Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép. "Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt. "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến".
Theo Josephus, một sử gia người Do Thái đáng tin cậy, bốn quân đoàn của vị tướng Rôma là Titus đã vây hãm thành phố Giêrusalem vào lễ Vượt Qua năm 70, khiến người dân trong thành rơi vào cảnh đói khát cùng cực. Ông kể chuyện một phụ nữ quê ở Pêrêa vì quá đói đã túm lấy đứa con còn thơ dại, giết con và nướng để ăn. Cũng theo sử gia này, quân Rôma đã dùng gươm để giết hơn một triệu người ở Giêrusalem và Giuđê. Những người Do Thái bị bắt làm tù binh là gần một trăm ngàn. Ai có thể tưởng được điều khủng khiếp như vậy đã xảy ra chỉ bốn mươi năm, sau khi Đức Giêsu nói những lời tiên báo. Giêrusalem là thành trì vững chắc, nơi trú ẩn an toàn, bây giờ lại là nơi nguy hiểm, cần phải tránh xa (c. 21). Tai họa ập xuống trên phụ nữ mang thai và cho con bú (c. 23). trên cả tội nhân lẫn trẻ thơ vô tội. Thành đô đã bị bao vây, bị thiêu rụi, bị quân Rôma giày xéo. Dân thành bị ngã gục, bị đi đày, phải tản mác khắp nơi. Sự sụp đổ của thành đô đã là một biến cố trên đất Israel. Nhưng trước khi Đức Giêsu ngự đến trên mây trời như Con Người đầy quyền năng và vinh hiển (c. 27), sẽ có những dấu lạ đáng sợ khác trên bầu trời và ngoài biển cả (c. 25). Thánh Máccô nói đến hiện tượng mặt trời, mặt trăng mất sáng, và các vì sao sa xuống từ trời (Mc 13, 24-25). Thánh Luca nói đến cảnh biển gào, sóng thét. Những điều đó làm muôn dân hoang mang, hồn xiêu phách lạc, nhưng không làm các môn đệ hoảng hốt, âu lo. Ngược lại họ mừng vui vì Đấng họ chờ đợi từ lâu nay đã đến. “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (c. 28). Đứng thẳng để đón Đấng mà họ đã suốt đời thắp đèn chờ đợi. Ngẩng đầu để mừng giây phút ơn cứu chuộc đã đến gần. Chỉ khi Đức Giêsu phục sinh trở lại như Đấng xét xử quyền năng, Ngài mới trọn vẹn hoàn thành Nước Thiên Chúa trên mặt đất. Vào cuối năm phụng vụ, Lời Chúa nói với chúng ta về ngày tận thế. Đó là ngày vừa đáng sợ, vừa chan chứa niềm vui, ngày được gặp mặt Đấng chúng ta đã tin tưởng, mến yêu và hy vọng.
gười ta vẫn hay đoán già đoán non về ngày tận thế. Nhiều người tưởng là năm 2000, gần đây có người lại nói là 2012.
Điều quan trọng là làm sao tôi có thể đứng thẳng, ngẩng đầu khi Ngài đến, làm sao nhân loại trên trái đất này sẵn sàng ra nghênh đón Ngài như đón Đấng Cứu Tinh mà họ nóng lòng chờ đợi. Nếu ngày mai Ngài đến với cả thế giới hay đến với riêng mình tôi, tôi có sẵn sàng chưa hay còn bị còng lưng, cúi đầu vì bao gánh nặng? Mỗi người đều có ngày tận thế của mình. Xin cho tôi được bình an khi ngày ấy đến mà không có điềm lạ nào báo trước.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, nếu ngày mai Chúa quang lâm, chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng. Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang, còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa. Chúa đâu muốn đến để hủy diệt, Chúa đâu muốn mất một người nào... Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn cho mọi người và cho cả vũ trụ. Xin nuôi dưỡng nơi chúng con niềm tin vững vàng và niềm hy vọng nồng cháy, để tất cả những gì chúng con làm đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại. ---------------------------------
Chúa cho biết sẽ đến ngày khốc hại. Dân ngoại nắm quyền sinh sát. Tàn phá thành thánh. Chà đạp đền thờ. Giết hại tín hữu. “Sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này. Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo”. Lại còn thêm những điềm lạ trên trời, sóng biển gào thét. Khiến con người hồn xiêu phách lạc. Nhưng trong những tai ương kinh khiếp ấy, người con Chúa “hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”. Quả thật những ngày cuối cùng của vũ trụ sẽ là nỗi kinh hoàng của dân ngoại. Nhưng đối với con cái Chúa đó lại là niềm hi vọng. Vì đã đến ngày được ơn cứu độ.
Điều đó đã từng xảy ra thời vua Đa-ri-ô. Người Do thái bị bắt làm nô lệ. Bị buộc phải thờ lạy tượng vua. Phải ăn thịt heo. Đa-ni-en, vì trung thành với Chúa. Nên ông bị tố cáo. Và bị ném xuống hầm sư tử. Sư tử là nỗi khốn cùng của dân Ba-by-lon. Nhưng lại là dụng cụ Chúa dùng khiến Đa-ni-en được tôn vinh. Đa-ni-en đã đứng thẳng người hiên ngang ngẩng cao đầu. Vì “Thiên Chúa đã sai thiên sứ đến khoá hàm sư tử khiến chúng không hại được thần”. Trái lại, hang sư tử trở thành nỗi kinh hoàng của những kẻ ác độc, tố cáo gian cho Đa-ni-en. Vì thế xác họ còn chưa đến đáy hang thì sư tử đã chồm lên cắn xé họ. Qua đó Chúa được tôn vinh. Vua Đa-ri-ô viết sắc lệnh đi khắp đế quốc truyền phải kính sợ Thiên Chúa của Đa-ni-en (năm lẻ).
Sách Khải huyền cũng trình bày thời sau hết của thế gian. “Thành Ba-by-lon vĩ đại! Nó đã trở nên sào huyệt của ma quỷ, hang ổ của mọi thứ thần ô uế”. Nhưng rồi đến ngày Chúa ra tay. Ba-by-lon điêu tàn. Mọi người phải chết. “Bởi vì các con buôn của ngươi từng là kẻ quyền thế trên mặt đất, bởi vì ngươi đã dùng phù phép mà làm cho muôn nước mê hoặc”. Còn những người trung tín với Chúa. Đã chịu khổ cực ở trần gian. Đã bị giết chết. Nay được vinh quang. Ca tụng Thiên Cháu: “Thiên Chúa ta thờ là Đấng Cứu Độ, Đấng vinh hiển uy quyền… Vì Người đã xét xử Con Điếm khét tiếng …, và Người đã bắt nó phải đền nợ máu các tôi tớ của Người mà chính tay nó đã giết” (năm chẵn).
Hãy noi gương Đa-ni-en. Không bị Con Điếm cám dỗ. Không khuất phục trước bả vinh hoa của vua chúa trần gian. Chỉ trung tín với Chúa. Dù bị thiệt thòi. Hãy can đảm làm chứng cho Chúa. Rồi đến lúc mọi người chịu khuất phục. Ta sẽ đứng thẳng và ngẩng cao đầu. Vì Thiên Chúa đến cứu ta.
Từ năm 44 TCN đến năm 66 SCN, các quan toàn quyền Rôma cai trị xứ Giuđê một cách độc ác, dã man, đến nỗi dân Do thái đã nổi dậy, mặc dù họ biết sẽ bị nghiền nát dưới gót giầy của Ðế quốc xâm lăng. Năm 66, tướng Julianô chỉ huy ba đạo quân sang đánh dẹp những cuộc nổi dậy. Năm 70, Julianô lên ngôi Hoàng đế tại Rôma, ông sai con cả là Titô tiếp tục cuộc bình địa Giuđê. Nghe tin Titô kéo quân về Giêrusalem, 25.000 người Do thái thuộc các phe kháng chiến đang tranh giành ảnh hưởng đã hợp lực tổ chức chống cự. Tuy nhiên, lực lượng của Rôma quá hùng hậu: 80.000 quân với đầy đủ quân trang đã bao vây Giêrusalem suốt 6 tháng trời. Ðầu tháng 7 năm 70, Titô lập một tường thành chiến lược vây hãm Giêrusalem. Ngày 6/8 việc tế tự trong Ðền thờ bị đình chỉ. Ngày 28/8 quân Rôma đánh phá và đốt Ðền thờ.
Hai ngày sau, tức ngày 30/8 năm 70 thành Giêrusalem bị thất thủ và bị đốt phá bình địa. 90.000 người Do thái bị bắt làm nô lệ. Tất cả đã xảy ra đúng như lời tiên báo của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, lời của Chúa không chỉ ứng nghiệm với thành thánh bị phá hủy vào năm 70, mà còn tiên báo về ngày tận cùng của thế giới. Khi Ngài đến trong vinh quang để xét xử, có các tai biến làm cho con người lo âu sợ hãi: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh tượng biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các tinh tú bầu trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ Con Người sẽ xuất hiện uy nghi trên đám mây... Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi đã đến gần".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về ngày sau cùng của mỗi người chúng ta. Trước khi từ giã cõi đời, con người cũng thường bị vây hãm: bởi những lo âu run sợ trước cái chết, bởi những tiếc nuối cho những ngày đã qua, bởi những hành hạ của căn bệnh, bởi sức tấn công của lực lượng sự dữ. Trong những giây phút ấy, Lời của Chúa Giêsu sẽ là kim chỉ nam: "Bấy giờ ai ở miền Giuđê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê thì chớ vào thành". Ðành rằng, bấy lâu nay thân xác đã cho con người có được niềm vui, sự hãnh diện, tình yêu thương; thế nhưng, giờ đây thân xác sắp bị hủy hoại, con người không còn lý do gì để cứ bám lấy thân xác, nhưng hãy biết thoát ly những ràng buộc của thân xác, để đi vào ơn cứu độ của Chúa.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết chuẩn bị cho mình một thái độ thích hợp trong ngày Chúa đến.
Ðoạn Phúc Âm hôm nay gợi lên trong chúng ta hai ý tưởng chính: lời loan báo thành Giêrusalem bị quân địch bao vây và tàn phá, yếu tố thứ hai là những dấu chỉ báo trước biến cố Chúa Kitô trở lại trong vinh quang và đầy quyền năng. Ðây không phải là những dấu chỉ đáng làm cho chúng ta hoang mang lo sợ, mà ngược lại chúng làm cho chúng ta luôn thức tỉnh và hy vọng hướng đến tương lai huy hoàng được Thiên Chúa cứu rỗi.
Như là một biến cố lịch sử, thành Giêrusalem đã bị tàn phá hai lần, lần thứ nhất vào năm 70, do bởi đạo quân viễn chinh Rôma dưới quyền chỉ huy của tướng Titô, và lần thứ hai là vào năm 135, thời của hoàng đế Adriano. Ða số các nhà chú giải hiện nay cho rằng Phúc Âm theo thánh Luca phải được viết ra trong khoảng năm 80-90, vì thế khi viết những dòng Phúc Âm trên, tác giả Phúc Âm theo thánh Luca có biết những biến cố về thành Giêrusalem bị tàn phá năm 70, và tác giả nhìn vào biến cố này không phải một cách thuần túy như là một biến cố chính trị mà thôi, nhưng còn như là một biến cố có ý nghĩa tôn giáo nữa.
Việc thành bị tàn phá là do hậu quả của tội lỗi mà thành đã phạm, bởi vì thành đã từ chối lãnh nhận ơn cứu rỗi Thiên Chúa mang đến cho. Và như thế, ứng nghiệm lời than trách và lời tiên tri của Chúa Giêsu về thành Giêrusalem được tác giả Phúc Âm theo thánh Luca ghi lại trước đó nơi chương 13, câu 34-35 như sau: "Giêrusalem, Giêrusalem, ngươi giết các tiên tri và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi. Ðã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh mà ngươi không chịu, thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi, mà Ta nói cho các ngươi hay các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến".
Lời Chúa trách Giêrusalem phản bội, chối từ ơn cứu rỗi không kết thúc trong tuyệt vọng nhưng được hướng đến một viễn tượng hy vọng lớn, Chúa sẽ trở lại mang niềm vui và ơn cứu rỗi, và con người sẽ chấp nhận Ngài, sẽ hát lên bài ca "chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến".
Nơi phần hai của bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta đọc được những loan báo hãi hùng của Chúa Giêsu về thế giới, đó là chiến tranh, tàn phá, những biến chuyển đầy lo âu, những tai ương thiên nhiên. Nhưng chúng ta cần hiểu đây là những hình ảnh của một ngôn ngữ được gọi là ngôn ngữ khải huyền của truyền thống Kinh Thánh, để nhắc nhở cho người đồ đệ của Chúa biết rằng thế giới vũ trụ này không phải là một nơi cư ngụ vẹn toàn cho con người. Hơn nữa, những tội lỗi của con người làm cho thế giới vũ trụ không vẹn toàn này thay vì trở nên tốt hơn nhờ có sự cộng tác của con người với ơn Chúa ban, thì lại trở nên tồi tệ hơn và chắc chắn sẽ đi đến lúc tan biến. Trong cái nhìn của lịch sử cứu rỗi thì đây không phải là một sự tan biến vào hư vô mà là một sự biến đổi trong Chúa, nhờ quyền năng của Thiên Chúa mà trở thành trời mới đất mới khi Con Người đầy quyền năng và vinh quang từ trong đám mây mà đến. Cuối cùng, Thiên Chúa ngự đến. Ngài là khởi đầu và là cùng đích của mọi loài, mọi sự.
Trong dòng lịch sử đang diễn ra, chúng ta có thể nói và xác tín rằng Thiên Chúa phạt lỗi theo sự công bằng. Ngài cho phép sự dữ xảy ra, nhưng trong và qua mọi sự, mọi biến cố, Ngài luôn làm chủ và cứu rỗi theo lượng từ bi vô cùng của Ngài. Chính vì thế mà không bao giờ người Kitô được phép để mình rơi vào trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Chúng ta cần nhìn lịch sử theo cái nhìn của Chúa, theo cái nhìn của lịch sử cứu rỗi để niềm hy vọng Kitô không bao giờ bị tắt mất đi trong tâm hồn người đồ đệ của Chúa. Chắc chắn sẽ đến lúc chúng ta vui mừng lên mà hát bài ca "Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến".
Lạy Chúa
Xin thương giải thoát chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin chớ để chúng con sa vào chước cám dỗ phản bội Chúa. Xin đừng để chúng con sống trong tuyệt vọng nhưng luôn hy vọng vào Chúa và hát lên bài ca Chúc Tụng Chúa, Chúc Tụng Ðấng Nhân Danh Chúa Mà Ðến.
“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (21, 27-28)
Sau khi mô tả cảnh sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu nói với chúng ta về những điềm báo tận thế và sự trở lại của Người trong vinh quang.
Tận thế
Người ta thường suy tư về tính chất các tai họa và những xáo trộn của vũ trụ trước lúc trở lại của Đức Kitô. Luôn luôn thấy có người dựa vào điểm này điểm kia được loan báo trong bốn Tin mừng để dự đoán tận thế sắp đến. Tuy nhiên tận thế vẫn chưa đến.
Đức Giêsu hẳn đã không muốn cho phép người ta nhận định rõ được khi nào xảy ra tận thế. Người đã quả quyết nhiều lần: Trừ Chúa Cha ra, không ai biết được khi nào điều đó xảy đến. Chỉ có một điều chắc chắn: Sẽ xảy ra những đảo lộn quan trọng, rồi Đức Giêsu sẽ lại đến với loài người. Sự quan trọng và lớn lao của những cuộc đảo lộn làm nổi bật sự quan trọng và vinh quang của ngày Đức Kitô hiện đến gấp bội mọi mô tả theo kiểu khoa học về ngày tận thế.
Đức Kitô lại đến
Đức Kitô đã đến với loài người trong cảnh nghèo khó và khiêm hạ, thì có ngày Người lại đến với họ. Nhưng lần này, Người hiện đến “đầy quyền năng và vinh quang lạ lùng”. Chính là Đấng phục sinh sẽ tỏ mình ra lúc tận thế.
Những ai đã sống mong đợi Người lại đến sẽ không còn sợ hãi, vì đối với họ, đây là ngày cứu độ, ngày những người thiện chí mong đợi sẽ tràn đầy hân hoan.
Thiên Chúa không muốn một thế giới bị quay cuồng trong tai họa. Ngài đã không tạo dựng một loài người phó mặc cho hư vô. Ngài muốn một thế giới và một loài người được phục sinh trong ân sủng của Đức Kitô, và được phát triển dồi dào trước mặt Thiên Chúa.
Lo lắng mong chờ được lại thấy Đức Kitô và được sống trọn vẹn trong Người. Những người Kitô hữu đầu tiên nồng nhiệt hy vọng ngày tận thế. Còn chúng ta, chúng ta có là những người mong đợi như các ngài không?
Hôm nay, thánh Luca trình thuật việc Đức Giêsu tiên báo trước thành thánh Giêrusalem sẽ bị tàn phá nặng nề. Sự kiện bị phá hủy của đền thờ chính là hình ảnh tiên trưng cho ngày cánh chung của chúng ta. Khi ngày đó đến, hẳn sẽ có nhiều người vui mừng, nhưng cũng không thiếu người đau khổ và thất vọng. Ngày đó sẽ trở nên đáng sợ cho những ai không nhận ra dấu chỉ để sám hối, canh tân. Nhưng cũng ngày đó, nhiều người sẽ vui mừng và hãnh diện vì đã chuẩn bị sẵn sàng bằng việc tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng.
Như vậy, hạnh phúc hay đau khổ là do sự lựa chọn của chúng ta ngay trong giây phút hiện tại. Chỉ có sự chuẩn bị trong tỉnh thức thì mới tránh được đau khổ mà thôi. Bởi vì ngày đó không hẹn trước, nó đến với ta bất thình lình, chỉ có những dấu chỉ đi trước báo hiệu. Tuy nhiên, nếu nhạy bén với các dấu chỉ thời đại thì mới nhận ra những điềm báo trước đó, nếu không, chúng ta sẽ chịu những đau khổ, thiệt thòi như những phụ nữ đang mang thai và người đàn bà đang cho con bú. Nếu nằm trong hoàn cảnh này thì hẳn ngày tận thế xảy đến sẽ là ngày u ám cho cuộc đời của chúng ta vì sẽ phải lãnh nhận một bản án khắc nghiệt cho mình vì sự cứng đầu, cố chấp trong tội, và ngoan cố không sám hối để được ơn tha thứ.
Sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn xứng đáng bằng việc trung thành tuân giữ Lời Chúa và ra sức thi hành trong lòng mến. Cần nhận ra các dấu chỉ thời đại để hiểu được thánh ý của Chúa. Phải chuẩn bị cho hành trình tiến về với Chúa qua cái chết bằng những hành trang, như: bác ái, từ bi, nhân hậu, hiền hòa, bao dung, vị tha. Được như thế, thì cái chết đến với chúng ta là một niềm vui chứ không phải là hình phạt và đau khổ...
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được luôn yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Biết chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu của mình bằng những việc thiện, để ngày Chúa đến với chúng con được trở nên niềm vui mừng. Amen.
Sứ điệp: Thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá, khắp địa cầu sẽ ngập sâu trong cảnh khốn cùng. Thiên Chúa sẽ thi hành án xử công minh dành cho kẻ khước từ Đức Kitô. Người Kitô hữu phải vững lòng cậy tin trông chờ ngày cứu thoát.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con run sợ vì những gì đã xảy ra cho thành Giêrusalem cũng như sẽ ập đổ xuống trên khắp địa cầu trong ngày thế mạt. Lời Chúa không nhằm để hù dọa con, nhưng là để cảnh giác lối sống của con hôm nay. Con mường tượng ra cảnh khốn khổ mai ngày, nhưng con vẫn an tâm thực hiện Lời Chúa, vì Chúa muốn con tỉnh thức cầu nguyện, ngẩng cao đầu giữ vững niềm tin và đợi trông ơn cứu rỗi.
Lạy Chúa, thực tế cuộc sống con hôm nay sẽ xác định con chọn lựa hay khước từ Chúa. Thời giờ Chúa ban, con dành cho Chúa trọn vẹn hay chỉ để chiều theo những sở thích riêng mình? Tiền bạc, địa vị, chức quyền, cùng những may mắn con đang có là cơ hội giúp con hăng hái rao giảng Tin Mừng hay chỉ để sung sướng cho bản thân con? Con có vì Chúa mà quyết tâm chừa tội và đi đàng nhân đức chăng?
Lạy Chúa, Đấng quyền phép và công minh, xin giúp con mạnh mẽ quyết tâm sống một đời vững tin, trung kiên giữ luật Chúa, cương quyết xa đàng tội và chăm lo lãnh nhận các bí tích thần thiêng của Chúa, và cùng với anh chị em làm sáng Danh Chúa trước mặt mọi người. Xin giúp con luôn nhớ rằng ngày tận cùng của con đang được định đoạt từ hôm nay. Con trông cậy Chúa, xin cứu giúp con. Amen.
Ghi nhớ: “Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho các dân ngoại chấm dứt”.
Từ năm 44 trước Công nguyên đến năm 66 sau Công nguyên, các quan toàn quyền Rôma cai trị xứ Giuđê một cách độc ác, dã man, đến nỗi dân Do Thái đã nổi dậy, mặc dù họ biết sẽ bị nghiền nát dưới gót giày của đế quốc xâm lăng. Năm 66, tướng Julianô chỉ huy ba đạo quân sang đánh dẹp những cuộc nổi dậy. Năm 70, Julianô lên ngôi hoàng đế tại Rôma, ông sai con cả là Titô tiếp tục cuộc bình địa Giuđê.
Nghe tin Titô kéo quân về Giêrusalem, 25.000 người Do Thái thuộc các phe kháng chiến đang tranh giành ảnh hưởng đã hợp lực tổ chức chống cự. Tuy nhiên, lực lượng của Rôma quá hùng hậu: 80.000 quân với đầy đủ quân trang đã bao vây Giêrusalem suốt 6 tháng trời. Ðầu tháng 7 năm 70, Titô lập một tường thành chiến lược vây hãm Giêrusalem. Ngày 6/8 việc tế tự trong đền thờ bị đình chỉ. Ngày 28/8, quân Rôma đánh phá và đốt đền thờ. Hai ngày sau, tức ngày 30/8 năm 70, thành Giêrusalem bị thất thủ và bị đốt phá bình địa. 90.000 người Do Thái bị bắt làm nô lệ. Tất cả đã xảy ra đúng như lời tiên báo của Chúa Giêsu.
Suy niệm
Chúa Giêsu loan báo Giêrusalem sẽ bị sụp đổ, Giêrusalem sẽ bị dân ngoại thống trị. Từ lời tiên báo sụp đổ thành Giêrusalem, Ngài dẫn tới cuộc phán xét cuối cùng của Thiên Chúa, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh được ứng nghiệm. Và đó cũng là ngày mà sự can thiệp cuối cùng có tính cách quyết liệt của Thiên Chúa vào lịch sử ngày cánh chung.
Chúa Giêsu cũng nói về những tín hiệu sẽ xảy ra trong thời gian để nói về ngày Ngài sẽ trở lại: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21,25-28). Giữa hiện tượng khủng khiếp ấy, Đấng ngự trên mây trời mà đến, Đấng ấy đến xét xử muôn dân. Đó như là tín hiệu báo trước về ngày quang lâm vĩnh cửu của Thiên Chúa để mọi người nhìn nhận và chuẩn bị đón Ngài.
Chính trong tâm tình luôn sẵn sàng cho ngày Chúa quang lâm, chúng ta nghe lời của thánh Phaolô khuyên: “Về ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này: Nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mạc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ” (2Tx 2,1-2).
Luôn sống như thánh Giacôbê xác quyết: “Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới” (Gc 5,8). Bền tâm vững chí trong từng bước của cuộc đời như Chúa phán: “Ngươi hãy giữ lòng trung thành cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống” (Kh 2,10c), như thánh Phaolô quả quyết: Vào ngày của Người, Thiên Chúa sẽ đội mũ công chính cho những kẻ đã yêu mến Người (x. 2Tm 4,7-8) .
Ý lực sống
“Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”. (Lc 21,36)
1. Thánh Luca trình bầy biến cố Giêrusalem bị sụp đổ, tượng trưng cho sự phán xét cuối cùng của Thiên Chúa, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh được ứng nghiệm. Trong ngày đó, tất cả những thế lực mà xưa nay người ta dựa vào vì coi đó là vững chắc (mặt trời, tinh tú, biển...) đều bị lay chuyển để nhường chỗ cho cho quyền lực của Con Người lên ngôi. Trước tình huống đó, “muôn dân” (tức là những kẻ không có đức tin) sẽ lo sợ đến hồn siêu phách lạc, vì chỗ dựa của họ đã bị lung lay, nhưng các môn đệ Chúa thì hãy vui mừng và ngẩng đầu lên chờ đợi Chúa ngự đến.
2. Có lần Đức Giêsu khóc thương thành Giêrusalem, vì Ngài thương dân thành này cách đặc biệt, nhưng họ không chịu nghe Ngài, họ lại còn phản nghịch chống lại Ngài. Hôm nay , qua bài Tin Mừng, Đức Giêsu cho biết: dân ngoại sẽ chiếm lĩnh và tàn phá thành, sẽ tàn sát dân chúng cách tàn nhẫn ghê gớm và bắt đi đầy khắp các nước. Đây cũng là hình ảnh báo trước ngày tận hthế.
3. Năm 70 sau công nguyên, tướng Titus của đế quốc Rôma đem quân lính vây hãm và phá bình địa Giêrusalem. Đền thờ Giêrusalem biểu trưng của niềm tin tôn giáo như lời tiên báo của Đức Giêsu đã “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”.
Tuy nhiên, nếu người Do thái thương khóc cho quê hương đổ nát thì các Kitô hữu lại hân hoan ra đi loan báo Tin Mừng cho các dân tộc khác: sự sụp đổ thành Giêrusalem đã giúp cho họ nhận ra tính công giáo của Kitô giáo. Nước Thiên Chúa đến bằng chính những gì mà con người cho là đổ nát, mất mát. Đó là cái nhìn Đức Giêsu muốn mời gọi các tín hữu tiên khởi phải có (Mỗi ngày một tin vui).
4. Ngay thời tiên tri Daniel, dân Do thái đã bàn tán về Ngày Nước Thiên Chúa đến và sự chờ dợi cuồng nhiệt lan tràn khắp nước Israel. Người ta khảo sát các điềm trời và các tai họa xẩy ra. Họ tính toán khá thông thái để tiên báo ngày giờ tận thế. Đức Giêsu loan báo Nước Thiên Chúa đã đến ngoài sức tính toán tự nhiên của con người, nên người Biệt phái muốn hỏi Đức Giêsu xem bao giờ triều đại Thiên Chúa đến.
Câu trả lời của Đức Giêsu làm sửng sốt: Nước Thiên Chúa đến không ai có thể quan sát được. Tất cả mọi dấu chỉ loan báo và tính toán đều vô giá trị. Nước ấy đã đến và người Biệt phái không nhận ra vì con tim và lỗ tai của họ bị đóng kín. Chính hành động của Đức Giêsu cho thấy và cho hiểu về Nước Thiên Chúa đã đến vì Ngài nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ... Thời cứu độ đã bắt đầu, nhưng ai không đón tiếp Đức Giêsu, không thể nhận ra được Nước Thiên Chúa.
5. Đức Giêsu cũng loan báo trước Ngài sẽ trở lại trong ngày quang lâm. Nhưng trước khi việc ấy xẩy ra, người ta còn phải chịu nhiều tai họa, đau khổ. Sau cùng, Ngài sẽ hiện đến trong vinh quang sáng chói hơn cả tia sáng bom nguyên tử và chiếu sáng khắp nơi không gì che lấp được. Con Người đến thình lình đột ngột như các tai họa đổ xuống trên loài người và luôn sẵn sàng đến bất cứ lúc nào.
Hình ảnh ngày tận thế rất đáng sợ. Ngày Chúa phán xét mọi người và riêng từng người chúng ta. Tuy nhiên, chỉ những ai không chịu nghe Lời Chúa mà ăn năn sám hối, cải thiện đời sống mới khiếp sợ, vì họ phại bị phạt khốn khổ đời đời. Còn ai biết lo làm lành lánh dữ, sốt sắng thờ phượng Chúa, giúp việc Chúa sẽ vui mừng phấn khởi, vì mình sẽ được cứu rỗi.
6. Đi xa hơn một chút, ta cũng có thể hiểu Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng suy nghĩ về ngày cuối cùng của mỗi người chúng ta. Trước khi từ giã cõi đời, con người cũng thường bị vây hãm bởi những lo âu run sợ trước khi chết, bởi những tiếc nuối cho những ngày đã qua, bởi những hành hạ của cơn bệnh, bởi sức tấn công của lực lượng sự dữ.
Ước gì mọi người chúng ta luôn biết chuẩn bị cho mình một thái độ thích hợp trong ngày Chúa đến.
Khi Quincy Adams 80 tuổi, một người bạn hỏi ông:
- Quincy Adams thế nào rồi?
- Quincy Adams vẫn khỏe, nhưng ngôi nhà mà linh hồn Adams cư ngụ đã bệ rạc, nó sắp sập đến nơi rồi. Đã đến lúc phải rời khỏi ngôi nhà đó rồi (The Gospel Herald).
7. Truyện: Khôn ngoan biết lo xa.
Một hôm, đang ngồi trong bàn giấy, vua Chalrles-Quint thấy một vị quan vốn trung thành, đệ đơn xin từ chức. Tưởng rằng vị quan này không được hài lòng vì lương bổng hay bất mãn với công danh. Nhà vua tha thiết nhìn ông và bảo cứ ở lại, nhà vua sẽ cho như ý. Hiểu ý vua, vị đó trả lời:
- Tôi xin rút lui để có thời giờ lo việc linh hồn.
Nghe câu trả lời bất ngờ đó, vua cảm động và khen ngợi là người khôn ngoan biết lo xa.
Chính vua Charles Quint sau cũng từ chức và vào nhà dòng dọn mình chết lành.
Như vậy, cuộc đời trần thế của chúng ta chỉ là thời gian lao tác: làm việc cho Chúa để làm vinh danh Ngài và làm việc cho tha nhân để đem hạnh phúc đến cho mọi người như lời Chúa dạy: ”Không phải bất cứ ai thưa với Thầy “lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào thôi”(Mt 7,21).
- các câu 20-24: Chúa Giêsu lại nói về ngày thành Giêrusalem bị tàn phá.
- các câu 25-28: và lại chuyển sang ngày tận thế và Quang lâm. Tất cả những thế lực mà xưa nay người ta dựa vào vì coi là vững chắc (mặt trời, mặt trăng, tinh tú, biển...) đều bị lay chuyển để nhường cho quyền lực của Con Người lên ngôi. Trước tình huống đó, “muôn dân” (tức là những kẻ không có đức tin) sẽ lo sợ đến hồn siêu phách lạc, vì chỗ dựa của họ đã bị lung lay, nhưng các môn đệ Chúa thì hãy vui mừng và ngẩng đầu lên chờ đợi Chúa ngự đến.
B.... nẩy mầm.
1. “Năm 70 sau công nguyên, tướng Titus của đế quốc La mã đem quân bình địa Giêrusalem... Đền thờ Giêrusalem biểu trưng của niềm tin tôn giáo như lời tiên báo của Chúa Giêsu đã “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”... Tuy nhiên, nếu người do thái thương khóc cho một quê hương đổ nát, thì các kitô hữu lại hân hoan ra đi loan Tin Mừng cho các dân tộc khác; sự sụp đổ của thành Giêrusalem đã giúp cho họ nhận ra tính công giáo của Kitô giáo. Nước Thiên Chúa đến bằng chính những gì mà con người cho là đổ nát, mất mát. Đó là cái nhìn Chúa Giêsu muốn mời gọi các tín hữu tiên khởi phải có” (trích "Mỗi ngày một tin vui")
2. Ai dựa vào những thế lực vật chất và thế gian thì khi sắp chết sẽ hoảng sợ vì những thế lực đó bị sụp đổ; còn kẻ nào dựa vào Chúa thì khi chết sẽ vui mừng, vì họ biết mình sắp được về với Ngài.
3. Lời tâm sự của một người mẹ: Từ nhỏ tôi đã sợ chết, nhưng khi đứa con yêu dấu của tôi chết thì tôi không còn sợ nữa. Đó là nhờ câu chuyện ngụ ngôn vị Linh mục chủ sự lễ an táng đã giảng. Chuyện như thế này: người mục tử dẫn đàn chiên đến một dòng suối để sang cánh đồng cỏ bên kia. Suối không sâu nhưng nước chảy mạnh nên chẳng con chiên nào dám bước xuống. Người mục tử không la hét, không dùng roi để lùa đàn chiên qua suối. Ông chỉ nhẹ nhàng bồng một con chiên con rồi bước xuống, đi qua phía bên kia. Con chiên mẹ thấy con mình đã đi qua suối được nên an lòng bước theo. Sau đó cả đàn chiên bước qua suối nước, sang bờ bên kia, nơi có sẵn một đồng cỏ xanh rì.” (Sunday School Time).
4. Khi John Quincy Adams 80 tuổi, một người bạn hỏi ông:
- John Quincy Adams thế nào rồi?
- John Quincy Adams vẫn khỏe. Nhưng mà ngôi nhà mà linh hồn John Quincy Adams cư ngụ đã bệ rạc lắm rồi, nó sắp sập đến nơi. Đã đến lúc phải rời khỏi ngôi nhà đó. (The Gospel Herald)
53. Đoạn Tin Mừng thoảng mùi khói lửa, với tiếng vó ngựa, tiếng gươm đao, tiếng binh lính hò la chém giết … Còn dân Chúa thì trốn chui trốn nhủi.
- Qua đó ta nhìn ra đường lối Chúa thật lạ lùng: Chúa thấy trước những tai hoạ sắp đổ xuống dân mình với cả những người đáng thương đang mang thai hoặc cho con bú, nhưng Chúa không đẩy tai hoạ đi giùm. Chúa không giải phóng dân Người ngay lúc đó. Chúa dành ra “một thời của dân ngoại”’, mặc sức họ tung hoành.
- Trong nếp sống đạo đức của ta hình như cũng có thể có những lúc tương tự: Không biết có phải vì tội ta hay vì lý do nào khác nữa mà muôn thứ thử thách đổ dồn trên đầu ta làm ta tối tăm mắt mủi; mọi sự trên trời dưới đất, mọi biến cố hầu như đều chống lại ta.
- Từ đáy vực thẳm đen tối đó, có lẽ thái độ tốt nhất là ta nhìn ra được lời Chúa mời gọi ta sám hối trở về với Ngài. Và sau đó với lòng phó thác và biết ơn, chúng ta ‘“hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì chúng ta sắp được cứu chuộc”’.
Chúng ta tiếp tục suy niệm qua bài diễn từ chung luận:
1. Chúa Giêsu lại nói về ngày thành Jêrusalem bị tàn phá. Những Lời Chúa nói đã được ứng nghiệm từng nét không bao lâu sau đó.
“Năm 70 sau công nguyên, tướng Titus của đế quốc Rôma đem quân bình địa Jêrusalem. Đền thờ Jêrusalem biểu trưng của niềm tin tôn giáo, như lời tiên báo của Chúa Giêsu đã “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”...
Qua câu chuyện về Jêrusalem, Chúa muốn nói về ngày tận cùng của thế giới, đồng thời Chúa cũng muốn ám chỉ về ngày tận cùng của một đời người.
Vâng! Chẳng có gì tồn tại mãi trên cõi dương gian này.
Khi Quincy Adams 80 tuổi, một người bạn hỏi ông:
- Quincy Adams thế nào rồi?
- Quincy Adams vẫn khỏe, nhưng ngôi nhà mà linh hồn Quincy Adams cư ngụ đã bệ rạc lắm rồi, nó sắp sập đến nơi. Đã đến lúc phải rời khỏi ngôi nhà đó rồi. (The Gospel Herald)
Phải! Rồi sẽ có ngày chúng ta sẽ phải rời bỏ cõi dương gian này.
“Khi tôi là một đứa trẻ, tôi cười và khóc, thì lúc đó thấy thời gian bò tới.
Khi tôi là một thanh niên, tôi táo bạo hơn, thì thấy thời gian đi bộ.
Khi tôi trưởng thành, tôi là một người chững chạc, thì thấy thời gian chạy.
Cuối cùng, khi tôi bước vào tuổi chín mùi, tuổi già, thì thấy thời gian bay.
Chẳng bao lâu nữa thì tôi chết, lúc đó thời gian đã đi mất.
2. Bởi vậy, những ai cậy dựa vào những thế lực vật chất và thế gian thì khi sắp chết, chắc chắn sẽ phải hoảng sợ vì những thế lực đó bị sụp đổ. Chỉ có những ai biết cậy dựa vào Chúa thì khi chết mới vui mừng, vì họ biết mình sắp được về với Ngài.
Trước một cử tọa gồm những nhà kinh doanh lớn, những minh tinh màn bạc, những nhà trí thức họp mặt tại câu lạc bộ nổi tiếng Philadelphia Phillies, Cordell Brown đã nói một cách rất duyên dáng như thế này: “Quí vị có thể thành công suốt cả cuộc đời, và lãnh cả triệu đô la mỗi năm, nhưng khi ngày giờ đến, ngày mà người ta đóng nắp quan tài của quí vị lại, thì quí vị sẽ chẳng khác tôi chút nào. Đó là lúc mà mọi người chúng ta đều y như nhau. Tôi không cần tới những gì các bạn đang có trong cuộc sống, nhưng tôi chắc chắn rằng, các bạn cần một điều mà tôi đang có, đó là Chúa Giêsu Kitô”.
Những lời của Cordell Brown mời chúng ta tự hỏi chính mình xem: cái gì thực sự là quan trọng đối với chúng ta? Nó mời chúng ta nhìn vào những cái chúng ta phải coi là ưu tiên trong cuộc đời mình. Nhất là nó đòi hỏi chúng ta xem, Chúa Giêsu Kitô có phải là ưu tiên số một trong cuộc đời chúng ta hay không.
Tại tu viện Westminter ở Luân Đôn, có một nhà nguyện nhỏ tên là “Nhà nguyện Thánh George”. Trong nhà nguyện này có bốn cuốn sách lớn, trong đó có ghi sáu ngàn tên các nạn nhân của cuộc không kích đó. Một cuốn mở ra và trên trang sách lấp lánh áng sáng có ghi một số tên nạn nhân. Mỗi ngày người ta giở một trang với một số tên mới. Khi bạn nhìn và đọc cột tên dài ấy, bạn không sao biết được người có tên mà bạn đọc nghèo hay giàu, da đen, da trắng hay da màu, là Kitô Hữu, là Do Thái giáo hay là vô thần, già hay trẻ, đẹp hay xấu.
Lúc đó, không còn có một khác biệt nào nữa. Lúc đó, tất cả những gì xảy ra đều tùy thuộc vào bản chất con người mà mỗi người tạo ra cho mình khi mình còn sống trên dương thế.
Vậy thì thái độ tốt nhất của mỗi người là biết sống phó thác cho Tình yêu của Thiên Chúa
Mẹ Têrêsa nói: “Chúng ta phải đặt niềm tin vào Ngài và thi hành những công việc mà Ngài đã mời gọi chúng ta cho đến hơi thở Cuối cùng. Thiên Ðàng là nhà của chúng ta. Mọi người đều có khả năng lên Thiên Ðàng. Dân chúng hỏi tôi về cái chết và tôi có trông đợi cái chết không và tôi trả lời, “Dĩ nhiên” vì tôi đang về nhà. Chết không phải là chấm dứt, nó chỉ là sự bắt đầu. Chết là sự tiếp nối đời sống. Ðây là ý nghĩa của sự sống vĩnh cửu; đó là nơi linh hồn chúng ta đến với Thiên Chúa, trong sự hiện diện của Thiên Chúa, để thấy Thiên Chúa, để nói với Thiên Chúa, để tiếp tục yêu thương Ngài với tình yêu lớn hơn, bởi vì trên Thiên Ðàng, chúng ta có thể yêu Ngài với trọn vẹn tâm hồn và linh hồn chúng ta. Chúng ta hãy phó thác thân xác chúng ta cho Chúa. Khi chết tâm hồn và linh hồn chúng ta sống đời đời”.
Xin được kết thúc bằng những lời cầu nguyện của Cha Piô, người được Chúa in năm dấu thánh:
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn. Cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến. Con cần được thêm sức mạnh của Chúa, để khỏi ngừng lại dọc đường. Amen.
Thế giới vật chất mà chúng ta đang sống đây có những lúc bình an, có những lúc sóng gió, hiểm nguy. Thế nhưng bình an thì ít còn hiểm nguy, sóng gió thì nhiều.
Bình an trong cuộc sống là khi con người chúng ta sống hòa thuận thương yêu nhau theo như lời Chúa truyền dạy, và đàng khác, thiên nhiên đất trời cũng không có chuyện gì xảy ra như là sóng thần, động đất, núi lửa, bão lụt…
Thông thường, những lúc gặp sóng gió hiểm nguy là chúng ta rất sợ hãi, chúng ta thấy bản thân mình quá bé nhỏ trong cái vũ trụ bao la mênh mông đây và cuộc đời này sao mà bấp bênh vô cùng. Thế nhưng, trong bài Tin Mừng hôm nay, khi nói đến ngày Chúa trở lại với thế giới này, lại là ngày có nhiều tai ương hoạn nạn. Những tai ương hoạn nạn, đó là:
-Hoạn nạn do con người chúng ta gây nên: Gây hận thù, chiến tranh, tàn phá, khốn cực, giận dữ, giết chết tàn nhẫn dưới lưỡi gươm, bắt làm tôi mọi, chà đạp lên nhau (xLc 21, 20 – 24). Sở dĩ có các điều này xảy ra là do con người chúng ta không sống lời Chúa dạy, mà sống theo những đam mê xác thịt, dục vọng của mình.
-Tai ương từ đất trời, thiên nhiên: Những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, biển gầm sóng vỗ, các tầng trời rung chuyển (xLc 21, 25 – 26). Những điều này xảy ra là vì con người chúng ta phạm tội và thiên nhiên không tùng phục chúng ta nữa.
Ngày Chúa đến, dường như tai ương hoạn nạn xảy ra có vẻ nhiều hơn bình thường. Khi chúng ta thấy như vậy, chúng ta hãy quay trở lại với chính bản thân con người chúng ta. Chúng ta quá tội lỗi, đáng bị Chúa trừng phạt và thế giới vật chất này không phải là nơi chúng ta tựa nương và bám víu vào, vì nó là hư vô. Chúng ta phải bám vào Chúa. Chỉ có Chúa mới là thành lũy, là thuẫn đỡ khiên che, là đá tảng vững chắc, là thành trì, là đồn lũy bảo vệ chúng ta mà thôi.
Khi những điều này xảy đến, Chúa dạy chúng ta là những người con của Chúa, nếu chúng ta từng ngày sống luôn bỏ ý riêng mà làm theo ý Chúa, giữ đạo Chúa, xa tránh các tội lỗi, chuyên cần làm các việc lành phúc đức, sống bác ái yêu thương phục vụ, đi theo con đường của Chúa đã đi là con đường khổ nạn, con đường vác thập giá, con đường hep, con đường hy sinh hãm mình thì Chúa nói: “Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 28).
Nếu khi Chúa đến: “Lúc đó người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả” (Lc 21, 19), mà chúng ta sống không ra gì, không thực hiện lời Chúa dạy, chúng ta là những cỏ lùng trong cánh đồng lúa là Giáo Hội, các thiên thần Chúa sẽ thu chúng ta lại, quăng chúng ta vào lửa không hề tắt bao giờ (xMt 13, 36 – 42). Khi đó, chúng ta có hối cải, có ân hận cũng không kịp nữa.
Vì thế, chúng ta hãy tận dụng những điều kiện Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta còn sống ở dương gian này mà lo cho phần rỗi linh hồn của chúng ta. Chúng ta không được chạy qua chạy lại lung tung lang tang kiếm tìm và theo các lạc thuyết sai lầm mà mất đức tin. Chúng ta hãy sống lời Chúa dạy ngay bây giờ, lỡ chưa thực hiện thì cần thực hiện liền ngay để Chúa thương xót, ban ơn cho chúng ta đứng vững trước gian nguy thử thách, trung thành với Chúa đến cùng.
Lạy Chúa, chúng con sẽ rất hạnh phúc nếu sau này khi Chúa đến, Chúa cho chúng con vào dự tiệc muôn đời trong nước Chúa. Chúng con xin Chúa ban ơn giúp chúng con sống đạo tốt, xin Chúa đừng xa tránh, bỏ rơi chúng con. Amen.
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 34 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa thúc đẩy chúng ta thêm hăng hái nhiệt thành mà cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa, để nhờ đó, chúng ta được Chúa ban ơn trợ lực dồi dào hơn nữa.
Nhiệt thành cộng tác vào công trình cứu độ, với lòng tin tưởng vững vàng Chúa sẽ giải cứu ta khỏi tay những kẻ mưu mô hãm hại, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phêrô cho thấy: Những kẻ bất chính sẽ bị trừng phạt: Tác giả không ngần ngại vạch mặt chỉ tên những thế lực đen tối sẽ Hoành hành vào những thời điểm nào đó của lịch sử, thường là vào giai đoạn cuối của một nền văn minh… Những gì là chân thật cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đức hạnh đáng khen, thì xin anh em hãy để ý: Anh em hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở cùng anh em. Hãy tỉnh thức, hãy đứng vững trong đức tin, hãy sống cho đáng bậc nam nhi và ăn ở kiên cường.
Nhiệt thành cộng tác vào công trình cứu độ, với lòng đơn sơ và khôn ngoan khi đối mặt với kẻ thù, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Kim Khẩu nói: Làm chiên, ta thắng; làm sói, ta thua…. Khôn như rắn. Rắn bỏ hết, cả khi có bị chặt khúc, nó cũng chẳng chống cự bao nhiêu, miễn là còn giữ được cái đầu, giữ lấy đức tin thôi, còn thì bỏ hết: tiền bạc, thân xác, cả mạng sống nữa... Này Thầy sai anh em đi như sai chiên đi vào giữa bầy sói. Anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Bao lâu anh em còn có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng.
Nhiệt thành cộng tác vào công trình cứu độ, với lòng tri ân cảm tạ vì được Chúa gìn giữ chở che, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Khải Huyền cho thấy: Sụp đổ rồi, sụp đổ rồi, thành Babylon vĩ đại. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 99, vịnh gia đã cho thấy: Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên. Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn, tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi, tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người. Bởi vì Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại. Babylon hùng cường vĩ đại bị sụp đổ, Giêrusalem nguy nga tráng lệ bị giày xéo, các thể chế chính trị, tôn giáo có mạnh mẽ đến đâu đi chăng nữa, rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có một Chúa là bền vững, chỉ có lòng thành tín của Chúa là tồn tại muôn đời. Vững tin vào Chúa, ta sẽ được Chúa cứu nguy, cho dẫu, tình thế trước mắt như nghìn cân treo sợi tóc, như chiên con giữa bầy sói dữ. Phải khôn như rắn, để biết giữ lấy đầu là đức tin; phải đơn sơ, hiền lành, ngoan ngùy như chiên con, để dễ dàng tuân hành thánh ý Chúa. Sống giữa thế gian, chúng ta như chiên con giữa bầy sói dữ. Chúa không tiêu diệt sói, là để chúng ta trở nên hùng mạnh hơn cả sư tử, nhờ quyền năng của Chúa, như lời Chúa đã nói với thánh Phaolô: Ơn của Thầy đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Chính Chúa đã xếp đặt cho chúng ta như thế, vì thế, chúng ta đừng nhụt chí, vì Chúa biết, Chúa nắm chắc là chúng ta sẽ trở thành vô địch, không kẻ thù nào thắng nổi chúng ta, Chúa đã tin tưởng chúng ta như thế, lẽ nào, chúng ta lại nghi ngờ Chúa. Do đó, khi muôn dân lo lắng, hoang mang, trước cảnh biển gào sóng thét, sợ đến hồn xiêu phách lạc, thì ta hãy cứ đứng thẳng và ngẩng đầu lên, bởi vì, ta sẽ được Chúa cứu. Ước gì chúng ta thêm hăng hái nhiệt thành mà cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa, để nhờ đó, chúng ta được Chúa ban ơn trợ lực dồi dào hơn nữa. Ước gì được như thế!