ĐI TÌM THỢ GẶT - Cha Piô Ngô Phúc Hậu - Nhật Ký Truyền Giáo- PiôHậu bài 4

Thứ năm - 21/01/2021 20:13
ĐI TÌM THỢ GẶT - Cha Piô Ngô Phúc Hậu - Nhật Ký Truyền Giáo- PiôHậu bài 4
ĐI TÌM THỢ GẶT - Cha Piô Ngô Phúc Hậu - Nhật Ký Truyền Giáo- PiôHậu bài 4

ĐI TÌM THỢ GẶT - Cha Piô Ngô Phúc Hậu - Nhật Ký Truyền Giáo- PiôHậu bài 4
----------------------------------------

ĐI TÌM THỢ GẶT


 Cần Thơ, … 1973
 

Hôm nay mình ghé dòng Mến Thánh Giá Sóc Trăng. Chị Bề Trên đón tiếp mình một cách niềm nở:NKTG4 FB Web


Hôm nay mình ghé dòng Mến Thánh Giá Sóc Trăng. Chị Bề Trên đón tiếp mình một cách niềm nở như đón một người chiến sĩ chiến thắng trở về. Chị luôn miệng ca tụng thành tích truyền giáo tại Năm Căn, và chị cũng mơ ước được đi truyền giáo. Mình mở cờ trong bụng: “Thế nào cá cũng cắn câu”.

Công tác truyền giáo ở Năm Căn cứ mọc lên như nấm. Tôi mới mở thêm một giáo điểm. Nhưng còn thiếu cán bộ. Hiện nay đã có các chị Bác ái Vinh Sơn, dòng Ba Nam, Tu hội Tận hiến, Thừa sai Lái Thiêu, Tu sĩ Truyền giáo, sinh viên Đại Chủng Viện, nhưng vẫn không đủ. Lúa chín thì nhiều quá lẽ, mà thợ gặt thì ít xịt. Vậy xin chị cho Dòng Mến Thánh giá góp mặt với tụi tôi.

 - Cha muốn xin mấy chị ?

 - Càng nhiều càng tốt. Tối thiểu là hai.

 - Thưa cha, xin cha thông cảm. Dòng chúng con còn ít người lắm. Vả lại các em còn non nớt quá, chúng con không dám cho các em đi xa. Hiện nay Khúc Tréo là địa điểm xa nhất rồi.

 - Nếu năm nay không được, thì năm tới vậy nhé !

 - Thưa cha, năm năm nữa cũng chưa được.

 Mình hiểu ý "năm năm nữa" có nghĩa là "chẳng bao giờ".

 Thái độ niềm nở và nụ cười tươi như hoa của chị Bề trên bây giờ chỉ còn là nỗi tuyệt vọng. Mình cáo từ ra về, tiu nghỉu như con mèo bị cắt tai. Phía sau lưng mình dường như nụ cười của chị Bề trên vẫn còn đang nở. Người phụ nữ nào cũng có lòng mẹ. Lòng mẹ nào cũng bao la như biển Thái Bình. Họ nâng con như trứng, hứng con như hoa. Con họ lớn cồ cồ ra rồi, mà họ vẫn tưởng nó còn là con nít.

 Mình nhớ lại một buổi sáng nọ, Chúa tập trung 72 đệ tử trước mặt, để đọc lệnh lên đường. Họ chưa được đào tạo. Chính Chúa cũng phải xác nhận rằng: "Thầy sai chúng con đi như những con chiên đi vào giữa bầy muông sói". Dù thế Ngài vẫn sai họ lên đường, bởi lẽ có Chúa và "nghề dạy nghề". Nghĩ vậy thôi, chứ mình cũng biết rằng chẳng có bề trên nào dám làm như vậy.

--------------

Năm Căn, ... 1973

 Mình nhận được lá thư của một vị Bề trên. Thư như sau:

Cha Hậu mến,

Cám ơn cha có lòng tín nhiệm xin dòng chúng tôi cộng tác với cha trong công tác truyền giáo ở Năm Căn. Chúng tôi không có sẵn người, nhưng tiện đây có hai em dự tu có thiện chí, có trình độ tú tài, xin gởi đến Năm Căn để học nghề với cha. Xin cha nhiệt tình giúp đỡ hai em…

 Trình độ tú tài, có thiện chí, có nguyện vọng đi tu. Mình lại đang thiếu người. Thế là buồn ngủ gặp được chiếu manh. Còn hơn thế nữa: Mèo mù vớ được cá rán. Mình gởi hai em về ngay Đồng Cùng, một giáo điểm vừa được thành lập.

------------
 
Đồng Cùng, ... 1973

 Mình ghé Đồng Cùng xem giáo điểm tiến hành ra sao. Thầy Nam báo cáo là mọi sự tốt đẹp. Học sinh đông và ngoan. Tương quan với phụ huynh và địa phương là tốt, nhưng có một điều đang gây xôn xao, đó là hai cô giáo mới của giáo điểm đang gây ra một đống chuyện ghen tương, lườm lườm, nguýt nguýt. Mình nghĩ bụng, nếu trái bom này nổ ra, thì hai cô giáo của mình chỉ là nạn nhân hơn là nguyên nhân. Họ là món ăn lạ trên một mâm cơm bình thường.

 Thôi được, để mình chuyển hai cô này về Năm Căn, ngừa bệnh hơn là trị bệnh.

--------------
 
Năm Căn, ... 1974

 Một người đàn bà dự tòng đến than phiền:

 - Thày B. uống rượu với thanh niên. Say xỉn quá coi không được cha ơi !

 - Cám ơn, tôi sẽ kiểm điểm việc này. Nhờ bà con cũng khuyên lơn các thày giùm tôi. Cũng chỉ là vui với đám trẻ thôi. Nhưng đôi khi quá trớn làm mất tư cách.

  Chúa ơi, lúa chín thì nhiều, thợ gặt thì ít, mà còn say xỉn như thế này, thì chuột chim ăn hết mất. Ở đây công việc truyền giáo đầy gian khổ, thiếu tiện nghi, thiếu an ninh xã hội, thiếu người… bây giờ lại thiếu cả đạo đức nữa !

-------------------------------------
 
Năm Căn, … 1974

 Chiều nay mình ngồi tâm sự với anh em giáo điểm Đồng Cùng. Công việc truyền giáo ở đây rất khả quan. Cán bộ phụ trách tới ba địa điểm. Nhiều người hứa theo đạo. Uy tín của trường học lên rất cao. Cán bộ cũng chấp nhận thiếu thốn một cách vui vẻ. Vài chuyện hờn dỗi vụn vặt không đáng kể.

 Lương Quang Chung, một người anh em rất nhiệt thành và chân tình đã ném cho mình một câu nói không cần gọt giũa:

 - Việc nào của cha con cũng chịu thua hết, nhưng có một cái con không chịu được, đó là cha tuyển chọn cán bộ ẩu vô cùng.

 Mình im lặng suy nghĩ. Chắc hẳn có một số khuôn mặt cán bộ truyền giáo gây cho Lương Quang Chung nhiều nỗi thất vọng. Mình chỉ buồn tiếc, nhưng không hối hận. Niên khóa 74-75 này có gần 50 cán bộ gồm: đại chủng sinh, nam nữ tu sĩ, một số giáo dân, một dự tòng.

 Chủng sinh và tu sĩ do Đức Giám mục và Bề trên Dòng gởi đến, mình không cần tuyển lựa. Đó là của trời cho rồi. Giáo dân thì toàn là cô giáo. Hầu hết được gởi nhờ Nữ tử Bác ái dạy cắt may, gia chánh và đồng thời nhờ các xơ xem khoang khoáy giùm. Một số khác do các cha sở giới thiệu có "đính kèm ghi chú".

 Nghĩ thế, mình yên tâm, vì không thể làm hơn được.

 Tuy nhiên vẫn phải rà lại Phúc Âm để xem Đức Giêsu đã tuyển chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ thế nào ?
 
1- Tiêu chuẩn.

 Người ta thường có hai tiêu chuẩn căn bản để chọn cán bộ, đó là tài và đức. Tiêu chuẩn của Chúa thì hoàn toàn bí mật, chỉ một mình Máccô bật mí được một tí, một tí thôi: “Ngài gọi đến với mình những người Ngài muốn” . Nhưng tại sao Ngài muốn? Chúa biết!

 Nếu xét về tài đức thì mình chỉ thấy: Nathanael “người Israel chân chính không hề gian dối”, Philíp và Anrê năng nổ và nhiều xã hội tính; Gioan có óc quan sát tuyệt vời; còn Phêrô thì nông nổi và thiếu lập trường; Mátthêu mang theo một lý lịch đen, người thu thuế, người bị vạ tuyệt thông, cách ly; Tôma thiếu xã hội tính, co quắp và gàn dở; Giuđa Ixcariốt thì "trời ơi đất hỡi", một tên ăn cắp, một tên phản trắc.
 
2- Đào tạo.

 Chúa không có trường lớp. Tất cả chỉ là “đời dạy đời”, “nghề dạy nghề”. Chúa không có thời giờ bao nhiêu để dạy, nhiều khi thiếu cả thời giờ để ăn uống và nghỉ ngơi, khiến thân nhân muốn lôi Chúa về (Mc 3,20-21). Những buổi tối Chúa đi cầu nguyện thì môn đệ ngủ, kể cả trên núi biến hình, thậm chí kể cả trong v­ườn Cây Dầu. Môn đệ Chúa không biết ăn chay, không biết cầu nguyện, thua cả môn đệ của Gioan Tẩy giả (Lc 11,1).

 
3- Sử dụng.

 Chúa sai các tông đồ “lên đường” ngay khi hành trang của họ còn lép kẹp. “Thầy sai chúng con đi như những con chiên đi vào giữa bầy muông sói” . Tác phong họ vẫn còn thấp, nên vì họ mà Chúa thường bị mắng vốn: “Biệt phái ăn chay, môn đệ Gioan ăn chay. còn môn đệ của Thầy thì…” . Ngay trong phòng tiệc ly họ, vẫn còn nhen nhúm giành địa vị cao thấp trong Nước của Chúa, Nước mà họ vẫn hiểu theo nghĩa trần tục.
 
4- Kết quả.

Trên đường truyền giáo, họ vẫn thu lượm kết quả hết sức khả quan, khiến Chúa phải thốt lên: "Ta thấy Satan sa xuống như một lằn chớp" (Lc 10,18). Nhưng đó là kết quả về công việc truyền giáo, còn về người truyền giáo thì Chúa không thành công bao nhiêu.
 
- Nhóm 12 thì mất đứt 8,3%.

 - Nhóm 72 thì kể như tan rã hoàn toàn (Ga 6,66). Dường như chỉ còn sót lại 5,5% đó là Giuse và Mátthia trong Cv 1,21-23, Clôpas và bạn đồng hành đi Emmau.

Chúa ơi, anh em bảo con là tuyển chọn cán bộ ẩu vô cùng. Bây giờ rà lại hai nhóm môn đệ của Chúa, đặc biệt là nhìn lại Giuđa Ixcariốt, con thấy Chúa cũng... vô cùng. Vậy xin mời Chúa đến nói chuyện và trả lời cho anh em của con.
 

Tác giả: Lm Piô Ngô Phúc Hậu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây