Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca. Khi ấy, thiên thần Gáp-ri-en được Chúa sai đến một thành xứ Ga-li-lê-a, tên là Na-da-rét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ða-vít, trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Ma-ri-a đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ða-vít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Gia-cóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, I-sa-ve chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Ma-ri-a liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà. - Ðó là lời Chúa.
Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel, Khi người xuống truyền….. Đức Mẹ có hai nhân đức rất quan LễTruyềnTin 101
Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel, Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ, Người có nghe xôn xao muôn tinh tú, Người có nghe náo động cả muôn trời? (Hàn Mạc Tử)
Đức Mẹ có hai nhân đức rất quan trọng này: lòng kính sợ Thiên Chúa và sự khiêm nhường
Lòng kính sợ Thiên Chúa
Sách thánh vịnh nói: "Lòng kính sợ Thiên Chúa là đầu mối của mọi sự khôn ngoan" (Tv 111,10). Lòng kính sợ Thiên Chúa nơi Đức Mẹ được biểu lộ ra trong nhiều trường hợp nhưng đặc biệt được biểu lộ ra một cách rõ rệt trong hai trường hợp này.
+ Trước hết vì lòng kính sợ Thiên Chúa cho nên Đức Mẹ không dám làm những gì mất lòng Chúa. Thí dụ như trong biến cố truyền tin hôm nay, Đức Mẹ chỉ chấp nhận lời đề nghị của sứ thần Gabriel khi biết chắc việc thụ thai là do quyền lực của Chúa Thánh Thần.
+ Thứ đến là Đức Mẹ luôn sẵn sàng thi hành mọi mệnh lệnh của Thiên Chúa.
- Trong việc đưa Hài nhi Giêsu trốn qua Ai cập
- Trong việc đưa Chúa Giêsu trở về
- Nhất là theo Chúa Giêsu lên đến đỉnh đồi Golgôtha .
Lòng khiêm nhường Các nhà tu đức học đều coi "Khiêm nhường là đức nền tảng của mọi nhân đức". Sự khiêm nhường của Đức Mẹ được biểu lộ rất rõ nét qua hai sự việc này:
- Đức Mẹ đã biết nhìn nhận thật rõ về con người của mình. Khác hẳn với Eva thuở xưa trong vườn địa đàng, tuy chỉ là con người mà cứ tưởng mình ngang tầm với Thiên Chúa. Đức Mẹ là Eva mới dù được Thiên Chúa đặc biệt ưu ái tuyển chọn lên bậc "quân vương" làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu thế, nhưng Đức Mẹ vẫn chỉ xưng mình là một tôi tớ không hơn không kém…
- Đức Mẹ nhìn nhận tất cả những gì mình có được đều là do Thiên Chúa.
"Người đã đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn" (Lc 1,48)
"Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả" (Lc 1,49)
"Thiên Chúa đã hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những kẻ khiêm nhường - Thiên Chúa đã ban đầy dư cho những kẻ nghèo, còn người giàu có thì Người đuổi về tay không" (Lc 1,48).
Phải có một lòng khiêm nhường thật thẳm sâu thì mới có thể thấy hết được những sự thật đó. Thái độ của Đức Mẹ khác hẳn với thái độ của Eva thuở xưa. Eva thuở xưa mới có được một chút quyền hành Thiên Chúa ban cho trong công việc canh giữ và làm chủ vườn địa đàng đã tưởng mình là quan trọng, thậm chí có lúc còn tưởng là Thiên Chúa như muốn ghen tương với mình. Thật là kiêu ngạo.
Sau tuần bát nhật Phục sinh, Tin Mừng Chúa phục sinh vẫn còn đang vang vọng trong lòng mỗi LễTruyềnTin 102
Sau tuần bát nhật Phục sinh, Tin Mừng Chúa phục sinh vẫn còn đang vang vọng trong lòng mỗi người chúng ta. Nhờ mầu nhiệm Vượt qua của Đức Giêsu, ân sủng và niềm vui đang trào tuôn trên toàn thể nhân loại; ân sủng ấy hệ tại việc Thiên Chúa nâng con người lên địa vị làm con Thiên Chúa, khi Ngài cho Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, sống lại từ cõi chết. Từ nay, với Đức Giêsu, nhân loại được tham dự vào vinh quang Thiên Chúa. Đó là đích điểm của một hành trình, được khởi đầu với biến cố truyền tin Thiên Chúa nhập thể làm người mà chúng ta mừng kính hôm nay: Lễ Truyền Tin Thiên Chúa nhập thể. Đây là lễ của việc Thiên Chúa đi bước trước trong sáng kiến cứu độ nhân loại; Đây cũng là lễ của sự hợp tác của nhân loại với Thiên Chúa trong công trình cứu độ của Thiên Chúa.
Nhìn từ phía Thiên Chúa, phụng vụ của ngày lễ hôm nay làm sáng lên tình yêu cứu độ đối với nhân loại. Khi sai thiên sứ đến truyền tin cho Mẹ Maria, Thiên Chúa tỏ rõ Ngài là Đấng trung tín với lời đã hứa. Khi vâng phục thánh ý Chúa Cha đi vào trong nhân loại, Ngôi Lời Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại đã chấp nhận từ bỏ địa vị Thiên Chúa để trở thành một người như chúng ta giữa lòng nhân loại. Với mầu nhiệm nhập thể, Con Một Thiên Chúa đã khai mở con đường cứu độ bằng chính sự vâng phục của Ngài: “Khi đến trong thế gian, Chúa Giê su phán: Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo cho con một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên con nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa. Vì thế Lễ truyền Tin còn là lễ tưởng niệm bước đầu công cuộc cứu chuộc, khi thiên tính kết hợp mật thiết với nhân tính trong ngôi vị độc nhất của Ngôi Lời Thiên Chúa.
Hóa ra, từ mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa đến mầu nhiệm Vượt qua của Ngài, chúng ta nhận ra đây chính là việc Thiên Chúa thực hiện giấc mơ của nhân loại: Con người muốn trở thành thần linh, muốn biết lành biết dữ. Không những thế, với Con Thiên Chúa làm người, con người còn được trở thành con Thiên Chúa. Là giáo lý viên, chắc chắn chúng ta nắm rõ chân lý này: mọi khát vọng sâu xa của con người đều do chính Thiên Chúa đặt để trong sâu thẳm tâm hồn con người để nhờ đó, dẫn đưa họ đến với Ngài. Thế nhưng chúng ta tự hỏi: Vậy tại sao con người từ thuở khi thiên lập địa đã trở thành tội đồ và rồi kéo theo toàn thể giống nòi phải liên lụy trong kiếp tội lỗi lầm than khi muốn thực hiện giấc mơ thành thần linh. Và vẫn xẩy ra như thế mỗi khi con người muốn thỏa mãn những khát vọng sâu xa nhất của mình. Vậy đâu là sự khác biệt giữa tội lỗi và hạnh phúc được cứu độ? Ánh sáng dẫn chúng ta đến câu trả lời đầy thuyết phục đến từ Mẹ Maria: Phúc cho Mẹ vì Mẹ đã tin.
Vâng, tin là thái độ hoàn toàn trái ngược với thái độ bất tuân tội lỗi của nguyên tổ muốn tự mình thỏa mãn những khát vọng của con người. Ở đây, chúng ta thấy rõ sự khác biệt giữa tội và phúc. Tội là muốn từ chối Thiên Chúa, là gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống, để tự mình định đoạt và lấy mình làm tiêu chuẩn để xác định thiện và ác. Trái lại, phúc là tình trạng ân sủng trong Thiên Chúa dành cho những kẻ tin, đón nhận tất cả từ Thiên Chúa như là ân ban của Ngài.
Sự hợp tác của con người với Thiên Chúa bằng lòng tin
Thật vậy, nhờ lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đức Maria đã hoàn toàn vâng phục và thuận theo thánh ý Thiên Chúa. Vì tin, Mẹ xác tín vào Lời của Thiên sứ Gabriel: Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể. Thiên Chúa đã chứng tỏ nơi Mẹ điều không thể đối với loài người, đã trở thành có thể nhờ quyền năng Thiên Chúa. Vì tin, Mẹ đã thưa tiếng xin vâng để chương trình cứu độ của Thiên Chúa được khởi sự. Như thế, nhờ tin, Mẹ biết rằng, quyền năng của Chúa Thánh Thần sẽ làm cho Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa và cũng là mẹ thật của loài người. Đức trinh nữ Maria đại diện cho dân tộc của mình và cho toàn thể nhân loại hợp tác với sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa bằng thái độ tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ đã thưa tiếng xin vâng khi Thiên Chúa ngỏ lời.
Chắc chắn trước khi nói tiếng xin vâng, Mẹ đã suy nghĩ nhiều. Mẹ biết mình được Thiên Chúa mời gọi bước vào một cuộc phiêu lưu của lòng tin. Quả vậy, khi thưa tiếng xin vâng, không biết điều gì sẽ xẩy ra nếu Mẹ mang thai bây giờ khi chưa về chung sống với Giuse? Giuse sẽ nghĩ sao? Ai sẽ tin chuyện Mẹ được thụ thai bới Thánh Thần? Khi nói tiếng xin vâng, cũng không phải Maria đã thấy rõ con đường Chúa muốn, nhưng xin vâng là phó mặc để Chúa dẫn đi giữa đêm đen. Mẹ yên tâm thưa tiếng xin vâng không phải vì mẹ làm chủ được tương lai, nhưng yên tâm vì tin rằng tương lai nằm trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Xin vâng là để cho những dự tính và ước mơ của riêng mình tan biến để hòa mình vào chương trình của Thiên Chúa. Hơn nữa, khi thưa tiếng xin vâng, Maria đã dám chấp nhận mọi hậu quả sẽ xẩy đến. Trên hết, khi nói: Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin hãy thực hiện cho tôi theo như lời Người đã nói, Mẹ Maria đã cho Con Thiên Chúa có lối để đi vào các nẻo đường của nhân loại, để nhân loại có cơ may duy nhất để trở thành thần linh, được trở thành con Thiên Chúa. Sau cùng, Mẹ Maria đã thưa tiếng xin vâng không chỉ một lần mà còn nhiều lần trong suốt cuộc đời Mẹ. Với lòng tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Thiên Chúa, Mẹ đã luôn luôn đảm nhận trách nhiệm và chu toàn thánh ý Chúa. Mẹ đã đáp lời không phải là trong sự nhẹ nhàng dễ dãi, nhưng là trong đau khổ và nước mắt. Sự vâng phục trong đức tin của Mẹ là mẫu gương cho sự hợp tác giữa Thiên Chúa và nhân loại để ơn cứu độ được thực hiện. Đúng như lời thánh Augustino; “Để dựng nên con, Chúa không cần con; nhưng để cứu độ con, Chúa cần đến con’. Ngài cần sự ưng thuận và sự hợp tác của con người. Niềm tin của mẹ còn ngời sáng, lan tỏa sang những người đã gặp gỡ mẹ. Nhờ tin, Mẹ đã nói với các gia nhân trong tiệc cưới tại Cana: Hễ người bảo gì thì hãy làm theo. Và kết quả là một phép lạ đã xảy ra.
Kính thưa cộng đoàn, các thầy cô và anh chị em giáo lý viên thân mến,
Mừng lễ Truyền tin hôm nay, chúng ta tự hỏi: chúng ta có xác tin vào tình yêu và chương trình cứu độ của Thiên Chúa, khi chúng ta giảng dạy Giáo lý và làm chứng cho Tin mừng không? Theo gương Mẹ Maria, chúng ta cũng là những người có phúc, khi chúng ta tín thác vào Chúa như Mẹ và sẵn sàng thuận theo thánh ý của Thiên Chúa. Nhờ tiếng xin vâng của anh, của chị của tôi, Đức Giê su đi vào cuộc đời của tôi, đi vào thế giới hôm nay. Nhờ sự quyết tâm vâng phục thi hành ý muốn của Thiên Chúa qua Giáo hội, mỗi giáo lý viên chúng ta hợp tác để Chúa Giêsu được sinh ra trong tâm hồn nhiều người. Sau cùng, tôi có biết noi gương Mẹ Maria kiên nhẫn cưu mang Chúa Giêsu trong đời tôi để Ngài lớn lên cứng cáp, trước khi sinh Ngài cho môi trường tôi đang sinh sống không?
Thiên Chúa không chấp nhận Satan, và Satan luôn chống lại Thiên Chúa, vì Satan cực kỳ kiêu LễTruyềnTin 103
Thiên Chúa không chấp nhận Satan, và Satan luôn chống lại Thiên Chúa, vì Satan cực kỳ kiêu căng, còn Thiên Chúa tuyệt đối khiêm nhường.
Tình yêu và đức khiêm nhường là sự thánh thiện hằng hữu của Thiên Chúa toàn năng, toàn ái, giàu có, chí thánh.
Biến cố Truyền Tin cho thấy tình yêu và lòng khiêm nhường vô cùng sâu thẳm của Thiên Chúa.
Thiên Chúa Cha, Đấng toàn năng dựng nên trời đất muôn vật, mà bằng lòng cúi mình xuống để”hỏi ý kiến”của một cô thôn nữ về việc có chấp nhận cưu mang Con Thiên Chúa làm người không. Với quyền năng của Ngài, chỉ cần Ngài phán một lời là xong đấy chứ! Nhưng không, Ngài trung thành giữ nguyên ý định ban đầu khi tạo dựng con người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (STK 1,26). Thiên Chúa tự do, và con người giống hình ảnh Ngài cũng được Ngài tôn trọng tự do đúng mức. Thiên Chúa quyền năng có thể sai Con của Ngài xuống thế không qua lòng dạ một con người, hoặc Ngài có thể đặt ngay Con của Ngài vào cung lòng Trinh Nữ Maria, nhưng Ngài đã không làm như thế. Việc”thỉnh ý một người phàm”vẫn luôn là quan trọng đối với Ngài, vì đó là bản tính khiêm tốn và là chương trình tình yêu của Ngài.
Thánh Luca trình bày rõ: “Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a” (Lc 1, 26).
Qua lời chào của Sứ Thần Thiên Chúa – có thể nói là tiếng nói chính thức của Thiên Chúa với một cô thôn nữ quê mùa – cho thấy, Thiên Chúa còn khiêm tốn hơn nữa..”Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1, 28). Thiên Chúa đã khen tặng Đức Maria là người đầy ơn phúc, mặc dầu Ngài biết, ơn phúc ấy của chính Ngài thương ban, ơn phúc ấy chính là”Thiên Chúa luôn ở cùng Bà”. Việc khen tặng, chúc tụng của Thiên Chúa dành cho Đức Maria, chắc chắn phát xuất từ chương trình và lòng yêu thương chân thành của Ngài. Lời chúc tụng của Thiên Chúa chân thật, không thể nói là đầu môi chót lưỡi giả dối như những lời khen tặng của loài người. Sự chân thật ấy minh chứng cho sự khiêm tốn của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa đáng chúc tụng, đáng tôn thờ trong khắp cả và thiên hạ lại chúc tụng một tạo vật của mình mang thân phận tơ liễu mong manh!
Cuộc hội đàm thiên địa trở nên ý vị hơn nữa, khi Thiên Chúa lắng nghe ý kiến của Đức Maria và khiêm tốn chịu khó giải thích ý định của Ngài với minh họa rõ nét, đầy sức thuyết phục:
-“Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
-“Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”
-“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Đúng là”đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể làm được”. Và bằng cách khiêm tốn tự hạ rất thẳm sâu, Ngài đã làm được điều Ngài muốn nơi Mẹ Maria, là sự đồng ý để cho Con Thiên Chúa Nhập Thể.”Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”
Mẹ Maria xin vâng để Chúa Thánh Thần thành sự ý định của Thiên Chúa. Lời xin vâng có tính trọn hảo, vì có thể nói, Mẹ Maria tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Mẹ không thể biết, và cũng không nhất thiết phải biết chuyện gì sẽ xảy đến với người con mà mình sẽ sinh ra. Một lời xin vâng khiêm tốn vì chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa, để Thiên Chúa thực hiện chương trình Ngài, xin vâng không đặt điều kiện.
Từ ấy, Chúa Con xin vâng để nhập thể theo lệnh của Chúa Cha. Lòng khiêm tốn của Thiên Chúa Cha được thực hiện nơi Chúa Con – làm thai nhi con người thật trong lòng một người nữ. Là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, nhưng phải theo kế hoạch của Cha là”làm con người thật, con người sinh bởi lòng mẹ thế gian”.
Mừng lễ Mẹ Truyền Tin, chúng ta chiêm ngắm vinh quang của Thiên Chúa. Vinh quang ấy là tình yêu và đức khiêm tốn luôn hằng hữu nơi Ngài. Sáng kiến của tình yêu cứu chuộc nơi Thiên Chúa là không kể đến sĩ diện, là từ bỏ ngôi vị, là tự hạ thẳm sâu. Tình yêu đáp lại tình yêu nơi Mẹ Maria là xin vâng tuyệt đối, là phó thác hoàn toàn.
Đức khiêm nhường của Trời và Đất gặp gỡ nhau trong ngày Truyền Tin, làm thành một cuộc hạnh ngộ cứu chuộc, khai sinh sức mạnh chiến thắng lòng kiêu căng của satan và tội lỗi.
Thiên Chúa vẫn trung thành kế hoạch cứu chuộc của Ngài. Ngài đang hỏi ý kiến bạn, hỏi ý kiến tôi về việc có bằng lòng để cho ơn cứu chuộc nhập thể. Ngài tôn trọng tự do của bạn, của tôi, nhưng vì yêu, Ngài đã khiêm tốn giải thích cặn kẻ bằng Lời Tin Mừng, bằng Lời đã hóa thành nhục thể, bằng Lời đã tự hạ thẳm sâu cho đến chết và chết trên thập giá. Ngài muốn cứu chuộc bạn, cứu chuộc tôi. Ngài vẫn kiên trì hỏi ý kiến, giải thích…
Lạy Mẹ Maria, xin nguyện giúp cho chúng con ơn khiêm nhường sâu thẳm, để chúng con nhận ra rằng: chúng con cần ơn cứu chuộc, cần Chúa Giêsu Nhập Thể trong lòng. Xin cho chúng con lòng tin yêu phó thác để có thể thưa lời Xin Vâng như Mẹ: “Nầy tôi là tôi tá Chúa. Xin hãy thành sự trong tôi, như lời Sứ Thần truyền”.
Ngày hôm nay Hội Thánh kính nhớ một biến cố quan trọng, làm biến đổi toàn thể nhân loại và LễTruyềnTin 104
Ngày hôm nay Hội Thánh kính nhớ một biến cố quan trọng, làm biến đổi toàn thể nhân loại và mở ra một chương mới trong lịch sử cứu độ, đó là biến cốthiên thần báo tin cho Đức Mẹ. Tin Mừng kể lại: sự kiện truyền tin xảy ra tại làng Nadarét, thuộc miền Galilê, nước Do Thái. Sứ Thần Gáprien được Thiên Chúa sai đi, đem mệnh lệnh Thiên Chúa đến cho một thiếu nữ tên là Maria. Lúc đó, Đức Maria đã đính hôn với thánh Giuse, nhưng chưa chung sống.
Sứ thần báo cho Đức Maria biết một tin vui rất trọng đại: Thiên Chúa muốn Đức Maria làm mẹ Đấng Cứu Thế. Sau phút giây do dự, suy nghĩ và tìm hiểu, Đức Maria tin rằng đây là thánh ý Thiên Chúa, nên Mẹ an tâm mà thưa tiếng “xin vâng”: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói”(Lc 1,38).
Truyền tin mầu nhiệm nhập thể
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại sự kiện sứ thần Gáprien truyền tin cho Đức Maria. Tiếng “xin vâng” của Mẹ đã đưa Mẹ đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Thánh Luca tường thuật một cách nhẹ nhàng, gây một niềm vui khôn tả: và đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và được gọi là con Đấng Tối Cao.
Sự kiện trọng đại này đã được tóm tắt thành Kinh Truyền Tinmà các Kitô hữu đạo đức vẫn đọc lên hàng ngày: “Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho rất thánh Đức Bà Maria, và rất thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần…Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời. Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền”. Lời kinh ngắn gọn, nhưng gói gém toàn bộ chân lý đức tin của Kitô giáo. Vì thế, khi chúng ta đọc Kinh Truyền Tin, chúng ta không những chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô mà còn nguyện xin ơn được thông hiệp vào mầu nhiệm ấy nữa.
Qua biến cố truyền tin, Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người và ở cùng chúng ta, để cứu độ chúng ta. Vì thế, trong Kinh Tin Kính, Giáo Hội tuyên xưng niềm tin về biến cố này như sau: “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã xuống thế làm người…”. Để có thể cứu độ con người, Thiên Chúa sẵn sàng đón nhận thân phận thấp hèn của con người, để từ đó nâng phẩm giá con người lên.
Đức Maria đón nhận mầu nhiệm
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Mẹ đã lắng nghe Thiên Thần đưa tin, rồi tìm hiểu trước khi đón nhận một cách khiêm tốn. Thật vậy, Mẹ đã chất vấn sứ thần Gáprien: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Sau khi được sứ thần giải thích, Mẹ đã chấp nhận với một tâm hồn cởi mở, tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Mẹ quả thật là người biết lắng nghe lời Chúa và cất giữ những lời ấy để suy đi nghĩ lại trong lòng. Đồng thời, Mẹ đã nói lên tiếng thưa “xin vâng” trong niềm tín thác, biểu lộ một đức tin và lòng tuân phục chân thành.
Vì thế, đối với Đức Maria, chức làm mẹ thuần túy chưa phải là niềm vinh dự lớn lao nhất, mà là niềm tín thác mẹ đặt nơi Chúa, như lời thánh Augustinô đã dạy:“Đức Maria có đức tin vào Đức Kitô hơn là vì Mẹ cưu mang nhục thể Đức Kitô… mối quan hệ mẫu tử của Mẹ có thể chẳng ích lợi gì đối với Mẹ nếu Mẹ chẳng vui sướng cưu mang Đức Giêsu trong trái tim hơn là trong dạ Mẹ. Mẹ đã thụ thai Đức Kitô trong đức tin trước khi Mẹ thụ thai Ngài trong dạ…Chính qua đức tin, Mẹ đã sinh hạ Ngài”.
Chính vì vậy, Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế về Giáo Hội gọi Đức Maria là mẫu gương phi phàm cho Giáo Hội trong đức tin và đức mến. Di sản ngàn đời của Mẹ để lại cho chúng ta là đức tin và đức mến. Đức tin phải có một địa chỉ đi về đó là đức ái. Mà đức ái là việc lắng nghe và tuân giữ lời Chúa.
Đến lượt chúng ta
Những chia sẻ vắn tắt trên đây có thể giúp chúng ta phần nào cảm nghiệm được hai tiếng xin vâng của Đức Mẹ. Nhờ việc sùng kính Đức Mẹ cách sốt sắng, đặc biệt noi gương Mẹ nói tiếng “xin vâng” để chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống mỗi ngày, chúng ta sẽ đón nhận nhiều ơn lành qua tay Đức Mẹ. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn thiện, chúng ta là con người yếu đuối và tội lỗi, nênchúng ta không xứng đáng đón nhận nguồn ân sủng nơi Ngài. Vậy nên chúng ta cần có Mẹ như là chiếc cầu nối để chuyển thông ân sủng cho chúng ta. Như thánh Bênađô đã nói: “Tội nhân ạ, chính vì bạn không xứng nhận ơn Chúa, mà Chúa đã ban mọi ơn cho Mẹ, để bạn đến nhận lấy từ tay Mẹ”.
Chuyện kể rằng: một hôm có hai mẹ con được vào diện kiến nhà Vua. Nhà Vua đã bảo người hầu đưa ra rất nhiều kẹo. Rồi nhà vua bảo đứa bé ngửa bàn tay ra và nói: “Bây giờ trẫm chỉ cho con vừa đủ trong hai bàn tay thôi”. Khi đó, đứa bé rất khôn ngoan đã nói rằng: “Thưa Đức Vua, vậy thì con sẽ nhờ mẹ của con lấy dùm, vì bàn tay của mẹ to hơn”. Nhà vua đã khen đứa bé khôn ngoan và đã thưởng cho nhiều kẹo và những phần thưởng có giá trị khác.
Trong cuộc sống đức tin của chúng ta hôm nay cũng thế, nếu chúng ta biết tin tưởng, sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt, thì Đức Mẹ sẽ che chở, cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, và chúng ta sẽ nhận được rất nhiều ơn lành từ Thiên Chúa. Chúng ta có rất nhiều hy vọng vì Đức Mẹ rất thương yêu và sẵn sàng nâng đỡ chúng ta. Thánh Bênađô đã nói: “Xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời”. Với niềm hy vọng đó, những khi gặp khó khăn thử thách, đau khổ, chúng ta hãy đến với mẹ và cùng với Đức Mẹ hát lên bài ca xin vâng: Mẹ ơi, đường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây đó, xin Mẹ dạy con hai tiếng “Xin Vâng”.
Vào các dịp sinh nhật hoặc các dịp đặc biệt chúng ta thường có thói quen tặng người thân những LễTruyềnTin 105
món quà và đồng thời cũng đã từng nhận được những món quà dễ thương. Tặng quà là thể hiện tấm lòng yêu thương quý mến của người tặng dành cho người nhận, qua món quà người trao như muốn trao tặng tình cảm và cả con người mình cho người nhận. Còn người nhận khi đón nhận món quà thường rất vui không phải vì giá trị của món quà, mà vì thấy rằng mình có một vị trí đặc biệt trong trái tim của người tặng. Tuy nhiên ngày nay với thời buổi con người đáng giá tình cảm của nhau trên thang giá trị vật chất, và lối suy nghĩ thực dụng đã khiến việc trao tặng và nhận quà bị mất đi vẻ đẹp và ý nghĩa ban đầu, nhiều người đã đánh giá tình cảm của nhau theo giá trị của món quà hơn là tấm lòng và tình yêu thương của người trao.
Hôm nay mừng lễ Đức Mariia được truyền tin, chúng ta nhận ra tấm lòng của Thiên Chúa khi trao tặng cho nhân loại một món qua vô giá là Đức Giêsu Con của Ngài, và Trinh nữ Maria là người đại diện đã đón nhận với một sự trân trọng cung kính và khiêm tốn.
Bài đọc một cho thấy vợ chồng vua Akhat đã từ chối đón nhận món quà của Thiên Chúa. Lúc đó nhà vua không có con trai nối dòng, vua và hoàng hậu lại sa đà vào lối sống của dân ngoại, chay theo việc cúng bái thần Baal. Nhà vua đã lập đàn cúng bái để xin có con nối dõi, trước việc làm sai trái và gây gương xấu này, tiên tri Isai đã cảnh cáo nhà vua và nói với nhà vua: Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi ban cho một dấu dưới âm phủ hoặc trên chốn trời cao. Nhưng vua Akhat đã nhất mực không xin Chúa, ông lấy lý do là không dám thử thách Thiên Chúa.
Trước sự cứng đầu của vua Akhat, tiên tri Isai đã nói, dù vua không xin thì Thiên Chúa cũng sẽ cho một dấu: Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai và người ta sẽ gọi tên Người là Emanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Lời tiên báo này thật lạ lùng: Một trinh nữ sẽ mang thai. Điều này vượt quá sức tưởng tượng của con người, tuy nhiên đó không phải lá điều khó khăn đối với Thiên Chúa.
Đến thời đã định, Thiên Chúa đã thực hiện lời tiên báo này và cô trinh nữ được tuyển chọn để đón nhận lời hứa, đón nhận món quà đặc biệt này chính là Đức trinh nữ Maria. Câu chuyện trong Tin Mừng cho thấy, với sự tôn trọng sự tự do của con người, Thiên Chúa đã cho sứ thần Gabriel đến để hỏi ý kiến Đức Maria. Thiên thần vào nhà Đức maria và chào rằng kính chào bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà. Lời chào hết sức trân trọng và lạ lùng khiến cho Đức Maria bối rối vì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng thiên thần đã trấn an và giải thích: Maria Đừng sợ, này đây nàng sẽ mang thai và sinh hạ một con trai… Con Trẻ sẽ được gọi là con Đấng tối Cao. Một món quà hết sực bất ngời và hết sức lớn lao, Maria cảm thấy mình nhỏ bé thấp kém trước quyền năng của Thiên Chúa. Maria cũng chẳng hiểu thế nào là: Quyền năng của Thiên Chúa sẽ bao trùm trên bà .. Đấng thánh bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Mặc dù không thể hình dung điều gì sắp xãy ra cho mình, nhưng với lòng khiêm tốn và biết ơn, Maria đã thưa: Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền.
Khác với sự kiêu ngạo của Eva ngày xưa, và khác với sự cứng lòng của vợ chồng vua Akhát, Đức Maria đã trở thành người phụ nữ đại diện cho cả nhân loại ngoan ngoãn, khiêm tốn cúi đầu, để đón nhận món quà tình yêu của Thiên Chúa, Mẹ thưa tiếng xin vâng để trao phó trọn cuộc đời mình cho chương trình lớn lao của Thiên Chúa, đo là chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa và đã chuẩn bị từ ngàn xưa.
Với lời Thưa vâng này, Đức Maria đã mở rộng tâm hồn để cho Ngôi Hai Con Thiên Chúa đi vào cuộc đời của mình, và qua Mẹ Ngài bước vào thế giới này và Mẹ trở thành một cộng tác viên nhiệt thành, trung tín của Người trong chương trình mà Thiên Chúa Cha đã thực hiện. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một của Người, và Đức Giêsu chính là món quà của Thiên Chúa được ban tặng cho nhân loại. Ngài vốn là một vị Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã chấp nhật trút bỏ vinh quang, để mang lấy thân phận con người trở nên giống phàm nhân để cứu chuộc nhân loại chúng ta.
Chúa Giêsu đã không đến trần gian bằng một cách thức nào khác, mà đã đến trong thân phận của con người, đầu thai trong cung lòng của một người trinh nữ. Là Đấng tạo dựng muôn loài, giờ đây, Đức Giêsu lại chấp nhận mang thân phận của tạo vật và còn làm con của con người. Với sự hạ mình thẳm sâu và vâng phục hoàn toàn như thế, Đức Giêsu đã trở thành một người con hiếu thảo của Chúa Cha. Điều mà mọi người cha mong đợi đó là sự ngoan ngoãn vâng lời của con cái, thì cũng vậy Thiên Chúa vui lòng đón nhận sư ngoan ngoãn vâng lời của Đức Giêsu con của Ngài, chấp nhận mang thân phận thụ tạo, và còn vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.
Mừng lễ Đức Maria được truyền tin hôm nay, chúng ta cảm tạ và khâm phục tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Một Thiên Chúa trung thành với lời đã hứa, trung thành với tình yêu dành cho con người. Con người có là chi, vũ trụ này có là gì trước mặt Thiên Chúa, thế mà Ngài chấp nhận đánh đổi con của Ngài, trao tặng người con ấy cho trần gian.
Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì Chúa đã thương cho Đức Maria được cộng tác vào trong chương trình lớn lao này của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể cứu con người bằng nhiều cách, nhưng Thiên Chúa vẫn để cho con người cộng tác vào công việc của Ngài, và Đức Maria đã cộng tác hết mình với công việc lớn lao này. Thiên Chúa đã vô cùng quảng đại đã trả lại cho Mẹ bằng nhiều đặc ân vô cùng cao trọng mà không ai trong nhân loại có được những đặc ân ấy.
Cùng với tiếng xin vâng của Đức Maria, mỗi chúng ta cũng được mời gọi để mở rộng tâm hồn cho Thiên Chúa đi vào cuộc đời chúng ta, sử dụng chúng ta cho chương trình cứu chuộc của Ngài. Sẵn sàng dâng trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa, vâng phục Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Thiên Chúa đang muốn chúng ta cộng tác với Ngài để đem Đức Giêsu đến trong gia đình trong xóm ngõ và mọi môi trường sống của chúng ta. Amen.