Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.
Đây là tên của mười hai Tông đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.
Chúa Giêsu đã sai mười hai vị này đi và truyền rằng: "Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: 'Nước Trời đã gần đến'".
Đức Giêsu đã cần mười hai bạn trẻ cộng tác với mình, để làm mục tử cho đàn chiên, làm thợ gặt cho mùa lúa chín vàng, làm tông đồ cho một nước Paléttin nhỏ bé. Ngài chia sẻ cho họ uy quyền mình có và sứ vụ mình làm (c. 1). Con số mười hai gợi nhớ mười hai chi tộc Israel ngày xưa. Giáo Hội Ngài thiết lập sẽ là Israel mới, đặt nền trên mười hai bạn trẻ. Chúng ta khó hình dung khuôn mặt riêng của mỗi vị tông đồ, nhưng ta biết tên của họ qua các sách Tin Mừng, dù có chút dị biệt. Họ có cá tính và cuộc đời riêng, nhưng đều được gọi bởi Thầy Giêsu, và được Thầy sai đến với dân tộc mình là Israel (c. 6). Tin Mừng Mátthêu kể tên nhóm Mười Hai theo từng cặp. Simôn Phêrô đứng đầu danh sách, còn Giuđa Ítcariốt thì đứng cuối. Chỉ sau này ta mới biết Simôn sẽ chối Thầy và Giuđa sẽ phản bội. Có những cặp anh em ruột: Simon và Anrê, Gioan và Giacôbê. Có người làm nghề thu thuế cho quân đô hộ: Mátthêu. Có người lại muốn dùng vũ trang giải phóng đất nước: Simôn nhiệt thành. Có ba người được coi là môn đệ thân tín: Phêrô, Gioan và Giacôbê. Nói chung đa số là những người ít học thức, làm nghề đánh cá. Được sai đi thật là một thách đố đối với họ. Họ có làm nổi những việc Thầy giao không? Vào thời Đức Giêsu, rao giảng “Nước Trời đã đến gần” là điều không dễ. Để người ta tin chuyện đó, cần phải minh chứng bằng hành động cụ thể, như chữa lành bệnh hoạn và khử trừ thần ô uế. Vào thời nay, rao giảng Tin Mừng Nước Trời lại càng không dễ. Rao giảng vẫn phải đi kèm với các việc phục vụ con người. Lập một bệnh xá, bắc một cây cầu, đào một giếng nước, giúp trẻ em nghèo đến trường, đưa người cai nghiện về lại với cộng đoàn, cho các cô gái lầm lỡ có chỗ sinh con và nuôi con… Giáo Hội đã làm nhiều việc và vẫn còn bao nhu cầu mới mẻ. Nhưng có một việc mà xã hội hôm nay không biết là mình đang cần, đó là được giải phóng khỏi những thần ô uế mới đang ám ảnh con người. Mười Hai tông đồ ngày xưa đã đi khắp mảnh đất Paléttin, và đã đặt chân đến những vùng đất mới. Thế giới hôm nay rộng hơn và phẳng hơn xưa. Chúng ta được Đấng Phục sinh sai đến mọi dân tộc (Mt 28, 20). Các phương tiện truyền thông ngày nay giúp ta dễ dàng làm chuyện đó. Nhưng chúng ta vẫn không được quên, trên quê hương Việt Nam gần 80 triệu đồng bào chưa đón nhận Tin Mừng.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, Cha muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha. Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người chưa nhận biết Đức Giêsu, họ cũng là những người đã được cứu chuộc. Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới. Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng. Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên, giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài, qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con. Chúng con cũng cầu nguyện cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo. Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái. Amen.
Thật diệu kỳ tình thương của Thiên Chúa. Chúa đã chúc phúc cho nhà Gia-cóp. Nhưng các con ông bất hoà vì ghen ghét đã bán Giu-se sang Ai-cập. Ý Chúa nhiệm mầu đã khiến Giu-se trở thành tể tướng nước Ai-cập, chuyên lo cấp phát lúa gạo cho dân trong thời đói kém. “Cứ đến với Giu-se”. Đó là chính là Chúa chăm lo cho dân. Con cái ông Gia-cóp cũng phải sang Ai-cập mua thóc lúa. Giu-se thử lòng và thấy họ đã biết sám hối tội lỗi. “Họ bảo nhau: “Than ôi! Chúng ta có lỗi với em chúng ta: chúng ta đã thấy nó phải ngặt nghèo. Nó đã năn nỉ chúng ta, nhưng chúng ta chẳng nghe. Chính vì thế mà chúng ta gặp cảnh ngặt nghèo này”. Vì thế, Chúa tha tội, và ông Giu-se đã cấp phát lúa gạo cho họ (năm lẻ).
Hô-sê vừa trách móc dân bội bạc vừa hiểu biết tình thương vô bờ của Thiên Chúa và thấy trước Thiên Chúa sẽ cứu độ dân Người. Tình thương Thiên Chúa thật lớn lao. Đã vun trồng Ít-ra-en thành cây nho “sum suê, trái trăng thật dồi dào phong phú. Nhưng trái trăng càng nhiều, chúng càng dựng thêm các bàn thờ ngẫu tượng…” Chúa trừng phạt họ: “Thế là Sa-ma-ri tiêu tùng”. Ông khuyên nhủ dân chúng hãy ăn năn sám hối. “Hãy gieo công chính, rồi sẽ gặt được tình thương. Hãy khai khẩn đất hoang; đây là thời kiếm tìm Đức Chúa”. Và ông tiên báo Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ: “Cho đến khi Người đến làm mưa công chính trên các ngươi” (năm chẵn).
Đến thời đến buổi Thiên Chúa sai chính Con Một xuống trần cứu độ trần gian. Thật là một tình yêu lớn lao. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Người”. Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Thật là một sáng kiến vượt trí tưởng tượng của loài người. Dân cũ đã hư hỏng. Nên Chúa Giê-su lập ra một dân mới. Dân cũ phát sinh từ 12 chi tộc dòng dõi Gia-cóp. Dân mới cũng có 12 cột trụ là 12 tông đồ được Chúa tuyển chọn. Dân cũ bị những thần tượng ngoại lai cám dỗ. Bị ma quỉ khống chế. Dân mới được Chúa cứu khỏi ách nô lệ ma quỉ, xác thịt, thế gian. Đi đến đâu Người xua trừ ma quỉ đến đó. Các tông đồ tiếp tục công việc của Chúa. Vì Chúa “ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. Đi khắp nơi các ông rao giảng: “Nước Trời đã đến gần”.
Thật cao cả tình thương của Thiên Chúa. Thật lạ lùng sáng kiến của Thiên Chúa. Hôm nay Chúa cũng mời gọi tôi hãy giúp Chúa mở rộng Nước Thiên Chúa. Hãy xua trừ thần ô uế. Và chữa lành mọi bệnh tật. Vì thế giới hôm nay còn nhiều thần dữ thống trị. Và có rất nhiều chứng bệnh đo thần dữ và thế gian gây ra.
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở về cội nguồn của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðể thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao giảng Tin Mừng. Trong số các môn đệ ấy, Ngài đã chọn mười hai người làm Tông Ðồ và trở thành cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Nếu Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô, thì Giám mục đoàn mà đứng đầu là Ðấng kế vị thánh Phêrô cũng chính là những người tiếp tục làm cột trụ của Giáo Hội.
Chúa Kitô quả thật đã thành lập một Giáo Hội hữu hình có phẩm trật, phẩm trật ấy hiện hữu không ngoài mục đích tiếp tục sứ mệnh Ngài đã ủy thác cho các Tông Ðồ. Do đó, tiếp nhận quyền bính trong Giáo Hội cũng chính là chấp nhận quyền bính mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Ðồ. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội tông truyền, điều đó không chỉ có nghĩa là Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông Ðồ, mà còn có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận quyền bính mà các Tông Ðồ đã truyền lại cho các đấng kế vị, tức Giám mục đoàn mà thủ lãnh là Ðức Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô. Ðây chính là nền tảng sự hiệp thông trong Giáo Hội. Không thể nói đến hiệp thông khi một Giám mục đứng riêng rẽ bên ngoài Giám mục đoàn để truyền dạy những điều nghịch đức tin và luân lý của Giáo Hội, và cũng không còn là hiệp thông khi một tín hữu không tuân giữ quyền giáo huấn của Giám mục đoàn và của thủ lãnh Giám mục đoàn là Ðức Giáo Hoàng.
Dân chủ vốn là một phạm trù dễ bị lạm dụng. Ngay tại những nước có dân chủ thực sự, thì hai chữ "dân chủ" cũng bị lạm dụng không kém. Khi một luật pháp bất công như luật cho phép phá thai chẳng hạn được số đông bỏ phiếu tán thành, phải chăng đây không phải là một lạm dụng của trò chơi dân chủ. Giáo Hội luôn đề cao tinh thần dân chủ đích thực, nhưng Giáo Hội không hề là một chế độ dân chủ, trong đó các thành phần có thể bỏ phiếu chọn người lãnh đạo hoặc tán thành một khoản luật. Giáo Hội cũng chẳng là một tổ chức mà người ta có thể xếp vào bất cứ chế độ nào. Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa Kitô, chân lý chúng ta phải tuyên xưng là do Chúa Kitô mạc khải và ủy thác cho các Tông Ðồ, và truyền lại cho các đấng kế vị các ngài. Luật phải giữ cũng chính là luật của Chúa Kitô đã ủy thác cho các Tông Ðồ và các đấng kế vị các ngài. Tiêu chuẩn cho biết một thành phần Giáo Hội có hiệp thông với Giáo Hội hay không, là tinh thần tuân phục đối với quyền bính của những đấng kế vị các Tông Ðồ.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta tinh thần khiêm tốn, để luôn luôn biết đón nhận và tuân phục giáo huấn của Ngài được ủy thác cho các Tông Ðồ và Giáo Hội. Xin Chúa gìn giữ Giáo Hội được hiệp thông quanh đấng kế vị thánh Phêrô mà Chúa đã đặt làm thủ lãnh Giáo Hội.
Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Dọc đường hãy rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần.” (Mt. 10, 1. 7)
Sai đi truyền giáo
Khi Chúa sai các Tông đồ đi truyền giáo, Chúa cho các ông một chỉ thị rất rõ ràng: “Tốt hơn là anh em hãy đến với các con chiên lạc nhà It-ra-en”. Vậy là có những người mà các tông đồ phải ưu tiên đến với họ. Họ không phải là dân ngoại, cũng không phải là những người xa xăm chưa biết Chúa. Những người đầu tiên mà các môn đệ phải đi tới, đó là những đồng bào của các ông đang sống bất trung và tội lỗi. Các ông phải đến với họ. Các ông phải ra đi tiếp xúc gặp gỡ để loan báo cho họ biết rằng Nước Trời đã đến gần.
Hãy đi ra bên ngoài giáo hội
Chỉ thị trên đây của Chúa, ta hãy đem ra áp dụng đúng vào hoàn cảnh hôm nay của ta. Những người mà ta phải nói cho họ biết về Chúa, lại đang ở rất gần ta. Họ là những người đồng hương với ta. Họ là những người bà con lối xóm của ta. Họ là những người cùn nghề cùng sở làm với ta. Nhưng ta phải đến với họ nhân danh Chúa Giêsu, có nghĩa là vì hạnh phúc đời đời của họ mà ta phải đi bước trước, phải tới gõ cửa nhà họ để giới thiệu cho họ biết có một đấng luôn yêu thương họ, và quan tâm đến vận mệnh đời đời của họ. Bởi vì rất có thể là họ sẽ không đến với ta và Giáo hội.
Có một thời Giáo hội đã quá quen với nếp sống ù lì là thích tiếp nhận những kẻ đến với mình hơn là ra đi đến với họ. Thời đó nay đã qua rồi. Giáo hội không thể là một biệt khu khép kín. Các linh mục không thể chỉ luẩn quẩn làm việc trong nhà xứ. Các tín hữu không thể chỉ coi mình là những nhà truyền giáo cho những người đang sống trong lòng Giáo hội mà thôi. Đã đến lúc phải vượt ra bên ngoài Giáo hội, phải ra khỏi các phòng hội họp của giáo xứ để đi đến những nơi công cộng, để thâm nhập vào mọi nơi, mọi tầng lớp xã hội. Để chu toàn sứ mệnh của mình, Giáo hội phải tỏ mình ra và hành động ở bên ngoài các nhà thờ. Nếu chỉ có ở tại nhà thờ, ta mới biết làm chứng lòng tin của mình, thì thiết tưởng ta vẫn chưa phải là những chứng nhân theo như Chúa muốn.
Xem lại CN 11 TN A, thứ Sáu tuần 2 TN và thứ Tư tuần 25 TN
Truyền Giáo là bản chất của Giáo Hội. Nếu không truyền giáo, chúng ta đánh mất bản chất của mình. Vì thế, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định “Giáo Hội vẫn sẽ tiếp tục là một Giáo Hội truyền giáo trong tương lai, bởi vì đặc tính truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo Hội” (Thông điệp Tertio Millennio Adveniente, số 57). Bởi vì Giáo Hội coi: “Truyền giáo là một ân sủng, ơn gọi xứng hợp, và là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 14).
Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ chung chia sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha. Sứ mạng ấy là: hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi hầu cho “muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).
Cùng một sứ mạng, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta, những Kitô hữu, mỗi người một cách, hãy loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi bằng nhiều cách thế khác nhau để cho muôn dân được nhận biết Đức Giêsu và ơn cứu độ của Ngài mang lại.
Mong sao, lệnh truyền của Đức Giêsu “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15), và thái độ, ý thức về truyền giáo của thánh Phaolô cũng là của chính chúng ta: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9, 16).
Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn trợ lực cho các nhà thừa sai trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, để các ngài chu toàn bổn phận đã được trao phó, đồng thời, xin cho chúng con được trở nên môn đệ và được tiếp bước với Chúa trên cánh đồng mênh mông bao la hiện nay. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu sai các tông đồ và toàn thể Hội Thánh đi loan báo Nước Thiên Chúa đến gần, Chúa muốn chia sẻ chính sứ mạng của Chúa. Để ta chu toàn sứ mạng này, Chúa đã ban ơn chế ngự các thần ô uế.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, con được Chúa ban sự sống của Chúa, được làm con Thiên Chúa. Và đồng thời ngay lúc ấy, con cũng được Chúa trao ban sứ mạng cứu độ của Chúa. Chúa cho con trở nên một chứng nhân, một dấu hiệu của Nước Chúa, được trở nên ánh sáng cho thế gian, nên muối ướp cho đời, nên men thấm vào trong bột.
Đó là một ân huệ cao cả. Con dâng lời cảm tạ Chúa. Xin Chúa giúp con tích cực làm chứng cho Chúa trong môi trường sống của mình, trong gia đình, nơi giáo xứ, tại chỗ làm việc hay học tập của con. Chính trong môi trường sống hằng ngày mà Chúa đã sai con đến để loan báo Nước Trời đã đến. Xin cho con ý thức rằng mỗi lời con nói, mỗi công việc con làm, mỗi thái độ sống của con, đều có thể trở nên dấu chỉ của Chúa, đều có thể là tiếng loan báo sự hiện diện của Nước Trời.
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho các tông đồ có quyền trên các thần ô uế. Hằng ngày con cũng được Chúa ban ơn thánh hóa để con được hiện diện giữa lòng đời như một yếu tố làm sạch cuộc sống. Để có thể góp phần thay đổi bộ mặt cuộc sống này, xin Chúa giúp con biết quý trọng và duy trì ơn thánh Chúa trong con. Xin giúp con sống trung thành với ơn gọi Kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban cho các tông đồ sức mạnh chữa các bệnh hoạn tật nguyền. Nhưng hôm nay, chính Chúa đã đích thân đến chữa lành tâm hồn con bằng Mình Máu Chúa. Con xin dâng lời tạ ơn và đón nhận hồng ân cao quý này. Amen.
Ghi nhớ: “Các con hãy đến cùng chiên lạc nhà Israel”.
Một cậu bé thăm bạn nằm trong bệnh viện. Họ nói chuyện về sinh hoạt ở bệnh viện Công giáo. Cậu bé hỏi: “Tại sao một số nữ tu mặc đồ trắng và một số khác lại mặc đồ đen?”.
Bạn cậu bé trả lời: “Ồ, những người mặc đồ trắng cho bạn thuốc uống, còn những người mặc đồ đen cầu nguyện cho bạn khi thuốc hết công hiệu”.
Suy niệm
Tin Mừng ghi nhận Chúa Giêsu gọi và chọn mười hai tông đồ với tên tuổi rõ ràng (x. Mt 10,1-6; Mc 3,13 -19; 6,7-13; Lc 6,12 -16; 9,1-6), nhóm Mười hai được giao sứ mạng đi đến với muôn dân và làm cho muôn dân trở nên môn đệ của Đức Giêsu (x. Mt 28,19).
“Các anh hãy theo Tôi”, một lời mời gọi đến gặp, gắn bó với Đức Kitô là ánh sáng, là nguồn sống: “Sự sáng thế gian, chính là Ta! Ai theo Ta sẽ không phải đi trong tối tăm, nhưng nó sẽ có ánh sáng sự sống” (Ga 8,12), người môn đệ có tình yêu cứu độ, lên đường đem Tin Mừng ánh sáng cứu độ cho mọi tâm hồn…
Chính nhờ lời rao giảng gương sáng cuộc sống của người môn đệ, thế gian nhận ra ánh sáng của Thiên Chúa như Đức Kitô đã nói với những người Ngài tuyển chọn: “Các con là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian” (Mc 9,50; Lc 14,34-35).
Mọi người được mời gọi đích danh trở nên môn đệ và trong ơn gọi làm môn đệ như Chúa Giêsu khẳng định: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái anh em tồn tại” (Ga 15,16).
Sứ mệnh loan báo nước Trời này không chỉ dành cho các tông đồ nhưng cho hết mọi người, mỗi người một cách, loan báo về Ðức Giêsu, nước Chúa…
Thật thế, Chúa đang thì thầm gọi tôi, gọi bạn, Ngài gọi đích danh mỗi người “hãy theo Ta”. Theo Ngài để khám phá tình yêu, trở nên môn đệ và được sai đi…
Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Mátthêu ghi lại việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 Tông đồ và sai các ông đi loan báo Nước trời đã gần đến. Sứ mệnh này không phải chỉ dành riêng cho các Tông đồ hoặc những người có trách nhiệm mà cả chúng ta nữa, những người Kitô hữu, mỗi người một cách, phải loan báo về Chúa Giêsu và kêu mời mọi người vào trong Giáo hội, vào trong tình yêu của Chúa.
Theo truyền thống, bất cứ một bậc thầy nào cũng cần có các môn sinh, môn đệ để tiếp tục lý tưởng và sự nghiệp của mình. Các bậc hiền nhân trong lịch sử và các tiên tri trong Cựu ước có các môn đệ, thánh Gioan Tiền hô cũng có nhiều môn đệ. Chúa Giêsu cũng vậy, trong ba năm giảng dạy, Chúa đã kêu gọi nhiều môn đệ, trong số đó Chúa chọn 12 người làm Tông đồ, để tiếp tục sự nghiệp cứu rỗi nhân loại mà Ngài đã khởi đầu.
Chúa gọi và chọn chứ họ không tự mình được chọn hoặc tự ứng cử, nghĩa là Chúa ở một vị trí cao hơn, Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế, điều kiện đầu tiên để trở thành Tông đồ là được Chúa chọn. Các môn đệ ở lại với Người, nghĩa là họ phải được tách ra khỏi đám đông và đến; như thế, điều kiện thứ hai là khi được gọi họ phải được tách riêng ra, nghĩa là phải có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn.
Có lẽ chẳng ai trong chúng ta xa lạ với xuất xứ của các Tông đồ: đa số họ là những ngư phủ nghèo nàn, thất học. Họ được chọn từ đám đông giai cấp lao động, trong số họ cũng có hai khuôn mặt tiêu biểu cho sự tranh chấp của xã hội Do thái lúc đó: Mátthêu người thu thuế và Simon nhiệt thành. Nhóm Nhiệt thành cương quyết chống ngoại xâm, sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ lề luật, còn đám thu thuế thì lại chạy theo ngoại bang, hợp tác với những kẻ đang thống trị xứ sở để trục lợi.
Có thể nói, những người mà Chúa Giêsu chọn lựa tiêu biểu cho sự thấp kém trong xã hội Do thái. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, nhưng Ngài vẫn tuyển chọn, vì đường lối Thiên Chúa khác với đường lối con người. Điều Ngài cần nơi họ không phải là cái đang là, mà là cái sẽ là. Họ tầm thường khiếm khuyết, nhưng với ơn Chúa, họ sẽ làm nên được những việc phi thường (Mỗi ngày một tin vui).
Chúng ta thấy: mười hai Tông đồ yếu kém về mọi mặt, thế mà đã thay đổi được cả một đế quốc Rôma và cả thế giới sau này nữa. Quả thật, khi Chúa còn sống bên cạnh, các ông còn quê mùa, hay sợ sệt, tham vọng tầm thường, và khi Chúa chết, các ông bỏ trốn vì sợ liên luỵ. Thế mà sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông can đảm, khôn ngoan, đấu lý với hết mọi bậc người, ra tù vào khám vì danh Chúa, và các ông đã xây dựng nước Chúa ngay tại nơi đế quốc đã từng tiêu diệt Thầy mình và cả các ông nữa.
Tại sao họ yếu kém như thế mà dám đương đầu với những thế lực kình địch và biến đổi được cả thế giới như vậy? Thưa, họ đã trở thành những dụng cụ hữu hiệu trong bàn tay Thiên Chúa toàn năng, Ngài làm được mọi sự Ngài muốn. Còn các Tông đồ thì có một đức tin vững mạnh, nếu các ông không tin vào quyền năng Thiên Chúa đã lựa chọn các ông, ở với các ông, hỗ trợ các ông, chắc chắn các ông không bao giờ dám nhận một công việc to lớn và nặng nề như thế.
Chúa cũng sai chúng ta đi vào đời đem Tin mừng của Chúa đến cho mọi người như Chúa đã sai các Tông đồ ngày xưa, đấy là vinh dự và bổn phận của các Kitô hữu.
Nếu công đồng Vatican II khẳng định: “Bản chất của Hội thánh là truyền giáo” thì mọi Kitô hữu cũng chính là những sứ giả Tin mừng, cũng có trách nhiệm như Hội thánh. Những lời Chúa Giêsu nói với các Tông đồ ngày xưa vẫn còn vang vọng nơi chúng ta, vẫn còn có tính cách thời sự của nó. Chúa muốn chúng ta đi vào cánh đồng truyền giáo rộng rãi bao la bát ngát để đem nhiều người về với Chúa. Cảm xúc của Chúa Giêsu đứng trước cánh đồng lúa chín vàng ối “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” cũng phải là cảm xúc của chúng ta đứng trước tình hình thế giới hiện nay: chúng ta hãy xin Chúa sai nhiều sứ giả Tin mừng đến cánh đồng truyền giáo, đồng thời chúng ta cũng có thể góp phần vào công việc loan báo Tin mừng bằng chính “cuộc sống chứng tá” của chúng ta.
Truyện: Chúa chọn họ làm Tông đồ
Có một tác giả đã tưởng tượng ra việc Chúa chọn các Tông đồ như sau: Sau những đêm dài cầu nguyện, Ngài rảo bước khắp nơi nhưng không chọn được người nào. Ngài đành đăng quảng cáo, nhưng trong số những người đến trình diện, Ngài không chọn được một ai.
Ngài đành tổ chức thế vận hội. Môn đầu tiên là cầu nguyện: Nhiều người biểu diễn cầu nguyện rất hay nhưng Chúa không chọn được ai cả. Môn thứ hai là thờ phượng, cũng thế. Môn thứ ba là giảng thuyết, cũng thế.
Chán nản vì mất thời gian vô ích, Chúa Giêsu rời vận động trường để ra bờ biển hóng gió và ở đây Ngài thấy đám dân chài. Ngài đứng quan sát và nhận ra có một số người để hết tâm hết lực vào công việc họ đang làm. Ngài nghĩ thầm trong lòng, họ là những người có quả tim. Và thế là Ngài chọn họ làm Tông đồ của Ngài (Chờ đợi Chúa).
1. Chúa Giêsu ban quyền cho nhóm 12: họ có quyền trên các thần ô uế và có quyền chữa lành các bệnh tật.
Đây chính là những quyền của Chúa Giêsu (x. Mt 9,35), cho nên nhóm 12 có cùng những quyền với Chúa Giêsu… Hơn nữa nếu so với Mt 4,17 (tóm sứ điệp Chúa Giêsu rao giảng) với câu cuối cùng của đọc Phúc Âm này (“các con hãy đi rao giảng rằng Nước trời đã gần đến”) thì các ông cũng rao giảng cùng sứ điệp như Chúa Giêsu. Như thế danh dự của người giảng Phúc Âm là có cùng quyền năng như Chúa Giêsu và giảng cùng một sứ điệp như Ngài.
2. Trong danh sách 12 tông đồ chúng ta thấy. Họ xuất thân từ nhiều nơi và từ nhiều thành phần khác nhau, đa số là nghèo, ít học và không có địa vị cao trong xã hội.
3. Những chỉ dẫn đầu tiên về cách cư xử:
- Đừng đến với dân ngoại nhưng chỉ đến với chiên lạc nhà Israel
- Nội dung rao giảng: ”Nước trời đã gần đến”.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Chúa Giêsu không chọn những người tài cao học rộng giàu sang và có địa vị xã hội cao, mà chọn những người có tấm lòng và có thiện chí. Hai điều này là đủ, mọi điều khác Chúa sẽ lo.
2. Một tác giả tưởng tượng việc Chúa chọn các tông đồ như sau: Sau những đêm dài cầu nguyện, Ngài rảo bước khắp nơi nhưng không chọn được người nào, Ngài đành đăng quảng cáo, nhưng trong số những người đến trình diện Ngài cũng không chọn được ai.
Ngài đành tổ chức thế vận hội. Môn đầu tiên là cầu nguyện: nhiều người biểu diễn cầu nguyện rất hay nhưng Chúa không chọn được ai cả. Môn thứ hai là thờ phượng, cũng thế. Môn thứ ba là giảng thuyết, cũng thế.
Chán nản vì mất thời giờ vô ích, Chúa Giêsu rời vận động trường ra bờ biển hóng gió và ở đây Ngài thấy đám dân chài. Ngài đứng quan sát và nhận ra có một số người để hết tâm hồn vào công việc. Ngài nghĩ thầm họ là những người có quả tim. Và thế là Ngài chọn họ làm tông đồ của Ngài. (Trích “Chờ đợi Chúa”).
3. Con số 12 tông đồ: Theo Thánh Agustinô và R. Maur thì con số 12 là nhân lên bởi 3 và 4. Con số 3 là chỉ sự hoàn hảo như 3 Ngôi, Chúa chết 3 ngày đêm. Con số 4 là chỉ bốn phương trời. Vậy nếu con số 3 là hoàn hảo, được nhân lên 4 lần càng hoàn hảo. Ngoài ra Thánh Kinh còn nói Giacob có 12 người con nắm quyền trị vì 12 cho tộc Israel. Sách Khải huyền mô tả nước trời là một Giêrusalem ngợp đầy ánh sáng huy hoàng có 12 cửa, và trên cửa có 12 thiên thần (Kh 21,12). Tóm lại con số 12 ám chỉ sự khiêm hạ và trưởng thành dần dần.
12 tông đồ khác biệt nhau về tính tình, học thức, nghề nghiệp và lòng tin. Đa số là người miền Bắc Do Thái, có mình Giuda ở miền nam. Các tông đồ làm thành một nhóm gọi là Tông đồ đoàn. Ngày nay Giáo hội cũng được tổ chức rập khuôn như thế là trên hết có Đức giáo hoàng và dưới là các Giám mục năm châu.
4. Mười hai tông đồ còn rất non yếu nên Chúa Giêsu không sai họ đến với những đối tượng khó khăn (dân ngoại), mà chỉ đến với những người Israel trước. Chúa không giao sứ mạng quá sức con người đâu. Cho nên tôi đừng ngần ngại và sợ hãi gì cả.
5. Chúa cũng chọn Giuđa, cũng ban quyền cho Giuđa và cũng sai Giuđa đi rao giảng Phúc Âm. Nghĩa là Chúa cũng tin tưởng và đặt hy vọng vào Giuđa. Nhưng Giuđa không đáp lại niềm tin tưởng và hy vọng của Chúa.
Chúa cũng tin tưởng và đặt hy vọng vào con, xin cho con đừng phụ lòng Chúa.
6. Sứ mạng của người rao giảng Phúc Âm là đẩy lùi sự xấu (xua đuổi các thần ô uế) và cứu chữa những khổ đau (chữa lành những người bệnh).
7. “Chúa Giêsu gọi 12 môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trước các thần ô uế, để các ông trừ khử chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. (Mt 10,1)
Vào thời Chúa Giêsu, người ta quan niệm người bị tật nguyền là người tội lỗi và làm điều ô uế. Nhưng theo Chúa Giêsu, những người đó được sinh ra là để làm sáng danh Chúa, và chính Ngài đã từng chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Ngài cũng đã cảm hoá được nhiều người tội lỗi trở về với Chúa Cha.
Ngày nay, sự ô uế hiện ở nhiều mặt: dối trá, tham lam, trộm cắp, ăn chơi sa đoạ… Cánh cửa ô uế vẫn luôn luôn mở và tồn tại song song với cánh cửa Nước trời. Chính vì thế, sau khi Phục sinh Chúa Giêsu đã ban cho các tông đồ một đặc ân là: trừ khử mọi ô uế và chữa lành mọi bệnh tật.
Đặc ân ấy ngày nay không chỉ dành riêng cho 12 tông đồ mà cho mọi tín hữu. Mỗi Kitô hữu phải nhận lấy nhiệm vụ trừ khử ô uế nơi chính mình và giúp anh em thoát khỏi mọi điều ô uế.
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho các tông đồ quyền trừ khử ô uế nhằm làm Sáng Danh Chúa, thì xin Chúa cũng ban thêm cho con sức mạnh để trừ khử ô uế nơi chính bản thân con, sống tốt hơn và yêu mến Chúa hơn. (Hosanna)
- Chúa Giêsu ban quyền cho nhóm 12: họ có quyền trên các thần ô uế và có quyền chữa lành các bệnh tật.
- Sau đây là những chỉ dẫn đầu tiên về cách cư xử mà các tông đồ phải theo:
* Đừng đến với dân ngoại nhưng chỉ đến với chiên lạc nhà Israel.
* Nội dung lời rao giảng là: “Nước Trời”.
- Hãy loan báo cho mọi người là “Nước Trời đã gần đến” (Mt 10,7).
Vâng, trước khi Chúa Giêsu sai các tông đồ đi thực tập rao giảng, Chúa đã ban quyền cho các ngài. Nói một cách cụ thể hơn, Chúa Giêsu chia sẻ quyền của Ngài cho nhóm 12. Như vậy, nhóm 12 cũng được dùng những quyền của Chúa Giêsu (Mt 10,1).
Hơn nữa, nếu đem so với Mt 4,17: Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” với câu cuối cùng của đoạn Tin Mừng này: “Các con hãy rao giảng rằng, Nước Trời đã gần đến” thì chúng ta thấy các ông cũng rao giảng cùng một sứ điệp như Chúa Giêsu. Như vậy là người rao giảng Tin Mừng vừa có cùng một quyền năng như Chúa Giêsu mà còn cùng phải rao giảng một sứ điệp như Chúa. Đó là một vinh dự rất lớn lao.
2. Chúa Giêsu không chọn những người tài cao, học rộng, giàu sang và có địa vị xã hội, mà lại chọn những người có tấm lòng và có thiện chí. Vâng, chỉ cần hai điều này thôi, còn mọi điều khác Chúa sẽ lo.
Có một tác giả đã tưởng tượng ra việc Chúa chọn các tông đồ như sau: Sau những đêm dài cầu nguyện, Ngài rảo bước khắp nơi nhưng không chọn được người nào, Ngài đành đăng quảng cáo, nhưng trong số những người đến trình diện, Ngài không chọn được ai.
Ngài đành tổ chức thế vận hội. Môn đầu tiên là cầu nguyện: nhiều người biểu diễn cầu nguyện rất hay nhưng Chúa không chọn được ai cả. Môn thứ hai là thờ phượng, cũng thế. Môn thứ ba là giảng thuyết, cũng thế.
Chán nản vì mất thời giờ vô ích, Chúa Giêsu rời vận động trường ra bờ biển hóng gió và ở đây Ngài thấy đám dân chài. Ngài đứng quan sát và nhận ra có một số người để hết tâm hết lực vào công việc đang làm. Ngài nghĩ thầm trong lòng họ là những người có quả tim. Và thế là Ngài chọn họ làm tông đồ của Ngài. (Chờ đợi Chúa).
Chúa cũng chọn Giuđa, cũng ban quyền cho Giuđa và cũng sai Giuđa đi rao giảng Tin Mừng. Nghĩa là Chúa cũng tin tưởng và đặt hy vọng vào Giuđa. Nhưng Giuđa không đáp lại niềm tin tưởng và hy vọng của Chúa.
Sứ mạng của người rao giảng Tin Mừng là “xua đuổi các thần ô uế tức là đẩy lùi sự xấu và “chữa lành những người bệnh” tức là cứu chữa những người khổ đau, đau khổ nơi thân xác cũng như đau khổ trong tâm hồn. Kết quả là “Các ông đã trừ khử được thần ô uế và cũng chữa hết được các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1).
Còn chúng ta hôm nay thì sao? Sứ mạng loan báo cho mọi người biết Tin Mừng của Chúa Giêsu phải được thực hiện cho đến ngày tận thế.
Phải nói rằng, ngày hôm nay, sự ô uế vẫn còn hiện diện ở khắp nơi dưới rất nhiều khuôn mặt: dối trá, tham lam, trộm cắp, ăn chơi sa đọa. Cánh cửa ô uế vẫn luôn luôn mở rộng và tồn tại song song với cánh cửa Nước Trời. Nếu xưa kia, sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu đã ban cho các tông đồ một đặc ân là: trừ khử mọi ô uế và chữa lành mọi bệnh tật thì đặc ân ấy, hôm nay Chúa cũng ban cho mọi người tín hữu chúng ta như vậy. Mỗi người Kitô hữu phải nhận lấy trách nhiệm của mình trong việc làm giảm đi những khổ đau, những bất hạnh, những nỗi nhục của anh em mình để tất cả được sống một cuộc sống xứng đáng là con Thiên Chúa hơn.
Sáng thứ bảy, 13/9/97, tại Sân Vân Ðộng Netaji của thành phố Calcutta, với sức chứa khoảng 15 ngàn người, Ðức Hồng Y Angelo Sodano, quốc vụ khanh Tòa Thánh, và là Ðặc sứ của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cầm đầu phái đoàn Tòa Thánh, đã chủ sự thánh lễ An Táng Mẹ Têrêsa thành Calcutta, cùng với 3 vị Hồng Y, 30 vị Giám Mục và khoảng 170 linh mục đến từ 14 quốc gia. Ba vị Hồng Y cùng đồng tế với Ðức Hồng Y Sodano, là Ðức Hồng Y Lourdusamy, người Ấn Ðộ, cựu tổng trưởng bộ Giáo Hội Ðông Phương; Ðức Hồng Y Pimenta, cựu Tổng Giám Mục Bombay; và Ðức Hồng Y Jean Claude Turcotte, Tổng Giám Mục Montreal, Canada. Trong bài giảng thánh lễ, phần kết, Ðức Hồng Y Angelo Sodano đã nói: “Mẹ Têrêsa đã thắp lên ngọn lửa tình yêu thương, mà những người con tinh thần của mẹ, nam cũng như nữ, những nhà truyền giáo của tình bác ái, từ nay cần tiếp tục giữ cho ngọn lửa đó cháy sáng mãi. Thế giới ngày nay đang hết sức cần ánh sáng và sự nồng ấm của ngọn lửa này”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trở thành dụng cụ của tình yêu thương. Amen.