức. Con người ở đời chỉ là “lưng cơm giá áo” như người xưa vẫn nói. Ai may mắn có được của cải, cũng chỉ là Chúa trao cho quản lý và sinh lời. Dụ ngôn người phú hộ chúng ta đọc hôm nay và dụ ngôn 3 người đầy tớ được trao những nén bạc (x. Mt 25,14-30), cũng mang một giáo huấn tương tự. Được trao nhiều hay trao ít, mọi đầy tớ phải lo làm cho số vốn đã nhận sinh lợi. Người phú hộ không đáng trách vì anh ta giàu, nhưng Chúa trách anh ta và quở anh là “ngốc”, vì anh ta chỉ bo bo giữ cho mình số của cải có được. Những lời tự nhủ của anh ta cho thấy anh là một người giàu có nhưng ích kỷ và kiêu ngạo, chỉ lo hưởng thụ mà quên lãng tha nhân. “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”. Lời kết thúc của bài Tin Mừng là giáo huấn mà Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta. Trước mặt thế gian, người phú hộ rất giàu có, nhưng trước mặt Thiên Chúa, anh lại rất nghèo nàn. Sự giàu có và nghèo nàn trong giáo huấn của Chúa Giêsu lại khác với quan niệm thông thường trong cuộc sống chúng ta. Kết cục bi thảm của cuộc đời người phú hộ cho thấy điều ông tưởng là chắc chắn và đặt để niềm hy vọng, thì đó chỉ là đám bèo trôi, nay hợp mai tan, nay còn mai mất. Đang là người tưởng mình hạnh phúc, ông trở thành bất hạnh, vì công lao khó nhọc bao năm tích cóp mà chẳng được hưởng dùng, cũng chẳng mang đi được. Mỗi ngày sống, chúng ta cần “làm giàu” trước mặt Chúa và cần tích trữ cho mình của cải thiêng liêng. Một đời sống đạo hạnh, bao dung, nhân từ, khiêm tốn trung thực… sẽ là tạo nên nhiều của cải thiêng liêng cho bản thân. Lòng quảng đại sẻ chia tinh thần vật chất cho người bất hạnh, sẽ được Chúa ghi nhận, vì “cho đi là còn mãi”, hoặc “chính lúc hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Sống ngay lành trước mặt Chúa, thân thiện và quảng đại đối với anh chị em, sẽ làm cho cuộc sống thêm đẹp và có ý nghĩa, nhờ đó ta tìm được hạnh phúc ngay chính ở đời này, vì người ta chỉ hạnh phúc đích thực khi đem lại hạnh phúc cho người khác.

Mỗi người đều cần có vật chất để bảo đảm đời sống của mình và giúp đỡ tha nhân. Qua dụ ngôn người phú hộ, Chúa Giêsu nhắc chúng ta: đừng quá lệ thuộc vào vật chất. Vật chất chỉ là phương tiện, chứ không phải đích điểm của đời người. Kinh nghiệm thực tế dạy chúng ta: không phải lúc nào vật chất cũng đem lại cho chúng ta hạnh phúc. Thánh Phaolô dạy các tín hữu hãy sống cao thượng, can đảm từ bỏ những thói hư tật xấu. Khi từ bỏ tội lỗi, là chúng ta chấp nhận chết với Chúa Giêsu để vươn tới cuộc sống mới, cuộc sống trong ân sủng và niềm vui của Đấng phục sinh. Thánh nhân liệt kê những gì được coi là “hạ giới”, như gian dâm, ô uế, ước muốn xấu và tham lam. Kết hợp với Đấng phục sinh, chúng ta đã nếm hưởng hạnh phúc Thiên đàng ngay khi còn ở đời này.

Xin kết thúc bằng những vần thơ, cũng của thi sĩ Bùi Giáng, suy tư về ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta hãy cùng với ông “hướng về nơi cao xanh”:

Khi ra đi cũng không còn nuối tiếc
Vì đời ta đã sống trọn kiếp người
Với tất cả tấm lòng thành thương mến
Ðến mọi người xa lạ cũng như quen.

Ta là Cát ta sẽ về với Bụi
Trả trần gian những cay đắng muộn phiền
Hồn ta sẽ về nơi cao xanh ấy
Không còn buồn lo lắng chốn trần ai.

+ ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên

---------------------------------

 

TN 18-C161: BÁM VÍU VÀO AI VÀ CÁI GÌ?

 

Hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không” (Gv 1,2). Lời của ông Côhelét khiến chúng TN 18-C161


“Hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không” (Gv 1,2). Lời của ông Côhelét khiến chúng ta suy nghĩ. Côhelét là ai vậy? Ông tự xưng mình là con vua Đavít, vua ở Giêrusalem. Chỉ có Salomon con vua Đavít là vua Giêrusalem thôi. Nhưng tại sao ông lại bảo mình là Côhelét? Côhelét có nghĩa là “cộng đoàn”. Tác giả muốn nhân danh cộng đoàn dân Chúa mà giảng dạy. Ông suy tư về sự khôn ngoan và lẽ sống ở đời, mà Salomon làm tổ phụ nổi tiếng về lẽ khôn ngoan.

Lẽ sống ở đời

Có người đặt câu hỏi: Khôn ngoan gì mà viết “Hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không” (Gv 1,2), xem ra có vẻ yếm thế.

Tác giả nói đến công lao khó nhọc, vận dụng tay chân, trí óc ra để xây dựng cơ đồ, và giờ đây tự hỏi: công trình ấy sẽ để lại cho ai, sẽ rơi vào tay người nào? Phần ông chắc chắn sẽ chẳng mang theo được gì và không hiểu sẽ đi về đâu? Nghĩ như vậy mà không thấy hết thảy là hư không sao?

Tác giả không có bi quan, yếm thế mà chỉ khắc khoải. Ông không hề tiếc vì đã lao nhọc. Ông không buồn vì đã trổ tài khôn ngoan. Ông chỉ ưu tư thắc mắc: sự nghiệp ấy rồi sẽ rơi vào tay ai? Chắc chắn người nào đó không khó nhọc làm nên sẽ hưởng dùng. Rồi người làm ra nó sẽ đi về đâu sau khi từ giã cuộc đời? Người ta có thể dựa vào đó để suy nghĩ rằng cuộc đời chẳng có gì đáng sống; rồi lao nhọc làm gì để rồi ra đi với hai bàn tay không? Nhưng đó không phải là ý nghĩa của tác giả sách Giảng viên.

Điều mà tác giả sách Giảng viên khuyên chúng ta không nên thiển cận chỉ biết ngày hôm nay, sống và bám víu với cái tạm bợ, nhưng phải nhìn xa về tương lai. Phải nhìn cao hơn bình diện đời này, để xây dựng không uổng phí và sự nghiệp khỏi trở thành hư không. Ðó cũng là ý tưởng mà Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay.

Cái tạm thời

Một hôm, Đức Giêsu đi ngang qua dòng người, ở giữa đám đông vây quanh Người, với tất cả khổ đau và kêu cứu. Một người trong nhóm họ lên tiếng thưa: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi” (Lc 12, 13). Đức Giêsu bỗng dưng bị đặt làm trọng tài giữa hai người trong tương quan nhân loại. Có người hỏi: vì lý do gì mà người kia lại thưa với Đức Giêsu một điều như thế, Người đâu phải là một quan tòa chuyên xử các vụ chia cắt gia tài của các gia đình? Chúng ta không vội kết án người này. Anh ta có hai lần đúng khi chạy đến nhờ Đức Giêsu. Trước hết đối với Đức Giêsu không có gì vô nghĩa, thứ đến Đức Giêsu với tư cách là Thầy, Người hoàn toàn có quyền làm trọng tài để giải quyết cho anh vấn đề anh nêu ở trên, nên chạy đến Người cầu cứu!

Tuy nhiên Đức Giêsu nhanh chóng gạt đi và dứt khoát từ chối can thiệp vào những chuyện như thế: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi? “ (Lc 12,14). Đức Giêsu không can thiệp, nhưng Người lại chỉ cho cách cần phải giải quyết những vấn đề đó với tinh thần nào: “Các ngươi phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu” (Lc 12,15).

Cái bền vững

Thật khôn ngoan khi biết rằng thế giới mà chúng ta đang sống không mang lại ý nghĩa tối hậu chúng ta tìm kiếm trong cuộc đời. Nhưng cũng thật sai lầm khi để mình bị giam hãm trong sự phi lí của thế gian này. Thánh Phaolô trong bài đọc II mời gọi chúng ta tìm kiếm những sự cao siêu trên trời (x. Cl 3,1).

Câu hỏi được đặt ra: chúng ta đang bám víu vào ai và cái gì? Dụ ngôn Đức Giêsu kể trên dành cho chúng ta là những người, đang tiêu tan cho những dự án và lo lắng mà không biết rằng thế giới này là hư không (ý nghĩa văn chương hư không có nghĩa là hơi nước đọng lại, phù du), chúng ta hy vọng sẽ thỏa mãn và  ổn định lâu dài. Một ngày kia, người giầu tỉnh giấc, đau buồn vì của cải thế gian này không còn là của ông nữa.

Người nhà giầu bị trách là “ngu dại”, không phải vì ông thu góp của cải. Những của cải, vật chất đời này không phải là xấu, nhưng tự bản chất, chúng không có giá trị bền vững. Xấu ở chỗ lòng ông bám víu trọn vẹn vào chúng mà quên đi cái được cái mất và ý nghĩa cuộc đời. Ông muốn “nghỉ ngơi”, ông muốn bình an “trong nhiều năm” (x. Lc 12,19). Liệu có phải là mục đích cuộc đời của ông không? Và tại sao? Ông có chắc rằng ông có thể tự cho mình nghỉ ngơi vui chơi không? Những thứ mà ông đang sở hữu có mang lại bình an và niềm vui không? ” Đó chính là lý do Đức Giêsu gọi ông là “kẻ ngu dại” (Lc 12, 20). Vì hạnh phúc bền lâu không đến từ thế gian này mà đến từ Thiên Chúa. Ông đã nhầm khi chọn cái tạm bợ (đời này) làm chỗ dựa bền vững.

Mỗi lần “kẻ ngu dại” trong Tin Mừng xuất hiện là một lần Thánh Phaolô hỏi chúng ta về vấn đề này: trong cuộc đời, chúng ta có “bê tha, nhơ bẩn, dục vọng, ước muốn xấu và thèm khát hưởng thụ không?” Chúng ta có chắc rằng “Hư không trên hết các sự hư không?” Trong đời ta có còn những thần tượng tạm bợ ở đời này không? Đây là lúc chúng ta gạt bỏ “những thủ đoạn của người xưa”, vì ngu dại chọn lựa sự hư không khi Đức Kitô trao ban cho chúng ta những phương tiện để xây dựng trên sự bền vững.

Đức Giêsu và tác giả Sách Giảng Viên nhắn nhủ chúng ta hay rằng, tất cả là hư không, là lầm lẫn khi con người chỉ lo tìm địa vị, quyền hành và đặt hết tin tưởng của mình vào những sự vật chóng qua, mà lại sao nhãng việc tích trữ các của cải thiêng liêng, thực thi các việc lành phúc đức bác ái, thì chỉ là những kẻ dại dột và thua thiệt. Vì một ngày kia, khi chết, chúng ta sẽ làm được gì với những thứ của cải vật chất chúng ta từng ky cóp cả đời? Chúng ta đã trang bị, sửa soạn cho mình được những gì khi phải ra trước tòa Thiên Chúa? Mọi vất vả khó nhọc của những kẻ sống như thế sẽ hoàn toàn hư không!

Đây là một lời dạy khôn ngoan luôn mang tính thời sự. Vì trong thời đại chúng ta, nhiều người lãng quên các giá trị tinh thần vĩnh cửu và cố chạy theo tìm kiếm cái tạm thời mau qua và chóng hết.

Thánh Gioan Maria Vianey nói: “Không có gì vững bền cả. Đời sống sẽ qua đi… danh giá cũng sụp đổ, của cải rồi sẽ tiêu tan, sức khỏe cũng bị tấn công, chúng ta ra đi như làn gió. “

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết tìm kiếm và tích lũy những thực tại của Nước Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

--------------------------------
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây