(Chuyện Đời Đạo - Bài 120)
------------------------------------------------------------ Chuyện NƯỚC ĐỔ ĐẦU VỊT ---------------------------
Một cô có thói quen khen ngợi các bài giảng của cha xứ mình.
Vào sáng Chủ Nhật nọ, thánh lễ vừa xong, cô khen bài giảng của cha hơi quá lời, khen đến độ gần như cô nịnh hót Cha xứ vậy.
Vị Linh mục tủm tỉm cười nói với cô:
- Này con, những lời khen của con đối với Cha cũng như "nước đổ đầu vịt thôi".
Không chút bối rối cô này liền đáp:
- Con biết, thưa Cha con biết. Nhưng dù sao đi nữa, mấy con vịt nó lại rất khoái được người ta đổ nước lên đầu nó cơ ! -----------------------
Lời bàn: Như đã biết, đầu vịt đã thì thon thon, lại hơi nhô. Lông ở đầu vịt thường dày và mượt. Thành ra, nước đổ lên đầu vịt cứ trôi tuồn tuột, chẳng thể thấm vào đâu được.
Hiện tượng có thực này dễ làm người ta liên tưởng đến việc không tiếp thu lời khuyên bảo ban của một số người.
Ở họ, dẫu có cố công giảng giải, răn bảo bao nhiêu, thì cũng vô ích. Họ không ghi nhớ, không hiểu ra, do kém trí thông minh, ít hiểu biết hoặc trì độn.
Nhưng cũng có khi không phải vì kém cỏi, tối dạ, mà là do sự bướng bỉnh, gàn quấy, hiểu cả đấy, biết là lời hay lẽ phải đấy, nhưng cứ không nghe theo, không làm theo, như chẳng nghe gì cả.
Kẻ dốt nát thì không tiếp nhận lời dạy bảo là chuyện bình thường. Họ cứ ù ù cạc cạc, như vịt nghe sấm. Nói với họ rõ là chán, nói với đầu gối còn hơn.
Như vậy, cả kẻ dốt nát và kẻ bướng bỉnh, đều gặp nhau ở chỗ, là mọi lời giáo huấn, chỉ dẫn, đều vô tích sự, đều vô dụng, không mang lại hiệu quả gì.
Dần dần thành ngữ "nước đổ đầu vịt" được mở rộng, để chỉ sự vô tác dụng, vô ích, không có kết quả nói chung, của những lời nói, lời khuyên, lời răn đe…..
Gần nghĩa với "nước đổ đầu vịt", còn có một loạt thành ngữ như: như nước đổ lá khoai (môn), như nước đổ đầu chày...