Suy Niệm Tin Mừng Lễ các thánh 1/11 Bài 151-164 Ơn Gọi Nên Thánh Của Mọi Kitô Hữu.

Thứ tư - 01/11/2023 10:12
Suy Niệm Tin Mừng Lễ các thánh 1/11 Bài 151-164 Ơn Gọi Nên Thánh Của Mọi Kitô Hữu.
Suy Niệm Tin Mừng Lễ các thánh 1/11 Bài 151-164 Ơn Gọi Nên Thánh Của Mọi Kitô Hữu.
Ngày 1/11 Bài 151-164 “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.
------------------------------------------


Mục Lục:

Phúc Âm: Mt 5, 1-12a. 1
1/11-151: Phúc thay ai 2
1/11-152: Các thánh chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa. 4
1/11-153: Nẻo đường đi đến cõi phúc muôn đời 7
1/11-154: Lễ các thánh nam nữ. 8
1/11-155: Gương các thánh. 14
1/11-156: Gương các thánh. 18
1/11-157: Noi gương các thánh. 20
1/11-158: Các thánh là những ai?. 23
1/11-159: CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH.. 26
1/11-160: KITÔ HỮU LÀ THÁNH.. 28
1/11-161: Hân Hoan Mừng Chư Thánh. 30
1/11-162: Lễ Các Thánh – Lễ Trọng. 32
1/11-163: LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ.. 34
1/11-164: Anh Em Hãy Nên Hoàn Thiện. 38

------------------------------
 

Phúc Âm: Mt 5, 1-12a


“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. – Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. – Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. – Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. – Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. – Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. – Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. – Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.
“Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”. - Ðó là lời Chúa.


-------------------------------
 

1/11-151: Phúc thay ai


 --Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
 

Trong Tông huấn về ơn gọi nên thánh Gaudete et Exsultate. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói 1/11-151


Trong Tông huấn về ơn gọi nên thánh Gaudete et Exsultate
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về các Mối Phúc (số 63-94).
Ngài viết: “Từ ‘hạnh phúc’ hay ‘được chúc phúc’
trở thành từ đồng nghĩa với “thánh thiện” (số 64).
Người được chúc phúc là người thánh thiện trước mặt Chúa.
Vào lễ Các Thánh, ta luôn được nghe đọc về các Mối Phúc.
Các Mối Phúc là những con đường nên thánh.
Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa,
đã sống tận căn từng Mối Phúc này trong đời Ngài.
Con Thiên Chúa đã thực sự sống đời nghèo khó.
Khi xuống thế làm người, Ngài được quấn tã như bao trẻ thơ,
lao động như một người thợ, và đi rao giảng không chỗ tựa đầu.
Ngài hoàn toàn tay trắng khi bị treo trên thập giá.
Đức Giêsu đã sống tinh thần nghèo khó suốt đời,
khi phó thác đời mình cho Cha, và chỉ nương tựa vào Cha.
Cuộc đời Ngài có những thử thách khiến Ngài phải sầu khổ.
Nỗi đau lớn của Ngài là sự khép lòng của dân trước ơn cứu độ.
Đức Giêsu đã mời người ta sống hiền lành như Ngài (Mt 11,29)
Ngài hiền lành ngồi trên lưng lừa đi vào chỗ chết (Mt 21,5),
và lặng lẽ khi bị tố cáo trước tòa án đạo đời (Mt 27,12).
Đức Giêsu đói khát sự công chính của Thiên Chúa,
khi luôn khát mong làm theo ý Cha, vâng phục cho đến chết.
Ngài là Con yêu dấu, khiến Cha hài lòng (Mt 3,17;17,5).
Đức Giêsu là hiện thân của lòng Chúa Cha thương xót nhân loại.
Tinh thương của Ngài vượt trên mọi bức tường cách ngăn,
để đến với những người bị xã hội ruồng rẫy, và tôn giáo xa lánh.
Tình thương ấy xin tha cho cả kẻ đóng đinh Ngài (Lc 23,34).
Đức Giêsu có trái tim trong sạch, trái tim không quy về mình,
nhưng mở ra để dành trọn cho Cha và cho con người.
Ngài đem lại bình an và hòa giải giữa con người với Thiên Chúa,
giữa các tín hữu với nhau, và giữa Hội Thánh với thế giới.
Nhờ Máu Ngài đã đổ ra trên thập tự, đất trời giao hòa (Cl 1,20).
Đức Giêsu đã sống triệt để mối phúc thứ tám và thứ chín.
Bị bách hại và vu khống, Ngài đã trở thành vị tử đạo tuyệt vời.
Đức Giêsu mời chúng ta sống các Mối Phúc như Ngài đã sống.
Nhưng không phải chỉ có tám hay chín Mối Phúc trong Tin Mừng.
Các mối phúc nằm giữa bao cảnh ngộ mỗi ngày của cuộc sống.
Mẹ Maria được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ (Lc 1,42)
và còn có phúc vì đã tin Chúa sẽ thực hiện điều Ngài nói (Lc 1,45).
“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,27).
“Nếu anh em thực hành, thì phúc cho anh em!” (Ga 13,17).
“Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách…”(Gc 1,12).
“Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
“Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).
Mỗi người chúng ta đều có cảm nghiệm sâu về hạnh phúc
khi quên mình, bỏ mình, để người khác được hạnh phúc,
khi không coi mình là trung tâm, khi vượt qua cái tôi tính toán.
Nhờ đó chúng ta tiến dần đến sự thánh thiện Chúa mời gọi.
Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,16),
nên con người mang nơi mình khả năng nên thánh.
Thiên Chúa ba lần thánh, mời chúng ta: “Hãy nên thánh,
vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các người, Ta là thánh” (Lv 19,2).
Đức Giêsu là mẫu mực tuyệt vời của Thiên Chúa siêu việt.
Nhờ nên một với Con mà ta nên thánh giống Cha trên trời.
Khi mừng lễ các Thánh nam nữ trên trời,
chúng ta nhớ mình được kêu gọi nên thánh (Rm 1,7; 1 Cr 1,2),
được kêu gọi sống các mối phúc của Bài Giảng trên Núi.
Như thế là được nếm hạnh phúc của trời cao ngay từ đời này.
Với cuộc đời rất riêng của mình,
mỗi người còn phải tìm ra và sống những mối phúc rất riêng,
từ đó đi vào con đường rất riêng để nên thánh.
 
CẦU NGUYỆN

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
Đến với Người trong mọi sự,
Và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
Và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. (R. Tagore)

-------------------------------
 

1/11-152: Các thánh chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa


--TGM Giuse Vũ Văn Thiên
 

Một câu chuyện vui kể lại rằng, trong một lớp giáo lý, khi nữ tu hỏi một em nhỏ: con hãy nói 1/11-152


Một câu chuyện vui kể lại rằng, trong một lớp giáo lý, khi nữ tu hỏi một em nhỏ: con hãy nói cho sơ biết các thánh là ai? Em bé suy nghĩ một chút rồi trả lời: các thánh là những người được ánh sáng chiếu xuyên qua. Sự hiểu biết ngây thơ này đến từ việc có lần theo mẹ vào nhà thờ dự lễ, khi nhìn thấy những tấm hình người trên những cửa kính nhà thờ. Em đã hỏi mẹ đó là hình của ai, và mẹ em trả lời: đó là các thánh. Trong suy nghĩ đơn sơ của em, nhờ ánh sáng mặt trời chiếu qua mà làm hiện rõ nét những con người trên tranh kính. Đó là các thánh. Câu trả lời ấy cũng giúp chúng ta khám phá ra một trong những định nghĩa đơn sơ mà chân thực về các thánh: các ngài là những người để cho sự thánh thiện của Thiên Chúa chiếu toả. Nói cách khác các ngài đã đón nhận hào quang của Thiên Chúa rồi làm cho hào quang ấy lan toả mọi môi trường xung quanh, để rồi người khác nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi các ngài.

Ngôn sứ Isaia đã được chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Ngài ngự trong vinh quang. Các thiên thần và kỳ lão không ngừng tung hô: Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh. Lời tung hô được lặp lại ba lần có nghĩa Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tuyệt đối. Thị kiến mà ngôn sứ Isaia được nhìn thấy chính là phụng vụ thiên quốc, là vinh quang ngàn trùng của Thiên Chúa và cũng là khung cảnh thiên đàng. Nơi đây, niềm vui bất tận và hạnh phúc khôn cùng.

Khi sáng tạo, Thiên Chúa san sẻ vinh quang và sự thánh thiện của Ngài cho mọi tạo vật. Sự thánh thiện ấy lan toả trong thiên nhiên, thể hiện nơi khuôn mặt và cuộc đời của những người sống tốt lành trong tư tưởng, lời nói cũng như hành động. "Hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh!". Đó là lời mời gọi trong Cựu ước. "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện". Đức Giêsu đã tiếp nối giáo huấn của Cựu ước, mời gọi con người hãy nên hoàn thiện. Làm sao hoàn thiện như Cha trên trời, vì Chúa Cha là Đấng vô hình, không ai có thể hiểu thấu? Đừng lo, nếu Chúa Cha là Đấng chí thánh và vô hình, thì Ngài đã ban cho chúng ta Con Một Ngài để ở cùng chúng ta và làm gương mẫu cho chúng ta noi theo. Nhờ Chúa Giêsu, con người ở bất kỳ bậc sống nào cũng có thể nên thánh. Nên thánh là nên giống Chúa Giêsu. Các tác giả Tin Mừng kể lại cuộc sống của Chúa rất đơn sơ gần gũi mọi người. Mọi hành động, lời nói đều nhằm đem cho con người tình thương của Chúa Cha. Đức Giêsu cũng nỗ lực cố gắng để xây tình huynh đệ giữa con người với nhau, không phân biệt sang hèn, tuổi tác địa vị. Trong cuộc sống của chúng ta, nếu chúng ta làm những việc Chúa Giêsu đã làm, thì chúng ta sẽ nên giống Người và đang từng bước đạt tới sự trọn lành.

Giáo Hội là Dân Chúa đang lữ hành. Dân này không phải chỉ bao gồm một quốc gia, một dân tộc, nhưng là tất cả những ai đã được bí tích Rửa tội thanh tẩy. Tuy vậy, nói đến một dân tộc, tức là cũng nói đến một lịch sử hào hùng của dân tộc ấy. Dân Chúa, tức là Giáo Hội, suốt bề dày lịch sử đã sản sinh ra biết bao phần tử ưu tú. Họ là những người viết lên trang sử uy hùng của Giáo Hội, kể cả những lúc đen tối của lịch sử. Khởi đi từ Đức Maria, thánh cả Giuse, các thánh tông đồ và tất cả các thánh được Giáo Hội chính thức mừng kính hằng năm, chúng ta chiêm ngắm vinh quang của một cộng đoàn đông đảo các thánh. Họ là những người cha, người mẹ. Họ là những giám mục, linh mục, tu sĩ. Họ là những vua quan trong triều đình hoặc quân nhân ngoài chiến trận. Họ là những người giàu và những người nghèo khó. Họ là những người nam người nữ, người già người trẻ. Những người này là niềm tự hào của Giáo Hội. Họ cũng là hy vọng của các tín hữu, vì họ khẳng định với những ai tin Chúa rằng, Đức tin sẽ chiến thắng ba thù, lòng mến sẽ làm nên tất cả. Họ là những Đấng Thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay. Cũng giống như ngôn sứ Isaia, thánh Gioan, trong Sách Khải huyền (Bài đọc I) đã được nhìn thấy nghi thức phụng vụ thiên quốc: xung quanh ngai tòa của Chiên Con tức là Đức Giêsu, để cùng với Đức Giêsu dâng lời ca tụng tôn vinh Thiên Chúa. Tôn vinh Thiên Chúa, đó là hạnh phúc viên mãn tròn đầy của các thánh.

Hôm nay chúng ta cũng mừng kính đông đảo các tín hữu đã khải hoàn vinh thăng. Có thể họ là những người chúng ta đã quen biết và gặp gỡ và hôm nay họ đang chiêmn ngưỡng vinh quang Thiên Chúa. Bởi lẽ, tất cả những ai sống ngay chính và thánh thiện thì xứng đáng hưởng vinh quang nước trời. Đức tin vào phần thưởng và hạnh phúc của những người công chính sẽ đem lại cho chúng ta niềm hy vọng. Bởi lẽ, nếu ông bà, anh chị em thân thuộc của chúng ta đã được vinh quang Nước Trời, thì chúng ta cũng có thể hưởng vinh quang ấy và được gặp gỡ những người thân của chúng ta.

 "Anh em hãy nên trọn lành, như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành" (Mt 5,48). Lời kêu gọi của Chúa Giêsu đã trở nên lý tưởng phấn đấu cho biết bao tín hữu. Họ đã chiến thắng gian khổ, vượt lên những khó khăn để sống một cuộc đời thanh tao giữa vũng lầy tội lỗi. Phụng vụ cho chúng ta nghe bài giảng trên núi của Chúa Giêsu, mà nội dung là tám mối chúc phúc của Người. Con đường nên thánh rất đa dạng và phong phú. Mỗi "mối phúc" là mỗi phương pháp ta có thể chọn để nên giống Chúa Giêsu. Những mối phúc này xem ra không hợp với những quan niệm của cuộc sống thông thường. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực thi với cái nhìn đức tin thì chúng ta sẽ tìm thấy hiệu quả đích thực trong cuộc sống. Nội dung của các mối phúc hướng chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân, chứ không phải chỉ sống ích kỷ cho riêng mình. Nhờ sống vì Chúa, sống cho người khác mà chúng ta cảm nhận hạnh phúc thiêng liếng và đích thực, vì "Hạnh phúc lớn lao nhất mà ta cảm nhận là khi ta đem niềm vui cho tha nhân" (ngạn ngữ phương Tây).

Con đường nên thánh là con đường chung của mỗi chúng ta. Tuy vậy, cũng như mỗi vận động viên phải luôn luôn luyện tập gian khổ để hy vọng thành tài, người tín hữu muốn nên thánh cũng phải chấp nhận rèn luyện bản thân và sống theo lời dạy của Chúa. Các thánh là những người "đã trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên" (Bài đọc I). "Lửa thử vàng, gian nan thử đức". Những khó khăn ta gặp phải trên đường đời chính là cơ hội để tôi luyện lòng trung thành trong đức tin.

Các Thánh không phải những nhân vật xa xưa như trong chuyện cổ tích. Cuộc đời của các Ngài gắn liền với ơn gọi Kitô hữu của chúng ta. Mỗi chúng ta đang được mời gọi cố gắng để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu như các Ngài. Nên thánh là một điều có thể làm được, trong tầm tay của mỗi người. Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã quả quyết với chúng ta: "Việc nên thánh là khả thi cho hết mọi người, mọi lứa tuổi và mọi lúc, vì mỗi người trong chúng ta đã lãnh nhận phần ân huệ thần linh của mình. Thiên Chúa yêu cầu chúng đón nhận ân huệ này và sống những đòi hỏi của nó. Chúng ta hãy để cho hoạt động của Thánh Thần của Ngài biến đổi chúng ta, để tuân theo thánh ý của Ngài. Theo chân các thánh nhân, chúng ta cũng hãy trở nên một phần của một bức tranh ghép thánh thiện vĩ đại mà Thiên Chúa tạo nên trong lịch sử". (Trích bài giáo lý trong cuộc tiếp kiến chung ngày 13-4-2011).

Trở lại với câu chuyện trên đây, chúng ta có thể kết luận: nên thánh đơn giản chỉ là để cho hào quang của Chúa chiếu soi. "Hào quang" ở đây chính là Lời Chúa, là lòng từ tâm bao dung bác ái. Khi chúng ta thực hiện những điều này, như Chúa nói trong sách ngôn sứ Isaia: "Ánh sáng" ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ được chữa lành, đức công chính của ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhậm lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: có Ta đây (x. Is 58,8,9). Những lời diễn tả hạnh phúc và niềm vui của người công chính mà chúng ta vừa nghe, chính là sự thánh thiện mà chúng ta đạt được qua lòng bác ái bao dung và tình huynh đệ đối với tha nhân.

Ngày lễ Các Thánh trước hết giúp chúng ta chiêm ngưỡng vinh quang và sự thánh thiện của Thiên Chúa, đồng thời tôn vinh các tín hữu đã được Thiên Chúa ban thưởng vinh quang quê trời, trong đó có những người thân của chúng ta. Ngày lễ này cũng khích lệ chúng ta về ơn gọi nên thánh của người Kitô hữu, đồng thời nhận ra xung quanh chúng ta có nhiều người tốt lành. Họ sẵn sàng chấp nhận cuộc sống bình dị, đơn sơ, nhưng thấm đượm nghĩa tình. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi họ là các “vị thánh ở kề bên ta”. Qua những con người đơn sơ này, Thiên Chúa, Đấng chí thánh, đang hiện diện giữa chúng ta. Khi tôn thờ và yêu mến Chúa, chúng ta được chia sẻ vinh quang và sự thánh thiện của Ngài.

Vâng, mỗi ngày sống trên đời, tôi đang cố gắng để làm cho ánh hào quang của Chúa chiếu toả và bao bọc trọn vẹn cuộc đời của tôi. Như thế, tôi sẽ được nên giống Chúa ngay khi còn sống ở đời này. Thiên đàng sẽ khởi đầu ở dưới thế và vương quốc tình yêu mà Chúa Giêsu loan báo sẽ được thực hiện.

-------------------------------
 

1/11-153: Nẻo đường đi đến cõi phúc muôn đời


--TGM Giuse Nguyễn Năng
 

Những ai sống đời chứng nhân cho Nước Trời theo tinh thần của Chúa Giêsu, sẽ được hạnh phúc 1/11-153


Sứ điệp: Những ai sống đời chứng nhân cho Nước Trời theo tinh thần của Chúa Giêsu, sẽ được hạnh phúc thực.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã trình bày cho con nẻo đường đi đến cõi phúc muôn đời. Chúa đã đi trước để con bước theo Chúa. Chúa đã sống khó nghèo, khiêm nhu, hiền hòa, nhân hậu… Chúa đã hiến trọn cuộc đời cho Nước Trời. Cuộc đời của Chúa vẫn sáng ngời thuần khiết trước mặt con.

Bước chân Chúa đi đã có biết bao người theo. Lời kêu gọi của Chúa đã được bao người đáp lại. Cuộc sống của những người theo Chúa bị người đời cho là càn dở, là ngu dại, nhưng đó lại là con đường sống đời đời và dẫn đến hạnh phúc chân thực.

Con tin vào Lời Chúa, con muốn sống theo tiếng Chúa gọi mời. Xin cho con biết chọn lựa, chọn lựa dứt khoát cho suốt cả đời con. Xin cho con biết chấp nhận những thua thiệt trước mắt người đời để sống cho Chúa và vì Chúa. Xin cho con can đảm bước theo Chúa trên con đường gồ ghề chông gai của ơn cứu độ với thập giá trên vai, với những khuyết điểm và giới hạn trong cuộc sống.

Xin cho con biết nhận ra khuôn mặt cứu độ của Chúa trong cuộc sống con, biết lắng nghe tiếng gọi yêu thương của Chúa và can đảm bước theo tiếng Chúa.

Khi con hiện diện giữa đời và bước đi trên con đường của Chúa, lúc đó con đã là chứng nhân cho Chúa, con đã làm cho Chúa hiện diện trong con, và làm cho Nước Trời hiện diện trên thế giới này. Con ao ước trở nên một điểm hiện diện nhỏ bé của Nước Chúa. Xin Chúa chúc lành cho con. Amen.

Ghi nhớ: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.

-------------------------------
 

1/11-154: Lễ các thánh nam nữ


--Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
 

Hôm nay Mẹ Hội thánh hân hoan mừng các người con của mình đã chiến thắng vẻ vang trong cuộc 1/11-154


Hôm nay Mẹ Hội thánh hân hoan mừng các người con của mình đã chiến thắng vẻ vang trong cuộc chiến ở trần gian nay đã được vinh hiển trên thiên đàng. Hội thánh mừng chung tất cả các người con của mình trong một ngày, vì trong lịch Phụng vụ, chúng ta mới mừng một số thánh được tôn phong trên bàn thờ, trong khi đó còn biết bao vị thánh âm thần khác không được nhắc tới mà sách Khải huyền mô tả: “Một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi nước mọi dân, mọi chi tộc và ngôn ngữ” (Kh 7,9).

I. CÁC THÁNH TRÊN THIÊN ĐÀNG?

Đọc Thánh kinh chúng ta thấy Thiên Chúa đã cao giọng hứa cùng ông Abraham và ông Mai sen rằng: “Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi đông đúc như sao trên trời” (St 22,17; Xh 27,13). Lời hứa ấy cũng trùng hợp với thị kiến của thánh Gioan tông đồ: “Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm ngành lá thiên tuế” (Kh 7.9)

Họ là những người đã được nghĩa cùng Chúa, gồm đủ mọi dân nước trên thế giới, đủ mọi hạng người già trẻ lớn bé, màu da, sang hèn, trong đó có cả những người thân yêu trong gia đình, trong họ hàng chúng ta.

Họ đã làm gì?

Họ không phải là những con người hoàn hảo, toàn thiện, không vướng mắc lầm lỗi, thiếu sót hay tật xấu nào. Họ không phải là những siêu nhân, họ chỉ là những con người bình thường như mọi người, nhưng nhờ ơn Chúa trợ lực, họ cố gắng tiến tới mẫu mực của mình là Đức Kitô, mỗi người theo những điều kiện riêng của mình.

Họ đã trải qua những cuộc chiến đấu nội tâm trường kỳ, những bước tiến đầy cam go thử thách. Có những thành công rực rỡ, mà cũng có những thất bại ê chề. Họ cố gắng sống tám mối phúc thật mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Cuối cùng họ đã đạt tới đích là nhờ đã cố gắng liên lỉ và đã biết hợp tác với ơn Chúa một cách kiên cường. Họ đã trung thành với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng và họ đã được hưởng nhan thánh Chúa trên thiên đàng.

II. CHÚNG TA CÓ THỂ NÊN THÁNH KHÔNG?

Nhiệm vụ phải nên thánh

Chúa kêu gọi mọi người nên thánh. Ngay từ đạo cũ, quen gọi là đạo ông Maisen, Thiên Chúa đã truyền cho họ phải nên thánh: “Các ngươi phải nên thánh vì Ta là Đấng thánh” (Lv 20,26). Thế rồi trong đạo mới, Chúa Giêsu cũng căn dặn chúng ta: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”(Mt 5,48). Còn thánh Phaolô tóm tắt tất cả trong câu: “Thánh ý Thiên Chúa là muốn cho anh em nên thánh” (Ep 1,4). Ngài con khuyên bảo thêm: “Anh em phải sống xứng đáng là các vị thánh” (Ep 5,3)

Nên thánh là điều có thể

Chúa đã kêu gọi chúng ta phải nên thánh, việc mời gọi đó chứng tỏ nên thánh là điều có thể. Trong phạm vi triết học, chúng ta có nguyên tắc bất hủ này: “Nemo ad impossibile tenetur”: không ai bị buộc làm điều không có thể làm.

Theo nguyên tắc này, nếu ta không nên thánh được, thời hoặc là Chúa không buộc, điều đó không đúng; hoặc là Chúa buộc vào cổ ta một ách không thể vác được, điều đó trái với lòng lân mẫn và nhân hậu của Chúa, Đấng đã phán: “Ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,30). Điều đó còn trái với luân lý và phá huỷ trách nhiệm, vì ta chỉ có trách nhiệm khi nào điều ta có thể làm mà lại không làm.

Nói tới việc nên thánh, nhiều người có thái độ hoài nghi hoặc an phận, họ cho rằng: nên thánh là chuyện của các linh mục, tu sĩ, những người có nhiều thời giờ, có nhiều điều kiện để nên thánh, còn giáo dân chúng tôi phải lo trăm công ngàn việc không có thời giờ để lo việc nên thánh.

Đó là một quan niệm sai lạc, bởi vì sự thánh thiện không phải là một lý tưởng dành riêng, một loại ngành chuyên nghiệp cấp cao, dân chúng đừng hòng mơ tưởng tới. Quan niệm này có lẽ phát xuất từ một thực tế, đó là trong số những vị thánh được Giáo hội tuyên phong, thì con số giáo dân rất thấp so với các linh mục và tu sĩ. Hơn nữa, có những thời người ta đề cao tính chất phi thường và xuất chúng, thậm chí có lúc nhiều người thi đua nhau lập thành tích khổ chế. Rồi cùng với trí tưởng tượng, người ta đã thêu dệt thêm cho ly kỳ và hấp dẫn.

Còn một quan niệm sai lạc khác nữa coi việc xa lánh thế gian là điều kiện cốt yếu để nên thánh. Chúng ta thường nói: tu là cõi phúc, tình là giây oan, sự thánh thiện là cái gì thuộc về cá nhân, không dính dấp gì tới cuộc đời. Không phải thế, kinh Tiền tụng Thánh lễ hôm nay đã trả lời cho họ: Khi tuyên dương công trạng các ngài, Chúa biểu dương chính những ân sủng Ngài ban. Nghĩa là các thánh không phải là những siêu nhân, nhưng là những con người bình thường, được Chúa tuyển chọn và ban cho tham dự vào sự sống của Ba Ngôi, được Chúa giúp sức để sống một cuộc sống phù hợp với Tin mừng. Công trạng của các ngài là một đón nhận và không cản trở ân huệ của Chúa.

Vì thế, “nên thánh” là điều có thể đối với hết mọi người, không trừ ai. Chính vì vậy thánh Augustinô dám nói: “Sao ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi thì lại không”.

III. NÊN THÁNH BẰNG CÁCH NÀO?

Phải biết ước muốn mãnh liệt

Nên thánh là việc rất dễ nhưng cũng rất khó, vì nó đòi hỏi chúng ta phải cố gắng liên tục, giống như con thuyền lội ngược dòng nước, ngơi tay chèo thì con thuyền sẽ lui. Nên thánh là một cuộc chiến đấu trường kỳ, một ước muốn mãnh liệt, một ý chí cao. Tây phương có câu ngạn ngữ: “Vouloir c’est pouvoir”: muốn là được, thì trong việc nên thánh, với ơn Chúa giúp nếu chúng ta muốn là chúng ta có thể nên thánh.

Chúng ta phải ước muốn mãnh liệt chứ không phải chỉ là mơ ước. Muốn nghĩa là phải tiến tới hành động, phải thành công mới thôi. Thánh Phanxicô Salê nghe tin phong thánh cho Phanxicô Xaviê, liền nói: “Đó là thánh Phanxicô thứ ba, tôi sẽ là Phanxicô thứ bốn”. Quả vậy, bây giờ trong danh sách các hiển thánh, ngài là thánh Phanxicô thứ bốn.

Phải thắng được chính mình

Muốn nên thánh thì phải thắng chính con người mình, phải làm chủ được nó, bắt nó phải theo một kỷ luật và hướng nó vào một mục đích cao đẹp. Nhưng muốn thắng được mình thì trước tiên phải biết mình, biết sở trường sở đoản của mình để tiến tới sự thánh thiện.

Như vậy, muốn nên thánh là phải làm chủ được mình. Muốn làm chủ được mình là phải thắng bản thân mình với tất cả những khuyết điểm, những thiếu sót của nó. Thắng được mình là một chuyện rất khó. Chính hoàng đế Napoléon đã có kinh nghiệm này khi ông nói: “Thắng được cả Âu châu còn dễ hơn thắng được chính bản thân mình”. Nên thánh thì phải biết những nết xấu để sửa, biết những cái hay, cái tốt để tập luyện hay dinh dưỡng.

Thánh Phaolô thúc giục tín hữu Êphêsô nên thánh bằng cách làm một cuộc cách mạng bản thân. Ngài nói: “Anh em hãy lột bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới. Hãy để Thánh Thần Thiên Chúa canh tân đến tận tâm linh của anh em” (Ep 4,22-24).

Theo ý thánh Phaolô, chúng ta cần gột bỏ con người cũ tội lỗi mang đầy những tính hư nết xấu đang chi phối con người ta, làm cản bước tiến của ta, bắt ta làm nô lệ chúng, để chúng ta có thể tiến tới con người mới thánh thiện hơn.

Truyện: Thầy dòng dạy mãnh thú

Một buổi chiều, Bề trên nhà dòng kia hỏi một tu sĩ:

- Hôm nay con đã làm gì?

Cũng như các ngày khác, tu sĩ trả lời:

- Thưa cha, con rất bận bịu mà nguyên sức con không thể nào làm nổi, ngoài sự giúp đỡ của Chúa. Ngày nào con cũng phải coi hai con chim ưng, giữ hai con nai, kìm hãm hai con diều hâu để rèn ý chí, thắng một con sấu, trị được con gấu và săn sóc cho một bệnh nhân.

Bề trên cười hỏi lại:

- Con nói gì thế? Những việc như thế làm gì có trong nhà Dòng?

- Thưa cha, thật đúng như thế! Hai con chim ưng tức là hai mắt của con, mà con phải giữ gìn luôn để khỏi nhìn những vật cấm. Hai con nai tức là hai chân mà con phải trông coi từng bước đi, để nó khỏi đi vào con đường xấu. Hai con diều hâu tức là hai bàn tay, con phải luôn luôn bắt nó làm điều phải. Con sấu tức là cái lưỡi, con phải kìm hãm hằng ngày, để khỏi nói những lời vô ích và thô bỉ. Con gấu tức là trái tim con, con phải trừng trị, để khỏi phải ích kỷ và khoe khoang. Còn bệnh nhân chính là thân thể con, con phải canh phòng ráo riết, để cho nhục dục khỏi phải xâm nhập vào (Gm. T. Toth, Chí khí người thanh niên, 1957, tr 53).

Nên thánh bằng cách nào?

Nên thánh là một điều cần thiết và có thể, nhưng cách nên thánh thì không ai giống ai, mỗi người có một hoàn cảnh, mỗi người có một đường lối riêng. Nhưng dù sao, đường lối nên thánh của ta là đường lối thông thường của nhiều người, không cầu kỳ khó khăn.

Tránh kiểu nên thánh đặc biệt

Thời trước đây có một số người nên thánh bằng những phương pháp đặc biệt, mà có lẽ chúng ta không học đòi được vì nó vượt quá sức ta. Ví dụ:

- Có người tự giam mình trong một nơi kín hằng mấy chục năm, chỉ sống nhờ vào lòng hảo tâm của dân chúng cung cấp cho ăn qua một lỗ hổng.

- Có người ẩn tu trong một ngôi mả hoang đào trên sườn núi, cạnh con sông hoặc mạch suối.

- Có một kiểu tu đặc độc đáo: Simong Cột leo lên cột đá cao dựng trên đỉnh chót vót, để chiêm nghiệm huyền nhiệm thần linh và giảng dạy cho dân chúng suốt 37 năm trường. Vì thế người ta mới gọi là thánh Simong Cột.

- Ngoài ra, có một số người sống một đời khắc khổ như mang trên mình xiềng xích nặng làm cho khó đi đứng, mặc áo nhặm thường xuyên, hoặc đứng yên một chỗ không xê dịch, hoặc chỉ ăn hoa quả, không hề động đến thịt, cá, trứng; hoặc đặc biệt hơn chuyên ăn thịt ươn, cá thối.

Nên thánh theo cách thông thường

* Theo thuyết Chính danh

Trong chương trình giáo dục thời xưa, chúng ta thấy Đức Khổng Tử có thuyết “Chính danh” và thuyết này có thể áp dụng vào đường lối nên thánh của chúng ta. Thuyết ấy là: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”, nghĩa là vua phải sống cho ra vua, tôi phải xứng với bầy tôi, cha phải sống cho ra cha và con phải sống xứng phận làm con. Nếu ai cũng làm tròn trách nhiệm của mình trước mặt Chúa một cách trọn hảo thì có thể là thánh rồi.

Ngoài ra, thuyết chính danh cũng cần kèm theo với chương trình giáo dục theo từng bậc: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nhưng căn bản nhất vẫn là tu thân. Tu thân là sửa mình cho nên tốt, mà tu thân cần nhất phải được thực hiện ngay trong nhà mình, chứ không cần phải ở trong nhà Dòng, vào tu viện để tu thân:

Thứ nhất là tu tại gia,

Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.

Phải chăng tu tại gia, làm thánh ở trong nhà, trong gia đình thì khó lắm? Tại sao? Vì có những người đi ra khỏi nhà, ai cũng phải cảm phục về cách sống, về lối cư xử, về lời ăn tiếng nói của những người ấy. Thế nhưng khi về đến nhà thì những người trong nhà không sao chịu nổi lối sống của những người đó. Bởi ở trong gia đình mọi chân tướng đều được để lộ ra hết.

Nên thánh ở trong gia đình là một điều khó, nhưng đó là điều có thể và lại còn bắt buộc. Chúng ta có thể và còn phải trở thành một vị thánh, và trước hết là thánh nhân trong gia đình, không cần phải đi đâu.

Người giáo dân có thể nên thánh trong gia đình, nếu vợ chồng biết thương yêu nhau, nhường nhịn nhau, chu toàn mọi nhiệm vụ của mình, cùng nhau xây dựng hạnh phúc cho gia đình và con cái, biết dưỡng dục con cái cho nên tốt… Chúng ta đã có gương sáng của một vài gia đình, trong đó cả vợ chồng được Giáo hội phong thánh.

Truyện: Vợ chồng được phong thánh

Chúa nhật, ngày 28/10/2001, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho đôi vợ chồng đầu tiên là Luigi Maria Beltrane Quattrochi thành Rôma kết hôn được 50 năm và có 4 người con, một người con qua đời và 3 người còn sống. Hai con trai là linh mục Philipphê và Césare đồng tế với Đức Giáo hoàng trong lễ phong chân phước cho cha mẹ họ, và còn một người con gái là Eurichetla. Đức Giáo hoàng đã ca tụng họ sống một đời thường rất phi thường. Ngài muốn nói rằng: sống trong đời đôi bạn gặp biết bao đau khổ, bao gian nan thử thách, họ cũng có thể làm thánh và giúp nhau làm thánh nữa.

Vào ngày 19/10/2008, Giáo hội phong chân phước cho cha mẹ của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và phong thánh 18/10/2015 do ĐGH Phanxicô. Đó là ông Louis Martin và bà Zélie Guérin người Pháp. Cả hai đã từng có ý định đi tu, nhưng nhận thấy không có ơn gọi tu trì nên trở về và do sự quan phòng của Thiên Chúa họ đã kết hôn với nhau. Ông bà sống với nhau thật hạnh phúc và có 9 người con. Chết mất 4 và còn 5 người con gái đều dâng mình cho Chúa và cô con gái út đã làm thánh lớn, đó là thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Phong thánh cho cả hai ông bà, Giáo hội muốn đề cao ơn gọi nên thánh trong đời sống hôn nhân và gia đình. Dù gặp nhiều đau khổ và thử thách, nhất là giáo dục con cái, nhưng họ vẫn có thể làm thánh, nếu họ trông cậy vào ơn Chúa và chu toàn bổn phận hôn nhân vì mến Chúa.

* Đường thơ ấu thiêng liêng

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã được tôn phong làm tiến sĩ Hội thánh, có lẽ vì thánh nữ đã khám phá ra một con đường nên thánh phù hợp với mọi người, nhất là trong thời đại chúng ta, đó là “đường thơ ấu thiêng liêng”.

Theo con đường này, nên thánh không cần phải làm những việc đại sự, phi thường hay kỳ diệu mà chỉ cần làm những việc nhỏ với một lòng mến lớn lao “Communia non communiter” (bình thường mà không tầm thường).

Con đường thơ ấu thiêng liêng này không cần những việc hãm mình khác thường, không đặc sủng siêu nhiên, không có phương pháp cầu nguyện riêng, không bận rộn nhiều công việc… nhưng có những điểm tích cực là làm việc với lòng mến cao độ, tín thác hoàn toàn trong tay Chúa, sống đơn sơ khiêm nhường như trẻ thơ và trung thành với các việc nhỏ mọn.

Nhờ con đường thơ ấu thiêng liêng này mà Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã trở nên vĩ đại và trở nên phi thường trong những cái bình thường.

Mừng lễ các thánh nam nữ hôm nay, chúng ta cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta mẫu gương sáng ngời của các thánh để khích lệ chúng ta trong việc nên thánh. Chúng ta quyết tâm phải nên thánh trong cuộc sống hằng ngày. Ngày nay chúng ta cần tới một sự thánh thiện toả rộng, một hình thức thánh thiện vừa bình dân, vừa gần gũi lại vừa có thể được thực hiện cho hết mọi người, thay vì một hình thức thánh thiện chọn lọc, dành riêng cho một thiểu số. Giáo Hội không phong thánh cốt để mà thờ, nhưng để tôn vinh Thiên Chúa, để khuyến khích chúng ta noi theo và bắt chước.

-------------------------------
 

1/11-155: Gương các thánh


--Lm Carôlô Hồ Bạc Xái

A. Phân tích (Hạt giống...)
 

Trong Tin Mừng Mt, đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu lên tiếng giảng trước đám đông dân chúng 1/11-155


1. Trong Tin Mừng Mt, đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu lên tiếng giảng trước đám đông dân chúng. Lần đầu tiên ngõ lời với dân chúng, Chúa Giêsu loan báo ngay một Tin Mừng hạnh phúc. 

2. Những người hạnh phúc ấy là ai? 

1/ “những người nghèo trong tâm hồn”: không nô lệ tiền của.

2/ “hiền lành”: Hiền lành nghĩa là vừa nhân từ vừa khiêm nhượng (xem Mt 11,29-30: Đức Giêsu tự xưng là “hiền lành” và “khiêm nhượng” trong lòng).

3/ “sầu khổ”: Mt 9,15 nói về việc các môn đệ sẽ “sầu khổ” khi phải xa cách “Tân lang” là Đức Giêsu. Như vậy người sầu khổ là người biết mình tội lỗi và do đó phải xa cách Chúa. Như vậy phần phúc Chúa hứa cho họ là họ sẽ được Thiên Chúa “an ủi” bằng cách tha tội cho.

4/ “khao khát nên người công chính”: Trong Tin Mừng Mt, “công chính” là biết làm theo ý của Thiên Chúa. 

5/ “xót thương người”: Hôsê đã viết “Ta muốn lòng thương xót chứ không muốn lễ vật” (Hs 6,6). Mt đã trích dẫn câu này 2 lần (9,13 12,7)., và cả 2 lần Mt đều hiểu thương xót nghĩa là thứ tha để cứu vớt kẻ lầm lỡ. 

6/ “tâm hồn trong sạch”: nghĩa là có lương tâm ngay thẳng, không gian dối, không mập mờ nửa trắng nửa đen, không một dạ hai lòng.

7/ “xây dựng hòa bình”: Hòa bình ở đây là hòa thuận (không xung khắc, không thù hận). Nên lưu ý rằng các mối phúc khác đều nhắm đến một thái độ nội tâm, còn mối phúc nầy nhắm đến hoạt động bên ngoài mà đối tượng là những mối liên hệ giữa người với người, và mục đích là làm cho người ta hòa thuận với nhau.

8/ “bị bách hại vì sự công chính”: Ta cũng phải hiểu chữ “công chính” ở đây theo nghĩa của c 6, nghĩa là “sống theo ý Chúa”. Vì sống theo ý Chúa mà bị người ta bách hại. 

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Có thể quy tất cả 8 đức tính ấy vào một đức tính căn bản là “Tâm hồn nghèo”. Người có tâm hồn nghèo là người:

- Mặt tiêu cực: không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc của cải, danh lợi lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này... (nói cách khác: không màng đến nước trần gian)

- Mặt tích cực: chỉ ước ao sống tốt theo ý Thiên Chúa và được hưởng những ơn lành của Thiên Chúa (nói cách khác: được sống trong Nước Trời)

Vì căn bản hạnh phúc là có tâm hồn nghèo, nên có thể nói: hạnh phúc đích thực của kitô hữu là vứt hết những gì mình có, để được lấp đầy bằng chính Chúa.

2. Hạnh phúc là gì? Xét cho cùng, hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy rằng hạnh phúc của con người là được ở trong Nước Thiên Chúa.

3. Một hôm khi cầu nguyện, một Linh mục xin Chúa cho tra vấn một tên quỷ:

- Nhân danh Chúa, ta hỏi mi: đâu là nơi hạnh phúc nhất?

- Dĩ nhiên là thiên đàng. Ôi, được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc. Nếu có lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu thế gian và mọi tinh tú trong vũ trụ, rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Chúa, thì tất cả cũng chỉ là một con số không.

- Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi đánh mất hạnh phúc thiên đàng?

- Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận. Lúc này dù phải chịu tất cả mọi cực hình hỏa ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng thiên đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi!

Thì ra ngay cả quỷ dữ cũng khao khát hạnh phúc. (Chờ đợi Chúa) 

4. “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5,11)

Ngày 19-6-1988, cả Giáo hội Việt Nam hân hoan vui sướng vì 117 vị tử đạo đã được phong hiển thánh. Những nỗi đớn đau tủi nhục vì Chúa Kitô của các ngài đã được chúc phúc.

Hôm nay, chúng ta cũng không thoát khỏi những khó khăn, đớn đau và tủi nhục trong cuộc chiến cam go loại bỏ tật xấu, dứt khoát với tội lỗi, hay những suy nghĩ tiêu cực nơi chính bản thân. Cuộc chiến ấy đòi hỏi chúng ta phải can đảm.

Xin các thánh tử đao Việt Nam thông truyền cho chúng con dòng máu bất khuất của các ngài và giúp chúng con biết chiếu toả tôn nhan Thiên Chúa nơi chính con người và cuộc sống chúng con.

5. Các thánh đều là những công dân Nước Trời, đều đang hưởng hạnh phúc Nước Trời. Mỗi một vị Thánh đều là một tấm gương cho chúng ta về một trong 8 mối phúc.

6. Có nhiều thứ người đời cho là nguồn hạnh phúc nhưng thực chất là nguồn đau khổ, và ngược lại...

7. Bất cứ thứ gì không đưa ta vào Nước Trời đều không phải là hạnh phúc thật. 

8. Bác sĩ Tom Dooley thường cứu giúp những người khổ sở. Ông có một cách hiểu đặc biệt câu Tin Mừng Mt 5,5 “Phúc cho những ai sầu khổ”. Ông nói: “Sầu khổ không hẳn là bất hạnh, mà còn có nghĩa là quan tâm đến cảnh khổ ở đời hơn là cảnh sung sướng... Nếu bạn nhạy cảm với những cảnh khổ và cố gắng làm một điều gì đó để cho đời tươi sáng hơn, bạn sẽ thấy hạnh phúc” (Trích dẫn bởi Mark Link, Sunday homilies, Year C).

9. Đoàn cứu trợ đến căn nhà lụp xụp của một bà già. Họ hỏi thử bà:

- Nếu chính phủ cho bà 200 đôla. Bà sẽ làm gì?

- Tôi sẽ đem cho những người nghèo.

Bà cụ này chính là một trong những người mà Chúa Giêsu nghĩ tới khi nói “Phúc cho nhũng ai có tinh thần nghèo khó”; Từ những người có tâm hồn như bà cụ này đã xuất hiện những vị Thánh mà chúng ta tôn kính hôm nay; Và tấm gương của bà cụ này khuyến khích chúng ta trở nên những kitô hữu tốt hơn (Mark Link, Sunday homilies, Year C).

10. “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng danh cho anh em trên Trời thật lớn lao” (Mt 5,12)

Phêrô từng chối Chúa
Rồi thống hối ăn nan
Chúa thương thưởng thành thánh
Cuối cùng cũng theo Ngài
Ngài thương ban thành thánh.
Một người từng ăn trộm
Phút cuối biết quay về
Chúa cho được làm thánh
Têrêxa Hài đồng
Người yêu Chúa tử bé
Sống phục vụ yêu thương
Trong Tình yêu của Ngài
Thành thánh ngay trần gian
Thánh Augustinô
(Và còn nhiều thánh nữa)

Từng ăn chơi sa đọa
Theo ơn gọi quay về
Tích cực thành thánh ngay

…………………………………..

Chúa luôn mời gọi con
Hãy là thánh nghe con
Vì Ta là Đấng Thánh.

Cầu nguyện:

Lạy Cha xin giúp con
Trong từng giây phút sống
Biết yêu thương trung thành
Để được nên giống Cha. (Hosanna)

-------------------------------
 

1/11-156: Gương các thánh


--Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
Câu chuyện
 

Khi dọn bài giảng về Những Mối phúc thật theo thánh Luca, tôi đã hỏi một người Mỹ khá giàu 1/11-156


Khi dọn bài giảng về Những Mối phúc thật theo thánh Luca, tôi đã hỏi một người Mỹ khá giàu rằng giữa những mối phúc thật theo thánh Matthêu và thánh Luca, ông thích bài nào hơn? Ông trả lời: “Tôi rất thích bài của thánh Matthêu”. Tôi hỏi ông: “Còn thánh Luca thì sao”? Ông trả lời: “Không, tôi không thích Luca, vì bài của Luca có vẻ chống lại người giàu”. Khi thánh Matthêu nói: “Phúc cho kẻ có tinh thần khó nghèo” (Mt 5,3), ngài đã khích lệ người giàu. Còn Luca thì nói: “Phúc cho các người là những kẻ nghèo khó” (Lc 6,20). Điều này có nghĩa là chỉ những người nghèo mới được chúc phúc và hưởng nước Trời mà thôi, còn người giàu có bị nguyền rủa: “Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.

Cũng câu hỏi này, tôi hỏi một phụ nữ Mỹ không giàu, có vẻ hơi nghèo. Bà trả lời: “Tôi thích thánh Luca hơn, vì thánh Luca nói rõ người nghèo sẽ được hưởng nước Thiên đàng. Còn thánh Matthêu nói phúc cho người nghèo khó trong tinh thần, điều này không rõ ràng. Thật khó hiểu Ngài muốn nói gì”!

Chúng ta thấy người giàu là ủng hộ viên của Những Mối phúc thật theo thánh Matthêu, và người nghèo là ủng hộ viên của Những Mối phúc thật theo thánh Luca. Nhưng thực ra, ý nghĩa của hai bài tường thuật như nhau. Cả hai đều kêu gọi chống lại tất cả mọi tình thế xấu (Nguyễn Văn Thái, op, cit, tr 86-87).

Suy niệm

Niềm vui mà trong một thị kiến thánh Gioan thấy: Một đoàn người khác đông đảo không đếm được thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng: Tất cả những người đó đều “mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế chiến thắng” (x. Kh 7,2-9). Đó là hình ảnh loan báo các Thánh Nam Nữ trong nước Thiên Chúa. Các Ngài đã theo Chúa Giêsu - vì “Ngài là Đấng Thánh” và “giặt và tẩy áo trắng mình trong máu Con Chiên” (x. Kh 7,14).

Dù có cuộc sống khác nhau trên trần thế, nhưng các ngài đã đi theo tinh thần hiến chương của nước Thiên Chúa, tám mối phúc thật mà Chúa Giêsu đã dạy trong bài giảng trên núi (x. Mt 5,1-12), đó là bước đi trọn lành trong lời mời gọi của Thầy: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48).

Mỗi mối phúc mà Chúa Giêsu đề cập, không được con người quan tâm như là những điều may mắn hạnh phúc: Hiền lành, khát khao nên người công chính, xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình. Hơn nữa, lại là những khổ đau mà con người luôn tránh: tâm hồn nghèo khó, sầu khổ, bị bách hại. Những hoàn cảnh này Chúa Giêsu tuyên bố: Họ hạnh phúc thật. Chính sứ mạng của Chúa Giêsu đến thế gian để trao cho con người chìa khóa để mở cửa hạnh phúc, một niềm vui nội tại không bị chi phối khi ta sống giữa những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Khi nghe giáo huấn về bát phúc, Ghandi - vị thánh và là cha già của dân tộc Ấn Độ đã tuyên bố: Không có bản tuyên ngôn nào trên trái đất đẹp bằng tám phúc của Chúa Giêsu, và ông nói: “Chính bài giảng trên núi này làm cho tôi yêu mến Đức Kitô”.

Hãy yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn và đi theo con đường bát phúc. Yêu mến Thiên Chúa, noi gương các thánh như Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội Lumen Gentium (Hiến Ánh sáng muôn dân). có viết: “Các ngài tạo nên một toàn cảnh huy hoàng về những con người nam nữ, qua việc không mệt mỏi thực thi những công việc hằng ngày trong vườn nho của Chúa. Sau khi đã sống một cuộc đời âm thầm, chẳng ai biết đến, và có khi những người quyền cao mạnh thế hiểu lầm, các ngài đã được Thiên Chúa đón nhận. Các ngài là những người thợ khiêm tốn, nhưng vĩ đại đối với công việc phát triển nước Chúa.”.. (LG 40).

Mừng lễ các thánh, người tín hữu lắng nghe lời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Chúng ta vui mừng lễ để tôn kính các Thánh. Kinh nghiệm ấy tương tự như những điều chúng ta cảm nghiệm trong gia đình đông đúc, nơi đó chúng ta cảm thấy tình thân thương như ở nhà”.

Ý lực sống

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
Anh em được sống vui vầy bên nhau”. (Tv 133,1)

-------------------------------
 

1/11-157: Noi gương các thánh


--Lm. Giuse Đinh Tất Quý
 

Hôm nay là ngày đầu tiên của tháng 11. Có lẽ trong suốt cả năm Phụng vụ không có thời điểm 1/11-157


Hôm nay là ngày đầu tiên của tháng 11. Có lẽ trong suốt cả năm Phụng vụ không có thời điểm nào mà mầu nhiệm hiệp thông được Giáo Hội đề cao một cách sống động khác thường như là thời gian đầu tháng 11 này. Hôm nay Giáo hội cho chúng ta hướng nhìn về các thánh - tức là nhìn vào Giáo Hội chiến thắng. Ngày mai Giáo Hội hướng chúng ta về các đẳng linh hồn - hay là Giáo Hội đang đau khổ. Nhìn vào như thế để cho chúng ta đang sống trong Giáo hội tại thế mà tức là đang sống trong Giáo Hội chiến đấu biết tìm ra cho mình một hướng đi, đi thế nào để cho mai sau chúng ta cũng đạt được vinh quang như các thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay.

A. Các thánh là những người đã sống cuộc sống như thế nào?

Nhìn vào cuộc sống của các ngài, những con người - nói theo kiểu của Chúa Giêsu - đã “cướp được Nước trời” chúng ta thấy có các Ngài là những người có những nét đặc trưng sau đây:

1. Trước hết: Các Ngài là những người đã biết đáp lại lời mời gọi của Chúa.

Lời mời gọi này được nói lên một cách đơn sơ qua tiếng nói của lương tâm ngay lành - được biểu lộ một cách cụ thể qua 10 giới luật của Chúa trong Cựu Ước và nhất là được thúc bách cách triệt để hơn qua con đường Tám mối Phúc thật của Tin Mừng.

Một thí dụ trong muôn ngàn thí dụ.

Vào khoảng năm 271 một thanh niên giàu có tới nhà thờ vào một buổi sáng Chúa nhật. Hôm đó vị Bài Tin Mừng được trích trong Mathêô 19,16-22: “Xảy ra là có một người thanh niên đến thưa với Chúa rằng: Lạy Thầy, tôi phải làm gì tốt để được sống đời đời?- Chúa đáp: “Nếu ngươi muốn vào cõi hằng sống, hãy giữ các giới răn” Người đó thưa: “Những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ, tôi còn thiếu sót gì nữa chăng?” Chúa nói tiếp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”

Đó là một trong những lời mời gọi của Chúa. Người thanh niên đó bắt đầu suy nghĩ nhưng anh chưa thấy được con đường mà Chúa muốn cho anh đi là con đường nào.

Chúa nhật sau cũng trong khung cảnh của ngôi thánh đường quen thuộc đó, Lời Chúa lại vang lên: “Các người đừng lo cho ngày mai. Việc ngày mai để cho ngày mai lo. Khó khăn ngày nào có đủ cho ngày đó”(Mt 6,34)

Thế là con đường đã rõ, anh về bán tất cả tài sản do bố mẹ để lại, chia phần của cô em nhờ ông bác quản lý để lo cho em, còn của anh, anh bán tất cả và làm như lời Chúa dạy rồi anh vào trong rừng vắng sống cuộc đời tu trì ở trong đó. Đó là Thánh Antôn tu rừng, ông tổ của dòng tu chiêm niệm.

2. Đặc trưng thứ hai: Đó là những người đã cố gắng đem Lời Chúa áp dụng vào đời sống của mình.

- Đáp lại Lời Chúa mới chỉ là bước đầu. Việc quan trọng là phải sống Lời của Chúa một một cách đơn sơ, chân thành, không cầu kỳ, không gò bó.

Đức Cha Arthur Tone kể lại một câu chuyện rất cụ thể như sau.

Một gia đình ngài quen biết có hai vợ chồng và một đứa con. Một ngày kia không hiểu vì chuyện gì mà hai vợ chồng to tiếng với nhau. Hai người tìm đủ mọi lý lẽ để biện minh cho sự phải lý của mình. Vì quá hung hăng trong việc lời qua tiếng lại mà hai vợ chồng không để ý đến cậu con trai tên là Bobbie con của hai người mới đi học về.

Bobbie thấy vậy liền nhảy lên bàn giơ hai tay lên và nói thật lớn: “Bình an - Hãy im lặng”

Cả hai vợ chồng nhìn con rồi phá lên cười. Sau đó người mẹ ôm con vào lòng vào âu yếm hỏi: “Con học được cái đó ở đâu thế?”

Cậu thưa: “Thưa con học ở trong sách Giáo lý - Chúng con đã học câu chuyện Chúa Giêsu dẹp yên bão tố - Chúa đã đưa tay ra và truyền cho sóng gió phải yên lặng”

Câu chuyện nhỏ nhưng nó cũng cho chúng ta thấy một trong những cách vận dụng đem lời Chúa vào cuộc sống hay như thế nào.

3. Cuối cùng đó là những người biết kiên trì, trung thành với sự chọn lựa của mình một cách đáng khâm phục.

Chúa đã từng khẳng định: Con đường của Chúa là con đường hẹp, nhiều khi hẹp đến kinh khủng. Nó đòi hỏi những ai đi trên con đường đó một sự cố gắng hầu như là liên lỉ và nhiều khi rất anh hùng. Chỉ có những ai kiên trì và can đảm mới có thể đi trên con đường đó.

Một Antôn tu rừng mà tôi vừa mới nói ở trên chẳng hạn. Đọc tiểu sử của Ngài chúng ta mới thấy. Bán hết mọi sự để theo tiếng Chúa gọi đó đã là khó. Nhưng sống theo Chúa còn khó hơn. Sau khi đã bán mọi sự, Antôn đi vào trong rừng vắng. Ma quỉ đã không để anh được yên. Chúng thi nhau tấn công anh, tấn công bằng mọi thủ đoạn kể cả những thủ đoạn tầm thường nhất. Chúng dùng đến cả những hình ảnh bẩn thỉu nhất để cám dỗ anh. Suốt cả cuộc đời là một cuộc chiến đấu. Nhờ kiên trì mà Antôn đã đã chiến thắng.

Một trong những bà thánh mà chúng ta hay nhắc tới như bà thánh Monica chẳng hạn. Chúng ta tưởng là bà đã nên thánh một cách dễ dàng sao? Không, hoàn toàn không! Không dễ dàng chút nào cả mà là đầy những cố gắng. Hơn 30 năm trời cầu nguyện hãm mình hy sinh mà mới thành công đem được người con của bà về với Chúa. Hơn 30 năm trời kiên trì trong âm thầm lặng lẽ mới đạt tới vinh quang. Đó không phải là một cái giá đã cao. Còn nhiều sự trả giá còn cao hơn nữa. Chỉ có những ai biết nhẫn nại kiên trì, những người ấy mới xứng đáng với vinh quang Nước Trời. Chúa Giêsu đã nói: “Nước trời phải dùng sức mạnh mà cướp lấy”(Mt 11,12).

B. Bây giờ về phần chúng ta. Đứng trước những tấm gương của các Ngài chúng ta phải có thái độ như thế nào?

Có lẽ chẳng ai trong chúng ta mà lại không muốn làm thánh. Nên thánh là mục đích mà mọi người chúng ta nhắm tới. Thế nhưng con người của chúng ta thường yếu đuối. Nói như lời thánh Phaolô: “Điều tôi muốn tôi lại không làm, còn điều tôi không muốn tôi lại cứ làm”(Rm 7,19) Thân phận con người của chúng ta là thế. Chính vì vậy mà chúng ta phải xin với Chúa ơn can đảm.

* Một chàng thanh niên thuở xưa có tên là Salésio. Anh có tên thánh là Phanxicô. Một lần kia anh đọc lịch sử Giáo Hội, anh thấy trong Giáo Hội đã có 3 người mang tên Phanxicô đã làm thánh: Đó là thánh Phanxicô khó khăn, thánh Phanxicô đệ Phaolô, thánh Phanxicô Xaviê, tự nhiên anh cảm thấy mình cũng phải làm gì để được nên thánh. Thế là anh đi tới một quyết định: Tôi sẽ là Phanxicô thứ 4. Anh đã giữ được quyết định đó và anh đã làm thánh. Đó là thánh Phanxicô Salésio.

* Gần đây chúng ta hay nhắc đến Mẹ Têrêsa Calcutta. Tôi chắc chắn Mẹ đã biết trong lịch sử của Giáo Hội đã có hai vị thánh mang tên Têrêsa: Đó là thánh Têrêsa Avila, Têrêsa Hài đồng Giêsu. Tuy không nói ra nhưng tôi tin Mẹ cũng đã nguyện ước Mẹ cũng là một thánh Têrêsa khác. Và hôm nay, mẹ đã thành công. Giáo Hội đã tôn phong mẹ lên hàng chân phước. Chẳng bao lâu nữa mẹ sẽ lên đến đỉnh vinh quang!

Xin Chúa giúp cho chúng ta biết can đảm. Trên con đường nên thánh, Thánh Augustinô đã gặp rất nhiều thử thách. Ngài đã dùng câu nói này như câu châm ngôn để vươn lên: “Ông kia bà nọ làm được tại sao tôi lại không?” Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi ơn chúng ta cần. Người nọ kia nên thánh được tại sao tôi lại không? Hãy cố gắng. Chúa sẽ phù trợ cho chúng ta. Amen.

-------------------------------
 

1/11-158: Các thánh là những ai?


--Lm. Giuse Nguyễn Văn Hữu
 

Trong màu nhiệm các thánh cùng thông công, hôm nay Giáo hội lữ hành trần thế hướng về Giáo 1/11-158


Trong màu nhiệm các thánh cùng thông công, hôm nay Giáo hội lữ hành trần thế hướng về Giáo hội khải hoàn thiên quốc là cùng đích và là quê hương vĩnh cửu của mỗi người ki-tô hữu, để mừng kính tất cả các vị thánh, những người đã biết chắc mình được cứu độ, được hưởng sự sống đời đời và hạnh phúc viên mãn bên Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.

Các thánh mà hôm nay Giáo hội lữ hành mừng kính, các ngài là những ai? Các ngài là những người nam người nữ, ‘con cái Thiên Chúa’ (x.1Ga 3.1) và là môn đệ Đức Ki-tô công khai cũng như ‘thầm kín’, ‘sống rải rác khắp nơi trên địa cầu, ở mọi nơi mọi thời, thuộc đủ mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngôn ngữ’ (Kh 7,9).

Các ngài từ đâu mà đến? Các ngài đến từ trần thế này, ‘sau khi trải qua những cơn thử thách lớn lao, đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên’ (Kh 7,14).

Các thánh thật đông đảo! ‘đông không tài nào đếm nổi’! Ngoài những vị thánh đã được ghi tên trong sổ bộ và được mừng kính theo niên lịch phụng vụ của Hội thánh, các ngài còn là những vị thánh ‘vô danh’, nhưng đã từng:

Là những người sống ‘tinh thần trẻ thơ’ trước Thiên Chúa là Cha (x. Mc 10,15).

Là những người luôn sống theo ‘khuôn vàng thước ngọc’ của Đức Giê-su khi đối nhân xử thế: ‘Điều gì ngươi thích kẻ khác làm cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy’ (Mt 7,12).

Là những người dành cả đời phấn đấu, để mang lại hòa bình và công lý cho nhân loại theo đường lối bất bạo động, nói không với bạo lực chiến tranh và hận thù (x. Mt 5, 38-44).

Là những người sống triệt để các mối phúc Tin mừng trong cuộc đời giữa thế gian đầy đảo điên (x. Mt 5,1-12).

Là những người hàng ngày sống tinh thần ‘Kinh Lạy Cha’ của Chúa Giê-su (x. Mt 6,9-15).

Là những người phó thác đời mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa như ‘chim trời, hoa huệ ngoài đồng’ và luôn ưu tiên ‘tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người’ trong đời sống của mình (x. Mt 6,25-33).

Là những người biết nhìn nhận sự công chính vô tội của Đức Giê-su và sự tội lỗi của mình như ‘tên trộm lành’ (x. Lc 23,40-42).

Là những người nghĩ rằng ‘mình chỉ là đầy tớ vô dụng, chu toàn bổn phận Chúa trao’ (Lc 17,10), ‘đời mình có là gì đều là hồng ân Chúa ban’ (x. 1Cr 15,10).

Là những người ‘quản gia, quản lý trung thành và khôn ngoan của Thiên Chúa, để cứ đến thời đến buổi phân phối thóc gạo cho gia nhân’ (Lc 12,42).

Là những người nghiệm ra được Thiên Chúa là ‘Cha nhân từ, giàu lòng xót thương’ mà mau mắn lên đường trở về như ‘người con hoang đàng’ mỗi khi sa ngã phạm tội (x. Lc 15,11tt).

Là những người sẵn sàng ‘từ bỏ mình và vác thập giá mình hàng ngày mà theo Chúa’ (x. Mt 10,38).

Là những người con hiếu thảo, luôn biết vâng lời Thiên Chúa và cha mẹ trong đời sống (x. Mc 12,29-31).

Là những người cha người mẹ mẫu mực, hết lòng yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ con cái, sống theo lương tâm, lề luật Chúa Ki-tô và Hội Thánh (Ep 6,4).

Là những người vợ người chồng sống trung thành, chung thủy với nhau theo tinh thần của Chúa ‘sự gì Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly’ (x. Mt 19,6).

Là những người luôn biết bảo vệ và tôn trọng sự sống của mình cũng như của người khác, luôn "nói không" với nạo phá thai, giết người dưới bất kỳ hình thức nào.

Là những người trong cuộc sống luôn ‘biết mình’ và ‘biết Chúa’. ‘Biết mình’ là kẻ tội lỗi, ‘biết Chúa’ là Đấng nhân từ đầy lòng thương xót và hay tha thứ như người thu thuế (x. Lc 18,13).

Là những người nghèo khó, mẹ góa con côi, bị xã hội loại trừ, bỏ rơi... nhưng không một lời than thân trách phận, oán ghét hận thù...chỉ ước mơ một cuộc sống no đủ, hạnh phúc như ông La-da-rô ‘thèm được những thứ rơi vãi từ bàn ăn của ông nhà giàu mà ăn cho no’ (x. Lc 16,20-21).

Là những người luôn ‘chạnh lòng thương xót’ trước nỗi đau của người đồng loại như người Samaritano nhân hậu (x. Lc 10, 33-35), ‘vui với người vui, khóc với người khóc’ (x. Rm 12,15).

Tóm lại: Các thánh mà hôm nay chúng ta mừng kính là những con người như chúng ta. Không ai trong các ngài khi sinh ra đã là thánh. Các ngài là thánh, bởi các ngài đã cộng tác với Chúa Thánh Thần, làm sáng rõ ‘hình ảnh của Thiên Chúa’ và phác họa lại dung mạo của Đức Ki-tô trong cuộc đời mình bằng nhiều thể nhiều cách, nhất là cách sống yêu thương và chu toàn bổn phận.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: ‘Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con là Đấng hoàn thiện ở trên trời’. Các thánh là những người đã sống theo lời Chúa dạy. Xin cho chúng con biết noi gương các ngài mà lo sao cho mình cũng được nên hoàn thiện, nên thánh, để chúng con cùng được sum họp với các thánh ở trên trời với Chúa.

Lạy các thánh nam nữ, xin chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con. Amen.

-------------------------------
 

1/11-159: CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

 

Từ ban đầu, Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài (x. St 1,27). Như thế, khi 1/11-159


Từ ban đầu, Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài (x. St 1,27). Như thế, khi tạo dựng nên chúng ta, Thiên Chúa đã đặt để nơi chúng ta mầm mống của sự thánh thiện. Bởi lẽ nếu Thiên Chúa là Đấng chí thánh, thì hình ảnh của Ngài chắc chắn phản ánh sự thánh thiện. Con người được tạo dựng trong sự thánh thiện và với mục đích trở thành thánh nhân.

“Nhân chi sơ, tính bản thiện – Từ nguồn gốc, con người vốn tốt lành”. Quan niệm Á đông cũng giống như quan niệm Kinh Thánh. Ban đầu, bản chất con người là tốt lành thiện hảo. Tội lỗi gian tham làm cho con người không còn tốt lành thiện hảo như trước nữa.

Công đồng Vatican II khẳng định: “Trong Bí tích Thánh tẩy nhờ đức tin, các môn đệ Đức Kitô đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào thần tính, và do đó, thật sự đã trở nên thánh” (Hiến chế Ánh sáng muôn dân, số 40). Đối với Kitô hữu, ngay lúc họ lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, họ đã được gọi là “thánh”, vì Bí tích này làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu.

Nếu Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài từ ban đầu trong cuộc sáng tạo, thì đối với cuộc sáng tạo mới trong Đức Kitô Giêsu, Thiên Chúa lại làm cho con người trở nên giống như Đức Giêsu Con của Ngài. Đây là một bước tiến mới khẳng định phẩm giá của con người mới được cứu chuộc nhờ Đức Giêsu.

Như thế, từ nguyên thuỷ, con người đã là thánh, vì mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa. Nhờ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, con người được mặc lấy phẩm giá của con Thiên Chúa, trở nên hoàn hảo hơn, đến mức trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa.

Như đã nói ở trên, tội lỗi xuất hiện làm cho hình ảnh Thiên Chúa bị phai nhạt nơi con người. Hình ảnh ấy, do tội lỗi đã trở nên biến dạng. Nên thánh chính là cuộc chiến đấu không ngưng nghỉ để tái phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi cuộc đời, và hơn thế nữa, làm cho con người nên giống như Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người và đang hiện diện huyền nhiệm giữa chúng ta. Công đồng Vatican II viết tiếp: “Vì thế, nhờ ơn Chúa họ (tức là Kitô hữu) phải tiếp tục giữ gìn và hoàn thành trong đời mình sự thánh hoá mà họ đã lãnh nhận” (cùng số 40 đã trích dẫn). Như vậy, nên thánh là cố gắng gìn giữ và duy trì tình trạng tốt lành Chúa ban khi tạo dựng nên chúng ta, và tình trạng thánh thiện nhờ Bí tích Thánh tẩy.

Tất cả Kitô hữu, bất cứ trong bậc sống hay địa vị nào, đều được mời gọi vươn đến đời sống Kitô hữu viên mãn và đức ái trọn hảo. Theo quan niệm thông thường, “nên thánh” là một khái niệm xa vời đối với người tín hữu. Dường như lời mời gọi này chỉ nhắm tới nhà tu và một số người cao niên hoặc trí thức. Đó là một quan niệm lệch lạc. Ơn gọi nên thánh là ơn gọi của mỗi chúng ta. Thiên Chúa đã đặt để nơi chúng ta sự thánh thiện của Ngài. Nên thánh là cố gắng làm cho ơn của Bí tích Thánh tẩy sinh hoa kết trái trong cuộc đời cá nhân của mình. Đó không phải là ơn gọi vượt tầm với của chúng ta, nhưng phù hợp với mọi người, bất kể họ ở bậc sống nào. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến “những vị thánh ở bên ta”, tức là những người sống một cuộc đời bình dị, như người phu quét rác, người mẹ nội trợ, người thợ xây cần mẫn, người nông phu trên cánh đồng (x. Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ, số 6 và số 7). Những người ấy cũng có thể nên thánh, nếu họ biết sử dụng những vốn liếng Chúa ban để sinh lợi thiêng liêng và biết chu toàn bổn phận của mình cách khiêm nhường cần mẫn.

Một cách cụ thể hơn, nên thánh chính là thực thi những mối phúc mà Chúa Giêsu đã nêu trong Bài giảng trên núi (x. Mt 5,1-12). Bài giảng này có thể được hiểu cách cụ thể hơn như sau:

– Sống nghèo khó trong tâm hồn, đó chính là sự thánh thiện
– Hành động với trái tim khiêm nhường, đó chính là sự thánh thiện
– Than khóc cảm thông với những người xung quanh, đó chính là sự thánh thiện
– Khao khát tìm kiếm sự công chính, đó chính là sự thánh thiện
– Hành động với lòng nhân từ, đó chính là sự thánh thiện
– Giữ tâm hồn trong sạch và tránh mọi nhơ uế, đó chính là sự thánh thiện
– Gieo rắc và xây dựng hoà bình, đó chính là sự thánh thiện
– Hằng ngày đón nhận con đường của Tin Mừng, kể cả khi gặp những bất lợi, đó chính là sự thánh thiện.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

-------------------------------
 

1/11-160: KITÔ HỮU LÀ THÁNH


(Mt 5, 1-12a)
 

Phụng vụ lễ trọng kính Các Thánh Nam Nữ của Thiên... Thiên Chúa nhân hậu từ bì, Ngài là Tình 1/11-160


Phụng vụ lễ trọng kính Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa hôm nay, từ lời kinh, tiếng hát, đến các bài đọc, thánh ca vang lên thánh thót, lôi cuốn tâm hồn chúng ta vượt qua không gian và thời gian, bay lên cõi trời cao để chiêm ngưỡng Các Thánh.

Thiên Chúa Sáng Tạo là Thánh

Thiên Chúa nhân hậu từ bì, Ngài là Tình Yêu và là Thánh. Ngài đã tạo dựng vũ trụ muôn loài muôn vật trong tình yêu, đặc biệt Ngài đã dựng nên con người giống hình ảnh mình (x. St 1, 26-27), và truyền khí sống khi hà hơi của chính mình cho con người để con người được sống. Con người được sáng tạo giống hình ảnh Chúa, sống sự sống và thở hơi thở của Thiên Chúa là Thánh, nên tự bản chất, con người giống Chúa. Nên Thánh là trở về với bản chất của mình, giống Chúa là Chân Thiện Mỹ. Sự thánh thiện hệ tại việc sống như con cái Thiên Chúa, trong việc “trở nên giống Thiên Chúa”, như đã được tạo thành. Thánh Gioan viết: “Chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hóa mình cũng như Người là Đấng Thánh” (1 Ga 3,3).

Kitô hữu là Thánh
Các Thánh hôm nay chúng ta mừng kính không phải các các tiên nữ, hay thiên tử từ Trời mà đến. Không, họ là những con người hoàn từ như chúng ta là người. Kể từ Đức Mẹ, Thánh Giuse, Các Thánh Tổ Tông, Các Thánh Tiên Tri, Các Thánh Tông Đồ, Các Thánh Từ Đạo, Các Thánh Mục Tử, Các Thánh Hiển Tu, Ẩn Tu, Các Thánh Đồng Trinh Thủ Tiết, Các Thánh Nam Nữ, Các Thánh Anh Hài. v.v…

Thật vậy, lúc khởi đầu Kitô giáo, các thành phần của Giáo Hội được gọi là “những người thánh”. Thánh Phaolô ngỏ lời với những kẻ được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô là “chư thánh đã được (Thiên Chúa) hiệu triệu”(x.1 Cr 1, 2). Quả thực, Bí tích Rửa tội kết hiệp họ với Chúa Giêsu và mầu nhiệm Vượt Qua của Người, người kitô đã là “thánh” rồi.

Ðôi khi người ta nghĩ rằng sự thánh thiện là một điều ưu tiên dành cho vài người được tuyển chọn. Nhưng thật ra, việc trở nên thánh là trách nhiệm của từng kitô hữu! Vì từ muôn thuở, Thiên Chúa đã chúc lành cho chúng ta và đã tuyển chọn chúng ta trong Chúa Kitô, “để trở nên thánh thiện và không tì ố trước nhan Ngài trong tình bác ái” (Eph 1, 3-4). Như thế, ai trong chúng ta, dù yếu đuối hay tội lỗi, đều có thể nên trọn lành như lời Chúa Giêsu mời gọi: “Các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Ðấng trọn lành” (Mt 5, 48).

Thánh Gioan nhìn thấy: “Số người được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel” (Kh 7, 4). Tuy nhiên, nếu con số chỉ có thế thôi thì quả là một điều đáng lo sợ, bởi vì người tín hữu như ta đâu có hy vọng được vào số những người đó? Vậy con số đó là thế nào? Số một trăm bốn mươi bốn ngàn là con số biểu tượng cao đầy đủ, chỉ những người được cứu rỗi. Theo hệ thống đếm của người Do thái, một người có thể đếm cao tới mười hai ngàn. Mười hai ngàn nhân với mười hai, thành một trăm bốn mươi bốn ngàn, một con số cao trọn vẹn tuyệt đối, chứ không phải chỉ theo nghĩa đen là một trăm bốn mươi bốn ngàn mà thôi.

Thánh Gioan đã nhìn thấy: “Đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng” (Kh 7, 9). Như thế, chúng ta có thể làm thánh được.

Đường nên Thánh
Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo không ngừng mời gọi chúng ta nên Thánh: “Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh” (Lv 11,44). Thánh Phêrô lặp lại ý muốn của Chúa với chúng ta: “Bởi chưng đã viết rằng: Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh” (1Pr 1, 16).

Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta con đường nên Thánh bằng Tám Mối Phúc: Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần, phúc cho những ai đau khổ, phúc cho những ai hiền lành, phúc cho những ai đói khát sự công chính, phúc cho những kẻ có lòng nhân từ, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai xây dựng hoà bình, phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính (x. Mt 5, 3-10). Một mối phúc đặc biệt linh hứng sự chọn lựa đoạn này: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5,10).

Hôm nay Các Thánh Nam Nữ thúc giục chúng ta: hãy cố làm thánh! Đức Phanxicô khuyên chúng ta: Đừng sợ nên thánh. Để nên thánh không cần phải là một giám mục, linh mục hay tu sĩ. Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho một số người. Không phải thế. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Bạn được mời gọi sống đời thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống sự dấn thấn ấy cách thật vui tươi. Bạn đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội thánh. Bạn phải làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc thật tận tụy và chu đáo để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ con cháu biết theo Chúa Giêsu. Bạn đang ở một địa vị có quyền lực ư? Hãy nên thánh bằng cách quên lợi riêng để phục vụ ích chung. (x. Bài Giáo Lý, Triều Yết Chung ngày 19 tháng 11, 2014).

Các Thánh Nam Nữ của Chúa, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

-------------------------------
 

1/11-161: Hân Hoan Mừng Chư Thánh


Lễ Các Thánh Nam Nữ

(Mt 5, 1-12a)
 

Phụng vụ lễ trọng kính Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa hôm nay, với lời kinh, tiếng hát, các 1/11-161


Phụng vụ lễ trọng kính Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa hôm nay, với lời kinh, tiếng hát, các bài đọc, thánh ca lôi cuốn tâm hồn chúng ta vượt qua không gian và thời gian, bay lên cõi trời cao để chiêm ngưỡng Các Thánh, những người được coi là diễm phúc. Thánh Phêrô nói với chúng ta rằng Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta sẽ là những vị thánh:“Bởi chưng đã viết rằng: Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh” (1Pr 1, 16). Ở đầu mỗi câu Tin Mừng (Mt 5, 1-12) hôm nay là một loạt các từ “phúc”, chúng ta có thể suy diễn rằng, Thiên Chúa muốn chúng ta là những người hạnh phúc, những thánh nhân, phúc nhân.

Suy diễn này không quá ảo tưởng, vì vào lúc khởi đầu Kitô giáo, các thành phần của Giáo Hội được gọi là “những người thánh”. Chẳng hạn như nơi thư Côrintô, thánh Phaolô ngỏ lời với những kẻ được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô là “chư thánh đã được (Thiên Chúa) hiệu triệu” (x.1 Cr 1, 2), được mời gọi trở nên thánh thiện, cùng với tất cả những ai khẩn cầu danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Quả thực, người kitô đã là “thánh” rồi, vì Bí tích Rửa tội kết hiệp họ với Chúa Giêsu và với mầu nhiệm Vượt Qua của Người; nhưng đồng thời người kitô còn phải trở nên thánh, trở nên giống như Chúa Kitô, mỗi ngày một mật thiết hơn.

Ðôi khi người ta nghĩ rằng sự thánh thiện là một điều ưu tiên dành cho vài người được tuyển chọn. Nhưng thật ra, việc trở nên thánh là trách nhiệm của từng kitô hữu, hay có thể nói là của mọi người! Theo thánh Tông Ðồ Phaolô thì từ muôn thuở, Thiên Chúa đã chúc lành cho chúng ta và đã tuyển chọn chúng ta trong Chúa Kitô, “để trở nên thánh thiện và không tì ố trước nhan Ngài trong tình bác ái” (Eph 1, 3-4). Như thế, tất cả mọi người đều được mời gọi sống thánh thiện; ai trong chúng ta, dù yếu đuối và tội lỗi, dù nhỏ bé và nghèo hèn, đều có thể trở nên thánh nhân, và được mời gọi trở nên thánh: “Các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Ðấng trọn lành” (Mt 5, 48).

Nên trọn lành là trở nên giống Chúa, và ai trong chúng ta cũng có thể trở nên giống Chúa, vì Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Người, giống như Người (St 1, 26-27). Tự bản chất, chúng ta giống Chúa, tâm hồn chúng ta đẹp như Chúa. Chính tội lỗi làm cho tâm hồn chúng ta ra nhem nhuốc, xấu xí, không còn giống Chúa nữa. Tội lỗi làm cho chúng ta bị tha hoá, bị khác đi, không còn giữ được bản chất tốt lành của mình nữa, hạnh kiểm của chúng ta trước mặt Chúa là yếu kém.

Nhưng ai trong chúng ta lại không ước mơ trở nên tốt lành? Chúng ta mong lắm, thích lắm, vì trở nên tốt lành là trở về với bản chất của mình, trở nên giống Chúa là Chân Thiện Mỹ. Có điều là chúng ta ngại khó, ngại hy sinh, ngại cố gắng, ngại từ bỏ những điều vui sướng nhất thời trước mắt, chúng ta không có can đảm. Sự thánh thiện hệ tại việc sống như là những con cái Thiên Chúa, trong việc “trở nên giống” Thiên Chúa, như đã được tạo thành.

Điều làm cho chúng ta phấn khởi trong ngày lễ hôm nay, là Các Thánh trên trời rất đông, rất nhiều người trong nhân loại, trong đó có thể có những người thân của chúng ta, khi còn sống, họ đã trải qua biết bao nhiêu đau khổ và thăng trầm, nhưng cuối cùng đã được thanh tẩy mình trong máu Con Chiên là Chúa Giêsu, họ đã trở nên tinh tuyền, sạch đẹp và đang hưởng hạnh phúc với Chúa.

Hôm nay Các Thánh Nam Nữ thúc giục chúng ta cách dặc biệt: hãy cố lên! Ai trong chúng ta cũng có thể cố lên. Có rất nhiều người đã thành công. Sách khải huyền nói đến một đoàn người thật đông đảo không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi nước và mọi ngôn ngữ (x. Kh 7, 9).

Còn chúng ta đang ở dưới thế, nơi có quá nhiều cám dỗ và cạm bẫy, chúng ta yếu đuối khó vươn lên, hoàn cảnh của chúng ta có khi lại quá phức tạp và khó khăn, nhiều khi chúng ta nản chí buồn lòng, không còn muốn phấn đấu nữa. Nhưng Chúa dạy chúng ta đừng lúc nào cũng nhìn đời với cặp kính màu đen, hãy lạc quan, tin tưởng, yêu đời hơn, dù cuộc đời có đủ thứ rắc rối, có phũ phàng mấy đi nữa. Lời thánh Phêrô khuyên chúng ta “cả anh em nữa, hãy nên thánh trong tất cả hạnh kiểm” (1Pr 1, 15).

Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên mọi sự tốt lành, Đấng nắm giữ vận mệnh của lịch sử. Hãy nghe lời thánh Gioan nói xem “Tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (1 Ga 3, 1). Chính sự tin tưởng vào Thiên Chúa làm cho chúng ta tự tin hơn và yêu đời hơn. Mỗi lần cố gắng trở nên tốt hơn, là một lần chúng ta trở nên giống Chúa hơn. Chúa Giêsu đã vạch ra con đường Tám Mối Phúc Thật cho tất cả chúng ta đi theo hầu trở nên giống Người. Đó là con đường mà Người đã đi, khi Người còn sống thân phận lữ thứ trần gian như chúng ta: ” Phúc cho những ai…” (x. Mt 5, 1-12)

Mừng lễ Các Thánh Nam Nữ hôm nay, ngự giữa cộng đoàn Các Thánh, có Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, Ðấng khiêm nhu nhưng cao trọng hơn mọi tạo vật. Chúng ta hãy đặt đôi bàn tay ta vào trong tay của Mẹ để Mẹ hướng dẫn, có Mẹ dẫn lối chỉ đường, chúng ta cảm thấy mình được khích lệ tiến bước với niềm hăng say hơn trên con đường thánh thiện. Hãy phó thác cho Mẹ cố gắng dấn thân hằng ngày và khẩn cầu Mẹ cho những người thân yêu của chúng ta đã qua đời. Trong niềm hy vọng sâu xa một ngày kia tất cả chúng ta sẽ gặp lại nhau, trong sự hiệp thông vinh quang của Các Thánh trước tòa Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

-------------------------------
 

1/11-162: Lễ Các Thánh – Lễ Trọng


I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
 

Lễ Các Thánh Nam Nữ có lẽ bắt nguồn ở vùng Celtique; trong thực tế, lễ này đã được Tổng giám 1/11-162


Lễ Các Thánh Nam Nữ có lẽ bắt nguồn ở vùng Celtique; trong thực tế, lễ này đã được Tổng giám mục Salzbourg là Đức cha Arnon tại công đồng Riesbach năm 798 chứng thực là mừng vào ngày 1 tháng 11. Đức cha Arnon, vốn là học trò của tu sĩ Alcuin († Tours năm 804), được thầy mình khen ngợi năm 800 vì đã ấn định lễ này vào ngày đầu tháng 11. Các sách Tử đạo và các sách Bí tích của người Pháp và Anh – tu sĩ Alcuin là người gốc Anh – cho thấy lễ này đã có từ cuối thế kỷ VIII ; sau đó, vào thế kỷ IX, qua sắc lệnh của vua Louis Sùng Đạo năm 833, lễ này được mở rộng sang lãnh thổ của người Francs.

Tại Rôma, ngày 13 tháng 5 năm 610, Đức Giáo Hoàng Boniface IV được phép hoàng đế Phocas đổi đền thờ Pantheon thành một thánh đường dâng kính Đức Mẹ Thiên Chúa và toàn thể các thánh tử đạo. Từ đó, cứ ngày 13 tháng 5 hằng năm, theo một truyền thống Syria, người ta mừng lễ tất cả các thánh tử đạo. Ngày lễ này trùng với mùa phục sinh không chỉ nhắc nhớ đến tục lệ Syria, mà còn nhắc đến ý nghĩa vượt qua trong chiến thắng của các thánh tử đạo. Tuy nhiên, đến thời Đức Giáo Hoàng Grégoire IV (827-844) lễ này được dời vào ngày 1 tháng 11 và mừng kính tất cả các thánh nam nữ, được phong thánh hay không. Vào thế kỷ X, hôm trước ngày lễ này là một ngày ăn chay và canh thức, và ở thế kỷ XV, lễ này còn có một tuần bát nhật.

II. Thông điệp và tính thời sự

Có thể tìm thấy nhiều chủ đề trong các bản văn phụng vụ lễ trọng mừng các thánh, không chỉ mừng các thánh đã được tôn phong, mà tất cả mọi người đã được cứu rỗi.

a. Lời Nguyện của ngày, khi ca mừng sự thánh thiện của tất cả những người được chọn, nhắc chúng ta nhớ rằng “có vô số vị thánh đang chuyển cầu cho chúng ta”. Về điều này, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo trích dẫn Lumen Gentium (số 50) : “Vì thực sự đang được kết hợp mật thiết hơn với Đức Kitô, các công dân trên trời góp phần làm cho Hội Thánh được thêm kiên vững trong sự thánh thiện . . . Các ngài không ngừng cầu xin với Chúa Cha cho chúng ta, bằng cách dâng hiến những công đức các ngài đã lập được khi còn ở trần gian, nhờ Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, là Đức Giêsu Kitô . . . Vì thế sự săn sóc ân cần của các ngài là trợ giúp lớn lao nhất cho tính yếu hèn của chúng ta.” (Sách Giáo Lý . . . số 956). Chúng ta cũng có những lời thánh Đaminh khuyên nhủ các tu sĩ của ngài: “Đừng thương khóc cha ; cha sẽ làm ích nhiều hơn cho các con sau khi cha chết, và sẽ giúp các con hiệu quả hơn là lúc cha còn sống”, và lời của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: “Con sẽ ở trên trời để mưu ích cho trần gian.”

b. Các thánh được ở gần Thiên Chúa Lời (Nguyện trên lễ vật), các ngài sung sướng dự vào “bàn tiệc” dọn sẵn cho các ngài trong nhà Chúa (Lời Nguyện sau hiệp lễ). “Đoàn người đông không thể đếm hết này” tạo nên “thành đô thiên quốc, thành Giêrusalem Mẹ chúng ta trên trời” không ngừng hát bài ca chúc tụng Thiên Chúa (Kinh Tiền tụng). Các thánh tạo thành “bức phù điêu khổng lồ của niềm vui / tình yêu rạng rỡ ngàn khuôn mặt / các ngài vẽ lên, trong ánh sáng / một hình ảnh vinh quang duy nhất : Chúa Giêsu Kitô.” Các ngài hát mừng Đấng Cứu Thế đã chia sẻ thử thách với các ngài và các ngài tạ ơn Người vì đã lấy máu mình mà thanh tẩy các ngài, và nuôi dưỡng các ngài bằng bánh sự sống (Giờ Kinh Sách, Đáp ca sau bài đọc 1). Trong Thánh Thể, Chúa đã thánh hóa những kẻ Người chọn “trong tình yêu viên mãn của Người”. Và bí tích này là nơi để chúng ta hiệp thông với các thánh, là bàn tiệc mà chúng ta được “tiếp nhận khi còn đang lữ hành” trước khi được nhận vào bàn tiệc trên trời (Lời Nguyện sau hiệp lễ).

c. Các thánh “đã noi gương Chúa Giêsu trong đời sống các ngài” trước khi được nhận triều thiên vinh quang (Kinh Nguyện Thánh Thể riêng). Chúa Giêsu đã công bố hiến chương của sự thánh thiện là Các Mối Phúc thật được đọc trong Tin Mừng thánh lễ. Cũng vậy, bài thánh thi của Kinh Chiều 1 công bố người hạnh phúc là “người tay sạch lòng thanh… người hiền lành…người cảm nghiệm ân huệ của nước mắt…người đói khát công chính…người chịu đổ máu mình và tha thứ…người không một vết nhơ … người rắc gieo hoà thuận…và tất cả những ai được xét là xứng đáng chịu sỉ nhục vì thập giá”.

Thánh Polycarpe viết : “Chúng ta thờ lạy Chúa Kitô, vì Người là Con Thiên Chúa ; còn đối với các thánh tử đạo, chúng ta yêu mến các ngài vì các ngài là môn đệ và người noi gương Chúa Ki-tô… , ước chi chúng ta được làm bạn với các ngài” (Sách Giáo lý, số 957). Thật vậy, vì được sống gần Thiên Chúa, các thánh tử đạo và mọi người Chúa chọn đều cầu nguyện cho chúng ta : “Các ngài rất có thế lực trong cuộc đời chúng ta” (Sách Lễ Rôma).

ENZO LODI

(Lm hạt Xóm Chiếu dich)

-------------------------------
 

1/11-163: LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ


Lm. Giuse Đinh Tất Quý
 

Hôm nay Giáo Hội cho chúng mừng kính toàn thể các thánh ở trên Thiên đàng. 1. Các thánh là 1/11-163


Hôm nay Giáo Hội cho chúng mừng kính toàn thể các thánh ở trên Thiên đàng.

1. Các thánh là những người đã sống cuộc sống như thế nào?

Hiến chế ánh sáng muốn dân số 50 của Công Đồng Vaticano II nhắc nhở chúng ta rằng: “Các thánh là dấu chỉ hữu hình của sự hiện diện Nước Thiên Chúa giữa chúng ta”. Các ngài cũng là “lời của Thiên Chúa”, đời sống của các ngài giúp chúng ta hiểu rõ ràng hơn lời của Thiên Chúa.

Như vậy các thánh là lời sống động của Thiên Chúa giữa chúng ta. Các ngài là chứng nhân cho chân lý của Tin Mừng, là một khẳng định dứt khoát, mạnh mẽ cho sự thật của Tin Mừng. Trên thực tế, đối với các thánh không có chuyện nửa vời. Các ngài không có những khoảnh khắc nước đôi. Các ngài là một lời khẳng định cần thiết, dứt khoát, bởi vì hiện nay làm chứng cho sự thật về Thiên Chúa dường như là lội ngược dòng, là sống ngược lại với não trạng của thế giới ngày nay. Đó là sống theo văn hoá của tám mối phúc thật. Đó là sống theo Tin Mừng, một cách sống làm tỏ lộ sự hiện diện của Nước Thiên Chúa và dường như ngược lại với lối sống phổ biến trong thế giới ngày nay.

Bàn về việc phải nên thánh Mẹ thánh Têrêsa đã viết thật hay: “Thánh thiện không tuỳ thuộc những việc phi thường nhưng chính yếu là đón nhận với nụ cười những gì Chúa Giêsu gửi tới. Trọng tâm của đời thánh thiện là chấp nhận và sống theo ý Thiên Chúa”.

Thánh thiện không phải là vẻ hào nhoáng của thiểu số nhưng là bổn phận của mọi người, của bạn và của tôi.

Để thành thánh, bạn phải nghiêm chỉnh muốn nên thánh.

Thánh Thomas Aquinas đã xác quyết, thánh thiện “không là gì khác hơn là thực hiện một quyết tâm, một hành động anh hùng của tâm hồn quy phục Thiên Chúa”. Và Ngài thêm: “Chúng ta tự nguyện yêu mến Thiên Chúa, chạy tới và tiếp cận Ngài, chúng ta chiếm hữu Ngài”.  Các thánh là những ai sống theo luật Chúa đã ban.

2. Đâu là những luật Chúa ban?

Luật của Chúa được nói lên một cách đơn sơ qua tiếng nói của lương tâm ngay lành - được biểu lộ một cách cụ thể qua 10 giới luật của Chúa trong Cựu Ước và nhất là được thúc bách cách triệt để hơn qua con đường Tám mối Phúc thật của Tin Mừng.

Sống theo Luật của Chúa là đáp lại Lời Chúa một cách đơn sơ, chân thành, không cầu kỳ, không gò bó.

Một người khách đến thăm một anh  lính bị thương thật tội nghiệp, đang nằm chờ chết ở bệnh viện, và hỏi người lính này:

- “Anh thuộc về Giáo Hội nào vậy?”

Anh lính đáp

- “Tôi thuộc về Giáo Hội của Đức Ki tô”.

- “Ý tôi muốn nói là niềm tin tôn giáo của anh là gì?”

Trong khi ngước mắt nhìn lên bầu trời, bằng nét mặt rạng rỡ tình yêu đối với Đấng Cứu Độ, người lính đang hấp hối nói:

- “Niềm tin tôn giáo ư?  Tôi tin tưởng rằng kể cả cái chết, sự sống, các thiên sứ, mọi vương quyền, mọi sức mạnh, những sự việc trong hiện tại cũng như tương lai... không gì có thể ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô”.

Sau bữa ăn sáng của ngày cuối cùng trong cuộc đời mình,

Robert Bruce đột ngột nói với con gái của ông :

-”Này con, Thầy Chí Thánh đang gọi cha rồi kìa”. Nói xong những lời này, hơi thở của ông yếu hẳn, ông đòi mang cuốn Kinh Thánh đến, rồi ngất lịm đi; nhưng khi tự nhận thấy mình không còn đủ sức để thở được nữa, ông nói:

- “Con hãy mở thư của Thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Rôma, chương 8, và đặt ngón tay của cha vào câu 39”.

Rồi ông hỏi :

- “Bây giờ, ngón tay của cha đã được đặt vào câu đó chưa?”

Các con của ông nói rằng đã làm đúng theo lời yêu cầu của ông.

Sau đó, ông nói :

“Xin Thiên Chúa ở với chúng con, hỡi các con của cha; cha đã cùng dùng bữa ăn sáng với chúng con, và tối nay, cha sẽ dùng bữa tối với Chúa Giêsu Kitô”.
Ngay lúc đó ông tắt thở.

3. Cuối cùng đó là những người biết kiên trì, trung thành với sự chọn lựa của mình một cách đáng khâm phục.

Chúa đã từng khẳng định: Con đường của Chúa là con đường hẹp, nhiều khi hẹp kinh khủng. Nó đòi hỏi những ai đi trên con đường đó một sự cố gắng hầu như là liên lỉ và nhiều khi rất anh hùng. Chỉ có những ai kiên trì và can đảm mới có thể đi trên con đường đó.

Một Antôn tu rừng mà tôi vừa mới nói ở trên chẳng hạn. Đọc tiểu sử của Ngài chúng ta mới thấy. Bán hết mọi sự để theo tiếng Chúa gọi đó đã là khó. Nhưng sống theo Chúa còn khó hơn. Sau khi đã bán mọi sự, Antôn đi vào trong rừng vắng. Ma quỉ đã không để anh được yên. Chúng thi nhau tấn công anh, tấn công bằng mọi thủ đoạn kể cả những thủ đoạn tầm thường nhất. Chúng dùng đến cả những hình ảnh bẩn thỉu nhất để cám dỗ anh. Suốt cả cuộc đời là một cuộc chiến đấu. Nhờ kiên trì mà Antôn đã đã chiến thắng.

Một trong những bà thánh mà chúng ta hay nhắc tới như bà thánh Monica chẳng hạn. Chúng ta tưởng là bà đã nên thánh một cách dễ dàng sao?  Không, hoàn toàn không! Không dễ dàng chút nào cả mà là đầy những cố gắng. Hơn 30 năm trời cầu nguyện hãm mình hy sinh mà mới thành công đem được người con của bà về với Chúa. Hơn 30 năm trời kiên trì trong âm thầm lặng lẽ  mới đạt tới vinh quang. Đó không phải là một cái giá đã cao. Còn nhiều sự trả giá còn cao hơn nữa. Chỉ có những ai biết nhẫn nại kiên trì, những người ấy mới xứng đáng với vinh quang Nước Trời. Chúa Giêsu đã nói: “Nước trời phải dùng sức mạnh mà cướp lấy”(Mt 11,12).

B. Bây giờ về phần chúng ta. Đứng trước những tấm gương của các Ngài chúng ta phải có thái độ như thế nào?

Có lẽ chẳng ai trong chúng ta mà lại không muốn làm thánh. Nên thánh là mục đích mà mọi người chúng ta nhắm tới. Thế nhưng con người của chúng ta thường yếu đuối. Nói như lời thánh Phaolô: “Điều tôi muốn tôi lại không làm, còn điều tôi không muốn tôi lại cứ làm”(Rm 7,19) Thân phận con người của chúng ta là thế. Chính vì vậy mà chúng ta phải xin với Chúa ơn can đảm.

* Một chàng thanh niên thuở xưa có tên là Salésio. Anh có tên thánh là Phanxicô. Một lần kia anh đọc lịch sử Giáo Hội, anh thấy trong Giáo Hội đã có 3 người mang tên Phanxicô đã làm thánh: Đó là thánh Phanxicô khó khăn, thánh Phanxicô đệ Phaolô, thánh Phanxicô Xaviê, tự nhiên anh cảm thấy mình cũng phải làm gì để được nên thánh. Thế là anh đi tới một quyết định: Tôi sẽ là Phanxicô thứ 4. Anh đã giữ được quyết định đó và anh đã làm thánh. Đó là thánh Phanxicô Salésio.

* Gần đây chúng ta hay nhắc đến Mẹ Têrêsa Calcutta. Tôi chắc chắn Mẹ đã biết trong lịch sử của Giáo Hội đã có hai vị thánh mang tên Têrêsa: Đó là thánh Têrêsa Avila, Têrêsa Hài đồng Giêsu. Tuy không nói ra nhưng tôi tin Mẹ cũng đã nguyện ước Mẹ cũng là một thánh Têrêsa khác. Và hôm nay, mẹ đã thành công. Giáo Hội đã tôn phong mẹ lên hàng chân phước. Chẳng bao lâu nữa mẹ sẽ lên đến đỉnh vinh quang!

Xin Chúa giúp cho chúng ta biết can đảm. Trên con đường nên thánh, Thánh Augustinô đã gặp rất nhiều thử thách. Ngài đã dùng câu nói này như câu châm ngôn để vươn lên: “Ông kia bà nọ làm được tại sao tôi lại không?” Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi ơn chúng ta cần. Người nọ kia nên thánh được tại sao tôi lại không? Hãy cố gắng. Chúa sẽ phù trợ cho chúng ta. Amen.

-------------------------------
 

1/11-164: Anh Em Hãy Nên Hoàn Thiện


Lm. GB. Trần Văn Hào
 

Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. Nếu có dịp viếng thăm 1/11-164


Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

Nếu có dịp viếng thăm đền thờ Thánh Phêrô ở Vatican, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh quan rất ngoạn mục với nhiều tượng ảnh các thánh do các nghệ nhân nổi tiếng điêu khắc. Đặc biệt ở các ô cửa kính phía trên cao, có rất nhiều hình các thánh được lắp ghép bằng những mảnh kính mầu trông rất ấn tượng. Khi mặt trời lên cao và được ánh sáng chiếu qua, chân dung các thánh được hiện lộ và tỏa sáng. Có một đứa bé khi được cha xứ hỏi trong giờ giáo lý: “ Các thánh là ai ?”, em đã đơn sơ trả lời: “ Thưa Cha, các thánh là những vị được ánh sáng mặt trời chiếu qua”. Câu trả lời của đứa bé gợi nhắc chúng ta về ý nghĩa của ngày lễ hôm nay khi Giáo hội mừng kính các thánh nam nữ. Đúng như em bé nói, các thánh chính là những con người được ánh sáng Đức Kitô soi dọi và chiếu sáng. Ngài chính là mặt trời công chính, chiếu dọi ánh quang vào tâm hồn mọi người. Các vị thánh là những con người vốn mỏng dòn yếu đuối, nhưng đã đạt đến sự hoàn thiện, vì các Ngài đã để ánh sáng Đức Kitô thẩm thấu và ngấm sâu vào trong cuộc đời mình.

Có bao nhiêu vị thánh trên trời?

Không khó để trả lời câu hỏi này. Trong cái nhìn thần học của Thánh Gioan, con số đó nhiều vô kể. Sách Khải Huyền đã ghi lại thị kiến : “Tôi thấy một đoàn người đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ (Kh 7, 9). Con số 144 ngàn (Kh 7, 4), bội số của 12 chi tộc Israel nhân lên 12 và nhân lên gấp ngàn lần nữa, chỉ mang tính biểu tượng ám thị một con số khổng lồ. Bởi lẽ ơn cứu độ của Đức Giêsu bao trùm toàn thể vũ trụ, và phủ bóng trên tất cả mọi người không loại trừ ai. Không chỉ những ai được Giáo hội tuyên phong mới là thánh, nhưng tất cả những người được ân sủng Đức Kitô biến đổi nên công chính, đều là những vị thánh. Trong thư gởi các giáo đoàn như thư Rôma, 2 lá thư Côrinthô, thư Êphêsô, thư Côlossê, Thánh Phaolô vẫn thường gọi các tín hữu là những vị thánh. Hằng tuần chúng ta tuyên tín khi đọc kinh tin kính: ‘Tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền’. Giáo hội tự bản chất là thánh thiện, vì thế những ai sống hiệp thông trong Hội thánh đều được thông phần vào sự thánh thiện của giáo hội phát nguồn từ chính Kitô, đấng Thánh của Thiên Chúa. Bởi vì Giáo hội chính là thân thể mầu nhiệm của Ngài.

Ơn gọi nên thánh

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta :“ Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Việc nên thánh không phải là một ơn gọi biệt loại chỉ dành riêng cho một số người, nhưng đó là ơn gọi phổ quát mà Chúa Giêsu ngỏ trao cho tất cả chúng ta. Giáo hội đã tuyên thánh (canonize) rất nhiều vị thuộc đủ thành phần, từ các Giáo Hoàng, các Giám mục, các linh mục, tu sĩ và cả giáo dân. Ngày 18 tháng Mười vừa qua, giữa lúc Thượng hội đồng Giám mục thế giới đang nhóm họp bàn về gia đình, Đức Thánh Cha Phanxicô với quyền bất khả ngộ đã tuyên bố ông bà Martin Guérin, song thân của Thánh nữ Têrêsa thành Lisieux được ghi tên vào sổ bộ các thánh. Cả hai vị cũng là giáo dân giống như nhiều người trong chúng ta, với biết bao lo toan trong cuộc sống đời thường giữa một gia đình khá đông con cái. Bí quyết việc nên thánh của hai Ngài rất giản đơn, đó là hoàn thiện ơn gọi tình yêu trong những bổn phận hằng ngày với niềm đam mê cháy bỏng dành cho Thiên Chúa. Cho dù trong cuộc sống các Ngài có những khiếm khuyết, nhưng tình yêu Thiên Chúa đã lấp đầy những lỗ hổng của thiếu sót và biến trở cuộc đời các Ngài nên hoàn thiện.

Trong các dịp lễ Giáng sinh, Thánh Gioan Bosco có thói quen cho các em học sinh mỗi người một món quà, tùy sở thích mỗi người. Đaminh Saviô đã viết trên một mảnh giấy nhỏ ước muốn đơn sơ của mình và trao cho DonBosco: ‘ Con xin Cha hãy giúp con nên thánh’. Ước muốn này đã được thực hiện và DonBosco không những là một vị thánh, Ngài còn là một nhà giáo dục, là thầy dạy đường nên thánh cho các con cái Ngài. Không ai trong chúng ta lên thiên đàng một mình cũng như không ai xuống hỏa ngục một mình. Chúng ta nên thánh cũng bằng cách giúp người khác vươn đạt đến sự thánh thiện.

Đức Giêsu, mẫu gương trọn hảo về sự thánh thiện

Trong bài đọc 2 của phụng vụ hôm nay, Thánh Gioan tông đồ mời gọi chúng ta quy chiếu về Đức Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa. “ Khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người” (1Ga 3, 2 ). “Ai đặt hy vọng vào Đức Kitô, thì làm cho mình nên thanh sạch” (1Ga 3,3). Đức Kitô Đấng thanh sạch, là con chiên tinh tuyền, chính là chuẩn mẫu về sự thánh thiện để chúng ta noi theo. Ngài đã sống tận căn mầu nhiệm yêu thương để quảng diễn sự thánh thiện nơi Ngài. Vì thế Đức Giêsu mời gọi các môn sinh phải sao chép lại tình yêu mà Ngài đã diễn bày. “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy yêu thương anh em” (Ga 15,12) . Thập giá và cái chết của Đức Giêsu là nguyên mẫu về sự thánh thiện mà chúng ta luôn phải học hỏi, phải đào sâu, phải khám phá không ngừng nhằm tìm ra con đường thánh thiện để dấn bước. Vì thế trong bài Tin mừng hôm nay, Giáo hội đọc lại cho chúng ta bản Hiến chương Nước Trời: đó là tám mối phúc Đức Giêsu đã công bố trong bài giảng trên núi. Đây chính là nẻo đường dẫn chúng ta đi dần vào mầu nhiệm Thập giá. Sống tinh thần khó nghèo, sống hiền lành khiêm tốn, sống nhẫn nhục trong lao nhọc, sống quảng đại với tấm lòng xót thương, sống như là những sứ giả hòa bình… Tất cả đều là những sắc nét của mầu nhiệm Thập giá, con đường dẫn đưa chúng ta đến sự trọn lành.

Tuy nhiên, chúng ta thường hay nghĩ rằng tôi chỉ là một con người tầm thường với biết bao tội lỗi và yếu đuối, làm sao tôi có thể nên thánh được. Chúng ta đừng quên rằng, vị thánh đầu tiên được Chúa Giêsu ‘tấn phong’ và mở cửa Thiên Đàng đón đưa vào, không ai khác chính là một tên trộm khét tiếng. Một nhà tu đức đã dí dỏm nói rằng: Đây là một tay trộm cắp chuyên nghiệp vì cánh cửa nào anh ta cũng có thể mở ra được. Anh ta dùng một chìa khóa vạn năng để mở các loại cửa, kể cả cửa Thiên Đàng. Chiếc chìa khóa vạn năng đó chính là tín thác vào lòng thương xót của Chúa. Mức độ trộm cắp chuyên nghiệp của anh ta đạt đến đỉnh điểm, vì trước khi chết anh ta còn ăn trộm được cả Thiên Đàng. Trong bộ sách Confessio, Thánh Augustinô cũng viết một câu chuyện tưởng tượng. Ngài gặp tên trộm và hỏi anh ta: “ Thưa anh, anh không phải là người công giáo, anh chưa từng bước chân vào nhà thờ, anh cũng chưa hề học giáo lý và cũng chưa biết Đức Giêsu là ai, vậy tại sao anh lại đựơc Đức Giêsu mở cửa Thiên Đàng cho vào?”. Người trộm trả lời “ Ông nói đúng, tôi chỉ là một tên cướp với cuộc sống đầy kín tội ác. Tôi chưa từng học giáo lý, chưa được rửa tội, cũng chưa biết Đức Giêsu là ai. Nhưng trên thập giá, tôi đã nhìn vào Ngài. Cặp mắt Đức Giêsu đã hắt dọi vào tâm hồn tôi một luồng sáng kỳ diệu, đó là ánh sáng của lòng thương xót. Tâm hồn tôi đã bị khuất phục hoàn toàn trước ánh mắt đầy trìu mến và thân thương ấy. Cuối cùng, tôi đã tin. Tôi đã vào Thiên Đàng không phải do công cán của tôi, nhưng tất cả là hồng ân của lòng thương xót Chúa.

Kết luận

Ngày 05 tháng Chín năm 1997, ông Kofi Anan lúc bấy giờ là Tổng thư ký liên hiệp quốc đã viết một bản cáo phó gửi đi khắp thế giới với nội dung: ‘ Một người giàu quyền lực nhất vừa mới vĩnh viễn rời bỏ chúng ta’. Nhưng người giầu quyền lực đó là ai? Thưa, đó chỉ là một phụ nữ già nua ốm yếu, 87 tuổi, trong tay không có lấy một tấc sắt làm vũ khí để bảo vệ mình. Người giàu quyền lực đó gia sản không có một xu dính túi, đã từng phải ngửa tay xin từng cái giường cũ của những người nhà giàu đem phân chia cho người nghèo. Người giàu quyền lực đó đã can đảm vượt qua mọi rào cản của các luồng ý thức hệ để đến tận Liên Xô, Cuba, Trung Quốc hầu giang rộng vòng tay ôm đón những con người khốn khổ nhất bị vất ra bên lề xã hội. Người giầu quyền lực đó chính là Mẹ Têrêsa Calcutta.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã tuyên phong chân phước cho Mẹ, chỉ 6 năm sau khi Mẹ qua đời, và rất có thể Mẹ sẽ được phong hiển thánh vào năm tới, năm thánh Lòng Thương xót. Đó là một vị thánh của đời thường, sống rất dung dị, một con người rất con người nhưng cũng là một vị thánh rất là thánh. Mẹ đã nghe được tiếng Chúa Giêsu thét gào trên Thập giá: “ Ta khát”. Lời gào thét đó vẫn đang vang vọng nơi khuôn mặt những con người khốn khổ của xã hội ngày hôm nay. Mẹ đã nên thánh bằng việc cảm nghiệm sâu xa tình yêu Chúa và đã trải rộng tình yêu đó đến những người cùng khổ một cách cụ thể. Đó là một dung mạo rất gần gũi và thân quen trong muôn vàn vị thánh, để chúng ta suy nghiệm và chiêm ngắm trong ngày lễ mừng kính các thánh hôm nay.

-------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây