Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 164
Thường Niên 16-B Chuyện một giáo sư thường xuyên bị các sinh viên quấy rầy ------------------------------------------
Bạn thân mến,
Một lần nọ, tôi có dịp đến thăm một anh bạn, anh là giáo sư của một trường đại học lớn.
Tuy nhiên, vì ngồi nói chuyện phiếm với nhau, cho nên hai anh em chúng tôi chỉ ngồi trong phòng riêng để nói chuyện cho thân tình gẩn gũi, và cũng để dễ nói chuyện.
Thế nhưng, chuyện tâm tình giữa 2 anh em chúng tôi bị gián đoạn liên tục, bởi các sinh viên đến gõ cửa.
Họ tìm giáo sư, để xin hướng dẫn về điều này, điều nọ. Mỗi lần như thế, ông giáo sư từ ghế đứng lên, đi đến cửa, để đáp ứng yêu cầu của sinh viên.
Có lần, tôi đột ngột hỏi anh bạn giáo sư: “Anh xoay xở thế nào để làm được việc, khi mà trong ngày, có quá nhiều lần bị gián đoạn như thế ?”
Anh bạn giáo sư trả lời:
“Nói thiệt, lúc đầu tôi cũng có phần bực bội, vì công việc của mình bị gián đoạn liên tục. Nhưng rồi một ngày kia, thình lình tôi lại nghiệm ra rằng: Những lúc bị gián đoạn như vậy, thì tôi coi đó cũng là công việc của tôi, cũng là bổn phận của tôi, vì tôi là thầy giáo đối với học trò của mình”.
Theo tôi nghĩ: Ông giáo sư này vẫn có thể khóa kín cửa lại, và dành hết thời gian cho công việc riêng tư của ông. Và nếu theo cách này, thì không chút nghi ngờ gì, ông sẽ có một đời sống yên tĩnh hơn.
Nhưng vì là một thầy giáo có lương tâm nghề nghiệp, là một con người quảng đại và có lòng vị tha, nên ông không thể làm như vậy được.
Trái lại, ông đã sẵn sàng phục vụ các sinh viên, mà ông thương mến. Và từ đó cũng không lạ gì, ông đã là một giáo sư hạnh phúc nhất, mãn nguyện nhất, uy tín nhất trong chính ngôi trường này.
Lòng quảng đại và vị tha chắc chắn không bao giờ là dễ dàng.
Tuy nhiên, trong cuộc sống thường nhật, cũng phải công nhận: có những lúc nó dễ dàng, mà có những lúc thì không.
Nó sẽ dễ dàng, khi chúng ta biết sắp xếp công việ, thời gian, hoạch định công việc của chúng ta theo ưu tiên chọn lựa, sao cho thật hợp lý, sao cho thật tốt.
Nhất là khi chúng ta biết phân định được công việc, thế nào là hợp lý, là cần thiết, để lựa chọn, thì sẽ ít xảy ra những khó chịu, hay những giằng co.
Có những trường hợp lòng vị tha của chúng ta gặp khó khăn, đó là khi công việc do chính chúng ta chọn lựa không hợp lý, rồi trào dâng trong chúng ta những rắc rối, những bực dọc, khó xử…
Trong trường hợp ấy, chúng ta phải cố quên đi chính mình và để sang một bên những cảm giác và dự định có tình cách riêng tư ích kỷ của chúng ta.
Để được như vậy, đòi hỏi chúng ta phải can đảm và phải có một sự hy sinh thật sự vì lý tưởng, vì lợi ích phục vụ.
*****
Đức Giêsu cũng đã từng phải đối phó với những cuộc gián đoạn như thế, cũng đã từng gặp những lúc, mà kế hoạch của Ngài đã bị đảo lộn.
Chẳng hạn, Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay 16 TN B (Mc 6, 30-34) đã cho chúng ta rằng: Người đã nhận được rất nhiều lời cầu xin, đến nỗi Người và các tông đồ không có thì giờ để ăn uống nữa.
Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, Người cũng đã quyết định: Như thế kể là là đủ, nên mới đưa các tông đồ đến chỗ thanh tĩnh, để nghỉ ngơi đôi chút. Bởi các ông vừa mới trở về, từ sứ vụ mà Người đã sai họ.
Người đã nhìn thấy: họ cần phải được nghỉ ngơi. Bởi những người chăm sóc kẻ khác, thì cũng cần được chăm sóc.
Tuy nhiên, sự việc diễn tiến không như dự kiến.
Dân chúng vẫn cứ đi theo các ngài.
Chúng ta thấy: Đức Giêsu phản ứng như thế nào ?
Người đã không hề bực dọc, Người lại tiếp tục đón tiếp dân chúng và lại phục vụ theo những nhu cầu của họ.
Điều này đã nói với chúng ta nhiều điều về cung cách nhân từ của Người.
Người xúc động, vì thương xót họ: Người thấy họ như bầy chiên bơ vơ không người chăn dắt, cho nên Người tiếp tục dành thời gian cho họ.
Đây là lý do mà dân chúng lũ lượt đi theo Người.
Quan tâm chăm sóc kẻ khác không bao giờ là việc dễ dàng: Một số người muốn chăm sóc theo điều kiện, và cách thức của họ. Và Đức Giêsu đã làm theo, bất chấp những kế hoạch của mình bị đảo lộn.
Lạy Chúa, xin tình yêu Chúa hãy nên lẽ sống, là niềm vui, và là nguồn hy vọng cho chúng con, để khi chúng con sống gắn bó với Chúa, thì chúng con cũng biết quên mình mà lo phục vụ tha nhân. Nhờ đó, chúng con có thể sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu, trong việc thông chia cho người khác những gì mình sống. Amen.