Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 025 - TN 25-B: Chuyện Thầy dòng và cuộc gặp gỡ Chúa

Thứ ba - 14/09/2021 09:15
Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 025 - TN 25-B: Chuyện Thầy dòng và cuộc gặp gỡ Chúa
Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 025 - TN 25-B: Chuyện Thầy dòng và cuộc gặp gỡ Chúa

Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 025 - TN 25-B:
Chuyện Thầy dòng và cuộc gặp gỡ Chúa
------------------------------------------
Bạn thân mến,

Có một vị tu sĩ già trong một tu viện, đã nhiều năm cầu nguyện với Chúa, với ước mong, xin Chúa chỉ 1 lần hiện ra, để củng cố thêm niềm tin của mình. Bởi ông cảm thấy đức tin của mình sao hãy còn quá yếu kém.


Nhưng xin mãi xin hoài, mà điều đó chẳng xảy ra bao giờ.

*****

Thế rồi, đang khi ông hầu như đã tuyệt vọng, thì một hôm, Chúa lại hiện ra với ông. Phải nói là ông vui mừng phấn khởi biết chừng nào.

Tuy nhiên, đang lúc ông say mê tâm sự với Chúa, thì lại có một hồi chuông của nhà dòng vang lên, báo hiệu đã tới giờ phát gạo cho những người nghèo. Mà hôm nay, là đến phiên trực của ông. Chính ông phải chủ trì buổi phát lương thực này. Nếu ông không có mặt, thì buổi phát lương thực này coi như là bị hủy bỏ. Những người nghèo khổ kia phải chấp nhận ra về tay không, lòng thì buồn bã, bụng phải chịu đói.

Ông đang bị giằng co mạnh trong việc lựa chọn, giữa Chúa và đám dân nghèo. Cuối cùng, ông phải lấy hết can đảm để quyết định: tạm ngưng cuộc gặp gỡ với Chúa, trong nỗi niềm tiếc xót vô chừng.Và ông xin lỗi Chúa về sự thất lễ này, để đi làm bổn phận của nhà dòng trao, đó là đi phát gạo theo định kỳ, cho dân chúng đang túng cực, nghèo khổ.

*****

Sau hơn một tiếng đồng hồ làm việc, ông trở về phòng. Và khi mở cửa, thật bất ngờ, ông không thể nào tin vào con mắt mình, bởi vì Chúa đang ở đó và chờ đợi ông. Thế là ông vội vàng quỳ gối xuống, cảm tạ Chúa, vì tấm thịnh tình Chúa dành cho ông.

Bấy giờ Chúa nói với ông:


- Giả như con không chịu đi phát cơm gạo cho đám dân nghèo, thì Ta cũng chẳng ở lại đây để chờ con đâu.

*****

Từ câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy phương cách tốt nhất để phụng sự Chúa, không nhất thiết là phải từ bỏ mọi sự, không nhất thiết là quay lưng lại với thế gian, không nhất thiết là phải ẩn mình vào một tu viện nào đó, không nhất thiết là phải quỳ gối cầu nguyện lâu giờ, không nhất thiết là phải làm nên những công việc to lớn, kỳ diệu.

Trái lại, phương cách tốt nhất để phụng sự Chúa, đó chính là phục vụ những anh chị em sống bên cạnh chúng ta, đặc biệt là những người bất hạnh, những người nghèo khổ, thiếu may mắn. Bởi có lần trong kinh thánh, Chúa Gie6su đã tự đồng hóa mình vời những người nghèo khổ, túng đói:

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta.” (Matthêu 25,40).

Đây cũng là điều Ngài không ngừng xác quyết trong Kinh Thánh, nhất là qua đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (TN 25-B).

Ngài nói:

“Ai muốn là người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Marcô 9,35).

Nơi khác, Ngài lại còn xác quyết mạnh mẽ hơn:

“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Marcô 10,45)

Chính vì thế, trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã quỳ gối xuống rửa chân cho các môn đệ mình, để dạy cho các ông bài học về tinh thần khiêm nhường và phục vụ:

“13 Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”. (Gioan 13,13-15)

Những Việt kiều khi về thăm quê hương, thường cho biết: tình hình đạo đức bên Tây phương có phần sa sút, người ta ít đi nhà thờ, ít lãnh nhận các bí tích. Thế nhưng về tinh thần bác ái và phục vụ thì họ lại hơn hẳn. Có những gia đình Mỹ, sẵn sàng đón nhận những người Việt Nam thất nghiệp, cho ở và nuôi ăn trong nhà mình. Chắc hẳn chúng ta khó mà thực hiện được như vậy.

Người Việt Nam chúng ta thường tự hào là đạo đức, vì rất siêng năng tham dự thánh lễ, tổ chức rước kiệu, dâng hoa kính Đức Mẹ, thế nhưng đó chưa phải là dấu hiệu để thiên hạ nhận biết người môn đệ của Chúa, vì:

“Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau”. (Gioan 13,35)

Nếu như bây giờ chúng ta tạm gác bỏ những hình thức đạo đức bên ngoài ra một bên, để chỉ căn cứ vào tinh thần khiêm tốn  phục vụ, vào những hành động bác ái yêu thương, thì liệu chúng ta có còn là những môn đệ của Chúa nữa hay không ?
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây