"Làm sao các phù rể có thể buồn rầu khi tân lang còn đang ở với họ".
Lời Chúa: Mt 9, 14-17
Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Giêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: "Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?"
Chúa Giêsu nói với họ rằng: "Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay. Không ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng tệ hơn. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, bầu da vỡ, rượu đổ ra, và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu da mới, và cả hai được nguyên vẹn".
Mỗi năm người Do thái dành một ngày chính thức để cả nước ăn chay. Đó là ngày lễ Xá tội (Lv 23, 29).
Tuy nhiên cũng có những ngày ăn chay khác có tính tập thể để kỷ niệm những biến cố đau buồn của dân tộc. Ngôn sứ Giôen đã mời người ta ăn chay, khóc lóc và than van (Ge 2, 12). Vào thời Đức Giêsu, các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và nhóm Pharisêu còn ăn chay do lòng đạo đức riêng, có người hai lần một tuần (Lc 18, 12). Nhìn chung bầu khí ăn chay không phải là bầu khí vui tươi phấn khởi. Bởi đó có người cố mang bộ mặt rầu rĩ để khoe là mình đang ăn chay. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu bị các môn đệ của Gioan tra hỏi về chuyện tại sao các môn đệ của Ngài lại không ăn chay như họ (c. 14). Đối với họ ăn chay là một việc đạo đức quan trọng, không thể thiếu trong đời sống của một nhóm như nhóm các môn đệ Đức Giêsu. Đức Giêsu đã trả lời họ bằng một câu hỏi khác. Gián tiếp Ngài nhận mình là chàng rể, các môn đệ là khách dự tiệc cưới. Chính vì thế chuyện ăn chay than khóc hoàn toàn không hợp chút nào. Bầu khí vui tươi là nét đặc trưng của thời kỳ Đấng Mêsia đến. Đúng là cần phải sám hối, vì Nước Trời đã đến rồi (Mt 4, 17), nhưng Nước Trời được ví như một tiệc cưới lớn (Mt 22, 1-14; 25, 1-13), nên phải đón lấy Nước này trong niềm vui của ngày hội. Chỉ khi nào chàng rể Giêsu bị đem đi trong cuộc Khổ nạn, khi ấy các môn đệ của Ngài mới ăn chay. Các Kitô hữu sơ khai vẫn giữ việc ăn chay (Cv 13, 2; 14, 23; 2 Cr 6, 5) đặc biệt vào những ngày thứ tư và thứ sáu (sách Điđakhê 8, 1), thay vì thứ hai và thứ năm như người Do thái. Nhưng họ ăn chay không phải để chờ một Đấng chưa đến, mà để chuẩn bị lòng mình đón đợi một Đấng sắp lại đến trong vinh quang. Đức Giêsu đem đến những giáo huấn và tinh thần mới mẻ. Liệu có thể ghép những cái mới đó vào cái khung của lối sống cũ không? Bằng hai ví dụ, Ngài cho thấy điều đó khó thực hiện và gây nguy hại. Miếng vải mới được vá vào chiếc áo cũ, sẽ co lại và làm áo rách thêm. Rượu mới được đổ vào bầu da cũ, thì bầu sẽ bị nứt mà rượu lại chảy ra. Đối với Đức Giêsu, muốn giữ được cả bầu lẫn rượu mới, thì cần có bầu mới. Bầu mới chính là cách sống mới Luật Tôra của Thiên Chúa như đã được Ngài giải thích lại trong Bài Giảng trên núi. Kitô hữu được định nghĩa là những người luôn sống trong niềm vui, bất chấp những bách hại và giá phải trả để làm môn đệ Đức Giêsu. Chàng rể đã bị đem đi, nhưng Chàng rể vẫn đang ở lại (Mt 28, 20). Bầu khí của tiệc cưới và rượu mới vẫn là bầu khí của mọi cộng đoàn Kitô hữu hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng trước mọi biến cố của cuộc sống, khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm, hay gặp sự bất trung, bất tín nơi những người con tin tưởng cậy dựa. Xin giúp con gạt mình sang một bên để nghĩ đến hạnh phúc người khác, giấu đi những nỗi phiền muộn của mình để tránh cho người khác phải đau khổ. Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời, để đau khổ làm con thêm mềm mại, chứ không cứng cỏi hay cay đắng, làm con nhẫn nại chứ không bực bội, làm con rộng lòng tha thứ, chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ. Ước gì không ai sút kém đi vì chịu ảnh hưởng của con, không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật, lòng cao thượng, tử tế, chỉ vì đã là bạn đồng hành của con trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu. Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối, xin cho con có lúc thì thầm với Chúa một lời yêu thương. Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên, tràn trề sức mạnh để làm việc thiện, và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen. (dịch theo Learning Christ)
Thiên Chúa luôn bất ngờ. Vì luôn yêu thương. Luôn đi bước trước. Luôn có sáng kiến. Bất ngờ vì vượt quá sức tưởng tượng của con người. Bất ngờ vì luôn yêu thương, tha thứ. Và nhất là sửa chữa lại những sai lầm của con người một cách trổi vượt. Kế hoạch đầu tiên trao gửi cho bà E-và đã thất bại. Lập tức Chúa có sáng kiến tuyển chọ Áp-ra-ham để thiết lập một dân riêng. Dân tộc mà Chúa yêu thương tuyển chọn luôn thay lòng đổi dạ, phản bội Chúa. Họ lãnh lấy hậu quả thảm khốc. Mất nước. Thành quách xiêu đổ. Dân bị lưu đầy. Đất đai thuộc về đế quốc nên phải nộp hoa màu cho kẻ xâm lược. Nhưng sau một thời trừng phạt, Chúa lại yêu thương phục hồi họ. “Ta sẽ đổi vận mạng của Ít-ra-en dân Ta: chúng sẽ tái thiết những thành phố điều tàn và định cư ở đó; chúng sẽ uống rượu vườn nho mình trồng, ăn thổ sản vườn mình canh tác” (năm chẵn).
Nhưng khi cần Chúa sẵn sàng làm ra những con người mới. Để có thể hoàn thành kế hoạch của Chúa. Vua Sa-un không vâng lời Chúa. Lập tức Chúa tuyển chọn Đa-vít. E-sau thất bại vì đã ham ăn mà bán chức trưởng nam. Chúa lập tức tuyển chọn Gia-cóp. Và Gia-cóp trở thành tổ phụ được hưởng mọi phúc lành. “Xin Thiên Chúa ban cho con sương trời với đất đai màu mỡ, và lúa mì rượu mới dồi dào. Các dân phải làm tôi con, các nước phải sụp xuống lạy con” (năm lẻ).
Kế hoạch sau cùng vô cùng tuyệt hảo. Đó là Con Một Chúa xuống thế làm người ở với chúng ta. Đó là một sáng kiến vô cùng mới mẻ. Cao siêu vượt quá trí khôn loài người. Chúa lập ra đạo mới vượt xa đạo cũ. Đạo cũ chuyên chăm giữ luật. Đạo mới sống với Chúa trong tình yêu. Chúa lập ra một dân mới thay thế dân cũ. Dân cũ căn cứ vào huyết thống Áp-ra-ham. Dân mới căn cứ vào đức tin của Áp-ra-ham. Đạo mới là tấm áo mới may bằng vải mới. Là chất rượu mới thơm tho mãnh liệt. Con người vì thế phải đổi mới để thích hợp. Phải trở thành áo mới. Không thể vá áo cũ. Phải trở thành bầu da mới. Để chứa đựng rượu mới nồng nàn. Không đổi mới sẽ như manh áo cũ rách tả tơi. Như bầu da cũ nổ tung khi gặp rượu mới. Phải đổi mới. Như Gia-cóp có thể thay thế E-sau. Như Đa-vít trổi vượt Sa-un. Như các môn đệ vượt qua các kinh sư và biệt phái.
Xin cho con không ngừng từ bỏ con người cũ. Không ngừng đổi mới. Để con trở thành bầu da mới. Chứa đựng được rượu mới của Chúa.
Phanxicô được mệnh danh là người nghèo của Thiên Chúa, đã làm một cuộc đoạn tuyệt với tất cả những gì thuộc về thế gian để nên giống Chúa Giêsu trong mọi sự.
Trên bước đường theo Ngài, Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào nơi người môn đệ: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình". Nếu chính bản thân mà còn phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt khoát này được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách xử thế của Ngài đối với một số những luật lệ Cựu ước. Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự miễn chước. Hành động như thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự độc lập của Ngài và của các môn đệ đối với một số truyền thống cũ. Chúa Giêsu đã minh định thái độ của Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang. Ngài chính là Tân lang, là Ðấng Cứu Thế mà con người mong đợi.
Theo truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Ðó là thái độ hợp thời và hợp lý: họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của Ðấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan.
Làm môn đệ Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu, thái độ của người theo Chúa phải là sống tất cả cho Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu, Chúa Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận căn, một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Mang danh hiệu của Ngài, làm môn đệ của Ngài có nghĩa là phải sống trọn cho Ngài. Nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
Chẳng ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu da sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.” (Mt. 9, 16-17)
Đức Giêsu, con người tự do
Chúa Giêsu yêu mến các truyền thống, nhưng Người không phải là con người bảo thủ. Người thông thạo Lề Luật, vàbiết cách tuân thủ, nhưng không làm nô lệ cho Luật. Người tôn trọng những cái cũ, nhưng không để cho những cái đó làm trở ngại cho đời sống được canh tân và được thể hiện vuông tròn.
Chúa Giêsu yêu thích cái mới, tạo nên cái mới, sống chết vì sự canh tân. Phúc âm của Người, chính là nguồn sinh lực mới mẻ và tươi mát. Không có chi lải nhải. Chúa Giêsu không chống lại việc giữ chay theo Luật truyền. Người thường ăn chay. Nhưng không ngại bãi bỏ việc giữ chay không có lý do thích hợp vì nó cản trở niềm vui chan hòa của con người. Chúa Giêsu nhìn nhận rằng người ta không thể suốt đời cứ huênh hoang tự đắc về những tập tục cũ kỹ và những cách suy nghĩ lỗi thời. Người đã rao giảng sự canh tân thường xuyên con người, việc làm và cách làm. Người luôn có những bước khởi đầu mới mẻ, với nhiệt tình hăng say luôn mới. Người là con người tự do, có khả năng xông pha mạo hiểm.
Chúng ta có là những con người tự do không?
Chúng ta có là những con người tự do như Chúa Giêsu không? Mặc dầu vẫn phải tôn trọng quá khứ, chúng ta có được khả năng sống luôn hướng về tương lai không? Dù ở tuổi nào, ta vẫn có được óc sáng kiến, tinh thần sáng tạo chứ? Có những ngày nào, ta thấy thích thú đoạn tuyệt với nhưng lề thói cũ, sẵn sàng hướng về những phiêu lưu mới mẻ, sẵn sàng đương đầu với những thách đố mới không?
Nếu cuộc sống của ta chẳng bao giờ có được điều chi mới mẻ, nếu lòng tin của ta không hề thúc đẩy ta làm được việc gì mới lạ, nếu ta chỉ sống với những gì đã cũ kỹ, dã qua, đã được làm rồi, nếu cuộc đời thường ngày của ta, mỗi ngày chỉ là rập theo vết xe lăn cũ, thế thì chúng ta đã tự giam hãm mình vào những bầu rượu cũ và chúng ta đang sống xa, rất xa tinh thần Phúc âm rồi đấy.
Xem lại CN 8 TN B, Thứ Hai tuần 2 TN, thứ Sáu sau lễ Tro, và thứ Sáu tuần 22 TN.
Đã nhiều lần Đức Giêsu bị những người Pharisêu cho rằng Ngài không giữ Lề Luật của Môsê. Họ kết án Đức Giêsu là người vô kỷ luật. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã phủ nhận chuyện đó và Ngài đã khẳng định: “Tôi đến không phải để hủy bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn”. Thật vậy, Lề Luật Cựu Ước chỉ là một sự chuẩn bị cho Con Người và sứ vụ của Đức Giêsu đến mà thôi.
Nhưng nay, thời đã điểm và Đức Giêsu đã đến, Ngài hiện diện như những gì các tiên tri đã tiên báo và Lề Luật của Môsê hướng tới. Vì thế, giờ đây, chính Ngài là nội dung của Luật, nên hãy sống với một tinh thần mới chứ không phải mong đợi nữa, vì Chàng Rể là Đức Giêsu đã đến.
Tinh thần mới ở đây chính là lòng bao dung, tha thứ, hiền hòa, nhân hậu, từ bỏ con đường tội lỗi. Đổi mới bầu da cũ là bỏ đi nếp sống không còn phù hợp với Tin Mừng và thay vào đó là những cách sống mà Đức Giêsu đã vạch ra, đó là: “Mến Chúa và yêu người”. Thiên Chúa không thể đổ tràn ân sủng mới của Ngài vào trong một thân thể cũ với đầy những tội lỗi, những thù hằn, ghen ghét ...
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức mình là người tội lỗi, để đáng được đón nhận
Sứ điệp: Đi vào giao ước mới thì phải mang lấy tinh thần mới. Đối với Chúa Giêsu, giữ đạo chỉ có giá trị thực sự khi lấy Chúa làm trung tâm và hết lòng yêu mến Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, qua Tin Mừng, con biết Chúa khó chịu lắm khi thấy người Do Thái giữ đạo kiểu hình thức. Chúa thấy họ quên mất rồi những mục đích của luật lệ. Chúa ban luật lệ để nhờ đó con người biết lối biểu lộ lòng mến yêu và trung tín với Chúa. Nhưng họ đã bóp méo đạo Chúa: điều chính hóa ra phụ và điều phụ thành ra chính. Phương tiện trở nên mục đích, còn mục đích lại bị coi thường.
Lạy Chúa, Chúa đã đến uốn nắn lại những sai lầm trong việc giữ đạo. Chúa thiết lập giao ước mới để kiện toàn giao ước cũ. Chúa muốn chắp lại đôi cánh cho lề luật, để lề luật thật sự trở thành phương tiện chở con đi về với Chúa. Lòng yêu mến chính là đôi cánh cho lề luật. Xin dạy con giữ luật với lòng yêu mến, để luật lệ khỏi biến thành cái ách nặng nề làm khổ con và kéo con đi trệch đường. Xin dạy con đừng bao giờ tự bằng lòng với chính mình trong cách sống đạo chỉ có hình thức bên ngoài, nhưng biết giữ đạo vì lòng mến Chúa chân thành.
Tuy thế, lạy Chúa, tự nhiên con khó mến Chúa. Đức mến là một ân huệ. Nếu Chúa không ban cho, thì con chẳng thể mến Chúa. Xin Chúa tăng thêm lòng mến cho con để con cảm thấy niềm vui được sống trong lề luật của Chúa. Chúa đã ban rượu mới là giao ước mới cho con, thì xin Chúa cũng giúp con biến đổi tâm hồn mình thành bình da mới đầy tình yêu mới, để đời con mỗi ngày mỗi đẹp lòng Chúa hơn. Amen.
Ghi nhớ: “Làm sao các phù rể có thể buồn rầu khi tân lang còn đang ở với họ”.
Người Do Thái ăn chay bằng cách nhịn ăn từ sáng đến chiều. Tập tục ăn chay bằng cách nhịn ăn từ rạng đông cho đến khi mặt trời lặn, ngày nay anh chị em Hồi giáo vẫn tuân giữ trong suốt tháng Ramadan (tháng thứ 9 của âm lịch Ả Rập).
Trong khi ấy, anh chị em Phật giáo lại ăn chay vào mồng một và ngày rằm (âm lịch), bằng cách vẫn ăn no, nhưng kiêng không ăn thịt của bất cứ động vật nào, chỉ ăn thực vật.
Ngày xưa, người Công giáo cũng ăn chay giống như người Do Thái là nhịn ăn từ sáng cho đến chiều. Ngày nay người Công giáo ăn chay một năm hai lần vào ngày thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, và chỉ cần ăn ít đi vào buổi sáng và buổi chiều, đồng thời kiêng thịt vào hai ngày đó.
Thánh Tôma tiến sĩ đã giải thích ý nghĩa việc ăn chay:
Thứ nhất: Để kiềm chế sự thèm muốn của xác thịt. Nhờ chay tịnh, sẽ giữ được sự trong sạch. Trong Cựu ước cũng đề cập đến: “Sự thèm muốn bị kiềm chế lại bởi kiêng rượu, thịt”.
Thứ hai: Nhờ vào sự chay tịnh để tâm hồn chúng ta gia tăng một cách tự do, hướng đến sự chiêm niệm về những điều thiện hảo của thiên đàng. Tiên tri Đaniel cũng được Thiên Chúa mạc khải sau khi ăn chay ba tuần lễ.
Thứ ba: Ăn chay để đền bù cho những tội lỗi của mình: “Hãy đến với ta bằng cách thay đổi hoàn toàn tâm hồn ngươi, trong chay tịnh và trong khóc lóc”.
Suy niệm
Việc giữ chay theo truyền thống Do Thái giáo, liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế… Cho nên, khi chuẩn bị đón Chúa Cứu Thế mọi người chay tịnh chuẩn bị như cách sống và lời rao giảng của Gioan Tẩy giả đón Ngài.
Đức Giêsu không loại bỏ việc ăn chay. Ngược lại Ngài đã dạy các môn đệ rằng, chỉ có ăn chay cầu nguyện mới trừ được quỷ (x. Mt 17,21). Chính Ngài có bốn mươi ngày ăn chay trong hoang địa trước khi bắt đầu sứ vụ công khai (x. Lc 4,1-2). Ngài nhấn mạnh đến chiều kích tâm hồn của ăn chay: Không hình thức vụ lợi bên ngoài nhưng là ẩn sâu trong tâm hồn.
Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Ngài đến như tân lang trong tiệc cưới – tiệc cứu độ tình yêu đem niềm vui đời đời cho chúng ta. Gioan Tiền hô giới thiệu Đức Giêsu như là tân lang vẫn được mong đợi: Nay tân lang đã đến và có cô dâu, và tuyên bố ông là “bạn của tân lang” (x. Ga 3,29).
Đức Giêsu tự giới thiệu như là “Chàng Rể” (x. Mc 2,18-20). Sau này thánh Phaolô tông đồ cũng nhấn mạnh: Đức Kitô - Hôn phu và Giáo hội - Hiền thê (x. 2Cr 11,2; Ep 5,25-33). Thánh Âugustinô đã viết: “Hôn phu (chú rể) của tiệc cưới ấy là hình ảnh của Đức Chúa hiện thân”....
Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế - Tân lang đang hiện diện, do đó các môn đệ là các phù rể, là bè bạn Ngài đang dự tiệc cưới thì không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Vì thời của Ðấng Cứu Thế - Tân lang là thời của hân hoan, của niềm vui, không phải là thời của khóc lóc, tang chế, ủ dột và chay tịnh.
Chỉ khi “Tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay” (Mt 9,15). Đức Giêsu nhấn mạnh đến cái chết của Ngài. Một khi Ngài rời khỏi thế gian để lên cùng Cha, lúc đó các môn đệ ăn chay. Ngày nay, Giáo hội vẫn tha thiết kêu mời con cái mình ăn chay hướng lòng chờ đợi ngày Đức Giêsu lại đến trong ngày quang lâm.
Xin cho chúng ta hiểu tâm tình căn bản của người môn đệ trong thời Tân ước là tâm tình được đổi mới nên luôn vui tươi. Cũng như hiểu ý nghĩa chay tịnh: Chuẩn bị tâm hồn đón chờ Chúa đến trong thức tỉnh với trọn tâm tình yêu mến chứ không phải với hình thức bên ngoài... Hãy xé lòng đừng xé áo như lời ngôn sứ Gioen đã nhắc nhở, kêu mời (x. Ge 2,12).
Ý lực sống:
“Chay tịnh làm sạch sẽ tâm hồn, gia tăng trí khôn, hướng xác thịt đến thần linh, thể hiện con tim thống hối và khiêm nhường, chẻ nhỏ những đám mây thèm muốn, dập tắt đám lửa dâm dục và đốt lên ánh sáng thật sự của đức ái” (Thánh Âugustinô).
Môn đệ ông Gioan thấy môn đệ Chúa Giêsu không ăn chay thì hỏi: sao môn đệ Ngài không ăn chay? Chúa đáp: Trong tiệc cưới, bao lâu chàng rể còn ở lại thì bạn bè vẫn vui mừng, chừng nào chàng rể đi rồi thì họ mới buồn rầu chay tịnh. Qua bài Tin mừng, Chúa Giêsu dùng hình ảnh tiệc cưới, trong đó chính Ngài là chàng rể, còn các môn đệ là phù rể. Vậy nên chỉ sau khi chàng rể bị đem đi, nghĩa là sau cái chết của Chúa Giêsu, thì lúc đó các môn đệ mới giữ chay: giữ chay vì thương nhớ, và để đón chờ Chúa trở lại.
Ăn chay, cầu nguyện, làm phúc bố thí là ba sinh hoạt chính trong đời sống đạo đức của Do thái giáo. Họ có một cuộc ”đại chay” bắt buộc nhân ngày lễ xá tội. Đồng thời họ cũng có những cuộc chay tịnh khác mang tính cách tập thể, chẳng hạn gặp ngày tổ quốc gặp hoạn nạn. Ngoài ra, những người đạo đức còn ăn chay vì lòng sốt sắng, như các môn đệ của Gioan Tẩy giả và những người Biệt phái, họ thường ăn chay mỗi tuần hai lần vào ngày thứ hai và thứ năm. Chung qui lại, ăn chay đối với Do thái giáo bao gồm ba ý nghĩa chính:
- Để tỏ lòng sám hối và xin ơn.
- Để chờ đợi Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân khỏi ách đô hộ ngoại bang.
- Lòng đạo đức nhiệt thành.
Ý nghĩa việc ăn chay
Theo truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Đấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Đấng Cứu Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Đấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần trông đợi nữa. Đó là thái độ hợp thời và hợp lý; họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của Đấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan (Mỗi ngày một tin vui).
“Rượu mới thì đổ vào bầu da mới”
Chúa đến khai mạc một luật mới, một hiến chương mới của Nước trời. Luật mới này đòi hỏi con người, cụ thể là người Do thái thời đó, phải thay đổi hoàn toàn đời sống, hay nói một cách gợi hình hơn “phải lột xác”. Việc ăn chay, do đó, sẽ chẳng giống như luật cũ. Hai thí dụ Chúa dùng để giải thích cho đòi hỏi đó rất linh động và gợi hình, là không nên lấy vải mới vá vào áo cũ, không đổ rượu mới vào bầu da cũ. Tức là Chúa quyết liệt khẳng định: bây giờ là lúc phải theo luật mới của Tân ước.
Chúng ta có thể đưa ra một số chứng từ cụ thể trong Tin mừng để thấy bản chất luật mới của Chúa Giêsu: thương yêu là căn bản trong tương quan của mỗi người đối với Thiên Chúa và với tha nhân – tôn trọng sự thật, chân lý, lẽ phải ngay từ trong thâm tâm – không trình diễn, khoe khoang những việc đạo đức, chỉ cần chính tâm, thành ý, làm hơn là nói – không nệ luật cứng nhắc, máy móc, nhưng phải uyển chuyển trên tiêu chuẩn bác ái v.v...(Lm. Phạm Văn Phượng).
Ngoài ra, ăn chay đối với người Kitô hữu cũng có nghĩa là “dấn thân” cho một thế giới mới, xây dựng một trật tự và một nếp sống mới trong những mối tương quan mới về hiệp nhất, yêu thương với Chúa và với anh chị em chung quanh ta.
Trong bài giáo huấn hồi tháng 3 năm 1979, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói đến ý nghĩa của sự chay tịnh như sau: “Chay tịnh là khước từ khoái cảm, các kích thích lạc thú và ngay cả thức ăn của uống, tự nó không phải là mục đích, nhưng nó phải mở đường cho những giá trị sâu xa hơn mà con người nội tâm cần phải được nuôi dưỡng. Một sự khước từ, một sự hãm dẹp thân xác như thế, phải giúp tạo nên trong con người những điều kiện, để có thể sống những giá trị cao cả mà nó hằng khao khát”.
Truyện: Ý nghĩa việc ăn chay
Có một đan sĩ nọ, trong một phút yếu lòng, đã phạm một tội rất nặng. Thầy cảm thấy hối hận sâu xa và quyết định bỏ ba năm để đền tội. Ngày kia, thầy đến hỏi Đức Viện phụ:
- Thưa cha, ba năm trời có đủ để khóc than và đền bù tội lỗi của con không?
- Ba năm nhiều quá! Viện phụ đáp.
- Vậy thưa cha, chỉ cần một năm thôi cũng đủ hay sao?
- Cha nghĩ một năm cũng quá nhiều!
- Vậy con nghĩ 40 ngày ăn chay đánh tội nhiệm nhặt là đủ rồi, hay cha vẫn thấy còn quá nhiều?
Bấy giờ Viện phụ mới kết luận: “Cha tin chắc rằng khi một người thành tâm thống hối tội lỗi của mình đã phạm và quyết chí từ nay không tái phạm tội ấy nữa, thì chỉ cần một ngày đau buồn đền tội và một ngày hôm sau, khi bình minh trở lại, người ấy phải vui mừng đón nhận cuộc sống mới!”
Sự trưởng thành thực sự mà con người có thể đạt được qua sự chay tịnh không chỉ là thắng vượt được những dục vọng và đam mê thấp hèn của bản thân, mà chính là biết xa lánh tội lỗi và đưa con người đến gần Chúa và tha nhân hơn.
Nhân dịp trả lời cho các môn đệ của Gioan Tẩy giả về việc ăn chay, Chúa Giêsu cho biết ý nghĩa và tinh thần của việc đạo đức này:
- Ăn chay không phải chỉ để chu toàn quy định của luật
- Mà là để bày tỏ nỗi buồn khi phải xa cách "chàng rể", nghĩa là do tội mà phải xa cách Chúa.
- Tâm tình căn bản của người môn đệ Chúa trong thời Tân Ước là tâm tình vui mừng vì được sống với "chàng rễ".
B.... nẩy mầm.
1. Thánh Phaolô đã kêu gọi "Anh em hãy vui lên. Tôi xin nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui luôn trong Chúa". Kitô giáo là đạo của niềm vui vì là đạo của ơn cứu thoát và là đạo của Tin Mừng. Tâm tình thường xuyên của tôi phải là vui mừng trong Chúa. Và niềm vui của tôi còn phải tỏa lan sang cho những người sống chung quanh tôi nữa.
2. Cho dù cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu có là trọng tâm của Kitô giáo, cho dù hy sinh khổ chế có là con đường tu đức của các kitô hữu, thì Tin Mừng vẫn là tên gọi của Đạo Chúa. Kitô giáo thiết yếu là một Tin Mừng, một Tin Mừng để đón nhận, để sống và để loan báo. Mà nói đến Tin Mừng là nói đến hân hoan (Chờ đợi Chúa).
3. Người Ai Cập ăn chay để được trẻ trung hơn.
Người Hi Lạp ăn chay để tinh thần được nhanh nhẹn hơn. Người thổ dân Nam Mỹ ăn chay để bày tỏ lòng can đảm. Người vẽ tượng thánh ăn chay để vẽ cho đẹp hơn. Người Do Thái ăn chay để ăn năn tội, để thương tiếc kẻ chết, để xin Chúa đặc biệt trợ giúp, để chuẩn bị đón Chúa đến.
Người Kitô hữu không ăn chay vì những lý do trên, bởi Chúa đã đến rồi, nhưng ăn chay để đón chờ Chúa lại đến, để Danh Chúa hiển sáng, Nước Chúa trị đến và ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Như thế, ăn chay đối với người kitô hữu cũng có nghĩa là dấn thân cho một thế giới mới, xây dựng một trật tự và một nếp sống mới trong những tương quan mới với Chúa và anh em.
Xin cho con biết chết đi cho tội lỗi, để sống lại với Chúa và cho Chúa (Hosanna).
4. Sau mấy ngày hội thảo đầy căng thẳng, hai nhà truyền giáo Theodore Cuyler và Charles Spurgeon đi ra ngoài xả hơi. Họ chạy nhảy giữa cánh đồng như thể các học sinh được nghỉ học, vui chơi thoả chí. Cuyler kể một câu chuyện vui làm Spurgeon bật cười sảng khoái. Rồi thình lình ngài nói:
- Này bạn Theodore, chúng ta hãy quì gối cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta tiếng cười vui vẻ vừa rồi.
Và rồi cả hai nhà truyền giáo vĩ đại đó thản nhiên quì trên bãi cỏ xanh tươi cám ơn Chúa trước quà tặng là tiếng cười đó.
Đâu có gì mâu thuẫn giữa cầu nguyện và cười vui? Vì một đàng là biểu hiện của sức khoẻ tâm linh, một đàng là của sức khoẻ thể xác. (Góp nhặt)