Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhiều lần khuyên các môn đệ Ngài nên tìm nghỉ ngơi.
2. Riêng đối với tôi, tôi rất cần nghỉ ngơi. Có thể là nghỉ ngơi để lại tiếp tục lên đường. Nhưng hầu chắc là cần nghỉ ngơi, để dọn mình đi về cõi sau.
3. Dù vì mục đích nào, tôi vẫn coi được an nghỉ là một yếu tố làm nên hạnh phúc.
4. Tôi tâm sự điều đó với Đức Mẹ. Đức Mẹ khuyên tôi hãy an nghỉ trong Chúa.
5. Còn tôi thì lại nói với Đức Mẹ rằng: “Con an nghỉ trong Chúa, và đồng thời cũng an nghỉ trong Mẹ là mẹ của con”.
6. An nghỉ trong Đức Mẹ, và an nghỉ trong Chúa, đó là cuộc sống của tôi hiện giờ.
An nghỉ đó cho tôi sự bình an.
7. Trên thực tế, tôi vẫn phải phấn đấu rất nhiều, để vượt qua những đau đớn, những thử thách về phần xác, và về phần hồn.
8. Nhưng trong phấn đấu cam go vẫn có sự an ủi, nhờ Đức Mẹ ở bên, nhờ Chúa giải cứu.
9. Nhờ vậy, tôi vẫn được an nghỉ.
An nghỉ của tôi được xây dựng trên nền tảng niềm tin vào Chúa và Đức Mẹ.
10. Tôi vẫn tha thiết xin cho tôi được luôn vững tin vào Chúa và Đức Mẹ.
11. Có nhiều lúc, tôi coi sự tin vào Chúa và Đức Mẹ là việc dễ dàng.
12. Nhưng lại có nhiều lúc, tôi thấy sự tin vào Chúa và Đức Mẹ là điều rất khó. Những lúc như thế, tôi thường cầu cứu nơi Đức Mẹ: “Mẹ ơi, xin Mẹ cứu con”.
13. Bằng nhiều cách, Đức Mẹ cứu tôi. Thế là tôi được tin vào Chúa, theo sự dẫn dắt của Đức Mẹ.
14. Tới đây, tôi sực nhớ lời Chúa Giêsu đã phán xưa: “Nhưng, khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18,8b).
15. Lời Chúa nói trên đây thực là bi quan. Nhưng chứng tỏ sự tin vào Chúa là điều không dễ.
16. Nếu thiếu tỉnh thức và khiêm nhường cầu nguyện, chúng ta có thể mất niềm tin vào Chúa, lúc nào mà không hay biết. Nhất là nơi người trẻ.
Lúc này, sinh hoạt tôn giáo đang diễn biến phức tạp, trong một thế giới diễn biến phức tạp, một thế giới coi như không cần đến Chúa, một thế giới tìm an ủi nơi khác ngoài Chúa.
Do vậy, những người có trách nhiệm trong cộng đoàn đức tin rất cần tỉnh thức trong khiêm nhường cầu nguyện.