Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Truyền Giáo Bài 1-50 Hãy đi loan báo Tin mừng khắp thế gian

Thứ tư - 17/10/2018 12:11
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Truyền Giáo Bài 1-50 Hãy đi loan báo Tin mừng khắp thế gian
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Truyền Giáo Bài 1-50 Hãy đi loan báo Tin mừng khắp thế gian
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Truyền Giáo Bài 1-50 Hãy đi loan báo Tin mừng khắp thế gian

---------------------------------------
Matthêu 28,16-20: Đức Giê-su hiện ra tại Ga-li-lê, và sai môn đệ đi đến với muôn dân.

Khi ấy, 16 Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: ”Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Hoặc:

Marcô 16,15-20:
Khi ấy, 15 Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ”Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
-----------------------------------
Truyền_giáo 1: KHIÊM NHƯỜNG TRONG TRUYỀN GIÁO.. 2
Truyền_giáo 2: LỬA  TRUYỀN GIÁO.. 5
Truyền_giáo 3: TRUYỀN GIÁO, MỘT ĐẶC ĐIỂM CỦA LINH MỤC.. 8
Truyền_giáo 4: Khốn cho tôi nếu không rao giảng Tin Mừng. 11
Truyền_giáo 5: Suy Niệm của Đức TGM. GB. Phạm Minh Mẫn. 14
Truyền_giáo 6. Đức Maria, Mẫu Gương Truyền Giáo. 16
Truyền_giáo 7: TRUYỀN GIÁO TẠI Á CHÂU.. 19
Truyền_giáo 8: Sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo 2003. 22
Truyền_giáo 9: GIỚI TRẺ TRUYỀN GIÁO.. 26
Truyền_giáo 10: TRUYỀN GIÁO TRONG NGÀY LỄ HIỆN XUỐNG.. 28
Truyền_giáo 11: CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI : 30
Truyền_giáo 12: LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.. 30
Truyền_giáo 13: CÒN THẤY NIỀM TIN. 31
Truyền_giáo 14: TRUYỀN GIÁO LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA AI ?. 34
Truyền_giáo 15: LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN: 36
Truyền_giáo 16: CHỨNG TỪ: TIN TƯỞNG VÀ KIÊN TRÌ 37
Truyền_giáo 17: CHỨNG TỪ CỦA MỘT GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO.. 39
Truyền_giáo 18: LƯỢC SỬ TRUYỀN GIÁO.. 40
Truyền_giáo 19: Truyền giáo. 49
Truyền_giáo 20: ĐỜI SỐNG CHỨNG NHÂN.. 52
Truyền_giáo 21: SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO: MỘT VIỆC LÀM... 54
Truyền_giáo 22: LINH HỒN CỦA MỌI VIỆC TRUYỀN GIÁO.. 63
Truyền_giáo 23: NGHĨ VỀ VIỆC TRUYỀN GIÁO HÔM NAY.. 64
Truyền_giáo 24: SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO.. 70
Truyền_giáo 25: Truyền Giáo Như Mẹ. 74
Truyền_giáo 26: Quyền năng từ trên cao. 77
Truyền_giáo 27: Tin Mừng cho người ngoại biên. 79
Truyền_giáo 28: XÁC TÍN VỀ SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO.. 83
Truyền_giáo 29: CẦU NGUYỆN VÀ TRUYỀN GIÁO.. 100
Truyền_giáo 30: SỨ VỤ CỨU THẾ.. 103
Truyền_giáo 31: VÀI SUY NGHĨ NHÂN KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO.. 105
Truyền_giáo 32: Truyền giáo. 110
Truyền_giáo 33: Hãy loan báo Tin mừng. 113
Truyền_giáo 34: Chứng tá. 115
Truyền_giáo 35: XIN TỎ CHO CHÚNG TÔI ĐỨC GIÊSU THIÊN CHÚA”. 117
Truyền_giáo 36: Truyền giáo bằng đời sống. 125
Truyền_giáo 37: Linh đạo truyền giáo. 127
Truyền_giáo 38: TIN MỪNG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM... 139
Truyền_giáo 39: Hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa... 164
Truyền_giáo 40: CÔNG VIỆC TRUYỀN GIÁO: AI LÀM TỐT HƠN AI?. 167
Truyền_giáo 41: TRUYỀN GIÁO VÀ SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI TÍN HỮU.. 170
Truyền_giáo 42: TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM HÔM NAY.. 174
Truyền_giáo 43: Tinh thần truyền giáo. 177
Truyền_giáo 44: Hãy thả lưới bên phải thuyền. 180
Truyền_giáo 45: SỨC MẠNH TRUYỀN GIÁO.. 181
Truyền_giáo 46: HÃY TRỞ NÊN NHỮNG NHÀ TRUYỀN GIÁO.. 186
Truyền_giáo 47: Khánh Nhật Truyền Giáo. 191
Truyền_giáo 48: HAI THẾ GIỚI CÁCH XA MỘT NGUYỆN CẦU.. 197
Truyền_giáo 49: Truyền Giáo trong thời sau hết 200
Truyền_giáo 50: Truyền giáo. 203
------------------------

 

Truyền_giáo 1: KHIÊM NHƯỜNG TRONG TRUYỀN GIÁO


- Đức Cha GB. Bùi Tuần

 

Người truyền giáo tốt có thể là người không hiểu biết nhiều và sâu sắc về Chúa, nhưng nhất: Truyền_giáo 1


Người truyền giáo tốt có thể là người không hiểu biết nhiều và sâu sắc về Chúa, nhưng nhất định phải là người có sự sống của Chúa trong mình.

Tôi vẫn nghĩ như vậy. Và tôi có kinh nghiệm như thế.

Người ta không nhìn thấy Chúa trong họ. Nhưng người ta có thể cảm được phần nào sự hiện diện của Chúa trong họ qua một số dấu chỉ. Một trong những dấu chỉ dễ thấy nhưng lại chắc chắn, đó là sự khiêm nhường.

Trước khi khiêm nhường được nâng lên hàng nhân đức siêu nhiên, nó đã là một đức tính nhân bản.

Ngay trên lãnh vực nhân bản, khiêm nhường vẫn được coi là một giá trị cao quí. Văn hoá Việt Nam vốn ca ngợi người khiêm tốn. Lễ giáo Việt Nam vốn đề cao đức khiêm nhường, coi khiêm nhường như một yếu tố của đạo làm người.

Trong xử thế, khiêm nhường là chià khoá mở lòng người ta, gây nên thiện cảm. Nhờ thiện cảm, người ta dễ chấp nhận ta, và dễ nghe ta.

Trái lại, kiêu căng dễ gây nên ác cảm. Khi ác cảm đã chớm nở, thì lý luận dù đanh thép đến đâu, chứng từ dù rõ ràng đến mấy, người ta cũng không muốn đón nhận ta và những gì ta trình bày, kể cả khi ta trình bày Tin Mừng cứu độ.

Cái kiêu căng dễ xúc phạm đến người khác nhất, chính là sự tự đắc cho mình là đúng, là đẹp, là đáng kính trọng; còn người khác thì bị coi là sai, là xấu, là phải loại trừ. Nhất là trong việc phê phán tôn giáo, tín ngưỡng và những lựa chọn liên quan.

Người tự tôn, hay khinh miệt người khác rất dễ rơi vào những sai lầm trầm trọng và sự mù quáng thê thảm. Hơn nữa, họ có thể làm cho chính mình lâm vào tình trạng điên rồ. Để rồi, sẽ làm sụp đổ mọi sự nghiệp đạo đức của mình chỉ trong giây phút. Thảm thương nhất là kẻ kiêu căng cứng lòng sẽ vô tình mở rộng cửa lòng mình, rước quỷ Satan là thần kiêu ngạo vào ngự trị trong đó, để rồi lập liên minh với các hình thức kiêu căng khác, chống lại Nước Thiên Chúa.

Đọc Phúc Âm, tôi thấy Chúa Giêsu nhắc bảo chúng ta phải hết sức tránh mọi hình thức kiêu căng như:

Đừng thích tìm địa vị cao trước công chúng, như trong đám tiệc (Lc 14,7).

Đừng giả hình đạo đức bằng cái vỏ bề ngoài, còn bên trong thì dơ bẩn (Mt 23,5-25).

Đừng căn cứ vào mấy việc đạo đức của mình, để khinh chê người khác (Lc 18,9-14).

Đang khi đó, Kinh Thánh rất khen người khiêm nhường. Đến mức Chúa Giêsu coi họ là những người được Chúa Cha mạc khải cho biết nhiều điều cao siêu, mà Người không cho những người khôn ngoan và thông thái biết (Lc 10,21). Chính bản thân Chúa Giêsu cũng rất khiêm nhường. Ngài nói: “Hãy học với Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Hơn nữa, suốt cuộc đời, từ khi sinh ra trong hang đá cho đến lúc chết trên thánh giá, Chúa Giêsu luôn làm chứng Đấng cứu thế không phải là một quyền lực, nhưng là tình yêu xót thương phục vụ khiêm nhường.

Do đó, sự khiêm nhường của người truyền giáo không phải chỉ là một đức tính nhân bản, mà còn phải là một nhân đức được chia sẻ từ sự khiêm nhường của Đức Kitô. Đức Kitô truyền sang cho họ sự khiêm tốn của Người, để nhờ đó, họ sẽ luôn nhận được thêm chân lý và sự sống cứu độ của Người.

Chính ở điểm này, mà đến lượt mình, chính người truyền giáo cũng là người cần được Chúa Giêsu thường xuyên truyền giáo cho. Và đây chính là một kinh nghiệm quí báu họ có được về người được truyền giáo.

Kinh nghiệm cho thấy người được truyền giáo rất cần có lòng khiêm tốn.

Thuở xưa, các thầy thượng tế, các kỳ lão, các kinh sư, các biệt phái đã nghe tận tai chính Chúa Giêsu giảng, đã xem tận mắt những phép lạ Chúa Giêsu làm. Nhưng không mấy người trong họ đã tin. Hơn nữa, càng nghe thấy và càng nhìn thấy Chúa Giêsu, họ càng đâm ghét. Sau cùng họ đã giết Người.

Sở dĩ Tin Mừng đã không vào lòng họ được, chính là vì sự kiêu căng tự đắc đã khoá chặt lòng họ.

Thời nay cũng thế. Những người đơn sơ, khiêm tốn dễ đón nhận được những cái mới mẻ của Tin Mừng hơn những người tự phụ kiêu căng.

Vì thế, tôi nghĩ rằng: Người truyền giáo cần phải khiêm nhường. Người được truyền giáo cũng cần khiêm nhường.

Để có đức khiêm nhường, chúng ta không thể coi thường việc tập luyện mình về nhiều mặt. Một người không được uốn nắn tập luyện kỹ lưỡng về đức khiêm nhường sẽ dễ trở nên hư hỏng: Hư hỏng do những thất bại và do cả những thành công, do những thực tế cuộc đời và cả do những ước mơ và ảo tưởng của mình, nhất là do sự cố chấp tôn thờ cái tôi và làm nô lệ cho ý riêng mình.

Không những chúng ta cần tập luyện để nên khiêm nhường, mà cũng cần cầu nguyện khẩn xin Chúa ban ơn khiêm nhường.

Ơn khiêm nhường, mà Chúa ban cho kẻ cậy trông nài van Chúa, sẽ đặt ta dưới cái nhìn thánh thiện của Chúa. Nhờ đó ta sẽ nhận ra Chúa nơi người khác và ta là kẻ tội lỗi, bất xứng, mọi sự Chúa ban cho ta đều do tình xót thương nhưng không của Chúa. Càng được ơn khiêm nhường, ta càng hiểu thấm thiá lời thánh Giacôbê: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gc 4,6). Và chúng ta cũng sẽ càng thấy rõ thói quen tìm đắc thắng, phô trương, trịch thượng, bất bao dung trong truyền giáo không những đang trở nên quá lỗi thời, mà còn gây nhiều thiệt hại cho Hội Thánh. Bởi vì đó là những điều rất trái nghịch với thánh ý Chúa.

Một điều lợi nữa, mà ơn khiêm nhường hôm nay sẽ đem lại cho ta, đó là nó giúp ta biết kiểm điểm lại bổn phận đón nhận Tin Mừng và bổn phận loan báo Tin Mừng. Ai trong chúng ta cũng có hai bổn phận đó.

Trong hoàn cảnh cụ thể ta đang sống, Chúa vẫn gửi cho ta vô số Tin Mừng mới mẻ. Ta đã đón nhận thế nào?

Trong địa vị cụ thể của ta và với những phương tiện cụ thể của ta, ai trong chúng ta cũng vẫn có thể góp phần không nhỏ vào việc loan báo phần không nhỏ vào việc loan báo Tin Mừng, hoặc bằng cách này, hoặc bằng cách khác. Ta đã thực hiện bổn phận đó thế nào?

Nếu khiêm tốn biết mình, khiêm tốn ăn năn, khiêm tốn sửa mình về bổn phận truyền giáo, chúng ta  sẽ có một lương tâm truyền giáo đổi mới. Để từ nay, ta biết nhận lãnh, biết sinh lời và biết chia sẻ Tin Mừng cho những người gần xa, mà ta có thể gặp.

Nếu ta ý thức được như vậy và cố gắng làm như vậy, thì đời ta sẽ mang ý nghĩa cao đẹp, đi theo đúng hướng về với Cha trên trời.

------------------------------

 

Truyền_giáo 2: LỬA  TRUYỀN GIÁO

 

Suốt tuần qua, tôi đi nhiều nơi trong giáo phận, để tham dự cuộc tĩnh tâm hàng tháng dành cho: Truyền_giáo 2


Suốt tuần qua, tôi đi nhiều nơi trong giáo phận, để tham dự cuộc tĩnh tâm hàng tháng dành cho các linh mục tu sĩ.

Ở đâu, tôi cũng được nghe tâm sự về truyền giáo. Tới đâu, tôi cũng được thấy những công trình truyền giáo. Những gặp gỡ này cho tôi cảm tưởng là tôi đang ở trong bầu khí truyền giáo, trong luồng gió truyền giáo, trong dòng nước truyền giáo.

Tôi thao thức hỏi mình: Trong tình hình đang có nhiều chuyển biến này, việc truyền giáo nên cứ như cũ, hay nên thêm bớt? Ý Chúa là thế nào? Tôi suy nghĩ và tìm tòi.

Trưa thứ sáu, ngày 05 tháng 10 vừa qua, tôi kết thúc chuyến đi. Vừa tới nhà, tôi lợi dụng chút thời giờ rảnh, để theo dõi tin tức thời sự và tìm thư giãn. Mở một đài truyền hình địa phương, tôi thấy đài đang chiếu một cảnh sa mạc Bắc Phi, một vùng Hồi giáo. Người thuyết minh giải thích đó là nơi Charles de Foucauld đã từng sống. Nghe vậy, tôi ngỡ ngàng, tưởng mình nghe lầm. Một lát sau, tôi thấy chiếu ảnh cha Charles de Foucauld. Y phục cha mặc là y phục kẻ nghèo. Nhà cha ở là căn nhà nghèo. Dân chúng xung quanh cha là những người nghèo. Ảnh đó không xa lạ gì đối với tôi. Bởi vì đã từ lâu, tôi có hàng trăm ảnh đó trong phòng. Đúng là đài truyền hình đã chiếu một mảnh đời cha Charles de Foucauld. Đối với tôi, đây là một cách chia sẻ Chúa dành cho tôi, đang lúc tôi băn khoăn về truyền giáo. Tôi nghĩ: Tình hình càng phức tạp, càng nên đẩy xa hơn việc truyền giáo.

Để đẩy xa hơn việc truyền giáo, tôi nhìn cha Charles và tôi thấy gương sáng của cha gợi ý cho tôi hiểu: Cần phát triển thêm một yếu tố. Yếu tố đó là lửa yêu mến trong lòng mình.

Khi lửa yêu mến Chúa cháy rực trong lòng ta, ta sẽ chỉ mong muốn sống theo thánh ý Chúa, như lời kinh sau đây của cha Charles: “Lạy Cha, với tất cả tình yêu của lòng con, vì con mến Cha và vì mến Cha, nên con thấy cần phải hiến thân con trọn vẹn trong tay Cha... Xin hãy làm nơi con mọi sự đẹp ý Cha... Con sẵn sàng luôn luôn, con nhận lãnh tất cả, miễn là ý Cha được trọn vẹn trong con, trong tất cả mọi loài Cha tạo dựng” (trích kinh cha Charles đọc thường ngày).

Nhưng làm thế nào để thắp lên được ngọn lửa mến Chúa trong lòng ta, để rồi ta dám hiến thân trọn vẹn cho Chúa và thực sự sẵn sàng làm bất cứ sự gì Chúa muốn ta làm?

Thưa: Mỗi người có thể nhận được lửa mến Chúa một cách riêng biệt. Phần tôi, tôi xin phép giãi bày: Tôi nhận được lửa mến Chúa qua nhiều con đường  khác nhau, nhưng nhất là con đường đơn sơ này, đó là năng cầu nguyện với Đức Mẹ bằng kinh “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội”.

Tôi càng cầu nguyện với ý thức mình tội lỗi, thì Đức Mẹ càng cầu bầu cho tôi được thêm ơn trở về gắn bó với Chúa. Từ đó, tôi có cảm nghiệm càng ngày càng sâu hơn về tình Chúa xót thương dành cho những kẻ yếu đuối, lầm lạc, tội lỗi. Chính qua con đường này mà lửa yêu mến được thắp lên, một đàng là kính mến Chúa, một đàng là yêu thương những người khốn khổ.

Như vậy, người thắp lên lửa mến trong tôi là chính Đức Mẹ. Mẹ đốt lửa, khi lòng tôi cầu nguyện. Cầu nguyện với tâm tình nghèo khó, từ bỏ ý riêng. Từ đó, Mẹ đưa tôi  trở về con đường sống theo ý Chúa  Cha.

Ý Chúa Cha, mà tôi thấy rất rõ hiện nay là muốn chúng ta làm chứng cho Ngài bằng cách bắt chước Đức Kitô, nhất là ở điểm này: Hội nhập vào thân phận những kẻ nghèo.

Thực vậy, Đức Kitô đã sống nghèo, giữa dân nghèo. Ngài sống gần gũi họ, để phục vụ yêu thương họ, chia sẻ hy vọng với họ, khám phá ra nơi họ những tiềm năng cứu độ.

Hôm nay, lớp dân nghèo nhiều nơi trên thế giới vẫn còn bị ba nguy cơ đe doạ: Bị khai thác, bị loại trừ, bị huỷ diệt. Đang khi đó, tội ác lại thường không ở phía họ, mà ở phía những quyền lực tăm tối. Một thí dụ: Mỗi ngày có từng trăm thai nhi bị giết. Đó là những cuộc khủng bố xảy ra ở nhiều nước văn minh giàu có.

Trước tình hình này, Chúa Cha sai chúng ta đi. Nhiều người đã nhận ra được tiếng Chúa sai đi. Họ đã ra đi. Họ đã gặp được Đức Kitô đang đau khổ cùng với đám dân nghèo khổ, bất kể là công giáo hay ngoài công giáo. Với những phương tiện nghèo, họ đã cùng với Chúa dần dần đem Tin Mừng vào lòng những người nghèo. Để rồi, những người nghèo sẽ đóng một vai trò đáng kể trong việc làm mới lại bộ mặt địa cầu. Ngay bây giờ, bao người nghèo đang dạy chúng ta nhiều bài học đạo đức quí báu.

Đến lượt những người nghèo này, họ lại ra đi, mang theo lửa thiêng của Chúa. Nhưng lửa đó cần được thêm nhiều hơn nữa, cả nơi họ, cả nơi chúng ta.

Thêm lửa mến Chúa. Thêm lửa xót thương kẻ nghèo. Thêm lửa thiêng này không phải do thêm tư tưởng tự tôn và hoạt động ồn ào. Nhưng thêm một cách âm thầm, bằng cầu nguyện chiêm niệm từ Lời Chúa, phép Thánh Thể, Đức Mẹ dưới chân thập giá, và từ cuộc sống quên mình, trong bình an vui vẻ, phó thác.

Lửa mến nồng nàn này sẽ đổi mới con người đến tận những cõi thẳm sâu của chính mình. Để rồi, truyền giáo sẽ không chỉ là đưa ra các giáo lý, nhưng sẽ còn là giới thiệu những chứng từ sống động nơi những người được Lửa thiêng đổi mới.

Thiết tưởng tất cả những điều trên đây có thể gợi ý cho việc tân Phúc Âm hoá. Đây sẽ là những vẻ đẹp thiêng liêng rất thích hợp, để đáp ứng nhu cầu truyền giáo trong giai đoạn lịch sử đang hình thành với nhiều nét mới mẻ.

------------------------------

 

Truyền_giáo 3: TRUYỀN GIÁO, MỘT ĐẶC ĐIỂM CỦA LINH MỤC

 VIỆT NAM THỜI NAY

– GB Bùi Tuần

LỬA TRUYỀN GIÁO

(Bài giảng thánh lễ Truyền Dầu ngày 28 tháng 3 năm 2002)

 

Một trong những niềm vui lớn của tôi, khi nhìn giáo phận nhà, là thấy số linh mục tương: Truyền_giáo 3


Một trong những niềm vui lớn của tôi, khi nhìn giáo phận nhà, là thấy số linh mục tương đối đông, đa số còn trẻ, tất cả đều hợp nhất.

Nói chung, tất cả các linh mục của chúng ta đều có thiện chí làm tốt bổn phận của mình.

Hiện nay, bổn phận linh mục tại Việt Nam nói chúng và tại địa phương chúng ta nói riêng không phải dễ dàng.

Ngoài những bổn phận thông thường vốn đi liền với chức linh mục, thì còn một số bổn phận mới.

Thí dụ bổn phận phải biết khôn ngoan phối hợp những giá trị truyền thống với những đổi mới có giá trị. Để sống đạo được nhìn nhận như một mời gọi hấp dẫn, thăng tiến, chứ không phải như một lối sống khép kín, lỗi thời.

Thí dụ bổn phận phải biết khôn ngoan phối hợp những kiến thức tôn giáo với những kinh nghiệm nội tâm. Để sống đạo được nhìn nhận như một chiều kích thiêng liêng đi sâu vào con người, chứ không phải chỉ là một lý thuyết suông.

Thí dụ bổn phận phải biết khôn ngoan phối hợp giáo lý với thực tế cuộc sống. Để sống đạo được coi như ánh sáng của đương thời, chứ không phải như bóng mờ của một cõi xa xôi, lạnh lùng, huyền ảo.

Nhất là bổn phận phải biết khôn ngoan phối hợp mục vụ và truyền giáo. Để linh mục là người ra khơi thả lưới, chứ không phải chỉ là người chủ chăn.

Riêng về bổn phận trên đây, tôi muốn chúng ta cùng nhau dừng lại, để suy nghĩ thêm. Bởi vì truyền giáo là một trách nhiệm quan trọng, một tiếng gọi bức xúc. Nếu coi thường bổn phận này, tôi sợ chúng ta sẽ phạm một lỗi lầm lớn, đạo sẽ cằn cỗi, bản thân ta sẽ chìm sâu xuống thung lũng vô hình cực kỳ nguy hiểm.

Suy nghĩ truyền giáo của chúng ta sẽ được gợi ý bằng mấy việc truyền giáo của Chúa Giêsu, để từ đó chúng ta sẽ thấy việc truyền giáo có thể thực hiện được trong hoàn cảnh mục vụ hiện nay.

Tôi xin nêu lên ba trường hợp của Chúa Giêsu.

Trường hợp thứ nhất là cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samaria (Ga 4,7-42). Bà này là người ngoại giáo. Do đời sống gia đình lôi thôi, bà sống giữa xã hội như kẻ bị loại trừ. Bà không chủ ý đi gặp Chúa Giêsu. Nhưng

Chúa Giêsu đã như vô tình gặp bà. Bắt đầu là một đối thoại vắn về đời sống, về khổ đau, rồi sau đó Chúa làm một cử chỉ cứu độ. Chúa giúp bà vượt qua ranh giới mặc cảm tội lỗi. Bà tin vào Chúa. Hơn nữa, bà trở thành người đứng đầu một nhóm loan báo Tin Mừng giữa dân ngoại.

Trường hợp thứ hai là cuộc gặp gỡ với vị sĩ quan thành Caphanaum (Ga 4,46-54). Ông là người Rôma ngoại giáo. Ông thuộc lớp người có chức có quyền. Ông xin Chúa chữa con ông đang hấp hối. Cũng sau một đối thoại về khổ đau, Chúa đã làm một cử chỉ cứu độ. Chúa đã giúp ông vượt qua được biên giới phân biệt giai cấp, tôn giáo và dân tộc. Ông tin vào Chúa. Hơn nữa, ông trở thành người đứng dầu một nhóm loan báo Tin

Mừng giữa giai cấp chức quyền.

Trường hợp thứ ba là cuộc gặp gỡ với người bại liệt (Ga 5,1-18). Anh này sống chung với một đám người tật bệnh nghèo khổ. Đã 38 năm anh nằm một chỗ cô đơn, lầm lũi trên bờ hồ Bết-da-tha. Anh là kẻ bị xã hội loại trừ. Chính Chúa đã chủ động đến gặp anh. Cũng bắt đầu bằng một đối thoại về khổ đau, sau đó là cử chỉ cứu độ. Chúa đã giúp anh vượt qua biên giới cùng khổ. Anh tin vào Chúa. Hơn nữa, anh trở thành người đứng đầu một nhóm nhỏ loan báo Tin Mừng ngay giữa những người phản đối Chúa.

Ba trường hợp trên đây gồm một người ngoại đạo trong cảnh bê bối, một người quyền chức trong cảnh khó khăn, một người tật bệnh trong cảnh khốn cùng tuyệt vọng. Chúa đã gặp họ, đã nói chuyện với họ về các vấn đề thuộc về cuộc sống, rồi đã làm cho họ một việc cứu độ.

Tôi thấy các loại người như thế hiện nay vẫn còn rất nhiều trong xã hội chúng ta. Nhiều người công giáo đã gặp họ. Cũng đã có những chuyện trò về cuộc sống, về khổ đau, rồi trong lúc thuận tiện đã có những cử chỉ cứu độ. Kết quả rất bất ngờ: Nhiều người trước đây xa lạ nay nhận được Tin Mừng. Sau đó, chính họ gây dựng nhiều nhóm nhỏ để bàn về Tin Mừng và loan báo Tin Mừng. Có nhóm trong khuôn khổ giáo xứ. Có nhóm ngoài cơ chế giáo phận.

Tất cả những gì tôi vừa nêu trên đều làm chứng rằng: Trong mục vụ có vô số cơ hội để truyền giáo. Hơn nữa, trong sống đạo cũng có vô số dịp để làm việc truyền giáo. Linh mục làm, tu sĩ làm, giáo dân cũng làm. Thậm chí người ngoại giáo cũng làm. Làm qua những nẻo đường cuộc sống. Làm qua những vấn đề bức xúc của con người. Nếu không làm thì thiết tưởng không phải không có dịp để làm, nhưng là không có nhiệt tâm và tỉnh thức.

Như thế, điều quan trọng trong truyền giáo là người truyền giáo phải có hồn truyền giáo. Hồn đầy lửa mến Chúa. Hồn đầy lửa thương người.

Lửa đó là lửa từ trái tim Chúa chia sẻ ra. Lửa đó được chia sẻ cho những hồn khiêm tốn, từ bỏ mình, thiện chí muốn gieo trồng sự thiện.

Lửa đó là lửa thanh luyện, lửa cầu nguyện, lửa canh thức, lửa thương cảm, lửa cháy trong thánh giá.

Nhờ lửa như thế, người truyền giáo mới gần gũi được với con người, mới thương cảm được với thân phận từng người, mới hiểu được các vấn đề luôn mới trong dòng lịch sử đầy chuyển biến của xã hội và con người. Nhờ vậy, mà họ là người đáng tin. Đồng bào Việt Nam thời nay không còn dễ tin vào những người nói mạnh nói khéo. Nhưng họ tin vào những người có cái tâm yêu thương, chân thành, khiêm tốn, vừa sâu về đời sống thiêng liêng, vừa cởi mở thông cảm về phía con người.

Với vài suy nghĩ trên đây, tôi xin anh chị em cầu nguyện cho Hội Thánh Việt Nam được trở thành một Hội Thánh truyền giáo. Xin hãy cầu nguyện cách riêng cho các linh mục của chúng ta, để mọi linh mục và từng linh mục, bất cứ trong chức vụ nào, ở tuổi nào, với hoàn cảnh nào, luôn coi bổn phận truyền giáo là một trách nhiệm mà Chúa đòi phải chu toàn. Chu toàn một cách khôn ngoan theo ý Chúa. Mình có trách nhiệm thì cố gắng chu toàn. Còn kết quả ra sao thì hãy để mặc Chúa. Chúng ta cần nâng đỡ các linh mục của chúng ta trong bổn phận truyền giáo. Bởi vì công việc truyền giáo thường được bắt đầu từ các ngài và được phát triển cũng nhờ các ngài.

Chớ chi thời nay truyền giáo trở thành một đặc điểm sáng chói của mọi linh mục tại Việt Nam chúng ta.

------------------------------

 

Truyền_giáo 4: Khốn cho tôi nếu không rao giảng Tin Mừng


- Lm. Augustine

 

Bài Tin Mừng hôm nay là một lệnh lên đường. Lệnh đó được truyền trước tiên cho mười: Truyền_giáo 4


Bài Tin Mừng hôm nay là một lệnh lên đường. Lệnh đó được truyền trước tiên cho mười một môn đệ thân cận của Đức Giêsu. Chẳng bao lâu một môn đệ nữa được thêm cho đủ số mười hai: đó là ông Mát-thi-a thay thế Giu-đa Ít-ca-ri-ót (Cv1,26). Nhưng cuộc bầu ông Mat-thi-a vào nhóm Mười Hai còn được nối tiếp bằng cuộc trở lại của Sao-lô, con người bắt bớ các Kitô hữu, sau trở nên vị Tông đồ Dân Ngoại (Cv 13,47). Ông là biểu tượng của lòng nhiệt thành truyền giáo lây lan với câu nói bất hủ: "Khốn cho tôi nếu không rao giảng Tin Mừng!" (1C 9,16). Chính qua các cuộc hành trình truyền giáo, tông đồ Phao-lô đã thiết lập các giáo đoàn vùng Tiểu Á và Trung Đông. Những địa danh Cô-rin-tô, Thê-xa-lô-ni-ca, Phi-líp-phê, Ê-phê-xô trong cuộc hành trình thứ hai của ngài đã trở nên thời danh với những lá thư ngài viết gửi các giáo đoàn. Thư ngài viết gửi giáo đoàn Ga-lát chẳng hạn, cho thấy thế nào là người môn đệ của Đức Giêsu theo bề sâu. Người đó được đưa vào sự sống của chính Đức Kitô để có thể nói rằng "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gal 2,20). Tức một cách nào đó, Đức Kitô trở nên chủ thể mọi sinh hoạt của người Kitô hữu. Cho nên tự bản chất, người Kitô hữu không thể không làm chứng về sự hiện diện và hành động của Đức Kitô. Người đó tự nhiên thao thức muốn đem Tin Mừng của Đức Kitô loan báo và chia sẻ cho tha nhân.

Hình ảnh sống động về truyền giáo

Nhưng thử hỏi cảm thức về bổn phận truyền giáo nơi các Kitô hữu ngày xưa, ngày nay người trở lại đạo còn nghiệm được chăng? Hãy coi hình ảnh sống động của những Kitô hữu sốt sắng truyền giáo nơi dân tộc ít người. Một số họ đã được giới thiệu hai năm trước đây cũng dịp Chúa Nhật cầu nguyện cho công cuộcTin Mừng hóa thế giới.

Anh BN năm nay 27 tuổi. Anh đã học đạo năm 1993. Kể từ đó anh góp phần đắc lực vào việc truyền giáo giữa đồng bào anh. Mùa mưa bắt đầu là lúc thích hợp nhất để anh ra ruộng, ra rẫy, nơi anh vừa lao tác với đồng bào, vừa truyền đạo cho họ. Anh nói như một nhà thần bí rằng: "Chúa đoan chắc Chúa ở với con và con được ở với Chúa. Con thấy Chúa nói với con. Có những thôn làng muốn biết Chúa. Thế là con thấy rõ Chúa đến nhà kêu con đi. Qua con, Chúa nói với người ta. Người ta nhìn miệng con. Người ta nghe con nói. Điều lạ lùng là người ta tin Chúa! Vợ con sắp sinh cũng bảo con: "Thôi anh cứ đi đi! Đã có Chúa lo cho em ở nhà!" Lần ấy con đi truyền giáo về gần đến làng thì được tin vợ con đã sinh một bé gái. Con quỳ xuống tạ ơn Chúa. Bé gái sinh ra là gia đình con có cơ may được thêm một người đàn ông lo việc ruộng rẫy trong tương lai." Anh BN có ý nói về phong tục mẫu hệ của đồng bào anh. Bé gái lớn lên mà lấy chồng thì chồng đến ở nhà bố mẹ vợ thay vì vợ đến ở nhà bố mẹ chồng. Gia đình anh hy vọng sẽ có con rể lo việc ruộng rẫy và anh sẽ có thêm cơ hội lo việc truyền giáo.

Anh CĐ hôm ấy đi truyền giáo theo hướng sông Đồng Nai. Nửa đên anh đang đi thì xe đạp của anh bị trục trặc. Khi ấy có tiếng cọp gào. Anh phải chui vào hốc đá khiến cọp đói ngồi rình anh suốt đêm! Anh thưa với Chúa: "Chúa ơi! Con đi truyền giáo nên Xa-tan nó chặn đường con!" Ban sáng khi mặt trời mọc, con thấy mất an toàn nên lỉnh vào rừng sâu. Anh CĐ khi ấy thưa với Chúa: "Chúa ơi, Xa-tan nó đi rồi, thế là con lại lên đường đến điểm truyền giáo như con đã hẹn với người ta."

Anh X tìm đến với đồng bào anh nơi rừng thẳm vào giữa mùa đói. Họ thiếu thốn cả của ăn lẫn áo mặc. Anh thương họ quá đến nỗi anh đã để lại cho họ tất cả quần áo anh mang theo. Anh về nhà, chỉ còn duy nhất chiếc áo gió và quần xà lỏn trên người!

Hội nhập văn hóa

Anh BX khác hẳn những anh em nói trên về giáo dục và về địa bàn hoạt động. Chính anh đã có công dịch ra tiếng M'nông tất cả các kinh đọc, các bài hát hiện đang được dùng. Anh cũng dịch ra tiếng M'nông cuốn giáo lý căn bản và sách Tin Mừng theo thánh Matthêu. Còn sách Tin Mừng theo thánh Máccô hiện anh dịch xong được 10 chương. Vậy phần đóng góp đặc sắc của anh trong việc truyền giáo cho dân tộc anh là hội nhập văn hóa.

Theo nghĩa tổng quát, văn hóa chỉ tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; cố gắng chế ngự cả trái đất bằng trí thức và lao động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình cũng như đời sống chính trị trở nên nhân đạo hơn, nhờ tiến bộ trong các tập tục và định chế,… diễn tả, truyền thông và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn (Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 53). Anh BX đang làm công việc truyền thông này về tôn giáo cho dân tộc anh. Thử hỏi một người dân tộc như anh BX mở mắt chào đời nơi rừng sâu, làm sao đạt được trình độ để làm việc văn hóa như hiện anh đang làm? Quan trọng hơn nữa là ý nghĩa truyền giáo của công việc anh đang làm, ý nghĩa ấy lóe lên trong đầu óc anh từ bao giờ? Có dấu nào cho thấy anh đã chọn công cuộc truyền giáo một cách tự do do ân sủng của Thiên Chúa? Hãy nghe anh BX tự thuật, có khi ta sẽ phần nào thỏa mãn được những thắc mắc nói trên.

Đẹp thay bước chân người đi loan Tin Mừng

"Tôi sinh ra năm 1940 khi dân tộc tôi còn trong tình trạng du canh du cư chưa được đặt dưới quyền một Nhà Nước nào. Tới năm 1946, chi tộc trưởng của chúng tôi mới được đặt làm trưởng làng thuộc xã Đắc Tích gồm 16 buôn trong quận Dak Sông, tỉnh Darlac. Riêng tôi lên 8 tuổi mới cắp sách đi học tại trường ngã ba biên giới, và lên 11 tuổi thì được gởi đi học trường tiểu học Nguyễn Du tại Ban Mê Thuột; lên 16 tuổi được nhận vào trường trung học trước khi gọi là Collège Sabatier. Trong hai năm ở đây tôi tự động đi học giáo lý Công Giáo mỗi tuần hai lần vào buổi tối. Ngày đáng ghi nhớ là 12 tháng 5, 1958, khi tôi được Chúa mời gọi đi gặp vị linh mục thừa sai Mai Hộ (Elie Maillot). Ngài nhận tôi vào học lớp giáo lý tại nhà thờ Bu Prăng cùng với hai anh em người Sê Đăng, Kontum. Nhờ đó ngày 12 tháng 5, 1960, tôi được nhận vào nội trú trường đào tạo giảng viên giáo lý mang tên Chân Phước Cuénot, là nơi tôi được học tiếng Bana, tiếng Pháp cũng như học Kinh Thánh Tân Ước và Cựu Ước. Ngày 14 tháng 11, 1960, tôi được chịu phép Rửa Tội, Thêm Sức và bí tích Thánh Thể. Ngày 27 tháng 12, 1960, tôi đã thi đậu bằng tốt nghiệp khóa giáo lý căn bản sơ cấp để trở nên giáo phu, tức Thày giảng đạo.

Thế là tôi bắt đầu dấn thân truyền giáo dưới sự hướng dẫn của linh mục thừa sai Mai-Đình -Sử (Jean Moriceau), vừa đi truyền giáo vừa học thêm.

Thời gian 1960-1964: 6 thôn được nghe tôi trình bày giáo lý và hai gia đình chịu phép Rửa tội.

Thời gian 1965-1975, tôi cùng với 4 giáo phu khác góp phần giúp cho trên ba ngàn người học đạo trong số đó có trên 1,500 người đã chịu phép Rửa tội và Thêm sức qua ba đợt do Đức Cha Mai.

Kể từ đầu năm 1976 tình hình tôn giáo ra khác. Chính tôi phải đi cải tạo 6 tháng tại Đác Nông. Trong suốt mấy năm kế tiếp, tệ nạn xã hội xảy ra trong họ đạo, như ăn trộm ăn cắp, rượu chè, phạt vạ nhau, có một vụ chồng giết vợ, một vụ anh giết em. Trong bối cảnh không mấy sáng sủa ấy, tôi đã cầu nguyện nhiều xin Chúa soi sáng cho tôi biết phải làm gì để phục vụ Người. Tôi được an ủi nhiều nhờ gặp được Đức Cha Phêrô Mai dịp đi họp Mặt Trận tỉnh ngày 30 tháng 12, 1980.

Thời gian 1986-1990, tôi đã hoạt động trở lại dậy giáo lý cho gần 300 gia đình tại Quảng Tín; chừng 100 gia đình tại Quảng Tân; chừng 50 gia đình tại Đạc Rung; 18 gia đình tại Bù Do; 49 gia đình tại Quảng Rực; 300 gia đình tại Đác Nhau. Tôi hy vọng có nhiều thời giờ hơn để giúp những gia đình tân tòng nói trên sau khi dịch xong Tin Mừng theo thánh MáCcô ra tiếng M'nông"

Anh BX thực sự đã được Chúa an bài để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, cộng sự viên đắc lực của những vị kế nghiệp các thánh tông đồ. Cho nên anh cũng được vinh dự tích cực tham gia việc thi hành lệnh lên đường để làm cho muôn dân trở nên môn đệ của Đức Giêsu.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ gì về tinh thần truyền giáo của anh em dân tộc như BN? X và BX? Riêng về hoạt động truyền giáo của anh BX có những gì đáng kể đối với bạn?

2. Theo bạn có gì khác nhau giữa truyền giáo và Phúc Am hóa? Chính đời sống của gia đình bạn, của giáo xứ bạn, của công việc làm ăn bạn đang thực hiện, có cần được Phúc Âm hóa chăng? Bằng cách nào?

------------------------------

 

Truyền_giáo 5: Suy Niệm của Đức TGM. GB. Phạm Minh Mẫn

 

Lời Chúa hôm nay nói về Chúa Giêsu và chức linh mục. Chúa Giêsu được Chúa Cha trao: Truyền_giáo 5


(Bài giảng của ĐTGM Phạm Minh Mẫn trong thánh lễ làm phép Dầu ngày Thứ Năm Tuần Thánh)

Lời Chúa hôm nay nói về Chúa Giêsu và chức linh mục. Chúa Giêsu được Chúa Cha trao ban Chúa Thánh Thần và sai đi loan Tin Mừng cứu độ cho người nghèo, giải thoát kẻ lâm cảnh tù đầy, kẻ sống trong nước mắt đau khổ. Chúa Giêsu cũng trao ban Chúa Thánh Thần và mời gọi một số người than dự vào đời sống và chức vụ linh mục của Người, một đời sống và chức vụ phát xuất từ tình yêu, phát triển trong tình yêu, nhằm thể hiện tình yêu, làm chứng cho tình yêu trong giáo hội cũng như ngoài xã hội.

Ngỏ lời với mọi thành phần dân Chúa và riêng với các linh Mục Việt Nam là những người đang tiếp nối sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, đang truyền giáo trên đất nước Việt Nam ngày nay, Đức Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta hai điều thiết yếu này:

1/ Thực hiện điều Chúa dạy "Hãy ra khơi". Nãy ra khơi với mối quan tâm rao giảng Tin Mừng. Hãy ra khơi với ý thức sứ vụ truyền giáo liên quan đến toàn thể dân Chúa và đòi hỏi mọi người phải có lòng nhiệt thành mới, những phương pháp mới, một ngôn ngữ mói. Hãy ra khơi để chia sẻ cho mọi người niềm hy vọng kitô giáo, bằng cách không ngừng đề nghị với nhau con đường đối thọai ngay thẳng và hợp tác lành mạnh.

2/ Hãy nhận luồng gió Chúa Thánh Thần làm cho những sáng kiến tông đồ phong phú mang lại một sinh lực mới cho đời sống cầu nguyện, cho việc huấn luyện nhân sự.

Can đảm ra khơi, đối thoại ngay thẳng, hợp tác lành mạnh, quảng đại chia sẻ, đối với nhiều người, có lẽ là một ngôn ngữ mới, phương pháp mới. Kỳ thực, việc ra khơi, đối thoại bắt nguồn từ tình yêu cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa đối với loài người, động lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác với nhau là lòng bác ái và uoc muốn gặp gỡ Đức Kitô Đấng Cứu Thế, và đường lối mới này dẫn đến chia sẻ niềm hy vọng cho cộng đồng dân tộc. Trong một hoàn cảng xã hội mà lợi lộc, thanh thế, quyền lực, đang lên ngôi như những gía trị hàng đầu trong cuộc sống, con đường đối thoại và hợp tác nhằm phục vụ cho sự sống và phẩm gía con người, đặc biệt người nghèo, người bị bỏ rơi, quả là một thách đố to lớn đối với những nhà truyền giáo hôm nay. Do đó, nếu không có một con tim đầy tình yêu khoan dung, quảng đại và can đảm hy sinh của người mục tử nhân lành, nếu không có một đời sống nội tâm dựa trên ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, thì thách đố to lớn đó chỉ là điều không tưởng.

- Chính vì thế mà trong huấn từ gửi đến các linh mục ngày thứ năm tuần thánh năm 2002 này, Đức Thánh Cha khuyên linh mục hãy theo gương đón rước Chúa Giêsu vào nhà mình, hãy mở rộng cửa con tim để cho lòng từ bi thương xót của Chúa Giêsu đi vào và đổi mới nếp sống của mình. Trong cầu nguyện cũng như trong thi hành sứ vụ, linh mục hãy mở rộng tâm trí đón nhận ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, thúc đẩy và dẫn dắt ta như một ánh sáng mới làm cho linh mục trở nên thừa tác viên chân chính, chứng nhân trung thực của lòng yêu thương cứu độ của Thiên Chúa trong lòng Giáo hội và xã hội. Có tận tình đảm nhận lối sống của Chuá Giêsu, linh mục mới có khả năng tiếp nối và hoàn thành sứ vụ của mình.

Mỗi ki tô hữu, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, từ khi lãnh bí tích thanh tẩy, được Thiên chúa không ngừng tao ban Chúa Thánh Thần, đổ tình yêu của Người vào lòng, và sai đi loan tin mừng. Xin anh chị em hãy thường xuyên cầu nguyện cho mọi ki tô hữu, cho cả giám mục và linh mục, ý thức và quan tâm hiện diện với Chúa Thánh Thần trong mọi suy nghĩ và hành động, ra sức nuôi dưỡng cho tình yêu bác ái của mỗi người được lớn lên trong thực tế cuộc sống hàng ngày. Đó là cách thế giúp mỗi người ngày càng trở nên sứ giả tin mừng của Đức Ki tô. Xin anh chị em hãy cầu cho tôi.

------------------------------

 

Truyền_giáo 6. Đức Maria, Mẫu Gương Truyền Giáo


- Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

 

Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao Chúa Nhật Truyền Giáo lại được nhắc trong tháng Mân Côi: Truyền_giáo 6


Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao Chúa Nhật Truyền Giáo lại được nhắc trong tháng Mân Côi, tháng dâng kính Đức Mẹ, cùng với Đức Mẹ chiêm ngắm tình thương của Thiên Chúa, bằng những tràng chuỗi đơn sơ và thành kính nhất qua lối cầu nguyện theo Tin Mừng. Những dòng suy niệm này trả lời cho tôi câu hỏi đó.

Những trang Tin Mừng về Đức Maria thật là phấn khởi cho trần thế chúng ta. Có một người phụ nữ, mang trọn vẹn sứ điệp Tin Mừng của Thiên Chúa vào trong lòng nhân thế. Nhân loại vui mừng bởi sự đón nhận này của Mẹ Maria, “để từ nay mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Thiên Chúa đã làm cho Mẹ những kỳ công lớn lao nơi Mẹ và còn làm những điều lớn lao ấy cho nhiều tâm hồn nhân thế chúng ta.

Sự chuẩn bị một tâm hồn vô tì tích là sự chuẩn bị của Thánh Thần, Chúa Thánh Thần thực hiện nơi Đức maria những điều lớn lao, bởi Mẹ là người đã để Chúa Thánh Thần hoạt động và làm phát sinh hoa trái của Người. “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ ngự xuống trên Bà” (Lc 1, 35), hoa trái của Chúa Thánh Thần là hoan lạc và bình an. Mẹ đã mang hoan lạc và bình an của Thiên Chúa cắm rễ vào trong trái đất. Maria, công trình tuyệt diệu của Chúa Thánh Thần , nhân thế có một con người được Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho sự toàn vẹn để xứng đáng đón nhận Đức Giêsu, Con thiên Chúa vào trong lòng nhân thế, lịch sử đã đổi hướng đi về nguồn ơn cứu độ, về niềm vui của Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa, và trở nên hiện thực trong sự cưu mang này. Đức Maria trở nên người diễm phúc là nhờ sự chuẩn bị của Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Thần có thể làm cho con người tội nhân của Eva cũ, xuất hiện một Eva mới vô tì tích, trong trắng đẹp lòng trước mặt Thiên Chúa. Maria, công trình của Chúa Thánh Thần thực hiện cho nhân loại.

Maria, là người Mẹ truyền giáo đúng nghĩa nhất, bởi sự tinh tuyền của Mẹ, bởi Mẹ là kỳ công của Chúa Thánh Thần hoạt động trên trái đất này. Mẹ đã đón nhận Con Thiên Chúa cho thế gian và đưa Con Thiên Chúa vào trong thế gian và đó là Tin Mừng đúng nghĩa nhất cho trần thế. Từ nay, nhân loại nhận ra rằng: Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của người mang tin vui, tin cứu độ, tin được Thiên Chúa đoái thương. Đức Giêsu Con lòng Mẹ, một Người Con của nhân loại, một người Con của Thiên Chúa là nguồn ơn cứu độ, suối trào niềm vui cho nhân thế.

Người loan báo Tin Mừng là người được Chúa Thánh Thần tác động cách đặc biệt trên cuộc đời của họ. “Đức Maria lên đường vội vã” (Lc 1, 39). Sự vội vã của con người mang niềm vui khôn tả, thúc đẩy mau mắn lên đường, nhắc lại hình ảnh xưa Isaia đã tiên báo: “ Đẹp thay trên núi đồi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: “Thiên Chúa ngươi là vua hiển trị” ”. (Is 52, 7). Đức Maria mang trọn niềm vui Đấng Cứu Độ mà nhân loại đón đợi, không thể không vui và niềm vui chất ngất, thúc đẩy lên đường loan báo tin vui. Nếu trong lòng tôi và trong lòng bạn mang niềm vui ngập tràn như thế tôi và bạn cũng sẽ vội vã lên đường loan báo. Đức Maria trở nên người loan báo Tin Mừng đúng nghĩa bởi vì Mẹ mang trọn niềm vui Chúa Thánh Thần. Ai để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong cuộc đời của mình cũng là người mang trọn niềm vui loan báo.

Không chỉ là loan báo mà thôi, Đức maria còn là người công bố Tin Mừng. Người công bố là người đã xác tín một cách chắc chắn về những gì Thiên Chúa đã làm cho mình. Đức Maria đã nghiệm thấy như thế trong cuộc đời của Mẹ: “ Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1, 49). Thấy được tình thương Thiên Chúa thể hiện trong cuộc đời mình, người loan báo sẽ đi xa hơn nữa để, công bố Tin Mừng Thiên Chúa đã làm cho mình. Sự công bố mang một niềm tin xác tín, đã gặp và đã thấy. Sứ vụ loan báo Tin Mừng hôm nay, cần chứng nghiệm nơi người loan báo Tin Mừng như thế, bởi vì người ta đang cần chứng nhân hơn thày dạy. Đức Maria nhận ra bàn tay Toàn Năng của Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời của Mẹ, nên Mẹ là người công bố sứ điệp chắc chắn về Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa cho nhân loại.

Niềm xác tín của Đức Maria mang một chiều kích rất riêng tư, nhờ Mẹ đã “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 3, 51). Cầu nguyện là chiêm ngắm những điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình, là cuộc trao đổi, đối thoại giữa nhưng khó khăn, thử thách. Đức Maria trở thành người công bố Tin Mừng, bởi Mẹ đã chiêm ngắm công trình của Thiên Chúa thực hiện cho dân tộc, cho chính Mẹ. Sự chiêm ngắm, đối thoại dẫn đến một xác tín riêng tư chắc chắn để đi đến một công bố cho muôn người. Con đường cầu nguyện của Đức maria đã đi qua là con đường mời gọi những người truyền giáo hôm nay thực hiện.

Truyền giáo không là công cuộc cày xới những mảnh đất hoang, cũng không là công cuộc cải đạo cho những người khác niềm tin. Đối với Đức Maria truyền giáo có nghĩa là đem chính Đức Giêsu cho nhân loại. Đức Giêsu có là niềm vui cho bạn không? trước khi là niềm vui công bố cho người chung quanh bạn, trở lại niềm xác tín này chúng ta trở lại niềm xác tín của Đức Maria, khi Mẹ xác tín : “ Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1, 46). Tràn ngập niềm hân hoan bởi Mẹ đã gặp thấy và cưu mang chính niềm vui của Đức Giêsu trong lòng Mẹ. Đức Maria không mang niềm vui nào khác ngoài niềm vui : “Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 47). Niềm vui của Thiên Chúa trong ngày Thiên Chúa đoái thương, ngày nào không là ngày Thiên Chúa đoái thương, nhưng đôi lúc chúng ta lại quên mất cảm nghiệm thực sự điều này, để rồi sứ vụ truyền giáo của mỗi thành viên chúng ta cứ hoài dang dở. Đức Maria đã mang chính Đức Giêsu, quà tặng tuyệt hảo nhất của Thiên Chúa, nguồn ơn cứu rỗi duy nhất, công bố , trao tặng cho nhân loại.

Dù là người loan báo, dù là người công bố Tin Mừng đi chăng nữa, Đức Maria luôn đặt mình dưới sự bảo trợ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Không thể tách rời Đức Maria khỏi hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đức Maria là công trình tuyệt hảo của Chúa Thánh Thần. Dù Đức Maria có được như thế nào chăng nữa, Mẹ cũng luôn đặt mình trong tâm khảm của người: “phận nữ tỳ hèn mọn, Người đã đoái thương nhìn tới” (Lc 1, 48). Người truyền giáo cũng thế, không thể tách rời Chúa Thánh Thần với hoạt động của mình được. Ai có thể chinh phục sự sâu thẳm của lòng người quy hướng về Thiên Chúa, nếu đó không phải là tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần mời gọi con người theo nhiều nẻo đường khác nhau, để quy tụ cho Thiên Chúa một Dân được hiến thánh. Chúng ta là những dụng cụ Thiên Chúa dùng, và hãy đặt cuộc đời mình vào bàn tay của Thiên Chúa.

Không có công trình nào là thua mất cả với ánh mắt nhìn đức tin của Đức Maria, đôi khi gặp những người cứng cỏi quá sức, hãy phó dâng cho Thiên Chúa, như người gieo giống chỉ biết chờ đợi cho hạt giống nảy mầm. Đức Maria đã thấy nghiệm điều này trong cuộc đời của Mẹ: “Chúa biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (Lc 1, 51). Chúng ta cần biết chờ đợi điều Thiên Chúa sẽ cho mọc lên, sự chờ đợi là một bài học cuối kết thúc cho sứ vụ truyền giáo chúng ta học nơi Đức Maria.

Kính dâng Mẹ những suy nghĩ này, bởi hơn ai hết Mẹ là vị Thày tốt nhất dạy chúng con sống sứ vụ truyền giáo.

------------------------------

 

Truyền_giáo 7: TRUYỀN GIÁO TẠI Á CHÂU


- Trần Duy Nhiên

Bối cảnh Á Châu.

 

Kitô giáo đến Á Châu quá trễ! Ta hãy nhìn lại tiến trình các tôn giáo trên thế giới. Thuở xa xưa: Truyền_giáo 7


Kitô giáo đến Á Châu quá trễ! Ta hãy nhìn lại tiến trình các tôn giáo trên thế giới. Thuở xa xưa, con người chưa có tôn giáo, nhưng dường như từ khi có con người trên mặt đất thì đã có tín ngưỡng. Những tín ngưỡng ấy xuất phát từ một thế giới quan cho rằng trong mọi vật thể hay hiện tượng tự nhiên đều có một sức mạnh nào đó có thể tác động đến con người, hoặc thuận lợi hoặc tai hại, và từ đó mỗi nhóm người tìm cách liên lạc với sức mạnh đó để thủ đắc sự thuận lợi và tránh né các tai họa. Tín ngưỡng là một hiện tượng xã hội văn hóa. Tín ngưỡng này phát triển chủ yếu ở các xã hội bộ tộc, cho đến một ngày nào đó, một tôn giáo xuất hiện. Sự khác biệt giữa tín ngưỡng và tôn giáo là ở điểm: tôn giáo đề xướng sự hiện hữu của một thực tại siêu tự nhiên luôn luôn tác động một cách tiềm tàng vào vũ trụ và có giá trị cứu độ (giải thoát) cái chân tính (linh hồn, cái ngã, cái tôi) của mỗi một con người, qua agapê (bác ái cứu độ/giải thoát) hay qua giác ngộ (hiểu biết cứu độ/giải thoát). Ví dụ như niềm tin Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo là niềm tin mang chiều kích bác ái, và các tôn giáo như Ấn giáo, Phật giáo, Lão giáo mang chiều kích giác ngộ…

Trong quá trình một tôn giáo lan rộng trên một lãnh thổ thì có sự kết hợp giữa tín ngưỡng của dân cư với tôn giáo ấy. Tôn giáo, dù bác ái hay giác ngộ, chỉ có thể cắm rễ vững chắc vào xã hội bộ lạc khi nó hội nhập vào tín ngưỡng của xã hội đó. Ngược lại, tín ngưỡng lại là một con đường mở ra trong lãnh vực tự nhiên để chờ đợi một tôn giáo đưa vào siêu nhiên. Đây không có việc lấy tôn giáo thay cho tín ngưỡng, mà là một sự kết hợp nhuần nhuyễn để bổ túc lẫn nhau hầu đi từ một sự cứu độ tự nhiên đến một sự cứu độ siêu nhiên.

Đó là hình thức mà các nước Châu Âu đã trở nên một Xã Hội Kitô Giáo (une Chrétienté), bởi vì vào thời Constantin, các nước ấy vẫn sống trong một tình trạng tín ngưỡng tiềm tàng dưới lớp triết học Hy La. Đó cũng là cách thức mà khắp mọi nơi trên Ấn Độ đã đón nhận Ấn Giáo, và cũng là cách mà Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam đón nhận Phật Giáo, Lão Giáo và Khổng Giáo, vì ba tôn giáo này đến hầu như cùng một lúc để kết hợp với tín ngưỡng của các quốc gia kể trên. Cũng vì thế mà Kitô giáo đã trở thành một nền văn hóa Châu Âu, trong khi đó các nước Á Châu có một nền văn hóa Tam Giáo.

Và sau đây là một sự kiện mà lịch sử đã chứng minh như là một qui luật: Khi một lãnh thổ đã lấy tín ngưỡng của mình kết hợp với một tôn giáo siêu nhiên rồi, thì không có một tôn giáo nào có thể đánh bật tôn giáo ấy để thay chỗ được, trừ phi có một sự đàn áp bằng vũ lực để cải đạo trong một thời gian kéo dài vài ba thế hệ. Ta thấy rõ từ hai tôn giáo lớn trên thế giới: Kitô giáo và Phật Giáo. Chúa Giêsu xuất phát từ Do Thái, đến độ Kitô giáo lấy Kinh Thánh Do Thái giáo làm một phần của Kinh Thánh của tôn giáo mình, thế mà đất nước Do Thái không có mấy người Kitô giáo, và Kitô giáo tồn tại rất khiêm tốn trên lãnh thổ Do Thái, trong khi đó lại phát triển rất mạnh ở Châu Âu. Đức Phật xuất thân là một người Ấn, và những kinh cốt lõi được ghi bằng tiếng Phạn, thế nhưng tại Ấn Độ Phật Giáo không thể nào có tiếng nói cân xứng với Ấn Giáo mà lại phát triển ở Đông Á, là những nơi mới có tín ngưỡng nhưng chưa có tôn giáo.

Như thế, lý do mà Á Châu không thể nào ‘trở lại’ hàng loạt (trừ những nơi ít ỏi mà con người còn sống trong các tín ngưỡng bộ lạc) bởi vì khi Kitô giáo đến với Á Châu, thì tại đây đã có tôn giáo rồi. Nếu không một Kitô hữu nào tin rằng tín hữu Phật Giáo hay Hồi Giáo có thể chiếm đại đa số ở Âu Châu, thì làm thế nào lại có thể quan niệm được rằng Kitô giáo có thể thay thế được Tam Giáo tại Á Châu? Điều gì đã làm làm được ở Á Châu thì đã làm rồi: ví dụ Phi Luật Tân là một đất nước trong tình trạng tín ngưỡng bộ tộc khi Kitô giáo đến, nên hiện nay nước này là nước Kitô giáo duy nhất tại Á châu, và mãi mãi sẽ không còn nước thứ hai như thế nữa.

Phải nói thế nào về Chúa Giêsu ?

Nhưng phải chăng như thế có nghĩa là người Á Châu không thể nào ‘niềm nở’ với Đức Kitô, và đón nhận ơn Cứu Độ từ Người? Không, Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ cho nhân loại, trong đó có tất cả mọi người ở Á Châu. Vấn đề là các Giáo Hội Kitô giáo nói chung, và Giáo Hội Công Giáo nói riêng, phải đem ơn Cứu Độ của Người, hay đúng hơn, phải trình bày Người thích hợp với nền văn hóa Á Châu, nghĩa là một nền văn hóa Tam Giáo hay Ấn Giáo. Muốn như thế, Giáo Hội phải có thời gian để bước vào dòng nước thanh tẩy của tôn giáo Á Châu, và đi xuyên qua thương khó và cái chết trên thập giá của cái nghèo Á Châu.

Ngày nào cuộc cách mạng Giáo Hội chưa hoàn tất, ngày ấy vẫn chưa có một nền Kitô học Á Châu. Thay vào đó, ta buộc phải thỏa lòng với ‘những tư tưởng Kitô giáo’ về ‘người nghèo’ hay hướng về ‘tôn giáo’ bạn, hoặc ta đành phải hài lòng với những lập trường và quan điểm của các nhà thần học. Kitô hữu Á Châu mong mỏi có cơ hội tiếp cận xã hội hiện nay như Chúa Giêsu, với tinh thần khổ hạnh, trầm mình trong mọi tôn giáo và giữa người nghèo. Một sự tiếp cận như thế sẽ làm trổ sinh những nền Kitô học xuất phát từ chiều sâu cứu độ học của các nền văn hóa Á Châu.

Đây không phải là điều không tưởng, bởi vì cuộc cách mạng Giáo Hội đã được khởi sự ngoài viền của Giáo Hội, nơi mà những khu vườn ươm hy vọng đang tìm cách để ra đời. Đây không phải là ước mơ, như là một hiện thực đã có một lịch sử gần hai thế kỷ rồi. Từ khoảng năm 1820, nhiều tín đồ Ấn Giáo chân thành đã bị mầu nhiệm Đức Giêsu thu hút. Dù có những người nghi ngờ về tính chất trí huệ (gnostic) của họ, thì họ cũng đã mơ hồ cảm nhận Đấng Cứu Độ nơi Đức Giêsu. Trong số các tín đồ Ấn Giáo có vài người công nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu độ (ví dụ: Subha Rao) và theo ngài xa xa (như Raj Ram, Mohan Roy) - họ còn có thể luận về Ba Ngôi. Nhưng điều chính yếu là càng ngày họ càng tập trung vào đức Giêsu. Trong chiều hướng này, ta hiểu vì sao Gandhi đã nhìn Đức Giêsu như một Satyagrahin mẫu mực: một người ‘tôi tớ đau khổ của chân lý (= của Thiên Chúa)’

Tại Á Châu ngày nay, sự giải thoát tâm linh cũng như sự giải phóng con người khỏi các cơ chế chính trị xã hội phi nhân cần có một gương mẫu về sự từ bỏ (sống khó nghèo), để có thể lý giải cuộc chiến nhằm giải phóng con người một cách toàn diện, hầu đem họ đến một cuộc gặp gỡ (mang chiều kích cứu độ) với thực tại tối thượng.

Dĩ nhiên, điều này sẽ chạm đến ‘vùng nhạy cảm’ của một số người bên trong và bên ngoài Giáo Hội Công Giáo tại Á Châu, và cần phải tế nhị. Nhưng dù sao con đường không thể tránh né là chân thành đối thoại, như Đức Giáo Hoàng đã nói trong tông thư ‘Truyền Giáo là công bố ơn tha thứ’ ngày 20-05-2002:  "Đối thoại không bắt nguồn từ những tính toán chiến thuật tư lợi (Redemptoris Missio, 56) cũng không phải tự nó là cùng đích. Thay vì vậy, đối thoại nói với người khác với lòng kính trọng và sự hiểu biết, bắt nguồn từ những nguyên tắc theo đó chúng ta tin tưởng và công bố với tình yêu những chân lý sâu xa nhất về đức tin là niềm vui, hy vọng và ý nghĩa của cuộc sống. Thật ra, đối thoại là sự hiện thực hóa một tác động thiêng liêng dẫn đưa tới "sự thanh tẩy nội tâm và hoán cải mà, nếu được theo đuổi với sự vâng phục Thần Khí, sẽ mang lại những hoa trái thiêng liêng"(ibid 56). Dấn thân cho đối thoại lắng nghe và tôn trọng là một điều kiện không thể thiếu (conditio sine qua non) cho chứng tá chân thật của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa…”.

------------------------------

 

Truyền_giáo 8: Sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo 2003

của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

Anh chị em thân mến,

 

Từ buổi đầu, tôi đã ao ước đặt triều đại Giáo Hoàng của tôi dưới sự phù trì đặc biệt của Mẹ Maria: Truyền_giáo 8


1. Từ buổi đầu, tôi đã ao ước đặt triều đại Giáo Hoàng của tôi dưới sự phù trì đặc biệt của Mẹ Maria. Hơn thế nữa, tôi đã thường xin toàn thể cộng đồng tín hữu hãy làm sống lại kinh nghiệm của Phòng Trên Gác, nơi các môn đệ "chuyên cần cầu nguyện cùng với ... bà Maria thân mẫu Đức Giêsu" (Cv 1,14). Trong thông điệp đầu tiên "Redemptor hominis" (Đấng Cứu Độ con người), tôi đã viết rằng chỉ trong một bầu khí sốt sắng cầu nguyện, chúng ta mới có thể "nhận được Thánh Thần đến trên chúng ta và do đó nên chứng nhân của Đức Kitô 'cho đến tận cùng của thế giới', như những vị đã ra đi từ Phòng trên Gác tại Giêrusalem trong ngày lễ Hiện Xuống" (số 22).

Giáo Hội trở nên ý thức hơn rằng Giáo Hội là "mẹ" như Đức Maria. Như tôi đã nói đến trong Sắc Chỉ "Incarnationis mysterium" (Mầu Nhiệm Nhập Thể) vào dịp Đại Năm Thánh 2000, Giáo Hội là "nôi nơi Đức Maria đặt Chúa Giêsu và tín thác Ngài cho sự thờ phượng và chiêm ngắm của muôn dân" (số 11). Giáo Hội có ý tiếp tục trên con đường linh đạo và truyền giáo này, cùng với Đức Trinh Nữ, Ánh Sao của Tân Phúc Âm Hóa, là rạng đông bừng sáng và sự hướng dẫn chắc chắn bước đi của chúng ta (x. "Novo Millennio ineunte" Khởi đầu Ngàn Năm Mới, số 58).

Đức Maria và sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội trong Năm Mân Côi

2. Tháng Mười Năm ngoái, khi bước vào năm thứ 25 triều Giáo Hoàng của mình, tôi đã loan báo một Năm đặc biệt, gần như một sự liên tục thiêng liêng của Năm Thánh, sẽ được thánh hiến cho sự tái khám phá Kinh Mân Côi, một kinh quá thân thiết với truyền thống Kitô Giáo. Đó là một năm được sống dưới ánh mắt của Đấng mà, theo chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa, với tiếng "Xin Vâng" của Bà, đã hiện thực hóa ơn cứu độ nhân loại, và cũng là Đấng từ trời cao tiếp tục phù hộ cho những ai chạy đến cùng Bà, đặc biệt trong những lúc khó khăn của cuộc sống.

Tôi mong rằng Năm Mân Côi là một dịp thuận lợi cho các tín hữu trên tất cả các đại lục đào sâu ý nghĩa của ơn gọi Kitô Giáo của họ. Nơi trường học của Đức Trinh Nữ và theo mẫu gương của Người, mỗi cộng đoàn sẽ dễ có hơn hoạt động "chiêm niệm" và truyền giáo của chính mình.

Khánh Nhật Truyền Giáo, được diễn ra ngay cuối Năm Đức Mẹ, nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ đem lại một động lực mạnh mẽ cho dấn thân truyền giáo của Giáo Hội. Lòng cậy trông nơi Đức Maria, cùng với việc lần chuỗi Mân Côi hàng ngày và sự suy niệm những mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô, sẽ nhấn mạnh rằng sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội cần được nuôi dưỡng trước hết bằng lời cầu nguyện. Thái độ "lắng nghe", được nhắc nhở qua việc lần chuỗi Mân Côi, đem người tín hữu đến gần Đức Maria, Đấng "hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng." (Lc 2:19) Việc siêng năng suy gẫm Lời Chúa khiến chúng ta sống "trong sự hiệp thông sống động với Đức Giêsu, có thể nói được là, qua con tim của Mẹ Ngài" ("Rosarium Virginis Mariae" -Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Maria, số 2)

Một Giáo Hội chiêm niệm hơn: tôn nhan Đức Kitô được chiêm ngưỡng hơn

3. "Cum Maria contemplemur Christi vultum!" (Cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng tôn nhan Đức Kitô) Những lời này thường đến trong đầu: chiêm ngưỡng "gương mặt" Đức Kitô cùng với Mẹ Maria. Khi chúng ta nói đến "gương mặt" Đức Kitô, chúng ta đề cập đến sự đồng hình dạng với loài người, nơi đó vinh quang muôn đời của Con Duy Nhất của Cha rạng ngời (x. Ga 1,14): " Vinh quang Thiên Chúa chói ngời trên tôn nhan Đức Kitô" (Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Maria, số 21). Chiêm ngưỡng tôn nhan Đức Kitô dẫn đến một sự quen thuộc nội tâm xâu xa hơn với mầu nhiệm của Ngài. Chiêm ngưỡng Đức Giêsu với con mắt đức tin thúc đẩy ta tiến đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu nói: " Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (Ga 14,9). Với Kinh Mân Côi, chúng ta tiến bước trên hành trình mầu nhiệm này "trong tâm tình thông hiệp với, và theo trường học của, Mẹ rất thánh Người" (Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Maria, số 3). Thực vậy, Đức Maria đã biến mình thành thầy dậy và người hướng dẫn cho chúng ta. Dưới tác động của Thánh Thần, Mẹ giúp chúng ta đạt được "sự quả quyết" khiến các tín hữu dám thông truyền cho người khác kinh nghiệm của họ về Chúa Giêsu và niềm hy vọng đã thúc đẩy họ (x. "Redemptoris missio"- Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc, số 24).

Chúng ta hãy luôn nhìn đến Đức Maria, một mẫu gương không đâu bằng. Tất cả những lời của Tin Mừng được vang vọng cách ngoại thường trong linh hồn Mẹ. Đức Maria là một "kỷ niệm" chiêm niệm của Giáo Hội, đang sống với lòng ao ước được kết hợp sâu xa với Tân Lang, để có một ảnh hưởng rộng lớn hơn trong xã hội chúng ta. Làm sao chúng ta phản ứng lại trước các vấn đề lớn lao như thống khổ của những kẻ vô tội, hay những bất công được thực hiện với sự bất cần ngạo nghễ? Trong trường học yên lặng của Đức Maria, Mẹ chúng ta, người tín hữu học cách nhận ra - nơi "vẻ yên lặng bên ngoài của Thiên Chúa"- Ngôi Lời, Đấng âm vang trong yên lặng ơn cứu độ của chúng ta.

Một Giáo Hội thánh thiện hơn: tôn nhan Đức Kitô được bắt chước và yêu mến hơn

4. Qua phép rửa tội, tất cả các tín hữu được mời gọi nên thánh. Trong Hiến Chế Tín Lý "Lumen gentium" (Ánh sáng Muôn Dân), công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng ơn gọi nên thánh phổ quát bao gồm trong lời mời gọi mọi người tiến đến sự trọn hảo của lòng bác ái.

Sự nên thánh và sứ mạng truyền giáo là những khía cạnh bất khả phân ly của ơn gọi dành cho mọi người đã chịu phép rửa. Cam kết trở nên thánh thiện hơn được liên kết chặt chẽ với sứ mạng truyền bá thông điệp cứu độ. Trong thông điệp "Redemptoris missio" (Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc), tôi đã nhắc lại rằng "Mọi tín hữu được mời gọi đến với sự thánh thiện và sứ mạng truyền giáo" (số 90). Trong khi chiêm niệm những mầu nhiệm Kinh Mân Côi, người tín hữu được khích lệ theo Chúa Kitô và thông phần sự sống của Ngài để có thể nói như Thánh Phaolô rằng: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi." (Gal 2,20).

Nếu tất cả mầu nhiệm Kinh Mân Côi hình thành trường học của sự thánh thiện và ý thức truyền giáo, những mầu nhiệm Sự Sáng làm giảm nhẹ những khía cạnh đặc biệt của "phản ứng" đối với Tin Mừng. Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa trên sông Giôđăng nhắc nhớ rằng những người đã chịu phép rửa tội đã được chọn để trở nên "những người con trong Con" (Êphêsô 1,4; x. Giáo Hội và Thế Giới, số 22). Tại tiệc cưới Cana, Đức Maria mời gọi những gia nhân hãy lắng nghe Lời Chúa cách vâng phục: "Hãy làm những gì Ngài bảo với các anh" (Ga 2,5). Công bố Nước Trời và mời gọi hoán cải là một ủy thác rõ ràng cho mọi người theo đuổi con đường nên thánh. Trong sự Biến Hình của Chúa Giêsu, người đã chịu phép rửa cảm nhận được niềm vui đang chờ đón mình. Khi suy niệm việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể, người ấy quay lại thường xuyên Phòng Trên Gác, nơi Thầy chí thánh để lại cho các môn đệ Ngài gia tài quý giá nhất: chính mình Ngài trong Bí Tích trên bàn thờ.

Trong một nghĩa nào đó, chính những lời mà Đức Trinh Nữ công bố tại Cana đã tạo ra cơ sở Thánh Mẫu Học cho các mầu nhiệm Sự Sáng. Thật vậy, việc công bố Nước Trời đã gần đến, lời mời gọi hoán cải và thương xót, việc Biến Hình trên Núi Tabor và việc lập phép Thánh Thể có một âm vang đặc biệt trong lòng Đức Maria. Đức Mẹ hướng mắt nhìn về Đức Kitô, ghi nhớ mọi lời của Ngài và chỉ cho chúng ta thấy cách trở nên môn đệ đích thật của Con Mẹ.

Một Giáo Hội truyền giáo hơn: tôn nhan Đức Kitô được công bố hơn

5. Nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông, chưa bao giờ Giáo Hội có được quá nhiều khả năng để công bố Đức Giêsu như bây giờ. Vì thế, Giáo Hội ngày nay được mời gọi để làm cho tôn nhan Tân Lang của mình được tỏa sáng với sự thánh thiện rạng ngời hơn của mình. Trong nỗ lực không dễ dàng này, Giáo Hội biết mình được Mẹ Maria tiếp sức. Giáo Hội "học hỏi" từ Mẹ để nên "đồng trinh", thánh hiến hoàn toàn cho Hôn Phu, là Đức Giêsu; và nên "một người mẹ" của nhiều con cái mà Giáo Hội dẫn đưa đến cuộc sống vĩnh cửu.

Dưới cái nhìn chăm chú của Mẹ mình, Giáo Hội triển nở như một gia đình sống động với sự tuôn đổ mạnh mẽ của Thần Khí, và trong khi chấp nhận những thách đố của Tân Phúc Âm Hóa, suy niệm về tôn nhan đầy lòng thương xót của Đức Giêsu nơi những anh chị em, đặc biệt nơi những người nghèo khó và quẫn bách, nơi những người xa lạ với đức tin và Tin Mừng. Cách riêng, Giáo Hội không ngại kêu lên với thế giới rằng "Đức Kitô là đường, là Sự Thật, và là sự Sống" (Ga 14,6). Giáo Hội không ngại hân hoan công bố rằng "Tin Mừng, mà trung tâm và toàn bộ nội dung là con người Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, Đấng Cứu độ duy nhất của thế giới." (Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Maria, số 20)

Điều cần thiết là phải chuẩn bị những nhà truyền giáo có khả năng và thánh thiện. Nhiệt tình của các Thánh Tông Đồ không thể bị yếu đi, đặc biệt trong sứ mạng truyền giáo "muôn dân". Kinh Mân Côi, nếu được tái khám phá và trân trọng hoàn toàn, sẽ là một khí cụ tuy thông thường nhưng đầy hiệu quả sư phạm và linh đạo để đào tạo Dân Chúa tham gia canh tác trên cánh đồng hoạt động tông đồ mênh mông.

Một ủy nhiệm cụ thể

6. Nhiệm vụ thi hành sứ mạng truyền giáo sống động cần phải tiếp tục là một nhiệm vụ nghiêm chỉnh và liên tục của mọi người đã chịu phép rửa và của mọi cộng đồng trong Giáo Hội. Cố nhiên, các Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo có một vai trò cụ thể và đặc biệt và tôi cám ơn họ vì đã quảng đại thi hành nhiệm vụ của mình.

Tôi muốn đề nghị cùng tất cả anh chị em là hãy nhiệt thành đọc Kinh Mân Côi, cách riêng tư cũng như nơi cộng đoàn, để nhận được nơi Thiên Chúa những hồng ân mà Giáo Hội và nhân loại đang đặc biệt cần đến. Tôi mời gọi mọi người hãy thực thi điều này: trẻ con, người lớn, trẻ già, các gia đình, các giáo xứ, và các cộng đoàn tu sĩ.

Trong nhiều ý chỉ, tôi không muốn quên ý chỉ về hòa bình. Chiến tranh và bất công có nguồn gốc nơi những con tim "chia rẽ". "Bất cứ ai thông phần trong mầu nhiệm của Đức Kitô - và đây rõ ràng là mục đích của Kinh Mân Côi - học biết bí mật của hòa bình và biến nó thành dự phóng của đời mình" (Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Maria, số 40). Nếu Kinh Mân Côi được cùng theo nhịp bước với đời sống chúng ta, kinh ấy sẽ trở nên một khí cụ mạnh mẽ cho việc xây dựng hòa bình trong tâm tư con người, trong gia đình và giữa các dân tộc. Với Mẹ Maria, chúng ta có thể đạt được mọi điều từ Đức Giêsu Con Mẹ. Được Đức Mẹ ủng hộ, chúng ta không ngần ngại dâng hiến chính chúng ta cho việc công bố Tin Mừng đến tận cùng thế giới.

Với những tình cảm này, tôi trìu mến ban phép lành cho anh chị em.

Từ Vatican ngày 12 Tháng Giêng Năm 2003, Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa      

+ Đức Gioan Phaolô II

------------------------------

 

Truyền_giáo 9: GIỚI TRẺ TRUYỀN GIÁO


– Lời nguyện giáo dân- Peter Hiền

I. PHÚT SÁM HỐI.

 

Xin Chúa tha thứ những khi con không làm chứng nhân cho đạo Chúa, không làm tròn sứ mạng: Truyền_giáo C9


Xin Chúa tha thứ những khi con không làm chứng nhân cho đạo Chúa, không làm tròn sứ mạng truyền giáo.
Xin Chúa tha thứ những khi con làm gương xấu – làm mất thanh danh Chúa.
Xin Chúa tha thứ những khi con e ngại xưng mình là người có đạo, không dám nói Chúa cho người khác.

II. LỜI NGUYỆN CHUNG.

Anh chị em, các bạn trẻ thân mến,

Trong Tông huấn Giáo Hội Tại Á Châu, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi kitô-hữu đều có bổn phận truyền giáo theo mệnh lệnh của Chúa Cứu Thế. Đức Thánh Cha còn hướng dẫn từng thành phần, từng giới (cả giới trẻ) cách thức truyền giáo cho người Á Châu trong thiên niên kỷ thứ ba này. Theo lời của vị Cha chung, chúng ta hãy mau thực hiện sứ mạng truyền giáo. Nhưng trước hết và giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau dâng lời cầu xin Chúa:

Trước hết chúng ta cám ơn Chúa vì đã soi dẫn Đức Giáo Hoàng chỉ dạy cộng đồng dân Chúa trên khắp năm châu phải thực hiện việc truyền giáo cho các dân tộc hôm nay; Xin Chúa thêm ơn thúc giục mọi thành phần dân Chúa và nhất là chính chúng con, mau liệu truyền giáo ngay trong hoàn cảnh sống của mình.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những công việc và những con người dấn thân truyền giáo trong Giáo Hội; Xin Chúa kêu gọi nhiều người nhiệt thành, ban cho họ được nhiều khả năng, nhiều sáng kiến hữu hiệu, và giúp họ sử dụng nhiều phương tiện thuận lợi … để thực hiện việc truyền giáo cho các dân tộc.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân tộc, mọi thành phần nhân loại, có được mọi điều kiện để nhận biết thờ phượng Chúa; Xin Chúa tỏ hiện rõ hơn, để cho các thành phần nhân loại, dù là sang hèn, hay giàu nghèo, dù là dân tộc thiểu số hay chưa tin Chúa… biết dùng lý trí và đức tin sáng suốt Chúa ban, mà nhận biết và tôn thờ Chúa.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho chính chúng ta và hết mọi người trong họ đạo; Xin Chúa cho chúng ta luôn nhớ bên tai lời Chúa dạy: "Hãy đi rao giảng Tin Mừng", để chúng ta biết dùng mọi hoàn cảnh, mọi thời giờ và mọi nơi mà giới thiệu đạo Chúa cho những người xung quanh.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã biết Chúa bảo chúng con phải rao giảng Tin Mừng, và Chúa còn ban ơn Thánh Thần – giúp phương tiện, cho chúng con hoàn thành sứ mạng; chúng con nài xin Thánh Thần Chúa biến đổi sự hiểu biết của chúng con thành hành động Loan báo Tin Mừng khắp nơi. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

Peter Hiền. Long Hung, Vĩnh Long

------------------------------

 

Truyền_giáo 10: TRUYỀN GIÁO TRONG NGÀY LỄ HIỆN XUỐNG


ĐẦU TIÊN.

 

Ý cầu nguyện của tháng 10 là xin cho Giáo Hôi tìm lại được nhiệt tình truyền giáo của lễ Hiện: Truyền_giáo 10


Ý cầu nguyện của tháng 10 là xin cho Giáo Hôi tìm lại được nhiệt tình truyền giáo của lễ Hiện Xuống đầu tiên. Vì thế ta cần nhìn lại thuở ban đầu ấy của Hội Thánh Chúa Kitô.

Thật là dễ dàng nhận ra điều đó khi chúng ta chăm chú đọc lại Sách Tông đồ Công vụ. Sách TĐCV được coi như Phúc Âm  của Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần là động lực của công cuộc truyền giáo. Không có Chúa Thánh Thần là không có truyền giáo. Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II đã công bố một công cuộc truyền giáo mới, và Tái Rao giảng Phúc Âm  cho toàn thể Giáo Hội bắt đầu từ năm 1990 với Tông Huấn ‘ Sứ vụ Đấng Cứu Thế’ ( Missio Redemptoris, 07/12/1990, năm kỷ niệm 25 năm Sắc lệnh Công Đồng Vatican II ‘Ad Gentes’).

Đức Thánh Cha đưa ra nhiều phương cách truyền giáo. Nhưng Ngài nhấn mạnh rằng: dù với phương cách nào thì cũng cần phải hành động trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, phải tái khám phá ra động lực thúc đẩy người ta trở về với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người.

Một trong những phương cách tốt nhất là hãy mở Sách Công vụ Tông Đồ ra và hãy nguyện xin cho gương sống của những người Kitô hữu đầu tiên tạo nên cảm hứng cho chúng ta, để chúng ta cũng biết chia sẻ tình yêu của Chúa Giêsu cho người khác.

Trong Sách Công vụ Tông đồ, chúng ta nhận thấy những người Kitô hữu đầu tiên đã xây dựng Giáo Hội từ nhiều khó khăn, hỗn tạp. Mọi vấn đề xảy đến đều mới mẻ đối với họ. Họ bỡ ngỡ, họ kinh ngạc trước những thành công lớn lao vượt sức của mình. Họ thú nhận đó không phải là công lao của họ mà là của Chúa Thánh Thần. Họ trở nên một Cộng đoàn đức tin bởi quyền lực của Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống. Họ tạo nên một hệ thống truyền giáo vô song, và bung ra khắp các ngã để rao giảng Tin Mừng về ơn Cứu Độ. Họ ra đi bằng phương tiện đơn thường. Đó là đẹp thay bước chân rao giảng, và đi theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Đương nhiên cùng với con người, khả năng, nghị lực của họ, nhưng luôn tiếp chạm ngọn lửa Thánh Thần. Những con người của Tông đồ Công vụ đã ca hát trong ngục tù, đã đương đầu với nghịch cảnh, đã sống vui vẻ, đã quảng đại chia sẻ những gì mình có, đã tranh luận, đã ra trước công quyền, đã gom góp của cải giúp đỡ người nghèo, đã chăm sóc và chữa lành những kẻ bệnh hoạn tật nguyền, đã cầu nguyện với lòng đơn sơ sốt sắng, đã sống hài hoà với mọi người , đã thương yêu nhau đến nỗi người người thèm muốn thốt lên : ‘ Kìa xem họ yêu thương nhau là dường nào!’ Đó là một cộng đoàn những con người, nhưng là những con người đầy Chúa Thánh Thần, đầy nhiệt tình rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. Họ trình bày Chúa Giêsu chính là nguồn hạnh phúc và là mối hy vọng lớn lao cho mọi người phải đạt tới. Những người rao giảng này muốn biến đổi người nghe. Họ nói với tất cả tấm lòng yêu thương chân thành.. Họ dùng mọi phương cách của con người để thuyết phục, nhưng lúc nào cũng dựa vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, nhờ vậy những gì họ nói ra đã gây tác động xoáy sâu vào tâm hồn người nghe.

Họ quá biết sự hoán cải của con người luôn luôn là một phép lạ. Họ cảm nghiệm quyền năng của Chúa trong tâm hồn và họ chia sẻ Chúa Giêsu, Đấng họ biết, cho người khác. Họ đã biến đổi hàng ngàn, hàng vạn người khác. Và chỉ trong một thời gian ngắn, Kitô giáo đã lan tràn đến tận hang cùng ngõ hẽm của đế quốc La mã.

Chúa Thánh Thần, Đấng đã hoạt động với các Tông đồ thuở xưa, cũng còn đang hoạt động ngày hôm  nay. Nhưng Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta, vì vậy chúng ta hãy mở tâm hồn ra mời Ngài đến chiếm ngự. Xin Ngài đổ đầy ơn sủng và biến chúng ta trở nên dụng cụ của Ngài cho thế giời hôm nay.

Ngày nay chúng ta cần phải có sự dũng cảm và lòng can đảm như các Ngài. Không một lý do nào làm cho chúng ta phải hổ thẹn và sợ hãi khi chúng ta sống và làm chứng nhân đức tin công giáo của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh và ơn can đảm, để chúng ta thể hiện đức tin mạnh mẽ như những tín hữu trong Giáo hội thời đầu.

Lễ Hiện xuống và công cuộc truyền giáo đan quyện lấy nhau y như là một: Lễ Hiện Xuống đầu tiên bao gồm: 120 người kiên trì cầu nguyện với Mẹ Maria, Thánh Thần được ban xuống, Các Tông đồ ra khỏi căn phóng đóng kín để công bố Lời Rao giảng Tiên Khởi về sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô, và những người nghe đã ăn năn sám hối và chịu Phép Rửa nhân Danh Đức Kitô và đón nhận ơn huệ Chúa Thánh Thần.
Công vụ Tông đồ khởi đầu từ phòng tiệc ly, nơi đó các môn đệ và Mẹ Maria liên lỉ cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Thần được ban xuống. Cũng vậy khi chúng ta liên lỉ cầu nguyện như hơi thở, chúng ta cũng tạo ra được khung cảnh chờ đợi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta. Cầu nguyện cũng là hoạt động của Chúa Thánh Thần, Truyền giáo cũng là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Hãy quỳ gối xuống và bắt đầu cầu nguyện đi thôi.

------------------------------

 

Truyền_giáo 11: CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI :


Tháng 11 / truyền giáo

PHÚT SÁM HỐI.

 

Anh hãy nhớ đến Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi: Truyền_giáo 11


"Anh hãy nhớ đến Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đavít, như tôi vẫn nói trong Tin Mừng tôi loan báo. Vì Tin Mừng ấy tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng Lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích!" (2Tm 2, 8-9).

Bên cạnh việc truyền thanh, Giáo Hội có thể nhờ các nhà xuất bản và các thông tấn xã Công Giáo giúp phổ biến thông tin và cung cấp chương trình giáo dục và đào tạo liên tục về mặt tôn giáo cho khắp châu lục này. (TH GHTAC số 48)

… sao cho trong các phương tiện truyền thông ấy luôn có một chỗ dành cho các giá trị thiêng liêng và luân lý. (Th GHTAC Số 48)

****

Con đã không quảng đại dấn thân rao truyền Lời Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.

Con đã quá coi thường những phương tiện truyền thông xã hội, hoặc không sử dụng chúng để hội nhập Tin Mừng. Xin Chúa thương xót chúng con.

Con đã quá chạy theo trào lưu đam mê nghe nhìn bất chính… Xin Chúa thương xót chúng con.

------------------------------

 

Truyền_giáo 12: LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

 

Trong công việc tạo thành, Thiên Chúa đã trao cho loài người quyền sư dụng tất cả, để làm: Truyền_giáo 12


Trong công việc tạo thành, Thiên Chúa đã trao cho loài người quyền sử dụng tất cả, để làm vinh danh Chúa. Và trước khi lên trời, Chúa Giêsu bảo các môn đệ: "Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo" (Mc 16,15). Qua đó có thể nói, Chúa muốn chúng ta sử dụng mọi phương tiện hiện có để làm vinh danh Chúa và cứu độ mọi loài. Tháng mười một này chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người biết sử dụng phương tiện truyền thông mà rao giảng và đón nhận Tin Mừng.

1. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các bậc lãnh đạo Hội Thánh và xã hội. Xin cho các phẩm trật trong Hội Thánh, những người dấn thân trong công việc truyền thông xã hội, và các vị lãnh đạo trong xã hội, biết sử dụng những phương tiện truyền thông đại chúng mà gieo rắc tinh thần Phúc Âm, và nếp sống lành mạnh cho mọi người.

2. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người có phương tiện nghe nhìn, phương tiện hiện đại để thông tin liên lạc. Xin Chúa cho họ biết chọn lựa những điều thích hợp để nghe, nhìn, hiểu biết và sống tốt nhân cách con người, và hơn nữa - đời làm con Chúa.

3. Trên thế giới hiện nay vẫn còn nhiều nơi, nhiều người thiếu phương tiện truyền thông hiện đại; chúng ta hãy cầu xin cho họ, dầu thiếu phương tiện, cũng hưởng được ơn khai sáng của Chúa Thánh Thần, mà phát triển con người và cảnh vật tiến tới hạnh phúc Nước Trời.

4. Chúng ta hãy cầu nguyện cho chính chúng ta và hết mọi người trong họ đạo; Xin cho chúng ta chuyên cần học biết giáo huấn Phúc Âm, để khi sử dụng những phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta biết phân biệt các điều hay-dở, mà chọn lọc nhằm hữu ích cho mình và cho mọi người anh em.

Kết thúc: Lạy Chúa là Cha toàn năng, Chúa quan phòng kỳ diệu cho chúng con được hưởng nhờ ơn Con Chúa cứu chuộc, và bằng nhiều cách cho chúng con đón nhận Thánh Thần Chúa, nhằm dẫn đưa chúng con đến sự sống hoàn hảo. Xin nhậm lời chúng con cầu xin, ban cho chúng con ơn khôn ngoan sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội mà loan báo Nước Chúa trị đến. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

------------------------------

 

Truyền_giáo 13: CÒN THẤY NIỀM TIN.

 

Niềm tin phát xuất từ đâu nhỉ? Tại sao chúng ta tin ta là con ba mẹ ta? Phải chăng nhờ thấy được: Truyền_giáo 13


Niềm tin phát xuất từ đâu nhỉ? Tại sao chúng ta tin ta là con ba mẹ ta? Phải chăng nhờ thấy được tình yêu mà ba mẹ dành cho chúng ta, chúng ta tin. Niềm tin bắt đầu bằng tình yêu, nếu chúng ta yêu mến chúng ta thấy được niềm tin.

Trong Tin Mừng hôm nay, người quan toà, cho dù quan toà ấy có keo kiệt đến đâu cuối cùng cũng chào thua lòng kiên nhẫn của bà goá. Bà goá thời Đức Giêsu là những người nghèo, nghèo đến độ không có mảnh đất cắm dùi, nghèo trong thân phận làm thuê của mình. Quan toà ví như như sự chai cứng của con người, cho dù có cứng như đá đến đâu, vẫn bị chinh phục bằng kiên nhẫn và lòng thương cảm.

Tình yêu khởi nguồn cho niềm tin, niềm tin nơi con người với con người, bà goá cho dù có nghèo như thế nào chăng nữa vẫn không bao giờ nghèo về niềm tin. Bà tin vào lòng thương xót của con người nên bà cố nài xin. Tiếng nài xin làm động lòng. Đức Giêsu không ngần ngại ví Thiên Chúa như vị quan toà không nghiêm minh, bất chính. Đức Giêsu muốn đưa tới một lý luận khác vượt trội hơn, cho dù có là như thế chăng nữa Thiên Chúa cũng không bỏ rơi con người. Đây là một điều chắc chắn, bởi vì

Thiên Chúa là Tình Yêu, Tình Yêu thì không lên án, không giận dữ, không bỏ mặc con người trong những lầm lỗi.

Ở dụ ngôn này, Đức Giêsu không dừng ở đây, Người mở ra một vấn đề khác, con người có còn tin vào Thiên Chúa nữa không? Thế giới đang tự hào về những thành tựu của mình, về khoa học kỹ thuật, tự hào về sự giàu có của mình, thế giới còn xin Chúa làm gia nghiệp nữa không? Giáo Hội, vì thế vẫn kiên trung nhắc lại sứ vụ mà Đức Giêsu trao phó: “ Anh em hãy ra đi rao giảng cho muôn dân và rửa tội cho họ”. Sứ vụ truyền giáo mà Chúa Nhật hôm nay nhắc lại, cũng là sứ điệp mời gọi mỗi thành viên trong Giáo Hội: Hãy sống yêu thương và loan báo Tin Mừng yêu thương của Thiên Chúa cho thế giới.

Lời mời gọi hôm nay, dưới ánh sáng Tin Mừng mời gọi chúng ta, có rao giảng, có loan báo Đức Kitô, trước nhất người loan báo hãy cảm nghiệm tình Chúa yêu thương trước đã. Thế giới hôm nay, người ta cần chứng nhân hơn thầy dậy. Chúng ta có cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương mới thấy được niềm tin của mình chắc chắn, chúng ta hãy cho thế giới điều mà thế giới không có, đó là niềm tin.

* Câu chuyện:

Ai cũng có những khoảnh khắc bất chợt bắt gặp một hình ảnh nào đó để rồi xúc động và nhớ mãi … Riêng tôi không thể nào quên được hình bóng của đôi vợ chồng già in trên đại lộ thênh thang và đầy xe cộ …

Lúc bấy giờ, bọn tôi đứng trên lan can nhà thiếu nhi để thưởng thức không khí mát mẻ của buổi sáng thị xã.7 giờ sáng – giờ cao điểm – các em học sinh như những đàn bướm trắng tung tăng đến trường, xe cộ bắt đầu tấp nập, kẻ đi chợ, người đi đến công sở, nhộn nhịp ồn ào … Giữa cảnh hổn loạn ấy, bên kia đường một ông lão áo phong phanh, quần ngắn, chân đất cõng một bà lão áo nâu, nhỏ nhắn, ốm yếu trên vai (sau này tôi mới biết ông cõng bà đi đi về về để châm cứu trị bệnh) như chẳng quan tâm đến mọi vật chung quanh. Ông đi chầm chậm, thỉnh thoảng lấy tay quẹt mồ hôi trán, ông nói nho nhỏ với bà một câu gì đó, môi bà liền nở một nụ cười móm mém … Nhìn ông cõng bà đi khuất sau công viên 1 tháng 5, mắt tôi bỗng thấy cay cay …

Vài ngày kế tiếp, tôi cố ý đứng đón với hy vọng ghi được một vài tấm ảnh “Mối tình già” ấy nhưng không còn thấy ông bà đâu cả, có thể là bà đã khỏi bệnh cũng có thể là …!!!

Hình ảnh ấy rất đời thường, và đôi vợ chồng già yếu, nghèo khó kia chẳng phải là vĩ nhân, cũng chẳng phải là thành phần nổi bật trong xã hội, nhưng đối với tôi họ tượng trưng cho tính nhân bản của con người VN: thủy chung, nghĩa tình trong bất kỳ hoàn cảnh nào, xã họi nào, thời đại nào …một tình yêu như thế chắc chắn là mọc từ nơi đất thấp, nhưng thẫm đẫm mưa tuôn từ suối nguồn tình yêu trời cao. Thiên Chúa đã gieo mầm mống Tình yêu của Người vào trong cõi lòng nhân thế, bởi vì công trình sáng tạo của Người là công trình sáng tạo ngập tràn yêu thương.

Chúng ta khó có thể thay thế tình yêu bằng một điều gì khác, khi người ta chối bỏ tình yêu người ta cũng chối bỏ đất sống, con người trở nên kẻ thù với nhau, kẻ thù với thiên nhiên. Tình yêu làm cho cuộc sống này chảy tràn sữa và mật, tình yêu làm cho đôi vợ chồng già kia thấy tháng ngày là hạnh phúc và còn thấy cuộc đời là quà tặng yêu thương. Chính tình yêu làm nảy sinh niềm tin, còn tin vào nhau, còn tin vào Thiên Chúa.

Không có tình yêu từ trời mọc dưới đất thấp, thiên nhiên chỉ còn hoang mạc, con người chỉ còn sỏi đá, người với người là tình yêu ích kỷ, chiếm giữ và sự dữ lan tràn bằng bạo lực, bằng khủng bố, bằng chiến tranh. Cần thiết để cho tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện dưới đất bằng tất cả nỗ lực của chúng ta, để con người được sống và sống hạnh phúc sự sống dồi dào của Thiên Chúa.

Thắp lên niềm tin cũng là lời mời gọi thắp sáng lên Tình Yêu, một Tình Yêu có tên gọi là Giêsu, bởi vì trong tình yêu đó, con người gặp thấy một Thiên Chúa giàu có đã tự nguyện trở nên nghèo khó, để con người được nên giàu có. Tình Yêu thể hiện cho đến cùng và là Tình Yêu đón nhận ngay cả sự chết để cho con người được sống. Không có Tình Yêu Thập Giá cũng không có Tình Yêu cứu rỗi. Sống Tình Yêu là cuộc sống chấp nhận dấn thân, chịu mất mát quyền lợi, chịu hy sinh gánh vác khó nhọc, và hy sinh ngay cả những gì chính đáng được hưởng, để nhiều người được sống dồi dào.

Cuộc sống đâu có nghèo niềm tin, khi con người còn sống trong tình yêu, chúng ta được mời gọi thắp sáng tình yêu của Đức Kitô cho thế trần này, bằng đời sống niềm tin của chúng ta. Niềm tin ấy được thể hiện qua tất cả tình yêu của chúng ta với cuộc đời, với con người, với bổn phận đời thường, với cha mẹ và những người thân thương, bạn bè chúng ta.

Người sống niềm tin là người biết thể hiện tình yêu của Đức Kitô cho thế giới.

LM Giuse Hoàng Kim Toan

------------------------------

 

Truyền_giáo 14: TRUYỀN GIÁO LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA AI ?

 

Trong các văn kiện Tòa thánh, truyền giáo là sứ mạng của các Ki-tô-hữu, Gần đây Tông Huấn: Truyền_giáo 14


Trong các văn kiện Tòa thánh, truyền giáo là sứ mạng của các Ki-tô-hữu. Gần đây Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu nói với chúng ta một lần nữa. Ở ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, tiếng Đức Giê-su Phục Sinh lại vang dội trong tâm hồn mỗi người Ki-tô hữu: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 18 – 20 ).

Đón nhận là cộng tác vào việc truyền giáo

Với hai chữ truyền giáo, ta liền hình dung được có một điều gì đó mà người này trao cho người khác. Chúa Giê-su trước tiên chính là Người này – kế đến người này cũng là chúng ta, những Ki-tô-hữu. Nhưng chúng ta cũng chính là người khác bởi chúng ta quả thật là người lãnh nhận đức tin, lãnh nhận ơn cứu độ, lãnh nhận Tin Mừng. Điều gì đó, chính là Tin Mừng Cứu Độ, là Đấng Cứu Thế Giê-su.

Theo Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, "Đức Giê-su là một Quà Tặng vừa nhận được vừa để chia sẻ". Chúa Giê-su nói với các môn đệ: "Các con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy cho nhưng không".

Nếu người này trao mà không có người nhận thì làm sao gọi là truyền giáo ? Vậy đón nhận Tin Mừng chính là cộng tác vào công cuộc truyền giáo.

Kết hợp với Chúa là sống truyền giáo

Với những suy nghĩ trên đây, điều gì đó mà kẻ trao người nhận là một Quà Tặng cao trọng, quý báu, nó làm cho người nhận được hạnh phúc vô biên, ngay trên cõi đời này và mãi mãi. Có chi trên trần gian mà đáp ứng được như vậy ? Không, chỉ có thể có được trong Chúa mà thôi. Đúng, nhưng Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta: Đức Giê-su Ki-tô, chính Ngài là Quà Tặng, chính Ngài ban cho chúng ta tất cả…

Để được Chúa Giê-su, không khó, chỉ cần chúng ta tham dự phụng vụ của Hội Thánh. Chúa Giê-su, Đấng Lang Quân của Hội Thánh sẽ ở với chúng ta và hoạt động trong chúng ta. Tham dự phụng vụ chính là tham dự Thánh Lễ, lãnh các Bí Tích và Kinh Nguyện hằng ngày; cũng là kết hợp với Chúa Giê-su. Đàng khác như lời Chúa nói: "Ai yêu mến Ta thì vâng giữ lời Ta, Cha Ta và Ta sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và ở nơi người ấy".

Truyền giáo bằng cách nào ?

Đọc sách Tông Đồ Công Vụ, hoặc các đời sống thừa sai, như Thánh Phan-xi-cô... có người sẽ nói rằng tôi không thể truyền giáo được, vì tôi dốt, vì tôi nghèo, vì tôi thiếu phương tiện... Không đâu, bạn lầm rồi các Tông Đồ và Môn Đệ Chúa Giê-su có dốt không ? Thánh Phan-xi-cô có nghèo không ? Các ngài có nhiều phương tiện không ? So với bạn hôm nay, bạn được ưu đãi hơn nhiều. Bạn đang thiếu gì nào!

Để truyền giáo, bạn cần có Chúa và lòng hăng say nhiệt thành tông đồ. Rồi sau đó, bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ phương tiện nào, bất cứ ở đâu và lúc nào... bạn đều có thể truyền giáo được.

Tháng 8 vừa qua, trong họ đạo tôi có 13 người được Rửa Tội: họ thuộc nhiều hạng tuổi, và nhiều lý do theo đạo: kẻ thì mới sinh trong gia đình có đạo, kẻ thì vì hoàn cảnh mới hợp thức hóa gia đình, kẻ thì lạc con từ năm 1968, con được nuôi viện mồ côi, con theo đạo trước, nay gặp lại bố, mời bố theo đạo, kẻ khác thì vì lý do Hôn Phối…

Cũng có người cho rằng truyền giáo không khó, có thể dùng việc cầu nguyện hằng ngày, dâng vài kinh nguyện, làm vài việc hy sinh, hoặc tránh xa tội lỗi, như vậy tôi cũng là truyền giáo. Đúng vậy, Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, một nữ tu trẻ trong Dòng Kín, đơn sơ phó thác, hy sinh, mến Chúa, thuận hòa, vâng lời... lại là gương mẫu truyền giáo, là Quan Thày các xứ truyền giáo. Có người nói còn đơn giản hơn nữa: Tôi mặc áo dài đi lễ, cũng là truyền giáo; Làm dấu Thánh Giá trước khi cầu thủ ra sân bóng đá, hoặc trước khi ăn hủ tíu, ăn phở ngoài tiệm, cũng là truyền giáo.
Người khác nói: Tôi làm công tác xã hội, đắp lộ đi, bắc cầu, phục vụ cháo trong bệnh viện.. cũng là truyền giáo vậy. Còn tôi nữa, còn trẻ, tôi không chửi thề tục tỉu, không gian xảo, không quậy phá, không dình vào các tệ nạn xã hội,... như thế tôi có truyền giáo chưa ? Nếu người ta biết bạn là Ki-tô-hữu, thì cũng là việc truyền giáo.

Thật đơn giản, nhưng cũng cần phải có những tâm hồn nhiệt thành chuyên lo việc truyền giáo trong Giáo Hội. Nhân hôm nay Khánh Nhật Truyền Giáo, chúng ta một mặt lo thực hiện sứ mạng cao quý của mình, mặt khác cũng phải góp tiền của và lời cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Hội Thánh.

Lm. Phê-rô H.

------------------------------

 

Truyền_giáo 15: LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN:


Anh chị em, các bạn trẻ thân mến,

 

Trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi kitô-hữu đều có bổn: Truyền_giáo 15


Trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi kitô-hữu đều có bổn phận truyền giáo theo mệnh lệnh của Chúa Cứu Thế. Đức Thánh Cha còn hướng dẫn từng thành phần, từng giới – trong đó có cả giới trẻ – cách thức truyền giáo cho người Á Châu trong thiên niên kỷ thứ ba này. Theo lời của vị Cha chung, chúng ta hãy mau thực hiện sứ mạng truyền giáo. Nhưng trước hết và giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau dâng lời cầu xin Chúa:

Trước hết chúng ta cám ơn Chúa vì đã soi dẫn Đức Giáo Hoàng chỉ dạy cộng đồng dân Chúa trên khắp năm châu phải thực hiện việc truyền giáo cho các dân tộc hôm nay; Xin Chúa thêm ơn thúc giục mọi thành phần dân Chúa và nhất là chính chúng con, mau liệu truyền giáo ngay trong hoàn cảnh sống của mình.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những công việc và những con người dấn thân truyền giáo trong Giáo Hội; Xin Chúa kêu gọi nhiều người nhiệt thành, ban cho họ được nhiều khả năng, nhiều sáng kiến hữu hiệu, và giúp họ sử dụng nhiều phương tiện thuận lợi... để thực hiện việc truyền giáo cho các dân tộc.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân tộc, mọi thành phần nhân loại, có được mọi điều kiện để nhận biết thờ phượng Chúa; Xin Chúa tỏ hiện rõ hơn, để cho các thành phần nhân loại, dù là sang hèn, hay giàu nghèo, dù là dân tộc thiểu số hay chưa tin Chúa... biết dùng lý trí và đức tin sáng suốt Chúa ban, mà nhận biết và tôn thờ Chúa.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho chính chúng ta và hết mọi người trong họ Đạo; Xin Chúa cho chúng ta luôn nhớ bên tai Lời Chúa dạy: "Hãy đi rao giảng Tin Mừng", để chúng ta biết dùng mọi hoàn cảnh, mọi thời giờ và mọi nơi mà giới thiệu Đạo Chúa cho những người xung quanh.

Lạy Chúa Giê-su, chúng con đã biết Chúa bảo chúng con phải rao giảng Tin Mừng, và Chúa còn ban ơn Thánh Thần – giúp phương tiện, cho chúng con hoàn thành sứ mạng; chúng con nài xin Thánh Thần Chúa biến đổi sự hiểu biết của chúng con thành hành động loan báo Tin Mừng khắp nơi. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

Lm. Phê-rô H.

------------------------------

 

Truyền_giáo 16: CHỨNG TỪ: TIN TƯỞNG VÀ KIÊN TRÌ

 

Thời đệ nhị thế chiến, tại Peckham, một thị trấn nằm ở phía đông nam thủ đô Luân-đôn nước:Truyền_giáo 16


Thời đệ nhị thế chiến, tại Peckham, một thị trấn nằm ở phía đông nam thủ đô Luân-đôn nước Anh, có một ngôi thánh đường bị bom đạn phá hủy một phần nóc và mái. Những năm sau đó, kẻ trộm lẻn vào tháo gỡ cả gạch lát nền, khiêng các dãy ghế và bàn quỳ đi, và nhất là không quên tháo mất tất cả những tấm kính cửa sổ nguyên vẹn còn sót lại. Hàng giáo phẩm đành ra quyết định cho phá hủy ngôi thánh đường và bán khu đất ấy lại cho tư nhân trong vùng.

Thế nhưng, có một Linh Mục tên là Symons đã đứng ra xin phép được chuyển toàn bộ Nhà Thờ sang xây dựng lại tại đồi Biggin cách đó 27 cây số. Bề Trên hỏi ngài sẽ dùng phương tiện nào thì ngài trả lời: “Thưa, tự tay con sẽ làm lấy tất cả !” Ai cũng cho ngài là liều mạng điên khùng, bởi Nhà Thờ cao tới 28m, dài 40m và rộng 13m. Vậy mà, chính bản thân cha Symons đã làm được tất cả với sự giúp đỡ về vật chất và nhân lực hết sức ít ỏi của những người thiện chí quanh vùng. Chúng ta hãy lưu ý đến những con số chi tiết kỷ lục sau đây:

Thời gian tháo gỡ Nhà Thờ cũ: 3 năm 4 tháng.
Thời gian dựng lại Nhà Thờ mới: cũng tròn 3 năm 4 tháng.
Đoạn đường đi lại giữa hai nơi tổng cộng là 48.000 cây số.

Số lượng chuyên chở: 125.000 viên gạch, 70.000 viên ngói, 400 tấn đá, 40 tấn sườn nhà bằng thép, 2 tấn rưỡi chì và cả một núi xà bần khổng lồ.

Đồ dùng lao động cá nhân bị hư hỏng: 10 đôi giày và 30 đôi găng.

Phương tiện trợ lực: 1 xe vận tải nhỏ, 1 cây cuốc, 1 bộ khóa ( clés ) và kềm, 1 máy cắt kính, 1 máy bốc giỡn nhỏ, một số dây cáp bằng thép và một số ống sắt dùng làm giàn giá.

Cha Symons đã trải qua học hỏi và thực hành các nghề: thợ làm gạch, thợ hồ, thợ nề, thợ mộc, thợ bạc, thợ nấu chì, thợ điện, thợ chạm trổ, thợ sơn phết, thợ lợp mái, thợ cắt và lắp đặt kính, thợ tháo gỡ, thợ chuyên chở và thợ giàn dựng.

Ngày 25.4.1959, ngôi Thánh Đường kính thánh Marcô hoàn tất sau thời gian 6 năm 8 tháng miệt mài lao động của cha Symons. Các quả chuông ngân vang rộn rã loan tin vui đi khắp vùng. Thánh Lễ cung hiến được Đức Giám Mục cử hành long trọng với bộ chén thánh, với bàn thờ, với tượng Thánh Giá cẩn ngọc quý do chính tay cha Symons làm ra. Toàn thể 350 giáo dân đến dự lễ đã cất tiếng hát hòa theo tiếng đàn đại phong cầm vừa được cha tu bổ. Ánh nắng ban mai rực rỡ xuyên qua 57 cánh cửa sổ Nhà Thờ được gắn kính màu ( vitraux ) mua từ nước Bỉ mà chính tay cha đã phác họa những hình ảnh mô phỏng theo một cuốn Kinh Thánh cổ từ thế kỷ thứ 15.

Trong phần cuối của bài giảng, để giải thích biến cố kỳ lạ đến không thể tin nổi này, cha Symons đã tiếp nối lời Đức Giám Mục, khiêm tốn chia sẻ như sau: “Kính thưa Đức Cha, thưa tất cả anh chị em, người ta vẫn cứ ngỡ bản thân con đã lầm lũi một mình xây dựng ngôi Nhà Thờ này. Thế nhưng, con lại đã làm chung với một Ông Chủ rất mực nhân hậu, Ngài luôn ở bên con mọi ngày, mọi nơi và trong mọi việc...”

Lm. LÊ QUANG UY sưu tầm, trích NỐI LỬA CHO ĐỜI số 4

------------------------------

 

Truyền_giáo 17: CHỨNG TỪ CỦA MỘT GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO

 

Cha Alexis thuộc Dòng Don Bosco có thuật lại một chứng từ sống động sau đây: Vào năm 1934: Truyền_giáo 17 FB


Cha Alexis thuộc Dòng Don Bosco có thuật lại một chứng từ sống động sau đây:

Vào năm 1934, cha Alexis được Bề Trên sai đến truyền giáo ở vùng Đông Bắc xứ Lybia. Tại đây, cha được sự cộng tác nhiệt thành của một bạn trẻ giáo dân tên là Joan Cardina, cùng nhau phụ trách cả một vùng rộng lớn, nơi người dân chưa hề được nghe nói về Chúa.

Ít lâu sau, cha Alexis lại được chuyển sang Châu Á để thành lập một cộng đoàn Nhà Dòng tại nước Myanmar. 18 năm sau, tức năm 1952, cha có dịp quay trở lại thăm xứ Lybia với tư cách một Bề Trên Giám Tỉnh. Khi đến vùng mà trước kia cha đã ủy thác lại cho anh Cardina, cha hết sức ngạc nhiên thấy hầu hết dân ở đây đã theo đạo Công giáo và sống đạo rất tốt. Còn người Giáo Lý Viên nhiệt thành năm xưa thì không thấy đâu...

Cha Alexis cố công tìm hỏi những người già cả và đã được nghe họ kể lại đầu đuôi mọi sự:

Khi anh Cardina được cử đến đây, dân làng còn theo đạo thờ các vật linh nên họ tỏ rõ thái độ thù nghịch đối với anh, nhiều lần các thầy phù thủy đã kiếm cớ chửi rủa và đe dọa sẽ giết anh. Thế nhưng Cardina vẫn nhẹ nhàng tỏ bày với họ thiện chí của mình: “Tôi không thể bỏ nơi này vì cha Alexis đã sai tôi đến để giúp các bạn biết và yêu mến Thiên Chúa duy nhất và chân thật là Cha của tất cả chúng ta. Thiên Chúa sẽ giải thoát các bạn khỏi mọi sự sợ hãi đối với các thần linh...”

Bị trục xuất, Cardina liền cất một cái chòi ở rìa làng để ở. Những người có thiện cảm nhất đối với anh cũng không ai dám ghé thăm và giúp đỡ thực phẩm. Thế nhưng anh vẫn can đảm tự mình làm lụng vất vả, kiên trì cầu nguyện, đồng thời sẵn sàng chia sẻ phần thu hoạch ít ỏi với những người dân làng nghèo đói, cứu giúp họ thoát khỏi những cơn bệnh nguy tử bằng vốn liếng ít ỏi của anh về các loại lá thuốc.

Có lần, ông già làng được cử đến thăm dò Cardina đã hỏi: “Tại sao anh không chịu đi nơi khá. Anh coi đấy, chẳng ai ưa anh, cũng chẳng ai nghe anh dạy thứ tôn giáo của anh !” Cardina ôn tồn và hiền hòa trả lời: “Thiên Chúa đã sai tôi đến đây, Ngài đã hy sinh mạng sống để cứu chuộc mọi người chúng ta. Vì thế, tôi cũng sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để các ông được ơn nhận biết Ngài. Tôi sẽ không rời bỏ nơi này bao lâu chưa có ai trở thành Ki-tô hữu...”

Thế rồi dân làng cũng đành chịu cho anh ở lại, dần dần thành quen vì cũng không thấy anh làm điều gì tai hại cho họ, ngược lại là khác. Mấy năm sau, Cardina nhiễm phải căn bệnh sốt tê liệt, anh đã có thể ra đi để được chữa trị, nhưng anh đã trụ lại đến cùng. Sau khi anh qua đời, dân làng cảm phục trước Lòng Tin kiên trì của anh, đã tự ý tìm đến một Giáo Điểm khác xin học đạo. Những Giáo Lý Viên khác đã được cử đến, và không lâu sau đó, hầu hết cả làng đã theo Công giáo.

Giờ đây, cha Alexis được dẫn tới trước phần mộ của người Giáo Lý Viên quả cảm trong âm thầm này bên rìa ngôi làng, ngay nơi Cardina đã sống và đã chết như một nhà truyền giáo anh hùng. Ngài chỉ còn biết cầu nguyện cảm tạ Thiên Chúa, trong khi những người tân tòng vây quanh cùng hát lên bài Thánh Ca mới được tập cách nay không lâu: “Hạt lúa gieo vào lòng đất mà không mục nát đi, thì sẽ chẳng sinh được nhiều bông hạt...” ( Ga 12, 24 )

Theo nội san THÁNH THỂ số 7

------------------------------

 

Truyền_giáo 18: LƯỢC SỬ TRUYỀN GIÁO

 

Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ: nhân danh Cha và Con và Thánh: Truyền_giáo 18


"Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ: nhân danh Cha và Con và Thánh thần, giảng dạy họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho các con. (Mt 28, 17-19)

I. Ý NGHĨA TỪ TRUYỀN GIÁO.

Theo nghĩa thông thường, truyền giáo có nghĩa là "việc sai đi: các vị thừa sai được sai đi rao giảng nước Chúa cho các dân các nước xa xôi quê mùa. Vậy truyền giáo được hiểu là loan báo Tin mừng cho các dân các nước chưa biết kitô giáo. Truyền giáo cũng mang nghĩa truyền bá đức tin kitô giáo, rao giảng Nước Chúa, phúc âm hóa đời sống các dân các nước.

Theo nghĩa ngày nay, truyền giáo không có nghĩa là sai đi để áp đặt Tin mừng Đức Kitô cho các dân các nước, nhưng là đối thoại trình bày, nhất là sống tin mừng Đức Kitô giáo xã hội ngày nay để minh chứng Lời Chúa được rao giảng đúng thật là tin mừng cho con người sống trong xã hội ngày nay.

Truyền giáo cũng có nghĩa là tham gia phát triển trong các lãnh vực nghệ thuật khoa học triết học cổ võ kêu gọi tình người trong đời sống cộng đồng xã hội nhân loại. Và truyền giáo cũng mang ý nghĩa là phát triển, nâng cao đời sống con người, tranh đấu xây dựng một xã hội công bằng bác ái đầy tình người, tôn trọng nhân phẩm quyền làm người trong đời sống xã hội. Như vậy, truyền giáo cũng đồng nghĩa với phát triển nâng cao đời sống con người, bảo vệ quyền lợi nhân phẩm con người. Việc phát triển đúng nghĩa nhất là phát triển con người toàn diện trong bình diện xã hội văn hóa kinh tế cho đến đời sống tinh thần thiêng liêng. (Populorum Progressio năm 1967, Evangelì Nuntiandi năm 1975... )


II. VIỆC TRUYỀN GIÁO TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI

được khởi sự bằng những biến cố được ghi lại trong sách tông đồ công vụ và thơ của các tông đồ và diễn tiến theo dòng lịch sử qua bảy thời kỳ:

1- Thời các Tông đồ với biến cố Hiện xuống.


2- Thời tổ chức cộng đoàn. (thế kỷ 2-5)

3- Thời dân man di được kitô hóa với vua Clovis nước Pháp năm 470. Và các đan sĩ mở mang văn hóa truyền giáo. (thế kỷ 5-12)

4- Thời kỳ vàng son của việc truyền giáo của các tu sĩ dòng thánh Phanxicô và Đôminicô: vượt biên giới Âu châu sang tận Á châu) (thế kỷ 13-15).

5- Sự khám phá Châu Mỹ latinh năm 1492. Việc truyền giáo ở Tân thế giới dưới quyền bảo trợ của các vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. (thế kỷ 15-17).

6- Năm 1622, ĐGH Grégoire XV (1621-1623) lấy lại quyền truyền giáo cho Giáo hội với sự thành lập Thánh bộ Truyền giáo. (thế kỷ 17-20)

7- Với Vatican II (1962-1965), việc truyền giáo không còn là độc quyền của Tòa thánh Rôma nhưng với sự đồng cộng tác của các giám mục toàn cầu.

1- Thời các Tông đồ. Biến cố Hiện xuống.

Lịch sử truyền giáo bắt đầu khoảng năm 30 tại Giêrusalem vào ngày lễ Ngũ tuần của Do Thái: Đức Chúa Thánh thần hiện xuống trên các Tông đồ. Phêrô, đại diện các Tông đồ, mạnh dạn loan báo cho đồng bào Do Thái ở khắp nơi tựu về mừng lễ một Tin mừng:"Toàn thể nhà Israen phải biết chắc điền nầy: Đức Giêsu mà anh em đã treo lên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và là Đấng Kitô. (Cv 2, 36). Và Phêrô kêu gọi sự sám hối: "Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy nhận phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha thứ và nhận lãnh ơn Thánh thần". Ngày hôm đó, có 3.000 người xin chịu phép thanh tẩy.

Qua sách Tông đồ Công vụ, chúng ta nhận thấy Tin mừng Đức Kitô không bị ràng buộc ở Giêrusalem, không dành riêng cho dân Do Thái (Công đồng Giêrusalem năm 49), nhưng dần dần lan rộng trong cả đế quốc Rôma và đến tận cùng thế giới. Ngay từ đầu, Tin mừng Đức Kitô được các Tông đồ ra đi rao giảng cho các dân các nước trong các nền văn hóa khác nhau: Do Thái, Hy Lạp, Rôma...: Giacôbê ở Giêrusalem, Matthêu sang tận bên bắc Phi Châu, Batôlômêô ở Arménie, Simon và Juda ở Ai Cập, Mathias ở Batư, Tôma sang tận Ấn Độ; Anrê, Philipphê, Gioan ở Tiểu Á. Đặc biệt, Phêrô rửa tội cả gia đình ông Corneille: của lễ đầu mùa dân ngoại trở về với Giáo hội Chúa và ông tử đạo tại Rôma vào năm 67. Phaolô đã từng bách hại các kitô hữu, được ơn trở lại và gia nhập đoàn các tông đồ. Phaolô rao giảng Tin mừng khắp miền Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Chypre.. và chịu tử vì đạo tại Rôma vào năm 67.

Các môn đệ của các Tông Tông đồ: thánh Barnabê, Titô, Timêtêô...và cả các kitô hữu vô danh (Cv 8, 4; 18, 40) và tiếp là các thánh Clêmentê (+101), thánh Ignatiô thành Antiochia (+110), thánh Pothin (+150), thánh Polycarpe (+156)...) tiếp tục ra đi rao giảng Tin mừng Đức Kitô trong hoàn cảnh khó khăn cho những ai chưa biết Đức Kitô.

2. Thời tổ chức cộng đoàn. (thế kỷ 2-5).

Do sự phân tán dân Do Thái vào các năm 66-70 và 132-135 và sự thuận tiện giao thông trong đế quốc Rôma, Kitô giáo được truyền bá từ thành phố nầy sang thành phố khác. Đặc điểm của việc truyền giáo thời kỳ nầy là sáng lập và tổ chức các cộng đoàn kitô giáo ở các thành phố. Thế kỷ 2, kitô giáo đã lan rộng khắp Tiểu Á: Hy lạp, Thổ nhĩ kỳ, Syrie, Ba tư...; Bắc Phi châu: Tunisie, Lybie, Aicập...; ở Ý, miền nam Tây Ban Nha, ở Pháp phải kể đến vùng Lyon do thánh Ponthin và Irênê, vùng Arles với thánh Trophime, vùng Toulouse với thánh Saturin, vùng Paris của thánh Denis, vùng Limoges với thánh Martial, vùng Trêves của thánh Euchaire... Mặc dầu bị nhiều khó khăn, kitô giáo vẫn hiện diện ở các thành phố trong khắp đế quốc Rôma vào thế kỷ 3. Đầu thế kỷ thứ 4, với chiếu chỉ Milan năm 313 của hoàng đế Constantin, kitô giáo được tự do hoạt động và bành trướng rất nhanh ở các thành phố...

Nhưng phải đợi đến thời giám mục thành Tours, thánh Martin (371-397), giới dân nông thôn mới nhận được ánh sáng phúc âm. Từ năm 314 đến 400, các tòa giám mục trực thuộc Arles tăng gắp đôi; vùng Gallia, từ 22 lên đến 70 tòa; vùng bắc Ý, từ 6 vượt đến 50 tòa.


Bên ngoài đế quốc, nhiều cộng đoàn được thành lập và ổn định: ở Ấn độ (Tích lan, Malabar), Yémen, Ethiopie, Ba Tư với công đoàn Bagdad năm 410; Arménie với thánh Mesrop (+441); vùng Caucasse với thánh nữ Nino...

3. Các đan viện tiếp nối việc truyền giáo. (thế kỷ 5-12)

Giáo hội cảm hóa từng dân tộc, giai đoạn đầu nhờ uy tín các giám mục, nhờ trung gian các nữ hoàng khiến nhà vua đón nhận Tin mừng kéo theo cả khối dân; và giai đoạn sau, nhờ các đan sĩ nhiệt tình cảm hóa dân chúng bằng tài giảng thuyết, bằng gương sáng và nhất là tài tổ chức nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của họ.

a- Uy tín các giám mục.

Nhờ uy tín các giám mục, nhờ tài tổ chức và sinh hoạt của các đan sĩ trong việc nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, xã hội... dân chúng dần dần xin gia nhập vào kitô giáo. Khi man dân xâm chiếm, các giám mục đứng lên bảo vệ các đô thị, ổn định nhân tâm: thánh Germano cản Alano phá hoại phía tây Gallia, thánh Lêô bảo vệ Rôma khỏi nạn Attila, các giám mục Exuper, Lupo, Aignan tổ chức phòng thủ Toulouse, Troyes, Orléans... và những tu viện nầy là nơi tiếp đón và là nơi trú ẩn của dân chúng: Lérins với thánh Honorat (410), Saint Victor ở Marseille do thánh Jean Cassien(415), các tu viện của thánh Patrick (389-461), thánh Hilaire d'Arles (403-499), thánh Benoit de Nursie (480-547), thánh Césaire d'Arles (470-543), thánh Columba (512-589), thánh Colomban (540-615). Ảnh hưởng của các đan viện rất sâu rộng trong dân chúng: mỗi đan sĩ đươc coi là một kitô hữu gương mẫu. Các đan viện Cluny (910); dòng Chartreuse do thánh Bruno sáng lập (1084), dòng Xitô là ngành cải tổ từ Cluny (1098), dòng Clairveaux với thánh Bênađô (1090-1153).

b- Đời sống gương mẫu.

Để minh chứng quê hương thật của kitô hữu là ở trên trời, sống ở đời nầy chỉ tạm bợ thôi; các tu sĩ chọn lối sống như "khách lữ thứ trần gian" ra đi sống rày đây mai đó. Các tu sĩ muốn bỏ hết mọi sự để theo Chúa đã trở nên các nhà truyền giáo lưu động rất hiệu nghiệm.; đi đến đâu các ngài lập cộng đoàn kitô hữu ở đó; vì thế các cộng đoàn kitô hữu sống lan rộng khắp nơi.

Với sức cảm hóa của Giáo hội, dần dần hầu hết các dân Âu châu gia nhập giáo hội công giáo.


Giống dân German đón nhận giáo lý Phúc âm:

- Vua Clovis, nhờ lời cầu nguyện của nữ hoàng Clotilde, đã thắng quân Alaman; đêm lễ Giáng sinh 498, vua và đoàn tùy tòng 3.000 người xin nhận bí tích rửa tội. Giáo hội pháp phát triển rất nhanh.

- Nhóm Ario Visigoth lần lượt gia nhập giáo hội công giáo (dân Bourgond (500), Suève (579).

- Dân Lombard chiếm Rôma năm 568 và xin gia nhập Giáo hội thế kỷ sau.

- Dân Anh tòng giáo vào những năm 597-680 nhờ công thánh Augustinô viện phụ và các đan sĩ. Ái Nhĩ Lan trở nên đảo các thánh với công trạng của thánh Patriciô (+461) và thánh Columban (615)

- Dân Đức và dân sống dọc theo sông Rhin là do công của các tu sĩ dòng: như thánh Amand, giám mục Maestricht 646-684, thánh Willibrord (658-739), nhất là thánh Boniface (+755).

Giống dân Slaves gia nhập Giáo hội công giáo


Miền Bohême và Moravie với thánh Mêthode và Cyrillo (863); ở Bungari với các giám mục Formosus và Paulus; ở Balan, cả nước gia nhập kitô giáo khi tướng Miezko (960-992) xin rửa tội; nước Nga theo Constantinople với nữ công tước Helena Olga (957), Hungari với thánh Têphanô (+1038).

Hơn một thế kỷ, để chống lại sự xâm lăng hồi giáo, các đạo binh thánh giá được thành lập và hăng hái lên đường để chiếm lại Đất thánh và đồng thời các dòng quân sự và bệnh viện (ordres militaires et hospitaliers) được thành hình để hổ trợ các đạo binh thánh giá.

4. Thời kỳ vàng son của các tu sĩ vào thế kỷ 13.

Nhưng việc đạo binh thánh giá hầu như hoàn toàn thất bại: có lẽ đó là thánh ý Chúa, vì Thiên Chúa không cần đến bạo lực con người mà chỉ muốn sống bằng tình yêu thương nhau. Vì thế, tinh thần truyền giáo của các Tông đồ đã bừng lên nơi thánh Phanxicô và Đaminh trong việc rao giảng Phúc âm bằng "lời nói và gương sáng" (verbo et exemplo). Phong trào trở về nguồn Tin mừng của thánh Phanxicô và Đaminh trong việc sáng lập dòng hành khất đáp ứng đúng nhu cầu loan báo Tin mừng cho thời đại.


Bốn dòng Hành khất chính là Phanxicô (1209), Đaminh (1216), Carmel (1228) và ẩn sĩ Augustinô (1256). Hai dòng tu sau cũng theo cơ chế dòng Đaminh.

- Thánh Phanxicô (1181-1226) là một giáo dân, con gia đình giàu có sang trọng. Năm 24 tuổi, anh ta từ bỏ giấc mơ hiệp sĩ và thương gia để tận hiến cho "bà chúa nghèo", sống tinh thần thanh thoát nghèo khó; cùng với các bạn đi rao giảng tin mừng nghèo khó từ năm 1208. Nhóm anh em nghèo khó soạn tu luật năm 1221 và 1223.


- Thánh Đaminh (1170-1221) là linh mục kinh sĩ đoàn Osma. Ngài cổ võ nếp sống nghèo và du thuyết; dòng Đaminh cũng có tên là dòng thuyết giáo.

Các dòng tu đóng vai trò quan trọng trong Giáo hội thời bấy giờ. Số tu sĩ gia tăng rất nhanh với nếp sống nghèo khó và chuyên châm thần học đã góp phần nâng cao trình độ văn hóa luân lý, đào tạo lớp lớp tín hữu đầy khả năng. Các tu sĩ đãm nhận vai trò trí thức trong các đại học, đáp ứng nhu cầu triết học hiện thời (nổi danh là thánh Albertô, Bonaventura, và Thomas d'Aquin với pho sách Tổng luận thần học), và đồng thời tích cực ra đi gặp gỡ anh em Hồi giáo: thánh Phanxicô đã đến gặp giáo chủ Ai Cập năm 1218 ngay giữa cuộc thánh chiến thứ 5 (1217-1221), Raymond Lulle (+1315) chủ trương cảm hóa bằng tình yêu và hiểu biết nhau, thánh Raymondo (+1275) chủ trương dạy các thừa sai tiếng Árập và sách Coran để đối thoại... Các ngài ra đi truyền giáo những nơi xa xôi như Batây, Ấn Độ (Malabar), Trung Hoa. Cha Montecorvino làm giám mục Bắc kinh (1307) và rửa tội cả ngàn người.

5. Việc truyền giáo dưới quyền bảo trợ (thế kỷ 15-17)

Việc truyền giáo của Giáo hội Rôma gấp nhiều trở ngại ở phía đông nam với bức tường hồi giáo và phía đông bắc với Chính thống và nhóm Cải cách tin lành, cộng thêm vào sự khám phá ra thế giới mới và sức mạnh hàng hải của hai nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là động lực mới để Ánh sáng phúc âm được lan rộng tận thế giới mới. Năm 1492, ông Christophe Colomb khám phá ra mỹ châu latinh; và sức mạnh hàng hải của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha thi đua nhau khám phá khai thác... và giảng đạo cho vùng thế giới mới.

Từ thế kỷ 15, qua các tông chiếu về thánh chiến (1430-1452), Tòa thánh Rôma đã nhường cho vua Bồ Đào Nha quyền phán quyết đời cũng như đạo tại những vùng họ chiếm được của Hồi giáo hay khám phá được. Các vua công giáo hai quốc gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tự coi như được mang lấy sứ mạng mở mang Nước Chúa ở thế giới mới.

Từ nay, việc truyền giáo mang sắc thái mới là lệ thuộc vào những điều kiện vật chất, thương mãi, chính trị của các đoàn viễn chinh của hai quốc gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong mục đích đi tìm: vàng, hạt tiêu, và các linh hồn.

Vì mục đích tìm "vàng và hạt tiêu" hơn là các linh hồn, nên sanh ra nhiều sự tranh dành gây cấn tranh chấp giữa hai quốc gia. ĐGH Alexabdre VI phải đứng ra làm trọng tài phân chia ranh giới các lãnh thổ được khám phá: về phía tây giao cho Tây Ban Nha và phía đông giao cho Bồ Đào Nha. Ngài ủy thác cho các vua có trách nhiệm tổ chức giáo hội, chia địa phận, cắt đặt các giám mục, sinh hoạt mục vụ... trong miền liên hệ. Các vua trở thành thủ lãnh của các giáo hội ở những miền mới thành lập. Việc truyền giáo trực thuộc quyền của hai vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha; và cả các nhà truyền giáo nước ngoài cũng phải tuyên thệ trung thành với vua Bồ Đào Nha trong việc truyền giáo. Toàn bộ ủy nhiệm nầy tạo nên quyền bảo trợ (Padroado-Patronato).

Vào thời kỳ nầy, việc truyền giáo cũng được phát động tại các nơi xa xôi: Haiti năm 1493, Angola năm 1519, Mexicô năm 1523, Pérou và Equateur năm 1532, Canada năm 1534, Chili năm 1548, Đông Nam Á châu 1533, Phi Luật Tân năm 1565; Trung Hoa năm 1582, Triều Tiên năm 1595... Nói chung là giáo lý phúc âm được truyền đi khắp nơi trên thế giới "đến tận cùng trái đất". (Cũng nên biết:, thánh Phanxico Xavier đến Nhật vào năm 1549; cha P. Ricci đến Macao năm 1582,; cha Alexandre de Rhodes dến Việt Nam năm 1624)

Gần 130 năm, các vua nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha giữ độc quyền truyền giáo ở những phần đất mới khám phá. Quyền bảo trợ truyền giáo sinh ra nhiều bất tiện cho Giáo hội: việc truyền giáo bị lệ thuộc vào tình hình chính trị của hai nước, việc chiếm cứ tranh giành đất đai, bắt bớ giết chết thổ dân, buôn bán nô lệ... Nhiều nhà khai phá, kẻ chinh phục, cả đến nhà truyền giáo có những hành động trái ngược tinh thần Phúc âm.

Nhưng cũng phải kể đến những nhà truyền giáo can cường với tinh thần hòa bình bác ái đem Tin mừng đến các thổ dân và mạnh dạn lên tiếng chống lại phản đối thái độ xâm lăng và thực dân hà hiệp bót lột thổ dân.

-Linh mục Montesinos, dòng Đa minh, từ năm 1511, trong một bài giảng đã mạnh mẽ tố cáo các nhà thực dân hà hiếp bóc lột; nội vụ đã được đưa đến triều đình Tây Ban Nha.

-Gương nổi bật là linh mục Bartolomeo de Las Casas (1474-1566) lên tiếng tố cáo và xin hủy bỏ hệ thống Encomienta (chia đất đai và dân cư thành nô lệ trá hình). Ông mô tả cảnh rùng rợn đáng sợ của thổ dân trong bản "tường trình tóm lược về sự tàn phá thổ dân" (1540). Cuộc tranh đấu nầy làm sáng tỏ phần nào lương tâm kitô giáo với ý thức về nhân quyền.

Các nhà truyền giáo không nghĩ gì đến vấn đề hội nhập, vấn đề ngôn ngữ văn hoá của thổ dân, mà chỉ sáp đặt cơ chế văn hóa của Âu châu trong việc rao giảng Tin mừng.


Riêng chỉ có các cha dòng Tên cho bộ mặt mới trong việc truyền giáo: học hỏi ngôn ngữ phong tục thổ dân để hội nhập văn hóa địa phương và truyền giáo theo truyền thống văn hóa của họ. Các nhà truyền giáo tiên phong về hội nhập văn hóa: A. Valignano, M. Ruggieri, M. Ricci, R. de Nobili, Alexabdre de Rhodes, P. Verbist...

6. Việc truyền giáo dưới quyền tòa thánh: Thánh bộ truyền bá Đức tin. (1622).

Do những lạm dụng và bất tiện của quyền bảo trợ, Tòa thánh Rôma lấy lại quyền truyền giáo toàn cầu. Thời ĐGH Piô V (1566-1572), ý thức vấn đề quan trọng, các đức hồng y đã chủ tọa ủy ban truyền giáo Đông và Tây Ấn và các phần đất tin lành ở Âu châu". Năm 1599, ĐGH Clêmentê VIII sáng lập thánh bộ truyền bá Đức tin, nhưng không thành công; thánh bộ truyền bá Đức tin (Congregatio de Propaganda Fidei) thành hình và hoạt động thực sự từ năm 1622 do ĐGH Grégoire XV. (Từ ngày 15.8.1967, Thánh bộ nầy mang tên mới "Bộ truyền giảng phúc âm cho các dân tộc.)

Từ lúc ban đầu, thánh bộ Truyền giáo nhấn mạnh đến việc hội nhập, đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ, việc thành lập giáo hội địa phương; nhưng vì nhiều lý do khác nhau, mục đích của thánh bộ không thực hiện sớm được. Năm 1627, ĐGH Urbanô VIII sáng lập trường truyền giáo với mục đích đào tạo các linh mục cho các xứ truyền giáo. Thời gian sau, các linh mục François Pallu, F. de Montmorency-Laval và P. Lambert de la Motte sáng lập tại Paris Hội linh mục thừa sai, một trợ giúp đắc lực cho Bộ truyền giáo Rôma.

Vì Phi châu, Á châu quá xa xôi, di chuyển khó khăn, quá xa lạ về phong tục ngôn ngữ... và tuy rằng thánh bộ truyền bá Đức tin Rôma có quyền lo việc truyền giáo toàn cầu, nhưng quyền bảo trợ truyền giáo còn ảnh hưởng, cho nên xẩy ra nhiều căng thẳng, tranh chấp quyền bính, tranh dành ảnh hưởng, tranh chấp về phong tục nghi lễ (Trung hoa) giữa các thừa sai cùng đi rao giảng phúc âm Đức Kitô... làm cho việc truyền giáo ngưng trệ.

Với tinh thần can đảm đầy tháo vát, hội nhập, học hỏi ngôn ngữ văn hóa phong tục dân địa phương, các cha dòng Tên đã mở con đường mới cho việc truyền giáo. Đường hướng truyền giáo của các ngài được phổ biến qua các báo cáo thư từ được đăng trong tờ "Liên lạc" (Relations) từ năm 1632-1673, và các "Thư xây dựng" (Lettres édifiantes) của Hội dòng.

Chính vào thời kỳ nầy, các chủng viện được thành lập để lo việc đào tạo các linh mục lo việc truyền giáo: đặc biệt Trường truyền giáo Rôma, chủng viện Hội thừa sai Paris (MEP. Missions Etrangères de Paris).

Đây cũng là thời kỳ mà người phụ nữ góp phần đắc lực trong việc rao giảng Tin mừng Đức Kitô trên cánh đồng truyền giáo mà họ bị bỏ quên từ thế kỷ 11 cho đến 13. Vào năm 1653, bà Marguerite Bourgeois đến Monréal (Canađa) sáng lập Hội dòng Đức Bà lo việc giáo dục các trẻ nữ. Và nhất là tại Việt nam, năm 1665, Đức cha Lambert de la Motte sáng lập Hội dòng nữ tu Mến thánh giá giúp đắc lực các linh mục lo việc mục vụ giáo lý trong các họ đạo, cả đến các làng mạc họ đạo xa xôi không có linh mục, Hội dòng Con cái Trái tim Đức Mẹ năm 1790...

Vào thế kỷ 19 và 20, rất nhiều Hội dòng, Tu hội khác nhau được sáng lập trợ giúp rất đắc lực bộ Truyền giáo trong việc rao giảng Tin mừng ở các nơi xa xôi: dòng Thừa sai thánh Phanxicô de Sales, dòng Oblats de Marie Immaculée (OMI), dòng các Cha trắng (Pères blancs), hội các linh mục Thánh tâm ở Saint Quentin, dòng Salésiens, dòng Scheutistes, Verbistes... Hội dòng Con cái Đức Mẹ, dòng Đức Bà truyền giáo, dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu, dòng Biển Đức truyền giáo, dòng Thánh Linh... v.v..


Các Hội truyền giáo được sáng lập theo mẫu của Hội truyền giáo Paris (MEP): tại Burgos ở Tây Ban Nha năm 1899, tại Maryknoll ở Mỹ quốc năm 1911, tại Montréal ở Cananda năm 1921, tại Cucujaes ở Bồ Đào Nha năm 1922, tại Yamural ở Colombie năm 1927, ở Mexico năm 1949.

Và đặc biệt các giáo dân cũng ý thức bổn phận truyền của kitô hữu mà dấn thân hoạt động truyền giáo giữa lòng xã hội lo việc xã hội từ thiện bác ái...


Việc truyền giáo được cổ vỏ thúc đẩy qua các thông điệp, tông thư của Tòa thánh: Maximum illud (1919), Rerum Ecclésiae (1926), Evangeli Praecones (1951), Fidei Donum (1957), Princeps Pastorum (1959).

7. Việc truyền giáo: bổn phận của giám mục đoàn.

Từ năm 1493, các vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha điều khiển việc truyền giáo với quyền bảo trợ. Tòa thánh Rôma lấy lại quyền truyền giáo bằng việc sáng lập thánh bộ truyền báo đức tin vào năm 1622. Nhưng việc truyền giáo là dành cho Tòa thánh và là việc riêng tư cho các hội dòng chuyên lo việc truyền giáo.

Với Vatican II, (1962-1965), việc truyền giáo mang một ý nghĩa mới: việc truyền giáo là bổn phận chung của Giáo hội hoàn vũ. Việc truyền giáo theo chủ trương Vatican II là một khúc quanh và một bước tiến quan trọng trong sứ mạng rao tin mừng của toàn dân Chúa: việc truyền giáo chẳng phải chỉ một mình thánh bộ truyền giáo ở Rôma lãnh trách nhiệm, hay chỉ do các Hội dòng đặc trách lo việc truyền giáo nhưng mà là bổn phận chung của các giám mục hoàn vũ hiệp thông với tòa thánh có đồng bổn phận và liên đới trách nhiệm trợ lực nhau trong việc rao giảng tin mừng cho toàn cầu; và mỗi kitô hữu đều có bổn phận truyền giáo trong đời sống.


Năm 1975, Thượng hội nghị về việc truyền giáo tại Rôma: các giám mục ý thức trách nhiệm và đồng thời lãnh bổn phận phải truyền giáo trong xứ sở của mình.

Trong các chuyến công du khắp thế giới, ĐGH Gioan-Phaolô II luôn đề cập đến các đề tài có liên quan đến việc truyền giáo ngày nay: ưu tiên người nghèo, công bình xã hội, công tác phát triển, nhân quyền, hy vọng nơi giới trẻ, cởi mở đối thoại...

Thay lời kết...

Ngay cả các nước kitô giáo ngày nay, đời sống xã hội bị tục hóa, sự thực hành sống tin mừng Đức Kitô bị xuống dốc. Giáo hội công giáo ý thức trách nhiệm mình trong việc rao giảng tin mừng Đức Kitô trong xã hội đương thời. Cho nên, mỗi người kitô hữu bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng cần phải được truyền giáo lại. Việc truyền giáo nầy mang ý nghĩa và chiều hướng mới là việc rao giảng tin mừng cho tất cả những ai, nhất là các kitô hữu còn sống còn xa lạ với Tin mừng Đức Kitô trong đời sống thường nhật giữa lòng xã hội ngày nay. Việc truyền giáo nầy được gọi là tái phúc âm hóa các kitô hữu trong cuộc sống xã hội ngày nay.
Đây là một thách đố lớn đối với Giáo hội hiện nay. ?

Lm Paul Đào

------------------------------

 

Truyền_giáo 19: Truyền giáo

 

Không biết khi Con Người đến, liệu còn gặp thấy niềm....?” Lời kết của bài Tin Mừng hôm nay: Truyền_giáo 19


“Không biết khi Con Người đến, liệu còn gặp thấy niềm tin trên mặt đất nữa không?” Lời kết của bài Tin Mừng hôm nay gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Câu hỏi đó hướng đến một lời mời gọi tích cực, nhưng cũng có thể nói lên một thực trạng tiêu cực của niềm tin không chỉ cho các đồ đệ khi xưa nhưng còn cho chính con người ngày nay.

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Sứ mạng truyền giáo loan báo Tin Mừng tình yêu cứu độ mà Chúa Giêsu đã khai mở và thực hiện, Ngài đã truyền lại cho Giáo Hội tiếp tục sứ mạng ấy. Đã 2000 năm qua đi và trong bối cảnh của Chúa nhật cầu nguyện cho việc truyền giáo, cộng đoàn chúng ta qui tụ nơi thánh đường này để cùng nhìn lại sứ mạng Kitô hữu của mình.

Trong sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về Ngày Quốc Tế Truyền Giáo, Ngài nhấn mạnh đến hai ý nghĩa của việc cử hành ngày quốc tế truyền giáo, đó là: mời gọi canh tân về ý thức truyền giáo, nhắc lại tính cấp bách của hoạt động truyền giáo. Đây là sứ vụ liên quan đến mọi Kitô hữu. Quả vậy, ngay từ ngày được lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, mỗi Kitô hữu đã đón nhận sứ mạng tư tế, vương đế và tiên tri. Nói theo lối trình bày của Hiến Chế Anh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium) thì truyền giáo là bản chất của Giáo Hội. Giáo Hội tồn tại là vì sứ vụ, nghĩa là lý do hiện diện của Giáo Hội là truyền giáo. Và như vậy lệnh truyền của Đức Giêsu về truyền giáo là lệnh truyền cho mỗi Kitô hữu, là bổn phận trách nhiệm của mỗi Kitô hữu.

Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Rôma viết: “Tất cả những ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu thoát. Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe nếu không có ai rao giảng?”

Nhìn vào thực tế hôm nay số người Kitô hữu chỉ chiếm một phần năm dân số thế giới. Lục địa Á Châu gần bốn tỷ người mà trong đó người tín hữu chỉ là một con số quá bé nhỏ với 2,7/o. Còn trong đất nước chúng ta với dân số hơn 70 triệu trong đó người Công giáo chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 6/o (chưa được một phần mười). Đây phải là nỗi thao thức của mỗi Kitô hữu chúng ta. Cụ thể hơn nhìn vào giáo xứ, vào khu vực địa phương chúng ta đây còn bao nhiêu người chưa được nghe nói về Chúa, về Tin Mừng của Ngài, chưa tin theo Chúa? Lý do nào vậy? Trong đó có trách nhiệm của tôi không? Sẽ không thừa khi nói lên hiện trạng không ít người vẫn còn cho rằng việc truyền giáo là của các Đức Giám mục, Linh mục, Tu sĩ; mà quên rằng chính mình cũng có bổn phận đó. Bên cạnh đó, không thiếu những người Công giáo lý luận: “Oi thôi, đạo nào cũng là đạo, đạo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành. Và nếu một người ăn ngay ở lành theo tiếng lương tâm ngay thẳng của họ thì dù họ không được rửa tội, họ vẫn có thể được cứu rỗi. Vậy thì tại sao tôi phải mời gọi họ tin vào Tin Mừng cứu độ, mời gọi họ lãnh nhận Bí tích Rửa tội, gia nhập Giáo Hội.

Để trả lời cho lập luận trên, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin xác nhận lại một cách rõ ràng rằng bổn phận truyền giáo của Kitô hữu là cần thiết. Mọi người đều mắc tội nguyên tổ, lương tâm con người có thể sai lầm. Họ vẫn cần nghe Tin Mừng, cần ơn thánh Chúa để có sức mạnh lướt thắng…

Mọi tôn giáo đều có những tia sáng mà chúng ta không được phép coi thường hay dập tắt. Mọi tôn giáo đều là tia sáng khởi đầu của đức tin mà chúng ta mong đợi những tia sáng đó khai triển thành bình minh huy hoàng và dẫn đưa vào ánh sáng rực rỡ của đức khôn ngoan Kitô.

Nói đến truyền giáo, trong suy nghĩ của chúng ta thường là dấn thân làm việc truyền giáo và ai càng làm được nhiều thì người ấy càng được xem là nhà truyền giáo lớn. Lịch sử Giáo Hội qua từng thời kỳ xuất hiện những gương mặt vĩ đại trong hoạt động truyền giáo mà tiêu biểu là thánh Phanxicô Xavier, một đời bươn chải, lặn lội đem Tin Mừng đến vùng xa xôi. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, ẩn bên trong những hoạt động, động lực cho những hoạt động, kim chỉ nam cho mọi hoạt động ấy là cả một tinh thần cầu nguyện của các nhà truyền giáo cũng như mọi tín hữu. Có thể nói cầu nguyện là linh hồn của hoạt động truyền giáo. Nếu thiếu cầu nguyện thì hoạt động chỉ là những thanh la inh ỏi, hời hợt bên ngoài. Thiếu cầu nguyện cũng là thiếu nền tảng giáo lý cho việc rao giảng.

Trong bài đọc 1, sách Xuất hành thuật lại việc Môsê giơ tay cầu nguyện và Giosuê đánh bại quân Amalech. Khi Môsê hạ tay xuống, sức mạnh của Giosuê không còn nữa, nhưng khi ông giơ tay lên thì phần thắng nghiêng về phía Giosuê. Chiến thắng ấy là của Môsê cùng với Môsê: một sự dung hòa giữa cầu nguyện và hoạt động.

Một hình ảnh minh họa cho sự dung hòa giữa cầu nguyện và hoạt động trong hoạt động truyền giáo đó là thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu. Chưa từng bước ra ngoài hoạt động truyền giáo, nhưng chỉ bằng hy sinh và cầu nguyện cho các nhà thừa sai trong việc rao giảng Tin Mừng vậy mà thánh nữ đã được tôn phong làm thánh Tiến sĩ Hội thánh, bổn mạng các xứ truyền giáo.

Gần chúng ta hơn có mẹ Têrêsa Calcutta, một người mà cả thế giới đều biết đến với những hoạt động cho tình yêu thương. Mẹ không chỉ làm cho người ta biết và yêu mến Chúa Giêsu bằng lời nói nhưng mẹ nói về Chúa Giêsu, bày tỏ gương mặt của Ngài bằng chính cuộc sống yêu thương của mẹ. Mẹ đã định nghĩa về một nhà truyền giáo, đó là: “Một tín hữu Chúa Giêsu đến độ không có một ước muốn nào khác hơn là làm cho mọi người nhận biết và yêu mến Ngài”.

Truyền giáo chúng ta tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa, một Đức Giêsu Kitô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, Đấng đã hiến thân để cứu chuộc mọi người. Và truyền giáo là sứ vụ của Giáo Hội và là một nghĩa vụ mà đức bác ái đòi buộc mỗi Kitô hữu phải thực hiện cho anh em đồng loại mình.

Con người ngày nay cần nhân chứng hơn thầy dạy. Và như thế, truyền giáo không chỉ là rao giảng một giáo lý mà cần thiết là chia sẻ một cuộc sống yêu thương. Đây chính là cốt lõi mà Chúa Giêsu đã cô đọng trong giới luật mến Chúa yêu người. Chúng ta thường nói “giữ đạo”. Giữ để khỏi mất. Nhưng giữ cũng còn nghĩa là không muốn cho đi. Bước chân truyền giáo không bao giờ được phép “giữ” mà luôn luôn là “cho” đi.

Khi sống yêu thương tôi luôn mở lòng ra để cho đi, để ban tặng. Tình yêu như một nghịch lý: khi tình yêu càng cho đi thì càng được đầy tràn, càng cho nhiều càng được nhiều, trao ban trọn vẹn sẽ nhận lãnh trọn vẹn. Như thế, truyền giáo chính là truyền tình yêu mà chúng ta đã kín múc từ nơi Thiên Chúa và đem trao lại cho anh em mình.

Trong một xã hội mà người tín hữu chỉ là thiểu số thì việc truyền giáo hiện nay chính là quyết tâm sống để người khác nhận ra Chúa Giêsu là Đấng đã đến chỉ để rao giảng về một thứ đạo của tình yêu thương. Mỗi người chúng ta trong khả năng, hoàn cảnh của mình đều có thể truyền giáo vì không ai nghèo đến nỗi không có gì để ban tặng. Như thế sống yêu thương là một hành động truyền giáo thiết thực nhất có thể kín múc được tình yêu Thiên Chúa.

------------------------------

 

Truyền_giáo 20: ĐỜI SỐNG CHỨNG NHÂN

 

Hôm nay ngày thế giới truyền giáo. Chúng ta cùng tìm hiểu xem : Truyền giáo là gì ? Chúng ta: Truyền_giáo 20


Hôm nay, ngày thế giới truyền giáo. Chúng ta cùng tìm hiểu xem : Truyền giáo là gì ? Chúng ta phải truyền giáo thế nào ?

Trước hết, truyền giáo là gì ? Truyền là tuyền bá, truyền thông, chuyển giao, rao giảng, loan truyền… Giáo là giáo lý, đạo giáo, Tin Mừng, Phúc âm… Truyền giáo là truyền bá đạo, là rao giảng Phúc âm, là loan truyền chân lý của Chúa cho người khác. Đó là ý nghĩa thứ nhất, nghĩa hẹp, nghĩa chặt và chính xác. Đàng khác, truyền giáo còn có nghĩa là lập những cộng đoàn Kitô hữu trong đức tin, trong phụng tự Thánh Thể, bác ái như Giáo hội mong muốn. Nói khác đi, truyền giáo là “trồng” Giáo hội vào các dân tộc, các địa phương, cho đến khi những người trong địa phương ấy trở nên tín hữu, thành một đoàn chiên. Theo ý nghĩa này, truyền giáo không phải chỉ là truyền bá một số giáo lý, nhưng là truyền thông sự sống của Chúa cho anh em khác, vì Thiên Chúa là Đấng hằng sống, đạo Chúa là đạo sự sống, là nguồn sống, có khả năng thay đổi, biến cải những con người từ không có Chúa trở thành có Chúa, từ mất Chúa trở thành tìm lại được Chúa. Truyền giáo theo nghĩa này là truyền sự sống của Chúa Kitô mà chúng ta đã có sang cho anh em mình, như thân cây nho chuyển nhựa sống sang cho cành nho. Sau hết, truyền giáo còn có một nghĩa nữa là củng cố, tăng cường, huấn luyện đức tin cho một cộng đoàn, cho các tín hữu, để họ lại ra đi truyền giáo cho những người khác.

Những ý nghĩa trên đây cho thấy hai chiều của việc truyền giáo : chiều rộng và chiều sâu. Nếu làm cho những người chưa biết Chúa hoặc những người biết mà đã bỏ Chúa, được nhận biết và yêu mến Chúa. Đó là truyền giáo theo chiều rộng, là mở rộng nước Chúa và làm tăng thêm số người thờ phượng Chúa. Còn nếu làm cho những người đã biết và yêu mến Chúa được hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, để rồi họ lại tiếp tục làm những công việc ấy nơi những người khác. Đó là truyền giáo theo chiều sâu, vì làm cho nước Chúa được vững chắc hơn và làm tăng thêm số người Công giáo sốt sắng, đạo đức.

Việc phân biệt ý nghĩa như trên đây rất quan trọng để chúng ta hiểu rõ hơn việc truyền giáo, vì truyền giáo không phải chỉ có nghĩa là làm cho những người ngoại, những người lương, những người chưa biết được biết và yêu mên Chúa, nhưng còn có nghĩa là truyền giáo cho cả những người Công giáo sống trong một họ, một xứ với chúng ta nữa. Chúng ta phải sống một đời đạo đức, sốt sắng, thánh thiện để làm gương tốt cho họ, để giúp cho họ thêm lòng yêu mến và tôn kính Chúa.

Đó là ý nghĩa của việc truyền giáo. Và như vậy tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ truyền giáo. Việc truyền giáo không của riêng ai và không phải là một việc làm tùy sở thích, muốn làm hay không cũng được. Nhưng đây là một bổn phận, một nhiệm vụ bắt buộc. Mỗi người chúng ta phải coi đây là vấn đề sống đạo, là vấn đề sinh tồn của Giáo Hội và là trách nhiệm của chính mình.

Vậy chúng ta phải truyền giáo thế nào ? Có rất nhiều cách. Chúng ta muốn dùng cách nào cũng được, nhưng nhất thiết phải thi hành hai cách này là cầu nguyện và đời sống chứng nhân : Cầu nguyện cho việc truyền giáo là cách thức rất quan trọng : cầu nguyện cho những người đi truyền giáo, cầu nguyện cho mọi người mở rộng lòng sẵn sàng đón nhận ơn Chúa, Lời Chúa. Cụ thể như thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, cả đời không đi đâu truyền giáo, chỉ ở trong bốn bức tường dòng kín cầu nguyện cho việc truyền giáo. Thế mà Giáo Hội đã tôn phong ngài là quan thầy các nơi truyền giáo, ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê. Xin anh chị em hãy suy nghĩ : Chúng ta có thường xuyên thi hành việc này không ? Chúng ta có cầu nguyện cho việc truyền giáo không ? Nếu không thì đó là tội thiếu sót, bỏ việc phải làm. Thứ hai là truyền giáo bằng chính đời sống chứng nhân của mình : Đây là cách truyền giáo tốt nhất và hữu hiệu nhất, đó là truyền giáo bằng đời sống tốt đẹp của chúng ta. Một đời sống đạo đức, chân thành, cởi mở, yêu thương là một tấm gương sáng trước mặt mọi người. Một đời sống tốt đẹp có sức lôi cuốn hơn những lời nói hay, vì “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo". Chúng ta hãy suy nghĩ : đời sống chúng ta hiện nay có làm chứng cho Chúa, cho đạo không ?

------------------------------

 

Truyền_giáo 21: SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO: MỘT VIỆC LÀM


 ĐƯƠNG NHIÊN CỦA KI-TÔ HỮU

VÀI SUY NGHĨ VỀ NĂM THÁNH TRUYỀN GIÁO

 

Khởi đi từ hệ luận tốt – khoe, xấu – che, việc một người đã cảm nhận có hạnh phúc khi theo một: Truyền_giáo 21


Khởi đi từ hệ luận tốt – khoe, xấu – che, việc một người đã cảm nhận có hạnh phúc khi theo một con đường ( đạo ) thì tự nhiên có sự thôi thúc từ bên trong cần phải chia sẻ cho tha nhân. Với Ki-tô giáo thì có mệnh lệnh minh nhiên của Đức Giê-su: ”Anh em hãy đi rao giảng Tin Mừng...” ( Mt 28, 20 ). Thánh Phao-lô nhìn nhận việc rao giảng Tin Mừng không chỉ là một vinh dự mà còn là một bổn phận: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” ( 1 Cr 9, 16 ).

Hãy rao giảng Tin Mừng khi thuận tiện cũng như khi không thuận tiện ( 2 Tm. 4, 2 ). Thánh Phê-rô và Gio-an Tông Đồ khẳng khái trước Công Nghị Do-thái: “Chúng tôi không thể không nói ra những điều mắt thấy tai nghe...” ( Cv 4, 20 ). Còn Chúa Giê-su thì thường lặp đi lặp lại: “Tôi không tự mình mà đến nhưng chính Chúa Cha đã sai tôi” ( Ga 8, 42 ). Tiến trình ấy được tiếp diễn: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em“ ( Ga 20, 21 ). Như thế, truyền giáo là một việc làm tất yếu mang tính sống còn. ( x. Điểm Dừng Chân tr 53 – 56 )

ĐỘNG LỰC HAY MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO

Mở rộng tầm ảnh hưởng của tôn giáo mình. Không nguyên chỉ các vị sáng lập Đạo mà bất cứ tín hữu của tôn giáo nào cũng mong muốn tôn giáo mình được phát triển vừa rộng vừa lớn. Không chỉ khao khát tôn giáo của mình ảnh hưởng trên nhiều người mà người ta còn mong muốn tôn giáo mình ảnh hưởng trên các thể chế chính trị kinh tế xã hội. Một cám dỗ của chủ nghĩa bá quyền xưa đã từng có và nay cứ mãi vẫn còn.

Để tôn giáo mình được tồn tại theo dòng thời gian, một ước muốn khiêm tốn nhưng rất thật trong nhiều lãnh vực của cuộc sống: giống nòi, tác phẩm nghệ thuật...

Quan trọng nhất và cũng là lý do cơ bản nhất là vì Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Đây là đặc tính Công Gíao của Mẹ Hội Thánh chúng ta.

Mặc dù Thiên Chúa có thể dùng những đường lối chỉ một mình Ngài biết để đưa những kẻ không vì lỗi mình mà chưa biết Phúc Âm đến với Đức Tin – cần thiết cho Ơn Cứu Độ – nhưng Hội Thánh phải có bổn phận rao giảng Phúc Âm ( x TG 7 ). Thánh Công Đồng Vatican 2 dạy: ”Vì Chúa Ki-tô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho tất cả mọi người khả năng tham dự vào Mầu Nhiệm Phục Sinh Cứu Độ của Đức Ki-tô, tham dự bằng cách nào thì chỉ có Chúa biết mà thôi” ( MV 20 ).

Giáo Lý truyền thống chỉ cho chúng ta biết ngoài phép rửa bằng nước trong Hội Thánh còn có Phép Rửa bằng máu và Lòng Mến. Chịu Phép Rửa bằng máu là những người chịu hy sinh, đổ máu vì Danh Đức Ki-tô – Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống – cách này hay cách khác. Phải chăng cầm súng giết chết các bác sĩ thực hiện việc phá thai như Mục Sư Paul Jennings Hill là chịu phép rửa bằng máu ? Và có thể nhiều người quên mình hy sinh bản thân để bảo vệ công lý, bảo vệ sự thật... Thế nhưng sự thật là gì ? Và đặc biệt “cha của sự dối trá“ luôn sử dụng đồng minh hay tay sai của nó là cường quyền, bạo lực để kìm hãm con người trong sự sợ hãi.

Chịu Phép Rửa bằng Lòng Mến là những ai dù chưa biết Đức Ki-tô và Tin Mừng của Ngài mà vẫn sống theo tiếng Chúa dạy trong lương tâm, làm lành lánh dữ, ăn ngay ở lành. Thế nhưng lương tâm cũng có nhiều loại và cũng rất dễ sai lầm. Tìm được một lương tâm chính trực, bén nhạy xem chừng hơi khó. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường hôm nay mọi thứ đều có thể xem như hàng hóa trao đổi bán mua. Lương tâm, một món hàng mua rất đắt mà lại thường được bán rất hào phóng, chưa kể còn có khuyến mãi.

Đường về Trời, dù rằng đã là người, ai cũng có thể và cũng có khả năng đến đích, nhưng nếu biết luật giao thông ( đi đường ), có người hướng đạo, có bạn đồng hành, có phương tiện thuận lợi thì ắt dễ đến đích hơn. Luật là Tin Mừng. Vị hướng đạo duy nhất: Đức Ki-tô. Các bạn đồng hành: các Thánh, các tín hữu. Còn các phương tiện chính là các Bí Tích, là đời sống cộng đoàn... Tất thảy những điều trên không chỉ là hữu ích mà còn rất thuận lợi cho người muốn về Trời. Việc truyền giáo hay rao giảng Tin Mừng luôn còn đó lý do để tồn tại và phát triển.

LOAN BÁO TIN MỪNG VỚI HÌNH THỨC TRUYỀN GIÁO HAY PHÚC ÂM HÓA ?

Nhiều bài viết phân biệt giữa Truyền Giáo và Phúc Âm hóa rồi khuyên chọn điều này hoặc ưu tiên điều kia. Ngày nay người ta hầu như thích nghiêng chiều về công cuộc Phúc Âm hóa vì nó có vẻ nhẹ nhàng mà cao cả, thiết thực mà lại dễ dàng. Vì truyền giáo là giới thiệu Tin Mừng cho tha nhân và đưa họ vào Hội Thánh Chúa qua việc dạy Giáo Lý, cử hành một số Bí Tích và cho họ gia nhập cộng đoàn. Việc này xem chừng ngày càng ít đi và có nhiều chăng là cũng nhờ một số người muốn kết hôn.

Trong khi đó công cuộc Phúc Âm hóa là đưa Tin Mừng vào lòng người, vào cách suy nghĩ, cách hành động của con người; đưa Tin Mừng vào các lãnh vực hoạt động kinh tế văn hoá xã hội... Tóm lại là làm cho con người và môi sinh trần thế này thấm nhuần men Tin Mừng, tức là một cách nào đó thuộc về Chúa ( nên thánh ).

Vấn đề chúng ta có thể đặt ra ở đây là: phải chăng vì không thể đưa người ta vào Hội Thánh nên đành bằng lòng với công cuộc Phúc Âm hóa, một việc làm cao cả đấy nhưng cũng khó thấy và khó kiểm chứng.

Thực ra Truyền Giáo hay Phúc Âm hóa là hai mặt của việc loan báo Tin Mừng. Truyền giáo gợi lên cho ta các hình thức hoạt động bên ngoài, Phúc Âm hóa lại nhấn mạnh đến sức sống bên trong, cả hai bổ túc cho nhau và cần đến nhau. Làm sao người ta có thể tự nguyện gia nhập Hội thánh Chúa, lãnh nhận các Bí Tích mà trước đó đã không ít nhiều thấm nhuần men Tin Mừng, và dẫu cho đã lãnh nhận các Bí Tích Nhập Đạo thì việc sống Tin Mừng là việc cần làm liên lỉ.

Ngược lại, tình yêu không chấp nhận sự nửa vời, hơn nữa “hữu ư trung xuất hình ư ngoại”. Vậy khi đã thấm nhuần men Tin Mừng ắt cũng muốn được bày tỏ bên ngoài qua việc lãnh nhận các Bí Tích, gia nhập vào cộng đoàn.

Chúng ta đừng quên mệnh lệnh rõ ràng của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mát-thêu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, và làm Phép Rửa cho họ nhân Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”. ( Mt 28, 19 – 20 )

TRUYỀN GIÁO

– PHÚC ÂM HÓA TRONG HOÀN CẢNH XÃ HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY

Không ai trong chúng ta hài lòng về một Năm Thánh Truyền Giáo với lễ hội khai mạc rầm rộ, rồi đến các hội nghị hội thảo đó đây rôm rả mà kết cục là đoàn tín hữu Công Giáo Việt Nam chỉ có sốt sắng làm một số việc theo qui định để lãnh Ơn Toàn Xá. Thế thì một năm sẽ trôi qua mà cánh đồng truyền giáo vẫn còn đó bát ngát lúa chín vàng chịu gió chịu mưa.

Không phải là theo chủ nghĩa hiệu năng mà bất cứ làm việc gì cũng cần có đích nhắm. Dù cho lãnh Ơn Toàn Xá hay Tiểu Xá, dù cho tổ chức học hỏi hay hội thảo, dù cho phát động phong trào kết nghĩa kết tình, dù với hình thức hoạt động khác nào đi nữa, thì điều nhắm đến cuối cùng của Năm Thánh này là “gặt lúa”.

Dĩ nhiên, để đem lúa về kho, ta phải biết cánh đồng và biết chính những bông lúa đang trĩu hạt như thế nào. Và cũng thật cần thiết phải biết khả năng tay nghề của thợ gặt để bố trí hợp người hợp việc nếu chưa muốn nói là rèn thêm kỹ năng hay đào tạo nghề. “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Vì vậy, việc lướt qua vài nét về cảnh tình quê Việt hiện tại cũng như nhìn lại đôi nét về Giáo Hội Việt Nam hôm nay thật không thừa chút nào.

Trước hết, chúng ta thử nhìn vài con số qua các báo cáo thống kê của các kỳ Đại Hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gần đây. Năm 2002 số tín hữu Công Giáo Việt Nam là 5.854.029 người ( x. Bản tin Hiệp Thông tr. 63 ). Số báo cáo năm 2003 lại là 5.572.525 người ( x. Tuần báo CGDT số 1439 tr. 12 ). Chẳng biết vì sao mà sau chỉ một năm có gần hơn 300 ngàn người bỏ đạo ! Vì phải kể số trẻ em sơ sinh ít là 50 ngàn trên một năm nếu số sinh xuất 0,9 %. Hay là việc thống kê, báo cáo xem như có lệ để báo cáo từ dưới lên trên, từ Giáo Xứ đến Giáo Phận ?

Không biết việc báo cáo thống kê của Giáo Hội Việt Nam có đang “đồng hành” với các ban ngành, bộ, cục, tỉnh, huyện của xã hội dân sự Việt Nam chúng ta thời gian bao cấp trước đây và ngay cả hôm nay nữa về các chỉ số. Thậm chí ngay cả chỉ số GDP, một chỉ số có tầm chiến lược của quốc gia cũng như trong bang giao quốc tế lại mang tính ước lệ, nếu không muốn nói là hình thức theo sự lãnh đạo của cấp trên như báo chí đang phản ánh. “Chúng tôi ước tính tăng trưởng GDP cả nước năm nay ước đạt 7 %, vì sáu tháng đầu năm nay mới đạt 6,9 %, thế nhưng nếu nhìn vào thống kê của các tỉnh thì chẳng có tỉnh nào tăng GDP dưới 7 %, có tỉnh 8 %, có tỉnh những 14 %. Nếu tính trung bình ra thì chúng ta phải tăng trưởng tới 10 % !” ( Phó tổng cục trưởng Cục Thống Kê Nguyễn Văn Tiến – Báo Tuổi Trẻ Cười số 253 ngày 15.12.2003 tr.5 ).

Hình thức, một căn bệnh được xem là trầm kha, bất trị của đất nước chúng ta mà không biết bao nhiêu học giả, người có lương tri đã và đang lên tiếng cảnh báo. Đây đúng là một quốc nạn. Vì sao cần phải quá chú ý tô điểm hình thức, mẫu mã, bao bì ? Ngoài việc tiếp thị giới thiệu sản phẩm hay kích cầu thì chắc hẳn ít nhiều cũng có nguyên cớ là vì nội dung chưa được tốt, chất lượng không đạt.

Linh Mục Thiện Cẩm trong nguyệt san CGDT số 107 tháng 11.2003, nhận định về tình trạng suy đồi đạo đức về xã hội Việt Nam hiện nay thật trầm trọng. Đạo đức bị suy đồi ngay từ trong gia đình đến học đường và lan ra cả xã hội, đến cả tầm vĩ mô: “Ngoài chuyện tham ô, buôn lậu, lợi dụng địa vị chức quyền để chiếm dụng đất đai, tài sản công tư, hay làm ăn trái phép, thì còn có chuyện cũng đang gây nhức nhối, đó là nạn xì-ke ma túy...” ( x. tr 23 ).

Đặc biệt là nạn giả dối ngay chính nơi giáo dục đào tạo con người, vì chạy theo thành tích, chạy theo thu nhập của các vị “kỹ sư tâm hồn”, đến cả những vị cầm cân nảy mực về công lý, và không chừa cả quý chức đang điều hành ở tầm quốc gia đại sự. “Ở nước ta hiện nay, không chỉ có những kẻ khố rách áo ôm, những kẻ yếu thế mới phải gian dối để bảo vệ mình và để tồn tại, nhưng nhiều khi lại chính là những kẻ quyền thế !...” ( Sđd tr. 21 ). Phải chăng xấu thì cần che, mà có cách che nào tốt hơn bằng các lễ lạc hội hè và tìm mọi cách kể cả lạm dụng quyền thế để ổn định tình hình.

Ngẫm xã hội rồi nghĩ đến Giáo Hội chúng ta. Là men, muối, là ánh sáng nhưng bột đời, không gian quá mênh mông. Tỉ lệ 6 đến 7 % người Công Giáo so với dân số toàn quốc đúng là một con số khiêm tốn. Thế nhưng chúng ta có thật là men muối chính hiệu không ? Có thật là ánh sáng đang đặt trên giá không ? Nhà Thờ mọc lên khá nhiều từ Bắc tới Nam. Lễ lạc, hội hè, đám đình ngày càng sôi nổi hơn. Tuy nhiên đó mới chỉ là cái bề ngoài, cái hình thức và cũng có thể là bao bì mẫu mã của nơi này nơi kia, lúc này khi khác. Chính chúng ta, những người con cái Chúa có góp phần tích cực hay là nguyên nhân tiêu cực cho nạn tham ô tồn tại chăng ?

Chạy chọt, biếu xén có thể xem gần như là chuyện thường ngày không chỉ ở huyện mà còn ở các Giáo Xứ, Dòng Tu, thậm chí nơi những tiến chức, nơi những người muốn được vào Chủng Viện ! Chúng ta có là con cái của sự thật chăng khi mà giữa Giám Mục và Linh Mục, giữa Linh Mục và Giáo Dân, giữa bề trên và bề dưới thì “quyền bính” chưa thực sự là hầu hạ mà chỉ để cai trị, điều hành. Biết mà không dám nói cũng là một cách sống giả dối ( Xin lược bỏ một câu ).

Là tín hữu, không nguyên là tín hữu mà ta còn là công dân, đặc biệt Tu Sĩ, Giáo Sĩ và cả hàng Giáo Phẩm đúng thật là những công dân có thế giá của đất nước, thế mà có được mấy vị, có bao nhiêu đấng mạnh dạn góp ý phê bình để phục hồi nền đạo đức xã hội Việt Nam chúng ta hay là chỉ bằng lòng với một vài tác giả thỉnh thoảng lên tiếng trên báo ? Im lặng là cách thức thỏa hiệp nếu không muốn nói là đồng loã. Có thể có trường hợp không được phép nói nhưng cũng có rất nhiều trường hợp không dám nói. Dầu sao đi nữa góp ý xây dựng không chỉ là quyền lợi mà còn là bổn phận. Có thể sau này chúng ta sẽ phải trả lẽ với con cháu mai sau. Không lẽ cứ để chuyện xảy ra rồi lại xin lỗi. Đừng để cho thế hệ tương lai phải thiệt thòi. Xin lỗi xong còn phải đền bù thiệt hại. Đức công bình đòi hỏi chúng ta đấy.

Thử tìm cái nguyên nhân sâu xa về quốc nạn gian dối, giả trá ở xã hội chúng ta, cha Thiện Cẩm viết: “Người xưa thường nói: thượng bất chính, hạ tắc loạn. Điều đó quả rất đúng. Sự suy đồi đạo đức trong xã hội ta hiện nay không bắt nguồn từ những kẻ nghèo nàn, yếu thế. Hay từ những thế hệ con cháu, mà trước tiên, chính chúng ta những người lớn và những người mang chức vụ lớn, hay trọng trách lớn, như lãnh đạo chính quyền các cấp, lãnh đạo các ban ngành, các tôn giáo, các công-ty xí nghiệp v.v... Mỗi người hãy tự hỏi trước hết xem mình có thật sự là mình, có đóng đúng vai trò của kẻ làm cha làm mẹ, làm thầy, làm người lãnh đạo hay không...” ( Sđd tr. 25 ).

Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Tôi không dám bạo gan kiểu bất hiếu, dùng cái phương châm này để gán ghép cho Mẹ Giáo Hội. Thế nhưng tôi nhớ không lầm lời của một thánh nhân rằng: “Linh Mục thánh thiện thì Giáo Dân đạo đức; Linh Mục đạo đức thì Giáo Dân bình thường; Linh Mục bình thường thì Giáo Dân tội lỗi”.

Nhận định này phần nào nói lên trách nhiệm của Giáo Sĩ, Tu Sĩ, đặc biệt của hàng Giáo Phẩm. Cha ông ta thường nói “Mạnh tướng chứ mạnh gì quân”. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đạo đức một chút để đi truy tìm cái nguyên nhân của các sự xấu nói trên. Không thể chối cãi rằng Xa-tan chính là cha của sự dối trá và nó thường kìm hãm con người trong gian dối bằng các nỗi sợ hãi. Phải, sự sợ hãi chính là bóng tối đang bao trùm dân Việt chúng ta nói chung và tín hữu Công Giáo chúng ta nói riêng. Sợ khổ, sợ khó, sợ hy sinh, sợ mất chức, mất ghế, mất quyền, và cả mất thanh danh nữa.

Tại sao các Bộ Trưởng của chúng ta khi trả lời chất vấn của Quốc Hội lại quanh co, tự bào chữa hoặc né tránh trách nhiệm. Và nếu có nhận lỗi thì đổ cho nguyên nhân hoàn cảnh khách quan. Khôn khéo hơn, như Bộ Trưởng bộ Giáo Dục – Đào Tạo, ông đã tận dụng những cụm từ có tính kỹ thuật ( xin lược một vài từ ) khi nêu lên bốn nguyên nhân khách quan để bào chữa cho sự xuống dốc của công việc giáo dục đào tạo. Nào là “công tác quản lý chưa theo kịp yêu cầu của phát triển giáo dục”; rồi đến “chậm xây dựng cơ quan khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy và học lạc hậu nhưng chậm đổi mới”. Các nguyên nhân ấy thực ra chỉ là kết quả của những việc mà bộ không làm được. Và nếu đã không làm được những việc đó vẫn được coi là nhiệm vụ cơ bản thì Bộ Giáo Dục Đào Tạo không còn xứng đáng là bộ giáo dục đào tạo nữa ! ( Xuân Huy – Nguyệt san CGDT số 108, tr. 87 ). Tại sao phải né tránh ? phải chăng vì sợ phải từ chức, mất ghế, mất quyền và đương nhiên cũng kéo theo cả chuyện mất lợi lộc.

Xét xã hội rồi suy đến Giáo Hội ta. Ma quỷ không chừa con cái Chúa bao giờ mà trái lại càng tích cực tấn công hơn nhiều. Xa-tan như sư tử luôn rảo quanh tìm mồi cắn xé đoàn tín hữu, từ Giáo Dân đến Tu Sĩ nam nữ, từ Giáo Sĩ đến Giáo Phẩm, Giám Mục, Hồng Y. Vũ khí sắc bén của nó chính là sự sợ hãi. Sợ khổ, sợ khó, sợ bị o ép trong công việc mục vụ và còn những cái sợ hãi khác nữa chăng ?.

Vì sợ khổ sợ khó nên tín hữu chúng ta trong kế sinh nhai sẵn sàng theo kiểu “người ta sao tôi vậy”. Sống ngay thẳng trung thực hóa lại thiệt thân. Có được mấy phần trăm tín hữu trong nghề kinh doanh buôn bán thật thà với việc thuế má. Đủ thứ lý do để bào chữa kể cả việc nại đến luân lý hoàn cảnh mà tựu trung vẫn là gian dối. Con cái Chúa tốt nghiệp Trung Học Chuyên Nghiệp, Cao Đẳng hay Đại Học, để xin được một cái chân ở các trường học cơ quan ban ngành thì cũng chạy, cũng hối lộ như người ta ? Câu trả lời hầu như ai cũng thầm hiểu. Biết rằng không được phép vơ đũa cả nắm. Nhưng với sự việc chiếm tỉ lệ từ 30 – 40 % cũng đã đáng báo động.

Sợ khổ sợ khó ngại hy sinh cũng lan tận hàng Tu Sĩ nam nữ, Chủng Sinh, Linh Mục. Góp ý thật với bề trên chăng, sợ rằng không được gì mà e còn bị trù dập, ghi sổ đen. Có vị né tránh ở tâm tình “kính nhi viễn chi, kính lão đắc thọ”. Thế là im lặng để cho yên thân, đúng hơn là cho vô sự và có khi là nhắm cho được nhiều sự, sự gì đi nữa thì khó mà tránh được sự vụ lợi vụ quyền. Một lần nữa, không ai được phép vơ đũa cả nắm nhưng tỉ lệ bao nhiêu nơi các đấng bậc này thì cần phải báo động ?

Lại có đấng bậc nghiêng về lợi ích của Giáo Dân mà tính toán cân nhắc, thà chịu một cái sai nhỏ để có một hoặc nhiều cái lợi lớn. Nếu thực là chịu thì không có tự do và chẳng còn trách nhiệm, nhưng rồi ta phải chấp nhận rằng quyết định cuối cùng cũng do bởi ta. Thế là trách nhiệm luôn có đấy. Mục đích không thể biện minh cho phương tiện, một nguyên tắc mà lẽ ra các đấng bậc không chỉ thuộc lòng để giảng dạy, mà còn trước hết phải gương mẫu tuân giữ. “Tôi đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật” ( Ga 18, 37 ). “Sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 32 ). Sống trong sự thật, làm chứng cho sự thật là một trong những phương cách truyền giáo cần làm ngay chính trong xã hội Việt Nam chúng ta, Giáo Hội Việt Nam chúng ta. Để làm chứng cho sự thật, Đức Ki-tô đã phải trả bằng cái chết trên thập giá. Biết rằng việc truyền giáo còn nhiều mặt khác ta phải noi gương Đức Giê-su, nhưng không thể nào theo chân Ngài mà không phải vác thập giá. “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” ( Lc 9, 23 ).

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, một trong những mục tiêu truyền giáo thiết thực của chúng ta là góp phần tiêu diệt cái quốc nạn mà cả xã hội ta đang gánh chịu: “sự giả dối, bệnh hình thức”. Để thực hiện mục tiêu này có gì hơn bằng hãy can đảm sống trong sự thật và làm chứng cho sự thật. Trước hết phải khởi đi từ trong cuộc sống, sinh hoạt của Mẹ Giáo Hội Việt Nam chúng ta, nơi các Giáo Họ, Giáo Xứ, Giáo Phận, Hội Dòng... vì không ai có thể cho điều mình không có. Để con cái Chúa luôn sống trong sự thật, chúng ta cần bỏ dần đi những gì gây ra sự sợ hãi. Vũ khí ta không có, tiền bạc cũng không nhiều. Vậy còn lại “cái gọi là quyền bính”, một thứ quyền được Niềm Tin nâng lên hàng Thần Quyền.

Làm sao Giáo Dân có thể nói thật khi mà mới chỉ góp ý thì bị Cha Xứ trù dập và lắm khi còn bị lôi lên toà giảng ! Làm sao mà Linh Mục dù chân thành đến mấy lại có thể trao đổi thân tình những chuyện rất thật như giữa cha con, anh em khi mà Giám Mục luôn hành xử với tư cách “Đấng Bản Quyền” hay “Thầy Dạy Chân Lý”. Cũng thật khó cho một Nam hoặc Nữ Tu mới khấn đôi ba năm thẳng thắn trình bày ý kiến khi quý Bề Trên còn quan niệm dù đã “tam thập nhưng nhi chưa lập”, trẻ người non dạ, chưa kể sử dụng cách chuyên chế “đức Vâng Lời”.

Không dám ước mơ sẽ có ngày trong các cộng đoàn lớn nhỏ của Gíao Hội Việt Nam có được cảnh như Quốc Hội chất vấn chính phủ, vì cái mơ này không hợp với Đức Tin và tình hiếu nghĩa. Thế nhưng cũng nên mơ ước về một cái cảnh ba, bốn tháng một lần Bề Trên tạo dịp quy tụ bề dưới, trình bày các công việc sinh hoạt hay mục vụ thời gian qua và kế hoạch sắp đến trong tương lai, đồng thời chân thành mời cấp dưới góp ý sửa sai, thay đổi. Có nên chăng dù chuyện bé hay chuyện lớn chỉ thông qua hay hội họp trong vòng một vài người kiểu cố vấn, tham khảo ý kiến. Dù rằng không phải bất cứ chuyện gì cũng phải công khai hội họp tất tần tật, nhưng cần cảnh giác kiểu cách một chiều rất dễ đi đến chuyên chế. Thế là tạo điều kiện cho tâm lý sợ hãi nảy sinh, phát triển và hệ quả tất yếu kéo theo là sự giả dối, giả hình, an phận xuất hiện.

Cũng cần nên bàn đến một trong những nguyên nhân khiến ta sợ khổ ngại khó, đó là thời gian. Tháng năm chất chồng, sức ì của thể lý ảnh hưởng trên tâm lý. Cầu an, không muốn thay đổi, không muốn mạo hiểm là chuyện thường tình của tuổi tác. Nhìn lại những ngày đầu của Mẹ Hội Thánh, vạn sự khởi đầu nan thế mà Đức Giê-su tin tưởng giao phó sự nghiệp của Ngài cho những chàng trai trẻ. Đứng đầu Nhóm Mười Hai là Thánh Phê-rô, dù Ngài đã có vợ nhưng vẫn trẻ hơn Đức Giê-su vì tập tục kết hôn ở Do-thái thời bấy giờ rất sớm. Ngài mất vào năm 64 mà đâu phải là chết già. Chúng ta đừng quên tuổi thọ trung bình nước Việt Nam chúng ta vào năm 1945 vẫn là dưới 50, có thể Thánh Phê-rô cũng trạc tuổi bằng Thánh Phao-lô sinh vào những năm 8 – 10 sau Công Nguyên. Tin Mừng Gio-an tường thuật Đức Giê-su đã từng gọi các Tông Đồ là “những người con bé nhỏ của Thầy” ( Ga 13, 33 ). Thánh Phao-lô trên đường đi Đa-mát được gọi trở lại làm Tông Đồ cho Chúa cũng vào khoảng 26 tuổi. Đức Giê-su đã từng tin vào tuổi trẻ. Tuổi trẻ có ưu điểm gì ? Chắc chắn không ai chối cãi sự quả cảm dấn thân, không ngại khó, sợ khổ của họ.

Ngay tại quê hương Việt Nam chúng ta, những bước chân truyền giáo của những con người không ngại khổ sợ khó cũng chính là những con người trẻ trung. Thánh Linh Mục Théophane Vénard-Ven đến Việt Nam truyền giáo lúc 23 tuổi, Linh Mục Âu-tinh Schoeffler Đông lúc 24 tuổi, Linh Mục Louis Bonnard Hương lúc 25 tuổi, Giám Mục Đa-minh Heneres Minh ( Xuân ) lúc 25 tuổi và nhiều vị khác cũng đang tuổi xuân. Tuổi trẻ, tuổi dám hy sinh và cũng là tuổi không ngại đối diện với sự thật. Càng trẻ người ta càng thật hơn, “ra ngõ hỏi già về nhà hỏi trẻ”. Có lẽ thời gian và chức vụ phần nào đó khiến ta ít còn thật là mình.

Lại xin ước mơ Năm Thánh Truyền Giáo 2004 này có thật nhiều gương mặt trẻ đến tận các ngõ ngách buôn làng như những bước chân của Đức Giê-su và các môn đệ năm xưa. Mong sao có bóng dáng Tu Sĩ nam nữ, Chủng Sinh, Linh Mục trẻ dám quên mình nơi các Họ Đạo nghèo, xa. Nghĩ đến các tay thợ gặt chuyên biệt trẻ hôm nay, phải chăng có chút gì đó làm cho các đấng bậc cao trọng ngần ngại, e dè. Quả thật, cái không khí hưởng thụ của nền văn minh hiện đại này đã thấm nhiễm thói quen sống của rất nhiều người. Tuy nhiên hữu ý hay vô tình có sự góp tay của chúng ta cách nào đó thì nó mới “hiển ngự” trong cách sống của những con người trẻ tận hiến.

Tuổi đời vào Chủng Viện hay Tập Viện hiện nay dường như khá lớn ( khoảng 24 – 28 tuổi ). Rồi tiếp đến những năm đào tạo thật đầy đủ tiện nghi. Hết khấn rồi đến thời gian Kinh Viện, học Thần học, nào có phải bôn ba sương gió gì chăng ? Mọi sự hầu như được chuẩn bị sẵn và nắng mưa ít dãi dầm. Nói đến đây ta phải thẹn với các bạn trẻ sinh viên tình nguyện mỗi lần hè đến. Cẩn thận thì tốt nhưng thái quá thì không, đặc biệt khi ta vô tình tạo nếp sống đủ đầy tiện nghi kéo dài thì khó mà có nhiều tay thợ gặt dám đương đầu với cái khổ, sự khó nhất là khi ra cánh đồng thực tập thì tuổi đã qua hoặc gần qua cái giai đoạn nhi lập ( tam thập ).

Cũng về phương diện muốn nâng cao nền đạo đức xã hội nước nhà thì ước mơ cuối cùng là Mẹ Giáo Hội Việt Nam không được phép làm người ngoại cuộc như Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chỉ dạy, mà trước tiên từ hàng Giáo Phẩm, Giáo Sĩ, Tu Sĩ cần chu toàn nhiệm vụ công dân của mình. Trước hết phải đồng chịu trách nhiệm về tình trạng suy đồi đạo đức của xã hội Việt Nam chúng ta hiện nay, kế đến cần tích cực mạnh dạn góp ý và xây dựng. Giả như chưa có được diễn đàn ở xã hội thì ít là luôn có đó diễn đàn trong Giáo Hội. Ví như chuyện toàn Giáo Phận Sài-gòn vừa qua đã cùng thảo luận góp ý bản dự thảo Pháp Lệnh Tôn Giáo. Mong sao không dừng lại ở lãnh vực tôn giáo mà còn tích cực tham gia nhiều lãnh vực thiết thực khác của quê Việt chúng ta.

Cuối cùng, một điều không thể thiếu đó là cụ thể hóa những ước mơ trên bằng việc làm. Với các bậc làm mẹ, làm cha, làm thầy, xin đừng đứng phía sau mà hô “xung phong” nhưng nên tiến lên đi đầu và nói “hãy theo tôi”. “Thầy đã làm gương cho anh em để anh em cũng làm như Thầy ĐÃ làm cho anh em” ( Ga 13, 15 ). “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy ĐÃ yêu thương anh em” ( Ga 15, 12 ). Một Vị Thầy của các Đức Thầy đã, đang và mãi luôn đi phía trước.

Lm. Giu-se NGUYỄN VĂN NGHĨA, Thuận Hiếu, 7.1.2004

------------------------------

 

Truyền_giáo 22: LINH HỒN CỦA MỌI VIỆC TRUYỀN GIÁO


“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.

Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho,

anh em cũng thế, nếu anh em không ở lại trong Thầy.”

( Gio-an 15, 4 )

 

Không bao giờ làm được sự gì lâu bền nếu không ấp ủ một khối tình lớn. Vậy, trong các hoạt động: Truyền_giáo 22


Không bao giờ làm được sự gì lâu bền nếu không ấp ủ một khối tình lớn. Vậy, trong các hoạt động của chúng ta, tình thương phải chiếm hàng đầu, tâm trí phải hướng về Thiên Chúa trước hết và trên hết mọi sự. Do đó, chúng ta nhất định về việc làm của mình, về thời cuộc, về con người, theo nhãn quan Thiên Chúa, nghĩa là nhìn từ trên cao với đôi mắt hiền từ, không thành kiến.

Chỉ có một đời sống gắn bó với Thiên Chúa mới cụ thể cho người ta khả năng vị tha xả kỷ không giới hạn. Tận tâm phục vụ giúp đỡ tha nhân, thái độ ấy biểu hiện một tâm tình hoàn toàn sẵn sàng đón nhận tác động của Thiên Chúa nơi chúng ta. Đồng tâm nhất trí với nhau, tất nhiên sẽ hoạt động như nhau. Việc của người tông đồ trở thành việc của Thiên Chúa.

Chúa tác động trong tâm hồn những kẻ Chúa dùng làm sứ giả, một tác động có sức mạnh vô biên. Nhiệm vụ chúng ta là hiến cho Thiên Chúa một cơ hội để Người biểu hiện quyền năng và tình yêu của Người qua con người chúng ta. Động lực mạnh mẽ thúc đẩy chúng ta dễ hy sinh tận tụy chính là niềm vui sướng được thấy rằng mình tận tâm mà thế gian biết rõ Chúa hơn, yêu mến Chúa sâu đậm hơn.

Sống thánh thiện có nghĩa là phát huy Lòng Mến là nhân đức rường cột. Thế mà, việc tông đồ chân chính chung quy cũng chỉ là việc thực hành Lòng Mến. Bất cứ việc gì, nếu được tình thương làm cho thăng hoa và quy về Nước Thiên Chúa, thì cũng đều trở nên một sự thánh hóa, một niềm hoan lạc cho Nước Trời lẫn thế gian hạ giới.

Ngọn lửa Lòng Mến do Thần Linh Thiên Chúa thắp lên trong lòng chúng ta phải luôn luôn nung nấu chúng ta, biến đổi mọi hoạt động của chúng ta thành công việc truyền giáo. Cái nhìn của tâm hồn về phía Thiên Chúa sẽ khiến cho đời sống chúng ta được thuần nhất. Điểm này cực kỳ quan trọng đối với một thế giới bị giằng co giữa những nhiệm vụ bề ngoài tưởng như không thể dung hòa được.

Thiên Chúa sống mật thiết trong chúng ta bao nhiêu thì chúng ta càng được Người ban cho đức tính đơn sơ của Người bấy nhiêu, đức đơn sơ thần thánh ấy chính là sự sống sung mãn...

DOM CHAUTARD, trích LỜI KINH TỪ CUỘC SỐNG,
bản dịch của cụ LÊ VĂN LỘC

------------------------------

 

Truyền_giáo 23: NGHĨ VỀ VIỆC TRUYỀN GIÁO HÔM NAY

 

Việc Truyền Giáo hay sứ mạng Loan Báo Tin Mừng không còn là những từ ngữ, những ý niệm: Truyền_giáo 23


Việc Truyền Giáo hay sứ mạng Loan Báo Tin Mừng không còn là những từ ngữ, những ý niệm mới mẻ và xa lạ đối với nhiều người tín hữu chúng ta hôm nay. Có lẽ, mỗi người tín hữu trong chúng ta cũng đều biết và ý thức phải thực thi lệnh truyền của Đức Ki-tô: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" ( Mc 16,15a ) trong lần gặp gỡ cuối cùng của Ngài với các môn đệ trước khi về trời.

Qua dòng lịch sử, chúng ta thấy rằng Giáo hội của Chúa Ki-tô đã không ngừng nỗ lực, cố gắng để thực thi lệnh truyền đó: Bắt đầu từ thời các Tông đồ, rồi tiếp đến là các thế hệ của những vị thừa sai qua mọi thời đại, thuộc nhiều tầng lớp trong cộng đồng dân Chúa đã cùng nhau nỗ lực không ngừng bằng nhiều cách thế và phương tiện khác nhau để thực hiện lệnh truyền này. Thế nhưng, ý thức trách nhiệm là một chuyện, còn triển khai sứ vụ đó và thực hành như thế nào thì lại là một việc không phải là đơn giản và dễ dàng. Thật vậy, sau gần 20 thế kỷ nỗ lực truyền giảng Tin Mừng, Giáo Hội Công Giáo đã đầu tư rất nhiều công sức, tài lực, vật lực và rất nhiều những nhân chứng đức tin đã đổ máu đào để làm chứng cho niềm tin... thế nhưng kết quả thu được xem ra cũng không phấn khởi cho lắm hay nói cách khác, kết quả việc Truyền Giáo của chúng ta – nếu nhận xét cách trung thực – xem ra quá khiêm tốn mà bảng tổng kết so sánh sau đây có thể phần nào minh hoạ cho những nhận định vừa nêu.

 
DÂN SỐ 1995 1997 1999 2000 2025
THẾ GIỚI 5.759.276 5.892.480 6.010.779 6.091.351 8.039.130
KI-TÔ HỮU 1.939.419 1.955.993 1.990.018 2.015.743 2.710.800
NGOÀI KI-TÔ 3.819.857 3.897.454 4.020.761 4.075.608 5.328.330
CÔNG GIÁO 1.052.116  992.295 1.040.018 1.053.104 1.376.282
HỒI GIÁO 1.057.599 1.154.302 1.189.359 1.215.693 1.894.436
PHẬT GIÁO  341.096  328.233  358.527  362.245  423.046

Bảng thống kê này do International Bulletin thực hiện, nguồn do David B.Barrett and Todd M. Johnson, "Status of Global Mission in the Context of 20th and 21 st Centuries", January 1999. Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu một vài con số của bảng thống kê nhằm phù hợp với chủ đích của bài viết mà thôi[1]. ( Dân số xin được tính là ngàn người [ 1000 ] )

Nếu nhìn vào các nước tại khu vực Châu Á thì tình trạng xem ra còn bi đát hơn:

Khi so sánh với toàn dân số Châu Á thì tỷ lệ người Công Giáo là 3 %. Trong đó tỷ lệ người Công Giáo tại một số nước như An-độ là 1,8 %; Indonesia 2,82 %; Miến-điện 1,2 %; Phi-luật-tân 83,1 %; Thái-lan 0,42 %; và Việt Nam là 7,94 %[2]

Như chúng ta đã biết là từ vài năm trở lại đây và cho tới tương lai dài rộng sau này, nhân loại đang dần xích lại gần nhau hơn, nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại cộng thêm với trình độ phát triển về phương tiện giao thông tân tiến làm cho hàng rào giữa các quốc gia và khu vực như được rút ngắn. Hay nói cách khác là biên giới giữa các quốc gia đã dần bị phá bỏ như trường hợp các nước trong cộng đồng chung Châu Âu hay các quốc gia trong khối Asian hiện nay để cùng nhau xây dựng một làng thế giới trong viễn quan toàn cầu hóa trên mọi lãnh vực...

Mặt khác, nhân loại hôm nay lại đang có một cuộc sống phong phú, đa dạng với nhiều chính kiến, trường phái, thái độ tôn giáo khác nhau. Từ những nguyên nhân khách quan trên đây đã kéo theo hệ quả là công cuộc Truyền Giáo của Giáo Hội không được tiến triển thuận lợi ( theo cả số lượng và chất lượng ) mà hai bảng thống kê vừa nêu trên cũng phần nào minh họa. Trong một bối cảnh có xu hướng vừa thống nhất toàn cầu, vừa đa dạng, đa phương và phức tạp như thế, đã đặt ra cho chúng ta nhiều bận tâm và vấn nạn khi phải thực thi mệnh lệnh Truyền Giáo này.

Do vậy, để có thể thực hiện tốt sứ vụ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc – mà cách riêng đối với Giáo Hội Việt Nam chúng ta thì đây là nhiệm vụ căn bản và cấp bách trong năm 2004 này: Năm Thánh Truyền Giáo của Giáo Hội Việt Nam – đồng thời Giáo Hội ( cách riêng là Giáo Hội Việt Nam ) xóa bỏ dần đi bức tường ngăn cách như một kẻ đứng “bên lề” dòng chảy của cuộc đời; theo thiển ý, chúng ta nên bắt đầu bằng những nguyên tắt sau đây:

1. CẦN CÓ MỘT THÁI ĐỘ CỞI MỞ CHÂN THÀNH:

Người Việt Nam nói chung và người Công Giáo Việt Nam chúng ta nói riêng từ khi sinh ra đã được sống, được hít thở trong bầu không khí và nếp sống văn hóa đình làng; được bảo bọc, gìn giữ trong lũy tre xanh. Hơn nữa, khi đón nhận Tin Mừng, chúng ta lại được hấp thụ một nền Giáo Lý mang tính “độc tôn”; từ đó hình thành nên nơi người Việt Nam một tâm tính, một thái độ mang tính “duy ngã độc tôn” được biểu hiện với những tính cách như chỉ có của tôi, dòng họ tôi, làng tôi mới tốt, mới xứng đáng, mới là số một; còn các làng khác, các nơi khác là thua, là kém, chẳng xứng đáng tí nào... và tâm thức này cũng ảnh hưởng ngay tới thái độ sống đức tin của Giáo Dân Công Giáo ( nhà mình ): chỉ có Chúa của tôi, đạo Công Giáo của tôi mới là trọn tốt trọn lành, mới là chính đạo, còn tất cả các đạo, các tôn giáo khác là lầm lạc thậm chí nhiều khi còn bị cho là tà đạo nữa là khác.

Hơn nữa, sự bảo thủ và lối sống khép kín như vậy còn được biểu hiện ra ở những cung cách, những sinh hoạt đạo đức, phượng tự của mình. Vô hình chung, chúng ta – những tín hữu Công Giáo – đã tự tách mình ra khỏi dòng chảy của thời cuộc, khỏi quy luật phát triển chung của xã hội, đất nước, và của nhân loại. Phải chăng rào cản của “sự nghiệp” phát triển Tin Mừng tại Việt Nam chúng ta chính là ở điểm này ?

Thấy được những rào cản, những điểm hạn chế nơi cung cách sống đạo của mình; thì việc đầu tiên     ( lẽ đương nhiên ) là chúng ta phải tháo bỏ những rào cản đó để cùng hòa mình, cùng sống và chia sẻ với mọi người, biết nhìn nhận những giá trị cao quý nơi các truyền thống tâm linh, nơi các tôn giáo khác[3]. Hơn nữa chúng ta cũng phải biết chân thành cộng tác với những người khác trong đối thoại huynh đệ, cùng nỗ lực cộng tác với mọi người để xây dựng những thiện ích chung cho cộng đồng nhân loại bằng cách khuất phục đói khát, dốt nát và bệnh tật[4]... Giáo Hội hôm nay, không những chỉ cùng đồng hành với dân tộc nhưng hơn nữa còn phải biết sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc[5] của mình.

Hiểu, ý thức và sống được như vậy, cộng đoàn Giáo Hội không còn là một thực thể xa lạ ngoại lai, là những kẻ đứng “bên lề” cuộc đời mà còn hơn thế nữa, người tín hữu chúng ta sẽ phải mang lấy tất cả những ưu tư, khắc khoải cũng như sự vui mừng và hy vọng của con người hôm nay như là của chính mình[6] để cùng góp phần làm thăng tiến cuộc sống. Những nguyên tắc có “tính đời thường” vừa được nêu ra trên đây xem ra có vẻ quá quen thuộc đối với chúng ta; nhưng có lẽ cũng không thừa khi phải nhắc lại những nguyên tắc căn bản này bởi nó chính là đầu mối, là nền tảng căn bản trong việc khởi đầu của sứ mạng loan báo Tin Mừng. Và khi chúng cùng đến với những anh chị em khác bằng sự hiểu biết tin tưởng khi đối thoại, bằng sự cảm thông chia sẻ khi cùng đồng hành với họ thì cũng chính là lúc chúng ta đang cùng sống với đức Ki-tô trong Mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ ở giữa chúng ta” ( Ga 1, 14 ). Thật vậy, khi đọc lại các trình thuật Tin Mừng, chúng ta thấy cuộc đời của đức Ki-tô đâu có làm gì khác hơn ngoài việc Ngài cùng sống, cùng chia sẻ và đồng hành với mọi người bằng những việc làm cụ thể là lo cho họ ăn, chữa lành bệnh tật rồi sau đó, Ngài mới “tính đến” chuyện đức tin, chuyện loan báo Nước Trời.

2. RAO GIẢNG BẰNG ĐỜI SỐNG CHỨNG TÁ

Ngày nay, nhiều người vẫn nói đến các cuộc khủng hoảng của giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh - sinh viên. Người ta đã tìm hiểu và nhận thấy rằng một trong những lý do chính dẫn đưa các bạn tới những khủng hoảng ở giai đoạn này đó là vì các bạn luôn bị giằng co từ những điều các bạn đã chứng kiến lại khác xa với những gì các bạn học được từ những sách vỡ, từ lời dạy của thầy cô, cha mẹ, người lớn... và từ đó các bạn đâm ra hoang mang, không tin tưởng, bất mãn, chán đời... Và như vậy, điều cần thiết cho thế hệ trẻ và cho con người hôm nay nói chung là cách sống, cách hành xử thực tế đời thường phải đúng với những điều mình nói, mình nghe và mình dạy người khác làm: nói và dạy trên lý thuyết thì dễ dàng quá; còn thực thi được những điều mình nói, mình đã dạy thì thật dễ có mấy ai !

Đức Giáo Hoàng Phao-lô 6 đã từng có lần nói rằng con người ngày hôm nay cần những chứng nhân hơn là những thầy dạy. Và thực tế vẫn được ghi nhận là cho đến hôm nay, người ta vẫn còn hằng tôn sùng và nêu cao những tấm gương sống động của Thánh Linh Mục M.Kolbé, của Đức Giám Mục Oscar Roméro tại Nicaragoa, của Mẹ Thánh Tê-rê-sa Thành Calcuta... là những người đã sống, đã làm chứng bằng chính cuộc đời và ngay cả mạng sống để tô đậm và minh hoạ cho lời rao giảng của mình.

Tục ngữ Việt Nam vẫn nói: Lời nói gió bay, gương lành lôi kéo, câu tục ngữ này thật thích hợp cho vấn đề đang nói ở đây. Thật vậy, truyền giảng Tin Mừng là thông truyền, là loan báo và làm chứng cho niềm tin của mình: Một niềm tin vào một Thiên Chúa tình thương đang sống và đang cùng đồng hành với con người; Ngài mời gọi mọi người chúng ta đến với Ngài để cùng chia sẻ hạnh phúc trong sự sống vĩnh cửu... thì thật là có phản chứng quá không khi những người tín hữu chúng ta, trong đời sống đức tin của mình thường biểu hiện một đời sống đạo dúm dó, đối phó, cuộc sống không được an vui, hành đạo một cách máy móc, nệ luật... thì làm sao có thể lôi kéo được ai, bởi vì chính bản thân người đang thực hiện việc hành đạo đó lại đang nêu ra một tấm gương chẳng lành ?

3. CẦN MỘT ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN SÂU XA

Không như những xướng ngôn viên, những người “thợ nói” trong các chương trình, người tín hữu chúng ta khi đi Truyền Giáo là đi loan báo Tin Mừng cứu độ, là công bố cho người khác biết một Chân Lý Tình Thương của Thiên Chúa đã thương ban cho con người, mà trước tiên là cho chính bản thân của họ. Do vậy, hơn ai hết, người tín hữu phải là người có cảm nghiệm sâu sắc về tình thương của Thiên Chúa trong sự kết hợp với Ngài được biểu hiện qua đời sống cầu nguyện của mỗi người. Và chính khi kết hợp mật thiết với Chúa bằng đời sống cầu nguyện sâu xa đó, tự nó cũng là một lời loan báo, một sự làm chứng rồi. Bằng không, những lời truyền giảng của họ chỉ là những tiếng kêu la inh ỏi và là những tiếng rao vặt vô hồn.

Như chúng ta vẫn biết, một khi đã có được sự xác tín sâu xa vào tình thương của Thiên Chúa, thì đồng thời người tín hữu cũng tự biết bày tỏ niềm tin của mình qua đời sống khiêm nhu, thân ái, hiền hòa, nhẫn nhục, chân thành với mọi người như lời thánh Phao-lô nhắn gởi Giáo Dân Cô-rin-tô trong Bài Ca Đức Ái ( 1 Cr 13, 4 – 7 ). Với một tấm lòng tràn đầy ân lộc và bình an được nhận lãnh từ sự gắn bó với Chúa, người tín hữu dễ dàng đến với mọi người, dễ thu phục nhân tâm để làm chứng và rao truyền niềm tin. Hơn nữa, một khi đã cảm nhận được những ân phúc của Thiên Chúa thương ban cho bản thân mình, tự khắc người tín hữu sẽ bày tỏ, sẻ chia niềm vui đó cho những anh em đồng loại. Việc tỏ bày, sẻ chia đó, phải chăng cũng chỉ là một tên gọi khác thay cho từ ngữ Truyền Giáo, thay cho ý niệm loan báo Tin Mừng ?

Vẫn biết rằng Truyền Giáo là loan báo Tin Mừng Cứu độ, là loan báo Chúa Ki-tô cho mọi loài thọ sinh. Nhưng phương cách Truyền Giáo của ngày hôm nay không phải là phương cách của ngày xưa và cũng không thể áp dụng một công thức Truyền Giáo cho nhiều nền văn hóa, nhiều vùng đất, nhiều miền. Khi nói đến việc Truyền Giáo cho con người ngày hôm nay, Giáo Hội đã biết thích ứng, biết cảm thông và tôn trọng.

Thực tế cho chúng ta thấy là từ vài mươi năm trở lại đây, nhất là từ Công Đồng Va-ti-can 2, đường lối Truyền Giáo của Giáo Hội không còn là áp đặt, mang tính chiếm lĩnh, mở mang diện tích, thống kê số lượng... nhưng Truyền Giáo của ngày hôm nay là rao giảng, là trình bày cho người khác Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa bằng lời nói và nhất là bằng gương sáng, việc làm; thứ đến là biết đối thoại, cảm thông với người khác và hội nhập Tin Mừng của Chúa Ki-tô vào văn hóa của từng vùng đất từng miền; và sau cùng Truyền Giáo chính là việc phát triển con người toàn vẹn. Công việc cuối cùng này không phải là việc của riêng ai nhưng là công việc chung của mọi con người thiện chí trên khắp hành tinh này. Bởi lẽ Vinh quang của Thiên Chúa là chính sự sống của con người ( Thánh I-rê-nê ).

LÊ VĂN LA VINH, Op

------------------------------

 

Truyền_giáo 24: SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO


SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO  CỦA ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II
"Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng" (Tv 89 [88], 2).

Anh chị em thân mến !


 

Chúng ta đã cử hành với một niềm vui thâm sâu Đại Năm Thánh cứu chuộc, thời gian ân sủng: Truyền_giáo 24


1.      Chúng ta đã cử hành với một niềm vui thâm sâu Đại Năm Thánh cứu chuộc, thời gian ân sủng cho khắp Giáo Hội. Lòng thương xót Chúa, mà tất cả người tín hữu kinh nghiệm, kêu mời chúng ta "ra khơi", bằng cách ghi nhớ quá khứ với lòng biết ơn, bằng cách sống say mê thời hiện tại và bằng cách khai mở đến tương lai với niềm hy vọng. Xác tín rằng "Chúa Giêsu vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi" (Dt 13,8) (x. Tông thư Novo Millennio ineunte, n. 1). Dự phóng này về tương lai, được niềm hy vọng soi sáng, phải là nền tảng hành động của toàn thể Giáo Hội trong ngàn năm mới. Đó là sứ điệp mà tôi ao ước gửi tới mỗi tín hữu nhân dịp Ngày Thế Giới Truyền Giáo sẽ cử hành ngày 21 tháng Mười tới đây.

2.      Thật vậy, đây là thời gian phải nhìn ra trước, ngước mắt hướng về dung nhan Chúa Giêsu (x. Dt 12,2). Thần Khí kêu gọi chúng ta "hướng về tương lai đang chờ đợi chúng ta" (Novo Millennio ineunte, n. 3), chứng minh và tuyên xưng Chúa Kitô bằng cách tạ ơn "vì những việc lạ lùng" Chúa đã thực hiện nơi chúng ta. "Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng" (Tv 89 [88],2)" (ibid. n. 2). Nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm ngoái, tôi đã muốn nhắc lại sự dấn thân truyền giáo xuất phát từ việc say sưa chiêm ngắm Chúa Giêsu. Người Kitô hữu nào đã chiêm ngắm Chúa Giêsu, không thể không cảm thấy bị lôi cuốn bởi ánh sáng của Người (Vita Consecrata, n. 14) mà dấn thân minh chứng niềm tin của mình vào Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất của loài người.

Việc chiêm ngắm gương mặt Chúa cũng gợi ý các môn đệ "chiêm ngắm" gương mặt của các người nam và nữ ngày nay : Thực vậy, Chúa đồng hoá mình "với các anh em nhỏ nhất của Người" (x. Mt 25,40.45). Việc chiêm ngắm Chúa Giêsu, "người truyền giáo đầu tiên và vĩ đại nhất" (Evangelii nuntiandi, n. 7), biến chúng ta thành những nhà rao giảng Tin Mừng. Việc chiêm ngắm đó cho chúng ta biết được ý muốn của Người là ban sự sống đời đời cho những kẻ Chúa Cha đã trao phó cho Người (x. Ga 17,2). Thiên Chúa muốn rằng "tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1 Tm 2,4), và Chúa Giêsu biết rằng thánh ý Chúa Cha là muốn Người cũng rao giảng Nước Chúa cho các thành khác : "Tôi được sai đi cốt để làm việc đó" (Lc 4,43).

Kết quả của việc chiêm ngắm các "anh em nhỏ nhất" là nhận thấy rằng tất cả mọi người, mặc dầu cách mầu nhiệm, đều tìm kiếm Chúa bởi vì đã được Chúa dựng nên và được Chúa yêu. Đó là điều mà các môn đệ đầu tiên khám phá ra : "Mọi người đang tìm Thầy đấy" (Mc 1,37). Và các người Hy Lạp, thay mặt các thế hệ tương lai, van xin : "Chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu" (Ga 12,21). Phải, Chúa Kitô là ánh sáng thật soi sáng mọi người đến trong thế gian này (x. Ga 1,9) : mọi người tìm kiếm Người "cách dò dẫm" (Cv 17,27), bị thúc đẩy bởi một sự hấp dẫn bên trong mà họ không biết nguồn gốc. Nguồn gốc đó giấu kín trong tim Chúa, nơi rung động một ý muốn cứu rỗi phổ quát. Chúa dạy chúng ta minh chứng và loan truyền điều đó.

Để đạt được mục đích này, Chúa bao bọc chúng ta, như trong ngày hiện xuống mới, bằng lửa của Thần Khí Người, bằng tình yêu và sự hiện diện của Người : "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).

3.      Thái độ mà Chúa đòi hỏi tất cả mọi Kitô hữu, là nhìn tới trước với niềm tin và hy vọng, thái độ đó cũng là hoa quả của Năm Thánh. Chúa ban cho chúng ta vinh dự là tín nhiệm chúng ta và thương xót gọi chúng ta đến phục vụ Người (1 Tm 1,12.13).

Đây không phải là một sự kêu gọi dành riêng cho một số người, nhưng là một sự kêu gọi vọng tới mọi người, tới mỗi người trong hoàn cảnh sống riêng của mình. Trong Tông thư Novo Millennio ineunte, tôi đã viết về vấn đề này : "Sự say mê này không thể không khơi động trong Giáo Hội một tinh thần truyền giáo mới, tinh thần này không chỉ dành riêng cho một nhóm người "chuyên viên", nhưng phải ràng buộc trách nhiệm của tất cả thành phần Dân Chúa. Ai đã thực sự gặp gỡ Đức Kitô, không thể giữ Người lại cho riêng mình, kẻ ấy phải loan báo Người. Phải có một sự hăng say tông đồ mới, những cộng đồng và những tổ chức Kitô giáo phải sống tính hăng say đó như một cam kết hằng ngày. Đề nghị của Chúa Kitô phải được tất cả nhận lãnh với sự tín cẩn. Người ta sẽ nói với những kẻ trưởng thành, với các gia đình, với các người trẻ, với các trẻ em, mà không bao giờ giấu giếm những yêu sách căn bản nhất của sứ điệp Tin Mừng, nhưng phải đi trước những yêu sách của mỗi người trong những gì liên hệ đến tính nhạy cảm và ngôn ngữ, theo gương thánh Phaolô khẳng định : "Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người" (1 Cr 9,22) (n. 40).

Cách riêng, sự kêu gọi truyền giáo có tính cấp bách đặc biệt nếu chúng ta nhìn xem phần lớn nhân loại chưa biết hay không nhìn nhận Chúa Kitô. Phải, thưa anh chị em thân mến, sứ vụ truyền giáo ngày nay quan trọng hơn bao giờ. Tôi ghi nhớ trong tim tôi gương mặt của nhân loại mà tôi có thể chiêm ngưỡng trong các cuộc hành hương của tôi : chính dung nhan Chúa Kitô phản ảnh trong gương mặt những người nghèo và những người đau khổ, dung nhan Chúa Kitô sáng chói trong những hạng người sống như "con chiên không kẻ chăn" (Mc 6,34). Tất cả người nam và tất cả người nữ đều có quyền được dạy cho biết "nhiều điều" (ibid.).

Trước sự minh nhiên của tính mỏng giòn và bất lực của chúng ta, con người bị cám dỗ giải tán họ, đó cũng là cơn cám dỗ của người tông đồ. Ngược lại, chính lúc đó, khi nhìn ngắm gương mặt của Đấng Đáng Yêu, mỗi người phải nghe lại lời Chúa Giêsu : "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn" (Mt 14,16 ; Mc 6,37). Như vậy, cùng một lúc người ta kinh nghiệm sự yếu kém của con người và ân sủng của Chúa. Ý thức về sự mỏng giòn tất yếu, đánh dấu chúng ta cách thâm sâu, chúng ta cảm thấy nhu cầu cảm tạ ơn Chúa vì những gì người đã thực hiện qua chúng ta và vì những gì Người sẽ thực hiện qua ân sủng của Người.

4.      Trong dịp này, làm sao mà không nhắc tới tất cả các vị thừa sai, các linh mục, các tu sĩ nam nữ và các giáo dân, những người đã lấy sứ vụ truyền giáo và sứ vụ sự sống làm lẽ sống cho mình ? Qua cách sống này, họ cao rao "ân sủng của Chúa không cùng" (Tv 89). Thường cái "không cùng này" đi tới chỗ đổ máu : nhiều người đã là những "nhân chứng đức tin" trong thế kỷ qua ! Cũng chính nhờ họ hiến mình cách quảng đại mà Nước Chúa đã có thể mở rộng. Chúng ta biết ơn và cầu nguyện cho họ. Gương lành của họ là một kích thích và là một sự nâng đỡ cho tất cả mọi người tín hữu để họ nên can đảm vì thấy mình "được bao quanh bằng ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây" (Dt 12,1), những kẻ, qua sự sống và lời nói của mình, đã và đang làm cho Tin Mừng vang dội trên tất cả các lục địa.

Phải, thưa anh chị em thân mến, chúng ta không thể làm thinh bởi chúng ta đã thấy và đã nghe (x. Cv 20). Chúng ta đã thấy công trình của Thần Khí và vinh quang của Thiên Chúa hiển hiện trong sự yếu đuối (x. 2 Cr 12 ; 1 Cr 1). Ngày nay cũng vậy, một số đông người nam và nữ, qua sự tận tuỵ và hy sinh của họ, cho chúng ta thấy dấu chỉ hùng hồn tình yêu của Chúa. Nhờ họ, chúng ta đã nhận lãnh đức tin và chúng ta được thúc đẩy, tới phiên mình, làm những kẻ tuyên cáo và những chứng nhân của mầu nhiệm.

5.      Sự truyền giáo là "việc loan báo vui tươi về một ân huệ hiến cho tất cả và phải được đề nghị cho tất cả, nhưng tôn trọng hết sức sự tự do của mỗi người : ân huệ mặc khải của Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng "đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người" (Ga 3,16). Như vậy, Giáo Hội không thể lẩn tránh sinh hoạt truyền giáo đối với các dân tộc, và điều không kém quan trọng là nhiệm vụ đầu tiên của sứ vụ truyền giáo là loan báo rằng chính trong Chúa Kitô, "là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống" (Ga 14,6) mà con người được ơn cứu độ" (Novo Millennio ineunte, 56). Đó là một sự mời gọi gửi tới mọi người, đó là một sự kêu gọi khẩn thiết phải được đáp ứng cách mau lẹ và quảng đại. Phải đi tới đó ! Phải lên đường, không để trễ, như Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu ; như các mục tử thức dậy với tiếng gọi đầu tiên của thiên thần ; như bà Maria Mađalêna khi thấy Chúa Giêsu Phục Sinh. "Đầu ngàn năm mới này, bước đi của chúng ta phải lanh lẹ khi đi lại những con đường thế giới. Chúa Kitô Phục Sinh hẹn gặp chúng ta tại phòng Tiệc Ly, ở đó, buổi chiều "ngày thứ nhất trong tuần" (Ga 20,19), Người hiện ra trước mặt các môn đệ để "thở hơi" trên các ông, ban hồng ân sống động Thần Khí và đẩy các ông vào trong cuộc mạo hiểm vĩ đại rao giảng Tin Mừng" (x. ibid. n. 58).

6.      Anh chị em thân mến ! Sứ vụ đòi hỏi phải cầu nguyện và dấn thân cụ thể. Việc truyền bá vi diệu Tin Mừng (diffusion capillaire de l’Evangile) bao hàm nhiều sự cần thiết. Năm nay, chúng ta mừng kỷ niệm thứ 75 việc thành lập Ngày Truyền Giáo do Đức Piô XI, ngài đã chấp nhận thỉnh nguyện của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, thiết lập "một ngày cầu nguyện và cổ động cho các xứ truyền giáo", ngày đó phải cử hành cùng một ngày trong tất cả các giáo phận, giáo xứ, những cơ chế thuộc thế giới công giáo  và có mục đích xin tiền đóng góp nhỏ mọn cho các Hội Truyền Giáo" (Thánh bộ Nghi Lễ : Thiết lập Ngày Thế Giới Truyền Giáo, 14/04/1926 ; AAS 19 (1927), tr. 23 tt). Từ đó, Ngày Truyền Giáo tạo ra một dịp đặc biệt để nhắc Dân Chúa lưu tâm tới hiệu lực vĩnh viễn của uỷ nhiệm truyền giáo, bởi vì "việc truyền giáo liên quan tới tất cả mọi người Kitô hữu, tất cả các giáo phận, và tất cả các giáo xứ, tất cả các cơ chế và tất cả những hiệp hội Giáo Hội" (Thông điệp Redemptoris Missio, n. 2). Đồng thời đây là một dịp tiện để nhắc lại rằng "các Hội Truyền Giáo không những xin giúp đỡ, mà còn xin chia sẻ với việc loan báo truyền giáo và đức bác ái với người nghèo. Tất cả những gì chúng ta đã lãnh nhận từ Thiên Chúa - sự sống cũng như những của cải -  không phải là cho chúng ta" (Thông điệp Redemptoris Missio, n. 81). Ngày này có tầm quan trọng trong đời sống Giáo Hội, "bởi vì nó dạy phải cho làm sao : trong khi cử hành Thánh Thể, nghĩa là như của lễ dâng lên Thiên Chúa, và cho tất cả các Hội Truyền Giáo trên thế giới" (ibid.) Mong sao cho việc kỷ niệm này là một dịp thuận lợi để suy tư về sự cần thiết của một cố gắng chung quan trọng hơn, hầu cổ võ tinh thần truyền giáo và cung cấp những trợ giúp vật chất mà các nhà thừa sai cần tới.

7.      Trong bài giảng Thánh lễ bế mạc Năm Thánh năm 2000, tôi đã nói : "Phải bắt đầu lại từ Chúa Kitô", với lòng hăng say của ngày lễ Hiện Xuống, với một sự nhiệt tình đổi mới. Bắt đầu lại từ Người, trước hết bằng những cố gắng nên thánh hằng ngày, chuyên lo cầu nguyện và lắng nghe tiếng Người. Bắt đầu lại từ Người cũng để minh chứng về Tình Yêu của Người" (n. 8) (x. ORLF n. 2 du 9 janvier 2001).

Do đó :

Hãy bắt đầu lại từ Chúa Kitô, anh (chị) là người đã gặp lòng thương xót của Chúa
Hãy bắt đầu lại từ Chúa Kitô, anh (chị) là người đã tha thứ và nhận lãnh ơn tha thứ.
Hãy bắt đầu lại từ Chúa Kitô, anh (chị) là người đã biết sự đau đớn và đau khổ.
Hãy bắt đầu lại từ Chúa Kitô, anh (chị) là người đã bị cám dỗ sống nguội lạnh : năm ân sủng là một thời gian vô tận.
Hãy bắt đầu lại từ Chúa Kitô, hỡi Giáo Hội của ngàn năm mới.
Hãy cất tiếng hát và hãy bước đi ! (x. Những Nghi thức kết thúc Thánh lễ Chúa Hiển Linh 2001).

Xin Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, Ngôi Sao Phúc Âm hoá, đồng hành với chúng ta trên con đường này như Mẹ đã ở bên các môn đệ trong ngày lễ Hiện Xuống. Chúng ta hướng về Mẹ, lòng đầy tin tưởng, ngõ hầu, nhờ lời Mẹ cầu bầu, Chúa ban cho chúng ta ơn bền đỗ với sự cam kết truyền giáo của chúng ta, một cam kết liên quan tới toàn thể Cộng đồng Giáo Hội.

Với những tâm tình này, tôi chúc lành cho tất cả anh chị em.

+ ĐGH Gioan Phaolô II

------------------------------

 

Truyền_giáo 25: Truyền Giáo Như Mẹ


- Lm. Phêrô Nguyễn hữu Duy

 

Truyền giáo như Mẹ Maria ? Mẹ có phải là nhà truyền giáo không ? Nếu theo cái nhìn cổ điển: Truyền_giáo 25


Truyền giáo như Mẹ Maria ? Mẹ có phải là nhà truyền giáo không ?

Nếu theo cái nhìn cổ điển, truyền giáo là được sai đi rao giảng thì nhiều người sẽ nghĩ rằng Đức Mẹ không phải là nhà truyền giáo. Kinh Thánh không nói Mẹ được sai đi và rao giảng ở đâu cả. Kinh Cầu Đức Bà có 2 bản, một liệt kê 50 danh hiệu và nhân đức của Mẹ, một liệt kê cách khác 45 danh hiệu và phẩm tính cao vời, có khi lập lại những nhân đức của kinh thứ nhất, vẫn không có danh hiệu ĐỨC MẸ

TRUYỀN GIÁO.

Chúng ta chỉ gặp thấy một câu gần với truyền giáo là “ Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ”. Nhưng thực ra, câu này không diễn tả mẹ trỗi vượt hơn các Tông Đồ- những nhà truyền giáo sau Chúa Giêsu về việc truyền giáo. Vì theo mạch văn, “Mẹ đã xưng mình là nữ tỳ hèn mọn, nên Chúa Cha đã tôn vinh Người làm nữ hoàng bên cạnh Chúa Con... ” (Lời Tiền Tụng lễ Đức Maria-Nữ Tỳ Của Chúa, Sách Lễ Rôma-trang 983), nên Mẹ là Nữ Vương mọi loài thọ tạo, và Kinh Cầu đã liệt kê : Nữ Vương các thánh thiên thần... tổ tông... tiên tri... tông đồ... theo khía cạnh ấy.

Đã vậy khi nói đến truyền giáo, chúng ta dễ nghĩ ngay đến một Thánh Phaolô-Tông đồ dân ngọai với 3 cuộc hành trình kéo dài 22 năm (năm 45-67), bôn ba trên biển, rảo khắp vương quốc Rôma, bị tù đày; lập các giáo đoàn : Rôma, Côrintô, Galat, Ephêsô, Philiphê... Ngài đã rao giảng “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”(2Tm 4,2) : cho người Athen giữa Hội Đồng Arêôpagô (Cv17,22-34), trước Hội Đồng Tối Cao Dothái (Cv23,1-10), với Tổng trấn Rôma (Cv 24,10-21), trước mặt vua Agripa (Cv26,1-23).. . và biết bao người ngoài Dothái giáo.

Nói đến truyền giáo tại Việt Nam, chúng làm sao không nhắc đến Cha Đắc Lộ (Alexand De Rhodes), vị giáo sĩ Dòng Tên được coi như là Ong tổ của chữ quốc ngữ nước ta, vị thầy lỗi lạc của Chân Phước Anrê Phú Yên, cũng đã từng lênh đênh trên biển như thánh Phaolô, đến Việt Nam ngày 19.03.1627 khi mới 36 tuổi. Tính đến ngày 03.07.1645, ngày Cha vĩnh viễn rời Việt Nam sau 18 năm truyền giáo, với hơn 5 cuộc hành trình từ Đàng Ngoài đến Đàng Trong; yết kiến Đức Giáo Hoàng Innocent X(1644-1655) xin đặt Giám Mục và đào tạo giáo sĩ Việt Nam, soạn cuốn giáo lý đầu tiên-Phép Giảng Tám Ngày... thì ta làm sao kể hết công lao và tâm tình của nhà truyền giáo đầy nhiệt huyết này dành cho quê hương đất Việt.

Nếu lấy thước đo việc truyền giáo là nơi đã đi, lời đã giảng và việc đã làm thì có thể nói Đức Mẹ không nỗi bậc như hai nhà truyền giáo tiêu biểu trên. Nhưng nếu hiểu truyền giáo là ĐEM CHÚA CHO THA NHÂN thì Đức Mẹ xứng danh là Mẹ Truyền Giáo, Nữ Vương Truyền Giáo. Từ Lc 1, 39-79 ta sẽ thấy điều này.

Có thể nói Mẹ không có chủ đích đi truyền giáo. Vì nghe tin chị họ già gần sinh, cần giúp đỡ Mẹ “vội vã lên đường” (Lc 1,39) hầu giúp bà Isave. Việc Mẹ “ở lại độ ba tháng” (Lc 1,56) giúp chị họ mang bầu 6 tháng cho thấy việc thăm viếng của Mẹ là bác ái. Thế nhưng, khi Mẹ đến, Gioan “nhảy mừng lên”(câu 40)-một bào thai, một con người đã đón nhận tin mừng đúng nghĩa : vui mừng đón nhận Đức Giêsu Kitô đang hiện diện trong cung lòng rất thánh của Mẹ Maria. Rồi bà Isave “được đầy Thánh Thần” (câu 41), nói tiên tri, và qua bà, Chúa mạc khải tín điều Mẹ Thiên Chúa “bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi”(câu 43) Theo một cách nào đó, Gioan Tẩy Giả đã được Mẹ Maria truyền giáo trước khi trở thành “tiếng kêu trong hoang địa”-nhà truyền giáo cho Chúa Kitô; và bà Isave cũng được Đức Mẹ truyền giáo để được tràn đầy Thánh Thần và trở nên tiên tri của Chúa. Một lương dân được truyền giáo cũng thế thôi : tin nhận Đức Kitô, lãnh nhận Thánh Thần qua bí tích rửa tội và được tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Kitô hầu làm ngôn sứ cho Ngài.

Nghĩ xa hơn một chút, ông Giacaria cũng được truyền giáo. Vì kém tin vào lời thiên thần truyền tin rằng vợ son sẻ sẽ có con, ông bị câm. Cuộc thăm viếng của Mẹ làm cho Gioan nhảy mừng và sự ra đời của Gioan làm cho Giacaria trở thành “người câm nói được”. Sau này, khi người ta còn nghi ngờ không biết Chúa Giêsu của phải là Đấng cứu thế không, hay còn phải chờ một ai khác, chính Chúa Giêsu đã trả lời cho môn đệ Gioan Tẩy Giả rằng : người què đi được, kẻ điếc nghe được, người câm nói được.. . (Lc 7,22), điều mà tiên tri Isaia đã tiên báo cho ta nhận ra dấu chỉ của thời đại cứu độ (Is 35, 5-6). Giacaria là người câm nói được nên có thể coi là người hưởng niềm vui cứu độ của Đức Kitô nhờ Mẹ Maria.

Vây Đức Mẹ đã truyền giáo, một cách thế xem ra rất thụ động, vì Mẹ đâu có giảng gì đâu. Mẹ cũng không kể chuyện được thiên thần truyền tin và thụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần để thuyết phục người khác, thế mà những người gặp Mẹ lại được truyền giáo, rồi tin nhận, chúc tụng, tôn vinh Chúa như Isave, Giacaria và phục vụ Chúa như Gioan Tiền Hô sau này. Mẹ truyền giáo không bởi mình mà bởi Con và Thánh Thần khi đóng đúng vai trò là tớ nữ của Cha.

Giáo dân Việt Nam chắc nằm lòng với câu giáo lý Tân Định : Hỏi ta có bổn phận nào đối với Đức Mẹ ? Thưa ta phải đặc biệt tôn kính, mến yêu, cầu xin và trông cậy Đức Mẹ, nhất là bắt chước các nhân đức của Người. Câu giáo lý bình dân này thế mà rất phù hợp với lời khuyên của Công Đồng Vatican II về lòng sùng kính Đức Mẹ : “Các tín hữu hãy nhớ rằng, lòng sùng kính chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ.” (Hiến Chế Anh Sáng Muôn Dân. Số 67).
\

Tháng Mười, tháng kính Đức Mẹ ta phải bắt chước Mẹ. Năm Thánh Truyền Giáo thì bắt chước Mẹ Truyền Giáo. Mẹ truyền giáo xem ra dễ mà không dễ. Dễ vì không cần nói mà chỉ thuần túy thăm viếng thôi. Không dễ vì không nhắm truyền giáo mà lại truyền giáo : Mẹ đi thăm vì bác ái, thế mà tự nhiên đem Chúa Kitô đến cho tha nhân. “Hữu xạ tự nhiên hương”. Truyền giáo ngày nay với Việt Nam là thế đó : làm mà như không làm, không làm mà lại làm, bởi vì chúng ta không có cơ hội tự do đi lại rao giảng và viết sách công khai như thánh Phaolô hay Cha Đắc Lộ. Vấn đề khó hơn là ta có Chúa Kitô và Thánh Thần trong ta hay không, để những cuộc thăm viếng lương dân của chúng ta, cho dù thuần túy là bác ái, xã giao theo kiểu tình làng nghĩa xóm, những cuộc thăm viếng mà không nói về Chúa một lời, vẫn là TRUYỀN GIÁO NHƯ MẸ. Đón mừng Tháng Mân Côi trong Năm Thánh Thể Thế Giới và Truyền Giáo Việt Nam.

------------------------------

 

Truyền_giáo 26: Quyền năng từ trên cao


Suy Niệm

 

Nếu Đức Giêsu phục sinh không sai gửi Thánh Thần thì chúng ta sẽ chẳng có một Hội Thánh: Truyền_giáo 26


Nếu Đức Giêsu phục sinh không sai gửi Thánh Thần thì chúng ta sẽ chẳng có một Hội Thánh truyền giáo.

Các tông đồ được lệnh phải chờ ở Giêrusalem. Chờ mặc lấy quyền năng từ trời cao ban xuống. Chờ Đức Giêsu sai gửi Đấng Cha đã hứa ban. Chờ lãnh nhận phép Rửa trong Thánh Thần (Cv 1,5).

Không có sức mạnh của Ngôi Ba Thiên Chúa, các tông đồ chẳng dám đi rao giảng cho muôn dân, và trở nên chứng nhân của Đức Giêsu cho cả thế giới.

Không có Thánh Thần thì không có hoạt động truyền giáo. Điều này vẫn đúng cho thời đại chúng ta.

Thánh Thần vẫn thôi thúc bao tâm hồn đi gieo Tin Mừng, vẫn hiện diện và hướng dẫn Hội Thánh trong việc rao giảng, vẫn khơi dậy bao sáng kiến mới mẻ trong việc truyền giáo.

Kitô hữu tự bản chất là chứng nhân.

Các tông đồ đã làm chứng vì họ đã thấy tận mắt.

Chúng ta chỉ có thể làm chứng nếu thấy bằng đức tin. Thấy bằng đức tin mạnh chẳng kém gì thấy bằng mắt.

Kitô hữu là người thấy được Đấng Vô Hình, có tương quan thân thiết với Đấng họ mến tin.

Truyền giáo không phải là tuyên truyền một lý thuyết, mà là đưa người khác đến gặp một Ngôi Vị, là chia sẻ cho họ niềm xác tín và yêu mến của mình.

Chúng ta cần tự hỏi tại sao sau gần 4 thế kỷ Kitô giáo ở Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh.

Phải chăng vì đức tin chúng ta đã nhạt nhòa, vì đời sống chúng ta chẳng có gì đáng nói? Hay phải chăng chúng ta đã lơ là với việc rao giảng, hoặc không biết cách loan báo Tin Mừng cho phù hợp? Có thể tất cả những lý do trên đều đúng.

Truyền giáo hôm nay đòi ta cộng tác với mọi người thiện chí, để xây dựng một thế giới công bằng, nhân ái hơn, đòi ta yêu thương và phục vụ những người nghèo nhất.

Truyền giáo là đưa Tin Mừng vào nền văn hoá Việt Nam, và đưa những giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam vào việc sống và làm chứng cho Tin Mừng.

Chúng ta tin một Thánh Thần duy nhất đã hoạt động nơi các dân tộc trước khi Ngôi Lời nhập thể, vẫn luôn hoạt động trong đời Đức Giêsu và trong Hội Thánh, và còn đang hoạt động nơi các tôn giáo, các nền văn hoá của mọi dân tộc trong thế giới hôm nay.

Phải làm sao để trình bày Tin Mừng cách dễ hiểu, gần gũi với tâm thức của đồng bào.

Phải làm sao để bày tỏ một khuôn mặt Đức Giêsu nhân từ, dễ mến, đem lại hạnh phúc cho con người.

Hội Thánh Việt Nam cần biết bao những người công giáo biết làm văn, làm nhạc, làm thơ, biết viết kịch, viết báo... Tinh thần Chúa Kitô phải từ từ thấm vào mọi lãnh vực.

Có thể Kitô hữu mãi mãi vẫn là một thiểu số, nhưng phải là một thiểu số đóng góp nhiều cho dân tộc.

Gợi Ý Chia Sẻ

Có người bảo đạo Công Giáo là đạo ngoại lai. Bạn nghĩ sao? Có tôn giáo nào ở Việt Nam không đến từ nước ngoài? Làm sao để đạo Công Giáo gần gũi với lối sống, lối nghĩ của người Việt Nam hơn?

Đức Thánh Cha nói: không truyền giáo là dấu hiệu của khủng hoảng đức tin. Bạn nghĩ sao?

Cầu Nguyện

Lạy Cha, Cha muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.

Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người chưa nhận biết Đức Giêsu, họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng.

Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên, giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài, qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

Chúng con cũng cầu nguyện cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái. Amen.

------------------------------

 

Truyền_giáo 27: Tin Mừng cho người ngoại biên


 – ĐC. JB. Bùi Tuần

 

Thuở còn nhỏ, tôi đã sớm nhận thấy sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo. Lớn lên: Truyền_giáo 27


Thuở còn nhỏ, tôi đã sớm nhận thấy sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo.

Lớn lên, tôi cảm được sâu sắc cảnh nghèo. Nghèo thì hèn. Nghèo thì khổ. Cái Nghèo, cái Hèn, cái Khổ dính vào nhau khăng khít. Đồng thời, tôi cũng nhìn được cảnh giàu. Giàu thì sang. Giàu thì có. Cái Giàu, cái Sang, cái Co đồng hành ung dung.

Khi đi qua nhiều nơi, ở lại nhiều nước, tôi lại thấy giàu nghèo làm thành những giai cấp. Giàu là giai cấp cao. Nghèo thuộc giai cấp thếp. Cấp cao, cấp thấp đều có nhiều bậc. Đôi khi, người nghèo khổ bậc dưới không thể và cũng không dám nhìn người giàu sang ở bậc trên. Vì khoảng cách quá xa về địa lý, nhất là về tâm lý.

Trung tâm và ngoại biên.

Để đơn giản hoá tình trạng chênh lệch giữa giàu và nghèo, tôi tạm chọn cho mình một hình ảnh gợi ý. Hình ảnh đó là Trung tâm và Ngoại biên.

Trung tâm có thể áp dụng về nhiều mặt. Như trung tâm kinh tế, trung tâm văn hoá, trung tâm chính trị, trung tâm tôn giáo. Những ai được ở trong hoặc gần những trung tâm đó thường được coi là những người hưởng nhiều may mắn về phát triển, về danh dự, về cuộc sống.

Ngoại biên cũng được hiểu về nhiều lãnh vực như trên. Những ai ở ngoại biên kinh tế, văn hoá, xã hội, tôn giáo thường phải chịu nhiều mất mát, thua thiệt, kém cỏi.

Trung tâm và ngoại biên không hẳn chỉ là địa lý, mà còn là tâm lý và pháp lý.

Thời Chúa Giêsu giáng thế, theo truyền thống lâu đời, thì Giêrusalem là trung tâm chính trị, văn hoá và kinh tế, còn đền thờ là trung tâm tôn giáo. Đền thờ này cũng toạ lạc tại Giêrusalem.

Giêrusalem là nơi tập trung những người có địa vị, nắm quyền lực, sống trong phẩm trật và được ưu đãi.

Đền thờ là nơi thờ phượng của người có đạo. Gian trên dành cho các chức sắc. Gian giữa dành cho các đàn ông Do Thái. Gian cuối dành cho phụ nữ và trẻ con. Ngoài hè dành cho các người ngoại giáo, các kẻ tội lỗi và những ai tàn tật.

Chúa Giêsu đi về ngoại biên.

Trong một tình hình như thế, Thiên Chúa có những lựa chọn lạ lùng.

Thực vậy, Chúa Giêsu xuất hiện ở Galilêa. Xứ này là vùng biên, xa trung tâm Giêrusalem.

Người sinh ra trong một gia đình làm nghề mộc, thuộc dạng nghèo.
Như vậy, Người mang thân phận kẻ nghèo để chia sẻ với thế giới những người ngoại biên.

Khi đi rao giảng Tin Mừng, Người ưu tiên để ý đến những người nghèo, người người tội lỗi và những người cùng khổ. Người áp dụng vào chính mình những lời tiên tri Isaia xưa đã nói:

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Chúa đã xức dầu tấn phong tôi.Sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,17-20).

Người cũng đã xác định: “Thầy đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13).

Người muốn dạy cho mọi người thấy: Trước mặt Chúa không có vấn đề ưu đãi cho trung tâm và bỏ quên hoặc loại trừ những ngoại biên. Người nói rõ ràng với người phụ nữ ngoại giáo xứ Samaria:

“Này chị, hãy tin tôi: Đã đến giờ, các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem... Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và trong sự thực. Vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,21-24).

Suốt đời, Chúa Giêsu đã sống gần gũi những người ngoại biên, Người đến với họ, Người chia sẻ những nỗi đau của họ, Người được kể như người ngoại biên. Người cho họ thấy Người rất thương họ, và tình thương đó là vô hạn, vô cùng. Thương đến đổ máu mình ra, chết cho họ, chết thay cho họ, và cho mọi người.

Người hiến thân đến tột cùng vì tình yêu. Chính ở điểm hiến thân trên thánh giá, mà Người làm vinh danh Chúa Cha, và chính Người được tôn vinh. Người đã nói trước khi tự nạp mình chịu chết: “Lạy Cha, giờ đã đến. Xin Cha tôn vinh Con Cha, để con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1).

Người muốn các môn đệ Người cũng hãy theo gương Người, mà đem Tin Mừng đến cho người nghèo khổ như vậy. Muốn được thế, các ngài cần đón nhận sẵn tình thương cứu độ của Người. Để đón nhận, các môn đệ phải rất khiêm nhường trong phục vụ. Gương phục vụ khiêm nhường sau cùng Nguời trối lại là chính Người quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Sau đó, Người truyền dạy : « Thầy đã nêu gương cho các con, để các con cũng làm như Thầy đã làm cho các con » (Ga 13,15).

Phục vụ rất khiêm nhường là một cách tốt nhất để mở cửa lòng, đón nhận lửa tình yêu của Chúa, một thứ lửa đầy ánh sáng chân lý và yêu thương. Nhờ đó, môn đệ Chúa có thể ra đi ngoại biên, đem Tin Mừng cho mọi người, ưu tiên cho những người nghèo khổ.

Vui buồn về thực tế truyền giáo.

Đem mấy tư tưởng Phúc Âm trên đây chiếu dọi vào thực tế truyền giáo tại địa phương, tôi thấy có những điều đáng mừng và có những điểm đáng lo ngại.

Những điểm đáng mừng là từng triệu những người nghèo khổ vẫn đón chờ Tin Mừng, và vẫn sẵn sàng đón nhận Tin Mừng. Nhiều nơi, nhiều người đã gặp được Tin Mừng, nhờ gặp được những người môn đệ Chúa đến với họ, thương cảm đời họ, phục vụ họ một cách khiêm nhường, và dấn thân hy sinh vì họ. Các môn đệ như thế thuộc mọi thành phần, trong đó các nữ tu và giáo dân giữ một vai trò quan trọng.

Những điểm đáng buồn là ở nhiều nơi còn thiếu gương sáng về truyền giáo.

Trên đường đời, không thiếu trường hợp, người có đạo chúng ta thuộc đủ cấp bậc, đã xử sự lạnh lùng với người ngoại biên. Thái độ của ta cũng giống thái độ thầy tư tế và Lêvi xưa trước nạn nhân nằm quằn quại bên vệ đường. Mặc người ngoại Samaria lo cho người ngoại biên (Mt 12,41-44). Ta cứ an tâm đi về đền thờ là trung tâm.

Trong cuộc sống, không thiếu trường hợp, người có đạo chúng ta thuộc đủ cấp bậc, cũng đã xua đuổi người ngoại biên, không cho họ đến gần Chúa. Giống như các môn đệ Chúa xưa đã muốn xua đuổi người đàn bà xứ Canaan. Khi bà cứ lẽo đẽo sát lại bên Chúa Giêsu, để xin Người chữa con bà bị quỉ ám (Mt 15,21-28). Ta bảo vệ Chúa là trung tâm bằng cách loại trừ ngoại biên, tức những ai ta coi là bất xứng.

Trong những công việc chung, không thiếu trường hợp người có đạo chúng ta thuộc đủ cấp bậc, cũng đã đánh giá thấp người ngoại biên. Không giống cách Chúa Giêsu xưa đã đánh giá rất cao người đàn bà goá nghèo, đã dâng cúng vào đền thờ chỉ một đồng xu (Mt 12,41-44). Ta tôn vinh con người theo tiêu chuẩn tiền bạc và địa vị, như thể tiền bạc và địa vị là giá trị của trung tâm đạo.

Hiện nay, Mẹ thánh Têrêsa Calcutta đang được đề cao như một gương mẫu rao giảng Tin Mừng cho người ngoại biên. Mẹ không làm việc gì khác ngoài đi theo đường lối mà Chúa Giêsu đã đi trước. Điều đáng ngợi khen nhất nơi Mẹ là Mẹ làm, chứ không chỉ nói. Với những việc làm yêu thương cụ thể, Mẹ là một người mẹ âm thầm hy sinh, trước khi là thánh vinh quang.

Khi tôn vinh Mẹ Têrêsa, Toà Thánh muốn tôn vinh một tinh thần truyền giáo sáng ngời, một phương cách truyền giáo khôn ngoan, đã rất hữu hiệu, đã gây được nhiều thiện cảm ở các xã hội và tôn giáo đa dạng, tại Ấn Độ nói riêng và Á châu nói chung.

Qua đời sống của mình, Mẹ Têrêsa Calcutta đã giới thiệu dung mạo một Hội Thánh dễ thương, dễ mến. Một Hội Thánh dịu dàng, khiêm tốn phục vụ, đầy tình xót thương, luôn đi tìm những người nghèo khổ, tội lỗi, bị loại trừ, sống trong bế tắc, để đưa họ vào tình Chúa bao la.

Ước gì mọi người truyền giáo chúng ta cũng theo gương Mẹ, để bất cứ ai, nhất là các người ngoại biên, đón nhận được hy vọng là Tin Mừng nơi Chúa là Cha giàu lòng thương xót.

------------------------------

 

Truyền_giáo 28: XÁC TÍN VỀ SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO


Nhập đề:

 

Không phải đợi đến năm nay, Năm Thánh Truyền giáo của Giáo hội Việt Nam, chúng ta mới tìm: Truyền_giáo 28


Không phải đợi đến năm nay, Năm Thánh Truyền giáo của Giáo hội Việt Nam, chúng ta mới tìm hiểu về công việc truyền giáo vì bản chất của Giáo Hội là truyền giáo (Ad Gentes, số 6). Vì chưa ý thức đủ bản chất hay căn tính của mình, nên nhiều tín hữu trong Giáo hội Công giáo đã không còn tích cực dấn thân cho sứ mạng truyền giáo. Thực trạng về truyền giáo của Giáo Hội biểu lộ rõ ràng điều này qua các số liệu thống kê. Vì thế, chúng ta cần phải gấp rút tìm ra các nguyên nhân để giải thích tại sao nhiều người không còn truyền giáo và truyền giáo không hiệu quả. Cuối cùng, có lẽ chúng ta đang được mời gọi để xác tín lại một lần nữa về sứ mạng cao quý của mình là được sai đi để loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn loài như Đức Giêsu (x. Mc 16,15).

Niềm xác tín ấy sẽ làm bùng cháy lên ngọn lửa tình yêu mà Chúa Thánh Thần đã đốt lên nơi tâm hồn các Tông đồ khi Ngài khai sinh Giáo Hội vào dịp lễ Ngũ Tuần, cách đây gần 2.000 năm. Những tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đã can đảm làm chứng cho Đức Giêsu bằng một đời sống yêu thương, tràn đầy niềm vui, ân sủng và hạnh phúc (x. Cv 4,32-34), khiến cho hàng chục triệu người trong đế quốc Roma bị cuốn hút theo họ ngay trong thế kỷ đầu. Còn bây giờ, người tín hữu chúng ta thu hút được ai?

1. THỰC TRẠNG TRUYỀN GIÁO QUA VÀI SỐ LIỆU THỐNG KÊ

Nhiều nhà lãnh đạo Công giáo không thích những con số, nhất là những con số thống kê nói lên tình trạng giảm sút hay chậm phát triển của Giáo Hội về mặt dân số (số tín hữu, linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên…), trong lĩnh vực đạo đức (số người lãnh nhận bí tích Rửa tội, Thêm sức, Hôn phối, Rước lễ, Giải tội…) hoặc lĩnh vực hoạt động xã hội (như các cơ sở từ thiện bác ái, giáo dục, y tế…). Họ lập luận rằng đời sống đức tin là một mầu nhiệm mà chỉ có Chúa mới biết và đo lường được, nên không thể đánh giá qua các số liệu vô hồn. Hơn nữa, người ta còn đưa ra những chứng cứ lịch sử để cho chúng ta thấy rằng rất nhiều miền châu Á và Bắc Phi, ngay từ những thế kỷ đầu tiên, là những vùng có đông Kitô hữu, nhưng nay lại là những vùng trắng của Kitô giáo mà thay vào đó là Hồi giáo. Rồi người ta kết luận rằng, sau bao nhiêu cố gắng của các nhà truyền giáo, thành công hay thất bại đều là mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, dù những con số không diễn tả trọn vẹn thực tại đức tin nhưng chúng vẫn là những tín hiệu thông báo về tình trạng sống đức tin của mỗi người, trong tư cách là “một tinh thần nhập thể và nhập thế” như Thánh Giacôbê Tông đồ đã nói: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết!” (Gc 2,17). Các nhà xã hội học vẫn đọc thấy nhiều điều qua các số liệu thống kê. Hằng năm, Uỷ ban Thống kê Trung ương của Toà Thánh vẫn tổng kết các số liệu của các giáo phận và dòng tu trên toàn thế giới để thông báo cho chúng ta biết tình trạng Giáo hội Công giáo theo từng thời điểm.

1.1. Một vài số liệu về Giáo Hội toàn cầu

Ngày 10-5-2004, Văn phòng Thống kê Trung ương của Toà Thánh phổ biến cuốn Niên Giám so sánh số liệu trong 23 năm trị vì của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, từ năm 1978 đến 2002. Phân tích kỹ về mặt thống kê, chúng ta sẽ thấy ngay tình trạng yếu kém về mặt truyền giáo dù số dân Công giáo tăng từ 757 triệu người vào năm 1978 lên đến 1.071 triệu người vào năm 2002 vì số tín hữu tăng không tương ứng với tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên.

Thật vậy, với tỷ lệ gia tăng dân số thế giới hiện nay (tỷ lệ tăng tự nhiên năm 1990-1995 là 160/00; năm 1995-1999 là 150/00; năm 2000 là 140/00; năm 2001 là 130/00. X. Tổng Cục Thống kê, Niên Giám Thống kê 1995-2000, 2001, NXB Hà Nội, tr. 401, 521, 489) thì trong một tỷ người Công giáo, mỗi năm Giáo Hội phải tăng ít nhất là 14 triệu trẻ em được rửa tội, đó là chưa kể những người theo đạo nhờ truyền giáo. Tuy nhiên, trong suốt 23 năm qua, hầu hết các năm có số người Công giáo thấp hơn với tỷ lệ gia tăng dân số này. Có năm chỉ tăng được 6 triệu người như năm 1993, trừ một hai năm phát động truyền giáo cho Năm Thánh 2000: năm 1999 có 14.872.000 người và năm 2001 có 15.783.000 người. Kết quả cuối cùng là tỷ lệ dân số Công giáo ngày càng thấp so với dân số thế giới: từ 17,99% vào năm 1978, đến năm 2002 chỉ còn 17,2%.

Chúng ta không có số liệu chính xác về những người lớn được rửa tội mỗi năm nhờ truyền giáo. Nhưng chúng ta thử hỏi, nếu năm 1997 chỉ tăng 10.126.000 người, năm 2000 chỉ có 11.928.000 người so với khoảng 14.000.000 theo tỷ lệ gia tăng tự nhiên phải có, thì phải chăng có mấy triệu người bỏ đạo một năm? Nếu hai năm 1999 và 2001 có số dư cao hơn 14 triệu thì trong số đó có bao nhiêu người lớn theo đạo nhờ truyền giáo? Nếu như năm 2002 số dân Công giáo 1.071.000.000 so với năm 2001 là 1.060.840.000 người, nghĩa là chỉ hơn có 10.160.000 người, thì có bao nhiêu người bỏ đạo và bao nhiêu người lớn trở lại nhờ truyền giáo?

Xin xem --> BẢNG THỐNG KÊ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ TÌNH HÌNH TRUYỀN GIÁO DÂN SỐ CÔNG GIÁO TRONG TƯƠNG QUAN DÂN SỐ THẾ GIỚI

Hơn nữa, chúng ta giả thiết có khoảng 3 triệu người lớn được rửa tội trong một năm (năm 2001 có 2.718.044 người trên 7 tuổi) do truyền giáo thì thử hỏi với số người tham dự mục vụ 4.217.572 người, trong đó có 4.605 giám mục, 405.058 linh mục, 112.244 chủng sinh, 30.097 phó tế vĩnh viễn, 54.828 nam tu sĩ, 782.932 nữ tu đã khấn, 28.766 người tu hội đời, 143.745 thừa sai giáo dân và 2.767.451 giáo lý viên, thử hỏi ai là người truyền giáo có kết quả? Chúng ta cũng đừng quên một thực tế đau lòng đã và đang xảy ra, là nhiều người lớn được rửa tội chỉ để lấy vợ lấy chồng. Vậy ai là người thật tâm theo đạo trong số 3.432.997 người kết hôn trên toàn thế giới vào năm 2001 (x. HĐGM VN, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên Giám 2004, NXB Tôn Giáo, 2004, tr. 180-182; x. Nguyễn Ngọc Sơn, Người mục tử cộng đồng hướng về tương lai, NXB TP. HCM, 1996, tr. 7-12). Không biết những con số nhức nhối này có gợi cho ta hồn tông đồ không?

Tóm lại, những con số thống kê cho chúng ta thấy: dân số Công giáo không phát triển tương ứng với tỷ lệ gia tăng của chính mình: thật sự đang có một số người lớn theo đạo nhờ truyền giáo và cũng có nhiều người khác bỏ đạo. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cho những người có trách nhiệm trong Giáo Hội.

1.2. Một vài số liệu về công cuộc truyền giáo của Giáo hội Công giáo Việt Nam

Kể từ khi Tin Mừng được loan báo trên đất nước Việt Nam vào năm 1533 đến nay, công việc truyền giáo ở Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ biến động, từ lúc khai sinh (1533-1659), hình thành (1659-1802), thử thách (1802-1885) đến phát triển (1885-1960) và trưởng thành (1960 đến nay). Vào cuối thời kỳ mở đạo chính thức (1615-1665), đã có cả trăm ngàn người tin theo Đức Kitô. Rồi trong thời kỳ thử thánh, người ta vẫn ùn ùn theo đạo bất kể nguy hiểm đến tính mạng. Các nhà thừa sai nước ngoài, tuy rất ít và chưa thông thạo Việt ngữ, vẫn là những gương sáng sống động của Đức Kitô và mỗi tín hữu, nhất là những người mở đất phương Nam, đều sống chan hoà tình thương đối với mọi người nên họ đã cuốn hút người khác theo đạo rất đông.

Tuy nhiên, bước vào thời kỳ trưởng thành, dù có nhiều thuận lợi về mặt vật chất và tinh thần, tốc độ phát triển của Giáo hội Việt Nam như chậm lại và công cuộc truyền giáo hình như không có kết quả khả quan. Chúng tôi đã trình bày vấn đề này và các số liệu minh chứng trong cuốn Người mục tử cộng đồng hướng về tương lai (x. Nguyễn Ngọc Sơn, sđd, tr. 67-85). Ta có bảng thống kê sau đây:

Xin xem --> Bản Thống Kê về tình hình Giáo Hội Việt Nam (1960-2003)

Từ năm 1993 đến 2003, chúng ta thấy tỷ lệ dân số Công giáo so với dân số cả nước đã tăng lên đôi chút, từ 6,65% lên 6,99% (lưu ý: chúng tôi tính dân số cả nước theo số thống kê chính thức của Tổng Cục Thống kê chứ không theo Báo cáo thường niên của HĐGM VN để cho chính xác hơn) và đã ngăn được đà đi xuống của nhiều chục năm trước để bắt đầu đi lên. Như thế là công cuộc truyền giáo ở Việt Nam bước đầu đã có một vài hiệu quả đáng khích lệ.

Nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ lại mình, trong hơn 40 năm qua, Giáo hội Việt Nam vẫn chưa phát triển cho đúng với tên gọi trưởng thành, kể khi Toà Thánh thiết lập Hàng Giáo phẩm tại Việt Nam để đi từ tình trạng được truyền giáo trở thành dấn thân ra đi truyền giáo cho người khác, nhất là cho đồng bào thân yêu của mình, vì còn tới 93% dân số chưa biết Đức Kitô. Chúng ta tự hỏi, với con số khoảng 30.000 người lớn theo đạo mỗi năm trong ít năm gần đây, thì ai truyền giáo trong số 67.596 người tham gia công tác mục vụ (trong đó có 40 giám mục, 2.777 linh mục, 1.920 tu sĩ nam, 10.377 tu sĩ nữ, 1.326 chủng sinh, 51.156 giáo lý viên) và hàng trăm ngàn đoàn viên của các tổ chức Công giáo Tiến hành? Ai là người ý thức về nhiệm vụ truyền giáo của mình trong số 5.572.525 tín hữu? Trong số những người trở lại đạo ấy, ai thật tâm theo đạo vì Chúa, còn ai chỉ theo đạo để lấy vợ lấy chồng? Theo báo cáo của các xứ đạo, hầu hết các lớp dự tòng là để chuẩn bị cho những người muốn lập gia đình với người có đạo.

Nhìn vào số đông những người tham gia công tác mục vụ so với số ít những người trở lại đạo ở Việt Nam, chúng tôi chợt nghĩ đến hình ảnh những người câu cá ngồi bên bờ biển thỉnh thoảng mới giật được một con cá nhỏ. Trong khi đó, Đức Giêsu lại mời gọi chúng ta ra khơi thả lưới bắt cá cho đầy thuyền nếu chúng ta vâng theo lời Người. Anh chị em Công giáo Hàn Quốc và một vài nơi đã làm được điều đó.

1.3. Việc truyền giáo của các Giáo hội anh em

Hàn Quốc là một nước có điều kiện giống chúng ta: cũng bị ảnh hưởng bởi Tam Giáo Đông Phương, cũng bị chia cắt đất nước theo hai chủ nghĩa Tư bản và Cộng sản, cũng vươn lên từ những đổ nát của chiến tranh, cũng bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hoá, đô thị hoá. Vào năm 1949, người Công giáo Hàn Quốc chỉ chiếm 1%, đến năm 2002 đã lên đến 8,56%. Giáo hội Hàn Quốc hiện nay có 4.047.000 người Công giáo trên tổng số 47.270.000 dân. Số người làm công tác mục vụ gồm 1 hồng y, 5 tổng giám mục, 20 giám mục, 2.731 linh mục triều và dòng, 1.882 chủng sinh, 1.882 nam tu, 7.938 nữ tu và 12.067 giáo lý viên (theo Niên Giám Thống kê của Toà Thánh năm 2003).

Nếu chúng ta nhìn xa hơn, chú ý đến công việc truyền giáo của các Giáo hội Kitô khác, có lẽ chúng ta sẽ khiêm tốn để học hỏi những kinh nghiệm của anh em thay vì có một thái độ thụ động như hiện nay. Dù các Hội truyền giáo của anh em Tin Lành ra đời muộn hơn Bộ Truyền giáo của ta (1622), nhưng sau khi William Carey xuất bản tác phẩm nói về bổn phận truyền giáo của các Kitô hữu vào năm 1792, hoạt động truyền giáo của các Giáo hội Tin Lành và Anh giáo phát triển nhanh chóng và thu được nhiều kết quả lớn lao.

Chúng ta cũng đừng quên rằng môn Truyền giáo học như một khoa suy tư thần học có hệ thống về sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô không phải khởi đầu từ Công giáo mà xuất phát từ phía các anh em Tin Lành với Karl Graul (+1864), nhất là với Gustav Warneck (+1910), (x. Felipe Gomez, Truyền giáo học, NXB Antôn và Đuốc Sáng, tr. 12-13).

Tuần báo Newsweek số ra ngày 10-5-2004, tr. 26-28 nói đến sự phát triển nhanh chóng số người tin theo Đức Kitô tại Trung Quốc, nhờ việc tích cực truyền giáo của các tín hữu địa phương theo các hệ phái Tin Lành. Con số ước lượng lên tới gần 90 triệu người. Trong khi các tín hữu Công giáo lâu đời ở đây chỉ có khoảng 3.500.000 - 4.000.000 người, theo thống kê Toà Thánh năm 2003 (x. sđd, Niên Giám 2004, tr. 162). Hơn nữa sự chia rẽ giữa 2 Giáo hội Công giáo Thầm lặng và Công khai ở lục địa lớn lao này vẫn là một phản chứng khiến cho việc truyền giáo không mang lại nhiều kết quả.

Ở Việt Nam, anh em Tin Lành đạt được những kết quả truyền giáo không thể ngờ được. Năm 1999, theo Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam, số tín hữu Tin Lành là 410.134 người (x. Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số, NXB Thống kê, Hà Nội, tr.112-113), trong đó có 188.881 người ở vùng Tây Nguyên thuộc 3 tỉnh Kontum, Gia Lai, Đăklăk, riêng tỉnh Lâm Đồng: 55.888 người, Bình Phước: 36.953 người, Đồng Nai: 10.300 người. Đây là những tỉnh có đông đồng bào thiểu số theo đạo. Trừ TP. HCM có 22.675 người theo đạo, các tỉnh khác đều có ít tín đồ. Vậy mà chỉ 4 năm sau, con số đã tăng lên gấp 2,5 lần. Theo Mục sư Huỳnh Thiên Bửu, chỉ riêng Hội thánh Tin Lành có khoảng gần 1 triệu tín đồ, chưa kể các giáo hội khác như: Cơ Đốc Phục Lâm, Báptít, Methodist, Ngũ Tuần, Môn Đệ Công Hội, Thanh giáo, Trưởng Lão, Hữu Nghị, Nhân chứng Giêhôva… đang tích cực truyền giáo tại nước ta (x. sđd, Niên Giám 2004, tr. 491-492; 132-134).

Đứng trước thành công lớn lao về mặt truyền giáo của các giáo hội anh em, Giáo hội Việt Nam và nhiều Giáo hội Công giáo địa phương khác phải suy nghĩ để tìm ra những nguyên nhân khiến cho người tín hữu không nhiệt thành truyền giáo và truyền giáo không hiệu quả.

2. NHỮNG NGUYÊN NHÂN TIỀM ẨN NGĂN CẢN CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO

Để tìm ra những nguyên nhân này chúng ta cần có nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về nhiều lĩnh vực trong 3 yếu tố của truyền giáo: nhà truyền giáo, nội dung truyền giáo và người được truyền giáo. Hơn nữa trong mỗi yếu tố, lại có nguyên nhân chủ quan và khách quan tác động đến chúng. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ gợi ý tóm tắt một vài nguyên nhân chính tác động không tốt đến công cuộc truyền giáo hiện nay.

2.1. Không xác định được truyền giáo là gì?

- Nhiều người ngày nay không thích từ truyền giáo. Người ta không thích kiểu tuyên truyền về đạo giống như tuyên truyền cho một chủ nghĩa, một đảng phái, một ý thức hệ nào đó khi làm đủ cách để thuyết phục người khác tán thành, ủng hộ và đi theo tôn giáo của mình. Hành động này có vẻ như không tôn trọng, thậm chí xúc phạm đến quyền tự do của con người, dù rằng người ta chưa nói đến sự cưỡng bức tinh thần hay dùng áp lực, khủng bố để bắt buộc người khác theo đạo. Chúng ta đừng quên rằng ngoài 2 tỷ người tin theo Đức Kitô, còn có hơn 1 tỷ 200 triệu người Hồi giáo, 800 triệu người theo Ấn giáo, 362 triệu theo Phật giáo, 250 triệu theo các đạo truyền thống, hàng trăm triệu người khác theo các tôn giáo mới… (x. sđd, Niên Giám 2004, tr. 180).

- Hơn nữa, truyền giáo càng không phải là một kiểu rao giảng như người ta quảng cáo hay tiếp thị một món hàng, một dịch vụ nào đó. Người ta đã có kinh nghiệm như lời quảng cáo rất hấp dẫn nhưng hàng hoá lại chẳng ra gì. Hoặc người tiếp thị có thể rao bán hàng này mà thực tế lại dùng hàng khác như khi quảng cáo cho kem đánh răng P/S mà chính mình lại dùng kem Colgate. Có lẽ vì thế mà nhiều người bằng lòng với việc đổi tên Bộ Truyền bá Đức tin (Propaganda Fidei) thành “Bộ Loan báo Tin Mừng cho Các Dân tộc.”

- Tuy nhiên, truyền giáo không đồng nghĩa với việc loan báo Tin Mừng. Trong Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng Vatican II, số 16c và Giáo luật khoản 786 đã định nghĩa: “Truyền giáo là việc loan báo Tin Mừng và vun trồng Giáo Hội cho những người chưa biết Đức Kitô cho đến khi Giáo hội mới được thiết lập toàn vẹn, nghĩa là có đủ nhân lực riêng và phương tiện để tự mình thực hiện công tác loan báo Tin Mừng”. Như thế là có một yếu tố mới: “vun trồng Giáo Hội” trong công việc truyền giáo. Tuy nhiên, nhiều văn kiện của Giáo Hội không phân biệt rõ ràng và dùng lẫn lộn từ truyền giáo với loan báo Tin Mừng như Giáo luật khoản 298 và 843 khác với tinh thần của các khoản 781-786.

Còn loan báo Tin Mừng là loan báo biến cố Đức Giêsu Kitô và lời rao giảng của Người để cho người nghe biết Đức Kitô, sống theo giáo lý của Người như Thánh Phaolô từng thực hiện (x. Rm 1,1; 1 Cr 1,17; Gl 1,6.7.11…). Người ta phân biệt loan báo Tin Mừng lần đầu (first evangelization) (cho miền đất hay trong lĩnh vực chưa biết Đức Giêsu Kitô), lần thứ hai hay tái loan báo Tin Mừng (second evang.) (cho người ở môi trường đã từng theo Đức Kitô, rồi mất đức tin) và loan báo Tin Mừng theo cách mới (new evang.) theo nghĩa tái loan báo hay loan báo trong lĩnh vực đặc biệt, hoặc dùng các phương tiện truyền thông đặc biệt như: báo chí, truyền thanh, truyền hình, website….

Ở Việt Nam, nhiều tín hữu, thậm chí có cả giáo sĩ, nghĩ rằng mình đang truyền giáo khi giảng Tin Mừng cho người có đạo trong thánh lễ và các buổi phụng vụ. Nhiều cộng đoàn tu sĩ thì cho rằng khi phục vụ tại các xứ đạo như dạy giáo lý, tập hát, đánh đàn trong buổi lễ, cắm hoa trong nhà thờ là đã trực tiếp cộng tác vào công cuộc truyền giáo.

Thật ra, tuy truyền giáo và loan báo Tin Mừng có chung một nội dung là Đức Giêsu Kitô và giáo lý của Người, nhưng vẫn khác nhau ở vài điểm sau. Loan báo Tin Mừng nhắm tới cả người có đạo và không có đạo, còn truyền giáo chỉ nói tới người chưa có đạo. Việc loan báo Tin Mừng có thể thực hiện ngay và thoáng qua trong giây lát, còn việc truyền giáo đòi hỏi một thời gian lâu dài đủ để cho hạt giống Lời Chúa thấm sâu vào lòng người nghe, nẩy mầm, lớn mạnh và phát sinh hoa trái tốt đẹp. Đó là sự vun trồng Giáo Hội trong công tác truyền giáo.

Cuối cùng, các văn kiện của Công đồng Vatican II và một số vị giáo hoàng gần đây, như Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô II, muốn hoà nhập việc truyền giáo và loan báo Tin Mừng thành một trong sứ mạng của Giáo Hội vì Giáo Hội tiếp tục sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu. Đức Giêsu là hiện thân của Tin Mừng sống động, và khi Giáo Hội sống theo Lời Chúa, gắn bó mật thiết với Đức Giêsu thì cũng trở nên Tin Mừng sống động, lúc đó, Giáo Hội mới có sức truyền giảng cho anh em. Như thế, chủ thể truyền giáo và nội dung truyền giáo trở nên một trong nhau. Cuối cùng người được truyền giáo, khi tin Đức Giêsu và sống theo lời của Người, sẽ trở nên một với Đức Giêsu và thành Tin Mừng sống động cho người khác. Ba yếu tố chính trong cuộc truyền giáo bây giờ thành một trong nhau và không còn có thể phân biệt được nữa. Truyền giáo cuối cùng trở thành việc sống Tin Mừng và biến thành Tin Mừng theo nghĩa đầy đủ nhất.

- Trong Giáo hội Công giáo trước Công đồng Vatican II, nhiều người còn lầm tưởng truyền giáo là hoạt động chuyên môn dành riêng cho một số người đặc biệt được Giáo Hội uỷ nhiệm, chứ không phải là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của mọi tín hữu Công giáo (x. Ad Gentes, số 36). Người ta lầm lẫn sứ mạng (missio) với bài sai truyền giáo (mandatum).

Thật vậy, khi đời sống đạo không còn tập trung vào Tin Mừng Đức Giêsu mà vào các nghi thức phụng vụ ngày càng dài, kinh kệ ngày một nhiều, giáo lý dựa trên triết học và thần học càng ngày càng khó, thì việc truyền đạo không còn là chuyện ai làm cũng được. Muốn làm phải học, hành, phải tập, thử, rồi mới được công nhận chính thức để khỏi sai lầm, lạc đạo. Truyền giáo không còn là chuyện của những giáo dân bình thường mà thuộc về giới giáo sĩ, quý tộc, có dư tiền ăn học, đủ thông minh để giảng dạy, nhất là khi những “nhà truyền giáo” này được uỷ nhiệm như những vị sứ thần của giáo hoàng đến giảng cho các vua chúa, quan lại trong triều đình các nước.

Từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX, việc truyền giáo còn bị hiểu lầm tai hại do sự cộng tác với thế quyền vì khi đến với các dân tộc xa lạ, những nhà truyền giáo còn phải được bảo đảm an ninh, phải có tiền để xây dựng nhà thờ, cơ sở giáo dục, bác ái, xã hội. Tiền của và an ninh ấy được các nước thực dân Tây Phương cung cấp từ nguồn lợi của các thuộc địa. Thế là có sự cộng tác giữa thế quyền và giáo quyền khi Toà Thánh yêu cầu Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha bảo trợ công cuộc truyền giáo qua 2 Sắc chỉ Inter Caetera (1493) của Đức Giáo hoàng Alexander VI và Universalis ecclesia (1508) của Đức Julius II. Sự cộng tác này đã dẫn đến nhiều hậu quả tai hại cho công cuộc truyền giáo. Nó làm cho người dân các nước bị đô hộ cảm thấy việc theo đạo của mình không hoàn toàn trong sáng, nhiều người còn từ chối theo đạo của kẻ xâm lăng. Rồi khi các thuộc địa giành được tự do, độc lập, nhiều người lại không muốn truyền giáo vì coi đó là việc làm chống lại quyền tự do của con người.

Tóm lại, khi chưa xác định được truyền giáo là gì và lẫn lộn nó với nhiều hoạt động khác của Giáo Hội, người tín hữu Công giáo, nhất là những vị có trách nhiệm trong Giáo Hội, đã giữ thái độ e dè và ngại ngùng, dù rằng họ biết rất rõ lệnh truyền “Hãy đi rao giảng cho muôn dân…” (x. Mt 28,19) của Đức Giêsu Kitô.

2.2. Vài lý do khiến nhiều người Công giáo không muốn truyền giáo

- Từ sau Công đồng Vatican II, Giáo hội Công giáo lại trải qua một cơn biến động, có thể gọi là khủng hoảng về truyền giáo, bắt nguồn từ những suy tư quá khích của một số nhà thần học về ơn cứu độ cho lương dân. Trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 16, Công đồng dạy rằng: “Những kẻ vô tình không nhận biết Tin Mừng của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong công việc mình, theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực để họ được cứu rỗi”. Người ta lập luận rằng nếu những lương dân ấy cũng có thể được ơn cứu độ thì cần gì phải truyền giáo cho họ nữa!

Tuy nhiên, chúng ta có thể trả lời cách tóm lược rằng: dù việc cứu độ con người tự do là một mầu nhiệm hoàn toàn tuỳ thuộc vào tình thương của Thiên Chúa, nhưng con người vừa có phần hữu hình, vừa có phần vô hình, nên cần cho họ biết Đức Giêsu Kitô để họ trở thành con người hoàn hảo và sống dồi dào (x. Ga 10,10) chứ không phải chỉ được “rỗi linh hồn” sau khi chết. Hơn nữa, con người tự nhiên không thể tự mình vươn tới bình diện siêu nhiên nên cần phải rao giảng về Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Chỉ có Người mới cứu độ toàn diện (x. Ga 14,6), nghĩa là cho con người được trở thành con Thiên Chúa và thành Thiên Chúa. Ơn cứu độ toàn diện này chỉ có thể được thông ban qua các phương tiện Chúa đã an bài là đức tin, phép Rửa và Giáo Hội nên cần phải truyền giáo để giới thiệu các phương tiện ấy. Con người còn liên đới với cả nhân loại như một hữu thể xã hội nên cần phải truyền giáo để quy tụ họ thành một dân tộc cho Chúa Kitô, thành Giáo Hội là Nhiệm Thể của Người. Các điều này đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trình bày trong Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris Missio), từ số 4-20, ngày 7-12-1990 và trong Tông huấn Giáo hội tại châu Á, số 10-14, 19-23, ngày 6-11-1999.

- Một lý do khác cũng kể từ Công đồng Vatican II qua Tuyên ngôn Nostra Aetate và Digmitatis Humanae, Giáo hội Công giáo hô hào đối thoại với các tôn giáo ngoài Kitô giáo và nhìn nhận giá trị của các tôn giáo ấy. Hơn nữa, trong những văn kiện mới đây của các Giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II, “Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục gieo các hạt giống chân lý vào các dân tộc, tôn giáo, văn hoá và tư tưởng của họ” (x. Redemptoris Missio, số 28; Gaudium et Spes của CĐ Vat. II, số 26). Nếu những tín đồ các tôn giáo ấy cảm nghiệm thật sự Thiên Chúa, và được cứu độ thì cần gì phải truyền giáo cho khổ công, rồi có thể gây nên những hiểu lầm, tranh chấp và cả xung đột giữa các tôn giáo như đã từng xảy ra trong lịch sử.

Từ những góc độ suy tư thần học về các tôn giáo, người ta có thể có 4 lập trường và đều có ảnh hưởng đến việc truyền giáo: 1. Lập trường “chuyên nhất” (exclusivist) chỉ nhận Đức Kitô là nguồn ơn cứu độ và loại bỏ các tôn giáo khác. 2. Lập trường “bao hàm” (inclusivist) nhận rằng các tôn giáo ngoài Kitô có kinh nghiệm về Thiên Chúa nhưng chỉ Kitô giáo mới đạt đến độ sung mãn. 3. Lập trường “đa dạng” (pluralist) chủ trương đạo nào cũng tốt, cũng dạy ăn ngay ở lành nên chẳng cần truyền giáo. 4. Lập trường “loại suy” (analogist) được các nhà thần học đúng đắn tiếp nhận, cho rằng một số tôn giáo lớn như Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo… là những phương tiện cứu độ nhờ tác động của Chúa Thánh Thần trong các tôn giáo ấy. Các thần linh của họ có thể là những đấng trung gian chuyển cầu ơn lành cho con người. Nhưng chỉ có Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, mới chỉ cho con người con đường cứu độ ngắn nhất và an toàn nhất. Nhờ mầu nhiệm nhập thể, Người đã đón nhận tất cả những gì của con người và vũ trụ vào trong Thiên Chúa rồi biến chúng trở thành một với Người, thành Thiên Chúa như Người. Do đó, Người là Đấng Cứu Độ duy nhất và là đối tượng của mọi cuộc đối thoại của người Công giáo với các tôn giáo khác. Truyền giáo bây giờ bao gồm đối thoại đại kết, đối thoại liên tôn và hội nhập văn hoá.

- Lý do thứ ba khiến nhiều tín hữu Công giáo không truyền giáo là họ không biết phải nói gì khi truyền giáo. Thay vì chia sẻ với người được truyền giáo kinh nghiệm sống về Đức Kitô và giáo lý của Người, các Kitô hữu lại lầm tưởng là phải rao giảng Lời Chúa qua các bản văn Kinh Thánh được chú giải hết sức tỉ mỉ, phổ biến giáo lý Hội Thánh Công giáo xây dựng trên nền thần học và triết học phức tạp. Do đó, công việc truyền giáo chỉ dành cho các giáo sĩ, tu sĩ được đào tạo cẩn thận.

Người tín hữu Công giáo với trình độ văn hoá thấp kém thời trước, hiểu và sống Tin Mừng đã khó, còn nói chi đến việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy nhớ lại ở chính đất nước chúng ta, Tin Mừng được loan báo từ năm 1533 nhưng mãi đến giữa thế kỷ XX, mới có bản Tân Ước bằng tiếng Việt nhờ sự cởi mở của Công đồng Vatican II, trong khi anh em Tin Lành đã có bản dịch từ năm 1925. Kinh Thánh và các nghi thức phụng vụ được đọc bằng tiếng La Tinh, nhiều linh mục bản xứ đọc còn chẳng hiểu, nói chi đến giáo dân. Như thế thì còn ai dám chú giải Lời Chúa, dám loan báo Lời Chúa cho người khác, nếu không được học hiểu kỹ càng.

Hơn nữa, khi Toà Thánh lập Bộ Truyền giáo (Propaganda Fidei) vào năm 1622 để tập trung và điều hành mọi công việc truyền giáo nơi các miền đất chưa biết Đức Kitô, người tín hữu Công giáo hầu như không còn nhận ra sứ mạng truyền giáo của mình nữa. Người ta phó mặc cho Bộ này mọi chuyện liên can đến truyền giáo mãi cho đến khi Công đồng Vatican II mới xác định lại.

Khi công tác truyền giáo chỉ dành cho một số nhà chuyên nghiệp, còn các giáo hội địa phương lại thờ ơ với công tác này, nhất là khi giáo dân không truyền giáo, thì chúng ta thấy ngay kết quả yếu kém của công việc truyền giáo: số người mới theo đạo rất ít so với dân số Công giáo. Nhiều hậu quả tai hại phát sinh từ việc không truyền giáo: chính những tín hữu tại các nước Công giáo lâu đời đã sa sút lòng tin của mình, thậm chí bỏ đạo, đòi phải được tái truyền giáo. Đó là tình trạng của các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ. Ta lấy ví dụ trong Bản Thống kê Giáo hội Công giáo và tình hình truyền giáo, tr. 41, dân số Công giáo trong những năm 1997 đến 2000 ở châu Âu không những không tăng thêm một người nào theo tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, mà còn bị hụt đi vài triệu người.

Tuy nhiên, điểm quan trọng mà chúng ta cần tìm hiểu cho thời đại hôm nay, nhất là cho Giáo hội Việt Nam, là tại sao truyền giáo không có kết quả và đâu là nguyên nhân chính.

2.3. Những lý do dẫn đến việc truyền giáo thiếu hiệu quả

- Lý do đầu tiên là người tín hữu Công giáo chưa ý thức được sứ mạng truyền giáo của mình là một sứ mạng hết sức cao cả và vinh dự vì được chia sẻ sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Họ không coi truyền giáo là một tác vụ ưu tiên hàng đầu trong sứ mạng của Đức Giêsu Kitô như Công đồng Vatican II xác định trong các số 17, 18, 19 của Hiến chế Lumen Gentium và đặc biệt Sắc lệnh Ad Gentes, số 4: “Chính Chúa Giêsu, trước khi hiến mạng sống mình cho thế gian một cách tự do, đã thiết lập tác vụ tông đồ và hứa sai Thánh Thần đến, hầu tác vụ và Thánh Thần liên kết với nhau để công trình cứu chuộc luôn luôn đem lại kết quả khắp nơi” (x. Ga 14,17. Nhiều tín hữu, trong đó có cả giám mục và linh mục, thường chỉ biết và thực thi 3 tác vụ giảng dạy, thánh hoá và quản trị, còn tác vụ tông đồ truyền giáo lại bỏ qua, trong khi đây là tác vụ quan trọng nhất của Đức Giêsu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Người đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo khó…” (Lc 4,18tt). Người ta đã quá tập trung vào việc quản trị giáo xứ hay giáo phận, với những giờ dạy giáo lý và giảng dạy, những nghi lễ phụng vụ đủ loại và nghĩ rằng làm các việc ấy còn chưa xong, huống chi lo đến việc truyền giáo.

Hầu hết các dòng tu, theo tinh thần của Công đồng Vatican II, đều lấy việc truyền giáo là bản chất của Giáo Hội, nên cũng là bản chất của đời sống tu trì (x. Tông huấn Đời sống thánh hiến, số 72-83). Nhưng trong thực tế, hầu như toàn bộ cuộc sống và hoạt động chỉ dành cho người có đạo: dạy giáo lý cho các lớp chuẩn bị đón nhận các bí tích trong xứ đạo, phục vụ trong các cử hành phụng tự… Chỉ có một số rất ít dạy giáo lý dự tòng và dành thời giờ cho công tác xã hội, thăm viếng lương dân, đối thoại liên tôn…

Người giáo dân Việt Nam tập trung đời sống đạo vào việc tham dự các bí tích theo kiểu “sáng lễ chiều kinh”. Do hoàn cảnh khó khăn của đất nước, các hội đoàn Công giáo Tiến hành chưa được phép hoạt động, nên rất ít người tham gia. Ngoài một vài hội đoàn có tinh thần truyền giáo như Legio Mariae có chương trình thăm viếng lương dân, hầu hết chỉ sinh hoạt với người có đạo. Mỗi năm, vào Ngày Quốc tế Truyền giáo, nhiều xứ đạo chỉ biết tổ chức chầu Thánh Thể, cầu nguyện và góp tiền vào các Hội Truyền giáo chứ không biết tổ chức gì hơn như thăm viếng lương dân nghèo, tìm gặp các anh em ngoài Kitô giáo, lo việc hội nhập văn hoá…

- Do không ý thức được sứ mạng nên họ cũng không gắn bó với Đức Giêsu để trở thành một Tin Mừng sống động như Người, để được Người chuyển thông quyền năng làm chứng cho Tin Mừng như Đức Giêsu đã làm cho các môn đệ khi sai họ đi truyền giáo: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo... Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ… Nếu họ đặt tay trên những người bệnh thì những người này sẽ được mạnh khoẻ… Các Tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,16-20). Không có đời sống tràn đầy tình yêu và dấu lạ để chứng minh cho Tin Mừng cứu độ, nhiều nhà truyền giáo thời nay chỉ còn là người quảng cáo, tiếp thị một thứ tin mừng “dỏm” và đó không phải là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.

Nhiều tín hữu đã hiểu lầm việc loan báo Tin Mừng là lặp lại một số câu Kinh Thánh hay lời giải thích Kinh Thánh cho người khác. Tôi còn nhớ khi lên Buôn Ma Thuột giảng tĩnh tâm cho các nữ tu dòng Nữ Vương Hoà Bình, tôi được mời nói chuyện với hơn 100 giáo lý viên tại nhà thờ Chính toà. Tôi hỏi cử toạ: “Giả như gặp một bà mẹ người dân tộc thiểu số đang cho con bú thì các anh chị sẽ loan báo cho người này những câu Tin Mừng nào thích hợp nhất?”. Một vài cánh tay giơ lên và có người trả lời: “Câu Tin Mừng đó là ‘Phúc thay cho lòng đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú’”. Tôi hỏi cộng đoàn có đồng ý với câu trả lời không, thì hầu như tất cả đều cho rằng đó là câu trả lời thích hợp nhất.

- Nhưng các bạn hãy tưởng tượng một nhà truyền giáo, khi gặp người phụ nữ đó, với thái độ rất trang trọng, đọc lên câu Tin Mừng này thì người đàn bà đó sẽ nghĩ gì. Bà ta nghĩ: “Có lẽ mình đang gặp một người điên vừa mới ở bệnh viện Biên Hoà hay Chợ Quán ra!”.

- Xin cho phép tôi được loan báo Tin Mừng như sau: Tôi nói với người đó: “Chị ơi, chị bế cháu mà để đầu ngửa ra như thế thì cháu sẽ bị ọc sữa và vú chị bị đau. Chị hãy bế cháu thẳng lên, mặt cháu đừng áp chặt vào bầu vú để cháu dễ thở và chị sẽ khoẻ hơn”. Đó là Tin Mừng của Chúa Giêsu, theo Antôn Sơn, vì tôi nghĩ rằng bất cứ điều gì tốt đẹp ta loan báo và làm cho người khác được khoẻ hơn, vui hơn, bình an và hạnh phúc hơn, đều là Tin Mừng của Chúa Giêsu. Tin Mừng đó được hội nhập vào người tín hữu để rồi chúng ta nói ra theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần vì thế mới có Tin Mừng Chúa Giêsu theo Matthêu, theo Marcô, theo Luca và theo hàng tỷ người trên khắp thế giới. Lúc đó ta mới hiểu lời kết thúc Tin Mừng theo Gioan: “Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21,25).

- Một lý do quan trọng khác là nhiều tín hữu thời nay đã không hành động theo Chúa Thánh Thần nên việc truyền giáo kém hiệu quả vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới là tác nhân chủ yếu trong công cuộc Phúc Âm hoá (x. ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại châu Á, số 17). Chỉ có Ngài mới có quyền năng để biến các môn đệ Đức Giêsu đang chán nản, sợ hãi trở thành những tông đồ can đảm, khôn ngoan và đầy ân sủng như trong thời Giáo Hội sơ khai, nhất là vào dịp Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-12) đến nỗi bóng của Phêrô phủ lên ai thì tất cả đều được chữa lành (x. Cv 5,15-16).

Trong nhiều thế kỷ, vai trò của Chúa Thánh Thần mờ nhạt trong đời tín hữu Công giáo mãi cho đến những năm gần đây mới được sáng tỏ, nhất là từ sau Công đồng Vatican II và dịp mừng Năm Thánh 2000. Tuy nhiên, ngày nay có một khuynh hướng muốn tách biệt hoạt động của Chúa Thánh Thần ra khỏi hoạt động của Chúa Giêsu Cứu Thế. Khuynh hướng này đang lan nhanh và cũng dẫn tới việc không muốn truyền giáo, vì cho rằng Chúa Thánh Thần đã hiện diện khắp nơi trong các tôn giáo và các nền văn hoá, vì thế con người có thể được cứu rỗi, mà không cần đến việc tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu Cứu Thế.

Quả thật, chỉ khi nào người tín hữu Công giáo gắn bó với Chúa Thánh Thần họ mới hiểu biết trọn vẹn sự thật về Chúa Giêsu, để có thể tiếp tục sứ mạng của Người là làm chứng cho Đức Giêsu như Vị Cứu Tinh duy nhất (x. Ga 15,26-27; Cv 1,8) bằng những đoàn sủng và những ân huệ khác nhau (x. 1 Cr 12,4-11; Ep 4,11-16). Giống như Đức Giêsu, cả cuộc đời được tác động bởi Chúa Thánh Thần, từ lúc Đức Maria mang thai Người cho đến khi Người gục đầu trên thập giá để trao Thần Khí (x. Ga 19,30), cuộc đời nhà truyền giáo phải tràn đầy Thánh Thần của Đức Giêsu. Chính vì thế, ngay sau khi sống lại, Đức Giêsu đã trao ban Thánh Thần cho các môn đệ để sai các ông ra đi tiếp tục sứ mạng cứu thế của Người (x. Ga 20,22).

Lý do quan trọng cuối cùng khiến cho việc truyền giáo kém hiệu quả là từ trước đến nay, người ta ít lưu tâm đến người được truyền giáo trong toàn thể điều kiện và môi trường sống của họ. Sau khi hai Tông đồ Phêrô và Phaolô đến Roma, nhất là sau khi thành Giêrusalem bị phá huỷ vào năm 70, Roma trở thành trung tâm Kitô giáo và từ đây, đạo lan đi khắp nơi. Dĩ nhiên, nhiều vùng ở Đông Phương còn chịu ảnh hưởng của nền văn hoá và văn minh Hy Lạp trước đó, nhưng người Roma vẫn chiếm ưu thế. Sau khi Kitô giáo khuất phục được các dân Man Di (Barbares), ưu thế của Kitô giáo và nền văn minh Kitô giáo ở phương Tây ngày càng nổi bật, lan đến các dân tộc ở châu Âu trong thiên niên kỷ đầu tiên và các dân tộc ở châu Mỹ, châu Phi trong thiên niên kỷ thứ hai, qua các nhà truyền giáo.

Dù Thánh bộ Truyền giáo đã nhắc nhở các vị thừa sai phải tôn trọng tập tục, phong hoá, nghi lễ của các dân tộc được truyền giáo qua Huấn thị năm 1659 gửi các vị Đại diện Tông Toà (x. F. Gomez, S.J., Truyền giáo học, tr.47) nhưng trước ưu thế của khoa học, kỹ thuật, văn minh Tây Phương, nhiều thừa sai đã coi thường dân bản địa, không chịu tìm hiểu để tìm cách hội nhập văn hoá mà đòi xoá bỏ các phong tục, tập quán bản xứ. Cuộc tranh luận về nghi lễ giữa các dòng tu và đại học ở châu Âu kéo dài từ năm 1633 đến 1742, gây nên những thiệt hại lớn lao cho công cuộc truyền giáo tại các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Ấn Độ cũng như các nước ở châu Mỹ La Tinh và Philippines.

Sau khi tìm hiểu một số nguyên nhân ngăn cản công cuộc truyền giáo, chúng ta đặt câu hỏi “vậy thì bây giờ Giáo Hội, hay người tín hữu chúng ta, phải làm ngay việc gì để thật sự truyền giáo và truyền giáo cho có kết quả tốt đẹp?”. Câu trả lời đã được các nghị phụ Công đồng Vatican II, cũng như các giáo hoàng gần đây trả lời qua các văn kiện: Ad Gentes, số 5, 36; Apostolicam Actuositatem, số 2; Lumen Gentium, số 17, số 3; Phaolô VI, Evangelii nuntiandi, số 6-16; Gioan Phaolô II, Missio Redemptoris, số 1; Ecclesia in Asia, số 10-14. Đó là phải:

3. PHẢI XÁC TÍN SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO CỦA MÌNH

Thật vậy, nhà truyền giáo trước hết và luôn luôn phải xác tín rằng mình đang tiếp tục sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu Kitô bằng cách rao giảng Tin Mừng của Người như một sứ đồ tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần để vun trồng Giáo Hội nơi những con người hay các lĩnh vực mà Chúa Cha muốn sai mình đi tới.

3.1. Nguồn gốc sứ mạng của nhà truyền giáo là sứ mạng của Đức Giêsu

Trong công cuộc truyền giáo luôn luôn có sứ mạng. Hai từ truyền giáo và sứ mạng của Việt ngữ bắt nguồn nơi một từ duy nhất missio của tiếng La Tinh, từ này bởi động từ mittere ở thể thụ động missum, có nghĩa là “được sai đi”. Nhà truyền giáo luôn ý thức mình được Thiên Chúa sai đi như Ngài đã sai Môsê (x. Xh 3,15), Gedeon (x. Tl 6,4) và các tiên tri như Isaia (x. 2 Sb 24,19), Giêrêmia (x. Gr 7,25). Chính Chúa Giêsu đã áp dụng lời tiên tri ở Is 61,1 để nói đến việc Chúa Cha sai Người đến (x. Lc 4,18): như Chúa Cha đã sai Người, Người cũng sai chúng ta (x. Ga 20,21). Từ tông đồ hay sứ đồ (apostolos) bắt nguồn từ “apostellein” của tiếng Hy Lạp, cũng có nghĩa là được sai đi, đồng nghĩa với từ “missionarius” của tiếng La Tinh có nghĩa là người được sai đi, nhà thừa sai, người thi hành sứ mạng. Do đó, việc tông đồ có cùng một nội dung với việc truyền giáo vì là việc của người được sai đi. Như thế, toàn bộ việc truyền giáo, việc tông đồ của Giáo Hội đều bắt nguồn từ sứ mạng của Đức Giêsu: nghĩa là trong việc được sai đi và không ngừng được Thiên Chúa sai đi (x. Ad Gentes, số 3: sứ mạng của Chúa Con).

Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể đã được Chúa Cha sai đến trần gian để biểu lộ và mạc khải tình thương cứu độ của Chúa Cha. Ai tin vào Người sẽ được sống đời đời, được Người chia sẻ thần tính để trở thành con Thiên Chúa (x. Ga 3,16). Đó là Tin Mừng cho mọi người nghèo hèn so với Thiên Chúa cao sang (x. Lc 4,18). Tin Mừng cứu độ ấy được Đức Giêsu loan báo bằng tất cả con người của mình, bằng lời nói cũng như hành động. Đến lượt chúng ta cũng được sai đi khắp bốn phương trời để loan báo Tin Mừng này cho anh em, cho muôn vật muôn loài và Người đã ban Thánh Thần để ta có thể hoàn thành sứ mạng cao cả đó. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trình bày sứ mạng này trong Thông điệp Missio Redemptoris để xác định cho chúng ta hiểu tất cả nội dung bao la của việc truyền giáo.

Nếu nhà truyền giáo có chung sứ mạng với Đức Giêsu Kitô thì điều kiện cơ bản nhất để hoàn thành được sứ mạng của mình là phải kết hợp mật thiết với Đức Giêsu Kitô. Điều này thuộc về linh đạo truyền giáo: lấy Đức Kitô làm trung tâm điểm cho đời sống và quy về Đức Kitô mọi hoạt động của mình (x. ĐTC G.P. II, Redemptoris Missio, số 8). Người này sẽ lấy Đức Kitô làm lẽ sống, có những tâm tình của Đức Kitô, hành động như Đức Kitô để không còn là mình sống, nhưng là Đức Kitô sống trong mình (x. Gl 2,20). Lúc đó nhà truyền giáo đạt đến mức độ tự huỷ hoàn toàn để trở thành hiện thân của Đức Kitô, khiến cho người được truyền giáo cảm nhận được sự cứu độ toàn diện nơi Đức Kitô. Người đó có thể chữa lành bệnh tật, không phải như một bác sĩ hay phù thuỷ dùng bùa phép, nhưng trong tư cách là chứng nhân của Đức Kitô vì “với Đấng ban sức mạnh cho họ, họ có thể làm được mọi sự” (x. Pl 4,13).

3.2. Sứ mạng của nhà truyền giáo còn là sứ mạng của Giáo Hội

Một khi nhà truyền giáo gắn bó với Đức Kitô, người đó sẽ xác tín ngay rằng mình thuộc về Giáo Hội là Hiền thê của Đức Kitô và đang thi hành sứ mạng của Giáo Hội, “sứ mạng này tiếp diễn và làm phát triển sứ mạng của Đức Kitô qua dòng lịch sử”. Sứ mạng của Giáo Hội khởi đầu với các Tông đồ (x. Mc 3,13) bằng lệnh truyền của Đức Kitô: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16). Sứ mạng này đã được các Tông đồ truyền lại cho hàng giám mục, với sự tham dự của các linh mục và của mọi chi thể của Đức Kitô (x. Ad Gentes, số 5).

Sứ mạng truyền giáo của chúng ta khởi đầu từ lúc chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa tội nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa. Lúc đó chúng ta làm thành Giáo Hội lữ hành: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (Ad Gentes, số 2; x. Lumen Gentium, số 2). Như thế, việc truyền giáo không còn mang tính cách cá nhân, là việc riêng của từng người hoặc của một dòng tu, một tập thể hay cộng đoàn nào, nhưng là việc chung của Giáo Hội mà mọi người phải hiệp thông và cộng tác với nhau vì cùng là thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô. Do đó, nếu không có sự hiệp thông với Giáo Hội, việc làm của chúng ta không thuộc về sứ mạng của Đức Kitô, không có tính cách truyền giáo. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trình bày khá kỹ về sự hiệp thông này như điều kiện cơ bản để truyền giáo trong Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, số 24-28, trước khi chúng ta tìm cách đối thoại với mọi người.

Để hoàn thành sứ mạng truyền giáo một cách hiệu quả, người tín hữu phải gắn bó với Chúa Thánh Thần để được ân sủng của Ngài nâng đỡ và được tình thương của Ngài thúc đẩy khi họ đến với những anh chị em chưa biết, chưa tin Đức Kitô thuộc mọi dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hoá khác nhau, trong những hoàn cảnh sống khác biệt. Muốn quy tụ những người này thành một đại gia đình duy nhất, thắng vượt sự phân tán do tháp Babel (x. St 11,8-9) là biểu tượng, họ cần nói được ngôn ngữ tình yêu mà Chúa Thánh Thần đã ban cho các môn đệ của Đức Giêsu trong ngày lễ Hiện Xuống (x. Cv 2,5-12). Chỉ có ngôn ngữ này mới vượt qua những xung đột, tranh chấp, chia rẽ, chiến tranh khi người ta nói với nhau bằng ngôn ngữ của tiền bạc, sức mạnh, quyền lực, ưu thế quân sự… Nhà truyền giáo hay tông đồ, do đó phải thật sự yêu thương mới có thể xây dựng nền văn minh của tình thương và cũng chỉ có yêu thương mới thật sự mang lại hạnh phúc cho con người.

Nhà truyền giáo được Thánh Thần tình yêu thúc đẩy sẽ ra đi, trước tiên là ra khỏi tâm hồn nhỏ hẹp của mình rồi mới có thể đến với muôn loài muôn vật để loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Không gian truyền giáo bao la mở rộng ngay ở cửa tâm hồn họ, khiến họ không cần phải đi đâu xa hơn nữa. Lúc đó họ sẽ nhận được những ân sủng ngôn ngữ của Thánh Thần để đi vào từng dân tộc hay từng lĩnh vực còn xa lạ với Đức Giêsu Kitô.

Họ có thể dùng ngôn ngữ của màu sắc, của chữ viết, âm thanh, của khoa học kỹ thuật… để rao giảng Tin Mừng qua những bức hoạ, phim ảnh, sách báo, bài nhạc, các công trình nghiên cứu… mà “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (x. Cv 2,11) thay vì cổ vũ mãi một hình ảnh của “Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu liên lỉ cầu nguyện, hy sinh, cả đời chẳng bước ra khỏi tu viện và trở thành bổn mạng của các xứ truyền giáo chẳng thua gì Thánh Phanxicô Xaviê”. Chắc chắn chị Thánh Têrêxa đóng vai trò đặc biệt cho công cuộc truyền giáo, nhưng kiểu cổ vũ này đã khiến nhiều người thiếu xác tín về sứ mạng đã tìm được chỗ dung thân! Và rồi họ để mất các đoàn sủng ngôn ngữ tình yêu của Thánh Thần!

Một linh mục giảng Tin Mừng trong nhà thờ chứa nhiều lắm được 2.000 người, nhưng một bài báo trên tờ Tuổi Trẻ hằng ngày có hơn 200.000 người đọc. Một chương trình ca nhạc, kịch nghệ hay có cả triệu người xem. Một bản cải lương với làn điệu dân ca, vọng cổ mùi mẫn có cả chục triệu đồng bào vùng Cửu Long theo dõi. Một công trình khoa học có thể ảnh hưởng tốt đến hàng trăm triệu, hàng tỷ người. Nếu chúng ta biết nói Tin Mừng bằng những loại hình ngôn ngữ mới, ta mới đạt được kết quả nhiều hơn trong công cuộc truyền giáo. Xin cho phép đưa ra một thí dụ cụ thể là cuốn Sứ điệp loài hoa, trong đó không tìm thấy một từ “Chúa” nào nơi các bài viết, nhưng ai cũng nhận ra tinh thần Tin Mừng ở đó. Tập sách nhỏ ấy đã xuất bản đến nay được 135.000 cuốn. Chúng tôi nghĩ, nhiều tín hữu giáo dân cũng như tu sĩ dư sức để viết những tập sách tương tự, và còn hay hơn thế, nếu chúng ta biết cộng tác với Chúa Thánh Thần để sử dụng các đoàn sủng của Ngài.

Đoàn sủng này như đang đòi hỏi chúng ta phải đào luyện chính mình và tích cực hành động cho bao người nghèo khó quanh ta được nghe Tin Mừng của Đức Kitô. Những người nghèo đó có thể là 80 triệu người Việt Nam đang mong mỏi cảm nhận được sự bình an và hạnh phúc khi họ gặp được một nhà truyền giáo là hiện thân của Đức Kitô nơi gần 6 triệu người Công giáo hiện nay. Đó có thể là những người trẻ (chiếm đến 60% dân số) đang đi tìm những con người lý tưởng dạy cho họ vượt qua cuộc sống hưởng thụ, chạy theo vật chất và hình thức bên ngoài để cảm nhận được một Đức Giêsu thật sự trẻ trung, khôn ngoan, nhân hậu và quyền năng hiện diện giữa họ, qua một người tông đồ giáo dân. Đó có thể là 5,5 triệu người khuyết tật, trong đó phần lớn là chậm phát triển trí não. Đó có thể là hơn 4 triệu di dân chịu nhiều thiệt thòi đang cần được nâng đỡ để sống đúng với nhân phẩm. Đó cũng có thể là hàng trăm ngàn người nghiện ma tuý, nhiễm HIV đang cần một sự chữa lành trong cơn tuyệt vọng.

Họ còn là gần 4 tỷ người châu Á đang sống trong những điều kiện rất khác biệt nhau, tại một số nước được xếp vào loại nghèo nhất địa cầu, dưới những chế độ độc tài, bị phân biệt đối xử vì khác biệt tôn giáo, giai cấp, bị bóc lột đủ mọi mặt… Tất cả như đang kêu cứu: “xin giúp chúng tôi” (x. Cv 16,9). Họ đang mong được gặp Đức Giêsu Kitô để Người giúp họ chiến thắng bệnh tật thể lý, tâm lý, tinh thần và đem lại cho họ một sự giải phóng thật sự và thăng hoa cao quý để sống đúng là con người và là con Thiên Chúa. Nhà truyền giáo phải hoàn thành sứ mạng đó của Đức Kitô và Giáo Hội, nhưng họ còn xác tín được điều này không và họ đang làm gì để thể hiện sứ mạng cao cả này?

Kết luận

Suy nghĩ về sứ mạng truyền giáo của người Kitô hữu, chúng ta như bị thôi thúc bởi có quá nhiều những anh chị em chưa biết Đức Kitô. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những thôi thúc từ bên ngoài. Nhà truyền giáo, hơn bao giờ hết, cần phải được thôi thúc từ bên trong bởi niềm xác tín vào sứ mạng cao cả đã được Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần trao phó cho mình, trong tư cách là chi thể của Giáo Hội. Chúa đã trao sứ mạng thì Người cũng ban muôn ơn để giúp ta hoàn thành nhiệm vu. Đó là niềm hy vọng của chúng ta.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

------------------------------

 

Truyền_giáo 29: CẦU NGUYỆN VÀ TRUYỀN GIÁO

 

Một câu ngạn ngữ thế này: ”Người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc, người bỏ cuộc không bao: Truyền_giáo 29


Một câu ngạn ngữ thế này: “Người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc, người bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng”.

Dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay, bà góa hết kêu cầu, đến cả một thời gian dài chờ đợi vị quan tòa độc ác, vì ông “không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta”, minh oan cho mình là một chiến thắng. Chúa Giêsu dùng hình ảnh này mời gọi ta cầu nguyện là dạy ta bài học của sự kiên trì. Bạn và tôi hãy cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng. Hãy chiến thắng chính mình, đừng để sự mòn mỏi, sự nản chí lấn chiếm tâm hồn. Ngày nào còn sống, ngày ấy phải là một lời cầu nguyện trong lòng tin, trong niềm trông cậy, với tất cả tâm hồn chứa chan tình mến của một người con thảo.

Chúa nhật 29 thường niên, cả Giáo Hội đã đi hết ba phần tư của tháng mười. Tháng mười gắn liền với chuỗi Mân côi, vì là tháng tôn vinh Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi. Chính vì thế, tinh thần cầu nguyện vốn đã được đề cao, nhất là trong các mùa phụng vụ như mùa Chay, mùa Vọng…, lại càng được nhắc nhở thường xuyên trong tháng mười. Lời nhắc nhở về việc chuyên chăm cầu nguyện của cả Giáo Hội, hay riêng cá nhân của từng vị mục tử trong tháng mười luôn luôn liên kết với niềm tin, lòng mến, sự phó thác vào ơn hiệu nghiệm của chuỗi Mân côi.

Một khía cạnh khác cũng nằm trong chiều hướng của tháng mười, đó là ơn truyền giáo. Vì thế tháng mười còn được gọi là tháng truyền giáo. Trong tháng này, ý nghĩa của sự truyền giáo được nhấn mạnh rất nhiều. Giáo Hội không quên liên kết tràn chuỗi Mân côi với ý hướng truyền giáo trong Giáo Hội. Nhiều anh chị em, vốn đã yêu mến chuỗi Mân côi, lại càng tha thiết đọc kinh này, gắn liền với ước nguyện “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Trong tháng mười, chúng ta có hai mẫu gương tuyệt vời về truyền giáo và cầu nguyện: Mẹ Maria và thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Bắt đầu tháng kính Đức Mẹ Mân côi, ngay ngày đầu tiên, Giáo Hội hân hoan cử hành lễ thánh Têrêsa, Bổn mạng các xứ truyền giáo. Bảy ngày sau, Giáo Hội lại mừng kính Đức Mẹ Mân côi.

Đức Maria là một phụ nữ suy tư. Mẹ âm thầm chấp nhận thánh ý Chúa. Có khi không hiểu hết, nhưng đã nội tâm hóa tất cả bằng cả một đời thầm lặng bên cạnh con mình. Không ồn ào, hay khoa trương, Mẹ đã chiêm ngắm Con Thiên Chúa từ khi Người chưa nhập thể, chỉ mới bắt đầu đón nhận lời truyền tin, đến lúc Người Con ấy về bên Thiên Chúa. Sự chiêm ngắm ấy đã tác thành đức tin nơi Mẹ ngày một sâu lắng. Đó là một sự sâu lắng rất phi thường. Đức tin đã tặng Mẹ một lòng yêu mến vốn đã lớn, càng thêm sắc son và mạnh mẽ, nhất là khi phải đối diện với thánh giá, hay lúc ôm thân xác cứng đờ của con vì bị hành hạ đến mức nhục nhã.

Mẹ Maria đã từng một lần nói tiếng xin vâng nhưng cả một đời chấp nhận. Nhìn tấm gương tuyệt vời của Mẹ, tác giả Phương Anh reo lên lên trong bài hát “Calvê mặt trời đã tắt”: “Khi mặt trời đồi Calvê đã tắt, muôn trăng sao khóc thương Ngài lìa đời. Khi Giêsu dang tay nhìn loài người, khi Giêsu trút hết hơi thở tình yêu. Thì Mẹ Maria vẫn tin vững vàng đó là Thiên Chúa, Đấng Chí tôn toàn năng. Thì Mẹ Maria vẫn tin vững vàng đó là Thiên Chúa, Đấng Cứu tinh trần gian”.

Vì thế, từ những khắc họa của chính Đức Maria, làm cho Mẹ, một phụ nữ suy tư, suốt đời chìm trong cầu nguyện. Dõi theo bước chân truyền giáo của Chúa Giêsu trên khắc nẻo đười Palestine, và sau khi Chúa về trời, lại tiếp tục dõi theo bước chân của những người con là môn đệ của Chúa Giêsu, cùng chia sớt niềm vui nỗi buồn của cả Giáo Hội, Đức Maria trở thành tấm gương sáng chói cho những ai yêu thích đời truyền giáo, bắt chước Mẹ hy sinh, cầu nguyện cho việc truyền giáo.

Cũng vậy, thánh Têrêsa có nhiều điểm rất giống Đức Mẹ. Chị xứng đáng là một người con dấu ái của Đức Maria, một đồ đệ rất mực đáng yêu của Chúa Giêsu. Têrêsa, tâm hồn nhỏ bé nên thánh vĩ đại! Chị đã không làm gì để hậu thế có thể nhìn thấy những công trình vật chất vĩ đại, nhưng đời Chị là cả một chuỗi ngày anh hùng. Chị sống trong cõi đời có hai mươi bốn năm, nhưng đấy là thời gian hình thành con đường nội tâm sâu sắc, bởi Chị đã nếm trải quá nhiều thương đau.

Đặc biệt chín năm cuối đời, ngoài những thử thách nội tâm là những đau khổ phần xác diễn ra hằng ngày. Sống trong dòng Catminh, tuy mặt ngoài rất đơn sơ, nhưng Chị hiểu tình yêu của Chị đối với Chúa Kitô được thực hiện bằng con đường khổ nạn mà chính Người đã đi qua. Trong đêm thứ Sáu tuần Thánh 1896, chị ho ra máu lần đầu tiên, khai mạc cho một cuộc tử đạo kéo dài mười tám tháng cuối đời.

Chịu đựng bao nhiêu, Chị lại đối diện với nội tâm của chính mình nhiều bấy nhiêu. Cứ thế đời sống cầu nguyện và kết hợp với Chúa vốn đã là sức mạnh giúp Chị vượt thắng, lại càng tha thiết, nồng nàn và vững chắc. Quyển Thánh Kinh, với Chị, ngày càng nên sách đọc duy nhất. Từ trong những trang Thánh Kinh, chị nhận ra khuôn mặt yêu thương nhân từ của Thiên Chúa mỗi lúc một lớn dần.

Chị đã đam mê, một đam mê rất thánh thiện, đó là muốn yêu Chúa hơn bất cứ ai trên thế giới và yêu mọi người như Chúa Giêsu yêu. Tình yêu ấy lớn hơn mọi lời rao giảng. Vì thế, chỉ sống trong bốn bức tường đan viện, Chị vẫn là nhà truyền giáo nổi tiếng. Người ta không thấy Chị đến bất cứ nơi đâu để truyền giáo, nhưng sự hy sinh và cầu nguyện thầm lặng, Chị đã chấp nhận dùng chính bản thân hướng đến mọi miền đất của thế giới. Chị đúng là người con trung hiếu của Đức Mẹ.

Tình yêu nung nấu cháy lòng, đã giúp Chị hoàn thành ước nguyện: hiến dâng thân mình, dâng tất cả chuỗi ngày sống dù bất hạnh hay hạnh phúc cho lòng nhân từ của Chúa như của lễ toàn thiêu. Chúa đã nhận lời người con bé nhỏ của Người. chị từ giả cuộc đời trong khi miệng vẫn thì thầm: “Lạy Chúa, con yêu Chúa!”.

Từ những suy nghĩ về mối liên hệ giữa việc cầu nguyện, cách riêng cầu nguyện nhờ chuỗi Mân côi với ơn gọi truyền giáo, tôi thấy hai tấm gương sáng chói rực rỡ của Đức Mẹ và của thánh nữ Têrêsa, soi rọi cho chúng ta sống những gì Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay: hãy cầu nguyện kiên trì với tất cả lòng tin và tình mến!

Chúa nói: “Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày mà khoan giãn với họ mãi sao?”. Tin vào Lời Chúa, bạn và tôi hãy kiên trì cầu nguyện hết mọi ngày trong đời sống của mình, noi theo gương của chính Chúa Giêsu, của Mẹ Người là Đức Maria, của thánh Têrêsa. Hãy hiến dâng mọi hy sinh trong đời sống thường ngày để hướng đến những miền đất truyền giáo trong Giáo Hội.


Lm Vũ Xuân Hạnh

------------------------------

 

Truyền_giáo 30: SỨ VỤ CỨU THẾ


KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO SỨ VỤ CỨU THẾ

 

Ngày 7.12.1990, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Thế”: Truyền_giáo 30


Ngày 7.12.1990, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Thế” (Redemptoris Missio). Thông điệp được ban hành với nhiều ý nghĩa: Kỷ niệm 25 năm Công đồng Vatican II công bố Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, Sắc lệnh Ad gentes (Đến với muôn dân). Đây cũng là dịp kỷ niệm 500 năm châu Mỹ được loan báo Tin Mừng, đi liền với biến cố nhà khoa học Christophe Colomb tìm ra Tân Thế giới.

Đó là những kỷ niệm thuộc về quá khứ. “Sứ vụ Đấng Cứu Thế” ra đời còn vì một lý do quan trọng hơn, xuất phát từ những đòi hỏi cấp bách của Giáo Hội trong giao đoạn cuối thiên niên kỷ II, tiến tới thiên niên kỷ mới. Những đòi hỏi cấp bách đó là: Hơn bao giờ hết, Giáo Hội phải vừa truyền giáo, vừa tái truyền giáo. Vì thế cụm từ “tái Phúc Âm hóa” được nhắc đi, nhắc lại suốt chiều dài của thông điệp.

Một nguyên tắc không thể thiếu của việc loan báo Lời Chúa đó là chứng tá đức tin. Dù truyền giáo hay tái truyền giáo, con người trong thế giới hôm nay rất cần những chứng tá. Sứ vụ Đấng Cứu Thế cùng đồng ý với nhận định của Đức Phaolô VI trong tông huấn “Loan báo Tin Mừng” về điểm này: “Con người ngày nay tin vào các nhân chứng hơn là thầy dạy”. Đúng thôi, vì những biểu hiện tốt, việc làm hay, đời sống người Kitô hữu phù hợp và lột tả được nội dung cũng chính là giáo huấn của Lời Chúa, của Tin Mừng, sẽ có giá trị và sức lôi kéo gấp vạn lần những lời hô to trên diễn đàn, trên bục giảng, những khẩu hiệu chứa nhiều mỹ từ, với những hình thức trang hoàng bắt mắt… Ngược lại, chỉ cần một biểu hiện nào đó đi ngược Lời Chúa, người Kitô hữu đã tự mình tức khắc đạp đổ tất cả mọi công trình nhắm đến việc Kitô hóa tâm hồn anh chị em, mà bao nhiêu lâu, bao nhiêu nỗi khó khăn của bao nhiêu người chung góp mới có được. Nói gọn lại, muốn người khác tin, không phải chỉ dạy đạo lý, nhưng còn phải sống đạo lý mình dạy!

Ngay cụm từ “Sứ vụ Đấng Cứu Thế” gắn liền việc loan báo Tin Mừng, ta đã thấy ý nghĩa: Nhiệm vụ của Chúa Kitô là cứu thế. Để hoàn tất chương trình cứu chuộc thế giới, Người gieo vào thế giới giáo lý được lãnh nhận từ Thiên Chúa. Ai tin Lời Người, sẽ nhận lấy ơn cứu độ của Người. Người đồng hóa mình với tầng lớp người nghèo, để cùng thiếu thốn với những ai không quyền lực, không tiếng nói. Người đã hiến mình để làm giàu cho tất cả những ai đói khát, dốt nát, quê mùa, bị xã hội đào thải, khinh khi….

Để trở nên nhà truyền giáo thu hút anh chị em, Chúa Kitô không bao giờ khoa trương, to tiếng, không đứng trên bục cao reo hò. Người sống gần gũi, yêu thương hết mọi người, dù là kẻ thù nghịch, luôn rình rập hãm hại mình. Người không bao giờ chấp nhất, nhưng sẵn sàng tha thứ. Vì thế, Chúa Kitô cũng chính là nguồn sức mạnh cho những ai tội lỗi biết ăn năn, trở về cùng Thiên Chúa. Là Đấng đầy lòng khoan dung, Chúa Kitô chính là biểu trưng lớn về lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Nói cho cùng, để nên một nhà truyền giáo nhằm chu toàn sứ vụ cứu thế của mình, Chúa Kitô đã nên người nghèo với mọi người nghèo về mọi phương diện. Người đã chia sớt với những ai phận nhỏ sự long đong, thiếu thốn, bất an của họ. Chúa Kitô đã yêu thương con người bằng một tình yêu đằm thắm, chân thật xuất phát từ trái tim của một Thiên Chúa làm người.

Sau hết, đi đến cùng đòi hỏi của tình yêu, Chúa Kitô hiến dâng mạng sống của mình. Gục đầu tan thương và nhục nhã trên thánh giá, tình yêu của Người trở nên lời mời gọi vô biên, không còn hành động, không còn lời nào sánh ví. Đó là nhà truyền giáo chân chính, dám để mình mất tất cả, hy sinh tất cả, chấp nhận hao mòn tất cả. Vì chỉ có chấp nhận, người truyền giáo mới nên chứng tá. Lời rao giảng mới kết tụ mọi giá trị mang đậm nét yêu thương. Chỉ có tình yêu mới giúp người truyền giáo bền bỉ trong sứ vụ, can đảm trong phong ba, nghị lực khi đương đầu với mọi thế lực trần gian. Chỉ có yêu thương, và chỉ yêu thương mà thôi.

Vì chỉ với tình yêu và trong tình yêu, Chúa Kitô đã trở thành nhà truyền giáo bậc nhất, thu hút cả thế giới từ hàng ngàn năm nay. Sự thu hút ấy vẫn giữ nguyên sức mạnh của nó. Duy nhất bằng con đường tình yêu, Chúa Kitô thành công rực rỡ trong ơn cứu chuộc dành cho loài người. Người đã hoàn thành sứ vụ cứu thế của mình tuyệt đẹp. Vì Người đã hoàn thành sứ vụ cứu thế trên đỉnh cao của tình yêu!

Trong công cuộc Phúc Âm hóa và tái Phúc Âm hóa hôm nay, bạn và tôi, ai cũng hiểu chắc chắn rằng, Kitô hữu tự bản chất là chứng nhân của Chúa Kitô. Bởi vậy, nếu ngày xưa, các thánh tông đồ đã làm chứng vì đã chứng kiến tận mắt, đến lượt mình, dù không thể chứng kiến tận mắt, chúng ta chứng kiến bằng lòng tin. Có khi thấy bằng đức tin còn mạnh hơn thấy bằng mắt. Bằng chứng là thời Chúa Giêsu rao giảng, vô số người đã chứng kiến tận mắt, nhưng thay vì tin, họ đã đóng đinh Chúa của mình. Bởi vậy, nếu các thánh tông đồ đã cương quyết ra đi để chia sẻ đức tin cho cả thế giới, chúng ta cũng phải đứng lên làm tông đồ của thời đại mới, chia sẻ đức tin mà bản thân đang cưu mang cho bất cứ ai mình gặp gỡ.

Phương thế truyền giáo rất đa dạng. Ngày xưa, nói tới truyền giáo, ta nghĩ ngay đến việc đi đến nhiều miền của thế giới. Suy nghĩ này đúng, nhưng thiếu. Đức Phaolô VI chỉnh lại quan điển này trong tông huấn “Loan báo Tin Mừng”, khi cho biết cánh đồng tryền giáo ngày nay rất rộng. Đó là một cánh đồng bao trùm cả cuộc sống con người. Vì mọi công cuộc thăng tiến, phát triển con người toàn diện, đều có thể mang ý hướng truyền giáo. Những việc rất lớn như: giải phóng con người khỏi đói nghèo, mù chữ, bất công, áp bức, bóc lột… đến những việc cụ thể như mở trường, xây cất bệnh viện, tổ chức cứu trợ, nâng cao dân trí… Trên bình diện cá nhân, điều ta có thể làm được là hy sinh, cầu nguyện cho việc truyền giáo, sống yêu thương, hiền hòa, dễ tha thứ, cứu giúp những người cơ nhỡ, thăm viếng bệnh nhân, hiệp nhất với nhau và với mọi người không phân biệt lương giáo…

Chúa Kitô và Hội Thánh trao cho ta nhiệm vụ vinh quang, cao cả nhưng khó khăn, đó là làm cánh tay nối dài của Chúa Kitô đem Tin Mừng và tình yêu cứu độ vào thế giới. Ta hãy là những chứng nhân ấp ủ trong lòng niềm vui dấn thân vì được lãnh nhận sứ vụ của Chính Chúa Kitô, loan truyền ơn cứu độ của Người.

Hiểu như thế, bạn và tôi đừng bao giờ là chứng nhân buồn. Cuộc sống của ta phải đầy ắp niềm vui, sự lạc quan và sự sống của Chúa phục sinh. Chỉ như thế, ta mới mong cảm hóa lòng người, làm tròn sứ vụ cứu thế mà mình đã được giao phó.


Lm Vũ Xuân Hạnh

------------------------------

 

Truyền_giáo 31: VÀI SUY NGHĨ NHÂN KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO


Lm. Vũ Xuân Hạnh

 

Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và: Truyền_giáo 31


“Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ mọi điều Thầy truyền cho các con” (Mt 28, 19- 20). Chúa Kitô, trước khi về trời đã để lại cho Hội Thánh lệnh truyền ấy như là lời di chúc đặc biệt mà Hội Thánh phải cất giữ và ấp ủ từng ngày, để thao thức truyền giáo của Chúa Kitô trở thành nỗi thao thức và niềm say mê của Hội Thánh.

Lệnh truyền ấy vừa là bổn phận, vừa làm cho Hội Thánh vinh quang. Bổn phận là vì Hội Thánh phải tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô. Còn vinh quang là vì Hội Thánh được cộng tác với Chúa Kitô mang ơn cứu độ cho trần gian. Ý thức bổn phận vinh quang ấy, Hội Thánh luôn luôn lên đường dấn thân cho hoạt động truyền giáo.

Sau những năm dạy giáo lý, nhất là giáo lý dự tòng, với kinh nghiệm cá nhân, chắc còn nhiều hạn chế, tôi thử đưa ra một vài yếu tố mà tôi cho là cần thiết đối với hoạt động truyền giáo. Không nhắm đến nghệ thuật, làm sao để truyền giáo cho hay, cho tốt, tôi chỉ muốn nói đến chính bản thân người làm công tác truyền giáo. Người làm công tác truyền giáo rất cần có tinh thần hiệp thông, lòng bác ái và sự nghèo khó.

1/ Tinh Thần Hiệp Thông

Trước hết, tinh thần hiệp thông phải là điều kiện hàng đầu mà nhà truyền giáo cần quan tâm. Tôi lấy làm tâm đắc khi đọc Bản góp ý cho Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục Á châu mà Hội Đồng Giám mục Việt Nam soạn thảo trước khi một số giám mục Việt Nam lên đường dự Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu tại Rôma (từ 19. 4 đến 14. 5. 1998). Hội Đồng Giám mục Việt Nam gọi “Hiệp thông là thái độ nền tảng trong việc phục vụ và rao giảng Tin Mừng”.

Hiệp thông không chỉ trong nội bộ của từng Hội Thánh địa phương, giữa các Hội Thánh địa phương với nhau - Bởi điều đó hết sức quang trọng vì những người sống gần nhau, những cộng đoàn sống gần nhau mà không thể chia sớt cho nhau niềm vui, nỗi buồn, chia sớt cho nhau tinh thần cũng như vật chất, ngược lại còn hiềm khích nhau, thì sẽ không bao giờ làm nỗi một tấm gương chứng tá. Nhất là chứng tá càng rạng sáng bao nhiêu thì truyền giáo càng có sức sống bấy nhiêu - Nhưng hiệp thông còn là sự gắn bó với mọi người quanh ta. Không dám nói điều gì rộng lớn và xa xôi, tôi  có kinh nghiệm thế này, khi dạy giáo lý dự tòng, nếu ta chịu khó nhín thời gian một chút, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, ước mơ của riêng từng học viên dự tòng, dẫu họ chưa là người tự nguyện hoàn toàn đi học đạo, nhưng do một động lực khác như để lập gia đình chẳng hạn, ta vẫn có thể tạo được mối tương quan thân thiện, gần gũi và hiểu biết giữa người hướng dẫn và người được hướng dẫn, từ đó gây cho họ cảm tình với bản thân ta, đi xa hơn: với Thiên Chúa, với Chúa Kitô, với Hội Thánh.

Hiệp thông với mọi người còn là sự liên đới với người nghèo, người ít học. Tại Việt Nam, thành phần này rất đông. Đông đến mức gấp ba, gấp bốn số người giàu cộng lại. Ta có thể hiện diện với họ bằng thái độ chân tình, cởi mở, bằng lui tới thăm nom, đừng bao giờ có thái độ trọng sang khinh bần. Nếu có biếu một ít vật chất nào đó, xin đừng có thái độ kẻ cả ban ơn. Trên hết mọi sự, ta cần có lòng yêu thương chân thành. Chính tình yêu sẽ dạy ta biết sống thế nào với anh chị em quanh mình. Điều quí giá là trao ban tình yêu chứ không phải là cho đi sự bố thí. Tình yêu của ta, nhất là của các mục tử sẽ là nguồn an ủi lớn lao dành cho anh chị em.

Trên hết mọi tương quan hiệp thông, ta không thể nào bỏ qua sự hiệp thông với Hội Thánh toàn cầu. Hiệp thông với Hội Thánh để rao giảng Tin Mừng bằng ý hướng của Hội Thánh, dựa trên nền tảng Huấn Quyền của Hội Thánh. Có như thế mới bảo đảm được tính nhất quáng đồng bộ khắp nơi trong lời rao giảng của nhà truyền giáo này với nhà truyền giáo kia. Nếu không, sẽ rơi vào nguy cơ sống lập dị, suy nghĩ khác những gì Hội Thánh nhìn nhận, và cuối cùng loan báo Lời Chúa theo suy nghĩ cá nhân chứ không phải của Hội Thánh. Với cách sống, cách suy nghĩ, và lời loan báo như thế, sẽ làm nguy hại cho công cuộc truyền giáo. Bởi nếu đi ngược chân lý đức tin mà Hội Thánh rao giảng là phá hoại chứ không phải truyền giáo.

Hiệp thông với Hội Thánh còn là lòng yêu mến, và nhìn nhận Hội Thánh là mẹ đã sinh chúng ta trong đức tin. Có yêu mến Hội Thánh, ta mới dễ dàng thông cảm cho những yếu đuối, những sa ngã của nhiều phần tử trong Hội Thánh, có lúc trở thành tấm gương mù tồi tệ. Người rao giảng Tin Mừng có thể nói đến những khuyết điểm của Hội Thánh như là bằng chứng về yếu tố con người để xin sự thông cảm, chứ không phải tấn công, hay nặng lời chê trách Hội Thánh. Ta không thể mời gọi ai đi theo mẹ mình mà lại sĩ nhục mẹ bằng chính những lỗi lầm của bà. Cũng thế, làm sao ta có thể nói đến sự thánh thiện, để mời gọi mọi người vào Hội Thánh mà chẳng yêu thương Hội Thánh! Nếu chỉ công kích Hội Thánh thì làm sao anh chị em của ta có thể nhận ra sự thánh thiện của Hội Thánh mà can đảm dấn thân sống đời Kitô hữu, trong khi sự thánh thiện của Hội Thánh là điều có thật. Suốt chiều dài lịch sử, Biết bao nhiêu người con của Hội Thánh, bằng đời sống chứng tá của bản thân, đã ghi nên những trang sử vàng rất hào hùng, rất oanh liệt, làm rạng danh Mẹ Hội Thánh của mình. Sự thánh thiện của Hội Thánh còn khơi nguồn từ Đấng “Thánh, rất Thánh, chí Thánh” của chúng ta: Chúa Giêsu Kitô, Đấng sáng lập, là Đầu và Thủ lãnh của Hội Thánh.

Hội Thánh là Mẹ, mỗi Kitô hữu là con cùng một Mẹ. Chúng ta hiệp thông với Mẹ của mình để tất cả trở thành anh em là điều hợp lý. Mỗi anh em trong cùng một gia đình, đều lãnh nhận từ người Mẹ chung ấy đức tin duy nhất, để cùng rao giảng chỉ một đức tin tinh tuyền do Mẹ Hội Thánh truyền lại mà thôi.

2/ Lòng Bác Ái

Bác ái cũng là một đặc điểm cần thiết nơi một chứng nhân Tin Mừng. Giảng về Thiên Chúa yêu thương mà nhà truyền giáo không biết yêu thương, không tận tâm, tận tình với anh chị em, nhất là với người bần cùng, bất hạnh, cách sống đó không đúng, có thể là phản chứng của lời rao giảng. Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã trở thành một nhà truyền giáo lừng danh vì Mẹ đã sống tinh thần bác ái ấy. Mẹ Têrêsa là mẫu gương thời đại cho tất cả những người làm chứng cho Tin Mừng. Đức Hồng y Phạm Đình Tụng, trong bài phát biểu tại Thượng Hội đồng Giám mục Á châu đã nêu gương Mẹ Têrêsa như sau: “Bởi sự kính trọng sâu xa và tình yêu thương hữu hiệu của Mẹ đối với mọi người, Mẹ đã giảng dạy một cách hữu hiệu cho chúng ta biết thế nào là Đấng Thiên Chúa tình thương của người Kitô.”

Bác ái còn là sự thông cảm và tha thứ đối với lỗi lầm của anh chị em. Ta không bao che, không dung túng cho tội lỗi, nhưng độ lượng với người có tội để mời gọi họ trở về đường ngay nẻo chính. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương về lòng độ lượng, thông cảm và tha thứ này. Đối với người phụ nữ xứ Samari có đến sáu đời chồng, bằng những lời ân cần hết sức, nhưng cũng không kém phần dứt khoát, Chúa Giêsu đã đánh thẳng vào vấn đề của chị, buộc chị phải nhìn nhận thân phận của mình mà vẫn không cảm thấy bị xúc phạm: “Người bảo chị: 'Chị hãy gọi chồng chị rồi trở lại đây'. Người phụ nữ đáp: 'Tôi không có chồng'. Đức Giêsu bảo: 'Chị nói: tôi không có chồng là phải, vì chị đã có năm đời chồng, và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị nói đúng” (Ga 4, 1- 30).

Đối với người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang cũng vậy. Trước sự hung hăng đắc thắng của những kẻ vừa bắt được một tội nhân, như một thành quả to lớn của mình để bảo vệ lề luật, vừa có thể gài bẫy một người khác, Chúa Giêsu đã hết sức nhẹ nhàng: “Người bảo họ: 'Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi'. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Người ngẩng lên và nói: 'Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?'. 'Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.

Lời của Chúa Giêsu nhẹ nhàng là thế, nhưng cũng rất dứt khoát, làm cho những kẻ to tiếng kết tội chị phụ nữ phải cúi mặt nhận ra thân phận của mình. Nhưng cũng chính thái độ nhẹ nhàng và dứt khoát của Chúa Giêsu lại mang lại sự giải thoát cho chị phụ nữ. Không chỉ giải thoát chị khỏi tay những kẻ kết án mà còn là một sự giải thoát đúng nghĩa và quan trọng: cứu chị khỏi vòng kềm hãm của tội, đưa chị vào thế giới của bình an và tình yêu.

Lòng bác ái và độ lượng lớn lao như thế chắc chắn sẽ đem lại thành quả cũng lớn lao không kém cho những người tha thiết với trách vụ truyền giáo.

3. Tinh Thần Nghèo Khó

Người truyền giáo cũng rất cần có lối sống giản dị, Tinh thần khiêm nhu, cởi mở. Lối sống kiểu cách, cầu kỳ có thể trở thành rào chắn làm cho ta ngại dấn thân đã vậy, nó cũng sẽ tạo ra một khoảng cách lớn với anh chị em, khiến ta trở thành xa lạ với mọi người. Lối sống càng giản dị, ta càng dễ khiêm nhu, cởi mở. Một lối sống và một tinh thần như thế đòi phải có đức khó nghèo ngự trị thẳm sâu nơi nhà truyền giáo. Bởi đó, ta cần khước từ những sa hoa, những tiện nghi, không tranh giành quyền lợi, không tranh giành ảnh hưởng. Chỉ cần như thế thôi, nhà truyền giáo đã là một bằng chứng hấp dẫn, mạnh mẽ và quan trọng của Tin Mừng.

Một lối sống giản dị, một tinh thần khiêm nhu, cởi mở, một đức tính khó nghèo như thế, còn giúp ta dễ dàng tôn trọng những tập quán, những tôn giáo, những hình thức văn hóa và các dị biệt khác của anh chị em.

Cả một đời trần thế của Chúa Giêsu là bài học quí giá cho ta về tất cả những nhân đức trên. Từ khi sinh ra, Chúa là Chúa trời đất đã không chọn sự giàu sang để nương thân. Cung điện dù nguy nga đến đâu, đền đài dù tráng lệ cách mấy, lại không có chỗ chứa đựng Đức Chúa cao cả ấy. Vậy mà chỉ cần một hang đá Bêlem khiêm cung lại có thể chứa đựng Đấng quyền năng vô biên.

Lúc sinh ra là thế. Chúa Giêsu lớn lên cũng bắt đầu từ một gia đình nghèo, không tiếng tăm, ẩn khuất giữa một làng quê Nagiarét bình dị như bao nhiêu gia đình ở nơi ấy. Đến khi ra đi rao giảng Tin Mừng lại bị người đời chống đối và rắp tâm thủ tiêu.

Đến lúc sinh thì, chính những kẻ mà Chúa yêu quí mang Tin Mừng đến cho họ, lại bị họ trở mặt, tước sạch những gì là nhân phẩm, là giá trị của một con người. Tước cả mạng sống vẫn chưa lấy làm đủ, sau khi đã gục đầu tắt thở, con người đan tâm tước đoạt cả đến giọt máu cuối cùng của Thiên Chúa làm người. Lồng ngực bị mở ra là vết thương rốt hết để đón lấy mọi tội nhân và ôm lấy cả những kẻ giết hại mình. Bằng cách ấy, Chúa Giêsu đã diễn tả đến kỳ cùng lòng thương xót của “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Philip 2, 6 -7).

Nhìn ngắm Chúa Giêsu, người truyền giáo sẽ học được cách thức truyền giáo mà Chúa đã chọn.

4. Kết Luận

Mỗi người Kitô hữu đều có trách nhiệm truyền giáo vì đó là lệnh truyền, cũng là lời di chúc của Chúa Giêsu. Nó còn là trách nhiệm và vinh dự cho những ai tha thiết với Lời Chúa, tha thiết mang Chúa ra đi giới thiệu cho muôn người.

Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu có nói: “Chúng tôi coi đức tin của chúng tôi như một kho tàng quí giá nhất và chúng tôi muốn chia sẻ với tất cả mọi người. Bởi thế mang đức tin đến cho anh chị em là mang đến cho họ cả một món quà vô giá của ơn cứu độ. Bởi thế, chúng ta không sợ gian nan, không sợ khó khăn, tìm mọi cách chia sẻ đức tin của mình cho mọi người.

Hiểu như thế, bạn và tôi sẽ nhận ra công tác rao giảng của mình có một giá trị to lớn. Bởi trong niềm tin vào Đấng cứu độ duy nhất, chúng ta luôn luôn nhìn nhận rằng, ai cũng cần được Chúa Kitô cứu độ. Do đó công tác rao giảng Tin Mừng càng khẩn thiết hơn.

Chính các linh mục và tất cả những ai được trao nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa, càng phải ý thức hơn ai hết, trách nhiệm cao cả và vinh quang lớn lao của công tác truyền giáo.

Sau hết, tôi muốn kết thúc ở đây bằng chính sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2002 của Đức Thánh Cha để bạn và tôi cùng thao thức với vị Cha chung của cả Hội Thánh. Đức Thánh Cha viết: “Cùng với Thánh Phaolô, vị tông đồ và nhà truyền giáo vĩ đại, chúng ta muốn lặp lại rằng 'Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó' (1 Cor 9, 16-17). Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa, điều có thể khiến cho muôn người của các chủng tộc và văn hóa khác nhau nên anh chị em với nhau, mới có thể chữa lành những chia rẽ đau đớn: tranh chấp ý thức hệ, mất quân bình kinh tế và bạo lực là những gì đang đè nặng lên nhân loại” (Sứ điệp Truyền giáo, số 2).

“Vâng, chúng ta không bao giờ xấu hổ vì Tin Mừng và không bao giờ sợ hãi tuyên bố rằng chúng ta là Kitô Hữu, không bao giờ che dấu đức tin chúng ta. Thay vì vậy, chúng ta phải tiếp tục nói để mở rộng những không gian cho việc công bố ơn cứu độ, vì Chúa Giêsu đã hứa ở cùng chúng ta mãi mãi và Ngài luôn luôn ở giữa các môn đệ Ngài” (Sứ điệp Truyền giáo 2002, số 6).

------------------------------

 

Truyền_giáo 32: Truyền giáo

 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến viếng thăm Ấn Độ hồi tháng 11.1999. Cao điểm của: Truyền_giáo 32


Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến viếng thăm Ấn Độ hồi tháng 11.1999. Cao điểm của chuyến viếng thăm này là nghi thức công bố Tông Huấn về Giáo Hội Tại Á Châu. Tông Huấn này là một đúc kết kết quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Á Châu nhóm họp tại Rôma hồi tháng 4.1999. Việc chọn Ấn Độ làm nơi công bố Tông Huấn mang một ý nghĩa đặc biệt. Những nơi mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mong mỏi đến viếng thăm nhất hẳn phải là Đài Loan, Hồng Kông, Trung Hoa Lục Địa và đặc biệt là Việt Nam. Thế nhưng, cho đến nay người ta vẫn cứ nại đến lý do chính trị và quan hệ ngoại giao để không cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến viếng thăm Giáo Hội ở phần đất này. Dĩ nhiên đằng sau những lý do chính trị và quan hệ ngoại giao ấy, ai cũng thấy rõ chủ trương bài trừ tôn giáo và nhất là chống lại Giáo Hội. Tựu trung linh hồn của bất cứ một chế độ độc tài ý thức hệ nào cũng là tinh thần bất khoan nhượng. Người dân không những bị cưỡng bách phải tuyên xưng ý thức hệ của chế độ mà còn bị kỳ thị loại trừ và bách hại về niềm tin tôn giáo của mình.

Tuy là một quốc gia có nền dân chủ lớn nhất thế giới hiện nay, Ấn Độ đang bị xâu xé vì tinh thần bất khoan nhượng. Tại một quốc gia với một tỷ dân này, liên minh cầm quyền gồm những người theo chủ nghĩa Ấn Giáo, trong đó có một số thành phần cực đoan lại tái cử thêm nhiệm kỳ nữa, tinh thần bất khoan nhượng ngày càng gia tăng tại Ấn Độ. Trong những năm gần đây, người ta ước tính là đã có gần 150 vụ tấn công nhắm vào nhân sự và các cơ sở của Kitô Giáo, nhiều vị mục sư và linh mục bị sát hại, nhiều nữ tu bị bạo hành, nhiều nhà thờ bị đốt phá.

Một nhóm Ấn Giáo cực đoan đã tổ chức cuộc biểu tình phản đối nhân dịp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Ii viếng thăm Ấn Độ. Họ đòi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lên án các cuộc trở lại Công Giáo cũng như xin lỗi người Ấn Độ về những phương pháp truyền giáo cho người Ấn trong quá khứ. Chính trong bầu khí đầy bất khoan nhượng ấy mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm Ấn Độ, đúng hơn chính bầu khí bất khoan nhượng ấy đã khiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chọn Ấn Độ làm nơi để công bố Tông Huấn về Giáo Hội Tại Á Châu.

Trong bầu khí đó chúng ta thấy rằng, sứ điệp mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ với các tín hữu Kitô tại Ấn Độ và toàn thể Á Châu, cũng như với tất cả mọi người Ấn Độ là sứ điệp về lòng khoan nhượng. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trưng dẫn cuộc cách mạng bất bạo động vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại do Mahatma Gandhi chủ xướng, Ngài cũng nói đến tấm lòng khoan dung độ lượng của biết bao nhiêu nhà hiền triết Ấn Độ.

Quả thật, tôn giáo nào cũng tốt trong một mức độ nào đó, câu nói này nói lên tinh thần khoan nhượng vốn là yếu tính của tất cả mọi tôn giáo. Thật thế, tôn giáo nào cũng dạy con người ăn ngay ở lành; tôn giáo nào cũng lên án ích kỷ, bạo động, hận thù và tinh thần bất khoan nhượng.

Trong tuyển tập có tựa đề "Con Đường Đơn Sơ" của Mẹ Têrêsa Calcutta, vị Sáng Lập Dòng Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái đã viết như sau: "Chỉ có một Thiên Chúa và Ngài là Thiên Chúa của tất cả mọi người. Do đó, cần phải nhận ra mọi người bình đẳng trước mặt Chúa. Tôi vẫn luôn luôn nói rằng, chúng ta phải giúp cho một người Ấn Giáo trở thành người Ấn Giáo tốt hơn; một người Hồi Giáo được trở thành một người Hồi Giáo tốt hơn và một người Công Giáo trở thành một người Công Giáo tốt hơn." Lễ quốc táng mà chính phủ Ấn Độ đã dành cho Mẹ cách đây 4 năm chứng tỏ rằng, sứ điệp mà Mẹ mang đến cho dân tộc này đã được mọi người đón nhận. Sứ điệp ấy không chỉ được Mẹ Têrêsa nói lên bằng những lời nói suông mà còn bằng cả cuộc sống của Mẹ nữa.

Hôm nay là ngày thế giới truyền giáo, chúng ta hiệp nhau cầu nguyện cho công việc truyền giáo của Giáo Hội, chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho các nhà thừa sai trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội. Chúng ta tuyên xưng rằng, Chúa Giêsu Kitô là Đấng duy nhất cứu rỗi nhân loại, nhưng quan trọng hơn cả là chúng ta được Giáo Hội mời gọi mỗi người ý thức về sứ mệnh truyền giáo của mình, nhất là hiểu được ý nghĩa đích thực của việc truyền giáo trong thế giới hôm nay.

Mẹ Têrêsa Calcutta đã định nghĩa về một nhà truyền giáo: "Đó là một tín hữu Kitô say mê Chúa Giêsu đến độ không có một ước muốn nào khác hơn là làm cho mọi người nhận biết và yêu mến Ngài". Mẹ Têrêsa không những chỉ làm cho người ta biết và yêu mến Chúa Giêsu bằng những lời nói suông, nhưng Mẹ nói về Chúa Giêsu, Mẹ tỏ bày gương mặt của Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống yêu thương phục vụ của Mẹ. Do đó, truyền giáo thiết yếu đối với Mẹ Têrêsa là dùng cả cuộc sống của mình để làm cho người ta biết và yêu mến Chúa Giêsu.

Truyền giáo không chỉ là rao giảng một giáo lý mà thiết yếu là chia sẻ một cuộc sống yêu thương. Đây chính là cốt lõi mà Chúa Giêsu cô đọng trong giới răn mến Chúa và yêu người được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe trong Tin Mừng hôm nay. Trong xã hội mà Kitô giáo chỉ là thiểu số thì truyền giáo đối với Kitô hữu hiện nay là quyết tâm sống như thế nào để cho mọi người nhận biết Chúa Giêsu là Đấng đã đến chỉ để rao giảng một thứ đạo, đó là đạo của tình thương. Trong một chế độ chối bỏ những quyền tự do cơ bản nhất của con người, thì truyền giáo đối với các tín hữu Kitô hiện nay chính là biểu lộ được bộ mặt đích thực của Đạo là yêu thương và khoan nhượng.

------------------------------

 

Truyền_giáo 33: Hãy loan báo Tin mừng


(Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt)

 

Một đạo sĩ hỏi các đệ tử: Các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện, khi nào ánh sáng: Truyền_giáo 33


Một đạo sĩ hỏi các đệ tử: Các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện, khi nào ánh sáng tới và bóng tối lui đi không? Các đệ tử thi nhau trả lời: Thưa thày, có phải đêm tàn và ngày xuất hiện là khi từ xa nhìn một đoàn vật người ta có thể phân biệt được con nào là con bò và con nào là con trâu không? Thày lắc đầu: Không phải. Đệ tử khác trả lời: Thưa thày có phải ánh sáng tới và bóng tối lui là khi từ xa nhìn vào vườn cây, người ta có thể phân biệt được cây nào là cây xoài cây nào là cây mít không? Thày vẫn lắc đầu: Không phải. Thấy không ai trả lời được, thày mới giải nghĩa: Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nào ta nhìn vào mặt người xa lạ và nhận ra đó là anh em mình.

Thật là khó hiểu. Tuy trên đời ta thấy có nhiều thứ ánh sáng. Có ánh sáng mặt trăng mặt trời. Có ánh sáng đèn dầu, đèn điện. Có những ánh sáng như tia X, tia hồng ngoại. Nhưng tất cả những ánh sáng đó chỉ giúp ta nhìn rõ sự vật. Không thấy có thứ ánh sáng nào soi vào mặt người xa lạ mà biến người ấy thành người thân của mình.

Mẹ Têrêxa dường như đã tìm ra thứ ánh sáng ấy.

Mẹ Têrêxa là một nữ tu người Anbani, được sai đến phục vụ người nghèo tại Ấn độ. Đến Ấn độ, thấy người nghèo khổ quá tội nghiệp. Biết bao người hấp hối ngoài lề đường. Chết rồi xác bị quẳng vào đống rác như xác thú vật. Biết bao trẻ thơ bị bỏ rơi. Biết bao gia đình chui rúc trong các căn nhà ổ chuột. Biết bao người đói khát không đủ cơm ăn áo mặc. Mẹ lăn xả vào phục vụ người nghèo.

Một hôm Mẹ đi thăm một ông già cô đơn trong căn lều tồi tàn. Bước vào lều Mẹ động lòng thương cảm. Vì tất cả đồ đạc chỉ là một mớ giẻ rách. Căn lều bụi bặm bẩn thỉu ngoài sức tưởng tượng. Và nhất là ông già thu mình lại không muốn giao tiếp với ai. Mẹ chào hỏi ông cũng không buồn trả lời. Mẹ xin phép dọn dẹp căn lều ông cũng làm thinh. Đang khi dọn dẹp, Mẹ thấy trong góc lều có một cây đèn dầu bụi bám đen đủi. Sau khi lau chùi, Mẹ kêu lên: Ô, cây đèn đẹp quá. Ông già nói: Đó là cây đèn tôi tặng vợ tôi ngày cưới. Từ khi bà ấy chết, tôi không bao giờ đốt đèn nữa. Thấy ông đã cởi mở, Mẹ Têrêxa đề nghị: Thế ông có bằng lòng cho các chị nữ tu mỗi ngày đến thăm và đốt đèn cho ông không? Ông đồng ý. Từ đó mỗi buổi chiều, các chị tới thăm ông, dọn dẹp nhà cửa, nói chuyện với ông. Ngọn đèn ấm áp trong căn lều ấm cúng. Ông trở nên vui vẻ hơn. Ông đã đi thăm mọi người. Mọi người đến thăm ông. Cuộc đời ông vui tươi trở lại.

Trước kia cuộc đời ông tăm tối không phải vì ông không thắp đèn. Nhưng vì ngọn đèn trong trái tim ông đã tắt. Trái tim khép kín nên ông mất niềm tin vào con người, vào cuộc sống. Ông nhìn mọi người như thù địch. Từ ngày các nữ tu đến đốt đèn đời ông vui lên, sáng lên. Đời ông sáng lên không phải vì có ngọn đèn dầu hoả soi sáng. Nhưng vì trái tim ông bừng sáng. Ngọn đèn tâm hồn ông rạng rỡ. Tâm hồn ông cởi mở và ông nhìn thấy mọi người là anh em. Thứ ánh sáng ấy ta thấy trong Phúc Âm. Khi người Samaritano nhân hậu cúi xuống săn sóc, băng bó vết thương cho người bị nạn bên đường. Hai người nhìn nhau. Một làn ánh sáng loé lên. Và họ nhận ra nhau là anh em.

Cứ như thế Mẹ Têrêxa miệt mài phục vụ người nghèo. Lập những trung tâm đón tiếp những người hấp hối, săn sóc để họ được chết, được chôn cất như một con người. Nuôi trẻ mồ côi. Xây bệnh viện. Xây trường học. Công việc càng ngày càng mở rộng. Số người theo Mẹ ngày càng đông và Mẹ đã lập dòng Nữ tử Thừa sai Bác ái chuyên phục vụ người nghèo. Hiện nay nhà dòng đã có mặt trên 132 quốc gia. Mẹ được thế giới biết tiếng. Mẹ được nhiều giải thưởng trong đó có giải Nobel Hoà bình. Năm 1997, khi Mẹ qua đời, 80 nguyên thủ quốc gia, trong đó có phu nhân tổng thống Mỹ Bill Cliton và phu nhân tổng thống Pháp Jacques Chirac đã đến dự đám tang. Và nước Ấn độ, đa số dân theo Ấn độ giáo, vốn không ưa đạo Công giáo, đã chôn cất Mẹ theo nghi thức quốc táng. Hai mươi mốt phát súng đại bác tiễn đưa linh hồn Mẹ về trời.

Mẹ Têrêxa là một nhà truyền giáo thành công của thế kỷ 20. Vì Mẹ đã biết thắp lên ngọn đèn soi trong đêm tối. Giữa đêm tối vật chất hưởng thụ, Mẹ đã thắp lên ngọn đèn siêu nhiên của thiên đàng. Giữa đêm tối rụt rè nghi kỵ Mẹ đã thắp lên ngọn đèn cởi mở tin yêu. Giữa đêm tối lạnh lẽo cô đơn. Mẹ đã thắp lên một ngọn đèn ấm áp tình người. Trái tim Mẹ là một ngọn đèn sáng. Ánh sáng ấy toả lan tới muôn người làm cho mọi người nhận biết khuôn mặt hiền lành khiêm nhường của Đức Kitô và làm cho mọi người nhìn nhau là anh em.

Vào thời Cộng sản còn mạnh và còn chống đối Công giáo kịch liệt. Mẹ Têrêxa vẫn có thể lập nhà ở Nga, ở Cuba và cả ở Việt Nam. Với tấm lòng bác ái, Mẹ đã chiếu toả ánh sáng Tin Mừng khắp thế giới.

Hôm nay Giáo Hội cầu nguyện cho việc truyền giáo. Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta góp phần vào việc truyền giáo. Không gì bằng ta hãy noi gương Mẹ Têrêxa, thắp lên ngọn lửa tin yêu trong lòng mình, đem ngọn lửa yêu thương phục vụ soi sáng khắp nơi. Thế giới sẽ bừng sáng và mọi người sẽ nhìn nhận nhau là anh em.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Nhờ đâu Mẹ Têrêxa đến được cả những nước Cộng sản?
2- Nhờ đâu việc truyền giáo của Mẹ Têrêxa thành công tốt đẹp?
3- Đời sống bạn là ánh sáng hay là bóng tối cho những người chung quanh?
4- Bạn quyết tâm làm gì để loan báo Tin Mừng cho mọi người?

------------------------------

 

Truyền_giáo 34: Chứng tá

 

Truyền giáo là nhiệm vụ của mọi Kitô hữu. Đây là điều công đồng Vaticanô II nhắc đi nhắc: Truyền_giáo 34


Truyền giáo là nhiệm vụ của mọi Kitô hữu. Đây là điều công đồng Vaticanô II nhắc đi nhắc lại nhiều lần: việc rao giảng Tin Mừng là bổn phận chính yếu. Bổn phận căn bản của Giáo hội và mỗi Kitô hữu. Công đồng đã làm nổi bật vấn đề truyền giáo và đã định nghĩa Giáo hội là Giáo hội truyền giáo và coi việc truyền giáo là nghĩa vụ tông đồ của mỗi Kitô hữu. Theo công đồng, không một tín hữu nào đáng gọi là tín hữu mà có thể khước từ nhiệm vụ truyền giáo. Việc truyền giáo không thể là một việc tùy sở thích, nhưng mỗi tín hữu phải coi đây là vấn đề sống đạo, vấn đề sinh tồn của Giáo hội và là trách nhiệm của chính mình.

Đối với người giáo dân, qua sắc lệnh về tông đồ giáo dân. Công đồng còn cho thấy vai trò quan trọng của người giáo dân trong việc truyền giáo, vai trò là men, là muối, là ánh sáng, là chứng nhân giữa đời. Bởi vì giáo sĩ không thể sống chân bùn tay lấm nơi đồng ruộng với những nông dân ; giáo sĩ không thể gồng gánh theo chân những người buôn bán đi vào đầu đường xó chợ ; giáo sĩ không thể đầu tắt mặt tối làm việc trong những cơ xưởng, nhà máy, công trường… nhưng chính những giáo dân nhà nông, những giáo dân buôn bán, những giáo dân công nhân, có nhiệm vụ đem Chúa đến cho anh em mình nơi đồng ruộng, chợ búa, xí nghiệp, nhà máy, nghĩa là những nơi mà giáo sĩ không thể có mặt và không thể đi đến, thì giáo dân sẽ đóng vai trò chủ chốt và chủ động. Bởi đó, không những giáo dân đóng vai trò yểm trợ cho giáo sĩ mà còn đóng vai trò chính yếu, thay thế cho giáo sĩ trong những nơi hay những hoàn cảnh đó.

 Như vậy cách truyền giáo tốt nhất và có hiệu quả nhất là đời sống gương mẫu, đời sống Công giáo đích thực, nhất là đời sống thể hiện tình yêu thương của chúng ta. Nếu chúng ta sống thực sự yêu thương thì không ai đánh giá sai lầm về đạo, khi chúng ta chứng minh tình yêu bằng đời sống tốt thì chúng ta thực sự trở nên những bạn tốt, những công nhân gương mẫu trong nhà máy, những công nhân gương mẫu ngoài công trường. Tóm lại, chúng ta hãy nắm lấy những cơ hội đi lại đây đó, khi thi hành công tác, khi làm ăn sản xuất, khi xê dịch thăm viếng… để nói hay làm chứng về Chúa qua lời nói, thái độ và cách đối xử đầy tình yêu thương của chúng ta.

 Mẹ Têrêxa Cancutta đã định nghĩa về một nhà truyền giáo như sau: đó là “một tín hữu Kitô say mê Chúa Giêsu đến độ không có một ước muốn nào khác hơn là làm cho mọi người nhận biết và yêu mến Ngài”. Mẹ Têrêxa không chỉ làm cho người ta biết và yêu mến Chúa Giêsu bằng những lời nói suông, nhưng Mẹ nói về Chúa Giêsu, Mẹ tỏ bày gương mặt của Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống yêu thương phục vụ của Mẹ. Do đó, truyền giáo thiết yếu đối với Mẹ Têrêxa là dùng cả cuộc sống của mình để làm cho người ta biết và yêu mến Chúa Giêsu, truyền giáo không chỉ là rao giảng một giáo lý mà thiết yếu là chia sẻ một cuộc sống yêu thương.

 Có người đã kể lại lý do và động lực thúc đẩy ông theo đạo như sau: “Tôi đau rất nặng, người ta đưa tôi vào bệnh viện, không ai chăm sóc tôi cả ngoài một chị y tá, chị tỏ ra rất tốt và tận tình giúp đỡ tôi. Một đêm kia, trời đã rất khuya, tôi thấy chị quỳ gối im lặng trong phòng, tôi hỏi: “Chị quỳ làm gì thế ?”. Chị trả lời: “Tôi cầu nguyện cho ông”. Chỉ mấy tiếng đó thôi đủ làm cho tôi bấy lâu không biết Chúa, bây giờ được biết Chúa, tôi thấy Chúa nơi người chị y tá ấy. Giữa những đau khổ thể xác và tinh thần, nhờ sự săn sóc đầy tình người và những lời cầu nguyện đầy yêu thương của chị y tá ấy, tôi đã gặp Chúa”.

 Câu chuyện trên cho chúng ta thấy gương sáng và tình yêu thương là bằng chứng cho người ta nhận ra Thiên Chúa. Có nhiều người không bao giờ thấy chúng ta cầu nguyện sốt sắng ở nhà thờ, vì họ có đạo đâu mà đến nhà thờ, nhưng họ thấy cách chúng ta biểu lộ tình thương với họ hay với những người chung quanh mà họ nhận ra Thiên Chúa của tình yêu. Nếu chúng ta sống thực sự yêu thương thì không ai đánh giá sai lầm về đạo Chúa, khi chúng ta chứng minh tình yêu bằng đời sống tốt thì chúng ta thực sự trở nên những người bạn tốt của nhau.

 Trong thư mục vụ năm 2003 của các giám mục Việt Nam, số 10 cũng nói đến cách truyền giáo này: cầu nguyện cho việc truyền giáo là việc quan trọng hàng đầu, việc truyền giáo phải đặt nền tảng trên lời cầu nguyện: cá nhân, gia đình, cộng đoàn, giáo xứ. Trước khi rao giảng bằng lời nói, hãy rao giảng bằng đời sống, chúng ta hãy nêu gương về đời sống hiệp nhất yêu thương, không có lời rao giảng nào có sức thuyết phục bằng sự hiệp nhất yêu thương trong gia đình, xóm làng, trong giáo xứ, trong giáo phận, như lời Chúa phán: “Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết anh em là môn đệ của Thầy, ấy là nếu anh em thương yêu nhau”.

Tóm lại, ngày thế giới truyền giáo hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy luôn ý thức về sự quan trọng của việc truyền giáo và nhắc nhở chúng ta hãy góp phần mình vào công cuộc truyền giáo của Giáo hội bằng việc cầu nguyện và bằng đời sống tốt đẹp của chúng ta.

------------------------------

 

Truyền_giáo 35: XIN TỎ CHO CHÚNG TÔI ĐỨC GIÊSU THIÊN CHÚA”

 

Một điểm chung thường gặp ở các nhà truyền giáo là ý thức rất mạnh và rõ nét về sứ mạng tìm Truyền_giáo 35


Một điểm chung thường gặp ở các nhà truyền giáo là ý thức rất mạnh và rõ nét về sứ mạng tìm đến và loan báo Tin Mừng cho mọi người. Ý thức ấy đôi khi qúa mãnh liệt, và đậm nét đến nỗi có thể làm lu mờ và giảm thiểu một sự thực cũng rất quan trọng, đó là nhiều người đã tự nguyện tìm đến nhà truyền giáo để được lắng nghe Tin Mừng.

Tin Mừng nhiều lần kể về đám đông đi tìm Đức Giêsu, vì khao khát được nghe Ngài giảng, và Ngài chạnh lòng cảm thương khi thấy họ vất vả đến với Ngài: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14,14). Cũng như lần khác, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn” (Mt 15,32).

Kéo nhau đi theo để được nghe Ngài giảng dậy, được Ngài chữa lành các bệnh tật, đám đông còn “ở luôn với Ngài” nhiều ngày đã nói lên nỗi ước mong, niềm trông ngóng Đức Giêsu và Tin Mừng cứu độ của Ngài trong tâm hồn rất nhiều người.

Đó cũng là thực tế các tông đồ đã chứng kiến, khi đám đông kéo đến và tụ tập quanh các vị để được nghe nói về “Đức Giêsu Nadarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó... Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không đời nào khống chế được Người mãi” (Cv 2,22-24). 

Nếu trước đây đã có đám đông khao khát được cứu rỗi kéo nhau đi tìm Đức Giêsu, và dân chúng tụ tập lắng nghe các tông đồ loan báo Đức Giêsu đã chết và sống lại, thì nay nhà truyền giáo ở mọi nơi, mọi thời cũng không lẻ loi, cô độc, nhưng luôn có rất nhiều tâm hồn khắc khoải mong ước được gặp các vị để được các vị “tỏ cho biết Đức Giêsu Thiên Chúa”.

Ý thức và xác tín rằng: luôn có những “đám đông tâm hồn” được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, và ở đâu cũng có những người được Thần Khí mở lòng, mở trí đi tìm những người được Thiên Chúa sai đến, nhà truyền giáo sẽ tránh được não trạng là ân nhân, là người thi ân của thế giới. Não trạng này dễ đưa đến thái độ kiêu căng, hống hách, trịch thượng, vô ơn, không tôn trọng người được rao giảng của nhà truyền giáo, vì nghĩ mình có quyền cho hay không cho, tự mãn, tự đủ và không chịu ơn người nào, cũng không nghĩ đến vai trò và tác động quan trọng của Chúa Thánh Thần. Đây đích thực là chướng ngại rất lớn cho công cuộc truyền giáo, mà nhà truyền giáo cần thận trọng né tránh. 

Nhà truyền giáo còn biết mình được sai đến với muôn dân, nhưng “muôn dân” ấy không là đám đông không có Chúa, đám đông vắng ơn Thánh Thần. Trái lại, đám đông cũng được thúc đẩy bởi cùng một Thần Khí đang thúc bách nhà truyền giáo lên đường. Cả hai, nhà truyền giáo và đám đông được rao giảng đều được Chúa Thánh Thần “soi lòng dậy dỗ”, được Thần Khí “mở cửa tâm hồn, thắp sáng niềm tin”, để người rao giảng “tỏ cho đám đông thấy Đức Giêsu”, như Đức Giêsu đã trả lời Philípphê: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”, khi ông nói với Ngài: “Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha” (Ga 14,8-9).

Ở đây, chúng ta thấy rõ sứ mệnh thiết yếu của nhà truyền giáo, căn tính của việc truyền giáo, mục tiêu của công cuộc truyền giáo là “tỏ cho người khác thấy Đức Giêsu”, bằng làm cho người khác nhận ra Đức Giêsu ở chính nhà truyền giáo, gặp gỡ Đức Giêsu trong “đời sống” của người được sai đi, yêu mến Đức Giêsu ngay trong trái tim người giới thiệu Tin Mừng, như các môn đệ nhận ra Chúa Cha qua Đức Giêsu, vì Ngài là dung mạo đích thực của Chúa Cha. Chẳng thế mà khi Philípphê thắc mắc, Đức Giêsu đã trả lời ông: “Thầy ở với anh em bấy lâu nay, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?” (Ga 14,9).

Trả lời Philípphê cũng là sứ điệp Đức Giêsu gửi mỗi nhà truyền giáo. Sứ điệp ấy khẳng định: Nếu anh em thấy Thầy là thấy Chúa Cha, thì  mọi người cũng phải thấy được Thầy khi họ thấy anh em.

Bởi môn đệ phải giống Thầy, nên nhìn môn đệ sẽ biết Thầy, quan sát đời sống môn đệ sẽ vẽ được chân dung Thầy; bởi môn đệ không hơn Thầy, nên trò tốt thì Thầy tuyệt hảo, sư phụ nhân hậu “sản sinh” những môn đệ nhân lành, Thầy tài đức sẽ cho ra đời những môn sinh có đức có tài. Đó là quy luật của tương quan trong đời thường.

Với Đức Giêsu, người môn đệ còn phải đi xa hơn gấp nhiều lần, vượt khỏi quy luật đời thường vừa kể, để không chỉ trở nên giống Thầy, “đồng hình đồng dạng với Thầy”, mà còn phải “nên một” với Thầy, “ở lại trong Thầy” (Ga 15,4), như “Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,11), vì ước mơ của Đức Giêsu chính là “Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (Ga 14,20).

Như thế, sứ mệnh truyền giáo được Đức Giêsu trao phó không chỉ là rao giảng, loan truyền, mà còn “tỏ ra cho mọi người thấy rõ, thấy chính xác Đức Giêsu là ai để yêu mến và nên một với Ngài”. Nghiã là, người được rao giảng cũng sẽ phải đạt đến tình trạng “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu, nên một với Đức Giêsu, ở trong Đức Giêsu như người rao giảng.

Và để thực hiện công trình “tỏ cho người khác Đức Giêsu và làm cho họ nên một với Đức Giêsu”, chính nhà truyền giáo phải đạt đến mức độ thiết thân “nên một” này trước, thì mới có khả năng tỏ cho muôn dân Đức Giêsu đích thực, Đức Giêsu Thiên Chúa và Con Người. Nếu không, lời rao giảng của nhà truyền giáo dễ trở thành công tác chuyển giao một mớ kiến thức tôn giáo mà không giới thiệu một con người, không làm chứng một Thiên Chúa, công việc mà chỉ có tình yêu “nên một” trong nhau, tình yêu kết hiệp mật thiết với nhau mới có thể nói đúng về nhau, diễn tả chính xác về người mình biết, mình yêu cho người khác.

Nói tóm lại, chỉ với ngôn ngữ của tình yêu đích thực, người môn đệ  mới nói xác thực về Thầy mình cho người khác; chỉ bằng ngôn ngữ Tình Yêu sâu sa dành cho Thầy mình, người được Đức Giêsu sai đi truyền giáo mới có thể thuyết phục người khác yêu mến và tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa Tình Yêu, là Mục Tử nhân lành, là Người Cha giầu lòng thương xót. 

Thực vậy, Đức Giêsu muốn các môn đệ Ngài phải ở trong Ngài, nên một với Ngài, vì truyền giáo là sứ mệnh hệ trọng, cam go và khó khăn: khó khăn vì giới thiệu một Thiên Chúa cho con người, cam go vì Thiên Chúa ấy không chỉ là Thiên Chúa mà còn là Người, và hệ trọng, vì “Thiên Chúa làm người” ấy là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại, mà bất cứ ai muốn được cứu sống đều phải nghe tiếng Ngài và đi qua Ngài (x. Ga 10).

Ngài còn trao cho các ông trách nhiệm tỏ cho người khác về Ngài một cách đích thực, chính xác, không sai sót, không làm méo mó, lệch lạc dung mạo Con Người - Thiên Chúa của Ngài.

Và để làm được công việc khó khăn này, ngoài đòi hỏi trở nên giống Ngài, đồng hình đồng dạng với Ngài, mang cùng trái tim như Ngài, có cùng thao thức, khắc khoải, mơ ước như Ngài, nhà truyền giáo phải hiểu: không còn cách thế, phương tiện nào tốt hơn, hữu hiệu hơn để người khác nhận ra Đức Giêsu Thiên Chúa nơi mình, qua lời mình nói, qua việc mình làm, qua đời mình sống, bằng liên lỉ ở lại trong tình yêu kết hiệp với chính Đức Giêsu, nguồn mạch Tình yêu. 

Đến đây chúng ta hiểu rõ hơn: tại sao Đức Giêsu đã không đưa ra một phương án nào khác ngoài “Anh em hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12) như dấu hiệu duy nhất của người môn đệ thuộc về Ngài và được Ngài sai đi truyền giáo? Tại sao Đức Giêsu đã chọn giải pháp truyền giáo bằng để người ta nhận ra Ngài qua các môn đệ, khi họ yêu thương nhau? (x. Ga 13,35)  

1.   Truyền Giáo hệ tại ở lòng yêu mến Đức Giêsu :

   Muốn giới thiệu Thiên Chúa, nhà truyền giáo phải yêu Thiên Chúa, phải có kinh nghiệm tình yêu với Thiên Chúa, nếu không sẽ không biết gì về Thiên Chúa để nói về Ngài, “vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8).

Bởi thế sẽ không có truyền giáo đích thực và hữu hiệu, nếu không có tình yêu sâu sa giữa Thiên Chúa và nhà truyền giáo, vì hoa trái của truyền giáo không hệ tại ở bất cứ khả năng, điều kiện, phương tiện, thế lực nào khác ngoài Tình Yêu trong Đức Giêsu :“Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

“Chẳng làm được gì” mang một ý nghiã thất bại hoàn toàn, vô ích, vô dụng toàn phần, toàn bộ. Không ở trong tình yêu của Đức Giêsu, công việc truyền giáo không mang một ý nghiã thiêng liêng nào, vì truyền giáo là tỏ cho người khác biết Thiên Chúa yêu thương họ trước khi họ yêu mến Ngài.

Để nói được Thiên Chúa yêu thương họ, nhà truyền giáo sẽ diễn tả thế nào tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, nếu chính nhà truyền giáo chưa một lần cảm nghiệm tình yêu thiêng liêng ấy? Để truyền vào trái tim người khác tình yêu Đức Giêsu, nhà truyền giáo sẽ truyền cách nào, nếu chưa một lần đi trên con đường tình của  Thiên Chúa và con người? Để thắp sáng, và đốt nóng trái tim người được rao giảng Tin Mừng, nhà truyền giáo đốt bằng lửa nào, thắp bằng ánh sáng nào, nếu tim nhà truyền giáo chưa một lần bừng cháy, rực lửa tình yêu Đức Giêsu?

Thế nên tiên vàn của truyền giáo là “yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21).

Được Đức Giêsu tỏ mình, người môn đệ, nhà truyền giáo mới có thể “tỏ cho mọi người Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng cứu độ muôn dân” là mục đích của ơn gọi tông đồ và sứ mệnh truyền giáo.      

2.   Truyền Giáo hệ tại ở tình yêu thương anh em:

Vì truyền giáo không là công việc dành riêng cho một người, công tác đặc cử cho riêng một nhóm, vinh dự dành riêng cho một giai cấp, quyền lợi của riêng một đoàn thể, nhưng là ơn gọi và sứ mạng của tất cả mọi người đã nhận Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa và dấn thân đi theo Ngài, nên không ai, không tổ chức, không phe nhóm nào được phép độc quyền bao sân, toàn quyền thao túng. Chính vì thế, truyền giáo đòi hợp tác, đòi cộng tác, đòi nhiều người cùng làm, đòi tất cả cùng tham gia, đòi mọi thành phần cùng chung vai sát cánh. Và để thực hiện công tác chung, công việc chung là truyền giáo, mọi người phải hiệp nhất trong tình yêu của chính Đức Giêsu, như lệnh truyền của Ngài: “Anh em hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Tại sao Đức Giêsu muốn môn đệ Ngài phải yêu thương bằng tình yêu của Ngài, và yêu thương như Ngài đã yêu thương họ?

Thưa vì tình yêu của Ngài không là tình yêu của thế gian, cách yêu của Ngài cũng không phải cách yêu của con người, khi tình yêu được Ngài thay đổi định nghiã và đổi mới cách yêu thương.

Thực vậy, không chỉ thế gian mà cả Luật Môsê cũng dậy rằng: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44). Luật còn dậy: “Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,38-42).

Đức Giêsu còn dậy các môn đệ : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13), và làm gương  yêu thương khi “Người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).

Với tình yêu và cách yêu của Giới Luật mới, Đức Giêsu đòi hỏi những ai muốn theo Ngài phải thương yêu nhau, vì chỉ khi thương yêu nhau, người môn đệ mới làm chứng về Ngài, và mới tỏ được Ngài cho người khác.

Như thế, nhà truyền giáo không thể lên đường mà bỏ quên hành trang “yêu thương nhau” như Đức Giêsu đã thương yêu các vị; không thể lơ là bổn phận “yêu thương nhau” như điều kiện để truyền giáo, vì truyền giáo hệ tại ở tình yêu dành cho Đức Giêsu, và cùng lúc tình yêu dành cho nhau.    

Nhưng “yêu thương nhau” đây không chỉ là tình yêu giữa anh chị em được sai đi truyền giáo, tình thương giữa anh em môn đệ, tông đồ với nhau, tình yêu thương của riêng giai cấp được chọn và sai đi, nhưng còn là tình yêu của nhà truyền giáo với người được truyền giáo, tình thương giữa người rao giảng và người được nghe  giảng, như Đức Giêsu đã chạnh lòng thương đám đông đi theo Ngài và lắng nghe Ngài dậy bảo.

Bởi có tình yêu, nhà truyền giáo mới tôn trọng quyền lắng nghe và quyền chọn đi theo Đức Giêsu của người được rao giảng. Nếu không, truyền giáo sẽ chỉ là khống chế tự do của người khác. Điều này trái  ngược với đức tin là ân huệ của Thiên Chúa mà mỗi người đón nhận với tất cả tự do.

Bởi có tình yêu, nhà truyền giáo mới nhìn nhận giá trị làm con Thiên Chúa, và là anh em của chính nhà truyền giáo nơi người được truyền giáo. Nếu không, mãi mãi người được truyền giáo sẽ bị coi là công dân hạng hai, hạng ba, hạng bốn của Nước Trời, so với nhà truyền giáo luôn là công dân hạng nhất, công dân ưu tú, ngoại hạng, đối chọi với tinh thần của Đức Giêsu được chính Ngài  mặc khải trong dụ ngôn “Thợ làm vườn nho”, với khả thể bất ngờ: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên, hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Mt 20,16).

Bởi có tình yêu, nhà truyền giáo mới không rơi vào tình trạng mị dân khi truyền giáo. Và vì không nhắm bất cứ mục đích “ích kỷ, vụ lợi” nào, nhà truyền giáo mới hoạt động một cách vô tư vì lợi ích và hạnh phúc thiêng liêng của người khác, mà không mua chuộc, móc nối và biến những người được rao giảng thành đám đông “fan cuồng” của mình.

Bởi có tình yêu, nhà truyền giáo mới không e dè, ngần ngại mời gọi người được truyền giáo tham dự tích cực và thực sự vào đời sống của Giáo Hội, mà không phân biệt kỳ thị hay sợ hãi, bởi “hiệp thông và chia sẻ trách nhiệm trong Giáo Hội” là mục tiêu phải đạt của tiến trình truyền giáo.

Bởi có tình yêu, nhà truyền giáo mới có thể nói với người được rao giảng ngôn ngữ  Tình Yêu của Đức Giêsu, một thứ ngôn ngữ mà ai cũng nói được, cũng hiểu được, vì không ngôn ngữ nào dễ hiểu, dễ nói hơn ngôn ngữ tình yêu, không ngôn ngữ nào lọt sâu trong lòng người, thấm sâu vào đời sống bằng ngôn ngữ của trái tim,  như  đường tình từ trái tim đến trái tim là con đường ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu qủa nhất giữa con người.

Vì thế, nhà truyền giáo không yêu người mình rao giảng sẽ không thể thành công, vì không ai muốn nghe người không thương mình nói; không ai dại dột tin người “nói một đàng làm một nẻo”, rao giảng Tin Mừng Tình Yêu Cứu Độ, nhưng hành động như kẻ vô cảm, nhẫn tâm, và tất nhiên  không ai ngu dốt đặt hy vọng nơi người chuyên gieo ảo tưởng, chuyên dệt ảo ảnh, chuyên vẽ vời hão huyền “bánh vẽ tình yêu”, để trục lợi, mưu tìm vinh quang cá nhân.

Tóm lại, khi được gọi và sai đi, nhà truyền giáo nghiễm nhiên phải hiểu: mình được sai đi để loan báo Tin Mừng yêu thương, giới thiệu và làm chứng Thiên Chúa yêu thương, và sứ mệnh này chỉ có thể thực hiện khi chính nhà truyền giáo có khả năng tỏ cho người khác Thiên Chúa yêu thương đang hoạt động trong họ, đang hiện diện và đồng hành với họ trong công việc truyền giáo, để nhà truyền giáo không bị nhìn và bị người được rao giảng nhận ra: họ chỉ là những người nói thuê với ngôn từ hoa mỹ, chữ nghiã rỗng tuyếch, như những loa phóng thanh vô hồn, vô cảm, vì trái tim họ chẳng dành cho ai, tình yêu họ không hướng về Đức Giêsu mà cũng chẳng hướng đến người đang nghe họ rao giảng.

Đừng tưởng người khác nhìn không tỏ, nghe không rõ, nhưng ai cũng có tai, có mắt và khả năng nghe, nhìn không chênh lệch bao nhiêu. Thế nên khi không yêu thương mà giảng Đức Ái; không bác ái mà dậy dỗ yêu thương; không từ tâm, nhân hậu mà lên lớp Tin Mừng Thương Xót; không đơn sơ, giản dị mà huyên náo chuyện khó nghèo Phúc Âm; không qủang đại, hy sinh mà to tiếng thúc đẩy thiên hạ xả thân, đóng góp; không khiêm tốn phục vụ mà diễn qúa sâu kịch bản “rửa chân”; không nhớ đến ai một lần, mà luôn miệng kêu gào phải chia sẻ, cầu nguyện; không dám bỏ mình một gang tấc, quên “cái tôi” một phút giây mà cứ hô hoán “phải từ bỏ, vác thập giá mình”, thì nhà truyền giáo đang tự đánh mất mình, khi trơ trẽn biến mình thành người nói dối, kẻ giả hình rất lố bịch, hợm hĩnh.   

Do đó, được mời gọi lên đường truyền giáo, người được sai đi phải xác tín:

•       Thiên Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài không thể là một thiên chúa khác, nên yêu thương là lệnh truyền và điều kiện để theo Ngài và được sai đi.

•      Tin Mừng là Tin Vui của Tình Yêu. Tin Mừng ấy không thay mầu đổi sắc để biến thành tin buồn, tin sét đánh, tin thất vọng, tin vu khống, tin hận thù, tin phá hoại, tin vịt cồ, tin nhảm nhí, nên Yêu Thương là ngôn ngữ duy nhất để loan báo Tin Mừng mà người được sai đi loan báo phải được trang bị.

•      Giới luật mới của Đức Giêsu là Tình Yêu “được định nghiã lại”: Yêu thương cả kẻ thù, nên trái tim của nhà truyền giáo phải có chỗ cho kẻ thù, lời cầu nguyện của người được sai đi phải mang cả kẻ ngược đãi, bách hại mình. Nếu không, truyền giáo chỉ còn được coi như tuyên truyền một giáo thuyết, mà không “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), không nhắm “trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” vì Ngài yêu thương (Mt 5,48).

•      Đối tượng của đức ái được Đức Giêsu xác định là “người nghèo đói, rách rưới, bệnh tật, tù đầy, khách lạ, tỵ nạn, vô gia cư, thấp cổ bé miệng, cô thân, thất thế, yếu đuối bé nhỏ, bị bỏ rơi bị đàn áp”, nên nhà truyền giáo sẽ hoàn toàn phản chứng nếu chỉ chạy theo người có quyền, có của; đồng loã với kẻ gian tham, o bế phường bóc lột, và lệ thuộc, hèn nhát, câm nín trước kẻ nắm bạo quyền sinh sát người lành, kẻ yếu.  

Vâng, Đức Giêsu, Đấng sai nhà truyền giáo đi, cũng là Đấng nhà truyền giáo hết lòng yêu mến, giới thiệu, làm chứng trước muôn dân, và làm cho mọi người trở thành môn đệ Ngài. Ngài là Thiên Chúa nhân hậu, giầu lòng thương xót, Đấng Cứu Độ duy nhất của loài người, Đấng đến trong thế giới, ở giữa nhân loại để yêu thương và cứu chuộc mọi người.

Đó là lý do truyền giáo không thể tách rời Tình Yêu, không thể ở ngoài Tình Yêu, không thể không “nên một trong tình yêu với Đức Giêsu” như cành không thể tách khỏi cây, nếu không sẽ khô héo liền (x. Ga 15,1-8).

Chính Tình Yêu Đức Giêsu làm cho nhà truyền giáo được hiệp nhất với Thiên Chúa, và chỉ trong Thiên Chúa, trong Tình Yêu Đức Giêsu và được Tình Yêu Đức Giêsu thúc bách, nhà truyền giáo mới có khả năng “tỏ cho người khác Đức Giêsu Thiên Chúa” bằng yêu thương họ với chính Tình Yêu được hiệp nhất trong Thiên Chúa, bởi ở ngoài Tình Yêu là Thiên Chúa, là Tin Mừng, là Giáo Lý, là Giới Luật, là Lẽ Sống, là Đối Tượng, là Động Lực, là Con Đường, là Phương Tiện, là Cách Thế, nhà truyền giáo sẽ không làm được bất cứ việc gì, không đem lại bất cứ hoa trái nào cho mình cũng như cho người khác trên đường truyền giáo, trong công cuộc truyền giáo. 

Jorathe Nắng Tím

------------------------------

 

Truyền_giáo 36: Truyền giáo bằng đời sống


 – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Mt 28,16-20.

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ.

 

Hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ là hai nhà truyền giáo vĩ đại. Ngay sau khi nghe bài giảng: Truyền_giáo 36


Hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ là hai nhà truyền giáo vĩ đại. Ngay sau khi nghe bài giảng đầu tiên của thánh Phêrô, 3 nghìn người đã xin được rửa tội. Thật là một kết quả ngoài sức tưởng tượng. Còn thánh Phaolô là người ra đi không biết mệt mỏi. Đã thành lập nhiều giáo đoàn. Đã đào tạo được nhiều giám mục. Đã viết nhiều thư dạy dỗ khuyên nhủ. Tuy không được chính thức ở trong nhóm 12, nhưng Ngài vẫn được gọi là Tông đồ. TÔNG ĐỒ viết hoa.

Nhờ đâu cuộc truyền giáo của các ngài có kết quả lớn lao như thế? Trước hết ta phải kể đến ơn Đức Chúa Thánh Thần. Chính Đức Chúa Thánh Thần đã ban cho công cuộc truyền giáo thành công. Tuy nhiên cũng phải có sự đóng góp của các ngài. Cuộc đời của hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, trước khi ra đi truyền giáo đã trải qua những bước chuẩn bị chu đáo.

Bước thứ nhất: Gặp gỡ Cha. Thánh Phêrô đã được hạnh phúc sống bên Chúa Giêsu 3 năm trời. Hơn thế nữa, ngài còn được gặp Cha sau khi Chúa Phục Sinh, được Chúa dạy dỗ, cùng ăn uống, cùng trò chuyện với Cha. Còn thánh Phaolô tuy muộn màng nhưng cũng đã gặp được Chúa trên đường đi Đa mát. Được Chúa trực tiếp dạy dỗ trong những năm tháng sống tại sa mạc. Được Chúa đưa lên tầng trời thứ ba. Việc gặp gỡ Chúa đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong tâm hồn các ngài. Sau này, các ngài có đi truyền giáo cũng chỉ là để kể lại những điều mắt thấy tai nghe.

Bước thứ hai: Cảm nghiệm được tình thương của Cha. Thánh Phêrô được Cha yêu thương. Điều này ngài đã cảm nghiệm sau 3 năm chung sống với Chúa. Nhưng nhất là sau khi phạm tội chối Thày. Cha vẫn yêu thương tha thứ. Sau khi Phục Sinh, Cha không một lời trách móc. Chỉ nhẹ nhàng hỏi: “Phêrô, con có mến Thày không?”. Và lạ lùng không thể ngờ, Chúa đặt Phêrô lên làm giáo hoàng, coi sóc Giáo Hội của Chúa. Còn thánh Phaolô, trước kia là một người đi bắt đạo. Nhưng Chúa đã cho ngài được ơn ăn năn trở lại. Và tuyển chọn ngài làm Tông đồ đi rao giảng cho dân ngoại.

Cảm nghiệm tình thương của Chúa, các ngài đã đem hết tình yêu đền đáp. Tình yêu đã làm thay đổi hẳn cuộc đời các ngài.

Bước thứ ba: Thay đổi đời sống. Các ngài đã biến đổi từ những con người yếu hèn nên dũng mạnh. Từ tự tin tự phụ vào sức mình đến chỉ tin cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa. Từ hoạt động suy nghĩ theo ý riêng đến toàn tâm toàn ý theo ý Cha. Từ sống cho mình đến sống cho Chúa và chết cho Chúa. Tình yêu gắn bó với Cha đến nỗi không có gì có thể tách lìa các ngài ra khỏi Thiên Chúa.

Bước thứ bốn: Hăng hái ra đi truyền giáo. Tình yêu thôi thúc các ngài ra đi làm chứng cho Chúa. Các Ngài đã ra đi không ngừng. Các Ngài sẵn sàng chấp nhận tất cả: làm việc mệt mỏi, gian truân khốn khó, bị xua đuổi, bị chống đối, bị hành hạ, bị giam cầm và sau cùng các Ngài đã hiến mạng sống làm chứng cho tình yêu Chúa.

Chúa và Hội Thánh đang mời gọi chúng ta lên đường truyền giáo. Chúng ta tha thiết muốn làm việc truyền giáo. Hãy noi gương hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô ở ba điểm.

Trước hết phải sống thân mật với Cha. Đây chính là nội lực. Gặp được Chúa. Tiếp xúc thân mật với Chúa. Cảm nghiệm được tình thương của Chúa. Đó là bước khởi đầu quan trọng cho việc truyền giáo.

Tiếp đến, ta phải thay đổi đời sống. Sống tin cậy phó thác. Sống công bình và nhất là sống bác ái với mọi người.

Sau cùng, hãy hăng hái bắt tay vào việc. Trong thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam có đề nghị với chúng ta hãy làm những việc cụ thể. Đó là phải cầu nguyện cho việc truyền giáo, sống nêu gương thánh thiện, đối thoại và nhất là hãy kết nghĩa và làm việc bác ái.

Việc kết nghĩa là học hỏi kinh nghiệm của Giáo Hội Hàn quốc. Vào năm 1983 Hàn quốc có 3 triệu rưỡi người Công giáo. Năm đó, Đức Thánh Cha đi thăm Hàn quốc và phong thánh cho 103 vị tử đạo. Đức Hồng Y Stephano Kim đã hứa với Đức Thánh Cha sẽ hăng hái làm việc truyền giáo. Ngài đưa ra một chương trình đó là mỗi gia đình Công giáo phải truyền giáo cho một gia đình ngoài Công giáo. Mỗi người Công giáo phải truyền giáo cho một người ngoài Công giáo.

Các gia đình Công giáo kết nghĩa với những gia đình ngoài Công giáo. Đi lại thăm viếng, giúp đỡ và giới thiệu Chúa cho họ. Và kết quả thật khả quan. Khoảng 10 năm sau, số giáo dân Hàn quốc đã tăng lên gấp đôi. Người Công giáo Hàn quốc đã hăng hái làm việc truyền giáo và đã có kết quả.

Tai Hà nội có một người Hàn quốc mở doanh nghiệp làm ăn. Doanh nghiệp của ông có khoảng 50 công nhân. Trong đó có mấy thanh niên Công giáo. Một hôm ông hỏi họ: Các anh là đạo gốc, thế các anh đã truyền giáo cho ai chưa? Mấy thanh niên trả lời: Chúng cháu giữ đạo còn chưa xong, làm sao dám truyền giáo. Ông chủ nói: Thế là các cậu thua tôi rồi. Tôi là đạo mới, chỉ theo đạo khi lập gia đình. Và tôi mới tới Việt Nam được 3 năm thế mà tôi đã thuyết phục được hai người vào đạo.

Lạy Cha xin vì lời bầu cử của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô ban cho chúng con những nhà truyền giáo nhiệt thành. Amen.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU.

1- Hai thánh Phêrô và Phaolô đã trải qua những biến đổi nào trước khi trở thành những nhà truyền giáo lớn của Hội Thánh?
2- Bạn mong muốn trở thành nhà truyền giáo, bạn phải làm gì?
3- Bạn có những kinh nghiệm gì về truyền giáo (của bản thân hoặc của người khác)?

------------------------------

 

Truyền_giáo 37: Linh đạo truyền giáo


- Lm. Nguyễn đức Khiết

 

Hoạt động truyền giáo đòi hỏi một linh đạo đặc biệt. Linh đạo này liên hệ đặc biệt tới những: Truyền_giáo 37


Hoạt động truyền giáo đòi hỏi một linh đạo đặc biệt. Linh đạo này liên hệ đặc biệt tới những người được Thiên Chúa mời gọi để trở thành những nhà truyền giáo. Đức Phaolô VI phác họa linh đạo truyền giáo trong chương VII của Tông Huấn Loan báo Tin Mừng . Đức Gioan-Phaolô II trực tiếp đề cập tới linh đạo này trong chương VIII của Thông Điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế . Ngài cũng nhắc đến nhiều lần trong Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu và mới đây trong hai Tông Thư Bước vào ngàn năm mới và Kinh Mân côi của Đức Trinh Nữ Maria . Chúng ta chia sẻ với nhau linh đạo này.

1. Để cho Chúa Thánh Thần hướng dẩn

Chiêm ngắm dung nhan Chúa Giêsu để “chèo ra chỗ sâu” (Duc in altum) là chủ đề của Tông Thư Bước vào ngàn năm mới (Novo Millennio inuente). Chiêm ngắm Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra chân lý này: Ngài đã là sứ giả Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất, là sứ giả Tin mừng đã để cho Thần Khí hướng dẫn. Thần Khí đã xuống trên Đức Giêsu Nadarét vào lúc Ngài chịu thanh tẩy và được Chúa Cha giới thiệu là Con Chí Aùi của Người (x. Mt 3, 17). Chính vì “được Thần Khí dẫn đưa” (Mt 4, 1), mà Ngài đã trải qua trong sa mạc cuộc chiến đấu quyết liệt và một cuộc thử thách lớn lao nhất trước khi bắt đầu sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Chính “với quyền năng của Thánh Thần” (Lc 4, 14) mà Ngài đã trở về Galilê và mở đầu tại Nadarét công cuộc rao giảng, khi áp dụng đoạn sách tiên tri Isaia cho chính mình: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi”. Ngài công bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này”(Lc 4, 18.21: x. Is 61, 1). Nhờ quyền năng của Thần Khí, Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân và xua đuổi ma quỷ, như một dấu chỉ Nước Thiên Chúa đã đến (x. Mt 12, 28). Vào buổi chiều Phục Sinh, Ngài thổi hơi trên các môn đệ sắp được phái đi mà nói với họ: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”(Ga 20, 22).

Từ việc chiêm ngắm Đức Giêsu, sứ giả Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất đã để cho Thần Khí hướng dẫn, ta thấy linh đạo truyền giáo được thể hiện trước hết qua việc nhà truyền giáo để cho con người của mình trở nên hoàn toàn dể dạy đối với Chúa Thánh Thần, một sự dễ dạy để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn con người bên trong càng ngày càng nên giống Chúa Kitô. Không thể rao giảng và làm chứng về Chúa Kitô cũng như Tin Mừng của Ngài nếu bản thân nhà truyền giáo không phản ánh gương mặt Chúa Kitô. Gương mặt Chúa Kitô sẽ trở nên sống động trong chúng ta nhờ ân sủng và hoạt động của Thánh Thần

Ngoài ra, sự dễ dạy đối với Thánh Thần còn làm cho chúng ta đón nhận được những ân huệ khác của Ngài, đặc biệt là ơn can đảm và biện biệt. Hai ân huệ này là những nét cốt yếu của linh đạo truyền giáo.

Trường hợp của các tông đồ là một điển hình: trong sứ vụ công khai của Đức Giêsu, dù đã yêu Chúa nồng nàn với một tấm lòng quảng đại, dù đã được Chúa huấn luyện trong nhiều năm, các tông đồ vẫn tỏ ra là những con người tối trí và chậm hiểu. Nhiều lần Chúa giảng dạy mà các ngài chẳng hiểu gì hết, nhất là khiếp sợ theo Chúa trên đường khổ nạn. Biến cố thập giá chiều thứ sáu tuần thánh đã làm tiêu tan niềm tin và hy vọng của các ngài vào Đức Giêsu. Chúa Thánh Thần đã biến đổi các tông đồ trở nên những chứng nhân can đảm cho Đức Giêsu và những người loan báo cách rõ ràng lời Ngài. Chính Thánh Thần đã hướng dẫn các ngài trên những nẻo đường gian khổ và mới mẻ của sứ mạng truyền giáo.

Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh về vai trò của Chúa Thánh Thần trong công cuộc loan báo Tin Mừng khi đọc lại những ngày đầu của Giáo Hội sơ khai :

“Sẽ không bao giờ có thể phúc-âm-hóa được nếu không có tác động của Chúa Thánh Thần…

[…] Thật ra, chỉ sau khi Chúa Thánh Thần đến, ngày Hiện Xuống, các tông đồ mới lên đường đi đến khắp các chân trời trên thế giới để khởi sự công cuộc phúc âm hoá của Giáo Hội, và thánh Phêrô giải thích biến cố như đã thực hiện của lời tiên tri Giôel: “Ta sẽ đổ Thần Khí Ta” (Cv 2, 17). Thánh Phêrô được đầy Thánh Thần để nói với dân chúng về Đức Giêsu Con Thiên Chúa (x. Cv 4, 8). Thánh Phaolô, cũng thế, “được đầy Thánh Thần” (Cv 9, 17) trước khi hiến thân cho sứ mệnh tông đồ ; thánh Stêphanô cũng vậy, khi được chọn để làm phó tế và sau đó đã đổ máu làm chứng (x. Cv 6, 5.10 ; 7, 55). Thần Khí khiến Phêrô, Phaolô hay nhóm Mười Hai lên tiếng và soi sáng cho họ những lời lẽ phải nói, thì cũng ngự xuống “trên tất cả những người đang nghe Lời Thiên Chúa (x. Cv 10, 44). Chính nhờ Chúa Thánh Thần nâng đỡ mà Giáo Hội tăng tiến (x. Cv 9, 31). Ngài là linh hồn của Giáo Hội này. Chính Ngài giải thích cho tín hữu hiểu ý nghĩa thâm sâu của lời Đức Giêsu giảng dạy và mầu nhiệm con người của Đức Giêsu. Ngày nay cũng như vào buổi đầu của Giáo Hội, Ngài là Đấng hoạt động trong mỗi sứ giả Tin Mừng, nếu họ chịu thuộc về Ngài và để Ngài hướng dẫn mình, Ngài đặt nơi môi miệng họ những lời mà một mình họ không thể tìm ra được, và đồng thời chuẩn bị cho tâm hồn người nghe biết cởi mở đón nhận Tin Mừng và Triều Đại được loan báo.

Có những kỹ thuật phúc-âm-hóa là điều tốt, nhưng những kỹ thuật hoàn hảo nhất vẫn không làm sao thay thế được tác động âm thầm của Thần Khí. Không có Ngài thì sứ giả Tin Mừng có sửa soạn hết sức tinh tế cũng chẳng làm được gì cả. Không có Ngài thì biện luận thuyết phục nhất cũng không ảnh hưởng gì được trên trí tuệ con người. Không có Ngài, những lược đồ xã hội học và tâm lý học được soạn thảo kỹ lưỡng nhất cũng chóng tỏ ra vô giá trị.

Chúng ta đang sống trong Giáo Hội những giờ phút đặc biệt của Thần Khí. Đâu đâu người ta cũng tìm biết Ngài hơn, đúng như Thánh Kinh mạc khải. Người ta sung sướng tự đặt dưới quyền lực Ngài. Người ta họp nhau quanh Ngài. Người ta muốn để Ngài hướng dẫn mình.

Vậy, nếu Thần Khí Thiên Chúa có một vị trí ưu việt trong toàn thể đời sống Giáo Hội, thì chính trong sứ mệnh phúc-âm-hóa của Giáo Hội là chỗ Ngài hoạt động hơn cả. Không phải tình cờ mà cuộc khởi đầu vĩ đại đi phúc-âm-hóa đã xảy ra vào sáng ngày Hiện Xuống, dưới hơi thổi của Thần Khí” .

Như vậy, chúng ta có thể nói rằng Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, là tác giả đầu tiên của việc đối thoại giữa Giáo Hội và tất cả các dân tộc, văn hoá và tôn giáo . Chính Ngài thúc đẩy mỗi người loan báo Tin Mừng, chính Ngài, từ chiều sâu ý thức, làm cho người ta đón nhận và hiểu Lời cứu độ. , và chính Ngài liên tục gieo những hạt giống chân lý giữa các dân tộc, tôn giáo, văn hoá và triết học của họ. Nhờ Chúa Thánh Thần, vị Thầy Nội Tâm, gương mặt và giáo huấn của Chúa Kitô sẽ tỏ hiện lên trong lòng người đón nhận và đặc biệt hơn trong chính cuộc đời và bản thân của nhà truyền giáo.

Ngày nay cũng như ngày xưa, công cuộc truyền giáo vẩn có nhiều khó khăn và phức tạp. Ngày nay cũng như ngày xưa, nó đòi hỏi lòng can đảm và ánh sáng của Thánh Thần. Chúng ta vẫn thường đang sống trong thảm kịch của các Kitô hữu tiên khởi khi họ thấy đám đông bất tín và thù nghịch “đang rập mưu đồ chống lại Đức Chúa và chống lại Đấng Người đã được xức dầu phong vương” (Cv 4, 26). Cũng như ngày xưa, chúng ta phải cầu nguyện để Thiên Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm loan báo Tin Mừng, để bước đi trên những nẻo đường huyền nhiệm đầy bất ngờ của Thiên Chúa và để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn đến chân lý vẹn toàn (x. Ga 16, 13).

2. Sống mầu nhiệm Đức Kitô “được sai đi”.

Sống hiệp thông với Đức Kitô là một yếu tố căn bản của linh đạo truyền giáo. Người ta không thể hiểu cũng như không thể sống sứ mạng truyền giáo nếu không quy chiếu về Đức Kitô như Đấng được sai đi để loan báo Tin Mừng.

Thánh Phaolô đã nói về tâm tình của Đức Kitô, Đấng được Thiên Chúa sai đến trong bài thánh thi thời danh: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ là phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 5-8).

Trong bài thánh thi này, thánh Phaolô chiêm ngưỡng và suy tư về mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc. Các mầu nhiệm này được diễn tả như một sự hoàn toàn từ bỏ bản thân, dẫn Đức Giêsu đến việc sống hoàn toàn như con người và gắn bó với chương trình của Chúa Cha cho tới cùng. Đây là mầu nhiệm tự hủy mang dấu ấn của tình yêu và diễn tả tình yêu.

Sứ mạng truyền giáo cũng đi trên con đường này, một con đường cuối cùng dẫn tới chân thập giá. Sứ mạng này đòi hỏi nhà truyền giáo “từ bỏ chính mình và những gì mình có, để trở nên tất cả cho mọi người”. Sự từ bỏ được thể hiện qua nếp sống nghèo khó trong sự thanh thoát của nội tâm. Nếp sống này làm cho nhà truyền giáo được tự do để loan báo Tin Mừng, tự do để trở nên người anh em của tất cả mọi người mà ngài được sai đến để đem Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ cho họ. Đó là linh đạo truyền giáo mà thánh Phaolô đã sống trên những nẻo đường truyền giáo và muốn chia sẻ lại cho chúng ta: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để được phân chia phần phúc của Tin Mừng” (1Cr 9, 22-23).

Rõ ràng vì được sai đi, nhà truyền giáo cảm nghiệm được sự hiện diện đầy an ủi của Đức Kitô đang đồng hành với mình trong mọi giây phút của cuộc đời . “Đừng sợ ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với con” (Cv 18, 9-10).

3. Yêu mến Giáo Hội và con người như Chúa Kitô đã yêu mến.

Linh đạo truyền giáo còn được thể hiện bằng tình yêu của người tông đồ dành cho Giáo Hội và cho con người. Người có tinh thần truyền giáo sẽ chiêm ngắm Đức Giêsu, vị Mục Tử tốt lành biết chiên của mình, tìm kiếm chiên và hy sinh mạng sống vì đàn chiên (Ga 10) mà bày tỏ tình yêu đối với các tâm hồn và đối với Giáo Hội.

Nhà truyền giáo được thúc bách nhờ “lòng nhiệt thành vì các linh hồn”, một khi được tình yêu của chính Đức Kitô soi chiếu, sẽ biết chú tâm, nhẹ nhàng, thương cảm, đón tiếp, có một con tim sẵn sàng và cởi mở, biết lưu tâm đến những vấn đề của người khác. Như Đức Giêsu, nhà truyền giáo tiên vàn là con người của tình thương. Để có thể loan báo cho mỗi người trong anh em mình rằng họ được Thiên Chúa yêu thương và họ có thể yêu thương Thiên Chúa thì nhà truyền giáo phải làm chứng về tình thương đối với mọi người bằng cách hy sinh mạng sống mình vì người khác. Nhà truyền giáo là “người anh em của tất cả” (frère universel), ngài mang trong mình tinh thần của Giáo Hội, sự cởi mở và quan tâm của Giáo Hội đối với mọi dân tộc và toàn thể nhân loại, đặc biệt đối với những người bé nhỏ nhất và nghèo khổ nhất. Ngài phải vượt qua mọi ranh giới và khác biệt về chủng tộc, giai cấp xã hội hay ý thức hệ. Ngài là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới, nghĩa là một tình yêu không loại trừ ai cũng như không thiên vị người nào.

Trong Tông Huấn Loan báo Tin Mừng, Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh rằng thời đại hôm nay chờ đợi những nhà truyền giáo trung thực. Sự trung thực được bày tỏ nơi chính bản thân và trong nếp sống Tin Mừng của nhà truyền giáo: “Ngày nay, người ta thường hay lặp đi lặp lại rằng: thế kỷ này khao khát sự trung thực. Nhất là khi nói tới giới trẻ, người ta quả quyết rằng họ ghê tởm những gì là giả tạo, giả mạo và tìm kiếm chân lý và sự trong sáng trên tất cả.

Chúng ta phải tỉnh táo trước những “dấu chỉ thời đại” ấy. Âm thầm hay lớn tiếng, thiên hạ luôn luôn vặn hỏi chúng ta: Các người có thực sự tin điều các người loan báo không? Các người có sống điều các người tin không? Các người có rao giảng thực sự điều các người sống không? Hơn bao giờ hết, làm chứng bằng đời sống đã trở thành một điều kiện thiết yếu để việc rao giảng có hiệu quả thâm sâu. Bằng ngả này, chúng ta lại chịu trách nhiệm, đến một mức độ nào đó, về bước tiến của Tin Mừng mà chúng ta công bố.

Ở đầu bài suy niệm này, Chúng tôi đã tự hỏi: “Mười năm sau khi Công Đồng kết thúc, Giáo Hội hiện như thế nào ?”. Giáo Hội phải chăng đã cắm neo giữa lòng thế giới và phải chăng tuy vậy vẫn khá tự do và độc lập để lên tiếng nói với thế giới? Giáo Hội có chứng tỏ mình liên đới với loài người và có đồng thời làm chứng cho sự Tuyệt Đối của Thiên Chúa không? Giáo Hội có nồng nhiệt hơn trong việc chiêm niệm và thờ phượng, mà cũng nhiệt thành hơn trong công việc truyền giáo, bác ái, giải phóng không? Giáo Hội phải chăng đang dấn thân hơn mãi vào những nỗ lực nhằm tái lập sự hiệp nhất hoàn toàn giữa các kitô-hữu, sự hiệp nhất vốn cần để việc làm chứng thêm hiệu lực “ngõ hầu thế giới tin”. Chúng ta tất cả đều có trách nhiệm về những câu trả lời mà người ta có thể đem lại cho các câu hỏi trên”

Công cuộc truyền giáo giả thiết nhà truyền giáo có một lòng thương yêu ngày càng lớn hơn mãi đối với anh chị em mà mình được sai đến để nói với họ về Thiên Chúa Tình Yêu, về Tin Mừng cứu độ. Thánh Phaolô, sứ giả Tin Mừng mẫu mực đã viết cho tin hữu Thessalônica lời sau đây là một chương trình cho tất cả chúng ta: “Chúng tôi đã thương yêu anh em thắm thiết đến nỗi muốn giao phó cho anh em không những Tin Mừng của Thiên Chúa mà còn chính mạng sống chúng tôi nữa, bởi chưng anh em đã trở nên chí thân chí thiết với chúng tôi” (1 Tx 2, 8 ; x. Pl 1, 8).
Tình thương yêu mà thánh Phaolô biểu lộ ở đây rõ ràng là tình thương yêu của một người cha, và còn hơn nữa, của một người mẹ (x. 1 Tx 2, 7-11 ; 1Cr 4, 15 ; Gl 4, 19). Chắc chắn, Thiên Chúa mong thấy tình thương yêu như thế ở mỗi người rao giảng Tin Mừng.

Chúng ta sống trên lục địa Á châu, một lục địa mà đại đa số là người nghèo, cho nên, ta không ngạc nhiên gì khi Đức thánh cha Gioan-Phaolô II nhấn mạnh đến việc phục vụ người nghèo qua việc đề cao Mẹ Têrêxa Calcutta trong Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu :” Mẹ là hình ảnh của sự phục vụ mạng sống mà Giáo Hội đang dâng hiến tại Á châu, can đảm đi ngược lại nhiều quyền lực đen tối đang hoành hành trong xã hội “. Ngài suy nghĩ rằng trong bối cảnh của Á Châu với đông dân nghèo và bị áp bức thì ơn gọi đặc thù của Giáo Hội tại Á châu là bầy tỏ cách riêng trong việc phục vụ đầy tình yêu đối với các người nghèo và người cô thế cô thân .

Người ta đễ tin hơn tình liên đới với kẻ nghèo, nếu chính những Kitô hữu sống đơn sơ, theo gương Đức Giêsu. Sự đơn sơ trong cách sống, đức tin sâu xa và tình yêu không giả dối đối với mọi người, nhất là người nghèo và người bị loại trừ, đó là những dấu chỉ Tin mừng trong hành động.

Tinh thương yêu nơi nhà truyền giáo không chỉ được diễn tả qua hình ảnh người bạn, người cha, người mẹ mà còn qua nhiều dấu chỉ khác nữa được Đức Phaolô VI nhắc đến trong Tông Huấn Loan báo Tin Mừng :

“Một dấu chỉ của tình thương yêu là mối quan tâm cho người khác chân lý và đưa vào sự hiệp nhất. Một dấu chỉ nữa là hy sinh trọn vẹn và dứt khoát cho việc loan báo Đức Giêsu-Kitô. Chúng tôi xin kể thêm vài dấu chỉ khác của tình thương yêu kia.

Trước tiên là sự tôn trọng hoàn cảnh tôn giáo và tinh thần của những con người đang được phúc-âm-hóa. Tôn trọng nhịp điệu riêng của họ, không thúc ép quá đáng. Tôn trọng lương tâm và những xác tín của họ, không can thiệp thô bạo.

Một dấu chỉ khác của tình thương yêu kia là biết lo tránh làm tổn thương người khác, nhất là khi họ còn yếu đức tin (x. 1Cr 8, 9-13) bằng những quả quyết có thể là sáng sủa đối với những người đã thông thạo, nhưng đối với các tín hữu thì lại có thể là nguồn dao động và cớ vấp phạm, như một vết thương trong tâm hồn.

Một dấu chỉ nữa của tình thương yêu là biết cố gắng truyền đạt cho các kitô-hữu, không phải những ngờ vực và những điều mập mờ phát sinh từ một sự học rộng mà không tới nơi tới chốn, nhưng là những điều chắc chắn vững vàng vì được neo vào Lời Thiên Chúa. Các tín hữu cần những điều vững chắc ấy cho đời sống kitô-giáo của họ ; họ có quyền được những điều chắc chắn ấy, với tư cách là con cái Thiên Chúa phó thác mình hoàn toàn cho những đòi hỏi của tình thương yêu, trong tay Ngài”.

Cuối cùng, như Đức Kitô, “đã yêu thương Giáo Hội và hiến mình vì Giáo Hội” (Ep 5, 25), nhà truyền giáo phải yêu mến Giáo Hội. Tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo Hội, một tình yêu đến nỗi trao ban mạng sống, sẽ là tấm gương soi và điểm quy chiếu cho nhà truyền giáo. Đức Gioan-Phaolô II nhấn mạnh rằng chỉ với một tình yêu sâu xa dành cho Giáo Hội mới có thể nâng đỡ lòng nhiệt thành của nhà truyền giáo, như thánh Phaolô nói về nỗi ray rứt hàng ngày của ngài là “mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh” (2Cr 11, 28).

Đối với mỗi nhà truyền giáo, lòng trung thành với Chúa Kitô không thể tách rời khỏi lòng trung thành đối với Giáo Hội, bởi vì “có một mối liên hệ sâu xa giữa Đức Kitô, Giáo Hội và việc loan báo Tin Mừng. Trong “thời của Giáo Hội” này, chính Giáo Hội có bổn phận phúc-âm-hóa. Bổn phận không thể hoàn tất mà không có Giáo Hội, càng không thể hoàn tất nếu chống lại Giáo Hội” .

4. Nhà truyền giáo đích thực là một vị thánh

Lời mời gọi truyền giáo tự bản chất phát xuất từ lời mời gọi nên thánh. Nhà truyền giáo chỉ thực sự là nhà truyền giáo khi ngài dấn thân trên con đường thánh thiện “Sự thánh thiện là nền tảng cốt lõi và điều kiện không thể thay thế được để chu toàn sứ mạng cứu rỗi của Giáo Hội”.

Ơn gọi phổ quát hướng tới việc nên thánh liên hệ mật thiết với ơn gọi phổ quát hướng tới sứ mạng truyền giáo, bởi vì mỗi người tín hữu được mời gọi nên thánh và truyền giáo. Linh đạo truyền giáo là con đường dẫn tới sự thánh thiện.

Sức năng động mới hướng tới muôn dân (Ad gentes) đòi hỏi các nhà truyền giáo thánh thiện. Đức thánh cha Gioan-Phaolô II nhắc đến điều này với một lòng xác tin: “Thật không đủ khi chúng ta chỉ nghĩ tới việc đổi mới các phương pháp mục vụ cũng như làm thế nào để tổâ chức nhân sự và tài lực tốt hơn hay đào sâu nền tảng kinh thánh và thần học của đức tin. Phải gợi lên một sức năng động mới về sự thánh thiện nơi các nhà truyền giáo và trong từng cộng đoàn kitô hữu, đặc biệt nơi những người cộng tác gần gũi nhất của các nhà truyền giáo.

Chúng ta hãy nhớ lại sức năng động truyền giáo nơi các cộng đoàn tín hữu sơ khai. Mặc dù lúc bấy giớ còn thiếu phương tiện di chuyển và truyền thông, nhưng việc loan báo Tin Mừng đã sớm đi đến mọi miền thế giới. Và cho dù đó là một tôn giáo của một Người đã chết trên thập giá, “một cớ vấp phạm đối với người Do Thái và sự điên rồ đối với dân ngoại” (1Cr 1, 23). Tự nền tảng của sức năng động truyền giáo này, ta thấy có sự thánh thiện của các cá nhân và của các cộng đoàn tín hữu sơ khai” .

Trong mọi trường hợp, rõ ràng là không thể có sự rao giảng Tin Mừng đích thực, nếu người kitô hữu không sống chứng tá phù hợp với sứ vụ rao giảng: “Hình thức chứng tá thứ nhất là chính đời sống của vị thừa sai, của gia đình Kitô hữu và của cộng đồng Giáo Hội, một cộng đồng bày tỏ một nếp sống mới…Mỗi người trong Giáo Hội, khi cố gắng bắt chước Vị Thầy Thần Linh, thì có thể và phải làm chứng theo kiểu này ; trong nhiều trường hợp, đó là phương cách duy nhất có thể được, để trở thành nhà truyền giáo” .

Nhà truyền giáo phải là một nhà “chiêm niệm trong hành động”. Khi tiếp xúc với các vị đại diện của các truyền thống thiêng liêng ngoài Kitô giáo, nhất là của Á Châu, Đức thánh cha xác tín rằng tương lai của việc truyền giáo tuỳ thuộc phần lớn vào sự thánh thiện. Nhà truyền giáo, nếu không phải là nhà chiêm niệm thì không thể loan báo Chúa Kitô một cách khả tín được. Điều này chắc chắn đúng trong bối cảnh Á Châu, nơi mà dân chúng được thuyết phục do đời sống thánh thiện hơn là do luận chứng tri thức . Như thế, để là chứng nhân cho kinh nghiệm về Thiên Chúa, nhà truyền giáo phải có kinh nghiệm về Thiên Chúa, “Điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng…về Lời hằng sống… chúng tôi đã loan báo” (1 Ga 1, 1-3).

Đức thánh cha chia sẻ với các Giáo Hội tại Á Châu rằng trong bối cảnh của Á Châu, quê hương của các tôn giáo lớn, nơi mà các cá nhân cũng như toàn dân khao khát cái thiêng thánh, Giáo Hội được kêu gọi trở nên một Giáo Hội cầu nguyện. Tất cả các Kitô hữu cần một tu đức truyền giáo thực sự gồm có cầu nguyện và chiêm niệm .
Đức thánh Cha còn ghi nhận rằng các nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã nhấn mạnh nhiều đến chỗ đứng của chiêm niệm trong công cuộc truyền giáo :: “Việc công bình, bác ái và thương xót phải gắn bó mật thiết với đời sống cầu nguyện và chiêm niệm đích thực, và thật vậy, chính cũng một tu đức này là nguồn suối của mọi công trình rao giảng Tin mừng của chúng ta” .

Sự thánh thiện nơi bản thân nhà truyền giáo được nhìn thấy trong nếp sống của Tám Mối Phúc. Nhà truyền giáo là con người của Tám Mối Phúc. Trước khi sai các tông đồ đi rao giảng, Đức Giêsu đã huấn luyện nhóm Mười Hai bằng cách cho họ thấy những con đường của truyền giáo: khó nghèo, hiền lành, chấp nhận đau khổ và những bách hại, khao khát sự công chính và hoà bình, bác ái, hay nói khác đi là con đường Tám Mối Phúc (x. Mt 5, 1-12). Trong khi sống Tám Mối Phúc, nhà truyền giáo có kinh nghiệm và cho thấy một cách cụ thể rằng Nước Thiên Chúa đã đến và chính bản thân ngài đã đón nhận Nước ấy.

Sự thánh thiện không chỉ là lời mời gọi của Chúa, nhưng nơi bản thân của nhà truyền giáo, nó còn là sự chờ đợi của thế giới hôm nay, như Đức Phaolô VI nhận định: “Thế giới tuy có vô vàn dấu hiệu từ khước Thiên Chúa, nhưng một cách nghịch thường vẫn tìm kiếm Ngài bằng những đường nẻo bất ngờ và vẫn xót xa cảm thấy cần đến Ngài, thế giới ấy đòi có những sứ giả Tin Mừng nói về một Thiên Chúa mà họ biết và gần gũi như thể họ đã từng thấy Đấng không thể thấy (x. Dt 11, 27). Thế giới đòi hỏi và chờ đợi ở chúng ta đời sống giản dị, tinh thần cầu nguyện, lòng yêu thương đối với mọi người nhất là đối với những kẻ bé mọn và nghèo khó, đức vâng phục và khiêm tốn, sự siêu thoát và từ bỏ chính mình và mọi sự. Không có dấu hiệu về sự thánh thiện như thế, lời chúng ta nói sẽ khó đi vào lòng của con người thời nay. Nó có thể thành vô ích và vô hiệu” .

Một trong những nét đặc sắc của cuộc đời nhà truyền giáo là niềm vui nội tâm phát xuất từ đức tin. Trong một thế giới đầy lo âu và bị áp lực của trăm ngàn vấn đề, một thế giới dễ làm cho con người bi quan, thì người loan báo Tin Mừng phải là người đã tìm thấy nơi Đức Kitô nguồn hy vọng đích thực.

Đức Phaolô VI nhận xét rằng công cuộc truyền giáo trong thời đại chúng ta gặp nhiều trở ngại bởi vì sự thiếu nhiệt tình và niềm vui nơi bản thân người tín hữu. Nó càng trầm trọng bởi lẽ nó phát xuất từ bên trong ; nó biểu lộ trong sự mệt mỏi và chán nản, sự làm lấy lệ và hờ hững. Đức thánh cha khuyến khích tất cả những người có nhiệm phúc-âm-hóa với tư cách nào và ở cấp bậc nào cũng vậy, hãy nuôi dưỡng nhiệt tình cho tâm thần mình (x. Rm 12, 11).

“Chúng ta hãy giữ cho tinh thần được nhiệt thành. Chúng ta hãy giữ niềm vui dịu dàng và khích lệ trong công việc phúc-âm-hóa, ngay cả khi phải gieo trong nước mắt. Ước gì đó là một nhiệt tình mà không ai và không gì có thể dập tắt được nơi chúng ta – cũng như nơi thánh Gioan Tẩy Giả, nơi thánh Phêrô và thánh Phaolô, nơi các thánh Tông Đồ khác, nơi vô vàn sứ giả Tin Mừng đáng khâm phục trong suốt cả lịch sử Giáo Hội –. Ước gì đó là niềm vui lớn lao cho những cuộc đời của chúng ta đã được hiến dâng. Và ước gì thế giới thời đại chúng ta, đang tìm kiếm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hy vọng, có thể nhận được Tin Mừng, không phải từ những sứ giả Tin Mừng buồn rầu và chán nản, nôn nóng hay bứt rứt, nhưng là từ những thừa tác viên của Tin Mừng có đời sống tỏa ấm nhiệt tình, đã nhận sẵn niềm vui của Đức Kitô trong bản thân mình và chấp nhận đánh đổi mạng sống mình lấy việc Triều Đại được loan báo và Giáo Hội được đưa vào giữa lòng thế giới”.

5. Xây dựng hiệp nhất

Đây là mối ưu tư đặc biệt của Đức Phaolô VI, vị giáo hoàng của đại kết và đối thoại. Mối ưu tư này được nói lên một cách mạnh mẽ trong Tông Huấn Loan báo Tin Mừng:

“Sức mạnh của việc phúc-âm-hóa sẽ bớt đi nhiều nếu những người loan báo Tin Mừng lại chia rẽ nhau bằng đủ thứ gãy vỡ. Phải chăng đó là một trong những vướng víu lớn nhất cho việc phúc-âm-hóa ngày nay? Thật vậy, nếu Tin Mừng mà chúng ta công bố lại cho thấy bị xâu xé bởi những cãi cọ về giáo thuyết, những phân cực ý thức hệ hay những kết án lẫn nhau giữa các kitô-hữu, tùy theo những cách họ nhìn khác nhau về Đức Kitô và về Giáo Hội, và ngay cả vì những cách họ quan niệm khác nhau về xã hội và các thể chế nhân loại, thì làm sao những người được chúng ta rao giảng lại khỏi bị dao động, lạc hướng nếu không nói là bị vấp phạm ?

Di chúc thiêng liêng của Chúa nói với chúng ta rằng sự hiệp nhất giữa các môn đồ của Người không phải chỉ là bằng chứng chúng ta thuộc về Người mà còn là bằng chứng Người do Chúa Cha sai đến, là trắc nghiệm về sự đáng tin của các kitô-hữu và của chính Đức Kitô. Là những sứ giảTin Mừng, chúng ta cần hiến cho các tín hữu của Đức Kitô, không phải hình ảnh những con người chia lìa nhau vì những tranh chấp không chút xây dựng, nhưng là hình ảnh những con người chín chắn trong đức tin, có khả năng gặp gỡ nhau bên trên những căng thẳng thực tế, nhờ việc cùng nhau tìm kiếm chân lý một cách chân thành và vô vị lợi. Phải, số phận công cuộc phúc-âm-hóa chắc chắn được gắn liền với việc Giáo Hội làm chứng cho sự hiệp nhất. Đó là một nguồn trách nhiệm mà cũng là một nguồn khích lệ”. Như vậy, nhà truyền giáo là sứ giả của hoà bình và người thợ xây dựng sự hiệp nhất và đối thoại.

6. Nơi trường học của Đức Maria, nhà truyền giáo đầu tiên

Trong thông điệp đầu tiên Redemptor Hominis (Đấng Cứu Chuộc con người), Đức thánh cha Gioan-Phaolô II đã viết rằng chỉ trong một bầu khí cầu nguyện sốt sắng mới có thể “đón nhận Chúa Thánh Thần ngự xuống trên chúng ta và nhờ đó trở nên những nhân chứng của Đức Kitô cho đến tận cùng trái đất, giống như những người ra khỏi phòng Tiệc Ly tại Giêrusalem vào ngày lễ Ngũ Tuần”.

Tháng Mười năm ngoái, khi bước vào năm thứ 25 sứ vụ giáo hoàng, với Tông Thư Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi của Trinh Nữ Maria), Đức thánh cha Gioan-Phaolô đã công bố một Năm đặc biệt, gần như một sự tiếp nối lý tưởng của Năm thánh, dành cho việc tái khám phá kinh Mân Côi, là kinh nguyện rất thân thiết với truyền thống kitô giáo; một năm cần được sống dưới cái nhìn của Đấng, theo kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, nhờ lời “Xin Vâng”, đã làm cho việc cứu độ loài người có thể được thực hiện. Đồng thời ngài đặt Đức Trinh Nữ rất thánh làm Thầy dạy các tín hữu trong việc chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô để từ đó ra đi truyền giáo trên đại dương bao la của thế giới.

Đức thánh cha ước mong rằng Năm Mân Côi sẽ tạo nên một cơ hội thuận lợi để các tín hữu trên mọi lục địa đào sâu ý nghĩa của ơn gọi kitô hữu. Dưới mái trường của Đức Trinh Nữ và noi gương ngài, mỗi cộng đoàn sẽ có thể làm nổi bật hơn chiều kích “chiêm niệm” và “truyền giáo” của mình. “Kinh Mân Côi cũng là một con đường loan báo và hiểu biết ngày một hơn, trong đó mầu nhiệm của Đức Kitô được trình bày đi, trình bày lại ở nhiều mức độ khác nhau của kinh nghiệm Kitô giáo. Đó là một trình bày mang tính cầu nguyện và chiêm ngưỡng, có khả năng đào tạo người Kitô hữu theo trái tim của Đức Kitô… Kinh Mân côi vẫn giữ được sức mạnh của nó và tiếp tục là một tài nguyên mục vụ có giá trị tố đẹp cho mọi người loan báo Tin Mừng” .

Đức thánh cha chia sẻ với Giáo Hội rằng sự tin tưởng chạy đến cùng Đức Maria, qua việc đọc kinh Mân Côi hằng ngày và việc suy niệm các mầu nhiệm đời sống Chúa Kitô, sẽ nhấn mạnh rằng sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội trước hết phải được nâng đỡ bằng việc cầu nguyện. Thái độ “lắng nghe” mà kinh Mân Côi gợi lên, đem người tín hữu lại gần Đức Maria, Đấng“hằng ghi nhớ mọi điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Việc siêng năng suy niệm Lời Chúa luyện tập cho chúng ta sống “hiệp thông sống động với Đức Giêsu. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Đức Maria giúp chúng ta đạt được “sự dạn dĩ thanh thản” làm cho chúng ta có khả năng thông truyền cho người khác kinh nghiệâm về Đức Giêsu.

Dưới mái trường của Đức Maria, Giáo Hội chiêm ngưỡng dung nhan đầy lòng thương xót của Đức Giêsu nơi những người anh chị em, đặc biệt nơi những người nghèo khó và thiếu thốùn. Với sự ân cần từ mẫu mà Mẹ đã tỏ ra ở tiệc cưới Cana )x. Ga 2, 1-5), Đức Maria dạy nhà truyền giáo biết sống tế nhị, yêu thương và quan tâm đến những vấn đề của con người.

Hình ảnh Đức Maria, nhà truyền giáo đầu tiên đã để cho Thánh Thần thúc đầy mà vội vã tiến bước (x. Lc 1, 39-56) đem Chúa Giêsu trong cung lòng mình đến cho nhà Elizabeth mời gọi các sứ giả Tin Mừng không được để cho nhiệt tình tông đồ suy giảm đi, đặc biệt trong sứ vụ truyền giáo “đến với muôn dân” (Ad gentes).

Vào buổi sáng ngày Hiện Xuống, ai cũng biết là Mẹ Maria đã có mặt với các Tông Đồ, hiệp nhất “cùng một lòng trong lời cầu nguyện” (x. Cv 1,14) trong cộng đoàn tiên khởi được qui tụ sau khi Chúa lên trời, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đức Maria đã tham dự vào buổi khởi đầu công cuộc phúc-âm-hóa dưới tác động của Chúa Thánh Thần: ước gì Ngài là Ngôi Sao Sáng của công cuộc phúc-âm-hóa luôn được làm mới lại mãi mà Giáo Hội, thừa lệnh Chúa, phải xúc tiến và thực hiện, nhất là giữa thời buổi vừa khó khăn vừa đầy hy vọng này.

Kết Luận

Chúng ta vừa làm công việc tổng hợp một linh đạo truyền giáo được nói đến trong một số văn kiện của các Đức Giáo Hoàng. Chúng ta hy vọng rằng linh đạo truyền giáo sẽ làm cho lòng chúng ta bừng cháy lên nhiệt tình loan báo Tin Mừng.

Truyền giáo khởi sự bằng cuộc sống và con tim. Cuộc sống và con tim đòi hỏi các môn đệ Chúa Kitô sống có tấm lòng. Tấm lòng với mọi người và với Giáo Hội, một tấm lòng “dễ dạy” đối với Chúa Thánh Thần, một tấm lòng mới như của Đức Maria.
--------------------
Ký hiệu viết tắt:
EA: Tông Huấn Ecclesia in Asia (Giáo Hội tại Á Châu) của ĐTC Gioan Phaolô II (6 -11-1999)
EN: Tông Huấn Evangelii nuntiandi (Loan báo Tin Mừng) của ĐTC Phaolô VI (8 -12-1975)
NM: Tông Thư Novo Millennio ineunte (Bước vào ngàn năm mới) của ĐTC Gioan-Phaolô II (6-1-2001)
RM: Thông điệp Redemptoris missio (Sứ vụ Đấng Cứu Thế) của ĐTC Gioan Phaolô II (7-12-1990)
RVM: Tông Thư Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria) của ĐTC Gioan-Phaolô II (16-10-2002)
TG: Công Đồng chung Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội (Ad gentes)

------------------------------

 

Truyền_giáo 38: TIN MỪNG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM


 TẠI HOA KỲ

 “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt. 28,18-20)

I. Ý NGHĨA CỦA VIỆC SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CÔNG GIÁO NÓI CHUNG VÀ ĐỐI VỚI NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ NÓI RIÊNG


 

Sống Đạo là sống những lời dậy dỗ, là sống cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô. Lời dậy dỗ và cuộc: Truyền_giáo 38


1. Sống Đạo là sống những lời dậy dỗ, là sống cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô. Lời dậy dỗ và cuộc đời của Chúa là chân lý và tình yêu. Sống những lời dậy dỗ của Chúa là sống Tám Mối Phúc Thật, là sống giới răn yêu thương là giới răn riêng của Chúa Giêsu Kitô. Sống cuộc đời của Chúa Giêsu là sống trong chân lý và yêu thương khi kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và hiệp thông với anh chị em.

2. Nên Thánh là nên giống Chúa Giêsu Kitô trong tư tưởng, lời nói và việc làm; là sống kết hiệp chặt chẽ với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và hiệp thông với anh chị em. Nên thánh cũng có nghĩa là sống hy sinh từ bỏ, thậm chí cả bản thân mình, để yêu thương và phục vụ tha nhân như chính Chúa Giêsu đã sống.

3. Loan báo Tin Mừng là “đem Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô vào trong mọi hoàn cảnh, cuộc sống của con người nhằm hoán cải các cá nhân và biến đổi xã hội bằng sức mạnh của chính Tin Mừng” (1). “Cốt yếu của loan báo Tin Mừng là công bố Ơn Cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô và sự đáp trả của con người bằng lòng tin, cả hai công việc ấy đều là của Chúa Thánh Thần” (2).

Thật ra thì Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng gắn liền với nhau không thể tách rời ra được. Vì không thể Sống Đạo mà không Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng. Cũng không thể Nên Thánh mà không Sống Đạo và Loan Báo Tin Mừng. Càng không thể Loan Báo Tin Mừng mà không Sống Đạo và Nên Thánh. Sống đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng là ba mặt của một thực tại duy nhất và thống nhất là đời sống đức tin trưởng thành, xác tín và dấn thân của người Công giáo nói chung và của người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng.

II. YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH CỦA VIỆC SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO NÓI CHUNG VÀ CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ NÓI RIÊNG

Có hai yếu tố có tính quyết định để người Công giáo nói chung và người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng có thể Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng. Đó là:

1. Thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô để được ơn hoán cải: Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Thầy đã ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (3). Ngày nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục ném lửa vào thế giới này và vẫn ước mong ngọn lửa ấy bùng lên. Những người gặp gỡ thực sự Chúa Giêsu thì sẽ được ngọn lửa ấy thiêu đốt, thanh tẩy và biến đổi.

Trong Phúc âm đã có nhiều con người như thế. Ví dụ: anh chàng Báctimê, mù và ăn xin bên vệ đường. Khi anh ta biết Chúa Giêsu sắp đi qua đó thì anh lớn tiếng kêu xin. Và sau khi được chữa lành, anh ta đã đi theo Chúa (4). Một ví dụ khác: người phụ nữ Samari đến giếng lấy nước. Sau khi gặp Chúa Giêsu và cảm nhận tấm lòng yêu thương của Người thì chị mở lòng (và cuộc sống) của chị ra với Người. Chẳng những chị đã tin vào Người mà chị còn trở thành người loan báo Tin Mừng cho những người khác nữa (5). Một ví dụ nữa: Ông Giakêu là người đứng đầu những người thu thuế và là người giầu có ở Giêrikhô. Sau khi được Chúa Giêsu đến nhà thăm ông, ông Giakêu đã có quyết định ‘động trời’: “Thưa Ngài này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” (6).

Thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được ơn hoán cải. “Hoán cải là chúng ta thay đổi đời sống nhờ sức mạnh của Thần Khí. Tất cả những ai chấp nhận Tin Mừng thì chấp nhận thay đổi bằng cách giũ bỏ tội lỗi và trở thành môn đệ trung tín của Chúa Kitô trong Giáo hội. Không hoán cải là chúng ta không thực sự chấp nhận Tin Mừng” (7).

2. Được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, tác động: Trong bài diễn văn dành cho Hội nghị quốc tế lần thứ ba của Phong trào Canh Tân Thánh Linh Công giáo tại Roma năm 1975, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nhắc lại lời mà Ngài đã nói với một số thành viên của Phong Trào này vào tháng 10 năm 1974: “Giáo hội và thế giới cần hơn bao giờ hết sự kỳ diệu của Ngày Lễ Hiện Xuống được tiếp tục trong lịch sử” (8).

Muốn Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng cho con người và thế giới ở thiên niên kỷ thứ ba này, người Công giáo nói chung và người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng rất cần được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và tác động. Chính Chúa Giêsu là Đấng luôn được Chúa Thánh Thần đồng hành, thúc đẩy và hướng dẫn trong cuộc hành trình loan báo Nước Trời và hy sinh mạng sống cứu chuộc nhân loại. Chúng ta không thể Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng một cách có kết quả mà không có Chúa Thánh Thần ở nơi mình và bên mình. Người vừa là bạn đường, vừa là người dẫn lộ của chúng ta. Người vừa là ánh sáng, vừa là sức mạnh của chúng ta. Người vừa là Đấng nói bằng môi miệng của chúng ta vừa là Đấng nghe bằng đôi tai và tâm hồn của người đối thoại với chúng ta. Người còn là Đấng bào chữa bênh vực chúng ta nữa. Nói tóm lại, càng gắn bó mật thiết với Chúa Thánh Thần thì đời sống đức tin của chúng ta càng phong phú và sâu sắc.

III. LÝ DO SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ

Có hai lý do chính thúc đẩy người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ phải ra sức nỗ lực Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng. Đó là:

1. Thực thi thánh ý và kế hoạch của Thiên Chúa, lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô và giáo huấn của Hội Thánh:

(a) Sống Đạo: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi
sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp của anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (9).

(b) Nên Thánh: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (10).

(c) Loan báo Tin Mừng:

* “Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ; Ngài đã quyết định nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh, và Ngài đã không từ bỏ con người sa ngã trong Ađam, nhưng luôn ban sự trợ giúp để họ được cứu rỗi, nhớ Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, ‘là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, Con đầu lòng của tạo vật’ (11). Thực vậy, từ muôn thuở, tất cả mọi người được tuyển chọn, Chúa Cha đã biết trước và tiền định cho họ trở nên giống hình ảnh Con Chúa, hầu người Con đó được nên Trưởng Tử trong nhiều anh em’ (12). Thế nên Chúa Cha muốn qui tụ những ai tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo hội. Từ nguyên thủy, Giáo hội được tiên báo bằng hình bóng, được chuẩn bị kỳ diệu trong lịch sử dân Ítraen và trong giao ước cũ, được thành lập trong thời cuối cùng, và được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi đến ngày tận thế sẽ kết thúc trong vinh quang…” (13).

* “Lý do hoạt động truyền giáo này bắt nguồn từ ý muốn của Thiên Chúa, Đấng ‘muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý. Thực vậy chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, một trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (14), người là con người Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến để cứu chuộc mọi người’ ‘và sự cứu rỗi không ở trong một người nào khác’ (15). Vậy mọi người, nhờ lời giảng dạy của Giáo hội mà nhận biết Người, phải trở lại với Người và chịu Phép Rửa để sát nhập vào chính Người và vào Giáo hội, Thân Thể Người.” (16).

* “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (17).

* “Như Công đồng Vatican II đã chỉ rõ, ơn gọi của người giáo dân đặt họ ngay vào trong thế giới để thi hành những phận vụ đa dạng nhất, chính tại đây họ được mời gọi truyền bá Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô (18). Do ơn sủng và do tiếng gọi của Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mọi giáo dân đều là nhà truyền giáo; và địa bàn truyền giáo của họ là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp như: chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao…. Tôi xin gửi lời cám ơn của toàn thể Giáo hội đến họ, và tôi khuyên tất cả các giáo dân hãy nhận lấy vai trò riêng của mình trong đời sống và sứ mạng của Dân Chúa, là làm chứng cho Chúa Kitô ở bất cứ nơi nào mình có mặt” (19).

2. Thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, đối với tổ tiên là các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam và đối với đất nước và dân tộc Hoa Kỳ đã đón nhận chúng ta

(a) Với Thiên Chúa là Cha Con và Thánh Thần: So với các dân tộc Á châu khác, rõ ràng là người Việt Nam đã có may mắn hơn nhiều dân tộc khác là đã được các thừa sai và các nhà buôn thương từ Phương Tây đến truyền Đạo Chúa cho cha ông chúng ta cách đây hơn 470 năm (lấy năm 1533 làm cột mốc). Vì thế mà người Công giáo Việt Nam phải thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa bằng cách Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng.

(b) Với Tổ Tiên là các bậc Anh Hùng Tử đạo Việt Nam: Người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng như người Công giáo Việt Nam ở trong nước và ở các nước khác đều là con cháu của 117 Vị Thánh Tử Đạo và của hàng chục ngàn Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam là những người đã lấy máu đào và cái chết để làm chứng cho Đạo. Nếu máu các vị tử đạo là hạt giống Đức Tin, thì Đức Tin mà chúng ta đã đón nhận là món quà quí gía mà Thiên Chúa đã thương ban cho chúng ta nhờ công lao và xương máu của tổ tiên cha ông chúng ta. Vì thế, Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng là cách thể hiện tốt nhất lòng biết ơn của chúng ta đối với Tổ Tiên, nhất là đối với các Thánh và Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam là cha ông chúng ta.

(c) Với dân tộc và đất nước Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ: Người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã vì rất nhiều lý do khác nhau đến sinh sống và định cư tại đất nước, quốc gia này. Chúng ta chẳng những đã được đón nhận mà còn được tạo những điều kiện tốt nhất để sống và xây dựng tương lai. Cách tốt nhất để chúng ta thể hiện lòng biết ơn đối với dân tộc và đất nước Hoa Kỳ là chúng ta đóng góp phần mình vào việc xây dựng một nền văn hóa đa sắc mầu và một nền văn minh tình thương của quốc gia này bằng cách tích cực Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng trên mảnh đất mênh mông và trong xã hội Hoa Kỳ này.

IV. MỤC TIÊU SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO MỸ NÓI CHUNG VÀ CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ NÓI RIÊNG

Việc Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng của người Công giáo Mỹ nói chung và của người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng, cùng một lúc nhắm 3 mục tiêu lớn sau đây:

1. Mục tiêu lớn thứ nhất: “Làm cho mọi người Công giáo cảm nhận niềm phấn khởi về đức tin vào Chúa Giêsu và khi tin vào Người thì họ được tự do chia sẻ với người khác niềm tin ấy” (20).

2. Mục tiêu lớn thứ hai: “Mời gọi mọi người, không phân biệt thành phần xã hội hay nền văn hóa, hãy lắng nghe và đón nhận sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu Kitô để mọi người có thể chia sẻ đức tin Công giáo trọn vẹn với chúng ta” (21).

3. Mục tiêu lớn thứ ba: “Cổ võ các giá trị Phúc Âm trong xã hội, thăng tiến phẩm giá con người, đề cao vai trò của gia đình và lợi ích chung của xã hội, nhờ đó quốc gia chúng ta sẽ tiếp tục được biến đổi bằng sức mạnh cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô” (22).

Do đó, mỗi Kitô hữu và mỗi Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ hãy hãnh diện về đức tin và truyền thống Công giáo mà mình đang sống. Mỗi Kitô hữu và mỗi Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ hãy đào sâu đời sống đức tin và hãy thể hiện đời sống đức tin ấy một cách ý thức, trưởng thành để có khả năng chia sẻ với người khác sống trong cùng môi trường dân cư, nghề nghiệp và xã hội với chúng ta.

V. NGUỒN SỨC MẠNH ĐỂ NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG

1. Nguồn sức mạnh 1: là chính Thiên Chúa là Cha quyền năng và yêu thương. Chính Người đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Người và cứu độ chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết bằng hy lễ thập giá của Con Một Người là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Thiên Chúa còn muốn chúng ta sống đầy đủ chức danh làm con của Người trong đời sống cá nhân cũng như xã hội. Người còn ban mọi ơn cần thiết cho chúng ta để chúng ta sống được như thế.

2. Nguồn sức mạnh 2: là Thánh Kinh, nhất là Bốn Phúc Am, là Lời Thiên Chúa và là sức mạnh thần linh như Công đồng Vatican II đã dậy: “Thực thế, trong các sách Thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ. Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo hội” (23).

3. Nguồn sức mạnh 3: là Giáo hội Công giáo trong đó chúng ta có Chúa Giêsu Thánh Thể, có Chúa Thánh Thần và 7 ơn của Người, có 7 bí tích và đời sống cầu nguyện, hy sinh và bác ái của các thành viên, nhất là của các Thánh Nam Nữ và của những con người thánh thiện.

4. Nguồn sức mạnh 4: là văn hóa truyền thống của người Việt Nam với những nét đẹp riêng như:
(a) tinh thần cộng đồng,
(b) lòng biết ơn sâu sắc đối với tổ tiên ông bà và với những người làm ơn cho mình (ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn),
(c) lòng quảng đại vị tha,
(d) tình yêu gia đình và quê hương đất nước,
(e) lòng tôn trọng tôn ty trật tự gia đình và xã hội,
(f) tinh thần phấn đấu vươn lên và óc cầu tiến.

Tất cả những đặc điểm trên là kho tàng tinh thần và văn hóa vô giá của người Việt Nam. Nếu chúng ta biết phát huy thì chúng ta sẽ có đủ sức mạnh và khả năng để thích ứng, hội nhập và đóng góp cho xã hội trong đó chúng ta đang sống.

VI. TRỞ NGẠI SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ

Nhìn sâu vào đời sống đức tin cá nhân và cộng đoàn của người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ chúng ta thấy còn những trở ngại không phải là nhỏ sau đây:

1. Trở ngại 1: Người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng sâu đậm của một phương pháp giáo dục đức tin truyền thống, nặng cảm tính và chuyển đạt kiến thức giáo lý cách “từ chương” hơn là được giáo dục về cách sống đạo ý thức, cá vị (personnal), trưởng thành, xác tín và dấn thân dựa trên sự hiểu biết Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa.

2. Trở ngại 2: Trong các Cộng đoàn Công giáo và các Giáo xứ Việt Nam tại Hoa Kỳ thường có rất nhiều đoàn thể hay hội đoàn và phong trào như các Bà Mẹ Công giáo, Liên Minh Thánh Tâm, Cursillo, Phong trào Thánh Linh đặc sủng, Huynh đoàn Đa Minh, Huynh đoàn Phan Sinh, Thăng tiến Hôn nhân, Hội cầu nguyện, Thanh niên Công giáo, Thanh Sinh Công, Thiếu Nhi Thánh Thể v.v... Tuy nhiên đại đa số các đoàn thể và phong trào lại có sinh hoạt khá giống nhau: đọc kinh, cầu nguyện, yểm trợ ơn gọi, thực hiện các công việc của giáo xứ. Các đoàn thể và phong trào chưa quan tâm đủ đến việc nâng cao trình độ hiểu biết về đạo và kinh nghiệm sống đức tin của các hội viên và cũng chưa đủ mạnh dạn dấn thân vào các môi trường xã hội, nghề nghiệp, mà chủ yếu là tập trung vào công việc nội bộ của giáo xứ, tự giới hạn trong khuôn viên thánh đường.

3. Trở ngại 3: Người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ ở phạm vi cá nhân cũng như cộng đoàn chưa mấy quan tâm đến việc nâng cao hiểu biết về Đạo qua việc học hỏi Giáo lý, Thần học, Thánh Kinh, Công đồng, dù sống trong một Giáo hội rất hùng mạnh và một đất nước tiên tiến nhất thế giới. Người xưa có câu: “vô tri bất mộ = không biết thì không yêu mến” nên kết quả tất yếu của việc thiếu học hỏi là thiếu hiểu biết và sự thiếu hiểu biết sẽ tạo ra một cách sống đạo hời hợt, hình thức và nặng tình cảm nơi đại đa số người Công giáo Việt Nam tại Hoa Ky.

4. Trở ngại 4: Vì nhu cầu phải tồn tại và hội nhập vào một xã hội mới và đầy cạnh tranh, người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ dành hầu hết sức lực và thời gian cho việc tạo dựng sự nghiệp và tương lai cho mình và cho gia đình. Hơn nữa sống trong một xã hội tiêu thụ và quảng cáo nên rất nhiều người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ bị của cải vật chất và tiện nghi đời sống lôi cuốn và chi phối. Đối với một số người, việc giữ đạo chỉ còn mang tính thói quen, tập quán. Việc dấn thân theo đòi hỏi của Phúc Âm gặp nhiều khó khăn.

VII. PHƯƠNG THẾ SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG DO HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC HOA KỲ ĐƯA RA CHO TOÀN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO HOA KỲ

Ngày 18 tháng 11 năm 1992, sau khi đã tham khảo ý kiến các giáo phận, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã phê chuẩn một tài liệu quan trọng do Ủy Ban Giám mục về Loan Báo Tin Mừng đệ trình và cho văn phòng Tổng Thư Ký phổ biến. Tài liệu mang tựa đề “Go and Make disciples: A National Plan and Strategy for Catholic Evangelization in the United States = Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ: Kế hoạch và Chiến lược toàn quốc cho việc Loan Báo Tin Mừng Công giáo tại Hoa Kỳ.”

Trong tài liệu mang tính định hướng này, Hội đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ chẳng những đã đề cập đến việc loan báo Tin Mừng mà còn đề cập đến mọi khía cạnh khác của đời sống đức tin của người Công giáo Hoa Kỳ. Tài liệu đã đưa ra ba mục tiêu lớn (goals) và nhiều mục tiêu cụ thể (objectives) đồng thời đã đề nghị nhiều chiến lược hay phương thế (strategies) để giúp mọi người Công giáo Hoa Kỳ, trong đó có người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, biết nên và phải làm gì.

1. Liên quan tới mục tiêu lớn thứ nhất, Hội đồng Giám Mục Công Giáo Hoa kỳ xác định là mời gọi người Công giáo tiếp tục lắng nghe Tin Mừng ở các mức độ sâu hơn. Ơn gọi nên thánh dành cho mọi người Công giáo qua Bí tích Thanh Tẩy tận hiến mỗi người cho Thiên Chúa và cho công cuộc phục vụ Nước Trời. Việc đào sâu niềm tin này trong sự thánh thiện tập trung vào ước nguyện đem đức tin đến cho mọi người cho đến lúc Thiên Chúa trở thành ‘tất cả trong mọi sự’ trong một thế giới đã được biến đổi (24).

Trong mục tiêu lớn này có 12 mục tiêu cụ thể và rất nhiều phương thế khác nhau như sau:

a.1 Mục tiêu cụ thể 1: Cổ võ một kinh nghiệm hoán cải và canh tân tâm hồn của mọi tín hữu, hầu có một đời sống Kitô hữu tích cực và sống động hơn.

a.2 Các phương thế có thể dùng:

* Các buổi tĩnh tâm;
* Các chương trình canh tân giáo xứ;
* Cursillo;
* Phong trào Thánh Linh đặc sủng;
* Các cuộc gặp gỡ cuối tuần của giới trẻ;
* Dự bị hôn nhân;
* Và các chương trình canh tân và hoán cải khác (25).

b.1 Mục tiêu cụ thể 2: Cổ võ một kinh nghiệm hoán cải và canh tân trong mọi cộng đoàn giáo xứ.

b.2 Các phương thế có thể dùng:

* Phổ biến chương trình “Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người trưởng thành” (RCIA: Rite of Christian Initiation of Adults);
* Mời gọi nhiều người Công giáo tham gia chương trình “Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người trưởng thành” với tư cách là người bảo trợ;
* Tham gia vào các thừa tác vụ hòa giải (26).

c.1 Mục tiêu cụ thể 3: Cổ võ mọi người quý trọng Lời Chúa trong đời sống của mọi người Công giáo.

c.2 Các phương thế có thể dùng:

* Cổ võ việc siêng năng đọc Thánh Kinh trong giới Công giáo;
* Triển khai mạnh mẽ hơn các chương trình học hỏi Thánh Kinh và chia sẻ Lời Chúa;
* Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người Công giáo học hỏi Thánh Kinh (27).

d.1 Mục tiêu cụ thể 4: Làm nổi bật hơn nữa chiều kích truyền giáo của Cử hành Thánh Thể Chúa nhật.

d.2 Các phương thế có thể dùng:

* Tiếp đón và hoan nghênh mọi người đến thánh đường;
* Tạo một nhận thức lớn hơn về cầu nguyện trong Thánh Lễ;
* Mời gọi, cách rõ ràng hơn, những người đến tham dự Thánh Lễ phải hoán cải và canh tân; đề cao tinh thần cộng đoàn giữa các thành viên của giáo xứ; quan tâm đến khách và người mới đến cộng đoàn;
* Giúp mọi người tham dự buổi cử hành một cách dễ dàng;
* Phát triển những phương thế giúp giáo dân mới tới và lưu động hội nhập vào giáo xứ thông qua nghi thức nhìn nhận công khai (28).

e.1 Mục tiêu cụ thể 5: Cổ võ mọi người trân trọng hơn nữa sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể và trong các Bí tích là những dấu chỉ thánh của đời sống Công giáo chúng ta.

e.2 Các phương thế có thể dùng:

* Các cử hành phụng vụ tràn đầy Thánh Thần Thiên Chúa;
* Các chương trình chuẩn bị đón nhận bí tích;
* Cổ võ lòng sùng kính và sự thờ phượng Thánh Thể;
* Kế hoạch phụng vụ và việc thực hiện các nghi thức được chuẩn bị kỹ càng;
* Tập trung vào các chủ đề canh tân và nhấn mạnh đến hành động trong các bí tích (29).

f.1 Mục tiêu cụ thể 6: Cổ võ mọi người trân trọng sức mạnh của Lời Chúa hơn nữa trong cử hành của chúng ta.

f.2 Các phương thế có thể dùng:

* Huấn luyện kỹ về việc giảng dạy cho hàng giáo sĩ và cho những người có ơn gọi giảng dạy;
* Chuẩn bị bài giảng bằng cầu nguyện;
* Chia sẻ việc chuẩn bị bài giảng ngày Chúa nhật;
* Chuẩn bị cho những người đọc Sách Thánh; và
* Huấn luyện lòng tôn kính đối với các sách phụng vụ chứa đựng Lời Chúa (30).

g.1 Mục tiêu cụ thể 7: Cổ võ ý thức sâu sắc hơn về cầu nguyện trong những người Công giáo.

g.2 Các phương thế có thể dùng:

* Mỗi người Công giáo có chương trình cầu nguyện hằng ngày;
* Sử dụng rộng rãi hơn phụng vụ các giờ kinh và cầu nguyện chung trong giới Công giáo;
* Các nhóm cầu nguyện;
* Kinh nghiệm về tĩnh tâm;
* Huấn luyện về các phương pháp suy gẫm và chiêm niệm; và
* Phổ biến nhiều tài liệu sách vở đạo đức dễ đọc (31).

h.1 Mục tiêu cụ thể 8: Cổ võ một sự hiểu biết được đổi mới về đức tin trong những người Công giáo.

h.2 Các phương thế có thể dùng:

* Những phương pháp mới để huấn luyện người trưởng thành sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội tân tiến khác nhau và làm cho người Công giáo dấn thân hơn vào các buổi cử hành và phục vụ của giáo xứ;
* Diễn tả nội dung giáo lý một cách rõ ràng, bằng ngôn ngữ dễ hiểu;
* Xem lại việc/cách giảng dậy giáo lý hiện hữu để tạo điều kiện cho công cuộc loan báo Tin Mừng và đem Giáo Lý Hội Thánh Công giáo thích nghi vào hoàn cảnh của Hoa Kỳ;
* Phát triển những kỹ thuật giảng dậy giáo lý tại nhà và thích hợp cho một gia đình; và
* Đưa các vị hiệu trưởng các cơ sở giáo dục tôn giáo vào trong chương trình loan báo Tin Mừng của giáo xứ và vào kế hoạch giáo lý của các nhóm loan báo Tin Mừng (32).

i.1 Mục tiêu cụ thể 9: Cổ võ ý thức ơn gọi làm môn đệ (Chúa Giêsu) trong những người Công giáo đã trưởng thành cũng như còn nhỏ.

i.2 Các phương thế có thể dùng:

* Phát triển sự giáo dục tôn giáo của giáo xứ dựa trên những đề tài về ơn gọi làm môn đệ (Chúa Giêsu) tập trung vào công cuộc loan báo Tin Mừng;
* Huấn luyện về ơn gọi làm môn đệ;
* Những biến cố cầu nguyện trong các giáo xứ và các tổ chức Công giáo lớn hơn; và
* Giúp nhiều người dấn thân hơn vào thừa tác vụ và phục vụ như là một cách thể hiện các đặc sủng mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội (33).

k.1 Mục tiêu cụ thể 10: Cổ võ một kinh nghiệm tôn giáo tích cực và riêng tư thông qua việc tham gia các nhóm nhỏ và các kinh nghiệm cộng đoàn trong đó Lời Chúa được chia sẻ, cảm nghiệm và áp dụng vào cuộc sống thường ngày.

k.2 Các phương thế có thể dùng:

* Phát triển các nhóm cầu nguyện;
* Giáo xứ đầu tư cho việc hình thành các nhóm nhỏ chuyên cầu nguyện, thăng tiến tâm linh và hoạt động tông đồ;
* Các hiệp hội cầu nguyện trong các giáo xứ và trong các tổ chức Công giáo rộng lớn; và
* Kinh nghiệm về tĩnh tâm (34).

l.1 Mục tiêu cụ thể 10: Cổ võ ý thức về Giáo hội địa phương trong đó có các gia đình, cá nhân và các nhóm.

l.2 Các phương thế có thể dùng:

* Huấn luyện cầu nguyện hằng ngày và các thời gian cầu nguyện trong gia đình;
* Thiết lập những giờ chia sẻ trong gia đình;
* Các nghi thức lấy gia đình làm căn bản;
* Hình thành các nhóm phụ huynh, gia đình và các nhóm để phát huy đời sống tâm linh trong gia đình; và
* Thích nghi những thực hành đức tin mới và có ý nghĩa trong gia đình trong chiều hướng cầu nguyện gia đình suy giảm (35).

m.1 Mục tiêu cụ thể 11: Cổ võ và phát huy một linh đạo cho sở làm.

m.2 Các phương thế có thể dùng:

* Khuyến khích việc suy tư về sự hiện diện có sức biến đổi của Thiên Chúa tại sở làm;
* Nhìn nhận những người lao động là những tác nhân của sự hiện diện của Thiên Chúa nơi sở làm; và
* Khuyến khích việc hình thành các nhóm Công giáo và Kitô giáo khác và các tổ chức cổ võ các gía trị nơi sở làm (36).

n.1 Mục tiêu cụ thể 12: Cổ võ mọi người biết trân trọng hơn linh đạo có tính văn hóa và sắc tộc.

n.2 Các phương thế có thể dùng:

* Cử hành sự đa dạng tâm linh của các nền văn hóa khác nhau tạo nên sự phong phú cho Giáo hội ở Hiệp Chủng quốc;
* Nhìn nhận và kính trọng đối với các hình thái khác nhau của lòng đạo đức cá nhân;
* Cử hành các truyền thống văn hóa; và
* Khuyến khích sự đa dạng trong diễn tả bằng âm nhạc và văn hóa (37).

2. Liên quan tới mục tiêu lớn thứ hai, Hội đồng Giám Mục Công Giáo Hoa kỳ xác định là mời gọi mọi người, không phân biệt thành phần xã hội hay nền văn hóa, hãy lắng nghe và đón nhận sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu Kitô để mọi người có thể chia sẻ đức tin Công giáo trọn vẹn với chúng ta (38). Thực hiện mục tiêu này có nghĩa là chúng ta phải mời gọi mọi người nhận biết Tin Mừng của Đức Giêsu mà Giáo hội Công giáo công bố.

Mục tiêu lớn thứ hai này gồm 11 mục tiêu cụ thể và rất nhiều phương thế như sau:

a.1 Mục tiêu cụ thể 1: Làm cho các tổ chức Công giáo, nhất là các giáo xứ trở nên những địa chỉ nồng ấm hơn.

a.2 Các phương thế có thể dùng:

* Xem xét lại tính hiếu khách của các tổ chức của chúng ta;
* Sử dụng các trường học của giáo xứ và các chương trình của giáo dục tôn giáo để tiếp cận và đón rước cả gia đình;
* Tổ chức những buổi họp mặt để chúc mừng và tiếp đón;
* Huấn luyện lại những nhân viên hướng dẫn, tiếp tân và nhân viên khác; và
* Nghiên cứu tính quần chúng và gía trị của các cơ chế giao tiếp với người (ví dụ xem xét thời gian biểu của các sự kiện, việc thắp sáng, các bảng hiệu và bảng quảng bá), đặc biệt quan tâm đến các cách tiếp đón ngững người tàng tật (ví dụ: có lối vào nhà thờ có tay vịn, các hệ thống âm thanh thích hợp và có người thông dịch bằng dấu (tay) cho những người điếc (39).

b.1 Mục tiêu cụ thể 2: Làm cho mọi người Công giáo cảm thấy thoải mái trong việc chia sẻ niềm tin của mình và mời người khác khám phá Chúa Kitô trong gia đình Công giáo.

b.2 Các phương thế có thể dùng:

* Các nhóm chia sẻ niềm tin;
* Huấn luyện và biện phân kinh nghiệm tôn giáo và đồng cảm với kinh nghiệm ấy;
* Phát triển khả năng lắng nghe và cảm thông lớn hơn; và
* Khuyến khích những người trở lại chia sẻ câu chuyện đức tin của họ (40).

c.1 Mục tiêu cụ thể 3: Phát triển khả năng chia sẻ Phúc âm giữa các gia đình.

c.2 Các phương thế có thể dùng:

* Các chương trình nâng đỡ các bậc cha mẹ là những người chia sẻ đức tin với con cái họ;
* Gia đình tiếp cận các gia đình khác để cảm nghiệm Tin Mừng của Chúa Giêsu;
* Huấn luyện các chương trình phục vụ các gia đình, một cách riêng lẻ cá nhân hay trong các nhóm hỗ trợ, nhằm các phương pháp chia sẻ Phúc âm hữu hiệu hơn;
* Cổ võ việc cầu nguyện gia đình và thời gian chia sẻ đều đặn (41).

d.1 Mục tiêu cụ thể 4: Trang bị và tăng cường khả năng cho các thành viên Công giáo tích cực thực thi ơn gọi loan báo Tin Mừng của Bí tích Thanh Tẩy.

d.2 Các phương thế có thể dùng:

* Những ngày canh tân;
* Huấn luyện chứng nhân;
* Huấn luyện để người Công giáo biết cách loan báo Tin Mừng từ một người cho một người khác;
* Tận dụng việc chuẩn bị bí tích Thanh Tẩy và các bí tích khác để giúp mọi người thấu hiểu về ơn gọi làm môn đệ;
* Phổ biến các gương điển hình và chứng nhân trong số những người tham gia chương trình “Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người trưởng thành” (RCIA: Rite of Christian Initia-tion of Adults);
* Những bộ phận của công cuộc loan báo Tin Mừng trong lãnh vực giáo dục;
* Công cuộc truyền giáo của giáo xứ; và
* Chuẩn bị những người sẽ được chỉ định làm tông đồ loan báo Tin Mừng toàn thời gian (42).

e.1 Mục tiêu cụ thể 5: Dùng thời gian đặc biệt trong giáo xứ và trong đời sống gia đình để mời gọi mọi người tin.

e.2 Các phương thế có thể dùng:

* Mời các gia đình trẻ để chia sẻ về việc huấn luyện đức tin cho con cái còn nhỏ;
* Thừa tác vụ đặc biệt dành cho những người mới trưởng thành trong các giáo xứ và các trại hè của trường trung học;
* Nhấn mạnh đến chiều kích loan báo Tin Mừng trong thừa tác vụ giới trẻ đối với các học sinh sinh viên trường trung học và đại học; và
* Giúp người trẻ và các gia đình tham gia vào các thừa tác vụ niềm tin và trong các việc phục vụ người khác (43).

f.1 Mục tiêu cụ thể 6: Đào tạo một đội ngũ tín hữu tích cực để họ phục vụ như những người loan báo Tin Mừng trong các giáo xứ, các giáo phận, các vùng dân cư, các sở làm và các gia đình.

f.2 Các phương thế có thể dùng:

* Thành lập các ủy ban và văn phòng giáo phận về loan báo Tin Mừng;
* Thành lập các nhóm loan báo Tin Mừng trong các giáo xứ;
* Thành lập và hỗ trợ các trường loan báo Tin Mừng của toàn quốc và của miền; và
* Tổ chức các hội nghị và các nhóm hỗ trợ đối với những người tham gia công cuộc loan báo Tin Mừng một cách rõ rệt hơn (44).

f.1 Mục tiêu cụ thể 7: Mời gọi thực sự dân chúng đến với Hội Thánh chúng ta.

f.2 Các phương thế có thể dùng ở phạm vi toàn quốc:

* Đầu tư một cách nghiêm túc để có những hình ảnh tốt đẹp về Giáo hội qua các phương tiện thông tin đại chúng;
* Chiêu mộ những người Công giáo có năng khiếu về truyền thông để hỗ trợ cho việc tạo hình ảnh này;
* Quan tâm đến chiều kích loan báo Tin Mừng của mọi phát biểu mang tính chính thức của Giáo hội; và
* Phát triển những cuộc vận động truyền thông toàn quốc nhằm diễn tả Giáo hội.

f.3 Các phương thế có thể dùng ở phạm vi địa phương:

* Dùng thư từ, thăm viếng gia đình và mời người ta chuyển đến vùng gần giáo xứ;
* Thông báo những vấn đề của khu vực bằng báo chí và pan-nô;
* Thực hiện kiểm tra dân số định kỳ;
* Quan tâm đến và phục vụ những người sống trong khu vực;
* Phổ biến chuyện khu xóm, giáo xứ, các sự kiện địa phương đến những người được mời cách đặc biệt (ví dụ: rao bán nhà, tổ chức hội thảo để trình bày các vấn đề, các sự kiện cho bạn bè hay các gia đình, hay các chương trình tiếp đón khác); và
* Nhậy bén hơn nữa đối với các nhu cầu của người tìm kiếm (45).

g.1 Mục tiêu cụ thể 8: Phác thảo các chương trình tiếp cận những người không còn tích cực trong Giáo hội nữa.

g.2 Các phương thế có thể dùng:

* Phát triển các chương trình giúp dân chúng về kinh nghiệm giải hòa;
* Canh tân việc cử hành Bí tích Hòa giải;
* Chương trình riêng cho những người ly dị, ly thân và cảm thấy mình bị Giáo hội coi là vong thân;
* Nghiên cứu về những người Công giáo thụ động một cách bài bản;
* Phát triển các thừa tác vụ làm nổi bật lòng nhân từ, thương xót của Thiên Chúa; và
* Các việc truyền giáo của giáo xứ (46).

h.1 Mục tiêu cụ thể 9: Phác thảo các chương trình đặc biệt nhắm đến những người không tham gia vào một cộng đoàn Giáo hội hoặc những người tìm kiếm đức tin trọn vẹn.

h.2 Các phương thế có thể dùng:

* Hình thành các phương pháp tìm hiểu mới trong giai đoạn trước giai đoạn dự tòng;
* Các chương trình thể hiện lòng hiếu khách và tiếp đón tại Giáo hội địa phương hay tại các gia đình;
* Làm bừng sáng lên những hình thái hiện diện mới của Công giáo tại các thành phố, các vùng ngoại thành và các nơi tập trung đông người khác;
* Các cuộc thăm viếng cá nhân; và
* Dùng thư từ trao đổi trong miền (47).

i.1 Mục tiêu cụ thể 10: Cổ võ sự đa dạng về văn hóa trong sự hiệp nhất của Hội Thánh.

i.2 Các phương thế có thể dùng:

* Xem xét lại một cách nghiêm túc và tăng cường các chính sách của giáo phận về các tổ chức và về sự lãnh đạo của giáo xứ, nhằm đảm bảo cho những người mới đến có chỗ trong Giáo hội;
* Đào tạo hàng giáo sĩ và các thừa tác viên về các ngoại ngữ cần thiết;
* Các chương trình thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về sự khác biệt văn hóa;
* Nỗ lực nhằm giúp những người mới đến trong khu vực có thể phát huy các cơ cấu xã hội và giáo hội riêng của họ; và
* Kết hợp các cử hành của nhiều nền văn hóa có mặt trong các giáo xứ của chúng ta, nhất là trong những ngày lễ lớn, để suy tư về mục tiêu Công giáo của đời sống chúng ta (48).

k.1 Mục tiêu cụ thể 11: Đào sâu sự dấn thân đại kết.

k.2 Các phương thế có thể dùng:

* Cộng tác một cách chặt chẽ với các tổ chức đại kết địa phương và của chính quyền;
* Nối kết sự nghiên cứu của Hội Thánh Công giáo Rôma và các cuộc đối thoại đại kết Kitô giáo khác liên quan tới công cuộc loan báo Tin Mừng, truyền giáo và việc chiêu mộ tín đồ;
* Nghiên cứu quan điểm của Hội Thánh Công giáo Rôma và những tiếp cận Do Thái giáo;
* Phát huy những nhạy bén về mối liên hệ liên tôn và giáo huấn của Hội Thánh Công giáo Rôma về đối thoại và loan báo;
* Cùng nhau đối thoại và chia sẻ;
* Nối kết sự nghiên cứu Thánh Kinh và các chương trình công bằng xã hội;
* Chia sẻ giữa các nhóm thảo luận và các nhóm xã hội; và
* Nối kết các phục vụ và lòng mộ đạo ở những nơi thích hợp (49).

3. Liên quan tới mục tiêu lớn thứ ba Hội đồng Giám Mục Hoa kỳ xác định là cổ võ các giá trị Phúc Âm trong xã hội, thăng tiến phẩm giá con người, đề cao vai trò của gia đình và lợi ích chung của xã hội, nhờ đó quốc gia chúng ta sẽ tiếp tục được biến đổi bằng sức mạnh cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô (50).

Mục tiêu này tiếp nối hai mục tiêu trước vì sống Đức Tin sẽ kéo theo sự biến đổi xã hội. Mục tiêu này sẽ bao hàm 7 mục tiêu cụ thể và nhiều phương thế như sau:

a.1 Mục tiêu cụ thể 1: Làm cho các giáo xứ và các nhóm phục vụ địa phương dấn thân vào việc đáp ứng các nhu cầu của dân chúng trong khu vực.

a.2 Các phương thế có thể dùng:

* Giúp người Công giáo ý thức về các nhu cầu của người nghèo và người sống bên lề;
* Dành ưu tiên cho những công việc phục vụ công lý và tình thương trong các giáo xứ và các tổ chức khác của chúng ta;
* Gia nhập các tổ chức đại kết dấn thân cho công ích;
* Mở rộng hoạt động bác ái và giúp đỡ người thiếu thốn; và
* Ấn định những mục tiêu đặc biệt cho giáo xứ và giáo phận dấn thân vào các việc đáp ứng nhu cầu tức khắc của con người (51).

b.1 Mục tiêu cụ thể 2: Cổ võ tầm quan trọng của gia đình.

b.2 Các phương thế có thể dùng:

* Chuẩn bị hôn nhân và hỗ trợ các cặp mới kết hôn;
* Tĩnh tâm dành cho các gia đình và các kinh nghiệm tôn giáo khác;
* Tư vấn về tâm linh, cá nhân, xã hội và tài chánh cho các gia đình;
* Chia sẻ đức tin giữa cặp vợ chồng này với cặp vợ chồng khác;
* Các nhóm hỗ trợ và sự liên kết hoạt động cho các gia đình; và
* Ảnh hưởng của chính sách xã hội trong việc tăng cường sức mạnh cho đời sống gia đình (52).

c.1 Mục tiêu cụ thể 3: Phát triển các nhóm đi sâu vào các vấn đề của sở làm và linh đạo giáo dân.

c.2 Các phương thế có thể dùng:

* Tổ chức các buổi hội thảo về loan báo Tin Mừng nơi sở làm;
* Các nhóm hỗ trợ chuyên viên;
* Các buổi tĩnh tâm về giá trị lao động và về các vấn về đạo đức/công lý gắn liền với việc làm; và
* Những ngày canh tân được tổ chức bởi giáo dân và cho giáo dân (53).

d.1 Mục tiêu cụ thể 4: Khuyến khích người Công giáo làm chứng trong lãnh vực nghệ thuật và trong cộng đồng trí thức Hoa Kỳ.

d.2 Các phương thế có thể dùng:

* Phát triển nghệ thuật như là một phương thế loan báo Tin Mừng;
* Thiết lập các nhóm đức tin hỗ trợ các nghệ sĩ;
* Cổ võ các giá trị Phúc Âm trong các cơ chế Công giáo học cao hơn; và
* Hỗ trợ các trại hè cho các thừa tác vụ nhằm làm chứng cho các cơ chế học cao hơn (54).

e.1 Mục tiêu cụ thể 5: Giúp mọi người Công giáo dấn thân - ở nhiều cấp độ khác nhau - vào các lãnh vực của đời sống công cộng.

e.2 Các phương thế có thể dùng:

* Các chương trình giáo dục của giáo xứ nhấn mạnh về công bằng xã hội;
* Nghiên cứu và giáo dục về chọn lựa chính trị mà người Công giáo thực hiện;
* Hướng dẫn ghi danh bầu cử;
* Các nhóm hỗ trợ dành cho các chuyên viên Công giáo và các Kitô hữu khác, nhất là trong các lãnh vực luật pháp, kinh tế và dịch vụ xã hội; và
* Khuyến khích giáo dân điều hành và đảm nhận các văn phòng của công quyền (55).

g.1 Mục tiêu cụ thể 6: Giúp mọi người Công giáo dấn thân - ở bất cứ cấp độ nào - vào lãnh vực truyền thông.

g.2 Các phương thế có thể dùng:

* Phát triển các kế hoạch truyền thông về loan báo Tin Mừng ở các cấp độ: toàn quốc, địa phương và giáo xứ;
* Sử dụng các phương tiện nghe nhìn và băng video để thông truyền Đức Tin Công giáo cho người khác;
* Suy tư về việc sử dụng truyền thông của người Công giáo trong gia đình, sở làm và các cơ sở giáo dục;
* Thành lập các lực lượng Công giáo và Kitô hữu khác dấn thân vào truyền thông trong nhiều miền khác nhau để thảo luận vấn đề các giá trị trong truyền thông Công giáo và đóng góp mà người Kitô hữu có thể có;
* Lôi kéo các Giám mục và các tu sĩ lãnh đạo để họ trở thành những phát ngôn viên của Giáo hội thông qua các phương tiện truyền thông và ấn phẩm địa phương;
* Chăm lo đến truyền hình cáp, kho lưu trữ quang học, máy vi tính và kỹ thuật khác để thông truyền Tin Mừng và các gía trị Kitô giáo (56).

h.1 Mục tiêu cụ thể 7: Giúp người Công giáo dấn thân - ở bất cứ cấp độ nào- vào các vấn đề của các hệ thống kinh tế.

h.2 Các phương thế có thể dùng:

* Sử dụng các nguồn lực chuyên môn trong giáo xứ và giáo phận để làm nổi bật các vần đề liên quan tới các hệ thống kinh tế và những hệ lụy liên quan tới những vấn đề công bình đang thống lãnh, nhất là vấn đề không nhà ở, những bất công xã hội, các thuận lợi về giáo dục, sự công bình trong về nhà ở, việc làm và sắc tộc; và
* Hình thành các thừa tác vụ để trao đổi với các hệ thống và thực hành kinh tế bất công (57).

VIII. PHƯƠNG THẾ SỐNG ĐẠO, NÊN THÁNH & LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ

Là người Công giáo sinh sống tại Hoa Kỳ, người Công giáo Việt Nam có trách nhiệm phải nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng những chỉ thị của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, nhất là trong tài liệu “Go and Make Disciples: A National Plan and Strategy for Catholic Evangelization in the United States.” Nhưng để áp dụng cách hiệu quả những hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ trong tài liệu quan trọng trên, người Công giáo Việt Nam cần phải nhìn rõ thực trạng, thách đố, nhu cầu và khả năng của mình. Nếu dùng ngôn ngữ của Phong Trào Cursillo, một phong trào canh tân của hàng giáo dân đang phát triển rất mạnh tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới, thì việc tự kiểm ấy sẽ thực hiện dưới ba góc độ: mộ đạo, hiểu đạo và hành đạo. Ba góc độ trên cũng là ba khía cạnh gắn liền với nhau của một đời sống đức tin của cá nhân, cũng như của nhóm và cộng đoàn giáo xứ.

1. Ở phạm vi cá nhân

(a) Mộ Đạo: Mỗi người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cần siêng năng, ý thức và tích cực tham dự các buổi cử hành phụng vụ, nhất là phụng vụ Lễ Tạ Ơn, các buổi cầu nguyện, các đợt tĩnh tâm, hành hương để nâng cao lòng mộ Đạo. Mỗi người cũng cần phát huy đời sống cầu nguyện riêng tư, tự phát, nhất là biết cách đọc và suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện (lectio divina) để lòng đạo được đào sâu và có nền tảng Thánh Kinh hơn.

(b) Hiểu Đạo: Mỗi người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ - nhất là giới sinh viên trí thức và giáo dân lãnh đạo trong cộng đoàn, hội đoàn và giáo xứ - cần nâng cao trình độ Giáo lý, Thánh kinh, Thần học, Công đồng và Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Sống trong một xã hội tiên tiến, đầy đủ các phương tiện về thông tin và giáo dục như Hoa Kỳ, mà người Công giáo Việt Nam, đặc biệt là hàng ngũ lãnh đạo và trí thức, không nâng cao kiến thức về Đạo thì quả là một thiếu sót không thể biện minh được.

(c) Hành Đạo: Mỗi người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cần đưa giáo huấn của Chúa và của Giáo hội vào trong cuộc sống hằng ngày để làm chứng nhân cho Tin Mừng Chúa Kitô. Để thực hiện được điều ấy mỗi người phải thường xuyên kiểm điểm đời sống không chỉ để xa lánh tội lỗi mà còn để sống Phúc âm và loan báo Tin Mừng cho những người chung quanh, theo tinh thần của người môn đệ chân chính (58) và của “muối cho đời và ánh sáng cho trần gian (59) trong Phúc âm.

2. Ở phạm vi gia đình

(a) Mộ Đạo: Để nâng cao lòng mộ Đạo của mọi thành viên trong gia đình, cha mẹ con cái nên cùng tham dự các buổi cử hành phụng vụ, nhất là phụng vụ Lễ Tạ Ơn, các buổi cầu nguyện, các đợt tĩnh tâm, hành hương. Nên tổ chức những buổi cầu nguyện và đọc Kinh Thánh chung trong gia đình và nên dùng những bữa ăn gia đình để bày tỏ lòng tin và lòng biết ơn đối với Thiên Chúa Quan Phòng.

(b) Hiểu Đạo: Cha mẹ cần khuyến khích và tạo điều kiện cho con cái tham dự các lớp giáo lý căn bản và nâng cao, tham gia các hoạt động của lứa tuổi và đoàn thể như Thiếu Nhi Thánh Thể, để con cái phát triển toàn diện cả kiến thức đời và kiến thức đạo như một người có hai chân tương xứng mới bước vững và đi xa được. Chính cha mẹ cũng nên quan tâm đến việc tìm hiểu, học hỏi nhằm nâng cao hiểu biết về Đạo nói chung và về Giáo lý về gia đình Công giáo nói riêng (60). Gương sáng của cha mẹ sẽ khuyến khích, lôi cuốn và thuyết phục con cái trong nhà hơn là lời nói xuông.

(c) Hành Đạo: Để gia đình Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ là một cộng đoàn sống đạo, nên thánh và loan báo Tin Mừng thì mỗi gia đình phải là một tế bào sống động và là một đơn vị tích cực tham gia vào công việc truyền giáo và hỗ trợ cho công cuộc ấy ở địa phương hay tại quê nhà, bằng cách cống hiến nhân sự và đóng góp phương tiện.

3. Ở phạm vi hội đoàn hay đoàn thể

(a) Mộ Đạo: Các hội đoàn nên tận dụng vai trò và vị thế thuận lợi của mình để giúp các hội viên có một lòng mộ đạo sâu sắc và có nền tảng vững chắc về Giáo lý, Thần học, Thánh kinh, Công đồng và Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Các buổi cầu nguyện, các đợt tĩnh tâm, hành hương cần được đầu tư cách sáng tạo, đặt nặng về chiều sâu tâm linh và chất lượng.

(b) Hiểu Đạo: Các hội đoàn nên quan tâm đặc biệt đến việc nâng cao trình độ Giáo lý, Thánh kinh, Thần học, Công đồng và Giáo huấn xã hội của Giáo hội của các hội viên, nhất là của các Trưởng. Nơi nào có thể được thì tạo điều kiện cho một số người theo học các chương trình chuyên sâu của giáo phận, học viện hay đại học công giáo. Các hội đoàn ở cấp giáo xứ, giáo hạt hay giáo phận nên phối hợp với nhau để tổ chức những chương trình đào tạo chung, vừa đỡ tốn kém vừa nêu cao tinh thần hiệp thông, đoàn kết và hợp tác tông đồ. Nhất là các hội đoàn nên tổ chức các khóa học hỏi về Thánh Kinh, về các Phương pháp “Đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện” (Lectio divina), “Chia sẻ Lời Chúa theo Phương pháp 7 bước” và “Chia sẻ Lời Chúa theo Phương pháp Xem Xét Làm.”

(c) Hành Đạo: Các hội đoàn không nên chỉ tập trung vào các hoạt động đối nội của giáo xứ chung quanh nhà thờ mà nên ưu tiên giúp các hội viên đi sâu vào các môi trường dân cư, nghề nghiệp và xã hội, quan tâm đặc biệt đến những người sống bên lề xã hội, bị bỏ quên hay bị loại trừ để gần gũi, chia sẻ và nâng đỡ họ về vật chất cũng như về tinh thần, thể hiện tình liên đới và bác ái Kitô giáo theo tinh thần của các tổ chức Công Giáo Tiến Hành của Giáo hội (61).

4. Ở phạm vi cộng đoàn và giáo xứ

(a) Mộ Đạo: Các cộng đoàn và giáo xứ cần quan tâm hơn nữa đến việc tổ chức các buổi cử hành phụng vụ, nhất là phụng vụ Lễ Tạ Ơn ngày Chúa nhật, các buổi cầu nguyện, các đợt tĩnh tâm hàng năm, các buổi hành hương để nâng cao lòng mộ Đạo của mọi thành phần dân Chúa. Nên có những buổi cử hành và cầu nguyện, sinh hoạt riêng cho từng thành phần giáo dân và tạo cơ hội cho càng nhiều người tham gia một cách chủ động càng tốt vào các sinh hoạt chung ấy. Tuyệt đối tránh cảnh phô trương hình thức, bề ngoài và không chịu đổi mới. Trái lại cần đặc biệt chú tâm vào việc giúp cho mọi người tham dự có được cảm nghiệm tâm linh sâu sắc và vững chắc.

(b) Hiểu Đạo: Các cộng đoàn và giáo xứ cần đặc biệt quan tâm dành ưu tiên số một cho các lớp/khóa giáo lý từ vỡ lòng, rước lễ, thêm sức, bao đồng, vào đời cho đến các lớp/khóa dự bị hôn nhân, dự tòng. Quan tâm không chỉ đến cách tổ chức, phương pháp giáo dục đức tin mà cả nội dung giảng dậy và trình độ chuyên môn và sư phạm của các giáo lý viên và trợ úy nữa. Các cộng đoàn và giáo xứ cũng cần quan tâm đến việc nâng cao và đào sâu Giáo lý, Thần học, Thánh kinh, Công đồng, Giáo huấn xã hội của Giáo hội cho giáo dân trưởng thành hay ít là cho một thành phần giáo dân có trách nhiệm đặc biệt trong cộng đoàn giáo xứ là các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ, trưởng các hội đoàn, các giáo lý viên và các tông đồ giáo dân. Các cộng đoàn và giáo xứ gần nhau nên cộng tác và phối hợp với nhau, để tổ chức các khóa huấn luyện ấy vừa để tránh tốn kém và tinh thần cục bộ vừa nêu cao tinh thần hiệp thông, đoàn kết và hợp tác tông đồ. Các cộng đoàn và giáo xứ cũng nên gửi một số giáo dân nòng cốt theo học các chương trình chuyên sâu của giáo phận, học viện hay đại học công giáo.

(c) Hành Đạo: Các cộng đoàn và giáo xứ không nên coi cộng đồng và giáo xứ của mình là “trung tâm điểm” mà mọi hoạt động phải tập trung vào đó và chỉ giới hạn trong đó, mà nên coi cộng đoàn và giáo xứ là “xuất phát điểm” để từ đó người Công giáo lớn nhỏ đi đến với cộng đồng lớn hơn là trường học, khu dân cư, sở làm và xã hội. Loan báo Tin Mừng phải là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu của mọi hoạt động của cộng đoàn và giáo xứ. Nên có những điều tra nghiên cứu, những tổng kết và nên tổ chức định kỳ những hội nghị chuyên đề, những buổi tọa đàm, những cuộc triển lãm về Loan báo Tin Mừng. Các cộng đoàn và giáo xứ cũng nên đặt ra những chỉ tiêu cụ thể về số lượng và về cả chất lượng cho Kế Hoạch Truyền Giáo hằng năm của mình, để mọi người, từ các linh mục, tu sĩ, các hội đoàn và mọi người giáo dân đều được thúc đẩy thực thi sứ mạng Loan báo Tin Mừng

5. Ở phạm vi Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ

(a) Mộ Đạo: Người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ liên kết với nhau trong một tổ chức gọi là Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, không phải để lập thành một nhóm khép kín, một cộng đồng cục bộ địa phương hay sắc tộc mà là để nâng đỡ và khuyến khích nhau cách hữu hiệu hơn trong đời sống đức tin. Vì thế mới có Chương trình Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng này. Do đó, Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cần thể hiện sự quan tâm và sâu sát với nhu cầu tâm linh của các thế hệ người Công giáo Việt Nam định cư ở Mỹ. Để đáp ứng nhu cầu lớn lao ấy Liên đoàn nên chú tâm đến việc nghiên cứu, dịch thuật, phổ biến các sách vở tài liệu liên quan tới đời sống tâm linh, cầu nguyện. Trong khả năng của mình Liên đoàn cũng nên khuyến khích, hỗ trợ những cố gắng của các hội đoàn, các cộng đoàn và giáo xứ nhằm nuôi dưỡng và phát triển lòng mộ đạo của mọi giáo dân Việt Nam tại Hoa Kỳ.

(b) Hiểu Đạo: Trong cương vị và chức năng của mình Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nên có kế hoạch ngũ niên nhằm đào tạo, bồi dưỡng nhân sự, nhất là nhân sự giáo dân, không chỉ bằng cách khuyến khích việc nâng cao trình độ Giáo lý, Thánh kinh, Thần học, Công đồng, Giáo huấn xã hội của Giáo hội, mà còn tạo điều kiện cho việc hình thành một giới trí thức Công giáo Việt Nam vừa có chuyên môn đời vừa có trình độ Đạo. Trong trách nhiệm này Liên đoàn dành một khoản đầu tư tương xứng cho lãnh vực các phương tiện truyền thông xã hội như báo chí, sách vở, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, website, internet… Liên đoàn cũng nên đặc biệt quan tâm và giúp đỡ việc tổ chức các đại hội hay hội nghị chuyên đề định kỳ của từng miền hay toàn quốc, về từng lãnh vực Giáo lý, Mục vụ, Tâm linh, Truyền giáo, Truyền thông v.v…

(c) Hành Đạo: Hơn ai hết, các thành viên ở các cấp (từ địa phương đến miền hay liên miền cho đến toàn quốc) nhất là các linh mục, của Liên đoàn phải cho thấy mình là những người đi tiên phong trong việc áp dụng Chương trình Sống Đạo, Nên Thánh và Loan Báo Tin Mừng. Vị trí, chức vụ trong Liên đoàn phải trở thành động lực và điều kiện để mỗi thành viên, mỗi cơ cấu, tổ chức của Liên đoàn trở thành đơn vị xung kích, đầu tầu trong việc thực hiện Kim Chỉ Nam này. Giáo huấn và gương phục vụ của Chúa Giêsu sẽ là nguồn sức mạnh để các thành viên Liên đoàn hy sinh, quên mình và phục vụ Giáo hội và anh chị em Công giáo Việt Nam sống tại Hoa Kỳ này:

“Đức Giêsu đứng dậy rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Người đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” (62) và “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật an em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (63).

LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI NGÀY 15 THÁNG 8 NĂM 2005
WASHINGTON, DC - ĐẠI HỘI KỲ VII
LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ

-----------------------
Chú thích:
(1) Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Loan Báo Tin Mừng trong thế giới tân tiến ngày nay (Evangelii Nuntiandi), số 18.
(2) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 10.
(3) Lc 12,49.
(4) Mc 10:46-52.
(5) Lc 7:2-9.
(6) Lc 19, 1-10.
(7) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 12.
(8) L’Osservatore Romano, 17 oct. 1974.
(9) Mt 5,13-16.
(10) Mt 5,48.
(11) Mt 5,48.
(12) Rm 8,29.
(13) Hiến chế tín lý về Giáo hội, số 2.
(14) 1 Tm 2,4-6.
(15) Cv 4,12.
(16) Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, số 7.
(17) Mt 28,16,18-20.
(18) x. Hiến chế “Ánh sáng muôn dân”, 31
(19) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại châu Á, số 45.
(20) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 46.
(21) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 53.
(22) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 56.
(23) Hiến chế Lời Thiên Chúa, số 21
(24) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 89.
(25) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 91.
(26) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 92.
(27) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 93.
(28) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 94.
(29) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 95.
(30) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 96.
(31) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 97.
(32) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 98.
(33) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 99.
(34) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 100.
(35) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 101.
(36) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 102.
(37) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 103.
(38) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 104.
(39) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 106.
(40) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 107.
(41) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 108.
(42) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 109.
(43) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 110.
(44) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 111.
(45) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 112.
(46) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 113.
(47) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 114.
(48) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 115.
(49) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 116.
(50) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 117.
(51) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 121.
(52) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 122.
(53) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 123.
(54) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 124.
(55) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 125.
(56) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 126.
(57) Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Go and make disciples, số 127.
(58) Mt 7, 21-27.
(59) Mt 5, 13-16.
(60) Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II, Tông huấn Familiaris Consortio.
(61) Đọc “Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về Công Giáo Tiến Hành” đọc trước Đại Hội Quốc Tế Công Giáo Tiến Hành do "Diễn Đàn Quốc Tế Công Giáo Tiến Hành" và "Công Giáo Tiến Hành Italia" phối hợp với “Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách Giáo Dân” tổ chức tại Roma, từ ngày 31/8/2004 đến 5/9/2004.
(62) Ga 13,4b-5.
(63) Ga 13,12-16. Liên Đoàn CGVN/H


------------------------------

 

Truyền_giáo 39: Hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa...


CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

1. Thử trở về với cội nguồn xuất phát.

 

Kể từ buổi sáng tinh mơ “Ngày Thứ Nhất trong tuần”, trên con đường vắng ở Giêrusalem vang động: Truyền_giáo 39


Kể từ buổi sáng tinh mơ “Ngày Thứ Nhất trong tuần”, trên con đường vắng ở Giêrusalem vang động duy nhất bước chân vội vã đầy hoang mang lẫn vui mừng của cô Maria Mađalêna chạy về báo tin Chúa Phục Sinh cho các tông đồ, thì cho đến hôm nay, trên mọi nẻo đường thế giới, đã có hàng triệu triệu bước chân hân hoan ra đi rao giảng Tin Mừng Chúa sống lại.

Cái mệnh lệnh năm nào của Thầy Chí Thánh : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), tưởng đâu sẽ bị rơi vào quên lãng khi ngay từ thuở ban đầu đã bị vùi dập te tua bởi các thế lực Do Thái giáo, như sách Công vụ tông đồ ghi lại : “Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa” (Cv 4,18); “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà kìa các ông đã làm cho cả Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi” (Cv 5,28), đã mau chóng trở thành hiện thực, một hiện thực mà chỉ với năng lực của loài người chắc chắn sẽ không bao giờ với tới.

Và thế rồi, không chỉ Giêrusalem “ngập đầy giáo lý của các tông đồ”, mà sau đó lần lượt cả đế quốc Rôma và cho đến hôm nay đã có hơn 1/3 thế giới nhận biết Chúa Giêsu và giáo lý do các Tông Đồ rao giảng. Như thế, phải chăng, những lời tiên báo từ ngàn xưa của các tổ phụ, các sứ ngôn đã ứng nghiệm : “Tiếng chúng đã vang dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Tv 18).

Tuy nhiên, thành quả đó, công trình Phúc âm hóa tưởng đâu dễ như trở bàn tay vì có Chúa Thánh Thần hướng dẫn và tác động đó, lại là kết quả của bao đau thương và vất vả, của bao nước mắt và mồ hôi của bao máu xuơng và hy sinh ngút ngàn của muôn thế hệ tông đồ, thừa sai, những người đã dấn thân thực thi đến tận cùng mệnh lệnh của Thầy chí Thánh đến độ đã tâm niệm một cách gần như cuồng tín kiểu Tông đồ Phaolô : “Khốn cho tôi nếu tôi khổng rao giảng Tin Mừng”. Hay đầy chất lãng mạn, lý tưởng như một Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu âm thầm trong tu viện thanh vắng : “Lạy Chúa, con ước ao đi dọc ngang khắp thế giới, để rao giảng thánh danh Chúa và cắm cờ hy vọng vào thánh giá vinh quang Chúa trong lãnh thổ dân ngoại. Rồi nữa, một miền truyền giáo mà thôi không đủ cho con. Con muốn cùng một lúc được truyền bá Phúc âm của Chúa khắp thế giới, kể cả những hải đảo heo hút nhất. Con muốn trở thành một nhà thừa sai, không chỉ trong một vài năm, nhưng từ khi trời đất được tạo thành cho đến ngày tận thế.” (Một Tâm hồn); hoặc như một Phan-xi-cô Xa-vi-e vì trăn trở thao thức cho công cuộc rao giảng Tin Mừng mà gần như bực tức trước bao con người lãnh đạm đối với mệnh lệnh thiêng liêng và yêu cầu bức thiết nầy : “Nhiều người quanh đây chưa trở thành tín hữu vì không có ai dạy cho họ sống đức tin. Tôi vẫn thường ước ao đi thăm các đại học ở Âu Châu, đặc biệt ở Pa-ris, và la lớn như một người điên dại để đánh động những ai có nhiều kiến thức hơn là đức ái : có lẽ đã có nhiều linh hồn bị mất phúc thiên đàng chỉ vì sự hờ hững của các người!”

Thảo nào, Công Đồng Vaticanô II, khi nói đến nhiệm vụ truyền giáo của Giáo Hội đã không ngần ngại xác nhận: "Giáo Hội lữ hành trên trần thế, thể theo chính bản tính, là Giáo Hội truyền giáo" (Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, số 2). Dựa theo giáo huấn của Công Đồng, ĐTC Gioan Phaolo II, trong sứ điệp gửi Giáo Hội nhân ngày Truyền Giáo năm 1981, đã nhấn mạnh rất nhiều về trách nhiệm truyền giáo của mỗi giáo hội địa phương bằng một câu xác quyết có thể làm giật mình: "Một giáo hội đóng kín và thiếu tinh thần truyền giáo là một giáo hội chưa phát triển đầy đủ hay đó là một giáo hội bệnh hoạn".

2. Phải truyền giáo thế nào đây :

Thì cứ viện dẫn ra đây một số phương thế được biểu thị bằng những hình ảnh của Tin mừng

- Trước hết hãy trở thành những “viên đá sống động” trong tòa nhà Hội Thánh khi cuộc sống Kitô hữu không bao giờ chịu nằm yên hay dừng chân chờ sung rụng, mà luôn lên dường, luôn khám phá và sáng tạo để phục vụ chúa tốt hơn.

- Thứ đến phải can đảm trở thành những “hạt lúa mục nát giữa lòng đời” khi mỗi ngày biết đong đầy những hy sinh và cầu nguyện, những phục vụ âm thầm hay cụ thể cho những người xung quanh hay cho cộng đoàn đang hội nhập.

- Rồi phải sống và hiện diện làm sao như những “viên men vùi sâu trong thúng bột”, hay những “ngọn đèn cháy sáng đặt trên cao”. Có nghĩa là luôn biểu tỏ gương mặt tốt lành của Chúa Giêsu và Hiền Thê Ngài qua chính cuộc sống dễ thương, khả ái, hiền lành, tử tế của chính mình, gia đình mình, cộng đoàn mình.

- Dĩ nhiên cũng cần phải có thái độ cẩn trọng, chín chắn của những “cô thôn nữ khôn ngoan với đèn dầu nghiêm túc’, những”đầy tớ trung tín và khôn ngoan” chu toàn mọi trách nhiệm được giao, những “người thợ làm vườn nho” sẵn sàng dấn thân hành động cho dù đến trễ…

- Và nếu có lần nào yếu đuối lâm lụy vì bản tính xác thịt ươn hèn, thì hãy lập tức đứng dậy như những “đứa con hoang đàng nhưng biết cương quyết chỗi dậy đi về nhà Cha”, hay như Phêrô 3 lần chối Chúa nhưng sẵn sàng làm lại cuộc đời với 3 câu trả lời “Thầy biết con yêu mến Thầy”.

- Trong khi đó, luôn ý thức rằng; dấn thân cho công cuộc truyền giáo thì không được so đo tính toán, không tìm lợi lộc thế trần, nhưng phải trang bị một tâm hồn quảng đại bao dung, biết cho đi và hy sinh tất cả như Maria Bêtania sắn sàng đập bể bình dầu thơm cam tùng hảo hạng để xức chân cho Chúa…

Vâng, Giáo Hội muôn nơi và muôn thuở luôn cần những Mục Tử, những tông đồ, những giáo dân như thế. Chính nhờ những “viên đá sống động”, những “cành nho”, những “hạt lúa mục nát giữa lòng đời”, những “viên men vùi sâu trong thúng bột”, những “ngọn đèn cháy sáng đặt trên cao”, những “bước chân vội vã loan Tin Mừng”, những “cô thôn nữ khôn ngoan với đèn dầu nghiêm túc’, những”đầy tớ trung tín và khôn ngoan” chu toàn mọi trách nhiệm được giao, những “người thợ làm vườn nho” sẵn sàng dấn thân hành động cho dù đến trễ, những “đứa con hoang đàng nhưng biết cương quyết chỗi dậy đi về nhà Cha”, những Phêrô 3 lần chối Chúa nhưng sẵn sàng làm lại cuộc đời với 3 câu trả lời “Thầy biết con yêu mến Thầy”, những Maria Bêtania sắn sàng đập bể bình dầu thơm cam tùng hảo hạng để xức chân cho Chúa…Vâng, chính những con người ấy, chính những “chứng nhân sống động” viết Lời Chúa bằng chính cuộc sống mình và giảng Lời Chúa bằng trái tim mình đã làm cho Ngôi Nhà Hội Thánh mãi mãi rực ngát hương thơm thánh thiện và đạo đức.

Chúng ta không quên, vào thế kỷ thứ 12, khi tệ đoan lan tràn khắp nơi, các phe phái quá khích nổi lên, nhiều người phê bình chỉ trích các nhà lãnh đạo Giáo Hội vì cuộc sống phản chứng của các ngài. Lúc đó Thánh Phanxicô Assisiô xuất hiện. Ngài không chỉ trích ai, nhưng ý thức rằng kẻ phải ăn năn sám hối trước tiên là chính ngài. Ngài không khoe khoang, không tham lam, không giả hình, nhưng cố gắng sống nghèo khó, bác ái, phục vụ, khoan dung. Lý tưởng của thánh Phanxicô chẳng mấy chốc đã được nhiều người chia sẻ. Giáo Hội được hồi sinh, nhiều tâm hồn được đổi mới, mùa xuân thiêng liêng được nở rộ nhiều thế kỷ liên tiếp.

Giáo Hội Việt Nam cách đây gần 4 thế kỷ, có chàng trai Anrê Phú Yên với 19 xuân xanh, trên con đường ra gò thành Chiêm để chịu chết vì đức tin đã vui tươi giảng dạy chân lý Đạo Trời cho bàn dân thiên hạ đang đô hội theo coi mà nội dung cốt lỏi chỉ là : “Lấy tình yêu đáp lại tình yêu, đem mạng sống báo đền mạng sống…”. Không phải là lời giảng suông của một kinh sư hay biệt phái, cũng không là bài giáo lý thần học uyên thâm của các nhà tiến sĩ thần học, nhưng, lời rao giảng ấy lại có có sức thuyết phục tuyệt vời. Vì sau lời rao giảng đó chính là cái chết với trọn vẹn tình yêu…

Và nếu khi sức đã kiệt, chân đã chồn, gối đã mõi, khi bệnh hoạn tật nguyền ập đến như tai họa bủa vây giăng mắc…thì sứ vụ truyền giáo cũng vần được thực thi một cách đầy hiệu quả, theo “mô hình truyền giáo của Thánh nữ tiến sĩ Têrêsa hài Đồng Giêsu như chị để lại trong nhật ký một tâm hồn : Vào cuối đời, khi lâm bệnh nặng, thánh nữ vẫn cố gắng lê bước, một nữ tu nhận ra thánh nữ quá mệt nhọc nên đề nghị Ngài hãy nghỉ ngơi. Thánh nữ Têrêsa đã trả lời : “Chị biết điều gì đem lại sức mạnh cho em không ? Em đang lê bước để mưu ích cho một nhà thừa sai. Em tin rằng có một nhà thừa sai nào đó ở xa xăm lúc nầy đang chực quỵ ngã vì những công cuộc tông đồ của Ngài, em xin dâng sự mệt nhọc của em lên Chúa (Sách đã dẫn,XII,9). Những ý tưởng trong lời cầu nguyện và hy sinh của Bông Hoa Nhỏ chắc chắn đã đem lại hiệu quả đến cho những miền tận cùng thế giới.

Và có lẽ trước khi tuyên xưng đức tin, cộng đoàn chúng ta hãy cùng nhau hát lên bài Kinh Hòa Bình của Thánh Phan-xi-cô Assisi, như một lời cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Hội Thánh và cũng là lời cầu xin cho mỗi người chúng ta được trở nen những tông đồ loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay.


LM. Giuse Trương Đình Hiền

------------------------------

 

Truyền_giáo 40: CÔNG VIỆC TRUYỀN GIÁO: AI LÀM TỐT HƠN AI?

 

Nói đến công tác TRUYỀN GIÁO, có rất nhiều người, có khi có cả bạn trong đó nữa không: Truyền_giáo 40


Nói đến công tác TRUYỀN GIÁO, có rất nhiều người, có khi có cả bạn trong đó nữa không chừng, thường nghĩ, và cho rằng đó là việc của những người đi tu! Hoặc mấy người tu hành làm công việc này tốt hơn là giáo dân. Có phải đúng như vậy không? Nếu bạn đã từng nghĩ và cho rằng mấy người đi tu làm việc truyền giáo tốt hơn là giáo dân thì thật tôi bảo thật cho bạn hay, bạn. .. lầm to rồi! Bạn biết tại sao không? Tại vì có rất nhiều anh chị em giáo dân đã, đang và sẽ còn làm rất xuất sắc, còn trên cả tuyệt vời nữa, những công việc truyền giáo đấy! Bạn tin không?

Anh chị Wang, vừa mới rửa tội vào dịp phục sinh năm ngoái, chia sẻ với các bạn cùng lớp : “Vợ chồng tôi đi học ở trường công giáo bên Hongkong từ lớp mẫu giáo cho đến đại học, chúng tôi thấy đạo Công Giáo tốt lắm, quý thầy cô ở đó rất tận tình, tận tâm lo cho chúng tôi chuyện ăn uống, chu cấp đủ mọi thứ, lo lắng cả về vấn đề học vấn lẫn đạo đức… Đáng lý hồi xưa tôi theo đạo rồi nhưng kẹt một nỗi ba má chúng tôi phản đối, bây giờ các ngài qua đời hết rồi nên hai vợ chồng tôi mới đi học giáo lý xin rửa tội trở lại đạo Công Giáo được!”

Chị Lệ một Phật tử chính gốc, chị ăn chay, phát quả và thường xuyên đi chùa tụng kinh. Chị lập gia đình với một người chồng công giáo, nhưng đạo ai nấy giữ, đã được mười hai năm. Bỗng một hôm, chị ngỏ ý với chồng muốn đi học giáo lý để trở thành người công giáo. Trong buổi chia sẻ với các bạn cùng khóa, chị bộc bạch: “Năm năm về trước, khi tôi bị bịnh thập tử nhất sinh nằm ở trong bịnh viện, mẹ chồng của tôi đến nuôi con suốt hai tuần lễ, bà cụ chăm sóc cho tôi chu đáo còn hơn là mẹ ruột nữa. Tôi thấy mẹ tôi lúc ở bịnh viện cứ lần chuỗi liên miên, rồi bà cụ điện thoại xin các nhà dòng cầu nguyện, rồi xin bạn bè trong các hội đoàn cầu nguyện cho tôi được chóng bình phục nữa. Chưa bao giờ tôi nghe thấy mẹ tôi phàn nàn hay kêu trách ai bao giờ cả, lúc nào mẹ tôi cũng tươi cười, vui vẻ và khuyên tôi sống lạc quan, tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa. Mẹ chồng của tôi đã là lý do khiến cho tôi suy nghĩ đến chuyện trở lại đạo Công Giáo.”

Jonathan, một học viên của lớp giáo lý tân tòng tâm sự: “Tôi qua Mỹ theo diện mồ côi, không có thân nhân gì cả, tôi được một gia đình người Mỹ bảo trợ và nhận làm con nuôi. Lúc đó tôi còn trẻ, một phần vì xa gia đình, phần khác vì nhớ cha mẹ, phần khác thì cô đơn nên tôi chẳng lo chú tâm học hành, chỉ lo tụ tập, đàn đúm đi phá phách làm phiền hà và liên lụy tới bố mẹ nuôi của tôi rất nhiều. Thế nhưng các ngài không giận, không chửi, không mắng, lần nào tôi quay về thì các ngài cũng tươi cười, ôm tôi vào lòng sẵn sàng tha thứ và tận tình lo lắng cho tôi ăn học thành tài. Sau khi bố nuôi của tôi qua đời, mẹ tôi mới trao cho tôi cuốn nhật ký của người, nhờ đó tôi mới biết ngày xưa mỗi lần tôi bỏ nhà đi hoang, gặp phiền toái với cảnh sát thì hai ông bà lại ăn chay nghiệm ngặt hơn, lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho tôi nhiều hơn … Chính vì tình yêu và lòng bao dung của các ngài đã khiến tôi suy nghĩ về chuyện trở thành một người Công Giáo và hôm nay tôi quyết định đến ghi danh xin học lớp giáo lý tân tòng.”

Bạn thử nghĩ xem? Ai là người đem Chúa đến cho vợ chồng anh Wang, chị Lệ và Jonathan? Những người giáo dân hay những người đi tu? Giáo dân đấy! Thật vậy! Bằng và qua những cử chỉ rất dung dị, rất bình thường… nhưng đầy lòng nhân hậu, khoan dung, từ ái, lạc quan, tin tưởng… quý thầy cô, mẹ chồng của chị Lệ, và bố mẹ nuôi của Jonathan, những người giáo dân gương mẫu đã họa nên được một bức chân dung rất trung thực, thật lộng lẫy và tuyệt vời của Chúa Giê-su để cho anh chị Wang, chị Lệ và Jonathan chiêm ngưỡng, nhận ra và bước đi theo Ngài. Công lao đem Chúa đến cho anh chị Wang, chị Lệ và Jonathan đâu phải thuộc về những người đi tu? Bạn thấy đúng không?

Bạn nghĩ thử xem! Giữa mấy người đi tu và anh chị em giáo dân, ai có nhiều cơ hội đi vào các nhà máy, các công xưởng, nông trường, chợ búa, ngân hàng, và vào trong những ngõ ngách của cuộc đời này hơn? Giáo dân đấy! Không phải tôi nói đâu! Mà là Giáo Hội nói trong Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội: “Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm làm cho Giáo Hội được hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh, mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian [được]” (# 33)

Thật vậy! Đại đa số anh chị em tân tòng đã nhận ra được dung mạo của Thiên Chúa là nhờ, là bởi, và là qua những đời sống gương mẫu, đạo đức, thánh thiện của những Kitô Hữu đang hành nghề bác sĩ, y tá, dược sĩ, nha sĩ, kỹ sư, công nhân, chuyên viên kỹ thuật, thầy cô giáo, đầu bếp, thương gia … Những anh chị em giáo dân này đã giới thiệu Đức Giê-su Kitô cho các anh chị em tân tòng qua cung cách sống hiền hòa, bác ái, tha thứ, nhân hậu, hiền lành… của họ ở những môi trường họ đang sống và làm việc. Rồi sau đó, anh chị em tân tòng mới đến với các tu sĩ, các linh mục để được giúp tìm hiểu sâu hơn và kỹ hơn về con Người của Đức Giê-su Kitô qua các lớp giáo lý, Kinh Thánh và lãnh nhận phép rửa. Bạn thấy không! Công trạng lớn lao trong việc truyền giáo là của anh chị em giáo dân chứ không phải là của những người đi tu lập nên đâu (thỉnh thoảng cũng có người theo đạo bởi vì mấy người đi tu, nhưng ít lắm!).

Bạn thân mến, nếu hôm nay bạn nhận ra được vai trò quan trọng của bạn trong công việc truyền giáo, mở mang nước Chúa, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân… thì chúng mình hãy cầu nguyện cho nhau để mọi thành phần trong Giáo Hội càng ngày càng nỗ lực sống thánh thiện, cũng như cố gắng sống lịch sự, tế nhị, nhã nhặn, vui tươi… và luyện tập những nhân đức khác như bác ái, hiền lành, nhân hậu, khoan dung, vui vẻ… để nhờ vậy người ta sẽ dễ dàng nhận ra được hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương và hay tha thứ và nhờ vậy họ miớ tin và bước đi theo Ngài.

Để làm tốt hơn và để có thể chu toàn di chúc của Chúa Giê-su: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28:19-20) tôi xin đề nghị bạn cùng với tôi thực hiện ba việc:

• Hãy ghi nhớ: Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại… [Và] mọi Kitô Hữu được mời gọi góp phần trực tiếp hơn và bằng nhiều cách vào công việc tông đồ của hàng giáo phẩm [trong công việc] rao giảng Phúc Âm (Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội # 33).

• Luôn luôn mỉm cười, sống lạc quan, vui vẻ và có chút óc khôi hài trong cách hành xử, trong việc giao tiếp, trong quan hệ với tha nhân và trong mọi tính huống, trong mọi hoàn cảnh vui buồn… Làm sao mà tha nhân có thể nhận ra dung mạo của Chúa Giê-su qua khuôn mặt nhăn nhó, cau có, khó khăn, hay quạu cọ và căng thẳng với đôi mắt mang hình … viên đạn của chúng mình được? Khó lắm! It’s impossible!

• Hãy siêng năng học hỏi và đọc Kinh Thánh bởi vì “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô.” Xin bạn bỏ ra mỗi ngày năm phút, chỉ cần năm phút thôi để đọc Kinh Thánh và suy niệm về đời sống và những lời nói của Chúa Giê-su, để bạn bắt chước sống tha thứ, bác ái và yêu thương tha nhân như Chúa Giê-su đã sống.

Bạn làm nổi không? Dư sức qua cầu mà! Chúa bạn thành công và luôn hăng say rao giảng và mở mang Nước Chúa qua và bằng chính đời sống gương mẫu của bạn.

phamtinh@yahoo.com

LM. Ansgar Phạm Tĩnh

------------------------------

 

Truyền_giáo 41: TRUYỀN GIÁO VÀ SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI TÍN HỮU


- Khánh Hà

 

Bản chất Giáo Hội Công Giáo là truyền giáo. Giáo hội Chúa Giê-su thiết lập và qua các Tông: Truyền_giáo 41


Bản chất Giáo Hội Công Giáo là truyền giáo. Giáo hội Chúa Giê-su thiết lập và qua các Tông Đồ, Ngài đã ra lệnh truyền, “Hãy đi rao giảng muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, giảng dạy cho họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho anh chị em” (Mt 28:19). Được Chúa Thánh Linh hướng dẫn, Giáo Hội đã tiếp tục sứ mạng này qua các thế hệ, luôn mang trong tâm lời Thầy Chí Thánh nhắn nhủ, “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh chị  em” (Ga 20:21)

Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo Đến Với Muôn Dân (Ad gentes) của Công Đồng Va-ti-can II được mở đầu với câu: “Được Thiên Chúa sai đến muôn dân để nên ‘bí tích cứu độ phổ quát,’ nên Giáo Hội tuân theo lệnh truyền của Đấng Sáng Lập (Mt 16:15), nỗ lực rao truyền Tin Mừng đến với mọi người.” Công việc truyền giáo là một hình thức đặc biệt của việc rao giảng Tin Mừng, loan truyền Phúc Âm là sứ mạng thiết yếu của Giáo Hội. Từ “truyền giáo” bắt nguồn trong tiếng La-tinh mittere, có nghĩa là “sai đi.”  Các nhà truyền giáo là những sứ giả mà Giáo Hội “sai đi” đến với những người chưa biết Chúa hay từ chối Chúa. Công cuộc truyền giáo do đó là trách nhiệm của mọi thành phần dân Chúa, tu sĩ và giáo dân, cá nhân cũng như tập thể.

Bản chất của Công Việc Truyền Giáo:

Trong những thế kỷ trước, nhiệm vụ của các vị thừa sai truyền giáo tuy khó khăn nguy hiểm, nhưng rất rõ ràng. Các ngài phải rao giảng Phúc Âm, giúp cải thiện đời sống người bản xứ (mở trường học, bệnh viện) và thiết lập các cộng đoàn Ki-tô hữu, rồi chờ đợi ngày gặt hái kết quả khi thấy nhiều người theo đạo. Khó khăn nguy hiểm rất nhiều, đặc biệt là đối với những dân tộc không có thiện cảm (nếu không nói là có ác cảm) với một tôn giáo lạ. Cứ đọc những trang lịch sử Giáo Hội Việt Nam thời truyền giáo, tiểu sử và công việc của các thừa sai cũng như của những người theo đạo đã bị bắt bớ và giết hại tàn nhẫn thế nào mới cảm nhận được phần nào những khốn khó họ phải chịu đựng[7]. Thế nhưng, từ sau Thế Chiến thứ Hai, nhận thức về truyền giáo thay đổi rất nhiều. Thế giới hầu như đã trở thành nhỏ lại và gần gũi hơn, không còn các xứ truyền giáo để gửi thừa sai đi đó đây. Nơi nào trên thế giới cũng có những giáo phận, dù bé nhỏ đến đâu, để phát triển theo đưòng hướng của văn hoá và truyền thống riêng của mình. Do đó, thay vì đi đến nơi chưa từng ai biết, một linh mục ở Mỹ có thể đến một xứ đạo ở Guatemala giúp, với sự hướng dẫn và quản trị của vị Giám mục sở tại.

Vào năm 1990, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố thông điệp Sứ Mệnh Truyền Giáo của Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio), để giải thích và minh hoạ về tình hình và sứ mệnh truyền giáo mới này. Ngài ghi nhận, mặc dù đã có thêm nhiều nhà thờ địa phương, nhưng lại nhấn mạnh nhu cầu phải tiếp tục công việc truyền giáo như đã làm trong quá khứ. Giáo hội cần phải truyền giáo cho các dân tộc tại những vùng mà về địa lý hay văn hoá thiếu vắng các cộng đồng Kitô hữu bản địa, hay những cộng đồng đó quá nhỏ bé không làm nổi bật được sự hiện diện của Giáo Hội của Đức Kitô. Ngài cũng đặc biệt chú ý đến những bạn trẻ, người nghèo, các dân nhập cư, di dân, sống ở thành thị, và đặc biệt hướng về Á châu.

Điều làm mọi người ngạc nhiên là Đức Gioan Phaolô II khi đề cập đến việc tái rao giảng Tin Mừng cho các quốc gia đã có truyền thống đạo Kitô lâu đời, nơi mà “những người tuy đã chịu thanh tẩy nhưng hoàn toàn mất ý thức sống đức tin, chẳng hề coi họ thuộc về Giáo Hội, hơn nữa, sống xa lạ Tin Mừng và Đức Kitô” (33). Hiểu như thế thì chính những xứ sở “văn minh” nhưng tràn đầy tinh thần thế tục như ở tại các quốc gia Tây Âu, nơi mà người ta đề cao chủ nghĩa tự do cá nhân, tình dục, bạo lực, thoả mãn cấp thời, sẽ phải là các quốc gia cần được “truyền giáo” trước hết.

Khi Vatican II kêu gọi Giáo hội phải dấn thân vào trần thế, thì có sự hiểu lầm cho rằng Giáo Hội không cần truyền giáo kiểu cũ nữa. Một số nhà thần học giải thích rằng mục đích của truyền giáo là nhằm giảm đói nghèo, xoá bất công xã hội, chứ không nhất thiết đi loan báo và làm chứng về niềm tin vào Đức Kitô và mời gọi người khác tin và sống niềm vui vào đức tin này. Đức Thánh Cha phủ nhận khái niệm trên, ngài nói: “Con người nghèo đói Thiên Chúa, chứ không chỉ đói cơm bánh tự do. Hoạt động truyền giáo trước tiên phải làm chứng và loan truyền ơn cứu độ của Chúa Kitô, và thiết lập được những Giáo Hội địa phương qua đó là phương tiện giải phóng về mọi mặt. ” Các giám mục Hoa Kỳ đã từng nêu vấn đề trên trong một thư mục vụ về truyền giáo, Đến Tận Cùng Trái Đất: “Những người chưa hề nghe Tin Mừng là nghèo gấp hai lần, đói gấp hai lần, bị áp bức gấp hai lần… Họ đói không chỉ cơm bánh, nhưng cũng đói Lời Chúa là Lời mang lại ý nghĩa cho cuộc đời họ.” (30)

Nhu Cầu của Việc Truyền Giáo:

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại đại kết chuẩn bị cho thiên niên kỷ thứ ba của Kitô giáo. Thiên niên kỷ thứ hai đã bắt đầu bằng sự chia rẽ giữa Đông và Tây – Chính Thống và Công Giáo vào năm 1054. Rồi sau đó là Cải Cách Tin Lành. Thế nên, vào thời đại mới này, chúng ta hy vọng sẽ có sự đoàn kết giữa những người tin vào Chúa Kitô. Nhưng các nhà truyền giáo có thể tiếp tục công việc này như thế nào? Làm sao đem mọi người hiệp thông trọn vẹn với nhau trong bầu khí đại kết? Những câu hỏi như, tại sao ai cũng phải là Công giáo mới được? Bộ các giáo hội Kitô giáo khác không cảm thấy bị xúc phạm khi bị “mời” theo Công giáo? Rồi nếu mà những người theo Hồi giáo, Phật giáo còn được cứu độ, thì những người Chính thống, Anh giáo và Tin lành sao không được? Thế thì cần gì phải truyền giáo, cải đạo cho khó khăn phức tạp?

Thực ra, ơn cứu độ là việc của Chúa Thánh Thần, và Ngài muốn làm thế nào là tuỳ Ý Ngài. Dầu vậy, Giáo hội đã được sai đến với nhân loại để mở rộng công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, và vì thế, Giáo hội không thể xao lãng công việc truyền giáo được. Sắc lệnh về Hiệp Nhất Unitatis Redintegration của Vatican II nói không úp mở: “Chỉ qua Giáo Hội Công Giáo của Chúa Kitô, là phương thế cứu rỗi phổ quát, mà con người mới đạt được trọn vẹn phương tiện cứu rỗi” (3) Giáo Hội phải tiếp tục đối thoại với các anh chị em Kitô hữu khác với lòng tha thiết chân thành tìm sự hiệp nhất. Hơn nữa, “Giáo Hội đề nghị, không áp đặt” (Redemptoris Missio, 39); nhưng Giáo Hội là “hạt giống, dấu chỉ và khí cụ” (RM, 18) của Nước Trời, mà đòi hỏi trách nhiệm trọng đại là luôn rao giảng Tin Mừng.

Vì thế nên công việc truyền giáo sẽ phải còn được tiếp tục luôn mãi, với mọi hình thức, phương thế; để một lần nữa, Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô được rao giảng. Việc công bố này được thực hiện qua mọi phương tiện, kể cả bằng e-mails, e-magazines, internet, truyền đơn, thông tin đại chúng, truyền hình, và cụ thể sống động nhất vẫn là cuộc sống của người tín hữu.  Nội dung Tin Mừng của Chúa Kitô thì chỉ có một, nhưng cách thế truyền giáo của thế hệ mới luôn đòi hỏi thay đổi để đáp ứng được những khao khát thâm sâu của con người thời nay.

Tóm lại, chúng ta tìm hiểu vắn tắt nội dung của truyền giáo qua khái niệm “Tân Rao Giảng Tin Mừng” như Đức Gioan Phaolô II đã đề nghị, gồm những điểm sau đây:

Phải lấy Đức Giêsu Kitô là trung tâm điểm. Mọi hoạt động truyền giáo phải xoay quanh Ngài. Chú ý tránh sự hiểu lầm cho rằng truyền giáo chỉ là lo cơm ăn, áo mặc, hoặc đấu tranh cho công bình xã hội, dù đó là việc rất cần, rất quan trọng và rất nên làm. “Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4, 4; Lc 4,4). Thiên Chúa chính là nguồn gốc, lẽ sống và mục đích cuộc đời con người.

Đây là trách nhiệm của toàn dân Thiên Chúa: sai lầm thông thường nhất của người tín hữu khi cho rằng họ không có trách nhiệm truyền giáo. Đây là trách nhiệm của người có đức tin, không chỉ của các linh mục, tu sĩ, các thầy tu hay sơ, mà là trách nhiệm của mọi thành phần dân Chúa. Thế nên, nếu có ai dành độc quyền rao giảng, thì người tín hữu vẫn bình an tiếp tục trách nhiệm truyền giáo chính đáng của mình trong hoàn cảnh và cuộc sống của từng người.

Không chỉ tập trung ở các xứ truyền giáo, mà ở tất cả mọi nơi khi Tin Mừng Chúa chưa biến thành men muối cho đời:  (a) truyền giáo rao giảng Tin Mừng cho người chưa biết Chúa (b) cho những người đã biết và theo Chúa, nhưng cần được chăm sóc mục vụ (c) cho những người gọi là Kitô hữu nhưng thực ra đã từ bỏ Chúa từ lâu.

Đối tượng nhắm tới là từng cá nhân, cũng như toàn hệ thống văn hoá của xã hội: truyền giáo không chỉ nhằm có một sự biến đổi cá nhân, nhưng là cả thay đổi nhận thức và cách sống của toàn thể xã hội, đặc biệt nếu đó là một xã hội đầy những hệ thống đạo đức trái ngược với Tin Mừng của Đức Kitô.

Không chỉ giới hạn vào việc trình bày căn bản sứ điệp Tin Mừng, nhưng là cả một quá trình tổng hợp Ki-tô hoá: trình bày sứ điệp chỉ là bước đầu, việc rao giảng truyền giáo là một công trình liên tục, lâu dài để cho sứ điệp của Chúa Kitô thấm nhập vào cuộc sống, con người của ta từng ngày.

Chú ý đến linh đạo của việc truyền giáo: người truyền giáo phải liên hệ mật thiết với Chúa Kitô, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Làm sao làm chứng nếu chính chúng ta không là chứng thực? Làm sao rao giảng nếu ta không thực sự sống lời rao giảng? Đức tin và theo Chúa không chỉ là việc của cái đầu, của kiến thức tư duy, nhưng còn là của con tim tin yêu, thương mến và trông cậy.

Cầu chúc cho độc giả khi học hỏi về ngày Truyền Giáo và sứ mệnh của người tín hữu, được thêm ơn Chúa và can đảm sống làm chứng cho ơn gọi, cho niềm tin vào Thầy Giê-su Chí Thánh

------------------------------

 

Truyền_giáo 42: TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM HÔM NAY


 (Lễ Chúa Nhật Truyền giáo 22/10/2006).

 

Truyền giáo là đề tài phong phú. Nhiều nơi dùng đề tài này để tổ chức lễ lớn, hội họp xôm tụ: Truyền_giáo 42


Truyền giáo là đề tài phong phú. Nhiều nơi dùng đề tài này để tổ chức lễ lớn, hội họp xôm tụ, tuyên bố thành tích và kêu gọi tham gia nhiều chương trình.

Với hy vọng góp phần nhỏ vào lễ này, tôi xin chia sẻ vắn tắt hai gợi ý:

Một là tình hình Việt Nam hôm nay trong cái nhìn truyền giáo.

Hai là nhân chứng của Chúa Giêsu trong việc truyền giáo tại Việt Nam hôm nay.

Việt Nam hôm nay trong cái nhìn truyền giáo

Việt Nam hôm nay hiện lên dưới nhiều hình dạng khác nhau, tuỳ theo người nhìn.

Phần tôi, với cái nhìn truyền giáo, tôi thấy Đất Nước tôi hôm nay nổi lên mấy hiện tượng sau đây:


1/ Nhu cầu tôn giáo càng ngày càng rõ, nhưng đối kháng với nhu cầu này là phong trào tục hoá cũng tăng triển rất mạnh.
2/ Nhân phẩm con người được nâng lên rất đẹp trong mọi văn bản và lý thuyết đạo đời, nhưng lại bị xúc phạm trên thực tế đó đây, nhất là khi đạo đức suy giảm trong nhiều lãnh vực.
3/ Khát vọng xây dựng hoà bình luôn được cổ võ trong xã hội nói chung và trong các cộng đoàn nói riêng. Nhưng bản tính thích tranh chấp, ghen tương, bè phái, cục bộ vẫn sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào có dịp.
4/ Tinh thần bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc, tự hào Đất Nước vẫn được duy trì. Nhưng cũng đang xuất hiện tinh thần lấy ngoại bang làm gốc, tự hào về nền văn minh sự chết.
5/ Nhiều khối tôn giáo đã nắm bắt tình hình cởi mở, để đi sâu vào quần chúng nghèo, phát triển những giá trị căn bản của đạo. Đang khi đó, không thiếu những khối tôn giáo khác lại lợi dụng sự cởi mở để phát triển đạo về mặt hình thức và rút về những nơi giàu có.

Trong cái nhìn truyền giáo, Việt Nam hôm nay với mấy hiện tượng kể trên vốn được coi là nơi thuận lợi cho việc làm chứng Tin Mừng, miễn là việc đó được thực hiện bởi những nhân chứng đích thực của Chúa Giêsu.

Vậy, thế nào nhân chứng đích thực của Chúa Giêsu trong việc truyền giáo tại Việt Nam hôm nay.

Nhân chứng của Chúa Giêsu trong việc truyền giáo tại Việt Nam hôm nay.

Thiết tưởng nhân chứng đó cần ít ra hai điều kiện sau đây:

a) Họ phải là cành của cây Giêsu.

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã phán với các môn đệ: "Thầy là cây nho, chúng con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có thầy, chúng con chẳng làm gì được" (Ga 15,5).

Vậy cây Giêsu là thế nào? Thánh Phaolô đã mô tả vắn tắt như sau:

"Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" (Pl 2,6-8).

Khi mô tả hình ảnh Chúa Giêsu như trên, thánh Phaolô khuyên các môn đệ ngài hãy có những tâm tình như Chúa Giêsu.

Để hình ảnh trên đây của Chúa Giêsu sinh được những tâm tình sống động trong ta, ta phải suy gẫm, chiêm niệm và cầu nguyện rất nhiều với Chúa Giêsu.

Có thế, ta mới được ơn Chúa Giêsu biến đổi ta nên giống Người phần nào. Theo gương Người về sự vâng phục thánh ý Chúa Cha, chấp nhận sống khiêm nhường, nghèo khó, bác ái, hy sinh mình cho đến chết trên thập giá nào đó, mà Chúa gởi cho ta. Qua cuộc biến đổi ấy, ta sẽ là cành của cây Giêsu trong chương trình cứu chuộc. Một cành như vậy sẽ được Chúa dùng, để đem ơn thánh đến cho cánh đồng truyền giáo.

b) Họ hãy ưu tiên đến với những người nghèo khó.

Cánh đồng truyền giáo rất bao la. Nhưng nên dành ưu tiên cho địa chỉ những người nghèo khó.

Chúa Giêsu xưa đã làm như thế. Người đã áp dụng lời tiên tri Isaia vào Người trong bài giảng đầu tiên tại Nadarét:

"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi. Sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo khó..." (Lc 4,18).

Những người nghèo khó về bất cứ phương diện nào đều là những địa chỉ Chúa sai ta đến một cách ưu tiên. Chúa đợi ta ở những địa chỉ đó. Ta sẽ cộng tác với Chúa giúp họ về đời sống vật chất tuỳ khả năng ta, nhưng nhất là giúp họ đặc biệt về mặt đạo đức và tinh thần. Nhờ vậy, Chúa sẽ đón họ và ta vào Nước của Người.

Để hiểu rõ gợi ý trên, chúng ta nên đọc lại Phúc Âm thánh Matthêu, đoạn Chúa Giêsu nói về ngày Phán xét chung (x. Mt 25,31-46).

Hai điều kiện trên đây, tức là khiêm nhường chiêm niệm cuộc đời Chúa cứu thế và khiêm nhường lo cho các loại người nghèo khổ, đó là những nét tuyệt vời đã làm nên chân dung Mẹ Têrêsa Calcutta. Mẹ là mẫu gương thích hợp nhất cho mọi nhà truyền giáo tại Á châu nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Thời điểm này đang đặt ra cho Hội Thánh Việt Nam nhiều thách đố. Những thách đố này đòi chúng ta tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện. Đạo Công giáo chúng ta sẽ được trân trọng hay không, nhiều hay ít tại Việt Nam hôm nay? Thiết tưởng điều đó sẽ tuỳ thuộc khá nhiều vào việc chúng ta dấn thân cho người nghèo, thái độ của Hội Thánh ta đối với Đất Nước Việt Nam này, nhất là phẩm chất Phúc Âm của những nhân chứng Đức Kitô sống giữa lòng dân tộc.


+ GM JB Bùi Tuần

------------------------------

 

Truyền_giáo 43: Tinh thần truyền giáo


(Lc 18,1-8)

(Với cả tâm tình – ĐC. Giuse Vũ duy Thống)

 

Không biết khi Con Người đến, liệu còn gặp …..?”. Trang Tin Mừng hôm nay được kết thúc như: Truyền_giáo 43


“Không biết khi Con Người đến, liệu còn gặp thấy niềm tin trên mặt đất nữa không?”. Trang Tin Mừng hôm nay được kết thúc như thế.

Có thể đó là câu hỏi một thoáng bâng khuâng Chúa Giêsu thốt lên cho riêng mình Người. Cũng có thể đó là câu hỏi dự báo một tình huống không vui Chúa Giêsu cảnh giác cho các môn đệ. Có khi câu hỏi đó đợi chờ một lời đáp tích cực mở ra cho lối sống đức tin lạc quan. Và biết đâu, câu hỏi đó lại chẳng tố giác một thực trạng tiêu cực đang dần dà bào mòn niềm tin tôn giáo?

Nhưng đặt trong bối cảnh của Chúa Nhật cầu cho việc truyền giáo, theo tinh thần của các bài đọc, câu hỏi ấy đã ẩn chứa một lời giải đáp. Đó là: để lòng tin còn mãi trên mặt đất, mọi thành phần của Dân Chúa cần phải sống tinh thần truyền giáo.

1) Tinh thần truyền giáo ấy được nuôi dưỡng bằng sự dung hòa giữa cầu nguyện và hoạt động.

Nói đến truyền giáo người ta thường nghĩ là phải dấn thân làm việc truyền giáo, và ai càng làm được nhiều, người ấy lại càng được xem là nhà truyền giáo lớn. Thực ra, quan niệm ấy cũng đúng, nhưng không đủ, bởi dù không phủ nhận những kết quả lớn lao trong lịch sử Giáo Hội do hoạt động truyền giáo mang lại, nhưng bao giờ cũng thế, bên trong những hoạt động ấy còn là cả một tinh thần cầu nguyện tích cực của bản thân các nhà truyền giáo cũng như của mọi thành phần Dân Chúa.

Thiếu cầu nguyện, hoạt động sẽ không kết quả, hoặc sẽ lái kết quả sang một hướng khác có nguy cơ “sáng danh tôi, tối Danh Chúa”. Vắng cầu nguyện, hoạt động có thể trở thành nguy hại, nó đồng nghĩa với náo động nếu không muốn nói là khua động ầm ĩ hoặc khuấy động ồn ào. Quên cầu nguyện, hoạt động chỉ là hời hợt mang tính phong trào bùng lên đó nhưng rồi cũng lịm tắt đó. Bạo phát bạo tàn, mau xộp mau xẹp! Bỏ cầu nguyện, hoạt động coi chừng chỉ còn là một việc cá nhân, dẫu bỏ ra nhiều công sức, nhưng vẫn không phải là hoạt động của Hội Thánh vốn luôn được nuôi dưỡng phong phú bởi nguồn ơn Chúa Thánh Thần.

Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động truyền giáo. Nó đem đến cho những hoạt động một sức sống kín múc tận nguồn sứ mạng.

Bài đọc thứ nhất kể lại một hình ảnh sống động cho thấy mối tương liên không thể tách rời giữa việc Môsê giơ tay cầu nguyện và việc Giosuê đánh bại quân Amalếch. Khi Môsê hạ tay xuống, sức mạnh của ông Giosuê không còn nữa, nhưng khi ông giơ tay lên, phần thắng đã nghiêng về phía Giosuê. Chiến thắng ấy không riêng của Môsê hay riêng của Giosuê, mà là của Môsê cùng với Giosuê, là dung hòa của cầu nguyện và hoạt động, là tổng hợp của ơn thánh Chúa và nỗ lực con người.

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã được mừng kính vào đầu tháng mười này cũng là một hình ảnh khác minh họa cho sự dung hòa giữa cầu nguyện và hoạt động truyền giáo. Chín năm khuôn mình trong nhà kín Lisieux, chưa hề làm việc truyền giáo bên ngoài, thế nhưng chỉ bằng hy sinh cầu nguyện cho các vị thừa sai và cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, thánh nữ đã được Giáo Hội đặt làm Bổn Mạng các xứ truyền giáo, ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê một đời bươn chải giảng giải đạo Chúa đến tận miền xa Châu Á.

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, nên có thể nói được rằng không bao giờ Giáo Hội thôi truyền giáo. Bốn phần năm dân số địa cầu chưa biết Chúa, nên Giáo Hội phải truyền giáo đã đành, nhưng ngay cả một phần năm đã biết Chúa, Giáo Hội cũng phải tái truyền giáo nữa. Xem như thế, truyền giáo vừa là sứ mạng, vừa là số mạng, tức là sự sống còn của Giáo Hội. Và tinh thần truyền giáo ấy một khi được hun đúc đều đặn bằng cầu nguyện và hoạt động, ta có quyền hy vọng khi Chúa Kitô đến, Người vẫn thấy niềm tin trên mặt đất.

2) Tinh thần truyền giáo ấy được thể hiện khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.

Được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện dung hòa với hoạt động cây truyền giáo nhất định sẽ vươn lên, nhưng không thể không biết đến yếu tố thời tiết, mưa thuận gió hòa, hoặc nắng hạn mưa giông. “Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống”, đó là kinh nghiệm trồng cây. Song một cây lành như cây truyền giáo phải biết chứng minh bằng phẩm chất của mình. Nói khác đi, tinh thần truyền giáo cũng phải được chứng minh bằng chí bền sứ mạng, nghĩa là vừa kiên tâm thực hiện những điều tốt, vừa kiên gan chịu đựng ngay cả những điều xấu nữa (thánh Augustinô), phải bền chí khi thuận tiện cũng như khi không thuận tiện.

Khi thuận tiện là khi chí bền truyền giáo giúp ta tỉnh táo đừng để mất mình trong hoạt động đến nỗi quên đi cầu nguyện, giúp ta phân biệt rõ ràng đâu là đóng góp nhỏ nhoi của mình và đâu là ơn ban vô cùng to lớn của Thiên Chúa, và còn mãi giúp ta không chạy theo những thành công trước mắt để sau này khỏi phải trả giá đắng cay trắng tay thất vọng. Trong một chừng mực nào đó, biết đâu lối sống của ông thẩm phán bạo ngược “chẳng kính sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì” trong bài Phúc Âm lại chẳng có vài tương đồng với quan niệm háo thắng hoặc đắc thắng của cách truyền giáo thời Trung cổ, vốn xem Kitô giới như một xã hội lý tưởng, nên cố mà đưa người ta vào bằng chinh phục (truyền giáo) hoặc gắng mà ép người ta về bằng cả chinh phạt nữa (thập tự chinh)?

Xem ra kiên tâm thực hiện những điều tốt trong truyền giáo vào thời thuận tiện cũng không ít vấn đề.

Khi không thuận tiện là khi chí bền truyền giáo không chỉ giúp ta chịu đựng những khắc nghiệt thường xuyên, mà còn giúp ta biết tận dụng hoàn cảnh để mà thanh luyện tâm hồn. Nếu những hoạt động phải chấp nhận giới hạn ngoài ý muốn, thì chí bền như một mạch điện tự động “kiểm soát lợi suất” sẽ bù lại những giới hạn ấy bằng một thao thức phong phú của lời nguyện cầu. Và nếu như hoàn cảnh cụ thể không cho phép có một hoạt động bên ngoài nào nữa, thì vẫn còn đó mênh mông một phương tiện truyền giáo bằng gương sáng tình mến, bằng chứng tá đức tin và bằng cách sống tốt đẹp đời Kitô của mình.

Điều đáng sợ không phải là hoàn cảnh khắc nghiệt, mà là chính mình không đủ chí bền mà vượt qua những khắc nghiệt ấy. Trong ý tưởng này, có lẽ rất thích hợp khi đặt hình ảnh người đàn bà góa bụa của bài Phúc Âm, nhiều lần đến quấy rầy ông thẩm phán mong được minh xét minh định minh oan, ở đây như một cổ võ sống động cho chí kiên bền.

Và dầu hoàn cảnh thuận tiện hay không (bài đọc thứ hai), chí truyền giáo thiết tưởng cũng là biểu tỏ của niềm hy vọng, là tình mến khởi đi từ một đức tin sống động vào Thiên Chúa là Cha nhân ái luôn muốn sự tốt lành trong ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Được như thế, chắc chắn khi Chúa Kitô trở lại vẫn thấy niềm tin còn trên mặt đất trong chí bền của Giáo Hội là thân mình Người.

Ước mong rằng suy nghĩ trên sẽ trở nên ý lực cho cuộc sống và trở nên ý nguyện trong Ngày Thế Giới Truyền Giáo hôm nay.

------------------------------

 

Truyền_giáo 44: Hãy thả lưới bên phải thuyền

 

Các Tông đồ đã đánh cá vất vả suốt đêm mà không được con cá nào. Nay Chúa Giêsu bảo các: Truyền_giáo 44


Các Tông đồ đã đánh cá vất vả suốt đêm mà không được con cá nào. Nay Chúa Giêsu bảo các ngài phải ra khơi một lần nữa. Chắc các ngài phải ngần ngại lắm. Ngần ngại vì vừa qua một đêm vất vả, thân thể mỏi nhừ vì suốt đêm phải vật lộn với biển cả, với sóng gió, với chài lưới. Ngần ngại vì đang buồn ngủ. Mắt chĩu nặng vì suốt đêm không ngủ, đang cần một giấc ngủ để hồi phục sinh lực. Ngần ngại vì vừa bị thất bại ê chề, đã mất hết ý chí phấn đấu. Thế nhưng các ngài vẫn vâng lời Chúa, ra khơi, thả lưới. Và kết quả thật là bất ngờ. Lưới đầy cá chất đầy hai thuyền đến gần chìm.

Qua bài Tin Mừng này Chúa muốn dạy tôi những bài học về việc truyền giáo.

Bài học thứ nhất: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi vất vả. Phải lao động đêm ngày. Như các Tông đồ đã chài lưới suốt đêm thâu trong sương đêm giá lạnh, trong sóng gió biển khơi, trong vất vả cực nhọc. Suốt đêm đã lênh đênh trên biển cả, sáng sớm vừa mới về tới đất liền, tưởng được nghỉ ngơi, không ngờ lại phải ra khơi ngay tức khắc. Ra khơi cả lúc đang mệt mỏi cần nghỉ ngơi. Người muốn truyền giáo cũng phải noi gương các tông đồ. Làm việc không nghỉ. Phải đầu tư sức lực và trí tuệ. Phải phấn đấu không ngừng. Làm cho hết việc chứ không làm cho hết giờ. Và phải chấp nhận tất cả những mỏi mệt, những thử thách.

Bài học thứ hai: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi kiên trì. Vì việc truyền giáo có nhiều thất bại hơn thành công, có nhiều mệt nhọc hơn vui thích, nên việc truyền giáo đòi hỏi rất nhiều kiên trì. Kiên trì khi đã gặp thất bại. Kiên trì khi đã chán nản, mệt mỏi rã rời. Kiên trì khi gặp những trắc trở. Như lời thánh Phaolô khuyên dạy: “Hãy rao giảng Lời Chúa. Hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tim 4,2). Các Tông đồ thật kiên trì, mặc dù đã thất bại sau suốt một đêm vất vả, các ngài vẫn tiếp tục ra khơi theo lệnh Chúa truyền. Trong quá khứ, ta đã gặp nhiều thất bại trong việc truyền giáo. Hôm nay Chúa lại mời gọi ta hãy ra khơi, hãy lên đường truyền giáo. Ta hãy mau mắn đáp lời Chúa mời gọi, kiên nhẫn làm việc trên cánh đồng truyền giáo, bất chấp mọi thất bại, bất chấp mọi chán nản.

Bài học thứ ba: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi thanh luyện bản thân. Truyền giáo là công việc thánh thiện nên người truyền giáo phải thánh thiện. Sự thánh thiện khởi đi từ nhận thức thân phận yếu hèn tội lỗi. Và từ đó nảy sinh nhu cầu được thanh luyện. Như Phêrô cảm thấy mình tội lỗi không xứng đáng ở gần Chúa. Như Phaolô ngã ngựa cảm thấy mình lầm lạc. Như Isaia cảm thấy môi miệng mình ô uế. Sau khi được thanh luyện các ngài đã trở thành những nhà truyền giáo gương mẫu. Thánh hóa bản thân là một điều kiện quan trọng để truyền giáo thành công.

Bài học thứ tư: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi lắng nghe Lời Chúa. Vì truyền giáo là một công việc thiêng liêng. Nên ta không thể cậy dựa vào sức lực phàm nhân, phương tiện phàm trần. Các tông đồ là những ngư phủ chuyên nghiệp. Các ngài biết rõ biển hồ Galilê như lòng bàn tay. Thế mà các ngài đánh cá suốt đêm chẳng được con nào. Đó là bài học dạy ta biết rằng, nếu cậy dựa vào tài sức riêng, việc truyền giáo sẽ không có kết quả. Việc các tông đồ vâng lời Chúa ra khơi và vâng lời Chúa thả lưới bên phải mạn thuyền cho ta thấy một thái độ khiêm nhường lắng nghe. Dù Chúa Giêsu không phải là ngư phủ chính gốc. Dù Chúa Giêsu không hiểu biết biển hồ, nhưng các ngài vẫn vâng lời Chúa. Chính nhờ thế, các ngài đã thành công. Người làm việc truyền giáo phải noi gương các tông đồ biết khiêm nhường nhận biết sự bé nhỏ nghèo hèn của bản thân để thao thức lắng nghe Lời Chúa. Chỉ làm theo Lời Chúa, làm theo ý Chúa, làm vì Chúa việc truyền giáo mới có kết quả tốt đẹp.

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta một nghị lực mạnh mẽ để sẵn sàng chấp nhận những vất vả khổ cực trong việc truyền giáo. Xin cho chúng ta biết chấp nhận cả những thất bại mà vẫn kiên trì lên đường truyền giáo. Và nhất là xin cho mọi người chúng ta được Chúa dạy bảo, để biết làm theo ý Chúa. Chỉ có như thế, việc truyền giáo mới có kết quả tốt đẹp.

Lạy Chúa Giêsu, xin kêu gọi chúng con lên đường truyền giáo. Lạy Chúa Giêsu, xin thanh luyện chúng con để xứng đáng làm việc truyền giáo. Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết cách làm việc truyền giáo. Amen.

------------------------------

 

Truyền_giáo 45: SỨC MẠNH TRUYỀN GIÁO


(Lc 18:1-8)

 

Nhà văn Nguyễn Thị Minh vừa xuất bản quyển tiểu thuyết “Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ”: Truyền_giáo 45


Nhà văn Nguyễn thị Minh Ngọc vừa xuất bản quyển tiểu thuyết "Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ." Quyển sách đang xếp hạng các tác phẩm bán chạy nhất hiện nay. Minh Ngọc nói : "Ngày xưa, trong hát bội, màu đen, màu trắng, màu đỏ phân biệt rõ từng vai một, còn bây giờ, trong con người tổng hợp nhiều mặt xấu tốt, đôi khi người ta làm một chuyện, nhưng không phải vì người ta có chủ đích muốn làm chuyện đó.” Trong vở kịch "Người hảo tâm thành Tứ Xuyên," Minh Ngọc đã mượn ẩn dụ các ông tiên đi xuống trần gian để tìm một người tốt, để nói lên rằng "không có người nào tốt" vì "ngay đến người gánh nước thuê cũng dùng một cái thùng hai đáy."[1]

Lời Chúa hôm nay đưa ra hình ảnh một ông quan tòa bất chính. Ông đã thử thách lòng kiên nhẫn của bà góa. Nhìn vào ông, ai cũng thấy ngay khi làm việc tốt, ông cũng không vì cái tốt trong lòng ông. Hình ảnh ông phản ngược với hình ảnh về Thiên Chúa. Phải có một cái nhìn sâu thẳm về Thiên Chúa, mới có thể hành động thiết thực và hữu hiệu trong hoàn cảnh xã hội hôm nay.

 GẶP GỠ ÐỨC KITÔ

Con người không thể sống ngoài tầm nhìn của mình. Nhìn làm sao sống như vậy. Ðó là điều Chúa Giêsu muốn đề cập, không phải chỉ cho việc cầu nguyện nhưng còn cho chính cuộc sống và làm chứng nữa.

Thực tế, có nhiều người có cái nhìn lệch lạc về Thiên Chúa. Họ không thể đến với Thiên Chúa, chỉ vì có quá nhiều bất công trong xã hội. Họ nhìn Thiên Chúa như ông quan tòa hôm nay “chẳng coi ai ra gì,”(Lc 18:2) và cũng chẳng quan tâm tới con người. Bởi thế, những bất công mới hoành hành trong xã hội và tạo nên bao thảm cảnh. Ðiển hình, sau những tháng ngày chịu đựng bất công, bà góa đã đến thưa kiện để quan tòa minh xét. Trong cả Cựu và Tân Ước, bà góa thường là nạn nhân của bất công. Bà đi tìm công lý đã bị những người đối phương phủ nhận (có lẽ một thân nhân của người chồng quá cố không muốn trả của hồi môn cho bà). Nhưng dù đại diện cho công lý ông quan tòa đã từ chối giải quyết vấn đề cho bà. Cuối cùng, không phải vì tình thương, nhưng để tránh những phiền toái, ông đành phải chấp nhận lời bà năn nỉ.

Tương quan giữa con người trở thành một thứ bất đắc dĩ hay miễn cưỡng. Nhưng Thiên Chúa khác hẳn. Người không phải là quan tòa bất công hay bất lương. Vì người luôn “minh xét cho những kẻ Người tuyển chọn.” (Lc 18:6) Xét xử của Người dựa trên tình yêu, vừa công minh vừa mau mắn. Làm sao thấy được điều đó nơi Thiên Chúa ? Ðó là vấn đề của đức tin. Không có đức tin, không thể kiên nhẫn và không thể thấy cách hành xử hợp tình hợp lý của Thiên Chúa. Im lặng không có nghĩa là không chú ý và không yêu thương. Im lặng chỉ có nghĩa là kiên nhẫn, vì Thiên Chúa có thời gian của Người.

Nhờ đức tin, con người mới có thể kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện diễn tả tất cả niềm tin, khơi dậy niềm hy vọng và làm cho đức ái đầy sức sống. Chính khi hiệp thông với Thiên Chúa, con người mới có thể có cái nhìn của Thiên Chúa và khám phá thấy tất cả kho tàng chân lý và tình yêu phong phú trong Lời Chúa.

Làm sao có thể trung thành với giáo huấn đức tin ? Làm thế nào lấy Lời Chúa làm kho tàng khôn ngoan ?  Theo thánh Phaolô, cần tìm đến và rao giảng Lời Chúa không ngừng. Thánh Phaolô xác quyết với môn đệ : “Anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Ðức Kitô Giêsu.” (2 Tm 3:15) Rao giảng là gặp gỡ và đối thoại để chuyển giao sứ điệp về Nước Thiên Chúa cho mọi người. Rao giảng là khuyến khích người nghe gặp gỡ sứ điệp Nước Thiên Chúa. Hơn lúc nào, sứ điệp đó sẽ làm mọi người thức tỉnh trước những đối lực đang phá hoại sự sống nhân loại, đó là những cơ chế bất công.

Rao giảng Lời Chúa không dừng lại ở việc truyền đạt những kiến thức giáo lý, nhưng phải hành động để “Nước Cha trị đến.”  Ðúng như HÐGMVN nhận xét : “Một số nơi, giáo lý vẫn còn bị xem là những bài lý thuyết cần phải thuộc lòng để được lãnh bí tích. Việc giảng dạy chưa thực sự có phương pháp sư phạm phù hợp và chưa đi với chứng từ sống động của người rao truyền.”[2]

Nước Cha trị đến làm sao được, nếu người ta chỉ lo xây dựng đền đài và thu tích của cải và tiện nghi vật chất ? “Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần,” (Rm 14:17) nên Giáo hội không thể rao giảng, nếu không dấn thân hoạt động cho con người và xã hội ngày càng công chính hơn. Ðó mới đích thực là truyền giáo.

 NƯỚC THIÊN CHÚA 

Muốn dấn thân hoạt động cho công lý, chúng ta phải bắt đầu từ sự công chính của Nước Thiên Chúa. Những người lắng nghe Chúa Giêsu phải trực diện với một cái nhìn mới về thực tại đã khởi sự từ Nước Thiên Chúa, nơi các nạn nhân đòi hỏi quyền lợi và tìm công lý. Sự công chính của Thiên Chúa rất khác với con người. Thiên Chúa công chính đứng về phía người yếu thế và bị tổn thương. Thiên Chúa cứu nguy khi dân chúng kêu than ngày đêm. Lời cầu nguyện liên lỉ không chỉ là sự chờ đợi tiêu cực, nhưng là tích cực tìm kiếm công lý cho Nước Thiên Chúa. Thực thế, chỉ nhờ lời cầu nguyện, chúng ta mới có thể trung thành giữ vững đức tin và hoạt động cho công lý. Hơn bất cứ lúc nào, Giáo hội ngày nay phải sống bằng lời cầu nguyện. Chính vì thế, trong ngày truyền giáo năm nay, ÐGH Bênêđictô 16 đặc biệt kêu gọi các dòng kín cầu nguyện cho việc truyền giáo.

Trước khi tuyển chọn các môn đệ và sai đi truyền giáo, Chúa Giêsu đã cầu nguyện. Người đã từng lên núi, vào sa mạc, vô đền thờ cầu nguyện trước khi công bố Nước Trời và thiết lập Giáo hội để tranh đấu cho công lý. Ðó là bản chất và sức mạnh của Giáo hội. Vậy mà không hiểu tại sao lại có nhận định : “Giáo hội không phải là cơ chế trực tiếp hoạt động cho công bằng xã hội. Nhưng cơ chế để thực hiện công việc bác ái từ thiện thì Giáo hội phải có, vì nó là dấu chỉ hữu hình cho Tình yêu của Thiên Chúa mà Giáo hội muốn rao giảng và làm chứng.”[3] Nếu thế, cơ chế nào trực tiếp hoạt động cho công bằng xã hội ? Chẳng lẽ Giáo hội chỉ đưa ra những nguyên tắc cho người khác áp dụng, còn mình một ngón tay không nhúng tay vào ?

Cũng như Chúa Giêsu, Giáo hội được sai đến trần gian để “công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức.” (Lc 4:18) Tất cả những người này đều là nạn nhân của cơ chế bất công. Nếu sứ mệnh Giáo hội không nhằm giải thoát muôn dân, các hoạt động của Giáo hội ở Phi Châu, Nam Mỹ, Ðại Hàn đã đi ra ngoài đường lối của Chúa. Thực tế, chính vì đã dấn thân tranh đấu cho công bằng xã hội, các Giáo hội đó đã tiến bộ vượt bực. Còn GHVN đã đạt tới bước tiến nào so với các Giáo hội anh em, sau bao nhiêu thế hệ hoạt động không mỏi mệt vì bác ái ?

Hơn nữa, nếu Giáo hội không phải là cơ chế trực tiếp hoạt động cho công bằng xã hội, tại sao ÐGH Phaolô 6 thiết lập thiết lập Ủy Ban Giáo Hoàng “Công lý và Hòa Bình,” để thể hiện ước vọng các nghị phụ công đồng Vatican II ? Các nghị phụ đã coi như một cơ hội rất lớn khi thiết lập Uỷ Ban này như một cơ chế của Giáo Hội hoàn vũ nhằm hoạt động để cả công lý và tình yêu Chúa Kitô đối với người nghèo được thăng tiến khắp nơi. Một cơ chế như thế có nhiệm vụ khuyến khích cộng đoàn Công giáo đẩy mạnh công cuộc tiến bộ nơi các miền nghèo đói và công bình xã hội trên khắp thế giới.”[4] Tiến bộ và công lý không thể hiện hữu nếu không có nhân quyền. Chính vì thế, Giáo hội không ngừng cổ võ và hoạt động để giành lại cho con người quyền làm người. Ðó chính là bước đường theo Chúa Kitô. Ðó cũng là con đường truyền giáo hữu hiệu nhất. Cả cuộc đời Chúa tóm gọn trong công cuộc hoạt động cho quyền làm người.

 DẤN THÂN 

Sau khi nêu cao sứ mệnh trả lại quyền làm người cho những người bị áp bức, giam cầm và nghèo khổ, Chúa Giêsu tuyên bố : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”(Lc 4:21) Từ đó, Tin Mừng luôn có tính thời đại và thực tế. Tự bản chất, Tin Mừng là một tin. Tin tức không thể mang tính hôm qua hay ngày mai. Bởi thế, Tin Mừng luôn chuyển tải sứ điệp của Thiên Chúa cho người thời đại.

Những gì liên quan tới công lý là những vấn đề nóng bỏng trong xã hội Việt nam hôm nay. Thế nhưng những vấn đề sôi động đó đã không được đề cập đến trong Thư Chung của HÐGMVN năm 2007. Chủ đề là vấn đề giáo dục, chứ không phải công bằng xã hội. Ðề tài xoay quanh “Xã hội và Giáo hội ngày mai,” chứ không phải hôm nay. Tất cả nhằm chuẩn bị cho ngày mai. Còn ngày hôm nay không quan trọng. Rõ ràng có một sự né tránh vì sợ hãi quyền lợi của Giáo hội bị giảm sút hay tước bỏ.

Ngay trong phần mở đầu lá thư chung, chỉ thấy các GMVN “bày tỏ niềm cảm thông và phân ưu sâu sắc đối với các thân nhân và nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ ngày 26-09-2007 và cơn bão số 5 (Lekima) ngày 02-10-2007.”[5] Thế còn những nạn nhân của cơ chế bất công và cũng là những người anh em như cha Nguyễn Văn Lý ở đâu ? Sao không thấy các ngài bày tỏ niềm cảm thông ? Nếu không cảm thông với người anh em đang ngồi tù vì tiếng nói lương tâm và vì sứ mệnh cao cả, các ngài có công bình không? Càng ngày càng thấy niềm tin và thực tế không đi đôi với nhau.

Trong lá thư chung đó, chỉ có một ghi nhận đáng kể về tình trạng Giáo Hội bị gạt ra ngoài cơ chế giáo dục hôm nay: “Nhưng cũng đáng tiếc là đối với các tổ chức tôn giáo tại Việt nam, cánh cửa giáo dục vẫn còn khép chặt: tôn giáo chỉ có quyền mở trường tư thục cấp mẫu giáo. Dù vẫn không ngừng nỗ lực làm tất cả những gì được phép để thể hiện sứ mệnh nhập thế, như mở lớp tình thương, lập quỹ học bổng cho học sinh nghèo hoặc khuyết tật, Giáo Hội công giáo, với tư cách là tổ chức tôn giáo, đành phải đứng bên lề sự nghiệp giáo dục của xã hội Việt nam và, vì không có quyền nhập cuộc, đành đóng vai một quan sát viên bất đắc dĩ.”[6] Lời than vãn này giống như tiếng muỗi kêu vo ve bên tai Nhà Nước. Sao không nói lên tiếng người để những người có thể nghe? Tất cả cộng đoàn dân Chúa đều muốn biết lý do tại sao các ngài không lên tiếng bênh vực những người đang tranh đấu cho công lý ?

Tóm lại, muốn thực thi sứ mệnh truyền giáo, Giáo hội cần kiên nhẫn lắng nghe tiếng Chúa và cầu nguyện không ngừng. Không có đức tin sâu xa, không thể thấy được tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại trong cuộc sống hôm nay. Nhưng cũng như ngày xưa, trước tình trạng quá nhút nhát của môn đệ, Chúa đã trấn an : “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa.” (Lc 12:4) Có lẽ các môn đệ Chúa hôm nay quá nhát sợ kẻ chỉ giết thân xác, còn Ðấng đã sai chúng ta đi, chúng ta không quan tâm. Nhát sợ là dấu chứng tỏ đức tin chưa nhập cuộc hay chưa hiện hữu thực sự. Nhìn vào tình trạng đó, người ta mới thấy Chúa có lý khi nói : “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? "(Lc 18:8)

 Lạy Chúa, xin cho chúng con ngày càng tin tưởng mạnh mẽ và dấn thân hơn cho Nước Chúa. Amen.

 đỗ lực     21.10.2007
-----------------------------------------
 

[1] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/10/071008_minhngoc.shtml
[2] Thư Chung 2007 của HÐGMVN, 15. http://www.conggiaovietnam.net/tulieugiaohoi/thuchungHDGMVN2007.htm
[3] Bùi văn Ðọc, Xây dựng Xã Hội Công bằng theo Học Thuyết Xã Hội Công giáo. http://vietcatholic.net/News/Html/48222.htm
[4] Gaudium et Spes, 90: AAS 58 (1966), 1112; trích lại từ Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội, 99.
[5] Thư Chung 2007 của HÐGMVN, 1. http://www.conggiaovietnam.net/tulieugiaohoi/thuchungHDGMVN2007.htm,
[6] Ibid., 19.

------------------------------

 

Truyền_giáo 46: HÃY TRỞ NÊN NHỮNG NHÀ TRUYỀN GIÁO

 

Chúa Nhật 29 Thường Niên là Khánh Nhật Truyền Giáo, ngày Dân Chúa trong toàn thể Giáo: Truyền_giáo 46


Chúa Nhật 29 Thường Niên là Khánh Nhật Truyền Giáo, ngày Dân Chúa trong toàn thể Giáo Hội được nhắc nhở và cổ vũ tham gia việc truyền giáo mà Chúa Giê-su đã long trọng ủy nhiệm cho tất cả các môn đệ của Ngài: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”.

Để giúp chúng ta suy niệm và đem ra thực hành mệnh lệnh này, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã chọn chủ đề cho Khánh Nhật Truyền Giáo lần thứ 81, năm 2007 là: “Tất cả các Giáo Hội cho toàn thế giới”.

Sứ điệp viết: “Anh chị em thân mến, mệnh lệnh truyền giáo Chúa Ki-tô giao phó cho các Tông Đồ thật sự bao hàm tất cả chúng ta. Do vậy, mong sao Ngày Truyền Giáo Thế Giới nên cơ hội thuận tiện để đạt một ý thức sâu xa hơn và cùng nhau phát triển những hành trình thiêng liêng và có ảnh hưởng thích hợp, khích lệ sự hợp tác liên Giáo Hội và sự đào tạo những nhà truyền giáo mới hầu phổ biến Tin Mừng trong thời đại chúng ta”.


1. Truyền giáo là sứ vụ của Giáo Hội

Công đồng Vatican II đã dạy: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, theo ý định của Chúa Cha” ( TG số 2 ).

Thánh Phao-lô đã viết: “Thật vậy, đối với tôi rao giảng Tin mừng không phải là lý do để tự hào, nhưng là một sự cần thiết buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” ( 1 Cr 9, 16 ).

Giáo Hội phải truyền giáo, vì là căn tính của mình, được Chúa Giê-su thiết lập để tiếp nối sứ vụ truyền giáo của Người. Người đã truyền lệnh cho các tông đồ, trước khi trở về cùng Thiên Chúa Cha: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy sai lại các con” ( Ga 20, 21 ). Giáo Hội thi hành mệnh lệnh của Thầy mình. Do đó, Sứ vụ truyền giáo liên hệ tới mọi Ki-tô hữu, mọi Giáo Phận và Giáo Xứ, mọi định chế và mọi hiệp hội trong Giáo Hội.

Đặc biệt năm nay, Đức Thánh Cha mời gọi các thành phần: “Tôi kêu gọi cách riêng các thiếu nhi và giới trẻ, những kẻ luôn luôn sẵn sàng và quảng đại khuếch trương sự truyền giáo của họ. Tôi ngõ lời với những người bệnh và đau khổ, nhắc lại giá trị của sự cộng tác mầu nhiệm và cần thiết của họ trong việc cứu rỗi. Tôi xin những người thánh hiến, cách riêng những người sống trong các đan viện kín, tăng cường những lời cầu nguyện của họ cho các xứ  truyền giáo”. Ngài thao thức: mong sao sự cầu xin nhất trí của kinh “Lạy Cha chúng con ở trên Trời” được trải rộng trong mọi cộng đồng, ngõ hầu Nước Người trị đến trên mặt đất.

2. Truyền giáo là gì ?

Truyền giáo tức là đem cái mình đã tin, đã cảm nghiệm, và đã sống cho người khác cùng tin, cùng cảm nghiệm, và cùng sống như chúng ta.

Truyền là truyền bá, truyền thông, chuyển giao, rao giảng, loan truyền… Giáo là giáo lý, đạo giáo, Tin Mừng, Phúc Âm… Truyền giáo là truyền bá đạo Chúa, là rao giảng Phúc Âm, là loan truyền chân lý của Chúa cho người khác. Đó là ý nghĩa thứ nhất, nghĩa hẹp, nghĩa chặt và chính xác. Đàng khác, truyền giáo còn có nghĩa là lập những cộng đoàn Ki-tô hữu trong Đức Tin, trong phụng tự Thánh Thể, bác ái như Giáo Hội mong muốn. Nói khác đi, truyền giáo là “trồng” Giáo Hội vào các dân tộc, các địa phương, cho đến khi những người trong địa phương ấy trở nên tín hữu, thành một đoàn chiên.

Theo ý nghĩa này, truyền giáo không phải chỉ là truyền bá một số giáo lý, nhưng là truyền thông sự sống của Chúa cho anh em khác, vì Thiên Chúa là Đấng hằng sống, đạo Chúa là đạo sự sống, là nguồn sống, có khả năng thay đổi, biến cải những con người từ không có Chúa trở thành có Chúa, từ mất Chúa trở thành tìm lại được Chúa. Truyền giáo theo nghĩa này là truyền sự sống của Chúa Ki-tô mà chúng ta đã có sang cho anh em mình, như thân cây nho chuyển nhựa sống sang cho cành nho. Sau hết, truyền giáo còn có một nghĩa nữa là củng cố, tăng cường, huấn luyện đức tin cho một cộng đoàn, cho các tín hữu, để họ lại ra đi truyền giáo cho những người khác.

Những ý nghĩa trên đây cho thấy hai chiều của việc truyền giáo: chiều rộng và chiều sâu. Nếu làm cho những người chưa biết Chúa hoặc những người biết mà đã bỏ Chúa, được nhận biết và yêu mến Chúa. Đó là truyền giáo theo chiều rộng, là mở rộng nước Chúa và làm tăng thêm số người thờ phượng Chúa. Còn nếu làm cho những người đã biết và yêu mến Chúa được hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, để rồi họ lại tiếp tục làm những công việc ấy nơi những người khác. Đó là truyền giáo theo chiều sâu, vì làm cho nước Chúa được vững chắc hơn và làm tăng thêm số người Công Giáo sốt sắng, đạo đức.

Việc phân biệt ý nghĩa như trên đây rất quan trọng để chúng ta hiểu rõ hơn việc truyền giáo, vì truyền giáo không phải chỉ có nghĩa là làm cho những người ngoại, những người lương, những người chưa biết được biết và yêu mến Chúa, nhưng còn có nghĩa là truyền giáo cho cả những người Công Giáo sống trong một họ, một xứ với chúng ta nữa. Chúng ta phải sống một đời đạo đức, sốt sắng, thánh thiện để làm gương tốt cho họ, để giúp cho họ thêm lòng yêu mến và tôn kính Chúa.

Đó là ý nghĩa của việc truyền giáo. Và như vậy tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ truyền giáo. Việc truyền giáo không của riêng ai và không phải là một việc làm tùy sở thích, muốn làm hay không cũng được. Nhưng đây là một bổn phận, một nhiệm vụ bắt buộc. Mỗi người chúng ta phải coi đây là vấn đề sống đạo, là vấn đề sinh tồn của Giáo Hội và là trách nhiệm của chính mình.

3. Truyền giáo như thế nào ?

Có hai cách là cầu nguyện và đời sống chứng nhân:

- Cầu nguyện cho việc truyền giáo là cách thức rất quan trọng. Cầu nguyện cho những người đi truyền giáo, cầu nguyện cho mọi người mở rộng lòng sẵn sàng đón nhận ơn Chúa, Lời Chúa. Sứ điệp nhấn mạnh điểm này: Nhờ sự dấn thân của mọi tín hữu, mạng lưới thiêng liêng cầu nguyện và nâng đỡ cho việc rao giảng Tin Mừng đang được trải dài khắp Giáo Hội.
- Cụ thể như Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, cả đời không đi đâu truyền giáo, chỉ ở trong bốn bức tường dòng kín cầu nguyện cho việc truyền giáo. Thế mà Giáo Hội đã tôn phong ngài là quan thầy các nơi truyền giáo, ngang hàng với Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê. Xin anh chị em hãy suy nghĩ: Chúng ta có thường xuyên thi hành việc này không ? Chúng ta có cầu nguyện cho việc truyền giáo không ? Nếu không thì đó là tội thiếu sót, bỏ việc phải làm.

- Thứ hai là truyền giáo bằng chính đời sống chứng nhân của mình: Đây là cách truyền giáo tốt nhất và hữu hiệu nhất, đó là truyền giáo bằng đời sống tốt đẹp của chúng ta. Một đời sống đạo đức, chân thành, cởi mở, yêu thương là một tấm gương sáng trước mặt mọi người. Một đời sống tốt đẹp có sức lôi cuốn hơn những lời nói hay.

4. Truyền giáo ở đâu ?

Có ba nơi mà chúng ta cần làm chứng cho Tin Mừng.

- Gia đình là nơi truyền giáo đầu tiên: cuộc sống của mỗi người trong gia đình chưa chắc là cuộc sống của người có đạo. Ông bố thì cả ngày say lè nhè, bà mẹ thì buồn bực hết la rầy con cái đến mắng chồng, thế là gia đình mất đi cái hạnh phúc thuở ban đầu mới cưới nhau, hoặc là bố mẹ thì siêng năng đi lễ đọc kinh, làm việc lành, nhưng con cái thì sống như những người vô đạo, có đứa thì lấy chồng lấy vợ không theo phép đạo, có đứa thì bỏ nhà đi bụi, có đứa thì không đến nhà thờ v.v...

Cha mẹ có trách nhiệm truyền giáo cho con cái bằng những gương lành gương tốt, con cái truyền giáo cho cha mẹ bằng sự vâng lời, chăm chỉ học hành vì lòng yêu mến Thiên Chúa.

- Địa điểm thứ hai mà chúng ta phải truyền giáo là Giáo Xứ của chúng ta. Trong Giáo Xứ có cha sở, ban đại diện Giáo Dân và Giáo Dân, tất cả tập hợp lại thành một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa, tuy nhiên không phải tất cả mọi Giáo Dân đều trở thành người gương mẫu, không phải tất cả Giáo Dân đều là con cái ngoan của Giáo Hội và của Thiên Chúa !

Có những Giáo Dân vì bất mãn một ai đó nên không đến Nhà Thờ hoặc không tham dự các sinh hoạt chung ở Giáo Xứ. Chúng ta phải truyền giáo cho họ. Có những Giáo Dân chỉ có tên trong sổ Rửa Tội mà thôi, nhưng cuộc sống của họ thì không phải là người Công Giáo. Có những Giáo Dân thích chia rẽ người này với người nọ trong giáo xứ.v.v… Tất cả những thực trạng ấy, cũng để cho chúng ta quan tâm và cầu nguyện, cũng có nghĩa là chúng ta phải truyền giáo cho Giáo Xứ của chúng ta. Mỗi Giáo Dân đều có bổn phận truyền giáo cho nhau bằng chính đời sống phục vụ và yêu thương của mình.

- Nơi thứ ba mà chúng ta phải truyền giáo là công sở, công ty, trường học, chợ búa hoặc là nơi nào có sự hiện diện của chúng ta.

Khi mà trong gia đình và nơi Giáo Xứ chúng ta đã làm tốt bổn phận của người Ki-tô hữu, thì tinh thần truyền giáo này cũng đi theo chúng ta đến những nơi mà chúng ta đến để làm việc, học hành, buôn bán… Trong tất cả những nơi ấy, chúng ta đều trở nên những nhà truyền giáo sống động và nhiệt tình. Bằng những việc làm cụ thể đơn giản và rất đời thường như một cái bắt tay với nụ cười tươi, như chu toàn bổn phận được giáo phó, như sống hòa nhã với mọi người v.v… tất cả đều thấm nhuần tinh thần bác ái của Phúc Âm. Thế là người ta dần dần nhận ra khuôn mặt của Chúa Giê-su nơi chúng ta rồi vậy.

Mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giê-su không những cho các tông đồ mà thôi, nhưng còn cho tất cả những ai đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội trở thành con cái của Thiên Chúa.

Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, ngày hôm nay chúng ta tự hỏi: cuộc đời tôi có bao nhiều lần làm chứng nhân cho Chúa Giê-su, và có bao nhiêu lần tôi đã bỏ qua cơ hội làm chứng cho Chúa Giê-su, cho đức tin mà tôi đã tin theo ?

5. Những việc làm cụ thể:

Thư Mục Vụ HĐGMVN Năm Thánh Truyền Giáo 2003, đã đề nghị mọi thành phần Dân Chúa hãy tuỳ theo ơn gọi và chức năng của mình, tích cực tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng những việc cụ thể sau:

Về phương diện thiêng liêng:

- Cầu nguyện cho việc truyền giáo
- Nêu gương sống lương tâm Công Giáo

Về phương diện đối thoại
- Thăm viếng thân hữu các thành viên tôn giáo bạn
- Trao đổi với người ngoài Công Giáo về một đề tài chung

Về phương diện thực hành
- Thiết lập ban truyền giáo
- Kết nghĩa
- Làm việc bác ái

Thư Mục Vụ HĐGMVN Năm Sống Đạo 2006, đã đề ra những định hướng Sống Đạo cụ thể:
- Canh tân bản thân bằng việc ý thức và sống đúng phẩm giá con người của mình, tự huấn luyện để mỗi người có một lương tâm ngay chính.
- Dấn thân phục vụ là đòi hỏi tất yếu của của đức tin Ki-tô giáo. Đời sống đạo luôn luôn phải đặt trên nền tảng bác ái yêu thương.
- Góp phần xây dựng một xã hội công bằng, tôn trọng sự thật.

Thư mục vụ đề cập đến trách nhiệm của 3 thành phần chính yếu:
- Linh Mục Tu Sĩ làm gương sáng và sống cầu nguyện, nỗ lực và kiên trì dấn thân vào công việc từ thiện xã hội.
- Giáo Xứ là môi trường lành mạnh tổ chức những sinh hoạt giáo dục theo từng lứa tuổi. Quan tâm đặc biệt đến anh chị em di dân, những nạn nhân của các tệ nạn xã hội, những người bơ vơ bị bỏ rơi.
- Gia đình: Cầu nguyện chung với nhau, thánh hóa ngày Chúa Nhật, sống hòa thuận ấm êm, vợ chồng trung tín thủy chung.

Công việc truyền giáo là bổn phận của mỗi Ki-tô hữu. Trong môi trường sống hàng ngày, người tín hữu Giáo Dân có điều kiện để truyền giáo khi sống trọn vẹn sứ mạng ơn gọi của mình.

Công cuộc truyền giáo đạt kết quả nếu được Đức Ma-ri-a cùng đồng hành. Vì thế Đức Thánh Cha đã dâng lên Đức Mẹ tâm tình: Xin Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Đấng đồng hành với tình âu lo mẫu tử về sự phát triển của Giáo Hội sơ sinh, cũng hướng dẫn những bước chân chúng ta trong thời đại chúng ta và xin cho chúng ta được một lễ Hiện Xuống mới đầy tình yêu. Mong sao Mẹ làm cho tất cả chúng ta được ý thức nên những nhà truyền giáo, nghĩa là, những kẻ đã được Chúa sai đi để làm chứng nhân của Người trong mọi lúc đời sống chúng ta.

Lm. NGUYỄN HỮU AN, Giáo Phận Phan Thiết

------------------------------

 

Truyền_giáo 47: Khánh Nhật Truyền Giáo


I. DẪN NHẬP

 

Hôm nay Chúa Nhật Thứ 29 Thường Niên, Khánh Nhật Truyền Giáo. Nội dung chính của bài: Truyền_giáo 47


Hôm nay Chúa Nhật Thứ 29 Thường Niên, Khánh Nhật Truyền Giáo.
Nội dung chính của bài đọc một ( Xh 17, 8 – 13 ) và bài Tin Mừng ( Lc 18, 1 – 8 ) hôm nay, nhấn mạnh đến tầm quan trọng và thế lực vô song của lời cầu nguyện; nhưng hiệu quả của nó lại tùy thuộc vào thái độ kiên tâm bền chí của người cầu xin.

Còn nội dung của bài đọc hai ( 2 Tm 3, 14 – 4, 2 ) thì nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Lời Chúa trong Sách Thánh, “vì có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa chữa, giáo dục, để trở nên người công chính”. Thánh Phao-lô khuyên hãy rao giảng Lời Chúa bất cứ khi nào với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.

Đây là một sự trùng hợp thú vị, khiến tôi nghĩ đến việc liên kết hai nội dung trên thành một đề tài: “Cầu nguyện cho việc truyền giáo”.

Vậy trong khuôn khổ bài này, tôi xin trình bày đôi nét niềm thao thức của Chúa Giê-su và của các Tông Đồ về vấn đề truyền giáo, trên cơ sở một số câu Kinh Thánh; nhằm giúp cho chúng ta có thêm ý thức về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc truyền giáo, để chúng ta ai nấy có thể tích cực góp phần vào công cuộc truyền giáo tùy theo hoàn cảnh và khả năng của mình ( người thì lo việc truyền giáo, người thì lo cầu nguyện cho việc truyền giáo ).

II. NIỀM THAO THỨC CỦA CHÚA GIÊ-SU

Chúa Giê-su khi còn ở trần gian, Ngài đã luôn thao thức phải làm thế nào để nhân loại nhận biết tình thương của Thiên Chúa thực hiện nơi Ngài, nhờ đó mà nhân loại được ơn cứu độ. Rất nhiều lần Chúa Giê-su đã đề cập tới vấn đề này, xin được nhắc lại nơi đây một số câu:

“Thầy đã ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên !” ( Lc 12, 49 ).

“Xin cho hết thảy chúng được nên một. Cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu chúng ở trong chúng ta và thế gian tin là Cha đã sai Con” ( Ga 17, 20 – 21 ).

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” ( Ga 20, 21 ).

“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở nên môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy cho họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” ( Mt 28, 19 – 20 ).

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” ( Mc 16, 15 ).

“Đức Giê-su đi khắp các thành thị và làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giê-su thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: ‘Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”  ( Mt 9, 35 – 38 ).

“Đức Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng, và sai các ông từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính người định đến. Người bảo các ông: ‘Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về’” ( Lc 10, 1 – 2 ).

“Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng Tôi, và sẽ chỉ còn một đoàn chiên và một Mục Tử” ( Ga 10, 16 ).

“Cả các anh nữa, hãy vào làm vườn nho cho tôi đi” ( Mt 20, 4 ).

Với những đoạn văn tiêu biểu nêu trên, chúng ta nhận thấy niềm thao thức cháy bỏng của Chúa Giê-su cho sự nghiệp thiết lập Nước Thiên Chúa cấp thiết dường nào ?. Ban đầu, Người chọn các môn đệ để cộng tác vào công cuộc Người đang thực hiện. Người đặc biệt lưu ý đến việc cần phải có thêm thợ gặt trong đồng lúa của Thiên Chúa. Qua sự việc này, Chúa Giê-su còn cho thấy trách nhiệm của mọi người Ki-tô hữu là phải cầu nguyện cho nhu cầu truyền giáo lan rộng khắp hoàn cầu.

III. LỜI VAN XIN CỦA THÁNH PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ

Còn các Tông Đồ của Chúa Giê-su, đặc biệt là tâm tư của Thánh Phao-lô, ngài khẳng khái quả quyết rằng: “Chúng tôi không thể không nói ra những điều mắt thấy tai nghe...” ( Cv 4, 20 ). Bởi các Tông Đồ đã từng đi theo Người, từng sống với Người, từng nghe lời Người giảng dạy, từng chứng kiến các việc Người đã làm, nên các ông có một đức tin thật xác tín vào Chúa Giê-su Con Thiên Chúa Hằng Sống. Người là Đường là Sự Thật và là Sự Sống. Đó chính là lý do cơ bản nhất và là động cơ mà các Tông Đồ ý thức phải làm hết mình để mọi người được ơn cứu độ và nhận biết chân lý của Thiên Chúa Yêu Thương.

Sau đây là những lời phải nói là van xin của Thánh Phao-lô:

Vậy, “Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một Con Người, Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” ( 1 Tm 2, 1 – 6 ).

Và chính vì muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý thì phải cần có người loan báo: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin ? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi ? Như có lời chép rằng: Đẹp thay những bước chân sứ giả loan báo những Tin Mừng” ( Rm 10, 14 – 16 ).

Thánh Phao-lô còn mô tả ý tưởng này trong nhiều đoạn văn khác như:

“Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể Dân Thánh. Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói” ( Ep 6, 18 – 20 ).

“Anh em hãy siêng năng cầu nguyện; hãy tỉnh thức mà cầu nguyện và tạ ơn. Đồng thời, cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi nữa, xin Thiên Chúa mở cửa cho chúng tôi rao giảng lời Người, để chúng tôi loan báo mầu nhiệm Đức Ki-tô; chính vì mầu nhiệm này mà tôi bị giam giữ. Xin cho tôi biết công bố rõ ràng mầu nhiệm ấy, như bổn phận tôi phải loan báo” ( Cl 4, 2 – 4 ).

“Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăn đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ”. ( 2 Tm 4, 2 ).

“Anh em hãy lấy lời cầu nguyện mà trợ giúp chúng tôi. Như vậy, Thiên Chúa sẽ ban ơn cho chúng tôi nhờ lời cầu thay nguyện giúp của nhiều người; và do đó, nhiều người sẽ cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã thương chúng tôi” ( 2 Cr 1, 11 ).

“Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình” ( Gc 5, 19 – 20 ).

Với những ý tưởng nêu trên, thì quả thực là người đi rao giảng và người cầu nguyện cho những ai đi rao giảng, cả hai đều có nhiệm vụ và đều có công lao như nhau; quan trọng là mỗi người chúng ta cùng hiệp nhất với nhau và hiệp nhất với Chúa. Như lời minh chứng của Thánh Phao-lô rằng: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” ( 1 Cr 3, 3 ). Ở điểm này, Tin Mừng theo Thánh Gio-an lại nói: “Ai gặt thì lãnh tiền công để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều vui mừng” ( Ga 4, 36 ).

IV. NHẬN ĐỊNH:

Khởi đi từ mệnh lệnh minh nhiên của Đức Giê-su: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở nên môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy cho họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” ( Mt 28, 19 – 20 ). Và chính Thánh Phao-lô cũng nhìn nhận việc rao giảng Tin Mừng vừa là một vinh dự: “Đẹp thay những bước chân sứ giả loan báo những Tin Mừng” ( Rm 10, 15 ); mà cũng vừa là một bổn phận: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” ( 1 Cr 9, 16 ).

Ngôi hai đã được Thiên Chúa sai đến để loan báo Tin Mừng cứu độ cho loài người, Chính Người đã thiết lập Giáo Hội và chính Người đã tuyển chọn Nhóm Mười Hai Tông Đồ để huấn luyện và trao ban cho các ông sứ mạng rao giảng Tin Mừng ( x. Mt 10, 1 – 4; Mc 3, 16 – 19; Lc 6, 12 – 16 ). Người đã sai các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” ( Mt 28, 19 ). Kể từ đó, Giáo Hội tiếp tục thi hành mệnh lệnh của Chúa Giê-su, không ngừng rao giảng Tin Mừng cứu rỗi cho muôn dân.

Thế mà đã qua hơn hai thiên niên kỷ, khi nhìn lại thực trạng Công giáo toàn cầu nói chung, số người Ki-tô hữu vẫn chỉ là một tỉ lệ khá khiêm tốn ( chưa đến 10% ). Lời kêu gọi: “Hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Chúa Giê-su vẫn đang còn vang vọng từng ngày. Và mặc dầu công cuộc truyền giáo ngày hôm nay gặp nhiều khó khăn, “Giáo Hội vẫn sẽ tiếp tục là một Giáo Hội truyền giáo trong tương lai: bởi vì đặc tính truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo Hội” ( AG 2 ).

“Nỗ lực rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” ( AG 1 ) vẫn luôn là mối bận tâm hàng đầu của Giáo Hội kể từ khi Chúa Giê-su thiết lập: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” ( Ga 20, 21 ). Mệnh lệnh này được Chúa Giê-su ủy thác và trở thành mục tiêu không thể thay thế của Giáo Hội ở trần gian, nên “Giáo Hội luôn tận tâm lo lắng và cổ võ việc truyền giáo” ( AG 16 ). Hơn nữa, Giáo Hội ý thức sâu xa lời Thánh Phao-lô khẳng định với Giáo Doàn Cô-rin-tô như chính lời của mình: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” ( 1 Cr 9, 16 ).

Với tư cách là người kế vị Thánh Phê-rô, chăn dắt đoàn chiên mà Đức Giê-su đã trao phó, Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã bắt đầu Thông Điệp về Truyền Giáo của Giáo Hội với những lời sau đây: “Sứ vụ của Đức Giê-su, Đấng Cứu Thế đã trao phó cho Giáo Hội, vẫn chưa được hoàn tất. Vào cuối thiên niên kỷ thứ hai, sau Người đến, cái nhìn tổng quát về nhân loại cũng cho thấy sứ vụ đó vẫn còn ở giai đoạn đầu, và chúng ta phải dấn thân hết mình” ( RM 1 ).

Và chúng ta cũng nhận thấy Giáo Hội chỉ là thiểu số trên thế giới. Ý thức về bối cảnh này, Giáo Hội cần nhìn nhận rằng truyền giáo là một việc làm tất yếu mang tính sống còn của Giáo Hội Chúa Ki-tô. Chúng ta chỉ thật sự góp sức làm cho triều đại Thiên Chúa phát triển nếu chúng ta biết trung kiên tuân giữ Lời Chúa và siêng năng cầu nguyện cho cánh đồng truyền giáo được lan rộng khắp hoàn cầu.

Nói tóm lại, Hội Thánh cần luôn ý thức lại gương mặt của chính mình. Và nếu nó có những điểm biến dạng nào so với gương mặt của Đức Giê-su, thì nhất thiết phải can đảm loại bỏ hoặc phải được biến đổi để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, Người Thầy chí ái của chúng ta ( x. Rm 8, 29; Pl 3, 10 ).

V. LỜI NGUYỆN:

Đức Ki-tô là nguồn ánh sáng và là ơn cứu độ. Người đem lại sự sáng cho những ai đang gặp tối tăm nơi thể xác và trong tâm hồn. Với niềm trông cậy sắt son, chúng ta cùng dâng lên Người lời nguyện xin:

“Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa” ( Lc 24, 49 ). Lạy Chúa Giê-su, xin đổ tràn đầy Thánh Thần trên Hội Thánh khắp hoàn cầu, đặc biệt là Hội Thánh Việt Nam của chúng con, xin đừng để điều gì gây trở ngại cho những người đang tìm kiếm chân lý, nhưng luôn trở nên ánh sáng soi dẫn họ tìm thấy Chúa: là chân lý và là sự sống của chúng con.

“Chính anh em là chứng nhân của Thầy” ( Lc 24, 48 ). Lạy Chúa Giê-su, xin cho Hội Thánh Chúa biết chu toàn sứ mạng truyền đạt Lời Chúa đến cho nhân loại, đồng thời biết hướng mọi người đáp lại tiếng gọi của Chúa.

“Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ, để mở trí cho các ông hiểu biết về Kinh Thánh” ( x. Lc 24, 45 ). Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con thấy rõ tình trạng mù lòa nơi tâm hồn của mỗi người chúng con, và cho chúng con biết đặt cuộc đời mình dưới ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa.

“Xin Thầy ở lại với chúng con” ( Lc 24, 29 ). Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận lỗi lầm của mình và luôn biết thành tâm sám hối, để mỗi người chúng con luôn có Chúa ở cùng, hầu có thể trở thành một mẫu gương đời sống đức tin sống động, và là dấu chỉ loan báo đức tin cho mọi người nhận biết Chúa.

Lạy Chúa là Thiên Chúa Thành Tín, Chúa chẳng bao giờ từ chối lời kêu cầu tha thiết của chúng con. Xin cho chúng con biết mau mắn chạy đến cùng Chúa với lòng tin tưởng phó thác và cậy trông. Amen.

Tu Sĩ JB. BÙI NGỌC ĐIỆP

------------------------------

 

Truyền_giáo 48: HAI THẾ GIỚI CÁCH XA MỘT NGUYỆN CẦU


 ( Lc 18, 1 – 8 )

Anh đứng cách xa hai thế giới
Lặng nhìn trong mộng miệng em cười
( thơ Hàn Mặc Tử )


 

Hai thế giới mà nhà thơ họ Hàn nói đến, chỉ là thế giới của những  “ mảnh nhạc vàng rơi lả tả: Truyền_giáo 48


Hai thế giới mà nhà thơ họ Hàn nói đến, chỉ là thế giới của những “mảnh nhạc vàng rơi lả tả, những niềm run rẩy của đêm yêu.” ( HMT – Lưu luyến ). Thế giới ấy, đầy rẫy những yêu thương. Vương vấn nhiều nguyện cầu. Những nguyện và cầu, rất trung kiên như đã gồm tóm trong trình thuật hôm nay.

Trình thuật hôm nay, ghi rõ sự cần thiết của những lời cầu, thỉnh ý rất liên tục gửi đến Đấng Ở Trên. Có thỉnh và cầu liên tục như thế, mới mong đạt được ước nguyện. Tha thiết khẩn cầu liên tục, với thời gian, là thái độ mà con dân nhà Đạo cần có. Thái độ ấy, có thể là: tung hô cùng chúc tụng; Là, cảm tạ và đội ơn; Là, mong được cầu bầu can thiệp; Và là, quyết tâm dâng lên Ngài mọi ước vọng cùng đam mê. Của ta.

Nguyện cầu liên tục, có thể chỉ là ý nguyện và lời khấn trong tâm tưởng, rất lặng thinh. Có thể, là những khẩn nài bằng lời lẽ hay câu ca, tiếng hát. Cũng có thể, chỉ là những suy tư lắng đọng, không nhiều. Và có khi là, tâm tình chiêm niệm trong yên lặng, nơi dòng chảy sống thực trong cuộc đời. Một đời có ủi an – giùm giúp, ở chốn riêng tư vắng lặng hay tại chốn công cộng nơi trường đời, nhiều kích động. Mỗi sự việc, mỗi hành động đều được cân nhắc tâm niệm. Đúng khả năng.

Tin Mừng hôm nay, nói nhiều về sự cần thiết phải nguyện cầu trong van nài và khấn xin. Nài xin Đức Chúa cho mình đạt được những điều mình cần có. Khẩn khoản nài xin Ngài luôn để mắt quan tâm, và đoái hoài.

Ở bài đọc thứ nhất, lời nguyện cầu và khấn xin, là chuyện vẫn có từ ngày Mô-sê cầm binh khiển tướng. Hình ảnh Mô-sê tiếp tục giơ tay cao là trạng thái nguyện cầu, vào thời đó. Cầu xin khấn nguyện cho dân chúng có tương quan với Gia-vê Thiên Chúa, không ngơi nghỉ. Tương quan liên tục giữa dân được chọn với Gia-vê Thiên Chúa, vẫn là việc tùy nơi Ngài. Có tùy như thế, mới đảm bảo chiến thắng trước kẻ thù, ngoại bang hay chính con người mình. Thắng sự xấu, kẻ xấu. Thắng tâm trạng tuyệt vọng nản lòng.

Nản lòng tuyệt vọng, còn là trạng thái tâm tình của bà góa nó trong dụ ngôn truyện kể Chúa đưa ra. Bà góa hôm nay cũng lại tìm đến Chúa như tìm vị thẩm phán thông minh tối cao để kêu oan đòi sự công bình hợp lý, bà đương tìm. Công bình hợp lý, điều rất cần cho mọi người.

Ở đoạn khác nơi Tin Mừng, Đức Ki-tô cũng nói về việc Thiên Chúa như Người Cha Nhân Hiền luôn đề tâm chăm sóc những đàn con bé nhỏ, rất hợp lý. Sự công bình hợp lý ở Người Cha Nhân Hiền đã thấy rõ khi con cái của Ngài vẫn mong được Cha ban cho tấm bánh miếng cơm, lẽ nào cha mình lại trao tặng đá cuội bất động, hay sao ? Con mong được ăn rau ăn trứng, sao cha lại cho bò cạp dữ dằn, nơi hoang địa ? Và, Chúa nói tiếp: bậc cha mẹ nơi gian trần còn biết cho con mình những gì chúng muốn, há Người Cha Nhân Hiền ở Trên Cao không thấy được nhu cầu đàn con mình chờ mong, sao ?

Dụ ngôn truyện kể hôm nay, còn có ý hỏi: đâu là điểm chính trong thông điệp ? Nguyện khấn cầu xin, có là lời yêu cầu được Thần Linh Chúa soi sáng, biểu tỏ ? Chắc chắn là như thế. Bởi, một khi đã khẩn thiết nguyện cầu Thần Linh đủ mọi điều, làm như thế ta sẽ gần gũi Ngài hơn. Có khẩn khoản yêu cầu Chúa, ta mới am hiểu, và yêu thương phục vụ Ngài, tốt hơn. Khẩn cầu như thế, mới giúp ta đạt được hiểu biết một cách tường tận và sâu sắc những điều Ngài vẫn dạy. Có làm thế, mới thông chuyển được tình thương yêu Ngài ban tặng đến được với người dưng khác họ, một cách trọn vẹn và chắc chắn.

Nói tóm, có khẩn nài và cầu xin, ta mới biết rõ thánh ý của Đức Chúa. Mới đủ sức thực hiện thánh ý ấy. Và, một khi đã quyết tâm nguyện cầu cho thánh ý của Đức Chúa trở thành ước vọng của mình, ta mới hòa hợp kết thành mối tương quan hài hòa giữa ta và Ngài. Lúc ấy, ta mới quyết chí thực thi điều Ngài muốn ta làm. Và những điều Chúa muốn, đều thích hợp với ước vọng giản đơn là ta và Ngài sẽ trở nên một. Nên một, để rồi ta có thể hoàn tất được điều mình mong mỏi. Thế mới đúng. Thế mới tuyệt.

Còn một điều khác, nữa: khi đọc dụ ngôn Chúa kể về kiên trì khấn nguyện, ta thường nghĩ rằng: Chúa là vị Thẩm Phán Tối Cao, còn chúng ta như các bà goá. Điều ấy có nghĩa: ta phải kiên quyết thôi thúc Chúa để tâm đoái hoài mà giải quyết điều ta ước nguyện, cho đến đạt được, mới thôi.

Giả như, ta cứ thử làm như nữ tu Melannie Svoboda, là: hoán chuyển vai trò hoặc vị thế giữa ta với Chúa. Nghĩa là, ta làm thẩm phán, còn Chúa sẽ là người đàn bà góa bụa, thì sao ? Trong chừng mực nào đó, lối diễn giải như thế, xem ra cũng có lý. Với tư cách là người, dù có là thẩm phán hay gì đi nữa, trên căn bản, ta thường tỏ ra cứng ngắc, không công bằng. Có lúc, ta chẳng nể trọng một ai, chẳng sợ Chúa Bà nào hết. Điều này có nghĩa, là: ta sẽ không cho phép Chúa làm điều khiến ta phải sợ, mà trở nên tốt bụng hơn lên.

Cũng tựa như thế, như vị thẩm phán đầy quyền năng, ta cứ tiếp tục từ chối chẳng kể gì đến chuyện để tai nghe lời kêu cầu thảm thiết của người nghèo đói, sống quanh ta. Nhưng là bà góa giống như dụ ngôn Ngài kể, Đức chúa sẽ không bỏ mặc mọi chuyện, để bước chân đi. Không, trái lại, Ngài sẽ nài nỉ, xin ta từ bỏ ý định nói chữ “Không”. Không thương. Không nghe. Cả những lời ai oán van nài, của bất cứ ai. Ngài sẽ kiên trì nán lại cho tới khi chấp nhận ở tử tế. Đến khi ta học được chữ “yêu thương – giùm giúp”.

Ở sách Khởi nguyên, có đoạn nói: con nguời được tạo dựng theo giống hình ảnh của Thiên Chúa. Giống hệt Đức Chúa. Không sai sót. Giống hệt, ý muốn nói: ta và Đức Chúa, quả là Cha nào con nấy.

Tham dự tiệc thánh lòng mến hôm nay, cầu mong sao cho mọi người biết thuận theo tinh thần dụ ngôn hôm nay. Tinh thần ấy, nhằm khuyến khích ta kiên trì trong khấn nguyện. Có kiên trì như bà góa nọ, mọi người sẽ mãn nguyện. Sẽ toại lòng mong ước. Toại nguyện, như chưa bao giờ được như thế.

Trong hân hoan toại nguyện vì có cầu và có khấn, ta hãy cùng hát lại lời ca hưng phấn đã hát hôm nào. Hôm “tìm nhau” với nguời nghệ sĩ già ngày trước:

Gặp nhau trong vinh dự của đời người, người ơi
Gặp nhau dưới Đức Tin bao la phơi phới
Gặp nhau trong cơ khổ của thế giới, ơi người
Gặp nhau, đôi tâm hồn được nghỉ ngơi. ( Phạm Duy – Tìm Nhau )

Đã nguyện, sẽ được. Đã tìm, sẽ gặp. Gặp trong Đức tin. Trong yêu thương, vinh dự và nghỉ ngơi. Ngơi nghỉ, dù có cách xa những hai thế giới, không nguyện cầu.

Lm. PHAN ĐỖ THỤC LINH, bản diễn dịch của MAI TÁ ( Úc )

------------------------------

 

Truyền_giáo 49: Truyền Giáo trong thời sau hết


Nhân lễ truyền giáo (21/10/2007)

 

Trong thư thứ hai gởi giám mục Timôthê, thánh Phaolô đã tỏ lộ một tình yêu dạt dào của người: Truyền_giáo 49


Trong thư thứ hai gởi giám mục Timôthê, thánh Phaolô đã tỏ lộ một tình yêu dạt dào của người cha sắp ra đi. Một là tình yêu đối với người môn đệ ngài tin cậy là Timôthê, hai là tình yêu đối với giáo đoàn đã trao phó cho Timôthê.

Trong thư, thánh Phaolô nhìn lúc đó như khởi sự những ngày sau hết. Sau hết đối với ngài, sau hết đối với Timôthê, sau hết đối với một giai đoạn lịch sử.

Trong thời gian sau hết này, ngài khuyên Timôthê nên để ý:

1/ Những gì xấu phải xa tránh

"Anh hãy biết điều này: Vào những ngày sau hết ấy sẽ có những lúc gay go. Quả thế, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa, hình thức của đạo thì còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ. Anh hãy xa lánh cả những người ấy" (2 Tm 3,1-6).

Trước đó, thánh Phaolô cũng đã đưa ra những lời khuyên phải xa tránh khác: "Còn những nhảm nhí, trống rỗng, anh hãy tránh xa, vì những kẻ nói những chuyện ấy sẽ tiến sâu vào con đường vô luân. Lời họ như một thứ ung nhọt cứ loét thêm ra" (2 Tm 2,16-17).

Thêm vào đó, thánh Phaolô cũng đã dặn dò: "Những tranh luận điên rồ và ngu xuẩn, anh hãy gạt ra một bên, vì biết rằng những thứ ấy sinh ra cãi cọ" (2 Tm 2,23).

Một điều rất nên để ý trong những lời khuyên xa tránh là đam mê trong chính mình: "Anh hãy tránh xa các đam mê của tuổi trẻ" (2 Tm 2,22).

Những điều cảnh báo trên đây cho ta thấy thánh Phaolô có một cái nhìn nhạy bén. Ngài thấy rất nhiều điều xấu trong nội bộ cộng đoàn, nên ngài khuyên phải xa tránh.

Theo tôi, xa tránh là một thái độ ôn hoà. Xa tránh điều xấu, nhưng phải tích cực làm điều lành.

2/ Những gì cần nhấn mạnh trong rao giảng

Thánh Phaolô quả quyết: "Từ thời thơ ấu, anh đã biết sách thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Kitô. Tất cả những gì viết trong sách thánh đều do Thiên Chúa linh ứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để nên công chính" (2 Tm 3,15-16).

Phải giảng Lời Chúa thế nào? Thánh Phaolô dạy: "Tôi tha thiết khuyên anh, hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chú tâm dạy dỗ" (2 Tm 4,1-2).

Với những lời trên đây, thánh Phaolô nhấn mạnh đến vai trò của giám mục Timôthê là phải bền bỉ trong việc rao giảng Lời Chúa. Rao giảng Lời Chúa không phải chỉ là cắt nghĩa Lời Chúa, nhưng còn phải dùng Lời Chúa mà biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Cứ mãi phải rao giảng Lời Chúa, cho dù "Họ sẽ ngoảnh tai không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường" (2 Tm 4,4).

Việc rao giảng của giám mục Timôthê và các người kế vị các tông đồ là một vinh dự và một trách nhiệm. Không vì lý do nào mà bỏ nhiệm vụ bênh vực Lời Chúa.

Nhưng không vì thế mà tránh được đau khổ.

3/ Những gì phải sẵn sàng đón nhận

"Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ mình" (2 Tm 4,5).

"Hãy đồng lao cộng khổ như một người lính của Đức Giêsu Kitô..." (2 Tm 2,3).

Đau khổ là ơn gọi sau cùng của Timôthê. Với đau khổ, người môn đệ Timôthê sẽ được theo bước thầy mình là Phaolô, đấng đã viết cho ngài: "Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm của lễ. Đã đến giờ tôi phải ra đi" (2 Tm 4,6).

Nhưng thầy trò sẽ không dừng lại ở đau khổ. Các ngài sẽ chịu đau khổ cùng với Chúa Giêsu, để mưu ích cho những người Chúa chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô và được hưởng vinh quang muôn đời. "Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người" (2 Tm 2,11).

Nội dung tóm lược lá thư của thánh Phaolô gởi môn đệ Timôthê cho ta thấy tinh thần truyền giáo của thánh tông đồ dân ngoại:

1. Nhà truyền giáo phải có một cảm quan sâu sắc về tình hình nội bộ cộng đoàn của mình. Tình hình, mà thánh Phaolô chỉ cho thánh Timôthê thấy, là rất u ám. Dù u ám, ngài vẫn cứ lấy lòng khiêm tốn mà nói sự thực từng chi tiết tỉ mỉ.

2. Tình hình u ám đó giúp cho môn đệ Timôthê ý thức được trách nhiệm của mình là rất nặng nề. Phải truyền giáo ưu tiên bằng đạo đức. Bằng nội tâm. Bám vào Lời Chúa. Gắn bó với mầu nhiệm thánh giá. Đặt trọng tâm vào Đức Kitô. Cầu nguyện rất nhiều. Bác ái thực sâu. Truyền giáo là sứ vụ, chứ không phải dịch vụ.

3. Trong việc truyền giáo, phải hết sức tránh bệnh hình thức, bệnh tự mãn và bệnh vô tâm. Nhà truyền giáo là người của Chúa Giêsu khiêm tốn, nhạy bén, luôn rao giảng sự sám hối, sự trở về, nhất là luôn tìm vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Thiết tưởng nội dung tổng quát thư II gởi thánh Timôthê cũng là thời sự của nhiều nơi tại cánh đồng truyền giáo Việt Nam hôm nay.


+ GM JB Bùi Tuần

------------------------------

 

Truyền_giáo 50: Truyền giáo

 

Truyền giáo là ra khỏi chính mình để sống với Chúa. Vì ra khỏi nhà dễ hơn ra khỏi mình: Truyền_giáo 50


Truyền giáo là ra khỏi chính mình để sống với Chúa. Vì ra khỏi nhà dễ hơn ra khỏi mình.

Những quan niệm sai

- Hai tiếng truyền giáo cách chung còn xa lạ với nhiều người. Vì cho rằng truyền giáo là việc của đức Giáo hoàng, các Giám mục, linh mục và tu sĩ.

- Truyền giáo ư? Trình độ giáo lý thì kém, đức tin lại yếu, tôi không có khả năng soạn bài, giảng dạy, thuyết trình, rồi cũng chẳng quy tụ được nhiều người đến để nghe. Là dân thường nên ai chịu nghe tôi. Vì thế làm gì dám nghĩ đến chuyện truyền với giáo.

- Truyền giáo là ra khỏi nhà cửa, xứ sở, quê hương đất nước để giới thiệu Chúa Kitô. Nếu vậy, tôi sinh ra, lớn lên, ăn đời ở kiếp nơi đây thì không phải làm việc ấy, ai đi ra khỏi xứ thì mới cần. Như thánh Têrêsa hài đồng Giêsu chỉ sống trong dòng kín thôi, vậy mà ngài được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo, thế nên tôi cũng chỉ ở nhà là được, không cần đi đâu hết.

- Mẹ Têrêsa Caculta suốt ngày có mặt nơi phố chợ để tìm kiếm và lo cho người nghèo, những người xấu số, vì vậy tôi cũng không cần phải ở nhà với gia đình, nhưng ở…ngoài đường cũng tốt.

Những quan niệm đúng

Bản chất của Giáo hội là truyền giáo, nên ai đã gia nhập vào Giáo hội qua bí tích rửa tội thì cũng mang trong mình bản chất ấy. Bản chất truyền giáo, giới thiệu Chúa Kitô cho người khác. Vì thế, tất cả những ai là công dân nước Chúa thì đều có bổn phận và trách nhiệm loan báo Tin Mừng.

Giống như báo hiếu mẹ cha, đây không phải là chuyện nhiệm ý, làm hay không tuỳ thích. Nhưng báo hiếu là trách nhiệm và là bổn phận của con cái đối với các ngài. Truyền giáo cũng thế, đây là việc phải làm của mọi thành phần dân Chúa, chứ không phải là chuyện của riêng ai, giáo dân hay nhà tu. Một mặt để chúc tụng tạ ơn Chúa, một mặt để báo hiếu Ngài. Vì vậy, nói cho người khác biết về Thiên Chúa là Cha tốt lành của mình là việc hãnh diện cần làm. Cha hãnh diện về con, con hãnh diện về cha. Điều tốt lành này cần phải giới thiệu cho cả thế giới biết.

Quả thật, có kiến thức, nhiều khả năng hỗ trợ cho công việc rất nhiều. Nhưng điều quan trọng thì “Truyền giáo là vấn đề của tình yêu”. Vì thế, tình yêu phải là điều kiện đầu tiên để bắt đầu cho hành trình này. Nhìn các tông đồ thời sơ khai mà xem, các ông khởi sự bằng việc kể lại câu chuyện tình yêu của một Đấng mà họ đã nghe, đã nhìn, cùng ăn cùng sống và Ngài đã chịu chết cho nhân loại.

Chỉ thế thôi, vậy mà biết bao người đã tin theo. Họ không nghe theo vì lời lẽ bóng bảy hoa mỹ hay bởi khả năng hùng biện cá nhân nơi các tông đồ, nhưng là sức mạnh của lòng tin. Lòng tin này trở thành bằng chứng mạnh mẽ khi họ chấp nhận chịu mọi thứ gian khổ, tù đày, phỉ báng, thiệt thân vì Đấng họ đang nói.

Như vậy, truyền giáo, đơn giản và dễ hiểu là ta kể lại kinh nghiệm tình yêu, kinh nghiệm sống sống đạo, kể lại những cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa cho người khác. Đơn giản như thế thì ai cũng có thể làm được và làm tốt.

Truyền giáo là chuyện của những người đi xa, ra khỏi xứ chứ tôi có đi đâu đâu. Nếu quan niệm như thế thì ta đang dần đóng khung lại với bầu trời tình yêu mà Chúa đã dành cho con người. Vì ta được sinh ra để sống với, sống cùng mọi người. Qua vũ trụ thiên nhiên, qua con người, ta dần nhận ra con người thật của mình, nhận ra nhau, nhận ra Chúa. Vì vậy, việc ra đi và đến với là điều cần thiết để nhìn thấy hình ảnh tốt lành của Thiên Chúa đang sống và hoạt động nơi các thụ tạo của Ngài.

Nếu cứ ở suốt ngày ngoài đường thì gọi là truyền giáo, là giống mẹ Têrêsa thì lầm to. Bác ái không có nghĩa là bỏ bê trách nhiệm. Truyền giáo không phải là không chu toàn bổn phận. Bởi ta được mời gọi để sống trong cộng đoàn cụ thể. Cộng đoàn tu trì hay gia đình. Vì thể không thể nói là mọi người tự lo lấy, còn tôi thì lo đại sự ở đường phố. Vì thế, lửa nhiệt thành truyền giáo nhiều đến đâu thì cũng không loại trừ việc chu toàn trách nhiệm và bổn phận tuỳ theo ơn gọi Chúa đã trao.

Như vậy, ra khỏi nhà để truyền giáo xem ra vẫn dễ. Khó hơn, truyền giáo là ra khỏi chính mình để sống với Chúa. Cứ ở với Ngài, rồi Ngài muốn ta nói gì, hành động động ra sao, với ai, ở đâu thì ta làm theo như vậy. Vâng Lời Thầy con thả lưới là điều tốt nhất.

Mẹ Têrêsa Caculta và truyền giáo

Nhiều người cho là mẹ chỉ ăn rồi lo chuyện đường phố. Thực tế thì khác. Mẹ luôn sống với Chúa trước khi hành động. Cụ thể là:

. Cầu nguyện. Mẹ liên lỉ cầu nguyện. Vì Thiên Chúa là niềm khát khao của mẹ. Chính cầu nguyện đã đưa dẫn mẹ đến phục vụ những người bất hạnh, nghèo khổ.

. Suy gẫm Lời Chúa. Chẳng những cầu nguyện, mẹ luôn gắn bó với Lời Hằng sống. Và Lời Chúa đúng là đèn soi dẫn lối chỉ đường cho mẹ biết cần phải làm gì, nói gì, vớ ai và ở đâu. Lời Chúa đã đi vào đời sống, đi vào nhịp đập, vào máu huyết, vào hơi thở của mẹ. Lời Chúa đã chi phối toàn bộ cuộc sống của mẹ.

. Yêu mến người nghèo và phục vụ tha nhân. Không phải là thương hại. Nhưng là thương thật lòng. Đời sống nghèo là bằng chứng mẹ chia sẻ cuộc sống cơ cực bần hàn của đồng loại. Nên việc phục vụ này không phải vì danh tiếng bề ngoài để người đời ca tụng, mà tất cả vì tình yêu Chúa. Mẹ coi mọi việc phục vụ ấy là việc phục vụ chính Chúa. Rồi còn coi đây là bổn phận phải làm. Bổn phận phải yêu thương đồng loại như chính Chúa đã yêu mến mẹ. Tình yêu này mẹ đã thấu hiểu và cảm nhận được qua đời sống cầu nguyện, suy gẫm, chầu thánh thể.

. Hành động. Mẹ nói: Lời Chúa phải nằm ở đầu các ngón tay. Quả đúng như vậy, bàn tay mẹ tuy gân guốc, gầy gò xấu xí, nhưng lại có một sức mạnh tuyệt vời. Là khi chạm đến ai, người đó nhận được tình thương và lòng thương cảm của mẹ. Có người nói: đời tôi đã phải sống như một con chó, nhưng có mẹ, tôi hạnh phúc như là thiên thần.

Xét mình

Mỗi người đều có thể trở thành những nhà truyền giáo tốt khi chấp nhận để Chúa hướng dẫn đời mình. Truyền giáo là vấn đề của tình yêu, nên việc giới thiệu này không phải là nói về mình, về sự khôn ngoan của người đời. Nếu chỉ có thế, ta sẽ bị thánh Phaolô chê trách và coi những việc làm ấy là những tiếng trống chiêng phèng la ầm ĩ giữa phố chợ, mà không có chất lượng, rỗng tuyếch.

Giáo hội luôn có nhiều điều kiện tốt để ta chuẩn bị cho công việc truyền giáo. Như thánh lễ, chầu thánh thể, suy gẫm Lời Chúa, chuỗi mân côi…

Ta có sống với Chúa chưa? Có yêu mến cầu nguyện, say yêu Lời Chúa, viếng Thánh Thể.

Ta có yêu mến người nghèo như Chúa đã yêu thương ta không.

Lý do nào ta chưa thể yêu họ: nghèo hay giàu, xấu hay đẹp, giỏi hay dốt?

Hãy cùng cấu nguyện, xin Chúa để mỗi người đều có thể phấn đấu, quyết tâm ra khỏi nhà, khỏi cổng, khỏi xứ đạo để mang Chúa đến cho mọi người. Cùng chia sẻ cuộc sống buồn vui với người nghèo, đơn giản vì họ là người.

Hãy yêu mến người nghèo, không phải vì họ nghèo, nhưng vì họ là người.


Thanh Thanh

------------------------------

 
 
[1] Xc Filipe Gomez, Truyền Giáo học, Antôn và Đuốc Sáng, 2003 trg 20-21
[2] Sđd Trg 21
[3] xc Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu số 6; số 15
[4] xc Sắc lệnh Truyền Giáo số 12
[5] Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 1980
[6] Hiến chế Giáo hội Trong Thế Giới Hôm Nay số 1
[7] Xin đọc các sách Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo của Phan Phát Huồn, Nguyễn Đức Sinh. Gần đây có thể đọc về những giây phút cuối đời của cha Alexandre de Rhodes, do Đỗ Quang Chính sưu tầm, đăng trên dunglac.net. Một tác phẩm đáng lưu ý là cuốn Silence của nhà văn Shusaku Endo, do Nguyễn Văn Thực dịch tiếng Việt Sao Chúa Mãi Im nói lên sự thống khổ tận cùng của các nhà truyền giáo tại Nhật. 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây