BÀ NĂM
- Cha Piô Ngô Phúc Hậu
- Nhật Ký Truyền Giáo- PiôHậu
- bài 13 ---------------------------------------------------------------------
Ô Môn, mùa hè 1963
Mình xách môbylét đi một đường, vừa đi vừa liếc, lòng thầm cầu nguyện để Chúa chọn cho người truyền giáo một nơi dừng chân. Tự nhiên lòng mình thấy ấm hẳn lên khi nhác thấy một căn nhà lá có trồng cây lựu ở phía trước. Trái lựu to bằng nắm tay đang đánh đu theo gió. Như một phản xạ, mình lái môbylét vào tới hàng ba, làm bộ ngắm nghía cây lựu.
Bà chủ nhà, nét mặt hiền từ, mái tóc muối tiêu, nghe tiếng xe nổ và tắt máy vội vàng chạy ra.
- Thầy kiếm ai đó ? - Chào bác. Cây lựu dễ thương quá, cho tôi ngắm một tí. - Thì vô trong nhà uống nước đã. - Bác thứ mấy để tôi xưng hô cho dễ. - Tôi thứ năm. Thứ của ông nhà tôi. - Thế bác trai đi đâu rồi, bà Năm ? - Ông tôi mất từ lâu rồi. - Bây giờ bà Năm ở với ai ? - Có hai bà cháu à. Thầy ở đâu mà vô đây ? - Tôi ở Ô Môn vô đây dạy giáo lý. Sáng vô, chiều về. Đi tới đi lui thấy bất tiện quá. Tôi muốn ở lại đây luôn, mà chưa kiếm được chỗ nào ở cho thuận lợi. - Thì thầy ở đây với tôi. Nhà rộng rinh à. Thầy ở đây thì cũng như con cháu trong nhà chứ gì. - Thế bà Năm theo đạo nào ? - Tôi chẳng theo đạo nào hết. Thờ ông bà vậy thôi. - Cám ơn Chúa. Cám ơn bà Năm. Vậy ngày mai tôi vô ở luôn nhá. - Ừa . ---------- Định Môn, ... 1963
Mình ở đây được một tuần lễ rồi. Nhà bà Năm vắng như một cái am. Thằng cháu trai của bà thì đi chơi xóm. Mình thì đi dạy giáo lý từ nhà này qua nhà khác. Bà Năm thì lúi cúi tối ngày với mấy liếp vườn. Tối về, mình chui vô mùng, ngồi xếp bằng đọc kinh tối. Còn bà Năm thì thắp nhang lâm râm khấn vái. Bà Năm thì ít mồm, còn mình thì ít miệng. Chẳng ai nói với ai lời nào. Thời gian cứ thế mà trôi đi. Âm thầm và lặng lẽ... Còn Chúa Thánh Thần thì lại thích hoạt động trong sự im lặng. ---------- Định Môn, ... 1963
Tối nay, mình dạy giáo lý tại nhà ông Sáu Đền. Ông Sáu Đền có một bầy con chưa rửa tội. Bà Sáu Đền bây giờ mới chịu học giáo lý để hợp thức hóa hôn phối với ông Sáu. Bà con trong xóm đến nghe lỏm, ngồi đầy hết hai bộ ván. Còn bà Năm thì xách theo cái ghế đẩu đến ngồi ở hàng ba, khi ẩn khi hiện, thập thò như con thòi lòi dưới gốc dừa nước. Không biết bà có bắt được cái giọng "huế" của mình chăng ? Không biết bà có tin Chúa chăng ? Nhưng có một điều chắc chắn là tối nay bà Năm không còn ít mồm nữa. Bà bắt đầu hỏi chuyện, chuyện giáo lý.
- Tôi thấy thầy giảng về Chúa. Cái gì của Chúa tôi cũng chịu hết, mà có một điều này là tôi không chịu. Thầy giải thích được cho tôi thì tôi theo đạo liền.
- Điều gì thế bà Năm ?
- Thầy nói: Chúa yêu thương người ta vô cùng, vậy tại sao Chúa để cho các bà mẹ sanh con cực khổ như thế: chín tháng cưu mang, sanh con rứt ruột, ba năm bú mớm... Tại sao Chúa không để đàn bà sanh con dễ dàng như con gà: đẻ xong là kêu quác quác, cục te, cục tác… rồi đi bươi, như không có đau đớn gì?
- Bà Năm suy nghĩ hay quá. Vậy tôi xin tạm giải thích nhá. Chúa cho má bà Năm sanh ra bà Năm dễ như con vịt cũng được. Nhưng tôi sợ rằng nếu mẹ sanh con không đau đớn, không cực khổ, thì tình mẫu tử có thể giảm sút. Nếu mẹ không khổ vì con, thì e rằng con sẽ ít hiếu thảo. Cụ thể là nếu má bà Năm sanh bà Năm như gà đẻ trứng, thì chắc chắn má không thương bà Năm nhiều đâu, mà bà Năm cũng chẳng hiếu thảo với má như thế đâu. Người ta thí nghiệm chích thuốc cho một con bò sanh con không đau, thế là khi con bê đòi bú, mẹ nó đá không cho bú. Vậy thay vì buồn Chúa, bà Năm phải cám ơn Chúa mới phải.
Bà Năm có vẻ thấm ý. Mình tấn công luôn:
- Bây giờ bà Năm chịu vô đạo chưa ?
- Thủng thẳng, để tôi còn suy nghĩ. --------- Ô Môn, ... 1963
Mình đã kết thúc một tháng truyền giáo ở Định Môn và giã từ bà Năm vào sáng hôm nay. Còn bà Năm thì đã giã từ mình vào tối hôm qua.
Tối hôm qua. sau giờ giáo lý ở nhà ông Sáu Đền, mình về nhà bà Năm để chui vô mùng, ngồi xếp bằng đọc kinh tối như thường lệ. Nhưng người ở đâu mà đông thế ? Có lẽ bà Năm cúng cơm cho ông Năm, mình nghĩ bụng vậy. Bà Năm bưng ra hai mâm cháo vịt đặt trên hai bộ ván, rồi bà long trọng tuyên bố lý do:
- Ngày mai ông thầy đi rồi. Từ ngày ông thầy đến ở đây với tôi, chưa ăn với tôi bữa cơm nào. Hôm nay tôi đãi ông thầy nồi cháo vịt. Bà con ăn cháo để từ giã ông thầy.
Mình ngẩn tò te. Quả thật, bà Năm ít miệng và kín miệng quá. Nấu cháo vịt đãi mình, mà mình không hề hay biết gì. Bây giờ mình đứng xớ rớ chẳng biết đáp từ ra sao. Chỉ biết nói một lời:
- “Cám ơn bà Năm, cám ơn bà con”, rồi kéo giò lên bộ ngựa húp cháo với bà con. Thì ra ngày đến cũng như ngày đi: một người ít mồm, một người ít miệng với căn nhà lặng lẽ, bên cạnh cây lựu có một trái cô đơn, lặng lẽ đánh đu với gió. -----------
Sài Gòn, ... 1964
Hôm nay, cha sở Ô Môn viết thư báo tin: “Bà Năm đã được rửa tội và hiện đang giữ đạo thật sốt sắng. Tạ ơn Chúa. Bà Năm nhắc thầy nhiều lắm. Kỳ hè này, thầy nhớ tặng quà cho bà”.
Mình ôn lại tất cả mọi kỷ niệm về bà Năm, với một tấm lòng biết ơn và cảm mến. Bà Năm hiền như củ khoai, lặng lẽ như con sò, cần cù như con kiến. Xóm giềng ai cũng thương. Điều đặc biệt là bà rất thương bà Năm lớn. Ông Năm chết đi để lại hai bà vợ, bà Năm lớn và bà Năm nhỏ. Hai bà ở hai căn nhà liền ranh. Bà Năm lớn sắc sảo, với cặp mắt long lanh và đôi môi mỏng tanh. Bà Năm nhỏ thì hiền từ, với đôi môi hơi dày. Bà Năm lớn có vẻ tự cao tự đại. Bà Năm nhỏ thì khiêm tốn hiền hòa. Họ chẳng cãi nhau, chẳng nói xấu nhau bao giờ. Nồi chè nồi cháo bên này đều được san sớt sang bên kia. Không biết bà Năm lớn có theo đạo như bà Năm nhỏ không nhỉ ? ---------- Ô Môn, ... 1964
Hôm nay, mình vô Định Môn thăm bà Năm nhỏ. Mình tặng cho bà một chuỗi hột tuyệt đẹp. Hôm nay, mình mới thấy bà Năm cười hết cỡ. Cái môi dày của bà được kéo mỏng ra. Bà nhí nhảnh hỏi ngay:
- Thầy có cho bà Năm lớn một chuỗi không ? - Tôi chỉ có một chuỗi tặng bà Năm thôi. - Vậy thì tôi hổng nhận đâu. Hai chị em tôi phải đồng đều. Tôi theo đạo, bà Năm lớn cũng theo đạo. Tôi có chuỗi hột, thì bà Năm lớn cũng phải có.
Mình tiu nghỉu, bỏ chuỗi hạt vào túi và định bụng đi Sàigòn mua một chuỗi nữa, để tặng đồng đều cho hai bà vợ của một người đã chết. Quả thật trên đời có nhiều chuyện lạ. Chuyện lạ thứ nhất:
Là hai bà vợ không ghen nhau, mà yêu nhau như chị em ruột.
Chuyện lạ thứ hai:
Là Thánh Thần lợi dụng chế độ đa thê, để ban đức tin theo kiểu hốt hụi.
Quả thật, Chúa Thánh Thần là “Đấng sửa lại mọi sự trong ngoài chúng tôi”. Người muốn thổi đâu thì thổi. Người đến từ đâu: không biết. Người sẽ đi đâu: không biết. Chỉ biết một điều, là có Ngài, và Ngài là chủ chốt của sự nghiệp truyền giáo.