"Chúa đã giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn".
Lời Chúa: Mt 11, 25-27
Khi ấy, Chúa Giêsu thưa rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con trừ ra Cha; và cũng không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho".
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời nguyện tự phát của Đức Giêsu. Đó là một lời tạ ơn, một lời ngợi khen của Con dâng lên Cha. Đức Giêsu gọi Thiên Chúa bằng từ Abba thân thương gần gũi, nhưng Thiên Chúa ấy cũng là Đấng siêu việt ngàn trùng, Đấng quyền uy tối thượng, Chúa Tể cả trời đất (c. 25). Đức Giêsu ca ngợi Cha vì hành vi mặc khải của Cha cho con người. Cha có một kế hoạch cứu độ nhân loại qua Con của Cha là Đức Giêsu. Và Cha muốn vén mở kế hoạch đó cho con người biết. Có những người đã thành tâm đón nhận, và có những người cố ý từ chối. Nhưng tất cả đều không nằm ngoài chương trình của Cha (c. 26). Lối nói kiểu Do thái của Đức Giêsu có thể khó hiểu đối với ta ngày nay: “Cha đã giấu các điều này trước những người khôn ngoan thông thái.” Thật ra, chẳng phải Thiên Chúa ghét bỏ hay phân biệt đối xử, vì Ngài muốn cho mọi người được cứu độ (1 Tm 2, 4). Chẳng phải Cha ghét bỏ các người khôn ngoan và cổ võ sự ngu dốt. Ngài cũng không che giấu mầu nhiệm Nước Trời trước một ai. Nhưng quả thật ai tự hào, tự mãn với hiểu biết khôn ngoan của mình, và khép lại trước những gì vượt quá trí hiểu nông cạn của họ, người ấy sẽ không có cơ may đón nhận được mặc khải của Thiên Chúa. Một số kinh sư và người Pharisêu giỏi giang về Sách Thánh và truyền thống, đã không thể đón nhận được cái hoàn toàn mới mẻ nơi giáo lý Đức Kitô, vì họ quá bám víu vào cái biết cũ mà họ coi là tuyệt đối. Nhưng các người bé mọn, ít tri thức và sách vở, lại dễ dàng đón nhận hơn. Họ hồn nhiên mở ra trước mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Chính vì thế họ biết được những điều sức người không thể nào đạt tới. Câu cuối (c. 27) là một mặc khải lớn của Đức Giêsu trong tư cách là Con. Ngài cho thấy giữa Cha và Con có sự hiểu biết nhau cách độc nhất vô nhị. “Không ai biết rõ Con trừ ra Cha và không ai biết rõ Cha trừ ra Con…” Sự hiểu biết nhau thân tình và sâu xa này như thể tạo ra một thế giới riêng giữa Cha và Con. Muốn biết Cha phải nhờ Con, Đấng duy nhất có đủ thẩm quyền mặc khải. Hơn nữa, muốn biết Con cũng phải nhờ Cha mặc khải. Phêrô phải nhờ Cha mới biết được Đức Giêsu là ai (Mt 16, 17). Nói chung Cha và Con làm nên một thế giới riêng tư, nồng ấm. Nhưng thế giới ấy lại không khép kín, mà mở ra để mời con người vào. Cha và Con đều muốn mặc khải thế giới ấy cho con người. Cha đưa ta gặp Con, Con đưa ta gặp Cha. Chỉ cần gặp Con hay Cha là có thể bước vào thế giới đó, để gặp cả Cha và Con. Chị Edit Stein là một phụ nữ Do thái được coi là thông thái, trí tuệ. Chị đậu tiến sĩ triết học với hạng tối danh dự tại Đức. và là người cộng tác với ông tổ của Hiện tượng luận là triết gia Husserl. Việc tìm kiếm Chân Lý đã dẫn chị đến với đạo Công giáo. Chị đã đi tu Dòng Kín Cát Minh và đã bị giết tại trại giam của Đức quốc xã. Chị Bênêđícta Thánh Giá được phong thánh năm 1998 bởi Đức Gioan Phaolô II. Sự thông thái khiêm tốn đã giúp Chị gặp được Nước Trời như một kẻ bé mọn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con. Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa, xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ. Xin dạy con sự hiền hậu để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. Xin dạy con sự khiêm nhu để con dám buông đời con cho Chúa. Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm, vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất”. Chúa Giê-su dùng lời kinh long trọng này để cho ta hiểu biết một chân lý: Thiên Chúa là chủ tất cả. Mọi sự ta có đều là của Người ban cho. Chính vì thế tâm tình ta phải có là tâm tình khiêm nhường bé nhỏ. Đó chính là tâm tình của công dân Nước Trời. Những thái độ tự cao tự đại hoàn toàn trái ngược, không thích hợp, và sẽ không được đón nhận vào Nước Trời.
Những ai tự hào mình khôn ngoan thông thái hãy cẩn thận. Ngay trí khôn họ không thể tự mình có được. Trí khôn là do Thiên Chúa ban cho. Vì thế có gì mà đáng tự hào. Và nếu trí khôn không đưa đến Nước Trời thì cũng vô ích. Hiểu biết về Nước Trời là sự khôn ngoan vượt trên mọi sự khôn ngoan. Nhưng mầu nhiệm Nước Trời chỉ có Thiên Chúa nắm giữ. Và Người muốn mặc khải cho ai tùy ý. Và Người lại mặc khải cho những kẻ bé mọn. Vì thế bé mọn chính là thái độ khôn ngoan thông thái nhất.
Hai bài đọc Cựu Ước minh họa chân lý này. Át-sua hùng mạnh chính là do Thiên Chúa ban. Để làm cây roi của Chúa mà trừng phạt những sai lỗi của các nước nhỏ. Nhưng Át-sua không ý thức điều đó. Tưởng là cường thịnh do sức riêng. Nên Thiên Chúa sẽ hạ bệ nó xuống, tước bỏ hết sức mạnh mà nó tự hào. Chúa sẽ hạch tội nó: “Cái rìu lại tự cao với kẻ cầm rìu mà chặt hay cái cưa tự đại với người kéo cưa sao? Như thể ngọn roi kéo được kẻ giơ nó lên, cây gậy nhấc được kẻ không phải là gỗ vậy” (năm chẵn).
Mô-sê dù đã được học hết mọi sự khôn ngoan trong cung điện vua Ai cập. Dù đã kiên trì thanh luyện 40 năm trong sa mạc. Vẫn phải có thái độ khiêm nhường. Cởi bỏ dép. Khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa trong bụi gai cháy đỏ. Chính với thái độ khiêm nhường, dễ dậy đó nói lên tâm tình khiêm nhường của Mô-sê. Tâm tình khiêm nhường nói lên lòng khao khát đón nhận mầu nhiệm. Nhờ đó Mô-sê đã được Thiên Chúa bày tỏ mầu nhiệm. Cho ông biết tên Thiên Chúa. Cho ông biết chương trình của Người. Và cho ông được tham dự vào chương trình đó. Và vì ông khiêm nhường đón nhận, ông trở thành người lãnh đạo thiết lập Dân Thiên Chúa, ban lề luật cho Dân Thiên Chúa (năm lẻ).
Lạy Chúa con chỉ là hư vô. Mọi sự con có đều là của Chúa. Mọi sự con là cũng là bởi Chúa. Xin dạy con biết khiêm nhường để xứng đáng được Chúa dậy bảo.
Con người có thể khước từ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ từ bỏ con người; Ngài luôn mời gọi con người trở về để lãnh nhận ân sủng và sự thật của Ngài. Thiên Chúa mời gọi mọi người, không phân biệt, nhưng từ phía con người có thể có một trong hai thái độ: thái độ của những kẻ bé mọn khiêm tốn để cho Chúa dạy dỗ; và thái độ của những kẻ thông thái, tự cao, cho mình thuộc một nhóm nhỏ tách rời khỏi đại đa số dân chúng.
Những kẻ thông thái được Chúa Giêsu trực tiếp nhắm đến trong Tin Mừng hôm nay là nhóm Biệt Phái đang đứng trong hành lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo và chống đối Chúa. Họ đến với Chúa bằng con đường của sự thông hiểu về luật Môsê; họ cho rằng chỉ cần am tường lề luật Môsê trong Kinh Thánh cũng như trong truyền khẩu là con người có thể đến với Chúa: họ tự phụ mình biết Thiên Chúa, nhưng thực ra họ lìa xa Ngài.
Con đường Chúa Giêsu mạc khải để giúp con người đến với Thiên Chúa chính là Ngài, mà mỗi người chúng ta được mời gọi đón nhận với tâm hồn đơn sơ khiêm tốn: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". Nếu cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, con người sẽ không gặp được Thiên Chúa, nhưng nếu để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, con người có thể đạt tới sự thông hiệp với Thiên Chúa và được cứu rỗi: "Lạy Cha, con chúc tụng Cha, vì điều Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, thì Cha lại mạc khải cho những người bé mọn".
Chúng ta cần trở nên những người bé mọn theo tinh thần Phúc Âm, để cảm nếm và sống hòa hiệp với Thiên Chúa. Ðức tin Kitô giáo hướng dẫn chúng ta đến một con người cụ thể, một vị Thiên Chúa chấp nhận sống với con người, chứ không phải những lý lẽ thần học cao siêu. Một con người khiêm tốn có thể có đức tin sâu xa hơn một nhà thông thái. Ðức tin là một hồng ân cần được lãnh nhận hơn là kết quả của sưu tầm trí thức của con người.
Thánh Têrêsa Avila, tuy không học hành nhiều, nhưng đã có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa và đã trình bày kinh nghiệm thiêng liêng của mình một cách tốt đẹp, đến nỗi đã được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh, vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quý báu giúp mọi thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không có ý loại bỏ những bậc thông thái, nhưng chỉ có ý cảnh tỉnh những ai cậy dựa vào sự thông thái rằng họ sẽ không đến được với Chúa, không có đủ điều kiện để lãnh nhận mạc khải của Chúa. Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp có sự hòa hợp giữa thông thái và đức tin Kitô giáo. Thánh Tôma Tiến sĩ là một điển hình. Nói chung, thái độ khiêm tốn để Chúa soi sáng hướng dẫn là điều căn bản cần phải có luôn.
Xin Chúa mở rộng tâm hồn chúng ta để lắng nghe Lời Chúa với tâm hồn khiêm tốn, mến yêu. Xin cho chúng ta biết sống theo sự soi sáng của Thánh Thần để đến với Chúa và anh em.
Con người có thể khước từ Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ từ bỏ con người, không bao giờ ngưng mời gọi con người trở về lãnh nhận ân sủng và sự thật Người ban cho nhưng không: "Hết thảy những ai mệt mỏi và vất vả hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ, ủi an". Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người, không phân biệt một ai, nhưng từ phiá con người, khi đáp lại lời mời gọi của Chúa, mỗi người chúng ta có thể có một trong hai thái độ: thái độ đơn sơ, khiêm tốn đón nhận Chúa để cho Ngài hướng dẫn dạy dỗ; hoặc ngược lại, thái độ tự cao của kẻ cho mình là khôn ngoan, không cần đến Thiên Chúa.
Những kẻ khôn ngoan thông thái mà Chúa Giêsu nhắm đến trong đoạn Tin Mừng trên đây là những người biệt phái tinh thông Lề Luật và lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo của dân Israel. Có thể nói, những kẻ khôn ngoan thông thái này đến với Chúa bằng con đường hiểu biết, nhất là sự thông thái Lề Luật Môsê. Họ nghĩ rằng chỉ cần am tường những Lề Luật của Môsê là họ có thể đến với Thiên Chúa. Họ ỷ lại vào sự hiểu biết và sự tự phụ cho mình biết rõ Thiên Chúa, nhưng thật ra, họ đang xa lìa Ngài.
"Lạy Cha, con chúc tụng Cha là Chúa trời đất, vì Cha đã giấu những điều đó ngoài những kẻ khôn ngoan thông thái, nhưng lại mạc khải cho chúng con, những kẻ bé mọn". Mỗi người chúng ta cần trở nên bé nhỏ đơn sơ theo tinh thần Phúc Âm để cảm mến và sống mầu nhiệm Thiên Chúa. Ðức tin Kitô hướng ta đến gặp một con người cụ thể, một vì Thiên Chúa chấp nhận đến với con người. Ðức tin Kitô không dựa trên những lý lẽ thần học cao siêu. Ðức tin là một hồng ân cần được khiêm tốn đón nhận hơn là kết quả của cuộc sống sưu tầm trí thức.
Thánh Têrêsa Avila tuy không được học hành nhiều nhưng có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa. Thánh nữ đã trình bày những kinh nghiệm thiêng liêng của mình cách tốt đẹp đến độ Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên bố thánh nữ là tiến sĩ của Giáo Hội, bởi vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quý báu giúp các thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, đoạn Tin Mừng hôm nay không có ý nói là Chúa Giêsu hoàn toàn loại bỏ những nhà thông thái, nhưng chỉ có ý cảnh tỉnh rằng những ai ỷ lại vào sự hiểu biết thông thái của mình, thì sẽ không đến được với Thiên Chúa. Không thiếu những trường hợp có sự hài hòa giữa sự thông thái và đức tin Kitô như thánh Thomaso thành Aquino. Trong mọi trường hợp, thái độ khiêm tốn chấp nhận để cho Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn là điều căn bản cần phải có luôn.
Lạy Chúa,
Xin thương mở rộng tâm hồn cho con được lắng nghe Lời Chúa với hết lòng khiêm tốn và biết ơn. Xin thương giúp con sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để đến với Chúa và anh chị em một cách dễ dàng và sâu xa hơn.
Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết điều này, nhưng lại mắc khải cho những người bé mọn.” (Mt. 11, 25)
Không giống như mọi người
Thiên Chúa không hành động như phần đông người ta, không suy nghĩ như họ, không xét đoán theo cùng tiêu chuẩn như họ.
Đối với phần đông, quy luật chung vẫn là: “Mạnh được yếu thua.” Người giầu có nhiều cơ may thăng tiến, kẻ nghèo thì họa chăng mới được, người khôn ngoan thông thái được mọi người kính trọng, hạng thứ dân ít học vốn bị coi thường. Kẻ có tiền, có quyền giống như: “Miệng quan có gang có thép.” Kẻ trắng tay lý lẽ cũng không. Ai có địa vị, người ấy có quyền ăn quyền nói, kẻ thấp hèn lên tiếng chẳng ai nghe.
Nhưng đối với Chúa lại khác hẳn, kẻ làm đầu phải trở lên người rốt hết, người rốt hết sẽ lên kẻ đứng đầu. Người mạnh trở lên yếu, kẻ yếu được lên mạnh, những bậc khôn ngoan thông thái đã bị giấú không cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, trong khi những kẻ bé mọn lại được Chúa mặc khải cho những thực tại tuyệt vời ấy.
Lời tiên báo cho những kẻ bé mọn.
Khi thấy những người khôn ngoan thông thái bịt tai không nghe những lời giáo huấn của Chúa, còn những kẻ bé mọn lại dễ dàng tiếp nhận, Chúa Giêsu trong trạng thái hứng khởi, liền cất tiếng ngợi khen Cha.
Những kẻ bé mọn mà Phúc Âm nói đến ở đây, ta có thể gặp họ ở khắp nơi. Đó là những con người ít được học hành. Những người chẳng có địa vị cao trong xã hội, những người không thành đạt mấy trong cuộc đời, những người sống khiêm tốn. Họ có được sự nhạy bén để mở lòng ra đón nhận những sự thuộc về Chúa, một sự nhạy bén mà những người khác không có.
Nhưng những kẻ bé mọn của Phúc Âm cũng có thể là những người khôn ngoan và thông thái chân thật. Tuy nhiên không phải bất cứ người khôn ngoan thông thái nào cũng là chân thật cả. Mà chỉ có những ai không vênh vang kiêu hãnh về sự hiểu biết và khôn ngoan của mình mới là những người khôn ngoan thông thái chân thật. Chỉ có những người ấy mới có được tâm hồn của những kẻ bé mọn vậy.
Xem lại CN 24 TN A // lễ Thánh Tâm A //và lễ thánh Phan-xi-cô At-si-di ngày 4/10.
Để cảnh báo tác hại của rượu, một nhà khoa học đã làm một thí nghiệm trong một cuộc hội thảo. Ông bỏ mấy con sâu vào trong hai cái lọ: một lọ nước và một lọ rượu. Kết quả là sâu trong lọ rượu chết nhanh chóng, còn sâu trong lọ nước thì vẫn sống.
Tuy nhiên, trước kết quả đó, một thanh niên cuối phòng hội thảo giơ tay phát biểu: “Thưa mọi người, con sâu không sống được trong rượu, vì vậy, phải uống thật nhiều rượu để diệt trừ sâu trong người!”. Tuyên bố như thế là dại dột, thiếu hiểu biết. Nếu cứ uống rượu để diệt sâu thì có lẽ người chết trước khi sâu sinh thì!
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy: sự kiêu ngạo của con người khiến cho họ trở nên chai lỳ, cứng cỏi. Một khi họ đã đeo cặp kính râm, thì trước mắt họ mọi sự đều là màu đen hết!
Hôm nay, Đức Giêsu đã tạ ơn Chúa Cha vì Người không cho những người thông thái và khôn ngoan biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn.
Trong thực tế chúng ta vẫn thấy có nhiều người rất bình dân, học hành chẳng tới đâu, họ là những người khiêm tốn, nên đời sống đức tin của họ sâu xa và sống động! Ngược lại, những người tài giỏi, uyên thâm thì đức tin lại leo lét. Tại sao vậy? Thưa vì đức tin là một quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho những ai biết khiêm tốn đón nhận chứ không phải là kết quả của cuộc sưu tầm trí thức nơi con người.
Ơn cứu độ sẽ được dành cho những ai khiêm tốn và cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không đến được với những người kiêu căng, ngạo nghễ và cậy dựa thuần túy vào khoa học. Hạng người này, Thiên Chúa sẽ loại trừ, hay nói đúng hơn vì họ không chịu đón nhận tình thương và mạc khải của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con đức tin. Xin Chúa cho chúng con được trở nên đơn sơ để đức tin nơi chúng con ngày càng được lớn lên trong ân sủng của Chúa. Amen.
Sứ điệp: Mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa đã được tỏ bày cho những kẻ bé mọn, nhờ đó họ được ngụp lặn trong tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đường cứu chuộc của Chúa hoàn toàn đi ngược lại với khôn ngoan của người đời. Chúa đã xuống thế trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, một thiếu nữ tầm thường bình dị của làng quê Na-da-rét. Chúa đã để lại cho nhân loại một giáo huấn đi ngược lại với cách suy nghĩ của con người. Chúa đã đem lại sự sống đời đời khi đón nhận cái chết trên thập giá. Tất cả đã không thể nào làm cho các thầy thông luật và biệt phái hiểu được. Họ đã từ chối Chúa, bởi vì họ muốn dẫn Chúa đi theo con đường của họ, mà không muốn đưa tay mình để được bàn tay quảng đại của Chúa dẫn dắt.
Lạy Chúa, Chúa muốn dẫn con đến với Chúa Cha, muốn cho con được sự sống thân mật trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chỉ có Chúa mới biết rõ Chúa Cha. Còn con chỉ biết bước theo Chúa, chỉ biết nghe theo lời Chúa dạy. Xin Chúa giúp con trút bỏ đi những ý nghĩ riêng tư của mình để có thể lắng nghe lời Chúa dạy bảo. Chúa kêu mời con tìm về Lời Chúa trong thánh kinh, để nhờ Lời Chúa, con có thể đến với Chúa, nhờ Lời Chúa con hiểu biết Chúa ngày một hơn. Xin Chúa ban cho con một thái độ khiêm cung đích thực, một tâm hồn biết lắng nghe Lời Chúa và đón nhận chân lý của Chúa. Con cám ơn Chúa vì niềm hạnh phúc lớn lao Chúa ban cho con. Được biết Chúa và theo Chúa, được sống trong Chúa và sống với Chúa, đó là hồng ân cao cả nhất đời con. Xin Chúa giúp con cảm nhận được niềm vui ấy trong suốt cuộc đời. Amen.
Ghi nhớ: “Chúa đã giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn”.
Chị Têrêsa thành Lisieux sống và mang tinh thần bé nhỏ: Luôn làm những việc bé nhỏ, chị đã thổ lộ và cầu nguyện: “Con là một linh hồn rất bé mọn, chỉ có thể dâng những điều bé mọn cho Chúa”.
Nhờ tinh thần phó thác vào Chúa, chị cảm nhận ra tình yêu Chúa ngay cả những đen tối nhất của tâm hồn đó là cảm nghiệm được nước Trời: “Ngay cả những khi gặp thử thách ốm đau, con không sợ, vì Chúa luôn ở bên con, nâng đỡ con, vì Ngài đã nâng đỡ con từ khi con còn tấm bé, và sẽ nâng đỡ con mãi mãi cho đến hơi thở cuối cùng”.
Chính tinh thần bé nhỏ đã khiến chị sờ tới nước Trời và trong Thiên Chúa chị được bình an tâm hồn khi đặt mỗi gánh nặng bệnh tật vào Chúa.
Suy niệm
Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha: “Con xưng tụng Cha vì Cha đã mạc khải nước Trời cho những người bé mọn”. Người mang tâm tình thơ ấu bé nhỏ, người anh em hay chị em, tín thác vào tình yêu của Chúa Cha và để cho Ngài làm việc.
Chúa Giêsu đã chọn lựa những con người bé nhỏ, tầm thường để mạc khải nước Chúa và những người mang Tin Mừng đó là những anh thuyền chài không được trọng dụng trong xã hội.
Còn những con người học thức tài ba như Phaolô như Matthêu lại tự chấp nhận bé nhỏ để nước Trời được tỏa hiện trong các ông và tự các ông đến với anh em mình. Người mang tinh thần bé nhỏ được nước Trời mạc khải, được phác họa với hình ảnh Kinh Thánh:
“Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ
Trong con hồn lặng lẽ an vui” (Tv130,2).
Nhỏ bé, nép mình vào lòng Chúa, phó thác tất cả để được Thiên Chúa đỡ nâng, vì thế Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy đến với lòng Chúa để được nâng đỡ bồi dưỡng tâm hồn.
Cuộc sống hôm nay, con người luôn mong muốn được vĩ đại, sự mong muốn và phấn đấu vĩ đại của con người đã lấn át mạc khải nước Trời. Con người quên tinh thần bé nhỏ tín thác, sự vĩ đại mà họ muốn khẳng định và định đoạt tất cả, cái giá của sự vĩ đại mang danh “tự do” làm cho tôi và bạn quên Thiên Chúa gạt Ngài ra khỏi đời sống trong từng cách sống. Dù rằng, chúng ta vẫn luôn tuyên xưng mình là người có đạo, người tin Chúa. Đó chính là một thực tế của thế giới ngày hôm nay ở khắp mọi châu lục, đặc biệt là châu Âu, cái nôi của Kitô giáo. Nơi cuộc sống của chúng ta cũng thế.
Trong cuộc sống hằng ngày, ai trong chúng ta cũng đã cảm nghiệm được vất vả, mang gánh nặng, chịu gian nan thử thách, chịu đau khổ cả tinh thần lẫn vật chất, từ bản thân đến gia đình và xã hội. Với tinh thần bé nhỏ bên Chúa, con người hôm nay tìm thấy được một nơi yên nghỉ sau những giây phút mệt mỏi của đời sống và đặt tất cả mọi nỗi lo âu, những gánh nặng trần thế như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30). “Các con hãy mang lấy ách của Ta”. Đây là kiểu nói bóng trong truyền thống Kinh Thánh nơi các thầy rabbi xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai là thầy (x. Hc 51,26; Is 55,1). Chúng ta nhìn nhận và học nơi Thầy Giêsu hiền lành và khiêm nhu, tràn đầy tình thương, nhân từ, tha thứ và liên đới như Thầy đã dạy.
Thật thế, con người sẽ tìm thấy bình an, khi nhìn nhận sự bé nhỏ của mình trước Đấng Tạo Hóa và phó thác vào Ngài, họ sẽ được chính nước Trời khi giữa phong ba, giữa những mỏi mệt của cuộc sống đó là mầu nhiệm nước Trời mà người không tin vào Chúa Giêsu không thể cảm nghiệm.
Ý lực sống:
“Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, đừng ngăn cấm chúng vì nước Trời thuộc về chúng” (Mt 19,14).
Sau khi khiển trách những thành ven Biển hồ đã không tin Ngài vì cậy vào sự thông thái của mình. Chúa Giêsu lên tiếng tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha đã mạc khải Tin mừng cho những người bé mọn, tức là những người “nghèo trong tinh thần”, mà Ngài đã nói trong bài giảng về Bát phúc, những người tội lỗi, những kẻ ít học.
Người hèn mọn là đối tượng của lòng Chúa xót thương. Chúng ta tìm kiếm xem tại sao Thiên Chúa lại thiếu cảm tình với người khôn ngoan, thông thái? Phải chăng Thiên Chúa ganh tỵ với họ? Hay phải chăng Thiên Chúa chỉ muốn con người kém cỏi, hèn mọn?
Qua lời cầu nguyện cùng Cha, Chúa Giêsu cho chúng ta biết: Thiên Chúa là Cha, là chủ tể vũ trụ vạn vật, Ngài hoàn toàn tự do và đầy yêu thương, Ngài tỏ mình cho ai là sáng kiến của Ngài, Ngài muốn chỉ bảo ai điều gì, khi nào và thế nào là tuỳ ý Ngài. Nhưng chắc chắn Ngài không tỏ mầu nhiệm Nước trời cho những người tự phụ là khôn ngoan thông thái theo quan niệm của thế gian mà chỉ tỏ cho những người đơn sơ bé mọn.
Cụ thể những người biệt phái, những luật sĩ là hạng người được coi là trí thức thông thái, đã không tiếp nhận Tin mừng của Chúa và không nhận Ngài là Đấng đã được tiên báo trong Thánh kinh mà họ nghiên cứu tỉ mỉ. Trái lại, những kẻ đơn sơ bé mọn như các Tông đồ, là những người ít học mà các luật sĩ và biệt phái khinh thường, nhưng những kẻ bé mọn đó lại đón nhận Tin mừng, tin nhận Ngài là Cứu Chúa và làm theo lời Ngài chỉ dạy.
“Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn (Mt 11,25)
“Mặc khải” có nghĩa là làm cho những gì đã giấu kín được tỏ lộ ra. Mang ra ánh sáng những gì đang ở trong bóng tối, hay làm cho một ngươi hiểu những gì họ chưa biết hay còn mù mờ. Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan thông thái với kẻ bé mọn để dạy mọi người cần có thái độ của trẻ thơ: tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để người chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Bởi vì, thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ cản người ta nhận ra những gì Thiên Chúa muốn mạc khải cho.
Để hiểu mầu nhiệm Nước trời, con người cần có thái độ khiêm nhường: trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa chứ không phải ỷ vào sức mình.
Chúng ta cần trở nên những người bé mọn theo tinh thần Phúc âm, để cảm nếm và sống hoà hiệp với Thiên Chúa. Đức tin Kitô giáo hướng dẫn chúng ta đến một con người cụ thể, một vị Thiên Chúa chấp nhận sống với con người, chứ không phải những lý lẽ thần học cao siêu. Một con người khiêm tốn có thể có đức tin sâu xa hơn một nhà thông thái. Đức tin là một hồng ân cần được lãnh nhận hơn là kết quả của sưu tầm trí thức của con người.
Thánh Têrêsa Avila, tuy không học hành nhiều, nhưng đã có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa và đã trình bày kinh nghiệm thiêng liêng của mình một cách tốt đẹp, đến nỗi đã được đặt làm tiến sĩ Hội thánh, vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quí báu giúp mọi thành phần Giáo hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa (Mỗi ngày một tin vui).
Hãy trở nên bé mọn trước Thiên Chúa
Người leo núi có những tâm trạng trái ngược nhau. Đứng ở dưới mặt đất bằng, tầm mắt người ta thật hạn hẹp; nhưng khi leo lên tới đỉnh núi thì ngay lập tức lại thấy mình thật bé nhỏ và bị nhấn chìm trước quang cảnh đang trải rộng dưới chân. Có thể mượn tâm trạng đó để cảm nghiệm sự sâu thẳm vô biên của Mầu nhiệm Thiên Chúa. Có dám bỏ vị trí lè tè chật chội của cái tôi ích kỷ và đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống thánh thiện, lúc đó người ta mới thấy được sự nhỏ bé của mình và đồng thời cảm nhận được sự cao cả thánh thiện của Thiên Chúa.
Bạn không nhất thiết phải là người mù chữ thất học mới có thể đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Trái lại, như người ta thường nói: “Càng học càng thấy mình dốt”, điều kiện ban đầu để đến với Thiên Chúa không phải là bằng cấp này, học vị kia mà là thái độ khiêm tốn. Chính nhờ nhận biết mình bé mọn bạn có thể sẵn sàng đón nhận mạc khải của Chúa. Và một khi đã bước vào thế giới của mầu nhiệm, bạn sẽ càng thấy mình bé mọn và càng khao khát Thiên Chúa nhiều hơn nữa (5 phút Lời Chúa).
Truyện: Đám táng Thiên Chúa
“Thiên Chúa đã chết”, đó là câu nói của triết gia Nietzche mà sau này được nhiều người lặp lại. Ngày nọ, những người này muốn cử hành lễ nghi an táng, để từ biệt ý nghĩ Thiên Chúa hiện hữu. Họ nhờ bác phu già trông coi nghĩa trang đào sẵn cho một cái huyệt. Hiện diện trong buổi lễ, ngoài bác phu già, tất cả đều là bậc trí thức trong xã hội. Khi người chủ trì khai mạc buổi lễ thì bác phu già la lên:
- Không thể được, vì quan tài chưa đến.
Thiên Chúa vô hình, cần gì đến quan tài để tẩm liệm. Một vài người xúm lại kéo bác phu già ra xa, nhưng ông vùng vẫy và la lớn:
- Không. Thiên Chúa không chết. Thỉnh thoảng không ngủ được, ra đây ngồi, tôi vẫn nghe tiếng tim Ngài đập, nếu không tin, tối nay tụ họp lại đây quí vị sẽ thấy.
Động tính hiếu kỳ, họ bỏ dở buổi lễ và hẹn nhau tối sẽ trở lại. Tuy nhiên, tiếng động bên ngoài vọng lại khiến suốt đêm họ không thể nhận ra đâu là tiếng đập của quả tim Thiên Chúa. Họ dời tụ điểm đến một vùng quê, nhưng vắng tiếng động thành phố thì lại có tiếng côn trùng. Cuối cùng họ quyết định gặp nhau tại sa mạc. Bầu khí tĩnh mịch của sa mạc về đêm làm họ cảm thấy được cất khỏi gánh nặng lo toan, trở về với cõi lòng và chăm chú lắng nghe. Bỗng một người la to: “Tôi đã nghe thấy”. Nhiều người khác phụ họa: “Chúng tôi cũng đã nghe thấy”. Có người phân tích âm thanh của nó giống như âm thanh của mỗi lần cố gắng sống hoàn thiện. Họ đã tin phục lời bác phu già và nhất là tìm lại được niềm tin.
Đoạn này tiếp liền sau đoạn hôm qua: sau khi khiển trách những thành ven bờ hồ đã không tin Ngài vì cậy vào sự thông thái của mình, Chúa Giêsu lên tiếng tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha đã mặc khải Tin Mừng cho những người bé mọn, tức là những người “Nghèo trong tinh thần” mà được Chúa nói lên trong Bát Phúc (Tv 19,8. 116,6), những người tội lỗi, những kẻ ít học.
Ngài còn nói “vì ý Cha đã muốn an bài như vậy”. Nghĩa là những thái độ hoặc tin hoặc cứng lòng tin mà Chúa Giêsu gặp chẳng phải là chuyện may rủi, cũng chẳng phải do tài năng hay bất tài của Ngài, mà là chương trình khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài luôn ưu ái những kẻ bé mọn và hạ bệ những bậc khôn ngoan.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Chúa Giêsu là một con người lạc quan, mặc dù vừa thất bại ở các thành ven biển hồ, Ngài vẫn lên tiếng tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha. Sở dĩ Ngài lạc quan vì Ngài thấy được kế hoạch của Chúa Cha.
Sau khi bị thất bại, tôi dễ chán nản muốn bỏ cuộc. Xin Chúa cho con lạc quan như Chúa, để luôn tin tưởng vào thành công cuối cùng của việc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Xin cho con lạc quan đến nỗi vẫn ca tụng tạ ơn Chúa vì những thất bại của con.
2. Thiên Chúa giấu không cho những người khôn ngoan biết những mầu nhiệm của Ngài, mà lại mặc khải cho những người bé mọn biết những điều ấy. “Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng, Ngài nâng cao những người phận nhỏ”.
Dù con biết được điều gì đi nữa, dù con có thành công bao nhiêu đi nữa, xin cho con luôn khiêm tốn, tự biết mình chỉ là kẻ bé mọn trước mặt Chúa.
3. Được Thiên Chúa mặc khải cho biết về Ngài, đó là một đặc ân cao quý. Biết bao người thông thái nhưng không có đức tin. Còn con, từ hồi nhỏ mới sinh ra đã được ơn đức tin. Con xin tạ ơn và chúc tụng Chúa.
4. Niềm vui và sự phấn khởi là sợi chỉ xuyên suốt của toàn bộ Thánh Kinh. Thánh Phalô đã nhắc nhở các tín hữu “Anh em hãy vui lên. Tôi nhắc lại anh em hãy vui luôn”. Cho dù cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu có là trọng tâm của Kitô giáo, cho dù hy sinh có là con đường tu đức của Kitô hữu, thì Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô vẫn là tên gọi của đạo Chúa. Kitô giáo thiết yếu là một Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô để đón nhận, để sống và để loan báo. Mà nói đến Tin Mừng là nói đến hân hoan. (Trích “Chờ đợi Chúa”)
5. Một hôm sói hỏi sóc:
- Vì đâu mà họ nhà sóc ngươi luôn vui vẻ nhảy nhót còn bọn sói chúng ta luôn buồn sầu?
- Ông buồn vì ông ác. Tính độc ác đã bóp nghẹt tim ông. Còn chúng tôi vui vẻ vì chúng tôi hiền lành và không làm điều ác cho ái. (Tolstoi kể)
6. “Vâng lạy Cha vì đó là điều làm đẹp ý Cha”. (Mt 11,26).
Lạy Chúa, Chúa đã đến và đã xin con tất cả, và con cũng đã hiến dâng cho Chúa tất cả: cặp mắt, đôi chân và đôi bàn tay. Vì con là phụ nữ, ưa ngắm nhìn mái tóc óng ả của con, ưa ngắm nhìn những ngón tay thon nuột của con. Thế mà giờ đây đầu con hầu như không còn sợi tóc nào, cũng chẳng còn đâu những ngón tay hồng hồng xinh xắn, chỉ còn lại vài que củi khô nham nhúa… Thế nhưng con không hề muốn nổi loạn, con lại muốn dâng lên cho Chúa lời tạ ơn,… Bởi vì, đời con đã được quá ư đầy tràn đến kì diệu. Sống trong tình yêu Chúa, cuộc đời con cũng lấp đầy chan chứa.
Lời nguyện cầu của chị Véroniquae đẹp quá. Cứ dạt dào, bay vút hoà quyện với lời tạ ơn của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết khám phá nơi con những khả năng Chúa ban, biết trân trọng những tặng vật Chúa ký thác, và tận dụng những cơ hội Chúa gởi trao. (Hosanna)
1. Nếu đọc kỹ Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu là một con người lạc quan. Mặc dù vừa thất bại ở các thành ven Biển Hồ, Ngài vẫn lên tiếng tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha. Sở dĩ Ngài lạc quan vì Ngài thấy được kế hoạch của Chúa Cha.
Chúng ta hãy tập sống lạc quan như Chúa, bởi vì khi sống lạc quan chúng ta mới có nhiều niềm vui và niềm vui sẽ đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Xin được trích đọan một câu chuyện nhỏ từ trên mạng:
Hôm đó trời ảm đạm. Cô ngủ quên và trễ giờ làm việc. Rồi mọi việc trong văn phòng làm cô như muốn điên lên. Khó khăn lắm mới làm xong mọi việc. Rồi cô đón xé buýt về như mọi hôm. Chỉ có điều hôm nay cô rất bực mình. Một ngày thật “tồi tệ “, cô nghĩ thế.
Lần này cũng như mọi lần, chuyến xe buýt lại đến đón khách trễ, tệ hơn lại còn hết chỗ ngồi. Xui xẻo gì đâu! Cô đành phải đứng. Chiếc xe làm cô lắc lư tứ phía. Đã bực mình, cô càng cảm thấy buồn bực hơn!
Chợt cô nghe một giọng nói phía trước. Giọng nói của một người đàn ông cũng “bị” đứng như cô.
- Trời đẹp lắm phải không quí vị!
Vì đông quá, cô không nhìn rõ được mặt ông ta. Cô chỉ nghe được giọng ông đang giới thiệu huyên thuyên về cảnh mùa xuân, rồi cảnh vật những con đường xe buýt đi qua! Nào là nhà thờ, công viên, nghĩa địa, đội cứu hỏa. Và lạ thay, hầu như tất cả mọi hành khách trên xe đều nhìn ra ngoài cửa sổ để ngắm cảnh vật ông giới thiệu. Ông nói hăng say và nhiệt tình đến mức cô phải mỉm cười. Đây là nụ cười đầu tiên trong ngày.
Rồi cũng về đến nhà. Khi chen giữa đám đông để xuống xe, cô cố liếc nhìn người “hướng dẫn viên du lịch”. Ồ! Ông nào có trẻ trung gì. Ông đã đứng tuổi, trên mặt có hàm râu quai nón, đeo kính đen và cầm trên tay cây gậy nhỏ màu trắng.
- Ồ! Ông bị mù!
Xin Chúa cho chúng ta có được tinh thần lạc quan để luôn biết ca tụng Chúa kể cả những khi thất bại trong cuộc đời.
2. Thiên Chúa giấu không cho những người khôn ngoan biết những mầu nhiệm của Người, mà lại mặc khải cho những người bé mọn: “Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng, Ngài nâng cao những người phận nhỏ” (Lc 1,52). Những người phận nhỏ là những người đơn sơ ngay thẳng thật thà. Đó là những tâm hồn được Chúa yêu quí.
Một hôm sói hỏi sóc:
- Vì đâu mà họ nhà sóc các anh luôn vui vẻ nhảy nhót còn bọn sói chúng ta luôn buồn sầu?
- Ông buồn vì ông ác. Tính độc ác đã bóp nghẹt tim ông. Còn chúng tôi vui vẻ vì chúng tôi hiền lành và không làm điều ác cho ai. (Theo Tolstoi).
Vâng, Chúa luôn yêu quí những tâm hồn đơn sơ bé nhỏ. Đã có lần Chúa nói: “Nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ, anh em sẽ không được vào Nước Trời” (Mt 18,3).
Ông Babis sống tại bang Indiana bên Hoa Kỳ, kể lại một kinh nghiệm nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa trong và qua đứa cháu nội của ông như sau:
“Vì một trường hợp sinh nở khó khăn, nên một trong hai đứa cháu nội của tôi vừa được sinh ra đã chết. Đứa còn sống sót nhưng bị tàn tật nặng cả về thể xác lẫn tinh thần, vô phương chữa trị. Dĩ nhiên là cha mẹ của cháu buồn lắm. Là ông bà nội, chúng tôi cũng buồn không kém.
Thằng bé có khuôn mặt kháu khỉnh làm sao! Nhưng lại tàn tật trông thật đáng thương! Tuy nhiên, ai trong gia đình cũng đều yêu thương cháu cách đặc biệt, ai cũng muốn quấn quít với cháu.
Mỗi khi bế cháu vào lòng, tim tôi se lại và một nỗi buồn nào đó lại đè nặng tâm hồn tôi. Cho đến một ngày nọ, tôi còn nhớ rõ lắm, nhớ thật rõ. Lúc đó đứa cháu nội tôi đã được hơn hai tuổi. Chiều hôm đó, tôi trông cháu giúp con tôi để chúng đi dâng lễ. Tôi đặt thằng bé nằm trên giường và mở cho nó nghe một đĩa nhạc mang nội dung Thánh Kinh, hầu hết là những bài ca giáo lý do các trẻ em hát. Thằng bé vừa nghe, vừa mỉm cười, nó múa máy động chân động tay, còn miệng thì ầm ừ những gì mà tôi không hiểu.
Tôi nhìn cháu phản ứng, bỗng dưng nỗi buồn trong lòng tôi tan biến giữa những tiếng hát của đám trẻ vang lên trong đĩa hát.
Bất chợt tôi cảm nghiệm sâu xa rằng, Thiên Chúa hiểu những tiếng ầm ừ của thằng cháu tôi và Ngài lắng nghe nó với tất cả lòng yêu thương. Ngài nói chuyện với nó qua giọng kể và tiếng hát của những em nhỏ phát ra từ đĩa hát.
Xác tín ấy đã hàn gắn vết thương lòng tôi, đồng thời cũng củng cố lòng tin của tôi vào tình thương yêu nhân từ Chúa dành cho mỗi người. Cũng hôm ấy tôi hiểu Lời Chúa trong Tin Mừng. “Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Ta đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Mt 19,14).