(Bài nói chuyện của Đức Cha GB. Bùi Tuần với các Linh mục tu sĩ, Tĩnh Tâm tháng 12/1997)
Khi sống, nhất là khi chết, các giám mục linh mục tại Việt Nam thường được đánh giá theo mô hình Bùi-Tuần 2101
Khi sống, nhất là khi chết, các giám mục linh mục tại Việt Nam thường được đánh giá theo mô hình “Người mục tử tốt lành”. Đối với phần đông, mô hình này được hiểu một cách đơn sơ, với một cái khung lúc rộng lúc hẹp, tuỳ cách nhìn vốn đã quen. Từ đó các cộng đoàn thường tỏ bày mong ước có được những chủ chiên tốt lành.
Nói chung, những cách nhìn đó và những ước mong đó là tốt. Tuy nhiên, đã đến thời điểm chúng ta cần mở rộng cái nhìn và ước mong hướng về những vị có trách nhiệm đứng đầu các cộng đoàn tín hữu tại Việt Nam hôm nay. Nói thế là ưu tiên để nhắc nhở cho chính chúng ta.
Điều tôi vừa gợi ý đã dựa trên quan điểm của thánh Phaolô trong thư gửi Êphêsô 4,11 và mới được Đức Hồng y Carlo Martini nhắc tới trong cuốn “Apôtre, projet de vie ou mandat ?” (Ed. Saint Augustin, 1995).
Thánh Phaolô viết: “Chính Chúa đã chọn, người thì làm tông đồ, người thì làm tiên tri, người thì làm kẻ truyền giáo, người thì làm chủ chiên, người thì làm tiến sĩ giảng dạy” (Ep 4,11).
Đoạn thư trên đây cho thấy trong Hội Thánh có năm chức vụ quan trọng:
1. Tông Đồ, 2. Tiên tri, 3. Truyền giáo, 4. Mục tử, 5. Tiến sĩ.
Để dễ hiểu các chức năng trên, tôi đề nghị tạm chọn những định nghĩa vắn tắt do Đức Hồng y Martini đưa ra.
Tông đồ là người thiết lập cộng đoàn bằng cách quy tụ người ta lại trong Chúa Giêsu, và với Chúa Giêsu.
Tiên tri là người công bố Lời Chúa thích hợp đúng nhu cầu thời đại một cách có uy tín.
Truyền giáo là người loan báo Tin Mừng cho những ai còn xa Hội Thánh.
Mục tử là người canh giữ và nuôi dưỡng những cộng đoàn tín hữu đã đón nhận Tin Mừng cứu độ.
Tiến sĩ là người đào sâu giáo huấn, dạy cho người tín hữu biết sống đạo tốt trong tương quan đức tin và văn hoá, đức tin và văn minh.
Những chức năng trên đây không loại trừ nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Đó là những ơn Chúa ban. Người được ơn này. Người được ơn nọ. Riêng giám mục linh mục, tuy cốt yếu là tông đồ và chủ chiên, nhưng sẽ phục vụ Hội Thánh đắc lực hơn, nếu cũng có được phần nào ba ơn nói trên.
Cho đến nay, chúng ta thường quan trọng hoá nơi giám mục linh mục tài khéo quy tụ và nuôi dưỡng cộng đoàn. Thực sự những việc đó vẫn luôn luôn quan trọng. Nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy việc quy tụ và nuôi dưỡng cộng đoàn chỉ được thành công, khi người tông đồ chủ chăn cũng có phần nào ơn tiên tri, ơn truyền giáo và ơn tiến sĩ.
Bởi vì thời nay, theo kiểu nói của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, phúc âm hoá phải là tân phúc âm hoá. Tân phúc âm hoá đòi hỏi phải nhìn xa nhìn sâu tìm kiếm những con đường mới. Thí dụ thời xưa thánh lễ, giáo lý và luật lệ được coi là có sức hấp dẫn để quy tụ, nhưng nay không còn như thế nữa. Trước đây chức thánh được coi là thứ uy tín đủ sức hướng dẫn cộng đoàn, nhưng bây giờ và sau này nguyên chức thánh mà thôi sẽ không đủ gây uy tín.
Khi khiêm tốn nhìn nhận khoảng cách sâu xa giữa mô hình người tông đồ chủ chăn lý tưởng trong thời buổi này và thực tế bản thân, chúng ta sẽ thấy vấn đề cần đặt ra cho chúng ta là: Phải làm thế nào để có được những ơn cần thiết cho việc tân phúc âm hoá. Theo tôi, việc tân phúc âm hoá cần đến cả năm ơn nói trên.
Muốn được thế, phải khởi đầu bằng sự ý thức mình là kẻ được sai đi. Thiết tưởng, điều sau cùng định đoạt việc phục vụ của chúng ta, không phải là khả năng chúng ta làm được việc gì, hoặc sự chúng ta biết làm việc nọ hơn việc kia, mà là sự chúng ta biết đáp ứng những gì Chúa đòi hỏi chúng ta làm, vì lợi ích của các người Chúa trao phó cho chúng ta.
Khi qua Bề trên, Thánh Thần Đức Kitô sai chúng ta đến một địa điểm nhất định, vào một thời điểm nhất định, với những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, thì chúng ta hãy nhớ mình là những người đầy tớ của Đức Kitô được Thánh Thần sai đi. Vì thế, tất cả mọi ơn cần thiết đều phải đón nhận từ Chúa Thánh Thần.
Phải biết đón nhận, cho dù phải từ bỏ ý riêng mình và những gì mình tưởng là ổn định và thượng sách.
Tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói với thánh Phêrô: “Người khác sẽ thắt lưng cho con, và dẫn con đến nơi mà con không muốn” (Ga 21,18). Kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy, chính những trường hợp như vậy, với ý thức mình được sai đi, chứ hoàn toàn không do ý mình muốn, nếu chúng ta tuyệt đối cậy trông nơi Chúa, hết tình cầu xin với Chúa, và chịu khó học hỏi, tỉnh thức lắng nghe và khôn ngoan phân định, chúng ta sẽ được đủ các ơn cần thiết Chúa ban cho.
Thiết tưởng sẽ không phải là thừa, nếu tôi nhắc lại ở đây ơn tiên tri, ơn truyền giáo, ơn tiến sĩ và phần nào ơn tông đồ và mục tử nơi hai vị nữ tu nổi tiếng được nói đến nhiều trong mấy tháng nay. Nữ tu Têrêsa thành Lisieux đề cao chân lý “Thiên Chúa là tình yêu”. Nữ tu Têrêsa thành Calcutta sáng ngời về ơn gọi thừa sai bác ái phục vụ người nghèo. Với hướng sống đạo chiêm niệm và hoạt động như thế, hai nữ tu trước hết đã thực hiện chức năng tiên tri, ở chỗ công bố một Lời Chúa rất thích hợp, đúng nhu cầu của thời nay. Rồi hai nữ tu đã thực hiện chức năng truyền giáo ở chỗ đã loan báo Tin Mừng cho những người xa Hội Thánh bằng những gì họ dễ hiểu nhất và có sức thuyết phục nhất. Thêm vào đó, hai nữ tu đã thực hiện chức năng tiến sĩ, ở chỗ đã giúp cho chúng ta dùng con đường tình yêu để đi vào văn hoá, xây dựng một nền văn minh của tình yêu. Sau cùng hai nữ tu cũng đã phần nào thực hiện ơn tông đồ và ơn mục tử ở chỗ đã dùng con đường tình yêu mà cộng tác vào việc quy tụ và chăm sóc cộng đoàn.
Nhìn chung, chúng ta có thể nhận ra ơn nổi nhất nơi hai nữ tu thánh thiện của chúng ta chính là ơn tiên tri. Nhờ ơn tiên tri này, hai nữ tu, trước nhiều con đường tốt, đã biết chọn con đường tốt hơn, đúng với ý Chúa, thích hợp với hướng đi của thời đại. Với ơn tiên tri, hai nữ tu cảnh báo chúng ta hãy tránh những lựa chọn không thích hợp có thể trở nên phản chứng, hoặc làm cho trái tim mình trở thành cằn cỗi, xơ cứng, chai lỳ.
Hiện nay, Chúa cũng đang làm những sự lạ lùng với những ơn kể trên nơi nhiều người không phải là giáo phẩm giáo sĩ.
Riêng chúng ta, khi chúng ta tìm sức mạnh từ sự vâng phục Đấng sai chúng ta đi, chúng ta sẽ có đủ năm ơn nói trên, với mức độ cần thiết tuỳ theo chức vụ Chúa trao cho mỗi người.
Năm ơn nói trên, trước khi đi vào những điều cao siêu, sẽ được tỏ hiện ngay trong nhân bản, nhân cách, nhân phẩm.
Thông thường, bầu khí nội tâm của người có năm ơn trên toát ra từ những việc rất thường. Vẻ đẹp của những ơn thiêng đó toả sáng ngay trong đời thường.
Rất nhiều khi, một cách nói năng biết khéo tự chọn và tự chế, một thói quen ăn uống biết luôn tự trọng và kính trọng người khác, một nếp suy nghĩ biết thường xuyên tự tìm tòi và luôn tỉnh thức trước những tiêu chuẩn về sự thực, đó cũng là những cuộc đối thoại âm thầm với bao người về Nước Trời. Chính vì thế, để đón nhận và cho đi các ơn thiêng liêng, chúng ta cần rà soát lại các chi tiết đời thường của chúng ta.
Mới rồi, khi theo dõi diễn tiến Đại hội cấp cao các nước sử dụng tiếng Pháp tại thủ đô Hà Nội, hàng triệu người, kể cả chúng ta, đã có ấn tượng về từng nhân vật, qua tư tưởng và phong cách của họ. Thiết tưởng, ít là bước đầu, người ta cũng đánh giá chúng ta và những người đứng đầu các cộng đoàn Hội Thánh một cách tương tự như thế. Và đó chính là một cảnh báo, để chúng ta xét mình xem, phong cách và tư tưởng của chúng ta thường xuyên có đáng được trân trọng, do phản ánh các ơn : tông đồ, tiên tri, truyền giáo, mục tử và tiến sĩ không ?
(Bài nói chuyện của Đức Cha GB. Bùi Tuần với các Linh mục tu sĩ, tháng 10/1998)
Tháng 10 có hai lễ trọng nhắm vào Truyền Giáo. Ngày 01.10 là lễ kính thánh nữ Têrêsa, Bổn Mạng Bùi-Tuần 2102
Tháng 10 có hai lễ trọng nhắm vào Truyền Giáo. Ngày 01.10 là lễ kính thánh nữ Têrêsa, Bổn Mạng các nơi truyền giáo. Ngày 18.10 là Chúa nhật truyền giáo. Đây là những dịp chính thức Hội Thánh dùng, để kêu gọi chúng ta nghĩ về Truyền Giáo.
Truyền giáo là một bổn phận quan trọng của mọi tín hữu nói chung và của các giáo sĩ tu sĩ nói riêng. “Khốn cho tôi, nếu tôi không truyền giáo": Thao thức trên đây của thánh Phaolô tông đồ cũng phải là ray rứt của mọi môn đệ Đức Kitô. Trong hoàn cảnh thuận lợi, cũng như trong những điều kiện khó khăn, việc truyền giáo phải được coi là bổn phận ưu tiên. Bổn phận này là căn bản, cấp biệt. Phải chu toàn với tất cả lương tâm. Kinh nghiệm cho thấy tại Việt Nam hôm nay, nhiều người đã dấn thân truyền giáo. Kết quả là rất lạ lùng. Thực tế đó cho thấy hoạt động của Chúa Thánh Thần tại quê hương ta hiện nay tuy âm thầm, nhưng rất mạnh, rất sâu và rất rộng.
Tuy nhiên, những chuyển biến về kinh tế, xã hội, văn hoá, tâm lý sẽ có ảnh hưởng nhiều đến truyền giáo trong tương lai. Đang xuất hiện những khó khăn mới, nhất là trong chính nội bộ Hội Thánh, nơi chính những người được gọi cộng tác với Chúa Thánh Thần. Vì thế, vấn đề cần đặt ra là đào tạo lương tâm truyền giáo. Vấn đề này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, cái nhìn rộng,hướng đi tiên tri, nhất là lửa mến nồng nàn. Theo tôi, lửa truyền giáo là điều kiện số một. Một người có đầy lửa truyền giáo trong tim sẽ có thể làm được vô số việc cho truyền giáo, mặc dù tình hình là hết sức gay gắt. Đang khi người không có lửa truyền giáo trong tâm hồn sẽ chẳng làm được gì cho truyền giáo, mặc dù tình hình là rất thuận lợi.
Để góp phần vào việc đào tạo lương tâm truyền giáo, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm. Đây là những việc làm tối thiểu, ai cũng có thể thực hiện được.
Chiêm niệm
Nói đến chiêm niệm là nói đến thinh lặng. Để biết chiêm niệm thì phải quen thinh lặng. Thinh lặng bên ngoài, thinh lặng bên trong. Có những lúc phải rất thinh lặng, cả trong phụng vụ, cả trong truyền giáo, cả trong thờ phượng.
“Đã đến thời, và ngay bây giờ, những người thờ phượng Chúa sẽ thờ phượng Chúa trong tinh thần và trong chân lýª. Người truyền giáo phải là người thờ phượng như vậy.
Thờ phượng Chúa như thế chính là chiêm niệm. Trong thinh lặng chiêm niệm, họ cầu nguyện, họ gặp Chúa, họ lắng nghe Chúa. Họ khám phá thấy nơi ở của mình chính là tình yêu Chúa Ba Ngôi.
Chính trong nơi ở này, Chúa đổi mới con người của họ một cách sâu thẳm nhất. Chính tại nơi đây, họ cảm nghiệm được đức tin của họ trở thành dòng thác lửa tình yêu. Cũng tại nơi đây, họ hiểu được thấm thiá lời Đức Kitô nói: “Thầy là cây nho, chúng con là ngành, ngành nào kết hợp với cây sẽ trổ sinh hoa tráiª. Họ thấy sức mạnh truyền giáo khơi nguồn từ đó. Và cũng từ đó, họ thấy mình bé nhỏ, phải rất đơn sơ để có thể nhận lãnh được ơn tái sinh cho mình và cho kẻ khác.
Cũng tại nơi đây, họ không còn quan tâm nhiều đến sự hiểu biết Chúa cho bằng sự được có Chúa ở với mình. Một Thiên Chúa mà khi nhìn Ngài, họ không thấy hình dáng, nhưng họ cảm nhận được Ngài sống động, gần gũi. Một Thiên Chúa, mà khi nghe Ngài họ không bắt được tiếng nói, nhưng họ cảm nhận được Ngài soi sáng hướng dẫn và ban sức cho, để họ đi vào con đường thánh ý Chúa, mặc dù con đường ấy đòi nhiều từ bỏ, và khổ đau.
Đọc Phúc Âm
Càng đọc Phúc Âm, tôi càng thấy truyền giáo phải đi sâu vào cuộc sống, theo gương Đức Kitô và theo lời Ngài dạy: “Tôi đến đến họ có sự sống và sự sống dồi dàoª.
Từ cuộc sống ấm no đến cuộc sống văn hoá, tới cuộc sống đạo đức, và bước lên cuộc sống siêu nhiên tức là sự sống Chúa Ba Ngôi. Hoạt động truyền giáo của Đức Kitô tập trung vào việc nâng cuộc sống lên cao như thế. Người truyền giáo sẽ tham gia vào việc nâng cao đời sống ở mọi cấp bậc. Nhưng họ sẽ là chuyên viên trong lãnh vực cuộc sống đạo đức và cuộc sống siêu nhiên. Đúng lý ra, chính họ phải có nhiều kinh nghiệm về sự sống dồi dào đó.
Nhưng thế nào gọi được là dồi dào về sự sống nhân đức và siêu nhiên? Ai tìm trong Phúc Âm sẽ hiểu.
Chẳng hạn ba việc quen thuộc nhất trong tôn giáo, đó là cầu nguyện, bố thí và chay tịnh, đã được Đức Kitô đề cập đến nhiều lần.
Lời Chúa trong Phúc Âm Matthêu 6, được cấu trúc chặt chẽ, tỏ lộ rõ ràng thế nào là làm ba việc đó mà đạo đức dồi dào, và thế nào là làm ba việc đó mà chỉ đạo đức bề ngoài. Một đàng là âm thầm, để Cha trên trời thấy và được thưởng đời sau. Một đàng là phô trương, để nhiều người thấy, và được thưởng đời này.
(Bài nói chuyện của Đức Cha G.B. Bùi Tuần với các linh mục, tu sĩ giáo phận Long Xuyên, dịp tĩnh tâm tháng 10/1999)
Đào tạo những người môn đệ Đức Kitô, đó là vấn đề tôi tha thiết mến yêu. Vấn đề này thiết tưởng Bùi-Tuần 2103
Đào tạo những người môn đệ Đức Kitô, đó là vấn đề tôi tha thiết mến yêu. Vấn đề này thiết tưởng cũng là mối bận tâm hàng đầu của những người lãnh đạo cộng đoàn đức tin. Tất nhiên bận tâm trên đây của chúng tôi nhắm vào việc đào tạo những người trong cộng đoàn, nhưng trước hết nhắm vào việc đào tạo chính mình chúng tôi là những người đang giữ nhiệm vụ đào tạo kẻ khác.
Riêng tôi, nếu được hỏi về tên trường đào tạo của tôi, thì tôi không ngần ngại thưa: Trường đào tạo của tôi là chính Đức Giêsu Kitô. Bản thân Đức Kitô và cuộc đời Người là tất cả các lớp học của tôi.
Nếu được hỏi về tên người dẫn tôi đến trường đào tạo ấy, thì tôi cũng xin thưa ngay: Người dẫn tôi đến trường đào tạo là Đức Mẹ Maria. Với tình mẹ, Đức Maria đã đồng hành và hướng dẫn tôi về những cách học tốt nhất.
Nếu được hỏi về những cách học tốt nhất ở trường học Đức Kitô, thì tôi xin trả lời: Theo kinh nghiệm bé nhỏ của tôi, thì đây là 3 cách học tốt nhất:
Một là khiêm nhường gặp gỡ Đức Kitô.
Hai là chú tâm suy niệm Lời Chúa và cuộc đời Chúa.
Ba là phấn đấu chuyển hoá triệt để cái tâm của mình, để nên giống trái tim Chúa Giêsu.
Đức Mẹ Maria đã gợi ý về ba cách học đó.
Khiêm nhường gặp gỡ Đức Kitô.
Học về Đức Kitô là việc tốt. Hướng về Đức Kitô là việc lành. Nhưng không đủ. Việc cần thiết nhất là phải gặp gỡ chính Đức Kitô. Việc gặp gỡ này phải có tính cách sống động và bản thân (Lc 1,35). Sống động và bản thân như Đức Mẹ mang Chúa Giêsu trong lòng, ẵm Chúa Giêsu trên tay, tiếp cận với Chúa Giêsu đang nói năng đi lại ngay bên mình, cảm nhận tâm tình thao thức của Chúa Giêsu đang đồng hành với mình.
Hôm nay, Đức Kitô vẫn ở với chúng ta. Người sẽ ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Người hiện diện một cách đặc biệt ở một số địa chỉ mà Người đã báo trước, như nơi những người bé mọn, nghèo khổ, những người sống tám mối phúc, Hội thánh và các bí tích, đặc biệt là Kinh Thánh.
Phải gặp gỡ Đức Kitô với thái độ khiêm nhường, để đón nhận được ơn thiêng soi sáng. Không ai nhận biết được Đức Kitô, nếu không có ơn Chúa Cha mở lòng mở trí. Không ai có thể đi theo đúng đường Đức Kitô, nếu không có sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Khi gặp gỡ Đức Kitô, tôi khám phá thấy một sự thực rất hiện thực và rất gần. Sự thực đó là bản thân tôi rất cần được cứu độ, được đưa vào đúng con đường đi về Nhà Cha, và Đấng cứu độ tôi là chính Đức Kitô. Cái nhìn này biến đổi toàn bộ cái nhìn của tôi về các mối liên hệ giữa tôi với cộng đoàn, với đồng bào và với Chúa.
Nhờ gặp gỡ Đức Kitô, tôi hiểu loại trí thức mà người môn đệ Đức Kitô cần phải nâng lên, đó là trí thức nhân sinh. Biết những gì là cản ngăn và xiềng xích trong thâm sâu từng người, để mà giải thoát. Biết những gì là tiềm năng tốt chìm ngủ trong mỗi người, để mà khai phóng. Biết những gì là động lực chính đáng theo tâm lý và Phúc Âm để mà vận dụng trong việc chuyển hoá con người hôm nay. Trí thức nhân sinh này không là những hiểu biết lạnh lùng, nhưng luôn nóng nảy bởi tình yêu thương. Có hiểu mới yêu, có yêu mới hiểu.
Trí thức nhân sinh này cũng phải là một thứ trí thức tiến bộ. Nghĩa là phải tìm tòi thêm, nghiên cứu thêm, khám phá thêm, sáng tạo thêm. Thỉnh thoảng hãy nói: Hôm nay là kết quả của những phấn đấu thuộc một chặng đường quá khứ, nhưng cũng là khai mạc cho những phấn đấu mới của một quãng đường tương lai.
Với kiến thức nhân sinh và tiến bộ nhận được từ trường học Chúa Giêsu, tôi nghĩ đến những khó khăn trong việc đào tạo. Tôi thấy mọi người đều mang sẵn một tình trạng tâm thức được coi như quy định sẵn. Tiềm thức, vô thức của chúng ta là một cõi âm u sâu thẳm mang sức mạnh vô hình của đủ mọi thứ lực lượng xung quanh hằng ngày chuyển đưa sự sống. Từ tính tình cá nhân, môi trường gia đình, lối sống xã hội, dư luận quần chúng, đến niềm tin tôn giáo và các tục lệ, thành kiến, thói quen, hệ thống sợ hãi, tất cả các lực lượng đó thấm rất rộng, ngấm rất sâu vào con người, khiến con người như bị quy định sẵn. Nếu sự quy định sẵn đó có nhiều cái xấu mà lại rất vững chắc, thì việc đào tạo sẽ không đơn giản chút nào. Nhất là khi chính đương sự lại chẳng tha thiết gì đến việc đào tạo, thích lẩn trốn trong những thứ an tâm giả tạo. Người môn đệ Đức Kitô càng sẽ ý thức được điều đó nhờ suy niệm.
Chú tâm suy niệm.
Đức Mẹ không những đã gặp gỡ Đức Kitô, mà còn cất giữ trong lòng những gì đã nhận được do gặp gỡ, và đã suy niệm suốt đời (Lc 2,19).
Suy niệm là một việc quan trọng trong việc đào tạo. Nhiều hiểu biết sẽ được nội tâm hoá nhờ suy niệm. Nhiều chân lý sẽ được mạc khải trong suy niệm. Đặc biệt là chiều kích thiêng liêng sẽ được thêm vẻ đẹp nhờ suy niệm. Người tu, người lãnh đạo cộng đoàn đức tin rất cần có vẻ đẹp của sự vị tha, của sự dấn thân, của sự liên đới, của sự sáng tạo, của sự sâu sắc, của sự biết mình, của sự sám hối. Họ cần có vẻ đẹp linh thiêng trong việc thờ phượng, việc cầu nguyện, việc giảng dạy. Tất cả những vẻ đẹp linh thiêng ấy được dung chứa một cách phong phú trong cuộc sống suy niệm.
Để suy niệm, chúng ta cần giữ tâm hồn tịch lặng dưới ánh sáng của Chúa, và sống mật thiết với Chúa. Người suy niệm sẽ tỉnh thức lắng nghe sự vận chuyển của tình thương Chúa trong Hội Thánh và trong nhân loại, sẽ tìm nắm bắt các tín hiệu Chúa gởi qua thời sự hằng ngày, để mong phân định được khôn ngoan những gì Chúa muốn họ làm, những gì Chúa muốn họ nên tránh trong một tình hình luôn pha trộn tốt xấu.
Nhờ suy niệm, người môn đệ Đức Kitô có thể thấy được những gì ẩn núp đàng sau những việc gọi là hiến dâng, là bác ái, là cử hành lễ lạy, để rồi sẽ biết gạn lọc ra những giá trị thực sự tinh khiết.
Đặc biệt là nhờ suy niệm, chúng ta sẽ giữ được tâm hồn bình an, yêu thương, sáng suốt, luôn biết tạ ơn và ca ngợi Chúa giữa dòng đời không êm xuôi như mình mong ước.
Thiếu suy niệm, nhất là mất khả năng suy niệm, người môn đệ Đức Kitô dễ trở nên nông cạn, vô duyên, cho dù nhiều khi vẫn cố gắng tỏ ra mình là một thành trì lý thuyết thánh, một đền thờ rậm rạp những biểu tượng thánh, một cuộc săn bắt hăng say những lợi lộc mang nhãn hiệu thánh.
Cùng với gặp gỡ và suy niệm, người môn đệ Đức Kitô sẽ học nơi Đức Kitô việc chuyển hoá triệt để cái tâm con người.
Phấn đấu để chuyển hoá triệt để cái tâm.
Trái tim Đức Mẹ bị gươm sắc thâu qua (Lc 2,35), đó là một hình ảnh gợi cảm về một trái tim được hoàn toàn đổi mới do lưỡi gươm tin yêu đâm thấu suốt.
Học cao đến đâu, tổ chức giỏi đến mấy, nếu cái tâm không được đổi mới, không hối cải, không trở về đàng lành, không cháy lên lửa tin yêu, thì phải kể như chưa là người môn đệ Đức Kitô.
Trái tim được hoàn toàn đổi mới xứng đáng người môn đệ Đức Kitô là trái tim rũ bỏ những ham muốn xấu, ôm lấy thánh giá, gắn bó với Đức Kitô. Nó là trái tim hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, quy hướng mọi vinh quang về Chúa Cha, luôn luôn để Chúa Thánh Thần tái tạo một cách phó thác và khiêm nhường. Nó là trái tim đầy thương cảm trước những khổ đau của nhân loại, nhạy bén với những khao khát chính đáng của lương tâm con người, dám dấn thân cứu độ con người.
Để đào tạo những trái tim như thế, Đức Kitô không những cung cấp cho các môn đệ những quan niệm đúng, những hiểu biết rộng về căn bản của đạo, nhưng còn đưa họ giáp mặt với chính thân phận con người đầy những phức tạp, mâu thuẫn, phiền luỵ. Nhờ vậy các môn đệ cảm được sự cần thiết phải đánh thức lương tâm và phải tập luyện theo hướng cứu độ. Theo hướng đó, Đức Kitô mặc khải cho các môn đệ đỉnh cao của tình yêu cứu độ ở việc Người hiến tế mình trên thánh giá, để họ bắt chước. Sau cùng trái tim các môn đệ được chuyển hoá một cách triệt để nhờ sự tái sinh bởi Chúa Thánh Thần, để họ can đảm dấn thân lên đường làm chứng cho Tin Mừng cứu độ.
Như vậy, công việc chuyển hoá cái tâm là việc phải thực hiện bằng phối hợp nhiều cách khác nhau. Theo tôi nghĩ, thì điều kiện ban đầu và mãi mãi bắt đầu lại là phải trở nên bé nhỏ, đơn sơ, hèn mọn. Sự trở nên đó đòi chúng ta phải chịu gọt dũa bằng gươm sắc tin yêu qua nhiều thử thách. Đức Mẹ Maria đã trải qua con đường đó. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã được đổi mới qua con đường đó. Chính Đức Kitô là trường đào tạo cũng đã nhập thể vào kiếp con người sống thân phận đó. Lạy Mẹ Maria, xin hướng dẫn con là người môn đệ kém cỏi hèn mọn để con luôn biết xin vâng trong trường Đức Giêsu Kitô.
(Bài nói chuyện của Đức Cha G.B Bùi Tuần với linh mục tu sĩ giáo phận Long Xuyên, dịp tĩnh tâm tháng 8/2000)
Trình bày đạo là trình bày một giáo thuyết, còn sống đạo là đem đạo vào cuộc sống, mà cuộc sống Bùi-Tuần 2104
Trình bày đạo là trình bày một giáo thuyết, còn sống đạo là đem đạo vào cuộc sống, mà cuộc sống bao giờ cũng là cuộc sống của những con người cụ thể bơi lội giữa dòng đời cụ thể với những hoàn cảnh cụ thể.
Vì thế sống đạo là việc không đơn giản. Hướng dẫn sống đạo, bình luận sống đạo càng không đơn giản.
Ba cách hướng dẫn sống đạo.
Để đơn giản, chúng ta thường dùng hai cách này:
Một là suy diễn Lời Chúa, rồi cho rằng sống đạo tốt là phải ép đạo vào khuôn Lời Chúa như mình suy diễn, bất chấp tình hình cụ thể phức tạp.
Hai là xem xét tình hình, rồi cho rằng sống đạo tốt là phải thích nghi đạo với tình hình như mình nhận định, bất chấp đòi hỏi của Lời Chúa. Mỗi cách trên đây đều nhấn mạnh đến một phía. Một cách đặt nặng Lời Chúa nhưng coi nhẹ tình hình. Một cách đặt nặng tình hình nhưng coi thường Lời Chúa.
Dùng một trong hai cách trên để sống đạo, để hướng dẫn sống đạo và bình luận sống đạo là việc dễ. Nhưng e rằng không đúng ý Chúa. Kinh nghiệm mục vụ cho thấy những thiệt hại gây nên cho Hội thánh do sự dễ dàng như vậy là rất nặng nề.
Vì thế nên nghĩ đến cách thứ ba, đó là cách tìm hiểu sự tác động sang nhau giữa Lời Chúa và tình hình. Tức là: Dùng ánh sáng Lời Chúa để đọc tình hình, và xem xét tình hình để nghe tín hiệu Lời Chúa. Nói một cách biểu tượng, thì cách thứ ba là một tay cầm Kinh Thánh và một tay cầm tờ báo, để sống đạo, để hướng dẫn sống đạo và để bình luận sống đạo.
Cách thứ ba này đòi phải đi sâu vào Lời Chúa và đi sát với tình hình. Trình độ sâu sát phải có thực chất.
Khi dùng đúng cách thứ ba này, chúng ta sẽ khám phá thấy một điều thú vị, đó là động lực sâu kín hướng dẫn Hội Thánh và lịch sử nhân loại chỉ là một. Động lực ấy là Chúa Thánh Linh. Trong Hội Thánh, Chúa Thánh Linh hướng dẫn một cách rất phong phú, đặc biệt là qua Lời Chúa. Trong lịch sử nhân loại và dân tộc, Người vẫn hướng dẫn qua tác động lương tâm và các biến cố. Nên nhớ rằng: Sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh đang bị sự tự do của nhiều người cản ngăn, từ chối và luôn bị quấy phá bởi Satan dưới muôn vàn hình thức, kể cả hình thức đạo đức.
Vì thế, những ai dùng cách thứ ba này sẽ phải được tập luyện thường xuyên, để có thể nghe được Chúa Thánh Thần trong Lời Chúa và trong tình hình. Họ phải khiêm tốn đón nhận sự thực về Lời Chúa và sự thực về tình hình. Họ phải bé mọn để tuân phục Chúa Thánh Thần.
Tôi xin phép chia sẻ chút kinh nghiệm của tôi.
Phục vụ cho phát triển.
Nhìn chung hiện tình ở Châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng, tôi thấy xu hướng phổ quát nhất và mạnh mẽ nhất là phát triển. Có thể nói: Phát triển là một đòi hỏi cấp bách, một khát khao sâu thẳm, một trăn trở thường xuyên của con người Việt Nam hôm nay. Phát triển là lời kêu gọi tha thiết nhất của hồn dân tộc trong giai đoạn này. Phát triển nói đây là phát triển con người và xã hội. Tôi coi xu hướng này của tình hình là do
Chúa Thánh Linh tác động.
Khi suy gẫm Lời Chúa, tôi cũng thấy Thánh Linh sai Hội Thánh đi về hướng phát triển ấy.
Thế là tôi có cơ sở chắc chắn để chọn lựa hướng đi cho sống đạo. Hướng đi đó là: Cách sống đạo của chúng tôi hiện nay là làm chứng cho Thiên Chúa bằng việc phục vụ cho phát triển con người và xã hội, đồng thời với việc phát triển chính bản thân chúng tôi và gia đình chúng tôi.
Phải nói ngay rằng: Cách sống đạo mà chúng tôi lựa chọn là một phấn đấu cam go và tế nhị. Chúng tôi coi phát triển cộng đoàn đức tin của mình, Hội Thánh của mình là một việc thiện tất nhiên phải thực hiện. Nhưng góp phần vào việc phát triển con người và xã hội trong địa phương này phải được kể như một sự thiện mới mà tân-phúc-âm-hóa đòi phải thực thi một cách đặc biệt như một điều kiện không được thiếu.
Hiện diện trong các lãnh vực xã hội.
Một khi chọn hướng phục vụ cho phát triển con người và xã hội, tôi nghĩ tới cách thực hiện. Một cách thực hiện mà tôi cho là cần thiết, đó là Hội Thánh địa phương chúng tôi phải tìm cách có mặt trong các lãnh vực xã hội. Có mặt trong trong các lãnh vực xã hội như văn hoá, giáo dục, y tế, kinh tế, chính trị đâu phải là chuyện dễ. Một sự hiện diện có bản lãnh được chấp nhận, được trân trọng, được tin tưởng là một thuận lợi cho việc phục vụ phát triển con người và xã hội. Nếu nhờ đó mà làm chứng được cho Chúa thì phải coi sự phấn đấu để có mặt như thế là một việc thiện nhất định phải làm.
Thực tế những năm qua chứng tỏ kết quả ban đầu hiện nay thực rất lạ lùng. Ít ra đồng bào mà chúng tôi phục vụ cũng được phát triển về phía lương tâm. Chính chúng tôi cũng được phát triển ở chiều sâu nội tâm. Hội Thánh được nhiều người biết đến và được quý trọng. Những kết quả tốt đẹp này giúp chúng tôi xác tín rằng: Chúa Thánh Linh là Đấng luôn sáng tạo. Sức mạnh của Thánh Linh là rất mạnh. Người vượt qua mọi biên giới, đi vào mọi trái tim. Tôi thấy nhiều khi sự có mặt của Hội Thánh trong xã hội, cho dù chỉ là để thương cảm, để đồng hành, để được đau nỗi đau của đồng bào, để được chia sẻ những lo âu trăn trở của dân tộc, thì cũng là một thành công đáng khích lệ. Thiết tưởng, dù chỉ thế thôi cũng đã là dấu chỉ của Chúa Thánh Thần.
Đào tạo và tái đào tạo.
Để hiện diện tích cực trong việc phục vụ cho phát triển con người và xã hội, Hội Thánh địa phương chúng tôi cố gắng đào tạo và tái đào tạo chính mình cũng như nhân sự của mình. Đào tạo về nhân bản, về trí thức, về chuyên môn, về kỹ thuật, về đạo đức. Tất nhiên trình độ nhắm tới sẽ phải cao. Hy vọng nhờ đó chúng tôi có thể trở thành những người có nhiều khả năng phục vụ cho phát triển con người và xã hội.
Một trong những điều mà chúng tôi rất quan tâm trong đào tạo, đó là chiều kích thiêng liêng của chính mình. Con người của chúng tôi phải ý thức mình được sai đi, lòng chúng tôi phải có Chúa ngự trị, nội dung phát triển của chúng tôi phải luôn hợp thánh ý Chúa, phong cách phục vụ của chúng tôi luôn phải khiêm nhường tế nhị. Nhất là lương tâm chúng tôi phải ngay chính. Tất cả đều được xây dựng theo sự hướng dẫn của Thánh Linh trong Lời Chúa và trong tình hình.
Chúng tôi không có tham vọng đào tạo mình để làm những chuyện lớn. Chúng tôi chỉ muốn đào tạo mình nên những người giàu thiện chí và biết phấn đấu làm tốt những việc nhỏ thường ngày đúng theo đường hướng. Hôm nay phải tốt hơn hôm qua. Và cứ thế tức là phát triển. Nhất là đào tạo những người có một trái tim được Á Châu mộ mến, như mẹ Têrêsa Calcutta. Một trái tim siêng cầu nguyện, dể cảm thương, sống nghèo khiêm hạ từ bỏ chính mình, và có tinh thần trách nhiệm cao đối với bổn phận.
Đặt đào tạo lên hàng ưu tiên mục vụ, đó là một chọn lựa mà tôi chắc chắn là do hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Chúa Thánh Linh trong tình hình đang kêu gọi. Chúa Thánh Linh trong Lời Chúa đang hối thúc.
Với nhận định trên, tôi thực sự rất lo ngại cho những cộng đoàn được hướng dẫn sống đạo bởi những nhân sự không thường xuyên tiếp cận và ngoan ngoãn với Chúa Thánh Linh. Nếu cứ sống đạo theo ý riêng mình, thì sẽ khó tránh được thảm họa cho đời sống đức tin của chính mình và của cộng đoàn.
***
Mấy kinh nghiệm mục vụ trên đây chỉ là những khởi đầu. Nhìn về tương lai, tôi thấy có những vấn đề mới, những thách đố mới, những thời cơ mới, những nguy cơ mới, những con người mới. Nếu tỉnh thức và biết phân định, để khởi đầu tốt này lại được tiếp nối với khởi đầu tốt sau, thì đó là sống đạo trên đường hy vọng Phúc Âm. Bởi vì chúng ta hết sức hết lòng cố gắng đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.
(Bài nói chuyện của đức cha g.b. Bùi tuần với các linh mục, tu sĩ giáo phận long xuyên, tháng 9/2000)
Thánh giá là một biểu tượng của đạo chúng ta. Vì thế thánh giá được thấy dễ dàng ở khắp nơi Bùi-Tuần 2105
Thánh giá là một biểu tượng của đạo chúng ta. Vì thế thánh giá được thấy dễ dàng ở khắp nơi.
Thánh giá ở nhà thờ, ở nhà tư, ở nghĩa trang. Thánh giá trên đồ thờ, trên y phục, trên sách báo, trên trang sức. Thánh giá trong các lễ nghi, trong các kinh nguyện, trong các chia sẻ. Thánh giá trên con người.
Thánh giá hiện diện vì nhiều mục đích: Để được tôn thờ, để kêu gọi nhắc nhở, để chở che phù trợ, để hy vọng phúc lành. Một mục đích khác nữa là để nói lên sự hiệp thông với Chúa Giêsu trên thánh giá và để theo gương Chúa Giêsu chịu đóng đinh.
Hiệp thông với Chúa Giêsu chịu đóng đinh và theo gương Chúa Giêsu trên thánh giá, đó là một tu đức nền tảng.
Sống tu đức đó thế nào?
Nhân dịp lễ suy tôn thánh giá sắp tới (14-9-2000), tôi xin chia sẻ kinh nghiệm về một số việc làm cụ thể:
Gặp gỡ
Khi nhìn thánh giá, chúng ta nên tập thói quen nhớ lại lời thánh Phaolô nói:
“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang với Thiên Chúa .
“Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, để mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người thế.
“Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thánh giá.
“Chính vì thế, Thiên Chúa đã suy tôn Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2,6-9).
Với sự nhớ lại những lời trên, chúng ta để ý gặp gỡ Chúa Giêsu. Người đang hiện diện bên ta. Người mạc khải chính mình một cách khiêm nhường. Người tự hạ để yêu thương . Người bước xuống để phục vụ. Người vâng phục để cứu chuộc. Người tự ý nạp mình chết trên thánh giá, để làm chứng cho tình yêu.
Khi gặp gỡ một Chúa Giêsu như thế, chúng ta sẽ thấy Người gần gũi chúng ta. Trong thân tình, Người mời gọi chúng ta, như xưa đã mời gọi người thanh niên: “Nếu con muốn nên hoàn thiện, con hãy đi bán tài sản của con, và phát cho kẻ nghèo. Con sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đi theo Thầy” (Mt 19,21).
Có thể là, khi nghe lời mời gọi trên đây, chúng ta chưa sẵn sàng. Nhưng ít ra chúng ta khát khao đón Chúa vào tâm hồn. Khao khát đón Người vào lòng, cầu xin Người đến trong hồn ta, phó thác mình trong tay Người. Đó là một sự khởi đầu quan trọng.
“Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,22).
Khi Chúa ở lại trong ta, ta sẽ thấy nội tâm ta ra khác. Lúc đó, việc phải làm là kết hợp với Chúa.
Kết hợp không phải bằng những suy luận, phân tích của thần học gia, hoặc của chuyên viên tìm hiểu Kinh Thánh, nhưng bằng đức tin.
Ai càng có đức tin đơn sơ hồn nhiên khiêm tốn, người đó càng dễ kết hợp với Chúa “Ai tin vào Con Người, sẽ được sống đời đời” (Ga 3,36).
Tin Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu độ. Tin Người thương ta. Khi niềm tin ấy thực sự trở thành sự kết hợp với Chúa, thì từ lòng chúng ta sẽ chảy ra những dòng nước hằng sống (Ga 17,3).
Dòng nước hằng sống đầu tiên mà Chúa cho ta cảm nghiệm được, đó là: Ta muốn hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa. Ta muốn thánh ý Chúa được thực hiện trọn vẹn nơi ta. Chúa muốn về ta thế nào, thì ta cũng muốn như vậy.
Trong tâm tình vâng phục đó, ta sẽ nghe thấy ý Chúa: Hãy nên giống Chúa Giêsu. Hãy bước theo Chúa Giêsu. Không những ta nghe thấy ý Chúa như vậy, mà cũng nhìn thấy Chúa Giêsu trong ta đang dần dần thanh luyện ta nên giống Người, theo hình ảnh mà thánh Phaolô đã diễn tả như trên.
Thanh luyện
Thanh luyện là việc của Chúa. Nhưng Chúa đòi chúng ta phải góp phần của ta vào.
Phần của ta là: Dưới ánh sáng Lời Chúa, mỗi người chúng ta hãy xem xét lại tổng quát cách chúng ta sống đạo, và giới thiệu đạo có qui chiếu vào việc: nên giống Chúa Giêsu và bước theo Chúa Giêsu không?
Nếu xem xét thực tế một cách thành thực, chúng ta phải nhận rằng: Sống đạo và giới thiệu đạo hiện nay thường là rất quan tâm đến các cử hành lễ lạy, lui tới các bí tích, tham gia các việc chung đời đạo, chứ không để ý nhiều đến việc nên giống và bước theo Chúa Giêsu. Thậm chí, con đường làm sáng danh Chúa, và con đường cứu độ mà ta chọn, thường lại rất khác với con đường, mà Chúa Giêsu đã chọn. Chúa tự hạ, tự bước vào thân phận thấp hèn, tự phó mình cho cái chết cô đơn trên thánh giá. Đối với Người, đó là con đường mà Người dấn thân vào để cứu độ, và để làm sáng danh Chúa Cha. Còn đối với chúng ta, con đường đó chỉ là để biết, để học hỏi. Trên thực tế, chúng ta nhớ lại và tưởng niệm con đường đó trong các nghi thức. Còn thực sự dấn thân đi vào thì rất ít.
Nếu thực tế là đúng như vậy, thì thực tế đó cần được thanh luyện. Thánh giá phải giữ một địa vị quan trọng, không phải trong các nghi thức, mà trong chính cuộc sống đạo và giới thiệu đạo của chính chúng ta. Phải sống thánh giá.
Chỉ xin nêu lên vài thí dụ:
Thí dụ thứ nhất: Sống thánh giá là sống chân thành sự nhận biết chính mình. Chân thành nhận biết mình mang nhiều giới hạn, nhiều yếu đuối, nhiều tính mê nết xấu, nhiều thiếu sót, nhiều lỗi lầm, nhiều tội lỗi. Nhận biết tất cả những thứ đó là một gánh nặng. Mình không bằng lòng với gánh nặng đó. Mình phấn đấu trút bỏ gánh nặng đó. Nhưng nếu gánh nặng đó vẫn còn đè nặng trên mình, để làm cớ cho mình bị nhục nhã, cười chê, thì đó là một thánh giá. Bây giờ khiêm nhường sống thánh giá là không tìm đổ lỗi cho ai, nhất là không tìm che chắn mình bằng cách bới móc kẻ khác và bằng cách tự khen và phô trương. Nhưng bằng sự âm thầm thống hối và cầu nguyện. Làm như vậy, chúng ta sẽ gặp được Chúa Giêsu, Đấng không đến để cứu người thánh thiện, nhưng đến để cứu người tội lỗi.
Thí dụ thứ hai: Sống thánh giá là sống phấn đấu chu toàn bổn phận mình một cách tốt nhất. Nếu bổn phận chúng ta là đào tạo chính mình và đào tạo kẻ khác, thì bổn phận đó sẽ không thiếu thánh giá. Việc thường xuyên tự đào tạo chính mình về mặt trí thức đạo đời đòi chúng ta phải phấn đấu rất nhiều để học thêm, suy nghĩ thêm, nghiên cứu thêm, nắm bắt thêm, đổi mới thêm. Việc thường xuyên đào tạo chính mình về mặt đạo đức đòi chúng ta phải chiến đấu rất nhiều, để đem kỷ luật sống vào sinh hoạt các ngoại quan và các nội quan, nêu gương tu đức giữa một xã hội đang rất cần các giá trị đạo đức. Việc thường xuyên đào tạo chính mình về mặt nhân bản đòi chúng ta phải luôn luôn tiến tới trình độ trưởng thành trong cách ăn mặc, đi đứng, ăn uống, nói năng, ứng xử.
Việc thường xuyên tự đào tạo mình nhất là về mặt hiệp thông với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, và bước theo Chúa Giêsu lên thánh giá đòi chúng ta phải rất quảng đại, để không trốn tránh và cưỡng lại những lời Chúa kêu mời từ bỏ và dấn thân.
Đào tạo kẻ khác cũng đầy những khó khăn. Sự dửng dưng, sự hiểu lầm, sự chống đối, sự bạc bẽo và nhiều khó khăn khác luôn rình rập thiện chí đào tạo của ta. Nhất là sự đào tạo sống đạo và truyền đạo hiện nay nhắm hướng cởi mở biết nhận ra Chúa đang hiện diện và hoạt động ngoài ranh giới Hội Thánh chúng ta, biết phục vụ rộng rãi, biết đối thoại với mọi tầng lớp xã hội.
Thí dụ thứ ba: Sống thánh giá là chia sẻ những khổ đau của bao người đau khổ, là xót xa trước những mất mát về đức tin và đức ái tại nhiều nơi Hội Thánh, là trăn trở với những lo âu của đồng bào, quê hương, là băn khoăn trước cảnh tội lỗi mà Đức Mẹ cảnh báo ở Fatima. Sống thánh giá như thế là tích cực tham gia vào kế hoạch cứu độ của Chúa Giêsu. Người đã gánh tội trần gian. Người đã ôm vào lòng những khổ đau của nhân loại. Người đã để mình chìm sâu xuống kiếp khổ của thân phận con người. Để ít ra những ai đau khổ nhất cũng được an ủi, vì có Người cùng chịu khổ với mình và nhờ đó sự đau khổ mình chịu sẽ có một ý nghĩa cao cả.
Thí dụ sau cùng: Sống thánh giá là quảng đại yêu thương những người mình phục vụ, trung thành với nơi mình được trao phục vụ, và kiên trì cố gắng làm các việc thường ngày để phục vụ. Cho dù phải chịu thiếu thốn, mệt mỏi, cô đơn, bệnh tật.
Sống thánh giá như vậy là luôn nói lời xin vâng cho tình yêu Chúa, và xin vâng cho tình yêu nhân loại. Chỉ mong mọi người biết gần lại bên Chúa và mến yêu Chúa, chỉ mong mọi người biết gần lại với nhau và biết yêu thương nhau.
Chiến đấu
Khi nhấn mạnh đến những việc thanh luyện trên, tôi chú ý chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu thiêng liêng. Đó là chiến đấu với chính Satan.
Lucifer và đạo binh của nó là những thực tại vô hình, nhưng có thực. Chúng làm nên một lực lượng hùng hậu. Hoạt động chuyên nghiệp của chúng là quấy phá chương trình của Chúa và lôi kéo nhân loại theo chúng sa vào hỏa ngục.
Đặc điểm của chúng là kiêu ngạo, chia rẽ và dối trá. Chiến lược của chúng là gieo rắc kiêu ngạo, chia rẽ và dối trá.
Với những đặc điểm đó và những chiến lược đó, chúng đâu có sợ những hình thức đạo đức dễ nghiêng về mục tiêu đi tìm vinh quang, loại trừ và mê tín, hoang tưởng.
Chúng đâu có sợ sự phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá.
Chúng chỉ sợ thánh giá Chúa Kitô. Chúng chỉ lùi bước trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá và trước những ai hiệp thông với Người, bước đi theo Người.
Nếu chúng ta không ý thức được những sự thực Phúc Âm về cuộc chiến thiêng liêng với ma quỉ, chúng ta sẽ dễ bị rơi vào bẫy ma quỉ. Hiện nay những bẫy ma quỉ dùng rất tinh vi. Chúng đặt các bẫy đó trong chính Hội Thánh. Có thể nói là khắp nơi. Trong các cộng đoàn, trong các sinh hoạt tôn giáo, trong các nơi đào tạo, trong những giờ thờ phượng chia sẻ, trong các dấn thân và hiến thân.
Vì thế, hơn bao giờ hết, chúng ta phải vâng lời Chúa Giêsu. Hãy sống tỉnh thức cầu nguyện và sống thánh giá. Thánh giá của yêu thương phục vụ. Thánh giá của khiêm nhường vâng phục. Thánh giá của sự quên mình, chấp nhận mọi hy sinh, để cùng với Chúa Giêsu, thực thi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong thời điểm khó khăn này.
***
Để kết, tôi xin chia sẻ thêm một chút về kinh nghiệm thánh giá trong mục vụ và truyền giáo.
- Đó là kinh nghiệm về đau khổ cô đơn, khi Chúa để mình tham gia vào tình trạng xao xuyến của lời Chúa xưa: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?” (Mt 27,46).
- Đó là kinh nghiệm về đau khổ tan nát, khi Chúa cho mình nếm sự thực nghiền nát của lời Chúa xưa: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó thối đi, thì nó mới sinh được bông hạt” (Ga 12,24). - Đó là kinh nghiệm của đau khổ phó thác, khi Chúa đưa mình vào đêm tối hãi hùng của lời Chúa xưa trên thánh giá: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Tất cả những khổ đau đó là những thánh giá. Khi tham gia vào những thánh giá đó, chúng ta sẽ thấy ứng nghiệm ý nghĩa của thánh giá. Đó là thánh giá của tình yêu phục vụ sẽ dẫn tới phục sinh và ơn cứu độ.
(Bài nói chuyện của Đức cha GB. Bùi Tuần với các linh mục, tu sĩ giáo phận Long Xuyên, Tĩnh Tâm tháng 6/2001)
Hiền từ và khiêm nhường là những giá trị thiêng liêng. Những giá trị này vốn được coi là Bùi-Tuần 2106
Hiền từ và khiêm nhường là những giá trị thiêng liêng. Những giá trị này vốn được coi là cao quí trong mọi lãnh vực. Trong lãnh vực nhân bản, trong lãnh vực xã hội, trong lãnh vực tôn giáo, người hiền từ khiêm tốn luôn là mẫu người được kính nể.
Tại Á Châu nói chung và tại Việt Nam nói riêng, hai đức tính hiền từ và khiêm tốn thường được kể như hương thơm đạo đức. Vì thế, truyền thống giáo dục đạo đức tại đây luôn lưu tâm đến việc vun trồng chăm sóc những tấm lòng, những nhân cách, để họ có thể toát ra được thứ hương thơm đạo đức đặc biệt đó, hầu góp phần tạo nên một môi trường đằm thắm an vui cho gia đình và xã hội.
Hiền từ và khiêm tốn càng được đạo Công giáo đề cao. Bởi vì đó là con đường ánh sáng dẫn tới Chúa và dẫn tới con người. Khởi đầu con đường này là từ nội tâm. Nhiều kẻ thù luôn tìm cách phá con đường này. Vì thế, cần phải biết xây dựng bảo trì và phát triển nó.
Hơn nữa, Chúa Giêsu biết rõ hiền từ khiêm tốn mang tính cách tu đức và truyền giáo cực kỳ quan trọng, nên Ngài muốn các môn đệ Ngài hãy học nên người hiền từ khiêm tốn ở mức độ cao. Tất nhiên có nhiều người có thể dạy ta. Nhưng người thầy gần gũi nhất và uy tín nhất đối với chúng ta, chính là Chúa Giêsu. Người phán: “Hãy học cùng Thầy, vì Thầy hiền từ và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Để việc học này sinh được hiệu quả, tôi xin phép lưu ý mấy điều sau đây.
Hiện diện ở trường Chúa Giêsu.
Hiện diện ở trường Chúa Giêsu trước hết là năng đọc những lời Chúa nói về hiền từ và khiêm tốn. Có rất nhiều lời loại đó. Hãy vừa đọc vừa suy gẫm.
Ngoài ra, hiện diện ở trường Chúa Giêsu còn là nhìn ngắm những thái độ, những lời nói, những việc làm hiền từ khiêm tốn của Ngài. Thí dụ Chúa Giêsu trong hang đá Belem. Chúa Giêsu trên thánh giá. Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể.
Hơn nữa, hiện diện ở trường Chúa Giêsu là gặp gỡ chính Chúa Giêsu. Gặp gỡ này không phải là gặp gỡ những tư tưởng về Ngài, những biểu tượng ám chỉ Ngài, nhưng là đối diện với chính Ngài đang sống. Ngài đang ở trước mặt ta. Ngài đang nhìn ta. Ngài đang thương ta. Ngài đang gọi ta. Chính vì vậy mà phải hết sức trân trọng và chú tâm. Không gì vô lễ và bất xứng cho bằng ta hiện diện với thái độ dửng dưng nguội lạnh.
Với một sự hiện diện đầy chú tâm trân trọng chúng ta hết sức lắng nghe, hết tâm tìm hiểu, hết lòng đón nhận những gì Chúa dạy.
Với sự hiện diện như thế, chúng ta sẽ dần dần cảm nghiệm được Chúa Giêsu hiền từ và khiêm tốn đến mức nào, nhất là đối với một người tội lỗi hèn mọn như ta.
Ngài gặp gỡ ta. Sự gặp gỡ này là một quà tặng quí giá. Ngài cho đi chính bản thân mình. Ta trở thành quan trọng và thân thương đối với Ngài. Lúc đó, Ngài sẽ cho ta hiểu thấm thiá lời thánh Gioan đã diễn tả xưa về tình yêu hiền từ khiêm tốn của Thiên Chúa: “Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, là Thiên Chúa đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta” (1Ga 4,9-10).
Như vậy, sự hiện diện của ta ở trường Chúa Giêsu sẽ vượt qua khuôn khổ nhìn ngắm lắng nghe. Bởi vì, ta sẽ bước đến gần Ngài, và để Ngài dẫn ta vào tình yêu khiêm tốn hiền từ của Chúa Ba Ngôi. Lúc đó tình thương hiền từ khiêm tốn Chúa sẽ tạo nên một bầu khí hết sức thân mật giữa Ngài và ta. Nó biến đổi bản thân ta từ sâu thẳm nội tâm. Bầu khí thiêng liêng ấy tràn đầy hạnh phúc và cũng có nhiều trăn trở. Hạnh phúc vì được chia sẻ, vì được đổi mới, vì được phần nào nên giống tình yêu khiêm tốn hiền từ của Chúa. Trăn trở vì nhận thức mình còn rất xa những gì mình được Chúa cho biết về tình yêu khiêm tốn hiền từ của Ngài.
Hạnh phúc và trăn trở trong tình yêu khiêm tốn hiền từ này lúc nào cũng như mới, và bao giờ cũng là động lực cho những sáng tạo thường ngày và đôi khi bất ngờ. Sự hiền từ và khiêm tốn của tình thương sẽ không chỉ là những hiện tượng của từng vài lúc, nhưng là một dòng chảy đi vào tất cả lịch sử đời ta.
Vài việc cụ thể cần năng thể hiện.
Bước vào sự gặp gỡ thân mật với Chúa Giêsu, để học nơi Ngài đức hiền từ khiêm tốn, chúng ta đừng quên thực hiện một vài việc cụ thể mà Ngài muốn, để tập luyện mình thường xuyên. Như:
Cảm tạ Thiên Chúa một cách khiêm nhường về mọi ơn đã lãnh nhận. Có những ơn chung, mà mọi người hoặc một số người cùng được nhận lãnh như ta và với ta. Có những ơn rất riêng, mà chỉ một mình ta được nhận lãnh. Trong trường Chúa Giêsu, dưới ánh sáng mới của Thánh Thần, chúng ta sẽ khám phá thấy dung mạo Thiên Chúa là tình yêu khiêm nhường hiền từ, và dung mạo của ta chỉ là sự yếu đuối hèn mọn bất xứng.
Xét mình xem ta có nhận ra thánh ý Chúa, khi Ngài ban cho ta những ân huệ chung và riêng không? Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bảo người thanh niên giàu có là: Hãy về bán hết những của cải của anh, phát cho kẻ nghèo, rồi trở lại theo Chúa. Biết đâu, nhiều lần Chúa Giêsu cũng đã gởi vào lòng ta một tiếng gọi tương tự. Thí dụ, thời giờ là vàng. Chúa muốn ta dùng vàng thời giờ để cầu nguyện nhiều hơn, để dấn thân phục vụ nhiều hơn. Nhưng ta đã không đón nhận được tiếng Chúa gọi. Mặc dầu tiếng Chúa gọi ta không đến nỗi là một đòi hỏi quá quyết liệt.
Xét mình xem ta đã đáp lại tình yêu khiêm nhường và hiền từ của Chúa thế nào. Điều quan trọng cần xem xét không phải là những trả đáp bằng lời cảm ta, mà những trả đáp bằng tâm tình khiêm tốn, bằng quyết tâm trở về, bằng những việc làm. Nhưng đừng quá căn cứ vào chính các việc làm, mà hãy xem tính cách của các việc làm đó. Tính cách ấy có phải thực sự là một đổi mới mình, một sự tái sinh mình để gần lại Nước Trời, với lòng khiêm tốn hiền từ. Hay trái lại, tính cách ấy chỉ là sự phô trương.
Xem xét về những tội lỗi và tính mê nết xấu cản trở ta trở thành người hiền từ khiêm tốn. Thực tế cho thấy, có những cản trở trong ta rất dễ nhận ra, nhưng cũng có những cản trở trong ta rất khó nhận diện. Phải rất khiêm nhường cầu nguyện, đôi khi phải nhờ đến khoa học, như phân tâm học, mới khám phá ra được. Nhất là cơ chế tự vệ trong nội tâm ta. Nó rất tinh vi phức tạp và uẩn khúc. Thí dụ thói xấu hay phóng chiếu, là thói không nhận mình có những điều xấu, mà lại chiếu chúng lên người khác. Hoặc thói xấu hay phản ứng ngược, là thói xấu làm đôi việc bề ngoài coi như tốt cốt để khỏi đối diện với những thứ xấu nặng nề nơi mình. Hoặc thói xấu tránh né và dồn nén, phủ nhận, hay hợp lý hoá hành vi xấu của mình bằng cách hung hăng bới móc kết án người khác. Những thói xấu này rất kín đáo, rất khéo ẩn giấu mình. Chúng là sự dối mình gây nhiều tai hại nặng nề. Để sửa, chúng ta cần cầu nguyện kiên trì, xét mình khiêm tốn, hồi tâm sâu sắc và chân thành.
Khẩn khoản cầu xin cho Nước Chúa trị đến và thánh ý Chúa được thực hiện hoàn toàn nơi ta và cộng đoàn ta. Hãy cầu xin những điều đó một cách thành thực và khiêm tốn. Bởi vì rất nhiều khi, chúng ta cầu xin cho lợi ích riêng của ta và cộng đoàn ta, muốn Chúa và Hội Thánh phục vụ ta, hơn là ta phục vụ Chúa và Hội Thánh Chúa. Và cũng rất nhiều trường hợp, chúng ta xin Chúa thực hiện ý riêng của ta, cho dù ta đã biết rằng ý riêng của ta rất nhiều khi không hợp với thánh ý Chúa (Mc 8,33).
Để kết, tôi xin phép nhắn nhủ điều này:
Độc ác và kiêu căng vốn là những con đường tối tăm, mà Satan ra vào tự do để thống trị con người và cản phá Nước Trời. Nếu tôi không lầm, thì hiện nay, gian ác và kiêu căng đang có nhiều phát triển. Chúng ta hãy giữ mình và cộng đoàn mình, đừng tự huỷ mình và cộng đoàn mình bằng những lời nói, việc làm và tâm tình kiêu căng ác độc, dưới bất cứ hình thức nào. Nhất là dưới hình thức tôn giáo. Trái lại hãy phấn đấu chống lại sự kiêu căng và ác độc bằng sự khiêm nhường hiền hậu học từ trái tim Chúa Giêsu. Tiên vàn, hãy cầu nguyện, cầu nguyện rất nhiều, cầu nguyện thường xuyên, cầu nguyện kiên trì. Hy vọng rằng nhờ đó mỗi người chúng ta sẽ được Chúa khen bằng lời thánh Phaolô xưa: “Người môn đệ này của Đức Kitô đã không ngừng chiến đấu cho anh em bằng lời cầu nguyện, để một khi đã trưởng thường và hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa trong mọi sự, anh em được vững vàng” (Cl 4,12)
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin thương xót chúng con.
Lúc này hơn bao giờ hết, Đức Mẹ hay nhắc bảo tôi: Hãy cùng với Mẹ nói lời Xin vâng. 2. Cuộc đời Bùi-Tuần 2107
1. Lúc này hơn bao giờ hết, Đức Mẹ hay nhắc bảo tôi: Hãy cùng với Mẹ nói lời Xin vâng.
2. Cuộc đời của Mẹ tóm gọn vào lời Xin vâng. “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền.” (Lc 1,28)
3. Xin vâng của Đức Mẹ mang nội dung rất rõ ràng. Đó là xin tuyệt đối cộng tác với Chúa trong công trình cứu con người khỏi lửa hỏa ngục, nhưng được lên thiên đàng.
4. Được mọi sự thế gian này, mà sau cùng phải xuống hỏa ngục, thì sẽ là vô phúc vô cùng. Đó là điều Phúc âm nhắc bảo nhiều lần. Đó là điều Đức Mẹ hay dạy bảo tôi lúc này. Bởi vì lúc này xem ra phong trào đi ngược Lời Chúa đang phát triển mạnh.
5. Do vậy, nguy cơ xuống hỏa ngục là chuyện từng giờ, từng phút.
6. Nguy cơ đó càng trở nên trầm trọng, khi chính những người có trách nhiệm thay mặt Đức Mẹ lại dửng dưng, nhởn nhơ sống nguội lạnh.
7. Sống xin vâng như Đức Mẹ xin vâng, đã được nhiều người trong Hội Thánh nêu gương. Ở đây, tôi sực nhớ tới Thánh Gioan Vianney, cha sở xứ Ars. Cha thánh không ngừng nhắc tới hỏa ngục, thiên đàng.
8. Tôi cũng lại nhớ tới Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài hay nhắc cho tôi và cho Hội Thánh về bổn phận phải trở về, để khỏi phải xuống hỏa ngục, nhưng được lên thiên đàng.
9. Tôi rất ấn tượng những gì Đức Mẹ nhắc nhở ở Lộ Đức, ở Fatima. Mẹ tha thiết kêu gọi con cái Mẹ, đừng để mình phải sa hỏa ngục. Muốn được vậy, hãy biết sống xin vâng.
10. Rất mừng là tại Việt nam hôm nay, những người sống xin vâng theo gương Đức Mẹ không phải là ít.
11. Nét đẹp của họ là họ sống xin vâng một cách âm thầm, lặng lẽ, không chút phô trương.
12. Tôi có cảm tưởng là đời sống xin vâng của họ đang là nguồn sự sống thiêng liêng Chúa dùng để góp phần vào kế hoạch cứu Hội thánh và cứu Tổ Quốc Việt Nam của tôi.
13. Cách riêng, chính những người sống xin vâng như thế đang tích cực nâng đỡ tôi trong những ngày tôi lâm cảnh gian nan khốn khó.
14. Đúng là như vậy. Nhiều lúc tôi rơi vào cảnh gian nan khốn khó một cách rất nặng nề. Nhiều lúc tưởng như sụp đổ.
Nhưng chính những lúc đó, có những người xin vâng được Chúa gửi tới nâng đỡ và cứu tôi.
15. Từ kinh nghiệm đó, tôi cũng lại muốn chính mình được như họ, mà lo đỡ nâng và cứu những người khác.
Nếu tôi được chịu khổ thay cho người khác, thì rất xin vâng. Nhưng mọi sự phải nhờ ơn Chúa.
Xin vâng, xin vâng. Tôi nghe lời xin vâng đang vang dội trong rất nhiều tâm hồn.
16. Tình hình lúc này là cực kỳ phức tạp, cực kỳ nghiêm trọng. Xin Mẹ dạy chúng ta tinh thần xin vâng của Mẹ.
Hôm nay là ngày áp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đức Mẹ dạy tôi hãy cùng với Mẹ xin Chúa Bùi-Tuần 2108
1. Hôm nay là ngày áp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đức Mẹ dạy tôi hãy cùng với Mẹ xin Chúa Thánh Thần ban cho tôi và cho các con của Mẹ ơn nào cần nhất cho tình hình hiện nay.
Tôi đã cầu khẩn Chúa Thánh Thần theo ý của Mẹ.
Chúa Thánh Thần thương nghe lời Mẹ và con của Mẹ. Nên cho tôi thấy ơn cần nhất cho tôi lúc này, đó là biết đón nhận Chúa.
2. Nghĩa là Chúa không coi là quý những gì tôi làm, mà là những gì tôi đón nhận.
3. Thực vậy. Mỗi ngày Chúa muốn rót vào lương tâm tôi những ơn cần thiết, để tôi biết phân định tốt xấu, đúng sai, cái nên và cái không nên, nhờ đó mà sống tốt, trở nên con Chúa.
4. Chúa muốn ban nhiều ơn. Nhưng điều cần đặt ra là tôi có đón nhận các ơn Chúa muốn ban cho tôi không.
5. Nghĩa là biết đón nhận mới là điều quan trọng. Mà không biết đón nhận, thì lại là thái độ rất thường xảy ra.
6. Xưa, khi Chúa Giêsu xuống thế, muốn ở giữa nhân loại, để cứu nhân loại. Nhưng biết bao người đã không đón nhận Ngài.
Bây giờ cũng vậy. Rất có thể là chính tôi cũng thế.
7. Nếu tôi tất bật lo làm các việc mà tôi tưởng là làm cho Chúa, còn chính Chúa thì tôi lại không đón tiếp Ngài, thì vô cùng là sai.
8. Chúa Giêsu đã nói rất rõ: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.
“Ai không ở lại trong Thầy, thì sẽ bị quăng ra ngoài như cành nho khô héo.” (Ga 15,5-6)
9. “Ở lại trong Thầy”, đó là điều chính Chúa Giêsu đã nói. Thế mà biết bao ngày, tôi đã vô tình không ở lại trong Chúa.
10. Từ khi tôi biết ở lại trong Chúa, tôi mới khám phá thấy niềm vui ở lại trong Chúa là một sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng.
11. Đó là một lựa chọn đúng. Và đó cũng là một thách đố, cần phải phấn đấu.
12. Hơn nữa, đó cũng là điều Chúa Thánh thần muốn Hội Thánh hôm nay thực hiện, để rao giảng ơn cứu độ cho tình hình nguy hiểm hiện nay.
13. “Biết đón nhận Chúa”. Bao người hiện nay không biết đón nhận Chúa, thậm chí còn không muốn đón nhận Chúa.
Thế là chúng ta càng cần phải coi việc đón nhận Chúa là một ơn gọi quý giá Chúa trao ban.
14. Riêng đối với tôi, Chúa đã đến bằng nhiều cách.
15. Có lúc Chúa đến với hình dáng kẻ vác thánh giá, máu me tràn trề. Tôi đã đón nhận Chúa bằng tất cả niềm tin.
16. Có lúc Chúa lại đến với hình dáng đấng an ủi, đồng hành với tôi trong cảnh tôi rơi vào cảnh lo âu, sợ hãi. Tôi đã đón nhận Chúa bằng tất cả tấm lòng biết ơn và phó thác.
17. Có lúc Chúa đến với tôi dưới hình dáng một kẻ thiếu thốn, xin tôi giúp đỡ. Tôi đã đón nhận Chúa bằng tất cả tấm lòng xót thương, chia sẻ cho Ngài những gì tôi có.
18. Nghĩa là Chúa đến với tôi dưới nhiều hình thức. Để biết đón Ngài, tôi cần tỉnh thức và cầu nguyện. Với mục đích đó, tôi hay cầu khẩn Chúa Thánh Thần.
19. Chúa Thánh Thần đến ban cho tôi tinh thần biết đón nhận và biết cho đi những gì mình đã đón nhận.
20. Biết đón nhận và biết cho đi như thế mà thấy vui, cho dù không ai nhìn thấy, chỉ Chúa thấy mà thôi.
Chúa nhìn chúng ta với tất cả tình thương cứu độ. Cái nhìn của Chúa dành cho chúng ta thực là một ơn vô cùng cao quý. Xin hết lòng cảm tạ Chúa. Alleluia.
Để được ơn khiêm nhường, chúng ta cần trở về nguồn. Nguồn nói đây là nơi tuôn chảy ra ơn thánh Bùi-Tuần 2109
Để được ơn khiêm nhường, chúng ta cần trở về nguồn.
Nguồn nói đây là nơi tuôn chảy ra ơn thánh cứu độ, nơi mạc khải Thiên Chúa là tình yêu, nơi toả sáng các nhân đức quan trọng, cần thiết cho những ai đi theo Đấng Cứu thế.
Nguồn đó chính là Chúa Giêsu.
Như thế, trở về nguồn là trở về với Chúa Giêsu. Cụ thể như: Lại gần Ngài, ở lại bên Ngài, thinh lặng lắng nghe tâm tình của Ngài, tạ ơn Ngài, cầu nguyện với Ngài.
Chắc chắn là chẳng ai trở về với Ngài, mà lại bị Ngài ruồng bỏ. Trái lại, cho dù chúng ta là người đầy tội lỗi, chúng ta vẫn có quyền tin rằng: Chúng ta được Ngài thương yêu, được Ngài tha thứ, được Ngài đón nhận. Miễn là chúng ta hết sức chân thành. Nhất là chân thành xin vâng ý Chúa.
Vậy ý Chúa là thế nào?
Tôi có cảm tưởng là: Nếu chúng ta hỏi Chúa điều đó, thì Chúa sẽ không trả lời ngay đâu. Nhưng trước hết, Chúa đòi ta phải có những điều kiện căn bản đã. Theo tôi thì:
Điều kiện thử nhất là khiêm nhường. Điều kiện thứ hai là khiêm nhường. Điều kiện thứ ba cũng là khiêm nhường.
Thực vậy, khi trở về nguồn, chúng ta sẽ thấy khiêm nhường là phong cách lạ lùng Chúa Gièsu đã chọn để thực hiện chuơng trình cứu độ.
Khiêm nhường khi giáng sinh tại Belem. Khiêm nhường khi trốn sang Ai Cập. Khiêm nhường trong 30 năm sinh sống ở Nagiarét. Khiêm nhường trong ba năm ngược xuôi rao giàng. Nhất là khiêm nhường trong cuộc thương khó.
Phải rat khiêm nhường mới có thể vâng phục ý Chủa Cha đến cùng.
Phải rất khiêm nhường mới có thể yêu thương con người đến cùng
Do dó, khiêm nhường là điều ít nguười muốn chọn, bởi vì khó chọn. Ngay trong tuần thánh, chúng ta đã thấy: Một người sau này sẽ giữ vai trò lãnh đạo Hội Thánh, tức thánh Phèrô, cũng phản đối quyết liệt sự chon lựa quá khiêm nhường của Chúa Gièsu.
Khi thấy Chúa Giêsu quỳ gỗi xuống rửa chân cho các môn đệ, thánh Phêrô đã cực lực choi từ. Ngài cho việc làm khiêm nhường như vậy là không đúng, không hợp với bậc thầy. Nhung Chúa vẫn cử làm, sau khi giải thích.
Khi thấy đoàn người đến bắt Chủa Gièsu, thánh Phêrô đã cương quyết ra tay chống lại. Ngài cho rằng thầy không nên để mình bị nhục như thế. Nhưng Chúa Giêsu đã cử để mình bị bắt, sau khi trách mắng Phêrô.
Thế rồi, trong khi bị hạch hỏi, bị đánh đập, bị xỉ vả, bị kết án, Chúa Giêsu vẫn một mực khiêm tốn. Khiêm tốn trong lời nói. Khiếm tồn trong thái độ. Khiêm tổn trong cái chết. Và khiếm tồn cả khi sống lại.
Tôi nghĩ là: để khiêm tốn lâu dài, khiêm tốn khắp nơi, khiêm tổn đến tận cùng như vậy, thì phải có sức mạnh thiêng liêng phi thường.
Với đức khiêm nhường, Chúa Giêsu đã đưa ra một cách mới trong việc sử dụng quyền bính. Đối với Ngài, sử dụng quyền bính là sử dụng tình thương. Mà đối với Ngài, thương là thương đến cùng. Mà đối với Ngài, thương đến cùng là tự hạ, tự nguyện làm người hầu hạ, đến một lúc nào đó dám tự nguyện chết đi.
Như thế, khiêm nhường là con đường minh chứng. Chúa. Giêsu minh chứng Ngài tuyệt đối vâng phục ý Chúa Cha.
Như thế, khiêm nhường là con đường trao tặng. Chúa Giêsu trao tặng chính mình như một của lễ đền tội.
Như thế, khiêm nhường là con đường hy vọng. Chúa Giêsu cho thấy ai khiêm nhường chắc chắn sẽ đi tới phục sinh.
Như thế, khiêm nhường là con đường đón nhận. Chúa Giêsu sẽ đón nhận bất cứ những ai biết mình bé nhỏ, tội lỗi, bất xứng, hết sức khiêm nhường, không dám kết án ai, để khỏi bị Chúa kết án.
Khi ngắm nhìn gương khiêm nhường của Chúa Giêsu trong tuần thánh, tôi thấy sự khiêm nhường của Chúa Giêsu chính là câu trả lời cho những thao thức của chúng ta, về mình, về gia đình, về quê hương, về Hội Thánh.
Nhiều khi chúng ta có những lo toan chính đáng. Và để giải đáp, chúng ta có những lựa chọn mà chúng ta tưởng là tốt. Nhưng, đó là ý riêng ta. Còn ý Chúa thì lại khác. Để đón nhận được ý Chúa và tuân phục ý Chúa, chúng ta rất cần khiêm nhường. Những tâm hồn tự mãn, kiêu căng sẽ không bao giờ là đất tốt để cho Ý Chúa gieo vào đó nẩy mầm sinh cây được.
Với nhận thức như trên, chúng ta trở về Nguồn là Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc chúng ta bằng sự khiêm nhường. Cúi xin Ngài thương xót chúng ta, giúp chúng ta biết khiêm nhường.
Để biết khiêm nhường, chúng ta cần phải có ơn Chúa: ơn thông thường và ơn khác thường. Nhờ đó, chúng ta sẽ biết vâng phục ý Chúa Cha và biết yêu thương người khác như Chúa đã yêu thương chúng ta.
Tuần tĩnh tâm sau cùng của các linh mục Long Xuyên là tháng 3-1983. Như vậy là hơn hai năm Bùi-Tuần 2110
Tuần tĩnh tâm sau cùng của các linh mục Long Xuyên là tháng 3-1983. Như vậy là hơn hai năm, chúng ta nay mới lại gặp nhau để cấm phòng chung.
Chúng ta cám ơn Chính Quyền và Ủy Ban Mặt Trận 3 tỉnh, Huyện, Thị, Xã, đã cho phép và giúp đỡ chúng ta.
Chúng ta cấm phòng lần này trong tình thế mới. Thí dụ: Tiền ta tiêu là tiền mới, giá các đồ tiêu dùng là giá mới, các cửa hàng bán đã có những sắp xếp mới, lương bổng là lương bổng mới, cách làm ăn ở thành thị và ở nông thôn cũng là cách làm ăn mới.
Một tình hình đổi mới như thế đòi ta phải có những suy tính mới, những thích ứng mới. Chẳng hạn: Nếu ai bây giờ ra bến xe, cứ mua vé theo giá cũ, với tiền cũ, thì không những không xe nào chở họ, mà còn có thể bị truy tố nữa.
Một tình hình đổi mới như vậy có miễn cho ta khỏi có những suy nghĩ mới về mặt sống đạo không. Tôi tin là không miễn. Trái lại, ta sẽ rất dại dột, nếu ta tưởng rằng tình hình mới sẽ không ảnh hưởng gì đến đạo. Ta sẽ rất dại dột nếu ta tưởng rằng, ta có quyền và có thể duy trì được mọi nếp sống đạo y như trước kia.
Ta biết: Xưa Chúa giêsu đã nhập thể, đã đồng hành, đã nên giống con người cụ thể. chứ Ngài không đến và ở giữa dân Do thái như một người nước ngoài, như một người lạc lõng đứng bên lề xã hội. Cách sống của Chúa, lời giảng của Chúa, sinh hoạt của Chúa đã hòa vào hoàn cảnh đất nước quê hương, đã rất sát thực tại cuộc sống đồng bào mình.
Nay cũng vậy, người mục tử của Chúa Giêsu đang ở giữa một đoàn chiên đổi mới về mọi mặt, và chính người mục tử cũng đang được đổi mới. Vậy ta không thể làm khác Chúa Giêsu được. Ta cần phải có một chủ trương đường lối nhập thể, cởi mở như Chúa Giêsu.
Tôi nói là cần có một chủ trương đường lối như thế. Rồi từ chủ trương đường lối đó, mỗi người phải suy nghĩ, tìm tới nhửng chi tiết áp dụng sao cho thích ứng với hoàn cảnh cụ thể của mình.
Chúng ta không nên chờ đợi và đòi hỏi ở giáo quyền những chỉ thị, những hướng dẫn về chi tiết mục vụ. Mục vụ là chăn nuôi, là chăm sóc, chứ không phải là những công việc hành chánh, linh mục đoàn là một gia đình thiêng liêng, trong đó mỗi linh mục là những mục tử trưởng thành, chịu trách nhiệm lấy đoàn chiên của mình theo những bổn phận và quyền lợi vốn ghi sẵn trong giáo luật.
Một người mẹ nuôi con, chăm sóc con, mà biết tháo vát, xoay xở linh động, thì đó là người mẹ tốt. Kẻ làm mục tử cũng vậy.
Với ý thức đó, tuần tĩnh tâm linh mục nhắm mục đích rõ, đó là: Bồi dưỡng tinh thần mục tử, để người mục tử có nhiều khả năng phục vụ trong tinh thần: Tốt đời, đẹp đạo.
Trong mục đích đó, chương trình cấm phòng gồm những việc đạo đức như sau:
- Thánh lễ, có gợi ý sau Phúc âm. - Bài giảng theo đề tài đức tin. - Kinh, tức lần chuỗi, kinh nhật tụng, viếng đàng thánh gía. - Tọa đàm về mục vụ.
Cùng với những việc đạo đức đó, tôi xin anh em hãy giữ một tinh thần đạo đức trong cách sống của mình. Trước hết trong lời nói, tuyệt đối không được nói gì có tác động gây hại cho trật tự an ninh xã hội và uy tín của chính quyền, hoặc cho một cơ quan nào. Tuyệt đối không được nói xấu kẻ vắng mặt. Về họp riêng, thì chỉ họp riêng từng hạt, không nên họp nhóm này gốc nọ. Ngoài ra, xin anh chị em nghĩ tới các nạn nhân bão lụt Bình Trị Thiên và Miền Bắc, với những chia sẻ cụ thể và quảng đại.
Uỷ ban mặt trận tỉnh An Giang có hứa sẽ tới thăm chúng ta, và sẽ nói chuyện về một số vấn đề.
Kết qủa tuần phòng cho mỗi người chúng ta sẽ một phần lớn do thái độ tham dự của chúng ta. Nếu có thái độ khao khát gặp chúa, nếu có thái độ khiêm nhường muốn được đổi mới tâm hồn, nếu có thái độ đơn sơ dễ dàng tiếp thu thì kết qủa chắc chắn sẽ tốt.
Chúng ta cầu nguyện cho nhau, để tất cả những linh mục giáo phận Long Xuyên ta, không trừ ai, đều được Chúa thăm viếng cách riêng trong dịp tĩnh tâm này, hầu danh Chúa được cả sáng. Tổ quốc được bình an thịnh vượng. Amen.
Ta vừa nghe Phúc âm (thứ hai sau CN 31 QN) dạy ta rằng: Khi dọn tiệc, thì đừng mời bạn hữu Bùi-Tuần 2111
Ta vừa nghe Phúc âm (thứ hai sau CN 31 QN) dạy ta rằng: Khi dọn tiệc, thì đừng mời bạn hữu, bà con, láng giềng giàu có, nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt. Thế thì lát nữa đây, bữa cơm tối của chúng ta có kể vào trong cái diện mà Chúa nói đó không? Tôi thiết nghĩ là không. Bởi vì bữa cơm của ta không phải là tiệc tùng gì. Ngoài ra, nếu mời bất cứ ai, thì sẽ đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, không những không lợi, mà còn có hại cho mục vụ nữa.
Vậy, điều mà tôi nhìn thấy trong bài Phúc âm hôm nay là cái hướng cởi mở của mục vụ.
Hồi đó, nhiều người đứng đầu tôn giáo có thói quen trọng phú khinh bần. Mục vụ của họ có vẻ đóng lại về phía người nghèo. Chúa Giêsu không chấp nhận thói quen đó. Ngài cởi gỡ cái não trạng sai trái về giai cấp, và mở con đường mục vụ hướng về những người nghèo khổ. Lập trường này đã được Chúa Giêsu khẳng định ngay từ những bài giảng thứ nhất của Ngài: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Người đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người bệnh tật".
Người nghèo túng, khổ đau, đó là đối tượng ưu tiên của mục vụ Chúa Cứu Thế. Điều đó Chúa đã nói qua sách Phúc Âm. Và nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa trong lịch sử hôm nay, ta cũng sẽ thấy Chúa đang nói điều đó qua chính thực tại cuộc sống.
Hiện nay, dân ta đang nghèo, do hậu quả chiến tranh và thiên tai nhiều thứ. Thế thì mục vụ của ta tất nhiên phải là một mục vụ có nhiều tính cách hướng về người nghèo khổ, thích hợp với người nghèo khổ, có nhiều khả năng phục vụ người nghèo khổ.
Một mục vụ như thế sẽ phải làm sao? Tôi không có tham vọng phác họa một chương trình cụ thể. Chỉ xin đưa ra mấy gợi ý sau đây:
1/- Mục vụ hướng về người nghèo khổ muốn ta chia sẻ của cải, công sức của ta cho người nghèo khổ, với mục đích nâng cao đời sống nhiều mặt của họ lên. Sự chia sẻ của ta tất nhiên phải được thực hiện trong tình bác ái, sáng suốt và bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều linh mục giáo phận ta đã có những sáng kiến về việc nâng cao kinh tế gia đình và trình độ văn hóa của địa phương mình. Tôi thấy đó là những sáng kiến tốt, đúng hướng mục vụ.
2/- Mục vụ hướng về người nghèo muốn ta chia sẻ phần nào trong chính bản thân mình những khổ cực xót xa của thân phận kẻ nghèo túng, kẻ đau ốm, kẻ bị khinh chê cô độc. Tôi thấy nhiều người trong chúng ta đã, đang và sẽ thực hiện yêu cầu mục vụ này một cách quảng đại theo gương Chúa Giêsu.
3/- Mục vụ hướng về người nghèo khổ muốn ta sắp xếp các sinh hoạt tôn giáo và linh động trong những điều kiện có thể, để người nghèo khổ dễ được an tâm trong việc giữ đạo. Đừng để những người vốn đã khổ vì gánh nặng cuộc sống là cảnh nghèo túng, lại phải khổ thêm do một gánh nặng khác là những khắt khe giả tạo của tôn giáo.
Ba gợi ý trên đây có thể được triển khai nếu chúng ta muốn.
Tháng ba vừa rồi, tại Rôma, có tổ chức tuần tĩnh tâm cho các giám mục, linh mục, tu sĩ, khoảng 7.000 người tham dự. Có nhiều vị giảng phòng. Nhưng có một vị đã rất được hoan nghênh, rất được ái mộ, rất gây ảnh hưởng. Vị đó là mẹ Têrêxa Calcutta. Với bộ áo nghèo của nữ tu Ấn-độ, bà nói một cách rất khiêm tốn về những công tác phục vụ người nghèo của bà. Bà đã đi nhiều nơi, nhiều nước. Bà không giảng đạo không đòi quyền lợi cho Hội Thánh. Bà chỉ xin được giúp người nghèo, lo cho người nghèo. Có thế thôi. Nhưng với chừng ấy mà thôi, mẹ Têrêxa đã đem lại cho bao tâm hồn sự vui mừng cao thượng. Theo tôi suy nghĩ, sở dĩ tình bác ái của mẹ Têrêxa Calcutta đã sinh được nhiều kết quả phi thường, chính vì tình bác ái đó đã có sự đậm đà và trong sáng của đức hiền lành và khiêm tốn của một trái tim giống Chúa Giêsu.
Với tấm gương của mẹ Têrêxa Calcutta tôi xin kết thúc những lời nói chân thành của tôi để mỗi người chúng ta sẽ tiếp tục suy nghĩ trong thinh lặng về hướng đi mục vụ của mình do bài Phúc âm hôm nay gợi ý.
Ngày thứ nhất Tuần tĩnh tâm Linh mục, ngày 4/11/1985
Thời Chúa Giêsu, giữa những người ngoài đạo và những người trong đạo có một sự dè dặt quá Bùi-Tuần 2112
Thời Chúa Giêsu, giữa những người ngoài đạo và những người trong đạo có một sự dè dặt quá đáng rõ rệt. Hay nói chuyện với người ngoài đạo cũng bị nghi ngờ. Vào nhà người ngoài đạo ngày thứ bảy cũng bị phê phán. Lý do dè dặt là sợ lây những tư tưởng và thói quen mà mình cho là không tốt. Dầu là sự dè dặt như thế gây thành một thứ mặc cảm tự tôn, đầy kiêu căng tự đắc, muốn đóng cửa tôn giáo lại, hạn chế liên hệ với người ngoài đạo.
Chúa Giêsu nhận thấy tình trạng đó là không đúng tinh thần đạo Chúa. Ngài tháo gỡ não trạng khép kín đó, và mở đường cho một mục vụ hướng về những người ngoài đạo.
Phúc âm (thứ ba sau CN 31 QN) ta vừa nghe nói lên sự cởi mở đó. Phúc âm nói: Có vô số người nghèo túng, bệnh tật được mời. Ngoài ra còn có vô số những người đứng ngoài đường, ngoài ngõ cũng được mời dự tiệc nước Chúa.
Khi đề cập đến mục vụ hướng về những người ngoài đạo, một số người vẫn chủ trương là phải giảng đạo cho họ, là phải lôi kéo họ vào đạo. Phần tôi lại nghĩ khác.
Đọc Phúc âm và Công đồng Vatican II, tôi thấy điều quan trọng nhất trong mục vụ này chính là sự khiêm tốn. Người làm mục vụ này phải rất khiêm tốn, phải khiêm tốn môt cách rất chân thành. Nói gì, làm gì, đều phải trong tinh thần khiêm tốn của Chúa Giêsu.
Đối với những người ngoài đạo, Chúa Giêsu đã luôn luôn khiêm tốn. Tôi xin nêu lên mấy thái độ sau đây:
1/- Thái độ thứ nhất của Chúa Giêsu là kính trọng họ.
Chúa Giêsu đã có thái độ kính trọng họ, đến mức độ làm bao người phải ngạc nhiên. Trong Phúc âm, ta thấy nhiều người được Chúa Giêsu đề cao, coi như gương sáng, coi như tiêu biểu, coi như mẫu mực, lại chính là người ngoại đạo. Về đức tin, Chúa đã đề cao viên đại đội trưởng. Về đức bác ái, Chúa đã đề cao người Samaria chăm sóc kẻ bị thương nằm bên đường. Về tinh thần cầu nguyện, Chúa đề cao người thu thuế.
2/- Thái độ thứ hai của Chúa Giêsu là chọn họ.
Đọc bài Phúc âm hôm nay, rồi lại nhớ lại bài Phúc âm thứ hai tuần trước (Lc 13,22-30), tôi thấy Chúa nói rõ ý Chúa sẽ chọn vô vàn dân ngoại vào nước Chúa. Điều đó làm tôi vui mừng. Nhưng Chúa cũng nói rõ ý Chúa là sẽ loại vô số người có đạo ra khỏi nước Chúa. Điều đó làm tôi lo ngại nhiều lắm. Chúa nói rõ: Rồi đây vô số người trong đạo sẽ đến gõ cửa Thiên đàng nhưng Chúa sẽ trả lời: Không biết họ từ đâu tới. Đang khi đó, vô vàn người ngoại đạo, từ đông sang tây, từ bắc chí nam, sẽ được đón vào dự tiệc trong Nước Trời. Suy nghĩ kỹ những lời cảnh cáo đó, ta sẽ thấy ngột ngạt và không thể không chịu khiêm tốn tự hạ mình xuống.
3-/ Thái độ thứ ba của Chúa Giêsu là phục vụ họ bằng những việc chan chứa tình người.
Ngài chữa bệnh cho họ, cung cấp của ăn cho họ, thăm viếng họ, ủi an họ, bênh đỡ họ. Những đối xử giàu tình người, những hiện diện vì tình người, những chia sẻ với tình người. Đó là ngôn ngữ dễ hiểu nhất của Tin Mừng Cứu độ. Tôi thấy cha Charles de Foucauld và từng ngàn người theo bước chân cha Charles đã và đang áp dụng thứ mục vụ lặng lẽ đó, như Chúa Giêsu đã làm một cách đặc biệt suốt 30 năm ở Nazaret.
Theo tạp chí Pro Mundi Vita 2/3/1984 thì hiện nay dân số toàn cầu là 4 tỷ 500 triệu. Trong đó có 795 triệu là công giáo. Tỷ số 17% . Riêng Á Châu, dân số là 2 tỷ 675 triệu. Trong đó có 64 triệu 500 ngàn là công giáo. Tỷ số 2% . Những con số đó cũng sẽ giúp ta khiêm tốn.
Trong tin thần khiêm tốn, mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ thêm về đường lối mục vụ, mà bài Phúc âm hôm nay đã soi sáng.
Ngày thứ hai tuần tĩnh tâm linh mục, ngày 5/11/1985.
Các vấn đề mục vụ đều không dễ. Nhưng có một vấn đề phải nhận là rất khó, đó là vấn đề đối Bùi-Tuần 2113
Các vấn đề mục vụ đều không dễ. Nhưng có một vấn đề phải nhận là rất khó, đó là vấn đề đối xử với người đối nghịch.
Thời Chúa Giêsu, dân chúng quen đối xử với nhau theo đường lối cứng rắn: Răng đền răng, mắt đền mắt. Ai đối nghịch với mình thì mình đối nghịch lại. Ai đương đầu với mình thì mình cũng đương đầu lại. Với chủ trương như thế, bất cứ đụng chạm nào cũng dễ khóa lòng người lại, để rồi các liên hệ dù tốt đẹp nhất, quan trọng nhất cũng sẽ mau bị hủy hoại.
Đứng trên lãnh vực mục vụ, Chúa Giêsu thấy cách đối xử như thế là không tốt. Ngài tháo gỡ cái não trạng thích đối đầu đó và dạy người làm mục vụ hãy mở lòng mình ra, hướng về những người đối nghịch. Để làm gì? Thưa là để tìm cách hòa giải.
Phúc âm hôm nay (thứ tư sau CN 31 QN) gợi ý điều đó, khi Chúa nói dụ ngôn người đem quân đi đánh đối phương, nhưng nửa đường suy tính lại, tìm cách nào bớt hại nhất, và đã chọn giải pháp hòa giải.
Hòa giải là một vấn đề, mà người làm mục vụ hay giảng khuyên người khác một cách dễ dàng và trôi chảy, nhưng khi chính mình phải hòa giải, thì không luôn luôn trôi chảy dễ dàng. Có những trục trặc do người khác. Có những trục trặc do hoàn cảnh. Và cũng có những trục trặc do chính mình ta. Chính thế mà hòa giải là một vấn đề cần được đặt đi đặt lại nhiều lần. Bởi vì, trong khi đặt lại với thiện chí mới, với cố gắng mới, với não trạng mới, với hoàn cảnh mới, thì vấn đề có thể sẽ sáng tỏ hơn, sẽ dễ giải quyết hơn.
Tôi xin đưa ra vài thí dụ trong lịch sử Hội Thánh:
- Ngày 7-12-1965, vào cuối Công đồng Vatican II đã có những nghi lễ và trao đổi văn thư giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ giáo chủ Constantinople, để chính thức xóa bỏ các vạ tuyệt thông năm 1054 giữa sứ thần Tòa thánh Humbert de Silva Candida và Đức Thượng phụ Constantinople Michel Cérulaire. Đức Phaolô VI đã có thái độ hòa giải đó, bởi vì Ngài nhận thấy Tòa thánh Rôma không phải là không có phần trách nhiệm trong việc đổ vỡ giữa hai Giáo hội.
- Rồi năm 1967, Đức Phaolô VI đã chủ động đích thân bay sang Istanbul thăm Đức Giáo chủ Giáo Hội Đông phương. Đức Phaolô VI đã có thái độ hòa giải đó, bởi vì Ngài thấy một trong những lý do đưa tới đổ vỡ giữa hai giáo hội là vì một số Giáo hoàng Rôma thời xưa đã hay sắp xếp việc đạo trực tiếp với Vua thượng vị Constantinople, không đếm xỉa gì tới Đức Thượng phụ, khiến các Đức Thượng phụ bất bình.
- Rồi ngày 25-7-1967, Đức Phaolô VI đã trao cho Đức Giáo chủ Athénagoras văn thư "An no Ineunte", trong đó lần đầu tiên Tòa thánh gọi các Giáo hội ly khai là các Giáo hội chị em, chứ không xưng mìmh là Giáo hội mẹ như trước nữa. Đức Phaolô VI đã viết như thế, để tự hạ và nâng các Giáo hội ly khai lên, hy vọng xóa được những mặc cảm gây cản trở cho sự hòa giải.
- Rồi ngày 14-12-1975, trong thánh lễ tại điện Sixtine, Đức Phaolô VI đã qùi gối hôn chân Đức Tổng giám mục Mélitom de Chalcédoine đại diện Đức Giáo chủ Dimitrios I, Đức Phaolô VI đã có thái độ hòa giải đó để rửa cái vết thương lịch sử năm 1438, khi tại Công đồng Ferrare, Toà thánh Rôma đã khăng khăng đòi phái đoàn Giáo hội Đông phương đến hoà giải phải quì gối xuống hôn chân Đức Giáo Hoàng Eugeniô IV, và phái đoàn đã từ chối, để rồi từ đó tình hình chia rẽ càng ngày càng tệ hại hơn.
Những chi tiết hoà giải phải có tính cách lịch sử tôi vừa kể trên đây cho ta thấy hai điều này:
- Một là hòa giải phải bắt đầu bằng những thái độ yêu thương khiêm tốn, trước khi nói tới chuyện ai phải ai trái. Nhiều khi đổ vỡ là do vấn đề tâm lý hơn là do vấn đề tư tưởng. Cũng vậy, hòa giải cũng phải giải quyết bằng tâm lý, chứ không phải chỉ bằng tư tưởng và quyền lợi.
- Hai là hòa giải đối với ta là vấn đề mục vụ, có nghĩa là ta nên chủ động, và phải sẵn sàng chịu phần thua thiệt, miễn là đạt được lợi ích cao hơn, đó là sự thuận hòa, sự thương yêu, sự hiệp nhất, sự đoàn kết, nhờ đó mà cắt được gương mù chia rẽ, hận thù rất hại cho mục vụ, rất phản bội Tin Mừng Cứu độ.
Xin Chúa Thánh Linh giúp ta trở thành những con người hòa giải.
Ngày thứ ba tuần tĩnh tâm linh mục, ngày 6/11/1985
Bài Phúc âm hôm nay (thứ năm sau CN 31 QN) nói tới kẻ tội lỗi trở về. Tự nhiên tôi nghĩ tới Bùi-Tuần 2114
Bài Phúc âm hôm nay (thứ năm sau CN 31 QN) nói tới kẻ tội lỗi trở về. Tự nhiên tôi nghĩ tới tôi, tới anh em và các tu sĩ, tới mọi giáo dân trong địa phận. Tôi nhìn tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi. Và tôi ao ước mỗi người chúng ta đều được trở về bên Chúa.
Tôi hiểu sự trở về là một sự đổi mới não trạng, đổi mới tâm hồn, đổi mới nếp sống, nên công bình hơn, nên bác ái hơn, nên khiêm tốn và khôn khéo hơn. Chứ trở về không có nghĩa chỉ là sự đi xưng tội rước lễ và năng lui tới nhà thờ.
Bài Phúc âm hôm nay cho ta thấy phải vất vả nhiều lắm mới có được một sự trở về. Bài Phúc âm hôm nay cộng với kinh nghiệm mục vụ cho ta thấy cái chìa khóa tốt nhất của sự trở về.
Nhiều khi ta tưởng những lời giảng khuyên giục giã là chìa khóa tốt nhất của sự trở về, nên ta chủ trương phải nói nhiều, phải giục cho mạnh, phải giảng cho lâu. Thế nhưng bao người vẫn không hề đổi mới.
Nhiều khi ta tưởng những sinh hoạt tôn giáo vui tươi rầm rộ là chìa khóa tốt nhất của sự trở về, nên ta chủ trương gây dựng và duy trì tối đa những sinh hoạt như thế. Thế nhưng bao người vẫn không hề đổi mới.
Nhiều khi ta tưởng thuộc lòng nhiều kinh nhiều câu lẽ đạo, là chìa khóa tốt nhất của sự trở về, nên ta chủ trương bắt học thuộc lòng nhiều điều mà chính ta cũng không thể thuộc lòng. Thế nhưng bao người vẫn không hề đổi mới.
Vậy đâu là chìa khóa tốt nhất của sự trở về? Theo tôi thì chìa khóa tốt nhất của sự trở về chính là thánh giá.
Khi xem xét sự trở về của chính mình và của nhiều người khác, tôi thấy có ba thánh giá đã cùng mở nguồn ơn thánh giúp ta trở về.
I- Thánh giá thứ nhất là những khổ đau của chính mình.
Khi ta đau bệnh, khi ta cơ cực, khi ta bị thất bại, bị khinh chê, bị hiểu lầm, bị bỏ rơi, bị mất mát, khi ta bị muôn vàn lo âu sợ hãi giày vò, khi ta bị tước đoạt tất cả những gì ta thường bám víu, khi ta bị ném xuống vực thẳm bơ vơ cô độc... Những tình trạng như thế chính là thánh giá. Nếu biết dùng, thì thánh giá đó có sức mạnh lớn lao để đổi mới tâm hồn, đổi mới não trạng, đổi mới nếp sống. Chính vì thế mà tôi mừng cho những ai biết vác thánh giá, và tôi lo cho những ai thích hãnh diện vì luôn tránh được thánh giá.
II- Thánh giá thứ hai là những khổ đau của người khác.
Chung quanh ta có bao nhiêu người đang vác thánh giá. Nếu ta biết đau cái đau của họ, biết buồn cái buồn của họ, biết khổ cái khổ của họ, thì sự hiệp thông đó, cùng với những thánh giá của họ, cũng sẽ là chìa khóa tốt mở ra nguồn ơn thánh giúp ta và nhiều người trở lại. Chính vì thế mà tôi mừng, khi thấy ai có tâm hồn tế nhị hay thông cảm và hiệp thông với những khổ đau của kẻ khác. Trái lại, tôi lại ngại khi thấy ai lạnh lùng, chai đá, vô tâm, khép kín, nhất là thái độ vui mừng do ác ý trước những khổ đau của người khác. Họ không có chìa khóa cho sự trở về.
III- Thánh giá thứ ba là những khổ đau của Chúa Cứu Thế.
Đây là chìa khóa chính của sự trở về. Ta biết Chúa giải cứu con người bằng Lời Chúa. Nhưng lời Chúa đã nhuộm trong máu Chúa, lời Chúa đi kèm với cuộc khổ nạn của Chúa, chứ không phải chỉ là lời nói suông. "Sự cứu rỗi của ta là thập giá Đức Kitô". Đó là một tuyên xưng tôi không bao giờ quên. Vì thế, khi tôi khổ đau, và khi tôi thấy người khác khổ đau, tôi hay đem những khổ đau đó hòa vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Và tôi thấy có sự bình an mới trong tâm hồn, có sự thông hiểu mới về Chúa, có cái nhìn mới về tha nhân. Đó là sự trở về.
Rồi đây, nhiều người trong chúng ta sẽ được Chúa trao cho những thánh giá khác nhau. Đừng ở trên thánh giá với lòng kiêu căng, hằn học như người trộm dữ xưa, kẻo rồi thánh giá đó trở thành chìa khóa đóng cứng thêm cửa lòng mình lại. Hãy ở trên thánh giá với tâm hồn yêu thương, hiền lành và khiêm tốn, thì thánh giá trở thành sự trở về cho chính mình và cho các linh hồn.
Đứng trước thánh giá, ta đừng kiêu căng nói mình không sợ. Chúa Giêsu cũng đã rất sợ thánh giá, muốn tránh thánh giá. Chính sự sợ hãi đó nói lên sự khiêm nhường rất cần thiết cho thái độ chịu đau khổ.
Xin Chúa Cứu Thế thương giúp ta biết vác thánh giá, biết ở trên thánh giá, biết tháp thánh giá của ta vào thánh giá Chúa Kitô, để trở thành chìa khóa mở nguồn ơn thánh cho các linh hồn.
Ngày thứ tư tuần tĩnh tâm linh mục, ngày 7/11/1985
Bài Phúc âm hôm nay (thứ sáu sau CN 31 QN) nói về ông chủ và người quản lý. Một chi tiết Bùi-Tuần 2115
Bài Phúc âm hôm nay (thứ sáu sau CN 31 QN) nói về ông chủ và người quản lý. Một chi tiết của bài Phúc âm kéo chú ý của tôi, đó là sự ông chủ khen ngợi đức tính khéo léo của người quản lý. Chi tiết đó gợi cho tôi thấy: Khéo léo là một đức tính quan trọng của người cộng tác mục vụ.
Trong mục vụ của Chúa Kitô, những người cộng tác là chính chúng ta và một số người phụ tá cho chúng ta. Tất nhiên người cộng tác mục vụ cần nhiều đức tính. Nhưng hiện nay, sự khéo léo được kể như một yêu cầu quan trong bậc nhất.
Khéo léo không phải là một phán đoán trên nguyên tắc theo lý thuyết, nhưng là một phán đoán thực tiễn trên một sự kiện, một hoàn cảnh nhất định. Thí dụ, bài Phúc âm hôm nay là một đề tài. Nếu mỗi người chúng ta đều soạn đề tài này thành bài giảng, thì các nội dung có thể sẽ rất khác nhau. Có nội dung bám sát cuộc sống. Có nội dung trôi nổi trên lý thuyết xa vời. Theo đó ta sẽ thấy được trong các nội dung có sự khéo léo hay không, nhiều hay ít. Trong các hoạt động mục vụ khác cũng vậy.
Khéo léo là điều ai cũng muốn có. Nhưng làm sao để có? Mục vụ là một nghệ thuật hơn là một khoa học. Khoa học thì cần chính xác. Nghệ thuật thì cần khéo léo. Khéo léo nào cũng một phần do bẩm sinh, và một phần cũng do học hỏi, suy tìm. Về phương diện này, ai trong chúng ta cũng có hy vọng tiến bước được. Trong hy vọng đó, tôi xin đưa ra ba gợi ý về học hỏi suy tìm, để mong có được sự khéo léo mục vụ:
1/- Đối tượng thứ nhất ta nên học hỏi suy tìm, đó là Phúc âm.
Khuyên các Cha học hỏi Phúc âm, xem ra là lời khuyên dư thừa. Nhưng xin lỗi, vẫn có một số anh em chưa học hỏi đủ. Mục vụ là chăn nuôi, mà kho tàng lương thực là Phúc âm. Nếu ta ít tới đó để tìm kho tàng lương thực, thì e rằng lương thực mục vụ sẽ không đủ chất.
2/- Đối tượng thứ hai ta nên học hỏi suy tìm, đó là các văn kiện Công đồng Vatican II.
Cuối tháng này sẽ kỷ niệm 20 năm Công đồng Vatican II. Đã 20 năm rồi, Công đồng Vatican II đã mở một hướng đi thích hợp có khả năng phục vụ nhân loại một cách hữu hiệu hơn. Nhưng đối với nhiều người chúng ta, Công đồng Vatican II vẫn chỉ là một kỷ niệm đẹp, hơn là một nguồn sinh lực.
3/- Đối tượng thứ ba ta nên học hỏi suy tìm, đó là thực tại dân tộc và thế giới.
Ta chủ trương sống Phúc âm giữa lòng dân tộc. Chủ trương đó rất đúng. Nhưng dân tộc ta đang tiến bước trên chặng đường lịch sử mới với nền văn hóa mới, với nếp sống mới. Thực tại đó ta cần phải hiểu đúng, hiểu rõ, hiểu sâu rộng, để rồi bất cứ vấn đề mục vụ nào cũng sẽ phải suy nghĩ trong thực tại đó, với lòng yêu nước chân thành, với những hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, của từng thời gian. Nhờ đó mới hy vọng có được phần nào khéo léo trong mục vụ.
Tôi có cảm tưởng là nhiều linh mục hiện nay không quan tâm nhiều lắm đến việc học hỏi suy tìm. Do đó trình độ kiến thức về đạo, về đời có phần sút giảm, gây ảnh hưởng không tốt đến mục vụ. Nếu chân trời kiến thức của ta quá nhỏ, thêm vào đó lòng chúng ta cũng lại hẹp, thì tầm nhìn mục vụ của ta sẽ không xa, động lực mục vụ của ta sẽ yếu, và tất nhiên, các giải quyết mục vụ của ta khó mà khéo được.
Mục vụ của mỗi ngươì sẽ do chính mình chịu trách nhiệm lấy, phải do chính mình suy nghĩ lấy, phải do chính mình giải quyết lấy. Chính vì thế mà cũng cần học hỏi suy tìm. Nếu giàu thiện chí, ta sẽ làm được việc đó.
Lạy Chúa Giêsu là mục tử của chúng con, chúng con cảm tạ Chúa vì đã chọn chúng con, để cộng tác với Chúa trong mục vụ. Xin thương đến chúng con.
Ngày thứ năm tuần tĩnh tâm linh mục, ngày 8/11/1985
Công Đồng Vatican II, ngay đầu hiến chế "Lumen Gentium", đã gọi Hội Thánh "là dụng cụ và Bùi-Tuần 2116
Công Đồng Vatican II, ngay đầu hiến chế "Lumen Gentium", đã gọi Hội Thánh "là dụng cụ và là dấu chỉ của sự Hiệp nhất với Chúa và với con người". Câu đó tóm tắt chức năng, lý tưởng, phương hướng mục vụ của Hội Thánh.
Tôi xin mượn câu đó để cầu chúc mỗi người chúng ta: Chớ gì mỗi linh mục, mỗi giám mục chúng ta luôn luôn là dụng cụ và là dấu chỉ của sự hiệp nhất với Chúa. Chớ gì mỗi linh mục, mỗi giám mục chúng ta luôn luôn là dụng cụ và dấu chỉ của sự hiệp nhất trong nội bộ với nhau, trong đất nước với đồng bào với nhà nước, và trong thế giới với tất cả nhân loại năm châu.
Chớ gì khi thấy ta, khi nghe đến tên ta, người ta sẽ nói: Linh mục đó, giám mục đó là dụng cụ xây dựng hiệp nhất, linh mục đó, giám mục đó là dấu chỉ của sự hiệp nhất.
Ta đừng sống, đừng nói, đừng làm thế nào khiến người ta có lý để nói: Linh mục đó, giám mục đó là dụng cụ gây chia rẽ. Linh mục đó, giám mục đó là dấu chỉ của sự nghi kỵ, hận thù.
Để thực hiện một cách cụ thể cái khẩu hiệu "dụng cụ và dấu chỉ của sự hiệp nhất", tôi nghĩ tới cách sống đạo của những cộng đoàn thời Giáo Hội sơ khai. Nếp sống của họ có những đặc điểm này:
1.- Họ gắn bó với lời Chúa. 2.- Họ gắn bó với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh thể. 3.- Họ sống với nhau trong tình huynh đệ chan hòa. 4.- Họ lo phục vụ kẻ nghèo khổ. 5.- Họ cầu nguyện và nhấn mạnh đến sự thinh lặng trong phục vụ, như ngôn ngữ có nhiều khả năng nhất để diễn tả sự gặp gỡ Chúa.
Tôi thấy cách sống đạo trên đây đang được nhiều nơi trên thế giới thực hiện. Thực là nhẹ nhàng, mà trong sáng. Thực là đơn giản mà phong phú. Thực là sống động mà thích hợp.
Với cách sống đó, họ có nhiều khả năng trở thành dụng cụ và dấu chỉ của sự hiệp nhất với Chúa và với mọi người.
Ta trở về nhiệm sở như một dụng cụ và như dấu chỉ của sự hiệp nhất. ta ý thức như vậy. Và Chúa cũng đang và sẽ thanh luyện chúng ta, để giúp chúng ta thực hiện điều chúng ta mong muốn đó. Thanh luyện nào cũng có đớn đau. Nhưng nếu chúng ta biết cộng tác với Chúa, biết hiểu ý Chúa, biết vâng ý Chúa, thì thời gian thanh luyện sẽ vắn thôi.
Nhìn như thế, ta sẽ thấy trên khắp địa phận có vô số dòng thác ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ cái nhìn đó, và trong cái nhìn đó, ta cảm tạ Chúa trong tình mến Chúa thiết tha, ta thương yêu đồng bào ta trong tình yêu nước nồng nàn, với tinh thần phục vụ Chúa Kitô.
Chúng ta cầu nguyện cho nhau, và hy vọng sẽ gặp lại nhau trong năm tới.
Từ ít lâu nay, đời đạo đều kêu gọi đổi mới suy nghĩ. Có những tư tưởng trước đây được coi là Bùi-Tuần 2117
Từ ít lâu nay, đời đạo đều kêu gọi đổi mới suy nghĩ.
Có những tư tưởng trước đây được coi là đúng, là hay, là hợp, nay cần phải được suy nghĩ lại cho đúng hơn, hay hơn, hợp hơn.
Lý do là vì xã hội đã đổi mới, tâm lý nhiều giới, nhiều nơi đã đổi mới, cuộc sống đã đổi mới.
Là linh mục, nếu không muốn trở thành lạc lõng, nếu ta muốn là người có ích cho Hội Thánh, cho Tổ Quốc, cho đồng bào, ta cần mạnh dạn đổi mới cho chính bản thân ta, khởi đầu bằng sự đổi mới suy nghĩ về một số vấn đề đạo.
Muốn sự đổi mới này được thành công, ta phải khiêm tốn rất nhiều. Khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ. Nhưng kiêu căng một chút cũng đã quá nhiều.
Thực sự, nhiều tư tưởng đã cũ rồi, nhưng vì ta chưa nhìn nhận chúng, chưa để chúng thấm nhuần vào tâm tư và hướng dẫn hành động thái độ của ta, nên đối với ta còn là mới.
Ở đây, tôi giới hạn nội dung các buổi nói chuyện trong phạm vi mục vụ. Và trong phạm vi này, tôi sẽ chỉ đề cập tới một ít vấn đề đã được nêu lên trong thư chung HĐGMVN năm 1980 và Công đồng Vatican II.
Tôi nói vắn gọn, với tính cách gợi ý mà thôi.
Nhưng trước khi đi vào cái tiết phần gợi ý, tôi xin báo lại ở đây 2 phát biểu quan trọng, mà tôi cho là sẽ góp phần đáng kể vào việc đổi mới suy nghĩ của ta.
Phát biểu thứ nhất là của ông Nguyễn Văn Linh, ủy viên Bộ Chính Trị, Thường Trực Ban Bí Thư Trung Ương Đảng, tại đại hội Đảng Bộ Thành Phố Hồ Chí Minh lần thứ 4, hôm 23-10-1986 về Thiên Chúa Giáo: "Đối với giáo dân, kể cả giáo dân "di cư", đa số là nhân dân lao động có lòng yêu nước, cần có chính sách, biện pháp giúp đỡ công ăn việc làm, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao giác ngộ chính trị, để họ ngày thêm gắn bó với sự nghiệp chung và hòa hợp trong cộng đồng dân tộc; nên có sự quan tâm đặc biệt với lứa tuổi thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Đối với hàng ngũ linh mục, nên tích cực gần gũi giúp đỡ người tốt, để họ làm tròn trách nhiệm đối với đạo, đối với đời, vì Chúa và vì Tổ Quốc. Đồng thời phải đề cao cảnh giác, có biện pháp kịp thời phát hiện và nghiêm khắc trừng trị những phần tử phản động, ngăn chận và làm thất bại âm mưu và hành động của chúng, nhằm lôi cuốn giáo dân vào những hoạt động phản cách mạng".
Trong phát biểu trên, có một điều chứa nhiều khả năng động viên đổi mới tư duy linh mục, đó là chủ trương của Đảng tích cực gần gũi các linh mục tốt, để họ không những làm tròn trách nhiệm đối với đời, mà còn làm tròn trách nhiệm đối với đạo nữa, vì Chúa và vì Tổ Quốc.
Phát biểu thứ hai là của ông Đặng Thành Chơn, Trưởng Ban Tôn Giáo của Chính Phủ trong dịp ông tiếp Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tháng 5, năm nay. Ông đã kiểm điểm tình hình Hội Thánh Việt Nam theo Thư Chung HĐGMVN 1980. Tóm tắt như sau:
* ƯU ĐIỂM:
-Đã từng bước xoá bỏ mặc cảm và xây dựng đoàn kết tích cực hơn trước. -Quan hệ của giáo quyền đối với chính quyền tốt hơn trước. -Tinh thần trách nhiệm đối với xã hội đã tăng thêm. -Các giới Thiên Chúa giáo được an tâm hơn để tham gia việc xã hội, và coi sự tham gia ấy như là việc đạo đức. -Đạo đời gần gũi nhau hơn trước.
* KHUYẾT ĐIỂM:
- Còn một số người chưa nhận thức đúng, và chưa có tình cảm thực sự đối với Thư Chung HĐGMVN 1980. - Còn một số người chậm đổi mới, nghĩa là còn nặng phong kiến, còn nặng thần quyền. - Còn một số người chưa đủ tinh thần cộng tác vào trách nhiệm chung. - Còn một số người chưa thực sự hòa mình vào dân tộc, chưa thực sự gắn bó với dân tộc, quan điểm của họ vẫn hững hờ.
Kiểm điểm trên đây khiến tôi càng thấy ta cần phải đổi mới cách suy nghĩ về đạo của mình. Bởi vì rõ ràng là trong xã hội chúng ta, Hội Thánh nói chung và các Giám Mục, linh mục nói riêng, được nhìn và đánh giá theo các đức tính xã hội, hơn là theo bất cứ sự gì khác. Tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, sự hoà mình, sự quan hệ tốt, sự khiêm tốn, sự phấn đấu để nâng cao phẩm chất và đời sống của đồng bào lên vv...Đó là những phạm trù mà xã hội dùng để nhìn và suy nghĩ về ta. Đó là những tiêu chuẩn mà xã hội đã đưa ra để đánh giá ta và đạo của ta.
Thực sự, những phạm trù và tiêu chuẩn như thế đã được Cộng đồng Vatican II, và nhiều thông điệp Tòa Thánh những năm gần đây, nêu lên trong mục đích canh tân Hội Thánh. Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 1980, đã nhắc lại. Kết quả nói chung là khá tốt. Nhưng việc canh tân vẫn còn phải tiếp tục.
Bây giờ tôi đưa ra một số đề tài đạo mà tôi thấy cần phải được tiếp tục đổi mới suy nghĩ.
1. Đổi mới suy nghĩ về "Hội Thánh".
Hội Thánh hay được gọi là Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Suy nghĩ đó khó hiểu, siêu thoát và gây cho tín hữu cảm tưởng là, mỗi người trong Hội Thánh đều có một chỗ tất yếu theo cấp bậc ổn định, không cần mình phải có sáng kiến nào để tích cực thuộc về Hội Thánh.
Nay, theo Công đồng Vatican II, thì:
- Hội Thánh được gọi là dân Thiên Chúa. - Hội Thánh là dấu chỉ và là dụng cụ của sự kết hợp với Chúa và hợp nhất với nhân loại. - Hội Thánh vì con người. - Hội Thánh ôm trong lòng mình những kẻ có tội, nên Hội Thánh vừa là thánh, vừa luôn luôn phải được thanh luyện, không ngừng sám hối ăn năn và đổi mới.
Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 1980 nói: Hội Thánh Việt Nam là Hội Thánh của Chúa Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam.
Những suy nghĩ mới này có tính cách khiêm tốn hơn, linh động hơn, dân chủ hơn, đòi nhiều sáng kiến để dấn thân hơn.
Theo những cách suy nghĩ mới này, thì Hội Thánh không muốn được coi là một quyền lực, mà thực sự muốn được coi là người phục vụ hạnh phúc, không phải riêng cho người có đạo, mà chung cho tất cả mọi người. Hội Thánh không muốn được coi là kẻ đối đầu, mà là người đối thoại, xây dựng sự đoàn kết. Hội Thánh không phải là lề luật, mà vì con người. Hội Thánh không tự coi là hoàn hảo, nhưng là một cộng đoàn có nhiều khuyết điểm, cần phải sám hối và không ngừng phấn đấu đổi mới. Hội Thánh Việt Nam không đứng trên hay đứng ngoài dân tộc Việt Nam, mà đứng trong dân tộc và Tổ Quốc Việt Nam.
Những suy nghĩ trên đây là của Công đồng và của Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tuy thế, vẫn còn nhiều người theo não trạng cũ lỗi thời, ưa sùng bái một thứ Giáo Hội quyền lực, một thứ Giáo Hội khép kín, chỉ lo bảo vệ quyền lợi riêng của đạo, một thứ Giáo Hội đối đầu, một thứ Giáo Hội đứng trên và đứng ngoài, một thứ Giáo Hội không cần đổi mới. Theo tôi, lúc này ai còn theo não trạng cũ đó, thì mắc lỗi với Hội Thánh, vì đi sai đường lối của Hội Thánh và làm hại đạo.
2. Đổi mới suy nghĩ về "sống đạo".
Người ta thường hiểu sống đạo là giữ luật đạo. Nhưng nhiều người hiểu luật đạo một cách tùm lum và tùy tiện.
Nay Công Đồng Vatican II nhấn mạnh đến căn bản của đạo là bác ái. Hiến chế "Ánh sáng muôn dân" nói: "Dấu chỉ người môn đệ đích thực của Chúa Kitô là sống đức ái đối với Chúa và đối với tha nhân... Để vun trồng đức ái, người tín hữu cần lắng nghe lời Chúa, chuyên cần cầu nguyện, năng lui tới bí tích, nhất là phép Thánh Thể, tập sống quên mình, giúp đỡ phục vụ nhau..."
Hiến chế "Vui Mừng và có Hy Vọng" nói: "Các tín hữu hãy nhớ lại lời Chúa dạy: Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con thương yêu nhau", để không mong ước gì hơn là phục vụ con người hôm nay một cách quảng đại hơn và hữu hiệu hơn... Người tín hữu sao lãng với bổn phận trần thế, tức là sao lãng bổn phận đối với tha nhân, và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa.
Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 1980, sau khi nói đến bổn phận gắn bó với Chúa và Hội Thánh thêm: "Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng Quê Hương, nói theo truyền thống dân tộc, hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước".
Với những suy nghĩ trên đây, Công Đồng và Thư chung HĐGMVN 1980 muốn cải tạo một số não trạng thiếu trưởng thành, và thiếu cân đối trong quan niệm sống đạo.
Mô hình người sống đạo tốt hôm nay không phải chỉ là người năng cầu nguyện, nghe lời Chúa, lui tới bí tích, gắn bó với Hội Thánh, mà còn phải là người tích cực phục vụ gia đình, tha nhân, Tổ quốc, biết sống đạo để có cuộc sống hài hòa với xã hội của mình, biết sáng kiến để có những thái độ bên trong và bên ngoài thực tốt, trước các vấn đề lớn nhỏ mà cuộc sống hằng ngày đặt ra.
Ở đây, có một điều rất cần chú ý, đó là thời nay sự phát huy những đức tính xã hội, đang dần dần trở thành một vấn đề có tính cách sống còn. Phải sống làm sao để đạo mình và bản thân mình được coi là có lợi ích cho xã hội. Tất nhiên mình vẫn giữ trọn bản chất đức tin của mình. Thời nay, Phúc Âm thường được nhìn qua góc độ những đức tính xã hội, vì thế, có thể nói, sống đạo hôm nay, là đặc biệt sống những đức tính xã hội một cách phong phú và trong sáng, đầy đức ái Phúc Âm.
Mô hình gợi ý trên đây gồm những nét căn bản Phúc Âm, được công đồng và Thư chung khai triển. Ta nên căn cứ vào đó mà xây dựng một nếp sống đạo trưởng thành sinh động, đồng thời từng bước xóa bỏ những lối sống đạo ấu trĩ, vụ lợi, nặng về hình thức và tục lễ lỗi thời.
3. Đổi mới suy nghĩ về những đức tính xã hội.
Đề cập đến đức tính xã hội, người ta có thể nghĩ đến nhiều đức tính khác nhau, như dễ sống, hay giúp đỡ, có tài giao thiệp vv... Ở đây, dựa theo Phúc Âm, công đồng và Thư chung HĐGMVN, tôi xin nêu lên mấy đức tính sau đây, thiết tưởng cần được phát huy nhiều hơn nữa trong nếp sống đạo hôm nay.
a)- Chia sẻ và hòa mình.
Theo gương thánh gia ở Nagiarét và Ngôi Hai nhập thể, chúng ta hòa mình vào cuộc sống dân tộc ta, chia sẻ việc giải quyết các vấn đề chung của địa phương, của địa phận, của đất nước, và chia sẻ hậu quả của những giải quyết ấy, dù là thành công, dù là thất bại. Cũng trong tinh thần chia sẻ và hòa mình, chúng ta tổ chức các cuộc lễ tôn giáo một cách đơn sơ, vắn gọn, tiết kiệm, để phù hợp với tình hình kinh tế eo hẹp chung. Chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể của các gia đình lao động khắp nước ta, để biết thông cảm và kính phục họ. Nhiều người rất nghèo nhưng quảng đại hơn ta, can đảm hơn ta. Nhiều người còn mắc những thói xấu này, những tội lỗi kia, nhưng họ khiêm tốn hơn ta, có tình người hơn ta, và có tinh thần đoàn kết và tinh thần kỷ luật hơn ta. Chúng ta muốn là muối, là men. Nhưng vì thiếu chia sẻ và hoà mình, chúng ta vẫn là thứ muối không tan, thứ men không hoà vào bột được.
b)- Cởi mở.
Khi Chúa Giêsu nêu lên những mô hình, Người đã rất cởi mở. Để nêu gương đức tin, Người đã chỉ vào một sĩ quan ngoại giáo. Để nêu gương bác ái, Người đã chỉ vào một người Samari, cũng là ngoại đạo. Để nêu gương cầu nguyện, Người đã chỉ vào người thu thuế, là thứ người bị tiếng xấu... Chúa Giêsu đã nhìn bản chất, chứ không căn cứ vào nhãn hiệu.
Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta tán dương và phát huy khích lệ tất cả những gì là tốt, là đẹp, là hay do bất cứ ai làm được. Hãy phấn đấu loại trừ thành kiến và cách nhìn lệch lạc đối với những giá trị trần thế. Không nên coi Nước Trời là danh sách những người rửa tội, năng đi lễ đọc kinh, bởi vì Nước Trời ở trong lòng mọi người có phấn đấu hướng về chân lý và tình thương. Số người như thế rất lớn, thuộc mọi tín ngưỡng và vô tín ngưỡng. Sẽ có lợi gì cho mình, nếu ai vẫn một mực khép kín, chỉ cái gì trong Hội Thánh của mình và do Hội Thánh của mình làm mới cho là tốt, là lành, đang khi đó, Chúa Giêsu cảnh cáo nghiêm khắc: Sau này, vô số những người ngoại, từ bốn phương sẽ được vào Nước Trời, còn vô số con cái trong nhà sẽ bị loại ra!
c)- Khiêm nhường.
Suốt đời, Chúa Giêsu đã rất khiêm nhường. Có thể nói, một trong những đức tính đã làm cho Người được mến thương nhiều nhất, đó là đức khiêm nhường sâu thẳm. Hang đá Bêlem, thánh giá Calvariô, cũng như hình ảnh Chúa chiên lành vác con chiên lạc trên vai, vẫn khẩn thiết kêu gọi các môn đệ Chúa hãy bước theo con đường khiêm tốn của Người.
Bước theo Chúa Giêsu, chúng ta để ý thực hiện đức khiêm nhường ở mọi chi tiết cuộc sống xã hội thường ngày. Thí dụ: Giữ lịch sự và tư cách trong mọi giao tiếp, biết ý thức về thực tế xã hội, là mình cần phải nương tựa vào cộng đoàn, vào nhân dân, vào địa phương, vào Nhà Nước, để có thể sống đạo và giữ đạo tốt, biết tế nhị nâng đỡ những người làm việc chung, biết mừng khi thấy người khác làm tốt và được hơn mình, biết đặt công ích trên tư lợi, thấy làm được gì tốt cho ích chung thì làm mà không so đo đòi hỏi, không quan trọng hoá chính mình, thích đòi hỏi chính mình hơn đòi hỏi người khác, nhận biết mình yếu đuối để sám hối ăn năn vv...
d)- Phục vụ.
Chúa Giêsu đã xác nhận rỏ mục đích việc xuống thế của Người là phục vụ. Người đã phục vụ mọi người, ưu tiên là những người nghèo, những người tội lỗi yếu đuối, những người bị quyền lực đạo đời thời đó bắt nạt. Người đã phục vụ bằng nhiều việc để nâng cao con người, chăm sóc con người cả phần hồn lẫn phần xác, Người đã dùng nhiều cách để giúp con người có những suy nghĩ mới, để họ biết kiến tạo một cuộc sống công bình hơn, bác ái hơn, hạnh phúc hơn. Người đã phục vụ nhất là bằng sự tự hạ, vâng phục Chúa Cha cho đến chết. Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ phục vụ như thế.
Tất cả những đức tính xã hội ở trên đều cùng chung một nguồn là bác ái. Thời nay, khi khắp nơi trên thế giới, nhất là tại nước ta, trong giai đoạn này, đang đặt nặng việc phát triển kinh tế, xây dựng con người, nâng cao cuộc sống, thì những đức tính xã hội rút từ Phúc Âm là rất cần thiết cho người có đạo. Với những đức tính xã hội đó, ta sẽ có nhiều khả năng và may mắn sáng tạo nên một cuộc sống có lợi ích lâu dài cho Tổ Quốc, cho Hội Thánh và cho chính bản thân ta.
Tôi nói "sáng tạo", có nghĩa là chúng ta cần suy nghĩ thêm, học hỏi thêm, nghiên cứu thêm, để tìm cách làm cho mọi người có đạo thuộc về ta từ nhỏ đến lớn nhận thức được sự cần thiết phải sống đức tính ấy, và ra sức sống thực sự những đức tính ấy, coi đó như một chương giáo lý quan trọng, có tầm mức quyết định cho tương lai Hội Thánh Việt Nam. Hiểu được như thế, là một đổi mới suy nghĩ rất đáng mừng.
4.- Đổi mới suy nghĩ về " thích nghi".
Nhiều người hiểu sự thích nghi do công đồng Vatican II đề xướng, chỉ là thay đổi Phụng vụ, Kinh lễ, và các tổ chức của Hội Thánh sao cho thích hợp với xã hội mới thời nay. Thực sự, công đồng muốn một sự thích nghi sâu xa hơn nhiều. Thích nghi trước hết và chủ yếu là thay đổi chính con người của mình từ thái độ bên trong, đối với xã hội của mình.
Đúng như vậy. Thí dụ, khi nói: Ta phải thích nghi với gia đình, với họ đạo, với giáo phận mà ta được sai đến, thì thích nghi đó, trước hết đòi hỏi ta phải thực sự kính trọng và yêu mến gia đình, họ đạo và giáo phận ấy, vì là của ta. Cũng thế, khi nói: Ta phải thích nghi với quê hương Việt Nam xã hội chủ nghĩa của ta, thì thích nghi đó trước hết đòi hỏi ta phải thực sự kính trọng và yêu mến quê hương VNXHCN của ta. Thư chung HĐGMVN 1980 nói: "Quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người. Đất nước này, là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa. Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta, để phục vụ với tính cách vừa là công dân, vừa là thành phần dân Chúa". Thư chung 1980 nói đến quê hương 1980, tức là Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, và kêu gọi chúng ta gắn bó với Tổ Quốc Việt Nam hôm nay của ta. Chúng ta không có quê hương nào khác, để thực hiện ơn gọi làm con Chúa và ơn gọi làm linh mục, giám mục.
Là mục tử, nếu mình không thích nghi, không kính trọng, không yêu mến, không gắn bó với nơi mà chính mình được sai đến, thì làm sao gọi được là mục tử đích thực của Chúa Kitô. Chúa Giêsu không hằn học và chỉ trích dân vô đạo, trái lại, Người tỏ ra nghiêm khắc với các thầy cả, các kỳ lão, các thầy thông luật, các Pharisêu, mà Người gọi là đạo đức giả. Thánh tông đồ Phaolô cũng như thánh Phanxicô Xaviê nhờ sự biết kính yêu và bênh vực những người vô đạo mà các Ngài đã có thể loan báo Tin Mừng cứu độ ở chính những nơi không phải quê hương các Ngài.
Mầu nhiệm nhập thể của Chúa giáng sinh, là một bài học can đảm nhất về thích nghi mục vụ. Chúa khác xa con người vô cùng, nhưng Chúa đã mến yêu con người đến nỗi đã trở nên giống con người về mọi mặt, ngoại trừ tội lỗi. Hình ảnh Chúa chiên lành trong Phúc Âm kêu gọi lương tâm các mục tử trong Hội Thánh Việt Nam hôm nay hãy nhìn mọi người Việt Nam, dù có đạo, dù không, bằng con mắt thanh thản của đức tin, chứ đừng bằng con mắt cá nhân phàm tục.
Đạo Công Giáo đã hoạt động trên thế giới từng gần 2000 năm và trên đất nước này từng 300 năm nay, với nhiều thời điểm có các trợ lực siêu nhiên và tự nhiên rất thuận lợi, thế mà hôm nay, các người của Hội Thánh vẫn còn vô số tiêu cực, Hội Thánh vẫn chưa đổi mới được con người, và xã hội như mình muốn. Sự thực đó, đòi hỏi phải có một cái nhìn khiêm tốn hơn về Hội Thánh và về bản thân, đồng thời biết thông cảm với nhà nước XHCNVN trước hiện tình chưa tốt của đất nước ta bây giờ. Những lúc gặp khó khăn mà biết yêu thương bênh vực, nâng đỡ mới thực là quí và bác ái chân thành. Nhất là yêu thương mà không có hậu ý tìm lợi cho mình, mới càng là bác ái trong sáng Phúc Âm. Những tấm lòng bác ái như thế đã làm lợi vô vàn cho Hội Thánh và cho xã hội, chứ không phải những tinh thần thánh chiến, những thập tự chinh.
Như vậy, thích nghi với xã hội XHCN theo tôi là vấn đề đổi mới trái tim, đổi mới cách nhìn. Những suy nghĩ trên đây sẽ giúp ta ổn định tân tư, hầu dể sẵn sàng đón nhận những ơn Chúa soi sáng về tương lai Hội Thánh.
5.- Đổi mới suy nghĩ về "giảng dạy đạo".
Linh mục có ba chức năng: Ban bí tích, đứng đầu cộng đoàn dân Chúa và giảng dạy đạo, cũng gọi là loan báo Tin Mừng cứu độ. Nhiều người vẫn quen coi việc làm lễ, ban bí tích là chức năng chủ yếu của linh mục. Nay theo các văn kiện công đồng, chức năng ưu tiên số một của linh mục chính là loan báo Tin Mừng. Ưu tiên đó hợp Phúc Âm hơn, cần thiết hơn, và khiêm tốn hơn. Với nhận thức như thế, mọi linh mục dù ở hoàn cảnh nào vẫn đều thấy mình mang trách nhiệm của kẻ được sai đi loan báo Tin Mừng. Các Ngài sẽ được an tâm và tự hào nếu hiểu đúng như thế nào là loan báo Tin Mừng và có những sáng kiến để thực hiện một cách thích hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Trong tinh thần ấy, ở đây, tôi xin đưa ra một số suy nghĩ, cũng rút ra từ Phúc Âm và công đồng.
Tiên vàn, ta đừng bao giờ coi mình là kẻ ban đức tin cho ai. Đức tin là một ơn Chúa ban. Kẻ loan báo Tin Mừng là kẻ làm chứng, là kẻ dọn đường, là kẻ gặp gỡ, là kẻ tôn trọng hoạt động của Chúa Thánh Thần.
a)- Loan báo Tin Mừng là làm chứng.
Làm chứng nói đây chủ yếu là bằng những gì người ta thấy được nơi Hội Thánh hôm nay, nơi nếp sống người có đạo bây giờ, nơi chính con người kẻ giảng dạy đạo.
Đạo nói về sự gắn bó với Đấng vô hình đời đời hằng sống, về sự quan trọng của phấn rỗi đời sau, về bổn phận yêu nước thương nòi, về thăng tiến con người toàn diện, về phục vụ đồng bào. Đó là lý thuyết. Nhưng nếu trên thực tế hôm nay, kẻ có đạo, nhất là kẻ giảng đạo không làm chứng được lý thuyết đó bằng một đời sống có những thái độ và việc làm đúng hợp như đạo lý của mình, thí chưa đúng là loan báo Tin Mừng. Nhất là nếu chẳng may thực tế lại có nhiều phản chứng hơn là làm chứng.
Xin nêu lên ở đây một số thí dụ phản chứng, thường là vô tình nhưng rất tai hại. Cách dạy đạo quá nặng về hình thức, mà coi nhẹ bản chất đạo, quá nặng về cái phụ thuộc mà coi nhẹ cái chính của đạo, quá nặng về vụ lợi mà coi nhẹ vị tha, quá nặng về mầu nhiệm và siêu nhiên mà coi nhẹ con người tự nhiên, quá nặng về phần hồn mà coi nhẹ phần xác, quá nặng về Hội Thánh mà coi nhẹ Tổ Quốc, quá nặng về đời sau mà coi nhẹ đời này.
Những cách giảng đạo như thế gọi là phản chứng, bởi vì chúng làm cho người ta hiểu sai đạo Chúa. Do những phản chứng đó mà nhiều người đã ác cảm với đạo, đã rời xa đạo, đã phẫn nộ với đạo.
b)- Loan báo Tin Mừng là dọn đường.
Dọn đường mà tôi nói đây là dọn lòng con người. Làm sao để con người có được lòng tốt, biết phân biệt được cái gì là tốt, cái gì là xấu, biết mộ mến sự tốt, biết hướng về sự tốt, biết tìm kiếm sự tốt, biết can đảm phấn đấu cho những lý tưởng tốt. Dọn đường như thế không cần gì lắm đến những mầu nhiệm xa vời. Chính những gì đơn giản thiết thực lại có sức uốn nắn lòng người một cách hữu hiệu. Lòng tốt sẽ là đất tốt. Tấm lòng tốt đã là một sự đợi chờ Chúa đến. Thiện chí khát khao sự tốt đã là một lời cầu nguyện trung thành. Rồi chính Chúa sẽ làm những sự mà kẻ loan báo Tin Mừng không làm được.
c)- Loan báo Tin Mừng là gặp gỡ.
Gặp gỡ nói đây là gặp gỡ những người tin nhau. Khi Giacôbê, Gioan, Phêrô và Anrê thấy Thầy Giêsu tin mình, và mình cũng tin Thầy, nên xin đi theo. Chứ lúc ấy, các tông đồ đâu có hiểu gì lắm về đạo lý của Thầy. Các Ngài tin vào con người của Thầy, rồi sau này mới tin vào lời của Thầy. Các Ngài tin vào con người của Thầy vì thấy Thầy rất là người, dễ thương, dễ mến, đáng tin, và nhất là vì thấy Thầy dám đặt niềm tin vào mình. Đúng thế, nếu người giảng dạy đạo không được coi là người đáng tin, dễ mến, không trao đổi được niềm tin tưởng với người nghe, thì dù giảng dài, giảng hay tới đâu, cũng chưa gọi được là gặp gỡ.
d)- Loan báo Tin mừng là tôn trọng hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần hướng dẫn lịch sử cứu chuộc qua các chặng đường khác nhau, bằng những cách đa dạng, ta không sao hiểu hết được. Chỉ biết chắc rằng, Người vẫn âm thầm phù giúp Hội Thánh, Người vẫn âm thầm đưa nhân loại về cứu cánh sau cùng. Phải nhận rằng nhân loại hôm nay dù vẫn có vô số tiêu cực nhưng đã có những bước tiến rất đáng kể về đạo đức hơn xưa rất nhiều. Lúc này hơn bao giờ hết, ý thức về hòa bình, về công bằng xã hội, về liên đới bác ái đã phát triển rất cao và rất rộng, số người can đảm và phấn đấu cho lý tưởng vì hạnh phúc con người mỗi ngày một tăng lên. Họ là những người thuộc mọi dân tộc, có tín ngưỡng và vô tín ngưỡng. Chúa dùng ai thì tùy ý Chúa, đó là quyền của Chúa. Cả đến những khó khăn để thanh luyện Hội Thánh cũng không ngoài ý Chúa. Nếu khó khăn có mang tính cách cứu độ thì khó khăn đó là Tin Mừng. Cây thánh gía Chúa Kitô là vui mừng và hy vọng cho Hội Thánh, không phải chỉ trong tuần thánh mà là cho đến tận thế.
Trên đây là mấy suy nghĩ có tính cách gợi ý. Tôi nghĩ là sẽ còn phải thêm nhiều. Nhưng nếu ta đổi mới được cách suy nghĩ về 5 vấn đề trên đây mà thôi, thì lương tâm mục tử của ta cũng sẽ được nhẹ nhàng nhiều lắm. Bởi vì chúng ta làm một việc mà Phúc Âm đòi hỏi, công đồng hối thúc và xã hội mong chờ.
Đổi mới suy nghĩ, đó là một yêu cầu bức thiết từ bên trong Hội Thánh và từ bên ngoài xã hội. Nếu ta không thoát ra được khỏi những suy nghĩ bảo thủ lỗi thời, ta sẽ tự tách mình ra khỏi con đường đi lên. Nhưng cần phải đổi mới thật lòng, chuyển những đổi mới suy nghĩ thành hành động và thái độ thích hợp.
"Đổi mới, vấn đề có tầm quan trọng sống còn". "Đổi mới xu thế thời đại". Đó là hai cuốn sách mới xuất bản rất nên đọc. Tôi xin phép dùng hai tựa đề đó để kết thúc bài nói chuyện của tôi.
Đến cấm phòng là đến với Chúa một cách đặc biệt với ý muốn đổi mới bản thân theo thánh ý Chúa Bùi-Tuần 2118
Đến cấm phòng là đến với Chúa một cách đặc biệt với ý muốn đổi mới bản thân theo thánh ý Chúa.
Ý muốn đó là điều ta vốn có; nhưng ta cần nói lại ý muốn đó một cách mạnh mẽ hơn, chân thành hơn, khẩn thiết hơn trong những ngày này.
Chúa bắt đầu đáp lại ý muốn đó của ta bằng bài Phúc Âm lễ hôm nay (thứ 2 CN mùa vọng) nơi tấm gương người đại đội trưởng ngoại giáo. Người ngoại giáo này có lòng bác ái vị tha, vì ông tích cực lo cho người giúp việc của ông, ông cầu xin cho họ chứ không cầu xin cho ông. Ngoài ra, ông có lòng rất khiêm nhường, ông tự thú mình là kẻ bất xứng, không đáng Chúa bước vào nhà ông. Đặc biệt hơn cả là ông có lòng tin rất mạnh, đến nỗi Chúa Giêsu đã ngỡ ngàng, và khen là chưa từng thấy ai trong dân có đạo đã tin mạnh như ông.
Chúng ta dễ có cảm tưởng là chúng ta cũng có bác ái vị tha, cũng có khiêm nhường, cũng có lòng tin mạnh. Những người có đạo và các thầy cả thời Chúa Giêsu cũng có cảm tưởng về mình như vậy. Nhưng Chúa Giêsu đã nhìn rõ lòng người, và Chúa cảnh cáo: Sau này vô số người từ phương Đông phương Tây sẽ được vào Nước Trời, còn vô số con cái trong nhà sẽ bị đuổi ra và ném vào nơi tối tăm.
Chúa cảnh cáo người xưa, và Chúa cũng cảnh cáo chúng ta hôm nay. Bởi vì ta thiếu vị tha, thiếu khiêm nhường, thiếu lòng tin.
Người ngoại đạo ấy biết rất ít giáo lý, nhưng lại biết liên hệ rất tốt với Chúa Giêsu. Còn nhiều người có đạo biết rất nhiều giáo lý, nhưng lại không biết liên hệ tốt với Chúa Giêsu. Khác nhau do tấm lòng.
Cần đổi mới lại lòng mình, đó là điều ta khao khát, đó là điều ta cầu xin. Trong thinh lặng, mỗi người chúng ta hãy nội tâm hóa điều đó cho thực sống động và chân thành.
Trong bài Phúc Âm lễ hôm nay (thứ 3 CN I Mùa Vọng) Chúa Giêsu so sánh hai loại người, một Bùi-Tuần 2119
Trong bài Phúc Âm lễ hôm nay (thứ 3 CN I Mùa Vọng) Chúa Giêsu so sánh hai loại người, một bên là người phức tạp, một bên là người đơn sơ. Và Chúa Giêsu cho biết loại người đơn sơ được Chúa thương yêu và được Chúa mạc khải cho nhiều điều hữu ích.
Như vậy, tất nhiên ta muốn là người đơn sơ. Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ vắn tắt một số suy nghĩ có tính cách giúp ta đơn sơ hóa con người của ta trong việc giữ đạo và truyền đạo.
Nói một cách tổng quát và dễ hiểu, người đơn sơ trong việc giữ đạo và truyền đạo là người không biến đạo Chúa thành một thứ gì quá phức tạp.
Để hiểu thế nào là quá phức tạp, thì cứ đọc kỹ những lời Chúa Giêsu đã chê trách lối giữ đạo và giảng đạo của phái Pharisêu. Họ phức tạp ở chỗ chỉ coi trọng các hình thức bề ngoài như đọc cho nhiều kinh, đi đứng cho đúng nghi thức, còn nội dung bên trong là mến Chúa yêu người thì họ không quan tâm. Họ phức tạp ở chỗ họ tự ý đặt ra nhiều luật lệ bắt buộc phải giữ một cách khắc khe, làm cho tôn giáo trở thành gánh nặng cho con người. Họ phức tạp ở chỗ trình bài đạo Chúa như một lý thuyết rườm rà, chứ không phải là một sự sống kết hợp với Chúa và hợp nhất với con người.
Mới rồi, tôi đọc lại một tạp chí cũ, thấy một linh mục hoạt động ở các nước Hồi Giáo đã viết đại khái thế này: Khi tiếp xúc với người Hồi Giáo, người ta thấy họ có ít điều để tin và để giữ, thấy rất rõ cái gì là quan trọng nhất đối với họ. Trái lại, qua tiếp xúc với nhiều người Công Giáo, người ta thấy họ có quá nhiều điều để tin và để giữ, nhưng lại khó thấy rõ cái gì đối với họ là quan trọng nhất, cái gì là chính, cái gì là căn bản nhất, nhiều khi cái phụ lại được coi là cái chính. Tính cách phức tạp đó, nhiều khi đã là cớ cho bao người vấp phạm.
Đơn sơ đạo đức, không phải là coi thường những cái phụ, nhưng là khiêm tốn chân thành tôn trọng trật tự khách quan của các giá trị. Trung thành và gắn bó với Chúa, với Hội Thánh, với Tổ quốc, với đồng bào, đó là những giá trị căn bản của đạo, Nắm vững những giá trị đó, sống đúng những giá trị đó, dạy đủ những giá trị đó, thiết tưởng đó là một sự đơn sơ cần thiết.
Xin Chúa giúp ta suy nghĩ thêm theo những gợi ý vừa chia sẻ.
Công đồng Vaticăn II và nhiều thông điệp gần đây của tòa thánh đã khuyến cáo các linh mục hãy Bùi-Tuần 2120
Công đồng Vaticăn II và nhiều thông điệp gần đây của tòa thánh đã khuyến cáo các linh mục hãy hiện diện tích cực hơn trong cuộc sống của đồng bào mình. Tôi tìm hiểu lời khuyến cáo ấy. Thì đây, bài Phúc Âm lễ hôm nay (thứ 4 CN I Mùa Vọng) đã giúp tôi hiểu. Phúc Âm hôm nay thuật lại hoạt động mục vụ của Chúa Giêsu. Người giảng dạy những tâm lý tôn giáo, đồng thời Người quan tâm đến cuộc sống con người một cách ưu ái và đa dạng. Người chữa những người đau bệnh, câm điếc, mù lòa; Người lo cho những kẻ đói được no nê, những người mệt mỏi được khỏe khoắn. Người tỏ lòng xót thương dân chúng. Thiết tưởng như thế chính là tích cực hiện diện trong cuộc sống của đồng bào.
Theo gương Chúa Cứu Thế, tất cả các linh mục địa phận ta đã và đang làm như vậy trong khả năng hoàn cảnh của mình. Tôi biết nhiều linh mục đã rất tích cực. Tuy nhiên, việc nào cũng vậy, nhất là việc chăm lo đời sống, cần được ta suy nghĩ, nghiên cứu cho có khoa học, để không những không phí phạm, mà còn đạt được nhiều kết quả tốt.
Theo thiển ý của tôi, thì trong việc cụ thể hóa mục vụ chăm lo đời sống, ta nên quan tâm nhiều đến đơn vị gia đình. Mục vụ chăm sóc gia đình là tìm cách xây dựng và nâng cao hạnh phúc gia đình về mọi mặt. Thí dụ, ngoài việc khuyến khích kinh tế gia đình, ổn định nếp sống hài hòa theo mô hình văn hóa mới, ta tích cực phấn đấu để trình độ học vấn và đạo đức của các gia đình được nâng lên. Đặc biệt là những gia đình nghèo túng, neo đơn, có người đau bệnh, già lão, càng được sự chia sẻ quan tâm của ta. Khả năng của ta thật rất là giới hạn, nhưng không vì thế mà chỉ dành cho các gia đình có đạo mà thôi. Sự quan tâm của ta là phổ quát. Đọc chuyện thánh Phanxicô Xaviê, tôi có cảm tưởng là thánh nhân lo cho người ngoại giáo nhiều hơn là lo cho người có đạo.
Tôi xin dừng lại đây, để mỗi người chúng ta tiếp tục suy nghĩ thêm trong lương tâm của mình.
Trong bài Phúc Âm lễ hôm nay (thứ năm CN I Mùa Vọng), Chúa Giêsu nghiêm khắc cảnh cáo Bùi-Tuần 2121
Trong bài Phúc Âm lễ hôm nay (thứ năm CN I Mùa Vọng), Chúa Giêsu nghiêm khắc cảnh cáo những ai biết ý Chúa mà không thực hiện ý Chúa. Chúa ví những kẻ đó như nhà xây trên cát, khi mưa sa, nước lũ, gió thổi ùa vào nhà đó, thì nhà đó sẽ sụp đổ và trở nên hoang tàn.
Khi suy gẫm những lời cảnh cáo ấy, tôi nghĩ đến tương lai từng người chúng ta, từng họ đạo chúng ta. Đó là những tòa nhà. Những nhà này sẽ đứng vững hay sẽ sụp đổ trong tương lai. Theo ý bài Phúc Âm hôm nay, thì nó sẽ đứng vững, nếu nó thực hiện ý Chúa. Còn nếu nó không được xây dựng trên nền tảng thực thi ý Chúa, thì nó sẽ sụp đổ. Chúa nhấn mạnh đến việc thực hiện ý Chúa. Nghĩa là tất nhiên ta phải tìm hiểu xem ý Chúa thế nào, nhưng khi đã hiểu rồi, thì phải thực hiện, chứ đừng hiểu để mà hiểu thôi.
Thực hiện ý Chúa là điều mọi người chúng ta đều muốn và đều cố gắng, nhưng chúng ta yếu đuối lắm. Có điều ta đã thực hiện tương đối tốt. Có điều ta mới thực hiện được một phần nhỏ, có điều ta luôn luôn phải bắt đầu lại. Trong quá trình thực hiện ý Chúa, thú nhận một sự thực mà thánh Phaolô xưa đã cảm nghiệm: Sự tôi không muốn thì tôi lại làm, sự tôi muốn thì tôi lại không làm. Bởi vì trong con người có luật của sự lành và cũng có luật của sự dữ. Mỗi người đều mang trong mình nhiều giới hạn.
Vì thế, có một điều tối thiểu mà ý Chúa muốn ta phải thực hiện trong mọi trường hợp và với bất cứ giá nào, một điều không thể bao giờ được miễn, đó là ta phải khiêm nhường, nhận biết mình yếu đuối tội lỗi để thực tình ăn năn sám hối và cầu nguyện không ngừng.
Khiêm nhường, sám hối, cầu nguyện khi dâng lễ, khi đọc kinh, khi viếng Mình Thánh, khi tiếp xúc, khi xét mình hằng ngày, khi làm các việc bổn phận khác, đó là những việc làm có tính cách xây nền toà nhà thiêng liêng, để nó có thể đứng vững. Xin đừng buông lơi những việc đó kẻo lỡ ra có ngày tòa nhà thiêng liêng sẽ đổ. Xin Chúa thương đến chúng ta, xin người giúp ta thực hiện những điều Chúa đã soi sáng.
Phúc Âm lễ hôm nay (thứ sáu CN I Mùa Vọng), cho thấy người mù đó có một đức tin rất mạnh Bùi-Tuần 2122
Phúc Âm lễ hôm nay (thứ sáu CN I Mùa Vọng), cho thấy người mù đó có một đức tin rất mạnh. Những người có một đức tin mạnh như thế là những người nào? Tôi không dán trả lời câu hỏi đó. Nhưng đọc qua Phúc Âm, tôi thấy Phúc Âm khi đề cập đến gương sáng đức tin, thường nói đến những người đau bệnh, tật nguyền, nghèo túng, sa đọa, tội lỗi, được ơn ăn năn và những người đơn sơ chất phác. Phúc âm ít nói đến gương sáng đức tin nơi những người giàu có, đầy đủ. Phúc Âm cũng ít nói tới gương đức tin nơi các Thầy Cả, các Thầy thông luật, và giới Pharisêu. Đến như thánh Phêrô là Giáo Hoàng đầu tiên, cũng đã bị Chúa chê trách là kém lòng tin ! Thầy Cả Giacaria, bố ruột thánh Gioan Baotixita, được coi là mô phạm, nhưng đã bị Chúa bắt câm chín tháng vì tội kém lòng tin.
Chúng ta biết, đức tin là một ơn Chúa ban, và Chúa thường dành ơn đó cho những người khiêm tốn, đơn sơ, nghèo khó. Để rèn luyện người tín hữu, giúp họ phát triển ơn đức tin, Hội Thánh thường dùng những phương cách này: Giảng dạy lời Chúa, lui tới các bí tích, cầu nguyện và bầu khí cộng đoàn đức tin. Nhưng nhiều khi từng ấy phương cách đã không đủ mạnh. Nên có lúc Chúa sẽ chủ động dùng một cách khác mạnh hơn, đó là gửi đến người tín hữu những biến cố đụng mạnh đến cuộc sống họ. Thí dụ như bệnh nạn, thất bại, mất mát, khổ cực, nhục nhã. Những sự xảy ra như vậy, nếu được người tín hữu nhìn như những dịp tốt để hiệp thông với cuộc tử nạn và sống lại của Chúa Cứu Thế, thì chính là phương cách thanh luyện đức tin rất hữu hiệu.
Chúng ta thờ lạy Thánh Giá. Nhưng chúng ta không luôn sẵn sàng vác mọi thánh giá. Điều đó dể hiểu, vì chúng ta yếu đuối lắm. Thà khiêm tốn nói thiệt như vậy để được Chúa thương và cũng là một sự khiêm nhường đơn sơ và nghèo khó, có khả năng làm cho thánh giá của ta được nhẹ đi và làm cho đức tin của ta và của cộng đoàn thuộc về ta được thêm trong sáng vững mạnh. Xin Chúa Cứu Thế là Đấng đã hứa ở cùng Hội Thánh mọi ngày cho đến tận thế, ở với ta luôn luôn, từng ngày, từng giờ mãi mãi.
Nếu có ai nêu lên sáng kiến mở một cuộc triển lãm, trưng bày các tác phẩm về Thiên Chúa Ngôi Bùi-Tuần 2123
Nếu có ai nêu lên sáng kiến mở một cuộc triển lãm, trưng bày các tác phẩm về Thiên Chúa Ngôi Cha, thì kết quả sẽ thế nào? Sẽ bao nhiêu sách, bao nhiêu kinh, bao nhiêu bài hát, bao nhiêu tượng ảnh? Tôi nghĩ là chẳng có bao nhiêu. Dù các tác phẩm đó sẽ rất giới hạn thì cũng chẳng chắc gì là tất cả đều giúp cho dân chúng có một hình ảnh vừa đúng vừa dễ hiểu về Thiên Chúa. Có một điều sẽ rất căng, đó là dựa vào tiêu chuẩn nào để đánh giá? Có nghĩa là phải có một hình ảnh nào được gọi là hình ảnh mẫu, thì mới có thể so sánh được.
Ở đây, tôi nhớ tới một chi tiết trong Phúc Âm. Tối thứ năm, sau bữa Tiệc Ly, Philipphê nói với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, xin tỏ Chúa Cha cho chúng con, và thế là đủ cho chúng con". Chúa Giêsu trả lời: "Thầy ở với chúng con đã bấy lâu, thế mà chúng con chưa thấy sao. Ai đã thấy Thầy, thì đã thấy Chúa Cha" (Ga 14,8-9). Với lời nói trên, Chúa Giêsu đã xác nhận: chính Người là hình ảnh sống động của Thiên Chúa Cha. Chính Người là một mạc khải bằng xương thịt về Thiên Chúa Cha. Người và Chúa Cha là một.
Như thế, ai muốn có một quan niệm đúng đắn về Thiên Chúa, ai muốn tìm nét đặc điểm của Thiên Chúa, để rồi cố nên giống Chúa, để rồi nhờ đó mà nhận ra kẻ nào là thực giống Chúa, thì chỉ có một cách bảo đảm nhất phải theo, đó là nhìn vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã nói gì, đã làm gì, đã sống thế nào, tất cả sẽ vẽ lên hình ảnh Thiên Chúa. Hình ảnh chính thức này sẽ giúp loại trừ những hình ảnh không đúng về Thiên Chúa đã và đang gây tai hại muôn vàn cho mục vụ.
Đọc lại Phúc Âm, ta thấy có 3 hạng người hay bị Chúa Giêsu phê phán gay gắt, vì họ được coi là những người chuyên vẽ hình Thiên Chúa, nhưng lại vẽ sai. Ba hạng người đó là giới tư tế, giới thông luật và giới đạo đức, cũng gọi là biệt phái.
Cách họ trình bày tôn giáo đã tạo cho tín hữu một não trạng nhìn Thiên Chúa như một vị Chúa mờ ảo, xa vời, ngự giữa những màng lưới lề luật trùng trùng lớp lớp. Vòng trong là lề luật, vòng ngoài là luật lệ. Đụng tới đâu cũng đụng tới luật. Chỗ này tội nặng, chỗ kia tội nhẹ, cứ như là một rừng bảng cấm la liệt khắp các ngã đường dẫn tới Chúa. Cả đến những cái tỉ mỉ cũng có luật, cũng có tội. Thí dụ: Họ nói ai không nạp thuế thập phân rau thơm là có tội, ai không rửa tay trước bữa ăn là có tội, ai vào nhà kẻ ngoại đạo ngày thứ bảy là có tội. Trong một cái não trạng như thế, Thiên Chúa như bị chìm vào một cơ chế phức tạp, gây nên lạnh lùng, gây nên khoảng cách, gây nên sợ hãi. Với não trạng đó. người tín hữu khi làm việc thờ phượng Chúa, thường lo hết luật này đến luật kia, ít có lo gặp chính Chúa. Việc phượng thờ biến thành việc giữ luật, chứ không phải là một sự gặp gỡ tâm tình giữa con người với Thiên Chúa. Liên hệ với Thiên Chúa là một gánh nặng.
Rồi cũng do cách trình bày đạo của nhóm ba trên đây, nhiều người có đạo hồi đó quen nhìn Chúa như một vị thần riêng của mình, với chủ trương đối kháng, kỳ thị những ai không thờ Chúa của mình. Dần dà trong não trạng của họ dựng nên các thứ chiến tuyến, đặt Chúa đứng về phía họ, để lên án những ai đứng phía bên kia: Chiến tuyến giữa dân có đạo đức và loại người tội lỗi, chiến tuyến của những người được coi là giữ luật Chúa và những người bị coi là không giữ luật Chúa. Thí dụ: Họ nói ai thông công với kẻ ngoại là mất lòng Chúa, kẻ ngoại là thứ phải khinh phải tránh, vì thế dù có khát lả, cũng không được uống nước của họ. Chúa Giêsu đã thấy người phụ nữ Samaria nói như thế trên bờ giếng Giacóp. Và thí dụ, theo họ thì những ai ngồi cùng bàn với nhân viên thu thuế là mất lòng Chúa, vì kẻ thu thuế là kẻ tội lỗi phải khinh phải tránh. Do đó ngồi ăn với Giakêu là một điều không chấp nhận được. Thí dụ nữa: Họ nói ai làm phép lạ chữa bệnh ngày thứ bảy là lỗi luật Chúa, kẻ đó phải khinh phải tránh. Vì thế, người mà được Chúa Giêsu chữa lành đã bị trục xuất khỏi hội đường, chỉ vì dám bênh kẻ đã làm phép lạ chữa bệnh ngày thứ bảy.
Trong một não trạng như thế, Thiên Chúa như bị che phủ bởi một guồng máy xếp loại gây tự tôn cho bên này, gây tự ti cho bên kia. Việc thờ phượng Chúa trở thành việc thống kê các thành tích: "Thưa Chúa, tôi ăn chay mỗi tuần hai lần". Việc thờ phượng Chúa dễ trở thành việc tự kiêu và khinh người khác: "Thưa Chúa, tôi không như người thu thuế đang đứng cuối nhà thờ đâu!".
Với cái nhìn Thiên Chúa như thế, người có đạo dễ đưa tôn giáo mình lên, nhưng đồng thời cũng lại cô-lập-hóa tôn giáo mình. Họ dành cho mình một chỗ đứng tưởng là cao. Nhưng thực sự lại quá thấp và quá cô đơn, vì Chúa không đứng chung với họ là kẻ kiêu căng, khinh người, tự đắc.
Rồi nhóm ba nói trên cũng hay vẽ Thiên Chúa như một vị thần của các nguyên tắc, cần đúng nguyên tắc, chỉ cần nguyên tắc. Họ quá nguyên tắc, riết rồi thành câu nệ hình thức, thành giả hình. Thí dụ: Tôi luôn mang sách luật trong mình, đó là tôi luôn giữ luật, thế là đúng nguyên tắc. Tôi đọc kinh lâu giờ, tôi hay kêu "Lạy Chúa, lạy Chúa", đó là tôi năng cầu nguyện, thế là đúng nguyên tắc. Tôi sơn phết mồ mả các tiên tri, đó là tôi kính trọng các tiên tri, thế là đúng nguyên tắc. Nhưng thực ra cách giữ nguyên tắc như thế chỉ là thứ đạo đức giả. Việc đọc kinh ăn chay không còn là việc liên hệ với Chúa, mà chỉ là những hình thức trống rỗng đem Chúa ra làm nhãn hiệu.
Các thứ hình ảnh Thiên Chúa vừa kể trên đã do chính những người hoạt động tôn giáo làm nên. Bao người đã lầm tưởng các hình ảnh ấy đã phản ánh đúng Thiên Chúa. Nhưng thực là sai. Ta biết chắc điều đó, vì Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đã mạc khải. Qua Chúa Giêsu, ta thấy Thiên Chúa rất khác với những hình ảnh người ta đã tưởng nghĩ. Chúa Giêsu nói: "Lạy Cha chúng con ở trên trời". Thiên Chúa là Cha, không phải chỉ là Cha của Chúa Giêsu, mà cũng là Cha của tôi, của bạn, của chúng ta. Cha trên trời của chúng ta có vô vàn vẻ đẹp. Nhưng có một đặc điểm mà thánh Phaolô đã cho là rất đẹp, rất quan trọng, rất cần nêu lên, đó là lòng thương xót. DEUS DIVES IN MISERICORDIA. Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Đó là một hình ảnh rất đúng và cũng rất dễ hiểu về Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã giới thiệu hình ảnh đó bằng chính bản thân Ngài, nhất là trong sự Người tự hạ. Tự hạ bước xuống, tự hạ tìm đến con người, tự hạ phục vụ con người, tự hạ hòa mình vào bản tính nhân loại, tự hạ chia sẻ với thân phận những người cùng khổ nhất, tự nạp mình chịu chết để cứu chuộc, tự hạ trở thành lương thực nuôi dưỡng sự sống linh hồn con cái của Người.
Nếu ai hay suy nghĩ lòng thương xót của Chúa trong lãnh vực thiêng liêng, thì cũng nên nhớ rằng, trong Phúc Âm, hoạt động của lòng thương xót Chúa đã được nhận thấy rất nhiều trong lãnh vực vật chất. Một hôm, mấy môn đệ của Gioan Tẩy Giả đến hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, có phải Thầy là vị phải đến, hay chúng con còn phải đợi một vị khác?". Chúa Giêsu trả lời: "Hãy về kể lại cho Gioan tất cả những gì các anh đã thấy và đã nghe: Kẻ mù được xem, kẻ què được đi, kẻ phong cùi được chữa lành, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, và kẻ nghèo được nghe giảng Tin Mừng" (Lc 7,22-23). Tất cả những việc Chúa Giêsu làm kể trên đây không phải là thiêng liêng, rất dễ xác nghiệm. Nó liên hệ trực tiếp đến thân xác, đến sức khỏe, đến cuộc sống đời này.
Nếu ai hay suy nghĩ lòng thương xót của Chúa dành cho người thánh thiện, thì cũng nên nhớ rằng, trong Phúc Âm, hoạt động của lòng thương xót Chúa đã được nhận thấy rất mạnh mẽ và lạ lùng đối với người tội lỗi. Dụ ngôn người con phung phá, dụ ngôn Chúa chiên lành bỏ 99 con chiên tốt để đi tìm một con chiên lạc, thái độ đối với ông Giakêu, bà Mađalêna và người đàn bà Samaria v.v...
Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, điều này đối với chúng ta không phải là một điều mới lạ. Nếu cần đặt thành vấn đề, thì đó là vấn đề lòng thương xót của Thiên Chúa có được ta nêu lên đủ trong mục vụ hiện nay không? Chắc không phải vô tình mà thông điệp DEUS DIVES IN MISERICORDIA đã xác định Thiên Chúa giàu lòng thương xót là một chân lý căn bản của Tin Mừng. Thế nhưng, khi kiểm tra lại thực tế, ta thấy mục vụ của chúng ta nhiều nơi chưa nhấn mạnh đến chân lý cơ bản đó. Các kinh phổ thông ta đọc từ xưa đến nay thường gọi Thiên Chúa là Cha toàn năng, Thiên Chúa là Đấng thưởng phạt vô cùng. Những đặc điểm này của Thiên Chúa đã được đưa vào các công thức tuyên xưng đức tin ngay từ đầu Hội Thánh. Các công đồng đầu tiên cũng đã muốn như thế do yêu cầu hoàn cảnh lịch sử. Bởi vì các công đồng ấy nhắm vào tín lý nhiều hơn mục vụ. Để bổ túc, Hội Thánh đã nhắc đến lòng thương xót của Thiên Chúa bằng nhiều cách. Về điểm này, Phụng vụ Giáo Hội Đông Phương trổi hơn Phụng vụ Rôma. Người ta gọi Phụng vụ Giáo Hội Đông Phương là phụng vụ Kyrie eleison, vì trong thánh lễ cũng như trong phụng vụ giờ kinh, lời hát Kyrie eleison được chen kẽ đều khắp đến mấy chục lần, suốt từ đầu đến cuối. "Xin Chúa thương xót chúng con" hát đi hát lại như có ý rót chân lý đó vào tâm thức người tin, như muốn nó thấm vào, như nhắc nhở, như uốn nắn.
Có một điều tưởng nên để ý, đó là xuyên qua các bài giảng, bài hát, lời kinh, hình vẽ, nhiều người trình bày lòng thương xót của Chúa với những cách quá nghiêng về tĩnh, đang khi thực sự lòng thương xót của Chúa là một thể động. Lòng thương xót của Chúa là lòng thương xót dấn thân, xả thân, phấn đấu. Lòng thương xót Chúa là lòng thương xót dám có những sáng kiến táo bạo, dám có những chấp nhận đớn đau. Lòng thương xót Chúa là hình ảnh Chúa Giêsu đang cùng kéo lưới với những người dân chài, đang cúi xuống nâng một xác chết lên và cho nó sống lại, đang ôm mấy đứa trẻ, đang nhìn những kẻ đánh mình với một cái nhìn tràn đầy khiêm nhường và nhân ái, đang mừng rỡ hối hả chạy ra đón người con phung phá trở về. Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, hình ảnh này rất cần cho mục vụ hôm nay.
Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Gaudium et Spes đã đưa ra lời quảng cáo đáng ta suy nghĩ: "Bao người không tin Chúa, đó là một sự kiện. Trong sự kiện này, người công giáo có phần trách nhiệm không nhỏ. Hoặc do lười biếng giáo dục đức tin, hoặc do không biết trình bày tôn giáo, hoặc do sa sút đời sống xã hội tôn giáo, nên thay vì họ tỏ bày hình ảnh đích thực của Thiên Chúa, thì họ đã che phủ đi". Thiết tưởng lời cảnh cáo trên đây có thể là một đề tài gây nhiều ray rứt cho lương tâm ta.
Lạy Cha chúng con ở trên trời!
Con muốn tuyên xưng chân lý dễ mến này bằng tất cả đời con. Con gắn bó với Cha, với sự sống của Cha, với Lời của Cha, với Nước Trời của Cha. Lạy Cha chúng con ở trên trời giàu lòng thương xót, xin thương xót chúng con. Amen
Trong một buổi mạn đàm về tôn giáo, có người đã đưa ra câu hỏi: Giả sử chúng ta ở một hoàn cảnh Bùi-Tuần 2124
Trong một buổi mạn đàm về tôn giáo, có người đã đưa ra câu hỏi: Giả sử chúng ta ở một hoàn cảnh không có nhà thờ, không có linh mục, không có họ đạo, không có sách đạo, không có một tổ chức sinh hoạt tôn giáo nào cả, trong hoàn cảnh như thế, ta có thể làm sáng danh Chúa được không? Nhiều người phát biểu. Tóm kết có ba ý kiến:
Ý kiến thứ nhất cho rằng : Trong hoàn cảnh như thế, dứt khoát không còn cách nào làm sáng danh Chúa. Ý kiến thứ hai cho rằng : Trong hoàn cảnh như thế, vẫn có thể làm sáng danh Chúa, nhưng chút ít thôi. Ý kiến thứ ba cho rằng : Trong hoàn cảnh như thế, có thể làm sáng danh Chúa rất nhiều.
Những ý kiến trên đây không có sự nhất trí về đường lối làm sáng danh Chúa. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Bởi vì Chúa thì đời đời. Mà làm sáng danh Chúa là việc của con người sống trong lịch sử. Lịch sử thời nay không giống lịch sử thời trước. Lịch sử nơi này có những cái khác lịch sử nơi kia. Do đó , mỗi việc làm sáng danh Chúa cần được lựa chọn theo hoàn cảnh lịch sử của nó. Thí dụ, thời trước luật phục vụ đòi phải làm các bí tích bằng tiếng Latinh, để nói lên sự thống nhất trong Giáo Hội, thống nhất như thế là làm sáng danh Chúa. Nhưng thời nay, nếu cố gắng duy trì sự thống nhất kiểu đó thì không còn là việc làm sáng danh Chúa nữa.
Thời nay, con người vẫn là con người, nhưng có nhiều chuyển biến về mọi mặt. Cuối năm 1965 khi Hiến chế Gaudium et Spes của Công đồng Vatican II được công bố, Hiến chế đã xác định: "Nhân loại ngày nay đang sống vào một giai đoạn mới trong lịch sử của mình" (số 4). "Tình trạng sinh sống của con người hiện đại về phương diện xã hội văn hóa đã biến đổi sâu sắc, khiến con người có thể nói đến một kỷ nguyên mới của lịch sử nhân loại" (số 54). Nhận định trên đây là vào năm 1965. Năm nay là 1987. Cái mới của 1965 đã thành cũ rồi. Năm 1965 đã thành giai đoạn mới. Phương chi năm nay. Hơn 20 năm với đà tiến hóa rất mạnh rất mau, đã đưa 1987 vào một kỷ nguyên rất mới, nhất là đối với chúng ta đang cùng với dân tộc sống trong Chủ nghĩa Xã hội. Trong thời đại mới, với nếp sống mới, với suy nghĩ mới, nhiều vấn đề cần được xem xét lại. Làm sáng danh Chúa cũng là một vấn đề như thế.
Để biết làm sáng danh Chúa trong thời đại này, thiết tưởng nên làm những gì vừa hợp với giáo lý Phúc Âm và cũng vừa hợp với thời buổi ta đang sống. Theo phương hướng đó, ở đây tôi xin đưa ra một ít nhận xét gợi ý về nhân loại thời nay.
1. Nhân loại thời càng ngày càng qui hướng lịch sử vào một trung tâm điểm đó là "con người".
Từ những câu chuyện ngoài đường cho đến các chương trình hội nghị quốc tế, các vấn đề nêu lên đều xoay quanh con người : như lương thực, nhà ở, môi sinh, tình yêu, gia đình, sinh sản, hoà bình v.v... Đọc các Công đồng, ta thấy các Công đồng trước đây chủ yếu bàn về Chúa, nhưng Công đồng Vatican II đã quan tâm nhiều đến con người, con người với một quan niệm, một cấu trúc mới theo Gaudium et Spes, đó là "con người là xác là hồn", chứ không phải con người "gồm xác và hồn". Cả xác và hồn cũng đáng kính trọng. Chính con người như thế là trung tâm của lịch sử hôm nay. Trong Thông điệp Redemptor hominis, Đức Thánh Cha nói: "Chúng ta vốn giữ một niềm xác tín sâu sắc, là ngày nay trên thế giới không có một chương trình nào, kể cả khi kèm theo những ý thức hệ đối chọi nhau về vũ trụ quan, mà lại không đặt con người lên hàng đầu" (số 17). Cũng trong Thông điệp Redemptor hominis, Đức Thánh Cha đã quả quyết trung tâm mục vụ chính là con người. Ngài viết: "Tất cả các con đường của Giáo Hội đều đưa tới con người. Con người là con đường của Giáo Hội" (số 14). "Con người bao giờ cũng là và trở thành con đường cho đời sống thường nhật của Giáo Hội" (số 21).
Trong một hoàn cảnh lịch sử như hiện nay có thể nói nhân loại hôm nay chỉ nhìn thấy danh Chúa cả sáng, khi thấy Giáo Hội với cơ chế, luật lệ của mình, và với các hoạt động của mình thực sự quan tâm đến con người và các vấn đề thời sự của con người.
2. Nhân loại thời nay càng ngày càng đề cao "bản tính xã hội" của con người.
Công đồng Vatican II cũng đã nêu lên sự kiện đó trong Gaudium et Spes: "Trong những nét chính yếu của thế giới hôm nay phải kể tới sự gia tăng những mối quan hệ giữa con người với nhau" (số 23). Đối với con người thời nay, quan niệm về sự sống đặt nặng chiều kích các quan hệ. Sống là sống với xã hội, sống trong xã hội, sống nhờ xã hội. Cuộc sống mỗi người đều lệ thuộc vào mạng lưới quan hệ phức tạp bao la. Gaudium et Spes nói: "Mỗi người đều phải nhìn nhận và tôn trọng những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay" (số 30). "Vì đời sống xã hội đối với con người không phải là cái gì phụ thuộc. Do đó, nhờ trao đổi với người khác, nhờ việc phục vụ lẫn nhau, con người được phát huy mọi khả năng của mình và có thể đáp ứng được thiên chức của mình" (số 24). Lời dạy trên đây của Công đồng cho ta thấy, thời nay con người rất cần các đức tính xã hội. Họ cần phải thích và biết trao đổi với người khác. Họ cần phải thích và biết phục vụ người khác. Họ cần phải biết thích và biết đối thoại với người khác. Bất cứ ai cũng cần phải như thế. Huống hồ những người lo việc làm sáng danh Chúa.
3. Nhân loại thời nay càng ngày càng đề cao "tinh thần phục vụ" coi đó như tiêu chuẩn để đánh giá con người.
Càng ngày con người càng phát triển khoa học kỹ thuật, tạo nên nền văn hóa mới, cuộc sống mới. Cái gì cũng cần phải xác nghiệm, cái gì cũng cần phải chứng minh. Trước đây, người ta thích đánh giá con người theo một trật tự sẵn có, theo những phạm trù thuộc quan niệm tĩnh, thí dụ theo quan niệm này thì kẻ lo việc siêu nhiên sẽ trọng hơn kẻ lo việc tự nhiên, kẻ đi tu trọng hơn kẻ ở ngoài đời, kẻ giữ mình đồng trinh trọng hơn kẻ kết bạn. Nhưng nay, với óc thực nghiệm, với quan niệm động về sự vật và với tinh thần xã hội, nhân loại coi phục vụ là tiêu chuẩn để đánh giá con người. Người có giá trị là người biết phục vụ, phục vụ thực tình, phục vụ hữu hiệu. Trong các ngành nghề, những người được tuyên dương là người tốt đều là những người nổi bật về tinh thần phục vụ. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã theo chiều hướng đó và đã đi rất xa theo chiều hướng đó, khi Ngài đánh giá phục vụ. Đêm Sinh nhật 1972 tại Mont Saratte, Ngài đã nói với các công nhân thế này: "Khi các bạn làm việc trong nhà máy này, thì với một nghĩa nào đó, cũng kể như các bạn ở trong nhà thờ, dù các bạn không nghĩ đến điều đó.
Ở đây, các bạn tiếp xúc với công việc, với tư tưởng, với sự hiện diện của Chúa. Các bạn thấy lao động phục vụ và lời cầu nguyện cùng có một gốc rễ chung mặc dù diễn tả của hai bên có khác nhau. Các bạn có thể và các bạn phải sống đạo đức ở đây, trong xưởng máy bao la này, dù các bạn không làm gì khác ngoài yêu mến, suy nghĩ và ca tụng lao động phục vụ cam go của các bạn". Với luận cứ như trên, Đức Thánh Cha đã coi phục vụ, khi thực hiện tốt, là việc đạo đức. Ở đây ta thấy, phục vụ mà Đức Thánh Cha nói tới không phải là một thứ phục vụ cá nhân, mà là phục vụ xã hội. Sự phục vụ xã hội đã là vấn đề mà các Đức Giáo Hoàng bàn tới rất nhiều trong các Thông điệp gần đây, như Rerum Novarum 1892, Quadragesimo anno 1931, Mater et Magistra 1961, Pacem in terris 1963 và Populorum progressio 1967, Laborem exercens 1981. Theo đó, phục vụ xã hội là có mặt trong các vấn đề của địa phương mình, của đất nước mình, của thời đại mình, là tích cực góp phần vào việc giải quyết các vấn đề ấy, là chia sẻ mọi hậu quả may rủi của việc thực hiện những giải quyết đề ra. Đó cũng chính là phương hướng làm sáng danh Chúa.
4. Nhân loại thời nay coi trọng người phục vụ bằng việc làm tốt hơn người phục vụ chỉ bằng ý hướng tốt.
Phục vụ bằng việc làm tốt là đáp ứng đúng nhu cầu, đúng lúc đúng nơi một cách thiết thực, thích hợp và hữu hiệu. Chúa Giêsu xưa đã rất nhấn mạnh đến phục vụ bằng việc làm tốt. Người coi phục vụ bằng việc làm tốt là đặc điểm của Đấng Cứu Thế, Đấng đến không để được phục vu, mà là để phục vụ. Khi các môn đệ Gioan Tẩy Giả đến hỏi Chúa Giêsu: "Thầy có phải Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng khác?". Chúa Giêsu trả lời: "Các anh hãy về kể cho Gioan những gì các anh đã thấy và đã nghe: kẻ mù được xem, kẻ điếc được nghe, kẻ què được đi, kẻ quỉ ám được khỏi, kẻ phong cùi được lành, kẻ nghèo khó được rao giảng Tin Mừng". Với lời nói trên, Chúa Giêsu đã đề cao phục vụ bằng việc làm tốt, những việc làm thấy được, những việc kiểm chứng được. Cách phục vụ đó rất thích hợp với óc thực nghiệm của con người, nhất là con người thời nay.
Khi nói về ngày phán xét, Chúa Giêsu càng đề cao phục vụ bằng việc làm tốt. Chúa phán với những kẻ đứng bên hữu: Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lên hưởng phúc trường sinh, vì xưa Ta đói, chúng con đã cho Ta ăn, Ta khát, chúng con đã cho Ta uống v.v... Nghe thế, họ bỡ ngỡ hỏi Chúa: Chúng con có bao giờ thấy Chúa đói, mà chúng con đã cho Chúa ăn đâu? Chúng con có bao giờ thấy Chúa khát mà chúng con đã cho Chúa uống đâu? v.v... Chúa giải thích: Khi các con cho kẻ đói ăn, là các con cho chính Ta ăn, khi các con cho kẻ khát uống, là các con cho chính Ta uống. Với những chi tiết trên đây, ta thấy những người được Chúa chúc phúc đó, khi phục vụ tha nhân, đã không hề có ý nghĩ mình phục vụ Chúa trong tha nhân. Bây giờ Chúa cắt nghĩa quá tốt cho mình như thế, thì mình mới biết. Chứ khi cho một người đói ăn, một người khát uống, họ làm hoàn toàn vì tình người. Việc họ làm hoàn toàn nhân bản. Đơn giản thế thôi. Tự nhiên thế thôi. Đó là phục vụ thiết thực, cụ thể. Phục vụ bằng việc làm tốt như thế được Chúa đánh giá rất cao. Chúa gọi kẻ phục vụ như thế là kẻ được Chúa Cha chúc phúc, được hưởng phúc thiên đàng. Có nghĩa là họ được công nhận là những kẻ làm sáng danh Chúa. Một thời nào đó có khuynh hướng quá đề cao intentio và coi nhẹ việc làm. Thời nay, người ta vẫn coi trọng intentio, nhưng căn cứ vào việc làm để đánh giá intentio.
Với 4 nhận xét trên đây, chúng ta có thể đi đến kết luận thế này: Bao lâu ta còn sống với người khác và trong xã hội, bấy lâu ta còn có vô số hoàn cảnh làm sáng danh Chúa. Bởi vì, luôn luôn ta có thể phục vụ. Phục vụ con người, phục vụ xã hội bất cứ cách nào miễn là bằng việc làm tốt, chính là một cách làm sáng danh Chúa. Đừng ngại gọi phục vụ là đạo đức, là hành vi tôn giáo. Làm sáng danh Chúa cách đó rất hợp với Phúc Âm và cũng rất thích hợp với lịch sử nhân loại hôm nay. Phục vụ như thế là góp phần làm sáng lên trong Hội Thánh hình ảnh sống động của Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Phục vụ như thế là góp phần làm sáng lên tình thương xót của Chúa trong lịch sử cứu độ.
Lạy Chúa Giêsu, xưa trên đường Emmau, Chúa đã nhập cuộc với hai người khách bộ hành không nhận ra Chúa. Họ đi đường nào, Chúa cũng đi đường đó. Họ bàn chuyện gì, Chúa cũng bàn chuyện đó. Họ ăn, Chúa cũng cùng ăn. Chính sự chia sẻ phục vụ và trao đổi đầy tình người của Chúa đã làm cho họ nhận ra Chúa. Xin Chúa sống trong con, giúp con đồng hành với đồng bào của con trong mọi cảnh huống. Xin giúp con biết yêu thương dân tộc của con, Tổ quốc của con với tất cả tinh thần phục vụ. Xin Chúa giàu lòng thương xót ở giữa chúng con. Nguyện danh Cha cả sáng. Amen.
Nước Trời không phải là một thế lực. Không thể căn cứ vào số người rửa tội, đi lễ đọc kinh, để Bùi-Tuần 2125
Nước Trời không phải là một thế lực. Không thể căn cứ vào số người rửa tội, đi lễ đọc kinh, để phỏng đoán được hình ảnh của Nước Trời. Không ai vẽ được bản đồ của Nước Trời. Không ai thống kê được số người của Nước Trời. Bởi vì Nước Trời là một thứ đời sống nội tâm: Những nội tâm có tinh thần của Chúa hướng dẫn, những nội tâm có sự sống của Chúa Ba Ngôi ngự trị, những nội tâm khao khát và gắn bó với chân lý, tình thương, hòa bình, và ân sủng, để rồi phấn đấu cho chân lý, tình thương, hòa bình và ân sủng được lan tràn.
Khi Chúa Giêsu dạy ta cầu xin cho Nước Chúa trị đến, thì rõ ràng Chúa muốn ta cộng tác vào việc Nước Chúa trị đến. Thực sự, Chúa vẫn chủ động đến với con người. Ơn Chúa đến bằng nhiều con đường khác nhau. Nhưng tiếp nhận hay không, nhiều hay ít, là chuyện của mỗi người. Và đó chính là khâu Chúa kêu gọi ta cộng tác.
Nói đến cộng tác với Chúa, chúng ta tự nhiên hay nghĩ đến cầu nguyện, bí tích, và nhiều việc đạo đức khác. Nghĩ như thế cũng đúng thôi. Nhưng những việc ấy không miễn cho ta khỏi những lựa chọn. Cụ thể như chúng ta hôm nay đang sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, đang cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong hoàn cảnh mới. Trong giai đoạn lịch sử như thế, ta sẽ chọn thái độ nào để cộng tác với Chúa, trong việc Nước Chúa trị đến.
Một lời của Chúa Giêsu có thể gợi ý cho ta chọn lựa thái độ. Lời đó là: "Ta nói thực với các con, nếu các con không trở nên giống như trẻ nhỏ, chúng con sẽ không thể vào Nước Trời" (Mt 18,2). Theo lời Chúa Giêsu trên đây, thì thái độ trẻ nhỏ là một thái độ tốt, thái độ cần, không những để vào Nước Trời, mà cũng để cộng tác vào Nước Cha trị đến.
Trước hết, thái độ trẻ nhỏ là hồn nhiên. Trẻ nhỏ sống hồn nhiên. Hồn nhiên là cái gì tự phát. Cái hồn nhiên, cái tự phát mạnh mẽ nhất của trẻ nhỏ là tình thương. Nó hiểu bằng tình thương. Nó diễn tả bằng tình thương. Nó thích được yêu thương. Nó tin vào một người, chỉ khi nào nó cảm thấy người ấy yêu thương nó. Thuyết phục nó bằng lý lẽ không có hiệu quả, nếu không kèm theo tình thương. Tình thương là ngôn ngữ hồn nhiên nhất của trẻ nhỏ. Nó nhận ra các mối quan hệ qua ngôn ngữ đó.
Đọc Phúc Âm, ta thấy Chúa Giêsu đã đem Nước Trời đến với con người qua ngôn ngữ yêu thương. Giacôbê, Gioan, Phêrô thấy Người dễ mến thì xin theo Người, chứ lúc ấy các tông đồ đâu đã biết gì về giáo lý Chúa dạy. Dần dần họ mới được nghe Chúa giảng. Có điều họ hiểu, có điều họ không hiểu. Nhưng dù hiểu hay không, họ cũng tin lời Thầy mình. Bởi vì họ biết mình được Thầy thương nhiều lắm. Mến Thầy, và được Thầy thương, nên tin lời Thầy. Mến Người, nên tin Người, tin Người nên tin lời Người, và càng tin thì lại càng mến. Cứ thế tin và yêu quyện lấy nhau khăng khích.
Tình yêu của Chúa Giêsu đối với họ cũng như đối với đồng bào có tính cách hồn nhiên. Thấy dân đói, tức thì Chúa lo sao cho có bánh. Thấy người bệnh, tức thì Chúa ra tay cứu chữa. Thấy gia đình Lagiarô khóc, Chúa nức nở khóc, lật đật đi vào mồ, truyền cho xác sống lại. Một tình thương hồn nhiên, tự phát , phản ứng tự nhiên của một tấm lòng giàu tình thương xót.
Hôm nay kẻ cộng tác trong việc Nước Cha trị đến cũng cần như thế. Tôi gặp một người, thì Tin Mừng Nước Trời thực tế nhất tôi có thể đem đến cho họ, là cho họ thấy họ đang được Thiên Chúa yêu thương qua bản thân tôi đang yêu thương và kính trọng họ. Nếu tôi chỉ có thể làm được chỉ chừng ấy thôi, thì cũng đáng mừng rồi. Chúa sẽ làm tiếp. Đức tin là một ân huệ của Chúa. Tôi vẫn nghĩ rằng, đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời. Có thể đó là niềm tin của trẻ nhỏ. Nhưng niềm tin trẻ nhỏ đó thực sự đã được minh chứng bằng vô số kết quả tốt.
Một thái độ khác, đặc điểm của trẻ nhỏ là thích những gì bé mọn.
Trẻ nhỏ ưa chọn những cái gì nhỏ. Nó bằng lòng với những niềm vui bé nhỏ. Nó thích chơi với những bạn bè nhỏ. Chúa Giêsu, dù là Đức Chúa Trời, cũng đã đến với con người trong những hình thức bé nhỏ. Đứa trẻ thơ trong hang đá Bêlem. Người thợ ở Nagiarét. Người dân thường trong 3 năm rao giảng. Người bị đóng đinh trên Thánh Giá. Tất cả mọi chặng đường cuộc sống, Chúa Giêsu Cứu Thế đến trong hình thức bé nhỏ hèn mọn. Khi làm phép lạ, Chúa Giêsu thường bảo người ta đừng nói ra. Khi dân chúng muốn tôn Người làm vua, Người đã tránh. Người không muốn gây thanh thế. Người rất kỵ khoe khoang. Người chỉ muốn phục vụ đồng bào Người một cách âm thầm. Người làm nhiều hơn là giảng. Việc làm của Người rất bình dị. Lời Người giảng cũng rất đơn sơ. Ngay việc Người huấn luyện tông đồ cũng trong giới hạn thực là bé nhỏ. Nhân sự quá ít. Nội dung học rất ít. Thời gian học cũng rất ít. Chuẩn bị chỉ có 3 năm để làm Linh mục, để làm Giám mục, để làm Giáo Hoàng. Nhưng chính qua những cuộc sống bé mọn ấy mà Nước Trời đã lan ra. Sự kiện trên đây khiến chúng ta lạc quan. Lạc quan về chỗ đứng khiêm tốn của Giáo Hội chúng ta. Lạc quan với các việc nhỏ mọn chúng ta làm. Lạc quan với những cộng đoàn bé nhỏ của chúng ta. Tôi có cảm tưởng là sức sống đang đem lại mùa xuân cho Giáo Hội, phát xuất từ những tâm hồn bé mọn, từ những cộng đoàn huynh đệ nhỏ bé, từ những gia đình đức tin âm thầm. Nước Trời đến với trẻ nhỏ, và qua các người giống như trẻ nhỏ.
Một thái độ nữa rất đáng chú ý nơi trẻ nhỏ là thích ứng.
Trẻ rất dễ thích ứng. Chuyện "Một tâm hồn" kể: Hồi còn nhỏ, bé Têrêxa đi chơi với các chị và nhiều người lớn. Đến một quãng đường nhỏ, một con ngựa đứng ngang cản lối. Các người lớn loay hoay tìm cách đuổi con ngựa đi. Con ngựa cứ đứng ỳ ra đó. Đang lúc mọi người lớn bối rối, thì Têrêxa cúi người xuống chui qua bụng ngựa, đi sang bên kia một cách nhẹ nhàng. Những chuyện như thế ta thấy rất thường có quanh ta.
Khả năng thích ứng của trẻ nhỏ rất lớn. Nhờ đó mà nó phát triển.
Kẻ lo cho Nước Chúa trị đến mà không muốn thích ứng như trẻ nhỏ sẽ tự cô lập mình. Gần đây, để thích ứng với xã hội đổi mới, Giáo Hội đã có Công đồng Vaticăng II, đã canh tân giáo luật, đã canh tân phụng vụ, đã xếp lại giáo triều Rôma, đã tổ chức Thượng hội đồng Giám mục thế giới 3 năm một lần. Nhất là Giáo Hội đã có những đường hướng mới, thí dụ là mục vụ đối thoại nhiều hơn là mục vụ đánh vạ, phân quyền hơn là tập trung quyền, đa dạng mà thống nhất hơn là độc dạng mà chia ly.
Tại Việt Nam cũng đã có những thích ứng đáng kể. Như sự thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, sự chấp nhận hình thức kính thờ tổ tiên, Thư chung 1980 với chủ trương sống tốt đời đẹp đạo. Các thích ứng trên đem lại nhiều kết quả tốt.
Thế nhưng, chuyển biến của xã hội càng ngày càng mau lẹ và đa dạng, mà thích ứng của đạo nhiều nơi chậm và khó khăn. Thí dụ: Phong trào Thần học giải phóng là một thích ứng với phong trào giải phóng dân tộc. Phong trào Phi Châu hóa Giáo Hội Châu Phi là một thích ứng với phong trào thống nhất Châu Phi. Phong trào Thiên Chúa giáo cho Chủ nghĩa Xã hội là một thích ứng với phong trào Chủ nghĩa Xã hội. Nhưng nhiều thích ứng đã làm băn khoăn Tòa Thánh. Leonardo Boff của Thần học Giải phóng, Pablo Richard của phong trào Thiên Chúa giáo cho Chủ nghĩa Xã hội, Eloe Julien Pénoukou của phong trào Phi Châu hóa Giáo Hội Phi Châu đã được hoan nghênh rất nhiều, nhưng cũng bị chỉ trích không ít.
Thực sự, Tòa Thánh có lý do để băn khoăn, nhưng nhiều thích ứng quan trọng đã được nghĩ ra, cũng là để giúp giải quyết nhận xét đau buồn của chính Tòa Thánh. Trong tông huấn Evangelii Nuntiandi 1975, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã than phiền rằng: "Sự đoạn giao giữa Tin Mừng và văn hóa là một bi kịch của thời đại chúng ta" (20). Nghĩa là đạo trong một nước mà lại lạc lõng, đứng ngoài văn hóa của dân tộc nước đó, thì thực là một bi kịch cho chính tôn giáo.
Về thích ứng, Thánh Phaolô tông đồ đã có chủ trương táo bạo khi người nói: "Tôi là Do Thái với người Do Thái, là Hy Lạp với người Hy Lạp". Còn ta, ta đã thích ứng thế nào với chế độ Xã hội Chủ nghĩa của chúng ta. Thiết tưởng sự không chịu thích ứng và sự thích ứng đến độ tha hóa, cả hai thái độ cùng không hạp với bổn phận người cộng tác vào việc Nước Chúa trị đến.
Thích ứng, thích những sự bé mọn và tình thương hồn nhiên, đó là 3 thái độ đang phát triển nơi mỗi người chúng ta. Thêm vào đó, mỗi ngày ở Việt Nam có hàng triệu lời cầu xin "Nước Cha trị đến". Những lời kinh ấy bay ra từ trái tim những người con Chúa hướng lên Cha trên trời giàu lòng thương xót. Chỉ một sự kiện đó mà thôi cũng đủ làm cho tôi tin tưởng rằng: Nước Chúa càng ngày càng trị đến trên quê hương Việt Nam mến yêu này, một Nước Chúa không là một thế lực, nhưng là những đời sống nội tâm chan hòa tình yêu thương, yêu chuộng chân lý, hòa bình, gắn bó với ân sủng trong sự hiền lành và khiêm tốn của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ loài người.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến. Amen.
Vâng ý Chúa: Nghe qua thấy dễ, nhưng thực tế cho thấy vấn đề này khá phức tạp. Trước hết, phải Bùi-Tuần 2126
Vâng ý Chúa: Nghe qua thấy dễ, nhưng thực tế cho thấy vấn đề này khá phức tạp. Trước hết, phải biết ý Chúa, rồi khi đã biết ý Chúa, thì phải chấp hành nghiêm túc. Cả hai điều đó đâu phải dễ! Hoàn cảnh mục vụ nhiều khi đặt ra cho Giám mục, Linh mục những câu hỏi khó trả lời. Trong trường hợp này, làm thế nào là hợp ý Chúa? Trong vấn đề kia, giải quyết làm sao để đúng ý Chúa? Ta suy nghĩ, cầu nguyện, bàn hỏi để lấy quyết định. Và ta chịu trách nhiệm về quyết định của ta. Nếu quyết định của ta thực sự hợp với ý Chúa, thì dù hậu quả thế nào ta cũng an tâm. Nhưng không thiếu trường hợp ta không quả quyết được quyết định của ta hợp với ý Chúa. Đó là lý do làm cho chúng ta nhiều khi băn khoăn lo lắng.
Trong khi tìm hình ảnh một người vâng ý Chúa, tôi đã chọn thánh Phêrô. Ngài là chủ chiên. Ngài đã vâng ý Chúa. Nhưng diễn tiến thế nào?.
Phúc Âm nhắc đến thánh Phêrô cả thảy là 153 lần, đang khi tên các tông đồ khác chỉ được nhắc tới không quá 20 lần. Sự kiện đó chứng tỏ thánh Phêrô là nhân vật rất quan trọng. Ở đây, tôi chỉ xin nêu lên ít chi tiết mà thôi.
Chi tiết thứ nhất là đoạn 16 Phúc Âm thánh Mátthêu: "Chúa Giêsu bắt đầu cho môn đệ biết Chúa sẽ phải đi Giêrusalem, chịu đau khổ tại đó do các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão, sẽ bị giết và ngày thứ 3 sẽ sống lại. Phêrô kéo Chúa ra một bên, khuyên can Ngài: "Thưa Thầy, xin Chúa gìn giữ Thầy. Không, sự đó không xảy đến cho Thầy đâu!". Chúa Giêsu quay lại nói với Phêrô: "Satan, lui lại đàng sau đi, con là một hòn đá vấp phạm cho Ta, vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, nhưng là của loài người".
Chi tiết trên đây đã xảy ra ở Caisariô của Philip. Điều đáng lấy làm lạ là sự việc này xảy ra, tiếp sau khi Chúa khen Phêrô. Mới lúc nào trước đó, Chúa nói với Phêrô: "Con là đá, Cha sẽ xây Hội Thánh Cha trên đá này, cửa hỏa ngục sẽ không phá nổi. Cha sẽ cho con chìa khóa Nước Trời. Sự gì con tha dưới đất, trên trời cũng tha. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc". Được Chúa tín nhiệm như vậy, hẳn thánh Phêrô nghĩ rằng mình có bổn phận bênh đỡ bảo vệ Chúa, nên người đã khuyên can Chúa, đừng làm những gì mất uy tín mình như vậy. Người đã phát biểu với tư cách đá tảng Hội Thánh. Thế nhưng, người đã bị Chúa trách mắng. Thay vì gọi người là hòn đá tảng Hội Thánh, Chúa đã gọi người là hòn đá gây nên vấp phạm.
Cũng mới lúc nào trước đó, Chúa Giêsu nghe Phêrô tuyên xưng Chúa là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì đã khen Phêrô: "Phúc cho con, Simon con Giona, vì không phải máu thịt đã mạc khải cho con, nhưng là Cha trên trời". Phêrô mới được Chúa khen lời tuyên xưng của mình là do ơn Chúa soi sáng. Phêrô chắc mừng lắm, và an tâm tưởng rằng ý kiến mình can ngăn Chúa đừng đi chịu chết cũng là tư tưởng do Chúa Cha soi sáng. Ngờ đâu Chúa Giêsu lại trách: "Tư tưởng của con không phải là của Thiên Chúa, mà là do con người".
Những gì trên đây đã xảy ra cho vị chủ chăn Phêrô, có thể cũng đã xảy ra cho các chủ chăn khác, trong đó có chúng ta. Nhiều khi ta đưa ra một quyết định với tư cách người có trách nhiệm bảo vệ Hội Thánh. Ta có ý ngay lành như thánh Phêrô. Quyết định của ta xem ra cũng hợp lý như cái hợp lý của thánh Phêrô. Nhưng thánh Phêrô thì được Chúa bảo rõ quyết định của Ngài coi như tốt đó nhưng không phải là ý Chúa. Còn chúng ta thì không được Chúa bảo cho biết. Ta có thể nghĩ quyết định của ta là khôn ngoan. Nhưng ta cũng biết điều này: Sự khôn ngoan của Chúa khác sự khôn ngoan của người phàm. Theo kiểu nói của thánh Phaolô thì sự khôn ngoan của Chúa bị bao người cho là khờ dại, là gương mù, gương xấu. Trường hợp của thánh Phêrô giúp ta suy nghĩ.
Chi tiết thứ hai về thánh Phêrô giúp ta suy nghĩ hơn nữa. Đó là đoạn 18, Phúc Âm thánh Gioan: "Ông Phêrô có thamh kiếm liền tuốt ra đánh đầy tớ thầy cả thượng tế, chém đứt tai bên phải y. Đầy tớ ấy tên là Manchu. Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô: "Hãy xỏ gươm vào vỏ. Chén đắng Cha Ta trao cho Ta lẽ nào Ta không uống". Bấy giờ lính trói Chúa Giêsu, điệu Ngài đi... Simon và môn đệ kia theo Chúa Giêsu vào dinh thượng tế".
Qua bài Phúc Âm trên, ta thấy sự thánh Phêrô đánh chém kẻ bắt Chúa và sự người đi vào dinh thượng tế, trà trộn với lính canh là những việc can đảm. Nhưng hành vi đó chứng tỏ thánh Phêrô cho tới phút chót vẫn không chịu bỏ ý định cản Thầy mình đi chịu chết. Phêrô vẫn không nhất trí với ý định của Thầy mình. Ý định của Phêrô do lòng tốt, muốn bảo vệ Thầy mình, không muốn Thầy mình phải khổ nhục. Nhưng dù Phêrô có ý tốt đến đâu, Chúa Giêsu vẫn cương quyết cho Phêrô thấy ý tốt đó không phải ý Chúa. Ý Chúa là thân phận người đầy tớ Giavê phải được thực hiện nơi Đấng Cứu Thế. Đức Kitô phải chịu mọi sự, mà tiên tri Isaia đã nói xưa: "Người đầy tớ không còn hình dáng, không còn vẻ đẹp để người ta nhìn ngắm, không còn vẻ bề ngoài để người ta yêu thích. Người đầy tớ Đức Giavê bị người ta khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như kẻ bị che mặt và bị khinh dể... Người đầy tớ Giavê bị thương tích vì tội chúng ta" (Is 52). Đó là thân phận người đầy tớ Đức Giavê, mà Chúa Kitô phải thực hiện nơi chính bản thân mình. Người đã nhiều lần nói cho Phêrô: Ý Cha trên trời là như thế. Nhưng xem ra Phêrô không sao hiểu được ý Chúa Cha tại sao phải như thế, và dù có hiểu thì xem ra Phêrô không sao chấp nhận được. Người vẫn muốn cứng rắn, vẫn muốn đụng độ, vẫn thích đương đầu tới đầu thì tới.
Nhưng đã đến lúc Phêrô hiểu, đó là lúc Phêrô chối Chúa, như chi tiết thứ ba sau đây ghi lại.
Chi tiết thứ ba là đoạn 22 Phúc Âm theo thánh Luca: "...Phêrô theo Chúa đàng xa. Vì binh lính đốt lửa giữa sân và ngồi xung quanh để sưởi. Phêrô cũng ngồi giữa họ. Vậy, một người đầy tớ gái thấy Phêrô ngồi gần lửa, liền nhận ra, và hỏi: "Ông này cũng đi với hắn đo". Phêrô chối: "Thưa bà, tôi không hề biết người đo". Một lát sau, một người khác thấy Phêrô, lại nói: "Ông này nữa, ông cũng cùng phe với hắn". Phêrô trả lời: "Thưa ông bạn, tôi đâu có thế". Phỏng một giờ sau, một người khác lại quả quyết: "Ông này chắc chắn đã đi với hắn. Đàng khác ông là người Galilê". Phêrô nói: "Tôi không hiểu ông muốn nói gì". Chính lúc đó gà liền gáy. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại nhìn Phêrô. Phêrô chợt nhớ lại lời Chúa đã nói trước: Trước khi gà gáy con sẽ chối Thầy 3 lần. Phêrô liền ra ngoài khóc lóc thảm thiết".
Đoạn Phúc Âm này cho thấy tâm trạng Phêrô lúc đó. Chối Thầy rồi, Phêrô chợt thấy mình rơi xuống vực thẳm. Người cảm thấy thấm thía sự yếu đuối của mình. Bao nhiêu tự ái, bao nhiêu chủ quan đã sụp đổ! Trước đó, người tưởng mình sáng suốt can đảm, bây giờ hết rồi! Sụp đổ luôn uy tín đối với Thầy và các bạn. Sụp đổ luôn niềm tự tín cho mình là gần Chúa thì hiểu ý Chúa và tuân giữ ý Chúa. Sụp đổ luôn cảm tưởng cho mình là nền tảng Hội Thánh thì không có thể sai sót! Cái nhìn của Chúa Giêsu giàu tình thương xót và mang nặng đớn đau khổ nhục đã hoán cải tâm hồn Phêrô sụp đổ thành con người khiêm tốn hoàn toàn phó thác nơi Chúa. Bây giờ thì người hiểu sự yếu đuối của mình thực đáng ghê sợ! Người là thế! Đoàn chiên người cũng như thế! Nhân loại cũng là thế! Đó là điều thứ nhất của giáo lý cứu độ. Tự nhận thức mình là người tội lỗi yếu đuối, Phêrô từ nay khiêm tốn cậy nhờ vào công phúc của Chúa Giêsu chết và sống lại, để được cứu độ. Bây giờ thì người hiểu mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại đúng là ý Chúa Cha giàu lòng thương xót, và chính mầu nhiệm đó là điều người sẽ phải rao giảng. Người hiểu chính người, người lãnh đạo đoàn chiên cũng là con người tội lỗi yếu đuối, đã được Chúa cứu độ do mầu nhiệm ấy.
Suy nghĩ về 3 chi tiết trên đây, ta thấy thánh Phêrô đã khám phá ra ý Chúa, không phải một cách dễ dàng và chỉ trong chốc lát, nhưng là một cách khó khăn và dần dần. Có nghe lời Chúa, có thấy việc Chúa làm, có bị thất bại, có được Chúa đoái nhìn tha thứ, Phêrô mới cảm thấy thấm, mới nuốt trọn vẹn được ý Chúa. Xem ra Chúa đã phải đấu tranh lâu dài bằng nhiều cách với Phêrô, thì Phêrô sau cùng mới chấp nhận ý Chúa. Sau này, trong vấn đề cắt bì, Phêrô cũng phải đấu tranh kịch liệt với chính mình, thì Phêrô mới chịu đổi ý, mới chấp nhận lập trường của Phaolô là phải bỏ đi những luật lệ không cần thiết, để thích ứng với dân ngoại. Phêrô đã phải từ bỏ ý riêng mình, đã phải khiêm tốn nhiều lắm mới đón nhận được ý Chúa. Với kinh nghiệm bản thân, người đã hiểu ý nghĩa sâu xa lời Chúa Giêsu: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha vì đã giấu những chân lý này khỏi các người thông thái, mà chỉ mạc khải cho những kẻ bé mọn".
Do đó, nếu hôm nay chúng ta muốn có một dấu chỉ, để căn cứ vào mà xét xem những quyết định của ta có hợp ý Chúa hay không, nhiều hay ít, thì phải chăng dấu chỉ đó là tính chất hiền lành, khiêm nhường, giàu lòng thương xót, phản ánh được tinh thần của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin thương soi sáng tâm trí chúng con, để chúng con biết hướng dẫn dân Chúa với những lựa chọn hợp thánh ý Chúa. Amen.
Tôi vẫn thường khẳng định với tôi rằng: Lương thực cần thiết nhất cho tôi là những gì giúp tôi Bùi-Tuần 2127
Tôi vẫn thường khẳng định với tôi rằng: Lương thực cần thiết nhất cho tôi là những gì giúp tôi đạt được hạnh phúc tối hậu trường tồn. Bởi vì tôi tin vững vàng lời Chúa: "Được mọi sự thế gian mà mất linh hồn thì có lợi gì!".
Lương thực cần thiết đó tất nhiên phải có phẩm chất riêng. Theo Phúc Âm, thứ phẩm chất riêng ấy là mến Chúa yêu người. Lòng mến Chúa yêu người phải được nuôi dưỡng bằng các việc làm. Việc làm nào giúp tôi có mặt trước mặt Chúa và có mặt với con người hôm nay, việc làm nào giúp tôi gặp được Chúa và gặp được con người hôm nay, việc làm nào giúp tôi nói chuyện được với Chúa và nói chuyện được với con người hôm nay, việc làm nào giúp tôi phụng thờ Chúa và phục vụ con người hôm nay, thì việc đó là thứ lương thực nuôi dưỡng lòng mến Chúa yêu người.
Một thứ lương thực như thế sẽ giúp phát huy những gì là tích cực và giúp đẩy lui những gì là tiêu cực, để con người mỗi ngày mỗi nên giống Chúa Kitô là mô hình tuyệt hảo.
Quan niệm của tôi về "Lương thực hằng ngày" trong kinh Lạy Cha đại khái là như thế.
Khi cầu nguyện: "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày", tôi không chờ Chúa sẽ làm phép lạ. Tôi hiểu rằng: Cha mẹ khôn ngoan thường không để lại cho con những lương thực làm sẵn, nhưng dạy cho con những hướng phải đi, để tự mình sáng tạo làm ra lương thực. Chúa cũng dùng cách đó. Tôi càng cầu xin, Chúa càng nhắc cho tôi những đường hướng phải đi. Dưới đây là một số đường hướng tôi thấy cần nhấn mạnh, xét theo hiện tình mục vụ.
Đường hướng thứ nhất là: Hãy nhìn mình với cái nhìn hiện thực.
Ai trong chúng ta cũng có một tài liệu rất nhỏ, rất đơn sơ về chính mình. Cứ nhìn tài liệu ấy với những ý nghĩa nó gợi lên thì đó là cái nhìn tôi gọi là hiện thực. Tài liệu tôi nói ở đây chính là tấm chứng minh nhân dân của mỗi người.
Đọc nội dung tấm CMND của mình, tôi thấy tôi là thành phần của những tập thể, đó là gia đình, địa phương, tổ quốc và tôn giáo. Tấm CMND của tôi mang một con số rất dài, có nghĩa là tôi đứng trong tổng số bao la của đồng bào cả nước. Tấm CMND ghi tuổi của tôi, cái tuổi đó nhắc cho tôi những quá trình cuộc sống, những năm tháng, những lãnh nhận và đã cho đi. Nhìn tấm CMND, tôi thấy mình trong quyền quản lý của Nhà Nước của tôi.
Tóm lại, nhìn tấm CMND, tôi thấy chỗ đứng của mình là một chỗ đứng trong những tập thể, là một chỗ đứng bên cạnh hằng triệu cuộc sống. Nó phải tựa vào đồng bào và có trách nhiệm với đồng bào. Nó phải tựa vào địa phương và có trách nhiệm với địa phương. Nó phải tựa vào Tổ quốc và có trách nhiệm với Tổ quốc. Nó phải tựa vào Hội Thánh và có trách nhiệm với Hội Thánh. Đó là thực tế. Thực tế cho thấy: tất cả những gì là tôi và tất cả những gì tôi có đều dính vào lịch sử của bao người chung quanh. Thực tế cho thấy các hoạt động hiện nay của tôi được thực hiện nhiều hay ít, một phần còn tùy ở sự giúp đỡ của các nguồn ngọn ghi trong CMND.
Khi nhìn thực tế đó một cách trung thực, tôi thấy mình bé nhỏ đòi hỏi nhiều gắn bó. Sự gắn bó với những nguồn gốc ghi trong CMND là một gắn bó sơ đẳng, bình thường. Từ ít lâu nay, sự gắn bó của những người hoạt động tôn giáo với các gốc nguồn đã và đang là vấn đề sôi động tại nhiều Giáo Hội, nhất là trong các nước mới giành được độc lập. Nhiều khuynh hướng thần học và mục vụ thúc giục các giáo hội địa phương hãy sống mầu nhiệm nhập thể một cách tích cực hơn. Hình thức thực hiện sẽ tuỳ nơi tùy thời. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, sự thực hiện gắn bó qua mấy điểm sau đây vốn được coi là ngôn ngữ mục vụ thích hợp nhất: Tích cực chia sẻ với người nghèo, góp phần nâng cao đời sống địa phương, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng hành với nhân loại trên đường đấu tranh cho hoà bình, tình thương và công lý. Chiều hướng mục vụ trên đây không xa lạ đối với lá Thư chung Hội đồng Giám Mục Việt Nam 1980. Lựa chọn chiều hướng đó là đúng, đúng với Phúc Âm, đúng với Công đồng Vatican II, đúng với trào lưu lịch sử đất nước và thế giới.
Xin Chúa Kitô sống trong chúng ta, để chúng ta biết nhìn đường hướng này bằng con mắt trong sáng mến Chúa yêu người, biết nhiệt thành mà khôn ngoan, biết uyển chuyển mà trung tính.
Đường hướng thứ hai là: Hãy nhìn kẻ khác với cái nhìn trách nhiệm.
Cái nhìn của con người thường chứa nhiều câu hỏi. Nhìn một người thường có nghĩa là hỏi về người đó: Người này tốt hay xấu? Mình tin được họ hay mình nên nghi? Coi bộ họ dễ hay khó? Không biết họ có đồng ý với mình hay không? Không biết lòng họ thực sự thế nào?... Có khi hỏi để đấy. Có khi hỏi rồi tự trả lời. Đặt câu hỏi về một người thiết tưởng cũng đã phải có tinh thần trách nmhiệm. Phương chi những câu trả lời. Bởi vì trong đó có mến Chúa yêu người. Và bởi vì từ đó sẽ sinh ra hậu quả cho người ta, cho xã hội và cho chính bản thân mình. Thí dụ cái nhìn của mấy thầy cả đạo cũ về Chúa Giêsu. Ban đầu chỉ là một cái nhìn bất bình, rồi tích tụ dần thành ác cảm, từ đó rỉ ra những lời gièm pha khích động, rồi thai nghén thành âm mưu triệt hạ, sau cùng là công khai tìm giết Đức Kitô. Như thế hậu quả của một cái nhìn đâu phải nhỏ.
Để răn đe mình, tôi hay nhắc lại vài câu Chúa dạy: "Con đừng xét đoán, để con khỏi bị xét đoán", "Con dùng đấu nào đong cho kẻ khác, Chúa cũng sẽ dùng đấu đó đong lại cho con".
Những lời Chúa dạy trên đây đã rất hiệu nghiệm đối với mỗi người có đạo. Có những người chỉ biết mấy câu sơ sài như thế, nhưng họ sống triệt để cái vốn liếng nhỏ nhoi đó, và họ đã rất lương thiện, không những không dám hại ai, mà còn cố gắng làm các việc phúc đức, giúp những người chung quanh. Đang khi đó, một số người có đạo biết nhiều điều, tin nhiều điều, giữ nhiều điều, nhưng lại thiếu sót nhiều điều trong cái nhìn về kẻ khác.
Có 3 thiếu sót khá phổ thông. Một là cái nhìn dửng dưng. Phúc Âm đã tả cái nhìn dửng dưng trong dụ ngôn người phú hộ nhìn Lagiarô lở loét ngồi ăn mày ngoài cổng, và trong dụ ngôn người thầy cả nhìn kẻ bị cướp đánh nằm ở vệ đường. Hai là cái nhìn ghen tương. Sách thánh nói đến cái nhìn đó trong chuyện Cain đối với Aben, Êsau đối với Giacóp, 11 người con Giacóp đối với em út là Giuse, vua Saulê đối với Đavít, mấy thầy cả đạo cũ đối với Chúa Giêsu. Ba là cái nhìn thành kiến. Thành kiến do dư luận, do giáo dục, do tín ngưỡng, do chính trị, do nghề nghiệp, do văn hóa, do địa phương. Những thành kiến gây ra chia rẽ, bất công và thiệt hại vô vàn cho đất nước và cho Hội Thánh.
Nhiều nơi sinh hoạt tôn giáo có vẻ sầm uất, nhưng ba cái nhìn trên đây cũng rất sầm uất. Nhiều người có vẻ hãnh diện với nếp sống kinh lễ đều đặn của mình, đồng thời xem ra cũng hãnh diện với 3 cái nhìn trên đây của mình, không hề tỏ dấu gì là sai trái.
Tôi thiết nghĩ đây là vấn đề nghiêm trọng. Bởi vì, ta quá hiểu lời Chúa phán xưa: "Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Cha là chúng con thương yêu nhau". Khắp nơi trong Hội Thánh cần tích cực hơn nữa trong việc trách-nhiệm-hóa cái nhìn của người có đạo. Cần nhắc lại điều đó. Cần tập trung giáo huấn vào giới luật yêu thương. Nhất là cần có gương sáng. Chắc chắn Chúa muốn như vậy. Những việc như thế sẽ nuôi dưỡng lòng mến Chúa yêu người. Một não trạng biết nhìn kẻ khác với tinh thần trách nhiệm Phúc Âm sẽ dễ gặp được con người hôm nay và gặp được Chúa một cách thanh thản chan hòa hy vọng.
Đường hướng thứ ba là: Nhìn các giá trị trần thế với cái nhìn cởi mở.
Sở dĩ tôi đề cập đến vấn đề này là vì một đàng hiện nay nhân loại đang tiến mạnh trên đà phát triển những giá trị trần thế, như văn hóa, khoa học, kỹ thuật, và một đàng trong đạo vẫn tồn tại một khuynh hướng tu đức có vẻ dửng dưng hoặc nghi kỵ đối với các giá trị trần thế. Khuynh hướng tu đức đó không là điều xa lạ gì trong một số sách đạo đức. Hậu quả có tốt và có xấu. Thực sự đã có những lệch lạc trong cái nhìn của một số người "đạo đức" về giá trị trần thế.
Tôi thiết nghĩ, theo qui luật tiến hóa, lịch sử nhân loại sẽ không quay trở về những chặng đường cũ. Chặng đường lịch sử nhân loại hôm nay là chặng đường phát triển văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghệ thuật. Con người hôm nay đang đi trên chặng đường này. Nếu loan báo Tin Mừng là phải gặp được con người hôm nay, thì dứt khoát kẻ loan báo Tin Mừng chỉ gặp được con người hôm nay trên chính con đường họ đang đi. Tôi tin có Chúa trên con đường này Chúa Kitô sẽ chia sẻ sự sống của Người cho mọi chặng đường đa dạng đã qua của lịch sử, thì chính Ngài đang đi xuyên qua lịch sử, cũng đang chia sẻ sự sống của Người cho hình thức lịch sử hôm nay.
Cho dù có ai trong chúng ta không ưa thích chặng đường lịch sử hôm nay, họ cũng vẫn có bổn phận tìm hiểu nó. Và đó là bổn phận do chức vụ thừa tác viên của Chúa. Sắc chỉ "Presbyterorum Ordinis" nói: "Các thừa tác viên của Chúa sẽ không có khả năng phục vụ con người, nếu các ngài xa lạ với cuộc sống của họ và những hoàn cảnh cuộc đời" (3). Sắc chỉ "Optatam totius" khi nói đến hành trang kẻ muốn thụ phong linh mục, cũng đã kể đến những kiến thức về triết học và khoa học hiện đại, nhất là những trào lưu văn hóa có ảnh hưởng lớn trong nước của mình (1). Tông huấn loan báo Tin Mừng cũng nói đến sự am hiểu nền văn hóa địa phương là một yêu cầu của sứ mạng kẻ loan báo Tin Mừng.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 1-3-1980 nói với các sinh viên Rôma rằng: "Người lớn là người luôn sẵn sàng học hỏi thêm. Còn kẻ nào tưởng mình biết đủ, sẽ thực sự chỉ đầy cái tôi của mình, nhưng lại trống vắng những giá trị lớn có khả năng làm giàu cuộc sống". Chúng ta không phải là những người còn nhỏ. Nếu chúng ta chịu khó đọc các sách báo Việt Nam xuất bản đủ loại ngày càng nhiều, chúng ta sẽ gặp được nhiều giá trị lớn lao làm giàu cuộc sống, như Đức Giáo Hoàng nói, nhất là sẽ giúp cho ta dễ gặp được con người Việt Nam hôm nay.
Mới rồi, trong đại hội giáo dân tại Rucca di Papa, Rôma, gồn có 120 đại diện của 63 tổ chức giáo dân thuộc nhiều nước, từ ngày 20 tới 25 tháng 6/1985, giáo sư Rocco Buttiglione đã đưa ra nhận xét này là hiện nay giữa đức tin và văn hóa có một sự đoạn giao trầm trọng. Nhận xét này cũng đã được Đức Phaolô VI nói tới. Tìm hiểu trách nhiệm về tình trạng đó, tất nhiên ta không đổ cho văn hóa, mà phải hỏi những người truyền bá đức tin. Theo tôi, sự đồng hành với trào lưu văn hóa hôm nay và tìm những điểm gặp gỡ là điều hợp lý, phải cố gắng thực hiện, nếu đức tin thực sự muốn gặp con người của nền văn hóa hôm nay. Nếu ta thấy đường hướng trên đây là đúng, ta sẽ có vô số việc làm trong một ngày, để góp phần mở rộng kho lương thực mến Chúa yêu người cho mình và cho bao kẻ khác.
Đường hướng sau cùng là: Hãy nhìn Chúa với cái nhìn cậy tin.
Về điểm này, tôi xin trình bày thành thực kinh nghiệm bé nhỏ của tôi. Khi tôi nhìn Chúa, tôi luôn thấy Người là tình yêu toàn năng giàu lòng thương xót đang nhìn tôi là kẻ yếu đuối hèn mọn. Từ tình yêu Chúa, tôi nghe lời Chúa nhắn nhủ: "Cha là cây nho, con là cành nho. Cha là Đường, là Sự Thực và là Sự Sống". Tôi nhìn Chúa như vậy và tôi tin Chúa. Tôi không phân tích niềm tin cậy khi nó đã trở thành sự sống. Tôi chỉ thấy rằng: Niềm tin cậy đó là tuyệt đối, là sức mạnh mãnh liệt kéo tôi về phía trước.
Theo tâm lý, sở dĩ người ta tin lời một người nói, chính là vì người ta đã tin vào con người của họ. Có tin người thì mới tin lời. Tin lời do đã tin người. Niền tin vào một người thường được nảy sinh và được xây dựng do gặp gỡ họ nhiều hơn là do học hỏi về họ. Hồi xưa các tông đồ gặp Chúa, rồi nhờ gặp Chúa cho nên họ tin vào Chúa, rồi vì tin vào Chúa, nên họ tin các lời Chúa dạy. Tiến trình đó đáng được ta suy nghĩ.
Vì thế, một điều tôi cho là hết sức quan trọng trong mục vụ mến Chúa yêu người đó là nên tìm cách giúp đỡ người ta gặp gỡ Chúa nhiều hơn là học hỏi về Chúa. Tất nhiên biết nhiều, học nhiều về Chúa là điều rất tốt. Nhưng chúng ta đừng quên sự thật này là vô số người, kể cả ma quỷ, biết rất nhiều về Chúa, nhưng không vì thế mà tin cậy Chúa. Trái lại, có những người rất ít hiểu về Chúa, nhưng vì năng gặp Chúa, năng gần gũi Chúa, nên đã được Chúa ban cho đức tin rất mạnh, rất nồng nàn. Nhận xét như vậy, nên khi giảng dạy cho ai về Chúa, tôi không quên giúp họ gặp Chúa. Và khi không thể giảng dạy về Chúa, tôi vẫn thấy có nhiều thuận lợi để giúp con người gặp gỡ Chúa. Ta có thói quen nhấn mạnh đến sự gặp gỡ Chúa qua phụng vụ thánh lễ và các bí tích, nhưng hiện nay, vì hoàn cảnh thiếu linh mục, có thể nói chừng 3/4 tổng số tín hữu Việt Nam không thường xuyên lui tới phụng vụ hằng ngày được. Hoàn cảnh đó ngày càng tăng, ta có trách nhiệm với đa số lớn lao kia đang phải xa phụng vụ. Ta có trách nhiệm giúp họ gặp được Chúa ngoài con đường phụng vụ, bởi vì không thể khác được. Ta có trách nhiệm giúp cho mọi người có đạo tìm được lương thực thiêng liêng ở con đường vừa tầm tay của họ, nhất là trong hoàn cảnh sinh sống vất vả hiện nay. Trong mục đích ấy, Hiến Chế Sacrosanctum Concilium của Công đồng Vatican II đã ca ngợi nền phượng tự ngoài phụng vụ (cultus extra-litrugicus 11,12). Nó không thay thế phụng vụ, nhưng nó trở thành rất quan trọng khi phụng vụ rút vào những giới hạn không sao tránh được.
Bốn đường hướng trên đây chỉ là những gợi ý khiêm tốn, để đi tới kết luận này là: Để có lương thực thiêng liêng hằng ngày, tôi cần phải phấn đấu. Muốn phấn đấu hữu hiệu, thì không phải chỉ cần nhiệt tình, mà còn phải có một não trạng cởi mở nhạy bén. Não trạng là cách nhìn, cách suy nghĩ. Hôm nay, để làm ra tiền, để tìm ra lương thực vật chất, con người Việt Nam không thể cứ nhìn, cứ suy nghĩ theo não trạng cũ được. Cũng vậy, sự đổi mới não trạng là một yếu tố rất cần thiết trong việc giải quyết vấn đề lương thực thiêng liêng. Có thể nói, chính não trạng giúp làm nên kho tàng lương thực thiêng liêng, chính não trạng giúp ta biết cách gặp được Chúa và gặp được con người.
Lạy Cha trên trời, xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Chúng con cảm tạ Cha đã nhậm lời chúng con. Cha đã và đang chỉ cho chúng con những hướng đi, để chúng con tìm ra lương thực. Cha là Đấng tạo dựng, Cha sáng tạo nên những não trạng biết sáng tạo. Cha muốn những trái tim sáng tạo của con cái Chúa biết đi vào chiều rộng bao la của Nước Trời. Xin ca ngợi Cha đến muôn đời. Amen.
Nhân loại hôm nay rất khác nhân loại thời trước. Đã có những chuyển biến về nhiều mặt. Nhận xét Bùi-Tuần 2128
Nhân loại hôm nay rất khác nhân loại thời trước. Đã có những chuyển biến về nhiều mặt. Nhận xét trên đây đã do Công đồng Vatican II chính thức nêu lên trong Hiến Chế Gaudium et Spes. Những chuyển biến vẫn tiếp tục phát triển thêm từng năm tháng một cách mau lẹ. Trong các chuyển biến quan trọng, có chuyển biến về cách con người suy nghĩ. Con người hôm nay suy nghĩ khác con người thời xưa, với những phạm trù khác xưa, với những cách đánh giá khác xưa, với những mô hình khác xưa. Sự kiện này đã được Công đồng Vatican II và các Đức Giáo Hoàng sau đó ghi nhận.
Ở đây, trong vần đề tội, tôi xin trình bày vài chuyển biến trong suy nghĩ của con người hôm nay về 3 điểm: Thời nay, người ta để ý nhất về thứ tội nào? Thời nay, người ta xem xét trách nhiệm về tội ra sao? Thời nay, người ta nghĩ gì về cách để được tha tội?
Chuyển biến thứ nhất là: Ngày nay rất đông người không còn để ý đến nhiều sự mà đạo Công Giáo coi là tội. Đang khi đó càng ngày càng phát triển những trào lưu chống bất công, gây nên ý thức rộng lớn về công bình bác ái.
Thực vậy, nhìn lại mấy chục năm gần đây, tôi thấy ý thức về tội trong Giáo Hội đã thay đổi nhiều. Xin đưa ra mấy dẫn chứng: Trước đây dân chúng các nước kể như toàn tòng Công Giáo vốn coi hôn phối khác đạo là việc khó chấp nhận. Nay, họ đã phổ biến tán thành. Trước đây, người có đạo thường rất sợ phạm tội phạm sự thánh. Nay ý thức về sự thánh đã khá nhạt nhòa. Trước đây, Sáu điều răn Hội Thánh được tuân giữ tỉ mỉ. Nay, rõ ràng đang có một sự lỏng lẻo trong tất cả sáu điều răn đó, đến nỗi nhiều nơi bây giờ tại Âu Mỹ số người đi lễ Chúa Nhật chỉ còn 10%. Trước đây, nhiều chi tiết thuộc điều răn thứ sáu bị xã hội kết án khắt khe. Nay, cũng những chi tiết ấy lại được coi như bình thường.
Lương tâm con người có nhiều thay đổi. Các sách thần học luân lý thời nay không còn nói tới tỉ mỉ về các tội như thời trước. Thời trước ý thức về tội đi vào lòng người qua ngã tôn giáo. Thời nay ngoài ngả tôn giáo, ý thức về tội còn đi vào lòng người qua ngã văn hoá, chính trị và nếp sống xã hội. Đạo đức của 3 nhân tố trên đây từ ít lâu nay tập trung vào tội chống bất công dưới nhiều hình thức. Ý thức này đang phát triển với những nét sau đây:
a) Phạm vi công bình bác ái rộng lớn hơn trước.
Thời trước, người ta hay nói đến công bình bác ái giữa những cá nhân và các môi trường nhỏ. Nhũng ranh giới đó nay đã vượt qua để nói tới công bình bác ái giữa các giai cấp, giữa phái nam và phái nữ, giữa các nước, giữa các châu, giữa các nước công nghiệp hóa và các nước kém mở mang. Ta thấy rõ nét đó trong các phong trào đấu tranh, trong các hội nghi quốc tế, trong các đề cương của các đảng phái chính trị, trong các bộ luật đủ loại, trong các tác phẩm văn học.
b) Quan niệm về công bình bác ái sắc bén hơn trước.
Trước đây, có lúc người ta nhân danh đạo đức bắt buộc người vợ phải hoàn toàn vâng phục người chồng. Nhưng nay, có những trường hợp bắt buộc như thế phải coi là vô nhân đạo, là không công bình. Trước đây, có lúc người ta chúc cho đôi tân hôn được sinh sản đông con nhiều cháu. Nhưng nay, người ta coi việc giới hạn sinh sản một cách hợp lý là một trách nhiệm công bình bác ái của cha mẹ đối với chính con cái mình. Trước đây, của ai thì người ấy có quyền hưởng. Nhưng nay, người có dư của cải, nếu không tiếp cứu người cùng cực, sẽ bị coi là lỗi đức công bình bác ái.
c) Tính cách công bình bác ái phổ quát hơn trước.
Trước đây, khi nói tới công bình bác ái, người ta hay kèm theo uy tín xuất xứ. Thí dụ: Công bình Phúc Âm, từ bi Đức Phật. Nhưng nay, người ta ưa nói đến công bình bác ái trống không, nghĩa là công bình bác ái không có nhãn hiệu, tự nó có uy tín, chứ không cần dựa vào xuất xứ. Hiện nay, trong các hội nghị, trong các cuộc trao đổi, trong các tác phẩm văn hóa, người ta dễ gặp nhau ở những chân lý không nhãn hiệu. Một thứ công bình được giá nhờ nhãn hiệu hơn là nhờ bản chất sẽ mau bị mất mát.
d) Phương cách đạt tới công bình bác ái là một đấu tranh tích cực hơn là chịu đựng tiêu cực.
Tất nhiên, đấu tranh có nhiều hình thức, như bằng lý luận, bằng thiện cảm, bằng dư luận, bằng vũ trang, nhất là bằng cách chứng minh lẽ phải qua cuộc sống tốt lành của mình. Thí dụ: Chị nữ tu trong tiểu thuyết "Cuộc đời bên ngoài" của Vũ Huy Ánh, sau khi so sánh công bình bác ái trong nội bộ nhà tu với công bình bác ái với cuộc đời bên ngoài, chị đã xin xuất tu. So sánh hai thực tại, nghĩa là có đấu tranh giữa hai thực tế. Rồi thí dụ những đấu tranh vừa tình cảm, vừa lý luận trong những tác phẩm sau: Tôi và chúng ta, Nhân danh công lý, Mùa hè trước biển, Đứng trước biển, Ngao sò ốc hến, Cù lao tràm... Hằng ngày đọc báo, nghe đài, ta thấy đấu tranh tích cực cho công lý hiện nay đang sôi nổi dưới nhiều hình thức rất khác nhau, nhưng nhiều khi cũng vì quá đề cao đấu tranh mà không có luân lý để chọn lựa phương tiện, nên có những chủ quan đưa tới lạm dụng, để xảy ra nhiều trường hợp tự cho phép mình lấy của người khác, làm hại người khác, mà vẫn coi việc làm của mình như thế là công bình hợp lý. Sự chuyển biến về cách con người hôm nay suy nghĩ như vừa nói trên đây vẫn đang phát triển lan tràn qua mọi biên giới tôn giáo. Chuyển biến thứ hai là: Khoa học về con người càng phát triển, người ta thẩm định trách nhiệm về tội một cách thận trọng hơn, nghĩa là một cách muốn có công bình bác ái hơn.
Chúng ta hẳn đã biết Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục phong chức Giám Mục và Linh mục bất chấp luật lệ Giáo Hội, và vụ Ngài tuyên bố trên báo chí lập trường của ngài coi Toà thánh hiện nay là trong tình trạng trống ngôi, có nghĩa là ngài coi Đức Giáo Hoàng đương kim không phải là Giáo Hoàng thực. Những việc trên đây theo Giáo Luật phải kể là tội trọng. Nếu những việc này xẩy ra 100 năm trước đây, hẳn Toà Thánh đã có những biện pháp mạnh đối với Đức Cha Ngô. Thế nhưng, Toà Thánh đã xét đến những áp lực khác nhau đưa Đức Cha Ngô tới những hành động sai trái, như sức khỏe yếu, tình trạng căng thẳng do những dao động tâm lý khác thường, những ám ảnh... nên Tòa Thánh đã nhìn các lỗi lầm của Đức Cha Ngô với cái nhìn khoan dung. Dư luận cũng chia sẻ cách xét xử hợp lý hợp tình đó. Trên đây là một thí dụ cho thấy hiện nay có những suy nghĩ mới trong việc thẩm định trách nhiệm về tội.
Trong hội nghị Y học xã hội tại Strasbourg năm 1953, nhiều bác sĩ, triết gia, thần học gia đã cho thấy giữa sức khỏe và đời sống thiêng liêng có một tương quan chặt chẽ. Ý kiến đó được bàn luận một cách sâu sắc trong nhiều bài phát biểu đã in thành sách tựa đề "La sancté et la vie spirituelle".
Trong cuốn Prespective chrétienne pour une médecine humaine, cha Bernard Hoering, nhà luân lý học nổi tiếng đã bàn nhiều đến liên hệ giữa tội và sức khỏe, cũng như giữa sức khỏe của cá nhân với những tiền đề xa gần vượt ngoài trách nhiệm của cá nhân. Vấn đề này cũng được cha Bernard Hoering đề cập rộng rãi trong bộ La loi du Christ, tập III.
Trong cuốn La guérison dans la mission de l'Eglise, tác gỉa Georges Seignier đã nói tới liên hệ giữa tội với cấu trúc thân thể. Có trường hợp, sau khi giải phẫu óc, lấy ra một số tế bào, người bệnh tự nhiên hết còn muốn phạm tội mà trước đây họ vốn bị cám dỗ một cánh dữ dội.
Khoa tính tình học cho thấy liên hệ giữa tội và tính tình, cũng như tính tình và cấu trúc thân xác. Thí dụ, một người với dáng dấp như thế, thường có tính tình như thế, và vì có tính tình như thế nên dễ rơi vào những tội như thế.
Khoa phân tâm học của Freud cũng cho thấy hành động tội lỗi nhiều khi gây nên một phần do áp lực của vô thức và tiềm thức.
Cũng vì những liên hệ chằng chịt giữa tội và các yếu tố có sẵn, nên trong cuốn Le sens du péché, cha Jérome Régnier đã nhắc đến một khuynh hướng tư tưởng muốn gọi con người phạm tội là nạn nhân của số mệnh tất yếu. Đó chỉ là một cách nói. Bởi vì sự tự do của nội tâm con người là một công trình phải xây dựng mới có. Phải chinh phục chính mình, phải chiến thắng chính mình mới có được tự do nội tâm. Vì thế, nếu quen sống buông thả, để rồi trở thành một con người không còn tự do nội tâm, người ta vẫn không tránh được mọi trách nhiệm về các tội mình phạm. Tuy nhiên, sự chia sẻ trách nhiệm sẽ được xem xét một cách công bình, bác ái.
Trên Thánh giá, Chúa Chúa Giêsu đã cầu xin cho những kẻ giết Ngài: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết". Não trạng con người hôm nay cũng phần nào đang chuyển biến theo chiều hướng bao dung đó.
Chuyển biến thứ ba là: Ngày nay rất nhiều người coi sự làm việc công bình bác ái là cách được tha tội tốt hơn mọi cách khác.
Trước đây, để được khỏi tội, người Công Giáo chúng ta thường đến với bí tích Cáo giải. Nhưng nay thói quen đó đã thay đổi rất nhiều. Bên Âu Mỹ, số người đi xưng tội giảm sút rõ rệt. Một phần vì người ta không còn tin vào hiệu năng của bí tích Cáo giải nữa. Toà Thánh đã nhiều lần hô hào các tín hữu trở lại với tòa giải tội. Nhưng kết quả chưa được là bao.
Đang khi đó,một số người vẫn giữ vững tinh thần sám hối. Nhưng để được ơn tha thứ, họ quan tâm làm các việc từ thiện, các việc công bình bác ái, góp công góp của vào các công trình phúc lợi chung, các việc mà đạo Công Giáo đã tóm tắt trong "14 mối thương xót". Họ tin việc lành công bình bác ái là một điều kiện để họ được ơn tha tội. Cách suy nghĩ như vậy và cách làm như vậy đòi một sự cố gắng lớn hơn đi xưng tội, và cũng đem lại những hậu quả giáo dục sâu sắc.
Phúc Âm có nhiều gợi ý cho cách suy nghĩ trên. Thí dụ Chúa nói về người đầy tớ kia không chịu tha nợ cho kẻ đã mắc nợ với anh vì thế vua cũng không tha nợ cho anh. Có nghĩa là điều kiện để anh được vua tha nợ, là chính anh phải tha nợ cho kẻ mắc nợ với anh. Rồi thí dụ trường hợp Chúa nói về người đến bàn thờ dâng lễ, sực nhớ mình có sự bất hoà với một người anh em. Chúa bảo người đó hãy ngừng dâng lễ, hãy về làm hoà với người anh em trước đã, rồi hãy trở lại bàn thờ dâng lễ tiếp. Có nghĩa là điều kiện để làm hoà với Chúa là hãy làm hoà với con người trước đã.
Tôi vừa trình bày vắn tắt mấy nhận xét của tôi về cách suy nghĩ của con người hôm nay, liên quan đến vấn đề tội,tóm tắt như thế này:
1- Ngày nay, người ta để ý đến tội nghịch công bình bác ái hơn các tội khác.
2- Ngày nay, người ta xét đoán trách nhiệm về tội một cách công bình bác ái hơn trước.
3- Ngày nay, người ta quan tâm hơn trước đến việc làm công bình bác ái, như phương cách để được tha tội.
Những chuyển biến này có những cái không tốt, nhưng nếu được uốn nắn, thanh luyện, sẽ là những tiếng nói tốt cho Phúc Âm. Thiết tưởng, mục vụ của chúng ta nên nhạy bén những chuyển biến quan trọng đó, để giúp người tín hữu có được những thái độ bên trong tâm hồn, và những việc làm bên ngoài xã hội thích ứng đúng đắn và mau lẹ với những cách suy nghĩ mới. Lãnh đạo là nhìn thấy trước.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Chúng con biết chúng con mắc nợ với Cha rất nhiều. Chúng con thực tình ăn năn sám hối vì mọi tội lỗi chúng con đã phạm. Xin Cha nhân từ thương xót chúng con. Chúng con tin rằng: Khi chúng con thứ tha là lúc chúng con được tha thứ. Xin Cha giúp chúng con thực hiện niềm tin ấy với lòng quảng đại sáng suốt. Lạy Cha giầu lòng thương xót, xin cảm tạ Cha hết lòng. Amen.
Chước cám dỗ đầu tiên gây nên tội tổ tông truyền, đó là sự ma quỉ xui hai ông bà nguyên tổ quan Bùi-Tuần 2129
Chước cám dỗ đầu tiên gây nên tội tổ tông truyền, đó là sự ma quỉ xui hai ông bà nguyên tổ quan trọng hoá chính mình. Các chước cám dỗ ngoạn mục mà Satan đã dành cho Chúa Cứu Thế trong sa mạc đều do Satan lầm tưởng rằng: Chúa Cứu Thế cũng quan trọng hóa chính mình như bất cứ ai. Chước cám dỗ mà các tông đồ xưa đã để lộ ra, khi tranh cãi về chỗ trên chỗ dưới, và khi khoe khoang đã trừ được quỉ, đã nói lên các Ngài có phần nào thích quan trọng hóa chính mình. Hiểu theo phân tâm học, thì ai cũng mang sẵn trong mình chước cám dỗ đó. Khuynh hướng quan trọng hoá chính mình được gọi là bẩm sinh. Nó mạnh, nó yếu, tùy cá nhân mỗi người, và tùy ở các nhân tố tác động.
Những người tu cũng có những khuynh hướng bẩm sinh như mọi người. Nền giáo dục trong nhà tu thường có những phương pháp giúp chế ngự khuynh hướng quan trọng hoá chính mình, nhưng kết quả vẫn có giới hạn. Sự kính trọng, lòng mộ mến và những hy vọng Giáo Hội dành cho kẻ tu trì có khả năng khích lệ họ quảng đại cho lý tưởng, nhưng cũng có khả năng trở thành những chước cám dỗ. Ấy là chưa nói tới mưu mô của ma quỉ.
Sự quan trọng hóa chính mình đôi khi len lỏi vào các việc đạo đức, được nuôi dưỡng, được bảo vệ tinh vi khéo léo bằng các hình thức đạo đức. Thế là nó ung dung tác hại. Chước cám dỗ không còn dễ bị nhận ra là chước cám dỗ.
Ai trong chúng ta cũng muốn xa chước cám dỗ đó. Ai trong chúng ta cũng muốn đừng bao gìơ sa chước cám dỗ đó.
Để củng cố ý muốn tốt lành ấy, tôi xin trình bày ba sự kiện có tính cách kêu gọi chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về chước cám dỗ quan trọng hoá chính mình.
Sự kiện thứ nhất là: Đang có trào lưu muốn đánh giá con người chúng ta theo thực chất khả năng loan báo Tin Mừng hơn là theo chức vụ lãnh đạo đoàn chiên và ban bí tích.
Sắc lệnh Prebyteroum Ordinis kể ra ba chức vụ của Linh mục: Chức vụ loan báo Tin Mừng, chức vụ ban Bí tích, chức vụ lãnh đạo dân Chúa. Có một thời, người ta đề cao chức vụ ban bí tích và lãnh đạo dân Chúa hơn là chức vụ loan báo Tin Mừng. Nhưng nay đang có trào lưu muốn các Linh mục đặt chức loan báo Tin Mừng lên hàng ưu tiên số một trong các nhiệm vụ của nình.
Chính Công đồng Vatican II đã tuyên bố là tất cả Giáo Hội phải ở trong tình trạng loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng chính là bản chất của Giáo Hội. Loan báo Tin Mừng chính là nhiệm vụ của Chúa Cứu Thế: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Ngài đã xức dầu cho tôi, Ngài sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó". Loan báo Tin Mừng chính là sứ mạng Chúa trao cho các tông đồ "Chúng con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc trên khắp thế giới".
Loan báo Tin Mừng là việc của bất cứ linh mục nào, đang khi việc ban bí tích và lãnh đạo chỉ được dành cho một số linh mục mà thôi. Loan báo Tin Mừng là việc có thể làm bất cứ ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đang khi việc ban bí tích và lãnh đạo được qui định trong những giới hạn rõ rệt.
Loan báo Tin Mừng là việc làm khó hơn việc ban bí tích và lãnh đạo. Nhất là khi chính sự lãnh đạo và ban bí tích cũng phải trở thành phương tiện loan báo Tin Mừng.
Thời nay, loan báo Tin Mừng là làm chứng về một biến cố hơn là trình bày một đạo lý. Biến cố đó là điều đã xẩy ra cho mình và mình đang sống biến cố ấy. Chính là biến cố mình đã gặp được Chúa, mình đang sống với Chúa, mình vốn tin cậy Chúa là Cha giầu lòng thương xót.
Thời nay, loan báo Tin Mừng là giới thiệu Hội Thánh như một hạt cải bé nhỏ, một ngọn đèn khiêm tốn, một tấm men âm thầm, hơn là giới thiệu Hội Thánh như một lâu đài lộng lẫy xây trên đỉnh núi được bảo vệ bằng những tường rào cấm cản.
Thời nay, loan báo Tin Mừng là gây nên một não trạng có chiều sâu biết suy nghĩ đúng, biết lựa chọn đúng, biết khao khát những lý tưởng đẹp, hơn là gây nên một ký ức nhớ thực hiều những điều về đạo.
Thời nay, loan báo Tin Mừng là phiên dịch niềm tin Chúa Phục Sinh ra một thái độ sống lạc quan tin tưởng hơn là kể chuyện Chúa sống lại.
Thời nay, loan báo Tin Mừng là tìm phục vụ tất cả đồng bào hơn là chỉ đấu tranh cho quyền lợi Hội Thánh.
Nếu hiểu như thế, ta sẽ thấy loan báo Tin Mừng không còn là việc có thể dựa vào thẩm quyền, dựa vào thực chất khả năng. Đòi hỏi này không phải dễ, vì loan báo Tin Mừng trở thánh một công việc nhiều khi vượt sức riêng ta, nên ta cần phải rất khiêm tốn, để rồi chính tinh thần khiêm tốn sẽ là yếu tố quan trọng giúp ta biết loan báo Tin Mừng, và cũng giúp ta biết cảnh giác trước cơn cám dỗ thích quan trọng hóa chính mình.
Sự kiện thứ hai là: Đang có trào lưu đẩy mạnh vai trò giáo dân trong Hội Thánh.
Đọc các văn kiện Công đồng Vatican II, tôi thấy vai trò giáo dân được trình bày nhiều lần một cách trịnh trọng đầy thương mến. Ngoài sắc lệnh Apostolicam Actuositatem về hoạt động tông đồ giáo dân, còn nhiều Hiến chế và Nghị quyết đã nói dài đến giáo dân đặc biệt là Hiến chế Gaudium et Spes và Lumen Gentium, cũng như Nghị quyết Ad Gentes.
Từ Công đồng Vatican II đến nay, các thứ hội nghị giáo dân được tổ chức đều đều, theo một nhịp độ tăng mau, thí dụ, ngay trong 6 tháng đầu năm 1986, đã có 3 hội nghị quốc tế giáo dân:
- Hội nghị quốc tế giáo dân tổ chức tại Tân Tây Lan từ 30-1 đến 5-2-1986 dành cho giáo dân các nước Úc, Tân Tây Lan, Papusi và Tân Ghinê, chủ đề hội nghị là: Ơn gọi của giáo dân trong đời sống và trong sứ mệnh của Giáo Hội địa phương.
- Hội nghị quốc tế giáo dân tổ chức tại Ecốt từ 3-3 đến 10-3-1986 dành cho giáo dân các nước Anh, Ecốt và Ái Nhĩ Lan. Chủ đề hội nghị là: Thành phần của Hội Thánh là những người thợ của Nước Trời.
- Hội nghị quốc tế giáo dân tổ chức tại Đài Loan từ 24-3 đến 27-4-1986 dành cho giáo dân các nước Á Đông. Chủ đề hội nghị là: vai trò của giáo dân trong việc phát triển Giáo Hội địa phương tại Á Đông.
- Thượng Hội Đồng Giám Mục tổ chức tại Vatican tháng 10 năm 1987: bàn về giáo dân.
Khắp nơi, đều cho thấy tinh thần giáo dân rất cao, hoạt động giáo dân đa dạng, vai trò giáo dân rất cần thiết.
Trong một đại hội tại Pháp gồm đại diện các họ đạo không có lễ Chúa Nhật, người ta thấy giáo dân đã đảm đang duy trì được họ đạo và nếp sống đạo một cách can đảm và linh lợi.
Tại Ấn Độ, một nước có 12 triệu người Công Giáo, chia thành 109 địa phận, với 14 ngôn ngữ khác nhau, giáo dân đã chứng minh họ là những người cộng tác cần thiết và đắc lực cho hàng Giáo sĩ trong việc phát triển Hội Thánh và trong việc góp phần xứng đáng xây dựng đất nước của họ.
Tại Indonésia, một nước có ít người Công Giáo sống rải rác trên 13.000 hòn đảo, gần 50% tín hữu không hề gặp được linh mục, nhưng nhờ các tông đồ giáo dân, đức tin vẫn được duy trì và phát triển đều đều trong nếp sống tốt đời đẹp đạo.
Kinh nghiệm tại Việt Nam và tại các Giáo Hội địa phương thiếu linh mục cho thấy điều này: Nếu lấy tiêu chuẩn trung tín, nhiệt thành, khôn ngoan, để chọn tông đồ giáo dân, thì số tông đồ giáo dân sẽ không bao giờ là vấn đề dễ căng như vấn đề linh mục. Có những giáo dân không được Giáo Hội chính thức chọn vào chức vụ nào, nhưng họ lại được Chúa Thánh Thần chọn. Họ là những dụng cụ tầm thường, âm thầm nhưng đầy nhiệt tình và trung tín khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.
Khi so sánh những nơi quá thiếu thốn linh mục nhưng tinh thần đạo lại cao, với những nơi quá nhiều linh mục nhưng tinh thần đạo lại quá xuống, tôi có một cảm nghĩ cũng xin thành thật trình bày. Tôi nghĩ rằng Chúa để xẩy ra như vậy, để chứng tỏ nhân sự cũng như cơ sở, sách báo đều là những phương tiện, những trung gian. Chúa có thể dùng và có thể không dùng tùy ý Chúa.
Nếu một lúc nào đó người ta quá quan trọng hoá phương tiện và trung gian như chính mục đích, hoặc trung gian và phương tiện không còn đủ thích hợp để đưa con người đến với Chúa và đem Chúa đến với con người, thì lúc đó có thể Chúa sẽ chủ động giảm bớt phương tiện và trung gian. Tôi nói là chính Chúa chủ động, vì mục đích thanh luyện trung gian và phương tiện của Người. Chính Chúa sẽ tỏ bày quyền năng lòng thương xót của Người một cách phi thường qua những phương tiện và trung gian ít ỏi, tầm thường, bé mọn, như Chúa đã làm cho Hội Thánh trong các thế kỷ đầu.
Thiết tưởng chúng ta phải tìm hiểu chương trình đó của Chúa, thì mới có thể giải quyết được vấn đề thiếu linh mục và thiếu các phương tiện tôn giáo. Bao lâu người Công Giáo chưa thực sự sống "Nhờ Đức Kitô Chúa chúng ta", trái lại chỉ biết bám vào các phương tiện và trung gian, bấy lâu Chúa sẽ còn thanh luyện họ bằng đủ thứ khó khăn.
Những suy nghĩ trên đây cũng như sự kiện vai trò giáo dân đang phát triển mạnh có khả năng giúp ta thêm khiêm tốn trước những cám dỗ quan trọng hóa chính mình.
Sự kiện thứ ba là: Đang có trào lưu muốn việc sống đạo tốt cần phải được chứng minh qua việc sống đời tốt.
Trước đây khi vận động nếp sống đạo, tôi hay dùng công thức cổ truyền. Tôi khuyên người ta hãy siêng năng đọc kinh, xem lễ, xưng tội rước lễ, học hỏi về đạo. Nay thêm vào đó, tôi còn khuyên họ hãy quan tâm chăm lo cuộc sống của đồng bào, sống đời công dân tốt. Mới rồi, đọc báo L'Osservatore Romano, số ra ngày 22-10-1985, tôi vui mừng thấy cái phần tôi thêm vào đó lại là một hướng quan trọng. Trong số báo đó có bài huấn từ của Đức Thánh Cha đọc trước đại hội các Giám Mục Âu Châu ngày 11-10-1985. Sau khi phân tách tình hình Công Giáo trên thế giới và đặc biệt ở Châu Âu, Đức Thánh Cha đã đưa ra một số gợi ý về phương hướng phục vụ. Xin trích ở đây vài câu điển hình: "Trong tình hình hiện nay, Giáo Hội phải làm chứng những giá trị Phúc Âm về công bình bác ái hòa bình, và Giáo Hội phải vận động cho những giá trị ấy...", "Giáo Hội phải làm người Samaritano tốt lành đối với con người hôm nay", "Giáo Hội phải gần gũi con người hôm nay. Do đó, cần phải có một sự hiện diện tích cực và một sự tham gia nhiệt tình vào đời sống của con người!".
Những chỉ dẫn trên đây của Đức Giáo Hoàng giúp củng cố thêm một trào lưu tôn giáo coi việc nâng cao đời sống con người và tham dự vào các vấn đề cụ thể của đời sống là một yêu cầu thời sự của cách sống đạo hôm nay. Như chúng ta quá biết, lo cho cuộc sống, chính là ưu tư hàng đầu thường xuyên của mọi người Việt Nam lúc này. Do đó, nó cũng phải là ưu tiên hàng đầu thường xuyên của Giáo Hội Việt Nam. Hoạt động tôn giáo của chúng ta tất nhiên cũng sẽ theo phương hướng đó. Người Việt Nam hôm nay sẽ theo phương hướng đó mà cân đo sự quan trọng của Giáo Hội nói chung, và của từng người chúng ta nói riêng.
Nhìn khả năng bé mọn của mình trong nhiệm vụ nâng cao đời sống đồng bào, ta sẽ thấy mình phải khiêm nhường nhiều lắm trước những ảo tưởng muốn quan trọng hoá chính mình. Trong năm Thánh Mẫu này, chúng ta càng nên nhìn gương Đức Mẹ để học sống khiêm nhường.
Lạy Cha nhân từ, con tin lời Cha dạy: "Không có Cha, con không thể làm được gì". Con tin lời Cha dạy: "Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống". Con tin lời Cha dạy: "Ta chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho kẻ khiêm nhường". Xin Cha thương giúp cho trái tim của con được nên giống trái tim của Cha hiền lành và khiêm nhường.
Từ mấy tháng nay, tôi thấy tại Việt Nam yêu dấu của tôi, bùng phát lên nhiều hình thức đề cao Bùi-Tuần 2130
1. Từ mấy tháng nay, tôi thấy tại Việt Nam yêu dấu của tôi, bùng phát lên nhiều hình thức đề cao tự hào, tự mãn, tự khoe mình là hơn người khác.
Trước tình hình đó, Đức Mẹ khuyên tôi hãy đọc lại lời thánh Phêrô đã viết xưa. Ngài quả quyết thế này:
2. “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.
“Vậy anh em hãy tự khiêm, tự hạ, dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa…
“Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5,5-8)
3. Đọc xong những lời khuyên trên đây của thánh Phêrô, tôi thực sự lo sợ cho tôi. Nếu không tỉnh thức, biết đâu tôi sẽ bị Chúa chống lại tôi, vì tôi kiêu ngạo. Hơn nữa tôi lại trở thành mồi ngon cho quỷ dữ, nếu tôi tìm cầu cứu ở những thế lực trần thế.
4. Trong lo sợ, tôi hồi tâm trước Chúa, thì thấy tình hình nội tâm của tôi không ổn. Tôi cầu xin Chúa thương tha tội cho tôi.
5. Ngay một sự không thấy mình cần được Chúa thứ tha, cũng đã là một thái độ xấu, cần được Chúa tha thứ.
6. Cần được Chúa tha thứ, đó là tình hình của tôi mọi giờ mọi phút.
Chứ nếu tôi dám nghĩ rằng: Tôi sẽ không gặp phải những bất ngờ, ăn năn tội chẳng kịp, thì sẽ quá sai.
7. Thực vậy, xin ơn tha thứ là một ơn rất cần, rất dài lâu, khiến đời tôi trở thành một hành trình xin ơn tha thứ
8. Nhận thức như vậy, nên hằng ngày, tôi vẫn cùng với Đức Mẹ nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá, để đón nhận ơn đền tội, mà Chúa Giêsu đã dâng lên Chúa Cha.
Chúa Giêsu đền tội thay cho tôi. Nhưng tôi cũng cần phải biết đón nhận ơn đền tội.
9. Tôi đền tội của tôi. Tôi cũng đền tội cho những người thuộc về tôi.
10. Hiện nay, ý thức về tội đang bị phai mờ. Quỷ hỏa ngục đang ráo riết bày ra đủ thứ quyến rũ, để lừa dối con người đừng sợ tội.
11. Nếu tôi và các môn đệ Chúa không dám nói lên nguy cơ đó, thì sẽ có lỗi.
12. Riêng tôi, trong những ngày này, già yếu, đau đớn phần xác, lo âu phiền muộn về phần hồn. Nhưng tôi được Mẹ đem lại niềm vui, đó là cảm thấy mình được ơn tha thứ.
13. Tôi là kẻ tội lỗi. Nhưng Chúa tha thứ cho tôi. Chúa tha thứ do lòng nhân hậu của Chúa.
14. Khi tôi nhìn đời tôi như một hành trình đón nhận ơn tha thứ, thì tôi nhận thấy ơn gọi Chúa dành cho tôi quả là tuyệt vời.
15. Chúa tha thứ cho tôi là Chúa xóa tội của tôi bằng máu của Chúa.
16. Chúa tha thứ cho tôi là Chúa gánh lấy tội của tôi trên vai Chúa, để tôi được nhẹ.
17. Chúa tha thứ cho tôi là Chúa trao tôi cho Hội Thánh Chúa, để Hội Thánh Chúa dưới đất và trên trời đều đỡ nâng tôi từng ngày, từng giờ, từng phút, bằng nhiều sáng kiến khác nhau.
18. Nhất là Chúa tha thứ cho tôi bằng việc Chúa gởi gắm tôi cho Đức Mẹ Maria.
Mẹ luôn ở bên tôi. Tôi có cảm tưởng là Mẹ bỏ triều thiên xuống, để dễ gần gũi với tôi, để tôi dễ gần gũi với Mẹ. Mẹ là nguồn an ủi.
19. Mẹ an ủi tôi bằng cách khuyên tôi hãy tin Lời Chúa sau đây: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Cha, Cha sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)
20. Hành trình ơn tha thứ nơi tôi quả là lạ lùng. Xin hết lòng tạ ơn Chúa. Alleluia.
Từ xưa tới nay, sự dữ vốn giữ một địa vị ung dung bên cạnh sự lành. Vẫn có bệnh tật, vẫn có Bùi-Tuần 2131
Từ xưa tới nay, sự dữ vốn giữ một địa vị ung dung bên cạnh sự lành. Vẫn có bệnh tật, vẫn có túng thiếu, vẫn có nhiều tiêu cực trong cuộc sống. Đó là một thách thức. Hàng triệu người mọi thời đã mãnh liệt đối phó sự dữ. Tôi muốn đứng vào hàng ngũ những người như thế. Tôi không được phép chỉ ước muốn suông. Tôi không được phép ỷ lại. Tôi phải dấn thân thật sự bằng việc làm, để cố gắng giảm bớt sự dữ, tăng thêm sự lành.
Trong cuộc phấn đấu cam go, phức tạp và trường kỳ, tôi cần nhận định rõ động cơ phấn đấu và thái độ phấn đấu. Người thầy gần gũi nhất đã giúp tôi nhận định, chính là Thánh Giá Chúa Giêsu.
Thánh Giá là biểu hiện phấn đấu của Chúa Giêsu. Khi nhìn về biểu hiện ấy, Thánh Phaolô tông đồ đã viết cho giáo đoàn Êphêsô: "Anh chị em hãy theo con đường của tình yêu, bắt chước gương Chúa Kitô, Đấng đã thương chúng ta và chết cho chúng ta, tự hiến dâng mình làm lễ hy sinh thơm tho dâng lên Đức Chúa Cha" (Eph 5,2). Trong thơ gởi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô đã nhắc lại: "Bằng chứng mà Thiên Chúa yêu ta, đó là Chúa Kitô đã chịu chết vì ta" (Rm 5,8). Trong thơ gởi giáo đoàn Galata, thánh Phaolô đã tâm sự: "Chúa đã yêu thương tôi, và đã tự nạp mình chịu chết vì tôi" (Gal 2,20).
Qua những lời thánh Phaolô, tôi hiểu mọi phấn đấu của Chúa Kitô đều do động lực tình yêu. Chính Chúa Kitô đã cho thấy động lực đó nhiều lần, nhất là trong những giây phút trầm trọng nhất. Trên Thánh Giá, khi Đức Kitô cảm thấy mình bị Đức Chúa Cha ruồng bỏ, Người vẫn khẳng định lòng tin mến trung thành đối với Đức Chúa Cha: "Lạy Cha, Con dâng phó linh hồn Con trong tay Cha". Trên Thánh Giá, khi Đức Kitô cảm thấy như mìmh bị mọi người phản bội, Người vẫn khẳng định lòng thương yêu trung thành quảng đại đối với mọi người: "Lạy Cha, xin Cha tha cho họ vì họ lầm không biết".
Nhìn Thánh Giá Chúa và nhớ lại cuộc tử nạn Chúa, tôi thấy động lực tình yêu Chúa thực là cao cả, thực là trong sáng.
Nếu đem các thứ phấn đấu của ta soi vào tấm gương Thánh Giá Chúa, mỗi người chúng ta cần xem xét lại động lực phấn đấu của mình. Nếu được hỏi vì sao ta phấn đấu, ta sẽ thưa: Vì tình mến Chúa yêu người. Tôi nghĩ câu trả lời đó đúng với lương tâm. Tuy nhiên, trong những giờ phút thinh lặng trở về với nội tâm, đối diện với Chúa, ta sẽ thấy động lực phấn đấu của ta có thể mang nhiều vẩn đục. Thí dụ, cầu nguyện là một hình thức phấn đấu, được coi là việc đạo đức. Cầu nguyện ở ngoài đường, trước công chúng càng đáng được coi là việc đạo đức can đảm, vì có tính cách tuyên xưng đức tin. Thế nhưng, có lần Chúa Giêsu đã chê trách việc làm như thế của Pharisiêu bởi vì Chúa thấy rõ động lực thực sự trong lòng họ chỉ là tính ham muốn phô trương.
Sau khi đọc mấy cuốn tiểu thuyết về Công Giáo, như Bão Biển, Xung Đột, Thời Gian của Người, Ngày Phán Xét, tôi nhận thấy: Dưới cái nhìn của tác giả, nhiều hoạt động tôn giáo của các tòa giám mục, của các linh mục đã do một động lực thầm kín xấu xa thúc đẩy, đó là muốn bảo vệ và mở rộng quyền lực, muốn lấn lướt và tranh giành ảnh hưởng. Theo tôi, nhận xét của mấy tác giả đó có nhiều chủ quan, nhưng cũng đáng được chúng ta suy nghĩ, giúp ta kiểm điểm lại chiều sâu của động lực trong nội tâm ta. Động lực tuy rất tốt, nhưng cũng dễ biến thể. Nó biến thể dần dần, đi tới nhiều tình trạng khác nhau, trong đó tình trạng nguội lạnh được coi là biến thể phổ thông nhất. Nhiều tác giả tu đức gọi chứng nguội lạnh là căn bệnh quen thuộc của bật tu trì.
Để dễ nhận định tình hình, động lực của ta, xem nó có nguội lạnh hay không, nhiều hay ít, ta nên đối chiếu thái độ phấn đấu của Chúa Giêsu với thái độ phấn đấu của ta.
Trước hết, thái độ phấn đấu của Chúa Giêsu trên Thánh Giá là vâng lời gắn bó.
Thái độ này đã được phụng vụ nêu cao trong các lễ nghi tôn vinh Thánh Giá: "Chúa Kitô vì chúng ta đã vâng lời cho đến chết, và chết trên Thánh Giá" (Phil 2,8). "Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, nhưng xin để Thánh ý Cha được mọi bề trọn vẹn". Chúa Giêsu khi phấn đấu loại trừ sự dữ, đã vâng lời đến thế, đã gắn bó như vậy.
Còn ta? Trong mọi hoạt động đẩy lui sự dữ, ta có tinh thần gắn bó và tùng phục không? Chúa kêu gọi ta qua các bề trên, nhưng khi được gọi rồi, ta đôi khi cũng có thể có những thái độ như tách rời khỏi kẻ gọi ta, như thể muốn chiếm hữu ơn gọi thay vì để cho ơn gọi hướng dẫn.
Cùng với thái độ vâng lời gắn bó, Chúa Giêsu trên Thánh Giá đã nêu cao thái độ hiền lành khiêm tốn.
Phấn đấu mà quá hiền từ, mà quá khiêm tốn, là một thái độ nhiều người cho là hèn yếu. Nhưng Chúa Giêsu đã chọn thái độ đó, bởi vì Chúa biết chính sự hiền từ khiêm tốn là một sức mạnh rất can đảm có khả năng phi thường.
Khi tôi nhìn kẻ đóng đinh bên tả Chúa Giêsu, tôi thấy anh hung hăng, nói móc người này, thách thức người kia. Anh có vẻ coi thường đau khổ. Nhưng tôi đã nhận ra sự thật. Anh chết trên thánh giá mà không tử đạo, bởi vì anh chết trong hằn học bực tức kiêu căng. Sự kiện này cũng giúp tôi hiểu rõ tầm quan trọng của thái độ hiền lành khiêm tốn trong suốt quá trình phấn đấu của Chúa Giêsu: "Chúng con hãy học cùng Cha vì Cha hiền lành và khiêm nhường trong lòng".
Mặt dù hiền lành khiêm tốn, Chúa Giêsu cũng không thể giấu được thái độ nhiệt tình vô tận của mình.
Người biết mình là Con Thiên Chúa có bổn phận gánh tội trần gian. Mà gánh tội trần gian là phải chịu vô vàn đau khổ, như các tiên tri đã loan báo. Nhưng Chúa Giêsu vốn coi sự tuân phục ý Chúa Cha là lương thực của mình. Người nói: "Lương thực của tôi là làm theo ý Đấng đã sai tôi" (Ga 4,31). Nhiệt tình của Người là quan tâm, là lo lắng, là thao thức, là không ngừng phấn đấu cho hạnh phúc con người và vinh quang Thiên Chúa, theo như thánh ý Chúa Cha, dù phải từ bỏ, dù phải hy sinh.
Khi đem so sánh thái độ nhiệt tình của Chúa Giêsu chịu nạn với thái độ nhiệt tình của tôi, tôi thấy có sự khác nhau, xa như một trời một vực. Điều Chúa hôm nay không đòi tôi hy sinh, thì tôi hy sinh. Còn điều Chúa hôm nay đòi tôi từ bỏ, thì tôi muốn giữ lại.
Qua thái độ vừa kể, đó là nhiệt tình, hiền lành, khiêm tốn và vâng lời gắn bó, ta đã thoáng nhìn được tình trạng tinh thần phấn đấu của ta, ta đã có thể bắt gặp được những gì cần chỉnh đốn lại, ta đã nhận ra sự cần thiết phải luôn kết hợp với tinh thần phấn đấu của Thánh Giá Chúa Kitô.
Khi nói tới sự thích hợp với tinh thần phấn đấu của Thánh Giá Chúa, tôi nghĩ tới ba việc sau đây. Một là việc tôn sùng Thánh Giá. Phụng vụ Rôma dành cho Thánh Giá một sự tôn sùng đặc biệt, nhưng chưa được đặc biệt lắm, nếu so với phụng vụ Bizantin và Copte. Trong phụng vu Bizantin mỗi măn có 5 lễ kính Thánh Giá. Phụng vụ Copte, ngoài những lễ trọng kính Thánh Giá, còn có tuần tam nhật, và có kinh cầu Thánh Giá. Trong cả hai phụng vụ Đông Phương vừa nói có những lễ nghi rước Thánh Giá trọng thể mỗi năm. Mỗi lần rước như vậy, cộng đoàn hát từ 400 cho đến 450 lần Kyrie eleison, với những cử chỉ phục lạy Thánh Giá. Tất nhiên, chúng ta không thể bắt chước mọi việc trên đây, nhưng chúng ta nên coi đó, để có một lòng tôn sùng Thánh Giá, là điều rất hữu ích cho mục vụ hôn nay.
Hai là việc tôn sùng Thánh Thể. Điều thiết tưởng nên nói ở đây, chính là sự ta cần thông hiệp với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Ta xin Người chia sẻ cho ta sự sống của Người. Ta dâng cho Người mọi phấn đấu của ta. Ta chẳng là gì. Ta chẳng có gì. Nhưng "Nhờ Người, với Người và trong Người", ta góp phần bé nhỏ vào công lao phấn đấu của Người.
Ba là việc chia sẻ thân phận với những kẻ khổ đau. Họ là những người túng đói, những người bệnh tật, những kẻ cô đơn, những kẻ nghèo nàn về nhiều phương diện. Sự khó ta chịu không thấm tháp gì so với sự khó họ chịu. Ta gần gũi họ. Ta hiểu họ. Ta chia sẻ cái dư của ta và cái thiếu của họ. Họ sẽ dạy ta tinh thần phấn đấu kiên cường của họ. Chúa nói với ta qua thánh giá của họ.
Khi còn nhỏ, tôi đã đọc được một lời dạy rất hay rất gọn trong sách "Gương Chúa Giêsu": "Cuộc sống con người là một cuộc phấn đấu triền miên không ngừng". Càng thêm tuổi, tôi càng hiểu thêm lời dạy quí báu đó. Phải phấn đấu nhiều lắm. Phấn đấu bằng lao động tay chân. Phấn đấu bằng học hành. Phấn đấu bằng suy nghĩ, nói năng, giao tiếp. Phấn đấu bằng tần tảo làm ăn. Phấn đấu bằng cầu nguyện. Phấn đấu bằng cố gắng chu toàn các việc bổn phận... Dù hết sức phấn đấu, sự dữ vẫn tồn tại. Tuy nhiên, có phấn đấu là có thành công. Nghĩa là sự dữ giảm đi, sự lành tăng lên, hay ít ra sự dữ cũng bị giới hạn lại. Vì thế phấn đấu là một luật của sự sống. Ta phấn đấu vì động lực tình yêu và với thái độ của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, nên ta có quyền lạc quan.
Trong kinh cầu Thánh Giá thời Trung cổ (Ephemerides liturgicae XLVI, 1932) có đoạn như sau:
Thánh Giá là hy vọng của kẻ có đạo, Thánh Giá là Phục Sinh của kẻ đã chết, Thánh Giá là kẻ dẫn lối cho kẻ mù loà, Thánh Giá là đường cho kẻ trở lại, Thánh Giá là sự nâng đở cho kẻ bước đi không vững, Thánh Giá là sự an ủi cho kẻ túng nghèo, Thánh Giá là sự sống của người tín hữu, Thánh Giá là sự che chở cho kẻ khiêm nhường, Thánh Giá là sự loại trừ cho kẻ kiêu căng, Thánh Giá là chiến thắng của Đức Kitô.
Đó là bài ca đầy lạc quan dành cho những ai phấn đấu chống lại sự dữ trong tinh thần Thánh Giá. Tôi thích nhìn lên tượng Đức Mẹ cầm Thánh Giá đứng cuối nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên cũng để tìm sự lạc quan ấy.
Lạy Cha nhân lành, xin cứu con khỏi mọi sự dữ. Con tin Cha đã nhậm lời con. Bởi vì Cha đã cho con sự sống và tinh thần phấn đấu. Sự dữ lớn nhất là đầu hàng sự dữ. Sự lành cần nhất là phấn đấu cho sự lành. Con tin Cha đang ở với con, đang phấn đấu bên con. Con phấn đấu cho dân tộc con được hạnh phúc, cho Tổ quốc con được bình an thịnh vượng, cho Hội Thánh của con được là dấu chỉ và là dụng cụ của sự kết hợp với Chúa và của sự đoàn kết với nhân loại. Con hết lòng cảm tạ Cha muôn đời. Amen.
Thế giới này là một lịch sử. Về mặt lịch sử thiên nhiên, thế giới hôm nay đã trải qua những chuyển biến Bùi-Tuần 2132
Thế giới này là một lịch sử. Về mặt lịch sử thiên nhiên, thế giới hôm nay đã trải qua những chuyển biến chậm và ít. Có nơi xưa là sông biển, nay là đất liền. Và ngược lại. Về mặt lịch sử nhân loại, thế giới hôm nay đã có những đổi thay mau và nhiều. Nếu thế giới được hiểu là tất cả những tương quan của các khoa học, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá và các trào lưu văn minh thì thế giới mà ta hiện đang thấy rất khác với thế giới những năm xưa.
Chính trong thế giới đã đổi thay rất nhiều và rất mau lẹ này, mà người có đức tin phải biết sống đức tin và biết làm chứng về đức tin của mình. Để biết sống, người ta cần biết môi trường mình sống. Để biết cách làm chứng, người ta cần biết mình sẽ làm chứng trước mặt ai, họ là người thế nào. Và mục đích làm chứng của mình là để lôi kéo họ về với lẽ phải và tình thương, hơn là để thua thắng. Sống đạo và làm chứng đạo không lẽ không cần đến những hiểu biết sơ đẳng đó.
Thế giới càng ngày càng như nhỏ lại. Do sức mạnh thông tin và giao lưu văn hoá, các trào lưu tư tưởng có liên hệ đến Công giáo tại các nước ngoài đã, đang và sẽ thấm nhập vào Việt Nam. Giới trẻ hiện nay đang chịu ảnh hưởng không ít. Với đà cởi mở, những ảnh hưởng này sẽ gia tăng. Sự kiện đó đòi các người hoạt động tôn giáo phải suy nghĩ. Suy nghĩ ở đây là xem xét lại tình hình, xem xét lại chính mình, xem xét lại đường lối hoạt động của mình. Những suy nghĩ này có tính cách thực tiễn, nên không phải chỉ dựa trên những nguyên tắc lý thuyết, mà cũng rất cần phải dựa trên những dữ kiện. Càng thu thập được nhiều dữ kiện về tình hình phúc tạp của con đường mình đi, ta càng dễ suy nghĩ để có những lựa chọn thích hợp cho chuyến đi của mình.
Mục vụ là một chuyến đi chuyên chở Tin Mừng cứu độ vào các tâm hồn và vào xã hội. Sự thực về xã hội và về con người không đơn giản chút nào. Cần nhìn sát, nhìn sâu, nhìn xa, nhìn rộng, nhìn riêng rẽ và nhìn với những tương quan, người ta mới có được những hiểu biết tương đối đủ, làm cơ sở cho những suy nghĩ đúng đắn.
Mấy bài sau đây muốn góp phần nhỏ bé vào những suy nghĩ mục vụ. Nếu nội dung chẳng mở rộng được tầm nhìn, ít ra cũng là những câu hỏi. Sẽ không có những giải đáp sẵn. Có nghĩa là mỗi người chúng ta đều được mời tìm tòi thêm, để tự trả lời với Chúa trong tinh thần trách nhiệm.
Tại nhiều nước châu Au, nhiều sách báo quen gọi thời nay là thời hậu-Thiên-Chúa-giáo (temp postchrétien) Bùi-Tuần 2133
Tại nhiều nước châu Au, nhiều sách báo quen gọi thời nay là thời hậu-Thiên-Chúa-giáo (temp postchrétien). Có nghĩa là theo cái nhìn của họ, Thiên Chúa giáo không những đã qua thời hưng thịnh, mà còn đang đi vào giai đoạn lụi tàn. Cách nói và cách hiểu đó là quá đáng, nhưng không phải là thiếu cơ sở. Bởi vì thực tế tại những nước đó cho thấy đa số quần chúng không còn gắn bó với Thiên Chúa giáo nói chung và với Công giáo nói riêng. Đã có những thái độ mới. Những thái độ này tuy đã xuất hiện rải rác từ lâu, nhưng nay đã trở thành những hiện tượng quần chúng, càng ngày càng lan rộng. Do đó mà gọi là mới. Dưới đây là một số thái độ.
Thái độ tục hoá
Tục hoá là một danh từ chung chung để chỉ mọi thái độ đẩy lui, mà xã hội văn minh đã thực hiện đối với tôn giáo. Thái độ này rất phức tạp. Nó có thể hiểu về nhiều cách.
Thứ nhất: Tục hoá là một sự kiện pháp lý chính trị tách rời Giáo Hội ra khỏi Nhà nước. Nhà nước làm việc đó vì mục đích bảo vệ chủ quyền của mình. Theo nguyên tắc phân ly này, Nhà nước không chấp nhận sự can thiệp của Giáo Hội vào các việc của Nhà nước và chính mình cũng không can thiệp vào các việc nội bộ của Giáo Hội. Tuy nhiên, giữa Nhà nước và Giáo Hội vẫn có những nỗ lực xây dựng những liên hệ tốt theo một phương thức nào đó hợp tình hợp lý.
Thứ hai: Tục hoá là thái độ xã hội đẩy lui tôn giáo ra khỏi lãnh vực công cộng, chỉ còn cho phép tôn giáo được có mặt trong lãnh vực tư mà thôi. Thái độ này là một bước mới của chính sách phân ly giữa Nhà nước với Giáo Hội, đồng thời cũng một phần do phản ứng của xã hội trước những cuộc tranh chấp đẫm máu giữa một số tôn giáo xảy ra đó đây. Bởi vì theo ý kiến của Hobbes, nhiều tôn giáo do tranh giành ảnh hưởng đã gieo rắc chia rẻ và chủ trương bạo động, gây hại cho trật tự an ninh xã hội. Nên cách giải quyết hợp lý phải chọn cho trật tự an ninh công cộng của xã hội, là hãy đẩy tôn giáo ra ngoài lề xã hội.
Thứ ba: Tục hoá là sự các khoa học, nghệ thuật, kỹ thuật đây tôn giáo ra ngoài các lãnh vực chuyên môn của họ, để tự mình hoạt động và phát triển theo quy luật và đường lối độc lập của mình. Khuynh hướng này khởi sự từ vụ Galilée. Với thái độ này, không những một vài khuynh hướng thần học xưa bị tước đi cái tham vọng muốn đứng chỗ cao nhất để kiểm soát mọi kiến thức, mà cả đến tôn giáo cũng bị đẩy ra khỏi mọi sinh hoạt khoa học kỹ thuật.
Ba thái độ tục hoá trên đây không luôn ổn định. Đã có lúc cực đoan, khi lợi dụng nguyên tắc phân lý để tìm cách bôi nhọ và xóa bỏ tôn giáo. Những chủ trương cực đoan độc đoán như thế được gọi là chủ thuyết duy-quốc-gia, chủ thuyết duy-thế-tục, chủ thuyết duy-khoa-học.
Tiến trình tục hoá như vừa trình bày là tóm lược một đoạn của cuốn sách L'Eglise en procès của Paul Valadier xuất bản năm 1987, tháng Năm năm nay 1988, tại hội nghị mang tên "Eglises voisines" tổ chức tại Freiburg CHLB Đức, tôi đã nghe một bài thuyết trình của một Đức Ong giáo sư đại học Pháp về tình hình tôn giáo Pháp. Khi đề cập đến phong trào tục hoá, ngài cho biết là thái độ tục hoá nay đã đi thêm hai bước mới, đó là phân cách tôn giáo ra khỏi gia đình và sau cùng đã phân tách tôn giáo ra khỏi đời sống cá nhân. Tôn giáo chỉ còn là một hệ thống lý thuyết nằm trong sách báo.
Đang khi đó, tinh thần tục hoá cũng không vắng mặt ngay trong chính những gì đáng lẽ phải thánh hóa trong Giáo Hội. Tục hoá nhà thờ, tục hoá nhà tu, tục hoá phụng vụ. Hoặc là bề ngoài vẫn còn hình thức thánh, nhưng tinh thần bên trong đã tục hoá. Hoặc là cả tinh thần bên trong lẫn hình thức bên ngoài đều tục hoá. Chỉ còn giữ lại cái tên là thần thánh mà thôi.
Thái độ tương đối hoá
Khuynh hướng này phát sinh từ thuyết duy-lịch-sử chủ trương cắt nghĩa toàn bộ tôn giáo bằng lịch sử. Theo thuyết này, thì cách sống đạo, các hình thức đạo đức, cả đến tín điều và luân lý đều do hoàn cảnh lịch sử tùy thời tùy nơi tạo ra. Hoàn cảnh lịch sử đổi thay thì mọi sự của tôn giáo cũng thay đổi. Tôn giáo chỉ là tổng hợp những niềm tin, những luật lệ, những quan niệm về vũ trụ quan có thể thay đổi, chứ tôn giáo không do một bản tính vững bền bất biến. Tôn giáo chỉ là một cái tên gói chung các hiện tượng đổi thay đó, chứ không chứa đựng một bản chất nào trường tồn, vĩnh cửu. Tôn giáo không có nội dung nào gọi được là tuyệt đối thiết yếu.
Thuyết duy-lịch-sử thoát thai từ thuyết duy-danh của Ockham, một thuyết chủ trương mọi sự vật đều không có bản tính vững bền. Theo Ockham, nếu Chúa muốn 2 với 2 không phải là 4 thì cũng vẫn được, bất chấp bản tính của nó là 4. Mọi sự đều do ý Chúa, chứ không tùy thuộc chút nào vào bản tính các sự vật cả. Cái mà người ta gọi là bản tính, thực ra chỉ là một cái tên trống rỗng. Mỗi sự vật mang một cái tên cho là vĩnh viễn , nhưng không mang một bản tính nào vĩnh viễn cả. Cái gì không vĩnh viễn, không tuyệt đối thì là tương đối.
Tất nhiên, theo các cách hiểu như trên thì mọi sự kể cả tôn giáo đều trở thành tương đối! Với các tác giả theo xu hướng đó như: Hobbes, Machiavel, Bousseau, Nietzsche, Max Weher, Leo-Straus, thuyết tương đối đã tiến từng bước đến chỗ chủ trương tương đối toàn diện.
Hiện này trên thực tế, rất nhiều người không biết gì về thuyết tương-đối-hoá kể trên, nhưng vẫn còn mọi sự trong tôn giáo đều chỉ là những giá trị tương đối. Sự kiện này được cắt nghĩa bởi ảnh hưởng của thuyết tương đối trong nhiều trào lưu văn hoá. Nó cũng là một thứ phản ứng cực đoan trước một khuynh hướng cực đoan khác muốn khăng khăng tuyệt đối hóa mọi sự trong tôn giáo, không phân biệt điều nào là chính, điều nào là phụ.
Khi cái chính cái phụ trong tôn giáo đều được coi đồng loạt là tương đối, hoặc đồng loạt là tuyệt đối, thì đức tin sẽ bị khủng hoảng từ nền tảng.
Thái độ dửng dưng
Dửng dưng đối với tôn giáo nói chung, và đối với Công giáo nói riêng, đó là hiện tượng rất phổ thông hiện nay tại các nước văn minh. Trong 3 ngày dự Hội nghị của Uỷ ban Toà Thánh về đối thoại với những người không tin, tổ chức đầu tháng Ba năm nay 1988 tại Rôma, tôi nghe các diễn giả nói nhiều đến thái độ dửng dưng đối với tôn giáo.
Có những người rất dửng dưng đối với nhà thờ, kinh lễ và luật lệ Giáo Hội, nhưng lại có tình cảm với một vài chi tiết của Phúc Âm, hoặc vốn trân trọng đối với mội ít nhân vật của tôn giáo, hoặc vốn quan tâm đến các đóng góp của tôn giáo vào các chương trình xã hội. Có nghĩa là dửng dưng là một thái độ phức tạp cần phải được tìm hiểu nguyên do.
Nguyên do có thể là vì thời nay não trạng con người bị chi phối thường xuyên bởi khuynh hướng thực dụng. Họ đáng giá tôn giáo cũng như các việc khác theo tiêu chuẩn lợi ích trước mắt nếu tôn giáo không đem lại cho họ lợi ích gì trước mắt, thì họ dửng dưng.
Nguyên do cũng có thể là vì thời này con người bị thúc đẩy rất mạnh bởi ba động lực này là: thích tìm khoái lạc, thích tìm thành công kinh tế, thích tìm uy tín trong xã hội. Một tâm hồn chất chứa đầy những động lực đó sẽ không có khả năng cảm nghiệm được mùi vị thiêng liêng của các chân lý tôn giáo. Vì thế mà họ dửng dưng.
Nguyên do cũng có thể là vì nhiều người tưởng tôn giáo nói chung và những người hoạt động tôn giáo nói riêng, đang sống xung qquanh họ, đã có thái độ dửng dưng đối với các vấn đề thiết thực của cuộc sống và đối với chính họ. Nên thái độ dửng dưng của họ là phản ứng lại thái độ dửng dưng của tôn giáo.
Nguyên do cũng có thể là vì đối với nhiều người, những gì tốt lành họ muốn có, đều có thể tìm được ngoài tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng. Thí dụ, một đời sống ấm no, văn minh tiến bộ, có hòa bình, có tình nghĩa, có công bình bác ái, có trật tự an ninh. Nó được chứng minh tại nhiều nước không phải là Công giáo, và tại nhiều nước quần chúng rất dửng dưng đối với tôn giáo.
Nguyên do cũng có thể là vì đối với nhiều người, những tư tưởng đẹp, giàu sức lối cuốn nhất đã được thực hiện một cách sống động đầy hấp dẫn ở những gương sáng rạng rỡ không công giáo hoặc vô tôn giáo. Thí dụ, nếu muốn tìm những mô hình người hùng, mô hình người thánh, mô hình người hiền triết, mô hình người tiến bộ, mô hình người có tinh thần cuộc đời, hy sinh vì tình thương, vì trách nhiệm, vì niềm tin của mình, thì đâu nhất thiết phải tìm trong Giáo Hội Công giáo hoặc trong các tôn giáo!
Theo tác giả Paul Valadier trong L'Eglise en procès, thì tại Au châu, phong trào dửng dưng đối với tôn giáo cũng đã phần nào do phản ứng lại những tranh chấp tàn bạo giữa các tôn giáo hoặc trong nội bộ một tôn giáo. Nhiều người cho rằng những tranh chấp đó đều do cuồng tín, nặng tình cảm lệch lạc hơn là lý trí quân bình. Và vì vậy, để mình khỏi bị xếp vào loại người cuồng tín, nhiều người chọn thái độ dửng dưng, một thái độ vừa tỏ ra dè dặt, vừa tỏ ra đề cao lý trí. Nhiều triết gia đã đưa ra thái độ đó, để chống lại một thái độ mà họ gọi là thái độ mù quáng của khuynh hướng tôn giáo cực đoan.
Nguyên do dửng dưng cũng có thể là vì nhiều người đã gặp thấy một số sinh hoạt tôn giáo xem ra quá nhạt nhẽo, già nua, nặng về giáo điều, trích dẫn, sao chép, thiếu sức sống, thiếu vẻ đẹp cả tinh thần lẫn vật chất.
Nguyên do dửng dưng cũng có thể là vì nhiều người nghĩ rằng công giáo là một thái độ không những siêu thoát, mà còn phản bội đối với ông bà tổ tiên, đối với quê hương dân tộc.
Những phân tách trên đây cho thấy có nhiều hình thức dửng dưng, cũng như có nhiều lý do đưa tới dửng dưng.
Thái độ phê phán
Thời đại này là thời đại khoa học. Đời sống được xây dựng bởi khoa học, được hướng dẫn bởi khoa học, được đánh giá bằng khoa học.
Khoa học là phải chính xác, rõ ràng, mạch lạc, nên đòi mổ xẻ phân tích, kiểm nghiệm, phê phán. Tinh thần khoa học được áp dụng vào mọi sự, kể cả tôn giáo. Người ta phê phán tôn giáo không phải nhân danh đức tin, nhưng nhân danh khoa học.
Nhân danh khoa học lịch sử, người ta khảo sát lại các yếu tố lịch sử xung quanh các Phúc Âm, các chuyện thánh, các chuyện trong lịch sử Giáo Hội.
Nhân danh khoa học Y-Sinh-Hoá, người ta khảo sát các hiện tượng mà dư luận hoặc giáo quyền coi là phép lạ.
Nhân danh khoa học xã hội kinh tế chính trị, người ta phê phán các ý kiến của Đức Giáo Hoàng về hòa bình, gia đình, dân số, hôn nhân, sinh sản.
Nhân danh khoa học mỹ thuật nghệ thuật, người ta phê phán các kiểu nhà thờ, các bài thánh ca, các lễ nghi phụng vụ, các cách tổ chức sinh hoạt tôn giáo.
Nhân danh khoa học lý luận, nhân văn, xã hội, người ta phê phán các bài giảng, các bài giáo lý, các đường hướng mục vụ, các cách làm việc và giải quyết của các tổ chức tôn giáo.
Nhân danh khoa học tâm lý và phân tâm học, người ta tìm khám phá những yếu tố ý thức, vô thức và tiềm thức trong một vị thánh, trong một thái độ tôn giáo.
Nhân danh khoa học về tính tình, về gia truyền, về môi trường người ta có ý kiến về những khuynh hướng của từng người trong phạm vị đạo đức.
Khoa học có tiếng nói riêng của nó. Tôn giáo không nên lo sợ tiếng nói khoa học, mặc dầu tiếng nói khoa học đôi khi có làm tôn giáo phải nhức nhối. Nếu biết cởi mở, tiếng nói khoa học sẽ giúp người tôn giáo được thêm trưởng thành, và các điều thuộc về tôn giáo được thêm trong sáng. Đối với những người hoạt động tôn giáo có ơn Chúa Thánh Thần, thì thái độ phê phán cũng như thái độ dửng dưng, thái độ tương-đối-hoá, thái độ tục hoá, tuy có những mặt làm họ âu lo, nhưng cũng có nhiều mặt khác làm họ thêm tin tưởng, và hy vọng.
"Một làn sống tục hoá đang lan tràn trên thế giới. Nó hoành hành trong các nước tiêu thụ qua chủ trưởng chỉ cần khoái lạc, chỉ cần thực dụng, chỉ cần hiệu năng, bất cần luật lệ luân lý, và qua sự không biết gì đến tính cách cao trọng của sự sống. Tất cả những sự đó thường dẫn tới chủ trương tương đối-hóa các luật lệ luân lý và thái độ dửng dưng đối với tôn giáo...
"Ngoài ra, một loại não trạng mới cũng đã xuất hiện, gọi là tân-khoa-học. Não trạng này muốn thu hẹp vai trò lý trí vào phạm vị khoa học mà thôi. Ngoài phạm vi này, hoạt động con người chỉ là chuyện của tình cảm. Do đó hoạt động đức tin cũng chỉ là một lựa chọn tùy tiện, không dựa trên lý trí"
(Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn văn tiếp phái đoàn Hội nghị về những người không tin, 5/3/1988).
Khi Chúa Giêsu đi tìm những người có đức tin chân chính, Ngài đã đến nhà thờ. Ở đó, Ngài đã Bùi-Tuần 2134
Khi Chúa Giêsu đi tìm những người có đức tin chân chính, Ngài đã đến nhà thờ. Ở đó, Ngài đã thấy có người tốt. Nhưng Ngài cũng đã thấy nhiều người lợi dụng nhà thờ để buôn bán, để gieo rắc tỵ hiềm và đạo đức giả.
Chúa Giêsu cũng đã đến giới lãnh đạo tôn giáo và các giới mang tên đạo đức, đó là các thầy cả, các thầy biệt phái, các thầy thông luật. Ngài đã thấy có người tốt. Nhưng Ngài cũng đã thấy nhiều người biến chất, chỉ lo đạo đức bề ngoài, chuyên lợi dụng quyền thế để bắt bẻ áp bức, thích vẽ ra ra luật lệ mới để trục lợi tư riêng.
Chúa Giêsu cũng đã đến với những người giàu có. Ngài đã thấy có người tốt. Nhưng Ngài cũng đã thấy có nhiều người hư hỏng, đến nỗi có lần Ngài đã phải nói: "Con lạc đà chui qua lỗi kim, còn dễ hơn kẻ giàu vào nước thiên đàng".
Chúa Giêsu cũng đã đến với những người nghèo, những người bệnh tật. Ngài đã thấy có người không tốt. Nhưng Ngài cũng đa thấy nhiều người có đức tin trong sáng khiến Ngài xúc động, và Ngài đã làm nhiều phép lạ cho họ.
Chúa Giêsu cũng đã đến với những người ngoại đạo. Ngài đã thấy có người không tốt. Nhưng Ngài cũng đã thấy có người có đức tin tuyệt vời, như viên sĩ quan Rôma nọ, đến nỗi Ngài đã khen: "Trong dân Israel, tôi chưa hề gặp được một đức tin mạnh như thế này".
Chúa Giêsu cũng đã đến với những người tội lỗi. Ngài thấy nhiều người vẫn xấu. Nhưng Ngài cũng đã thấy có nhiều người có đức tin xuất sắc, như Mađalêna, người thu thuế nọ, kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa. Ngài rất bằng lòng với họ, đến nỗi có lần Chúa đã nói với các biệt phái: "Nhiều người thu thuế và đĩ điếm sẽ vào thiên đàng trước các ông".
Những sự việc trên đây chỉ dẫn cho thấy địa chỉ của đức tin chân chính không phải là một nơi, một nhà, một giới, một ranh giới nào nhất định, mà là một số người. Những người ấy có thể ở đây ở đó, có thể là chức sắc trong đạo và cũng có thể chỉ là một người thường có thể được một số dư luận hoang nghêng trọng vọng và cũng có thể bị một số dư luận khinh khi chê trách. Họ là muối là men. Anh hưởng của họ có thể rất âm thầm. Chỉ một mình Chúa thẩm định đúng vẻ đẹp của đức tin họ. Họ là những địa chỉ của đức tin chân chính. Nhưng rất nhiều người có đạo đức không quen những địa chỉ đó. Cũng rất nhiều người có đạo xem ra coi thường các địa chỉ đó. Mặc dầu vậy, những đức tin này vẫn không ngừng phát triển. Họ vẫn luôn luôn mới.
Thời Chúa Giêsu là như thế. Thời này cũng vậy. Địa chỉ của đức tin chân chính tại Việt Nam hôm nay vẫn là một số người. Những người yêu rải rác khắp nơi. Người làm mục vụ cần nhận ra những địa chỉ đó. Điều quan trọng nhất ở đây là chính kẻ làm mục vụ phải trở thành địa chỉ đức tin chân chính. Thứ địa chỉ này cần được khắc sâu vào cuộc sống bản thân. Dưới đây là một số nét quan trọng.
Đức tin sám hối
Sám hối là điều kiện đầu tiên mà Phúc Âm đặt ra cho kẻ tin theo Chúa. Sám hối là điều Đức Mẹ đã thiết tha nhắn nhủ ở Fatima, và nhiều nơi khác. Sám hối là một phần thiết yếu của phụng vụ. Sám hối là một điều quan trọng mà các Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh trong các lần cử hành năm thánh.
Sám hối của Phúc Âm không phải là một việc làm chóng quan, mà là một việc làm kéo dài trở thành thái độ sống. Chủ yếu của nó không phải là trở về với lề luật, mà là trở về với một tình yêu. Nước mắt của Mađalêna ngồi dưới chân Chúa Giêsu là tiếng nói của một trái tim trở về với tình yêu Chúa. Chúa đã xóa sạch tội lỗi cho bà, không vì bà đã kể cho Ngài nghe đầy đủ mọi tội lỗi của bà, mà vì bà đã yêu mến Chúa rất nhiều. Đức tin sám hối của bà được tình Chúa xót thương giúp đỡ đã đổi mới trái tim bà.
Trong sám hối, sự đổi mới tấm lòng cần hơn là đổi mới tư duy. Bởi vì mọi lựa chọn của con người. Kể cả lựa chọn hướng đi của tư duy, đều chịu ảnh hưởng của tấm lòng. Đã hẳn, người ta vốn có ý chí tự do và chịu trách nhiệm về sự tự do của mình, nhưng khi chọn ý kiến này hơn ý kiến khác, ý chí tự do con người vẫn được lèo lái âm thầm bởi động lực của lòng mình. Khi lòng một người đã thích cái gì, đã ghét cái gì, với những thành kiến cứng nhắc rồi, thì dù cắt nghĩa thế nào, tư duy của họ về cái đó cũng vẫn thường đổi thay rất khó, rất chậm.
Lòng người là ý thức, với vô thức và tiềm thức, là những tình cảm, những đam mê, là tính tình do bẩm sinh, là cá tính do tính tình cọ sát với hoàn cảnh cuộc sống, là nhân cách do cá tính đấu tranh cho lẽ sống mình ưa chuộng. Do đó, việc thay đổi lòng người là việc không đơn giản. Thánh Phaolô tông đồ đã nói lên kinh nghiệm đó: "Sự tôi muốn, thì tôi lại không làm. Còn sự tôi không muốn thì tôi lại làm".
Tuy việc thay đổi tấm lòng xấu ra tấm lòng tốt là việc hết sức khó, nhưng vẫn có thể làm, và phải làm, và tiếp tục làm. Đó là trách nhiệm đạo đức. Do đó, ngoài sự phải vận dụng các phương cách tự nhiên mà khoa giáo dục càng ngày càng sáng kiến ra, người tín hữu vẫn còn một phương cách rất tốt, đó làsám hối. Trong sám hối đã có cầu nguyện và gặp gỡ Chúa. Người tín hữu sám hối, khi ý thức được tính cách khó khăn của sự đổi mới tấm lòng, sẽ cầu nguyện thiết tha hơn, khiêm tốn hơn, kiên trì hơn. Quyền năng của Chúa giàu lòng thương xót không những sẽ ban ơn tha thứ, mà cũng sẽ ban thần lực đổi mới tấm lòng.
Đức Phaolô VI trong những giáo huấn về Năm Thánh 1973, đã có một cái nhìn không những rất thần học mà cũng rất khoa học về sự đổi mới tấm lòng. Không thiếu những người thiện chí đã cố gắng thực hiện lời Ngài trong tinh thần đức tin sám hối. Và họ đang là những địa chỉ của đức tin.
Đức tin thương xót
Càng đi sâu vào tinh thần sám hối, người tín hữu càng thấy mình rất cần được ơn Chúa xót thương. Bởi vì mình đã thực sự phạm tội rất nhiều, đồng thời vẫn có khả năng trở thành người tội lỗi nhất.
Giả sử hôm nay, Chúa Giêsu lại giáng sinh làm người, sống như ta, sống giữa ta, như một người thường trong cộng đồng giáo xứ. Và nếu Ngài cũng lên tiếng phê phán đụng chạm như Ngài đã làm đối với đạo cũ nói chung, và đối với các thầy cả Pharisêu, luật sĩ thời đó nói riêng, thì chắc gì Ngài sẽ không bị đem ra xỉ vả, bôi lọ và buộc ch đủ mọi thứ tội. Và chắc gì những kẻ kết án Ngài mạnh nhất sẽ không phải là chính chúng ta. Nếu ta nghĩ rằng: dù mình có sống trong một hoàn cảnh y hệt như thế, và dù không có ơn Chúa giúp đỡ, mình cũng sẽ không làm như các thầy cả và dân Israel xưa đã làm cho Chúa, thì tôi sợ rằng chúng ta sẽ lại phạm một lầm lỗi như thánh Phêrô xưa, khi Ngài quả quyết: "Dù người khác có chối bỏ Thầy, phần con sẽ chẳng bao giờ chối bỏ Thầy". Nhưng rồi kết quả ra sao, ai cũng rõ rồi.
Sự khiêm tốn sẽ giúp ta nhận ra sự thực về mình, đó là để được tha thứ, ta rất cần ơn Chúa. Và để không phạm tội, ta cũng cần ơn Chúa. Một khi nhìn nhận sự thực đó một cách sâu sắc và chân thành, ta sẽ có một trái tim hiền lành và khiêm nhường, và sẽ có một cái nhìn mới về nhân loại, về đồng bào, về những người xung quanh. Tương quan của ta với họ cũng sẽ phải mới. Ta đến với họ, không phải như kẻ vô tội đến với người tội lỗi, mà như kẻ có tội được ơn thứ tha đến với những người anh em cũng cần được tha thứ. Ta gặp gỡ họ với một đức tin không do công phúc của ta, mà do ân huệ Chúa ban để chia sẻ lại cho những người khác. Ta loan báo Tin Mừng đức tin cho kẻ khác, không phải bằng cách nói lên những tín điều cho bằng cách để họ thấy được họ được Chúa xót thương. Ta nhìn kẻ lỗi lầm không phải như những phạm nhân để kết án, mà như những người anh em cần được cứu chữa.
Tình xót thương như thế khác hẳn tình yêu nhu nhược. Nó chính là tình yêu can đảm mà Chúa Giêsu dạy trên thánh giá, khi Ngài nhìn những lý hình của Ngài và nài xin Chúa Cha: "Xin Cha tha thứ những anh em này vì họ lầm không biết". Nó chính là thái độ truyền giáo của Công Đồng Vatican II, một Công Đồng được nhiều người gọi là Công Đồng của lòng thương xót. Nó chính là vẻ đẹp thu hút những người ngoài công giáo của Đức Giáo Hoàng Gioan XIII. Nó chính là điểm cao mục vụ của thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" do Đức Gioan Phaolô II đã giới thiệu và cổ võ.
Tình xót thương cũng như sự hiền lành và khiêm nhường, có sức hàn gắn những vết thương lòng do đụng chạm cảnh đời gây nên. Nó giúp ta sẵn sàng chấp nhận phần thua thiệt khổ đau, để cùng với Chúa Kitô, kiên trì đi tới những người chưa thuộc về đoàn chiên Chúa, chia sẻ Tin Mừng tình thương với họ, tình xót thương đó cũng sẽ giúp cho ta hiểu thấm thía hơn đường hướng mục vụ này của Chúa Kitô. Ngài đã đành bỏ mọi vinh quang đến cả hy sinh mạng sống để nhân loại dễ nhận ra tình yêu vô biên của Ngài.
Tình xót thương là một ngôn ngữ dễ hiểu. Đức Giêsu được phiên dịch ra ngôn ngữ đó chính là một Tin Mừng mà Chúa mong muốn. Nhiều người đã cố gắng làm theo ý Chúa. Và họ đang trở thành những địa chỉ của đức tin.
Đức tin đối thoại
Khi nhận định một đức tin đồng hành là một đức tin phải biết đối thoại vì mục đích loan báo Tin Mừng trong xã hội không phải là truyền thống Thiên Chúa giáo, ta sẽ thấy đối thoại là một vấn đề mục vụ quan trọng có hậu quả lớn. Vấn đề này khá rộng. Ở đây, tôi chỉ xin nhắc tới mấy điều cần.
Đối thoại có nhiều hình thức. Hoặc bằng lời nói trong các bài giảng dạy, các trao đổi tiếp xúc hằng ngày. Hoặc bằng tranh luận, bàn cãi, tranh đấu trên sách báo, trong các cuộc họp. Hoặc bằng các việc chứng minh được là mình có thiện chí và có khả năng làm tốt. Sự Chúa Giêsu làm cho những người bệnh tật được khỏi, kẻ đói được ăn, đã là những việc làm có tính cách đối thoại với cách sống đạo của của Pharisêu. Hoặc bằng thái độ sống của mình. Thái độ im lặng của Chúa Giêsu trên thánh giá, đầy nhân ái, hiền lành khiêm tốn là một cách đối thoại đi sâu vào lòng ngườit mấy chục thế kỷ nay.
Đối thoại là việc không dễ. Nhưng, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dạy: "Mặc dầu phức tạp và khó khăn, đối thoại vẫn đồng thời là việc khẩn cấp và cần thiết" (Diễn văn tiếp Hội nghị Uỷ ban Toà Thánh đối thoại với những người không tin, 1985). Ngài cũng quả quyết, đối thoại là việc có thể làm được, mặc dầu đôi khi gặp thất bại. Bởi vì Ngài tin rằng, trong chiều sâu bản tính con người, ở mọi cá nhân đều có một khuynh hướng đi tìm lẽ phải, tình thương, công lý và hy vọng (Sứ điệp Hoà Bình 1/1/1983).
Để việc đối thoại được tiến hành đúng đắn khả dĩ dẫn tới kết quả tốt, Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại những đức tính sau đây mà người đối thoại cần có:
+ Phải thực sự có ý tìm kiếm sự gì là đúng, là tốt, là công bình cho mọi người.
+ Phải thực sự cởi mở và biết tiếp đón. Mình trình bày ý kiến và các dữ kiện của mình. Rồi lắng nghe ý kiến và dữ kiện người khác, biết cảm nhận chân thành các khía cạnh của các vấn đề họ đặt ra, với những quyền lợi và những bất lợi về phía họ, cùng với những cách giải quyết họ đề nghị.
+ Phải biết chấp nhận tính cách khác biệt của người khác, và biết đo lường khoảng cách giữa họ và mình, để tìm cách rút vắn lại khoảng cách ấy.
+ Phải biết tìm những mẫu số chung, để cùng nhau chia sẻ trách nhiệm trước công lý và chân lý. Đó là nghiên cứu và đưa ra những phương cách giải quyết có tính cách hòa giải lương thiện, vừa bênh vực được quyền lợi và danh dự của phía mình, vừa thông cảm và tôn trọng những lý lẽ của phía bên kia, để cả hai phía cùng đạt được ích lợi chung mà cả hai bên cùng theo dõi.
+ Phải dùng những phương cách hòa bình. Do đó, phải kiên trì tìm giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng cách điều chỉnh, trung gian và trọng tài. Làm sao để các yếu tố giúp hai bên gần lại với nhau mạnh hơn những yếu tố chia rẽ và hận thù.
Năm đức tính trên đây mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nêu lên trong sứ điệp về Hoà Bình ngày 1/1/1983 cần được mỗi người chúng ta suy gẫm và thực hiện nghiêm túc. Nếu không, những đối thoại của chúng ta, nhất là khi mang hình thức đấu tranh, sẽ mất đi tính cách đạo đức của một đức tin chan hòa đức ái, mà chỉ còn là những cuộc vật lộn để tìm thua thắng bằng mọi cách, kể cả những cách trái công bình bác ái, chỉ vì mục đích uy tín thế tục.
Phải cảm tạ Chúa, vì trong Giáo Hội Việt Nam vẫn có những người biết trung thành với những giáo huấn trên đây của Đức Giáo Hoàng.
Người sống đức tin là kẻ loan báo Tin Mừng cho những kẻ đồng hành trên con đường cuộc sống. Cùng với Chúa cứu thế, họ đối thoại với nhân loại, với quê hương dân tộc, với những người xung quanh. Trong một thế giới và dửng dưng với tôn giáo, thì đối thoại của đức tin phải có chất lượng và thức thời. Một đức tin thiếu chiều kích sẽ không có khả năng đối thoại. Cuốn La Foi des catholiques, catéchèse fondamentale, 1984 nhắc đến những chiều kích sau đây của đức tin:
+ An rễ vào lịch su Chúa cứu thế, với các môn Kinh Thánh, thần học mang những chuyển biến mới.
+ An rễ vào lịch sử và đời sống dân tộc.
+ An rễ vào lịch sử thời đại.
+ Cởi mở, lắng nghe những câu hỏi, những chất vấn và các ý kiến khác nhau xuất phát từ mọi phía, hướng về tôn giáo của mình.
+ Nhạy bén trước những chuyển biến của nhân loại, xã hội, dân tộc để thấy trước được phần nào tương lai tôn giáo.
Nhìn qua những đòi hỏi trên đây, có lẽ ta có lý do để lo sợ cho chính mình: đối với đa số đồng bào Việt Nam hôm nay, không biết ta có được coi là địa chỉ thực sự của đức tin không.
Đức tin trong lòng dân tộc
Trong thế giới hôm nay, tương quan giữa người với người, giữa đạo với đời, giữa nước này với nước kia thường dựa trên tiêu chuẩn lợi ích. Nếu ta minh chứng được ta và tôn giáo của ta có ích lợi cho dân tộc Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai, thì ta và tôn giáo của ta được chấp nhận và kính trọng. Nếu ta và tôn giáo của ta bị coi là không có ích lợi, hoặc có hại cho dân tộc Việt Nam, thì ta và tôn giáo của ta sẽ bị thái độ dửng dưng đẩy dần ra lề xã hội.
Vì thế, một điều quan trọng mà người hoạt động tôn giáo tại Việt Nam hôm nay cần suy nghĩ nghiên cứu, đó là phải minh chứng thế nào để 55 triệu đồng bào ngoài công giáo cũng như Nhà Nước XHCNVN nhìn nhận ta và đạo công giáo Việt Nam là nhân tố thực sự có lợi cho dân tộc.
Phương án minh chứng tốt nhất đã được Hội đồng Giám Mục Việt Nam vạch ra, đó là Sống Phúc Âm Giữa Lòng Dân Tộc.
Điều đó đã và đang được thực hiện. Nay cần đi thêm vào chiều sâu. Làm sao cho đường hướng mục vụ ấy trở thành một thao thức thực sự của đức tin hôm nay. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong bài giảng lễ phong thánh tử đạo Việt Nam, khi nhắc đến bổn phận của người công giáo Việt Nam là phải yêu mến quê hương Việt Nam, thì đúng là Ngài đã nói lên niềm thao thức đó.
Nếu yêu mến quê hương là một biệt phái của đức tin cần nhấn mạnh trong thời điểm này, thì nên tìm ánh sáng thần học dọi vào các vấn đề của dân tộc hôm nay, để những suy nghĩ của ta được vận chuyển dưới ánh sáng đó và những lựa chọn của ta được an tâm phấn khởi, bởi vì những lựa chọn ấy phát xuất không những do lòng yêu nước tự nhiên , mà cũng do động lực đức tin nữa.
Về thần học, thì có thần học trước Công Đồng, có thần học sau Công Đồng. Có thần học của châu Mỹ Latinh, có thần học của Phi châu, có thần học của Á châu. Mới từ vài chục năm trở về đây, nhà xuất bản Herder tại CHLB Đức đã xuất bản một chuỗi 10 cuốn sách thần học thuộc một loại mang tên là "Thần học của thế giới thứ ba", do các tác giả Á châu và Phi châu viết. Số sách thần học do các tác giả châu Mỹ Latinh viết cũng khá nhiều. Tất cả đều là những suy nghĩ thần học về các vấn đề thời sự trên đất nước họ. Đó là những thần học thực hành giúp đỡ rất nhiều cho mục vụ.
Trong mục vụ cần có thần học, và cũng cần có tâm lý học, và sự hiểu biết các sự kiện về tình hình xã hội cụ thể. Xã hội hôm nay đề cao tinh thần dân tộc. Tôn trọng và phát huy tinh thần dân tộc cũng đang là một xu thế mạnh của thời đại. Yếu tố đó có mặt không những trong phạm vi chính trị xã hội văn hoá, mà cũng trong phạm vi tôn giáo. Cần ý thức rõ điều đó, để biết có những lựa chọn thích hợp trong việc minh chứng ta và tôn giáo của ta là nhân tố có lợi thực sự cho dân tộc Việt Nam.
Không thiếu người công giáo Việt Nam đang sống đức tin theo chiều hướng đó. Họ đáng được gọi là những địa chỉ của đức tin, giúp ích cho Hội Thánh, mở rộng Nước Trời.
"Oi Lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con”.
"Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát khiêm cung".(Tv)
Hiện nay, ngoài những địa chỉ mới của đức tin như đã trình bày, Giáo Hội còn hy vọng vào những Bùi-Tuần 2135
Hiện nay, ngoài những địa chỉ mới của đức tin như đã trình bày, Giáo Hội còn hy vọng vào những phong trào thiêng liêng mới. Những phong trào này chủ yếu là của giáo dân khởi xướng, do giáo quyền địa phương và Toà Thánh tỏ ra dè dặt. Nhưng nay các ngài đã có thái độ hoan nnghênh và khích lệ.
Tài liệu
Những trào lưu thiêng liêng mà tôi muốn nói đây gồm sáng kiến mang tên khác nhau, xuất hiện từ vài chục năm nay. Tài liệu về những trào lưu này được phổ biến nhiều ít tùy nơi. Cách tốt nhất để tìm hiểu họ là gặp họ và sống với họ. Tuy nhiên một số sách báo cũng giúp người ta có được vài nét về hình ản họ. Dưới đây là một số tài liệu có uy tín:
- Movimenti ecclesiali contemporanei. Dimensioni stmensioriche, teologico- spiritusli ed apostoliche. Ed. A. Favale, Roma 1982.
- Movimenti nella Chiesa negli anni 1980 của Camisasca và M. Vitali. Atti del 10 Convegno inétrnazionale, Roma, 23-27 Settembre 1981, Milano.
- Associations de laics. Données sommaires, Ed. Pont. Consilium pro. Laicis, E. Civitate Vaticana, 1983.
- Nouveaux mouvements spiritues dans l'Eglise của Mgr. PJ. Cordas, Nouvelle revue théologique, N0 1, 1987.
- Foi renouvelée-humanité réalisée, bản dịch luận án Emeurter Glaube verwieklichtes Menschsein của W. Schaffer, Zurich - Einsieden - Koln, 1983.
Đối với giai đoạn hiện nay của lịch sử Giáo Hội, những trào lưu này vốn được coi như tương đối mới mẻ. Riêng đối với Giáo Hội Việt Nam, những trào lưu ấy càng không thể gọi được là cũ. Nếu không vì lý do học hỏi, thì không có lý do thông tin. Chúng ta nên biết đến họ. Ít nhất chúng ta cũng sẽ không phải ngỡ ngàng khi nghe đến những tên như: Focolare, Comunione e Liberazione, Marriage Encounter, Chemin du Néo-Catéchuménat, Communauté Emmanuel, Pain de vie, Schoenstatt, Cursillos de Crisziandad, Lion de Juda...
Hiện tượng
Những trào lưu này có mặt trong lịch sử Giáo Hội địa phương như một hiện tượng với tính công khai. Con mắt người xã hội học có thể quan sát được.
+ Trước hết, nơi họ có hiện tượng về một sức sống mãnh liệt.
Khác với những nếp sống đạo và tu đức có vẻ ù lỳ, tẻ nhạt, bị động, co rúm, cằn cỗi tìm an thân trong thái độ xa tránh, lo tự vệ, đối phó với những gì là mới, sống hao mòn trong cái nhìn phía sau đầy tiếc nuối, với cái nhìn phía trước đầy bi quan, các trào lưu này đi giữa cuộc sống phức tạp hôm nay với tinh thần thanh thản, chủ động, lạc quan và cởi mở. Xin kể một điển hình. Phong trào min du Néo-Catéhuménat có những thành viên là những cặp vợ chồng. Ban ngày họ đi làm kiếm sống, lo việc gia đình, tham gia việc xã hội. Ban tối họ tới một số gia đình, nhất là các gia đình bê trễ không mấy khi lui tới nhà thờ, để dạy giáo lý cho người lớn trẻ em, giúp cho các gia đình này được biết sống đạo. Sau khi đã thiết lập được một nhóm gia đình biết tích cực giúp nhau sống đạo, cặp vợ chồng đó lại rời đến một địa phương khác, lại tìm mướn nhà, tìm trường cho con học, tìm việc làm, để rồi lại tìm dịp lui tới những gia đình xa lìa đức tin tại địa phương đó. Ta có thể thấy ngay được vô số khó khăn cản trở việc tông đồ của các cặp vợ chồng này. Nhưng họ vẫn xoay sở, vẫn âm thầm chịu đựng, vẫn thao thức đi về phía trước. Đức tin, đức ái của họ phải mãnh liệt lắm mới giúp họ đủ can đảm lao mình vào cuộc sống như vậy.
+ Ngoài ra, nơi họ có hiện tượng về một sức kỳ diệu biến đổi con người.
Những trào lưu này đến với những người có đạo, mến đạo, ngoan đạo, sùng đạo, nhưng đồng thời cũng chủ ý nhắm tới những đối tượng dửng dưng với đạo, xa tránh nhà thờ và ác cảm với Giáo Hội. Một ví dụ về phong trào: Marriage Encounter tại Colombie. Phong trào này lo tổ chức những sinh hoạt tôn giáo cuối tuần cho các bậc vợ chồng. Đứng đầu phong trào thường là cặp vợ chồng, cũng có khi là một linh mục. Vào giữa thập niên 70, số cặp vợ chồng tham dự tĩnh tâm cuối tuần vào khoảng 20.000. Trong số này, có tới quá nửa chưa hề đến nhà thờ bao giờ. Cặp vợ chồng nào một khi quen mộ mến những sinh hoạt tôn giáo cuối tuần của phong trào rồi lại gợi ý cho những cặp vợ chồng khác cũng đến tham gia. Và cứ thế, phong trào truyền sức cải thiện từ hôn nhân này đến hôn nhân khác. Đến nay, con số cặp vợ chồng xin gia nhập phong trào đã tăng lên nhiều, và họ đã được nên tốt hơn một cách rõ ràng.
Một ví dụ khác về phong trào Emmanuel. Phong trào này mới chỉ xuất hiện từ năm 1973, gồm các người có hôn nhân, các người độc thân, nhất là các chủng sinh. Tại Paris, những người trẻ của phong trào này đã chọn sinh hoạt Tin Mừng ngoài đường phố với những bạn trẻ của mình. Trong Năm Thánh, họ đã kéo được hơn 2000 thanh niên đến tòa giải tội. Hiện nay gần nửa số thành viên Emmanuel là những người trước khi gia nhập phong trào đã có một đời sống khô khan, có khi đã thực sự là những người không tin. Họ đã được đổi mới một cách kỳ diệu, để rồi họ lại cảm thấy cần phải chia sẻ sự đổi mới ấy với những người khác.
Những hiện tượng trên đây khiến cho nhiều người vốn thất vọng với Giáo Hội đã phải suy nghĩ và tìm hiểu thêm.
Từ hiện tượng bề ngoài, người ta bước vào chính cuộc sống của các phong trào này.
Đặc điểm
Tất nhiên, mỗi phong trào đều có những nét riêng biệt. Nhưng tất cả cũng có một số đặc điểm chung.
+ Đặc điểm thứ nhất là cuộc sống tu đức của họ muốn giới thiệu một Chúa Giêsu trẻ trung, tự do và hiện thực.
Chúa Giêsu của Phúc Âm chính là Đức Kitô trẻ trung của sự sống Thiên Chúa. Ngài yêu cuộc sống, quan tâm đến các khía cạnh của hạnh phúc, hăng hái đấu tranh cho tình thương và lẽ phải, và có những sáng tạo táo bạo vì phần rỗi các linh hồn.
Chúa Giêsu của Phúc Âm chính là Đức Kitô tự do của luật đức ái. Ngài không bị gò bó bởi áp lực những định kiến hẹp hòi, những luật lệ vô bổ, những suy nghĩ lỗi thời của giới Pharisêu.
Chúa Giêsu của Phúc Âm chính là Đức Kitô hiện thực của lịch sử cứu độ. Ngài đến với con người, ở với con người, đồng hành với con người, mặc thân phận con người, thuộc mọi nơi và trong mọi thời.
+ Đặc điểm thứ hai là đức tin của họ cố gắng được phiên dịch ra đức ái, qua thái độ cầu nguyện mãnh liệt đối với Chúa, và thái độ yêu thương chan hòa đối với mọi người, nhất là đối với những kẻ nghèo nàn đau khổ.
Họ làm chứng đức tin là một cuộc gặp gỡ thân thương của con người với Thiên Chúa Tình yêu và với mọi người là con cái Chúa. Cũng trong chiều hướng đó, họ bắt chước Chúa Kitô sẵn sàng đấu tranh cho một đức thương người vì đức tin, hơn là bắt chước Pharisêu, thích đấu tranh cho một đức tin thiếu đức thương người.
+ Đặc điểm thứ ba là họ làm chứng cho đức tin bằng chính những kinh nghiệm bản thân sống động của họ về Chúa và về cuộc sống.
Nhiều người có thói quen làm chứng cho đức tin chỉ duy bằng cách nêu thế giá vị này sách nọ. Các phong trào này không làm thế. Họ làm chứng về một đức tin mà chính họ đã cảm nnghiệm sâu sắc trong liên hệ với Chúa, với tha nhân, với cuộc sống. Làm chứng như thế là chia sẻ kinh nghiệm sống, là kể lại những gì mình đã chứng kiến, là nói lên những gì đã xảy ra cho chính bản thân mình. Trong một thời đại mà sự hiểu biết về Chúa và về con người được thực hiện qua quá nhiều trung gian sách báo, và quá nặng những chân lý trừu tượng, thì những kinh nghiệm trực tiếp về Chúa và về cuộc sống trở thành cần thiết và quí giá. Cũng chính vì thế mà cách làm chứng bằng những kinh nghiệm như thế đó được coi là một cách làm chứng thích hợp có tính cách phản ứng lại khuynh hướng duy lý lạnh lùng trong việc trình bào đạo, truyền bá đạo, và bênh vực đạo. Đọc cuốn C' tái la guerre, hay Tutti giam uno của Ghiara Lubich, ta thấy phong trào Focolare đã được thành hình dần dần từ những kinh nghiệm hy vọng do sự lựa chọn giới luật yêu thương của Phúc Âm làm lý tưởng ưu tiên.
Động lực
Chính những kinh nghiệm bản thân về Chúa và về cuộc sống đã là một động lực mạnh thúc đẩy phong trào hoạt động.
Thêm vào đó, tinh thần đổi mới mà Công Đồng Vatican II nêu lên cũng là một động lực có tính cách quyết định. Mặc dù một số phong trào đã có trước Công Đồng Vatican II. Biến cố Công Đồng Vatican II đã là yếu tố khích lệ lớn lao, giúp cho phong trào phát triển. Nhờ Công Đồng, nhiều người đã ý thức hơn về tình trạng nguy hiểm của những đời sống thiêng liêng đóng khung quá chặt vào những cơ chế và thói quen lỗi thời. Phải trung thành với truyền thống, nhưng một cách lành mạnh, bằng cách cảnh giác với những cái cũ cằn cỗi và nhạy bén với những cái mới có sức phát triển Tin Mừng.
Ngoài ra, nhờ quan niệm "Hội Thánh là dân Thiên Chúa" do Công Đồng nêu lên, mọi người trong Hội Thánh, không phân biệt giáo phẩm, giáo sĩ, giáo dân, đều thấy mình có trách nhiệm và quyền lợi đưa ra những sáng kiến hợp tình hợp lý, giúp cho Hội Thánh dễ được mọi người trong đạo ngoài đời nhận ra như là dấu chỉ và dụng cụ của sự kết hợp với Chúa và đoàn kết với mọi người theo như lý tưởng mà chính Công Đồng đã tự chọn.
Công Đồng Vatican II cũng đã nhấn mạnh đến hình ảnh Hội Thánh là hiệp thông. Hiệp thông là một chiều kích xã hội, một hướng đi có khả năng gặp gỡ những dòng lịch sử trên thế giới đang chuyển biến đến giai đoạn cởi mở, hòa hợp. Khi các phong trào thiêng liêng mới mẻ trong Hội Thánh nêu cao đức ái cộng đoàn, với những chia sẻ tình người tình bạn, với những thông cảm về những phức tạp của thân phận từng người, họ đã muốn giới thiệu khuôn mặt của Hội Thánh không phải là một thế lực, mà là người thầy và là người mẹ luôn cố gắng hiệp thông, hết sức thông cảm và ưu tiên tìm sự hòa hợp hiệp nhất, đúng như ý Chúa muốn: Dù sắp sửa dâng lễ mà thấy còn có sự bất thuận giữa mình với người nào, thì hãy hoãn lại việc dâng lễ, để dàn xếp đã, rồi hãy dâng lễ sau. Bởi vì Chúa muốn lòng nhân hậu và tình yêu hơn là hy lễ.
Phía sau
Khi đã thấy được đặc điểm và động lực của những trào lưu này, người ta sẽ không tách rời họ ra khỏi chuỗi dài những biến cố thiêng liêng nối tiếp nhau trong lịch sử đạo.
Trong đạo cũ, mỗi tiên tri đều được Chúa trao một sứ mạng cần thiết cho một thời điểm và địa điểm nhất định. Nhưng mọi sứ mạng khác nhau đều qui hướng về một nội dung duy nhất sau cùng.
Trong đạo mới, mỗi thánh sử và mỗi vị thánh trong Phúc Âm đều khám phá được một nét riêng của Chúa Kitô mà họ gặp gỡ. Nhưng mọi nét riêng đó đều thuộc về một Chúa Giêsu duy nhất.
Các thế kỷ đầu, nhiều vị thánh đã chọ cách sống ẩn tu trong rừng và trong sa mạc, như là một cách làm chứng cho đức tin thích hợp với thời điểm lúc đó.
Đến thời các đấng lập dòng như Bênêđictô, Phanxicô, Anphongsô khi hoàn cảnh đổi thay các Ngài đã thành lập các dòng tu với những hình thức mới do những xác tín của mình về nhu cầu của thời điểm.
Theo Walter Dicks trong cuốn La réponse des Moines, thì mỗi đấng lập dòng đều đã khám phá thấy những nguy cơ và những nhu cầu của một thời điểm, để rồi cùng với Chúa Kitô, các ngài đã đưa ra một cách giải quyết thích hợp với hoàn cảnh mới, có lợi cho phần rỗi các linh hồn (Bản dịch Cl. Champollion, Paris 1955).
Theo kiểu nói của H.U. Von Balthasor, thì những đấng sáng lập dòng và các phong trào thiêng liêng là những người có khả năng nhìn sâu vào trái tim Phúc Âm qua một cửa sổ mới. Nội dung Phúc Âm vẫn là một, nhưng được nhìn theo một khía cạnh mới thích hợp với hoàn cảnh đã đổi thay, giúp cho chính hòn cảnh mới đó đón nhận được Tin Mừng (Skizzen zur theologie I, III, Einsielden 1967).
Cái nhìn về quá khứ trên đây giúp cho ta nhận ra ơn gọi của các phong trào thiêng liêng mới mẻ hiện nay trong Hội Thánh, để biết trân trọng họ, cũng như biết coi trọng sự đa dạng về tu đức và truyền giáo trong khối duy nhất của Giáo Hội.
Phía trước
Nếu mỗi thời điểm thường có những nguy cơ và nhu cầu riêng thì huống hồ là thời này và trong tương lai gần của Hội Thánh. Bởi vì đang có nhiều thay đổi lớn lao. Hiện đang có thay đổi về tỷ số người công giáo. Trong 5 tỷ dân số hoàn cầu chỉ có 800 triệu là đăng ký công giáo. So với những thập niên trước, thì tỷ số này đã tụt xuống. Hiện cũng đang có thay đổi về các điểm tập trung số người công giáo. Trước đây điểm tập trung công giáo là Au châu. Hay đạo tại các nước này đã sút giảm. Theo đà sinh sản hiện nay thì năm 2000, cứ 2 người công giáo trong Hội Thánh sẽ có một người là châu Mỹ Latinh. Hiện cũng đang có thay đổi về tinh thần đạo. Theo lời Đức Hồng Y J. Hoffner, "thì tiến trình tha hóa trong Giáo Hội vẫn tiếp tục mạnh, và tại nhiều nơi, nó đang mang hình thức một cuộc khủng hoảng trầm trọng" (J. Hoffner, Pastoral der Kirchen fremden. Bonn, 1979). Hiện nay cũng đang có thay đổi về não trạng con người. Có những điều trước đây được coi là có giá trị minh chứng cho đức tin, thì nay lại bị coi là phản chứng.
Trước những đổi thay như thế, sự xuất hiện các trào lưu thiêng liêng mới mẻ trên đây có thể được coi như những luồng sinh khí mới, những hình thức mới mà Chúa Thánh Thần dùng để Chúa Kitô tiếp tục đối thoại với nhân loại trong chặng đường lịch sử hôm nay.
Hy vọng rằng các phong trào thiêng liêng này cũng là những gợi ý cho chính chúng ta, là những người được gọi, được chọn, được sai đi loan báo Tin Mừng cho thời điểm Việt Nam hiện tại rất khác với xưa.
"Anh chị em hãy sống nhân từ như Chúa Cha của anh chịác là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì anh chịác sẽ khỏi bị xét đoán. Đừng kết án, thì anh chị em sẽ không bị kết án. Hãy tha thứ, thì anh chị em sẽ được thứ tha. Hãy cho đi, thì sẽ cho lại anh chị em" (Lc 6,36-38).
Sự kiện các đấng tử đạo Việt Nam được tôn phong hiển thánh đã được đại đa số đồng bào Việt Bùi-Tuần 2136
Sự kiện các đấng tử đạo Việt Nam được tôn phong hiển thánh đã được đại đa số đồng bào Việt Nam biết đến. Kẻ biết thế này, người biết thế khác. Sự thực lịch sử các thế kỷ cấm đạo là những sự thực rất phức tạp. Sự thực lịch sử những tháng trước đây hồi phong thánh cũng là những sự thực rất phức tạp. Tôi được may mắn có nhiều tiếp xúc về những vấn đề trên với phía đời, với phía đạo, bên Việt Nam, bên Toà Thánh, bên các nước ngoài. Tôi thấy những sự thực về lòng người còn phức tạp hơn những sự thực về lịch sử các thánh. Đó là điều mà mục vụ cần để ý trong thời hậu-phong-thánh.
Hiện nay, các đấng tử đạo Việt Nam đã được phong thánh. Sự kính các ngài đã bước lên một bậc. Bậc mới này đặt ra cho ta trách nhiệm mới. Trách nhiệm mới đó là làm chứng cho Chúa một cách hữu hiệu hơn trong hoàn cảnh mới của xã hội Việt Nam.
Các thánh tử đạo là những người đã can đảm làm chứng về sự trung thành với Chúa. Các ngài trung thành không những ở sự không từ bỏ Chúa, mà cách riêng ở sự cố gắng nên ggiống Chúa Kitô cho tới cùng. Và đây là điều tôi muốn nói.
Nên giống Chúa Kitô yêu thương, hoà giải
Cuộc đời Chúa Giêsu là những chuỗi dài dạy mến Chúa yêu người. Sự chết của Chúa Giêsu là đỉnh cao của giới luật mới mà Ngài đã truyền lại. Cái chd61t của Ngài là của lễ hòa giải. Ngài "tử đạo" để hòa giải nhân loại với Thiên Chúa, và nhân loại với nhau. Từ đó hòa giải là nhiệm vụ thiết yếu của những ai muốn nên giống Chúa Kitô. Đức Thánh Cha Phaolô VI nói: "Tiêu chuẩn để nhận biết tính cách đích thực của người Kitô hữu là sự hòa giải của họ trong Hội Thánh và trong thế gian" (8/12/1974).
Người tín hữu dùng sự hòa giải của mình để chứng minh mình thuộc về "Hội Thánh là dấu chỉ và là dụng cụ của sự kết hợp mật thiết với Chúa và của sự hợp nhất tất cả nhân loại" (Lumen Gentium).
Hoà giải đòi tinh thần cởi mở. Cởi mở đối với quan niệm duy nhất của Hội Thánh: Duy nhất trong sự dị biệt, khác biệt hướng về hợp nhất, liên hệ với nhau trong khiêm nhường, bình an và bác ái. Cởi mở với các giá trị của các tôn giáo khác, của các chủ thuyết, của các xã hội. Cởi mở đối với quan niệm về vinh quang Thiên Chúa, một vinh quang do tha thứ, xót thương và hòa giải.
Hoà giải nào cũng đòi tinh thần khiêm tốn. Có khi ta tưởng ta là người công chính, còn người khác không công chính bằng ta, nên hòa giải chỉ có nghĩa là họ phải từ bỏ quan niệm của họ để theo quan niệm của ta. Tưởng như thế có thể là sai lầm do kiêu căng và càng đi sâu vào chủ quan tai hại. Hồi xưa, các thầy cả đạo cũ và giới biết phái tưởng mình là gương mẫu đức tin. Nhưng Chúa Giêsu lại đề cao một viên sĩ quan ngoại đạo như mô hình đức tin mạnh mẽ. Các thầy cả đạo cũ và giới biệt phái cũng tưởng mình là gương mẫu đức thương người. Nhưng Chúa Giêsu lại đề cao đức ái của một người Samaritanô chăm sóc kẻ bị cướp đánh nằm bên vệ đường. Chúa bảo đó là gương đức ái. Người ấy lại là người ngoại giáo. Các thầy cả đạo cũ và giới biệt phái cũng tưởng mình là gương mẫu sự biết ơn. Nhưng Chúa Giêsu lại cho thấy: Mười người phong cùi được Chúa chữa khỏi, chỉ có một người biết cảm ơn Chúa, và người duy nhất đó lại là người ngoại đạo. Thế là đã có những người mà dự luận có đạo cho là không công chính lại được Chúa ưu ái hòa giải. Đang khi đó có những người có đạo tự xếp mình vào loại công chính lại bị Chúa loại ra ngoài.
Hoà giải nào cũng đòi tinh thần bác ái. Bản chất của yêu thương là rất quan trọng. Nhưng cách yêu thương cũng rất quan trọng. Vì thế Đức Thánh Cha Phaolô VI khuyên ta: "Hãy học nghệ thuật yêu thương " (17/10/1973). Nghệ thuật yêu thương rất cần trong hòa giải. Theo ý hướng đó, Toà Thánh đã và đang có những hòa giải tế nhị với Do Thái giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành và Anh giáo. Giáo Hội tôn vinh thánh giá Chúa như dấu chỉ của sự hòa giải, chứ không giơ cao thánh giá Chúa lên để có ý nêu tên và kết án những người đã đóng đinh Chúa. Thật là kinh tởm nếu để ca tụng bác ái lại dùng những cách không bác ái và trái với bác ái.
Hoà giải nào cũng đòi tinh thần từ bỏ. Trong lời giảng Mùa Chay 1974 (O.R.3/3/1974) Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã trích dẫn những lời sau đây của thánh Basiliô: "Tấm bánh dư thừa ở nhà anh chị em là những của người đói. Cái áo dư thừa trong tủ nhà anh chị em là của kẻ trần truồng. Đôi dép dư thừa để ở góc nhà anh chị em là của kẻ đi chân không. Những tiền bạc dư thừa anh chị em chôn giấu là của kẻ nghèo. Bao nhiêu bất công anh chị em lỗi phạm có thể trở thành bấy nhiêu việc lành được phân phát ra, nếu biết sửa lại".
Đức Thánh Cha Phaolô VI đã dùng những hình ảnh trên đây để răn dạy. Nhiều cái là quyền lợi của mình, nhưng bên cạnh nếu có những khó khăn của người khác, thì tinh thần hòa giải đòi ta phải từ bỏ phần nào quyền lợi của ta, để có sự thông cảm và bình an. Nếu không, thì không những thiếu hòa giải mà cũng thiếu công bình nữa.
Để nêu cao tinh thần hòa giải của đạo Chúa, Chúa dạy rõ: "Khi dâng lễ mà nhớ mình còn điều gì bất hòa với ai, thì hãy đi làm hòa với họ trước đã, rồi mới dâng lễ sau. Bởi vì Chúa ưa thích lòng nhân hậu hơn là lễ lạy". Trong phụng vụ lễ Misa, trước khi rước lễ có việc trao tặng bình anh cho nhau. Cũng là để nhắc cho nhau phải hòa giải với người khác trước đã, rồi mới lên bàn thờ đón Chúa Giêsu vào lòng mình.
Về hòa giải, chúng ta nên đọc lại các văn kiện Toà Thánh về Năm Thánh 1975 mang tên "Năm Thánh Hoà Giải". Những văn kiện này cho thấy Đức Thánh Cha Phaolô VI đã có một cái nhìn tiên tri về thế giới và về Hội Thánh. Trước viễn tượng phức tạp, Ngài đã tha thiết kêu gọi hòa giải. Hoà giải với lương tâm mình, hòa giải với Chúa, hòa giải trong nội bộ Hội Thánh, hòa giải với các tôn giáo khác, hòa giải với xã hội, hòa giải giữa các cá nhân, hòa giải giữa các cộng đồng, hòa giải giữa các nước, các vùng. Những điều Ngài nói với Giáo Hội toàn cầu năm 1975 rất hợp cho Giáo Hội Việt Nam của giai đoạn mới từ 1975 trở đi.
Có những nghi kỵ trong thời chiến. Có những nghi kỵ trong thời bình. Có những nghi kỵ riêng của giới nghèo. Có những nghi kỵ riêng của giới giàu. Có những nghi kỵ về phía w. Có những nghi kỵ về phía đạo. Trong đạo, cũng không thiếu những nghi kỵ phức tạp và tinh tế đối với nhau. Nói chung thì trong một cuộc sống chật chội khép kín, những cái gây nên nghi kỵ thường là những lý do hẹp hòi, được nuôi dưỡng trong một bầu khí tâm lý căng thẳng và đầu độc. Nghi kỵ đẻ ra nghi kỵ.
Vì thế, người làm việc tông đồ hòa giải cần phải cảnh giác trước hết với chính lòng minh, luôn giữ nó bình an, thanh thản với lý tương mưu tìm hòa giải theo gương Chúa Kitô. Đồng thời họ cũng cố gắng tích cực và kiên trì tạo nên bầu khi hòa giải, bằng những lời nói mang sức sống công bình bác ái, bằng những thái độ và việc làm hướng về những lợi ích lớn hơn là những lợi ích nhỏ trước mắt. Mở rộng tầm nhìn, và mở rộng tấm lòng là một cách tốt nhất để bớt đi những cái hẹp hòi gây nên nghi kỵ. Trái tim khoan hoà, hiền lành, bao dung của Chúa Giêsu luôn thao thức phần rỗi các linh hồn, đó là trái tim của trái tim tông đồ hòa giải. Giáo Hội Việt Nam hôm nay đang cần nhiều người có trái tim như vậy.
Lúc tôi viết tới đoạn này cũng là lúc tôi gặp 3 trường hợp rắc rối: Một đôi vợ chồng có đạo, 2 chị em lớn tuổi có đạo, 2 người cùng trong một nhà tu. Tất cả những người này đều hằng ngày tới nhà thờ đọc kinh, xem lễ, rước lễ. Nhưng đã lâu rồi, họ chưa đi tới chỗ hòa giải thực sự giữa hai người với nhau.
Kinh nghiệm cho thấy hòa giải khó hơn sống nghi kỵ hận thù ghen ghét. Chẳng cần chút lương thiện nào cũng dư sức sống nghi kỵ. Còn muốn sống hòa giải thì cần nhiều cố gắng đạo đức lắm. Nhưng để an tâm một cách giả tạo, không thiếu người vẫn tìm đủ cách để đạo-đức-hóa lập trường nghi kỵ, và tội-lỗi-hóa đường lối hòa giải. Một khi mang nhãn hiệu đạo đức Phúc Âm, các nghi kỵ ghen ghét hận thù nhân danh Phúc Âm sẽ dễ lan tràn. Kết quả là những người ngoài công giáo càng hiểu sai đạo, càng nghi ngờ Hội Thánh.
Nhận thức rõ những khó khăn trên đường hòa gaỉi, chúng ta cần can đảm kiên trì. Thiết tưởng can đảm và kiên trì xây dựng hòa giải trong những hoàn cảnh khó khăn cũng là một hình thức tử đạo, một cách làm chứng lòng trung thành với Chúa Kitô trong một thời điểm rất cần hòa giải.
Noi gương Chúa Kitô luôn trung tín
Một đức tính khác của Chúa Cứu thế ta cần noi gương cách riêng trong thời điểm này là sự trung tín.
Chúa Kitô đã trung tín triệt để với sứ mạng của mình. Sứ mạng của Ngài là đến với loài người, ở giữa loài người, để cứu chuộc loài người. "Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế". Chúa Giêsu đã chu toàn sứ mạng ấy trong ý chí tuyệt đối vâng phục thánh ý Chúa Cha bằng cả cuộc đời nêu cao đức ái đến hy sinh mình trong cái chết nhục nhã đau thương.
Mỗi kẻ theo Chúa Kitô đều chia sẻ sứ mạng của Ngài. Sứ mạng ấy được cụ thể hóa trước hết trong việc bổn phận. Đối với linh mục có trách nhiệm mục vụ trực tiếp, thì việc bổn phận được qui định rõ. Thí dụ: Bổn phận có mặt ở nhiệm sở, bổn phận con người kinh nhật tụng, bổn phận phân phát các bí tích. Bổn phận giảng huấn, bổn phận nâng đỡ các người đau yếu bệnh tật neo đơn, bổn phận làm việc từ thiện, bổn phận chia sẻ Tin Mừng cho người ngoại đạo. Bổn phận đối với linh mục đoàn, bổn phận đối với các Giám Mục của mình vv...
Đối với linh mục không có trách nhiệm mục vụ trực tiếp, thì việc bổn phận không phải là không quan trọng, nếu việc bổn phận, đó, thí dụ, chỉ là dùng lời nói thái độ việc làm giúp xây dựng và phát triển mối hiệp nhất và sự bình an trong xứ đạo mình ở và trong địa phận của mình.
Có cách làm việc bổn phận như một thói quen máy móc. Có cách làm việc bổn phận như loan báo Tin Mừng. Có việc làm nhiều chất lượng. Có việc làm ít chất lượng. Có việc làm sinh kết quả thấy rõ. Có việc làm sinh kết quả âm thầm. Điều muốn gợi ý ở đây là lương tâm trách nhiệm. Trách nhiệm thường xuyên trau dồi đạo đức, nhân bản, trí thức, để có được đời sống nội tâm phong phú, biết phán đoán, biết tổ chức, hầu việc chu toàn bổn phận mục vụ được đẹp ý Chúa.
Một điểm quan trọng cần biết trong trách nhiệm chu toàn bổn phận mục vụ là tinh thần Giáo Hội.
Khi nói đến tinh thần Giáo Hội, nhiều người thường chỉ nghĩ đến sự vâng phục quyền bính Giáo Hội. Cách hiểu đó chỉ đúng phần nào, mặc dầu phải hiểu sự vâng phục quyền bính Giáo Hội cần được đòi hỏi và được thực hiện một cách trưởng thành.
Hiểu cách đó là quan niệm một Giáo Hội đã sẵn có, ở ngoài ta và ở trên ta. Thực sự cũng có đúng. Giáo Hội đã được Chúa Giêsu thiết lập từ nhóm 12 bằng mầu nhiệm khổ nạn Phục sinh của Chúa. Giáo Hội đã được công bố bằng sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đó là Giáo Hội ở ngoài ta. Giáo Hội đó đi vào lịch sử, vẫn tiếp tục hoàn chỉnh chính mình. Mỗi ngày, mầu nhiệm cứu chuộc được kéo dài qua thánh lễ. Từng ngày, Giáo Hội xây dựng chiều kích sống động của mình trong các con người sống động của Hội Thánh. Từng ngày, Giáo Hội hiện diện trên thế giới nhờ ta, và trong ta. Theo nghĩa đó, Giáo Hội là ở trong ta, và nhờ ta để hoạt động hoàn chỉnh chính mình.
"Có tinh thần Giáo Hội là chủ yếu hiểu biết Giáo Hội chính là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm này được ghi chép trong cuộc sống chúng ta. Thực ra, mầu nhiệm này chỉ có được trong lịch sử của ta, nhờ cuộc sống của ta và trong cuộc sống của ta. Giáo Hội là chính chúng ta và đồng thời là mầu nhiệm sự hiện diện của Chúa ở trần gian này. Mầu nhiệm này thực lạ lùng, bởi vì nó là sự Chúa chỉ bằng lòng hiện diện qua những con người và qua trung gian tự do con người được thánh hoá. Mầu nhiệm này cũng là thực tại sự Chúa hiện diện, muốn ban phát ơn cứu rỗi qua các cử chỉ, các tổ chức, các việc làm của những con người. Có tinh thần Giáo Hội phải chăng chính là đón nhận mầu nhiệm đó, và làm cho mầu nhiệm đó được thể hiện trong đời sống hằng ngày, dự phần vào hành động Giáo Hội và của mầu nhiệm Thánh Thể, để dự phần vào hành động của Chúa Kitô, Chúa chúng ta" (André de Bovis, sj, Avoir le sen de l'Esprit, Christus 18, 1958).
Trong sự hiểu biết như trên, tôi xin lưu ý mấy việc thường ngày, mong mỗi người chúng ta chu toàn với tinh thần Giáo Hội cao, hầu xây dựng tinh thần Giáo Hội trong cộng đồng của mình.
Bằng việc dâng thánh lễ, chúng ta sẽ sống mạnh mẽ và nêu cao tinh thần Giáo Hội, nếu chúng ta cử hành một cách sốt sắng với ý chí hiệp thông với Đức Thánh Cha và các Đức Giám Mục của mình, với thái độ nghiêm trang cung kính, với những đồ lễ đồ thờ sạch sẽ lịch sự. Bằng việc giảng dạy, chúng ta sẽ sống mạnh mẽ và niêu cao tinh thần Giáo Hội, nếu chúng ta đưa ra những đề tài đạo đức sát thực tế với nội dung có chất lượng, với cách trình bày có khoa học.
Bằng cách sống và tiếp xúc, chúng ta sẽ sống mạnh mẽ và nêu cao tinh thần Giáo Hội, nếu chúng ta phản ánh được lương tâm ngay chính, tấm lòng độ lượng, ý chí phục vụ, tinh thần kỷ luật và sự hiểu biết những giáo huấn của Công Đồng.
Cũng bằng cách sống và các việc làm, chúng ta sẽ sống mạnh mẽ và nêu cao tinh thần Giáo Hội, nếu chúng ta kiên trì và khôn khéo cởi gỡ những thành kiến nặng nề mà nhiều đồng bào Việt Nam ngoài công giáo đang có về đạo công giáo Việt Nam nói chung và về hàng Giám Mục, linh mục Việt Nam nói riêng, đặc biệt là trong quan điểm và thực tế đối với kẻ nghèo, đối với vấn đề đoàn kết dân tộc, và đối với việc xây dựng, bảo vệ Tổ Quốc.
Một điểm khác không thể thiếu trong khi nói về trách nhiệm trung tín của linh mục Việt Nam hôm nay, đó là trung tín đối với Tổ Quốc.
Về điểm này, tôi thấy đoạn văn số 9 của thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 1980 là tương đối rõ ràng đầy đủ. Chúng ta nên đọc lại:
"Là Hội Thánh trong lòng Dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công Đồng dạy rằng: "Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới" (MV 40,2). Vậy, chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, Đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa. Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân, vừa là thành phần dân Chúa.
"Sự gắn bó và hòa mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong 2 điểm chính:
1. Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc.
2. Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả Đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc" (số 9).
Long trung tín được xây dựng bằng những việc nhỏ thường ngày hơn là bằng những việc lớn hiếm hoi. Tất nhiên có nhiều vất vả, có nhiều gai góc, có nhiều mệt mỏi. Thắng vượt được những cái đó đôi khi cũng là một thứ tử đạo, nhưng đó là một cách làm chứng cho Chúa rất cần trong thời điểm này.
Noi gương Chúa Kitô giúp con người sống hạnh phúc thật
Một điều nữa thiết tưởng cũng cần nhấn mạnh trong thời điểm này để làm chứng cho Chúa cho đạo, đó là sống Tám mối phúc thật.
Thời nay, một phần đông nhân loại đang cảm nghiệm thấm thía 3 cái trống rỗng vô hình ghê rợn:
- Một là cái trống rỗng về ý nghĩa cuộc đời. Sống để làm gì, chết rồi đi đâu. Đối với họ, câu trả lời là: trống rỗng.
- Hai là cái trống rỗng về cuộc sống cộng đồng. Đã có nhiều nghi kỵ, xa cách, đổ vỡ, kỳ thị. Và cho dù có thương nhau tha thiết, nhưng sau đó còn gì? Đối với họ, câu trả lời là: trống rỗng.
- Ba là cái trống rỗng về tôn giáo. Tôn giáo bị đẩy lui, tôn giáo dạy những sự xa vời, không giải quyết được gì cho những vấn đề thực tại. Tôn giáo đưa lại cái gì? Đối với họ, câu trả lời là: trống rỗng.
Đang khi đó, nhiều người đã sống mãnh liệt bài giảng trên núi của Chúa. Và họ đã cảm nghiệm được Tám mối phúc thật. Họ thấy bên kia vực khổ là bờ hạnh phúc. Có một Đấng thiêng liêng đời đời hằng sống ban hạnh phúc cho họ. Chính Ngài là hạnh phúc của họ. Có một cái gì là tuyệt đối trong đời họ. Từ kẻ nghèo nàn đến kẻ bị bắt bớ đều được đền bù bằng cái tuyệt đối của Chúa trong Tám mối phúc. Chính vì tin như vậy và đã cảm nghiệm thấy như vậy, họ đã sống bình an, một thứ bình an nội tâm sâu sắc làm ngạc nhiên bao người. Sự kiện ấy đã là chứng từ sống động về Chúa.
Chẳng may một số người tin Chúa khi gặp khó, kể cả khi tôn giáo họ gặp khó, đã đánh mất sự bình an trong lòng mình, để rồi lại khuấy động sự bình an tâm hồn những kẻ khác. Châm biếm, móc méo, bực bội, nói xấu, tức tối hận thù. Nhiều phản ứng không khác gì những người bất mãn bệnh hoạn, ấu trĩ và phàm tục, lúc đó, thái độ tôn giáo nơi họ đã trở thành phản chứng, gây nên hậu quả còn tệ hại hơn là sự trống rỗng.
Chúng ta qua biết về mầu nhiệm cứu chuộc. Những đau đớn Chúa Giêsu chịu, do bị hành hạ trên thân xác và do bị nhục nhã trong tâm hồn đã trở thành giá cứu chuộc, nhờ sự Ngài chịu những đớn đau ấy với tâm hồn khiêm tốn, hiền từ, yêu thương tha thứ.
Môn đệ không trọng hơn Thầy. Nên các tông đồ xưa, sau khi bị đánh đón và bị cáo gian, bị xỉ vả, các ngài đã nhảy mừng sung sướng vì được nên giống Thầy mình. Các ngài không có một lời tức bực, khích động hận thù và khinh dể để đối với kẻ làm các ngài phải khổ. Có người cho thái độ như thế là hèn yếu. Nhưng thánh Phaolô quả quyết: "Chính khi tôi yếu là lúc tôi mạnh". Sự thực đó không những đúng cho cá nhân, mà cũng đúng cho Hội Thánh.
Hiện nay, sức sống của Hội Thánh được thể hiện dồi dào, không ở những cái ồn ào phô trương mạnh mẽ có vẻ thắng thế, mà là ở những cái yếu, cái nhỏ, cái hèn. Đó là những cộng đoàn đức ái không tên, những việc phục vụ bé nhỏ âm thầm, những dấn thân vất vả mà chẳng ai thèm tranh giành, những hy sinh đau đớn lặng lẽ và những lời cầu nguyện kín đáo không ghi ở mục lục nào.
Hơn nữa, từ Tám mối phúc thật, những người xác tín Chúa là hạnh phúc của mình, đã khám phá thấy hạnh phúc là điều Chúa muốn cho con cái Chúa, và cho mỗi người. Họ cũng thấy rằng mọi sự tốt, mọi sự lành, mọi sự đều đẹp do Chúa, có giá trị làm sáng danh Chúa, có khả năng giúp cho con người sống lương thiện hơn, đạo đức hơn, hòa thuận với nhau hơn. Từ đó, hạnh phúc của Tám mối phúc thật không được hiểu như một thế tĩnh, một thái độ chịu đựng, mà chính là một thế động, một sự phấn đấu chống lạc hậu, dốt nát, nghèo nàn, bệnh tật, bất công, trì trệ và mọi thứ tiêu cực làm suy thoái và cản trở con người trên đường đi tìm hạnh phúc, một sự phấn đấu phát triển con người và xã hội về mọi mặt.
Một mẫu người như vậy rất được hoan nghênh ái mộ. Sự kiện kíp mổ hai cháu Việt Đức được khắp nơi khen ngợi quí mến, và sự kiện cái chết của nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ được từng triệu đồng bào xót thương ngậm ngùi, đã nói lên tâm lý chung của quần chúng. Tâm lý chung đó chứng tỏ nỗi khát khao rạo rực ray rứt của con người Việt Nam lúc này, là muốn thấy được những người giàu lòng tốt, giàu khả năng góp phần hữu hiệu vào việc nâng cao con người và xã hội Việt Nam lên, để được lành mạnh hơn, sung túc hơn, văn minh hơn, tốt đẹp hơn, ổn định hơn, đạo đức hơn.
Cũng do tâm lý đó đang dâng lên như dòng nước lũ, mà chủ nghĩa anh hùng lúc này không còn đủ sức thuyết phục. Một cá nhân, một chủ thuyết, một tôn giáo, một quốc gia, nếu chỉ lo tự hào với con số anh hùng liệt sĩ của mình, đang khi không biết giải quyết hữu hiệu những vấn đề cấp bách trước mắt như nạn nghèo túng, nạn tham nhũng bất công, nạn lạc hậu, nạn ngu dốt, sẽ không đủ uy tín để tranh thủ được sự tín nhiệm và sự quí trọng của người thời nay.
Cũng do tâm lý đó của thời điểm này mà thánh Máctin đen lại được đông người công giáo Việt Nam lui tới tâm sự nhỏ to hơn là các thánh tử đạo đồng hương của mình. Lý do dễ hiểu. Bởi vì thánh Máctin đen hay giúp đỡ giải quyết các vấn đề đời sống.
Cũng do nhận thức về tình trạng tâm lý thời điểm này, mà Toà Thánh đã chọn cho hội nghị Uỷ ban đối thoại với những người không tin 1991 đề tài này: "Hạnh phúc và Đức tin", với những câu hỏi gợi ý đã gởi cho các thành viên như: "Ngày nay Giáo Hội phải giới thiệu Phúc Âm thế nào để con người thời nay có thể coi Phúc Âm là một Tin Mừng không những cho hạnh phúc đời sau, mà cũng là Tin Mừng cho hạnh phúc đời này?".
Những sự kiện trên đây giúp cho người làm mục vụ suy ngài ghĩ, để có những lựa chọn thích hợp khi vạch ra những con đường có khả năng làm chứng cho Chúa, cho đạo, cho Giáo Hội Việt Nam.
Các thánh tử đạo Việt Nam sẽ rất vui mừng, khi thấy con cháu các ngài biết chọn lựa đúng ngôn ngữ của thời điểm mình để phiên dịch đức tin và làm chứng lòng trung thành đối với Chúa, cũng như các ngài đã biết lựa chọn đúng ngôn ngữ của thời điểm các ngài.
Các ngài đã hy sinh cho sự trung thành với đức tin, để đức tin của con cháu các ngài được càng ngày càng trưởng thành trong sự trung tín.
Đức tin của giáo dân ta, và của chính bản thân ta đã thực sự trưởng thành chưa? Thưa nói chung thì vẫn còn nhiều điều đáng lo âu nhưng cũng có nhiều hy vọng. Vấn đề này sẽ có dịp suy nghĩ sau.
Kính lạy các thánh tử đạo Việt Nam, xin cầu cho chúng con.
"Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được không nếu không dính liền với cây nho. Các con cũng vậy nếu không ở trong Thầy. Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái. Vì không có Thầy, các con không thể làm được gì" (Ga 15).
Báo L'Osservatore Romano của Tòa Thánh, số ngày 01-8-1989, có trích đăng cảm tưởng của Đức Bùi-Tuần 2137
Báo L'Osservatore Romano của Tòa Thánh, số ngày 01-8-1989, có trích đăng cảm tưởng của Đức Hồng Y Roger Etchegaray về chuyến thăm Việt Nam của Ngài thực hiện đầu tháng 7-89. Ngài nói là Ngài "Đã được sống một kinh nghiệm thiêng liêng khác thường tại Việt Nam". Đó là một cảm tưởng tuyệt vời.
Cũng trong tờ tuần báo trên, đề ngày 29-8-89, người đọc có thể hiểu rõ thêm cảm tưởng của Đức Hồng Y. Ngài nói về Giáo Hội Việt Nam như sau: "Tôi đã chứng kiến một Giáo Hội chỉ sống do Chúa Thánh Linh và nhờ Chúa Thánh Linh".
Những cảm tưởng như thế đã vượt ra khỏi mọi bình luận chính trị. Trong nội bộ Giáo Hội, những lời khen kiểu đó cũng vượt ra ngoài mọi khả năng tranh cãi.
Riêng tôi, tôi coi cảm tưởng của Đức Hồng Y là những lời chia sẻ thân thương, có tính cách khích lệ, gửi những ai đang sống thực tế trên quê hương Việt Nam hôm nay, với những kinh nghiệm thiêng liêng của mình, trong thái độ đơn nghèo, vững tin vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Những kinh nghiệm thiêng liêng ấy rất là khác thường, không giống thời xưa và không giống những nơi khác.
Kinh nghiệm thiêng liêng ấy là một sự hiểu biết sống động và trực tiếp về những thực tại tâm linh sâu kín. Những thực tại này không luôn giống nhau. Phân biệt được thực tại nào là thực sự do Chúa Thánh Linh, thực tại nào không, đó là việc khó.
Chúa Thánh Linh là Đấng thiêng liêng, làm sao biết được Người? Cũng như gió, không ai nhìn thấy gió. Nhưng khi thấy tà áo bay, cỏ cây đu đưa, luồng khí tạt qua da thịt, ta biết là có gió, mạnh hay yếu. Tương tự như vậy, ta không nhìn thấy Chúa Thánh Linh. Nhưng khi thấy một số biến chuyển tốt, người ta có quyền coi đó là dấu chỉ của Chúa Thánh Linh. Một dấu chỉ rất đáng tin, đó là sự lòng người được đổi mới, trở thành tốt hơn.
Thực vậy, có những đổi mới nội tâm không thể nào không do ơn Chúa được. Bởi vì đó là những đổi mới phù hợp với Phúc Âm, những đổi mới nói lên một sự sống mới, giúp con người nên giống Chúa Kitô hơn, để xứng đáng gọi Thiên Chúa là Cha.
Những đổi mới nội tâm như thế đang lóe sáng khắp nơi trên đất nước này. Thí dụ sự lòng người ưa thích cầu nguyện, ham mộ học hỏi Lời Chúa, sự lòng người hoan nghênh tinh thần hòa giải, sự lòng người nhiệt tình giúp đỡ kẻ khác trong ý thức trách nhiệm liên đới, sự lòng người lo sống tốt, làm tốt một cách âm thầm, can đảm mà không chê trách ai, không đòi hỏi gì.
Những đổi mới nội tâm như thế có thể vẫn lặng lẽ không làm thành phong trào rầm rộ. Nhưng sự lặng lẽ chính lại là bầu khí thuận lợi để sự sống siêu nhiên phát triển. Những đổi mới nội tâm như thế chủ yếu là mở rộng tâm hồn về phía Chúa và về phía tha nhân, do động lực Tin Mừng.
Rất nhiều người Việt Nam đã và đang đổi mới tâm hồn theo chiều hướng tốt. Riêng giới giáo sĩ chúng ta thì sao?
Mỗi người chúng ta nên nhìn vào lòng mình, xem ta có những kinh nghiệm thiêng liêng thế nào hiện nay và những năm qua.
Kinh nghiệm thiêng liêng về tình yêu Chúa đã thanh luyện ta qua cuộc sống đầy biến cố, đã tha thứ tội lỗi ta, đã kiên trì theo đuổi ta, đã quảng đại chăm sóc ta, đã không ngừng cứu độ ta, nhất là khi ta lo cứu kẻ khác.
Kinh nghiệm thiêng liêng về niềm tin của ta đặt vào tình yêu Thiên Chúa, về sự yếu đuối của ta được đỡ nâng do Chúa nhân lành, qua các thử thách.
Kinh nghiệm thiêng liêng khi ta chọn một thái độ sống, một quyết định mục vụ, chỉ vì ta xác tín vào một Lời Chúa, một gương Chúa đã nêu trong Phúc Âm.
Kinh nghiệm thiêng liêng về sự sống thân mật với Chúa, về sự bình an và hạnh phúc ta cảm được khi ta tha thứ và phục vụ kẻ khác, về sự hoan lạc ta nếm được, khi ta cố gắng yêu người như Chúa yêu ta.
Những kinh nghiệm thiêng liêng như thế chính là những đổi mới nội tâm. Đó là những kinh nghiệm về sự gặp gỡ Chúa, về sự sống với Chúa. Xác tín với những kinh nghiệm như thế, người tông đồ sẽ làm chứng về một Thiên Chúa mà mình đã từng gặp, đã từng sống với.
Những trang sau đây là một số gợi ý, với mong muốn góp phần xây dựng và phát triển một Hội Thánh Việt Nam, chỉ biết sống do Chúa Thánh Linh và nhờ Chúa Thánh Linh.
Nếu ở đây có nhiều từ "Tôi", thì chỉ vì đây là những chia sẻ tâm tình giữa những người cùng nhìn về một hướng: Mở rộng Nước Chúa ngay từ lòng mình.
Tôi đi tu, dâng mình cho Chúa. Mục đích chính không phải để chứng minh lòng tôi muốn quảng đại Bùi-Tuần 2138
Tôi đi tu, dâng mình cho Chúa. Mục đích chính không phải để chứng minh lòng tôi muốn quảng đại đối với Chúa, với Hội Thánh, với các linh hồn. Bởi vì, vô số những người ở ngoài đời, cũng đã chứng minh một cách hùng hồn họ quảng đại không những chẳng kém mà còn hơn những kẻ đi tu.
Mục đích chính cũng không phải để tìm sự an ổn cho thân phận yếu đuối của tôi. Bởi vì ý hướng đó dễ pha màu ích kỷ. Nếu đi tu để tìm an thân, thì đâu có gì gọi là lý tưởng. Đàng khác, nhiều lúc thực tế đời tu không được an ổn, và kẻ khuấy động sự an ổn ấy, chính lại là thánh ý Chúa.
Mục đích chính cũng không phải để chứng minh một sự trọn lành. Bởi vì nếu nói đời tu là bậc trọn lành trên lý thuyết, thì tôi thấy ái ngại. Nếu nói đời tu là bậc trọn lành trên thực tế, thì tôi sợ mắc cỡ.
Vậy mục đích chính đời tu của tôi là gì? Thưa vắn tắt là để đáp lại lời Chúa gọi tôi, bởi vì chính Chúa đã gọi tôi vào cuộc sống này.
Ơn Chúa gọi không phải là một sự kiện đã qua, nhưng là một ơn luôn luôn mới mẻ, luôn luôn mang tính cách thời sự của từng ngày, của phía trước.
Tôi cần gặp Đấng đã và đang gọi tôi. Gặp gỡ Người, gần gũi với Người, thân thiết với Người, yêu mến và hiểu biết Người, để rồi tôi có thể làm chứng về Người, không phải một cách chung chung, mà là trong hoàn cảnh hôm nay.
Làm chứng về Chúa không phải là truyền đạt những gì tôi học được về Chúa qua các sách, các môn, các lớp, các trường, nhưng chủ yếu là sống sự sống của Chúa, và nói lên phần nào những kinh nghiệm về chính sự sống mới trong tôi ở thời điểm hiện nay, trên đất nước này.
Sự phát triển những kinh nghiệm bản thân về Chúa, cho tôi thấy rõ dung nhan nhân lành của Chúa xuyên qua các chuyển biến đụng tới đời mình.
Những kinh nghiệm bản thân như thế giúp tôi xác tín Chúa thương yêu tôi, Người là Đấng Cứu Độ tôi, Người là hy vọng của tôi, Người là Đấng Trung Tín, nơi tôi phải tuyệt đối phó thác tựa nương.
Phải coi sự thân thiết với Chúa là một ân huệ, một bổn phận, một đặc điểm của người tu.
Sự thân thiết này là một cuộc sống gắn bó thường xuyên, được duy trì và đẩy tới nhờ một số điểm mạnh. Ở đây tôi xin nói về vài điểm mạnh mà Linh mục vốn coi trọng. Đó là những tiếp xúc có tính cách mở rộng tâm hồn về Chúa, tăng thêm tình thân thiết với Người.
I- SÁM HỐI.
Trong sám hối, linh hồn tôi nhìn vào Chúa và nhìn vào mình, nhưng nhìn vào Chúa nhiều hơn.
Tôi nhìn Chúa trên Thánh Giá. Tôi nhìn Chúa trong bí tích Thánh Thể. Tôi nhìn Chúa trong những kẻ nghèo túng, bệnh nạn, khổ đau, và những người tốt xung quanh tôi.
Khi tôi nhìn Chúa Giêsu ở những nơi ấy, tôi sẽ cảm thấy tôi còn quá xa những gì Chúa mong chờ nơi tôi. Khoảng cách thực sâu rộng. Đó là vực thẳm. Làm sao qua được?
Càng cố vượt qua, tôi càng cảm thấy thấm thía trong máu thịt tôi có một lề luật khác chống lại luật Chúa. Nó muốn xiềng xích tôi vào tội lỗi và những lợi ích hẹp hòi. Lề luật ấy là những khuynh hướng xấu ăn rễ ngay trong bản năng và cá tính. Nó đặt cơ sở ngay trong nền tảng cấu trúc tâm sinh lý. Nó chìm ẩn trong các lớp vô thức và tiềm thức. Nó được hỗ trợ bởi vô số những điều kiện bên ngoài của môi trường xã hội.
Đứng sau dòng thác những khuynh hướng lôi cuốn tôi vào đường tà, còn có vô số quỉ dữ địa ngục. Chúng thù ghét Chúa và những ai quyết tâm theo Chúa.
Hành động của Satan nhắm vào các Linh mục thường rất tinh vi. Nó ưa tạo nên những não trạng nguy hại hơn là xúi giục làm những việc tội lỗi rõ rệt. Trong số những não trạng nguy hại cho đức tin đang phát triển đó đây, phải kể đến não trạng tục hóa, não trạng biệt phái, não trạng an thân ù lì, não trạng tự ái, quyền lợi.
Thiết tưởng đời tu của ta sẽ không khỏi cạn dần ơn thánh do ảnh hưởng những não trạng xấu, nếu hằng ngày ta không dành ra một ít thời giờ để hồi tâm, để trở về với chính mình. Biết đâu ta cũng đã đánh mất phần nào cả những đức tính sơ đẳng của đạo làm người, chứ chưa nói đến đạo làm con Chúa và làm tông đồ của Chúa.
Thiết tưởng đời tu của ta sẽ không tránh được một sự thỏa hiệp ngầm với những não trạng xấu, nếu ta không thường xuyên kiểm tra lại lòng ta đối với vinh quang Thiên Chúa, đối với các bề trên, đối với các anh em Linh mục, đối với các bổn phận mục vụ của ta. Ta có thực sự mến Chúa trên hết mọi sự, sẵn sàng từ bỏ hết mọi sự và hăm hở đón nhận mọi Thánh Giá để đi theo Chúa không? Ta có thực sự yêu thương các linh hồn một cách vị tha và năng động như Chúa Giêsu không?
Thiết tưởng đời tu của ta cũng sẽ không khỏi biến chất bởi những não trạng xấu, nếu hằng ngày ta không coi lại lòng mình xem có nhạy cảm trước những vấn đề khẩn thiết của cuộc sống đồng bào, nhất là những người nghèo khó cơ cực xung quanh ta, của địa phận ta, của Hội Thánh ta không, và xem lòng ta có thường nảy sinh ra được tâm tình cảm tạ Chúa trước bao sự lạ lùng, Chúa đang làm nơi vô số người tốt thuộc mọi tôn giáo, mọi lý tưởng, mọi ngành nghề không? Hay là ta chỉ biết nhạy cảm đối với những gì đụng tới tự ái và quyền lợi hẹp hòi của ta?
Những nhận thức như trên là cần thiết. Nhưng linh hồn sám hối sẽ không dừng lại ở đó. Họ dùng những nhận thức ấy để đào sâu sự khiêm tốn trong lòng mình, rồi từ đó càng khẩn khoản xin Chúa giúp cho mình được thanh luyện.
Thực sự ta chẳng bao giờ hiểu hết được những lợi ích của sự thanh luyện. Người tông đồ cần phải được Chúa nhào nặn, tẩy rửa, uốn nắn. Chúa làm việc đó bằng những dịu dàng pha trộn đắng cay của Tám Mối Phúc. Khó nghèo, hiền từ, khiêm tốn, hòa giải, trong sạch, là những nguồn chảy ra hạnh phúc ngọt ngào, nhưng cũng là những nguồn phải đào tìm bằng Thánh Giá với bao nhiêu nhọc nhằn, nhục nhã, cô đơn, cơ cực. Lòng ta càng được thanh luyện, để trở nên nghèo khó và tự do, thì càng dễ vâng phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Thái độ cậy tin phó thác để được Chúa thanh luyện là một điều cần trên đường sám hối, trở về với Chúa.
Những lần được đứng đồng tế bên cạnh Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, tôi rất cảm động. Khi thấy Ngài đọc kinh sám hối đầu thánh lễ với thái độ hết sức chân thành. Có một sự trung thực sâu xa. Có một sự ăn năn thống thiết. Có một sự nài xin khẩn khoản. Khi Đức Thánh Cha đọc "Xin Chúa thương xót chúng con", tôi như thấy Ngài có một cái nhìn rất khiêm tốn về mình, về Hội Thánh, cùng với một cái nhìn phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
Đúng như vậy. Trong sám hối, linh hồn phó thác mọi sự cho Chúa, kể cả những quyết tâm sẽ làm những việc này việc nọ, hầu lòng mình được mở rộng hơn về phía Chúa và về phía con người.
Mở rộng lòng ta về phía Chúa và về phía con người, đó là mong ước sâu xa của người tông đồ. Một sự sám hối theo hướng đó trong tinh thần ngợi khen cảm tạ Tình Yêu Thiên Chúa sẽ tẩy rửa, tô luyện lòng ta, để càng ngày ta càng được tham dự vào sự sống của Chúa. Và đây là điều mà Linh mục sẽ tìm được nhiều nhất, khi tiếp xúc với Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể.
II- BÍ TÍCH THÁNH THỂ.
Trong một buổi sinh hoạt tĩnh tâm giữa bạn bè, mỗi người chúng tôi đều được mời chia sẻ cho nhau những tâm tư thường của mình khi viếng Thánh Thể nhất là khi dâng thánh lễ. Mọi người đã thành thật phát biểu. Có thể là chưa nói hết. Nhưng những gì đã nói ra đều là những kinh nghiệm sống động. Hầu như ai cũng nói đến sự gặp gỡ Chúa. Kinh nghiệm chung nhất là sự hiệp thông với Chúa. Viếng Mình Thánh, dâng thánh lễ, rước lễ, là được thông hiệp với Chúa Kitô. Sự thông hiệp này có tính cách riêng biệt, tùy người và tùy trường hợp.
Có lúc tôi hiệp thông với Chúa Giêsu trong việc Người đền tội cho nhân loại. Tôi đem tâm tình thống hối của tôi, thân phận của tôi, hoàn cảnh của tôi, đặt vào công phúc bao la của Chúa Cứu Thế. Tôi tin tưởng rằng: Công phúc của tôi chẳng là gì, nhưng "Nhờ Người, với Người và trong Người" mà tôi sẽ được thứ tha và được cứu độ.
Có lúc tôi hiệp thông với Chúa Giêsu trong việc Người cảm tạ Chúa Cha. Khi lập phép Thánh Thể, Người đã ngước lên trời, tạ ơn Chúa Cha và đọc lời chúc tụng. Hôm nay tôi hiệp thông với Người, để cảm tạ và chúc tụng Chúa Cha vì muôn ơn Người đang mưa xuống trên Hội Thánh và trên nhân loại, cách riêng vì ơn tôi được Chúa yêu thương và được tin vào tình yêu của Người.
Có lúc tôi hiệp thông với Chúa Giêsu trong việc Người vâng phục thánh ý Chúa Cha. Người đã vâng phục cho đến chết. Trong tinh thần vâng phục ấy, tôi sẽ có những quyết định cụ thể, như tránh mọi tội trọng, mọi tội nhẹ cố tình, hết sức chu toàn bổn phận, sẵn sàng đón nhận mọi đớn đau hồn xác mà Chúa sẽ gởi đến, để góp phần nhỏ bé vào công trình cứu độ của Chúa.
Có lúc tôi hiệp thông với Chúa Giêsu trong tinh thần bác ái của Người. Người đã vất vả đi tìm chiên lạc, đã quảng đại tha thứ cho mọi kẻ làm khổ mình, đã cam chịu nhục nhã đắng cay như một tội phạm ghê tởm. Khi hiệp thông với trái tim bác ái của Chúa Kitô, tôi xin Chúa luôn đổi mới trái tim tôi và trái tim mọi người, để tôi và mọi người biết yêu thương nhau chân thành, ít nhất biết sống tình người với nhau.
Có lúc tôi hiệp thông với Chúa Giêsu trong sự Người phó thác mình cho Đức Chúa Cha. "Con xin phó thác linh hồn Con trong tay Cha". Lời phó thác ấy gói ghém cả một thực tế phũ phàng. Người đã làm tất cả, chịu đựng tất cả. Thế mà trên Thánh Giá, Người thấy như chẳng mấy ai đã tin theo Người! Tôi cũng muốn nói lên lời phó thác như Chúa Kitô, khi thấy thực tế quá xa với những ước mơ, khi tín hiệu về một trời mới đất mới còn quá yếu ớt, mà niềm tin như đang cạn dần với bao nghiệt ngã đắng cay phải chịu đựng. Tôi phó thác và hiệp thông vào sự sống lại của Chúa Kitô, tin tưởng rằng Chúa có cách dẫn đưa lịch sử đến đích điểm tốt đẹp nhất theo kế hoạch của Người.
Có lúc tôi hiệp thông với Chúa Giêsu trong sự Người hiện diện giữa trần gian. Phép Thánh Thể là sự Chúa có mặt giữa con cái loài người, như một tình yêu thắp sáng lên niềm hy vọng. Khi hiệp thông với Người, tôi xin Người làm cho nhiều tín hữu, nhiều gia đình, nhiều cộng đoàn trở thành những ngọn đèn đức tin, đức ái, thắp sáng lên niềm hy vọng, làm chứng rằng Chúa là Tình Yêu đang có mặt giữa chúng ta.
Những chia sẻ như trên gợi ý cho thấy những thái độ nội tâm khi đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Đến với Người không phải là để học hỏi và bắt chước Người cho bằng để hiệp thông vào sự sống của Người. Sự hiệp thông này sẽ không thực hiện được, nếu việc viếng Chúa, rước lễ, dâng lễ chỉ làm theo hình thức thói quen một cách khô khan, máy móc, không có chuẩn bị tâm hồn trước, và ngay trong thời gian dâng lễ, rước lễ, viếng Chúa, vẫn cứ tiếp tục hướng ngoại. Với Những cung cách như thế, người làm việc tôn giáo vô tình đã góp phần không nhỏ vào việc tục hóa bàn thờ, Lời Chúa và bí tích Thánh Thể.
Trái lại, việc thông hiệp với Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể sẽ được thực hiện tốt, nếu ta đến với Chúa Giêsu như một người yếu đuối, nhưng được trao sứ mệnh cùng với Chúa phải cố gắng cứu độ anh em đồng bào hôm nay của mình, bằng chính tình thương của Chúa. Có nghĩa là ta sẽ đến với Chúa Giêsu Thánh Thể đúng như một người bé nhỏ, nhưng mang trên vai bao gánh nặng tinh thần của Hội Thánh và của đồng bào. Ta đến, vì ta tin Lời Chúa: "Những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức cho". Và thực như vậy, Chúa sẽ bổ sức cho ta thật lạ lùng, khi ta hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể. Sự bổ sức này, ta cũng còn gặp được ở giờ nguyện gẫm.
III- NGUYỆN GẪM.
Một trong những quan tâm hàng đầu của giáo sĩ triều, là tích cực tham gia cuộc đấu tranh của tinh thần Đức Kitô chống lại tinh thần quỉ dữ Satan. Tinh thần Đức Kitô lan tới đâu là Nước Trời mở rộng tới đó.
Tinh thần Đức Kitô giúp ta biết Chúa, biết ta, biết người một cách sâu sắc. Biết phân biệt các sự kiện có tính cách dấu chỉ, biết đọc được ý nghĩa các dấu chỉ. Nhờ đó mà thẩm định được phần nào mức độ thấm nhập của tinh thần Đức Kitô trong chính lòng mình, trong cộng đoàn mình, trong xã hội mình, để rồi biết tìm cách đẩy lùi những bóng tối của tinh thần ác quỉ Satan.
Một đặc điểm thấy rõ nơi tinh thần Đức Kitô trong lịch sử là sức sáng tạo và đổi mới. Nhìn bao quát lịch sử chung thế giới hôm nay, ta thấy tinh thần Chúa đang hướng dẫn nhân loại theo hướng đi lên, do nhiều sáng tạo tuyệt vời và đổi mới tốt đẹp về nhiều mặt.
Trong đường hướng ấy, người tông đồ đồng hành với Chúa Kitô trên dòng lịch sử, rất cần để tinh thần Chúa đổi mới lòng mình, đổi mới cách nhìn của mình, để có những tâm tình và tư tưởng sáng tạo trong mục vụ, theo đúng hướng của tinh thần Chúa. Trung tín với tinh thần Chúa không phải là luôn tái bản và sao chép lại mọi cái tốt cũ.
Tinh thần Đức Kitô là ơn ta đã nhận được khi chịu phép rửa tội. Nhưng lúc ấy nó mới chỉ là mầm non. Mầm non này sẽ phát triển dần dần nhờ các bí tích ta chịu sau này, và nhờ cuộc sống thân thiết thường xuyên với Chúa. Giờ nguyện gẫm hằng ngày là dịp tiếp xúc rất quan trọng, để ta gần gũi tinh thần Đức Kitô.
Nguyện gẫm là vừa cầu nguyện và vừa suy gẫm, vừa có trước mắt Chúa những chân lý ngàn đời và vừa có thực tế cụ thể cuộc sống, nhưng chủ yếu là gặp gỡ chính Chúa.
Theo nội dung tổng quát đó, tiến trình giờ cầu nguyện gẫm có thể cụ thể hóa như sau:
Thứ nhất, tôi đến với Chúa trong nhận thức mình là người môn đệ Chúa, khát khao được tinh thần Chúa thâm nhập vào tôi, để tôi biết làm chứng về Chúa trong hoàn cảnh hiện nay. Tài liệu gẫm có thể là một trang sách đạo đức, một tấm ảnh đạo, một đoạn thánh ca, một biến cố, một cảnh thiên nhiên, nhưng nhất là Lời Chúa. Có trăm đề tài khác nhau, nhưng bất cứ đề tài nào cũng chỉ là những tiếng dạy dỗ. Tôi nghe lời dạy dỗ, nhưng không dừng lại ở lời dạy dỗ, mà sẽ đến với chính Đấng dạy dỗ, với khát vọng đón nhận tinh thần sống động của Người.
Thứ hai, tôi đến với Chúa, mang theo thân phận con người cụ thể của tôi. Tôi đang thế nào, ở hoàn cảnh nào, với tình trạng nào, thì tôi đến với Chúa như vậy. Tôi biết, tôi có một cái tôi cần phải cải đổi, cần phải thanh luyện. Tôi có những vấn đề cần được Chúa soi sáng. Cái nhìn về mình càng khiêm tốn, và càng khó nghèo, thì càng dễ đón nhận tinh thần Chúa.
Thứ ba, tôi chăm chú nhìn Chúa với tất cả lòng tin mến, cậy trông. Tôi khát khao Chúa với niềm tin vững vàng: Chỉ có Người là Đấng Cứu Độ của tôi. Tôi nhìn Chúa ở trước mặt tôi dưới nhiều hình thức, thí dụ Chúa trong phép Thánh Thể, Chúa trên Thánh Giá. Có thể một hình ảnh nào khác được hình thành trong lòng trí tôi theo ý nghĩa Phúc Âm. Nhưng dù dưới hình ảnh nào, Chúa vẫn là một Chúa sống động, Chúa đang nhìn tôi, Chúa đang yêu thương tôi. Tôi lắng đợi ơn Chúa.
Thứ bốn, tôi kéo dài thời gian gặp Chúa. Tinh thần Chúa đi vào trong tôi, không phải như một tư tưởng suông, mà như một sự sống. Tinh thần ấy đến như một sự truyền cảm của Đấng Tối Cao, làm cho tâm hồn tôi nên mới.
***
Trên đây chỉ là mấy việc đạo đức thấy cần nhắc tới, chứ không phải bấy nhiêu đã đủ cho cuộc sống thiêng liêng Linh mục. Lòng kính mến đối với Đức Mẹ, thánh Giuse, các Thiên thần, các thánh, các linh hồn nơi luyện ngục không những rất hữu ích, mà còn rất hợp với nhiều hoàn cảnh phức tạp của Linh mục. Hẳn mỗi người chúng ta cũng đã có một số kinh nghiệm thiêng liêng về các tôn sùng ấy. Mong những sùng mộ ấy càng giúp ta sống thân thiết với Chúa hơn, càng giúp ta thấy Chúa có mặt trong mọi vấn đề của ta hơn, càng giúp ta trở nên ngoan ngoãn hơn và càng biết đón nhận hơn quyền năng nhân ái của Chúa. Chính nhờ thái độ biết đón nhận ơn Chúa và khả năng đón nhận Chúa mà ta được thánh hóa.
"Để đạt tới những mục đích mục vụ trong việc canh tân bên trong Giáo Hội... Thánh Công Đồng hằng tha thiết khuyên tất cả các Linh mục hãy dùng mọi phương tiện thích hợp mà Giáo Hội ban cho để luôn luôn nỗ lực tiến cao hơn trên đường thánh thiện, nhờ đó các Ngài trở nên những khí cụ ngày càng thích hợp hơn cho việc phục vụ toàn thể dân Chúa" (P.O.12)
Những giáo sĩ phục vụ họ đạo thường sống giữa giáo dân, nên hay nghĩ tới cộng đoàn tín hữu Bùi-Tuần 2139
Những giáo sĩ phục vụ họ đạo thường sống giữa giáo dân, nên hay nghĩ tới cộng đoàn tín hữu của mình nhiều hơn là giáo sĩ đoàn của mình. Sự kiện đó không có gì phải nói. Tuy nhiên, không phải vì thế mà mối liên hệ giữa các giáo sĩ với nhau được coi nhẹ.
Công đồng Vaticăng II coi việc linh mục địa phận xây dựng và phát triển liên hệ với nhau, là một bổn phận tất nhiên của chức vụ linh mục, và là một điều kiện thuận lợi giúp cho mục vụ mỗi linh mục được nhiều kết quả.
Thiết tưởng sẽ là một việc dư thừa, nếu tôi đưa ra ở đây những lý luận và những thế giá này nọ, có tính cách thuyết phục về sự cao đẹp của tình liên đới linh mục. Bởi vì chúng ta ai cũng biết tình nghĩa đó là cao đẹp rồi. Điều tôi nghĩ sẽ có lợi cho anh em và cho tôi ở đây, là chia sẻ một số kinh nghiệm, để gợi ý cho nhau thực hiện tình liên đới ấy, sao cho càng ngày càng tốt đẹp hơn. Tôi gọi tình liên đới này là sự nương tựa vào nhau, là sự trợ giúp lẫn nhau. Gọi thế cho bớt trừu tượng.
I- TRỢ GIÚP ĐẠO ĐỨC:
Trong các thứ trợ giúp mà linh mục trông chờ ở nhau, phải kể ngay đến sự trợ giúp đạo đức. Trợ giúp đạo đức là những việc có khả năng và nhằm giúp nhau nên người đạo đức.
Một giáo dân, khi được hỏi về việc cầu nguyện cho linh mục, đã trả lời tôi: "Con vốn cầu nguyện hằng ngày cho các linh mục. Con coi đó là một bổn phận. Con cầu ngyện cho mọi linh mục, và cầu nguyện riêng cho các linh mục con quen biết. Lời nguyện của con rất đơn sơ, gồm ba ý chính rút ra từ lời cầu của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly: Một là xin Chúa gìn giữ các linh mục khỏi mọi sự dữ. Hai là xin Chúa thánh hoá các ngài. Ba là xin Chúa giúp cho các ngài hợp nhất nên một".
Tôi nghĩ, nếu mỗi linh mục chúng ta làm được như người giáo dân đó, thì sẽ rất có lợi cho linh mục đoàn và cho chính bản thân mình.
Một linh mục đạo đức lớn tuổi đã nói với tôi: "Điều tôi mong muốn nhất lúc này là được nhiều người cầu nguyện cho tôi được giữ vững đức tin. Bởi vì tôi bị cám dỗ không còn muốn tin vào Chúa nữa". Linh mục ấy đã khiêm tốn nói lên sự thực của lòng mình. Thiết tưởng ai trong chúng ta cũng có những sự thật đau đớn của riêng mình. Và không ai sẽ có thể hiểu được những sự thực đau đớn ấy ngoài những người thương mình và cùng hoàn cảnh với mình. Mỗi linh mục đều có những hoàn cảnh riêng, từ tính tình, sức khỏe, đến môi trường sinh thái, xã hội, tâm lý, tài chính, kinh tế và trách nhiệm mục vụ. Chẳng ai giống ai. Vì thế, tôi không dám hy vọng các linh mục sẽ hiểu hết được và hiểu đúng được con người của nhau, nhất là những Thánh Giá vô hình anh em mình phải vác. Chính vì thế mà tôi thấy anh em linh mục càng cần phải cầu nguyện cho nhau rất nhiều, để bù lại sự thiếu cảm thông của mình đối với anh em. Chúng ta cầu nguyện cho nhau thì Chúa sẽ ở giữa chúng ta.
Nhiều linh mục cũng đã nhận được sự trợ giúp đạo đức từ phía các anh em mình do những gương sáng, do những đối xử tế nhị, vị tha, do đời sống kỷ luật và những hy sinh âm thầm.
Hơn nữa, hiện nay, là lúc rất cần làm sáng lên bản chất đời tu. Vấn đề này sẽ có thể trở thành một khắc khoải thường xuyên cho mọi linh mục, nếu các linh mục biết nhắc nhở cho nhau một cách tình nghĩa và khéo léo, nhất là bằng cách nêu lên các gương sáng đó đây
Tới đây, tôi nhớ tới một kỷ niệm, xin được kể lại vì mục đích chia sẻ. Sáng 11.7.1955, tôi dâng lễ mở tay. Trước lễ, tôi xưng tội với cha X. Sau lễ, Ngài và tôi tâm sự với nhau khá lâu về đời linh mục. Có một lúc, suy nghĩ của hai anh em chúng tôi đã gặp nhau trong giả thuyết này: Nếu Chúa muốn cuộc sống và cái chết của chúng ta trở thành những biến cố khủng khiếp đớn đau, như những đám cháy, để đánh động anh em linh mục, thì anh em chúng ta tính sao? Cả hai chúng tôi cùng cho rằng ý nghĩ đó là do Chúa Thánh Linh, nhưng rất đáng sợ. Mình không xin điều đó, nhưng nếu Chúa muốn chọn mình để thực hiện điều ấy, thì xin sẵn sàng vâng ý Chúa ngay từ phút này. Và chúng tôi đã cầu nguyện. Thế rồi, cách đây ít năm, Cha X đã chết do một tai nạn khủng khiếp đớn đau. Đối với tôi và nhiều linh mục, cái chết của Ngài đã có sức đánh động lương tâm chúng tôi hơn bất cứ bài giảng nào. Đang khi đó, đời sống của một số bạn bè Ngài, cũng có lúc đã gặp những tai nạn đớn đau, như những đám cháy lớn, muốn hủy hoại tất cả. Khi thấy các biến cố như thế xảy ra và nhớ lại chuyện xưa, tôi càng hiểu hơn sự hiệp thông giữa các linh mục: Việc lành của linh mục này đã làm sáng lên một nhân đức của linh mục kia. Sự bình an của linh mục nọ đã phải trả bằng giá hy sinh của linh mục khác.
Linh mục sẽ không được cứu rỗi một mình, mà sẽ được cứu rỗi với những người khác, nhất là với các linh mục khác. Bởi vì hơn bất cứ ai, linh mục là con người liên đới. Sự trợ giúp nhau không thể coi là tùy tiện. Cách trợ giúp đạo đức có hiệu lực nhất và đáng mong ước nhất, chính là những chia sẻ chân thành những lo âu, vất vả, và trách nhiệm của anh em mình.
II- TRỢ GIÚP HIỂU BIẾT:
Thiếu đạo đức thì khó chu toàn được bổn phận thánh hoá giáo dân.
Lãnh đạo tôn giáo, làm mục vụ, đòi phải hiểu biết nhiều về chúa, về Hội Thánh, về con người và về xã hội. Thế nhưng, những hiểu biết của tôi rất là giới hạn.
Có những hiểu biết qua sách báo, giấy tờ và dư luận. Có những hiểu biết qua kinh nghiệm sống của đời thường. Có những hiểu biết qua kinh nghiệm sống của trái tim tông đồ.
Kinh nghiệm về Chúa mà tôi muốn nói ở đây gồm hai khía cạnh: Một là kinh nghiệm về sự sống mới mà Chúa chia sẻ cho nội tâm mình. Hai là kinh nghiệm về những hoạt động của Chúa thuộc mọi vấn đề của thời điểm hôm nay với những hoàn cảnh cụ thể mà ta có dự phần.
Nhờ những kinh nghiệm sống như thế mà người tông đồ thấy rõ dung mạo của Chúa, và thấy rõ con đường Chúa đi. Thấy rõ rồi, xác tín rồi, họ sẽ không thể làm khác được ngoài sự quyết tâm bước theo chân Chúa, với tất cả niềm tin trên con đường mà chính Chúa Cứu Thế đang đi trên lịch sử cứu độ.
Quay sang con người, ta thấy sự hiểu biết của ta thực là bé nhỏ. Con người là một lãnh vực bao la phức tạp và sâu thẳm. Con người cụ thể xung quanh ta là đồng bào Việt Nam với bao nhiêu hoàn cảnh khác nhau. Người già và người trẻ, người giầu và người nghèo, người khỏe mạnh và người đau yếu, người có học và người thất học, người Công giáo và người ngoài Công giáo, người nông thôn và người thành thị, người có gia đình và người độc thân.
Đứng xa mà nhìn họ cũng là hiểu biết. Tiếp xúc với họ cũng là hiểu biết. Sống giữa họ cũng là hiểu biết. Sống chia sẻ hoàn cảnh của họ cũng là hiểu biết. Nhưng những hiểu biết đó rất khác nhau. Nhất là khi nhìn họ với trái tim của Chúa Cứu Thế, thì sự hiểu biết về họ lại càng rất khác với những hiểu biết thông thường.
Sự hiểu biết của ta về Hội Thánh nói chung và về Hội Thánh Việt Nam hôm nay nói riêng thường chậm và rất thiếu sót. Ta hiểu biết thế nào về bản chất Hội Thánh, về ưu tư của Phúc Âm và của Đức Thánh Cha trước những thách đố mà lịch sử đang đặt ra cho đạo Chúa, thí dụ vấn đề giới trẻ, vấn đề nghèo túng, vấn đề hòa giải, vấn đề đối thoại với các tôn giáo khác và những người không tin? Ta hiểu biết thế nào về thực chất đời sống đạo trong cộng đoàn mình và tại Việt Nam? Ta hiểu biết thế nào khi thấy đạo mình chưa tốt, có phải nguyên nhân chính là tại mình, hay là tại xã hội? Ta hiểu biết thế nào về các cộng đoàn Giáo hội cơ bản? (Communautés ecclésiales de base: CEBS). Thiết tưởng sự hiểu biết của mỗi người chúng ta về các thí dụ nêu trên đều rất khiêm tốn. Nếu mỗi người chúng ta chịu khó suy nghĩ tra cứu chín chắn từng vấn đề, rồi khi có dịp thuận tiện, sẽ trao đổi với một số người chín chắn và nhiệt tình có thể tin được. Chúng ta sẽ thấy trong mục vụ không bao giờ thiếu những việc phải làm và có thể làm, dù với những điều kiện khó khăn nhất.
Sau cùng, xã hội Việt Nam chúng ta hiện đang phải trải qua nhiều chuyển biến nghiêm trọng trong các lãnh vực văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị. Những chuyển biến ấy đã và đang tác động tốt xấu thế nào trên nền đạo đức của đồng bào nói chung, và đời sống đức tin của tín hữu nói riêng? Các dây liên hệ gia đình như sự trung tín vợ chồng, hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ ông bà, tình nghĩa tương thân tương trợ giữa anh chị em hiện nay tốt xấu thế nào? Các dây liên hệ xã hội như lễ phép, trung thực, chân thành, biết ơn, bác ái, công bình, hiện nay tốt xấu thế nào? Nếu mọi người chúng ta biết khéo léo cộng lại những hiểu biết cùng với những cách mình thực hiện để thêm lên cái tốt và bớt đi cái xấu, thì không nhiều thì ít, mục vụ của ta sẽ năng động hơn, sâu sắc hơn.
Từ ít lâu nay ta thấy xuất hiện một số sách, tập và những bài báo cung cấp cho linh mục những hiểu biết mới về Kinh Thánh, thần học, giáo luật, giáo lý. Có cả những tập gợi ý bài giảng giúp ta đi từ cuộc sống đến lời Chúa, cũng như đi từ lời Chúa đến cuộc sống. Nhưng những trợ giúp kiến thức ấy sẽ không sinh được những kết quả tốt đẹp lâu dài, nếu những kiến thức ấy không được chúng ta suy nghĩ lại, để rồi sẽ nội-tâm-hóa những gì đã thành của ta.
Dịp đến thăm Đại Chủng viện Cái Răng , Cần Thơ ngày 10-07-1989, Đức Hồng Y Roger Etchegaray đã nói với các linh mục và các chủng sinh tại đó rằng: "Thời nay, linh mục không những cần có một đức tin sâu sắc, mà cũng cần có những hiểu biết đúng đắn về mọi mặt". Nghe vậy, tôi thấy đức tin mình chưa sâu, những hiểu biết của mình còn chưa đủ các mặt, còn nông, còn thiếu sót quá. Hiểu biết chủ yếu là một hệ thống phán đoán. Nhưng không thiếu trường hợp chúng ta phán đoán một cách ấu trĩ, tức là phán đoán theo suy diễn chủ quan, theo định kiến tự mãn, theo những dữ kiện thiếu sót, theo kết luận đã chọn sẵn, theo những phạm trù cũ kỹ, theo cảm tính, theo kích động, theo áp lực của quyền lợi và dư luận thiếu suy nghĩ đắn đo. Một phán đoán trung thực và xác thực không phải luôn luôn dễ. Suy tư để tới được một phán đoán đúng, nhiều khi là một hành trình dài, cam go của lý trí phải thực hiện trong thinh lặng của tâm hồn. Việc này không phải mọi người đều làm được như nhau.
Vì thế, trợ giúp hiểu biết cho nhau trước hết là mỗi người hãy tự mình ráng đi sâu vào những hiểu biết về Chúa, về con người, về Hội Thánh, và về xã hội. Đi sâu vào những hiểu biết đó, vừa theo nhãn quan khoa học, vừa theo nhãn quan đức tin, vừa theo tài liệu sách báo, vừa theo kinh nghiệm nội tâm. Đi sâu như thế, thường đòi một sự tra cứu suy nghĩ, tập trung tinh thần và kiên trì vận dụng các khả năng trí tuệ để nhìn cho rõ.
Khi mỗi người có một số hiểu biết riêng của mình rồi, thì sự trao đổi với người khác sẽ phong phú và thích thú.
Có những hiểu biết nên được trao đổi rộng rãi. Có những hiểu biết chỉ nên trao đổi với một số người mà mình tin được về thiện chí và về khả năng.
Hiện nay, tại nhiều nước nhất là tại Việt Nam, sự chia sẻ những hiểu biết về đời sống thiêng liêng, về thần học và về mục vụ hay được thực hiện trong nội bộ từng nhóm nhỏ, giữa những người cùng khuynh hướng. Chia sẻ chứ không phải tranh luận, bàn bạc. Tôi chia sẻ là tôi dâng tặng cho người khác một cái gì thuộc về cá nhân tôi. Tôi chia sẻ là tôi trân trọng đón nhận người khác dâng tặng tôi một cái gì thuộc về cá nhân họ. Trong bầu khí tạo dựng sự tín nhiệm giữa những người trong nhóm chia sẻ, Chúa Thánh Thần sẽ là Đấng ban ơn hiểu biết sau cùng cho mỗi người qua những trợ giúp chân thành trao tặng nhau vì Chúa.
III-TRỢ GIÚP TÂM LÝ:
Tháng sáu vừa qua, đài BBC, và sau đó từ tuần báo Công An TP. Hồ Chí Minh ra ngày 21-06-1989 cũng phổ biến nội dung tóm tắt cuốn sách mới phát hành nói về cái chết của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I. Cuốn sách mang tựa đề "Tên trộm trong đêm" do nhà văn Anh Cadweil viết theo điều tra hình sự về cái chết đột ngột của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I đêm ngày 19-08-1978.
Theo tác giả, thì Đức Gioan Phaolô I đã chết vì thiếu được thông cảm, thiếu được chăm sóc, thiếu sự ưu ái. Trước khi được bầu làm Giáo Hoàng, Ngài vốn đã trong tình trạng sức khỏe yếu kém, một sự kiện xem ra đã không được các đấng bỏ phiếu quan tâm. Khi lên chức Giáo Hoàng rồi, Ngài càng đau yếu thêm. Nhưng Ngài đã không được chăm sóc đúng mức. Tác giả kết luận: Đức Gioan Phaolô I đã chết vì không chịu nổi cơ chế quan liêu nặng nề quá đáng. Ngài đã chết vì bị miệt thị, bị bỏ bê bởi chính các người và các cơ quan được hiện hữu để nâng đỡ Ngài.
Cứ cho rằng những kết luận của tác giả là quá đáng. Nhưng chuyện Chúa Giêsu bị giết là chuyện có thật. Đức Kitô bị giết do âm mưu ác độc của các thượng tế, những nhà lãnh đạo tôn giáo được tiếng là đạo đức thời đó.
Sự thực về cái chết của Chúa Cứu Thế cũng như dư luận về cái chết của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I gợi ý cho ta thấy: Linh mục, Giám mục, cả đến Đức Giáo Hoàng, đều có thể bị hại, hoặc hữu ý hoặc vô tình, do chính những người đáng lẽ phải nâng đỡ các Ngài.
Trong số những người đáng lẽ phải nâng đỡ linh mục nhiều nhất, phải kể đến các anh em linh mục thuộc cùng giáo phận. Đa số ý thức trách nhiệm đó. Sự nâng đỡ tôi muốn nói ở đây là sự nâng đỡ tinh thần, nâng đỡ tâm lý.
Có trường hợp linh mục bị xuống tinh thần, do sức khỏe, do các khó khăn mục vụ, do những vấp váp của chính mình, nhưng các Ngài đã sớm lấy lại được sự quân bình nội tâm để đi lên, nhờ những nâng đỡ tích cực và tế nhị của các linh mục bạn bè.
Có trường hợp linh mục cảm thấy mình thực sự đang vác Thánh Giá trên đường lên núi Sọ, do những hoàn cảnh khách quan và chủ quan gây nên, nhưng các Ngài đã được đủ đức trung thành với ơn gọi, nhờ có những anh em linh mục tốt như ông Simon xưa, đã thực tình nâng đỡ tinh thần các Ngài.
Có trường hợp linh mục đã tiếp tục phát triển được những khả năng tốt, làm được những việc tốt có lợi cho Hội Thánh, trong những hoàn cảnh phức tạp, nhờ những khích lệ tâm lý chân thành mà anh em linh mục dành cho mình.
Tới đây, tôi nghĩ đến một số cộng đoàn tôn giáo và xã hội mà trong lịch sử cho thấy họ không sao đi lên cao được. Một trong những lý do giải thích không phải vì họ thiếu người có khả năng, nhưng chỉ vì họ thiếu nâng đỡ nhau, hơn thế, họ còn ưa hạ nhau xuống.
Thấy người khác khá hơn mình, có uy tín hơn mình, thì buồn bực ganh ghét. Thấy người khác thua kém mình, gặp phải rủi ro thì hả hê trong lòng. Cũng một việc tốt, nếu của người mình có thiện cảm và cùng phe nhóm, gốc gác với mình, thì mình ngợi khen, đánh giá cao. Còn nếu là của người mình ác cảm, khác phe nhóm gốc gác với mình, thì mình dửng dưng, đánh giá thấp, có khi còn bắt bẻ, cắt nghĩa cho ra xấu.
Tự ái, tính hẹp hòi, lo quyền lợi hơn lo bổn phận, đó là những cản trở mà ai cũng có thể gặp trước tiếng Chúa mời gọi hãy nâng đỡ lẫn nhau. Do đó, sự nâng đỡ lẫn nhau đòi ta phấn đấu và cảnh giác với chính mình trước khi xem xét đến ngoại cảnh để cứu giúp anh em.
Hiện nay, sự phân phối trách nhiệm và quyền lợi linh mục trong giáo phận chưa được hoàn toàn hợp lý. Có người được tương đối thảnh thơi thoải mái với ít trách nhiệm, với nhiều tự do, với nhiều đầy đủ. Đang khi đó có người phải rất bận bịu, căng thẳng với nhiều trách nhiệm, với nhiều phức tạp, với nhiều thiếu thốn. Hoàn cảnh chưa cho phép điều chỉnh lại những cái bất hợp lý đó. Nhưng nếu những cái không hợp lý bất đắc dĩ đó là rõ ràng, mà các người được hưởng những điều kiện thuận lợi hơn đã không nhìn thấy, và không tự nguyện nâng đỡ các anh em không được như mình, thì đó mới là cái bất hợp lý khó hiểu.
Qua những gợi ý trên đây, chúng ta thấy sự trợ giúp lẫn nhau phải khởi đi từ hai điều này: Một là ý thức mình, dù ở địa vị nào, hoàn cảnh nào, cũng cần đến sự trợ giúp của anh em; hai là ý thức mình, dù ở địa vị nào, hoàn cảnh nào, cũng có khả năng trợ giúp anh em khác. Xin Chúa Thánh Thần giúp cho những nhận thức đó mở rộng tâm hồn ta về phía linh mục đoàn.
Nếu ở đây, nên kết thúc bằng một nhắc nhủ thân tình đến bổn phận nâng đỡ các Đức Giám mục của mình, tôi chỉ có một mong muốn chân thành này là mỗi linh mục hãy nhớ mình là cộng tác viên của Đức Giám mục, và trong lễ thụ phong linh mục, mình đã long trọng tuyên hứa sẽ tôn trọng, vâng phục các Ngài. Sống đúng như thế, thiết tưởng cũng đã là một nâng đỡ quí giá dành cho các Đức Giám mục của mình.
"Bởi thế, điều rất quan trọng là tất cả các linh mục, triều cũng như dòng, phải giúp đỡ lẫn nhau, để luôn luôn là những cộng tác viên của chân lý... Vậy mỗi linh mục hiệp nhất với các anh em linh mục khác, bằng mối dây bác ái, cầu nguyện, và cộng tác dưới mọi hình thức" (P.O.8)
Để tổ chức một cuộc lễ tôn giáo, như lễ No-en, chúng ta thường phải suy nghĩ từng tháng trước. Suy Bùi-Tuần 2140
Để tổ chức một cuộc lễ tôn giáo, như lễ No-en, chúng ta thường phải suy nghĩ từng tháng trước.
Suy nghĩ để chuẩn bị một sinh hoạt nào là nghĩ đến những dữ kiện kinh tế, xã hội, chính trị lúc này, với dự kiến những chuyển biến có thể xảy ra, để rồi dự báo về tình hình địa điểm, và thời điểm đã chọn cho sinh hoạt đó.
Một sinh hoạt tuy hoàn toàn tôn giáo, nhưng sẽ thực hiện được, hay không thực hiện được, có nhiều kết quả hay ít kết quả, cũng do sự biết để ý đến những dự báo về tình hình. Thông thường nhất là dự báo thời tiết cũng chẳng dám coi thường, phương chi những dự báo kinh tế, xã hội, chính trị.
Dự báo là một việc mà mỗi nghành nghề trong xã hội đều quan tâm. Làm mục vụ càng không được dửng dưng với những dự báo có liên quan.
Dự báo về tôn giáo, mà tôi đề cập ở đây, đòi hiểu biết con người hôm nay với những hoàn cảnh cụ thể của nó, rồi tìm xem nét nào về đời sống Chúa Kitô, hoặc lời giảng nào của Người, sẽ là Tin Mừng thích hợp hơn, cần thiết hơn cho họ, bây giờ và trong tương lai gần. Nét nào, lời nào của Chúa Kitô sẽ được họ dễ nhận thấy hơn, dễ tiếp nhận hơn và cũng dễ đọc thấy như là Tin Mừng cứu độ cho họ, để rồi mục vụ của chúng ta sẽ đặc biệt chú trọng vào những nét đó, những lời đó của Chúa Kitô.
Trong ý thức như vậy, tôi xin đưa ra những dự báo tôn giáo sau đây:
1/ Đang tới một tình hình, mà những cá nhân và những nhóm người sống đời Nagiarét của Chúa Giêsu sẽ là mô hình thích hợp, loé sáng lên niềm hy vọng cứu rỗi.
Thực vậy, khi lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các bậc phụ huynh, những thanh niên, thiếu nữ, người đã lập gia đình, hay không có ý lập gia đình, tôi thấy hầu như ai cũng bận tâm nhiều nhất đến chuyện gia đình. Trước hết là chuyện gia đình mình, rồi đến chuyện gia đình bà con lối xóm. Mong muốn của mọi người đều rất giống nhau, đó là: Mong sao trong nhà ngoài ngõ, bản thân mình được kính trọng, mình được thông cảm. Mong sao cho mọi người trong gia đình mình biết để ý đến việc nhà, biết lo cho nhau, biết chia sẻ tình thương và trách nhiệm đối với nhau, biết đùm bọc lấy nhau. Mong sao giữa gia đình mình với láng giềng, khu xóm có sự hòa thuận chân thành, tình nghĩa.
Một số người có vẻ ham vui, bê bối, nhưng khi được hỏi họ có muốn cha mẹ, chồng vợ, anh chị em, con cái họ cũng ham vui bê bối như họ không, thì họ quả quyết là không.
Như thế có nghĩa là mọi người đều tôn trọng mẫu người biết lo cho gia đình được êm ấm, và được thuận hòa với láng giềng, xã hội. Tâm lý người Việt Nam rất gắn bó với các giá trị truyền thống của nếp sống gia đình. Vì thế, khi nghe những chuyện lộn xộn xảy ra đó đây trong lãnh vực gia đình, người Việt Nam nào cũng tỏ ý lo ngại.
Đang khi khủng hoảng về gia đình làm nên một đám mây mù, thì hình ảnh một gia đình êm ấm được coi như khoảng trời xanh mát, gợi lên niềm hy vọng sâu xa cho biết bao tâm hồn.
Trong hoàn cảnh như hiện nay, tôi có cảm tưởng là Chúa Thánh Thần đang thổi vào Giáo Hội những ơn soi dẫn mới, để có những người biết sống đời Nagiarét của Chúa Giêsu. Họ sẽ vẽ lên mẫu người của đời thường, lặng lẽ chu toàn bổn phận, âm thầm dệt nên cuộc sống bằng những sợi dây liên hệ mới.
Đối với họ, tin không phải chỉ là chấp nhận những chân lý mạc khải, mà còn là tích cực xây dựng những liên hệ mới. Liên hệ mới đó là sống thân thiết với Thiên Chúa là Cha nhân ái. Liên hệ mới đó là tôn trọng mọi người, yêu thương mọi người, giúp đỡ mọi người, như Chúa đã đối xử với họ.
Niềm tin của họ là một niềm tin lên đường, năng động, chứ không phải một niềm tin ở thế tĩnh như kiểu chắp tay đứng nghiêm, tuyên xưng các chân lý.
Họ lên đường, là họ đến với Chúa, lao mình vào chương trình c
Họ lên đường, là họ hòa mình vào cuộc sống đám đông, để cùng với Chúa Kitô đồng hành với họ, chia sẻ với họ, để họ có thể thấy được Tin Mừng tươi mát này là: Họ được Chúa thương yêu, họ được Chúa gọi, họ được Chúa kính trọng, họ được Chúa đợi chờ.
Họ lên đường, là họ dọn đường cho Chúa bằng những lời nói và cử chỉ gói ghém tình người, bằng những gương sáng về sự tận tâm chu toàn bổn phận.
Nhiều lần, trên đường phố Long Xuyên, tôi gặp thấy bên kia đường, trong các người đi ngược chiều với tôi, có những nụ cười, có những vẫy tay, có những cái nhìn thân thương gởi cho nhau. Tuy lặng lẽ, tuy chớp nhoáng, tuy bé nhỏ tầm thường, nhưng đối với tôi và đối với họ, đó là những ngọn gió mát của đời thường mà lại khó quên.
Kinh nghiệm này giúp tôi hiểu giá trị của những việc thường. Chúa Giêsu chỉ để lại một hình ảnh huy hoàng nhất khi đi vào thành Giêrusalem cách trọng thể. Còn những hình ảnh của đời thường thì vô số kể, suốt 30 năm ở Nagiarét. Những hình ảnh của đời thường ấy đã là men là muối, ngấm vào từng tâm hồn, gây ảnh hưởng sâu xa và lâu dài.
Là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta đừng quên giới thiệu những hình ảnh đẹp đó. Giới thiệu bằng chính đời sống chúng ta. Những hình ảnh đẹp của đời thường đang thực sự cần cho thời điểm hiện nay của dân tộc ta, của Hội thánh Việt Nam ta. Đó cũng là một cách truyền giáo rất hợp thời, đem lại nhiều kết quả tốt.
Ngày 11/09/1989 dịp kỷ niệm 50 năm thành lập gia đình "Petites Soeurs de Jésus", Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói với những cộng đoàn tiểu muội những lời sau đây có thể áp dụng cho chính chúng ta: "Với những phương tiện tầm thường của cuộc sống thường ngày, chúng con làm cho các môi trường khác nhau nhìn thấy chúng con sống gần họ, và sống với họ. Nhờ đó, họ đọc được trực tiếp Tin Mừng qua những phản ảnh trung thực của đời sống chúng con. Những phương tiện tầm thường là những quan hệ với láng giềng, những liên kết do công việc, những bước liên đới với những người mà chúng con tới, vì hạnh phúc hoặc vì thử thách của họ. Phương tiện tầm thường còn là thái độ chúng con sẵn sàng nghe họ, khuyên họ, giải tỏa những bối rối của họ khi họ gọi đến chúng con. Phương tiện tầm thường cũng là sự chúng con cầu nguyện cho họ, sự chúng con tham dự các lễ và các kỷ niệm của họ. Những cử chỉ khiêm tốn nhất của đời thường đều có thể nói về Chúa Kitô".
Những lời trên đây của Đức Thánh Cha khuyến khích chúng ta năng suy gẫm về Thánh Gia nói chung, đời Chúa Giêsu tại Nagiarét nói riêng. Mục vụ gia đình phải phát xuất từ đó. Mục vụ gia đình không chỉ gồm có một số nghi thức tôn giáo như hôn phối, rửa tội, thêm sức, xức dầu, an táng... mà còn là xây dựng những con người quân bình, có tinh thần trách nhiệm và biết chăm sóc các liên đới. Mục vụ gia đình là yếu tố quyết định cho mục vụ giáo xứ.
Ngày 16/10/1989 đài BBC loan tin: Tại nước Anh hiện nay cứ 4 đứa trẻ sinh ra thì có một đứa là con ngoại hôn. Và cũng tại nước Anh hiện nay, số thiếu niên bỏ gia đình ra đi "Bụi đời" mỗi năm là khoảng trên 100.000. Tình hình trên đây tại một nước văn minh, đa số dân theo Thiên Chúa Giáo, cho ta thấy ở bất cứ đâu, mô hình gia đình vẫn là điều phải luôn nhắc tới, để tránh những đổ vỡ có thể thành dây chuyền trong xã hội, và trong Giáo hội.
2/ Đang đi tới một tình hình mà những cá nhân và những cộng đoàn đức tin biết nêu cao tinh thần hòa giải của Đức Kitô, sẽ là mô hình thích hợp để làm chứng về Chúa là Cha giàu lòng thương xót.
Chiến tranh đã chấm dứt trên đất nước ta. Nhưng các vết thương chiến tranh vẫn còn. Biết bao nhiêu là thứ vết thương loại đó. Xem ra những vết thương trong lòng, còn sâu hơn là vết thương trên các cơ sở vật chất. Giữa người với người, vẫn còn nhiều xa cách, nhiều buồn phiền, nhiều mặc cảm, nhiều nghi ngờ, nhiều đố kỵ.
Tình hình như thế đặt ra cho Hội Thánh Việt Nam một thách đố lớn, đó là: Người tin Chúa có khả năng xây dựng sự hòa giải trong gia đình, trong khu xóm, trong làng xã, trong đất nước không? Người tin Chúa và các cộng đồng tin Chúa có là những mẫu gương hòa giải hay không? Họ có thực sự là những dụng cụ bình an "Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm" không?
Thách đố đó cũng được đặt ra nhiều nơi trên thế giới. Hội Thánh phải trả lời. Do đó, nhiều cộng đoàn đức tin đã coi tinh thần hòa giải là một cách làm chứng về Chúa có tính cách thời đại. Trước đây, ba lời khấn là cách tận hiến cho Chúa và làm chứng về Chúa. Nay do nhu cầu thời đại, cuộc sống hòa giải được nhấn mạnh và đề cao, như một dấu chỉ đẹp của sự tận hiến cho Chúa.
Trong tạp chí "Etudes", tháng ba,1989, bài "La vie religieuse, du neuf et de l'ancien" tác giả Henri Madelin, S.J., tả cho thấy tinh thần hòa giải đang trở thành một đòi hỏi cho đời sống đạo nói chung và đời tu nói riêng. Bởi vì đang có nhiều vấn đề khác biệt gay gắt trong nội bộ Giáo Hội, trong nội bộ các cộng đoàn đức tin, giữa cũ và mới, giữa già với trẻ. Cũng đang có nhiều tranh chấp trong xã hội. Và cũng đang có nhiều lủng củng trong các gia đình.
Tạp chí Jésus-Caritas, số 233, 1989 khi nói về một tổ chức tu trì mới được thành lập mang tên "La Communauté du chemin neuf" cũng đã giới thiệu một đặc điểm của tổ chức đạo đức này, đó là đời sống hòa giải, coi đặc điểm này như một cách làm chứng về Chúa thích hợp với thời điểm hôm nay.
Đức đương kim Giáo Hoàng đã nhiều lần nhắc tới tinh thần hòa giải. Trong chuyến viếng thăm Nam Triều Tiên và Indonésia mới rồi, Ngài đã đặc biệt nhấn mạnh tới điều đó.
Hòa giải không phải là tránh mọi tranh luận. Nhưng hãy tranh luận trong tinh thần bác ái để tìm sự thực. Tranh luận cũng có thể ví như tranh banh. Đánh banh, chứ không đánh nhau. Nhắm đá người hơn nhắm đá banh, đó là một lối chơi rất xấu.
Hòa giải cũng không phải chỉ là một sự sắp xếp, miễn sao đâu an phận đó, nhưng là một sự sắp xếp trên nền tảng hợp tình hợp lý. Trong chiều hướng đó, Hội đồng Giám Mục Ấn Độ đã gởi cho Thượng hội đồng Giám Mục tại Tòa thánh một tài liệu có đoạn như sau:
"Giáo Hội, trong trách nhiệm hòa giải, cũng phải tỏ ra liên đới cách riêng với những người nghèo và những người sống ngoài lề xã hội. Giáo Hội phải hòa mình vào những bận tâm chính đáng của những người lao động bị lợi dụng, những người nông dân không có đất, những giai cấp và sắc tộc ít được phát triển và bị bỏ rơi, những người thất nghiệp nghèo túng càng ngày càng tăng. Giáo Hội phải bênh vực họ.
Để chu toàn trách nhiệm hòa giải, Giáo Hội cũng phải tiến hành công việc từ gốc. Trách nhiệm hòa giải này được soi sáng bởi đức ái đích thực của Chúa Kitô, đòi hỏi trước hết phải giúp người bị khổ cực có những sáng kiến để tự giải thoát chính mình, tiếp đó là tìm ra nguyên cớ gây nên khổ cực, để rồi tìm cách loại trừ những nguyên nhân đó!" (Le rôle des laics dans la vie et dans la mission de l' Eglise en Asie, Cité du Vatican, 1984, tr.162).
Hòa giải cũng không phải là xóa đi một quá khứ xích mích nghi kỵ, dửng dưng lạnh nhạt với nhau, mà còn là hướng về phía trước với tinh thần tin tưởng nhau, tôn trọng nhau và hợp tác với nhau. Chiều hướng hòa giải này được thấy rõ trong đường hướng mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Indonésia
Indonésia là một nước gồm 13.000 hòn đảo, đa số dân theo Hồi Giáo. Nhiều tôn giáo có mặt, nhưng thuộc thiểu số ít ỏi và rải rác. Để xây dựng khối hợp nhất, nhà nước Indonésia đã đưa ra chủ thuyết Pancasila, mà bất cứ công dân nào trong nước, đều phải tôn trọng. Chủ thuyết Pancasila gồm 5 nguyên tắc:
1- Tin tưởng vào Đấng tối cao 2- Xây dựng một nhân loại công bình và văn minh 3- Bảo vệ nền thống nhất Tổ quốc Indonésia 4- Tôn trọng nền dân chủ được hướng dẫn do sự khôn ngoan của các dân biểu thảo luận với nhau 5- Thiết lập công bình xã hội cho toàn dân Indonésia
Giáo hội Công Giáo tại Indonésia cũng soạn một chương trình mục vụ theo phương hướng đó. Hội Đồng Giám Mục mở những lớp huấn luyện để đào tạo những người Công Giáo có khả năng tham gia việc nước. Hội Đồng Giám Mục và từng địa phận có những hội nghị định kỳ để kiểm điểm và thảo luận về đề tài Cộng đồng Công Giáo đã phấn đấu thế nào để góp phần đưa xã hội Indonésia đi lên. Với cách đó, Giáo Hội Indonésia muốn làm chứng về Chúa, và xây dựng một chỗ đứng trong lòng dân tộc. (Sách dẫn trên, tr.60).
Qua những hoạt động hòa giải tích cực trên đây, khối thiểu số người Công Giáo trong các nước ấy đã giới thiệu được vẻ đẹp của Hội Thánh, của Thiên Chúa với dân tộc của họ. Nhờ đó, mà nước Thiên Chúa được mở rộng trong các tâm hồn.
Khi Chúa Giêsu coi trọng sự hòa giải với nhau hơn sự dâng lễ cho Chúa, thì rõ ràng Chúa đòi người hòa giải phải có một cái nhìn xa hơn là những quyền lợi trước mắt, dù đó là quyền lợi của Hội Thánh mình, và phải đi từ một động lực sâu xa hơn là lòng mến mộ sự bình an. Cái xa hơn ấy, cái sâu hơn ấy, chính là phần rỗi các linh hồn, chính là nước Thiên Chúa, chính là tình thương Cha trên trời, mà chúng ta có bổn phận phải cộng tác vào.
3/ Đang đi tới một tình hình mà những cá nhân và những cộng đoàn đức tin sống đúng mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô, sẽ là mô hình thích hợp để mở rộng nước Thiên Chúa.
Từ ít lâu nay, khi ý thức truyền giáo trở nên sôi động, và lòng mến yêu Hội Thánh trở thành năng nổ, thì tại nhiều nước Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh và Á Châu, đã nổi lên nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề hội nhập của Hội Thánh địa phương.
Đại khái là: Như Chúa Giêsu đã nhập thể thế nào thì Hội Thánh của Người cũng phải nhập thể như vậy. Hội Thánh hiện hữu trong một dân tộc phải là Hội Thánh hiện hữu với dân tộc đó, gắn bó với dân tộc đó. Hội Thánh phải hòa mình vào bất cứ sự gì là tốt, là hay, là lành, là đẹp của dân tộc đó. Chỉ có một cách như thế, Hội Thánh mới phát triển được, và nước Thiên Chúa mới mở rộng được theo thánh ý Chúa.
Mới rồi, tuần báo L'Osservatore Romano của Tòa Thánh, số ra ngày 03/10/1989, có một bài giúp ta suy nghĩ về vấn đề này. Bài tựa đề: "Le Pacifique, centre du monde un défi pour le Christianisme". Trong bài này tác giả Richard Friedli, op. đã đưa ra những dữ kiện xã hội, chính trị, tôn giáo có tính cách dấu chỉ của thời đại. Tóm tắt như sau:
1- Hiện nay, và trong tương lai thấy được, nơi đông dân nhất trên thế giới là Á Châu, đặc biệt là vùng Thái Bình Dương. Chỉ ít năm nữa thôi, quá nữa nhân loại sẽ là người Châu Á. Châu Á này là đất của những truyền thống lâu đời, của những nền văn hóa vững chắc và của những ý thức hệ mạnh. Tại đây, người Công Giáo chỉ làm nên được những cộng đoàn nhỏ nhoi lác đác.
2- Hiện nay và trong tương lai thấy được, Âu Châu là vùng Thiên Chúa Giáo trước đây phồn thịnh đang càng ngày càng xuống về dân số. Năm 1980, 19% nhân loại ở tại Âu Châu. Năm 2.000 chỉ còn 15%. Và tới năm 2.090 sẽ chỉ còn 6%. Năm 2.000, trong số 10 thành phố đông dân nhất trên thế giới, sẽ thấy 8 là thuộc về thế giới thứ ba. Tình hình đạo tại Âu Châu cũng đang xuống.
3- Càng ngày số lượng người theo Thiên Chúa Giáo càng chuyển sang Châu Mỹ La Tinh và Châu Phi. Đến năm 2.000, Thiên Chúa Giáo sẽ là đạo của thế giới thứ ba nói chung, và của Châu Mỹ La Tinh nói riêng. Chứ không còn là đạo của Châu Âu nữa.
4- Nếu coi những nơi đông dân nhất là những trung tâm, thì Á Châu sẽ là trung tâm nhân loại, và Châu Mỹ La Tinh sẽ là trung tâm Công Giáo.
Còn Âu Châu sẽ trở thành một lục địa già, đứng ngoài rìa thế giới.
Trong một tình hình đổi mới như vậy, Hội Thánh phải có những suy nghĩ thế nào về thần học và mục vụ truyền giáo, để Chúa Giêsu mà Hội Thánh tuyên xưng là ánh sáng thế gian, hy vọng của nhân loại, Đấng cứu độ muôn dân, được coi là đang có mặt thực sự ở những vùng trung tâm nhân loại gọi là ngoại đạo đó. Nếu Chúa Giêsu không thực sự có mặt bây giờ ở những trung tâm nhân loại hầu hết ngoài Thiên Chúa Giáo, thì còn gì là chức năng của Người: "Ánh sáng thế gian, hy vọng của muôn dân, Đấng cứu độ muôn dân".
Và dưới đây là gợi ý của tác giả:"....". Những dữ kiện trên đây chủ yếu kêu mời các tín hữu và các nhà thần học đào sâu mầu nhiệm Chúa Kitô là ánh sáng thế gian. Phải đào sâu một cách cụ thể, đi từ những chiều kích của thế giới hiện nay.
Nếu Chúa Kitô thuộc về thế giới, với chức danh Đấng Cứu Độ và hòa bình của thế giới, thì Người không phải là "sở hữu" riêng của người Công Giáo. Trái lại, Người đi trước họ, và chờ đợi họ ở trong các tôn giáo, trong các nền văn hóa và trong các dân tộc. Vì thế, những người tín hữu của xứ đạo "toàn cầu" sẽ đón nhận Chúa Kitô một cách rộng hơn và sâu xa hơn cách mà người tín hữu Âu Châu đã có. Bằng cách đón nhận Chúa Kitô như thế, đạo Công Giáo đại kết của chúng ta (Catholicité, oecuménicité) sẽ mở rộng về phẩm chất. Và lúc ấy, theo cách nói của Yves Congar, chúng ta sẽ từ Công Giáo lượng (Catholicité quantitative) chuyển sang Công Giáo phẩm (Catholicité qualitative).
Bài báo trên đây cho phép tôi có mấy suy nghĩ như sau:
1- Các người Công Giáo toàn cầu chỉ làm nên một "giáo xứ" của nước Thiên Chúa bao la. Nước Thiên Chúa cũng còn nhiều "giáo xứ" khác. Những "giáo xứ" này, tuy không gọi là Công Giáo, nhưng phần nào cũng có ánh sáng Chúa Kitô.
Nếu so sánh khối người ngoài Công Giáo với khối người Công Giáo về phẩm chất lương thiện, công bình, bác ái, ta sẽ thấy số người tốt ngoài Công Giáo là rất đông, và số người không tốt trong Công Giáo không phải là ít.
2- Nếu Hội Thánh Việt Nam là một thiểu số nhỏ nhoi, nằm trong một trung tâm nhân loại đông đúc có nhiều tôn giáo lâu đời, có nhiều nền văn hóa vững chắc, và có nhiều truyền thống dân tộc bền bỉ,thì cách thích hợp nhất để Hội Thánh ta sống đạo và truyền đạo tại đây là, tuy ta vẫn gắn bó với những gì thuộc riêng Hội Thánh ta, ta luôn coi sự hội nhập vào những cái tốt chung của dân tộc mình, là một bổn phận hàng đầu. Bởi vì những cái tốt chung thực sự cũng phản chiếu ánh sáng Đức Kitô. Chúng là dấu chỉ sự có mặt của Chúa Kitô,Đấng cứu độ muôn dân, trong lịch sử đất nước ta. Thiết tưởng cách đó sẽ rất hữu hiệu để chuẩn bị vừa cho Hội Thánh ta, vừa cho đồng bào ngoài công giáo, được đón nhận vương quyền Thiên Chúa.
Khi ta biết nhìn nhận bất cứ ai có phẩm chất tốt đều thuộc về Đức Kitô và do ơn của Đức Kitô, ta sẽ thấy phạm vi "công-giáo-phẩm" là rất bao la,là rất phong phú,là rất đông đảo. Thiết tưởng cái nhìn lạc quan như thế sẽ giúp chúng ta hiểu hơn tính cách hữu hiệu của mầu nhiệm Cứu Độ của Đức Kitô,và sự thành công tuyệt diệu của lòng thương xót Chúa. Chỉ có một điều đáng ngại, đó là không biết chính chúng ta đang khi thuộc về "công-giáo-lượng", có thực sự thuộc về "công-giáo-phẩm" không?
3- Nếu Châu Mỹ La-tinh nói riêng và thế giới thứ ba nói chung đang trở thành trung tâm Thiên Chúa Giáo, thì ta nên quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề nóng bỏng đang đặt ra cho các giáo hội địa phương tại các nơi ấy. Họ đang phải đối phó những thách đố nào, và họ đang giải quyết ra sao? Thiết tưởng Hội Thánh Việt Nam có những hoàn cảnh giống họ hơn giống các giáo hội địa phương tại Âu Châu.
Để có những hiểu biết rõ hơn và sâu hơn về những quan điểm trên đây, xin các Cha đọc kỹ lại cuốn "Giáo Hội Chúa Kitô" và mấy tác phẩm kế tiếp về Giáo Hội do Cha Thân văn Tường biên soạn.
Nếu các dự báo trên đây được mỗi người chúng ta quan tâm trong nhận thức và trong thực hành, thì giáo xứ ta, giáo phận ta và Giáo Hội Việt Nam ta sẽ càng ngày càng sống động bởi sức sống của Thiên Chúa, và ta sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao Tổ quốc Việt Nam lên.
Đối với những ai muốn xây dựng uy tín cho cộng đoàn đức tin của mình nói riêng, và cho Giáo hội Việt Nam nói chung, thiết tưởng những dự báo tôn giáo trên đây cũng là những chỉ dẫn thích hợp. Những tổ chức phô trương chỉ là những uy tín rất nhỏ, và chỉ trong nội bộ hẹp, nhiều khi lại gây hậu qủa bất lợi cho đạo về phía những người ngoài công giáo. Đang khi đó, mục vụ gia đình, mục vụ hòa giải và mục vụ nhập thể "sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc" sẽ chuyên chở Tin Mừng cứu độ một cách thanh thản qua những tuyến đường, vừa trong Hội Thánh, vừa ngoài Hội Thánh, vừa với những sinh hoạt tôn giáo, vừa với những công tác xã hội, vừa với động lực Phúc Âm, vừa với động lực dân tộc. Một mục vụ như thế sẽ không nhằm phần thắng cho cá nhân mình, cho cộng đồng của mình, mà cho hạnh phúc của mọi đồng bào, cho phần rỗi các linh hồn, cho vương quyền Thiên Chúa.
"Chúng ta tận dụng những cái hay trong kho tàng văn hóa, mà xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả đức tin, phù hợp hơn với truyền thống của mỗi dân tộc cùng chung sống trên quê hương, và trong cộng đồng Hội Thánh này". (Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. 1980, số 11)
Khi tôi sửa soạn viết "Lời cuối" này, thì được hai mẩu tin tôn giáo đáng chú ý như sau: Tin thứ Bùi-Tuần 2141
Khi tôi sửa soạn viết "Lời cuối" này, thì được hai mẩu tin tôn giáo đáng chú ý như sau:
Tin thứ nhất là: Tại Côte d'Ivoire bên Phi Châu mới xây cất một thánh đường Công Giáo, đặc biệt đồ sộ nguy nga, tổn phí hơn hai trăm triệu mỹ kim. Tiền bảo quản thánh đường này dự kiến cho mỗi năm vào khoảng một triệu rưỡi mỹ kim. Những người chủ xướng xây cất thánh đường này muốn phô trương công trình lớn lao đây như một dấu chỉ về vinh quang Thiên Chúa và Hội Thánh Công Giáo. Thế nhưng, nhà thờ lớn đó đã gây nhiều phản ứng rất bất lợi cho Công Giáo. Chính Đức Giáo Hoàng cũng đã tỏ ý không tán thành sự nổi lên một nhà thờ sang trọng như vậy giữa một lục địa Hồi Giáo, đa số dân còn nghèo túng.
Tin thứ hai: Mẹ Têrêxa Calcutta đau bệnh. Tin Mẹ Têrêxa Calcutta lâm trọng bệnh, đã được nhiều báo, nhiều đài loan đi khắp thế giới, như một tin có liên quan đến các bậc vĩ nhân hàng đầu của thời đại. Mẹ Terêxa được mộ mến trong mọi tôn giáo, trong mọi ý thức hệ, trong mọi chế độ chính trị, trong mọi lục địa. Mẹ là một nữ tu đơn sơ, chỉ nói với mọi người bằng một ngôn ngữ dễ hiểu nhất, đó là tình thương, đặc biệt là tình thương đối với người nghèo.
Hai mẫu tin trên đây cho thấy hai cách làm chứng về Chúa. Từ đó mỗi người chúng ta có thể tự thấy cách nào là thích hợp với hoàn cảnh của mình, và đúng với ý Chúa hơn.
Mẹ Têrêxa Calcutta đúng là một công trình tuyệt đẹp. Đẹp về đạo, đẹp về đời. Cái đẹp đó chính là đức ái, đầy tình Chúa và đầy tình người. Con người của Mẹ là một Phúc Âm sống. Xây dựng những con người như thế, đó là mục đích hàng đầu của ta trong mọi chương trình xây dựng.
Và chính con người của ta phải là ưu tiên số một trong các đối tượng ta phải để tâm xây dựng.
Trong tạp chí "Nouvelle Evangélisation 2000" số 6, xuất bản năm nay, Mgr. Michael Sheehan đã thẳng thắn nói lên một nét bi quan về tình hình Thiên Chúa Giáo tại Hoa Kỳ. Ngài viết: "Mấy năm gần đây, một số lớn giáo dân gốc Tây Ban Nha đã bỏ chúng tôi để sang Hội Thánh Tin Lành. Trên tổng số 17 triệu gốc Tây Ban Nha, nay ít nhất có 5 triệu trở thành Tin Lành. Sự suy giảm đó không phải chỉ xảy ra trong những người gốc Tây Ban Nha, mà chúng tôi cũng đã mất nhiều người gốc Anh, gốc Á Châu và gốc Phi Châu. Họ chuyển sang Hội Thánh Tin Lành".
Theo Ngài, thì một trong những lý do quan trọng của sự bỏ đi, là vì đức tin Công Giáo không còn hấp dẫn đối với họ nữa. Phụng vụ thì không có sự sống, các bài thánh ca thì nhạt nhẽo, các bài giảng thì không dọn kỹ, liên hệ giữa người có đạo với nhau thì rời rạc.
Trong cuốn "La Flamme et le Vent", tác giả Henri Hatzfeld đã tả một họ đạo Pháp khô khan, xuống dốc. Vị chủ chăn rất buồn. Ông tìm hiểu lý do tại sao càng ngày người ta càng dửng dưng với đạo. Sau cùng ông đã thấy một lý do làm ông đau đớn. Theo ông thấy, thì quần chúng chỉ coi ông là người của các lễ nghi, của nhà thờ, chứ không phải của họ. Hơn nữa họ coi đạo là một thứ gì đứng ngoài cuộc sống. Cuộc sống đầy những vấn đề về tình yêu, tình bạn, kinh tế, văn học, nghệ thuật, khoa học, thể dục thể thao, chính trị. Thế mà, theo họ, thì xem ra đạo không mấy quan tâm đến các vấn đề đó. Họ có cảm tưởng là đạo không yêu thương con người. Không yêu họ thì họ bỏ. Thế thôi.
Đọc những tình hình xảy ra đó đây như vậy, tôi không dám đưa ra một phán đoán nào, vì sợ thiếu chính xác. Nhưng tôi lo sợ cho tôi và cho các người thuộc về tôi. Cách sống đạo và giảng đạo của chúng ta có năng động, đầy tình mến Chúa và tình thương con người không? Bản thân chúng ta có hiền lành, khiêm nhường, bác ái, theo gương Chúa Kitô không?
Chúng ta đầu tư thế nào vào việc xây dựng con người?
Chúng ta nên nghĩ trước đến một ngày, mà giáo dân ta sẽ bị cuốn hút vào các đòi hỏi và mời mọc của cuộc sống phát triển.
Nếu trong tuần tĩnh tâm, mỗi người chúng ta biết đưa ra những quyết định cụ thể để xây dựng đời sống thiêng liêng, và đường hướng mục vụ của mình, sao cho hợp thánh ý Chúa, thì tuần tĩnh tâm của ta sẽ trở thành một lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, đầy hy vọng và đầy hoan lạc.
Thiết tưởng đó chính là cách rất tốt để chúng ta cảm tạ Thiên Chúa giàu lòng thương xót, về ơn gọi đặc biệt Người đã dành cho ta.
Và thiết tưởng đó cũng là cách hữu hiệu, để ta phát triển Hội Thánh Việt Nam và Tổ quốc Việt Nam mến yêu của ta.
Tuần tĩnh tâm Linh Mục Long Xuyên, ngày 22/10/1989
(Cấm Phòng năm các Linh Mục Tổng Giáo Phận TP. HCM 1990: ĐỨC TIN– Bài 1)
Tháng 12 năm rồi, 1989, dịp ghé Pháp, tôi có trao đổi với mấy Đức Cha bên đó về vấn đề thánh Bùi-Tuần 2142
Tháng 12 năm rồi, 1989, dịp ghé Pháp, tôi có trao đổi với mấy Đức Cha bên đó về vấn đề thánh hoá linh mục. Khi đề cập đến tĩnh tâm linh mục, toi hỏi một Đức Cha. Tại giáo phận Ngài, cuộc tĩnh tâm hằng năm cho linh mục được tổ chức thế nào? Ngài thưa: Ghi danh tự do. Tôi hỏi: Thực tế bao nhiêu phần trăm tới dự? Ngài thưa: Năm nay không tới một nữa.
So sánh tình hình ở đó với quang cảnh nhiệt tình ở đây, tôi thấy anh em đang cho tôi nhiều cảm tưởng tốt. Tôi nghĩ rằng chúng ta đến đây vì niềm tin và với niềm tin. Tin Chúa và tin nhau, mặc dầu tin Chúa vẫn nhiều hơn là tin nhau. Thiết tưởng đó là khởi đầu tốt. Nhờ đức tin, chúng ta sẽ nhìn thấy rõ Chúa đang đến với ta trong những ngày này. Nhờ đức tin, chúng ta sẽ có được những chuyển biến tâm hồn, hợp với ý Chúa. Đức tin là ánh sáng của tuần tĩnh tâm. Đức tin là bầu khí của tuần phòng này. Vì thế, ngay từ ngày đầu, tôi xin gửi đến anh em một vài gợi ý về đức tin thiết tưởng cần cho người giáo sĩ tĩnh tâm.
Thứ nhất, đức tin phải rất đơn sơ.
Đức tin đơn sơ nói đây được hiểu thế nào? Thưa, tất nhiên không phải là tuyên xưng những giáo điều, cũng không phải là chấp nhận hệ thống chân lý cứu rỗi, mà chính là sự gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.
Ta đến với Chúa. Ta nhìn Chúa, ta thưa với Chúa: Lạy Chúa, con đây. Rồi ta ở lại bên Chúa, yêu mến tạ ơn Chúa và lắng nghe Chúa. Tin như thế chính là gặp gỡ.
Đây là cuộc gặp gỡ thân mật giữa kẻ được gọi với Đấng đã gọi mình, giữa kẻ được sai đi với Đấng đã sai mình, giữa kẻ được yêu thương với Đấng từng yêu thương mình. Tin trở thành đơn sơ như hai đôi mắt trao nhau tình thương và tín nhiệm.
Ta biết vì yêu thương, Chúa đã gọi ta vào đời, và một cách nào đó ta đã thưa: Lạy Chúa, con đây. Ta biết, vì yêu thương, Chúa đã gọi ta vào Hội Thánh, và qua cha mẹ một cách hết sức đơn sơ, ta đã thưa: Lạy Chúa, con đây. Ta biết, vì yêu thương, Chúa đã gọi ta vào cuộc sống tu trì, và một cách thơ ngây, ta đã thưa: Lạy Chúa, con đây. Ta biết, vì yêu thương, Chúa đã gọi ta lên chức linh mục, và với tất cả ý thức trách nhiệm ta đã thưa: Lạy Chúa, con đây. Ta biết, vì yêu thương, Chúa đã sai ta đến những địa chỉ nhất định, và với lo âu và hy vọng, ta đã thưa: Lạy Chúa, con đây. Hôm nay, Chúa gọi ta vào tuần tĩnh tâm, và với tâm tình cảm tạ ta thưa: Lạy Chúa, con đây.
Như vậy, cuộc sống đức tin là một hành trình của tình yêu thương. Nhìn về hành trình ấy, ta thấy rất rõ Chúa lớn lao hơn hết mọi sự, hơn trí khôn ta, hơn ý chí ta, hơn mọi hệ thống tư tưởng triết học, thần học, hơn cả Hội Thánh. Ta cũng thấy rất rõ Chúa mạnh hơn tất cả mọi sự, hơn tình yêu của ta, hơn tội lỗi của ta, hơn tất cả những yếu đuối của ta. Tin trở thành phó thác như đứa trẻ đơn sơ nắm chặt bàn tay cha mẹ mình. Với đức tin đơn sơ như thế, chúng ta sẽ dễ được Chúa dắt đi trong những ngày hồng phúc này.
Thứ hai, đức tin phải rất khiêm nhường.
Đức tin khiêm nhường nói đây có nghĩa thế nào? Thưa có nghĩa là người có đức tin rất xác tín và hiểu biết đức tin của mình là một ân huệ Chúa ban nhưng không. Ta học hỏi về Chúa, nhưng ta không cho rằng đức tin hôm nay của ta là kết quả công lao học hỏi của ta. Ta bảo vệ đức tin, nhưng ta không cho rằng, đức tin hôm nay của ta là do công sức phấn đấu của ta.
Vì nhận biết đức tin là một ân huệ Chúa ban cho mình, nên ta cảm tạ Chúa hết lòng. Đồng thời ta rất thông cảm với những người không tin. Chính ta bao lần đã bị chao đảo trên hành trình đức tin, nên ta rất thương những người đã xa lìa đức tin, hoặc không còn tha thiết gì lắm với đức tin.
Những thừa tác viên của đức tin ở bất cứ chức vụ nào, nên rút ra bài học khiêm nhường về đức tin từ những biến cố đời mình. Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi, người được Chúa trao trách nhiệm gìn giữ kho tàng đức tin, cũng đã phải học những bài học khiêm nhường về đức tin từ những việc xảy ra cho chính mình. Ngài suýt bị chết đuối khi đi trên biển để đến với Chúa. Nhưng xem ra ngài đã bị chết đuối trên cạn, khi ngài chối Chúa ba lần. Những cái chìm đó cho ngài thấy rõ ngài chỉ là chiếc bình mỏng giòn. Trong chứa đầy ơn đức tin, nhưng bình vẫn mong manh dễ vỡ. Thêm vào nhận thức khiêm tốn đó, Chúa còn dạy cho ngài một nhận thức khiêm tốn khác, đó là có những người ngài cho là ghê tởm nên xa tránh cũng được Chúa Thánh Thần ban ơn đức tin như đã ban cho ngài. Bài học đó xảy ra ở Gioppê. Tưởng nên nhắc lại vắn tắt. Thánh Phêrô đang cầu nguyện thì thấy một bao lớn từ trời thả xuống. Trong bao đó, có rắn rết, chim muông, ác thú. Bỗng có tiếng từ trời phán: Hãy giết mà ăn. Phêrô thưa: Tôi không dám ăn, vì đây toàn là những thứ dơ nhớp bẩn thỉu. Tiếng từ trời đáp lại: Sự gì Thiên Chúa cho là sạch, thì đừng gọi là dơ bẩn. Chiếc bao được kéo lên. Rồi lại thả xuống. Rồi lại đối đáp như trước. Rồi chiếc bao lại được kéo lên, lại thả xuống, lại đối đáp như trước. Có nghĩa là thánh Phêrô vẫn không đổi quan điểm. Liền đó, có ba người từ Xêsarêa đến, xin thánh Phêrô đi với họ, đến thăm những người ngoại giáo ở đó. Tới nơi, khi Phêrô vừa bắt đầu nói, thì Thánh Thần ngự xuống trên những người ngoại giáo ấy. Thấy thế, Phêrô kết luận: Thì ra Thiên Chúa cũng ban cho họ cũng một ơn như đã ban cho chúng ta là những kẻ tin vào Đức Kitô (Cv 11)... Có nghĩa là kẻ rao giảng và bảo vệ đức tin không được coi mình là độc quyền về ơn Chúa Thánh Thần. Khiêm nhường là ở nhận thức đó. Và sự khiêm nhường ấy sẽ giúp người tông đồ cởi mở tâm hồn mình về phía Chúa và về phía mọi người, kể cả những người mình tự nhiên có cảm tưởng là không tốt. Với đức tin khiêm nhường như thế, chúng ta sẽ dễ được Chúa Thánh Thần soi dẫn trong những ngày tĩnh tâm này.
Thứ ba, đức tin phải rất yêu thương.
Đức tin yêu thương được hiểu thế nào? Thưa được hiểu thế này: Người sống đức tin cần kính trọng yêu thương mọi người theo tinh thần Phúc Âm, bởi vì đức tin không có đức ái sẽ có giá trị gì? Hơn nữa, ơn đức tin thường được chuyển chở vào tâm hồn ta và tâm hồn kẻ khác qua các tuyến đường bác ái. Đức tin có chiều kích xã hội, có yêu cầu liên đới.
Tôi không bao giờ có thể nghĩ được rằng: Chúa ban đức tin cho ta, để ta truyền bá và bảo vệ đức tin ấy bằng bất cứ cách nào, kể cả những cách trái với công bình bác ái. Tuy nhiên tôi vẫn lo ngại điều đó xảy ra cho Hội Thánh hôm nay, như đã xảy ra thời Chúa Giêsu. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cho thấy rõ cuộc xung đột gay gắt giữa hai quan điểm về bảo vệ và truyền bá đức tin. Một bên là cấp lãnh đạo tôn giáo chủ trương bảo vệ và truyền bá đức tin bằng mọi cách, kể cả cách kích động quần chúng ghét Chúa Giêsu, kết án Người đủ các tội đạo đời. Còn một bên là Chúa Giêsu luôn luôn giới thiệu đức tin bằng sự kiên trì khiêm tốn, nhịn nhục, tha thứ, hoàn toàn hiến dâng trọn vẹn chính mình, kể cả danh dự, uy tín và mạng sống cho Đức Chúa Cha vì phần rỗi nhân loại. Thế nhưng, phe kích động lại được quần chúng đông đảo ùa theo. Còn Chúa Giêsu chỉ có vài người im lặng đứng bên thánh giá. Nhưng chính vì Chúa Giêsu nhất mực trung thành với hiền từ, khiêm nhường, bác ái cho đến cùng nên đức tin Người giảng trở thành đức tin tôn giáo, chứ không phải một cuồng tín hay một chủ nghĩa.
Có người đã hỏi tôi rằng: Giả sử lại tái diễn một cuộc xung đột như thế về đức tin, thì sẽ lấy tiêu chuẩn nào để phân biệt đúng sai? Tôi xin thưa rằng: Chúa Giêsu là Đấng hiền lành, khiêm nhường, đầy tình thương. Còn Satan là kẻ độc ác, kiêu căng, đầy ghen ghét. Vì thế, ở đâu khuyến khích độc ác, kiêu căng, ghen ghét, ở đó có Satan. Trái lại, ở đâu khích lệ hiền từ, khiêm tốn, yêu thương, ở đó có Chúa, và tất nhiên có sự thực Phúc Âm.
Tôi nghĩ như vậy, nên tôi thấy rằng cách rất tốt để ta bồi dưỡng đức tin, đó là ta tích cực sống tình huynh đệ. Huynh đệ từ cái nhìn đối với nhau, cho đến tâm tư, thái độ, lời nói và suy nghĩ về nhau.
Tôi cũng nghĩ rằng: Hội Thánh có nhiều thứ ân sủng. Kẻ được ơn này, người được ơn kia. Những khác biệt sẽ bổ túc cho nhau. Tất cả cùng phục vụ lợi ích chung của Hội Thánh, tức là phần rỗi các linh hồn. Tới đây tôi nhớ tới vụ tranh luận về luật cắt bì. Ban đầu, thánh Phêrô đứng về phía dân Do Thái, còn thánh Phaolô đứng về phía bênh dân ngoại. Lúc đó, thánh Phêrô đã có thể nói với thánh Phaolô rằng: “Tôi được đặt làm đầu Hội Thánh. Hơn nữa, tôi đã sống bên Chúa Giêsu lâu năm. Còn ông, ông mới tòng giáo, ông lại là người đã bắt bớ đạo Chúa. Vì thế, ông nên tự biết mình không thể khôn ngoan hơn tôi và cũng không có ơn Chúa hơn tôi. Do đó, ý kiến ông muốn bãi bỏ luật cắt bì là sai”. Thế nhưng, sau khi cầu nguyện và tranh luận, thánh Phêrô đã thuận theo ý kiến thánh Phaolô. Bởi vì, cả hai đấng cùng nhìn về phía có tiếng gọi tha thiết của đức tin truyền giáo, và cả hai cùng nhìn nhau bằng con mắt đức tin huynh đệ, nhận biết ơn Chúa nơi anh em mình. Nhìn nhau và nhìn mọi hoạt động bằng con mắt đức tin, ta mới thấy đức ái, tình huynh đệ là dấu chỉ tất nhiên của một đức tin chính trực.
*** Riêng tôi, tôi biết rằng, tôi đến với anh em là đến với những người đã và đang muốn sống đức tin đơn sơ, khiêm nhường và huynh đệ, nên tôi rất hy vọng sẽ được thông công vào sự sống thiêng liêng tốt đẹp ấy. Đồng thời, tôi cũng mong những lời tôi chia sẻ ở đây sẽ được anh em tiếp thu như những thao thức chân thành nhất, phát xuất từ một tấm lòng khao khát sống trọn vẹn niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tất cả những bài giảng tuần tĩnh tâm này đều hướng về truyền giáo. Nội dung có thể sẽ giúp tái-truyền-giáo cho chính bản thân ta và cho cộng đoàn của ta, đồng thời chuẩn bị cho ta chia sẻ Tin Mừng cho đồng bào ngoài Công Giáo. Tôi mong sẽ được anh em thông cảm tha thứ, nếu tôi kể ra ở đây một chi tiết đời tôi, có liên quan đến việc chọn đề tài truyền giáo.
Tôi được sắc phong Giám Mục ngày 17/4/1975, và được thụ phong ngày 30/4/1975. Anh em biết, 30/4/1975 là một biến cố lịch sử. Ngày thụ phong Giám Mục, tôi nhìn thời điểm ấy là quá mới. Chức vụ Giám Mục của tôi cũng quá mới. Tôi đi lên phía trước với tâm trạng đầy lo âu. Một đêm, tôi chiêm bao thấy Chúa Giêsu. Lúc ấy, tôi đang đi trên một con đường quê bên cánh đồng bao la. Tới một quãng dốc, tôi thấy đàng xa có một người từ các đồng ruộng đi lên, bước về phía tôi. Tôi nhận ra Chúa Giêsu. Mặt Người uy nghi, hơi buồn, nhưng đầy nhân ái. Người dẫn tôi trèo lên dốc, vào một nhà thương lớn. Tôi thấy bệnh nhân nằm la liệt. Người và tôi đi qua hết dãy này sang dãy khác. Cảnh vô số người đau ốm làm tôi đau buồn. Tôi nhìn sang Chúa và cầu nguyện, thế là tôi thức tỉnh.
Những gì tôi thấy trong đêm ấy vẫn không ngoài phạm vi chiêm bao, nhưng lại có một ảnh hưởng lớn trong đời tôi. Bởi vì, nó tăng cường trong tôi ba nhận thức sau đây:
Thứ nhất, kẻ sai tôi đi và đồng hành với tôi trên đường truyền giáo là chính Đức Kitô. Chính Người dẫn đưa và ban sức mạnh cho tôi, nhất là trên những quãng đường gian nan.
Thứ hai, cánh đồng truyền giáo tôi được sai đến là những con người phần đông cũng yếu đuối như tôi.
Thứ ba, loan báo Tin Mừng cho họ là cùng với Đức Kitô đến với họ, chia sẻ với họ, để qua tình thương và lời cầu nguyện với thánh giá, ánh sáng cứu độ của Đức Kitô sẽ đi vào tâm hồn họ.
Ba cảm nghĩ trên đây chẳng qua chỉ là những tiếng dội tâm lý của những thực sự Phúc Âm về truyền giáo. Nhưng chúng đã trở thành những hình ảnh rõ, những ấn tượng mạnh, những “bài ca không bao giờ quên”. Từ đó, đã khơi động những thao thức mãnh liệt về sứ mệnh truyền giáo.
Truyền giáo là việc Chúa Giêsu đã truyền dạy. Truyền giáo là việc Công Đồng Vatican II đã khẳng định. Truyền giáo là việc Đức Giáo Hoàng đương kim Phaolô II đang hối thúc.
Người tín hữu nào cũng có bổn phận truyền giáo. Riêng đối với giáo sĩ, truyền giáo là một nghiệp vụ chuyên trách, nó nằm trong bản chất chức linh mục: Bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc về bản chất là chuyện tối cần. Đấng bồi dưỡng ta là Chúa Thánh Thần. Chúng ta là những người đóng góp.
Hôm nay, ở giữa anh em, tôi muốn chỉ là kẻ dọn đường. Tôi dọn đường bằng những chia sẻ. Tôi chia sẻ là tôi thân tặng anh em những suy nghĩ thuộc riêng tôi. Tôi thân tặng nhân danh Đức Giêsu Kitô, trong sự hiệp thông với Chúa Thánh Thần, vì vinh quang Thiên Chúa Cha giầu lòng thương xót. Không lúc nào tôi cảm thấy mình yếu đuối bất lực cho bằng khi giảng, nhất là giảng cho các linh mục. Vì thế, tôi hết lòng cầu nguyện Mẹ Maria nhân lành nâng đỡ tôi và luôn ở giữa chúng ta. Mẹ Maria là vita, dulcedo et spes nostra, ora pro nobis. Amen.
(Cấm Phòng năm các Linh Mục Tổng Giáo Phận TP. HCM 1990: ĐỨC TIN– Bài 2)
Tuần báo Tuổi Trẻ Chúa Nhật, 25/02/1990 có một bài phê phán cách làm kinh tế tại Việt Nam. Tác Bùi-Tuần 2143
Tuần báo Tuổi Trẻ Chúa Nhật, 25/02/1990 có một bài phê phán cách làm kinh tế tại Việt Nam. Tác giả là một Việt kiều, ông Nguyễn Đăng Hưng, giáo sư đại học Liège, Bỉ. Theo tác giả, thì thời này, làm kinh tế với cung cách “Vừa học vừa làm, vừa làm vừa sửa” là không thể chấp nhận được. muốn làm ăn có hiệu quả tốt thì phải nghiên cứu, phải biết việc, phải suy nghĩ theo các nguyên tắc và trên những dữ kiện thị trường cụ thể, phải làm ra các phương án thích hợp, và biết chọn phương án nào chắn chắc thành công, có lời nhiều nhất. Nếu không, kinh tế không những không lên, mà còn đi xuống.
Nội dung bài báo đó , gợi ý tôi liên tưởng đến việc truyền giáo tại Việt Nam. Nhiều nơi làm rất tốt, có lời lãi. Nhưng nhiều nơi làm thua lỗ. Có nơi tinh thần truyền giáo như một thứ nghiệp dư. Vì thế, hiệu quả không nhiều, không sâu, không bền, có khi còn đi xuống.
Tôi nghĩ rằng, mỗi linh mục đều đã và đang làm việc truyền giáo theo một phương án nào đó, mặc dù không rõ rệt. Nếu được hệ thống hoá, các phương án ấy sẽ rõ hơn lên, sẽ phong phú thêm. Tôi xin góp phần vào việc hệ thống hoá ấy. Sau đây là 4 phương án đang thịnh hành.
Phương án một: Trồng Hội Thánh vào đất nước, nói chung, và địa phương, nói riêng.
Khi tôi trồng một cây vào thửa vườn nào, tất nhiên, tôi muốn nó thuộc về thửa vườn đó, muốn nó có một vị trí trong thửa vườn đó, góp phần làm lợi cho thửa vườn đó. Tương tự, cũng vậy, khi phát hiện ở một nơi có những hộ Công Giáo cần sinh hoạt, tôn giáo chung với nhau theo luật đạo, tôi cố gắng dựng lên ở đó một nhà thờ, để họ dễ bề qui tụ, rồi tôi sai linh mục tới phục vụ họ. Dần dần đời sống đạo được nẩy nở ở môi trường đó, nhờ môi trường đó, trong môi trường đó, phục vụ cho môi trường đó. Làm những việc như vậy là trồng Hội Thánh vào một địa phương.
Trên đây chỉ là một trường hợp nhỏ. Còn nhiều trường hợp khác lớn hơn với những chiều kích đa dạng.
Trồng cây thì dễ, nhưng trồng Hội Thánh vào một lịch sử là việc không đơn giản chút nào. Bởi vì đây là một hành trình đi vào xã hội, đi vào lòng người. Để có thể ăn rễ và phát triển ở một nước, một tỉnh, một miền, Hội Thánh, như một cây, phải được nơi đó nhìn nhận là một cây có lợi. Do đó, tất nhiên Hội Thánh phải làm mọi cách để tự chứng minh, tự giới thiệu mình. Đâu cũng thế thôi. Chẳng ai muốn cho nhập khẩu vào nhà mình những ai mà mình nghi là sẽ gây hại, gây rắc rối cho nhà mình.
Trong lịch sử các tôn giáo đã có những trường hợp người ta trồng Hội Thánh vào một địa điểm bằng cách dùng võ lực, đấu tranh pháp lý, gây áp lực chính trị và kinh tế. Bằng những con đường như thế Hội Thánh có lúc đã dành được một chỗ đứng trong pháp luật, nhưng không dễ vào được lòng người, trái lại, nhiều khi đã gây nên hận thù nghi kỵ lâu năm lâu đời. Bởi vì, lúc ấy, Hội Thánh bị coi như một quyền lực, chứ không tự chứng minh được mình là dấu chỉ và dụng cụ của Thiên Chúa tình yêu.
Toà Thánh rất ý thức điều đó. Nên trong quá trình truyền giáo tại Việt Nam, ngay những năm đầu, Toà Thánh đã có những chỉ thị rất rõ. Huấn thị Bộ Truyền giáo gửi cho các Đấng Bản Quyền tại Việt Nam năm 1659 là một thí dụ điển hình. Đây là một tài liệu quí. Toàn văn huấn thị này được dịch ra Pháp Văn do Mgr Bernard Jacqueline trong bài ” L' Esprit missionnaire de la S.C. de Propagande Fide d'après les instructions aux vicaires apostoliques des Royaumes du Tonkin et du Cochinchine (1659)” đăng trên “Documents Omnis Terra” LXXXI-5, tháng 05/1971, của Bộ Truyền Giáo, Nên nhớ các vị truyền giáo thời ấy đều là người nước ngoài.
Ở đây, tôi xin trích dịch một số điểm quan trọng mà hiện nay vẫn cần được quan tâm nghiên cứu.
a. Các đức tính nhà truyền giáo.
“Điều đòi hỏi họ nhiều nhất là họ phải có một đức bác ái cao và sự khôn ngoan...Họ phải là người phong hoá đàng hoàng, lịch thiệp, hiền từ, kiên nhẫn, khiêm nhường, lo làm gương sáng, các nhân đức về niềm tin Công Giáo mà họ tuyên xưng. Họ phải là những người được huấn luyện theo luật đức ái, Phúc Âm, biết thích nghi với những phong tục và tính tình kẻ khác...” (Số 1/1).
b. Mục đích trước mắt.
“Hãy luôn luôn để trước mắt mình mục đích này là đưa những người địa phương xứng đáng lên các chức thánh, càng nhiều càng tốt, huấn luyện họ và giúp từng người tiến lên đúng lúc” (Số 1/III).
c. Đối với văn hoá địa phương.
”...Không được thuyết phục dân địa phương thay đổi các nghi lễ của họ, cách ăn mặc của họ, các phong tục của họ, đừng kể thứ nào thực sự trái với đạo và luân lý một cách rõ ràng...Thực không có lý do nào làm cho người ta xa lánh và ghét đạo cho bằng bắt người thay đổi những thói tục riêng của dân tộc, nhất là những thói tục đã có từ thời tổ tiên...” (Số 12/III).
d. Đối với an ninh trật tự xã hội.
”...Trong khi giảng Lời Chúa và ban các bí tích, không được làm gì gây cớ cho người ta nghi là anh em muốn gây rối. Và qui tụ giáo dân để dạy dỗ và tham dự các lễ nghi phượng tự, hãy tránh những gì làm cớ cho người ta nghi anh em muốn kích động nổi loạn...” (Số 13/III).
e. Đối với nhà cầm quyền.
”...Hãy giảng cho tín hữu bổn phận trung thành với Nhà Nước, dù các vị cầm quyền là những người khó khăn. Ở chỗ riêng tư cũng như ở nơi công cộng, đừng chỉ trích việc làm các nhà cầm quyền, ngay cả những vị đang bắt bớ anh em...Hãy kiên nhẫn và thinh lặng, chờ đợi ở Thiên Chúa thời giờ an ủi...” (Số 11/III).
f. Đối với các chỉ thị của Bộ Truyền Giáo.
”...Nếu trong việc trung thành với các chỉ thị của Bộ Truyền Giáo, anh em gặp phải hoặc thấy trước những khó khăn lớn, đến mức đoán được rằng, sự áp dụng các chỉ thị ấy sẽ không khỏi gây ra rối loạn, thì với bất cứ giá nào, anh em phải tránh áp đặt các chỉ thị đó...Tốt hơn, anh em đừng áp dụng chỉ thị ngay. Nhưng hãy tìm thời giờ viết cho Bộ Truyền Giáo, trình bày sự việc một cách đầy đủ chân thành, và hãy đợi Bộ trả lời phải làm gì” (Số 4/III).
Như trên vừa thấy, phương án này nhấn mạnh đến việc đào tạo nhân sự địa phương và xây dựng liên hệ tốt với địa phương. Do đó, người thực hiện phương án trồng Hội Thánh vào một địa điểm rất cần có những đức tính xã hội. Huấn thị Bộ Truyền Giáo chỉ rõ những đức tính này: Bác ái, khôn ngoan, lịch thiệp, hiền từ, khiêm tốn, thích nghi, kiên trì. Chúng ta có những đức tính đó không? Và chúng ta có để ý huấn luyện những đức tính đó cho những người cộng tác của ta không?
Phương án hai: Cứu rỗi các linh hồn.
Khi trồng Hội Thánh vào một địa phương, người truyền giáo vốn nhằm mục đích phục vụ nhân dân địa phương đó bằng sự chia sẻ Tin Mừng dưới những hình thức thích hợp nhất. Tuy nhiên nhất là trước đây, không thiếu người vẫn chủ trương Tin Mừng chỉ là cứu rỗi linh hồn nhờ Hội Thánh và trong Hội Thánh. Nên truyền giáo chủ yếu là đưa mọi người và Hội Thánh và giúp họ sống đạo tốt, để họ được rỗi linh hồn. Do đó, đối với linh mục sống tinh thần truyền giáo, thì cứu rỗi các linh hồn phải là mục tiêu, phải là động lực, phải là lẽ sống đời mình.
Ngay từ đầu thế kỷ này, Cha M. Cadro, tục gọi là cố Lương, đã tha thiết khuyên nhủ giáo sĩ Việt Nam nhớ kỹ điều ấy. Tư tưởng đạo đức của ngài được phổ biến trong một tác phẩm dài 666 trang, viết tại Vĩnh Trị năm 1902 và in tại Kẻ Sở năm 1907. Sách mang tựa đề: “GƯƠNG ĐẤNG LÀM THẦY” cố Lương (M. Cadro) đã dọn ra trong địa phận Tây Đàng Ngoài.
Ở đây xin trích nguyên văm một số ý:
a. Về bổn phận cứu rỗi các linh hồn:
”...Dù Đấng làm thầy đi đàng nhân đức, giữ mình sạch tội, làm nhiều việc lành mặc lòng, nếu người chẳng cứu linh hồn người ta, thì người cũng sẽ phải phạt, phải mất linh hồn” (trang 247).
”...Có thầy cả chẳng muốn chịu khó cứu lấy linh hồn người ta vì sợ kẻo khó nhọc làm vậy, ấy thì sinh bệnh mà chóng chết. Vậy kẻ ấy phải biết rằng, thà chết non chết sớm mà làm được nhiều việc lành, lập ít công phúc và cứu được ít linh hồn. Thà chết khi bốn, năm mươi tuổi mà cứu được nhiều linh hồn, chẳng thà sống tám, chín mươi tuổi mà chẳng làm ích gì cho người ta, chẳng cứu được linh hồn nào” (trang 257).
b. Về các việc phải làm để cứu rỗi linh hồn các người có đạo:
” 1- Thầy cả phải biết hết các con chiên mình. 2- Người phải chịu khó dạy dỗ coi sóc con trẻ. 3- Người phải lo liệu cho người ta năng xưng tội chịu lễ. 4- Người phải năng giảng giải khuyên bảo người ta. 5- Người phải năng khuyên bảo kẻ khô khan tội lỗi cách riêng. 6- Người phải siêng năng làm phép giải tội cho người ta và đi làm các phép cho kẻ liệt lào mong sinh thì. 7- Người phải lo liệu cho người ta được kính mến trả nghĩa Đức Giêsu ngự trong phép Mình Thánh. 8- Người phải lo liệu cho người ta được lòng kính mến và trông cậy Đức Bà cách riêng. 9- Về những họ thánh người nên lập trong bản xứ. 10- Về sự cấm phòng chung cho hàng xứ hay là cấm phòng riêng cho họ nào” (trang 604).
c. Về các việc phải làm để cứu rỗi linh hồn kẻ ngoại.
“Việc thứ nhất thầy cả phải làm cho được cứu lấy linh hồn kẻ ngoại đạo là phải lo liệu rửa tội cho trẻ con nhà ngoại đạo khi rình sinh thì.
Việc thứ hai là phải chịu khó khuyên bảo những kẻ lạc lối lo ăn năn trở lại chịu đạo.
Việc thứ ba là phải năng cầu nguyện cho nó” (trang 629).
Những tư tưởng trên đây của một vị thừa sai trước ta một thế kỷ cho thấy lòng nhiệt thành của hàng giáo sĩ thời đó tại quê hương Việt Nam này là rất lớn. Chúng ta có lòng nhiệt thành như vậy không?
Phương án ba: Hội nhập vào văn hoá dân tộc.
Thời đại này gọi là thời đại văn hoá. Nên cái gì, việc gì cũng cần có văn hoá, phương chi việc truyền giáo. Hơn nữa, để đi được vào cuộc sống bao giờ cũng có gốc rễ văn hoá dân tộc, thì Tin Mừng không thể đứng ngoài văn hoá dân tộc được.
Văn hoá một dân tộc là tổng hợp những yếu tố tâm lý, lịch sử, xã hội của dân tộc đó, chính nhờ những yếu tố này con người thuộc dân tộc ấy có thể tôi luyện và phát triển những khả năng đa dạng tinh thần tổ chức của mình, để có thể tổ chức tốt cuộc sống cá nhân, gia đình, xã hội và nhân loại.
Văn hoá một dân tộc là tất cả những gì làm nên cái nhìn của dân tộc ấy về cuộc đời, với những hoài niệm về quá khứ và với những hoài bão về tương lai.
Văn hoá ví như nước, con người ví như cá. Nếu Tin Mừng hoà vào được văm hoá, con người sẽ dễ gặp được sự sống Đức Kitô.
Nhận thức như trên đã được Công Đồng Vatican II nêu lên chính thức. Sau đó, Đức Phaolô VI, nhất là Đức Gioan Phaolô II đã nhiều lần kêu gọi các người làm việc truyền giáo hãy có một sự bén nhạy sâu sắc về vấn đề này. Nhờ vậy, vấn đề này đang trở thành một đề tài thần học và mục vụ sôi nổi.
Chỉ trong 12 năm nay thôi, đã thấy xuất bản nhiều tác phẩm có liên quan đến phương án: “Hội nhập văn hoá”.
Thí dụ:
J. Criti, L'Expérience de la foi dans les cultures, Paris, Le Centurion, 1975.
P. Poupard, Eglises et cultures, jalons pour une pastorale de l'intelligence, Paris, Editions SOS, 1980.
C. Goffré, Théologie et choc des cultures, Paris, les Editions du Cerf, 1984.
H. Carrier, Cultures notre avenir, Rome, Presses de l'Université Grégorienne, 1985.
H. Carrier, Evangiles et Culures de Léon XIII à Jean-Paul II, Paris, Editions Mediaspaul, 1987.
Nội dung các sách trên đây đều có tính cách khích lệ những tìm tòi mới của các Giáo Hội thuộc thế giới thứ ba. Những Giáo Hội này có những nền văn hoá riêng, khác với Âu Mỹ. Nhờ biết đi vào các tuyến đường của nền văn hoá riêng của dân tộc mình, các Giáo Hội này đã phát triển, và đang đi tới một tương lai đầy hứa hẹn.
Tháng 10/1989, có một cuộc hội thảo quốc tế, tổ chức tại Klingenthal, gần Strasbourg Pháp, để bàn về “vai trò của nền văn hoá trong việc xây dựng căn nhà chung Châu Âu”. Trong thành phần tham dự có Đức Hồng Y.P.Poupard và ông Evgenij Silin, phó chủ tịch Ủy Ban Liên Xô về an ninh và hợp tác Âu Châu. Các bài phát biểu quan trọng đã được đăng trên tạp chí Athéisme et Dialogue, XXIV-4,1989, Citta del Vaticano.
Qua những tài liệu này, tôi thấy nền văn hoá Âu Châu, dù bên Tây Âu, dù bên Đông Âu, đều có 4 yếu tố giống nhau sau đây:
1. Di sản tư tưởng Hy Lạp với óc lý luận. 2. Di sản kiến thức La Mã với tinh thần tổ chức. 3. Di sản các giáo phụ với nhân sinh quan Phúc Âm. 4. Di sản các cuộc cách mạng chính trị xã hội như cách mạng Pháp, Ý, các cuộc cách mạng tôn giáo như cuộc bùng nổ Tin Lành, và những trào lưu thế kỷ ánh sáng với tinh thần khoa học thực dụng, đề cao con người tự do, bình đẳng liên đới.
Giáo Hội tại Âu Châu giữa một nền văn hóa có yếu tố Thiên Chúa giáo rất sâu, rất rộng như vậy, thế mà hiện nay, họ cũng đang đặt ra cho họ vấn đề “Hội nhập văn hoá”. Bởi lẽ văn hoá Châu Âu hôm nay đã biến chuyển nhiều rồi.
Trên đường xây dựng căn nhà chung Âu Châu, hiện nay cả hai khối Tây và Đông đang được Đức Giáo Hoàng kêu gọi tìm lại chính mình, tức là trở về với nền văm hoá truyền thống Kitô Giáo, và tìm cách phát huy nó.
Còn Á Châu, nói chung, và Việt NAm nói riêng, vốn có một nền văn hoá không phải là truyền thống Kitô giáo, nếu hôm nay được kêu gọi tìm lại chính mình, tức là trở về với nền văn hoá truyền thống riêng của mình, thì Thiên Chúa giáo tại đây sẽ ra sao? Vì thế, vấn đề hội nhập văn hoá cách nào đối với chúng ta là rất quan trọng.
Sự hội nhập này không phải chỉ là diễn tả đức tin qua các mầu sắc riêng của nền văn hoá Việt Nam, mà đặc biệt là biết góp phần làm đẹp thêm nữa những giá trị truyền thống của dân tộc bằng chính tinh thần Phúc Âm.
Không thiếu những giá trị truyền thống dân tộc mà người Việt Nam nào cũng trân trọng, thí dụ: Tình thương gia đình, tình yêu tổ quốc, tình nghĩa đồng bào. Cần kiệm, liêm chính, nhân nghĩa lễ trí tín là một vườn hoa thơm đẹp đã được chọn lựa trong văn hoá Việt Nam, với những vẻ đẹp mà dân tộc sẵn có và luôn khát vọng vươn lên. Tin Mừng khi biết hội nhập, là một động lực mới, góp phần thăng tiến con người và cuộc sống.
Ngoài ra, văn hoá Việt Nam hôm nay đang nhấn mạnh đến những điểm sau đây:
-Một là thao thức về cuộc sống đồng bào, với những quyền lợi và nghĩa vụ hợp lý hợp tình.
-Hai là đề cao tính xã hội như tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác, đoàn kết, các đức tính nhân bản.
-Ba là phát huy tính dân tộc, như lòng yêu nước, bảo vệ giang sơn, chống ngoại xâm, phát huy những cái đẹp độc đáo Việt Nam.
-Bốn là hướng về nền văn minh khoa học kỹ thuật, với những quy mô nhỏ. mô hình nhỏ.
Những điểm trên đây, nếu được chúng ta khéo vận dụng trong các bài giảng, các lớp giáo lý, các bài hát, các lời kinh, các cuộc tổ chức lễ, các công trình xây cất tôn giáo, và các sinh hoạt xã hội, thì đúng là chúng ta đem Phúc Âm hội nhập vào văn hoá dân tộc, kết quả sẽ là giúp phát triển con người và xã hội Việt Nam.
Và đây, chúng ta bước sang một phương án khác.
Phương án bốn: Phát triển con người và cuộc sống.
Làm việc phát triển là tiếp tục công việc tạo dựng của Thiên Chúa. Tất nhiên bao giờ cũng phải hiểu phát triển là biến đổi theo hướng đi lên.
Ngôn từ “Phát triển” không thấy có trong Phúc Âm, nhưng nghĩa của nó lại tràn lan trong Phúc Âm. Các việc Chuá Cứu Thế đã làm, từ việc hoá bánh ra nhiều để nuôi dân... cho đến việc tha tội, đều có tính cách phát triển con người và cuộc sống, hầu chuẩn bị con người để đón nhận Nước Trời. Hơn nữa, có thể nói làm việc phát triển là một đặc điểm của Chúa Cứu Thế. Bởi vì khi thánh Gioan Baotixita gởi môn đệ đến hỏi Chúa Gie6su xem Người có phải là Đấng phải đến không, thì Chúa Giêsu đã trả lời thế này: “Hãy về thuật lại cho Gioan mọi điều các bạn đã nghe và đã thấy: Kẻ mù được sáng, kẻ què đi được, người phong được sạch, người điếc được nghe, kẻ chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng (Mt.11,11-6). Tất cả các việc vừa kể có thể giới hạn trong từ “phát triển”.
Hiện nay phát triển đang trở thành một đòi hỏi gay gắt. Tình hình xã hội đòi hỏi, Phúc Âm, đòi hỏi. Thông điệp “Sollicitudo rei Socialis” của Đức Gioan Phaolô II năm 1987 cho thấy phát triển là một thách thức đặt ra cho bất cứ người thiện chí nào, đặc biệt là cho những người của Hội Thánh.
Không nên hiểu phát triển một cách què quặt, hoặc chỉ là bề mặt tinh thần, hoặc chỉ là bề mặt thể chất, hoặc đơn thuần chỉ là kinh tế với “cơm no áo ấm”, hoặc đơn thuần chỉ là chính trị với “tự do dân chủ”.
Theo thiển ý của tôi, phát triển phải được hiểu về mọi mặt, nó là một sự biến đổi toàn thể con người và cuộc sống cho nên tốt hơn. Nhưng như thế sẽ có cả một khối vấn đề được mọc lên, mà khả năng giải quyết của ta thì rất giới hạn. Vì thế, căn cứ theo tinh thần thông điệp “Sollicitudo rei socialis và bậc thang nhu cầu tại Việt Nam ta lúc này, tôi thấy có mấy điểm sau đây cần được quan tâm hơn trong phương án phát triển:
1. Ưu tiên lo đào tạo những con người, để họ có thể tự phát triển chính mình và có khả năng phát triển người khác.
Những con người như thế không phải chỉ cần nhiệt tình lương tâm, mà còn cần có trình độ kiến thức, chuyên môn, biết phán đoán và biết tổ chức. Hoàn cảnh có lúc dễ dàng, có lúc khó khăn, những yếu tố quyết định trong thành công phát triển vẫn là yếu tố con người. Nếu mỗi năm, mỡi linh mục, mỡi tu sĩ, mỗi chủng sinh, mỗi tông đồ giáo dân đào tạo ít là được một người, như trong các ngành nghề, y tế, giáo dục, kỹ thuật, tôn giáo... thì dần dần số đó sẽ nhân lên. Cứ thế, mười năm, hai chục năm, tình hình sẽ phát triển vững chắc. Khi các ngọn đèn cứ mãi tăng lên, bóng tối sẽ bị đẩy lùi.
2. Ưu tiên lo cho người nghèo, đem lại cho họ ánh sánh hy vọng và ủi an.
Nếu người nghèo phải chịu đủ thứ thiệi thòi, có khi cả trong phạm vi tôn giáo. Nếu chúng ta không để ý đến số phận họ, thì chính chúng ta sẽ phải thiệt thòi lớn hơn họ. Và cái thiệt thòi lớn nhất dành cho ta sẽ do chính Chúa. Điều đó chúng ta thừa biết, khi đọc bài Phúc Âm về ngày phán xét: “Ta đói, các ngươi không cho Ta ăn. Ta đau ốm, các ngươi đã không thăm viếng”.
3. Đặc biệt để ý xây dựng tinh thần liên đới bằng chính các việc làm cụ thể.
Đừng chỉ biết có quyền lợi cá nhân mình. Đừng chỉ lo cho quyền lợi riêng của giáo xứ mình. Đừng chỉ biết vun đắp cho quyền lợi riêng của Hội Thánh mình. Trong dụ ngôn người phú hộ và người hành khất Lagiarô, ông phú hộ chỉ vì không thực hiện tình liên đới với kẻ nghèo, nên đã bị kết án. Vá cái án đó là hoả ngục. Thực là đáng sợ! Nếu trong một giáo xứ, trong một giáo phận, trong một giáo hội địa phương và trong giáo hội toàn cầu, tinh thần liên đới được thực hiện rộng rãi, có những chia sẻ thực sự, có những thông cảm thực sự, thì bộ mặt Hội Thánh sẽ toả sáng chan hoà. Vá đó là một cách truyền giáo đầy sức thyuết phục.
Tôi nghĩ rằng: Cả 4 phương án trên đây đều đang được chúng ta quan tâm và thực hiện với những mức độ khác nhau. Khi đưa ra 4 phương án này, tôi biết là sẽ còn thiếu sót. Nhưng tôi sẽ càng thiếu sót hơn, đến độ ngu si, nếu tôi nghĩ rằng: Cứ kể ra thật nhiều phương án, thế là tức khắc, các trái tim truyền giáo sẽ bùng cháy lên như ngọn đuốc can trường. Bởi vì chúng ta đã từng biết: Kẻ đem lửa truyền giáo đến lòng ta không phải là ta, mà sẽ là kẻ bước đi không tiếng động, là kẻ nói không âm thanh, là kẻ chủ động trong thinh lặng hoàn toàn, đó là Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy đến với Người, hãy suy nghĩ bên Người, hãy cần nguyện với Người. Chính Người sẽ soi sáng và hướng dẫn ta, để ta biết thực hiện các phương án thế nào cho hợp thánh ý Chúa, hầu đáp ứng được lời Chúa truyền dạy: “Chúng con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân”.
(Cấm Phòng năm các Linh Mục Tổng Giáo Phận TP. HCM 1990: ĐỨC TIN – Bài 3)
Mệnh lệnh truyền giáo đã được Chúa Giêsu ban bố gần hai ngàn năm. Hai mươi thế kỷ là một Bùi-Tuần 2144
Mệnh lệnh truyền giáo đã được Chúa Giêsu ban bố gần hai ngàn năm. Hai mươi thế kỷ là một con đường dài. Nhưng đến nay, mệnh lệnh ấy xem ra vẫn chưa thực hiện bao nhiêu. Giữa lý tưởng truyền giáo và thực tế là một khoảng cách bao la.
Những khoảng cách như thế chắc không phải là những thành công. Dù gọi bằng danh từ nào, những khoảng cách ấy vẫn là những sự kiện đáng ta suy nghĩ. Ở đây, tôi xin kể ra một số sự kiện lớn. Tất cả đều rút ra từ các tài liệu mới nhất do các đấng bậc có thẩm quyền viết ra.
Trong sách “Vers une Eglise différence” xuất bản tháng 3/1989, tác giả Louis Lochet đã viết 10 trang dài về những sự kiện mà Ngài gọi là “Les échecs de l'évangélisation”. Tóm lược như sau:
1. Sự kiện một Do Thái Giáo vững mạnh.
Chúa Giêsu xuất thân từ Israel, sống tại Israel, giảng đạo cho Israel, chết tại Israel. Đức Mẹ, thánh Giuse và các tông đồ đều là người Israel. Thế mà cho đến hôm nay, Israel vẫn quyết liệt từ chối Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người. Họa lắm mới có người Israel theo đạo Công Giáo. Mặc dầu trải qua nhiều cuộc bách hại, Israel vẫn tồn tại với niềm tin mình là dân riêng Chúa chọn, dân của giao ước vĩnh cữu. Họ vẫn trông chờ Đấng Messia. Dân Israel tản mác khắp nơi, tiếp xúc với đủ mọi thứ tôn giáo, nhưng vẫn hợp nhất trong tình gắn bó với đạo Maisen và dân tộc của mình. Qua gần 2000 năm, Hội Thánh Công Giáo chúng ta vẫn chưa thuyết phục được Israel nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, đó có phải là một thành công truyền giáo của ta không?
2. Sự kiện một Hồi Giáo phát triển mạnh.
Thời thánh Augustino, Bắc Phi hầu như toàn tòng Công Giáo với 350 Toà Giám Mục. Nay vùng đất ấy kể như hoàn toàn Hồi Giáo. Hiện nay, HỒi Giáo là một tôn giáo phát triển mạnh, có mặt hầu như trong mọi nước trên khắp thế giới. Với con số tín đồ trên 800 triệu rải rác khắp năm châu. Hồi Giáo đang dành cho mình danh hiệu “Tôn Giáo phổ quát”, “đạo chung” của nhân loại. Riêng tại Pháp, là một nước truyền thống Công Giáo, Hồi Giáo nay đứng vào thứ nhì sau Công Giáo. Mặc dầu có một số chia rẽ nội bộ, Hồi Giáo vốn giữ được một sức sống tôn giáo năng động và một niềm tin sâu xa không dễ bị lôi cuốn bởi nền văn minh vật chất. Ít người Hồi Giáo trở lại Công Giáo. Trái lại, nhiều người Công Giáo đã trở lại Hồi Giáo. Sau nhiều thế kỷ, Hội Thánh Công Giáo chúng ta vẫn phải dừng chân trước sự phát triển kiên cường của từng tập thể Hồi Giáo. Đó có phải là một thành công truyền giáo của ta không?
3. Sự kiện các tín ngưỡng truyền thống trùm phủ khắp Á Châu.
Á Châu có nhiều truyền thống tôn giáo tự lâu đời: Khổng Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo, Ấn Giáo, Thiền Giáo, Hiếu Giáo, Tổ Tiên Giáo. Nói chung, Á Châu là vùng đất thấm nhuần tín ngưỡng lại đông dân nhất. Hiên nay, quá nửa nhân loại là người Châu Á. Theo ước tính, thì đến năm 2.000, hai phần ba nhân loại sẽ là dân Châu Á, đặc biệt là vùng Thái Bình Dương. Đang khi đó, tỷ lệ người Công Giáo tại Á Châu không tới 3%. Các tín ngưỡng lâu đời ở Á Châu, với những cơ chế nhẹ nhàng và với giáo lý đơn sơ, đã và đang thâm nhập vào con người, đời sống xã hội, văn hoá dân tộc, góp phần đáng kể vào lịch sử xây dựng và bảo vệ các nước Á Châu. Với các tín ngưỡng truyền thống đó, nhiều nước Á Châu như Nhật và 5 “tiểu long” đang vươn lên về kinh tế và khoa học kỹ thuật, đồng thời vẫn ổn định được nền đạo đức cố hữu của cá nhân, xã hội, gia đình. Với những thành quả như thế, đại đa số dân chúng Á Châu cảm thấy không cần thay đổi tín ngưỡng của mình.
Nhìn tình hình trên đây, Hội Thánh Công Giáo chúng ta sẽ nghĩ gì về công việc truyền giáo của mình? Qua nhiều thế kỷ với bao nhiêu dịp thuận lợi, nếu hôm nay, đại đa số dân Á Châu hoặc chưa hề biết đến Chúa, hoặc vẫn không thấy đạo Công Giáo là một sự tối cần thiết cho họ, thì đó có phải là một thành công của việc truyền giáo chúng ta không...?
4. Sự kiện Hội Thánh Công Giáo bùng nổ.
Suốt dọc lịch sử gần 2.000 năm, Hội Thánh Công Giáo đã không ngừng phát triển. Có nơi do người lớn trở lại. Có nơi do rửa tội cho con cái của cha mẹ có đạo. Nếu chỉ phát triển do con đường sinh sản, thì chưa phải là một phát triển do truyền giáo đích thực. Hơn thế nữa, nếu những người lớn có đạo lại tự ý bỏ Hội Thánh ra đi, thì sự kiện đó càng đau đớn cho người truyền giáo. Có những ra đi lẻ tẻ âm thầm. Có những ra đi ồ ạt, như những cơn bùng nổ lớn. Bao nhiêu ly giáo là bấy nhiêu vết thương. Kẻ ở người đi đều kết án nhân danh Thiên Chúa. Nếu cộng lại số người Kitô Giáo nhưng không ưa Công Giáo từ xưa đến nay, ta sẽ thấy từng trăm triệu Tin Lành, Chính Thống, Anh Giáo...Riêng số giáo phái do những người bỏ Công giáo thành lập hiện nay tại Nam Mỹ đã lên tới 200.
Trong tạp chí “Nouvelle Evangélisation 2.000” số 6, 1989, Mgr Michael Shechan cho biết: “Mấy năm gần đây, một số lớn giáo dân gốc Tây Ban Nha đã bỏ chúng tôi để sang Hội Thánh Tin Lành. Trên tổng số 17 triệu gốc Tây Ban Nha, nay ít nhất có 5 triệu trở thành Tin Lành. Sự suy giảm như thế không phải chỉ xảy ra trong những người gốc Tây Ban Nha, mà chúng tôi cũng đã mất nhiều người gốc Anh, gốc Á Châu và gốc Phi Châu”.
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, số người bỏ Hội Thánh Công giáo tuy ít, nhưng cũng đáng quan tâm. Tôi chưa hề thấy Mục sư Việt Nam nào trở lại Công giáo. Nhưng tôi đã thấy 3 Linh mục Việt Nam đã bỏ Công giáo để sang Tin Lành.
Nhiều người bỏ Công giáo để sang một tôn giáo khác, đó chắc không phải là một thành công của việc truyền giáo chúng ta. Hơn thế nữa, nhiều người bỏ Công giáo để trở thành vô thần, đó càng không phải là một thành công tốt đẹp cho Hội Thánh Chúa Kitô.
Cuốn “La Foi et l'Athéisme dans le monde” của văn phòng Tòa Thánh về những người không tin, xuất bản tháng 3/1989, đã có những nhận xét khách quan về sự kiện vô thần hiện nay trong các nước có truyền thống Kitô giáo. Theo tài liệu này (trang 13) thì hiện nay trong các nước có truyền thống Kitô giáo, vô thần là một hiện tượng xã hội bình thản và tự tín. Nó không còn được trình bày như một chủ thuyết chống hữu thần nữa, mà như một hữu thuyết hậu hữu thần, nói lên tuổi trưởng thành của nhân loại. Chủ thuyết hậu hữu thần này coi việc không có Chúa là một điều tất nhiên, khỏi phải bàn tới. Đối với họ, ngôn từ “Thiên Chúa” không có nghĩa lý gì cả. Trước đây, vô thần là hiện tượng lẻ loi, nhiều khi phải che giấu, nay vô thần là hiện tượng công khai quần chúng thuộc về mọi lứa tuổi và trong mọi môi trường xã hội. Kẻ bị coi là đứng ngoài lề xã hội không còn là kẻ vô thần, trái lại chính là kẻ hữu thần.
Theo tạp chí “Athéisme et Dialogue”, XXI-3, 1986, thì nơi đẻ ra vô thần, chính là các nước Công Giáo lâu năm ở Châu Âu (trang 232).
Trong cuốn “Un homme de foi et son Eglise” xuất bản tháng 01/1988, tác giả Marcel Légaut đã gọi những kẻ ra đi trên đây là “Một mất mát lớn lao” (trang 162), vì đã mất một số đáng kể những người có thiện chí, có giá trị và có nhiều khả năng phục vụ Hội Thánh Công Giáo. Họ ra đi với sự thất vọng và bất mãn đối với Hội Thánh. Sự bất mãn và thất vọng ấy sẽ là gánh nặng vừa cho kẻ ra đi, vừa cho kẻ ở lại. Gánh nặng ấy đang được tỏ rõ trong vụ Đức Cha Marce Lefèvre. Đức Cha M. Lefèvre là cựu Tổng Giám mục Dakar, cựu Khâm sứ Tòa Thánh của vùng tây Châu Phi, cựu Bề trên Cả dòng Chúa Thánh Linh. Mặc dầu bị Tòa Thánh kết án rối đạo, Đức Cha Lefèvre vẫn quả quyết là Ngài không hề bày ra cái gì mới cả, Ngài chỉ trung thành với truyền thống Công giáo. Những kẻ bày ra cái mới, trái với truyền thống Công Giáo, chính là Công đồng Vatican II, và mấy Đức Giáo Hoàng từ Vatican II đến nay. Theo quan điểm của Ngài, thì mấy Đức Giáo Hoàng này và Công đồng Vatican II đã bị nọc dộc của chủ nghĩa văn minh tự do chi phối, nên đã thỏa hiệp với các chủ thuyết chống phá Thiên Chúa, làm hại Giáo Hội, đưa tinh thần đức tin xuống dốc.
Trên đây là những vụ ra đi có tiếng vang lớn. Tòa Thánh kết án những kẻ ra đi về tội này tội nọ. Nhũng những kẻ ra đi lại tố cáo Tòa Thánh về những điều không phải là dễ chống đỡ.
Nếu bây giờ, cũng nhìn vào những bùng nổ khác, có tính cách nội bộ Giáo Hội, ta thấy cũng đáng ngại. Có những bùng nổ trong Giáo Hội toàn cầu. Có những bùng nổ trong môt Giáo Hội địa phương. Có những bùng nổ trong một giáo phận. Có những bùng nổ trong một giáo xứ, trong một cộng đoàn. Năm 1989, 163 nhà thần học công bố một bản chỉ trích chính sách đường lối của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vụ đó chỉ là một điển hình của nhiều vụ tương tự. Nhưng thiết tưởng những vụ bùng nổ ấy không quan trọng cho bằng những “vụ cháy rừng” trong Hội Thánh. Cháy rừng trong Hội Thánh là nhiều đức tin bị thiêu hủy, lây lan như cháy rừng. Cháy rừng là cháy ngày cháy đêm, qua tháng này sang tháng khác, cháy âm ỷ hết lá đến cành, đến thân cây đến rễ, đến lớp lá rụng đã thành than dưới đất. Và đó là sự kiện có đạo nhưng không giữ đạo.
5a. Sự kiện có đạo, nhưng không giữ đạo do tinh thần dửng dưng.
Có những người xưng mình là Công Giáo, nhưng không có một chút tha thiết gì với đạo. Họ dửng dưng đến nỗi không còn lui tới nhà thờ, không còn học hỏi gì về đạo, không còn cầu nguyện, và hầu như bỏ luôn các bí tích. Dửng dưng với đạo nay đang trở thành một hiện tượng xã hội có khuynh hướng lan tràn. Nó là một thái độ lạnh nhạt đối với Thiên Chúa và đối với Hội Thánh Chúa. Thái độ dửng dưng này là một hiện tượng nổi nhất hiện nay tại Âu Châu, nổi hơn cả hiện tượng vô thần. Điển hình như nước Ý, là nước có truyền thống Công Giáo lâu đời, có biết bao nhiêu đấng thánh, có biết bao nhiêu đền thánh, có biết bao nhiêu sách thánh, có biết bao nhiêu tự do, thế mà số giữ đạo thực sự hiện nay chỉ còn 15% tổng số dân có đạo. Số còn lại toàn thuộc loại dửng dưng (La Foi et l'Athéisme dans le monde, trang 33). Theo thăm dò mới nhất, thì tại Pháp, số người đi lễ Chúa Nhật nay chỉ còn 12% (Figaro,5 Janvier 1990).
Một thứ dửng dưng khác cũng đang được nhận thấy khá phổ thông, ngay cả trong giới ngoan đạo và giới tu trì, đó là dửng dưng với Chúa Giêsu trong người nghèo và với tiếng Chúa gọi đi theo Chúa, chia sẻ với Chúa. Biết bao người đạo đức hôm nay cũng đang có một thái độ dửng dưng của người tư tế xưa ngoảnh mặt đi trước cảnh một nạn nhân bị cướp đánh nằm bên vệ đường. Biết bao người đạo đức hôm nay đang có thái độ dửng dưng của người thanh niên giàu có xưa đã lùi bước khi Chúa gọi hãy từ bỏ của cải, vác thánh giá mình mà đi theo Chúa. Biết bao người đạo đức hôm nay đang có thái độ dửng dưng của các tông đồ mê ngủ xưa ở vườn cây dầu, để mặc Thầy chí thánh một mình cầu nguyện trong cơn hấp hối cô đơn. Biết bao người đạo đức hôm nay cũng giống các Pharisêu hồi xưa đã tỏ ra rất bén nhạy với những quyền lợi, uy tín danh vọng hẹp hòi, và rất năng động cho những quyền lợi ấy, nhưng lại rất dửng dưng lạnh nhạt với trách nhiệm làm cho các người chưa biết Chúa nhận ra Chúa và gặp được Chúa. Chính bản thân họ lại che dấu dung nhan Chúa là Đấng hiền lành, khiêm tốn, giầu lòng thương xót. Dửng dưng khô lạt là một chứng bệnh thời đại nơi người đạo đức. Nó khó trị hơn tình trạng sa đọa tội lỗi.
Một chứng bệnh thời đại khác, mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hay nhắc tới, đó là hiện tượng tục hoá.
5b. Sự kiện có đạo nhưng không giữ đạo do tinh thần tục hoá.
tinh thần tục hoá là các khuynh hướng xấu của con người mắc tội tổ tông. Nếu được ma quỉ vẽ vời, thêm vào các cám dỗ tinh vi, tinh thần tục hoá có thể sẽ phát triển một cách ung dung nơi người có đạo, kể cả nơi người tu trì đạo đức không cảnh giác. Xưa Chúa Cứu Thế đã bị ma quỉ cám dỗ về tinh thần thế tục, cụ thể là ham danh vọng, của cải và lợi dụng quyền phép Chúa. Nhưng Người đã thắng.
Cơn cám dỗ ấy vẫn đang tiếp tục trong Hội Thánh, và nhiều người có đạo đã thua. Vì thế, có thể nói, tinh thần tục hoá là một thử thách lớn lao đầy nguy hiểm mà Hội Thánh đang trải qua. Ta hãy nhìn qua một số hình thức tục hoá hiện nay.
Đang có khuynh hướng phát triển trong Hội Thánh các vẻ đẹp bề ngoài hơn là phát triển chiều sâu đức ái và đức tin. Đang có khuynh hướng coi trọng kỷ luật Hội Thánh hơn là giới luật yêu thương là căn bản của đạo. Đang có khuynh hướng tự đắc với một Giáo Hội phục vụ âm thầm. Đang có khuynh hướng đề cao và chạy theo người giầu sang hơn là kính trọng và đi với người nghèo hèn. Đang có khuynh hướng khuyến khích một Giáo Hội quần chúng đấu tranh cho tự do hưởng thụ hơn là một Giáo Hội với những cá nhân và cộng đoàn bé nhỏ lặng lẽ là men, là muối, xây dựng đoàn kết và công lý. Đang có khuynh hướng khích lệ hận thù, ghen ghét như là việc đạo đức với mục đích bênh Hội Thánh và làm sáng danh Chúa hơn là khích lệ hoà giải tha thứ, bác ái, là những cách đích thực làm sáng danh Chúa hơn hết, và cũng chính là bộ mặt thực của Hội Thánh. Trong cuốn “L'Eglise en procès” (1989) cha Paul Valadier còn nêu lên hai việc có vẻ rất đạo đức, nhưng theo Ngài, lại cũng có một thứ tinh thần tục hoá.
Việc thứ nhất là thứ tôn sùng Đức Giáo Hoàng một cách quá đáng, coi Ngài đứng trên Hội Thánh hơn là đứng trong Hội Thánh, một Hội Thánh là dân Thiên Chúa . Việc thứ hai là đề cao Toà Thánh một cách quá đáng, khinh thường các Giáo Hội địa phương, coi Toà Thánh như là nguồn mạch và nền tảng của các Giáo Hội địa phương, đang khi thực sự Hội Thánh khởi đi từ các Giáo Hội địa phương (trang 224-226).
Những thứ tục hoá trên đây có lẽ không dễ nhận ra cho bằng những thứ tục hoá thường xuyên hằng ngày nhan nhản khắp nơi. Như tục hoá bài giảng, tục hoá Thánh Lễ, tục hoá nhà thờ, tục hoá chức linh mục, tục hoá đời tu, từ cách nói năng đến lý tưởng và đời sống tu trì.
Với tinh thần dửng dưng và tục hoá rất mạnh trong chính Hội Thánh, Hội Thánh sẽ Phúc Âm hoá chính mình và nhân loại thế nào đây? Chẳng lẽ Hội Thánh lại coi tinh thần dửng dưng và tục hoá đang làm gió bão trong Hội Thánh như những thành công truyền giáo. Nếu vậy, thì vấn đề đặt ra có lẽ sẽ là vấn đề tự cứu chính mình trước khi cứu kẻ khác.
6. Sự kiện Hội Thánh Chúa Giêsu hôm nay xem ra không chứng minh được là có bao nhiêu khả năng cải đổi chính mình và xã hội cho nên tốt hơn.
Biến đổi chính mình và xã hội mình cho nên tốt hơn, đó là một thách đố mà lịch sử đang đặt ra cho Hội Thánh chúng ta hôm nay. Nếu người có đạo, các cộng đồng đức tin như các gia đình có đạo, các dòng tu, các họ đạo, các nước có đạo, nhất là các đấng bậc có đạo không minh chứng được là mình lương thiện, công bằng, bác ái, tha thứ quảng đại, hiền lành, khiêm tốn, thì lấy gì thuyết phục được người ngoài Công Giáo tin vào đạo chúng ta.
Trong bài diễn văn đầu năm 1990, đọc trước ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha GIoan Phaolô II đã thẳng thắn nói đến những bóng tối đang bao phủ các nước Tây Âu Thiên Chúa giáo, đó là tính ích kỷ, tôn thờ khoái lạc, kỳ thị chủng tộc và duy vật thực hành (Observatore Romano,No 4 (2092) 23 Janvier, 1990. trang 5, No 9).
Trong thông điệp Sollicitudo rei socialis, Đức Thánh Cha càng bi quan về các nước phát triển Âu Châu, đa số theo Thiên Chúa giáo.
- Một là vì đường lối phát triển ấy chỉ phục vụ cho một số tầng lớp nhất định trong xã hội. - Hai là vì nó làm cho con người dễ trở thành nô lệ của cải. - Ba là nó đẩy con người luôn đi tìm hưởng thụ (số 28).
Ngoài ra, đường lối phát triển đó đang gây ra cho chính nước phát triển những đặc điểm của tình trạng kém phát triển, đó là sự thiếu nhà ở, nạn thất nghiệp, cảnh có những người bị sống ngoài lề, hay như bị loại trừ khỏi xã hội (số 17,18).
Hơn nữa, đường lối phát triển đó cũng làm cho hố ngăn cách giữa các nước giầu và các nước nghèo càng sâu rộng hơn (số 14).
Trong cuốn “Vers une Eglise différente” cha Louis Lochet kể lại có trường hợp nhiều thanh niên Nhật Bản khi đọc các sách Công Giáo, đã tỏ ra mến đạo và muốn theo đạo, nhưng khi sang các nước Âu Châu Thiên Chúa giáo, thấy tận mắt cảnh sa đọa của dân các nước đó, họ đã tỏ ra thất vọng và thực sự lo ngại cho đất nước Nhật Bản của họ, nếu ngày nào đất nước họ chẳng may rơi vào đạo Công Giáo (trang 30).
Cha cũng viết: Ông Mao Trạch Đông đã trở thành Mácxít, không do thấm nhuần lý tưởng Mácxít, cho bằng do phản ứng lại những bất công và tồi tệ ông thấy ở Âu Châu Thiên Chúa giáo.
Bây giờ, chúng hãy nhìn sang các nước khác đa số là dân Công Giáo, như Phi Luật Tân và các nước Nam-Trung-Mỹ. Ta sẽ không khỏi mắc cỡ khi thấy những nước đó đang được nổi nang vì nợ nần, vì những bất công xã hội, và vì những tồi tệ luân lý.
Tại Việt Nam, từ hai năm nay, Hội Thánh đã có những bước tiến về phát triển bề ngoài, nhưng tại nhiều nơi đã có những bước xuống trầm trọng về tinh thần Phúc Âm. Không thiếu những người có đạo nhưng kkông giữ đạo. Không thiếu những người có đạo nhưng đã bỏ đạo. Không thiếu những người có đạo nhưng chẳng tốt hơn ai. Ngay nơi nhiều người tu, tinh thần cầu nguyện, khắc kỷ, trách nhiệm công bình, bác ái, khiêm nhường cũng chẳng sáng hơn người khác. Đang khi đó, nơi nhiều người ngoài Công giáo lại sáng lên những tấm gương đẹp về lương thiện, lương tâm trách nhiệm và tình người đầy khiêm tốn và quảng đại.
Những nét trên đây có thể làm ta buồn. Nhưng thà biết buồn, để nên khiêm tốn, còn hơn cố tình tự đắc một cách sai lầm. Khiêm nhường là một khởi đầu tốt. Chúa rất thương kẻ hạ mình. Hãy khiêm tốn như người thu thuế cầu nguyện cuối nhà thờ. Đừng tự đắc như người Pharisêu, đứng trước bàn thờ kể lể thành công. Chúa ghê tởm những kẻ khoe khoang về những thành công tự phong cho mình. Vua Đavit đã bị Chúa phạt nặng nề, chỉ vì đã ra lệnh làm sổ nhân danh với hậu ý khoe khoang. Trái lại, vì khiêm tốn ăn năn tội mình, và tội của dân, Maisen đã được Chúa xót thương phù giúp.
Có những thất bại là mẹ thành công, và có những thành công là cha thất bại, nên chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần giúp ta biết rút ra từ các sự kiện nêu trên những suy nghĩ hợp thánh ý Chúa nhất, hầu ta sẽ có thể thực hiện sứ mạng truyền giáo của ta một cách hữu hiệu hơn.
Lạy Chúa Thánh Thần, Xin thương đổi mới chúng con.
(Cấm Phòng năm các Linh Mục Tổng Giáo Phận TP. HCM 1990: ĐỨC TIN– Bài 4)
Tháng sáu vừa qua, tôi dự Thánh lễ mở tay của một tân linh mục. Bài giảng hôm đó tập trung vào Bùi-Tuần 2145
Tháng sáu vừa qua, tôi dự Thánh lễ mở tay của một tân linh mục. Bài giảng hôm đó tập trung vào sự ca tụng chức linh mục. Đang khi cha giảng lên giọng hùng hồn thao thao bất tuyệt, hết lời nâng cao linh mục, thì tôi thấy một cha trước mặt tôi ngủ gục ngon lành. Ngài là vị chức cao quyền trọng, trong phẩm phục đại lễ, ngồi ghế danh dự trên cung thánh, trước mặt cộng đoàn dân Chúa. Nhìn ngài ngủ gục, tôi thấy thương ngài. Tôi thông cảm thực tế yếu đuối của ngài.
Từ hình ảnhh ấy, tôi nghĩ tới những yếu đuối của chính tôi. Tôi muốn lướt thắng mọi thứ yếu đuối. Nhưng chúng vẫn còn đó, như những gánh nặng, như những thách đố. Sự cảm nghiệm về những yếu đuối của mình là rất sống động và thường xuyên. Vì thế, trước trách nhiệm truyền giáo, tôi càng thấy mình quá yếu đuối. Do đó, tôi đã có những lựa chọn thích hợp với sự yếu đuối của tôi. Giờ đây, tôi xin phép chia sẻ với anh em những lựa chọn ấy.
Chọn lựa thứ nhất của tôi là: Vì rất yếu đuối nên tôi hết lòng cậy tin Chúa Kitô. Chính nhờ Người, với Người và trong Người mà tôi
Sự tin cậy của tôi là nhìn thấy trước mắt sự yếu đuối của mình như một vực thẳm, đồng thời nhìn thấy tình xót thương của Chúa như một bàn tay cứu độ quyền năng. Càng nhìn rõ hai sự thực đó, tôi càng gắn bó với Chúa. Sự gắn bó này là một sự vươn lên vô điều kiện, một sự phó thác tuyệt đối. Nó không dựa chút nào vào công phúc gì của mình, mà hoàn toàn chỉ dựa vào lòng nhân lành của Chúa.
Có lúc tôi yếu đuối quá, chỉ còn biết lập đi lập lại mấy lời đơn sơ: “Lạy Chúa, xin thương xót con. Lạy Chúa, xin đừng bỏ con!”. Tôi cầu nguyện như người thu thuế ở cuối nhà thờ như người phong cùi bên đường đợi Chúa đi qua, như người ăn trộm đóng đinh bên hữu Chúa.
Sự tin cậy phó thác như vậy là xác tín mình nghèo nàn, hèn hạ, khốn khó, chẳng có gì sẵn, ngoài sự đợi chờ ở Chúa. Đợi chờ và tin tưởng cầu nguyện. Cầu nguyên và tin tưởng đợi chờ. Sẵn sàng đón nhận ý Chúa, vâng theo ý Chúa. Mọi hướng dẫn của Chúa trong lịch sử bao giờ cũng mang tính cách sáng tạo, để tiếp tục công trình tạo dựng ban đầu, hầu đưa vũ trụ và nhân loại tiến triển không ngừng về mục tiêu cứu độ. Vì thế, khi thấy sự hướng dẫn của Chúa có gì mới, không y hệt như trước kia, tôi sẽ hỏi lại Chúa. Và khi Chúa trả lời tôi bằng cách làm tôi xác tín rằng đường lối ấy sẽ cứu được nhiều linh hồn, thì tôi không còn cách nào khác là phải tuân theo sự hướng dẫn ấy.
Như thế, tin cậy Chúa Kitô, chính là nhờ Người, với Người và trong Người, thao thức với phần rỗi các linh hồn, tìm cách làm cho mọi người đón nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô.
Sự tin cậy này phải là thường xuyên. Nhưng nó cần được đốt nóng lên một cách đặc biệt trong những thời điểm mạnh, đó là khi dâng Thánh Lễ, nguyện kinh nhật tụng, suy gẫm và xét mình sám hối.
Lỗi lầm thông thường của chúng ta về sự tin cậy là ít cầu nguyện, hoặc khi cầu nguyện, ta đã có những kết luận chọn sẵn, như để chỉ xin Chúa thông qua, chứ không có thái độ khó nghèo, đợi chờ sự hướng dẫn của Chúa và sẵn sàng đón nhận ý Chúa. Lỗi lầm của ta cũng còn là quan tâm đến quyền lợi cái tôi hơn phân rỗi các linh hồn. Đôi khi quyền lợi cái tôi được che giấu tinh vi dưới những thứ quyền lợi của Hội Thánh, mặc dầu chính đáng, nhưng vẫn không so sánh được với phần rỗi các linh hồn. Thành ra, sự tin cậy của ta thay vì gây được bầu khí bình an tâm hồn, thì lại gây nên những sóng gió bất an, làm ta chao đảo.
Khi tôi thấy mình quá tệ, như muốn ngã lòng, tôi lại nghĩ tới những thái độ quá thương Chúa đã dành cho người con phung phá, cho kẻ làm công giờ thứ mười một, cho người đàn bà tội lỗi, cho kẻ trộm đóng đinh bên hữu Chúa. Nếu những thái độ quá thương ấy bị nhiều người trách cứ là những bất công, thì những bất công ấy đáng gọi là cao cả, đầy can đảm, nhờ vậy mà bao người được cứu rỗi. Khi nhìn theo góc độ ấy, tôi mới thấy rõ số người được cứu rỗi sẽ rất bất ngờ. Cái nhìn đó càng làm cho niềm tin cậy của tôi thêm táo bạo. Tuy nhiên, dù táo bạo tới đâu, niềm tin cậy của tôi vẫn nhỏ bé hơn lòng xót thương của Chúa.
Chọn lựa thứ hai của tôi là: Vì rất yếu đuối nên cách tôi làm chứng về Chúa sẽ là bắt chước những thái độ yếu của Chúa Kitô.
Chúa Giêsu luôn tha thiết muốn làm chứng về Thiên Chúa. Satan biết điều đó. Nên nó cũng đi theo hướng đó má cám dỗ Chúa. Đại khái đề nghị của nó là: Ông nên làm chứng ông là Con Thiên Chúa bằng cách biến đá thành bánh. Ông nên làm chứng ông là người thánh, được thiên thần che chở, bằng cách ông từ mái đền thờ nhảy xuống an toàn. Ông nên làm hứng về quyền năng Chúa bằng cách ông cộng tác với tôi nắm trọn trong tay quyền cai trị muôn dân. Cả ba chước cám dỗ đều nhằm mục đích làm chứng cho Chúa, làm sáng danh Chúa, bằng cách phô trương quyền lực: Quyền lực của cải, quyền lực thần thiêng, quyền lực chính trị. Một quyền kực mạnh chứng tỏ một sức sống mạnh của một tôn giáo mạnh, làm vinh danh một Thiên Chúa mạnh. Cơn cám dỗ xem ra có lý. Nhưng Chúa Giêsu đã quyết liệt từ chối.
Các tông đồ có lúc cũng yêu cầu Chúa Giêsu có biện pháp mạnh đối với những dân thành không muốn đón tiếp Chúa. Các ông đề nghị khiến lửa bởi trời xuống đốt mấy thành ấy. Đề nghị xem ra có lý. Nhưng Chúa Giêsu đã nhất mực từ chối.
Có lúc, dân chúng cũng đã muốn tôn vinh Chúa làm vua. Họ muốn Người nắm lấy cơ hội để trở thành người mạnh, người hùng, như thế sẽ có lợi cho đạo. Ý kiến ấy xem ra có lý. Nhưng Chúa Giêsu đã thẳng thắn từ chối.
Rồi khi bị treo trên thánh giá, Chúa Giêsu lại phải đối phó với một cơn cám dỗ cuối cùng, lần này do các thầy cả đưa ra. Cũng là cơn cám dỗ về quyền lực: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, ông hãy làm chứng bằng cách nhảy xuống khỏi thánh giá đi, rồi chúng tôi sẽ tin”. Thách đố xem ra có lý. Nhưng Chúa Giêsu đã làm thinh.
Như vậy, từ hang đá Bêlem đến núi Calvariô, Chúa Giêsu luôn chọn thái độ yếu, đó là khiêm tốn, hiền lành, khó nghèo, thứ tha, phục vụ. Người muốn là kẻ gánh tội và đền tội cho nhân loại, chứ không phải kẻ đem quyền lực đến để thống trị và gây dựng uy tín cho mình.
Đầy tớ không trọng hơn Thầy. Tôi phải bắt chước Người. Khi chọn bắt chước thái độ yếu của Chúa Giêsu, tôi không nghĩ đến sự làm chứng trước mặt người ta, cho bằng làm chứng trước mặt chính Chúa. Tôi muốn làm chứng cho Chúa thấy rằng tôi đi theo Chúa. Có thế thôi. Tôi tin rằng: Cái yếu của tôi là một chút từ bỏ mình. Nó chẳng là gì. Nhưng khi hoà vào những hy sinh bao la của Chúa Kitô, nó sẽ trở thành cái giá, mà Thiên Chúa đòi, để cứu rỗi cái linh hồn.
Càng ngày, tôi càng thấy các tông đồ ngày nay phải như những hạt giống, nếu có thối đi, mới nảy sinh được những mầm non tươi tốt. Chấp nhận thối đi là một chọn lựa yếu. Nhưng phải can đảm nhiều để dám chọn yếu. Và khi thấy mình đang thực sự thối đi trước mặt bạn bè và cộng đoàn tín hữu, người tông đồ cần cảnh giác và xin ơn rất mạnh của Chúa nâng đỡ mình, để khỏi tím cách bù trừ cái đã và đang mất mát bằng một sự tự hào đạo đức. Thí dụ, thay vì coi mình là đầy tớ vô ích như Chúa dạy, người tông đồ đang là hạt lúa thối đi sẽ lại tự khoe mình đang đền tội lập công trên đường thánh thiện.
Chọn lựa thứ ba của tôi là: Vì rất yếu đuối nên tôi sẽ cộng tác với mọi người đang cùng Chúa Giêsu thăng tiến con người, đồng bào của tôi.
Địa chỉ tôi được sai đến là con người, là nhân loại, là đồng bào Việt Nam của tôi hôm nay, nhất là những ngưòi nghèo hkó. Tôi nghĩ tới lời Kinh Thánh: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người sai tôi đi rao giảng tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”.
Nhân loại của tôi, đồng bào của tôi hôm nay đang nghèo khó nhiều thứ lắm. Họ cần được thăng tiến về mọi mặt. Đối với tôi, Chúa Kitô vừa là mô hình thăng tiến, vừa là nguồn lực thăng tiến. Người là Đường, là Sự Thực và là Sự Sống.
Trước hết, để thăng tiến, thì đồng bào của tôi cần xây dựng được những con đường liên đới tốt. Vậy xung quanh tôi, có biết bao người đang xây dựng những con đường như thế. Con đường như thế là những liên hệ của cuộc sống. Tại những liên hệ này người ta gặp nhau, thiết lập với nhau những mối dây tình nghĩa, tình thương, bè bạn, hợp tác. Đó là những con đường vô hình. Nhờ những tuyến đường này mà ngưòi ta chuyên chở qua nhau những đỡ nâng, những liên kết, những thông cảm. Khi truyền giáo, Phúc Âm cũng dùng những con đường có sẵn đó để đến với đồng bào, và đồng bào cũng sẽ dùng những con đường đó để đến với Phúc Âm. Vì thế, truyền giáo là phải biết kính trọng và khích lệ những người đang làm nên và đang phát triển những con đường như vậy. Họ là những ngưòi cộng tác của Chúa Giêsu là đường. Dù họ là ai, trong một mức độ nào đó, họ đang sống Phúc Âm và truyền bá Phúc Âm.
Ngoài ra, để thăng tiến, thì đồng bào của tôi, cần tiếp nhận các chân lý đủ loại. Vậy, xung quanh tôi có biết bao người đang cung cấp cho nhau những chân lý cần thiết và hữu ích. Từ các chân lý sơ đẳng về cách ăn nết ở, cho đến các chân lý khoa học, qua tục lệ, qua giáo dục, qua tiếp xúc, qua sách báo và các phương tiện truyền thông. Tôi nghĩ rằng bất cứ chân lý nào cũng là tia sáng của trí tuệ Thiên Chúa và bất cứ ai dạy bất cứ chân lý nào cũng là những người cộng tác với Chúa Kitô là sự thực. Họ đáng được kính trọng và khích lệ. Dù họ là ai, trong một mức độ nào đó, họ đang sống đạo và làm việc truyền giáo.
Hơn nữa, để thăng tiến, thì đồng bào của tôi cần có một cuộc sống thể xác, tinh thần an vui thoải mái. Vậy xung quanh tôi, có biết bao người đang góp phần làm cho cuộc sống được tốt đẹp, biết bao người đang từng giờ cứu các cuộc sống khỏi tàn tạ và xấu đi, biết bao người đang hy sinh để người khác được sống. Họ đáng được kính trọng, như những cộng tác viên của Chúa Giêsu là sự sống. Dù họ là ai, trong một mức độ nào đó, họ đang sống Tin Mừng và loan báo Tin Mừng cứu độ.
Tháng sáu vừa qua, những khi theo dõi Mundial Italia 90 trên máy truyền hình, tôi hay nghĩ tới hơn một tỷ người trên khắp năm châu cũng đang sống những giờ phút theo dõi như tôi. Tôi có cảm tưởng là Chúa Giêsu cũng đang có mặt ở Mundial. Bởi vì, nếu Người là Đường, là Sự Thực và là Sự Sống, thì dù Mundial có nhiều lạm dụng, vẫn đang cố xây dựng những con đường nối kết các dân tộc, nơi đây cũng là một trường học huấn luyện con người biết tôn trọng những sự thực và sự chính xác, nơi đây cũng là lễ hội, ca tụng những cuộc sống khoẻ mạnh, lanh lẹ, vui tươi, kỷ luật, đầy xã hội tính. Và như thế, sân banh cũng đang góp phần thăng tiến con người, một sự thăng tiến đòi hỏi nhiều đấu tranh thể xác và tinh thần.
Cái nhìn như trên cho tôi thấy, số người được Chúa gọi cộng tác với Chúa để thăng tiến con người là một số đông vô kể. Tôi cũng được gọi, nhưng được gọi là được gọi với bao ngưòi khác, để cùng với họ, thăng tiến con người, Phúc Âm hoá đồng bào của tôi. Tôi không được gọi riêng rẽ, nhưng được gọi cùng với những người khác. Có nghĩa là sự kính trọng dành cho người khác, hợp tác với người khác là một trách nhiệm của chính bản chất ơn gọi tông đồ.
Ở đây, tôi nghĩ cách riêng đến các giáo hữu, các nam nữ tu sĩ. Tôi rất biết ơn họ. Tôi muốn nói với họ rằng: Họ làm việc truyền giáo nhiều hơn tôi, nhiều khi hơn cả hàng giáo sĩ chúng ta.
Nói thực cho ngay, thì chính những ngưòi khác đang thăng tiến tôi. Tôi lãnh nhận nơi họ có khi nhiều hơn là tôi phục vụ họ. Điều đó sẽ là một tin mừng vừa đúng vừa dễ hiểu mà người truyền giáo có thể nói lên cho những người mình muốn truyền giáo cho. CHúa Giêsu cũng đã làm như vậy cho ngưòi phụ nữ Samaria trên giếng Giacob. Chúa lên tiếng trước. Chúa xin bà chút nước uống. Nghe lời xin ấy, bà cảm thấy mình được chú ý, được kính trọng, bà thấy mình là người có ích, là người có khả năng làm ơn, là người có tiềm năng tốt. Đó là một tin mừng lớn đối với bà, một tin mừng giải thoát bà khỏi mặc cảm, một tin rằng mở lòng trí bà hướng lên Đấng có sức giải thoát bà khỏi tội lỗi và dẫn bà đến sự sống đời đời. Thế rồi, cuộc trao đổi đã từng bước đi lên. Sau cùng, người đàn bà tội lỗi ấy đã trở thành kẻ loan báo Tin Mừng rất nhiệt tình cho dân ngoại. Truyền giáo như thế là dùng chính những người tội lỗi, yếu đuối, hèn hạ làm người cộng tác, để rao giảng ơn tha thứ, sự phục hồi nhân phẩm, và niền tin vào Chúa Kitô cứu độ. Chính họ là một bản tin hấp dẫn khiến nhiều người suy nghĩ.
***
Để kết thúc bài giảng này, tôi xin kể một mẫu chuyện nhỏ. Cuối tháng 3, 1988, tôi ở Tây Đức để trị bịnh. Hôm đó là ngày bác sĩ hẹn: Thứ hai, 22/3/1988, lúc 9h sáng, tại bệnh viện Lôretto, chị Mathilde dẫn tôi đi. Tới bệnh viện, chúng tôi lấy thang máy để lên phòng khám của bác sĩ. Khi cửa thang máy tự động khép lại, thì một bà già hối hả bước tới. Chúng tôi hiểu là bà cũng muốn lên lầu, nên chúng tôi giữ cửa lại, và mời bà vào phòng thang máy. Khi thang máy đang từ từ đi lên, thì bà già hỏi nhỏ cô Mathilde: Người ngoại quốc đứng bên chúng ta đây có phải là người Á Đông hay không? Cô Mathilde thưa: Dạ phải. Bà già tiếp: Cách đây gần 30 năm, có một linh mục Việt Nam đã rửa tội cho con tôi. Từ đó, gia đình chúng tôi vẫn cầu nguyện cho ngài . Chúng tôi không biết bây giờ, ngài còn sống không, và ở đâu? Cô Mathilde thưa: Người ngoại quốc bên cạnh chúng ta là một Giám Mục người Việt Nam đấy. Tôi quay sang chào bà và hỏi: Con bà được rửa tội ở đâu? Năm nào? Bà thứ: Ở Elisabethkrankenhaus Freibourg, năm 1960. Tôi trả lời: Như thế chắc là tôi. BỞi vì hồi đó tôi là linh mục Việt nam duy nhất trú học tại đây. Nghe vậy, bà già sửng sốt, ứa nước mắt đứng lặng người.
Lúc đó, thang máy cũng vừa dừng lại. Chúng tôi bước ra. Bà yêu cầu chúng tôi đợi một chút. Vài phút sau, một thanh niên cao lớn đi tới. Bà giới thiệu: Đây là Peter, đã được Cha rửa tội. Rồi bà kể: Bà lập gia đình muộn, lại bị sảy thai hai lần. Khi sinh được một bé trai, bà khấn với Chúa là suốt đời gia đình bà sẽ cầu nguyện cho linh mục nào rửa tội cho con bà, để nhờ việc lành nhỏ mọn ấy, xin Chúa gìn giữ con bà. GIa đình bà đã luôn trung thành giữ lời khấn xưa, hằng ngày vẫn cầu nguyện cho Cha đã rửa tội cho Peter. Vợ chồng bà chỉ có Peter, là con duy nhất. Anh đang làm nghề luật sư. Anh rất hiếu thảo với cha mẹ. Đúng là Chúa đã phù trợ cho con bà như bà đã khấn xin. Mấy hôm sau, tôi đến nhà bà. Tôi xem lại sổ gia đình bà, và đọc lại chữ tôi đã ghi rửa tội và đã ký tên ngày 08/12/1960.
Sự sắp xếp kỳ diệu của Chúa quan phòng để có sự gặp gỡ lạ lùng đầy bất ngờ đúng vào lúc tôi cần được nâng đỡ, đã giúp tôi càng tin cậy vào Chúa. Đột nhiên, tôi thấy rất rõ Chúa có mặt trong đời tôi, đang đồng hành với tôi, và dùng nhiều người để nâng đỡ tôi. Tôi thấy bất cứ linh mục nào, dù yếu hèn đến như tôi, cũng có quyền tin cậy như vậy, Bởi vì, Chúa là Cha vô cùng thương xót.
(Cấm Phòng năm các Linh Mục Tổng Giáo Phận TP. HCM 1990: ĐỨC TIN– Bài 5)
Một lần, tôi được mời dự lễ Kim Khánh linh mục một cha quen. Tôi thấy trước Thánh Lễ, trong Bùi-Tuần 2146
Một lần, tôi được mời dự lễ Kim Khánh linh mục một cha quen. Tôi thấy trước Thánh Lễ, trong Thánh Lễ và sau Thánh Lễ, có cả thảy năm bài mừng chúc. Hầu như bài nào cũng như một cuốn phim chiếu lại quãng đời phục vụ của ngài. Ngài ở đâu, làm gì, cũng đều để lại những thành tích sáng chói. Nghe xong những bài ấy, tôi hết sức mừng cho cha Kim Khánh. Nhưng thú thật, tôi đã rất xấu hổ cho tôi. Bởi vì nhìn vào mình, tôi thấy mình xấu quá, ánh sáng thì tìm không ra, mà bóng tối thì chỗ nào cũng có. Trong tâm tư ấy, tôi nhìn lên Chúa Giêsu trên Thánh Giá, cầu xin Người tha tội cho tôi. Bất chợt, tự nhiên tôi chú ý tới mấy cha đồng tế ngồi đàng xa. Có một số vị tuổi tác, đau ốm, có một số vị chưa được bổ nhiệm. Nhưng tôi biết tất cả các vị ấy đều vẫn không ngừng phục vụ, kẻ cách này, người cách khác. Từ những mẫu gương âm thầm phục vụ đó, tôi nghĩ tới những cách phục vụ đơn giản trong Phúc Âm để làm theo.
Phục vụ đơn sơ.
Trước hết, tôi để ý đến ngôi sao sinh nhật. Ngôi sao sinh nhật đã đóng vai người phục vụ trong việc truyền giáo. Ngôi sao ấy đứng chung với muôn vàn ngôi sao khác, nhưng mang một tín hiệu riêng. Nó chỉ là một vệt sáng trên bầu trời bao la thinh lặng, nhưng nó âm thầm mở một hướng đi cho Ba Vua. Nhiệm vụ của nó chỉ đơn giản là dẫn đường. Nhóm người được nó dẫn đường chỉ gồm ba ông. Con số quá nhỏ. Ba ông lại là người ngoại đạo. Chuyến đi của họ chẳng huy hoàng gì. Thế nhưng ngôi sao đã làm một việc mà không ai thay thế được. Phụv vụ của nó, tuy hạn chế, nhưng hữu ích biết bao.
Và khi nhìn vào những ngưòi xung quanh tôi, tôi cũng thấy có những ngôi sao như vậy. Thí dụ: Đức Cha già của tôi. Vì tuổi tác, Ngài sống ẩn dật, nhưng vẫn phục vụ âm thầm. Ngay sự Ngài năng viếng Mình Thánh, và hay lần chuỗi cũng đã là một chỉ hướng cho con cái. Tuy con cái gần Ngài chỉ là một nhóm nhỏ, sự dẫn đường chỉ lối như vậy của Ngài, vẫn là một phục vụ quí báu của ngôi sao sinh nhật. Đó là một phục vụ đơn giản, có thể bắt chước được.
Tìm gương phục vụ đơn giản khác trong Phúc Âm, tôi lại để ý đến con lừa. Con lừa, đóng một vai trò khá quan trọng trong việc phục vụ Chúa. Nó chở Đức Mẹ sắp sinh đến Bêlem. Nó chở Hài Nhi Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse sang AiCập. Nó chở thánh gia về Nazareth. Nó chở Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Con lừa phục vụ đã phải cực lắm. Chịu nắng, chịu mưa, chịu đói, chịu khát, chịu mệt mỏi. Con lừa vốn loại chẳng thông minh gì, nhưng chịu khó, dẻo dai và ít đòi hỏi. Nó rất tầm thường, nhưng phục vụ của nó đối với Chúa Giêsu trong Phúc Âm phải được kể là rất cao.
Rồi tôi nhìn vào cuộc sống hôm nay, tôi cũng thấy có những con lừa Phúc Âm như vậy. Chính tôi cũng muốn được là một con lừa của Chúa. Nhưng chưa chắc đã được. Điều chắc chắn là rất nhiều người xung quanh tôi đã rất chịu khó trong việc phục vụ. Thí dụ: Những người giúp việc của tôi, lương bổng chẳng bao nhiêu, nhưng làm việc quần quật tối ngày, chịu thương, chịu khó, âm thầm và nhẫn nại. Trong một họ đạo, trong một nhà xứ, trong một Toà Giám Mục, họ vẫn tầm thường, nhưng nếu thiếu họ, nhiều chương trình mục vụ sẽ bị bế tắt. Phục vụ của họ đáng gọi là phục vụ của con lừa Phúc Âm, với một ý nghĩa thiêng liêng, trân trọng. Đó là một phục vụ đơn giản, có thể bắt chước được.
Rồi trong tìm thêm gương phục vụ đơn sơ trong Phúc Âm, tôi lại để ý đến chiếc khăn Chúa Giêsu đã dùng để lau chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly. Nó chịu ướt, để có những bàn chân được khô. Nó chịu dơ, để có những bàn chân được sạch.
Rồi tôi nhìn xung quanh tôi, tôi gặp thấy không thiếu người đang phục vụ như chiếc khăn lau chân ấy. Họ là linh mục, chủng sinh, giáo dân, lương dân. Cử chỉ nhân ái của họ là tấm khăn lau, để lau lòng ngưòi được bớt đi những mệt mỏi, những lo âu, phiền muộn, những mặc cảm và thất vọng. Tôi cũng thấy nhiều tâm hồn quảng đại. Cái tốt của họ như tấm khăn đẹp thơm che đi những cái xấu của người khác. Họ phục vụ âm thầm như chiếc khăn lau chân. Lau xong, lại lặng lẽ ở một xó, coi đó là chỗ bình thường. Tôi đang thấy nhiều tấm lòng vị tha, khiêm tốm. Họ làm những việc hèn hạ mà chẳng ai muốn tranh dành, chỉ vì phục vụ kẻ khác.
Trên đây chỉ là vài thí dụ nhỏ về cách phục vụ đơn sơ. Chủ ý nói lên điều này là: Mọi người chúng ta, không trừ một ai, phải cố gắng phục vụ, nếu không thể bằng những việc có tầm cỡ, thì cũng hãy bằng những việc bé nhỏ, đơn sơ, âm thầm. Lý do là vì càng phục vụ tốt, ta càng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Càng phục vụ tốt, ta càng đạt được lý tưởng linh mục của ta.
Lý do phục vụ.
Thực vậy, con người là hình ảnh Thiên Chúa. Chúa nói rõ điều đó khi tạo dựng tổ tông loài người. Thiên Chúa là một Chúa Ba Ngôi. Giữa BA Ngôi, có những liên hệ với nhau, mà sợi dây liên hệ căn bản nhất là tình yêu. Do đó, con ngưòi là hình ảnh của Thiên Chúa. Khi biết sống đúng những mối liên hệ của mình, đó là ta liên hệ với Chúa và liên hệ với anh em. Những liên hệ ấy là các hình thức khác nhau của tình yêu, mà quan trọng nhất và căn bản nhất chính là phục vụ.
Từ cái nhìn đó, con người không những được định nghĩa là Ens rationale, hiện hữu có lý trí, mà còn được địng nghĩa là Ens relationale, hiện hữu của những tương giao, être des relations.
Để hiểu hơn quan niệm đó, chúng ta hãy nhìn kỹ Chúa Cứu Thế. Người là hình ảnh hoàn chỉnh nhất của Thiên Chúa. Người đã tự giới thiệu mình là tình yêu phục vụ. Ngưòi nói: Tôi đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ. Phục vụ của Chúa Cứu Thế là lo hạnh phúc cho toàn diện con người, cả hồn lẫn xác. Nhưng nhất là ở sự Người gánh tội cho nhân loại, xoá tội cho nhân loại, tha tội cho nhân loại, và đền tội cho nhân loại.
Chính sự phục vụ vừa nói trên là trách nhiệm mục vụ đã trao cho giáo sĩ. Huấn từ đọc trong lễ phong chức Phó Tế và Linh mục đã nhắc đi nhắc lại đến bổn phận phục vụ bằng chia sẻ Lời Chúa, ban bí tích và làm việc từ thiện bác ái.
Như vậy, ai càng biết phục vụ, sẽ càng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và giáo sĩ nào càng biết phục vụ, càng nên giống Chúa Kitô là mục tử đời đời. Nói một cách gọn hơn, ai càng biết phục vụ, càng sẽ là người hơn, càng phát huy được tính người hơn.
Đòi hỏi của phục vụ.
Phục vụ là đáp ứng đúng nhu cầu của người khác, và đáp ứng đúng lúc. Làm cho ai, một việc mình cho là tốt, nhưng việc đó không đúng nhu cầu của họ, thì không phải là phục vụ. Thí dụ: Tôi đang có nhu cầu phải được nghỉ ngơi trong bầu khí yên tĩnh. Vậy nếu ai mở nhạc cho lớn, hoặc đến nói chuyện dài dòng lê thê, thì dù với thiện chí cao, việc họ làm cho tôi sẽ không thể là phục vụ, vì không đáp ứng đúng nhu cầu. Ngoài ra, phải đáp ứng đúng lúc. Thí dụ: Lúc tôi đang vác thánh giá, nếu có người vác đỡ cho tôi, thì đó là phục vụ đúng lúc. Việc mình làm cho kẻ khác, mặc dầu mình cho là tốt, nhưng không đúng lúc, có thể trở thành phản phục vụ.
Vì thế, để phục vụ trong mục vụ được hữu hiệu, thiết tưởng giáo sĩ chúng ta vừa phải có lòng đạo đức, vừa có tinh thần khoa học. Phục vụ với tâm hồn đạo đức, nhưng một cách khoa học. Phục vụ với tinh thần khoa học, nhưng một cách đạo đức. Thí dụ: Một bài giảng chỉ là một chuỗi dài lập đi lập lại những lời khuyên răn đạo đức, và một bài giảng được dàn dựng một cách khoa học với các tư tưởng đã được chọn lực về Thiên Chúa và về con người. Tuy cả hai bài giảng cũng nhằm phục vụ người nghe, nhưng người nghe sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với bài giảng thứ hai, bởi vì họ thấy mình được kính trọng do được phục vụ bởi những tư tưởng có chất lượng và cách sắp xếp có khoa học. Tôi tin là con người thời nay, trong đó có chúng ta, không còn chấp nhận dễ dàng một thứ phục vụ chỉ đơn thuần mang màu đạo đức mà thiếu hẳn tính chất khoa học.
Tháng 12/1989 lợi dụng chuyến đi Thụy Sĩ, tôi đã ghé Pháp để thăm vài Đức Cha quen. Tôi muốn những cuộc ghé thăm như vậy phải là những phút làm việc về một đề tài nào đó. Một trong những đề tài mà tôi đã chọn là trao đổi kinh nghiệm mục vụ. Khi trao đổi, Đức Cha nào cũng nói với tôi đại khái là: mục vụ thời nay là một thứ phục vụ cần được nghiên cứu và đổi mới sao cho thích hợp, đúng nơi, đúng lúc, nghĩa là phải có đạo đức và đồng thời phải có khoa học mới trông phục vụ có kết quả tốt được. Để giúp tôi có một cái nhìn cụ thể hơn, Đức Cha giáo phận St. Denis đã kể ra những ban nghiên cứu mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Pháp như sau:
1. Commission épiscopale de la Famille. 2. Commission épiscopale du monde ouvrier. 3. Commission épiscopale du monde rural. 4. Commission épiscopale des milieux indépendants. 5. Commission épiscopale d'enfance-jeunesse. 6. Commission épiscopale du monde csolaire et universitaire. 7. Commission épiscopale des migrations. 8. Commission épiscopale de l'opinion publique. 9. Commission épiscopale du clegé et des séminaires. 10. Commission épiscopale de l'état religieux. 11. Commission épiscopale de liturgie et pastorale sacramentelle. 12. Commission épiscopale de l'enseingement religieux. 13. Commission sociale de l'épiscopat. 14. Groupe Épiscopal pour les communautés chrétiennes. 15. Commission épiscopale la pastorale des réalités du tourisme et des loisives. 16. Groupe des évêques pour le Renouveau charismatique. 17. Bureau d'études doctrinales.
Nhìn qua sơ đồ trên, tôi thấy mục vụ là một phục vụ đồng hành, nghĩa là các mục tử cùng đi với mọi thứ đối tượng trên con đường cuộc sống, mong có thể đáp ứng kịp thời các nhu cầu do cuộc sống đặt ra bất cứ ở đâu. Sự đồng hành như vậy không thể thực hiện tốt, nếu thiếu lòng đạo đức và tinh thần khoa học.
Riêng tại Việt Nam hôm nay, tôi nghĩ giáo sĩ nào cũng đang cố gắng đáp ứng các yêu cầu mục vụ đặt ra cho mình với những giải pháp có trong tầm tay, mặc dầu biết rõ giải pháp đó không phải là tốt nhất. Tuy nhiên, vì người giáo sĩ chúng ta đều chia sẽ trách nhiệm lãnh đạo Hội Thánh Việt Nam, mà Hội Thánh Việt Nam phải là một Hội Thánh truyền giáo với ý nghĩa mạnh nhất của từ đó, nên tôi nghĩ rằng, trong mục vụ, chúng ta nên chọn những cách phục vụ nào vừa củng cố được tinh thần Phúc Âm của tín hữu, vừa có khả năng kéo được thiện cảm của đông đảo đồng bào ngoài Công Giáo. Các phục vụ của ta phải trở thành thứ dấu chỉ có ý nghĩa truyền giáo, nghĩa là những người không Công Giáo, khi thấy dấu chỉ đó, có thể đọc được ý nghĩa tốt về Hội Thánh. Dấu chỉ của người truyền giáo là dấu chỉ gởi tới đồng bào không Công Giáo, hơn là gởi cho người Công Giáo. Vì thế, cần xem xét xem địa chỉ ấy có nhận ra được ý nghĩa của dấu chỉ không? Họ có nhận ra được trong những dấu chỉ đó ý nghĩa lòng tin mến của ta đối với Chúa và lòng yêu thương kính trọng của ta, nói riêng, và của Hội Thánnh ta, nói chung, đối với họ không.
Một hôm, tôi thấy trên bàn thờ tôi đang dâng lễ có một cây nến cháy đứng bên một chậu 03 bông hồng đẹp. Đầu lễ, 03 bông hồng còn rất tươi. Cuối lễ, các bông hồng này rũ xuống thê thảm. Lý do là vì chúng bị cây nến đứng quá gần tạt hơi nóng sang. Thấy thế, tôi thầm nghĩ thay cho bông hồng: Bạn cũng như chúng tôi đều phục vụ cả. Thế thì tại sao bạn lại đốt chúng tôi. Phục vụ kiểu này có lợi cho bạn, nhưng chúng tôi thiệt hại lớn. Chúa thấy chúng tôi bị bạn hủy hoại như thế này, chắc Chúa chẳng vui gì. Từ hình ảnh trên, tôi nghĩ tới Lời Chúa: “Ta thích lòng nhân hậu, chứ không phải hy lễ”.
Cụ thể hóa phục vụ.
Chúa Giêsu đã sống vô cùng nhân hậu. Suốt đời Người là tấm gương nhân hậu. Giáo lý của Người đặt trọng tâm vào nhân hậu. Mô hình Người nêu lên để đào tạo tông đồ, là con người nhân hậu, tức Đấng chăn chiên tốt lành, đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ.
Nơi Chúa Kitô, lòng nhân hậu không phải là một lòng tốt chung chung, nhưng là một tình thương được cụ thể hóa một cách khoa học bằng các đức tính, nhất là mấy đức tính sau đây:
Một là tinh thần trách nhiệm. Được Chúa Cha trao trách nhiệm cứu chuộc nhân loại, Người đã lo chu toàn trách nhiệm ấy với tất cả tình yêu vâng phục đối với Chúa Cha và tình yêu hy sinh đối với nhân loại. Cử chỉ người chăn chiên lặn lội đi tìm con chiên lạc, dù đó chỉ là một con chiên lạc, trong tổng số 100 con, đủ cho thấy tinh thần trách nhiệm của Đấng Cứu Thế đầy lòng nhân hậu.
Hai là tinh thần liên đới. Chúa Kitô cho đi, nhưng cũng biết mình đã lãnh nhận và được nhiều người hợp tác. Người rao giảng và ban bố, nhưng cũng biết lắng nghe và chờ đợi như kẻ đối thoại kiên trì, Người rất bén nhạy trước đòi hỏi liên đới như người Samaritanô tốt lành trước cảnh người bị cướp trấn lột, chứ không dửng dưng như người giàu có, trước cảnh người ăn mà Lagiarô. Tinh thần liên đới của Chúa Kitô là những bước đi không mệt mỏi của lòng nhân hậu.
Ba là tinh thần tổ chức. Chúa Kitô tổ chức đời sống của mình, giáo lý của mình, tư tưởng của mình, đường hướng của mình. Mục đích là để làm nổi bật lên cái chính yếu, đó là bác ái mến Chúa hết lòng và yêu thương người khác như chính mình. Người cũng tổ chức nhân sự của Người, bằng cách chọn và đào luyện một nhóm người thành những người biết việc, thích việc và có khả năng làm việc, đúng nhu cầu, đúng lúc, đúng Thánh ý Chúa. Tinh thần tổ chức của Chúa Kitô là thiết lập một Hội Thánh chan hòa đức ái, báo hiệu cho Nước Trời đang tới.
Bốn là tinh thần từ bỏ. Chúa Kitô đã bỏ trời để xuống thế, đã bỏ ý riêng để vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha, đã bỏ giầu sang để sống khó nghèo, đã bỏ uy quyền, uy tín để sống nhịn nhục và tha thứ, đã bỏ mạng sống để đền tội cho nhân loại. Tinh thần từ bỏ của Chúa Kitô là dấu chỉ đẹp nhất và có sức thuyết phục nhất của lòng nhân hậu Thiên Chúa.
Tới đây, tôi nghĩ đến tượng ảnh trái tim Chúa. Tay Người không chỉ lên đầu, lên trí tuệ, mà chỉ vào trái tim, một trái tim bốc lửa và bị đâm. Và tôi hiểu, phục vụ phải như thế đó...Phải có một tấm lòng rực cháy tình thương, đồng thời phải chấp nhận thương tích.
Đồng bào Việt Nam hôm nay trên quê hương Việt Nam hôm nay, rất cần những trái tim như thế. Việt Nam, 4.000 năm không nghỉ, nên rất mệt mỏi. Việt Nam 4.000 năm đau khổ, nên mang nặng lo âu. Việt Nam vẫn chiến tranh, đang khi có hoà bình, nên chưa ổn định. Trong tình hình ấy, lòng mục phục vụ Hội Thánh Việt Nam hôm nay, và Hội Thánh phục vụ trên quê hương Việt Nam hôm nay sẽ rất thành công, nếu có một trái tim phụv vụ của Chúa Giêsu, hiền lành, khiêm nhường, đầy lửa nhân hậu, khoan dung, vui nhận đớn đau vì bác ái. Đã đến thời không còn đặt nặng vấn đề “hữu thần, vô thần” mà sẽ đặt nặng vấn đề “hữu tâm, vô tâm”. Đã đến thời không nên để ý “kẻ tin và kẻ không tin”, nhưng nên để ý hơn đến cách phân loại “người vị tha và người vị kỷ”, như sẽ được phân loại trong ngày phán xét chung. Ai giầu lòng nhân hậu và chứng minh được lòng nhân hậu của mình sẽ được người khác tin theo. Trái lại, kẻ chỉ biết đòi người khác phải nhân hậu với mình, chỉ biết đòi người khác phải tin vào lòng nhân hậu của mình, chứ chính mình không làm chứng được là mình nhân hậu, và người ta cũng chẳng thấy gì là nhân hậu nơi kẻ ấy, thì kẻ ấy sớm muộn sẽ bị loại trừ. Cái đơn giản trong phục vụ là thế. Cái phức tạp hoá phục vụ chính là tính ích kỷ, tính hẹp hòi, cái vô tâm.
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, đầy tình nhân ái, xin thương xót chúng con, xin làm cho trái tim chúng con nên giống trái tim Chúa.
+ GB. Bùi-Tuần, Giám mục GP. Long Xuyên
-----------------------------------
Bùi-Tuần 2147: TRẺ TRUNG
(Cấm Phòng năm các Linh Mục Tổng Giáo Phận TP. HCM 1990: ĐỨC TIN– Bài 7)
Trong tạp chí Tuổi Trẻ Chúa Nhật, số tất niên ra ngày 04/02/1990, với chuyên đề “300 năm Saigon Bùi-Tuần 2147
Trong tạp chí Tuổi Trẻ Chúa Nhật, số tất niên ra ngày 04/02/1990, với chuyên đề “300 năm Saigon”, có bài viết của nhà văn Sơn Nam, tựa đề “Đất Sàigon, chất người Sàigon”.
Phần nói về chất người Sàigòn, Sơn Nam đã viết như sau: “Người Sàigòn sống vui tươi, với phong cách rõ nét: Cốt lõi xưa còn được gìn giữ, nhưng không thu hình trong vỏ ốc”.
“Về tín ngưỡng, không kỳ thị tôn giáo, nổi bật nhất là tín ngưỡng dân gian, khấn vái thần thánh phù hộ trong cuộc sống, để được hăng hái làm thương mại, kinh doanh, không yếm thế”.
“Khi giao tiếp, không kỳ thị dân tộc. Người Hoa lai Việt, người Ấn lai, người Pháp lai, thậm chí Mỹ lai, vẫn được xem bình đẳng, lắm khi người Việt rất hiếu khách với người lai”.
“Thức ăn, biểu hiện lớn và cụ thể của văn hoá Việt, trở nên đa dạng, thường thay đổi để cạnh tranh nhau trên thị trường...”.
“Thích ăn uống bên lề đường, trong tiệm quán cho tiện lợi. Vì thường nhà ở xa, chật chội, vợ con không rảnh rang.”
“Ưa bóng đá, xem hát cải lương, rất tò mò về tin tức trong nước và ngoài nước. Ở bến cảng, không có lượng thông tin nhạy bén thì khó nắm bắt thị trường, dễ trở thành lẩm cẩm khi giao tiếp với bạn bè. Lắm khi biết tin tức để... giải trí suông. Nhật báo, tuần báo luôn được ưa chuộng...”.
“Nét tiêu cực có thể là xuề xoà, nhận xét người theo cảm tính, bộc trực, không thích nghe lý luận, không hờn giận dai, nói cho qua cơn giận rồi bỏ qua, đánh trống bỏ dùi. Hứa hẹn rồi quên lửng, không phải vì khinh bạn, nhưng vì đầu óc quá bê bối, với nhiều vấn đề lớn nhỏ. Lắm khi lười biếng, vì quá tin vào câu chữ xa xưa: “Thiên sinh nhơn, hà nhơn vô lộc...”. Cậy vào thiên nhiên ưu đãi, không thiên tai bão lụt, lãng phí đến mức liều mạng, không nghĩ đến ngày mai”.
“Ghét bất công áp bức. Trọng nhân nghĩa. Nghĩa là lẽ phải, là sự công bình. Nhân là sự khoan dung, thương xót kẻ sa cơ thất thế. Khi xảy ra thiên tai, sẵn sàng làm việc từ thiện, thi ân bất cần báo, nếu hợp tình hợp lý, tiền bạc lạc quyên được quản lý tốt”.
Đọc xong những dòng trên tả chất người Sàigòn, tôi thấy đặc điểm của người Sàigòn là nét trẻ trung. Nét trẻ trung được thể hiện ở tính tình - thích vui tươi, cởi mở, lạc quan, đa dạng, xuề xoà, tình cảm chân thực, quảng đại. Nếu tôi không lầm, thì đó cũng là đặc điểm chung của người miền Nam.
Tính tình trẻ trung sẽ làm nên những tâm hồn trẻ trung, và bầu khí xã hội trẻ trung. Trong bầu khí xã hội trẻ trung với những con người mang chất trẻ trung ấy, Giáo Hội sẽ chỉ có một chọn lựa là chính mình cũng phải trẻ trung. Nhất là đang khi việc trẻ trung hoá cơ chế, và trẻ trung hoá lãnh đạo, đang là một phong trào có tính cách thời đại.
Trẻ trung, nói đây tất nhiên là trẻ trung về tinh thần, về não trạng, về tư tưởng, về cách nhìn, về hy vọng. Một Giáo hội địa phương cũng như một cộng đoàn tôn giáo sẽ được coi là trẻ trung hay già nua, điều đó tùy thuộc vào nhiều nhân tố. Một trong những nhân tố đó là tinh thần những ngừơi lãnh đạo. Các Cha là những người lãnh đạo trực tiếp hoặc gián tiếp, chắc chắn các Cha cũng như tôi, chúng ta đang thấy hiện tượng trẻ trung rộ nở như một rừng hoa đầy màu sắc, ở khắp mọi lãnh vực, dưới mọi hình thức. Có thể coi đó là báo hiệu một mùa xuân lịch sử.
Biết sống đạo một cách thích hợp và hữu ích giữa một xã hội trẻ đang làm mùa xuân, việc đó là việc không luôn dễ. Phương chi lại phải lãnh đạo tôn giáo trong một xã hội càng ngày càng thêm chất trẻ trung đa dạng. Chúng ta không chặn làn gió trẻ trung. Mà cũng chẳng chặn lại được. Giải pháp tốt nhất cho lãnh đạo là chính chúng ta cũng phải trẻ trung, với tất cả những ý nghĩa tốt đẹp nhất của từ đó. Nhưng làm thế nào để giáo sĩ chúng ta được trẻ trung hoá? Tôi có vài suy nghĩ đơn sơ xin được chia sẻ.
HỌC HỎI
Tuổi trẻ là tuổi đi học, tuổi của nhà trường. Người trẻ vốn được coi là cần phải học. Và khi được học, người trẻ được coi là có khả năng tiếp thu. Còn nếu học không vô, hoặc thấy mình không cần học gì thêm, đó là dấu trạng thái già, bất cứ ở tuổi nào. Nhưng cũng chính vì thế mà người giáo sĩ dễ mau già về tinh thần. Không già sao được, khi được người ta gọi là Cha, là cụ, là cố, là Thầy Cả đời đời, là Kitô thứ hai. Mang những từ đó vào mình là như chễm chệ ngồi trên đỉnh các bậc thang đời đạo. Ngoài ra, vì giáo sĩ là một địa vị tương đối cao trong Giáo Hội và trong xã hội, nên các ngài dễ được kính trọng, dễ được ổn định về nhiều mặt. Tất cả những ưu đãi như thế đều có khuynh hướng xây đắp trong lòng giáo sĩ một sự tự mãn. Sự tự mãn này lại hay được coi là bình thường, có khi lại được bảo vệ bằng quyền lực thiêng liêng. Từ đó chẳng thấy cần phải phấn đấu để học thêm. Thế là già.
Để không rơi vào tình trạng già nguy hại đó, hơn nữa, để trẻ-trung-hóa kể cả tuổi già, thiết tưởng chúng ta nên coi việc học hằng ngày là một bổn phận thiêng liêng. Những gì giáo sĩ cần học đều đã được ghi rõ trong sắc lệnh Optatam totius của Công đồng Vatican II. Mới rồi, cuốn: “Chỉ nam linh mục” của Bộ Truyền giáo đã nhắc lại và đã thêm. Vấn đề tài liệu hiện nay mới chỉ giải quyết được từng bước nhỏ. Nhưng ngăn trở lớn nhất thiết tưởng vẫn là thiếu ý chí học hỏi.
Phải nói sự thực đau lòng này là nhiều người chúng ta đã để trình độ trí thức của mình xuống cấp trầm trọng, đang khi lại phung phí quá nhiều thời giờ, và bỏ lỡ quá nhiều cơ hội bồi dưỡng, mở rộng kiến thức. Hằng ngày, nếu muốn, ta vẫn có những cơ hội tốt để nâng cao trình độ. Thí dụ như sách báo, giao tiếp, trao đổi, bàn bạc, tin tức, quan sát, nhưng nhất là đọc và suy ngắm Lời Chúa, cùng với những phúc giây tâm sự riêng với Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúa Giêsu nói: Chúng con chỉ có một Thầy. Rồi Thầy chí Thánh khuyên bảo ta học với Người: “Hãy học với Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Học với Người là sống bên Người. Hằng ngày sống thân thiết với Người, chúng ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời của sự trẻ trung nơi Người. Thầy hiền lành khiêm tốn. Thấy được vẻ đẹp ấy, chúng ta mới hiểu tại sao Chúa Giêsu muốn chúng ta trẻ đẹp như đứa nhỏ, để được vào Nước Trời.
Nhận biết mình bé nhỏ, không chút tự mãn, nhưng hiền lành khiêm tốn đón nhận sự thực và tình thương, đó là một thái độ Phúc Âm, làm cho tâm hồn ta luôn trẻ. Người giáo sĩ có tinh thần trẻ như vậy sẽ biết lấy chính cuộc sống của mình trình bày Giáo Hội Công Giáo là một giáo hội phục vụ, chứ không phải một giáo hội quyền lực, một thứ mô hình mà người thời nay rất ác cảm.
SO SÁNH
Một đặc điểm khác tôi thấy ở tuổi trẻ là thích so sánh. Thực sự, nhờ so sánh mà trí óc, trái tim và lương tâm người trẻ đi dần vào thế giới chân lý, và gặp được động lực thúc đẩy mình phải dấn thân đi lên.
Đứa trẻ hay so sánh mình với anh chị em trong nhà, với người trong khu xóm, với bạn bè trong nhà trường, với những người nó thấy trong xã hội, trên màn ảnh.
So sánh là một cuộc đối thoại với chính mình qua thực tế kẻ khác.
Thực tế kẻ khác là cả một rừng hoa trái xung quanh ta. Ai có cái nhìn của Chúa Kitô, sẽ thấy Chúa Thánh Thần cho hoa trái nở một cách rất tự do, nhiều khi rất bất ngờ. Sự tạo dựng liên tục của Người không bị cơ chế hoá bởi bất cứ quyền lực đời đạo nào.
Thực là bất ngờ khi Chúa Giêsu kêu mời dân có đạo thời đó hãy so sánh mình với những gương sáng rất gần gũi với mình, nhưng lại bị dân có đạo coi thường khinh khi. Khi nói về lòng biết ơn, Chúa Giêsu so sánh thái độ 10 người phong hủi được Chúa chữa, rồi Chúa cho thấy chỉ có một người biết ơn, và người đó lại là người ngoại đạo. Khi nói về tinh thần bác ái, Chúa Giêsu so sánh thái độ những vị thuộc cấp bật đạo đức trong tôn giáo với người ngoại giáo Samaria, rồi Chúa cho thấy, người ngoại đạo Samaria đó có thái độ thương người hơn các vị đạo đức kia. Khi nói về tinh thần cầu nguyện, Chúa Giêsu so sánh thái độ người Pharisêu là người thuộc loại đạo đức với người thu thuế là người thuộc loại tội lỗi, rồi Chúa cho thấy người thu thuế đã cầu nguyện nên, được Chúa chấp nhận, còn người pharisêu ra về bị Chúa ruồng bỏ. Khi nói về sự đón nhận ơn Chúa, Chúa Giêsu đã so sánh các người pharisêu với các đĩ điếm và người thu thuế, Chúa cho thấy các đĩ điếm và người thu thuế sẽ biết hối cải vào Thiên đàng dễ hơn các người đạo đức pharisêu.
Chúa Giêsu không hay kêu mời các môn đệ của Người hãy so sánh mình với các thánh trên trời, nhưng một cách khiêm tốn hơn, thực tế hơn, hãy so sánh mình với chính những kẻ bị tôn giáo mình hạ cấp, xem mình có thực sự khá hơn họ không. So sánh để thấy sự thực, và sự thực sẽ giúp mình cải thiện, đi về với Chúa.
Mới rồi, tôi tham dự buổi tọa đàm thân mật của một nhóm nhỏ, gồm giáo dân, tu sĩ, linh mục thuộc nhiều tỉnh. Mỗi người đều chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo của mình. Hầu như ai cũng có một vài so sánh giữa người công giáo và người ngoài công giáo. Khi nói về tình hình cầu nguyện, một người đã đưa ra nhận xét này: Ở vùng tôi, người đạo Hồi xem ra cầu nguyện nhiều hơn, sốt sắng hơn, và xác tín hơn người công giáo. Khi nói về tình hình công bình bác ái, một người có cảm tưởng là ở vùng đó, người lương làm việc từ thiện nhiều hơn, và sợ các tội làm hại người khác hơn người công giáo. khi nói về tình hình ham mộ Lời Chúa, một người phát biểu là ở vùng đó, người đạo Tin Lành học hỏi và tôn kính Lời Chúa hơn người công giáo. Khi nói về tình hình đấu tranh cho nền độc lập của Tổ quốc, một người cho biết ở vùng họ, nhiều người ngoài công giáo đã có những thành tích cao mà người công giáo không có. Mấy so sánh như thế làm chúng tôi xúc động.
Chúng tôi thấy mình cần phải khiêm tốn hơn, cần trân trọng những cái hay, cái tốt của người khác hơn, cần cố gắng phấn đấu để bản thân mình và những người thuộc về mình biết sống Phúc Âm hơn. Thú thực là khi so sánh mình với người giáo hữu, tôi thấy mình thua kém xa về nhiều đức tính. Nhưng tôi không buồn.
So sánh trong tinh thần cởi mở khiêm tốn với mục đích tái truyền giáo cho chính mình và tìm cách mở rộng Nước Chúa, việc làm đó chẳng có gì đáng sợ. Điều đáng sợ và cũng đáng buồn chính là nhân danh đức tin mà tránh né mọi so sánh, hoặc luôn có những kết luận sẵn ngay trước khi so sánh, để rồi lại nhân danh đức trung tín và vâng phục kéo dài một sự an phận đồng nghĩa với sự ù lì.
Người trẻ thường ít bị các thiên kiến thống trị. Hơn nữa, họ thường bất bình với mọi thứ thiên kiến. Thế thì người giáo sĩ có tinh thần trẻ Phúc Âm càng phải độc lập với các thiên kiến che lấp sự thực trong khi so sánh.
Nếu ta không thích so sánh mình với những kẻ khác, thì ít ra cũng phải so sánh mình với những mô hình khác đã được Chúa Giêsu kể ra trong Phúc Âm, thí dụ: Cha trên Trời, Thầy chí thánh, Đấng chăn chiên lành, ngành cây nho, cây đèn sáng, tấm men. Việc so sánh như vậy nếu được thực hiện hằng ngày, trước Nhà Tạm, trong giờ suy gẫm xét mình, sẽ giúp ta nên nhẹ nhàng khiêm tốn, để dể đón nhận sức sống trẻ trung của Chúa Thánh Thần.
VUI TƯƠI
Một nét khác thiết tưởng cũng là đặc điểm của tính trẻ, đó là thích vui. Đối với người trẻ, vui là một thứ lương thực. Vì thế, họ thích vui, họ tìm vui, họ tạo nên vui. Các chân lý qua hình thức vui tươi sẽ dễ vào lòng người và ở lại lòng người hơn là qua những hình thức nhạt nhẽo u sầu.
Vui không có nghĩa là phải cười. Mà nhiều lúc cũng chẳng nên cười. Riêng đối với người sống đức tin, niềm vui ngọt ngào nhất vẫn là hạnh phúc được Chúa yêu thương và được hân hạnh thương mến Chúa. Hạnh phúc ấy rất sâu lắng êm đềm. Nó đầy tâm tình cảm tạ. Và vì thấy mình rất mực bất xứng mà còn được Chúa Giêsu thương vô vàn, người sống đức tin sẽ nhìn mọi người đều là đối tượng của tình xót thương Chúa. Từ cái nhìn ấy, họ mến thương Chúa, đồng thời cũng kính trọng và mến thương mọi người. Yêu là hạnh phúc. Yêu là niềm vui nói lên sự sống trẻ trung. Nhưng yêu cũng là chấp nhận thử thách, cũng là dấn thân vào những chặng đường tăm tối, để sau cùng làm chứng rằng yêu Chúa yêu người là niềm vui lớn nhất.
Từ ít năm nay, tại một số Giáo Hội, có nhiều vấn đề phức tạp, đã mọc lên những cộng đoàn tuổi trẻ rất dấn thân. Chính họ vui, và đem lại niềm vui cho những kẻ khác, nhất là cho những người bất hạnh thiếu thốn niềm vui. Bầu khí vui tươi của họ là do tình yêu thương, phát xuất từ đức tin mạnh. Dưới đây là một số cộng đoàn đó.
Cộng đoàn Tàu Noe (Commaunaute de l'Arche), thành lập do ông Jean Vanier. Dầu là tiến sĩ triết và giáo sư đại học Torinto, Jean Vanier đã can đảm bỏ lại tất cả để dấn thân lo cho những người tàn tật. Tháng 8-1964, ông mua một căn nhà ở Trosly để đón mấy người tàn tật. Ông đặt tên nhà đó là Arche. Ông nói: “Chớ gì tàu Noe mới này cứu được những người tàn tật khỏi chết đuối trong trận hồng thuỷ của thế giới văn minh này”. Jean Vanier thường nói: Nhiều người khoẻ mạnh lại là những người tàn tật về tâm hồn, còn người nghèo túng tàn tật thể xác lại là những trợ tá viên cho người khoẻ mạnh nhờ đức tính đơn sơ và hiền dịu của họ.
Tàu Noe được nhân lên mau chóng. Nay có hơn 60 Foyers de l'Arche rải rác khắp năm châu, làm thành một Fédération internationanle de l'Arche. Những ai tới thăm các tổ ấm này đều ngạc nhiên về vẻ vui tươi chan hòa hiện trên nét mặt của mọi người trong nhà, và chính bầu khí đó là một sứ điệp của Chúa Thánh Linh kêu mời mọi người hãy cải tổ xã hội bằng cách sống lý tưởng mới, đó là tình thương, thông cảm, gặp gỡ với người nghèo.
Cộng đoàn huynh đệ những người bệnh (Fraternité des malades). Một người của huynh đệ hiện nay được nói đến nhiều đó là thầy sáu Jacques Lebreton. Jacques Labreton, năm nay 78 tuổi, chịu chức sáu năm 1974. Trong lễ truyền chức sáu, trước mặt bạn bè, trong đó có nhiều người tàn tật và các chiến sĩ Cộng Sản, Đức Giám Mục địa phận Beauvain nói: “Thầy Jacques nay cụt hai tay, nên sẽ không thể giúp lễ và rửa tội. Thầy Jacques nay mù hai mắt, nên sẽ không thể đọc sách thánh được. Nhưng Thầy còn tiếng nói, và với tiếng nói, Thầy sẽ có thể rao giảng niềm vui của sự sống”.
Thực vậy, Thầy đi giảng khắp mơi, khoảng 200 bài mỗi năm. Trước khi chịu chức, Jacques Lebreton đã bị tai nạn, rồi đã tham gia đảng Cộng Sản. Sau đó, Thầy trở về tôn giáo, lo cho người bệnh tật. Khi được hỏi, từ nào thầy muốn chọn, Jacques Lebreton thưa: “Tình yêu. Tật bệnh nặng nhất chính là không còn yêu thương và không được yêu thương”.
Cộng đoàn những người Samaritains (Les Samaritains), thiết lập do mục sư Varahx, mục đích để giúp cho những người thất vọng muốn tự tử tìm được lý do để sống. Cùng liên hệ với tổ chức đó là S.O.S Amitie, Lamain tendue, La Porte Ouverte, La Ligne des Con-fidences. Hiện nay, cộng đoàn này đã lan ra trên 30 nước.
Cộng đoàn “Hy vọng Đẹp” (Les Soeurs de la réconciliation), thành lập do 2 phụ nữ Tin Lành: Chị Klara Schlink tiến sĩ triết và sử nghệ thuật, và chị Erika Madauss, trợ tá xã hội. Hai chị đã đứng đầu một tu viện mới, mục đích giúp hòa giải các người thuộc các dân tộc, các tôn giáo khác nhau. Phải nói ngay là cộng đoàn này sống tinh thần cầu nguyện rất sâu sắc và tinh thần bác ái rất trong sáng. Họ luôn vui vẻ đón tiếp mọi thứ người, thuộc mọi tôn giáo đến tĩnh tâm. Cộng đoàn này đã tràn qua nhiều nước khắp năm châu.
Cộng đoàn những người nghiện rượu vô danh (Les Alcooliques Anonymes), một phong trào dựa trên tình bạn, giúp nhau thoát khỏi bệnh nghiện rượu bằng 12 giai đoạn. Phong trào này nay có một triệu rưỡi thành viên. Trong đó có một thành viên nổi tiếng, đó là Cha Aimé Duval, nhạc sĩ của giới trẻ trong những thập niên 61 đến 70.
Cộng đoàn nữ tu truyền giáo bác ái (Les Soerus Missionnaires de la charité), thành lập do Mẹ Têrêxa, người gốc Nam Tư. Hoạt động đa dạng. Thí dụ: Ngành lo cho những người sắp chết mà không có nhà ở hẳn hoi để chết. Ngành lo cho trẻ em bị bỏ rơi. Ngành lo cho những người cùi. Ngành lo giúp các bà mẹ biết điều hòa sinh sản. Cộng đoàn này rất phát triển. Từ 1963, đã có, ngành nam gọi là Frères Missionnaires de la Charité.
Trên đây là một số nhỏ tượng trưng. Họ thuộc đủ mọi loại tuổi, nhưng rất dấn thân, sống quên mình, làm chứng niềm vui của Tám mối Phúc. Do đó mà tâm hồn họ rất trẻ.
***
Đầu tháng năm này, đài truyền hình Thành phố Cần Thơ có cho phát một loạt bài hát về Thành phố Hồ Chí Minh, tựa đề: “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”. Trong đó có bài “Thành phố trẻ”. Nội dung gợi lên hình ảnh những con người dấn thân chan hòa yêu cuộc sống, như những cây tươi trồng ở đâu cũng nở hoa được. Khi nghe những bài đó, tôi nghĩ: Thành phố trẻ đòi giáo phận thành phố phải trẻ. Và tôi nhìn mục tử Giêsu trẻ trung đang nói: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta... Ta hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Ta còn nhiều chiên khác không thuộc về đàn này. Cả những con chiên ấy Ta cũng phải mang về đàn” (Gio 10). Và tôi hiểu Chúa rất thương dân tộc Việt Nam của tôi. Tôi cầu xin Chúa cho mọi chủ chiên tại các nơi, thuộc mọi cấp, biết yêu thương, quí mến và tận tình chăm sóc các con chiên trong đàn và ngoài đàn, trên đất nước trẻ trung chúng ta. Chỉ có cách đó, ta mới là những môn đệ trung tín của Chúa Kitô, Đấng chăn chiên lành, đã sai ta đến với thế hệ đồng bào Việt Nam hôm nay.
(Cấm Phòng năm các Linh Mục Tổng Giáo Phận TP. HCM 1990: ĐỨC TIN– Bài Gẫm 1)
Trong lễ phong chức linh mục, Đức Giám Mục đã long trọng hỏi tôi một số câu trước mặt cộng Bùi-Tuần 2148
Trong lễ phong chức linh mục, Đức Giám Mục đã long trọng hỏi tôi một số câu trước mặt cộng đoàn. Câu hỏi thứ nhất là: “Con có muốn luôn luôn chu toàn nhiệm vụ tư tế trong hàng linh mục, như cộng tác viên trung chính của hàng Giám Mục, trong việc chăn dắt đoàn chiên Chúa, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần không?”. Tôi đã thưa:“Con muốn”. Hôm nay, tôi suy nghĩ lại lời hứa thứ nhất đó.
Câu hỏi Đức Giám Mục đặt ra cho tôi là một lời sai đi. Theo nội dung lời sai đó , thì địa chỉ tôi được sai đến là đoàn chiên, tôi được sai đi như cộng tác viên trung chính của hàng Giám Mục, như người anh em của linh mục đoàn, và như dụng cụ của Chúa Thánh Linh.
Lời sai đi đó trao cho tôi những tránh nhiệm xây dựng tình liên đới: Liên đới với đoàn chiên, liên đới với Đức Giám Mục, liên đới với các anh em linh mục, và liên đới với Đức Chúa Thánh Thần.
Nhìn lại cuộc đời linh mục, tôi thấy những mối dây liên đới đó đã rất quan trọng đối với tôi. Nhờ các liên đới ấy, tôi đã có được một chỗ đứng tương đối ổn định trong Giáo Hội và trong xã hội. Trong các liên đới ấy, tôi đã tìm được nghị lực để thăng tiến mình và thăng tiến kẻ khác. Vì thế tôi phải biết ơn tất cả những mối tình liên đới ấy.
Nhưng tất cả những gì tôi đã nhận do các liên đới ấy đều qui hướng về mục tiêu này là: Phục vụ đoàn chiên, giúp đoàn chiên nên tốt hơn, để các con chiên được rỗi linh hồn.
Mục tiêu ấy sẽ thực hiện được nhiều hay ít, thiết tưởng một phần cũng do đời sống tu đức của tôi về thực tại. Tu đức về thực tại là gì?
1.Trước hết tu đức về thực tại là biết nắm bắt và cảm nghiệm được các thực tại liên quan đến đoàn chiên và môi trường mục vụ.
Linh mục là người đồng hành với đoàn chiên. Hơn nữa, linh mục còn có trách nhiệm chăm sóc và hướng dẫn đoàn chiên. Nên tất nhiên linh mục cần biết rõ các thực tại liên quan đến đoàn chiên. Các thực tại đó là chuyển biến tâm lý, xã hội, văn hoá, kinh tế, chính trị, môi sinh, tôn giáo.
Người chăn chiên lành, như được tả trong Phúc Âm, là người có một thứ cảm quan sâu sắc về thực tại đoàn chiên. Nơi Ngài, sự nhận biết thực tại không phải chỉ là những quan điểm khô cứng lạnh lùng rút ra từ các môn học, mà là một sự cảm nghiệm sống động do cọ sát và tiếp cận với thực tế, nó là một sự thông hiệp chân tình với những gì đoàn chiên đang gặp, nó là một sự dấn thân hoà mình theo mệnh lệnh của mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô.
Người chăn chiên lành cần nắm bắt các thực tại một cách sáng suốt. Mức độ sáng suốt được đo bằng sự nhận ra một cách đơn giản những bi thảm của cuộc sống đoàn chiên. Thí dụ, đứng trước cảnh nghèo của con chiên, mà người chủ chiên tự nhiên cũng cảm mến được sự buồn tủi của họ; đứng trước cảnh làm ăn vất vả nợ nần chồng chất của con chiên, mà người chủ chiên tự nhiên cũng cảm thấy được nỗi đớn đau lo âu của họ; đứng trước cảnh rối rắm chìm nổi của con chiên, mà người chủ chiên cũng thấy xót xa cái xót xa của họ. Nhận thấy những bi thảm của con chiên và cảm nghiệm được những bi thảm của con chiên một cách tự nhiên, đơn giản như trực giác của người mẹ, đó là những thứ sáng suốt của Chúa chiên lành trước thực tại con người.
Cũng chính vì thế, mà linh mục coi sóc đoàn chiên cần cảnh giác với những lối tu đức không thích hợp, có thể làm tê liệt cảm quan về thực tại. Bởi vì cũng có thứ tu đức nào đó quá nghiêng về thoát tục. Kẻ lạm dụng lối tu đức ấy sẽ dễ nhìn thực tại hoặc với một trái tim khô lạnh, hoặc với một trí khôn chủ quan, nhìn theo như mình nghĩ, chứ không theo sự thực khách quan.
2. Ngoài ra tu đức về thực tại còn là chấp nhận những thực tại mình đồng hành và cố gắng chu toàn bổn phận của mình trong những thực tại ấy. Đoàn chiên của tôi là như thế đó. Dân tộc của tôi là như thế đó. Linh mục đoàn của tôi là như thế đó. Những thực tại ấy đang sờ sờ trước mắt tôi. Tôi không nên ảo tưởng. Tôi cũng chẳng nên bất mãn. Trái lại tôi yêu thương những thực tại ấy. Trong các thực tại ấy có yếu tố tốt, có yếu tố xấu, có cái hợp với tôi, có cái không hợp với tôi. Nhưng tôi coi những thực tại ấy là môi trường Chúa sai tôi đến, để thực thi ơn gọi linh mục của tôi.
Mỗi ngày, tôi dâng tất cả môi trường thực tế của tôi cho Chúa. Và mỗi ngày tôi tự hỏi: Hôm nay tôi sẽ có thể làm gì tốt cho môi trường của tôi. Và luôn luôn tôi thấy ngày nào cũng có vô số việc có thể làm, dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Tu đức về thực tại khuyên tôi đừng tiếc nuối hay ray rứt một quá khứ đã qua rồi, cũng đừng ảo tưởng về một tương lai chưa tới, nhưng hãy tận dụng cái hiện tại và biết sống đến tận cùng ngày hôm nay với tất cả những vốn luyến Chúa trao tôi lúc này.
3. Sau cùng, tu đức về thực tại là biết lắng nghe và vâng phục Chúa Thánh Thần trong từng ngày, từng việc.
Đoàn chiên tôi hôm nay không hoàn toàn là đoàn chiên tôi một năm về trước. Đã có rất nhiều biến chuyển, nhất là nơi giới trẻ. Môi trường cũng đã có nhiều chuyển biến, nhất là với những trào lưu văn minh thực dụng và dân chủ tự do thụ hưởng. Đạo đức nhiều nơi đang xuống dốc. Tình hình chuyển biến không ngừng thúc giục tôi phải năng bàn hỏi với Chúa Thánh Thần, để tôi biết chăn sóc và hướng dẫn đoàn chiên của tôi, sao cho hợp với Thánh ý Chúa, sao cho nhiều người được rỗi hơn, sao cho nhiều người có thiện cảm với Hội thánh hơn, sao cho nhiều người nhìn thấy đạo Chúa là đạo có khả năng làm cho con người nên tốt hơn.
Trong Phúc Âm có lần Chúa Giêsu đã nói với dân chúng rằng: “Không phải tất cả những ai nói với Thầy: Lạy Chúa, Lạy Chúa là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời. Trong ngày đó nhiều người sẽ nói với Thầy rằng: Lạy Chúa, Lạy Chúa nào chúng con đã không nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỉ, và nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó ư? Và bây giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ rằng; Tôi chẳng biết các ngươi là ai. Hỡi những người làm điều gian ác, hãi lui ra khỏi mặt Ta” (Mt. 7,21-29).
Theo lời Chúa nói trên đây, thì đã có những người nói tiên tri nhân danh Đức Kitô, Cũng đã có những người trừ quỉ và làm nhiều phép lạ nhân danh Đức Kitô, nhưng vì họ làm những việc ấy không hợp với Thánh ý Thiên Chúa, nên họ đã bị kết án.
Như vậy, việc tốt trong mục vụ là làm hợp Thánh ý Chúa, nghĩa là làm đúng việc phải làm, vào đúng thời điểm cần làm và ở đúng nơi nên làm. Biết được và làm được những chi tiết thực tại như thế mới là mục vụ. Bởi vì mục vụ là một nghệ thuật phục vụ, và nghệ thuật phục vụ này không thể tách rời khỏi sự hướng dẫn thường xuyên của Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa Thánh Thần, là Đấng sáng tạo, xin thương đổi mới tâm hồn con, để càng ngày con càng biết lắng nghe và vâng phục Chúa. Amen.
(Cấm Phòng năm các Linh Mục Tổng Giáo Phận TP. HCM 1990: ĐỨC TIN– Bài Gẫm 2)
Câu hỏi thứ hai Đức Giám Mục đã đặt ra cho tôi trong lễ phong chức linh mục là: “Con có muốn Bùi-Tuần 2149
Câu hỏi thứ hai Đức Giám Mục đã đặt ra cho tôi trong lễ phong chức linh mục là: “Con có muốn sốt sắng và trung thành cử hành các mầu nhiệm Chúa Kitô, để ngợi khen Thiên Chúa và thánh hóa giáo dân theo truyền thống Hội Thánh không?”. Và tôi đã thưa: “Con muốn”. Hôm nay tôi suy gẫm lời hứa thứ hai của tôi.
Nơi Chúa Kitô có biết bao nhiêu mầu nhiệm. Nhưng tất cả các mầu nhiệm ấy điều qui hướng về mầu nhiệm trung tâm này là tình yêu Thiên Chúa cứu độ loài người. Tình yêu cứu độ này đẹp đẽ vô cùng, lạ lùng vô cùng, cao cả vô cùng. Tình yêu cứu độ này vượt trên mọi hiểu biết và mọi tình yêu của các tạo vật.
Giáo Hội sơ khai, khi cử hành các mầu nhiệm Đức kitô đã không làm gì khác hơn là theo gương Đức Kitô, tiếp tục thực hiện các việc Đức Kitô đã làm và đã dạy. Sách Tông đồ Công vụ viết: “Các tín hữu sống hiệp nhất và để mọi của cải làm của chung. Họ bán ruộng đất, gia sản, lấy tiền phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Hằng ngày họ cùng nhau đi viếng Đền thờ. Họ bẻ bánh ở tư gia và ăn uống đơn sơ vui vẻ. Họ ngợi khen Thiên Chúa và được dân chúng mến yêu"(2,43-47).
Các sinh hoạt trên đây đã làm nên một bầu khí thiêng liêng, tạm gọi là bầu khí Đức Kitô. Nó là một nếp sống tập thể thấm nhuần tinh thần Đức Kitô. Nơi Giáo Hội sơ khai, tinh thần này được biểu lộ qua mấy đặc tính sau đây:
1. Đặc tính thứ nhất của bầu khí Đức Kitô là siêng năng cầu nguyện, ngợi khen Thiên Chúa.
Hoàn cảnh thời đó không dễ dàng gì cho việc giữ đạo. Hội Thánh chỉ là những nhóm nhỏ khiêm tốn như những cụm bèo trôi giữa dòng sông lớn. Thế mà các tín hữu ấy vẫn cùng nhau đến nhà thờ ngợi khen Thiên Chúa. Bởi vì họ coi sự mình được biết Chúa, được Chúa yêu thương cứu độ là một hạnh phúc lớn lao không gì sánh được. Họ tuyệt đối tin tưởng nơi Chúa. Đối với họ, việc cử hành các mầu nhiệm Đức Kitô dù với hình thức nào vẫn là làm theo gương Đức Kitô và cùng với Đức Kitô mà cầu nguyện ngợi khen Thiên Chúa. Thói quen cầu nguyện ngợi khen Thiên Chuá làm nên bầu khí Đức Kitô trong các Thánh Lễ đơn sơ thời đó.
Nay, bầu khí như thế có thấy được trong các Thánh lễ của tôi, nhất là trong các Thánh Lễ Chúa Nhật và Lễ trọng có đông giáo dân tham dự không?
Thường thường các Thánh lễ ấy đều có bầu khí trật tự trang nghiêm. Nhưng trật tự trang nghiêm mà thôi thì chưa đủ để làm nên bầu khí cầu nguyện. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa, là gặp gỡ Chúa, là nói với Chúa tự lòng mình, là lắng nghe ý Chúa. Các việc ấy sẽ được thực hiện tốt nhờ các điều kiện thuận lợi về cả tinh thần lẫn vật chất, về cả xác lẫn hồn, về cả con người lẫn môi trường.
Có những điều kiện tôi muốn có mà không thể có. Nhưng cũng có một số điều kiện tôi không có, do lỗi của tôi. Thí dụ đôi khi Thánh lễ, Thánh đường đã mất đi bầu khí cầu nguyện, do sự ồn ào và bất kính gây nên bởi chính tôi. Chính tâm hồn tôi lúc ấy cũng thiếu bầu khí cầu nguyện. Chính tâm hồn tôi lúc ấy cũng trống rỗng như xa vắng đức tin. Chính tâm hồn tôi lúc ấy lại đang quá ồn ào với những tư tưởng thế tục. Tôi không cầu nguyện, không dọn mình bằng việc suy gẫm, thì làm sao tôi gây được bầu khí cầu nguyện cho Thánh lễ của tôi. Lúc ấy tôi đọc kinh mà không cầu nguyện. Tôi làm lễ là làm các nghi lễ, chứ không gặp được chính Chúa. Thiếu bầu khí Đức Kitô cầu nguyện ngợi khen Thiên Chúa, nên việc tôi cử hành các mầu nhiệm Đức Kitô sẽ không sinh được nhiều kết quả trong việc thánh hóa giáo dân, và làm sáng danh Chúa.
2. Đặt điểm thứ hai của bầu khí Đức Kitô là tinh thần bác ái.
Giáo Hội sơ khai rất coi trọng giới luật yêu thương. Bởi vì chính Đức Kitô đã trối lại giới luật đó, Chính Đức Kitô đã sống triệt để giới luật đó. Và theo lời Đức Kitô dạy, giới luật yêu thương là cốt lõi của đạo, giới luật đó sẽ chính là tiêu chuẩn Chúa căn cứ vào để phán xét mỗi người.
Vì thế, trong việc cử hành các mầu nhiệm Đức Kitô thời ấy, ngoài bầu khí cầu nguyện ngợi khen Thiên Chúa, cộng đoàn tín hữu vẫn để ý gây dựng một bầu khí bác ái chan hòa. Bác ái đến độ chia của cải cho nhau, tùy theo nhu cầu. Hội Thánh sơ khai là như vậy, nay truyền thống tốt đẹp ấy còn lại những gì? Có thể nói rằng thời nay việc cử hành mầu nhiệm Đức Kitô đã tăng lên và long trọng hơn trước, nhưng bầu khí bác ái giữa những người tham dự đã kém trước nhiều. Mầu nhiệm Đức Kitô là mầu nhiệm tin yêu cứu độ, tình yêu tha thứ, tình yêu hòa giải, tình yêu nối kết. Thế nhưng biết bao lần việc cử hành các mầu nhiệm tình yêu cao cả ấy chỉ còn là việc nhớ lại, chứ không phải là tiếp tục cùng Chúa Kitô sống những mầu nhiệm tình yêu ấy.
Tình trạng như thế làm cho việc cử hành các mầu nhiệm Đức Kitô trở nên nghèo nàn ít có sức thánh hóa con người, và ít có khả năng làm sáng danh Chúa. Do đó, tôi cần cố gắng gây dựng bầu khí bác ái cho thánh lễ của tôi, cho thánh đường của tôi. Điểm khởi đầu vẫn là chính tôi. Tôi phải thường xuyên tôi luyện để có bầu khí bác ái trong các tư tưởng của tôi, trong các tâm tình của tôi, trong các ước vọng của tôi. Nhờ đó, việc tôi cử hành mầu nhiệm Đức Kitô mới đúng là theo truyền thống Hội Thánh.
3. Đặc điểm thứ ba của bầu khí Đức Kitô là tinh thần khổ chế.
Theo sách Tông đồ Công vụ thì trong nghi lễ bẻ bánh, các tín hữu thời đó đã ăn uống thanh đạm, nhưng vui vẻ. Điều đó nói lên một sự khổ chế tự nguyện, để theo gương Đức Kitô đã chịu muôn vàn đau khổ để cứu chuộc loài người. Khổ chế mà vui vẻ. Có nghĩa là khổ chế của họ không phải là một sự trốn tránh và chối từ hạnh phúc, mà là một sự đổi hạnh phúc nhỏ để được hạnh phúc lớn hơn. Vì thế mà họ vui khi thực hiện khổ chế.
Hội Thánh sơ khai là như vậy. Truyền thống ấy còn lại những gì trong cộng đoàn tôi và trong chính bản thân tôi? Tôi phải thành thực nhận sự thực này là hiện nay tinh thần khổ chế không còn được coi trọng. Sự kiện đó không hợp chút nào với mầu nhiệm Đức Kitô và với truyền thống Hội Thánh.
Là người cử hành các mầu nhiệm Đức Kitô, là Đấng đã chọn con đường Thánh giá để đến Phục Sinh, tôi không có quyền chọn Phục Sinh mà không qua khổ chế. Nhân loại càng ngày càng đi vào đời sống văn minh tự do hưởng thụ, sự kiện đó càng là lý do thúc giục tôi sống tinh thần khổ chế, để việc tôi cử hành các mầu nhiệm Đức Kitô trở thành thuốc mầu có khả năng cứu độ nhân loại hôm nay. Khổ chế của tôi, dù chỉ là ít thôi, nhưng mỗi ngày đều cần phải có. Khi có tinh thần khổ chế trong tấm thân mình, tôi mới thấy những dấu Thánh Giá tôi làm trên mình, trên người khác và trên sự vật, trong lúc cử hành mầu nhiệm Đức Kitô, sẽ là sức mạnh thật sự thánh hóa và làm sáng danh Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, con đã bao lần cử hành các mầu nhiệm của Chúa, nhưng rất tiếc là trong một bầu khí chưa hẳn là của Chúa, bởi vì thiếu tinh thần cầu nguyện, thiếu tinh thần bác ái, thiếu tinh thần khổ chế. Con nhìn nhận các thiếu xót và lỗi lầm của con. Xin Chúa giúp con từ nay biết cố gắng gây dựng nên bầu khí của Chúa trong con, trong nhà thờ của con, và trong cộng đoàn của con, để việc con cử hành các mầu nhiệm Chúa sẽ có sức làm cho Hội Thánh được dân chúng mến yêu, như Hội Thánh sơ khai đã chứng tỏ. Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con.
Tuần tĩnh tâm Linh Mục giáo phận Tp. Hồ Chí Minh, năm 1990
(Cấm Phòng năm các Linh Mục Tổng Giáo Phận TP. HCM 1990: ĐỨC TIN– Bài Gẫm 3)
Câu thứ ba Đức Giám Mục đã hỏi tôi trong lễ phong chức linh mục là: “Con có muốn tỏ ra Bùi-Tuần 2150
Câu thứ ba Đức Giám Mục đã hỏi tôi trong lễ phong chức linh mục là: “Con có muốn tỏ ra xứng đáng và khôn ngoan chu toàn nhiệm vụ Lời Chúa trong việc rao giảng Phúc Âm và trình bày đức tin Công Giáo không?”. Và tôi đã thưa “Con muốn”.
Hôm nay tôi suy nghĩ về lời hứa thứ ba trên đây.
Nhiệm vụ Lời Chúa nói lên một bổn phận mà tôi phải chu toàn. Nhiệm vụ ấy buộc lương tâm tôi. Tôi đã cố gắng. Nhưng kinh nghiệm mục vụ cho tôi thấy nhiệm vụ Lời Chúa rất là phức tạp, và rất nặng nề. Ngay việc giảng lễ Chúa Nhật mà thôi cũng đã là việc chẳng dễ dàng gì. Không dễ về phía những người nghe, bởi vì họ là những cá nhân khác nhau, lứa tuổi khác nhau, trình độ khác nhau, tính tình khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, cách suy nghĩ khác nhau, tâm trạng khác nhau, lòng đạo khác nhau. Không dễ về phía tôi, bởi vì tôi có nhiều hạn chế về học vấn, về đạo đức, về kinh nghiệm. Không dễ về phía Lời Chúa, bởi vì Lời Chúa không chỉ là những chuyện xưa, mà còn là hành trình của Chúa Cứu Thế trong lịch sử hôm nay. Từ Lời Chúa đến với cuộc sống và từ cuộc sống đến với Lời Chúa, tôi không dễ gì đọc đúng được ý Chúa trong thời sự Việt Nam lúc này.
Chính những khó khăn thông thường và khác thường tôi gặp đã giúp tôi hiểu tại sao Đức Giám Mục trong lễ phong chức đã khuyên tôi, khi làm nhiệm vụ Lời Chúa phải tỏ ra xứng đáng và khôn ngoan.
Lời khuyên “Hãy xứng đáng và khôn ngoan” trong nhiệm vụ Lời Chúa, sẽ mãi mãi là một lời khuyên cần thiết cho tôi, dù tôi ở tuổi nào và trong chức vụ nào. Điều tất nhiên nhất rút ra từ lời khuyên đó là tôi không nên bao giờ cho mình là xứng đáng đủ và khôn ngoan đủ trong việc rao giảng Phúc Âm và trình bày đức tin Công Giáo. Vì thế, tôi sẽ để ý đến những thái độ sau đây:
Thái độ thứ nhất tôi để ý là thái độ nghèo.
Thái độ nghèo là nhận biết mình thiếu thốn. Tôi thực sự thiếu thốn trong hiểu biết Chúa và hiểu biết con người. Tôi còn nhiều vụng về trong việc trình bày Lời Chúa. Tôi còn thiếu xót nhiều trong việc sống Lời Chúa. Tôi còn lỗi lầm nhiều trong việc làm chứng cho Lời Chúa. Những nhận thức như thế cần phải thực chân thành và sâu sắc, để tôi biết tránh xa tính tự mãn, cho mình là biết đủ biết đúng, sống đủ sống đúng Lời Chúa. Sự tự mãn đôi khi thấy phát hiện một cách có vẻ đạo đức qua thái độ tôi phàn nàn đổ lỗi cho người nghe giảng, cho thời thế, cho xã hội, chứ không do tôi, đang khi thực sự một phần cũng do lỗi tại tôi.
Thái độ nghèo khuyên tôi nên có nhiều người cộng tác trong nhiện vụ Lời Chúa. Thí dụ các bật phụ huynh trong gia đình, các chức sắc trong giáo xứ, các người có công tác trong nhà xứ nhà thờ, đặc biệt là các tu sĩ nam nữ và tông đồ giáo dân. Những người cộng tác trong nhiệm vụ Lời Chúa còn có thể là những người hoạt động xã hội và các thứ hoạt động trần thế khác, khi hoạt động của họ nhằm mục đích giúp cho con người trở nên tốt hơn.
Thái độ nghèo đòi tôi không ngừng học hỏi thêm, trau dồi thêm. Người nghèo nhặt nhạnh thu quén bất cứ cái gì có thể gây dựng nên tài sản. Cũng có thể tôi nên bén nhạy tiếp thu tất cả những gì có thể giúp tôi làm tốt nhiệm vụ Lời Chúa. Con tằm ăn dâu để nhả ra tơ. Tương tự cũng vậy, biết bao điều tầm thường đã trở thành tài liệu quí cho nhiệm vụ Lời Chúa, khi tôi biết thu nhặt và biến hóa chúng trong tâm hồm đức tin.
Thái độ nghèo thúc giục tôi năng cầu nguyện, để Lời Chúa mà tôi rao giảng phản ánh được đúng ý Chúa, gửi tới được đúng những người Chúa muốn. Tôi cần làm hết sức mình để Lời Chúa trở nên lương thực đúng nghĩa cho những người tôi phục vụ. Tuy nhiên tôi cũng đừng vì thế mà gán cho Chúa Thánh Thần bất cứ những gì tôi nói và làm trong nhiệm vụ Lời Chúa. Nhất là tôi cần cảnh giác chính tôi, kẻo tôi vô tình cản ngăn Chúa Thánh Thần, khi tôi vì lý do nào đó muốn cản ngăn hoặc làm khó những người cộng tác với Chúa trong nhiệm vụ Lời Chúa.
Không ai vẽ mẫu sẵn trên giấy, rồi buộc các chồi cây phải mọc ra theo đúng mẫu đó. Cũng vậy, tôi không thể buộc các chồi non của Lời Chúa phải mọc ra trong các tâm hồn theo mẫu của tôi. Hãy để Chúa Thánh Thần làm theo sự sáng tạo tự do của Ngài.
Khi Chúa Giêsu sai các tông đồ đi làm nhiệm vụ Lời Chúa, Người bảo các ông đừng mang theo nhiều hành lý, dù đó là quần áo tiền bạc. Chúa muốn các môn đệ đi với thái độ nghèo, không những nghèo về thái độ khiêm tốn bên trong, mà cũng nghèo về vật chất nữa. Bởi vì thái độ nghèo về vật chất chính là một hành trang tinh thần có giá trị lớn tăng bản lãnh cho người làm nhiệm vụ Lời Chúa. Nó giúp cho môn đệ Chúa làm chứng được phần nào mầu nhiệm Thánh Gá cứu độ và Tm mối Púc là những điều quan trọng của Lời Chúa.
Thái độ thứ hai tôi để ý là thái độ tự do. tự do ở đây là thứ tự do mà kinh thánh gọi là tự do của con cái Chúa.
Tôi làm nhiệm vụ Lời Chúa với thái độ tự do của con cái Chúa, khi tôi làm nhiệm vụ đó hoàn toàn vì mến Chúa, vì yêu người, vì phần rỗi các linh hồn, chứ không bị ràng buộc chút gì bởi bất cứ động lực nào khác. Nhưng, để có sự tự do như thế, tôi cần phải chiến đấu không khoan nhượng với chính mình. Tôi quả quyết là tôi hoàn toàn có ý ngay lành, nhưng sự quả quyết của tôi tự nó không đủ để động lực trong tôi trở nên trong sáng. Kinh nghiệm cho thấy người ta không dể gì nhận ra được cái tôi đen tối trong các động lực của mình. Người ta quả quyết động lực của mình là muốn bênh vực và phát triển quyền lợi của Chúa và của Hội Thánh. Có thể là như vậy. Nhưng thực sự nhiều khi quyền lợi của Chúa và của Hội Thánh thì ít mà quyền lợi cá nhân mình thì nhiều. Trong những trường hợp như thế, đúng là tôi bị trói buộc vào những động lực thầm kín trần tục. Tôi không hoàn toàn tự do.
Thái độ tự do tâm hồn là kết quả của một nếp sống tu đức tỉnh táo và quyết liệt, do mầu nhiệm Vượt Qua đòi hỏi. Vượt qua tội lỗi, vượt qua các khuynh hướng xấu, vượt qua các chước cám dỗ, để đi vào sự tự do của con cái Chúa, đó là điều mà người làm nhiệm vụ Lời Chúa phải thực hiện trước khi rao giảng cho người khác. Như thế, người làm nhiệm vụ Lời Chúa mới thực sự xứng đáng và khôn ngoan. Bởi vì lúc ấy rao giảng Lời Chúa chính là sống Lời Chúa và làm chứng cho Lời Chúa bằng chính bản thân mình.
***
Lạy thánh Giuse, người đã không nói gì, không giảng bao giờ. Người chỉ âm thầm sống Lời Chúa, mến Chúa thiết tha, dấn thân bảo vệ Chúa và Đức Mẹ, nhưng chính cuộc sống ấy là một bản tin tuyệt vời về Chúa, có sức làm chứng đầy khả năng thuyết phục. Xin Người giúp chúng con biết luôn cố gắng trở nên xứng đáng và khôn ngoan, theo gương Người, trong nhiệm vụ Lời chúa. Amen.
Tuần tĩnh tâm Linh Mục giáo phận Tp. Hồ Chí Minh, năm 1990