Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 45 - TN 8-C: CHUYỆN CON KÉT ĐI KHÁM BÁC SĨ --------------------------------
Có một ông chủ một nông trại, nuôi một con két. Ông rất quí nó. Ông rất thương nó. Có thể nói, nó là con thú cưng ông nhất.
Một ngày kia, bỗng nhiên ông chú ý tiếng ho khù khụ của con két. Nó ho liên tục. Trông nó thật tội nghiệp.
Vì thương con két, sợ nó chết, nên ông vội mang nó đến bác sĩ thú y, để xin được chữa bệnh.
Sau khi khám thật kỹ, bác sĩ tuyên bố: Con két không có bị bệnh gì hết. Sở dĩ nó ho, là do bắt chước những tiếng ho khù khụ của ông, do cái bệnh nghiện thuốc lá của ông, và tiếng ho khù khụ của nó, nay đã trở thành thói quen.
Bấy giờ, ông chủ mới nhận ra, là mình mắc bệnh ho, chứ không phải con vẹt.
Từ đó, vì thương con két, ông quyết tâm cai thuốc lá và cố uống thuốc để chữa trị bệnh ho cho dứt điểm.
Kề từ khi ông hết ho, thì con két của ông cũng không còn ho khù khụ như trước nữa!
*****
Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm nay (Chúa Nhật TN 8-C) đã dạy chúng ta:
"Sao anh thấy cái rác trong mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không thấy" (Lc 6,41).
Chúng ta thường hà tiện trong lời khen,
nhưng người ta lại rất quảng đại trong lời chê.
Có thể nói một trong những tội con người ta thường sai phạm, đó là thói hay xét đoán, hay nghĩ xấu, hay nghĩ quấy cho người khác, nhất là cho những kẻ mình không ưa, không thích.
Người xưa có câu:
"Việc người thì sáng,
việc mình thì quáng".
Cho nên, việc nhìn lại bản thân để tự kiểm điểm, là một việc cần phải làm hằng ngày, đối với các người tín hữu, nhất là những ai đang giữ vị trí lãnh đạo, có sứ mệnh hướng dẫn các tâm hồn.
Chúng ta hãy bắt chước thánh Au-gút-ti-nô dâng lời cầu nguyện như sau:
"Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con".
Xin Chúa cho con:
Biết mình cũng yếu hèn và hay sai lỗi, để con không lên mặt xét đoán và kết án anh em.
Biết mình hay che đậy và giả hình, để sẵn sàng cảm thông và bỏ qua lỗi lầm của kẻ khác.
Biết mình thích được khen khi làm được việc tốt, để con biết thường xuyên hơn, khen ngợi, động viên những người sống bên cạnh mình.
*****
Rồi, người ta cũng lại thường dễ phát hiện các khuyết điểm lỗi lầm, dù nhỏ bé, của người khác, mà lại khó nhận ra sai lỗi lớn lao của mình.
Nguyên nhân, là do chúng ta có thói ích kỷ, tự mãn, nên bị mù quáng và hay xét đoán kết án anh em.
Lời Chúa hôm nay cũng dạy chúng ta:
Đừng vội kết án tha nhân, vì chính mình cũng có đầy khuyết điểm, như người xưa đã dạy:
“Chân mình những lấm bê bê,
lại cầm bó đuốc mà rê chân người”.
Tuy nhiên, nếu là người giữ địa vị lãnh đạo trong gia đình, học đường hoặc xã hội, có trách nhiệm giữ gìn kỷ cương, thì chúng ta cũng cần phải sửa dạy những người sai lỗi.
Khi đó, để lời sửa dạy của ta có sức thuyết phục và đạt kết quả cao, thì đòi hỏi chúng ta phải chỉnh sửa chính mình, trước khi răn dạy kẻ khác.
Một nhà thần bí Ấn độ đã phát biểu một kinh nghiệm của mình như sau:
- "Tôi là một nhà cách mạng, khi còn trẻ, và tất cả những gì tôi cầu với Chúa là: "Lạy Chúa, xin cho con quyền lực, để con có thể cải tạo thế giới này, ngày một nên tốt hơn".
- Rôì khi tới tuổi trung niên, tôi nhận ra rằng: Nửa cuộc đời đã qua đi rồi, mà tôi vẫn chưa cải tạo được thế giới, nên tôi đã đổi lại lời cầu: "Lạy Chúa, xin cho con biết cách, để con hoán cải những người con có dịp tiếp xúc, gặp gỡ”.
- Bây giờ, tôi đã về già và sắp kết thúc cuộc đời, tôi thấy mình cũng vẫn chưa biến đổi được một ai, nên cảm thấy mình thật khờ dại. Vì thế tôi lại thay đổi lời cầu như sau: "Lạy Chúa, xin cho con được ơn hoán cải chính bản thân con".
Giả như ngay từ khi còn trẻ, tôi đã ý thức về sự bất lực của mình như thế, thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời cách vô ích, mà sẽ tập trung để cải tạo bắt đầu từ chính bản thân mình trước".
*****
Một kinh nghiệm khác cũng thường thấy trong cuộc sống, là chúng ta thường hay phán xét người khác, bằng lời nói, bằng cử chỉ, bằng thái độ và luôn đánh giá không tốt về họ.
Nhất là những khi chuyện trò với bè bạn, chúng ta lại thường hay khoe thành tích của bản thân, hay của người thân, để tự đề cao mình, hay đề cao gia đình mình, và thường lại chê trách những người ta có ác cảm.
Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã dạy: “Những ai hay phán xét anh chị em mình, hay nói xấu anh chị em mình, thì họ chính là kẻ giả hình. Vì họ không đủ can đảm, để nhìn lại những thiếu sót, những lỗi lầm của bản thân mình”.
Chúa Giê-su trong cũng dạy chúng ta hôm nay:
“Sao ngươi nhìn thấy cái rác trong mắt của anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy?… Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ, để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”.
Khi phê phán chỉ trích, kết án một người nào đó là chúng ta đã biểu lộ sự ác cảm thù ghét họ.
Những người có tình yêu thương sẽ không xét đoán ý trái hoặc kết tội người mình yêu thương, nhưng sẽ biểu lộ sự khoan dung tha thứ, sẽ luôn xét đoán với ý tốt, sẽ trở thành luật sư bào chữa lỗi lầm, thay vì làm công tố viên buộc tội cho họ.
Để luôn xét đoán với ý tốt cho tha nhân, chúng ta hãy xin Chúa gia tăng tình thương trong lòng chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ đối xử khoan dung nhân hậu hơn với những kẻ thù ghét mình, để xóa bỏ thù hận, biến thù thành bạn của mình.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con có đôi mắt của Chúa, để con nhìn anh em như là hồng ân và là quà tặng Chúa ban.
Xin cho con có trái tim của Chúa, để con sống yêu thương, với lòng bao dung tha thứ và biết xót thương tha nhân.
Và cuối cùng, xin cho con học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng, để con nên chứng nhân cho tình thương của Chúa trước mặt người đời. Amen.