"Nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy lên án thế hệ này".
Lời Chúa: Mt 12, 38-42
Khi ấy, có mấy luật sĩ và biệt phái thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ".
Người trả lời: "Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ! Nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giona. Cũng như xưa tiên tri Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy.
Tới ngày phán xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó, vì họ đã nghe lời tiên tri Giona mà sám hối tội lỗi, nhưng đây có Ðấng cao trọng hơn Giona.
Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó: vì bà từ biên thuỳ trái đất đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, nhưng đây có Ðấng cao trọng hơn Salomon".
Sinh trong một gia đình người Pháp giàu có, quý phái và đạo đức, Anh Charles de Foucauld mất đức tin từ năm 16 tuổi. Hai năm sau Anh học ở trường sĩ quan Saint-Cyr nổi tiếng của Pháp, đã đi thám hiểm nước Ma rốc ở châu Phi và được huy chương vàng. Sau thời gian đó anh đã muốn suy nghĩ về đời mình. Đời sống đạo đức của người chị em họ đánh động Anh nhiều. Anh đi nhà thờ dù chẳng tin gì, chỉ thích lặp đi lặp lại lời nguyện này: “Lạy Chúa, nếu Chúa hiện hữu, thì xin làm cho con nhận biết Chúa.” Chúa đã làm cho Anh nhận biết Ngài vào một ngày cuối tháng 10-1886. Khi được chị họ giới thiệu với cha sở Huvelin ở Paris, anh đã xin học đạo. Nhưng cha lại bảo anh vào tòa giải tội và xưng tội. Anh ngần ngại, nhưng đã chấp nhận quỳ xuống, và bất ngờ nếm được niềm vui khôn tả của người con lưu lạc trở về. Đời Anh đã bắt đầu sang trang từ giây phút ấy. Chúa đưa Anh trở lại không bằng những dấu lạ lùng, nhưng qua bà chị họ đạo đức, qua cha sở Huvelin nhiều kinh nghiệm. Ơn hoán cải của Anh không dựa trên những dấu lạ làm Anh ngất ngây, nhưng đến từ khiêm nhường tìm kiếm và quỳ xuống đón nhận. Chỉ ai biết quỳ xuống mới nhận ra dấu bình thường là dấu lạ. Đức Giêsu không vui khi người Pharisêu và những người đương thời muốn thấy dấu lạ và tìm kiếm dấu lạ (cc. 38-39). Họ chờ mong một dấu lạ làm họ lóa mắt, gây ấn tượng mạnh, khiến họ không thể chối cãi và buộc họ phải tin. Tiếc rằng Đức Giêsu không bao giờ có ý muốn làm thứ dấu lạ như vậy. Ngài không làm dấu lạ để biểu diễn quyền năng của mình trước con người. Ngài chỉ làm dấu lạ để phục vụ nhu cầu con người và loan báo Nước Chúa. Dấu lạ là dấu chỉ mời gọi chứ không cưỡng bức người xem phải tin. Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ, nhưng họ vẫn không tin, vẫn đòi dấu lạ mới, và còn bảo dấu lạ của Ngài là nhờ dựa vào tướng quỷ (Mt 12, 24). Khăng khăng đòi dấu lạ cho thấy lòng họ dứt khoát từ chối Đức Giêsu. Chẳng có dấu lạ nào làm họ thay đổi được cái nhìn về Ngài. Đức Giêsu đã từng trách các thành vùng Galilê vì họ không sám hối (Mt 11,20). Nay Ngài cũng quở trách một số người Pharisêu như vậy. Vào ngày phán xét, chính dân Ninivê và Nữ hoàng Phương Nam sẽ kết án họ, vì họ đã cứng lòng không tin Đức Giêsu (cc. 41-42). Làm thế nào chúng ta nhận ra những dấu lạ Chúa vẫn làm cho đời ta, để ta không đòi hỏi thêm dấu lạ nữa, nhưng mãn nguyện với những gì mình nhận được? Làm thế nào để chúng ta hạnh phúc vì vẫn được nghe giảng bởi chính Đấng còn hơn Giôna nữa, vẫn được tiếp xúc với Đấng còn khôn ngoan hơn vua Salômôn nữa?
Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con không nhận là ơn. Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên. Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con, và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng. Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban bởi lẽ điều đó có hại cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn. Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.
Người Do thái đòi xem dấu lạ. Óc hiếu kỳ thích những điều mới lạ thì ai cũng có. Nhưng trong vận mệnh thiêng liêng những dấu lạ có ích gì nếu chỉ để xem cho vui. Thiên Chúa đã làm biết bao kỳ công. Nhưng không phải để biểu diễn cho người ta vui mắt. Những điềm kỳ dấu lạ Chúa thực hiện chỉ vì đời sống, đặc biệt đời sống thiêng liêng của con người mà thôi. Vì thế dấu lạ lớn lao quan trọng nhất phải là dấu lạ đức tin.
Chúa chỉ làm dấu lạ khi ta có đức tin. Dân Do thái ở trong một hoàn cảnh nguy nan như mành chỉ treo chuông. Họ lấy gì đối địch với quân binh Ai cập hùng mạnh. Nhưng vì tin vào Chúa họ chỉ ngồi im. Và Chúa đã làm điều kỳ diệu nhất. Cho người Do thái vượt qua Biển đỏ khô chân (năm lẻ).
Gio-na trở thành dấu lạ vì dân Ni-ni-vê có đức tin. Nếu Ni-ni-vê không có đức tin, Gio-na không thể trở thành dấu lạ. Nói cách khác việc Gio-na nằm trong bụng cá cũng trở thành vô ích vì chẳng đem đến ơn cứu độ.
Đức tin phải dẫn đến việc làm. Tin không phải ngồi chờ sung rụng. Nhưng dấn thân vào việc làm. Mô-sê phải giơ gậy trên biển. Con cái Ít-ra-en phải bước xuống lòng biển. Ni-ni-vê phải từ bỏ nếp sống tội lỗi. Ăn chay đền tội. Nữ hoàng Se-ba phải từ bỏ quê hương. Giong buồm vượt biển xa xôi. Chấp nhận sóng gió.
Và sau cùng đức tin phải dẫn đến thay đổi đời sống. Ít-ra-en vượt qua Biển Đỏ rồi ký kết giao ước tuân giữ Lời Chúa. Mi-kha nói với dân nếu tin Chúa phải thay đổi đời sống. Dâng tiến bò bê không đủ nữa. Phải thực thi công bằng. Quý yêu nhân nghĩa. Và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa (năm chẵn). Ni-ni-vê thay đổi nếp sống. Tiết độ đức hạnh. Công bình bác ái. Nữ hoàng Sê-ba thay đổi nếp sống. Áp dụng những gì mắt thấy tai nghe tại Giu-đa trong xứ sở mình.
Chúa Giêsu là dấu lạ lớn lao nhất khi nằm trong mồ ba ngày. Dấu lạ đó thay đổi vận mệnh đời tôi. Đem ơn cứu độ cho tôi. Đem đến cho tôi tình yêu và hi vọng. Nhưng Chúa tử nạn và phục sinh chỉ thực sự trở thành dấu lạ khi tôi tin tưởng. Niềm tin phải có hành động. Hành động đầu tiên là hoán cải. Chừa bỏ tội lỗi xưa cũ. Và hành động phải dẫn đến việc cùng chết với Chúa để được cùng sống với Chúa. Chết cho tội lỗi. Sống cho Thiên Chúa. Chết cho xác thịt. Sống theo Thân Khí.
Trong quyển tự thuật "Vì Danh Ta", một Mục sư người Hungari đã kể lại kinh nghiệm của ông. Bị bắt và bị chuyển từ trại này sang trại khác, vị Mục sư vẫn âm thầm rao giảng Lời Chúa cho các bạn tù. Trong 13 năm tù, ông đã giúp cho rất nhiều bạn tù được gặp gỡ Chúa. Ông đã kết thúc quyển tự thuật cũng là bài ca tuyên xưng đức tin của ông như sau:
"Trong suốt thời gian bị tù đày, tôi đã hiểu được rằng Lời Chúa đi vào tâm hồn con người dễ dàng hơn giữa những đau khổ và bách hại. Ðó là lý do cho thấy mùa gặt thiêng liêng trong các ngục tù luôn luôn dồi dào. Tôi không tự cho mình là người anh hùng, lại càng không phải là vị tử đạo. Nhưng vào lúc sống tự do, nhìn lại đằng sau, tôi có thể nói với tất cả thành thật rằng 13 năm bị tra tấn đánh đập, đói khát, 13 năm đau khổ và xa gia đình để làm mục sư cho hàng ngàn tù nhân trong các trại giam, 13 năm như thế quả thật đáng giá".
Những dòng trên đây quả là một phấn khởi cho tất cả những ai đang vì niềm tin của mình mà phải chịu bách hại và đau khổ. Những đau khổ thử thách mà các Kitô hữu phải trải qua thường là dấu chỉ cao đẹp nhất, qua đó Thiên Chúa tỏ mình cho con người.
Chúa Giêsu như muốn nói đến điều đó, khi Ngài mượn hình ảnh tiên tri Yôna để loan báo về chính cái chết của Ngài. Cũng như Yôna đã vâng phục Thiên Chúa đến rao giảng sự sám hối cho dân thành Ninivê, thì Chúa Giêsu cũng vâng phục Chúa Cha để sống kiếp con người và trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa cho con người. Qua hình ảnh Yôna để loan báo sự vâng phục cho đến chết của Ngài, Chúa Giêsu muốn nói đến con đường mạc khải của Thiên Chúa, đó là con đường tình yêu. Ngài đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, nghĩa là có tự do và biết yêu thương, cho nên Thiên Chúa đã chọn con đường yêu thương để đến với con người. Ngài đã hóa thân làm người, sống trọn vẹn kiếp người, và cuối cùng chịu chết treo trên Thập giá, tất cả để trở thành lời mời gọi đối thoại yêu thương.
Mãi mãi Thiên Chúa chỉ đến với con người qua dấu chỉ của tình yêu. Người Kitô hữu luôn được mời gọi để nhận ra những dấu chỉ yêu thương ấy trong cuộc sống của mình, không những qua những chúc lành và may mắn, mà còn qua những mất mát, khổ đau thua thiệt nữa. Nhận ra những dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống, người Kitô hữu cũng được mời gọi để trở thành những dấu chỉ yêu thương của Ngài cho mọi người chung quanh. Trở thành dấu chỉ yêu thương có nghĩa là chấp nhận sống vâng phục và vâng phục cho đến chết như Chúa Giêsu. Trở thành dấu chỉ yêu thương giữa tăm tối của cuộc sống, giữa đọa đày bách hại, người Kitô hữu vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tín thác, yêu thương, phục vụ, tha thứ.
Xin cho lý tưởng chứng nhân luôn bừng sáng trong chúng ta, để dù sống trong đau khổ, thử thách, chúng ta vẫn trung thành với tình yêu Chúa.
Tại sao những người kinh sư và pharisiêu cứ một mực đòi Chúa làm một dấu lạ đặc biệt, cho dẫu những phép lạ Ngài đã thực hiện trong thời đó không phải là hiếm có? Chính vì họ không có tâm hồn trong sạch và ngay thẳng. Họ đến với Chúa với thái độ ganh tỵ, quá khích, tranh giành ảnh hưởng. Vì thế, họ đã không nhận ra những phép lạ Chúa Giêsu đã làm cũng như không hiểu được ý nghĩa và giá trị của phép lạ. Những phép lạ Ngài làm chỉ nhằm ích lợi cho và vì con người, để con người nhận ra tình thương cứu độ Thiên Chúa đã và đang hoạt động, đang hiện hữu nơi một con người cụ thể với tên là Giêsu. Chính Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ, làm cho con người được cùng nhau sống hạnh phúc và sung mãn trong Nước của Ngài.
Trong cuốn sách nổi tiếng rất quen thuộc với chúng ta có tựa đề Phép Lạ Trong Những Cái Thường Ngày, tác giả đã đưa ra những tư tưởng, những lời khuyên rất sâu sắc và thiết thực, làm mẫu mực cho những suy tư và tâm tình sống của chúng ta. Có lẽ trong chúng ta ai cũng đồng ý với ý tưởng của tác giả. Một khi chúng ta nhìn tha nhân và thế giới quanh ta với cái nhìn trong sạch, một khi đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của ta, thì không có gì là không giúp chúng ta nhận ra sự quan phòng của Chúa. Chúa luôn can thiệp trong mọi giây phút của cuộc đời chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta có sẵn sàng hay có đủ kiên nhẫn và khiêm nhường để nhận ra sự can thiệp của Ngài không. Hãy nhắm mắt lại và để tâm quan sát mọi cơ phận của ta cũng như mọi hoạt động, những chuyển động đang diễn ra trong ta và trong thế giới chúng ta đang sống, với sức sống của muôn loài thụ tạo. Từ cái to lớn vĩ đại nhất cho đến cái vi phân tử, rồi niềm tin, tư tưởng, ý nghĩ, tâm tư, tình cảm của con người, đâu đâu chúng ta cũng gặp thấy quyền năng và sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Tất cả những điều kỳ diệu đó là gì nếu không phải là những phép lạ trong cuộc đời ta.
Cảm tạ Chúa đã cho chúng con có phước được biết Chúa và được làm con Chúa. Chúng con biết rằng đức tin sẽ trở nên án phạt cho con nếu con để sự kiêu ngạo, tính ích kỷ thống trị con. Xin củng cố đức tin và xin ban sức mạnh của tình yêu Chúa cho chúng con, nhờ đó đức tin mà chúng con đã lãnh nhận được trổ sinh nhiều hoa trái, đem lại ơn cứu độ cho chúng con và cho tất cả mọi người, đó là phép lạ lớn nhất của cuộc đời con.
Người đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Gio-na. Quả vậy, ông Gio-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày đêm như vậy.” (Mt. 12, 39-40)
Những kẻ thù của Chúa Giêsu giả bộ muốn biết rõ về những bằng chứng Người có thể đưa ra để mình chứng cho sứ mạng của mình: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ nhãn tiền trên trời.” Vẻ lịch sự của họ là hoàn toàn giả dối. Họ không đòi bằng chứng để được thuyết phục, bởi họ đã nghĩ bụng rằng Chúa Giêsu sẽ không thể làm dấu lạ ấy.
“Dấu lạ … trên trời!”
Nhóm Pha-ri-sêu hiểu “Dấu lạ” là một sự lạ lùng nhãn tiền khẳng định rõ ràng Chúa Giêsu có quyền nằng siêu việt; họ đòi phải xảy ra ở “trên trời” nơi mà mọi người ở trần gian này không thể nhìn xem mà bắt chước được. Làm như vậy họ có ý nói xa nói gần rằng những phép lạ thực hiện ở Nagiarét trước đây như cho khỏi bệnh tật, làm sống lại v.v… Vì xảy ra ở trên mặt đất nên đã có thể là do những phù phép mà có. Khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất, họ cũng có mặt để nêu lên sự khác biệt giữa ân huệ do Chúa Giêsu ban tặng và man na của Mô-sê “Từ trời ban xuống”
Khoa học có thể giải thích hết.
Nhóm Pha-ri-sêu lầm lạc ở chỗ là dù Chúa Giêsu có đưa ra bằng chứng về sứ mệnh của mình, thì họ vẫn có lý do trước để chống đối Người: Họ không muốn nhìn nhận Người là Đấng Mê-si-a (Thiên sai): Chẳng đời nào họ sẽ chấp nhận gia nhập “Nước Thiên Chúa” mà Người rao giảng. Họ có một quan niệm về đạo giáo hoàn toàn khác biệt: Phụng thờ Thiên Chúa Ít-ra-en là công việc của họ, nên Chúa Giêsu phải xoay quanh lợi ích tức thời của họ. Chẳng ai sẽ được là ngôn sứ nếu họ không ưng thuận. Thần trí cứng lòng tin đã không thay đổi. Thời đại chúng ta hôm nay là hôm nay cũng vậy, khoa hoc mệnh danh là độc lập thì tống trát đòi Thiên Chúa ra trước phiên họp khoáng đại của các thành viên; tại đây và chỉ ở đây, người ta mới công nhận cho Chúa được làm phép lạ mà thôi. Người ta không tìm kiếm những lý do đủ dễ tin, nghĩa là “chịu nhận đó là dấu lạ của Chúa.” Người ta thích lên án Chúa để bắt Người phải chịu nhận là bất lực bất toàn, hoặc (và đây là phán quyết biệt đãi nhất mà người ta có thể trông chờ ở những vị thẩm phán tốt) tuyên bố rằng chúng tôi còn chưa biết thiên nhiên có sức mạnh tới đâu nữa.
Chúa Giêsu không muốn cho người ta nhìn nhận Người qua những dấu lạ không phải là dấu lạ mà thường ngày Người ban cho ta trong Mầu Nhiệm Phục Sinh của Người.
Ta đón nhận Đức Giêsu là bởi chính con người của Người vậy!
Người Việt Nam chúng ta thường có câu: “Bụt chùa nhà không thiêng”. Câu nói đó hàm ý rằng: những người ở gần và sống bên cạnh chúng ta, dù họ có tốt và làm được nhiều chuyện lành thánh thế nào thì cũng chẳng có gì phải quan tâm và những lời họ nói cũng chẳng cần phải tin. Một lý do đơn giản là: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”.
Hôm nay, thánh Mátthêu trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu khiển trách những Kinh sư và Pharisêu cứng lòng không chịu tin vào những lời giảng và những việc Ngài làm. Lòng họ đã trở nên trai cứng. Trái tim họ đã hóa đá. Trước mắt họ, Đức Giêsu cũng chỉ là con Bác Thợ Mộc. Vì thế, họ thách thức Đức Giêsu phải làm một dấu lạ để họ trông thấy thì họ mới tin.
Tại sao vậy? Thưa! Đòi hỏi dấu lạ là đặc trưng của người Dothái, nhất là giới lãnh đạo. Trước mắt và tâm thức của những người này khi nhìn về Đấng Cứu Thế phải là một con người oai hùng lẫm liệt. Đấng ấy phải là người đánh đông dẹp bắc. Phải là người đưa dân Dothái đến bến bờ tự do và bá chủ mọi quốc gia. Và, như một sự tất yếu, Đấng ấy phải làm được dấu lạ. Nếu không đáp ứng sự hiếu tri của họ thì họ không tin.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không đi theo con đường mà họ thách đố. Con đường cứu thế của Ngài là khiêm tốn và tự hạ, con đường của hiền lành và nhân hậu, chứ không phải con đường của thách thức, kiêu ngạo, khoe khoang... Vì thế, Ngài sẵn sàng làm những dấu lạ để cứu giúp và củng cố niềm tin của người đương thời, nhưng nếu vì thách thức, đi ngược lại với sứ mạng và ích lợi cho phần rỗi của con người thì không bao giờ Đức Giêsu làm.
Lời Chúa hôm nay muốn dạy cho chúng ta rằng:
Thứ nhất, tìm những dấu lạ để tin cũng được, nhưng đây không phải là đức tin trưởng thành. Đức tin trưởng thành là đức tin của những người không thấy mà vẫn tin. Bởi vì Đức Giêsu đã nói với Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Thứ hai, không nên thuần lý để thách thức Thiên Chúa như những người Dothái. Cần tránh cho xa ý tưởng bắt Thiên Chúa phải làm theo ý của mình.
Cuối cùng, tin Chúa thì phải hành động. Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Thật vậy, Ma Quỷ nó cũng tin có Thiên Chúa, nhưng nó không hề hành động theo điều nó đã tin, tức là tôn thờ Người.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một đức tin trưởng thành. Xin cũng ban cho chúng con lòng yêu mến Chúa tha thiết. Biết khiêm tốn để nhận ra thánh ý Chúa và thi hành. Amen.
Sứ điệp: Chúa Giêsu đến không phải để làm những dấu lạ nhãn tiền chiều theo tính hiếu kỳ và sự cứng lòng của con người. Chúng ta hãy hoàn toàn tín nhiệm vào Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con thấy điều làm cho Chúa đau khổ nhất đó chính là sự cứng lòng tin. Chúa đã cảnh cáo, trách mắng người Do Thái không chịu tin vào Chúa. Họ đã hững hờ, coi thường những dấu lạ mà Chúa đã thực hiện. Vì đối với họ, những dấu lạ đó chưa đủ sức thuyết phục.
Lạy Chúa Giêsu, niềm tin của con ngày hôm nay nhiều lúc cũng như thế, nhiều lần, con cũng đã đòi Chúa ban cho phép lạ nào đó, nhiều lúc con đã mặc cả với Chúa trong lúc cầu nguyện. Con muốn tin vào Chúa và theo Chúa, nhưng lại với điều kiện Chúa ban ơn cho con trước, mà những ơn đó nhiều lúc lại chẳng cần thiết cho sự sống linh hồn con. Con muốn Chúa thực hiện theo ý con, trước khi con vâng theo Ý Chúa.
Lạy Chúa, ngay cả thời đại hôm nay, Chúa vẫn đang âm thầm hoạt động. Xin mở con mắt đức tin của con, để con thấy được nhiều dấu lạ trong thế giới hôm nay: Một Giáo Hội mỗi ngày một tăng trưởng, một tình thương ngày càng lan rộng, và chung quanh con, biết bao người đang sống gắn bó mật thiết với niềm tin vào Chúa là Đấng Tử Nạn và Phục Sinh.
Trước những dấu lạ đó, xin cho con được noi gương dân thành Ni-ni-vê, biết thống hối ăn năn. Và xin cho con biết đón nhận lời khôn ngoan của Chúa. Con hết lòng tín nhiệm nơi Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy lên án thế hệ này”.
Giôna được lệnh của Thiên Chúa phải đi rao giảng sự sám hối cho dân thành Ninivê đầy tội lỗi. Nhưng ông sợ và trốn sứ mạng khi ông lấy tàu đi Tácsít. Chúa cho một trận cuồng phong nổi lên khiến thuỷ thủ vô cùng sợ hãi; họ nghi ngờ trên tàu có người nào đó là kẻ có tội khiến thần thánh nổi giận trừng phạt.
Họ gieo quẻ để tìm người đó, thì quẻ rơi trúng ông Giôna. Ông biết tội mình và tự đề nghị người ta ném mình xuống biển. Thế là sóng yên bể lặng (x. Gn 1,1-16). Một con cá lớn nuốt ông vào bụng. Nằm trong bụng cá, ông đọc một thánh vịnh cầu xin Chúa cứu giúp trong cơn ngặt nghèo. Sau ba ngày, con cá nôn ông ra trên đất liền (x. Gn 2,1-11).
Thiên Chúa lại gọi ông một lần nữa, và lần này ông vâng lời đi rao giảng cho dân thành Ninivê, với một cách miễn cưỡng. Nhà vua và dân chúng nghe lời rao giảng của ông thì mau mắn làm việc đền tội...
Suy niệm
Hình ảnh Giôna ở trong bụng cá ba ngày, báo trước về Ðức Giêsu cũng sẽ đi vào lòng đất ba ngày qua cái chết và Phục sinh vinh quang để đem lại ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài. Cho nên dấu lạ Chúa Kitô trong lòng đất là dấu lạ vĩ đại nhất mà ai muốn được cứu độ chỉ cần tin Ngài.
Khi nói về dấu lạ Giôna và so sánh với dấu lạ Chúa bị chôn trong lòng đất, Chúa Kitô cảnh tỉnh về sự cố chấp không tin của người Do Thái. Xưa kia, dân thành Ninivê đã hối cải khi nghe lời giảng dạy của Giôna. Nữ hoàng Saba từ phương Nam xa xăm nghe biết Salômôn nổi tiếng khôn ngoan vì danh Chúa, nên cất bước đến Giêrusalem lãnh hội. Nay dân Do Thái, đặc biệt là biệt phái và tiến sĩ luật, kiêu căng tự phụ vào sự hiểu biết và đạo đức không chịu lãnh nhận và tin theo giáo huấn của Đấng Cứu Thế - Đấng hơn cả ngôn sứ Giôna, có lời khôn ngoan hơn vua Salômôn đang hiện diện và giảng dạy giữa họ, nên họ chết trong sự cố chấp, cứng tin… vì thế trong ngày phán xét dân thành Ninivê và nữ hoàng Saba sẽ trỗi dậy tố cáo sự cố chấp cứng tin của họ.
Ðể được ơn cứu độ, chúng ta phải tin vào Ðức Giêsu, nghe giáo huấn và sám hối như lời dạy: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15), sống theo Tin Mừng trong từng giây phút của cuộc sống…
Những người biệt phái không nhận Chúa Giêsu là Messia vì họ cố chấp, nhưng họ viện cớ là vì họ không thấy dấu lạ. Chúa Giêsu kể lại cho họ dấu lạ tiên tri Giona ở trong bụng cá ba ngày. Qua lời giảng của tiên tri Giona, dân thành Ninivê đã hối cải. Cũng vậy, Chúa Giêsu sẽ đi vào lòng đất, vào cái chết và Phục sinh vinh quang, để đem lại ơn cứu độ cho những ai tin vào Người, cụ thể là cho những người biết ăn năn thống hối và sống theo Lời Chúa trong từng giây phút của cuộc sống. Còn họ thì Chúa cho biết đến ngày phán xét họ sẽ bị xét xử rất nặng.
Người Việt Nam chúng ta có câu: “Bụt nhà không thiêng”. Câu nói ấy hàm ý rằng: những người ở gần và sống bên cạnh chúng ta, dù họ có tốt và làm được nhiều chuyện lành thánh thì cũng chẳng có gì phải quan tâm, và những lời họ nói cũng chẳng cần phải tin. Một lý do đơn giản là: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”.
Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ, và dân Do thái đã được thấy những phép lạ ấy. Những người biệt phái và luật sĩ cũng đã được chứng kiến những phép lạ ấy, nhưng họ vẫn không tin Ngài là Đấng Messia Thiên Sai. Hôm nay họ còn muốn thách thức Chúa đòi Chúa làm một dấu lạ để chứng tỏ Ngài là Đấng Messia. Chúa không chấp thuận yêu cầu của họ, trái lại, Ngài phàn nàn về thái độ cố chấp của họ bằng hai câu chuyện: tiên tri Giona và nữ hoàng Saba.
Nhắc lại chuyện Giona ngày xưa, nhằm lưu ý họ rằng: Ngày xưa dân thành Ninivê chỉ nghe lời rao giảng miễn cưỡng của tiên tri Giona. Vậy mà cả thành từ vua đến dân, từ già đến trẻ, từ người đến súc vật đều ăn chay sám hối và khấn xin sự tha thứ của Chúa. Vậy mà hôm nay có Người còn hơn Giona, Đấng mà thánh Gioan Tẩy giả loan báo đã đến và rao giảng, vậy mà họ không để tâm ăn năn hối cải. Thật đáng buồn.
Chúng tôi muốn Thầy làm một dấu lạ”(Mt 12,38)
Nhiều lần chúng ta cũng mong Chúa làm một phép lạ vĩ đại và tỏ tường. Chẳng hạn hiện ra trước mắt nhiều người, và nếu thấy những dấu lạ vĩ đại ấy thì mọi người sẽ tin thờ Chúa.
Thực ra, Chúa thừa sức làm những dấu lạ như thế. Nhưng nếu làm thế sẽ là một áp lực, một bó buộc, khiến người ta phải tin thờ Ngài. Và con người sẽ không còn tự do, Chúa không còn là một Thiên Chúa yêu thương mời gọi nữa.
Quả thật, ngay trong cuộc sống đã có rất nhiều dấu chỉ, nhưng vấn đề là chúng ta có thể đọc ra ý nghĩa của những dấu chỉ xảy ra hằng ngày trong cuộc sống của mỗi người chúng ta hay không. Rất nhiều lần chúng ta sống chẳng khác gì những người mà Kinh thánh nói: “Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có trí mà không hiểu”.
Trong cuốn sách nổi tiếng rất quen thuộc với chúng ta có tựa đề “Phép lạ trong những cái thường ngày” tác giả đã đưa ra những tư tưởng, những lời khuyên rất sâu sắc và thiết thực, làm mẫu mực cho những suy tư và tâm tình sống của chúng ta. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đồng ý với ý tưởng của tác giả.
Một khi chúng ta nhìn tha nhân và thế giới quanh ta với cái nhìn trong sạch, một khi đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của ta, thì không có gì là không giúp chúng ta nhận ra sự quan phòng của Chúa... Chúa luôn can thiệp trong mọi giây phút của cuộc đời chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta có sẵn sàng hay có đủ kiên nhẫn và khiêm nhường để nhận ra sự can thiệp của Ngài không. Hãy nhắm mắt lại và để tâm quan sát mọi cơ phận của ta cũng như mọi hoạt động, những chuyển động đang diễn ra trong ta và trong thế giới chúng ta đang sống, với sức sống của muôn loài thọ tạo. Từ cái to lớn vĩ đại nhất đến cái vi phân tử, rồi niềm tin, tư tưởng, ý nghĩ, tâm tư tình cảm của con người, đâu đâu chúng ta cũng gặp thấy quyền năng và sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Tất cả những điều kỳ diệu đó là gì nếu không phải là những phép lạ trong cuộc đời của chúng ta (Mỗi ngày một tin vui).
Truyện: Thấy Chúa là thấy sự sống trong tất cả
Một cụ già suốt ngày ngồi trên ghế xích đu và thề sẽ không bao giờ đứng dậy cho đến khi nào gặp được Chúa. Một cô bé đang chơi với một quả bóng thấy thế hỏi:
-Suốt ngày cụ ngồi đong đưa trên chiếc ghế này để chờ đợi Chúa sao?
-Đúng thế, trước lúc nhắm mắt lìa đời, ta muốn tin chắc rằng có một Thiên Chúa. Ta cần một dấu chỉ.
-Nhưng tới nay ta chưa nhận được dấu chỉ nào.
-Thưa cụ, Chúa cho cụ một dấu chỉ mỗi khi cụ hít thở, mỗi khi cụ ngửi một cánh hoa thơm, mỗi khi cụ nghe tiếng chim hót, mỗi khi có một đứa bé chào đời. Chúa cho cụ một dấu chỉ mỗi khi cụ cười hay mỗi khi cụ khóc, mỗi khi cụ cảm thấy nước mắt lăn trên gò má cụ. Chúa ban cho cụ một dấu chỉ trong mưa gió và khi thời tiết thay đổi. Có biết bao nhiêu dấu chỉ, nhưng tại sao cụ chưa tin? Cụ ơi, Chúa ở trong cụ. Chúa ở trong cháu. Không cần phải tìm kiếm, vì Ngài luôn có đó. Má cháu luôn căn dặn cháu: ”Này Lily, nếu con tìm những cái vĩ đại thì con đã nhắm mắt lại rồi, bởi vì thấy Chúa là thấy những điều đơn sơ. Thấy Chúa là thấy sự sống trong tất cả”.
Cụ già ngạc nhiên trước những lời như thế từ miệng một cô bé nhỏ xíu.
Phần cô bé, cô vừa chạy vừa nói lớn: Má cháu căn dặn: “Này Lily, nếu con tìm những cái vĩ đại thì con đã nhắm mắt lại rồi, bởi vì thấy Chúa là thấy những điều đơn sơ. Thấy Chúa là thấy sự sống trong tất cả” (Chờ đợi Chúa).
Những người biệt phái không nhận Chúa Giêsu là Đấng Messia vì họ cố chấp, nhưng họ viện cớ là vì họ không thấy dấu lạ. Thực ra Chúa Giêsu đã cho họ biết bao nhiêu dấu lạ mà họ có chịu thấy đâu. Vì thế Ngài nói chẳng cần cho họ dấu lạ nào khác ngoài dấu lạ Giôna, tức là ám chỉ Ngài sẽ chết và sống lại. Nhưng Ngài cũng biết là dấu lạ đó cũng chẳng thể mở mắt họ nổi, cho nên Chúa Giêsu bảo đến ngày phán xét tội của họ sẽ rất nặng.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. ”Chúng tôi muồn thấy Thầy làm một dấu lạ”. Nhiều lần chúng ta cũng mong Chúa làm phép lạ tỏ tường. Chẳng hạn hiện ra trước mặt nhiều người. Chúng ta nghĩ nếu có những dấu lạ ấy thì mọi người đều tin thờ Chúa.
Thực ra Chúa thừa sức làm những phép lạ như thế. Nhưng những dấu lạ như thế sẽ là một áp lực, một bó buộc khiến người ta phải tin thờ Ngài, không cách nào khác được. Và như thế con người không còn được tự do, Chúa không phải là một Thiên Chúa yêu thương mời gọi nữa.
Chúa ít khi làm dấu lạ, nhưng thích ban dấu chỉ. Những dấu chỉ kín đáo, đơn sơ là những tiếng mời gọi nhẹ nhàng và yêu thương. Và những dấu chỉ như thế có rất nhiều. Chỉ cần ta biết mở mắt mở lòng ra là có thể thấy ngay.
2. Một cụ già suốt ngày ngồi trên ghế xích đu và thề sẽ không bao giờ đứng dậy cho đến khi gặp được Chúa. Một cô bé đang chơi với một quả bóng thấy thế liền hỏi:
- Suốt ngày cụ ngồi đong đưa trên chiếc ghế này để chờ đợi Chúa sao?
- Đúng thế, trước lúc nhắm mắt lìa đời ta muốn tin chắc rắng có một Thiên Chúa. Ta chỉ cần một dấu chỉ. Nhưng tới nay ta chưa nhận được dấu chỉ nào.
- Thưa cụ, Chúa cho cụ một dấu chỉ mỗi khi cụ hít thở, mỗi khi cụ ngửi một cách hoa thơm, mỗi khi cụ nghe tiếng chim hót, mỗi khi có một đứa trẻ chào đời. Chúa cho cụ một dấu chỉ mỗi khi cụ cười hay mỗi khi cụ khóc, mỗi khi cụ cảm thấy nước mắt lăn trên gò má cụ. Chúa ban cho cụ một dấu chỉ trong mưa gió và khi thời tiết thay đổi. Có biết bao nhiêu dấu chỉ nhưng tại sao cụ chưa tin? Cụ ơi, Chúa ở trong cụ, Chúa ở trong cháu. Không phải cần tìm kiếm vì Ngài luôn có đó. Má cháu luôn căn dặn cháu: “Này Lily, nếu con tìm những cái vĩ đại thì con đã nhắm mắt lại rồi, bởi vì thấy Chúa là thấy những điều đơn sơ. Thấy Chúa là thấy sự sống trong tất cả”.
Cụ già ngạc nhiên khi thấy những lời như thế thốt ra từ môi miệng một cô bé nhỏ xíu. Phần cô bé, cô vừa chạy vừa nói lớn: “Má cháu luôn căn dặn: này Lily, nếu con tìm những cái vĩ đại thì con đã nhắm mắt lại rồi, bởi vì thấy Chúa là thấy những điều đơn sơ. Thấy Chúa là thấy sự sống trong tất cả”. (Trích: “Chờ đợi Chúa”)
3. Vấn đề của chúng ta ngày nay không phải là không có dấu chỉ mà là không biết đọc ý nghĩa của những dấu chỉ đó. Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có trí mà không hiểu. Chẳng hạn, tôi có hiểu ý nghĩa những dấu chỉ mà Chúa cho xảy ra nơi chính bản thân mình không: tôi bị bệnh… tôi bị người ta phê phán… tôi vừa gặp thất bại… Tại sao? Qua những điều ấy, Chúa muốn nói gì với tôi?
1. Những người Pharisêu và luật sĩ thách thức Chúa làm một phép lạ. Chúa thừa sức làm những phép lạ như họ yêu cầu. Nhưng như chúng ta thấy trong Tin Mừng, xem ra như Chúa muốn người ta nhận ra tình thương của Chúa qua những dấu chỉ nhiều hơn. Dấu chỉ thì kín đáo, đơn sơ, là những tiếng mời gọi nhẹ nhàng và yêu thương. Những dấu chỉ như thế có rất nhiều. Chỉ cần ta biết mở mắt, mở lòng ra là có thể thấy ngay.
Đây là một thí dụ: Cuộc cách mạng 1789 bùng nổ khiến thầy Gioan Maria Vianney phải bỏ dở việc học. Nhưng sau đó thầy tìm hết cách để tự học dưới sự dìu dắt của cha xứ. Nhưng khổ thay, học mấy cũng chẳng nhớ. Rất may lúc ấy địa phận đang trải qua một thời gian thiếu linh mục nên thầy Vianney được bề trên gọi về để khảo hạch. Và lẽ dĩ nhiên là lần nào cũng... trượt.
Vianney không nản lòng, cứ tiếp tục học. Cuối cùng, bề trên thấy thầy bền chí… nên gọi cha xứ đến để hỏi về thầy:
- Thầy có lòng đạo đức không? - Thưa có. - Thầy có kính mến phép Thánh Thể? - Thưa có. - Thầy có siêng năng lần hạt không? - Thưa có.
Cha chính địa phận quyết định: “Thôi, cho thầy chịu chức vì thầy bền chí, chứ nếu khảo hạch mãi thì cũng chẳng đi đến đâu, không bao giờ đỗ được”.
Về sau, Vianney đã trở thành một vị thánh thời danh, thu hút nhiều tâm hồn trở về với Chúa. Năm 1925, Đức Piô XII đã đặt Ngài làm bổn mạng các cha xứ.
Vâng, chẳng ai thấy được sự thánh thiện đạo đức như thế nào. Ta không cân-đo-đong-đếm được sự thánh thiện đạo đức nhưng ta có thể nhận ra được sự thánh thiện đạo đức qua các dấu chỉ bên ngoài. Thầy Vianney dốt nát, nghèo khổ nhưng thầy không bao giờ bỏ lần chuỗi, không bao giờ quên viếng Thánh Thể mỗi ngày. Những việc làm như thế là những dấu chỉ để bề trên nhận ra thầy có ơn gọi và quả thực bề trên đã không sai lầm.
2. Dấu chỉ không thiếu nhưng vấn đề là chúng ta có đọc ra được ý nghĩa của những dấu chỉ xảy ra hằng ngày ngay trong cuộc sống của mỗi người chúng ta hay không. Rất nhiều khi chúng ta sống chẳng khác gì những người mà Kinh Thánh nói: “Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có trí mà không hiểu” (Mt 13,13-14).
Thí dụ như khi gặp một tai nạn, khi có được một tin vui, khi được chứng kiến cảnh một người mù mới được phục hồi thị giác, khi một người mẹ mới sinh được một người con vv.. Ta có hiểu được ý nghĩa qua những dấu chỉ mà Chúa cho xảy ra như thế hay không? Tại sao? Và qua những điều ấy, Chúa muốn nói với ta điều gì?
Một vị Giám Mục trong một chuyến đi công tác, phải đi ngang qua một giáo xứ nhỏ ở ngoại thành. Ngài tạt xe vào thăm. Khi vừa tới nơi thì ngài thấy có một lớp Giáo lý dành cho người dự tòng đang học. Hỏi cha xứ, ngài mới biết lớp này sắp mãn khóa và các học viên lớn tuổi này sẽ được chịu Bí Tích Thánh Tẩy.
Vị Giám Mục chợt nảy ra ý muốn, muốn kiểm tra trình độ Giáo Lý của họ nên hỏi: “Theo các anh chị, dựa vào đâu mà người khác có thể nhận ra các anh chị là người Công giáo?”
Mọi người nhìn nhau, không thấy ai lên tiếng trả lời. Rõ ràng đây là một câu hỏi quá bất ngờ. Vị Giám Mục lập lại câu hỏi thêm nhiều lần nữa, và ngài đã kín đáo làm một dấu Thánh Giá nhỏ trên ngực như để muốn nhắc khéo một câu trả lời đúng đắn cho cả lớp học và cũng là để gỡ thể diện cho cha xứ...
Bất ngờ, một người dự tòng đứng dậy và mạnh dạn trả lời: “Thưa Đức Cha, theo con nghĩ, dấu chỉ để mọi người biết chúng con là người Công giáo, chính là... Tình Yêu ạ!”
Vị Giám Mục, và cả cha xứ lúc ấy đều suýt buột miệng bảo: “Sai” nhưng cả hai đều kịp dừng lại, các ngài thấm thía hơn ai hết câu trả lời của người dự tòng trẻ tuổi kia.
Vâng, người đó đã trả lời rất đúng, không những đúng bài bản mà còn đúng ý Chúa nữa.
Chắc không ai trong chúng ta quên lời của chính Chúa Giêsu: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy là chúng con yêu thương nhau” (Ga 15,35).
Khi người ta hỏi về nạn phá thai thì mẹ Têrêsa trả lời: “Đối với tôi, đây là dấu chỉ cho thấy hoặc là xứ sở này quá nghèo đói đến nỗi không thể chăm sóc cho những cuộc sống Chúa dựng nên, hoặc dân chúng nước này đang chạm phải một sai lầm to lớn”.
Lạy Chúa! Tình thương không bao giờ miễn cưỡng. Nhưng là niềm vui, tự do, sức mạnh. Tình thương diệt sự bối rối. Ở đâu thiếu tình thương, ở đó sợ hãi và buồn chán xuất hiện. Tình thương là hân hoan. Tình thương là nhiệt hứng. Tình thương là mạo hiểm. Tình thương là quảng đại, Tình thương là trao đổi. Ai cho nhiều, thì được nhiều. Vì chúng ta có những gì chúng ta cho. Amen.