Đây là 10 lời khuyên Đức Phanxicô được lựa chọn từ các buổi tiếp kiến và các bài giảng ngày thứ tư Lễ Tro, để giúp chúng ta trong hành trình 40 ngày Mùa Chay.
Giai đoạn Mùa Chay có thể so sánh với điều gì?
Theo Đức Phanxicô chúng ta có thể so sánh với cuộc hành trình trở về với Chúa.
Mùa Chay liên quan đến toàn bộ cuộc sống, toàn bộ con người chúng ta. Đã đến lúc chúng ta kiểm tra lại con đường chúng ta đi, để tìm ra con đường đưa chúng ta về nhà, tìm lại mối liên hệ cơ bản với Thiên Chúa, Đấng mà mọi sự chúng ta tùy thuộc vào.
Hành trình này chỉ có thể thực hiện được là nhờ Chúa đã có cuộc hành trình đến với chúng ta trước. Nếu không, chúng ta sẽ không đi được con đường này, vì chúng ta không thể dựa trên sức mạnh của mình để đi; không ai có thể hóa giải với Thiên Chúa bằng sức riêng mình. Dĩ nhiên là Ngài đòi hỏi, nhưng trên hết là hy vọng. Hành trình Mùa Chay là con đường mà chính niềm hy vọng được hình thành.
Hành trình này được hình thành nhờ nhận thức.
Đúng vậy, Đức Phanxicô nói, chúng ta là cát bụi, chúng ta yếu ớt, mong manh và phải chết. Chúng ta nhỏ bé so với muôn triệu thế kỷ, muôn tỷ thiên hà và không gian vô tận. Nhưng, chúng ta là hạt bụi yêu quý của Chúa. Vì thế hành trình trở lại với Chúa Kitô là con đường hoán cải và chữa lành.
Tiên tri Giô-en nói: “Hãy hết lòng trở về với Ta.” (2:12).
Đức Phanxicô nhấn mạnh: Trong cuộc sống chúng ta sẽ luôn có những việc phải làm, những lời phải cáo lỗi, nhưng hôm nay là lúc chúng ta trở về với Chúa.
Điều này có nghĩa là dấn thân không hời hợt, không nhất thời vào con đường hoán cải, một hành trình thiêng liêng chạm đến nơi mật thiết nhất của chúng ta. Đúng vậy, trái tim chúng ta là nơi chứa cảm xúc, là trọng tâm các lựa chọn chín muồi, các hành vi của chúng ta.
Mùa Chay không phải là mùa gom lại các việc tốt lành, nhưng là mùa để chúng ta nhận ra trái tim chúng ta hướng về đâu. Kim chỉ nam định hướng đời tôi dẫn tôi đi đâu, đi về Chúa hay đi về với bản thân tôi? (…) Tôi có một trái tim “loạng choạng”, tiến một bước, lùi hai bước, yêu Chúa một ít, yêu thế gian một ít, hay tôi có trái tim vững vàng trong Chúa? Và bỗng tôi nhận ra tôi có trái tim khép kín, rỉ sét, lạnh lùng, tê liệt sao?
Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Chúng ta cần sự chữa lành của Chúa Giêsu, cần đặt vết thương của chúng ta trước Ngài và nói: ‘Lạy Chúa Giêsu, con ở đây trước mặt Chúa, với tội lỗi của con, với những khốn khổ của con. Chúa là bác sĩ, xin Chúa giải thoát con, chữa lành trái tim con’.”
Đức Phanxicô xin chúng ta: “Làm chậm lại cuộc sống, một cuộc sống luôn chạy, mà không biết chạy đi đâu. Dừng lại một chút, rời bỏ sự vội vã vô nghĩa này, vội vã lấp đầy trái tim, với cảm giác chua cay, mà chẳng làm được gì. Dừng lại, vì sống vội vàng, sống phân tán, sống chia rẽ, để cuối cùng, chỉ phá thời gian dành cho gia đình, cho bạn bè, cho con cái, cho ông bà, cho tình nghĩa… thời gian cho Chúa.”
Đức Phanxicô xin chúng ta: “Hãy dừng lại một chút trước tiếng ồn ào làm chói tai, điếc tai, làm chúng ta quên đi sức mạnh hiệu quả và sáng tạo của thinh lặng”.
Ngài lên án tiếng ồn làm ô nhiễm: “Chúng ta bị nhận chìm với những lời sáo rỗng, những quảng cáo, những thông điệp quỷ quyệt. Chúng ta đã quen với việc nghe mọi thứ về mọi người và có nguy cơ chìm đắm trong thế giới trần tục, làm tâm hồn suy sụp, không một móc nối cơ tim nào có thể chữa được, chỉ có thinh lặng.”
“Không dễ để im lặng trong lòng, vì chúng ta luôn muốn nói một chút, muốn ở bên người khác. Nhưng sự hoán cải thực sự phải trả giá bằng thinh lặng. Nhờ Chúa, người tín hữu có thể trở về với chính mình và lắng nghe Lời Chúa.”
Đức Phanxicô khuyên: “Đi vào sa mạc trong Mùa Chay có nghĩa là tách khỏi điện thoại di động, để kết nối với Tin Mừng. Ăn chay là biết từ bỏ những điều phù phiếm, thừa thãi, để đi đến điều thiết yếu. Đó là bỏ lệ thuộc vào selfie. Dừng lại một chút, trước nhu cầu muốn mọi người nhìn thấy, muốn liên tục được chú ý, điều này làm chúng ta quên đi giá trị của mật thiết và chiêm nghiệm.”
Đức Phanxicô nhấn mạnh đến căn bệnh hình thức đang thống trị ngày nay. Đó là trò lừa vĩ đại qua vẻ bề ngoài của một ngọn lửa: khi đốt xong chỉ còn lại đống tro tàn. Chúng ta nên chẩn đoán những biểu hiện mình đang tìm kiếm, cố gắng vạch ra chúng, sẽ giúp ích cho chúng ta.
Tránh xa điện thoại cũng có nghĩa là chấm dứt những lời nói vô bổ, nói xấu, tin đồn, ngồi lê đôi mách, nói lời hung bạo, gây tổn thương và tai hại do mạng khuếch đại.
Đó cũng là từ chối những lời chỉ trích thô bạo và nhanh chóng, những phân tích đơn giản, không nắm bắt được tính phức tạp của các vấn đề con người, đặc biệt là vấn đề của những người đau khổ nhất. Việc làm sạch này là cần thiết để có được tâm hồn lành mạnh.
Đức Phanxicô nói: “Hãy dừng lại một chút trước cái nhìn cao ngạo, nhận xét thoáng qua và khinh thường, phát sinh từ việc quên đi sự dịu dàng, lòng trắc ẩn và tôn trọng khi gặp người khác, đặc biệt là với những người dễ bị tổn thương, mong manh và cả những người đang vướng vào lầm lỗi và tội lỗi.”
Đó là thay đổi lối nhìn từ trên cao, cầu nguyện, để giải thoát chúng ta khỏi cuộc sống bằng phẳng, chỉ tìm thì giờ cho cái “tôi”, nhưng lại quên Thiên Chúa.
Chúng ta nhìn vào nội tâm, nhờ ăn chay, chúng ta sẽ ra khỏi sự ràng buộc với sự vật, khỏi tính trần tục sẽ làm tê liệt tâm hồn. Nhìn về phía người khác với lòng bác ái, để giải thoát khỏi phù phiếm, khỏi suy nghĩ kiểu mọi việc sẽ tốt đẹp, nếu chúng diễn ra tốt đẹp với tôi.
Trong Mùa Chay, Đức Phanxicô xin chúng ta can đảm, thẳng thắn không giả vờ để nhìn vào trái tim, vào nội tâm.
Ngài nói: “Đã bao lần, chúng ta làm điều gì đó để được chấp thuận, vì hình ảnh, vì cái tôi của chúng ta! Đã bao lần chúng ta tuyên bố mình là tín hữu kitô, nhưng lòng chúng ta lại dễ dàng chiều theo những đam mê biến chúng ta thành nô lệ! Biết bao lần chúng ta giảng một đằng làm một nẻo! Chúng ta thường tỏ ra tốt đẹp bên ngoài và nuôi dưỡng hận thù bên trong! Chúng ta sống hai mặt… đó là bụi đất làm dơ bẩn, là tro tàn dập tắt lửa yêu thương.”
Nếu chúng ta chân thành lắng nghe trái tim, chúng ta sẽ thấy được sự mâu thuẫn của mình. Khi chúng ta làm điều gì tốt, một cách bản năng nảy sinh mong muốn được đánh giá cao, được ngưỡng mộ vì hành động tốt này, để được mãn nguyện. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm những việc này không chút phô trương, chỉ hy vọng vào phần thưởng của Chúa Cha, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn (Mt 6, 4.6.18).
Chúa Kitô xin chúng ta làm các việc bác ái, cầu nguyện, ăn chay, nhưng làm không giả tạo, không hai mặt, không giả hình” (Mt 6, 2.5.16).
Đức Phanxicô thường xuyên tố cáo loại văn hóa vực thẳm của thờ ơ. Theo ngài, Mùa Chay là thời gian để nói không với sự ngột ngạt của tinh thần loại trừ, muốn đến với Chúa, nhưng trốn tránh vết thương của Chúa Kitô, nơi vết thương của người anh em: loại linh đạo này biến đức tin thành văn hóa loại trừ, co cụm.
Bốn mươi ngày này giúp chúng ta thoát ra khỏi những thói quen mệt mỏi và lười biếng đối với điều ác đang đe dọa chúng ta. Đó là vấn đề không làm quen với tình trạng suy thoái và khốn khổ, mà chúng ta gặp trên đường đi trong các thành phố, trong đất nước của chúng ta.
Có một rủi ro thực sự khi chúng ta thụ động chấp nhận một số hành vi và không ngạc nhiên trước những thực tế đáng buồn xung quanh chúng ta. Chúng ta đã quen với bạo lực, như thể đó là tin tức hàng ngày không cần phải nói; chúng ta đã quen với những anh chị em ngủ ngoài đường, không mái nhà che thân. Chúng ta đã quen với tình trạng của những người tị nạn, đi tìm tự do và nhân phẩm, những người không được chào đón như lẽ ra họ phải được.
Cuối cùng, chúng ta đã quen với việc sống trong một xã hội tự cho là không có Chúa, trong đó cha mẹ không còn dạy con cái đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, cũng không dạy làm Dấu Thánh Giá.
Đức Phanxicô chất vấn: “Xin anh chị em hiểu, những người đạo đức giả họ không còn biết khóc, họ quên cách khóc, họ không xin ơn nước mắt. Ơn nước mắt là ơn để làm cho lời cầu nguyện và hành trình hoán cải của chúng ta ngày càng chân thực hơn.”
“Tôi có khóc được không? Giáo hoàng có khóc được không? Các hồng y có khóc được không? Các giám mục có khóc được không? Những người thánh hiến có khóc được không? Linh mục có khóc được không? Chúng ta có khóc khi cầu nguyện không?”
Chấp nhận khóc là trở về với Thiên Chúa với một tâm hồn mới, được thanh tẩy khỏi sự dữ, được thanh tẩy bằng nước mắt, để chia sẻ niềm vui với Ngài. Một niềm vui bắt nguồn từ sự tin chắc, chúng ta có thể thay đổi, nếu chúng ta đón nhận ơn Chúa và không để thời điểm thuận lợi này trôi qua một cách vô ích. Đức Phanxicô xin, chúng ta hãy dừng lại một chút và làm hòa với Chúa.
Mùa Chay là mùa của những cám dỗ, vì thế chúng ta thường gặp trở ngại khi cầu nguyện. Chúng ta khó phân biệt được tiếng Chúa nói với chúng ta, tiếng lương tâm, tiếng của điều thiện. Khi Chúa gọi chúng ta vào sa mạc, Chúa xin chúng ta chú ý đến những gì quan trọng, những gì thiết yếu.
Ngài nói: “Vì cầu nguyện là thức ăn không thể thiếu. Chúng ta cần Lời Chúa. Chúng ta cần thưa chuyện với Chúa: chúng ta cần cầu nguyện. Vì chỉ trước mặt Thiên Chúa, những ý chỉ của trái tim mới lộ ra và lối sống hai mặt của tâm hồn biến mất. Chúng ta phải hướng về Chúa Thánh Thần để tìm lại ngọn lửa ngợi khen để đốt cháy tro than khóc và cam chịu”.
Đức Phanxicô xin chúng ta dừng lại và chiêm ngắm khuôn mặt của những người chung quanh chúng ta:
Gương mặt của những người trong gia đình, ngày qua ngày cố gắng hết mình để đi tới trong cuộc sống, giữa những khó khăn ngặt nghèo vẫn không ngừng cố gắng, bằng mọi cách biến ngôi nhà của mình thành ngôi trường tình thương.
Những khuôn mặt của trẻ em và thanh niên, mang theo một ngày mai và một tiềm năng đòi hỏi sự tận tâm và bảo vệ, luôn tạo một con đường vươn lên giữa những toan tính nhỏ nhen và ích kỷ của chúng ta.
Những khuôn mặt của người lớn tuổi được đánh dấu bởi thời gian trôi qua; những khuôn mặt mang ký ức sống động của các dân tộc chúng ta và khuôn mặt mang sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Khuôn mặt của người bệnh và tất cả những người chăm sóc họ; phải đối diện với tình trạng dễ bị tổn thương để phục vụ, nhắc chúng ta giá trị của con người không bao giờ có thể bị giảm xuống thành vấn đề tính toán hoặc tiện ích.
Những khuôn mặt ăn năn của những người tìm cách sửa sai lầm, trong khốn khó và đau đớn của họ, họ đấu tranh để thay đổi hoàn cảnh và đi tới đàng trước.
Khuôn mặt của Chúa Kitô, “Tình yêu chịu đóng đinh”, Đấng ngày nay trên thập giá, tiếp tục là Đấng mang hy vọng, là bàn tay dang ra cho những ai cảm thấy mình bị đóng đinh, những ai cảm thấy sức nặng của thất bại, thất vọng và đau khổ đè lên họ.