Khi ấy, một người đồng bàn thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Phúc cho kẻ sẽ được ăn tiệc trong nước Thiên Chúa". Người phán cùng kẻ ấy rằng: "Có một người kia dọn tiệc linh đình, và đã mời nhiều thực khách. Tới giờ dự tiệc, ông sai đầy tớ đi báo cho những kẻ được mời để họ đến, vì mọi sự đã dọn sẵn sàng rồi. Nhưng mọi người đồng thanh xin kiếu. Người thứ nhất nói với ông rằng: "Tôi mới tậu một thửa ruộng, tôi cần phải đi xem đất, nên xin ông cho tôi kiếu". Người thứ hai nói: "Tôi mới mua năm đôi bò, và tôi phải đi thử chúng, nên xin ông cho tôi kiếu". Người khác lại rằng: "Tôi mới cưới vợ, bởi đó tôi không thể đến được". "Người đầy tớ trở về thuật lại những điều đó cho chủ mình. Bấy giờ chủ nhà liền nổi giận, bảo người đầy tớ rằng: "Anh hãy cấp tốc đi ra các công trường và các ngõ hẻm thành phố mà dẫn về đây những người hành khất, tàn tật, đui mù và què quặt". Người đầy tớ trở về trình rằng: "Thưa ông, lệnh ông ban đã được thi hành, thế mà hãy còn dư chỗ". Ông chủ lại bảo người đầy tớ rằng: "Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi. Vì tôi bảo cho các người biết: không một ai trong những kẻ đã được mời, sẽ được nếm bữa tiệc của tôi".
Bài Tin Mừng hôm nay vẫn nằm trong bối cảnh của bữa tiệc do một ông Pharisêu chức sắc mời Đức Giêsu vào ngày sabát (Lc 14, 1). Những lời Ngài nói trong bữa tiệc đã đánh động một người cùng bàn. Ông chia sẻ với Đức Giêsu về niềm hạnh phúc của người được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa (c. 15), ở đó có mặt các tổ phụ và thiên hạ từ khắp tứ phương (Lc 13, 28-29). Chính vì thế Đức Giêsu đã muốn kể một dụ ngôn về Nước Trời. Nước Trời giống như một đại tiệc do một người khoản đãi. Ông đã mời nhiều quan khách đến dự. Khi đến giờ đãi tiệc, ông còn sai đầy tớ đi mời họ lần nữa. “Mời quý vị đến, vì mọi sự đã sẵn sàng rồi” (c. 17). Tiếc thay lời mời ấy, đại tiệc ấy, lại bị mọi người coi nhẹ. Ai cũng có lý do để xin kiếu từ. Kẻ thì kiếu vì cần phải đi xem miếng đất mới mua (c. 18). Kẻ thì kiếu vì phải đi kiểm tra năm cặp bò mới tậu (c. 19). Kẻ khác lại xin kiếu vì phải ở nhà với người vợ mới cưới (c. 20). Có vẻ các lý do đưa ra đều có lý phần nào. Nhưng thực sự chúng có phải là những lý do chính đáng để từ chối đại tiệc mà mình đã được mời cách trân trọng hay không? Vấn đề chỉ là chọn lựa. Xem đất mới mua, xem bò mới tậu, ở nhà với vợ mới cưới, những điều ấy hẳn cần thiết và quan trọng. Nhưng có quan trọng bằng chuyện đi dự tiệc không? Nếu đi dự tiệc để diễn tả sự hiệp thông của tình bạn thì có thể hoãn các chuyện khác không, để chọn điều có giá trị hơn? Chúng ta hiểu được sự nổi giận của ông chủ, khi thấy bữa tiệc dành để khoản đãi các khách quý lại bị đổ vỡ. Ông thấy chính mình bị xúc phạm, tình bạn bị coi thường. Ông quyết định dành bữa tiệc này cho những ai không phải là khách quý, những người thuộc giới hạ lưu, nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù (c. 21). Và khi phòng tiệc vẫn còn chỗ trống, ông đã khẩn khoản lôi kéo vào cả những người ở ngoài đường hay trong vườn nho (c. 23). Cuối cùng, người được mời trước thì bị loại, vì họ tự loại chính họ (c. 24). Còn những người có vẻ không xứng đáng lại được ngồi vào bàn. Chẳng ai xứng đáng được dự bàn tiệc Nước Thiên Chúa nếu Thiên Chúa không mời. Nhưng chẳng ai bị loại trừ khỏi bàn tiệc cánh chung nếu họ không cố ý từ chối lời mời đó. Chẳng ai có thể tự cứu mình mà không cần đến Thiên Chúa, nhưng con người có thể làm mình bị trầm luân mãi mãi chỉ vì thái độ khép kín của mình trước ơn Chúa ban. “Tôi xin kiếu”, đó là câu nói của nhiều người Kitô hữu hôm nay. Chúng ta xin kiếu một cách quá dễ dàng, chẳng để ý gì đến nỗi thất vọng và đau đớn của người đãi tiệc. Lời mời của Thiên Chúa bị từ chối chỉ vì những chuyện không đâu. Chuyện tất bật làm ăn, chuyện vui chơi giải trí, chuyện mời mọc của bạn bè. Có nhiều chuyện thấy có vẻ quan trọng hơn, khẩn trương hơn, đến nỗi có người bỏ tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Hãy chọn Thiên Chúa và biết quý những gì Ngài muốn ban cho ta. Đại tiệc Thiên Chúa đã dọn sẵn rồi, không chỉ ở đời sau, mà ngay ở đời này. Ngài mong ta đến để dự tiệc, hay đúng hơn để chia sẻ một tình bạn. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại chọn những cầu thủ bóng đá, những tài tử điện ảnh làm thần tượng cho đời mình. Hôm nay Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai, và chúng con thật sự đắn đo trước khi chọn Chúa. Bởi chúng con biết rằng chọn Chúa là lội ngược dòng, theo Chúa là bước vào con đường hẹp: con đường nghèo khó và khiêm nhu, con đường từ bỏ và phục vụ. Hôm nay, chúng con chọn Chúa không phải vì Chúa giàu có, tài năng hay nổi tiếng, nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người. Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa. Chẳng ai hoàn hảo như Chúa. Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa nhiều lần trong ngày, qua những chọn lựa nhỏ bé, để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con, và để chúng con thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen. ----------------------------------
“Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”. Đó là hạnh phúc đích thực. Vì bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa là bữa tiệc hiệp thông. Con người được hiệp thông với Thiên Chúa. Không chỉ là đồng bàn. Nhưng đồng sự sống. Đồng hưởng hạnh phúc vinh quang. Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, sự thiện hảo, hạnh phúc. Được hiệp thông với Thiên Chúa, con người đạt đến sự viên mãn. Viên mãn trong sự sống. Viên mãn trong hạnh phúc.
Thật đáng tiếc và đáng buồn khi con người chỉ khư khư bám víu lấy những chân trời nhỏ hẹp, những giá trị bọt bèo, những mảnh vụn hạnh phúc chóng qua, những riêng tư nhỏ nhoi cá nhân ích kỷ. Những mảnh ruộng, những cặp bò…Để từ chối bữa tiệc hiệp thông. Từ chối hạnh phúc đích thực, lớn lao, toàn vẹn của Nước Trời. Những người nghèo không có gì để bám víu lại dễ mở lòng hiệp thông. Nên dễ vào Nước Trời theo lời mời của Thiên Chúa.
Thực ra ở trong Thiên Chúa ta không mất gì hết. Chỉ nên phong phú hơn. Thư Rô-ma diễn tả mầu nhiệm hiệp thông trong một thân thể. Các chi thể tham dự vào sự sống toàn thân. Nhưng mỗi chi thể vẫn có đặc sắc và nhiệm vụ riêng. Rất cần thiết cho toàn thể. Cũng vậy trong Nước Chúa có nhiều chức năng. Ai ở đâu hãy làm việc của mình cho tốt là góp phần vào sức sống của toàn thể. Nhưng phải biết trân trọng và kết hợp với người khác. “Chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Ki-tô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (năm lẻ).
Để đi vào mầu nhiệm hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em, ta phải mặc lấy tâm tình của Chúa Giê-su Ki-tô. Tự khiêm tự hạ. Hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Hoàn toàn hiến mình cho anh em. “Chúa Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người”(năm chẵn).
Từ bỏ bản thân để chu toàn thánh ý Chúa Cha. Ta chu toàn nhiệm vụ của mình. Thiên Chúa được tôn vinh. Và chính bản thân ta cũng được tôn vinh. Và vì sống mầu nhiệm hiệp thông trọn vẹn, ta được hưởng trọn vẹn sức sống của toàn nhiệm thể. Và góp phần vào sức sống của nhiệm thể Chúa Ki-tô.
Một trong những hình ảnh Kinh Thánh dùng để nói về Nước Thiên Chúa, đó là bữa tiệc. Sách Cách Ngôn đã mô tả bữa tiệc của Ðấng Khôn Ngoan như một giá trị cứu rỗi. Ngôn sứ Isaia nói đến một bữa tiệc Thiên Chúa dọn ra cho dân khi thời Cứu thế đến, tất cả mọi người đều được mời đến dụ, không phân biệt ai. Ðó cũng là bữa tiệc mà Chúa Giêsu dùng để nói về Vương Quốc của Ngài.
Tại Palestina, mỗi khi có tổ chức một bữa tiệc lớn, thì khách luôn luôn được mời trước, và người chủ tiệc cũng nhận được câu trả lời của khách trước. Khi tiệc rượu đã sẵn, ông chủ sai các đầy tớ đi báo cho người được mời để họ đến dự. Bởi thế, một lời từ chối vào phút cuối quả là một tổn thương lớn cho người chủ tiệc.
Thiên Chúa là ông chủ của bữa tiệc Nước Trời cũng đã chuẩn bị một bữa tiệc lớn cho Israel. Các Tiên tri được sai đi gọi mời, và khách được mời cũng sống trong tâm tình chờ đợi. Nếu có các sách Tiên tri để loan báo về bữa tiệc thì cũng có các Thánh vịnh nói lên tâm tình tin tưởng và đợi chờ Thiên Chúa. Thế nhưng, khi giờ đến, lúc tiệc rượu đã chuẩn bị sẵn sàng thì kháck được mời lại từ chối.
Bàn tiệc Nước Trời vẫn được dọn ra và khách được mời hôm nay không ai khác hơn là mỗi người chúng ta. Bí tích Rửa tội là tấm thiệp cho phép chúng ta tham dự bàn tiệc này. Nhưng khi giờ đã đến, chúng ta lại để mình bị lôi cuốn bởi của cải vật chất, bởi thú vui trần thế, mà bỏ qua lời mời gọi đến tham dự bàn tiệc thánh.
Thiên Chúa vẫn mời gọi và chờ đợi chúng ta. Ước gì chúng ta hiểu đúng giá trị của bữa tiệc Ngài dọn sẵn cho chúng ta mỗi ngày, để với tất cả lòng yêu mến biết ơn, chúng ta tham dự, ngõ hầu chúng ta được mạnh sức tiến tới bàn tiệc vĩnh cửu trên Thiên quốc.
Đầy tớ nói: “Thưa ông lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ. Ông chủ bảo người đầy tớ: Ra các nẻo đường, dọc theo bờ rào bờ giậu, ép người ta vào đầy nhà cho ta. Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.” (Lc. 14, 22-24)
Một người đồng bàn nghe Đức Giêsu nói về ngày sống lại của những người công chính liền bình luận: “Phúc thay cho ai được dự tiệc trong nước Thiên Chúa”. Kẻ ấy chắc chắn được cứu độ và được hưởng hạnh phúc. Để lay chuyển quan niệm sai lầm về định mệnh vững chắc của họ, như thường lệ, Đức Giêsu dùng một câu chuyện tiếp tục liên quan đến một bữa tiệc lớn để đem áp dụng vào tiệc nước trời.
Khách từ chối vinh dự.
Quý khách đã được giấy mời dự đại tiệc và chủ biết ai sẽ đến. Trước bữa tiệc, như thường lệ, chủ sai đầy tớ đi mời lần nữa: “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn”. Quý khách đã nhận lời trước, đến phút chót lại từ chối, làm chủ nhục nhã ế mặt quá. Những lời từ chối cho chủ thấy rõ: Họ quan tâm đến công việc của họ hơn đến dự tiệc với chủ mời. Xin kiếu vì mới mua thửa đất, mới tậu bò, mới cưới vợ.
Tất cả mọi người Ít-ra-en đều được Thiên Chúa mời dự tiệc nước trời. Bây giờ, Đức Giêsu đến mời lần chót. Cần phải ăn năn sám hối trở về vì đây là ngày cứu độ. Biệt phái từ chối lời mời của Người vì họ lo việc riêng của họ, quay mặt đi chỗ khác không lưu tâm đến Thiên Chúa. Họ phỉ báng và kiêu ngạo từ chối quà tặng vinh quang của Thiên Chúa.
Tặng ban cho những người bất hạnh.
Ông chủ lúc đó sai đi mời vào dự đại tiệc tất cả mọi người đã bị cộng đồng dân thánh Ít-ra-en loại bỏ. Vẫn còn nhiều chỗ trống trong đại tiệc, đầy tớ lại đi mời tất cả mọi dân tộc dân ngoại một cách tha thiết, khẩn khoản dù họ luôn luôn bị coi là thứ ô uế như cộng đồng Ít-ra-en khinh bỉ họ. Họ được thuyết phục để họ thấy mình thật sự được mời dự đại tiệc.
Trước sự chai đá của biệt phái đã từ chối tin vào Đức Giêsu, Người muốn nhấn mạnh để họ suy nghĩ rằng: Họ đã tự ý tách khỏi nước trời, trong khi Thiên Chúa vô cùng thương yêu đã kêu gọi những người nghèo khó và tội lỗi, dù họ cảm thấy họ là kẻ bất xứng nhất.
Xem thêm CN 28TN A (Mt 22,l-14) và thứ Năm tuần 20 TN
Nói theo ý hướng chủ quan: ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, ấy là lúc chúng ta tạm cầm chiếc vé để vào Nước Trời, tuy nhiên, điều đó có thành hiện thực hay không lại phụ thuộc vào thái độ, cung cách sống kế tiếp của chúng ta.
Tại sao lại thế? Thưa là vì nhiều người lầm tưởng rằng: đã lãnh Bí tích Rửa Tội là chắc chắn được vào Nước Trời, nên không hề lo lắng gì đến chuyện sống ra sao và phải làm những gì? Những người như thế, họ chẳng khác gì những cô trinh nữ khờ dại có đèn mà không có dầu; hay như những người đầy tớ ngủ mê nên không biết ngày nào, giờ nào chủ họ sẽ về; hoặc như gia chủ không tỉnh thức nên đã để kẻ trộm đào ngạch khoét vách và lấy đi những thứ trong nhà...
Họ thật giống những người Dothái hôm nay khi được mời dự tiệc, họ đã không thèm đếm xỉa tới lời mời thịnh tình của Chủ, nên cuối cùng họ đã không đến, mà ngược lại, những người tội lỗi, nghèo khổ, những người thấp cổ bé họng, những người bên lề xã hội lại được vào chung vui tiệc cưới của ông Chủ.
Ngày nay, sự dửng dưng vô cảm với bàn tiệc Nước Trời vẫn còn đó nơi người Kitô hữu chúng ta. Vì thế, không lạ gì khi vẫn có những người thích ăn chơi, nhậu nhẹt, chè chén say xưa; hay vẫn tin vào những chuyện mê tín dị đoan; hoặc những chân lý nửa vời nên không màng chi đến chuyện đạo đức, lễ lạy..., nên người ta dễ bỏ qua những việc bác ái, đạo đức thường ngày... Chúng ta nhiều khi sẵn sàng đặt để vai trò của Chúa xuống hàng thứ yếu, nhưng khi được hỏi thì vẫn nói là mến Chúa trên hết mọi sự! Ôi thật là một sự giả hình!
Tin Mừng hôm nay cho thấy, chủ tiệc đã dọn sẵn cỗ bàn để đãi khách. Thiệp mời cũng đã được gửi đi, nhưng niềm vui chỉ có được khi khách đến hiện diện nơi bàn tiệc mà thôi.
Thật thế, những người được mời đâu đoái hoài gì đến thiện ý của Chủ tiệc, nên đã đặt những chuyện cá nhân lên trên và viện cớ: nào là đi tậu đất, thăm trại, mua bò và mới cưới...
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta một mặt hãy có lòng nhân từ như Thiên Chúa là Đấng yêu thương hết thảy mọi người, không phân biệt họ là ai... đồng thời cũng dạy cho chúng ta bài học về sự mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa và thi hành những điều Chúa dạy để được sống đời đời. Niềm vui sẽ nên trọn khi chúng ta để cho tình yêu của Thiên Chúa phủ lấp trên mình và chi phối nơi cuộc sống của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ vì những lần chúng con khước từ tình yêu của Chúa dành cho chúng con. Xin cho chúng con biết mau mắn đáp lại lời mời gọi yêu thương của Chúa để được hưởng sự sống đời đời. Amen.
Sứ điệp: Nước Thiên Chúa không dành riêng cho một loại người nào, trái lại, tất cả mọi người đều được Thiên Chúa mời gọi vào dự tiệc Nước Chúa. Ai đáp lại lời mời gọi ấy thì thật là hạnh phúc.
Cầu nguyện: Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã thương mời gọi con vào dự Bàn Tiệc Nước Cha. Con cảm tạ Cha đã thương yêu con và ban cho con được tham dự vào sự sống hạnh phúc của Cha. Thật ra con chỉ là kẻ nghèo hèn bất xứng, là kẻ chỉ biết ngửa tay ăn xin lòng thương xót của Cha. Xét cho cùng, con chỉ là kẻ ở bờ rào bờ giậu, lang thang vất vưởng trên khắp các nẻo đường cuộc đời.
Nhưng Cha đã đoái nhìn đến thân phận khốn cùng của con và đón nhận con vào Nhà Cha. Được biết Cha, được sống với Cha, được theo Chúa Giêsu Con Cha, quả thực là một ân huệ, một hạnh phúc. Nước Trời chẳng phải là do công lao cố gắng của con, chẳng phải là một nỗ lực hy sinh tu luyện, nhưng trước hết đó là ân huệ của Cha, là niềm vui, là hạnh phúc, là sự sống sung mãn mà Cha muốn chia sẻ cho con.
Lạy Cha, xin Cha giúp con nhận ra niềm hạnh phúc của đời Kitô hữu. Con đã vì những mối lo trần thế mà từ chối lời mời của Cha. Công ăn việc làm, của cải vật chất, bổn phận gia đình, tất cả những điều ấy tự nó không xấu, nhưng rất nhiều lúc đã lấn át lời mời của Cha, đã cản trở con đến với Cha. Được dự tiệc Nước Cha là một hồng ân, nhưng nhiều lúc con lại coi đó như là một gánh nặng, một vật cản, coi đó như một sự mất mát thua lỗ cuộc đời. Con coi thường lời Cha mời gọi cũng chính là con chưa coi trọng Cha. Xin Cha tha thứ và xin giúp con từ nay biết đến với Cha trong niềm hân hoan và tạ ơn. Amen.
Ghi nhớ: “Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ, và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi”.
Sáng ngày 29/4/2011, mọi con mắt từ khắp nơi trên thế giới đều hướng về thủ đô Luân Đôn, nơi diễn ra đám cưới của Hoàng tử William, người thứ hai sẽ kế vị ngai vàng nước Anh, sau người cha là Thái tử Charles. Hoàng tử kế vị ngai vàng, không những trên vương quốc Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan, mà còn đứng đầu khối thịnh vượng lớn, gồm nhiều quốc gia lớn nhỏ như Canada, Úc, Tân Tây Lan... Hoàng tử William kết hôn với Kate Middleton, một cô gái xuất thân từ tầng lớp thường dân… Cô dâu và chú rể thề ước trước Đức Tổng Giám mục Canterbury tại Tu viện Westminster cổ kính nơi chôn cất các bậc quân vương và những nhân vật lớn nước Anh. Đến tham dự lễ cưới, ngoài nhân vật quan trọng là bà nội của Hoàng tử William, Nữ hoàng Êlisabéth II, có đầy đủ các chính khách nước Anh và thế giới, các nhà ngoại giao và rất nhiều người nổi tiếng như các minh tinh màn bạc, các vận động viên nổi danh thế giới... Không ai được mời tới dự mà muốn vắng mặt. Họ lấy làm vinh dự được mời và được xuất hiện trong lễ cưới long trọng đó…
Vào thời điểm đám cưới, hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến dựng lều trước Tu viện Westminster từ đêm hôm trước để có được chỗ tốt nhất dự xem tân nương và tân lang, và hơn 2 tỷ người xem trực tiếp và qua truyền hình. Người ta không những theo dõi nhân vật chính là cô dâu chú rể mà còn chăm chú điểm danh từng nhân vật lớn trên thế giới.
Suy niệm
Trong Tin Mừng Luca, tiệc nước Trời được Chúa Giêsu trình bày qua dụ ngôn tôn chủ mở tiệc mời thượng khách, còn Tin Mừng Matthêu nói rõ tiệc cưới hoàng gia: Vua mở tiệc cưới cho con mình (Mt 22,1). Hình ảnh bữa tiệc thiên sai có lẽ được mượn từ Cựu ước (x. Is 25,6; 55,1-3). Cụ thể là ngôn sứ Isaia 25,6-9: Hạnh phúc viên mãn trong thời sau hết là tiệc cưới mà Thiên Chúa dọn cho mọi người trên núi thánh. Người tham dự không chỉ được thưởng thức những thức ăn ngon, mà còn được cất khỏi mọi buồn sầu tủi hổ, tang chế. Hạnh phúc nước Trời được Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người không phân biệt ai. Tiệc cưới diễn tả tính nhưng không của ơn cứu độ được Thiên Chúa ban tặng cho dân Người. Sách Khải Huyền sau này cũng trình bày ngày quang lâm của Nước Thiên Chúa như là việc cử hành lễ cưới của Con Chiên (x. Kh 19).
Những “người đã được mời” (keklêmenous) là các bạn hữu, những người đang sống trong tương quan thân tình với tôn chủ, nên ông sai đầy tớ đến và mời thúc bách, xác định rõ ràng ngày giờ của tiệc. Điều này cho thấy cử chỉ tối hậu, lòng tốt của tôn chủ, nhưng đã không được đáp lại; khách được mời lại không chịu đến. Họ không đến vì có những mối quan tâm thực tiễn, những của cải vật chất...
Những khách được mời, chúng ta nghĩ đến các thượng tế, kinh sư, người biệt phái và những người Do Thái, họ là những người không tin vào giáo huấn nước Trời của Chúa Kitô. Vì thế ân lộc bị cất đi khỏi họ.
Khách được mời lại không đến, tôn chủ liền sai các đầy tớ: “Anh hãy cấp tốc đi ra các công trường và các ngõ hẻm thành phố...”. Lời truyền làm cho chúng ta nhớ lệnh truyền mà Chúa Giêsu sai các môn đồ đến với dân ngoại: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16). Ơn cứu độ nhưng không của Chúa Kitô, dù bị người Do Thái khinh chê, vẫn được cống hiến cho bất cứ ai nghe lời mời gọi của các kẻ phục vụ Tin Mừng trong khắp nẻo đường thế giới như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13,29). Sự cứng lòng và từ chối của Israel khai mào thời gian của Giáo hội, thời gian mà Tin Mừng được rao giảng cho mọi dân tộc (x. Mt 24,14), phòng tiệc sẽ tràn ngập đủ hạng người.
Nước Trời giống như một tiệc cưới. Chúa Giêsu dùng hình ảnh tiệc cưới để nói lên niềm vui của nước Trời, Chúa dùng hình ảnh này nhiều nhất để diễn tả nước Thiên Chúa. Xin cho chúng ta nhận ra những ân huệ mà Cha ban tặng: Ân huệ diễm phúc làm con cái Chúa, được mời vào dự tiệc với Cha. Nếu không biết quý trọng ân huệ cao cả này, chúng ta cũng sẽ bị loại ra ngoài bàn tiệc nước Trời.
Ý lực sống
“Phúc cho kẻ sẽ được ăn tiệc trong nước Thiên Chúa”. (Lc 14,15)
Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài mở rộng cửa để đón tiếp mọi người vào dự bàn tiệc Nước trời. Lời mời gọi có tính cách rộng rãi, Ngài mời gọi mọi người không trừ ai, dù tốt dù xấu, miễn là phòng tiệc phải đầy người. Tuy thế, lời mời gọi đó còn chờ sự đáp ứng của từng người, mỗi người có quyền tự do, họ có thể chấp nhận hay từ chối. Trong thực tế nhiều người đã từ chối lời mời gọi thật tình đó với đủ mọi lý do. Hôm nay, Đức Giêsu muốn nói đến lòng thương xót của Chúa Cha đối với mọi người, đặc biệt những người Do thái. Nhưng họ đã không đón nhận và đánh mất tình thương ấy, vì thế, ân lộc bị cất đi khỏi họ.
Hình ảnh đặc biệt của đoạn Tin mừng hôm nay là một “bữa tiệc”. Trong Thánh kinh, bữa tiệc thường qui hướng về hạnh phúc do Thiên Chúa ban cho (Is 25,6).
Tin mừng hôm nay thuật lại: Hôm ấy, Đức Giêsu đang ngồi ăn chung với nhiều người khác trong một bữa tiệc do một thủ lãnh biệt phái khoản đãi. Bữa tiệc này làm cho một trong những thực khách được mời liên tưởng đến bữa tiệc thiên quốc, nên đã buột miệng nói ra: “Phúc cho ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 14,15).
Nghe thấy vậy, Đức Giêsu dùng ngay một dụ ngôn để trả lời cho người ấy. Đại khái, Ngài cũng đồng ý với người đó cho rằng: được hưởng hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa là một hạnh phúc thật lớn. Nhưng rồi Ngài đặt vấn đề là người ta có sẵn sàng nhận lời mời vào Nước ấy hay không?
Tại Palestina, mỗi khi có tổ chức một bữa tiệc lớn, thì khách luôn luôn được mời trước, và người chủ tiệc cũng nhận được câu trả lời của khách trước. Khi tiệc rượu đã sẵn, ông chủ sai các đầy tớ đi báo cho người được mời để họ đến dự. Bởi thế, một lời từ chối vào phút cuối quả là một tổn thương lớn cho người chủ tiệc.
Thiên Chúa là ông chủ của bữa tiệc Nước trời cũng đã chuẩn bị một bữa tiệc lớn cho Israel. Các Tiên tri được sai đi gọi mời, và khách được mời cũng sống trong tâm tình chờ đợi. Nếu có sách các Tiên tri để loan báo về bữa tiệc thì cũng có các Thánh vịnh nói lên tâm tình tin tưởng và đợi chờ Thiên Chúa. Thế nhưng, khi giờ đến, lúc tiệc rượu đã chuẩn bị sẵn sàng thì khách được mời lại từ chối.
“Omnia parata sunt”: mọi sự đã sẵn sàng. Hạnh phúc Nước trời luôn được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn tất cả cho ta, cũng như cỗ bàn được ông chủ trong dụ ngôn chuẩn bị chu đáo (giáo huấn Tin mừng, Giáo hội, bí tích, ơn Chúa...). Thế nhưng, tại sao lại có nhiều người không đến dự tiệc? Thưa, vì họ không muốn từ bỏ những thứ đang quyến rũ họ: một thửa đất mới, năm cặp bò mới tậu, một người vợ mới cưới. Những người đó đã không sai khi coi trọng những thứ vừa kể, nhưng họ sai vì coi chúng trọng hơn Nước trời. Đức Giêsu đã dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài. Tất cả những thứ kia Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6,33) (Mỗi ngày một tin vui).
Chúng ta tự hỏi tại sao trước lời mời gọi đầy vinh dự của ông chủ giàu có mà khách mời lại có quá nhiều lý do để từ chối! Mà lại là từ chối vụng về bằng những lý do nhỏ nhặt không xứng tầm với “bữa tiệc lớn”. Ấy là chưa nói địa vị, vai vế của người chủ tiệc hẳn cũng đáng cho họ nể trọng. Chẳng lẽ họ ghen với ông vì ông giàu có; hay tại họ mặc cảm vì mình nghèo. Kể dụ ngôn này, hiển nhiên Đức Giêsu muốn nói tới “bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa” mà Cha Ngài chính là chủ tiệc. Quả thật đây là một nan đề cho thái độ lựa chọn của con người: mọi lý do để từ chối đều trở nên bất xứng trước lời mời như thế của Thiên Chúa. Từ chối là dấu chẳng còn tình nghĩa gì với Ngài. Bởi vì nếu yêu thì đã chấp nhận lời mời (5 phút Lời Chúa).
Truyện: Hai bữa tiệc
Có người đã tưởng tượng ra thiên đàng và hỏa ngục như hai bàn tiệc thịnh soạn được bày ra.
Bàn tiệc dưới hỏa ngục cũng mâm cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người cầm một đôi đũa dài đến độ gắp được thức ăn, nhưng không thể đưa thức ăn ấy vào miệng của mình được.
Bàn tiệc trên thiên đàng thì cũng y hệt như vậy, nhưng khác một điều thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, thì người ta lại gắp thức ăn đưa vào miệng cho người đối diện. Thế là vui vẻ cả nhà vì ai cũng được ăn no nê.
Hình ảnh đặc biệt của đoạn Tin Mừng này là bữa tiệc. Trong Thánh Kinh, bữa tiệc là hình ảnh về hạnh phúc Thiên Chúa ban (x. Is 25,6 55,1-3 Xh 24,11 Kh 19).
Khi ấy Chúa Giêsu đang ngồi ăn chung với nhiều người khác trong một bữa tiệc do một thủ lãnh biệt phái đãi (x. Lc 14,1-14). Bữa tiệc ấy khiến một trong những thực khách liên tưởng tới bữa tiệc thiên quốc nên nói “Phúc cho ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”.
Chúa Giêsu dùng một dụ ngôn để trả lời cho người ấy. Đại khái, Ngài cũng đồng ý với người đó rằng được hưởng hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa là một hạnh phúc lớn. Nhưng Ngài đặt vấn đề: thực ra anh có sẵn lòng nhận lời mời vào Nước ấy không?
Trong dụ ngôn, ông chủ đã mời rất nhiều người đến dự tiệc, nhưng tất cả đều nhất loạt xin kiếu. Hai người đầu còn nói lời cáo lỗi (“cho tôi xin kiếu”), người thứ ba chẳng buồn nói một lời lịch sự. Nghĩa là tất cả mọi người đều không tha thiết với hạnh phúc Nước Thiên Chúa. Hai người đầu coi hạnh phúc ấy nhẹ hơn tiền của (đất, bò). Người thứ ba coi trọng hạnh phúc hôn nhân hơn.
Vì loạt người được mời lần đầu (chỉ dân do thái) đã từ chối dự tiệc, ông chủ mời loạt người khác. Đó là những người “nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt”. Họ tượng trưng cho lương dân. Như thế, dân do thái dù được Thiên Chúa ưu tiên mời vào Nước Trời nhưng đã từ chối. Thế nhưng sự từ chối của họ chẳng những không làm hỏng kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, trái lại còn thúc đẩy nhanh việc Thiên Chúa thành lập Nước Thiên Chúa, một dân mới đã được mời vào thế chỗ cho dân do thái.
B.... nẩy mầm.
1. “Mọi sự đã sẵn sàng” (Omnia parata sunt): Hạnh phúc Nước Trời đã được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn tất cả cho ta, cũng như cỗ bàn được ông chủ trong dụ ngôn này chuẩn bị chu đáo (giáo huấn Tin Mừng, Giáo Hội, bí tích, ơn Chúa v.v.). Nhưng tại sao nhiều người không đến dự tiệc? Vì họ không muốn từ bỏ những thứ đang quyến rũ họ: một thửa đất mới mua (tài sản), năm cặp bò mới tậu (việc làm ăn), một người vợ mới cưới (hạnh phúc nhân loại). Những người đó không sai vì coi trọng những thứ vừa kể, nhưng sai vì coi chúng trọng hơn Nước Trời. Chúa Giêsu đã dạy “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài. Tất cả những thứ kia Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6,33)
2. Lý do khiến loạt khách mời thứ nhất từ chối đến dự tiệc là vì họ đang có những thứ họ ham thích. Còn lý do khiến loạt khách thứ hai đáp lời mau mắn (x. dụ ngôn song song được ghi trong Mt 22,1-10: “phòng tiệc cưới đã đầy thực khách”) là vì họ đang không có gì cả, nói cho rõ hơn, họ nghèo. Nghèo là tâm thế rất thích hợp để đón nhận Nước Trời.
3. Triết gia Socrates sống rất giản dị. Một ngày kia ông ngắm nghía rất kỹ những món hàng đắt tiền được bày bán ngoài chợ. Thấy thế một người lấy làm lạ nên hỏi. Ông giải thích: “Tôi ngạc nhiên vì không hiểu tại sao người ta lại bán quá nhiều thứ mà tôi không cần đến như thế” (Clifton Fadiman).
4. “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Người thứ nhất nói: tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; người thứ hai nói: tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây...; người khác nói: tôi mới cưới vợ nên không thể đến được” (Lc 14,16-20)
Có câu chuyện về những người nằm chết khát trên một chiếc bè lênh đênh ngoài khơi bờ biển Brazil. Họ không hề hay biết nước biển ngay chỗ bè họ trôi là nước ngọt. Thật vậy, dòng chảy của con sông mạnh đến nỗi tống ra biển xa đến hai dậm và nước ngay chỗ họ vẫn là nước sông. Nhưng họ không hề hay biết...
Đời là một bữa tiệc lớn. Tất cả những niềm vui – nỗi buồn, cái thật - cái giả, ánh sáng - bóng tối... đều cống hiến cho bữa tiệc ấy. Nhưng con người như bị thôi miên, cứ chọn cái buồn, cái giả, cứ chạy theo bóng tối... nên rất nhiều người đang chết đói trên bàn tiệc, trong đó có bạn và tôi...
Lạy Chúa, con đã phải nếm sự đau khổ vì cứ mê muội bám víu vào các tạo vật. Xin cho con được ơn thức tỉnh thật sự. (Hosanna).
1. Hình ảnh đặc biệt của đoạn Tin Mừng hôm nay là một bữa tiệc. Trong Thánh Kinh, bữa tiệc thường được qui hướng về hạnh phúc do Thiên Chúa ban cho. (Is 25,6)
Tin Mừng hôm nay thuật lại: Hôm ấy, Chúa Giêsu đang ngồi ăn chung với nhiều người khác trong một bữa tiệc do một thủ lãnh Pharisêu khoản đãi (Lc 14,1-14). Bữa tiệc này làm cho một trong những thực khách được mời liên tưởng đến bữa tiệc thiên quốc, nên đã buột miệng nói ra “Phúc cho ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 14,15).
Nghe thấy vậy, Chúa Giêsu dùng ngay một dụ ngôn để trả lời cho người ấy. Đại khái, Ngài cũng đồng ý với người đó cho rằng, được hưởng hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa là một hạnh phúc thật lớn. Nhưng rồi Ngài đặt vấn đề. Vấn đề là người ta có sẵn lòng nhận lời mời vào Nước ấy hay không?
Trong dụ ngôn, ông chủ đã mời rất nhiều người đến dự tiệc, nhưng tất cả đều nhất loạt xin kiếu. Hai người đầu còn nói lời cáo lỗi (“cho tôi xin kiếu”), người thứ ba chẳng buồn nói một lời nào. Thật rất là bất lịch sự. Tóm lại là tất cả những người được mời đều không tha thiết gì với hạnh phúc Nước Thiên Chúa.
Vì loạt người được mời đã từ chối dự tiệc, ông chủ cho mời một loạt người khác. Đó là những người “nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt”. Họ tượng trưng cho lương dân. Như thế, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không những không bị cản trở mà trái lại, nó còn được thúc đẩy để Thiên Chúa thành lập Nước Thiên Chúa nhanh hơn.
2. “Mọi sự đã sẵn sàng” (Omnia parata sunt): Hạnh phúc Nước Trời luôn được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn tất cả cho ta, cũng như cỗ bàn được ông chủ trong dụ ngôn này chuẩn bị chu đáo (giáo huấn Tin Mừng, Giáo Hội, bí tích, ơn Chúa v.v.). Thế nhưng, tại sao lại có nhiều người không đến dự tiệc? Thưa vì họ không muốn từ bỏ những thứ đang quyến rũ họ: một thửa đất mới mua (tài sản), năm cặp bò mới tậu (việc làm ăn), một người vợ mới cưới (hạnh phúc nhân loại). Những người đó đã không sai khi coi trọng những thứ vừa kể, nhưng họ sai vì coi chúng trọng hơn Nước Trời. Chúa Giêsu đã dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài. Tất cả những thứ kia Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Còn lý do khiến loạt khách thứ hai đáp lời một cách mau mắn (“phòng tiệc cưới đã đầy thực khách”) là vì họ đang là những người không có gì cả, nói một cách cụ thể hơn là họ nghèo. Cái nghèo đã là điều kiện rất thích hợp để họ đón nhận Nước Trời.
Đời là một bữa tiệc lớn. Tất cả những niềm vui - nỗi buồn, cái thật - cái giả, ánh sáng - bóng tối... đều cống hiến cho bữa tiệc ấy. Nhưng con người như bị thôi miên, cứ chọn cái buồn, cái giả, cứ chạy theo bóng tối... nên rất nhiều người đang chết đói trên bàn tiệc, trong đó có thể có cả chúng ta.
10 giờ đêm ngày 14-04-1912, chiếc tàu du lịch vĩ đại nhất của Anh Quốc đã đâm phải tảng băng giữa Tây Đại Dương. 4 giờ sau đó, cả chiếc tàu, thủy thủ đoàn và nhiều hành khách đã bị chôn vùi trong lòng Đại Dương. Cuộc đắm tàu đầy bi thảm này đã là nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu áng văn chương. Những người có may mắn sống sót đã thuật lại lòng can đảm phi thường của viên thuyền trưởng, các sỹ quan và thủy thủ đoàn. Họ kể rằng, nhiều người đã khước từ sự cứu vớt để ở lại cùng chết với chồng.
Giữa biết bao nhiêu gương hy sinh ấy, những người sống sót còn kể lại câu chuyện, xem ra người ta chỉ muốn biết vì tò mò hơn thán phục.
Đó là câu chuyện của một người đàn bà. Sau khi đã được đưa lên boong tàu để chuẩn bị cho việc cứu vớt, thì bà ta xin phép được trở lại phòng ngủ lần cuối cùng, để có thể thu nhặt một ít đồ quý giá. Người ta cho bà ba phút để làm công việc này. Người đàn bà liền vội vàng chạy đi. Dọc theo hành lang, bà ta thấy ngổn ngang không biết bao nhiêu là nữ trang vàng bạc quý giá. Vào đến phòng ngủ bà ta đưa mắt nhìn hết các đồ nữ trang và báu vật, nhưng cuối cùng, bà ta chỉ đưa tay nhặt lấy 03 quả cam và chạy lên boong tàu.
Vài tiếng đồng hồ trước đó, giữa các đồ vật trong phòng, có lẽ người đàn bà kia đã chẳng lúc nào nghĩ đến 03 quả cam. Nhưng trong giây phút nguy ngập nhất của cuộc sống thì giá trị của sự sống bỗng bị đảo lộn. Ba quả cam bỗng trở nên quý giá hơn vàng, kim cương và hột xoàn bởi vì nước của chúng có thể cứu sống được bà giữa biển khơi.
Lạy Chúa Giêsu, giàu sang, danh vọng, khoái lạc trói buộc chúng con và không cho chúng con tự do ngước lên cao để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn. Xin giải phóng chúng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất, nhờ cảm nghiệm được phần nào sự phong phú của kho tàng trên trời. ---------------------------------