*** Đọc các bài của Lm. Mễn: 1. Vào Facebook.com; tìm: Nguyễn Mễn;
hoặc https://www.facebook.com/ nguyen.men.71; 2. Vào Internet: Youtube, Google, Cốc Cốc, Safari, hoặc Yahoo.com;
tìm: Cha Mễn, hoặc linh mục Mễn 3. https://linhmucmen.com
4. Email: mennguyen296@gmail.com 5. ĐT: 0913 784 998 có zalo; 0394 469 165
**** "Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Galata 6,10)
**** Lạy Chúa, xin hãy hoàn thành nơi con những ý định của Chúa. Và xin ban cho con ơn: Không làm trở ngại ý định của Chúa do hành vi của con. Lạy Chúa, con muốn điều Chúa muốn, chỉ vì Chúa muốn, như Chúa đã muốn và tới mức độ Chúa muốn. Amen.
Ông Mahatma Gandhi, vị thánh của dân tộc Ấn Độ, trong nhật ký tự thuật của mình, ông đã kể lại rằng:
Khi còn theo học ở Nam Phi, ông rất thích đọc Kinh Thánh, đặc biệt là rất thích "Bài giảng trên núi" của Chúa Giêsu. Ông xác tín rằng Kitô giáo chính là giải đáp cho hệ thống đẳng cấp đã gây thương tổn cho đất nước Ấn Độ của ông từ bao thế kỷ nay. Ông thực sự nuôi ý định trở thành Kitô hữu.
Ngày kia, ông bước vào một nhà thờ Công Giáo để dự lễ và nghe giảng. Bỗng có người đã chặn ông lại ở cửa nhà thờ và rất nhẹ nhàng cho ông hay rằng: Nếu ông muốn dự lễ, thì xin mời ông đến một nhà thờ dành riêng cho người da đen.
Ông ra đi và không bao giờ trở lại.
***
Tin mừng hôm nay (MC 3-B ) thuật lại việc Đức Giêsu xua đuổi những người bán chiên bò, chim câu và những người đổi tiền ra khỏi Đền Thờ.
Chắc chắn Người không hề xua đuổi những con người thành tâm thiện chí.
Nhà thờ là nơi tôn nghiêm, qui tụ các tín hữu, cử hành phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, mọi người chung một niềm tin, cùng chung một lời cầu tôn vinh Thiên Chúa.
Nhà thờ chính là Hội thánh thu nhỏ, không phải là một pháo đài đóng kín, dành riêng cho phe nhóm, đảng phái, hay da mầu. Nhà thờ không phải là rào luỹ, để cấm đoán, để loại trừ. Trái lại, Nhà thờ phải là nơi mở rộng, để đón tiếp tất cả mọi người thành tâm thiện chí, không phân biệt một ai, không loại trừ một người nào..
*****
Hôm nay Đức Giêsu phải xua đuổi người ta ra khỏi Đền Thờ, chỉ vì Người không muốn nơi thánh thiêng trở thành cái chợ. Người không muốn nhà Cha Người bị xúc phạm. Người thấy cần phải thanh tẩy Đền Thờ. Và thái độ quyết liệt của Đức Giêsu đòi chúng ta phải xét lại chính mình.
Dường như không khí chợ búa vẫn vương vấn đâu đây:
- Người ta hẹn hò vào các giờ lễ,
- họ đi nhà thờ nhưng mắt trước mắt sau,
- họ lo trình diễn áo quần kiểu tóc.
- Có kẻ đến nhà thờ để thắp sáng hào quang cho chính mình hơn là cho Chúa.
- Có những đám cưới yêu cầu bật sáng mọi bóng đèn trong thánh đường.
- Có những đám ma đòi buộc nhà thờ phải treo cờ tang phướng rũ, như một biển tím, một rừng tang. Đồng tiền đã che mờ nét tôn nghiêm của nhà Chúa.
"Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây" (Ga.216).
Lời bất bình đó của Đức Giêsu vẫn như còn đang nói với chúng ta hôm nay:
Người muốn các nhà thờ phải là nơi thờ phượng, nơi tĩnh lặng để con người gặp gỡ Thiên Chúa. Không cần ồn ào, nặng phần trình diễn, cũng không nên máy móc, buồn tẻ, khi cử hành các nghi thức phụng vụ.
Nếu mỗi thánh lễ là tái diễn Hy lễ thập giá của Đức Giêsu, Đấng đã yêu cho đến cùng, thì mỗi thánh lễ cũng mang một sức sống mới của Đấng Phục sinh. Người chính là Đền Thờ mới, nơi nhân loại sẽ thờ phượng Thiên Chúa Cha cách đích thực.
***
Lạy Cha, Mùa chay thánh là mùa thanh tẩy các đền thờ:
- đền thờ vật chất là những thánh đường
- và đền thờ thiêng liêng là mỗi người chúng con.
Xin giúp chúng con biết thanh tẩy những nhơ nhớp trong tâm hồn chúng con, hầu chúng con xứng đáng đến thờ phượng Cha, trong Đền Thờ mới là Đức Giêsu, Con Cha. Amen.
Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu"
(Chuyện này minh họa Tin Mừng Chúa Nhật MC 3-B: Ga 2, 16 “Hãy đem tất cả những thứ này ra khởi nơi đây. Đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán”).
Có một giai thoại về cây thánh giá cổ xưa rất đặc biệt, tại một nhà thờ bên nước Tây Ban Nha, được kể như sau:
Một hôm, có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới chân cây thánh giá này.
Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội thật nặng cũng như ngăm đe nhiều điều. Tội nhân ra về lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật nấy, không bao lâu, người đó lại sa ngã.
Lần này, sau khi tội nhân xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe doạ: “Đây là lần cuối cùng tôi giải tội cho anh!”
Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng dưới chân cây thánh giá này, để xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài lên giọng:
“Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho anh nữa!”.
Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ giải tội cho tội nhân đang sám hối, thì Ngài bỗng nghe một tiếng thì thầm từ trên thánh giá này. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe rõ được tiếng thì thầm ấy nói:
“Chính Ta là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi”.
Từ đó, bàn tay của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ban phép lành, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ.
Các du khách thập phương đến kính viếng rất đông. Nhưng, những ai nhìn lên cây thánh giá cũng đều có cảm tưởng là như ánh mắt của Chúa Giêsu đang nhìn mình, và nghe như có tiếng thì thầm đang nói với mình:
“Ta không hề kết án con”.
*****
Cuộc đàm đạo của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô trong Tin Mừng Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm B (Gioan 3,14-21) mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá của Đức Kitô, để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Ngài luôn tha thứ chứ không kết án.
- “Ta không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn nó bỏ đường tội lỗi, quay trở lại để được sống” (Ed 33,11).
- “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”.
- “Cũng như Môsê treo con rắn đồng trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng bị treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Ngài sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời”.
Thập giá đã trở thành dấu chỉ ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài, tương tự như con rắn đồng đã được Môsê giương cao trong sa mạc thuở xưa, để những ai bị rắn lửa cắn, nhìn lên con rắn đồng ấy đều được cứu sống.
Thánh Gioan còn nói tiếp:
- “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
Thiên Chúa một lần nữa, lại biểu lộ tất cả tình thương của Ngài đối với chúng ta trong Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô.
Tất cả bắt nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu. Tình yêu của Ngài không ở trên mây trên gió, nhưng được thể hiện qua hành vi “trao ban”. Điều quí nhất của Người Cha là Người Con. Thế mà Thiên Chúa đã muốn trao ban cho nhân loại chính Con Một dấu yêu của Ngài. Ngài đã cho chúng ta tất cả. Đức Giêsu chính là quà tặng lớn nhất Thiên Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại. Việc trao ban này trước tiên được biểu lộ qua việc Ngài sai Con Người, và cuối cùng, qua việc nộp Con Một cho loài người treo lên thập giá.
Đó là lúc Thiên Chúa trao ban Con Một của Ngài cho loài người một cách trọn vẹn nhất, dứt khoát nhất.
Bởi vậy, chính lúc đó là lúc Thiên Chúa đã đặt Con của Ngài làm Đấng ban sự sống cho loài người, để ai tin vào Người Con ấy thì được sống đời đời. Vì con của Ngài đến không phải để kết án, luận phạt, nhưng để cứu loài người khỏi chết và cho thông phần vào cuộc Phục Sinh vinh quang của Ngài.
*****
Đứng trước thập giá Đức Kitô, chúng ta phải có thái độ nào?
Tin vào tình yêu Thiên Chúa hay chối từ tình yêu của Ngài? Chính thái độ đó sẽ định đoạt số phận của chúng ta. Vì thế, tin hay không tin là một chọn lựa sống chết. Mỗi người có đủ tự do tiếp nhận hay từ chối ánh sáng. Ai tin là đón nhận ánh sáng, là bước vào cõi sống. Ai không tin là từ chối ánh sáng và tự đầy đọa mình trong tăm tối, trong cõi chết. Thiên Chúa không cần kết án luận phạt nữa.
“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài”, đó là chân lý cơ bản nhất của Kitô giáo. Tất cả cuộc đời cuả Chúa Giêsu, cái chết của Ngài trên thập giá, là ngôn ngữ Chúa muốn sử dụng để nói với chúng ta rằng Ngài yêu thương chúng ta, yêu thương đến nỗi sẵn sàng để cho Ngươì Con Một yêu quí của Ngài chết thay cho chúng ta.
Hãy nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Phải, bên kia sự ác độc của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: Một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.
Nhìn lên thập giá Chúa Kitô không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi. Trái lại, nhìn lên thập giá Chúa Kitô để cảm nghiệm được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn.
Nhìn lên thập giá Chúa Kitô để cảm nghiệm được ơn tha thứ của Ngài, để chúng ta cũng biết cảm thông và tha thứ cho anh em chúng ta.
Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi yêu thương tha thứ cho anh em nhiều hơn. Thiên Chúa không kết án luận phạt chúng ta, sao ta lại kết án luận phạt anh em mình?
“Hãy tha thứ để được Chúa tha thứ. Đừng xét đoán để khỏi bị Chúa xét đoán” (Lc 6, 36-37).
Hãy yêu thương như Chúa đã yêu thương ta. Một lần nữa, chúng ta hãy hãy ngước nhìn lên thập giá Chúa Kitô:
Hãy xem đó thì biết phép công thẳng của Chúa là thế nào! Hãy xem đó thì biết tội nặng nề gớm ghiếc là chừng nào! Hãy xem đó thì rõ biết lòng Chúa quá yêu thương ta là dường nào! (Đàng Thánh Giá, chặng 13).
(Chuyện này minh họa Tin Mừng Chúa Nhật MC 4-B: Ga 3,17 “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ con của Người mà được cứu độ”).
Đêm 31-7-1941, tại trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc Xã, có một tù nhân vượt ngục, trốn thoát khỏi trại. Mà theo luật ở đây: Một người trốn trại, thì 10 tù nhân khác được chọn để chết thế mạng.
Sáng sớm hôm sau, sau khi các tù nhân đã tập trung đầy đủ, hàng ngủ đã chỉnh tề, thì viên Sĩ quan chỉ huy bước dọc theo các dãy tù nhân đang run sợ, chờ đợi sự chỉ định của hắn, như tiếng gọi của tử thần: "Tên này, Tên kia." Có những tiếng thở phào thoát nạn. Nhưng cũng có tiếng khóc nức nở tuyệt vọng. Trong đó, có một người đàn ông, không kềm được nỗi đau đớn tột cùng, đã hét lên một tiếng kêu than, thật não, trong cơn tuyệt vọng: Khốn thân tôi, Cha Mẹ ơi, vợ con tôi ơi. Và đoàn 10 người xấu số, đang lầm lũi lê bước về hầm bỏ đói.
Bỗng có một tù nhân mang số 16670, đang trong hàng ngũ ổn định, bước ra khỏi hàng, lên tiếng nói. "Tôi xin thế chỗ cho ông kia, đang đau khổ vì gia đình, vì vợ con."
Cả một sự im lặng nặng nề. Tên chỉ huy sững sờ. Đây là lần đầu tiên trong đời hắn phải đối diện với một sự can đảm lạ thường.
- "Mày là ai?" - "Tôi là một linh mục công giáo." - "Được. Không cần xưng danh tính, cũng không cần nêu công trạng".
Và Cha Kôn-bê (Kolbe) đã được chọn, để thế chỗ cho người đàn ông đau khổ đó, tên là Phan-xis (Francis Gajowniczek).
*****
Trong "hầm tử thần" tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói, để chết dần chết mòn trong tăm tối. Nhưng thật lạ lùng, thay vì tiếng rên xiết như thường xảy ra, người ta lại nghe các tù nhân hát thánh ca, do Cha Kôn-bê diều khiển.
Vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15-8 năm đó, đoàn 10 người, chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Tên cai tù chấm dứt cuộc đời Cha Kôn-bê và những người còn sống, bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Sau đó thân xác của ngài bị thiêu đốt cũng như bao người khác.
*****
Cha Kôn-bê được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 10-10-1982 với sự tham dự của Franciszek Gajowniczek, bạn tù được Cha Kôn-bê thế mạng. Sau khi tuyên thánh, Giáo hoàng cũng tuyên bố Cha Kôn-bê (Maximilian Kolbe) là một thánh tử đạo thực sự.
*****
Cha M.Kolbe tự nguyện hiến mạng sống mình, chọn cái chết thay cho người bạn tù, không phải Ngài khinh chê sự sống, nhưng Ngài đã làm vinh danh Đấng có quyền năng trên cả sự chết lẫn sự sống, Đấng sẽ ban cho Ngài sự sống đích thật và Ngài vĩnh viễn được thuộc về Đấng ấy, Đức Giêsu Kitô.
Hình ảnh thật hiên ngang đi giữa những tù nhân đến phòng hơi ngạt, cha M.Kolbe cho thấy Thiên Chúa vẫn đang hiện diện, dù là trong cái “hỏa ngục trần gian”, dù là trong những hoàn cảnh bi thảm nhất, tuyệt vọng nhất, trong những tù nhân không còn hình dạng con người và ngay cả giữa những tên Phát xít tàn ác kia.
Và ta thấy, mỗi bước chân cha đi qua ghi lại dấu tích của một tình yêu hiến mình, cao cả, khơi lên niềm hy vọng cứu thoát đặt trọn nơi Thiên Chúa, làm dịu êm, làm tươi mát những tâm hồn cằn cỗi, trong kiếp sống bị đày đọa, kiếp sống mà cha cũng đang sống. Cha đã xóa mình đi để hé rạng một chân trời mới, không còn cái tôi ích kỷ làm trung tâm, không còn dính bén cái sống và sợ hãi cái chết, những sự đời này chỉ là tạm bợ, phải nhường chỗ, phải được thay thế cho sự vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng mà cha đã anh dũng tiến đến trong tư cách là một người phục vụ trong yêu thương.
“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Gioan 13,35)
(Chuyện này minh họa Tin Mừng Chúa Nhật MC 5-B: Ga 12,25 "Ai yêu quí mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời").
Có một vị linh mục, sau chuyến đi du lịch Đài Bắc trở về, đã thuật lại một cách thức truyền giáo của một tài xế tắc xi như sau:
“Ngày nọ, tôi đón tắc xi từ khách sạn đi trung tâm thành phố Đài Bắc mua sắm quà lưu niệm. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong xe có dán một tờ giấy ghi mấy hàng chữ như sau:
“Bạn có thể tìm thấy một vài quyển sách về tôn giáo ở hộc bên hông xe. Trong khi xe đang chạy, bạn có thể đọc sách, và nếu thích, bạn có thể mang sách theo khi rời khỏi xe, mà không phải trả tiền mua sách”.
Tôi tò mò tìm hộc sách và thấy độ một chục cuốn sách mỏng bằng tranh nội dung về cuộc đời Đức Giêsu in trên giấy trắng khá đẹp, một ít sách truyện về các thánh và các danh nhân công giáo, một ít cuốn là những câu chuyện về việc sống đức tin giữa đời thường như thế nào…
Ngoài ra, phía trên tấm kính chiếu hậu trước mặt tài xế, cũng có một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nhỏ. Tôi mở lời hỏi anh tài xế:
- Này bác tài, xin vui lòng cho tôi biết: Hành khách đi xe có ai quan tâm đến hộc sách đạo của bác không ?
- Ồ có chứ ! Có nhiều người đã lấy ra xem, và có người còn cầm mang về nhà nữa.
Tôi hỏi tiếp:
- Bác có cảm tưởng gì khi thấy người ta đọc các sách do bác giới thiệu ?
- Tôi cảm thấy rất sung sướng anh à! Anh biết không: tôi không có nhiều giờ để đi lễ nhà thờ. Vì tôi phải luôn chạy xe kiếm sống. Do đó, đây là cách làm công tác tông đồ của tôi. Tôi rất mừng có thể làm hai việc một lúc: Vừa lái xe lại vừa rao giảng Tin Mừng mà không mất thêm thì giờ. Tôi nghĩ rằng tôi đang làm một công việc thật tuyệt vời !
*****
Một số hội đoàn Công Giáo Tiến Hành cũng đã phân phát cho các tài xế xe tắc xi ở Đài Bắc một tấm thẻ bọc nhựa treo trước mặt tài xế. Trên tấm thẻ ở mặt trước có in hình cây Thánh Giá màu đỏ với dòng chữ:
“Chúa đang cùng lái xe với bạn”.
Mặt sau là lời cầu của các tài xế như sau:
“Lạy Chúa, khi con lái xe, xin giúp con yêu mến tha nhân như chính bản thân con, để con không làm gì gây thiệt hại cho bất cứ ai. Xin cho con giữ đức công bình để không thu tiền cước xe quá giá, sẵn sàng trao trả đồ đạc khách bỏ quên trên xe. Xin cho đôi mắt con được tinh tường, cho tay chân con được khéo léo để lái xe an toàn và tránh gây tai nạn. Xin cho tâm trí con luôn bình an và thần kinh con luôn thoải mái. Xin đừng để con lái xe khi uống rượu say không đủ tỉnh táo. Xin đừng để con nhiễm thói cạnh tranh bất chính với các bạn đồng nghiệp. Và cuối cùng xin Chúa giúp con luôn Thượng Lộ Bình An”.
---------------------------- Lời Bàn: 1. Bạn nhận xét thế nào về phương cách tặng sách truyện tranh ảnh Kinh Thánh, truyện của các thánh và những truyện sống đức tin trong đời thường của bác tài xế tắc xi trong câu chuyện trên ?
2. Bạn sẽ chọn cách truyền giảng Tin Mừng nào đối với bạn học cùng trường, hay cùng làm trong một cơ quan xí nghiệp hay nhà máy ?
3. Lời nguyện: Lạy Mẹ Maria. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Phục Sinh đã củng cố đức tin của các tông đồ, bằng việc cho xem tay chân đã từng bị đóng đinh, ăn uống trước mặt các ông. Rồi khi các ông đã tin, Chúa lại đòi họ phải làm chứng nhân cho Người. Xin Mẹ giúp chúng con chu toàn sứ mạng làm chứng cho Chúa, bằng việc sám hối và xa lánh dịp tội, làm nhiều việc lành, như chia sẻ cơm áo tiền bạc cho những người nghèo, thăm viếng những người đau liệt… để chúng con nên nhân chứng tình thương của Chúa Giêsu.
(Chuyện này minh họa Tin Mừng Chúa Nhật PS 3-B: Luca 24,48 “Chính anh em là chứng nhân về những điều này”)
Cha Mansour Labaky, người Liban, một cộng tác viên đắc lực của văn phòng chuyên lo giúp đỡ các trẻ bụi đời, các trẻ lề đường ở Paris, thủ đô nước Pháp, đã có lần kể về người mẹ của cha như sau, một người mẹ thật hiếm thấy trong các Bà mẹ, kể cả các Bà cố, mẹ của các linh mục, tu sĩ.
***** Năm đó tôi vừa xong bậc tiểu học. Trong một đêm tối, sau khi cùng với mẹ đọc kinh tối chung với mọi người trong gia đình, tôi đã thỏ thẻ nói với mẹ, là tôi muốn đi tu làm Linh Mục. Mẹ tôi vui mừng lắm, khi nghe tôi nói lên ước muốn này. Mẹ tôi cảm động nói:
- Mẹ rất tán thành.
Và Cha tôi cũng đã tỏ ra vui mừng không kém.
Mẹ tôi đã ôm tôi vào lòng, và hôn tôi hồi lâu, với tất cả sự thân thương trìu mến. Mẹ tôi thì thầm khẻ nói với tôi: Mẹ sẽ ủng hộ con hết mình, và quyết tâm sẽ đồng hành với con, cho đến khi con đạt được ước nguyện.
Sáng hôm sau, mẹ tôi thức dậy thật sớm, đưa tôi đi lễ, và sau lễ, đã dẫn tôi vào nhà xứ để gặp cha xứ.
***** Sau khi biết được ước nguyện của tôi, cha xứ xoa đầu tôi, chúc lành cho tôi, và hứa sẽ ủng hộ tôi hết mình. Kể từ đó, tôi có dịp gặp cha xứ nhiều hơn. Tôi được vào hội giúp lễ. Cuối cùng, nhờ sự hướng dẫn chỉ bảo của cha xứ, tôi đã được vào Chủng Viện.
Sau một thời gian dài tu luyện, tôi được Đức Cha và Ban Giám Đốc Đại Chủng Viện chọn gọi tôi lên thánh chức linh mục.
Hay tin này, mẹ tôi đích thân đến Đại Chủng Viện, chào thăm cha giám đốc, và cám ơn các cha giáo.
Mẹ tôi lại khẻ nói nhỏ với tôi: Hay tin con được được Đức Giám mục và Ban Giám Đốc Đại Chủng Viện chọn gọi con lên thánh chức linh mục, mẹ tặng cho con món qua này.
Bà cẩn thận mở thùng giấy ra, trao cho tôi một cái keo thủy tinh khá lớn và nói:
- Này con, kể từ giây phút con được nhận vào chủng viện, hằng ngày mẹ đã cố gắng làm thật nhiều hy sinh hãm mình và đã gia tăng nhiều việc lành phúc đức, để dâng lên Chúa, để cầu nguyện cho con, để xin Chúa gìn giữ dìu dắt con, từng bước trung thành theo ơn Chúa gọi. Mỗi lần mẹ làm một việc hy sinh hay một việc đạo đức nào, mẹ ghi nhớ bằng việc bỏ vào bình này một hột lúa mì. Bây giờ, tất cả những hạt lúa mì này mẹ đã cẩn thận cất giữ thật kỹ. Nay mẹ xin tặng lại cho con. Con hãy nhờ ai đó, chuyên nghề làm bánh lễ, để họ xay ra, tán nhuyễn thành bột, và đúc thành chiếc bánh lễ, để con thánh hiến trên bàn thờ, trong ngày con dâng lên Thiên Chúa Thánh Lễ đầu tay. Đây là món quà ghi dấu tình mẹ thương con và đã cộng tác với con trong bao năm tháng qua. Và con hãy an tâm, bao lâu Chúa cho mẹ còn sống, mẹ sẽ vẫn còn tiếp tục hợp tác với chức vụ Linh Mục của con, bằng những hy sinh nhiều hơn nữa, trong cuộc đời âm thầm, trong đời thường của mẹ.
*** Lời nguyện cầu cho mẹ:
Lạy Chúa, Chúa đã trao ban con một người mẹ thật quảng đại, thật cao cả. Con xin cám ơn Chúa. Xin Chúa gìn giữ mẹ con lúc người còn sống. Xin cũng dủ lòng xót thương khi người đã qua đời. Xin cho những người con còn mẹ hôm nay, luôn biết trân trọng, yêu mến và gìn giữ, như là món quà thân thương cao quí nhất, một món quà vô giá, để đừng vì một lý do nào đó, mà đánh mất đi cái ân huệ đó. Xin cho những người con mất mẹ, biết tìm chỗ tựa nương an ủi bên Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, và là Mẹ của chúng con. Amen!
(Chuyện này minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Chiên Lành PS 4-B: Gioan 10,14 - Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên).
Có một thầy kiện (Luật sư) mới mở được một văn phòng luật sư khang trang lịch sự. Bỗng nghe có tiếng chân người ngoài cửa bước vào, ông vờ như không thấy. Vội nhắc ống điện thoại lên, nói thật to trong ống nghe:
- Alô, văn phòng luật sư đây.
- Vâng, từ ngày tốt nghiệp đại học đến nay, tôi đã thắng nhiều vụ kiện lớn. Các công ty danh tiếng đều nhờ cậy tôi. Tôi được rất nhiều người tin tưởng. Tuy thu nhập cao nhưng tôi luôn dành 10 o/o cho các công việc từ thiện.
Có tiếng gõ cửa, ông quay lại, thấy người đàn bà đang đứng chờ từ nãy, ông mới lịch sự thưa:
- Xin lỗi bà, tôi có khách quý đến.
Quay lưng lại, anh hỏi người vừa bước vào:
- Anh cần gì ?
- Thưa luật sư, có phải hôm nay là ngày đầu tiên văn phòng của ngài bắt đầu làm việc ?
- Đúng thế, anh cần tôi giúp vụ kiện nào ?
- Dạ thưa không tôi là người của công ty điện thoại được cử đến để gắn đường dây điện thoại cho ngài!
*****
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại mối liên hệ của chúng ta với Chúa.
“Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”.
Đức Giêsu Phục sinh là cây nho, các tín hữu Kitô là cành. Cây và cành có chung một dòng nhựa, nên cùng một sự sống. Càng gắn bó với cây, cành càng sinh nhiều hoa trái. Nếu ngược lại cành sẽ héo tàn. Ví như đường dây điện thoại của ông luật sư, không có nối với tổng đài thì đâu có liên lạc đối thoại: không có liên lạc đối thoại thì đâu có khách hàng, lợi nhuận ! Cành chỉ giả vờ gắn liền với cây, nên làm gì có sinh hoa trái.
Cành nào đã sinh trái, càng phải sinh trái nhiều hơn. Muốn sinh nhiều trái hơn, cành cần được cắt tỉa đớn đau. Có cắt tỉa vun xới, cành mới sinh hoa kết quả. Đức Giêsu trên cây thập giá, như một thân nho trơ trụi. Đó là lúc phát sinh hoa trái nhiều hơn cả. Từ cạnh sườn Người bị đâm thấu, Giáo Hội đã được sinh ra, và đơm bông kết trái dồi dào.
Mỗi người tín hữu Kitô cũng phải được cắt tỉa, vun xới bằng hy sinh đau khổ hằng ngày, mới trổ sinh hoa trái dồi dào. Niềm vui và đau khổ không nhất thiết phải khử trừ nhau. Đôi khi nó réo gọi nhau, trong những cuộc đàm thoại huyền nhiệm. Vì thế hy sinh không là bóp nghẹt cuộc đời, nhưng làm cho đời thêm triển nở tốt tươi. Điều quan trọng là “Hãy ở lại trong Thầy” vì “Nếu không có Thầy các con không thể làm gì được”.
Ở lại trong Thầy và liên kết với Thầy qua đường dây “Cầu nguyện và bí tích”. Tất cả sức sống của Đức Giêsu được chuyển thông từ đó, khả năng kết trái cũng phát sinh từ đó. Đức Giêsu dạy: “Nếu các con ở trong Thầy và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin sẽ được”.
Nếu Đức Kitô là Cây Nho đích thực, và Người Trồng Nho là chính Thiên Chúa thì chúng ta hãy là những cành nho căng nhựa sống, để dâng hiến cho đời những hoa trái tốt tươi.
(Chuyện này minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh 5-B: Gioan 15,5 “Thầy là Cây Nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được”).
Một người đàn ông khi còn sống chuyên môn làm nghề quảng cáo, đến lúc chết ông ta xuống gặp ngay Diêm vương. Diêm vương ân cần bèn hỏi: “Muốn ở thiên đàng hay ở hỏa ngục”. Người đàn ông ngập ngừng đáp: “Chưa thấy thiên đàng hay hỏa ngục như thế nào thì làm sao mà chọn” .
Diêm vương bàn dẫn ông ta đến một nơi và chỉ cho thấy cảnh thiên đàng: đó là một nơi mát mẻ, yên lặng, người người dịu dàng đi lại, nói chuyện nhẹ nhàng, chơi cờ thanh thản…
Đoạn dẫn đến một nơi gọi là hỏa ngục thì thấy vui nhộn hơn, có những đám ăn nhậu với đủ thứ thức ăn và rượu ngon, có cả văn nghệ với nhạc rập rình, có các cô đào trẻ đẹp múa hát…
Sau khi đã nhìn thấy hai nơi rồi, ông ta mau mắn trả lời: “Ở thiên đàng buồn quá, tôi thích chọn hỏa ngục vui sướng hơn”.
Thế là Diêm vương sai hai thằng quỉ ném ông ta vào hỏa ngục. Vừa đến nơi ông ta la hoảng lên vì nóng quá, chả có ăn nhậu, chả có văn nghệ gì ráo trọi, mà chỉ thấy toàn lũ quỉ đen, nham nhở đang vui thích hành hạ các tội nhân. Ông ta nổi sùng, phẩn nộ quay lại hỏi Diêm vương: “Thế hỏa ngục lúc nãy Ngài cho tôi thấy nó ở đâu ?”. Diêm vương khoái chí cười ha hả đáp: “Ngu ơi là ngu, quảng cáo mà mày !”.
*****
Đời là thế đấy ! đúng là “sinh nghề tử nghiệp”, “sống sao thác vậy”. Nói một cách rõ ràng hơn thì người đàn ông trong câu chuyện đã bị “gậy ông đập lưng ông” vì khi còn sống ông ta đã dùng mánh khóe, xảo thuật để quảng cáo đánh lừa người khác làm lợi cho mình. Đến khi chết đi, ông ta vẫn mang dòng máu tham lam, ham lợi đó, nên đã bị Diêm vương cao tay hơn, dùng chính lối quảng cáo đánh lừa ông ta là vậy.
Nhưng nếu suy rộng ra thì đây cũng là một mẫu người tiêu biểu cho lối sống của nhiều người thời nay.
Hơn bao giờ hết, người thời nay với lối sống xô bồ, đua tốc độ với thời gian, lấy vật chất làm động lực sống, coi hưởng thụ khoái lạc làm mục tiêu hành động, nên đã sử dụng môn quảng cáo như là một tuyệt chiêu để tranh sống và sinh tồn ở đời. Do đó, người ta đua nhau tổ chức cuộc sống mình đặt trên cơ sở lấy ngắn thay cho dài hạn, lấy lợi trước mắt quên tác hại sâu xa, lấy bên ngoài quan trọng hơn bên trong, lấy xác hơn hồn. Tất cả những sai lầm nguy hiểm trên đương nhiên ai ai cũng thừa biết, nhưng người ta vẫn cứ sống, vẫn cứ coi thường.
*****
Hôm nay cũng như bao lần khác, chúng ta cùng nhau mừng lễ Chúa lên trời. Và mỗi lần như thế chắc chắn Chúa vẫn kêu mời mỗi người chúng ta hãy nghĩ và đặt lại hướng đi cuộc đời của mình cho đúng.
Hay nói cách khác: Chúa muốn chúng ta, nhân cơ hội kỷ niệm biến cố Ngài về trời, sáng suốt nhận ra được đâu là mục đích chính của đời sống tại dương thế.
Thảm thương thay, không hiểu tại sao mọi người chúng ta hình như cứ mải mê cố tình, hoặc khờ khạo coi nhẹ sự sống đời đời.
Sở dĩ có tình trạng mê lầm mất phương hướng này,
Một phần do những đòi hỏi của bạn mang vẻ hợp pháp đã đánh lừa nhiều người khiến họ cứ tưởng mình sống không đến nỗi xấu xa lắm:
- nào là “có thực mới vực được đạo”, - nào là sống đạo cốt tại tâm, - nào là phải lo đủ thứ bổn phận trách nhiệm trong gia đình ngoài xã hội, - nào là phải liên tục đương đầu để giải quyết biết bao công việc khó khăn.
Tất cả những thứ đó có đủ mãnh lực mê hoặc, ru ngủ chúng ta, đến nỗi chúng ta cho việc lơ là phần thiêng liêng, đạo đức, bỏ bê việc lành, thông cảm với những yếu đuối sa ngã, khô khan nguội lạnh đôi chút, đều không có gì phải ân hận, nuối tiếc cả.
Phần khác là do ảnh hưởng bên ngoài đầu độc. Chẳng hạn, thời nay hầu như ai cũng lấy lợi nhuận, hưởng thụ làm mục tiêu sống, trong khi kẻ nào chủ trương ăn ngay ở lành, ăn chay đền tội, tích luỹ công đức, thì bị người ta cho là dại khờ.
Thêm vào đó, nhiều chủ thuyết cổ võ lối sống tự do phóng khoáng, phi đạo đức luân lý, đả kích tôn giáo, khiến đức tin của một số người bị lung lay, và hoài nghi những chân lý trong đạo.
Đặc biệt ma quỉ đâu chịu ngồi yên, chúng dùng mưu mô xảo quyệt, lợi dụng tối đa mọi hoàn cảnh để ra sức dụ dỗ con người nghi ngờ Chúa, quên đi đời sau.
Ngay cả những giây phút cùng nhau chia sẻ lời Chúa này. Có những người tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình: Nghĩa là họ thỏa mãn những gì họ đang có, còn đạo đức chỉ là chuyện thứ yếu và đời đời lại quá xa vời, không quan tâm vội. Chính khi suy nghĩ như thế cũng đã đủ để minh chứng rằng nhiều người đang sống xa Nước trời.
Vậy, những ai xác tín rằng quê hương đích thực của đời mình là ở trên trời cao thì trước hết và trên hết, hãy qui hướng tất cả mọi sự trong cuộc sống, vận dụng mọi hoàn cảnh về nơi đó, để cố gắng chiếm đoạt cho bằng được, dù phải trả bất cứ giá nào.
Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là phải chạy trốn khỏi cuộc sống khốn khổ này, trái lại phải vui tươi, can đảm chu toàn những trách nhiệm, những bổn phận mà Chúa giao phó cho mỗi người.
Nhưng cũng nên nhớ: Đừng để cho bản thân, gia đình, của cải, danh lợi làm chủ, điều kiển, đến độ quên hết đời sau.
(Chuyện này minh họa Tin Mừng Lễ Chúa Thăng Thiên-B: Marcô 16,15-20 Quê hương đích thực của đời ta là ở trên trời cao, nên ta đừng quên tập trung đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức vào đó).
Có một ông vua muốn thử tài trí thông minh của vị Tể tướng mình, bèn gởi tặng ba con búp bê vàng. Những con búp bê này hoàn toàn giống nhau về hình dáng, kích thước và trọng lượng. Nhưng vua truyền dạy là giá trị của chúng khác nhau: một con rẻ mạt, một con vừa phải và một con rất mắc, rồi hỏi “tại sao vậy ?”.
Quan Tể tướng rất ngạc nhiên khi nhận được tặng phẩm và câu đố của vua. Ông bèn cho mời các cố vấn, bạn bè, người giỏi đến đoán xem ba con búp bê khác nhau chỗ nào, nhưng không ai giải đáp được. Dần dần tin này đồn nhanh khắp cả kinh thành, lớn bé già trẻ ai cũng biết.
Trong số có một thanh niên nhà nghèo vì phạm một lỗi nhẹ mà phải ở tù, nghe tin liền nhờ trình lên Tể tướng rằng: nếu thấy tận mắt những con búp bê thì anh ta sẽ đoán ra và hễ nói đúng thì xin thả khỏi tù. Tể tướng chấp thuận, truyền dẫn chàng thanh niên đó đến trước ba con búp bê. Sau khi xem xét kỹ và nhận thấy ở tai mỗi con búp bê đều có dùi một lỗ nhỏ: Anh ta liền lấy một cọng rơm
- đút vào lỗ tai con thứ nhất thì thấy nó thò ra ở đàng mồm, - đút vào lỗ tai con thứ hai thì thấy cọng rơm thò ra tai kia, - đút vào lỗ tai con thứ ba thì thấy xuyên vào bụng và nằm gọn trong đó.
Thử nghiệm xong, anh ta mới giải thích: “Thưa Tể tướng, những con búp bê này giống hệt như người:
1. Con thứ nhất tượng trưng cho loại người hay bộp chộp, vừa nghe, vừa thấy gì, thì vội nói cho người khác biết. Loại người này không thể tin cậy được, nên giá của nó rẻ mạt.
2. Con thứ hai giống người hay vô tâm, chểnh mảng, nghe tai này lọt tai kia. Loại người này khó tiếp thu lời của kẻ khác, nên giá trị không đắt lắm.
3. Còn con thứ ba giống như người nghe gì thì để vào bụng, mà suy nghĩ cân nhắc. Loại người này tốt, đáng tin cậy, nên giá nó đắt nhất”.
Nghe xong cách giải thích hợp lý của chàng thanh niên, ai cũng khen ngợi.
Riêng quan Tể tướng vừa vui mừng vì giải đáp được câu đố của nhà vua, vừa khâm phục trí thông minh của chàng thanh niên nên ra lệnh tha.
*****
Qua đó, chúng ta có thể rút ra được một kết luận quí giá cho cuộc sống là để đánh giá đúng về một người nào, không chỉ căn cứ vào hình dáng, cách sống bên ngoài, mà còn phải lưu ý đặc biệt tới lối suy nghĩ, tâm tư bên trong nữa.
Do đó, để biết một người khôn hay dại, tốt hay xấu, đáng tin hay không, thì phải tìm cách nhận xét, đánh giá thật chính xác.
Một trong những cách giúp ta nhận xét đúng là thử nghiệm về cách người ta nghe, tiếp thu như thế nào.
Thật vậy, mọi kiến thức mà con người có được phần lớn đều do việc biết nghe, biết nhìn nhận những gì xảy ra trong cuộc sống cách sáng suốt khôn ngoan.
Vì thế, ai không biết nhìn, biết nghe để tiếp thu những gì tốt đẹp, hay ho, thì khó mà trở thành người thông minh tiến bộ.
Trái lại, kẻ nào biết chịu khó lắng nghe để học hỏi, biết khôn khéo tìm tòi để suy tư nghiền ngẫm, cân nhắc chọn lựa, rồi đem ra thực hành, chắc chắn sẽ là người thành đạt mỹ mãn.
*****
Cũng vậy, trong con đường đạo đức, không phải bất cứ ai được lãnh nhận phép Rửa tội và các Bí tích khác, cố gắng tuân thủ các giới răn sơ sài, làm được một vài việc lành chiếu lệ, là tự dưng trở thành người công giáo tốt. Thật là lầm to, vì con người đâu phải là một cái máy vô tri vô giác, trái lại còn biết suy nghĩ để tự do lựa chọn;
Tôn giáo đâu phải chỉ là một mớ công thức, định luật cứ nhắm mắt làm là trở nên tốt và Thiên Chúa đâu phải là một cục đất sét bất động. Trái lại, Ngài là Đấng thấu hiểu mọi bí ẩn, biết rõ từng con người một.
Dĩ nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, được Chúa thương cứu chuộc và ban cho đầy đủ mọi ơn lành, nhưng để được hạnh phúc vĩnh cửu, để trở thành thánh thiện đạo đức thì phải tự cố gắng đấu tranh, tự suy nghĩ, cân nhắc, tự sáng suốt chọn lựa giữa thiện – ác, tốt – xấu, phải – trái.
Nhưng muốn đấu tranh thành công, muốn vượt thắng được mọi xấu xa cạm bẫy, muốn chọn lựa đúng đắn, chúng ta phải biết nghe theo lời Chúa và sống theo những gì Ngài dạy.
Vì Lời Chúa là chân lý, là cố vấn kỳ diệu, là khuôn vàng thước ngọc có sức đem lại cho con người sự sống đích thực, của ăn linh thiêng.
Tuy nhiên, để Lời Chúa có cơ hội thuận lợi xâm nhập được vào cõi lòng, biến cải được tâm tư thì ta phải biết lắng nghe, biết say sưa nuốt lấy.
Thế mà, biết bao lần trong đời chúng ta đã nghe lời Chúa, nhưng thử hỏi được mấy ai thấm nhuần, ghi tạc và đem ra thực hành?
Dĩ nhiên, không phải Lời Chúa hết linh nghiệm, mà tại chúng ta là những con búp bê vô hồn. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu, sau khi về trời, đã hứa ban Thánh Thần đến trần gian để soi sáng hướng dẫn, giúp con người biết nghe, biết sống Lời Chúa dạy.
*****
Chúa Thánh Thần được ví như ngọn lửa để thiêu đốt mọi hư hèn, xấu xa, bẩn thỉu trong tâm hồn, để phá tan bóng tối của mù quáng lầm lạc đang bủa vây tâm trí, để sưởi ấm những trí lòng nguội lạnh đơn côi.
Ngài còn được ví như ngọn gió mát xua tan mây mù tội lỗi, đem bình an đến cho ai đang đau khổ, gieo hy vọng cho những kẻ lầm than cơ cực.
Ngoài ra, Ngài luôn ở bên ta bằng cách gợi cho ta sự hối hận khi phạm tội, thúc dục ta nhịn nhục chịu khó khi chu toàn trách nhiệm bổn phận, kêu mời ta mở lòng rộng lượng thứ tha khi bị xúc phạm, đốt lên trong ta ngọn lửa công bằng bác ái khi giao tế, giúp ta hướng tới sự trong sạch khi bị cám dỗ bủa vây.
Nếu mỗi người chúng ta không nhận lãnh Chúa Thánh Thần, không mau mắn mời Ngài đến viếng thăm thì chúng ta không thể nào đủ sức đương đầu với những thử thách cám dỗ, đủ khôn ngoan sáng suốt lắng nghe, suy gẫm và thực thi những gì Chúa dạy.
Vì như Chúa đã phán: “Không có Ta, các con chẳng làm được gì”.
(Chuyện này minh họa Tin Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Gioan 20,19-23 Nhờ Chúa Thánh Thần soi dẫn mà chúng ta nghe được lời Chúa, hiểu được lời Chúa, và có sức đem lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống của ta).
Một người cha hứa cho đứa con gái 12 tuổi một số tiền, nếu cô bé xén sạch đám cỏ trước nhà.
Cô bé vui vẻ mang máy cắt cỏ ra làm việc.
Đến chiều, cả đám cỏ đã được cắt xén gọn gàng – ngoại trừ một mảng cỏ tí tẹo còn sót trong góc sân.
Ông bố nói rằng: Ông không thể trả số tiền đã thỏa thuận, bởi vì đám cỏ chưa được cắt xong. Cô bé cho biết cô sẵn sàng chịu mất số tiền đó và cô nhất định không cắt nốt mảng cỏ còn sót kia.
Tò mò muốn biết lý do tại sao, ông bố kiểm tra chỗ cỏ chừa lại. Hóa ra, ở giữa chòm cỏ ấy, một chú cóc đang ung dung ngồi ngắm cảnh hoàng hôn! Cô bé quá thương con cóc, đã không đành đưa lưỡi dao của máy cắt vào chòm cỏ ấy.
*****
Thiên Chúa là tình yêu.
Người đã dựng nên con người cao trọng hơn các loài thụ tạo. Nhưng con người lại bất trung phản bội. Vì yêu thương Thiên Chúa đã không nỡ hủy diệt,
- lại sai con Một là Đức Giêsu Kitô xuống thế để cứu chuộc con người.
- Người lại gởi Thánh Thần đến để thánh hóa cho nên tạo vật mới, dẫn đưa họ về hưởng vinh quang Nước Trời.
Đó là mầu nhiệm tình yêu, mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã thương dành cho con người. Vì thế,
Lễ Chúa Ba Ngôi cũng là lễ của Tình Yêu.
Chỉ những ai sống yêu thương, mới được ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Chỉ những ai thực thi đức ái, mới sống trọn ơn gọi làm con Thiên Chúa. Chỉ những ai biết sống trao ban, mới tìm được nguồn vui đích thực trong Thiên Chúa Tình Yêu.
- Nếu Thiên Chúa đã hiến trao con Một của Người để người Con ấy phải chết và để nhân loại được sống, lẽ nào người tín hữu còn sống ích kỷ, để giữ lại cho riêng mình những hạnh phúc nhỏ nhoi, tầm thường.
- Nếu Thiên Chúa đã muốn chia sẻ hạnh phúc của Ba ngôi, là không muốn cho con người phải chết, nhưng được sống hạnh phúc muôn đời, lẽ nào chúng ta đành khép lại con tim, để chối từ chia sẻ trao ban.
Được dựng nên theo và giống hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, nên ơn gọi đích thực của con người chính là ơn gọi sống yêu thương.
Được cứu độ bằng giá máu của Đức Kitô, nên lẽ sống của người Kitô hữu, chính là tha thứ trong yêu thương.
Được thánh hóa bằng sức sống của Thánh Thần, nên cứu cánh của người tín hữu là phải nên thánh nhờ sống yêu thương.
Kết Luận:
Nhìn mầu nhiệm Ba Ngôi, từ góc cạnh của đức mến, tức là nhìn từ lăng kính của tình yêu:
- Người tín hữu không biết đến yêu thương thì cũng hoàn toàn xa lạ với Thiên Chúa. Bởi: “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa”.
- Chỉ những ai dám sống và dám chết cho tình yêu, thì mới được ở lại trong Thiên Chúa.
- Chỉ những ai dám tự hiến và trao ban cho anh em, thì mới là những chứng nhân của một Thiên Chúa Tình Yêu.
(Chuyện này minh họa Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi B: Matthêu 28,16-20 Chỉ có những ai dám sống và dám chết cho tình yêu, thì mới được ở lại trong tình yêu Thiên Chúa).
Tại Tây Ban Nha, có một cậu bé tên là Macxilanô. Mới sinh ra, cậu đã bị người ta quăng trước cửa tu viện, và đã được các tu sĩ đem về nuôi.
*****
Vốn tính hay nghịch ngợm, nên thầy đầu bếp không cho cậu leo lên gác.
Nhưng vì tò mò, một ngày kia Macxilanô lén leo lên.
Cậu ngạc nhiên vô cùng, khi thấy một người khổng lồ bị treo trên thập giá.
Nghĩ rằng: Người ấy chắc là đói lắm, nên đêm hôm ấy, Macxilanô đã lẻn vào nhà bếp ăn cắp bánh, mang lên cho ông. Người khổng lồ đã đưa tay ra nhận bánh và mỉm cười với cậu.
Từ đó, ngày nào cậu cũng đem bánh cho Người khổng lồ ấy.
*****
Ngày kia, ông khổng lồ âu yếm ôm lấy cậu bé và hỏi:
- Con thích nhất điều gì trên trần gian này?
Cậu mau mắn thưa:
- Con muốn được gặp mẹ con.
Người ấy liền nói với cậu bé:
- Con sẽ được gặp mẹ con ngay tức khắc, nếu con chấp nhận phải chết đi.
Hôm sau, các thầy đi tìm cậu khắp nơi, không thấy, bèn cùng nhau lên gác, thì thấy cậu nằm chết, như đang ngủ say trong vòng tay thương mến của Chúa Giêsu.
*****
1- Vì yêu thương mẹ, muốn được ở bên mẹ, mà Macxilanô đã bằng lòng chịu chết.
2- Vì yêu thương con người, Đức Giêsu cũng đã sẵn lòng chịu chết để cho con người được sống.
3- Hơn nữa, Người còn có sáng kiến là hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, để được ở mãi với con người, để làm của ăn của uống, như lương thực nuôi dưỡng con người trên cuộc hành trình về quê trời.
4- Người đã hứa: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.
*****
Thánh thể là Bí tích Tình Yêu.
Khi mời gọi:”Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Đức Giêsu muốn các Kitô hữu hãy lập lại cái chết tự hiến vì yêu thương của Người, bằng cả cuộc sống dấn thân và trao ban.
Khi lãnh nhận bánh Thánh Thể, người tín hữu ý thức mình đang lãnh nhận tình yêu Chúa. Và như dòng suối ân tình, họ lại tuôn trào tình yêu Chúa sang cho anh em đồng loại.
Khi chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể, người tín hữu cũng muốn chia sẻ cơm bánh cho tha nhân, chia sẻ hồng ân của Đức Kitô cho những kẻ đói nghèo, túng thiếu, không nơi nương tựa.
Chính khi nhận lãnh Thánh Thể, để rồi chia sẻ trao ban, người tín hữu lại nhận được sự sống trường sinh và niềm vui lại tràn ngập tâm hồn.
Vì thế,
- sống Bí tích Thánh Thể chính là sống yêu thương, - sống Bí tích Thánh Thể là sống cho và vì Đức Kitô, - sống Bí tích Thánh Thể là sống như Đức Kitô đã sống và đã hiến trao cách quảng đại cho tha nhân.
Người tín hữu không lãnh nhận bánh Thánh Thể để cất giữ cho riêng mình, nhưng là để biến con người mình thành lương thực nuôi dưỡng anh em.
Việc chia nhau một tấm bánh nhắc nhở chúng ta sống là phải chia sẻ và trao ban, sống là yêu thương và hy sinh cho nhau.
*****
Trong thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 45, Đức Thánh Cha kêu gọi:
“Chúng ta rước Mình Thánh Chúa Kitô, mà đồng thời lại sống xa lạ với những người đang đói khát, kẻ bị bóc lột, tù đày hay đau yếu được sao ?”.
*****
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, khi chúng con sống yêu thương là chúng con đang làm chứng rằng: Chúa chính là sức sống mãnh liệt của chúng con. Xin cho chúng con, khi lãnh nhận bánh Thánh Thể, cũng đón nhận được sức sống mới của Chúa, để chúng con ra đi làm chứng cho tình yêu Chúa trong cuộc sống chúng con. Amen.
(Chuyện này minh họa Tin Mừng Lễ Mình Máu thánh Chúa B: Marcô 14,12-26 Khi ta lãnh nhận Thánh Thể Chúa, không phải là để ta cất giữ cho riêng mình, nhưng là để ta biến con người ta, thành lương thực nuôi dưỡng anh em sống chung quanh ta).
Cách đây 186 năm, một linh mục 32 tuổi mặc áo chùng đen cũ, đã bạc mầu, lững thững bước vào con đường làng nhỏ bé, mang theo một chiếc giỏ đựng quần áo và một số đồ dùng. Không có ai tháp tùng; chẳng một người ra đón. Một lúc sau, khi gặp một trẻ em đang đứng ở dọc đường, ngài hỏi thăm đường dẫn tới nhà thờ. Đứa trẻ chỉ tay về một nơi xa xa, rồi cùng đi vài bước với ngài... Đó là cha Gioan Maria Vianê, đã lãnh sứ vụ linh mục được ba năm. Ngài hỏi thăm đường tới nhà thờ ở Ars, cách thành phố Lyon (nước Pháp) 35 cây số, để lãnh trách nhiệm làm cha xứ mới của làng đó.
***** Hiện nay, một tượng đài được xây lên, ở phía trên có tượng cha xứ họ Ars, tay phải giơ lên chỉ trời cao, mắt nhìn đứa trẻ; dưới chân hai tượng có ghi:
“Con đã chỉ cho cha đường tới Ars; cha sẽ chỉ cho con đường về trời”.
Vị linh mục đầy thiện chí, khắc khổ, với tinh thần siêu nhiên bước vào một hoang địa, một thế giới bị tục hoá, lãnh đạm thờ ơ với con người chuẩn bị sống với họ...
*****
Thế giới đó một phần nào giống như thế giới thù nghịch.
Cha Gioan Maria Vianê cứ can đảm tiến bước, đi vào môi trường giá lạnh đó, không ngã lòng, vẫn sống với những con người sống xa Thiên Chúa, sống xa cách mình.
Thế giới thù nghịch bao gồm tất cả những con người vì não trạng, vì cuộc sống theo xu hướng tự nhiên, vì sự thiếu hiểu biết về mặt tôn giáo, không chấp nhận sự có mặt của linh mục, dị ứng với mọi hình thức Kitô giáo, không đón nhận mạc khải và lời rao giảng về mạc khải, không chịu uốn nắn đời mình theo đòi hỏi của Tin Mừng, không muốn thay đổi nếp sống cũ...
Trong những hoàn cảnh cụ thể đó, linh mục không thể không sống trong bầu khí căng thẳng, vì bị đặt trong thế “người hùng cô đơn”, phải đương đầu với sức đề kháng của “thế gian” thù nghịch.
*****
- Nhưng Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ (1Tm 2,4),
- Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, để phàm ai tin vào Con của Người thì có sự sống đời đời (Ga 3,16).
- Đức Kitô cũng yêu thương Hội Thánh (Ep 5,25), nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh (Ep 5,29), hiến mình vì Hội Thánh (Ep 5,25).
Mà Hội Thánh không chỉ gồm những con người hoàn hảo, thánh thiện. Chính vì mối tương quan đặc biệt mà Thiên Chúa và Đức Kitô dành cho nhân loại và Hội Thánh, chính vì ý định cứu độ phổ quát của các Ngài về nhân loại, mà linh mục cứ phải tiến vào những môi trường chông gai đó, cứ phải đến gặp và sống với những con người đó, cứ phải kiên trì lo công tác làm chứng rao giảng Tin Mừng cứu độ.
Linh mục nhiều khi còn đứng trước những con người đưa ra những yêu sách không chính đáng và không mấy thiện cảm với linh mục, với Kitô giáo. Sự kiện này đòi hỏi linh mục phải khôn ngoan trong cách phản ứng và đối xử, kiên trì chịu đựng và vững tâm lo nhiệm vụ đã nhận. Ác tâm của con người không thể là lý do khiến linh mục bỏ cuộc. Ý định của Thiên Chúa giao phó trách nhiệm cho linh mục và muốn cho linh mục thực hiện bằng mọi giá công tác đó mới là yếu tố quan trọng đòi linh mục phải tiếp tục sứ mạng trong mọi hoàn cảnh.
(Chuyện này minh họa Tin Mừng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu B: Gioan 19,31-37 Cha Gioan Vianê, một linh mục đầy thiện chí, khắc khổ, với tinh thần siêu nhiên, đầy nhiệt huyết, mang Tình Yêu Chúa, bước vào một hoang địa, một thế giới bị tục hoá, lãnh đạm, thờ ơ... chuẩn bị sống với họ).
Có một sinh viên y khoa, người Tây Ban Nha, đi viếng trung tâm hành hương kính Đức Mẹ tại Lộ Đức (Nước Pháp).
Ở đại học Madrid (Thủ đô nước Tây Ban Nha), người sinh viên này đã từng nghe các giáo sư vô tín ngưỡng nói về Lộ Đức, như là nơi xuất xứ những thứ mê tín dị đoan, và hiện nay vẫn còn được tiếp loan truyền đi nhiều nơi.
*****
Ba tháng ở Lộ Đức, anh muốn theo dõi việc làm của văn phòng xác minh các phép lạ xảy ra tại trung tâm này.
Vậy, thời gian ba tháng ở Lộ Đức, người sinh viên này đã được chứng kiến ba phép lạ. Cả ba trường hợp, đều có các bác sĩ vô thần tham gia, nghiên cứu, theo dõi, để cuối cùng, xác minh tính cách đích thực của phép lạ.
*****
Hãy nghe người sinh viên này chia sẻ điều mắt thấy tai nghe, về một trong ba phép lạ đó.
"Hôm đó, tại Lộ Đức, tôi đang ở tiền đường của vương cung thánh đường Lộ Đức, cùng với các chị của tôi. Và được biết, chỉ vài phút nữa, sẽ có một cuộc rước Kiệu Mình Thánh Chúa đi ngang qua.
Khi ấy, có một người đàn bà tuổi trung tuần, đang đẩy chiếc xe lăn qua trước mắt chúng tôi. Bỗng, một người chị của tôi lên tiến nói: "Kìa, hãy xem cậu con trai đang ngồi trên chiếc xe lăn, thật là đáng thương!"
Đó là một chàng trai, chừng 20 tuổi, bị bệnh bại liệt làm biến dạng. Mẹ của chàng khi ấy lần chuỗi khá to tiếng. Lúc lúc lại thở dài, thưa với Đức Mẹ: "Lạy Đức Nữ Đồng Trinh Maria, xin giúp đỡ chúng con!"
Quả là một cảnh tượng thật cảm động, gợi nhớ lại bệnh nhân xưa kia đã thưa với Đức Giêsu: "Lạy Chúa, xin cho con được sạch khỏi bệnh phong."
Người đàn bà đẩy xe lăn không muốn chậm trễ, nên đã vội vàng đưa cậu thanh niên tới ngay chỗ tập trung những người bệnh, đang chờ Đức Giám Mục kiệu Mình Thánh đi ngang qua.
Khi đến gần chàng thanh niên bại liệt, Đức Giám Mục cầm mặt nhật giơ cao, ban phép lành Mình Thánh Chúa cho anh. Khi ấy, chàng thanh niên nhìn thẳng vào mặt nhật, đựng Mình Thánh Chúa, như là cách anh biểu lộ niềm tin của anh.
Thế rồi khi Đức Giám Mục ban phép lành, với hình thánh giá trên anh xong. Bất ngờ, sau đó, cậu thanh niên bại liệt liền chỗi dậy, ra khỏi xe lăn, hoàn toàn khỏi bại liệt, trước sự chứng kiến của bao người! Dân chúng chung quanh liền hô to vang dậy, trong niềm vui tột cùng: "Oh! một phép lạ! Oh! một phép lạ!"
***
Nhờ có giấy phép đặc biệt, tôi đã được tận mắt xem những chứng cứ xác minh tiếp theo, để thấy quả thật là một phép lạ, Chúa đã chữa lành người thanh niên bại liệt. Tôi không thể nào diễn tả hết được những điều tôi cảm nhận và tâm trạng của tôi lúc đó.
Tại trường Y Khoa Đại Học Madrid, nơi tôi đang học, có nhiều giáo sư vô tín ngưỡng (và nhiều vị rất nổi tiếng), và rất nhiều sinh viên bạn học tôi, luôn nhạo báng các phép lạ.
Nhưng giờ đây, tôi đã được thấy tận mắt một phép lạ. Đây là một phép lạ do Đức Chúa Giêsu Thánh Thể thực hiện, cũng Đức Giêsu xưa đã từng chữa lành bao người bại liệt và bệnh nhân khác tại đất nước Do Thái. Tôi cảm nghiệm được một niềm vui thật lớn lao. Tôi có ấn tượng, là tôi đang được ở ngay bên cạnh Chúa. Khi ấy, tôi cảm nhận sức mạnh vô song của Chúa và cảm thấy thế giới bao quanh tôi bỗng trở nên cực kỳ nhỏ bé.
Khi đã trở về Đại Học Y Khoa tại Madrid, Tây Ban Nha, thì những chồng sách, những bài học, những cuộc thí nghiệm tôi đã từng thực hiện, với biết bao là hứng khởi, nay đã không còn là sức nặng lôi kéo tôi nữa.
Các bạn tôi hỏi tôi: "Điều gì đã xảy ra cho cậu trong niên học này vậy? Điều gì khiến cậu sững sờ?"
Quả thật, tôi bị sững sờ, do những phép lạ tôi được tận mắt chứng kiến tại Lộ Đức, đã khiến tôi bị khuynh đảo mỗi ngày: Duy chỉ hình ảnh Mình Thánh Chúa được giơ lên, để ban phép lành, mà khiến cho cậu thanh niên bại liệt kia nhảy vọt ra khỏi chiếc xe lăn. Hình ảnh ấy đã in sâu vào ký ức và vào tận trái tim tôi.
Ba tháng sau đó, tôi gia nhập Tập Viện Dòng Tên. Đó là ngày 15/1/ 1927".
*****
Chàng sinh viên ấy tên là Pê-drô Ar-ru-pê. Suốt đời chàng sẽ không bao giờ quên được phép lạ Chúa đã làm trước mắt anh.
Được củng cố mạnh mẽ do phép lạ, như dấu chỉ về quyền năng vô cùng của Thiên Chúa, anh sẽ không bao giờ lùi bước trên đường dấn thân phục vụ Người:
- Bị trục xuất khỏi quê hương Tây Ban Nha ngày 13/02/1932 cùng với tất cả các tu sĩ Dòng Tên. - Anh nhận thừa tác vụ Linh Mục ngày 30/7/1936 tại Hà Lan. - Anh được phái đi truyền giáo tại Nhật Bản ngày 15/10/1938 - Phục vụ nạn nhân bom nguyên tử giáng trên Hiroshima ngày 6/8/1945. - Được bầu làm Tổng Quyền thứ 29 Dòng Tên ngày 22/5/1965 sau nhiều năm làm giám đốc Tập Sinh và làm giám tỉnh Dòng Tên ở Nhật.
*****
Quả thật, phép lạ xưa cũng như hôm nay, chỉ có ý nghĩa, khi là dấu chỉ về Nước của Thiên Chúa, như lời Đức Giêsu tuyên bố với người Pharisêu: "Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông rồi" (Mt 12,28).
Ai nhận ra dấu lạ Chúa làm, cũng sẽ được thúc đẩy dấn thân hết mình, để phục vụ Nước Thiên Chúa.
*****
Câu chuyện phép lạ chàng thanh niên bại liệt được chữa lành tại Lộ Đức, đã khiến chàng sinh viên Pê-drô Ar-ru-pê được hoán cải như thế nào trên con đường phục vụ Nước Chúa, thì cuộc hoán cải đó, không thấm vào đâu, so với cuộc hoán cải của Simon Phêrô và các bạn, một khi nhận biết được quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Phục Sinh. Họ đã dám hy sinh cả mạng sống mình, để phục vụ Nước Thiên Chúa.
Họ đã thực sự trở nên giềng cột của Hội Thánh Chúa, nhờ tin vào quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
(Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)
(Chuỵện này minh họa Tin Mừng Chúa Nhật TN 12-B: Marcô 4,35-41 Tận mắt chứng kiến một phép lạ tại Lộ Đức, chàng sinh viên đã cảm nhận được một sức mạnh vô song của Chúa biến đổi anh và anh cảm thấy thế giới bao quanh mình bỗng trở nên cực kỳ nhỏ bé, và anh đã quyết dành cả cuộc đời lo phụng sự Chúa).
Một bà già đau răng. Bà làm tuần cửu nhật (9 ngày) để xin Chúa chữa bệnh cho bà. Bởi bà biết: Trong lúc đi giảng đạo, Chúa cũng đã chữa lành cho đủ mọi hạng người, khỏi đủ mọi thứ bệnh tật. Kể cả bệnh khó trị của người phụ nữ mắc bệnh loạn huyết đã 12 năm, cũng được Chúa chữa khỏi.
Thế nhưng, hết tuần 9 ngày rồi, mà răng của bà vẫn còn đau, chưa khỏi.
Bỗng tình cờ, có một Linh mục đến thăm nhà. Thấy bà bị đau nhức quá, nên nói với bà:
- Đây, tôi cho bà địa chỉ của ông nha sĩ rất tài giỏi của địa phương mình, cũng là bạn thân của tôi. Bà chịu khó đến đó, nói là tôi giới thiệu. Ông ấy sẽ chữa cho bà hết đau ngay. Và có khi còn chữa không công cho bà nữa.
Bỗng bà lên giọng rất khó chịu:
- Cha không tin Chúa à ? Cha không tin là Chúa có thể chữa bệnh cho con sao, mà lại phải cậy nhờ đến nha sĩ ?
*****
Thật tội nghiệp cho bà. Bà đã không nghĩ ra, là Chúa đã nhậm cầu xin của bà, nên mới gởi vị Linh mục đến, để giúp bà, để bà được khỏi bệnh.
Người phụ nữ mắc bệnh loạn huyết trong bài Tin mừng hôm nay và bà già đau răng trong câu chuyện, cả hai đều tin tưởng vào Chúa, tin một cách tuyệt đối. Nhưng niềm tin của họ có sự khác biệt rất lớn.
- Người phụ nữ xuất huyết nghĩ mình phải làm một điều gì đó, chứ không chỉ tin suông. Bà quyết tâm đến với Chúa, chứ không chờ đợi Chúa đến với mình. Tuy bà cũng biết: Bệnh loạn huyết của bà là một trong thứ bệnh mà mọi người trong tôn giáo của bà lúc bấy giờ, xếp bà vào hàng dơ bần, thuộc hạng những người tội lỗi. Do đó, bà không thể công khai ra trước mặt Chúa, để xin Chúa chữa trị cho. Cho nên bà mới nghĩ ra cách lén lút, âm thầm, để đụng chạm vào gấu áo của Chúa. Bởi bà tin Chúa quyền năng, bởi Chúa biết tất cả mọi sự. Và quả đúng như vậy. Và bà đã được khỏi bệnh như lòng mong ước.
- Còn bà già đau răng thì ngược lại. Bà cầu nguyện, rồi cứ ngồi yên đó chờ phép lạ. Bà không chịu làm gì nữa. Bà không tin linh mục. Bà cũng không làm theo linh mục chỉ dẫn.
*****
Chúng ta xem lại Tin Mừng của Chúa nhật (TN 13-B) hôm nay:
1. Ông Giairô cũng tin rằng Chúa có thể cứu sống con gái ông. Ông đã cố gắng làm hết sức mình. Khi con gái ông hấp hối, không thể đến với Chúa được, thì ông đã đích thân đến với Chúa, để xin Chúa đến chữa cho con gái ông.
2. Người phụ nữ mắc bệnh loạn huyết cũng tin rằng Chúa có thể chữa bệnh cho mình. Dù không được ra công khai để xin, thì cũng có cách riêng của mình.
Cộng tác với ơn Chúa là điều kiện để Chúa ban ơn.
Chúng ta không thể chỉ thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy sử dụng hết những phương tiện bình thường Chúa ban. Phần còn lại tùy Chúa định liệu cho ta.
Thánh Ignatio de Loyola đã cho chúng ta lời khuyên bất hủ này: “Hãy làm như thể mọi việc tùy thuộc chúng ta, và hãy cầu nguyện như thể mọi việc tùy thuộc Thiên Chúa”.
Mc. Kenzie nói: “Khi ta cố gắng làm những gì có thể, Thiên Chúa sẽ làm những điều ta không thể”.
Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền tự do, Người không thúc ép, nhưng để chúng ta toàn quyền sử dụng tự do của mình. Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như những con bù nhìn, nhưng luôn coi trọng chúng ta như những cộng tác viên của Người. Trong các phép lạ Chúa làm, Người đều cần sự cộng tác của con người:
- Trong tiệc cưới Cana, Chúa chỉ làm phép lạ, sau khi người ta đã “múc nước đổ đầy các chum”.
- Trong phép lạ về bánh, Người chỉ làm cho bánh hóa nhiều, khi “có 5 chiếc bánh và 2 con cá”.
- Khi chữa mắt cho người mù, Người chỉ thoa bùn vào mắt anh, còn phần anh phải đi rửa ở hồ Silôê mới được sáng mắt.
Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng hết các khả năng của mình, và Người sẵn sàng can thiệp khi cần.
Ngạn ngữ Tây phương có câu: “Hãy tự giúp mình trước, rồi Trời sẽ giúp sau”.
(Chuyện này minh họa Tin Mừng Chúa Nhật TN 13-B: Marcô 5,21-43 Tin tưởng vào Chúa một cách tuyệt đối là tốt, nhưng không phải là thứ niềm tin suông, mà cần phải có hành động tích cực kèm theo).
Có một gánh xiếc đi lưu diễn, đóng trại bên ngoài một ngôi làng.
Một buổi tối nọ, không lâu trước giờ trình diễn, ngọn lửa bùng lên trong một chiếc lều. Ông giám đốc gánh xiếc sai một anh hề, lúc đó đã mặc trang phục cho buổi diễn đi vào làng kế cận để xin được giúp đỡ. Nếu ngọn lửa lan tràn qua cánh đồng chỉ còn những gốc rạ khô, thì cả ngôi làng có cơ may sẽ bị hỏa hoạn.
Anh hề vội vã chạy vào làng. Anh xin người ta ra ngoài làng càng nhanh càng tốt để giúp đỡ dập tắt đám cháy. Nhưng không ai cho rằng anh nói nghiêm túc. Người ta nghĩ đó là một màn quảng cáo khéo léo của giám đốc gánh xiếc. Anh càng cố làm cho họ biết rằng thật sự có hỏa hoạn, thì họ càng cười anh. Sau cùng lửa đã lan đến ngôi làng và thiêu rụi.
Lý do chính mà dân làng không nghe lời cảnh báo là vì họ nhìn người đưa tin chỉ như một anh hề. Điều này làm cho họ hầu như không thể xem xét sự thật trong lời nói anh ta nói với họ.
*****
Có một điều tương tự đã xảy ra với Đức Giêsu, khi Người trở về quê hương Nagiarét. Người ta từ chối nghe lời Người. Họ biết rất nhiều về Người. Sứ điệp không gặp may, vì người ta đã chối bỏ sứ giả. Thật vậy, họ cố gạt bỏ Người.
Người đã nói sự thật nào cho những người đồng hương, để họ thấy đó như một lời đe dọa đến nỗi họ muốn giết chết Người? Người cho họ biết họ là dân được Thiên Chúa chọn. Thế nên người ta phải thấy họ có ít đức tin. Tuy nhiên, Người nói với họ : Người thấy dân ngoại còn có nhiều đức tin hơn họ. Người tiếp tục gợi ý dân ngoại sẽ chiếm chỗ của họ trong Nước Trời. Vì thế, họ muốn giết Người.
Một trong những dấu chỉ Thiên Chúa chăm sóc dân Người là Người hứa gởi đến cho họ những ngôn sứ để kêu gọi họ trở về với chính họ. Cho dù lời của các ngôn sứ thường là lời phê phán, nhưng lời ấy là lời biểu lộ tình yêu.
*****
Thiên Chúa cũng làm thế đối với chúng ta. Người không bỏ mặc chúng ta trong bóng tối sai lầm hoặc làm điều sai trái. Người gởi các ngôn sứ đến với chúng ta, phần lớn ở gần chúng ta. Có thể là ai khác? Nhưng chúng ta cũng có thể chối bỏ các ngôn sứ, đặc biệt khi ngôn sứ mang đến một sứ điệp, mà chúng ta không thích nghe. Sự thật mất lòng.
“Bạn làm việc quá vất vả. Bạn bỏ bê gia đình quá nhiều. Bạn không quan tâm đến đời sống trong gia đình và con cái bạn... Bạn làm hư hỏng con cái bạn... Bạn quá chú trọng về vật chất... Bạn uống rượu nhiều quá... Bạn có quá nhiều thành kiến... Bạn luôn đề cao bạn nhất... Bạn thờ phượng Thiên Chúa chỉ bằng môi miệng...”
- Nếu có ai nói với chúng ta một hoặc nhiều sự việc ấy, chúng ta sẽ phản ứng thế nào?
- Chúng ta không tấn công ông hay bà ngôn sứ đó hay sao?
Sự thật là ít ai trong chúng ta ham thích sự thật. Chúng ta phải cầu nguyện để có can đảm lắng nghe sự thật cho dù có thể đau đớn và đến như cơn gió làm tan đi lòng kiêu ngạo của chúng ta. Sự thật như lời Đức Giêsu nói sẽ giải phóng chúng ta.
Người nào vì yêu thương chúng ta nói với chúng ta sự thật, biết rằng nói ra sẽ làm chúng ta mất lòng và đánh mất tình bạn, người ấy là một người bạn chân thành.
Chúng ta cũng phải cầu nguyện để có can đảm nói ra sự thật với người khác. Kéo một người về với chính lộ là một việc cao cả. Nhưng có một cách để làm việc đó. Đó là làm với tình yêu thương và sự quan tâm. Bí quyết là đồng thời phải có lòng trung thực và nhân hậu.
(Chuyện này minh họa Tin Mừng Chúa Nhật TN 14-B: Marcô 6,1-6 Lời các ngôn sứ thường là những lời phê phán, khó nghe, nhưng trong những lời ấy là lời biểu lộ tình yêu).
Trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên, một ngôi làng bị pháo kích nặng nề.
Giữa làng có một ngôi nhà thờ, và trước nhà thờ có một tượng Đức Giêsu được đặt trên một cái bệ cao.
Nhưng, sau khi khói lửa của trận pháo kích tan đi, người ta chỉ còn thấy cái bệ trống, mà pho tượng thì đã biến đâu mất.
Mọi người, kể cả lính tráng, đều cố gắng đi tìm khắp nơi cho bằng được mới thôi. Cuối cùng, tượng Chúa đã được tìm thấy, bị văng ở một nơi cách bệ khá xa. Tuy nhiên hai cánh tay của Chúa đã bị hư hại nặng, không thể thu hồi đầy đủ.
Vì còn đang thời chiến tranh, nên lãnh đạo quân đội thống nhất cung cấp một chiếc máy bay, để chở pho tượng về Mỹ, cho thợ làm lại hai cánh tay. Nhưng cha xứ từ chối. Cha bảo: cứ đặt pho tượng lên bệ như cũ, và phía dưới tượng xin viết thêm hàng chữ:
“Các bạn thân mến, hãy cho Ta mượn đôi cánh tay của các bạn”.
*****
Câu chuyện trên giúp ta hiểu sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay:
Đức Giêsu kêu gọi các tông đồ tham gia công việc loan báo “Tin Mừng của Ngài”. Ngài chia sẻ sứ mạng với họ. Ngài ban cho họ chính quyền năng và uy tín của Ngài. Rồi Ngài sai họ đi loan truyền Tin Mừng.
Thực ra, họ chỉ là những người chài lưới, cả tài năng lẫn đức độ đều không có bao nhiêu. Nhưng Ngài vẫn chia sẻ sứ mạng cho họ,
vì họ sẽ thi hành sứ mạng không phải bằng sức riêng của họ, mà bằng ơn Chúa.
*****
- Ngày nay, có nhiều đấng có thẩm quyền vẫn e ngại không dám xẻ chia công việc cho giáo dân;
- Mặt khác, nhiều giáo dân cũng e ngại không dám gánh trách nhiệm trong Giáo Hội.
- Cả hai phía đều tính toán thành bại dựa trên khả năng của con người. Nhưng đó không phải là tính toán của Thiên Chúa.
Hãy nhớ rằng:
- Sách Thánh bắt đầu bằng chuyện Thiên Chúa giao cho loài người quyền hợp tác với Ngài trong công cuộc sáng tạo vũ trụ;
- Bài đọc 1 hôm nay kể chuyện Thiên Chúa giao cho Amos sứ mạng làm ngôn sứ cho dân Israel, mặc dù ông chỉ chuyên nghề chăm sóc cây sung;
- Và bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện: “Đức Giêsu gọi nhóm 12 tông đồ, (vốn là những dân chài lưới), và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, bắt đầu sai đi từng 2 người một. Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế” (Marcô 6,7).
(Chuyện này minh họa Tin Mừng Chúa Nhật TN 15-B: Marcô 6,7-13 Chúa mời gọi tất cả chúng ta hãy tham gia vào công việc loan báo Tin Mừng của Chúa.)
---------------------------------------
*** (Bạn muốn có những sách này, hãy chép đường link của sách vào thẻ nhớ hoặc vào USB, đưa cho tiệm Photo, họ sẽ in, chỉ khoảng 15 phút là xong, vì mỗi sách đều đã có sẵn bìa, và mỗi sách không quá 100 trang A5. Chỉ khoảng 24 tờ A4 trở lại)
I. - Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật: (4 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-minh-hoa-tin-mung/ 1. Chuyện người đàn ông say mê quảng cáo - sách 1 2. Chuyện linh mục vào Thiên Đàng - Sách 2 3. Chuyện con két đi khám bác sĩ – Sách 3 4. Chuyện gà mái ấp trứng đại bàng– Sách 4
II. – Chuyện đời chuyện đạo: (8 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/ 1. Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - sách 1 2. Chuyện đời to và nhỏ - Sách 2 3. Những lời khuyên hữu ích - Sách 3 4. Những chuyện nhỏ mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống - Sách 4 5. Một phép lạ từ một tình thương cho đi - Sách 5 6. Phút thánh hoá gia đình đầu năm mới - Sách 6 7. Năm Mão nói chuyện con mèo - Sách 7 8. Một kiểu sống lại không vui - Sách 8
III. - Chuyện kể cho các gia đình: (18 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/ 1. Chuyện người thu thuế và Người biệt phái - sách 1 2. Đừng bỏ cuộc - sách 2 3. Bí quyết hạnh phúc - Sách 3 4. Một chuyện không ngờ thê thảm - Sách 4 5. Đi tìm một bảo hiểm -Sách 5 6. Một mẫu người sống đạo đáng khâm phục - sách 6 7. Yêu là yêu cho đến cùng - Sách 7 8. Những chuyện lạ có thật – Sách 8 9. Một niềm vui bất ngờ - Sách 9 10. Chuyện mẹ ghẻ con chồng - Sách 10 11. Chứng nhân giữa đời thường - Sách 11 12. Cho Chúa mượn thuyền - Sách 12 13. Nét đẹp của lòng thương xót - Sách 13 14. Chuyện tôi vào đạo Chúa - Sách 14 15. Chuyện cô giáo năm xưa - Sách 15 16. Kinh nghiệm của những người trở về “Từ Cõi Chết” nói với ta - Sách 16 17. Quyển nhật ký của mẹ - Sách 17 18. Phép lạ từ việc sùng kính Đức Mẹ - Sách 18
IV.- Chuyện lẽ sống: (8 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-le-song/ 1. Chuyện Chúa Giêsu đi xem bóng đá - Sách 1 2. Tình yêu là sức mạnh vạn năng - Sách 2 3. Ðời là một chuyến đi - Sách 3 4. Căn hầm bí mật - Sách 4 5. Thất bại, là khởi điểm của thành công - sách 5 6. Lịch sử ngày của mẹ - Sách 6 7. Chuyện tình Romeo và Juliet - Sách 7 8. Một cách trả thù độc đáo - Sách 8
V. – Kho sách quý: (4 cuốn) https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/ 1. Bí mật đầy kinh ngạc về các linh hồn trong luyện ngục – Sách 1 2. Lần hạt mân côi – Thánh Josémaria Escrivá– Sách 2 3. Tiếng nói từ luyện ngục – Sách 3 4. Sách tháng các linh hồn – Sách 4