Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày Thứ 2 TN –Tuần 1/2025

Chủ nhật - 12/01/2025 07:46
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày Thứ 2 TN –Tuần 1/2025
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày Thứ 2 TN –Tuần 1/2025
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
Thứ 2 TN –Tuần 1/2025 (năm lẻ)
Nguồn: https://giaophanlongxuyen. org/

----------------------------------
Mục Lục:

LỜI CHÚA: Mc 1, 14-20. 1
Suy Niệm 1: Thấy - Gọi - Bỏ - Theo. 2
Suy Niệm 2: Hãy sám hối 3
Suy Niệm 3: Sám hối và tin vào Tin Mừng. 4
Suy Niệm 4: Chúa Giêsu đi qua, Người gọi các ông. 5
Suy Niệm 6: Chúa Giêsu mời gọi môn đệ. 8
Suy Niệm 7: Chúa Giêsu gọi và chọn 4 môn đệ - tông đồ đầu tiên. 8
Suy Niệm 8: Gọi bốn môn đệ đầu tiên. 10
Suy Niệm 9: Chúa Giêsu rao giảng và mời gọi 12
Suy Niệm 10: Rao giảng-chọn gọi 14
Suy Niệm 11: Tin vào Chúa. 17
Suy Niệm 12: Sám hối và tin vào tin mừng. 18

---------------------------------
Sám hối và tin yêu.
13/01 – Thứ Hai tuần 1 thường niên.
"Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".

---------------------------------

 

LỜI CHÚA: Mc 1, 14-20


Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".
Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người.
Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

---------------------------------

 

Suy Niệm 1: Thấy - Gọi - Bỏ - Theo


(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Sau khi chịu phép rửa của Gioan ở sông Giođan
Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải rời bỏ gia đình ở Nadarét,
phải chia tay với người mẹ thân yêu,
phải từ giã nghề nghiệp mà mình đã theo đuổi mấy chục năm trời.
Sau khi nhận Thánh Thần từ trên xuống,
Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải lên đường
dấn thân cho sứ mạng do Cha ủy thác.
Vùng Galilê là vùng Ngài bắt đầu rao giảng Tin Mừng về Nước Trời (c.14).
Ngài mời người ta sám hối và tin vào Tin Mừng mà Ngài rao giảng.(c.15).
Nhưng Đức Giêsu không nghĩ rằng mình có thể tự mình làm mọi sự.
Ngài cần người cộng tác, dù nước Ítraen chỉ là một nước bé nhỏ.
Đức Giêsu đi tìm môn đệ, và Ngài bắt gặp các anh đánh cá nơi hồ Galilê.
Có hai đôi anh em ruột đã lọt vào mắt của Ngài.
Ngài THẤY Phêrô và Anrê đang quăng lưới bắt cá.
“Hãy theo tôi. Tôi sẽ làm các anh thành những kẻ lưới con người” (c. 17).
Đây là một mệnh lệnh nhưng cũng là một lời mời thân thương.
Ngài GỌI họ đi theo Ngài, theo chính con người của Ngài,
chứ không phải theo một lý tưởng hay một chủ nghĩa nào đó, dù là cao đẹp.
Theo Ngài sẽ dẫn đến một thay đổi lớn nơi họ: từ lưới cá đến lưới con người.
Bây giờ con người là mối bận tâm của họ, không phải là cá như xưa nữa.
Đức Giêsu cũng thấy cặp anh em ruột thứ hai là Giacôbê và Gioan.
Họ đang vá lưới trong khoang thuyền với người cha.
Khung cảnh cha con thật êm đềm, tưởng như chẳng gì có thể làm xáo trộn.
Tiếng gọi của Thầy Giêsu vang lên, gây cuộc chia ly.
Bốn anh đánh cá đầu tiên này đã BỎ để dáp lại tiếng gọi của Thầy Giêsu.
Họ đã bỏ chài lưới, bỏ nghề dánh cá, bỏ những thú vui của sông nước.
Hơn nữa họ còn bỏ gia đình, bỏ vợ, bỏ cha, để gắn bó với Thầy Giêsu.
Họ bỏ một giá trị để sống cho một Giá Trị lớn hơn,
bỏ một tình yêu để sống cho một Tình Yêu lớn hơn.
Đức Giêsu đã có kinh nghiệm về sự đau đớn khi phải từ bỏ như vậy.
Nhưng bỏ chính là để THEO (cc. 18.20).
Theo một Đấng sống không chỗ tựa đầu, và bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.
Hôm nay Đức Giêsu vẫn cần những con người dám sống cho người khác,
dám bỏ lại những điều rất quý giá và thân thương,
dám bỏ lại cuộc sống ổn định và ấm êm, tiện nghi và dễ chịu.
Xin cho chúng ta nghe được tiếng gọi thì thầm của Ngài và vui sướng đáp lại.
 
Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

---------------------------------
 
 

Suy Niệm 2: Hãy sám hối


(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

“Thời đã mãn”. Đã hết thời cũ. Gioan Tẩy giả là tiên tri cuối cùng của thời cũ đã bị bắt giam. Hết thời của các trung gian. Nay đến thời mới, thời Thiên Chúa trực tiếp nói với nhân loại. Con Thiên Chúa xuất hiện với đầy đủ quyền năng. Người là trưởng tử mọi loài thọ sinh. Người mở đường cho đoàn em đông đảo đi theo Người vào con đường đạt tới vinh quang (năm lẻ).

Khởi đầu một thời kỳ mới đòi phải có con người mới. Hôm nay, khi đầu tiên ngỏ lời với nhân loại, Người kêu gọi đào tạo con người mới bằng 2 phương thế: Sám hối và Tin vào Tin mừng. Sám hối là từ bỏ con người cũ để trở thành người mới. Tin vào Tin Mừng để sống một đời sống mới.

Bốn môn đệ đầu tiên đã thực hành Lời Chúa dậy. Các ngài bỏ con người cũ để đi theo Thiên Chúa. Xưa kia các đệ tử đi theo thầy. Như Anrê và Gioan đã từng là môn đệ của Thánh Gioan Tẩy giả. Chỉ qua trung gian người thầy mới đến với Thiên Chúa. Nay con người mới trực tiếp được Chúa kêu gọi, trực tiếp đi theo Thiên Chúa, đến với Thiên Chúa, sống cùng Thiên Chúa.

Bỏ con người cũ với những lo toan cũ như Phêrô và Anrê. Xưa lo toan về cuộc sống trần gian. Nay lo toan về cuộc sống thiên đàng. Xưa chài lưới để bắt tôm cá. Nay đi qui tụ con người. Xưa bận tâm đến phát triển cuộc sống trần gian với bữa cơm có cá ngon. Nay lo dọn bữa tiệc trên trời.

Bỏ người cũ với những tài sản, địa vị cồng kềnh như Gioan và Giacôbê, có cả lưới và thuyền, có cả cha mẹ và những người làm công, để từ nay sống không cửa không nhà, không kẻ hầu người hạ, không có người thân thích bên mình, để hoàn toàn sống cho Nước Trời, chỉ có Chúa làm gia nghiệp, sống chết cho ơn cứu độ.

Bỏ con người cũ chỉ tin vào loài người như bà Anna. Để hoàn toàn tin vào Thiên Chúa. Quả nhiên Thiên Chúa ban cho bà một người con để sống đời sống mới vui tươi trong Chúa. Người con này là Samuel, Thiên-Chúa-nhận-lời, sẽ chấm dứt thời cũ của Hêli vì các con thầy cả không còn giữ lề luật Chúa. Chính Samuel cũng khởi đầu thời kỳ mới cho lịch sử Israel khi ông tấn phong hai vị vua đầu tiên cho Dân Chúa (năm chẵn).

Xin ban ơn cho con biết sám hối và tin vào Tin Mừng.

---------------------------------

 

Suy Niệm 3: Sám hối và tin vào Tin Mừng


(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Trong sưu tập về các thánh ẩn tu trong sa mạc, có kể giai thoại như sau: Có hai tội nhân quyết tâm vào sa mạc để ăn chay đền tội. Nguyên một năm ròng rã, mỗi người giam mình trong một túp lều riêng, ngày đêm ăn chay, cầu nguyện và đánh tội. Ngày ngày các tu sĩ của cộng đoàn nọ đem thức ăn đến tận căn lều riêng cho từng người. Sau đúng một năm thử thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai người: một người thì vui vẻ, khỏe mạnh; một người thì ốm o buồn phiền. Cả hai đến trình diện trước Bề Trên cộng đoàn để chờ xem họ có xứng đáng được gia nhập cộng đoàn hay không. Khi được hỏi suốt một năm qua, họ đã suy niệm về những gì.

Người ốm o buồn sầu cho biết:

- Trong năm qua, ngày ngày tôi nhớ lại những tội đã phạm, từng giây từng phút tôi nhớ đến những hình phạt sẽ gánh chịu, tôi sợ hãi đến mất ăn mất ngủ.

Ðến lượt mình, người vui vẻ khỏe mạnh trả lời:

- Suốt một năm qua, từng giây từng phút, tôi hằng cảm tạ Chúa vì đã tha thứ cho tôi: tôi luôn nghĩ tới tình yêu của Ngài.

Các tu sĩ trong cộng đoàn rất cảm kích trước tâm tình của người vui tươi khỏe mạnh vì lòng sám hối của anh đã biến thành lời ca cảm tạ tri ân tình yêu Chúa.

Sám hối là khởi đầu của sự nên thánh. Dĩ nhiên, không phải tất cả những vị thánh đều bắt buộc phải là những tội nhân, nhưng tất cả đều phải bắt đầu với ý thức về tội lỗi và sự yếu hèn của mình. Càng ý thức về con người tội lỗi, bất toàn của mình, con người càng cảm nhận được tình yêu của Chúa. Ðó là cảm nhận của vua Ðavít, của thánh Phêrô, của thánh Augustinô và của tất cả các vị đại thánh trong lịch sử Giáo Hội.

Lời đầu tiên Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài chính là: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Chúa Giêsu đã nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin Mừng là gì, nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người Chúa Giêsu Kitô. Sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là ngõ tất yếu dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc.

Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải qua cuộc sống và nhất là qua cái chết của Ngài, là một người Cha muốn được con cái yêu mến hơn là sợ hãi. Ðạo mà Chúa Giêsu thiết lập không phải là đạo của buồn phiền, của khổ đau, nhưng là đạo của Tin Mừng, của tình yêu, của hân hoan và hy vọng. Ðành rằng Thập giá là biểu tượng của Kitô giáo, nhưng người Kitô hữu không dừng lại ở chết chóc, khổ đau, buồn phiền; trái lại họ luôn được mời gọi để nhìn thấy ánh sáng, hy vọng, tin yêu và sự sống bên kia Thập giá.

Ước gì Lời Chúa hôm nay ban sức sống để chúng ta không bị đè bẹp dưới sức nặng của tội lỗi, của yếu hèn. Xin cho chúng ta luôn tiến bước trong hân hoan và tin tưởng, vì biết rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương, không ngừng nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta.

---------------------------------

 

Suy Niệm 4: Chúa Giêsu đi qua, Người gọi các ông.


Người đang đi dọc biển hồ Galilê, thì thấy ông Simon với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ là người đánh cá. Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người (Mc. 1, 16-18)

Phúc âm Maccô có một lối văn sống đọng và cụ thể, dùng đối thoại vắn gọn và sắc bén. Câu chuyện kể cũng có một tính cách giản dị. Hiếm có những bài nói và lời giải thich dài dòng. Trái lại, chỉ bằng một từ ngữ, một chi tiết nhỏ thôi, thánh Maccô tạo cho Phúc âm của ngài một sức diễn đạt phong phú mà lại cô đọng lạ thường.

Hôm nay Maccô tóm tắt cả Tin Mừng trong vài tiếng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần… Anh em hãy sám hối”. Liền sau đó ngài đưa ra một thí dụ là câu chuyện Chúa gọi các môn đệ đầu tiên. Chúng ta dừng lại suy niệm ở trích đoạn này.

Người liền gọi các ông.

Chúng ta thường nhấn mạnh đến việc các môn đệ đã tỏ ra mau mắn đáp lời Chúa gọi. Thực ra không phải chỉ có sự mau mắn đáp lời, mà tiếng gọi cũng diễn ra mau lẹ: “Đi xa hơn một chút. Người thấy hai ông Gia-cô-bê và Gioan, Người liền gọi các ông”.

Việc Chúa Giêsu đi dọc theo Biển Hồ là dấu chỉ Nước Trời đang hiện diện. Thiên Chúa đi vào vũ trụ, đến với con người như thế, coi như Người đã gióng lên tiếng mời gọi tức thời và khẩn thiết vậy.

Các ông liền đi theo Người.

Người ta không phải chờ đợi sự đáp trả. Cả bốn ông Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đều dấn thân vào một nghề mới. Và thánh Maccô ghi nhận một cách rất tế nhị việc dấn thân đi theo Chúa này có điều đáng giá. Phêrô và Anrê phải bỏ lại chài lưới, dụng cụ sinh sống của các ông, còn Giacôbê và Gioan phải giã biệt người cha, không những các ông phải từ bỏ một tay nghề sẵn có, mà còn tất cả những mối giây liên hệ và tình cảm thân thương nữa.

Dấn thân trở lại với Chúa không chỉ là hành động khác trước, là thực hiện một điều gì khác, mà cũng còn là hướng dẫn con tim và cuộc sống của ta về một bến bờ khác.

Còn chúng ta…

Mỗi ngày có biết bao hoạt động đòi ta phải có sức, có tài. Cùng với mọi người. chúng ta cùng đồng lao cộng tác. Chúa Giêsu đang đi qua, Nước Trời đang hiện diện ngay tại những ven bờ này, và tiếng Chúa gọi vẫn đang vang lên cho mỗi người đang cùng ta chung sức. Đến lượt chúng ta cũng phải xem lại những mối giây liên hệ của ta hầu nối kết với những ai Chúa Kitô đang quan tâm tới.

 

Suy Niệm 5: Dứt khoát

“Hãy theo Thầy” chính là lời mời gọi đầy yêu thương, trìu mến của Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Nhưng sự đáp trả: ”Xin theo Thầy” chính là thể hiện thái độ dứt khoát của các ông cũng không kém phần tin yêu với Đấng đã yêu thương mình trước.

Hôm nay, Kinh Thánh thuật lại việc Đức Giêsu đi dọc biển hồ Galilê, Ngài thấy các ông Simon và Anrê đang quăng lưới xuống biển, rồi đi xa hơn chút nữa, Ngài thấy Giacôbê và Gioan đang vá lưới trong thuyền, cùng một mẫu số chung, Ngài cất tiếng mời gọi các ông: ”Hãy theo Tôi”. Ngay lập tức, các ông bỏ mọi sự để đi theo Ngài.

Sự dứt khoát của các ông cho thấy họ đã tìm được kho tàng, chân lý, lẽ sống đích thực là chính Chúa. Các ông cũng khám phá ra lý tưởng của cuộc đời. Vì thế, các ông đành mất hết và coi mọi sự là rơm rác so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của các ông. Từ đây, các ông được sống cùng và sống với Đấng là đường, là sự thật và là sự sống. Thật là hạnh phúc cho bốn môn đệ đầu tiên này!

Đến lượt chúng ta, mỗi người cũng được Chúa gọi rất nhiều lần trong cuộc đời! Ngài gọi chúng ta qua lương tâm, qua các dấu chỉ, qua những sự kiện, biến cố, qua những người này hay người kia...

Ngài mời gọi chúng ta thi hành bác ái, yêu thương người nghèo, từ bỏ con đường tội lỗi, hoán cải, sống công chính và trung thành với đức tin... Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta đã không nhạy bén đủ, hay cũng có những lúc chúng ta không muốn đáp lại lời mời gọi đó và viện cớ đủ mọi lý do để khước từ.

Như vậy, chúng ta không lạ gì khi Lời Chúa hằng ngày vẫn đọc, nhưng Lời ấy không hề ăn nhập gì với cuộc sống của mỗi chúng ta! Và lẽ tất nhiên, chúng ta vẫn trơ trọi như cây không sinh trái mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho tâm hồn chúng con khao khát Chúa, để chúng con nhạy bén nhận ra tiếng Chúa gọi và can đảm đi theo Chúa như các Tông đồ khi xưa. Amen.

Ngọc Biển SSP

---------------------------------

 

Suy Niệm 6: Chúa Giêsu mời gọi môn đệ


(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Được nghe loan báo Tin Mừng của Chúa và được gọi để phục vụ

Tin mừng: đó là hồng ân cao trọng Chúa ban một cách nhưng không. Vậy ta hãy hoán cải, quay về với Chúa, quảng đại đáp lại tiếng Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã không ngại khó khăn, vất vả, cất bước đến miền Ga-li-lê để loan báo

Tin mừng: “Nước Thiên Chúa đã gần đến”. Chúa tha thiết mời gọi con người thay đổi đời sống để được nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Chúa cũng đã cất bước đi tìm và gọi các môn đệ đầu tiên để các ngài được ở với Chúa, yêu Chúa và cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa.

Lạy Chúa, giữa cuộc sống đầy bon chen của chúng con hôm nay, có biết bao tiếng gọi mời của thế gian và lạc thú làm con xa Chúa. Chúa đã gởi đến chúng con một tin vui và một lời mời tha thiết: “Hãy theo Ta”. Chúa muốn con được về với Chúa. Xin đừng để con mải mê với cuộc sống ở đời đến nỗi không nhận ra tiếng Chúa. Nhưng xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa gọi từ trên cao, ngay khi còn đang làm những việc bình thường hằng ngày, ngay khi con đang là tội nhân. Lạy Chúa, con hiểu rằng theo Chúa là từ bỏ tất cả. Dù sống trong bậc giáo dân, con vẫn xin đặt Chúa trên cha mẹ, gia đình, bạn bè, nghề nghiệp, để được cùng Chúa đi khắp nơi, đến với những ai bị bỏ rơi, những người đau khổ, tội lỗi.

Lạy Chúa, xin cho con can đảm ra khỏi con người mình, để con được Chúa hoàn toàn chiếm đoạt, hầu con có thể trở thành khí cụ tình thương của Chúa cho mọi người, để con thành dấu chỉ Nước Trời đã đến. Amen.

Ghi nhớ: ”Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng”.

 ---------------------------------

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu gọi và chọn 4 môn đệ - tông đồ đầu tiên


(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Socrate gặp chàng trai trẻ Xenophon lần đầu. Thoạt tiên, ông hỏi chàng có biết ở đâu bán cái này, cái nọ, và ở đâu người ta chế ra vật này, vật kia. Xenophon chỉ cho Socrate những thông tin cần thiết. Rồi Socrate hỏi:

- Anh có biết người ta chế tạo điều lành và nhân đức ở đâu không?

- Không.

- Vậy anh hãy theo Ta.

Đó cũng là câu của Chúa Giêsu: Hãy theo Ta.

Suy niệm

Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Đức Kitô đã gọi và chọn môn đệ - tông đồ đầu tiên: Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, ông Giacôbê và người em là ông Gioan, Người bảo: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Nghe được tiếng Chúa gọi, các ông đã bỏ lại mọi sự để lên đường bước đi theo Chúa. Tin Mừng ghi nhận lại thái độ của các ông: “Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người”. Các ông bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ gia đình lại mà “bước theo”. Bước theo Đức Giêsu có nghĩa là dấn thân trọn vẹn vào một cuộc phiêu lưu, cuộc phiêu lưu mà Thầy đang đi.

“Các anh hãy theo Ta”, theo Người, “Ở với Người và để Người sai đi” (x. Mc 3,14). Lời mời gọi gắn bó với Đức Kitô là ánh sáng, là nguồn sống: “Sự sáng thế gian, chính là Ta! Ai theo Ta sẽ không phải đi trong tối tăm, nhưng nó sẽ có ánh sáng sự sống” (Ga 8,12), và lên đường chia sẻ thao thức của Ngài đem ánh sáng Tin Mừng cứu độ cho mọi tâm hồn, mọi dân tộc khắp cùng trái đất.

Chúa cũng đang thì thầm gọi tôi, gọi bạn, Ngài gọi đích danh tên mỗi người: “Hãy theo Ta”, theo Ngài trước tiên là gắn bó với Ngài, sống thân mật với Ngài như Ngài mời gọi: “Hãy lưu lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9). Có tình yêu, người môn đệ ra đi tiếp nối công trình của Ngài, mang Tin Mừng cứu độ cho anh em.

Ý lực sống: “Hãy theo Thầy”, các tông đồ đã bỏ mọi sự theo Chúa, con có dứt khoát một phen theo Chúa không? Chúa phải gọi con mấy lần rồi? (Đường Hy Vọng, 61)

 ---------------------------------

 

Suy Niệm 8: Gọi bốn môn đệ đầu tiên


(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Nghe tin Gioan bị bắt, Chúa Giêsu trở về Galilê và giảng cho mọi người biết: Nước Chúa đã gần đến. Hãy sám hối và tin theo Người... Và khi đi rao giảng dọc bờ biển, Người gặp ông Simon và anh là Anrê đang thả lưới. Người gọi hai ông theo Người để “lưới người ta”. Và Người cũng gặp ông Giacôbê và em là Gioan đang vá lưới. Người cũng gọi hai ông. Hai ông liền bỏ chài lưới và cha là Giêbêđê mà theo giúp Người.

2. Sự việc Gioan bị tống giam trong ngục đã chấm dứt sứ vụ của ông dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Lời đầu tiên Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài là: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Chúa Giêsu đã nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin mừng là gì, nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người của Chúa Giêsu Kitô.

Satan phàn nàn với Chúa: “Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời”. Chúa nói: “Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa”? (Góp nhặt)

3. Sám hối gồm hai khía cạnh. Khía cạnh tiêu cực là nhìn về dĩ vãng, về quá khứ của cuộc đời mình để xem mình đang sống đúng hay sai, còn thiếu những gì cần bổ khuyết. Sám hối còn mang khía cạnh tích cực là hướng đến tương lai, quyết tâm thay đổi cuộc đời để sống tốt đẹp hơn. Muốn được như vậy thì người sám hối phải biết trở nên khiêm tốn, trở nên bé nhỏ và đặt tất cả niềm tin vào Người Cha Nhân ái là Thiên Chúa tình yêu.

Ngoài ra, sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là cửa ngõ tất yếu dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc...

4. Chúa Giêsu nhìn sự việc Gioan bị bắt giam bằng cái nhìn siêu nhiên và Người coi đó là sứ vụ dọn đường của Gioan chấm dứt, nên Người khởi sự đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, hòng mọi người sẽ được hưởng ơn cứu rỗi.

Để thực hiện chương trình đó, Chúa đã kêu gọi nhiều người đến cộng tác với Người trong công cuộc lớn lao này. Đúng như lời thánh Augustinô đã nói: “Khi dựng nên chúng con, Chúa không cần chúng con, nhưng để cứu rỗi chúng con, Chúa cần chúng con giúp Chúa”. Chúa đã gọi các tông đồ đầu tiên trong hoàn cảnh đời thường như làm nghề chài lưới và ít chữ nghĩa, nhưng Chúa chỉ cần người ta có thiện chí và nhiệt thành theo Chúa. Nên khi gọi bốn tông đồ đầu tiên, thì “Lập tức các ông đã bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1,18).

5. Chúa gọi các môn đệ trong những tình huống khác nhau. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy ơn gọi xem ra thật bất ngờ. Marcô cho thấy họ đang sinh hoạt  bình thường (thả lưới), bỗng Chúa đến bất ngờ và gọi các ông, và điều làm cho ta ngạc nhiên là phản ứng của họ: Họ cũng theo Chúa một cách mau mắn, cũng là một bất ngờ không kém: “Họ liền bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1,18). Nghe kêu là đi liền, làm như hai bên đã hẹn hò với nhau trước. Đối với loài người thì thật là bất ngờ, nhưng đối với Thiên Chúa thì không, và người ta gọi đó là Chúa quan phòng.

Cái bất ngờ thứ hai là Thiên Chúa thường chọn những con người mà người đời cho là không mấy hứa hẹn hay không còn hy vọng (Abraham già nua tuổi tác), không mấy khả năng (những môn đệ đầu tiên là những người chài lưới), không mấy tốt lành (Matthêu là ngươi thu thuế). Hình như Thiên Chúa không theo tiêu chuẩn của loài người: chọn những người có tài có đức, có triển vọng tương lai. Việc Chúa làm thật bất ngờ!

6. Truyện: Chúa làm những việc không thể ngờ.

Trong dịp lễ nhậm chức của Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, người ta đọc được bài thơ này:

Khi Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình, Người chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên.

Thiên Chúa cần một người phát ngôn, Người lại chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng. Thế là Maisen đứng lên.

Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân của mình, Người lại chọn một người thanh niên nhỏ nhất và yếu nhất trong nhà. Thế là Đavít đứng lên.

Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo hội, Người đã chọn một anh chối đạo. Thế là Phêrô đứng lên.

Thiên Chúa cần một khuôn mặt để diễn tả tình Người cho nhân thế, Người lại chọn một cô gái điếm. Đó là Maria Madalena.

Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô vang sứ điệp của mình, Người lại chọn một kẻ bắt đạo. Đó là Phaolô gốc thành Tarsô.

Thiên Chúa cần một ai đó để dân Người được qui tụ và đi đến với những người khác,

Người đã chọn ngươi. Cho dù run sợ, lẽ nào ngươi không đứng lên đáp lại lời Người.

---------------------------------

 

Suy Niệm 9: Chúa Giêsu rao giảng và mời gọi


(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Bài Phúc Âm này gồm 2 đoạn:

a. Tóm lược nội dung lời rao giảng của Chúa Giêsu: Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến”; Ngài cho biết điều kiện để được vào Nước ấy là “Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm”.

b. Ơn gọi của những môn đệ đầu tiên. Qua đó ta biết được những điểm chính yếu của một ơn gọi:

- Chúa Giêsu “thấy” (động từ đầu tiên của cả 2 bài tường thuật): ơn gọi xuất phát từ sáng kiến của Chúa.

- “Hãy theo Ta”: được gọi tức là được mời đi theo Chúa Giêsu để ở với Ngài, học với Ngài, noi gương Ngài và chia sẻ sứ mạng của Ngài.

- “Lập tức”: mau mắn đáp trả lời Chúa gọi.

- “Hai ông bỏ (bài đầu “Bỏ chài lưới”; bài sau “bỏ cha và những người làm công”) mà đi theo Ngài”: theo ơn gọi thì phải từ bỏ, kể cả tất cả những gì thân thiết nhất.

B. Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Sám hối: Satan phàn nàn với Chúa: “Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời”. Chúa nói: “Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa?”. (Góp nhặt)

2. Paddy đang hồi phục sau ca mổ, ba bạn thân ghé thăm để khích lệ anh. Ngoài chuyện thăm hỏi, họ kể cho anh về những ca mổ họ nghe biết.

Một người nói: “Tôi nghe có một ca mổ họ để quên cái gạc trong bụng bệnh nhân và phải mổ để lấy ra”.

Người khác kể về ca mổ bác sĩ để quên kéo bên trong và bệnh nhân phải mổ lần nữa để lấy ra. Vừa nói xong, bác sĩ thực hiện ca mổ cho Paddy thò đầu vào cửa gọi lớn: ”Có ai thấy mũ của tôi không?” Và Paddy ngất đi.

Một lần xưng thú không chân thành giống như một ca mổ tồi tệ. Một vài thứ bị để quên và phải thực hiện một ca mổ khác để lấy ra. (Góp nhặt)

3. Người ta thường hiểu ơn gọi theo nghĩa hẹp là ơn gọi làm Lm, Tu sĩ. Nhưng thực ra mọi Kitô hữu cũng đều được Chúa gọi để làm Kitô hữu xứng đáng trong bậc sống của mình.

4. Khi Chúa gọi ai, việc đầu tiên là Ngài bảo người đó từ bỏ. Ơn gọi đầu tiên trong Cựu Ước là như thế: Thiên Chúa nói với Abraham “Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi nhà cha ngươi”... (x. St 12,1). Ơn gọi đầu tiên trong Tân Ước cũng như thế: 4 môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu “lập tức bỏ chài lưới (bỏ thuyền, bỏ cha mẹ lại) mà theo Ngài” (x. Mt 4,20.22). Tất cả những ơn gọi khác cũng phải như thế thôi.

5. Hai người giáo dân đứng ngoài chợ nói chuyện với nhau:

- Anh nghĩ xem chúng ta có cần tiếp tay với Cha xứ để lo việc họ đạo không? Người thứ nhất hỏi.

- Tôi cũng thường nghĩ đến điều đó. Nhưng khi tôi thấy chung quanh cha chỉ có một nhóm nhỏ những người thân tín thì tôi không muốn gia nhập nhóm nhỏ ấy nữa.

Nãy giờ đứng bên cạnh đã nghe hết, anh chen vào:

- Đúng thế, chung quanh cha xứ chỉ có một nhóm nhỏ thôi. Nhưng các anh có biết tại sao không?

- Tại sao? Tại sao? Xin cho chúng tôi biết với.

- Hồi cha mới đến xứ đạo, cha đã kêu mời mọi người cộng tác. Nhưng sau đó chỉ có một ít người đáp lời thôi. Đó là những người biết nói “VÂNG”. (Góp nhặt)

---------------------------------

 

Suy Niệm 10: Rao giảng-chọn gọi


(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Bài Tin Mừng này gồm 2 đoạn:

a. Đoạn một: Tóm lược nội dung lời rao giảng của Chúa Giêsu: Ngài nói “Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15); Ngài cho biết điều kiện để được vào Nước ấy là “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

b. Đoạn 2: Ơn gọi của những môn đệ đầu tiên.

2. Sứ điệp Chúa muốn rao giảng: "Nước Thiên Chúa đã đến gần" (Mc 1,15). Vâng, đó là sứ diệp của Chúa Giêsu. Nước Trời hay Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng không phải là cuộc cách mạng chính trị như phần lớn người Do Thái bấy giờ nghĩ đến, nhưng đó là sự ngự trị của Ngài trong đời sống của những ai tin nhận Ngài. Sứ điệp của Chúa nhằm kêu gọi mọi người ăn năn, đặt niềm tin nơi Ngài, và bước đi theo Ngài.

Sứ điệp ấy ngày nay vẫn còn phải được tiếp tục rao truyền cho mỗi người chúng ta cho đến khi chúng ta để cho Ngài chiếm hữu trọn vẹn mọi khía cạnh của đời sống hầu chúng ta có thể thấy, có thể cảm nghiệm được Nước Trời ngay trên trần thế này.

Để cho Ngài chiếm hữu trọn vẹn mọi khía cạnh của đời sống điều đó không phải dễ.

Có hai người giáo dân đứng ngoài chợ nói chuyện với nhau:

- Anh nghĩ xem chúng ta có cần tiếp tay với cha xứ để lo việc họ đạo không? Người thứ nhất hỏi.

- Tôi cũng thường nghĩ đến điều đó. Nhưng khi tôi thấy chung quanh cha chỉ có một nhóm nhỏ những người thân tín thì tôi không muốn gia nhập nhóm nhỏ ấy nữa.

Một người thứ ba từ nãy đến giờ đứng bên cạnh đã nghe được câu chuyện giữa hai người, anh chen vào:

- Đúng thế, chung quanh cha xứ chỉ có một nhóm nhỏ thôi. Nhưng các anh có biết tại sao không?

- Tại sao? Tại sao? Xin cho chúng tôi biết với.

- Hồi cha mới đến xứ đạo, cha đã kêu mời mọi người cộng tác. Nhưng sau đó chỉ có một ít người đáp lời thôi. Đó là những người biết nói “VÂNG”. (Góp nhặt)

Để Ngài chiếm hữu trọn vẹn mọi khía cạnh của đời sống và làm cho chúng ta cảm nghiệm được Nước Trời đang hiện diện ngay trên trần thế này chúng ta cũng phải biết nói tiếng “Vâng” như Mẹ Maria.

3. Chúa gọi các môn đệ đầu tiên. Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên trong những tình huống khác nhau. Qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy ơn gọi xem ra thật bất ngờ.

Marcô cho thấy họ đang sinh hoạt bình thường (thả lưới), bỗng Chúa đến bất ngờ và gọi các ông, và điều làm cho ta ngạc nhiên là phản ứng của họ: Họ cũng theo Chúa một cách mau mắn, cũng là một bất ngờ không kém: “Họ liền bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1,18).

Nghe kêu là đi liền, làm như hai bên đã hẹn hò với nhau trước. Đối với loài người thì thật là bất ngờ, nhưng đối với Thiên Chúa thì không, và người ta gọi đó là việc Chúa quan phòng.

* Cái bất ngờ thứ hai là Thiên Chúa thường chọn những con người mà người đời cho là không mấy hứa hẹn hay không còn hy vọng gì (Abraham già nua tuổi tác), không mấy khả năng (những môn đệ đầu tiên hôm nay chỉ là những người chài lưới), không mấy tốt lành (Matthêô là người thu thuế). Hình như Thiên Chúa không theo tiêu chuẩn của loài người, chọn những người có tài có đức, có triển vọng tương lai.

Trong tập lễ nhậm chức của Đức Tổng Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn người ta đọc được bài thơ này.

Khi Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình,

Người đã chọn một cụ già.

Thế là Abraham đứng lên.

Thiên Chúa cần một người phát ngôn,

Người lại chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng.

Thế là Môisen đứng lên.

Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân của mình,

Người lại chọn một cậu thanh niên nhỏ nhất và yếu nhất trong nhà.

Thế là Đavid đứng lên.

Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo Hội

Người đã chọn một anh chối đạo.

Thế là Phêrô đứng lên.

Thiên Chúa cần một khuôn mặt để diễn tả tình Người cho nhân thế.

Người lại chọn một cô gái điếm.

Đó là Maria Mađalêna.

Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô vang sứ điệp của mình.

Người lại chọn một kẻ bắt đạo.

Đó là Phaolô gốc thành Tarsô.

Thiên Chúa cần một ai đó để dân Người được quy tụ và đi đến với những người khác.

Người đã chọn ngươi. Cho dù run sợ, lẽ nào ngươi không đứng lên đáp lại lời Người.

Vâng, các môn đệ đầu tiên đã mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa

lẽ nào chúng ta lại không đứng lên đáp lại lời Người.

Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội  trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa,
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

 ---------------------------------

 

Suy Niệm 11: Tin vào Chúa


(Lm. Micae Võ Thành Nhân)

Ở xứ Galilêa trong những ngày qua, có Chúa đang hiện diện ở đấy. Chúa hiện diện ở đây để Chúa thăm viếng dân Chúa, và nhân dịp này Chúa rao giảng Tin Mừng, làm các phép lạ để chữa lành các chứng bệnh hoạn tật nguyền trong tinh thần thể xác của dân. Chúa mang lại niềm hy vọng, hạnh phúc cho dân Chúa trong cuộc sống làm người đầy khổ ải này. Và Chúa đã giảng: “Thời kỳ đã mãn và nước Thiên Chúa gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).

Hôm nay, dọc theo bờ biển Galilêa, có lẽ là vào buổi sáng, những người thợ đánh cá ra khơi chài lưới vào ban đêm, cho nên sáng sớm tinh mơ họ sẽ đưa thuyền vào bờ để bán số các đánh được đó cho bạn hàng. Do vậy mà chúng ta mới thấy thánh Giacôbê và thánh Gioan con Giêbêđê đang giặt lưới để cuốn lại rồi chiều đi đánh cá tiếp. Còn thánh Phêrô có lẽ đêm vừa rồi không đánh được con cá nào cho nên bây giờ đã vào gần bờ rồi mà vẫn kéo lưới tiếp may ra có con cá nào thì cũng đỡ hơn là không có, trắng tay đêm vừa rồi.

Các ngài, thánh Phêrô, thánh Giacôbê, thánh Gioan, cuộc đời của các ngài gắn liền với nghề làm biển, các ngài đang say mê làm việc để mưu sinh thì Chúa lại cất tiếng gọi các ngài: “Hãy theo Ta. Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người” (Mc 1, 17).

Dường như dọc theo bờ biển buổi sáng sớm của ngày hôm nay, không khí có vẻ như sầm uất hơn, đông người hơn, ồn ào hơn, náo nhiệt hơn, tấp nập hơn, vui vẻ hơn, rộn ràng hơn, nhộn nhịp hơn những ngày khác trong năm, vì có Chúa đang ở đó, mọi người đi theo Chúa, nghe Chúa rao giảng Tin Mừng và thấy Chúa làm phép lạ, kể cả những người chài lưới, những người làm công, những người buôn bán vừa làm việc vừa theo dõi nghe Lời Chúa giảng. Trong lúc mọi người đang hoạt động như vậy, Chúa cất tiếng gọi thánh Phêrô, thánh Giacôbê, thánh Gioan hãy theo Chúa, và các ngài đã bỏ lại sau lưng tất cả các công việc để rồi đến với Chúa: “Đi xa hơn một chút, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê, và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền và các người làm công và đi theo Người” (Mc 1, 19 – 20), và rồi theo Chúa giữa chợ đời đầy xô bồ này.

Các tông đồ đầu tiên đã được Chúa kêu gọi theo Chúa và các ngài đã không ngần ngại, quảng đại từ bỏ tất cả để bước theo Chúa. Trong lúc Chúa kêu gọi các ngài, Chúa chỉ nói: “Ta sẽ làm cho các ngươi thành những kẻ chài lưới người” (1, 17b), chứ Chúa không nói gì thêm. Như thế, chài lưới cá là một nghề quá vất vả, nguy hiểm, chắc vì nhu cầu sống nên mới làm nghề này thôi chứ chẳng ai muốn làm gì cả. Vậy thì chài lưới người còn phức tạp, hiểm nguy, khó khăn hơn rất nhiều, thế mà các ngài lại chấp nhận theo Chúa. Sở dĩ như vậy là vì các ngài đã hoàn toàn tin tưởng, phó thác cho Chúa để Chúa lo liệu.

Lạy Chúa, giũa cuộc sống hằng ngày, giữa những tất bật công việc của cuộc sống, Chúa vẫn luôn cất tiếng mời gọi chúng còn đừng mãi mê thế sự mà hãy theo Chúa, hãy dành thời gian cho Chúa để sống với Chúa, để cộng tác với Chúa đem Lời Chúa đến cho anh chị em của chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết mau mắn đáp lại tiếng mời gọi của Chúa và cố gắng mỗi ngày sống theo ý Chúa để chúng con được Chúa thương xót và chúng con làm gương sáng cho những anh chị em đang sống xung quanh chúng con. Amen.

 ---------------------------------

 

Suy Niệm 12: Sám hối và tin vào tin mừng


(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai Tuần 1 Thường Niên, Năm lẻ này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa rủ thương chấp nhận mà giúp chúng ta biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn.

Nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn, nhờ lòng kính sợ Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Huấn Ca cho thấy: Gốc rễ của khôn ngoan là kính sợ Thiên Chúa: Ngay từ những dòng đầu, ông Ben Xira tác giả sách Huấn ca đã cho chúng ta biết hai điều căn bản: tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Thiên Chúa, Người ban thì mới có; và con đường chắc chắn nhất để đón nhận được sự khôn ngoan chính là lòng kính sợ Thiên Chúa. Kính sợ Thiên Chúa là từ chuyên biệt của sách này. Người có lòng kính sợ Thiên Chúa là người có lòng đạo đức chân thật và tích cực thể hiện trong đời sống. Gốc rễ của khôn ngoan đã được mặc khải cho ai? Đức Chúa đã làm cho khôn ngoan nổi bật nơi mọi phàm nhân, Người đã rộng ban khôn ngoan cho những ai yêu mến Người. Tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa. Chính Người đã tạo dựng, và làm cho khôn ngoan nổi bật trên mọi công trình.

Nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn, nhờ biết quy phục Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cứu độ chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Cơlêmentê I nói: Lời Thiên Chúa trên nơi cao thẳm là nguồn mạch khôn ngoan… Lạy Chúa, có thần nào cao cả như Ngài? Chính Ngài là Vị Thần thực hiện những kỳ công. Ngài biểu dương sức mạnh giữa muôn vàn dân nước, tay Chúa đã cứu chuộc dân Ngài.

Nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn, nhờ tin vào Đức Giêsu và làm theo những gì Người truyền dạy, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thư Hípri nói: Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 96, vịnh gia đã cho thấy: Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi! Chúa là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên, vui đi nào, ngàn muôn hải đảo! Bệ ngai rồng là chính trực công minh.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Tin vào Tin Mừng là tin vào Đức Giêsu, là Thánh Tử mà Chúa Cha đã gửi đến cho chúng ta. Nhờ Thánh Tử, Cha đã kêu gọi chúng ta từ chốn tối tăm ra nơi sáng láng, từ chỗ ngu muội đến tình trạng nhận biết thánh danh vinh hiển Người. Ước gì chúng ta biết cậy trông vào danh Cha là khởi nguyên mọi thụ tạo, để, với đôi mắt tâm hồn rộng mở, chúng con nhận biết một mình Cha là Đấng Tối Cao: Cha nâng cao kẻ thấp hèn và hạ thấp người quyền cao, làm cho nên giàu và bắt phải nghèo túng; Cha giết đi, rồi lại cứu và làm cho sống mãi. Mình Cha là Đấng thi ân cho các bậc thần thiêng và là Thiên Chúa mọi xác phàm. Cha thấu nhìn vực thẳm, dò xét mọi công việc của người đời, trợ giúp những kẻ gặp nguy nan, cứu thoát ai thất vọng. Nhờ Thánh Tử, Cha đã dạy dỗ, thánh hoá và tôn vinh chúng ta. Cha giải thoát chúng ta khi chúng ta gặp gian nan khốn khó, Cha nâng dậy những ai sa ngã, cứu giúp những kẻ túng nghèo, chữa lành những ai đau yếu, đưa những kẻ lầm lạc trở về, nuôi dưỡng những người đói khát, giải thoát những ai bị cầm tù, và ủi an người nhút nhát. Ước gì ta nhận biết rằng: Cha là Thiên Chúa duy nhất và Đức Giêsu Kitô là Con Cha, còn ta là dân tộc và đoàn chiên Cha dẫn dắt. Chúng ta được hưởng hồng phúc của Cha trong bình an, được Cha che chở dưới bàn tay uy quyền của Cha, được thoát khỏi tội lỗi nhờ cánh tay mạnh mẽ dương oai. Chỉ một mình Cha  mới có thể thực hiện các điều ấy và nhiều điều tốt lành khác nữa cho ta. Ước gì ta biết cộng tác vào công trình cứu độ của Cha. Ước gì ta biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn. Ước gì được như thế!

---------------------------------
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây