--------------------------------- Tin nhận hay không tin nhận. Thứ Sáu đầu tháng, tuần 17 thường niên. "Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?"
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?" Và họ vấp phạm đến Người. Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: "Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình". Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.
Sau khi đã chịu phép Rửa, vào hoang địa để cầu nguyện, ăn chay, có một ngày nào đó, Đức Giêsu chia tay Đức Mẹ để lên đường. Lên đường là bỏ lại ngôi làng Nadarét dấu yêu với bao kỷ niệm. Chính tại đây Ngài đã sống hơn ba mươi năm trong bầu khí gia đình. Chính tại nơi này, Ngài đã lớn lên quân bình về thân xác, trí tuệ, tâm linh. Nadarét như một ngôi trường lớn, chuẩn bị cho Ngài chững chạc đi sứ vụ. Tại đây, Đức Giêsu đã là con bác thợ Giuse (c. 55), và đã trở thành thợ theo truyền thống cha truyền con nối. Ngài đã được dạy nghề và hành nghề để kiếm sống cho bản thân và gia đình. Đức Giêsu là một người thợ tại Nadarét, phục vụ cho nhu cầu dân làng. Ngài biết đến cái vất vả của công việc chân tay nặng nhọc. Đức Giêsu không thuộc giới trí thức, thượng lưu, quyền quý. Lao động làm Ngài gần với người nghèo và thấy sự đơn sơ của tâm hồn họ. Cũng tại Nadarét, đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu được nuôi dưỡng. Ngài học được lối cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ. Đức Giêsu có khả năng thấy sự hiện diện yêu thương của Cha nơi mọi sự, nơi một bông hoa, nơi chim trời, nơi ánh nắng và cơn mưa. Tình thân của Con đối với Cha ngày càng trở nên sâu đậm. Ngài tìm ý Cha mỗi lúc và để Cha chi phối trọn vẹn đời mình. Hôm nay Đức Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian đi sứ vụ. Ngài vào lại hội đường quen thuộc, gặp lại những khuôn mặt đồng hương. Không rõ trước đây có lần nào bác thợ Giêsu được mời giảng ở đây chưa. Nhưng lần này, khi trở về với tiếng tăm từ những phép lạ làm ở nơi khác, Đức Giêsu đã khiến dân làng sửng sốt vì sự khôn ngoan trong lời giảng dạy. Hai lần họ đặt câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế? (cc. 54. 56). Một câu hỏi rất hay, nếu được tìm hiểu một cách nghiêm túc. Câu hỏi này có thể đưa họ đi rất xa, để gặp được căn tính của Đức Giêsu. Tiếc thay, dân làng Nadarét lại không quên được nghề nghiệp của cha Ngài. Họ nhớ rất rõ họ hàng gần xa của Ngài là mẹ và các anh chị. Họ có thể kể tên từng anh chị em của Ngài, vì đều là bà con lối xóm (c. 55). Đức Giêsu là người mà họ biết quá rõ từ thuở ấu thơ. Làm sao con người bình thường, ít học đó lại có thể là một vị ngôn sứ? Làm sao từ ngôi làng Nadarét vô danh này lại xuất hiện ngôn sứ được? Và họ vấp ngã vì Đức Giêsu, nghĩa là họ đã không tin vào Ngài. Cái biết gần gũi của họ về Ngài lại trở nên thành kiến khiến họ không thể tiến sâu hơn vào mầu nhiệm con người Đức Giêsu. Người đồng hương của Ngài đã không trả lời được câu hỏi: Bởi đâu…? Mỗi con người là một mầu nhiệm mà ta phải khám phá mãi. Có những mầu nhiệm lớn ẩn trong lớp áo tầm thường. Dân làng Nadarét đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng. Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi, để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không tin Chúa vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công. Các môn đệ đã không tin Chúa khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự. Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa chỉ vì Chúa sống như một con người, Cũng có lúc chúng con không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối, trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn. Dường như Chúa thích ẩn mình nơi những gì thế gian chê bỏ, để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin. Xin thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn thấy Ngài tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen. ---------------------------------
Chúa quá yêu thương con người. Tình yêu biểu lộ qua dân Ít-ra-en. Yêu thương nên đến giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai-cập. Để giải thoát họ Chúa phải trừng phạt người Ai-cập. Yêu thương nên ban cho họ miền Đất Hứa. Xua đuổi các dân khác để họ có nơi cư ngụ. Yêu thương nên thiết lập họ thành dân riêng của Chúa. Yêu thương nên ban lề luật. Dạy họ từng li từng tí trong tổ chức đời sống, trong cử hành phụng vụ. Từ lễ Vượt Qua đến lễ Bánh Không Men. Từ lễ Xá Tội đến Lễ Lều. “Đó là các đại lễ của Đức Chúa, là những ngày mà các ngươi phải triệu tập những cuộc họp để thờ phượng Ta”. Quả thật, chẳng có dân tộc nào được Chúa yêu thương như vậy (năm lẻ).
Nhưng dân vốn hay quên. Nên hay phản bội. Quen quá hóa nhàm. Gần chùa gọi bụt bằng anh. Đứng núi này trông núi nọ. Chúa yêu thương gần gũi nên họ coi thường. Họ chạy theo thần tượng của chư dân. Họ phản bội Chúa. Nhưng Chúa vẫn yêu thương, cử tiên tri Giê-rê-mi-a đến cảnh tỉnh họ. Mong họ hối lỗi để được tha thứ. Tránh được tai họa: “Ngươi hãy công bố mọi lời của Ta đừng bớt lời nào. May ra chúng sẽ nghe và mỗi người sẽ bỏ con đường xấu xa của mình mà trở lại, bấy giờ Ta sẽ hối tiếc về tai họa chính ta đang định giáng trên chúng”. Không những họ không nghe mà còn muốn bắt Giê-rê-mi-a giết đi (năm chẵn).
Chúa vẫn tiếp tục yêu thương. Đến thời sau hết, sai Con Một đến để trực tiếp ngỏ lời với dân Chúa.Con Chúa sinh xuống làm người. Sống giữa dân Chúa. Để yêu thương. Để dạy dỗ. Để hoán cải. Mong họ nên tốt hơn. Nhưng càng gần gũi họ càng coi thường. Hôm nay Chúa về làng quê thăm viếng và mặc khải cho họ biết tình yêu thương và ơn cứu độ của Chúa. Họ rất thán phục lời lẽ khôn ngoan. Nhưng lại không tin. Vì họ cho rằng họ biết rõ gốc gác nghèo hèn của Chúa: “Ông không phải là con bác thợ sao?...Và họ vấp ngã vì Người”. Họ còn muốn giết Người nữa.
Ai có thể đáp lại tình yêu thương của Chúa. Lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong thời đại ngày càng lìa xa Chúa này?
Dư luận trong giới trí thức Âu Mỹ hiện nay đang nhắc nhiều đến cuốn sách bàn về tương lai nhân loại với tựa đề: "Ngỡ Ngàng Trước Tương Lai", trong đó tác giả nói về những thay đổi nhanh chóng hiện nay trên đời sống con người khiến ông cảm thấy ngỡ ngàng. Theo tác giả thì tâm lý thường tình của con người thích những khuôn sẵn có cho cuộc sống của mình nhờ đó con người dễ ổn định và dự liệu cho những gì xảy ra. Tắt một lời, dù có khuynh hướng sống thay đổi nhưng tận thâm tâm,con người sống và suy tưởng theo những khung sẵn có, và tệ hại hơn theo điều mà chúng ta gọi là thành kiến.
Tâm thức trên đây giúp chúng ta hiểu phần nào biến cố được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trở về giảng dạy tại quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Ðền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận, hoặc chối từ.
Chúng ta hãy xét lại xem đức tin của chúng ta hiện nay đối với Chúa Giêsu có còn sống động hay đã trở thành một thói quen khô khan, nguội lạnh, chỉ vì quá quen thuộc như dân làng Nazareth ngày xưa? Phải chăng cuộc sống của chúng ta đã trở thành mù quáng hoặc nô lệ cho những thành kiến đến độ không còn tin nhận Chúa và không còn bén nhạy trước tác động của ơn Chúa?
Xin Chúa tha thứ cho thái độ lạnh nhạt của chúng ta. Xin ban Thánh Thần để chúng ta nhìn thấy những dấu chỉ Chúa thực hiện trong đời sống và trong những biến cố hằng ngày để chúng ta luôn tin nhận Chúa.
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu về sứ vụ ngôn sứ của Chúa Giêsu mà các tín hữu Kitô đều tham dự vào. Sau một thời gian rao giảng làm phép lạ, Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, khi trở về làng cũ, những người quen biết với Ngài lại chỉ dành cho Ngài một sự tiếp đón lạnh nhạt. Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng là ở chính quê hương mình và gia đình mình. Ðây là lần đầu tiên áp dụng cho mình tước hiệu ngôn sứ; vị ngôn sứ mà Ngài tự đồng hóa là một ngôn sứ bị ngược đãi.
Ý niệm về ngược đãi và ngay cả bị bách hại được Chúa Giêsu nhiều lần nhắc tới trong những cuộc tranh luận với nhóm biệt phái. Nêu bật tư cách bị ngược đãi và bách hại ấy, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Ngài vẫn tiếp tục truyền thống ngôn sứ trong Cựu Ước. Ðược Thiên Chúa sai đến để thay cho Ngài nói lên sự thật, các ngôn sứ trong Cựu Ước không chỉ nói bằng lời nói mà còn bằng cả cuộc sống của mình. Ðộc đáo nhất hẳn phải là cung cách của một Giêrêmia. Không biết phải dùng lời lẽ nào để tố cáo sự bất trung và phản bội của cả một dân tộc, ông đã đeo một cái gông vào cổ và đi giữa phố chợ. Với cử chỉ ấy, vị ngôn sứ này muốn nói với mọi người rằng chính vì đã xé bỏ giao ước với Thiên Chúa mà họ phải bị xiềng xích trong gông cùm của ngoại bang.
Riêng tiên tri Hôsê thì lại triệt để hơn trong sứ mệnh của mình khi ông đi cưới một cô gái điếm về làm vợ. Với hành động này ông cũng muốn nói với dân Do Thái rằng họ đã bất trung với Thiên Chúa. Không thể chọn lựa thái độ thinh lặng, thỏa hiệp hay sợ hãi, ông đã lên tiếng tố cáo bất công, tội ác hay bạo quyền và hành động của ông đã gây nên phẫn nộ trong dân.
Chính vì thế và cũng như các ngôn sứ trong Cựu Ước; cũng như thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, và nhất là cũng như chính Chúa Giêsu, tất cả những ai dám lên tiếng nói lên sự thật cũng đều được liên kết chung với nhau trong cùng một số phận là bị khinh rẻ, ngược đãi, oán ghét, sỉ vả và khai trừ.
Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được nhiều phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Gio-xép, Simon và Giu-đa sao?” (Mt. 13, 54-55)
Người ta không còn cảm thấy giật mình khi nghe tư tưởng này: “Giả như hôm nay Chúa Giêsu trở lại với chúng ta…”
Tôi nghĩ rằng, nếu hôm nay Chúa Giêsu trở lại, thì Người cũng sẽ chẳng có được may mắn hơn với những người đồng hương của Người đâu.
Chẳng có được may mắn đâu.
Giả như hôm nay Người trở lại làm người Do-thái? Liệu Người có được những đồng bào của mình ở Giê-ru-sa-lem hay ở Tel-Aviv lắng nghe không? Liệu Người có được các thành viên Liên Hiệp Quốc hay các nghị viện trong các thượng hạ viện của chúng ta lắng nghe không?
Liệu Người có phải dành một chỗ ở sân thế vận hội để công bố sứ điệp của Người không. Còn chúng ta, những người có đức tin, những người tin vào Chúa Giêsu liệu chúng ta có chấp nhận để cho Người thôi thúc ta, chấp nhận sống triệt để sứ điệp của Người chăng?
Chúa có cần đến một bộ máy tuyên truyền để thu hút quần chúng? Có lẽ Người phải làm những phép lạ hoàn toàn “giật gân” như có người nói. Rồi sau màn “trình diễn” và những phép lạ, người ta có nghe Chúa không?
Bởi vì có lẽ Chúa sẽ nói cho ta hay, dù rằng chúng ta chọn sống chế độ nào: tư bản, dân chủ, độc tài, quân phiệt, thì Người cũng sẽ nói: “Lệnh truyền của tôi là anh em hãy yêu thương nhau” Dù anh em là người Phật Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo, Công Giáo “Anh em hãy yêu thương nhau”
Dù anh em là công nhân của một nghiệp đoàn nào đó, hay dù là ông chủ của xí nghiệp “Anh em hãy yêu thương nhau.” Rồi có lẽ Người sẽ nhắc nhở ta nhớ đến Mười Điều Răn y như Người đã dạy ta vậy.
Giả như Người trở lại.
Người có trở lại không? có lẽ người ta sẽ gọi vấn đề này là một Xì-căng-đan! Ngay trong chúng ta, có nhiều người không tin điều này, họ muốn chúng ta sống trung thực.
Đức Kitô đã chết và đã sống lại, Người đã gửi Thần Khí Người đến với ta để nhắc nhở ta tình yêu Cha Người dành cho ta! Như vậy mà còn không đủ thúc đẩy ta sống yêu thương, thì giả như Chúa Kitô có trở lại, Người cũng chẳng hoán cải nổi chúng ta đâu.
“Không ai được tôn trọng ở quê hương của mình”. Đây chính là câu nói nổi tiếng của Đức Giêsu và có tính tiên tri. Thật vậy, trải qua biết bao thế hệ, từ những bậc tiền nhân đến chúng ta, hẳn mọi người đều biết hay đã cảm nghiệm được tính tiên tri của Đức Giêsu qua câu nói trên hoàn toàn ứng nghiệm.
Hôm nay, chính Đức Giêsu cũng đã trải qua sự thật đó khi về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Khi biết rõ về thân thế, gia cảnh của Đức Giêsu, những người Dothái sinh thời với Ngài đã không thể chấp nhận được, và như một lẽ tất yếu, họ không tin và cũng chẳng tôn trọng Ngài. Vì thế, Đức Giêsu đã không làm được phép lạ nào tại quê hương của mình vì sự cứng lòng tin nơi họ.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ cho chúng ta rằng: trong cuộc đời và trên hành trình loan báo Tin Mừng của người môn đệ, chúng ta cũng sẽ gặp phải những khó khăn, thất bại và chống đối, hiểu lầm và cô đơn… Tuy nhiên, hình ảnh Đức Giêsu lướt qua họ khi những người này muốn xô Ngài xuống vực đã dạy cho chúng ta một bài học: bổn phận của chúng ta là loan báo Lời Chúa, nên chúng ta cứ can đảm và sẵn sàng loan báo cho dù có những cản trở, khó khăn đến từ mọi phía…
Chúng ta không bận tâm đến quá nhiều kết quả, vì thành công hay không là việc của Chúa. Chúng ta chỉ là người thợ trong bàn tay Chúa và chỉ biết làm những việc phải làm mà thôi. Có được tâm tình ấy, chúng ta sẽ rao giảng Lời Chúa: “... lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tm 4,2).
Lời Chúa hôm nay còn nhắc cho chúng ta biết: hậu quả của sự thành kiến đã làm chúng ta bỏ lỡ hay cố tình không chấp nhận nhiều việc tốt của người khác. Hoặc nhất định không làm việc hữu ích chỉ vì điều đó được khởi xướng từ một người mà chúng ta không ưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con vững tin rằng: Chúa là tất cả đời con, nên mọi khó khăn thử thách sẽ không làm cho chúng con chùn chân bước theo Chúa. Xin cho chúng con xóa bỏ thành kiến để công cuộc loan báo Tin Mừng đạt được nhiều kết quả. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người. Ngài đến với chúng ta trong những cái tầm thường và bất ngờ nhất của cuộc sống. Muốn nhận ra Chúa, chúng ta cần có ánh sáng của niềm tin.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, những kẻ đồng hương đã khước từ Chúa vì họ chỉ nhìn Chúa bằng con mắt tự nhiên. Họ thiếu lòng tin. Vâng, con người tự nhiên là thế đó. Với lối nhìn hẹp hòi, con thường đánh giá người khác qua dáng vẻ bề ngoài, qua tiền bạc, nghề nghiệp, học lực… mà không nhìn thấy giá trị thật bên trong con người họ. Hoặc đối với những người thân, con thường đánh giá thấp, vì con sống theo kiểu “gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Và nhiều lúc có thể con đã đánh giá chính Chúa như vậy.
Lạy Chúa Giêsu, xin mở mắt đức tin cho con để con nhận ra Chúa nơi vẻ bề ngoài khiêm tốn của bí tích Thánh Thể và của Giáo Hội. Xin Chúa mở mắt đức tin cho con, để con có thể nhìn thấy Chúa nơi những người tầm thường nhất. Cũng như những người Na-da-rét, nhiều lúc con đâu ngờ rằng “con người tầm thường” ấy lại là chính Con Thiên Chúa làm người.
Xin Chúa mở mắt đức tin cho con để con nhận biết Chúa vẫn hiện diện với con trong những bất hạnh của cuộc sống. Những khi con gặp rủi ro, những lần con thiếu may mắn, Chúa cùng chia sẻ niềm đau với con. Chính trong những hoàn cảnh éo le ấy, Chúa đến với con thật bất ngờ. Xin Chúa giúp con biết khám phá bóng dáng Chúa trong cuộc đời bình thường, biết lắng nghe tiếng Chúa trong thinh lặng, biết nhìn thấy Chúa nơi bất cứ ai và biết sống với Chúa trong cảnh đen tối nhất của cuộc đời. Amen.
Ghi nhớ: “Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?”
Đức Giêsu lôi cuốn kẻ khác một cách lạ lùng: Dân chúng, quên ăn, quên uống, quên công việc nhà cửa, say mê đi theo Chúa Giêsu để nghe lời Ngài giảng dạy.
Các bà mẹ ngợi khen ai đã sinh ra được một người con như thế.
Giới trẻ theo Chúa Giêsu và mong được Ngài chỉ cho con đường thăng tiến.
Các em bé ùa chạy đến với Chúa Giêsu và đòi cho được Ngài bồng ẵm và chúc lành.
Nhưng ở quê hương Ngài thì khác hẳn…
Suy niệm
Chúa Giêsu trở về Nadarét quê hương Ngài. Ngày Sabát Ngài vào hội đường, Ngài được mời lên đọc Sách Thánh và cắt nghĩa Kinh Thánh một cách rành mạch, sự khôn ngoan của Ngài làm cho mọi người phải ngạc nhiên: Bởi đâu ông Giêsu được khôn ngoan như vậy. Vì Ngài là người đồng hương với họ, cha Ngài là bác thợ mộc tầm thường và mẹ Ngài là bà nội trợ Maria như bao phụ nữ khác và Ngài đã cùng chơi, cùng học và lớn lên giữa họ. Cho nên với họ, Ngài không thể là vị ngôn sứ được, vì thế họ không tin phục Ngài.
Trước sự cố chấp, không tin vì thành kiến: Ngài cũng là người Nadarét như họ. Vì vậy, Đức Giêsu kết luận: “Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình”. Chính vì thái độ cứng lòng ấy, nên ở Nadarét Đức Giêsu không làm nhiều phép lạ…
Sự từ khước Chúa Giêsu ở Nadarét của những người đồng hương là hình ảnh báo trước trong lịch sử vẫn còn tồn tại trong con người mọi thời đại, mọi nơi từ khước Thiên Chúa. Con người hôm nay cứng lòng cố chấp, đang nghe, đang thấy Đức Giêsu qua Giáo hội là thân thể của Ngài, vẫn còn đó những cố chấp, cứng tin, khước từ… là một hiện tượng tiêu biểu của thế giới mọi thời, mọi nơi những người cố chấp không tin vào Chúa Giêsu. Sự từ khước của con người hôm nay, làm hoạt động cứu thế của Thiên Chúa như bị tắc nghẽn. Bị giam hãm trong các định kiến…
Ý lực sống:
“Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).
Khi xong xuôi cuộc truyền giáo ở Galilê, Chúa Giêsu trở về thăm quê hương Nazareth và đến giảng dạy trong Hội đường. ”Sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ” của Ngài đã khiến cho những người đồng hương phải ngạc nhiên. Nhưng sự ngạc nhiên này không dẫn họ đến đức tin, bởi còn một chướng ngại ngăn cản, đó là xuất thân của Ngài: vì người ta biết quá rõ cha mẹ anh em Ngài đều là những người nghèo hèn quê mùa cho nên người ta không tin Ngài là Messia. Do người ta không tin, nên Chúa Giêsu không làm nhiều phép lạ.
“Không ai được tôn trọng ở quê hương của mình”. Đây chính là câu nói nổi tiếng của Chúa Giêsu và có tính cách tiên tri. Thật vậy, trải qua biết bao thế hệ, từ những bậc tiền nhân đến chúng ta, hẳn mọi người đều biết hay đã cảm nghiệm được tính tiên tri của Chúa Giêsu qua câu nói trên hoàn toàn ứng nghiệm. Chúa Giêsu trở về quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào đền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài con người phải chọn lựa hoặc tin nhận hoặc từ chối.
Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu về giảng tại quê hương của mình cũng làm dấy lên những thông tin trái chiều về Ngài. Những người đồng hương Nazareth có lẽ đã nghe đồn thổi về Ngài và càng ngạc nhiên hơn khi nghe chính Ngài phát biểu trong Hội đường của họ. Những thành tích về sự khôn ngoan và phép lạ Ngài làm đã dấy lên trong họ câu hỏi: “Phải chăng Ngài không phải là Đấng Cứu tinh mà Thiên Chúa đã hứa cho dân tộc?” Và họ bắt đầu tra cứu với một phương pháp rất khoa học: họ mở Kinh thánh ra và thấy rằng Đấng Cứu tinh xuất thân từ một nơi khác, chứ không phải từ ngôi làng nghèo nàn tăm tối như Nazareth. Họ điều tra về nguồn gốc Chúa Giêsu và thấy rằng cha mẹ và anh em Ngài đều là những người nghèo hèn mà họ biết rõ ngọn nguồn. Với lối suy luận và lý luận rất khoa học ấy, những người đồng hương với Chúa Giêsu đã khước từ Ngài. Nguồn gốc tăm tối của Chúa Giêsu đã là mạng chắn khiến họ không tin nhận nơi Ngài (Mỗi ngày một tin vui).
Qua bài tường thuật, tác giả Mátthêu muốn nêu bật cung cách và số phận của một vị tiên tri đích thực nơi Chúa Giêsu. Ý tưởng về ngược đãi và ngay cả bách hại được Chúa Giêsu nhiều lần nhắc tới trong những cuộc tranh luận với nhóm biệt phái. Nêu bật tư cách bị ngược đãi và bách hại ấy, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Ngài vẫn tiếp tục truyền thống tiên tri trong Cựu ước. Được Thiên Chúa sai đến để thay cho Ngài nói lên sự thật, các tiên tri trong Cựu ước không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả cuộc sống của một Giêrêmia. Không biết phải dùng lời lẽ nào để tố cáo sự bất trung và phản bội của cả một dân tộc, ông đã đeo một cái gông vào cổ và đi giữa phố chợ. Với cử chỉ ấy, vị tiên tri này muốn nói với mọi người rằng chính vì đã xé bỏ giao ước với Thiên Chúa mà họ phải bị xiềng xích trong gông cùm của ngoại bang.
Tác giả của đoạn Tin mừng hôm nay đã ghi lại một chi tiết đáng chú ý: “Chúa Giêsu không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ không có lòng tin”. Phép lạ chỉ diễn ra vì lòng tin của con người, hay đúng hơn, với lòng tin con người có thể nhận ra phép lạ trong mọi sự và trong từng giây phút cuộc sống. Phép lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện là đã hoá thân làm người và tự đồng hoá với mọi người nhất là với những kẻ thấp hèn bé mọn. Chỉ trong đức tin, con người mới có thể đón nhận phép lạ cả thể ấy.
Truyện: Thần Vit-nu trong tất cả mọi sự
Người ta kể rằng Vit-nu là một trong những vị thần rất được những người theo Ấn giáo thờ kính, những người có niềm tin sâu sắc đều nhận ra thần Vit-nu trong tất cả mọi sự. Một tín đồ kia sống rất siêu thoát, nhưng ông ta lại bị những người khác coi như một người khờ dại. Một hôm, sau khi đi khất thực ở một làng kia, người tín đồ thánh thiện này ra trước cổng làng và ngồi bên vệ đường để ăn những thực phẩm người ta bố thí. Đang lúc ông dùng bữa thì một con chó đói ở đâu chạy tới. Người tín đồ bèn dành đồ ăn của mình cho chó ăn, không mấy chốc người và vật trở nên thân thiện với nhau. Thấy cảnh kỳ lạ, dân chúng trong làng kéo nhau đến xem.
Nhưng một người trong đám đông lên tiếng: “Có gì lạ khiến chúng ta phải mất thì giờ đến xem, người này chỉ là một tên khờ khạo, bởi vì hắn không phân biệt được người với thú vật”.
Nghe thế nhiều người phá lên cười chế giễu.
Người tín đồ thánh thiện ấy điểm tĩnh trả lời: “Tại sao các ngươi lại cười? Các ngươi không thấy rằng Vit-nu đang cho ăn và Vit-nu đang được cho ăn sao? Tại sao các ngươi lại cười, hỡi Vit-nu?”
Nếu có niềm tin thì họ nhận ra thần Vit-nu trong tất cả mọi sự. Vậy tại sao họ không nhận ra Vit-nu nơi một người mà họ cho là khờ dại này.
Truyện: Xin rời bỏ Giáo hội
Một bác sĩ nọ tìm đến với một vị Giám mục và tuyên bố:
- Con đến cho Đức Cha hay con muốn rời khỏi Giáo hội. Đức Cha nghĩ sao?
Vị Giám mục xin ông cho biết lý do. Ông nói:
- Đức Cha nghĩ coi: Giáo hội có mặt trên trần gian này hơn 2000 năm rồi, thế mà con người có khá hơn không?
Vị Giám mục bình tĩnh trả lời:
- Bác sĩ nói chí lý. Nhưng bác sĩ cũng hãy nghĩ coi: nước đã xuất hiện trên mặt đất này bao nhiêu triệu năm rồi. Vậy mà sao ngày nào bác sĩ cũng như tôi cứ phải rửa tay?
Nghe thế, vị bác sĩ thinh lặng ra về, không còn nghĩ tới chuyện rời bỏ Giáo hội nữa.
Vâng! Hãy biết sống kiên trì, nhẫn nại và nhiệt thành để tâm hồn luôn được thanh thản và bình an.
1. Đặt trong Sơ đồ chung của thánh Mátthêu: Với 7 dụ ngôn trong phần diễn từ (13,1-52), Mátthêu đã đặt người ta trước một sự lựa chọn dứt khoát có đáp lại lời mời Nước trời hay không. Ai đáp lại thì được kể là môn đệ của Chúa Giêsu. Dần dần những môn đệ này làm thành một cộng đoàn nhỏ, một “Giáo hội phôi thai”.
Sang phần tường thuật (13,53-16,12; từ hôm nay cho đến thứ tư tuần 18), Mátthêu cho thấy Chúa Giêsu huấn luyện từng bước trong cho cộng đoàn Giáo hội này để đưa họ đến đức tin. Radermakers đặt tên cho phần tường thuật này là “hành trình đi đến đức tin của Giáo hội”.
Thực vậy, trong phần này ta thấy rõ cuộc hành trình đi đến đức tin. Hai thuật ngữ được dùng nhiều trong phần này là: TIN và HIỂU.
2. Sau một thời gian hoạt động ở những nơi khác, Chúa Giêsu trở về quê hương Nazarét và giảng dạy trong hội đường. “Sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ” của Ngài đã khiến cho những người đồng hương phải ngạc nhiên. Nhưng sự ngạc nhiên này không dẫn họ đến đức tin, bởi còn một chướng ngại ngăn cản, đó là xuất xứ của Ngài: Vì người ta biết quá rõ cha mẹ anh em Ngài đều là những người quê mùa cho nên người ta không tin Ngài là Đấng Messia. Do người ta không tin nên Chúa Giêsu không làm phép lạ nhiều.
Suy gẫm
1. Những người Nazarét đã ngạc nhiên và thán phục Chúa Giêsu. Họ đã tiến gần đến đức tin. Nhưng rất tiếc hành trình ấy bị chặn lại vì thành kiến. Họ nghĩ: một con người có cha mẹ và anh em là những kẻ nghèo nàn và tầm thường như thế không thể nào là Đấng Messia được.
Có những thành kiến thật vô lý, thế nhưng người ta vẫn để cho những thành kiến vô lý ấy ảnh hưởng đến mình.
Phải chăng nhiều lần tôi cũng đánh giá người khác theo những thành kiến: Anh ấy, chị ấy không thể nào khác được! Con người như thế đó mà làm được cái gì!
2. “Nào ông ấy không phải là con bác thợ mộc sao?”: Trong số các thành kiến của chúng ta, có thứ thành kiến quái dị này là “Cha nào con nấy”, cha mẹ dở thì con không thể giỏi, cha mẹ xấu thì con không thể tốt. Đành rằng di truyền cũng ảnh hưởng một phần nào đó, nhưng không phải là tầt cả. Có biết bao nhiêu tấm gương về những đứa con tài giỏi thánh thiện xuất thân từ cha mẹ tầm thường và tội lỗi.
3. Một du khách mới đi Trung Hoa về báo cáo rằng giới trí thứ Trung Hoa tuyên bố: “Không, việc truyền giáo của quý vị không hể bám rễ vào đất nước chúng tôi được đâu, vì các nhà truyền giáo của quý vị mới cầu nguyện chưa hiểu gì đã tuyên bố là đạo của chúng tôi là sai lạc”. Và một người Giáo Hội Đông Phương khác cũng nói: “Các ông muốn chúng tôi bỏ những gì mà chúng tôi tin, và chấp nhận những gì các ông tin”. Đi truyền giáo mà có định kiến thì ở nhà còn hơn.
4. “Ngài không làm nhiều phép lạ ở nơi đó, vì họ chẳng có lòng tin”: Phép lạ chỉ diễn ra vì lòng tin và với lòng tin của con người. “Nếu chúng con có đức tin chỉ bằng hạt cát, chúng con có thể bảo núi này dời xuống biển”.
1. Những người Nazareth đã ngạc nhiên và thán phục Chúa Giêsu. Họ đã tiến gần đến đức tin. Nhưng rất tiếc hành trình ấy bị chặn lại vì thành kiến. Họ nghĩ: một con người có cha mẹ và anh em là những kẻ nghèo nàn và tầm thường như thế thì làm sao lại có thể là Đấng Messia được.
Trong cuộc sống, chúng ta thấy có những thành kiến thật vô lý, thế nhưng người ta vẫn để cho những thành kiến vô lý ấy ảnh hưởng đến mình.
Với tựa đề: “Người Mở Hàng”, tác giả Trọng Nhơn đã chia sẻ trong mục tạp bút của báo Tuổi Trẻ một câu chuyện có thật như sau:
Từ ngày khai trương, shop quần áo của tôi luôn đông khách. Sáng nay như thường lệ, vừa mở cửa tôi đã có khách. Một cô gái khoảng 17, 18 tuổi đứng tần ngần ra đó.
Nhìn thoáng qua bộ quần áo bà ba sờn bạc ở vai và gấu, tôi nghĩ ngay trong đầu: Ngữ này chắc là không mua bán trao đổi gì rồi, mới sớm mai mở cửa đã bị ám. Kéo thanh sắt lên tôi hỏi gắt:
- Em cần gì?
Như sợ tôi quay vào, cô gái đáp ngay giọng nhỏ nhẹ:
- Anh gì ơi! Em dưới quê thồ rau lên thành phố bán, nhưng vừa đến đây, xe em bị nổ vỏ mà sáng sớm dậy đi, em lại không mang theo tiền. Theo hướng cô gái chỉ, bên mé đường là một chiếc xe đẩy rau: su hào, bắp cải, hành, hẹ, rau dền.v.v…
Bao năm sống ở thành phố, mọi gian trá lường gạt tôi đã gặp nhiều, nên bây giờ tôi chỉ biết có chính bản thân tôi mà thôi. Vậy mà không hiểu tại sao tôi lại đưa em tờ giấy năm ngàn đồng.
Ngày hôm sau không thấy em đến, các bà bán đồ bên cạnh được dịp phô đủ thứ kiểu lường gạt cả tin để rồi cuối cùng quay lại chuyện của tôi và bảo tôi là ngu.
Bẵng đi vài hôm, vào một buổi sáng, vừa thắp xong cho mẹ một nén hương, tôi ra cửa và lại thấy em. Vẫn cái dáng lưng tôm, mạnh khỏe tựa vào chiếc xe rau nặng cồng kềnh:
- Dạ em xin lỗi, em cám ơn, xin hoàn lại anh số tiền. Rồi cùng với nụ cười tươi tắn, em còn biếu tôi hai bó rau tươi và ngượng ngập thanh minh về lý do em không lên như đã hứa. Vẫn cái lối gập đầu cám ơn, em thong thả đẩy chiếc xe rau đi cho kịp buổi chợ.
Ngày hôm đó tôi thật vui, vui với cái lối chân chất thật thà của cô gái quê. Có lẽ gương mặt tôi toát lên niềm vui nên hôm đó tôi bán hàng đắt khách.
2. “Ngài không làm nhiều phép lạ ở nơi đó, vì họ chẳng có lòng tin” (Mt 13,58). Rõ ràng là những người ở Nazareth đã đánh mất đi một cơ hội bằng vàng để được chứng kiến những điều kỳ diệu của Chúa, chỉ vì đầu óc của họ quá hẹp hòi và thiển cận.
Đây là một câu chuyện từ Internet:
Hôm ấy, tôi mặc thường phục đi tuần trên phố. Tôi nhìn thấy một gã thanh niên tóc dài đang bám theo sau một phụ nữ trung niên. Dựa trên trực giác của người cảnh sát, tôi đoán gã kia là một tên trộm. Quả nhiên đúng như sự dự đoán của tôi, ở chỗ rẽ gần siêu thị, hắn ta thò tay vào túi của người phụ nữ. Tôi nhanh chóng xông đến nắm chặt cái tay đang chuẩn bị rụt lại của hắn. Khi tôi rút chiếc còng từ phía sau lưng, thì hắn lùi lại một bước, bất ngờ dùng tay kia đấm thẳng vào mặt tôi, rồi co chân bỏ chạy.
Tôi vừa đuổi vừa kêu: “Cướp! Cướp!”. Lúc bấy giờ, trên đường phố có rất đông người, nhưng ai nấy đều hốt hoảng tránh ra hai bên, sau đó bàng quan đứng nhìn. Tên trộm chạy mỗi lúc một xa, nhưng chẳng có ai chịu giúp tôi một tay. Đúng lúc tôi bắt đầu nản chí, thì trước mặt tôi xuất hiện một cảnh tượng kịch tính. Từ trong đám đông, một người ăn mày chạy ra, giơ ngang chiếc gậy cản đường tên trộm. Bị tấn công bất ngờ, tên trộm ngã sõng xoài xuống đường. Người ăn mày lại xông đến, ôm chặt lấy chân tên trộm. Tên trộm thấy vậy liền bò dậy, rút dao đâm người ăn mày. Đúng lúc đó, tôi chạy đến, đấm thẳng vào mặt tên trộm.
Người ăn mày được đưa vào bệnh viện. Một lúc sau, bác sỹ từ trong phòng cấp cứu bước ra nhìn tôi, lắc đầu thất vọng. Người ăn mày được đưa ra khỏi phòng cấp cứu, hơi thở anh ta yếu dần. Tôi nắm chặt lấy tay anh ta, nghẹn ngào nói:
- Tôi xin lỗi anh.
Người ăn mày mở to mắt, dùng chút sức lực cuối cùng, thều thào nói với tôi:
- Tôi phải cảm ơn anh. Trước đây, tôi cứ nghĩ mình sẽ lặng lẽ chết đi giống như một con chó. Chính anh đã giúp tôi có cơ hội để trở thành một người đàn ông thực sự. Tôi cảm thấy mình không sống uổng phí.
Mọi người có mặt ở đó đều rơi nước mắt.
Rất tiếc là những người ở Nazareth, không được như vậy. Họ đã bỏ qua một cơ hội làm cho đời sống của họ tốt hơn khi Chúa trở về với họ.
Lạy Chúa, xin cho con mắt chúng con mở rộng để thấy những việc tốt lành Chúa làm. Amen.
Người Việt Nam chúng ta thường nói: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”, trong bài Tin Mừng hôm nay, dân làng của Chúa cũng có thái độ giống như thế.
Chúa được thánh Cả Giuse và Mẹ Maria nuôi nấng, dưỡng dục lớn lên trong môi trường làng quê Nazarét cùng với biết bao nhiêu con người khác, giống như Chúa. Họ quen biết, gặp gỡ Chúa thường ngày. Khi Chúa lớn lên được ba mươi tuổi đời. Tuổi ba mươi là tuổi mà theo quan niệm nho giáo là: “Tam thập nhi lập “, Chúa bắt đầu xuất hiện công khai trước mặt muôn người để Chúa rao giảng Tin Mừng. Vô số người nghe Chúa rao giảng Tin Mừng và tận mắt nhìn thấy Chúa làm phép lạ cứu chữa những chứng bệnh khác nhau trong dân. Dân chúng theo Chúa đông đảo. Hôm nay, Chúa trở về quê nhà, Chúa cũng rao giảng Tin Mừng và làm phép lạ cứu chữa dân chúng như vậy. Chúa cứ tưởng rằng dân làng quê của Chúa cũng giống như dân chúng ở các nơi khác, là họ sẽ sẵn sàng đón nhận Chúa, cộng tác với Chúa để Chúa ban ơn cho họ. Chúa dành cho dân làng của Chúa một tình cảm đặc biệt, vì nơi đây đầy ắp những kỷ niệm thân thương trong cuộc đời của Chúa, nhất là những kỷ niệm tuổi thơ ấu. Vì Chúa thương họ nên chúng ta có thể nói như những người xưa: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần“. Chúa dành ưu tiên cho họ, nhưng rồi Chúa rất ngỡ ngàng trước sự từ chối, cứng lòng, không đón nhận Chúa của họ. Chúa rất thất vọng về họ: “Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: “Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?” Và họ vấp phạm đến Người” (Mt 13, 54 – 57).
Nhưng tại sao họ không nghe Chúa như thế? Có lẽ vì Bụt nhà không thiêng. Nhưng quan trọng hơn hết là vì Chúa sống ở đây với họ từ nhỏ đến lớn, Chúa biết rõ các tội lỗi, các tính hư tật xấu, các đam mê xác thịt, các tệ nạn xã hội… của họ, cho nên khi rao giảng lời Chúa, Chúa xoáy vào các vấn đề này để họ từ bỏ đi, lời Chúa lúc này như lưỡi gươm cắt bỏ các khối ung nhọt này để họ trở nên tốt hơn, nhưng họ không thực hiện theo ý Chúa mà còn nói Chúa thế này, Chúa thế kia: “Lời của Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, và sắc bén hơn gươm hai lưỡi, xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng con người“ (Dt 4, 12). Dó đó mà Chúa phải não nề nói lên điều đau thương này: “Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: “Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình”. Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin” (Mt 13, 57 – 58). Chúa không làm nhiều phép lạ, vì họ chẳng có lòng tin ngay trong lúc này, nhưng vì lòng nhân từ, chắc Chúa sẽ cầu nguyện cho họ, và Chúa hy vọng họ suy nghĩ lại, ăn năm sám hối để một ngày gần đây nhất, Chúa trở lại và họ lại nghe lời Chúa hơn.
Lạy Chúa, những người làng quê, bà con ruột thịt, anh chị em của Chúa không đón nhận Chúa, coi Chúa như người dưng nước lã, ngoại lai, xa lạ. Nhưng điều này không ảnh hưởng sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Chúa. Có tội nghiệp chăng là dân làng của Chúa đã bỏ qua cơ hội nên lành nên thánh này. Xin Chúa thương đừng để chúng con có tư tưởng giống như họ mà biết tận dụng mọi ơn lành Chúa ban để chúng ta biết sửa mình, biết chỉnh đốn lối sống theo thánh ý của Chúa truyền dạy để Chúa cho chúng con được hưởng sự sống đời đời sau này. Amen.