Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Môn đệ không hơn thầy, và tôi tớ không hơn chủ mình. Môn đệ được bằng thầy, tôi tớ được bằng chủ mình thì đã là khá rồi. Nếu họ đã gọi chủ nhà là Bêelgiêbul thì huống hồ là người nhà của Ngài. Vậy các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Điều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
"Các con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn. Các con hãy sợ Đấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
"Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời".
Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu nhắc chúng ta đừng lo (c.19). Hôm nay ba lần Ngài nhắc chúng ta đừng sợ kẻ bách hại (cc. 26. 28.31). Cuộc sống con người bị trói buộc bởi những nỗi sợ, có lý và vô lý, đến từ bên ngoài hay từ bên trong trái tim. Càng văn minh con người càng có nhiều nỗi sợ mới. Nỗi sợ làm người ta mất tự do, mất bình an, mất vui… “Đừng sợ” là điệp khúc trấn an được Đức Giêsu nhắc lại nhiều lần. Đừng sợ, Simon, khi Thầy gọi anh đi theo (Lc 5, 10). Đừng sợ khi Thầy đi trên mặt nước mà đến (Mt 14, 27). Đừng sợ sau khi thấy Thầy được biến hình (Mt 17, 7). Đừng sợ, Giairô, dù con gái ông đã chết (Mc 5, 36). Đừng sợ, hỡi các phụ nữ, khi gặp Thầy phục sinh (Mt 28, 10). Nỗi sợ có vẻ gắn liền với phận người mong manh. Nhưng Đức Giêsu muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi nỗi sợ. Có người môn đệ sợ bị mất mạng, đến nỗi không dám rao giảng, không dám tuyên nhận Thầy trước mặt người đời. Đức Giêsu mời các môn đệ nói công khai giữa ban ngày, trên mái nhà, điều mình nghe Thầy thì thầm trong đêm khuya (c. 27). Họ không được giữ riêng cho mình điều đã lãnh nhận. Đừng sợ cái giá phải trả cho việc rao giảng, làm chứng cho Thầy, vì có điều gì còn quý hơn cả sự sống thân xác nữa (c. 28). Trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng sợ chết, vì Ngài còn quá trẻ. Nhưng Ngài đã không để cho nỗi sợ thắng mình, khi dám nói tiếng xin vâng, buông đời mình trong tay Cha. Cha lo cho cả những sinh vật bé nhỏ, tưởng như vô giá trị. Chim sẻ là thức ăn rẻ tiền nhất vào thời Đức Giêsu. Tiền lương một ngày mua được ba chục con chim sẻ. “Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha” (c. 29). Cả đến sợi tóc của trên đầu chúng ta cũng được Thiên Chúa đếm (c. 30). Dù một sợi cũng được Thiên Chúa giữ gìn (Lc 21, 18). Chính vì thế người Kitô hữu được giải phóng khỏi những nỗi sợ đeo đẳng. Họ chẳng còn sợ ai, ngoài Thiên Chúa. Vấn đề không phải là trở nên vô cảm, không biết sợ là gì. Nhưng là biết sợ ai. “Mày cùng chịu một án phạt mà không biết sợ Thiên Chúa ư?” Anh trộm lành đã nói với người kia như vậy (Lc 23, 40). Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những nỗi sợ vu vơ, để chúng ta được tự do, biết lo điều phải lo, biết sợ điều phải sợ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con dám hành động theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa. Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện, vì xác tín rằng Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, Chúa ngàn lần quảng đại hơn con, và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con. Lạy Chúa Giêsu trên thập giá, xin cho con dám liều theo Chúa mà không tính toán thiệt hơn, anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ, can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim, và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa. Ước gì khi dâng lên Chúa những hy sinh làm cho tim con rướm máu, con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt của người một lòng theo Chúa.
Trong vũ trụ con người rất bé nhỏ. Chỉ như một hạt bụi. Và luôn có những thế lực khiến con người sợ hãi.Vì có thể nghiền nát con người. Nhưng Chúa Giê-su dạy ta khôn ngoan phân định. Nên biết sợ và không biết sợ.
Đừng sợ những thế lực đời này. Vì họ chỉ có thể huỷ hoại được thân xác. Nhưng không huỷ hoại được linh hồn. Họ chỉ chiếm đoạt đời này của ta. Nhưng không thể chiếm đoạt đời sau. Quyền lực của họ mau qua. Chính họ cũng tàn lụi theo quy luật tự nhiên. Thế lực trần gian chính là một phép thử con người. Thử óc phân định. Thử thái độ chọn lựa. Thử sự trung tín. Thử mức độ siêu thoát. Để xem ta chọn lựa trần gian hay Thiên Chúa.
Chúa dạy ta hãy biết sợ Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa làm chủ cả đời này lẫn đời sau. Vì Thiên Chúa có thể huỷ hoại cả thân xác lẫn linh hồn. Vì Thiên Chúa là vị thẩm phán tối cao. Sẽ xét xử cả vũ trụ lẫn con người.
I-sa-i-a đã được chứng kiến vinh quang Thiên Chúa. Vinh quang bao trùm cả vũ trụ. Cả trời đất tràn ngập vinh quang Thiên Chúa. Thiên Chúa thống trị cả trời đất muôn loài. Nếu có phải sợ ta phải sợ Thiên Chúa (năm chẵn).
Tổ phụ Giu-se đã hiểu được điều đó. Trong khi anh em ngài chưa hiểu. Nên cư xử theo thói đời. Khi có quyền thế thì ức hiếp người khác. Khi đối diện với quyền lực thì sợ hãi khiếp nhược. Nhưng tổ phụ Giu-se đã cư xử khác hẳn. Có lẽ trước kia ngài cũng từng sợ người đời. Nhưng từ khi cảm nghiệm được quyền năng Thiên Chúa trong đời mình ngài thay đổi thái độ. Ngài kính sợ Thiên Chúa. Vì biết Thiên Chúa làm chủ vận mệnh. Ngài cảm nghiệm được quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Không những cứu ngài khỏi bàn tay người phàm. Mà còn hạ nhục những kẻ có sức mạnh. Nâng cao ngài là một người yếu ớt bé nhỏ. Chính vì thế mà ngài khoan dung với anh em. Không xét xử anh em. Để Thiên Chúa xét xử. Không dám dùng quyền của mình trên anh em. Vì biết trên mình còn có quyền năng tuyệt đối là Thiên Chúa. Và chính quyền năng của mình cũng là do Thiên Chúa ban tặng (năm lẻ).
Xin cho con hiểu được chân lý này như I-sa-i-a. Như tổ phụ Giu-se. Để con không sợ những thế lực đời này. Không sợ mất mát đời này. Nhưng luôn kính sợ Thiên Chúa. Và biết kính trọng anh em.
Mahatma Gandhi, nhà tranh đấu bất bạo động cho quyền con người và nền độc lập của Ấn Ðộ, đã có lần nhắn nhủ các môn sinh như sau: "Sự thật và tình thương sẽ chiến thắng. Hãy suy nghĩ điều đó và hành động theo sự thật và tình thương. Ðừng bao giờ dùng bạo lực đáp trả bạo lực, vì làm như thế là bắt chước lối sống man rợ của những người dùng bạo lực. Khi dùng bạo lực, những người đó cho thấy nỗi thất vọng và trạng thái thú hóa của họ. Chúng ta hãy sống như con người. Những người dùng bạo lực có thể đánh đập và giết chết thân xác chúng ta, nhưng không thể giết được tinh thần và quyền lợi của chúng ta, họ không thể giết được sự thật. Sự thật và tình thương sẽ chiến thắng. Hãy suy nghĩ kỹ và hãy sống theo sự thật và tình thương, bởi vì nếu sống theo bạo lực và hận thù, thì thế giới sẽ trở thành mù lòa".
Ðã từng vào tù ra khám, đã từng bị đánh đập hành hung, con người đã nói những lời trên đây chưa một lần tỏ ra sợ sệt. Ngày 30/01/1948, ông ngã gục vì nhát gươm của một người quá khích. Cái chết của ông là một cụ thể hóa của chính chủ trương bất bạo động mà ông đã đề ra.
Sẵn sàng chết để làm chứng cho sự thật và tình thương với niềm tin vào sự bất tử của linh hồn con người, Mahatma Gandhi dù chưa phải là Kitô hữu, nhưng đã sống theo lời Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay, đó là sống hiên ngang, không sợ hãi trước các cường lực sự dữ, không sợ hãi những người chỉ giết được thân xác, nhưng không làm gì được linh hồn; sống trung thực với phẩm giá của con cái Chúa, không để mình rơi vào tình trạng hóa thú và nô lệ cho bạo lực: "Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, mà không giết được linh hồn".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào thực tế cuộc sống và tỏ ra thái độ phù hợp với người có lòng tin. Từ chuyện phải vất vả kiếm sống đến chuyện tương lai của con cái và những khó khăn trong việc sống đạo, chúng ta được mời gọi để múc lấy ánh sáng của Tin Mừng và chiếu dọi vào những thực tế ấy. Là người Kitô hữu, tôi phải sống những thực tại ấy thế nào? Lý tưởng của tôi là tìm mọi cách để có nhiều của cải vật chất hay là tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính trước?
"Môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn chủ". Chúa Giêsu đã đi con đường của nghèo khó, thua thiệt, bách hại, thập giá, tha thứ và tha thứ cho đến cùng. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ đề ra cho chúng ta một lý tưởng, một con đường để đi theo, Ngài chính là con đường, là sự thật và là sự sống. Chúng ta tin rằng nếu chúng ta kết hiệp với Ngài, chúng ta sẽ được sức mạnh của Ngài để thắng vượt mọi gian nan thử thách. Chúng ta cũng tin rằng bên kia những hao mòn và chết chóc trong thân xác, tâm hồn chúng ta sẽ được mãi mãi kết hiệp với Ngài.
“Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không thể giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt được cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.”
Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. (Mt. 10, 28. 32-33)
Chúng ta sợ hãi cái gì?
Bạn hãi hỏi xem người ta sợ hãi cái gì? Hầu như ai nấy cùng có một câu trả lời. Người ta sợ bị ốm đau, tật nguyền sợ mất của cải hay công ăn việc làm, sợ phải sống cô đơn, sợ mất danh thơm, tiếng tốt, sợ bị kẻ bất lương tấn công ngoài đường phố, sợ phải xa cách người thân yêu, sợ chết…
Điều ta lo sợ trong cuộc sống ấy, bởi chính nó gây tổn thương, mất mát, thiệt thòi hay tàn tật cho ta. Ta không khinh chê coi thường những xao xuyến, sợ hãi kia. Nhưng chỉ có nguyên những lo âu xao xuyến này thôi sao, và đó phải chăng là những điều quan trọng nhất? còn biết bao điều lẽ ra khiến ta phải bàng hoàng lo sợ, thế mà ta lại bình chân như vại.
Những điều đáng sợ mà người ta lại không nghĩ đến.
Bạn hỏi xem người ta có lo sợ vì không kính mến Thiên Chúa và yêu thương người ta đủ không? Hãy hỏi xem người ta có sợ vì chỉ biết sống bo bo mà không biết chia sớt với anh em mình không. Người ta có run sợ vì đã không coi trọng Phúc Âm, không sống đời cầu nguyện và nói về Chúa Giêsu đủ không? Những người mà bạn đặt những câu hỏi trên đây cho họ, có lẽ đều bỡ ngỡ. Vì phần lớn thời giờ, có bao giờ tâm trí họ màng đến những điều như trên đây.
Chúng ta thường sợ hãi vì những chuyện chẳng đáng gì, còn những điều lẽ ra lòng ta phải xao xuyến âu lo, thì ta lại chẳng màng chi đến. Ta hãy biết sợ. Kiểu nói đó, nghe không suôi. Bởi vì Chúa đâu có muốn cho ta phải sống trong nơm nớp sợ hãi; nhưng Người muốn ta luôn được sống trong yêu thương an bình. Điều Chúa mang đợi ở ta là luôn hướng về Người và các anh em ta. Người mong muốn cho ta chẳng phải sợ gì, chẳng sợ ai cả, nhưng vững tin rằng Chúa Thánh Thần hằng ngự trong ta che chở và dẫn dắt ta đến cùng Cha.
Lạy Chúa, xin cho con biết xao xuyến và sợ hãi những khi con thấy mình xa Chúa. Xin giúp con biết đem lại niềm hy vọng mới cho những ai đang hao mòn vì những xao xuyến sợ hãi đủ thứ trong cuộc đời.
Khi khởi đầu sứ vụ Phêrô, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa đón nhận Đức Kitô”. Tại sao Đức Giáo Hoàng lại nói như thế? Phải chăng ngài nhận ra một thế giới đang xa dần Thiên Chúa, hay lòng người đã buông xuôi và không chấp nhận hoặc không dám đứng về phía sự thiện?
Thật vậy, ngày nay, khi con người được Thiên Chúa quan phòng cho có khả năng để phát minh ra nhiều điều mới lạ, hữu ích để phục vụ nhân loại cho tốt hơn, thì cũng là lúc con người muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ. Bởi vì họ sợ Chúa và những giá trị Tin Mừng của Ngài làm cho họ phải thay đổi một nếp sống mà họ đang theo, nếp sống đó là sự bất chính, trái với Tin Mừng của Chúa dạy.
Như vậy, dù trong mọi hoàn cảnh, mọi thời... người môn đệ Chúa Kitô vẫn được sai đến với những nơi đang xa dần Thiên Chúa như thế. Dẫu biết rằng đây là điều khó, đôi khi phải chết vì sứ vụ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đừng sợ cái giá phải trả cho việc làm chứng về Đức Giêsu. Hãy can trường tín thác nơi Chúa. Hãy tin tưởng vào Đức Giêsu vì Ngài đã thắng thế gian.
Mong sao trong mọi hoàn cảnh, chúng ta đều xác tín rằng: sự thật sẽ giải thoát chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn tỏa sáng niềm vui Tin Mừng trong cuộc sống. Xin cho chúng con luôn được ơn can đảm để dấn thân vào mọi môi trường, hầu loan báo về Chúa cho muôn dân. Amen.
Sứ điệp: Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng ta phải kính sợ. Xác tín điều đó, ta sẽ can đảm làm chứng cho Chúa, và ta sẽ sống đạo vì Chúa mà thôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chính Chúa đã tạo dựng hồn xác con và làm chủ mạng sống con. Chỉ có Chúa là Đấng con yêu mến và kính sợ trên hết mọi người, mọi sự. Thế nhưng đối với con điều ấy không dễ. Áp lực xã hội và dư luận là rào cản hữu hình, con dễ nhận thấy nên con thường sợ những điều ấy hơn sợ Chúa. Con thường sợ người đời cười chê hơn kính sợ Chúa. Con nể xã hội, bạn bè, cha mẹ, hơn kính nể Chúa. Rất nhiều lúc vì nể nang mà con đã làm điều sai trái. Con mà không đi lễ thì sợ người ta đánh giá con khô khan, con mà gian tham thì sợ người ta khinh ghét con, con không đóng góp việc chung thì sợ người ta coi con là kẻ keo kiệt, ích kỷ. Chúa đang mong con phải tiến xa hơn mức độ đó. Con sống tốt không phải vì sợ ai cho bằng là vì con muốn sống đẹp lòng Chúa. Làm phiền lòng Chúa, đó là điều con đáng sợ nhất mà con phải sợ.
Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho con để con nhận ra Chúa đang hiện diện bên con và nhìn thấy con, để nhờ đó, trước khi suy nghĩ điều gì, nói câu gì hoặc làm việc gì, con sẽ biết chọn lựa, đắn đo suy nghĩ, nói năng, hành động sao cho đẹp lòng Chúa. Được mọi người đánh giá tốt về con, đó là điều đáng mừng. Nhưng điều đáng mừng nhất và cần thiết nhất là con sống sao để chính Chúa cũng đánh giá tốt về con.
Xin Chúa cho con biết kính sợ Chúa hết lòng để con can đảm sống theo lời Chúa. Và với lòng kính sợ nhưng tràn ngập tin yêu phó thác, con sẽ can đảm làm chứng về Chúa mà không sợ hãi. Amen.
Ghi nhớ: “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác”.
Ngày 16 tháng 10 năm 1978, khi những làn khói trắng tại thành Vatican Rôma bay lên, cả Rôma đổ xô về đền thờ thánh Phêrô và tất cả thế giới hướng về thủ đô của Giáo hội Công giáo. Vị Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo sau Mật Nghị Hồng y đã được bầu lên ngôi. Chuông của các Giáo đường ở Rôma vang rền chào đón một triều Giáo hoàng mới bắt đầu. Ít phút sau, tên của vị Giáo hoàng - Đức Karol Wojtyla với tước vị Gioan Phaolô II được xướng lên, vị Giáo hoàng đến từ sau bức màn sắt, đất nước Balan. Ngài đã bước ra ban công để chúc lành cho thế giới với trách nhiệm kế vị thánh Phêrô, một trong những lời mà Ngài đã ngỏ lời với thế giới: “Đừng sợ và tin vào Chúa Kitô”.
Lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II xác định rõ tinh thần của Đức Kitô: “Anh em đừng sợ” (Mt 10,26) mà trước đó Đức Kitô nói đến viễn cảnh những người tin sẽ phải đối diện với sự bách hại và thử thách niềm tin (x. Mt 10,17-25). Hãy sống với niềm tin vào Thầy, vào Cha Thầy. Niềm tin biểu lộ bằng sự vượt qua sợ hãi, sợ hãi do những cơn bách hại, sợ hãi do từng cụ thể hoàn cảnh gây cho con người bối rối lo âu...
Suy niệm
Thân phận của con người luôn đối diện với những sự việc hay hoảng hốt sợ hãi, Tin Mừng đã ghi lại một số sự việc như là tiêu biểu của sự sợ hãi của kiếp nhân sinh:
Thấy Chúa đến với mình khi đi trên mặt biển, các tông đồ hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên (Mt 14,26). Thánh Phêrô dù được Chúa cho đi trên mặt biển với Chúa, nhưng trước phong ba bão tố, ông vẫn cứ sợ và chìm dần xuống, Chúa đã có mặt và dẫn dắt ông đi trong bình an (x. Mt 14,29-33)
Các tông đồ có Chúa bên cạnh trong hành trình vượt sóng, phong ba bão tố nổi lên, các ông sợ tàu của mình sẽ bị nhấn chìm, Đức Kitô chỉ ra lệnh một tiếng: Hãy im ngay và trời đất tỏa sáng cảnh thái bình (x. Mc 4,35-41)
Các tông đồ sợ, khi Thầy bị bắt nên đã bỏ trốn đi hết (x. Mt 26,56). Ông Phêrô trước áp lực truy lùng của người Do Thái cũng đã chối Thầy… (x. Mt 26,69-75). Các tông đồ sợ hãi vì thầy đã mất, người Do Thái đang tìm các ông để thanh toán “món nợ” cũ, lại trước tin đồn “các ông lấy xác Thầy rồi loan tin sống lại” làm các ông hoảng loạn, đóng kín cổng cao tường không dám tiếp xúc với ai bên ngoài (x. Ga 20,19). Vì thế, các ông hoang mang, sợ hãi và một số đã bỏ về quê như hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24,13-23).
Tất cả tâm tư sợ hãi nơi các môn đệ là tiêu biểu cho sự sợ hãi của kiếp con người có lẽ mang tâm tư của Isaia đã trải nghiệm: “Lòng tôi dao động, nỗi kinh hãi khiến tôi bàng hoàng. Cảnh chiều tà xưa tôi ưa thích nay trở thành mối lo sợ cho tôi” (Is 21,4).
Giữa muôn nỗi bàng hoàng, lo sợ thì Đức Kitô đã đến mang sứ điệp hy vọng “anh em đừng sợ” vì “anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”, thánh Ambrôsiô đã khẳng định: “Nếu Thiên Chúa luôn quan tâm cho cá, chim sẽ đơn giản... thì không nghi ngờ rằng: Ngài luôn nhìn với sự chăm sóc chú ý đến với người tín hữu trung tín”.
Trong cuộc sống vất vả, lo âu khó khăn đã làm chúng ta sợ, đó là niềm sợ hãi của kiếp nhân sinh mà ai ai cũng phải đối diện, làm bào mòn niềm tin của người tín hữu như Gióp đã trải nghiệm, chua xót, thở than đầy thất vọng: “Ðến bao giờ Ngài mới ngoảnh mặt đi để con yên thân nuốt trôi nước miếng? Con phạm tội có hề chi đến Ngài, lạy Ðấng dò xét phàm nhân? Sao Ngài cứ đặt con làm bia để bắn? Phải chăng con đã nên gánh nặng cho Ngài? (G 7,19-20). Hiện tại đã thế, thì tương lai lại càng mịt mù hơn, nỗi niềm sợ hãi luôn chồng chất trên sợ hãi... Nếu còn chút niềm tin, lời khấn cầu càng trở nên thống thiết: “Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài, xin Ngài đừng để con tủi nhục, đừng để quân thù đắc chí nhạo cười con” (Tv 25,2).
Bỗng Lời của Chúa thì thầm trong tâm hồn như Ngài đã hứa với ngôn sứ Isaia: “Đừng sợ hãi: Có Ta ở với ngươi. Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta”. Cho nên: “Trong ngày con sợ hãi, con tin tưởng vào Ngài” (Tv 56,4) và vì thế, tôi sống và tiến bước mang tâm tình mà Thánh Vịnh đã xác tín: “Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 27,13)
Mong cho tôi và bạn vững bước tiến đi giữa bao thăng trầm của cuộc sống như Lời Chúa dạy “Đừng có sợ, hãy tin vào Thầy” (Mc 4,40). Tin vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác tín.
Chúa Giêsu cho các môn đệ biết: Tôi tớ không thể hơn chủ. Người ta đã đối xử tệ bạc với Thầy thì người ta cũng đối xử với các con tệ bạc hơn. Nhưng các con đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn các con. Các con cứ mạnh dạn tuyên bố điều Thầy nói riêng với các con. Mọi sự sẽ có Cha trên trời lo cho các con, vì các con trọng hơn chim sẻ nhiều. Ai nhận Thầy trước mặt người đời thì Thầy cũng nhận người đó trước mặt Cha Thầy. Còn ai chối Thầy thì Thầy cũng chối kẻ ấy.
‘‘Môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn chủ”
Cha ông chúng ta thường nói rằng: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, nghĩa là con cái và cháu chắt thừa kế nhiều nét giống nhau từ cha mẹ và ông bà mình. Trong bài Tin mừng Chúa Giêsu cũng có ý nói: Chúa Giêsu thế nào thì những ai theo Chúa cũng như vậy. Kitô hữu là những người phải nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu.
Cách so sánh trên đây cho thấy lý do gây ra bách hại, là sự đồng nhất sâu xa giữa Chúa Giêsu và các Tông đồ. Chính khi chịu bách hại, người Tông đồ nên giống Chúa Giêsu hơn. Điều này an ủi, khích lệ và tăng thêm sức mạnh cho các Tông đồ khi phải đương đầu với những khó khăn.
Chúa Giêsu đã đi trên con đường của nghèo khó, thua thiệt, bách hại, thập giá, tha thứ và tha thứ cho đến cùng. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ đề ra cho chúng ta thấy một lý tưởng, một con đường để đi theo. Ngài chính là con đường, là sự thật và là sự sống. Chúng ta tin rằng nếu chúng ta kết hiệp với Ngài, chúng ta sẽ được sức mạnh của Ngài để thắng vượt mọi gian nan thử thách. Chúng ta cũng tin rằng bên kia những hao mòn và chết chóc trong thể xác, tâm hồn chúng ta sẽ được mãi mãi kết hiệp với Ngài.
‘‘Các con đừng sợ người ta”
Phản ứng tự nhiên của con người trước khó khăn, bách hại, là lo sợ. Chúa Giêsu đã khuyên các Tông đồ can đảm làm chứng cho Ngài, và Ngài cũng khuyên họ đừng sợ. Đừng sợ những kẻ vu oan, vì không có gì ẩn khuất mà không bị lộ. Trung thành với sự thật đôi khi cũng khiến chúng ta phải trả giá có khi bằng chính mạng sống của mình.
Chúa Giêsu cũng nhắc chúng ta đừng sợ những kẻ chỉ có thể làm hại thân xác, mà không thể giết được linh hồn. Thân xác có thể bị thiệt thòi, nhưng linh hồn sẽ không hề hấn gì, nếu chúng ta vững tin vào Chúa.
Lần thứ ba Ngài nhắc chúng ta đừng sợ là vì chúng ta quí trọng hơn nhiều, nếu Thiên Chúa đã chăm lo cho chim sẻ ngoài đồng, thì huống hồ là con người, ý thức mình được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc, chúng ta sẽ dấn thân nhiều hơn để làm chứng cho Chúa.
Hãy nghe tiếng nói của lương tâm
Chúa Giêsu bảo các môn đệ của Ngài đừng sợ người đời. Những gì Ngài nói với họ trong bí mật, họ phải tỏ lộ cho mọi người biết. Những gì Ngài nói với họ ban đêm, họ phải nói ra giữa ban ngày. Những gì họ nghe rỉ tai, họ phải leo lên mái nhà mà rao giảng. Trong bí mật, giữa ban đêm, rỉ tai, những kiểu nói này có thể gợi lên cho chúng ta “tiếng nói của lương tâm”.
Lương tâm chính là tiếng nói của Thiên Chúa trong sâu thẳm tâm hồn con người. Tiếng nói của lương tâm quả thật không chấp nhận thỏa hiệp và nhân nhượng. Đòi hỏi của tiếng nói ấy triệt để đến độ con người phải sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình để trung thành sống theo tiếng nói ấy. Không thỏa hiệp với các sức mạnh của gian dối, không vì một chút đặc ân dễ dãi và nhất là quyền lực, của cải, danh vọng, mà bán đứng lương tâm hay thinh lặng đồng loã. Đó là thách đố lớn nhất và cũng là thách đố duy nhất của Giáo hội cho những người có quyền bính trong Giáo hội, cho mọi tín hữu Kitô trong giai đoạn hiện nay (Mỗi ngày một tin vui).
Người ta thường nói: “Bất nhập hổ huyệt, an đắc hổ tử: không vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con. Muốn đem Tin mừng đến cho người khác thì người tông đồ phải biết dấn thân, và dấn thân cũng có nghĩa như liều mạng. Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc nhở cho chúng ta cái tư tưởng “Đừng sợ”. Chúng ta có thể tìm thấy từ ngữ “đừng sợ” 365 lần trong Kinh thánh. Người tông đồ chỉ có thể tìm được sự can đảm nếu biết tin cậy phó thác cho Chúa.
Truyện: Tại sao lại sợ?
Một sĩ quan người Anh có đức tin mạnh mẽ cùng gia đình xuống tàu để phục vụ ở một xứ xa. Tàu rời bến được vài ngày thì gặp bão. Mọi người rất sợ, nhưng vợ viên sĩ quan sợ hơn cả, còn ông thì bình thản như chẳng có sự gì xảy ra. Vợ ông trách ông là ông không quan tâm gì đến an nguy của vợ con. Ông không nói nhiều, vào phòng rồi quay trở ra với một thanh kiếm trong tay. Ông dí mũi kiếm vào ngực vợ. Lúc đầu bà tái mặt nhưng liền sau đó bỗng cười lên không tỏ gì là sợ hãi nữa.
- Làm sao em có thể cười khi anh dí mũi kiếm vào ngực em?
- Làm sao em sợ được khi lưỡi kiếm ấy ở trong tay một người rất thương em.
- Vậy tại sao em lại muốn anh sợ cơn bão này khi anh biết rằng nó ở trong tay của Cha anh là người hằng yêu mến anh (Góp nhặt).
Chúa Giêsu tiếp tục dạy các tông đồ về sứ mạng rao giảng Phúc Âm. Ngài báo trước là người tông đồ sẽ bị bách hại, nhưng khuyến khích họ đừng sợ vì những lý do sau:
a/ Lý do thứ nhất: khi chịu bách hại là họ được vinh dự chia sẻ thân phận của Thầy mình.
b/ Lý do thứ hai: những kẻ bách hại chỉ giết được thân xác nhưng không giết được linh hồn họ.
c/ Lý do thứ ba: Người tông đồ còn được Chúa bảo vệ, bất cứ điều gì xảy đến cho họ cũng nằm sẵn trong kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa.
d/ Lý do thứ tư: nếu họ giữ được lòng trung thành và can đảm thì họ sẽ được phần thưởng là Chúa sẽ tuyên bố và nhận họ là người của Ngài.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Khi thực sự yêu thương ai, người ta sẽ lấy làm sung sướng được chịu khổ vì người mình yêu. Các tông đồ đã sung sướng như thế (x. Cv 5,4-41). Xin cho con thêm yêu thương Chúa, đến độ cảm thấy vui mừng chịu đau khổ vì Chúa.
2. “Ai tuyên bố Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy rằng sẽ tuyên bố người đó trước mặt Cha Thầy Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy rằng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy Đấng ngự trên trời”: Ta tuyên bố nhận Chúa bằng cuộc sống đạo mạnh dạn không sợ dư luận, bằng cách tận dụng tốt những cơ hội để nói về Chúa cho người khác hiểu, và bằng cách chọn lựa coi trọng những giá trị siêu nhiên hơn những giá trị tự nhiên.
3. “Trò không hơn Thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như Thầy, tớ được như chủ là đã khá lắm rồi”. (Mt 10,24-25)
Một lần kia tôi đang loay hoay tìm cách đưa một em trai độ lớp 8 đang bị bệnh về nhà, thì một chú xích lô đến can ngăn và kể rằng chú cũng có một người bạn chạy xích lô, lần nọ gặp một thanh niên bị xe đụng và đưa về nhà dùm. Vừa về đến nhà, anh thanh niên ấy nằm ngay đơ ra. Thế là cả nhà xúm lại đổ tội cho chú. Và chú bị tóm đưa vào đồn. Làm ơn mắc oán. Thật xót xa!
Chúa Giêsu cũng đã bị xử tệ như thế, và còn hơn thế nữa. Vậy tại sao tôi lại phải sợ, vì “Trò không hơn Thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như Thầy tớ được như chủ là đã khá lắm rồi”.
Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời này có lắm cái xấu và những người xấu, nhưng bên cạnh đó còn có biết bao nhiêu người đang cố gắng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Xin cho con đừng bao giờ vì sợ người xấu mà chỉ cộng tác với người lành. (Hosanna)
Sự sợ hãi thường làm cùn nhụt chí khí của con người. Vì sợ bị đói khát, nghèo khổ, thiếu thốn mà rất nhiều người đã trở nên nhỏ nhen, ích kỷ, tham lam.
Vì sợ bị coi thường, bị khinh dể, bị chà đạp mà nhiều người đã trở nên kinh kiệu, kiêu căng, độc ác.
Vì sợ mất uy tín, mất uy quyền, mất quyền lợi thế gian mà Giáo Hội đôi khi cũng đã có những quyết định không hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng.
Vì sợ bị bắt bớ, bị thiệt thòi phiền hà, mà nhiều người đã có thái độ đóng chặt cửa giống như các tông đồ ngày đầu tuần trước biến cố Phục Sinh. Họ cố “chôn thật kỹ nén bạc của mình”, với một thái độ lúc nào cũng cảnh giác đối với những người chung quanh, làm cho bầu khí yêu thương bị chết nghẹt.
Josepth Staline, vị chủ tịch thét ra lửa của nước Nga rất sợ khi đi ngủ mỗi đêm. Ông ta đã làm cho mình bảy phòng ngủ khác nhau, mỗi phòng được khóa cẩn thận như một cái tủ sắt vậy. Để cho kẻ thù không biết ông ngủ ở phòng nào, đêm nào Staline cũng thay đổi phòng ngủ. Ông có năm chiếc xe với năm tài xế khác nhau. Khi đi đâu, màn cửa các xe đều rũ kín để không ai biết ông ngồi trên chiếc xe nào. Ông sợ người ta đầu độc đến nỗi ông phải tuyển một người hầu để chỉ làm một việc duy nhất là nếm trước những món ông ăn thật kỹ mỗi ngày.
Vâng, sự sợ hãi đã làm cho con người nói chung và những người con của Chúa nói riêng, không còn giữ được lòng trung thực với chính mình nữa.
Bởi vậy, người môn đệ của Chúa cần phải biết “không sợ”. “Đừng sợ” (Bất úy) thì chúng ta mới có thể có được thái độ trẻ thơ mà tha thứ và yêu thương.
Trong kho truyện Thiền có câu chuyện sau:
Trong một ngôi làng kia có một nhà sư rất mực đạo đức được mọi người mến chuộng. Nhưng rồi một ngày kia có một cô gái trong làng lỡ mang thai với tình nhân. Vì sợ hãi, cô đã đổ thừa cho nhà sư kia là tác giả của bào thai đó. Nghe vậy, cả làng phỉ nhổ ông và khi đứa bé chào đời thì người ta đem đến trao cho ông, bắt ông phải nuôi. Người ta đã không tiếc lời mắng nhiếc ông một cách thậm tệ. Nhưng ông vẫn bình tĩnh trả lời họ:
- Thế à!
Rồi ông vui vẻ nhận đứa bé, rồi hằng ngày đi xin sữa mà nuôi nó.
Sau một thời gian vì hối hận, cô gái kia thú nhận sự thật. Cả làng hốt hoảng đến xin lỗi và xin nhận đứa bé trở lại. Nhà sư cũng chỉ nói:
- Thế à! Rồi giao lại đứa bé cho mẹ của nó.
Trước mỗi biến cố cuộc đời, người Kitô hữu thường hay băn khoăn: “Tôi phải làm gì? Phải cầu nguyện hay hành động, phải im lặng hay lên tiếng? Phải đấu tranh hay chia sẻ, phải lên án hay cảm thông?” Chúa muốn chúng ta phải luôn trung thực. Muốn thế thì phải không biết sợ. Bằng không, chúng ta khó có thể có được tự do để đứng về phía chân lý và tình yêu.
Mục sư Wumbrant bị cầm tù nhiều năm. Ông bảo rằng, trong Thánh Kinh có 365 lần Lời Chúa dạy ta đừng sợ, như thế mỗi ngày ông sống một câu. Và trong suốt năm lúc nào ông cũng giữ được tinh thần bình an thanh thản và yêu thương những người bắt giam ông.
2. Khi thực sự yêu thương ai, người ta sẽ lấy làm sung sướng được chịu khổ vì người mình yêu. Các tông đồ đã sung sướng như thế (Cv 5,4-41).
Các ngài đã yêu thương Chúa, đến độ cảm thấy vui mừng được chịu đau khổ vì Chúa.
Một sỹ quan người Anh có đức tin mạnh mẽ cùng gia đình xuống tàu để phục vụ ở một xứ xa. Tàu rời bến vài ngày thì gặp bão. Mọi người rất sợ, người vợ viên sỹ quan thì lại sợ hơn cả. Phần ông thì ông cứ bình thản như chẳng có gì xảy ra. Vợ ông trách ông là đã không quan tâm gì đến an nguy của vợ con.
Trước thái độ hoảng hốt của người vợ như thế, ông không nói một lời. Ông vào phòng rồi quay trở ra với một thanh kiếm trong tay. Ông dí mũi kiếm vào ngực vợ. Lúc đầu bà tái mặt đi nhưng ngay sau đó thì bà phá lên cười thật lớn tiếng như không biết sợ hãi là gì. Thái độ đó làm cho vị sĩ quan thắc mắc:
- Làm sao em có thể cười khi anh dí mũi kiếm vào ngực em?
- Làm sao em sợ được khi lưỡi kiếm trong tay một người rất thương em!
- Vậy thì tại sao em lại muốn anh sợ cơn bão này khi anh biết rằng, nó ở trong tay Cha anh là người hằng yêu mến anh? (Góp nhặt).
Mẹ Têrêsa nói: “Đừng sợ. Cuộc sống phải có nỗi thống khổ, phải có sự đau đớn - đó là dấu hiệu rõ ràng Chúa Giêsu đã kéo bạn đến gần trái tim của Ngài đến mức Ngài có thể chia sẻ nỗi đau đớn của Ngài cùng bạn.”
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống phó thác. Amen.