Lạy Chúa Thánh Thần, này chúng con đang hiện diện trước nhan Chúa, khi cùng nhau tụ họp nhân danh Chúa.
Chỉ có Chúa là Đấng hướng dẫn chúng con, xin hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con; xin dạy chúng con lối đường phải đi, và cách bước đi trên đường lối đó.
Chúng con yếu đuối và tội lỗi, xin đừng để chúng con gây xáo trộn; đừng để chúng con u mê sa nẻo đường lầm, cũng đừng để chúng con làm theo thiên kiến.
Xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa sự hiệp thông giữa chúng con, để chúng con có thể cùng tiến đến cuộc sống vĩnh cửu, và không lạc xa khỏi con đường chân lý và ngay thật.
Chúng con cầu xin Chúa, là Đấng hoạt động mọi nơi mọi thời, trong sự thông hiệp với Chúa Cha và Chúa Con,mãi mãi đến muôn đời.
- Đọc chung Lời Nguyện: Lạy Mẹ Maria! Khi đón nhận Lời Chúa với tâm hồn trong trắng, Mẹ đã cưu mang Ngôi Lời trong cung lòng khiết trinh, và khi hạ sinh Đấng thiết lập Hội Thánh, Mẹ đã cộng tác trong việc khai sinh Hội Thánh. Khi đứng bên thập giá, Mẹ đón nhận lời trối đầy yêu thương của Con Chúa, và đã nhận tất cả mọi người làm con, những người được tái sinh vào đời sống siêu nhiên nhờ cái chết của Đức Kitô. Chúng con nài xin Mẹ, cùng đồng hành với Hội Thánh chúng con, trong tiến trình Hiệp Hành, hầu chúng con có thể xây dựng một Hội Thánh Hiệp Hành như lòng Chúa mong ước. Amen.
- Suy niệm theo ngày…
- Đọc Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh
- Đọc chung Lời Nguyện: Lạy Mẹ Maria! Khi cùng các Tông đồ trông đợi Đấng Chúa hứa ban, Mẹ đã hợp với các ngài tha thiết khẩn cầu, và nên mẫu gương cho một Hội Thánh không ngừng cầu nguyện. Khi được đưa lên cõi vinh quang thiên quốc, Mẹ vẫn lấy lòng từ mẫu dõi theo Hội Thánh đang còn lữ hành, và ân cần phù trợ Hội Thánh trên đường về quê trời, cho tới ngày Chúa Kitô ngự đến trong vinh quang. Nhờ sự trợ giúp của Mẹ, xin cho Hội Thánh, luôn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, và làm cho địa cầu được đầy tràn Chúa Thánh Thần. Amen.
Đức tin là ơn Thiên Chúa ban, giúp ta trao phó trọn bản thân và đời mình cho Thiên Chúa, cùng đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa đã mặc khải mà Hội Thánh truyền dạy ta. Người tín hữu không những phải gìn giữ đức tin và sống đức tin, nhưng còn phải tuyên xưng đức tin, can đảm làm chứng và truyền bá đức tin. “Hãy xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em” (Gđ 20).
Nếu chúng ta muốn hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa trong tiến trình Hiệp Hành, thì phải có một đức tin ngày càng lớn mạnh. Sự hiện hữu của một Giáo Hội Hiệp Hành chỉ đích thực, khi ta hiện diện với tất cả niềm tin. Sẽ không có gì cho ngày mai, nếu đức tin không sáng lên từ hôm nay. Chỉ có đức tin mới làm đẹp lòng Thiên Chúa, và làm đẹp cuộc đời chúng ta (x. Hr 11,6).
Nhìn ngắm Đức Maria, ta nhận ra một gương mẫu đức tin tuyệt hảo: Mẹ được gọi là Đấng Đầy Ơn Phúc, nhưng chẳng thấy phúc, chỉ thấy họa. Là người có Thiên Chúa ở cùng, nhưng chỉ thấy khốn khó và đau thương. Được bà Isave tuyên xưng là Mẹ Thiên Chúa, nhưng thực tế trước mắt người Dothái, Mẹ chỉ là mẹ của một tên gian phi. Mẹ được ơn vô nhiễm và trọn đời đồng trinh, nhưng những hậu quả mẹ gánh chịu như là một người tội lỗi, vì đối với người đời, không có nhân thì sao lại có quả.
Đức Maria đã đạt tới đỉnh điểm của đời sống đức tin. Vì chỉ một lần thắc mắc, Mẹ không bao giờ thắc mắc nữa. Mẹ có suy đi nghĩ lại để tìm hiểu ý nghĩa của các biến cố, nhưng không hề nghi nan, nao núng. Mẹ đã xin vâng theo ý Chúa, nên không bao giờ đặt lại vấn đề, dù trước mắt là bóng đêm của huyền nhiệm và những tình cảnh éo le mà không ai có thể lý giải được.
Vì hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, nên Mẹ hoàn toàn bình tâm trước mọi thử thách. Không gì có thể ràng buộc Mẹ ngoài một mình Chúa là tự do của đời Mẹ.
Vì hoàn toàn tin tưởng, nên Mẹ hoàn toàn hạnh phúc, và được gọi là Đấng Toàn Phúc. Mẹ thật sự có buồn rầu (Stabat Mater), nhưng không phải buồn rầu cho mình, mà cho số kiếp tội nhân. Mẹ thật sự có đau lòng, nhưng không phải đau lòng cho mình, mà đau nỗi đau của Chúa Giêsu trước sự cố chấp của con người. Trong cuộc sống có những điều ta hiểu được, nhưng có biết bao điều ta không thể nào hiểu được, thậm chí có những điều vô lý, bất công và tàn bạo.
Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, xin Chúa ban cho chúng ta có được một đức tin vững mạnh để đón nhận Thánh Ý Chúa trong cuộc đời, ngay cả khi ta không thể nào hiểu được. Xin cho chúng ta biết tin tưởng, phó thác tiến trình Hiệp Hành của Giáo Hội trong tay Mẹ, như Mẹ vẫn hằng luôn tin tưởng, buông mình trong tay Thiên Chúa toàn năng.
Đức Cậy là ơn Thiên Chúa ban, giúp ta khao khát Nước Trời, sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc đời mình, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức Kitô và phó thác vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà vững lòng trông đợi hạnh phúc mà Đức Giêsu đã hứa ban.
Thiên Chúa không cấm chúng ta khao khát những gì là cần thiết cho cuộc sống, nhưng Người muốn chúng ta phó thác nơi Người và biết khôn ngoan tìm kiếm những gì là chân thực và bền vững, những gì cần thiết cho cuộc sống đời đời của chúng ta: “Chính Đức Kitô, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,27).
Đức Cậy còn được gọi là đức Hy Vọng, trông mong, chờ đợi Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ dành cho chúng ta. Đó là niềm hy vọng sâu thẳm nhất của con tim, và là niềm hy vọng của Kitô giáo.
Chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Maria như một mẫu gương sáng ngời của niềm hy vọng. Mẹ đã đón nhận, nuôi dưỡng, sống, tuyên xưng, và loan truyền niềm hy vọng. Dấu chỉ lớn lao nhất của những hy vọng trên, là khi đến hồi viên mãn, Mẹ được đưa về Trời cả hồn lẫn xác. Việc Mẹ được vinh hiển trên Thiên Quốc đoan quyết với chúng ta rằng: Đức Kitô sẽ ban sự sống đời đời cho những ai đặt niềm hy vọng nơi Người. Đức Maria đã trở thành ánh sao hy vọng, và là niềm hy vọng cho chúng ta sẽ được thưởng cùng với Mẹ trên Thiên Quốc sau này.
Trong tiến trình Hiệp Hành, chúng ta sẽ gặp nhiều thử thách về Đức Cậy: có những điều quá buồn, sẽ làm tinh thần chúng ta suy sụp; có những cái quá cực, sẽ làm chúng ta ngã quỵ; có những thứ quá đau, sẽ làm chúng ta điêu đứng; có những việc quá lo, sẽ làm chúng ta chán nản; có những tình cảnh quá đáng sợ, sẽ làm chúng ta bồn chồn thao thức...
Trong cuộc đời của Đức Mẹ cũng thế, Mẹ cũng đã gặp những điều quá buồn (Mt 1,18-19; Ga 19,25-30); những cái quá cực (Lc 2,7) những thứ quá đau lòng (Lc 2,34-35; Ga 19,31-34); những việc quá lo (Lc 2,46); những tình cảnh quá đáng sợ (Mt 2,16)... Thế nhưng, Mẹ đã nương tựa vào Thiên Chúa để sẵn lòng đón nhận tất cả và hiến dâng tất cả cùng với Con mình, đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Nhờ đó, Mẹ lại trở thành niềm Hy Vọng cho chúng ta: Salve Regina…et Spes nostra! Lạy Nữ Vương... nguồn sống vui và Hy Vọng của chúng con!
Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, xin Chúa ban cho chúng ta có được một Đức Cậy vững vàng để bền đỗ đến cùng trên con đường Hiệp Hành mà Giáo Hội đang hướng đến!
Đức Mến là ơn Thiên Chúa ban, giúp ta kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và vì Chúa, yêu thương mọi người như chính bản thân. Sống Đức Mến là sống tình con thảo với Thiên Chúa là Cha, Đấng yêu mến chúng ta trước, và sống tình huynh đệ với mọi người, cùng là con cái của Cha trên trời.
“Có được tất cả Đức Tin đến chuyển núi dời non, mà không có Đức Mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1Cr 13,2). Tình yêu trở thành nhu cầu thiết yếu và động lực chính yếu cho mọi hoạt động của con người, làm cho con người trở nên chính mình và đạt đến cùng đích đời mình. Đức Gioan Phaolô II xác định: “Con người không thể sống mà thiếu vắng tình yêu. Họ sẽ không hiểu họ là gì, sẽ cảm thấy cuộc đời họ là vô nghĩa, nếu họ không đón nhận mặc khải tình yêu, không gặp gỡ tình yêu, không cảm nghiệm tình yêu, không đồng hoá với tình yêu, không mạnh dạn tham dự vào tình yêu” (Redemptor Hominis, số 10).
Cả ba nhân đức: Tin, Cậy, Mến đều là ân ban của Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa là cùng đích. Cả ba nhân đức đều bén rễ từ ba nhu cầu căn bản của con người: nhu cầu hiểu biết chân lý; nhu cầu khao khát điều thiện hảo; nhu cầu yêu thương và được yêu thương. Nhu cầu thứ ba của Đức Mến mới là nhu cầu lớn nhất, thâm sâu nhất, để có thể hoàn thành cuộc đời ta trong chương trình của Thiên Chúa. Tiến trình Hiệp Hành của Giáo Hội sẽ thu lượm được hoa trái thế nào, tất cả đều tùy thuộc vào lòng tin, lòng cậy và lòng mến mà chúng ta đặt vào Thiên Chúa toàn năng.
Ba nhân đức: Tin, Cậy, Mến với ba thái độ sống khác nhau, nhưng cùng chỉ một thực tại sống động, tức là mối tương quan thân tình giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Cả ba nhân đức đều hợp thành một tâm tình sống duy nhất, không thể tách rời: “Ðức Tin mà không có Đức Cậy và Đức Mến, sẽ không kết hợp trọn vẹn người tín hữu với Ðức Kitô, và không làm cho họ trở nên chi thể sống động trong Thân Thể Người” (GLGH 1815).
Hãy nhìn về Đức Maria, Mẹ của lòng Tin, Cậy, Mến. Cả ba nhân đức này đã đúc kết nên sự duy nhất trong toàn thể con người Mẹ, đã hòa nhập nên một trong trái tim Mẹ, và cuối cùng với đỉnh cao là Đức Mến, trong sự sống muôn đời, Mẹ đã trở thành nguồn suối của lòng từ bi nhân hậu, tuôn chảy từ Thiên Chúa cho nhân loại.
Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, xin Chúa ban cho chúng ta có được một Đức Tin son sắt, một Đức Cậy vững vàng, một Đức Mến nồng nàn để sống giới luật yêu thương: mến Chúa và yêu người như lòng Chúa mong ước, để tiến trình Hiệp Hành của Giáo Hội là một tiến trình đầy yêu thương, nhằm xây dựng một Giáo Hội Hiệp Hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng.
Khôn ngoan là nhân đức giúp lý trí chúng ta nhận ra những điều thiện đích thực và lựa chọn những phương thế tốt nhất để đạt tới. Đức khôn ngoan giúp ta tìm các phương tiện tối hảo để đạt cứu cánh siêu nhiên, là Thiên Chúa. Khôn ngoan siêu nhiên dựa vào nguyên tắc đức tin và quy hướng mọi sự về Thiên Chúa. Nó chi phối tư tưởng, tình cảm, ý chí và hành động của ta để quy hướng đời ta về cùng Thiên Chúa.
Đức Mẹ được mệnh danh là Toà Đấng Khôn Ngoan (Sedes Sapientiae). Tước hiệu này được giải thích theo ba nghĩa: (1) Đức Maria được ví như vua Salomon, biểu tượng của đức khôn ngoan, ngự trên ngai; (2) Đức Maria là ngai toà cho Đức Kitô là Đấng Khôn Ngoan; (3) Đức Maria là tiêu biểu cho người trinh nữ khôn ngoan của Tân ước.
(1) Đức Maria không chỉ là toà của Đấng Khôn Ngoan, mà còn là Đấng khôn ngoan. Xưa kia, vua Salomon được Chúa cho ban ơn khôn ngoan vượt bậc, ngày nay, Đức Maria cũng đáng được so sánh như thế, bởi vì Người là kẻ được Thiên Chúa sủng ái, được trang hoàng với đầy đủ mọi nhân đức.
(2) Đức Maria là ngai của Đức Kitô, Đấng Khôn Ngoan hằng hữu. Đức Kitô là Đấng Khôn Ngoan. Đức Maria là “ngai toà của Đấng Khôn Ngoan” bởi vì Người đã trở nên “cung điện” đón tiếp Đức Giêsu khi thụ thai Ngôi Lời Nhập Thể.
(3) Đức Maria, người trinh nữ khôn ngoan, là môn sinh của Đấng Khôn Ngoan. Người không còn “ngồi trên ngai của Đấng Khôn Ngoan”, nhưng “ngồi dưới chân Đấng Khôn Ngoan”. Người là “trinh nữ khôn ngoan” (virgo sapiens) bởi vì đã chọn phần tốt nhất như cô Maria ngồi bên chân Chúa (x. Lc 10,42).
Đức Gioan Phaolô II trong bài huấn dụ ngày 04/09/1963 tại Castel Gandolfo đã nói: Đức Maria là Toà của Đấng Khôn Ngoan bởi vì Mẹ đã đón tiếp Đức Giêsu là Đấng Khôn Ngoan nhập thể vào trong cung lòng của mình.
Với lời thưa: “Fiat” lúc truyền tin, Người đã chấp nhận vâng phục Thánh Ý Chúa, và Đấng Khôn Ngoan đã đặt ngai toà ở trong cung lòng của Mẹ, biến Mẹ trở nên một môn sinh gương mẫu. Đức Trinh Nữ Maria trở nên diễm phúc không chỉ vì đã cho Con Thiên Chúa bú mớm, mà còn vì Mẹ đã tự nuôi dưỡng mình bằng sữa cứu độ của Lời Thiên Chúa (x. Lc 11,27-28).
Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, xin Chúa ban cho chúng ta trở thành cung điện của Đấng Khôn Ngoan là Đức Kitô, hầu khám phá sự khôn ngoan đích thực, khôn ngoan của thập giá mà thế gian cho là ngu dại. Xin cho Giáo Hội được ơn khôn ngoan để đọc ra được những dấu chỉ của thời đại, để thấy rõ ý Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể, nhằm giúp tiến trình Hiệp Hành của Giáo Hội đạt được những hoa trái như lòng Chúa ước mong.
Công bình là tôn trọng quyền lợi của người khác, đối xử hài hoà với hết mọi người, và thực thi công ích là trách nhiệm của mỗi người. Đức công bình giúp chúng ta thực hiện những gì của người khác, thì trả về cho họ; những gì là của Thiên Chúa, thì trả về cho Thiên Chúa (x. Mc 12,17).
Đức công bình khiến ta tôn trọng quyền lợi người khác, để bảo tồn sự hoà thuận giữa anh chị em. Công bình là nhân đức làm cho ta sẵn lòng trao trả quyền lợi hoặc tài sản của ai cho người ấy. Đó là nguyên tắc tự nhiên mà ai ai cũng công nhận: “của nào thuộc chủ ấy”.
Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy trả cho Xêda cái gì của Xêda” (Mt 23,24). Khổng Tử cũng nói rằng: “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Đó là khuôn vàng thước ngọc ta phải giữ trong cách ứng xử với tha nhân. Có công bình mới có an ninh trật tự. Có công bình người ta mới biết tôn trọng quyền lợi nhau, tránh thói gian tham, gạt bỏ bất công, giữ lòng ngay thật, và nhờ thế, duy trì được an ninh xã hội.
Đức Maria là mẫu gương sống công bình chính trực: của Thiên Chúa trả Thiên Chúa, của Xêda trả Xêda. Mẹ hết lòng phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Ngay lúc còn thơ ấu, khi được cha mẹ dâng vào Đền Thờ, Đức Maria đã muốn hiến dâng cả cuộc đời để yêu mến và phục vụ một mình Thiên Chúa.
Tiếng “Xin Vâng” mà Mẹ thưa lên trong ngày truyền tin chắc chắn đã được thành hình và nuôi dưỡng bằng tâm tình yêu thương và phục vụ này. Mặc dầu biến cố truyền tin đã khiến Mẹ ngỡ ngàng vì vượt ra ngoài ước mong và dự đoán của Mẹ, nhưng Mẹ đã khiêm nhường đón nhận trong tâm tình của một người tôi tớ luôn sẵn sàng cho Thánh Ý Chúa.
Biến cố nổi bật nhất nêu cao tinh thần yêu thương và phục vụ đang nung nấu tâm hồn Mẹ, đó là việc Mẹ lên đường đi thăm bà Isave: vội vã lên đường để mang Chúa đến cho gia đình ông Dacaria và để phục vụ người chị họ trong những ngày sinh nở.
Tại tiệc cưới Cana, con tim nhạy cảm và tế nhị của Mẹ đã đi bước trước để giúp đỡ đôi tân hôn. Mẹ tự động tìm cách can thiệp với Chúa Giêsu ngay cả khi nhà tiệc chưa ngỏ lời cầu xin với Mẹ.
Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, xin Chúa ban cho chúng ta biết noi gương Mẹ để sống đẹp lòng Chúa bằng cách yêu thương và phục vụ, để ngày sau ta được cùng Mẹ vui hưởng hạnh phúc Thiên Đàng. Xin cho Giáo Hội luôn là khí cụ tuyệt hảo trong tay Thiên Chúa, để qua đời sống yêu thương và phục vụ của một Giáo Hội Hiệp Hành, mọi người được nhận lãnh dồi dào ơn sủng, bình an, và ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Can đảm là nhân đức giúp chúng ta kiên trì theo đuổi điều thiện tới cùng, dù gặp nhiều gian nan thử thách; cương quyết chống lại cám dỗ và vượt thắng sợ hãi; dám đối diện với những thử thách và bách hại, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì chính nghĩa.
Theo nguyên tự, can là gan, đảm là mật. Người Đông Phương xưa quan niệm rằng: gan to mật lớn là dấu người mạnh mẽ, nhiều nghị lực. Người Tây Phương lại cho rằng trái tim (coeur, courage) là nguồn gốc của sức mạnh. Can đảm là nhân đức làm cho linh hồn được mạnh mẽ để làm những việc khó khăn, không sợ hãi cũng không táo bạo. Đức can đảm giữ mực trung dung giữa sự sợ hãi và sự táo bạo. Nó khử trừ cảm xúc sợ sệt, kẻo kiệt lực không dám tiến lên, nhưng cũng tiết chế cảm xúc táo bạo, kẻo sinh ra liều lĩnh mà thất bại.
Nhìn lên cây thập giá, chúng ta thấy hình ảnh của Đấng Bị Đâm Thâu, Đấng là nguồn ơn cứu độ của toàn thể nhân loại. Nhìn xuống chân thập tự, lại thấy thấp thoáng bóng hình của một người nữ mang tên Maria.
Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng Mẹ vẫn đứng vững chứ không ngã quỵ.
Dưới chân thập giá, Mẹ vẫn im lặng, sự thinh lặng đầy can đảm thấu tận trời cao: Không một tiếng rên la, than vãn, nhưng là một sự hiệp thông sâu xa để chuyển thành ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
Dưới chân thập giá, Mẹ đã trở thành Mẹ của tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu. Nơi Mẹ cũng như Chúa Giêsu, họ hiểu được ý nghĩa của nghèo khó, khiêm hạ, vâng phục, cảm thông và xót thương.
Dưới chân thập giá, Mẹ Maria ôm lấy tất cả mọi con cái của Chúa Giêsu, tất cả đều được ủy thác cho Mẹ. Mẹ đứng bên cạnh tất cả những ai đang đau khổ. Mẹ âm thầm chia sẻ và chịu đựng nỗi đau khổ của từng người như thể của riêng Mẹ.
Sự hiện diện đầy can đảm của Mẹ dưới chân thập giá cũng gợi lên cho chúng ta biết bao khổ đau của phận người. Bóng thập giá bao phủ khắp nơi, khổ đau không miễn trừ bất cứ một người nào.
Bên Mẹ, chúng ta cảm nhận được không biết bao nỗi khổ đau của những người xung quanh chúng ta. Bên Mẹ, chúng ta được mời gọi can đảm chia sẻ, san sớt nỗi khổ đau của mọi người.
Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, xin Chúa ban cho chúng ta có cùng một kinh nghiệm như Đức Mẹ: can đảm đứng dưới chân thập giá đau thương của cuộc đời, xin cho chúng ta cảm nhận, với niềm vui và hạnh phúc, sự sống mới của Đức Kitô luôn triển nở dồi dào trong thế giới hôm nay. Xin cho chúng ta luôn can đảm đón nhận và vượt qua mọi trở ngại, trong tiến trình hướng tới xây dựng một Giáo Hội Hiệp Hành luôn hứa hẹn nhiều cam go, thử thách.
Tiết độ (temperantia, moderation) thường được hiểu là nhân đức giúp ta biết tự chủ trước những quyến rũ của các thú vui và giữ chừng mực trong cách hưởng dùng những tiện nghi vật chất. Đức tiết độ giúp ta điều hướng các dục vọng và bắt chúng tuân theo luật Chúa.
Chúng ta thường suy nghĩ tiết độ là nhân đức giúp điều tiết ham muốn của bản thân trước những nhu cầu thể lý và tinh thần. Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của đức tiết độ lại không nằm ở chỗ kiềm chế và cản trở, nhưng là, ở chỗ triển nở và khai thông.
Đó là “bước chuyển” tích cực mà mặc khải Thánh Kinh muốn trình bày cho chúng ta và đó cũng là lãnh giới tinh thần mà đức tiết độ mời gọi con người vươn đến như thánh Autinh đã nói: vinh quang Thiên Chúa, đó là con người “sống tròn đầy”. “Sống tròn đầy” là sống quân bình, chừng mực cả trong nhu cầu bản năng, tình cảm tự nhiên và cả trong đời sống luân lý, đạo đức tâm linh.
Thật vậy, nếu được phép so sánh cuộc sống con người như một cánh diều tung bay trong bầu trời ân sủng, thì tiết độ chính là sợi dây kết nối giữa “cánh diều” với một vùng đất cụ thể mà “cánh diều” thuộc về, để giúp “cánh diều” có thể thăng hoa mà không rơi vào vùng hư mất.
Thánh Gioakim là người Giuđa. Ngài là người công chính cũng như nhiều vị công chính khác trong Cựu Ước. Suốt đời ngài sống trong niềm trung tín, kính yêu Thiên Chúa, và trông đợi Đấng Cứu Thế đến. Vì thế, Chúa đã ban cho ngài một người bạn trăm năm đạo hạnh và nhân đức là thánh Anna, thuộc dòng Giuđa và hoàng tộc Đavít. Ông bà giàu của cải, mà cũng giàu nhân đức, và lòng bác ái.
Theo tương truyền, ông bà chia gia tài làm ba phần: một phần giúp người nghèo đói, một phần dâng cúng cho Đền Thờ, còn một phần để nuôi sống gia đình. Đây chính là mẫu gương sống tiết độ trong việc sử dụng của cải vật chất, bởi vì, để thực thi đức ái, thì ta cần phải dẹp bỏ lòng tham của mình trước đã.
Thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của cha mẹ, ắt hẳn, Đức Maria, cũng chừng mực trong các sinh hoạt hằng ngày: Mẹ tiết độ khi không buông ra những lời oán than trước những nghịch cảnh trong việc sinh Chúa và trốn sang Aicập, không nóng giận khi phải vất vả tìm Chúa, không tháo lui trên đường theo Con lên đồi Sọ, và không ngã quỵ dưới chân thập giá đau thương.
Nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, xin Chúa ban cho chúng ta biết noi gương tiết độ của Mẹ để nên giống Mẹ và “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Trên đường Hiệp Hành, xin cho chúng ta biết chừng mực, cẩn trọng, một vừa hai phải, không thành kiến khi trình bày những ý kiến, phiến diện khi trao đổi thảo luận, không cực đoan khi đưa ra những quyết định quan trọng.
...................... Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB (Dòng Biển Đức Nam)