Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 67 - TN 18-C: Rồi sao nữa? -----------------------------------------
Chuyện kể rằng:
Thánh Philipphê Nêri muốn thuyết phục chàng Phanxicô Spaoãano, một sinh viên Rôma, đã hoàn toàn tin tưởng ở sự hướng dẫn của ngài, về một chân lý ngàn năm, như sau:
Một hôm Phanxicô hớn hở đến báo tin cho ngài biết: Anh ta đã thành công rực rỡ trên đường khoa nghiệp.
Thánh nhân trả lời:
- Khá lắm. Cha xin chúc mừng con. Nhưng rồi con sẽ làm gì? - Con sẽ làm trạng sư, sẽ biện hộ ở tòa án. - Rồi sao nữa? - Con sẽ có nhiều tiền. - Rồi sao nữa? - Con sẽ lập gia đình. - Rồi sao nữa? - Con sẽ sống hạnh phúc. - Rồi sao nữa?
Chàng sinh viên suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Rồi… rồi con cũng sẽ chết như bất cứ ai khác. - Rồi sao nữa?
Chàng sinh viên im lặng bỏ đi, trầm tư và u buồn. Tuy nhiên, câu hỏi của cha cứ nhắc đi nhắc lại mãi trong đầu, cứ ám ảnh anh ta hoài. Và rồi một hôm, anh ta đã từ giã đường trần và khoác áo tu trì.
*****
Khi giải thích dụ ngôn này của Chúa (TN 18-C), thánh Athanasiô đưa ra lời khuyên:
“Ai sống như phải chết mỗi ngày, vì biết rằng cuộc sống này tự nó là tạm bợ, không chắc chắn, thì sẽ không phạm tội, và vì sợ Chúa, nên sẽ dập tắt được phần lớn lòng tham lam; Trái lại, ai nghĩ mình còn sống lâu, thì sẽ dễ dàng để cho dục vọng khống trị mình”.
Trong dụ ngôn này Đức Giêsu đã nói lên sự nguy hiểm của sự giầu sang, và sự tham lam của cải vật chất. Vì vậy, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này để cảnh giác cho hết mọi người, bởi người giầu hay người nghèo cũng đều có tính tham lam, cũng đều thích lo tích trữ của cải cho mình.
Ở đây, Chúa trách người con trưởng tham lam, muốn chiếm đoạt gia tài, mà không chia cho người em. Đồng thời, Ngài cũng trách người em, vì ham mê của cải mà tranh chấp gia tài với anh mình.
Đo đó, các bài đọc của Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta phải duyệt xét lại những gì đang là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của ta.
Sách Giảng viên đã nhắc nhở chúng ta:
“Phù vân, quả là phù vân.
Phù vân quả là phù vân.
Tất cả chỉ là phù vân.
Điều sách Gảng Viên muốn nói: “Mục đích của đời sống chúng ta là gì?” Chắc chắn không phải là để lo tích lũy của cải. Bởi những sự vật ở trần gian này đều sẽ không bao giờ có thể thỏa mãn được tâm hồn chúng ta. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta hạnh phúc tràn đầy, thứ mà tâm hồn chúng ta luôn khao khát.
Vì thế thánh Phaolô nói: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.
Còn Chúa Giêsu khuyên chúng ta: “Đừng thu tích của cải trần gian cho mình, mà hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”.
Cái làm cho chúng ta giầu có trước mặt Thiên Chúa, không phải là chúng ta đang có gì, hoặc đang làm gì, nhưng thực tế chúng ta đang là gì.
Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu không chỉ nói về những người giầu có, nhưng Ngài muốn nói với tất cả những ai có tính tham lam.
Người nghèo cũng tham lam của cải không thua người giầu đâu.
Thật ra, tham Lam, không nhất thiết là vì có hay không nhiều tiền, nhiều bạc, nhiều của cải, nhưng là tại vì người ta luôn bị ám ảnh bởi tiền bạc, của cải vật chất, những thứ làm cho người ta ra mê muội, không còn biết thế nào là đủ nữa.
Bởi ông bà chúng ta thường nói: Túi tham thì vô đấy, chẳng biết bao nhiêu là vừa.
Người La mã có câu ngạn ngữ:
“Của cải như nước muối, bạn càng uống thì càng khát”.
Chúng ta cũng thường nghe nói: “Tham thì thâm”, mà quả là đúng như vậy.
Trong chuyện ngàn lẻ một đêm có kể lại một câu chuyện khá lý thú như thế này:
Có một anh thanh niên nọ, tình cờ lượm được một đồng tiền bằng bạc trên đường đi. Thế là từ đó, mỗi lần đi đâu, anh ta đều cúi đầu xuống đất, hết sức chú tâm tìm kiếm những đồng tiền rơi vì sợ bỏ sót. Kết quả là sau ba mươi năm, anh ta lượm được 4 đồng tiền bằng bạc, 37 đồng tiền bằng đồng, khoảng 18.500 nút áo đủ cỡ, đủ loại, khoảng 14.400 cây kim may và kim gút đủ lọai.
Nhưng bù lại, anh phải đổi lấy bằng cái tật khòm lưng. Với một tâm trạng bi quan, cộng thêm một tính khí khó thương. Bởi từ lâu, đôi mắt của anh đã không nhìn lên bầu trời, để thấy những vẻ đẹp của thiên nhiên, và cũng bao giờ nhìn thấy vẻ xinh đẹp của hoa lá cỏ cây … Tính ham mê của cải đã “giết chết con người của anh”.
Bí quyết làm cho chúng ta được hạnh phúc là biết chấp nhận. Hạnh phúc không phải là có cái chúng ta mong muốn, nhưng là chấp nhận cái chúng ta đang có. Dù giầu hay nghèo, hạnh phúc là bằng lòng với cái mình đang có, và ngay cả với cái mình không có nữa. Hãy biết chấp nhận mọi sự như chương trình của Thiên Chúa đã sắp đặt với lòng biết ơn, và cũng luôn ý thức rằng: Một khi chúng ta có Thiên Chúa là chúng ta có tất cả mọi sự (Dt 13,5-6).
Rồi chúng ta cũng hãy chú ý sứ điệp mà Đức Giêsu muốn loan báo cho chúng ta hôm nay: Hãy dùng của cải đời này mà “làm giầu trước mặt Thiên Chúa”(Lc 12,21). Đó mới chính là nghệ thuật làm giầu đích thực.
Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta chỉ là những con người nghèo khó. Cho dù có xây bao nhiêu kho lẫm, bao nhiêu két sắt, bao nhiêu tài khoản ngân hàng, cũng chỉ là con số không trước mặt Chúa.
Chúng ta chỉ thực sự giầu có trước mặt Thiên Chúa, khi chúng ta biết quan tâm đến những người nghèo khó, biết mở hầu bao để giúp những kẻ khốn cùng.
Chúa phán: “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá”(Lc 12,33).
Lạy Chúa, xin giúp con hiểu và cố gắng thực hiện những điều Chúa dạy con hôm nay. Amen.
-----------------------------------------------------------