Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do-thái vây quanh Người và nói: "Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết". Chúa Giêsu đáp: "Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Điều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một".
Có những Kitô hữu theo đạo để mong tránh sóng gió của cuộc đời. Nhưng đã có lần con thuyền chở Đức Giêsu và môn đệ gặp bão lớn, nước tràn vào khiến thuyền gần chìm, làm môn đệ hốt hoảng. Theo Chúa đâu phải để tránh bão, nhưng để vượt qua cơn bão. Theo Chúa đâu phải để khỏi bị cám dỗ, nhưng để thắng cơn cám dỗ. Cuộc sống của người Kitô hữu không tránh khỏi những khó khăn mà những người không Kitô hữu phải đối mặt mỗi ngày. Hơn nữa, người Kitô hữu còn gặp nhiều khó khăn hơn. Có những cơn bão ập đến bất ngờ chỉ vì họ là Kitô hữu. Làm chiên trong đàn chiên của Đức Giêsu không có nghĩa là được hưởng một sự êm ả dễ chịu. Được ở trong ràn chiên của Chúa, không có nghĩa là được yên ổn, chẳng bị ai quấy phá. Đức Giêsu đã nói đến chuyện kẻ trộm, kẻ cướp, leo tường mà vào (c.10). Chúng đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy đàn chiên (c. 10). Khi được dẫn đi ăn nơi đồng cỏ, chiên còn phải đối đầu với sói dữ. “Sói cướp lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (c. 12). Đức Giêsu khẳng định mình không phải là người làm thuê, nên khi sói đến, Ngài không bỏ chiên mà chạy. Chiên là điều quý giá đối với Ngài đến độ Ngài dám nói nhiều lần: “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (cc. 11.15.17.18.). Và thực sự Ngài đã làm điều đó trên thập giá. Rõ ràng bảo vệ đoàn chiên là chuyện mấy chẳng dễ dàng. Nếu Đức Giêsu, người mục tử nhân hậu mà bất khuất, đã phải hy sinh mạng sống cho đoàn chiên, thì hẳn cuộc chiến giằng co phải rất là ác liệt. Kẻ thù của chiên chẳng phải là kẻ kém cỏi tầm thường. Trong cuộc chiến để bảo vệ chiên, còn có sự hiện diện của Cha. Chiên là của Cha và Cha đã giao chiên cho Đức Giêsu (c. 29). Cha và Con cùng hợp tác để bảo vệ đoàn chiên, không để ai cướp chiên ra khỏi vòng tay che chở của mình (cc. 28-29). Cha và Con một lòng một ý trong nhiệm vụ này (c. 30). Việc bảo vệ chiên còn kéo dài mãi đến tận thế. Chúng ta làm gì để cộng tác với Chúa trong việc bảo vệ mình khỏi sói dữ? Hãy tin vào Giêsu và nhận ra giọng nói của Giêsu để khỏi bị lừa. Hãy theo sát sự dẫn đường của Giêsu, vị Mục tử đã chiến thắng cái chết. Và hãy tin vào Chúa Cha, Đấng mạnh mẽ hơn tất cả (c. 29). Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời, Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục. Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian, lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó. Thế gian này vàng thau lẫn lộn. Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài. Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình, giữ được vị mặn của muối, và sức tác động của men, để đem đến cho thế gian một linh hồn, một sức sống. Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, chỉ sợ mình bỏ sống đạo vì bị quyến ru bởi bao thú vui trần thế. Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo, những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống. Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen. -------------------------------
Sự sống của Thiên Chúa thật kỳ diệu. Đó là sự sống hiệp thông. Một sự hiệp thông mầu nhiệm. Nên một. “Tôi và Chúa Cha là một”. Không còn gì xác tín hơn. Không còn gì sâu xa hơn. Chỉ Thiên Chúa mới có sự sống ấy.
Sự sống hiệp thông ấy biểu lộ trong suốt đời dương thế của Chúa Giê-su. Người không nói gì, làm gì mà không bởi Chúa Cha. Đó là dấu chỉ chắc chắn nhất chứng minh Người là Đấng Ki-tô. “Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi”.
Sự sống hiệp thông lan toả đến đoàn chiên của Chúa. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha”. Đó là sự sống phong phú, viên mãn. Không bao giờ mất. Không ai cướp đi được.
Sự sống hiệp thông tràn lan khắp nơi. Càn tản mát lại càng lan toả. “Hồi ấy, những người phải tản mác vì cuộc bách hại xảy ra nhân vụ ông Tê-pha-nô, đi đến tận miền Phê-ni-xi, đảo Sýp và thành An-ti-ô-khi-a”.
Sự sống hiệp thông tràn lan sang cả dân ngoại. Không chỉ trong người Do thái. Nhưng còn lan toả đến mọi dân tộc. “Nhưng trong nhóm, có mấy người gốc Sýp và Ky-rê-nê; những người này, khi đến An-ti-ô-khi-a, đã giảng cho cả người Hy-lạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giê-su cho họ”.
Và thật lạ lùng. Sự sống ấy giữ được nét nguyên tuyền. Như Chúa Cha và Chúa Giê-su là một. Giờ đây đoàn chiên hiệp thông với chủ chiên. Tín hữu hiệp thông với Chúa Ki-tô. Đến nỗi người ta gọi họ là “Ki-tô hữu”. Người mang Chúa Ki-tô. “Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu”.
Xin cho con được kết hiệp trọn vẹn với Chúa. Sống sự sống của Chúa trong mình. Để con xứng đáng mang danh hiệu Ki-tô hữu rất cao quý này.
Không phải chỉ trong thời đại văn minh này người ta mới lịch sự đón tiếp đại sứ của một chính phủ hay nguyên thủ của một quốc gia đúng theo địa vị đại diện của họ. Nhưng ngay từ thời xưa, hậu đãi hay ngược đãi sứ giả của một vua là đã phụ đãi hay ngược đãi chính nhà vua và chính quốc gia mà người ấy đại diện. Không phải vì tiếng tăm, học vấn hay tài trí của sứ giả làm cho họ được kính trọng mà chính vì thay mặt nhà vua và một quốc gia mà họ có quyền được hậu đãi như thế. Ðây cũng là điều mà Chúa Giêsu nói với những người Do Thái thời xưa như được kể lại trong đoạn Tin Mừng vừa trích dẫn trên đây.
Câu hỏi mà họ đặt ra trong lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy tại đền thờ làm ta nhớ đến câu hỏi của thượng tế Caipha trong phiên họp thượng hội đồng: "Nếu ông là Ðấng Kitô thì xin hãy nói thẳng ra đi. Ông có phải là Ðấng Mêsia không?". Trong câu chất vấn này, Chúa Giêsu đã không phủ nhận. Chỉ có điều Chúa Giêsu trả lời một cách hơi gián tiếp như sau: "Tôi đã trả lời câu hỏi này mà các ông không tin". Nhưng dù vậy, Chúa Giêsu không bỏ rơi họ để giúp họ tìm thấy sự thật, tìm ra câu trả lời. Chúa Giêsu đã khéo léo làm cho họ chú ý đến quan hệ mật thiết giữa Ngài với Thiên Chúa Cha, mật thiết đến độ Ngài gọi Thiên Chúa là Cha Ngài và làm chứng cho mối quan hệ mật thiết đó bằng việc làm nhân danh Cha Ngài, và việc cao trọng nhất là ban cho kẻ tin Ngài được sự sống đời đời: "Ta sẽ cho họ sống đời đời. Họ sẽ không chết bao giờ và không ai có thể cướp họ khỏi tay Ta".
Nếu đã nhìn nhận mối quan hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa, thì hẳn những người Do Thái sẽ biết trả lời cho câu hỏi "Ông là ai?" như thế nào rồi. "Ta và Cha Ta, chúng ta là một". Ðây là mạc khải quan trọng nhất nhắc ta nhớ lại những suy tư mở đầu Phúc Âm thánh Gioan: "Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngôi Lời sống với Thiên Chúa ngay từ đầu. Vạn vật do bởi Ngài mà có và nếu không có Ngài thì sẽ không có gì cả". Tác giả Phúc Âm thánh Gioan đã có những suy tư cao siêu như vậy khi nhìn về mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong viễn tượng Chúa Phục Sinh.
Ước chi mỗi người đồ đệ của Chúa trong ngày hôm nay cũng tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi nhân loại.
Lạy Chúa, với sự kiện Chúa sống lại, không ai trong chúng con nên hồ nghi về mối quan hệ giữa Chúa và Chúa Cha. Xin thương ban ơn giúp mỗi người chúng con sống xứng đáng với niềm tin vào Chúa và đừng bao giờ để con lìa xa Chúa.
Chọn theo đức tin mà Đức Giêsu đòi hỏi không phải là để yên tâm nghỉ ngơi. Đức tin không cất đi những thắc mắc căng thẳng. Chúng ta luôn luôn ở trong tình trạng lơ lửng: “Hãy nói cho chúng tôi biết ông có phải là Đức Kitô không?”. “Nếu ông là Đấng sống lại thì xin nói cho chúng tôi biết”. “Nếu ông là bánh ban sự sống thì xin nói cho chúng tôi hay”.
Trái lại, gắn bó với Đức Giêsu bằng đức tin chỉ có sự chắc chắn theo kiểu tin cậy của người yêu đối với người được yêu, khi đó dù có chuyện gì xảy ra, thì chẳng có gì quan trọng. Tôi sẵn sàng gắn bó quyến luyến anh, thì tôi luôn trung tín với anh. Cũng thế, chính niềm tin cậy vào Đức Giêsu, được đặt nền trên tình liên kết với Người, mà chúng ta chấp nhận lời Người như một bảo đảm bất biến.
Hôm nay, trong cuộc đàm thoại với chúng ta Người đã bảo đảm sự trung tín và sự cam kết của Người với chúng ta. Người biết rõ chúng ta, Người ban sự sống đời đời và giữ gìn chúng ta trong tay Người. Lòng trung tín của Chúa đã in đậm trong Cựu ước, giờ đây được xác nhận lại rõ ràng nồng nàn đậm đà hơn nữa bởi chính Con Chúa. Chúa không bao giờ bỏ giao ước của Ngài.
Nhưng có lần nào chúng ta nhắc lại lòng trung thành của chúng ta với Đức Kitô không? Nếu chúng ta không trung thành với những người chung quanh thì kể như chưa trung tín với Ngài. Nếu chúng ta thông phần vào đời sống Đức Kitô thì chúng ta phải hội nhập với mọi người.
Nếu chúng ta không biết sát cánh hoạt động với mọi người, không biết liên đới với họ trong tình huynh đệ, chúng ta không trung tín. Như thế chưa có thể nhận biết ai là Đức Giêsu Kitô. Chắc chắn rằng Đức Kitô chăm lo săn sóc cho mọi người đến tột đỉnh, thì những Kitô hữu cũng phải thực hiện theo hình ảnh trung tín của Người như vậy.
“Chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Đó là khẳng định của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay.
Nghe tiếng chủ chiên là nghe hiểu và đáp trả. Thái độ đó sẽ được đền bù xứng đáng: người chăn chiên sẽ dẫn chúng đến đồng cỏ xanh tươi, sẵn sàng liều mạng để bảo vệ chúng. Nghe để rồi tách khỏi bầy, tìm cho mình một lối đi riêng thì đâu còn phải là nghe theo tiếng của người chăn. Người chăn sẵn sàng băng rừng vượt suối để tìm con chiên lạc, chứ chẳng bao giờ muốn chiên lạc xa bầy. Đồng cỏ mà người chăn dự tính trong đầu được dành cho cả bầy, tách rời khỏi bầy chắc chắn chiên không thể đến được đồng cỏ này. Tưởng rằng chỉ một mình thức tỉnh nghe và theo tiếng gọi, trong lúc cả bầy chiên chưa nghe biết, rất có thể đó là tiếng gọi giả hiệu của sói dữ muốn chiên rời xa sự chăm sóc của chủ để dễ dàng tấn công.
Giáo Hội là đàn chiên của Chúa. Lời hứa chăm sóc bảo vệ đàn chiên của Chúa Giêsu không chỉ dành riêng cho thời các Tông đồ hoặc các cộng đoàn tiên khởi, nhưng đã trải dài suốt 20 thế kỷ nay. Biết bao thế lực chống đối chủ trương triệt hạ Giáo hội, nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại nhờ sự bảo về đầy quyền năng của chủ chăn. Trong đàn chiên Giáo Hội này, mỗi con chiên đều được người chăn biết rõ, và gọi tên và chiên có bổn phận phải nghe và đáp trả. Sự đáp trả có thể mang nhiều sắc thái khác nhau, nhưng dù sao vẫn không thể ra ngoài lối đi của tất cả đàn chiên, vì đó là lối dẫn đến sự sống.
Ước gì chúng ta biết lắng nghe và đáp lại tiếng gọi của Chúa, đồng thời trung thành với đàn chiên Giáo Hội, bởi vì một khi lạc xa đàn, chúng ta sẽ không thể tìm được đồng cỏ và suối nước trong, nơi mà người chăn chiên muốn cho cả đàn chiên vui hưởng.
Cùng một lời nói được phát ra, có người nghe thấy, có người chẳng nghe; có người nghe đúng, có người nghe sai; có người nghe đủ, có người nghe thiếu...
Thực trạng đó rất đúng với bài Tin Mừng hôm nay. Thật vậy, những người Dothái hỏi Đức Giêsu: "Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết".
Những người Dothái không biết Đức Giêsu là bởi vì họ đã không nhận ra Ngài. Họ bị thói kiêu ngạo che lấp tâm trí, nên đứng trước biết bao nhiêu phép lạ, lời giảng dạy và nhiều mạc khải khác, họ vẫn bị mờ tối lương tâm nên không “biết” Đức Giêsu. Vì thế, khi được hỏi, Đức Giêsu đã khẳng khái trả lời cho họ biết nguyên nhân tại sao, đó là: “Vì họ không thuộc về đàn chiên của Ngài”. Bởi vì: “Chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” Khi đã “biết” và nghe theo tiếng Chủ chiên là chính Đức Giêsu, thì sẽ được sự sống đời đời, không bao giờ diệt vong. Nhất là được đảm bảo khỏi sói dữ, quỷ thần ám hại, vì được ở trong vòng tay của Vị Mục Tử Nhân Lành.
Nếu Đức Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, thì Giáo Hội là đàn chiên của Chúa. Nơi đàn chiên này, luôn được Vị Mục Tử Nhân Lành chăm sóc, giữ gìn. Thế nên, dù sự dữ có mạnh đến đâu, quyền lực của ma quỷ có lớn lao cỡ nào, thì Giáo Hội Chúa vẫn tồn tại nhờ vào sức mạnh, uy quyền của Chủ Chăn.
Mong sao, mỗi người chúng ta luôn tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, đồng thời hãy biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, để xứng đáng trở thành con chiên ngoan hiền trong đàn chiên của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, xin Chúa ban cho chúng con luôn biết dõi theo Chúa dưới cây gậy mục tử là chính Lời Chúa, để chúng con được sống trong đàn chiên của Chúa đến trọn đời. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu thực sự là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa. Người đến để ban sự sống đời đời cho đoàn chiên và giữ gìn bảo vệ đoàn chiên an toàn. Hãy tín nhiệm đi theo Người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con được hạnh phúc biết bao vì biết rằng con đang được bàn tay yêu thương của Chúa ôm ấp và bảo vệ. Chúa như người mục tử yêu thương con, hy sinh liều mạng sống vì con để bảo vệ con khỏi những hiểm nguy tấn công con tứ phía. Trước mặt Chúa, mạng sống thân xác con thật quý giá, sự sống linh hồn con thật cao cả. Chúa muốn con được sống, được an toàn, được sống sung mãn và hạnh phúc.
Lạy Chúa, Sa-tan muốn cướp giựt con khỏi bàn tay Chúa. Sa-tan muốn biến thế gian này làm tay sai cho nó, thành sào huyệt đầy những hiểm nguy và ác độc. Có những cám dỗ ngọt ngào, có những thử thách khổ đau, tất cả đều muốn lôi kéo con xa rời đường lối Chúa và phản bội tình thương Chúa. Nhưng Chúa không đành lòng nhìn con rơi vào tay quỷ dữ. Chúa đã cầu nguyện xin Chúa Cha gìn giữ con đang phải chiến đấu giữa thế gian. Chúa còn liều mạng sống trên thánh giá để con khỏi phải diệt vong. Con cảm tạ tình Chúa thương con.
Thế mà lạy Chúa, rất nhiều lúc con lại muốn chạy trốn để vuột thoát khỏi bàn tay Chúa. Con không còn muốn bước theo Chúa. Con đã đi tìm sự tự do buông thả như người con hoang đàng để rồi chuốc lấy đau khổ và bất hạnh. Xin Chúa cho con tín nhiệm vào Chúa. Con muốn từ nay trung thành sống theo lời Chúa dạy. Trước mỗi cám dỗ hoặc mỗi thử thách, xin Chúa cho con được sáng suốt để nhận định, được can đảm để trung thành, và được tin tưởng để cầu nguyện. Amen.
Hành hương Rôma, pho tượng gây xúc cảm nhất cho khách hành hương là pho tượng Chúa chiên lành vác con chiên thất lạc trên vai đem trở về. Dưới pho tượng, có ghi câu của Abercies vào cuối thế kỷ II rằng: “Ta là môn đệ của một mục tử thánh thiện đã dẫn đàn chiên ra đồng cỏ xanh tươi bên sườn núi và dưới đồng bằng, vị mục tử có đôi mắt lớn nhìn đến khắp mọi nơi”.
Chúa Kitô chính là người mục tử nhìn xa thấy rộng ấy. Nhờ sự chết và phục sinh, Chúa đã đạp đổ mọi ngăn cách để mở rộng đàn chiên, bao trùm cả thế giới. Đàn chiên ấy, ngày nay chúng ta chỉ được nhìn thấy một phần nhỏ và hạn hẹp, sau này trên chốn vinh quang mới được chứng kiến tầm vóc vĩ đại của đại gia đình Thiên Chúa (Theo Lm. Hồng Phúc).
Suy niệm
Tình thương của Thiên Chúa qua hình ảnh mục tử trải qua bao năm tháng luôn tràn đầy như Thánh Vịnh đã nhấn mạnh: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời” (Tv 22,6). Hôm qua, hôm nay và qua mọi thời, Thiên Chúa vẫn chăm sóc chúng ta, Ngài vẫn luôn cất tiếng gọi chiên, dẫn đưa trên đường chân lý như Thánh Vịnh ca ngợi: “Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính” (Tv 22,3).
Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự tương quan giữa Thiên Chúa chính là Ngài - Mục tử và đoàn chiên là những người tin vào Ngài: Đức Kitô Mục tử như vừa là người cha vừa là người mẹ hiền chăm sóc cho từng chiên và bảo vệ chúng. Thật thế, Ngài luôn bảo vệ chúng ta trước những cạm bẫy, nguy hiểm của thế gian. Ngài mạnh mẽ như người mục tử đầy sức mạnh, kiên cường của một người du mục, luôn sẵn sàng chiến đấu, có khả năng bảo vệ đoàn vật mình khỏi thú dữ đến để cướp đoạt một con chiên khỏi đàn (x. 1Sm 17,34-35). Vì thế Ngài khẳng định: “Ta ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28). Chúa khẳng định: “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta”. Trong mọi giây phút của cuộc đời, tôi và bạn cùng “gạn đục khơi trong” tiếng mục tử giữa cuộc đời. Tiếng đó thì thầm trong lương tâm ngay thẳng được chiếu sáng bằng đức tin và Lời Chúa: “Lời Chúa soi rọi bước chân con” (x. Tv 118,105). Tiếng Ngài nói qua những biến cố thăng trầm của cuộc sống: Luôn thẳng đứng trong hy vọng và tin tưởng. Lời của Chúa dạy phải biết vâng phục sự thật (x. 1Pr 1,22) và bước đi trong sự thật (x.3Ga 4), mọi tiếng nói, mọi sự việc, mọi biến cố đều đặt trong gương sự thật và như Chúa khẳng định: “Chính chân lý sẽ giải phóng các con” (Ga 8,32).
Nghe Lời mục tử, không để Lời Ngài bị lấn át bởi những âm thanh xào xạc của thế gian. Trái lại, chính nhờ Lời của mục tử “chỉnh lại” âm thanh vừa phải của những lời xào xạc của cảm xúc, thanh lọc âm điệu ồn ào của thế gian. Đặc biệt, Lời mục tử chỉnh sửa và phối hợp chúng làm những âm thanh trầm bổng của cuộc sống tạo thành bản tình ca “Chúa Chiên nhân lành Người thương chăn dắt tôi…”. Chính lúc đó, tôi và bạn học “biết” mục tử, tham dự vào cái “biết” của Ngài. Với cái “biết” linh thiêng này, tôi và bạn gắn bó trọn vẹn với Đức Kitô, dù thuộc bất cứ thành phần nào, cương vị nào: Người tín hữu gắn bó với Ngài hơn qua đời sống hằng ngày, người đang sống với ơn gọi linh mục, tu sĩ cảm nhận được hạnh phúc của đời thánh hiến và dấn thân quên mình như người mục tử nhân lành, sinh viên, học sinh nghe được tiếng Chúa gọi, nhắn nhủ đầu tư cho tương lai cần chăm chỉ học hành, rèn luyện nhân cách cho mình và cho xã hội là đồng cỏ xanh mới đang được kiến tạo. Đặc biệt, người đang được tiếng Chúa gọi trở nên mục tử tương lai, sẽ cảm nhận ơn gọi đã được gieo trong tâm bạn và bạn đang “biết” Chúa hơn, theo Ngài trọn vẹn để làm nảy nở và sinh trái. Đó cũng là ý nghĩa đặc biệt của Chúa Nhật hôm nay - Chúa Nhật Chúa Chiên Lành.
Như Chúa nói: “Chúng theo Ta”, “theo” là thái độ tự do đáp trả dấn thân với Chúa. Như các môn đệ gặp gỡ Đức Kitô, nghe Ngài và khi Ngài gọi “Hãy theo tôi” (Ga l,42). Các ông lập tức đáp trả lại: Bỏ mọi sự theo Thầy (x. Mt 4,20; Mc 1,18.20…). Theo Đức Giêsu là gắn bó trọn với Ngài. Được Ngài bảo vệ, hơn nữa kết hợp mật thiết tình thầy trò, và qua Thầy gắn bó với Cha vì gắn bó với Thầy là gắn bó với Cha như Chúa Giêsu nói “Ta và Cha Ta là một” (Ga 10,30).
Ý lực sống: ”… Chúng theo tôi … không ai cướp được chúng trong tay tôi” (Ga 10, 27-28).
1. Nhân kỷ niệm cuộc tẩy uế Đền thờ Giêrusalem và khánh thành bàn thờ mới thời Giuđa Maccabê, Đức Giêsu cũng có mặt. Trong khi Đức Giêsu đi bách bộ tại hành lang Salômôn, người Do thái vây quanh và chất vấn Ngài về nguồn gốc của Ngài. Nhân đây, Ngài tuyên bố một chân lý quan trọng: “Tôi với Chúa Cha là một”, nghĩa là Ngài đồng bản tính với Chúa Cha.
2. Năm 165 TCN, một trong những nhà ái quốc nổi tiếng của Do thái là Giuđa Maccabê đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của người Do thái chống lại ách thống trị của vua Syria là Antiôkô Epiphane. Chiến công vẻ vang nhất trong cuộc nổi dậy là tái lập và thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem vốn đã bị tục hóa bởi bàn tay thô bạo của ngoại xâm. Từ đó, hàng năm vào khoảng Mùa Đông, người Do thái tưởng niệm biến cố này trong vòng 8 ngày liền, tuần lễ này được gọi là Cung hiến Đền thờ.
3. Đức Giêsu đã có mặt tại Giêrusalem nhân tuần lễ tưởng niệm này. Lễ Cung hiến Đền thờ vốn khơi dậy lòng ái quốc của dân chúng. Chính vì thế nhiều người đã vây quanh Đức Giêsu và yêu cầu ngài tuyên bố dứt khoát Ngài có phải là Đấng Kitô nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và sai đến như vị cứu tinh của dân tộc không?
Đối với họ, Đức Giêsu có thể là vị anh hùng dân tộc hay một nhà cách mạng nào đó. Chính vì thế, Đức Giêsu đã không trả lời dứt khoát cho câu hỏi của họ. Mối tương quan giữa Chúa Cha và Ngài mà Đức Giêsu vén mở trong câu trả lời mời gọi người Do thái đi vào mầu nhiệm của Ngài.
4. Chúng ta thấy Đức Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi họ đặt ra, nhưng một lần nữa, Chúa cho họ biết Đấng Kitô không phải như quan niệm trần tục của họ, Đấng Kitô không đến để làm thỏa mãn những tham vọng chính trị của họ là giải phóng dân tộc của họ và đem lại thịnh vượng vật chất cho họ. Cho nên, Chúa vượt lên trên quan niệm thiên sai trần thế, và tuyên bố cho họ biết Ngài đồng bản tính với Chúa Cha: ”Tôi và Cha tôi là một”.
5. Như vậy, Đức Giêsu đã khẳng định rõ Ngài là ai. Ngài không những là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa, mà còn là chính Thiên Chúa nữa. Trong vấn đề này, chỉ trong đức tin, con người mới có thể biết Đức Giêsu, nhận diện được khuôn mặt đích thực của Ngài và loan truyền một cách đúng đắn về Ngài. Nhiều khi qua cuộc sống và cung cách tuyên xưng niềm tin của mình, người Kitô hữu chỉ trình bầy một khuôn mặt, nếu không méo mó về Đức Giêsu, thì cũng giới hạn Ngài trong những quan niệm hoàn toàn trần tục. Biết Đức Giêsu và đi vào mầu nhiệm thẳm sâu của Ngài thiết yếu là đi vào cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Liền sau khi Phêrô tuyên xưng Ngài là Đức Kitô, Đức Giêsu đã loan báo cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài.
6. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”.
Giáo hội là đàn chiên của Chúa. Lời hứa chăm sóc bảo vệ đàn chiên của Đức Giêsu không chỉ dành riêng cho thời các Tông đồ hoặc các cộng đoàn tiên khởi, nhưng đã trải dài suốt 21 thể kỷ nay. Biết bao thế lực chống đối chủ trương triệt hạ Giáo hội của Đức Kitô, thế nhưng Giáo hội của Chúa vẫn tồn tại nhờ sự bảo vệ đầy quyền năng của chủ chăn.
Trong đàn chiên Giáo hội này, mỗi con chiên đều được người chăn chiên biết rõ, gọi tên, và chiên có bổn phận phải nghe và đáp trả. Sự đáp trả có thể mang nhiều sắc thái khác nhau, nhưng dù sao không thể ra ngoài lối đi của tất cả đàn chiên, vì đó là lối dẫn đến sự sống.
7. Cuộc sống của người Kitô hữu là lời tuyên xưng và rao giảng về một dung mạo của Đức Giêsu khi nào họ kết hiệp với Ngài trong mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Người Kitô hữu phải cố gắng để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô để có thể nói như thánh Phaolô: ”Tôi sống, nhưng không phải là tôi mà Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúng ta nghe lời văn sĩ John Bayer đã khen vợ mình vào giây phút cuối đời ông: ”Mình thân yêu, trong gương mặt của mình, tôi đã nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn mình vô cùng”.
8. Truyện: Bức tượng Chúa chiên lành
Hành hương Rôma, pho tượng gây xúc cảm nhất cho khách hành hương là pho tượng Chúa chiên lành vác con chiên thất lạc trên vai đem trở về. Dưới pho tượng, có ghi câu của Abercies vào thế kỷ thứ II rằng: ”Ta là môn đệ của một mục tử thánh thiện đã dẫn dàn chiên ra đồng có xanh tươi bên sườn núi và dưới đồng bằng, vị mục tử có đôi mắt lớn nhìn đến khắp mọi nơi”.
Chúa Kitô chính là người mục tử nhìn xa thấy rộng ấy. Nhờ sự chết và phục sinh, Chúa đã đạp đổ mọi ngăn cách để mở rộng đàn chiên, bao trùm cả thế giới. Đàn chiên ấy, ngày nay chúng ta chỉ được nhìn thấy một phần nhỏ và hạn hẹp, sau này trên chốn vinh quang mới được chứng kiến tầm vóc vĩ đại của đại gia đình Thiên Chúa.
Tiếp theo bài giáo lý sống theo sự dẫn dắt của Chúa:
Chúa Giêsu là Mục tử: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất”.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Tôi biết chiên của tôi. “Biết” theo thánh Gioan là “yêu thương”
Có một câu chuyện truyền kỳ rất hay kể lúc Môisen trốn khỏi Ai cập, chăn chiên cho Giêtrô trong đồng vắng: có một con chiên trong bầy bỏ đàn đi mất Môisen kiên nhẫn đi tìm nó và ông đã tìm thấy nó đang uống nước bên giòng suối. Môisen đến bên nó để tay trên mình nó và nói thật nhỏ nhẹ:
- Tại vì mày khát nên mày bỏ đi ? Ông không giận con chiên vì nó đã làm ông mệt mỏi, nhưng cảm thông với nó và mang nó trở về. Thượng Đế nhìn thấy như vậy, Ngài phán: “Nếu người này thương xót một con chiên đi lạc như vậy, đây chính là người ta muốn lập làm người lãnh đạo dân ta”.
2. “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”. Phụng vụ đang dạy chúng ta sống dưới sự dẫn dắt của Chúa Giêsu Mục tử tốt lành. Muốn thế, ta phải “nghe tiếng” Ngài và “đi theo” Ngài. Chiên không nghe theo tiếng người lạ.
Một người Mỹ đi du lịch qua xứ Syria, đã thấy ba người chăn chiên dẫn bầy mình ăn chung với nhau. Một lúc sau, một trong ba người chăn này kêu chiên mình:
-Men ah! Men ah! (Theo tiếng Ả rập có nghĩa là “Hãy theo ta! Hãy theo ta!”)
Các con chiên của người này liền tách khỏi bầy và đi theo người ấy lên đồi.
Người chăn thứ hai cũng kêu như vậy, và chiên của anh ta liền đi theo anh ta.
Người Mỹ nói với người chăn thứ ba:
- Xin anh vui lòng cho tôi mang đồ đạc của anh để tôi kêu như anh kêu, xem các con chiên này có theo tôi hay không.
Anh ta sẵn sàng cho người Mỹ này mượn đồ đạc. Xong xuôi, người Mỹ kêu: “Men ah! Men ah!”, nhưng chẳng có con chiên nào nhúc nhích. Lạ quá Người Mỹ ngạc nhiên hỏi:
- Thế chiên không nghe tiếng ai khác, ngoại trừ anh thôi sao ?
Người chăn Syria trả lời:
- Ồ! Có chứ! Vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai.
Người ta tìm thấy trong một cuốn nhật ký những tâm tình sau đây:
Suốt đời tôi, tôi rất sợ chết, cho đến ngày một đứa con tôi về với Chúa. Trong lễ nghi an táng cháu, Cha sở kể câu chuyện sau: “Một Mục tử dẫn bầy chiên đến bờ sông. Nhìn dòng nước chảy xiết, tự nhiên bầy cừu sợ hãi. Người mục tử không làm sao hối thúc chúng qua được. Cuối cùng ông lựa ra một con cừu non, cùng đi với nó xuống dòng nước và dắt nó qua bên bờ bên kia. Khi cừu mẹ thấy con mình ra đi, nó quên cả sợ hãi và phóng theo. Và thế là cả bầy cừu nối đuôi nhau theo sự hướng dẫn của người Mục tử.
Một mai nếu có phải theo con tôi về với Chúa, tôi chẳng sợ (Góp nhặt).
3. “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”.
Chúa Giêsu là vị Mục tử nhân hậu và tốt lành. Ngài không những biết rõ và biết từng con chiên mà còn yêu thương chăm sóc và hiến mạng sống vì đoàn chiên. Ngài sống lại và trở nên nguồn sống của đoàn chiên. Phần tôi, một con chiên trong đàn, tôi cũng được Ngài yêu thương chăm sóc vỗ về, nhưng tôi còn biết quá ít về Ngài và chưa theo Ngài trọn vẹn.
Chúng ta suy niệm tiếp về đề tài Chúa Giêsu là mục tử:
1. Chúa Giêsu nói: “Tôi biết chiên của tôi”. (Ga 10,14). Biết, theo thánh Gioan, là yêu thương.
Thánh Tôma Aquinô nói: “Nhiệm vụ của mục tử nhân lành là yêu mến. Vì thế, Người nói: mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Cần phải biết là có khác biệt giữa mục tử tốt và mục tử xấu: mục tử tốt nhắm đến lợi ích của đoàn chiên, còn mục tử xấu thì chỉ lo cho lợi ích riêng mình”.
Đây lời tiên tri Êzêchiel: “Quả thật, Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm, như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Israel, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được. Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Israel. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Israel. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng”. (Ed 34,11-16)
Có lẽ không có lời nào nói lên tấm lòng yêu thương của vị mục tử đối với chiên của mình hay hơn thế!
2. Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi. Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” (Ga 10,27).
Khi nhìn đám đông quần chúng theo mình, Chúa Giêsu cảm động và thương xót họ. Dưới mắt Ngài, họ như chiên không có kẻ chăn. Ngài ngụ ý gì khi nói như thế ? Thưa:
a. Một con chiên không có người chăn sẽ không tìm được đường đi. Nếu bị bỏ mặc một mình, chúng ta sẽ bị lạc lõng trong cuộc sống. Thi sĩ Dante có một câu nói rằng: “Tôi tỉnh dậy giữa rừng và trời tối đen, trước mặt tôi chẳng thấy có con đường nào trống trải cả”. Cuộc đời có thể khiến chúng ta bối rối lạc lõng như vậy. Chúng ta có thể gặp một ngã tư đường mà không biết phải đi lối nào. Chỉ khi Chúa Giêsu hướng dẫn chúng ta mới theo Ngài, tìm ra lối đi.
b. Một con chiên không người chăn sẽ không tìm được đồng cỏ và thức ăn. Sống trên đời này, chúng ta phải tìm kế mưu sinh, chúng ta ra khỏi chính mình và vượt cao hơn cả chính mình. Nếu chúng ta tìm nó ở những nơi khác, tâm trí chúng ta sẽ chưa thỏa mãn, tấm lòng chúng ta chưa được yên nghỉ, linh hồn chúng ta cũng chưa được no đủ. Chúng ta chỉ có thể tìm được sức lực của đời sống từ nơi Đấng vốn là Bánh Hằng Sống.
c. Một con chiên không có người chăn sẽ không được ai bảo vệ chống lại những nguy hiểm đang đe dọa nó. Nó không thể tự vệ cả với bọn trộm cướp lẫn với đám thú rừng. Nếu có gì cuộc đời dạy khôn chúng ta thì đó là chúng ta không thể sống một mình. Không ai có thể tự vệ đối với những cám dỗ, với điều ác của thế gian luôn luôn vây hãm mình. Chỉ khi nào chúng ta cùng đi với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể bước đi trong thế gian và luôn giữ được áo xống mình khỏi sự ô uế của đời này. Không có Ngài, chúng ta sẽ không thể tự vệ, với Ngài chúng ta được an toàn.
3. “Tôi cho chúng được sự sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất” (Ga 10,28). Mục tử tốt lành là mục tử luôn lo cho đoàn chiên.
Đây là lời cầu nguyện của thánh Grêgôriô:
Lạy Đấng Mục Tử nhân lành, Đấng mang cả đoàn chiên trên vai. Xin chỉ cho con chỗ nghỉ ngơi, xin dẫn con đến đồng cỏ xanh mà bổ dưỡng; xin gọi con đích danh, để con được nghe tiếng Chúa, vì con là chiên của Chúa.
Xin cho con biết Chúa đang chăn chiên ở đâu, để con tìm thấy đồng cỏ cứu độ và được đầy no lương thực bởi trời.
Xin cho con biết chạy đến nguồn suối mà múc lấy của uống thần linh, của uống chính Chúa ban như dòng nước từ nguồn mạch chảy tuôn cho những người đang khát. Chúa đã tuôn đổ dòng nước này từ cạnh sườn Chúa khi lưỡi đòng khai mạch. Ai nếm hưởng nước này thì trở nên mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời.
Xin Chúa cho con biết phải làm gì để được nghỉ ngơi bồi dưỡng! Phải theo đường nào để tới chỗ nghỉ trưa. Xin đừng để con vì không biết sự thật mà rời xa bàn tay Chúa dắt dìu, nhập đoàn với những bầy chiên xa lạ, không phải là đoàn chiên của Chúa. Amen.