Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày Thứ 7 TN –Tuần 1/2025

Thứ sáu - 17/01/2025 02:33
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày Thứ 7 TN –Tuần 1/2025
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày Thứ 7 TN –Tuần 1/2025
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
Thứ 7 TN –Tuần 1/2025
Nguồn: https://giaophanlongxuyen. org/

----------------------------------
Mục Lục:

LỜI CHÚA: Mc 2, 13-17. 1
Suy Niệm 1: Kêu gọi người tội lỗi 2
Suy Niệm 2: Lời Thiên Chúa. 3
Suy Niệm 3: Kêu gọi người tội lỗi 4
Suy Niệm 4: Kìa Người đến dùng bữa! 5
Suy Niệm 5: Nhạy bén với tình thương của Chúa. 7
Suy Niệm 6: Thiên Chúa gọi kẻ Ngài muốn. 7
Suy Niệm 7: Chúa Giêsu gọi Lêvi-người thu thuế. 8
Suy Niệm 8: Chúa gọi ông Lêvi 10
Suy Niệm 9: Chúa Giêsu kêu gọi Lêvi làm môn đệ. 12
Suy Niệm 10: Chúa Giêsu kêu gọi người tội lỗi …... 13
Suy Niệm 11: Chúa thương người tội lỗi 16
Suy Niệm 12: Không ai công chính trước mặt Chúa. 17

---------------------------------
Thày thuốc cho người đau yếu.
18/01 – Thứ Bảy tuần 1 thường niên.
"Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".
 

LỜI CHÚA: Mc 2, 13-17


Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ.
Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?"
Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: "Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".

---------------------------------
 

Suy Niệm 1: Kêu gọi người tội lỗi


(Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)

Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu đã tha tội cho anh bất toại.
Và chuyện này đã bị các kinh sư coi là phạm thượng (Mc 2, 6).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngài lại tiếp tục bị tấn công,
vì làm những điều dưới mắt các kinh sư là gai chướng.
Trước hết là việc chọn ông Lêvi vào số các môn đệ.
Như bốn môn đệ đầu tiên, khi được gọi Lêvi cũng đang làm việc.
Lúc đó ông đang ngồi nơi bàn thu thuế, bận bịu với tiền bạc và sổ sách.
Ánh mắt của Thầy Giêsu chụp lấy ông và lôi cuốn ông.
Lời mời của Thầy thật rõ ràng và ngắn gọn: “Anh hãy theo tôi.”
Lêvi có ngỡ ngàng không?
Ông đang làm một nghề bị mọi người coi là ô uế
vì phải tiếp xúc với dân ngoại và dính dáng đến dối trá tham lam.
Ông bị coi là tội nhân, bị gạt ra khỏi cộng đoàn Dân Chúa.
Bây giờ ông được Thầy mời vào nhóm môn đệ của mình
Đức Giêsu có liều lĩnh không?
Ngài có sợ uy tín nhóm bị giảm sút vì sự có mặt của Lêvi không?
Đức Giêsu không định thành lập một nhóm gồm toàn những người hoàn hảo,
nên ngài đã chọn sự có mặt của Lêvi.
Như thế ranh giới giữa “môn đệ” và “tội nhân” đã bị xóa.
Môn đệ chính là tội nhân được kêu gọi để chia sẻ tình bạn và sứ vụ.
Lêvi diễn tả niềm vui của người được gọi bằng một bữa tiệc,
trong đó ông mời các bạn bè đồng nghiệp đến để chia tay.
Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.
Ngài đã vui vẻ nhận lời, đã đến nhà và ăn với họ, dù đây là điều bị cấm.
Để biện minh cho thái độ này, ngài coi tội nhân như người đau ốm.
Người đau thì cần thầy thuốc, cần sự lại gần để săn sóc của lương y.
Họ cần chữa lành và đón nhận, chứ không cần phán xét và lên án.
Đức Giêsu chính là vị lương y đến để kêu gọi người tội lỗi (c. 17).
Nhưng có ai trong chúng ta lại không là tội nhân?
Có ai trong chúng ta lại công chính thánh thiện
đến độ không cần phải sám hối (Mc 1, 15)?
Hôm nay Đức Giêsu vẫn đi ngang qua đời tôi, tưởng như tình cờ,
vẫn thấy tôi và gọi tôi, vẫn mời tôi ra khỏi chỗ ngồi vững chãi của mình,
và bỏ lại tất cả sau lưng.
Xin được như Lêvi đứng lên ngay để theo Ngài.
 
Cầu nguyện:

Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
 
-------------------------------
 

Suy Niệm 2: Lời Thiên Chúa


(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lời Chúa thật mạnh mẽ. Có sức biến đổi cuộc đời. Không chỉ Lê-vi mà cả bạn bè của ông cũng theo Chúa. “Có nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Chúa Giêsu và các môn đệ, vì họ đông và đi theo Người”.

Lời Thiên Chúa thay đổi số phận con người vì Thiên Chúa quá yêu thương, quá tin tưởng con người. Quá yêu thương nên trong ánh mắt Người không ai là xấu xa, đáng ghê tởm. Trái lại, mọi người đều có chỗ trong trái tim Người. Càng yếu hèn, tội lỗi, bị bỏ rơi lại càng được Thiên Chúa yêu thương, quan tâm giúp đỡ. Vì “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”. Còn hơn thế nữa, đó là mục tiêu của Người: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. Thật là một tình yêu không thể hiểu được với trí óc con người.

Quá tin tưởng nên Người tin rằng mọi người đều có thể thay đổi, có thể nên tốt. Quá tin tưởng nên Người không nhìn về quá khứ mà chỉ nhìn về tương lai. Quá tin tưởng nên dù quá khứ có xấu xa đến đâu Người vẫn mở cho kẻ tội lỗi một cánh cửa tương lai. Hôm nay, Lê-vi nhận được một lời mời gọi bất ngờ: “Hãy theo Thầy”. Một người thu thuế bị coi là tội lỗi công khai được mời gọi không chỉ thay đổi đời sống mà còn nên tông đồ đi rao giảng Tin mừng, viết sách Tin mừng truyền lại Tin mừng cho đến ngàn sau. Lòng Thương Xót của Chúa là vô bờ bến.

Quả thật Chúa Giê-su là vị Thượng Tế “biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội”. Vậy nên “ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (năm lẻ).

Xót thương nên Chúa sẵn sàng ban cho Ít-ra-en một vị vua để đứng đầu, dù Sa-mu-en không muốn. Xót thương nên phán bảo, chỉ dẫn Sa-mu-en từng chi tiết trong đời sống. Xót thương nên tuyển chọn Sa-un làm vua đầu tiên của Ít-ra-en. Dù ông thuộc chi tộc nhỏ bé nhất trong Ít-ra-en (năm chẵn).

Lạy Chúa con yếu hèn tội lỗi. Xin phán một lời để thay đổi con người con. Lạy Chúa, xin hãy phán. Vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Chúa có lời ban sự sống đời đời.

-------------------------------
 

Suy Niệm 3: Kêu gọi người tội lỗi


(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Ơn gọi của Lêvi được coi là khác thường và gây ngạc nhiên hơn ơn gọi của các Tông đồ khác, bởi vì ông là một người tội lỗi công khai. Lêvi sau này được gọi là Matthêu, một trong bốn thánh sử, ông làm nghề thu thuế cho đế quốc Rôma, lúc đó đang cai trị xứ Palestina. Những người làm nghề thu thuế được hưởng lợi tức cao, nhưng bị dân chúng ghét bỏ vì thường xảy ra những vụ gian lận hoặc lạm thu.

Ðối với người Do thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa, xét về phương diện tôn giáo và xã hội, vì hai lý do: thứ nhất, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại quốc; thứ hai, vì họ có bàn tay dơ bẩn bởi tiền của dơ bẩn. Ðối với những vị có trách nhiệm về luật Môsê và về phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền thờ không được nhận; họ không có quyền dân sự, không thể làm thẩm phán hoặc chứng nhân, tất cả những tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.

Nhưng đó không phải là thái độ của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi. Việc Chúa kêu gọi Lêvi, một người thu thuế tội lỗi và ghi tên ông vào số các Tông đồ, đã bị những người Biệt phái chỉ trích và bị coi như một gương mù: "Sao ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi". Chúa Giêsu nghe những lời chỉ trích này và Ngài giải thích: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi".

Cũng như thời Chúa Giêsu, ngày nay không thiếu những kẻ giả hình, tự cho mình là nhân đức, thánh thiện, nhưng lại khinh thường kẻ khác. Cần phải sống kinh nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay. Không gì an ủi hơn việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Thiên Chúa đã so sánh mình với vị Mục Tử nhân lành dám bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và khi tìm được Ngài vác nó trên vai đưa về đàn chiên. Việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Ngài. Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Ngài.

Hãy để ơn Chúa tha thứ, cứu rỗi và giải thoát chúng ta. Như Lêvi xưa, xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn chỗi dậy theo Chúa, ngay lúc này đây, sợ rằng ơn Chúa qua đi mà không trở lại. "Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng nữa".

-------------------------------
 

Suy Niệm 4: Kìa Người đến dùng bữa!


Đức Giêsu lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi thu thuế ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. (Mc. 2, 13-14)

Chúa Giêsu thường bị những con mắt hay soi bói và đả kích Người bám theo. Mọi cử chỉ của Người đều bị họ rình mò, giải thích và sàng lọc theo luật lệ của những người Pharisiêu. Các kinh sư là những người rất quen với công việc này; và họ cũng thường có cơ hội dễ dàng.

Hạng người rình mò như thế vẫn còn, bởi lẽ tất cả chúng ta tự bản tính vốn dễ dàng xếp loại mọi người, phân cách người lành với kẻ dữ và nhất là muốn dựng lên bức vách ngăn giữa cái gì là khả kính với bất kính, ít nữa là xét theo quy tắc và quan điểm của ta.

Thực ra Giáo hội vẫn còn là một tập hợp những con người đáng trọng cũng có và không đáng kinh cũng có, nơi đây Chúa Giêsu đến cư ngụ, bởi vì ngay lúc ban đầu, từ những con người tội lỗi mà Chúa đã lập nên Giáo hội vậy.

Giáo Hội là một tập hợp đủ thứ

Theo cái nhìn của những người trí thức Mác-xít tích cực, thì Giáo hội thường quy tụ những con người yếu hèn, bất lực trong việc tự giải quyết lấy thân phận con người và xã hội của mình, nên mới chạy đến với những cái nạng gọi là “Thiên Chúa” hay “đức tin” vậy.

Nơi đây có Chúa cư ngụ

Thực ra, hơn nơi nào khác, Chúa Giêsu chỉ thích tìm cư ngụ nơi những con người đã không tìm được ở nơi mình bất cứ một lý lẽ nào để biện minh cho sự công chính của mình, nơi những kẻ không có lấy một sự đáng tôn đáng kính nào khác, ngoài chuyện họ sống trung thực, can đảm và sẵn sàng thú nhận mình là kẻ tội lỗi.

Quả thực, người tội lỗi là người sống trung thực, vì người ấy biết rõ mình. biết nơi mình không có được tất cả sự bền bỉ cần thiết để sống trọn phẩm giá con người, và để được như thế, cần phải có ơn Chúa. Người có tội không gian lận với mình.

Người tội lỗi cũng là người can đảm. Có người đã viết điều này: có can đảm hay không ở tại biết làm cho sự thật phải yên lặng hoặc không làm cho sự thật yên lặng? Quả quyết mình dốt nát hay dấu nhẹm sự ấy, đàng nào can đảm hơn? Tỏ ra run sợ trước Thiên Chúa thánh thiện và siêu phàm, phải chăng kém can đảm hơn là trốn chạy khỏi tôn nhan Người?

Sau cùng con người tội lỗi luôn ở tư thế chuẩn bị sẵn; người ấy biết rõ rằng điều tốt nhất đang ở phía trước, nên sẵn sàng lại lên đường.

Có thế ta mới hiểu được tại sao Chúa Giêsu thích lui tới hạng người này và tại sao chúng ta không được vấp phạm vì hành động của Giáo hội mẹ ta và vì những ai thường đến chung sống với họ vậy.

-------------------------------
 

Suy Niệm 5: Nhạy bén với tình thương của Chúa


Ơn gọi luôn luôn đến từ Chúa. Chúa muốn gọi và chọn ai tùy ý Ngài. Tuy nhiên, nếu chỉ có Chúa gọi và con người không đáp trả thì không trở thành một ơn gọi.

Hôm nay, Chúa gọi Mátthêu, người thu thuế. Dù là con người tội lỗi vì mang trong mình cái tội phản quốc, tức là trù dập dân, o ép người đồng hương, để hưởng lợi nhuận trên xương máu của đồng bào.

Tuy nhiên, khi nhận ra mình tội lỗi ngập đầu như vậy, và được Đức Giêsu yêu thương trìu mến chọn và gọi mình, thì Mátthêu đã không ngần ngại thả lỏng cây bút chuyên ghi chép những chuyện phi nhân, bất nghĩa và sẵn sàng buông mình vào bàn tay từ ái của vị Thầy dễ thương để tùy Ngài hướng dẫn, ngõ hầu sau này dùng ngòi bút mới để viết lên những trang Tin Mừng mang đậm tình thương của Thiên Chúa cho nhân loại, mà chính ông là người được yêu thương cách nhiệm mầu và cảm nghiệm cách đặc biệt.

Nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội được Chúa yêu thương, một phần do kiêu ngạo như những người Pharisêu, luôn coi mình là hạng người ưu tuyển, nên không nhạy bén trước tình yêu của Thiên Chúa; mặt khác, không giống như Mátthêu, nhiều khi chúng ta lại quá tự ty đến độ không dám đến với Thiên Chúa vì cho rằng mình không xứng đáng.

Tất cả những lý do đó hoàn toàn không phù hợp với Tin Mừng, vì Đức Giêsu đến không phải để kêu gọi người công chính, mà là kêu gọi người tội lỗi, bởi vì người đau yếu mới cần thầy thuốc, người khỏe mạnh thì không cần.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta hay có thái độ khinh thường những người tội lỗi và tự mãn vì mình là người đạo đức, nhưng không chừng, con cái trong nhà lại bị loại ra ngoài, còn phường tội lỗi và gái điếm lại vào Nước Trời trước chúng ta!

Xin Chúa Giêsu ban cho mỗi người chúng ta mặc lấy cái nhìn của Chúa, luôn yêu thương những người tội lỗi, đồng thời biết mau mắn đáp trả lời mời gọi của Ngài để ra đi chia sẻ tình thương của Chúa cho anh chị em xung quanh. Amen.

Ngọc Biển

-------------------------------
 

Suy Niệm 6: Thiên Chúa gọi kẻ Ngài muốn


(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thiên Chúa gọi kẻ Ngài muốn. Chúa kêu gọi ông Lêvi và giúp ông thoát khỏi cảnh sống bất công. Chúa cũng kêu mời từng người chúng ta theo Ngài, để sống đời thánh thiện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban cho con một điều rất quý là sự tự do. Vì có tự do, con phải chọn lựa: hoặc theo Chúa, hoặc theo ma quỷ, tội lỗi, thế gian. Theo Chúa là để sống một cuộc đời thánh thiện, theo Chúa cũng có nghĩa là từ bỏ tội lỗi, tính mê nết xấu.

Lạy Chúa, chắc chắn rằng trong niềm tin, con đã chọn Chúa, nhưng trong cuộc sống, rất nhiều lần con đã làm theo ý của ma quỷ, thế gian và xác thịt. Con cần phải đứng về phía Chúa để loại trừ tội lỗi. Tuy nhiên, cũng như ông Lêvi được Chúa yêu thương, con cũng cần được Chúa ghé mắt đoái nhìn.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đi đến dùng bữa tiệc tại nhà ông Lêvi. Đó là cử chỉ thân tình và Chúa đã biểu lộ lòng nhân từ. Chúa đến nhà ông như một dấu hiệu ông đã thuộc về Chúa. Hôm nay, không những Chúa đến với con, mà còn hơn thế nữa, Chúa dẫn con đến nhà Chúa, đến với Chúa để hưởng trọn niềm vui của người được ơn tha thứ.

Xin Chúa giúp con biết dứt khoát, cương quyết can đảm đứng dậy đi vào cuộc sống mới, như ông Lêvi đã hành động.

Chúa đã gọi tên ông Lêvi và kêu mời ông đi theo Chúa. Hôm nay Chúa cũng gọi đích danh con, Chúa đang đứng đó chờ con. Xin Chúa giơ tay cứu vớt tâm hồn con đang ngập tràn tội lỗi. Được ở bên Chúa, con cảm thấy an tâm và hạnh phúc, vì Chúa có sức mạnh thay đổi tâm hồn và cải hóa con trở thành người tốt. Amen.

Ghi nhớ: ”Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.

-------------------------------
 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu gọi Lêvi-người thu thuế


(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Phaolô - vị tông đồ dân ngoại. Ban đầu là một biệt phái hăng say bắt bớ Giáo hội của Chúa. Trên đường Đamas, Thiên Chúa đã cho Phaolô té ngựa và bị mù ba đêm ngày. Ông đã trở vào làng, âm thầm cầu nguyện, lắng nghe tiếng Chúa và tuân theo ý Ngài. Phaolô đã nhận ra thiên ý và đã tuân theo ý: Từ một thái độ hung hăng, bắt bớ Giáo hội, Ngài đã trở nên vị tông đồ nhiệt thành, làm chứng cho Chúa Kitô (x. Cv 26,4-18).

Trở thành môn đệ, Phaolô đã hết mình với sứ vụ: “Vì tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,15). Tình yêu của Chúa giúp Phaolô vượt qua mọi thử thách, mọi cam go và ông đã trung thành với sứ mạng đến nỗi quên mọi hiểm nguy, quên mọi thử thách để chỉ nghĩ tới việc đem dân ngoại trở lại.

Suy niệm

Người thuế vụ trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu luôn bị anh em đồng bào mình khinh miệt vì hai lý do: Thu thuế ăn chặn của dân và làm tay sai cho đế quốc Rôma để bóc lột dân mình... Với người Do Thái, thu thuế là hình ảnh của những gì là xấu xa nhất, tội lỗi nhất, đáng khinh miệt nhất bị coi đồng hạng với những kẻ cắp và phụ nữ ngoại tình.

Theo phong tục của người Do Thái, một người ngoan đạo, không được giao du với những người bị coi là tội lỗi. Lại càng không bao giờ ăn uống cùng bàn với họ để khỏi bị lây nhiễm hoặc bị ô uế… Thế nhưng, Chúa Giêsu lại gọi người thu thuế Lêvi theo Ngài. Gọi một người tội lỗi làm môn đệ, một hành động khiến người Do Thái không thể hiểu được. Ngài lại còn đồng bàn với những kẻ thu thuế khác như là những người đồng hội, đồng thuyền với quân tội lỗi… Trong Tin Mừng đã ghi lại những khoảnh khắc của Đức Kitô đã ngồi cùng bàn với phường thu thuế, tiếp xúc với bọn đĩ điếm, kẻ tội lỗi (x. Mt 9, 10-13; Mc 2,15-17; Lc 5,10; 7,36-50; 15,1-2; 19,7). Cùng đồng bàn với họ, Đức Giêsu đã hòa mình với tội nhân để gắn bó sẻ chia... Sứ mạng của Ngài là để cứu độ tất cả, chữa những người bất hạnh, trong đó có cả những tội nhân. Ngài là vị thầy thuốc đến cứu chữa (x. Mt 9,12-13) như Ngài tuyên bố “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

Tội nhân là người bệnh người mang vết thương, Đức Giêsu đến chữa lành cho họ. Ngài sẵn sàng đồng bàn, nghĩa là cùng chia sẻ gánh nặng tội lỗi trên thân thể Ngài, mang nó lên thập giá và tiêu diệt nó nhờ cuộc Phục sinh vinh hiển của Ngài (x. 1Cr 15,26). Trên thập giá, Ngài xin ơn tha thứ những kẻ đóng đinh Ngài (x. Lc 23,34).

Khi nghe tiếng gọi của Đức Kitô, người thu thuế Lêvi đã bỏ tất cả để cất bước theo Chúa Kitô, bỏ cả một nghề nghiệp đang hốt bạc, bỏ cả một quá khứ tội lỗi để Chúa Kitô thánh hiến trở thành môn đệ Matthêu, ngài cất bước chia sẻ với anh em mình trên con đường cứu độ. Bao nhiêu quá khứ không đẹp như những vết thương được Chúa Giêsu chữa lành nên con người tông đồ của Tin Mừng.

Ý lực sống: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

-------------------------------
 

Suy Niệm 8: Chúa gọi ông Lêvi


(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Chúa Giêsu đi dọc bờ biển giảng dạy dân chúng. Người thấy ông Lêvi (Matthêu) đang ngồi thu thuế. Người gọi ông, ông liền theo Người, và dọn tiệc thiết đãi Người với các kẻ thu thuế và nhiều người tội lỗi. Thấy vậy, nhóm luật sĩ và biệt phái hỏi môn đệ Chúa: Sao Thầy các ông ăn uống với phường thu thuế và kẻ tội lỗi? Chúa nghe thấy vậy thì đáp: Thầy thuốc không cần cho người khỏe mạnh mà chỉ cần cho kẻ yếu đau. Cũng thế, Ta không đến để kêu gọi  người lành thánh mà đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn thống hối.

2. Theo tục lệ đế quốc La Mã thời bấy giờ, chính phủ cho người ta đứng ra thầu thu thuế. Nộp tiền thầu cho chính phủ xong, những người thu thuế được độc quyền đánh thuế nặng nhẹ tùy ý. Làm một nghề dễ kiếm ăn như thế, mấy ai kiêng giữ được những sự tham lam nhũng nhiễu dân chúng? Vì thế, người Do thái có ác cảm với bọn thu thuế không chỉ vì tội tham lam mà còn vì họ là tay sai cho đế quốc La Mã nữa.

Lêvi là người tội lỗi công khai (làm nghề thu thuế). Trong khi mọi người khinh dễ ông, khai trừ ông và tránh xa ông, coi như đồ ghê tởm, thì Chúa Giêsu không chê ông mà còn chọn ông làm môn đệ Ngài.

3. Việc Chúa Giêsu chọn một người thu thuế như Lêvi làm môn đệ đã đem lại sự vui sướng chẳng những cho chính Lêvi mà còn cho những người thu thuế khác. Vì thế họ dọn một bữa tiệc để ăn mừng. Xưa nay họ chỉ thấy mới có một mình Chúa Giêsu không chê họ mà còn chọn một người trong bọn họ làm môn đệ.

Bữa ăn hay bữa tiệc thường được diễn tả sự gần gũi thân tình. Ở đây Đức Giêsu và các môn đệ đến dùng bữa tại nhà ông Lêvi cùng với nhiều người thu thuế và các người tội lỗi, chứng tỏ Chúa bầy tỏ tình thương đối với những người tội lỗi. Chính tinh thần này lôi kéo những người tội lỗi đến với Người.

4. Việc Chúa Giêsu gọi Lêvi là người thu thuế đi theo Người lại là cớ gây ra sự phê bình và chỉ trích của người Do thái, nhất là các luật sĩ và biệt phải.

Họ vốn có quan niệm chật hẹp, khép kín và khinh rẻ đối với những người tội lỗi, nên khi thấy Chúa Giêsu và các môn đệ tiếp xúc thân tình với những người tội lỗi, thì họ đã tỏ ra khó chịu nên họ đã phê bình và chỉ trích Chúa. Họ đã hỏi các môn đệ: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi” (Mc 2,16)?

5. Để sửa lại quan niệm hẹp hòi của luật sĩ, Chúa Giêsu đã trả lời cho họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Chính vì Lêvi ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình cho nên anh rất mừng khi được Chúa gọi, và quảng đại bỏ tất cả để theo Người.

Truyện: Chính vì ham mê cờ bạc mà anh hàng xóm của tôi, sau khi tiêu hết tài sản của gia đình, đã dùng những viên thuốc ngủ để kết thúc cuộc đời, ngay trong lúc đứa con thứ hai của anh chào đời. Thế nhưng anh đã không chết.

Sau khi từ bệnh viện trở về, tôi thấy anh sống trong im lặng, lầm lũi như một kẻ độc hành, lòng mang nặng mặc cảm tội lỗi, yếu hèn.

Sau một tháng suy nghĩ và do dự, tôi quyết định đến thăm anh, và chỉ sau mấy lời tôi hỏi  thăm, anh đã bật khóc.

Tôi đã quyết định đúng và đã bước đến với anh khi anh đang cần chia sẻ và cảm thông. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng làm như vậy, trong khi có biết bao người đang cần đến nụ cười thông cảm của tôi.

Lạy Chúa, Chúa đã không kết án người tội lỗi. Xin cho con biết thông cảm và đừng bao giờ xét đoán hay lên án anh em (Epphata).

6. Truyện: Xanh vỏ đỏ lòng.

Hai người bạn vào trong một tiệm nữ trang. Sau khi nhìn và chiêm ngưỡng nhiều viên đá quí, họ để ý đến viên ngọc sần sùi không được bóng láng cho lắm.

- Viên đá này không có gì đáng lưu ý cả - một người nói, làm sao lại để nó đây?

Người chủ tiệm kim hoàn bèn cầm nó lên và nắm chặt trong lòng bàn tay. Vài phút sau, viên đá mờ đục không bóng láng đó trở nên lóng lánh muôn mầu cách kỳ diệu.

- Làm sao có thể như vậy – hai người bạn hỏi.

- Đây là một viên đá mắt mèo, được gọi là viên đá thiện cảm. Nó cần có sự đụng chạm với một bàn tay nóng ấm để các tia sáng của nó hiện lộ ra – người chủ tiệm trả lời.

Chúa Giêsu cũng thế! Ngài có một cái nhìn đặc biệt về Lêvi mà những người khác không có. Chúa đã nhìn thấy trong Lêvi có một thiện chí. Ngài đã gọi ông và quả thực Ngài đã không lầm. Cuộc đời sau này của Lêvi – Matthêu cho chúng ta thấy rõ điều đó.

-------------------------------
 

Suy Niệm 9: Chúa Giêsu kêu gọi Lêvi làm môn đệ


(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

1. Chúa Giêsu kêu gọi Lêvi làm môn đệ Ngài:

- Lêvi là một người tội lỗi công khai (làm nghề thu thuế). Trong khi mọi người khinh dễ anh, khai trừ anh và tránh xa anh, thì Chúa Giêsu không chê anh mà còn chọn anh làm môn đệ Ngài.

- Chính Chúa Giêsu đến với anh để chọn anh chứ không phải anh đến với Chúa để xin đi theo Ngài.

- Khi được Chúa Giêsu gọi, Lêvi đã mau mắn bỏ mọi sự để theo: "Ngài bảo ông ‘Hãy theo Ta’. Ông liền đứng dậy theo Ngài".

2. Việc Chúa Giêsu chọn một người thu thuế như Lêvi làm môn đệ đã đem lại sự vui mừng sung sướng chẳng những cho chính Lêvi mà còn cho những người thu thuế khác. Vì thế họ dọn một bữa tiệc để ăn mừng. Xưa nay họ chỉ thấy mới có một mình Chúa Giêsu không chê họ mà còn chọn một người trong bọn họ.

3. Nhân dịp có mấy người biệt phái chỉ trích thái độ Chúa Giêsu thân thiện với những người tội lỗi, Ngài cho biết thêm Ngài chính là "Thầy thuốc" đến trần gian để cứu chữa những người tội lỗi.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Lêvi nào dám đến với Chúa Giêsu, vì ông ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình. Chúa Giêsu biết mặc cảm đó nên đã tự động đến tìm ông. Đối với những người tội lỗi, chúng ta đừng chờ họ đến với mình mà phải chủ động tìm đến với họ.

2. Chính vì Lêvi ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình cho nên anh rất mừng khi được Chúa gọi, và quảng đại bỏ tất cả để theo Ngài. Chúng ta càng ý thức thận phận bất xứng của mình thì càng nhận biết ơn gọi của mình là một hồng ân và càng sẵn sàng từ bỏ mọi sự để theo Chúa.

3. "Ta không đến để kêu gọi người công chính mà kêu gọi những người tội lỗi". Đó là lập trường của Chúa Giêsu. Nếu tôi tự coi là công chính thì không bao giờ tôi được Ngài đến gọi tôi.

4. "Chúa Giêsu nói: ‘Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi" (Mc 2,17)

Chỉ vì ham mê cờ bạc mà anh hàng xóm của tôi, sau khi tiêu hết tài sản của gia đình, đã dùng những viên thuốc ngủ để kết thúc cuộc đời, ngay trong lúc đứa con thứ hai của anh chào đời. Thế nhưng anh đã không chết.

Sau khi từ bệnh việc trở về, tôi thấy anh sống trong im lặng, lầm lũi như một kẻ độc hành, lòng mang nặng mặc cảm tội lỗi, yếu hèn.

Sau một thoáng suy nghĩ và do dự, tôi quyết định đến thăm anh, và chỉ sau mấy lời tôi hỏi thăm, anh đã bật khóc.

Tôi đã quyết định đúng và đã bước đến với anh khi anh đang cần chia sẻ và cảm thông. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng làm được như vậy, trong khi có biết bao người đang cần đến nụ cười thông cảm của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã không kết án người tội lỗi. Xin cho con biết thông cảm và đừng bao giờ xét đoán hay lên án anh em. (Epphata)

-------------------------------
 

Suy Niệm 10: Chúa Giêsu kêu gọi người tội lỗi …


(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Chúa Giêsu kêu gọi Lêvi làm môn đệ Ngài:

- Chúa kêu gọi ông đang lúc ông ngồi ở bàn thu thuế. Tất cả những người thu như ông đều bị liệt vào hạng những người tội lỗi công khai. Lêvi biết rất rõ điều đó. Ông bị mọi người khinh dễ, khai trừ và tránh xa.

Với mọi người thì là như thế nhưng với Chúa Giêsu thì khác. Chúa đã không chê ông mà còn chọn ông làm môn đệ Ngài. Tin mừng cho chúng ta thấy:

- Chính Chúa Giêsu đến với ông để chọn ông chứ không phải ông đến với Chúa. Ngài gọi ông “Hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Ngài.

Việc Chúa Giêsu chọn một người thu thuế như Lêvi làm môn đệ đã đem lại sự vui mừng sung sướng chẳng những cho chính Lêvi mà còn cho cả những người thu thuế khác. Chính vì thế mà họ đã dọn một bữa tiệc để ăn mừng.

Đứng trước sự việc đó, một số luật sĩ và biệt phái đã chỉ trích Chúa, Nhân dịp này Chúa đã cho mọi người biết  Ngài chính là ”Thầy thuốc” đến trần gian để cứu chữa những người tội lỗi.

2. Thử hỏi qua câu chuyện này chúng ta rút ra được bài học gì cho chúng ta?

- Trước hết câu chuyện cho chúng ta thấy cái nhìn của Chúa Giêsu đối với một con người khác với cái nhìn của con người với nhau.

Hai người bạn vào trong một tiệm nữ trang. Sau khi nhìn và chiêm ngưỡng nhiều viên đá quí, họ để ý đến một viên ngọc sầm xùi không được bóng láng cho lắm.

- Viên đá này không có gì đáng lưu ý cả - một người nói, làm sao lại để nó ở đây?

Người chủ tiệm kim hoàn bèn cầm nó lên và nắm chặt trong lòng bàn tay. Vài phút sau, viên đá mờ đục không bóng láng đó trở nên lóng lánh muôn màu cách diệu kỳ.

- Làm sao có thể như vậy - hai người bạn hỏi.

- Đây là một viên đá mắt mèo, được gọi là viên đá thiện cảm. Nó cần có sự đụng chạm với một bàn tay nóng ấm để các tia sáng của nó hiện lộ ra! - người chủ tiệm trả lời.

Chúa Giêsu cũng thế! Ngài có một cái nhìn đặc biệt về Lêvi mà những người  khác không có. Chúa đã nhìn thấy trong Levi có một thiện chí. Ngài đã gọi ông và quả thực Ngài đã không lầm. Cuộc đời sau này của Lêvi – Mathêo cho chúng ta thấy điều đó.

Thứ đến là lòng quảng đại của Chúa.

Rõ ràng là Chúa biết rất rõ về con người của Lêvi, nhưng Chúa không chấp.

Tại một thiền viện kia có nhiều đệ tử đang theo học thiền định dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Một người trong bọn họ thường hay dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thỏa thích.

Một đêm kia, Sengai đi giám sát phòng ngú, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường đùng để leo qua tường. Sengai dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về, không biết rằng Sengai là chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Khi khám phá ra việc mình đã làm, anh ta hoảng sợ nhưng Sengai nhỏ nhẹ bảo anh:

- Sáng sớm nay trời lạnh tắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị lạnh đấy!

Từ đó, người đệ tử  không bao giờ bỏ ra ngoài ban đêm nữa.

Sau cùng là nỗ lực của chính bản thân.

Một chàng trai trẻ luôn tự cho mình là giỏi giang. Sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai tìm mãi mà vẫn không có được một công việc lý tưởng và chàng thất vọng.

Rồi một hôm, vì không chịu nổi được sự giày vò của lương tâm, chàng đi ra bờ biển, định kết thúc cuộc đời của mình. Đúng lúc đó, thì có một ông lão nhìn thấy và đã cứu chàng. Ông lão hỏi:

- Tại sao mà con lại đi vào con đường tuyệt vọng này vậy?

Chàng trai trả lời:

- Vì không có ai thừa nhận, yêu thương và trọng dụng con cả.

Ông lão cúi xuống nhặt một hạt cát lên, đưa cho chàng trai nhìn, rồi vứt nó xuống bãi cát và nói với chàng trai:

- Cháu hãy nhặt hạt cát ta vừa vứt xuống cho ta!

Chàng trai nói:

- Con không thể làm được.

Ông lão không nói câu nào, mà chỉ lẳng lặng móc từ trong túi ra một hạt ngọc trai sáng lóng lánh, rồi vứt nó xuống bãi cát. Sau đó, ông hỏi chàng trai:

- Con có thể tìm lại được hạt ngọc trai đó không?

- Đương nhiên là cháu có thể. Chàng trai trả lời.

Ông lão bèn nói:

- Cháu phải hiểu, hiện nay bản thân cháu chưa phải là một viên ngọc trai, vì thế cháu không nên đòi hỏi người khác thừa nhận cháu ngay lập tức. Nếu không được người khác thừa nhận, cháu phải nghĩ đến cách làm cho bản thân mình trở thành một viên ngọc trai đã chứ.

Chàng trai im lặng, cúi đầu.

Vâng! Có những lúc, bạn cần phải biết rằng mình chỉ là một hạt cát bình thường, chứ chưa phải là một viên ngọc trai quý hiếm. Nếu bạn muốn trở nên xuất sắc và nổi trội, thì cần phải nỗ lực làm cho bản thân biến thành viên ngọc trai đã.

-------------------------------
 

Suy Niệm 11: Chúa thương người tội lỗi


(Lm. Micae Võ Thành Nhân)

Chúa đi vào cuộc sống của dân Chúa. Chúa hiểu hoàn cảnh đời sống của họ, cho nên Chúa cần đưa họ trở về với Chúa qua các lời rao giảng Tin Mừng của Chúa. Điều đó có nghĩa là Chúa vạch ra một lối đi, một lộ trình để họ đến với Chúa để rồi cuộc sống của họ có ý nghĩa hơn. Bên cạnh đó, Chúa còn làm phép lạ để chữa lành các chứng bệnh khác nhau về phần xác, mang lại hạnh phúc cho họ. Nhưng còn về phần linh hồn, đây là phần quan trọng nhất của đời người, liên quan đến ơn cứu độ sau này. Chúa cũng cứu chữa để giải thoát họ khỏi bị ách nô lệ của ma quỷ, thế gian, xác thịt hàng bao thế kỷ nay

Mặt khác, lúc bây giờ, nghề thu thuế là một nghề tội lỗi. Tội lỗi là do: Gian lận, ức hiếp người khác, cấu kết với ngoại bang để bóc lột dân chúng… Cho nên dân chúng xa lánh những người này. Dân chúng xem họ có sống cũng như là không sống. Có lẽ, những người làm nghề thu thuế là vì chén cơm manh áo thôi chứ họ chẳng muốn đâu, bởi vậy họ cũng đau khổ lắm chứ.

Chúa đi ngang qua cuộc đời của ông Lêvi thu thuế, nghĩa là Chúa biết rõ đời ông cũng như quan niệm xã hội thời đó mà chẳng một ai thoát ra được. Chúa đã đi bước trước, Chúa đã gọi ông: “Hãy theo Ta. Ông liền đứng dậy và đi theo Người” (Mc 2, 14). Ông đã đáp lại tiếng Chúa mời gọi cách mau mắn, nhanh lẹ. Điều ấy chứng tỏ rằng ngài cũng đâu có ham hố gì cái nghề nghiệp này như chúng ta nghĩ đâu. Nhưng sâu xa hơn, là Chúa đã gọi ngài để ngài làm tông đồ của Chúa. Đây mới là sứ mạng cao cả nhất của ngài cũng như của chúng ta. Còn của cải, danh, lợi, thú chỉ là hư vô, tro bụi mà thôi.

Thánh Mátthêô, ngài còn được gọi là ông Lêvi, đã vô vàn tạ ơn Chúa và ngài biến sự tạ ơn này để đền đáp ân tình của Chúa khi ngài mời Chúa về nhà ngài dùng bữa với ngài. Bên cạnh đó, ngài cũng có nhiều bạn bè chơi với ngài và cũng bị người đời ghép vào hạng người tội lỗi, đã được ngài mời dự bữa cơm hôm ấy luôn. Ý của ngài để cho họ được gặp Chúa, nhờ Chúa cứu giúp họ và Chúa đã không phụ lòng họ, Chúa không để họ ra về với bàn tay không.

Điều đáng trách là trách những người biệt phái và luật sĩ không thương Chúa, không thương những người tội lỗi, lẽ ra họ phải cảm ơn Chúa, vì Chúa đã thương cứu giúp những người tội lỗi để rồi xã hội bớt đi thói xấu, tật hư, bớt người quậy phá, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, bình an hơn. Nhưng đàng này, họ bắt bẻ, thắc mắc trách móc Chúa, vì Chúa gần gũi với những người tội lỗi. Chúa chỉ nói có một câu thôi, đã làm họ im tiếng vì Chúa nói quá đúng và đó là bài học cho chúng ta noi theo để sống thông cảm và cầu nguyện cho nhau, nhất là biết thương xót và cầu nguyện cho những người tội lỗi. Chúng ta cần phải biết sống tốt để khỏi làm phụ lòng Chúa: “Những người khỏe không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi” (Mc 2, 17).

Lạy Chúa, vì lòng Chúa thương xót chúng con và những người tội lỗi mà chúng con vui mừng. Xin Chúa thương tha thứ tội lỗi của chúng con đã trót phạm đến Chúa. Xin Chúa cũng tha thứ tội lỗi cho anh chị em của chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết cảm thông với nhau, không lên án nhau mà biết cầu nguyện cho nhau, giúp nhau nên thánh. Chúng con biết Chúa sẽ rất hài lòng khi chúng con làm như ý Chúa muốn. Amen.

-------------------------------
 

Suy Niệm 12: Không ai công chính trước mặt Chúa


(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 1 Thường Niên, Năm lẻ này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa rủ thương chấp nhận mà giúp chúng ta biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn.

Nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn, với lòng tin tưởng phó thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Huấn Ca ca ngợi các bậc tổ tiên từ ông Khanóc tới ông Môsê. Hiền nhân ca tụng các truyền thống tôn giáo của Ítraen trước một thế giới chịu ảnh hưởng văn minh Hylạp, nhưng trên hết mọi sự, hiền nhân chiêm ngưỡng hoa trái của đức khôn ngoan được Thiên Chúa ban cho con người, nhất là trong đời sống gương mẫu của các bậc tổ tiên hiển hách của dân tộc. Nghe đây, hỡi Ítraen, anh em phải cẩn thận giữ các mệnh lệnh Đức Chúa đã truyền cho anh em. Anh em phải biết rằng Người là Thiên Chúa trung thành, vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.

Nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn, với lòng trông cậy vững vàng: Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã hứa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Cơlêmentê I nói: Từ đầu, Thiên Chúa đã làm cho mọi người nên công chính nhờ đức tin… Đức Chúa là Thiên Chúa mạnh mẽ và trung thành, Đấng giữ giao ước và tỏ lòng nhân nghĩa với những kẻ yêu mến Người, và tuân giữ các mệnh lệnh Người ban. Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người.

Nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn, với lòng can đảm, quyết tâm tuân giữ những gì Chúa truyền dạy, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thư Hípri nói: ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 18B, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống. Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. Chúa đến kêu gọi người tội lỗi, sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, nhất là, cho những người nghèo hèn, bị gạt ra bên lề xã hội. Ơn cứu độ là ân huệ nhưng không, Chúa dành cho tất cả mọi người, không phải do công trạng của chúng ta, như vậy, chúng ta chỉ cần tin thôi, không cần phải làm gì sao? Đức tin của các tổ phụ được diễn tả qua việc mau mắn, ân cần và vui vẻ thực thi các việc lành, bởi vì, chính Chúa, Đấng tác tạo mọi loài, luôn hân hoan vui mừng vì những công trình Người thực hiện. Người đã dùng quyền năng tối thượng vô song mà thiết lập các tầng trời, rồi dùng sự khôn ngoan nhiệm mầu mà trang điểm chúng. Người tách đất khỏi nước đang bao phủ mặt đất, và đặt nó trên nền tảng vững chắc. Người truyền cho các thú vật xuất hiện trên trái đất. Người dựng nên biển và các sinh vật sống trong đó, rồi định chỗ cho chúng. Thiên Chúa đã dùng bàn tay mà nặn ra con người tuyệt vời và ưu việt, giống hình ảnh Người. Chúa đã lấy những việc tốt đẹp mà trang điểm cho mọi người công chính, và hơn nữa, chính Người lấy làm vui sướng vì đã trang điểm cho họ như thế. Thiên Chúa không ngừng làm việc, vậy, chúng ta hãy mau mắn thực thi ý Chúa, với lòng khiêm nhường, nhìn nhận mình là bệnh nhân cần được chữa lành, là tội nhân cần được cứu độ, bởi vì, không có ai là công chính trước mặt Chúa. Ước gì chúng ta biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn. Ước gì được như thế!

---------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây