Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 159
Thường Niên 11-B Rao giảng Tin Mừng bằng đời sống, hiệu quả hơn lời nói ------------------------------------------
Bạn thân mến,
Phạm Viết Chung (1955- 2017) là một sinh viên Phật tử, đứng đầu trong cuộc thi tốt nghiệp đại học y Sài Gòn.
Khi tốt nghiệp, nhà trường muốn giữ anh lại cho công việc giảng dạy, nhưng anh từ chối, năm đó là 1984, và bác sĩ Chung khi đó 29 tuổi, lại xin được bổ nhiệm lên trại phong Di Linh, nằm trên một ngọn đồi nhỏ ở xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, Lâm Đồng, để thực hiện giấc mơ lớn nhất của đời anh.
Người ta bảo: Thằng Chung nó điên rồi.
Mà Chung đã điên thật, do chính cái điên của ba người thầy vô cùng đáng kính, đã làm Chung điên.
- Hình ảnh đầu tiên làm đảo lộn suy nghĩ của Chung là hình ảnh của Đức Cha Cassaigne, một giám mục của địa phận Sài Gòn, sau khi từ nhiệm đã tự nguyện lên Di Linh phục vụ những ngườ cùi.
Nhân đọc một bài báo nói về cái chết của Đức Cha Jean Cassaigne (+1973) tại trại phong Di-Linh, cậu Chung cảm thấy cuộc sống đó sao quá tốt đẹp, quá cao thượng và vô tình Đức Cha Jean Cassaigne đã trở thành thần tượng của cậu.
Khi nhắc lại đoạn đời đó, cha Chung cho biết là ngài được rao giảng Tin Mừng bằng đời sống, chứ không phải bằng lời nói. Từ đó cậu Chung có ý nguyện học làm bác sĩ, để phục vụ bệnh nhân phong, như Đức Cha Jean Cassaigne.
- Người thầy thứ hai đã làm sinh viên Chung bị điên là một bậc thầy giáo sư Lichtenberger.
Năm 1974, Chung đang học Y Khoa Đại Học Sài gòn. Tại đây, anh gặp người công giáo đầu tiên trong đời anh, đó là bác sĩ Lichtenberger người Bỉ, dạy môn Mô phôi học.
Chung ngưỡng mộ sự uyên bác khoa học vô song của ông. Các bài giảng vô cùng sinh động và phong phú của nhà khoa học uyên thâm một cách lạ lùng, làm cho Chung mê mẫn.
Chung càng kinh ngạc hơn, khi khám phá vị giáo sư khả kính này lại là một Linh Mục công giáo, dòng tên.
Từ đó, anh thường cùng với các bạn trường Y đến nhà thờ, để xem Linh mục Giáo sư Lichtenberger dâng lễ.
- Người thầy thứ ba là sơ Loan và các sơ của cộng đoàn tu Nữ Tử Bác Ái, đang phục vụ nơi trại phong Bến Sắn.
Năm 1993 Bác sĩ Chung tình nguyện lên công tác tại trại Phong Bến Sắn, Bình Dương. Tại đây, anh làm việc hăng say như để đạt được tâm nguyện của mình, để được nên giống như Đức Giám Mục Cassaigne, trong việc phục vụ bệnh nhân phong cùi.
Anh hết sức tận tụy, không nề hà bất cứ chuyện gì.
Nhưng dù thế nào, anh vẫn cảm thấy mình vẫn còn thua xa các nữ tu Bác ái tại đây, trong việc yêu thương, phục vụ những người bệnh.
Các nữ tu luôn nhẫn nại, lắng nghe, phục vụ người bệnh hết lòng, tế nhị trong từng lời ăn tiếng nói, và trong mọi cách ứng xử, để không bao giờ làm họ buồn tủi.
Tinh thần hy sinh, quảng đại đó, khiến cho anh cảm phục.
Anh cho rằng: Muốn có được tinh thần yêu thương người nghèo khổ như thế, thì anh phải trở thành một người giống như các nữ tu. Bởi anh chưa phải là người công giáo, nên anh không thể nào hiểu được tinh thần làm việc của các Sơ. Anh cũng muốn được phục vụ với tinh thần giống như các Sơ.
Sự hy sinh và tình yêu nhẫn nại của các sơ dành cho các bệnh nhân, đã làm cho sinh viên Chung phải chao đảo, ngỡ ngàng, để rồi cuối cùng, vào ngày 28-8-1993 bác sĩ Chung đến gặp Cha Hoàng văn Đoàn, dòng tên, tại Bình Dương, xin học giáo lý tân tòng.
Ngày 15 tháng 5 năm 1994 bác sĩ Chung được Cha Chính xứ Bến Sắn làm Lễ Rửa Tội cho anh, tại nhà nguyện trại phong Bến Sắn.
Nhưng bác sĩ Chung vẫn không hài lòng, khi chưa được trở nên giống các Sơ, để có thể yêu thương phục vụ người nghèo. Anh đã quyết định xin đi tu.
Ở tuổi tứ tuần, mà theo đuổi ơn gọi tu sĩ, quả là một điều quá khó khăn.
Ngày 15.9.1994 bác sĩ Chung trở thành tập sinh lớn tuổi nhất của dòng Vinh Sơn, số 40 đường Trần Phú, Đà Lạt.
Và ngày 25.3.2003 Giáo hội trao tác vụ Linh mục cho thầy Augustinô Nguyễn Viết Chung tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài gòn.
*****
Nước Trời được ví như hạt giống được gieo xuống đất. Dù người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn cứ mọc lên.
Đức Cha Cassaigue, Cha Lichtenberger, Sơ Loan và các nữ tu Bác Ái,… đã gieo những mảnh yêu thương một cách quảng đại, vô tư; nhưng không ngờ, tình yêu cao cả ấy, hạt giống ấy, đã rơi vào cánh đồng tâm hồn của Phạm Viết Chung.
Những hạt giống của tám mối phúc thật, mà chúng ta gieo vãi, sẽ không bao giờ trở nên vô ích, hay như rơi vào quên lãng.
Ngay cả những lời nói, những hành động, thật nhỏ bé khiêm tốn, làm vì Chúa, và vì tình yêu đối với đồng loại, sẽ có ngày sẽ trở nên lợi ích lớn lao, như dụ ngôn Chúa vừa nói:
“Hạt cải, là loại nhỏ nhất trong các hạt giống, nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên, sẽ trở thành một thứ cây to hơn mọi thứ rau cỏ, xum xuê, đến nỗi chim trời tới làm tổ dưới bóng”.
Lạy Chúa, trong những bổn phận của chúng con, dù âm thầm hàng ngày, xin cho chúng con biết tin tưởng và phó thác cho quyền năng yêu thương của Chúa.
Chính Chúa sẽ làm cho công việc của chúng con thực hiện đúng theo ý Chúa, để đạt được những kết quả tốt nhất.
Như thế, chúng con sẽ làm ích cho chính bản thân, cho tha nhân và cho Nước Chúa được vinh hiển.
Lạy Chúa, xin cho con biết kiên trì gieo Lời Chúa nơi môi trường con sống, dù gặp điều kiện thuận lợi hay không, vẫn cứ kiên trì. Amen.