Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
Thứ 3 PS –Tuần 3 2024
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/
----------------------------------
Mục Lục:
Lời Chúa: Ga 6, 30-35. 1
Suy Niệm 1: Bánh ban sự sống cho thế giới 2
Suy Niệm 2: Giê-su bánh đích thực. 3
Suy Niệm 3: Bánh trường sinh. 4
Suy Niệm 4: Cái nhìn thiển cận. 6
Suy Niệm 5: Hãy tin. 7
Suy Niệm 6: Cần lựa chọn cách khôn ngoan. 8
Suy Niệm 7: Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống. 9
Suy Niệm 8: Lương thực trường sinh. 10
Suy Niệm 9: Phải tin vào Đức Kitô. 11
Suy Niệm 10: Của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời 14
Suy Niệm 11: Chúa Giêsu trở thành bánh trường sinh. 15
-------------------------------
Bánh trường sinh.
Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh.
"Không phải Môsê, mà chính Cha Ta mới ban bánh bởi trời đích thực".
Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: "Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời".
Chúa Giêsu đáp: "Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian".
Họ liền thưa với Ngài rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi".
Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ".
---------------------------------
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Man-hu? Cái gì vậy? Đó là câu con cái Israel hỏi nhau
khi thấy manna lần đầu tiên rơi trên mặt đất.
Môsê trả lời: “Đó là bánh Đức Chúa đã ban cho các ngươi làm của ăn.”
Bốn mươi năm Đức Chúa đã nuôi dân của Ngài bằng thức ăn ấy,
trong suốt cuộc hành trình trong sa mạc cho tới khi họ đến đất Canaan.
Đức Chúa vẫn là Đấng quan tâm đến sinh mệnh của dân.
Qua Môsê, Ngài cho họ manna là bánh từ trời xuống.
Có vẻ những người ở Caphácnaum muốn thách đố Đức Giêsu
làm một dấu lạ lớn lao tương tự như dấu lạ Môsê đã làm (cc. 30-31),
nếu Ngài thật là một vị ngôn sứ như Môsê đã loan báo (Đnl 18, 15).
Hãy ban cho chúng tôi thứ bánh bởi trời như manna ngày xưa.
Đức Giêsu khẳng định không phải Môsê đã cho họ ăn bánh bởi trời.
Chính Chúa Cha đã ban cho dân Israel bánh bởi trời, trong sa mạc.
Và nay Chúa Cha còn muốn ban một thứ bánh mới.
Đức Giêsu long trọng giới thiệu bánh mới này:
“Chính Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực” (c. 32).
Bánh này là bánh từ trời xuống và ban sự sống cho thế giới (c. 33).
Như thế bánh mới này cũng là bánh từ trời,
nhưng không chỉ dành cho dân Israel như manna cũ.
Đây là thứ bánh đích thật dành cho cả thế giới loài người.
“Lạy Ngài, xin cho chúng tôi thứ bánh ấy luôn” (c. 34).
Đây là một sự hiểu lầm của dân chúng đang nghe Đức Giêsu.
Nó tương tự như sự hiểu lầm của người phụ nữ Samari
khi chị xin Đức Giêsu: “Xin cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát” (Ga 4, 15).
Thứ bánh mới Đức Giêsu giới thiệu
không phải là tấm bánh vật chất, ăn được để tránh cái đói tạm thời,
nhưng là tấm bánh thỏa mãn sự đói khát sâu thẳm nơi trái tim.
“Chính tôi là bánh trường sinh,
Ai đến với tôi sẽ không đói, ai tin vào tôi sẽ không khát bao giờ” (c.35).
Đến với và tin vào Đức Giêsu ta sẽ tìm được thức ăn tinh thần.
Lời dạy dỗ của Ngài là bánh từ trời đích thực, vượt hẳn manna xưa.
“Người ta sống không nguyên bởi bánh,
nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8, 3).
Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa,
nên lời của Ngài sẽ là bánh đem lại sự sống cho bất cứ ai tin.
Tạ ơn Cha đã nuôi chúng ta bằng Tấm Bánh Giêsu, Bánh từ trời xuống.
Chúng ta không phải đi lượm manna mỗi ngày như dân Israel xưa.
Nhưng mỗi ngày chúng ta phải lắng nghe Lời Giêsu để được no đủ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. Amen.
---------------------------------
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Giê-su là bánh đích thực. Vì là bánh Cha ban. Món quà Cha ban rất quí giá. Vì đó là Người Con yêu dấu. Là hình ảnh tuyệt hảo của Cha. Là chính Cha. Là chính sự sống. Nhờ Người mà muôn vật có sự sống. Vì nhờ Người “vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3).
Giê-su là bánh đích thực. Vì bánh từ trời xuống. Trời là cung lòng Chúa Cha. Là tình yêu thương của Chúa Cha. Tình yêu thương của Cha quá lớn lao. Nên đã ban cả Con Một của Người. Đó là tất cả những gì có thể ban. Bánh từ trời vì Giê-su chính là thiên đàng. Ở với Chúa Giê-su là ở trên thiên đàng. Như lời Chúa hứa với người trộm lành: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43).
Giê-su là bánh đích thực. Vì bánh này không bao giờ hư nát. Ai ăn bánh này sẽ không bao giờ chết. Bánh đem lại sự sống đời đời.
Ăn bánh này thế nào? Người Do thái hỏi và Chúa Giêsu chỉ dẫn cho họ: “Ai đến với Tôi, không hề phải đói; ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ”. Đến với Chúa là sống với Chúa. Sống với Chúa là biến đổi nên giống như Chúa. Là suy nghĩ, ăn nói, cư xử như Chúa. Tin vào Chúa là hiến toàn thân cho Chúa. Là kết hợp nên một với Chúa. Là để Chúa sử dụng đời sống.
Thánh Stê-pha-nô đã đến với Chúa và đã tin vào Chúa. Đến với Chúa và sống với Chúa nên Stê-pha-nô để Chúa biến đổi nên giống Chúa. Hãy chiêm ngắm giờ chết của Stê-pha-nô. Lời nói và hành động của ngài sao y lời nói và hành động của Chúa Giê-su. Cũng xin tha cho kẻ làm hại mình. Cũng phó linh hồn trong tay Chúa. Tin vào Chúa nên Stê-pha-nô hiến toàn thân cho Chúa. Cái chết là thể hiện ước nguyện dâng hiến. Stê-pha-nô hân hoan đón nhận cái chết như cơ hội tuyệt vời hoàn tất hành vi dâng hiến.
Ăn bánh bởi trời rồi, Stê-pha-nô dứt bỏ trần gian. Sống một đời sống khác, tâm hồn Stê-pha-nô hoàn toàn trong sạch. Nên ông đã nhìn thấy trời mở ra. Và nhìn thấy Chúa Giê-su đến đón ông. Để đi vào cuộc kết hợp trọn vẹn. Hoàn toàn nên một với Chúa Giê-su là tấm bánh đích thực. Để từ đây không bao giờ đói khát nữa. Để no thỏa trong hạnh phúc trọn vẹn.
-------------------------------
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, mức tiêu thụ đã gia tăng nhanh chóng và xâm nhập vào hầu hết mọi chiều kích của cuộc sống con người, đến độ chúng ta gọi nền văn minh hiện nay là văn minh tiêu thụ. Từ năm 1975 đến năm 2000, mức tiêu thụ của thế giới đã gia tăng gấp đôi. Tổng cộng mức tiêu thụ của thế giới trong hai mươi lăm năm qua đã lên đến hai mươi bốn ngàn tỉ Mỹ kim. Ðây là một hiện tượng tích cực hay tiêu cực.
Sự gia tăng của mức tiêu thụ có gia tăng với sự phát triển đích thực của con người không? Ðây là những câu hỏi cơ bản mà bản báo cáo cuối cùng của chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc đã nêu lên, để rồi cuối cùng đưa ra khẳng định như sau: "Sự tiêu thụ của cải và các dịch vụ là một sinh hoạt thường hằng trong đời sống mỗi ngày. Tuy nhiên, đó không phải là cứu cánh tối hậu của mỗi cá nhân. Hơn nữa, cho dẫu của cải và và các dịch vụ có thừa mứa và mức tiêu thụ có gia tăng theo một mức độ làm chóng mặt, trật tự xã hội vẫn không tốt đẹp hơn."
Theo bản báo cáo của chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc, hiện nay một gia đình trung lưu tại Phi Châu tiêu thụ hai mươi phần trăm ít hơn cách đây hai mươi lăm năm. Hai mươi phần trăm dân số thế giới vẫn còn đứng bên lề sự gia tăng mức tiêu thụ của thế giới. Trong bốn tỉ bốn những người đang sống trong các quốc gia đang phát triển, gần ba phần năm vẫn chưa có được những hạ tầng cơ sở về vệ sinh. Một phần ba thiếu nước uống. Một phần tư không có được cái bếp ăn chốn ở cho đàng hoàng. Một phần năm không biết thế nào là các phương tiện chăm sóc sức khỏe hiện đại. Một phần năm trẻ em không được cắp sách đến trường cho hết bậc tiểu học và một phần năm khác không có đủ chất đạm và một chế độ ăn uống đầy đủ. Trong số hai tỉ người thiếu máu trên khắp thế giới chỉ có năm mươi lăm triệu sống tại các nước tiên tiến. Chênh lệch giữa các nước giàu và các nước nghèo, chênh lệch ngay trong cùng một nước. Ðây là hiện tượng không thể chối cãi được trong nền văn minh tiêu thụ ngày nay. Khoảng cách giữa các nước giàu và những nước nghèo càng xa; khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trong cùng một nước lại càng xa hơn. Nguyên nhân của sự chênh lệch ấy chắc chắn chỉ có thể là sự ích kỷ của con người mà thôi, càng có con người càng muốn có thêm và chỉ muốn chiếm giữ cho riêng mình. Sự giàu có về của cải vật chất do đó cũng đương nhiên làm cho con người được phong phú hơn. Ðây là chân lý mà Giáo Hội không ngừng nhắc nhở cho con cái mình.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về cùng đích của cuộc sống chúng ta là chính Chúa. Chỉ có Chúa mới có thể thỏa mãn được khát vọng thâm sâu của con người. Ðám đông những người Do Thái được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm sau đã tìm đến Ngài. Chúa Giêsu biết rõ họ đi tìm Ngài không phải vì đã thấy được ý nghĩa của phép lạ hoặc lắng nghe lời giáo huấn của Ngài, mà chỉ vì của ăn nuôi thân xác. Ngài kêu gọi họ hãy tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu mà Ngài đã muốn thể hiện qua phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều. Quả thật, qua phép lạ ấy, Chúa Giêsu báo trước bánh trường sinh là Ngài. Ngài chính là tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho mọi người, ai tin nhận Ngài, đón nhận sự sống của Ngài, người đó sẽ được trường sinh, người đó sẽ tham dự vào chính sự sống của Ngài, nghĩa là cũng sẽ trở thành tấm bánh được bẻ ra để san sẻ và trao ban cho người khác. Chỉ có một cuộc sống như thế mới thực sự đáng sống, vì nó mang lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống con người. Với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã có thể nuôi nấng một đám đông trên năm ngàn người. Quả thật, Ngài chỉ cần nói một lời, múa cây đũa thần cũng đủ để nuôi sống cả nhân loại, nhưng Chúa Giêsu đã không đến như một phù thủy, Ngài cũng chẳng đến để mang lại bất cứ một giải pháp kinh tế nào, Ngài đến là để trở thành tấm bánh được bẻ ra và trao ban. Ai thực sự ăn tấm bánh ấy cũng có thể trở thành một tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho người khác. Nhân loại thiếu ăn không phải vì thiếu cơm bánh mà chỉ vì thiếu lòng quảng đại khi những bàn tay được mở ra để trao ban và san sẻ với người khác mà thôi. Cái đói khủng khiếp của nhân loại hẳn không là đói cơm bánh mà chính là đói tình thương và lòng quảng đại của con người.
Ước gì được nuôi sống bằng tấm bánh bẻ ra là Chúa Giêsu, các tín hữu cũng trở thành tấm bánh được bẻ ra cho người khác.
-------------------------------
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Một gia đình ếch sống dưới một đáy giếng tăm tối, không thấy ánh sáng mặt trời cũng không biết những gì đang xẩy ra bên ngoài. Ngày nọ, có một con chim sơ ca bay xuống nói với dòng họ ếch về thế giới của mặt trời, của hoa cỏ, của tình yêu. Nghe thế, tộc trưởng ếch liền nới với đồng bào mình: “Các ngươi nghe chưa, thế giới của bạn sơn ca mô tả là một thứ thiên đàng không tưởng, nơi chỉ có những con ếch tốt, tức những con ếch chịu đau khổ dưới đáy giếng mới được lên tới mà thôi”. Tuy nghe những lời mỉa mai đó, một số ếch vẫn tin vào lời chim sơn ca. Một chú ếch sau khi nghiên cứu tình hình đã giải thích: “Thế giới mà bạn sơn ca loan báo không phải là thế giới khác đâu, đó chính là thế giới của chúng ta; thêm một chút ánh sáng, một chút gió mát, một chút thực phẩm, chúng ta có ngay thiên đàng dưới đáy giếng này”. Thế nhưng đa số đồng bào ếch đã thấy được sự phỉnh gạt của lời giải thích ấy, chúng vùng lên ra khỏi đáy giếng và thấy được thế giới có mặt trời, trăng sao, hoa cỏ, tình yêu.
Những người Do thái trong Tin mừng hôm nay là đại biểu của vô số những người không muốn nhìn lên khỏi đáy giếng tăm tối của họ. Dù chứng kiến nhiều phép lạ của Chúa, nhất là đã được Ngài cho ăn no thoả, nhưng cái nhìn của họ không vượt lên khỏi bao tử của họ. Khi Chúa Giêsu cho họ ăn bánh no nê và mời gọi họ đến thứ bánh không hư nát, họ đã chối từ Ngài; đôi mắt họ chỉ dán chặt vào thứ cơm bánh chóng qua; họ chỉ hướng đến cái trước mắt.
Đức tin là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa cho con người. Đức tin ấy chính là ánh sáng chiếu dọi vào đáy giếng tăm tối mà con người đã rơi xuống. Đức tin ấy là sức mạnh lôi kéo con người khỏi cái tăm tối ấy. Đức tin ấy cũng chính là cái nhìn về chân trời đầy ánh sáng Thiên Chúa ban cho con người.
Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta đức tin ấy. Cảm tạ Chúa đã cứu độ vào lôi kéo chúng ta ra khỏi vùng tăm tối của tội lỗi. Xin cho chúng ta được mãi là con người mới với Đức Kitô Phục sinh, được cùng tiến bước với Ngài để luôn sống như Ngài, nhìn đời bằng chính đôi mắt của Ngài và yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.
-------------------------------
Đức Giêsu bảo họ:
“Chính tôi là bánh trường sinh.
Ai đến với tôi, không hề phải đói;
Ai tin vào tôi chẳng hề khát bao giờ!” (Ga. 6, 35)
“Hãy cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh đó”.
“Hãy cho chúng tôi uống mãi thứ nước đó”.
Lúc đó không còn phải vất vả lao khổ nữa! Người Ga-li-lê cũng như người Sa-ma-ri chỉ biết có xin cho, xin cho để Chúa làm những phép lạ cho mình.
Thứ tôn giáo dễ dãi, mê tín dị đoan, ỷ nại, vị kỷ. Thứ tôn giáo làm suy thoái con người cầu đảo, ném tất cả mọi tham vọng của mình vào Thiên Chúa. Họ lợi dụng Thiên Chúa. Họ quên rằng Thiên Chúa đặt đường lối cho họ đến gặp Ngài, đường lối của Thiên Chúa không thể theo đường lối của chúng ta. Ngài luôn luôn đòi ta phải ăn năn sám hối trở về với Ngài để “ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Cũng không phải trên trời phải như dưới đất.
Người Do thái cũng không lầm khi tin Đức Giêsu: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa?”. Và Đức Giêsu cũng chẳng lầm khi trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn là hãy tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến”. Làm là gì? làm ở đây là thực hiện đức tin, là việc nội tâm, là tự tạo mình để tỏ lòng tin, tự đón nhận tận đáy lòng thuận theo chương trình của Thiên Chúa. Thuận theo, vâng phục là một ơn phải cầu xin cho mình chỉ thực hiện trong chân lý, chúng ta phải chứng tỏ chúng ta chân thật trước tôn nhan Chúa, phải vượt qua những ước muốn hời hợt phàm trần bên ngoài như lối cầu xin “xin cho chúng tôi được bánh đó mãi mãi”. Để tiến tới lối cầu xin những điều cần thiết sâu thẳm: xin ánh sáng chân lý chiếu soi, xin được can đảm hy sinh, xin được tận tâm hiến thân. Tận đáy nền của việc cầu nguyện là gắn bó, cam kết, hiệp nhất.
Như thế toàn diện đời sống chúng ta mới có thể đến với Đức Kitô, sống với Người làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa.
Cầu nguyện không phải là trốn trách nhiệm, nhưng xin Chúa giúp mình làm tròn trách nhiệm. Cầu xin hòa bình không phải xin phép lạ, chính là xin để mọi người sáng suốt, can đảm và khả năng xây dựng hòa bình.
Man-na là bằng chứng Thiên Chúa ở với Mô-sê. Bánh hóa nhiều có nghĩa là chính Đức Giêsu là bánh từ Chúa Cha ban cho thế gian được sống vô cùng hơn của ăn vật chất, vì nhờ đức tin vào Người, chúng ta được tham dự vào chương trình Thiên Chúa. Thay vì rước Thánh Thể như một bánh ảo thuật, tín hữu phải nhìn thấy Đức Giêsu đến ban tặng tình yêu cho ta được làm bạn với Người để giải khát cơn đói chân lý, đói sự sống của ta, cho ta được hiệp thông với Thiên Chúa.
---------------------------------
Trong nền văn chương Việt Nam, nếu đã từng đi học, hẳn không một ai mà không biết truyện “thằng Bờm”.
Truyện kể rằng: thằng Bờm có cái quạt mo. Khi được một người phú hộ đề nghị đổi trâu, bò, bè gỗ lim, ao thả cá mè, đôi chim đồi mồi, để ông lấy cái quạt mo của thằng Bờm, nhưng Bờm ta vẫn không chịu. Thế nhưng khi người phú hộ đề nghị đổi bằng một nắm xôi, thì Bờm ta lại đồng ý!
Khi thằng Bờm đã đồng ý đổi nắm xôi, phải chăng cho thấy một lối nhận thức hạn hẹp trong sự thực dụng của Bờm. Bờm ta chỉ đủ khả năng để biết no hay đói mà thôi, chứ không hề có những suy tính xa và sâu hơn!
Dân chúng thời Đức Giêsu cũng vậy, họ có cái nhìn và lối sống cũng như lựa chọn không khác gì thằng Bờm trong câu chuyện trên! Vì thế, mới nghe Đức Giêsu nói về một thứ bánh mà khi ăn vào không hề phải đói, thế là họ nhao nhao lên xin Đức Giêsu cách khẩn thiết: “Xin Thầy cho chúng tôi thứ bánh đó luôn mãi”.
Qua lời van xin của họ, chúng ta thấy rõ cái bụng của họ đã lớn hơn cả lý trí, nên nó cũng chi phối luôn cả lựa chọn. Thấy vậy, Đức Giêsu đã trách họ: “Các người tìm Ta không phải vì các người đã thấy dấu lạ, nhưng vì các người đã được ăn bánh no nê”.
Tiếp theo dòng chảy đó, Đức Giêsu đã mạc khải để giúp họ trực tiếp đi vào thẳng nội dung, trọng tâm của vấn đề, đó là: "Chính tôi là Bánh Hằng Sống. Ai đến với Tôi, không hề phải đói; Ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ".
Trong đời sống đạo của chúng ta hôm nay, nhiều khi tin Chúa vì có lợi chứ không phải lòng mến. Chúng ta vẫn cầu nguyện, vẫn đi lễ, đọc kinh thường xuyên, nhưng tin và đón nhận thánh ý Chúa, nhất là khi thử thách, đau khổ và thất bại trong cuộc đời thì lại là chuyện rất khó chấp nhận! Những lúc như thế, phải chăng chúng ta cũng thực dụng không kém những người Dothái và đôi khi chẳng khác gì thằng Bờm trong câu chuyện trên!
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng tin vững mạnh, để trong cuộc sống, chúng con biết tìm Nước Trời trước hết, còn mọi chuyện khác, Chúa sẽ ban cho sau. Xin cho chúng con biết đặt ra cho mình những bậc thang giá trị dưới con mắt đức tin, để chúng con không như những người Dothái khi xưa. Amen.
Ngọc Biển SSP
---------------------------------
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống đem lại sự sống cho thế gian. Ai đến với Chúa và tin vào Chúa sẽ được sự sống thần linh, được bình an hạnh phúc đời này và đời sau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa nhìn thấy con long đong vất vả ngược xuôi tối ngày để tìm kiếm lương thực nuôi sống con và gia đình con. Con cần ăn để sống và tăng trưởng. Xin Chúa nâng đỡ con trong công việc lao động hằng ngày.
Nhưng lạy Chúa, đời sống con không phải chỉ cần lương thực phần xác, mà còn cần lương thực phần hồn. Lương thực phần xác có thể làm cho thân xác con no thoả, nhưng chắc chắn không thể làm cho tâm hồn con được an vui hạnh phúc. Con thấy bao nhiêu người ăn sung mặc sướng mà vẫn buồn sầu, chán chường, thất vọng, khổ đau, thiếu vắng tình yêu, rắc gieo tội ác. Ngược lại con cũng thấy nhiều người tuy đói ăn, thiếu mặc nhưng lại sống trong niềm vui, hạnh phúc và yêu thương.
Chính Chúa là sự sống của con. Chúa từ trời xuống để đem lại sự sống đích thực cho con. Xin Chúa giúp con đón nhận Chúa vào đời con để con được no thoả tình yêu và ơn thánh Chúa. Xin giúp con biết đón nhận Lời Chúa hướng dẫn con mọi nơi mọi lúc, nhờ đó con được sống trong bình an và niềm vui. Con sẽ cố gắng thường xuyên đến với Chúa trong thánh lễ để được nuôi sống bằng lương thực là chính Chúa. Đó là lương thực bổ dưỡng, xin cho con biết đón nhận. Và đồng thời xin giúp con biết loại trừ những của ăn độc hại cho linh hồn là những tư tưởng ước muốn xấu xa, thấp hèn, hận thù, tham lam. Lạy Chúa, con đến với Chúa, xin đón nhận con. Amen.
Ghi nhớ: “Không phải Môsê, mà chính Cha Ta mới ban bánh bởi trời đích thực”.
---------------------------------
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Năm 1923, tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhau trong một khách sạn tại miền Viễn Tây. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh và làm giàu, hình như muốn khẳng định câu châm ngôn thường tình của con người ở khắp mọi nơi là: “Có tiền mua tiên cũng được”.
Thế nhưng, 25 năm sau những gì đã xảy đến cho tám nhà kinh doanh giàu có này?.
Charles Schwab, Giám đốc của một trong những công ty sắt lớn nhất tại Mỹ đã chết vì bị phá sản. Trong năm cuối cùng, ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay mượn của người khác. Samuel Insull, Giám đốc của một công ty chuyên sản xuất các vật dụng cần thiết trong nhà, phải bỏ nước ra đi và chết tha phương không một đồng xu dính túi. Howard Hopson, Giám đốc của một hãng gas lớn trở nên điên loạn. Arthur Cutten, Chuyên xuất nhập cảng lúa mì, cũng chết ở nước ngoài không một đồng xu dính túi. Richard Whitney, Giám đốc một phòng hối đoái lớn tại New York, vừa bình phục sau một thời gian dưỡng bệnh trong một nhà thương điên. Albert Pall, một nhân vật cấp cao trong chính phủ, vừa ra tù vì dính líu vào một vụ tham nhũng. Người cuối cùng trong danh sách tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ khoảng thập niên 20 cũng tự kết liễu cuộc sống của mình… (Theo đài Veritas)
Thật thế, con người chỉ lo tìm kiếm tiền bạc vật chất, chính nó lôi kéo dẫn người tìm kiếm nó vào con đường “đầy sương mù”, và dẫn tới mất phương hướng khi vào đường cụt của cuộc đời.
Suy niệm
Người Do Thái tìm Đức Kitô chỉ lo bảo đảm cho họ được của ăn vật chất luôn mãi…
Nhưng Chúa mời gọi họ: thay vì tìm kiếm của ăn vật chất mà họ đang mong đợi như của ăn manna mà tổ tiên họ đã ăn trong sa mạc xưa, nhưng họ vẫn phải chết, của ăn vật chất là thứ “lương thực mau hư nát” là những cái chỉ đem lại những hạnh phúc thoáng qua, hãy tìm “lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh”, lương thực trường sinh ấy chính là Ngài. Cho nên, chúng ta tìm đến, tin vào Ngài và được ăn thịt và uống máu của Ngài để có sự sống đời đời: “Ta là bánh trường sinh. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát” (Ga 6,35).
Có những người vẫn xác tín rằng mình tin vào Chúa, theo Chúa nhưng chỉ dựa trên những phép lạ, như dân Do Thái xưa đòi Chúa Giêsu những phép lạ để tin. Họ sống “duy phép lạ” trong đức tin, đó chính là tư tưởng tin sai lạc mà chính Đức Kitô đã chỉ rõ ràng (x. Mt 12,38-39; 16,1-4).
Bằng diễn từ Thánh Thể, Chúa Giêsu chuẩn bị cho việc hiến tế mình và máu chính mình, Ngài đã giảng dạy: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Tôi là nước trường sinh, ai uống nước Tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa, nước Tôi sẽ cho và nơi người ấy sẽ trở thành một nguồn nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,51; 4,10-13).
Sau khi đã chuẩn bị bằng phép lạ bánh hóa nhiều, bằng diễn từ mạc khải về Thánh Thể tại Capharnaum. Trong bữa tiệc ly, trước khi ra đi cứu độ trên thập giá, phục sinh và về cùng Cha, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể để ở lại chính thức với nhân lọai: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy… Ðây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14, 22-24). Dân Chúa sẽ sống bằng sự sống của Thiên Chúa qua tình yêu mà Ngài dâng hiến cho con người chính mình và máu Ngài, vì thế bí tích Thánh Thể còn gọi là bí tích Tình Yêu. Thánh Thể là sự dâng hiến, quà tặng như Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (1Cr 11,24).
Mỗi ngày chúng ta tiếp lời mời gọi của Chúa Kitô tìm đến Thánh Thể, bánh trường sinh và nước hằng sống, chúng ta nghe lời của ngôn sứ Isaia bằng hình ảnh: “Ðến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55,1).
Ý lực sống: “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi,
cho biết Chúa thiện hảo nhường bao” (Tv 34,9).
---------------------------------
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan ghi lại lời dạy của Đức Giêsu về Bánh Hằng Sống tức là thứ “của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”. Thứ ăn này vượt trội hơn Manna ngày xưa. Nghe thế, dân chúng tưởng đó là một thứ thức ăn – cũng vẫn là vật chất – nhưng ăn vào thì sẽ không đói nữa, nên họ xin: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”.
2. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng rất hồ hởi và hy vọng. Hôm sau, họ đến với Đức Giêsu rất đông, hy vọng kiếm được của ăn ít ra cũng dồi dào như manna, xưa đã nuôi sống cha ông họ trong sa mạc suốt thời gian đi về đất hứa. Nhưng Đức Giêsu muốn nâng cao họ lên một bước, Ngài mời họ trước hết hãy tìm kiếm những lương thực không hư nát, là thứ tồn tại cho đến cuộc sống vĩnh hằng: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,26). Họ tưởng lương thực mà Đức Giêsu nói đây là manna ngày xưa cha ông họ đã ăn trong sa mạc. Nhưng Đức Giêsu bác bỏ quan niệm của họ và nói rõ ràng hơn: “Chính Ta là bánh trường sinh. Ai đến với Ta không hề phải đói. Ai tin vào Ta chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35).
3. Toàn chương 6 của Tin Mừng Gioan cho chúng ta thấy Đức Giêsu cống hiến Mình Máu Thánh Ngài làm của nuôi sống con người khỏi đói khát tinh thần, và để chuẩn bị con người lãnh nhận điều này, Đức Giêsu đã thực hiện một dấu chỉ lạ lùng khi hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn no nê. Nhưng dấu chỉ này lại bị dân chúng hiểu lầm: họ muốn đến với Chúa vì lợi lộc vật chất, chứ không vì tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế. Trước lời mời gọi của Chúa: hãy nâng tâm hồn lên, hãy tin vào Đấng được Chúa Cha sai đến, hãy ăn thịt và uống máu Ngài để được sống đời đời, thay vì khiêm tốn vâng phục, dân chúng lại tỏ ra ngoan cố thách thức hơn nữa, như Tin Mừng hôm nay thuật lại. Họ so sánh dấu lạ Chúa vừa thực hiện tức là phép lạ hóa bánh ra nhiều, với dấu lạ của Maisen mà hằng năm họ vẫn sốt sắng tưởng niệm; họ muốn Chúa thực hiện một dấu lạ cao cả hơn dấu lạ thời Maisen.
4. Manna là một loại bánh Thiên Chúa đã ban từ trời xuống làm lương thực cho dân Do thái lúc họ lưu lạc suốt 40 năm trường trong sa mạc, cuộc sống đầy nguy hiểm, bấp bênh, thiếu thốn nước uống, cơm bánh. Cho nên, nhiều lần dân chúng đã nghi ngờ, kêu ca, than trách ông Maisen và cả Thiên Chúa nữa. Chúa thử thách họ và phạt họ bằng nhiêu tai ương, nhưng đồng thời Ngài vẫn luôn lo liệu lương thực cho họ được đầy đủ được một thứ bánh là manna, để biểu lộ sự hiện diện và sự quan phòng của Ngài, là mỗi buổi sáng, Thiên Chúa làm cho lớp sương mù bay phủ trên nơi người Do thái đóng trại, và lúc sương tan đi, rơi xuống những hạt nho nhỏ mầu trắng, có mùi vị mật ong, họ chỉ việc ra lượm mà ăn, họ không hiểu cái gì đó nên hỏi nhau “man-hu”: cái gì vậy? Rồi không hiểu sao họ gọi trệch ra là man-na, và trở thành tên của lương thực này.
5. Tóm lại, sự sống thể lý không phải là sự sống tự thân mà là sự sống lệ thuộc, nghĩa là nó cần đến lương thực vật chất nạp vào để duy trì, nhưng vì nó hữu hạn, nên sẽ đến lúc sự sống đó không thể thâu nạp được lương thực nữa, nó sẽ èo uột yếu ớt và chết.
Còn sự sống thần linh là sự sống siêu nhiên Chúa ban, tuy không chết, nhưng rất cần được nuôi dưỡng bằng bánh Sự Sống là Thánh Thể, mà Thánh Thể chính là sự sống tự thân nơi Đức Kitô thông truyền cho linh hồn chúng ta. Nhờ rước lấy Chúa Kitô mà Kitô hữu được mạnh mẽ và tăng trưởng, không sợ tội lỗi hay ma quỉ có thể xâm nhập và làm tổn hại linh hồn mình (Hiền Lâm).
6. Truyện: Hạnh phúc mong manh.
Năm 1923, tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhau trong một khách sạn tại miền Viễn Tây. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh và làm giầu, hình như muốn khẳng định câu châm ngôn thường tình của con người ở khắp mọi nơi là: “Có tiên mua tiên cũng được”.
Thế nhưng 25 năm sau, những gì đã xẩy đến cho tám nhà kinh doanh giầu có này?
Charles Schwah, giám đốc của một trong những công ty sắt lớn nhất tại Mỹ đã chết vì bị phá sản. Trong năm cuối cùng, ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay mượn của người khác.
Samuel Insull, giám đốc của một công ty chuyên sản xuất các vật dụng cần thiết trong nhà, phải bỏ nước ra đi và chết tha phương không một đồng xu dính túi.
Howard Hopson, giám đốc của một hãng ga lớn trở nên điên loạn.
Arthur Cutten, chuyên xuất nhập cảng lúa mì, cũng chết ở nước ngoài không một đồng xu dính túi.
Richard Whitney, giám đốc một phòng hối đoái lớn tại New York, vừa bình phục sau một thời gian dưỡng bệnh trong một nhà thương điên.
Albert Pall, một nhân vật cấp cao trong chính phủ, vừa ra tù vì dính líu vào một vụ tham nhũng.
Người cuối cùng trong danh sách tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ khoảng thập niên 20 cũng tự kết liễu cuộc sống của mình... (Theo đài Veritas).
Thật thế, con người chỉ lo tìm kiếm tiền bạc vật chất, chính nó lôi kéo dẫn người tìm kiếm nó vào con đường “đầy sương mù”, và dẫn tới mất phương hướng khi vào đường cụt của cuộc đời.
---------------------------------
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Chúa Giêsu bắt đầu giải thích về thứ “của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”:
Thứ của ăn đó vượt trội hơn Manna ngày xưa.
Nghe thế, dân chúng tưởng đó là một thứ thức ăn - cũng vẫn là vật chất - nhưng ăn vào thì sẽ không đói nữa, nên họ xin “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”.
B. Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Thái độ dân Do Thái rất đáng cho ta suy nghĩ: vì nhớ tới Manna ngày xưa, họ chỉ nghĩ rằng đó là thứ bánh vật chất nhưng ngon hơn thứ bánh ngày thường, cho nên họ cầu xin với Chúa Giêsu cho họ thứ lương thực vật chất đó để giúp họ no lâu hơn. Nhiều khi chúng ta đến với Chúa cũng chỉ để xin những nhu cầu thoả mãn cho cuộc sống vật chất như thế.
2. Những hình ảnh trong Phúc Âm Gioan luôn mang hai ý nghĩa: nghe tới “đói” phần xác thịt thì phải nghĩ tới cơn đói tinh thần, thấy thức ăn vật chất thì hãy nghĩ tới thức ăn tinh thần. Ước gì tôi cũng biết nghĩ như thánh Gioan khi cảm thấy đói, khát, mệt mỏi, đau yếu, bệnh tật…
3. Mỗi khi ăn, ta làm điều mà không nhà khoa học nào có thể làm: ta đưa vào trong mình một vật chất để giúp ta có sự sống. Thức ăn trở nên thành phần của cơ thể ta. Nhiều khi sức khỏe của ta lệ thuộc vào thức ăn. Một câu tục ngữ xưa nói: “Bạn là những gì bạn đã ăn”.
Thức ăn giàu chất dinh dưỡng: bạn mập; ăn vặt: bạn suy dinh dưỡng. Cho một bệnh nhân bị ghẻ ăn thức ăn thích hợp, da của anh sẽ sạch. Khi có sự nghiệp ta thường dùng thức ăn ngon.
Biết thế nên Chúa Giêsu quyết định ẩn mình trong tấm bánh và trở nên lương thực cho linh hồn của những kẻ theo Ngài (Góp nhặt).
4. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.
Đôi khi nhóm bạn chúng tôi cảm thấy chán nản vì cuộc sống tẻ nhạt, nhịp điệu đời sống cứ đều đều quay vòng: Học, ăn, ngủ, lo cho túi tiền có đủ xài đến cuối tháng… Sinh viên xa nhà thiếu thốn đủ thứ, thiếu vật chất, thiếu tinh thần, thèm xem phim, đói truyện báo, khát những buổi ca nhạc… Tai hại hơn, những bạn là Kitô hữu phần lớn là đói Phúc Âm, khát Lời Chúa vì những lý do không tên…, để rồi đức tin mờ nhạt mà không hay biết.
Chúa ơi! chúng con chỉ biết đói khát những vật chất thế gian, xin cho chúng con nhận ra sự “đói khát” Lời Chúa trong chính bản thân mình. (Epphata)
---------------------------------
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Chúa Giêsu bắt đầu giải thích về thứ “của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”:
Thứ của ăn đó vượt trội hơn manna ngày xưa.
Nghe thế, dân chúng tưởng đó là một thứ thức ăn - cũng vẫn là vật chất - nhưng ăn vào thì sẽ không đói nữa, nên họ xin “Thưa Ngài, xin Ngài cho chúng tôi bánh đó luôn mãi” (Ga 6,34).
Thái độ của dân Do Thái rất đáng chúng ta suy nghĩ: nhớ tới manna ngày xưa, họ chỉ nghĩ rằng, đó là thứ bánh vật chất nhưng ngon hơn thứ bánh ngày thường, cho nên họ cầu xin với Chúa Giêsu cho họ thứ lương thực vật chất đó để giúp họ no lâu hơn. Nhiều người trong chúng ta, khi đến với Chúa có lẽ cũng chỉ để xin những nhu cầu thoả mãn cho cuộc sống vật chất như thế.
Ở đây, chúng ta thấy Chúa muốn nói đến một thứ lương thực khác. Chúng ta phải nhớ những hình ảnh trong Tin Mừng Gioan luôn mang hai ý nghĩa: nghe tới “đói” phần xác thịt, thì phải nghĩ tới cơn đói tinh thần, thấy thức ăn vật chất, thì hãy nghĩ tới thức ăn tinh thần.
Chúng ta thấy mỗi khi ăn, chúng ta làm điều mà không nhà khoa học nào có thể làm: ta đưa vào trong mình một lượng vật chất để giúp ta có sự sống. Thức ăn trở nên thành phần của cơ thể ta. Sức khỏe của ta lệ thuộc vào thức ăn. Một câu tục ngữ xưa nói: “Bạn là những gì bạn đã ăn”.
Thức ăn giàu chất dinh dưỡng: chúng ta sung sướng béo mập; ăn vặt: chúng ta sẽ bị suy dinh dưỡng. Biết thế nên Chúa Giêsu quyết định ẩn mình trong tấm bánh và trở nên lương thực cho linh hồn của những kẻ theo Ngài (Góp nhặt).
2. Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh, ai đến với tôi, không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35).
Vâng, Chúa Giêsu đã trở thành bánh trường sinh cho tất cả những ai tin vào Người. Công việc xem như không thể nhưng với Chúa thì tất cả đều có thể.
Người ta kể lại rằng, có lần thánh nữ Gertruđê đang Suy Niệm về bí tích Thánh Thể và tự hỏi không biết làm sao mà Chúa lại có thể tự hạ mình xuống thấp như thế, để hiện diện trên bàn thờ dưới hình bánh, thì chính Chúa Giêsu đã hiện ra và cắt nghĩa cho bà. Người cắt nghĩa bằng một câu chuyện sau. Người nói:
Một hoàng tử nhỏ ở trong một lâu đài rộng lớn với đủ loại đồ chơi, ngày kia nhìn qua cửa sổ và thấy các đứa bé nghèo chơi trên đường. Thấy hoàng tử nhìn qua cửa sổ như thế, người giám hộ liền hỏi:
- Hôm nay, hoàng tử muốn ở chơi trong lâu đài hay muốn ra ngoài chơi với các đứa bé trên đường phố ?
- Tôi muốn ra ngoài chơi với chúng.
Được phép, hoàng tử khoác vào người bộ đồ cũ nhất và cả ngày chơi với các trẻ nghèo. Đây là một trong những ngày hạnh phúc nhất của cậu bé chốn cung đình.
Rồi Chúa nói với thánh Gertruđê:
- Ta giống như vị hoàng tử nhỏ kia. Ta muốn ở với con người, đàn ông cũng như đàn bà. Bất cứ ai không đến với Mình Thánh hoặc ngăn cản kẻ khác đến rước lễ, kẻ ấy lấy mất đi của Ta một niềm vui lớn.
Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để luôn có được niềm vui.
Bà Marthe Robin một trong những người được in năm dấu thánh. Bà đã qua đời cách đây không lâu.
Hơn 30 năm trời bà không ăn uống gì, chỉ sống bằng Mình Thánh Chúa. Tôi xin nhắc lại: hơn 30 năm. Vâng, 30 năm trời như vậy, mỗi ngày có một linh mục đem Mình Thánh Chúa đến cho bà. Và mỗi khi linh mục đem Mình Thánh Chúa đến thì ngài có cảm tưởng y như Mình Thánh bay từ tay mình vào thẳng nơi miệng bà thật sự. Bà âm thầm sống trong một căn nhà nho nhỏ, có cha linh hướng săn sóc, đi đâu cha cũng khóa cửa lại, vì bà chẳng cần ăn uống gì hết.
Tuy mắt đã mù, không đọc sách báo cũng chẳng nghe được đài phát thanh, nhưng mỗi lần có ai xin bà việc gì, thì bà trả lời như thể bà đang nghe thấy tất cả những tin tức cuối cùng và mới mẻ nhất về nơi chỗ diễn tiến của sự việc vừa xảy ra. Làm sao cắt nghĩa được sự kiện lạ lùng này nếu không tin vào quyền năng của Thiên Chúa!
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là tấm Bánh Thánh nuôi dưỡng cho con,
Nhưng con lại có thể
bẻ vụn tấm bánh đời mình cho anh em con.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là Chén Máu Thánh
bổ sức cho con,
Nhưng con lại có thể quảng đại
mời anh em con uống lấy trọn đời con.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới thật sự là đường
Nhưng con lại có thể
chỉ đường cho anh em con bước đi.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là ánh sáng,
Nhưng con lại có thể làm cho
ánh mắt anh em con
thêm sáng ngời long lanh.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là sự sống vĩnh cửu,
Nhưng con lại có thể đem đến cho anh em con niềm vui sống.
(Phỏng theo L’INDISPENSABLE PIÈRE).
--------------------------------------------------