Làm phúc giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục - Chuyện đời chuyện đạo - sách 11

Chủ nhật - 05/11/2023 02:25
Làm phúc giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục - Chuyện đời chuyện đạo - sách 11
Làm phúc giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục - Chuyện đời chuyện đạo - sách 11
Lm. Phêrô NguyễnVăn Mễn
(sưu tầm)

Làm phúc giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục


Nguồn:
https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/

---------------------------------

*** Đọc các bài của Lm. Mễn:
1. Vào Facebook.com; tìm: Nguyễn Mễn;
hoặc https://www.facebook.com/ nguyen.men.71;
2. Vào Internet: Youtube, Google, Cốc Cốc, Safari, hoặc Yahoo.com;
tìm: Cha Mễn, Cha Mễn kể chuyện, hoặc linh mục Mễn
3. https://linhmucmen.com
4. Email: mennguyen296@gmail.com
5. ĐT: 0913 784 998 có zalo; 0394 469 165

**** "Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Galata 6,10)

**** Lạy  Chúa, xin hãy hoàn thành nơi con những ý định của Chúa. Và xin ban cho con ơn: Không làm trở ngại ý định của Chúa do hành vi của con. Lạy Chúa, con muốn điều Chúa muốn, chỉ vì Chúa muốn, như Chúa đã muốn và tới mức độ Chúa muốn. Amen.

----------------------------

Mục Lục:

 Bài 1: Lòng tri ân của các linh hồn. 2
Bài 2: Các linh hồn trong Luyện Ngục. 4
Bài 3: Hình khổ các đẳng linh hồn phải chịu nơi Luyện Ngục. 6
Bài 4: Các linh hồn đền tội nơi lửa Luyện Hình. 8
Bài 5: Làm phúc giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục. 18
Bài 6: Thánh nữ Perpétua và các đẳng linh hồn. 20
Bài 7: Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục. 22
Bài 8: Sự cần kíp phải cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. 28
Bài 9: Tháng 11, tháng cầu nguyện cho các linh hồn. 32
Bài 10: Những câu chuyện về tháng Các Đẳng Linh Hồn. 36
*** Hãy tích cực làm phúc, giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục. 45


----------------------------------


 

Bài 1: Lòng tri ân của các linh hồn


Chuyện Đời Đạo - Sách 11- Bài 234
Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Bạn thân mến,

Khi tu viện Đức Bà được khởi công tại Aversa, gần thành phố Napoli, Nam Ý, cha Hilarion, được chỉ định làm người điều khiển công cuộc xây cất. Cha Hilarion là một tu sĩ thánh thiện. Mỗi buổi sáng, cha đều dâng thánh lễ trước khi bắt đầu công việc.

Một ngày, ông Gioan đến xin giúp lễ cho cha Hilarion. Ông là giáo dân phụ cha trong chức vụ quản lý. Sáng hôm ấy, cha Hilarion dâng lễ cầu nguyện cho các Đẳng Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục. Ông Gioan cũng rước lễ hiệp ý với cha. Sau thánh lễ, cha Hilarion mời ông chia sẻ bữa ăn trưa thanh đạm với mình. Ông Gioan nhận lời.

Đến giờ, ông Gioan đến nơi như đã hẹn. Vừa bước vào dãy nhà trong, nơi hành lang, ông gặp ngay một thanh niên dáng điệu thanh nhã, ăn mặc sang trọng, đang đứng đó. Chàng ngỏ ý muốn gặp cha Hilarion để bàn về một vấn đề quan trọng.

Ông Gioan vội báo tin cho cha Hilarion biết. Nhưng cha nhất mực từ chối, không muốn gặp chàng thanh niên, lấy lý do không phải giờ tiếp khách.

Ông Gioan trở ra giải thích việc cha Hilarion không thể tiếp chàng.

Nhưng chàng thanh niên nài nĩ xin gặp cha. Chàng nói rõ hơn ý hướng của chàng: "Nhân danh tình yêu Thiên Chúa, xin cha Hilarion hãy chia sẻ cho tôi một ít bánh ăn của cha".

Khi nghe ông Gioan lập lại lời xin, cha Hilarion tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Cha tự nhủ: "Làm sao một thanh niên nhã nhặn quý phái như thế, đáng lý phải rộng tay làm phúc cho người khác, đàng này, lại ngửa tay xin bánh ăn của một thày dòng?".

Dầu nghĩ vậy, cha Hilarion vẫn vui vẻ ra gặp chàng. Cha xin chàng vui lòng đợi một chút. Rồi cha đi vào nhà trong, đến thùng đựng bánh, lấy ra một ổ bánh. Cha rút nhằm chiếc bánh ngon nhất, dù cha không có ý chọn. Cha định đổi ổ bánh khác, ít ngon hơn để biếu cho chàng ăn xin. Nhưng một ý nghĩ thoáng hiện ra trong đầu:

"Tại sao lại có sự so đo khác biệt này? Biết đâu chàng thanh niên lại chẳng là một thiên thần, sứ giả của Thiên Chúa, đến từ Trời Cao? Bởi vì, quả thế, chàng đã vào tận nhà trong, khi mà mọi cổng ra vào đã đóng kín?".

Nghĩ thế, nên cha Hilarion giữ nguyên ổ bánh mì ngon và chọn thêm một vài thức ăn khác, rồi đem tất cả biếu cho chàng thanh niên ăn mặc sang trọng kia. Cha xin chàng vui lòng chấp nhận các thức ăn đạm bạc, vì chàng đến bất ưng. Rồi cha để chàng ngồi đó dùng bữa và lui vào phòng bên cạnh để ăn trưa với ông Gioan.

Nhưng cả hai người không tài nào ăn được một miếng. Bởi lẽ, cả hai gần như hoảng hồn, ngẩn ngơ với nghi vấn:

"Làm sao người thanh niên có thể vào tận nhà trong, khi các cửa ra vào đều đóng kín?".

Đối với cha Hilarion, người khách lạ với dung nhan tuyệt mỹ, không ai khác là một Thiên Thần đến từ Trời Cao.

Trong khi ông Gioan lại nói:

- "Biết đâu người khách là một trong những Linh Hồn nơi Lửa Luyện Hình, chúng ta đã cùng nhau cầu nguyện trong thánh lễ sáng nay?".

Sau một lúc, ước tính người khách đã dùng bữa xong, ông Gioan liền đến chào từ biệt. Vừa trông thấy ông, chàng thanh niên nhã nhặn đứng lên và nói:

- "Thưa ông, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Hãy cùng nhau đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Kình Mừng, cầu cho các Đẳng Linh Hồn còn bị giam cầm trong Lửa Luyện Tội".

Nói xong, người khách quỳ ngay xuống, chắp tay lại, ngước mắt lên Trời và sốt sắng đọc kinh. Xong, chàng đọc thêm lời nguyện của ngày Chúa Nhật và kinh Truyền Tin. Rồi đứng lên, chàng cầm lấy tay ông Gioan và nói:

- "Xin ông thưa lại với cha Hilarion rằng: Kể từ nay, đừng cầu nguyện cho Linh Hồn thân phụ của cha nữa, bởi vì, ngay chính lúc này đây, Linh Hồn thân phụ cha đã bay thẳng lên Trời".

Nói xong, chàng thanh niên biến mất, như sương mù tan đi khi có ánh sáng mặt trời.

Ông Gioan kinh hoảng, đứng im như trời trồng. Khi hoàn hồn, ông gọi to tiếng: "Cha, cha Hilarion ơi!". Nhưng tiếng kêu như bị chặn đứng trong họng.

Khi cha Hilarion chạy đến, thì ông Gioan đang nằm bất tỉnh. Phải lâu lắm cha mới làm cho ông tỉnh lại và kể cho cha nghe lời người thanh niên nói.

Cả hai đồng thanh dâng lời cảm tạ lòng nhân từ của Chúa, đã đoái thương cho hai người chiêm ngưỡng một phần nào dung nhan tuyệt vời của Linh Hồn được gọi vào hưởng tôn nhan Chúa.

("Le Ciel Parmi Nous", Editions Bénédictines, 1997, trang 142-145).

-------------------------------

 

Bài 2: Các linh hồn trong Luyện Ngục

Chuyện Đời Đạo - Sách 11- Bài 235

Bạn thân mến,

Vào năm 1827, tại thủ đô Paris nước Pháp có một thiếu nữ giúp việc nghèo thật nghèo nhưng vô cùng quảng đại. Cô tên Têrêsa. Têrêsa có thói quen lành thánh: mỗi tháng xin một thánh lễ cầu cho các đẳng Linh Hồn trong Luyện Ngục. Nhưng rồi Thiên Chúa thử thách cô bằng một chứng bệnh hiểm nghèo, khiến cô vô cùng đau đớn. Têrêsa bị mất việc làm và tiêu tán tiền của. Ngày cảm thấy kha khá, Têrêsa ra khỏi nhà với vỏn vẹn 20 xu trong túi. Cô rảo qua các khu phố để tìm việc làm. Khi đi ngang nhà thờ thánh Eustache, Têrêsa ghé vào cầu nguyện. Bỗng cô sực nhớ ra là tháng ấy, cô chưa xin lễ cho các đẳng Linh Hồn. Nhưng Têrêsa thoáng chút do dự. Số tiền 20 xu cũng là lương thực cho cô trong ngày hôm ấy. Nhưng Têrêsa không do dự lâu. Cô biết mình phải làm gì. Bất ngờ một linh mục bước vào nhà thờ, chuẩn bị dâng thánh lễ. Têrêsa hỏi cha có bằng lòng dành thánh lễ hôm ấy để cầu cho các đẳng Linh Hồn không. Cha vui vẻ nhận lời với số tiền dâng cúng 20 xu của Têrêsa .. Thánh lễ cầu cho các đẳng Linh Hồn chỉ có vị linh mục chủ tế và một giáo dân tham dự.

Lễ xong, Têrêsa ra khỏi nhà thờ tiếp tục đi lang thang tìm việc làm. Têrêsa thật sự lo lắng vì đi mãi mà không có hy vọng gì hết. Bỗng một chàng trai dáng vẽ quí tộc tiến đến gần và hỏi: "Cô tìm việc làm phải không?". Têrêsa nhanh nhẹn trả lời: "Thưa ông phải". Người thanh niên nói tiếp: "Cô hãy đến đường X nơi nhà số Y, chắc chắn cô sẽ có việc làm và sẽ được hạnh phúc". Nói xong, chàng trai bỏ đi ngay không đợi nghe lời Têrêsa rối rít cám ơn.

Khi tìm được căn nhà đúng số đã chỉ, Têrêsa thấy một cô giúp việc từ trong nhà đi ra, nét mặt cau có khó chịu. Têrêsa rụt rè hỏi thăm bà chủ có nhà hay không? Cô kia đáp lửng lơ: "Có lẽ có .. có lẽ không .. nhưng có hệ gì! vì đâu có dính dáng gì đến tôi". Nói xong, cô gái ngoay ngoảy bỏ đi.

Têrêsa run rẩy bấm chuông. Một tiếng nói dịu dàng bảo vào. Têrêsa bỗng đối diện với một phụ nữ cao niên quí phái. Bà nhẹ nhàng bảo Têrêsa hãy trình bày cho bà biết cô muốn gì. Têrêsa nói nhanh:

- "Thưa bà, sáng nay cháu hay tin bà cần một người giúp việc. Cháu xin đến nhận chỗ làm này. Người ta bảo đảm với cháu là bà sẽ tiếp nhận cháu với lòng nhân hậu".

Bà chủ ngạc nhiên nói với Têrêsa:

- "Điều cháu vừa nói thật là lạ. Sáng nay bà chả cần ai hết. Nhưng cách đây nửa giờ bà vừa đuổi một cô giúp việc vì nó chễnh mãng trong việc làm. Chuyện này chưa hề có người nào biết, ngoại trừ bà và cô giúp việc. Vậy thì ai đã chỉ cho cháu đến đây?".

Têrêsa đơn sơ trả lời:

- "Một thanh niên dáng điệu sang trọng, cháu gặp ngoài đường, đã bảo cháu đến đây".

Bà chủ nhà thử tìm cho biết người thanh niên ấy là ai, nhưng vô hiệu.

Bỗng Têrêsa nhìn lên và trông thấy tấm hình một chàng trai treo trên tường. Têrêsa mừng rỡ kêu lên:

- "Thưa bà, bà không cần phải tìm đâu cho xa. Đây chính là gương mặt người thanh niên đã nói chuyện với cháu. Chính anh ta đã chỉ đường cho cháu đến đây".

Vừa nghe xong, bà chủ nhà kêu lên một tiếng thất thanh, như muốn ngã xuống bất tỉnh. Xong, bà bảo Têrêsa tỉ mỉ kể lại cho bà nghe, bắt đầu từ chuyện cô có lòng thương mến các đẳng Linh Hồn, đến Thánh Lễ sáng hôm ấy, rồi chuyện gặp gỡ chàng thanh niên.

Khi Têrêsa chấm dứt, bà chủ âu yếm ôm hôn cô và nói:

- "Cháu không phải là đầy tớ giúp việc cho bà, nhưng từ giờ phút này, cháu là con gái bà. Chàng thanh niên mà con trông thấy chính là đứa con trai độc nhất của bà. Con bà chết cách đây hai năm và ngày hôm nay chính con đã giải thoát nó ra khỏi Lửa Luyện Hình. Bà chắc chắn như thế. Bà hết lòng ghi ơn con. Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho tất cả những Linh Hồn còn chịu thanh tẩy trong Lửa Luyện Ngục trước khi được vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời.

(Jacques Lefèvre, "Les Âmes du Purgatoire dans la vie des Saints", Editions Résiac, 1995, trang 35-37).

-------------------------------



 

Bài 3: Hình khổ các đẳng linh hồn phải chịu nơi Luyện Ngục

Chuyện Đời Đạo - Sách 11- Bài 236

Bạn thân mến,

Sử liệu các cha dòng Capucino có ghi lại câu chuyện liên quan đến những cực hình, mà các đẳng Linh Hồn phải chịu trong Lửa Luyện Ngục.

Cha Hippolyte de Scalvo là người tôi tớ tín trung của Chúa. Cha đặc biệt có lòng thương mến các đẳng Linh Hồn. Cha luôn luôn cầu nguyện cho các vị được mau mau giải thoát khỏi chốn Luyện Hình.

Cầu nguyện chưa đủ, cha Hippolyte còn ăn chay, hãm mình, đền bù thay cho các đẳng và thường thuyết giảng về Luyện Ngục.

Cha nhắc các tín hữu nhớ cầu nguyện, dâng các hy sinh và việc lành phúc đức, để cầu cho các Linh Hồn được sớm về hưởng tôn nhan Chúa.

Sáng nào cũng thế, cha Hippolyte thức dậy thật sớm, để nguyện kinh cầu cho những người quá cố.

Chúa Nhân Lành đã dùng gương vị tôi tớ Ngài để giúp các tín hữu hiểu phần nào những hình phạt các đẳng Linh Hồn phải chịu trong Lửa Luyện Hình.

*****

Năm ấy, cha Hippolyte được Bề Trên gởi đến Flandres, một thành phố nằm ở biên giới hai nước Pháp và Bỉ, để mở một tu viện các cha dòng Capucino.

Trong số các tu sĩ cùng đi với cha Hippolyte, có một thầy dòng hết sức đạo đức. Nhưng vừa đến nơi, vị tu sĩ này ngã bệnh nặng và đột ngột từ trần.

Sáng hôm sau đó, cha Hippolyte quì cầu nguyện trong nhà thờ, sau giờ Kinh Sáng. Bỗng chốc cha thấy xuất hiện trước mặt mình vị tu sĩ quá cố, dưới hình một bóng ma phủ đầy lửa.

Người quá cố thú tội cùng Cha Bề Trên, với lời rên rỉ não nề, về một lỗi nhẹ mà thầy đã quên xưng khi còn sống.

Thú tội xong, thầy thưa:

"Xin cha cho con việc đền tội tùy ý cha và xin cha ban phép lành cho con hầu con được giải thoát khỏi khuyết điểm khiến con phải đau khổ vô ngần trong Lửa Luyện Ngục".

Cảm kích trước tình trạng thảm sầu của vị tu sĩ thuộc quyền quá cố, cha Hippolyte vội vàng nói ngay:

- "Nhân danh quyền được phép, tôi xin tha tội cho thầy và chúc lành cho thầy. Còn về việc đền tội, vì thầy bảo là tôi có quyền ra việc đền tội, thì xin thầy hãy ở trong Lửa Luyện Ngục cho đến giờ Kinh Thứ Nhất, tức vào khoảng 8 giờ sáng nay".

Cha Hippolyte nghĩ rằng mình đã khoan hồng, khi ra việc đền tội cho tu sĩ quá cố, chỉ ở lại nơi Luyện Hình vài giờ! Nào ngờ, vừa nghe xong án lệnh, thầy dòng đạo đức như rơi vào trạng huống tuyệt vọng. Thầy vừa chạy vòng vòng trong nhà thờ, vừa kêu la thảm thiết:

- "Ôi tấm lòng không đại lượng! Ôi người cha không biết cảm thương một Linh Hồn sầu não! Sao cha lại trừng phạt cách khủng khiếp một lỗi nhẹ, mà nếu con còn sống, hẳn cha chỉ ra một việc đền tội cỏn con. Cha quả thật không biết tí gì về những kinh hoàng các Linh Hồn phải chịu trong Lửa Luyện Ngục!".

Nghe lời trách cứ nặng nề của vị tu sĩ quá cố, cha Hippolyte như "dựng tóc gáy" và cảm thấy vô cùng ân hận. Cha tìm cách "vớt vát" cái vô ý thức của mình.

May mắn thay, cha nghĩ ra được một diệu kế. Cha vội vàng đánh chuông, gọi các tu sĩ trong cộng đoàn vào nhà thờ nguyện đọc Kinh Giờ Một.

Khi các tu sĩ có mặt đầy đủ, cha Hippolyte kể lại câu chuyện vừa xảy ra và cùng với cộng đoàn bắt đầu đọc ngay Kinh Giờ Một, hầu cho thầy dòng quá cố được sớm giải thoát khỏi lửa luyện hình.

Từ ngày đó cho đến khi qua đời, trong vòng 20 năm trời, Cha Hippolyte de Scalvo không bao giờ quên câu chuyện đã xảy ra. Trong các bài giảng, cha thường lập lại câu nói của thánh Anselmo (1033-1109):

"Sau khi chết, hình phạt nhẹ nhất đón chờ ta trong Lửa Luyện Hình trở thành lớn lao hơn tất cả những gì trí khôn ta có thể tưởng tượng được, khi còn sống trên trần gian này".

(Jacques Lefèvre, "Les Âmes du Purgatoire dans la vie des Saints", Editions Résiac, 1995, trang 24-26).

-------------------------------

 

Bài 4: Các linh hồn đền tội nơi lửa Luyện Hình

Chuyện Đời Đạo - Sách 11- Bài 237

Bạn thân mến,

Bà Maria Agatha Simma, sinh ngày 5-2-1915 tại Sonntag, nước Áo, trong một gia đình nghèo thật nghèo.

Bà có lòng yêu thương cách riêng các Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục. Vì thế, bà được Thiên Chúa chọn làm vị tông đồ giúp đỡ các Linh Hồn.

Chúa cho phép các Linh Hồn nơi Luyện Hình hiện về với bà, để xin bà cầu nguyện, hoặc làm việc đền bù phạt tạ thay cho các ngài.

Bà cũng được đặc ân nhờ dịp này, hỏi các Linh Hồn về số phận của một vài Linh Hồn khác: còn bị giam nơi Lửa Luyện Hình hay đã về Thiên Quốc rồi.

Bà Maria Agata Simma kể:

Chỉ vào những ngày thứ bảy đầu tháng hoặc vào những ngày Lễ kính Đức Mẹ, tôi mới có thể hỏi xem một Linh Hồn còn đền tội nơi Lửa Luyện Hình hay không.

Khi một Linh Hồn hiện ra và sau khi đã trình bày những gì Linh Hồn cần xin để được giải thoát khỏi Lửa Luyện Hình, mà Linh Hồn vẫn còn đứng đó, thì tôi hiểu rằng, tôi có thể đặt một vài câu hỏi.

Dĩ nhiên tôi không thể hỏi thẳng về số phận của chính đương sự, bởi vì, điều dễ hiểu là Linh Hồn này chỉ được ra khỏi Luyện Ngục sau khi người ta đã thi hành điều Linh Hồn xin...

Thường thì một Linh Hồn chỉ có thể cho biết về số phận của một Linh Hồn khác.

Và Linh Hồn khác đó cũng có thể được phép hiện về để xin người ta làm việc lành hầu giải thoát mình khỏi Lửa Luyện Tội.

Có khi phải đợi 2 hoặc 3 năm, hoặc ít hơn, mới nhận được câu trả lời, tùy theo lòng Nhân Lành của Thiên Chúa ban phép.

Thường thì các Linh Hồn nơi Luyện Ngục không thể cho biết Linh Hồn nào bị rơi xuống hỏa ngục.

Tuy nhiên, không vì thế mà kết luận rằng: không có hỏa ngục!

Trái lại, chắc chắn có hỏa ngục và có rất nhiều người bị rơi vào đó!

Nếu có ai hỏi tôi rằng: Phương thế nào hữu hiệu nhất, giúp khỏi bị rơi vào hỏa ngục, tôi xin thưa:

- "Hãy sống khiêm nhường. Kẻ nào có lòng khiêm nhường, sẽ không bị rơi vào hỏa ngục. Còn kẻ nào kiêu ngạo thì kẻ đó có nhiềuu nguy cơ bị trầm luân đời đời kiếp kiếp trong lửa hỏa ngục!".

Có người hỏi tôi:

"Trong Luyện Ngục có các trẻ em bị giam cầm không?", tôi xin thưa: "Có, đôi khi có cả các trẻ em chưa cắp sách đến trường nữa. Vừa khi một đứa trẻ biết điều gì không tốt, mà vẫn làm, thì đứa trẻ đó đã phạm một lỗi.

Dĩ nhiên, đối với trẻ em, thời gian trong Luyện Ngục không kéo dài lâu, cũng không khủng khiếp lắm, bởi vì đứa trẻ chưa có trí phán đoán hoàn toàn.

Thế nhưng đừng nghĩ rằng, một đứa trẻ chưa hiểu gì! Không hẳn thế. Một đứa trẻ hiểu hơn là chúng ta tưởng nghĩ! Trẻ em thường có một lương tâm bén nhạy hơn người lớn!

*****

Một ngày, một người đàn ông đến xin tôi hỏi thăm về số phận của người vợ quá cố.

Câu trả lời cho biết là bà vẫn còn bị giam trong Lửa Luyện Hình.

Điều đáng nói: Bà này là thành viên của nhiều Hội Đoàn, trong ấy, người ta có thể nhận lãnh ơn toàn xá trong giờ lâm tử. Do đó, người ta nghĩ: bà đã được lên Thiên Đàng lâu lắm rồi!

Tôi xin một Linh Hồn nơi Lửa Luyện Hình giải thích lý do. Linh Hồn đó trả lời:

"Để được nhận lãnh hoàn toàn một ơn toàn xá cho chính mình, người đó không được “dính bén” bất cứ sự gì nơi trần gian này. Đây là một đòi hỏi triệt để.

Lấy ví dụ: Một người mẹ trẻ có năm đứa con dại đang quây quần bên giường chết. Vậy mà, người mẹ trẻ sắp chết đó phải thưa cùng Chúa:

- "Con chỉ muốn điều Chúa muốn. Sống hay chết tùy ý Chúa!".

Thật là đòi hỏi khe khắt. Đúng vậy.

Vì thế, cần phải luôn sống trong sự từ bỏ hoàn toàn và liên miên, mới có thể đạt đến tâm tình không dính bén bất cứ điều gì, vào giờ Chúa gọi từ bỏ tất cả, để về với Ngài nơi Thiên Quốc!

Một Linh Hồn kể cho tôi nghe như sau. Tôi chết ngay tại chỗ, trong tai nạn xe môtô, trên một đường phố ở thủ đô Vienne của nước Áo. Tôi bị tử nạn vì không tôn trọng luật đi đường. Đó là số phận của tôi.

Tôi hỏi Linh Hồn:

- "Lúc đó, anh đã sẵn sàng để ra đi về thế giới bên kia chưa?".

Linh Hồn thú nhận:

- "Tôi chưa sẵn sàng, nhưng Thiên Chúa Nhân Từ luôn ban cho một người -không bao giờ chủ ý phạm tội, hoặc không vì kiêu căng, mà phạm tội chống lại Thiên Chúa- một thời gian ngắn hai hay ba phút, để ăn năn tội cách trọn. Chỉ người nào khi ấy vẫn còn từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa, mới bị kết án trầm luân đời đời trong Hỏa Ngục".

Linh Hồn này còn nói thêm một điều đáng suy nghĩ.

Trong nhiều trường hợp, người ta nói:

- "Đã đến giờ Chúa định cho người ấy phải chết".

Thật ra, không luôn luôn đúng như vậy. Chỉ đúng trong trường hợp một người chết không do ý muốn hoặc lỗi của mình.

Còn trong trường hợp của tôi, theo chương trình của Chúa, đáng lý tôi còn sống thêm được 30 năm nữa! Vì thế, chúng ta không có quyền đánh liều, đưa mạng sống chúng ta vào vòng nguy hiểm, trừ khi có lý do chính đáng!...

*****

Hồi ấy là năm 1954, vào khoảng 14 giờ 30 phút chiều. Trên đường đi đến làng Marul, tôi gặp một bà lão. Tôi thầm nghĩ: "Hẳn cụ này phải 100 tuổi!", bởi lẽ tôi thấy bà cụ già quá già! Tôi liền thân mật cất tiếng chào cụ. Bà lão nói:

- "Sao lại chào tôi? Bởi vì, chả ai còn thèm chào tôi nữa!".

Tôi an ủi:

- "Cụ đáng được chào như bất cứ người nào khác". Thế là bà cụ bắt đầu than thở:

- "Không một ai còn tỏ dấu gì thân thiện đối với tôi. Chả ai thèm cho tôi cái gì để ăn và tôi phải nằm ngủ bên lề đường".

Nghe bà lão than van như vậy, tôi tự nhủ:

- "Không thể nào xảy ra như thế được! Hẳn là bà cụ đã mất trí, bị điên điên khùng khùng rồi!".

Nghĩ thế, nên tôi tìm cách chứng minh cho bà cụ thấy là không thể nào xảy ra như vậy được.

Nhưng bà cụ cương quyết nói:

- "Nhưng thực sự là như thế!".

Tôi bèn nghĩ: có lẽ bà cụ làm cho người ta nhàm chán, nên không ai muốn giữ bà lâu, thêm vào đó, tuổi bà lại cao. Tôi liền mời bà về nhà để ăn và ngủ tại nhà tôi.

Bà cụ lại nói:

- "Nhưng tôi lại không có tiền để trả".

Tôi trả lời:

- "Không sao hết. Điều quan trọng là cụ phải chấp nhận tất cả những gì cháu dâng cho cụ. Nhà cháu không có nhiều tiện nghi lắm, nhưng vẫn hơn là ngủ ngoài đường".

Nghe tới đây, bà lão vội vàng nói:

- "Tôi xin hết lòng cám ơn. Xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho bà. Bây giờ, tôi được giải thoát!". Nói xong, bà cụ biến mất.

Ngay lúc ấy, tôi mới nhận ra bà lão là một Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục.

Chắc chắn khi còn sống, bà cụ đã từ chối không tiếp rước và giúp đỡ một người nào đó, trong cơn túng bẫn. Giờ đây, bà cụ phải đợi cho đến khi có một người sẵn sàng giúp đỡ bà ngay, không so đo do dự, chỉ khi ấy, bà mới được giải thoát khỏi Lửa Đền Tội.

*****

Một hôm, một Linh Hồn hiện về và hỏi tôi:

- "Bà có nhận ra tôi không?".

Tôi đáp không.

Linh Hồn liền nói:

- "Có. Bà đã có lần trông thấy tôi. Hồi năm 1932, bà cùng đi xe lửa với tôi đến Hall. Hôm ấy, tôi ngồi trong cùng một toa với bà".

Nghe tới đây, tôi nhớ lại rõ ràng chuyến đi hôm ấy.

Phải rồi, đây là người đàn ông, khi ngồi trong xe lửa, đã lớn tiếng chỉ trích Hội Thánh và Kitô Giáo. Mặc dầu lúc ấy tôi mới có 17 tuổi, nhưng tôi đã hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề. Tôi thẳng thắn nói với ông ta rằng:

- "Bác không phải là người đàng hoàng, vì bác sao nhãng những việc thật thánh thiện".

Ông ta trừng mắt nhìn tôi:

- "Cháu còn quá trẻ, mà đã dám cho bác một bài học sao? Không, bác không cho phép như thế đâu!".

Không hiểu sao tôi vẫn bạo dạn nói:

- "Dầu vậy, cháu vẫn là người thông minh hơn bác!".

Nghe thế, người đàn ông cúi gầm mặt xuống và từ đó không mở miệng nói lời nào cả.

Khi ông bước xuống xe lửa, tôi liền thầm thĩ kêu van cùng Chúa:

"Xin Chúa đừng để Linh Hồn này bị hư mất đời đời!".

Bây giờ, Linh Hồn này nói với tôi: "Chính nhờ lời cầu nguyện của bà hôm ấy, mà tôi được cứu thoát, nếu không tôi đã bị trầm luân trong hỏa ngục rồi! Cám ơn bà nhiều lắm".

*****

Một Linh Hồn hiện về với thùng rác cầm tay, đã nói với tôi:

- "Đây là chìa khóa mở cửa Thiên Đàng cho tôi! Khi còn sống, tôi cầu nguyện rất ít. Họa hoằn lắm tôi mới đến nhà thờ xem lễ một lần. Nhưng một hôm, trước lễ Giáng Sinh, tôi đã tình nguyện quét dọn nhà cửa cho một bà cụ nghèo thật nghèo. Nhờ thế mà tôi được cứu rỗi. Điều này chứng tỏ rằng: tất cả đều tùy thuộc nơi việc chúng ta có thi hành đức bác ái hay không!".

Lần khác, Linh Hồn một Linh Mục hiện về với cánh tay phải đen thui, trông thật hãi hùng! Tôi hỏi lý, do Linh Hồn trả lời:

- "Đáng lý ra, tôi phải thường xuyên ban nhiều phép lành hơn nữa! Vậy bà hãy nói với tất cả các Linh Mục, khi bà có dịp gặp, rằng:

Xin các cha hãy chúc lành nhiều hơn nữa. Bởi vì, các Linh Mục càng ban nhiều phép lành, càng phân phát được nhiều ơn thiêng, có sức mạnh đẩy xa sự dữ, cùng tà ma phá hoại loài người".

*****

Lần kia, một Linh Hồn sau khi trình bày với tôi những gì Linh Hồn cần để được giải thoát khỏi Lửa Luyện Hình, liền nói thêm:

"Nếu người ta làm cho tôi điều ấy, tôi sẽ được hài lòng".

Chỉ có vậy, không thêm không bớt điều gì nữa, ngoại trừ chi tiết ông ta sống tại đâu và qua đời khi nào.

Tôi lập lại những gì Linh Hồn này xin cho các thân nhân. Các thân nhân tỏ dấu nghi ngờ không tin.

Họ muốn biết: có phải tất cả các Linh Hồn khi hiện về đều nói câu: "Nếu người ta làm cho tôi điều ấy, tôi sẽ được hài lòng".

Tôi trả lời:

- "Không, cho đến bây giờ, thì đây là lần đầu tiên, một Linh Hồn nói như thế".

Các thân nhân muốn biết thêm tại sao Linh Hồn lại nói như vậy.

Tôi trả lời: "Không biết!".

Họ liền nói:

- Thế thì chúng tôi biết tại sao. Đó là phương châm của thân phụ quá cố chúng tôi. Lúc còn sống, người thường nói: "Nếu các con làm điều đó, cha rất hài lòng". Vì thế, chúng tôi tin lời bà.

Những người này không còn đến nhà thờ tham dự thánh lễ Chúa nhật nữa. Đối với họ, đây là giới luật của Hội Thánh, chứ không phải một giới răn đến từ Thiên Chúa.

Tôi giải thích cho họ hiểu:

"Nơi cuộc sống vĩnh cửu, một giới răn do Giáo Hội đặt ra, cũng có giá trị y như một giới luật đến từ Thiên Chúa. Chỉ có sự khác biệt duy nhất: Giáo Hội có thể xóa bỏ, hay thay đổi một giới luật, do Giáo Hội đặt ra. Trong khi giới răn đến từ Thiên Chúa thì bất biến. Giáo Hội không được phép, cũng không có quyền thay đổi giới luật của Thiên Chúa".

Một Linh Hồn thú nhận với tôi rằng:

- "Tôi đã phạm một tội ác chống lại Thiên Chúa:

Một ngày, trong cơn giận bốc cao, tôi vứt mạnh Thánh Giá Chúa Giêsu xuống đất, rồi lấy chân đạp nát! Vừa đạp, tôi vừa thách thức: Nếu Thiên Chúa hiện hữu thật sự, Ngài không để cho điều ấy xảy ra! Nhưng Thiên Chúa không dung tha cho kẻ nào dám chế nhạo Ngài. Tôi bị phạt nằm cứng đơ tại chỗ. Nhưng hình phạt bất toại này lại là ơn cứu rỗi cho tôi!".

Kể xong, Linh Hồn xin tôi nhắn lại với người vợ, những gì bà phải làm, để có thể giảm bớt hình phạt nặng nề của ông nơi Lửa Luyện Ngục.

Khi tôi lập lại những điều ông ta nói với vợ, bà này tỏ ra vô cùng kinh hãi,  bở từ lâu, bà đã rời bỏ Giáo Hội Công Giáo.

Bà nói với tôi:

- "Chuyện chồng tôi xúc phạm đến Thánh Giá Chúa Giêsu, chỉ duy nhất hai vợ chồng chúng tôi biết. Tôi không hề tiết lộ với ai. Chồng tôi cũng không thể nào kể lại cho ai nghe. Nếu Linh Hồn đó có thể nói như thế, tôi xin tin lời bà".

Sau đó, bà ta ăn năn thống hối và trở về với Giáo Hội Công Giáo.

*****

Linh Hồn một bác sĩ hiện về than thở về hình phạt nặng nề ông đang phải đền trong Lửa Luyện Ngục.

Lý do, là khi còn sống, trong lúc hành nghề, ông đã chích thuốc cho các bệnh nhân làm giảm cơn đau, nhưng cùng lúc, khiến họ chóng chết. Giờ đây, ông mới thấy rõ tầm quan trọng và giá trị lớn lao của đau khổ, nhất là những đau khổ được chấp nhận với lòng kiên nhẫn, mang lại một giá trị vô biên.

Linh Hồn nói:

- "Người ta được phép làm giảm bớt các đau đớn quá lớn, nhưng không được quyền rút ngắn cuộc sống của các bệnh nhân, bằng những phương tiện hóa học, y khoa".

*****

Một ngày, một người đàn ông đến nhà tôi. Ngay từ nơi hành lang, ông cất tiếng hỏi với một giọng khinh khi:

- "Cái bà thường đùa giai với vụ các Linh Hồn ở Luyện Ngục hiện về, đang trốn xó nào rồi?".

Tôi trả lời:

- "Xin ông đi về phía này. Tôi đang đứng ở đây. Và không có chuyện đùa giai với các Linh Hồn nơi Lửa Luyện Hình đâu!".

Nghe vậy, ông ta lầm bầm trong miệng, rồi đi thẳng vào vấn đề:

- "Bà có phải là người mà ông E. hiện về với bà không?".

Thì ra ông ta là người nhà của ông E. mà tôi đã thông truyền lại những gì ông E. nhắn gởi.

Ông E. muốn người nhà phải hoàn trả lại tài sản đã chiếm hữu cách bất chính.

Sau khi nghe tôi xác nhận, ông ta nổi giận đùng đùng, quát tháo ầm ĩ:

- "Tài sản nào đã chiếm hữu bất chính, mà chúng tôi phải hoàn trả lại?".

Tôi trả lời:

- "Tài sản nào thì tôi không biết. Ông E. chỉ nhờ tôi nói lại với người nhà như thế. Chính người nhà của ông E. phải biết rõ đâu là tài sản đã chiếm hữu bất chính và phải hoàn trả lại cho chủ nhân".

Vừa trả lời, tôi vừa nghĩ là ông ta biết rõ tài sản nào.

Thế rồi, theo lời ông ta nói, tôi biết ông là người không sống đạo và chỉ trích mọi người từ Đức Thánh Cha đến các Giám Mục, Linh Mục và Giáo Hội Công Giáo.

Tôi từ từ giải thích cho ông hiểu mọi chuyện.

 Ông dịu hẳn lại và nói:

- "Nếu quả đúng như vậy, tôi phải thay đổi cuộc sống. Tôi không tin tưởng nơi một Linh Mục nào hết, nhưng giờ đây, tôi phải bắt đầu đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, bởi vì, bà không thể nào biết được trong gia sản của chúng tôi, có những tài sản mà chúng tôi đã chiếm hữu cách bất hợp pháp. Kể cả các thân nhân họ hàng của chúng tôi, phần đông cũng không biết điều này..".

*****

Lần kia, Linh Hồn hiện về với tôi là một bà mẹ gia đình.

Linh Hồn nói:

- "Tôi bị giam cầm đền tội nơi Lửa Luyện Ngục trong vòng 30 năm trời. Lý do là vì tôi đã ngăn cản không cho phép con gái tôi gia nhập dòng tu".

Linh Hồn nói thêm:

- "Khi các bậc cha mẹ phải dâng con cho Chúa và khi Thiên Chúa gọi con cái vào chức vụ Linh Mục hoặc đời sống tu trì, mà cha mẹ ngăn cản, cha mẹ chịu một trách nhiệm vô cùng nặng nề...

Có rất nhiều người trẻ, đáng lý đã trở thành linh mục hoặc tu sĩ, nhưng không được cha mẹ cho phép. Các cha mẹ này phải trả lẽ nặng nề trước mặt Thiên Chúa".

*****

Một người đàn ông viết cho tôi rằng, vợ ông qua đời đã hơn một năm. Nhưng kể từ đó, đêm nào phòng ông cũng bị đập ầm ầm, không ngủ được. Ông xin tôi đến, xem có thể làm được gì giúp ông không.

Tôi nhận lời, nhưng nói trước là có lẽ tôi không làm được gì nhiều. Nếu vợ ông chưa được phép hiện về, đành phải phó thác mọi sự trong tay Chúa Quan Phòng.

Tôi đến và ngủ trong phòng đó. Vào khoảng 23 giờ 30 phút, tiếng đập cửa bắt đầu nổi lên. Tôi cất tiếng hỏi: "Linh Hồn muốn gì? Tôi có thể làm gì giúp cho Linh Hồn?".

Tôi không thấy ai cũng không nghe tiếng trả lời. Tôi nghĩ là bà này chưa được phép nói. Sau khoảng 5 phút, một con hà mã xuất hiện. Trông thật khủng khiếp. Tôi liền rảy nước thánh và hỏi:

"Tôi phải làm cách nào để giúp Linh Hồn?".

Vẫn không có tiếng trả lời. Tức khắc, xuất hiện một con rắn khổng lồ. Con rắn quấn chặt quanh con hà mã, như để bóp chết. Rồi cả hai con thú biến mất.

Tôi buồn rầu tự nhủ: "Không lẽ Linh Hồn này bị trầm luân đời đời sao?".

Một lúc sau, một Linh Hồn khác xuất hiện. Linh Hồn này an ủi tôi:

- "Đừng sợ. Bà ấy không bị rơi xuống hỏa ngục đâu. Nhưng bà bị một thứ hình phạt nơi Luyện Tội dữ dằn nhất. Lý do là khi còn sống, bà đã giữ mối hận thù triền miên với một phụ nữ khác. Phụ nữ này đã nhiều lần tìm cách xin lỗi và làm hòa, nhưng bà ấy nhất định từ chối, ngay cả khi bị bệnh nặng gần chết!".

Câu chuyện Linh Hồn trên đây cho thấy Thiên Chúa trừng phạt nặng nề những tội phạm lỗi đức bác ái, chống lại người thân cận.

(Maria Simma, "Les Âmes du Purgatoire m'ont dit", Editions Du Parvis, 1990).

-------------------------------

 

Bài 5: Làm phúc giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục

Chuyện Đời Đạo - Sách 11- Bài 238

Bạn thân mến,

Đức cha Ercoli Attuoni là Tổng Giám Mục giáo phận Fermo, thuộc Đông Bắc nước Ý. Ngài qua đời cách thánh thiện ngày 31-5-1941.

Khi còn sống, đức cha thường rao giảng và viết về một thói quen tốt lành, vẫn được thi hành trong Giáo Hội Công Giáo tại Ý thời bấy giờ.

Hàng năm, cứ vào 2-11, ngày cầu cho các tín hữu đã qua đời, mọi gia đình Công Giáo - đặc biệt là những gia đình Công Giáo khá giả - đều dành một phần thức ăn và vật dụng để làm phúc cho những người nghèo.

Công việc bác ái này được nhường lại cho các Đẳng Linh Hồn còn bị giam nơi Lửa Luyện Hình...

Và trong thời thơ ấu, đức cha Ercoli Attuoni đã từng sống nhờ của bố thí này, vì gia đình ngài thuộc một trong những gia đình nghèo nhất trong vùng.

Ercoli Attuoni sinh ngày 18-4-1875 tại Stazzema, thuộc tỉnh Lucca, miền Bắc nước Ý. Song thân là ông Cherubino và bà Gloriosa. Ercoli là một cậu bé ngoan ngoãn, chăm học và gan dạ. Nhưng gia đình cậu quá nghèo. Mỗi năm, vào ngày 2-11, Ercoli xách bị đi quanh làng để nhận của bố thí, đem về nuôi sống cả gia đình, đặc biệt trong mùa đông giá lạnh.

Những gia đình Công Giáo giàu có làng Stazzema chuẩn bị những bao hột bắp khô hoặc bột bắp, rồi để sẵn bên trong cửa ra vào. Khi các cậu bé của các gia đình nghèo đi qua, họ liền đổ vào bị cho các cậu. Bột bắp là thức ăn chính yếu của các gia đình nghèo miền Bắc nước Ý.

Giống như các cậu bé nghèo khác, Ercoli đi chân không, vai mang bị, vui tươi đến gỏ cửa các gia đình, vừa giàu có, vừa tốt bụng, đó là gia đình các bà Frasia, Betta, Luisetta và Giovanna. Đi đến đâu, cậu Ercoli cũng được mọi người quý mến đổ đầy bột bắp vào bao. Cứ mỗi lần như thế, Ercoli lại lễ phép cám ơn và thưa:

- "Xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho Ông Bà!”.

Rồi khi nào túi ăn xin đã đầy ứ, Ercoli vui mừng mang bị nhanh chân trở về nhà.

Khi đến cửa, cậu bé la thật lớn cho mẹ và cả nhà đều nghe:

- "Mẹ ơi, chiếc bị đầy kín miệng, không còn chỗ để bỏ thêm một hột nào nữa mẹ à!”.

Ngay chiều hôm đó, bà Gloriosa lấy bột bắp vừa xin được buổi sáng, chuẩn bị món ăn cho cả gia đình. Đây là thức ăn làm phúc... dành cho các Đẳng Linh Hồn.

Bù lại, ăn tối xong, toàn gia đình cùng nhau quỳ gối lần hạt Mân Côi và cầu nguyện cho tất cả các tín hữu đã qua đời.

Và gia đình nghèo nhưng đạo đức này - đã từng nhận lãnh ân phúc của các gia đình khá giả - được Chúa thương và chúc phúc.

Cậu bé nghèo Ercoli được một số ân nhân trong làng giúp đỡ.

Cậu xin gia nhập chủng viện và được chịu chức linh mục.

Linh mục Ercoli Attuoni sau đó trở thành một giám mục tài đức, giúp ích cho mọi người.

Nhưng đức cha Ercoli không bao giờ quên mình xuất thân từ một gia đình nghèo, sống nhờ của làm phúc vào ngày lễ cầu cho các Đẳng Linh Hồn, do đó, đức cha luôn khuyến khích mọi gia đình Công Giáo giàu có đừng bao giờ bỏ quên thói quen lành thánh này. Một thói quen vừa sinh ích cho các Đẳng Linh Hồn nơi Lửa Luyện Hình, vừa giúp đỡ các gia đình trong cơn túng bẫn. Đây là công việc bác ái rất đẹp lòng Chúa và được Chúa chúc lành.

.. "Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người...

Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng:

”Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các con ngay từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các con đã cho ăn; Ta khát, các con đã cho uống; Ta là khách lạ, các con đã tiếp rước; Ta trần truồng các con đã cho mặc; Ta đau yếu, các con đã thăm nom; Ta ngồi tù, các con đã đến thăm” (Matthêô 25, 31-36).

(Evaristo Cardarelli, ”Mese di Novembre”, Edizioni Cantagalli, Siena, 1992, trang 55).

----------------------------------

 

Bài 6: Thánh nữ Perpétua và các đẳng linh hồn

Chuyện Đời Đạo - Sách 11- Bài 239

Bạn thân mến,

Thánh nữ Perpétua là vị tử đạo thời danh của Giáo Hội Công Giáo, thuộc dòng quý tộc ở Carthage, Bắc Phi.

Gia đình thánh nữ được hồng ân lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chỉ trừ người cha.

Năm 203, Perpétua bị bắt cùng với đứa con thơ 8 tháng còn bú. Chính tay thánh nữ viết phần đầu những diễn tiến, hình khổ và chiến đấu trong thời gian giam cầm. Một người ẩn danh đã viết tiếp cuộc tử đạo của các vị anh hùng.

Thánh nữ Perpétua thuật chuyện trông thấy đứa em trai Dinocrate, 7 tuổi, chết trước đó không lâu và còn chịu thanh tẩy trong Luyện Ngục.

Mấy ngày, sau khi bị kết án tử hình, trong lúc chúng tôi đang cùng nhau cầu nguyện, thì bỗng tôi lớn tiếng gọi tên Dinocrate.

Tôi kinh hoàng sực nhớ mình đã quên bẵng đứa em trai quá cố.

Tôi âu sầu hồi tưởng cơn bệnh hiểm nghèo của em.

Tôi hiểu rằng, từ giờ phút này trở đi, tôi xứng đáng cầu nguyện cho em và tôi có bổn phận phải cầu nguyện cho em. Tôi tức khắc cầu nguyện cho Dinocrate và xin Chúa thương xót Linh Hồn em.

Đêm hôm ấy, tôi trông thấy Dinocrate bước ra từ một nơi tăm tối, trong đó còn có nhiều người khác nữa. Em bị nóng bức và bị khát, mặt mũi bẩn thỉu và nhợt nhạt. Nơi mặt em, vẫn còn vết khủng khiếp gây tử thương.

Dinocrate là em ruột tôi. Em chết lúc 7 tuổi vì bị ung thư nơi mặt. Cái chết của em làm mọi người hoảng sợ. Tôi đã cầu nguyện cho em. Lúc này đây, có khoảng cách quá lớn khiến chúng tôi không thể đến gần nhau. Nơi chỗ Dinocrate đứng, có một hồ đầy nước. Miệng hồ vượt quá đầu em. Em nhón cao gót, tìm hết cách để uống, nhưng không thể nào uống được. Tôi đau thắt ruột và cảm thấy thương em thật nhiều. Em bị khát nước, đứng cạnh hồ đầy nước, nhưng lại không thể nào uống nước được.

Khi chứng kiến đến đây, tôi giựt mình thức giấc. Tôi hiểu rằng, em tôi đang chịu đau khổ, nhưng cùng lúc tôi tin chắc chắn lời cầu nguyện của tôi sẽ giúp ích được em.

Tôi tha thiết cầu nguyện cho em mỗi ngày, cho đến lúc chúng tôi bị di chuyển từ nhà tù sang sân vận động. Nơi đây, chúng tôi bị đem ra làm trò chơi để mua vui, nhân ngày sinh nhật của vua César Géta. Tôi tiếp tục cầu nguyện ngày đêm cho em. Tôi khẩn thiết kêu xin Chúa mau giải thoát em khỏi Lửa Luyện Hình.

Vào ngày bị mang xiềng xích, tôi trông thấy cảnh tượng sau đây. Tôi thấy nơi tôi đã thấy Dinocrate, nhưng lần này em Dinocrate khoẻ mạnh, ăn mặc chỉnh tề và bình an. Nơi khuôn mặt, chỗ trước kia có vết thương, nay chỉ còn vết sẹo. Hồ nước cao lúc trước, nay miệng hồ hạ thấp xuống, ngang nơi thắt lưng Dinocrate, khiến em múc nước dễ dàng và uống liên tục. Trên miệng hồ có đặt sẵn chai nhỏ bằng vàng đầy nước. Sau khi uống đả khát, em đến bên hồ nước lấy nước vọc chơi, theo kiểu các trẻ em. Tôi giựt mình thức giấc. Tôi hiểu rằng hình khổ của em đã được đền xong.

“Ông Giuđa và các bạn chiến đấu của ông đi chôn cất những người chết. Đoạn ông quyên tiền, rồi gửi về thành Giêrusalem độ mười nghìn đồng bạc để xin dâng lễ đền tội, đây là một việc rất tốt đẹp và thánh thiện phát xuất bởi Đức Tin vào sự sống lại; vì nếu ông không nghĩ những người chết sẽ được sống lại thì cầu nguyện cho họ, ông sẽ cho là việc vô ích và dư thừa. Nhưng nếu ông cho rằng, một phần thưởng cao trọng đang chờ đợi những ai qua đời bằng yên sốt sắng, đó là một ý tưởng tốt lành và đạo đức, vì thế ông xin lễ đền tội cho những người đã chết để họ được tha thứ tội lỗi” (Sách Maccabê 2 12,43-46).

(Mgr. Victor Saxer, “Saints anciens d'Afrique du Nord”, T.P. Vaticana 1979, trang 46-47).

----------------------------------

 

Bài 7: Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục

Chuyện Đời Đạo - Sách 11- Bài 240

CHÚA NHẬT:

*** Hỡi các linh hồn thánh thiện trong luyện ngục, các ngài có nuối tiếc điểu gì về thế giới mà các ngài vừa từ giã không?

Tôi nuối tiếc cho thời giam đã mất. Tôi không bao giờ nghĩ rằng thời gian trên trái đất thật là quý giá chóng qua và không thể đền bù được. Nếu tôi biết trước thì lúc này tôi mới thấy thì giờ đáng quý biết bao! Tôi toàn quyền sử dụng thời giờ trong tình yêu Thiên Chúa, cho sự thánh hóa bản thân, cho sự cảm hóa tha nhân. Tôi đã dùng thời giờ để gây tội lỗi, để hưởng thụ, để làm việc. Bây giờ những thứ này làm tôi phải hối tiếc trong cay đắng. Ôi! thời gian đã mất, không còn hy vọng gì lấy lại được.

Hỡi các bạn còn sống trên trái đất, hãy thay mặt chúng tôi mà thánh hiến cho Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu một chút thời giờ mà Chúa ban cho bạn cách dồi dào và miễn phí để xin ân huệ cho chúng tôi. Chúng tôi xin cảm tạ các bạn trước.

BÓ HOA THIÊNG LIÊNG:

“Những nỗi thống khổ của các linh hồn nơi luyện ngục rất lớn, cho nên một ngày ở đó cũng như ngàn ngày đối với họ” (Thánh Vincent Ferrrier).

LỜI CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Chí Thánh, vì Máu cực châu báu của Chúa Giêsu đã đổ ra trong vườn Cây Dầu để cứu các linh hồn mồ côi trong luyện ngục, con nài xin Chúa hãy thương đưa các linh hồn vào nơi vinh quang, để Danh Chúa được tôn vinh và ngợi khen cho đến muôn đời.

Lạy Trái Tim dịu ngọt Chúa Giêsu, xin ban ơn cho chúng con để chúng con yêu mến Chúa ngày một hơn. (kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng, kinh Vực sâu).

----------------------------------

NGÀY THỨ HAI

*** Hỡi các linh hồn thánh thiện trong luyện ngục, các ngài có nuối tiếc điểu gì về thế giới mà các ngài vừa từ giã không?

Tôi nuối tiếc những quà tặng Chúa ban mà tôi đã phung phí: gia sản, sức khỏe, tài năng, vị thế xã hội… Lẽ ra, với tất cả những thứ ấy tôi đã có thể sử dụng như một phương tiện quý báu và hiệu quả để cứu rỗi các linh hồn và làm vinh danh Chúa. Những món quà ấy đã biến mất trong giờ tôi lìa đời! Than ôi! giờ đây nếu có những món quà chóng tan ấy, tôi sẽ ban tặng người khác để thêm vinh quang mà Chúa đã dành sẵn cho tôi trên thiên đàng và để truyền bá lòng tôn sùng Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu cho mọi người trên trái đất nhận biết Trái Tim Ngài.

Ôi, hỡi các bạn còn sống trên trái đất, các bạn còn nhiều của cải thế gian, các bạn sẽ chịu trách nhiệm… Hãy nghĩ lại đi… hãy dùng của cải cách chính đáng và cho những mục đích từ thiện. Hãy trả nợ cho những người còn sống và những người đã chết. Chúng tôi cảm tạ các bạn trước”

BÓ HOA THIÊNG LIÊNG:

“Bố thí mở rộng cửa thiên đàng” (thánh Gioan Chrysostom).

LỜI CẦU NGUYỆN

Lạy Trái Tim dịu ngọt Chúa Giêsu, xin ban ơn cho chúng con để chúng con yêu mến Chúa ngày một hơn. (kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng, kinh Vực sâu).

----------------------------------

NGÀY THỨ BA

*** Hỡi các linh hồn thánh thiện trong luyện ngục, các ngài có nuối tiếc điểu gì về thế giới mà các ngài vừa từ giã không?

Tôi nuối tiếc những ân huệ mà tôi đã khinh chê… những ân huệ dồi dào trong mỗi phút của đời sống tôi: Đạo Chúa, ơn thiên triệu, các bí tích, Lời Chúa, những nguồn hứng khởi thánh thiện, những gương sáng, những ơn lành Chúa tha thứ mọi tội lỗi của tôi. Ôi, bao nhiêu ân huệ mà tôi đã từ chối hay miễn cưỡng nhận lấy hoặc vùi dập. Ôi, ước gì tôi được tự do để uống nguồn ân huệ từ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu mà nhiều kẻ tội lỗi và khờ khạo đã khinh chê.

Ôi, những người còn sống trên trái đất, hãy lắng nghe lời thánh Maria Margarita từ thiên đàng: Không có ai trên thế giới mà không cảm nhận được ơn lành nếu họ biết cảm tạ tình yêu Chúa và tỏ lòng thờ phượng Trái Tim Cực Thánh Ngài.

Chúa phán với bà thánh Gertrude: “Hễ lần nào con cứu được một linh hồn ra khỏi lửa luyện tội thì Cha vui mừng dường như con đã cứu lấy chính Cha khỏi lửa ấy vậy”.

BÓ HOA THIÊNG LIÊNG

“Ích lợi của một ân huệ nhỏ còn lớn hơn tất cả tài sản của toàn thế giới này” (Thánh Thomas Aquino).

LỜI CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Chí Thánh, vì máu cực thánh Chúa Giêsu đã đổ ra khi Ngài chịu đội mão gai cách đau đớn, con nài xin Chúa hãy giải thoát các linh hồn, nhất là những linh hồn phải ra sau cùng khỏi nơi thống khổ này, để các ngài sớm ca ngợi Chúa trong vinh quang và hưởng ơn lành nơi thiên đàng. Amen.

Lạy Cha Hằng Hữu, con xin kính dâng Cha Máu cực Thánh Chúa Giêsu để chuộc tội lỗi con và xin cho những nhu cầu của Giáo Hội thánh thiện. (kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng, kinh Vực sâu).

----------------------------------

NGÀY THỨ TƯ

*** Hỡi các linh hồn thánh thiện trong luyện ngục, các ngài có nuối tiếc điểu gì về thế giới mà các ngài vừa từ giã không?

Tôi nuối tiếc những điếu xấu xa mà tôi đã làm… Lúc ấy sao mà dễ dàng phạm tội quá! Tôi đã nhận chìm những hối lỗi trong lạc thú. Bây giờ sức mạnh của những điều xấu xa làm tôi tàn tạ. Sự cay đắng của những điều đó là nỗi đau khổ của tôi. Ký ức về những điều xấu đang theo đuổi tôi và làm tâm hồn tôi tan nát. Giờ đây thật là trễ để hiểu được những hậu quả tai hại của lỗi lầm và sai trái. Ôi, nếu có thể trở lại cuộc sống, thì những lời hứa hẹn, lạc thú, giầu có… không một thứ gì có thể lôi cuốn tôi phạm tội, dù rất nhỏ.

Ôi, các bạn đang còn được hưởng sự tự do lựa chọn giữa Thiên Chúa và thế giới, hãy nghĩ đến những gai nhọn, thánh giá và lửa nóng đã hành hạ Trái Tim Chúa Giêsu. Những điều này nhắc nhở cho ta rằng tội lỗi của chúng ta đã làm cho Chúa đau đớn và nhức nhối. Hãy nhớ đến nỗi nuối tiếc quá chạm trễ và đau đớn về tội lỗi minh khi bị giam trong luyện ngục. Bây giờ thật là dễ dàng để xưng hết tội lỗi trong quá khứ, qua bí tích Hòa Giải và để tránh không mắc phạm lại trong tương lai.

BÓ HOA THIÊNG LIÊNG

“Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?” (Mc 8, 36).

LỜI CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Chí Thánh, vì Máu Cực Thánh Châu Báu Chúa Giêsu đã đổ ra trên đường tử nạn khi Ngài phải vác thập giá trên đôi vai cực thánh của Ngài, con nài xin Chúa hãy giải thoát các linh hồn nơi luyện ngục, nhất là những linh hồn cần lòng Chúa thương xót hơn. Xin cho họ được hưởng phần thưởng cao trọng để họ ngợi khen danh Chúa đời đời. Amen.

Giêsu, Maria, Giuse, con dâng cho Thánh Gia trái tim con, linh hồn con và cả cuộc đời con. Xin cứu vớt con khi phải lâm cảnh thống khổ cuối đời. Xin cho con được chết bình an trong tay Thánh Gia. (kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng, kinh Vực sâu).

----------------------------------

NGÀY THỨ NĂM

*** Hỡi các linh hồn thánh thiện trong luyện ngục, các ngài có nuối tiếc điểu gì về thế giới mà các ngài vừa từ giã không?

Tôi nuối tiếc về những lời gièm pha, nói xấu mà tôi đã gây ra. Tôi nuối tiếc vì tôi đã phạm tội! Tôi ước gì những hậu quả của việc gièm pha chấm dứt khi tôi chết. Nếu có thể được, tôi xin ngưng lại hố thẳm diệt vong mà rất nhiều linh hồn còn trên trái đất sẽ phải rớt xuống vì những việc họ làm do gương xấu của tôi. Vì tôi mà họ sẽ tiếp tục làm những việc sai trái này trong một thời gian rất lâu. Tôi phải chịu trách nhiệm trong việc tạo ra những tội lỗi này.

Ồ, bạn đến thăm tôi, bạn được Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu dẫn dắt và Ngài đã chiếu tỏa ánh sáng chói lọi trong đôi mắt tôi. Hãy hợp tác với ân huệ của Ngài và hãy tìm đến để thực hiện ước mơ của Trái Tim Ngài vì chỉ có Trái Tim Ngài là cách dễ dàng và chắc chắn nhất để hoán cải cái linh hồn mà tôi đã dẫn dắt lạc lối khi còn sống trên trái đất.

BÓ HOA THIÊNG LIÊNG

”Hãy làm theo công việc Ngài giao cho”

LỜI CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Chí Thánh, vì Máu Cực Thánh Châu Báu Chúa Giêsu đã đổ ra trong buổi chiều Ngài chịu khổ nạn để hiến mạng sống làm hy lễ, con nài xin Chúa hãy giải thoát những linh hồn trong luyện ngục, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn. Xin cho họ ca ngợi Chúa muôn đời nhờ công nghiệp con yêu dấu Chúa là Chúa Giêsu Kitô Amen.

Ôi, lạy chúa Giêsu đầy lòng thương xót và tha thứ, xin thương xót con! (kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng, kinh Vực sâu).

----------------------------------

NGÀY THỨ SÁU

*** Hỡi các linh hồn thánh thiện trong luyện ngục, các ngài có nuối tiếc điểu gì về thế giới mà các ngài vừa từ giã không?

Tôi nuối tiếc vì tôi đã không ăn năn hối lỗi đủ. Lúc con sống, thật là dễ dàng để thống hối, giờ đây, thật là đau khổ trong lửa luyện tội này. Mọi nỗi thống khổ trên trái đất không thể sánh với một nỗi đau khổ nhỏ ở lửa luyện ngục. Lẽ ra lúc ấy tôi phải khiêm nhường mà chấp nhận mọi đau khổ và nghịch cảnh, lẽ ra tôi phải từ bỏ chính mình và bố thí qua các công việc từ thiện.

Ôi, hỡi các bạn đang đau khổ trong nước mắt, hãy vui mừng và chấp nhận với thái độ của một Kitô hữu. Nếu ta chịu đau khổ để làm vui lòng sự công thẳng Chúa và dâng hiến lên Trái Tim cực Thánh Chúa với một tâm tình đền tội, các bạn sẽ làm giảm thiểu thời gian lâu dài và đau đớn trong luyện ngục.

BÓ HOA THIÊNG LIÊNG

“Chúng ta hãy thực hành những hoa quả của việc thống hối”.

LỜI CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa chí Thánh, vì Mình Thánh và Máu Cực Thánh Châu Báu Chúa Giêsu đã đổ ra trên Thánh Giá, đặc biệt là những vết thương nơi chân thánh thiện của Ngài, con nài xin Chúa hãy giải thoát những linh hồn trong luyện ngục, đặc biệt là những linh hồn mà con đã hết sức cầu nguyện cho họ, để rồi không phải vì tội của con mà Chúa không cho họ lên thiên đàng. Xin cho họ ca ngợi Chúa muôn đời. Amen.

Ôi, lạy Trái Tim dịu ngọt và khiêm nhường Chúa Giêsu, xin làm cho trái tim con giống như Trái Tim Chúa. (kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng, kinh Vực sâu).

----------------------------------

NGÀY THỨ BẢY

*** Hỡi các linh hồn thánh thiện trong luyện ngục, các ngài có nuối tiếc điểu gì về thế giới mà các ngài vừa từ giã không?

Tôi nuối tiếc vì tôi đã không bố thí đủ để cầu xin cho các linh hồn dưới luyện ngục: những lời cầu nguyện ăn năn thống hối, công tác từ thiện, chịu Mình Thánh Chúa, dự Thánh lễ, yêu mến Thánh Tâm Chúa… Lúc ấy, tôi có đủ phương tiện để an ủi các linh hồn đáng thương trong luyện tội, bị giam giữ trong lửa, trong tối tăm và đau khổ.

Nếu tôi đã hành động tốt hơn để nhớ đến họ thì tôi đã nhận được bao nhiêu là hồng ân cao cả để xa lánh tội lỗi. Bắng cách ấy tôi đã có thể tránh khỏi thời gian thanh luyện lâu dài và đau đớn trong luyện tội.

Ôi, nếu có thể trở về trái đất, tôi sẽ tham dự đầy đủ các Thánh lễ. tôi sẽ dự lễ để cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi. Tôi sẽ cầu nguyện với thiên đàng để xin theo ý chỉ của các Ngài. Than ôi! tôi không còn làm được những việc ấy, nhưng bạn có thể làm”.

BÓ HOA THIÊNG LIÊNG

“Trong công lý, chúng ta phải chịu đau khổ”.

LỜI CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Chí Thánh, vì Mình Thánh và Máu Cực Thánh Châu Báu Chúa Giêsu đã đổ ra từ trái tim và vì Mẹ Thánh Ngài là chứng nhân ơn cứu độ, con nài xin Chúa hãy giải thoát những linh hồn nơi luyện tội, nhất là những linh hồn không biết đến Nữ Vương cao cả, để họ bước vào vinh quang càng sớm càng tốt và ngợi khen Chúa qua Mẹ đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Lạy Mẹ Maria là đấng Vô Nhiễm Nguyên tội, xin Mẹ ban cho con ơn lành của Chúa là rời bỏ thế gian không con vấn vương tội lỗi. (kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng, kinh Vực sâu).

----------------------------------

KINH CẦU CHO CÁC LINH HỒN NƠI LUYỆN NGỤC

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con,

Hôm nay, chúng con xin dâng lên Cha các linh hồn nơi luyện ngục. Xin Cha nhận chìm họ trong đại dương thương xót của Cha. Xin hãy để nguồn máu thánh Con Cha làm dịu bớt ngọn lửa hồng đang thiêu đốt họ. Tất cả những linh hồn này đã được Cha hết dạ thương yêu. Họ đang phải đền trả trước sự công chính của Cha. Chỉ chúng con mới có khả năng giúp họ phần nào đem lại sự giải thoát. Xin Cha hãy lãnh nhận mọi ân xá từ kho tàng của Giáo hội dâng lên Cha, để tha thứ cho họ mọi cực hình.

Ôi, nếu chúng con hiểu thấu được những cực hình mà họ đang phải chịu, chắc chúng con không ngừng làm các việc phúc đức dâng tiến Cha thay cho họ, và giúp họ đền trả sự công chính của Cha.

Lạy Chúa Giêsu đầy tình thương xót, Chúa đã phán: Các con hãy xót thương như Cha các con trên trời là Đấng xót thương. Xin trái tim từ bi Chúa che chở các linh hồn nơi luyện ngục, những linh hồn mà Chúa rất mực thương yêu, mà nay họ đang phải đền tội cho sự công bình của Chúa. Nguyện xin máu cùng nước chảy ra từ trái tim Chúa dập tắt lửa luyện ngục, để các linh hồn đó cũng được ngợi khen lòng thương xót Chúa đến muôn đời.

Từ sức nóng kinh hoàng của lửa luyện ngục, họ đang cất cao lời kêu xin lòng từ bi Chúa,/ xin cho họ nhận được sự an ủi, sự tươi mát và giải thoát, trong nguồn mạch máu hoà lẫn nước.

Lạy Cha hằng hữu, xin Cha đoái thương các linh hồn nơi luyện ngục, vì họ được bao bọc trong tình yêu của Chúa Giêsu.

Chúng con nài xin Cha, vì cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Con một Cha ,và vì mọi nỗi đắng cay ngập tràn trong linh hồn mà xưa kia Con Cha đã chịu, xin Cha thương xót những linh hồn đã trải qua cuộc phán xét nghiêm minh.

Xin Cha đoái thương họ, qua những thương tích của Chúa Giêsu, để họ được hưởng Tôn Nhan Cha, trong vinh phúc muôn đời. Amen.

------------------------------

 

Bài 8: Sự cần kíp phải cầu nguyện cho các đẳng linh hồn


----------------------------------

Bạn thân mến,

Truyền thống cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước:

Sách Macabêô, quyển thứ hai ghi lại như sau:

“Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này, vì cho rằng người chết sẽ sống lại.

Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,43-46).

*****

Giáo Hội từ những thế kỷ đầu, cũng đã có cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.

Thánh Augustinô, thế kỷ IV, đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.”

Các dòng tu đặc biệt quan tâm đến việc này.

- Thánh Ôđilô, Tu viện trưởng Dòng Cluny, vào giữa thế kỷ XI (1048) đã có sáng kiến cho dòng của ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời vào ngày 2/11, ngay sau lễ Các Thánh. Sáng kiến này được Giáo Hội đưa vào lịch Phụng vụ Rôma.

- Công Đồng Triđentinô (1545-1563) nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.

Vì thế, Giáo Hội dùng cả tháng 11 để cầu nguyện cho các linh hồn, được bắt đầu bằng Lễ Các Đẳng Linh Hồn vào ngày 2 tháng 11.

Nhiều nơi trên thế giới vẫn gọi tháng 11 là tháng cầu cho các đẳng linh hồn.

Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng, con người sau khi chết sẽ xảy ra ba tình trạng: lên Thiên Đàng, xuống Hoả Ngục hay vào Luyện Ngục.

- Khi một người sống theo luân lý Công Giáo, luôn kính sợ Thiên Chúa và sống theo giới răn của Ngài, thì Thiên Đàng là phần thưởng Thiên Chúa dành cho họ, vì công trạng và sự mong ước của họ khi còn sống. Thiên Đàng là hạnh phúc bất diệt, là sự sống đời đời và là sự hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa, với các Thiên Thần, và với các Thánh.

- Khi còn sống những ai đã từ chối ân sủng của Thiên Chúa, những ai biết tỏ tường điều tốt xấu, nhưng vẫn cố tình phạm tội, chống lại Thiên Chúa và tha nhân, để chọn điều xấu, thì Hỏa Ngục là nơi dành cho họ.

- Sách Giáo Lý Công Giáo định nghĩa: Luyện Ngục là nơi dành cho “những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa với Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết, hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng” (số 1030).

*****

Có một điều là những linh hồn nơi luyện hình không thể cầu nguyện cho chính họ, và họ phải cậy nhờ hoàn toàn vào lòng thương xót và lời cầu nguyện của những người đang còn sống.

Ngay từ thuở đầu, Giáo Hội luôn cầu nguyện cho những người qua đời, đặc biệt trong Thánh Lễ và các phụng vụ chung. Tất cả các Kinh Nguyện Thánh Thể đều có phần cầu nguyện cho các linh hồn.

Chẳng hạn, Kinh Nguyện Thánh Thể ghi rằng:

“Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa.”

Cha Piô năm dấu thánh kể câu chuyện sau đây, cho thấy sự cần kíp phải cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

“Một buổi tối, lúc cầu nguyện một mình nơi nhà nguyện, thỉ bỗng tôi trông thấy một thầy trẻ tuổi, đứng nơi bàn thờ chính. Thầy có vẻ như đang lau chùi các chân nến và sửa lại các bình hoa. Lúc ấy là giờ ăn tối. Tôi đinh ninh người lo bàn thánh chính là thầy Leone nên tôi tiến lại gần và nói:

- Thầy Leone à, đang giờ ăn tối, thầy xuống phòng ăn đi, chứ đâu phải giờ lau bụi và sửa soạn bàn thánh!

Nhưng một giọng nói không phải của thầy Leone trả lời:

- Con không phải thầy Leone!

Tôi hỏi lại:

- Vậy thầy là ai?

Tiếng nói trả lời:

- Con là tu sĩ cùng dòng với Cha và từng là tập sinh sống ở Tu Viện này. Đức vâng lời dạy con phải luôn luôn giữ gìn bàn thánh thật sạch và thật ngăn nắp. Đáng tiếc, con thường bê trễ trong bổn phận và thiếu lòng tôn kính đối Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm. Chính vì tội thiếu tôn thờ cách trầm trọng này, mà cho đến nay, con vẫn còn bị hình phạt trong Lửa Luyện Hình.

Nhưng giờ đây, Thiên Chúa Từ Nhân, trong lòng thương xót vô biên của Ngài, cho phép con hiện về với Cha. Chính Cha là người có thể thu ngắn thời gian con phải chịu giam cầm trong Lửa Luyện Ngục. Xin Cha vui lòng giúp con.

Tôi nghĩ mình quả thật quảng đại đối với Linh Hồn đang đau khổ nơi Lửa Luyện Tội, khi nhanh nhẹn hứa rằng:

“Anh sẽ chỉ còn ở trong Lửa Luyện Tội cho đến sáng mai lúc dâng Thánh Lễ”.

Nào ngờ Linh Hồn này thét lên: “Thật là tàn nhẫn!”.

Thét xong câu đó Linh Hồn biến đi. Tiếng than khóc kinh khiếp của Linh Hồn như lưỡi gươm đâm xuyên trái tim tôi. Tôi thật đau đớn và mãi mãi như nghe tiếng thét vang vọng bên tai.

Tôi, nhờ sự ủy quyền đặc biệt của Thiên Chúa, có thể giúp Linh Hồn đi thẳng về Trời. Trái lại, tôi đã kết án giam giữ Linh Hồn ở lại trong Lửa Luyện Ngục thêm một đêm nữa, cho tới sáng mai!

Nguồn: Vietcatholic

----------------------------------

 

Bài 9: Tháng 11, tháng cầu nguyện cho các linh hồn

Chuyện Đời Đạo - Sách 11- Bài 242

Bạn thân mến,

Tháng 11 được Giáo Hội dành để cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục và dạy ta: nếu muốn khỏi xuống luyện ngục sau khi chết, thì bao lâu còn sống trên đời, hãy chịu khó làm việc đền tội và ra sức cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục.

Để nhắc nhở ta sốt sắng làm hai việc trên này, ta hãy suy gẫm một chút về 5 vấn đề sau đây:

1. Về tín điều luyện ngục

Có luyện ngục! Đó là một tín điều phù hợp với đức công bằng và lòng từ bi của Thiên Chúa.

a. Công Đồng Vatican II chia Dân Chúa làm ba thành phần: "Trong các môn đệ Chúa Kitô, có những kẻ tiếp tục cuộc hành trình nơi trần thế; có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện; và có những kẻ được hiển vinh đang chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong Ba Ngôi cực thánh. Cả ba thành phần đều hiệp thông với nhau trong cùng một đức mến Chúa yêu người" (LG 49).

b. Kinh Thánh không dùng tiếng luyện ngục, nhưng cho ta thấy thực tại của luyện ngục, như khi Chúa Giêsu dạy: Có những tội được tha ở đời này, và có những tội được tha ở đời sau (Mt 12,32). Và ta thấy rõ: không thể nào được tha trong hỏa ngục, thì hẳn là được tha trong luyện ngục. Và như vậy là có luyện ngục.

c. Thánh Phaolô cũng bảo: có kẻ được cứu rỗi, nhưng phải qua ngọn lửa (1Cor 3,15), tức là lửa luyện ngục.

d. Giuđa Macabê khi thắng trận Gorlias, đã quyên tiền gởi về Giêrusalem, xin dâng lễ đền tội cho các lính tử trận, để họ được tha tội (2Mac 12,43-45), thì hẳn là họ ở luyện tội.

e. Có lạ gì, xưa nay trong Giáo Hội Công giáo, các linh mục cũng như giáo dân vốn năng cầu nguyện và dâng lễ chỉ cho các linh hồn nơi luyện ngục.

Phụng vụ đã đặt lễ các linh hồn vào ngày 2/11, ngay sau lễ Các Thánh; lại dành cả tháng 11 để cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục.

2. Những linh hồn nào phải xuống luyện ngục?

a. Sách Giáo Lý công giáo chúng ta, ở số 123 có hỏi: "Những ai phải vào luyện ngục?" Và ta thưa: "Những người chết khi có ơn nghĩa cùng Chúa, nhưng còn mắc tội nhẹ, hay chưa đền hết hình phạt bởi tội, thì phải vào luyện ngục mà đền cho hết, mới được lên thiên đàng".

Ta biết: mỗi tội ta phạm đều có hình phạt kèm theo (coulpe et peine: tội và vạ). Khi ta xưng tội, thì được khỏi tội, nhưng còn phải đền hình phạt, do linh mục bảo đền một phần, do ta tiếp tục đền sau.

Vậy linh hồn phải xuống luyện, là khi chết ở trong tình trạng sạch mọi tội trọng, chỉ có tội nhẹ chưa được tha, hay là những hình phạt bởi tội đã được tha, nhưng chưa đền xong. Cho nên phải vào luyện tội đền cho xong, mới được lên thiên đàng.

b. Ta cũng thấy Giáo Hội đã trù liệu các phương tiện cần thiết để giúp những người lâm chung (sắp chết), được thanh tẩy linh hồn hoàn toàn trong sạch, trước khi từ giã đời này. Cho nên, thường các bệnh nhân nguy tử được chịu 3 bí tích một trật: xưng tội, chịu phép xức dầu, chịu lễ như của ăn đàng; lại được lãnh một ơn đại xá, để thanh toán tất cả các hình phạt bởi tội mà chưa đền xong. Và như vậy, có chết là được lên thiên đàng ngay, khỏi phải qua luyện ngục.

Nhưng trong thực tế, vì lẽ này lẽ nọ, nhiều người lâm chung, không biết triệt để lợi dụng các phương tiện thanh tẩy của Giáo Hội; nên khi chết, còn phải vào luyện ngục, để đền cho xong.

3. Linh hồn ở luyện ngục phải chịu những hình khổ gì?

a. Các linh hồn nơi luyện ngục phải khổ nhất là không được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, là nguồn hạnh phúc của họ.

Ở đời này, người ta bị bao vui thú quyến rũ, mà những người lành còn khát khao Thiên Chúa, như thánh Augustinô dạy:

"Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con thao thức không ngừng, cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa" (Fecisti nos ad Te, Domine, et inquietum est cor nostrum, donec requiscat in Te" (Tự Thuật I,1).

Huống chi là, khi ở luyện ngục, người ta không còn bị cái gì thu hút nữa, chỉ còn một mình Thiên Chúa, thì sự khao khát đó sẽ tới mức nào!

b. Đàng khác, các linh hồn còn phải chịu nóng nảy, tối tăm, khổ cực gần như ở hỏa ngục vậy. Vì thế, trong kinh nguyện Thánh Thể thứ I, Giáo Hội cầu cho các linh hồn ấy rằng: "Lạy Chúa, chúng con xin Chúa thương ban cho các linh hồn ấy và tất cả những người nghỉ an trong Chúa Kitô được vào nơi mát mẻ, ánh sáng và bình an".

c. Có điều rất an ủi các linh hồn ấy, là các ngài biết mình kính mến Chúa và biết Chúa thương yêu mình.

Lại xác tín rằng: các hình khổ đó chỉ nhằm mục đích thanh luyện mình để được hoàn toàn trong sạch mà thôi. Cho nên các ngài không buồn chán, mà còn ước ao chịu khổ để chóng được lên thiên đàng. Đồng thời các ngài ước ao chúng ta giúp đỡ lắm.

4. Ta có phải giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục không?

a. Giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục là giữ luật buộc ta phải thi hành mầu nhiệm "các thánh cùng thông công".

Thánh Phaolô đã dạy: "Trong một thân mình, một chi thể đau, thì các chi thể khác cũng phải đau lây; một chi thể được vinh dự, thì các chi thể khác cũng được hưởng nhờ" (1Cor 12,26).

Việt Nam ta cũng có câu: "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ".

b. Cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục còn là một nghĩa vụ công bằng, đối với cha mẹ, bà con, ân nhân, bạn hữu và những kẻ đã vì ta mà phải xuống luyện ngục.

c. Cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục, là các chi thể đau khổ của Chúa Kitô, tức là giúp Chúa, như chính Ngài đã dạy:

"Mỗi khi các ngươi làm các việc ấy cho một kẻ bé mọn nhất trong các anh em Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta" (Mt 25,40).

Và ta biết: làm cho Chúa thì được trả công bội hậu dường nào. Chúa lại đã cho ta một qui tắc tốt: "Các con muốn người ta làm cho các con thế nào, thì các con hãy làm cho người ta như vậy" (Mt 7,12).

Nhà nho cũng nói: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân: điều gì mình không muốn người ta làm cho mình, thì cũng đừng làm cho người ta". Ta giúp các linh hồn, thì các linh hồn cũng sẽ giúp lại ta.

5. Ta có thể giúp các linh hồn ấy cách nào?

Có 4 cách này:

a. Một là hãy năng cầu nguyện cho các linh hồn ấy, hợp với kinh nguyện của Giáo Hội, là trong lễ an táng, lễ giỗ 30 ngày, 100 ngày và hằng năm.

b. Hai là năng dâng các việc lành của ta chỉ cho họ như: ăn chay, hãm mình, bố thí, chu toàn phận sự, chịu các đau khổ gặp phải hằng ngày, vv...

c. Ba là cách tốt nhất, là dâng lễ và xin lễ cầu nguyện chỉ cho họ.

d. Bốn là lãnh ơn xá chỉ cho họ.

Ta biết: mỗi ngày ta có thể lãnh rất nhiều tiểu xá, gắn liền với các việc lành ta làm; nhưng phải có ý lãnh tất cả các ơn xá đó khi đọc kinh dâng ngày, lúc thức dậy, có ý chỉ cho các linh hồn.

Còn ơn đại xá, thì mỗi ngày, chỉ lãnh được một mà thôi, tức là phải làm việc có ơn đại xá, với 3 điều kiện, là xưng tội, rước lễ và cầu theo ý Đức Giáo Hoàng.

- Xưng tội, thì chỉ cần xưng 15 ngày một lần, đủ cho được lãnh đại xá mỗi ngày, miễn là ta làm việc có ơn xá trong tình trạng sạch tội trọng.

- Rước lễ, thì làm chính ngày mình muốn lãnh ơn đại xá.

- Cầu theo ý Đức Giáo Hoàng là đọc 1 kinh Lạy Cha và 1 kinh Tin Kính, chỉ cho Đức Giáo Hoàng, cũng chính ngày mình muốn lãnh ơn đại xá.

- Ta biết: giá trị ơn đại xá là tha hết các hình phạt đáng chịu vì tội đã phạm và đã được tha. Cho nên một linh hồn nào ở luyện ngục, mà được nhờ một ơn đại xá, thì được lên thiên đàng ngay lập tức.

*****

Vậy trong tháng 11 này, ta hãy sốt sắng cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục và thúc giục giáo hữu ta làm như vậy nữa.

Vì cách tốt nhất để dọn mình chết lành và chết "được lên thiên đàng thẳng rẵng", như thánh Dũng-Lạc đã ước ao, là khi còn sống ở đời này, hãy làm việc đền tội nhiều và hãy hết sức cứu giúp các linh hồn ở luyện ngục, bằng các việc lành phúc đức. Đó là mua chuộc nhiều bạn hữu, để khi ta chết, họ "đón ta vào cung điện đời đời", như Chúa đã dạy (Lc 16,9).

Chớ gì được như vậy!

Đức Cố Giám Mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ

----------------------------------

 

Bài 10: Những câu chuyện về tháng Các Đẳng Linh Hồn

Chuyện Đời Đạo - Sách 11- Bài 243
Nguồn: https://hddaminhthanhlinh.net/a3169/nhung-cau-chuyen-ve-thang-cac-dang-linh-hon-4#1

Bạn thân mến,

Một chân lý, mà mọi người chúng ta ai cũng đều biết rõ là:

Con người có ngày sinh ra, thì cũng có ngày phải chết để vào cõi vĩnh hằng.

Tuy nhiên hầu như ai cũng sợ chết.

- Một nhà tỷ phú người Mỹ là William Randoph Hearst, chủ nhân của nhiều tờ báo và phim trường ở Ho-ly-wood hồi trước thế chiến thứ hai.

Tuy rất giàu có và thành đạt, nhưng ông lại rất sợ chết. Ông đã ra lệnh cho các nhân viên dưới quyền, không ai được nhắc đến chữ “chết” trước mặt ông. Ai lỡ miệng nói ra, sẽ lập tức bị đuổi việc.

Ông là người thông minh tài giỏi và luôn thành công trong mọi việc làm, nhưng lại không dám đối mặt với sự thật phũ phàng là sự chết !

Quả thật, dù không muốn nhắc đến cái chết, nhưng cuối cùng, cái chết lại vẫn tìm đến với ông:

Ngày nọ, ông đang hăng say làm việc, thì tự nhiên lăn đùng ra chết “bất đắc kỳ tử”, do đứt mạch máu não. Ông chết đi để lại cho hậu thế một toà lâu đài to lớn, được dùng làm điểm du lịch nổi tiếng ở bang Ca-li-for-ni-a Hoa Kỳ.

*****

Trong tai nạn máy bay boeing 747 của hãng hàng không Nhật bản vào ngày 12-8-1985 đã khiến 520 người thiệt mạng.

Điều đáng nói là phi hành đoàn, cũng như hành khách trên chiếc Boeing 747 này, đã biết máy bay của họ gặp phải sự cố:

Phi công không thể điều khiển được hướng đi và mọi người chỉ còn một ít thời gian trước khi máy bay bị rớt.

Khi hay biết điều này, có mấy người hành khách đã vội lấy giấy bút ra ghi lời trăn trối của họ trước lúc chết.

– Người thứ nhất là ông Kawaguchi, đã viết nguệch ngoạc được mấy lời trăn trối trên cuốn lịch nhỏ bỏ túi. Ông viết cho vợ như sau: “Thôi, vĩnh biệt người vợ thân yêu! Em hãy thay anh chăm sóc cho các con em nhé !”.

Tiếp đến ông khuyên 3 đứa con, hai gái một trai rằng: “Các con hãy sống hòa thuận yêu thương nhau, hãy chăm chỉ làm việc để giúp mẹ lo cho gia đình mình nhé”.

Riêng với cậu con trai út tên Tsuyoshi, ông viết: “Ba đặt nhiều hy vọng nơi con. Hỡi con trai yêu quý của ba !”.

– Người thứ hai viết lời trối, là kiến trúc sư Kazuo Yoshimura: Ông chỉ viết được mấy chữ trên một tờ giấy vở: “Tôi muốn cả gia đình mình luôn bình an mạnh khỏe”.

– Người thứ ba là một nhà kinh doanh tên là Masakazu Tamguchi đã viết cho vợ như sau: “Vĩnh biết em yêu. Em hãy thay anh nuôi dưỡng chăm sóc mấy đứa con của chúng ta, em nhé”.

Như vậy, điều mà mọi người đều quan tâm trước khi chết là lo cho những người thân đang còn sống như cha mẹ, vợ con…

Những con người mà họ đang có bổn phận phải che chở giữ gìn, mà nay khi cái chết đến gần, họ không thể tiếp tục lo nữa, nhưng họ vẫn mong cho những người đó được hạnh phúc.

Có những người chết đã không thể nhắm mắt được khi còn quá nhiều những việc bổn phận chưa thể lo chu toàn.

*****

Một ông vua kia muốn làm cho viên quan cận thần nổi tiếng là thông minh tài trí phải xấu hổ.

Nhân dịp sắp tới một lễ hội, vua ra lệnh cho viên quan này phải mang về cho vua một vật, mà kẻ đang vui nhìn thấy sẽ buồn sầu, và người đang buồn khi nhìn thấy sẽ lại vui tươi.

Khi ngày hội gần đến, viên quan rất buồn vì vẫn chưa tìm ra một vật giống như ý vua.

Ông liền quyết định đi đến một nơi nghèo nhất kinh thành, khi đi qua một ông lão bán hàng rong, viên quan dừng lại hỏi ông lão “có vật nào” có tác dụng như thế không.

Nghe xong, ông lão bèn đưa cho viên quan ấy một cái vòng.

Vị quan nhìn vào thấy có một dòng chữ hiện ra, khiến ông mỉm cười vui sướng.

Lễ hội đến, nhà vua chắc rằng viên quan kia sẽ bị một vố bẽ mặt.

Thế nhưng khi được gọi, viên quan thông thái kia đã ung dung bước vào chầu vua, tay cầm theo một cái vòng và dâng lên cho nhà vua, trước sự ngơ ngác của triều thần hiện diện.

Nhà vua cầm cái vòng lên với nụ cười trên môi, nhưng khi thấy dòng chữ trong chiếc vòng hiện ra, thì nụ cười lập tức biến mất.

Dòng chữ trong chiếc vòng ấy như sau: “Mọi sự rồi sẽ qua đi”.

Điều này nhắc nhở cho vua và mọi người về giới hạn của mọi sự: Vinh hoa, phú quý, sắc đẹp, mọi sự đều có ngày sẽ biến mất theo quy luật ngàn đời:

“Phù hoa nối tiếp phù hoa. Trần gian tất cả chỉ là phù hoa”.

*****

Có một loài hoa tên là Lưu Ly có các màu là: tím, trắng, xanh hoặc vàng hòa quyện cùng nhau rất đẹp, và người ta hay hái hoa này để tặng nhau.

Các đôi trai gái gọi tên loài hoa này là ” Forget me not – Xin đừng quên tôi”.

Ngày xưa có một đôi nam nữ yêu nhau. Vào một sáng mùa xuân, hai người dắt nhau đi dạo chơi bên bờ một con suối, có nhiều hoa Lưu Ly mọc dày.

Trong khi chàng trai đang đứng ngắm nhìn dòng thác đổ, thì cô gái lại say sưa đi hái những nhánh hoa Lưu Ly. Cô không ngại nhoài người bên bờ suối để cố hái được mấy nhành hoa đẹp. Chẳng may cô bị trượt chân té ngã xuống dòng suối và bị nước cuốn trôi đi. Khi bị té, cô vẫn đang nắm những nhành hoa Lưu Ly trong tay và đã vừa ném những hoa đó lên bờ, vừa nói to lên rằng: “Xin đừng quên em”.

*****

Một trong những câu chuyện hay dạy đời là câu chuyện “Ông vua giầu có với chú hề” như sau:

“Có một ông vua kia sống một cuộc đời giầu sang phú quí. Ông sống như không hề quan tâm đến tương lai của mình. Ông cũng chẳng hề quan tâm xem có thế giới mai sau hay không?

Trong hoàng cung lại có một chú hề, chuyên giúp vui cho vua, mỗi khi ông muốn giải sầu.

Theo vua nghĩ: tên hề này là một tên rất ngu đần.

Ngày nọ, nhà vua cho gọi anh hề tới và trao cho anh ta một cây quyền trượng và nói:

“Ngươi hãy đi tìm một kẻ ngu dại hơn ngươi, rồi trao cây gậy này cho nó. Sau đó, ta sẽ trọng thưởng cho ngươi.” 

Từ lúc đó, chú hề nhận cây gậy vua trao và cố gắng đi tìm kẻ ngu hơn mình, nhưng sau nhiều ngày tháng tìm kiếm, mà vẫn không thể tìm ra.

Thời gian qua mau và tuổi già đến với nhà vua lúc nào không biết. Đến khi sức cùng lực kiệt, vua cho gọi chú hề đến gần và nói như sau:

1– Trẫm sắp sửa đi một chuyến đi thật là xa.
  – Dạ thưa Đức Vua đi tới đâu ạ ?
2– Ta cũng không hay biết nữa.
  – Dạ thưa, đi như vậy rồi bao giờ Đức Vua mới trở về?
3– Không bao giờ , không  bao giờ con ạ.

Anh hề, tuy là một người ngu, nhưng trong trường hợp này, anh lại phán đoán rất chính xác. Anh nhẹ nhàng đặt cây gậy vào ngay bàn tay Đức Vua, mà trước kia nhà vua đã trao vào tay anh ta, rồi im lặng bước ra, lòng cảm thấy nhẹ nhàng, vui sướng, vì đã khám phá ra một người còn ngu hơn mình, mà người đó không ai khác hơn là chính ông vua, đã từng tự hào thông minh hơn anh gấp trăm gấp vạn lần.

*****

Qua những câu chuyện trên đây, chúng ta cùng lắng động đôi chút để cùng nhau suy niệm:

1. Có một loài hoa nhỏ: Forget-me-not, Việt ngữ gọi là Lưu Ly Thảo.

Ý nghĩa của loài hoa này nói về sự chung thủy của tình yêu đôi lứa.

Nhưng, với người Công giáo, nó mang một ý nghĩa khác, đặc biệt là trong tháng 11 cầu nguyện cho các linh hồn này.

Vâng, Lưu Ly Thảo nhắc nhở chúng ta lời kêu cứu tha thiết của các linh hồn nơi Luyện Hình: “Forget-me-not – Xin đừng quên tôi!”.

Khi cầu nguyện cho họ, thì lại là chính cầu nguyện cho chúng ta.

Đúng như Thánh Phanxicô Assisi nói:

“Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”.

Các linh hồn không thể tự “cải thiện” mức án, nhưng các ngài vẫn có thể cầu nguyện cho chúng ta.

Bởi các Ngài, tuy đang trong thời gian thanh luyện, nhưng vẫn đang rất đẹp lòng Thiên Chúa, chỉ đợi xong thời gian thanh luyện thôi, sẽ được về kết hiệp vời Thiên Chúa.

Hy vọng mai đây mỗi chúng ta cũng được phân loại là “chiên” và được nghe Chúa nói:

“Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh nhận phần gia nghiệp Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ” (Ga 11,25-26).

Chúa Giê-su an ủi những ai còn sống trên trần gian rằng: 

“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,1-3)

Như thế, ngày chết, mà người ta gọi là ngày đại hoạ, ngày kinh hoàng, thì đối với người con Chúa, thì đó lại là ngày đoàn tụ sum vầy. Ngày đó, chúng ta sẽ được “đồng hưởng sự sống đời cùng với các triều thần thánh trên trời.

*****

Giáo lý Công Giáo dạy:

- Những người đã được hưởng hạnh phúc bên Thiên Chúa gọi là các thánh.
- Những kẻ còn ở trần gian và các linh hồn trong chốn luyện hình, cũng là những thánh nhân trong khả thể.

Ba lớp người này được hiệp thông với nhau về công đức, ơn sủng do Chúa Giê-su ban cho.

Mỗi thành phần nói trên, đều có thể liên đới với nhau bằng lời cầu nguyện, bằng sự chia sẻ, sự hy sinh và ân sủng:

- Các Thánh, chuyển cầu cùng Chúa cho những người còn sống.
- Những người còn sống làm nhiều việc lành, cầu nguyện cho các linh hồn, và
- Các linh hồn nơi Luyện Ngục, dù đang được thanh luyện, cũng có thể khẩn cầu, xin ơn cùng Chúa cho chúng ta ở trần gian.

Niềm tin này được đặt trong niềm tin vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giê-su như Người đã nói:

« Tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho tôi, thì sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, thì sẽ không bị loại ra ngoài… và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết ».

*****

Tục ngữ Việt Nam có câu:

“Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”.

Hai chữ “cội nguồn” đã mang lại toàn bộ ý nghĩa của đạo làm con, đối với các bậc sinh thành, mà bất cứ ai sinh ra trong cuộc đời, đều có bổn phận phải ghi nhớ và gìn giữ, để báo đáp công ơn.

Phật giáo hàng năm, vào ngày rằm tháng bảy âm lịch, cũng có mùa vu lan để báo hiếu.

Vào dịp này, mỗi người đều tìm mọi cách để đền ơn, đáp nghị, nói lên tám lòng biết ơn của mình.

Có người không quen ăn chay trường, song vào thời điểm này, cũng thể hiện lòng hiếu đó, bằng việc ăn chay trọn tháng bảy âm lịch.

Hay có những người bận rộn liên tục công việc trong đời thường, thì vào dịp này, họ cũng cố gắng thu xếp thời gian, để đến một ngôi chùa quen thuộc, dự lễ cầu siêu cho các linh hồn ông bà, cha mẹ, đã qua đời.

Họ tin rằng: nhờ đó, bổn phận của họ được chu toàn.

Với truyền thống lâu đời của người phật tử là cầu mong để được đáp đền ơn tam bảo, báo hiếu công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục…

Còn ở Tây phương, người ta không có tục thờ cúng tổ tiên, bởi vì chữ hiếu nơi họ không được nâng lên thành đạo.

Thế nhưng họ đã chọn ra hai ngày trong năm để tưởng nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ. Đó là Ngày Của Mẹ (Mother’s. Day) vào ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng năm và Ngày Của Cha (Father’s. Day) vào Chúa Nhật thứ ba trong tháng sáu.

Hàng năm, Giáo Hội công giáo đã dành trọn tháng 11 để nhắc nhở các tín hữu tưởng nhớ đến những người quá cố, thể hiện đạo làm con trong gia đình.

Người công giáo vẫn có thói quen tốt lành đi viếng nghĩa trang, cùng với việc tảo mộ.

Ngoài ra, trong ba ngày Tết, Giáo Hội Việt Nam cũng dành trọn ngày Mồng Hai Tết, để kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

*****

Vậy, trong tháng 11 này, tháng cầu nguyện cách đặc biệt cho các linh hồn, thì mỗi tín hữu chúng ta hãy cố gắng làm một số việc, để biểu lộ lòng hiếu thào, biết ơn đối với ông bà tổ tiên, cụ thể như sau:

1. Năng đến nhà thờ hơn, để dâng lễ, cầu nguyện và lãnh các ơn đại xá, cầu cho ông bà cha mẹ và người thân đã qua đời.

2. Hãy cố gắng làm nhiều việc lành phúc đức, những việc từ thiện bác ái. như chia sẻ cơm bánh cho người nghèo đói, phục vụ các bệnh nhân và các người già cả cô đơn bất hạnh… dâng lên Thiên Chúa, với ý chỉ cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời nói chúng, cách riêng cho Ông Bà, Cha Mẹ và những người thân đã khuất.

3. Chăm sóc kỷ lại, hoặc xây mồ yên, mả đẹp cho những người thân đã qua đời.

Mỗi dịp Giỗ Tết con cháu hãy họp nhau, để xin lễ, cầu nguyện cho các linh hồn ông bà cha mẹ, cùng nhau đi viếng mộ phần và dùng cơm chung với nhau, để thể hiện tình thân trong cùng một gia tộc.

4. Điều quan trọng, là phải sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ, ngay khi cha mẹ đang còn sống. Mọi người trong gia đình cần yêu thương đùm bọc nhau, để cha mẹ ở trên thiên đàng được an vui. Hãy năng nhắc nhở con cháu phải biết ơn, qua việc cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, trong các giờ kinh sáng tối hằng ngày ở gia đình

*****

Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã lên trời bằng con đường: qua đau khổ, mới vào vinh quang.

Chúa cũng đã hứa sẽ dọn chỗ cho chúng con và mai ngày sẽ trở lại đưa chúng con lên trời với Chúa.

Xin cho các tín hữu chúng con, những người đang sống và những ai đã ly trần trong tình thương của Chúa, cũng được ơn thanh luyện nên tốt lành, thánh thiện, để sớm được về Quê Trời, hưởng hạnh phúc với Chúa Ba Ngôi và các thần thánh ,đến muôn đời. Amen.

----------------------------------

Những sách cha Mễn đã in (56 cuốn):
https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/nhung-sach-da-in-1654.html

*** (Bạn muốn có những sách này, hãy chép đường link của sách vào thẻ nhớ hoặc vào USB, đưa cho tiệm Photo, họ sẽ in, chỉ khoảng 15 phút là xong, vì mỗi sách đều đã có sẵn bìa, và mỗi sách không quá 100 trang A5. Chỉ khoảng 24 tờ A4 trở lại)

I. - Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật: (6 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-minh-hoa-tin-mung/
1. Chuyện người đàn ông say mê quảng cáo - sách 1
2. Chuyện linh mục vào Thiên Đàng - Sách 2
3. Chuyện con két đi khám bác sĩ – Sách 3
4. Chuyện gà mái ấp trứng đại bàng – Sách 4
5. Chuyện “Số Con Rệp” – Sách 5
6. Thiên Chúa là Đấng hay quên  – Sách 6

II. – Chuyện đời chuyện đạo: (11 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/
1. Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - sách 1
2. Chuyện đời to và nhỏ - Sách 2
3. Những lời khuyên hữu ích - Sách 3
4. Những chuyện nhỏ mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống - Sách 4
5. Một phép lạ từ một tình thương cho đi - Sách 5
6. Phút thánh hoá gia đình đầu năm mới - Sách 6
7. Năm Mão nói chuyện con mèo - Sách 7
8. Một kiểu sống lại không vui - Sách 8
9. Chuyện con gà trống - Sách 9
10. Kinh cầu các thánh chẳng hề  được phong - Sách 10
11. Làm phúc giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục - Sách 11

III. - Chuyện kể cho các gia đình: (25 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/
1. Chuyện người thu thuế và Người biệt phái - sách 1
2. Đừng bỏ cuộc - sách 2
3. Bí quyết hạnh phúc - Sách 3
4. Một chuyện không ngờ thê thảm - Sách 4
5. Đi tìm một bảo hiểm -Sách 5
6. Một mẫu người sống đạo đáng khâm phục - sách 6
7. Yêu là yêu cho đến cùng - Sách 7
8. Những chuyện lạ có thật – Sách 8
9. Một niềm vui bất ngờ - Sách 9
10. Chuyện mẹ ghẻ con chồng - Sách 10
11. Chứng nhân giữa đời thường - Sách 11
12. Cho Chúa mượn thuyền - Sách 12
13. Nét đẹp của lòng thương xót - Sách 13
14. Chuyện tôi vào đạo Chúa - Sách 14
15. Chuyện cô giáo năm xưa - Sách 15
16. Kinh nghiệm của những người trở về “Từ Cõi Chết” nói với ta - Sách 16
17. Quyển nhật ký của mẹ - Sách 17
18. Phép lạ từ việc sùng kính Đức Mẹ - Sách 18
19. Ngày của bố - Sách 19
20. Chuyện 2 cha con hoang đàng - Sách 20
21. Chuyện Kẻ “tự bắc thang lên trời” - Sách 21
22. Chuyện Quỷ Ám là có thật - Sách 22
23. Chuyện bán linh hồn cho ma quỉ - Sách 23
24. Thảm họa: Một Thiên Đường không có Thiên Chúa – Sách 24
25. Nếu Thiên Chúa không có, thì tại sao lại chống Ngài ? – Sách 25

IV.- Chuyện lẽ sống: (8 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-le-song/
1. Chuyện Chúa Giêsu đi xem bóng đá - Sách 1
2. Tình yêu là sức mạnh vạn năng - Sách 2
3. Ðời là một chuyến đi - Sách 3
4. Căn hầm bí mật - Sách 4
5. Thất bại, là khởi điểm của thành công - sách 5
6. Lịch sử ngày của mẹ - Sách 6
7. Chuyện tình Romeo và Juliet - Sách 7
8. Một cách trả thù độc đáo - Sách 8

V. – Kho sách quý: (6 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/
1. Bí mật đầy kinh ngạc về các linh hồn trong luyện ngục – Sách 1
2. Lần hạt mân côi – Thánh Josémaria Escrivá– Sách 2
3. Tiếng nói từ luyện ngục – Sách 3
4. Sách tháng các linh hồn – Sách 4
5 300 Chuyện ngắn giúp minh họa lời Chúa (Phần I) – Sách 5
6 300 Chuyện ngắn giúp minh họa lời Chúa (Phần II)– Sách 6


----------------------------------------------

 

*** Hãy tích cực làm phúc, giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục


bằng việc thường xuyên nguyện những lời kinh vắn tắt này. Có thể đọc nhiều lần trong ngày, đọc ở bất cứ nơi đâu và đọc ở bất cứ lúc nào:

1. Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa Hỏa Ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn. (Lời Đức Mẹ Fatima căn dặn 3 trẻ đọc khi lần chuỗi).

2. Giêsu, Maria con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn nơi Luyện Ngục. (Lời Chúa Giêsu tâm sự với nữ tu Consolata, khuyên nên đọc câu này nhiều lần trong ngày, để cứu giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục)

3. Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho (các) linh hồn…, được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.

4. Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa việc con sắp làm, (Kinh Nguyện này, Thánh Lễ này…), kết hợp với cuộc thương khó của Chúa, xin Chúa giải thoát các linh hồn nơi Luyện Ngục.

 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây