Nguyên văn: Sexualité et vie chrétienne, point de vue catholique.
Ấn quán:
Le Centurion, 1981, Paris.
Lời giới thiệu của hai UBGM về gia đình và xã hội:
Nhìn nhận sự nghiêm chỉnh của một việc làm và tán dương phẩm cách của nó vốn là nguồn vui sướng cho những ai được mời gọi nói lên điều đó, đặc biệt việc này còn là một nhiệm vụ công bình nữa. Thật vậy, đã bốn năm nay, Uỷ ban xã hội của các giám mục và Uỷ ban Giám mục về gia đình đã mãnh liệt cảm thấy công giáo cần phải nói lên một lời mới mẻ về “Phái tính và đời sống Kitô giáo”. Xã hội và gia đình thực sự cần được nghe lời đó. Vậy dự án đã được quyết định, một nhóm người đã được mời gọi, gồm có giáo dân nam, nữ, có thần học gia và có giám mục. Nhóm này đã tích cực làm việc. Ai nấy đều đã biết rõ giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề này. Dự án, hay đúng hơn, tham vọng của nhóm là cố trình bày giáo huấn trong một ngôn ngữ và một giáo khoa thích hợp với thời đại chúng ta. Trong ánh sáng mạc khải, người ta phải để ý đến khoa học loài người và các dấu hiệu của thời đại. Việc sưu tầm và mạo hiểm này đã đi theo đúng chiều hướng của Công đồng Vatican II và rất phù hợp với điều mà Đức Phaolô VI đã nhiều lần nhắc nhở, đặc biệt trong câu: “Ta phải tìm ra một ngôn ngữ cho thời đại chúng ta”. Ai lại không đoán biết được rằng: Công việc chung này đã có thể gặp nhiều lợi ích và khó khăn, nhiều lo âu và hy vọng. Nhưng đã được kết thúc bằng một bản tài liệu, mà chúng tôi vui mừng giới thiệu cho anh em. Đây không phải là một khái luận về hôn nhân. Đây cũng không phải là một tác phẩm súc tích trình bày tất cả tư tưởng của công giáo về phái tính nhân loại. Tiếng nói của một nhóm người, dù có dẫn chứng, dù có nghiêm chỉnh đến đâu, cũng không thể là một tiếng nói cuối cùng. Tuy nhiên, nó cũng cho ta một cái nhìn thiết thực về ý nghĩa của phái tính, dưới ánh sáng đức tin công giáo, đối với tâm trạng con người ngày nay. Bản tài liệu này không trốn tránh các hậu quả do ánh sáng đó soi cho, các đòi hỏi luân lý xuất hiện ở phạm vi này đều bắt nguồn trong cuộc sưu tầm ý nghĩa của phái tính. Chỉ khi được luân lý chăm lo điều khiển, phái tính mới có và mới giữ được khuôn khổ hoàn toàn nhân loại của nó. Nhóm làm việc đã không có ý đề cập đến những điểm nóng bỏng, như phá thai, ngừa thai, hoặc vấn đề những người ly dị tái giá. Vả chăng, về các vấn đề này, Giáo Hội Pháp, liên kết với Giáo Hội hoàn cầu, đã nhiều lần lên tiếng một cách rõ ràng minh bạch. Với những giới hạn của nó, như nhiều người sẽ lưu ý đến, bản tài liệu làm việc và suy tư này phải giúp ta dễ dàng nhận ra ý Thiên Chúa. Thế giới chúng ta được biết những dấu hiệu của thời đại mới. Vả chăng Thượng Hội đồng giám mục đã muốn kể ra một số dấu hiệu được coi là tích cực, như người ta “chú ý hơn đến tự do, đến nhân phẩm, đến phẩm cách của các tương quan trong hôn phối, đến sự thăng tiến địa vị người nữ, đến chức vụ hữu trách của các người làm cha mẹ... Người ta ý thức mạnh mẽ hơn về ơn kêu gọi của Giáo Hội, về gia đình và về nhiệm vụ của nó trong sự cổ võ công bình, để biến đổi các cơ cấu bất công, đã được thiết lập vững chắc trong thế giới”. Đã hẳn, có một số dấu hiệu không phát xuất do sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử. Thượng Hội đồng giám mục cũng đã kể ra một số, như “tình trạng nghèo túng và khổ cực của nhiều gia đình xảy ra trong thế giới do những cơ cấu bất công, số người ly dị và phá thai mỗi ngày một nhiều, óc não ưa ngừa thai, bạo lực bất công”. Trong thực tế, có nhiều dấu hiệu pha trộn với nhau. Bản tài liệu này đã muốn để ý đến cái thực tại pha trộn đó, đã cố gắng phân biệt giữa hai tình yêu luôn luôn đối nghịch nhau, như thánh Augutinô nói. Và đã may mắn thành công. Mặc dầu có lần kiểu nói hơi do dự. Xác định đôi khi tỏ ra nghi vấn hơn là quyết đoán. Người ta có thể phàn nàn điều đó. Tuy nhiên, cứ như tình trạng hiện thực của nó, bản tài liệu này đã đi sát với thực tại ngày nay, đã có công rất lớn là đã tìm tòi, và, cách chung, đã đạt được điều, mà, một lần nữa, Thượng Hội đồng giám mục đã nhắc nhở: “Các dấu hiệu của thời đại là chính cái thực tại, trong đó chúng ta đang sống, giữa những hoàn cảnh nhất định của không gian và thời gian. Cho được phân biệt ý nghĩa của chúng và khám phá được thánh ý Thiên Chúa trong đó, thì phải giải thích chúng, đang khi để ý đến sự liên tục của lịch sử, và, như vậy, để ý đến cách thức mà các dấu hiệu đó được bày tỏ rõ ràng trong các sách Cựu Ước và Tân Ước, đến sự liên kết với đức tin, đến giáo huấn của Giáo quyền và đến một sự phê phán lành mạnh theo sự khôn ngoan của nhân loại” (MV. 4,11.37). Chúng tôi nhiệt liệt cám ơn các tác giả và chúng tôi ước ao rằng: bản tài liệu này sẽ giúp chúng ta nhận biết rõ hơn ý nghĩa của phái tính và sống xứng đáng hơn các hậu quả luân lý và thiêng liêng của nó. Gilbert Duchêne, Giám mục Saint-Claude, Chủ tịch UBGM về gia đình Joseph Rozier, Giám mục Poitiers, Chủ tịch UBGM về vấn đề xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Pháp, năm 1981.
Hoàn cảnh sinh hoạt và tâm trạng con người ngày nay biến đổi mau chóng hơn bất cứ giai đoạn nào trước đây của lịch sử. Và, ít là trong các xã hội (Âu châu) chúng ta, các biến đổi này không những ảnh hưởng đến thiểu số, mà cả đến đại đa số con người: đến đàn ông, đến đàn bà, không những ở việc họ làm, mà ở cả tư tưởng họ có về bản thân, về hạnh kiểm, và về các tương quan họ có với tha nhân. Vì thế, phái tính nhân loại cũng trở thành đối tượng cho những cuộc giải thích mới mẻ, được biểu lộ bằng những thái độ tương đối mới mẻ, bằng những cách sống mà người ta đòi hỏi và ra sức biện hộ như những việc cố nhiên vậy. Một số biến đổi này còn kéo theo những hậu quả được người ta đánh giá khác nhau. Trước này, hầu như người ta không nói đến các thực tại của đời sống phái tính. Và khi đề cập đến, thì thường người ta lại kết nạp chúng với đề tài tội lỗi, đến nỗi, trên bình diện xã hội, luân lý và vô luân được áp dụng hầu như tức khắc, nhất là ở phạm vi phái tính. Kết quả, là các thế hệ già hơn thường mạnh mẽ cảm thấy tính cách tội lỗi của nó. Ngày nay, sự chăm lo tìm hiểu đang thay thế vào đó, và cho phép người ta được trình bày một cách tự do hơn. Đó là một may mắn cho phẩm cách của các tương quan giữa người nam và người nữ, nhất là trong đời sống lứa đôi. Sự sửa đổi qui chế của người phụ nữ trong xã hội, sự nhìn nhận các phẩm cách riêng của họ, các khả năng và các quyền lợi của họ kéo theo những thay đổi trong nếp sống lứa đôi. Trong đó, người ta bày tỏ rõ hơn ước muốn được là những người bạn đồng phận như nhau. Một vài cách sống, như đính hôn kiểu mới, hay như sống chung tuổi trẻ (đồng cư niên thiếu), có thể xem ra lạc lõng, chúng đòi được nhìn nhận với những lý do mà ta nên cứu xét một cách vô tư. Có những hoàn cảnh khác, trước kia coi là “ngoài lề” cũng muốn được chính thức nhìn nhận, được hợp pháp hoá, với những nghị luận đáng được ta để ý nghe. Sự phóng túng, khiến cho phái tính con người bị khai thác và hạ giá như vậy, càng làm cho người ta kinh ngạc hơn nữa, bởi vì các giá trị bị người ta đả kích đã trở nên lung lay tận gốc. Phái tính vốn là nguồn mạch quyền hành và lợi tức. Nhưng quyền lợi đó không phải chỉ thu lượm được do việc mãi dâm. Còn có một thứ “tôn thờ phái tính” làm cho những kẻ bị lôi cuốn trở nên lạc lõng một cách trầm trọng. Lúc đó họ lại rơi vào những quyền hành mới, là những kẻ, dưới danh nghĩa điều trị, sẽ thu lượm được rất nhiều lợi tức. Ngược lại, với chủ trương quá nghiêm khắc, của một số người, và với sự cấm đoán đã đè nặng trên các thế hệ trước này, thì một số người khác lại muốn đề cao việc giải phóng phái tính, cho phép người kia bị coi là đáng khiển trách, là ở ngoài lề, là xấu xa. Như vậy, họ tưởng rằng: khi đã lật đổ các ngăn cấm phi lý, thì nhân loại có thể thực hiện được những kinh nghiệm mới mẻ và khám phá thêm được những khả năng chưa được biết đến của mình. Những biến đổi này đã gây nên, trong nước (Pháp) ta cũng như ở nhiều nơi khác, những cuộc tranh luận, đôi khi kéo theo những thay đổi pháp luật. Mới đây, các cuộc tranh luận đó nhằm vào việc ngừa thai, các điều kiện để được phá thai, quyền lợi của hôn nhân. Nhưng giữa các cách sống mới và các qui tắc mới phát xuất từ các cuộc sửa đổi pháp luật, làm sao phân biệt được những gì người ta có thể cổ võ và căn cứ vào những tiêu chuẩn nào? Đã rõ, tiêu chuẩn thứ nhất là phải tìm ra thánh ý Thiên Chúa (Rm 12,2). Thánh ý Chúa được mặc nhiên biểu lộ mỗi khi một cuộc biến đổi hoàn cảnh và tâm trạng cho phép con người được thể hiện bản thân một cách tốt đẹp hơn và được nhìn thấy những giá trị, mà các thế hệ trước không được biết rõ như vậy. Ý Chúa cũng được minh nhiên biểu lộ trong Thánh Kinh, nhất là trong Con Người Chúa Giêsu và trong các gương lành Ngài đã ban cho ta. Thánh truyền Kitô giáo không ngừng đón nhận và đào sâu các ngôn hành đó, vì biết rằng: nhờ đó Chúa đã bày tỏ ý muốn của Chúa Cha, mà Ngài coi như lương thực của Ngài vậy (Ga 4,34). Đứng trước các lời phát biểu rất dị biệt và đôi khi bất đồng về phái tính, các Kitô hữu không thể ở lặng. Họ phải nói lên những ý nghĩa nào họ gán cho phái tính. Họ phải biện minh cho những cách ở tiêu biểu nhất về phẩm giá người nam và người nữ, đã được Thiên Chúa kêu gọi làm vinh danh Người cả trong thân thể họ. Chính trong viễn tượng này, mà các suy tư về “phái tính và đời sống Kitô giáo” đã được biên soạn. Các suy tư này cố gắng đi theo đường hướng của Vatican II. Về hoạt động của nhân loại, hiến chế “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” đã muốn “nối kết ánh sáng mạc khải với kinh nghiệm của mọi người, để soi sáng con đường mà nhân loại mới bước vào” (MV 33,2). Lại nữa, “Tiến bộ khoa học, các kho tàng hàm chứa trong các nền văn hoá khác nhau của nhân loại, biểu lộ đầy đủ hơn bản tính của chính con người và mở ra những con đường mới mẻ, dẫn đến chân lý: tất cả các điều ấy đều hữu ích cho Giáo Hội” (MV 44,2). Điều gì đã được nói về sự gặp gỡ giữa các nền văn hoá, thì cũng có thể nói được về các cách giải thích mới mẻ có thể xảy ra trong một nền văn hoá; chúng tôi thiết tưởng đó cũng là trường hợp của việc tìm hiểu hiện tại về phái tính. Trước hết, cần phải nhắc đến các ý nghĩa của phái tính con người. Một số ý nghĩa đã trở nên quá “truyền thống”, đến nỗi làm cho người ta quên mất các nguồn gốc, cũng như tính cách tương đối của chúng. Một số ý nghĩa khác được phổ biến mới đây và thường được cổ vũ, lại có xu hướng đề cao các thái độ, cho phép ai nấy tuỳ sức đảm trách lấy đời sống phái tính của mình, theo như bậc sống của họ. Cho nên phải cố gắng phân biệt các mối liên hệ hiện hữu giữa phái tính và tình yêu (phần I). Rồi mạc khải Do Thái và Kitô giáo sẽ chiếu giãi ánh sáng độc đáo vào các thực tại đó, được cứu xét dưới nhiều khía cạnh (phần II). Sau hết, các vấn đề hiện tại được đặt vào tương quan với “lịch sử tình yêu” này, mà mỗi người được mời gọi thực hiện cho phần riêng mình, dưới những hình thức dị biệt và trong những bậc sống khác nhau (phần III). Bản tài liệu này đưa ra một vài tiêu điểm có thể soi sáng cách thức làm cho “nhân loại yêu hơn”, theo kiểu nói của cha Taillard de Chardin. Bản tài liệu này không có tham vọng nói một lời phổ quát và tối hậu. Nó cũng không là một khái luận thần học luân lý súc tích về phái tính. Nó là một dụng cụ để làm việc, ưu tiên dành cho những ai có ít nhiều trách nhiệm trong việc giáo dục. Ước gì nó góp phần giúp cho cộng đồng nhân loại đi sâu hơn một chút vào trung tâm mầu nhiệm tình yêu, mà Thiên Chúa là nguồn gốc và là cứu cánh.
PHẦN THỨ I:
NHỮNG YẾU TỐ ĐỂ SUY TƯ
VỀ PHÁI TÍNH CON NGƯỜI
a) Phái tính và sinh dục tính Nên phân biệt phái tính và sinh dục tính (sexualité et génitalité). Người ta hiểu thuộc về sinh dục tính những gì liên hệ đến các bộ phận sinh sản và đến chức năng truyền sinh, theo như khoa giải phẫu và sinh lý mô tả chúng và phân tích động tác của chúng. Người ta hiểu thuộc phái tính là cái chiều kích nam hay nữ đã in vào mỗi cá tính con người, ngay từ phút đầu khi thụ thai và xuyên qua mọi giai đoạn phát triển về sau. Do đó, tất cả các tương quan nhân loại đều có phái tính, không thể nào tránh được. Tất cả các hoàn cảnh, trong đó đàn ông và đàn bà liên đới với nhau, đều được sinh hoạt một phần tuỳ theo phái tính riêng của họ, và tuỳ theo các vai trò khác biệt mà họ được kêu gọi đảm nhận. Trái với điều người ta còn thường nghĩ tưởng, phái tính không phải chỉ nhằm những phạm vi thân mật nhất của đời sống cá nhân. Nó còn nhằm vào mọi lãnh vực đời sống xã hội, kinh tế và chính trị, và nó cũng bị các lãnh vực này chi phối. Cho nên rõ ràng là định mệnh của từng người đã ngầm chứa trong thân phận là người nam hay người nữ. Không ai có thể, vô hại, chối bỏ điều đó được. Chính khi đảm nhận thân phận là nam hay nữ, mà mỗi người có thể được phát triển sự tự do và tìm thấy hạnh phúc mà họ ước sống. Bởi vậy, các cách ở phái tính, nhờ đó đàn ông và đàn bà bày tỏ cách độc đáo chiều kích phái tính của con người, họ không thể được giải thích biệt lập với lịch sử của từng người. Các cuộc gặp gỡ, xen vào lịch sử đó, như những giây phút ưu tuyển, không phải chỉ có một ý nghĩa riêng của chúng. Chúng còn nhận được ý nghĩa của những gì đã có trước trong đời sống bên này, bên nọ, và của những gì mà bên này bên nọ mong chờ, một cách ý thức nhiều hay ít, cho tương lai của họ. Bởi vậy, thu hẹp phái tính con người vào sinh dục tính mà thôi, bằng cách chỉ để ý tạo nên những cách ở hay gây nên những tác động vui sướng tối đa, đó là hạ giá con người. Lúc đó mỗi người sẽ bị bên kia chiếm đoạt như một người bạn khác phái, sẽ mang lại cho mình một vui sướng tức khắc, bất chấp tất cả những gì làm nên sự phong phú của con người họ, và của lịch sử đã gây dựng nên họ. Sau này ta sẽ trở lại vấn đề lâu hơn. Nhưng ngay khi vào đề, cần phải có những phân biệt rõ ràng. Vậy, ngay từ khởi điểm, phải có xác tín căn bản này: một suy tư về phái tính chỉ có thể thành hình từ một quan niệm toàn diện về con người. Điều đó có nghĩa là mối tương quan phái tính hay sinh dục tính xen vào giữa một mớ tương quan phong phú và dị biệt, làm cho nó có một ý nghĩa. Cách ở phái tính hay sinh dục tính chỉ là một giai đoạn trong công việc thể hiện thân phận phái tính. Cách ở này ảnh hưởng đến con người, đến lịch sử của nó và cả đến hoàn cảnh kinh tế và xã hội của nó nữa. Và nó cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố trên. Cho nên đừng có suy tư một cách trừu tượng, ngoài lịch sử cá nhân và sự liên quan xã hội của từng người. b) Phái tính, khuôn mẫu và vai trò. Việc suy tư căn cứ vào lịch sử và sự nhìn nhận tính cách đa diện của văn hoá làm cho người ta rất ý thức được là các cách sống phái tính rất lệ thuộc vào các khuôn mẫu, các vai trò và các thể chế, đặc biệt là các khuôn mẫu hôn nhân và đời sống lứa đôi. Nhưng một câu hỏi được đặt ra: trong giới hạn nào, tất cả các thực tại đó đã có xu hướng giam hãm phái tính, mà ta phải giải phóng nó? Khi nhìn xem đàn ông và đàn bà chung quanh, thì các con trai và con gái, rất sớm và từ từ đảm nhận các vai trò và ý thức được các giá trị, mà nền văn hoá truyền thống của chúng đề cao. Sự khác biệt mà phái tính sinh lý áp đặt, được đánh dấu sâu đậm bởi những yếu tố thuộc phạm vi văn hoá, như các cách trang phục, trình diễn, các bổn phận và cả các quyền hành nữa. Các yếu tố này có thể gây dựng cho con người, mà cũng có thể thoái hoá thành những cưỡng bức và áp đặt, chẳng hạn như hình thức kỳ thị, mà người ta gọi là duy phái thuyết. Đã hẳn, ở nước (Pháp) ta, các hình thức gò bó nhất, dồn ép con người vào vai trò mà phái tính của nó đã dành cho nó, không còn lộ liễu như xưa. Tuy nhiên, đừng tưởng rằng: chúng đã biến hết rồi đâu. Chỉ cần để ý đến sự ức hiếp, mà nhiều khi chỉ một mình người nữ là nạn nhân và những lời phân trần của các kẻ áp bức nhân danh nam tính giả tạo của họ, nhất là trong môi trường lao động, về chức vụ được giữ, về tiền lương được trả..., hay là trong cách lợi dụng tinh vi hơn, như về các kiểu mẫu phụ nữ với mục đích quảng cáo và như vậy, cuối cùng là kinh tế. Ngày nay một sự biến đổi các vai trò có xu hướng gán cho các phụ nữ trẻ, đã được tự do hơn trước vấn đề sinh sản, những thái độ cho phép các cô sắp hàng với nam nhân để so tài với họ. Giam hãm phái tính trong các khuôn mẫu, dù của thời xưa, dù của thời nay, đều không thể cho phái tính một ý nghĩa thoả đáng. Trong trường hợp nào, thì cũng sẽ gây ra cạnh tranh giữa hai phái. Ước gì trong các cộng đồng nhân loại, người nam và người nữ được tự do hơn trong việc tuân theo các kiểu mẫu. Họ là những đôi bạn bình đẳng về phẩm giá, quyền lợi và nghĩa vụ, nhưng không vì thế mà họ muốn nhằm vào sự đồng nhất, vì họ phải biết nhìn thấy và chấp nhận các sự khác biệt của nhau, để làm giàu cho nhau. c) Phái tính và hôn nhân. Dưới hình thức cụ thể nào đi nữa (đa thê, độc thê, bất khả ly hay không) thì ngày xưa chế độ hôn nhân đã tỏ ra là phương thế thích hợp nhất để các đại cộng đồng điều khiển các tương quan được thiết lập giữa các phần tử của mình (nội hôn) hay với các phần tử của các cộng đồng khác (ngoại hôn), nhờ trung gian của các con cái họ. Từ các tương quan đó, các cộng đồng lớn được phát triển về nhân số cũng như về thế lực. Xã hội, lúc đó, thường tham gia mạnh mẽ vào việc gây dựng lứa đôi: chọn người phối hợp, chỉ định ý nghĩa cho đời sống hôn nhân vv... Vợ chồng cũng đi đến chỗ yêu thương nhau và các gia đình được thiết lập, mặc dù các hoàn cảnh sống thường là bấp bênh. Đôi vợ chồng được xây dựng từ bên ngoài, phần nhiều cũng duy trì sự đồng tính của nhóm mà họ lệ thuộc, như một tế bào của thân thể, trong đó họ thực hiện vận mệnh của mình. Các mối liên lạc chặt chẽ đó, được hôn nhân đóng ấn, không phải chỉ có tính cách pháp lý, mà còn thuộc yếu tính tôn giáo nữa. Ở khắp nơi, nhất là tại Âu châu, việc xuất hiện các chế độ trần thế, sự biến mất các đại cộng đồng tự nhiên, với phong trào thành thị hoá, bầu khí tục hoá, tất cả các sự kiện đó thường làm cho các mối liên lạc trên đây trở nên lỏng lẻo. Ở giai đoạn hiện tại của cuộc biến đổi này, thể chế hôn nhân càng ngày càng ít chi phối được các cách ở phái tính, được thực hiện ngoài hôn nhân, có khi chúng thách đố hôn nhân là khác (xem Reich, La révolution sexuelle). Hơn nữa, các cơ cấu phát sinh từ hôn nhân, như quan hệ bà con, quan hệ cha con, gia đình, không ngừng bị xáo trộn bởi những cách sống mới và những kỹ thuật mới, có lần kéo theo những tu chỉnh của pháp luật (ví dụ: pháp luật cho phép lấy vợ lẽ, thụ thai nhân tạo do tinh dịch của người vô danh vv...). Trái lại, sau khi được lột bỏ những gì có thể coi như cái vỏ xấu bên ngoài, lứa đôi được xuất hiện lên hàng đầu, với đặc tính của mình. Nó được dựng xây trên sự lựa chọn, với những lý do được ý thức nhiều hay ít, và trên sự cam kết hỗ tương. Như vậy, là trong nền văn hoá Âu châu, xuất hiện một lối sống nhân vị hơn, mà cũng cá nhân hơn. Lược khảo vắn tắt này cho thấy có sự phân phối mới về các tương quan được thiết lập giữa phái tính, tình yêu và hôn nhân. Đối với nhiều người, thể chế hôn nhân xem ra càng ngày càng mất tính cách mô phạm và mất ý nghĩa. Nó không còn xác định phái tính với những quyền lợi và nghĩa vụ của lứa đôi. Như vậy, đôi bạn có cơ may sống một tương quan tiêu biểu rõ ràng hơn cho tình yêu; nhưng tình yêu này có thể bất cần một thể chế nào không? Có phải nó được thoát khỏi cái mà một số người coi như thời kỳ nô lệ, để rồi lại sa chước cám dỗ mơ ước một tương quan phối hợp cũng rất bấp bênh không? Hoặc mơ ước một sự trung thành được thể hiện trong sự tự lập thái quá của mỗi bên không?
Mỗi người được kẻ khác nhận biết dưới một khía cạnh đặc biệt là nam hay nữ. Chính nhờ một thân thể có phái tính, thái độ và ngôn ngữ của nó, mà con người biểu lộ dự định nó ôm ấp, để thực hiện qua cả một mớ tương quan. Cho nên ta phải suy tư về thân thể. a) Thân thể. Vì quá coi thân thể chỉ như một phương tiện phục vụ con người, mà suy tư truyền thống – chứ không phải chỉ nguyên Kitô giáo – đã không có thể đánh giá phái tính cho đúng mức, nhiều khi còn hoài nghi nó nữa. Thân thể là cái mà nhờ đó con người hiện diện với tha nhân và với thế gian, bằng cách dùng cử chỉ, thái độ, mà biểu lộ những ý nghĩa nó muốn nêu ra. Nhưng ngược lại, thân thể cũng là cái mà nhờ đó tha nhân và thế gian được phần nào hiện diện với tôi. Cho nên tất cả thân thể – chứ không phải chỉ có lời nói – là một ngôn ngữ. Thân thể còn có sinh hoạt riêng và các thúc đẩy của nó. Sự phát xuất và sức mạnh của chúng đôi khi có thể làm cho ta kinh ngạc. Chính chủ nhân ông của chúng không phải bao giờ cũng có thể hoàn toàn biết được tại sao? Các thúc đẩy đó hoạt động trong y, trên y, mà y không luôn luôn có thể biết được ý nghĩa và lý do. Thân thể còn là một giới hạn, vì nó đặt con người – mà hoài bão là vô biên – vào một nơi chốn và một thời gian nhất định. Cho nên một phần nào, nhờ ở thân thể mà con người biết giới hạn của mình. vì không phải là sáng tạo đời mình, con người được thân thể nhắc nhở về nguồn gốc bí nhiệm của mình. Đàng khác, mỗi ngày qua đi làm cho con người già thêm, thân thể và các sự suy nhược tiệm tiến của nó nói lên cho con người hay, mặc dù nó không muốn, là cái chết đang tiến đến kia! Sau hết, thân thể con người làm cho nó khác với những gì không phải là nó. Cho nó nhìn nhận sự hiện hữu của tha nhân, các đòi hỏi của họ và mầu nhiệm của họ nữa; họ giống nó bởi nhiều điểm, khác nó bởi nhiều điểm khác và đặc biệt là bởi cái chiều kích phái tính là sự khác biệt căn bản. Bây giờ ta phải đo lường tầm thước và ý nghĩa của phái tính. b) Tầm thước của phái tính. Về phương diện sinh lý, nó ảnh hưởng đến con người nhiều hơn sinh dục tính. Tất cả thân thể, trong mỗi tế bào, cũng như trong toàn thể các chức năng, đều mang dấu vết của nó. Nó cũng ảnh hưởng đến con người, về mặt tâm lý và xã hội. Được tiếp nhận trong một xã hội, mà các tương quan giữa đàn ông, đàn bà được thực hiện theo những kiểu cách riêng biệt, thì có thể nói rằng: mỗi một người, theo một ý nghĩa nào đó, phải trở thành đàn ông, đàn bà một cách đầy đủ hơn, trong khi chấp nhận, hoặc trong lúc chỉ trích, một cách hết sức tự do, các vai trò mà xã hội đề xướng cho mình. Thân thể biểu lộ các giới hạn của nó, trong khi nhấn mạnh đến sự tách biệt với thế giới chung quanh, và với người khác, nói chung. Chiều kích phái tính còn gia tăng ý thức về các giới hạn đó, khi cho thấy sự tách biệt này cũng xuyên qua thân phận con người. Mỗi người chúng ta chỉ đảm nhận than phận ấy theo kiểu cách riêng biệt, là nam hay nữ. Như vậy, mỗi một kiểu cách tỏ ra cho bên kia như một thực tại bí ẩn và đặc biệt hấp dẫn. Bởi đó mỗi bên có cảm tưởng là khi liên kết với bên kia, thì sẽ thấy được thực hiện đầy đủ hơn thân phận con người, mà thường thì sống theo sự khác biệt. Lúc đó hạnh phúc cũng sẽ trở nên vô giới hạn, vì một trong các giới hạn quan trọng đã được vượt qua, nhờ ở sự thông hợp, trong đó, sự phong phú và các giá trị riêng biệt của cả hai bên được hoà hợp một cách hoàn toàn sung mãn. Trong khi tìm kiếm một sự sung mãn như vậy, cho việc thực hiện bản thân, nhờ sự giao hợp với người khác phái, các cách sống phái tính, ý thức hay vô ý thức, đều theo đuổi một thứ tuyệt đối, vượt quá mọi giới hạn, giới hạn phái tính và giới hạn thời gian, vì như vậy, cả sự chết nữa. Có lạ gì, nghệ thuật, và, nhất là văn chương luôn luôn liên kết phái tính với sự sống và sự chết. Và điều đó không phải chỉ vì sự sống còn của tập thể hay nòi giống, mà cũng là vì hoài bão của mỗi người cũng muốn vượt qua cái chết nữa. Như vậy, để hiểu những phần việc riêng của đam mê và thất vọng, của hung hãn và điên rồ, ở ngay trong phái tính đã được chấp nhận trong thân phận con người. Trong các hoàn cảnh đó, thì không lạ gì, mà qua dòng thời gian, người ta đã gán cho phái tính những ý nghĩa thần thánh và tôn giáo. Các xã hội đời xưa đã nhìn nhận sự ấy, khi bao bọc các cách sống phái tính trong những nghi lễ và thể chế, để tránh cho đời sống xã hội khỏi quá hỗn loạn. Các xã hội ngày nay đã quên mất các ý nghĩa đó, và đã bác bỏ phần nào các cách giải thích và điều hành các tập tục phái tính đó. Tuy nhiên, những vấn đề căn bản còn tồn tại: mỗi người, trong thâm tâm mình, chờ mong cái gì ở mối tương quan với người khác phái, trong các cách biểu lộ khác nhau của nó, ở sức mạnh lôi kéo họ, ở vui thú mà phái tính cung cấp cho họ? Họ có thể làm quen với những bước cùng hay những thất bại, mà phái tính đưa họ tới không? c) Từ ước muốn tha nhân đến tình yêu. Vì bị giam hãm trong các giới hạn của thân thể mình, hết mọi người đều bị một ước muốn mãnh liệt luôn luôn thúc giục ra khỏi bản thân mình, để ghi dấu vết của mình vào thế giới chung quanh và như vậy để thoát chết. Ước muốn này, khi huy động hết mọi khả năng tình cảm, sẽ dễ dàng trở thành bạo lực. Bị các thể chế khác nhau cầm hãm, ít nhiều, ước muốn này hoạt động trong mọi lãnh vực của đời sống, và cả trong lãnh vực phái tính nữa. Ước muốn này ảnh hưởng đến các cuộc gặp gỡ, trong đó tiên vàn mỗi bên mong chờ ở bên kia sự kiện toàn của bản thân mình. Mỗi bên có thể dễ dàng biến bên kia thành một đồ vật, nếu ước muốn của họ không gặp nơi ước muốn của bên kia cũng một dự định muốn chiếm đoạt họ, để hành xử theo ý mình. Để các mối tương quan giữa người nam và người nữ không đi đến thất bại, một đạt tới những giai đoạn thông giao và kết hợp, thì phải biến đổi ước muốn. Ước muốn này được mời gọi đi từ sự tìm tòi thoả mãn một nhu cầu, đến sự nhìn nhận tha nhân, để mà yêu mến họ. Chỉ sử dụng tha nhân như một khí cụ thuần tuý để thoả mãn nhu cầu phái tính, thì đó là phi nhân hoá, mà hiếp dâm là hình thức cuối cùng, đó hoàn toàn là một sự cưỡng đoạt. Khi ước muốn được hội đủ các thành tố thuộc phái tính, mà hướng về toàn diện con người bên kia, thì không thể lại muốn huỷ diệt họ, một là vận động làm sao cho sự âu yếm của bên này được sự âu yếm của bên kia đáp lại. Đó là đi từ ước muốn đến tình yêu. Đành rằng: ước muốn tha nhân vì mình vốn còn là một yếu tố quan trọng trong mối tương quan. Nhưng một thái độ khác đã được tiếp vào ước muốn đó: từ nay người ta cũng muốn tha nhân vì chính tha nhân nữa. Mỗi bên khám phá ra rằng: chỉ khi nào phát triển tha nhân, mình mới thực hiện được sự phát triển của riêng mình. Giai đoạn từ ước muốn đến tình yêu chỉ có thể thực hiện được trong một bầu khí mà ưu thế phải là việc tìm kiếm chân lý trong các thái độ và các cách sống, cho hiện tại và cho tương lai. Đó là điều không phải lúc nào cũng dễ thực hiện được. Ta nên giải thích thêm. Cuộc trao đổi đầu tiên, nhất thiết phải kèm theo sự tín nhiệm “liều lĩnh”. Mỗi bên cố nói cho biết mình là ai? Và đồng thời cố đáp lại các mong chờ của bên kia. Cũng như khi sinh một đứa con, lúc tình yêu chớm nở thường được tô điểm bằng một bầu khí thán phục lẫn nhau: đó là cái hương vị của các cuộc gặp gỡ đầu tiên. Lúc đó với tất cả thiện ý, mỗi bên tưởng rằng: mình thành thực biểu lộ ý muốn yêu nhau, khi đưa dự định sống chung. Người ta hứa hẹn nhiều..., và các hứa hẹn đó tự chúng chiếu hợp với một sự trung thành, mà người ta muốn duy trì đối với người bạn độc nhất, cho một tương lai kỳ diệu, đến nỗi không cùng. Nhưng tự chúng, các lời hứa hẹn đó không đủ..., trừ phi chúng được biểu lộ thành những lựa chọn nhất định. Mỗi bên, với một ý chí cam kết quyết liệt, có thực sự chấp nhận liên kết với bên kia, vì bên kia, với tất cả con người của họ, chẳng những cho hôm nay, mà cả cho tương lai nữa hay không? Chẳng hạn, các hứa hẹn rất liều mình che đậy sự tìm tòi một thoả mãn tức khắc, mà các xúc động của ước muốn gây nên. Các thân thể và khả năng xúc động của chúng đều là ngôn ngữ. Chúng có thể biểu lộ sức mạnh và sự sâu sắc của mối phấn kích lẫn nhau. Suy tư ngày nay có lý mà gán cho chúng một tầm quan trọng hơn xưa. Nhưng có phải vì thế mà chúng phải vội vã chấm dứt lời nói, nhờ đó mà mỗi bên có thể cố gắng tự thuật, tự tình và tự hiến hay sao? Mỗi người mang trong mình một lịch sử cá nhân và nhiều cuộc gặp gỡ khác sẽ đánh dấu vào lịch sử phiêu lưu, mà từ nay hai người sẽ cùng sống. Đây há chẳng phải là lúc phải nhấn mạnh đến sự quan trọng phải giải thích cho nhau biết những gì mỗi người đã trải qua, và mình đã là thế nào, hơn là vội vã chiều theo các mối phấn kích, vì chúng càng mới mẻ, càng khó điều khiển hay sao? Đó là vấn đề tự chủ, cũng như tự thuật và tự tình. Một số yếu tố xã hội, đặc biệt là sự phát triển các phương tiện thính thị, đã giúp hạn chế sự biểu lộ tâm tình bằng lời nói. Cho nên người ta bị cám dỗ sử dụng cử chỉ, sự hiến thân và vội vã chấm dứt một liên hệ cần phải có thì giờ để được từ từ nối kết. d) Sự khoái lạc. Các thế hệ ngày nay chú trọng đến khoái lạc một cách rõ ràng và ý thức hơn xưa. Như trong mọi sinh hoạt khác của con người, khoái lạc theo sau sự thành đạt của ước muốn, nhưng với những đặc tính riêng biệt. Phái tính được kiện toàn dần dần, từ những giai đoạn đầu tuổi thơ ấu. Cho nên có thể nghĩ rằng: sự khoái lạc của người trưởng thành làm cho họ liên tưởng đến những kỷ niệm vui thú xưa. Lúc đó, các vui thú này chưa lấy sinh dục tính làm đối tượng. Từ nay chúng sẽ gắn liền với nó. Cho nên mối tương giao luyến ái có thể làm vang dậy trong mỗi người, những kinh nghiệm xưa. Các kinh nghiệm này ít khi là đối tượng của một ý thức rõ ràng, nhưng chúng gia tăng khoái lạc luyến ái. Khoái lạc có xu hướng làm cho bản ngã nên một với thân thể. Thân thể cảm thấy sung sướng tuỳ ở mức độ mà cảm giác bình thường về giới hạn của mình bị phai mờ, để nhường chỗ cho một sự vui sướng bất thường. Tất cả con người có cảm tưởng được thoát khỏi không gian và thời gian, để sống trong giây phút với một sung mãn ít khi sánh bằng. Vì khi kinh nghiệm khoái lạc được thực hiện với một người mà mình cũng ước ao được sung sướng, thì mỗi bên có cảm tưởng sống với bên kia một sự hoà hợp vừa sâu xa vừa mau chóng: đó là sung mãn hạnh phúc. Cho nên kinh nghiệm khoái lạc cần để củng cố phẩm cách của đời sống lứa đôi. Nhưng kinh nghiệm vui thú đó mang nhiều sự hàm hồ. Trước hết nó làm cho người sống kinh nghiệm đó mất mát ít nhiều sự tự chủ: trong mấy giây phút khoái lạc, ý chí, mất phần nào sự kiểm soát được mình; hơn nữa, sự khoái lạc trong sự giao hợp phái tính là một kinh nghiệm về sự lệ thuộc vào tha nhân, là kẻ góp phần gây nên khoái lạc đó. Như vậy, dưới một vài khía cạnh, sự khoái lạc có thể nhắc cho họ nhớ đến thân phận tạo vật của con người. Cho nên sự trốn tránh khoái lạc quá nhiều, hay nghi ngờ nó quá độ, cũng có thể, theo kiểu của chúng, chứng tỏ một ước nguyện, ít nhiều ý thức, muốn chối bỏ thân phận tạo vật của mình. Ngược lại, cũng như việc tìm kiếm các cảm giác mạnh khác, sự theo đuổi khoái lạc quá độ hàm chứa một sự cám dỗ muốn thoát ly không gian và thời gian, để đạt tới sự toàn năng. Có lẽ đó là nguyện vọng của các nghi lễ cổ truyền nơi dân ngoại, trong đó các biểu lộ phái tính hứa hẹn cho người ta được sát nhập với thần minh, và như vậy, được thoát ly thân phận con người. Sự khoái lạc quanh quẩn mình với mình cũng vậy, nếu mỗi bên không chăm chú gây khoái lạc cho bên kia, thì liều mình sẽ hao mòn trong một thú vui ích kỷ, mà thần thoại Don Juan là một ví dụ điển hình. Vì chỉ chú trọng gây khoái lạc cho mình, y biến các người bạn liên tiếp của y thành những phương tiện cho các cuộc truy hoan của y, rồi lại sa thải họ, như để cố che đậy những thất bại quá rõ rệt, và bên kia các thất bại đó, che đậy sự rạn nứt xa hơn nữa, là từ chối sự khác biệt và sự lệ thuộc. Cho nên khoái lạc không thể được coi như mục đích duy nhất, mà chỉ như dấu chỉ sự tiến triển, hay một bảo chứng trong việc thể hiện bản thân. Nó giúp thắng vượt mối lo ngại phát xuất từ những khó khăn do việc đối xử với bên kia. Nó cũng đánh dấu các giai đoạn của một cuộc biến đổi phải đi xa luôn mãi, chẳng vậy, nếu chỉ tìm khoái lạc vì khoái lạc, thì chày kíp người ta rơi vào chu kỳ nguy hiểm, như khi dùng các thứ ma tuý khác, là tìm tòi lặp lại một cách vô ích, để tránh những bất mãn mỗi ngày một nặng nề hơn. e) Sáng tạo và sinh sản. Nhiều lần các phân tích trên đây đã đưa tới kết luận cần thiết này, là các đôi bạn đừng chỉ nghĩ đến mình mà thôi. Sự thông hợp và khoái lạc của đôi bạn phải đưa đến sáng tạo. Việc sáng tạo này có thể giúp đôi bạn làm giàu cho nhau và mưu lợi ích cho toàn thể cộng đồng nhân loại. Thật vậy, kinh nghiệm làm chứng rằng: các đôi vợ chồng và các gia đình lành mạnh, về tâm lý và về luân lý đều là những yếu tố quan trọng cho toàn xã hội. Việc sáng tạo này nhằm nhiều đối tượng, mà đôi vợ chồng là một. Để thắng sự chai dạn gắn liền với thời giờ trôi qua, với thói tục thành hình vv..., đôi vợ chồng phải tỏ ra có một ý muốn canh tân luôn mãi. Ý muốn này có thể hoạt động nhiều cách. Các sinh hoạt của hai bên, các mối tương quan của họ, các cuộc dấn thân của họ, các kinh nghiệm thiêng liêng của họ, đều là những dịp cho đôi vợ chồng được hoàn thiện bản thân hơn một chút. Nhưng hai vợ chồng cũng phải để ý dành ra những thời giờ ưu tuyển cho cuộc đối thoại. Đời sống lứa đôi là một kinh nghiệm của con người, thuộc bậc thiêng liêng rất sâu xa. Nhưng một kinh nghiệm thiêng liêng buộc người ta phải có phương thế để bảo tồn nó và nhất là để làm cho nó nên phong phú. Như vậy, mỗi đôi vợ chồng có thể tìm ra những thời giờ hội ngộ đều đều, để mỗi bên bày tỏ sự sẵn sàng phục vụ bên kia. Trong cuộc đối thoại này, mỗi bên có thể khám phá được bên kia hơn, mà cũng khám phá được chính mình hơn, được ý thức rõ hơn về các khả năng của mình, và các hoài bão của mình, và qui hướng về một sự phát triển lớn hơn. Thay vì đóng kín với mình, trái lại, cuộc duyệt lại đều đều về phẩm cách vì tương quan giữa hai vợ chồng là một phương tiện tốt để luôn luôn làm cho tương quan đó được thêm phong phú, và như vậy, được vững chắc hơn. Sự trung thành của vợ chồng tiên vàn hệ tại việc sáng tạo này. Việc sáng tạo của đôi vợ chồng đã từ lâu trước kia chỉ được biểu lộ trong sứ mạng truyền sinh, mà xã hội mong đợi, áp đặt, và ngày nay, trong một số dân tộc, còn áp đặt nữa. Chức năng này được biện minh bằng việc trẻ con chết yểu, trước kia rất là thúc bách, đến nỗi nhiều khi vợ chồng bị dồn vào ngõ bí, là chỉ biết lệ thuộc vào việc kiến thiết và phát triển gia đình mà thôi. Người phụ nữ lúc đó coi đời mình đồng hoá với vai trò làm mẹ và để lu mờ vai trò làm vợ. Tuy nhiên, cũng rất đúng là việc truyền sinh đáp ứng với một ước muốn sâu xa của vợ chồng, mặc dù đôi khi ước muốn đó không được ý thức và không được cả hai vợ chồng chia sẻ cùng một mức độ như nhau. Điều này giải thích tại sao, dù trong các xã hội tân tiến, nơi mà chức năng này không được lưu ý như xưa, sự son sẻ vốn thường bị coi là một thử thách nặng nề. Và các kỹ thuật y khoa tiến bộ được điều động để thắng cái tật đó và ước muốn rất thông thường của nạn nhân là được một đứa con nuôi, đều chứng minh sự ấy. Ngày nay, việc truyền sinh thường đã bị tương đối hoá: đó là nguồn gốc cho những may mắn và những rủi ro. May mắn cho người phụ nữ, có thể phát triển nhân vị một cách rộng rãi hơn; may mắn cho con trẻ được đón nhận tốt hơn, được giáo dục kỹ hơn và được chăm sóc nhiều hơn. Nhưng cũng có nguy hiểm nữa: cho con cái, vì nơi chúng, sự săn sóc quá độ của cha mẹ là tìm thực hiện các hoài bão mà họ đã không đạt được; cho đôi bạn, vì sẽ có xu hướng đóng kín với mình, và bởi một chương trình sống quá chặt chẽ, sẽ không còn sẵn sàng chấp nhận những bất ngờ, và đánh mấy ý nghĩa đức trông cậy. Chính vì thế, mà việc điều hoà sinh sản đặt ra những vấn đề nghiêm trọng. Ngày nay, các đôi vợ chồng có nhiều phương tiện khác nhau và kiến hiệu. Nhưng khi sử dụng các kỹ thuật đó, mà không suy nghĩ đủ đến các ý nghĩa hàm chứa trong cách sử dụng chúng, thì há chẳng liều mình để nảy nở nơi mình các não trạng ưa thích ngừa thai, rất xa lạ với việc thi hành chức vụ làm cha mẹ hữu trách hay sao? Cho một con trẻ chào đời, tức là phải chấp nhận cho nó thoát khỏi cách này hay cách khác, và càng sớm càng hay, cái ước muốn, mà cha mẹ đã có thể có về nó, khi thụ thai nó hay sao? Như vậy, thì sự tìm cách cho được làm chủ hoàn toàn việc sinh sản có thể biểu lộ nơi đôi vợ chồng, một ý muốn cường quyền, độc đoán, nên ngay từ bản chất bất lực dành chỗ cho cái phần chưa đoán biết được nơi đứa trẻ sẽ sinh ra. Họ ước muốn đặt chương trình cho số lượng, cho khoảng cách, và, nếu được, cho cả giới phái của con cái sẽ sinh ra; và cứ thế, họ sẽ đi tới chỗ biện minh cho mọi phương tiện có thể, để đạt được mục đích ấy, kể cả việc phá thai. Sự làm chủ việc sinh sản như vậy, biểu lộ một ý muốn cường quyền, không nói ra nhưng có thực, cũng có thể có những ảnh hưởng đến mọi người phối hợp và đến chính lứa đôi. Người phụ nữ có thể bị đẩy vào chỗ phải dẹp bỏ một bên tất cả cái phần mình hướng về mẫu tính, mà trước này nền giáo dục của họ đôi khi đã quá đề cao, nhưng trong cảnh sống hiện tại, lại liều mình bị phủ nhận. Một cuộc ngừa thai không đắn đo trước, có thể vô tình gây nên những bế tắc và kéo theo những rối loạn trong cuộc đối thoại giữa hai vợ chồng. Cuộc đối thoại này cũng bị đe doạ, khi một bên muốn áp đặt việc ngừa thai cho bên kia, mà không đếm xỉa gì đến nguyện vọng của họ. Ngoài việc trốn tránh nguy cơ là đứa trẻ, sự làm chủ việc sinh sản còn có thể biểu lộ nơi đôi bạn, một sự đóng kín với mình. Họ chỉ để ý đến sự thoả mãn trực tiếp của họ, và loại bỏ mọi mục đích khác, hiện tại hay tương lai, trong khi giũ bỏ tất cả những gì họ coi là bó buộc. Tuy nhiên, con cái há không phải là nguồn vui thú, đồng thời biểu lộ một cách đặc biệt phong phú sự sáng tạo, hay sao? Vậy mỗi đôi vợ chồng Kitô hữu muốn thực hiện việc ngừa thai, để tìm được một sự tự chủ hoàn toàn về tương lai, thì đều phải tự cảm thấy bị lương tâm chất vấn. Đôi khi các vợ chồng sử dụng việc ngừa thai, ít vì lựa chọn có suy tính, cho bằng vì áp lực của môi trường xã hội. Môi trường này, vì từ chối con trẻ, nên ngoài việc tìm kiếm một đời sống tiện nghi, há chẳng biểu lộ những nỗi bấp bênh hay những mối lo sợ về tương lai của mình hay sao? Thật vậy, khi mà việc làm và sự nhàn hạ không còn cho phép đa số con người tìm được vui thú, phát triển và tái tạo cho bản thân nữa, thì còn gì cho đôi vợ chồng, nếu không phải là tìm kiếm các sự ấy nơi chính mình họ hay sao? Cho nên, phải đo lường nguy cơ thụt lùi của đời sống tình cảm và các tương quan phái, vì chúng phải một mình gánh lấy trách nhiệm làm cho đời sống dễ chịu hơn. Tình yêu vợ chồng dần dần sẽ thấy bị tước đoạt hết các mục đích riêng của nó, là giữ cho vợ chồng được luôn luôn tỉnh thức để thắng mình, trong một cuộc sáng tạo độc đáo về mọi phương diện: giáo dục con cái, đời sống xã hội, đời sống tôn giáo. Lúc ấy tương quan lứa đôi sẽ là một thứ bù trừ cho những gì mà đời sống bên ngoài không cung cấp cho nữa. Nhưng lúc đó, mỗi bên sẽ liều mình bị bên kia biến thành một phương tiện thuần tuý cho cuộc bù trừ đó. Tức là từ chối một việc sáng tạo thực sự phát triển con người. Trách nhiệm đó không phải chỉ thuộc về các đôi vợ chồng, mà cũng thuộc về tình trạng nào đó của xã hội chung quanh.
Trái với những gì người ta vốn thường còn tin tưởng, các cách ở phái tính không chỉ thuộc về đời sống riêng tư của các cá nhân. Xã hội không ngừng can thiệp vào, hoặc do thể chế, như hôn nhân và pháp luật liên hệ; hoặc do các kiểu mẫu mà xã hội cổ võ hay là khai triển, đặc biệt nhờ các phương tiện truyền thông. Ngược lại, cách hiểu biết về số người phái tính có thể có một ảnh hưởng đến cuộc tiến triển của xã hội. Những người nhìn nhận ảnh hưởng hỗ tương này thì thường lại có xu hướng phóng đại tầm quan trọng của nó. Đối với một số người, thì xã hội xem ra chỉ có xu hướng cấm đoán. Nó lên án những hình thức biểu lộ phái tính bị coi như không thể chấp nhận được, vì nó cảm thấy rằng: nếu để vậy, thì chính xã hội cũng sẽ bị đặt lại vấn đề. Đối với người khác, xã hội hiện tại quá phóng túng, vì chấp nhận các tục lệ mà họ cho là trái với phẩm giá con người. Chính họ cũng cảm thấy tính cách phá hoại của các tục lệ đó. Ở phạm vi tưởng tượng, thì có một liên hệ giữa mẫu tương quan gia đình và mẫu tương quan xã hội. Trong các xã hội chúng ta, thì nhà nước, ở một thời kỳ lịch sử, và xí nghiệp lúc bắt đầu, được xác định như một gia đình mở rộng, trong đó, đặc biệt người ta cũng thấy những đề tài về phụ tính, và từ đó mà ra các cơ cấu phẩm trật. Mặc dù từ ngày đó đã có những biến đổi xảy ra, nhất là trong những thời kỳ căng thẳng, nhưng các hình ảnh đó vốn còn tồn tại trong lời nói và cách ở. Đàng khác, có những cuộc biểu tình chính trị hay xã hội làm người ta liên tưởng đến những khủng hoảng xã hội sánh được với những khủng hoảng của tuổi dậy thì. Việc nâng cao đời sống lứa đôi đã gây ra một sự thay đổi sâu xa trong chính trọng tâm gia đình. Tại đó phái tính có xu hướng sinh hoạt và phát triển theo những tương quan khác, bình đẳng hơn, giữa vợ chồng, cho phép hai bên nhận biết nhau hơn, nhờ ở một cuộc đối thoại cởi mở hơn. Sự thay đổi này không thể không ảnh hưởng đến xã hội, nói chung, nhất là có một số trạng thái, trong các xã hội hiện thời, đặc biệt trên bình diện kinh tế, đã giúp cho sự biến đổi này. Sự nâng cao trình độ sinh hoạt, sự cải thiện các điều kiện sức khoẻ, sự điều chỉnh các kỹ thuật chắc chắn về ngừa thai, tất cả các sự kiện đó đã cho phép giảm bớt khá nhiều sự chết chóc, làm chủ việc sinh sản và kéo dài hy vọng sống. Các phụ nữ có thể tham gia tích cực hơn vào đời sống xã hội, kinh tế, chính trị. Trên bình diện chính trị, cũng chính các xã hội này muốn tỏ ra công bằng và bình đẳng, nên không có thể duy trì một phần nửa công dân của mình, là các phụ nữ, trong tình trạng không có quyền chính trị. Việc phân phối quyền lợi đồng đều đó được thực hiện từ từ và chưa mang lại được kết quả đầy đủ. Sự hiện diện tích cực của phụ nữ trong đời sống chính trị mới chỉ là sự kiện của một thiểu số. Còn phải hoạt động nhiều để sửa chữa cái mà sự chuyên quyền rõ rệt của nam giới đã in vào đời sống xã hội. Đây không phải chỉ là việc của các phong trào phụ nữ, dù hợp pháp đến đâu đi nữa, mà là việc của mọi người, nam và nữ, là phải làm cho toàn thể xã hội được biến đổi, để các phương hướng trên đây được chuyển hoài bão sang thực tại. Sự biến đổi và cách sống phái tính không xa lạ gì với sự biến chuyển này, nghĩa là với sự biến đổi mau lẹ của xã hội, để xã hội được mau lẹ quan tâm đến các vai trò mới, dành cho nam nhân, và nữ giới. Ngoài ra, cũng phải để ý đến cái mà người ta có thể gọi là đặc tính phá hoại của phái tính, ít là nó mang trong mình nó khả năng chống đối, gắn liền với chiều kích khoái lạc, và vượt bản thân. Thật vậy, ước muốn luyến ái và khoái lạc kèm theo làm cho người nam và người nữ có ảo tưởng vượt quá giới hạn của mình họ. Các cách ở phái tính hướng một sự thoả mãn hoàn toàn và tức khắc. Thế mà, ngược lại, các đòi hỏi của đời sống xã hội, kinh tế và chính trị, đưa họ vào thời gian và không gian, và bó buộc họ phải để ý đến sự có thể của mình: sự thoả mãn nhất định phải trì hoãn. Đàng khác, khoái lạc gắn liền với hội hè và chia sẻ ít nhiều tính cách huyền ảo của một địa đường như được gặp lại, ở nơi đó, trí vẽ tha hồ mường tượng. Nhưng hội hè, trong các biểu lộ dị biệt và cũng hàm hồ của nó, là một kinh nghiệm, mà người ta ráo riết đòi hỏi, tuỳ như nó phản lại với những cực nhọc của đời sống bình thường. Hội hè còn cố vượt quá các cực nhọc đó, bằng cách đặc biệt là đổi mới chiều kích cộng đồng của chúng. Nên, do đó, khoái lạc phái tính thực hiện một chức năng phê phán, có thể là tốt và có hiệu quả. Một cách bao quát hơn, việc điều hoà đúng đắn về chức năng phái tính, về sinh sản và khoái lạc, có thể đưa tới sự đặt lại vấn đề một cách lành mạnh cho các quyền hành, khi chúng muốn tỏ ra chuyên chế. Thường có những liên hệ giữa thái độ ở nơi làm việc với thái độ ở đời sống thân mật trong gia đình. Ở nơi này, người ta không có quyền hành, hoặc không được tôn trọng, thì bù lại, ở nơi kia, người ta có thái độ lạm quyền và tỏ ra độc đoán thái quá, và ngược lại. Cách chung hơn nữa, sự chuyên quyền thường đi đôi với sự lạm dụng quá độ trên thân thể phái tính, trên việc truyền sinh và trên các thể chế qui định các trao đổi trong hôn nhân. Đó là khiá cạnh không phải bao giờ cũng thấy rõ mà phái tính có thể sử dụng để tranh đấu với quyền hành kinh tế và chính trị ở tận nơi thực hiện của chúng. Chúng phản ứng bằng cách ra sức lái động lực phái tính về lợi ích của chúng. Lúc đó, phái tính trở thành một con bài, mà sự chiếm hữu giúp cho các quyền hành kia được thi thố dễ dàng hơn. Phái tính được coi như một năng lực nguy hiểm, sẽ được chiếm hữu và sẽ được biến thành món hàng hay phần thưởng. Về cả một khía cạnh của nó, thì phái tính có thể được coi như một trong các nhu cầu phải được thoả mãn. Và nhiều xã hội cũng một phần nào thoả mãn nó. Nhưng hiển nhiên là xã hội cũng muốn khai thác nó bằng nhiều cách. Vì thế, các biểu thức thông thường nhất của thuật quảng cáo luôn luôn tỏ ra liên kết với phái tính, đặc biệt là thân thể người nữ thường được sử dụng, đến nỗi đã gây nên những phong trào phản đối dễ hiểu. Việc kinh tài về những quyến rũ liên can đến phái tính, trong khi làm cho nó ra xấu, như vụ mại dâm, đã trở thành một nguồn lợi tức đáng kể. Người ta không bao giờ để ý đủ đến các hình thức thi hành quyền bính và trục lợi, để mà tự vệ và để cổ võ một tiến bộ thích hợp với phẩm giá người phụ nữ. Dưới một khía cạnh khác, xã hội há không có xu hướng chấp nhận một thái độ quá dễ dãi đối với cách ở phái tính, để bù lại những cưỡng bức, đôi khi cần thiết, mà cũng nhiều lúc quá lạm dụng của hệ thống kinh tế xã hội hay sao? Trong thực tế, con người ta không thể chịu đựng lâu sự quá khác biệt giữa cách sống thân mật, tạm gọi là giải phóng, và những gò bó của đời sống kinh tế và xã hội. Kinh nghiệm của các nhóm chuyên viên y khoa, bệnh tâm lý xã hội, trong phạm vi giúp đỡ các đôi bạn và cả những người độc thân, đều cho thấy rõ là mẫu xã hội này thường bị người ta cảm thấy là nghẹt thở. Cái bầu khí nó tạo nên đi ngược hẳn với bầu khí cần thiết cho phái tính được triển nở một cách thật sự nhân loại, chứ không phải chỉ để giải ức chế mà thôi. Dù về các điều kiện kinh tế, như lo lắng về đời sống, về thất nghiệp, về lương bổng hay nhà ở, tranh đấu cho tiện nghi, thì hết mọi tầng lớp xã hội đều chịu ảnh hưởng, với những lý do khác nhau, trong phạm vi đời sống thân mật, vốn phần nào liên đới với hạnh phúc của họ. Kết cục, há chẳng phải là chính con người, trong những hình thức diễn tả sâu xa nhất, trong những khả năng để nói về mình rõ hơn và để yêu mến hơn, đã bị hạ giá hay sao? Đó là một khía cạnh của vấn đề, mà ta không thể không biết đến, vì quan hệ, sự đụng chạm và sự nghiêm trọng của nó. Vậy có một mối liên lạc mật thiết giữa sự giải phóng các thói tục và các kiểu mẫu xã hội, kinh tế và chính trị hiện hữu. Những người chủ trương chỉ trích các kiểu mẫu đó thường được ý thức về mối liên lạc này. Còn những người thích nghi với các kiểu mẫu đó thì không chắc cũng cảm thấy như vậy. Cho nên, ai nấy cần phải cảm thấy là phái tính rất liên luỵ đến xã hội; chẳng vậy, sẽ phát triển những thói tục, sớm muộn sẽ gây ra những đụng độ nguy hại. Đâu có phải là một định mệnh buộc các hình thức phục tùng của phái tính ngày xưa, là các đòi hỏi sinh tồn của tập thể, thì ngày nay, phải được thay thế bằng những hình thức khai thác khác. Một sự tiến bộ xã hội há không có thể cho phép mọi người, nam và nữ, được hiểu biết mình hơn, hiểu biết bên kia hơn, biết phải sống làm sao và thực hiện những gì để có lợi cho hạnh phúc riêng của mình và cho các thế hệ tương lai hay sao?
Lời Chúa không trực tiếp cho biết phái tính nhân loại, tình yêu và hôn nhân là gì, mà công bố một sứ điệp cứu độ, để mời gọi mọi người gặp gỡ Thiên Chúa trong các giao ước mà Ngài đã ký kết với họ. Thiên Chúa vì yêu thương đã tạo dựng một nhân loại và trong đó, ban đầu, Ngài đã thiết lập một dân tuyển chọn; bây giờ Ngài kêu gọi mọi người đoàn tụ với dân ấy, ngoài cách yêu thương lẫn nhau và qui hướng mọi hành vi của họ về với Ngài. Thật vậy, trong Ngài họ sẽ tìm được sự toàn túc của mình, vượt quá điều họ tìm kiếm. Đối với những ai chia sẻ cách giải thích lịch sử nhân loại trong đức tin vào Chúa Kitô, Đấng đã đến mạc khải sự sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần, thì tình yêu nhân loại, hôn nhân, và, chung hơn nữa, các cách ở liên quan đến phái tính, sẽ được trình bày trong viễn ảnh của kế hoạch Thiên Chúa về con người. Khi nêu lên kế hoạch này, Chúa Giêsu đã giải đáp câu hỏi về ly dị, mà người ta đã đặt ra để gài bẫy Ngài (Mt 19,3). Ngài cũng đã mặc nhiên qui chiếu vào đó, khi từ chối lên án người phụ nữ ngoại tình, nhưng Ngài lại thêm rằng: “Đừng phạm tội nữa” (Ga 8,14). Các vợ chồng Kitô hữu sẽ qui chiếu vào thánh ý Chúa, đã đặt cho tình yêu của họ một ý nghĩa, cho phép họ hướng về một sự phát triển bản thân tốt đẹp hơn. Kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện nhờ tình yêu. Vì bởi yêu ta, Thiên Chúa kêu gọi ta chọn những con đường đưa ta tới Ngài, và các con đường này đều được ghi mốc bằng các dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa: “Đây là giới răn của Thầy: các con hãy yêu nhau, như Thầy đã yêu các con. Chẳng ai có tình yêu lớn hơn kẻ liều mạng sống cho người mình yêu” (Ga 15,12-13). “Các con yêu mến, ta hãy thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra, và ai yêu thương đều bởi Thiên Chúa mà sinh ra và nhận biết Thiên Chúa” (Ga 4,7). Đã hẳn, tình yêu nói ở bản văn quan trọng này bao gồm mọi tương quan nhân loại. Tình yêu vợ chồng, cho cả đến đặc tính của nó và xiên qua các hình thức biểu lộ phái tính, không thoát được giới răn mới này. Giới răn này còn chú ý đặc biệt đến tình yêu vợ chồng, vì trong bí tích hôn nhân tình yêu nhân loại nơi hai vợ chồng trở thành một con đường đưa tới vĩnh cửu. Công đồng Vatican II diễn tả tư tưởng đó như sau: “Nhờ sức mạnh của bí tích này, họ được thấm nhiễm tinh thần Chúa Kitô, mà chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ... mỗi ngày họ càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hoá lẫn nhau, và bởi đó, họ cùng nhau làm vinh danh Thiên Chúa” (MV 48,2). Hết mọi người, dù ở bậc nào, đều có dấu phái tính in trong thân xác mình. Nên bậc độc thân, tu sĩ hay không, cũng ngầm chứa một cách đảm nhận và sống phái tính thế nào, xuyên qua các tương quan, để nó tìm được một ý nghĩa. Được Thiên Chúa yêu thương, con người phải in sâu tình yêu vào mọi tương quan của mình. Thiên Chúa nhận biết họ tuỳ ở phẩm chất tình yêu của họ đối với anh em họ, vì chính Ngài được tôn vinh trong anh em họ. Không dễ gì nhìn thấy tức khắc kế hoạch bao la của tình yêu Thiên Chúa. Ngay từ nguyên thuỷ sự tội đã in dấu sâu đậm của nó vào cách thức mà con người muốn thoả mãn các ước vọng của mình. Sự tội làm lu mờ ý nghĩa các ước vọng của con người, và biến đổi các thực hiện mọi ước vọng đó. Cho nên người ta sai lầm về các phương tiện phải sử dụng để đạt tới sự hoàn thiện mà họ cảm thấy được kêu gọi: họ không làm điều họ muốn và làm điều họ không muốn (Rm 7,15). Lời Chúa trong Thánh Kinh có thể phát giác sự đánh giá sai lầm và gợi lên một lời gọi trở lại. Lời đó không ngừng nhắc nhở rằng: trong việc thiết lập các tương quan nhân loại, trước hết người ta phải từ bỏ mình đi, để có thể tìm lại được mình. Sự trở lại này buộc ta phải thực hiện những cách sống cụ thể, sẽ được đề cập tới. Kinh Thánh, trong Cựu Ước cũng như Tân Ước, lưu ý ta về một điểm đặc biệt, là có thứ tình yêu nhân loại, thay vì tôn vinh Thiên Chúa, lại lấy mình làm đối tượng để tự tôn thành ngẫu tượng. Cho nên trước hết cần phải suy nghĩ về mối nguy thần thánh hoá phái tính. Rồi sau mới tìm cho biết phải chấp nhận phái tính thế nào trong tương quan luyến ái, để nó có thể, xuyên qua các lối khác nhau, mà trở thành con đường đưa tới Thiên Chúa.
Các tác giả Cựu Ước và Tân Ước đã phải có một thái độ trước các cách sống mà họ nhìn thấy chung quanh họ. Ngày nay, ta không thể không quan tâm đến ý nghĩa của thực tại này. Người xưa không có thể giải thích “một cách khoa học” về phái tính nhân loại. Họ khám phá ở đó một biểu lộ đặc biệt về sự phong phú của thiên nhiên, họ càng đề cao nó, khi họ càng trực tiếp lệ thuộc vào nó cho sự sinh tồn của họ. Và họ giải thích sự phong phú đó bằng cách liên kết nó vào cách ở phái tính của các thần minh: các thần minh này thường ám chỉ các mãnh lực thiên nhiên, mà sự gặp gỡ đưa đến sự phong phú cho đất đai, mùa màng và súc vật... Ngoài khía cạnh duy nhất của sự phong phú, họ còn giải thích như vậy về các biểu lộ đam mê của phái tính nhân loại và đưa ra những qui tắc để thực hành. Sự phối hợp giữa người nam và người nữ thể hiện theo gương sự phối hợp của các thần minh, trong hôn nhân và cũng trong mọi dịp hội hè lễ bái, được coi như nhận được một chiều kích linh thiêng. Các cách sống phái tính như mở ra một con đường để vượt khỏi thân phận là người nam hay người nữ, để được thần minh hoá cách nào đó, mặc dù sự thần minh hoá đó chỉ được xác định cho các thủ lãnh dân tộc mà thôi. Các vua Israel thời đó cũng nhạy cảm về cách giải thích này. Nhưng truyền thống Thánh Kinh, và nhất là các tiên tri đầu tiên cực lực chống lại cách giải thích đó (Tl 23,18-19; 1 V 14,24; 2 V 23,7; Os 4,14). Đối với các tiên tri, sự sinh sản là dấu chỉ một phúc lành của Thiên Chúa, nhờ đó, Ngài kéo dài cuộc sáng tạo của Ngài và tiếp nối thế hệ này với thế hệ nọ, để làm nên một lịch sử. Nhất là con người đừng tìm trong việc sử dụng phái tính những con đường quanh co để vượt các giới hạn của thân phận mình và che đậy hoàn cảnh bất tất của mình, bằng cách nhờ vào khía cạnh khoái lạc phái tính, mà ra sức thắng cách nào đó, thời gian đang trôi qua và cái chết đang đi tới. Người xưa thần minh hoá hành vi này để tạo nên một thách đố và cũng là một ngộ nhận, tự gán cho mình một sự “cứu độ” mà chỉ có Thiên Chúa ban cho mới được mà thôi. Ngược lại, trong hôn nhân, việc vợ chồng phó thác cho nhau tỏ rõ là họ phải đón nhận nhau, hơn là chiếm đoạt nhau. Thái độ này có giá trị vừa cho hạnh phúc nhân loại, vừa cho phần rỗi đời đời nữa.
Một khi đã loại bỏ giải thích có tính cách thần minh và ngẫu tượng về phái tính, ta có thể có những giải thích khác, như những giải thích của các tác giả sách Sáng Thế đã nêu ra trong các trình thuật về việc tạo dựng người nam và người nữ. Cặp nam nữ đầu tiên được giới thiệu như một tạo vật của Thiên Chúa. Sự xuất hiện của họ vào ngày thứ sáu được kể như họ kết liễu cuộc sáng tạo. Nhưng họ không là chủ tuyệt đối của tạo vật. Họ hiện hữu nhờ ở Thiên Chúa. Tuy nhiên, khác với các tạo vật cấp dưới, họ được Thiên Chúa chăm chú cách riêng. Chính với danh nghĩa là một cặp trong tương quan nam nữ, mà con người được gọi là đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Xác định này thật là rõ ràng trong trình thuật thứ nhất về sáng tạo, cũng văn vẻ hơn và mới hơn trình thuật thứ hai: “Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh mình; theo hình ảnh của Thiên Chúa, Ngài đã dựng nên họ nam và nữ” (St 1,27). Và để tránh mọi hàm hồ, sách gia phả của Ađam (St 5,7) có nói thêm: “Ngài đã chúc lành cho họ và gọi họ với tên là ‘người’, Ngài dựng nên họ”. NGƯỜI thật là tên riêng: chính con người với danh nghĩa là nam và nữ, thuộc dòng giống nhân loại, đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Đã hẳn, Thiên Chúa không có sự khác biệt về phái tính. Ngược lại, yếu tính của Thiên Chúa là “tương quan”. Thật vậy, mạc khải về sau đã cho phép khám phá ra rằng: Ba Ngôi cực thánh được cấu tạo do các tương quan, từ trước vô cùng, hợp nhất Cha, Con và Thánh Thần. Trình thuật thứ hai về sáng tạo, cổ hơn, thì nhạy cảm hơn về khía cạnh tâm lý. Về Ađam, trình thuật không nói là đã được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, tuy nhiên do một cuộc diện đối diện, mà sinh khí được ban cho ông. Là tạo vật trong các tạo vật, nhưng ông đã nhận được trực tiếp từ Thiên Chúa một cái gì hơn chúng, làm cho ông trở nên thông phần với Thiên Chúa. Ông sống, nhưng không chỉ ở phạm vi sinh lý; ông sống, nhưng nhờ vào chính sự sống của Thiên Chúa. Evà xuất hiện vào thời kỳ thứ hai. Sự chậm trễ này đã nên dịp cho Ađam, trước hết là cảm thấy, sau đó đo lường được một sự cô đơn mà không một tạo vật nào, dù được dựng nên cho ông, có thể phá tan đi được. “Người không tìm được một nội trợ tương đối” (St 2,20). Lúc đó, trong khi Ađam ngủ, từ xác thịt đã được nhân loại hoá của ông, mà ông không có công trạng gì, Thiên Chúa đã làm nên người nữ và giới thiệu cho ông. Trước này, ông chỉ đặt tên cho các vật, lần này, ông thốt lên một lời biểu lộ sự quen biết: “Phen này, nàng là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”... Và ông thêm: “Nàng sẽ được gọi là đàn bà (ishsha), vì đã được rút từ đàn ông (ish)”. Và người kể truyện kết luận: “Bởi thế, đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và gắn bó với vợ mình, và chúng sẽ nên một xác thịt” (St 2,23-24). Trong nhân loại học của Thánh Kinh, xác thịt không ám chỉ thân thể mà chỉ con người, là căn nguyên các liên hệ họ hàng. Cho nên đôi vợ chồng không được xác định nguyên bởi sinh dục tính, mà trước hết bởi tương quan giữa hai nhân vật, được mời gọi không phải chỉ để bổ túc cho nhau, cho bằng để tự mạc khải cho nhau. Mỗi bên, đối với bên kia, vừa giống lại vừa khác. Hai hình dung từ đó nhấn mạnh đến khả năng đối thoại và khả năng làm cho nhau luôn luôn nên phong phú, nhờ sự khác biệt. Nhưng trên tương quan giữa đàn ông và đàn bà, có một tương quan khác gắn vào đó. Nó hướng về Thiên Chúa, vì nó được gọi là giống hình ảnh Ngài. Cho nên nó mang theo một thực tại nhiệm mầu gần như mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trong thực tế, nhờ tình yêu mà người nam và người nữ nên dịp cho nhau hướng về “một cái gì” vượt quá họ. Sự khám phá từ từ về danh tánh của nhau, để đáp ứng các chất vấn lẫn nhau, chẳng bao giờ được hoàn toàn thoả mãn, vì mỗi người chỉ có thế thôi. Cho nên cuộc tra vấn không ngừng được tái phát. Và cứ thế từ từ một con đường ưu tuyển được vạch ra đưa tới gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác biệt. Mỗi cuộc gặp gỡ ở mức độ sâu xa một chút, đó là một cơ hội ân huệ làm giàu cho nhau. Đó là sự phong phú của các tình nghĩa chí thân. Điều đó còn đúng hơn nữa, đối với tình nghĩa vợ chồng. Kẻ tự hiến hoàn toàn, thì cũng hy vọng nhận được một sự sung mãn nào đó. Nhưng người mình yêu, dù trọn hảo đến đâu, cũng không đem lại được sự sung mãn đó. Vì họ không thể là nguồn sự sung mãn, phải vượt qua họ, để từ từ lên tới nguồn mạch, nghĩa là đi tới Đấng có danh nghĩa là TÌNH-YÊU. Được hiểu như vậy, thì tình yêu nhân loại, nơi đã chớm nở cuộc giao ước với Thiên Chúa, có thể, xuyên qua tất cả cuộc phát triển của nó, trở nên môi trường cho một kinh nghiệm tôn giáo đích thực. Vì thế, dù sau khi loài người đã phạm tội, tình yêu của nó cũng đã được mời gọi làm dấu chỉ cho một “giao ước mới”. Hơn nữa, trong đời sống bí tích của toàn thể Giáo Hội, nó đã trở nên một bí tích thực thụ. Đã hẳn, cũng như mọi tương quan nhân loại, tình yêu nhân loại đã bị hoen ố bởi sự tội. Ý muốn độc lập đối với Thiên Chúa kéo theo một sự sa sút trong mối liên hệ giữa người nam và người nữ. Được chỉ định để sống trong an bình và hỗ tương, nhưng trong thực tế, người ta sống liên hệ này trong căng thẳng, thường hay đưa tới khinh thị hay lợi dụng lẫn nhau. Ađam đã do dự không muốn nhìn nhận vợ mình; ông gọi bà ở ngôi thứ ba: “Người nữ mà Chúa đã đặt ở bên con, chính y thị đã cho con trái cây” (St 3,12). Như vậy, tiếp theo sự thán phục là sự bỏ rơi. Tình yêu đã nâng đỡ bài ca hân hoan đón nhận không còn nữa! Đôi vợ chồng đầu tiên đã từ khước lời mời gọi của Thiên Chúa, để thay thế Ngài và toan tính trở nên như Ngài: “Ông bà sẽ trở nên như các thần minh” (St 3,5)! Thật vậy, há họ đã chẳng muốn dành quyền ấn định lành dữ, và như vậy, quan niệm riêng của họ về hạnh phúc hay sao? Tính tự phụ tự mãn đó nhất định sẽ đầu độc khả năng yêu mến, vì tình yêu chỉ có thể thực hiện trong việc hỗ tương, từ bỏ, cho đi và chia sẻ, nghĩa là hoàn toàn trái với sự tự mãn. Bởi đó, đôi vợ chồng đầu tiên và dòng dõi sẽ không ngừng bị cám dỗ có ý muốn cường quyền, thúc giục mỗi bên thống trị bên kia, để biến nó thành tôi đòi hơn là đi đến chỗ chia sẻ và làm giàu lẫn cho nhau. Với Ađam và dòng dõi ông, rồi với Maisen và các kẻ kế vị ông, Thiên Chúa sẽ thiết lập cho mình một dân tộc, và sẽ giao ước với nó, để làm lại, một cách khác, công trình mà Ngài đã khởi sự trong khi sáng tạo. Nhưng việc thanh lọc các thói tục phái tính và tái thiết lý tưởng về hôn nhân một vợ một chồng sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian. Công việc đó sẽ trải qua nhiều giai đoạn hình thành, mà các hình thức diễn tả làm cho ta ngạc nhiên. Thật vậy, chúng ảnh hưởng cả đến lịch sử Giáo Hội, mặc dù Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập theo những viễn ảnh khác. Đây có ý nói về cách thức mà mấy bản văn luật pháp của Cựu Ước đã qui định về luân lý phái tính. Đã đành, phải phân biệt sự thể: một số mệnh lệnh qui định hoặc về luật vệ sinh, hoặc những kiêng kị theo lễ nghi chung của các nền văn hoá của Đông phương thời đó. Tuy nhiên, toàn thể có vẻ quá thiên về duy phái thuyết. Người phụ nữ bị kể vào số các tài sản của gia tộc, đã có một địa vị thua thiệt. Người ta không tha thứ cho chị một sơ xuất nào về hạnh kiểm, và các mệnh lệnh chị phải tuân theo thiếu hẳn bản chất giúp sự phát triển của chị. Sau hết, nhiều lần, từ Dalila đến Jezsabel, người ta qui trách cho người phụ nữ dụ dỗ hay mê hoặc sự phản bội của các tướng lĩnh, đã bỏ việc bổn phận vì ảnh hưởng của chị. Ngược lại, suy tư của hiền nhân, khi ca tụng người phụ nữ đảm đang, trong Cách Ngôn, hoặc đề cao đôi tình nhân ở Diệu Ca, thì cho thấy nhiều nét khác. Tuy nhiên, các bài đó, vì không có uy quyền của Thập Giới và cách giải thích liên hệ, nên không thể có cùng một ảnh hưởng. Bởi thế, xuyên qua những tuyên bố trái nghịch như vậy, Cựu Ước chỉ phản ảnh sự hàm hồ sâu xa của phái tính. Trong phạm vi của nó, thì nó tốt và còn được Thiên Chúa chúc lành. Nhưng kinh nghiệm chứng tỏ là nó đã và còn là cơ sở cho nhiều rối loạn nơi con người. Chúng ta hãy xem Tân Ước nói gì mới lạ: Chúa Giêsu đã có thái độ nào? Người đã dạy ta làm sao?
a) Tân Ước nói gì? Tương đối Phúc Âm ít nói đến những phán đoán của Chúa Giêsu về các cách ở phái tính. Chúa Giêsu không chia sẻ chút nào các thiên kiến duy phái của thời đại Ngài. Trong các môn đệ quây chung quanh Ngài, có một số phụ nữ. Trong những giờ phút bi đát của cuộc khổ nạn, các bà còn tỏ ra trung thành với Ngài hơn đa số các tông đồ. Các thầy biệt phái không chấp nhận sứ điệp của Ngài, vì cậy mình là “con cháu Abram”, thì Chúa Giêsu lại gán danh hiệu này cho một phụ nữ ngoại giáo, để ca tụng thái độ đức tin của bà, đức tin này chẳng có gì liên quan đến sự khác biệt của giới phái, giai cấp hay nòi giống. Nhiều lần, những gái điếm bị khinh chê hay ngược đãi bởi hạng người tự mãn với các lương tâm của những người lương thiện, lại tìm được nơi Chúa Giêsu sự thông cảm và lòng thương, khiến họ trở lại. Như vậy, các tội về phái tính không phải vì thế mà được giảm khinh, nhưng chúng không phải là những cản trở không thể vượt được cho đời sống đức tin và đức mến, hơn các đam mê khác, phát xuất từ con tim đưa đến ghen ghét hoặc miệt thị Thiên Chúa và tha nhân. Sau hết, các qui định của các luật sĩ về ly dị thì nghiêm khắc đối với người phụ nữ, có khi bị rẫy bỏ với những lý do nhỏ nhặt. Trái lại, Chúa Giêsu nhắc nhở ý Thiên Chúa muốn duy trì cho cả hai bên sự trung thành hôn phối, luôn luôn bị đe doạ bởi lòng chai dạ đá của con người (Lc 16,18). Cũng như ở độc thân vì Nước Trời (Mt 19,12), sự trung thành bậc hôn nhân là một thái độ mà chỉ có Thần Linh Thiên Chúa mới thực sự có thể làm cho người ta hiểu được, đồng thời ban ơn cho người ta thực hiện được mà thôi. Còn về các phán đoán của thánh Phaolô về các cách ở phái tính của các giáo hữu thuộc mấy cộng đoàn, hoặc về cách sống bậc hôn nhân, thì các phán đoán đó luôn luôn được lồng vào khuôn khổ của mỗi suy tư nền tảng hơn về các tương quan giữa các Kitô hữu với nhiệm-thể Chúa Kitô. Và nếu thoạt tiên chúng làm cho ta ngạc nhiên, chúng được sáng tỏ hơn nhờ các qui chiếu căn bản vào đề tài hôn lễ của Chúa Kitô và Giáo Hội (Ep 5,25), hoặc vào đề tài nhiệm thể Chúa Kitô, mà các Kitô hữu là chi thể (1Cr 6,15). Cuộc hành trình tại thế của Chúa Giêsu đã được tông đồ giải thích nhờ ở hình ảnh một hôn lễ, hình ảnh này được mượn ở các tiên tri Cựu Ước và ở mấy đoạn Phúc Âm. Chính một phần nhờ hình ảnh hôn lễ, mà Thiên Chúa đã tỏ cho Israel biết lời hứa bất dịch của Ngài, bất chấp những sa đoạ của dân Ngài, như một hôn thê yêu quí, mà lại đi mãi dâm. Khi nguôi cơn thịnh nộ, Ngài lại khởi công thanh tẩy nó, làm cho nó trở nên xinh đẹp xứng đáng một vị hôn thê như ngày trước. Chúa Giêsu đã áp dụng cho mình hình ảnh đó. Ngài là hôn phu, mà sự có mặt làm cho bạn hữu Ngài vui sướng. Nước Trời và sự sung mãn của nó được sánh với một tiệc cưới... và dấu hiệu đầu tiên mà Ngài cho để chỉ “Ngài đã đến”, là bữa tiệc cưới ở Cana, trong đó rượu mới đã tỏ ra vô cùng cao quí hơn rượu cũ. Thánh Phaolô đã nhiều lần nhắc lại giáo huấn này, ngài đã hệ thống hoá nó, để các giáo hữu của các cộng đoàn của ngài được hiểu rõ bản chất của Giáo Hội, mà họ đã gia nhập. Nhưng đồng thời, ngài cũng rút ra những áp dụng cụ thể về cách ở mà họ phải có. Giáo huấn luân lý của ngài không chỉ căn cứ vào việc nhắc lại các điều buộc của Thập giới, hay các tuyên truyền chung. Mà còn căn cứ vào một sự hiểu biết sâu xa về nhiệm-thể Chúa Kitô, mà từ nay các Kitô hữu phải nhìn vào mà thánh hoá mọi hành vi của mình, kể cả những hành vi thuộc thân xác họ. Suy tư của thánh Phaolô đặt Ađam của địa đường đã mất đối diện với Chúa Giêsu, Đấng đã nhờ sự chết và sự sống lại của mình để đưa ta vào đời sống mới. Nhân loại sau khi đã từ chối không nhìn nhận mình bởi Thiên Chúa, thì dứt khoát bị sự tội làm hoen ố. Vì không còn tới gần Thiên Chúa được nữa, chỉ phải nếm cái chết đời đời, còn ghê sợ hơn cái chết sinh lý và trần gian nhiều. Sự sống đời đời đã được ban cho ta trong Chúa Giêsu, cho được như vậy, Ngài đã kết hợp với đại thân thể nhân loại, khi nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, Đấng đã chấp nhận gia nhập chương trình của Thiên Chúa, dưới sự thúc đẩy và soi sáng của Chúa Thánh Thần. Thánh tông đồ đã đặt biến cố kỳ diệu của nhập thể vào khuôn khổ của toàn thể lịch sử cứu độ, và từ đó chuyển sang toàn thể Giáo Hội những gì đã xảy ra, ở một nơi và trong một thời gian nhất định, cho Đức Trinh Nữ Maria. Mầu nhiệm này đã gợi lên hình ảnh của hôn lễ. Chúa Kitô là Ađam mới, Giáo Hội là Evà mới. Bởi sự kết hợp giữa Chúa Kitô và nhân loại, đã được Ngài kêu gọi, thanh tẩy và hồi tục, từ nay luôn luôn dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần sẽ phát sinh các tín hữu. Từ nay các tín hữu này hoàn toàn trông cậy vào Chúa Cha, và, bên kia cái chết tự nhiên, họ chờ đợi ở Ngài sự sống mà Ngài đã ban cho Đức Chúa Con phục sinh, sáng ngày lễ Vượt qua, và cho Đức Nữ Trinh Maria, ngày lễ Mông Triệu hiển vinh của Người. Như vậy, thánh Phaolô có thể ban bố cho các tín hữu của ngài những chỉ thị về cách thức họ phải tôn trọng lẫn nhau, trong tương quan phu phụ, cũng như trong các tương quan khác. Vì từ nay, hết mọi người đã trở nên chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô, do bí tích rửa tội và cũng do việc họ tham dự phép Thánh Thể. Nơi đây nhờ hoạt động của chính Chúa Giêsu, được cụ thể thực hiện trong Giáo Hội, việc xây dựng nhiệm thể Ngài, được tiến triển bởi việc chịu Mình Thánh Chúa đã sống lại, hiện diện trên bàn thờ. b) Các áp dụng chung. Cách chung, vì các Kitô hữu đều biết mình là tế bào của thân thể nhân loại, các mối tương quan của họ phải được đón nhận và thực hiện theo như họ đã được mời gọi để trở nên nhiệm thể Chúa Kitô. Cho nên, việc hoà giải với nhau sẽ tiến triển vượt qua các bức ngăn mà con người ta đã chồng chất lên để từ chối, để bác bỏ, các khác biệt của nhau, thay vì lấy đó để làm giàu cho nhau. Vì “không còn Do Thái hay Hy Lạp (đối lập do tôn giáo), không còn nô lệ hay tự do (chia rẽ do cơ cấu kinh tế và chính trị), không còn nam hay nữ (biến đổi do chức năng và đầu độc duy phái), vì tất cả anh em chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô” (Ga 3,28), “Ngài là tất cả trong mọi người” (Col 3,11). Phá đổ các bức ngăn không có nghĩa là đồng nhất hoá, vì đó sẽ là thoái hoá, mà là một sự nội tâm hoá. Nhờ phẩm chất từ nay đã nhận được trong các tương quan của họ, hết mọi người sẽ đạt tới một mức nhân hoá cao hơn. Điều này sẽ cho phép họ nhìn thấy rõ hơn, trên dung nhan họ, phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa. Vì các Kitô hữu thuộc về những cộng đồng tụ tập họ lại để thông hiệp vào Mình Thánh Chúa Kitô, họ không thể để thâm nhập vào giữa họ những hành vi gây chia rẽ trong các cộng đồng đó. Cuối cùng, tất cả đời sống của họ phải được thực hiện “trong Chúa”, mà họ lãnh nhận trong mỗi thánh lễ. Họ không hoàn toàn thuộc về họ. Họ được hướng về việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô, cả trong việc sử dụng thân xác của họ. c) Lên án tà dâm. Tại Corintô có những Kitô hữu chiều theo tư tưởng này, là nhị nguyên tính ở giữa xác và hồn cho phép sự tà tâm, vì lý do là tinh thần họ ở ngoài cuộc, và tất cả con người của họ không liên can gì vào... Thánh Phaolô tố cáo thái độ này và ngài đi xa trong việc phân tích về thái độ đó: “Anh em không biết rằng: thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô hay sao? hay lấy chi thể của Chúa Kitô làm chi thể của đĩ điếm hay sao? Đâu có được! Anh em không biết rằng: ai kết hợp với đĩ điếm tức là nên một thân xác với nó hay sao? Vì (Kinh Thánh nói): cả hai nên một thân xác. Còn kẻ kết hợp với Chúa, thì nên một thần khí với Ngài. “Anh em không biết rằng: thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự trị trong anh em, mà anh em đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, và anh em không còn thuộc về mình nữa hay sao? Anh em đã được mua chuộc bằng một giá cao. Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cr. 6,15-20). Thánh Phaolô thiết lập sự lên án mối tương giao phái tính không hợp pháp, ít vì sự lạm dụng sinh dục tính và sự tổn hại mà việc mãi dâm sẽ gây cho thể chế hôn nhân, cho bằng vì nó làm sai lạc mối tương giao giữa đàn ông và đàn bà, mà việc này được biểu lộ rõ ràng nhất trong tương quan với gái điếm. Mối tương giao tạm bợ này, đã hạ giá con người, vì là bị mua bán, lại sẽ không đi tới đâu. Lúc ấy, người ta xúc phạm đến thân xác mình làm sao, nếu không phải là vì nó tìm vui thú một cách ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, và phủ nhận sự hiện hữu riêng của bạn mình hay sao? Đồng thời, rõ ràng là nó bỏ qua mối liên lạc với Thiên Chúa, vì theo hình ảnh Ngài mà nó và người bạn tạm bợ của nó đã được dựng nên, và nó phải thể hiện hình ảnh đó khi “cả hai trở nên một thân thể”. Trong việc các tình nhân tạm bợ sử dụng thân xác và các tương quan của họ, sự liên lạc với Thiên Chúa hoàn toàn bị lu mờ. Nó trở thành tương quan cho sự vui thú, được tìm kiếm nhờ một đối tượng bị dồn vào tư thế một thân xác đồ vật, hơn nữa, một thân xác đồ hàng. Làm sao một chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô lại có thể để hư đi nơi mình mối tương quan, mà từ khi chịu phép rửa, nó đã có với Chúa mình, cũng là Chúa của người đồng loã với nó? Làm sao nó có thể dồn người đồng loã với nó vào tư thế là một phương tiện, đang khi thân xác của y là đền thờ Chúa Thánh Thần? Cho nên chính trong việc mỗi người sử dụng thân xác của mình, mà Thiên Chúa được tôn vinh hay bị miệt thị. d) Hôn nhân. Hôn nhân là nơi đôi bạn Kitô hữu có thể thực hiện đầy đủ mối tương quan của mình, bằng cách đưa nó vào chiều kích sung mãn của nó, chiều kích mà chúng ta đã cố gắng dựa vào giáo huấn Thánh Kinh để diễn tả. Hôn nhân cho phép các vợ chồng Kitô hữu hiện tại hoá cho mình, cho con cái mình, cho chung quanh mình và cho toàn thể cộng đồng, kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng đã chọn biểu tượng hôn nhân để diễn tả và thực hiện kế hoạch đó. Và điều đó chỉ có thể làm được bằng cách thực hiện các đức tính được bày tỏ nhờ biểu tượng này: duy nhất, trung thành, sinh sản. Bản tài liệu này không nhằm nghiên cứu về hôn nhân Kitô hữu, nên ở đây chỉ vắn tắt nhắc đến 3 điểm đó. 1/. Duy nhất – Thiên Chúa chúng ta là Chúa duy nhất của trời và đất. Ngài muốn duy trì với họ những tương quan đượm nhuần yêu thương và thân ái. Tương quan yêu thương độc hữu này, chỉ có thể được biểu hiện một cách đầy đủ bằng hôn nhân một vợ một chồng. Trong đó, các vợ chồng từ chối không muốn có nhiều lựa chọn nào có thể đi tới cùng. 2/. Trung thành – Sự trung thành được biểu hiện trong bí tích hôn phối, bởi tính cách bất khả ly. Làm sao sự trung thành tương đối, có thể gián đoạn, lại tiêu biểu được sự trung thành của Thiên Chúa? Vả chăng, sự trung thành được in sâu trong ước vọng của mọi tình yêu. Tình yêu cần có thời gian để phát triển tốt, và như vậy, làm cho đôi vợ cồng có cơ sở vững chắc cho hạnh phúc lớn lao của mọi người. Nếu Giáo Hội đặc biệt chú trọng đến sự trung thành của hôn nhân như vậy, đó không phải vì một ưu tư pháp luật, một là vì Giáo Hội, cũng như nhiều người khác, tưởng rằng: lời thề hứa có thể giữ được, dù gặp khó khăn lớn lao đi nữa. Giáo Hội cũng cậy vào ơn phép bí tích, tuy nhiên, hôn nhân bí tích phải được coi như một kinh nghiệm thiêng liêng đích thực, người ta chỉ có thể cam kết sau khi đã được chuẩn bị kỹ càng. Sau hết, Giáo Hội mời gọi các đôi vợ chồng hãy thực tập tha thứ các lỗi lầm của nhau. Sự đó đặt mọi người vào vị trí của mình là kẻ yếu đuối, nhắc nhở sự tha thứ của Thiên Chúa và tránh được những sự cứng cỏi giả hình, không gây được một cơ may nào cho sự sám hối và hy vọng. Tuy nhiên, thất bại không xa lạ với thân phận con người. Nó cho thấy sức li tán hoạt động ngay trong tế bào gia đình. Có nhiều người dù thất bại cũng cứ quyết tâm ở trung thành với kế ước hôn nhân. Tuy nhiên, hết mọi người, cả những ai không giữ nổi khế ước này, cũng đều có quyền được tiếp nhận như anh em trong cộng đoàn. Bằng chứng là ngày nay có khoa mục vụ cho những người ly dị tái giá. 3/ Sinh sản – Sinh sản không phải chỉ được thực hiện bằng việc truyền sinh. Tuy nhiên, trong Cựu Ước, việc truyền sinh được ưu đãi và được trình bày như hậu quả của sự chúc lành của Thiên Chúa. Nó được người ta quan trọng hoá khi một trật nó lại là phản ảnh của một nền văn hoá. Tân Ước yêu cầu không được tuyệt đối hoá liên hệ với con cái (Mt 10,37), thì chỉ đưa ra những hướng dẫn về luân lý gia đình, mà không nói gì đến kích thước gia đình. Đó là trách nhiệm của cha mẹ. Thật vậy, đức trông cậy làm cho các Kitô hữu sẵn sàng cho một tương lai, để đón nhận chính Chúa Kitô xuất hiện một cách bất ngờ và dưới những hình thức không biết trước được... Hết mọi Kitô hữu đều được mời gọi cộng tác vào việc tiếp tục công trình sáng tạo mà Thiên Chúa đã bắt đầu, nhưng đã uỷ thác cho con người, để họ từ từ khai triển tất cả sự phong phú của nó. Họ thực hiện một phần sứ mạng này bằng cách trở nên những người truyền sinh, để chia sẻ với người khác ơn huệ phi thường của sự sống, và để góp phần vào việc nối tiếp lịch sử và sự phát triển của thế gian.
Xuyên qua những kiểu nói rất khác nhau, Thánh Kinh đã cống hiến một chất liệu rất phong phú cho ta suy nghĩ về cách thức mà Thiên Chúa đã dùng để cho người ta hiểu những gì Ngài chờ đợi ở họ trong phạm vị phái tính nói chung, và trong phạm vi hôn nhân và tình yêu nhân loại, nói riêng. Phái tính nhân loại thì tốt. Xuyên qua nó, phát khởi một sự vươn lên sâu xa hơn nữa. Sách Sáng Thế đã mô tả sự vươn lên này bằng đề tài hình ảnh. Con người được tạo dựng để qui tụ với nhau trong Thiên Chúa. Định mệnh đó giải thích những khát vọng mênh mông phát xuất tự đáy con người của họ. Nhân loại đã linh cảm điều đó, mà không nói lên được rõ ràng. Trong thực tế, sự tội đã làm cho nhân loại đi sai mục đích đó. Bằng chứng rộng rãi là bao nhiêu cách sống phái tính vô kỷ luật, mà Thánh Kinh đã giúp cho ta nhận thấy kích thước ngẫu tượng của chúng: trong phạm vi này, cũng như trong nhiều phạm vi khác, chính con người chỉ tìm kiếm mình trong sự vui thú của mình. Nó có thể tự giải thoát khỏi việc tìm kiếm vô vọng đó bằng cách đào sâu ý nghĩa của các mối liên hệ, mà mạc khải đã thiết lập giữa tình yêu nhân loại của đôi vợ chồng và tình yêu Thiên Chúa đối với họ từ thuở đời đời, với cá nhân và với tập thể. Biểu tượng hôn nhân rất có ý nghĩa. Đó cũng là điều mà nhân loại có một kinh nghiệm rất rộng rãi. Chính trong việc tự hiến cho nhau, mà đôi vợ chồng gặp thấy mình và nhận được sự vươn lên để trở thành sáng tạo. Đó là hành trình của “con người”, của Ađam mới, đã vui lòng tự hiến cho đến chết, để cứu nhân loại và biến họ thành nhiệm thể của Ngài, mà mỗi người, nhờ phép rửa tội, đều trở nên chi thể. Mỗi người tuỳ theo bậc mình, đều phải theo chân Chúa Kitô mà hoàn thành bản thân, nhưng cũng qua một kinh nghiệm chết đi sống lại. Mọi cuộc gặp gỡ nhân loại đều được in dấu của lịch sử Vượt qua, mà xu hướng từ chối của ta luôn cản trở. Thực ra cho được gặp gỡ tha nhân, từ người lạ, đến bạn hữu, cha mẹ, vợ chồng, con cái, thì trước hết phải có tối thiểu tín nhiệm, cởi mở, đón nhận... Đã hẳn, các chuẩn bị đó có thể là một thất bại đau thương, nếu bên kia không đáp ứng. Đó là một “đánh liều”. Nhưng trong mọi cuộc gặp gỡ đích thực đều có một cái liều. Yêu thương chính là vượt thắng cái “liều” đó. Ánh sáng trên đây cho thấy phẩm cách của mối liên hệ tình cảm giữa người nam và người nữ trong nhiều trường hợp. Chính những danh từ “có”, “lấy”, “chiếm”, nói cho biết tha nhân đã bị dồn vào tư thế nào rồi. Và nếu một trong hai người chỉ cam kết một phần trong liên hệ, mà bên kia thì thành thực, hay ít ra không muốn “đóng kịch”, thì tình yêu, hay cái được coi là tình yêu, đã in dấu sự hàm hồ, nếu không phải là giả dối. Cứu xét trên đây có giá trị trên cơ sở thuần tuý về sự tôn trọng và kính nể lẫn nhau. Nó càng có giá trị đối với các Kitô hữu. Nhiệm thể Chúa Kitô chỉ được xây dựng và Tin Mừng của Nước Trời chỉ được loan báo, khi các Kitô hữu thực hiện tình yêu trong mọi tương quan giữa nam và nữ, xuyên qua mọi cuộc gặp gỡ, ở bất cứ mức độ sâu xa nào mà họ muốn có. Và yêu thương là, đang khi yêu mình (Lc 10,27), phải chết đi về mình và phải sống bởi và cho sự đón nhận tha nhân. Nhu cầu phái tính có xu hướng đặt ưu tiên cho một vận chuyển đi ngược lại. Vậy Kitô hữu luôn luôn được mời gọi phải cải hoá sức hấp dẫn phái tính của mình, để hướng nó theo Thần Linh của Chúa, vì biết rằng: mình có thể cậy trông vào Ngài, nếu mình cầu xin Ngài. Bởi thế, mọi người đều được mời gọi viết ra một thứ lịch sử tình yêu. Thật vậy, con người bất cứ ở bậc nào, ngay từ lúc sinh ra, đã phải sát nhập vào một màng lưới các tương quan nhân loại. Bây giờ chỉ còn phải phác hoạ các nét của lịch sử đó, tuy theo tuổi và hoàn cảnh.
Trong các nền văn hoá khác nhau, người ta gán cho phái tính nhân loại những ý nghĩa nào là tuỳ như họ hiểu làm sao về đời sống tổng quát của họ, từ tuổi thơ cho đến chết. Lối sống ngày nay chia cắt quá nhiều khoảng thời gian mà ta có để thể hiện định mệnh của mình. Các thế hệ trẻ không còn biết gì đến ý nghĩa sự liên tục nữa. Họ dành ưu tiên cho đến lúc hiện tại và có nhiều người trưởng thành cũng làm như vậy. Vì thế, họ có một xu hướng rất mạnh là sống buông theo thời gian, để mặc cho các biến cố chi phối đời mình. Khi người ta không còn làm chủ được đời mình nữa, thì còn tìm đâu ra ý nghĩa của việc mình làm? Trái với thái độ buông trôi này, đời sống con người, vì là ơn huệ của Thiên Chúa, có một sự liên kết chặt chẽ, vì nhờ đó mà mỗi người viết lịch sử của mình, trong chính lòng lịch sử. Như vậy, các hoạt động, các cách ở, có một sự hợp nhất rất lớn và có một ý nghĩa. Điều này cũng thật đối với cách ở của phái tính Công việc dung nạp chiều kích sinh dục tính vào nhân vị tính không thể được thực hiện trong một lúc, và phải từ từ. Hơn nữa, công việc này chẳng bao giờ hoàn tất. Mỗi người từ ngày này qua ngày nọ, phải điều chỉnh các kích động của mình làm sao để sống tốt đẹp mối tương quan với mình và với người chung quanh. Công việc ổn định chiều kích các liên hệ cũng phải thể hiện lâu dài, trong cả một lịch sử. Được kêu gọi để sống trong xã hội, vượt ra ngoài giới hạn nhỏ hẹp của gia đình, mỗi người đều liên lạc với đàn ông và đàn bà, mà nó không nhất thiết đã chọn họ và đôi khi nó phải làm việc với họ. Nhưng mỗi người cũng có thể có những liên lạc cá nhân ưu tuyển, nhưng liên lạc này là đối tượng của một lựa chọn, ở mức độ khác nhau, về cởi mở và về sâu sắc tinh thần; lựa chọn vì tình bằng hữu, sưởi ấm những trao đổi hữu ích, làm nên hương vị cho đời sống con người; lựa chọn đặc biệt một người để kết hợp và quyết định chia sẻ hoàn cảnh đời sống với nhau. Một bậc sống được ghi dấu sự tự hiến cho nhau, trong một tình yêu hỗ tương, sẽ trở nên cho mọi người một cách nghịch thường, nhưng rất thiết thực, cơ sở ưu đãi để thể hiện con người của mình. Sự nghịch thường này tự nó nói lên các sự phong phú và các khó khăn của hôn nhân: Mỗi người mong đợi nhiều ở tha nhân và ước ao lãnh nhận theo mức độ sự hiến dâng mà họ nghĩ đã thực hiện về bản thân họ. Người Kitô hữu chấp nhận biến đời mình thành câu trả lời cho tiếng gọi được nghe thấy trong đức tin, thì biết mình đã được mời gọi để thực hiện ơn kêu gọi của mình, trong diễn tiến của lịch sử. Đời sống đức tin của họ không lạ gì với các liên hệ đã được nhắc đến trên kia: đời sống đức tin, được in dấu của các liên hệ ấy, sẽ đón nhận chúng, soi sáng chúng và hướng dẫn chúng. Đời sống đức tin có lúc được củng cố, có lúc gặp chống đối, các cử chỉ giả dối, các lời nói tự phủ nhận... Nhưng suy đồi không bao giờ là tuyệt vọng, vốn có thể phục hồi và tiến triển. Lịch sử đời ta cũng như lịch sử của Dân Thiên Chúa và lịch sử của cả nhân loại, luôn luôn hướng vọng về một tương lai. Đó là viễn tưởng ta phải nhớ, khi nhắc đến các hoàn cảnh khác nhau. Các hoàn cảnh này không được tách khỏi khuôn khổ của chúng và đặc biệt, khỏi cách thức mà nhân vị tính của mỗi người được hình thành. Đó là điều giải thích tầm quan trọng sẽ nói dưới đây, của các vấn đề liên quan đến nền giáo dục phái tính của thanh thiếu niên. Thật vậy, vì từ đó phát xuất những biến đổi sửa soạn đưa con người trưởng thành vào hạnh phúc.
Dù sao, các hoàn cảnh, các cách ở, cũng có thể trở thành đối tượng cho một dư luận khách quan, không tuỳ thuộc vào con người sống hoàn cảnh đó. Khi mở rộng viễn tượng thì suy luận này cống hiến cho ta những tiêu chuẩn để phán đoán. Thật vậy, điều quan trọng là các lương tâm phải được đào tạo thế nào để, trong các trường hợp cụ thể, người ta không chỉ lưu ý đến các nhận xét chủ quan mà thôi, nhưng cùng một lượt, phải lưu ý đến lợi ích riêng của chủ thể, lợi ích của các kẻ khác và lợi ích của các cộng đồng nữa. Trong tình trạng hỗn loạn do một số hoàn cảnh gây nên, người ta có xu hướng xao lãng các lợi ích đó. Vai trò của lề luật luân lý chính là để nhắc nhở ta về các lợi ích đó. Đã hẳn, tiếng lề luật ngày nay ít có người hiểu. Nếu chỉ xét đến phương diện tiêu cực, thì sẽ làm cho người ta nghĩ rằng: lề luật chỉ là qui tắc được áp dụng một cách thiếu uyển chuyển và thảo luận. Vai trò của lề luật luân lý thì khác hẳn: nó không trấn áp sự tự do, nhưng là dụng cụ để giáo dục sự tự do. Các tín hữu hiểu lề luật như một trong các phương tiện mà Thiên Chúa dùng để thức tỉnh lương tâm họ, và cho họ nhận thấy những gì Ngài chờ mong ở họ, vì yêu thương họ. Như mọi tình yêu khác, tình yêu Thiên Chúa cũng đòi hỏi, không phải để sửa phạt, mà để mời gọi họ làm một cuộc vươn lên, mà Ngài biết và Ngài ban cho họ khả năng làm được. Cho nên, lề luật của Thiên Chúa không độc tài. Trong đời sống cụ thể, nhờ những khuyến khích hay những cấm đoán, lề luật diễn tả các lời mời gọi con người, để họ đặt một ý nghĩa tôn giáo cho các bậc sống, trong đó họ phải đảm nhận phái tính của họ. Hết mọi người, dù không có đức tin, khi đã nhận biết rằng: trần gian cũng như chính bản thân họ không phải là vô nghĩa, thì đều công nhận có những qui tắc khách quan về thiện và ác, và cả việc sử dụng phái tính của họ. Các qui tắc này có thể được tóm tắt vào nguyên lý căn bản về hỗ tương như sau: Người ta không bao giờ được biến một ai hoặc chính mình, thành phương tiện để đạt được sự vui thú riêng cho mình mà thôi. Chẳng vậy, người ta liều mình đưa vào giữa các liên hệ thân mật một tương quan cường quyền, vốn đã có xu hướng trở lại đó, và sẽ làm tiêu tan mọi tương quan tín nhiệm và yêu thương, là tương quan duy nhất cho phép đạt tới sự triển nở đích thực của cả hai bên. Bây giờ đến lúc phải nghiên cứu các vấn đề, xem ra đơn giản, để cho phép lương tâm của từng người nhận biết phẩm chất luân lý của các cách ở liên hệ đến phái tính: Ai tìm gì? Tình yêu có phần nào trong đó? Các hình thức sáng tạo có địa vị nào?
a) Ai tìm gì? Như ta đã nói, phái tính góp phần giúp ta nhìn thấy các giới hạn của mình. Vì thế, ta lại tìm cách dùng nó để vượt qua các giới hạn đó. Cho nên, trong việc hoàn tất bản thân, ta đi tìm một thứ sung mãn nào đó, hoặc nhờ vào chính mình ta, hoặc nhờ vào người khác, mà các hình thức hành động có thể rất hàm hồ. Bởi vậy, ta đặt câu hỏi thứ nhất này: Xuyên qua các cách ở phái tính của mình, rốt cục, mỗi người thực sự muốn gặp ai? Đã hẳn, tâm lý học nhắc ta rằng: mỗi người đều có một chiều kích “vọng nội” (narcissique). Chiều kích này có những phương diện tích cực, mà cũng có những thái quá. Người ta không dễ gì đi tới cuộc gặp gỡ tha nhân. Trong tha nhân, mỗi người đều có xu hướng tìm kiếm một phản chiếu hay một hình ảnh lý tưởng về mình, là liều mình không tôn trọng tha nhân. Chính vì thế, mà có những cách ở phái tính, thường là những phương thức vô ý thức, để tránh sự gặp gỡ tha nhân, như họ có thật. Đó là tiêu chuẩn thứ nhất soi sáng cho phán đoán luân lý về các thái độ, như: thủ dâm, cũng như các tương quan thuộc loại này trong chính hôn nhân hay ngoài hôn nhân. Trong những cuộc gặp gỡ tình cờ và ngắn ngủi, tha nhân đôi khi bị đặt vào hoàn cảnh một quyến rũ, hoặc đơn giản hơn nữa, một món hàng, mà người ta sử dụng để đạt tới một sự vui sướng sung mãn phái tính, người ta chỉ yêu cầu tha nhân tỏ ra ngoan ngoãn. Giữa hai vợ chồng có thể xảy ra như vậy. Giới hạn của các cuộc gặp gỡ như vậy thì rất nhiều. Thật vậy, một đàng ta thấy có một sự thoái bộ, vì người ta tự ý ở lại mức độ sinh dục tính mà thôi, hoặc vì không có thể, hoặc vì không muốn có một tương quan đích thực, với mọi chiều kích của nó, về đối diện đã đành, mà còn về tình yêu nữa. Đàng khác, ta thấy có sự hạ bệ áp đặt cho bên kia, là người bị miệt thị trong phẩm giá của mình, đôi khi lại còn cộng tác vào việc người ta khai thác mình nữa. Câu hỏi của ta là “Ai tìm gì?”. Câu trả lời cho phép ta nhận biết: người ta tôn trọng đến mức nào các đường hướng về phái tính, đã được soi sáng nhờ suy tư nhân loại và lời Thiên Chúa? Đó có phải là để đạt tới sự cường quyền mơ ước, dù trong giây lát và nhờ vào tha nhân, hay là để diễn tả đức tính và các mong chờ của mỗi bên, được gặp nhau trong sự phó thác và ái ân, hay chỉ để chiếm đoạt bên kia? b) Tình yêu có phần nào trong đó? Giữa ước muốn và ái ân, tình yêu đi tìm sự thật của mình. Ở phần thứ nhất, ta đã nhắc đến sự căng thẳng của tình yêu giữa ước muốn sinh dục và ái ân. Ước muốn có xu hướng biến tha nhân thành đối tượng cần thiết cho sự thoả mãn của riêng mình. Cho nên dù sống trong sự hỗ tương cuối cùng ước muốn cũng liều mình nhằm vào một sự thoả mãn ích kỷ, mặc dù có được chia sẻ; ước muốn còn có thể nhằm vào bạo lực, vì mỗi người đều có nguy cơ là chỉ để ý đến mình. Thế rồi, thái quá đi liền với ác hoá, như ta sẽ thấy. Ái ân hướng đến ước muốn được nhìn nhận và được yêu mến hơn, chứ không phải chỉ để bị “lấy” và “chiếm”. Nhưng cả danh từ và thái độ cũng không tránh khỏi những hàm hồ. Ái ân có thể chỉ một sự quyến luyến cảm tình và ái mộ, theo kiểu của nó, nó cũng muốn chiếm đoạt như ước muốn sinh dục. Nó còn được hiểu như một ước muốn gần gũi nồng nàn đến nghẹn thở và không còn để khoảng cách nào cho mỗi bên được triển nở theo cách thức và nhịp độ riêng của mình. Hoà đồng không phải là tiêu chuẩn của một tình yêu đích thực. Sự thực của tình yêu nhân loại, ở phạm vi ước muốn phái tính, cũng như ở phạm vi luyến ái, phải được tìm kiếm trong một thứ căng thẳng giữa hai cực trên. Ước muốn thuần tuý sinh dục được mời gọi phải biến đổi. Vì thế, đòi hỏi mà nó biểu lộ, khi biết lưu ý đến bên kia như một nhân vị, chứ không như một đồ vật, còn phải kèm thêm một đòi hỏi khác, để biến đổi bầu khí của mối tương quan. Ước muốn thì hỗ tương, nhưng người ta biết mình xa hơn ước muốn ấy, và người ta tự hiến cho bên kia, với ý thức là người ta cần đến họ. Lời nói sẽ cố gắng diễn tả sự mong muốn cho hai bên nhận biết lẫn nhau. Đó là điều được gắn liền với tình yêu: tôi yêu mình... Được nhận xét như vậy, thì hành vi yêu thương gồm nhiều giai đoạn, nhiều chăm chú, trong đó cử chỉ thân mật mang những ý nghĩa khác với những ý nghĩa của sự khoái lạc thuần tuý, thuộc ngũ quan. Các cử chỉ này cho phép người ta vừa tôn trọng nhau, vừa tìm được phương tiện để diễn tả về mình, mà ngôn ngữ không thể nói được. Hành trình từ ước muốn đến ái ân, không bao giờ được vạch sẵn trước. Ước muốn và bạo lực của nó, ái ân và sự phó thác của nó bao giờ cũng chứa đầy nguy hiểm. Chúng có thể đối địch nhau và gây ra những căng thẳng và những giải thích giả tạo, là nguồn mạch bao nhiêu hiểu lầm? Ngày nay, cuộc hành trình của đôi vợ chồng, thay vì được phê phán nguyên do việc đào sâu phẩm chất của tình yêu, lại được đánh giá theo những thành công, cũng như những thất bại về phái tính của họ. Nhưng thành công và thất bại đó rất có thể không ăn nhằm gì với phẩm chất của tâm tình. Đi tìm thành tích há người ta không liều mình bóp chết một tình yêu đích thực hay sao? Về phần đôi vợ chồng Kitô hữu, họ có thể thực hiện một cách hiện hữu việc du nhập ước muốn sinh dục và ái ân trong một tình yêu rộng lớn, như một cách hiện đại hoá lễ Vượt qua của Chúa Kitô. Thật vậy, biến đổi ước muốn, từ bỏ mối ái ân quá ưa chiếm đoạt, đối với hai vợ chồng, đó là cách thức riêng của họ để đi tới chỗ đào sâu tình yêu hỗ tương, có lợi cho chính họ và cho mọi người chung quanh họ nữa. Người ta không còn xa với so sánh mà thánh Phaolô đã gợi lên giữa đời sống lứa đôi và mầu nhiệm phối hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, người ta cũng không còn xa với lời mời gọi của thánh nhân khuyên các người đã kết hôn hãy phụng thờ Thiên Chúa cả trong cách sử dụng tốt về thân xác và phái tính của mình. Phân tích này đưa ta đến chỗ đặt cho đôi vợ chồng một câu hỏi mới, nhằm kiểm điểm phẩm chất của sự phối hợp của họ: cuộc hành trình lứa đôi của anh chị có muốn là một kinh nghiệm tinh thần không? Nó có dần dần thêu dệt giữa anh chị một dây tình yêu khá sâu sắc, để trong khi anh chị nhận biết nhau mỗi ngày một nhiều, mỗi ngày một hơn, anh chị cũng nhận biết mình được dự phần vào TÌNH YÊU của Đấng mà, từ nay, trong Ngài, anh chị sẽ hoàn thành bản thân theo một định mệnh chung hay không? c) Sáng tạo có địa vị nào? Đây là câu hỏi thứ 3 cũng có thể cung cấp cho đời sống lứa đôi một tiêu chuẩn tốt để biết thực hư. Ta sẽ nhắc đến nền tảng trước khi nhìn vào cách áp dụng. Có thể nói được rằng: con người ta theo đuổi sự tuyệt đối, trong các hành vi của mình, cũng như trong các diễn tả phái tính của mình nữa. Trong các cuộc gặp gỡ và trong đời sống chung, ước muốn kết hợp với tha nhân, trong sự thân mật sâu xa nhất của họ, thì kết cục, vượt xa hơn nhiều tất cả những gì họ có thể tưởng tượng hay trao tặng. Tất cả các huyền thoại đều chứng minh điều đó, việc thần thánh hoá phái tính cũng vậy. Nhưng không một người bạn đường nào có thể là tuyệt đối cho bên kia, cho nên cuộc hành trình mà hai vợ chồng đã cùng nhau khởi sự, phải vượt qua những gì họ sống với nhau. Sự sáng tạo ở tại sự vượt qua này. Đối với những người đã kết bạn, thì sự cởi mở vượt qua này được thể hiện đặc biệt bằng việc sinh sản và giáo dục con cái. Nhờ đó họ tham dự vào công trình rộng lớn của sự sáng tạo không ngừng bày giãi sự phong phú của mình. Cho nên khi người ta tưởng phải làm chủ việc sinh sản, thì có phải là để có thể dự phần vào những hình thức quảng đại khác, chứ không phải là để hai vợ chồng sống khép kín với mình hay không? Đối với mọi người, dù sống ở bậc nào, thì sự phong phú của các tương quan họ có trong mọi lãnh vực đời sống xã hội, cũng có thể được đo lường theo cách thức mà họ góp phần vào việc xây dựng thế giới. Cả hai bên, vợ và chồng, trong khi nhận biết các tài năng riêng biệt của nhau, đều phải làm cho lịch sử tiến triển có ý nghĩa hơn và xứng đáng hơn, để phục vụ các thế hệ tương lai, nếu họ không muốn cho các thế hệ này lên án họ. Tóm lại, nếu muốn tự vấn về đường hướng của các cách sống trong phạm vi phái tính, thì ta có thể chất vấn lương tâm về 3 câu hỏi sau đây: 1/. Rốt cục, thực ra thì mỗi người muốn gặp ai: tha nhân trong sự thực của họ, hay là chính mình qua trung gian tha nhân và như vậy là nó bị mình điều động ít hay nhiều rồi? 2/. Mỗi người ước mong nhấn mạnh đến cái gì trong mối tương quan, để nhân hoá nó hơn lên? Đến ước muốn sinh dục và sự thực hiện của nó? Hay đến ái ân và gánh tình cảm luôn có thể gia tăng của nó? Hay đến tình yêu phải sát nhập cả hai yếu tố trên, bằng cách dung hoà chúng với nhau, mà không loại bỏ khoái lạc? Lúc đó sẽ có một màu sắc khác. 3/. Mối tương quan và sự thực hiện của nó mở ra cho sự sáng tạo của đôi vợ chồng, để làm phong phú cho thế giới, như một sức mạnh hoạt động, luôn đổi mới, hay lại đóng kín với mình trong sự son sẻ có hại cho mọi người, bắt đầu là cho chính hai vợ chồng? Các câu hỏi trên đây trực tiếp nhằm vào đời sống lứa đôi. Nhưng khi thích ứng với một hoàn cảnh đời sống, các câu hỏi đó có thể áp dụng cho các người độc thân. Thật vậy, cả trong đời sống thánh hiến, người ta cũng phải đặt mình vào đúng trung tâm các tương quan nhuộm phái tính, không tránh được: linh mục, nam tu, nữ tu, đều phải cùng nhau xây dựng thế giới và Giáo Hội.
Vì nhân vị tính của mỗi người được phát triển tuỳ vào lịch sử của mình, nên cần phải suy nghĩ đến các điều kiện, trong đó lịch sử này diễn tiến, tức là nền giáo dục đầu tiên nhận được trong gia đình. Nền giáo dục này quan trọng cho sự lành mạnh tâm lý và luân lý của các cá nhân và cho sự dung nạp quân bình của phái tính. Các thế hệ trước kia đã không thể giải quyết các vấn đề này cùng một cách như chúng ta. Đôi khi người ta đã cho đó là một thiếu sót, mà thời đó, có khi đó chỉ là một hình thức kính cẩn đối với những thực tại mà người ta không hiểu rõ, hoặc người ta thiếu phương tiện để diễn tả mà thôi. Ngày nay sự học hỏi về phái tính rõ là cần thiết, nhưng nó không thể thay thế cho một nền giáo dục đích thực. Cách chung, các giai đoạn đầu tiên của cuộc phát triển con người đều như phải diễn tiến tách biệt nhau: thời kỳ mới sinh, thời kỳ thôi bú, thời kỳ vào mẫu giáo vv... Các giai đoạn ấy buộc đứa trẻ, rồi đến thanh thiếu niên, phải chuẩn bị bản thân để mỗi lần bước qua một giai đoạn mới, thắng nó, và như vậy, sát nhập tốt hơn một chút vào đời sống xã hội đang khi bắt liên lạc với đàn ông, đàn bà chung quanh mình, như cha mẹ, anh chị, thầy giáo, cô giáo ở nhà trường. Trong màng lưới các tương quan ấy, con trẻ sống các biểu lộ đầu tiên của phái tính. Ngay trước khi vào đời, suốt thời gian còn là thai nhi, đứa trẻ đã được thấm nhiễm ước muốn ít nhiều hàm hồ của cha mẹ nó, tuỳ ở các hoàn cảnh đã tháp tùng việc thụ thai nó. Những mối liên lạc tưởng tượng đã được thêu dệt chung quanh đứa trẻ, mà sự nó sinh ra sẽ củng cố hay đánh bại. Một khi đã được sinh ra, đứa trẻ cho thấy nó thuộc phái nào, và tức khắc, nó có vị trí khác với cha hay mẹ nó: Cha mẹ phải đón nhận nó như nó có thật, chứ không phải theo như dự trù mà họ đã có về nó, nếu không, nó sẽ phải trả cái giá thất vọng của cha mẹ, vì thấy nó không được như họ muốn. Trong các tương quan gia đình, danh tánh đầu tiên của đứa trẻ cũng được nhận ra, nhờ tương quan với vị tha nhân ưu tuyển là bà mẹ, miễn là bà có mặt. Rồi khung cảnh mở rộng, và vì thế, cũng gia tăng những mẫu mực cụ thể về nam tính hay nữ tính, là cha mẹ, anh chị. Nhất là tại đây, trong những hoàn cảnh cụ thể luôn luôn biến đổi, mà đứa trẻ lãnh hội được chiều kích phái tính; nếu giai đoạn này đã phải trải qua trong những điều kiện xấu, thì chẳng có một cuộc khai tâm nào về sau có thể hoàn toàn bù đắp được. Như vậy, chỉ xin phổ biến thông tin về phái tính chưa có thể đủ. Trong một lúc cũng cần giáo dục các vợ chồng trẻ, để họ xây dựng với các con cái họ một tương quan quân bình hơn giữa cha mẹ và con cái. Việc phổ biến đời sống hỗn hợp nam nữ trong học đường và nơi giáo dục là một yếu tố tích cực, để con trai, con gái từ từ nhận biết nhau trong thời niên thiếu. Tuy nhiên, đó cũng là một nguy cơ đưa tới một thái độ dửng dưng, thiếu sự tôn trọng danh tánh của nam cũng như của nữ.
Thời kỳ thanh niên bao giờ cũng được coi như một giai đoạn trọng yếu trong việc đào tạo con người. Ngoài sự ý thức được nhiều ít về chiều kích phái tính, còn kèm theo ý thức về sinh dục tính, mà sự phát triển sinh lý làm xuất hiện với tất cả sức mạnh mới mẻ của nó. Mọi nền văn hoá đều đã phải đề cập đến vấn đề này và nhà nhân chủng học đã cho ta biết các giải quyết của họ đóng góp. Phần lớn các xã hội cũ giải quyết vấn đề một cách thô bạo, bằng cuộc khai tâm, làm cho con người trực tiếp đi từ thế giới thiếu niên sang thế giới trưởng thành. Từ nhiều thế kỷ, xã hội (Âu châu) chúng ta đã khai sinh, và từ mấy chục năm nay, đã phát triển thời kỳ thanh thiếu niên, có chỗ đứng của nó trong cuộc đào tạo bắt buộc cho được bước vào cuộc đời nghề nghiệp. Nếu tuổi kết hôn đã không thay đổi mấy, thì tuổi dậy thì lại xuất hiện sớm hơn. Cho nên giai đoạn ở giữa đã kéo dài hơn. Nhưng phải làm gì? Đó là một vấn đề mênh mông của xã hội. Ba chuyển biến lớn xảy đến cho người thanh niên: một sự thiếu vững chắc rõ ràng về con người của mình, về các khả thể của mình, về qui chế và về ơn kêu gọi tương lai của mình, ơn kêu gọi này phải tiến triển tới những lựa chọn quyết định; một tình cảm đang phát triển mạnh, nhưng chưa biết hướng vào sự gì hay vào ai..., vì thế mà có những do dự, những thoái bộ và những tiến bộ; sau hết, một sinh dục tính đầy sức mạnh, mà người thanh niên phải làm chủ các kích động của nó, để qui phục nó vào tương quan với tha nhân, trong đó nó mới tìm được ý nghĩa của nó. Những do dự ở phạm vi hai biến chuyển trên giải thích tại sao ở phạm vi biến chuyển thứ 3 có thể có những cách ở tạm bợ, như thủ dâm hay đồng tính ái. Trước khi muốn kết án các hiện tượng này, người ta phải tìm hiểu ý nghĩa của chúng. Thật vậy, một sự kết án liều mình chỉ buộc tội các cách ở cá nhân, mà để nguyên các cơ cấu xã hội đang để cho thanh niên do dự về qui chế riêng của chúng, nếu không làm gia tăng sự do dự đó. Một cách quan trọng nhất để giải toả các do dự của tuổi trẻ và các khả năng riêng của họ, là cho phép họ ngay bây giờ tự đảm trách lấy mình và hết sức cung cấp cho họ những viễn ảnh thiết thực về tương lai của họ. Các phong trào trẻ đã được thành lập cho việc này trong khung cảnh một xã hội vững chắc hơn về vận mạng của mình. Nhưng giữa một thời buổi bấp bênh, trong các thành phố, các đô thị mới hay các vùng ngoại ô mở mang quá lẹ, thì các phong trào đó đã mất sức hấp dẫn của chúng. Hãy còn quá ít những cơ sở được suy tính và được mở ra dành cho thanh niên, ấy là không kể những cơ sở đã được thiết lập để khai thác thanh niên cho lợi ích tư nhân. Không lạ gì nếu có nhiều thanh niên sống ngoài lề, và tạo nên, cho một thời gian ngắn, một kiểu mẫu xã hội, tự nó không có tương lai, cho nên cũng chẳng thể xây dựng tương lai cho các thanh niên của mình. Trong thời gian “lơ lửng” đó, các biến chuyển của tuổi trẻ có xu hướng ngưng lại trong các cách sống mới lại, ví dụ: gây dựng lứa đôi kiểu mới. Các thế hệ trước chỉ muốn coi đó như một phản kháng, nhưng dưới cái nhìn của tuổi trẻ, nó còn diễn tả một cái gì khác nữa: đó là để biết mình hơn và để được vững tâm hơn trong việc khám phá tha nhân. Sự sát nhập đều hoà phái tính vào nhân vị tính của thanh niên chẳng bao giờ là điều dễ dãi, trong việc ấn định cũng như trong các cách thực hiện. Ngày nay việc đó trở thành một vấn đề xã hội rộng lớn, đáng cho ta phải lưu ý đến.
Ngày xưa phán đoán về thủ dâm căn cứ vào bản tính của hành động, được coi như phạm đến khả năng truyền sinh. Các thế hệ trước đây, vì ít lưu tâm đến ý nghĩa của thủ dâm đối với người nam hay người nữ sa vào đó, nên đã không biết được những gì nó có thể cho biết và mang lại. Ngày nay người ta có xu hướng quên đi ý nghĩa của nó, hoặc coi thường nguy hiểm mắc vào thói quen đó. Ở tuổi thanh niên, thủ dâm là một giai đoạn thường xảy ra trong công cuộc phát triển con người, nó gắn liền với hai yếu tố này: Một đàng, người thanh niên bắt đầu ý thức về sinh dục tính của mình, họ càng khó kiểm soát được các kích động của nó, khi họ chỉ biết một phần ý nghĩa của nó, cả khi họ biết rằng: bình thường nó hướng về phái khác. Đàng khác, cùng một lúc, người thanh niên cảm thấy khó khăn để có một tương quan đích thực, riêng với người nam hay người nữ, mà họ có thể đặt làm bạn đồng hành trong đời sống lứa đôi. Họ đã ra khỏi thời kỳ được che chở của thiếu niên, họ phải đối phó với việc thực hiện những tương quan mới. Lúc đó, để thay vào các tương quan khó khăn này, người thanh niên trốn vào một thế giới tưởng tượng, để tránh sự chạm trán với một bạn đồng hành cụ thể. Đã hẳn, cách ở này biểu lộ những khía cạnh tích cực, vì nó cho phép người thanh niên làm quen với phái khác bằng tưởng tượng, nhưng nó cũng có thể diễn tả bằng một hành động lặp đi lặp lại; như vậy, việc thủ dâm có thể liều mình trở thành một thói quen cưỡng bức. Mọi việc thủ dâm đều gắn liền với bản vị tính riêng biệt của mỗi thanh niên, với tiến triển tâm lý, và với môi trường giáo dục chung quanh nó; nền giáo dục này có thể giúp nó hay gia tăng sự cô đơn của nó. Các khoa học nhân văn cho biết rằng: thủ dâm có một nguồn gốc rất sâu xa, rất cổ và thường nó biểu lộ một nỗi buồn rầu ít nhiều ý thức được. Cho nên, sự can thiệp của các nhà giáo dục phải hết sức khôn ngoan. Một thái độ thuần tuý trấn áp liều mình làm ra nặng thêm cái phần mặc cảm tội lỗi sai lầm, đôi khi xảy đến. Cho nên thái độ này có hại hơn là có ích. Nhưng không được phủ nhận là giới trẻ có khả năng thi hành một trách nhiệm luân lý trong thời kỳ biến đổi của họ. Nền giáo dục sẽ giúp họ vượt các khó khăn nhất thời, để đạt tới một sự trưởng thành, làm cho họ có khả năng đương đầu với sự thật của các cuộc gặp gỡ, bắt đầu là cuộc gặp gỡ với các người khác phái. Đánh giá quá nhẹ sự nguy hại của thủ dâm, khi nó trở thành một thói quen, thì liều mình giữ người thanh niên ở lại một chặng đường trong cuộc phát triển phái tính của nó, đang khi nó tiếp tục tiến triển ở các phạm vi khác. Việc này sẽ cản trở “lịch sử tình yêu”, vì lịch sử này, ngược lại, đòi hỏi phải cởi mở với tha nhân và phải có khả năng gặp gỡ tha nhân thực sự, dù đôi khi khó khăn, chứ không được rút lui vào tưởng tượng. Ở nơi người trưởng thành, việc thủ dâm phải được cứu xét xem nó có năng xảy ra không? Nếu chỉ sang qua, thì nó có thể biểu lộ rằng: đứng trước những khó khăn của một cơn thử thách nào đó, đương sự cảm thấy khó lập lại được một sự quân bình đã bị tổn thương, nên đã tự hiến cho mình những bù trừ như vậy. Nếu là thói quen, thì nó là triệu chứng những khó khăn trong việc giao tế, và chính xác hơn, là triệu chứng một sự bất lực, không thể thiết lập được những tương quan phái tính đích thực, do những bế tắc quan trọng về tâm lý. Trong trường hợp này, mong rằng: đương sự có thể gặp được một người nào để khuyên bảo mình nhờ cậy vào một sự giúp đỡ thích hợp, và hãy thẩm định phần trách nhiệm luân lý của mình. Thật vậy, đương sự bao giờ cũng phải tự hỏi xem: mình còn có thể thi hành được một sự tự chủ nào đó hay không? Đề phòng của luân lý, trước sự buông trôi trong việc thủ dâm như vậy có nền tảng khách quan. Nhưng người ta có thể tiếc rằng: các lời cảnh cáo của luân lý, nhất là đối với thanh niên, thường đã quá nghiêm khắc và vụng về.
Liên lạc phái tính quá sớm khác với “đồng cư niên thiếu”, là muốn có những kinh nghiệm với những bạn đồng hành có thể thay đổi được, không có dự định nào cả; lại cái tuổi của họ thường không cho phép họ có dự định. Đã hẳn, kinh nghiệm phái tính quá sớm không phải ngày nay mới có, vì các bản thống kê cho thấy là bao giờ cũng vốn xảy ra những vụ thụ thai ngoài hôn nhân. Nhưng xem ra ngày xưa, ít là trong các xã hội Âu châu, không ai dám đòi hỏi phải có các kinh nghiệm đó như những cách sống bình thường, bên cạnh hôn nhân. Ngày nay, có người tưởng rằng: mọi liên lạc phái tính phải được tự do thực hiện giữa các người trẻ, nếu họ muốn, miễn là họ không làm phiền luỵ đến ai, và nhất là họ sẽ hết sức đề phòng, có khi với sự giúp đỡ của cha mẹ, để không có đứa con nào sinh ra. Đối với nhiều người trẻ, thì các kinh nghiệm này có những ý nghĩa gì, ít nhiều rõ rệt, không? Trước hết, xem ra các kinh nghiệm đó đáp ứng với nhu cầu mà tuổi trẻ cảm thấy, là trên con đường thanh xuân, phải bày tỏ một bước trước, một bước sau. Có lẽ đó là trở lại môn khai tâm mà các xã hội (Âu châu) ta đã từ bỏ, chính lúc ta cứ để cho thanh niên phát triển như cái tuổi dành riêng cho việc học, trong một thời gian “lơ lửng” như vậy. Đối với nhiều thanh niên, vì không có nơi nào nhìn nhận một qui chế cho họ vượt qua những đụng độ và những đảm trách, thì kinh nghiệm phái tính xem ra là bước đường cần phải qua, để định giá về mình. Theo chiều hướng đó, thì kinh nghiệm này là một sự trưởng thành trong việc đi tìm danh tánh phái tính và tình cảm, mà thủ dâm không cung cấp cho, ở cùng một mức độ. Như vậy, kinh nghiệm phái tính không hoàn toàn tiêu cực. Kiểu giáo dục ngày nay qua các phương tiện truyền thông xã hội thật hấp dẫn, nhưng há lại chẳng đưa đến một sự thiếu tự chủ trong lời nói và diễn tả tâm tình, hay sao? Người ta quá vội vã đi đến hành động! Và như vậy, người ta ngăn chặn một sự trưởng thành, mà sự thiếu vắng hẳn là sẽ được cảm thấy rất sớm. Người trẻ sẽ dễ dàng bị đưa tới chỗ là cắt đứt rồi nối lại những cuộc thí nghiệm, sau mỗi lần bị một thất bại nặng nề. Các liên lạc phái tính quá sớm nơi thanh niên mang nhiều ý nghĩa, tỉ dụ như: tìm kiếm một sự khẳng định về mình, một sự tự lập đối với cha mẹ, một danh tánh về phái tính. Lúc đó cha mẹ có xu hướng phục hồi cho mình các kinh nghiệm đó. Họ làm ra vẻ không biết gì, mà thực ra họ ngầm kiểm soát. Nhưng thử hỏi: họ có thể có lý mà hy vọng được rằng: một cuộc phối hợp vững chắc sẽ phát xuất từ những liên lạc được nối kết trong những điều kiện chẳng có cơ may nào đem đến thành công không? Có thể là các kinh nghiệm mà người trẻ lao mình vào do áp lực của một nhóm, trong đó nó tưởng tìm được an tâm mà nó cần, chỉ là một hình thức phá hoại, khi nhóm này chủ trương vi phạm các qui luật xã hội, thì trường hợp lại càng rõ hơn. Đôi khi một số người trong giới giáo dục ủng hộ các kinh nghiệm này chỉ nhân danh quyền được hưởng khoái lạc. Vin lẽ là thanh niên là tuổi khai tâm, nhất là trong phạm vi phái tính, thì tại sao chính lúc nó có các kích động mạnh nhất, người ta lại hoãn sự thoả mãn về sau? Người ta chỉ còn giữ tiêu chuẩn duy nhất là các kinh nghiệm này phải được thực hiện làm sao để không sinh thiệt hại cho một người nào, nhất là cho các bạn đường nhất thời đó. Nhưng không một biện hộ nào trên đây có thể chấp nhận được. Chúng quá nhẹ đứng trước những nguy cơ thất bại rõ ràng về chung cuộc; nhất là khi nhìn vào các giá trị mà chúng đả phá. Việc đó được ít nhiều ý thức nơi các thanh niên, và rõ ràng hơn nơi những người làm lý thuyết, trong khi khuyên bảo chúng: các nguy cơ tự ý chấp nhận để làm cho các kinh nghiệm phái tính trở thành một lỗi phạm, các điều kiện thường bấp bênh trong tiến trình của chúng, thường đưa tới thất bại. Thật vậy, vì mỗi bạn đường tiên vàn tìm kiếm một sự khẳng định hay một sự khám phá về mình, nên không có thể đáp ứng được với các mong chờ của bên kia. Cho nên, trên bình diện phái tính cũng như trên bình diện tình cảm, mỗi người bị trả về với một sự cô đơn lớn hơn nữa và không tìm được tất cả những gì họ mong chờ. Vì thế, họ lại ước muốn những kinh nghiệm mới với những bạn đường khác. Cuối cùng, họ có cái nguy cơ là làm cho khoái lạc ra nhàm chán, đến nỗi không còn nhận ra rằng: mình có thể bắt liên lạc với một cuộc đối thoại đích thực, trong một tình yêu chân chính. Ngoài ra, kinh nghiệm này không được nâng đỡ và củng cố bởi một dự định rõ ràng. Thời gian là điều cần thiết cho sự trưởng thành của con người không được đếm xỉa đến. Điều thiết yếu làm nên con người là một lời nhận biết lẫn nhau, không được thay đổi. Tất cả các lý do trên chứng tỏ rằng: các kinh nghiệm phái tính đó không đáp ứng với nguyện vọng của trái tim con người, và cũng không đáp ứng với kế hoạch của Thiên Chúa về họ. Vì thế không có vấn đề chấp nhận các kinh nghiệm đó về mọi điểm hay là khuyến khích, hay, hơn thế nữa, đề nghị chúng như một chuẩn bị đáng mong ước cho đời sống vợ chồng. Nhưng các cha mẹ và các nhà giáo dục chuyên cần, khi biết có những hành vi như vậy, thì thay vì lên án thanh niên, hãy biết nói chuyện với chúng, để giúp chúng nhận biết rõ hơn các khía cạnh tích cực và tiêu cực về hoàn cảnh của chúng, và từ đó, đi tìm một tình yêu đích thực. Sự giúp đỡ của môi trường giáo dục không đủ, vì cách ở phái tính vốn là kết quả của một số yếu tố xã hội. Bởi vậy, toàn thể xã hội phải cảm thấy bị liên đới đến việc nhàm chán các biểu lộ phái tính quá sớm này. Các biểu lộ này còn chứng tỏ một tình trạng luân lý hỗn loạn, khiến cho giới trẻ không còn biết bám víu vào đâu trong đời sống luân lý của mình.
Tiếng đồng cư niên thiếu thường chỉ một nếp sống mà (ở Âu châu) nhiều thanh niên chấp nhận, mà nhất định không xin một quyền bính đạo hay đời nào nhìn nhận sự phối hợp của họ. Đồng cư giữ một ít nét riêng của kinh nghiệm liên tính tảo, tuy nhiên, cách chung, đồng cư muộn hơn và thường có một dự định thật sự muốn sống chung. Nhưng đồng cư cũng có một khía cạnh phản kháng với thể chế hôn nhân, vì sự kiện là nếu nó không khinh thị, thì cũng không biết đến thể chế này. Ta có thể hiểu được tại sao đồng cư lan tràn như vậy và những lý do biện hộ nào của những người đồng cư đó không? a) Các lý do. Trong xã hội (Âu châu) chúng ta, hôn nhân hãy còn lành mạnh, nhưng các khía cạnh của thể chế, được biểu lộ qua các nghi thức công cộng, như luật hôn nhân và cử hành công khai, thì càng ngày càng ít được hiểu biết, vì bên cạnh lại có những khía cạnh khác ngược lại. Như luật ly dị làm cho một số người có cảm tưởng là trong đời sống lứa đôi, sự tự do của mỗi người là căn cứ duy nhất. Thế thì tại sao người ta phải vất vả cho xã hội nhìn nhận một liên lạc cảm tình, nhất là ngày nay hôn nhân theo pháp luật có thể được huỷ bỏ rất dễ dàng? Đàng khác, nhiều người không còn trông đợi ở hôn nhân một bảo đảm nữa. Đối với nhiều người, sự bảo đảm này tuỳ thuộc hơn vào công việc của mỗi vợ chồng, vào những lợi thế xã hội và vào mọi thứ bảo hiểm cho hiện tại và tương lai. Sau hết cách thức mà hôn nhân được ký kết ngày nay, ít nhờ vào sự chấp nhận của xã hội hơn đời xưa, để bảo đảm sự ưng thuận của các gia đình, cũng như của vợ chồng. Từ nay, người ta tự do lựa chọn hơn, vì thế, khi đã cùng nhau quyết định sống chung, thì còn cần gì, ở cùng một mức độ, đến sự nhìn nhận của nhà nước và lễ nghi tôn giáo? Đã hẳn, trong hoàn cảnh này, thì hôn nhân bí tích không còn được tôn trọng nữa. Vả lại, điều được đặt thành vấn đề không phải chính bí tích cho bằng sự hiểu biết về đức tin Kitô giáo và về các ảnh hưởng của nó trên đời sống. Vì thế, mà các linh mục ngại cử hành bí tích, khi người ta chỉ còn tha thiết với những yếu tố lễ nghi, ngày hội, thường không có trong nghi thức của nhà nước. Các thói tục của xã hội “tiêu thụ” còn thêm một lý do để từ chối hôn nhân. Sự khai thác thương mại, với các quảng cáo riêng biệt của xã hội, tràn vào mọi phạm vi đời sống, và đặc biệt là những cơ hội quan trọng của đời sống. Ngày xưa, ý thức mà người ta có về giá trị nhân bản của chúng được diễn tả bằng những biểu tượng, nghi thức và lễ nghi. Trong hoàn cảnh hiện thời, các thực tại này thường bị quên lãng. Như vậy, điều xảy đến là việc cử hành hôn lễ không còn được coi như một ngày hội vô thường của tình yêu, mà như một cuộc phục hồi thương mại, và, như vậy, hạ giá tất cả những gì người ta muốn biểu thị. Người ta hiểu tại sao nhiều người trẻ nhìn trong sự từ chối việc thể chế hoá quyết định của họ một phương thế để che chở, càng lâu càng tốt, sự tươi tắn và vô thường của tình yêu. Họ có cảm tưởng sẽ hy sinh tình yêu, nếu thoả mãn việc cử hành hôn lễ, như hiện có bây giờ. Ngoài các nguyên do làm hạ giá hôn nhân này, chính tâm trạng của giới trẻ còn thêm nhiều phản ứng khác nữa: Đối với một số người, thì đó là một khía cạnh phản kháng xã hội cách chung: họ không chấp nhận quyền của xã hội trong một phạm vi mà họ tưởng có ý nghĩa đặc biệt. Đối với phần lớn, đó là tuyệt đối hoá sự tự do cá nhân. Nhiều người trẻ muốn bảo vệ sự tự do của mình. Theo họ thì những thề hứa và thể chế có tính cách giảm thiểu tự do. Ít nhất là họ cũng nhìn thấy ở đó một nghi ngờ về phẩm chất tình yêu của họ. Nhiều người trẻ phủ nhận hoàn cảnh của họ là một hôn nhân “thí nghiệm”. Họ không chấp nhận nhãn hiệu này. Nhưng vì rất bị ảnh hưởng của môi trường văn hoá nặng về kỹ thuật và rất ý thức được những bất trắc về thời gian lâu dài của cuộc kết hôn đó, nên họ cũng chia sẻ ý tưởng là một sự cam kết loại đó, từ nay, chỉ có thể thực hiện được, khi đã có tối đa bảo đảm cho sự thành công. Như vậy, thời gian không được coi như một yếu tố cần thiết cho được đào sâu tâm tình trên các chặng đường của đời sống. Trái lại nó được coi như một địch thù, mang theo sự tàn lụi của tình yêu, bằng cách biến các bồng bột ban đầu thành những thói quen đều đều: người ta không còn gì để hy vọng nữa. b) Suy tư phê bình. Nếu hiện tượng đồng cư niên thiếu trước hôn nhân hay không có viễn tượng hôn nhân, đã lan tràn trong xã hội (Âu châu) ta, đó không phải là vì những lý do nhằm hưởng lạc một cách phóng túng. Chỉ biết tố cáo tính cách vô luân và viện dẫn cấm đoán, sẽ không giúp ích là bao nhiêu. Điều tốt hơn phải là khẳng định một số xác tín và nhắc lại những căn bản của các tương quan có thể thiết lập giữa tình yêu nhân loại và thể chế hôn nhân. Trước hết, phải tái thiết những tương quan đúng thực giữa tình yêu và thể chế, mặc dù chúng không còn được người ta hiểu như xưa. Hôn nhân không phải là một thứ cạm bẫy, mà xã hội giương ra cho tình yêu, để giam hãm nó và không cho nó phát triển tự do. Chẳng vậy, sao người ta còn mừng việc cử hành với vô số nghi lễ và tục lệ mà các sử gia và nhà xã hội học đã nhắc lại? Giữa tình yêu và thể chế luôn có căng thẳng, vì ước muốn sinh dục và bạo lực của nó vốn có tính cách phá hoại. Nhưng khi ăn mừng tình yêu, là người ta ăn mừng đời sống, sự trẻ trung và các chiều kích hy vọng vô tận của nó. Sau nhiều người khác, đến lượt đôi tân hôn trở thành những người mang theo và bảo đảm hy vọng đó. Dù trở lại thật xa trong lịch sử, người ta cũng vốn thấy có hôn nhân và hôn lễ. Và Kinh Thánh cho biết hôn nhân là một ý muốn rõ ràng của Thiên Chúa và là đối tượng cho một phúc lành của Ngài. Chẳng những không được coi thường các biểu hiện văn hoá này, mà còn phải có thêm sáng kiến, để chống lại chủ trương, ít nhiều rõ rệt, của xã hội muốn dẹp bỏ các biểu hiện ấy. Đã hẳn các đôi vợ chồng ngày nay cảm thấy được làm chủ hơn về sự lựa chọn sống chung của họ. Nhưng thể chế phải là dấu chỉ để họ biểu lộ sự cam kết của họ và chờ đợi sự nhìn nhận của cộng đồng xã hội. Dù họ muốn hay không, cộng đồng vốn có. Họ đã nhờ cộng đồng nhiều lắm. Lẽ nào cộng đồng lại không có quyền chờ đợi ở họ để đến lượt họ, làm cho cộng đồng nên phong phú, không phải chỉ do việc sinh sản con cái, dù đó là điều rất cần để xã hội được tồn tại hay sao? Như vậy, cử hành hôn lễ là mời cộng đồng qua các người đại diện, để cộng đồng biết là một đôi tân hôn đã hình thành và hai vợ chồng muốn từ nay được cộng đồng nhìn nhận họ với quyết định sống chung với nhau. Quyết định sống chung này quan hệ đến xã hội và đến Giáo Hội. Lấy xã hội và Giáo Hội làm chứng cho việc cam kết của mình, không phải là điều vô nghĩa cho tương lai và sự phát triển của chính hai vợ chồng. Thật vậy, xã hội và Giáo Hội đều liên đới với sự quân bình luân lý và tinh thần của các đôi vợ chồng, là phần tử của mình. Trên bình diện xã hội, không phải chỉ có các người lãnh đạo hay các đoàn thể (chính đảng, phong trào) mới có thể khơi dậy một sự đổi mới liên tục, mà còn có các gia đình, và, như vậy, có các đôi vợ chồng và các dự định của họ, nhất là về những gì liên hệ đến các con cái họ. Tất cả những lựa chọn quan trọng về kinh tế và xã hội, tỉ dụ như các hình thức thành thị hoá, các điều kiện nhà ở, thời gian và điều kiện làm việc, về nền giáo dục học đường, tất cả đều quan hệ ưu tiên đến các gia đình. Trên phạm vi Giáo Hội, việc linh động các cộng đoàn Kitô hữu không phải chỉ là việc của các linh mục và các giáo dân có tuổi, vì được tự do hơn về thời giờ. Việc huấn giáo đầu tiên cho các trẻ nhỏ càng ngày càng được uỷ thác cho các cha mẹ trẻ; như vậy, họ phải luôn luôn tự kiểm điểm về phẩm chất đức tin mà họ phải trình bày. Như vậy, há chẳng phải là một thiệt hại hay sao, khi những đôi bạn đã được hình thành mà không hề bàn cãi với nhau về những phương diện của một tương lai gần và về những cam kết mà họ sẽ phải sẵn sàng thực hiện, để dự định của cá nhân họ không bị tan vỡ vì những cơ cấu và đường hướng mà họ lãnh đạo trong việc xây dựng? Nhưng ta hãy đi xa hơn nữa. Người ta phản đối hôn nhân thường là vì người ta có cảm tưởng rằng: mọi thể chế đều trái với sự tự do. Chống đối này há chẳng phải là một ảo tưởng hay sao? Trái lại, trong nhiều lãnh vực, sự căn cứ vào pháp luật với sự bó buộc của nó lại là một khích thích cho sự tự do và sáng tạo. Tuân theo luật lệ sẵn có của ngôn ngữ và âm nhạc, đã chẳng bao giờ ngăn trở một thi sĩ hay một nhạc công tốt nào viết được những tác phẩm tên tuổi. Cũng chính vì qui phục khách quan tính của các định luật thiên nhiên, mà nhân loại đã đạt được những kỹ thuật mà ta thấy. Tự do không phải sợ hãi một loại thể chế nào hết. Trừ trường hợp đặc biệt, tự do phải để cho thể chế khích động, để có những lựa chọn quyết định. Các lựa chọn này là căn nguyên cho sự tìm hiểu và làm giàu lẫn cho nhau. Dù sao, các khó khăn gắn liền với mọi cuộc gặp gỡ vốn còn, nhưng người ta có thể thắng vượt bằng cách khác hơn là trốn chạy. Tình yêu nhân loại nhằm thể hiện bản thân một cách đầy đủ và liên tục. Nhưng, nghịch thường thay, việc ấy chỉ thể hiện được qua cái kinh nghiệm kỳ cục này là đời sống lứa đôi, luôn luôn bị đe doạ bởi sự mỏng manh của nó và sau cùng bởi cái chết. Một tham vọng như vậy không thể thực hiện được nếu không có sự “trở lại”. Thế nào cũng có lúc phải tránh sự yêu mình quá độ, nó làm cho người ta chỉ yêu tha nhân vì mình mà thôi. Cần phải có sự từ bỏ mình đi, để cho bên kia khỏi trở thành tù nhân, có thể tiếp tục hiện hữu và tìm được sự triển nở riêng của mình. Mỗi bên đều phải thực hiện sự từ bỏ mình đi. Huyền thoại về sự hoà đồng đã tiêu tan, một sự xa cách nào đó xuất hiện. Sự xa cách này mở đường cho hai vợ chồng đi vào lịch sử, được tiêu biểu bởi con cái đã đành, nhưng cũng bởi những cuộc dấn thân. Bởi đó, việc theo đuổi tuyệt đối không còn ngừng lại ở mầu nhiệm của bên kia, vì nó không thể mạc khải cho ta tuyệt đối được. Kinh nghiệm riêng biệt của tình yêu lứa đôi được hai bên thực hiện sẽ đưa họ đến toàn thế giới họ phải xây dựng, đến cái chết họ phải thắng và sau cùng đến Thiên Chúa mà họ phải đi tới, xuyên qua một sự trung thành về nhiều khía cạnh, giống như đức tin tôn giáo. Tất cả những điều này chỉ có thể có, nếu đứng trước cơn thử thách của sự từ bỏ, người ta không trốn chạy để tìm ở nơi khác một kinh nghiệm khác, cũng liều mình đi đến thất bại như trước. c) Thể chế và bí tích. Thể chế không trói buộc tự do, trái lại nó khuyến khích các vợ chồng ý thức được giới hạn của mình đừng lẩn trốn trước chướng ngại, mà sớm muộn nỗi thất vọng trước sự cách biệt giữa tình yêu mơ ước và tình yêu cụ thể sẽ gây cho họ. Họ được khuyến khích để vượt các khó khăn hơn là mắc vào cái vòng luẩn quẩn của các kinh nghiệm mới. Thật vậy, thể chế vừa là nơi tiếp hợp các quyết định nhân loại trong chốc lát, thời gian của một ngày hội hay một cử hành, vừa là thời gian sẽ chứng kiến những hậu quả cụ thể được diễn tiến. Đó là lời đã tuyên bố, là cam kết đã thề hứa, là giao ước đã ký kết, làm cho tất cả những gì theo sau có một ý nghĩa. Chẳng vậy, lịch sử sẽ tan rã, thành một chuỗi những giai đoạn điên rồ, mà kinh nghiệm quá quen cho ta thấy. Điều này có thật về các dân tộc, các quốc gia và các hiệp ước của họ. Điều này có thật về con người xây dựng vận mệnh của mình trong suốt thời gian. Và điều này có thật, nhất là về Thiên Chúa. Trước hết, Ngài đã tỏ mình ra trong giao ước ký kết với một dân tộc, rồi Chúa Kitô đã phổ biến giao ước ấy với nhiệm thể là Giáo Hội. Ngài ban sự vững chắc thiêng liêng cho mỗi đời sống chúng ta cũng như cho toàn thể lịch sử nhân loại. Bí tích hôn nhân là chính lời hiệu nghiệm đó, làm cho hai vợ chồng kết hợp định mệnh của họ. Rồi từ những giây lát rất dị biệt họ sống với nhau và vì nhau, từ những giây lát rất khó khăn của những giờ nghi ngờ, đau khổ, cho cả đến sự bất trung với nhau nữa, sẽ từ từ xuất hiện một lịch sử có ý nghĩa, mà họ sẽ được sung sướng kể lại cho nhau trong tuổi già. Vì đời người ngày nay kéo dài thêm, nên ngày nay có nhiều đôi vợ chồng sung sướng mừng lễ kim khánh của họ. Đã hẳn, điều kiện sinh hoạt hiện nay làm cho các đôi vợ chồng trẻ khó hiểu rõ được những lời trên đây. Thời gian “lơ lửng” trong đó trôi qua tuổi thanh xuân của họ, đã ít chuẩn bị họ ý thức được phải có thời gian cho sự trưởng thành cần thiết. Vì nhiều thanh niên chờ đợi ở cuộc sống chung sự ấm áp nhân loại mà họ ít tìm được ở nơi khác. Vì họ đã không có thời giờ và khoảng cách đủ để nhận xét việc lựa chọn lấy nhau, thì làm sao họ chẳng đặt lại vấn đề khi đến lượt họ gặp phải cơn thử thách? Thường họ đã chấp nhận lựa chọn đó không phải vì đã lựa chọn cho bằng vì những thú vui được hưởng tức khắc, mà không nghĩ đến ngày mai. Các phụ huynh, các nhà giáo dục, các bạn hữu, phải giúp đỡ họ. Đây không phải là lên án họ, cũng chẳng phải là hoàn toàn tán thành họ, mà là giúp họ tìm ra những con đường cho một cuộc vươn lên có thể được. Trong một phạm vi như vậy, lời nói và giải thích không đủ, phải có minh chứng. Đối thoại và liên lạc giữa các đôi vợ chồng trẻ và các đôi vợ chồng già hơn, là điều rất cần. Nếu những người trẻ đòi chung sống và từ chối hôn nhân há chẳng phải là vì đã nhiều lần chứng kiến những gì đã xảy đến cho đời sống lứa đôi, hẳn là hợp pháp, nhưng mỏi mệt, hết vui, hay sao? Phương chi nếu họ đã phải đau khổ vì một đời sống gia đình tan vỡ, thì hẳn là họ không còn muốn làm lại kinh nghiệm đó nữa. Sự phản kháng thực sự của họ để lộ ra một lo âu là không biết “đánh liều”, vì họ cảm thấy yếu đuối và mất hướng trước một tương lai, đã hẳn họ không nắm được, nhất là họ chưa hề nắm được bao giờ. Chỉ có những người đã kết hôn mới có thể là chứng nhân có giá trị, là việc chính thức hoá lời cam kết của họ không ngăn trở hạnh phúc của họ. Những đôi vợ chồng già như lại được một tuổi thanh xuân mới mẻ lúc về hưu, cho phép họ gặp gỡ nhau nhiều hơn trong quá khứ. Họ có thể chứng tỏ về cách thức họ đã thắng vượt thử thách của thời gian.
Suy tư hiện thời về phái tính cho phép ngày nay nói dễ hơn về đồng tính ái, hay đồng phái luyến ái. Nhưng cũng vì thế mà những người sống cụ thể hoàn cảnh này lại phản ứng chống lại việc bác bỏ và loại bỏ họ, và họ ước ao tình trạng của họ được chấp nhận. Do đó, đòi hỏi của họ luôn có tính cách đả kích, được nuôi dưỡng bởi những thái độ vụng về nếu không nói là sai lạc của những người chung quanh. Dù cuộc đối thoại khó khăn, ta cũng không thể không biết đến phản ứng của họ, và cần phải nói lên một lời rõ ràng về vấn đề này. Lời ấy phải nói đến cách ở cụ thể, và đến các cá nhân sống cách đó; cần phải phân biệt rõ rệt hai sự ấy. a) Các hình thức dị biệt. Danh từ “đồng tính ái” bao gồm những thái độ khác nhau, mà chỉ nhờ vào lịch sử cá nhân của mỗi người, mới có thể hiểu rõ được. Tính đa diện của các ước muốn và các thực hiện có thể, ở một số chặng đường, trong thời thơ ấu và thanh niên, giải thích tại sao trong chính một cơ sở mà dị tính ái trổi vượt, thường được biểu lộ bằng những liên lạc dễ dàng, lại có lúc và một cách tạm bợ, xuất hiện xu hướng đồng tính ái. Có thể có nhiều khác biệt giữa những người đồng tính ai có đôi bạn và những người độc thân; và trong những người này, giữa những người có liên lạc nhất thời và những người sống thành “đôi bạn”; giữa những người cho mình là có tội và những người chấp nhận tình trạng ấy và sát nhập vào cơ trúc của đời sống. Những phân biệt trên đây nhắc cho các nhà giáo dục biết lắng nghe và dẫn dắt mỗi người khác nhau. Ở đây, không có thể đi vào những phân tích nhỏ nhặt hơn. Thái độ thuần tuý đồng tính ái là dấu chỉ một sự bất lực nào đó về việc đối đầu với sự dị biệt trong phạm vi phái tính. Ai thấy mình bị in dấu sự bất lực này, thì chỉ có thể bày tỏ tình cảm và liên lạc với những người cùng phái với mình. Bất lực này không cho phép truyền sinh. Giới hạn của xu hướng phái tính này ở tại sự bất lực ấy, mà ít khi các đương sự có trách nhiệm. Vì thế, người ta không thể nhìn nhận đó chỉ là một thể thức đơn thuần và một đổi hướng chấp nhận được, trong lối sống phái tính, có thể so sánh về mọi điểm với dị tính ái, như đôi khi một số người đồng tính ái đòi hỏi. b) Nhận định mục vụ. Theo nhiều y sĩ, thì tình trạng tâm lý này kéo theo một số khó khăn, không chỉ phát xuất từ đàn áp xã hội mà thôi. Cho nên, nếu tin vào các phân tích này, người ta sẽ không có thể coi đồng tính ái như một hoàn cảnh bình thường về phương diện luân lý được.
Thánh Kinh cũng phán đoán như vậy, nhưng vì những lý do khác. Trong Cựu Ước, các lời của sách Sáng Thế về việc tạo dựng đôi người đầu tiên, đã cho thấy rõ là sự sung mãn của tương quan chỉ có thể đạt được khi người ta để ý đến sự giống nhau, vì có cùng một bản tính nhân loại, cả đến sự khác biệt, làm đối tượng cho tiếng kêu hoan hỉ của Ađam (St 2,22-23). Toàn thể trình thuật này nhấn mạnh đến sự phân biệt. Đó là một trong những nét thiết yếu của cuộc sáng tạo, được diễn tiến trong trật tự, mà cũng trong phân biệt. Từ chối hay không thể chấp nhận sự phân biệt là một cách thụt lùi trở về hỗn mang. Trong Tân Ước, thánh Phaolô xác nhận đường hướng tư tưởng này, khi suy tư về những thực hành đồng tính ái trong các lễ cúng thần. Vì thế, ngài đã có thái độ nghiêm khắc cứng cỏi và quyết liệt (Rm 1,26-27). Cho nên Giáo Hội Công giáo không thể thay đổi phán đoán thần học về đồng tính ái, vì nó gây xáo trộn sâu xa trong các tương quan giữa nam và nữ, và từ đó trong tương quan giữa tạo vật với Thiên Chúa. Nhưng các phần tử của Giáo Hội phải điều chỉnh thái độ của mình và tỏ ra niềm nở hơn đối với những người đồng tính ái. Một sự nghiêm khắc quá độ, chẳng những không thích hợp với thái độ của Chúa Kitô đối với những người bị bỏ ngoài lề bởi những kẻ cho mình là “thánh thiện” ở thời Ngài, mà còn có thể biểu lộ một ác ý nào đó. Thật vậy, sự yên lặng và nhất là sự đàn áp đối với phái tính trong một vài giới Kitô giáo, đã có thể là một nhân tố làm xuất hiện và phát triển các xu hướng đồng tính ái, vì quá nghi kỵ đối với người khác phái, mà sự giao thiệp bị coi như một dịp tội. Sự “bình thường” trong vấn đề phái tính há chẳng phải luôn luôn là một lý tưởng, mà mọi người, trong lịch sử của mình, phải đạt tới, mặc dù phải nếm nhiều thất bại, hay sao? Vì ấn định vị trí đúng đắn của mình trong các tương quan là việc khó. Nếu ai lên án anh em đồng tính ái, đó có thể là một cách che giấu các khó khăn, thường là ở tiềm thức, có hại cho sự sáng suốt về bản thân và cho sự tôn trọng tha nhân. Cũng như bất cứ ai, người đồng tính ái không thể bị xét xử nguyên về cách ở phái tính của họ. Vì chiều kích phái tính và cách thực hiện chỉ là những yếu tố cấu thành nhân vị tính. Nhân vị tính còn có nhiều ơn huệ và tài năng khác, có thể được diễn tả trong đời sống giao tế và trong các cuộc dấn thân chức nghiệp và xã hội. Như mọi người khác, những người sống tình trạng đồng tính ái đều mang dấu vết tội lỗi, bất cứ hoàn cảnh tình cảm, bậc sống hay đảm trách chức nghiệp hay xã hội của họ thế nào đi nữa. Cũng một lời mời gọi nên thánh được nói lên cho hết mọi người, cùng với lời hứa tình yêu của Thiên Chúa cho họ đạt tới. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng: những người đồng tính ái có thể lấy cơn thử thách của mình làm một cơ hội để đạt tới một đức tin sâu sắc hơn. Có một số trong nhóm họ, đau đớn vì thấy mình tội lỗi, sẽ khám phá được một Thiên Chúa niềm nở và tha thứ. Một số khác, trái lại, muốn biện minh, một cách sai lầm, về một số hành vi của mình, sẽ phải đặt mình trước những lời mời gọi khắt khe của Thiên Chúa. Trong lúc từ chối sự ruồng bỏ của những người chung quanh, người đồng tính ái phải sống hai thực tại quan trọng của Kitô giáo, là tha thứ và khiêm tốn. Cũng như tất cả những người Phúc Âm đã mời gọi, họ được mời gọi thi hành tình yêu tha nhân và thánh hoá bản thân, bằng cách đặt ý nghĩa cho cái giới hạn là đồng tính ái của họ. Nếu họ thành tâm cố gắng, thì các linh mục không thể viện lẽ gì mà từ chối ban các bí tích cho họ, như cho những người khác. Việc liên lạc bạn hữu, tức là liên lạc vững bền, với một người trong cuộc, sẽ đặt ra những vấn đề riêng biệt. Đã hẳn, việc này nêu ra nhiều giá trị và biểu lộ một bước tiến đối với một đời sống chỉ là chung đụng phái tính. Thật vậy, nội dung tình cảm của tương quan giúp con người được giải toả hơn với bản thân và tìm được một sự quân bình hơn. Nhưng kinh nghiệm cho thấy một tình bạn hữu như vậy vốn bị đánh dấu bởi nhiều giới hạn, không phải hết thảy do đàn áp của xã hội mà ra, mặc dầu sự đàn áp đó giữ một vai trò quan trọng. Cách riêng, người ta thường thấy trong đó một tương quan rất bấp bênh và sự tìm kiếm thái quá về mình, qua tha nhân. Cho nên người ta không thể coi thứ bạn hữu ấy như những hoàn cảnh hoàn toàn không đặt vấn đề. Một hoạt động mục vụ mà không đặt một sự dè dặt cho các thứ bạn hữu này, thì chẳng liều mình nhìn nhận, trên phương diện xã hội, sự đồng tính ái như một lối sống phái tính có thể chấp nhận được, ngang hàng với dị tính ái hay sao? Đối với linh mục, đây là một lời mời gọi đừng có cứu xét phái tính nguyên về khía cạnh thân mật và tư nhân mà thôi. Dù trong quá khứ, người ta đã có thái độ nào đi nữa, thì cũng phải nhìn nhận rằng: việc đối xử với những người sống hoàn cảnh này không bao giờ là điều dễ. Việc đó đòi hỏi ở cả hai bên phải có những nước bước tế nhị. Bên này đừng đối xử với họ như những người bất thường, trước hết phải tránh; bên kia phải thắng vượt những mặc cảm ngại ngùng và cay đắng để cởi mở cho cuộc đối thoại. Việc đối thoại chỉ có thể diễn tiến trong một bầu khí chân thật, trong đó, người ta biết ăn nói một cách rõ ràng và chắc chắn, nhưng cũng trong một bầu khí huynh đệ. Những người đồng tính ái cần điều đó và sự lưu ý đến lợi ích của họ, chứ không phải cái thái độ thương hại họ.
Độc thân là một bậc sống mà tính cách đặc biệt của nó chưa được luân lý Kitô giáo lưu ý đến. Thật vậy, thường từ các bậc sống khác (hôn nhân hay khấn dòng) mà người ta xác định một cách đối chiếu về bậc độc thân. Về phương diện liên hệ của nó với phái tính cũng vậy, luân lý Kitô giáo chỉ mới nói tới một cách tiêu cực mà thôi. Khi đồng hoá độc thân với tiết dục, luân lý đã định nghĩa độc thân hoàn toàn hệ tại sự kiêng kỵ các tương quan hay các hành động phái tính, mà không nói gì đến sự kiêng kỵ tự người và chấp nhận này có thể xây dựng và phát triển con người làm sao? Để tránh sự thiếu sót này trong cuộc suy luận, một đàng ta phải nhìn nhận rằng: mỗi hình thức độc thân đều có những đặc tính riêng và, đàng khác, mỗi người độc thân sẽ phải đặt cho phái tính của mình một ý nghĩa, tuỳ theo kế hoạch sống của mình. Trước khi cứu xét tương quan giữa bậc độc thân với các bậc sống khác, cũng nên duyệt qua một vài nét của bậc ấy. a) Tiết dục. Người độc thân phải sống phái tính của mình một cách riêng biệt. Trong khi giao thiệp cởi mở với người nam, người nữ, chung quanh, họ phải từ bỏ việc ưu đãi một trong các người ấy vào khung khổ hôn nhân, và như vậy, từ bỏ việc phát triển bản thân qua đời sống lứa đôi. Họ phải có thể thực hiện việc từ bỏ này không như một hao hụt, mà như một động lực. Họ phải dùng động lực này để phục vụ một kế hoạch sống; để bù lại, kế hoạch này sẽ góp phần đem lại một ý nghĩa cho bậc độc thân của họ. Đây là một nghịch lý, thường làm cho bậc độc thân trở thành một bậc sống thường bị hiểu lầm, nếu không phải là bị nghi kỵ. Phái tính ở chiều kích sinh dục và nhất là ở các kích động của nó, vốn còn hiện diện, và vì thế, phải được dung nạp vào nhân vị con người một cách khác với dung nạp của những người kết bạn. Theo cái nhìn Kitô giáo về phái tính, thì không có một hoàn cảnh trung gian giữa tiết dục và hôn nhân. Bậc độc thân bao gồm tiết dục, nghĩa là kiêng kỵ không những mọi liên lạc phái tính, mà cả đến mọi hành động có ý nhằm gây cho mình sự vui sướng phái tính. Cho nên người độc thân phải dung nạp yếu tố sinh dục phái tính của mình một cách độc đáo và riêng biệt cho từng mẫu sống độc thân. Khó mà nói về vấn đề này một cách trừu tượng và tổng quát. Mỗi người độc thân phải ấn định cho mình cách sống tiết dục, tuỳ theo các đặc tính khác kể sau đây, và tuỳ theo kế hoạch sống, mà nó được dung nạp. Ví dụ: Tiết dục của tu sĩ sống trong đan viện không thể hiện cùng một cách như các tu sĩ hoạt động, của linh mục hay của giáo dân đã hoặc không chọn độc thân. Như vậy, tiết dục có những nguy cơ thất bại và những thành công một cách khác, nhưng không hơn không kém đời sống phái tính của các người kết bạn. Các nguy cơ thất bại có thể do những nguyên nhân rất dị biệt, gắn liền với sự biến đổi cá nhân của mỗi người, nhưng cũng do những hoàn cảnh đã đưa họ đến bậc độc thân. Khi nói về thủ dâm và đồng tính ái, chúng ta đã lưu ý đến các khó khăn để móc nối liên lạc. Trong một bậc độc thân đặt nền tảng trên sự vô năng liên lạc này, thì tất cả các vấn đề còn y nguyên, dù người ta có nêu ra những lý do nào đi nữa, kể cả những lý do tôn giáo, cũng sẽ sớm muộn cho thấy sự mỏng manh của chúng. Vì thế, khi chọn lựa một kế hoạch sống tu trì, gồm có bậc độc thân, người ta phải suy xét kỹ lưỡng, để không còn có những hàm hồ, sẽ làm cho khó giữ tiết dục. Một cách tổng quát, phái tính của con người, từ căn bản, là liên lạc, cho nên không phải cứ tập trung chú ý vào ước muốn phái tính, vào việc biểu lộ chúng hay vào việc đàn áp chúng, mà người ta có thể giúp vượt qua các khó khăn một cách dễ dàng, để giữ tiết dục. Tập trung nỗ lực luân lý để cứu xét các khó khăn từ nguồn gốc, thì thích hợp hơn. Nếu có nhiều nguy cơ trong bậc độc thân tự ý chấp nhận, thì ta dễ hiểu còn nhiều nguy cơ hơn nữa trong bậc độc thân vì bó buộc. Bậc độc thân không được lựa chọn, cũng chẳng được chấp nhận liều mình phải sống như một định mệnh, một trói buộc hay một thất bại, sẽ làm cho việc giữ tiết dục càng trở nên khó khăn hơn nữa, khi nó xem ra như vô nghĩa. Việc điều hoà các kích động phái tính bị xáo trộn, và với nó, tất cả sự quân bình tâm lý, luân lý và tinh thần... Ngoài những trị liệu người ta có thể nhờ cậy, sự cần thiết là giúp đỡ những người độc thân này tìm ra phải làm gì để cho bậc độc thân của họ có một ý nghĩa, nhất là trong xã hội (Âu châu) chúng ta, ít ai chịu nổi sự cô đơn. Một sự tiết dục được thực hiện một cách quá trọn hảo, cũng không tránh khỏi mọi nghi ngờ. Ngoài lời cảnh giác rất quen thuộc của thánh Phaolô (1 C 10,12) cho những kẻ tỏ ra quá tin tưởng ở chính mình, sự khôn ngoan mời gọi ta phân biệt giữa tiết dục, kết quả của một khổ hạnh lâu dài, nên đã biết dung nạp các kích động, với những động cơ khác, ít ý thức hơn, nhưng cũng rất hiệu nghiệm..., như một sự nghi ngờ đối với phái tính, làm cho người ta khó cởi mở trong liên lạc với người khác phái hay như sự từ chối khoái lạc vì gắn liền với một hình ảnh về sự tự chủ nào đó, làm cho người ta trở nên cố chấp và độc tài với kẻ khác. Một sự độc thân được đảm trách tốt, thì được chứng thực bởi sự khiêm tốn bao bọc nó, và, như vậy, trở nên một chiều kích của sự trinh khiết đích thực. b) Sinh sản không theo xác thịt. Sự độc thân bao gồm sự từ chối truyền sinh, và như vậy, từ bỏ một trong các thực tại làm triển nở nhất con người, là làm cha, làm mẹ. Từ bỏ các vui thú đơn giản và cụ thể là việc ban sự sống, giáo dục con cái... Nhưng sâu xa hơn nữa là từ bỏ một hình thức kéo dài bản thân qua con cái, tới bên kia cái chết. Một phần suy tư Kitô giáo về bậc độc thân thánh hiến đã được thêu dệt trên phạm vi trường tồn này, khi nói đến hoàn cảnh các kẻ sống lại trong Nước Trời. Một đường hướng tư tưởng như vậy phản đối sự tìm tòi thái quá về sự trường tồn bản thân, trong việc sinh sản phần xác. Nếu đi quá xa, suy tư này trở nên khả nghi, vì chúng ta sống trong thời gian và không biết rõ các khía cạnh của hoàn cảnh của những người sống lại. Mạc khải Thánh Kinh cũng dè dặt về vấn đề này. Nhưng ta không có thể đồng hoá sự từ bỏ sinh sản phần xác với sự son sẻ. Vả lại sinh sản phần xác tự nó không có một ý nghĩa đầy đủ, nhưng nó phải được lồng vào một hành vi yêu mến. Sự sinh sản của người độc thân cũng vậy, nó được lồng vào giữa một kế hoạch biểu lộ mẫu sinh sản riêng của nó, như đời sống tu trì với sự phát triển các đoàn sủng, như thừa tác vụ linh mục, hay các kiểu độc thân khác, để phục vụ cộng đồng nhân loại. Vì thế, bậc độc thân phản đối một cách sống phụ mẫu tính nào đó, một tình cảm quá độ sẽ ngăn trở sự phân cách cần thiết cho sự quân bình của đứa trẻ, nó như bị nghẹn thở vì sự chăm chú thái quá của cha mẹ. Đó là một khía cạnh về sự bổ túc của các bậc sống trong cộng đồng nhân loại. Các bậc sống này chẳng những không loại trừ nhau, mà còn đòi hỏi lẫn nhau và làm giàu cho nhau, bởi những điều riêng biệt của mình: chúng quân bình lẫn cho nhau. c) Tự lập và sẵn sàng. Người độc thân còn có đặc tính này là rất sẵn sàng về thời khắc biểu của mình. Vì không có bó buộc gia đình, họ có thể sử dụng thời giờ một cách rộng rãi hơn, ở những lúc hay những hoàn cảnh mà các đôi vợ chồng mắc bận. Ngoài tính cách sẵn sàng này, còn phải lưu ý đến sự tự lập, cho phép họ có những đảm trách triệt để, không phải nghĩ đến một gia đình và những bó buộc của nó về hiện tại và tương lai, người độc thân có thể “liều mình” dễ hơn. Để bênh vực một quyền lợi chính trị, xã hội hay tôn giáo, họ có thể dấn thân một mình họ và có thể đi đến cùng, nếu việc đó đòi hỏi hay nếu họ nghĩ là cần. Về phương diện này, bậc độc thân có thể tiêu biểu sự hiến dâng cho một tuyệt đối. Điều này thật ở mức độ các giá trị nhân loại, mà còn thật hơn khi là sự hiến dâng cho Thiên Chúa, như chứng tỏ các tiên tri, thánh tông đồ Phaolô (1 C 7,32) và một cách tuyệt hảo là Chúa Giêsu Kitô (Mt 19,12). Ngoài ra, bậc độc thân, nhờ sự sẵn sàng của nó, chẳng những không làm tổn thương mà còn ưu đãi và đòi hỏi tình bằng hữu nữa. Người độc thân cần đến hình thức cởi mở này với kẻ khác. Các cộng đồng phải lưu ý đến điều ấy. Điều đó rất thật, đến nỗi Giáo Hội bao giờ cũng rất e dè đối với đời sống ẩn tu. Trái lại, sự sẵn sàng của người độc thân không được đưa họ đến hiếu động và hiếu chiến, một cách sai lầm. Điều này có thể biểu lộ một sự tìm kiếm ít nhiều ý thức để bù trừ cho phụ mẫu tính hay cường quyền. Người độc thân hay bị kích thích bởi những kẻ quá dễ nhìn ở họ như một người sẵn sàng để khai thác. Dễ dãi để người ta lạm dụng như vậy thì rút cục có hại cho cả hai bên. d) Cô đơn hay bị bỏ rơi. Người độc thân còn có một nghịch lý này là phải liên kết một sự sẵn sàng lớn hơn với sự cô đơn tình cảm, một phần gắn liền với tiết dục. Người ta không sinh ra để sống cô đơn. Sự cô đơn, và hơn thế nữa, sự lẻ loi, có thể, trong một số điều kiện, biểu lộ sự bị bỏ rơi ra lề, và một cách nào đó, sự chết ở phạm vi xã hội: người ta chẳng còn gì cho ai. Người độc thân không được đi tới đó. Để có thể sống nổi cái phần cô đơn tình cảm nay, người ta phải có nhiều điều kiện. Trước hết, phải yêu chuộng đời sống nội tâm, và vì thế, phải thực hành và phải có những phương tiện ở phạm vi luân lý và tinh thần, để nuôi dưỡng đời sống ấy. Chẳng vậy, sự cô đơn nhanh chóng sẽ cho thấy giới hạn của cá nhân và đẩy nó vào sự thất vọng, với tất cả những hậu quả có thể đoán được. Sự cô đơn gắn liền với đời sống độc thân cũng phải được kẻ khác biết đến, trong các tương quan mở ngỏ, mà mỗi người cho đi và nhận lấy trong việc chia sẻ lý tưởng và trách vụ chung. e) Độc thân không lựa chọn. Đã rõ việc dung nạp các đặc tính khác nhau của độc thân được dễ dàng, khi độc thân phục vụ một kế hoạch sống. Nhưng có nhiều người đã không tự ý chọn lựa mà phải sống một hoàn cảnh độc thân, không có một kế hoạch riêng nào. Họ phải đương đầu với các vấn đề hệ trọng liên đới đến chúng ta hết thảy. Hoàn cảnh của họ rất dị biệt: - Một số người đã từ bỏ hôn nhân, vì một lúc nào đó, họ đã phải tránh nó, bởi những hoàn cảnh liên hệ đến gia đình (phải giúp cha mẹ), đến nghề nghiệp, đến thất bại hay đến những biến cố đau thương của lịch sử như chiến tranh. - Những người khác vì đã không gặp được người để kết hôn với họ. - Những người khác nữa, vì bất lực sinh lý hay tâm lý, là những ngăn trở không thể vượt được cho việc lập gia đình. - Sau hết, một số người bị bó buộc phải ở độc thân một thời gian, như những người lao động, mà nghề nghiệp hay sự tìm công ăn việc làm đã đưa đi xa mà không có gia đình vv... tự nó, sự tiết dục bó buộc sẽ chịu đựng dễ dàng, nếu người ta sống trong một bầu khi tình cảm vui tươi. Cho nên, người độc thân phải cố ra khỏi sự lẻ loi của mình, ở nơi làm việc cũng như ở khu phố hay các nơi trú khác. Nhưng chính những người chung quanh có đôi bạn hay độc thân, cũng phải biết mở rộng sự liên lạc của họ và nối kết với những người này những tương quan bạn hữu. Người độc thân sống dễ hơn, khi họ được uỷ thác những trách vụ có thể khai thác động lực của con người họ. Theo truyền thống, có những nghề nghiệp xem ra thích hợp với hoàn cảnh độc thân. Nhưng đi quá theo chiều hướng này sẽ đưa đến kỳ thị. Độc thân và người có đôi bạn phải có thể gặp nhau thoải mái ở mọi nơi. Dù sao, có một số hoạt động, đôi khi đòi hỏi một sự sẵn sàng lớn hơn, mà các đôi vợ chồng không luôn luôn có thể, nhất là vì con cái. Sau hết, có những phục vụ cụ thể và được nhìn nhận như vậy, cung cấp cho những người độc thân cơ hội để sử dụng tình cảm của họ. Một số đặc tính của xã hội (Âu châu) ta kéo theo những điều kiện riêng mà hậu quả cho đời sống tình cảm đáng phải phê bình. Thật vậy, ngày nay những đòi hỏi kinh tế áp đặt những việc đi lại của nhân viên, mà những người hữu trách không quan tâm đủ. Kết quả thường làm cho các cá nhân và các gia đình thất vọng về đàng tình cảm. Số những người di tản đủ loại ngày càng gia tăng. Nhiều người bị bó buộc phải ở độc thân, dù chỉ là tạm thời: điều này đi từ học sinh trẻ bị tàn nhẫn đưa vào trại đại học rất vô danh, đến người làm đường, người lính thuỷ, phải vắng nhà đôi khi trong một thời gian lâu dài, đến những lao công di tản, đến các thanh niên rứt bỏ gia đình hay xã hội, đến những người già đôi khi đã goá từ lâu và vì thế, đối với họ, tuổi thọ trở nên một gánh nặng hơn là một phúc lành. Trong các thành phố nên có những nơi đón tiếp, nhưng ta không thể coi như nơi đón tiếp những khu phố dành riêng, hay những cơ sở, mà lý do cốt yếu là làm tiền, hơn là tạo nên một bầu khí bạn hữu. Như vậy, phái tính của những người độc thân được đặt thành vấn đề là sự nghèo nàn tình cảm, mà người Kitô hữu phải lưu ý đến, cũng như sự nghèo nàn vật chất vậy. Tóm lại, bậc độc thân tạm thời hay không, cũng có, như các bậc sống khác, những khó khăn, những nguy hiểm, nhưng cũng có những may mắn không nên khinh thường.
Ở nước Pháp, người ta tính được hơn ba triệu người goá, mà phần lớn là phụ nữ, nhất là qua một tuổi nào đó. Sự phân ly đã có thể xảy đến trong những hoàn cảnh rất khác nhau: tai nạn hay sau một cơn bệnh lâu ngày, đôi khi kèm theo nhiều đau khổ lớn lao; trong những thời đầu hôn nhân hay là rất muộn; nơi một đôi vợ chồng không con, có con nhỏ, hay trái lại, đã khôn lớn vv... Một danh từ mô tả hoàn cảnh đó: hoang mang! Cái chết đã gây một trống rỗng, đã cắt đứt những liên lạc, đã phá vỡ một cộng đồng sinh hoạt và yêu thương. Tất cả con người bị sự trống rỗng này xâm lấn một cách tàn bạo. Làm sao tìm được một cách mới để cho đời sống có ý nghĩa? Sự cô đơn này còn có thể gia tăng, do phản ứng của những người chung quanh. Sự chết bị coi như một tai hoạ, làm cho những kẻ sợ tổn thương đến hạnh phúc của họ, phải xa lánh. Một câu hỏi đắng cay xâm lấn: Tại sao tôi bị thử thách thế này? Nếu là phản loạn thì hiểu được, nó không biện hộ cho mình được. Đức tin không cung cấp cho Kitô hữu một giải đáp cho mọi vấn đề, nó không luôn luôn gìn giữ họ khỏi phải kinh nghiệm một sự tối tăm lâu dài, đôi khi gây một sự chán nản cuộc đời, một mặc cảm tội lỗi, hay một sự tìm cách bù trừ. Trong các tháng đầu cuộc đời goá, một số người có xu hướng mạnh dạn muốn chặn đứng thời gian và giam mình trong ký ức về các giai đoạn lớn của đời sống hôn nhân. Những người khác, vì sợ gia tăng đau khổ và để lãng quên, thì hoàn toàn dấn thân vào nhiều công tác. Lúc đó liều mình bỏ bê con cái. Cũng có thể nổi dậy một cơn bồng bột thần bí. Đó có thể là một cách trốn chạy về đàng trước. Sự trống rỗng do sự vắng mặt của người chết, phải được đón nhận với một sự trưởng thành lớn hơn. Đây không phải chỉ là những vấn đề tâm lý, cũng phải cứu xét các khía cạnh tình cảm và phái tính của bậc goá. Khác với bậc độc thân, các người goá đã biết một đời sống giao hợp, trong đó sinh dục tính đã thể hiện, và, ngoài những khó khăn, đã cho biết nhiều vui sướng. Các kích động phái tính đã được đón nhận trong khung khổ một cuộc đối thoại giữa vợ chồng. Và bây giờ người ta còn lại một mình. Vì sự mất quân bình này, nên không phải là hoạ hiếm mà người vợ hay người chồng còn lại một mình, bị cám dỗ nhờ vào thủ dâm hay liên lạc tạm thời, để giải toả sự căng thẳng, mà trước này đã được giải quyết trong hôn nhân. Sự hoang mang và bỡ ngỡ được biết các kích động, và nhất là đối với các người trẻ, việc cảm thấy sự chăm chú không phải vô tư của các bạn hữu quá săn sóc, có thể giải thích được một dao động nào đó và có khi cả một cuộc phiêu lưu nào nữa. Nhưng làm sao tìm được một giải đáp cho những khó khăn thật sự vốn tồn tại, bất chấp một ảo tưởng chóng qua? Trước hết, đừng để cho mình bối rối. Trước này, người ta cứ tưởng rằng: mình vững chắc hơn, quân bình hơn. Hình ảnh về mình đã bị tổn thương bởi sự trở lại của các sức mạnh bản năng, mà mình đã tưởng dung nạp được rồi. Sự hoang mang liều mình làm cho họ chăm chú vào các khó khăn và làm cho chúng trở nên trầm trọng hơn. Kẻ nào luẩn quẩn với các khó khăn của mình thường sẽ bị chúng nghiền nát. Cởi mở với một người mà mình có tín nhiệm, có thể giúp được, nhất là người ấy đã trải qua thử thách như mình. Lời nói sẽ giải thoát. Sau hết, giữa những khó khăn liên can đến sự làm chủ bản thân, tốt hơn cả là có một thái độ khiêm tốn và cậy trông trong sự phó thác cho Thiên Chúa, hơn là kết án tội mình. Phải sống hiện tại và đương đầu với tương lai. Trong thực tế, tuỳ theo hoàn cảnh, tình hình và lời kêu gọi nội tâm của mỗi người, có nhiều con đường được mở ra cho các người goá. Có người biến đời goá của mình thành một bậc sống bền bỉ. Đó là trường hợp của nhiều bà và một vài ông. Lựa chọn này đưa đến việc chấp nhận một hình thức cô đơn, mà tình bạn hữu, việc làm và các cuộc dấn thân không hoàn toàn lấp đầy được. Người khác nghĩ đến tái hôn. Đó không phải là một giải pháp dễ dàng và cũng có khi không thuận tiện, nhất là khi người ta nghĩ đến quá sớm, sau cái chết của bên kia. Có thể có những lý do không minh bạch đủ, như áp lực của chung quanh hay muốn tránh cô đơn. Hôn nhân chỉ có tất cả ý nghĩa của nó, khi người ta nghĩ đến nó vì tình yêu cho một người nào đó. Tái giá đặt ra những vấn đề riêng biệt tế nhị... Nếu có, phải vượt qua xu hướng coi việc tái giá như một sự thất trung với người bạn thứ nhất. Đàng khác, sự làm quen của con cái với người cha, người mẹ mới, đòi hỏi nhiều khôn ngoan và kiên nhẫn. Sau hết, một số người biến thử thách của mình thành kinh nghiệm một ơn kêu gọi để dâng mình trọn vẹn hơn cho Thiên Chúa trong một đời goá thánh hiến.
Những người ly thân hay ly dị, nam hay nữ, có một hoàn cảnh đôi khi khó chịu hơn người goá. Thật vậy, ngoài thử thách phân ly và cô đơn, còn thêm nhiều khó khăn khác nữa. Những người này đã đặt nhiều hy vọng vào sự thành công của đời sống lứa đôi của họ, sau đó họ đã gặp thất bại, kèm theo sự không hiểu nhau, oán trách nhau, xâu xé nhau, đôi khi còn ghen tị và kiện cáo nhau. Nếu bị bỏ rơi, họ đi đến chỗ tự hỏi mình là ai, và còn nghi ngờ về mình nữa. Bị tràn ngập những lo lắng tiền bạc, công ăn việc làm, kiện cáo, giáo dục con cái phải cáng đáng, họ sống một cuộc đời quá vất vả. Thường bị mặc cảm tội lỗi về trách nhiệm trong thất bại của đời sống lứa đôi, các người nam, người nữ này gặp một thử thách đặc biệt khó chịu. Cách chung, họ đã biết một thời gian hạnh phúc và ái ân, sinh hoạt phái tính và chia sẻ tình cảm, bây giờ họ sống một sự cô đơn cho con tim và cho thể xác. Nếu về một vài phương diện, hoàn cảnh của họ nhắc lại hoàn cảnh của những người goá, thật ra thì hoàn cảnh của họ khác hẳn: đối với họ, bên kia vẫn còn sống, nhưng tình yêu đã chết. Mặc dầu thất bại, liên hệ vốn còn. Vấn đề nền tảng đặt ra cho họ, là trung thành: trung thành với ai, với cái gì? - Với bên kia, đôi khi chính họ bất trung, mà có khi mình vốn yêu họ, mặc dầu tất cả đời sống chung đã cắt đứt. - Với lời cam kết trước xã hội, mặc dầu chính xã hội cũng không còn công nhận nữa. - Với giao ước ký kết trong bí tích hôn nhân, và kêu gọi phải có một đời sống anh hùng thực sự. Có lẽ đôi khi một sự trung thành can đảm và thành thật có pha trộn xu hướng tinh vi muốn biện hộ cho mình, bằng cách chối mọi vụng về hay trách nhiệm cá nhân của mình. Dù sao, phải tìm ý nghĩa đích thực của sự trung thành này trên bình diện đức tin. Ước muốn “ngoi trên mặt nước” và tìm lại một sự quân bình cho mình và cho con cái; ý chí ở trung thành, nhu cầu tình cảm và nâng đỡ ái ân, ngưỡng vọng được gặp lại hạnh phúc, thắc mắc thiêng liêng về ý nghĩa cơn thử thách này vv... Tất cả các điều này thêm vào lo lắng hằng ngày đã quá tràn ngập. Hơn ai hết, người ly thân, ly dị, cần được người ta chăm chú lắng nghe, trong khi đi tìm hiểu hoàn cảnh của họ. Các bạn hữu thường không để ý nghe họ và đôi khi còn nghi kỵ họ nữa, vì họ làm cho các người này liên tưởng đến sự yếu đuối của mình. Đó là điều càng làm cho họ bị bỏ rơi hơn nữa. Người chung quanh phải nghe họ, giúp họ tìm ra con đường đưa đến một sự quân bình mới về phương diện nhân loại và thiêng liêng, và đón nhận minh chứng trung thành can đảm của Chúa Kitô, mà họ ra công thực hiện.
Vì mức sống trung tình đã kéo dài, nên trong xã hội (Âu châu) ta, một thực tại mới đã xuất hiện, là tuổi già, mà một trong các dấu chỉ là các kim khánh mỗi ngày một nhiều. Sinh dục tính vốn giữ vai trò quan trọng ở giai đoạn này, mặc dầu thời tắt kinh đã xảy đến từ lâu, và các kích động không còn mạnh như ở các tuổi trước. Thật là sai lầm, nếu tưởng rằng: vì không còn sinh sản theo sinh lý nữa, thì các tương quan phái tính ở tuổi này cũng bị cấm. Những dấu ái ân mà đôi vợ chồng ở tuổi này trao tặng cho nhau là một cách diễn tả tình yêu trong tuổi già, mà thân xác không tránh khỏi. Nhưng đã hẳn, đó không phải là điều thiết yếu. Điều cốt yếu là các hình thức canh tân, mà tình yêu vợ chồng ở tuổi này có thể biết được. Đó là lúc người ta sống theo một nhịp độ thoải mái hơn và người ta nghĩ đến mình với một tự do tinh thần hoàn hảo hơn. Có những chăm chú và những thể hiện, mà đời sống nghề nghiệp đã không cho phép, thì nay có thể làm được. Sau hết, người ta có thời giờ... Đó là một sự phong phú mà những đôi vợ chồng già có thể lợi dụng triệt để, trước hết cho chính mình, nhưng trong việc hoàn tất tình yêu lứa đôi này, họ cũng có thể minh chứng, dưới những hình thức đổi mới, về các giá trị mà họ đã sống và đã biết giữ gìn. Thật vậy, ngày nay, sự thay đổi quá lẹ làm trầm trọng các khó khăn giữa các thế hệ tiếp giáp nhau, nhất là giữa cha mẹ và con cái. Trái lại, tuổi già, vì có nhiều kinh nghiệm và vì đã vượt khó khăn, thường có thể được hưởng một thiên kiến thuận lợi đối với giới trẻ, vì không còn có đối thoại trong liên lạc quyền hành nữa. Bị tương lai mê hoặc, đồng thời gây lo âu, giới trẻ có thể gặp thấy nơi các đôi vợ chồng già một yếu tố về truyền thống cần thiết, căn cứ vào kinh nghiệm, không gì thay thế được. Khi nói về đồng cư niên thiếu, ta đã đề cập đến chứng tá của những đôi vợ chồng kiên nhẫn và không khoe khoang đã đào sâu các giá trị của tình yêu nhân loại và thời gian của nó. Có lẽ đó là một trong các trách vụ của họ. Đó chẳng phải là một cách khác để đón nhận sự sáng tạo, không phải là đặc ân của một tuổi nào, tuy ở chỗ nó biểu lộ tình yêu hay sao? Trong một giai đoạn đời sống, mà tình yêu ánh lên những màu sắc mùa thu, đó là một cách phục vụ. Thay vì chỉ nghĩ đến bản thân và cái chết đang tới, tốt hơn cả là hãy nhìn xa hơn. Những người trẻ tìm được trong tấm gương của một tình yêu như vậy, những xác quyết có nền tảng không ở những lời nói, cho bằng ở những hành động, đã có thể phát sinh một hạnh phúc.
Có thể gặp thấy những người tưởng rằng: cùng một lúc, họ có thể sống lời thề hứa và một tương quan ưu đãi. Trước kia, họ đã dấn thân vào một hôn nhân hay một đời tu, nhưng sau những hoàn cảnh đó, họ đã đón nhận một tình nghĩa mới, một liên lạc mới được thiết lập, đôi khi có thể được biểu lộ cả bằng việc kết nối những tương quan phái tính đều đặn, hay tình cơ, mà họ không đặt lại vấn đề thề hứa trước đây, và các bó buộc của nó. Cách sống này ngày nay thường được phê phán một cách khoan dung không những do các người trong cuộc, mà còn do các người chung quanh họ nữa. Đôi khi họ nghĩ rằng: sự cam kết trước kia đã được thực hiện khi cá tính của họ chưa được cơ trúc hoá đầy đủ, vì thế nó không có thể hoàn toàn đáp ứng với các nguyện vọng xảy đến về sau. Không từ chối sự trung thành của hôm qua, họ cho việc đáp ứng những đòi hỏi của sự trung thành hôm nay là việc bình thường vậy. Thật ra, cái hình dáng một sự phong phú tạm bợ, có khi không chối cãi được, há chẳng che giấu một ảo tưởng, cần phải phát giác ra hay sao? Người ta nghĩ rằng: tình nghĩa mới sẽ bù trừ hay đổi mới những gì mà tình nghĩa cũ không còn đem lại nữa. Nhưng người ta có gìn giữ đủ động lực của thề hứa trước kia không? Tại sao cuộc cam kết thứ hai lại tránh được cũng một nguy cơ, nếu nó không được đem ra suy xét cẩn thận? Hoàn cảnh này có thể biểu lộ một hình thức tránh né một thất vọng: người ta trông đợi nhiều ở người bạn đường, ở các hình thức đời tu hay ở thừa tác vụ. Các giới hạn xuất hiện với thời gian. Người ta cũng có thể tự hỏi rằng: người mà mình kết nối những liên lạc mới, đôi khi đã chẳng bị dồn vào vai trò là phương tiện để lập lại một tình nghĩa đã bị xáo trộn hay sao? Vì thế, ta cần phải thật sáng suốt. Sự kiện nảy ra chước cám dỗ thiết lập một liên lạc mới có thể là dấu chỉ một biến đổi nơi cá nhân. Đó là một mời gọi hãy có một ý thức thực tế hơn về các điều kiện của sự cam kết ban đầu. Điều tốt hơn cả là đừng lẫn lộn, mà phải suy nghĩ một cách tích cực, nhờ vào lời khuyên bảo khôn ngoan. Có thể nhờ đó, người ta có thể có một nhận thức lợi ích về nền tảng của sự cam kết ban đầu và cho phép củng cố nó. Trái lại, nếu người ta chiều theo chước cám dỗ, rất thường là trong vụng trộm, người ta sẽ chẳng đem lại cho mình được cái gì tích cực và bền lâu. Có lẽ ban đầu người ta được một ít thoả mãn, nhưng chỉ là những thoả mãn trực tiếp, như về khoái lạc. Vì chỉ là việc một chốc lát, nó không thể biện hộ được việc người ta phải hy sinh cho nó đường hướng của cả một đời người. Sự thành thực hôm nay không thể thay thế cho sự trung thành đã thề hứa hôm qua, cho ngày nay và cho ngày mai, và theo cái nhìn Kitô giáo về con người, còn cho cả bên kia cái chết nữa. Đây là điều kiện để đời sống kết thành một định mệnh thống nhất, trong đó con người nhận biết mình và đáp lại với định mệnh.
Việc dung nạp phái tính là rất phức tạp. Luôn luôn nó đã làm phát hiện nơi một số người những cách ở sai lạc. Các xã hội cổ truyền đã cố gắng kìm hãm chúng bằng cách đề phòng khỏi những hậu quả của chúng. Vì không hiểu các cơ chế của chúng đôi khi người ta chữa lỗi cho cá nhân và đổ các sự truỵ lạc đó cho điên khùng hay cho ma quỉ vv... Những người đòi quyền hành động như vậy luôn luôn chỉ là thiểu số và trong bí mật. Trong các xã hội thành thị hoá của (Âu châu) ta, nhiều yếu tố đã góp phần để thay đổi hoàn cảnh đó. Bên cạnh việc mãi dâm cổ điển, và tuỳ nhu cầu của tiền bạc, gắn liền với tiêu thụ và đôi khi với ma tuý, người ta thấy phát triển một thứ mãi dâm tự do, gồm cả hai phái và bắt đầu ở một tuổi tương đối trẻ. Các phương tiện truyền thông mới mẻ cũng được sử dụng để nâng đỡ một văn nghệ khiêu dâm, lan tràn rộng rãi, lại còn đòi thay thế cho những qui tắc cũ, bị họ lên án là chỉ đàn áp, bằng những qui tắc sống mới, mệnh danh là tự do. Sau hết, một số hình thức truỵ lạc phái tính, gắn liền với sự gia tăng bạo lực, phát xuất từ nếp sống thường bó buộc của ta, được đề nghị như những cách giải ức chế, mà người ta phải được tự do sử dụng, để đạt tới một sự quân bình tốt hơn và sự phát triển toàn vẹn của bản thân. Các cách sống này càng trở nên tai hại, khi được trình bày cách khôn khéo và hiểm độc, liều mình ác hoá các tâm hồn một cách nặng nề. Vì thế cần phải trình bày một cách rõ ràng, để lên án một cách dứt khoát.
Mãi dâm gồm những phương diện cá nhân và tập thể. Ở phạm vi cá nhân, đó là sử dụng sinh dục tính để làm tiền, dồn nó vào tình trạng một món hàng, trong khung khổ một tương quan trống rỗng mọi ý nghĩa tình cảm. Như vậy, phải phân tích và phán đoán mãi dâm về việc loại trừ tình yêu và về vai trò tiền bạc đưa đến các cuộc gặp gỡ tạm bợ này. Thường hơn, và nhất là ở người phụ nữ, mãi dâm là kết quả của một lịch sử buồn thảm, được tạo nên do kinh nghiệm phái tính quá sớm, do thất bại vv..., đã làm cho sự quân bình tâm lý bị lung lay một cách trầm trọng. Cho nên, các phụ nữ này trở thành miếng mồi dễ dãi cho những người vô lại. Bọn người này khai thác một tình cảm quá mạnh, bằng đe doạ, buộc nạn nhân phải đi vào mãi dâm. Mãi dâm thu hút không những người mãi dâm mà cả những khách hàng, vì bầu khí mất gốc, mà nhiều người thuộc mọi giai cấp, đặc biệt là giai cấp nghèo, đã bị đẩy vào, bởi các hoàn cảnh kinh tế, sự đi lại tìm công ăn việc làm, những điều kiện lao động, và vì thiếu các cơ sở đón nhận ở các đô thị lớn. Tiền bạc đã sinh ra sự phi nhân hoá này. Nó xen vào giữa hai người đồng cuộc dồn họ vào vai trò đồ hàng và khách hàng, và bề ngoài nó đền bù vào sự sa đoạ khi cho hai người được dịp biết nhau, một theo giá mà họ tự bán mình, một theo như khả năng có thể. Sự nô lệ không thể cưỡng được của ma tuý cũng đưa một số nạn nhân của nó vào nghề mãi dâm, để lấy tiền, lúc đó đã trở nên một sự tuyệt đối cần thiết cho họ. Sau hết, những màng lưới buôn lậu này được tổ chức ở mọi cấp bậc để giam cầm người mãi dâm và làm cho họ không thể nào được giải thoát nữa. Như vậy, không được có phán đoán như nhau về hết mọi người mãi dâm, về các điều kiện đời sống đưa họ đến sự nô lệ này, và về các cơ trúc tổ chức khai thác họ. Việc nhục mạ các nạn nhân thường chỉ là giam hãm họ thêm trong thảm kịch của họ, còn như chống lại các nguyên nhân và các con buôn mới công bình hơn và luân lý hơn. Chúa Kitô đã chẳng dạy rằng: có nhiều người mãi dâm, mà sự khó nghèo và thử thách đã đưa đến phó thác vào lòng nhân lành của Thiên Chúa, sẽ được vào Nước Trời trước những người tự phụ là công chính, hay sao? (Mt 21,31). Mãi dâm là dấu chỉ một tình trạng nào đó của xã hội. Nó liên hệ đến mọi người và phán đoán của ta cũng phải nhằm vào điều ta làm hay để cho làm, đã có thể đưa phụ nữ và thanh niên vào hoàn cảnh đó. Mãi dâm có thể là sự bóc lột người nghèo bởi người nghèo: những người nghèo tình cảm chờ đợi những nơi đón tiếp và nâng đỡ, và đã không gặp gì khác ngoài kiểu đón tiếp trả giá này, để mỗi bên lại trở về sự cô đơn của mình. Mãi dâm cũng rất thường là một sự bóc lột của những kẻ có tiền tài và thế lực đối với những người chịu làm nghề ấy, trong khi để cho người ta bán mình theo qui luật của một thị trường. Thế là ta gặp lại những liên hệ đã được giải thích trên kia, giữa vui sướng phái tính và quyền hành, ở đây được biểu lộ bằng sức mạnh của đồng tiền. Tiền bạc cho phép hưởng khoái lạc ở hai mức độ, là được thoả mãn trong khi áp đặt vui sướng của mình, mơ tưởng của mình và cả truỵ lạc của mình, cho một người đồng cuộc, mà mình đã mua được sự đồng ý. Sau hết, dư luận quần chúng phải cảm thấy có trách nhiệm về một sự đồng loã nào đó trong việc buôn người, mà bọn vô lại được hưởng lợi tức. Sự khoan dung và phóng túng của chính quyền được giải thích bởi sự nhân nhượng của dư luận đối với một tai nạn mà có người coi như một sự dữ cần thiết, trong khi những kẻ khác dùng làm đề tài giễu cợt của họ. Nếu đôi khi các hoạt động chống lại các mạng lưới buôn người này được ủng hộ mạnh hơn, ta có thể nghĩ rằng: cái nghề buôn này sẽ gặp nguy hơn là được lợi. Có những phong trào đã được tổ chức và những thể chế đã được mọi người ủng hộ, nhất là những người coi nạn nhân mãi dâm là anh chị em của mình trong Chúa Kitô.
Văn nghệ khiêu dâm là sự khai thác thương mại về sinh dục tính, nhờ bài vở và các phương tiện truyền thanh truyền hình. Nó tán trợ vui sướng phái tính trong khi giải toả và khơi dậy những mơ tưởng phái tính. Văn nghệ này thường ủng hộ “duy phái thuyết” tuỳ như một trong hai phái trở thành đối tượng cho truỵ lạc. Sau hết, nó cũng rất hàm hồ trong những gì nó gợi lên. Một số người sử dụng nó để giải toả những ước muốn không kìm hãm nổi mà không cần phải đi đến hành động bạo lực phái tính, mà họ có thể bị đưa đến. Nhưng mặt khác nó có xu hướng vượt mọi giới hạn và để tự do cho cường lực tung hoành, tìm những cảm giác mỗi ngày một mạnh. Như vậy, nó đưa đến những bạo lực phái tính không những trong lãnh vực mơ tưởng, mà còn đưa tới hành động với các người đồng cuộc cụ thể, là nạn nhân của nó. Trong khi làm sống lại ở nơi một số người những kích động mà nền giáo dục đã kìm hãm sức mạnh, văn nghệ khiêu dâm liều mình đưa đến hành động bạo dâm, có hại cho người kết hôn và người đồng cuộc. Khi được thả lỏng, văn nghệ khiêu dâm có thể làm cho người ta coi thường những cách ở sai trái, mà từ trước tới nay, chỉ được thực hiện trong những cơ sở riêng biệt, với những người chấp nhận việc đó mà thôi. Khi người ta vin cớ tự do hay khoan dung, mà để tung vào dân chúng những sản phẩm có thể gây những sai trái như vậy, thì đó không những là vô luân mà còn nguy hiểm nữa. Người ta không cho phép điều đó ở phạm vi sức khoẻ vật lý, thì tại sao người ta lại cho phép ở phạm vi sức khoẻ tâm lý và luân lý? Ngoài ra, văn nghệ khiêu dâm còn phổ biến những lập luận có xu hướng muốn thiết lập một qui tắc sống mới. Với những lý do khác nhau, các lập luận này gợi lên chủ trương rằng: trong phạm vi phái tính, hết mọi cách sống đều như nhau. Nhìn nhận các cách này, cấm đoán các cách kia, chỉ là tuỳ thuộc vào những ngẫu nhiên của văn hoá; còn người tân thời hiểu biết hơn, sẽ được giải thoát khỏi các điều ấy. Người ta chỉ còn đòi hỏi một điều này, là luôn luôn phải hành động với sự ưng thuận của người đồng cuộc, chứ không được ép buộc họ. Trong những điều kiện như vậy, thì người ta có thể thử mọi thứ kinh nghiệm trong các đôi nam, nữ, hay trong các nhóm. Có một số tạp chí chuyên về loại tuyên truyền giải phóng giả tạo này. Trong phạm vi phái tính cũng như trong các phạm vi khác của đời sống nhân loại, hết mọi cách ở không như nhau được. Chủ trương rằng: không có một qui tắc sống nào chung cho mọi người, vin cớ là mọi cách ở đều tuỳ ở một sự giải thích của khoa xã hội học, làm cho chúng chỉ có giá trị tương đối mà thôi: đó là sai lầm! Thật ra, phái tính của con người chỉ có ý nghĩa khi được dung nạp vào nhân vị tính. Giải phóng nó, tức là trả lại cho các kích động tất cả bạo lực của chúng. Lúc ấy, mọi phóng túng được tự do tung hoành. Phái tính trở nên điên rồ, tiêu biểu cho sự tìm kiếm ảo huyền một thú vui không giới hạn. Khoái lạc tự nó không phải là một mục đích. Nó phát sinh từ phẩm chất một tương quan. Khoái lạc được tìm kiếm quá độ, vì khoái lạc, nó sẽ dồn người đồng cuộc xuống hàng phương tiện. Sự ưng thuận hỗ tương không thay đổi gì ở tính cách hạ giá một tương quan, chỉ nhằm tìm kiếm khoái lạc mà thôi. Sau hết, văn nghệ khiêu dâm, như người ta phổ biến hiện nay, có thể trở thành một sự xúc phạm thường xuyên đến quyền lợi của mọi người, là được thấy người ta tôn trọng sự kín đáo mà họ muốn bao bọc các biểu lộ về phái tính. Sự kín đáo không phải là cái gì kỳ cục, mà là một phẩm chất, muốn làm cho thân xác con người biểu lộ được cái thể hiện hiện hữu ở trong mình. Những ai chia sẻ quan niệm này đều có quyền được bênh vực để chống lại sự xúc phạm đến các giá trị mà họ muốn tôn trọng. Vì thế, các giới hạn áp đặt cho văn nghệ khiêu dâm hoàn toàn được biện hộ không phải là như phản ứng của tính cả thẹn, mà là như xác nhận cái ý nghĩa mà người ta muốn giữ cho phái tính con người.
Các lệch lạc này thuộc nhiều loại khác nhau. Ở đây, ta không nghiên cứu tỉ mỉ. Vả lại, khó mà định những giới hạn rõ ràng giữa bình thường, lệch lạc và truỵ lạc. Phần nhiều các lệch lạc phái tính liên can đến các ngang trái trong việc phát triển và dung nạp các kích động phái tính. Các kích động này chỉ có thể được thoả mãn khi kèm theo một số nghi thức hay khi gây lại những hoàn cảnh để giúp làm sống lại các vui thú riêng, người ta đã được hưởng ngày xưa trong những điều kiện tương tựa. Một số những hành động này không nguy hiểm, và, đôi khi, có thể thuộc về một cuộc điều trị thích hợp. Nhưng cũng có những trường hợp mà hoạt động phái tính chỉ có thể hoàn thành được khi liên kết với hành động có xu hướng hung hãn, như người ta ước muốn hành hạ mình hay người đồng cuộc: hiếp dâm là hình thức thông thường nhất. Đã hẳn, khó mà phán đoán về những hoàn cảnh như vậy trong trừu tượng: Trách nhiệm luân lý của những người sống lệch lạc như vậy không phải luôn luôn xác định được. Phân biệt trách nhiệm này đòi hỏi ta phải có thể tìm được, cách chính xác, các nguyên nhân của các sự truỵ lạc này. Người ta biết rằng: đó là một trách nhiệm khó khăn. Thay vì lên án các cá nhân, ta phải nghĩ đến việc giúp đỡ họ và che chở những người liều mình chịu ảnh hưởng của các hành vi sai trái của họ. Ngoài ra, sau khi đã lưu ý đến những gì đã nói về các tương quan giữa phái tính và xã hội, ta cũng phải tự đặt vấn đề về các nguyên nhân xã hội, có thể có, đã gây nên các hoạt động lệch lạc về phái tính.
Cuộc suy tư dài dòng về phái tính trên đây, có thể tóm tắt trong một vài trang. Thời đại chúng ta chứng kiến một sự thay đổi lớn trong cách hiểu về phái tính con người và trong các cách sống phái tính nữa. Nhất là các phân tích liên hệ đến cách sống của thế hệ trẻ chứng tỏ điều đó. Đây không phải chỉ là một hiện tượng thời trang, một ý muốn gây chiến vu vơ, hay một sự tìm tòi khoái lạc phái tính một cách lộn xộn, và, như vậy, là vô luân. Ba biến đổi lớn gần đây chưa cho thấy tất cả hậu quả của chúng. 1/ Phái tính không còn tỏ ra như chỉ gắn liền với chức năng truyền sinh... Nó được nhìn nhận hơn nữa như một chiều kích để cấu tạo nhân vị con người. Nó hướng con người đón nhận một mẫu liên lạc riêng, mà mỗi cá nhân trông đợi nhiều cho sự triển nở của con người mình. Sự giảm thiểu tầm quan trọng của chức năng truyền sinh là một trong các yếu tố căn bản của sự giải phóng người phụ nữ. Họ không còn bị xác định duy bởi tương quan với mẫu tính, mặc dầu vai trò này vốn quan trọng. Đức Gioan XXIII đã nói: đó là một trong các dấu hiệu của thời đại và đã cảnh giác cần phải lưu ý đến trong xã hội ngày nay. Cũng vì thế mà các tương quan đã biến đổi trong gia đình. Chúng không còn bị giới hạn duy vào các tương quan cha mẹ con cái, đời sống lứa đôi bây giờ giữ chỗ nhất. Các thế kỷ trước không phải là hoàn toàn không biết điều này, nhưng đã dành cho lứa đôi ít sự quan trọng hơn, vì họ phải qui hướng về những mục đích khác hơn là về chính mình họ. Đó còn là trường hợp của nhiều xã hội ngoài Âu châu. Một biến đổi như vậy, nhất định kéo theo sự phản lại các qui tắc sống và các thể chế cổ truyền và làm xuất hiện những lối sống tương đối mới lạ dựa trên những biện minh mới. Cho được đánh giá các biến đổi này, nếu ta chỉ căn cứ vào các tiêu chuẩn phán đoán quá hẹp hòi, thì sẽ không thể có một hiểu biết mới về phái tính. Phái tính là một ngôn ngữ. Trong mọi khả năng diễn tả của thân thể con người, kể cả sinh dục tính của nó, thì ngôn ngữ của phái tính cho phép có một tiến bộ trong phẩm chất các tương quan giữa nam và nữ. Trong một sự thông hiệp giữa các khác biệt của nhau, hai vợ chồng trở nên phong phú nhờ các giá trị của nhau. Các trao đổi ấy được thể hiện một cách đặc biệt và ưu đãi trong hôn nhân. Lứa đôi được triển nở trong hôn nhân, làm nên một “cộng đồng sâu sắc về sinh hoạt và tình yêu”. Con cái được kêu gọi và đón nhận trong cộng đồng này như hoa trái của lòng quảng đại và sự sáng tạo của đôi vợ chồng, cởi mở với một xã hội phải xây dựng và một lịch sử phải diễn tả. Cũng phải học nói và sử dụng ngôn ngữ đó, để nó phục vụ các giá trị, mà nó là dụng cụ ưu đãi để diễn tả. Luân lý không có tham vọng nào hơn là giúp cho phái tính triển nở. Nên nhắc lại những nét chính sau đây: Thực ra sinh dục tính phải được dung nạp một cách hết sức hoà hợp với toàn thể nhân vị tính. Ở tự nó, nó không có ý nghĩa, nhưng nó nhận một ý nghĩa từ ý nghĩa mà mỗi người muốn gán cho đời mình. Vì thế, không được bỏ quên, càng không được khinh thị một phải đảm trách lấy phái tính của mình. Không được thả lỏng các kích động phái tính, hay là đề cao chúng, bằng những biện hộ đưa đến một sự truỵ lạc thật sự, mà cần phải học cho biết dung nạp chúng một cách hết sức tốt đẹp. Như vậy người nam và người nữ của ngày mai được đào tạo ngay từ tuổi thơ ấu và thanh niên . 2/ Chiều kích sinh dục được mời gọi thể hiện trong lứa đôi vì “Sự hợp nhất thân thể bao giờ cũng là ngôn ngữ mạnh nhất, mà hai người có thể nói với nhau”. Nhưng lứa đôi không phải chỉ được xác định bởi sự hợp nhất thân thể, lứa đôi được xác định nhất là bởi tình yêu làm cho hai vợ chồng yêu nhau và đưa họ đến chỗ hiến thân cho nhau. Nhưng tình yêu cũng không phải chỉ là cảm xúc. Hiến thân cho nhau và đón nhận nhau chứng tỏ hai bên đã hoàn toàn cam kết với nhau. Vì thế, các dấu hiệu của ngôn ngữ tình yêu chỉ có chiều kích nhân loại đầy đủ, khi các điều kiện của một trách nhiệm toàn diện và dứt khoát đối với bên kia được thể hiện, và sự cam kết đã được công khai chấp nhận bởi việc cử hành hôn lễ. Cách hiểu mới về phái tính cũng như sự quan trọng gán cho lứa đôi trả lại giá trị cho khoái lạc tính, nhất là trong tương quan căn bản của lứa đôi. Thật ra luân lý Kitô giáo vốn từ lâu nghi kỵ điều ấy. Đã hẳn, khoái lạc phái tính không được đề cao, cũng không được lạm dụng, nhưng được đặt vào đúng chỗ của nó, thì nó sẽ góp phần làm cho cuộc đối thoại hôn nhân đầy đủ nhất của hai vợ chồng. Chỉ tìm kiếm khoái lạc vì khoái lạc, đó là một cách sống vô luân, tức là phi nhân. Điều mà hai người nam, nữ, diễn tả bằng việc trao đổi thân xác cho nhau, không phải chỉ phát xuất từ thân thể mà thôi, mà còn từ tinh thần và con tim, tất cả đều hợp lại trong sự kết hợp thân xác. Nếu ngày nay, lứa đôi được đề cao, thì cũng không được đề cao nó quá, như thể nó là nơi thể hiện sự hoàn thiện trọn vẹn của vợ chồng. Họ không thể chờ đợi tất cả mọi sự ở nơi họ. Cho nên lứa đôi hướng họ đến sự sáng tạo luôn luôn đổi mới, sự ấy biểu hiện một phần nào cho sự trung thành của họ. Sự sáng tạo được diễn tả bằng việc sinh sản con cái. Lứa đôi được triển nở trong một gia đình, nơi các con cái được kêu gọi và được đón nhận một cách quảng đại. Đó là hợp lý. Sự quảng đại cũng phải thắng cái óc não quá chi ly, đang có xu hướng xâm nhập mọi phạm vi đời sống con người. Một chương trình sinh sản quá chặt chẽ của đôi vợ chồng, như một giới hạn đặt trước, thật quá phù hợp với một ý muốn cường quyền. Dứt khoát từ chối mọi bất ngờ, há chẳng phải là một cách phủ nhận tự do, hy vọng và cả tình yêu hay sao? Nhưng sự sáng tạo của đôi vợ chồng phải bao trùm tất cả đời sống xã hội, trong một vận hành hỗ tương. Một trong những nguy cơ lớn của cuộc biến đổi hiện thời là chỉ tìm nguyên trong đời sống hôn nhân các yếu tố của một hạnh phúc, mà mẫu xã hội kỹ thuật và đô thị duy lý hoá và lạnh lùng không lưu ý đến. Đời sống lứa đôi có thể bảo đảm trước hết, nhưng không phải toàn diện, hạnh phúc của vợ chồng. Nếu tất cả xã hội không trở lại ấm cúng và niềm nở hơn, thì lứa đôi liều mình sẽ mau chóng tan vỡ, như chứng tỏ các thống kê ly dị. 3/ Phái tính ảnh hưởng đến các bậc sống khác một cách khác, nhất là đến đời sống độc thân. Bậc này không thể được nhận xét một cách hoàn toàn tiêu cực, như chỉ là một sự kiêng kỵ mọi tương quan phái tính. Nó tìm được ý nghĩa trong các kế hoạch sống khác nhau, như ơn kêu gọi tu sĩ, ơn kêu gọi linh mục, lựa chọn cá nhân một nghề nghiệp hay những điều kiện sống, trong đó bậc hôn nhân xem ra thích hợp hơn. Có những khó khăn xuất hiện, nhất là khi bậc độc thân là một điều bó buộc và không được nâng đỡ bởi một kế hoạch sống. Nếu cá nhân phải làm cho sự độc thân của mình có ý nghĩa và không phải là một gánh nặng, thì xã hội cũng phải ý tứ đừng làm cho những khó khăn đó trở nên trầm trọng hơn, và phải giúp cho người độc thân cảm thấy đỡ lẻ loi. Nói tới kế hoạch sống, là nhắc đến một “lịch sử tình yêu”. Đã hẳn, các danh từ tình yêu đã mất giá trị vì văn chương và ca hát đã lạm dụng chúng. Dù sao, nếu trả lại cho hai danh từ này sự thật và sức mạnh của chúng, thì chúng rất thích hợp để chỉ con đường mà mỗi người phải qua từ khi được gọi vào đời sống, vào tình yêu. Phái tính chỉ có ý nghĩa khi nó phục vụ cho sự triển nở hỗ tương trong tình yêu, dù các đôi vợ chồng là thế nào đi nữa. Nó là một trong những cơ sở để sự khác biệt được sống thân mật hơn. Mọi đường lối khác, dù xem như giải phóng, cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Mọi tìm kiếm khác, trong khi sử dụng người đồng cuộc như phương tiện, đều hạ giá các tương quan nhân loại xuống hàng một thứ máy móc, để cho mỗi người trở nên nghèo nàn hơn khi trước. Khai thác phái tính vì phái tính và nhất là chỉ vì thoả mãn giác quan, là điều tai hại cho đời sống cá nhân và đời sống tập thể nữa. *** Không cần phải chia sẻ hoàn toàn cái nhìn Kitô giáo về đời sống, cũng có thể chấp nhận những kết luận trên đây. Tuy nhiên, để có một sự hiểu biết đầy đủ và nhất là để sống, đức tin mở ra những viễn ảnh làm cho tình yêu con người có tất cả ý nghĩa của nó. Thật vậy, đối với một Kitô hữu, tình yêu hướng họ về tha nhân, thì gặp thấy nơi tha nhân không những một người đồng loại, mà còn là một người anh em, cùng là hình ảnh Thiên Chúa như họ. Và sức vươn lên này vốn là ơn huệ của Thiên Chúa, xuyên qua người anh em mà lên tới Thiên Chúa. Chính vì thế mà những lệnh cấm không đủ để chỉ đường. Đó là sự soi sáng của Phúc Âm. Với những người tội lỗi bị xã hội của thời đại ruồng bỏ, Chúa Giêsu đã tỏ lòng thương xót và khoan dung, làm cho họ trở lại với phẩm giá của họ. Và thánh Phaolô đã cung cấp cho tất cả bài nghiên cứu trên đây một kết luận tốt: “Giới luật ngươi chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ muốn vợ chồng người, và tất cả các giới luật khác đều tóm lại trong công thức: ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi. Như vậy bác ái là tất cả lề luật” (Rm 13,9-10). Trong tương quan giữa người nam và người nữ, sự khác biệt tuy là chướng ngại, trở thành một cơ hội làm phong phú cho nhau, trong sự kết hợp toàn diện nhất, mà người ta có thể mơ tưởng: thật vậy trong sự kết hợp này, các nhân vị cam kết toàn vẹn con người mình. Đó là cách ở của Thiên Chúa với con người. Sự khác biệt, dù sâu xa hơn nữa, đối với Ngài, cũng không phải là một chướng ngại. Ngài đã kết hợp với nhân loại trong Chúa Kitô và Ngài đã đính hôn với nhân loại trong Thân thể Giáo Hội. Kinh Thánh đã dùng biểu tượng hôn nhân. Biểu tượng này mạc khải một cái gì của mầu nhiệm Thiên Chúa. Và đồng thời mời gọi đôi vợ chồng nội tại hoá sự phong phú của mầu nhiệm ấy. Vì thế, để sự kết hợp của đôi vợ chồng được trung thành với mầu nhiệm mà họ phản ánh, thì Giáo Hội mời gọi vợ chồng sống trong sự tôn trọng lẫn nhau. Đối với vợ chồng, sự kính trọng này là một đòi hỏi của bí tích. Họ được thiết lập, cho cả đời họ, như những tư tế có uỷ quyền, để tôn vinh Thiên Chúa cả trong thân xác họ. Như vậy, tình yêu nhân loại trở nên một hình ảnh sống động của tình yêu Thiên Chúa.