------------------------------- Cốt lõi của Lề Luật. 21/01 – Thứ Ba tuần 2 thường niên. – Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. "Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat".
* Anê là một thiếu nữ Rôma, mới từ mười hai đến mười lăm tuổi đã tình nguyện chết vì đức tin khi cuộc bách hại của hoàng đế Đi-ô-cơ-lê-xi-a-nô tới hồi khốc liệt nhất (năm 305). Đó là sự việc thánh Am-rô-xi-ô đã ghi lại, và là lý do khiến Hội Thánh Rôma tưởng nhớ thánh nữ với hết tình yêu mến.
Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: "Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?" Người trả lời rằng: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Ðavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?" Và Người bảo họ rằng: "Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat".
Các kitô hữu gốc Do Thái của Giáo Hội sơ khai thường bị chê trách vì đã lơ là trễ nải trong việc giữ ngày sabát. Giữ ngày sabát là điều hết sức quan trọng đối với người theo Do Thái giáo Ai vi phạm ngày này có thể bị xử tử (Xh 31, 14), bị ném đá (Ds 15, 32-36). Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu hẳn đã soi sáng cho vấn đề này. Câu chuyện xảy ra vào một ngày sabát. Khi thầy trò băng qua đồng lúa, các môn đệ đã bứt các bông lúa. Và hẳn họ đã vò lúa trong tay trước khi có thể ăn hạt bên trong. Theo sách Đệ nhị luật (23, 26) thì hành động này được phép làm: “Khi vào đồng lúa của người đồng loại, anh em có thể lấy tay bứt bông lúa.” Nhưng theo các kinh sư, điều này bị cấm làm trong ngày sabát, lý do là vì bứt lúa và vò trong tay cũng giống với hành vi gặt và xay lúa, mà gặt và xay lúa là một trong ba mươi chín việc không được phép làm ngày sabát. Từ đó người Pharisêu kết luận việc các môn đệ bứt lúa là phạm đến luật Môsê. Ngày nay chúng ta có thể buồn cười về chuyện này, nhưng nó nói lên việc các kinh sư vì sợ người ta phạm luật nên sau này đã thêm thắt những quy định tỉ mỉ chi li. Đức Giêsu đã trả lời người Pharisêu bằng đức cách trưng dẫn chuyện vua Đavít. Trong truyền thống Do Thái, vua này thường được coi là đạo đức mẫu mực. Đavít đã làm điều không được phép làm, đó là ăn bánh tiến (x. 1 Sm 21, 1-6). Bánh này gồm mười hai ổ lớn được đặt trước nhà tạm (x. Lv 24, 5-9). Vào mỗi ngày sabát, bánh mới được thay, bánh cũ chỉ dành cho các tư tế. Khi kể câu chuyện về vua Đavít, Đức Giêsu muốn cho thấy rằng nếu Đavít và các thuộc hạ có thể được miễn giữ luật liên quan đến bánh thánh thì Đức Giêsu và các môn đệ trong trường hợp nào đó cũng có thể được miễn giữ ngày sabát thánh (x. 1 Mac 2, 34-38). Theo Đức Giêsu, ngày sabát được tạo cho loài người, chứ không phải ngược lại. Người Pharisêu có lẽ đã quên đi mục đích của việc giữ luật ngày sabát. Thiên Chúa lập nên ngày sabát để loài người có thời gian nghỉ ngơi hầu nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài (Đnl 5, 14-15). Ngày sabát đúng là ngày của Chúa, dành cho Chúa, nhưng nó cũng là ngày cho loài người sau sáu ngày làm việc vất vả. Ngày nay chúng ta không còn giữ ngày sabát nữa, nhưng giữ ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa. Cám ơn vị nào đã lần đầu tiên dùng từ này để chỉ ngày đầu tiên của tuần. Trong thế giới quá cạnh tranh hiện nay, chúng ta cần được nhắc nhở về chuyện nghỉ ngơi để sống cho mình, cho nhau, cho Chúa. Ngày Chúa Nhật là thời gian tuyệt vời đề sống cả ba chiều kích ấy. Cầu nguyện:
Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan, hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan. Dưới bầu trời bao la, trong cô đơn và thầm lặng, với tấm lòng thanh tịnh, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan. Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn, huyên náo vì đấu tranh, giữa đám đông hối hả lăng xăng, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan. Và khi đã hoàn tất việc đời, lạy Thiên Chúa muôn loài, một mình, lặng lẽ, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan. Amen. (R. Tagore - Ðỗ Khánh Hoan dịch)
Đời sống con người nhiều khi bế tắc. Thân phận yếu kém. Hoàn cảnh khắc nghiệt. Lãnh đạo thiển cận, hẹp hòi và chuyên quyền. Nhưng thánh Phao-lô khuyên ta nên kiên trì giữ vừng niềm tin, vì Thiên Chúa chính là hi vọng.
Thiên Chúa là hi vọng vì Người trung tín. Lời thề hứa của Thiên Chúa là bất di bất dịch. Vì nếu mọi người phải mượn danh Chúa mà thề vì danh Chúa chí thánh là nền tảng vững chắc. Đằng này chính Thiên Chúa thề hứa thì không thể sai chạy. Điều đó chứng tỏ qua cuộc tuyển chọn Áp-ra-ham (năm lẻ) và Đa-vít (năm chẵn). Và càng chứng tỏ hơn nữa qua việc thực hiện lời thề hứa với các ngài. Giữ lời hứa cho Áp-ra-ham một giòng dõi đông đúc ông đã cao tuổi mà vẫn chưa có con. Giữ lời hứa trung tín với nhà Đa-vít nên đã cho Ngôi Lời sinh trong dòng họ này.
Thiên Chúa là hi vọng vì Người luôn quan tâm và khai thông những bế tắc. Con người sai lầm. Lịch sử bất ổn. Hoàn cảnh khó khăn. Nhưng Thiên Chúa luôn biết cách đổi mới. Khi con người lỗi phạm, Thiên Chúa đã tuyển chọn Áp-ra-ham lập nên một giòng dõi mới. Khi Sa-un đi chệch đường, Thiên Chúa tuyển chọn Đa-vít lập triều đại mới. Và khi Cựu Ước chấm dứt Thiên Chúa sai Con Một xuống lập giao ước mới. Khai mạc triều đại mới. Thiên Chúa luôn mở ra những chân trời mới. Khai thông bế tắc. Đem lại hi vọng lớn lao.
Thiên Chúa là hi vọng vì Người làm chủ vũ trụ. Người có toàn quyền trên muôn vật muôn loài. Làm chủ vũ trụ. Làm chủ vận mạng con người. Làm chủ lề luật. Người tự do và làm cho ta tự do. Người giải thoát ta khỏi mọi ràng buộc. Không bị ràng buộc vào diện mạo bên ngoài. Không phải tuân theo thứ tự trước sau. Người chọn Đa-vít là con út và là người có vóc dáng nhỏ bé. Người chọn Áp-ra-ham là người cao niên mà chưa có con. Lề luật vốn để phục vụ con người. Khi lề luật trở nên gánh nặng, nên gông cùm trói buộc, Người đã giải thoát con người. Vì Người làm chủ lề luật. Chính vì thế Người đem lại niềm hi vọng cho con người.
Khi chưa thấy lời hứa thực hiện ta cũng vẫn tín thác vì Chúa luôn trung tín. Khi ta gặp bế tắc tưởng chừng không lối thoát ta vẫn an tâm vì Chúa luôn quan tâm sẽ khai thông mọi bế tắc. Khi ta bị vây kín trong vòng giam hãm của lề luật ta vẫn tự do vì Chúa làm chủ lề luật sẽ giải thoát ta.
Nói về luật pháp của con người, triết gia Schopenhauer đã ví von như sau: "Luật pháp cũng giống như một mạng nhện, những con ong gấu thì vượt qua một cách dễ dàng, những thứ ruồi nhặng thì kẹt lại". Ðây là một sự thật đau lòng mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày trên khắp thế giới: những con ong gấu, tức những người làm ra luật, những kẻ có quyền thế trong tay, thường chiu qua những kẽ hở của luật pháp một cách dễ dàng; thế lực của đồng tiền, vây cánh, ô dù, giúp họ luôn đứng trên luật pháp mà chính họ lập ra.
Vào thời Chúa Giêsu không có chuyện ô dù, nhưng có một hạng người tự cho mình có quyền lập ra luật, bắt người khác giữ luật, còn mình thì không muốn lay thử một ngón tay. Tin Mừng hôm nay là khởi đầu của một cuộc đối đầu triền miên giữa Chúa và hạng người này, tức là nhóm Biệt phái về vấn đề luật pháp. Chúa Giêsu không phải là một người vô kỷ luật. Ngài sinh ra khi cha mẹ Ngài tuân theo lệnh kiểm tra dân số do Hoàng đế La mã ban hành; sau này Ngài vẫn đóng thuế như bất cứ một công dân của Ðế quốc nào. Trong lãnh vực tôn giáo Ngài tuân giữ lề luật của Môsê. Ngài cũng chịu cắt bì, được hiến dâng trong Ðền thờ vì là con trai đầu lòng, hằng năm lên Yêrusalem để mừng lễ, mỗi ngày hưu lễ Ngài cũng đến Hội đường.
Tuy nhiên, như Chúa Giêsu đã có lần tuyên bố Ngài đến là để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật là gì nếu không phải là mặc cho nó linh hồn là tình yêu; không có tình yêu thì lề luật chỉ là những thây chết, nhưng nói đến tình yêu là nói đến con người. Như vậy luật lệ là vì con người, là để giúp con người sống chứ không phải để đàn áp và giết chết con người; luật lệ chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nó là một biểu lộ của tôn trọng và yêu thương đối với con người; trái lại, tất cả những luật lệ nào đi ngược lại với sự sống và tình yêu, đều là những luật lệ bất công. Trong Thông điệp "Tin Mừng Sự Sống" ban hành năm 1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi các tín hữu mạnh mẽ và can đảm chống lại những thứ luật lệ xúc phạm đến chính sự sống của con người, như luật cho phép phá thai, luật cho phép kết liễu cuộc sống của bệnh nhân.
Là một xã hội, Giáo Hội cũng ban hành luật lệ. Tất cả lề luật của Giáo Hội được tóm gọn trong một giới luật duy nhất và nền tảng, đó là yêu thương. Ăn chay, giữ ngày Chúa nhật hoặc bao nhiêu khoản luật khác liên quan đến đời sống hôn nhân, tất cả đều qui về một luật duy nhất là để giúp các tín hữu sống tôn trọng và yêu thương con người. Như thế, người Kitô hữu chỉ có một giới răn để tuân giữ, đó là giới răn yêu thương, và họ cũng chỉ có một tinh thần duy nhất để tuân giữ lề luật, đó là tình yêu thương.
Nguyện xin Chúa hướng dẫn để chúng ta luôn sống đạo theo tinh thần yêu thương ấy.
Vào ngày sa bát Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Các môn đệ Người bắt đầu bứt lúa trong khi đi đường. Nhưng người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giêsu: “Ông coi ngày sa bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!”
Đức Giêsu nói: “Ngày sa bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa bát. Bởi đó con người làm chủ luôn ngày sa bát. (Mc. 2, 23-24. 27-28)
Điều khiến ta ngạc nhiên nhất khi đọc trích đoạn Phúc âm này không phải là việc Chúa Giêsu đặt mình ở trên luật về ngày sa-bát hay là muốn cho truyền thống mang một sắc thái khác, mà đúng hơn là việc Người tỏ cho ta biết rằng ngày sa-bát được làm ra vì con người.
Ngày sa-bát, ngày của Thiên Chúa
Khi viết tường thuật về việc Chúa tạo dựng trời đất muôn vật, các tác giả theo truyền thống tư tế đã xếp đặt cho công việc tạo dựng này được hoàn tất trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi: đó là ngàyThiên Chúa dành cho chính mình. Vì thế, “ngày-của-chúa” đó, dân chúng phải sống và làm việc vì Chúa, cho Chúa, và ngày đó vì thế đã trở thành ngày dành cho việc phụng thờ.Cho nên các linh mục là những người phải lo viêc Đền thờ, có giảng giải và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giữ ngày chúa nhật như kiêng việc xác, đi lễ đọc kinh, làm việc đạo đức và từ thiện….thì cũng là điều dễ hiểu và bình thường thôi.
Vậy mà Chúa Giêsu lại nói: “Cái ngày mà anh em coi như thuộc về Thiên Chúa, ngày ấy lại được làm ra vì anh em”. Có nghía là cả Ba Ngôi Thiên Chúa đã hướng cuộc sống, sự hiện hữu của mình vì con người.
Một Thiên Chúa phục vụ
Thiên Chúa phục vụ con người, đây không phải là một mạc khải mới mẻ. Tất cả lịch sử của dân được tuyển chọn đều kể lại cho ta hay Đức Giavê đã sẵn sàng phục vụ như thế nào: đem họ ra khỏi Ai cập, đưa họ từ chốn lưu đầy trở về, lập vương quốc cho Đavít… Cả khi họ hối lỗi trở về, thì Chúa vẫn sẵn sàng thứ tha. Vừa thoáng có dấu hiệu của sự hối cải, trở về là Chúa hoan hỉ, và quên đi ngay những đe dọa trừng phạt.
Và đấy chính là điều Chúa muốn khẳng dịnh lại khi nói rằng ngày sa-bát được làm ra vì con người. Tất cả những gì liên quan tới Chúa, thì Người đã ràng buộc nó vào vận mệnh của chúng ta. Thiên Chúa đã hạ mình phục vụ ta, để ta cũng theo gương Người mà phục người khác như vậy.
Mạc khải này đưa chúng ta đến câu hỏi sau đây: Ta có đi đúng đường khi giữ cũng như bảo người khác giữ ngày của Chúa? Phải chăng ta chỉ nhắc lại suông bằng lời mà không thực hành bằng việc, mạc khải Chúa đã tỏ cho ta là Thiên Chúa phục vụ con người? Phục vụ tha nhân, há chẳng phải là nét cao cả, là điểm nổi bật trong đời sống Kitô hữu, và là con dường hay nhất giúp ta đến và sống với tha nhân sao?
Thiên Chúa phục vụ! Thiên-Chúa-vì-con-người!
Ai đón nhận Tin Mừng này sẽ không còn phải sợ mình không thuộc về Chúa vậy.
Luật ngày Sabát chính là luật quan trọng của người Do thái. Tuy nhiên, vì luật này, mà đã biết bao nhiêu lần giữa Đức Giêsu và người Pharisêu xảy ra tranh cãi, bởi lẽ với Đức Giêsu thì coi luật vì con người, còn với kẻ chống đối Ngài thì cho rằng con người nên công chính vì luật.
Thật vậy, Đức Giêsu không phải là người đến để bãi bỏ lề luật, Ngài đến để kiện toàn. Tuy nhiên, Ngài nhìn và coi luật là thứ yếu, nó chỉ nắm vai trò phục vụ con người, vì vậy, nó không phải là tất cả và mang tính sống còn! Nếu luật đưa ra mà không làm cho con người có giá trị nhân linh trước mặt Chúa và sống tốt với nhau hơn hay không đem lại bình an, hạnh phúc cho người thi hành thì luật đó phải được thay thế.
Việc trung thành giữ luật ngày Sabát mà khiến lòng con người ra trai cứng, dửng dưng trước sự đói khát, khổ sở, hay ốm đau, chết chóc thì hoàn toàn không phù hợp với tinh thần cũng như mục đích nguyên thủy của luật. Không thể hoàn toàn dựa trên luật để đánh giá đồng đều lòng đạo đức của mọi người. Cần phải áp dụng theo từng người, trong những hoàn cảnh nhất định. Vì thế: “Ngày Sabát được tạo ra vì con người, chứ không phải con người cho ngày Sabat” (Mc 2, 27).
Ngày nay, qua lối thực hành đạo của chúng ta, vẫn còn đó những người luôn coi việc giữ luật cách nghiêm ngặt, cứng ngắc là điều nên làm và họ luôn coi đây là chuẩn mực để được coi là đạo đức! Tuy nhiên, khi trở về với những lời giáo huấn và tinh thần của Đức Giêsu, nhất là những việc Ngài làm, thì hẳn chúng ta phải xem lại!
Liệu rằng khi chúng ta làm việc thiện rồi để khoe khoang; hay là nhân danh đạo đức để xử sự bất nhân với anh chị em mình; hoặc tự cho mình là người giữ luật cách trung thành, nhưng lại coi thường, khinh bỉ hay luôn cho mình là người mẫu lý tưởng bắt mọi người phải quy phục thì liệu có phù hợp với giáo huấn của Chúa và cốt lõi của Luật không??? Hay chúng ta đang bị chất tố Pharisêu chỉ đạo lối nhìn và quan điểm để rồi mình trở thành bản sao của nhóm người giả hình thời hiện đại?
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết giữ luật vì lòng mến; đồng thời luôn biết yêu thương anh chị em mình bằng một tình yêu chân thành, thiết thực dựa trên đức ái. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu dạy ta hiểu ý nghĩa tích cực của lề luật. Lề luật được làm ra để giúp con người thăng tiến. Hiểu được vậy, ta sẽ không giữ luật cách nô lệ, hình thức.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người ta sợ mang gông cùm và ghét kẻ nào cướp mất tự do của mình. Rất nhiều lúc con chán ngán hoặc khiếp sợ đạo Chúa vì có quá nhiều lề luật phải giữ. Rất nhiều lúc con nhìn Chúa như một cảnh sát, như một kẻ đè bẹp làm con mất tự do. Rất nhiều lúc con coi thường luật Chúa hoặc đành phải giữ cho xong. Như người Biệt phái, con chỉ nhìn thấy những điều không được phép, những điều cấm đoán, mà chẳng hiểu tại sao.
Lạy Chúa, hôm nay con hiểu được Chúa thương con. Chúa ban lề luật là vì thương con. Lề luật của Chúa không phải như một gánh nặng áp đặt trên con như chiếc gông cùm đè bẹp, nhưng là quà tặng giúp con bay cao, thăng tiến và bảo vệ sự tự do mà Chúa đã ban. Lề luật được làm ra để nâng đỡ con mà con cứ nghĩ Chúa kìm kẹp con. Chính vì con chẳng hiểu nên con đã giữ luật một cách nô lệ, câu nệ hình thức, con cảm thấy nặng nề gò bó.
Con vui mừng dâng lời tạ ơn Chúa vì Chúa giải thoát con khỏi tinh thần nô lệ. Xin Chúa giúp con sống trong tự do của một người con. Xin Chúa dạy con hiểu được ý nghĩa của từng lề luật xuyên qua những điều được phép hay bị cấm. Xin Chúa cho con thấy được rằng tình yêu là điều quan trọng nhất trong mọi lề luật. Và tình yêu sẽ giải thoát con. Amen.
Ghi nhớ: ”Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat”.
Một cha xứ mới được bổ nhiệm đến một nhà thờ ở tiểu bang Kentucky, không mấy xa trường đua Churchill Downs nổi tiếng. Vào ngày Chúa nhật đầu tiên, cha xứ mới đã giảng về cái xấu của cờ bạc, đánh cá độ và những tai họa do cờ bạc gây nên cho một số gia đình. Sau thánh lễ, ông chủ tịch hội đồng Gx liền đến bên cha tân chánh xứ và bảo rằng, những người dâng cúng cho nhà thờ đa số là những người đua cá ngựa và cờ bạc…
Vào Chúa nhật thứ hai kế tiếp, cha xứ giảng về nạn hút thuốc và những tai họa do hút thuốc gây nên, như bị ung thư phổi và chết sớm... Cũng như lần trước, ông chủ tịch lại kéo cha xứ riêng ra và bảo rằng đa số những người dâng cúng rộng rãi cho nhà thờ là những người trồng cây thuốc lá và tiểu bang Kentucky là nổi tiếng nghề này.
Vào Chúa nhật thứ ba kế tiếp, cha xứ giảng về nạn uống rượu bia và tai họa do rượu bia gây nên cho các gia đình, như gây tai nạn xe cộ và đập phá nhà cửa. Cũng như lần trước, ông chủ tịch lại kéo cha xứ lại và bảo rằng, đa số những người dâng cúng rộng rãi cho nhà thờ là những nhà nấu rượu và tiểu bang Kentucky nổi tiếng về công việc này.
Cha xứ thất vọng mới hỏi lại ông chủ tịch rằng: “Vậy tôi có thể giảng về vấn đề gì?”. Ông chủ tịch liền trả lời: “Hãy giảng chống lại các nhà chính trị lừa đảo, mà trong Gx chúng ta không có những hạng người này”.
Giữ đạo hình thức, theo cách suy diễn của cá nhân bỏ lề luật Chúa để giữ những điều con người tự coi là đúng… Chúa Giêsu đã nói với những người biệt phái về cách sống đạo hình thức ấy như sau: “Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa qua một bên, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8).
Suy niệm
Ngày Sabát là ngày của Chúa, dành cho Chúa, để nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài. Nhưng cũng là ngày nghỉ ngơi của con người sau sáu ngày làm việc vất vả (Đnl 5,14 -15).
Đối với người Do Thái, việc giữ ngày Sabát cách tỉ mỉ chu đáo là nói lên tầm quan trọng của đời sống trong Giao Ước với Thiên Chúa… Theo quan điểm của người pharisiêu thì luật giữ ngày Sabát là Luật Môisê, cũng là Luật của Thiên Chúa. Và người công chính phải tuân giữ Lề Luật một cách chi tiết. Do đó, khi thấy Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát, họ bàn thảo với nhau: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabát” (Ga 9,16). Họ quan niệm: Nếu Đức Giêsu là người của Thiên Chúa thì tất nhiên Ngài phải giữ Luật Môisê. Quan điểm của họ quả hết sức hợp lý vì được xây dựng trên rất nhiều đoạn Kinh Thánh khuyên người ta phải giữ Luật (x. Đnl 27,26; 30,10; Gs 22,5; 23,6; 1V 2,3…).
Đức Giêsu đến để kiện toàn Lề Luật (x. Mt 5,17). Ngài công bố Lề Luật mới xây dựng trên tình yêu. Con người phải nên thánh thiện như Cha trên trời (x. Mt 5,48) - Thiên Chúa là tình yêu, ai sống trong tình yêu thì thuộc về Thiên Chúa (x. 1Ga 4,16) và nên thánh thiện. Trong bài diễn văn chung luận về ngày sau hết, Chúa Giêsu sẽ không dùng Lề Luật để phán xét con người mà chỉ hỏi con người có yêu thương tha nhân hay không mà thôi. Cho nên, giữ Luật của Thiên Chúa với những đòi hỏi của tình yêu hay đức ái, giữ luật vì Luật và Luật với bác ái phải ưu tiên tuân theo luật của đức ái. Đức Giêsu đưa ra trường hợp rất cụ thể khi chữa bệnh cho một người phụ nữ bị quỷ ám: “Còn bà này, là con cháu ông Abraham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sabát sao?” (x. Lc 13,10-17). Vì thế, vào ngày Sabát, tình yêu hay đức ái tỏ hiện khi Ngài chữa bệnh cho người phụ nữ bị bệnh 18 năm. Ngoài ra, Đức Giêsu chữa người bị bại tay (x. Mt 12,9-14; Mc 3,1-6; Lc 6,6-11); chữa người mắc bệnh phù thũng (Lc 14,1-6); chữa một người đau ốm ở hồ nước tại Bếtdatha (Ga 5,1-18); chữa một người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-41), tất cả đều được làm vào ngày Sabát…
Dựa trên luật đức ái mà Chúa Giêsu giảng dạy, sau này thánh Phaolô đã quả quyết: “Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8); “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 6,2). Thánh Giacôbê thì cho đức bác ái là luật cao nhất của Kinh Thánh: “Luật Kinh Thánh đưa lên hàng đầu: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gc 2,8).
Cốt lõi của Lề Luật chính là tình yêu. Chúng ta được gọi nhìn lại cách sống đạo: Tuân giữ Lề Luật với tinh thần của Lề Luật - yêu thương, sống yêu thương là chu toàn Lề Luật.
Ý lực sống: “Không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).
1. Chúa Giêsu đi ngang đồng lúa với các môn đệ. Các ông đói nên bứt lúa ăn. Nhóm biệt phái thấy vậy thì trách các ông làm việc cấm trong ngày hưu lễ. Chúa hỏi họ: Các ông có biết vua Đavít và bạn hữu vua làm gì khi đói không? Vua đã vào đền thờ lấy bánh ăn, thứ bánh mà không ai được ăn chỉ trừ các tư tế. Ngày hưu lễ được lập ra vì loài người, chớ không phải loài người được dựng nên vì ngày hưu lễ. Và chính tôi là chủ của ngày hưu lễ. Tôi có quyền trên ngày hưu lễ.
2. Để hiểu luật nghỉ làm việc trong ngày hưu lễ (Sabat) được ghi trong Xh 20,8-11), Linh mục Carolô đã giải thích như sau: Nhóm biệt phái chỉ để ý đến mặt chữ, cho nên họ suy nghĩ nông cạn rằng nghỉ là nghỉ. Thậm chí họ còn đưa thêm đến 39 việc không được làm trong ngày sabat, trong đó có việc mót lúa và bứt vài bông lúa. Bởi đó họ phản đối Chúa Giêsu về việc làm của các môn đệ Ngài.
Còn Chúa Giêsu thì để ý đến tinh thần của khoản luật ấy, tức là nhằm phục vụ con người. Ngày xưa khi còn ở bên Ai cập, dân Do thái phải làm nô lệ cực nhọc. Bởi đó khi họ ra khỏi Ai cập, Maisen đã ra luật nghỉ ngày Sabat, trước hết là nhằm phục vụ cho chính những người Do thái: họ phải được một ngày nghỉ ngơi; kế đến là vì quan tâm tới những người tôi tớ và nô lệ: trong ngày đó những người chủ Do thái phải để cho các tôi tớ và nô lệ được nghỉ ngơi, đừng tái phạm điều mà người Ai cập trước kia đã phạm đối với họ.
Theo tinh thần ấy,Chúa Giêsu dám tuyên bố 2 câu “nảy lửa”: a/ Ngày Sabbat được lập ra vì con người chứ không phải con người được tạo nên vì ngày sabbat; b/ Con người (tức là Chúa Giêsu) là chủ của ngày sabbat.
3. Khi muốn hình thành dân Israel, Chúa đã ban cho họ một bộ luật gồm 10 điều răn, nhưng rồi với thời gian, cùng với sự tiép xúc với các nên văn hóa chung quanh, người Do thái đã từ từ hình thành một bộ luật rất chi tiết. Bộ sách Luật ấy người Do thái gọi là Torah. Sách gồm 5 quyển, dầy 250 trang, chứa 613 khoản luật, chia ra 365 khoản cấm và 248 khoản buộc.
Ngoài bộ luật chính ra, còn rất nhiều khoản khác được thêm vào. Đây không phải là luật mà là những tập tục được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Các tập tục này được truyền lại cho những thế hệ mai sau. Và sau cùng thì người chép lại và đóng lại thành tập gọi là Talmud. Talmud là bộ sách giải thích Luật của Do thái giáo. Bộ sách này được chia thành 2 loại: một là Mishna và hai là Gemara. Bộ sách này có tới 523 quyển (Wim Barclay).
4. Nguyên nhân cuộc xung đột này chỉ là việc các môn đệ ngắt mấy bông lúa khi đi qua cánh đồng lúa. Một sự việc tầm thường không đáng kể. Luật chỉ cấm gặt và trục lúa thôi, nhưng ở đây các người biệt phái coi đó như việc gặt hái, là một trong những việc cấm trong ngày sabat. Sở dĩ người biệt phái xét nét khắt khe như vậy là cái tính ghen tương nghi ngờ, cái thói hay vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết của người biệt phái, đã gây nên cớ xung đột giữa họ với Chúa Giêsu về việc kiêng việc xác ngày sabat. Tính ghen tương hay soi mói và nghi ngờ thường xẩy ra những xung đột, cãi vã, và chia rẽ nhau trong đời sống cộng đoàn và xã hội.
Chúa Giêsu lưu ý chúng ta phải hiểu biết ý nghĩa và mục đích của lề luật. Tất cả mọi khoản luật của Giáo hội cũng như trong cộng đoàn đều nhằm giúp ta thêm mến Chúa yêu người. Giữ những luật đó mà lòng không mến Chúa và yêu người thì vô ích. Dựa vào những khoản luật đó để làm khổ người khác là phản lại luật.
Maurice Zundel trong quyển “Sự hiện diện khiêm hạ” có viết: ”Việc gặp gỡ Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện nếu có tình thân với con người, tình thân ấy sẽ biến thành tình trong suốt. Hình thức mục vụ duy nhất có giá trị là biết cảm xúc trước giá trị con người. Chỉ kẻ biết tôn trọng con người mới làm chứng được cho Thiên Chúa”.
5. Truyện: Luật là để yêu thương.
Một người thợ xây đang ở trên giàn ráo cao thì bị xẩy chân rớt xuống, chẳng may trúng phải một người đang đi bộ ngang qua phía dưới. Điều oái oăm là anh thợ chỉ bị xây xát qua loa, còn người khách bộ hành thì bị chấn thương nặng, hôn mê rồi chết khi người ta đưa vào bệnh viện.
Chiếu theo luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” của miền này, gia đình nạn nhân đưa nội vụ ra tòa đòi anh thợ xây phải đền mạng. Vị quan tòa từ lâu đã thấy cái vô lý trong bộ luật địa phương, nhưng truyền thống và hủ tục xưa rất khó thay đổi. Cuối cùng, để cứu người thợ xây oan ức, ông tuyên bố:
- Việc gia đình nạn nhân đòi mạng người thợ xây theo truyền thống là chính đáng, nhưng tôi thấy phải nói rõ. Nếu anh ta đã giết người nhà của các ông bằng cách nào, thì các ông cũng phải giết anh ta bằng cách đó, nghĩa là một người trong gia đình các ông phải trèo lên giàn ráo, nhảy xuống đúng vào đầu anh thợ xây lúc anh đang đi ở phía dưới.
Nghe tòa phân xử, bên gia đình kiện cáo bèn vội vàng xin bãi nại. Anh thợ xây được tha bổng. Sau đó, nhận thức được sự tàn nhẫn phi lý và mù quáng của bộ luật địa phương mình, dân chúng trong vùng quyết định loại bỏ hẳn tính cách “mắt đền mắt, răng đền răng” trong quan hệ xử thế giữa con người với nhau.
Đây là cuộc tranh luận thứ tư. Vấn đề được tranh luận là luật nghỉ làm việc trong ngày Sabbat, được ghi trong Xh 20,8-11.
- Nhóm biệt phái chỉ để ý đến mặt chữ, cho nên họ suy nghĩ nông cạn rằng nghỉ là nghỉ. Thậm chí họ còn đưa thêm đến 39 việc không được làm trong ngày sabbat, trong đó có việc mót lúa và bứt vài bông lúa. Bởi đó họ phản đối Chúa Giêsu về việc làm của các môn đệ Ngài.
- Còn Chúa Giêsu thì để ý đến tinh thần của khoản luật ấy, tức là nhằm phục vụ con người. Ngày xưa khi còn ở bên Ai cập, dân do thái phải làm nô lệ cực nhọc. Bởi đó khi họ ra khỏi Ai cập, Môsê đã ra luật nghỉ ngày sabbat, trước hết là nhằm phục vụ cho chính những người do thái: họ phải được một ngày nghỉ ngơi; kế đó là vì quan tâm tới những người tôi tớ và nô lệ: trong ngày đó những người chủ do thái phải để cho các tôi tớ và nô lệ được nghỉ ngơi, đừng tái phạm điều mà người ai cập trước kia đã phạm đối với họ.
a/ Ngày sabbat được lập ra vì con người chứ không phải con người được tạo nên vì ngày sabbat;
b/ Con Người (tức là Chúa Giêsu) là chủ của ngày sabbat.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Một lần nữa Chúa Giêsu lưu ý chúng ta phải hiểu biết ý nghĩa và mục đích của lề luật. Tất cả mọi khoản luật của Giáo Hội, của Dòng tu, của Chủng viện đều nhằm giúp ta thêm mến Chúa và yêu người. Giữ những luật đó mà lòng không mến Chúa và yêu người thì vô ích. Dựa vào những khoản luật đó để làm khổ người khác là phản lại luật.
2. Noi gương Chúa Giêsu, có lẽ câu hỏi ta nên tự đặt ra để biện phân không phải là "làm hay không làm", mà phải là "làm điều lành hay điều dữ".
3. "Con Người là chủ của ngày sabbat". Câu này suy rộng ra là "Chúa Giêsu là chủ của mọi lề luật". Khi tôi đang cố gắng giữ một khoản luật, tôi có nghĩ rằng tôi đang gặp Chúa Giêsu trong khoản luật đó không?
4. Torah là bộ sách luật của Do thái giáo. Nó gồm 5 quyển, dầy 250 trang, chứa 613 khoản luật chia ra 365 khoản cấm (tương đương số ngày trong một năm) và 248 khoản buộc (tương đương số lượng các khúc xương trong cơ thể con người).
Talmud là bộ sách giải thích Luật của Do thái giáo, chia thành 2 loại là Mishna và Gemara. Bộ sách này có tới 523 quyển (Wim Barclay).
5. "Việc gặp gỡ Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện nếu có tình thân với con người, tình thân ấy sẽ biến thành tính trong suốt. Hình thức mục vụ duy nhất có giá trị là biết cảm xúc trước giá trị con người. Chỉ kẻ biết tôn trọng con người mới làm chứng được cho Thiên Chúa" (Maurice Zundel, trong quyển "Sự hiện diện khiêm hạ")
6. Trong thế chiến vừa qua, một sĩ quan Anh thấy một sĩ quan Đức bị trọng thương, đang quằn quại bên hàng rào kẽm gai. Bom đạn ầm ầm, khói lửa ngút trời, nên không thể đưa người thương binh vào chỗ an toàn. Cuối cùng, người sĩ quan Anh tự nhủ: "Mình không đành lòng nhìn một người đau đớn khốn khổ như vậy! "Thế là anh phóng ra giữa lửa đạn, vác người thương binh trên vai và đưa sang phần đất mà quân Đức chiếm đóng. Khi trận chiến tạm dừng, một sĩ quan Đức bước ra khỏi chiến hào, tháo chiếc thánh giá bạc đeo trước ngực và gắn cho người sĩ quan Anh. (Góp nhặt).
Nên để ý: a/ Khi đó người Đức và người Anh đang là kẻ thù của nhau; b/ Người sĩ quan Anh đã cứu người sĩ quan Đức, đáp lại một sĩ quan Đức khác đã gắn cho người sĩ quan Anh một tấm huân chương rất đặc biệt, đó là chiếc Thánh giá.
7. "Ngày Sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát" (Mc 2,27)
"Ngày mai là lễ Các Thánh đấy. Con Lễ đã xưng tội rồi, còn thằng Nhân thằng Nghĩa đã xưng tội và lễ lạy gì chưa?" Lời mẹ nói khi tôi đang chuẩn bị đi học.
Không hiểu vì sao lại nhiều lễ thế nhỉ? mà lại là lễ trọng nữa chứ! Còn cả một bài luận chưa làm. Chiều mai lại sinh nhật của bạn nữa!…
Nhiều lúc tôi cảm thấy ngao ngán vì đạo Chúa có quá nhiều lề luật phải giữ. Nhiều lúc tôi nhìn Thiên Chúa như một cảnh sát, như một kẻ đè bẹp tôi mất tự do.
Hôm nay tôi đã hiểu rằng vì Chúa thương tôi nên Ngài mới ban lề luật. Và lề luật là quà tặng Chúa ban để giúp tôi bay cao, thăng tiến và bảo vệ tự do của chính mình.
Cầu nguyện: Cảm tạ Chúa đã tặng ban cho con lề luật, để con học làm người tự do đích thực. (Epphata)
1. Cuộc sống con người ở trên đời, muốn tốt đẹp thì phải có luật pháp.
Chuyện cổ Đông Phương kể rằng: ngày xưa, có vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn kỳ diệu và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quí hiếm và gắn nhiều kim cương lóng lánh. Nó kỳ diệu ở chỗ: Nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, và ngón tay sẽ vô cùng đau đớn.
Tự nó, luật pháp khi phục vụ ích chung thì tốt đẹp. Nhưng trong thực tế luật đã bị lạm dụng vì nhiều mục đích, nhiều khi rất tầm thường.
Chính vì thế mà chúng ta thấy có một sự khác biệt rất lớn giữa cái nhìn của Chúa Giêsu và cái nhìn của những người luật sĩ và Pharisêu về vấn đề này. Cái nhìn của Chúa Giêsu thì khoan dung quảng đại, còn cái nhìn của những người luật sĩ và Pharisêu thì hẹp hòi và nhiều lúc nhỏ nhen đến ti tiện.
Xã hội nào mà chẳng phải có luật pháp.
Khi muốn thành lập dân Israel dưới chân núi Sinai, lúc đầu Chúa đã ban cho họ một bộ luật gồm 10 điều răn được khắc trên hai bia đá và rồi với thời gian, cùng với sự tiếp xúc với các nền văn hóa chung quanh, người Do Thái đã từ từ hình thành một bộ luật rất chi tiết, chi phối cả cuộc sống và mọi hành động của người dân. Bộ sách luật ấy người Do Thái gọi là Torah. Sách gồm 5 quyển, dầy 250 trang, chứa 613 khoản luật chia ra 365 khoản cấm (tương đương số ngày trong một năm) và 248 khoản buộc (tương đương số lượng các khúc xương trong cơ thể con người).
Ngoài bộ luật chính ra, còn rất nhiều khoản khác được thêm vào. Đây không phải là luật mà là những tập tục được lưu truyền từ đời này sang đời kia. Các tập tục này được truyền lại cho những thế hệ mai sau. Và sau cùng thì người ta đã chép lại và đóng lại thành tập gọi là Talmud. Talmud là bộ sách giải thích Luật của Do Thái giáo. Bộ sách này được chia thành 2 loại; Một là Mishna và hai là Gemara. Bộ sách này có tới 523 quyển (Wim Barclay).
Việc các môn đệ của Chúa bị người ta bắt bẻ trong bài Tin Mừng hôm nay dựa theo những qui định trong tập Talmud này. Luật qui định rằng, nếu nhằm vào ngày thường thì có làm việc đó cũng không sao. (Đnl 23,24). Thậm chí khách đi đường còn có thể tự do bứt lúa mì, miễn là đừng đem lưỡi hái vào đồng ruộng của người ta mà gặt. Phiền một nỗi là các môn đệ của Chúa lại làm việc này trong ngày Sabat, là ngày vốn được bảo vệ bằng bao nhiêu qui tắc luật lệ nhỏ nhặt. Mọi công việc đều bị cấm đoán.
2. Chúa đã phản ứng lại như thế nào?
Rõ ràng là Chúa không thể chịu được cách cắt nghĩa luật như thế. Điều luật mà Chúa nhấn mạnh, đó là điều răn mới, đó là tình yêu thương. Khi tuyên bố mình là chủ ngày sabbat, Chúa muốn xác định với mọi người rằng ”Hình thức mục vụ duy nhất có giá trị trước mặt Chúa là biết cảm thông với con người. Chỉ những ai biết tôn trọng con người, người đó mới là người tôn trọng Luật của Thiên Chúa”.
Susan là một em bé gái rất đáng yêu. Nhưng thật không may, vừa mới tập tễnh bước chân vào cấp một thì bác sĩ đã phát hiện ra một khối u quái ác trong đầu của em. Em cần phải nhập viện để chữa trị bằng phương pháp xạ trị trong vòng ba tháng. Sau khi xuất viện, em bé vốn dĩ đã ốm yếu, bây giờ trông còn thảm hại hơn. Trước đây, em có một mái tóc vàng rất đẹp, giờ thì đã bị rụng sạch. Dầu vậy, với sự động viên của mọi người, em đã cố gắng vươn lên. Em đã trở lại trường để học phụ đạo, bù cho những bài đã mất. Mỗi ngày em đều đến trường với bộ não vừa bị phẫu thuật. Em phải đội một chiếc mũ để che cái đầu trọc của mình. Đối với một em bé sáu tuổi mà phải chịu như vậy thì thật tội nghiệp.
Cô giáo hiểu rất rõ nỗi đau của em. Trước khi Susan chính thức quay trở lại trường, cô giáo nhiệt tình và trịnh trọng tuyên bố với toàn thể các em học sinh của mình rằng: “Kể từ học kỳ sau, chúng ta sẽ học nhận biết về các loại mũ. Cho nên các em học sinh đều phải đội chiếc mũ yêu thích của mình đến trường, càng mới lạ càng tốt”.
Sau ba tháng vắng mặt, đây là lần đầu tiên Susan quay trở lại nơi quen thuộc này. Em đứng trước cửa lớp, từ từ đi vào, trong lòng đầy lo lắng, lưỡng lự vì chiếc mũ mình đang đội.
Thế nhưng, điều khiến em không thể ngờ được là trong lớp tất cả các bạn đều đội mũ, đủ kiểu đủ loại, đầy màu sắc. Susan cảm thấy mình và các bạn khác đều như nhau. Lòng em thấy nhẹ nhõm. Một nụ cười rất xinh đẹp đã nở trên môi em.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống với mọi người với tình yêu thương. Amen.
Chuyện gì mà những người biệt phái la ầm lên om sòm vậy? Chỉ có mỗi một việc nhỏ nhoi là các môn đệ của Chúa đi ngang qua đồng lúa, bứt bông lúa mà ăn thôi chứ có gì đâu: “Kìa Thầy xem. Tại sao ngày sa bát người ta làm điều không được phép như vậy?” (Mc 2, 24). Họ la lên như vậy là vì họ có tư tưởng ghét Chúa, ganh tỵ với Chúa, bởi Chúa rao giảng Tin Mừng hay, Chúa làm nhiều phép lạ chữa lành các chứng bệnh hoạn tật nguyền khác nhau, đặt biệt người ta nhận thấy Chúa thương họ…cho nên họ theo Chúa quá đông. Do đó những người biệt phái sợ ảnh hưởng của Chúa quá lớn để rồi họ sẽ tìm cách làm giảm bớt uy tín của Chúa xuống. Họ chưa nhắm trực tiếp đến Chúa được thì bây giờ họ nhắm đến các môn đệ của Chúa trước. Bởi vậy chuyện nhỏ là bứt bông lúa và xé ra cho to là vi phạm ngày sa bát.
Khi họ xé to chuyện ra như vậy, chúng tỏ họ bần tiện, tâm địa hẹp hòi, thù vặt, bám theo dõi Chúa sát nút, nơi đồng lúa vắng vẻ như vậy mà vẫn có mặt họ. Họ là những người khó sống chung, khó gần gũi.
Phần Chúa, Chúa chẳng nói các môn đệ Chúa có lỗi vi phạm ngày sa bát hay không? Chúa chẳng bênh vực các môn đệ của Chúa gì cả, vì các ngài đâu có tội gì để mà bênh vực. Tội là ở họ mà họ không chịu xét mình để nhận ra, để mà sửa đổi cho tốt đó. Bởi vậy, Chúa mới lấy sự kiện xảy ra trong lịch sử dân Chúa thời vua Đavít để cho họ thấy được Chúa nhân từ vô cùng và Chúa dạy con người chúng ta phải yêu thương nhau, cảm thông cho nhau, tôn trọng nhau: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Đavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào? (Mc 2, 25 – 26). Và cũng qua đó, Chúa đã đề cao con người chúng ta, vì con người chúng ta là chóp đỉnh của công trình tạo dựng của Chúa mà thời bây giờ xã hội chỉ coi trọng những người giàu, những người có học thức, những người thương gia, những người có chức có quyền. Ngoài những người này ra, còn lại tất cả những người khác đều bị coi thường, trong đó có các môn đệ của Chúa nữa: “Ngày sa bát là ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày sa bát; cho nên Con Người cũng làm chủ ngày sa bát” (Mc 2, 27 – 28).
Lạy Chúa, Chúa luôn bênh đỡ chúng con là những người nghèo, người cô thế cô thân, người mô côi, người góa bụa, người nhỏ bé cách đặc biệt, vì chúng con chịu mất mát, đau khổ quá nhiều. Chúa không muốn không muốn chúng con đau khổ hơn nữa, cho nên Chúa thương chúng con và ban ơn nâng đỡ chúng con để chúng con sống trung thành với Chúa và nâng đỡ nhau, giúp nhau vì chúng con cùng cảnh ngộ thì sẽ hiểu nhau hơn để giúp nhau nên thánh như ý Chúa muốn. Amen.
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Anê hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã chọn những gì thế gian cho là yếu kém để hạ nhục những gì hùng mạnh, hôm nay, chúng ta mừng kỷ niệm ngày thánh nữ Anê tử đạo về trời, xin Chúa cho chúng ta hằng noi gương thánh nữ mà giữ vững đức tin. Anê là một thiếu nữ Rôma, mới từ mười hai đến mười lăm tuổi đã tình nguyện chết vì đức tin khi cuộc bách hại của hoàng đế Điôcơlêxianô tới hồi khốc liệt nhất (năm 305). Đó là sự việc thánh Amrôxiô đã ghi lại, và là lý do khiến Hội Thánh Rôma tưởng nhớ thánh nữ với hết tình yêu mến.
Noi gương thánh nữ mà giữ vững đức tin, quyết lòng thực thi giới răn yêu thương của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Đệ Nhị Luật cho thấy: Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu đòi hỏi, mà bản văn dùng chữ “ghen tuông”, đòi hỏi căn bản của tình yêu ấy là: chúng ta phải đem tình yêu đáp lại tình yêu. Ngay từ thời xa xưa trước khi có Tin Mừng, truyền thống Dothái đã nhận ra trong bản văn này điều răn quan trọng nhất. Và điều này đã được chính Đức Giêsu dùng tất cả quyền bính của mình để xác nhận lại. Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn; thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời. Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật, yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.
Noi gương thánh nữ mà giữ vững đức tin, quyết lòng thuộc trọn về Đức Kitô, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói: Hôm nay là ngày sinh nhật trên trời của thánh Anê. Cô đẹp không phải vì bím tóc nhưng vì thuộc về Đức Kitô. Đầu cô không đội vòng hoa nhưng được điểm trang bằng đức hạnh… Ta hãy hân hoan mừng lễ thánh Anê, và tưởng niệm cuộc thương khó của người. Giữa tuổi thanh xuân, người đã hy sinh chịu chết và đã được hưởng sự sống muôn đời, vì chỉ yêu thương một mình Đấng ban sự sống.
Noi gương thánh nữ mà giữ vững đức tin, trông cậy vững vàng vào lời Chúa hứa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thư Hípri nói: Chúng ta nắm giữ niềm hy vọng đó tựa như cái neo chắc chắn và bền vững. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 110, vịnh gia cho thấy: Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi. Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa, trong cộng đoàn chính nhân, giữa lòng đại hội. Việc Chúa làm quả thật lớn lao, người mộ mến ra công tìm hiểu.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Xin Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát. Niềm hy vọng của chúng ta đặt ở nơi Chúa, là Đấng làm ra ngày Sabát. Ơn cứu độ của chúng ta đến từ Thiên Chúa, chứ không phải đến từ việc giữ chi li những khoản luật Sabát. Yêu thương là chu toàn cả lề luật. Thánh Anê đã thuộc trọn về Đức Kitô và đã hết lòng yêu mến Đấng ban sự sống cho mình, vì thế, khi người ta đối xử tàn bạo không nương tay với cô, thì lại càng làm lộ ra sức mạnh lớn lao của đức tin nơi cô. Cô không có sức chịu nổi lưỡi đòng đâm thâu, thế mà lại, có sức thắng được lưỡi đòng ấy, đang khi, những cô bé trạc tuổi cô sẽ khóc, khi bị kim đâm. Cô vẫn giơ tay lên Chúa Kitô, và trong lò lửa tàn bạo đó, cô đã làm dấu thánh giá để tôn vinh Thiên Chúa toàn thắng. Chưa đủ sức chịu khổ mà đã thừa sức chiến thắng: Tuổi đời còn non dại, mà cô đã là bậc thầy về chí can trường. Tân nương vội vã tới loan phòng, cũng không lẹ bằng cô, khi vui vẻ tiến ra nơi hành quyết. Chúa đã chọn những gì thế gian cho là yếu kém để hạ nhục những gì hùng mạnh, ước gì chúng ta hằng noi gương thánh nữ Anê mà giữ vững đức tin. Ước gì được như thế!