(Chuyện Đời Đạo - Bài 064)
--------------------------------------- Lời khuyên cho Bà Mẹ có con MẮC CHỨNG TỰ KỶ ----------------------------------
Bạn thân mến,
"Trước hết, bạn đừng bao giờ nghĩ đứa con tự kỷ của mình, là một tai hoạ, là án phạt Chúa giáng xuống gia đình, vì tội lỗi của mình, hay của ai đó”.
Chúa là người cha nhân từ, yêu thương ta đến nỗi ban Con Một Ngài, để chết cho ta và sống lại vì ta, thì làm sao lại đày đoạ, giáng phạt ta được!
Hơn nữa, bạn nên biết rằng: Hội chứng tự kỷ đang lan rất nhanh trên khắp thế giới:
- Cách đây hơn 30 năm, cứ 2.500 trẻ thì có 1 trẻ tự kỷ.
- Cách đây 10 năm, cứ 500 trẻ thì có 1 đứa tự kỷ.
- Vào năm 2013, ở Việt Nam cứ 110 trẻ thì có 1 trẻ tự kỷ. Còn ở Hoa Kỳ, cứ 88 trẻ thì có 1 trẻ bị tự kỷ.
Mỗi năm, Việt Nam có hơn 1 triệu bà mẹ sinh con và có khoảng 10.000 trẻ mắc tật này.
Hiện nay ở nước ta có cả trăm ngàn em tự kỷ, nên bạn đừng dằn vặt mình, vì đứa con tật nguyền.
Ta cần tỉnh táo, để dạy dỗ con vượt qua những khuyết tật của nó.
Hội chứng này đang được nghiên cứu sâu rộng và người ta đã tìm ra rất nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân quan trọng, đó là sự phát triển không đồng đều và bất bình thường của 2 bán cầu não, do căng thẳng trong cuộc sống, nhất là khi sinh hoạt vợ chồng, do hoá chất trong đồ ăn thức uống, do những biến động tâm lý thái quá.
Nếu bạn phát hiện cháu có những biểu hiện của chứng tự kỷ, bạn nên đưa cháu đến các bệnh viện chuyên khoa nhi đồng, càng sớm càng tốt, để các bác sĩ và nhà tâm lý xã hội kiểm tra xem cháu khiếm khuyết về lĩnh vực nào và có thể giúp đỡ bạn dạy dỗ con.
Sau đây là vài triệu chứng hành vi của trẻ tự kỷ:
- Khoảng 18 tháng tuổi, lúc bé chập chững biết đi:
“Bé không quan tâm đến các trẻ khác đang chơi, hằn học với anh chị em, ngồi gào khóc một mình thay vì gọi mẹ, không để ý lúc cha mẹ đi hay về nhà. Bé không quan tâm chơi ú oà hay những trò chơi tương tác khác, phản ứng mạnh khi được cha mẹ bồng, ôm hay hôn.
Trong giao tiếp, bé không nhận biết môi trường chung quanh như nóng, lạnh, không biết nguy hiểm.
Bé khó tiếp xúc mắt, không nhìn thẳng vào người đối diện, không quan tâm đến giao tiếp.
Khi cần gì, bé thường cầm tay dắt người khác đến vật đó, chứ không chỉ ngón tay vào vật đó và đòi hỏi.
Bé có nhiều hành vi lặp đi lặp lại: Như vẫy tay, tắt và bật đèn liên tục, tự quay vòng vòng, nhìn liên tục vào quạt trần đang quay, xếp các đồ chơi thành hàng dài, không quan tâm đến đồ chơi, mà chỉ gắn bó với một số vật dụng, không biết chơi cách phù hợp với đồ chơi, mà chỉ thích một phần đồ chơi: Như quay mãi bánh xe của một chiếc ô tô đồ chơi.
Bé có các hành vi tự gây thương tích: Như đập đầu xuống nền nhà, tự cắn tay, tự cào cấu, tự bứt cả nắm tóc trên đầu" (x. Linda Lee, Autism Physician Handbook - Số Tay Tự Kỷ của Bác Sĩ, 2007, tổ chức HANS).
Sau khi mở 4 khoá ở TP. HCM và 3 khoá ở Hà Nội, để giúp đỡ các giáo viên và phụ huynh trẻ tự kỷ, chúng tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm trên đây.
Chúng tôi cũng đề nghị là bạn hãy hít thở Thần Khí của Chúa Kitô thật nhiều, để nhận được ơn yêu thương, nhẫn nại và các ơn khác, khi săn sóc, dạy dỗ con mình.
Thỉnh thoảng bạn hãy xoa đầu con, để kích thích hoạt động của bộ não cháu nhỏ, xoa nóng sống lưng cho cháu, bằng bàn tay đầy tình yêu của bạn.
Chúc bạn bình an.
--------------------- Nguồn: Bạn là Lời Cứu Độ - Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn