Năm Mão nói chuyện con mèo - Chuyện đời đạo Bài 172

Thứ hai - 16/01/2023 09:16
Năm Mão nói chuyện con mèo - Chuyện đời đạo  Bài 172
Năm Mão nói chuyện con mèo - Chuyện đời đạo Bài 172
Năm Mão nói chuyện con mèo
(Chuyện Đời Đạo - Bài 172)
--------------------------------
Nội dung:
1. Những năm Mão gần đây: 1
2. Một số con mèo nổi tiếng trên thế giới: 1
3. Một số lợi-hại trong việc nuôi mèo. 3
4. Tính tình của mèo. 5
5. Mèo và cuộc sống con người: 6
6. Gíá trị năm con mèo: 14
7. Năm Mão nói chuyện phiếm về mèo. 14
8. Lời nguyện: 17

----------------------------------
 

1. Những năm Mão gần đây:

Kỷ-Mão năm 1999; Tân-Mão năm 2011;  Quý-Mão năm 2023.

 

2. Một số con mèo nổi tiếng trên thế giới:


- Mèo Scarlett dũng cảm nhất
Scarlett là một chú mèo hoang sống ở Brooklyn (Newyork USA). Vào ngày 26.3.1996, khi một garage bỏ hoang ở Brooklyn bốc cháy, một người lính cứu hỏa đã nhìn thấy mèo Scarlett chạy thốc vào garage để cứu từng mèo con ra ngoài, đến nỗi nó bị phỏng hết da.

Sau đó, Scarlett được đem đi cấp cứu.  Sau 3 tháng cả mẹ con được bình phục. 

Câu chuyện về chú mèo Scarlett dũng cảm nhanh chóng được cả thế giới biết đến và có hơn 7.000 đơn thỉnh nguyện xin nuôi chú mèo này. 

Ngày 11.8.2008, mèo Scarlett đã vĩnh viễn ra đi vì bệnh tim, nhưng nhiều người vẫn nhớ lòng dũng cảm, gan dạ của một tình mẫu tử loài vật này !
(Nguồn internet: Báo An-Ninh, xuân Tân-Mão, 2011, tr.  27).

- Mèo Nora khi được 5 tuổi được biết đến với tài năng chơi piano ‘siêu hạng’.
Tài năng đặc biệt của Nora đã được cô chủ là Besty Alexander là giáo viên dạy nhạc khám phá khi nó được 1 tuổi. Chú mèo đặc biệt này sống ở tiểu bang Philiadelphia USA, từng có cả talk show trên TV, sách báo, websiste…         bản nhạc ưa thích của Nora là bản Minuet cung sol của J.  Bach.  Những đoạn clip ghi lại cảnh Nora chơi nhạc đã thu hút rất nhiều người xem. Cô giáo dạy nhạc Alexander nói: Nora chơi đàn khá hay và điêu luyện.
(Nguồn internet:  Báo An-Ninh, xuân Tân-Mão, 2011, tr.  27).

- Mèo xem truyền hình:
Đó là hai chú mèo thông minh quốc tịch Slovania. Thoạt tiên, chỉ là thói quen, cứ mỗi khi ông chủ xem tv thì cũng cho hai chú mèo cùng xem. Xem riết thành lệ.  Hễ tối nào chủ nhà mệt mỏi đi ngủ sớm, thì hai chú mèo vẫn ngồi xổm trước màn hình, xem đủ chuyên mục, đến khi hết chương trình, thì chúng biết cách tắt máy, đi nghỉ.

- Văn hóa Nhật-Bản
có hai con mèo nổi tiếng là Đôrêmôn và Kitty. 

* Đôrêmôn là một con mèo mập ú, một nhân vật hoạt hình trong truyện tranh nhiều tập, được tạp chí Times bình chọn là một trong 22 nhân vật nổi bật nhất của Châu-Á. 

Tháng 3 năm 2008, mèo Đôrêmôn được chính phủ Nhật chọn làm đại sứ hoạt hình chính thức của Nhật. 

Mèo Đôrêmôn có thân hình béo tròn qúa sức, lông màu xanh lam, không có hai tai, vì có người nói là do chuột gặm mất, mồm thì lớn, chiếm gần hết bề ngang khuôn mặt, trên ngực có đeo một túi thần kỳ màu trắng. 

Đặc biệt mèo Đôrêmôn bị chứng ám ảnh sợ chuột (musophobia), nên mỗi khi gặp chuột, mèo Đôrêmôn đều bỏ trốn. 

* Còn mèo ‘Hello Kitty’ là một con mèo búp bê, xinh xắn, với chiếc nơ đỏ trên đầu. 

Người Nhật thường tặng cho nhau món quà búp bê mèo không có miệng, nhưng có hai tai to và vểnh lên, ý muốn nói: Nghệ thuật sống, là phải biết lắng nghe và hạn chế lời nói, vì ‘nói nhiều thì lỗi nhiều’. 

Dân Nhật rất thương và yêu thích mèo, vì cho rằng mèo mang lại nhiều may mắn, hạnh phúc. 

Thành phố Tokyo được gọi là ‘thành phố mèo’.  Khắp nơi có rất nhiều mèo được nuôi thả trên đường phố và đền chùa. 

Nhân vật mèo cũng được nhắc đến trong truyện dài nhiều tập Harry Porter của nữ văn sĩ nổi tiếng người Anh J. K Rowling. 

Phim ảnh cũng có bộ phim hoạt hình ‘Tom và Jerry’ nhiều tập, được trẻ con toàn thế giới say mê câu chuyện giữa chuột và mèo (Vy-Kính, từ internet).

- Mèo làm ca sĩ:

Chú mèo nhị thể ở thành phố Melburne Úc, có thể nghêu ngao hát suốt hai tiếng đồng hồ liền, không biết mệt, nhờ sự luyện tập bản thân, mỗi khi quan sát ông chủ ca hát chơi trống. 

Giờ đây hai thầy trò có thể cùng nhau ‘phiêu’ mỗi khi rảnh rỗi (
KTNN. s. xuân Tân-Mão 735, 10.1.2011). 

- Theo thống kê của tổ chức bảo vệ vật nuôi PetPlan của Mỹ,
mèo Blackie được thừa hưởng số tiền 9 triệu bảng, tương đương 285 tỷ VND (2011).

- Năm 1997, mèo Towser đạt kỷ lục bắt được nhiều chuột nhất: 28.899 con chuột.  Với thành tích huy hoàng đó, nó đã được tạc tượng tại sân nhà máy rượu Glenturret Distillery, nơi nó từng sống và bắt chuột.

 

3. Một số lợi-hại trong việc nuôi mèo.


1.  Theo nghiên cứu của trường đại học Minnesota (Hoa-Kỳ), những người không nuôi mèo, có khả năng chết vì bệnh tim mạch cao hơn 30-40%, so với người nuôi mèo.  Việc nuôi mèo sẽ giảm nguy cơ tử vong do đau tim đột ngột, giảm bị bệnh tim, giảm stress… (news. google. com Thuý-Vi 2021).

2.  Nước bọt của mèo chó có rất nhiều vi khuẩn nguy hiểm với sức khỏe con người.

 - Trên người chó mèo, cũng thường xuyên có các loại sinh vật ký sinh trên chúng, như: sán giây, giun đũa, ve, chí,…

- Nếu để chó mèo ngủ chung giường, những ký sinh vật này có thể chuyển sang người và gây nên một số bệnh như: hen suyễn, dị ứng,…

- Không nên, hoặc cực kỳ hạn chế việc hôn thú nuôi.
- Đừng để chúng liếm vào mặt, cũng đừng ăn chung với chó mèo trên bàn ăn.
- Rửa tay sạch sẽ, sau khi tiếp xúc với vật nuôi.
- Tiêm vaccine đầy đủ và nhớ mang theo sổ tiêm phòng.
-  Sử dụng các loại sữa tắm trị nấm, khi tắm cho vật nuôi. 
- Đảm bảo rằng chó, mèo của bạn không tiếp xúc với chó mèo hoang, vì chúng có thể là nguồn mang bệnh.  
- Không cho chó, mèo ăn thực phẩm chưa nấu chín, đặc biệt là thịt và cá. 
- Thường xuyên giữ gìn vệ sinh nơi ở, sử dụng các sản phẩm lau dọn có chứa chất diệt khuẩn (John Oxford - giáo sư về virus và vi khuẩn tại đh Queen Mary London, Anh-Quốc) chia sẻ, nước bọt của chó chứa hàng triệu vi khuẩn, trong đó có cả những loại thực sự nguy hiểm với con người, có thể gây ra những căn bệnh nghiêm trọng (báo Lao-Động.  Minh-Trí 2021).

3. Tác hại khác của chó, mèo đối với sức khỏe

- Bệnh sán lải từ chó mèo.  
- Bệnh mèo dại do mèo cào chưa được tiêm chủng.  
- Bệnh dại do chó cắn khi chó chưa được tiêm chủng. 

4. Dấu hiệu trẻ bị dị ứng lông chó mèo như thế nào ? 

Khi trẻ bị dị ứng với lông chó mèo sẽ gây nên dấu hiệu như sau: 
- Sổ mũi. 
- Hắt hơi. 
- Mắt đỏ hoặc chảy nước mắt. 
- Cảm giác ngứa ở múi miệng và cổ họng. 
- Có kèm ho . 
- Vùng da ở dưới cổ bị đỏ và sưng. 
- Những trẻ đã từng bị hen xuyễn có thể gặp những triệu chứng như: khó thở, tức ngực, thở khò khe… 
- Những bé đã từng chàm da rất dễ bị dị ứng với lông chó mèo (amanoenzym. com).

5. Hầu hết loài mèo đều không cần tắm rửa,
 bởi chúng có thể tự vệ sinh thường xuyên (aodong. vn).

6. Người ta cũng phải công nhận sức tinh khôn của con mèo:
‘Con mèo làm vỡ nồi rang,.. con chó chạy lại mà mang lấy đòn’.

7. Trí nhớ của con mèo:
theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ngoài trí nhớ thị giác và khứu giác, mèo còn có khả năng tìm đường, dựa vào từ trường trái đất. Có thể nói, đó là giác quan thứ sáu.

8. Ở trên đời, những anh vô tích sự thỉnh thoảng tình cờ gặp may,
vớ bở: ‘Mèo mù vớ được cá rô’, Cá rô rán càng ‘phê’.

9.  Con mèo thì hay tự hào:
- ‘Mèo khen mèo dài đuôi’
- ‘Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào’ !


10.  Xem ra thì mèo cũng tài thật

Truyện dân gian còn kể rằng: Chính mèo là thầy của hổ.

Nhờ mèo mà hổ mới học được các ngón võ độc đáo và cũng nhờ trí sáng dạ và sức khỏe vô địch, nên hổ thành thạo hết các ngón nghề do thầy dạy. 

Ai ngờ thằng hổ vô ơn, vừa học thầy xong, nó thực hành ngay với thầy: Nó vồ luôn thầy để lót dạ.

Đến lượt chính nó lại không ngờ rằng, chỉ phóng mình một cái, là mèo đã tót lên ngọn cây. 

Cái ngón võ cuối cùng ấy, mèo đã cảnh giác giữ lại, không truyền dạy cho thằng học trò bất nhân ấy. 

Mãi cho đến ngày nay, người ta còn hát mỉa: 

‘Tiếc cho hùm chẳng có vây,
Hùm mà có cánh hùm bay lên trời’.  


Ở với người lâu ngày, cũng có không ít những con mèo ngoan, không ăn vụng, chăm bắt chuột, sạch sẽ, quấn quýt bên người, được người gọi một cách chân thật là ‘miêu’, là ‘mãn’, hoặc như bây giờ là ‘mi mi’. 

Khi cần thông cảm với ai, người ta thường lấy mèo ra làm ví dụ: ‘Có ăn nhạt mới thương đến mèo’.

 

4. Tính tình của mèo.


Ai cũng thích nuôi mèo, nhất là mèo mun, mèo tam thể. 

- Tổng thống B. Clinton chụp hình tươi cười đang bế một con mèo mướp. 
- Các hoa hậu cũng luôn bế con mèo. 
- Cựu tài tử nổi tiếng của Pháp là Brigitte Bardot về già cũng nổi tiếng bảo vệ loài vật.
- Giữa mèo và người nữ có những biểu tượng: Khi người ta nhìn thấy mèo là người ta thường hay liên tưởng đến người nữ, bởi hai phe có những điểm tương đồng:

*1. Khi con mèo quẫy đuôi về phía bên phải, là nó nhảy về phía bên trái, và ngược lại. Còn các bà, các cô, khi nói yêu, tức là không, và khi nói không, tức là có.

* 2. Con mèo rất ý thức về sự làm đẹp, nó biết rửa mặt và quào vào gốc cây để làm đẹp móng vuốt của mình. 

* 3. Nếu bạn để một con mèo trước tấm gương thì nó rất khó chịu, còn phụ nữ gặp một… người đẹp giống mình, thì cũng rất căng.

* 4. Con mèo thích được những người nuôi nó âu yếm vuốt ve bằng tay, (vì mèo con vẫn gãi mẹ nó như vậy, để thêm sữa bú), còn phụ nữ thích cả bằng tay, lẫn bằng… lời nói.

* 5. Con mèo thích làm nũng với chủ và hung dữ với chuột, phụ nữ cũng có khi thích cả ‘mèo nhí’ nữa đó.

* 6. Con mèo rất thương con cái mình. Đẻ xong, mèo tự cắn rốn cho mèo con và liếm con sạch sẽ. Mèo chăm sóc con kỷ lưỡng: Cho bú, tự làm vệ sinh cho con, bảo vệ con (đôi khi nó ăn con nó, vì nó sợ mất con, hoặc sợ con nó sẽ bệnh tật…).  Khi phát hiện có người dòm ngó, hay đụng chạm vào mèo con, thì mèo mẹ thường tha con đi chỗ khác. 

 

5. Mèo và cuộc sống con người:


* 1. Sự hiền thiện và tội ác của con người đối với mèo:

- Ở các nước văn minh, có các bệnh viện và khách sạn tiện nghi 5 sao (Luxury Cat Hotel) dành riêng cho các khách hàng, là những thú cưng, như chó, mèo… cuộc sống của những con vật cưng này, còn qúi và sung sướng hơn những người nghèo, thiếu thốn, bệnh tật.

- Mèo còn được người Hoa gọi là tiểu hổ, nhưng mèo không hung dữ, mà lại hiền hòa, dễ thương !

Những đoạn phim nhỏ trên Youtube cho thấy: Mèo còn sống chung đụng, hòa bình với những thú khác, như chim, heo, gà và kể cả chuột. 

Mới đây có clip quay cảnh chuột Peanut và mèo Ranji đùa dỡn, ôm ấp nhau thân thiết, cũng như có cảnh chiếu một con mèo trắng cứu bạn mèo đen.  Khi thấy bạn mèo đen bị tai nạn xe, nằm bất động; bạn mèo trắng cứ quấn quít bên cạnh.  Thỉnh thoảng mèo trắng vùi đầu vào cổ bạn mèo, bước hai chân lên ngực bạn, làm những động tác, mà mình tưởng như là xoa ngực, hô hấp nhân tạo. 

Hình ảnh đó làm cư dân trên mạng xôn xao, cảm động, vì thấy loài vật này có nghĩa có tình với nhau. 

Vậy mà ở một số nước lại nhẫn tâm ăn thịt mèo.

Trong mấy năm gần đây trên bàn nhậu, nhất là ở miền bắc VN, người ta chế biến món ăn từ mèo, còn gọi là ‘món tiểu hổ’… thậm chí ở tỉnh Thái-Bình, tiệc cưới nào sang trọng là tiệc đãi ăn toàn các món làm từ mèo. 

Một dạo ở các tỉnh vùng biên giới, ngoài móng trâu, người dân còn thu mua ‘tiểu hổ’ để xuất khẩu sang thị trường TQ, khiến đồng ruộng thiếu mèo, nên chuột hoành hành, phá hại lúa, làm mùa màng thất thu. Người dân ở đó lại phải mua mèo con về nuôi, để diệt chuột hữu hiệu hơn là dùng hóa chất, độc hại cho môi trường và con người.

* 2. Thuốc làm từ mèo: 

- Thịt mèo theo đông y có vị ngọt, mặn, chua: tính ấm, không độc, có tác dụng trị tiêu thủng, chống lao lực. 

- Mật mèo có vị đắng, tính hàn.  Con người viện cớ là thịt mèo, xương cốt cũng bổ như hổ; hổ và khỉ thì cấm săn bắt, nên con người xoay ra tìm nguồn từ tiểu hổ và quảng cáo cao mèo không thua gì cao hổ, trị bách bệnh… 

Ngày trước, các cụ gìa miền Bắc, thường chỉ phương thuốc nhau mèo ngâm rượu là thuốc bổ, giảm đau nhức khi trở trời. 

Có lẽ tác dụng của nó cũng như kích tố nhau người, mà Tây-Y vẫn dùng.

- Trong liệu pháp điều trị những bệnh thần kinh tâm lý, vào những năm 60 của thế kỷ XX ; ông Bovis Levinson, một nhà tâm lý học người Mỹ, đã đề ra phương pháp chữa trị những trẻ em mắc bệnh tự kỷ, bằng cách cho các bệnh nhi này chăm sóc và vui đùa với các thú cưng như chó và mèo.  Ông nhận thấy bệnh thuyên giảm rõ. Từ đó thuật ngữ ‘động vật trị liệu’ ra đời. 

Sau đó các chuyên gia nghiên cứu tại đại học Minnesota nhận thấy qua sác xuất thống kê ở những người gia có chăm sóc và thương yêu thú cưng như chó, mèo thì tỷ lệ bệnh tim mạch giảm từ 30% đến 40% so với những người không có nuôi thú cưng.  

Tiếng kêu của mèo có tần số từ 4 đến 16 Hertz, có tác động tăng cường hệ miễn dịch của người gìa nuôi thú cưng. 

Mèo có khả năng nhận biết những đau đớn trong nội tạng của chủ nhân, giúp giải tỏa được tâm lý căng thẳng, đau đầu, mất ngủ, huyết áp cao. 

Nhận xét cho thấy: Một số loại mèo có hiệu qủa chữa trị khác nhau, như mèo lông tơ của Iraq trị chứng mất ngủ; còn mèo lai giữa mèo lông dài và lông ngắn có tác dụng trị những bệnh gan, thận, ruột…

* 3. Bệnh của loài mèo:

Ngoài những bệnh thông thường của các loài thú cưng khác như bệnh ngoài da, lông (bọ chét, ký sinh trùng, nấm) thì mèo là thú hay mắc những bệnh nguy hiểm và truyền nhiễm cho người, như bệnh dại (rabies), bệnh mèo quào (do mèo bị nhiễm vi khuẫn Bartonella henselae làm sưng hạch và sốt), ung thư máu và ung thư vú, bệnh Chlamydia nhiễm trùng mắt, gây mù, bệnh tiểu đường, bệnh bạch tạng, bệnh viêm phúc mạc, bệnh suy giảm miễn dịch do virus. 

Tuy là thú cưng, nhưng việc sống chung đụng, ôm ấp, hôn hít chúng, con người có thể bị lây bệnh…

Do đó, chúng ta nên thận trọng. 

Hội bảo vệ súc vật ở các nước tiên tiến, ngoài việc gắn chip để theo dõi lý lịch, bệnh tật cho chúng, hội còn khuyên người nuôi nên mua thú từ các cơ sở chăn nuôi thú và nên triệt sản sớm cho mèo khi cần thiết, để ngừa bệnh và kéo dài tuổi thọ của mèo.

*4. Mèo trong sinh hoạt dân gian và trong văn học nghệ thuật:

Cũng như chó cưng, mèo là con vật dễ thương, gần gũi với con người, nhờ dáng nhỏ nhắn và cử chỉ đáng yêu: Rúc người vào lòng chủ nhân, miệng thì kêu nhỏ nhẹ, nũng nịu ‘meo meo’, nên con người cũng ví mèo như người phụ nữ đẹp, dịu dàng, nũng nịu !

Tâm lý đàn ông sau đó cũng thật mâu thuẫn, khi không còn yêu thương nữa thì ‘mèo nhà dịu dàng’ trước đây sẽ được gọi là ‘cọp nhà’ hay ‘sư tử Hà-Đông’. 

Từ “mèo” còn được dùng để gán tiếng xấu, như ‘suốt ngày lo đi mèo’, ‘ông đó lăng nhăng, có mèo’, không đứng đắn ‘giở trò mèo chuột’… hay ông đó sổ sàng bị ‘mèo quào’. 

Mèo có lúc là biểu tượng của sự hung dữ, là phù thủy trong truyện cổ tích của các nước, mèo là điềm xấu, như khi mèo lạ, mèo hoang đến nhà thì tai họa sẽ ập đến ? !

Ở các nước tiên tiến, con người rất thương yêu súc vật, nhất là đối với thú cưng:

-  Cựu tài tử nổi tiếng của Pháp là Brigitte Bardot về gìa cũng nổi tiếng bảo vệ loài vật, chống lại việc đối đãi tàn nhẫn với chúng. 

Chủ nhân nuôi thú cưng rất lo lắng thương yêu, không sợ tốn kém đưa đi khám bệnh định kỳ như người. 

Khi đi du lịch thì họ gửi thú cưng vào khách sạn mèo đầy đủ tiện nghi. 

Có người gìa khi chết, để lại di chúc cho mèo hưởng một phần hay toàn bộ gia tài của mình. 

Ở Anh-Quốc có con mèo tên Missy nổi tiếng, nhờ được bác sĩ thú y Noel Fitzpatrick không cắt cụt chân, sau khi bị tai nạn, mà ghép cho một cái nẹp, để mèo vẫn đi lại được và chạy nhảy bình thường.

* Tục ngữ và ca dao Việt-Nam luôn có rất nhiều câu nói về mèo,
nhưng ẩn dụ sang người, ca ngượi cũng lắm, mà chê bai cũng nhiều:
 
- Ví dụ như ăn chậm, từ tốn, thì tục ngữ có câu: ‘nam thực như hổ , nữ thực như miêu’.
- Câu nói ‘chó giữ nhà, mèo bắt chuột’, nhắc nhở mỗi người có một công việc riêng, thích hợp cho từng người.
- ‘Mèo gìa hóa cáo,’ chỉ một người sống lâu, nhiều kinh nghiệm, khôn ngoan.
- ‘Không biết mèo nào cắn miêu nào’, ý nói mỗi người có một tài, sở trường riêng, chưa biết ai hơn ai.
- ‘Chữ viết như mèo quào’, chỉ chữ viết xấu, không đẹp, không ngay hàng thẳng lối.
- ‘Chó treo, mèo đậy’, ý khuyên người đời phải đề phòng kẻ gian.
- ‘Chó chê mèo lắm lông’, ý nói người hay chê kẻ khác, mà không nhìn thấy lỗi của mình.
- ‘Buộc cổ mèo, treo đầu chó’, đề cập đến người bủn xỉn, hà tiện.
- ‘Đá mèo quèo chó’, chỉ sự tức giận dồn nén vào người khác một cách vô lối, giống như câu ‘giận cá chém thớt’.
- ‘Mèo mù vớ cá rán’, ý nói đến sự may mắn chợt đến với người đang túng quẩn.
- ‘Không có chó, bắt mèo ăn cứt’, ý nói buộc lòng bắt người khác làm một công việc, không đúng với sở trường của họ.
- ‘Mèo mả gà đồng’, chỉ người vô lại: trai ăn cướp, gái lăng nhăng.
- ‘Mèo khen mèo dài đuôi’, ý nói đến người tự cao tự đại.
- ‘Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang’, có lẽ vì do tiếng mèo kêu ‘ngheo, ngheo’ na ná như tiếng ‘nghèo’, nên khi có mèo hoang, mèo lạ đến nhà, người ta sợ xui, mang cái nghèo đến theo, nên xua đuổi mèo ra khỏi nhà.
- ‘Mèo con bắt chuột cống’, chỉ người tuổi trẻ tài cao, làm vượt khả năng mình.
- Ngạn ngữ Pháp có câu: ‘acheter un chat en poche’, ý nói mua hàng cần phải xem xét kỳ lưỡng. Hay Mỹ có câu: ’all cats are grey in the dark’, tương ứng với nghĩa của một câu Việt Nam: ‘khi tăt đèn, nhà ngói cũng như nhà tranh’, hay ‘tối lữa tắt đèn, trắng cũng như đen’.
- Ca dao ta cũng có những câu vịnh mèo rất ý nghĩa như:
* ‘Mèo tha miếng thịt xôn xao. Hùm tha con lợn thì nào thấy chi’. Ý nói, những người dưới cấp, mà làm điều sai trái nhỏ nhặt, thì bị phê bình gắt gao, còn những kẻ quyền hành, làm những tội lỗi lớn lao, thì không hề hấn gì.  
* Hoặc một đoạn trong bài ca dao so sánh mèo như người đàn bà đẹp được nuông chiều: … Con cá đối, nằm trong cối đá. Con mèo cụt đuôi nằm mụt đuôi kèo. Anh có thương em thì làm giấy giao kèo. Thò tay điểm chỉ, em là con mèo của anh’. 

Thời cấp I, chúng ta hẵn không quên bài thơ dí dỏm nói về con mèo và con chuột:    …   ‘Con mèo mà trèo cây cau . Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà. Chú chuột đi chợ gần xa. Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo…’.

- Văn học nghệ thuật cũng dành cho mèo nhiều trang giấy và thời gian sáng tác:

*  Nhà văn Ernest Hemingway viết chuyện hấp dẫn ‘con mèo trong mưa’. 
* Còn ‘con mèo của Schrodinger’ viết về sự tranh luận của Schrodinger với Albert Einstein về cách hiểu của Copenhagen. 

Trong truyện ngụ ngôn của nhà văn Pháp Charles Perrault ‘con mèo đi hia’(Le chat botte’) giúp chủ giàu sang phú qúi. Hay chuyện phim nổi tiếng ‘la chatte sur le toit brulant’ kể về chuyện tình lãng mạn của một người đàn bà đẹp.

- Một số mèo có khả năng đặc biệt linh cảm biết trước cái chết của người bệnh đã được kể chuyện bởi gs. bs David Dosa ở đại học Brown, thành phố Providence, bang Rhode Island ở Mỹ. 

Tại trung tâm y tế Steere (chăm sóc những những người gìa mất trí nhớ), có một trong 6 con mèo nuôi tại cơ sở biết trước bệnh nhân nào sắp chết. 

Khi thấy mèo nhảy lên giường bệnh của cụ gìa nào, mèo nằm trên gối người bệnh và đi vòng trên đầu thì không lâu sau đó người đó chết. 

Việc này được xảy ra nhiều lần và chính xác, có điều lạ, là ngay sau khi cụ gìa chết, mèo cũng thoát ra khỏi giường lúc nào không ai để ý. 

Những nhân viên nơi đó nói, dường như mèo đã đến để giúp người gìa được lên Thiên-Đàng một cách nhẹ nhàng. 

Một câu chuyện khác về mèo, với những chi tiết hấp dẫn hơn được chị Kim-Thu kể lại trong trang Web gia đình Trần-Đăng. 

Câu chuyện xảy ra tại khu điều trị, chi nhánh của Royal Berkshire Hospital gần thành phố Reading bên Anh-Quôc.  Ở đây chuyên chăm sóc những người bệnh nan y, suy kiệt vào giai đoạn cuối, mà chị là một nhân viên y tế đã làm việc hơn 20 năm tại đây. 

Một ngày nọ, có một con mèo hoang, màu đen, không biết từ đâu đến và chọn một góc phòng nhận bệnh, ‘nằm lì’ ở đó. 

Bên Anh, người ta rất thương súc vật, nên BGĐ vẫn cho phép chăm sóc mèo hoang này. 

Mèo cũng rất hiền, không ăn vụng, không phá phách và chẳng làm phiền đến ai. 

Mỗi khi có bệnh nhân mới, được xe cứu thương đưa về, mèo cũng ra đón và đi theo brancard đưa về tận phòng, rồi sau đó trở về, nằm lại chỗ cũ trong phòng nhận bệnh. 

Nhân viên bệnh phòng đều theo dõi từng bước chân của mèo, vì mỗi lần mèo đến nằm trước phòng bệnh nhân nào, thì sau đó người bệnh chết. 

Ở VN cũng sợ ‘linh miêu’, nên hiện nay, vẫn còn tập tục để một con giao phay lớn trên bụng người chết, trước khi nhập quan và canh chừng không cho mèo đen nhảy qua xác, vì sợ nếu đó là linh miêu, thì người chết sẽ chồm dậy.  

Hội họa vẫn chọn nhân vật mèo để vẽ, nhưng đặc biệt nhất là làng Đông-Hồ, thuộc tỉnh Bắc-Ninh VN, có nghệ thuật vẽ tranh dân gian nổi tiếng từ xưa đến nay, gọi là ‘tranh Đông-Hồ’. 

Chủ đề về chuột và mèo, là chủ đề được mọi người ưa thích trong dịp xuân về. 

Trong các bức tranh loại này, có bức tranh ‘đám cưới của họ hàng nhà chuột’, rất là sâu sắc về ý nghĩa nhân sinh.  

Nhân vật mèo tượng trưng cho bọn quan lại, cường hào ác bá, còn họ hàng nhà chuột thì thấp cổ bé miệng, mong sự yên lành. 

Chuột thừa hiểu: Muốn tổ chức an toàn đám cưới đầy đủ lễ nghi rước kiệu, có kèn có nhạc, có ‘võng anh đi trước, kiệu nàng theo sau’, thì phải vui vẻ tự nguyện, mà làm (hưng tác) hối lộ cho mèo trên đường đi. 

Chữ Hán ‘hưng tác’ viết trên đầu con chuột trong tranh thể hiện thái độ vui vẻ ‘hối lộ’ cho mèo hai món, mà mèo ưa thích, là cá và chim. 

Chuột biết sự yên ổn của mình, cần kèm theo sự vừa lòng, no đủ của mèo . 

Đó là tình trạng tham nhũng hối lộ, thời nào cũng có trong xã hội. 

Điểm đặc sắc của tranh này là thái độ lịch sự của mèo, ngồi nhận quà, trong tư thế ôn hòa, đuôi quặp về phía trước dưới mông, vui vẻ đưa tay nhận ‘quà hối lộ’ từ chuột.  

Nếu so sánh với bức tranh của Trung-Hoa cũng cùng chủ đề, thì mèo TQ vẫn còn giữ tư thế quyết liệt, hung dữ tấn công chuột trong ngày vui đám cưới.  Không khí ngày vui đám cưới không có, bức tranh cũng không còn ý nghĩa ‘dĩ hòa vi quý’, không cho thấy thái độ cao thượng chia vui của mèo trong ngày đám cưới chuột như trong bức tranh dân gian của làng Đông Hồ-Bắc Ninh. 

Theo nhận xét của gs Ngô-Đức-Thịnh-Viện nghiên cứu văn hóa VN, thì ý nghĩa triết lý của bức tranh dân gian VN rất sâu sắc, biểu hiện thái độ sống ôn hòa, mang tính triết lý nhân sinh, là tính cộng sinh với kẻ thù (cùng nhau tồn tại, sống nương tựa vào nhau). 

Suy rộng ra, qua phân tích hai bức tranh này cho thấy: Người VN xử lý tình huống và các mâu thuẩn có tính ôn hòa, tình cảm hơn người TQ.

*5.  Cổ tích kể rằng:

Thời thái cổ, các giống vật đều biết tiếng nói của nhau.  Con hổ đã tìm mèo tôn làm sư phụ.  Sư tử cũng là môn sinh của mèo, nó rất chăm chú học cái cách thu mình, dồn chân lực để nhảy, vồ. Nhờ to, khỏe ngón này của sư tử là tuyệt luân, đến nỗi ông Karl Marx so sánh: Sự xấu hổ của một dân tộc, khi biết mình yếu kém, thì cũng tựa như con sư tử, co mình lại, để chuẩn bị nhảy xa.  

Con mèo thích ăn vụng, vì ăn vụng vẫn ngon hơn, ăn vụng rất tài. 

Ăn vụng với con người, đó là tham nhũng, vụng trộm, ‘rút ruột công trình’. 

Ăn vụng tiền bạc, ăn vụng tình, ăn vụng cả sách vở, CD Rom nữa. 

Mèo bao giờ cũng đoán trước những cơn mưa gió, sấm sét sẽ xảy ra.

Nó ngồi chùi mép. Người ta bảo mèo chùi mặt.

Con người cũng biết chùi mép, phi tang trước khi búa rìu sấm sét của luật pháp ra oai.  

Những bài học chủ yếu của mèo, thì con người không học được, hoặc học rất chậm. 

Ví như trải qua cả triệu năm chung sống với nhau mới nhận ra được mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt chuột. 

Con chuột là vật nhỏ, mà có ba cái hư thân mất nết:

* 1. Sinh sản tràn lan, tùm lum, không có trách nhiệm.
* 2. Chuột là biểu tượng của một nền kinh tế xuống dốc: kẻ đục khoét.  2500 năm trước, Kinh-Thi phải kêu Trời lên, về những con thạc thử (chuột bự, chuột cống), tức là lũ đục khoét kho lẫm, tiền bạc của nhà nước, của triều đình. 
* 3. Chuột đang tàn phá ghê gớm đồng tiền, thóc gạo của nông dân nghèo khổ.   

Mèo quyết không đội trời với chuột, thấy đâu diệt đó. 

Con người muốn học được tính cách của mèo: Kiên quyết diệt trừ lũ chuột có hại, nhưng rất khó, vì người còn nhiều tính ngụy luận. 

Tiếc thay, người không học cái tập tính khôn ngoan, anh hùng, quân tử, hiền dịu của mèo, mà lại thích làm chuột.  Đó là một bi kịch. 

 

6. Gíá trị năm con mèo:


1. Khuyết điểm:  

* 1. Hay ăn vụng, mèo hay cào cấu. 
* 2. Mèo khen mèo dài đuôi. 
* 3.Ngủ nhiều như mèo. 
* 4. Mèo vờn chuột. 
* 5. Cắn nhau như chó với mèo. 
* 6. Mèo mỡ. 
* 7. Mèo đa mang một loại vi khuẩn tên là H.  Pylori, gây ra thứ bệnh loét bao tử (KTNN, s.  303.  1999, tr.  77).

2.  Ưu điểm:

* 1. Phát quang. 
* 2. Xem giờ qua mắt mèo.  Người ta dùng mèo để thử thời tiết, và báo động những nguy cơ tai tương hoặc chiến tranh. 
* 3. Không bao giờ bị té chỏng. 
* 4. Êm đềm thu gọn, rình chờ luôn sẵn sàng. 
* 5. Mèo bắt chuột, chui luồn. 
* 6. Mèo sạch sẽ, đẹp mầu dễ thương. 
* 7. Mèo cào, thịt mèo ngon bổ, là loại thang thuốc của đông y.

 

7. Năm Mão nói chuyện phiếm về mèo.  


Thuở xa xưa, mèo vốn là cô của hổ.  Thật vinh dự hết biết.  Mà hổ lại là chúa sơn lâm, thì mèo chả là ‘hoàng thân quốc thích’ còn gì. 

Chuyện xưa kể rằng: Trước đây, chỉ mỗi mình mèo là biết vồ mồi, còn hổ khi ấy chắc ‘hiền’ như… mèo vậy. 

Sau này, nghĩ tình ‘cô cháu’, mèo mới dạy hổ cách bắt mồi. 

Tuy nhiên, vốn cảnh giác với họ hàng đứa cháu ‘ba trợn’, nên trong khi dạy các miếng võ, mèo không dạy hổ trèo cây.

Khi nghe mèo nói đã truyền dạy tất cả, thì ‘thằng cháu mất dạy’ bỗng muốn xơi tái ‘bà cô’ của mình. 

May cho mèo, vì còn giữ lại món trèo cây, nên vội vàng nhảy tót lên cao, làm đứa cháu chết trân dưới đất.

Thì ra xưa nay vẫn vậy, có lẽ sau đợt suýt chết ấy, mèo ăn uống không được hay sao, mà ‘thiên hạ’ cứ đồn rằng ‘ăn ít như mèo’. 

Mà đã ăn ít, thì công việc làm chắc gì đã khỏe, cho nên mới có câu: ‘Nói như rồng leo, làm như mèo mửa’ để chỉ những kẻ ‘ba hoa, phét lác’, nhưng làm thì như ‘mèo mửa’ vậy.  

Thế nhưng các cụ nói không có sai: ‘Miệng ăn núi lở’, ‘Nam thực như hổ, nữ thực như miêu’. 

Nhưng, ‘Nam thực như hổ, một rổ hãy còn, nữ thực như miêu, bao nhiêu cũng hết’.  Rõ ràng nhé !   

Có lẽ biết người đời hay nói xấu mình, nên mèo cũng phải tự ‘nâng’ mình cho thiên hạ lác mắt. 

Thế nên: ‘Mèo khen mèo dài đuôi’ thì cũng đừng cho đó là chuyện lạ. 

Kể cũng tội cho mèo, dù có ăn vụng, ăn của đút, như ‘lão’ mèo trong ‘Đám cưới chuột’ thì cũng đến vài con chuột hay con cá chép như trong bức tranh ấy là cùng, mà cùng lắm là vài lạng mỡ thôi, chứ ‘ăn ít như mèo’ thì có đáng bao nhiêu.  

Ấy vậy mà không may phải ăn vụng thì đúng là tiếng để đời: ‘Kễnh (Hổ) tha con lợn không sao, mèo tha miếng thịt xôn xao cả làng’. 

Rõ thật tội ! Cho nên đã yếu thế thì nên biết thân, biết phận cho thiên hạ nhờ.  

Mèo là loại động vật ăn thịt, món khoái khẩu là thịt chuột.

Tất nhiên, không phải chuột xào lăn hay nướng sả ớt, mà là ăn sống. 

Cũng lạ, không hiểu sao: Họ hàng nhà mèo lại cứ thèm xơi chuột. 

Mà kể cũng tội nghiệp cho các chú chuột, nhất là các chú chuột bạch trong phòng thí nghiệm, nhìn thấy chúng là họ hàng nhà mèo không để yên. 

Có lẽ cũng biết thân biết phận mình, nên hễ nghe tiếng mèo kêu, là chuột ta khiếp vía ngã lăn quay.

Chả thế mà ông LaFontain đã kể rằng: Tộc trưởng nhà chuột đã từng tổ chức ‘hội nghị’, để bàn biện pháp đối phó với mèo, khi mà họ hàng nhà chuột cứ mỗi ngày hao mòn dần, cho dù ‘đẻ như chuột’, vì bị mèo ăn thịt. 

Tại ‘hội nghị’ này, chú chuột nhắt (nổi tiếng tinh ranh) đã hiến kế đeo chuông vào cổ mèo, để mèo đi đến đâu, chuông sẽ rung lên, giúp họ hàng nhà chuột biết mà trốn, khỏi bị mèo ‘rang me’. 

Tìm ra giải pháp, họ hàng nhà chuột những tưởng, từ nay thoát cảnh bị mèo ăn thịt. 

Tuy vậy, vấn đề nan giải đặt ra: Ai sẽ là người làm nhiệm vụ đeo chuông vào cổ mèo. 

Vốn dĩ xưa nay, mới nhìn thấy mèo chuột đã lăn quay, thì làm sao đeo nổi chuông vào cổ mèo ?

Vì vậy, mà họ hàng nhà chuột vẫn bị mèo ăn thịt. 

Có lẽ biết thân phận mình, nên chuột phải cung kính với mèo, phải giỗ cả ’ông tổ’ nhà mèo: Con mèo mà trèo cây cau. Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà. Chú chuột đi chợ đường xa. Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo.

Và, mỗi lần có lễ lạt vẫn không quên dâng lễ vật cho mèo. 

Hãy nhìn bức tranh ‘Đám cưới chuột’ của dòng tranh dân gian làng Hồ. 

Một ông mèo to lớn, đang ngồi đón đường đám cưới chuột. 

Họ hàng nhà chuột mặc dù ‘bận túi bụi’, song vẫn không quên cử vị ’trưởng lão’

Cứ nhìn, thì biết, vì ’cụ chuột’ ‘chinh nam, bắc chiến’ tới mức, cụt cả đuôi (đang dâng lễ vật là một con cá chép cho mèo). 

Con mèo này, có lẽ là một trong những đại diện tiêu biểu của họ hàng nhà mèo, về ‘tham quan ô lại’.   

Ngoài món chuột ra, thì mèo ưa mỡ. 

Bởi vậy, mà dân gian bảo: ‘Mắt sáng như mèo thấy mỡ’, là để nói về việc những kẻ khi thấy quyền lợi, chức tước, gái đẹp, thì sáng mắt ra. 

Khi đói, mèo thường ăn vụng. 

Cho nên thời bao cấp, khó khăn cả năm mới được vài lạng mỡ, quên treo, bị mèo ta ‘xơi tái’, có chú bé đã bị đánh ‘tét đít’. 

Vậy nên, các cụ mới luôn dặn dò ‘chó treo, mèo đậy’.   

Như đã nói với chị mèo mun lúc đầu, họ hàng nhà chị vốn cũng có người tốt, kẻ xấu, nên mới có chuyện: Có những cái tốt, cái hay, người ta cũng ví vào, như: hiền như mèo, ngoan như mèo, dễ thương như mèo… thích nhé !

Nhưng hãy nghe đây và đừng có ‘lộn ruột’: Mèo mả, gà đồng - tức những loại không ra gì.  

Có một điều rất lạ, mặc dù sống với nhau khá lâu, có lẽ phải từ ngày xưa thật là xưa, vậy mà mèo và chó vẫn luôn xung khắc: ‘Như chó với mèo’ là câu cửa miệng, để chỉ những người gần nhau, mà không hòa thuận. 

Vậy nên, khi có ai cãi nhau, người ta thường bảo: ‘Cãi nhau như chó với mèo’. 

Có lẽ biết chúng chẳng hợp nhau, mà dù có hợp, rồi cũng có ngày cãi nhau tiếp, nên nhà bác học Newton đã khoét 2 cái lỗ cho chó và mèo chui ra chui vào làm bạn với ông, khi ông làm việc. 

 

8. Lời nguyện:


Lạy Chúa Giêsu, trong giây phút linh thiêng của giờ phút giao thừa, chúng con sắp bước qua một năm mới, năm Quý Mão, năm con mèo.

Chúng con cũng cầu xin cho mỗi gia đình, mỗi người, biết sống, biết kiến tạo bình an như con mèo, để gia đình không còn tiếng chí chóe của lũ chuột hay cắn phá, đục khoét, làm tiêu hao và làm xáo trộn hạnh phúc gia đình. 

Chúng con cầu xin cho các thiếu nữ thuần thục và dễ thương như con mèo, công dung ngôn hạnh, để trở nên người mẹ mẫu mực trong gia đình mai này.  

Chúng con cũng cầu xin cho các em nhỏ nơi giáo xứ chúng con, cũng hiền hòa, chăm chỉ như con mèo, để làm vui lòng cha mẹ.  

Lạy Chúa, con mèo nó rất là dễ thương, hầu hết mỗi gia đình nông thôn, mỗi nhà đều có ít nhất một con mèo, để vui nhà, vui cửa, chủ yếu là để bắt chuột. 

Lạy Chúa, con mèo cũng có nhiều điểm tốt, mà chúng con nên bắt chước, nhưng có nhiều điểm xấu vô cùng, mà con người chúng con cũng thường hay mắc phải.  

Lạy Chúa, xin cho các bạn thanh niên, đừng trở nên những con mèo hoang, để đêm đêm đi phá làng phá xóm, làm hư hỏng xứ đạo, làm gương mù gương xấu cho bầy trẻ thơ.  

Xin cho các người cha trong gia đình đừng có mèo mỡ, vụng trộm, làm gia đình tan nát, đau khổ.  

Xin cho các thiếu nữ sống xa gia đình, đừng trở nên những con mèo nho nhỏ của những người dư thừa tiền của.   

Chúng con cũng cầu xin cho tất cả mọi người nơi giáo xứ chúng con, đừng biến chất như con mèo hóa cáo, dữ tợn làm hại mọi người.   

Lạy Chúa, trong năm con mèo, xin cho mỗi chúng con trở nên dễ thương với nhau, sống tinh thần Tin-Mừng, mở rộng tấm lòng đón mừng năm mới.

Lạy Chúa ! Con cảm tạ Chúa, vì Chúa lại ban cho chúng con một năm mới nữa,   năm Quý-Mão.

Thật ra, con mèo cũng có những đức tính thật đẹp, đáng nêu gương cho chúng con.  Con mèo có đôi mắt thật sáng, rất tinh khôn, khéo léo, nhanh nhẹn, kín đáo, nhỏ nhẹ, ăn ít và luôn quấn quýt gần gũi bên chủ. 

Lạy Chúa ! Xin ban cho chúng con có đôi mắt thật trong sáng, vì con mắt là cửa sổ của linh hồn. Xin cho chúng con biết nhìn xa, thấy rộng, biết nhìn về cuộc sống Nước Trời mai sau, mà không quá đam mê, bám chặt vào cuộc sống hiện tại.  

Xin cho chúng con biết nhanh nhẹn trong bổn phận, luôn vui vẻ và bằng lòng với những gì mình đang có, nhất là biết trung thành trong bổn phận, dù gặp bao nghịch cảnh.  

Xin cho con biết sống kín đáo, âm thầm, hằng ngày biết để ý dành ra chút ít thời gian, để vào nơi thanh vắng để gặp gỡ Chúa, vì Chúa rất yêu thích những nơi tĩnh mịch đó.

Xin Chúa hướng dẫn từng bước con đi, trong mọi hoạt hằng ngày, để năm mới đến, sẽ là nấc thang nữa thật vững chắc, để con bước tới gần Chúa, nguồn hạnh phúc đời đời của con. Amen.

-------------------------------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây